Tin khắp nơi – 21/12/2018
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chức
vì khác quan điểm với Tổng thống Mỹ
Vào ngày 20/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đột ngột gửi thư xin từ chức với lý do cách nhìn của ông với các đồng minh của Mỹ cũng như đối với các quốc gia cạnh tranh chiến lược, khác biệt so với cách nhìn của Tổng thống Donald Trump, và vì vậy nước Mỹ cần một Bộ trưởng Quốc phòng khác chia sẻ cùng quan điểm với Tổng thống Mỹ hơn ông.
Tổng thống Donald Trump thì cho biết Bộ trưởng Jim Mattis sẽ nghỉ hưu và cảm ơn ông về những đóng góp của ông.
Tuyên bố từ chức của Bộ trưởng Jim Mattis được đưa ra sau khi Tổng thống Trump quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan, một quyết định gặp nhiều chỉ trích thậm chí ngay tại Quốc hội Mỹ.
Trước đó, đã có những thông tin đồn đoán về khả năng Bộ trưởng Mattis từ chức. Ông thường xuyên có những bất đồng với Tổng thống. Ông đã từng cảnh báo Nga có ý muốn phá hoại NATO trong khi Tổng thống Trump lên tiếng ca ngợi Tổng thống Nga Putin. Ông cũng là người ngăn lại ý định của Tổng thống trong vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Bắc Hàn mà theo ông là sẽ để lại một khoảng trống an ninh nguy hại cho nước Mỹ. Bộ trưởng Jim Mattis cũng là người phản đối quyết định rút khỏi Hiêp định khí hậu Paris của Tổng thống Trump hay chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel đến Jerusalem.
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis là người đã từng đến Việt Nam hai lần trong năm nay và được coi một điều hiếm thấy. Các chuyên gia quốc tế đánh giá các chuyến thăm liên tục này của ông đến Việt Nam cho thấy chính quyền Mỹ muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Ông cũng là người đã từng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về các hành động quân sự hóa Biển Đông, vùng nước tranh chấp giữa Trung Quốc với một số quốc gia láng giềng bao gồm Việt Nam.
Gần đây có những thông tin cho biết Bộ trưởng Jim Mattis là người đã có tiếng nói với Quốc hội Mỹ đề nghị không đưa Việt Nam vào danh sách những nước bị trừng phạt vì mua vũ khí của Nga. Hiện chưa biết Quốc hội Mỹ sẽ có quyết định thế nào về vấn đề này.
Sự ra đi của Bộ trưởng Jim Mattis xảy ra vào giữa lúc có thông tin cho biết Việt Nam đã lặng lẽ bỏ hơn 15 hoạt động tương tác quốc phòng với phía Mỹ trong năm 2019 để phản đối việc Mỹ vận động Việt Nam mua vũ khí của Mỹ thay vì của Nga, vì Việt Nam coi đây là hành động gây sức ép và can thiệp lên công việc nội bộ của Việt Nam.
Ngày làm việc cuối cùng của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis được cho biết là vào ngày 28/2/2019.
Một số quốc gia tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương vào ngày 21 tháng 12 lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis sẽ rời chức vào cuối tháng hai tới đây.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/jim-mattis-resigns-12212018080046.html
Mattis ra đi, đồng minh Mỹ ở Châu Á-TBD
mất người bạn tin cậy ở Washington
Quyết định từ chức đột ngột của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã gây quan ngại sâu xa nơi các đồng minh của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức khu vực và các nhà phân tích nhận định hôm 21/12 rằng những đồng minh của Mỹ vẫn xem tướng hồi hưu Jim Mattis là người đã xây dựng được niềm tin, và có công kiềm hãm khuynh hướng bốc đồng, tự cô lập hóa của chính quyền Mỹ hiện tại.
Khu vực Á Châu-Thái Bình Dương – bao gồm các đồng minh kiên cường của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc – là những vùng có nhiều biến động và là địa điểm của một số điểm nóng nhất trên thế giới, trong bối cảnh căng thẳng tăng cao trên bán đảo Triều Tiên, và các động thái của Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông gây ra nhiều xích mích.
Ông Mattis là người vẫn hậu thuẫn các quan hệ với những đồng minh truyền thống của Mỹ. Ông từ chức vì có quan điểm bất hòa với Tổng thống Donald Trump về các chính sách đối ngoại, kể cả các quyết định bất ngờ trong tuần này đòi rút quân ra khỏi Syria, và bắt đầu lên kế hoạch rút quân ở Afghanistan.
Trao đổi với tờ báo The Australian, Thượng nghị sĩ Jim Molan của Úc nhận định: “Nói chung, Bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis được coi là một trong những nhân vật có uy tín, là “người lớn” trong chính quyền Tổng thống Trump.”
Thượng nghị sĩ Molan nói sự ra đi của ông Mattis rất đáng lo ngại bởi vì đây lại là “thêm một yếu tố bất định khác nữa trong việc làm quyết định của Hoa Kỳ”.
Giới phân tích cho rằng ông Mattis là một người hay mạnh mẽ chỉ trích sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, tuy nhiên ông đã nỗ lực làm việc để đảm bảo căng thẳng không sôi sục quá mức.
Reuters dẫn lời nhà phân tích Euan Graham, Giám đốc ban Á Châu của Đại học La Trobe, Úc Châu, nhận định: “Tướng Mattis bảo đảm sự liên tục trong các chính sách của chính phủ Mỹ, ông được tin tưởng là nhân vật có thể tin cậy để kiềm hãm những hành vi bốc đồng của ông Trump, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ là người có khuynh hướng cô lập hóa, và rõ ràng hoài nghi các cam kết của Mỹ với các đồng minh truyền thống.”
Vẫn theo Reuters, sự ra đi của Mattis sẽ khiến Úc mất đi một đồng minh quan trọng trong chính quyền Trump, giữa lúc nước Úc không có một đại sứ Hoa Kỳ từ năm 2016 tới bây giờ.
Mỹ cân nhắc rút 5.000 binh sĩ khỏi Afghanistan
Tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch rút hơn 5.000 trong số 14.000 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan, một quan chức Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Năm, 20/12. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy ông Trump ngày càng mất kiên nhẫn về cuộc chiến dài nhất của Mỹ cũng như các hoạt động can thiệp quân sự khác ở nước ngoài.
Hôm 19/12, ông Trump bác bỏ ý kiến của các cố vấn hàng đầu và quyết định rút toàn bộ binh sĩ Mỹ ra khỏi Syria, một quyết định đã góp phần khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đột ngột chức hôm 20/12 “do có những quan điểm khác biệt với tổng thống về các chính sách quan trọng”.
Một quan chức Mỹ đề nghị giấu tên cho biết quyết định đã được đưa ra và đã có các mệnh lệnh bằng miệng về việc bắt đầu lên kế hoạch cho việc rút quân. Các quan chức cho biết các mốc thời gian đang được bàn thảo nhưng việc rút quân có thể diễn ra trong vài tuần hoặc vài tháng tới.
Hiện chưa rõ Hoa Kỳ sẽ xoay sở thế nào khi lực lượng còn lại ở Afghanistan chưa tới 9.000 binh sĩ sẽ phải hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ hiện đang được thực hiện, bao gồm đào tạo lực lượng Afghanistan, cố vấn cho họ trên chiến trường, và tiến hành chiến dịch trên không chống lại Taliban và các nhóm chiến binh khác.
Thay vào đó, Hoa Kỳ gần như chắc chắn sẽ phải giảm các hoạt động, điều này có thể tạo cơ hội để Taliban hồi sinh và mở rộng các cuộc tấn công của họ trên khắp Afghanistan.
Ông Mattis trước đó đã tranh luận để duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Hoa Kỳ ở Afghanistan nhằm tăng cường các nỗ lực vì hòa bình thông qua ngoại giao. Ông từ chức ngay sau khi các quan chức Hoa Kỳ nêu ra khả năng Tổng thống Trump sẽ ra lệnh rút quân.
Quyết định của ông Trump về Syria đã gây hoang mang cho các đồng minh của Hoa Kỳ và vấp phải phản ứng gay gắt từ những người cùng đảng Cộng hòa với ông Trump tại Quốc hội.
Điện Kremlin nói hôm 21/12 rằng họ không hiểu những bước tiếp theo của Hoa Kỳ ở Syria sắp tới là gì, và tiến trình làm quyết định hỗn loạn và không thể lường trước của Mỹ đang gây bất an trong các quan hệ quốc tế.
Phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitry Peskov nói Moscow muốn có thêm thông tin về kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Syria.
https://www.voatiengviet.com/a/my-can-nhac-rut-5000-binh-si-khoi-afghanistan/4710598.html
Mỹ vạch trần kế hoạch tấn công mạng toàn cầu
của tin tặc TQ
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc các tin tặc có liên hệ với chính phủ Trung Quốc đã tấn công 45 công ty và tổ chức tại 12 quốc gia nhằm đánh cắp các thông tin nhạy cảm.
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 20/12 cho biết các tin tặc Trung Quốc đã nhắm mục tiêu tới nhiều nhà cung cấp dịch vụ và các doanh nghiệp chuyên hỗ trợ các công ty quản lý hệ thống công nghệ thông tin. Cách làm này được cho là giúp tin tặc Trung Quốc tiếp cận với mạng lưới máy tính của hàng chục công ty khác nhau.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, hai tin tặc Zhu Hua và Zhang Shilong đã làm việc cho nhóm tin tặc có tên APT10. Mỹ nghi ngờ cơ quan an ninh nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn cho nhóm này.
“Các thành viên của nhóm APT10, bao gồm Zhu và Zhang, đã tiến hành các chiến dịch xâm nhập sâu rộng nhằm vào các hệ thống máy tính trên toàn thế giới”, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo.
Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein cho biết cáo buộc của Bộ Tư pháp được đưa ra nhằm đối phó với “sự hung hăng của Trung Quốc” trong lĩnh vực kinh tế. Ông Rosenstein chỉ trích Bắc Kinh vì liên tục vi phạm cam kết giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Barack Obama hồi năm 2015 về việc dừng các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty và cấu trúc thương mại của Mỹ.
“Các bị cáo được cho là đã gây thiệt hại cho khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ tại ít nhất 12 quốc gia. Không thể chấp nhận được khi chúng tôi tiếp tục phanh phui những vụ tấn công mạng do Trung Quốc thực hiện nhằm vào các quốc gia khác. Chúng tôi muốn Trung Quốc dừng các hành động tấn công mạng phi pháp và tôn trọng cam kết của nước này với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy Trung Quốc không có ý định thực hiện các cam kết này”, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ tuyên bố.
Ngoài đánh cắp thông tin từ hơn 45 công ty tại Mỹ có liên hệ và hợp tác với các cơ quan an ninh nhà nước Trung Quốc, các tin tặc Trung Quốc còn bị cáo buộc nhắm mục tiêu tới các quân nhân Mỹ, đánh cắp “dữ liệu nhạy cảm của Hải quân Mỹ, bao gồm tên, số an sinh xã hội, ngày sinh, thông tin lương, số điện thoại cá nhân và địa chỉ thư điện tử của hơn 100.000 lính Hải quân Mỹ”. Thứ trưởng Rosenstein cho biết cáo buộc của Mỹ được đưa ra sau chiến dịch phối hợp với 11 quốc gia khác nhằm vạch trần kế hoạch của nhóm tin tặc Trung Quốc.
Thứ trưởng Tư pháp Mỹ “tố” tin tặc Trung Quốc tấn công mạng toàn cầu
“Đây là hành vi gian lận và ăn cắp trắng trợn, trao cho Trung Quốc lợi thế không công bằng so với các doanh nghiệp chấp hành luật pháp và các quốc gia tuân thủ quy tắc quốc tế để đổi lấy đặc quyền tham gia vào hệ thống kinh tế toàn cầu”, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ nói trong cuộc họp báo.
Cũng theo ông Rosenstein, chính phủ Trung Quốc không thể tiếp tục vờ như không biết các chiến dịch đánh cắp bí mật kinh doanh do tin tặc nước này thực hiện.
“Chúng tôi biết Trung Quốc đang làm gì, chúng tôi biết vì sao họ làm như vậy, và trong một số trường hợp, chúng tôi biết ai đang ngồi phía sau bàn phím”, ông Rosenstein nói.
Trước đó, ngày 30/10, Mỹ đã buộc tội 10 công dân Trung Quốc, trong đó có 2 sĩ quan tình báo, với kế hoạch kéo dài 5 năm nhằm đánh cắp công nghệ động cơ từ các công ty hàng không vũ trụ của Mỹ và Pháp bằng cách đột nhập vào hệ thống máy tính.
Hồi đầu tháng này, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã phát lệnh dẫn độ một quan chức tình báo cấp cao của Trung Quốc để đưa từ Bỉ về Mỹ xét xử với cáo buộc đánh cắp bí mật công nghệ hàng không của Washington.
Giới chức Mỹ gần đây cũng nghi ngờ các tin tặc có liên quan tới chính phủ Trung Quốc đứng sau vụ đánh cắp dữ liệu của 500 triệu khách hàng tại chuỗi khách sạn hạng sang Marriott. Đây được cho là một phần trong nỗ lực thu thập tình báo của Trung Quốc nhằm vào các công ty bảo hiểm y tế, khách sạn và hồ sơ miễn trừ an ninh của hàng triệu người Mỹ.
Tin tặc TQ đánh cắp
các sơ đồ tên lửa của Hải quân Mỹ
Báo Wall Street Jourrnal đưa tin, tin tặc Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch tấn công mạng hiểm hóc vào các nhà thầu của Hải quân Mỹ để đánh cắp thông tin, trong đó có các sơ đồ về tên lửa.
Theo Reuters, ngày 14/12, báo Wall Street Jourrnal (WSJ) đưa tin, tin tặc Trung Quốc đã tấn công các nhà thầu của Hải quân Mỹ để đánh cắp hàng loạt thông tin, trong đó có các sơ đồ về tên lửa.
Động thái này bị một số quan chức coi là chiến dịch tấn công mạng hiểm hóc nhất có liên quan tới Bắc Kinh.
Theo WSJ, nạn nhân của chiến dịch này là các nhà thầu ở mọi quy mô, trong đó có một số nhà thầu nhỏ không có điều kiện để đảm bảo an ninh cho hệ thống mạng.
Trong vòng 18 tháng qua, tin tặc đã tiến hành hàng loạt vụ xâm nhập để thu thập thông tin tình báo, đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và phá hoại các hệ thống của Mỹ.
Thông tin của WSJ dựa trên dữ liệu từ nhiều chuyên gia và quan chức.
Những người này cho biết, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Riachard Spencer đã yêu cầu tiến hành một cuộc đánh giá các điểm yếu về an ninh mạng.
Nhiều quan chức Hải quân Mỹ cho rằng các vụ xâm nhập nói trên là hành động đáng lo ngại và không thể chấp nhận.
http://biendong.net/bi-n-nong/25344-tin-tac-tq-danh-cap-cac-so-do-ten-lua-cua-hai-quan-my.html
Mỹ và đồng minh tố cáo
Trung Quốc dọ thám bí mật kinh tế
Mỹ và ba nước đồng minh hôm 20/12 đã lên án Trung Quốc do thám kinh tế trong khi các công tố viên Mỹ cáo buộc hai công dân Trung Quốc có liên hệ với một cơ quan gián điệp trong một chiến dịch tấn công mạng ở quy mô lớn để trộm dữ liệu mật từ các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ.
Giới chức Mỹ đã công bố cáo trạng đối với ông Chu Hoa và ông Trương Kiến Quốc trong các vụ tấn công mạng nhằm vào hải quân Mỹ, cơ quan hàng không vũ trụ NASA và Bộ Năng lượng cũng như các công ty trong nhiều lĩnh vực. Chiến dịch này nhằm vào quyền sở hữu trí tuệ và dữ liệu kinh doanh cũng như dữ liệu công nghệ mật để giúp các công ty Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh không công bằng, họ cho biết.
Mỹ, Anh, Úc và New Zealand đã lên án Trung Quốc về điều mà họ gọi là chiến dịch toàn cầu để đánh cắp sở hữu trí tuệ thương mại trên không gian mạng. Điều này cho thấy quốc tế đang tăng cường phối hợp chống lại hành vi này.
“Không quốc gia nào đặt ra mối đe dọa rộng lớn, nghiêm trọng đối với nền kinh tế và hạ tầng mạng của chúng ta nhiều như Trung Quốc,” ông Chris Wray, giám đốc FBI phát biểu trong một cuộc họp báo. “Đơn giản mà nói, mục tiêu của Trung Quốc là thay thế Mỹ làm siêu cường lãnh đạo thế giới và họ đang sử dụng các phương cách bất hợp pháp để làm điều đó.”
Ngoại trưởng Mike Pompeo và các quan chức khác của chính quyền Trump nói rằng các nỗ lực tấn công mạng của Trung Quốc mà các quan chức Mỹ nói đã bắt đầu hồi năm 2006 và kéo dài đến năm 2018, đã vi phạm một hiệp định hồi năm 2015 nhằm để trấn áp gián điệp trên mạng vì mục đích thương mại.
Một quan chức an ninh của Anh được Reuters dẫn lời nói chiến dịch tấn công mạng này là ‘một trong những hành vi xâm nhập mạng nghiêm trọng nhất, quan trọng nhất về chiến lược, dai dẳng nhất và có nguy cơ gây thiệt hại nhiều nhất đối với Anh và các đồng minh mà chúng ta từng thấy’.
Giới chức Mỹ cho biết các mục tiêu bị tấn công bao gồm Trung tâm Không gian Goddard của NASA và Phòng thí Nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley của Bộ Năng lượng cũng như các công ty hoạt động trong các ngành hàng không, không gian và công nghệ vệ tinh.
Các mục tiêu khác còn có các công ty hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính, viễn thông, điện tử tiêu dùng, công nghệ chế tạo, công nghệ dược, công nghệ thăm dò và khai thác dầu khí, công nghệ bộ xử lý máy tính và công nghệ hàng hải, họ cho biết.
“Danh sách các công ty nạn nhân giống như là cuốn niên giám về kinh tế toàn cầu vậy,” ông Wray nhận định.
Hành động của Mỹ có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Beijing sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông Huawai, ở Canada theo yêu cầu của Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với Fox News rằng ông không cho rằng các cáo buộc về an ninh mạng này sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại và cho rằng đó là hai vấn đề ‘riêng biệt’.
Giới chức Mỹ cho biết hai bị cáo, vốn làm việc ở Trung Quốc và có liên quan đến một cơ quan tình báo Trung Quốc có tên Bộ An ninh Quốc gia, đã bị buộc tội có âm mưu xâm nhập máy tính và đánh cắp nhân dạng.
Cả Chu và Trương đều là thành viên của một nhóm tin tặc mà cộng đồng an ninh mạng gọi là nhóm APT10, giới chức Mỹ cho biết. Họ làm việc cho một công ty ở Trung Quốc có tên là Công ty Phát triển Khoa học Kỹ thuật Huaying Haitai.
Chiến dịch tấn công của Trung Quốc nhằm vào hơn 45 công ty công nghệ quốc phòng và thương mại ở Mỹ cũng như những nhà cung cấp dịch vụ được quản lý (MSP) – tức là những công ty được thuê để xử lý email, lưu trữ và những công việc trên máy tính khác – và các khách hàng của họ. Các bị cáo đã chiếm được dữ liệu các khách hàng của MSP ở 12 quốc gia, các quan chức Mỹ cho biết.
Các quan chức Trung Quốc đã ra thông cáo bày tỏ ‘quan ngại sâu sắc’ về hoạt động đánh cắp sở hữu trí tuệ thương mại của Trung Quốc. Một quna chức ở New Zealand nói rằng nước này ‘hòa cùng các nước có cùng suy nghĩ để lên tiếng rằng những hoạt động tấn công mạng như thế là không thể chấp nhận được’.
Canada, Nhật Bản, Hà Lan và Thụy Điển cũng được cho là sẽ lên án nỗ lực tấn công mạng của Trung Quốc, theo một nguồn tin ẩn danh.
Thấy gì từ cuộc chiến của Mỹ đối với Huawei?
Việc bắt giữ CFO của Huawei Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) là một động thái nguy hiểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc xung đột ngày càng căng thẳng với Trung Quốc. Như Mark Twain từng có phát ngôn nổi tiếng, lịch sử thường gieo vần, thời đại của chúng ta ngày càng trở nên giống giai đoạn trước năm 1914. Giống như các cường quốc châu Âu hồi đó, Hoa Kỳ, được lãnh đạo bởi một chính quyền muốn khẳng định sự áp đảo của Mỹ đối với Trung Quốc, đang đẩy thế giới về phía thảm họa.
Bối cảnh của vụ bắt giữ rất quan trọng. Hoa Kỳ yêu cầu Canada bắt giữ bà Mạnh tại sân bay Vancouver trên đường đến Mexico từ Hồng Kông, và sau đó dẫn độ bà sang Mỹ. Một động thái như vậy gần như là một lời tuyên chiến của Hoa Kỳ đối với cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc. Gần như chưa từng có tiền lệ, điều này khiến các doanh nhân Mỹ đi ra nước ngoài gặp rủi ro cao hơn nhiều trước các hành xử tương tự của các nước khác.
Hoa Kỳ hiếm khi bắt giữ các doanh nhân cao cấp, dù là người Hoa Kỳ hay nước ngoài, vì các cáo buộc phạm tội do công ty của họ thực hiện. Các nhà quản lý doanh nghiệp thường bị bắt vì các cáo buộc phạm tội cá nhân (như tham ô, hối lộ hoặc bạo lực) hơn là do cáo buộc đối với các hành vi sai trái của công ty họ. Đúng là các nhà quản lý doanh nghiệp nên phải chịu trách nhiệm cho sự sai trái của công ty họ, và bao gồm các cáo buộc hình sự; nhưng việc khởi xướng điều này với một doanh nhân hàng đầu Trung Quốc chứ không phải là hàng chục CEO và CFO nổi tiếng của
Hoa Kỳ, là một sự khiêu khích đáng kinh ngạc đối với chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và công chúng Trung Quốc.
Mạnh bị buộc tội vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Tuy nhiên, hãy xem xét việc bà bị bắt giữ trong bối cảnh có một số lượng lớn các công ty, bao gồm cả công ty Hoa Kỳ và công ty nước khác, đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và các quốc gia khác. Ví dụ, hồi năm 2011, JP Morgan Chase đã phải trả 88,3 triệu đô la tiền phạt vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Cuba, Iran và Sudan. Nhưng, Jamie Dimon đã không bị tóm lôi ra khỏi máy bay và bị tống giam.
Và JP Morgan Chase không phải là trường hợp duy nhất vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Từ năm 2010, các tổ chức tài chính lớn sau đây đã phải trả tiền phạt vì vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ: Banco do Brasil, Bank of America, Bank of Guam, Bank of Moscow, Bank of Tokyo-Mitsubishi, Barclays, BNP Paribas, Clearstream Bank, Commerzbank, Compass, Crédit Agricole, Deutsche Bank, HSBC, ING, Intesa Sanpaolo, JP Morgan Chase, Ngân hàng Quốc gia Abu Dhabi, Ngân hàng Quốc gia Pakistan, PayPal, RBS (ABN Amro), Société Générale, Ngân hàng Toronto-Dominion, Ngân hàng Quốc gia xuyên Thái Bình Dương (nay được gọi là Ngân hàng Kinh doanh Beacon), Standard Chartered và Wells Fargo.
Không ai trong số các CEO hoặc CFO của các ngân hàng bị trừng phạt này bị bắt và giam giữ vì những vi phạm này. Trong tất cả các trường hợp này, công ty – chứ không phải là cá nhân nhà quản lý – phải chịu trách nhiệm. Theo một cuộc tổng kết gần đây, họ cũng không phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm pháp luật phổ biến trong thời gian trước hoặc sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mà trong đó các ngân hàng đã phải trả khoản tiền phạt khổng lồ là 243 tỷ đô la. Trong bối cảnh đó, vụ bắt giữ bà Mạnh là một sự thay đổi thông lệ gây sốc. Đúng là nên buộc các CEO và CFO chịu trách nhiệm, nhưng điều đó nên bắt đầu ở trong nước để tránh bị coi là đạo đức giả, lợi ích cá nhân được ngụy trang thành nguyên tắc cao thượng, cũng như nguy cơ gây ra một cuộc xung đột toàn cầu mới.
Khá rõ ràng là hành động của Mỹ đối với bà Mạnh thực sự là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của chính quyền Trump nhằm làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc bằng cách áp thuế, đóng cửa thị trường phương Tây đối với hàng xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc và ngăn chặn Trung Quốc mua lại các công ty công nghệ châu Âu và Mỹ. Người ta có thể nói không ngoa rằng đây là một phần của một cuộc chiến kinh tế đối với Trung Quốc, và là một cuộc chiến liều lĩnh lúc này.
Huawei là một trong những công ty công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc, và do đó, mục tiêu hàng đầu của chính quyền Trump là nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn Trung Quốc tiến vào một số lĩnh vực công nghệ cao. Động cơ của Mỹ trong cuộc chiến kinh tế này một phần là vì thương mại – để bảo vệ và ủng hộ các công ty Mỹ chậm tiến – và một phần thuộc về địa chính trị. Các động cơ của Mỹ không liên quan gì tới việc thượng tôn pháp quyền quốc tế.
Hoa Kỳ đang đặc biệt nhắm đến Huawei là vì thành công của công ty này trong việc tiếp thị các công nghệ 5G tiên tiến trên toàn cầu. Mỹ tuyên bố rằng công ty gây nên một rủi ro bảo mật cụ thể nào đó thông qua khả năng giám sát ẩn trong phần cứng và phần mềm. Tuy nhiên, chính phủ Hoa Kỳ đã không cung cấp bằng chứng nào cho tuyên bố này.
Một bài chỉ trích gần đây chống lại Huawei trên tờ Financial Times đã tiết lộ nhiều điều về vấn đề này. Sau khi thừa nhận rằng “bạn không thể có bằng chứng cụ thể về sự can thiệp vào Công nghệ Thông tin và Truyền thông, trừ khi bạn đủ may mắn để mò thấy cây kim dưới đáy biển,” thì tác giả chỉ đơn giản khẳng định rằng “bạn không thể nhận lấy rủi ro bằng cách trao an ninh của mình vào tay một đối thủ tiềm năng”. Nói cách khác, dù chúng ta thực sự không thể chỉ ra hành vi sai trái của Huawei thì chúng ta vẫn nên đưa công ty vào danh sách đen.
Khi các quy tắc thương mại toàn cầu cản trở các chiến thuật kiểu “xã hội đen” của Trump, thì các quy tắc này phải đội nón ra đi. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo thừa nhận điều này trong tuần trước tại Brussels. “Chính quyền của chúng tôi,” ông nói, “đã rút khỏi một cách hợp pháp hoặc đàm phán lại các hiệp ước, các hiệp định thương mại đã lỗi thời hoặc gây hại, và các dàn xếp quốc tế khác không phục vụ lợi ích quốc gia của chúng tôi, hoặc lợi ích của các đồng minh của chúng tôi.” Nhưng trước khi rút khỏi các hiệp định này, chính quyền Mỹ đã xem chúng là vô giá trị thông qua các hành động liều lĩnh và đơn phương.
Vụ bắt giữ bà Mạnh chưa từng có tiền lệ thậm chí còn khiêu khích hơn vì nó dựa trên các biện pháp trừng phạt có ảnh hưởng bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ, nghĩa là tuyên bố của Hoa Kỳ rằng họ có thể ra lệnh cho các nước khác ngừng giao dịch với các bên thứ ba như Cuba hoặc Iran. Hoa
Kỳ chắc chắn sẽ không tha thứ cho Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác nếu họ ra lệnh cho các công ty Mỹ được hoặc không được giao thương với ai đó.
Các lệnh trừng phạt liên quan đến các chủ thể phi nhà nước (như lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một doanh nghiệp Trung Quốc) không nên được cưỡng chế thực thi bởi riêng một quốc gia nào đó, mà nên theo các thỏa thuận đạt được trong phạm vi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Về vấn đề này, Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã kêu gọi tất cả các nước bãi bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran như một phần của thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Tuy nhiên, Hoa Kỳ – và chỉ Hoa Kỳ – hiện bác bỏ vai trò của Hội đồng Bảo an trong các vấn đề như vậy. Chính quyền Trump, chứ không phải Huawei hay Trung Quốc, ngày nay mới là mối đe dọa lớn nhất đối với pháp quyền quốc tế, và do đó đối với hòa bình toàn cầu.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25428-thay-gi-tu-cuoc-chien-cua-my-doi-voi-huawei.html
Mỹ trả di dân qua biên giới Mexico
trong lúc xét duyệt đơn tị nạn
Hoa Kỳ sẽ sớm gửi trả những di dân băng qua biên giới Mỹ-Mexico trở lại Mexico để chờ đợi trong khi hồ sơ xin tị nạn của họ được xử lý, một thay đổi lớn trong chính sách di trú Mỹ vừa được chính quyền Tổng thống Trump loan báo ngày 20/12.
Giới hoạt động bảo vệ di dân và các chuyên gia nhân quyền lên án thay đổi này là bất hợp pháp và vi phạm quyền của người tị nạn.
Chính phủ Mexico cho biết sẽ chấp nhận một số di dân với lý do nhân đạo mà nhiều người cho rằng đây là sự nhượng bộ của tân Tổng thống Mexico, Andres Manuel Lopez Obrador, với chính quyền Mỹ.
Mô tả kế hoạch này trước một ủy ban của Quốc hội hôm 20/12, Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ Kirstjen Nielsen nói “Chúng tôi muốn làm nản lòng nhục chí những ai khai gian để xin tị nạn.”
Đáp lại chính sách vừa công bố của Mỹ, Bộ Ngoại giao Mexico nhấn mạnh họ có quyền cho phép hay khước từ người ngoại quốc vào lãnh thổ của họ.
Tại cuộc họp báo hôm 20/12, người đứng đầu Viện Di trú Quốc gia Mexico, cơ quan quản lý di trú của nước này, ông Tonatiuh Guillén, tuyên bố Mexico không thể nhận di dân từ các nước khác cho tới khi nào có một khung sườn luật lệ.
Các giới chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói với điều kiện ẩn danh rằng chính quyền Mexico cho biết người xin tị nạn sẽ được tiếp cận với luật sư tại Mexico và rằng di dân sẽ có thể vào đất Mỹ để tham dự các phiên tòa xét xử trường hợp của họ.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Nielsen cho hay chính sách mới không áp dụng cho các trẻ em Trung Mỹ không có người lớn đi kèm. Những trường hợp này, theo luật Mỹ, được một số bảo vệ đặc biệt.
Có một số quan ngại rằng liệu chính quyền Mexico có bảo đảm an toàn cho những người tị nạn này hay không. Chính quyền nước này đang điều tra cái chết của 2 thiếu niên Honduras bị bắt cóc và sát hại tại thành phố biên giới Tijuana cuối tuần trước.
Tổng thống Trump hôm 24/11 đã lên Twitter khuyến cáo rằng di dân tại biên giới Mỹ-Mexico nên đợi ở Mexico cho tới khi nào đơn xin tị nạn của họ được các tòa án Mỹ chấp thuận.
Hàng ngàn di dân Trung Mỹ kéo tới thành phố biên giới Tijuana của Mexico khoảng 1 tháng qua khiến chính quyền Trump huy động quân đội tăng cường an ninh biên giới. Cùng lúc, nhà chức trách Mỹ cũng giới hạn số đơn xin tị nạn được nhận mỗi ngày, viện lý do không thể xử lý nhiều hơn.
Các vụ vượt biên bất hợp pháp tại biên giới Mỹ với Mexico giảm đáng kể từ cuối thập niên 70 nhưng trong những năm gần đây đơn xin tị nạn ngày càng tăng, ngày càng có nhiều gia đình Trung Mỹ và những trẻ em không người lớn đi kèm muốn di cư tới Mỹ.
Mỹ cam kết ‘tiêu diệt vĩnh viễn’ Nhà nước Hồi giáo
Hoa Kỳ hôm 20/12 nói trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng họ cam kết ‘thủ tiêu vĩnh viễn’ Nhà nước Hồi giáo ở Syria và sẽ tiếp tục thúc đẩy lực lượng do Iran hậu thuẫn rút ra khỏi quốc gia Trung Đông này.
Lời cam kết này được đưa ra sau quyết định bất ngờ của Tổng thống Donald Trump bắt đầu rút quân Mỹ hoàn toàn ra khỏi Syria. Ông Trump hôm 19/12 tuyên bố rằng quân đội Mỹ đã thành công trong sứ mạng đánh bại Nhà nước Hồi giáo – quyết định đã khiến ông hứng chịu chỉ trích từ các thành viên Đảng Cộng hòa và gây quan ngại ở các nước đồng minh.
Trong một phiên họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 20/12, nhà ngoại giao Mỹ Rodney Hunter, nhà điều phối chính trị của phái bộ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc, đã không nêu cụ thể quyết định của ông Trump.
“Mỹ vẫn cam kết sẽ tiêu diệt vĩnh viễn ISIS và các tổ chức khủng bố khác ở Syria cũng như trên toàn thế giới,” ông Hunter nói trước Hội đồng Bảo an. “Chúng tôi sẽ sử dụng mọi công cụ sức mạnh quốc gia của chúng tôi để gây áp lực buộc lực lượng do Iran hậu thuẫn phải rút quân.”
“Chúng tôi tiếp tục làm việc với các đồng minh để chống khủng bố. Mỹ cũng sẽ làm việc với các bên có cùng suy nghĩ như Liên Hiệp Quốc, lực lượng đối lập Syria để tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột,” ông nói.
Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc Francois Delattre phát biểu trước Hội đồng Bảo an rằng Paris vẫn đánh giá Nhà nước Hồi giáo vẫn là mối đe dọa ở vùng Trung Đông.
“Trong những tuần tới Pháp sẽ đảm bảo hết sức cẩn trọng rằng an ninh của tất cả các đối tác của Mỹ được đảm bảo, trong đó có Lực lượng Dân chủ Syria,” ông Delattre nói.
Pháp là thành viên hàng đầu trong liên minh do Mỹ lãnh đạo chiến đấu chống lại các phiến quân ở Iraq và Syria và có lực lượng đặc biệt trú đóng ở đông bắc Syria vốn được triển khai bên cạnh các lực lượng của người Kurd và lực lượng Ả Rập. Nước này cũng thực hiện các cuộc không kích nhằm vào ISIS.
“Điều quan trọng là Mỹ phải tính đến việc bảo vệ người dân ở đông bắc Syria và sự ổn định của khu vực để đảm bảo rằng chúng ta tránh được bất cứ thảm họa nhân đạo nào hay bất cứ sự trỗi dậy nào của chủ nghĩa khủng bố,” ông Delattre nói thêm.
Ông Staffan de Mistura, đại sứ sắp mãn nhiệm của Liên Hiệp Quốc về Syria, không hề đề cập đến quyết định của ông Trump trong báo cáo cuối cùng của ông trước Hội đồng Bảo an.
Đại diện đặc biệt của Mỹ về Syria, ông Jim Jeffrey, đã hủy các cuộc gặp đã được lên kế hoạch tại Liên Hiệp Quốc hôm 20/12 để thảo luận về tiến trình hòa bình Syria, các quan chức Mỹ cho biết.
“Với những diễn biến mới đây, Đại sứ Jeffrey sẽ ở lại Washington để tham vấn với các đối tác và đồng minh về cách tiến về phía trước ở Syria,” một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ được Reuters dẫn lời nói.
Ông Jeffrey được chỉ định làm đại diện đặc biệt về Syria hồi tháng 8. Khi đó ông nói với các phóng viên rằng Mỹ sẽ không rút quân khỏi Syria cho đến khi nào Nhà nước Hồi giáo bị đánh bại. Ông không hề đề cập đến quyết định của ông Trump.
Mỹ sẵn sàng thảo luận
xây dựng lòng tin với Bắc Triều Tiên
Tại Seoul, đặc sứ Mỹ Stephen Biegun tuyên bố vào hôm nay, 21/12/2018, là Hoa Kỳ sẵn sàng mở thảo luận với Bắc Triều Tiên về những biện pháp nhằm thiết lập lòng tin lẫn nhau.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Mỹ nỗ lực thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.
Tại thượng đỉnh Singapore vào tháng 06/2018, hai bên đã đồng ý phi hạt nhân hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Nhưng nội dung của việc phi hạt nhân hóa này còn mơ hồ, dẫn đến các diễn giải khác nhau. Từ lúc đó, Washington cũng như Bình Nhưỡng đều đối chọi nhau trên vấn đề này và thương lượng để thoát khỏi bế tắc: Cả hai bên tố cáo lẫn nhau là không nghiêm túc và cố tình trì hoãn.
Ông Stephen Biegun khẳng định là Hoa Kỳ « không có ý định giảm nhẹ trừng phạt đơn phương hay trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, nhưng trong bối cảnh có cam kết với Bắc Triều Tiên thì Washington sẵn sàng xem xét một số vấn đề khác có thể tạo sự tin tưởng… ». Nhưng ông không nói rõ đó là gì.
Ông Biegun còn cho biết là Washington sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các tổ chức Mỹ trợ giúp nhân đạo cho Bắc Triều Tiên, qua việc giảm lệnh cấm người Mỹ đến quốc gia này.
Tuyên bố của đặc sứ Biegun được đưa ra sau khi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào hôm qua hy vọng tổ chức được một cuộc gặp thượng đỉnh khác giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, « không lâu » sau Tết Dương Lịch.
Cũng tại Seoul vào hôm nay, đặc sứ Hàn Quốc về hạt nhân Bắc Triều Tiên, Lee Do Hoon, cho biết là Hoa Kỳ đồng ý hỗ trợ kế hoạch của Seoul gởi thuốc chống cúm đến Bắc Triều Tiên. Ông Lee Do Hoon làm việc trong 4 ngày, kể từ thứ Tư 20/12, với đồng nhiệm Mỹ Biegun, người đến Seoul nhằm phối hợp hành động với Hàn Quốc trên vấn đề Bắc Triều Tiên.
Trump quyết không ký luật ngân sách
nếu không có tiền cho tường biên giới
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/12 nói với các lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở Quốc hội rằng ông sẽ không ký một dự luật cấp ngân quỹ cho chính phủ nếu như trong đó không cấp đủ tiền cho an ninh biên giới.
Quyết định này của ông Trump làm tăng nguy cơ một phần của chính phủ liên bang Mỹ sẽ phải đóng cửa sau ngày 21/12.
Ông Trump đã thông báo quyết định này trong một cuộc họp kín với một nhóm các nhà lãnh đạo Quốc hội của Đảng Cộng hòa ở Nhà Trắng. Các nhà lãnh đạo Quốc hội sau đó nói với các phóng viên rằng họ sẽ cố gắng soạn thảo một bản khác của dự luật mà trong đó có số tiền 5 tỷ đô la để cho ông Trump xây bức tường biên giới với Mexico.
“Chúng tôi muốn giữ cho chính phủ hoạt động nhưng chúng tôi cũng muốn thấy một thỏa thuận bảo vệ biên giới,” Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, người sắp rời khỏi cương vị này, cho biết.
Trước đó trong hôm 19/12, ông Trump đã càu nhàu trên Twitter rằng bản dự luật mà Thượng viện thông qua hôm 19/12 không cấp tiền cho bức tường biên giới vốn là lời hứa mang dấu ấn của ông trong quá trình vận động tranh cử. Nhưng ông không đe dọa sẽ phủ quyết dự luật này, khiến cho có khả năng chính phủ liên bang không bị đóng cửa.
Khi các dân biểu Đảng Cộng hòa họp lại hôm 20/12 để thảo luận chiến lược của họ, họ bối rối không biết lập trường ông Trump như thế nào. Ông Ryan đã đột ngột hủy cuộc họp báo và sau đó các lãnh đạo Đảng Cộng hòa được triệu tập đến Nhà Trắng để dự họp với Tổng thống.
“Tổng thống đã thông báo với chúng tôi rằng ông sẽ không ký dự luật do Thượng viện đưa ra tối qua bởi vì mối quan ngại chính đáng của ông về an ninh biên giới,” ông Ryan cho biết trước khi trở lại Điện Capitol để chỉnh sửa dự luật của Thượng viện.
Tuần trước, trong cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo Dân chủ ở Nhà Trắng, ông Trump nói rằng ông ‘tự hào đóng cửa chính phủ vì an ninh biên giới.’
Dự luật được Thượng viện thông qua kéo dài thêm bảy tuần lễ việc cấp ngân quỹ cho các cơ quan chính phủ phụ trách các hoạt động thực thi pháp luật liên bang, kiểm tra an ninh sân bay, thám hiểm vũ trụ và các chương trình nông nghiệp…
Dân biểu Steve Scalise, nhân vật Cộng hòa số 3 trong Hạ viện, nói với các phóng viên rằng các vị đồng nghiệp của ông cũng muốn tăng thêm ngân quỹ cho những tiểu bang gần đây bị thảm họa thiên tai.
Lãnh đạo phe Dân chủ ở Hạ viện, bà Nancy Pelosi, trước đó đã nói rằng cấp tiền cho bức tường biên giới trong dự luật sẽ không được các dân biểu trong đảng của bà chấp nhận. Tuy nhiên, họ để ngỏ khả năng ủng hộ viện trợ thiên tai, bà cho biết.
Các vị nghị sỹ bảo thủ cứng rắn đã hối thúc ông Trump thúc đẩy cấp ngân sách cho bức tường biên giới ngay bây giờ với lập luận rằng sẽ rất khó thực hiện được điều này một khi Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện vào ngày 3/1 tới.
“Ông ấy (Trump) tranh cử dựa trên lời hứa về bức tường,” dân biểu Cộng hòa Mark Meadows được Reuters dẫn lời nói. “Đó là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông ấy… lòng kiên nhẫn của người dân Mỹ đã cạn.”
Trong lúc này, các quan chức trong chính quyền Trump đang tìm cách để cấp tiền cho bức tường bằng cách cấu trúc lại các khoản tiền đã được Quốc hội cấp cho các dự án khác của các cơ quan liên bang.
Nhà Trắng không đưa ra chi tiết về việc này nhưng các lãnh đạo Dân chủ đã cảnh báo rằng dịch chuyển các khoản tiền từ chỗ này đến chỗ khác cần phải được Quốc hội phê chuẩn.
Chính quyền Trump siết chặt tem phiếu thực phẩm
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/12 cho biết họ sẽ siết chặt chương trình tem phiếu thực phẩm đối với những người Mỹ có khả năng lao động thông qua đề xuất thay đổi quy định mà họ cho rằng sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ đô la sau khi nỗ lực thúc đẩy việc này ở Quốc hội bị thất bại.
Đề xuất này đã bị các nhà lập pháp Dân chủ chỉ trích với lý do rằng tem phiếu thực phẩm là một tấm lưới an sinh quan trọng đối với người nghèo. Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung, hay còn gọi là SNAP, cung cấp bữa ăn miễn phí cho khoảng 40 triệu người Mỹ, tức khoảng 12% tổng dân số Mỹ.
Chính quyền Trump lâp luận rằng nhiều người Mỹ sống nhờ chương trình này giờ đây không cần nó nữa do nền kinh tế khỏa mạnh và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Do đó, chương trình này cần được bãi bỏ để giúp tiết kệm đến 15 tỷ đô la tiền đóng thuế của người dân.
Tuy nhiên các nỗ lực của ông Trump thông qua các giới hạn mới thông qua Dự luật Nông nghiệp đã bị Quốc hội chặn lại sau nhiều tháng tranh luận đảng phái quyết liệt. LuậT Nông nghiệp cuối cùng không có nội dung cắt giảm tem phiếu thực phẩm, đã được ông Trump ký thành luật vào ngày 20/12.
Trong khuôn khổ chương trình SNAP hiện tại, những người trưởng thành không khuyết tập đủ điều kiện và không có người phụ thuộc chỉ có thể được cấp tem phiếu thực phẩm ba tháng trong vòng ba năm. Quy định giới hạn về thời gian này là nhằm để khuyến khích mọi người đi tìm việc làm. Tuy nhiên, các tiểu bang có thể lách giới hạn thời gian này để kéo dài thời gian được trợ giúp bằng cách cho miễn áp dụng thời hạn nếu họ thấy phù hợp.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết họ có kế hoạch chấm dứt việc miễn thời hạn trên toàn tiểu bang trừ phi tiểu bang đó đáp ứng điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp mở rộng do điều kiện kinh tế khó khăn và sẽ hạn chế việc miễn thời hạn ở những khu vực địa lý rộng lớn mà họ xem là có đủ công ăn việc làm. Hiện nay, có 29 tiểu bang miễn thời hạn một phần trong khi 7 tiểu bang miễn thời hạn trên toàn bang.
Trong một cuộc họp báo vào tối 19/12, Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue cho biết 75% trong tổng số 3,8 triệu người lành lặn được lãnh tem phiếu thực phẩm không có đi làm trong năm 2016.
“Điều đó là không thể chấp nhận được đối với đa số người Mỹ và phản ánh không đúng quan niệm phổ biến, nhất là khi cơ hội việc làm dồi dào như hiện nay,” ông nói. “Nền kinh tế đất nước đang bùng nổ và tỷ lệ thất nghiệp là thấp nhất kể từ năm 1969.”
USDA cũng cho biết họ sẽ củng cố những tiêu chuẩn cho việc miễn thời hạn, chẳng hạn như hạn chế thời gian được hưởng để đảm bảo rằng nó không trở nên lỗi thời so với các điều kiện để được xem là nghèo khổ.
Ông James Weill, chủ tịch của nhóm vận động phi lợi nhuận Trung tâm Nghiên cứu và Hành động Thực phẩm, nói rằng việc miễn thời hạn mà các tiểu bang áp dụng là quan trọng để bảo vệ trợ cấp lượng thực cho những người đã đi tìm nhưng không tìm được đủ việc làm.
Thượng nghị sỹ Dân chủ Debbie Stabenow của tiểu bang Michigan cũng chỉ trích đề xuất này: “Quốc hội soạn luật và chính quyền dựa trên luật để viết ra quy định chứ không phải ngược lại…,” bà nói trong một thông cáo.
Hiến pháp Cuba
khôi phục mục tiêu ‘xã hội cộng sản’
Cuba đã đưa lại mục tiêu ‘tiến đến xã hội cộng sản’ vào bản dự thảo Hiến pháp mới của đất nước sau khi những quan ngại của hàng ngàn người dân nước này trước việc Hiến pháp mới bỏ cụm từ này, đài truyền hình nhà nước Cuba cho biết hôm 20/12.
Quốc hội nước này trong tuần này sẽ thảo luận dự thảo Hiến pháp sửa đổi nhằm để thay thế Hiến pháp có từ thời Liên Xô để có thể theo kịp những thay đổi trên thực tế, chẳng hạn như thừa nhận quyền sở hữu tư nhân và cho phép hôn nhân đồng tính.
Cuba nằm trong số chưa đầy một chục quốc gia trên thế giới vẫn do Đảng Cộng sản nắm quyền. Họ đã khẳng định rằng chế độ xã hội chủ nghĩa độc đảng của họ là không thể thay đổi được.
Ủy ban soạn thảo Hiến pháp do Tổng bí thư Đảng Raul Castro đứng đầu đã loại bỏ cụm từ ‘chủ nghĩa cộng sản’ ra khỏi bản dự thảo đầu tiên mà họ công bố hồi tháng Bảy và đưa ra để cho người dân toàn quốc góp ý trong vòng ba tháng.
Hàng ngàn người dân tại các buổi họp đóng góp ý kiến cho Hiến pháp tại cấp cơ sở đã kêu gọi đưa lại cụm từ này vào Hiến pháp, theo đài truyền hình nhà nước Cuba.
“Nhà cách mạng chân chính là người luôn tìm cách vượt qua những giới hạn của những gì có thể và đó là lý do tại sao chúng ta phải duy trì nguyện vọng tiến lên chủ nghĩa cộng sản,” đại biểu Quốc hội Yusuam Palacios phát biểu trước Quốc hội hôm 20/12.
Việc đưa vào ‘chủ nghĩa cộng sản’ là một trong số 760 sửa đổi đối với dự thảo sau khi lấy ý kiến người dân Cuba.
Chính phủ Cuba đã nhấn mạnh rằng việc soạn thảo bản Hiến pháp là nền dân chủ có sự tham gia của người dân đang hoạt động hiệu quả nhất, trong khi những người chỉ trích chỉ ra rằng những đặc điểm cơ bản của chế độ chính trị Cuba chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo và phương pháp thông qua Hiến pháp cũng có vấn đề.
Nếu bản dự thảo Hiến pháp qua được cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội thì nó sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào ngày 24/2.
Giáo hoàng kêu gọi các linh mục phạm tội hãy tự thú
Giáo hoàng Phanxicô hôm thứ Sáu 21/12 kêu gọi các linh mục đã từng xâm hại tình dục trẻ vị thành niên hãy ra tự thú. Đây là một trong những phát biểu mạnh mẽ nhất của Giáo hoàng về cuộc khủng hoảng xảy ra ở nhiều nơi trong Giáo hội Công giáo La Mã.
Tuy hiện nay chưa rõ ý của Giáo hoàng Phanxicô muốn nói đến ra đầu thú với hệ thống tư pháp của Giáo hội, hay hệ thống tư pháp của chính quyền dân sự, hay cả hai, song các nguồn tin tại Vatican tin rằng đây là lần đầu tiên Giáo hoàng đưa ra lời kêu gọi trực tiếp như vậy.
“Ta muốn nói điều này với những kẻ xâm hại trẻ vị thành niên: hãy cải tà quy chính và tự thú với công lý của con người, và chuẩn bị cho công lý của thánh thần”, Giáo hoàng Phanxicô nói trong bài diễn văn nhân dịp lễ Giáng sinh trước Giáo triều La Mã, tức là chính quyền trung ương của Tòa thánh Vatican.
Lời phát biểu của Giáo hoàng Phanxicôđược đưa ra hai tháng trước một hội nghị thượng đỉnh bất thường về cuộc khủng hoảng xâm hại tình dục, sẽ có sự tham dự của các vị đứng đầu khoảng 110 hội đồng giám mục Công giáo quốc gia và hàng chục chuyên gia và lãnh đạo các nhóm tôn giáo ở Vatican.
Trước đây, Giáo hoàng Phanxicô đã sử dụng diễn văn lễ Giáng sinh để lên án các vụ tham nhũng và quản lý yếu kém ở Giáo triều La Mã. Lần này, ông xoáy vào cuộc khủng hoảng xâm hại tình dục trên toàn cầu.
“Phải nói rõ rằng, đối mặt với những hành vi đồi bại đó, Giáo hội sẽ nỗ lực tối đa và làm mọi điều cần thiết để đưa ra công lý bất cứ ai đã phạm tội như vậy. Giáo hội sẽ không bao giờ tìm cách che giấu hoặc xem nhẹ bất kỳ trường hợp nào”, ông nói.
Trước đây, khi Giáo hoàng đưa ra những cam kết tương tự rằng giáo hội sẽ không khoan nhượng, các nhóm nạn nhân đã chế giễu, nói rằng Giáo hội phải đưa ra một chính sách rõ ràng để buộc các giám mục phải chịu trách nhiệm về việc xử lý không đến nơi đến chốn các vụ xâm hại.
Các nhóm nạn nhân nói rằng đó chính là việc mà hội nghị vào tháng 2 tới cần phải làm.
https://www.voatiengviet.com/a/giao-hoang-keu-goi-cac-linh-muc-pham-toi-hay-tu-thu/4711045.html
Sân bay Gatwick mở lại sau hỗn loạn
và cảnh sát vẫn tìm kẻ lái drone
Phi trường quốc tế Gatwick ở ngoại ô London đã hoạt động trở lại sau khi phải đóng đường băng từ tối thứ Tư, gây gián đoạn nghiêm trọng cho hàng vạn hành khách dịp trước kỳ nghỉ Giáng Sinh ở châu Âu.
Các chuyến bay từ châu Á, Hoa Kỳ và châu Âu đang dần được phục hồi sau hai ngày hỗn loạn, gây thiệt hại lớn vì có thiết bị bay (drone) xâm nhập khu vực phi trường, gây nguy hiểm cho phi cơ.
Tuy thế, đến sáng thứ Sáu 21/12, cảnh sát Anh và quân đội vẫn chưa tìm được kẻ lái drone ‘ẩn hiện’ trong vùng ngoại vi phi đạo.
Bạn có dám đi máy bay không người lái?
Hàng không Nhật và Hàn ‘cũng thấy tên lửa’
Indonesia: Vì sao Boeing 737 mới tinh đã rơi?
Theo điều tra sơ bộ, một người hoặc một nhóm người đã cố ý điều khiển một số drone bay ra bay vào sân bay Gatwick, bất chấp luật cấm đem các thiết bị bay điều khiển từ xa vào cách hàng rào bên ngoài của sân bay 1000 mét.
Ông Justin Burtenshaw, chỉ huy trưởng đơn vị cảnh sát vũ trang hai quận Sussex và Surrey, địa bàn của sân bay Gatwick nói việc tìm kiếm người điều khiển drone “rất khó”.
“Cứ mỗi lần chúng tôi lại gần người điều khiển thì chiếc drone lại biến mất, và khi chúng tôi sắp mở lại đường băng thì nó lại bay ra.”
Cảnh sát Anh đã xem xét cả phương án dùng súng bắn chiếc drone nhưng sau không thực hiện vì sợ làm hư hại các máy bay đậu trong phi trường.
Nếu bị bắt, người điều khiển drone, hiện bị cho là cố ý gây rối cho giao thông hàng không chứ không phải chỉ là chuyện đùa tình cờ nữa.
Cảnh sát nghi rằng người này, hoặc những người này có thể thuộc nhóm vận động cho môi trường vốn phản đối giao thông hàng không mà họ cho là “gây ô nhiễm”.
Mỗi phút thiệt hại cả trăm nghìn đô la
Chỉ trong ngày 20/12, tại Gatwick, sân bay dân sự lớn thứ nhì của Anh, có 765 chuyến bay phải hủy, đổi hướng hoặc hoãn.
Chừng 110 nghìn hành khách có lịch bay đến hoặc bay đi bị ảnh hưởng.
Nhiều người nằm vạ vật trong nhà ga hàng không và than phiền rằng nhiệt độ ở nhà ga phía Nam rất lạnh.
Không ít hành khách bay từ Trung Quốc, Singapore bị chuyển hướng lên Manchester, từ đó, họ phải đi xe khách quay về London mất 4 giờ.
Nhiều chuyến bay còn bị đổi hướng đáp xuống tận Paris hoặc Amsterdam và các hãng hàng không chỉ có thể tổ chức cho khách bay về Anh trong những ngày sau.
Hành khách được thông báo họ có quyền đòi bồi thường thiệt hại về thời gian, vé máy bay trong vụ việc này.
Hiện chưa rõ thiệt hại tài chính cho các hãng hàng không và phi trường Gatwick là bao nhiêu, nhưng một ví dụ các báo Anh nêu ra là sân bay Dubai từng bị đóng một lần vì drone, gây thiệt hại 100 nghìn USD một phút.
Các báo Anh đã nói từ nhiều tháng qua về nguy cơ drone đâm vào phi cơ gây tai nạn.
Chỉ trong 12 tháng qua, sân bay Stansted, quận Essex, đã ghi nhận hai vụ drone bay sát phi cơ hành khách lúc hạ cánh.
Giới chuyên gia hàng không cho hay một cú va đập vào kính buồng lái, hoặc drone bị hút vào động cơ đều có thể gây tai nạn thảm khốc cho phi cơ.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46647671
Đức tăng cường an ninh sân bay,
truy lùng 5 nghi phạm khủng bố
Sau vụ tấn công ở khu chợ Noel thành phố Strasbourg tại Pháp, đến lượt nước Đức lo ngại khủng bố sau những thông tin về hoạt động đáng ngờ nhắm vào sân bay Stuttgart, miền tây nước Đức, và sân bay Roissy, Paris. Cảnh sát Đức đang truy lùng 5 nghi phạm.
Thông tín viên RFI tại Berlin, Pascal Thibaut cho biết chi tiết :
« Có 4 người đàn ông và một phụ nữ đang bị cảnh sát Đức tìm kiếm ráo riết. Những người này bị tình nghi muốn tổ chức tấn công khủng bố vào một phi trường.
Maroc đã gởi thông tin chi tiết về một âm mưu tấn công của các phần tử Hồi Giáo cực đoan nhắm vào Đức. Những cái tên chính xác được thông báo, cho phép phía Đức truy lùng những người này.
Ngày hôm sau khi xảy ra vụ xả súng ở Strasbourg (11/12), cảnh sát đã thấy 2 người đàn ông chụp ảnh ở phi trường Stuttgart mà không có vẻ gì là chuẩn bị lên máy bay. Các video theo dõi cho thấy đây là hai cha con.
Được biết là người cha là chủ nhân một chiếc xe hơi khả nghi, đăng ký ở Đức và cũng từng được thấy đậu ở sân bay Roissy, Paris. Và lần đó thì họ cũng đã chụp ảnh.
Tên của chủ nhân chiếc xe Mercedes đã được Maroc cung cấp. Người này sống ở vùng Nordrhein-Westfalen, và được cảnh sát biết đến như thành phần thuộc cộng đồng Hồi Giáo salafiste.
Những thông tin chi tiết này đã thúc đẩy chính quyền Đức cho truy lùng những nhân vật khả nghi đó và tăng cường an ninh ở các phi trường. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181221-duc-tang-cuong-an-ninh-san-bay-truy-lung-5-nghi-pham-khung-bo
Một tòng phạm vụ tấn công
tòa báo Pháp Charlie Hebdo bị bắt ở Djibouti
Peter Chérif, một trong những kẻ khủng bố người Pháp bị truy nã gắt gao nhất, đã bị bắt ở Djibouti ngày 16/12/2018. Thông tin được bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly chính thức khẳng định ngày 21/12/2018, sau tiết lộ của tuần báo Marianne.
Theo Reuters, Peter Chérif bị tình nghi là chủ mưu và tham gia vào quá trình chuẩn bị vụ khủng bố nhắm vào tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo ở Paris vào tháng 01/2015 do hai anh em chiến binh Hồi Giáo Kouachi thực hiện.
Là người thân của hai hung thủ trên, Peter Chérif, tên thật là Abou Hamza, 36 tuổi, từng có quá khứ tội phạm, cải sang Hồi Giáo cực đoan vào đầu thập niên 2000 và gia nhập chi nhánh cực đoan, được đặt tên là Buttes-Chaumont (Paris), trước khi gia nhập tổ chức khủng bố Al Qaida ở Irak. Bị quân đội Irak bắt vào năm 2004, Peter Chérif đã trốn khỏi nhà tù Abou Ghraib cùng với vài chục kẻ khủng bố khác.
Trả lời đài phát thanh RTL sáng 21/12, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly đánh giá việc bắt được tòng phạm Peter Chérif « chứng tỏ cuộc chiến chống khủng bố là một hành động lâu dài, và khi chúng ta duy trì được cam kết và quyết tâm này thì chúng ta sẽ đạt được kết quả ».
Theo nguồn tin từ chính phủ của tuần báo Marianne, Peter Chérif, vốn bị truy nã quốc tế, đang nằm trong tay cảnh sát Pháp và chờ được dẫn độ về Pháp.
Liên quan đến vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo, các thẩm phán chống khủng bố hy vọng phiên tòa xét xử sẽ diễn ra vào năm 2020.
Pháp: Noël tương ái với trẻ nghèo
của học sinh trường Sacré Cœur Versailles
Thời tiết âm u, giá lạnh trong một chiều đông tháng 12 không làm học sinh trường cấp II Sacré Cœur ở Versailles nhụt chí để tổ chức phiên chợ Noël cuối năm. Như thông lệ, hai lần một năm, các em lại có dịp gây quỹ để ủng hộ một tổ chức từ thiện.
Ủng hộ trẻ em nghèo ở Rumani là hoạt động thường xuyên của hiệp hội của trường Sacré Cœur Versailles, nhưng vào dịp hội chợ Noël, mỗi lớp có thể quyên tiền cho một hiệp hội khác, theo lời kể với RFI tiếng Việt của Bảo Nam và Benoît, đôi bạn thân học chung lớp Chín – 3H :
« Hàng năm, trường của con tổ chức hội chợ Noël. Mỗi lớp tổ chức theo một chủ đề cụ thể, theo ý muốn của cả lớp và nhằm mục đích quyên góp cho một hiệp hội mà lớp đã biểu quyết chọn trước đó. Ví dụ năm nay, lớp của con tổ chức bán đồ ăn, bánh cupcake, bánh quy (cookie) và một vài đồ khác, như thiệp chúc mừng Noël. Tất cả đều là đồ thủ công ».
Điều đáng chú ý là tất cả đều do các em tự lên kế hoạch, tự làm, kể cả khâu chuẩn bị gian hàng cho hội chợ, như giải thích của Benoît :
« Để chuẩn bị tổ chức chợ Noël, vào đầu tuần, chúng con điền vào một danh sách những gì mà chúng con có thể làm hoặc có thể mang đến. Ví dụ con và một vài bạn khác làm xiên kẹo. Cái này đơn giản, con chỉ việc xâu kẹo vào xiên tre, kẹo thì chúng con mua sẵn, và chúng con làm được rất nhiều xiên kẹo nhiều mầu bắt mắt. Con không mất nhiều thời gian lắm vì chẳng có gì là khó cả, chỉ việc xiên kẹo thôi, hình như con mất mỗi 30 phút để làm khoảng 20 xiên kẹo ».
Riêng Bảo Nam, có năng khiếu và thích hội họa, tối muộn hôm trước, vẫn miệt mài vẽ 10 tấm thiệp về 10 phong cảnh, nhân vật khác nhau, phù hợp đúng thị hiếu của các bạn cùng trường :
« Về phần con, con tự vẽ thiệp chúc mừng Giáng Sinh. Con làm khoảng 10 chiếc và hình như là con bán được một nửa. Để vẽ 10 chiếc thiệp, con mất khoảng 4 tiếng vừa vẽ, vừa cắt tỉa. Một nửa số tranh là phong cảnh như núi và tuyết, nửa còn lại, con vẽ một số nhân vật truyện tranh vì con biết là thu hút được học sinh ».
Tự chọn tổ chức để làm từ thiện
Theo Benoît, cả lớp bàn với nhau và cùng đưa ra quyết định chọn hội từ thiện mà các em muốn ủng hộ. Đây cũng là một trong những mục tiêu giáo dục của trường : cởi mở với người khác bất kể nguồn gốc và văn hóa của họ, chia sẻ và tương ái. Năm nay, cả lớp 3H chọn gây quỹ cho hội Les Enfants du Mékong (Trẻ em ở vùng Mêkông) :
« Năm ngoái, chúng con được xem một phóng sự về hiệp hội Les Enfants du Mékong. Bộ phim đã thu hút chúng con, vì thế năm nay, cả lớp quyết định quyên góp cho hội nhân dịp hội chợ Noël của trường. Ngoài ra còn có một người đại diện của hội đã đến để giới thiệu về hội. Ông ấy từng đạp xe xuyên suốt nhiều địa điểm ở Việt Nam và ông ấy giúp đỡ người dân địa phương ».
Cả chiều thứ Sáu 07/12, sân trường Sacré Cœur biến thành khu hội chợ, rộn ràng trong tiếng nhạc Giáng Sinh. Không khí Noël như ùa về với những cây thông xanh mướt mắt và đèn hoa giăng khắp nơi. Tiếng trẻ em ríu rít, mua và bán, tiếng phân công nhiệm vụ và bình luận về các mặt hàng. Bảo Nam cho biết tiếp :
« Lớp con có 32 học sinh, chúng con tổ chức thành từng nhóm nhỏ. Vì chợ kéo dài 3 tiếng, nên cứ 20 phút, các nhóm thay nhau đứng coi gian hàng. Gian hàng của chúng con đơn giản lắm, được làm từ hai chiếc bàn. Sau đó, chúng con bầy tất cả đồ mà chúng con làm lên trên đó, ví dụ như bầy đồ ăn lên khay.
Không khí chợ vui lắm ! Cả một giàn loa lớn được đặt ở sân trường và bật nhạc Giáng Sinh. Sân trường được trang trí bằng những quả bóng Noël với vài cây thông. Trường còn có cả một chỗ bán cây thông Noël. Ngoài ra, còn có cả một gian bán đồ cũ. Và tất cả đều do học sinh đảm nhiệm. Vì một chiếc thiệp hoặc một cây thông đều là những thứ mọi người đều cần, thêm vào đó là mua ủng hộ một hiệp hội nên điều này càng khuyến khích người mua hơn. Cuối cùng là giá cả cũng không quá cao ».
Hành động thực tiễn hiệu quả hơn lý thuyết
Tổng số tiền học sinh lớp 3H thu được cuối ngày là 140 euro và toàn bộ số tiền được dành cho hội Les Enfants du Mékong. Chị Thùy Dương, phụ huynh em Bảo Nam, cho biết khoản tiền tuy nhỏ, nhưng mang ý nghĩa rất lớn :
« Mình thấy rằng trong các trường cấp II, thậm chí là cả cấp I, đội ngũ giáo viên rất nhiệt tình trong các hoạt động, tạm gọi là « bên lề », đặc biệt là nếu những hoạt động đó phục vụ cho mục đích nhân đạo, các tổ chức giúp đỡ trẻ em nghèo ở Đông Âu hay ở châu Á, kể cả ở Việt Nam.
Ví dụ, trường của Bảo Nam, ngoài hội chợ Noël hàng năm, thì còn có hội chợ cuối năm, các con tham gia một số hoạt động, tổ chức trò chơi, bán các đồ mình tự làm, tự sản xuất ra rồi lấy tiền đó đóng góp từ thiện. Mình thấy hoạt động đó rất có ý nghĩa, sự giáo dục cho trẻ nhỏ có ý nghĩa rất cao qua những hành động rất thực tiễn như thế. Khi nhìn thấy con ngồi vẽ, mình cảm thấy rất hay.
Qua những hoạt động như thế, nhà trường đã giáo dục cho các con tinh thần tương thân tương ái, mà nhiều khi, không cần bằng lý thuyết sáo rỗng, mà giống như tự ngấm vào người các con, vì thế, mình thấy rất thú vị và rất hay, mình đánh giá rất cao ».
Không chỉ học sinh của trường tham gia làm từ thiện, các bậc phụ huynh cũng được huy động chung tay gây quỹ thiện nguyện của trường, qua việc mua cây thông trang trí Giáng Sinh.
« Trong trường có một tổ chức chuyên làm hoạt động từ thiện tại vì đây là một trường Thiên Chúa giáo thành ra hoạt động từ thiện được họ phát triển rất rộng rãi. Ví dụ như trong hội chợ cuối năm, họ duy trì một hoạt động từ khi trường được mở ra đến giờ, đó là họ mua cây thông Noël từ những nguồn rất tốt. Lúc đầu nhà mình chỉ mua với mục đích ủng hộ trường của con thôi, nhưng về sau rất hài lòng vì cây rất xanh, xanh đến gần hai tháng sau mới úa.
Vì trường còn làm thêm hoạt động đó, nên cứ trước Noël khoảng một tháng, trường gửi giấy để đặt cây, với kích cỡ nào, giá bao nhiêu… Các gia đình, bố mẹ mà cần thì điền vào tờ giấy đó, rồi thả vào thùng thư của trường. Đúng ngày chợ Noël diễn ra thì cũng là ngày đến lấy cây thông về. Toàn bộ số tiền thu được của việc bán cây thông cũng hoàn toàn được dành cho một tổ chức ủng hộ cho trẻ em nghèo ở Rumani. Đó là tổ chức đã hoạt động và làm việc với trường từ những ngày đầu trường mở ra ».
Bỉ rơi vào khủng hoảng chính trị
vì hiệp ước di trú quốc tế
Hiệp ước di trú quốc tế, hay còn gọi là hiệp ước Marrakech, đã được chính thức thông qua với đa số phiếu thuận tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 19/12/2018. Hiệp ước này không mang tính cưỡng chế, mà chỉ tạo điều kiện để các nước tăng cường hợp tác quốc tế, điều phối, quản lý tốt hơn hồ sơ di dân. Tuy nhiên, trong những tuần qua, hiệp ước Marrakech đã làm dấy lên nhiều tranh cãi chính trị, thậm chí gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị tại Bỉ.
Sau khi chính phủ Bỉ quyết định phê chuẩn Hiệp ước Di trú quốc tế của Liên Hiệp Quốc hồi tuần trước, hàng loạt bộ trưởng là thành viên đảng Liên minh Flamand mới (N-VA) chống Hiệp ước Di trú quốc tế đã rút khỏi chính phủ liên minh vì cho rằng hiệp ước Marrakech sẽ thúc đẩy làn sóng di dân ồ ạt ngoài vòng kiểm soát. Việc đảng N-VA rời khỏi liên minh cầm quyền khiến chính phủ liên bang của Bỉ không còn đủ đa số tại Hạ Viện. Về phía dân chúng, hôm 16/12, tại thủ đô Bruxelles, 5.500 người dân đã xuống đường biểu tình chống Hiệp ước di trú quốc tế.
Hôm 18/12, sau 4 năm lãnh đạo chính phủ, thủ tướng Bỉ Charles Michel đã thông báo từ nhiệm trước Hạ Viện và đến Hoàng cung chính thức đệ đơn từ chức lên nhà vua Philippe. Charles Michel, 43 tuổi, là thủ tướng trẻ nhất nước Bỉ tính từ năm 1840. Quyết định từ chức của thủ tướng Michel khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra khủng hoảng như hồi năm 2010-2011, khi tình trạng không chính phủ kéo dài suốt 541 ngày.
Cho đến hôm nay, sau khi tham vấn chủ tịch của các chính đảng, vua Philippe vẫn chưa ra quyết định chính chức phê chuẩn hay từ chối đơn từ nhiệm của thủ tướng Michel, điều đó có nghĩa là chính phủ vẫn tạm thời hoạt động. Tuy nhiên, quyết định từ chức của thủ tướng Michel có thể đẩy chính trường Bỉ vào tình trạng bất định.
RFI trích dịch bài viết « Bỉ : 5 câu hỏi để hiểu thêm về vụ giải tán chính phủ của thủ tướng Charles Michel », đăng ngày 19/12/2018 trên trang web của kênh truyền hình Pháp FranceInfo.
Liên minh cầm quyền ở Bỉ gồm những đảng nào ?
Thủ tướng Charles Michel lãnh đạo chính phủ liên minh từ năm 2014. Liên minh này gồm đảng của ông là đảng Phong trào cải cách (MR), đảng Liên Minh Flamand mới (N-VA), đảng Dân Chủ – Thiên Chúa Flamand và đảng Flamand tự do.
Nhưng vào ngày 09/12, năm bộ trưởng và quốc vụ khanh thuộc đảng N-VA đã xin từ chức. Thủ tướng Charles Michel đã buộc phải công bố thành phần nội các mới, gọi là nội các « Michel 2 » không có đảng N-VA, vốn là một đảng giữ vai trò quan trọng trong chính phủ liên minh trước đó.
Những lý do nào thúc đẩy thủ tướng từ chức ?
Lý do thứ nhất là hiệp ước di trú quốc tế, còn được gọi là hiệp ước Marrakech, đã gieo rắc sự bất đồng trong liên minh cầm quyền. Mặc dù hiệp ước không mang tính cưỡng chế, nhưng đảngLiên Minh Flamand mới (N-VA) đã bác bỏ nội dung hiệp ước, sau thời gian ủng hộ ban đầu. Theo N-VA, hiệp ước Marrakech mở ra con đường khiến các nước tham gia hiệp ước mất quyền tự chủ về chính sách đón nhận di dân.
Mặc dù không có sự ủng hộ của đảng N-VA, Charles Michel vẫn quyết tâm tham gia hiệp ước Marrakech. Chỉ một hôm trước ngày thủ tướng Bỉ sang Maroc ký hiệp ước, đảng N-VA quyết định rút khỏi liên minh cầm quyền. Kết quả là chính phủ không còn đủ đa số ở Hạ Viện.
Không còn đủ đa số tại Hạ Viện, nhiệm vụ thông qua dự thảo ngân sách cho năm 2019 tại Hạ Viện đã trở nên rất phức tạp đối với thủ tướng Charles Michel. Vì thế, trước đó, đảng Liên Minh Flamand mới (N-VA) do Bart De Wever, thị trưởng thành phố Anvers, lãnh đạo đã đặt ra một số điều kiện để tiếp tục ủng hộ chính phủ « Michel 2 » và thông qua dự thảo ngân sách 2019.
Lãnh đạo đảng Liên Minh Flamand mới, Bart De Wever, muốn mở lại các cuộc đàm phán để sửa đổi Hiến pháp, đồng thời yêu cầu chính phủ từ bỏ việc tham gia hiệp ước di trú quốc tế. Thủ tướng Charles Michel phản đối, coi đó là « sự dọa dẫm » và những đòi hỏi « không thể chấp nhận được ».
Vì không có đa số, hôm thứ Ba (18/12), thủ tướng Charles Michel đã muốn bắt tay hợp tác với phe đối lập tại Hạ Viện. Ông kêu gọi hợp tác vì « lợi ích của đất nước và các công dân ».Nhưng lời kêu gọi của ông không mang lại kết quả tích cực. Đảng Xã hội và Môi trường đã đưa ra một kiến nghị « bất tín nhiệm » thủ tướng. Charles Michel tuyên bố từ chức và đến gặp nhà vua đệ đơntừ nhiệm.
Các kỳ bầu cử mới sẽ được tổ chức ?
Cuộc bầu cử lập pháp được dự kiến tổ chức vào tháng 05/2019. Nhưng nếu nhà vua chấp nhận đơn xin từ chức của thủ tướng Charles Michel, thì các cuộc bầu cử trước thời hạn có thể sẽ diễn ra. Nhà chính trị học Dave Sinardet giải thích trên đài RTL Info : « Nhà vua có thể quyết định như thế, nhưng chỉ với điều kiện đa số dân biểu cũng phải thông qua việc giải tán Hạ Viện để bầu mới. Nhưng liệu đa số dân biểu có thực sự muốn tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn hay không ? Đó là sự lựa chọn của đảng N-VA, nhưng các đảng khác thuộc phe đối lập có thực sự muốn đi theo hướng này không ? Đó lại là một câu hỏi khác ».
Chính trị gia Pascal Delwit trong bài phân tích trên báo kinh tế Les Echos thì không tin vào khả năng tổ chức bầu cử trước thời hạn : « Nhà vua sẽ không từ chối đơn từ chức của thủ tướng Charles Michel. Và chính phủ tiếp tục điều hành đất nước ở chế độ tạm quyền, cho đến tháng 05/2019. »
Tình trạng này đã từng xảy ra tại Bỉ ?
Cuộc khủng hoảng kiểu này không phải là lần đầu tiên trong lịch sử vương quốc Bỉ. Đất nước này đã nhiều lần trong tình cảnh không có chính phủ. Giai đoạn dài nhất kéo dài đến 541 ngày trong hai năm 2010-2011.
Bỉ đã quen với việc chính phủ chỉ điều hành đất nước ở chế độ tạm quyền. Đó là vào các năm 1978, 1992 và 2007. Tuy nhiên, cơ chế này cũng không ngăn cản chính phủ đưa ra các quyết định quan trọng trong trường hợp cần thiết. Đài RTBF của Bỉ nhấn mạnh : « Trong vòng 541 ngày chính phủ điều hành đất nước ở chế độ tạm quyền, dự thảo ngân sách năm 2011 cũng được thông qua, Bỉ cũng giữ trọng trách là nước chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên Hiệp Châu Âu. »
Phản ứng của chính giới và báo chí như thế nào ?
Mặc dù tình trạng này không phải là chưa từng xảy ra, nhưng vẫn gây ra rất nhiều phản ứng. Phe đối lập hoan nghênh quyết định từ chức của thủ tướng. Đồng chủ tịch đảng Môi Trường, Jean-Marc Nollet phát biểu là mọi chuyện đã rõ ràng, thủ tướng không còn được tin tưởng. Đảng N-VA thì hy vọng giai đoạn sắp tới sẽ không phải là « 5 tháng rối ren ».
Tuy nhiên, báo chí lại có cái nhìn nghiêm khắc hơn về « cuộc khủng hoảng chính trị lần thứ n »tại Bỉ. Báo Pháp Les Echos gọi đó là « chủ nghĩa siêu thực theo kiểu Bỉ ». Nhật báo Le Soir của Bỉ đánh giá tình hình đã lên tới « cực điểm của sự phi lý ». Nhật báo La Libre Belgique dự báo « các phe cực đoan, cả cực hữu lẫn cực tả sẽ phát triển mạnh » vàBỉ sẽ là « một đất nước không thể lãnh đạo được ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181221-bi-roi-vao-khung-hoang-chinh-tri-vi-hiep-uoc-di-tru-quoc-te
Bắc Kinh bác ‘vu khống’ của Mỹ và đồng minh
tố TQ gián điệp kinh tế
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu, 20/12, nói họ kiên quyết phản đối các cáo buộc “vu khống” của Hoa Kỳ và các đồng minh khác chỉ trích Trung Quốc về gián điệp kinh tế, đồng thời kêu gọi Washington rút lại các cáo buộc.
“Hoa Kỳ cũng cần rút lại cáo buộc đối với hai công dân Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao nước này nói. Bộ khẳng định rằng Trung Quốc chưa bao giờ tham gia hoặc hậu thuẫn bất kỳ hành vi đánh cắp bí mật thương mại nào, và cho biết Bắc Kinh đã chính thức phản đối Washington “một cách nghiêm khắc”.
“Chúng tôi kêu gọi phía Hoa Kỳ sửa chữa ngay lập tức các hành động sai lầm của họ và chấm dứt những lời vu cáo bôi nhọ Trung Quốc liên quan đến an ninh mạng”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ quan điểm, và nói thêm rằng họ sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh mạng và các lợi ích của chính mình.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, lâu nay có một “bí mật mà ai cũng biết” đó là các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đã xâm nhập và nghe trộm các chính phủ, công ty và cá nhân nước ngoài.
“Phía Hoa Kỳ đưa ra những lời chỉ trích vô cớ về Trung Quốc nhân danh cái gọi là ‘ăn cắp trên mạng’. Mỹ đổ lỗi cho người khác trong khi chính họ là kẻ phải chịu trách nhiệm, và chính họ lừa dối chính mình. Trung Quốc hoàn toàn không thể chấp nhận điều này”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Các công tố viên Hoa Kỳ đã truy tố hai công dân Trung Quốc có mối liên hệ với cơ quan tình báo thuộc Bộ Công an Trung Quốc về tội đánh cắp dữ liệu mật từ các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ trên khắp thế giới.
Các công tố viên cáo buộc Chu Hoa và Trương Kiến Quốc là tham gia các vụ tấn công mạng vào Hải quân Hoa Kỳ, cơ quan vũ trụ NASA và Bộ Năng lượng, cũng như hàng chục công ty Mỹ.
Anh, Úc và New Zealand đã góp tiếng với Hoa Kỳ, chỉ trích gay gắt Trung Quốc về điều mà họ gọi là ‘chiến dịch toàn cầu đánh cắp tài sản trí tuệ thương mại qua mạng’. Động thái này báo hiệu có sự phối hợp toàn cầu ngày càng chặt chẽ chống lại các hành vi ăn cắp thông tin trên mạng.
TQ nói ngư lôi Yu-6 chỉ để huấn luyện
và ‘bị dòng biển đẩy tới VN’
Truyền thông Trung Quốc trích lời giới chức Trung Quốc nói trái ngư lôi ở bờ biển Phú Yên “do dòng hải lưu đẩy tới Việt Nam” từ phía Đông Bắc đảo Hải Nam.
Theo bài trên Tân Hoa Xã và trang Sina Weibo hôm 21/12/2018, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói đây đúng là ngư lôi loại Yu-6 của Hải quân Quân Giải phóng.
Ngư lôi Yu-6 từ tàu ngầm TQ dạt vào Phú Yên?
TQ tăng hiện diện quân sự tại đảo Hải Nam?
Hàng không mẫu hạm Trung Quốc mạnh cỡ nào?
Họ cho biết đây chỉ là loại ngư lôi huấn luyện, không có nhắm vào mục tiêu nào cả.
Cũng không như một số suy đoán trên mạng xã hội Việt Nam về chuyện “hải quân Trung Quốc bắn tập gần Cam Ranh”, giới chức Trung Quốc nói đây là ngư lôi “bị thất lạc” sau một cuộc huấn luyện ở phía Đông Bắc đảo Hải Nam.
Tuy không nói rõ hơn về chi tiết sự kiện đó, bài trên Tân Hoa Xã nói cuộc diễn tập này xảy ra “ngay vùng phụ cận đảo Hải Nam”.
Bài cũng nói vị́ trí của bờ biển Phú Yên, nơi trái ngư lôi “được ngư dân Việt Nam tìm thấy”, nằm trên 500 hải lý về “phía Tây của quần đảo Tây Sa”, tên Trung Quốc gọi Hoàng Sa.
Mất cả ngư lôi mà không biết?
Phần bình luận của trang Weibo hiện có nhiều chỉ trích Hải quân Trung Quốc.
Một số người bình luận tiếng Trung cười nhạo “Công nghệ tinh tế thật nhỉ, để đến nỗi mất tích không tìm ra”, và yêu cầu “kỷ luật giới quân sự”.
Người khác thì hỏi vậy người Việt Nam sẽ học được gì khi mở trái ngư lôi “lạc lối” này ra xem.
Bài trên trang mạng tiếng Trung cũng mô tả khá kỹ các thế hệ ngư lôi mà Hải quân Quân Giải phóng Trung Quốc (PLAN) đã và đang sử dụng.
Họ cũng viết Yu-6 (Ngư 6) là thế hệ tương ứng với ngư lôi Mark-48 của Hoa Kỳ.
Các trang về công nghệ quốc phòng phương Tây cho hay Yu-6 (鱼 Ngư-6) là loại ngư lôi thế hệ mới, trang bị cho tàu ngầm, để chống hạm và chống tàu ngầm.
Yu-6 dùng bộ vi mạch Intel để dẫn đường, cao cấp hơn Yu-4 vẫn dùng công nghệ Liên Xô cũ.
Các trang mạng Trung Quốc nói chung thường chú ý đến hoạt động hải quân tại khu vực Biển Đông mà họ gọi là Nam Hải.
Hồi tháng 3/2018, Hải quân Trung Quốc đưa tàu Liêu Ninh và nhiều chiến hạm, tàu ngầm, máy bay vào phô trương ở Biển Đông để khẳng định chủ quyền.
Từ đó đến nay, các quốc gia khác như Hoa Kỳ, và sau là Anh, Nhật, Pháp đều cử tàu đến đây để đề cao nguyên tắc coi tự do hàng hải trong vùng biển này là vấn đề quốc tế.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46651390
Ẩn ý sau bài phát biểu 80 phút của ông Tập Cận Bình
báo hiệu “sóng gió” Mỹ-Trung kế tiếp
Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình xoay quanh những thành tựu của Trung Quốc nhưng không hề vạch ra chính sách kinh tế mới.
Bất cứ ai cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nhanh chóng lùi bước trong cuộc chiến thương mại với Tổng thống Donald Trump đều nên suy nghĩ lại.
Hôm qua, 18/12, ông Tập đã phát biểu trước cử tọa gồm rất nhiều yếu nhân trong giới chính trị, quân sự, kinh doanh rằng, quyền lực và sự giàu có ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã chứng thực cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc – cũng có nghĩa là sự lãnh đạo của ông.
“Không ai có quyền ra lệnh cho người Trung Quốc điều gì nên làm hay không nên làm”, ông Tập nói.
Bài phát biểu 80 phút của ông Tập xoay quanh những thành tựu nhưng không hề vạch ra những chính sách kinh tế mới, có khả năng xoa dịu những lo ngại của các nhà đầu tư về việc tiếp cận thị trường hay tình trạng nền kinh tế tăng trưởng chậm. Thay vào đó, ông tái khẳng định: Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi “sáng kiến nội địa” trong “những ngành công nghệ lõi”.
Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm “Cải cách và Mở cửa” của Đặng Tiểu Bình, chiến dịch đã giải phóng sự bùng nổ công nghiệp, giúp Trung Quốc vượt qua Liên Xô và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, trong những ngày tháng cuối cùng của năm biến động nhất với ông Tập kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, sự kiện này còn đóng vai trò xác lập quyền lực ở trong nước và đẩy lùi làn sóng chỉ trích ở nước ngoài.
Quyền lực cứng
Trong 12 tháng qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ – vốn được đặt ra dưới thời Đặng Tiểu Bình, và cũng là rào cản pháp lý duy nhất đối với quá trình cầm quyền của ông – để rồi mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại chưa từng có với Tổng thống Trump.
Ông Tập đã quyết định giảm thiểu kế hoạch thống trị các ngành công nghiệp công nghệ cao và xem xét lại sáng kiến thương mại hạ tầng nổi tiếng của mình, Vành đai – Con đường, trong bối cảnh nổi lên những xì xào bàn tán về việc, liệu ông Tập có vội vàng bỏ qua lời khuyên “giấu mình, chờ thời” mà ông Đặng dành cho Trung Quốc hay không.
“2018 là một năm khó khăn đối với Tập Cận Bình”, Trey McArver, nhà đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China nhận định.
“Câu hỏi đặt ra là hệ thống sẽ phản ứng như thế nào với tất cả những vấn đề đang nổi lên. Liệu hệ thống có điều chỉnh không? Hay những vấn đề ấy sẽ gây ra những rạn nứt trong hệ thống và hủy hoại quyền lực của ông Tập, cũng như dự án to lớn của ông?”
Thay vì rút lui, Tập Cận Bình lại cam kết sẽ tiến lên phía trước. Ông dành nhiều thời lượng của bài phát biểu để nói về quyền lực tối cao của Đảng và sự cần thiết của việc thúc đẩy tư tưởng Marx.
“Việc cải cách cái gì và làm như thế nào phải dựa vào mục tiêu bao quát của quá trình cải thiện và phát triển hệ thống xã hội chủ nghĩa với những đặc tính của Trung Quốc, đồng thời hiện đại hóa năng lực và hệ thống quản lý của đất nước “, ông Tập nói.
“Chúng ta sẽ kiên quyết cải tổ những gì có thể hoặc nên thay đổi, nhưng sẽ không bao giờ cải tổ những gì không được thay đổi”.
Những sự kiện lần này nhấn mạnh quyền lực cứng, cũng như những thành tựu kinh tế của Trung Quốc, cho thấy một góc nhìn khác vào những nỗ lực gần đây của nước này nhằm cải thiện quan hệ với những đối thủ như Ấn Độ, Nhật Bản, hoặc hạ giọng khi nhắc tới những sáng kiến bị Mỹ chỉ trích như Made in China 2025, hay Vành đai – Con đường.
Nhìn từ phát ngôn của ông Tập trước các đại biểu Trung Quốc thì đây có vẻ là những thay đổi chiến lược nhằm hạn chế xung đột, chứ không phải sửa đổi lộ trình.
Trì hoãn khủng hoảng
Thật ra, cho tới thời điểm này, ông Tập đã khá thành công khi thu vén quyền lực và giữ mức tăng trưởng chậm của nền kinh tế trong tầm kiểm soát. Những “cử chỉ” của ông trong lĩnh vực thương mại vừa đủ để giúp ông có được 90 ngày đình chiến thuế quan với ông Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Argentina hồi đầu tháng này.
Mỹ và Trung Quốc dự tính sẽ tiến hành các cuộc gặp vào tháng tới để đàm phán một thỏa thuận đình chiến lâu dài hơn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho hay.
“Mặc dù gặp phải những trở ngại rõ rệt về kinh tế, bao gồm cả việc bùng phát chiến tranh thương mại với Mỹ, ông Tập và đội ngũ kinh tế của mình đã tìm cách tránh được một cơn suy thoái kinh tế hoặc sụp đổ lòng tin ở các nhà đầu tư”, Jude Blanchette, chuyên gia nghiên cứu chính sách Trung Quốc của trung tâm tư vấn Crumpton Group đánh giá.
“Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng được né tránh không khác nào một cuộc khủng hoảng được trì hoãn”.
Sự bùng nổ được giải phóng do những cải cách của Đặng Tiểu Bình đã mở ra rất nhiều vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt ngày hôm nay, bao gồm cả tình trạng ô nhiễm trầm trọng, núi nợ cùng tầng lớp trung lưu khổng lồ với nhu cầu chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội ngày càng tăng.
Thất bại trong việc kiểm soát suy thoái kinh tế có thể hủy hoại một cột trụ quan trọng trong giới lãnh đạo.
Một quan chức Trung Quốc từng nói với Bloomberg rằng, những lo ngại về nền kinh tế đã làm giảm bớt sự quan tâm của công chúng với lễ kỷ niệm lần này. Nhiều người lo sợ trước viễn cảnh khu vực tư bị thu hẹp bởi chính phủ chuyển hướng hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng sẽ khiến nước này gặp phải những thách thức mới từ Mỹ và các nền kinh tế khác, vốn xem Bắc Kinh là một đối thủ, chứ không phải nguồn nhân công và hàng hóa giá rẻ.
“Trung Quốc đã bước vào trung tâm cạnh tranh toàn cầu về quyền lực, sự giàu có và những lợi ích khác”, Zhu Feng, trưởng khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Nam Kinh nhận định.
“Hiện nay, thách thức lớn nhất với chính sách đối ngoại của Trung Quốc là vì được đặt ở vị trí quá cao. Trung Quốc cần nhớ một điều rằng, khi trở thành cường quốc cũng là khi các nước khác bắt đầu trở nên khó khăn”.
Năm 2019, TQ làm gì để đối phó với tác động
của chiến tranh thương mại?
Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (CEWC) khai mạc tại Trung Quốc trong tuần này được dự đoán sẽ nâng mức thâm hụt ngân sách cao hơn và hạ thấp mục tiêu tăng trưởng trong năm tới.
Tháng 12 hàng năm, an ninh xung quanh khách sạn Jingxi (Tĩnh Tây) ở Bắc Kinh được thắt chặt đặc biệt, dấu hiệu cho thấy sự kiện hoạch định chính sách kinh tế quan trọng bậc nhất của Trung Quốc sắp sửa diễn ra.
Khách sạn do quân đội điều hành này nằm cách trụ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc khoảng 3km, là địa điểm tổ chức thường niên của CEWC. Tuy nhiên, khác với những lần họp trước, chương trình nghị sự năm nay được cho là sẽ chỉ xoay quanh câu hỏi làm thế nào để đối phó với những thiệt hại đang gia tăng đối với nền kinh tế trong nước do cuộc chiến thương mại với Mỹ gây ra.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho rằng không có câu trả lời dễ dàng nào cho câu hỏi trên song những ưu tiên về mặt chính sách Bắc Kinh triển khai sẽ được công chúng nước này theo dõi chặt chẽ. Người dân Trung Quốc đang ngày càng quan tâm hơn đến tác động của chiến tranh thương mại lên công ăn việc làm và tài chính của họ.
“Chính phủ nên chuẩn cho cả hai tình huống (đàm phán thương mại thành công hoặc thất bại) và đặt ra sức ép đặc biệt đối với bình ổn kinh tế nội địa”, ông Tang Jianwei – Phó Trưởng ban nghiên cứu tại Bank of Communications của Trung Quốc.
Trước thềm hội nghị, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 13/12 rằng Trung Quốc sẽ cố gắng để phát triển “một thị trường nội địa mạnh mẽ” như một biện pháp để bù đắp những bất ổn bên ngoài trong năm tới, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm của Bắc Kinh nhằm giảm thiểu tác động từ căng thẳng thương mại lên nền kinh tế trong nước.
Ông Tang nhận định, bất chấp tình trạng căng thẳng mậu dịch với Washington, hội nghị thường niên CEWC sẽ tập trung vào các chính sách để xây dựng một nền tảng kinh tế vững chắc hơn là đối phó với sự thay đổi nhanh chóng cùng những kết quả không thể lường trước trong đàm phán với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Ông Zhang Jun, nhà kinh tế cấp cao tại Trung tâm tài chính Morgan Stanley Huaxin Securities cho biết tất cả những gì Bắc Kinh có thể làm lúc này là xây dựng một hàng rào đủ mạnh để ngăn chặn chiến tranh thương mại phát triển thành một mối nguy cơ đối với toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. “Chúng ta đã chứng kiến nhiều điều không lường trước trong năm nay. Không ai có thể đảm bảo 100% về điều gì sẽ xảy ra năm tới, từ kinh tế toàn cầu đến đàm phán thương mại Trung Quốc – Mỹ”, ông nói.
“Bộ Chính trị thảo luận công tác kinh tế nhiều hơn tại các cuộc họp quý đã thu hút phần lớn sự chú ý của thị trường và chắc chắn đã hạ thấp những kỳ vọng dành cho hội nghị công tác kinh tế thường niên, ông Zhang nói.
Những chính sách kinh tế được quyết định tại CEWC – thường kéo dài hai ngày – sẽ được Hãng thông tấn nhà nước Xinhua tổng hợp thành một báo cáo. Các hướng dẫn cụ thể trên sau đó sẽ được chuyển nội bộ đến từng bộ, ngành cũng như từng chính quyền thành phố và địa phương trong vòng hai tháng tiếp theo để đảm bảo sẽ được triển khai đúng đắn.
Có một sự đồng thuận giữa các tổ chức tài chính ở Trung Quốc rằng CEWC sẽ công bố thâm hụt ngân sách của chính phủ cao hơn mục tiêu năm nay là 2,6% tổng sản phẩm quốc nội để cho phép chi tiêu tài chính nhiều hơn, đồng thời cắt giảm thuế lớn hơn khoản 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 174 tỷ USD) áp dụng trong năm nay.
Chuyên gia Zhang tại Morgan Stanley Huaxin Securities cho biết thêm sẽ có thêm ba hoặc bốn đợt giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng trung ương trong năm tới để bù đắp tác động thanh khoản của các khoản vay trung hạn song lập trường chính sách tiền tệ nói chung sẽ vẫn trung lập.
China International Capital Corp – công ty môi giới chứng khoán hàng đầu của Trung Quốc – nhận định chính phủ sẽ giảm thuế giá trị gia tăng 2% và mức đóng góp an sinh xã hội 5% năm 2019: cả hai động thái điều chỉnh trên đều hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn.
Suốt tháng 11 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ hỗ trợ các công ty tư nhân – nạn nhân chính của chiến tranh mậu dịch Mỹ – Trung, khi Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định tầm quan trọng của họ đối với nền kinh tế cũng như hứa hẹn sẽ hỗ trợ tín dụng.
Tuần trước, việc Bộ An sinh Xã hội Trung Quốc tuyên bố sẽ từ bỏ một phần đóng góp bảo hiểm thất nghiệp của những chủ lao động cam kết không cắt giảm nhân công cho thấy nỗ lực mới nhất nhằm ổn định nền kinh tế của chính phủ đã tập trung vào thị trường việc làm.
Ông Louis Kuijs, chuyên gia kinh tế châu Á tại Oxford Economics, cho rằng Bắc Kinh đã bắt đầu thử nghiệm từ vài tháng trước về mức độ kích thích chính sách cần thiết để bù đắp được tác động tiêu cực của cuộc chiến mậu dịch.
Bắc Kinh đã thử nghiệm trong vài tháng qua, cần bao nhiêu chính sách kích thích để bù đắp tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại.
Trong một diễn biến được đánh giá nhằm xoa dịu tình trạng căng thẳng thương mại, Tạp chí Phố Uôn đưa tin tuần trước Bắc Kinh đã đồng ý hạ mức thuế nhập khẩu ô tô do Mỹ sản xuất từ 40% xuống 15% – hành động điều chỉnh đầu tiên được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 1/12 ở Argentina.
Ủy ban Xuất khẩu Đậu nành Mỹ cũng vừa thông báo chỉ trong vòng 24 giờ các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã mua 1,5 – 2 triệu tấn đậu nành của Mỹ và quá trình vận chuyển sẽ diễn ra trong quý đầu năm 2019.
Một chủ đề không thể tránh khỏi tại CEWC sẽ là câu hỏi liệu có nên hạ thấp mục tiêu tăng trưởng năm 2019 hay không, và nếu có thì bao nhiêu.
Tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại ở mức thấp trong thập kỷ là 6,5% trong quý 3 năm 2018, với các chỉ số cho những tháng đầu tiên của quý 4 cho thấy xu thế chậm lại sẽ vẫn tiếp tục. Các nhà phân tích dự đoán rằng tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong nửa đầu năm tới khi toàn bộ tác động của thuế quan Mỹ tác động toàn diện.
Một số nhà quan sát với lập trường bi quan đã dự báo tăng trưởng của Trung Quốc ở dưới 6% trong nửa đầu năm 2019 nếu tác động xấu từ cuộc chiến mậu dịch gia tăng cũng như các biện pháp kích thích do chính phủ thực hiện không thể vực dậy nền kinh tế.
Mặc dù Trung Quốc được cho là có nhiều công cụ chính sách và tài chính đầy đủ nhưng ông Kuijs cảnh báo rằng việc cắt giảm thuế để kích thích đầu tư không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả. “Bạn có thể giảm thuế cho các doanh nghiệp song họ sẽ không đầu tư nhiều hơn vì tâm lý lo ngại. Họ có thể chỉ cất (số tiền được giảm thuế) vào tài khoản ngân hàng”.
Tại CEWC 2017, Chính phủ Trung Quốc đã chú trọng cải cách cấu trúc chính sách hạ thuế để kích thích sản xuất và đầu tư, đồng thời tập trung vào ba nhiệm vụ chính của năm 2018: giảm nguy cơ đối với hệ thống tài chính, kiểm soát ô nhiễm và giảm bớt đói nghèo. Hai nhiệm vụ đầu tiên đã bị gác lại, phần lớn do cuộc chiến thương mại leo thang.
Nhật Bản chi số tiền khổng lồ
cho kế hoạch phòng thủ TQ và Triều Tiên
Lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, Nhật Bản đang cố gắng có được tàu sân bay để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Tokyo cũng có kế hoạch mua hơn 100 chiếc tiêm kích F-35. Đây là một phần của kế hoạch phòng thủ chiến lược, dự chi ở mức kỷ lục 242 tỷ USD.
Theo phê duyệt dự chi ngân sách quốc phòng ngày 18.12.2018, trong 5 năm, kể từ nay đến 2024, Nhật Bản sẽ chi một khoản tiền ở mức kỷ lục để mua sắm các thiết bị quân sự tiên tiến.
Kế hoạch chi tiêu ngân sách quốc phòng sẽ bao gồm việc mua lại hai tàu sân bay có khả năng mang theo máy bay tiêm kích đa nhiệm có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn.
Tàu sân bay đổ bộ trực thăng không có cầu nhảy hay thiết bị phóng máy bay, chỉ có khả năng phù hợp với máy bay tiêm kích có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL).
Hai tàu sân bay này không được đóng mới, mà được chuyển đổi từ hai tàu sân bay đổ bộ trực thăng lớp Izumo hiện đang trong biên chế của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản. Tàu có lượng choán nước 27.000 tấn, được đặt theo tên tỉnh Izumo cũ của Nhật Bản. Đây cũng là chiến hạm lớn nhất trong biên chế của Hải quân Nhật.
Tại thời điểm này, trong tất cả các quốc gia phương Tây, F-35 B của Mỹ là ứng cử viên duy nhất đáp ứng yêu cầu kỹ – chiến thuật này. Ngân sách quốc phòng khổng lồ của Nhật Bản trong thập kỷ tới dự chi cho việc mua sắm 42 máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5.
Khi được nâng cấp và trang bị máy bay tiêm kích tàng hình F-35B, các tàu đổ bộ lớp Izumo sẽ trở thành hàng không mẫu hạm đầu tiên của Nhật Bản kể từ khi kết thúc Thế chiến II.
Trong Thế chiến II, hải quân Đế quốc Nhật Bản có 10 tàu sân bay, trong đó có những tàu tham gia cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Sau thất bại trong Thế chiến II, hiến pháp Nhật Bản cấm mọi hình thức chiến tranh và cấm xây dựng một quân đội có khả năng tấn công.
Tới thời điểm hiện tại, thủ tướng Shinzo Abe đặc biệt nhấn mạnh đến việc từ bỏ điều khoản hòa bình trong Hiến pháp, viện dẫn các mối đe dọa mới từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Chính phủ của ông Abe đẩy mạnh việc mua sắm vũ khí tấn công, trong đó có tên lửa hành trình Tomahawk và máy bay F-35, đồng thời tổ chức huấn luyện quân đội để có thể tham gia các hoạt động viễn chinh nước ngoài.
Đầu năm 2018, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đưa vào hoạt động lữ đoàn lính thủy đánh bộ đầu tiên kể từ Thế chiến II. Lữ đoàn có quân số 2.100 binh sĩ, được trang bị mạnh, có nhiệm vụ bảo vệ các đảo xa phía tây nam Nhật Bản.
Kế hoạch sửa đổi điều 9 hiến pháp Nhật Bản của ông Abe đã gây nên nhiều cuộc biểu tình của nhân dân Nhật. Những cuộc biểu tình chống chiến tranh lôi kéo hàng nghìn người dân ở Tokyo và các thành phố khác tham gia.
Những người biểu tình cáo buộc chính phủ làm gia tăng căng thẳng và gây nguy cơ chiến tranh trong khu vực. Kế hoạch đưa quân đội Nhật Bản tham gia các hoạt động quân sự ở nước ngoài cũng là trọng tâm các cuộc biểu tình.
Ấn Độ “thắng đẹp”: TQ thất thế,
tổng thống Maldives buông lời làm Bắc Kinh nhói lòng
Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih gọi Ấn Độ là “người bạn thân thiết nhất” của Maldives, trong khi Ấn Độ hứa hỗ trợ láng giềng 1.4 tỉ USD – hãng AP đưa tin.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih (Ảnh: PMOIndia)
Tân tổng thống Maldives chọn Ấn Độ làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hồi tháng 9 trước tiền nhiệm Yameen Abdul Gayoom – người đã thúc đẩy đảo quốc này “xoay trục” mạnh mẽ về Trung Quốc trong nhiệm kỳ 5 năm của mình.
Ấn Độ đã đề nghị hỗ trợ Maldives 1.4 tỉ USD, động thái được cho là nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, cũng như làm giảm áp lực những khoản nợ “ngập đầu” mà Maldives phải trả cho Bắc Kinh.
Ông Solid cho biết sau cuộc hội đàm ngày 17/12 với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, rằng hai nước sẽ “tăng cường an ninh hàng hải” thông qua tuần tra, giám sát trên không và trao đổi thông tin.
“Ấn Độ là người láng giềng gần gũi nhất của chúng tôi và nhân dân hai nước được kết nối bằng tình hữu nghị và văn hóa thân cận,” Tổng thống Maldives nói. “Với những liên hệ gần gũi đó, thương mại và mậu dịch đã nở rộ. Ấn Độ không chỉ là người bạn tốt nhất, mà còn là một trong những đối tác lớn nhất của chúng tôi.”
Gói hộ trợ tài chính của Ấn Độ cho nước láng giềng bao gồm hỗ trợ ngân sách, các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ và hạn mức tín dụng. Thủ tướng Modi cũng đánh giá cuộc đối thoại với ông Solid là “thành công” và được xây dựng trên trình hữu nghị bền vững giữa hai nước.
“Chúng tôi muốn có liên hệ thương mại to lớn hơn với Maldives,” ông Modi nói. “Ngày càng có nhiều cơ hội cho các công ty Ấn Độ ở đảo quốc này, điều đó có lợi cho cả hai nước. Những lợi ích về an ninh của chúng tôi giao thoa với nhau, chúng tôi sẽ không cho phép đất nước mình bị lợi dụng vào những hoạt động gây tổn hại cho đối phương.”
New Delhi vẫn luôn xem đảo quốc láng giềng ở Ấn Độ Dương với dân số 400.000 người là một khu vực trong tầm ảnh hưởng của nước này. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng coi Maldives là nhân tố trọng yếu trên lộ trình triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” của chủ tịch Tập Cận Bình.
Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào dự án mở rộng sân bay, bất động sản và các hạng mục khác tại Maldives.
Chính sách đối ngoại của Maldives đã xoay chuyển đáng kể dưới thời ông Solid. Ông khẳng định các điều kiện của nước này đã “chín muồi” để đón nhận các khoản đầu tư từ Ấn Độ, và chính phủ cam kết cung cấp “bảo trợ pháp lý” cho các nhà đầu tư.
Trung tâm phát triển toàn cầu (CGD) ở Washington, Mỹ, ước tính tổng các khoản vay mà Trung Quốc đã cấp cho Maldives tối thiểu là 1.3 tỉ USD, bằng khoảng 1/4 GDP quốc đảo này.
Còn theo một kết quả khác, ông Solih đã gặp đại sứ Trung Quốc sau cuộc bầu cử ngày 23/9 và nhận được thông tin Maldives không chỉ nợ Trung Quốc 1.5 tỉ USD, mà con số thực tế đã “đội lên” tới gần 3 tỉ USD.
Việc Bắc Kinh khiến Maldives sa vào khoản nợ khổng lồ đã khiến New Delhi lo sợ về viễn cảnh Trung Quốc tìm cách đánh bật tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trên Ấn Độ Dương.
Cựu tổng thống “thân Trung Quốc” Yameen hiện đang bị điều tra hành vi tham nhũng, sau khi tòa án Maldives yêu cầu đóng băng các tài khoản có giá trị tới 6.5 triệu USD. Ông này đã bị cảnh sát thẩm vấn vào hôm 15/12.
Sau khi ông Solid nhậm chức hôm 17/11, chính phủ mới của Maldives đã lập tức xúc tiến ý định rút khỏi hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc bởi nhận thấy những vấn đề bất cân bằng trong thỏa thuận mới được ký chưa đầy 1 năm này.
Mahamed Nasheed, cựu tổng thống Maldives và là cố vấn của tân tổng thống Solid, nói rằng Trung Quốc “không mua gì” từ Maldives và hiệp định trên là “thỏa thuận một chiều”.
Chính quyền ông Solid cũng khẳng định không tiếp tục theo đuổi những thỏa thuận đầu tư không có giá trị kinh tế, đồng thời sẽ kiểm toán lại toàn bộ thỏa thuận do ông Yameen ký kết – được cho là đã dẫn đến làn sóng đầu tư cơ sở hạ tầng ồ ạt với nguồn vốn vay của Trung Quốc, khiến đất nước lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.