Tin khắp nơi – 23/02/2017
Ngoại trưởng Mỹ sắp gặp Tổng thống Mexico
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly sẽ gặp Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto và các thành viên nội các của ông hôm thứ Năm. Cuộc gặp được kỳ vọng sẽ là sự khởi đầu của một loạt các cuộc họp cấp cao tập trung vào nạn buôn lậu ma túy, thương mại và nhập cư.
Chuyến đi diễn ra vào thời điểm được coi lúc trầm lắng trong quan hệ giữa hai nước.
Hai ông Tillerson và Kelly hy vọng sẽ làm dịu mối quan ngại và sự tức giận ở Mexico về các chính sách của chính quyền mới ở Hoa Kỳ đối với quốc gia Trung Mỹ.
Ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Mexico, bằng cách này hay cách khác, phải trả tiền cho bức tường an ninh dọc biên giới chung dài 3.100 km. Các nhà lập pháp ở Washington ước tính chi phí xây bức tường này lên đến ít nhất là 12 tỷ đôla.
Và ngay trong tuần này, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã đề ra những chính sách có thể dẫn đến việc trục xuất hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ.
http://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-sap-gap-tong-thong-mexico/3736834.html
Thăm dò: Nhập cư, vấn đề hàng đầu của TT, Quốc hội
Theo một cuộc thăm dò mới của CBS News, nhập cư đứng đầu danh sách các vấn đề quan trọng nhất mà Tổng thống Donald Trump và Quốc hội cần giải quyết.
15% người Mỹ được hỏi đã trả lời rằng nhập cư là vấn đề quan trọng nhất mà tổng thống và Quốc hội cần giải quyết trong năm nay.
13% số người được hỏi cho rằng kinh tế và việc làm là vấn đề quan trọng thứ hai.
Theo 11% phần trăm những người được khảo sát, chăm sóc y tế là vấn đề quan trọng thứ ba.
Cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người Mỹ nghĩ rằng chính phủ cần phải làm nhiều hơn để đảm bảo rằng những người nước ngoài nhập cảnh vào Hoa Kỳ không tạo ra nguy cơ đối với an ninh của đất nước.
Bất chấp những lo ngại về các nguy cơ an ninh tiềm tàng, 60% người Mỹ vẫn ủng hộ một chương trình để những người nhập cư bất hợp pháp hiện đã ở trong Hoa Kỳ nhận được được quyền công dân. 13% tin rằng những người nhập cư nên được phép ở lại Mỹ và không cần phải nộp đơn xin nhập quốc tịch. 23% muốn bắt họ rời khỏi Hoa Kỳ.
Các cuộc thăm dò cho thấy rằng 58% người Mỹ phản đối một bức tường dọc theo biên giới giữa Mexico và Hoa Kỳ, trong khi 39% ủng hộ.
Phần lớn cuộc khảo sát đã được tiến hành trước khi chính quyền ông Trump ban hành các văn bản về giải quyết nạn nhập cư bất hợp pháp và trục xuất.
Bỏ chỉ thị nhà vệ sinh phù hợp cho người chuyển giới
Chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã bãi bỏ chỉ thị cho phép các học sinh chuyển giới được sử dụng nhà vệ sinh và phòng thay quần áo phù hợp với nhận dạng giới tính của họ, chứ không phải là giới tính khi họ sinh ra.
Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục đã ban hành một công văn chung hôm thứ Tư gửi đến các trường học ở Mỹ, bãi bỏ một chỉ thị do chính quyền của Tổng thống Barack Obama ban hành hồi năm ngoái.
Công văn nói rằng quyết định về việc này tùy thuộc vào các sở giáo dục cấp địa phương và cấp tiểu bang, không phải cấp chính phủ liên bang.
Những người ủng hộ quyền của người chuyển giới đã tổ chức một cuộc biểu tình ở phía trước của Tòa Bạch Ốc vài giờ sau khi quyết định được công bố.
Chỉ thị của thời ông Obama dựa trên luật có tên là Tiêu đề số 9, lập luận rằng phạm vi của luật cấm sự phân biệt đối xử về giới tính trong lĩnh vực giáo dục bao trùm cả vấn đề nhận dạng giới tính.
Một thẩm phán liên bang trước đây đã đình chỉ chỉ thị này khi có một vụ kiện của một số bang.
Vấn đề này sẽ được đưa ra Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vào tháng tới.
Dân nhập cư tức giận vì Miami theo luật di trú của TT Trump
Chấm dứt các thành phố ‘trú ẩn’, tức là các thành phố cho người nhập cư trái phép cư ngụ an toàn, là một điểm chính trong các chính sách về di trú của tổng thống Donald Trump. Chính quyền của các thành phố ‘trú ẩn’ không cung cấp tài chính hay hỗ trợ chính phủ liên bang thực thi các luật lệ về di trú của liên bang. Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ ngừng cấp ngân quỹ liên bang cho các thành phố không tuân thủ các luật lệ di trú của liên bang. Các thành phố lớn như Los Angeles, San Francisco và Chicago luôn công khai phản đối, còn Miami vừa trở thành thành phố lớn đầu tiên ở Mỹ chấp hành các biện pháp về di trú của chính quyền Tổng thống Trump. Theo tường trình của Jeff Swicord của đài VOA từ Miami, quyết định của thành phố này đã làm đông đảo người nhập cư tức giận.
Sự tức giận đã bùng lên khi Hội đồng thành phố Miami thông qua quyết định của thị trưởng Carlos Gimenez hợp tác với chính quyền của Tổng thống Trump chấm dứt việc cho phép người nhập cư không giấy tờ được “trú ẩn an toàn”.
Thị trưởng Gimenez nói Miami chưa bao giờ tự coi mình là một thành phố cung cấp “trú ẩn an toàn” cho người nhập cự trái phép.
“Điều quan trọng là thành phố chúng tôi không ở vào tình trạng đó, bởi vì chúng tôi không muốn gặp phải rủi ro bị cắt bất cứ ngân khoản liên bang nào hiện nay cũng như trong tương lai.”
Quận Miami-Date là một khu vực đa chủng tộc của 2,7 triệu người với phân nửa là người nhập cư. Phần lớn trong số họ đến từ Caribe, Trung và Nam Mỹ.
Có khoảng từ 150.000 cho tới nửa triệu người được cho là những người nhập cư bất hợp pháp đang sinh sống ở khu vực này của Miami.
Họ là những người như bà Luisa (không phải là tên thật của bà). Bà từ Guatemala đến Mỹ năm 1989. Bà làm công cho trang trại có đóng thuế, nhưng bà sợ bị trục xuất và bị cách ly với 5 đứa con của bà được sinh ra ở đó và đã là công dân Mỹ.
“Điều có thể xảy ra là chúng có thể bị cách ly với tôi, và bị đưa vào hệ thống bảo trợ trẻ em. Hiện tại chúng đang là những học sinh giỏi ở trường. Chúng đi học đàng hoàng vì có tôi ở đây với chúng. Và tôi luôn chăm sóc chúng chu đáo.”
Một trong những thông báo được đưa ra tuần này hướng dẫn thực thi các kế hoạch của chính phủ Tổng thống Trump là bản sửa đổi của một chương trình sẽ biến những cảnh sát khu vực và cảnh sát địa phương thành các nhân viên thực thi luật di trú.
Đó có thể là một bước quá dài đối với thành phố Miami, nơi mà thị trưởng và cảnh sát kiên quyết rằng họ sẽ không trực tiếp tham gia vào việc thực thi luật di trú.
Người phát ngôn của sở cảnh sát Miami-Date, ông Alvaro Zabaleta nói với VOA.
“Nguyên nhân chính và quan trọng nhất là chúng tôi không gây mất lòng tin ở các nạn nhân. Chúng tôi không muốn một người phụ nữ bị của bạo lực gia đình, bị hành hạ và bị đánh đập không dám tìm đến cảnh sát để nhờ giúp đỡ vì sợ bị trục xuất.”
Trước đây, nếu một ai đó bị bắt vì phạm tội và sau đó bị phát hiện nhập cư bất hợp pháp thì sẽ bị giam giữ chỉ khi nào chính phủ liên bang đồng ý chi trả chi phí để tiến hành trục xuất họ.
Với nỗ lực làm hài lòng chính quyền của TT Trump, thị trưởng Gimenez nói rằng thành phố Miami giờ sẽ gánh chịu chi phí giam giữ đó trong 48 giờ. Nếu cơ quan di trú không nhận, thì họ sẽ được thả.
“Tất cả những gì chúng tôi nói là chúng tôi sẽ không còn nợ nần gì với chính phủ liên bang. Chúng tôi sẽ giam giữ người đó trong 48 giờ. Chúng tôi không hỏi về tình trạng di trú của họ ở đây. Chúng tôi không bắt giữ ai vì tình trạng di trú, chúng tôi không bao giờ làm vậy.”
Điều đó có thể chưa đủ với chính quyền của Tổng thống Trump đang xung đột với các thành phố và đô thị tại nhiều nơi trên cả nước theo chính sách cung cấp chỗ cư trú an toàn cho người nhập cư trái phép.
Kinh tế gia của Moody: Trump không tốt cho kinh tế
WASHINGTON —
Trước khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, nhiều nhà phân tích đã kịch liệt phê phán các đề xuất về kinh tế của ông. Nhiều chuyên gia tiên đoán thị trường chứng khoán sẽ rớt giá hoặc kinh tế rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, sau một tháng kể từ khi ông Trump lên nhậm chức tổng thống, giá chứng khoán trên thị trường Mỹ liên tục tăng phá kỷ lục và niềm tin của người tiêu dùng cũng tăng. Liệu các nhà phân tích đã dự đoán sai? Thông tín viên Mil Arcega của đài VOA đã hỏi kinh tế gia Mark Zandi, người đã chỉ trích các kế hoạch kinh tế của ông Trump ngay từ buổi ban đầu.
Trước cuộc bầu cử tháng 11, các phân tích dựa vào truyền thống cho rằng ông Donald Trump lên làm tổng thống sẽ không tốt cho kinh tế. Nhưng một tháng đã trôi qua kể từ khi ông nhậm chức, mức tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng, doanh nghiệp Mỹ vẫn tiếp tục thuê mướn lao động, và thị trường tài chính Phố Wall tiếp tục giai đoạn tăng giá dài nhất kể từ năm 1999. Chúng tôi hỏi kinh tế gia Mark Zandi rằng liệu các chuyên gia đã đoán sai. Ông trả lời là “không.”
Kinh tế gia trưởng của tập đoàn Moody bảo vệ những phân tích đánh giá ngay từ đầu của ông. Ông Zandi nói rằng xét từ góc độ chính sách, tổng thống chưa thực hiện những lời hứa về chính sách khi tranh cử.
Ông Zandi nhận định: “Điều ông muốn là trục xuất 11 triệu người lao động không có giấy tờ. Ông muốn tăng thuế lên 45% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, và 35% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico. Ông muốn giảm thuế và tăng chi của chính phủ và cách làm đó sẽ tăng thêm thâm hụt ngân sách 10 ngàn tỉ đôla trong 10 năm. Do đó nếu đó là những mục tiêu ông muốn đạt đến, thì điều đó sẽ đẩy nền kinh tế vào khủng hoảng.”
Nhưng các nhà phân tích khác nói rằng giá chứng khoán tăng liên tục phản ánh sự lạc quan của các nhà đầu tư đối với các chính sách của ông Trump. Đa số cảm thấy phấn khởi trông chờ thuế doanh nghiệp sẽ được giảm và luật lệ doanh nghiệp sẽ bớt đi.
Phân tích gia kỳ cựu Gus Faucher của tập đoàn tài chính PNC nói với đài VOA: “Các nhà đầu tư và doanh nghiệp trông mong kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump — tăng trưởng ròng, tức là đã trừ lạm phát, nhưng cũng có thể lạm phát sẽ tăng cao hơn, và điều đó sẽ giúp tăng mức lợi nhuận.”
Nhưng niềm phấn khởi đối với nghị trình kinh tế của ông Trump có lẽ sẽ không lâu bền. Tập đoàn tài chính Goldman Sachs nói rằng niềm tin của các nhà đầu tư có thể đã lên đến đỉnh cao nhất.
Kinh tế gia Kevin Kelly của dịch vụ tài chính Recon Capital Partners nói rằng các thị trường đã tiến sát đến điểm cao nhất: “Hiện nay sự trông mong tập trung vào cái gì? Có phải là chúng ta trông mong luật lệ sẽ giảm bớt hay thuế được giảm xuống? Xu hướng đó sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa? Liệu đó có phải là phần hai của câu chuyện trong năm nay? Tôi cho rằng đó là những gì sẽ tác động lên thị trường ngay từ bây giờ.”
Kinh tế gia Mark Zandi nói rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ tác động lên nền kinh tế có thể tùy thuộc vào các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội. Họ ủng hộ giảm thuế và chống việc tăng chi tiêu chính phủ và tăng thâm hụt. Nhưng nếu các nhà lập pháp cho phép giảm thuế mạnh, thì các nhà kinh tế sẽ đặt câu hỏi rằng ai sẽ cấp tiền cho các dự án phát triển hạ tầng với mục tiêu tạo công ăn việc làm, hay ai sẽ trả tiền cho tường thành biên giới khổng lồ.
Mỹ sắp ra sắc lệnh di trú mới
Tòa Bạch Ốc lùi ngày công bố sắc lệnh mới thay thế chỉ thị ngưng nhập cảnh những người đến từ 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi.
Reuters dẫn nguồn tin từ một giới chức Tòa Bạch Ốc ngày 22/2 cho hay lệnh mới dự kiến sẽ ban hành vào tuần tới thay vì tuần này như dự trù của Tổng thống Donald Trump loan báo tuần trước.
Ông Trump nói chỉ thị mới sẽ đáp ứng những quan ngại pháp lý nêu ra bởi tiểu bang Washington, thành phố San Francisco và những nơi khác khi sắc lệnh đầu tiên được ban hành hôm 27/1.
Sắc lệnh cuối tháng Giêng của ông Trump đã nhanh chóng được thực thi, gây ra cảnh hỗn loạn tại các phi trường trên khắp thế giới vì những người cầm visa lên đường sang Mỹ bị lôi ra khỏi máy bay hoặc bị từ chối nhập cảnh khi đáp tới các sân bay Mỹ.
Dân Mỹ chia rẽ sâu sắc vì sắc lệnh này. Các công ty Mỹ và các đồng minh cũng lên án trước khi lệnh tạm thời bị ngăn lại bởi các tòa án liên bang.
Tổng thống Trump đã lên Twitter chỉ trích hành động của tòa án và cảnh báo rằng phán quyết của tòa sẽ
http://www.voatiengviet.com/a/my-sap-ra-sac-lenh-di-tru-moi/3736271.html
Moscow đợi đề nghị hợp tác của Hoa Kỳ về Syria
Nga đang chờ đợi Hoa Kỳ đưa ra các đề xuất hợp tác có về vấn đề Syria, hãng tin Interfax dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết hôm thứ Tư.
Tại cuộc họp báo ở Moscow, ông Lavrov cũng cho biết đề xuất của Hoa Kỳ về việc tạo ra các khu vực được gọi là an toàn ở Syria trước tiên phải được sự đồng ý của chính phủ Syria.
http://www.voatiengviet.com/a/moscow-doi-de-nghi-hop-tac-cua-hoa-ky-ve-syria/3735248.html
Bắc Hàn quy trách nhiệm Malaysia vụ Kim Jong Nam
Bắc Triều Tiên ngày 23/2 tuyên bố Malaysia phải chịu trách nhiệm về cái chết của một công dân Bắc Triều Tiên tại sân bay Kuala Lumpur hồi thứ hai tuần trước, đồng thời tố cáo chính phủ Malaysia tỏ thái độ ‘không thân thiện’ dưới một tình huống do Hàn Quốc vẽ ra.
Reuters dẫn thông tấn xã trung ương Bắc Triều Tiên nói rằng thoạt tiên Malaysia thông báo với Bình Nhưỡng có một người mang passport ngoại giao bị thiệt mạng vì lên cơn đau tim tại phi trường Kuala Lumpur hôm 13/2.
Các giới chức Hàn Quốc và Mỹ tin rằng nạn nhân bị ám sát, ông Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un bị các điệp viên Bắc Triều Tiên hạ độc.
Trung Quốc: Cúm gà diễn tiến nghiêm trọng
Trung Quốc đang tiến hành đánh giá tình trạng lan tràn một chủng cúm gia cầm mới H7N9, theo tin truyền thông nhà nước hôm 22/2, sau khi giới hữu trách y tế toàn cầu cảnh báo chủng này đã tiến hóa thành một dạng nghiêm trọng hơn nơi gia cầm.
Cho đến nay, chủng biến đổi này mới chỉ được phát hiện tại tỉnh Quảng Đông, nhưng trong tình hình buôn bán gia súc-gia cầm rộng rãi tại Trung Quốc, khó có thể phòng ngừa việc lây lan sang các khu vực khác, truyền thông nhà nước dẫn khuyến cáo từ Bộ Nông nghiệp cho hay.
Tới giờ, H7N9 hoặc không có hoặc ít có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nơi gia cầm dù khi truyền sang cho người thì khả năng gây bệnh rất cao.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã phát hiện dòng virút tiến hóa có khả năng gây dịch bệnh trầm trọng nơi gia cầm và cần phải theo dõi chặt chẽ, theo nhận xét của Tổ chức Y tế Thế giới ngày 21/2.
Mẫu virút thu được từ hai người bị lây nhiễm được chích vào gia cầm trong phòng thí nghiệm cho thấy có tính gây bệnh cao đối với gia cầm.
Nhưng điều này chỉ thấy nơi gia cầm, không thấy nơi người, phát ngôn viên Christian Lindmeier của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết và nói thêm rằng “không có chứng cứ là virút biến đổi ảnh hưởng đến khả năng lây bệnh từ người sang người.”
Trung Quốc báo cáo có tổng cộng 304 ca lây nhiễm nơi người đã được phòng thí nghiệm xác nhận trong khoảng thời gian từ 19/1 đến 14/2 cùng với 36 trường hợp tử vong, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Virút tiến hóa có thể là dịch bệnh sẽ trở nên khó tránh nơi gia cầm.
Truyền thông Trung Quốc nói các trang trại phải tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh sẽ được bồi thương.
Các chuyên gia thú y dự báo tỉ lệ lây nhiễm cúm gia cầm tại các trại chăn nuôi Trung Quốc có thể cao hơn nhận định trước đây, vì chủng virút gây tử vong khi lây nhiễm sang người khó phát hiện nơi gà và ngỗng.
Theo các con số của Tổ chức Y tế Thế giới, kể từ đợt virút thứ năm bắt đầu vào tháng 10 năm 2016, có 425 trường hợp bị lây nhiễm nơi người đã được ghi nhận tại Trung Quốc trong đó có 73 ca thiệt mạng.
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-cum-ga-tien-trien-nghiem-trong/3736266.html
Trung Quốc treo thưởng kêu gọi chỉ điểm ở Tân Cương
Nhà chức trách trong khu vực dễ xảy ra bạo lực, Tân Cương, phía tây Trung Quốc đang treo các giải thưởng trị giá lên đến 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 14,5 triệu đôla) cho những chỉ điểm “chống khủng bố”, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Chính sách này được đưa ra trùng hợp với việc gia tăng đáng kể chi tiêu an ninh trong khu vực.
Hàng trăm người đã bị giết chết ở Tân Cương trong vài năm qua, hầu hết là do tình trạng bất ổn giữa người thiểu số Hồi giáo Uighur, vốn xem khu vực này là quê hương, với người Hán chiếm đa số. Bắc Kinh đổ lỗi tình trạng bất ổn trên là do các chiến binh Hồi giáo.
Sau một thời gian tương đối yên tĩnh, hiện bạo lực đang gia tăng trong những tháng gần đây ở phía nam của khu vực, bao gồm địa khu Hotan của Uighur, nơi các giới chức đang treo giải thưởng “cao kinh khủng” cho những người cung cấp thông tin về những hành vi vi phạm, từ tấn công bạo lực cho tới đối đầu bất hợp pháp.
Các giải thưởng có trị giá từ 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 730.000 đôla) cho “những thông tin hoạt động nội bộ” kiểm chứng được về các kế hoạch tấn công vào đám đông hoặc các cơ quan chính quyền và của Đảng Cộng sản, tờ báo nhà nước Hotan Daily cho biết hôm thứ Ba (21/2).
Giải thưởng thấp nhất cho người chỉ điểm là 2.000 nhân dân tệ (290 đôla) cho những thông tin như “trùm mặt và mặc áo choàng”, “thanh niên có bộ râu dài”, hoặc người mặc những trang phục tôn giáo phổ biến bị xem là “nhạy cảm”.
Trước đây, đã có nhiều nơi ở Tân Cương và ở Trung Quốc đại lục treo giải thưởng tương tự, dù không nhiều như ở Hotan.
Tuần trước, các lực lượng an ninh đã tổ chức các cuộc mít-ting chống bạo động tại Tân Cương sau một loạt các vụ tấn công, với hàng trăm cảnh sát và xe bọc thép diễu qua các đường phố của thủ phủ Urumqi và ở Hotan.
Trong tháng này, 3 kẻ tấn công bằng dao đã giết chết 5 người và làm bị thương 5 người khác trước khi bị bắn chết ở Hotan.
Hồi tháng Giêng, truyền thông nhà nước đưa tin chi tiêu an ninh công cộng của Tân Cương trong năm 2016 đã tăng 19,3%, lên hơn 30 tỷ nhân dân tệ.
Chính quyền Trung Quốc thường đổ lỗi tình trạng bất ổn trong khu vực cho các chiến binh Hồi giáo ly khai, mặc dù các nhóm nhân quyền và những người lưu vong nói chính sự kiểm soát gắt gao của Trung Quốc về tôn giáo và văn hóa đối với người Uighur đã gây ra sự căm hờn và đây mới chính là nguyên do.
Trung Quốc phủ nhận bất kỳ sự đàn áp nào tại Tân Cương.
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-treo-thuong-lon-de-chong-khung-bo-o-tan-cuong/3735521.html
Cựu đặc khu trưởng Hồng Kông bị 20 tháng tù
Một tòa án Hồng Kông đã kết án ông Tăng Âm Quyền, cựu đặc khu trưởng Hồng Kông, 20 tháng tù giam về các tội danh có hành vi sai trái.
Ông Tăng Âm Quyền, 72 tuổi, đã bị buộc tội tuần trước vì đã giấu cuộc đàm phán thuê một căn hộ sang trọng của một nhà đầu tư lớn trong một công ty truyền thông đang xin chính phủ cấp giấy phép phát sóng kỹ thuật số.
Hôm thứ Tư, thẩm phán Andrew Chan nói khi tuyên án ông Tăng: “Chưa bao giờ trong sự nghiệp tư pháp của tôi, tôi nhìn thấy một người ở vị trí cao đến như vậy rơi vào tình cảnh này”.
Phán quyết đã làm hỏng sự nghiệp phục vụ lâu dài và nổi trội của ông Tăng, người đứng đầu Hồng Kông từ năm 2005 đến năm 2012. Ông là quan chức cấp cao cấp nhất bị kết án trong lịch sử của Hồng Kông. Hồi tháng 9, ông đã phải đối mặt với một phiên tòa tái thẩm vì một cáo trạng khác về hối lộ. Bồi thẩm đoàn đã không đạt được một quyết định đồng thuận trong vụ đó.
Hồng Kông nổi tiếng về chính quyền trong sạch nhưng danh tiếng này đã bị lung lay trong những năm gần đây vì một chuỗi các vụ tham nhũng bị phanh phu
http://www.voatiengviet.com/a/cuu-dac-khu-truong-hong-kong-bi-ket-an-20-thang-tu/3735231.html
Phái viên LHQ tiếp tục nỗ lực chấm dứt nội chiến Syria
Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria hôm thứ Năm đã gặp một phái đoàn chính phủ Syria ở Geneva. Đây là một phần trong nỗ lực mới nhất của ông tìm cách chấm dứt cuộc nội chiến gần 6 năm của nước này.
Ông Staffan de Mistura cũng sẽ hội đàm với các thành viên của phe đối lập Syria hôm thứ Năm, một ngày sau khi ông nói ông không thấy sẽ có bất kỳ đột phá sắp diễn ra, mặc dù vậy, vẫn có “đà tiến về mặt chính trị” để xúc tiến một kế hoạch hòa bình.
Các bên tham chiến ở Syria họp lần cuối ở Geneva cách đây gần 9 tháng. Vòng đàm phán đó đã đổ vỡ các bên đã nhiều lần vi phạm một thỏa thuận ngừng bắn.
Ông De Mistura thừa nhận rằng việc nối lại thành công cuộc đàm phán thất bại phần lớn tùy thuộc vào việc các bên tham chiến tuân thủ lệnh ngừng bắn hiện nay.
Ông cho biết Nga đã sử dụng ảnh hưởng của họ để lệnh ngừng bắn mong manh vẫn có hiệu lực.
Ông De Mistura nói thêm rằng ông đã đề nghị các quốc gia khác có ảnh hưởng đến các bên đối lập cần đảm bảo rằng họ tuân thủ lệnh ngừng bắn và không khiêu kích phía bên kia.
http://www.voatiengviet.com/a/phai-vien-lhq-tiep-tuc-no-luc-cham-dut-noi-chien-syria/3736818.html
Sát thủ của IS được bồi thường vì bị ngược đãi
Kẻ đánh bom tự sát của Nhà nước Hồi Giáo người Anh đã tự kích nổ trong vụ tấn công vào lực lượng Iraq trong tuần này từng nhận bồi thường cho thời gian bị giam trong nhà tù quân sự ở Vịnh Guantanamo, các nguồn tin an ninh phương Tây ngày 22/ 2 cho biết.
Nhà nước Hồi Giáo nói Abu-Zakariya al-Britani, một công dân Anh, từng được biết với cái tên Ronald Fiddler trước khi đổi thành Jamal Udeen al-Harith, đã cho nổ một xe bom tại một căn cứ quân sự Iraq phía tây nam thành phố Mosul trong tuần này.
Nhà nước Hồi Giáo cũng công bố một bức ảnh tươi cười của tay đánh bom tự sát này ngồi trên ghế chiếc xe được dùng làm phương tiện để đánh bom.
Reuters không thể kiểm chứng độc lập tuyên bố của Nhà nước Hồi Giáo nhưng ba nguồn tin an ninh phương Tây nói có nhiều khả năng Britani chính là tay đánh bom tự sát.
Một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh nói chính phủ không thể kiểm chứng lý lịch tên này.
Anh đạt được một thỏa thuận bồi thường thiệt hại dân sự cho những cựu tù nhân người Anh tại trại giam Vịnh Guantanamo vào năm 2010, Bộ trưởng Tư pháp lúc đó là ông Kenneth Clark không tiết lộ khoản tiền bồi thường là bao nhiêu với lý do đây là những thỏa thuận mật.
Theo tờ Daily Mail, Britani được chính phủ Anh bồi thường 1,25 triệu đô la sau khi thừa nhận rằng các nhân viên hoạt vụ Anh hoặc có biết hoặc đồng lõa trong việc ông Britani bị ngược đãi trong tù. Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh từ chối bình luận về chi tiết về bất kỳ khoản bồi thường nào và về việc chính phủ có theo dõi Britani hay không.
Gia đình Britani, trong một tuyên bố với BBC nói con của họ không nhận được một triệu bảng Anh tiền bồi thường và rằng họ tin là số này là tiền bồi thường cho cả nhóm, kể cả các tù nhân khác và các chi phí.
Xuất thân từ thành phố Manchester miền bắc nước Anh, Britani cải đạo sang Hồi Giáo trong tuổi 20. Britani bị lực lượng đặc biệt Mỹ bắt tại Afghanistan và đưa về trại giam Guantanamo vào năm 2002.
Britani được thả vào năm 2004 sau khi chính phủ của Thủ tướng Tony Blair thời đó vận động cho đương sự được trả tự do. Sau đó Britani đến Syria và chiến đấu với Nhà nước Hồi Giáo.
Trong một tuyên bố được đưa lên Twitter, cựu Thủ tướng Blair cho biết báo The Mail đã dẫn đầu một chiến dịch thúc đẩy việc trả tự do cho các tù nhân Guantanamo và được các nhà lập pháp thuộc Đảng Bảo thủ của đương kim Thủ tướng May ủng hộ.
Hòa đàm Syria mở lại tại Genève
Hôm nay, 23/02/2017, đại diện của chế độ Syria và phe đối lập mở lại hòa đàm ở Genève, nhưng ngay cả nhà trung gian hòa giải của Liên Hiệp Quốc cũng không tin là cuộc họp lần này sẽ giúp chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài từ 6 năm nay.
Vào năm ngoái, đại diện của hai bên đã gặp nhau ba lần, nhưng vẫn chưa vãn hồi được hòa bình tại một quốc gia mà cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011 đã làm hơn 310 000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người đã phải tản cư.
Để tỏ thiện chí, Nga, đồng minh của chế độ Damas, đã kêu gọi tạm ngưng các cuộc oanh tạc trong thời gian diễn ra hòa đàm Genève 4. Nhưng trong những ngày qua, phe đối lập Syria đã không ngừng tố cáo các vụ vi phạm lệnh ngưng bắn có hiệu lực từ tháng 12/2016, nhất là các cuộc oanh tạc của không quân Syria vào các vị trí của quân nổi dậy gần Damas và ở tỉnh Homs.
Trong ba lần hòa đàm trước, phái đoàn chính phủ và đối lập đã không chịu ngồi chung bàn và đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura đã phải đi từ bàn này qua bàn kia để làm trung gian. Lần này, ông Mistura hy vọng hai bên sẽ chịu nói chuyện trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, đặc sứ Liên Hiệp Quốc hôm qua tỏ vẻ thận trọng về kết quả hội đàm Genève 4.
Ông de Mistura nhấn mạnh đến việc thảo luận về “ chuyển tiếp chính trị ”, nhưng đây lại là bất đồng chủ yếu giữa chế độ Damas và phe đối lập. Phe đối lập vẫn cho rằng “ chuyển tiếp chính trị ” có nghĩa là tổng thống Bachar al-Assad phải ra đi, trước khi thảo luận về hiệp định hòa bình. Damas tuyên bố sẵn sàng thảo luận về tổ chức bầu cử, nhưng dứt khoát không nói đến tương lai của tổng thống Syria.
Trong khi đó tại Syria, phe đối lập nay chỉ còn kiểm soát 13% lãnh thổ sau khi chế độ Damas, với sự yểm trợ của Nga và Iran, đã chiếm lại cứ địa Aleppo trong tay quân nổi dậy. Còn Hoa Kỳ thì kể từ khi tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vẫn chưa có một chính sách rõ ràng về Syria và Trung Đông, khiến phe đối lập thêm lo ngại.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170223-geneve-hoa-dam-syria-mo-lai
Nhật phản đối Nga tăng quân ở quần đảo Kuril
Nga loan báo kế hoạch đưa đến quần đảo Kuril một sư đoàn. Tokyo lên án Matxcơva xâm phạm lãnh thổ truyền thống của Nhật bị Hồng Quân Liên Xô kiểm soát từ sau Thế Chiến Thứ Hai, sau khi trục xuất 17.000 dân Nhật.
Theo Reuters, trong cuộc họp báo ngày 23/02/2017 tại Tokyo, chánh văn phòng thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết chính phủ Nhật đang theo dõi sát sao những động thái của Nga và phân tích tình hình. Ông tuyên bố là nếu Nga đưa quân vào quần đảo mà Tokyo gọi là “ lãnh thổ phương bắc ” thì hành động này “ không phù hợp với lập trường của Nhật ”.
Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản đưa ra những lời bình luận này sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Shoigu, được truyền thông trích dẫn, cho biết, trong năm nay, sẽ đưa “một sư đoàn” ra quần đảo Kuril, kể cả ở những đảo mà “ Nhật đòi chủ quyền”.
Cũng theo ông Yoshihide Suga, phản ứng đối phó của Tokyo, ngoài việc theo dõi động thái của quân đội Nga, là sẽ đặt vấn đề với Nga nhân hội nghị cấp bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng hai nước tại Tokyo ngày 20/03/2017.
Phải chăng Vladimir Putin lợi dụng thời cơ bắt chẹt thủ tướng Shinzo Abe?
Theo nhận định của Reuters, thủ tướng Nhật muốn giải quyết những xung khắc với Nga tồn đọng từ Thế Chiến Thứ Hai, hoà dịu với Matxcơva để tập trung đối phó với Bắc Kinh.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170223-nhat-ban-phan-doi-nga-tang-quan-o-quan-dao-kuril
Donald Trump bị tố
sửa đổi thống kê ngoại thương để gây áp lực chính trị
Nhất cử nhất động của doanh nhân tổng thống Mỹ đều bị theo dõi và phê phán. Theo giới phân tích, chính quyền Donald Trump dự tính thay đổi phương pháp thống kê thương mại với thâm ý làm tăng ảo tỷ số thâm thủng cán cân thương mại và để gây sức ép với Quốc Hội ủng hộ chính sách bảo hộ mậu dịch.
Theo nhật báo tài chính Wall Street Journal, một phương pháp mới để đo lường thâm thủng trao đổi thương mại đã được chính quyền Trump sử dụng. Tuần qua, các cơ quan đại diện Mỹ về ngoại thương đã phải cung cấp số liệu về cán cân thương mại qua cách tính mới.
Cụ thể là trong báo cáo, phần “tái xuất khẩu” hàng hóa không còn xuất hiện trong thống kê. Nói cách khác, những mặt hàng như xe hơi của Mỹ, chế tạo tại Mêhicô, quá cảnh tại Mỹ, bán sang Canada hay ở các nước khác không còn nằm trong danh sách hàng xuất khẩu. Một khi các loại hàng hóa tái xuất khẩu bị đưa ra khỏi thống kê xuất-nhập thì tự nhiên mức thâm thủng thương mại của Mỹ tăng vọt lên một cách giả tạo. Tỷ lệ nhập siêu sẽ còn tăng thêm nếu hàng tái xuất chỉ bị hủy bỏ ở cột “xuất” mà vẫn giữ nguyên ở cột “nhập”.
Theo AFP, lối tính mới này đã gây ra một làn sóng tranh cãi tại Mỹ. Một số nghị sĩ đồng ý thì cho rằng phương pháp thống kê mới phản ảnh thực tế tình trạng mậu dịch của Hoa Kỳ. Trái lại những người khác thì tố cáo thâm ý của tổng thống Donald Trump là muốn dùng những số liệu phóng đại này để thuyết phục lập pháp ủng hộ chủ trương “nước Mỹ trước đã” của lãnh đạo hành pháp.
Phá NAFTA
Chuyên gia Lori Wallach của tổ chức cấp tiến Public Citizen thẩm định : Với cách tính này, nhập siêu giữa Mỹ và Mêhicô, sẽ tăng từ 60 tỷ đôla lên 109 tỷ. Tổng thống Donald Trump sẽ khai thác “ con số được trang điểm ” này để thuyết phục thêm một số nghị sĩ chống Hiệp Định Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ NAFTA. Cùng phân tích này, cựu bộ trưởng Thương Mại Larry Summers thời tổng thống Bill Clinton cho rằng đây là một phương pháp thống kê “ngu xuẩn, bất lương và nguy hiểm” nhằm khuyến khích xu hướng bảo hộ mậu dịch.
Chơi dao đứt tay
Theo chuyên gia Caroline Freund của Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson Institut for International Economics ở Washington, nếu không tính lượng hàng tái xuất khẩu thì mức thâm thủng của kinh tế Mỹ sẽ được phóng đại một cách phi lý. Dù vậy, không có gì bảo đảm là phương pháp thống kê mới sẽ giúp tổng thống Donald Trump đạt được mục tiêu. Trái lại, nó có thể là đòn “gậy ông đập lưng ông”. Thao túng số liệu sẽ làm chính quyền Trump mất uy tín.
Được AFP đặt câu hỏi, bà Jeannine Aversa, phát ngôn viên của phòng phân tích kinh tế, bộ Thương Mại Mỹ bảo đảm là cho đến hôm nay, chưa có đề nghị chính thức nào về việc thay đổi phương pháp thống kê.
Trong suốt mùa tranh cử, Donald Trump luôn chỉ trích một cách thô bạo các số liệu thống kê chính thức từ tỷ lệ thất nghiệp cho đến kết quả bầu cử hay là số lượng ủng hộ viên tham gia lễ nhậm chức của ông.
Liệu chính quyền Trump có thể ngụy tạo các số liệu chính thức hay không? Katherine Wallman, nguyên là người trách nhiệm về thống kê của Nhà Trắng cho rằng chủ nhân mới không làm gì được vì có nhiều chốt phối kiểm. Tuy nhiên, bà cảnh báo: Với chủ trương cắt giảm ngân sách dành cho các cơ quan thu thập dữ liệu, chất lượng của thống kê cũng sẽ giảm theo.
Pháp: Lãnh đạo cánh trung Bayrou
liên minh với ứng cử viên độc lập Macron
Thêm một bất ngờ trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống tại Pháp. Trong một cuộc họp báo hôm qua, 22/02/2017, lãnh đạo đảng cánh trung François Bayrou đã tuyên bố liên minh với ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron.
Giải thích về quyết định này, ông Bayrou, lãnh đạo Phong Trào Dân Chủ ( MoDem ), đã ba lần ra tranh cử tổng thống, cho rằng nước Pháp đang đối diện nguy cơ đảng cực hữu lên nắm quyền và theo ông, ứng cử viên Macron là người có khả năng đánh bại lãnh đạo đảng Mặt Trận Quốc Gia Marine Le Pen.
Cựu bộ trưởng Kinh Tế Macron, một nhân vật tự nhận không thuộc phe tả lẫn phe hữu, đã chấp nhận ngay đề nghị liên minh của ông Bayrou, xem đây là một cử chỉ “ can đảm, chưa từng có, và là một bước ngoặt trong chiến dịch tranh cử tổng thống ”.
Trong khi chỉ còn hai tháng nữa là đến vòng một bầu cử tổng thống Pháp, tình hình vẫn khó dự đoán kể từ khi ứng cử viên cánh hữu François Fillon bị mất uy tín do vụ tai tiếng tạo việc làm khống cho vợ. Hiện giờ các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu đều cho thấy là ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen vẫn dẫn đầu vòng một bầu cử tổng thống Pháp, theo sau là ông Macron và ông Fillon. Tuy nhiên, trong vòng hai thì lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia sẽ bị đánh bại, dù là gặp phải với Macron hay Fillon.
Ứng cử viên Le Pen vẫn giữ được lợi thế ở vòng một cho dù hiện nay bản thân bà cũng bị cáo buộc tạo việc làm giả với danh nghĩa trợ lý nghị sĩ châu Âu cho người thân cận. Hôm qua, cận vệ và chánh văn phòng của bà đã bị tạm giữ để điều tra về vụ này. Riêng chánh văn phòng của lãnh đạo đảng cực hữu thì đã bị truy tố.
Trong khi đó thì cánh tả tiếp tục bị chia rẽ giữa ứng cử viên đảng Xã Hội Benoit Hamon và ứng cử viên có xu hướng cực tả Jean-Luc Mélenchon, cho nên khả năng cánh tả lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống rất là thấp.
Bị sức ép của phong trào dân sự,
Hungary rút khỏi cuộc đua đăng cai Olympic 2024
Chỉ còn hơn 7 tháng trước khi Ủy Ban Olympic Quốc Tế CIO bầu chọn thành phố được quyền tổ chức Thế vận hội Mùa hè 2024, chính quyền Hungary hôm 22/02/2017 đã chính thức quyết định rút đơn xin đăng cai của thủ đô Budapest vì sức ép của một phong trào xã hội vừa mới hình thành.
Theo một thông cáo của chính quyền, thủ tướng Orbán Viktor, đô trưởng Budapest Tarlós István và chủ tịch Ủy ban Olympic Hungary Borkai Zsolt nhất trí rằng Budapest không thể tiếp tục cuộc đua với Paris và Los Angeles, do khả năng thắng cuộc của thành phố này đã giảm thiểu vì “lòng dân không thuận”. Quyết định rút Budapest khỏi cuộc đua đăng cai Olympic đánh dấu một thất bại mới của liên minh cầm quyền trước xã hội dân sự và phe đối lập.
Thông tín viên Hoàng Nguyễn tại Budapest phân tích :
Giấc mơ trăm năm tan vỡ
Là thành viên sáng lập phong trào Olympic hiện đại vào năm 1894 và luôn đạt thành tích cao trong các kỳ Olympic sau đó, nhưng Hungary là quốc gia duy nhất trong số 10 cường quốc thể thao hàng đầu thế giới chưa bao giờ được tổ chức Thế vận hội.
Do đó, dễ hiểu là được tổ chức Thế vận hội là một ước mơ của cư dân và giới thể thao nước này. Đặc biệt, với nội các cánh hữu của thủ tướng Orbán Viktor, ý tưởng “hãy dám ước mơ” để “trở nên vĩ đại” trong việc đăng cai Olympia đã xuất hiện từ năm 2001.
Hungary chính thức bày tỏ mong muốn tham gia cuộc ganh đua nhằm tổ chức kỳ Thế vận 2024 từ năm 2014. Sau khi Roma bỏ cuộc vào cuối hè năm ngoái, Budapest được coi là một ứng viên khả dĩ, với hồ sơ dự tuyển được đánh giá là chuẩn bị khá tốt.
Về kinh phí tổ chức, chính phủ Hungary cũng trấn an cư dân rằng theo các tính toán sơ bộ, đăng cai Thế vận hội không chỉ là dịp quảng bá cho đất nước Hung, vinh danh nền thể thao Hung, mà xét về chung cuộc còn có thể đem lại khoản lãi hơn 1 tỷ euro.
Hoàng Nguyễn – Budapest23/02/2017Nghe
Nỗi quan ngại tham nhũng
Tuy nhiên, phe đối lập, nhiều tổ chức dân sự và một tỷ lệ đáng kể cư dân Hungary thì không có cái nhìn lạc quan như thế, bởi lẽ họ cho rằng tệ tham nhũng trầm trọng mang tính hệ thống tại nước này sẽ khiến kinh phí tổ chức bị đội lên gấp bội.
Là quốc gia xếp gần đội sổ trong Liên Hiệp Châu Âu về tham nhũng theo xếp hạng mới đây nhất của Tổ Chức Minh Bạch Thế giới, lãnh đạo của Hungary không khiến người dân tin được rằng, họ muốn tổ chức Thế vận không phải muốn để biển thủ tiền công quỹ.
Tuy nhiên, một số tổ chức và cá nhân, hoặc các đảng đối lập khi lên tiếng phản đối việc Budapest vào cuộc đua, đã bị phe cầm quyền dễ dàng gạt đi. Những nỗ lực đưa vấn đề ra trưng cầu dân ý thoạt tiên đều bị chính quyền gạt đi, thông qua công cụ luật pháp.
Gần như tới phút chót, một nhóm dân sự mới thành lập mang tên Phong Trào Thời Điểm (Momentum Mozgalom) bỗng dưng làm được điều kỳ diệu mà hầu như không ai nghĩ tới : phá hỏng kế hoạch theo đuổi việc đăng cai Thế vận được tiến hành rốt ráo của chính phủ.
“Phép màu” trong vòng bốn tuần
Được hình thành năm 2015 bởi các thành viên thuộc giới trẻ, Phong Trào Thời Điểm đặt ra những mục tiêu rất lớn, như mang lại chuyển biến chính trị cho đất nước, chống lại nội các Orbán, và hành động đầu tiên của họ là chống lại việc Budapest muốn tổ chức Thế vận.
Là những người trẻ, yêu thể thao, yêu phòng trào Olympic và yêu nước Hung, nhưng các thành viên này cho rằng chừng nào Hung còn yếu kém về kinh tế và xã hội, chừng ấy khoản tiền cho Thế vận cần tập trung cho y tế, giáo dục, giao thông và hỗ trợ cư dân sinh sống.
Chỉ trong vòng 4 tuần, Phong Trào Thời Điểm, với sự hỗ trợ dè dặt của phe đối lập, đã thu được hơn 266 ngàn chữ ký – vượt xa ngưỡng 10% số cư dân thủ đô theo luật định – để chính quyền buộc phải tổ chức trưng cầu dân ý ở Budapest về việc đô thị này muốn đăng cai Thế vận.
Giữa chừng, Phong trào cũng tiến hành một chiến dịch vận động cư dân Hungary “Nói không với Thế vận, nói có với tương lai”, khiến tỷ lệ người ủng hộ việc Hungary theo đuổi cuộc đua tổ chức Olympic thuyên giảm đáng kể, và đây là một sự cảnh cáo với chính quyền.
Chính phủ Orban vốn đã không ít lần bị dân chúng, đối lập chống đối tại sao lần này họ quyết định rút lui nhanh chóng như vậy ?
“Chính quyền chọn cách chuồn”
Đó là nhận xét của đại diện Phong Trào Thời Điểm, sẽ trở thành một đảng chính trị trong thời gian tới, khi được tin chính phủ Hungary quyết định lùi bước để khỏi chịu phần bại trận trong một cuộc trưng cầu dân ý mà trên nguyên tắc họ bắt buộc phải tổ chức.
Phong Trào Thời Điểm cho rằng, cho dù không phải là quá bất ngờ, đây là một động thái hèn nhát từ phía nội các Hung, vì họ đã tước đi quyền của cử tri được có tiếng nói trong một thương vụ đầu tư khổng lồ của chính quyền, và đây cũng là ý kiến của phe đối lập Hung.
Ngược lại, liên minh cầm quyền thì ra một nghị quyết quy trách nhiệm cho đối lập Hung đã “ làm tan rã sự nhất trí ” trong một vấn đề mà trước kia đã từng đạt đồng thuận, và “ sự bội phản ấy khiến thủ đô Budapest và cả nước Hung bị mất mặt ghê gớm trên trường quốc tế ”.
Dù sao đi nữa, đây cũng là thất bại thứ ba liên tiếp của chính quyền Hung trong các vấn đề liên quan tới “ dân ý ”, từ việc phải bỏ quyết định buộc các cửa hiệu đóng cửa ngày Chủ nhật, cho tới nỗ lực bất thành nhằm bác bỏ dự án nhận người tỵ nạn theo hạn ngạch do Liên Âu đề xuất.
Thủ tướng Pháp kêu gọi Trung Quốc mở cửa thị trường
Có mặt tại Vũ Hán hôm nay, 23/02/2017, điểm đến cuối cùng của chuyến công du Trung Quốc ba ngày, thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve kêu gọi Bắc Kinh mở rộng thị trường cho hàng hóa Pháp và châu Âu. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang lên cao tại châu Âu và nguy cơ tân tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch.
Từ Vũ Hán, đặc phái viên RFI Angélique Forget :
Đến thăm một phòng thí nghiệm về an toàn sinh học cao, với sự hỗ trợ của Viện Pasteur Pháp, và đón một đoàn tầu chở đầy hàng hóa của Pháp cung cấp cho thị trường Trung Quốc tại ga Vũ Hán, đó là chương trình của ngày công du cuối cùng của ông Cazeneuve.
Bởi vì đối với thủ tướng Pháp, mục tiêu của chuyến viếng thăm này là đề nghị Trung Quốc mở rộng cửa hơn nữa cho hàng hóa của Pháp và châu Âu. Hiện tại, mức thuế mà Trung Quốc áp lên hàng châu Âu rõ ràng cao hơn so với mức thuế của châu Âu đối với hàng Trung Quốc.
Thế nhưng, điều này rất có thể thay đổi. Paris và Bắc Kinh có thể tăng cường quan hệ song phương, bởi vì việc Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đang gây ra các xáo trộn trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc lo lắng nguy cơ Mỹ áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch. Theo thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch này đồng nghĩa với « sự co cụm » và sẽ trở thành công cụ của những người theo chủ nghĩa dân túy.
Phát biểu này nhắm vào chủ tịch đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (FN) ở Pháp mà không nêu đích danh bà Marine Le Pen và cũng là một cách làm chính trị của thủ tướng Pháp vào lúc Trung Quốc đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử tổng thống và kịch bản đảng Mặt Trận Quốc Gia thắng cử.
http://vi.rfi.fr/phap/20170223-thu-tuong-phap-keu-goi-trung-quoc-mo-cua-thi-truong