Tin khắp nơi – 23//02/2019
Chiến tranh thương mại: Donald Trump
gặp Tập Cận Bình ở Florida tháng Ba?
Đoàn đàm phán Trung Quốc đồng ý ở lại thêm Washington hai ngày vì đạt tiến bộ trong đàm phán thương mại với Mỹ.
‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ đứng đầu App Store TQ
Tỷ phú Mỹ: ‘Tập Cận Bình nguy hiểm cho xã hội tự do’
Người đóng giả Trump, Kim bị công an thẩm vấn
Mỹ – Trung đàm phán thương mại tại Bắc Kinh tuần tới
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu cho các phóng viên biết đoàn Trung Quốc sẽ ở lại hết ngày Chủ nhật.
“Hai bên cảm thấy có cơ hội để đạt thỏa thuận,” ông Trump nói.
Ông Trump cũng tiết lộ đang chuẩn bị cho cuộc gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng Ba tại khu nghỉ mát Mar-A-Lago của ông ở Florida.
“Có lẽ, ở Mar-A-Lago, có lẽ khá sớm trong tháng Ba,” ông Trump nói.
Hôm 22/2, tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ông Trump đã tiếp ông Lưu Hạc, là Đặc phái viên của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Trưởng đoàn đại biểu tham gia Đối thoại Kinh tế toàn diện Trung-Mỹ.
Trung Quốc và Mỹ đang đàm phán để tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại bắt đầu từ năm 2018.
Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế quan hàng tỉ đôla lên hàng hóa của nhau.
Mỹ ban đầu đe dọa tăng thuế 10% tới 25% lên hàng hóa trị giá 200 tỉ đôla nếu hai bên không đạt thỏa thuận vào ngày 1/3.
Tuy nhiên sau đó ông Trump tỏ ra mềm mỏng hơn, và hai bên tiếp tục đàm phán ở Washington.
Theo truyền thông Trung Quốc, khi gặp ông Trump, ông Lưu Hạc chuyển thông điệp của ông Tập Cận Bình rằng mong hai bên dựa trên thái độ tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng.
Ông Lưu Hạc nói hai ngày đàm phán mới nhất đã có “tiến triển” về mặt cân bằng thương mại, nông nghiệp, chuyển nhượng công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính tiền tệ…
Phòng Thương mại Mỹ hôm thứ Sáu kêu gọi chính phủ Mỹ bảo đảm thỏa thuận giải quyết các vấn đề cốt lõi, chứ không chỉ đòi Trung Quốc mua thêm hàng ngắn hạn.
Trung Quốc hôm thứ Sáu hứa sẽ mua thêm 10 triệu tấn đậu nành. Năm 2017, Trung Quốc mua 32 triệu tấn đậu nành của Mỹ.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-47342995
Mỹ cảnh báo ‘không hợp tác’
với các nước dùng hệ thống Huawei
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 21/2 cảnh báo Hoa Kỳ không thể hợp tác hoặc chia sẻ thông tin với các quốc gia sử dụng các hệ thống của Huawei, công ty công nghệ Trung Quốc vì lý do an ninh.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business Network được Reuters dẫn lại, ông Pompeo nói các nước châu Âu và các nơi khác cần hiểu những rủi ro khi triển khai thiết bị viễn thông của Huawei, và một khi biết được, họ sẽ không sử dụng các hệ thống của Huawei.
Ngoại Trưởng Pompeo cảnh báo “Nếu một quốc gia sử dụng và đưa vào các hệ thống đó những thông tin quan trọng, chúng tôi sẽ không thể chia sẻ thông tin với họ, chúng tôi không thể làm việc với họ.”
Ông Pompeo nói Hoa Kỳ sẽ không để các thông tin của mình bị rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Được hỏi về một số nước châu Âu phản kháng lời kêu gọi của Hoa Kỳ hãy cấm Huawei, ông Pomepo nói Hoa Kỳ đã nói chuyện với các quốc gia khác để đảm bảo rằng họ “hiểu được những nguy cơ khi đưa công nghệ của Huawei vào hệ thống IT của họ”. Ông nói các nước đó “sẽ đưa ra quyết định đúng đắn khi họ thấu hiểu những nguy cơ đó”.
Mike Pompeo hy vọng ‘có tiến bộ thực sự’
với thượng đỉnh Hà Nội
Ngoại trưởng Mike Pompeo khoe với Fox News rằng Hoa Kỳ ‘đang có nhóm công tác tại Hà Nội’ và hy vọng thượng đỉnh với Triều Tiên ‘sẽ tạo tiến bộ thực sự’.
Trả lời bà Maria Bartiromo trong chương trình Mornings with Maria trên kênh truyền hình thiên hữu mà Tổng thống Donald Trump yêu thích, ông Pompeo tiếp tục đả phá mạnh Quân đội Trung Quốc, tập đoàn Huawei khi nói về đàm phán thương mại Mỹ – Trung.
Hà Nội sẽ giúp Mỹ-Triều ‘đón ánh sáng hòa bình’
VN ‘một vốn bốn lời’ từ hội nghị Trump-Kim
Ba dân biểu Mỹ đề nghị Trump nêu nhân quyền với VN
Phát biểu trên Fox Business Network hôm 21/02 giờ Mỹ, ông Pompeo bày tỏ nhiều hy vọng vào thượng đỉnh Trump – Kim lần hai ở Việt Nam.
Ông nói:
“Tôi có một nhóm công tác đang làm việc tại chỗ ở Hà Nội. Tôi đã từng cho một nhóm vào Bình Nhưỡng vài tuần trước. Tiến bộ thực sự đang được tạo ra.”
“Nay, hai nhà lãnh đạo, chỉ một tuần nữa thôi tính từ hôm nay, vào các ngày 27 và 28, sẽ gặp nhau ở Hà Nội và tôi hy vọng chúng tôi có thể đạt được những tiến bộ thực sự, đó là Chủ tịch Kim sẽ bắt đầu thực hiện những cam kết mà ông ấy đã hứa hồi tháng 6 năm ngoái ở Singapore: phi hạt nhân hoá đất nước của chính mình.”
Hội nghị Trump-Kim thứ hai tại Hà Nội đang chuẩn bị tới đâu?
Khi được hỏi về vai trò của Trung Quốc trong tiến trình này, liên quan đến Bắc Triều Tiên, ông Pompeo nói:
“Chúng tôi hy vọng phía Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng. Họ đã và đang giúp ích, và chúng tôi rất biết ơn điều này. Cả thế giới đã cùng nhau gây áp lực lên Bắc Triều Tiên.”
Tiếp tục phê phán Trung Quốc
Tuy thế, trong phần về thương chiến Mỹ – Trung, ông Pompeo nhắc lại các cáo buộc nghiêm trọng về cách làm kinh tế của Trung Quốc mà ông cho là “mang tính cướp bóc”.
Ông cho là đã đến lúc Trung Quốc không thể “lừa các nước được nữa”.
“Bạn thấy ở Malaysia và Maldives, các nước đang dần thức tỉnh trước những gì đang xảy ra với họ, và nhận ra khoản cho vay của Trung Quốc đã làm gì với đất nước và người dân họ.”
“Họ thấy mình rơi vào một khoản nợ khổng lồ mà họ sẽ phải cố gắng giải quyết trong thời gian rất dài.
“Các quốc gia trên thế giới ở châu Á, châu Phi, Nam và Trung Mỹ đã bắt đầu nhận thấy những rủi ro này.”
Ông cũng nhắc lại rằng trong chuyến thăm tới Ba Lan gần đây, ông đã bàn với giới chức an ninh của họ về “nguy cơ” của việc dùng mạng Huawei.
Ba Lan gần đây đã bắt một quan chức Huawei người Trung Quốc “vì tội làm gián điệp”.
Theo ông Pompeo, hoạt động của Huawei và hệ thống thông tin của Trung Quốc “được thiết kế siêu tốc cùng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Họ đang tạo ra một mối rủi ro thật sự đối với các quốc gia khác”.
Gần đây, trả lời BBC, ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc nhấn mạnh rằng, kết nối chính trị không phải là điều khiến Huawei thành công như ngày hôm nay.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47336364
Chính sách liên minh của Mỹ:
Quá khứ, hiện tại và tương lai
Một trong những hòn đá tảng của bá quyền Mỹ là hệ thống liên minh toàn cầu bao phủ khắp các châu lục và đại dương. Tuy nhiên, công trình an ninh đồ sộ này không phải là sản phẩm của một “bản vẽ ” lớn mà xuất phát từ một loạt các quyết định tình thế nhằm đối phó với các mối đe doạ khác nhau, đặc biệt trong thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh. Kết quả là một cấu trúc liên minh phức tạp với nhiều mảnh ghép khác biệt. Bài viết này sẽ phân tích ba đặc điểm chủ đạo trong chính sách liên minh của Mỹ và đánh giá triển vọng của hệ thống liên minh này trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, từ đó rút ra hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Hệ thống liên minh quân sự toàn cầu mà nhiều thế hệ lãnh đạo người Mỹ dày công xây dựng từ lâu đã trở thành một trong những trụ cột chính yếu của trật tự thế giới tự do cũng như đại chiến lược Mỹ. Mạng lưới căn cứ quân sự và đồng minh toả khắp năm châu là nền tảng vững chắc cho sức mạnh Mỹ, cho
phép nước này triển khai sức mạnh quân sự tới bất kỳ nơi nào trên thế giới chỉ trong vỏn vẹn một giờ đồng hồ. Không có các đồng minh, Mỹ không thể duy trì được ưu thế áp đảo quân sự cũng như sức ảnh hưởng chính trị ở tất cả các khu vực trọng yếu cùng lúc. Vì vậy, Tổng thống Trump dù đã nhiều lần đe doạ rút khỏi các cam kết an ninh của Mỹ nhưng đến nay vẫn duy trì các mối quan hệ đồng minh đã được thiết lập.
Công trình an ninh đồ sộ này là sản phẩm của cả một quá trình kiến thiết lâu dài qua nhiều thời kỳ khác nhau. Trên thực tế, hệ thống liên minh Mỹ không phải là tác phẩm của một “bản vẽ” (blueprint) mà xuất phát từ một loạt các quyết định tình thế nhằm đối phó với nhiều mối đe doạ khác nhau, đặc biệt trong thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh. Vì vậy, hệ thống liên minh Mỹ chưa bao giờ là một khối đồng nhất mà là một hệ thống phức tạp với nhiều mảnh ghép khác biệt, có giá trị không tương đồng. Bài viết này do đó sẽ phân tích ba đặc điểm chủ đạo của chính sách liên minh Mỹ và đánh giá triển vọng của hệ thống liên minh này trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, từ đó rút ra hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Lược sử quá trình hình thành hệ thống liên minh quân sự Mỹ
Từ khi giành độc lập vào năm 1776 cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nước Mỹ về cơ bản đã theo đuổi đường lối đối ngoại “biệt lập” (isolationist). Mặc dù mức độ can dự quốc tế của Mỹ tăng dần theo thời gian cùng sự phát triển về tiềm lực quốc gia nhưng chỉ sau năm 1945 các nhà lãnh đạo Mỹ mới đi đến kết luận rằng được bao bọc bởi hai đại dương vẫn không đủ để bảo vệ nước Mỹ khỏi các mối đe doạ từ bên ngoài. Do đó, trong khi xây dựng liên minh để tạo cân bằng quyền lực từ lâu đã là nét đặc trưng của chính trị cường quyền Châu Âu thì mãi đến khi Chiến tranh Lạnh nổ ra Mỹ mới lần đầu tiên tham gia vào liên minh quân sự trong thời bình.
Nhìn lại Chiến tranh Lạnh, các nhà quan sát đương thời sẽ dễ lầm tưởng rằng các liên minh quân sự mà Mỹ thiết lập trong thời kỳ này chỉ đơn thuần là những mảnh ghép khác nhau của cùng một hệ thống được “thiết kế” duy chỉ để kiềm chế Liên Xô toàn diện. Mặc dù một trong các mục tiêu của những liên minh quân sự mà Mỹ tạo ra là kiềm chế Liên Xô, song không phải liên minh nào cũng lấy việc kiềm chế Liên Xô làm mục tiêu chủ đạo. Trên thực tế, hệ thống liên minh toàn cầu này được cấu thành từ một loạt các quyết định tình thế với các lôgic riêng biệt để đối phó với những mối đe dọa khác nhau; kiềm chế Liên Xô nhiều khi chỉ là mục tiêu phụ.
Hiệp ước tương hỗ Liên Mỹ Châu (còn gọi là Hiệp ước Rio) được ký kết năm 1947 trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Xô đã trở nên rất căng thẳng và Mỹ bắt đầu lo ngại trước sự xâm nhập của Liên Xô vào sân sau của mình. Do khoảng cách địa lý, các quốc gia Mỹ – Latinh không đối mặt với mối đe doạ quân sự lớn như các quốc gia nằm cạnh “Bức màn Sắt”. Không có tính chất hợp tác quốc phòng chặt chẽ như NATO, khối Rio ngay từ đầu đã được xem như một sự thiết chế hóa của Học thuyết Monroe hơn là một liên minh quân sự thuần tuý
Khối NATO (1949) được thiết lập trên hết để ngăn ngừa quân đội Liên Xô tấn công xâm lược Tây Âu. Tuy Mỹ từ lâu đã là lãnh đạo của khối NATO nhưng trên thực tế NATO không phải là sáng kiến của Mỹ mà là của các nước Tây Âu. Không những vậy, nhà ngoại giao kỳ cựu George Kennan – cha đẻ của chiến lược kiềm chế (containment) khi đó còn lên tiếng phản đối NATO mạnh mẽ. Chỉ sau nhiều biến cố ở khu vực này, bao gồm cả sự kiện Berlin bị phong toả thì Mỹ mới đồng ý tham gia vào liên minh này
Không có tính ràng buộc chặt chẽ và thậm chí không phải là một hiệp ước phòng thủ chung (mutual defense treaty) đúng nghĩa khối Liên minh Trung Đông (CENTO) ở Trung Đông được thành lập năm 1955 phần để giúp Anh Quốc duy trì sức ảnh hưởng với các nước thuộc địa cũ, phần để Mỹ ngăn Liên Xô gây ảnh hưởng tại khu vực giàu tài nguyên chiến lược này.
Ở Đông Á, các liên minh của Mỹ cũng phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Nếu như các liên minh song phương Mỹ – Nhật (1951), Mỹ – Hàn (1953) xuất phát từ nhu cầu bình ổn bán đảo Triều Tiên sau khi chiến tranh nổ ra thì liên minh Mỹ – Đài (1954) lại là biện pháp răn đe Trung Quốc, vốn nuôi ý định dùng vũ lực chiếm lại Đài Loan sau khi Nội chiến Trung Quốc kết thúc. Bên cạnh đó những liên minh này cũng được Mỹ sử dụng như công cụ để kiểm soát chính sách đối ngoại của các đồng minh, tránh trường hợp những nước này lôi kéo Mỹ vào những xung đột ngoài ý muốn.
Trong khi đó, những thập niên 1950 là thời kỳ thuyết domino đặc biệt có ảnh hưởng trong giới lãnh đạo Mỹ. Washington khi đó lo rằng chỉ cần một nước Đông Nam Á theo chủ nghĩa cộng sản, làn sóng đỏ sẽ mau chóng nhấn chìm khu vực này nếu không có sự can thiệp của Mỹ. SEATO vì vậy được thành lập vào năm 1954 không chỉ để răn đe các cuộc tấn công quân sự chính quy trong khu vực mà còn để chống lại sự phá hoại chính trị trong nội bộ các nước thành viên của khối.
Quá trình hình thành hệ thống liên minh toàn cầu Mỹ cho cấu trúc an ninh này phát triển từ từ một cách tự nhiên và có một số đặc điểm như sau. Thứ nhất, các liên minh của Mỹ chia làm hai dạng rõ rệt: liên minh chính thức (formal alliance) được thành lập theo hiệp ước quốc tế và liên minh không chính thức (informal alliance) không có hiệp ước liên minh. Thứ hai, trong khi một số liên minh của Mỹ ở Châu Á là liên minh song phương thì số còn lại đều là các liên minh đa phương. Cuối cùng, các liên minh quân sự của Mỹ không có giá trị ngang bằng nhau, tức cam kết của Mỹ đối với an ninh của một số đồng minh rõ ràng và chặt chẽ hơn một số cam kết khác. Đây là những đặc điểm mấu chốt của hệ thống liên minh Mỹ bởi những đặc điểm này không phổ biến đối với các liên minh khác và có ảnh hưởng rất lớn đối với an ninh của Mỹ và các đồng minh. Trong phần tiếp theo, tác giả sẽ phân tích sâu hơn những đặc điểm này, từ đó đánh giá triển vọng của hệ thống trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Liên minh: chính thức và không chính thức
Ở mức độ cơ bản nhất, liên minh quân sự là một cam kết hợp tác an ninh giữa ít nhất hai quốc gia. Theo giới học thuật, những cam kết này có thể tồn tại dưới hai dạng cơ bản: chính thức hoặc không chính thức. Trong một liên minh chính thức, các điều khoản quy định nội dung hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên sẽ được soạn thành một bản hiệp định quốc tế có tính ràng buộc pháp lý. Vì vậy, việc không thực hiện đúng các cam kết đã được nêu ra trong hiệp ước liên minh không những vi phạm luật quốc tế mà còn có thể gây tổn thất nặng nề về mặt uy tín. Hơn nữa, trong trường hợp của Mỹ, tất cả các hiệp định quốc tế được ký kết phải được Thượng Viện phê chuẩn trước khi có hiệu lực. Điều này gửi đi tín hiệu rằng bất kỳ liên minh chính thức nào của Mỹ đều nhận được sự ủng hộ lớn từ lưỡng đảng. Tất cả những yếu tố này giúp giảm thiểu khả năng Mỹ phản bội một đồng minh chính thức.
Liên minh không chính thức thường không có tính ràng buộc cao bằng liên minh chính thức bởi nó thường dựa vào những sự hiểu biết ngầm giữa hai bên hoặc các thoả thuận trong biên bản ghi nhớ. Các tổng thống Mỹ có thể sử dụng các bài diễn văn cùng các hợp đồng chuyển nhượng hay bán vũ khí để thể hiện cam kết của mình đối với an ninh của các đồng minh không chính thức như Israel hay Đài Loan. Tuy nhiên, do không có hiệp ước quốc tế ràng buộc các bên nên các thành viên của một liên minh không chính thức không có nghĩa vụ phải hỗ trợ nước đồng minh bị tấn công. Do đó, cái giá của việc phản bội một đồng minh không chính thức nhìn chung sẽ nhỏ hơn việc phản bội một đồng minh chính thức.
Ngoài các đồng minh chính thức, Mỹ duy trì mối quan hệ đồng minh không chính thức với một số nước như Ả Rập Xêut, Bahrain, Đài Loan, Israel, Pakistan, v.v… Câu hỏi đặt ra là, dù vô tình hay hữu ý, tại sao các đồng minh của Mỹ lại được “chia” thành hai nhóm như vậy, nhất là khi điều này có thể sẽ khiến các đối thủ của Mỹ nghi ngờ cam kết của Washington đối với an ninh của những nước không thuộc nhóm đồng minh chính thức.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy rằng yếu tố chính quyết định việc Mỹ có thiết lập quan hệ đồng minh chính thức hay không là mức độ tương đồng trong lợi ích. Một nước vừa có nhiều lợi ích tương đồng với Mỹ, vừa thiếu năng lực tự vệ trước các mối đe dọa an ninh sẽ vừa nhận được cam kết an ninh từ Mỹ, vừa được hỗ trợ về mặt khí tài quân sự. Tuy nhiên, luận điểm này chưa hẳn thuyết phục bởi so với liên minh Mỹ – Israel thì khối Rio rõ ràng có sợi dây liên kết lỏng lẻo hơn. Khó có thể nói rằng một nước như Uruguay lại có mức độ song trùng lợi ích với Mỹ lớn hơn là Israel. Mặc dù vậy, trên thực tế Uruguay mới là nước đồng minh chính thức của Mỹ chứ không phải là Israel.
Bên cạnh đó, cũng không thể loại trừ khả năng Mỹ chỉ ký hiệp ước đồng minh chính thức với những nước họ cho rằng có ít khả năng tự phát động chiến tranh. Là một cường quốc hạt nhân với vị trí địa – chính trị “trời cho”, mối lo ngại lớn nhất đối với Mỹ là phải tham gia vào những cuộc chiến phi nghĩa, không phục vụ lợi ích sát sườn. Do đó, sẽ dễ hiểu nếu Mỹ không muốn có quan hệ đồng minh quá thân thiết với những nước bị cho là có tiềm năng lôi kéo Mỹ vào những cuộc chiến ngoài ý muốn. Mặt khác, một trong những công cụ giúp Mỹ kiềm chế nước khác hữu hiệu nhất chính là một liên minh chặt chẽ. Nhật Bản và Hàn Quốc đến nay vẫn chưa phát triển vũ khí hạt nhân một phần vì liên minh với Mỹ. Hơn nữa, Tổng thống Hàn Quốc Syngman Rhee trước đây tuy muốn sử dụng vũ lực để thống nhất Bán đảo Triều Tiên song cũng do sức ép của Mỹ nên từ bỏ ý định này.
Một trong những điểm đáng chú ý của quá trình hình thành hệ thống liên minh Mỹ đó là tất cả các liên minh chính thức đều được thành lập trong vòng khoảng một thập niên đầu của Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước liên minh chính thức mà Mỹ ký kết là Hiệp ước Rio pact (1947) và hiệp ước cuối cùng là Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Nhật (1960). Kể từ năm 1960 cho đến nay, Mỹ chỉ thiết lập thêm quan hệ đồng minh chính thức thông qua khối NATO chứ không xây dựng bất kỳ liên minh chính thức mới nào. Do đó một giả thiết tiềm năng khác là những liên minh chính thức của Mỹ hiện nay là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử đặc biệt.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, Mỹ trở thành cường quốc hùng mạnh nhất. Với bộ máy công nghiệp khổng lồ và tài nguyên dồi dào cùng quyết tâm to lớn, Liên Xô đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa hai siêu cường. Tuy nhiên kể cả khi Liên Xô mạnh nhất thì họ vẫn chưa bao giờ có thể trực tiếp đe doạ được an ninh của Mỹ, trừ khi phát động chiến tranh hạt nhân. Do đó, mối hiểm hoạ lớn nhất trong mắt các lãnh đạo Mỹ là việc Liên Xô đẩy mạnh làn sóng cộng sản và thu phục các quốc gia trọng yếu về phe mình. Trong bối cảnh đó, có thể xem các liên minh chính thức như các “chốt chặn” giúp khoá chặt ảnh hưởng của Mỹ ở các “nước chiến trường”.
Một khi đã trở thành đồng minh chính thức của Mỹ, những nước này sẽ nhận được sự hỗ trợ đáng kể về mặt kinh tế – quân sự nhưng cũng chịu sự chi phối về mặt chính sách rất lớn bởi Washington. Hơn nữa, khi đã trở thành đồng minh chính thức của Mỹ, các nước này sẽ không còn lựa chọn đi theo Liên Xô dù muốn đi chăng nữa. Bằng chuỗi liên minh chính thức này, Mỹ vô hình trung thiết lập một vành đai liên minh để ngăn không cho ảnh hưởng của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản lan rộng. Sau khi đã hoàn thành vành đai an ninh này, Mỹ không còn nhu cầu tìm kiếm thêm đồng minh chính thức nữa bởi những nước trọng yếu nhất và dễ bị Liên Xô tấn công hoặc thu phục nhất đã nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ. Nếu điều này đúng thì nhiều khả năng Mỹ sẽ chỉ thiết lập thêm các liên minh chính thức mới nếu cạnh tranh Mỹ – Trung trở nên đặc biệt gay gắt giống như cạnh tranh Mỹ – Xô trong Chiến tranh Lạnh trước đây và kể cả khi đó thì Mỹ cũng sẽ chỉ chấp nhận quan hệ đồng minh chính thức với những nước vừa có vị trí địa – chính trị quan trọng, vừa có khả năng ngả theo Trung Quốc chống lại Mỹ.
Song phương và đa phương: hai hình thái, nhiều câu trả lời
Một trong những câu hỏi lớn nhất về liên minh Mỹ là tại sao Mỹ lại chọn hình thái liên minh song phương ở Đông Á trong khi các liên minh ở những khu vực còn lại như Tây Âu hay Đông Nam Á đều là liên minh đa phương. Nói cách khác, tại sao không có một NATO ở khu vực Đông Á? Cho đến thời điểm này, giới học thuật đã đưa ra một vài cách lý giải khác nhau cho bài toán hóc búa này như sau.
Thứ nhất, yếu tố địa – chính trị ngăn cản việc Mỹ thiết lập liên minh đa phương ở Châu Á. Ở Châu Âu, Mỹ có sẵn các đồng minh truyền thống và trục đối đầu Đông – Tây với Berlin làm tâm điểm trở nên rất rõ ràng sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Trong khi đó ở Đông Á, Mỹ không có bất kỳ đồng minh nào và với đặc điểm địa lý của mình, Đông Á không có một “bức màn sắt” nào rõ ràng chia cắt hai khối đối đầu. Do đó, Mỹ không có điều kiện thuận lợi để thiết lập một liên minh đa phương.
Thứ hai, theo hai học giả Christopher Hemmer và Peter Katzenstein, Mỹ chọn hình thái đa phương ở Châu Âu nhưng lại song phương ở Đông Á bởi sự song trùng về giá trị dân chủ và tôn giáo cùng sự gần gũi về mặt sắc tộc. Cụ thể hơn, trong khối NATO, các quốc gia thành viên đều là các nước “da trắng” và đều là các nước dân chủ – tư bản. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ cảm thấy Mỹ và các đồng minh Tây Âu – Bắc Mỹ cùng là một bộ phận của cộng đồng Đại Tây Dương, trong khi đó nhìn nhận châu Á như một cộng đồng chính trị xa lạ. Đây là những yếu tố quan trọng cho các đồng minh hoà hợp trong một liên minh. Vì vậy Mỹ chọn phương án song phương với các quốc gia Đông Á.
Một quan điểm thứ ba lại cho rằng Mỹ chọn liên minh song phương ở Đông Á trước hết để “trói tay” các đồng minh được cho là có thể theo đuổi chính sách đối ngoại liều lĩnh. Dù Nhật Bản đã bị đánh bại nhưng bản thân Mỹ và các quốc gia láng giềng của Nhật Bản đều lo rằng nước này có thể tái vũ trang và trả thù cho sự thất bại trong cuộc Thế Chiến. Trên Bán đảo Triều Tiên, Mỹ biết rằng Tổng thống Syngman Rhee có ý định phát động chiến tranh xâm lược Bắc Triều Tiên để thống nhất đất nước. Tương tự như vậy, Đài Loan dưới thời Tưởng Giới Thạch vẫn nuôi mộng chiếm lại Trung Hoa đại lục và thậm chí đã lên bảng biểu rõ ràng cho một cuộc tấn công xâm lược qua eo biển Đài Loan. Theo cách giải thích này, Mỹ chọn liên minh song phương với những nước trên để tối đa hoá sức mặc cả với các đồng minh, ngăn các đồng minh này đẩy Mỹ vào thế buộc phải dấn thân vào những cuộc chiến ngoài ý muốn.
Những cách lý giải này tuy có những điểm hợp lý nhất định nhưng nhìn chung không đủ sức thuyết phục. Thứ nhất, luận điểm dựa trên yếu tố địa – chính trị mang tính không giải thích được tại sao Mỹ lại theo đuổi liên minh đa phương ở Tây Bán Cầu (khối Rio), ở Trung Đông (khối CENTO) và ở Đông Nam Á (khối SEATO). Tương tự, nếu vấn đề gần gũi về mặt sắc tộc hay giá trị mang tính quyết định thì việc Mỹ thiết lập các liên minh đa phương ở những khu vực nêu trên là bất hợp lý. Cuối cùng, tuy không thể phủ nhận được giá trị của liên minh trong việc “trói tay” các đồng minh nhưng không có lý do gì để tin rằng liên minh song phương luôn thực hiện mục tiêu này tốt hơn liên minh đa phương. Trong một liên minh đa phương, một nước “liều lĩnh” như Hàn Quốc dưới thời Syngman Rhee sẽ không những vấp phải sự phản đối của Mỹ mà còn của các đồng minh khác trong khối vì không nước nào muốn tham chiến khi không có lợi ích sát sườn bị đe dọa. Do đó thậm chí có thể lập luận rằng liên minh đa phương sẽ đạt được mục tiêu kiềm chế đồng minh tốt hơn đa phương.
Câu trả lời hợp lý hơn cả là hình thái liên minh sẽ phụ thuộc vào bản chất của mối đe dọa đối với các đồng minh. Ở các khu vực Mỹ thiết lập liên minh đa phương, mối đe dọa chủ yếu đến từ một nơi duy nhất là Liên Xô. Khi các đồng minh cùng chia sẻ cùng đối mặt với một mối đe dọa, việc phối hợp ngang sẽ trở nên đặc biệt trọng yếu để đảm bảo không có mắt xích nào trong liên minh dễ bị thao túng. Hình thái đa phương là phù hợp nhất đối với mục tiêu phối hợp ngang giữa các đồng minh có chia sẻ cùng một mối đe dọa bởi khi đó hiệu suất phối hợp sẽ cao hơn.
Ngược lại, khi mỗi đồng minh đối mặt với một mối đe dọa riêng, ưu tiên cao nhất không phải là phối hợp ngang mà là đưa ra được giải pháp nhanh gọn và hiệu quả nhất trong mọi tình huống. Một liên minh đa phương có nhiều thành viên nên sẽ có nhiều điểm phủ quyết (veto point), hệ quả là quá trình ra quyết sách sẽ dễ bế tắc và thiếu hiệu quả hơn. Cách tiếp cận này giải thích hợp lý sự hình thành của các liên minh của Mỹ tại châu Á vào những năm 1950. Vào thời điểm đó, Đài Loan lo ngại nhất sự tấn công quân sự của Trung Quốc qua eo biển Đài Loan; Hàn Quốc lại chỉ bận tâm tới mối đe dọa quân sự từ Bắc Triều Tiên. Hơn nữa, tại thời điểm đó cả hai nước trên đều còn nhiều ác cảm với Nhật Bản. Trong trường hợp đó, phương án đa phương gần như không khả thi và vì vậy, lựa chọn liên minh song phương với từng đồng minh là phù hợp với nhu cầu và tình thế của Mỹ ở Đông Á hơn cả.
Hơn nữa, cách tiếp cận này cũng làm rõ nguyên nhân hình thành và giải tán của Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Năm 1954, SEATO ra đời trong bối cảnh khối xã hội chủ nghĩa mở rộng ở Đông Nam Á. Các nước Đông Nam Á cùng có chung thách thức an ninh từ chủ nghĩa cộng sản. Do đó, hình thức liên minh đa phương là hình thái hợp lý để đối phó với cùng một mối đe doạ. Năm 1977, mặc dù khối xã hội chủ nghĩa mở rộng thêm ở Đông Nam Á, nhưng làn sóng cộng sản đã không xảy ra theo kiểu domino. Thời điểm này, Mỹ không còn e ngại nhiều về sự gia tăng của chủ nghĩa cộng sản: hoà hoãn với Liên Xô, bắt đầu quá trình bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, và không cản trở Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc. Do đó, SEATO mất mối đe doạ chung, vì vậy các đồng minh và Mỹ cũng mất lý do chính để tồn tại.
Cam kết an ninh: không phải liên minh nào cũng “bình đẳng” như nhau
Bất kể liên minh nào cũng là một sự hợp tác quân sự giữa các nước tham gia nhưng không phải vì vậy mà tất cả các liên minh đều giống nhau. Trên lý thuyết, các liên minh có thể được chia ra làm năm dạng cơ bản. Liên minh phòng thủ yêu cầu các đồng minh phải bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp bất kỳ thành viên nào bị tấn công. Liên minh tấn công buộc các thành viên hỗ trợ đồng minh của mình trong cả trường hợp đồng minh chủ động sử dụng vũ lực tấn công nước khác. Trong khi đó, dạng liên minh thứ ba – liên minh tham vấn (consultation pact) chỉ yêu cầu các nước đồng minh trao đổi, tham vấn lẫn nhau trong trường hợp bất kỳ đồng minh nào lâm vào một cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến xung đột vũ trang. Yếu hơn chút nữa, liên minh trung lập chỉ yêu cầu các đồng minh cam kết không hỗ trợ bất kỳ bên thứ ba nào khi một trong các đồng minh bị tấn công. Cuối cùng, hình thức liên minh lỏng lẻo nhất là một hiệp ước “bất tương xâm” (non-aggression pact). Ví dụ điển hình là Liên Xô và Đức Quốc Xã ký kết năm 1939. Hai nước ký kết hiệp ước bất tương xâm chỉ cam kết không tấn công lẫn nhau trong thời gian hiệp ước còn giá trị.
Các quốc gia hiểu rằng liên minh quân sự trước hết là công cụ để tập hợp lực lượng và nhìn chung nhằm ngăn ngừa chiến tranh. Nếu như thế, cam kết càng chặt chẽ và rõ ràng thì sức mạnh của liên minh càng lớn và ngược lại. Do đó, để tối đa hóa sức mạnh răn đe, các quốc gia có động lực để chọn hình thức liên minh chặt chẽ nhất với mức độ cao nhất trong mọi trường hợp. Tuy nhiên thực tế cho thấy các quốc gia lựa chọn nhiều hình thức liên minh đa dạng, linh hoạt theo từng tình huống chứ không theo bất kỳ một khuôn mẫu nào. Vì các quốc gia sẽ chọn hình thức liên minh một cách có chủ đích chứ không phải ngẫu nhiên nên chiều sâu của một liên minh sẽ phản ánh tính chất và mức độ gần gũi trong mối quan hệ giữa các đồng minh.
Như đã phân tích ở trên, các liên minh của Mỹ có thể chia thành hai nhóm: liên minh chính thức và không chính thức. Sự phân chia này không nhất thiết dẫn đến kết luận rằng tất cả các đồng minh chính thức của Mỹ đều quan trọng hơn các đồng minh không chính thức bởi luôn có những trường hợp ngoại lệ như Israel hay Đài Loan. Tuy nhiên, nhìn chung thì khó có thể đặt Bahrain hay Singapore ngang tầm với Hàn Quốc hay Đức. Chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy sự khác biệt là số lượng căn cứ quân sự và số lính Mỹ đồn trú trên lãnh thổ của các đồng minh. Ở Hàn Quốc, Mỹ có 15 căn cứ quân sự và ở Đức, Mỹ có tới 21 căn cứ như vậy. Trong khi đó, Mỹ chỉ có 2 căn cứ ở Bahrain và Singapore. Theo ước tính của Trung tâm nghiên cứu Pew, Mỹ có khoảng 34.600 quân lính đồn trú ở Đức và hơn 24.000 lính ở Hàn Quốc. Mỹ không có bất kỳ binh lính nào ở Singapore và ở Bahrain, Mỹ chỉ có khoảng 5.300 lính. Do đó,
dù vô tình hay cố ý, Mỹ gửi đi tín hiệu rằng các đồng minh chính thức ở các điểm nóng được coi trọng hơn và ưu tiên hơn so với các đồng minh khác.
Sự phân cấp “ngầm” này không chỉ tồn tại giữa các đồng minh không chính thức và chính thức mà còn tồn tại giữa các liên minh chính thức của Mỹ. Trong mười hiệp ước liên minh mà Mỹ ký kết trong giai đoạn 1947-1960, hiệp ước Baghdad (1955) tạo ra khối CENTO là hiệp ước duy nhất không có điều khoản yêu cầu các thành viên của liên minh phải tham gia vào nỗ lực phòng thủ chung khi bất kỳ đồng minh nào bị tấn công. Đối với các thành viên của CENTO, mức độ cam kết hợp tác quốc phòng bắt buộc chỉ dừng lại ở tham vấn. Trong khi đó, những hiệp ước phòng thủ chung còn lại đều có điều khoản quy định rằng “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh”. Vì vậy có thể xem khối CENTO (bị giải thể vào năm 1979) là mắt xích yếu nhất trong chuỗi liên minh toàn cầu của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là tất cả các hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ đều bao hàm mức độ cam kết như nhau. Ví dụ điển hình và có hàm ý trực tiếp nhất đối với Việt Nam là trường hợp liên minh Mỹ – Nhật và Mỹ – Philippines . Một trong những câu hỏi thu hút nhiều sự chú ý trong thời gian qua là liệu Mỹ có sẵn sàng bảo vệ Nhật Bản và Philippines hay không nếu Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm những đảo và đá đang có tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông. Đây là mối lo ngại lớn của hai đồng minh trên bởi lâu nay Mỹ vẫn duy trì lập trường trung lập trong vấn đề chủ quyền ở những khu vực có tranh chấp trên. Hơn nữa, một cuộc tấn công vào những đảo có tranh chấp nhiều khả năng không đặt ra mối đe doạ nghiêm trọng đối với Mỹ như một cuộc tấn công vào phần lãnh thổ đất liền của Nhật Bản hay Philippines.
Nếu các hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ đều có giá trị ngang bằng nhau, Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh như nhau trong các trường hợp giống nhau. Cụ thể hơn, điều này có nghĩa là nếu Mỹ bảo vệ Nhật Bản khi đảo Senkaku bị tấn công thì Mỹ cũng phải bảo vệ Philippines khi bãi cạn Scarborough bị tấn công. Tuy nhiên cho đến giờ, Mỹ mới chỉ công khai khẳng định rằng đảo Senkaku được bảo trợ bởi Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật. Trong khi đó, tại Diễn đàn Shangri-La năm nay, Bộ trưởng quốc phòng James Mattis đã không đưa ra tuyên bố tương tự khi được hỏi về cam kết của Mỹ đối với an ninh của Philippines trong trường hợp tàu chiến hay đảo của nước này ở Biển Đông bị tấn công.
Sự “phân biệt đối xử” rõ rệt của Mỹ trong hai trường hợp không phải là ngẫu nhiên. Nếu như điều khoản số 5 của Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật (1960) nêu rõ rằng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào đối với một trong hai thành viên trên lãnh thổ dưới sự quản lý (administration) của Nhật Bản là mối đe doạ đối với cả hai thì điều khoản số 5 của Hiệp ước an ninh Mỹ – Philippines (1951) chỉ xem các cuộc tấn công vũ trang trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán (jurisdiction) của cả hai ở khu vực Thái Bình Dương là mối đe doạ chung đối với an ninh của cả hai. Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo Mỹ hiểu rằng việc giới hạn phạm vi của hiệp ước liên minh sẽ giảm tác dụng răn đe ở khu vực có tranh chấp nhưng họ vẫn chấp nhận sự đánh đổi đó và chủ đích soạn hai bản hiệp ước liên minh với nội dung khác nhau để giảm thiểu khả năng phải tham gia vào một cuộc chiến không đáng có ở Biển Đông.
Những ví dụ trên chứng minh rằng hệ thống liên minh Mỹ không phải là một khối thống nhất mà là sự tổng hoà của nhiều mảnh ghép khác nhau với giá trị không tương đồng. Bởi việc không tôn trọng cam kết bảo vệ đồng minh có thể ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ nói chung và uy tín của Mỹ đối với các đồng minh nói riêng, Mỹ vẫn luôn có động lực lớn để bảo vệ các đồng minh khi an ninh của những nước này bị đe doạ. Tuy nhiên không phải đồng minh nào cũng quan trọng như nhau trong mắt các nhà lãnh đạo Mỹ và nếu như vậy, một bản hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ chưa chắc đã là một sự bảo đảm tuyệt đối với an ninh của một quốc gia.
Triển vọng liên minh quân sự Mỹ và hàm ý cho Việt Nam
“Nếu có nguyên tắc đối ngoại nào là bất biến ở Washington thì đó là hệ thống liên minh quân sự và trật tự thế giới Mỹ là bất khả xâm phạm.”
Nếu một tổng thống thích và sẵn sàng tạo ra sự xáo trộn lớn như Donald Trump vẫn chấp nhận gò mình vào khuôn khổ liên minh mà các thế hệ lãnh đạo Mỹ đi trước đã dày công xây đắp thì khả năng rất cao là mạng lưới liên minh toàn cầu này vẫn sẽ đứng vững trong thời gian sắp tới. Các đồng minh và hàng trăm căn cứ quân sự toả khắp năm châu sẽ vẫn là bàn đạp để Mỹ thi triển sức mạnh quân sự của mình và kiềm chế các cường quốc có tiềm năng trở thành bá quyền. Vì thế, ngày nào Mỹ vẫn còn đủ sức để duy trì công trình an ninh đồ sộ này, ngày đó liên minh vẫn còn là trụ cột trong chính sách đối ngoại Mỹ.
Tuy nhiên đây cũng là một điểm bất lợi tiềm tàng của Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược hiện nay với Trung Quốc, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong khi Trung Quốc có thể tập trung gần như toàn bộ sức lực của mình cho một mặt trận duy nhất thì hệ thống liên minh toàn cầu buộc Mỹ phải
căng trải sự chú ý và nguồn lực cho nhiều khu vực khác nhau. Do đó, Mỹ gần như chắc chắn sẽ phải tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc ở thế thiệt hơn trong một khoảng thời gian rất dài, trừ khi Mỹ suy yếu đến mức bắt buộc phải cắt giảm các cam kết khác để đầu tư cho việc kiềm chế Trung Quốc.
Mặt khác, kể cả những học giả cho rằng Mỹ nên cắt giảm các cam kết toàn cầu và hạn chế can dự vào các vấn đề quốc tế vẫn ủng hộ việc Mỹ duy trì các quan hệ đồng minh ở Đông Á trước một Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn ở Biển Đông. Mặc dù tuyên bố chấm dứt chính sách xoay trục, chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) mà Trump đề xuất có nhiều nét tương đồng với chiến lược của người tiền nhiệm Obama. Các đồng minh vẫn là những hòn đá tảng trong chiến lược FOIP. Và dù là xoay trục hay FOIP, kiềm chế Trung Quốc và đảm bảo tự do hàng hải đồng thời giảm thiểu rủi ro xung đột vũ trang nổ ra ở Biển Đông vẫn là hai mục tiêu song song mà Mỹ kiên trì theo đuổi bấy lâu nay.
Câu hỏi đặt ra là những liên minh Mỹ sẵn có trong khu vực hiện nay liệu đã đủ để giúp Mỹ đạt được hai mục tiêu trên hay chưa. Liệu Mỹ có cần tìm kiếm thêm đồng minh mới để ngăn chặn bước tiến của hải quân Trung Quốc hay không? Trong những năm gần đây, một số nhà quan sát đã lên tiếng kêu gọi việc thành lập một liên minh quân sự Việt – Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Tuy ông Trump đã ngay lặp tức rút ra khỏi Hiệp định TPP sau khi lên nắm quyền nhưng quan hệ hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ vẫn có những bước tiến lớn trong thời gian vừa qua với minh chứng rõ ràng nhất là chuyến thăm lịch sử của tàu sân bay USS Carl Vinson tới Đà Nẵng đầu năm nay. Mặc dù vậy, những động thái này không đồng nghĩa với việc hai bên đang tiến đến thiết lập quan hệ đồng minh. Hơn nữa, việc xây dựng liên minh sẽ còn gặp nhiều rào cản đáng kể chừng nào phía Việt Nam còn lấy nguyên tắc quốc phòng “ba không”: (i) không liên minh quân sự, (ii) không cho phép bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và (iii) không dựa vào nước này để chống nước kia, làm kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại.
Như đã phân tích ở trên, cách thức mà Mỹ đã phát triển hệ thống liên minh của mình cho thấy nhiều khả năng Mỹ sẽ không tìm kiếm một đồng minh chính thức để đối phó với Trung Quốc trong tương lai gần. Một đồng minh chính thức đang có tranh chấp “nóng” với kình địch sẽ gia tăng rủi ro đáng kể cho phía Mỹ. Dù ai là chủ nhân của Nhà Trắng đi nữa thì Mỹ đều không muốn phải đụng độ quân sự với Trung Quốc, nhất là nếu chỉ vì vài hòn đảo hay bãi đá ở Biển Đông. Hơn nữa, chiến lược “cắt lát salami” của Trung Quốc rất có thể sẽ làm xói mòn tính răn đe của một liên minh chính thức và nhanh chóng cho thấy sự trống rỗng của cam kết an ninh từ phía Mỹ. Điều này không chỉ đe doạ mối quan hệ Việt – Mỹ mà còn có thể làm suy yếu lòng tin của các đồng minh khác vào Mỹ.
Chiến lược FOIP mà Mỹ đang theo đuổi thường được gắn liền với “kim cương an ninh” gồm bốn cường quốc dân chủ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tuy nhiên một liên minh đa phương chính thức như NATO không phải là giải pháp khả thi bởi khoảng cách địa lý và sự khác biệt trong lợi ích đồng nghĩa với việc những nước này có những ưu tiên rất khác nhau. Đối với Nhật Bản, biển Hoa Đông vẫn là ưu tiên số một còn Ấn Độ vẫn dè chừng đối với Pakistan trên đất liền hơn là Trung Quốc ở Biển Đông. Úc có lợi ích trong việc duy trì hoà bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông nhưng không có yêu sách chủ quyền và cũng không bị đe doạ quân sự trực tiếp từ Trung Quốc. Khác với các quốc gia nằm ở phía tây của “bức màn sắt” trong Chiến tranh Lạnh, sự song trùng lợi ích giữa các đồng minh dân chủ của Mỹ ở Châu Á không đủ lớn để đẩy họ vào thế buộc phải hợp tác với nhau chặt chẽ.
Mặc dù vậy, cần nhấn mạnh rằng việc một liên minh như NATO có hình thành ở Châu Á hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách Trung Quốc hành xử trong thời gian tới. Nếu Bắc Kinh tiếp tục sử dụng con bài “chia để trị” một cách khôn ngoan, vừa làm tan băng quan hệ với một số nước, vừa gây sức ép với một số khác thì gần như chắc chắn một “NATO Châu Á” sẽ không thể hình thành. Mặt khác, nếu Trung Quốc chọn đường lối ngoại giao hung hăng hiếu chiến như Đức trước thềm Chiến tranh thế giới thứ nhất, và đặc biệt nếu Bắc Kinh sử dụng vũ lực để tấn công chiếm đảo, các nước còn lại sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ qua các mối quan tâm thứ yếu và tập hợp lực lượng để ngăn Trung Quốc.
Nếu lãnh đạo hai nước Việt – Mỹ quyết định làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác quốc phòng hiện nay hơn nữa thì một mối quan hệ hợp tác chiến lược không chính thức như liên minh Mỹ – Israel là khả thi nhất. Về mặt hình thức, mối quan hệ này sẽ được xây dựng trên nền tảng các bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng thay vì một hiệp ước quốc tế. Nếu hai bên ký kết một hiệp ước liên minh, bản hiệp ước này sẽ cần phải được phê chuẩn bởi Thượng Viện Mỹ trước khi có hiệu lực. Do sự khác biệt về hệ thống chính trị và ý thức hệ, quá trình này sẽ gặp nhiều rào cản. Tuy nhiên nếu hai bên hợp tác qua bản ghi nhớ và những sự hiểu biết ngầm, Tổng thống Mỹ sẽ có toàn quyền quyết định. Vì vậy hình thức không chính thức sẽ khiến việc nâng cao quan hệ hợp tác quốc phòngtrở nên dễ dàng hơn.
Trong trường hợp lý tưởng, Mỹ sẽ đơn phương cam kết đảm bảo an ninh cho Việt Nam trong trường hợp Trung Quốc chủ động dùng vũ lực để tấn công và chiếm đóng bất kỳ phần lãnh thổ nào hiện đang thuộc sự quản lý của Việt Nam. Hai bên có thể cũng sẽ thiết lập các kênh chia sẻ tình báo nhằm phòng tránh trường hợp bất kỳ nước thứ ba nào bất ngờ tạo ra “sự đã rồi” ở khu vực có tranh chấp. Tuy nhiên, phía Mỹ có thể sẽ yêu cầu Việt Nam cam kết không tham gia vào bất kỳ tập hợp lực lượng nào để chống lại Mỹ và thậm chí phải tạo điều kiện để hải quân Mỹ sử dụng các căn cứ hậu cần trong cả thời bình và thời chiến. Hơn nữa, trong một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ như vậy, Washington cũng sẽ đề nghị Hà Nội tham vấn họ trước khi đi đến bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc và ASEAN trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Đối với một siêu cường như Mỹ, liên minh song phương không chỉ là một công cụ để răn đe kình địch, trấn an đồng minh mà còn là cách để họ kiểm soát các nước khác. Người Mỹ dù không muốn Trung Quốc tấn công Việt Nam nhưng cũng đồng thời muốn đảm bảo rằng Việt Nam không vì có nước lớn “chống lưng” nên sẽ thi hành chính sách ngoại giao mạo hiểm hơn. Tuy nhiên là nước luôn đặt mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định khu vực lên trên hết và chưa bao giờ chủ động dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, Việt Nam sẽ không chịu thiệt đáng kể bởi sự kiểm soát từ phía Mỹ.
Nhìn chung, một liên minh Việt – Mỹ dù không chính thức vẫn là một viễn cảnh của tương lai xa. Việc thành lập một liên minh như vậy chắc chắn sẽ gặp phải rào cản chính trị đáng kể ở cả hai nước. Trong khi phía Mỹ lo ngại rằng việc có một đồng minh ở sát biên giới với Trung Quốc như vậy sẽ là một sự khiêu khích đối với Bắc Kinh thì Việt Nam lại lo rằng Mỹ có thể sẽ “thí” những đồng minh của họ như đã từng làm với Đài Loan hay Việt Nam Cộng Hòa.
Kể cả khi cam kết an ninh của Mỹ đối với Việt Nam là một chiều và Việt Nam không công khai tuyên bố rằng mình đã chấm dứt chính sách “ba không” thì phía Trung Quốc vẫn thừa hiểu rằng đây là một nước đi đánh dấu bước ngoặt lớn trong chính sách ngoại giao của Việt Nam. Trong trường hợp đó, rất có thể Trung Quốc sẽ có những đòn “nắn gân” để thử thách độ vững chắc của liên minh này, đẩy cả hai đồng minh Việt Nam và Mỹ vào thế khó. Như sự kiện Bãi cạn Scarborough năm 2012 hay cuộc khủng hoảng giàn khoan năm 2014 đã cho thấy, Trung Quốc có rất nhiều cách tạo sức ép dưới mức gây ra chiến tranh. Trong trường hợp đó, liên minh sẽ bị vô hiệu hóa bởi nhiều khả năng Mỹ sẽ không can thiệp để bảo vệ đồng minh của mình. Do đó, hai bên Việt Nam và Mỹ chỉ nên tính đến việc thiết lập một liên minh như trên nếu cả hai bên có thể tìm ra phương cách để hóa giải chiến lược bành trướng kiểu “cắt lát salami” của Trung Quốc ở Biển Đông
Phe Dân chủ ra nghị quyết
chặn tuyên bố khẩn cấp của Trump
Hạ viện Hoa Kỳ sẽ biểu quyết vào ngày thứ Ba về một nghị quyết nhằm ngăn chặn tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây một bức tường ở biên giới với Mexico, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết hôm thứ Sáu.
Phe Dân chủ Hạ viện giới thiệu nghị quyết này vào sáng thứ Sáu, thực hiện bước đầu tiên nhằm thách thức tuyên bố của vị Tổng thống Đảng Cộng hòa rằng ông có thể lấy tiền mà Quốc hội đã phân bổ cho các hoạt động khác và dùng nó để xây tường.
Bà Pelosi dự đoán nghị quyết sẽ thông qua Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát. Sau đó nó sẽ được chuyển sang Thượng viện do phe Cộng hòa nắm thế đa số. Không rõ tương lai của nghị quyết này sẽ ra sao tại đó.
Khoảng 226 nhà lập pháp Hạ viện đồng bảo trợ nghị quyết của Dân biểu Hoa Kỳ Đảng Dân chủ Joaquin Castro của bang Texas. Những người đồng tài trợ tính đến nay bao gồm một nghị sĩ Đảng Cộng hòa là Dân biểu Justin Amash của bang Michigan, ông Castro cho biết.
Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, Quốc hội quyết định chi tiền của người nộp thuế như thế nào. Tuy nhiên Tổng thống có thể phủ quyết các dự luật chi tiêu.
Ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào tuần trước sau khi Quốc hội từ chối đáp ứng đòi hỏi 5,7 tỉ đôla của ông vào năm nay để giúp xây tường.
Lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer cũng định sẽ giới thiệu một nghị quyết như vậy. Các nghị quyết này chỉ cần một đa số quá bán ở cả hai viện để thông qua. Sẽ cần sự ủng hộ của ít nhất bốn nghị sĩ Cộng hòa để dự luật qua được Thượng viện, nếu như toàn bộ phe Dân chủ và hai nghị sĩ độc lập ở Thượng viện ủng hộ.
Cùng ngày thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu loan báo sẽ phủ quyết biện pháp ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Nếu nghị quyết được cả hai viện thông qua, Quốc hội sẽ cần thế đa số hai phần ba để bác bỏ phủ quyết của Tổng thống.
Venezuela: Căng thẳng biên giới và xung đột viện trợ
Ba thành viên lực lượng vệ binh quốc gia Venezuela đã bỏ vị trí, chạy sang Colombia trong lúc căng thẳng vì hàng viện trợ ở biên giới.
Giới chức di trú Colombia nói ba lính này đầu hàng hôm thứ Bảy.
Lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaidó muốn đưa hàng viện trợ từ Colombia vào Venezuela bất chấp phản đối của tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Chính phủ Venezuela ra lệnh đóng cửa biên giới với Colombia, sau khi đã đóng cửa tuyến đường từ Brazil.
Nhưng cư dân ở Urena bỏ qua lệnh chính phủ, và bắt đầu gỡ bỏ rào chắn.
Căng thẳng đang gia tăng liên tiếp về việc cung cấp viện trợ nhân đạo. Hai người đã bị lực lượng an ninh Venezuela giết chết hôm thứ Bảy gần biên giới với Brazil.
Tình trạng bạo lực đã bị Nhà Trắng lên án, trong đó nhắc lại trong một tuyên bố rằng “thế giới đang dõi theo [Venezuela]”.
Ông Guaidó, lãnh đạo Quốc hội do phe đối lập thống trị, tuyên bố mình là nhà lãnh đạo lâm thời của đất nước vào tháng trước.
Kể từ đó, ông đã giành được sự ủng hộ của hàng chục quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Ông cho rằng sự cai trị của Tổng thống đương nghiệm Nicolas Maduro là bất hợp pháp về mặt hiến pháp vì cuộc bầu cử lại vào năm 2018 có nghi vấn sai phạm, và tuyên bố sẽ giám sát các cuộc bầu cử mới.
Điều gì đã xảy ra vào thứ Sáu?
Hàng trăm tấn viện trợ nhân đạo đã trở thành điểm tranh chấp gay gắt giữa hai nhà lãnh đạo Venezuela, ông Guaidó và ông Maduro.
Ông Maduro cho đến nay đã từ chối cho phép các kho hàng dự trữ, bao gồm cả thực phẩm và thuốc men, được chuyển đến Venezuela.
Ông Guaidó, người kêu gọi các kho hàng viện trợ này đã tuyên bố rằng hàng trăm ngàn tình nguyện viên sẽ giúp mang vào thứ Bảy.
Vào thứ Sáu, các buổi hòa nhạc của hai bên đã được tổ chức chỉ cách nhau 300m ở hai bên biên giới Venezuela-Colombia.
Ông Guaidó bất ngờ xuất hiện tại Venezuela Aid Live ở Cucuta, do doanh nhân người Anh Richard Branson tổ chức vào thứ Sáu.
Ông được chào đón ở đó bởi các tổng thống của Colombia, Chile và Paraguay – ba trong số các quốc gia đã công nhận nhà lập pháp 35 tuổi này là tổng thống lâm thời Venezuela.
Ông nói rằng ông đã qua được biên giới Colombia hôm thứ Sáu với sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang Venezuela.
Tuyên bố này rất có ý nghĩa vì Tổng thống Nicolás Maduro vẫn giữ được quyền lực phần lớn nhờ vào sự hỗ trợ quân đội.
Vài giờ sau khi xuất hiện, thông báo về việc đóng cửa các cây cầu ở bang Tachira đã được đưa ra.
Một thông báo tương tự đã được đưa ra vào thứ Năm về việc đóng cửa biên giới với Brazil – nơi một kho hàng viện trợ khác đang được đem tới.
Các cuộc đụng độ bạo lực đã nổ ra ở khu vực đó vào sáng thứ Sáu sau khi một cộng đồng dân tộc bản địa được biết đã đối đầu với quân đội Venezuela tại ngôi làng phía nam Kumarakapay.
Các nhân chứng nói rằng quân đội đã nổ súng vào những người ngăn chặn các phương tiện quân sự đi qua. Các nhà vận động nhân quyền cho biết các binh sĩ đã bắn chết hai người và làm bị thương 15 người khác.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, cho biết ông đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Venezuela, ông Jorge Arreaza hôm thứ Sáu tại New York, trong đó ông kêu gọi các nhà chức trách kiềm chế sử dụng vũ lực gây chết người chống lại người biểu tình.
Tại sao việc cung cấp viện trợ gây tranh cãi?
Điều kiện kinh tế đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi Tổng thống Maduro lên nắm quyền vào năm 2013.
Liên Hợp Quốc cho biết khoảng ba triệu người đã rời khỏi đất nước trong vài năm qua. Siêu lạm phát đã khiến chi phí thiết yếu tăng vọt, khiến nhiều người không thể mua được những thứ cơ bản như thực phẩm và thuốc men.
Tổng thống Maduro phủ nhận có bất kỳ cuộc khủng hoảng nào và đã quảng cáo cho các kế hoạch viện trợ một chương trình do Mỹ dàn dựng.
Những người biểu diễn tại buổi hòa nhạc của ông Maduro vào thứ Sáu đã biểu diễn trước một phông nền với dòng chưa #TrumpHandsoffVenezuela (Trump buông tay khỏi Venezuela), hãng tin AFP đưa tin.
Những ngày phía trước ‘bất định’
Phân tích của Katy Watson, phóng viên BBC News Nam Mỹ
Đây là ngày mà phe đối lập của Venezuela đã chờ đợi. Cái ngày mà sẽ thử thách lòng trung thành của các lực lượng vũ trang đối với Nicolas Maduro và xác định tương lai của ông ta.
Những chiếc xe tải chở đầy viện trợ dự kiến sẽ khởi hành từ Colombia và Brazil và cố gắng vượt qua biên giới. Một tàu chở hàng viện trợ cũng đang đi từ Puerto Rico.
Trên khắp Venezuela, người dân sẽ tập trung tại doanh trại quân đội để nhờ các binh sĩ giúp đỡ trong nỗ lực viện trợ.
Cho đến tận bây giờ, các sĩ quan cao cấp vẫn trung thành với ông Maduro – nhưng với áp lực dồn lên họ để giúp đỡ người dân Venezuela, họ sẽ lắng nghe nhà lãnh đạo của họ hay đổi phe, ủng hộ Juan Guaidó và mở cửa biên giới?
Những ngày tiếp theo là những ngày vô cùng bất định.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47341672
Biểu tình bùng lên ở Venezuela,
binh sĩ đào tị sang Colombia
Binh lính Venezuela bắn hơi cay vào những người biểu tình tức giận vì không thể băng qua Colombia vào ngày thứ Bảy sau khi Tổng thống Nicolas Maduro đóng biên giới để ngăn chặn phe đối lập đưa viện trợ nhân đạo của Mỹ vào quốc gia Nam Mỹ này.
Những người biểu tình dựng rào chắn và đốt lốp xe ở thành phố Urena ở biên giới của Venezuela, trong khi sự chú ý chuyển sang việc liệu Vệ binh Quốc gia chốt ở biên giới có thi hành mệnh lệnh của ông Maduro ngăn viện trợ nhân đạo tiếp cận người dân đang đói khát và bệnh tật hay không.
Bốn binh sĩ Vệ binh Quốc gia tại biên giới đã từ bỏ chính phủ xã hội chủ nghĩa của ông Maduro hôm thứ Bảy, sau lời kêu gọi của lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido để cho viện trợ được đưa vào.
Một video trên mạng xã hội cho thấy các binh sĩ lái xe bọc thép băng qua cây cầu nối liền hai nước, tông đổ rào chắn kim loại rồi sau đó nhảy ra khỏi xe và chạy về phía Colombia.
“Trong số binh lính, cho dù họ ở trong lục quân, không quân, hải quân hay Vệ binh quốc gia, nhiều người không đồng ý (với những gì đang diễn ra),” một binh sĩ đào thoát mặc quân phục mang tên Linarez, nói với các phóng viên sau khi vào Colombia, theo một video khác trên mạng xã hội. “Bạn không thể nói bất cứ điều gì chống lại chính phủ. Đó là tội phản quốc.”
Cơ quan di trú của Colombia xác nhận vụ đào tị của bốn binh sĩ Venezuela.
Các nhà lãnh đạo của Đảng Xã hội cầm quyền Venezuela gọi nỗ lực viện trợ là một cuộc xâm lược kín đáo được Washington hậu thuẫn, và nhấn mạnh rằng Mỹ thay vào đó nên giúp Venezuela bằng cách dỡ bỏ các chế tài nhắm vào lĩnh vực tài chính và dầu mỏ.
Phe đối lập Venezuela nói dù nhu cầu thực phẩm và thuốc men cơ bản là hết sức bức thiết, song hoạt động tiếp nhận viện trợ cũng nhằm mục tiêu gây hổ thẹn cho các sĩ quan quân đội còn tiếp tục ủng hộ chính phủ ngày càng bị cô lập của ông Maduro.
Người biểu tình ở Urena chặn đường và đốt lốp xe và ném đá vào lực lượng an ninh. Lực lượng an ninh đáp trả bằng cách bắn hàng loạt đạn hơi cay.
Binh lính trước đó đã ngăn người dân vượt biên giới vào thành phố Cucuta của Colombia, nơi nhiều người Venezuela hiện đang làm việc, mua sắm hoặc cho con cái đi học trong khi Venezuela lụn bại về kinh tế.
Ông Guaido, người được hầu hết các quốc gia phương Tây công nhận là nguyên thủ chính danh của Venezuela, đã bất chấp lệnh của tòa án không cho ông khỏi nước khi ông đi tới Cucuta vào ngày thứ Sáu, nơi mà viện trợ từ chính phủ Mỹ và Colombia đang chất đống trong kho.
Binh sĩ Venezuela nổ súng bắn dân, 2 người chết
Binh sĩ Venezuela nổ súng vào dân bản địa gần biên giới với Brazil hôm thứ Sáu, làm thiệt mạng hai người, những người mục kích cho biết, trong khi Tổng thống Nicolas Maduro tìm cách ngăn chặn các nỗ lực được Mỹ hậu thuẫn để đưa viện trợ vào đất nước kiệt quệ về kinh tế này.
Mỹ, một trong số hàng chục quốc gia phương Tây công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là Tổng thống chính đáng của Venezuela, vẫn đang chất đầy hàng viện trợ ở thành phố Cucuta của Colombia sát biên giới để chuyển qua vào cuối tuần này.
Tổng thống Maduro theo xã hội chủ nghĩa đã tuyên bố đóng cửa biên giới phía nam của Venezuela với Brazil và đe dọa làm điều tương tự với biên giới Colombia trước hạn chót ngày thứ Bảy do phe đối lập đưa ra để đưa viện trợ nhân đạo vào nước.
Vụ bạo lực hôm thứ Sáu bùng lên tại làng Kumarakapay ở miền nam Venezuela sau khi một cộng đồng bản địa chặn một đoàn xe quân sự tiến về biên giới với Brazil mà họ cho là đang tìm cách ngăn chặn viện trợ vào Venezuela, theo hai nhà lãnh đạo cộng đồng Richard Fernandez và Ricardo Delgado.
Những binh sĩ sau đó đi vào làng và nổ súng, giết chết một cặp vợ chồng và làm bị thương nhiều người khác.
Bảy trong số 15 người bị thương trước đó trong ngày thứ Sáu đã được xe cứu thương chở qua biên giới và đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Roraima ở thành phố Boa Vista của Brazil nằm sát biên giới, người phát ngôn của văn phòng thống đốc bang cho biết.
Reuters cho biết Bộ Thông tin Venezuela không trả lời yêu cầu bình luận. Diosdado Cabello, một trong những nhân vật nổi bật nhất trong Đảng Xã hội của ông Maduro, cáo buộc thường dân trong vụ đụng độ là “các nhóm bạo lực” do phe đối lập chỉ đạo.
Lực lượng an ninh Venezuela đã bắn chết hàng chục người và bắt giam hàng trăm người khác kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra vào tháng 1 chống lại việc ông Maduro được tuyên thệ, theo các nhóm dân quyền.
Mỹ lên án “các vụ sát hại, tấn công và hàng trăm vụ giam giữ tùy tiện,” một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói hôm thứ Sáu.
Trong khi đó, Trung Quốc, cùng với Nga là hai nước ủng hộ ông Maduro, cảnh báo không nên ép đưa viện trợ nhân đạo vào Venezuela vì làm như vậy có thể dẫn đến bạo lực.
https://www.voatiengviet.com/a/binh-si-venezuela-no-sung-ban-dan-hai-nguoi-thiet-mang/4800876.html
Liên Hiệp Quốc lên án
Venezuela dùng vũ lực với thường dân
Hôm qua, 22/02/2019, cả Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ đều đã lên án việc quân đội Venezuela sử dụng vũ lực với thường dân sau cái chết của hai người tại biên giới Brazil. Ngoài ra còn có
15 người bị thương trong các vụ xung đột với quân đội, khi những người này ngăn chận quân lính phong tỏa một con đường, không cho hàng cứu trợ nhân đạo của quốc tế vào lãnh thổ Venezuela.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm qua đã yêu cầu Venezuela “không sử dụng vũ khí sát thương với người biểu tình”. Lời kêu gọi này được đưa ra trong một thông cáo được công bố sau cuộc gặp giữa tổng thư ký Liên Hiệp Quốc với ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza.
Cho tới nay ông Guterres vẫn chống lại các áp lực buộc ông phải có lập trường rõ ràng đứng về bên nào. Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đã đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải, với điều kiện có sự đồng ý của cả nhà đối lập Juan Guaido và tổng thống Nicolas Maduro.
Chính phủ Mỹ cũng đã ra thông cáo « cực lực lên án việc quân đội Venezuela sử dụng vũ lực đối với những thường dân không vũ trang và những người thiện nguyện vô tội tại vùng biên giới Venezuela –Brazil ».
Với sự yểm trợ của Washington, ông Juan Guaido đã tuyên bố sẽ bằng mọi giá đưa hàng cứu trợ nhân đạo vào Venezuela hôm nay. Trong khi đó, được Nga ủng hộ, tổng thống Maduro vẫn chống lại việc đó, cho rằng đây là hành động khai mào cho một cuộc can thiệp quân sự của quốc tế nhằm lật đổ ông.
Hôm qua, tại Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Venezuela đã chủ trì một cuộc họp với đại diện khoảng 60 quốc gia, trong đó, ngoài Nga và Trung Quốc, có Cuba, Bắc Triều Tiên, Iran, Miến Điện. Các quốc gia này cho rằng phương Tây đã chà đạp lên các nguyên tắc của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc trong hồ sơ Venezuela.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190223-lien-hiep-quoc-len-an-viec-venezuela-su-dung-vu-luc-voi-thuong-dan
Vì sao châu Âu phản đối Tổng thống Donald Trump
tại Hội nghị An ninh Munich 55?
Các quyết định đơn phương của chính quyền Tổng thống Donald Trump được nhận định là một trong những lý do dẫn đến quan hệ rạn nứt giữa châu Âu và Mỹ hiện nay.
Ngày 17/2/2019, sau ba ngày làm việc, Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 55 đã kết thúc với những mâu thuẫn lớn, sự chia rẽ, thậm chí là đối đầu giữa các cường quốc.
Xung đột về chiến lược giữa châu Âu và Mỹ ngày càng thể hiện rõ nét, trong đó các quyết định đơn phương của chính quyền Tổng thống Donald Trump được nhận định là một trong những lý do dẫn đến quan hệ rạn nứt giữa châu Âu và Mỹ hiện nay.
Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA
Tháng 7/2015, Kế hoạch hành động chung toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran (JCPOA) được Iran và nhóm P5+1 (gồm 06 cường quốc Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga) ký kết.
Theo thỏa thuận này, Iran đồng ý thu hẹp chương trình hạt nhân và chịu sự kiểm soát của quốc tế để đổi lấy việc cộng đồng quốc tế xóa bỏ phần lớn lệnh trừng phạt áp đặt với quốc gia này.
Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận nói trên với cáo buộc rằng Iran sắp sửa có được những vũ khí nguy hiểm nhất thế giới.
Một lý do quen thuộc nữa ngay từ thời tranh cử, ông Donald Trump đã cho rằng JCPOA vô tác dụng và chỉ làm cho Iran có lợi.
Ngay lập tức, các nhà lãnh đạo của châu Âu đã lên tiếng chỉ trích quyết định trên của Tổng thống Hoa Kỳ, bởi họ cho rằng châu Âu, Trung Đông và thế giới có thể lại rơi vào vòng xoáy nguy hiểm mới khi dồn một nước có tiềm lực vũ khí hạt nhân vào chân tường.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres cũng nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân Iran là thành tựu lớn về mặt ngoại giao và không phổ biến hạt nhân, góp phần đảm bảo an ninh, hòa bình khu vực và quốc tế.
Thực tế, khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có hiệu lực vào tháng 8/2018 thì Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU đã chỉ thị các công ty châu Âu không cần tuân theo yêu cầu của Washington về việc chấm dứt giao dịch với Iran. [1]
Trước khi phát động cuộc chiến kinh tế chống lại Tehran, Tổng thống Donald Trump đã khiến EU xa lánh mình khi từ chối miễn thuế thép và nhôm mà ông đã áp đặt lên các nước khác vào tháng 3/2018.
Ông Donald Trump lập luận, việc làm trên nhằm bảo vệ an ninh quốc gia cho Mỹ, nhưng Liên minh châu Âu lại nghĩ khác. Họ cho rằng khối EU là đồng minh của Mỹ nên không phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump thường xuyên chỉ trích NATO
Trong những ngày diễn ra phiên họp thượng đỉnh NATO vào tháng 7/2018, Donald Trump được cho là đã nói với các quan chức an ninh Mỹ rằng, ông không nhận thấy giá trị của liên minh quân sự và cho rằng NATO đang làm tiêu hao tiền bạc của Mỹ.
Tại thời điểm đó, ông Donald Trump gây sức ép để buộc các đồng minh gia tăng chi phí quân sự. Tổng thống Hoa Kỳ đã ám chỉ rằng: “Nhiều nước nợ Mỹ số tiền khổng lồ trong nhiều năm trở lại đây, họ không trả đúng hạn và Mỹ phải trả cho họ”.
Hiện nay, các nước thành viên NATO đóng góp ngân sách theo một công thức được nhất trí tương ứng với GDP của nước đó.
Mỹ đóng góp 22,14% vào ngân sách này; Đức 14,65%, Pháp 10,63% và Anh 9,84%. Ngoài ra còn có các đóng góp gián tiếp cho NATO. [2]
Tất cả những đóng góp này đều liên quan đến mức đóng góp tự nguyện trang thiết bị và nhân lực của từng nước thành viên cho một hoạt động quân sự nhất định, trong đó hoạt động được biết đến nhiều nhất là cuộc chiến ở Afghanistan do Mỹ dẫn dắt sau vụ khủng bố 11/9.
Trong hơn 65 năm, NATO đóng vai trò trụ cột đảm bảo an ninh cho khu vực châu Âu từ sau Thế chiến thứ hai.
Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền năm 2016, Tổng thống Trump đã phá vỡ sự gắn kết của phương Tây và liên tục nghi ngờ giá trị của liên minh.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thậm chí phải lên tiếng kêu gọi Mỹ tôn trọng đồng minh sau khi ông chủ Nhà Trắng nhiều lần buông lời chỉ trích nặng nề.
“Tổng thống Trump thân mến, nước Mỹ sẽ không có đồng minh nào tốt hơn châu Âu”, ông Tusk cảnh báo. [3]
Mỹ rút khỏi INF
Một chủ đề nữa cũng làm cho quan hệ giữa Mỹ và châu Âu có chiều hướng xấu đi, đó là việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Mỹ tuyên bố ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ INF với Nga từ ngày 2/2/2019 để phản đối việc Moskva triển khai các tên lửa 9M729. Cùng ngày, Nga đáp trả bằng quyết định tương tự.
Mặc dù hai bên vẫn còn sáu tháng để cứu vãn hiệp ước này nếu như tìm lại được tiếng nói chung. Với việc Nga và Mỹ luôn cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF, có thể thấy thỏa thuận được coi là hòn đá tảng để bảo đảm an ninh châu Âu như INF đã mất tác dụng khi lòng tin chiến lược giữa các bên bị suy giảm. [4]
Trong bối cảnh tương lai của INF chưa chắc chắn, các nước thành viên NATO đang ráo riết thảo luận về những biện pháp có thể thực hiện nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước nguy cơ chạy đua vũ trang mới.
Tổng thư ký NATO, Stoltenberg cảnh báo châu Âu cần chuẩn bị cho “một tương lai không có INF nhưng lại có thêm tên lửa”. [5]
Từ các vấn đề trên cho thấy quan điểm của Mỹ và châu Âu đang có khoảng cách khá xa và cách tiếp cận của Washington trong những vấn đề này đang bị đánh giá có thể gây tổn hại tới an ninh châu Âu.
Anh có được tước quốc tịch ‘cô dâu IS’ Shamima Begum?
Begum, người trốn nhà ở London đi theo tổ chức mang tên Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria lúc 15 tuổi, đã bị chính quyền Anh tước quyền quốc tịch hôm 19/2/2019.
Tuy nhiên, vụ việc này hiện đang tiếp tục gây tranh cãi với một số ý kiến nói Anh không thể tước quốc tịch cô ta, người nay đã 19 tuổi và sống trong tại tỵ nạn Syria với con mới sinh.
Ông Sajid Javid, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh nói với tờ Times rằng:
“Thông điệp của tôi rất rõ ràng. Nếu ai đã từng ủng hộ một tổ chức khủng bố ở nước ngoài, tôi sẽ không ngần ngại ngăn cấm người đó trở lại Anh.”
Quyết định này của ông Javid vấp phải sự phản đối của gia đình Shamima và họ đang chuẩn bị kháng cáo với quyết định Bộ Nội vụ.
Không kích Syria: Mỹ vẫn ‘lên nòng’
Anh Quốc ‘cần có hành động ở Syria’
Trump cho phép 6.900 người Syria ở lại Mỹ
Chiến đấu cơ Hoa Kỳ bắn hạ SU-22 của Syria
Trong bức thư gửi ông Javid, Renu – chị gái của Shamima nói gia đình cô không thể bỏ rơi Shamima và cho rằng trường hợp của cô cần được quyết định bởi toà án.
Tôi chưa bao giờ muốn trở thành biểu tượng của ISShamima Begum
Theo luật, công dân Anh chỉ có thể bị tước quyền công dân nếu họ đủ điều kiện nhập quốc tịch ở một quốc gia khác. Anh theo luật quốc tế cấm tình trạng biến công dân thành người vô tổ quốc.
Là công dân nước nào?
Theo đó, Bộ Nội vụ Anh nói rằng họ có thể tước quyền công dân của Shamima vì cô có thể xin nhập quốc tịch Bangladesh thông qua mẹ cô.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Bangladesh cho biết Shamima không phải là công dân Bangladesh và tất nhiên là cô không được phép nhập cảnh vào nước này.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Bangladesh khẳng định Shamima chưa bao giờ nộp đơn xin quốc tịch kép với Bangladesh và chưa bao giờ đặt chân đến đây.
Jeremy Corbyn – lãnh đạo Đảng Lao động Anh cho rằng quyết định của ông Javid là “cực đoan”.
Ông Corbyn nói:
“Theo quan điểm của tôi, cô ấy có quyền quay lại Anh.”
“Tất nhiên, khi quay trở lại, cô ấy sẽ bị chất vấn về những gì mình đã làm.”
Đồng tình với quan điểm này, Geoffrey Robertson QC, cựu Thẩm phán Liên Hợp Quốc nói với BBC rằng:
“Thẩm phán chứ không phải chính trị gia sẽ là người quyết định hình phạt cho Shamima.”
‘Nữ sinh Anh theo IS’
Shamima, hiện đã 19 tuổi, là một trong ba nữ sinh đã rời Anh để gia nhập IS năm 2015.
Sau khi đến thành phố Raqqa, Syria 10 ngày, cô đã được cho kết hôn với Yago Riedijk, một chiến binh IS gốc Hà Lan.
Theo tuyên truyền của IS khi đó, các cô gái Hồi giáo tình nguyện gia nhập đội quân nữ của chúng hoặc để sinh đẻ ra các chiến binh cho Vương quốc Hồi giáo thống trị toàn thế giới, hoặc trực tiếp chiến đấu.
Việc làm đám cưới tập thể là do IS tổ chức cho các tay súng nam.
Câu chuyện này làm nảy sinh khái niệm ‘cô dâu IS – IS bride’ trong tiếng Anh, chỉ những phụ nữ tình nguyện hiến thân cho các tay súng IS.
Nay Yago Riedijk, người Hà Lan cải đạo theo Hồi giáo, được cho là đã đầu hàng quân chính phủ Syria.
Còn Shamima kẹt lại trong một trại tị nạn ở Syria và vừa sinh con trai vào cuối tuần trước.
Hai đứa đầu của người này đã chết yểu do bệnh tật.
Nổi tiếng nhờ truyền thông
Nhờ một loạt cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình, Shamima Begum trở nên nổi tiếng trở lại sau 3 năm.
Người phụ nữ này đã kể với các nhà báo Anh tới trại tỵ nạn về tình cảnh của mình.
Nói với BBC, Shamima Begum nói cô chưa bao giờ muốn trở thành “biểu tượng” của IS và bày tỏ mong muốn được quay trở lại Anh để nuôi con trong yên bình dù không hối tiếc với quyết định trước đây của mình.
Trong thư gửi ông Javid, chị gái Shamima cũng yêu cầu hỗ trợ đưa cháu trai mới sinh của cô đến Anh.
Về vấn đề này, ông Javid nói đứa trẻ vẫn có thể là người Anh dù đã tước quyền công dân của mẹ cháu là Shamima.
Ông nói trước Hạ viện Anh:
“Trẻ em không nên chịu đựng những điều này. Nếu cha mẹ mất quyền công dân Anh, điều đó không ảnh hưởng gì đến quyền của con cái họ cả.”
Thảm cảnh ở trại tỵ nạn
Ông Tasnime Akunjee, luật sư đại diện cho gia đình Shamima nói với tờ Guardian rằng, ông dự định sẽ đến trại tị nạn ở Syrian để xin phép Shamima đưa con trai cô về Anh trong thời gian chờ giải quyết vụ việc của cô.
Tuy nhiên, Shamima nói với Sky News rằng, con trai của cô không được khoẻ và cô sẽ không để con cô đến Anh một mình.
Shamima cũng nói thêm rằng, cô “sẵn sàng thay đổi” và mong nhận được “sự độ lượng” của các chính trị gia Anh.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn khác với truyền thông Anh, Shamima Begum đã gây phẫn nộ trong một phần dư luận khi kể lại cảnh “thấy các đầu lâu của kẻ thù đối với đạo Hồi trong túi rác” và coi đó chuyện bình thường.
Theo trang Sky News, hiện nay chỉ ở một trại tỵ nạn do du kích Kurd kiểm soát ở Syria có hàng chục nghìn người sống lay lắt, đói khát.
Trong số này, ngoài nạn nhân chiến sự bình thường có nhóm “cựu thành viên IS” bị nhốt riêng sau một khu có hàng rào.
Tại đó, ông John Sparks, phóng viên Sky News nhìn thấy hàng trăm đứa trẻ sinh ra trong vùng do IS từng kiểm soát là con của công dân các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ đi theo IS.
Có những đứa trẻ người Pháp bị cha mẹ đem sang khi họ đầu quân theo IS nhưng nay mồ côi sống vất vưởng.
Có cả một số phụ nữ đã bệnh tật, kể cả bị bệnh tâm thần, chỉ còn biết bò dưới đất bốc rác ăn, và không biết đi đâu về đâu, John Sparks kể lại.
Bản thân Shamima Begum nói với John Sparks rằng cô ta “nay không có đủ thức ăn nuôi con” và đã mất hết giấy tờ.
Với một phần dư luận Anh và châu Âu, người ta muốn những kẻ chạy theo IS bị trừng phạt nặng nhất vì họ tự nguyện ủng hộ một thể chế tàn bạo, coi chặt đầu, cưỡng hiếp tập thể là cách “hành đạo” với thường dân và kẻ thù.
Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng cần nhận các công dân của mình về và chỉ trừng phạt những ai gây tội ác, hoặc thanh lọc, giáo dục để họ hoàn lương.
Sau một giai đoạn bành trướng mạnh, IS nay đã bại trận và chỉ còn giữ một vùng đất rất nhỏ ở biên giới Syria – Iraq.
Cho đến năm 2016, LHQ ước tính có 6 triệu người tỵ nạn Syria cần cứu trợ gấp vì nội chiến và chiến tranh với IS.
Nay, với số dân từ vùng lãnh thổ cũ bỏ chạy khắp nơi, con số này tiếp tục tăng lên, tạo gánh nặng cho các nhóm kháng chiến và chính quyền những nước xung quanh.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47334666
Điện ảnh Pháp: Phim về bạo lực gia đình
đoạt nhiều giải César
Tối qua, 22/02/2019, tại Paris đã diễn ra lễ trao giải thưởng điện ảnh César của Pháp, trong đó một bộ phim gây sốc về bạo lực gia đình đã nhận được 4 giải. “Jusqu’à la garde”, phim dài đầu tay của đạo diễn Xavier Legrand đã được trao giải César dành cho phim hay nhất.
Phim này cũng nhận được giải nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Léa Drucker. Trong phim, Drucker thủ vai Miriam,một người mẹ cố làm lại cuộc sống và bảo vệ đứa con trai sau khi chia tay với người chồng hung dữ và vẫn luôn đe dọa gia đình bà.
Theo hãng tin AFP, khi lên nhận giải thưởng tối qua, đạo diễn Legrand đã nhắc lại: « Khi chúng tôi quay bộ phim này vào năm 2016, vào năm đó, tại Pháp đã có 123 phụ nữ bị chồng hay chồng cũ sát hại. Và ngày nay, tính từ 01/01/2019, đã có 25 phụ nữ bị giết, có nghĩa là cứ mỗi hai ngày lại có một phụ nữ bị giết, trong khi vào năm 2016 là cứ mỗi 3 ngày.
Về phần Léa Drucker, khi lên nhận giải nữ diễn viên xuất sắc nhất, cô tuyên bố muốn dành tặng giải này « cho tất cả những Miriam, tất cả những phụ nữ không phải là trong phim mà là trong cái thực tế bi thảm này ».
Tối qua, bộ phim « Les Chatouilles » của hai đạo diễn Andréa Bescond và Eric Métayer, nói về nạn ấu dâm đã giành được hai giải César, trong đó có giải dành cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Các giải César, được mệnh danh « Oscar của điện ảnh Pháp », vẫn được Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Kỹ thuật Điện ảnh trao hàng năm từ 1976. Năm nay, họ đã trao giải César danh dự cho nam diễn viên Mỹ Robert Redford, 82 tuổi.
http://vi.rfi.fr/phap/20190223-dien-anh-phap-phim-ve-bao-luc-gia-dinh-doat-nhieu-giai-cesar
Áo Vàng Pháp: Biểu tình toàn quốc lần thứ 15
Hôm nay, thứ Bảy 23/02/2019, nhiều người « Áo Vàng » tiếp tục xuống đường để phản đối chính phủ. Đây là tuần lễ hành động thứ 15 của phong trào Áo Vàng tại Pháp. Cho dù số lượng người tham gia của nhiều khả năng tiếp tục sụt giảm mạnh, nhưng dư luận lo ngại bạo lực bên lề các cuộc biểu tình.
Theo AFP, Paris là một trong các thành phố chính dự kiến sẽ có đông người Áo Vàng biểu tình. Cảnh sát cho biết có tổng cộng năm cuộc biểu tình được thông báo trước với chính quyền. Hai cuộc tuần hành được những người tổ chức loan tin trên mạng Facebook mang tên « Trận sóng thần Áo Vàng » và « Tất cả tập hợp về đại lộ Champs-Elysée, chúng ta sẽ không buông tay ». Một cuộc biểu tình khác mang tên « Tuần hành tại các khu phố đẹp » cũng sẽ đi qua đại lộ Champs-Elysée, với chặng dừng chân dự kiến trước trụ sở của Medef, hiệp hội của giới chủ doanh nghiệp Pháp.
Biểu tình đã diễn ra tại một số nơi ngoài Paris. Tại Clermont-Ferrand (miền trung), 3.000 người tham gia tuần hành. An ninh được siết chặt đề phòng bạo động. Theo báo Le Monde, nhìn chung Paris, Toulouse, Clermont-Ferrand và đặc biệt Bordeaux là các địa điểm có thể sẽ diễn ra nhiều đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát.
Tối hôm qua, trên các mạng xã hội, khoảng 4.000 người cho biết sẽ tham gia, 18.000 người nói là có quan tâm. Con số người tham gia các cuộc biểu tình Áo Vàng ngày thứ Bảy hàng tuần nhìn chung giảm mạnh. Theo số liệu của cảnh sát, trong cuộc biểu tình đầu tiên ngày 17/11, có hơn 280.000 người, cuộc biểu tình thứ 14, thứ Bảy tuần trước, chỉ có 41.000 người. Tuy nhiên, phía biểu tình cũng thường xuyên phản đối cách thống kê của cảnh sát.
http://vi.rfi.fr/phap/20190223-phong-trao-ao-vang-tai-phap-bieu-tinh-toan-quoc-lan-thu-15
Chiến đấu cơ F2 đâm xuống Biển Nhật Bản,
2 phi công Nhật được cứu
Hai phi công thuộc Lực lượng Không quân Phòng vệ Nhật Bản (JASDF) đã được giải cứu sáng thứ Tư 19/2 sau khi máy bay chiến đấu Mitsubishi F-2B của họ rơi xuống Biển Nhật Bản gần quận Yamaguchi.
Trang tin tức quân sự của Mỹ dẫn lời Lực lượng Không quân Nhật Bản cho biết cả hai phi công không bị bất tỉnh, nhưng không cung cấp thông tin nào khác về tình trạng của hai phi công. Vẫn theo nguồn tin này, không có ai khác bị thiệt mạng hoặc bị thương trong tai nạn này.
JASDF tạm ngưng tất cả các chuyến bay ngay sau khi sự cố xảy ra; các chiến đấu cơ F-2 vẫn phải nằm trụ cho tới khi chúng được xác nhận là an toàn, một phát ngôn viên của JASDF cho biết.
Một máy bay trực thăng U-125A đã tìm ra hai phi công vào khoảng sau 10 giờ sáng, gần hai tiếng đồng hồ sau chiếc F-2B cất cánh từ căn cứ không quân Tsuiki trong một cuộc tập trận thường lệ, theo JASDF. Máy bay phản lực bị nạn trực thuộc Phi đội tiêm kích chiến thuật số 6, Trung đoàn không quân 8. Chiếc phản lực được thiết kế dựa trên chiến đấu cơ F-16 của Hoa Kỳ.
Phi hành đoàn gọi điện cấp cứu vào lúc 9:18 sáng, 30 phút sau khi cất cánh. Hai phút sau, chiếc phản lực biến mất khỏi màn hình radar.
Đội trực thăng tìm kiếm được phái đi vào lúc 9:30 sáng; đến 10:06 sáng thì phát hiện hai bè cứu sinh trôi nổi trên biển.
Đài truyền hình NHK dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Takeshi Iwaya cho biết Bộ đang tiến hành điều tra bất kỳ thiệt hại nào do tai nạn gây ra. Ông ngỏ lời xin lỗi đã gây lo lắng cho dân địa phương, và cam kết sẽ tìm ra nguyên nhân gây tai nạn, đồng thời làm tất cả những gì có thể làm được để tránh lặp lại một tai nạn tương tự.
Ngày 5/2/2018, một máy bay trực thăng tác chiến AH-6D Apache của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản đã đâm vào một căn nhà ở Nagasaki, giết chết hai thành viên phi hành trên máy bay, và làm bị thương một bé gái trong căn nhà. Bộ Quốc phòng sau đó quy kết tai nạn là do trục trặc ở đầu cánh quạt chính.
https://www.voatiengviet.com/a/chien-dau-co-nhat-f2-dam-xuong-bien/4800152.html
Sợ phản bội, Kim Jong Un thay đổi
thành phần đoàn ngoại giao tới Việt Nam
Nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu của Triều Tiên sẽ không được tháp tùng lãnh đạo Kim Jong Un trong đoàn đàm phán ngoại giao của Bắc Hàn tham dự thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Việt Nam, vì bị nghi ngờ làm gián điệp, các quan chức và chuyên gia Hàn Quốc tiết lộ thông tin, theo Reuters.
Ông Kim đã thay thế nhiều nhà ngoại giao và quan chức hàng đầu ở Triều Tiên, những người đã từng phục vụ cha và ông nội của ông bằng những cố vấn mới trẻ hơn trong đoàn ngoại giao để thảo luận với phái đoàn Mỹ do Tổng thống Trump dẫn đầu tại Việt Nam vào tuần tới.
Trong số những thay đổi nhân sự quan trọng nhất, ông Kim đã chỉ định ông Kim Hyok Chol, người ít được truyền thông biết đến, dẫn đầu các cuộc đàm phán ở cấp độ thi hành với đặc phái viên hạt nhân Hoa Kỳ Stephen Biegun.
Ông Chol nguyên là một cựu đại sứ tại Tây Ban Nha, trở về nước năm 2017 sau khi Triều Tiên thực hiện một loạt các vụ thử vũ khí hạt nhân. Sau đó ông Chol được phân công làm việc tại Ủy ban Quốc vụ, cơ quan quan trọng bậc nhất của chính quyền Triều Tiên do đích thân ông Kim Jong Un trực tiếp lãnh đạo, một quan chức Hàn Quốc cho biết.
Ông Kim cũng đã thay thế Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui, người từng hộ tống ông trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore vào tháng 6/2018.
“Đây là một trò chơi của những người nắm giữ những vị trí quan trọng và nhiều nhà ngoại giao đang bị lãng quên, họ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các phe phái và câu hỏi về việc họ có còn giữ được sự trung thành đối với ý thức hệ hay không khi họ đã từng công tác ở những nước tư bản giàu có hơn”, một quan chức Hàn Quốc đề nghị giấu tên nói.
“Kim Hyok Chol cũng là một người có thành tích trong công tác ngoại giao, nhưng rõ ràng ông ta đã vượt qua bài kiểm tra về lòng trung thành để trở thành nhân vật quan trọng trong các cuộc đàm phán [với Mỹ tới đây]”.
Cáo buộc gián điệp
Sự thăng tiến của ông Kim Hyok Chol, người được cho là mới khoảng gần 50 tuổi, có liên quan một phần tới sự kiện phó đại sứ Triều Tiên tại Anh, Thae Yong Ho, đào thoát sang Hàn Quốc vào năm 2016 và sự mất tích gần đây của ông Jo Song Gil, một nhà ngoại giao cấp cao ở Ý, vị quan chức Hàn Quốc nói.
Thêm vào đó là sự ngờ vực của Kim Jong Un đối với nhà ngoại giao kỳ cựu Han Song Ryol, thứ trưởng ngoại giao phụ trách quan hệ với Hoa Kỳ cho đến đầu năm ngoái, đã bị thanh trừng về tội làm gián điệp cho Washington, hai nguồn tin có hiểu biết về tình hình Triều Tiên nói với Reuters.
Han là một trong những nhà ngoại giao Triều Tiên nổi tiếng và được kính trọng ở Hoa Kỳ, đã nhiều năm phụ trách lĩnh vực được gọi với tên “Kênh New York”, giữ vai trò là đầu mối liên lạc giữa Bình Nhưỡng và Washington, trước khi ông này được triệu hồi về nước năm 2013.
Sau đó người dân Triều Tiên không còn được nghe và nhìn thấy ông Han trong năm qua, truyền thông nhà nước nhắc đến ông Han lần cuối cùng vào tháng 2/2018, theo Reuters.
Một nguồn tin ngoại giao tại Seoul, dựa trên nguồn tin từ Triều Tiên, nói với Reuters rằng ông Han đã bị thanh trừng vào năm ngoái sau khi bị buộc tội làm gián điệp cho Mỹ và tham nhũng.
Michael Madden, một chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, người thường xuyên liên hệ với các nguồn tin ở Bắc Hàn, thông tin, có hai người nói rằng ông Han phải đối mặt với “cáo buộc gián điệp”, và đã mất tích vào tháng Bảy năm ngoái.
Ông Thae, cựu phó đại sứ Triều Tiên tại Anh đào thoát sang Hàn, cũng nhận định ông Han đã bị thanh trừng, điều đó có nghĩa là ông này có khả năng đã bị đưa đến một trại lao động để cải tạo hoặc có thể đã bị xử tử.
Tờ báo Hàn Quốc Chosun Ilbo đưa tin vào tháng trước, trích dẫn một nguồn tin giấu tên, nói rằng ông Han đã bị đưa đến một trại lao động sau khi trình lên một đề xuất về kế hoạch đàm phán hạt nhân với Mỹ không đúng với chủ trương của Đảng Lao động Triều Tiên.
“Có những vấn đề liên quan tới tài chính, nhưng vấn đề lớn nhất là ông ấy bị cáo buộc làm gián điệp. Nhiều nhà ngoại giao khác, đặc biệt là những người gần gũi với ông Han, cũng đã bị điều tra”, một nguồn tin giấu tên của Reuters nói.
Thanh trừng
Trong một báo cáo năm 2017 dựa trên các cuộc phỏng vấn với 20 người Triều Tiên đào thoát, Trung tâm Chiến lược Bắc Triều Tiên, nơi tập hợp một nhóm trí thức Triều Tiên đào thoát tới Seoul, cho hay, có hơn 70 quan chức Bắc Hàn đã bị xử tử kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền vào cuối năm 2011.
Ông Thae nói rằng, ít nhất 10 nhà ngoại giao đã bị giết dưới thời Kim, và được thay thế bởi các trợ lý trẻ và những người trung thành nhất. Nhiều nhà ngoại giao và quan chức khác đã không còn được trọng dụng.
Trong một bài đăng trên Facebook vào tuần trước, Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên xác nhận ông Kwon Jong Gun là giám đốc mới của cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên phụ trách vấn đề Bắc Mỹ, một thông tin vẫn để trống kể từ khi ông Choe trở thành thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bắc Hàn.
Lãnh đạo của ông Choe, Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho, cựu đặc phái viên hạt nhân của Kim Jong Un, chưa bao giờ có cơ hội được thể hiện đúng vai trò của mình trong mối quan hệ với Mỹ khi Chủ tịch Kim luôn đặt sự tín nhiệm đối với ông Kim Yong Chol, một cựu chuyên gia trong các vấn đề liên Triều, trong việc liên lạc với chính quyền Trump.
Khủng hoảng tài chính TQ đã bắt đầu?
Một lần nữa, các nhà đầu tư thế giới đang hướng ánh mắt lo lắng về phía Trung Quốc. Và họ có lý do để làm điều đó. Tăng trưởng kinh tế trong quý thứ ba đã giảm xuống còn 6,5%, tốc độ chậm nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Lần đầu tiên số lượng tiêu thụ xe hơi đã giảm trong hơn hai thập niên.
Thông báo của Apple vào đầu tháng 1 rằng doanh số iPhone tại Trung Quốc đang chùng xuống đã cảnh báo thế giới về việc một Trung Quốc đang trì trệ sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu và lợi nhuận của các công ty. Nhưng người Trung Quốc đã nhận thấy điều đó một thời gian trước. Ngay cả sau một đợt tăng giá gần đây, thị trường chứng khoán Thượng Hải vẫn sụt giảm hơn một phần tư so với mức đỉnh năm 2018. Triển vọng cũng không sáng sủa hơn. Thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ do Tổng thống Donald Trump áp đặt đang bắt đầu gây tổn thương cho các nhà máy của nước này. Một sự sụt giảm mạnh và bất ngờ trong kim ngạch nhập khẩu tháng 12 cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc mạnh như thế nào. Điều đó đã khiến Bắc Kinh phải xuống nước và đàm phán với Washington để xoa dịu cuộc xung đột.
Một thỏa thuận thương mại, nếu xảy ra, có thể làm dịu lo lắng cho các nhà đầu tư, và thậm chí có thể giúp kích thích tăng trưởng kinh tế, ít nhất là tạm thời. Nhưng nó sẽ không giúp chấm dứt các tai ương của Trung Quốc. Mặc dù thuế quan là một mối lo lớn, nhưng các vấn đề thực sự lại ăn sâu hơn, tồn tại chính trong cấu trúc tài chính của Trung Quốc.
Điều ít người chú ý là Trung Quốc thực tế đã lâm vào khủng hoảng. Không, đó không phải là kiểu sụp đổ sống còn mà Hoa Kỳ đã chứng kiến trong năm 2008 hay cuộc khủng hoảng dữ dội, đáng kinh ngạc mà các con hổ kinh tế châu Á đã trải qua vào năm 1997. Tuy nhiên, đó là một cuộc khủng hoảng, với các ngân hàng đầm đìa nợ xấu, các công ty phá sản, và nhà nước phải ra tay giải cứu. Do Trung Quốc gọi mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước của mình là “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”, nên chúng ta hãy cứ gọi đây là một cuộc “khủng hoảng tài chính mang màu sắc Trung Quốc”.
Cuộc khủng hoảng này không chỉ đơn thuần là về tốc độ tăng trưởng hiện tại chậm lại. Nó đã diễn ra trong một thời gian và nếu xét các triệu chứng thì nó cũng sẽ không sớm biến mất. Cách cuộc khủng hoảng được (hoặc không được) giải quyết sẽ có tác động sâu rộng lớn hơn nhiều so với việc một vài quý có tốc độ tăng trưởng thấp. Cuộc khủng hoảng này là về tương lai kinh tế của Trung Quốc và liệu nước này có thể quản lý được quá trình chuyển đổi cơ cấu cần thiết để đưa nền kinh tế bước vào hàng ngũ những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới hay không. Và nó cũng sẽ xác định liệu Trung Quốc có thể trở thành một trụ cột tăng trưởng toàn cầu hay là một mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính thế giới.
Nhìn bề ngoài, ý kiến cho rằng Trung Quốc đang gặp khủng hoảng nghe có vẻ vô lý. Tăng trưởng đã giảm dần nhưng vẫn tương đối cao nếu bạn tin vào số liệu của chính phủ. Các ngân hàng và công ty chưa rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trên quy mô lớn. Đồng nhân dân tệ thậm chí đã có dấu hiệu tăng giá trở lại trong những ngày gần đây. Dù sự lo lắng về tình trạng của nền kinh tế đã gia tăng khiến người tiêu dùng Trung Quốc giảm chi tiêu, nhưng tâm trạng ở Trung Quốc vẫn chưa biến thành sự u ám điển hình của các cuộc khủng hoảng tài chính.
Vậy thì sao lại khủng hoảng? Khủng hoảng kiểu gì?
Thật vậy, Trung Quốc có thể không bao giờ phải chịu đựng nỗi hoảng loạn kinh hoàng như ở Phố Wall năm 2008. Cuộc khủng hoảng tài chính mang màu sắc Trung Quốc không diễn ra giống như hầu hết các các cuộc khủng hoảng tài chính khác. Thay vì là một vụ nổ bất ngờ phá hủy các ngân hàng và công ăn việc làm, phiên bản khủng hoảng Trung Quốc sẽ kéo dài, diễn ra chậm đến mức khó có thể nhận thấy. Nhưng cuối cùng, phí tổn và hệ quả sẽ tương tự như – và thậm chí còn tồi tệ hơn – cả các cuộc khủng hoảng truyền thống mà chúng ta từng chứng kiến.
Một vài năm trước, một số nhà quan sát Trung Quốc (trong đó có tôi) dự đoán nền kinh tế nước này có thể sụp đổ theo kiểu tương tự như năm 2008. Tất cả các đèn cảnh báo cho thảm họa đã nhấp nháy màu đỏ: bong bóng nhà đất, công suất dư thừa trong các ngành công nghiệp từ thép đến sản xuất tấm pin mặt trời, và đáng lo ngại nhất là sự tích tụ nợ ở mức khổng lồ. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổng số nợ so với sản lượng quốc gia đã tăng lên tới mức 253% vào giữa năm 2018, từ mức chỉ 140% một thập niên trước đó. Không nền kinh tế mới nổi nào kể từ những năm 1990 trải qua một quá trình tăng nợ quá mức như vậy mà lại thoát khỏi được một thảm họa tài chính. Trung Quốc sẽ phải thách thức lịch sử nếu muốn tránh được một thảm họa nợ nần.
Chúng ta đã theo dõi và chờ đợi một “khoảnh khắc Lehman Brothers” ở Trung Quốc – và cứ thế chờ đợi thêm. Nó không bao giờ xảy đến. Một số nhà phân tích đã nhận ra rằng nó sẽ không bao giờ xảy ra bởi thực sự Trung Quốc đã lớn tới mức không thể đổ vỡ (too big too fail). Lập luận mới cho rằng chính phủ Trung Quốc có rất nhiều đòn bẩy trong việc kiểm soát các ngân hàng, các tập đoàn lớn và dòng vốn, họ có thể ngăn chặn khủng hoảng theo cách mà một nền kinh tế tự do hơn không thể ngăn chặn. Siêu cường này đã thể hiện điều đó vào năm 2015 sau khi một bong bóng thị trường chứng khoán nổ tung, đi kèm cùng việc quản lý cho vay yếu kém và sự bất lực của bộ máy quan liêu. Tiền chảy ra khỏi đất nước khi đồng nhân dân tệ loạng choạng. Những gì có thể đã khiến các thị trường mới nổi khác sụp đổ đã được giải quyết chỉ bằng một ngày làm việc của các quan chức đầy quyền lực của Trung Quốc. Chính phủ đã tổ chức một gói cứu trợ chứng khoán và kiểm soát dòng vốn. Cuộc khủng hoảng được ngăn chặn.
Cách tiếp cận đó đại diện cho chiến lược tổng thể của Bắc Kinh về vấn đề nợ. Chính phủ – vốn bị ám ảnh về sự ổn định xã hội – không cho phép trái bom phát nổ. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính mang màu sắc Trung Quốc vẫn đang gây ra thiệt hại cho nền kinh tế như bao cuộc khủng hoảng khác.
Như trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nợ nào khác, sức khỏe của các ngân hàng Trung Quốc đang bị xói mòn một cách nguy hiểm. Mặc dù tỉ lệ nợ xấu đạt mức cao nhất trong một thập niên vào cuối năm 2018, nhưng chúng vẫn ở mức dưới 2% tổng dư nợ theo số liệu chính phủ. Hầu như không ai tin vào thống kê này. Charlene Chu, một giám đốc cao cấp của công ty Autonomous Research và là một trong các chuyên gia hàng đầu về rủi ro tín dụng tại Trung Quốc, ước tính rằng mức nợ xấu phải lên tới 24% tổng tín dụng, trị giá khoảng 8,5 nghìn tỷ đô la. Điều đó nghe có vẻ thái quá, nhưng trong cuộc khủng hoảng năm 1997, các khoản nợ xấu ở Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan đã lên tới một phần ba tổng số các khoản vay.
Như thường thấy trong các cuộc khủng hoảng, mức độ thực sự của nợ xấu và thiệt hại có lẽ cao hơn mức mà người ta có thể dự đoán. Trong một nghiên cứu vào tháng 10, S&P Global Ratings lưu ý rằng số nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc vẫn còn là một bí ẩn, vì rất nhiều trong số đó được đưa ra ngoài bảng cân đối kế toán. Khoản nợ ngầm đó có thể gấp nhiều lần con số được tiết lộ công khai. S&P gọi nó là “phần nổi của một tảng băng rủi ro tín dụng khổng lồ”. Các chính quyền địa phương thường tìm cách chi tiêu vào cơ sở hạ tầng để kích thích tăng trưởng, nhưng với một núi nợ, vai trò đó đang đạt đến mức giới hạn.
Trung Quốc cũng đang đối phó với một đặc điểm khác của một cuộc khủng hoảng tài chính: dòng vốn chảy ra ngoài. Nhờ sự kiểm soát chặt chẽ, dòng tiền không thể tháo chạy nhanh như nó có thể dưới một chế độ ít mang tính kiểm soát hơn. Nhưng dù sao dòng tiền cũng sẽ chảy ra nước ngoài. Người Trung Quốc đã đứng đầu danh sách người nước ngoài mua nhà đất ở Hoa Kỳ trong sáu năm liên tiếp, theo Hiệp hội Bất động sản Quốc gia. Trong 12 tháng tính đến hết tháng 3 vừa qua, họ đã mua hơn 30 tỷ đô la giá trị nhà đất ở Mỹ. Người Canada chỉ mua một phần ba mức đó; còn người Anh và người Ấn Độ chỉ mua bằng một phần tư.
Về lý thuyết, cuộc khủng hoảng tài chính theo kiểu Trung Quốc có những “lợi thế” nhất định so với các loại khủng hoảng thông thường. Bằng cách duy trì tăng trưởng và việc làm, Bắc Kinh có thêm thời gian để sửa chữa hệ thống. Các nhà quản lý đang cố gắng dọn dẹp một số vấn đề: Các công ty phá sản đã tăng mạnh vào năm ngoái. Nhưng trong thực tế, chính phủ đang khiến cuộc khủng hoảng kéo dài bằng cách dọn dẹp rác tài chính quá chậm. Những điều cần làm có lẽ là phải đại tu quy mô lớn các doanh
nghiệp nhà nước cồng kềnh kém hiệu quả. Nhưng thậm chí tệ hơn, các nhà hoạch định chính sách đang tiếp tục đổ thêm vào đống rác đó. Họ vẫn cố tìm cách đạt được các mục tiêu tăng trưởng vốn không thể đạt được nếu không bơm thêm tín dụng. Trung Quốc là một kẻ nghiện nợ, và giống như bất kỳ con nghiện nào, họ cần thêm liều tín dụng để tiếp tục phát triển. Khi các liều cứu trợ ngắn hạn đó mất đi, nền kinh tế lại bắt đầu chậm lại. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại bị lung lay, mất quyết tâm xử lý nợ và lại chích thêm một liều tín dụng mới.
Họ lại đang thử lại cách đó. Phần lớn tăng trưởng chậm lại gần đây là do những nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế nợ. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách, như thường lệ, lại đang mở van tín dụng trở lại. Hồi đầu tháng Một, ngân hàng trung ương đã giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, cho phép các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Chắc chắn điều này sẽ tạo ra thêm nhiều nợ xấu. Theo Dinny McMahon, tác giả cuốn sách “China’s Great Great Wall of Debt”, thêm nhiều khoản nợ được tạo ra và các khoản nợ đó được sử dụng để tạo ra tất cả những thứ gây nên vấn đề suốt thập niên qua.
Theo nghĩa đó, chính phủ đang khiến cho cuộc khủng hoảng tài chính mang màu sắc Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn một cuộc khủng hoảng tài chính tiêu chuẩn. Những khoảnh khắc Lehman có thể đáng sợ, nhưng chúng cũng mang tính thanh lọc, một cơ hội cho thị trường đào thải những thực thể yếu kém và tạo không gian cho các thực thể mới và tốt hơn. Bằng cách ngăn chặn điều đó xảy ra, Bắc Kinh lại đang cho phép những thứ cặn bã thối rữa thêm, có khả năng làm tăng chi phí dọn dẹp không thể tránh khỏi sau này.
Cuối cùng, nhà nước sẽ phải can thiệp và giải quyết mớ hỗn độn đó, giống như chính phủ Hoa Kỳ đã phải làm trong năm 2008. Giải cứu hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể sẽ đòi hỏi phải có một Chương trình Cứu trợ Tài sản xấu khổng lồ. Chúng ta có thể hình dung sơ bộ chi phí sẽ lớn như thế nào nếu nhìn lại các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Chính phủ Hàn Quốc đã chi tương đương 31% GDP để cứu hệ thống tài chính của mình sau cuộc khủng hoảng năm 1997. Nếu sử dụng mức đó để tham khảo, chi phí Trung Quốc phải bỏ ra có thể đạt 3,8 nghìn tỷ đô la. Nó có thể còn cao hơn. Indonesia đã phải chi 57% tổng sản phẩm quốc nội cho việc tái cấu trúc sau khủng hoảng năm 1997.
Trong khi đó, nền kinh tế bị đè nặng. Quá nhiều khoản nợ của Trung Quốc đã được tích tụ theo một cách không hiệu quả – các nhà máy không cần thiết, các công ty xác sống mất khả năng thanh toán – và sự phân bổ tài nguyên sai lệch đó đang ăn mòn các động lực tăng trưởng chính. Conference Board – một hiệp hội nghiên cứu có trụ sở tại New York, tính toán rằng mức tăng năng suất của Trung Quốc đã âm từ năm 2012.
Tất cả điều này dẫn đến một vòng xoáy đi xuống. Với việc Trung Quốc đã bị chôn vùi trong nợ nần, mỗi nỗ lực kích thích nền kinh tế bằng tín dụng mới lại có tác dụng ngày càng nhỏ hơn. Như công ty nghiên cứu Fathom Consulting đã giải thích trong một nghiên cứu vào tháng 10, mô hình kinh tế cũ của Trung Quốc “đang cho thấy mức lợi nhuận cận biên giảm dần”. Có những dấu hiệu cho thấy điều đó đang xảy ra. Mặc dù có nhiều tháng cho vay nới tay nhưng tăng trưởng tín dụng đã không tăng mạnh như các nhà hoạch định chính sách mong muốn. Nỗi lo sợ gia tăng về tình trạng nền kinh tế kết hợp với mức nợ đáng kinh ngạc đang khiến chính phủ gặp khó khăn hơn trong việc dựa vào tín dụng bổ sung để duy trì mức tăng trưởng của Trung Quốc.
Có lẽ sẽ đến một thời điểm mà ngay cả các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng nhận ra rằng núi nợ này nguy hiểm đến mức việc kiểm soát nó phải được ưu tiên hơn so với tăng trưởng. Mặc dù vậy, thật khó để tưởng tượng điều gì có thể đánh thức họ. Lạm phát cao hơn có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi, vì điều đó sẽ khiến ngân hàng trung ương khó có thể tiếp tục bơm vào số tiền mặt mà hệ thống cần có để duy trì hoạt động. Nhưng điều đó khó có khả năng xảy ra, ít nhất là trong ngắn hạn. Lạm phát giảm mạnh đang làm dấy lên mối lo rằng Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ giảm phát, khiến cho núi nợ của nước này thậm chí còn trở nên nặng nề hơn.
Giải pháp thực sự duy nhất, như McMahon lưu ý, là thay đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế. Các nhà kinh tế và chính sách đã tranh luận về việc Trung Quốc cần phải “cân bằng lại” – chuyển động lực tăng trưởng từ đầu tư sang tiêu dùng. Điều đó không xảy ra đủ nhanh. Mỗi lần chính phủ sử dụng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng, nó lại tạo ra trở ngại cho cải cách hệ thống kinh tế. Theo công ty Fathom Consulting, Bắc Kinh đang “né tránh các thực tế kinh tế của việc tái cân bằng trong khi tích tụ thêm các vấn đề cho tương lai”.
Vấn đề cơ bản là các cải cách tự do hóa vốn có thể đưa nền kinh tế đi theo hướng lành mạnh hơn đã biến mất, và không có sự hồi sinh nào cho chúng trong tương lai gần. Ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình là áp đặt sự kiểm soát của Đảng Cộng sản lên mọi thứ, vì vậy, ông duy trì chương trình nghị sự kinh tế dựa vào đầu tư và các doanh nghiệp quốc doanh vốn là trung tâm của cuộc khủng hoảng tài chính mang màu sắc Trung Quốc này. Các chính sách công nghiệp mới nhất của ông có thể mang lại các sản phẩm hấp dẫn hơn như robot, vi mạch, xe điện, nhưng chúng có thể tạo ra một mớ hỗn độn cũ: quá nhiều nhà máy, quá nhiều nợ, quá nhiều thứ bỏ đi.
Ngay cả khi cách tiếp cận của Tập khai sinh ra các ngành nghề mới và tăng trưởng kinh tế, điều đó vẫn không nhất thiết giúp giải quyết các tác hại đã được gây ra. Các khoản nợ xấu đã không biến mất một cách thần kỳ. Sự khác biệt thực sự duy nhất giữa một cuộc khủng hoảng tài chính thông thường và một cuộc khủng hoảng tài chính mang màu sắc Trung Quốc là thời gian. Hầu hết các biến động tài chính bình thường sẽ chấm dứt trong mấy tháng; nhưng khủng hoảng của Trung Quốc có thể kéo dài nhiều năm. Là nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, Trung Quốc nên là một nguồn hỗ trợ cho nền kinh tế thế giới đang tuột dốc. Nhưng nếu Trung Quốc không giải quyết được cuộc khủng hoảng tài chính của mình thì nó lại là một gánh nặng cho toàn cầu.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26373-khung-hoang-tai-chinh-tq-da-bat-dau.html
Tình hình bi đát của nền kinh tế TQ
Ngày 16/12/2018, trong cuộc hội thảo tổ chức tại Thượng Hải, giáo sư Xiang Songzuo [Hướng Tùng Tộ], nhà kinh tế nổi tiếng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tiền tệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, đọc tham luận đưa ra một số nhận định trái với quan điểm của Chính phủ Trung Quốc (TQ). Bài nói đã gây tiếng vang rất lớn trong dư luận. Vì bản gốc tiếng TQ bài nói bị cấm đưa lên mạng, chúng tôi chỉ tìm được bản tiếng Anh dưới tiêu đề “Tình hình bi đát của kinh tế TQ” do AsiaNews sưu tầm. Bài rất dài, dưới đây chỉ lược dịch. Điểm đáng chú ý là bài này nhận định cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ không phải là vấn đề kinh tế, mà là vấn đề hệ giá trị, tức vấn đề chế độ nhà nước.
Biến đổi lớn chưa từng thấy trong 40 năm qua
Năm 2018 kinh tế Trung Quốc liên tục đi xuống. Đây là một năm vô cùng đặc biệt, xảy ra quá nhiều chuyện lớn, chủ yếu nhất là kinh tế chậm lại.
Tăng trưởng GDP năm 2018 của TQ theo công bố của Cục Thống kê Quốc gia TQ là 6,5%, nhưng theo báo cáo công bố nội bộ hôm 15/12 của một cơ quan quan trọng khác thì chỉ tiêu này thấp hơn rất nhiều. Do sử dụng hai hệ đo khác nhau nên họ tính được hai kết quả khác nhau về tăng trưởng GDP của TQ trong 2018: một là 1,67% và một là tăng trưởng âm.
Bài này sẽ không bàn về tính chính xác, tính tin cậy của các tính toán trên. Năm nay TQ có mấy vấn đề chúng ta hoặc là chưa nghĩ tới, hoặc là đã đánh giá sai nghiêm trọng.
Thứ nhất, chiến tranh thương mại TQ-Mỹ. Chúng ta đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình. Đầu năm nay ngành truyền thông chính thống nêu khẩu hiệu: “Trong chiến tranh thương mại TQ-Mỹ, người Mỹ đang vác đá ghè vào chân mình, TQ nhất định sẽ thắng.” “Cuộc chiến này dù lớn hay nhỏ, chúng ta chắc chắn sẽ thắng.”
Sở dĩ có kiểu suy nghĩ ấy là do hiểu biết của chúng ta về cuộc chiến thương mại này khác với tình hình thực tế. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tái suy ngẫm sâu sắc.
Tài sản tư hữu
Thứ hai, nguyên nhân của suy thoái kinh tế là gì? Vì sao các doanh nghiệp tư nhân bị thua thiệt trong năm 2018? Đầu tư của họ đã giảm đáng kể, điều gì đã khiến các chủ doanh nghiệp tư nhân mất niềm tin? Ngày 1/11, Chính phủ sẽ tổ chức một cuộc hội thảo kinh tế cấp cao, có người coi đó là tín hiệu nhà nước muốn lấy lại niềm tin của các doanh nghiệp tư nhân khi nền kinh tế xấu đi.
Từ đầu năm, dư luận xôn xao về sự phục hồi các tuyên bố ý thức hệ trước đây từng bị xếp xó như cần phải “xóa bỏ tài sản tư nhân”, “bãi bỏ quyền tư hữu tài sản”, “đã đến lúc các doanh nghiệp tư nhân cần rút lui và chuyển giao cho công nhân của họ”. Sau đấy còn triển khai học tập chủ nghĩa Marx và Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – trong đó có câu Tiêu diệt chế độ tư hữu tài sản. Điều đó gửi tín hiệu gì đến các doanh nhân tư nhân?
Đây là lý do ta cần tái suy ngẫm về suy thoái kinh tế, áp lực đối với nền kinh tế TQ và cuộc chiến thương mại TQ-Mỹ đang leo thang từng ngày, về những gì ta đã làm sai, về cách phục hồi và đảm bảo nền kinh tế TQ tăng trưởng ổn định.
Cần nói điều này bởi lẽ chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề do chính chúng ta gây ra. Tại một hội nghị chuyên đề về khu vực tư nhân, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nói 6 vấn đề. Tôi quan tâm nhất vấn đề thứ 6: Bảo vệ an toàn cá nhân và tài sản cá nhân. Hãy suy ngẫm về vấn đề này. Ở một đất nước có luật pháp kiện toàn, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, liệu các quyền cơ bản này có được bảo đảm cho tất cả mọi người, mọi doanh nhân và thường dân không?
Cải cách mở cửa đã tròn 40 năm mà Tổng Bí thư vẫn thấy cần phải đặc biệt đề cao quyền an toàn nhân thân và an toàn tài sản của các doanh nhân. Điều này cho thấy sự quản trị xã hội và nhà nước TQ còn tồn tại nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Cuộc chiến thương mại TQ-Mỹ
Cuộc chiến này trên thực tế là sự đụng độ giữa hai hệ thống giá trị đối lập. Hiện nay mối quan hệ TQ-Mỹ đã đi đến ngã rẽ và đối mặt với những thách thức lịch sử lớn. Ta phải làm gì đây? Quả thật tôi không nghĩ rằng chúng ta đã thực sự tìm thấy nhiều giải pháp.
Bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Châu), Giám đốc tài chính công ty Huawei, gần đây đã bị bắt giữ tại Vancouver (Canada). Đây không đơn giản là vấn đề thương mại hay kinh tế.
Ta thường nói về thời kỳ TQ có cơ hội chiến lược để tăng trưởng kinh tế. “Thời kỳ cơ hội chiến lược” ấy có nghĩa là trước đây các quy chế quốc tế tương đối thuận lợi cho TQ; suốt 40 năm qua, chúng ta có quyền công khai tiếp cận công nghệ, vốn, nhân lực và thị trường của nước ngoài. Tôi nghĩ rằng thời kỳ này đang nhanh chóng biến mất.
Vấn đề ngắn hạn mà chúng ta đang xem xét là kinh tế suy giảm. Ở đây có nhiều số liệu. Như tháng 10 có sự suy giảm trên hầu hết tất cả các mặt, từ tiêu dùng trong bán lẻ, ô tô, nhà đất. Chỉ nhìn vào xuất khẩu là đủ thấy chẳng thể nói rằng cuộc chiến thương mại đã không ảnh hưởng đến TQ và chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc chiến đó dù nó lớn đến đâu? Những người đã nói điều này hồi tháng 4-5 năm nay, bây giờ biến đi đâu rồi?
Tại sao chúng ta lại mắc sai lầm như vậy trong việc phán đoán tình hình quốc tế?
TQ đang đối mặt với suy thoái kinh tế dài hạn. Tiêu dùng và dịch vụ hiện chiếm tới 78,5% GDP nước ta, có nghĩa là quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tiêu dùng đã thành công. Trước kia ta dựa vào đầu tư và xuất khẩu, bây giờ dựa vào tiêu dùng và dịch vụ. Điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng ở TQ, khi đầu tư chậm lại đáng kể thì sao mà có thể duy trì kinh tế ổn định bằng cách chỉ dựa vào tiêu dùng?
Trong 40 năm cải cách mở cửa, TQ đã trải qua 5 giai đoạn tiêu dùng. Đầu tiên là giải quyết vấn đề ăn mặc, thứ hai là “Ba thứ lớn mới” [New Big Three, gồm tủ lạnh, tivi màu, máy giặt], thứ ba là tiêu dùng thông tin, thứ tư là ô tô và thứ năm là bất động sản.
Nhưng về cơ bản cả 5 làn sóng này đều đã đi đến hồi kết. Doanh số bán xe và chi tiêu nhà đất giảm đáng kể, vì vậy chúng ta đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng. Đây là mấu chốt của “6 ổn định” mà Bộ Chính trị Đảng CSTQ kêu gọi [ổn định về việc làm, tài chính, ngoại thương, đầu tư nước ngoài, đầu tư, và kỳ vọng (expectations)].
Hãy để tôi cho bạn thêm 3 cái “ổn” nữa: ổn định về dự trữ [ngoại tệ], về tỷ giá hối đoái và giá nhà đất.
Rõ ràng rất khó đạt được những ổn định này. Xem ra “đầu tư nước ngoài ổn định” và “tỷ giá ngoại tệ ổn định” không có vấn đề gì. Nhưng sao có thể ổn định được đầu tư, xuất khẩu, thị trường bất động sản và việc làm? Chúng ta cần tái suy ngẫm về vấn đề tại sao điều này xảy ra và làm gì để tìm được một giải pháp thích hợp.
Thị trường chứng khoán và các công ty phá sản
Khi nền kinh tế chậm lại, rủi ro tài chính leo thang và ngân hàng ngầm [shadow banking/ tín dụng đen] nhanh chóng co lại. Thống đốc Ngân hàng trung ương TQ đã đưa ra lời xin lỗi: chính sách trước đây của họ chưa được xem xét kỹ, thiếu sự phối hợp và không được thi hành đúng, rằng những điều đó cùng với tác động của các quy định có tính cưỡng chế đã làm cho tín dụng bị thu hẹp. Đây là một lý do quan trọng, nhưng không phải là vấn đề cơ bản.
Thị trường tài chính trực tiếp dù là trái phiếu hay chứng khoán, đã bị giảm một nửa trong năm 2018 và nhiều công ty đã vỡ nợ. Trong ba quý đầu tiên, tổng vỡ nợ đã vượt 100 tỷ nhân dân tệ (NDT), cả năm sẽ là trên 120 tỷ, nhiều doanh nghiệp đã phá sản. Hiện nay hàng nghìn công ty đang sụp đổ, cả các doanh nghiệp nhà nước cũng vậy. Công ty Thép Bột Hải (Bohai Steel), từng có tên trong danh sách Fortune Global 500, đã phá sản với số nợ 192 tỷ NDT; con số thực có thể lên tới 280 tỷ.
Nợ địa phương là một rắc rối lớn trong thị trường tài chính TQ, theo Cơ quan Kiểm toán Nhà nước là vào khoảng 17,8 nghìn tỷ NDT, nhưng He Keng phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội TQ nói ít nhất bằng 40 nghìn tỷ NDT. Tệ hơn nữa là không một chính quyền địa phương nào có ý định trả lại các khoản nợ của mình.
Chỉ có vụ sụp đổ phố Wall năm 1929 có thể sánh được với sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán TQ trong năm nay. Nhiều cổ phiếu sụt giá 80%, thậm chí 90%.
Có người đổ lỗi cho cơ quan quản lý chứng khoán, nhưng họ đã nhầm. Vấn đề ở chỗ chính sách quản lý không thích hợp, quản lý không chặt. Sự thiếu các quy định chứng khoán toàn diện có thể là một vấn đề quan trọng, nhưng không phải là vấn đề then chốt.
Nhìn vào cấu trúc lợi nhuận sẽ thấy các công ty niêm yết của TQ thực ra không kiếm được tiền. Hai phần ba số lợi nhuận ít ỏi mà hơn 3.000 công ty này kiếm được đã bị ngành ngân hàng và bất động sản lấy mất. Lợi nhuận của 1.444 công ty niêm yết trong Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TQ kiếm được thậm chí chưa bằng 1,5 lần lợi nhuận của Ngân hàng Công thương TQ.
Nhiều công ty đại chúng ở Mỹ có lợi nhuận hàng chục tỷ đô la. Ở TQ chỉ có một công ty công nghệ làm được như vậy, nhưng nó chưa niêm yết. [ý nói công ty Huawei].
GS Robert Shiller nói: Thị trường chứng khoán không phải là phong vũ biểu của nền kinh tế trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn thì chắc chắn là như vậy.
Thị trường chứng khoán TQ yếu kém cho thấy nền kinh tế TQ đang ở trong tình trạng rối loạn. Rõ ràng, niềm tin của nhà đầu tư vẫn chưa phục hồi.
Trong hai ngày 19 và 20/10, Chính phủ đã đưa ra một loạt chính sách và Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) cam kết sẽ có kết quả. Nhưng bây giờ thì chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải SSE đã giảm xuống 2600 điểm vào Thứ Sáu tuần trước, và chết dí ở đó, khó có thể hồi phục. Thị trường bất động sản cũng không thể lạc quan.
Nguyên Thống đốc ngân hàng trung ương TQ Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) từng nói: Sự suy giảm kinh tế TQ cho thấy có những vấn đề lớn trong mô hình và phương thức tăng trưởng trước đây, đã đi chệch hướng cơ bản, chuyển sang đầu cơ. Rủi ro tài chính hiện tại có tính tiềm ẩn, phức tạp, đột phá, nguy hại, dễ lây lan. Nổi bật là sự mất cân bằng cấu trúc và vi phạm pháp luật, quy định. Chúng ta vừa phải đề phòng thiên nga đen [black swan, ý nói sự việc nghiêm trọng không thể lường trước] lại vừa phải ngăn chặn tê giác xám [gray rhino, ý nói rủi ro thường thấy hay bị coi nhẹ, bỏ qua].
Trong hội nghị công tác tài chính quốc gia năm ngoái, Tổng Bí thư và Thủ tướng đã phê bình mạnh mẽ ngành tài chính TQ, nói rằng khu vực tài chính đang hỗn loạn.
Hầu hết các doanh nghiệp đã không đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính của mình, mà rót khoảng 40% số tiền của họ vào thị trường chứng khoán, tiến hành đầu cơ và mua cổ phiếu của các công ty tài chính, mua nhà đất. Chính phủ cho biết, các công ty niêm yết đã chi 1-2 nghìn tỷ NDT vào đầu cơ bất động sản. Có thể nói kinh tế TQ được xây dựng trên nền tảng đầu cơ. Từ năm 2009 nước ta đi lên con đường không thể quay trở lại này. Tỷ lệ đòn bẩy tăng vọt, hiện nay lớn gấp 3 lần tỷ lệ của Mỹ và gấp đôi Nhật. Tỷ lệ nợ của các công ty phi tài chính TQ cao nhất thế giới, chưa kể các công ty bất động sản.
Là một nhà kinh tế, tôi phản đối chính phủ cứu thị trường. Qua suy ngẫm, tôi kết luận: Vấn đề của nền kinh tế TQ không còn là tốc độ hay số lượng, mà là chất lượng.
Những vấn đề mà doanh nghiệp tư nhân thực sự phải đối mặt không phải là khó khăn về tài chính. Họ sợ chính sách không ổn định và chính phủ không giữ lời hứa.
Để kinh tế phát triển thực sự ổn định và thoát khỏi khó khăn hiện nay, chúng ta cần phải thực hiện ba cải cách thiết yếu: cải cách hệ thống thuế, cải cách cơ cấu chính trị và cải cách quản trị nhà nước. Để giảm thuế và phí, phải sắp xếp hợp lý cơ cấu chính quyền bằng cách tinh giản biên chế, giảm chi tiêu nhà nước, muốn vậy phải cải cách thể chế.
Giáo sư Zhou Qiren (Chu Kỳ Nhân) của Đại học Bắc Kinh nói: Vấn đề lớn nhất của TQ là chi phí quản trị xã hội quá cao. Sau đó là các vấn đề cải cách chính quyền và cải cách thể chế quản lý nhà nước. Tất nhiên còn có cải cách về học thuật và nghiên cứu.
Ngày kia sẽ có một hội nghị lớn kỷ niệm 40 năm TQ cải cách mở cửa. Tôi chân thành hy vọng sẽ được nghe điều gì đó về vấn đề cải cách sâu sắc hơn. Hãy chờ xem các cải cách ấy có thể đem lại tiến bộ thực sự nào. Nhưng nếu điều đó không xảy ra, hãy để tôi kết luận: Nền kinh tế TQ sẽ lâm vào tình trạng rất khó khăn trong một thời gian khá dài.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26372-tinh-hinh-bi-dat-cua-nen-kinh-te-tq.html
TQ phát triển vũ khí radar sóng ngắn không sát thương
Trung Quốc đang phát triển một hệ thống vũ khí không sát thương dựa trên công nghệ radar sóng ngắn, Hoàn Cầu Thời Báo đưa tin, dẫn một cuộc phỏng vấn với kĩ sư trưởng của dự án mang họ Tô.
Loại vũ khí này bắn sóng ngắn có bước sóng tính theo milimet vào các mục tiêu để gây đau dưới da, theo lời Tô, người cũng là kĩ sư cao cấp của Viện Đo lường Vô tuyến Bắc Kinh liên kết với Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc.
Các sóng ngắn có thể được nhắm vào các bộ phận cơ thể cụ thể hoặc quét một khu vực rộng hơn.
Tô cho biết hệ thống này có thể được sử dụng trong các hoạt động, bao gồm chống khủng bố, các nhiệm vụ của đoàn tàu hàng hải và phòng thủ biên giới trên bộ.
Tô nói thêm hệ thống có dạng đứng yên và một dạng gắn trên xe trông giống như một chiếc xe buýt nhỏ với ăng-ten radar.
Các cuộc thử nghiệm tới nay cho thấy vũ khí này không để lại thương tích vĩnh viễn hoặc ảnh hưởng thể chất lâu dài, tờ báo của đảng cộng sản nói.
Công an Trung Quốc và lực lượng hải cảnh là những đối tượng có thể mua hệ thống này, tờ báo nói thêm.
Ấn Độ bị CIO trừng phạt vì cấm cửa vận động viên Pakistan
Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế CIO ngày 22/02/2019, đã quyết định trừng phạt Ấn Độ vì không cấp visa cho vận động viên Pakistan, sau vụ tấn công khủng bố ngày 14/02 tại Kashmir, làm 40 lính Ấn Đô thiệt mạng.
Thông tín viên RFI tại New Delhi, Antoine Guinard, cho biết thêm chi tiết :
Sau vụ tấn công khủng bố ở Pulwama, New Delhi đã thề là sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để cô lập Pakistan trên trường ngoại giao. Thế nhưng giờ đây chính Ấn Độ bị Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế tẩy chay.
Ủy Ban Olympic thông báo « đình chỉ tất cả các cuộc thảo luận » với Ấn Độ liên quan đến việc tổ chức các sự kiện thể thao trong tương lai. Ủy Ban cũng kêu gọi nhiều liên đoàn thể thao không tổ chức các cuộc thi đấu ở Ấn Độ, ngày nào mà New Delhi từ chối không cấp visa cho vận động viên Pakistan.
Lẽ ra 2 vận động viên Pakistan phải đến Ấn Độ cho cuộc thi giành Cúp Quốc Tế về bắn súng lục, bắt đầu từ hôm nay, thứ Bảy, tại New Delhi, nhưng họ đã không được thị thực nhập cảnh Ấn Độ mặc dù CIO đã ra sức can thiệp.
Cả nước Ấn đang sôi sục với lòng hận thù Pakistan sau vụ tấn công mà một nhóm khủng bố, có cơ sở tại Pakistan, thực hiện trên đất Ấn.
Cricket, môn thể thao rất được ưa chuộng ở cả vùng Nam Á cũng bị vạ lây. Nhiều người Ấn, trong đó nhiều cựu vận động viên môn thể thao này, đã kêu gọi hủy bỏ các trận đấu giữa Ấn Độ và Pakistan trong tương lai, và trước hết là trận đấu dự kiến trong Cúp Thế Giới, tổ chức tại Anh Quốc vào mùa hè này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190223-an-do-bi-cio-trung-phat-vi-cam-cua-van-dong-vien-pakistan