Tin khắp nơi – 22/12/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 22/12/2017

Anh sẽ cấp lại hộ chiếu bìa xanh dương từ 2019

Bộ Nội vụ Anh nói hộ chiếu nước này sẽ đổi từ màu đỏ thẫm sang màu xanh dương sẫm sau khi Anh ra khỏi EU.

Thứ trưởng phụ trách vấn đề nhập cư, Brandon Lewis nói ông rất hài lòng với sự trở lại của mẫu thiết kế xanh hải quân và vàng, vốn đã được dùng từ gần 100 năm trước.

Hộ chiếu mới sẽ được cấp cho những người xin hộ chiếu từ tháng 10/2019 trở đi.

Tấm hộ chiếu của một quốc gia không tồn tại

Bạn có thể mua được quốc tịch những nước nào?

Hộ chiếu nước nào ‘có giá trị nhất’?

Xin visa Mỹ có thể phải khai mật khẩu FB?

Những tấm hộ chiếu màu đỏ thẫm (burgundy) lần đầu tiên được phát hành là hồi 1988. Liên hiệp châu Âu chưa bao giờ đòi Anh phải thay màu hộ chiếu.

Cựu lãnh đạo của đảng Nước Anh Độc lập (UKIP), Nigel Farage viết trên Tweeter “Chúc mừng Brexmas!” (chơi chữ với hàm ‎ý chúc mừng Giáng Sinh Brexit)

Ông nói thêm: “Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, chúng ta muốn lấy lại tấm hộ chiếu của mình. Và nay chúng ta đã có lại!”

Tuy nhiên, dân biểu thuộc đảng Lao động, Mary Creagh lại viết tweet: “Không ai dưới 45 tuổi từng sở hữu tấm hộ chiếu màu xanh, và hầu hết mọi người sẽ nghĩ rằng chúng không đáng giá tới 50 tỷ bảng cùng với sự suy sụp kinh tế.”

Ông Lewis nói với chương trình Today của đài BBC Radio 4 rằng ông biết nhiều cử tri ủng hộ việc ở lại với EU vẫn cảm thấy gắn bó và hào hứng nói về tấm chiếu xanh.

Phân tích

Phóng viên chuyên về vấn đề quốc nội, Dominic Casciani

Brussels có buộc Anh thay đổi màu sắc của hộ chiếu? Không.

Liên minh châu Âu chưa bao giờ có quyền lực buộc Anh phải thay đổi màu hộ chiếu.

Quyết định thay màu xanh bằng màu đỏ thẫm được Anh đưa ra trong thời thập niên 1980, sau khi các nước thành viên EEC (Cộng đồng Kinh tế châu Âu) cố gắng hài hòa các thiết kế để mang lại sự tiện lợi cho du khách và nhân viên hải quan.

Do vậy, đây không phải là một quyết định thúc ép Anh từ Brussels.

Croatia tiếp tục giữ màu hộ chiếu xanh sau khi gia nhập EU vào năm 2013.

EU cũng chưa bao giờ có quyền đòi Anh gỡ bỏ những nội dung nói tới Nữ hoàng trong cuốn hộ chiếu. Hộ chiếu vẫn là tài liệu của Anh, chỉ có điều nó được bổ sung một số câu từ của EU để đảm bảo quyền tự do đi lại trong Châu Âu.

Yêu cầu pháp lý duy nhất nhằm hài hoà các tấm hộ chiếu EU là phần có liên quan đến các tiêu chuẩn an ninh, một phần nỗ lực của chính phủ các nước trên toàn cầu trong việc chống lại nạn làm hộ chiếu giả.

Nếu EU muốn hộ chiếu thay đổi theo cách khác, các kế hoạch sẽ cần sự thông qua của chính phủ mỗi nước thành viên.

“Biểu tượng quyền lực”

Dân biểu thuộc đảng Bảo thủ Andrew Rosindell, người vận động cho việc sử dụng trở lại hộ chiếu xanh, viết trên Tweeter: “Một món quà Giáng Sinh tuyệt vời cho những ai quan tâm đến vấn đề bản sắc quốc gia – Những người cuồng tín muốn ở lại với EU thì ghét việc này, nhưng việc khôi phục lại hộ chiếu Anh sẽ là một biểu tượng quyền lực, cho thấy Anh quốc đang Trở lại!”

Anh Quốc dùng lại hộ chiếu xanh lính thủy?

Anh Quốc: Brexit là thời khắc ‘lịch sử’

Những người lao động nước ngoài rời Anh vì Brexit

Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với điều đó, và họ đã lên tiếng chế nhạo trên mạng xã hội.

Simon Blackwell, một người chuyên viết hài hài kịch, nói: “Tại sao những quyển hộ chiếu phải cần màu khác? Chúng ta chỉ cần hét to rằng “Người Anh! Bớt làm những thứ vô nghĩa đi!” rồi đi thẳng là được.”

Màu gì?

Theo Passport Index, có 76 quốc gia đang sử dụng hộ chiếu màu xanh, trong đó có một số quốc gia cựu thuộc địa và thuộc Khối Thịnh vượng Chung, như Úc, Hoa Kỳ, Canada, Ấn Độ và Hong Kong.

Một số nước Caribbe cũng dùng hộ chiếu xanh, như Jamaica, Antigua và Barbuda, Barbados và St Vincent, và Grenadines.

Hộ chiếu Việt ‘yếu hơn hộ chiếu Cuba’

Nhắc lại thời vào Mỹ không cần hộ chiếu

Hộ chiếu ‘lưỡi bò’ bị ‘bôi bẩn’?

Ở Châu Âu, người dân từ Iceland, Bosnia và Herzegovina đều mang hộ chiếu xanh, và đó cũng là màu phổ biến ở Trung và Nam Mỹ – Argentina, Brazil, Costa Rica, El Salvador, Uruguay và Venezuela nằm trong số các nước dùng màu này.

Trong số các nước khác còn có Israel, Iraq, Syria và Bắc Hàn.

Stig Abell, chủ viên của Times Literary Supplement, đã tweet: “Tôi vừa dành 10 phút qua hét lên sợ hãi: “Hãy mang biểu tượng màu đỏ thẫm của EU trở lại hộ chiếu của tôi.”

“Nó chỉ như một vật vô tri vô giác và chẳng có một tính năng khác biệt gì, màu sắc của nó cũng chẳng quan trọng nữa.”

“Những tấm hộ chiếu mới sẽ có các tính năng bảo mật được cập nhật để ngăn ngừa sự gian lận”, ông Lewis nói.

Bộ Nội vụ nói những người đang giữ hộ chiếu Anh không phải làm gì trước ngày gia hạn hộ chiếu hiện tại và những thay đổi sẽ được thông báo theo từng giai đoạn.

Khi Anh rời EU vào tháng 3/2019, hộ chiếu đỏ thẫm tiếp tục được cấp nhưng không có các từ ngữ nhắc tới Liên minh châu Âu.

Hộ chiếu màu xanh sẽ được phát hành sau đó, vào dịp cuối năm, sau khi hợp đồng mới về việc sản xuất được thương lượng.

Ông Lewis cho biết: “Rời khỏi EU cho chúng ta mang đến một cơ hội khôi phục lại bản sắc dân tộc và tạo ra một con đường mới cho chính chúng ta trên thế giới.”

Lịch sử hộ chiếu

Được giới thiệu lần đầu tiên dưới thời trị vì của vua Henry V dưới hình thức một tấm giấy “đảm bảo đi qua an toàn”, hộ chiếu được cấp từ năm 1540

Một trong những hộ chiếu đầu tiên đến bây giờ vẫn còn tồn tại được ban hành vào ngày 18/6/1641 và do Charles I ký

Ảnh hộ chiếu trở thành nội dung bắt buộc vào năm 1914, khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ

Hộ chiếu xanh lính thuỷ của Anh lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1921, và lần cuối cùng vào năm 2003

Mẫu hộ chiếu màu đỏ của Anh đầu tiên, có thể đọc qua mã bằng máy, được cấp tại Glasgow, hồi tháng 9/1988

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42457749

 

Cựu lãnh đạo Catalonia đòi Tây Ban Nha phải đối thoại

Lãnh đạo ly khai xứ Catalonia, ông Carles Puldgemont tuyên bố Chính phủ Tây Ban Nha đã thất bại trong cuộc bầu cử sớm ở khu vực.

Phát biểu tại Brussels, nơi ông đang sống lưu vong, ông Puigdemont ca ngợi kết quả này như là một chiến thắng cho “cộng hoà Catalan”.

Tây Ban Nha giải thể Nghị viện Catalonia

Catalonia ‘muốn đối thoại để giành độc lập’

Catalonia giành ‘quyền có quốc gia riêng’

Các đảng ủng hộ việc Catalonia ly khai sẽ giữ nhiều ghế trong nghị viện mới.

Tuy nhiên, đảng Công dân (Citizens – Cs) theo đường lối duy trì Catalonia như một khu vực bán tự trị của Tây Ban Nha, vẫn là đảng chiếm nhiều ghế nhất.

Do đó, hiện vẫn chưa rõ đảng nào sẽ nắm quyền đứng ra thành lập chính phủ.

Chính phủ Tây Ban Nha đã áp quyền kiểm soát trực tiếp lên Catalonia và kêu gọi tổ chức bầu cử sau khi tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý độc lập hồi tháng 10 là bất hợp pháp.

Thủ tướng Mariano Rajoy hy vọng kỳ bỏ phiếu sẽ khôi phục sự ổn định. Tuy nhiên, cuộc khủng khoảng chính trị ở Tây Ban Nha vẫn tiếp diễn. Đảng Nhân dân Trung hữu theo đường lối bảo thủ của ông Rajoy đạt kết quả tồi tệ nhất trong kỳ bỏ phiếu hôm thứ Năm.

“Đây là kết quả mà không ai có thể tranh cãi,” ông Puigdemont phát biểu trên truyền hình từ Bỉ.

“Cộng hoà Catalonia đã chiến thắng… Nhà nước Tây Ban Nha đã thất bại. Rajoy và các cộng sự của ông ta đã thu,” ông nói trong tiếng hò reo của những người ủng hộ.

Kết quả bầu cử thế nào?

Với gần như tất cả các phiếu đã được kiểm xong, ba đảng ủng hộ việc Catalonia độc lập, gồm JxCat, ERC và CUP giành được tổng cộng 70 ghế, chiếm đại đa số trong tân nghị viện.

Đảng Cs giành được 25,3% phiếu bầu, chiếm 37 ghế trong tổng số 135 ghế.

Lãnh đạo đảng này, Inés Arrimadas nói với BBC rằng đảng của bà đã “chiến thắng”. Bà cho biết việc thành lập một liên minh sẽ “rất khó khăn – nhưng chúng tôi sẽ cố gắng.”

Đảng Nhân dân Trung hữu (PP), trong khi đó, chỉ giành được ba ghế, giảm đáng kể từ 11 ghế so với trước.

Catalonia và lá cờ vàng bốn sọc đỏ

Catalonia tuyên bố độc lập ‘vào thứ Hai tới’

Lãnh đạo Catalonia chịu áp lực trước khi tuyên bố ly khai

Tỷ lệ cử tri tham gia đi bầu là hơn 80%, cao kỷ lục trong các cuộc bầu cử vùng Catalan.

Tại sao tổ chức bầu cử?

Những người muốn ly khai vốn chiếm thế áp đảo trong nghị viện trước của Catalonia hôm 27/10 đã tuyên bố độc lập sau một cuộc trưng cầu dân ý bị chính quyền Tây Ban Nha cho là bất hợp pháp.

Để chấm dứt việc tổ chức trưng cầu dân ý, cảnh sát Tây Ban Nha đã tấn công một số khu vực bỏ phiếu. Mặc dù vậy, nhiều cử tri đã bất chấp các trở ngại từ phía tòa án Tây Ban Nha và cảnh sát chống bạo động để đi bỏ phiếu.

Động thái này dẫn đến một cuộc đụng độ dữ, khiến hàng trăm người bị thương.

Theo số liệu của những nhà tổ chức kỳ trưng cầu dân ý, 90% số cử tri ủng hộ độc lập, nhưng số người đi bỏ phiếu chỉ chiếm chưa tới một nửa cử tri trong khu vực.

Tuy nhiên, ông Puigdemont quyết định như thế là đã đủ để tuyên bố Catalonia độc lập khỏi Tây Ban Nha.

Ông Rajoy sau đó đã giải tán chính phủ Catalonia, áp quyền kiểm soát trực tiếp và kêu gọi tổ chức bầu cử vào ngày 21/12.

Cơ quan công tố cáo buộc 13 chính trị gia ly khai Catalonia là “nổi loạn”, trong đó có ông Puigdemont và bốn người khác đã chạy sang Bỉ.

Trong số những người bị cáo buộc, có hai chính trị gia ủng hộ độc lập đang bị giam tại nhà tù Tây Ban Nha, và sáu người đang bị giám sát trong điều kiện cho tại ngoại hầu tra.

Catalonia qua những con số

16% dân số Tây Ban Nha hiện đang sinh sống tại Catalonia, đóng góp vào:

25,6% kim ngạch xuất khẩu

19% GDP

20,7% đầu tư nước ngoài

Phản ứng

Ủy hội châu Âu cho biết lập trường của họ đối với Catalonia không thay đổi, bất chấp kết quả bầu cử hôm thứ Năm.

Cơ quan điều hành khối EU trước đây tuyên bố rằng các sự kiện diễn ra ở Catalonia là vấn đề nội bộ riêng của Tây Ban Nha.

“Quan điểm của chúng tôi về các câu hỏi liên quan đến Catalonia là rất rõ ràng và thường xuyên được nhắc lại, ở tất cả các cấp độ. Nó sẽ không thay đổi,” phát ngôn viên Ủy hội, Alexander Winterstein tuyên bố với hãng tin AFP.

Ông nói thêm: “Liên quan đến cuộc bầu cử khu vực, chúng tôi không có bình luận gì.”

Chính phủ Tây Ban Nha vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về kết quả bầu cử.

Điều gì sẽ diễn ra?

Các nhà phân tích cho rằng chiến thắng của các đảng ly khai có nghĩa “trái bóng bây giờ được đẩy lại cho toà án chính phủ Tây Ban Nha”.

Antonio Barroso, từ hãng nghiên cứu Teneo Intelligence ở London, nói rằng vấn đề của Madrid vẫn còn nguyên “và phong trào ly khai sẽ không thể biến mất”.

Các phóng viên nói hiện vẫn chưa rõ liệu ông Puigdemont sẽ được gọi là tổng thống hay không, và nếu điều đó xảy ra thì liệu ông có trở về từ Bỉ hay không.

Trong hoàn cảnh hiện tại, ông có thể sẽ phải đối mặt với sự bắt giữ nếu về Tây Ban Nha.

Tại sao nhiều người Catalan muốn độc lập?

Catalonia là một trong những khu vực thịnh vượng và màu mỡ nhất Tây Ban Nha, và có một lịch sử riêng biệt gần 1.000 năm.

Trước cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, Catalonia được hưởng quyền tự trị khá rộng, nhưng sau đó bị tước mất nhiều quyền dưới chế độ độc tài của Tổng Francisco Franco từ năm 1939-1975.

Sau khi Franco chết, khu vực này được trao quyền tự trị trở lại theo Hiến pháp 1978, và đã phát triển thịnh vượng cùng với phần còn lại của một Tây Ban Nha mới và dân chủ.

Đạo luật năm 2006 trao cho vùng này nhiều quyền lực hơn, giúp Catalonia phát triển về kinh tế và nơi này tụ coi mình như một “quốc gia”, nhưng Toà án Hiến pháp của Tây Ban Nha đã đảo ngược lại hầu hết các quyền này năm 2010.

Suy thoái kinh tế và việc phải cắt giảm chi tiêu công làm dấy lên sự căm phẫn của những người Catalan, từ đó thúc đẩy phong trào ly khai mạnh mẽ.

Sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào tháng 11/2014 nhưng bị Tây Ban Nha bác bỏ, phe ly khai đã thắng trong cuộc bầu cử khu vực hồi 2015 và sau đó tiếp tục thắng trong kỳ trưng cầu dân ý hôm 1/10/2017, sự kiện cũng bị cấm và bị những người không muốn ly khai tẩy chay.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42457743

 

Tương lai chính trị Catalunya bế tắc,

dù phe độc lập chiến thắng

Trọng Thành

Không khí đón mừng chiến thắng trong lặng lẽ của liên minh đòi độc lập cho Catalunya tối qua, 21/12/2017, tại Bruxelles, nơi lãnh đạo đảng đòi độc lập Puigdemont sống lưu vong, toát lên tình cảm chung của rất nhiều cử tri phe thắng. Bất chấp chiến thắng của phe đòi độc lập, rất nhiều khả năng xứ Catalunya sẽ phải bỏ phiếu lại, do bế tắc chính trị.

Theo các nhà quan sát, thách thức trước hết đối với phe đòi độc lập là phải hội đủ đa số tuyệt đối. Hai đảng lớn, đảng Tập Hợp vì Catalunya của ông Puigdemont, 34 ghế, và đảng Cánh Tả Cộng Hòa, 32 ghế, nhất thiết phải có sự ủng hộ của đảng cánh tả cách mạng CUP, với 4 ghế, để có được đa số này. Tuy nhiên, quan điểm hành động của đảng CUP là bất tuân dân sự, chống lại Madrid, hoàn toàn trái ngược với lập trường thương lượng của hai đảng kia.

Tuy nhiên, cho dù có được đa số và một lần nữa có khả năng trở thành lãnh đạo Catalunya, trên thực tế, lãnh đạo phe đòi độc lập không có khả năng lên nắm quyền.

Cựu chủ tịch Catalunya, Carles Puigdemont, khẳng định trong thời gian tranh cử, trong trường hợp thắng lợi, ông sẽ lập lại chính phủ, vốn bị chính quyền trung ương Tây Ban Nha giải tán ngày 27/10, khi Nghị viện vùng Catalunya tuyên bố độc lập. Vấn đề là hiện nay, trong số tám tân nghị sĩ đòi độc lập, đã có ba người đang bị chính quyền Tây Ban Nha giam giữ, với tội danh « nổi loạn », và năm người khác sống lưu vong, trong đó có cựu chủ tịch Puigdemont. Bản thân ông Puigdemont có nguy cơ bị bắt ngay khi trở về nước.

Một nhà phân tích của công ty tư vấn Teneo Intelligence, được AFP trích lời, dự báo : Quá trình lập chính phủ vùng Catalugnya « hứa hẹn sẽ kéo dài và đầy biến động, khả năng bầu cử mới là cao ». Nếu không chính phủ nào được lập ra trước cuối tháng 03/2018, cử tri Catalunya một lần nữa sẽ phải bỏ phiếu bầu Nghị viện, trong vòng hai tháng tiếp theo.

Cho dù đảng bảo thủ của thủ tướng Mariano Rajoy thất bại nặng nề, chỉ còn 3 ghế dân biểu, gần như bị loại khỏi chính trường Catalunya, hiện tại chính quyền Madrid vẫn nắm quyền quyết định tương lai chính trị của Catalunya. Thủ tướng Rajoy từng nhiều lần cho biết không lưỡng lự sử dụng lại điều 155 của Hiến pháp, để phế truất chính phủ Catalunya và giải tán Nghị viện xứ này.

Về phản ứng của Liên Hiệp Châu Âu, trả lời phỏng vấn AFP tối qua, người phát ngôn của Ủy Ban Châu Âu Alexandre Winterstein tuyên bố : Liên Âu sẽ không thay đổi lập trường, coi đây là « công việc nội bộ » của Tây Ban Nha, bất luận kết quả bầu cử. Bruxelles đồng thời kêu gọi « tôn trọng Hiến pháp Tây Ban Nha ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171222-tuong-lai-chinh-tri-catalunya-be-tac-du-phe-doc-lap-chien-thang

 

Vụ đâm xe ở Melbourne là một ‘hành động đơn lẻ’

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết vụ đâm xe vào người đi bộ khiến 19 người bị thương hôm thứ Năm 21/12 là một vụ việc “gây sốc” nhưng là một “hành động đơn lẻ”.

Cảnh sát cho biết người lái xe gốc Úc có tiền sử bệnh tâm thần và lạm dụng ma túy nhưng không có liên quan gì tới các nhóm hoạt động cực đoan.

Xe hơi đâm chết người đi bộ ở Melbourne

Úc: Lao xe vào đám đông ở Melbourne

Melbourne: Máy bay rơi, 5 người chết

Ông Turnbull nói kẻ tấn công ‘cho rằng hành động của mình xuất phát từ định kiến người Hồi giáo bị ngược đãi”.

Các cuộc điều tra vẫn được tiếp tục, tuy nhiên, tới nay ‘vụ việc vẫn không có liên quan tới bất kỳ vấn đề chính trị hoặc các nhóm cực đoan nào.’

Thủ tướng cũng nói rằng trong số người bị thương có chín người nước ngoài, bao gồm ba khách du lịch Hàn Quốc, khách du lịch từ Trung Quốc và Ý, Ấn Độ, Venezuela, Ireland và New Zealand.

Người đàn ông đã lái xe lao vào đường Flinders đông đúc tại Melbourne vào chiều hôm 21/12 và bị một cảnh sát đang không trong thời gian làm nhiệm vụ bắt giữ sau đó.

Sáng thứ Sáu 22/12, các đường phố ở trung tâm thành phố mở cửa lại và xe điện hoạt động như thường lệ.

Cảnh sát cho biết một người đàn ông nữa bị bắt tại hiện trường đã được thả ra và dự kiến sẽ bị buộc tội sở hữu cần sa và vũ khí.

Các cáo buộc này không liên quan đến vụ tấn công bằng xe hơi.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42452135

 

Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ

đừng trở thành một ‘thẩm phán nhân quyền’

Hôm thứ Sáu 22 tháng 12, Trung Quốc lên tiếng thúc giục Hoa Kỳ đừng nên tự cho mình là một “thẩm phán nhân quyền” và đồng thời tố cáo Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt một quan chức an ninh Trung Quốc do lạm dụng quyền hạn.

Tuyên bố do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đưa ra tại cuộc họp thường kỳ ở Bắc Kinh, nói rõ Trung Quốc phản đối Hoa Kỳ sử dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các công dân của các quốc gia khác dựa trên luật pháp của họ.

Theo lời bà Hoa Xuân Oánh, Washington nên có cái nhìn khách quan và chính xác về vấn đề phát triển nhân quyền của Trung Quốc. Bà nhấn mạnh chính phủ Hoa Kỳ nên chấm dứt những quyết định được xem như một thẩm phán nhân quyền. Bà cũng nói thêm rằng cảnh sát Trung Quốc sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ duy trì an ninh công cộng theo luật pháp của quốc gia này.

Thứ Tư vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra lệnh trừng phạt hành chính bằng biện pháp đóng băng tài sản của những người nước ngoài tham gia vào các vụ vi phạm nhân quyền, và tin từ Reuters cho biết ông Gao Yan, là một trong những người phải chịu trừng phạt này

Ông Gao Yan là người từng làm việc ở trại tạm giam Chaoyang, Bắc Kinh, nơi giam giữ nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc, Cao Shunli. Các nhóm nhân quyền nói bà Cao đã bị tra tấn và từ chối những vấn đề chăm sóc y tế trong thời gian giam trong tù, dẫn đến cái chết của bà vào tháng 3 năm 2014.

Bấy lâu nay, Bắc Kinh vẫn thường bác bỏ những lời chỉ trích của nước ngoài liên quan vấn đề nhân quyền của nước này và nói rằng người dân của họ được đánh giá cao nhất về tình hình nhân quyền và Trung Quốc là rằng quốc gia được điều hành bởi luật pháp.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-tells-us-not-to-be-a-human-rights-judge-after-sanctions-on-chinese-official-12222017082411.html

 

Lãnh đạo Hồng Kông nói

sẽ không mù quáng tuân lệnh Bắc Kinh

Nhà lãnh đạo Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) khẳng định rằng sẽ không mù quáng tuân theo mệnh lệnh của các nhà lãnh đạo trung ương ở Bắc Kinh.

Khẳng định này được người đang lãnh đạo Hồng Kông đưa ra sau một cuộc khảo sát gần đây ở Hồng Kông cho thấy bà Nguyệt Nga nổi tiếng hơn những người tiền nhiệm trước đây, tuy nhiên có nhiều người cáo buộc bà là con rối cho chính quyền Bắc Kinh giật dây.

Đặc biệt một số người chỉ trích bà vì đã để lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc áp dụng luật của Bắc Kinh trong quá trình xây dựng một nhà ga xe lửa ở Hồng Kông.

Trong một buổi trả lời phỏng vấn đài truyền hình RTHK hôm 22 tháng 12, bà Nguyệt Nga khẳng định rằng bà có trách nhiệm đối với cả hai chính quyền Bắc Kinh và Hồng Kông nhưng bà sẽ không mù quáng tuân theo bất cứ mệnh lệnh nào của Trung Quốc. Bởi vì theo bà, có trách nhiệm không đồng nghĩa với việc làm bất cứ điều gì được sai khiến.

Bà Nguyệt Nga còn phân trần thêm rằng nếu chính quyền Hoa Lục đòi hỏi điều gì quá đáng hay đi ngược lại lợi ích của Hồng Kông thì bà có trách nhiệm đàm phán với Hoa Lục hoặc đấu tranh cho điều gì có lợi với Hồng Kông.

Đề cập đến cơn sốt bất động sản ở Hồng Kông, bà Nguyệt Nga thừa nhận là chính phủ không thể kiềm chế giá cả đất đai và thú nhận là chính quyền đã đưa ra một số giải pháp nhưng chẳng những không hiệu quả mà nhiều người còn phản ánh là phản tác dụng.

Giá cả thị trường bất động sản ở Hồng Kông trong năm vừa qua đã tăng 12% và dự tính còn tăng tiếp 10% vào năm tới, 2018.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/hong-kong-leader-says-she-wont-blindly-obey-beijings-orders-12222017074034.html

 

Rumani: Công luận lên án cải cách đe dọa độc lập tư pháp

Trọng Thành

Hôm qua 21/12/2017, Quốc Hội Rumani – do cánh tả Xã Hội Dân Chủ kiểm soát – đã bỏ phiếu thông qua một dự luật cải cách tư pháp. Dự luật cải cách nói trên bị công luận trong và ngoài nước chỉ trích mạnh mẽ, do lo ngại độc lập của thẩm phán và quyền hạn của cơ quan Công tố chống tham nhũng bị xâm phạm nghiêm trọng.

Từ hàng tuần lễ nay, bất chấp mùa đông giá lạnh, trên khắp cả nước người dân Rumani với sự tham gia của hàng trăm thẩm phán, xuống đường đấu tranh chống dự luật này. Tổng thống cánh hữu Klaus Iohannis cũng là người kiên trì phản đối đến cùng các mưu toan tấn công vào độc lập tư pháp.

Đọc thêm : Xã hội dân sự Rumani không khoan dung tham nhũng

Cơ quan Công tố chống tham nhũng là một định chế hiện đang được người dân Rumani ủng hộ mạnh, do hết sức tích cực trong việc đưa ra tòa nhiều lãnh đạo dân cử bị nghi ngờ tham nhũng.

Hôm thứ Tư, 20/12, ông Iohannis cảnh báo, Bucarest chắc chắn sẽ bị Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt, do « các thay đổi không minh bạch liên quan đến luật về lĩnh vực tư pháp ».

Còn hôm qua, 21/12, các đại sứ Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hà Lan và Thụy Điển, ở Bucarest bày tỏ lo ngại cuộc cải cách nói trên « cản trở các tiến bộ » của Rumani trong lĩnh vực tư pháp, nhất là tư pháp chống tham nhũng, vốn được ghi nhận là có nhiều tiến triển từ khi Rumani gia nhập Liên Hiệp Châu Âu năm 2007.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171222-cai-cach-luat-cua-quoc-hoi-rumani-bi-len-an-de-doa-doc-lap-tu-phap

 

Bắc Triều Tiên :

HĐBA dự kiến siết lượng dầu nhập khẩu còn 10%

Trọng Thành

Ngày 22/12/2017, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ bỏ phiếu dự thảo nghị quyết mới, siết chặt trừng phạt Bắc Triều Tiên, nhằm gia tăng áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Các sản phẩm dầu mỏ là một trong các đích ngắm chính của dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo.

Theo bản dự thảo nghị quyết, mà hãng tin Reuters có được hôm 21/12, Bắc Triều Tiên chỉ được phép nhập khẩu lượng dầu tinh chế tương đương 500.000 baril, khoảng gần 10% nhu cầu của nước này. Lượng dầu thô được phép xuất vào Bắc Triều Tiên tối đa là bốn triệu baril.

Dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An cũng dự kiến cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu nhiều hàng hóa thực phẩm, đồ điện tử, gỗ, tàu thuyền, máy công cụ hay các loại quặng, như magnesit, một phụ gia được dùng nhiều trong các ngành xây dựng, chế tạo xe hơi, sản xuất phân bón. Dự thảo của Mỹ đề nghị cấm xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên nhiều vật liệu công nghiệp, máy công cụ, phương tiện vận tải hay kim loại công nghiệp.

Cũng theo dự thảo này, 19 quan chức Bắc Triều Tiên, trong đó có bộ trưởng Quốc Phòng, sẽ bị phong tỏa tài khoản ở nước ngoài và cấm xuất ngoại. Hàng chục ngàn lao động xuất khẩu Bắc Triều Tiên buộc phải hồi hương.

Nếu dự thảo này được thông qua, đây sẽ là loạt trừng phạt thứ 9 của Hội Đồng Bảo An đối với Bắc Triều Tiên, kể từ năm 2006. Hiện tại, chưa biết Trung Quốc sẽ bỏ phiếu ủng hộ hay không. Văn bản nói trên đã được phân phát cho 15 thành viên Hội Đồng Bảo An. Theo thông lệ trong vấn đề này, một dự thảo nghị quyết sẽ không được phát cho toàn bộ các thành viên, một khi Washington và Bắc Kinh chưa đạt đồng thuận.

Dự thảo được Mỹ quyết định chuẩn bị sau vụ Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo mới, ngày 29/11. Tên lửa được bắn lên độ cao hơn 4.000 km.

Cũng như các nghị quyết trước, dự thảo lần này khẳng định lập trường của Hội Đồng Bảo An, ủng hộ việc trở lại bàn đàm phán Sáu bên, nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đàm phán – bao gồm sáu nước Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên – bị gián đoạn từ năm 2008.

Bắc Triều Tiên lên án « tài liệu tội ác » của Mỹ

Trong lúc một nghị quyết trừng phạt mới được chuẩn bị tại Hội Đồng Bảo An, cũng ngày 21/12, theo hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un khẳng định quốc gia này đang « nhanh chóng trở thành »« mối đe dọa hạt nhân nghiêm trọng với Hoa Kỳ ». Lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng lên án Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới, mà chính quyền Mỹ công bố hôm thứ Hai, 18/12, là một « tài liệu tội ác », có mục tiêu « bắt toàn thế giới đi theo lợi ích của nước Mỹ ».

Đe dọa hạt nhân quân sự Bắc Triều Tiên là một thách thức lớn được nhấn mạnh trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới của Mỹ.

Về các trừng phạt của Bắc Kinh đối với Bắc Triều Tiên, theo AFP, hàng loạt các doanh nghiệp Bắc Triều Tiên hoạt động tại Trung Quốc trong ngành xuất nhập khẩu và khách sạn sẽ phải đóng cửa trước ngày 09/01/2018.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171222-bac-trieu-tien-hdba-du-kien-siet-luong-dau-nhap-khau-con-10

 

Chính phủ Nhật thông qua tăng ngân sách quốc phòng 2018

Anh Vũ

Hôm nay, 22/12/2017, chính phủ Nhật đã thông qua dự chi ngân sách trong năm tài khóa 2018/2019, trong đó chi tiêu quân sự tiếp tục tăng, chủ yếu dành trang bị hệ thống chống tên lửa để đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên.

Chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe dự trù ngân sách của Nhật trong năm tới sẽ là 51.100 tỷ yên (40 tỷ euro), mức tăng cao nhất từ năm 1991. Trong đó, ngân sách cho quốc phòng sẽ chiếm 38,6 tỷ euro, tăng 1,3%. Đây là năm tài khóa thứ 6 liên tục Tokyo tăng chi phí quân sự.

Một phần quan trọng của ngân sách quốc phòng trên được dùng để tăng cường hệ thống phòng thủ của đất nước trước mối đe dọa về tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên.

Tokyo đã lên kế hoạch mua một hệ thống bắn chặn tên lửa tầm xa, loại SM-3 Block IIA và tiến hành hiện đại hóa các dàn tên lửa Patriot, xây dựng các trạm ra đa phòng không Aegis.

Ngoài ra, chi tiêu quốc phòng của Nhật cũng dự trù một ngân khoản quan trọng để trang bị các loại tên lửa tầm trung có khả năng bắn tới Bắc Triều Tiên.

Trong chuyến thăm chính thức Nhật hối đầu tháng 11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc giục Nhật trang bị vũ khí để tự bảo vệ mình và ông cũng gợi ý Tokyo nên mua thiết bị quân sự của Mỹ. Đầu tuần, chính phủ Nhật cũng đã thông qua quyết định mua các loại vũ khí mới nói trên của tập đoàn Mỹ Lockheed Martin.

Tuy nhiên, quyết định mua sắm vũ khí tấn công có thể sẽ làm dấy lên các tranh cãi ở Nhật vì theo bản Hiến Pháp chủ hòa, Nhật không được phép dùng chiến tranh để giải quyết các bất đồng quốc tế.

Dự trù ngân sách của chính phủ Nhật sẽ còn phải được trình lên Quốc Hội bàn thảo và thông qua.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171222-chinh-phu-nhat-thong-qua-tang-ngan-sach-quoc-phong-2018

 

Bị cô lập, Mỹ vẫn không muốn từ bỏ vai trò trung gian

cho hồ sơ Palestine-Israel

Anh Vũ

Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel đã làm dấy lên làn sóng chống đối Mỹ rộng khắp trên thế giới. Tiến trình hòa bình Israel-Palestine trở nên mong manh khi Mỹ bị cô lập trên trên bình diện quốc tế. Một câu hỏi được đặt ra lúc này là sau trận « bão tố » đánh vào uy tín, chính quyền Trump có nghĩ mình vẫn còn vai trò trung gian không thể thiếu được cho các cuộc đàm phán tìm kiếm hòa bình giữa người Palestine và người Israel hay không ?

Thông báo hôm 06/12/2017 của tổng thống Mỹ về việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel ngay lập tức đã đổ dầu vào đám cháy âm ỉ Palestine-Israel. Làn sóng phản đối đã nhanh chóng dấy lên ở khắp nơi trên thế giới. Hầu hết các đồng minh của Mỹ, từ Ả Rập Xê Út đến Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Anh… đều nhất loạt chống lại quyết định của chính quyền Trump. Dư luận nhìn chung xem đây là một « bước đi nguy hiểm » đe dọa tiến trình đàm phán hòa bình ở Trung Đông, vốn đã được nhiều chính quyền tiềm nhiệm của tổng thống Trump cố công tìm kiếm giải pháp nhằm duy trì ảnh hưởng trong vùng.

Nhiều nhà quan sát đã ví quyết định trên như viên đạn ông Donald Trump tự bắn vào chân mình, cho dù tổng tổng Mỹ tuyên bố vẫn giữ cam kết giúp tìm kiếm một nền hòa bình lâu dài giữa người Israel và Palestine.

Thế nhưng, người Palestine ngay sau tuyên bố của ông Trump đã cho biết Washington không còn lý do gì để đóng vai trò trung gian trong cuộc xung đột Palestine-Israel. Tổng thống Mahmoud Abbas đã từ chối gặp phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến thăm Trung Đông, ban đầu dự kiến vào tuần này, nhưng cuối cùng đã phải hoãn lại sang giữa tháng 02/2018.

Nghị quyết lên án quyết định của Mỹ về Jerusalem hôm qua tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, là một hình ảnh biểu tượng cho sự cô lập của Mỹ trước mắt cũng có thể cho thấy vị thế của Washington trong hồ sơ nóng Israel-Palestine đang lung lay.

Thế nhưng, chính giới tại Mỹ vẫn hy vọng, một khi cơn bão lắng xuống, Washington muốn nắm lại vai trò. Dan Shapiro, cựu đại sứ Mỹ tại Israel dưới thời tổng thống Barack Obama, nhận định : « Cần phải tập trung trở lại trên lợi ích chiến lược của Mỹ » trong vùng Trung Đông. Chính quyền Mỹ hiện nay cũng muốn tin là quyết định về Jerusalem sẽ có những tác động hạn chế nhất thời. Họ tin rằng các lãnh đạo Ả Rập trong vùng tỏ thái độ chống Mỹ trên hồ sơ này là để làm hài lòng dư luận trong nước, nhưng vẫn sẵn sàng lật qua trang mới.

Cá nhân ông Donald Trump thì vẫn đặt tin cậy vào người con rể, cố vấn thân cận Jared Kushner có thể tháo gỡ được những rắc rồi từ sau quyết định của mình. Nhóm chuyên gia của Nhà Trắng do Jared Kushner lãnh đạo được giao khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình đã ngược xuôi đi lại Trung Cận Đông những tháng qua để tìm kiếm những thỏa hiệp nhằm xây dựng một kế hoạch hòa bình cho Israel-Palestine.

Ban đầu được dự trù vào tháng 01/2018 nhưng việc trình kế hoạch hòa bình đã phải lùi lại cuối quý một năm tới, chờ cho làn sóng chống Mỹ hạ nhiệt.

Liệu cuối cùng Hoa Kỳ có tìm lại được vai trò trung gian nữa hay không ? Theo AFP, mặc dù chống quyết định về Jerusalem, nhiều đồng minh của Mỹ trong vùng vẫn hy vọng và vẫn nghĩ là Hoa Kỳ có thể làm được việc đó. Các đồng minh chủ chốt Pháp, Anh vẫn tỏ hy vọng Hoa Kỳ sẽ tìm được một sáng kiến giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel. Thủ tướng Anh Theresa May, trong cuộc điện đàm gần đây với ông Donald Trump, nhấn mạnh, « điều quan trọng là đề xuất hòa bình của Hoa Kỳ phải được cộng đồng quốc tế ủng hộ ».

Quyết định của tổng thống Donald Trump về Jerusalem là một quyết định không mang nhiều toan tính ngoại giao, đó chỉ là động thái nhằm cụ thể hóa hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử. Mỹ không dễ gì để mất vai trò trung gian hòa giải trong tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, nếu không thì rất có thể Matxcơva sẽ nắm cơ hội này để thay thế vai trò của Washington, đặc biệt trong bối cảnh Nga đang trở lại Trung Đông mạnh mẽ, với thế thượng phong trên bàn cờ Syria.

Một đề xuất hòa bình mới của chính quyền Trump cho cuộc xung đột Israel-Palestine được quốc tế ủng hộ sẽ là bằng chứng cho vai trò không thể phủ nhận của Mỹ ở Trung Đông. Đó cũng là một thách thức cho lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171222-bi-co-lap-my-van-khong-muon-tu-bo-vai-tro-nguoi-trung-gian-cho-ho-so-palestin-israe

 

Cuba : Raul Castro chuyển giao quyền lực vào tháng 4/2018

Minh Anh

Chính trường Cuba sắp lật sang một trang mới. Chủ tịch Raul Castro sẽ nhượng quyền chủ tịch vào tháng 4/2018 theo như thông báo của Quốc Hội Cuba ngày 21/12/2017. Thông báo này được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu dời ngày bầu Hội Đồng Nhà Nước của Quốc Hội thêm hai tháng.

Truyền thông Cuba nêu cụ thể ngày chuyển giao quyền lực là 19/04/2018. Trong bài diễn văn bế mạc phiên họp khóa 2 tại Quốc Hội, chủ tịch Cuba tuyên bố : « Khi Quốc Hội mới đã được thành lập (4/2018), nhiệm kỳ thứ hai và cuối cùng của tôi trên cương vị lãnh đạo đất nước đến hồi kết, đất nước Cuba sẽ có một chủ tịch mới ».

Cũng trong bài diễn văn này, ông Raul Castro lên án Hoa Kỳ thời Donald Trump đã tìm cách phá hỏng quan hệ giữa hai nước, vốn dĩ đã trở nên sáng sủa hơn dưới thời tổng thống Barack Obama.

Theo nhận định của AFP, phó chủ tịch thứ nhất và nhân vật thứ hai trong chính phủ, ông Miguel Diaz-Canel, 57 tuổi được cho là sẽ thay thế Raul Castro. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm ông còn phải được đảng Cộng Sản Cuba thông qua trong một phiên họp dự kiến diễn ra vào tháng 03/2018.

Vẫn theo AFP, ông Raul Castro sẽ không từ bỏ hoàn toàn mọi chức vụ chính thức. Ông vẫn sẽ tiếp tục lãnh đạo đảng Cộng Sản Cuba đến kỳ đại hội Đảng tới dự kiến vào năm 2021, vào lúc ông 90 tuổi.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171222-cuba-raul-castro-chuyen-giao-quyen-luc-vao-thang-42018

 

Tại LHQ, gần 130 nước bỏ phiếu

chống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel

Anh Vũ

Các nỗ lực răn đe của Mỹ đã không đủ để ngăn chặn một nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Quốc lên án quyết định của Washington công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Hôm qua, 21/12/2017, 128 thành viên Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết lên án Mỹ. Mặc dù nghị quyết không mang tính ràng buộc, nhưng cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng đã cho thấy sự cô lập của Mỹ trên hồ sơ xung đột Israel-Palestin.

Thông tín viên Gregoir Pourtier tại New York :

Ngoài thách thức ngoại giao về hồ sơ Jerusalem, nhiều nước muốn biết thái độ răn đe của Mỹ sẽ có tác động thế nào. Ngay trước khi bỏ phiếu, ông Mevlut Cavusoglu, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án mạnh mẽ những động thái gây áp lực của Donald Trump. Ông tuyên bố :

« Một thái độ như vậy là không thể chấp nhận được. Như thế là thô bạo và Đại Hội Đồng không thể dung thứ. Thật là vô đạo đức khi nghĩ rằng các lá phiếu và danh dự của các quốc gia thành viên lại có thể đem ra mua bán. Chúng tôi sẽ không để bị hăm dọa. Các vị có thể mạnh mẽ, điều đó có nghĩa là các vị đúng ».

Tất nhiên là ngoại trừ Israel, 10 nước nhận được nhiều tiền nhất từ Mỹ đều bỏ phiếu lên án quyết định của Donald Trump. Nhưng người ta cũng có thể thống kê được 35 nước bỏ phiếu trắng, 21 nước không tham gia bỏ phiếu. Cuối cùng thì các bên đều thấy thất vọng. 

Với Mỹ, nghị quyết này không thay đổi được gì trong việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Thế nhưng bà đại sứ Nikki Halley vẫn cảnh báo về những hậu quả khác : “ Cuộc bỏ phiếu này sẽ làm thay đổi cách nhìn nhận của Mỹ về Liên Hiệp Quốc và về các nước thiếu tôn trọng chúng tôi ở Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi sẽ không quên cuộc bỏ phiếu này.” 

Ông Trump chắc hẳn cũng không quá đau đớn vì bị cô lập như thế này. Đã từ lâu nay ông vẫn mong muốn cắt giảm bớt đóng góp tài chính của Mỹ cho Liên Hiệp Quốc. Dường như ông đã xử lý hồ sơ này trước hết là vì làm chiều lòng cử tri đã ủng hộ ông.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171222-tai-lhq-gan-130-nuoc-bo-phieu-chong-my-cong-nhan-jerusalem-la-thu-do-israel

 

Trung Quốc : Lãnh án 5 năm tù

vì bán phần mềm vượt tường lửa

Minh Anh

Một người Trung Quốc đã bị kết án 5 năm rưỡi tù giam vì tội thiết kế và bán các phần mềm cho phép vượt tường lửa.

Ngoài việc phải chịu án tù nặng, một tòa án vùng tự trị Quảng Tây còn buộc ông Ngô Hướng Dương (Wu Xingyang) phải nộp phạt 500000 nhân dân tệ (tương đương với 64000 euro). Theo cáo trạng, ông Ngô đã «kiếm lợi bất hợp pháp» từ năm 2013-2017 bằng cách «tạo ra các máy chủ VPN và cung cấp các phần mềm kết nối» mà không có giấy phép.

Vào tháng 9/2017, một thanh niên 26 tuổi khác cũng đã bị kết án 9 tháng tù giam và bị phạt tiềnvì đã bán các phần mềm cho phép lách kiểm duyệt trong vòng một năm.

AFP lưu ý đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý một hệ thống kiểm soát mạng rộng lớn: các bình luận hoặc những bài viết nào được cho là nhạy cảm đều bị xóa, trong khi các trang mạng nước ngoài như Instagram, Google, Facebook, Twitter hay YouTube đều bị chặn.

Do đó, để có thể lách các công cụ kiểm duyệt, người sử dụng mạng có thể dùng qua «các mạng tư nhân ảo» hay còn gọi là VPN («virtual private network»). Những phần mềm này có thể được tìm thấy trên mạng hay các cửa hiệu bán trình ứng dụng trên mạng cho điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, vào đầu năm 2017, bộ Công Nghiệp và Công Nghệ Trung Quốc thông báo siết chặt kiểm soát VPN. Theo đó, các nhà cung cấp kể từ giờ phải có giấy phép chính thức.

(Theo AFP)

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171222-trung-quoc-lanh-an-5-nam-tu-vi-ban-phan-mem-vuot-tuong-lua

 

« Những con đường tơ lụa mới » của Trung Quốc:

Lào trở thành một cực địa chính trị chủ chốt

Năm 2017 đánh dấu sự hội nhập toàn bộ và đầy đủ của ào vào dự án « Những con đường tơ lụa mới » mà chủ tịch Trung Quốc đề xướng. Một sự hội nhập được cụ thể hóa qua việc khởi công xây dựng vành đai Đông Dương, nối liền Trung Quốc tới Thái Lan qua Lào.

RFI xin giới thiệu bài viết của nhà báo Eric Mottet đăng trên websit Asialyst, ngày 11/12/2017.

*

Năm 2017 đánh dấu sự hội nhập toàn bộ và đầy đủ của ào vào dự án « Những con đường tơ lụa mới » mà chủ tịch Trung Quốc đề xướng. Một sự hội nhập được cụ thể hóa qua việc khởi công xây dựng vành đai Đông Dương, nối liền Trung Quốc tới Thái Lan qua Lào. Sau nhiều lần thông báo và bị trì hoãn kể từ năm 2010, dự án xây dựng đường sắt Côn Minh (Kunming) – Boten-Luang Prabang –Vientiane đã được khởi công. Trên tuyến đường dài 414 km, sẽ có 32 nhà ga (trong đó 21 nhà ga hoạt động ngay từ lúc tuyến đường được khai thác), 75 hầm (dài 198 km) và 167 cầu (dài 62 km) và đây là tuyến đường thông thương trực tiếp nhất đi về hướng Bangkok qua Nong Khai ở Thái Lan, nơi phát triển một mạng lưới đường sắt kết nối với Lào qua hai dự án ở phía Đông Bắc. Tuyến đuờng này cũng đi qua Kuala Lumpur và Singapore nhờ vào dự án tuyến đường cao tốc giữa hai thành phố lớn. Một khi hoàn thành, tuyến đường cho phép chở hành khách và hàng hóa đi từ Côn Minh đến Vientiane hoặc ngược lại chỉ mất 6 -7 tiếng, còn hiện nay, cần phải mất nhiều ngày trên tuyến đường bộ.

Cho đến năm 2016, dự án bị đình hoãn do các vấn đề tài chính, kỹ thuật và hành chính giữa Lào, Trung Quốc và Thái Lan. Ngày 25/12/2016 tại Luang Prabang, lễ khởi công Trung-Lào được tổ chức với sự hiện diện của thủ tướng Lào Thongluon. Dự án do tập đoàn đường sắt China Railway Group Limited (1) điều phối, nhất là tại các tỉnh Luang Namtha (Boten) và Luang Prabang, tập trung chủ yếu vào việc khoan đào đường hầm. Tuyến đường sắt này, chạy song song với tuyến đường bộ, sẽ được khai trương vào năm 2021. Việc xây dựng tuyến đường bộ cao tóc, với tổng chi phí lên đến 1,2 tỷ đô la, giữa Vang Vieng và Vientiane (dài 113 km), sẽ do một công ty liên doanh Trung – Lào khởi công vào năm 2018.

Bối cảnh

Tuyến đường Boten-Vientiane trong tương lai là một phần trong sáng kiến « Những con đường tơ lụa mới » vượt ra khỏi không gian của con đường tơ lụa cổ xưa đi kèm với sự khẳng định là phù hợp với ASEAN. Khía cạnh có thể nhìn thấy rõ nhất của dự án của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là đầu tư ồ ạt của tập đoàn China Railway Group Limited vào những tuyến đường sắt mới, trong đó có tuyến Côn Minh-Singapore. Trung Quốc muốn chắc chắn trục lợi tối đa các lợi thế so sánh tương đối của các vùng nằm trong khuôn khổ dự án qua việc  thực hiện một chiến lược chủ động mở cửa cũng như tăng cường quan hệ tương tác tại châu Á.

« Sáng kiến một vành đai một con đường » – tên gọi mới chính thức của dự án « Các con đường tơ lụa mới » được chia thành 6 hành lang nối liền Trung Quốc với châu Âu và bao phủ toàn bộ lục địa châu Á. Hành lang Trung Quốc –Đông Dương bổ sung khép kín vành đai kinh tế bằng cách đấu nối với chương trình « Tiểu vùng sông Mekong mở rộng – Greater Mekong Subregion – GMS », có nghĩa là phần bán đảo Đông Nam Á. Trung Quốc tìm cách phát triển trong vùng này tuyến đường sắt chở hàng (và cả đường biển) để có thể tiếp cận dễ dàng Ấn Độ Dương, điều này cho phép tránh được biển Nam Hải, một vùng không ổn định về mặt chiến lược.

Dự án « Các con đường tơ lụa mới » nằm trong một kế hoạch đầu tư ồ ạt vào hạ tầng cơ sở tại Trung Á và Đông Nam Á. Cụ thể, Trung Quốc tháo khoán khoảng 1200 tỷ đô la để tài trợ cho dự án này chủ yếu thông qua Ngân hàng phát triển Trung Quốc (890 tỷ), Quỹ Nhà nước cho dự án « Con đường tơ lụa mới – Silk Road Funds », Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) và tân ngân hàng phát triển các nước đang trỗi dậy BRICS (New Development Bank BRICS)

Mục tiêu của kế hoạch này là tạo ra các thị trường mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc trong lúc quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế hướng vào thị trường nội địa tỏ ra không đủ. Ngoài ra, Trung Quốc cần tiêu thụ phần dư thừa sản xuất công nghiệp mà Ngân Hàng Thế Giới đánh giá ở mức khoảng 10% PIB (nhất là trong lĩnh vực xây dựng nhà và công trình công cộng), và bảo đảm sự đa dạng hóa nguồn cung ứng năng lượng. Mặt khác, do giá nhân công tăng, các doanh nghiệp Trung Quốc bị mất khả năng cạnh tranh với một số đối thủ nước ngoài (trong đó có Việt Nam)

Do vậy, Bắc Kinh muốn di dời các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nhân công sang các nước láng giềng, nơi giá thành sản xuất không cao lắm, như trong khu chế xuất. Làn sóng lập đặc khu kinh tế hoặc khu kinh tế đặc thù ở Lào rõ ràng là kết quả của chiến lược dựa trên sự năng động của nền kinh tế Trung Quốc. Tuyến đường sắt hành lang kinh tế đi qua phía bắc Lào, một mặt, sẽ cho phép giảm các chi phí vận tải trên đất Lào và mặt khác bảo đảm sự vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh bên trong Trung Quốc với các thị trường bên ngoài ở Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia hoặc Singpore).

Dự án Boten – Vientiane, được loan tải nhiều trên báo chí quốc gia và quốc tế, tốn kém gần 6 tỷ đô la. Lào và Trung Quốc đồng thuận đóng góp theo tỷ lệ 30% – 70%. Để khởi công xây dựng (2,38 tỷ đô la), Lào đã đóng góp 715 triệu đô la và phần còn lại của số tiền này (1,67 tỷ đô la) do Ngân hàng phát triển Trung Quốc (China Development Bank) cung cấp.

Liên quan đến cam kết tài chính của Lào, nước này lấy 250 triệu đô la trực tiếp từ ngân sách quốc gia (mỗi năm 50 triệu và trong 5 năm xây dựng, trong khi đó ngân sách của Lào năm 2016 – theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI – là 13,7 tỷ đô la). Mặt khác, Vientiane vay 465 triệu đô la của Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank), với lãi suất 2,3%, thời hạn 35 năm (không trả nợ trong 5 năm đầu tiên). Ngược lại, không hề có thông tin gì về 60% số tiền còn lại (3,62 tỷ đô la). Dường như các ngân hàng Trung Quốc cung cấp khoản tiền này để có một tỷ trọng lớn trong phần vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn đường sắt Lào-Trung.

Theo nhiều nhà quan sát, hệ thống xe lửa cao tốc đi qua vùng phía bắc Lào, với tốc độ 200 km/giờ (160 km/giờ ở những đoạn đồi núi), không hẳn tạo ra lợi thế thực tế, tuy nhiên, các ngờ vực dường như ít hẳn đi trong trường hợp vận chuyển hàng hóa giữa Lào và Thái Lan, hiện chưa có hệ thống đường sắt. Quá trình xây cảng container rộng 38 ngàn mét vuông trong một khu vực liền kề các hạ tầng cơ sở của nhà ga Thanalaeng, Lào (2) và việc lắp đặt trong tương lai một cửa thông quan hàng hóa (3) cho phép dự tính giảm đáng kể chi phí vận chuyển từ 30% đến 50%, khi đi từ Lào.

Đương nhiên, chi phí vận chuyển cao, chủ yếu qua đường bộ, làm cho các sản phẩm của Lào kém cạnh tranh, nhất là so với sản phẩm của các nước láng giềng, Thái Lan, Trung Quốc hay Việt Nam. Theo một nghiên cứu do Tổ chức Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện trong năm 2016, chi phí vận chuyển một container 12,19 mét giữa Vientiane và các cảng Bangkok hoặc Laem Chabang (cảng lớn nhất của Thái Lan), dao động từ 1233 đến 2088 đô la, trong lúc đó, chi phí vận chuyển giữa Vientiane và cảng Yokohama của Nhật lên đến gần 2500 đô la.

Để so sánh, gửi một container từ Bangkok đến cảng Yokoham Nhật Bản, tốn 1000 đô la, từ Hà Nội mất 1000 đô la, dưới 300 đô la từ Hồng Kông và Thẩm Khuyến (Shenzen), Trung Quốc. Dự án tại Lào nhằm biến ga Thanalaeng thành một « cảng cạn » đa phương thức và đa kết nối với hệ thống đường sắt của các nước láng giềng nhằm làm giảm chi phí xuất khẩu và nhập khẩu. Để đạt mục tiêu này, các tuyến đường sắt khác đang được nghiên cứu, nhất là các tuyến đường Savannakhet, Lào – Đông Hà (cảng Việt Nam), Vientiane – Thakkek – Mụ Giạ (Việt Nam) và Paksé – Veun Kham (ở biên giới Lào-Cam Bốt).

Đền bù những người bị trưng dụng đất đai

Nếu như chính quyền Vientiane thấy rằng dự án đường sắt này tạo cơ hội xóa bỏ tình trạng biệt lập của vùng phía bắc lãnh thổ quốc gia và khẳng định sự hội nhập của Lào trong khu vực, thì người dân địa phương sống gần tuyến đường sắt sẽ được đặt và những công trình cầu hầm đang được xây lại thấy đó là một công trường khổng lồ với rất nhiều tệ hại (tiếng ồn liên tục do nổ mìn, công nhân Trung Quốc tới ồ ạt (4)…).

Theo tinh thần nghị định 84 công bố ngày 05/04/2016, những người bị mất đất đai do các dự án phát triển sẽ được đền bù những khoản thất thu, tài sản, canh tác và cây trồng. Những người quản lý dự án có trách nhiệm bảo đảm là điều kiện sinh sống của những cư dân bị di dời sẽ phải tốt hoặc tốt hơn lúc trước khi dự án khởi công.

Tuy nhiên, chi phí đền bù cho những người nông dân sẽ bị trưng dụng hoặc đã bị trưng dụng đất đai đã không được tính toán một cách chính xác. Lý do là vì việc thống kê số dân cư bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn sơ sài, việc xác định bề rộng của khu vực đệm nằm giữa tuyến đường sắt và khu ở của người dân chưa hòan tất. Quả thực là ban đầu, người ta dự kiến thiết lập một khu vực đệm rộng khoảng 50 mét ở bên phải và bên trái trên suốt tuyến đường sắt được hoạch định giữa Boten và Vientiane, thế rồi sau đó, bề rộng của khu vực đệm này dao động từ 20, 30 và 50 mét, tùy theo tốc độ đi qua của xe lửa (từ 120 đến 200 km/giờ) và các đặc thù địa lý của từng vùng.

Đương nhiên, chính phủ Lào tìm cách thúc đẩy nhanh việc trả tiền đền bù bằng cách thiết lập một bảng biểu tính khoán hiện đang lấy ý kiến của các quan chức các tỉnh và địa phương. Ví dụ, việc đền bù trưng dụng một mét vuông ruộng lúa dao động trong khoảng 1,79 và 16,15 đo là trong khi đó một mét vuông đất xây nhà được trả tới 360 đô la. Tương tự, đối với nhà và căn hộ bị trưng dụng do dự án, mức đền bù dao động trong khoảng 320 đến 360 đô la một mét vuông. Tổng cộng, tại bốn tỉnh có 414 km đường sắt đi qua (Luang Namtha, Oudomxay, Luang Prabang và Vientiane), chính phủ Lào thẩm định có gần 4411 hộ gia đình bị ảnh hưởng, 3832 ha đất bị trưng dụng và 3346 khu nhà bị phá bỏ. Tuy không có gì nghi ngờ về việc trả đền bù, nhưng chính quyền Lào lại chậm trể trong việc trả các khoản tiền đầu tiên cho dân làng để đền bù thiệt hại.

Cho đến lúc này, các hoạt động diễn ra tốt đẹp, bởi vì khoảng 15% tuyến đường dường như đã được lắp đặt xong, nhất là việc đào hầm, xây cầu và làm đường (cho phép tiếp cận với các nhà ga mới), việc san lấp dọc theo tuyến đường đã được vạch ra…Các công việc này do hàng ngàn công nhân Lào thực hiện và trong một chừng mực nào đó, cả công nhân Trung Quốc nữa. Trong năm đầu tiên, công trường cần tuyển dụng gần 7000 công nhân địa phương trong đó có 2000 người chỉ ở tỉnh Luang Prabang, với lương tháng trung bình dao động từ 200 đến 800 đô la, rất cao so với mức lương trung bình tại Lào là từ 110 đến 120 đô la/tháng.

Một tuyến đường chiến lược mở ra Biển Đông

Ngày 19 và 20/12/2017, « Diễn Đàn Một vành đai, một con đường vì sự hợp tác Lào-Trung » đầu tiên được tổ chức tại Vientiane. Các cuộc thảo luận tập trung vào việc tăng cường hợp tác song phương và phát triển công nghiệp của Lào. Các khoản đầu tư ồ ạt của Trung Quốc trên lãnh thổ Lào (đập thủy điện, khai thác mỏ, dự án bất động sản, du lịch hoặc đặc khu kinh tế), nhất là trong khuôn khổ dự án « Những con đường tơ lụa mới », nằm trong chính sách địa chính trị đối với các tỉnh nằm bên lề lãnh thổ Trung Quốc và các nước láng giềng.

Một mặt, Bắc Kinh thực hiện chiến lược tái kết nối tỉnh Vân Nam với phần kéo dài của khu vực Đông Dương, đưa tỉnh này, đang ở vị trí bên lề vào trung tâm hoặc biến tỉnh này thành chiếc cầu nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Mặt khác, Bắc Kinh muốn biến Lào (và bán đảo Đông Dương) trở thành một con đường chiến lược hướng ra các biển ở phía nam Trung Quốc và coi đó như một giải pháp thay thế cho vận tải hàng hải thông qua các cơ sở hạ tầng vận tải mới ở trên bộ.

Trong chuyến thăm chính thức Vientiane trong các ngày 13 và 14/11 vừa qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định quyết tâm xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh có tầm quan trọng chiến lược, giữa Trung Quốc và Lào, qua đó, đồng thời khẳng định sự thay đổi quy chế của Vientiane, đối với Bắc Kinh, trở thành một yếu tố cơ bản trong sáng kiến « Một vành đai một con đường » của ông. Trách nhiệm của Vientiane là giám sát sao cho không bị Trung Quốc gạt ra bên lề và khai thác các mối lợi do vị trí địa lý của mình thông qua việc duy trì cân bằng các liên minh với các nước láng giềng, đặc biệt là với Việt Nam, bởi vì quan hệ đặc biệt giữa hai nước này sẽ bị thử thách mạnh mẽ trong những năm tới.

Ghi chú :

Laos-China Railway Company Limited là một liên doanh Trung-Lào được thành lập để xây dựng và khai thác tuyến đuờng sắt mới giữa Boten và Vientiane

Nhà ga Thanalaeng (có từ 2500 đến 3000 hành khách mỗi tháng), là nhà ga duy nhất của Lào, nằm cách trung tâm Vientiane 7,5 km. Dự án kéo dài đường sắt vào đến trung tâm thành phố có thể được bắt đầu vào năm2018 (khánh thành năm 2020), với chi phí gần 27 triệu đô la và khoản đầu tư này hoàn toàn do Thái Lan tài trợ dưới hình thức viện trợ không hoàn lại (30%) và cho vay (70%)

Điểm thông quan duy nhất là một biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại. Cơ chế này cho phép tác nhân kinh tế hoặc công ty vận tải xuất trình tất cả các dữ liệu cần thiết để xác định xem tất cả hàng hóa có được chấp nhận hay không dưới hình thức chuẩn hóa, và chỉ cần làm một lần, với cơ quan phụ trách kiểm soát biên giới và chỉ nộp hồ sơ một lần qua một cửa duy nhất.

Theo các thẩm định, có khoảng 50 ngàn công nhân Trung Quốc và vào Lào, từ nay đến năm 2021.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171222-%C2%AB-nhung-con-duong-to-lua-moi-%C2%BB-cua-trung-quoc-lao-tro-thanh-mot-cuc-dia-chinh-tri-ch