Tin khắp nơi – 22/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 22/10/2017

Nhật: Hàng triệu người đi bầu sớm

Một cơn bão gây mưa lớn ở Nhật trong thời điểm nước này tổ chức tổng tuyển cử sau khi Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi bầu cử sớm trước đe dọa gia tăng từ Bắc Hàn.

Ông Abe kêu gọi bầu cử trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ ông đã cao trở lại sau khi xuống mức thấp kỷ lục trong mùa hè và phe đối lập đang bị xáo trộn.

Ông được dự đoán sẽ giành được đa số phiếu.

Lập ‘Viện Đạo đức’ và Điểm tin tức tuần

Thủ tướng Abe giải tán quốc hội Nhật

Lãnh đạo Việt, Nhật cùng tiếng nói về TPP

Theo phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes tại Tokyo, một người quan sát mô tả việc bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe là “không có lựa chọn nào khác”.

Thách thức từ Đô trưởng Tokyo Yuriko Koike dường như không đáng kể.

Ông Abe hy vọng đảng của ông sẽ giành được ⅔ số phiếu, cho phép ông thực hiện những thay đổi hiến pháp. Đặc biệt, ông muốn đổi lực lượng phòng vệ của Nhật Bản thành quân đội quốc gia lần đầu tiên kể từ Thế chiến hai.

Hiện chưa rõ cơn bão Lan sẽ có tác động nào đến lượng người đi bầu. Bão cấp bốn gây gió mạnh và mưa lớn ở miền nam nước Nhật, khiến các chuyến bay bị hủy và dịch vụ đường sắt gián đoạn.

Dự kiến ​​cơn bão sẽ đổ bộ vào khu vực Tokyo hôm 23/10, Cơ quan khí tượng Nhật cho hay.

Các phòng phiếu đóng cửa vào lúc 20:00 giờ địa phương (11:00 GMT).

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41675871

 

Nhật Bản: Abe sắp ‘thắng cử vang dội’

Theo các cuộc thăm dò ý kiến, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang trên đường giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử phổ thông hôm Chủ nhật, 22/10/2017.

Một cuộc thăm dò đã đưa liên minh Đảng Dân chủ Tự do LDP của ông Abe lên tới 311 ghế, cho phép giữ một “siêu đa số” với tỷ lệ 2/3.

Các cuộc thăm dò khác cho thấy liên minh hơi thấp hơn một chút ngưỡng hai phần ba.

VN định lập ‘Viện Đạo đức’ và Điểm tin tuần

Nhật: Hàng triệu người đi bầu sớm

Thủ tướng Abe giải tán quốc hội Nhật

Chiếm được đa số là điều sống còn đối với tham vọng của ông Abe khi ông muốn sửa đổi hiến pháp hậu chiến, hòa bình của Nhật Bản.

Điều 9 của bản Hiến pháp, được áp dụng bởi những người Mỹ chiếm đóng vào năm 1947, kêu gọi hoàn toàn từ bỏ chiến tranh.

Nhật Bản đã vận dụng xung quanh điều này bằng cách tuyên bố rằng quân đội tồn tại vì mục đích phòng vệ, nhưng ông Abe từ lâu đã nói rõ rằng ông muốn sửa đổi điều này.

Tăng cơ hội

Chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ giúp tăng cơ hội của ông Abe trong việc đảm bảo một nhiệm kỳ ba năm thứ ba làm lãnh đạo đảng LDP khi đảng này bỏ phiếu vào tháng Chín tới.

Điều đó sẽ cho ông cơ hội trở thành Thủ tướng cầm quyền lâu nhất của Nhật Bản, từ khi ông được bầu vào năm 2012.

Nhật Bản có cuộc bầu cử vào hôm Chủ Nhật trong lúc cơn bão Lan tràn qua nhiều phần của đất nước.

Thủ tướng Abe muốn ‘thắt chặt quan hệ’ Nhật-Việt

Ông Abe kêu gọi mở cuộc bầu cử sớm giữa lúc các chỉ báo được cho là thuận lợi với liên minh của ông, nhưng lại là thời điểm có ‘hỗn loạn’ trong phe đối lập.

Phát biểu với BBC, một nhà quan sát mô tả cuộc bầu cử với Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe là “không có sự thay thế nào”.

Ông Abe thông báo cuộc bầu cử vào ngày 25 tháng Chín, nói rằng ông cần một nhiệm kỳ mới để đối phó với “các cuộc khủng hoảng quốc gia” mà Nhật Bản đang đối mặt.

Các cuộc khủng hoảng bao gồm Bắc Hàn, nước đã đe doạ “nhấn chìm” Nhật Bản xuống biển. Bình Nhưỡng cũng đã bắn hai hỏa tiễn bay qua Hokkaido, một hòn đảo ở phía bắc của Nhật.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41714860

 

Cựu đảng viên Cộng sản sắp làm Thủ tướng Czech

Ứng viên tỷ phú dân túy Andrej Babis và đảng của ông giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tại Cộng hòa Czech.

Ông Babis, 63 tuổi, cựu đảng viên cộng sản Slovakia, người từng bị cho là cộng tác viên an ninh StB, nhưng nay có 4 tỷ đôla, là người giàu thứ nhì tại nước này.

Đảng ANO (Đúng thế) của ông nhận được gần 30% trên tổng số phiếu được kiểm – gần gấp ba lần so với đối thủ. ANO có nghị trình “chống tầng lớp cầm quyền” dù ông Babis từng làm Phó thủ tướng, Bộ trưởng trong chính phủ liên minh trước đây.

Đảng Dân chủ Công dân và đảng Cướp biển (Pirates) về nhì và ba với hơn 10% số phiếu cho mỗi đảng.

Lập ‘Viện Đạo đức’ và Điểm tin tức tuần

Walesa phủ nhận hợp tác với an ninh cộng sản

Số người đi bầu là gần 61%.

Ông Babis, người sắp thành thủ tướng, nói với Reuters rằng ông “mời tất cả mọi người tham gia đàm phán” nhưng không sẵn sàng “hợp tác” với đảng cực hữu chống EU và đảng Dân chủ Trực tiếp hay đảng Cộng sản.

Ông nói sẽ không đưa Czech vào khu vực đồng euro nhưng ông muốn nước ông ở lại EU. Ông cũng cho hay sẽ đề xuất thay đổi với Hội đồng Châu Âu về các vấn đề như chất lượng lương thực và “giải pháp di dân”.

Ông sinh ra ở Slovakia thời Tiệp Khắc và được cho là thân Moscow.

Hồi nhỏ, là con một nhà ngoại giao Tiệp Khắc, ông đi học ở Paris và Geneva.

Các báo châu Âu gọi ông là Donald Trump của Czech vì các phát biểu chống người nhập cư, và vì ông cũng là tỷ phú.

Toà án tại Slovakia đã mở điều tra về các cáo buộc ông Babis là nhân viên an ninh thời cộng sản, điều ông bác bỏ.

Ông cũng phủ nhận các thông tin nói ông từng làm việc cho KGB.

Bị cáo buộc biển thủ

Ông cũng từng bị buộc tội biển thủ 2 triệu euro tiền trợ cấp của EU cho công ty riêng nhưng ông nói ông là nạn nhân của vụ việc có động cơ chính trị.

Một số tiếng nói trong chính trường Czech lo ngại rằng không chỉ đã làm chủ các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp, hoá chất và thực phẩm, ông Babis còn mua luôn hai tờ báo ở Czech và một đài truyền hình, động thái giúp ông có tiếng nói trong ngành truyền thông.

Bầu cử nghị viện Cộng hòa Czech bắt đầu từ hôm 20 và kết thúc một ngày sau.

Các khẩu hiệu công kích EU và chính sách tái định cư người tỵ nạn Trung Đông ở châu Âu của đảng ANO thu hút cử tri Czech cả ở phe tả và phe hữu.

Một số báo châu Âu đặt câu hỏi nếu ông Babis làm thủ tướng, Czech có nghiêng về phía các nước Ba Lan và Hungary để hãm đà liên kết EU mà Brussels mong muốn hay là không.

Hồi 2015, ông Babis đã gặp Ngoại trưởng Áo khi đó, Sebastian Kurz, người lên làm thủ tướng tuần trước.

Ông Kurz có quan điểm giảm bớt hội nhập châu Âu và chia sẻ nghị trình của phe cực hữu Áo.

Từng ủng hộ việc Nga sáp nhập Crimea, ông Babis bị nhà báo Mỹ, bà Anne Applebaum nêu tên trong một cuốn sách về chính trị Đông Âu như một trong những chính trị gia có quan hệ chặt với quyền lợi của Nga dưới thời ông Vladimir Putin.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41675870

 

Tây Ban Nha ‘sắp loại bỏ’ lãnh đạo Catalan

Lãnh đạo vùng Catalonia Carles Puigdemont tuyên bố Catalonia sẽ không chấp nhận việc Madrid áp đặt quyền điều hành trực tiếp khu vực.

Ông mô tả đây là cuộc tấn công tồi tệ nhất vào định chế vùng này kể từ thời kỳ độc tài của Tướng Franco.

Phát biểu sau cuộc họp nội các khẩn cấp hôm thứ Bảy, Thủ tướng Tây Ban Nha ông Mariano Rajoy không giải tán quốc hội của vùng này nhưng đưa ra kế hoạch cho các cuộc bầu cử ở Catalonia.

Các biện pháp đưa ra phải được Quốc hội Tây Ban Nha phê chuẩn trong vài ngày tới.

Bàn tròn Điểm tin tức cuối tuần (từ 15-21/10/2017)

Tây Ban Nha sắp ngưng quy chế tự trị của Catalonia

Lãnh đạo Catalonia chịu áp lực trước khi tuyên bố ly khai

Tây Ban Nha: Cảnh sát đàn áp trưng cầu độc lập

Các kế hoạch được đưa ra gần ba tuần sau khi Catalonia tổ chức một cuộc trưng cầu độc lập gây tranh cãi.

Đây không phải là ước muốn của chúng tôi, không phải là ý định của chúng tôi để kích hoạt điều khoảnThủ tướng TBN Mariano Rajoy

Tòa án tối cao Tây Ban Nha tuyên bố cuộc bỏ phiếu trưng cầu này là bất hợp pháp và nói nó đã vi hiến, và mô tả đất nước là không thể phân chia.

Lãnh đạo vùng Catalan, ông Carles Puigdemont đã phớt lờ lời đề nghị của chính phủ quốc gia về từ bỏ những động thái hướng tới độc lập.

Ông Rajoy nói rằng chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp đặt việc cai trị trực tiếp, lập luận rằng những hành động của chính phủ Catalan là “trái với luật pháp và tìm kiếm sự đối đầu”.

Điều này sẽ được thực hiện thông qua điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha vốn cho phép áp đặt cai trị trực tiếp trong một cuộc khủng hoảng ở bất kỳ khu vực bán tự trị của quốc gia.

Nghị viện của Tây Ban Nha sẽ bỏ phiếu trong vòng một tuần, ông Rajoy nói tại một cuộc họp báo.

Ông nói đây “không phải là ước muốn của chúng tôi, không phải là ý định của chúng tôi” để kích hoạt điều khoản.

Luật pháp Tây Ban Nha quy định rằng các cuộc bầu cử phải được tổ chức trong vòng sáu tháng kể từ khi Điều 155 được kích hoạt, nhưng ông Rajoy nói rằng bỏ phiếu sớm hơn là một điều cực kỳ quan trọng.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41709519

 

Năm cựu tổng thống Mỹ cùng xuất hiện gây quỹ

Tất cả năm cựu tổng thống Mỹ hiện còn sống hôm 21/10 đã tham gia một buổi hòa nhạc gây quỹ cho các nạn nhân bão ở Hoa Kỳ và các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ như Puerto Rico và Virgin Islands trong những tháng gần đây.

Các cựu Tổng thống Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton, George H.W. Bush và Jimmy Carter tham dự buổi hòa nhạc ở Texas.

Tổng thống Donald Trump không thể tham dự sự kiện, nhưng xuất hiện trong đoạn video được chiếu tại buổi hòa nhạc.

Đương kim tổng thống Mỹ đã cảm tạ mọi người đóng góp vào nỗ lực cứu trợ. Ông Trump tuyên bố rằng Hoa Kỹ sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn trước đây.

Tổ chức của các cựu tổng thống có tên gọi “One America Appeal”. Văn phòng của ông George H.W. Bush hôm 21/10 thông báo rằng tổ chức này đã gây quỹ được 31 triệu đôla từ hơn 80 nghìn người hảo tâm.

Các trận bão gần đây đã gây thiệt hại ước tính lên tới 300 tỷ đôla, và dự kiến, công tác phục hồi sẽ phải mất vài tháng, thậm chí vài năm.

Năm cựu tổng thống Mỹ trên đã cùng nhau nỗ lực quyên góp tiền cho các nạn nhân bão kể từ khi bão Harvey đổ vào Texas hồi tháng Chín.

Kể từ đó, cơn bão Irma tràn vào Puerto Rico và Florida, và bão Maria ảnh hưởng tới Puerto Rico và US Virgin Islands.

Những người tổ chức buổi hòa nhạc nói rằng tiền quyên được từ buổi biểu diễn sẽ được phân bổ qua nhiều tổ chức ở Texas, Florida, Puerto Rico và US Virgin Islands.

https://www.voatiengviet.com/a/nam-cuu-tong-thong-my-cung-xuat-hien-gay-quy/4081178.html

 

Chỉ huy quân đội Indonesia bị từ chối visa vào Mỹ

Indonesia gửi một công hàm tới ngoại trưởng Mỹ và triệu tập phó đại sứ Hoa Kỳ ở Jakarta để yêu cầu giải thích lý do vì sao người đứng đầu quân đội nước này lại bị từ chối visa vào Mỹ. Reuters dẫn lời một quan chức Indonesia cho biết như vậy hôm 22/10.

Tướng Gatot Nurmantyo, Chỉ huy Các lực lượng vũ trang Indonesia, chuẩn bị đáp chuyến bay đi Mỹ hôm 21/10 thì được hãng hàng không thông báo rằng giới hữu trách Hoa Kỳ đã từ chối cho ông nhập cảnh, theo truyền thông Indonesia.

Ông Nurmantyo đi Mỹ theo lời mời của Tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân.

Ông cũng dự kiến tham gia một diễn đàn do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức ở Washington vào ngày 23/10, theo Reuters.

Ông Arrmanatha Nasir, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia, nói rằng ông Nurmantyo đã thông báo cho Bộ này về việc từ chối nhập cảnh, nhưng người phát ngôn này không thể xác nhận các chi tiết.

“Sau khi nhận được thông tin đó, bộ trưởng ngoại giao của chúng tôi đã yêu cầu đại sứ ở Washington DC gửi một công hàm tới ngoại trưởng Mỹ để yêu cầu làm rõ”, phát ngôn viên Nasir nói.

Bộ này cũng sẽ triệu phó đại sứ Mỹ ở Jakarta tới để yêu cầu giải thích vào ngày 23/10, và nói thêm rằng đại sứ Mỹ hiện không có mặt ở Indonesia.

Reuters nói rằng đại sứ quán Mỹ ở Jakarta không phản hồi ngay trước các câu hỏi về vụ việc.

Ông Nurmantyo thường xuyên gây tranh cãi ở Indonesia vì các hành động cũng như vì các tham vọng chính trị của ông này.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói trong tháng này rằng các lực lượng vũ trang nên tránh xa chính trị.

Indonesia, quốc gia với số tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới, có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, dù trong quá khứ, mối bang giao giữa quân đội hai nước trở nên căng thẳng vì các cáo buộc về việc vi phạm nhân quyền liên quan tới quân đội Indonesia.

https://www.voatiengviet.com/a/chi-huy-quan-doi-indonesia-bi-tu-choi-visa-vao-my/4081148.html

 

Cựu Tổng thống Carter ‘sẵn lòng’

tới Bắc Hàn thay ông Trump

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cho biết rằng ông sẵn lòng thay mặt chính quyền của ông Trump, tới Bắc Hàn giúp hóa giải căng thẳng leo thang.

Reuters dẫn một bản tin của The New York Times đưa tin như vậy trên trang web của tờ báo này hôm 22/10.

“Tôi sẽ đi”, ông Carter, 93 tuổi, nói với tờ báo như vậy, khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn ở tư gia tại Georgia về việc liệu đã đến lúc tiến hành một bước đi ngoại giao khác và rằng liệu ông có sẵn sàng làm vậy cho Tổng thống Trump hay không.

Ông Carter, tổng thống thuộc Đảng Dân chủ từ năm 1977 tới 1981, cho biết rằng ông đã nói chuyện với cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, ông H. R. McMaster, một người bạn của ông, nhưng tới nay mới chỉ nhận được phản ứng tiêu cực.

“Tôi nói với ông ấy rằng tôi sẵn lòng nếu họ cần tôi”, tờ The New York Times dẫn lời ông Carter nói.

Khi được thông báo rằng một số người ở thủ đô Washington cảm thấy lo lắng về cuộc khẩu chiến giữa ông Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, ông Carter nói: “Tôi cũng lo lắng về tình hình này”.

“Họ muốn cứu vãn chế độ của mình. Và chúng ta đã tính toán quá đà về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Hàn, nhất là đối với ông Kim”, ông Carter nhận định và nói thêm rằng theo như ông biết, lãnh tụ trẻ tuổi của Bắc Hàn chưa từng tới Trung Quốc.

Ông nói thêm: “Họ không có quan hệ gì. Kim Jong-il từng tới Trung Quốc và thân thiết với họ”.

Miêu tả lãnh tụ Bắc Hàn là người “khó đoán định”, ông Carter bày tỏ lo lắng rằng nếu ông Kim nghĩ rằng ông Trump sẽ hành động chống lại mình, ông ta có thể thực hiện một hành động phủ đầu, theo The New York Times.

Ông Carter nói: “Tôi nghĩ rằng ông ta giờ đây đã có vũ khí hạt nhân tối tân có thể hủy diệt bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và một số lãnh thổ ngoài rìa của chúng ta ở Thái Bình Dương, có thể thậm chí cả vùng đất liền [Mỹ]”.

Hồi giữa những năm 90, ông Carter tới Bình Nhưỡng bất chấp phản đối của Tổng thống Bill Clinton, theo The New York Times, và đã đạt thỏa thuận với Kim Il Sung, ông của lãnh tụ trẻ tuổi hiện nay.

https://www.voatiengviet.com/a/cuu-tong-thong-jimmy-carter-san-long-toi-bac-han-thay-mat-ong-trump/4081117.html

 

Bão đổ vào Nhật đúng ngày bầu cử

Một trận bão mạnh ập vào Nhật Bản đúng ngày bầu cử hôm 22/10, làm ít nhất hai người chết, nhiều người bị thương, buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán và khiến hàng trăm chuyến bay bị hoãn.

Theo Reuters, cơn bão có tên gọi Lan là cơn bão cấp bốn và dù nó đã suy yếu khi tiến gần vào đất liền Nhật Bản, đây vẫn là cơn bão mạnh, gây mưa lớn.

Cơn bão dự kiến sẽ ập vào hòn đảo Honshu, có thể gần Tokyo, sớm 23/10, và khi ấy, nó suy yếu còn cấp 2.

Theo cơ quan khí tượng, thủy văn Nhật Bản, khắp vùng miền trung và miền đông nước này, gió bão có thể mạnh tới 180 km một giờ.

Reuters dẫn lời kênh NHK đưa tin rằng hơn 70 nghìn người tại nhiều nơi ở Nhật đã được khuyến cáo sơ tán và hơn 5 nghìn người đã bị buộc phải làm vậy.

Thủ tướng Shinzo Abe nói với các phóng viên rằng ông đã kêu gọi chính phủ tiến hành các biện pháp nhằm giảm thiểu các đe dọa tới mạng sống.

Hơn 300 chuyến bay đã bị hủy và các dịch vụ đường sắt đã bị gián đoạn khắp Nhật Bản.

Tập đoàn ô tô Toyota đã ngưng ca làm việc đầu tiên vào sáng thứ Hai và cho biết sẽ quyết định ca tiếp theo vào khoảng chiều 23/10.

Nhóm cầm quyền của ông Abe dự kiến sẽ giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử, theo kết quả thăm dò cử tri rời phòng phiếu.

Hiện chưa rõ cơn bão cũng như yêu cầu sơ tán ảnh hưởng ra sao tới cuộc bầu cử.

https://www.voatiengviet.com/a/bao-do-vao-nhat-dung-ngay-bau-cu/4081210.html

 

Philippines : Duterte sẵn sàng tự tay bắn hạ người phạm tội

Thùy Dương

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hôm thứ Sáu 20/10/2017, tuyên bố sẵn sàng « bấm cò súng » để bắn hạ những người phạm tội, và trấn an công chúng là có thể giao lại cho cảnh sát nhiệm vụ trên tuyến đầu, trong cuộc chiến đẫm máu chống buôn lậu ma túy.

AFP cho biết, phát biểu trước giới truyền thông ở nam Philippines, tổng thống Duterte nói : « Nếu quý vị không muốn cảnh sát, thì đã có tôi ở đây. Tối sẽ bắn chết hết những kẻ khốn kiếp cưỡng hiếp trẻ em, phụ nữ. Nếu không ai dám, tôi sẽ bấm cò súng ».

Hôm 11/10, ông Duterte tuyên bố sẽ rút toàn bộ lực lượng 165.000 cảnh sát ra khỏi cuộc chiến chống ma túy và thành lập cơ quan đặc trách chống ma túy gồm 2.000 nhân viên để thay thế cảnh sát, bị cáo buộc tham nhũng, lạm quyền. Tuy nhiên, hôm 20/10, tổng thống Duterte lại tỏ ý nghi ngờ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan trên. Ông cho biết nếu mọi chuyện lại xấu đi, ông sẽ ra lệnh cho cảnh sát quay lại chiến dịch chống ma túy.

Trước các cáo buộc cảnh sát vòi tiền những người bị nghi ngờ là dính líu tới ma túy, tổng thống Duterte khẳng định ông chưa bao giờ ra lệnh hay gợi ý cho cảnh sát làm việc đó, bởi vì ông rất sung sướng nếu những kẻ buôn bán hay sử dụng ma túy bị tiêu diệt.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171022-philippines-duterte-san-sang-tu-tay-ban-ha-nguoi-pham-toi

 

Trung Quốc : Lòng dân không «đỏ» như ý Đảng

Thụy My

Cứ mỗi năm năm, Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại được tiến hành trọng thể, với sự hỗ trợ rầm rộ của bộ máy tuyên truyền. Tuy vậy AFP ghi nhận trong những ngày tháng 10 này, chỉ có một nhúm người về hưu đến Thượng Hải, thăm địa điểm tổ chức đại hội lần đầu tiên của « đảng lớn nhất thế giới », được chế độ khoác cho màu sắc thiêng liêng của lòng ái quốc.

Chính trong thành phố tô giới của Pháp trước đây, mà Mao Trạch Đông và các đồng chí của ông ta năm 1921 đã họp hội nghị đầu tiên thành lập ra đảng Cộng Sản, để rồi sau đó lên nắm quyền vào năm 1949.

Gần một thế kỷ sau, tòa nhà âm u bằng gạch khiêm tốn vẫn ngự trị ở trung tâm một khu phố gồm các cửa hàng sang trọng và các nhà hàng thời thượng, như một biểu tượng cho « nền kinh tế thị trường theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa », được những người kế nhiệm Mao lập nên.

Cai Tian, một khách tham quan « trẻ », « mới có » 46 tuổi thú nhận : « Ngày nay chẳng còn mấy ai quan tâm đến nơi này, chỉ có những người già nhất mới đến thôi. Người dân không dân tộc chủ nghĩa lắm đâu, hằng ngày họ chỉ nghĩ đến việc làm và cuộc sống ».

Cách đó hơn một ngàn cây số, tại Bắc Kinh, chủ tịch Tập Cận Bình sắp được Đại hội Đảng 19 tiếp tục giao phó nhiệm vụ lãnh đạo nền kinh tế thứ nhì thế giới. Trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, chế độ Trung Quốc đã nỗ lực lay động lòng ái quốc, thách thức các nước láng giềng, từ Ấn Độ, Hàn Quốc cho đến các nước ven Biển Đông.

Trong bài diễn văn tràng giang đại hải hôm khai mạc Đại hội 18/10/2017, Tập Cận Bình nhiều lần nêu ra « sự phục hưng vĩ đại » của Trung Hoa, sau những ô nhục phải chịu đựng từ thế kỷ 19, trong cú sốc đối đầu với nền văn minh phương Tây.

Đọc thêm: Bóp méo lịch sử, Trung Quốc diễn binh để xưng tụng « đảng cộng sản thắng Nhật »

Nhưng một nghiên cứu về dư luận gần đây cho thấy việc tuyên truyền cho chủ nghĩa dân tộc chỉ có tác dụng hạn chế lên người dân, tuy đã được đẩy lên cao độ hồi Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Công trình do giáo sư Alastair Johnston, trường đại học Havard chủ trì, được công bố vào đầu năm nay khẳng định : « Theo nhiều tiêu chí, thì mức độ dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc đã khựng lại hoặc thụt lùi từ năm 2009. Rõ ràng là những người trẻ ít mang đặc tính này hơn so với người lớn tuổi ».

« Wolf Warrior 2 » (Chiến binh sói 2), một bộ phim hành động dân tộc chủ nghĩa, trong đó một đội đặc nhiệm Trung Quốc đã chiến thắng các nhân vật phản diện phương Tây, mùa hè này đã đánh bại tất cả các kỷ lục ở rạp chiếu. Hàng đàn hàng lũ những kẻ khẩu chiến trên mạng xã hội, trong đó có không ít dư luận viên được Nhà nước trả công, luôn sẵn sàng « ném đá » những ai có vẻ thiếu tôn trọng tổ quốc. Nhưng các nỗ lực này cùng với chế độ kiểm duyệt siêu gắt gao cũng không loại trừ được những quan điểm khác biệt – theo nghiên cứu của Viện Mercator, công bố trong tháng này.

Các tác giả bản báo cáo cho biết : « Rất lạ lùng là không có ý thức hệ nào thống trị trên các diễn đàn Trung Quốc, nơi mà người ta tranh cãi gay gắt về quan điểm chính trị, kinh tế, xã hội ».Những cảnh báo của chế độ về « các lực lượng thù địch » dường như không được chú ý lắm trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội.

Các chuyên gia cảnh báo, tình cảm dân tộc vẫn có thể trỗi dậy trong trường hợp xảy ra căng thẳng với các nước khác, hay khủng hoảng kinh tế.

Bắc Kinh nhiều khi làm ngơ để cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan bùng lên, nhất là đối với Nhật Bản. Nhưng chính quyền cũng lo ngại các vụ biểu tình chống Nhật chẳng hạn, quay ngược lại chống chính phủ, nên nhanh chóng huýt còi.

Nhà Trung Quốc học Kaiser Kuo, phụ trách mục Sinica trên trang web SupChina.com nhấn mạnh : « Chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi, và Bắc Kinh cố ngăn chận ».

Năm ngoái, khi Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, những người biểu tình – cho rằng phía sau quyết định này có bàn tay của Washington – đã tấn công vào các nhà hàng KFC ở nhiều thành phố. Tiếp đó có một cuộc tranh luận trên mạng về « yêu nước một cách thiếu suy nghĩ », rồi đến lượt báo chí kêu gọi những người này quay về nhà.

Kaiser Kuo giải thích : « Chắc chắn đa số giới trẻ nhận ra rằng sở dĩ Trung Quốc thịnh vượng là nhờ hợp tác với các nước khác trên thế giới, nên họ không chấp nhận ý thức hệ cứng rắn ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171021-trung-quoc-long-dan-khong-%C2%ABdo%C2%BB-nhu-y-dang

 

Donald Trump cho công bố hồ sơ

vụ ám sát cựu tổng thống Mỹ Kennedy

Thùy Dương

Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ cho phép công bố những tài liệu mật cuối cùng trong hồ sơ điều tra vụ ám sát cựu Tổng thống John F. Kennedy năm 1963.

Từ Washington, thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet cho biết thêm chi tiết:

Trong một tin nhắn đăng tải trên Twitter, ông Donald Trump thông báo, nếu ông không nhận được những thông tin gì mới, thì ông sẽ cho phép công bố các tài liệu mật cuối cùng liên quan tới vụ ám sát cựu tổng thống Mỹ Kennedy.

Các tài liệu này được giữ kín tới ngày thứ Năm 26/10. Tuy nhiên, vì những lý do an ninh quốc gia, ông Donald Trump có thể sẽ ngăn chặn việc công bố một số tài liệu nhạy cảm. Nhưng việc này lại không được các sử gia và các nhà phân tích ủng hộ, ngay cả khi họ không trông chờ là có những tình tiết mới được tiết lộ, bởi vì theo họ điều đó chỉ làm tăng thêm các nghi ngờ mà thôi.

Nhà tài phiệt người New York, trong chiến dịch tranh cử tổng thống, đã ngả về phía những người theo thuyết âm mưu: trích dẫn một thông tin trên tờ báo chuyên đăng tin giật gân National Inquirer, ông Trump, khi đó, trong buổi phỏng vấn của kênh truyền hình Fox News qua điện thoại, tuyên bố là người cha của đối thủ của ông, nghị sĩ Ted Cruz, người gốc Cuba, bị nhìn thấy có mặt bên cạnh tay súng đã bắn tổng thống John F. Kennedy. Ông Trump nói: «Bố của ông ấy đi cùng Lee Harvey Oswald trước khi, như quý vị biết rồi đấy, Oswald bị bắn hạ».

Adam Schiff, dân biểu đảng Dân Chủ, đáp lại tin nhắn Twitter của ông Donald Trump một cách hài hước bằng cách đặt câu hỏi là liệu khi cho công bố các tài liệu mật, ông Trump có cho tiết lộ các thông tin về người cha của ông Ted Cruz hay không.»

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171022-donald-trump-cho-cong-bo-ho-so-vu-am-sat-cuu-tong-thong-my-kennedy

 

Con Đường Tơ Lụa Mới :

Bắc Kinh ngỏ ý đàm phán với Ấn Độ

Trọng Thành

Dự án Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc, tổ chức hồi tháng 5/2017, bị nhiều nước châu Âu và Ấn Độ tẩy chay. Gần đây, Bắc Kinh tỏ ý muốn mở cánh cửa đối thoại với Ấn Độ để kéo New Delhi vào một dự án, mà Trung Quốc coi là trụ cột trong chính sách đối ngoại, nhằm khẳng định vị trí trung tâm của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Báo Ấn Độ The Indian Express, ngày 21/10/2017, dẫn lời một quan chức vụ châu Á, bộ Ngoại Giao Trung Quốc, theo đó, Bắc Kinh sẵn sàng «trao đổi sâu» với phía Ấn Độ, để xua tan các lo ngại từ phía New Delhi. Giới chức nói trên bày tỏ hy vọng là Ấn Độ «hiểu» lập trường của Trung Quốc, và tham gia vào sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường của lãnh đạo Tập Cận Bình.

Một trong các lo ngại lớn của New Delhi là chủ quyền của Ấn Độ tại vùng Cachamir tranh chấp, sẽ bị xâm phạm trong trường hợp Trung Quốc triển khai dự án cùng với Pakistan tại vùng lãnh thổ này. Quan chức bộ Ngoại Giao Trung Quốc trấn an New Delhis là dự án hoàn toàn không liên đến các vùng lãnh thổ tranh chấp, và «không ảnh hưởng đến lập trường vốn có» của Bắc Kinh về cao nguyên Cachemire.

Theo chuyên gia bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã có những tuyên bố tích cực về dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại xuyên châu Á nói trên, và Bắc Kinh hy vọng New Delhi cũng làm tương tự.

Tuyên bố của quan chức Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Hội Đảng Cộng Sản hôm thứ Tư vừa qua, nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường.

Trên thực tế, quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong những tháng gần đây xấu đi trầm trọng với cuộc đối đầu tại vùng biên giới Doklam, khởi sự hồi tháng 6/2017, ít tuần sau hội nghị quốc tế Một Vành Đai, Một Con Đường, bị tẩy chay, và chỉ chấm dứt, cuối tháng 8, trước thềm thượng đỉnh của BRICS, mà Trung Quốc đăng cai. Bắc Kinh không muốn New Delhi tẩy chay nốt thượng đỉnh này.

Ấn Độ là một đối tác quan trọng mà cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều muốn tranh thủ. Đúng ngày khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, 18/10, ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã có tuyên bố về Ấn Độ, ca ngợi mối quan hệ sâu sắc giữa «hai nền dân chủ lớn nhất thế giới», đồng thời cáo buộc Bắc Kinh có những hành động «thách thức luật pháp quốc tế, gây bất ổn thế giới ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171022-con-duong-to-lua-moi-bac-kinh-ngo-y-dam-phan-voi-an-do

 

Học giả Trung Quốc : Bắc Triều Tiên

‘‘tự đẩy mình vào chỗ chết’’, nếu thử tiếp tên lửa

Trọng Thành

Tham vọng làm chủ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên dường như ngày càng đẩy đồng minh Trung Quốc, và trước hết là lãnh đạo Tập Cận Bình, vào thế kẹt. Đúng vào lúc Đảng Cộng Sản Trung Quốc họp Đại Hội, một học giả Trung Quốc cho biết nếu thử tên lửa thêm một lần nữa, chế độ Bình Nhưỡng sẽ « tự đẩy mình vào chỗ chết ».

Báo mạng Anh Quốc Expresse, ngày hôm nay, 22/10/2017 dẫn lại một cuộc phỏng vấn « gây sốc », của học giả Chong Sho Hu, giáo sư quan hệ quốc tế Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh, với BBC. Vị giáo sư này cho hay Bắc Triều Tiên « đang tìm đến cái chết » khi tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Ông khẳng định kỷ nguyên bạn hữu giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã kết thúc, « chủ tịch Tập Cận Bình đã ngán ngẩm với các hành xử bất định của nhà độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ».

Trong một lần gần đây, lãnh đạo Trung Quốc cho biết đã « sôi lên vì giận », sau khi Bình Nhưỡng thử vũ khí mới ngay vào lúc Trung Quốc chuẩn bị đón một hội nghị quốc tế toàn cầu quan trọng (ngụ ý nhắc đến vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên ngay trước thượng đỉnh của nhóm BRICS tổ chức tại Hạ Môn-Xiamen hồi đầu tháng 9).

Theo báo mạng Anh Quốc, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Max Baucus, từng cho biết lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ có một lần duy nhất sử dụng «ngôn từ không mang tính ngoại giao», đó là khi nói về Kim Jong Un.

Trung Quốc và Bắc Triều Tiên có thể từ bạn thành thù

Học giả Chong Sho Hu nhận định là việc quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên chuyển từ bạn thành thù không phải là điều không thể xảy ra, bởi trong lịch sử Bắc Kinh đã từng có lúc coi những quốc gia một thời đồng minh chí cốt, như Liên Xô và Việt Nam, là kẻ thù, chiến tranh đã xẩy ra giữa hai bên.

Giáo sư quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh còn nói thêm là « Bắc Triều Tiên đang ở trong một tình thế hết sức mong manh. Chưa từng có quốc gia nào phải chịu các trừng phạt quốc tế nặng nề như vậy». Ông ví Bình Nhưỡng như «mấp mé bên miệng vực », chỉ cần «một làn gió nhẹ» cũng đủ tiêu vong.

Học giả Chong Sho Hu được coi là người có quan hệ mật thiết với các cơ quan ngoại giao, quốc phòng Trung Quốc.

Khủng hoảng Bắc Triều Tiên dường như tạm lắng lại trong thời gian Đảng Cộng Sản Trung Quốc họp Đại Hội 19. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, một khi quyền lực của ông Tập Cận Bình được củng cố sau Đại Hội, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ gia tăng áp lực lên chủ tịch Trung Quốc, buộc Bắc Triều Tiên chấm dứt tham vọng hạt nhân.

Theo lãnh đạo CIA Mỹ, Mike Pompeo, phát biểu hôm thứ Năm, 19/10, Bắc Triều Tiên chỉ còn «vài tháng nữa» là làm chủ được vũ khí hạt nhân có thể tấn công Hoa Kỳ, mà đây là điều mà tổng thống Trump tuyên bố không chấp nhận.

Cựu tổng thống Carter muốn đến Bình Nhưỡng

Tại Mỹ, nhiều người vẫn muốn tìm giải pháp ngoại giao. Theo Reuters, cựu tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, 93 tuổi, cho biết ông sẵn sàng đến Bình Nhưỡng, nhân danh chính quyền Trump để đối thoại với Bắc Triều Tiên.

Cựu tổng thống Mỹ Carter cho rằng căng thẳng hiện nay, với các cuộc khẩu chiến và ngờ vực gia tăng, có thể khiến lãnh đạo Bắc Triều Tiên chọn giải pháp tấn công phủ đầu, do sợ bị Mỹ tấn công trước. Bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản, một phần lãnh thổ hải ngoại, thậm chí  lãnh thổ Bắc Mỹ có thể bị tấn công hạt nhân.

Cũng theo ông Jimmy Carter, ở Washington người ta có xu hướng đáng giá quá cao ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên, trong lúc trên thực tế, chính quyền Kim Jong Un không còn duy trì quan hệ với Bắc Kinh, như dưới thời Kim Jong Il, cha của Kim Jong Un.

Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng đến Bình Nhưỡng năm 1994 để đối thoại với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành – ông nội Kim Jong Un – để thúc đẩy một thỏa thuận đình chỉ chương trình vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, ít tuần trước khi Kim Nhật Thành qua đời.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171022-hoc-gia-trung-quoc-bac-trieu-tien-%E2%80%98%E2%80%98tu-day-minh-vao-cho-chet%E2%80%99%E2%80%99-neu-thu-tiep-ten-lua

 

Lãnh đạo vùng Catalunya tỏ ra thận trọng,

không tuyên bố độc lập

Tối qua, 21/10/2017, từ Generalitat, trụ sở chính phủ Catalunya ở Barcelona, chủ tịch vùng, ông Carles Puigdemont, đã phát biểu trên truyền hình. Bài diễn văn này nhằm đáp trả quyết định của chính phủ Tây Ban Nha, vào trưa hôm qua, đặt vùng Catalunya dưới sự bảo hộ của Madrid.

Từ Barcelona, thông tín viên Benjamin Delille gửi về bài tường trình :

« Carles Puigdemont vẫn chưa tuyên bố độc lập. Ông phát biểu một cách thận trọng, như ông đã từng thể hiện từ nhiều tuần qua. Trước tiên, ông Puigdemont phát biểu bằng tiếng Catalunya để tố cáo quyết định của thủ tướng Mariano Rajoy cho áp dụng điều khoản 155 trong Hiến Pháp Tây Ban Nha. Lãnh đạo vùng Catalunya nói một cách mạnh mẽ. Theo ông, thủ tướng Tây Ban Nha đã đi ra bên ngoài khuôn khổ Nhà nước pháp quyền và ông cho rằng đó là một cuộc tấn công tồi tệ nhất nhắm vào các định chế Catalunya, kể từ chế độ độc tài Franco, cách nay hơn 40 năm. Do vậy, ông quyết định triệu tập phiên họp toàn thể Quốc Hội Catalunya trong tuần tới để đáp trả Madrid. Quốc Hội Catalunya, nơi mà phe đòi độc lập chiếm đa số, chắc sẽ khẳng định rằng các biện pháp của chính phủ Tây Ban Nha là bất hợp pháp.

Sau đó, ông Puigdemont phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha nhắm vào những người mà ông gọi là các nhà dân chủ. Lãnh đạo vùng Catalunya kêu gọi họ hãy cảnh giác trước sự sa đà chệch hướng của chính phủ Tây Ban Nha.

Cuối cùng, lãnh đạo vùng Catalunya phát biểu bằng tiếng Anh nhắm với các công dân và lãnh đạo châu Âu. Đây là một cách khẳng định rằng vùng Catalunya tôn trọng các giá trị cơ bản của châu Âu và tìm cách gạt bỏ thủ tương Mariano Rajoy ».

Cũng trong ngày hôm qua, khoảng 450 ngàn người đã biểu tình tại Barcelona để đòi độc lập cho Catalunya.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171022-lanh-dao-vung-catalunya-to-ra-than-trong-khong-tuyen-bo-doc-lap

 

Trung Quốc : Lòng dân không «đỏ» như ý Đảng

Thụy My

Cứ mỗi năm năm, Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại được tiến hành trọng thể, với sự hỗ trợ rầm rộ của bộ máy tuyên truyền. Tuy vậy AFP ghi nhận trong những ngày tháng 10 này, chỉ có một nhúm người về hưu đến Thượng Hải, thăm địa điểm tổ chức đại hội lần đầu tiên của « đảng lớn nhất thế giới », được chế độ khoác cho màu sắc thiêng liêng của lòng ái quốc.

Chính trong thành phố tô giới của Pháp trước đây, mà Mao Trạch Đông và các đồng chí của ông ta năm 1921 đã họp hội nghị đầu tiên thành lập ra đảng Cộng Sản, để rồi sau đó lên nắm quyền vào năm 1949.

Gần một thế kỷ sau, tòa nhà âm u bằng gạch khiêm tốn vẫn ngự trị ở trung tâm một khu phố gồm các cửa hàng sang trọng và các nhà hàng thời thượng, như một biểu tượng cho « nền kinh tế thị trường theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa », được những người kế nhiệm Mao lập nên.

Cai Tian, một khách tham quan « trẻ », « mới có » 46 tuổi thú nhận : « Ngày nay chẳng còn mấy ai quan tâm đến nơi này, chỉ có những người già nhất mới đến thôi. Người dân không dân tộc chủ nghĩa lắm đâu, hằng ngày họ chỉ nghĩ đến việc làm và cuộc sống ».

Cách đó hơn một ngàn cây số, tại Bắc Kinh, chủ tịch Tập Cận Bình sắp được Đại hội Đảng 19 tiếp tục giao phó nhiệm vụ lãnh đạo nền kinh tế thứ nhì thế giới. Trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, chế độ Trung Quốc đã nỗ lực lay động lòng ái quốc, thách thức các nước láng giềng, từ Ấn Độ, Hàn Quốc cho đến các nước ven Biển Đông.

Trong bài diễn văn tràng giang đại hải hôm khai mạc Đại hội 18/10/2017, Tập Cận Bình nhiều lần nêu ra « sự phục hưng vĩ đại » của Trung Hoa, sau những ô nhục phải chịu đựng từ thế kỷ 19, trong cú sốc đối đầu với nền văn minh phương Tây.

Đọc thêm: Bóp méo lịch sử, Trung Quốc diễn binh để xưng tụng « đảng cộng sản thắng Nhật »

Nhưng một nghiên cứu về dư luận gần đây cho thấy việc tuyên truyền cho chủ nghĩa dân tộc chỉ có tác dụng hạn chế lên người dân, tuy đã được đẩy lên cao độ hồi Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Công trình do giáo sư Alastair Johnston, trường đại học Havard chủ trì, được công bố vào đầu năm nay khẳng định : « Theo nhiều tiêu chí, thì mức độ dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc đã khựng lại hoặc thụt lùi từ năm 2009. Rõ ràng là những người trẻ ít mang đặc tính này hơn so với người lớn tuổi ».

« Wolf Warrior 2 » (Chiến binh sói 2), một bộ phim hành động dân tộc chủ nghĩa, trong đó một đội đặc nhiệm Trung Quốc đã chiến thắng các nhân vật phản diện phương Tây, mùa hè này đã đánh bại tất cả các kỷ lục ở rạp chiếu. Hàng đàn hàng lũ những kẻ khẩu chiến trên mạng xã hội, trong đó có không ít dư luận viên được Nhà nước trả công, luôn sẵn sàng « ném đá » những ai có vẻ thiếu tôn trọng tổ quốc. Nhưng các nỗ lực này cùng với chế độ kiểm duyệt siêu gắt gao cũng không loại trừ được những quan điểm khác biệt – theo nghiên cứu của Viện Mercator, công bố trong tháng này.

Các tác giả bản báo cáo cho biết : « Rất lạ lùng là không có ý thức hệ nào thống trị trên các diễn đàn Trung Quốc, nơi mà người ta tranh cãi gay gắt về quan điểm chính trị, kinh tế, xã hội ».Những cảnh báo của chế độ về « các lực lượng thù địch » dường như không được chú ý lắm trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội.

Các chuyên gia cảnh báo, tình cảm dân tộc vẫn có thể trỗi dậy trong trường hợp xảy ra căng thẳng với các nước khác, hay khủng hoảng kinh tế.

Bắc Kinh nhiều khi làm ngơ để cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan bùng lên, nhất là đối với Nhật Bản. Nhưng chính quyền cũng lo ngại các vụ biểu tình chống Nhật chẳng hạn, quay ngược lại chống chính phủ, nên nhanh chóng huýt còi.

Nhà Trung Quốc học Kaiser Kuo, phụ trách mục Sinica trên trang web SupChina.com nhấn mạnh : « Chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi, và Bắc Kinh cố ngăn chận ».

Năm ngoái, khi Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, những người biểu tình – cho rằng phía sau quyết định này có bàn tay của Washington – đã tấn công vào các nhà hàng KFC ở nhiều thành phố. Tiếp đó có một cuộc tranh luận trên mạng về « yêu nước một cách thiếu suy nghĩ », rồi đến lượt báo chí kêu gọi những người này quay về nhà.

Kaiser Kuo giải thích : « Chắc chắn đa số giới trẻ nhận ra rằng sở dĩ Trung Quốc thịnh vượng là nhờ hợp tác với các nước khác trên thế giới, nên họ không chấp nhận ý thức hệ cứng rắn ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171021-trung-quoc-long-dan-khong-%C2%ABdo%C2%BB-nhu-y-dang

 

Nhu Đạo, môn võ Nhật hàng đầu tại Pháp bị khủng hoảng

Tú Anh

Một cuộc « bãi khóa » bất thường làm rung chuyển môn võ Judo. Phong trào phản kháng này phơi bày những xung khắc trầm trọng đằng sau hào quang và thành tích lẫy lừng của Teddy Riner, 10 huy chương vàng vô địch thế giới và Thế Vận Hội. Vì sao nên nổi ?

Nhằm dập tắt ngọn lửa hỏa thiêu bộ môn võ thuật hàng đầu tại Pháp, Tổng Cục Nhu Đạo Pháp triệu tập một phiên họp khẩn cấp hôm thứ Ba 09/10/2017, hơn một tháng sau giải Vô Địch Thế Giới tại Budapest vào đầu tháng 9. Ngày hôm trước, để phản đối « tổng đàn » ở Paris, theo lời kêu gọi của hàng chục chủ tịch các câu lạc bộ, võ đường, khoảng 100 judoka giỏi nhất nước, trừ Teddy Riner và bốn đai đen, tẩy chay chương trình tập huấn cao cấp.

Tại thủ đô Hungary, đội tuyển thủ của Pháp mang về bốn huy chương trong đó có hai huy chương vàng, kết quả được xem là tệ nhất từ năm 2009. Tuy Teddy Riner, 28 tuổi, tiếp tục đà đi lên với 138 trận đấu, 138 trận thắng, giành được chiếc huy chương vàng thứ 9 gồm hai lần thế vận, 7 lần thế giới (không kể chiến thắng vô địch thế giới +100 kílô tại Zagreb, Croatia hôm 29/09), nhưng kết quả khiêm tốn của đội tuyển thủ Pháp ở Badapest minh chứng cho thế đi xuống của Judo quốc gia, chỉ một năm sau Thế Vận Rio, cũng chỉ từng đó huy chương vàng.

Trong khi đó, Nhu Đạo Nhật Bản, sau khi chạm sát đáy « địa ngục » ở Luân Đôn năm 2012, chỉ một thời gian ngắn sau đã trỗi dậy với tham vọng áp đảo Judo thế giới.

Thế mà, theo một chuyên gia trong Tổng Cục Nhu Đạo Pháp được nhật báo Libération ngày 12/10/2017 trích dẫn, tình trạng suy yếu của Judo Pháp ở các trận tranh tài quốc tế không gây ra một mảy may phản ứng nào trong Tổng Cục. Vấn đề là mỗi « đại sư » đều biết trách nhiệm từ đâu mà ra, trong đó có cả chính họ, nhưng « cái tôi » của họ quá lớn, không thể cải cách được.

Theo nhận định của các võ sư chủ tịch câu lạc bộ địa phương thì lỗi lầm bắt nguồn từ trung ương, khi mà những cột trụ trong ban lãnh đạo an phận thủ thường với thành tích tối thiểu : chỉ cần một chiếc huy chương vàng, do judoka huyền thoại Teddy Riner và một nữ vận động viên nào đó mang về trong mỗi lần thi đấu quốc tế là « bộ thể thao » hài lòng. Thế thì cải tiến để làm gì cho cực thân ? Hậu quả là tại sân tập trung ương, các judoka không được chuẩn bị thể lực đúng nghĩa, không dùng video để học tập ưu khuyết điểm….. Những judoka nổi tiếng như Teddy Riner được phục vụ dồi dào, những đai đen khác thiệt thòi hơn.

Thái độ thụ động ở cấp cao nhất trong Tổng Cục không thể chấp nhận được. Người đốt ngọn đuốc tranh đấu là Stéphane Nomi, chủ tịch một câu lạc bộ Flam 91 ở Lonjumeau, lò cung cấp ba tuyển thủ cho đoàn tham dự vô địch Budapest. Nomi, một judoka, một kỹ sư làm giàu trong ngành điện toán, bỏ ra gần 300.000 euro để phát triển võ đường cũ thời tiểu học.

Khi phát hiện những bất công ở võ đường trung ương, Stéphane Nomi nổi giận, lên án tình trạng huấn luyện « hai, ba vận tốc ». Danh thủ Teddy Riner muốn gì cũng được trong khi các đồng đội ít nổi tiếng hơn chỉ có 700 euro học bổng mỗi tháng. Để trả đũa, chủ tịch Tổng Cục Jean-Luc Rougé, viện lý do « nhiều thầy lắm ma », làm suy giảm trình độ judoka Pháp, ra lệnh cấm huấn luyện viên của các võ đường địa phương tham gia đào luyện cho gà nhà trong các buổi tập dượt chung, ba lần mỗi tuần.

Sau cuộc họp hôm 12/09/2017, Tổng Cục chấp nhận tìm một thỏa hiệp vào tháng 11 tới. Theo nhận định của Emmanuel Charlot, tổng biên tập báo võ thuật l’Esprit du Judo (Tinh Thần Nhu Đạo) :

Tổng Cục sợ mất quyền chủ động trong khi các câu lạc bộ đã « chuyên nghiệp hóa » muốn có tiếng nói quyết định. Nhưng khả năng chuyên môn mới là quyền lực thực sự. Nếu Tổng Cục không chứng tỏ có khả năng thì khủng hoảng thế thao sẽ biến thành khủng hoảng chính trị.

Với hơn nửa triệu võ sinh từ đai trắng đến võ sư 6,7 đẳng, Judo là một phái võ đứng đầu ở Pháp, trên một danh sách dài hơn một trăm môn phái khác nhau.

Rừng « võ lâm » này được tổ chức rất chặt chẽ. RFI tìm hiểu với võ sư Phan Toàn Châu, 8 đẳng Võ Việt Nam, giám đốc kỹ thuật trong Tổng Cục Karaté và Võ Việt Nam từ năm 1984 đến 2000.

Võ sư Phan Toàn Châu : « Nước Pháp rất chặt chẽ và quá chặt chẽ về các bộ môn thể thao và võ thuật… hiện tại có hơn một triệu người tập võ bên Pháp trong đó Nhu Đạo, Judo, đứng đầu với hơn 500.000 người… ».

http://vi.rfi.fr/phap/20171022-nhu-dao-mon-vo-nhat-hang-dau-tai-phap-bi-khung-hoang