Tin khắp nơi – 22/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 22/04/2018

Bắc Hàn ‘ngưng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân’,

Kim Jong-un nói

Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un nói sẽ đình chỉ tất cả các cuộc thử nghiệm tên lửa và đóng cửa khu thử nghiệm hạt nhân ngay lập tức.

“Từ ngày 21/4, Bắc Hàn sẽ ngừng thử nghiệm hạt nhân và ngừng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa,” theo hãng Thông tấn Trung Ương Triều Tiên KCNA.

Quyết định này nhằm mục đích theo đuổi tăng trưởng kinh tế và giữ gìn hòa bình trên bán đảo Triều Tiền, theo KCNA.

Trump sẽ ‘bỏ đi’ nếu đàm phán với Kim không hiệu quả

Năm địa điểm hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim có thể diễn ra

Hoa Kỳ đang đối thoại trực tiếp với Bắc Hàn

Lỗi website Bắc Hàn dẫn tới Twitter ‘nói xấu chính phủ’

Ông Kim sẽ gặp mặt Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tuần tới.

Ông cũng dự kiến sẽ tổ chức một hội đàm thượng đỉnh chưa từng có với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng Sáu. Nếu cuộc hội đàm diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp mặt đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Bắc Hàn.

“Đây là tin tốt cho Bắc Triều Tiên và Thế giới – tiến bộ lớn!”, Ông Trump đã đăng trên Twitter theo sau thông báo của Kim Jong-un.

Hôm thứ Năm, lãnh đạo Hoa Kỳ cho biết có một “con đường tươi sáng có sẵn cho Bắc Triều Tiên khi nó đạt được sự phi hạt nhân”.

Một phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc đã gọi động thái này của Bắc Hàn là “một tiến bộ có ý nghĩa”.

“Nó cũng sẽ góp phần tạo ra một môi trường rất tích cực cho sự thành công của hội nghị thượng đỉnh Nam-Bắc sắp tới và hội đàm thượng đỉnh Bắc Hàn – Hoa Kỳ,” tuyên bố từ văn phòng của Tổng thống Moon Jae-in cho biết.

Một bước đi quan trọng

Phóng viên Laura Bicker, BBC News, từ Seoul

Tuyên bố trên là một tuyên bố quan trọng.

Ông Kim nói không cần thực hiện thêm bất kỳ thử nghiệm tên lửa nào nữa vì vũ khí hạt nhân đã đạt được. Điều này lặp lại tuyên bố trước đây của ông trong một bài phát biểu năm mới, nói rằng nhà nước đã hài lòng với công nghệ năng lượng hạt nhân của nó.

Sau sáu cuộd thử nghiệm hạt nhân, Bắc Hàn có thể cảm thấy không cần phải nâng cấp các thiết kế hiện có.

Đây không phải là sự phi hạt nhân theo yêu cầu của cộng đồng quốc tế. Mặc dù Bắc Hàn đã tuyên bố sẽ bãi bỏ địa điểm thử nghiệm nguyên tử, nhưng lại không hứa hẹn sẽ loại bỏ vũ khí.

Bình Nhưỡng cũng từng phá vỡ những cam kết này trước đây.

Nhưng đây vẫn là một bước tiến quan trọng trước các hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Moon và một cuộc gặp có thể xảy ra với ông Trump.

Thông báo mới nhất từ Bình Nhưỡng được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Bắc và Nam Triều Tiên ngay càng được cải thiện.

Một đường dây điện thoại đã được thiết lập giữa ông Kim và ông Moon trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua.

“Nó giống như chúng tôi đang nói chuyện với một người hàng xóm ngay bên cạnh”, một quan chức Hàn Quốc nói với truyền thông địa phương sau một cuộc gọi thử nghiệm thành công kéo dài 4 phút 17 giây.

Thỏa thuận thiết lập liên kết điện thoại đã được thực hiện vào tháng trước khi cố vấn an ninh hàng đầu của ông Moon đến Bình Nhưỡng để gặp ông Kim, người sau đó đã đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên.

Hai bên vẫn tiếp tục ở trong tình trạng chiến tranh kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 ngừng lại dưới thỏa thuận đình chiến, khi không bên nào có thể tuyên bố chiến thắng hoàn toàn.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43848175

 

Thế giới hoan nghênh loan báo của Triều Tiên

dừng thử hạt nhân, phi đạn

Loan báo của Triều Tiên nói rằng nước này sẽ đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn và đóng cửa một địa điểm thử nghiệm hạt nhân đã được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, dù một số nước tỏ ra lạc quan dè dặt.

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un cho biết nước này không còn cần phải tiến hành thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn đạn đạo liên lục địa nữa vì họ đã hoàn thành mục tiêu phát triển các vũ khí này, Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết.

Đây là lần đầu tiên ông Kim trực tiếp trình bày lập trường của mình về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trước các hội nghị thượng đỉnh đã được hoạch định với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tuần sau và với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Ông Trump hoan nghênh tuyên bố này và nói rằng ông mong đợi dự hội nghị thượng đỉnh với ông Kim.

“Triều Tiên đã đồng ý đình chỉ tất cả các cuộc Thử nghiệm Hạt nhân và đóng cửa một địa điểm thử nghiệm lớn. Đây là tin rất tốt cho Triều Tiên và Thế giới – tiến bộ lớn! Rất mong dự Hội nghị Thượng đỉnh của chúng tôi,” ông Trump nói trên Twitter.

Hàn Quốc nói quyết định của Triều Tiên biểu thị tiến bộ “có ý nghĩa” hướng tới việc giải trừ hạt nhân bán đảo và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc gặp gỡ thành công với Hàn Quốc và Mỹ.

Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên và gần đây đã bất mãn với việc Triểu Tiên tiếp tục phát triển vũ khí, hoan nghênh loan báo này, nói rằng nó sẽ giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy giải trừ hạt nhân.

“Phía Trung Quốc tin rằng quyết định của Triều Tiên sẽ giúp cải thiện tình hình trên bán đảo,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng nói trong một thông cáo.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng hoan nghênh loan báo của Triều Tiên nhưng nói nó phải đưa tới hành động.

“Điều quan trọng là loan báo này đưa tới việc giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng được. Tôi muốn nhấn mạnh điều này,” ông Abe nói với các phóng viên.

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lâu nay vẫn là mục tiêu chính cho sự tức giận của Triều Tiên.

Anh và Úc cũng tỏ ra dè dặt.

Chính phủ Anh nói trong một thông cáo rằng cam kết của Bình Nhưỡng là một bước đi tích cực và hy vọng nó cho thấy “một nỗ lực để thương thuyết bằng thiện chí.”

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói sẽ cần có “các bước có thể kiểm chứng được” để đảm bảo hoạt động thử nghiệm thực sự bị đình chỉ.

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Bảy hoan nghênh loan báo của Triều Tiên và kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc giảm hoạt động quân sự của họ trong khu vực.

Triều Tiên nói rằng các chương trình hạt nhân và phi đạn là những biện pháp răn đe cần thiết chống lại sự thù địch của Mỹ. Quốc gia cộng sản này đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm phi đạn với mục tiêu có thể tấn công Mỹ bằng bom hạt nhân.

Các cuộc thử nghiệm và lời lẽ hằn học giữa ông Trump và ông Kim đã khơi lên những lo ngại về chiến tranh cho đến khi, trong một bài phát biểu đầu năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi giảm bớt căng thẳng quân sự.

Ông đã gửi một phái đoàn đến Thế vận hội Mùa đông ở miền Nam vào tháng 2, hàn gắn mối quan hệ với những cựu thù của mình.

Tuy nhiên nhiều quan chức và chuyên gia Mỹ nghi ngờ sự chân thành của ông Kim về việc giải trừ hạt nhân. Họ nhìn nhận một loạt những hoạt động ngoại giao gần đây là một chiêu trò nhằm giúp Triều Triên được bớt đi những chế tài kinh tế.

https://www.voatiengviet.com/a/the-gioi-hoan-nghenh-loan-bai-cua-trieu-tien-dung-thu-hat-nha-phi-dan/4358989.html

 

Ông Trump ‘thận trọng’ với tuyên bố của Bắc Hàn

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 22/4 nói rằng còn lâu nữa cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Hàn mới kết thúc.

Nhà lãnh đạo Mỹ tỏ ra thận trọng sau khi Bình Nhưỡng cam kết chấm dứt các vụ thử hạt nhân, mang lại nhiều hy vọng trước cuộc họp thượng đỉnh dự kiến với Hàn Quốc và Mỹ, theo Reuters.

Bắc Hàn hôm 21/4 cũng tuyên bố chấm dứt các vụ thử tên lửa và phá bỏ một nơi thử hạt nhân, và thay vào đó là theo đuổi hòa bình và mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Ông Trump viết trên Twitter: “Chúng ta còn lâu mới kết thúc với Bắc Hàn, có thể mọi chuyện sẽ có kết quả, và có thể không – chỉ có thời gian sẽ trả lời… Nhưng chuyện tôi đang làm đáng lẽ phải được thực hiện từ lâu rồi”.

Các lãnh đạo trên thế giới, trong đó có cả ông Trump, đã hoan nghênh thông báo hôm 21/4 của Bắc Hàn.

Trước khi tỏ ra thận trọng, nguyên thủ Mỹ tỏ ra ngạc nhiên và ấn tượng trên Twitter.

Tuy nhiên, theo Reuters, thông báo của ông Kim Jong Un không bao gồm cam kết phá bỏ tên lửa và vũ khí hạt nhân hiện thời, và có nghi ngờ rằng lãnh tụ Bắc Hàn sẽ không bao giờ từ bỏ kho hạt nhân đã phát triển suốt nhiều thập kỷ qua.

https://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-than-trong-voi-tuyen-bo-ve-hat-nhan-cua-bac-han/4359812.html

 

Tổ Chức Cấm Thử Nghiệm Hạt Nhân

kêu gọi Bình Nhưỡng phê chuẩn hiệp ước

Tú AnhThùy Dương

Chào mừng quyết định của Kim Jong Un chấm dứt thử nghiệm hạt nhân, từ Vienna Tổ Chức Cấm Thử Nghiệm Hạt Nhân CTBTO, kêu gọi Bình Nhưỡng « phê chuẩn » hiệp ước quốc tế này để « củng cố bước tiến » xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân.

Trên thực tế, Bắc Triều Tiên không phải là nước duy nhất còn « chân trong chân ngoài » hiệp ước trói buộc này.

Trong bản thông cáo công bố vài giờ sau khi Bắc Triều Tiên loan báo ngưng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa, ông Lassina Zerbo, thư ký điều hành Tổ Chức Cấm Thử Nghiệm Hạt Nhân khen ngợi « Bắc Triều Tiên quyết định « mạnh mẽ và đúng hướng ». Người đứng đầu tổ chức CTBTO kêu gọi Bắc Triều Tiên và « những nước chưa phê chuẩn » hiệp ước ngăn cấm thử nghiệm hạt nhân hãy tiến thêm một bước cụ thể để hiệp định này có hiệu lực.

Được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1996, và được 183 quốc gia ký kết nhưng hiệp ước cần phải được 8 nước có công nghệ hạt nhân phê chuẩn. Cho đến nay, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên, Ai Cập, Iran và Israel vẫn thoái thác.

Theo thư ký điều hành của Tổ Chức Cấm Thử Nghiệm Hạt Nhân CTBTO, hiệp ước có tính pháp lý trói buộc ngăn cấm thử nghiệm hạt nhân là phương thức duy nhất tiến tới một thế giới không vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Chuyên gia hoài nghi thực tâm của Bình Nhưỡng

Thông báo chấm dứt thử nghiệm nổ hạt nhân và phóng tên lửa liên lục địa của Bình Nhưỡng được giới quan sát đón nhận một cách hoài nghi. Xu hướng chung, theo AFP, giới phân tích khuyến cáo cộng đồng quốc tế có quyền hy vọng nhưng không nên « ngây thơ » bởi vì trong suốt nhiều thập niên qua chế độ Bắc Triều Tiên không bao giờ giữ lời hứa.

Lần này, những cam kết của Kim Jong Un, tuy ngoạn mục, nhưng có thể đảo ngược. Chờ xem, nếu trong cuộc gặp với tổng thống Hàn Quốc vào ngày 27/04/2018 mà yêu sách của lãnh đạo Bắc Triều Tiên không được thỏa mãn thì Bình Nhưỡng sẽ đổi thái độ ngay. Một số chuyên gia còn cho rằng chính nhờ áp lực của Donald Trump và cấm vận khiến Bình Nhưỡng phải dịu giọng.

Tuy nhiên, Joel Wit, chuyên gia thuộc viện Mỹ-Hàn, đại học John Hopskin lạc quan hơn. Ông cho rằng Kim Jong Un muốn « bỏ hạt nhân để tập trung vào kinh tế » .

Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á thăm Hàn Quốc

Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc thông báo bà Susan Thorton, quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á ngày 22/04/2018 tới Séoul để thảo luận với Hàn Quốc về hợp tác trong bối cảnh thượng đỉnh liên Triều dự trù vào ngày 27/04/2018. Đại diện của Mỹ sẽ hội kiến với ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha vào ngày mai 23/04/2014 và dự kiên làm việc với ông Lee Do Hoon, đặc trách về an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

Bà Susan Thorton cũng là người phụ trách công tác chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên tới đây.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180422-to-chuc-cam-thu-nghiem-hat-nhan-keu-goi-binh-nhuong-phe-chuan-hiep-uoc

 

Syria: Các chuyên gia vũ khí hóa học đến Douma

Các chuyên gia vũ khí hóa học quốc tế cuối cùng đã đến thanh sát địa điểm diễn ra cuộc tấn công nghi sử dụng khí độc gần Damascus gây ra cuộc khủng hoảng quốc tế.

Nhóm nghiên cứu từ Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã đến thị trấn Douma và thu thập các mẫu vật.

Tuần trước, các quốc gia phương Tây đã không kích một số địa điểm của chính phủ Syria nhằm trả đũa vụ tấn công ngày 7/4.

Không kích Syria: Mỹ vẫn ‘lên nòng’

TT Trump: ‘Không kích hoàn hảo, sứ mệnh hoàn tất’

Syria và Nga, đang kiểm soát Douma, phủ nhận việc dùng vũ khí hóa học.

Hơn 40 người được cho là đã thiệt mạng ngày 7/4. Phản ứng quân sự chung của Mỹ, Anh và Pháp diễn ra sau cuộc khẩu chiến với Nga, đồng minh quân sự chính của Syria.

Việc OPCW chậm trễ thanh sát làm gia tăng các cáo buộc trên Internet, biên tập viên BBC về khu vực Arab Sebastian Usher cho hay.

Nga cảnh báo ‘chiến tranh’ với Mỹ ở Syria

Thông cáo báo chí của OPCW cho biết nhóm của họ đến thanh sát một trong hai địa điểm được ghi nhận bị đánh bom ở Douma ngày 7/4.

Các mẫu vật sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm OPCW ở Rijswijk, ngoại ô của The Hague, và sau đó sẽ được phân tích, cơ quan này cho biết.

Các “vật liệu” khác cũng được thanh sát viên thu thập, họ nói.

Phóng viên ITV News ghi nhận được hình ảnh đoàn xe OPCW trở lại Damascus.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43854498

 

Các thanh sát viên thu thập mẫu ở Douma

sau mấy ngày bị trì hoãn

Một tổ chức giám sát vũ khí hóa học quốc tế cho biết một toán thanh sát viên hôm thứ Bảy đã thu thập các mẫu tại địa điểm một vụ tấn công bị nghi sử dụng khí độc hai tuần trước tại thị trấn Douma của Syria.

Tổ chức Cấm vũ khí Hóa học (OPCW) cho biết một báo cáo dựa trên những phát hiện và những thông tin khác được thu thập bởi toán này sẽ được soạn thảo sau khi các mẫu được phân tích bởi các phòng xét nghiệm được chỉ định.

Tổ chức này nói thêm họ sẽ “thẩm định tình hình và xem xét các bước trong tương lai, bao gồm một chuyến thăm khả dĩ khác tới Douma.”

Những nỗ lực của toán tìm hiểu thực tế để vào thị trấn này đã bị trì hoãn vài ngày do một loạt những trở ngại liên quan đến an ninh.

Những nhân viên ứng cứu khẩn cấp cho biết ít nhất 40 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công bị nghi sử dụng khí độc vào ngày 7 tháng 4, mà Mỹ và các đồng minh quy trách cho chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Chính phủ Syria đã phủ nhận sử dụng vũ khí hóa học, một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, và đã mời các thanh sát viên đến điều tra.

Họ đến Syria vào ngày 14 tháng 4, cùng ngày mà Mỹ, Anh và Pháp bắn một loạt phi đạn nhắm vào ba cơ sở vũ khí hóa học ở Syria.

Ken Ward, đại sứ Mỹ tại OPCW, tuyên bố vào ngày 16 tháng 4 rằng người Nga đã tới địa điểm này và “có thể đã can thiệp hiện trường,” một cáo buộc mà Moscow bác bỏ.

Ngày 9 tháng 4, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc nói với Hội đồng Bảo an rằng các chuyên gia Nga đã đến địa điểm này, thu thập các mẫu đất, phỏng vấn các nhân chứng và nhân viên y tế, và xác định không có vụ tấn công vũ khí hóa học nào xảy ra.

https://www.voatiengviet.com/a/cac-thanh-sat-vien-thu-thap-mau-o-douma-sau-may-ngay-bi-tri-hoan/4359179.html

 

Mỹ: Tay súng khỏa thân bắn chết 4 người

Một tay súng chỉ mặc duy nhất áo khoác màu xanh lá cây bắn chết ít nhất 4 người và làm ba người khác bị thương tại một nhà hàng gần Nashville, tiểu bang Tennessee, sớm 22/4.

Theo Reuters, tay súng sử dụng một khẩu súng trường tấn công AR-15 để bắn các khách hàng lúc 3 rưỡi sáng.

Cảnh sát Nashville viết trên Twitter rằng một người sau đó đã vật lộn với kẻ tấn công và cướp lấy vũ khí của hắn.

Họ cũng cho biết rằng xe của tay súng đăng ký với tên Travis Reinking, 29 tuổi, ở Morton, Illinois.

Cảnh sát nói với kênh CNN rằng nghi can vứt bỏ áo khoác trước khi bỏ chạy.

Họ cho biết rằng một người đàn ông không mặc áo được cho là Reinking bị phát hiện trong khu rừng gần nhà hàng nơi xảy ra vụ tấn công.

Sớm 22/4, cảnh sát vẫn truy tìm người đàn ông, và hiện chưa rõ ông ta có vũ khí nào khác hay không.

Reuters dẫn lời truyền thông địa phương đưa tin rằng vụ tấn công thứ hai gần đó có thể liên quan tới vụ xả súng.

Dân chúng được khuyến cáo rằng người đàn ông được cho là vẫn có vũ khí và hết sức nguy hiểm.

https://www.voatiengviet.com/a/tay-sung-khoa-than-ban-chet-bon-nguoi-o-my/4359865.html

 

Myanmar đuổi gia đình viên cảnh sát

khai 2 nhà báo Reuters bị gài bẫy ra khỏi nhà

Cảnh sát Myanmar hôm thứ Bảy đã đuổi gia đình của một viên cảnh sát ra khỏi nhà vì ông này một ngày trước khai với tòa rằng ông và những người khác đã nhận lệnh phải gài bẫy hai phóng viên của hãng tin Reuters đối mặt với các cáo buộc có thể khiến họ ngồi tù 14 năm, vợ của viên cảnh sát này cho biết.

Hai phóng viên Wa Lone và Kyaw Soe Oo bị câu lưu kể từ ngày 12 tháng 12 về cáo buộc vi phạm Đạo luật Bí mật Nhà nước thời thuộc địa. Cả hai người đã giúp đưa tin về cuộc khủng hoảng ở bang Rakhine của Myanmar, nơi mà một chiến dịch chống nổi dậy tàn bạo vào năm ngoái đã khiến khoảng 700.000 người Hồi giáo Rohingya chạy sang nước láng giềng Bangladesh.

Đội trưởng Cảnh sát Moe Yan Naing khai trước một tòa án hôm thứ Sáu rằng cấp trên của ông đã sắp xếp cho hai viên cảnh sát gặp gỡ các phóng viên tại một nhà hàng và giao các tài liệu được mô tả là “giấy tờ mật quan trọng” để đánh lừa họ.

Hôm thứ Bảy, vợ của ông Moe Yan Naing, Daw Tuu, cho biết bà và con gái của bà đã được ra lệnh phải dọn ra khỏi khu nhà của cảnh sát ở thủ đô Naypyitaw.

“Một viên cảnh sát gọi điện thoại cho chúng tôi sáng nay và bảo chúng tôi phải dọn ra khỏi nhà ngay lập tức và đó là lệnh từ cấp trên,” bà Daw Tuu vừa nói vừa khóc nức nở, theo AP.

Ông Moe Yan Naing cho biết ông và các đồng nghiệp khác, trước đó đã được phóng viên Wa Lone phỏng vấn về các hoạt động của họ ở Rakhine, đã bị thẩm vấn dưới sự chỉ đạo của Chuẩn tướng Tin Ko Ko thuộc Tiểu Đoàn Cảnh Sát An Ninh 8.

Hành động của sở cảnh sát đối với gia đình của ông Moe Yan Naing đã khơi lên sự phẫn nộ ở Myanmar.

“Đây là một động quá đáng,” Robert Sann Aung, một luật sư nhân quyền, nói với AP. “Việc này là lời cảnh cáo cho các cảnh sát khác trong nước phải giữ im lặng không được nói lên sự thật.”

Reuters cho biết họ đã liên lạc với các phát ngôn viên của sở cảnh sát và chính phủ và không nhận được hồi đáp.

Ủy ban Bảo vệ Ký giả Myanmar, một tổ chức tự do ngôn luận ở Myanmar, đã đưa ra lời kêu gọi quyên góp tiền cho gia đình ông Moe Yan Naing và đã quyên góp được 1,5 triệu kyat Myanmar (1.127 đôla Mỹ), trong khi các nhà báo ở Naypyitaw quyên được thêm 900.000 kyat. tổng cộng là 1.800 đôla Mỹ, các nhà báo tham gia nỗ lực này nói với Reuters.

Các nhà báo cho biết gia đình đã khước từ số tiền này vì họ muốn “bảo vệ nhân phẩm” của ông Moe Yan Naing. Nhưng một đại diện của ủy ban nói sẽ cố tìm gặp gia đình để trao khoản tiền, theo Reuters.

Tòa án ở Yangon đã mở các phiên nghe lời khai kể từ tháng 1. Luật sư của các bị cáo đã yêu cầu tòa án bãi bỏ vụ kiện nhắm vào hai người họ, nói rằng các công tố viên đã không trưng ra đủ bằng chứng để củng cố lập luận, nhưng thẩm phán đã bác yêu cầu này.

https://www.voatiengviet.com/a/myanmar-duoi-gia-dinh-vien-canh-sat-khai-hai-nha-bao-reuters-bi-gai-bay-ra-khoi-nha/4359098.html

 

Tập Cận Bình kêu gọi kiểm soát chặt Internet để giữ ổn định

Trung Quốc phải thắt chặt kiểm soát Internet để đảm bảo đạt được các mục tiêu kinh tế và xã hội rộng lớn hơn, Tân Hoa Xã đưa tin hôm thứ Bảy dẫn lời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Phát biểu này nêu bật thái độ ngày càng cứng rắn ở Trung Quốc đối với những nội dung trực tuyến.

Dưới sự cai trị của của ông Tập, Trung Quốc ngày càng thắt chặt kiểm soát Internet vì lo ngại đánh mất ảnh hưởng và kiểm soát đối với một thế hệ trẻ đang thúc đẩy một nền văn hóa trực tuyến đa dạng và năng động từ livestream cho tới blog.

“Không có an ninh mạng thì không có an ninh quốc gia, không có sự ổn định kinh tế và xã hội, và khó đảm bảo được lợi ích của quần chúng rộng lớn hơn,” Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập nói.

“Chúng ta không thể để Internet trở thành một nền tảng để phát tán những thông tin độc hại và để khuấy động rắc rối với những tin đồn,” ông nói thêm trong những phát biểu được đưa ra tại một hội nghị an ninh mạng ở Bắc Kinh, Tân Hoa Xã cho biết.

Các nhà quản lý của Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch trấn áp rộng khắp nhắm vào các nội dung truyền thông, vốn đã gia tăng cường độ kể từ năm ngoái. Chiến dịch này đã làm nhiều người sáng tạo nội dung và những nhà phân phối e dè.

Trung Quốc cũng đang tìm cách nắm vai trò lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực quản lý Internet và công nghệ rộng lớn hơn. Điều này đã hiện rõ giữa một cuộc đối đầu thương mại với Mỹ và một cuộc chạy đua vũ trang về công nghệ.

Mỹ đã cấm bán các bộ phận và phần mềm cho ZTE, công ty sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc, vào đầu tuần này. ZTE hôm thứ Sáu nói quyết định này đe dọa sự sống còn của họ vì họ sử dụng chip của Mỹ trong nhiều điện thoại thông minh.

Vụ việc của ZTE đã “khơi lên một cuộc tranh luận sôi nổi” ở Trung Quốc về công nghệ tiên tiến, Tân Hoa Xã cho biết trong một bản tin riêng rẽ hôm thứ Bảy, nói thêm rằng làm chủ những nghệ cao như chip là “chìa khóa” để trở thành một quốc gia hùng mạnh.

https://www.voatiengviet.com/a/tap-can-binh-keu-goi-kiem-soat-chat-internet-de-giu-on-dinh/4359041.html

 

Philippines lên án Nghị viện Châu Âu

‘can thiệp’ công việc nội bộ

Philippines lên án Nghị viện Châu Âu về điều mà nước này gọi là can thiệp vào công việc nội bộ của Philippines sau khi cơ quan lập pháp của Châu Âu hối thúc quốc gia Đông Nam Á này chấm dứt “các vụ giết người ngoài vòng pháp luật” và ngưng kế hoạch khôi phục tử hình.

Kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào cuối tháng 6 năm 2016, cảnh sát Philippines đã hạ sát khoảng 4.100 người trong những vụ mà nhà chức trách nói là đấu súng trong các hoạt động chống ma túy. Các nhà hoạt động nói nhiều vụ giết người này là những vụ hành quyết, điều mà cảnh sát phủ nhận.

Ít nhất 2.300 trường hợp tử vong khác liên quan đến ma túy cũng đã xảy ra, dưới tay của những người mà cảnh sát nói là những sát thủ không rõ là ai.

Các nhà lập pháp Châu Âu, trong một nghị quyết hôm thứ Năm, lên án chính quyền Philippines vì “tìm cách biện minh cho những vụ sát nhân bằng chứng cứ giả mạo,” điều mà Manila nói là can thiệp vào công việc nội bộ của nước này dựa trên thông tin sai trái.

“Nghị viện Châu Âu đã vượt qua một lằn ranh đỏ khi họ kêu gọi hành động không chính đáng nhắm vào Philippines,” Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano nói trong một phát biểu vào cuối ngày thứ Năm.

Ông Cayetano nói nghị quyết của Nghị viện Châu Âu dựa trên “thông tin thiên vị, không đầy đủ và thậm chí sai trái và không phản ánh tình hình thực sự trên thực địa.”

“Trong trường hợp các thành viên của Nghị viện Châu Âu không biết, chúng tôi xin nhắc nhở họ rằng hành động của họ cấu thành sự can thiệp vào công việc của một quốc gia có chủ quyền,” ông nói.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại New York thì hoan nghênh Nghị viện Châu Âu vì thông qua nghị quyết này và vì sự ủng hộ của họ đối với các nỗ lực quốc tế để điều tra cuộc trấn áp Philippines.

Phát ngôn viên tổng thống Harry Roque nói Nghị viện Châu Âu đang chỉ trích điều mà EU đang tài trợ.

“Tôi nhận thấy điều không nhất quán là Nghị viện Châu Âu lên án cuộc chiến chống ma túy mà hiện cũng đang được tài trợ một phần bởi Liên minh Châu Âu,” ông Roque nói trong một cuộc họp báo.

Ông khi đó đang nhắc đến khoản tiền 3,8 triệu euro (4,7 triệu đôla) viện trợ của EU được công bố vào tháng 3 cho các dự án cai ma túy của chính phủ.

Nghị viện Châu Âu và các thành viên của họ đã chỉ trích cuộc trấn áp chống ma túy tàn bạo của Philippines vài lần, khiến Tổng thống Duterte nổi giận.

EU là một nguồn viện trợ phát triển, thương mại và đầu tư quan trọng cho Philippines.

https://www.voatiengviet.com/a/philippines-len-an-nghi-vien-chau-au-can-thiep-cong-viec-noi-bo/4358438.html

 

Macron-Trump : Mount Vernon

chọi lại với Tháp Eiffel ?

Thanh Hà

Ngày 23/04/2018 tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và phu nhân lên đường công du Hoa Kỳ trong ba ngày. Đến lượt tổng thống Donald Trump trải thảm đỏ tiếp nguyên thủ Pháp đáp lễ chân tình chủ nhân điện Elysée đã dành cho lãnh đạo Nhà Trắng và phu nhân hồi tháng 7/2017.

Nếu tổng thống Macron đã chọn tháp Eiffel là nơi để mời đồng nhiệm Donald Trump và phu nhân dùng cơm tối, thì nguyên thủ Hoa Kỳ chọn Mount Vernon, dinh thự đồ sộ của vị tổng thống đầu tiên George Washington, là nơi để mời lãnh đạo Pháp và phu nhân dùng bữa tiệc đầu tiên khi họ đặt chân đến Mỹ.

Mount Vernon cách Nhà Trắng khoảng 20 cây số về phía Nam. Đây là nơi hàng năm ít nhất 1 triệu khách tham quan đến thăm. Ngôi nhà của vị tổng thống Mỹ đầu tiên, George Washington, còn là biểu tượng của “mối quan hệ đặc biệt” giữa Pháp và Mỹ. Xưa kia đã có rất nhiều những thượng khách được gia đình Washington mời tới đây. Trong số này có vị tướng La Fayette, người có công giúp nước Mỹ giành được độc lập. Tướng La Fayette cũng là người bạn tâm giao của George Washington. Vị tướng Pháp này đặt tên con trai mình là George Washington La Fayette. Khi ông bị giam trong ngục Bastille dưới thời Cách Mạng Pháp, ông đã gửi cậu con trai quý này sang Mỹ tị nạn. Và đương nhiên là George Washington La Fayette đã trú ngụ ở Mount Vernon.

Theo lời bà Susan Schoelwer, quản thủ khu di tích, Mount Vernon là một địa điểm rất đặc biệt, ai đến đây đều cảm thấy như họ đang đi tiếp con đường George Washington từng khai mở. Nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ đặc biệt yêu thích chốn này. Năm 1961 John Kennedy và phu nhân cùng quan khách đã đến đây bằng đường thủy. Bữa dạ tiệc tiếp tổng thống Pakistan khi đó đã diễn ra ngoài trời, ngay trên thảm cỏ của tòa nhà, trước mặt là dòng sông Potomac.

Trước Emmanuel Macron nhiều đời tổng thống Pháp cũng từng theo chân tướng La Fayette bước vào ngôi nhà của vị tổng thống Mỹ đầu tiên này. Trong số ấy phải kể đến cựu tổng thống Valéry Giscard d’Estaing và Nicolas Sarkozy, hay xa xưa hơn nữa là tướng Charles de Gaulle.

Trong hơn 40 năm, Mount Vernon là nơi vị tướng đã đem lại độc lập cho Hoa Kỳ, George Washington chọn là nhà. Ông không ngừng tu sửa và cơ ngơi này đã lớn dần theo năm tháng. Đến cuối đời của tổng thống George Washington, thì Mount Vernon là một quần thể trải rộng trên 3.000 hecta. Ngôi nhà chính gồm 21 phòng, rộng 1.000 mét vuông. Đây cũng là nơi cho đến năm 1799 vẫn có hơn 300 nô lệ phục vụ ; một nửa trong số này thuộc về gia đình Washington.

Trong bản di chúc, vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ viết : khi nào vợ ông qua đời, toàn bộ các nô lệ phải được giải phóng.

Cây sồi, biểu tượng của tình bạn Pháp Mỹ

Về phía nguyên thủ Pháp, trả lời đài truyền hình Mỹ Fox New, tổng thống Emmanuel Macron tiết lộ sẽ tặng tổng thống Trump một cây sồi non, với hy vọng cây sẽ được trồng ngay trong khuôn viên phủ tổng thống Mỹ. Cây sồi này có xuất sứ từ miền bắc nước Pháp và là biểu tượng của tình bạn bền bỉ giữa Paris với Washington.

http://vi.rfi.fr/phap/20180422-macron-trump-mount-vernon-la-chu-bai-cua-tong-thong-my

 

Mỹ -Iran : Teheran làm giàu uranium

nếu Trump bỏ hiệp định 2015

Thùy Dương

Ngày 21/04/2018, ngoại trưởng Iran dọa là Teheran sẽ khôi phục mạnh mẽ hoạt động làm giàu uranium để chế tạo vũ khí nguyên tử nếu Hoa Kỳ hủy hiệp định hạt nhân Iran được ký kết tháng 7/2015.

Donald Trump đã thông báo ngày 12/05/2018 là thời hạn cuối cùng để ông quyết định duy trì hay hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và trừng phạt nước này.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nói với các nhà báo ở New York là Iran không tìm cách chế tạo bom nguyên tử, nhưng rất có thể Teheran sẽ khôi phục hoạt động làm giàu uranium, hoạt chất quan trọng để sản xuất vũ khí hạt nhân, nếu tổng thống Donald Trump chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

ÔngJavad Zarif cho rằng châu Âu cần gây sức ép đối với Donald Trump để tổng thống Mỹ duy trì thỏa thuận nếu Washington vẫn còn muốn giữ uy tín với cộng đồng quốc tế. Và thay vì đưa ra thêm các điều kiện, Mỹ cần tôn trọng thỏa thuận.

Theo ngoại trưởng Iran, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, sẽ có rất ít khả năng Iran chấp nhận tiếp tục thỏa thuận với 5 nước còn lại là Anh Quốc, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga.

Cách đây 2 tuần, tổng thống Iran, Hassan Rohani cũng khẳng định nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Teheran sẽ chính thức có biện pháp đáp trả chỉ sau 1 tuần và Washington sẽ phải hối tiếc.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180422-teheran-doa-lam-giau-uranium-neu-my-huy-thoa-thuan-hat-nhan-iran

 

Đối đầu với Nga,

trọng tâm cuộc họp cấp ngoại trưởng G7

Thùy Dương

Ngoại trưởng 7 nước công nghiệp phát triển họp tại Toronto, Canada trong hai ngày 22-23/04/2018 nhằm khẳng định G7 là một mặt trận thống nhất để đương đầu với nước Nga.

Thăm dò thái độ của Mỹ về hạt nhân Iran và nguyên tử Bắc Triều Tiên cũng là một mục đích các bên hướng tới.

Theo hãng tin Pháp AFP căng thẳng ở mức chưa từng có từ sau Chiến Tranh Lạnh giữa phương Tây và Nga sẽ là tâm điểm trong nhiều phiên họp. Ngoại trưởng các nước trong G7 sẽ bàn về cuộc khủng hoảng Nga- Ukraina, an ninh mạng và biện pháp củng cố nền dân chủ nhằm chống lại sự can dự của các thế lực nước ngoài, ngầm ý nói tới sự can thiệp của Matxcơva trong các kỳ bầu cử tổng thống Mỹnăm 2016 và tại nhiều nước châu Âu.

Tối qua, quyền ngoại trưởng Mỹ John Sullivan, đã gặp gỡ ngoại trưởng Ukraina Palvo Klimkine. Chiến dịch oanh kích của Mỹ, Pháp và Anh nhắm vào Syria sau khi chế độ của tổng thống Bachar Al Assad bị nghi đã sử dụng vũ khí hoá học gần Damas cũng sẽ được thảo luận nhiều.

Hai hồ sơ lớn khác trong cuộc họp tại Toronto liên quan tới thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Bắc Triều Tiên dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 5/2018 và quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Sau cuộc họp của các ngoại trưởng, cuộc họp của bộ trưởng Nội Vụ và An Ninh các nước G7 cũng sẽ được tổ chức trong hai ngày 23-24/04 với cùng một chủ đề, « Xây dựng một thế giới hòa bình và an toàn hơn ».

Còn thượng đỉnh G7 sẽ được tổ chức vào hai ngày 08-09/06/2018 tại Quebec, Canada.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180422-doi-dau-voi-nga-trong-tam-cuoc-hop-cua-cac-ngoai-truong-g7

 

Xung khắc thương mại : Mỹ-Trung đối thoại ?

Tú Anh

Trung Quốc « hoan nghênh » dự định của bộ trưởng tài chính Mỹ sang thăm Bắc Kinh để thảo luận về xung khắc thương mại giữa hai đại cường kinh tế. Hoa Kỳ dường như nghe theo khuyến cáo của Quỹ IMF, để ngỏ cánh cửa đối thoại.

Trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đe dọa kinh tế toàn cầu, bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố « có ý định sang Bắc Kinh nhưng chưa biết khi nào ». Tuyên bố trên của bộ trưởng tài chính Mỹ trong cuộc họp báo hôm 21/04/2018 bên lề hội nghị thường niên của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới tại Washington ngay lập tức được Bắc Kinh tiếp nhận tích cực.

Trong một thông cáo ngắn, bộ thương mại Trung Quốc cho biết sẵn sàng đón tiếp đối tác Mỹ « có ý muốn sang Bắc Kinh tham khảo về các vấn đề kinh tế và thương mại ».

Theo AFP, trong hai ngày họp tại Washington, phái đoàn Mỹ bị áp lực rất mạnh từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và từ nhiều cường quốc kinh tế khuyến cáo những hệ quả tai hại của chính sách bảo hộ mậu dịch. Tuy có yêu cầu IMF phải tố cáo mạnh mẽ hành động « cạnh tranh bất bình đẳng », ám chỉ Trung Quốc, nhưng rõ ràng là bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ giảm nhẹ phần nào lập trường đối đầu để mở hé cánh cửa đối thoại.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180422-xung-khac-thuong-mai-my-trung-doi-thoai

 

Căng thẳng thương mại đe dọa tăng trưởng toàn cầu

“Căng thẳng về thương mại và hiện tượng nợ tăng cao là hai mối đe dọa đối với tăng trưởng của thế giới”. Trên đây là cảnh báo được các bộ trưởng Tài Chính và lãnh đạo các Ngân Hàng Trung Ương đưa ra trong bản thông cáo chung, kết thúc ba ngày khóa họp Mùa Xuân của IMF và WB tại thủ đô Washington hôm 21/04/2018.

Tránh không nêu đích danh cuộc đọ sức Mỹ -Trung trên bàn cờ thương mại, nhưng thông cáo chung của IMF nhấn mạnh : trong ngắn hạn, tỷ lệ tăng trưởng của toàn cầu vẫn vững chắc, đạt 3,9 % trong hai năm liên tiếp 2018 và 2019.

Điều đáng lo là căng thẳng cả về mặt thương mại lẫn địa chính trị ngày càng gia tăng, mức nợ của thế giới cao kỷ lục, đạt 164 000 tỷ đô la, sẽ là những rủi ro tiềm tàng. Tác động tiêu cực từ một cuộc chiến thương mại sẽ là cú sốc “mạnh nhất kể từ năm 2011” tấn vào cỗ máy kinh tế toàn cầu.

Một quyết định khác được đưa ra nhân khóa họp Mùa Xuân 2018 của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới là các thành viên của WB đồng ý tăng 13 tỷ đô la vốn cho định chế ngân hàng đa quốc gia này. Đợt tăng vốn lịch sử này nói trên có được nhờ lá phiếu quyết định của Hoa Kỳ. Washington đồng ý tăng vốn cho Ngân Hàng Thế Giới đổi lại Mỹ đòi WB tiến hành cải tổ theo hướng giới hạn các khoản cho vay và buộc các nước có thu nhập cao, đứng đầu trong số này là Trung Quốc đóng góp nhiều hơn.

Trung Quốc trấn an về tình hình kinh tế

Tại Bắc Kinh, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc Dịch Cương (Yi Gang) ngày 21/04/2018 tuyên bố, nền kinh tế thứ nhì thế giới phát triển trên “cơ sở vững chắc”, Trung Quốc có nhiều công cụ để đối phó với “mọi rủi ro tài chính”. Nợ của nước này tuy có cao nhưng chính quyền “làm chủ được tình hình”. Hãng tin Reuters trích lại các tuyên bố của tân thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc từ Tân Hoa Xã.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180422-cang-thang-thuong-mai-de-doa-tang-truong-toan-cau

 

LHCÂ- Mêhicô, hiệp định tự do mậu dịch mới

Liên Hiệp Châu Âu và Mêhicô ngày 21/04/2018 đạt được thỏa thuận khung về hiệp định tự do mậu dịch nhằm cập nhật văn bản đã được ký vào năm 1997 chủ yếu nhắm vào lĩnh vực công nghiệp.

Trong thỏa thuận mới, Bruxelles và Mêhicô muốn bổ sung nông phẩm và nhiều dịch vụ khác cũng như lĩnh vực đầu tư, trong đó có cả các điều khoản liên quan đến chuẩn mực lao động và bảo vệ môi trường.

Thông tín viên RFI Quentin Dickinson tường thuật từ Bruxelles :

« Từ 18 năm nay, Liên Hiệp Châu Âu và Mêhicô gắn kết với nhau nhờ một công ước thương mại truyền thống. Bản thỏa thuận mới, được thông qua ở cấp chuyên gia cách đây vài giờ (21/04/2018), là một bước phát triển và hiện đại hóa thỏa thuận có hiệu lực từ năm 2000.

Gần như tất các các sản phẩm và dịch vụ có thể sẽ lưu thông giữa Mêhicô và Liên Hiệp Châu Âu được miễn thuế. Bên phía châu Âu, giới chuyên gia cho rằng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu châu Âu trong các lĩnh vực dược phẩm, máy công nghiệp và thiết bị cho ngành giao thông vận tải.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180422-lhca-mehico-dat-thoa-thuan-nguyen-tac-ve-mot-hiep-dinh-tu-do-mau-dich-moi

 

Hàng chục ngàn người Hungary

biểu tình chống thủ tướng

Hàng chục ngàn người Hungary biểu tình hôm thứ Bảy phản đối sự kiểm soát của chính phủ đối với giới truyền thông, điều mà họ nói là đã giúp Thủ tướng Viktor Orban giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước đó trong tháng này.

Cuộc tập hợp tại Budapest là cuộc biểu tình rầm rộ thứ hai chống lại ông Orban kể từ cuộc bầu cử ngày 8 tháng 4. Những người biểu tình thúc giục các đảng đối lập manh mún hợp lực để chống lại đảng Fidesz dân tộc chủ nghĩa cánh hữu, là đảng đã giành hai phần ba số ghế nghị viện trong cuộc bỏ phiếu.

Kể từ năm 2010, thủ tướng Hungary đã tăng cường kiểm soát giới truyền thông và đưa các đồng minh của ông vào nắm quyền trong các định chế vốn độc lập trước đây, trong khi lập trường của ông từ chối nhận một số lượng lớn di dân ở Hungary cũng khiến ông xung khắc với Liên minh Châu Âu.

Trong khi hàng chục ngàn người biểu tình vẫy cờ ở chân Cầu Elizabeth bắc qua sông Danube, các diễn giả kêu gọi tự do truyền thông và thay đổi chính phủ, Reuters tường trình.

Trong những dòng thông điệp đăng trên Facebook trước cuộc tập hợp, những người tổ chức cho biết truyền thông nhà nước đã bị biến thành “bộ máy tuyên truyền” của ông Orban.

“Mục tiêu chính của chúng tôi là xóa bỏ sự kiểm soát của Fidesz đối với truyền thông công cộng … nhưng các đảng đối lập cũng có nhiệm vụ vì họ cũng chịu trách nhiệm về tình hình này,” họ nói.

Reuters cho biết những người biểu tình tập trung tại tòa nhà nghị viện và sau đó tuần hành đến cây cầu, vẫy cờ quốc gia và cờ EU. Ngày thứ Bảy tuần trước, hàng chục ngàn người đã biểu tình tại nghị viện để phản đối điều mà họ xem là hệ thống bầu cử không công bằng.

Những người biểu tình cầm các biểu ngữ với những khẩu hiệu như “Viktor trả nền dân chủ lại đây,” “Chúng tôi muốn tự do báo chí” và “thay đổi chế độ.”

Ông Orban giành được nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp sau một chiến dịch tranh cử với luận điệu chống nhập cư gay gắt.

Chiến thắng này dường như đã khiến ông bạo dạn hơn để đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực chống lại các chính sách di trú của EU và củng cố lập trường của ông về các tổ chức phi chính phủ mà ông nói là can thiệp vào công việc nội bộ của Hungary.

https://www.voatiengviet.com/a/hang-chuc-ngan-nguoi-hungary-bieu-tinh-chong-thu-tuong/4359264.html

 

Bốn cựu tổng thống Mỹ

dự tang lễ cựu Đệ nhất Phu nhân Barbara Bush

Một số cựu tổng thống Mỹ đã cùng hàng trăm người đến dự tang lễ hôm thứ Bảy của cựu Đệ nhất Phu nhân Barbara Bush, người qua đời hôm thứ Ba ở tuổi 92.

Bà là vợ của tổng thống Mỹ thứ 41, George H.W. Bush, và mẹ của George W. Bush, tổng thống thứ 43 của đất nước.

Ngoài chồng và con trai cả, hai tổng thống Barack Obama và Bill Clinton cũng đến dự đám tang của bà Bush tại Nhà thờ St. Martin Episcopal ở thành phố Houston, bang Texas ở miền nam.

Bà Bush và chồng bắt đầu đi nhà thờ này sau khi dọn đến sống ở Houston trong những năm 1950.

Đệ nhất Phu nhân Melania Trump cũng đến dự tang lễ chỉ dành cho khách có giấy mời, cũng như các cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama và Hillary Clinton.

Bà Melania Trump đại diện Tổng thống Donald Trump tại buổi lễ. Tổng thống hôm thứ Bảy tweet rằng ông đã “về Nhà Trắng phương Nam” (khu điền trang Mar-a-Lago của ông ở bang Florida) để theo dõi tang lễ qua truyền hình.

Cựu đệ nhất phu nhân chọn người con trai lớn thứ hai và cựu thống đốc bang Florida, Jeb Bush, là người đọc điếu văn, cùng với người bạn lâu năm của bà, Susan Baker, vợ của cựu Ngoại trưởng James Baker III. Nhà sử học Jon Meacham, người viết một cuốn tiểu sử về chồng bà, cũng tham gia đọc điếu văn.

“Bà ấy là người thầy và là tấm gương cho việc làm thế nào để sống một cuộc đời có mục đích và ý nghĩa,” ông Jeb Bush nói. Ông cũng đùa rằng mẹ ông gọi phong cách của bà là “độc tài nhân từ.”

“Nhưng thành thật mà nói, không phải lúc nào cũng nhân từ đâu,” ông nói, khơi lên tràng cười từ phía cử tọa.

Bà Baker mô tả bà Bush là “thông minh, mạnh mẽ, vui tính và đanh thép.”

Hàng ngàn người đã đến viếng hôm thứ Sáu để nói lời từ biệt với bà Bush, một trong những nữ gia trưởng có ảnh hưởng nhất của một trong những triều đại chính trị nổi tiếng nhất của Mỹ.

Bà Bush sẽ được an táng tại Thư viện Bush ở Đại học A&M Texas, cách Houston khoảng 160 km, nơi người con gái 3 tuổi Robin của bà được chôn cất. Robin qua đời năm 1953 vì bệnh bạch cầu.

https://www.voatiengviet.com/a/bon-cuu-tong-thong-my-du-tang-le-cuu-de-nhat-phu-nhan-barbara-bush/4359227.html

 

 

Mỹ phê phán TQ, Nga, Iran, Triều Tiên

 trong báo cáo nhân quyền 2017

Mỹ hôm thứ Sáu gọi Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên là những chính phủ “đáng phê phán về mặt đạo đức” vì Mỹ nói họ vi phạm nhân quyền trong nước của họ mỗi ngày, khiến các nước này trở thành “những thế lực gây bất ổn.”

Công bố báo cáo nhân quyền toàn cầu của Bộ Ngoại giao năm 2017, quyền Ngoại trưởng John Sullivan cũng nêu đích danh Syria, Myanmar, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela là các nước có thành tích nhân quyền kém cỏi. Nhân quyền được cải thiện ở Uzbekistan, Liberia và Mexico là những “điểm sáng” toàn cầu, ông Sullivan nói thêm.

Michael Kozak, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao giúp giám sát báo cáo này, nói ông không nghĩ các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump về quyền tự do báo chí, người tị nạn, người đồng tính nữ, người đồng tính nam, người song tính và người chuyển giới tính và các vấn đề khác làm suy yếu bản báo cáo hoặc khiến Mỹ dễ bị cáo buộc là đạo đức giả.

Chính phủ các nước Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên “vi phạm nhân quyền của những người bên trong biên giới của họ mỗi ngày và do đó là những thế lực gây bất ổn,” ông Sullivan nói trong lời nói đầu cho bản báo cáo được Quốc hội quy định phải thực hiện. Bản báo cáo ghi nhận tình hình nhân quyền ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các nước như những nước này hạn chế quyền tự do ngôn luận và tụ tập ôn hòa, cho phép và gây nên bạo lực nhắm vào các nhóm tôn giáo, sắc tộc và các nhóm thiểu số khác, hoặc làm suy yếu phẩm giá cơ bản của con người, là “đáng phê phán về mặt đạo đức và làm suy yếu các lợi ích của chúng ta,” ông Sullivan nói.

Những người chỉ trích ở Mỹ và khắp toàn cầu đã cáo buộc ông Trump đã lơ là nhân quyền như một vấn đề chính sách đối ngoại, và cáo buộc ông làm thân với các nhà lãnh đạo độc tài ở Nga, Philippines và Trung Đông. Ông Trump cũng thường xuyên công kích truyền thông Mỹ.

“Tôi nghĩ chúng tôi phân biệt rạch ròi giữa việc các nhà lãnh đạo chính trị có thể lên tiếng và nói, ‘Câu chuyện đó không chính xác,’ hoặc đôi khi sử dụng từ ngữ thậm chí mạnh hơn, và việc sử dụng quyền lực của nhà nước để ngăn các nhà báo tiếp tục làm công việc của họ,” ông Kozak nói với các phóng viên.

Ông Kozak cho biết các tiêu chuẩn được sử dụng trong báo cáo, là một trong những tài liệu của chính phủ Mỹ được đọc nhiều nhất, thường bắt nguồn từ các điều ước quốc tế hoặc luật pháp của Mỹ.

“Tôi nghĩ bản báo cáo rất rõ ràng về những thứ mà chúng tôi cho là những hạn chế không thỏa đáng đối với quyền tự do của giới truyền thông… sử dụng hệ thống pháp lý để nhắm vào các ký giả, sử dụng vũ lực và vân vân. Nó không phải là bản chất của diễn ngôn ở một đất nước,” ông Kozak nói.

Bản báo cáo được công bố giữa lúc căng thẳng gia tăng với Trung Quốc về thương mại và các vấn đề khác.

Nó cũng được công bố trong bối cảnh quan hệ của Mỹ với Moscow đang xấu đi vì sự ủng hộ của Nga dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người mà Washington cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào chính người dân của mình, và các cáo buộc của Mỹ nói rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

https://www.voatiengviet.com/a/my-phe-phan-trung-quoc-nga-iran-trieu-tien-trong-bao-cao-nhan-quyen-2017/4358445.html

 

Đảng Dân chủ kiện

Nga, ban vận động Trump và Wikileaks

Đảng Dân chủ hôm thứ Sáu đệ đơn kiện Nga, ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump và WikiLeaks, cáo buộc họ thực hiện một âm mưu rộng lớn nhằm gây gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Đảng này cáo buộc trong đơn kiện đệ trình lên tòa án liên bang ở Manhattan rằng các quan chức hàng đầu trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã âm mưu với chính phủ Nga và cơ quan tình báo quân sự của nước này để gây tổn hại cho ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton và nghiêng cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump bằng cách xâm nhập máy tính của Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc.

Đơn kiện cáo buộc ban vận động của ứng cử viên Đảng Cộng hòa đã “hăm hở hoan nghênh sự giúp đỡ của Nga” trong cuộc bầu cử năm 2016 và cáo buộc họ là một “tập đoàn kiếm tiền gian trá” làm việc song song với Moscow.

“Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công toàn diện nhắm vào nền dân chủ của chúng ta và họ đã tìm thấy một đối tác sẵn lòng và tích cực nơi ban vận động của Donald Trump,” Tom Perez, chủ tịch Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc, nói. “Đây là một hành động phản bội chưa từng thấy.”

Nhà Trắng không hồi đáp yêu cầu bình luận, nhưng ban vận động tranh cử Trump, đã được lập ra trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, gọi vụ kiện này là vớ vẩn và mô tả nó là một nỗ lực nhằm gây quỹ.

“Đây là một vụ kiện giả trá về một tuyên bố sai trái về sự thông đồng với Nga, được đệ trình bởi một Đảng Dân chủ túng quẫn, gặp nhiều vấn đề và gần như phá sản,” người quản lý chiến dịch tranh cử, Brad Parscale, nói trong một thông cáo.

Các bị cáo trong vụ kiện bao gồm ba người đã bị truy tố do kết quả cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga: cựu quản lý chiến dịch tranh cử Paul Manafort; cộng sự của ông Manafort, Rick Gates; và cựu phụ tá chiến dịch tranh cử George Papadopoulos.

Những bị cáo được nêu tên còn có Donald Trump Jr.; cộng sự của ông Trump, Roger Stone; và con rể của ông Trump, Jared Kushner.

Ông Trump đã nhiều lần phủ nhận ban vận động của mình thông đồng với Nga và Moscow đã phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử.

Bốn cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng Nga đã bảo trợ một chiến dịch tấn công tin tặc nhắm vào các nhóm thuộc Đảng Dân chủ và các hành động khác trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Một phần của nỗ lực này là nhằm làm lợi cho ông Trump trước đối thủ Clinton, các cơ quan này cho biết.

Đảng Dân chủ đã quy trách Nga về những vụ xâm nhập hệ thống máy tính của họ trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016.

Tin tặc đã phát tán những trao đổi liên lạc nội bộ của các quan chức đảng trong khi quá trình để cử của Đảng Dân chủ bắt đầu và WikiLeaks công bố hàng ngàn email, một số khiến ban vận động Clinton mất mặt và nhằm mục đích khơi lên xung đột giữa những người ủng hộ đảng.

Hầu hết các cáo buộc dường như dựa trên các bản tin và và các tài liệu pháp lý công khai và cung cấp ít thông tin mới về sự thông đồng bị cáo buộc với Moscow.

Phe Dân chủ rất muốn nhắc nhở cử tri về vấn đề Nga và cuộc bầu cử năm 2016 trước cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11 tới đây. Các cuộc khảo sát sớm cho thấy phe Cộng hòa có nguy cơ mất quyền kiểm soát Quốc hội.

Nếu được cho phép xúc tiến, vụ kiện dường như có thể sẽ giữ sự chú ý đối với vấn đề Nga can thiệp bầu cử và sự thông đồng khả dĩ với ban vận động Trump. Cả hai vấn đề này đang được ông Mueller điều tra.

https://www.voatiengviet.com/a/dang-dan-chu-kien-nga-ban-van-dong-trump-va-wikileaks/4358239.html