Tin khắp nơi – 21/12/2016
Áp lực TQ không ảnh hưởng
kế hoạch công du của Tổng thống Đài Loan
Trung Quốc phản đối Tổng thống Đài Loan quá cảnh Hoa Kỳ trên đường đi Châu Mỹ Latin vào tháng sau không làm trì hoãn kế hoạch chuyến đi và các địa điểm quá cảnh của nhà lãnh đạo Đài Loan sẽ sớm được thông báo trong vài ngày tới.
Văn phòng bà Thái Anh Văn ngày 20/12 loan báo Tổng thống Đài Loan sẽ lần lượt ghé thăm Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador trong chuyến công du này. Bà sẽ rời Đài Loan vào ngày 7/1 và trở lại vào ngày 15/1.
Khi được hỏi liệu trong số các địa điểm quá cảnh của bà Thái có Hoa Kỳ hay không, phát ngôn nhân văn phòng Tổng thống Đài Loan từ chối trả lời, chỉ cho biết danh sách các điểm quá cảnh sẽ được công bố trong vài ngày tới vì Bộ Ngoại giao đang làm việc với các nước đối tác.
Trung Quốc đã kêu gọi Hoa Kỳ chớ cho Tổng thống Đài Loan quá cảnh. Bắc Kinh xem đảo tự trị Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc.
Đáp câu hỏi liệu mọi việc có bị trì hoãn do áp lực từ Trung Quốc hay không, ông Alex Huang khẳng định hoàn toàn không có chuyện đó.
Mỹ thường không tiếp đón các Tổng thống Đài Loan vì Washington duy trì chính sách ‘một nước Trung Hoa’.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhắc lại Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ không để cho Tổng thống Đài Loan quá cảnh và ‘chớ gửi tín hiệu sai lệch nào tới các lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan.’
Truyền thông Đài Loan trước đây loan tin bà Thái có ý định gặp các nhân sự trong toán chuyển tiếp quyền lực của ông Trump nếu quá cảnh Mỹ.
Mỹ bổ sung danh sách chế tài Nga
Chính phủ Mỹ loan báo vừa mở rộng các biện pháp chế tài kinh tế Nga, bổ sung thêm 8 tổ chức và 7 cá nhân có liên hệ tới vụ Moscow sáp nhập bán đảo Crimea.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho hay đây là một phần trong mục tiêu của chính phủ ‘duy trì áp lực lên Nga’ bằng cách kéo dài cái giá mà Nga phải trả cho việc chiếm bán đảo của Ukraine.
Thông cáo của Bộ nói 6 người trong số 7 cá nhân vừa bị đưa tên vào danh sách bị tố cáo đã giúp cung cấp hỗ trợ Ngân hàng Rossiya. Ngân hàng này bị chế tài hồi năm 2014 vì cung cấp hỗ trợ vật chất cho một giới chức cao cấp của Nga. Người còn lại bị cáo giác có liên hệ với một công ty xây dựng một căn cứ quân sự gần biên giới Nga-Ukraine.
8 công ty bị chế tài lần này bao gồm công ty xây dựng đường cao tốc Nga Institut Stroiproekt, công ty đường sắt Crimea do chính phủ Nga bảo trợ và công ty Cầu cảng Crimea.
http://www.voatiengviet.com/a/my-bo-sung-danh-sach-che-tai-nga/3644816.html
Nổ chợ pháo hoa ở Mexico, 31 người chết
Một vụ nổ kinh hoàng xảy ra hôm thứ Ba tại một chợ pháo hoa nổi tiếng gần thành phố Mexico, giết chết ít nhất 31 người và làm bị thương 70 người khác.
Chợ San Pablito ở thành phố Tultepec, cách thủ đô Mexico khoảng 30 km về hướng bắc. Chợ này luôn đông nghẹt người đến mua pháo hoa cho ngày lễ Giáng sinh và năm mới.
Pháo hoa và những gian hàng tại hiện trường cháy đã làm bốc lên những cột khói đen lên không giữa lúc mọi người cố gắng chạy thoát thân. Hầu hết các quầy hàng trong chợ đều bị phá hủy.
Văn phòng bộ trưởng tư pháp Mexico cho biết sáu tiếng nổ lớn đã tàn phá ngôi chợ. Một cuộc điều tra đang được tiến hành để xem xét những vi phạm trong đám cháy và các vụ nổ và tìn những người chịu trách nhiệm.
Các nhóm cấp cứu khẩn cấp đã phải chờ vài giờ đồng hồ trước khi hiện trường đủ an toàn cho nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân.
Thống đốc bang Mexico Eruviel Avila cho biết đội pháp y đang sử dụng những phương pháp phân tích di truyền để xác định một số thi thể.
Trong số những người bị thương, có 21 người đã được xuất viện vào sáng sớm thứ Tư.
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đã dùng Twitter để gửi lời chia buồn tới các gia đình của những người thiệt mạng và chúc những người bị thương nhanh chóng hồi phục.
Những vụ nổ và hỏa hoạn xảy ra tại cùng ngôi chợ pháo hoa này đã phá hủy rất nhiều quầy hàng trong năm 2005 và 2006.
http://www.voatiengviet.com/a/no-cho-phao-ho-o-mexico-31-nguoi-chet/3645223.html
Đài Loan mất đồng minh ngoại giao
là dấu hiệu về sự giận dữ của TQ
ĐÀI BẮC —
Sự đổ vỡ bất ngờ trong mối quan hệ giữa Đài Loan và một đồng minh hiếm hoi thể hiện thái độ giận dữ đang tăng cao ở Trung Quốc đối với các lãnh đạo ở Đài Bắc và các nhà phân tích nói Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục có những động thái tương tự để răn đe Đài Loan.
Sao Tome and Principle, một đồng minh ở Tây Phi của Đài Loan từ năm 1997, hôm thứ 4 đã bất ngờ cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Ngay sau đó, Đài Loan giải tán đại sứ quán của nước này ở Đài Bắc và đình chỉ một loạt các trao đổi ngoại giao. Hội đồng các vấn đề đại lục của chính phủ Đài Loan nói Trung Quốc đã sử dụng đường lối “ngoại giao bằng tiền” để thúc đẩy Sao Tome and Principle huỷ bỏ quan hệ với Đài Loan.
Việc cắt đứt quan hệ với Đài Loan diễn ra tiếp theo sau cuộc điện đàm hôm 2/12 giữa Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và phát biểu của ông Trump sau đó nói rằng ông không thấy sự cần thiết phải tuân thủ cam kết của Mỹ sẽ chỉ công nhận Trung Quốc, chứ không công nhận Đài Loan. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với đảo tự trị Đài Loan và tìm cách kiềm chế mối quan hệ quốc tế của nước này.
Các nhà phân tích chính trị nói Trung Quốc dùng thủ đoạn để lôi kéo quốc gia Sao Tome tách ra khỏi Đài Loan. Một số nhà phân tích cho rằng sẽ có nhiều đồng minh khác nữa của Đài Loan quay sang với Bắc Kinh trong năm tới. Theo Bộ Ngoại giao Đài Loan, Trung Quốc cũng tiến hành một cuộc diễn tập không quân gần vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan sau cuộc điện đàm với ông Trump.
Ông Liu Yi-jiun, giáo sư về quan hệ công chúng của Đại học Fo Guang ở Đài Loan, nói:
“Họ sẽ chỉ muốn làm tăng thêm áp lực đối với Tổng thống Thái Anh Văn. Đây không phải là một sự kiện cắt đứt quan hệ ngoại giao duy nhất. Sẽ có thêm 3 đến 5 nước nữa (làm như vậy), giống như hiệu ứng domino.”
Đài Loan có 21 đồng minh ngoại giao so với con số 170 nước công nhận Trung Quốc. Hầu hết các đồng minh của Đài Loan là những quốc gia nghèo ở châu Phi, Trung Mỹ, Caribe và Nam Thái Bình Dương. Các nước này chủ yếu tìm kiếm ở Đài Loan sự trợ giúp phát triển và trước năm 2008, Đài Loan và Trung Quốc thường cạnh tranh với nhau trong việc tung tiền ra để thuyết phục các nước về phe với họ.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết, Đài Loan đã giúp Sao Tome and Principle, một quốc đảo phụ thuộc vào dầu lửa với số dân 190.000 nằm gần bờ biển với Gabon, cắt giảm lớn tỷ lệ mắc bệnh sốt rét. Đổi lại Đài Loan tìm kiếm ở các đồng minh một tiếng nói trong Liên Hiệp Quốc.
Đài Loan ra khỏi LHQ năm 1971 và Trung Quốc sẽ không để cho Đài Loan quay trở lại tổ chức quốc tế lớn nhất này.
Trả lời một câu hỏi về sự cắt đứt mối quan hệ của Sao Tome and Principle với Đài Loan, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói sự ra đi của Đài Loan là một khẳng định rằng “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất cho toàn Trung Hoa.”
Trước cuộc điện đàm giữa bà Thái Anh Văn và ông Trump, nữ Tổng thống Đài Loan đã làm Bắc Kinh khó chịu vì làm Bắc Kinh mất mặt. Bà Thái Anh Văn mưu tìm một mức độ tự trị cao hơn cho Đài Loan nếu 2 bên thương thảo với nhau.
Số lượng khách du lịch từ Trung Quốc tới Đài Loan đã giảm hẳn kể từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức. Từ tháng 4 năm nay, Trung Quốc đã yêu cầu các quốc gia khác gửi cho họ các nghi can Đài Loan ở nước ngoài phạm tội gian lận đối với các công dân Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Lin Tai-wei nói tại một buổi họp báo hôm thứ 4 rằng ông sẽ không theo chân Trung Quốc dùng tiền để đổi lấy đồng minh ngoại giao.
Trả lời một câu hỏi về việc Sao Tome and Principle đã yêu cầu Đài Loan cung cấp 200 triệu đô la trước khi cắt đứt quan hệ, người đứng đầu ngành ngoại giao Đài Loan nói:
“Cách tiếp cận thực tiễn của chúng tôi đối với các mối quan hệ nước ngoài, chúng tôi không dùng các chiêu trò dùng tiền để đổi lấy quan hệ ngoại giao.”
Ông Lin nói: “Chúng tôi muốn hỗ trợ một số kế hoạch để tăng cao phúc lợi con người, những thứ mà người dân Sao Tome có thể cảm nhận. Nhưng chúng tôi không tin là đất nước chúng tôi có trách nhiệm lấp đầy lỗ đen tài chính của một nước khác, chúng tôi sẽ không làm như vậy.”
Trung Quốc không thay đổi quan điểm
về Giải Nobel Hòa bình
Trung Quốc tuyên bố không thay đổi quan điểm phản đối việc trao Giải Nobel Hòa bình cho những người mà Bắc Kinh xem là tội phạm dù Bắc Kinh và Na-uy giờ đây đã bình thường hóa quan hệ sau xích mích ngoại giao hồi năm 2010 khi một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc được vinh danh giải thưởng cao quý này.
Ông Lưu Hiểu Ba, 59 tuổi, bị kêu án 11 năm tù vào năm 2009 về tội phản động sau khi tổ chức một kiến nghị thư yêu cầu chấm dứt chế độ độc đảng cai trị. Ông hiện vẫn đang thọ án.
Trước đây, Bắc Kinh quy trách chính phủ Na-uy về việc trao Giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu dù chính phủ Oslo không can thiệp vào quá trình tuyển chọn Khôi nguyên của ủy ban Nobel đặt trụ sở tại Oslo.
Tuần này, Ngoại trưởng Boerge Brende công du Bắc Kinh để bình thường hóa quan hệ ngoại giao và chính trị.
Đáp câu hỏi liệu quan điểm của Trung Quốc về Giải Nobel Hòa bình có thay đổi sau diễn tiến mới này hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói: “Trong quá khứ, một số người với mục đích chính trị đã lệch lạc trao Giải Nobel Hòa bình cho những cá nhân muốn chia rẽ Trung Quốc, phá hoại đoàn kết sắc tộc và những tội phạm kích động lật đổ quyền lực chính trị tại Trung Quốc.”
“Trung Quốc rõ ràng và nhất định sẽ phản đối việc này, quan điểm đó sẽ không thay đổi,” bà Hoa nói tiếp.
Lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đang sống lưu vong tại Ấn, người bị Bắc Kinh xem là một phần tử ly khai, đã được vinh danh Giải Nobel Hòa bình vào năm 1989.
Ủy viên nhân quyền LHQ muốn điều tra ông Duterte
Quan chức hàng đầu về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba 20/12 kêu gọi tiến hành điều tra Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sau khi ông Duterte tuyên bố chính ông đã giết chết một số nghi can tội phạm.
Cao Ủy trưởng LHQ về nhân quyền Zeid Ra’ad al-Hussein kêu gọi nhà chức trách Philippines tiến hành điều tra tội giết người dựa vào tuyên bố của ông Duterte hôm 16/12, khi ông nói rằng ông đã bắn chết “khoảng ba” người đàn ông khi còn là thị trưởng thành phố Davao.
Trong các bài phát biểu hồi gần đây, ông Duterte nói rằng trước đây, ông thường cưỡi chiếc mô tô lớn đi quanh Davao để tìm những tên tội phạm đáng bị giết, và lấy hành động đó để hối thúc nhân viên cảnh sát hãy noi theo gương ông.
Theo ông Zeid, những lời thú nhận của ông Duterte là một vi phạm trực tiếp luật pháp quốc tế, ông nói ông Duterte phải bị “mang ra trước công lý” để đánh đi thông điệp rằng “giết người và vi phạm nhân quyền sẽ không được nhà nước dung thứ, và không có bất cứ một ai được phép ngồi lên trên pháp luật”.
http://www.voatiengviet.com/a/uy-vien-nhan-quyen-lhq-muon-dieu-tra-ong-duterte/3644152.html
Đức tìm kiếm kẻ tấn công chợ Giáng sinh, để tang nạn nhân
Các nhà điều tra Đức đang truy lùng những kẻ chủ mưu vụ tấn công bằng cách lái xe tải lao vào một ngôi chợ Giáng sinh ở Berlin, giết chết 12 người hôm thứ Hai. Cảnh sát đã phóng thích nghi can duy nhất trong cuộc tấn công, một công dân Pakistan, nói rằng họ không có đủ chứng cớ để kết tội ông ta. Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công trong một thông báo do hãng tin Amaq của họ loan tải.
Thắng cảnh nổi tiếng của Berlin, cổng Brandenburg, đêm thứ Ba 20/12 được thắp sáng với những màu sắc của quốc kỳ Đức và cờ hiệu của thành phố Berlin. Các nạn nhân được vinh danh trong một buổi lễ tưởng niệm và đêm thắp nến tại địa điểm nơi xe tải lao vào đám đông.
Một phụ nữ tên Ginger Suazo Rodriguez nói:
“Thật là khó tin, chưa tới hai giờ trước đó, tôi đứng ngay tại đây, nơi chiếc xe tải lao vào. Tôi đã đến nơi này từ ngày còn bé và có rất nhiều kỷ niệm đẹp ở đây.”
Thủ tướng Angela Merkel được tháp tùng bởi các giới chức cao cấp của chính phủ Đức, đã đến thăm địa điểm cuộc tấn công và đặt vòng hoa phúng điếu ngay tại nơi này, giờ đã tạm thời trở thành nơi tưởng niệm các nạn nhân. Bà nói bà không có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi vì sao một người lại muốn gieo rắc chết chóc cho những người đang ăn mừng sự sống. Thủ tướng Merkel phát biểu:
“Điều duy nhất mà tôi biết là chúng ta không thể và cũng không muốn phải sống trong những tình huống tương tự: những ngôi chợ Giáng sinh, những giờ vui vẻ với gia đình và bạn bè tại các quảng trường công cộng. Chúng ta không muốn phải sống trong nỗi sợ hãi làm tê liệt các sinh hoạt của chúng ta. Ngay cả bây giờ, trong thời khắc khó khăn hiện tại, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh để sống theo lối sống mà chúng ta muốn có tại nước Đức: tự do, đoàn kết, cởi mở.”
Các giới chức Đức khẳng định cuộc tấn công là một hành động có chủ ý. Một du khách Mỹ đã chứng kiến cuộc tấn công. Bà Shandana Durrani kể lại.
“Tôi chợt nhìn lên và trông thấy chiếc xe tải lao vào ngôi chợ, cán lên các sạp hàng, xông qua các đám đông, và hầu như lao thẳng về phía tôi.”
Chiếc xe tải đã được kéo đi nơi khác hôm thứ Hai để được xem xét và tìm dấu vết cuộc tấn công. Vụ xe tải lao vào đám đông ở Berlin có những điểm tương đồng với cuộc tấn công đã xảy ra tại thành phố Nice bên Pháp hồi tháng Bảy vừa rồi, giết chết 86 người và làm bị thương hàng trăm người khác. Các giới chức từ Mỹ và các nước khác đã chia buồn với nước Đức và kêu gọi áp dụng các biện pháp an ninh tại nước họ trong mùa lễ sắp tới.
http://www.voatiengviet.com/a/duc-tim-kiem-ke-tan-cong-cho-giang-sinh-de-tang-nan-nhan/3645028.html
Vatican mong TQ ‘có dấu hiệu tích cực’ để đối thoại
Tòa thánh Vatican ngày 20/12 bày tỏ hy vọng rằng chính quyền cộng sản Trung Quốc sẽ cho các tín đồ Công giáo thấy ‘những dấu hiệu tích cực’ giúp họ có niềm tin, một nỗ lực thúc đẩy của Đức Giáo hoàng Francis nhằm hàn gắn rạn nứt nhiều chục năm nay với Bắc Kinh.
Người Công giáo ở Trung Quốc bị phân cực, một bên là những người trung thành với Vatican và một bên theo giáo hội do nhà nước kiểm soát.
Vatican đã tìm cách nhượng bộ với Bắc Kinh trong việc tấn phong giám mục, nhưng một số người cho rằng hành động này là bán rẻ những người vẫn một lòng trung thành với Đức Giáo hoàng.
Chính quyền Trung Quốc nói giám mục phải được tấn phong bởi cộng đồng Công giáo trong nước và khước từ quyền hạn của Đức Giáo hoàng trong việc này vì Bắc Kinh xem Ngài như người đứng đầu một nhà nước bên ngoài, không có quyền can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Thông cáo của Vatican viết rằng Tòa thánh “chắc chắn rằng tất cả người Công giáo ở Trung Quốc đang dè dặt chờ đợi những tín hiệu tích cực mang lại niềm tin vào cuộc đối thoại giữa chính quyền dân sự và Tòa Thánh và hy vọng cho một tương lai hiệp nhất và hòa hợp.”
Trung Quốc và Vatican lâu nay bất đồng kể từ khi Trung Quốc trục xuất các nhà truyền giáo nước ngoài lúc cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949.
Triển vọng về một thỏa thuận đôi bên đã bị trì trệ sau khi giám mục Lei Shiyin, người bị Vatican dứt phép thông công, tham dự lễ tấn phong tân giám mục tại nước này hôm 30/11. Sự việc khiến các tín đồ Công giáo trung thành với Tòa thánh Vatican bất bình.
Thông cáo của Vatican nói giám mục Lei đã gây hoang mang, khó chịu cho nhiều giáo dân và Vatican ‘chia sẻ nỗi đau này.’
http://www.voatiengviet.com/a/vatican-mong-trung-quoc-co-dau-hieu-tich-cuc-de-doi-thoai/3644802.html
Mùa đông trì hoãn trận đánh Tal Afar, gần Mosul
Giữa lúc các lực lượng Iraq tiến sâu hơn vào Mosul ở phía đông thành phố, các trận giao tranh tiếp tục nổ ra ở vùng sa mạc phía tây nằm giữa Mosul và Syria, trong khi các lực lượng tiến gần Tal Afar, một thành phố trọng yếu, nơi các phần tử Nhà nước Hồi giáo được cho là sẽ chiến đấu đến cùng.
Các chiến binh thuộc các lực lượng dân quân Shia có tên Hashd Shaabi nói các hoạt động đang chậm lại vì mùa đông đã đến và vì ngày càng có nhiều thường dân bị cầm giữ làm lá chắn sống.
Các binh sĩ cho hay lực lượng Hashd Shaabi đã giành lại được ít nhất 80 ngôi làng từ tay của Nhà nước Hồi giáo, nhưng trận chiến khó khăn nhất vẫn ở trước mắt.
Các thủ lãnh của Hashd Shaabi nói họ đang chuẩn bị tiến vào thành phố Tal Afar, một hang ổ chiến lược của IS nằm giữa Mosul và vùng biên giới Syria.
Sheikh Kareem Al-Kharkani, một chỉ huy cấp lữ đoàn của Hashd Shaabi, nói: “Chúng tôi phải sớm giải phóng Mosul và Tal Afar nhưng mục tiêu của các lực lượng Iraq còn đi xa hơn như vậy. Mục đích là giải phóng người dân khỏi tay của các phần tử IS và hồi sinh khu vực này. Ngay bây giờ, có nhiều thường dân ở Tal Afar”.
Ông nói thường dân là thách thức lớn nhất đối với các lực lượng Iraq vì ngày càng nhiều người dân thường bị buộc phải rút lui để bảo vệ các phần tử IS mà theo lời các binh sĩ Iraq, thà chết còn hơn là đầu hàng.
http://www.voatiengviet.com/a/mua-dong-tri-hoan-tran-danh-tal-afar-gan-mosul/3644117.html
Trung Quốc
sẽ cung cấp kỹ thuật sản xuất khí cụ cho Thái Lan
Bộ Quốc Phòng Thái Lan và Trung Quốc đang thảo luận với nhau để dựng những trung tâm bảo trì và sửa chữa khí cụ do Trung Quốc chế tạo hiện đang được quân đội Thái sử dụng.
Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Reuters, phát ngôn viên Kongcheep Tantravanich của Bộ Quốc Phòng Thái cho hay những trung tâm này sẽ được thiết lập trên lãnh thổ Thái Lan. Ngoài công tác bảo trì, sửa chữa, những trung tâm sẽ được thành lập còn giúp Thái Lan chế tạo súng lục và máy bay không người lái dựa theo kỹ thuật do Trung Quốc cung cấp.
Ông Kongcheep còn tiết lộ một cuộc thảo luận tương tự cũng đang được Thái Lan thực hiện với Nga, nhưng không cho biết chi tiết.
Từ năm 2014, ngay sau ngày quân đội lật đổ chính phủ dân sự đến giờ, Hoa Kỳ quyết định ngưng viện trợ quốc phòng và an ninh cho Thái Lan, đồng thời giảm bớt các cuộc thao diễn chung. Cũng từ đó, chính phủ quân sự Bangkok tìm cách mở rộng quan hệ với Bắc Kinh và Maxcova trong nhiều lãnh vực khác nhau, kể cả an ninh và quốc phòng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma không được vào Mông Cổ
Trung Quốc ca ngợi việc chính phủ Mông Cổ quyết định không cho Đức Đạt Lai Lạt Ma nhập cảnh.
Quyết định này được Ngoại Trưởng Mông Cổ, ông Tsend Munkh-Orgil loan báo ngày hôm qua, nói rõ là vị lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng sẽ không được nhập cảnh vì bất kỳ lý do gì, kể cả lý do tôn giao.
Tháng Mười Một vừa rồi, Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ để thuyết giảng. Chuyến đi của Ngài tức khắc gặp sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh, chỉ trích Ngài là người lợi dụng tôn giao để mưu đồ chính trị, muốn tách Tây Tạng ra khỏi Hoa Lục.
Hôm nay trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng hy vọng Mông Cổ học được bài học là phải tôn trọng và nỗ lực xây dựng quan hệ song phương, đừng để xáo trộn xảy ra, ý muốn nói đừng bao giờ đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Cảnh sát Đức truy tìm thủ phạm vụ tấn công chợ Berlin
Cảnh sát Đức đang truy tìm thủ phạm vụ tấn công Chợ Giáng sinh Berlin bằng xe tải hôm 19/12 làm 12 người chết.
Báo Spiegel điện tử cho hay các điều tra viên đang tìm kiếm một người Tunisia sau khi phát hiện ra căn cước Tunisia ở trong chiếc xe gây án. Cảnh sát chưa bình luận về việc này.
Hôm thứ Ba 20/12 giới chức đã phải thả nghi phạm duy nhất họ bắt được vì không đủ chứng cứ.
Nay họ nói có thể có hơn một nghi phạm đang lẩn trốn, có thể có vũ trang. An ninh cũng đang được tăng cường.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) nhận một trong các dân quân của họ đã thực hiện vụ tấn công, nhưng không đưa ra chi tiết gì khác.
Người từng bị cho là nghi phạm sau được thả, công dân Pakistan tên Naved B, đã bác bỏ mọi liên quan tới vụ tấn công.
Cảnh sát cũng thừa nhận không có manh mối nào cho thấy ông ta liên đới và đặt câu hỏi này ngay sau khi bắt Naved B.
Sáng thứ Tư cảnh sát cho hay đã bắt thêm một người trong đêm nhưng thả ngay sau đó, theo hãng truyền thông RBB.
Spiegel nay tường thuật rằng cảnh sát đang truy tìm người Tunisia tên là Anis A, sinh năm 1992 tại thành phố Tataouine, sau khi tìm thấy một giấy phép tạm trú mang tên này trong ghế ngồi chiếc xe tải.
Có tin nghi phạm này sử dụng hai tên khác nhau. Cảnh sát chưa xác nhận thông tin.
Báo Đức còn viết rằng đang có chiến dịch truy tìm ở bang Bắc Rhine-Westphalia, nhưng cũng không cung cấp chi tiết gì thêm.
Chống trả kẻ tấn công
Trong khi đó, đang có chứng cứ cho thấy rằng người lái xe tải thực sự đã chống trả kẻ tấn công khi kẻ này chiếm xe và lái vào Chợ Giáng sinh.
Ông Lukasz Urban người Ba Lan sau đó được cảnh sát tìm thấy đã chết trong ghế ngồi của hành khách với vết dao và đạn bắn.
Các điều tra viên được báo Đức dẫn lời nói có bằng chứng rằng ông Urban tuy bị đâm nhưng đã vật lộn kéo kẻ tấn công xuống vô lăng.
Một quan chức được tờ Bild dẫn lời nói khám nghiệm tử thi cho thấy người lái xe này có thể còn sống tới thời điểm cuộc tấn công xảy ra và chỉ bị bắn chết khi chiếc xe dừng lại. Người ta chưa tìm thấy súng.
Ông Urban được mô tả là một “người tử tế, trầm lặng và trung thực” và được tin đã bảo vệ chiếc xe đến giây phút cuối.
‘Hãy cảnh giác’
Cảnh sát nay cho hay họ đang dựa vào hàng trăm manh mối mà người dân chuyển tới và phân tích ADN từ các mẫu phẩm thu được từ hiện trường.
Andre Schulz, người đứng đầu hội đoàn cảnh sát, nói: “Tôi tin là chúng ta sẽ có nghi phạm mới trong nội ngày mai hoặc là rất sớm”.
Thị trưởng Berlin Michael Mueller nói an ninh đã được tăng cường để phòng tránh các vụ tấn công tương tự.
Ông nói: “Quan trọng là cần luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác trong tình hình hiện nay. Quý vị có thể đi lại một cách an toàn tại các nơi công cộng”.
Tổ chức IS nhận trách nhiệm trong vụ tấn công thông qua hãng thông tấn của mình là Amaq. IS nói mục tiêu là để đáp lại “kêu gọi nhằm vào công dân của các nước liên quân”.
Vụ tấn công xảy ra tại Chợ Giáng sinh Breitscheidplatz ở Berlin, khi chiếc xe tải lao qua đám đông và các quầy hàng ở khoảng cách 80m.
Ngoài con số 12 người chết, 49 người bị thương. Ít nhất hàng chục người trong tình trạng nguy kịch.
Vụ tấn công này có nhiều nét tương đồng với vụ tấn công ở Nice, Pháp, nhằm ngày Quốc khánh Pháp 14/7 năm nay mà IS cũng nhận đã thực hiện.
Cả IS và al-Qaeda đều kêu gọi người ủng hộ dùng xe làm phương tiện tấn công vào đám đông.
Một buổi lễ thắp nến đã được tổ chức tối thứ Ba 20/12 tại Nhà thờ Cụt (Kaiser Wilhelm Memorial Church), cạnh hiện trường vụ tấn công.
Thủ tướng Angela Merkel, hiện đang bị chỉ trích vì chính sách “mở cửa” cho di dân nước ngoài, thừa nhận quan ngại rằng kẻ tấn công có thể là một di dân.
Bà nói: “Tôi biết có thể chúng ta sẽ phải đối diện sự thật khó khăn rằng kẻ gây tội ác này lại chính là người đã xin được bảo vệ và tỵ nạn ở nước Đức”.
Bà cũng cam kết sẽ trừng phạt những kẻ gây tội ác “nghiêm khắc nhất trong chừng mực luật pháp cho phép”.
Những người chỉ trích bà, trong có đảng cực hữu Alternative fur Deutschland (AfD) nói bà Merkel đã nhượng bộ an ninh nước Đức khi cho di dân vào trong nước mà không kiểm tra kỹ.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38392247
Cái chết của người lái xe Ba Lan trong vụ Berlin
Cái chết của Lukasz Urban, tài xế chiếc xe tải Scania bị cướp để gây án tại Berlin hiện đang gây chấn động toàn Ba Lan.
Theo nhà báo Alicja Wirwicka viết trên trang Onet.pl, người dân làng Roznowo ở vùng Tây Ba Lan, nơi gia đình ông Lukasz Urban sinh sống, không giấu được nỗi cơn choáng váng trước tin dữ.
Những đồng nghiệp lái xe trong công ty vận tải ‘USŁUGI TRANSPORTOWE ARIEL ŻURAWSKI’, mang tên người anh họ của nạn nhân, cũng không hết nỗi lo sợ về các chuyến công tác sang Đức.
Lý do là dù đã hai ngày sau vụ việc khủng khiếp xảy ra ở chợ Giáng Sinh tại Berlin, cả nước Ba Lan vẫn nhận được quá ít thông tin về vụ án, về quá trình dẫn đến cái chết của Lukasz Urban, 37 tuổi, người để lại một vợ và một con.
Ông Ariel Zurawski, chủ công ty vận tải, và cũng là anh họ của nạn nhân không giấu được vẻ lo ngại và bức xúc.
Ông cho báo chí Ba Lan biết toàn bộ những gì cảnh sát Đức gửi đến ông chỉ là “một bức hình có mặt và một góc cổ” của Lukasz Urban.
Căn cứ vào hình mặt nạn nhân sưng phù, ông Zurawski nói Lukasz Urban “trông như bị thảm sát”.
Tuy thế, người chủ công ty tin rằng em ông “đã chống cự lại kẻ cướp xe”.
“Lukasz là người to khoẻ, chắc chắn sẽ không chịu bị khống chế dễ dàng.”
Ông còn lo sợ người em họ của mình “chưa chết khi bị đẩy lên ghế hành khách và chỉ bị giết sau đó”.
Lukasz là người to khoẻ, chắc chắn sẽ không chịu bị khống chế dễ dàngAriel Zurawski
Hiện cũng không rõ động cơ của việc kẻ sát nhân đưa người lái xe Ba Lan ngồi lên ghế hành khách trong buồng lái làm gì.
Điều khủng khiếp không ai dám nghĩ tới là khả năng kẻ cướp xe để một xác chết hoặc con tin bị trọng thương trên ghế nhằm đánh lạc hướng người qua đường và cảnh sát khi lái vào các phố Berlin.
Không ai rõ lúc đó Lukasz Urban đã chết chưa hay mới bị thương nặng.
Các báo Ba Lan phê phán cảnh sát Đức là “làm việc kém” sau khi vội vã tuyên bố bắt được “nghi phạm người Pakistan 23 tuổi” để rồi phải thả ra vì chẳng có đủ bằng chứng.
“Người này trên quần áo không có cả một vết máu vốn đầy ra trong buồng lái chiếc xe Scandia”, một báo Ba Lan đánh giá.
Điều khiến các lái xe Ba Lan chạy tuyến đường sang Đức lo ngại là hiện không rõ thủ phạm thực của vụ án là ai, có bao nhiêu kẻ gây án và những mối nguy hiểm như vậy có còn không.
Có báo nói ‘mối nguy hiểm khủng bố’ đang lại gần biên giới Ba Lan.
Chết vì đến sớm?
Được biết ông Ariel Zurawski có hợp đồng để Lukasz Urban chở các dầm sắt làm tại Ý cho công ty Đức ThyssenKrupp ở Berlin.
Vì đến sớm và không có giờ nhận hàng, công ty Đức đã yêu cầu người lái xe Ba Lan quay lại giao hàng vào ngày 20/12.
Không biết làm gì và cũng không có kế hoạch quay lại Ba Lan, Lukasz Urban đã lái xe đến một khu cách biên giới Ba Lan 30 km nhưng vẫn nằm ở đất Đức.
Có vẻ như tại đây, vào khoảng 15 giờ chiều ngày 19/12 ông đã bị tấn công vì đó cũng là giờ vợ ông gọi điện cho chồng mà không ai nhận.
Khoảng 15:45, hành trình GPS của chiếc xe Scania cho thấy nó được lái về phía Berlin “loạng choạng” như người tài xế mới tập lái, theo ông Zurawski nói với truyền thông Ba Lan.
Chừng 17:00 hôm đó, ông Zurawski ghi nhận tín hiệu GPS từ chiếc xe biến động khác thường, “như thể xe bị ai đó đốt cháy”.
Vài giờ sau, chiếc xe tắt đèn pha và lao về khu chợ trung tâm Berlin, phóng lên vỉa hè với tốc độ tới 80 km/giờ và tông thẳng vào người đi chợ Giáng Sinh, giết chết 11 người.
Với xác của ông Lukasz Urban tìm thấy sau đó trong xe, số nạn nhân ngay lập tức bị giết là 12.
Trong số 48 người bị thương, cảnh sát Đức cho hay sang ngày 20/12, còn 14 người đang “vật lộn với tử thần” bị vì trọng thương.
Số còn lại đã được sơ cứu và đã ra viện.
Chính quyền ở đâu?
Không chỉ phê phán cảnh sát và nhà chức trách Đức, thân nhân của Lukasz Urban còn phàn nàn về cách làm việc của Lãnh sự quán Ba Lan tại Đức và chính quyền nói chung.
Trên trang Facebook của công ty vận tải Zurawski xuất hiện một lời bình luận mỉa mai “Cảm ơn Đại sứ quán Ba Lan ở Berlin vì không giúp gì. Gọi điện thoại vào cũng chỉ là số không”.
Dư luận Ba Lan cũng ngạc nhiên khi Tổng thống Andrzej Duba của Ba Lan lên Twitter kêu gọi nhân dân “cầu nguyện cho các nạn nhân” vụ ở Berlin chứ không có hành động cụ thể gì khác.
Tuy thế, theo trang Onet.pl, chính quyền xã Roznowo, huyện Gryfino, bác bỏ chuyện họ không trợ giúp gia đình người lái xe xấu số.
Sang ngày 21/12, bà Agnieszka Muchla, phát ngôn viên cho chính quyền tỉnh duyên hải Zachodniopomorskie, nói rằng cảnh sát đã cử nhóm bác sỹ tâm lý đến giúp gia đình Lukasz Urban.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38393058
62 người chết vì uống nước tắm thay rượu ở Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn nhằm kiểm soát tình trạng bán các hóa chất thay thế cồn, sau khi hàng chục người chết do uống một loại nước tắm thay rượu.
Số người tử vong đã tăng từ 49 lên ít nhất 62 người.
Đa số những người ngã bệnh hiện vẫn đang được điều trị, trong đó một số người trong tình trạng nghiêm trọng.
Dung dịch độc hại có hương táo gai đã được những người này uống như thể đó là một loại cồn an toàn, Ủy ban Điều tra của Nga nói.
Nhưng trong dung dịch có chứa chất methanol, là loại hóa chất có thể gây mù mắt.
Tờ Thời báo Siberia nói tình trạng ngộ độc nhiều người tại Irkutsk “hiện là vụ việc tồi tệ nhất trong lịch sử Nga hiện đại”.
Bộ trưởng y tế Oleg Yaroshenko nói gần nửa số người đang được điều trị có lẽ sẽ khó lòng qua khỏi, và hiện đang trong tình trạng rất nghiêm trọng.
“Họ tới gặp bác sỹ quá muộn… Chỉ có phép màu mới có thể cứu được họ,” ông được Thời báo Siberia dẫn lời.
Tờ báo nói một bác sỹ và một giáo viên mẫu giáo nằm trong số các nạn nhân, và nhiều người đã tử vong ở nhà bởi không kịp gọi xe cứu thương.
Được biết hầu hết các nạn nhân ở độ tuổi từ 35 đến 50.
Một người sống sót, 33 tuổi, nói rằng ông chỉ uống một lượng nhỏ nhưng khi thức dậy vào sáng hôm sau đã bị mù mắt.
Tại Liên Xô cũ, các chất dung dịch và chất tẩy sản phẩm gia dụng thường được coi như chất uống thay thế cho rượu nhưng lại ít tốn kém hơn.
Trên vỏ chai đựng các loại chất này thường có những dòng cảnh báo là không thích hợp để uống, nhưng các phóng viên nói trong vụ này, nhãn ghi sản phẩm có chứa chất ethyl alcohol thay vì chất methanol gây chết người.
Các nhà phân tích nói có tới 12 triệu người Nga uống các chất có cồn rẻ tiền, như nước hoa, nước thơm cạo râu, dung dịch chống đông và nước rửa kính. Hai năm bị phương Tây trừng phạt kinh tế càng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Cảnh sát trước đó đã phát hiện được một xưởng hoạt động bất hợp pháp, nơi sản xuất dung dịch này, và đã bắt chủ xưởng.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38393614
Obama cấm khoan dầu ‘vĩnh viễn’ ở Bắc cực và Đại Tây Dương
Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama ra lệnh cấm khai thác dầu khí vĩnh viễn tại “phần lớn” vùng biển phía Bắc do Mỹ sở hữu.
Ông Obama xác định một số khu vực biển Bắc cực và Đại Tây Dương không được phép cho thuê trong tương lai.
Động thái này được xem là nỗ lực bảo vệ khu vực này trước khi ông Obama rời nhiệm sở tháng Giêng.
Những người ủng hộ Tổng thống đắc cử Donald Trump cho rằng rất khó để đảo ngược quyết định này.
Canada cũng cam kết biện pháp tương tự trong vùng biển Bắc cực do nước này sở hữu, trong tuyên bố chung với Washington.
Nhà Trắng cho biết quyết định này nhằm hướng đến “hệ sinh thái và nền kinh tế Bắc Cực mạnh mẽ, bền vững và khả thi.”
Nhà Trắng giải thích một số lý do của lệnh cấm là nhu cầu văn hóa bản địa, quan ngại về động vật hoang dã và nguy cơ tổn thương tài nguyên trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu tại khu vực này.
Nhưng trong khi Canada cân nhắc động thái này mỗi 5 năm, Nhà Trắng khẳng định lệnh cấm của ông Obama là vĩnh viễn.
‘Quan ngại’
Quyết định trên căn cứ vào một đạo luật năm 1953 cho phép tổng thống ra lệnh cấm cho thuê tài nguyên biển vô thời hạn.
Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump cho biết ông sẽ tận dụng lợi thế của Mỹ về trữ lượng dầu mỏ, gây quan ngại cho các nhóm bảo vệ môi trường.
Nhưng những người ủng hộ ông nhận định rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm đảo ngược quyết định của ông Obama sẽ đem đến thách thức pháp lý.
Phản ứng trước tuyên bố Bắc Cực, nhóm Friends of the Earth cho biết: “Chưa từng có tổng thống nào hủy bỏ một lệnh thu hồi vĩnh viễn hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của người tiền nhiệm.”
“Nếu Donald Trump cố gắng đảo ngược lệnh cấm của Tổng thống Obama, ông ấy sẽ phải ra hầu tòa.”
Tuy nhiên, Viện Dầu khí Hoa Kỳ cho rằng: “Không có khái niệm lệnh cấm vĩnh viễn”, và họ hy vọng rằng chính quyền của ông Trump sẽ đảo ngược quyết định này.
Ông Trump cũng đã khiến một số nhà vận động môi trường quan ngại về lựa chọn nhân sự cấp cao của Nhà Trắng.
Rex Tillerson, giám đốc công ty dầu khí Exxon Mobil, được bổ nhiệm làm ngoại trưởng.
Rất ít khi có hoạt động khai thác dầu ở Bắc Cực vì việc này tốn kém và nhiều trở ngại hơn tại các khu vực khác.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38388342
Khí hậu : Công trái Xanh đầu tiên,
sơ tán dữ liệu đối phó với Trump…
Năm 2016 đang khép lại. Trước nguy cơ Biến đổi khí hậu tác hại ngày càng ghê gớm đến đời sống con người, dường như cộng đồng quốc tế cũng đang nỗ lực nhiều hơn. Ba Lan trở thành quốc gia phát hành Công trái Xanh đầu tiên, nhóm chuyên gia của G20 yêu cầu đưa rủi ro khí hậu vào báo cáo tài chính, giới môi trường Mỹ khởi động chiến dịch kêu gọi sơ tán dữ liệu quy mô lớn để đối phó với việc Donald Trump lên cầm quyền… Trên đây là một số sự kiện về cuộc chiến chống Biến đổi khí hậu được truyền thông đặc biệt chú ý trong những ngày gần đây.
Sau Thượng đỉnh Khí hậu COP22, quốc tế có thêm một số nỗ lực đáng ghi nhận. Ba Lan gây bất ngờ, với việc trở thành nước đầu tiên phát hành các công trái môi trường, hay Công trái Xanh (green bonds), để tài trợ cho tiến trình chuyển tiếp sang một nền kinh tế ít sử dụng năng lượng tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Sự kiện gây ngạc nhiên vì Ba Lan nổi tiếng với chính sách ủng hộ không điều kiện đối với than, năng lượng gây ô nhiễm số một.
Giữa tháng 12/2016, bộ trưởng Tài Chính Ba Lan thông báo tổng lượng công trái phát hành là 750 triệu euro, tăng gấp rưỡi so với dự kiến.
Cho đến nay, mới chỉ có một số định chế quốc tế, ngân hàng công ở Trung Quốc, các doanh nghiệp hay chính quyền địa phương một số nơi phát hành trái phiếu vì môi trường.
Kế hoạch 9 tỉ của Pháp
Với quyết định này, Ba Lan đã đi trước Pháp, dự kiến là nước đầu tiên phát hành công trái Xanh. Tuy nhiên, dự án của Pháp lớn hơn về quy mô, với 9 tỉ euro được huy động trong vòng ba năm. Thụy Điển, Nigeria hay Maroc cũng đang chuẩn bị các dự án tương tự.
Theo các dữ liệu của công ty tài chính BIS, công trái do các chính phủ phát hành chiếm khoảng 50% trên tổng số 90.000 tỉ trái phiếu nói chung. Trái phiếu Xanh trên thế giới nhìn chung đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, có thể đạt mức 75 tỉ đô la trong năm nay, theo dự đoán của công ty thẩm định tài chính Moody’s. 75 tỉ đô la rõ ràng chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Theo một chuyên gia của Ngân hàng Pháp BNP Paribas CIB, thì chỉ cần một tỉ lệ nhỏ của tổng số công trái phiếu toàn cầu hiện nay chuyển sang cho thị trường tín dụng Xanh, thì tác động cũng sẽ « hết sức lớn ».
Theo ông Igor Shislov, người đứng đầu dự án Tài chính và Khí hậu của Viện I4CE, có trụ sở tại Pháp, các quốc gia có vai trò rất lớn trong sự tăng trưởng của thị trường tín dụng Xanh nói chung. Chuyên gia nói trên cũng nhấn mạnh là việc phát hành tín dụng Xanh cần phải đi kèm với các chính sách khí hậu táo bạo. Trong khi đó, tổng giám đốc Quỹ Bảo Vệ Thiên Nhiên Pháp (WWF) Pascal Canfin đặc biệt lưu ý việc kiểm soát chặt chẽ quá trình sử dụng khoản tín dụng này.
G20 : Báo cáo tài chính doanh nghiệp cần tính đến « Rủi ro Khí hậu »
Để bảo đảm an toàn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh bất trắc Khí hậu gia tăng và thúc đẩy tiến trình chuyển sang kinh tế Xanh, tổ chuyên gia tài chính TCFD (Task Force on Climate-related Financial Disclosure) của G20 – nhóm các cường quốc hàng đầu thế giới – vừa công bố một khuyến nghị quan trọng ngày 14/12 vừa qua. Theo đó, các doanh nghiệp cần phải hết sức chú ý đến các rủi ro về khí hậu theo các kịch bản dài hạn, và đưa các dữ liệu này vào báo cáo tài chính thường niên.
Tổ chuyên gia phụ trách về thông tin tài chính liên quan đến khí hậu của G20 trực thuộc Hội Đồng Bình Ổn Tài Chính của G20, do thống đốc Ngân hàng Anh Quốc Mark Carney làm chủ tịch, với cựu thị trưởng New York, tỉ phú Michael Bloomberg là người điều phối.
Theo tổng giám đốc Ngân hàng Anh HSBC, thì khuyến nghị nói trên là một « bước tiến quan trọng », nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển sang kinh tế Xanh. Hiện tại mới chỉ có gần một phần tư doanh nghiệp công bố các tác động môi trường.
Đọc thêm : Kinh tế Xanh : 130 nhà đầu tư – với 13.000 tỉ cổ phiếu – áp lực G20
Chiến dịch DataRefuge
Việc ông Donald Trump, người có quan điểm hoài nghi về tác động của con người đến khí hậu, sắp trở thành tổng thống Hoa Kỳ, khiến các nhà môi trường Mỹ hết sức lo ngại. Để bảo đảm an toàn cho khối dữ liệu công được tích lũy từ hàng chục năm nay, ngày 13/12 vừa qua, Đại học Pennsylvania tung chiến dịch #DataRefuge để kêu gọi chuyển các dữ liệu của chính quyền sang các máy chủ độc lập và quốc tế.
Trả lời tạp chí Khoa học Pháp Science et Avenir, Margaret Janz thủ thư của đại học Pennsylvania, tham gia chương trình này, cho biết : chiến dịch nói trên là hoàn toàn cần thiết, bởi kinh nghiệm cho thấy là các chính phủ có quan điểm hoài nghi về cuộc chiến chống Biến đổi khí hậu, ủng hộ các năng lượng hóa thạch, không những hạn chế các chương trình về khí hậu, mà còn ngăn chặn các nhà khoa học phát biểu trước công luận, đóng cửa nhiều thư viện công. Việc ông Trump chỉ định cựu thống đốc tiểu bang Texas, người ủng hộ mạnh mẽ năng lượng hóa thạch, làm bộ trưởng Năng Lượng mới đây càng gây lo ngại thêm.
Vẫn theo vị thủ thư nói trên, việc sơ tán và bảo vệ các dữ liệu công không phải là chuyện mới. Chiến dịch do Đại học Pensylvania khởi xướng có thể học hỏi các kinh nghiệm của dự án End of Term Hervest (tạm dịch là “Thu thập dữ liệu cuối nhiệm kỳ“), một dữ án độc lập được lập ra để bảo vệ an toàn cho các dữ liệu tại các trang web của chính phủ Hoa Kỳ, vào mỗi lần nước Mỹ chuyển giao nhiệm kỳ tổng thống.
Về khí hậu, quan hệ giữa ê kíp của tổng thống tân cử Mỹ với chính phủ mãn nhiệm đã bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng. Theo Reuters, hôm 13/12, bộ Năng Lượng Mỹ từ chối cung cấp tên họ của các viên chức và kể cả những người làm theo chế độ hợp đồng, từng làm việc về vấn đề khí hậu trong những năm gần đây, theo một yêu cầu của ê kíp chuyển giao quyền lực của tổng thống tân cử Donald Trump. Theo người phát ngôn của bộ Năng Lượng, đề nghị nói trên « đã gây sốc đối với nhiều người trong bộ ». Người ta lo ngại những người làm việc về môi trường sẽ bị tân chính quyền kỳ thị, trả đũa.
Ngày hôm sau, 14/12, người phát ngôn của ông Trump ra thông báo, khẳng định yêu cầu nói trên vừa gửi đến bộ Môi Trường là « không hợp thức », nhưng không giải thích rõ lý do.
7 hiện tượng thời tiết cực đoan do Trái đất nóng lên
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Cơ quan quốc gia Mỹ về Đại dương và Khí quyển NOAA, được công bố giữa tháng 12/2016, cho thấy 7 hiện tượng thời tiết cực đoan trong thời gian gần đây, được các nhà khoa học khẳng định là có liên hệ với tình trạng Trái đất bị hâm nóng, cho dù đây không phải là nguyên nhân duy nhất.
Báo cáo thường niên lần thứ 5 của NOAA tập hợp 25 nghiên cứu mới từ 18 quốc gia. Mới đây nhất là đợt ngập lụt khác thường, gọi là « king tide », tại Miami, thuộc tiểu bang Florida, miền đông nam Hoa Kỳ, hồi tháng 9/2016, do triều cường. Theo NOOA, tần suất của các trận triều cường lớn tăng gấp 5 lần so với năm 1994. Hồi tháng 5/2015, nhiều đợt mưa dữ dội hoành hành tại miền đông nam Trung Quốc, kéo dài đến ba tuần lễ, điều chưa từng thấy từ 40 năm nay.
Trong khi đó, thế giới cũng phải đối phó với nhiều đợt nóng kỉ lục. Tại Ấn Độ, hồi tháng 5/2015, nhiệt độ tăng đến 45°C, nhiều hơn 5°C so với các năm trước. Tổng cộng, có 2.000 người thiệt mạng trong đợt nóng này. Tại Pakistan, nhiệt độ còn tăng đến 51°C. Nhiều nước châu Âu, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản hay Úc cũng là các khu vực bị ảnh hưởng.
Thời tiết tại Anh Quốc – nổi tiếng với biệt danh xứ sở sương mù – cũng trở nên dị thường hơn, với số ngày nắng vào mùa đông đạt mức kỷ lục trong hai năm gần đây.
Nhiều quốc gia bị hạn hán nghiêm trọng, đặc biệt là các nước gần Bắc Cực, như Canada. Theo cơ quan chuyên môn Canada, toàn bộ miền tây nước này rơi vào tình trạng « khô hạn bất thường », cháy rừng thường xuyên trong thời gian dài. Tiểu bang Alaska, Hoa Kỳ, cũng gánh chịu nhiều đợt cháy rừng khủng khiếp, với tổng diện tích rừng bị cháy là khoảng 2 triệu hecta trong năm 2015. Trong khi đó, băng tại Bắc Cực bị co lại ở mức chưa từng có vào tháng 3/2015, ngay giữa mùa đông, và đà sụt giảm tiếp diễn trong năm 2016.
Theo NOAA, trong 12 tháng (từ 10/2015 đến 9/2016), nhiệt độ Bắc Cực ở mức cao nhất, cao hơn 3,5°C so với cùng kỳ của năm 1900. Diện tích các sông băng, thường được gọi là « lớp băng vĩnh cửu » tại Bắc Mỹ, cũng tiếp tục giảm.
25% người Mỹ vẫn không tin có Biến đổi khí hậu
Tuy nhiên, theo một số thăm dò dư luận, vẫn còn khoảng 25% người Mỹ không tin là có Biến đổi khí hậu trên Trái đất, mà một phần quan trọng do các năng lượng hóa thạch. Một nghiên cứu của Viện Hàn Lâm Khoa Học Mỹ (PNAS), công bố ngày 19/12, giải thích một phần nguyên nhân khiến một bộ phận người Mỹ khó ý thức được thực tế này là do Hoa Kỳ là một quốc gia ôn đới, nơi dân cư ít phải đối diện với cái nóng.
Nhưng theo PNAS, lỗi một phần cũng là do giới khoa học về khí hậu, trong thời gian đầu đã không giải thích được rõ với công chúng về mối liên hệ giữa tình trạng toàn cầu bị hâm nóng và những biểu hiện hết sức đa dạng ở mỗi địa phương cụ thể, những biểu hiện vốn đã đo lường được.
Hy Lạp : Đầu độc thực phẩm để gây hại cho các tập đoàn lớn
Vài ngày trước những ngày lễ cuối năm, một nhóm mang tên Nemesis thông báo đã bỏ độc tố vào một số mặt hàng thực phẩm và nước uống được bày bán ở những siêu thị khác nhau ở vùng Attique, trong hai tuần lễ. Mục tiêu được nhóm này tuyên bố là để làm cho 4 tập đoàn đa quốc gia bị thiệt hại tài chính.
Thông tín viên RFI Charlotte Stiévenard từ Athens cho biết chi tiết :
“Thông báo của nhóm Nemesis Xanh đã được đưa lên mạng Indymedia. Trên trang web, người ta thấy một bàn tay mang găng đen cầm một ống chích và bơm một chất lạ vào một hộp xốt cà chua bằng giấy. Theo thông báo trên mạng thì đây là chất acide chlorhydrique, dùng để tẩy kim loại.
Nhóm Nemesis còn dùng cả chất chlore, và ngoài xốt cà chua, còn nhắm vào các loại xốt trộn xà lách, sữa tươi, nước trà lạnh hương vị đào và chanh, và cả những chai Coca Cola, khoảng 100 lô thức uống của Nestlé, Delta.
Trong một thông cáo chung, các tập đoàn đa quốc gia bị tấn công đã loan báo thu hồi phòng ngừa các sản phẩm liên can. Tập đoàn Delta của Hy Lạp đã lấy làm tiếc về thiệt hại gây ra cho giới sản xuất và cho xã hội Hy Lạp đang phải chịu khủng hoảng kinh tế.
Theo cảnh sát thì vụ việc được giao cho cơ quan chống khủng bố điều tra cùng với cơ quan an toàn thực phẩm Hy Lạp.
Đây là lần thứ hai mà nhóm Nemesis hành động như vậy. Họ biện minh là không nhắm vào người tiêu thụ mà chỉ nhằm gây thiệt hại tài chính cho các tập đoàn là đối tượng tấn công của họ“.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161221-hy-lap-thuc-pham-bi-dau-doc-de-chong-cac-tap-doan-da-quoc-gia
Syria : Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran
kêu gọi “ngừng bắn toàn quốc”
Họp lại tại Mátxcơva vào hôm qua, 20/12/2016, ngoại trưởng 3 nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí thúc đẩy tiến trình chính trị tại Syria và đứng ra bảo đảm cho đàm phán giữa chính quyền Damas và phe đối lập Syria.
Tại buổi họp báo chung sau cuộc họp với hai đồng nhiệm Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết là ba bên đã thông qua một văn kiện chung nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Syria. Trong văn kiện này, ba nước cam kết nỗ lực tiến tới một lệnh ngừng bắn trên cả nước Syria, đồng thời tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên ở Kazakhstan.
Theo ngoại trưởng Nga, ba nước đã nhất trí rằng ưu tiên hiện nay ở Syria phải là chống khủng bố, chứ không phải là dàn xếp một sự thay đổi chế độ ở Damas. Bộ Ngoại Giao Nga cho biết ngoại trưởng Lavrov đã điện đàm với đồng nhiệm Hoa Kỳ John Kerry để thông báo về kết quả cuộc họp vừa qua.
Theo các nhà phân tích, cuộc họp hôm qua tại Mátxcơva đã được tổ chức ngay sau khi quân đội chính phủ Syria với sự yểm trợ của không quân Nga đã giành được thắng lợi tại mặt trận Aleppo trước quân nổi dậy. Điều này phản ánh thế thượng phong được khôi phục của Nga và Iran, hai đồng minh của chế độ Assad, cũng như của Thổ Nhĩ Kỳ, cường quốc không thể thiếu vắng trong khu vực.
Trên hiện trường, tại khu vực đông Aleppo, quân đội Damas đã ra tối hậu thư cho lực lượng nổi dậy còn có mặt tại chỗ là phải nhanh chóng rút đi.
Ngoại trưởng Nga Lavrov hôm qua đã khẳng định quá trình sơ tán dân thường tại thành phố Aleppo sẽ được hoàn tất trong vòng tối đa 2 ngày. Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để giúp triển khai chiến dịch sơ tán Aleppo, trong khi Nhóm Quốc Tế Hỗ Trợ Syria hoàn toàn bất lực.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161221-syria-nga-tho-nhi-ky-va-iran-tai-khang-dinh-hau-thuan-cho-damas
Hàn Quốc: Đảng cầm quyền có nguy cơ bị phân hóa
Đảng cầm quyền tại Hàn Quốc đang có nguy cơ bị phân hóa với việc hàng chục dân biểu của đảng này tuyên bố rời khỏi đảng, vào lúc mà Tòa Án Tối Cao chuẩn bị xem xét việc truất phế tổng thống Park Geun-Hye.
Hơn 30 dân biểu chống bà Park Geun-Hye trong đảng cầm quyền Saenuri hôm nay, 21/12/2016, đã tuyên bố sẽ rời khỏi đảng này vào ngày 27/12. Họ cáo buộc ban lãnh đạo đảng Saenuri là đã không chịu tự cải tổ cho dù đang gặp khủng hoảng chính trị và tai tiếng tham nhũng. Nếu số dân biểu nói trên ly khai khỏi đảng Saenuri, đảng này sẽ chỉ còn 90 ghế trên tổng số 300 ghế ở Quốc hội, thua cả đảng đối lập chính, đảng Dân Chủ.
Nguy cơ phân hóa của đảng cầm quyền sẽ gây khó khăn cho tổng thư ký Liên Hiệp Quốc mãn nhiệm Ban Ki – Moon, mà nhiều nhà quan sát chờ đợi là sẽ đại diện đảng Saenuri ra ứng cử tổng thống Hàn Quốc.
Chính các dân biểu ly khai đã góp phiếu với phe đối lập để thông qua quyết định truất phế tổng thống Park Geun- Hye, bị cáo buộc đồng lõa với người bạn thân Choi Soon-Sil, hiện đang bị xử về tội tống tiền và lạm dụng quyền lực. Bà Park còn bị cáo buộc đã ra lệnh cho các cộng sự viên chuyển cho Choi Soon-Sil những tài liệu chính thức, mặc dù bà này chẳng có chức vụ gì.
Trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ tai tiếng này, một êkíp các nhà điều tra độc lập hôm nay đã khám xét trụ sở của Quỹ Hưu Trí Quốc Gia, để tìm hiểu xem có đúng là tập đoàn Samsung đã hối lộ cho bà Choi Soon-Sil hay không. Nhóm điều tra này cũng cho biết đã yêu cầu phát lệnh bắt giữ con gái của bà Choi, dường như đang ở châu Âu.
Trong khi đó, ngày mai, Tòa Án Tối Cao Hàn Quốc sẽ bắt đầu xem xét khả năn
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161221-han-quoc-dang-cam-quyen-co-nguy-co-bi-phan-hoa
Nhật Bản và Indonesia hợp tác về an ninh hàng hải
Hôm nay, 21/12/2016, Nhật Bản và Indonesia đã đồng ý sẽ hợp tác về an ninh hàng hải trong bối cảnh mà cả hai quốc gia này đều đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.
Tại Tokyo, bộ trưởng Indonesia đặc trách các vấn đề trên biển Luhut Panjaitan và ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đã trao đổi các tài liệu hợp tác về an ninh hàng hải và phát triển kinh tế các đảo nhỏ xa bờ.
Theo lời một quan chức bộ Ngoại Giao Nhật nói với hãng tin AFP, hiệp định này là nhằm giúp Indonesia nâng cao khả năng bảo đảm an ninh hàng hải và thúc đẩy phát triển kinh tế các đảo xa.
Tuy Indonesia không có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên các đảo và đá ở Biển Đông, nhưng vùng biển mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền lại chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia chung quanh quần đảo Natuna, một khu vực rất giàu hải sản.
Còn Nhật Bản chỉ có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, nhưng đang tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, đồng thời vẫn đòi là các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết theo đúng luật pháp quốc tế.
Publicité
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161221-nhat-ban-va-indonesia-hop-tac-ve-an-ninh-hang-hai