Tin khắp nơi – 22/06/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bắc Triều Tiên phóng thử 2 phi đạn

Các cuộc thử nghiệm phi đạn mới nhất của Bắc Triều Tiên có thể thất bại, nhưng cho thấy rằng chính phủ Kim Jong Un đang tiếp tục đẩy mạnh kỹ thuật phi đạn đạn đạo của họ.

Hôm nay, Bình Nhưỡng tiến hành cuộc thử nghiệm phi đạn tầm trung Musudan lần thứ năm và thứ sáu từ thành phố ven biển Wonsan. Các giới chức quân sự của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên cho hay phi đạn đầu tiên đã thất bại ngay sau khi phóng nhưng phi đạn thứ nhì bay được khoảng 400 kilomet trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản, mà Nam Triều Tiên gọi là Biển Đông.

Phi đạn được thử nghiệm lần chót không đạt được khoảng cách 3 ngàn kilomet theo như thiết kế của phi đạng Musudan nhằm mục đích có thể phóng tới các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở châu Á và vùng Thái Bình Dương. Rõ ràng nó không chứng tỏ được khả năng quay trở lại khí quyển cần thiết để đánh trúng mục tiêu một cách chính xác. Nhưng các chuyên gia phân tích nói Bắc Triều Tiên tiếp tục học hỏi sau mỗi lần thất bại và đang đạt được tiến bộ với mỗi cuộc thử nghiệm mới.

Ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Cấm Phổ biến Hạt nhân Đông Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California nêu nhận định:

“Đây là một dấu mốc rất quan trọng bởi vì các vụ phóng trước đã bị nổ hoặc ít lâu sau khi phóng hoặc có thể ngay lúc phóng. Do đó đây là một dấu hiệu tiến bộ thực sự.”

Theo ông Lewis, nhiều vụ thử nghiệm phi đạn cũng cho thấy các biện pháp chế tài quốc tế cho đến giờ này không tác động gì đến khả năng của Bắc Triều Tiên thủ đắc chất liệu và kỹ thuật cần thiết để chế tạo các loại vũ khí này.

Theo các cơ quan truyền thông Nam Triều Tiên, người ta cho rằng Bắc Triều Tiên có tới 30 phi đạn Musudan, mà các giới chức nói đã được bố trí lần đầu vào khoảng năm 2007. Cuộc thử nghiệm phi đạn Musudan đầu tiên diễn ra vào tháng 4 năm nay.

Quốc tế lên án

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm chỉ Bắc Triều Tiên dùng kỹ thuật phi đạn đạn đạo và phát triển vũ khí hạt nhân. Liên Hiệp Quốc đã áp đặt các biện pháp chế tài gắt gao đối với miền Bắc hồi tháng 3 vì tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư và phóng một hỏa tiễn tầm xa. Các biện pháp chế tài gồm cả việc đình chỉ các vụ chuyển tiền và hạn chế việc bán khoáng sản mang lại nhiều lợi lộc cho miền Bắc, đã thu về trên 2,5 tỷ đôla về số xuất khẩu riêng sang Trung Quốc.

Lãnh tụ Kim Jong Un đã tuyên bố Bắc Triều Tiên là một nước có vũ khí hạt nhân và đã thách thức đáp lại các biện pháp chế tài quốc tế qua việc tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm hạt nhân và đe dọa xúc tiến việc thử nghiệp hạt nhân thêm nữa.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã được đặt trong tình trạng báo động cao với các dàn phóng chống phi đạn được đặt quanh nước này trong trường hợp phi đạn Bắc Triều Tiên tiến vào không phân Nhật.

Tokyo nói họ sẽ đưa ra một kháng thư cực lực phản đối Bắc Triều Tiên về vụ vi phạm mới nhất các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Nam Triều Tiên gọi vụ thử nghiệm phi đạn là một hành động rõ ràng khiêu khích “nhắm vào chúng tôi” và kêu gọi Bình Nhưỡng tự chế.

Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên, ông Jeong Joon-hee nói:

“Tôi muốn khuyến nghị họ là sẽ tốt hơn cho Bắc Triều Tiên nếu họ dồn thêm nỗ lực vào hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và kế sinh nhai của dân chúng, mà miền Bắc thường luôn nói.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby lên án vụ phóng phi đạn và nói Hoa Kỳ có ý định “nêu các mối quan ngại của chúng tôi tại Liên Hiệp Quốc để tăng cường quyết tâm quốc tế trong việc buộc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về các hành động khiêu khích này.”

Hội nghị an ninh Khu vực Trung Quốc

Vụ phóng phi đạn mới nhất của Bắc Triều Tiên có nhiều phần chắc sẽ được nêu ra tại một diễn đàn khu vực khép kín hiện đang được tổ chức ở Bắc Kinh bao gồm các nhà ngoại giao của Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên. Tại hội nghị này, đặc sứ Bắc Triều Tiên Choe Son Hui dự kiến sẽ bênh vực quyền của nước bà được khai triển vũ khí hạt nhân để tự vệ chống lại mối đe dọa họ nhận thấy từ phía Hoa Kỳ.

Mặc dầu Trung Quốc là đồng minh và đối tác thương mại chính của Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh phản đối chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và ủng hộ các biện pháp chế tài mới nhất áp đặt đối với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, giới chỉ trích nói rằng việc thực thi đã lỏng lẻo vì Trung Quốc không muốn gây mất ổn định cho chính phủ Kim Jong Un, và có phần chắc Bắc Kinh sẽ không ủng hộ thêm các biện pháp làm suy yếu nước đồng minh của mình.

Nhà phân tích Triều Tiên thuộc trường Đại học Donghua ở Thượng Hải nói:

“Căn cứ vào tình hình hiện tại ở Đông Bắc Á, không dễ gì Trung Quốc lại áp đặt các biện pháp chế tài nhắm vào Bắc Triều Tiên bởi vì Bắc Triều Tiên có thể là một con bài của Trung Quốc.”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã họp với các giới chức đảng cấp cao của Bắc Triều Tiên ở Bắc Kinh để củng cố quan hệ đã bị sứt mẻ vì những hành vi khiêu khích về hạt nhân của miền Bắc.

Ông Tập kêu gọi tái khởi động các cuộc đàm phán quốc tế để thuyết phúc miền Bắc từ bỏ chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy viện trợ kinh tế và bảo đảm an ninh.

Washington và các đồng minh yêu cầu Bắc Triều Tiên đình chỉ bất cứ việc phát triển hạt nhân nào trước khi có thể diễn ra các cuộc đàm phán mới.

http://www.voatiengviet.com/a/bac-trieu-tien-phong-thu-hai-phi-dan-/3386813.html

 

2 người ở California bị kết tội âm mưu gia nhập IS

Hai người đàn ông ở California đã bị kết tội âm mưu du hành tới Trung Đông để gia nhập nhóm Nhà Nước Hồi giáo, sau một vụ xét xử kéo dài hai tuần.

Nader Elhuzayel từ Anaheim, California, bị buộc tội âm mưu cung cấp hỗ trợ vật chất cho Nhà Nước Hồi giáo, trong khi người đàn ông kia, là Muhanad Badawi, cũng ở Anaheim, bị buộc tội hỗ trợ và tiếp tay trong âm mưu cung cấp hỗ trợ vật chất cho Nhà Nước Hồi giáo.

Elhuzayel cũng bị cáo buộc về 26 tội trạng liên quan tới các vụ gian lận ngân hàng, kể cả bỏ vào trương mục cá nhân các chi phiếu bị đánh cắp để tài trợ cho các chuyến du hành của mình.

Badawi bị kết tội dùng trợ cấp tài chính của chính phủ liên bang để mua vé máy bay một chiều cho Elhuzayel du hành sang Israel, với một chặng dừng chân ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Elhuzayel bị bắt giữ ở phi trường quốc tế Los Angeles vào tháng 5/2015 trong khi anh ta đang định đáp chuyến bay tới Tel Aviv.

Theo những lời cáo buộc trong hồ sơ, Elhuzayel thú nhận anh ta “dự tính rời chuyến bay ở Istanbul để gia nhập nhóm Nhà Nước Hồi giáo, và không có ý định tiếp tục cuộc hành trình tới Israel.”

Elhuzayel, 25 tuổi, có thể bị tuyên án tối đa 30 năm tù về tội gian lận ngân hàng. Mỗi bị cáo còn có thể lãnh án tù thêm 15 năm nữa về tội âm mưu cung cấp hỗ trợ vật chất cho Nhà Nước Hồi giáo.

Phiên toà tuyên phạt hai bị cáo đã được ấn định cho tháng 9 năm nay.

http://www.voatiengviet.com/a/hai-nguoi-o-california-bi-ket-toi-am-muu-gia-nhap-is/3386922.html

 

Anh chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu lịch sử về EU

Anh đang chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu quan trọng vào ngày mai để quyết định có rời khỏi Liên hiệp Châu Âu hay không. Những tranh cãi tập trung vào vấn đề di trú và an ninh kinh tế và thường gay gắt. Cả hai phía đã hạ giọng sau khi ngưng chiến dịch vận động 3 ngày tiếp theo vụ ám sát một nhà lập pháp chống lại việc Anh rời khỏi EU, một biến cố mà những cuộc thăm dò cho thấy đã gây sốc đối với nhiều cử tri trước đây chưa quyết định nay nói rằng họ sẽ bỏ phiếu để Anh vẫn còn ở EU. Thông tín viên Luis Ramirez của Đài VOA tường thuật từ London.

Đây là thời điểm bấp bênh của một nước có nền kinh tế lớn thứ nhì tại Liên hiệp Châu Âu. Hậu quả thực là to lớn.

Có nhiều cảnh báo là việc rời khỏi khối gồm 28 thành viên sẽ làm cho đồng pound của Anh mất 15% giá trị và khiến cho Thủ tướng phải từ chức vì nhiệm vụ được giao phó của ông tùy thuộc vào việc người Anh có nghe theo ông và bỏ phiếu ở lại EU hay không.

“Nếu chúng ta chọn rời khỏi EU, chúng ta có thể rời khỏi khối này. Nhưng chúng ta cần phải biết rõ là nếu chúng ta ra đi, thì mọi sự chấm dứt. Chúng ta bước ra khỏi cửa.”

Đối với một cuộc bỏ phiếu quan trọng như thế này, nhiều cử tri than phiền là có quá ít thông tin chắc chắn để quyết định và có quá nhiều tin đồn gây lo sợ và những hành động và lời nói lôi cuốn người khác của cả hai phía. Các đội tàu của hai bên chủ trương “Rời khỏi”và “Ở lại” vừa mới đối đầu với nhau trên Sông Thames.

Từ nhiều tháng nay, bên chủ trương Rời khỏi đã đổ ra đường phố. Lập luận của họ căn cứ phần lớn vào di trú, và sự tin tưởng là nước Anh đã trao quyền kiểm soát biên giới cho một siêu quốc gia châu Âu.

Ông Tom Harwood, một người vận động cho việc Anh rút khỏi EU nói:

“Vương quốc Anh đã mất quyền kiểm soát về vấn đề di trú. Chúng ta phải chấp nhận cho bất cứ người nào vào Anh nếu họ có hộ chiếu EU, không cần biết họ có thành tích tội phạm hay không. Chúng ta không được phép nói không và điều này có thể gây tổn hại cho an ninh nước Anh, nhưng cũng gây áp lực trên công ăn việc làm và những cơ hội cho người trẻ.”

Vụ ám sát dân biểu Jo Cox, một nhà lập pháp chống việc Anh rời khỏi EU đồng thời bênh vực di dân do một phần tử cực đoan cực hữu với một lịch sử có những vấn đề tâm thần thực hiện đã có ảnh hưởng rõ rệt lên cả hai chiến dịch vận động và đến cả các cử tri nữa.

Bà Mary White một cử tri Anh nói:

“Có nhiều cảm tưởng xấu vì cách thức xử sự của hai phía vận động đòi Rời khỏi và Ở lại.”

Những cuộc thăm dò kể từ vụ ám sát ngày 16 tháng 6 vừa qua cho thấy phía chủ trương Rời khỏi đang mất thế, nhưng cả hai bên vẫn tranh đua khít khao trong một cuộc trưng cầu dân ý mà nhiều người tin rằng sẽ làm thay đổi chiều hướng lịch sử của châu Âu.

http://www.voatiengviet.com/a/anh-chuan-bi-cho-cuoc-bo-phieu-lich-su-ve-eu/3386847.html

 

Dân biểu Mỹ bị tai tiếng không từ chức

Dân biểu Chaka Fattah, đại diện bang Pennsylvania, đã bị một bồi thẩm đoàn liên bang kết tội về một số cáo trạng kể cả gian lận và hối lộ hôm thứ Tư.

Ông Fattah bị kết tội có dính líu trong một vụ gian lận trong đó, ông sử dụng các khoản tài trợ của chính phủ liên bang và các quỹ bất vụ lợi để trả tiền cho chiến dịch vận động tốn kém 1 triệu đôla của ông.

Trợ lý Bộ trưởng Tư Pháp Leslie Caldwell nói dân biểu Fattah đã có hành động tham nhũng và lạm dụng chức vụ vào các mục đích riêng tư và để giành lợi thế chính trị.

Ông Caldwell nói: “Ông Fattah đã nhận tiền hối lộ, có hành vi gian lận, và ngay cả đánh cắp tiền bạc từ các chiến dịch vận động tranh cử của ông. Tóm lại, dân biểu Fattah và các đồng bị cáo của ông đã tước quyền của dân chúng miền đông Pennsylvania quyền của họ được hưởng các dịch vụ trung thực từ người dại diện cho họ”

Theo các chứng cớ trưng ra trong phiên xét xử, ông Fattah đã mượn 1 triệu đôla cho chiến dịch của ông vận động tranh chức thị trưởng Philadelphia, và sử dụng 600,000 đôla của Liên minh Cổ vũ cho Giáo dục, một tổ chức phi chính phủ do chính ông ta lập ra, để trả món nợ này.

Thêm vào đó, ông Fattah còn dùng các ngân khoản từ các chiến dịch vận động vào quốc hội của ông để trả món nợ chi phí đại học cho con trai ông.

Con trai ông đang thọ án tù 5 năm về tội gian lận.

Phiên toà tuyên án ông đã được ấn dịnh vào tháng 10 tới đây.

http://www.voatiengviet.com/a/dan-bieu-my-bi-tai-tieng-khong-tu-chuc/3386983.html

 

Thanh niên bị bắt ở Indiana vì âm mưu gia nhập IS

Một thanh niên ở Indiana bị bắt giữ hôm qua về âm mưu cung cấp hỗ trợ vật chất cho Nhà Nước Hồi giáo.

Akram Musleh, 18 tuổi, bị các nhân viên của Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ FBI bắt giũ khi anh ta tìm cách lên xe buýt từ thị trấn nhà là Brownsburg để lên thành phố New York.

Từ New York anh ta dự tính bay sang Morocco và tìm đường tới các vùng lãnh thổ do Nhà Nước Hồi giáo kiểm soát.

Theo lời cáo buộc, Musleh dự tính gia nhập nhóm khủng bố này.

Nếu bị kết tội, anh ta có thể đối mặt với bản án tối đa là 20 năm tù, và bị giám sát cả đời sau khi được phóng thích. Ngoài ra, nếu có tội, anh ta còn bị phạt 250,000 đôla.

Khi loan báo tin bắt giữ Musleh, Chưởng lý Josh Minkler của Toà án miền Nam Indiana nói “Hiện tượng cực đoan hoá các công dân Mỹ bởi các nhóm khủng bố như Nhà Nước Hồi giáo là một mối đe doạ đối với sự an toàn của chúng ta ở trong nước và ở nước ngoài.”

http://www.voatiengviet.com/a/mot-thanh-nien-bi-bat-o-indiana-vi-am-muu-gia-nhap-is/3386976.html

 

Jordan đóng cửa biên giới sau vụ nổ bom chết 6 binh sĩ

Jordan tuyên bố vùng biên giới giáp ranh với Syria và Iraq của nước này là các khu vực quân sự bị phong toả, sau khi một chiếc xe gài bom phát nổ dọc theo biên giới Jordan giáp với Syria hôm qua, giết chết 6 binh sĩ và làm bị thương 14 người khác.

Các giới chức quân sự còn nói sẽ không có trại tỵ nạn mới nào được xây cất ở Jordan, và không có trại tỵ nạn hiện có nào sẽ được mở rộng.

Vụ nổ xảy ra tại khu vực Rukban, nơi hàng chục ngàn người chạy trốn bạo lực ở Syria, tìm nơi tạm trú trong khi họ tìm cách vào Jordan.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby hôm qua lên án vụ tấn công ở Jordan. Ông nói:

“Chúng tôi cực lực lên án vụ tấn công xảy ra sáng sớm hôm nay ở Jordan.”

Ông Kirby cũng ngỏ lời chia buồn với gia đình của các nạn nhân. Ông nói:

“Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ an ninh cho Jordan, và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nước này tiếp theo sau vụ tấn công. Jordan đã có những hy sinh to lớn khi đón nhận hàng trăm ngàn người tỵ nạn Syria.”

Liên Hiệp Quốc đã đăng ký hơn 650,000 người tỵ nạn ở Jordan. Quốc gia có 8 triệu dân này đang đón nhận nhiều người tỵ nạn hơn con số đó, và như các nước khác giáp ranh với Syria, đang chật vật ứng phó với căng thẳng thêm vào là phải việc nuôi ăn một số lượng người đông đảo đến như vậy.

Những lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc yêu cầu đóng góp thêm tiền viện trợ, thấp hơn xa so với các mục tiêu họ đã đề ra.

http://www.voatiengviet.com/a/jordan-dong-cua-bien-gioi-sau-vu-no-bom-chet-sau-binh-si/3387008.html

 

Người tị nạn tạo nguồn thu nhập cho các cộng đồng ở Rwanda

Một cuộc khảo cứu mới của Liên Hiệp Quốc cho thấy người tị nạn có một tác động tích cực đối với các cộng đồng tiếp nhận họ, nhất là khi được trợ cấp bằng tiền mặt thay vì bằng các khẩu phần lương thực.

Một dự án chung của Chương trình Lương thực Thế giới và các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Davis, đã khảo sát về người tị nạn Congo đang sống tại ba trại khác nhau ở Rwanda.

Tác giả chính của nghiên cứu trên, ông J. Edward Taylor, nêu nhận xét:

“Cuộc khảo cứu của chúng tôi cho thấy các cộng đồng địa phương đã thấy được những lợi ích kinh tế rất thiết thực qua việc tiếp nhận các trại tị nạn, bất kể hình thức trợ giúp thực phẩm nào mà người tị nạn nhận được, nhưng rõ ràng là sự trợ cấp lương thực bằng tiền mặt đã biến thành một lực đẩy lớn hơn cho người dân sống gần các trại này”.

Ông Taylor, giáo sư nông nghiệp tại UC Davis, cho biết nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng thu nhập thực tế tạo ra cho cộng đồng lân cận lớn hơn viện trợ nhân đạo mà người tị nạn nhận được, “và nếu người tị nạn được nhận tiền mặt, tác động của sự viện trợ ấy có thể tăng gần gấp đôi”.

Khi người tị nạn nhận được khẩu phần ăn hàng tháng, họ thường bán một phần ở mức giá thấp hơn giá thị trường và sử dụng tiền mặt để mua rau và các sản phẩm tươi sống khác.

“Thay vì vậy, khi người tị nạn nhận được tiền mặt, nó không chỉ giúp cho họ chủ động hơn và lựa chọn những gì họ muốn ăn, mà còn làm tăng sức mua của họ, và do đó làm tăng khả năng đóng góp cho nền kinh tế địa phương của họ.” Đó là nhận định của ông Ernesto Gonzalez, đồng tác giả của nghiên cứu trên, đang làm việc về các vấn đề liên quan đến hỗ trợ tiền mặt tại văn phòng khu vực của WFP ở Nairobi.

Tại trại Kigeme, nơi những người tị nạn nhận được khẩu phần lương thực, cuộc khảo cứu cho thấy rằng mỗi đồng đôla trị giá của việc hỗ trợ lương thực làm tăng thu nhập thực tế trong cộng đồng lân cận Kigeme lên 1,2 đôla.

Ở hai trại khác, Gihembe và Nyabiheke, nơi những người tị nạn nhận được tiền mặt thay thế, nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng đến 1,51 và 1,95 đôla, tương ứng với mỗi đôla nhận được.

Tuy nhiên, Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo là khẩu phần lương thực vẫn cần thiết ở một số trại nơi không có các chợ hoặc khan hiếm nguồn thức ăn.

Rwanda đã tiếp nhận hơn 150.000 người tị nạn vào 5 trại trên cả nước.

Xung đột đang diễn ra ở Bắc và Nam Kivu, tỉnh Ituri và bắc Katanga ở Cộng hòa Dân chủ Congo trong hai thập kỷ qua đã giết chết hơn 5 triệu dân thường và khiến hàng triệu người phải thất tán. Hầu hết tử vong vì những căn bệnh có thể tránh được do các cơ sở hạ tầng bị phá hủy, thiếu lương thực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và cả việc di dời.

Nhưng các kết quả khảo cứu vừa kể là quan trọng đối với một cộng đồng toàn cầu rộng lớn hơn nhiều, vào lúc châu Âu đang phải chật vật để thích ứng và tiếp nhận con số người tị nạn chưa từng có tiến vào bờ biển của họ.

Theo cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR), số người bị thất tán trên toàn thế giới lên đến mức kỷ lục là 65 triệu 300 ngàn người vào năm 2015.Một nửa trong số đó là trẻ em.

Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc nói không thể tránh khỏi việc có thêm nhiều người nữa sẽ tìm cách đến châu Âu do tình trạng bất bình đẳng toàn cầu về của cải và an ninh.

http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-ti-nan-tao-nguon-thu-nhap-cho-cac-cong-dong-o-rwanda/3386828.html

 

IOC giữ nguyên lệnh cấm của IAAF đối với vận động viên Nga

Một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) tại Lausanne hôm thứ Ba đã giữ nguyên lệnh cấm đối với Liên đoàn Điền kinh Nga, nhưng vẫn để ngỏ khả năng cho phép một số vận động viên điền kinh Nga tham gia tranh tài tại Thế vận hội Rio trong tư cách những thành viên thuộc Ủy ban Olympic của Nga.

Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch IOC Thomas Bach nói rằng những nhà lãnh đạo thể thao có “mối nghi ngờ nghiêm trọng” là những vận động viên đến từ những nước không tuân thủ như Nga và Kenya là những vận động viên sạch. Nhưng ông Bach đã loại trừ bất kỳ lệnh cấm toàn bộ nào đối với Ủy ban Olympic của Nga.

Ông nói có “những cáo buộc nghiêm trọng về những hành vi thao túng “trong thể thao Kenya. Ông Bach cho biết nước Châu Phi này đang đối mặt cùng một thách thức như Nga “để bảo đảm sân chơi bình đẳng như nhau cho tất cả những vận động viên” ở Rio.

Về việc Nga tranh tài ở Rio, ông Bach nhấn mạnh rằng tất cả những vận động viên của nước này đều thuộc Ủy ban Olympic Nga.

“Nếu có những vận động viên hội đủ điều kiện thì họ sẽ tranh tài trong tư cách thành viên của đội thuộc Ủy ban Olympic Nga bởi vì chỉ có ủy ban Olympic quốc gia mới có thể đưa vận động viên đi tranh tài tại Thế vận hội. Không có những đội thuộc những liên đoàn quốc tế ở đó. Khác với liên đoàn điền kinh quốc gia, Ủy ban Olympic Nga không bị đình chỉ.”

Ông Bach nói rằng những vận động viên và/hoặc Ủy ban Olympic Nga có thể đệ đơn chống lại quyết định về đội tuyển điền kinh nước này tại tòa án. Và chủ tịch Ủy ban Olympic Nga Alexander Zhukov đã ra một tuyên bố xác nhận những vận động viên “sạch” sẽ đệ đơn chống lại lệnh cấm của IAAF tại Tòa án Trọng tài Thể thao.

Hãng thông tấn xã nhà nước Tass dẫn lời ông Zhukov nói rằng nước ông “sẽ không tẩy chay Thế vận hội,” nhưng nói thêm rằng Ủy ban Olympic quốc gia sẽ cân nhắc một vụ kiện chống lại cơ quan quản lý môn điền kinh thế giới, Liên đoàn Điền kinh Quốc tế (IAAF).

Quyết định ban đầu cấm những vận động viên điền kinh của Nga tranh tài ở Rio được IAAF đưa ra vào thứ Sáu tuần trước. Những vận động viên này cũng đã bị cấm tham gia những cuộc tranh tài quốc tế vào tháng 11 năm ngoái vì nạn doping có hệ thống.

IAAF cho biết Nga vẫn chưa làm đủ để khôi phục lòng tin của quốc tế đối với những vận động viên của nước này. Bộ Thể thao Nga bày tỏ sự phản đối của mình đối với quyết định, nói rằng ước mơ của “những vận động viên sạch” đã bị hủy hoại vì hành vi đáng trách của những vận động viên và những quan chức khác.

20 đại biểu tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp hôm thứ Ba – đến từ IOC, những liên đoàn thể thao hàng đầu, những Ủy ban Olympic Quốc gia và Cơ quan Chống Doping Thế giới – đã quyết định IOC sẽ thực hiện “thêm những biện pháp sâu rộng để bảo đảm một sân chơi bình đẳng” cho tất cả vận động viên tham dự Thế vận hội ở Rio. Và tại hội nghị thượng đỉnh Olympic tiếp theo vào ngày 8 tháng 10, sẽ có những cuộc thảo luận và có phần chắc là sẽ có những đề xuất mới, trong khi IOC xúc tiến những kế hoạch của mình nhằm tạo ra một hệ thống xét nghiệm chống doping độc lập với những tổ chức thể thao.

http://www.voatiengviet.com/a/ioc-giu-nguyen-lenh-cam-cua-iaaf-doi-voi-van-dong-vien-nga/3385993.html

 

Biểu tình bạo lực gia tăng trước đợt bầu cử thành phố ở Nam Phi

Anita Powell JOHANNESBURG —

Những nhà phân tích chính trị nhận định tình trạng bạo lực dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng ở Nam Phi trong khi những cuộc bầu cử địa phương sẽ diễn ra vào tháng 8.

Những cuộc biểu tình bạo lực, náo động đã xảy ra trước những cuộc bầu cử cấp thành phố ở Nam Phi, một xu hướng mà những nhà phân tích nói họ sợ là sẽ tiếp diễn cho tới vòng bầu cử toàn quốc ba năm nữa.

Nhà phân tích Jakkie Cilliers cho biết: “Tôi nghĩ điều rõ ràng là mọi thứ ở Nam Phi sẽ tệ hơn trong những năm tới về kinh tế, chính trị, và về tình trạng bạo lực. Có những triển vọng cho sự cải thiện, nhưng nhìn chung việc này chỉ có thể xảy ra sau năm 2019.”

Trong khi bà Cilliers nêu luận điểm này bằng những hình ảnh và đồ thị xuất phát từ nghiên cứu kéo dài nhiều tháng tại Viện Nghiên cứu An ninh, cư dân của khu người da đen Atteridgeville ở thủ đô Pretoria minh họa thực trạng này theo cách riêng của họ, thẳng thừng hơn.

Chỉ cách Viện 20 kilômét, người biểu tình châm lửa đốt xe và lốp xe, cướp phá những cửa hàng và ném đá vào người lái xe chạy ngang qua để bày tỏ sự bất bình của họ với đảng Đại hội Dân tộc Châu Phi (ANC) đang cầm quyền.

Bà Cilliers lưu ý phần nhiều sự tức giận này xuất phát từ việc ANC chọn những nhà lãnh đạo, đặc biệt là Tổng thống Jacob Zuma, người đang ngày càng bị người dân chán ghét và đã hứng chịu những vụ bê bối tham nhũng đang lớn dần trong những năm gần đây. Nhiệm kì thứ hai và cuối cùng của ông ta sẽ kết thúc vào năm 2019.

Bà Cilliers nói: “Không có nghi ngờ nào về việc Tổng thống Zuma là cỗ máy tuyển mộ quan trọng nhất cho Liên minh Dân chủ và EFF. Và ông ta tại chức và lãnh đạo ANC càng lâu thì cả hai đảng đó càng nhận được sự ủng hộ.”

Những người biểu tình ở Atteridgeville nói rằng họ bất bình vì giới lãnh đạo ANC đã tiến cử một ứng cử viên thị trưởng là người từ tỉnh khác, chứ không phải ứng cử viên địa phương mà họ thích.

Nam Phi không có lịch sử bầu cử dân chủ bạo động. Nhưng kể từ năm 2010, số liệu của ISS cho thấy những cuộc biểu tình bạo lực đã gia tăng, tới mức trung bình là ba cuộc biểu tình mỗi ngày.

Học giả Steven Friedman, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ, nói rằng không khó để chỉ ra vì sao rất nhiều người lại sẵn sàng ném đá giữa một ngày trong tuần.

Nền kinh tế của Nam Phi đã thu hẹp nghiêm trọng vào đầu năm nay. Gần 27 phần trăm dân số đang thất nghiệp. Và hơn hai thập kỷ sau khi chế độ thượng đẳng da trắng apartheid sụp đổ, thống kê của chính phủ cho thấy người Nam Phi da đen vẫn nghèo hơn nhiều so với người Nam Phi da trắng.

Nhưng ông Friedman cho rằng nhóm người tức giận nhất của Nam Phi còn nguy hiểm hơn nhiều về mặt chính trị.

Ông nói: “Nhóm người tức giận nhất của Nam Phi ngày nay không phải là những người thất nghiệp ở những khu người da đen. Nhóm người Nam Phi tức giận nhất, là những người cũng có khả năng làm điều gì đó về sự tức giận của họ, là người Nam Phi da đen thuộc tầng lớp trung lưu. Và họ đang tức giận chính xác là bởi vì, theo quan điểm của họ, họ có trình độ chuyên môn mà ông bà cha mẹ họ không có, họ có một số cơ hội việc làm mà ông bà cha mẹ họ không có, và theo quan điểm của họ, họ gặp phải cùng thái độ kì thị chủng tộc mà ông bà cha mẹ họ gặp phải.”

Trong khi Nam Phi tiến tới cuộc bầu cử vào tháng 8 trong tình hình bạo lực, những nhà phân tích nói rằng nền dân chủ của Nam Phi đang đối mặt với thách thức khó khăn nhất của mình từ trước tới giờ.

http://www.voatiengviet.com/a/bieu-tinh-bao-luc-gia-tang-truoc-dot-bau-cu-thanh-pho-o-nam-phi/3385814.html

 

Bà Clinton đả kích ông Trump về kinh tế

Người sắp giành được đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, mô tả đối thủ Đảng Cộng hòa Donald Trump là người không thích hợp để giám sát nền kinh tế của Mỹ, tuyên bố rằng những chính sách “liều lĩnh” của ông ta sẽ “ném chúng ta lại vào cuộc suy thoái” và khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Phát biểu tại Ohio, một bang chiến trường quan trọng, bà Clinton đả kích thành tích kinh doanh của ông Trump như một chỉ dấu cho thấy cách thức mà ông ta sẽ quản lý nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bà Clinton nói trong một bài phát biểu tại thành phố Columbus: “Cũng giống như việc ông ta không nên nắm quyền kiểm soát mã hạt nhân, ông ta không nên nắm quyền kiểm soát nền kinh tế của chúng ta.”

Bà Clinton dẫn ra nhiều vụ phá sản và những vụ kiện tụng cáo buộc hành vi gian lận nhắm vào Đại học Trump, một hoạt động kinh doanh giáo dục sinh lợi nhuận của ông ta. Bà nói: “Đây không phải là hành vi bình thường. Chúng ta không thể để ông ta thảy xúc xắc với tương lai con cái của chúng ta.”

Bà Clinton cũng cáo buộc 3.500 vụ kiện tụng đã được đệ trình nhắm vào ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa trong 30 năm qua. Bà ta nói nhiều đơn kiện trong số này được đệ trình “bởi những người Mỹ bình thường và doanh nghiệp nhỏ chưa bao giờ được trả tiền, không phải vì ông ta không thể trả tiền cho họ mà vì ông ta có thể quỵt được họ.”

Bà Clinton nhắc tới một báo cáo được công ty Moody’s Analytics công bố hôm thứ Hai và được soạn thảo bởi một cựu cố vấn của một trong những người đồng Đảng Cộng hòa với ông Trump, Thượng nghị sĩ John McCain. Báo cáo này tiên đoán những đề xuất kinh tế của ông Trump sẽ gây ra một cuộc suy thoái và khiến 3,5 triệu công ăn việc làm bị mất đi chỉ riêng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông ta.

Với đợt công kích mới nhất nhắm vào ông Trump, bà Clinton hy vọng sẽ thuyết phục cử tri rằng bà ta sẽ là người lèo lái nền kinh tế tốt hơn. Một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy phần lớn cử tri ủng hộ Trump về những vấn đề kinh tế.

Một cuộc khảo sát do Gallup thực hiện trong tháng này cho thấy ông Trump dẫn trước bà Clinton 10 điểm về câu hỏi nên tin tưởng ai quản lý nền kinh tế, và bảy điểm về vấn đề công ăn việc làm. Và một cuộc khảo sát của Bloomberg Politics công bố hồi tuần trước cho thấy 55 phần trăm số người được hỏi nghĩ rằng ông Trump hiểu biết nhiều hơn về việc làm thế nào để tạo ra công ăn việc làm.

Những quan chức trong ban vận động của bà Clinton nói rằng bài phát biểu của bà ta là một phần trong chiến lược cho thấy ông Trump không đủ năng lực quản lý nền kinh tế và để chống lại thành công của ông ta trong việc giành được sự ủng hộ của những cử tri thuộc tầng lớp lao động ở những bang như Ohio, Michigan và Wisconsin.

Những phụ tá của bà Clinton nói bài phát biểu này cũng được thiết kế để thu hút sự ủng hộ của những người ủng hộ đối thủ Đảng Dân chủ Bernie Sanders, Thượng nghị sĩ bang Vermont ở vùng đông bắc. Ban vận động tranh cử của hai ứng cử viên Dân chủ đang thảo luận về những vấn đề kinh tế chủ chốt, chẳng hạn như đại học miễn học phí và mở rộng những chương trình phúc lợi Medicare và An sinh Xã hội, có thể sẽ được đưa vào cương lĩnh của Đảng Dân chủ tại đại hội đảng ở thành phố Philadelphia vào tháng sau.

Ông Trump, người sắp được Đảng Cộng hòa đề cử tổng thống, đã nhanh chóng phản pháo đối thủ Đảng Dân chủ. Trên tài khoản Twitter của mình, ông Trump nói “những chính sách nhập cư biên giới mở của Hillary Clinton sẽ hạ thấp tiền lương cho tất cả người Mỹ, và làm cho tất cả mọi người kém an toàn hơn.” Và “Hillary Clinton khiến thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng vọt 40 phần trăm khi làm ngoại trưởng, khiến người Mỹ mất hàng triệu việc làm.”

Ông Trump trước đây nói rằng ông ta sẽ hữu hiệu hơn bà Clinton trong việc quản lý nền kinh tế. Nêu ra sự nhạy bén kinh doanh của mình, ông Trump nói rằng ông ta là ứng cử viên tốt nhất để củng cố nền kinh tế và thương lượng với những nước khác.

Ông Trump đã chỉ trích bà Clinton về sự ủng hộ của bà ta đối với những thỏa thuận thương mại trước đây như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), những thỏa thuận mà ông ta cũng nói là đã khiến Mỹ mất “hàng triệu việc làm.”

Bà Clinton trước đây nói rằng bà sẽ đàm phán lại một số phần của NAFTA và đã bày tỏ sự chống đối đối với TPP, là thỏa thuận mà bà ta đã ủng hộ khi còn là bộ trưởng ngoại giao.

Bài diễn văn mới nhất của bà Clinton theo sau một bài diễn văn mà bà đã đọc vào ngày 2 tháng 6 tại thành phố San Diego tập trung vào an ninh quốc gia.

http://www.voatiengviet.com/a/ba-clinton-da-kich-ong-trump-ve-kinh-te/3386121.html

 

Mỹ có đứng về phía Philippines trong tranh chấp Biển Đông?

Ông Rodrigo Duterte, tổng thống vừa đắc cử của Philippines, hôm 21/6 cho biết mới đây ông đã hỏi đại sứ Mỹ liệu Washington có ủng hộ Philippines hay không trong trường hợp có thể xảy ra đối đầu với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.

Phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp ở thành phố Davao ở miền nam, ông Duterte cho rằng Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951 giữa Philippines và Mỹ không đương nhiên buộc Mỹ phải giúp đỡ ngay lập tức nếu Philippines rơi vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc do tranh chấp lãnh thổ.

Ông Duterte nói ông đã hỏi Đại sứ Mỹ Philip Goldberg trong một cuộc họp gần đây: “Các ngài đứng cùng chúng tôi hay không,” và nói thêm rằng ông Goldberg đã trả lời: “Chỉ khi nào các ngài bị tấn công”.

Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ sẽ không bình luận về các chi tiết của các cuộc đàm thoại ngoại giao hay về khả năng Mỹ đến bảo vệ Philippines ở Biển Đông. Song bộ nói liên minh Mỹ-Philippines vững như thép và Mỹ sẽ làm đúng các cam kết trong hiệp ước.

Bà Anna Richey-Allen, nữ phát ngôn viên của Vụ Đông Á-Thái Bình Dương của bộ, nói: “Tổng thống Obama đã nêu rõ chúng ta sẽ làm đúng các cam kết đối với Philippines, cũng như chúng ta vẫn làm với bất cứ hiệp ước phòng thủ chung nào. Tính đáng tin cậy và trông cậy được của chúng ta với tư cách là một đồng minh đã được xác lập trong nhiều thập kỷ. Ngoài điều đó ra, chúng tôi không bình luận về các giả thiết”.

Hiệp ước giữa Philippines và Mỹ viết mỗi nước sẽ “hành động để giải quyết những mối nguy hiểm chung” nếu như một trong hai nước bị tấn công.

Đại sứ Goldberg chưa đưa ra bình luận về cuộc gặp của ông với ông Duterte.

Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông. Hiện các bên tranh chấp gồm có Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Hồi đầu tháng này, ông Duterte nói ông sẽ đưa ra chính sách đối ngoại độc lập “và không lệ thuộc vào Mỹ”, đồng minh lâu năm của Philippines.

Theo Japantimes, Dailymail.co.uk

http://www.voatiengviet.com/a/my-co-dung-ve-phia-philippines-trong-tranh-chap-bien-dong/3386914.html

 

Mỹ sẽ cho phép máy bay không người lái thương mại nhỏ hoạt động

Mỹ hôm thứ Ba đã ban hành những quy định mới cho phép những chuyến bay của máy bay không người lái nhỏ, mang tính cách thương mại trên khắp cả nước, nhưng không cho phép máy bay không người lái lớn giao sản phẩm tới tay người tiêu dùng từ những nhà kho ở xa.

Quy định này, được loan báo tại Washington, sẽ cho những doanh nghiệp bay máy bay không người lái để theo dõi đất nông nghiệp, giám sát những hoạt động cứu hộ khi thiên tai xảy ra, xem động vật hoang dã làm tổ, cung cấp những cơ hội giáo dục và nghiên cứu cùng nhiều công dụng khác.

Nhưng những máy bay này phải nặng dưới 25 kilôgram, bay không cao hơn 122 mét hoặc nhanh hơn 161 kilômét giờ. Ngoài ra, những chuyến bay này phải được thực hiện trong tầm nhìn của người điều khiển và không bay bên trên con người.

Bộ trưởng Giao thông Anthony Foxx nói: “Khi công nghệ mới này tiếp tục mở rộng và phát triển, chúng ta muốn bảo đảm rằng chúng ta phải cân bằng giữa sự cải tiến và sự an toàn.”

Hai công ty lớn của Mỹ, đại công ty công nghệ Apple và công cụ tìm kiếm Google, hai năm trước cho biết họ đang nghiên cứu thực hiện những chuyến giao hàng bằng máy bay không người lái, đưa những sản phẩm mà họ bán tới cho khách hàng thông qua những địa điểm của họ trên Internet. Những chuyến giao hàng này sẽ bắt đầu vào một thời điểm nào đó trong năm 2017. Mỹ đang soạn thảo những quy định riêng rẽ để quản lý những chuyến giao hàng đường dài như vậy, dù không có thời biểu được định ra cho việc công bố những quy định này.

http://www.voatiengviet.com/a/my-se-cho-phep-may-bay-khong-nguoi-lai-thuong-mai-nho-hoat-dong/3386109.html

 

Dự luật kiểm soát súng lưỡng đảng được trình trước Thượng viện

Một dự luật có sự ủng hộ của cả hai đảng nhằm ngăn chặn việc bán súng cho những người bị nghi là kẻ khủng bố, đã được giới thiệu tại Thượng viện Hoa Kỳ, sau vụ xả súng trong hộp đêm ở thành phố Orlando hồi gần đây, và một ngày sau khi Thượng viện bác bỏ một loạt những đề xuất hạn chế những người hội đủ điều kiện mua súng và mở rộng việc rà soát lí lịch người mua súng.

Phe Cộng hòa cuối ngày thứ Hai đã chặn hai đề xuất lâu năm mà phe Dân chủ đã vận động ủng hộ. Sự vận động này lại trở nên quyết liệt sau khi tay súng Omar Mateen tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi giáo bắn chết 49 người trong hộp đêm và làm bị thương 53 người khác chỉ hơn một tuần trước ở thành phố Orlando, bang Florida.

Một đề xuất sẽ ngăn chặn những người có tên trên một loạt những danh sách theo dõi khủng bố liên bang, trong đó có cả những người bị cấm bay, được mua súng. Một đề xuất khác sẽ mở rộng những cuộc kiểm tra lí lịch bắt buộc đối với những giao dịch mua súng để bao gồm những hội chợ súng và việc bán súng qua Internet.

Cả hai đề xuất này đều không đạt đủ ba phần năm sự ủng hộ cần thiết để được gắn vào những dự luật mà Thượng viện đang cứu xét như những tu chính án.

Tổng thống Barack Obama bày tỏ sự thất vọng của mình trên Twitter: “Bạo lực súng ống đòi hỏi nhiều hơn là những phút mặc niệm. Nó đòi hỏi hành động. Không vượt qua được điều này, Thượng viện đã phụ người dân Mỹ.”

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy nói: “Tôi quá hổ thẹn.” Ông là người đã đăng đàn Thượng viện và diễn thuyết suốt 15 tiếng đồng hồ vào tuần trước để đòi phải có hành động pháp lý về bạo lực súng ống.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Bill Nelson thì đặt câu hỏi: “Tôi sẽ nói gì với 49 gia đình đang đau buồn [ở Orlando] đây? Đáng buồn thay, điều mà tôi sẽ phải nói với họ là NRA [Hiệp hội Súng Quốc gia] lại thắng nữa.” NRA là một tổ chức đầy quyền thế chuyên vận động cho quyền sở hữu súng.

Phe Cộng hòa nói rằng họ không thể bỏ phiếu cho bất kỳ đề xuất nào không cho những người bị đưa nhầm vào danh sách theo dõi khủng bố có được phương tiện để chống lại quyết định của chính phủ. Họ cáo buộc đề xuất của phe Dân chủ sẽ khước từ quyền hiến định của người Mỹ là được mang súng mà không theo đúng trình tự pháp lý.

http://www.voatiengviet.com/a/du-luat-kiem-soat-sung-luong-dang-duoc-trinh-truoc-thuong-vien/3386094.html

 

Quân chống IS ‘chiếm ưu thế’ ở Sirte

Lực lượng do chính phủ hậu thuẫn ở Libya giành được lợi thế lớn nhất tại khu vực đang nằm trong tay của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thành phố Sirte từ khi cuộc tấn công bắt đầu vào tháng 5/2016, các quan chức nói.

Quân đội tiến hơn 1km vào khu vực trước đây do IS nắm giữ, giành lại khu dân cư.

Hàng chục binh sĩ và chiến binh IS bị ghi nhận thiệt mạng.

Sirte là trấn thủ quan trọng nhất của IS ở Libya, đã bị IS kiểm soát từ tháng 2/2015.

Quân đội Libya thông báo trên trang Facebook của họ rằng họ cũng kiểm soát một đài phát thanh và nhà máy điện.

Kênh truyền hình Al-Jazeera tường thuật quân đội cũng chiếm lại một kho đạn dược của IS.

Quân đội trung thành với chính phủ thống nhất, được thiết lập ở thủ đô Tripoli hồi đầu năm nay, đã tái chiếm cảng và các khu vực khác của Sirte.

Trong khi đó, một vụ nổ bí ẩn xảy ra ở một thị trấn gần Tripoli khiến ít nhất 25 người thiệt mạng, dường như sau một vụ tranh cãi tại một cửa hàng.

Vụ nổ xảy ra tại Garabulli sau các cuộc đụng độ giữa người dân địa phương và dân quân từ thành phố Misrata.

Các quan chức cho biết một kho đạn đã phát nổ nhưng một người dân nói với BBC rằng đó là vụ nổ một chiếc xe tải chở pháo hoa.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160622_libyan_forces_gains_sirte

 

Trung Quốc : trưởng thôn Ô Khảm « tự thú » nhận hối lộ

Khánh Bình

Hôm qua, 21/06/2016, truyền thông của chính quyền Bắc Kinh cho đăng một đoạn video trong đó ông Lâm Tổ Loan, thừa nhận mình đã “nhận hối lộ”.  Ông Lâm Tổ Loan (Lin Zulian) là người được dân thôn Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông bầu làm trưởng thôn một cách dân chủ, sau một cuộc bầu cử được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử xã hội Trung Quốc, dưới chế độ Cộng Sản.

Hôm qua, truyền thông Trung Quốc cho phát một video trong đó ông Lâm thú nhận mình đã nhận hối lộ. Theo lời thú nhận trong video, ông Lâm đã “nhận hối lộ trong một số công việc (…) và chuyện mua sắm của thôn vì thiếu hiểu biết về luật pháp“. Các luật sư tố cáo việc chính quyền cho phát các video thú tội sau khi công an thẩm vấn, nhưng trước khi bị tòa kết án, một hiện tượng được coi xảy ra gần như hàng ngày tại Trung Quốc.

Theo AFP, người dân địa phương đã nhiều lần biểu tình đòi thả ông, sau khi ông bị bắt vào khuya thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy tuần trước. Hơn 1.000 người biểu tình hôm thứ Hai, 20/06.

Một người dân địa phương cho AFP biết, công an được bố trí dày đặc tại Ô Khảm để dập tắt tiếng nói của những người phản đối việc bắt vị trưởng thôn, nhưng không ngăn được sự phản đối của người dân.

Trước khi bị bắt, ông Lâm Tổ Loan có ý định tổ chức một cuộc biểu tình phản đối chính phủ, bởi theo ông việc giải quyết các vi phạm trong trưng thu đất đai đã không có tiến triển gì kể từ năm 2012.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160622-trung-quo%CC%81c-truo%CC%89ng-thon-o-kha%CC%89m-%C2%AB-tu%CC%A3-thu%CC%81-%C2%BB-mi%CC%80nh-nha%CC%A3n-ho%CC%81i-lo%CC%A3

 

Tư pháp Ai Cập bác bỏ việc trao hai hòn đảo cho Ả Rập Xê Út

Thụy My

Tòa án hành chính Ai Cập hôm qua 21/06/2016 đã bác bỏ hiệp ước phân định ranh giới trên biển mà chính phủ nước này đã ký với Ả Rập Xê Út hồi tháng Tư, về việc trao trả hai hòn đảo ở Biển Đỏ cho Ryad. Hiệp ước đã gây nên nhiều đợt biểu tình phản đối tại Ai Cập, nhiều người đã bị bắt giữ và kết án.

Từ Cairo, thông tín viên RFI Alexandre Buccianti gởi về bài tường trình :

« Niềm hân hoan đã bùng vỡ sau quyết định của tòa án, coi các đảo mang tính chiến lược Tiran và Sanafir luôn thuộc chủ quyền quốc gia và nằm trong vùng biên giới của Ai Cập. Các thẩm phán của tòa án hành chính trước đó cũng đã cho là hiệp ước phân định ranh giới trên biển giữa Ai Cập với Ả Rập Xê Út không có giá trị.

Việc trả lại hai hòn đảo hoang cho Ryad, theo chủ trương của tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sissi, đã gây ra một làn sóng phản đối tại Ai Cập. Hàng trăm người kêu gọi xuống đường hay đã đi biểu tình hôm 25 tháng Tư đã bị bắt. Hơn một trăm người khác bị kết án tù và phải trả những món tiền phạt nặng nề, nhưng đa số các bản án tù giam đã bị tòa phúc thẩm bác bỏ.

Chính phủ Ai Cập hiện đang rất bối rối. Phán quyết có hiệu lực thi hành, nếu kháng cáo của chính quyền không được tòa án hành chính cấp cao chấp nhận ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160622-tu-phap-ai-cap-bac-bo-viec-trao-tra-hai-hon-dao-cho-a-rap-xe-ut

 

Báo Trung Quốc phản đối Mỹ đưa hàng không mẫu hạm đến Biển Đông

Thụy My

Nhân dân Nhật báo hôm nay 22/06/2016 cực lực lên án việc Hoa Kỳ điều hai hàng không mẫu hạm đến vùng Đông Á. Một động thái được nhiều nhà quan sát cho rằng nhằm gửi tín hiệu răn đe Bắc Kinh, vào thời điểm Tòa Trọng Tài Thường Trực Liên Hiệp Quốc chuẩn bị ra phán quyết liên quan đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định: « Mỹ đã nhắm sai mục tiêu khi chơi trò này với Trung Quốc ». Bài viết ký tên « Zhong Sheng » tức « Trung Thanh », đồng âm với từ « Tiếng nói Trung Hoa ». Từ này thường được sử dụng để bày tỏ quan điểm của chính quyền Trung Quốc về chính sách đối ngoại. Tờ báo nói thêm : « Đằng sau tư tưởng sai lầm này là nỗi lo âu và sự ngạo mạn của Washington, và là biểu hiện chân thực cho đầu óc bá chủ của Mỹ».

Hôm thứ Hai 20/6, tư lệnh Hải quân Mỹ tuyên bố việc triển khai các tàu sân bay là dấu hiệu cho thấy sự cam kết của Hoa Kỳ về an ninh khu vực, và hy vọng sẽ ngăn cản được mọi âm mưu gây bất ổn tại Biển Đông. Hai hàng không mẫu hạm John C. Stennis và Ronald Reagan bắt đầu các hoạt động chung với Philippines từ cuối tuần trước, trong bối cảnh Tòa Án Trọng Tài Thường Trực sắp ra phán quyết liên quan đến yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông đang tranh chấp.

Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách Thái Bình Dương (PACOM) nói rằng các hàng không mẫu hạm bắt đầu vào chiến dịch hôm thứ Bảy 18/6, trong đó có cả tập trận phòng không, giám sát trên biển, không chiến và tấn công tầm xa. Cũng theo PACOM, cuộc tập trận gần đây nhất có sự tham gia của hai tàu sân bay Mỹ tại Tây Thái Bình Dương là vào năm 2014, và trước đó năm 2012 hai tàu sân bay Mỹ cũng từng phối hợp hoạt động tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160622-bao-trung-quoc-phan-doi-my-dua-hang-khong-mau-ham-den-bien-dong

 

Chính phủ Pháp cho phép công đoàn biểu tình sau khi ra lệnh cấm

Thanh Phương

Sau khi ra lệnh cấm, chính phủ Xã hội của Pháp cuối cùng đã cho phép một cuộc biểu tình của công đoàn vào ngày mai, 23/06/2016, nhưng với một lộ trình ngắn hơn dự kiến.

Sau hai ngày thương lượng bất thành với công đoàn, Sở cảnh sát Paris sáng nay, 22/06, đã loan báo quyết định cấm cuộc biểu tình ngày mai ở thủ đô nước Pháp theo lời kêu gọi của các công đoàn nhằm tiếp tục phải đối luật lao động mới. Đây là lần đầu tiên từ nhiều thập niên qua chính phủ Pháp ra lệnh cấm một cuộc biểu tình của công đoàn, một quyết định gây chia rẽ nội bộ chính giới nước này.

Trong bản thông cáo, Sở cảnh sát Paris cho biết họ không có sự lựa chọn nào khác, sau khi các công đoàn từ chối đề nghị là chỉ tập hợp biểu tình tại một nơi, thay vì tuần hành, để nhà chức trách dễ kiểm soát hơn.

Ngay sau đó, các lãnh đạo công đoàn đã xin gặp bộ trưởng Nội Vụ Bernard Cazeneuve và sau cuộc gặp gỡ này, cuối cùng chính phủ đã cho phép biểu tình, nhưng theo một lộ trình do bộ Nội Vụ đề nghị, tức là một đoạn đường chỉ dài 1,6 km, gần quảng trường Bastille. Ban đầu các công đoàn đòi là đoàn biểu tình được tuần hành từ quảng trường Bastille đến quảng trường Nation.

Từ nhiều tuần qua, tổng thống François Hollande và thủ tướng Manuel Valls đã dọa sẽ cấm các cuộc biểu tình phản đối luật lao động, sau các vụ bạo động dữ dội xảy ra trong cuộc biểu tình ngày 14/06, với hàng trăm người đã tấn công cảnh sát, đập phá, cướp bóc nhiều ngân hàng, cửa hiệu và công sở, trong đó có một bệnh viện dành cho trẻ em.

Sau khi được phép biểu tình ngày mai, lãnh đạo CGT, công đoàn chính của Pháp, ông Philippe Martinez, đã yêu cầu tổng thống François Hollande tiếp các công đoàn thật sớm để tìm giải pháp cho khủng hoảng này.

 

http://vi.rfi.fr/phap/20160622-chinh-phu-phap-cho-phep-cong-doan-bieu-tinh-sau-khi-ra-lenh-cam

 

Châu Âu chia rẽ về chiến lược hậu trưng cầu dân ý Anh Quốc

Thanh Phương

Cho dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý về « Brexit » ở Anh Quốc ngày 23/06/2016 như thế nào, các nước trong Liên Hiệp Châu Âu chưa đồng nhất về chiến lược sau đó nhằm thúc đẩy trở lại công cuộc xây dựng châu Âu hợp nhất, trong khi hai trụ cột Đức và Pháp thì vẫn chưa đạt đến một thỏa thuận nào.

Nước Pháp đã tỏ ý muốn là phải có một tín hiệu mạnh để đưa Liên Hiệp Châu Âu ra khỏi bầu không khí u ám cả về mặt kinh tế lẫn chính trị hiện nay. Trên tờ Le Monde gần đây, bộ trưởng KinhTế Emmanuel Macron đã hứa rằng nước Pháp sẽ đưa ra sáng kiến để tránh lây lan «triệu chứng » Brexit và khởi động ngay một dự án mới mang tính tích cực cho châu Âu.

Nhưng Đức thì không lạc quan như vậy. Trên tờ nhật báo Spiegel, bộ trưởng Tài Chính Wolgang Schauble cho rằng trong trường hợp Brexit, không thể nào kêu gọi châu Âu hội nhập hơn nữa. Ông nói : “Đây sẽ là một điều ngu xuẩn, nhiều người sẽ trách các lãnh đạo chính trị đã không hiểu được tâm trạng của người dân các nước, đang ngày càng hoài nghi về châu Âu hợp nhất. Chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cũng nghĩ rằng thúc đẩy hội nhập hơn nữa sẽ càng làm rối loạn thêm“.

Thái độ thận trọng đó thật dễ hiểu trong bối cảnh mà các phong trào chống châu Âu hợp nhất, kể cả tại Đức, đang phát triển ngày càng mạnh, thể hiện qua kết quả các cuộc bầu cử gần đây. AFP trích lời một quan chức chính phủ Đức cho biết là hiện giờ rất chính phủ nhiều nước ngại đụng đến vấn đề này, bởi vì họ không được dư luận ủng hộ.

Đặc biệt là về đồng euro, giữa Paris và Berlin hiện vẫn còn nhiều bất đồng và nghi ky. Pháp thì vẫn không kềm chế được mức thâm thủng ngân sách và không muốn để một định chế châu Âu giám sát hồ sơ này. Đức thì dứt khoát không chấp nhận san sẻ các món nợ giữa các nước trong khối.

Chính vì bị hai « nút chặn » nói trên mà Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa có được một chiến lược vững chắc nào cho giai đoạn hậu trưng cầu dân ý về Brexit. Không chỉ giữa Paris và Berlin, mà cả trong nội bộ liên minh cầm quyền ở Đức cũng đang bị chia rẽ giữa một bên là đảng Xã hội Dân chủ, chủ trương hội nhập châu Âu hơn nữa và bên kia là đảng bảo thủ CDU, đề nghị là Liên Hiệp Châu Âu nên trao lại một số quyền cho các quốc gia thành viên, để trấn an công luận hoài nghi về châu Âu hợp nhất.

Cho nên, cho giai đoạn hậu trưng cầu dân ý về Brexit, các nước châu Âu chỉ có thể đề ra một số sáng kiến hạn chế trong các lĩnh vực ít gây tranh cãi như quốc phòng hay an ninh. Nhưng hãy còn xa họ mới có thể bàn đến việc thành lập một quân đội châu Âu.

Tóm lại, cuộc trưng cầu dân ý tại Anh Quốc ngày 23/06 buộc Liên Hiệp Châu Âu phải tìm một con đường khác để thích ứng với một công luận ngày càng bi quan, nhưng các nước thành viên vẫn chưa có một tiếng nói đồng nhất.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160622-chau-au-chia-re-ve-chien-luoc-hau-trung-cau-dan-y-anh-quoc

 

Pháp: « Âm nhạc mạnh hơn tất cả những gì có thể chia rẽ chúng ta »

Hoài Dịu

Ra đời từ năm 1982, ngày nay, ngày hội âm nhạc Pháp đã trở thành sản phẩm văn hóa tinh thần, là truyền thống không thể thiếu của đất nước hình lục giác. Cứ vào ngày 21 tháng 6 hàng năm, một ngày dài nhất trong năm, hàng nghìn buổi hòa nhạc miễn phí dành cho công chúng, hay được chơi bởi công chúng, diễn ra khắp nơi. Từ làng quê nhỏ bé cho đến các thành phố lớn, người người đổ ra đường, nô nức tham gia nhạc hội và cùng chào mừng những ngày ấm áp của một mùa hạ đang về.

Đây là cơ hội tốt cho những nghệ sĩ nghiệp dư thể hiện niềm đam mê và tài năng chơi nhạc của mình, cũng là dịp công chúng được thưởng thức những chương trình hòa nhạc đặc sắc, chất lượng cao. « Âm nhạc mạnh mẽ hơn tất cả những gì có thể chia rẽ chúng ta » là chủ đề của ngày hội âm nhạc năm nay. Mời quý vị theo chân chúng tôi đến Montrouge, một thành phố nhỏ nhưng không kém phần nhộn nhịp, nằm sát ngay thủ đô Paris để cùng cảm nhận không khí lễ hội nơi đây.

Chúng tôi đang ở tại một trường âm nhạc tư thục của thành phố Montrouge. Tiếng đàn, tiếng hát của các em thiếu nhi trong đội hợp xướng và nhóm nhạc rock trẻ em đã rộn vang, những câu nhạc được yêu cầu lặp lại nhiều lần. Các em đã có mặt ở đây từ 16g45 để tập dợt lần cuối cùng cho tiết mục mở màn lúc 18g.

Có những bạn dù còn ít tuổi nhưng biết chơi rất nhiều nhạc cụ : « Xin chào, con tên là Jade, con 10 tuổi, con sống ở Monrouge, con học lớp 5. Con biết chơi ghita bass, piano, ghita lead và trống, chúng con sẽ hát bài “on écrit sur les murs”, “papa où t’es” và “millionnaire” ».

Sau buổi diễn, Stéphane, thầy giáo phụ trách nhóm rất vui, ông nói : « Vâng, buổi diễn rất tốt. Tuy lúc đầu có vài sự điều chỉnh trên sân khấu nhưng về sau thì rất tốt. Chúng ta có cảm tưởng như vừa trải qua những giây phút tuyệt đẹp, đối với tôi và cả các em thiếu nhi nữa ».

Ngày hội âm nhạc là cánh cửa rộng mở, chào đón tất cả các phong cách âm nhạc, từ cổ điển, jazz, rock đến nhạc dân gian, các loại hình trình tấu và thậm chí cả các loại hình nhảy và múa.

Để chân dung ngày hội được hài hòa, bà Emeline Bravo, giám đốc trường âm nhạc « La Fabrique de Talents », chủ tịch hiệp hội « Le Parc », một trong những đơn vị đứng ra tổ chức sự kiện âm nhạc của thành phố Montrouge, cho biết:

« Thật ra, ở những thành phố lớn, ngày hội dành cho âm nhạc hiện đại chiếm phần lớn. Chúng ta có thể đến nhà hát để nghe nhạc kịch, nơi có nhiều chương trình hòa nhạc đặc biệt trong dịp này. Kể từ ngày hội âm nhạc năm ngoái, chúng tôi đã quyết định làm một phần âm nhạc cổ điển ở công viên nhỏ gần quảng trường Jules Ferry với một ca sỹ và nhóm hòa tấu Baroque, họ sẽ trình diễn các tác phẩm từ thời kỳ Monteverdi cho đến giai đoạn của Kurt Weill (…) Còn đối với thể loại khác, chúng ta sẽ có nhóm nhạc « rock nhí » gồm các em từ 5 tuổi trở lên,…, Các em sẽ trình diễn những tác phẩm trong danh mục thể loại rock, jazz, đôi khi thậm chí cả hard rock ».

Tham gia lễ hội năm nay có nhóm nhạc rock gồm 4 chàng trai tuổi ô mai, dưới sự dẫn dắt của thầy Zad, nghệ sỹ rock và jazz. Các em hào hứng :

« Xin chào, con tên là Paul, con chơi ghi ta bass. Thực tình đây, con thích lắm. Đây là một trong những buổi diễn hay nhất của ngày hội âm nhạc mà con đã từng chơi »

« Còn con tên là Lylian, đây là lần thứ 3 con tham gia biểu diễn cho ngày hội âm nhạc. Buổi hòa nhạc diễn ra thuận lợi hơn vì không có trục trặc về vấn đề kỹ thuật như những năm trước đây, con rất là thích buổi diễn này »

Mặc dù có « hơi run » khi ra sân khấu, nhưng niềm đam mê âm nhạc đã giúp các bạn ấy vượt qua tất cả :

« Con tên là Livan, con chơi trống, con thấy buổi hòa nhạc diễn ra rất tốt. Lúc đầu con bị tâm lý một chút nhưng về sau diễn ra đặc biệt rất tốt »

« Con tên là Ivan, con chơi ghi ta,.., đây là lần đầu tiên con chơi cho ngày hội âm nhạc, lúc đầu con cũng hơi căng thẳng nhưng về sau thì có khá hơn »

Cho dù ngày hội âm nhạc năm nay nhằm vào ngày thứ ba, diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhưng sau một ngày làm việc mệt nhọc, mỗi người đều tìm cho mình một lý do để đi dự hội :

« Xin chào, tôi tên là Cyrille, ở thành phố Montrouge, ngoại ô Paris. Tôi đến đây vì ngày hội âm nhạc…Trên toàn nước Pháp, âm nhạc khắp nơi, âm thanh khắp nơi. Thật tuyệt vời ! Tối nay trời có thể sẽ mưa, mà cũng chưa chắc đâu. Nhưng điều này không ngăn cản tôi hội hè ».

« Xin chào, tôi tên là Hélène, tôi ở Paris…Tôi đến với ngày hội âm nhạc vì tôi rất thích nó. Tôi thấy rất là dễ thương. Thời tiết không được đẹp, những dàn nhạc lớn thì bị cấm, nhưng tôi thấy vậy cũng hay vì tôi vốn thích những buổi hòa nhạc nhỏ nhỏ này hơn ».

Đối với một vài nghệ sỹ, lễ hội âm nhạc gợi nhớ những kỷ niệm :

« Cũng không lâu lắm, cách đây hai năm, ở Montrouge, tôi đã làm việc với một trong những giáo viên của trường “la Fabrique de Talents”,…, tôi đã biểu diễn tiết mục nhào lộn cùng lúc với diễn xướng tác phẩm « glitter and be gay » của Bernstein. Đó là bài hát có tính đòi hỏi rất cao, được đệm đàn bởi nghệ sỹ Dịu Đào Nguyễn. Và đó là giây phút lớn lao đối với tôi »

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, vấn đề an ninh là mối quan tâm hàng đầu của những nhà tổ chức lễ hội cũng như người dân Pháp. Tuy nhiên họ rất lạc quan và tin tưởng. Anh Cyrille nói:

« Tôi nghĩ rằng, khán giả được bảo đảm an toàn vì chính phủ đã có sự chuẩn bị thích đáng để bảo đảm an ninh cho những sự kiện như thế này. Hơn nữa, chúng ta có nhiều sư kiện lớn diễn ra cùng một lúc như Euro 2016, ngày hội âm nhạc. Vậy hãy tin tưởng vào lực lượng cảnh sát thành phố, cảnh sát quốc gia. Tất cả đang ở đây. Tôi nghĩ chẳng có vấn đề gì đâu »

Với tư cách là nhà tổ chức sự kiện, bà Emeline cũng cảm thấy tự tin : “Tôi chưa nghe nói về những biện pháp đặc biệt, tôi biết là sẽ có lực lượng cảnh sát đi tuần trong thành phố. Quanh đây thường xuyên có các nhân viên an ninh (…) Tôi nghĩ rằng, ngày hội âm nhạc năm nay sẽ được theo dõi chặt chẽ hơn năm ngoái

Tạm gác lại những lo âu, muộn phiền của đời sống thường nhật, tại đây trong giây phút này, những tâm hồn yêu nhạc, yêu cái đẹp, thực sự được sống trọn với đam mê của mình.

« Âm nhạc xua đuổi hận thù đối với những ai không có tình yêu, mang hòa bình đến những ai không cảm thấy tự tại. Âm nhạc vỗ về những ai đau khổ ». Giá trị nhân văn của ngày hội âm nhạc ngày nay đã lan tỏa khắp nơi. Ngày 21 tháng 6 hàng năm giờ đây không chỉ là ngày hội âm nhạc của riêng nước Pháp mà còn là ngày hội âm nhạc chung của 120 quốc gia trên toàn thế giới với sức mạnh tinh thần không thể phủ nhận, đó là « Âm nhạc mạnh mẽ hơn tất cả những gì có thể chia rẽ chúng ta ».

http://vi.rfi.fr/phap/20160622-phap-%C2%AB-am-nhac-manh-me-hon-tat-ca-nhung-gi-co-the-chia-re-chung-ta-%C2%BB

 

Tranh cử tổng thống Mỹ : Ứng viên Donald Trumps thiếu tiền

Đức Tâm

Ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, Donald Trump đang phải đối mặt với hai vấn đề : Tỷ lệ được lòng dân suy giảm và tiền chi cho vận động tranh cử cũng thiếu, trong lúc quỹ vận động tranh cử của bà Hillary Clinton, chắc chắn là ứng viên của đảng Dân Chủ, thì đầy ắp.

Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet gửi về bài tường trình :

Trong tháng Năm, ông Donald Trump quyên góp được từ 3 đến 5 triệu đô la, trong lúc đó, bà Hillary Clinton quyên góp được tới 26 triệu. Đến ngày mồng một tháng Sáu, quỹ vận động tranh cử của ông Trump chỉ còn hơn một triệu và bà Clinton thì còn tới 42 triệu. Làm thế nào giải thích được sự chênh lệch này ? Thực ra, ông Trump không thích đi quyên góp, huy động vốn và tố cáo đối thủ – bà Clinton – đã bị những người góp tiền thao túng.

Tuy vậy, trên mạng internet, ông Trump cũng vừa phải đưa ra lời kêu gọi các ủng hộ viên hỗ trợ tài chính, đồng thời ông cho biết sẵn sàng sử dụng tiền riêng của mình để chi cho cuộc vận động tranh cử, giống như ông đã làm trong giai đoạn bầu cử sơ bộ.

Ông tự hào khoe là có một nhóm vận động tranh cử nhỏ, chỉ có 70 người, nhưng hoạt động hiệu quả, trong lúc nhóm của bà Clinton có tới 700 người.

Thế nhưng, tất cả các chiến lược gia của đảng Cộng Hòa đều cho rằng, nếu như không quá muộn, thì ngay từ bây giờ, ông Trump nhất thiết phải lập một mạng lưới vận động tranh cử trên phạm vi quốc gia thì mới có thể đắc cử“.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160622-tranh-cu-tong-thong-my-ung-vien-donald-trumps-thieu-tien