Tin khắp nơi – 22/11/2016
Toà thánh cho phép linh mục tha tội phá thai
Đức Giáo Hoàng kéo dài tinh thần năm thánh Lòng Thương Xót với tông thư mở ra cho Giáo hội Công Giáo nền tảng phụng sự bác ái và thương yêu những người gặp bất hạnh trong xã hội : Ngày Thế Giới cho người nghèo và xá tội cho phụ nữ phá thai.
Sau một loạt động thái gây ấn tượng để bảo vệ những thành phần bị phân biệt đối xử từ di dân, người vô gia cư, tù nhân, gái mại dâm, người nghiện ma túy, bệnh tật, khuyết tật, Đức Giáo Hoàng kêu gọi tín đồ tìm kiếm sáng kiến mới để giúp những người khốn khó.
Theo AFP, trong số những điều ngài khuyến khích và đặc ân ghi trong tông thư kết thúc năm thánh Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố thành lập Ngày Thế Giới của người nghèo với những biện pháp cụ thể thực hiện lòng thương xót. Điểm nổi bật được truyền thông ghi nhận là Đức Giáo Hoàng cho phép linh mục làm lễ xá tội phá thai. Nhấn mạnh đến tinh thần « thương yêu vô bờ bến cúa Thiên Chúa, không tội nào là không thể tha thứ, một khi nhìn rõ trái tim rớm máu », Đức Giáo Hoàng tuyên bố cho phép các linh mục xá tội cho những tín đồ phạm tội phá thai.
Cho đến nay, chỉ có hàng giám mục mà một số linh mục được đặc biệt ủy nhiệm mới được quyền tha thứ cho một phụ nữ phá thai và người giúp làm chuyện này.
Theo nhận định của John Allen, một chuyên gia về toà thánh Vatican, thì nhượng bộ này của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trên hồ sơ phá thai không có tác động mạnh tại các nước Tây phương, vì nhiều vị giám mục đã cho phép linh mục trong giáo phận thứ tội cho con chiên vướng vào tội này. Tuy nhiên, về mặt biểu tượng, quyết định này của Đức Giáo Hoàng mang ý nghĩa bao dung rất lớn đối với phụ nữ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161122-toa-thanh-cho-phep-linh-muc-tha-toi-pha-thai
Trung Quốc và Đức : « Tuần trăng mật » đã qua
« Tuần trăng mật kéo dài » giữa Trung Quốc và Đức đã dừng đột ngột. Đối với Berlin, Bắc Kinh từ một đối tác kinh tế đã trở thành một một đối thủ cạnh tranh toàn cầu gay gắt. Quả thật là Trung Quốc đã làm Đức vỡ mộng. « Mối quan hệ đặc biệt » Đức – Trung, đang phát triển và từng được đánh giá cao, giờ đã không còn tốt đẹp.
« Trung Quốc và Đức: Tuần trăng mật đã qua » là tiêu đề bài viết của tác giả Klaus Larres đăng ngày 16/11/2016 trên trang The Diplomat. Ông Klaus Larres là thành viên của Viện Nghiên Cứu Cao Cấp (IAS) ở Princeton, New Jersey và thành viên cao cấp tại Trung Tâm Quan Hệ Xuyên Đại Tây Dương tại Đại Học Johns Hopkins/SAIS ở Washington DC.
Bài viết nhận xét là « tuần trăng mật kéo dài » giữa Trung Quốc và Đức đã dừng đột ngột. Đối với Berlin, Bắc Kinh từ một đối tác kinh tế đã trở thành một một đối thủ cạnh tranh toàn cầu gay gắt. Chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 5 ngày hồi đầu tháng 11/2016 của Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đã diễn ra trong bối cảnh quan hệ kinh tế giữa Đức và Trung Quốc đang khủng hoảng. Ông Gabriel không chỉ là của Bộ trưởng Kinh tế và phó thủ tướng Đức, ông còn là chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và ứng cử viên của đảng cho chức thủ tướng trong cuộc bầu cử diễn ra vào cuối năm 2017.
Nếu nhìn lại, chúng ta có thể thấy chuyến công du chính thức lần thứ 9 của Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Trung Quốc hồi tháng 06/2016 diễn ra không tốt đẹp như những lần trước đó. Quan hệ song phương đã trở nên lạnh nhạt. Mặc dù ký kết được một số thỏa thuận, nhưng hai bên vẫn còn những bất đồng trên nhiều hồ sơ.
Quả thật là Trung Quốc đã làm Đức vỡ mộng. « Mối quan hệ đặc biệt » Đức – Trung Quốc đang phát triển và được ca ngợi đã không còn tốt đẹp, ít nhất là ở tầm hoạch định chính sách và đối với các nhà công nghiệp hàng đầu. Theo Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế OCDE, Trung Quốc là nước công nghiệp áp dụng nhiều quy định hạn chế nhất trên thế giới đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu các công ty Trung Quốc được tự do đầu tư vào phương Tây, thì các các công ty nước ngoài ở Trung quốc lại không được phép đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, hoặc truyền thông …
Còn tại Berlin, chiến dịch đầu tư gần đây của Trung Quốc đã dẫn đến nhiều lo ngại. Trong nửa đầu năm 2016, chỉ riêng các quỹ đầu tư của Trung Quốc đã mua hơn 40 công ty Đức. Trên thực tế, 17% đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài kể từ năm 2010 là nhắm vào nước Đức. Trên toàn thế giới, trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc mua được nhiều công ty nước ngoài hơn so với cả năm 2014 và đã đầu tư 72 tỷ euro vào Liên Hiệp Châu Âu, trong đó 11,3 tỷ euro được dành đầu tư vào Đức.
Các công ty công nghệ Trung Quốc có kế hoạch vươn lên thành các công ty hàng đầu thế giới trong vòng một vài năm. Trung Quốc muốn trở một trong những cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới vào năm 2049, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Rõ ràng Trung Quốc chỉ đạt được điều này bằng cách mua bí quyết công nghệ và và các công ty công nghệ cao.
Phần lớn các doanh nghiệp Đức mà Trung Quốc đã mua được là các doanh nghiệp mũi nhọn trong lĩnh vực công nghệ mới, kỹ thuật và tin học. Mùa hè năm ngoái, việc công ty Kuka của Đức rơi vào tay công ty Trung Quốc Midea, doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc về đồ gia dụng, đã khiến Đức lo ngại. Berlin sợ là các kiến thức công nghệ quan trọng đươc chuyển giao cho một đối thủ kinh tế ngày càng hung hăng.
Cách đây chỉ một vài tuần, chính phủ Đức đã đột ngột ngăn chặn tập đoàn Trung Quốc Fujian Grand Chip Investment Fund (FGC) mua lại một cơ sở của công ty điện tử Aixtron. Nhà nghiên cứu Klaus Larres cho biết có vẻ như tình báo CIA của Mỹ đã cảnh báo Berlin là Aixtron có liên quan tới an ninh và công nghệ quân sự quan trọng nên không thể để rơi vào tay Trung Quốc. Bộ trưởng kinh tế Đức Gabriel cũng đã không thoải mái khi Trung Quốc muốn mua công ty Ledvance chuyên sản xuất bóng đèn, một công ty con của Osram, và thậm chí là chính công ty Osram.
Đại sứ Trung Quốc tại Đức đã thể hiện lo ngại trước tình hình này. Đối với ông này, đây không phải cách cư xử hay với một đối tác. Ông lo ngại về xu hướng bảo hộ của Đức. Một ngày trước khi bộ trưởng Gabriel sang Trung Quốc, phó đại sứ Đức tại Bắc Kinh đã bị bộ Ngoại Giao Trung Quốc triệu tập đến để trả lời về vụ Aixtron và các bài viết tiêu cực về Trung Quốc trên truyền thông Đức.
Quan hệ song phương lại càng xấu đi vì ngay trước khi bộ trưởng Gabriel sang thăm Trung Quốc, Ủy Viên Châu Âu Guenter Oettinger của Đức đã xúc phạm người Trung Quốc trong một bài phát biểu tại Hamburg. Đương nhiên là các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh không hề thích thú với điều này, mặc dù ông Oettinger sau đó đã đưa ra lời xin lỗi.
Còn bản thân bộ trưởng kinh tế Đức, vài ngày trước khi lên đường sang Trung Quốc, ông đã nhắc nhở người Trung Quốc là quan hệ thương mại quốc tế phải hướng tới một « sân chơi bình đẳng » và « cạnh tranh lành mạnh ». Đức và Châu Âu không chấp nhận đối tác thương mại « chơi xấu ». Ông Gabriel cũng nhắc tới thủ đoạn bán phá giá thép và nhôm của Trung Quốc cũng như các thủ đoạn xâm nhập thị trường xe hơi.
Bộ trưởng Kinh Tế Đức quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc quá hăm hở đầu tư vào châu Âu. Nước Đức sợ rằng thông qua doanh nghiệp Nhà Nước, Trung Quốc vừa chiếm giữ công nghệ, vừa đẩy mạnh quyền lực địa chính trị. Nhưng theo ông Gabriel, các mâu thuẫn phải được đề cập thẳng thắn và rõ ràng.
Bộ trưởng Sigmar Gabriel cũng cảnh báo cả hai bên không nên để xung đột kinh tế leo thang vì không bên nào được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại. Đồng thời ông cảnh báo Trung Quốc phải thực hiện « chính sách tự do mậu dịch dựa trên sự bình đẳng và chuẩn mực xã hội ».
Nhìn vào chuyến đi của bộ trưởng kinh tế Đức, tác giả bài viết, ông Klaus Larres nhận xét là bộ trưởng Gabriel muốn cho cả người Đức và người Trung Quốc thấy là ông đủ cứng rắn để bảo vệ các lợi ích kinh tế của Đức. Theo tác giả, may mắn cho ông Gabriel là trong chuyến thăm Trung Quốc của ông lần này không có chương trình ký kết thỏa thuận kinh tế nào, vì đương nhiên là Trung Quốc đang rất giận dữ về những lời nói thẳng thắn của vị bộ trưởng Kinh Tế Đức, thậm chí, truyền thông Trung Quốc còn cố phớt lờ chuyến thăm của ông Gabriel.
Ngay trước khi máy bay chở ông Gabriel hạ cánh xuống Bắc Kinh, hai chính trị gia có tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, trong đó có một vị cố vấn quan trọng của chủ tịch Tập Cận Bình đã hủy bỏ cuộc gặp với ông Gabriel. Còn buổi trao đổi giữa hai bộ trưởng Kinh Tế của hai nước căng thẳng tới mức vị bộ trưởng kinh tế Trung Quốc đã quyết định không tham gia vào buổi họp rất quan trọng của ủy ban kinh tế – công nghiệp Đức-Trung. Ông Gabriel cũng chẳng còn cách nào khác là thông báo không đến dự họp. Trong cuộc họp này, thứ trưởng kinh tế Trung Quốc đã chỉ trích Đức đẩy mạnh bảo hộ, chống đầu tư và xu hướng toàn cầu hóa.
Nói tóm lại, một điều không thể phủ nhận là Bắc Kinh rất khó chịu trước các lời phát biểu thẳng thắn của vị bộ trưởng Đức. Nhưng không ai muốn mọi việc xấu thêm. Do Trung Quốc không muốn căng thẳng với Đức gia tăng nên cuộc họp giữa thủ tướng Lý Khắc Cường với ông Gabriel vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch. Vì dẫu sao, Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế lớn thứ tư của Đức. Còn Đức vẫn là thị trường quan trọng và là đối tác công nghệ của Trung Quốc.
Tại Đức, chuyến thăm Trung Quốc của bộ trưởng Sigmar Gabriel trong một chừng mực nào đó được coi là thành công. Bộ trưởng kinh tế Đức được đánh giá là « can đảm » và « có khả năng chịu đựng tốt » khi giải quyết các vấn đề liên quan tới đối tác thương mại quan trọng Trung Quốc.
Tuy nhiên, còn một vấn đề chưa được truyền thông đề cập tới trước và sau chuyến đi của bộ trưởng Gabriel. Đó là chiến lược lâu dài của Đức với Trung Quốc sẽ ra sao, khi tương lai Trung Quốc sẽ sản xuất được ngày càng nhiều sản phẩm công nghệ cao ? Theo tác giả Klaus Larres, đây là một thách thức cho nước Đức. Và vấn đề này phải sớm được người Đức thảo luận để tìm giải pháp.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161122-trung-quoc-va-duc-%C2%AB-tuan-trang-mat-%C2%BB-da-qua
Quan hệ Nga-Mỹ thời hậu Obama :
Lợi bất cập hại đối với Putin
Tổng thống Mỹ Obama và đồng nhiệm Nga Putin đã có một cuộc tiếp xúc ngắn ngủi cuối tuần qua nhân thượng đỉnh APEC tại Lima, thủ đô Peru. Có lẽ đó sẽ là một cuộc gặp cuối cùng giữa hai vị tổng thống, vì ông Obama đang chuẩn bị bàn giao quyền hành cho ông Donald Trump. Quan hệ Mỹ-Nga rất căng thẳng trong nhiệm kỳ của Obama, và Matxcơva đã công khai mong muốn chiến thắng của Donald Trump.
Với ông Trump ở Nhà Trắng, liệu quan hệ Nga-Mỹ có tốt đẹp hơn hay không ? Từ Matxcơva, thông tín viên Muriel Pomponne phân tích :
« Đối với Andrei Kortunov, tổng giám đốc Hội Đồng Nga về các vấn đề quốc tế, chiến thắng của Donald Trump phù hợp với thế giới quan của Nga, một thế giới manh mún, nguy hiểm, rời xa toàn cầu hóa và các tư tưởng tự do, một thế giới của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa dân tộc.
Quan điểm chung nói trên có thể tạo điều kiện cho đối thoại giữa Nga và Mỹ, nhất là khi lịch sử gần đây cho thấy rằng Matxcơva luôn luôn dễ làm việc với đảng Cộng Hòa hơn là đảng Dân Chủ.
Tuy nhiên, tính cách của Donald Trump và Vladimir Putin có thể là cản lực. Theo Andrei Kortunov : « Khi ta có hai lãnh đạo rất mạnh mẽ, rất tự tin, rất nam tính, một cuộc đối đầu có thể trở nên rất nguy hiểm, nhất là khi một trong hai người lại thiếu kinh nghiệm đối ngoại ».
Ngoài ra, khoảng trống hiện thời nơi ông Trump có thể được lấp đầy bằng các lực lượng cực hữu mà Matxcơva không biết.
Sau cùng, Trump chủ trương một nước Mỹ vĩ đại, nhưng lại khước từ sự lãnh đạo của Mỹ, và điều này không nhất thiết là một điều tốt cho Nga. Andrei Kortunov nhận định : « Có nói gì về Mỹ chăng nữa, thì trong một chừng mực nào đó, sự lãnh đạo của Hoa Kỳ có lợi cho mọi nước, kể cả Nga. Lấy ví dụ về sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan, đó là một điều có lợi nước Nga ; ý chí tự do hóa nền tài chính toàn cầu cũng là một điều quan trọng cho tất cả các nền kinh tế mới nổi ».
Nếu ông Trump làm cho nước Mỹ co cụm lại theo kiểu dân tộc chủ nghĩa, điều đó sẽ tác hại đến kinh tế toàn cầu và tình hình ổn định quốc tế, và do đó ảnh hưởng đến các lợi ích của Nga. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161122-quan-he-nga-my-thoi-hau-obama-loi-bat-cap-hai-doi-voi-putin
Vì Trump và Brexit, tương quan lực lượng thế giới bị chao đảo
Thắng lợi của phe « Brexit » tại Anh quốc và chiến thắng của nhà tỷ phú Mỹ Donald Trump trong bầu cử tổng thống Mỹ đã đưa thế giới vào tình trạng bấp bênh. Tất cả các mối quan hệ song phương và đa phương, về kinh tế hay quốc phòng sẽ phải được xem xét lại theo một phương cách khác. Trên đây là nhận định của nhật báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 18/11/2016, trong bài viết đề tựa « Trump và Brexit làm chao đảo mối tương quan lực lượng thế giới ».
Năm 2015 được đánh dấu bằng những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu, kéo dài sang cả năm 2016. Những sự kiện đó làm nổi lên một loạt các câu hỏi : Ai bảo vệ ai, với giá nào ? Liệu chúng ta có thể đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo và chống lại quân khủng bố hay không ?
Bất ổn về an ninh đã làm gia tăng các rủi ro chính trị. Hơn bao giờ hết chủ nghĩa dân túy lên cao trên hầu như khắp địa cầu. Đi kèm theo đó là làn sóng bài người tị nạn và hiện tượng chối bỏ toàn cầu hóa đe dọa đến các thỏa thuận trao đổi tự do mậu dịch. Nhật báo kinh tế đặt ra 10 vấn đề địa chính trị được cho sẽ là những thách thức của thế giới trong năm 2017. RFI Việt ngữ giới thiệu một vài câu hỏi nổi bật nhất trong số 10 vấn đề trên.
Đệ tam thế chiến bùng nổ?
Tác giả bài viết, Jacques Hubert-Rodier, đặt câu hỏi : Liệu lãnh đạo các nước có rơi vào trạng thái « mộng du » như hồi trước khi xẩy ra Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918) để rồi dẫn đến Đệ Tam Thế Chiến trong năm 2017 ? Theo tác giả, dường như là không, cho dù Liên Hiệp Quốc, cũng như Hội Quốc Liên trong thời kỳ Đệ Nhất Thế Chiến, tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột quân sự đang và sẽ còn làm chao đảo thế giới trong năm 2017.
Đương nhiên, hiếm khi nào, kể từ 70 năm qua, thế giới lại tạo ra cảm giác là đang ở bên bờ vực thẳm. Khái niệm về một cuộc chiến tranh thế giới chống khủng bố đã nở rộ, nhưng dường như thường được sử dụng để mọi người chấp nhận ý tưởng duy trì tình trạng khẩn cấp trong nhiều quốc gia phải hứng chịu những hành động khủng bố.
Để tố cáo những vụ khủng bố nhân danh tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech – tại Pháp, thủ tướng Manuel Valls nói : « Chúng ta đang ở trong tình trạng một dạng một thế chiến » chống khủng bố. Tổng thống Mỹ Barack Obama thì tỏ ra có lý khi khẳng định rằng các chiến binh của Daech không phải là một mối đe dọa đối với sự tồn tại của nước Mỹ, của châu Âu, mà đó chỉ là những kẻ thần kinh bệnh hoạn, một mối đe dọa lớn đối với người dân.
Hơn nữa, nếu như các căng thẳng trên thế giới lên cao, nhưng các cuộc chiến tranh giữa các nhà nước thù địch hiếm khi xảy ra và có tác động hạn chế. Điều này làm giảm nguy cơ tiềm tàng xẩy ra một cuộc chiến tranh thế giới giữa các cường quốc.
Tác giả điểm lại những điểm nóng hiện nay trên thế giới, như tại Syria, nơi đối đầu giữa một bên là Nga cùng với Iran, lực lượng Hezbollah Liban và bên kia là Hoa Kỳ cùng với các đồng minh châu Âu ; tại Yemen với căng thẳng leo thang giữa Ả Rập Xê Út và Iran ; tại châu Âu với cuộc khủng hoảng Ukraina.
Thế nhưng, ít có khả năng là các đồng minh trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương lại hỗ trợ Ukraina chống lại Nga. Hơn nữa, tổng thống tân cử của Mỹ, Donald Trump, lại hứa hẹn sưởi ấm quan hệ Washington-Matxcơva. Từ Syria cho đến châu Âu, người ta có cảm giác là nước Mỹ của Donald Trump phó mặc cho Nga tự do hành động, chứ không phải là sẽ tiến hành chiến tranh chống lại Nga.
Căng thẳng tại Biển Đông, giữa Trung Quốc với các láng giềng, vẫn rất cao. Nhưng ngày nay, ít có khả năng Trung Quốc lao vào một cuộc phiêu lưu quân sự trên quy mô lớn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy được nguy cơ bùng nổ xung đột tại đây.
Với Trump, kinh tế Mỹ khởi sắc ?
Theo Lucie Robequain, các kinh tế gia Mỹ đã tăng mức dự báo tăng trưởng, kể từ khi Donald Trump thắng cử. Họ dự báo tăng trưởng là 2,3% trong năm 2018, cao hơn dự báo đưa ra hồi tháng 10/2016 (2%), theo một cuộc thăm dò được « Wall Street Journal » đăng ngay sau cuộc bầu cử tổng thống.
Sự lạc quan này dựa trên hai lời hứa hẹn : Donald Trump sẽ giảm mạnh thuế và chi 1.000 tỷ đô la cho các công trình lớn. Chuyên gia Ajay Rajadhyaksha, thuộc ngân hàng Barclays, thẩm định : « Chúng tôi không mong đợi có một bước nhẩy vọt mạnh mẽ về tăng trưởng. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng nguy cơ suy thoái kinh tế đang lùi xa ».
Điều nghịch lý là việc chống đối các thỏa thuận tự do mậu dịch, mối đe dọa về một cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng như việc giảm dòng người nhập cư dường như ít được chú ý đến trong kịch bản của các kinh tế gia. Thế nhưng, đây là những biện pháp mà tổng thống độc quyền quyết định – chứ không phải Quốc Hội lưỡng viện – và do vậy rất dễ được áp dụng. Cải cách thuế khóa và việc thực hiện các dự án lớn đòi hỏi phải có thời gian.
Chuyên gia Jan Hatzius, thuộc ngân hàng Goldman Sachs, lưu ý là hai chương trình nói trên phải mất toàn bộ cả năm tới thì mới được Quốc Hội lưỡng viện thông qua và sẽ không thể mang lại hiệu quả gì trước cuối năm 2017, thậm chí năm 2018. Vẫn theo chuyên gia này, thị trường đã có phản ứng hứng khởi quá mức. Chương trình của Donald Trump sẽ không được thực hiện một cách toàn bộ và không nên mong đợi gì nhiều trong ngắn hạn.
Thương mại : Tự do mậu dịch hết thời ?
Nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu vì lý do dân nhập cư, nước Mỹ bầu Donald Trump làm tổng thống, người vốn có những phát biểu chống đối mạnh mẽ các thỏa thuận thương mại, công luận châu Âu hừng hực chống lại chính sách thương mại của Ủy Ban Châu Âu… Trong những tháng gần đây, viễn cảnh tự do mậu dịch đột nhiên u ám. Đến mức mà một số người bi quan dự báo là tự do thương mại sẽ chấm dứt. Nói vậy là hơi vội vàng đấy.
Tuy nhiên, theo Richard Hiault, tác giả bài viết, nhiều lắm thì người ta có thể nêu ra khả năng tái sắp xếp cảnh quan, chứ không thể nói là tự do mậu dịch và toàn cầu hóa chấm dứt. Ông Donald Trum muốn đàm phán lại thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ (ALENA), vốn tồn tại từ 20 năm qua. Trước mắt, khả năng này ngày càng rõ nét. Canada và Mêhicô đã tuyên bố sẵn sàng thảo luận lại nội dung văn bản này.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP – mà chính quyền Obama ký kết, sẽ phải đợi. Barack Obama đã đình chỉ quy trình xin Quốc hội phê chuẩn. Donald Trump sẽ từ bỏ hiệp định này như ông ta đã từng tuyên bố. Dự án thỏa thuận quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Liên Hiệp Châu Âu chắc chắn sẽ không được nhắc tới trong vài năm.
Nếu như Hoa Kỳ kém hào hứng ký kết các thỏa thuận thương mại, thì các khu vực địa lý khác lại không tính tới việc từ bỏ những dự án này. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn đầu, có thể thay thế TPP. Liên Hiệp Châu Âu không có ý định từ bỏ các thỏa thuận thương mại đã ký (với Nhật Bản, với thị trường Mercosur, Úc, Ấn Độ…).
Với các dây chuyền sản xuất được triển khai từ 15 năm nay, với cuộc cách mạng công nghệ trong lĩnh vực kinh tế số, kinh tế thế giới không thể quay trở lại thời kỳ cũ. Tự do trao đổi mậu dịch không thể biến mất, nhưng phải được điều chỉnh phù hợp để giảm bớt chênh lệnh giầu nghèo do chính nó tạo ra. Đây là quan điểm của G20 và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.
« Phải chăng NATO có nguy cơ bị khai tử ? »
Yves Bourdillon bi quan nhận định sau 67 năm tồn tại, chưa bao giờ sinh mệnh của NATO lại hiểm nghèo như hiện nay. Hoa Kỳ dưới thời ông Donald Trump tuyên bố không muốn can dự nhiều vào khối Liên Minh này. Tổng thống vừa đắc cử phản đối điều khoản số 5 – điểm trọng yếu trong hiến chương của khối, theo đó một cuộc tấn công nhắm vào bất kỳ nước nào trong số 28 thành viên của khối cũng được xem như là chống lại cả khối. Washington cho rằng châu Âu nên nâng mức chi cho quốc phòng, vốn dĩ đã xuống dưới mức 2% của GDP để đổi lấy sự bảo trợ vững chắc từ Hoa Kỳ. Và mối ngờ vực đã nảy sinh.
Ngay chính bản thân NATO cũng không mấy đồng thuận. Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên quan trọng của khối trấn thủ sườn đông nam chơi theo một nhịp riêng. Các nước đến đến từ khối Vacxava cũ trước đây như Hungary hay Bulgari lại quay về với Nga. Rồi đến Pháp cũng sẽ khập khiễng nếu như chủ tịch đảng cực hữu Marine Le Pen thắng cử.
Do đó, khối NATO, vốn từng đánh bại Liên Xô cũ sẽ phải chứng tỏ có đủ can đảm và sự thống nhất. Ít ra là khối này chiếm đến 52% chi tiêu quốc phòng thế giới.
Tập Cận Bình : Một Mao Trạch Đông « bis » ?
Thông tín viên báo Les Echos tại Bắc Kinh, Frédéric Schaeffer quan ngại về một đất nước Trung Quốc ngày càng lớn mạnh dưới thời Tập Cận Bình, đặt câu hỏi : « Phải chăng Tập Cận Bình đang củng cố quyền hành của ông? ». Hiện ông được xem là một lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Đặng Tiểu Bình và người khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng nghiêm khắc nhất từ sau Mao Trạch Đông.
Bên trong hậu trường, ông Tập đang chuẩn bị cho đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX, phải diễn ra vào cuối năm 2017 và cho phép ông Tập tiếp tục nắm quyền lãnh đạo thêm 5 năm nữa. Tác giả bài viết trích phân tích của nhà nghiên cứu Alice Ekman thuộc Viện Quan hệ Quốc Tế Pháp IFRI cho rằng : « (…) Chiến dịch chống tham nhũng thường được sử dụng như là một công cụ để thanh trừng nội bộ mỗi lần sắp đến kỳ đại hội hay có bổ nhiệm lãnh đạo mới. Câu hỏi đặt ra là chiến dịch chống tham nhũng hiện nay sẽ đi đến đâu và tầm mức của chiến dịch này đang dần tạo ra một cảm giác lo sợ ngay trong lòng đảng cộng sản, quân đội, các doanh nghiệp nhà nước và chức năng nhà nước nói chung ».
Phải chăng ông Tập Cận Bình muốn củng cố quyền lực của ông đến mức không chỉ định người kế nhiệm nhân kỳ đại hội sắp tới và đang thách thức quy tắc ngầm muốn rằng chủ tịch Trung Quốc không làm quá hai nhiệm kỳ ? Đó chính là tin đồn đang lan truyền tại Bắc Kinh hiện nay.
Vương quốc Hồi giáo : Đầu có thể mất, nhưng chân rết sẽ còn
Liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố, liệu thế giới có triệt tiêu được tổ chức Nhà nước Hồi giáo hay không ? Les Echos tỏ ra không mấy chắc chắn. Một mặt, nhật báo hy vọng các chiến dịch tái chiếm Mossoul (Irak) và Raqqa (Syria) sẽ sớm kết thúc vào cuối năm 206, trễ nhất là sau thời điểm tổng thống tân cử Mỹ tuyên thệ nhậm chức. Phóng viên Yves Bourdillon lưu ý là một sự cạnh tranh giữa ba liên minh chống thánh chiến cũng có thể làm hỏng các chiến dịch.
Nhưng có một điều chắc chắn là dù mất những thành trì đó, Daech có thể sẽ bị mất đi thanh thế nhưng vẫn chưa phải đến hồi cáo chung cho tổ chức khủng bố này. Hệ tư tưởng và những người nối tiếp tại phương Tây vẫn sẽ sống sót. Bởi vì những kẻ khủng bố đang hoạt động tại châu Âu đều được sinh ra và lớn lên tại đây. Họ chẳng cần trung tâm huấn luyện hay chờ lệnh của ai từ Syria để tiếp tục các cuộc tấn công tại châu Âu.
Brexit : « Hard » hay là « Soft » ?
Cuối cùng là hồ sơ Brexit. Theo thông tín viên nhật báo tại Luân Đôn, Vincent Collen, tuy cương quyết không tiết lộ chiến lược đàm phán vì cho rằng một sự minh bạch như thế có thể làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, nhưng các đường hướng chỉ đạo do thủ tướng Theresa May đưa ra có vẻ như là Luân Đôn đang chuẩn bị cho một « hard Brexit ». Một sự đoạn tuyệt dứt khoát và rõ ràng với Liên Hiệp Châu Âu.
Thủ tướng Anh trên thực tế đã vạch ra bốn đường đỏ bao gồm « 3 không – 1 có » cho mối quan hệ Anh Quốc – Liên Âu hậu Brexit. Đó là : Không tự do lưu thông cho người lao động, Không đóng góp bắt buộc vào ngân sách Liên Âu, Không chịu sự giám sát của Tòa Tư Pháp Châu Âu và cuối cùng là tự do quy định các mối quan hệ thương mại với phần còn lại trên thế giới.
Để có thể đáp ứng được 4 điều kiện đó, Anh Quốc bắt buộc sẽ phải rời khỏi khu vực thị trường chung châu Âu. Nước Anh sẽ không thể là thành viên của Không Gian Kinh Tế Châu Âu như Na Uy hiện nay, cũng như là trong liên minh hàng rào thuế quan như Thổ Nhĩ Kỳ, theo như giải thích của ông Michael Gasiorek, chuyên gia về chính sách thương mại, đại học Sussex.
Theo vị chuyên gia này, « Giả như đường hướng này vẫn được duy trì, cả Anh và Liên Hiệp Châu Âu đều bị thua thiệt ». Do đó, cả hai phía sẽ « được kêu gọi » đi đến một « thỏa hiệp »… và như vậy, Brexit có thể sẽ « soft » hơn điều mọi người đang nghi ngại như hiện nay.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161122-vi-trump-va-brexit-tuong-quan-luc-luong-the-gioi-bi-chao-dao
Philippines :
Trẻ em 9 tuổi có thể bị phạt tù theo một dự luật mới
Các dân biểu thân tổng thống Philippines vừa đề xuất tại Hạ Viện nước này một dự luật được chính ông Duterte hậu thuẫn, theo đó trẻ em mới 9 tuổi có thể bị bỏ tù. Vào hôm qua, 21/11/2016, Cơ quan Liên Hiệp Quốc UNICEF và các tổ chức bảo vệ trẻ vị thành niên đã cực lực lên tiếng phản đối.
Theo hãng tin Pháp AFP, dự luật được đệ trình dự kiến tái lập án tử hình, đồng thời hạ thấp tuổi có thể bị phạt tù từ 15 xuống 9 tuổi. Bản thân ông Duterte chỉ muốn hạ xuống mức 12 tuổi mà thôi, nhưng các đồng minh của ông tại Hạ Viện đã đi xa hơn. Họ đồng thời muốn thông qua dự luật từ đây đến tháng 12.
Trong lúc tranh cử, ông Duterte đã cam kết diệt trừ tệ nạn ma túy, đồng thời bổ sung những điểm mà ông cho là khiếm khuyết trong hệ thống luật pháp đã cho phép giới buôn lậu ma túy sử dụng trẻ em để vận chuyển ma túy.
Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF vào hôm qua đã nhắc nhở chính quyền Manila rằng Philippines đã ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về quyền của trẻ em, theo đó tuổi chịu trách nhiệm hình sự là không được dưới 12 tuổi. Đối với UNICEF : « Nhà tù không phải là nơi dành cho trẻ em. Chính quyền Philippines đang tụt hậu ».
Các hiệp hội bảo vệ quyền trẻ em đã mở chiến dịch mang tên ChildrenNotCriminals – Trẻ em không phải là tội phạm – để phản đối dự luật, và yêu cầu các dân biểu bác bỏ. Họ cũng đòi ông Duterte chú ý đến nguyên nhân khiến trẻ em phạm pháp, chẳng như tình trạng nghèo khó, sự thiếu vắng cha mẹ, hay việc không được đi học.
Còn về chiến dịch chống ma túy của ông Duterte, theo số liệu chính thức, đến nay đã có khoảng 5.000 người thiệt mạng : 2.000 người bị cảnh sát bắn chết, 2.800 người khác chết trong những trường hợp mờ ám.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161122-philippines-tre-em-9-tuoi-co-the-bi-phat-tu-theo-mot-du-luat-moi
Miến Điện : Hậu duệ hoàng gia được phép tổ chức tưởng niệm
Hơn một thế kỷ sau khi quốc vương Miến Điện cuối cùng lưu vong, một buổi lễ tượng niệm được chính thức tổ chức vào hôm nay 22/11/2016. Các hoàng tử, công chúa của triều Konbaung, trong đó có hoàng tử Taw Phaya, lần đầu tiên họp mặt ở cung điện Mandalay, cố đô và cũng là thành phố lớn thứ hai của Miến Điện.
Theo AFP, trong bối cảnh dân chủ hóa, đất nước được quyền tiếp nối lại với lịch sử, sau nhiều thập niên bị ngăn cấm, chính phủ dân cử cho phép hoàng tộc Konbaung tổ chức lễ tưởng niệm tiền nhân.
Trước một đám đông dân chúng muốn tìm hiểu, hoàng tử Taw Phaya, 90 tuổi, cháu nội của quốc vương cuối cùng, kể lại những giai đoạn đen tối của lịch sử Miến Điện, sau khi chính quyền Anh buộc quốc vương Thibaw sang Ấn Độ lưu vong vào tháng 11 năm 1885.
Hoàng tử Taw Phaya và công chúa Hteik Su Phaya Gyi vẫn sống âm thầm tại Miến Điện trong suốt thời gian qua. Dưới chế độ quân sự, hoàng gia bị đặt bên lề sinh hoạt chính trị.
Tuy quốc vương Thibaw lên ngôi có 7 năm, nhưng giai đoạn lịch sử này đã ghi dấu ấn trong dân chúng Miến Điện, nhất là hình ảnh quốc vương bị truất phế cùng với hoàng hậu đang mang thai bị đưa đi diễu trên đường phố.
Ngày nay, nhiều người Miến Điện muốn tìm hiểu giai đoạn lịch sử này. Hoàng tộc cũng bắt đầu xuất hiện công khai hơn từ khi bà Aung San Suu Kyi lên cầm quyền. Tướng Thein Sein, trong tiến trình dân chủ hóa vào năm 2011, đã đi viếng mộ của quốc vương Thibaw tại Ấn Độ.
Soe Win, một trong những người cháu bốn đời của quốc vương cuối cùng, mô tả buổi lễ tưởng niệm hôm nay là một « cơ may cho phẩm giá của vương triều hồi sinh ».
Malaysia : Bị cáo buộc khủng bố vì chống tham nhũng
Tại Malaysia, phong trào phản kháng chính phủ Najib Razak không suy giảm. Hôm thứ Hai 21/11, sáu tổ chức nhân quyền quốc tế tố cáo Kuala Lumpur đàn áp những người tổ chức biểu tình hôm thứ Bảy 19/11/2016. Hàng chục người bị bắt, trong đó có nhà tranh đấu cho một « chính phủ sạch » Maria Chin Abdulla bị biệt giam theo luật « chống khủng bố ».
Theo AFP, thủ tướng Najib Razak dường như không chịu đựng được biển người mặc áo vàng tuần hành trên đường phố thủ đô vào cuối tuần qua. Hàng chục thành viên phong trào chống tham nhũng và biển thủ công quỹ bị câu lưu cho đến nay vẫn chưa được tự do.
Lãnh đạo phong trào « Sạch » ( Bersih), Maria Chin Abdulla, bị biệt giam theo đạo luật mới về an ninh, cho phép chính quyền toàn quyền bắt nhốt một người nào bị nghi ngờ là khủng bố.
Vấn đề là người phụ nữ trẻ này không có liên hệ gì với khủng bố. Phong trào xã hội công dân Bersih chỉ đòi ông Najib Razak từ chức và tranh đấu cho một chế độ bầu cử tự do minh bạch.
Sáu tổ chức bảo vệ nhân quyền và công lý tại châu Á, trong đó có Human Ritghs Watch, Diễn Đàn Nhân Quyền và Phát Triển Á Châu, Ủy Ban Luật Gia Quốc Tế, Liên Minh Báo Chí Đông Nam Á, đã ký một bản thông cáo chung tố cáo chính quyền Najib Razak lạm dụng pháp luật, chà đạp những quyền cơ bản nhất của con người.
Các tổ chức này yêu cầu chính phủ Kuala Lumpur trả tự do ngay lập tức cho những người biểu tình bị bắt và hủy bỏ mọi cáo buộc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161122-malaysia-chong-tham-nhung-bi-cao-buoc-khung-bo
Washington tố cáo
tướng lĩnh Syria chỉ huy tấn công thường dân
Tại Aleppo, quân đội chính phủ Syria oanh kích và tấn công không ngừng nghỉ. Liên Hiệp Quốc tố cáo Damas thi hành chiến thuật « phi nhân trừng phạt tập thể » thường dân và phiến quân. Thứ hai 21/11/2016, tại Hội Đồng Bảo An, đại sứ Mỹ Samantha Power tố cáo đích danh 10 sĩ quan cấp tướng cùng hai đại tá Syria và đe dọa « họ sẽ không thoát được công lý ».
Vấn đề là Damas thừa biết tổng thống Barack Obama không làm được gì để cứu Aleppo. Theo giới chuyên gia, chính quyền Syria và đồng minh Nga cố gắng tranh thủ thời gian, tìm một chiến thắng quân sự trước khi ông Donald Trump nhậm chức.
Từ Washington, thông tín viên Marie Bourreau phân tích :
« Cứ hàng tháng, không xao lãng , Stephen O’ Brien, tường trình cho Hội Đồng Bảo An tình hình hoạt động nhân đạo ở Syria. Nhưng báo cáo viên không còn từ ngữ nữa : « Thưa ngài chủ tịch, với tư cách con người, tôi đã hết sức chịu đựng rồi… ». Tình hình mà ông mô tả trong các khu phố của lực lượng nổi dậy ở Aleppo thật khủng khiếp. « Thường dân bị cô lập, đói ăn, bị dội bom, không có thuốc men, không được hỗ trợ y tế, nhân đạo, mục tiêu là để buộc họ đầu hàng hoặc bỏ trốn. Một chiến thuật tàn nhẫn có dụng ý ».
Trong vòng 6 tháng, số người bị quân đội Syria bao vây đã tăng gấp đôi, lên đến gần 1 triệu người. Vị lãnh đạo chiến dịch nhân đạo quy trách nhiệm cho Hội Đồng Bảo An : « Những kẻ bao vây thành phố biết là bây giờ Hội Đồng Bảo An bất lực hay là không muốn chấm dứt tình trạng này. »
Đại sứ Mỹ Samantha Power cho dù có cố gắng nêu một cách trịnh trọng tên của các tướng lãnh Syria mà theo Mỹ là đã phạm tội ác đối với thường dân Syria, nhưng ai cũng biết là Washington giờ đây làm việc tối thiểu trên hồ sơ Syria trong khi chờ đợi chính quyền mới. »
Nhật Bản : Động đất mạnh ngoài khơi Fukushima
Một trận động đất mạnh 7,4° trên thang địa chấn Richter đã xảy ra vào hôm nay, 22/11/2016 ngoài khơi miền bắc Nhật Bản, không xa nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Địa chấn đã làm dấy lên những đợt sóng cao khoảng một mét gần nhà máy điện Fukushima Daiichi, vốn đã bị hư hại nặng nề trong đợt sóng thần năm 2011.
Trước mắt chưa có báo cáo về thiệt hại do sự cố hôm nay, và báo động sóng thần đã bị hủy bỏ. Thông tín viên RFI Frédéric Charles từ Tokyo cho biết thêm chi tiết :
« Địa chấn đã xảy ra với cường độ rất mạnh và kéo dài. Người dân vùng Fukushima tưởng chừng phải sống lại thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, từng gây ra tai nạn nhà máy điện hạt nhân. Lần này họ đã nhanh chóng tuân theo lệnh di tản, hàng trăm công nhân, kỹ thuật viên nhà máy điện đã ngưng làm việc.
Một ngọn sóng cao khoảng một mét đã được ghi nhận trước hai nhà máy điện ở Fukushima Daiichi và Daini. Cơn địa chấn đã làm ngưng hệ thống làm nguội ở bể nước tại lò phản ứng hạt nhân thứ 3 của nhà máy điện hạt nhân Daini, không bị hư hại trong lần địa chấn trước cách đây năm năm rưỡi. Hệ thống này đã hoạt động trở lại không đầy hai tiếng đồng hồ sau đó.
Không có dấu hiệu bất thường nào được thông báo tại hai nhà máy điện nói trên ở Fukushima, cho dù điện đã bị cắt trong vùng.
Chính quyền Nhật trong thời gian qua tìm cách cho hoạt động lại các nhà máy điện hạt nhân được đánh giá là an toàn. Tuy nhiên sự cố hôm nay có lẽ sẽ khiến ê kíp của thủ tướng Abe thận trọng hơn trước khi quyết định cho hoạt động trở lại khoảng 40 lò phản ứng hạt nhân vẫn còn bị tạm ngưng ở Nhật Bản. »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161122-nhat-ban-dong-dat-manh-ngoai-khoi-fukushima-tao-nen-song-than-nhe
Pháp : Nguy cơ khủng bố vẫn « rất cao »
Sau một loạt các vụ tấn công đẩm máu vào năm ngoái, nguy cơ khủng bố ở Pháp vẫn « rất cao ». Đó là cảnh báo của chính phủ Pháp hôm qua, 21/11/2016, khi thông báo là một mưu toan khủng bố vừa bị phá vỡ cuối tuần qua.
Bộ trưởng Nội Vụ Bernard Cazeneuve hôm qua cho biết là 7 nghi can đã bị câu lưu trong đêm thứ Bảy, rạng sáng Chủ Nhật ở Strasbourg và Marseille. Những người này mang quốc tịch Pháp, Maroc và Afghanistan. Khi khám xét nhà các nghi can, cảnh sát đã tìm thấy nhiều vũ khí. Những người này có liên hệ với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, tức là nhóm đã lên tiếng nhận trách nhiệm phần lớn những vụ tấn công khủng bố Pháp từ tháng 01/2015.
Theo bộ trưởng Nội vụ Cazeneuve, việc phá vỡ âm mưu khủng bố nói trên là kết quả một cuộc điều tra kéo dài từ hơn 8 tháng qua. Nhóm khủng bố đã bị vô hiệu hóa chỉ một tuần trước khi khai mạc chợ Noel nổi tiếng ở Strasbourg vào thứ Sáu 25/11, mà hàng năm vẫn thu hút khoảng 2 triệu khách.
Theo thị trưởng Strasbourg, Roland Ries, thành phố này không phải là mục tiêu tấn công, mà nhóm khủng bố nhắm nhiều hơn vào vùng Paris. Cho nên, chính quyền địa phương vẫn duy trì chợ Noel năm nay, nhưng sẽ tăng cường các biện pháp an ninh.
Tổng thống François Hollande hôm qua cho biết là từ đầu năm đến nay, đã có 418 người bị câu lưu do có liên hệ với các mạng lưới khủng bố. Chỉ riêng trong năm 2016, đã có 20 vụ khủng bố hoặc âm mưu khủng bố bị chặn đứng tại Pháp.
http://vi.rfi.fr/phap/20161122-phap-nguy-co-khung-bo-van-%C2%AB-rat-cao-%C2%BB
Hoa Kỳ rút lui, Trung Quốc có cơ hội bá quyền khu vực
Washington không thể tự cho phép mình bỏ rơi các đồng minh ở châu Á – Thái Bình Dương. Trên đây là nhận định của Philip Golub, giáo sư trường đại học Hoa Kỳ tại Paris khi trả lời các câu hỏi của phóng viên Bruno Philip, trên báo Le Monde ngày 19/11/2016.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế Philip Golub từng là một trong những tổng biên tập của nhật báo Asia Times tại Bangkok. Mới đây ông có viết « Một câu chuyện khác về cường quốc Hoa Kỳ » (nhà xuất bản Le Seuil, 2011) và « Sự hồi sinh của Đông Á » (Polity, 216 trang).
Trung Quốc giờ có thể xoa tay nghĩ rằng Hoa Kỳ từ bỏ châu Á ?
Tôi không nghĩ là dưới thời ông Trump, Hoa Kỳ sẽ nhường chỗ của họ tại Đông Á. Từ thế kỷ XIX, Hoa Kỳ đã là một cường quốc tại Thái Bình Dương, và nhất là kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần II. Ở vùng này, họ có những lợi ích chiến lược quan trọng hàng đầu và không thể cho phép mình bỏ rơi các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… Một hành động đơn phương thoái lui vào lúc mà Trung Quốc đang trở thành một cường quốc lớn có thể làm thay đổi một cách cơ bản không chỉ thế cân bằng trong khu vực, mà cả chính sức mạnh của Mỹ. Một chính sách như thế dường như sẽ không có lợi ích gì cho ông Trump.
Bắc Kinh sẽ làm gì nếu chính quyền mới ở Mỹ áp đặt chính sách bảo hộ?
Khi từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định quy tụ 12 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương nhưng không có Trung Quốc, ông Trump sẽ cho phép Bắc Kinh thúc đẩy nhanh hơn nữa dự án của họ về một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn với trung tâm là Trung Quốc : đó là Khu vực tự do mậu dịch châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).
Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực thành lập các định chế quản lý kinh tế cạnh tranh với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và Ngân Hàng Thế Giới, như lập Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á AIIB, trụ sở tại Thượng Hải, hay như Ngân Hàng Phát Triển Mới NDB, do nhóm BRICS thành lập (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Obama từng hy vọng « xoay trục » sang châu Á. Tuy nhiên, triển vọng này có nguy cơ bị xem xét lại một cách nghiêm trọng…
Đúng vậy, nhưng các định chế về quốc phòng và an ninh Hoa Kỳ và các tác nhân kinh tế mạnh nhất của Mỹ sẽ cực lực phản đối mọi hành động đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi Đông Á. Nếu Donald Trump tìm cách áp đặt một biện pháp như thế, ông ấy sẽ phải đối mặt với nhiều sự chống đối quan trọng từ bên trong nước Mỹ. Nhất là bởi vì một hành động rút lui của Hoa Kỳ có thể mở ra một không gian quan trọng cho Trung Quốc phát triển quyền bá chủ khu vực. Bởi vì, khi thoái lui, Hoa Kỳ tạo ra một khoảng trống chiến lược mà Bắc Kinh sẽ lấp vào.
Như vậy là ông không tin rằng Hoa Kỳ thoái lui tại châu Á ?
Nhóm cố vấn của ông Trump sẽ định ra một chiến lược thống trị tại Thái Bình Dương. Đổi lại, việc tiếp tục mở rộng sự hiện diện của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương có thể được thực hiện mà không có vế đa phương và hợp tác mà chính quyền Obama đã triển khai. Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa chính sách được tiến hành cho đến lúc này và chính sách dường như đang được Trump chủ trương – hình như không có những ý tưởng rõ ràng về chủ đề này – có lẽ chính là việc Hoa Kỳ từ bỏ cam kết thúc đẩy dân chủ, từng được thể hiện rõ chẳng hạn như trong việc xích lại gần với Miến Điện được Obama quyết định. Với Trump, đó sẽ là thời kỳ « realpolitik » thuần túy.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161122-hoa-ky-rut-lui-trung-quoc-co-co-hoi-ba-quyen-khu-vuc
Châu Âu lập trung tâm chống chiến tranh tâm lý của Nga
Một cơ quan quốc tế chống lại « chiến tranh hợp thể», tuyên truyền định hướng công luận của Nga và của Hồi Giáo cực đoan Daech, sẽ chính thức ra đời tại thủ đô Hensinki vào năm 2017. Sáng kiến của Phần Lan, được thông báo ngày 21/11/2016, được NATO và Liên Hiệp Châu Âu tham gia và ủng hộ.
Theo AFP, cơ sở của Trung tâm châu Âu chống « chiến tranh hợp thể » (guerre hybride) đặt tại Hensinki cho phép giới chuyên gia Tây phương trao đổi thông tin và thông báo cho các nước thành viên về những hình thức tấn công mới, từ tuyên truyền đầu độc của Nga cho đến chiến thuật của Daech.
Jori Arvonen, thứ trưởng Ngoại Giao Phần Lan đặc trách châu Âu, cho biết nỗ lực này là nhằm trang bị cho châu Âu khả năng kháng cự và đối phó với « chiến tranh hợp thể ». Theo định nghĩa, đây là cuộc chiến tranh không tuyên chiến, bao gồm nhiều lĩnh vực như ngoại giao, quân sự, kinh tế, công nghệ, truyền thông, mạng xã hội, tin tặc mà tác nhân có thể nằm trong hay ngoài chính quyền.
Sáng kiến của Phần Lan được Liên Hiệp Châu Âu, NATO và nhiều quốc gia Tây phương như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Ý, Tây Ban Nha yểm trợ. Danh sách thành viên ủng hộ tài chính không dừng lại ở đây.
Trụ sở tại Hensinki có vai trò tập hợp, kết nối một mạng lưới chuyên gia, giáo sư đại học và công chức cao cấp ở các nước thành viên. Những chuyên gia này có nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo và chia sẻ kiến thức chống chiến tranh tuyên truyền hợp thể của Nga và Hồi Giáo cực đoan.
Thứ trưởng Ngoại Giao Jori Arvonen cho rằng Phần Lan xứng đáng đóng vai trò điều hợp vì có nhiều chuyên gia kinh nghiệm trong quan hệ với Nga.
Chiến tranh hợp thể của Nga được nói đến từ khi xảy ra khủng hoảng tại Ukraina.
Chính phủ Đức tố cáo Matxcơva phá uy tín của thủ tướng Angela Merkel trong chiến dịch tung tin đồn thất thiệt, dựng đứng câu chuyện bé gái Đức gốc Nga 13 tuổi bị di dân nhập cư bắt cóc, hãm hiếp hồi Giáng Sinh 2015.
Washington cũng tố cáo điện Kremlin can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ, qua các vụ xâm nhập đánh cắp thư điện tử của đảng Dân Chủ, làm hại uy tín của bà Hillary Clinton.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161122-chau-au-thanh-lap-trung-tam-chong-chien-tranh-tam-ly-cua-nga
Donald Trump nói
Mỹ sẽ từ bỏ TPP ngày đầu ông nhận nhiệm sở
Donald Trump: TPP là ‘thảm họa tiềm tàng’ cho nước Mỹ
Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày đầu tiên ông nhận nhiệm sở.
Tuyên bố được đưa ra trong một video phác thảo những gì ông dự định làm đầu tiên khi nhậm chức vào tháng 1/2017.
Hiệp định TPP được 12 quốc gia chiếm 40% nền kinh tế thế giới ký kết.
Tuy nhiên, ông Trump không đề cập đến việc hủy bỏ Obamacare hoặc xây một tường tại biên giới với Mexico, hai hành động mà ông hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử.
Chiến thắng bất ngờ của Trump hai tuần trước đã làm dấy lên các cuộc biểu tình khắp nước Mỹ.
TPP đã được các quốc gia gồm Nhật, Malaysia, Úc, New Zealand, Canada và Mexico tán thành năm 2015, nhưng chưa được phê chuẩn.
Tôn chỉ của TPP là thắt chặt quan hệ kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng nhưng có ý kiến nói rằng hiệp định này được đàm phán bí mật và thiên vị các tập đoàn lớn.
Phản ứng trước việc Trump bỏ TPP
“Không có gì bất ngờ, nhưng các chính sách thương mại của ông ấy sẽ làm suy yếu lợi ích mà TPP sẽ mang lại cho Mỹ.” Parag Khanna, Trung tâm châu Á và toàn cầu hóa
“Đây là tin buồn. Điều này có nghĩa là kết thúc sự lãnh đạo của Mỹ trong thương mại và trao lại trách nhiệm cho châu Á.” Deborah Elms, Trung tâm Thương mại Châu Á
Clinton và Trump tranh luận về TPP
“Sự sụp đổ của TPP sẽ tạo ra khoảng trống ở châu Á. Có rất nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc giờ đây sẽ lấp đầy khoảng trống này.” Harumi Taguchi, kinh tế gia
Các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương nhóm họp tại Peru cuối tuần qua cho biết họ sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận thương mại tự do bất chấp phản đối từ phía ông Trump.
Nhưng hôm 21/11, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết thỏa thuận thương mại TPP sẽ là vô nghĩa nếu không có sự tham gia của Mỹ.
Karishma Vaswani, Phóng viên về kinh doanh châu Á phân tích: “Việc Tổng thống đắc cử Trump báo hiệu sự chấm dứt của TPP là đòn giáng xuống nhiều quốc gia mới nổi ở châu Á. Chắc chắn là các nước khác có thể tiếp tục theo hiệp định với thỏa thuận riêng của họ – nhưng vấn đề là TPP sẽ về đâu nếu không có quyền tiếp cận không hạn chế thị trường Mỹ?
Việt Nam và Malaysia được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận này. Hai nước này đang đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ, nhưng hy vọng thuế quan với một số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo sẽ được xóa bỏ.
Trung Quốc có thể thúc đẩy thỏa thuận thương mại khu vực được biết đến với tên RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực). Nhưng liệu thỏa thuận thương mại do Trung Quốc khởi xướng có mang lại những lợi ích tương tự?
Một số nhà phân tích cho hay hầu hết các nước châu Á được ưu đãi tiếp cận thị trường Trung Quốc theo Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Asean năm 2010.
Nhưng quý vị có thể thấy một số nước châu Á bị loại khỏi TPP – như Philippines, Thái Lan và Nam Hàn – hưởng lợi từ RCEP”.
Trong đoạn video được công bố, ông Trump cho biết nghị trình của ông sẽ “Ưu tiên cho nước Mỹ”.
Sáu động thái Trump sẽ thực hiện trong ngày đầu ở Nhà Trắng:
Công bố thông báo rút khỏi TPP
Hủy bỏ hạn chế về sản xuất năng lượng của Mỹ
Cắt bớt các quy định về doanh nghiệp
Yêu cầu thiết lập kế hoạch chống tấn công mạng
Điều tra những lạm dụng trong chương trình cấp visa của Mỹ đối với lao động nhập cư khiến người Mỹ mất việc
Áp lệnh cấm 5 năm cho những công chức từ nhiệm trở thành người vận động hành lang
Tổng thống tân cử dành tuần vừa qua để sắp đặt nội các mới.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38060851
Mỹ bỏ TPP: Một ngày nhiều tin vui cho Trung Quốc
Carrie GracieBiên tập viên về Trung Quốc của BBC
Chính phủ Trung Quốc vui mừng khi nghe Donald Trump nói Hoa Kỳ sẽ từ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay ngày đầu tiên ông vào Nhà Trắng.
Bắc Kinh đã nhiều năm qua phải nghe chính phủ của Obama nói hiệp định thương mại khu vực giữa 12 quốc gia này là cách Hoa Kỳ thúc đẩy vị trí lãnh đạo của mình ở Châu Á.
Trung Quốc không nằm trong hiệp định này, và Tổng thống Barack Obama đã không ngần ngại nhắc nhở các nước trongkhu vực đây không phải là chuyện tình cờ. TPP cho phép Hoa Kỳ – chứ không phải các nước như Trung Quốc – đặt ra luật lệ trong thế kỷ 21, một chiến lược vô cùng quan trọng cho Mỹ trong một khu vực năng động như Châu Á- Thái Bình Dương.
Chiến lược này cũng không phải chỉ liên quan đến các luật lệ thương mại. TPP là một phần cốt lõi trong chiến lược “xoay trục sang châu Á” của chính quyền Obama.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu Mỹ, hiệp định này còn thúc đẩy các mối quan hệ cốt yếu của Washington ở Châu Á – Thái Bình Dương, thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong khu vực và thúc đẩy các giá trị của Hoa Kỳ.
“Thông qua hiệp định TPP cũng quan trọng đối với tôi như có thêm một tầu chiến hạm mới”, ông khẳng định.
Trump hứa sẽ “đưa quyền lợi của người Mỹ lên đầu” bằng việc từ bỏ TPP.
Chẳng có gì lạ khi trước đây Bắc Kinh thấy rõ chiến lược quay trục sang châu Á của Mỹ, trong đó có TPP, là một kế hoạch ít che đậy nhằm khống chế ảnh hưởng ngày một tăng của Trung Quốc.
Mới cuối tuần qua, thông tấn xã Trung Quốc mô tả TPP là “một cánh tay kinh tế trong chiến lược địa lý chính trị của chính quyền Obama để đảm bảo Washington là bá chủ ở khu vực”.
Nhưng ông Donald Trump thắng cử tổng thống Mỹ một phần là do cử tri Mỹ phản đối mạnh mẽ các hiệp định thương mại và toàn cầu hóa. Những người bỏ phiếu cho ông sẽ xem việc ông bỏ TPP ngay ngày đầu nhậm chức là ông thực hiện các cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Dân chủ là thế.
Quốc gia Hoa Kỳ cũng có những cam kết quốc tế.
Hiệp định thương mại mà ông Trump từ bỏ cũng chính là hiệp định mà người tiền nhiệm của ông đã ủng hộ và mất hàng năm trời thúc giục các nước đồng minh tham gia theo. Bắc Kinh giờ đây sẽ khuyến khích các chính phủ trong khu vực so sánh mức độ tin cậy trong cam kết của Trung Quốc với các cam kết của Mỹ.
“Mọi người sẽ phật lòng”
Bắc Kinh cho rằng Hoa Kỳ chỉ là một thế lực ở châu Á khi họ muốn, còn Trung Quốc sẽ là một thế lực mãi mãi ở châu Á. Như lời phát biểu thẳng thắn của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong chuyến thăm Washington hồi tháng Tám, TPP sẽ “thử thách uy tín” của Hoa Kỳ với các đối tác trong khu vực.
“Mỗi quốc gia đều phải đương đầu với một số phản đối chính trị và các vấn đề nhạy cảm trong nước, phải trả giá về mặt chính trị để đến bàn đàm phán và ký kết hiệp định này”, ông Lý nói.
“Nếu như vào phút chót, mọi người đã chờ ở nhà thờ, mà cô dâu lại không tới, thì mọi người sẽ thấy rất phật lòng”.
Giờ thì các nhà ngoại giao Mỹ không muốn gì được nấy ở châu Á. Sau khi Mỹ nói với các đối tác khu vực là ký kết TPP sẽ củng cố vị trí lãnh đạo của Mỹ ở khu vực, ai cũng kết luận được là từ bỏ TPP sẽ làm suy yếu vị trí lãnh đạo của Mỹ. Và Trung Quốc đã sẵn sàng vào vị trí lãnh đạo khu vực đang bỏ trống này.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Peru cuối tuần qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với các nhà lãnh đạo trong khu vực đã đến lúc các quốc gia có mối quan hệ đối tác chặt chẽ, các giải pháp mọi bên cùng thắng và các sáng kiến chiến lược.
Trung Quốc sẽ không đóng cửa với thế giới bên ngoài mà sẽ mở cửa rộng hơn.
Các quan chức đi cùng Chủ tịch Cận không phí thời gian và đã bắt tay ngay vào đàm phán các hiệp định thương mại ít tham vọng hơn mà Bắc Kinh ủng hộ. Đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP), và Khu Tự do Thương mại châu Á Thái Bình Dương (FTAAP).
Các động thái về lãnh đạo thương mại này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “Một thắt lưng một con đường” (One Belt One Road), một lộ trình nhiều năm, nhiều tỷ đô la Mỹ nhằm mở rộng ảnh hưởng chiến lược, thương mại và đầu tư của Trung Quốc ở châu Á. Ngoài ra, Bắc Kinh còn cấp vốn cho một số ngân hàng cho vay trong đó có Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á.
Xét về tổng thể tình hình quyền lực ở châu Á, Mỹ rút khỏi TPP mang lại lợi ích chiến lược cho Trung Quốc, không những chỉ vì một hiệp định thương mại do Mỹ ủng hộ tan vỡ hay việc Mỹ xoay trục sang châu Á nay không còn.
Thông báo về TPP của ông Trump đánh trúng vào tâm điểm của sự bất ổn lan rộng về chủ ý của Mỹ dưới thời tổng thống Trump. Liệu Mỹ vẫn dự định cổ súy một hệ thống dựa trên các luật lệ công bằng và hội nhập?
Hay chủ trương “đưa Hoa Kỳ lên trước” của ông Trump đồng nghĩa với việc các cam kết hợp tác theo chủ nghĩa quốc tế hóa được thay thế bởi một quan điểm hẹp hơn cổ súy lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ dựa trên cạnh tranh?
Nếu quyết định về TPP là dấu hiệu cho thấy chính quyền của ông Trump nghiêng về phía câu hỏi thứ hai, các đồng minh của Mỹ ở châu Á sẽ chờ đợi tuyên bố về an ninh của ông Trump với sự lo ngại còn lớn hơn.
Nói trắng ra, liệu các quốc gia trong khu vực còn có thể tin cậy Mỹ sẽ can thiệp giúp nếu các nước này bị đe dọa bởi một nước Trung Quốc ngày càng mạnh? Dù câu trả lời là gì đi nữa, việc các đồng minh của Mỹ bắt đầu đưa ra câu hỏi này đã là một tin vui cho Trung Quốc.
Và trước khi chúng ta rời chủ đề Bắc Kinh đang đưa tin vui từ Tòa tháp Trump, phải nói là Trung Quốc có tin vui không những là vì những điều ông Trump tuyên bố mà còn vì những gì ông không tuyên bố.
Khi lên kế hoạch của mình trong những ngày đầu vào nhiệm sở, ông tổng thống đắc cử không hề đả động đến chuyện Mỹ sẽ gọi Trung Quốc là một quốc gia chi phối tiền tệ và đánh thuế cao các mặt hàng nhập từ Trung Quốc, những lời đe dọa ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Sự im lặng của ông Trump về vấn đề này cùng với đám tang cho TPP – một hiệp định Trung Quốc ghét cay ghét đắng – đúng là một ngày nhiều tin vui cho Trung Quốc.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38063332
Những người chống thỏa thuận hạt nhân Iran
đề nghị ông Trump nên duy trì thỏa thuận
WASHINGTON —
Các đại biểu của Ðảng Cộng hòa và những người lâu nay vẫn chống thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015, giờ đây lại hối thúc chính quyền của ông Trump hãy củng cố thay vì huỷ bỏ thỏa thuận với Iran, mà ông Trump từng miêu tả là “thỏa thuận tồi nhất trong lịch sử.”
Trong khi vận động tranh cử, ông Trump không ngần ngại đả kích thành tựu quan trọng có tính đột phá về chính sách đối ngoại của chính quyền Obama. Ông Trump nói: “Chưa bao giờ trong đời tôi chứng kiến một thoả thuận nào kém cỏi như thỏa thuận hạt nhân của chúng ta với Iran. Chưa từng thấy.”
Đó là quan điểm mà ông Trump thường xuyên hô hào trong suốt chiến dịch tranh cử, nhưng giờ đây ngay cả những người chống đối cũng đang lo ngại bãi bỏ thỏa thuận này sẽ có hại nhiều hơn là có lợi.
Về mặt pháp lý, Mỹ có thể đơn thuần rút khỏi một thỏa thuận quốc tế không mang tính ràng buộc.
Cựu luật sư của Bộ Ngoại giao, ông Edward Swaine nói với VOA: “Sẽ không có trách nhiệm pháp lý nào nếu Mỹ thay đổi quan điểm về thỏa thuận này.”
Nhưng các hậu quả về chính sách của quyết định này sẽ vô cùng lớn. Không những quyết định đó sẽ gây phẫn nộ cho các bên khác ký kết thỏa thuận, trong đó có các đồng minh châu Âu của Mỹ đang nóng lòng mở rộng quan hệ với Iran, mà nó còn dồn ép Iran tái tục chương trình hạt nhân. Những người trước đó chống đối thỏa thuận hạt nhân với Iran, giờ đang nỗ lực để thúc ép ông Trump duy trì thỏa thuận này.
Ông Orde Kittrie của Quỹ Bảo vệ Dân chủ nhận định: “Theo tôi, những người có trách nhiệm trong Quốc hội, ở cả hai đảng, sẽ nhận thấy rằng từ quan điểm của Mỹ, thỏa thuận này đáng ra phải hữu hiệu hơn, nhưng ngay vào thời điểm này nếu phá bỏ nó thì không phải là một ý tưởng hay cho bằng nghiêm khắc thực thi những điều khoản của nó.”
Các đại biểu Ðảng Cộng hòa ở Quốc hội đã không ngăn được thỏa thuận này hồi năm ngoái giờ đang hối thúc việc áp dụng những biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn với Iran với mục đích tăng lực cho chính quyền của ông Trump trong bất cứ cuộc tái thương thuyết nào với Iran trong tương lai.
Ông Orde Kittrie của Quỹ Bảo vệ Dân chủ nói tiếp: “Tôi đoán rằng điều mà chính quyền mới sẽ làm là sẽ thực thi thỏa thuận này một cách nghiêm khắc, buộc Iran phải tuân thủ thỏa thuận đầy đủ, nhưng không phá bỏ thỏa thuận bởi vì theo tôi thì điều đó không đáp ứng lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.”
Bất chấp đã kịch liệt đả kích thỏa thuận này, ông Trump chưa đe dọa sẽ xé bỏ thỏa thuận này. Các chuyên gia nói rằng chiến thuật đó sẽ cho ông thời gian mà ông cần có để duy trì thỏa thuận trong lúc tìm những biện pháp cứng rắn hơn đối với Iran.
Cảnh sát đụng độ với người biểu tình chống
đường ống dẫn dầu ở North Dakota
Cảnh sát dùng hơi cay, gậy cao su, và vòi rồng súng trong các cuộc đụng độ với người biểu tình hôm chiều Chủ nhật ở bang North Dakota, Hoa Kỳ, nơi nhiều tháng nay các nhà vận động cố ngăn chặn việc xây dựng đường ống dẫn dầu, mà theo họ đường ống này sẽ đe dọa nguồn nước và các vùng đất thiêng liêng của các bộ lạc người Mỹ bản xứ.
Các vụ đụng độ đã nổ ra khi khoảng 400 người biểu tình cố phá vỡ một hàng rào cảnh sát được dựng trên một chiếc cầu. Người biểu tình ném đá và vật nhọn vào cảnh sát, và sau đó, theo nguồn tin của cảnh sát, có vài vụ nổ súng, và một người bị bắt giữ. Cũng theo tin của cảnh sát, một viên cảnh sát bị đá ném trúng vào đầu.
Kể từ tháng 10, chiếc cầu Backwater đã bị đóng lại khi các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát diễn ra, buộc chính quyền phải phong tỏa một khu vực do người biểu tình dựng lều lên trên một nền đất thuộc sở hữu cá nhân.
Việc xây dựng đường ống dẫn dầu Access Dakota gần như đã hoàn tất. Dự án trải dài 1.700 km đi xuyên qua các tiểu bang trung-bắc của Hoa Kỳ, giúp vận chuyển ít nhất 400.000 thùng dầu từ hai khu vực khai thác dầu ở North Dakota đến một nơi tập kết ở tiểu bang Illinois mỗi ngày.
Các cư dân bản địa Hoa Kỳ và các nhà vận động môi trường cho biết đường ống dẫn dầu sẽ làm nguồn nước của họ gặp nguy hiểm và đe dọa các vùng đất thiêng liêng thuộc bộ tộc Standing Rock Sioux.
Người biểu tình bắt đầu chống đối mạnh từ tháng 7, khi các công ty xây dựng được phép đặt đường ống ở dưới đáy sông Missouri, tại khu vực có tên là Hồ Oahe, cách khu bảo tồn Standing Rock Sioux chưa đầy một kilomet.
Hàng trăm người ủng hộ đến khu vực Hồ Oahe để ủng hộ người biểu tình thuộc bộ tộc Sioux. Hơn nửa số các bộ tộc trên toàn nước Mỹ công khai ủng hộ bộ tộc Standing Rock Sioux, và rất nhiều thành viên quốc hội đã viết thư kêu gọi chính quyền Obama ngừng xây dựng đường ống dẫn dầu này.
Chính phủ liên bang yêu cầu các toán xây dựng ngưng việc thi công xây dựng ở gần khu bảo tồn Sioux, chờ chính quyền tiểu bang xem xét lại dự án, nhưng toà án từ chối thực thi lệnh ngừng thi công xây dự
Đài Loan-Trung Quốc
hy vọng tiếp tục trao đổi kinh tế-thương mại
Đại diện của Đài Loan tham dự thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC, James Soong, gặp Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, bày tỏ hy vọng tiếp tục trao đổi kinh tế-thương mại giữa hai bên Eo biển Đài Loan, Taiwan News dẫn nguồn tin một cố vấn trong phái đoàn Đài Loan dự APEC cho biết ngày 21/11.
Cuộc họp diễn ra không được sắp xếp trước, ông Lee Hung-chun cho báo giới biết.
Ông nói nội dung trao đổi giữa đôi bên chủ yếu là chào hỏi xã giao cho đến khi ông Soong nêu lên hy vọng rằng chính quyền Trung Quốc ‘không thay đổi đường hướng trao đổi kinh tế-thương mại xuyên Eo biển Đài Loan’ và ‘đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan.’
Nguồn tin này cho biết thêm rằng đề nghị này đã được hai bên chấp thuận và đôi bên nhất trí ra thông cáo về cuộc gặp kéo dài hơn 10 phút bên lề APEC.
Đáp câu hỏi liệu Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, có biết về cuộc gặp này không, ông Lee nói sự việc diễn ra không chính thức nên Tổng thống không biết trước, nhưng phái đoàn sẽ tường trình cho bà Thái vào ngày 24/11 tới đây.
Ông Soong và ông Eric Chu thuộc Quốc Dân đảng bị bà Thái Anh Văn của Dân Tiến đảng đánh bại trong cuộc bầu cử hồi tháng giêng năm nay.
Kể từ khi bà Thái lên nắm quyền, đối thoại xuyên Eo biển Đài Loan bị đình chỉ vì bà dè dặt không công nhận ‘Đồng thuận 1992’ vốn được Bắc Kinh xem như nền tảng chính trị cho sự phát triển trao đổi giữa đôi bên.
Ngoài Chủ tịch Trung Quốc, đặc sứ của Tổng thống Đài Loan, James Soong, cũng gặp gỡ và thảo luận với lãnh đạo các nước bao gồm Việt Nam.
Ông Lee cho biết mục tiêu chính khi ông Soong tham dự thượng đỉnh APEC năm nay là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan kết nối với đối tác kinh doanh trên thế giới, phát triển quan hệ kinh tế-thương mại với 20 thành viên khác trong APEC, đồng thời nêu bật năng động kinh tế của Đài Loan.
Dù Đài Loan là thành viên của Diễn đàn APEC gồm 21 nền kinh tế vùng Vành đai Thái Bình Dương, Tổng thống Đài Loan không thể tham dự thượng đỉnh này vì sự chống đối của Trung Quốc. Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần của Trung Quốc có thể bị hợp nhất bằng võ lực khi cần.
Theo China Post, Taiwan News
Kêu gọi Australia áp lực Trung Quốc
ngưng thu hoạch nội tạng của tù nhân
Hai luật sư Canada ngày 21/11 tới Hạ viện Australia để thuyết phục các nhà lập pháp thông qua một kiến nghị yêu cầu Trung Quốc ngưng ngay việc mà họ gọi là thu hoạch nội tạng của tù nhân lương tâm.
Ông David Kilgour, một cựu công tố viên và là bộ trưởng ngoại giao Canada phụ trách về châu Á-Thái Bình Dương, và ông Davis Matas, một luật sư nhân quyền, đã công bố chứng cứ họ nói cho thấy Trung Quốc cấy ghép nội tạng từ 60.000 đến 100.000 ca hàng năm, với nội tạng chủ yếu lấy của các tù nhân theo phái Pháp Luân Công, những người Hồi giáo Uighurs, những người theo Phật giáo Tây Tạng, và những người theo Cơ Đốc Giáo.
Trung Quốc cho biết đã thực hiện 10.057 ca cấy ghép nội tạng trong năm ngoái và rằng đã ngưng thu hoạch nội tạng của các tử tội từ đầu năm ngoái.
Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một nghị quyết vào tháng 6 năm nay kêu gọi Bộ Ngoại giao báo cáo hàng năm cho Quốc hội về việc thi hành một đạo luật không cấp visa cho những người Trung Quốc hay người nước ngoài khác liên hệ đến việc cưỡng bức cấy ghép nội tạng.
Nghị quyết cũng lên án việc đàn áp Pháp Luân Công, một tổ chức tinh thần mà Trung Quốc gọi là một giáo phái bí hiểm và đã đặt giáo phái này ra ngoài vòng pháp luật.
Trung Quốc nói Quốc hội Mỹ đã đưa ra “những cáo buộc vô căn cứ.”
Quốc hội châu Âu đã thông qua tuyên bố tương tự vào tháng 7 năm nay, kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về “những báo cáo liên tục, đáng tin cậy về việc thu hoạch nội tạng có hệ thống được chính phủ bảo trợ mà không có sự đồng ý của các tù nhân lương tâm” tại Trung Quốc
Ông Kilgour nói chính phủ Australia không sẵn lòng chấp thuận các chứng cứ sâu rộng về việc cưỡng bách thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc. Ông Kilgour cho rằng lý do là vì Australia có những quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia.
Hai ông Kilgour và Matas lần đầu tiên công bố phúc trình về việc Trung Quốc thu hoạch nội tạng vào năm 2006. Phúc trình này là nền tảng cho một cuốn sách của hai ông vào năm 2009 nhan đề “Thu hoạch đẫm máu. Sát hại tín đồ Pháp Luân Công để lấy nội tạng.”
Đệ nhất Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia, Graham Fletcher, nói với một Uỷ ban thượng viện trong tháng trước là ông nghi ngờ về tính khả tín của phúc trình về việc cưỡng bách thu hoạch nột tạng của tù nhân Pháp Luân Công.
Phát ngôn viên tại Australia của Ân xá Quốc tế, bà Caroline Shepherd, nói tổ chức có trụ sở tại London chưa nghiên cứu về việc thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc và ủng hộ lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc mở một cuộc điều tra độc lập.
Bộ Y tế Australia cho biết có ít nhất 53 người Australia đến Trung Quốc để được ghép nội tạng từ năm 2001 đến 2014.
Ông Matas cáo buộc công nghiệp cấy ghép nội tạng phát triển mạnh như vậy không thể nào xảy ra được nếu không có sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Có khoảng 200 người theo Pháp Luân Công biểu tình bên ngoài Hạ viện chống cưỡng bách thu hoạch nội tạng vào ngày 21/11 khi ông Matas và Kilgour thuyết trình cho các nhà lập pháp thuộc một vài chính đảng Australia.
Nhật Bản tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ
tại Nam Sudan
Hôm thứ Hai, một nhóm binh lính của Nhật Bản đã đến Nam Sudan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Đây là nhóm binh lính đầu tiên được gửi ra nước ngoài sau 70 năm qua, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2.
350 binh lính mới đến để thay thế cho một nhóm binh sĩ Nhật đã tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở Nam Sudan trước đó, nhưng trước đây không được phép sử dụng vũ lực.
Chính phủ Nhật Bản vừa trao thêm quyền cho nhóm binh lính mới này, cho phép các binh sĩ dùng vũ lực để ứng cứu trong các trường hợp nhân viên LHQ hay nhân viên cứu trợ kêu cứu khẩn cấp vì bị tấn công.
Nhóm binh lính mới này cũng có kế hoạch bảo vệ các cơ sở của Liên Hiệp Quốc đã từng bị tấn công trước đây.
Các binh lính cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng cơ sở hạ tầng ở thủ đô Juba.
Ông Tsuyoshi Higuchi, một giới chức thông tin quân sự Nhật Bản nói với Reuters rằng, có 67 binh lính đã đến Nam Sudan vào sáng ngày thứ Hai. Một nhóm 63 binh lính khác sẽ có mặt vào chiều cùng ngày. Nhóm cuối cùng trong số 350 binh lính sẽ đến nơi vào ngày 15 tháng 12.
Năm ngoái Nhật Bản thông qua đạo luật cho phép quân đội tham gia giải quyết các xung đột ở nước ngoài, bỏ chính sách chỉ chiến đấu để tự vệ lâu nay. Những người chỉ trích nói rằng đạo luật này vi phạm điều khoản chống chiến tranh trong hiến pháp, và có thể đẩy Nhật Bản vào các vụ xung đột với nước ngoài.
Kể từ khi các vụ đụng độ nổ ra vào tháng 12/2013, Nam Sudan bị nhận chìm trong bạo động giữa những người ủng hộ Tổng thống Tsuyoshi Higuchi và cựu Phó Tổng thống của ông là ông Riek Machar.
Các cuộc đụng độ phần lớn do mâu thuẫn sắc tộc đã đẩy nền kinh tế nước này đến nơi kiệt quệ, giết chết hàng nghìn người, và làm cho hơn hai triệu người phải li tán, gây nên tình trạng cực kỳ nghiêm trọng, được biết với khoảng 5 triệu người đói kém.
Năm nay, ông Machar quay lại thủ đô Juba, sau khi các bên đạt được một hiệp ước hòa bình, trong lúc ông Marchar đang ở bên trong tư dinh của tổng thống vào ngày 08/07, thì bên ngoài làn sóng tranh đấu vẫn tiếp tục diễn ra.
Nhật-Trung nhất trí xây dựng quan hệ hữu nghị ổn định
Thủ tướng Nhật, Shinzo Abe, nói với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, rằng ông nhắm cải thiện tất cả mọi khía cạnh của mối quan hệ Nhật-Trung.
Lãnh đạo hai nước đã hội đàm trong lúc tham dự thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Lima, Peru. Tại đây, đôi bên nhất trí cùng nhau làm việc để xây dựng mối quan hệ hữu nghị, ổn định.
Năm tới, Nhật-Trung đánh dấu 45 năm ngày bình thường hóa quan hệ, và năm sau đó sẽ kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp ước hòa bình-hữu nghị song phương.
Thủ tướng Nhật cho hay Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường, sẽ công du Nhật lần đầu tiên để tham dự thượng đỉnh có sự góp mặt của Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào cuối năm.
Ông Abe hứa hẹn sẽ biến dịp này thành cơ hội mang lại thành quả cho bang giao Nhật-Trung.
Thủ tướng Abe nói ông hy vọng thiết lập mối quan hệ ổn định, hữu nghị với Trung Quốc trên mọi mặt trận trong lúc giải quyết các mối quan tâm một cách thích hợp.
Chủ tịch Trung Quốc cho rằng hai nước cần cải thiện quan hệ trong tư duy hữu nghị bằng cách tiếp tục tổ chức các cuộc thảo luận hiệu quả, giải quyết quan ngại thỏa đáng, và cải thiện tình cảm công chúng.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Abe và ông Tập kể từ tháng 9 khi hai nhà lãnh đạo họp bên lề thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc.
Quan hệ Nhật-Trung gần đây trở nên căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền ở Biển Hoa Đông.
Theo Qatar News Agency, SCMP
http://www.voatiengviet.com/a/nhat-trung-nhat-tri-xay-dung-quan-he-huu-nghi-on-dinh/3605687.html
Nam Triều Tiên luận tội Tổng thống Park Geun-hye
Hôm thứ Hai, các đảng đối lập Nam Triều Tiên bắt đầu kế hoạch luận tội Tổng thống Park Geun-hye, sau khi các công tố viên tuyên tố rằng bà là đồng phạm trong một vụ bê bối do bạn bè thâm niên và trợ lý thân cận của bà gây ra.
Bà Choo Mi-ae, lãnh đạo Đảng dân chủ đối lập trong Quốc hội hôm thứ Hai cho biết: “Đảng của chúng tôi sẽ ngay lập tức xem xét các thủ tục luận tội và lập một tổ chức để tiến hành và xem xét các bước thực hiện luận tội.”
Vào cuối tuần vừa qua, các công tố viên liên bang đã truy tố bạn thân của tổng thống là bà Choi Soon-sil đã lạm dụng quyền lực, cưỡng ép các công ty lớn Hàn Quốc đóng góp hơn 65 triệu đô la vào hai quỹ thể thao bằng đe dọa sẽ quyết toán thuế và bày ra các hợp đồng làm ăn với hai tổ chức thể thao phi lợi nhuận này để trục lợi cho các công ty tư nhân do bà làm chủ.
Ông Ahn Jong-bum, một trong những cựu phụ tá của bà Park, người đã từ chức vào tháng 9 khi các vụ scandal đổ bể, cũng bị truy tố tội đồng lõa và hỗ trợ cho bà Choi. Một phụ tá nữa, tên là Jeong Ho-seong, bị buộc tội làm lộ bí mật nhà nước cho bà Choi, một người có ảnh hưởng đến việc lập chính sách của chính phủ và duyệt các bài phát biểu của Tổng thống Park dù bà này không giữ chức vụ chính thức và chưa được thanh lọc về an ninh.
http://www.voatiengviet.com/a/nam-trieu-tien-luan-toi-tong-thong-park-geun-hye/3605680.html
Thổ Nhĩ Kỳ truy nã thủ lãnh lực lượng Kurd ở Syria
Hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nhà chức trách đã ra trát lệnh bắt giữ 48 chiến binh người Kurd, kể cả thủ lãnh của lực lượng người Kurd ở Syria được Hoa Kỳ hậu thuẫn.
Hãng thông tấn Anadolu loan tin lệnh bắt giữ công bố hôm thứ Ba có liên quan đến một vụ đánh bom tự sát tại Ankara hồi tháng Hai. Cuộc tấn công đã giết chết 29 người, và khiến Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra ngoài vòng pháp luật nhóm chiến binh người Kurd có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Cũng theo hãng tin Anadolu, trong số những người bị bắt có hai lãnh đạo PKK đang sống lưu vong ở châu Âu, 3 chỉ huy trưởng PKK được cho là ở miền bắc Iraq, và Saleh Muslim, lãnh đạo Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD).
Ankara nói PYD và cánh vũ trang của liên minh này là cánh tay vươn dài của PKK tại Syria. Cả ba đều bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố.
http://www.voatiengviet.com/a/tho-nhi-ky-truy-na-thu-lanh-luc-luong-kurd-o-syria/3607086.html
Nga: Cầm giữ binh sĩ Nga gần Crimea
là hành động ‘khiêu khích’
Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói việc Ukraine bắt giữ hai binh sĩ Nga gần biên giới với Crimea là một hành động “khiêu khích”.
Trước đó hôm thứ Hai, lực lượng an ninh Ukraine đã bắt giữ hai binh sĩ Nga gần biên giới với Crimea.
Kiev nói rằng hai người đàn ông trong cuộc là binh sĩ Ukraine đã đào ngũ khỏi quân đội và họ bị bắt giữ trên lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.
Moscow thì nói hai binh sĩ này bị bắt tại Crimea, bán đảo của Ukraine mà Moscow đã sáp nhập vào Nga năm 2014.
Nga: hệ thống phi đạn mới
tại Kaliningrad để trả đũa NATO
Nga sẽ bố trí phi đạn đất đối không S-400 và hệ thống Iskander có khả năng hạt nhân tại phần đất Kaliningrad để trả đũa các hành động triển khai của NATO, một nhà lập pháp ủng hộ Điện Kremlin ngày 21/11 cho biết.
Nga từng tuyên bố triển khai hệ thống Iskander tới Kaliningrad theo định kỳ, nhưng cho tới nay vẫn nói rằng hành động này là các đợt thao dượt thường xuyên, không công khai liên kết với điều mà họ gọi là ‘gây dựng quân sự của NATO trên biên giới phía Tây của Nga.’
Sau chiến thắng của ông Donald Trump, người muốn siết chặt quan hệ với Nga và chất vấn về chi phí Mỹ bỏ ra để bảo vệ các đồng minh châu Âu, một số nhà phân tích dự đoán rằng Moscow sẽ trở nên quyết đoán hơn tại Đông Âu.
Ông Viktor Ozerov, chủ tịch ủy ban quốc phòng thuộc Hội đồng Liên bang, Thượng viện Nga, được hãn thông tấn RIA dẫn lời cho biết Nga buộc phải phản ứng với hệ thống lá chắn phi đạn dự kiến của Mỹ tại Đông Âu.
“Như những biện pháp đáp ứng các mối đe dọa đó, chúng tôi sẽ phải… bố trí thêm lực lượng… bao gồm triển khai hệ thống S-400 và Iskander tới Kaliningrad,” ông Ozerov tuyên bố.
Bộ Quốc phòng Nga chưa phản hồi tức thì yêu cầu bình luận của hãng tin Reuters về phát biểu của ông Ozerov.
http://www.voatiengviet.com/a/nga-he-thong-phi-dan-moi-tai-kaliningrad-de-tra-dua-nato/3606154.html