Tin khắp nơi – 21/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 21/11/2018

Trump nộp bản hồi đáp chất vấn của ông Mueller

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trình câu trả lời bằng văn bản cho các câu hỏi của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller trong cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, ông Rudy Giuliani, luật sư của ông Trump hôm 20/11 cho biết.

Trong một thông cáo, ông Giuliani nói rằng ‘phần lớn những điều được hỏi đặt ra những vấn đề Hiến pháp quan trọng và vượt quá quy mô của một cuộc điều tra hợp pháp’.

Tuy nhiên ông cũng nói rằng Tổng thống Trump sẽ ‘hợp tác ở mức độ chưa từng thấy’ và ‘đã đến lúc chấm dứt cuộc điều tra này’.

Ông Trump sẽ trả lời những câu hỏi về việc ban vận động tranh cử của ông có thông đồng với Nga hay không, ông Giuliani cho biết trước đó, chứ không phải những câu hỏi về việc ông có tìm cách cản trở công lý khi đang tại chức hay không – một nội dung mà ông Mueller cũng đang điều tra.

Trong số những câu hỏi mà ông Trump trả lời có cuộc gặp hồi tháng 6 năm 2016 giữa con trai ông là Donald Trump Jr., các thành viên khác trong ban vận động tranh cử của ông Trump và một nhóm những người Nga, một nguồn tin hồi tuần trước cho biết.

Hồi mùa hè năm ngoái, ông Trump đã phủ nhận có biết về cuộc gặp diễn ra ở tháp Trump này. Tại cuộc gặp đó, phía Nga đã hứa hẹn sẽ đưa ra những thông tin mang tính hủy hoại cho đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton.

Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong nỗ lực chuyển hướng nó về phía có lợi cho ông Trump bằng cách phá hoại bà Clinton. Moscow đã phủ nhận cáo buộc và ông Trump cũng nói ông không có bất kỳ sự thông đồng nào.

Ông Mueller đã tống đạt cáo trạng đối với một số cựu trợ lý của ông Trump, trong đó có cựu chiến dịch vận động tranh cử của ông và cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông cùng với một số cá nhân và tổ chức của Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-n%E1%BB%99p-b%E1%BA%A3n-h%E1%BB%93i-%C4%91%C3%A1p-ch%E1%BA%A5t-v%E1%BA%A5n-c%E1%BB%A7a-%C3%B4ng-mueller/4667436.html

 

TQ gia tăng tấn công tin tặc

trước cuộc họp Trump-Tập

Một báo cáo của chính phủ Mỹ tố cáo Trung Quốc đã tăng cường tấn công tin tặc nhằm đánh cắp công nghệ của các doanh nghiệp Mỹ trước cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.

Hãng tin AP trích dẫn một báo cáo của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer công bố hôm 20/11, cho biết các nỗ lực tấn công của Trung Quốc nhằm đánh cắp công nghệ và bí mật thương mại của Mỹ đã “tăng tần suất và ngày càng tinh vi hơn” trong năm nay.

Khi được hỏi phản ứng về báo cáo này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói quan hệ thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc là “cùng có lợi” và “đương nhiên là có những mâu thuẫn thương mại.”

Ông Sảng nói: “Điều quan trọng là phải tham gia đối thoại và tham vấn về vấn đề dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng, và tin tưởng lẫn nhau.”

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận để chuẩn bị cho cuộc họp Trump-Tập và các nguồn tin cho biết Bắc Kinh đã gửi các đề xuất bằng văn bản, nhưng không công bố chi tiết.

“Trung Quốc về cơ bản không thay đổi” chính sách công nghệ của mình” và hình như đã tăng cường các hành động phi pháp,” báo cáo của ông Lighthizer viết.

Báo cáo cho biết các cuộc tấn công có thể xuất phát từ “các thực thể Trung Quốc được nhà nước bảo trợ,” nhắm vào các công ty điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác, đã tăng từ giữa năm 2017.

Trong đợt tấn công đó phải kể đến sự “tăng vọt”của các hoạt động tin tặc nhắm vào các nhà chế tạo sản xuất Mỹ trong thời gian 3 tháng, kết thúc vào tháng 9 – mà theo ông Lighthizer là “một hình thức tấn công thường được gắn liền với hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc”.

https://www.voatiengviet.com/a/tq-gia-tang-tan-cong-tin-tac-truoc-cuoc-hop-trump-tap/4668082.html

 

Mỹ hàm ý muốn ‘trục xuất’ Trung Quốc khỏi WTO

Một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump vừa đưa ra đề nghị có thể “trục xuất Trung Quốc” ra khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).Trong một cuộc phỏng vấn của BBC, ông Kevin Hassett, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Mỹ, nói Trung Quốc “đã thiếu cư xử” với tư cách của một thành viên của WTO.

Ông cũng tuyên bố rằng tổ chức này là đã Hoa Kỳ thất vọng.

Ông Hassett cũng cho rằng chiến lược cứng rắn của ông Donald Trump về thương mại quốc tế đang đạt hiệu quả.

Căng thẳng Mỹ – Trung lộ rõ ở Apec

Tập Cận Bình: Chủ nghĩa bảo hộ ‘ắt thất bại’

APEC: Một mâu thuẫn không lối thoát

Còn đối với WTO thì cách tiếp cận của chính quyền của Tổng thống Trump bị nhiều thành viên khác cho là gây rối.

Nó gây ra một thách thức lớn đối với WTO trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các nước thành viên về cáo buộc vi phạm các quy tắc của WTO.

Tiến sĩ Hassett cho biết WTO đã đóng một vai trò lịch sử rất quan trọng trong việc giúp hiện đại hóa thế giới. Nhưng ông cũng nghĩ rằng nó đã khiến Mỹ thất vọng ở nhiều mặt.

Ông nói rằng Hoa Kỳ thường thắng các vụ việc mà Washington trình lên WTO nhưng “phải mất năm hoặc sáu năm sau mới được giải quyết và khi đó thì thiệt hại đã xảy ra”.

Ông nói rằng WTO cần phải cải thiện việc đối phó với các nước không tuân thủ các quy tắc và sẵn sàng nhận thua tại WTO vì hình phạt quá nhẹ.

“Chúng tôi chưa bao giờ hình dung được rằng có một quốc gia gia nhập WTO mà hành xử như cái cách mà Trung Quốc đang làm. Một thành viên WTO cư xử sai phạm quá nhiều như thế này khá là mới,” ông Kevin Hassett nói.

Ông Hassett đặt ra ba giải pháp để giải quyết tình trạng trên: thông qua đàm phán song phương, cải cách WTO hay thậm chí loại Trung Quốc ra khỏi WTO.

Lựa chọn cuối cùng được cho là lựa chọn ít được mong muốn nhất, bất đắc dĩ nhất của Tiến sĩ Hassett và ông nêu đề nghị này dưới dạng một câu hỏi: “Chúng ta có nên theo đuổi việc trục xuất Trung Quốc khỏi WTO?”

Điều này có thể sẽ không xảy ra, nhưng nó vẫn rất kinh ngạc khi nghe những lời này từ một nhân vật cao cấp trong chính quyền Hoa Kỳ.

Nhưng điều này cũng chứng tỏ nó hoàn toàn tuân theo chính sách cách tiếp cận kinh tế đối ngoại rất quyết đoán của chính quyền Trump – có phần đối đầu hơn những người tiền nhiệm của ông.

Tiến sĩ Hassett cũng nói thêm rằng mức thuế quan mới đánh lên Trung Quốc đã được thiết kế để gây ra thiệt hại tối thiểu Hoa Kỳ nhưng gây áp lực tối đa đối với Trung Quốc.

Ông cho rằng chính sách thuế quan này đang rất hiệu quả và buộc Trung Quốc phải đến bàn đàm phán.

Ông nói ông rất hy vọng rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có các cuộc đàm phán hiệu quả khi gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46285554

 

Hoa Kỳ chặn mạng lưới

tài trợ cho Hamas và Hezbollah ở Syria

Hoa Kỳ đã phá vỡ một mạng lưới liên kết giữa Iran-Nga được tin là đã chuyển hàng triệu thùng dầu tới Syria và hàng trăm triệu đôla để gián tiếp tài trợ cho các nhóm chủ chiến Hamas và Hezbollah, vốn bị Washington liệt vào danh sách khủng bố.

Hãng tin Reuters trích một tuyên bố của Bộ Tài Chính Hoa Kỳ hôm 20/11 nói rằng mạng lưới phức tạp này có liên quan đến một công dân Syria bị cáo buộc đã dùng một công ty của ông có trụ sở tại Nga để vận chuyển dầu từ Iran sang Syria với sự tiếp tay của một công ty thuộc quyền sở hữu của nhà nước Nga.

Syria sau đó đã giúp chuyển hàng trăm triệu đôla tiền mặt cho nhóm dân quân Hezbollah hoạt động như một đảng chính trị trong chính quyền Li băng, và cũng là một lực lượng dân quân.

Đồng thời, Syria cũng chuyển tiền để tài trợ cho nhóm Hamas của người Palestine đang thống lĩnh Dải Gaza.

Bộ Tài Chính Mỹ tố cáo rằng kể từ năm 2014, các tàu chở dầu của Iran đã tắt bộ thu phát tín hiệu để che giấu việc giao hàng cho Syria.

Bộ Tài Chính, Bộ Ngoại giao và Lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ đã ban hành cảnh báo cho cộng đồng hàng hải về những rủi ro phát sinh từ lệnh trừng phạt vận chuyển dầu đối với chính phủ Syria.

Thông tấn Nga RIA trích lời ông Oleg Morozov, một thành viên của Hội đồng Liên bang Nga, cho biết vào cuối ngày 20/11 rằng Nga sẽ tiếp tục cung cấp dầu cho Syria theo thỏa thuận với Damascus bất chấp áp lực từ Hoa Kỳ.

Ông Morozov nói Nga đang hành động và sẽ hành động một cách “hoàn toàn hợp pháp.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran nói những lệnh trừng phạt của Mỹ là “vô bổ, bất hợp lý, và không hiệu quả.”

https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-chan-mang-luoi-tai-tro-cho-hamas-va-hezbolla-o-syria/4668021.html

 

Trump vẫn ủng hộ Ả-rập Xê út

bất chấp vụ giết hại Khashoggi

Tổng thống Donald Trump hôm 20/11 tuyên bố sẽ vẫn là một “đối tác kiên định” của Ả-rập Xê út dù cho rằng Thái tử Ả-rập Xê út Mohammed bin Salman có thể đã biết về kế hoạch giết chết nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi hồi tháng trước.

Bất chấp áp lực từ các nhà lập pháp Mỹ đòi áp đặt chế tài nghiêm khắc hơn lên Ả-rập Xê út, ông Trump cũng cho biết ông sẽ không hủy các hợp đồng quân sự với vương quốc này, nói rằng hành động mà ông gọi là “xuẩn ngốc” đó sẽ chỉ có lợi cho Nga và Trung Quốc.

Ông Trump nói các cơ quan tình báo Mỹ vẫn đang nghiên cứu các bằng chứng về vụ sát hại ông Khashoggi trong lãnh sự quán Ả-rập Xê út ở Istanbul vào ngày 2 tháng 10 và những người đã hoạch định vụ việc.

“Các cơ quan tình báo của chúng ta tiếp tục thẩm định tất cả thông tin, nhưng rất có thể Thái tử có biết về sự kiện bi thảm này – có thể ông ấy đã biết mà cũng có thể không biết!” ông Trump nói trong một tuyên bố của Nhà Trắng.

Các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết thẩm định của CIA là rất có thể Thái tử Mohammed, người đang cai trị Ả-rập Xê út trên thực tế, đã biết trước về vụ giết hại ông Khashoggi.

Các nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đã kêu gọi ông Trump ngừng ủng hộ Thái tử, nhưng Tổng thống đã tỏ ra ngần ngại.

Ông Trump nói cả Quốc vương Salman của Ả-rập Xê út và Thái tử đều “kịch liệt phủ nhận bất kì sự hay biết nào về việc hoạch định hoặc tiến hành vụ giết người,” và rằng sự thật có thể không bao giờ được biết tới.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Ả-rập Xê út, một nước sản xuất dầu lớn, là một đối tác kinh doanh quan trọng và là một “đồng minh tuyệt vời” trong cuộc chiến chống lại quyền lực của Iran ở Trung Đông.

“Hoa Kỳ dự định sẽ vẫn là một đối tác kiên định của Ả-rập Xê út để bảo đảm lợi ích của đất nước chúng ta, Israel và tất cả các đối tác khác trong khu vực,” ông Trump nói.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-van-ung-ho-a-rap-xe-ut-bat-chap-vu-giet-hai-khashoggi/4667024.html

 

Con gái ông Trump bị tố

dùng email cá nhân cho công vụ

Ivanka Trump, con gái của Tổng thống Mỹ Donald Trump và một trong những cố vấn thân cận của ông, đã gửi hàng trăm email tới các trợ lý Nhà Trắng và các quan chức chính phủ bằng tài khoản email cá nhân của cô, thường xuyên vi phạm các quy định về việc lưu trữ hồ sơ liên bang, một tổ chức giám sát có chủ trương cấp tiến ở Washington kết luận.

American Oversight cho biết trong năm 2017, cô Ivanka thường bàn bạc hoặc chuyển công việc chính thức của Nhà Trắng thông qua một tài khoản email cá nhân mà cô dùng chung với chồng, Jared Kushner, cũng là một cố vấn Nhà Trắng cho ông Trump.

Việc cô sử dụng email cá nhân để giải quyết công việc của chính phủ mang một số nét tương đồng với một trong những luận điệu công kích nổi bật nhất và lâu dài nhất của ông Trump nhắm vào đối thủ Đảng Dân chủ của ông lúc tranh cử Tổng thống năm 2016, Hillary Clinton, về việc bà sử dụng một máy chủ email cá nhân đặt trong nhà riêng của bà ở New York thời bà còn làm Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 2009 đến năm 2013. Bà Clinton đã được FBI xác định là không có hành vi phạm pháp.

Đạo luật Hồ sơ Tổng thống quy định tất cả những trao đổi liên lạc và hồ sơ của Nhà Trắng phải được lưu trữ. Nhưng một số quan chức Nhà Trắng dường như bất ngờ về mức độ sử dụng email cá nhân của cô Trump và lời giải thích của cô rằng cô không biết về các quy định của chính phủ.

Các email của cô sau đó được luật sư riêng của cô ở Washington, Abbe Lowell, duyệt xét để xác định email nào sẽ được lưu trữ vĩnh viễn như một phần trong hồ sơ Nhà Trắng.

Một phát ngôn viên cho luật sư này thừa nhận cô đã sử dụng email cá nhân trong khi làm việc cho cha cô tại Nhà Trắng, nhưng nói việc này khác với việc bà Clinton sử dụng một máy chủ email riêng tư.

“Trong quá trình chuyển tiếp sang làm việc trong chính phủ, sau khi cô được cấp một tài khoản chính thức nhưng cho đến khi Nhà Trắng cung cấp cho cô hướng dẫn giống như hướng dẫn được cấp cho những người khác bắt đầu làm việc trước cô ấy, cô Trump đôi khi sử dụng tài khoản cá nhân của mình, hầu như luôn luôn cho việc hậu cần và lập kế hoạch liên quan đến gia đình cô,” người phát ngôn này nói.

Nhưng ông nói thêm, “Cô Trump không lập một máy chủ riêng tư đặt trong nhà hoặc văn phòng của cô, không có thông tin bảo mật nào gửi trong email, tài khoản không bao giờ được chuyển qua tại Tổ chức Trump, và không có email nào bị xóa.”

Austin Evers, giám đốc điều hành của American Oversight, nói rất khó chấp nhận lập luận của Ivanka Trump rằng cô không biết các quy định của chính phủ về việc không sử dụng email cá nhân khi làm công tác của chính phủ.

“Có một sự đạo đức giả thấy rõ là cha cô ta lúc tranh cử đã đem chuyện sử dụng sai email cá nhân làm thông điệp cốt lõi của chiến dịch,” ông Evers nói. “Nói rằng cô ta không hiểu rõ hơn là điều phi lí. Rõ ràng tất cả mọi người gia nhập chính quyền Trump cần phải cảnh giác cao độ về việc sử dụng email cá nhân.”

Cho đến ngày nay tại các cuộc tâp hợp chính trị, Tổng thống Trump vẫn thường nhạo báng bà Clinton là “Hillary Gian trá” vì tranh cãi về chuyện email từ chiến dịch tranh cử cách đây hai năm, và những người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông vẫn hô khẩu hiệu “Nhốt bà ta lại.”

https://www.voatiengviet.com/a/con-gai-ong-trump-bi-to-dung-email-ca-nhan-cho-cong-vu/4667019.html

 

Nhà Trắng cấp lại thẻ hành nghề

cho phóng viên CNN

Ken Schwartz

Ken Bredemeier

Chris Hannas

Nhà Trắng khôi phục thẻ hành nghề báo chí cho phóng viên CNN Jim Acosta, nhưng cảnh cáo rằng ông có thể bị tịch thu thẻ lần nữa nếu không tuân thủ các luật lệ tham gia họp báo.

Nhà Trắng thu hồi thẻ báo chí của ông Acosta sau một vụ phóng viên CNN này đôi co với Tổng thống Donald Trump tại một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp cách đây 2 tuần.

CNN nói Nhà Trắng “rút lui,” và họ sẽ hủy vụ kiện chống lại chính quyền ông Trump.

“Cám ơn mọi người đã ủng hộ tôi,” phóng viên Acosta viết trên Twitter. “Như tôi nói hôm thứ Sáu tuần trước …. Hãy trở lại với công việc.”

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders thông báo với ông Acosta trong một bức thư gửi đi hôm 19/11 rằng phóng viên CNN này một lần nữa được chào đón trở lại Nhà Trắng nhưng cảnh báo rằng ông và những phóng viên khác có thể bị thu hồi thẻ báo chí nếu họ không tuân thủ điều mà bà Sanders gọi là “những luật lệ dứt khoát” – tức một phóng viên chỉ được phép hỏi một câu hỏi; chỉ có tổng thống hoặc những người trả lời câu hỏi có quyền cho phóng viên hỏi câu kế tiếp.

“Trong nhiều năm qua, các phóng viên báo chí Nhà Trắng tham gia vô số các cuộc họp báo với tổng thống và các quan chức khác mà không có các hành xử như ông Acosta đã làm trong cuộc họp báo hôm 7/11,” bà Sanders nói.

Hiệp hội các phóng viên Nhà Trắng (WHCA) nói việc phục hồi thẻ báo chí Nhà Trắng cho ông Acosta là việc làm đúng đắn, nhưng bày tỏ bất đồng đối với những luật lệ mới.

“Kể từ khi bắt đầu có các cuộc họp báo ở Nhà Trắng, các phóng viên ở Nhà Trắng luôn hỏi các câu hỏi tiếp theo. Chúng tôi hoàn toàn hy vọng rằng truyền thống đó sẽ được tiếp tục,” Chủ tịch WHCA Oliver Knox nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quan điểm rằng một nền báo chí tự do và độc lập đóng một vai trò thiết yếu trong việc làm lành mạnh nền cộng hòa của chúng ta.”

Tại cuộc họp báo hôm 7/11, ông Acosta hỏi ông Trump liệu ông đã coi các đoàn người di cư từ Trung Mỹ đang hy vọng vượt qua biên giới Mexico vào Mỹ là mối họa khi cho đó là một “sự xâm lược”. Ông Trump đáp lại rằng ông tin đó là một sự xâm lược và nói với phóng viên của CNN rằng: “Thật tình mà nói, tôi nghĩ là anh nên để tôi điều hành đất nước này.”

Việc đôi co giữa phóng viên CNN và ông Trump trở nên căng thẳng khi ông Acosta tìm cách hỏi tổng thống một câu hỏi khác về cuộc điều tra việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Tổng thống nói ông không quan ngại “về bất cứ điều gì” bởi vì ông cho rằng cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller là một trò chơi xỏ. Sau đó ông Trump gọi ông Acosta là một “người thô lỗ, kinh tởm.”

Phóng viên CNN từ chối trả lại micro và tiếp tục hỏi ông Trump câu hỏi tiếp theo. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sanders cáo buộc ông Acosta là đã đẩy tay một thực tập viên khi cô tìm cách lấy lại mirco – một cáo buộc mà ông Acosta phủ nhận.

Nhà Trắng sau đó thu hồi thẻ hành nghề báo chí của phóng viên này. Tuy nhiên một tòa án liên bang hôm 16/11 đã ra lệnh cho Nhà Trắng phải phục hồi lại thẻ cho ông Acosta vì cho rằng lệnh cấm này có thể vi phạm quyền hiến định về tự do báo chí của ông.

https://www.voatiengviet.com/a/nha-trang-cap-lai-the-hanh-nghe-cho-phong-vien-cnn/4666742.html

 

Đại diện môi trường Liên Hiệp Quốc từ chức

Trưởng cơ quan môi trường Liên Hiệp Quốc Erik Solheim hôm 20/11 cho biết ông từ chức sau khi nhận được kết quả kiểm toán chung cuộc về chi phí đi lại chính thức của ông.

Dự thảo của bản báo cáo cho thấy 529 trong số 668 ngày được kiểm toán ông đều đi công tác và chi tiêu 488.518 đô la mà không hề quan tâm đến các quy định, tờ The Guardian của Anh đưa tin hồi tháng Chín.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã chấp nhận đơn từ chức của ông Solheim vốn sẽ có hiệu lực kể từ ngày 22/11, phát ngôn nhân của Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric nói với các nhà báo.

Khi được hỏi về phí tổn đi lại của ông Solheim, Dujarric nói: “Tôi nghĩ rằng ngài Tổng thư ký hài lòng khi thấy được Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cam kết thực thi các khuyến nghị đươc đưa ra trong bản báo cáo của Văn phòng Giám sát Nội bộ.”

Ông Solheim là cựu Bộ trưởng Môi trường Na Uy. Ông cho biết trong một thông cáo rằng ông từ chức khỏi chức vụ giám đốc điều hành UNEP có trụ sở ở Nairobi sau khi nhận được báo cáo kiểm toán cuối cùng.

“Tôi đã và luôn sẽ một lòng làm những gì tôi cho là đem đến lợi ích tốt nhất cho Liên Hiệp Quốc, môi trường và sứ mạng mà chúng ta được giao phó ở đây,” ông cho biết.

Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc có mục tiêu đặt ra nghị trình môi trường toàn cầu thông qua lãnh đạo và đối tác.

Dujarric mô tả Solheim là ‘tiếng nói đi đầu trong việc kêu gọi sự quan tâm của thế giới đối với các thách thức môi trường nghiêm trọng, trong đó có ô nhiễm sản phẩm nhựa; hành động môi trường, quyền của những người bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và an ninh môi trường.”

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BA%A1i-di%E1%BB%87n-m%C3%B4i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%A9c/4667416.html

 

Carlos Ghosn tiếp tục bị giam,

Nissan có thể bị truy tố

Tú Anh

Tai tiếng chủ tịch Renault-Nissan-Mitsubishi lan rộng. Carlos Ghosn bị giam thêm 10 ngày để điều tra thêm về tai tiếng khai gian thu nhập. Báo chí Nhật cho biết thêm nhiều thông tin mới liên quan đến các hành vi sai trái của Carlos Ghosn và cánh tay mặt Greg Kelly ( cũng vừa bị bắt ), cùng với sự đồng lõa của nhiều nhân vật lãnh đạo Nissan. Tập đoàn Nissan, với tư cách pháp nhân, có thể bị truy tố.

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles tường thuật :

“Theo một cuộc điều tra nội bộ của Nissan, Carlos Ghosn đã chỉ khai với sở thuế Nhật Bản và cổ đông của tập đoàn xe hơi Nissan 50% khoảng thu nhập, tức là khoảng 39 triệu euro, thay vì 78 triệu, từ năm 2010 đến 2015.

Báo chí Nhật cho biết là chủ tịch tổng giám đốc đã không kê khai với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán những khoản tiền thưởng liên quan đến trị giá cổ phần của Nissan lên điểm theo thời gian.

Nissan cũng có một phần trách nhiệm trong vụ bê bối che dấu thu nhập của chủ tịch. Ông Carlos Ghosn không thể một mình đánh tráo các dữ kiện. Nếu có lỗi thì công ty cũng bị truy tố.

Theo nhật báo kinh tế Nikkei, hai cán bộ quan trọng của Nissan thân cận với Carlos Ghosn đã qua một chi nhánh ở Hà Lan mua nhiều toà biệt thự sang trọng tại bốn nước dành cho chủ tịch sử dụng. Hai nhân vật này chấp nhận hợp tác với tư pháp đổi lại việc được giảm án nếu bị trừng phạt.”

Ngày mai, hội đồng quản trị của Nissan sẽ biểu quyết một đề nghị cách chức chủ tịch Carlos Ghosn. Mitsubishi cũng có hành động tương tự. Tại Pháp, công ty Renault chỉ định ông Thierry Bolloré, cánh tay mặt của Carlos Ghosn, làm quyền chủ tịch tổng giám đốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181121-kinh-te-carlos-ghosn-tiep-tuc-bi-giam-nissan-co-the-bi-truy-to

 

Pháp nhức đầu vì các nhà máy hạt nhân

Thanh Phương

Pháp là quốc gia đứng hàng thứ hai thế giới về số lò phản ứng hạt nhân ( 58 lò phản ứng ), chỉ sau Hoa Kỳ ( 99 lò phản ứng ). Tại Pháp, hơn 70% lượng điện là đến từ các nhà máy hạt nhân. Nhưng hiện nay, giữa một bên là nhu cầu điện năng và bên kia là áp lực của giới chống năng lượng nguyên tử, chính phủ Pháp đang đau đầu về chuyện xử lý những lò phản ứng đã quá cũ và có thể không còn an toàn nữa, cũng như về chuyện giảm tỷ trọng của năng lượng hạt nhân trong tổng sản lượng điện của quốc gia.

Vào tuần tới, chính phủ Pháp sẽ phải quyết định một trong ba kịch bản dự trù đóng cửa từ 0 đến 6 lò phản ứng từ đây đến năm 2028, chưa kể hai lò của nhà máy điện nguyên tử Fessenheim, sẽ đóng cửa trong nhiệm kỳ hiện nay của tổng thống Emmanuel Macron.

Hệ thống điện hạt nhân của Pháp

Hiện giờ, các nhà máy điện hạt nhân của Pháp nằm tại 19 địa điểm khác nhau, với công suất tổng cộng là 63 ngàn megawatt ( MW ). Tỷ trọng điện hạt nhân trong sản lượng điện ở Pháp ( 71,6% ) là mức cao nhất thế giới hiện nay, bỏ xa các nước kế tiếp Slovaquia ( 54% ), Ukraina ( 54% ), Bỉ ( 52% ) và Hungary ( 51% ).

Toàn bộ 58 lò phản ứng còn hoạt động đều sử dụng công nghệ gọi là công nghệ «thế hệ thứ hai», lò phản ứng nước áp lực, tất cả do tập đoàn Điện lực Quốc gia Pháp ( EDF ) quản lý.

Trong số các nhà máy hạt nhân còn hoạt động của Pháp, cũ nhất chính là nhà máy Fessenheim ở vùng Haut-Rhin, nằm dọc theo sông Rhin. Theo dự kiến, nhà máy này sẽ phải đóng cửa trong khoảng thời gian từ cuối năm nay đến đầu năm sau. Tuy nhiên, kế hoạch đóng cửa nhà máy này có thể bị dời lại đến cuối năm 2019 hoặc hơn nữa.

Đa số các nhà máy điện hạt nhân hiện nay đã được đưa vào hoạt động trong thập niên 1980, hai nhà máy điện mới nhất thì bắt đầu sản xuất điện vào năm 2000 và 2002. Một lò phản ứng EPR ( lò phản ứng thế hệ thứ ba ) đang được xây dựng từ năm 2007 ở Flamanville.

Công nghệ EPR được xem là công nghệ hàng đầu của ngành điện hạt nhân Pháp, với công suất dự trù lên tới 1.650 MW cho mỗi lò phản ứng và với nhiều hệ thống bảo đảm an toàn. Thế nhưng, công trình xây dựng lò phản ứng EPR đã gặp nhiều chậm trễ. Theo dự kiến ban đầu, lò phản ứng ở Flamanville lẽ ra đã được đưa vào hoạt động từ năm 2012, nhưng cuối cùng phải đến cuối năm 2019, lò phản ứng này mới có thể bắt đầu được vận hành và bắt đầu sản xuất điện từ năm 2020, với « tuổi thọ » được thẩm định là 60 năm. Chi phí xây dựng lò EPR Flamanville đã tăng gấp ba so với dự toán ban đầu, lên tới gần 11 tỷ euro.

Kế hoạch tháo dỡ các lò phản ứng

Tập đoàn EDF thẩm định « tuổi thọ » của các nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ hai của Pháp ít nhất là 40 năm. Thế nhưng các tổ chức bảo vệ sinh thái, như tổ chức Sortir du nucléaire ( Ra khỏi hạt nhân ), không đồng ý với thẩm định đó. Họ cho rằng hệ thống nhà máy điện nguyên tử của Pháp hiện đang « lão hóa », khiến cho sự an toàn hạt nhân bị đe dọa nghiêm trọng.

Vào tháng 01/2018, tập đoàn EDF đã tuyên bố là họ không muốn đóng cửa lò phản ứng nào khác ngoài các lò của Fessenheim trước năm 2029. Tập đoàn này vào cuối năm 2015 đã thẩm định tổng chi phí cho việc tháo dỡ toàn bộ 58 lò phản ứng nước áp lực là khoảng 75 tỷ euro, nhưng một báo cáo của Quốc Hội Pháp vào tháng 02/2017 cho rằng EDF đã thẩm định quá thấp chi phí đó.

Trong quá khứ, EDF đã từng tháo dỡ 9 lò phản ứng thế hệ thứ nhất, được đưa vào hoạt động trong khoảng thời gian từ 1963 đến 1986.

Ba kịch bản cho mục tiêu giảm tỷ trọng điện hạt nhân

Ban đầu chính phủ Pháp đã đề ra mục tiêu là từ đây đến năm 2025 sẽ giảm tỷ trọng điện hạt nhân xuống còn 50%, nhưng vào cuối năm 2017, họ đã đẩy lùi thời điểm này là từ đây đến năm 2030 hoặc 2035.

Để đạt được mục tiêu đó, trong khuôn khổ kế hoạch năng lượng đến năm 2028, chính phủ Pháp hiện đang xem xét chọn một trong ba kịch bản, theo các tài liệu mà hãng tin AFP có được.

Trong kịch bản thứ nhất, ngoài 2 lò phản ứng hạt nhân ở Fessenheim sẽ đóng cửa trong nhiệm kỳ tổng thống Macron, tổng cộng sẽ có 6 lò phản ứng đóng cửa trong thời gian từ 2023 đến năm 2027, theo đúng yêu cầu của các tổ chức chống năng lượng nguyên tử. Kịch bản này cũng dự trù là trong khoảng thời gian từ 2028 đến 2035, sẽ đóng cửa thêm 6 lò phản ứng nữa. Theo kịch bản này, chính phủ Pháp sẽ bồi thường EDF cho việc đóng cửa các lò phản ứng.

Như vậy là tổng cộng sẽ có 14 lò phản ứng trên 58 lò hiện có sẽ ngưng hoạt động để Pháp đạt được mục tiêu giảm tỷ trọng điện hạt nhân xuống còn 50% ngay từ năm 2030. Trong kịch bản này, không loại trừ khả năng là Pháp sẽ xây các lò phản ứng mới, nhưng sẽ không có lò phản ứng mới nào được đưa vào hoạt động trước năm 2035, ngoài lò phản ứng EPR ở Flamanville.

Cũng theo kịch bản này, song song với việc tháo dỡ một số lò phản ứng hạt nhân, Pháp sẽ nỗ lực phát triển các nguồn năng lượng sạch, chủ yếu là điện gió và điện Mặt trời, để làm sao đạt được mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 40% ngay từ năm 2030.

Kịch bản thứ hai mà chính phủ Pháp xem xét dự trù là ngoài hai lò phản ứng ở Fessenheim, sẽ không có lò phản ứng nào bị đóng cửa trong thời gian từ đây đến năm 2028, theo đúng yêu cầu của chủ tịch tổng giám đốc EDF, Jean – Bernard Lévy. Cũng giống như trong kịch bản 1, kịch bản này dự trù đóng cửa 12 lò phản ứng, nhưng việc đóng cửa các lò này tập trung vào giai đoạn 2028-2035, mà chính phủ không bồi thường đồng nào cho EDF.

Kịch bản thứ hai cũng để ngỏ khả năng xây các lò phản ứng hạt nhân mới, nhưng sẽ không có lò phản ứng nào được đưa vào hoạt động trước năm 2035. Cũng theo kịch bản này, mục tiêu 40% năng lượng sạch sẽ đạt được trễ nhất là năm 2032.

Trong khi đó thì kịch bản thứ ba là có lợi nhất cho điện nguyên tử, vì kịch bản này dự trù là sẽ chỉ có 9 lò phản ứng đóng cửa trong khoảng thời gian từ 2028 đến 2035. Nhưng phải đến năm 2040, Pháp mới có thể đạt được mục tiêu giảm tỷ trọng điện hạt nhân xuống còn 50%. Kịch bản này cũng ghi rõ bằng giấy trắng mực đen là ngoài 2 lò phản ứng EPR ở Flamanville, Pháp sẽ xây thêm 4 lò phản ứng mới trong giai đoạn 2034 đến 2041. Trong kịch bản thứ ba thì nhịp độ phát triển năng lượng sạch sẽ chậm hơn, tức là phải đến năm 2034 mới có thể đạt được mục tiêu 40%.

Phản ứng của giới chống năng lượng hạt nhân

Nhưng các tổ chức bảo vệ môi sinh đều đã phản đối cả ba kịch bản nói trên và theo họ, chính phủ không thật sự nỗ lực để giảm tỷ trọng điện nguyên tử.

Tuyên bố với hãng tin AFP, một đại diện của tổ chức Greenpeace nhắc lại yêu cầu của họ là phải đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân trong nhiệm kỳ của tổng thống Macron và theo đại diện này, cả ba kịch bản nói trên đều không thể chấp nhận được.

Một đại diện của tổ chức CLER-Reseau Action Climat thì cho rằng chính phủ đã nhượng bộ trước sức ép của giới vận động hành lang cho ngành điện hạt nhân. Về phần tổng giám đốc của tổ chức WWF France, Pascal Canfin, ông kêu gọi chính phủ Pháp không nên dời việc đóng cửa các lò phản ứng đến một thời điểm quá xa và trước mắt ông yêu cầu là phải ngưng đầu tư vào công nghệ EPR, vì công nghệ này đã không chứng tỏ được hiệu quả. Về mục tiêu giảm tỷ trọng điện hạt nhân xuống còn 50%, ông Canfin cho rằng không nên để quá năm 2035, vì dẫu sao thì đến thời điểm, toàn bộ các lò phản ứng hiện nay đều sẽ hết hạn sử dụng và sẽ phải đóng cửa.

Vào tuần tới, tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe sẽ chính thức thông báo là chính phủ chọn kịch bản nào. Trước mắt, ưu tiên của chính phủ, mà tổng thống Macron đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, là đóng cửa 4 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than cuối cùng của Pháp, tức là những nhà máy gây ô nhiễm rất nặng.

http://vi.rfi.fr/phap/20181121-phap-nhuc-dau-vi-cac-nha-may-hat-nhan

 

Nga không chặn được

nỗ lực điều tra tấn công hóa học ở Syria

Các thành viên của cơ quan giám sát vũ khí hóa học toàn cầu hôm 20/11 bỏ phiếu áp đảo bác bỏ nỗ lực do Nga đứng đầu nhắm cắt giảm những quyền lực cho phép cơ quan này chỉ mặt đặt tên hay quy tội cho việc sử dụng vũ khí hóa học bị cấm ở Syria.

Toàn thể các thành viên của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đã bỏ phiếu với tỷ lệ 99 phiếu thuận so với 27 phiếu chống để ủng hộ thông qua tăng ngân sách cho năm 2019 mà ngân sách này một phần sẽ cấp vốn cho các thẩm quyền mới được phương Tây ủng hộ và bác bỏ các đề xuất của Nga và Iran nhằm ngăn chặn nó.

Cuộc bỏ phiếu này diễn ra vào lúc căng thẳng dâng cao giữa Nga vốn ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phương Tây xung quanh việc sử dụng vũ khí hóa học mang tính hệ thống trong cuộc nội chiến ở Syria.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói giao cho OPCW thêm quyền lực sẽ vượt quá phạm vi của hiệp ước sáng lập của tổ chức này, Công ước Vũ khí Hóa học năm 1997.

Quyền lực mới ‘của một bên công tố là sự vi phạm trắng trợn Công ước Vũ khí Hóa học, các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và đi ngược lại lập trường của đa số các nước tham gia vào công ước,” ông được Sputnik News dẫn lời nói.

Giới chức Hà Lan cho biết họ đã chặn đứng được âm mưu đột nhập vào hệ thống của OPCW ở The Hague hồi tháng Tư khi cơ quan này đang xem xét cả vụ tấn công cựu điệp viên Sergei Skripal ở Anh và các cuộc tấn công hóa học ở Syria mà phương Tây buộc tội chế độ Assad chịu trách nhiệm.

Hàng chục các vụ tấn công bằng khí độc sarin và chlorine đã được cả quân chính phủ và phiến quân sử dụng trong cuộc nội chiến ở Syria, theo cuộc điều tra chung của OPCW và Liên Hiệp Quốc.

Đề xuất do Nga cùng Trung Quốc bảo trợ này sẽ chặn đứng một nhóm làm việc mới được giao nhiệm vụ xác định trách nhiệm trong các cuộc tấn công hóa học ở Syria. Trước đây, trách nhiệm này thuộc về cuộc điều tra chung của Liên Hiệp Quốc-OPCW cho đến khi Nga bỏ phiếu phủ quyết kéo dài cuộc điều tra hồi năm ngoái.

Bắc Kinh, vốn bỏ phiếu chống ngân sách cho OPCW, đã kêu gọi chấm dứt ‘bầu không khí phân cực và chính trị hóa hiện thời’.

Nga đã vận động mạnh mẽ trong các thành viên OPCW để hy vọng đảo ngược một quyết định hồi tháng Sáu thông qua đề xuất của Anh là thành lập một đội điều tra các cá nhân và tổ chức nào gây ra các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria.

Những người chống đối nói rằng cho thêm quyền lực để OPCW xác định thủ phạm sẽ làm cho tổ chức này thêm chia rẽ. Tại OPCW, cũng như tại Liên Hiệp Quốc, Nga đã chặn các nỗ lực có hành động chống lại đồng minh thân cận Syria của họ.

“Tổ chức này sẽ trở thành một mớ lộn xộn,” ông Magzhan Ilyassov, đại sứ Kazakhstan ở OPCW vốn ủng hộ lập trường của Nga, nói. Ông cho rằng đội điều tra mới không nên được cấp ngân sách và rằng OPCW ‘sẽ tiếp tục tan rã và sụp đổ’.

Theo quyết định của OPCW, một đội gồm 10 chuyên gia sẽ bắt đầu xem xét về Syria vào đầu năm tới. Sứ mạng của đội này sau đó sẽ được mở rộng ra để xác định thủ phạm của các vụ tấn công hóa học trên toàn cầu.

Ông Fernando Arias, người lãnh đạo mới OPCW, hôm 20/11, đã giành được sự ủng hộ để tăng ngân sách lên 3,6% xuống dưới 70 triệu euro mà trong đó từ 2 cho đến 2,5 triệu euro sẽ tài trợ cho nhóm điều tra này.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-kh%C3%B4ng-ch%E1%BA%B7n-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-h%C3%B3a-h%E1%BB%8Dc-%E1%BB%9F-syria/4667432.html

 

Philippines và Trung Quốc ký thỏa thuận

 hợp tác tìm kiếm dầu khí ở Biển Đông

Hãng tin Bloomberg hôm 20/11 cho biết Trung Quốc và Philippines vừa ký thỏa thuận khung về tìm kiếm dầu khí ở Biển Đông nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Philippines.

Lễ ký diễn ra tại Manila dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và được đưa tin trên truyền hình.

Phát biểu tại buổi hộp báo chung, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rwangf hai bên đã đồng ý nâng mối quan hệ hai nước thành hợp tác chiến lược toàn diện. Ông nói thêm là điều này đã gửi ra một thông điệp cho thế giới thấy là hai nước đang là đối tác và đang tìm kiếm sự phát triển chung.

Tuy nhiên, trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin nói với báo giới rằng thỏa thuận tìm kiếm dầu khí chung giữa hai nước không có tính ràng buộc về pháp lý và chỉ là một thỏa thuận khung cho những đàm phán sắp tới.

Trước đó, trong chuyến thăm tới Brunei hôm 19/11, Chủ tịch Tập Cận Bình và Quốc vương Brunei Sultan Hassanal Bolkiah cũng đã đồng ý sẽ thúc đẩy những hợp tác khai thác dầu khí ở khu vực Biển Đông.

Biển Đông là vùng nước tranh chấp giữa Trung Quốc với một số quốc gia láng giềng ở châu Á bao gồm Việt nam. Trung Quốc từ lâu vẫn muốn hợp tác khai thác dầu khí chung với một số nước châu Á đang có tranh chấp về chủ quyền trong khu vực. Tuy nhiên vẫn có những quan ngại về những hợp tác này. Philippines trước đây cũng từng ngừng hợp tác tìm kiếm dầu khí với Trung Quốc ở bãi Cỏ Rong sau khi đệ đơn lên Tòa Trọng Tài Quốc tế để làm rõ những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc cùng từng gây sức ép với các công ty nước ngoài và Việt Nam về những hoạt động tìm kiếm khai thác dầu khí ngoài khơi vì cho rằng những khu vực đó nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông. Trung Quốc gọi vùng nước trong đường đứt khúc 9 đoạn này là vùng nước lịch sử thuộc Trung Quốc. Tòa Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này trong một phán quyết vào năm 2016.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/philippines-china-edge-closer-to-a-scs-energy-deal-11212018103343.html

 

TQ đối mặt với viễn cảnh ác mộng

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington bắt đầu xấu đi nghiêm trọng kể từ hồi cuối tháng Năm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ đánh thuế 25% đối với50 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc trong một nỗ lực nhằm làm thay đổi tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Kể từ dấu mốc thời điểm đó, hai nước Mỹ và Trung Quốc đã liên tiếp có những đòn “ăn miếng trả miếng” trong cuộc chiến thương mại gay cấn.

Nếu Trung Quốc không “thay đổi hoàn toàn hành vi của họ”, nước này sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện với Washington và các đối tác của họ, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã cảnh báo như vậy trên tờ Washington Post. Lời phát biểu cứng rắn trên được ông Pence đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào ngày 30/11 tới.

“Tổng thống Trump đang để ngỏ khả năng cho một thỏa thuận với Chủ tịch Tập Cận Bình ở Argentina, nhưng chỉ khi Bắc Kinh sẵn sàng đưa ra một loạt thay đổi lớn mà Mỹ đang yêu cầu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự. Đây là cơ hội tốt nhất (nếu không nói là cuối cùng) của Trung Quốc để tránh kịch bản một cuộc chiến tranh lạnh với Mỹ”, ông Pence nhấn mạnh.

Tổng thống Trump cam kết sẽ gây thêm nhiều hơn nữa áp lực kinh tế, ngoại giao và chính trị nhằm vào Trung Quốc nếu Bắc Kinh không “có những nhượng bộ cụ thể và đủ lớn để khổng chỉ giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại mà chúng tôi đang đối mặt”.

Trong bối cảnh hiện nay, Phó Tổng thống Pence đã nêu cụ thể những vấn đề của Trung Quôc gồm “tình trạng ăn cắp sở hữu trị tuệ lan tràn, con đường tiếp cận hạn chế vào các thị trường Trung Quốc, vấn đề tuân thủ luật pháp và quy định quốc tế, những nỗ lực hạn chế tự do hàng hải và việc Trung Quốc can thiệp vào nền chính trị của các quốc gia phương Tây”.

Không giống như nền kinh tế của Mỹ, nền kinh tế của Trung Quốc “ít bền vững hơn” và “không đủ khỏe để có thể chịu được một sự leo thang như vậy”, ông Pence khẳng định.

Phó Tổng thống Mỹ còn nói thêm rằng: “Chúng tôi thực sự tin rằng, dù như thế nào, chúng tôi đang ở một vị trí mạnh. Chúng tôi đã đánh thuế trị giá hàng hóa 250 tỉ USD và chúng tôi có thể tăng hơn gấp đôi con số này. Tôi không nghĩ đó chỉ là vấn đề lời cam kết. Chúng tôi đang tìm kiếm kết quả. Chúng tôi đang tìm kiếm sự thay đổi lập trường”.

“Chúng tôi ở đây để tiếp tục tiến trình hành động. Mọi việc sẽ diễn ra đúng như vậy”, ông Pence cho biết khi được hỏi về việc chuyện gì sẽ xảy ra ra nếu Bắc Kinh không đồng ý hành động để tránh một cuộc chiến tranh lạnh với Washington.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhấn mạnh, bất chấp thực tế là Mỹ vẫn lo ngại về các chính sách quân sự cũng như tự do tôn giáo của Trung Quốc, Washington không tìm kiếm một “cuộc chiến tranh lạnh với Bắc Kinh.

“Mỹ không theo đuổi một cuộc Chiến tranh Lạnh hay chính sách kiềm chế đối với Trung Quốc. Thay vào đó, chúng tôi muốn đảm bảo Trung Quốc hành động một cách có trách nhiệm và công bằng để ủng hộ an ninh và sự thịnh vượng ở mỗi nước chúng tôi”, ông Pompeo cho biết.

Những phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với 50 tỉ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Kể từ đó, Washington đã áp thuế với 250 tỉ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Bắc Kinh đã đáp trả lại bằng việc áp thuế 110 tỉ USD giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc.

Mỹ được cho là đang chuẩn bị áp thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc vào tháng 12 nếu các cuộc đối thoại giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình ở hội nghị thượng đỉnh G-20 không đạt kết quả tích cực liên quan đến đàm phán thương mại.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/24850-tq-doi-mat-voi-vien-canh-ac-mong.html

 

TQ chìa ‘củ cà rốt’ để đình chiến thương mại với Mỹ?

Trung Quốc đã chủ động đề nghị mua thêm khí đốt tự nhiên từ Mỹ và cải thiện bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ để đạt được một thỏa thuận đình chiến thương mại trước thềm cuộc gặp của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng 11.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) ngày 18/11 dẫn nguồn tin giấu tên là chuyên gia đối ngoại trong trung tâm nghiên cứu của Chính phủ Trung Quốc cho biết thông tin trên.

Theo chuyên gia giấu tên này, Trung Quốc đánh tiếng đề nghị mua khí đốt tự nhiên, sản phẩm nông nghiệp và cải thiện bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ cho các công ty Mỹ khi vào thị trường quốc gia 1,3 tỷ dân.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Trump dự kiến gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G-20) tại Buenos Aires (Argentina) vào cuối tháng 11.

Ngày 1/11, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã điện đàm, thống nhất cùng gặp gỡ tại Argentina. Tổng thống Trump đăng trên mạng xã hội Twitter rằng ông có “đàm thoại tốt và lâu” với Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo ông Trump, hai bên đã bàn luận về nhiều vấn đề, trong đó nhấn mạnh đến thương mại và Triều Tiên. Các chuyên gia quan hệ đối ngoại cho rằng cuộc điện đàm này đã tạo được tiền đề thuận lợi.

Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn nguồn tin giấu tên khác cho biết Phó Thủ tướng Lưu Hạc đến thăm Mỹ trước thềm cuộc gặp hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung.

Ngày 16/11, Tổng thống Mỹ cho biết Trung Quốc gợi ý sẵn sàng tạo thỏa thuận để xoa dịu căng thẳng thương mại. Ông chủ Nhà Trắng nói rằng ông chưa chấp nhận đề nghị này nhưng lạc quan về việc đạt được thỏa thuận thương mại có lợi cho cả đôi bên.

Nhà kinh tế học Chen Wenling tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc nhận định rằng các vấn đề cơ bản giữa Bắc Kinh và Washington khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn nhưng duy trì đối thoại sẽ giúp giảm căng thẳng. Bà Chen Wenling đánh giá: “Hội nghị giữa hai nhà lãnh đạo là then chốt và sẽ hình thành tinh thần chung cho mối quan hệ song phương”.

Một nguồn tin giấu tên của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nhận xét rằng cả Mỹ và Trung Quốc sẽ chỉ thực hiện bước đi chắc chắn để kết thúc chiến tranh thương mại sau khi đã cảm nhận tác động trực tiếp từ tình trạng này, do vậy điều đó nhiều khả năng diễn ra trong một năm tới.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc William Zarit ngày 17/11 nói rằng Bắc Kinh và Washington vẫn còn con đường dài để giải quyết hoàn toàn các khác biệt.

Kể từ tháng 7, Mỹ đã áp mức thuế mới lên số hàng hóa nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD từ Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc cũng áp dụng mức thuế tương tự với 110 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ. Trong tháng 9, Tổng thống Mỹ cảnh cáo mở rộng mức thuế lên số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD.

Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ được đánh giá không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế của hai nước này, mà còn tác động không nhỏ tới kinh tế khu vực và toàn cầu.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/24846-tq-chia-cu-ca-rot-de-dinh-chien-thuong-mai-voi-my.html

 

Thực hư TQ được xây căn cứ hải quân

 ở Campuchia

Thủ tướng Campuchia Hunsen đã bác tin nước ông cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân tại bờ biển tây nam để dùng cho việc các tàu hải quân Trung Quốc neo đậu.

Theo Đông Phương, hôm 19/11, Thủ tướng Hunsen khẳng định Campuchia không cho bất cứ nước ngoài nào xây dựng xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố “Trung Quốc và Campuchia là láng giềng hữu nghị, sự hợp tác giữa hai bên là minh bạch, không nhằm vào nước thứ ba, không có gì phải bàn cãi, hy vọng các bên cần nhìn nhận một cách đúng đắn”.

Ông Hunsen nói: “Tôi đã nhận được bức thư của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence quan tâm đến việc Trung Quốc có xây dựng căn cứ hải quân trên đất Campuchia hay không. Hiến pháp Campuchia cấm cho phép có mặt quân đội nước ngoài hay căn cứ quân sự nước ngoài trên đất Campuchia, dù là căn cứ hải quân, lục quân hay không quân”.

Thủ tướng Campuchia nói, những tin đồn đó mưu đồ thay đổi sự thật. Ông cho biết sẽ hồi đáp để ông Mike Pence hiểu rõ trắng đen.

Trước đó, tờ Asia Times hôm 15/11 đưa tin, Trung Quốc có ý định xây dựng căn cứ hải quân tại Campuchia khiến nước này bị kẹt trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo báo này, căn cứ hải quân này được cho là đặt ở khu nghỉ dưỡng bờ biển Dara Sakor thuộc tỉnh Kokong. Năm 2008, Tập đoàn Ưu Liên (Youlian) của Trung Quốc đã giành được quyền thuê khu vực bờ biển chiếm 20% tổng chiều dài bờ biển của Campuchia.

Báo trên cho hay, bề ngoài dự án trị giá 3,8 tỷ USD này là một khu du lịch và nghỉ dưỡng, nhưng các tin mới nhất cho thấy ở đây sẽ xây dựng “một khu kinh tế hoàn chỉnh gồm trung tâm y tế, nhà ở, khách sạn và nghỉ dưỡng, nhà máy sản xuất, cảng nước sâu và sân bay quốc tế”. Bài báo dẫn ý kiến phân tích cho rằng, cảng nước sâu theo kế hoạch xây dựng có thể đón các tàu hộ vệ, tàu khu trục và các hạm tàu khác của hải quân Trung Quốc vào neo đậu.

Tờ Cambodia China Times ngày 17/11 cho biết, Bộ Quốc phòng Campuchia đã phủ nhận việc cho Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân tại Kokong, và nhấn mạnh Campuchia không muốn bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong thông cáo đưa ra cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia nói, chính phủ Campuchia dốc sức giữ gìn hòa bình của đất nước, ngăn ngừa chiến tranh tái diễn nên sẽ không tham gia vào Chiến tranh Lạnh, cũng không cho phép bất cứ quốc gia nào xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/24849-thuc-hu-tq-duoc-xay-can-cu-hai-quan-o-campuchia.html

 

Dự án TQ gây nghi ngại

 ở Campuchia, Philippines

Tại Philippines, chương trình cơ sở hạ tầng điểm nhấn của Tổng thống Rodrigo Duterte gồm 75 dự án đầu đàn, trong đó phân nửa sử dụng vốn từ Trung Quốc.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 19-11 khẳng định sẽ không bao giờ có bất cứ căn cứ quân sự nước ngoài nào ở nước này sau khi nổi lên thông tin Trung Quốc đang vận động hành lang dọn đường cho một căn cứ hải quân ở tỉnh Koh Kong, Tây Nam Campuchia.

Hệ lụy từ tiền Bắc Kinh

Trang Asia Times (Hồng Kông) hồi tuần rồi dẫn các nguồn tin ngoại giao và giới phân tích nói rằng Bắc Kinh bắt đầu vận động từ năm 2017 để thuyết phục Campuchia cho phép xây dựng một căn cứ hải quân có thể đón tàu khu trục và các loại tàu thuyền khác của Hải quân Trung Quốc.

Dẫn lời của Thủ tướng Hun Sen tại cuộc họp nội các ngày 19-11, Bộ trưởng Thông tin Campuchia Khieu Kanharith viết trên Facebook: “Campuchia có cần vi hiến để cho phép một căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ nước nhà không? Campuchia cần binh lính nước ngoài để đấu chọi với ai? Campuchia không cho phép lãnh thổ mình trở thành nơi thử nghiệm ý thức hệ hoặc vũ khí”.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Prak Sokhonn cũng có những phản hồi tương tự bên lề Hội nghị cấp cao Đông Á ở Singapore hôm 17-11. Khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan bày tỏ lo ngại quan hệ song phương Mỹ – Campuchia sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ nếu thông tin của Asia Times là sự thật.

Căn cứ hải quân mà Asia Times nói tới được cho là một phần của dự án trị giá 3,8 tỉ USD của Tập đoàn Phát triển liên hiệp Thiên Tân (UDG – Trung Quốc). Dự án này bắt đầu năm 2008 trên khu đất 45.000 ha với hợp đồng thuê kéo dài 99 năm. UDG đã dành 45 triệu USD cho cảng nước sâu mà theo Asia Times là dùng làm căn cứ hải quân.

Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất cho Campuchia trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các khoản cho vay và viện trợ phát triển từ nền kinh tế số hai thế giới đang ngày càng bộc lộ các vấn đề phức tạp và gây lo ngại tại địa phương như tàn phá môi trường, rối loạn an ninh trật tự, bẫy nợ…

Cũng ngả về phía Trung Quốc trong vài năm gần đây, Philippines bắt đầu thấm thía sự “khó nuốt” của đồng tiền từ nền kinh tế lớn nhất châu Á. Hai năm sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố “ly hôn” với đồng minh cũ là Mỹ để xoay trục sang Trung Quốc, ông vẫn mòn mỏi chờ đợi những khoản đầu tư nhỏ giọt, theo hãng tin Reuters.

Rời Bắc Kinh sau chuyến thăm năm 2016, ông Duterte về nước với thỏa thuận về khoản vay 24 tỉ USD và cam kết đầu tư cho việc đại tu cơ sở hạ tầng đầy tham vọng. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ cam kết hỗ trợ của Trung Quốc được thực hiện, khiến ông Duterte bị chỉ trích “cắn câu bánh vẽ”, dẫn đến nguy cơ Trung Quốc đe dọa chủ quyền quốc gia.

Áp lực cực đại

Theo nhà phân tích quốc phòng và an ninh ở Manila Richard Heydarian, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Philippines trong ngày 20 và 21-11, ông Duterte sẽ cần ông Tập mở hầu bao.

“Nếu không, chúng ta có thể kết luận rõ ràng tất cả chỉ là lời nói suông và Philippines đã bị lừa gạt. Sự ngây thơ của ông Duterte đã giúp Trung Quốc giành lợi thế chiến lược trước Philippines” – ông Heydarian nói.

Theo Reuters, chương trình cơ sở hạ tầng điểm nhấn của ông Duterte mang tên “Xây dựng, xây dựng, xây dựng” – cũng là trọng tâm trong chiến lược kinh tế mà nhà lãnh đạo Philippines theo đuổi, bao gồm 75 dự án đầu đàn, trong đó phân nửa sử dụng các khoản vay, trợ cấp hoặc đầu tư từ Trung Quốc.

Thế nhưng, các tài liệu được chính phủ Philippines công bố cho thấy tới nay chỉ có 3 trong số đó, bao gồm 2 cây cầu và 1 công trình thủy lợi trị giá 167 triệu USD, được tiến hành. Phần còn lại bao gồm 3 dự án đường sắt, 3 đường cao tốc, 9 cây cầu vẫn nằm trên giấy.

Chuyên gia Heydarian cho rằng nếu ông Duterte không chứng tỏ những lợi ích thiết thực từ “canh bạc” với Trung Quốc, vị trí của ông sẽ lung lay đáng kể trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2019 – cuộc bầu cử có thể định đoạt sự thành bại của nhà lãnh đạo.

“Nếu sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc vẫn không có động thái đáng kể trong việc rót vốn đầu tư vào Philippines và nếu việc bồi đắp, quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông không suy giảm thì sẽ phát sinh tình huống ông Duterte phải chịu áp lực cực đại” – chuyên gia này nhận định.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24877-du-an-tq-gay-nghi-ngai-o-campuchia-philippines.html

 

Ông Trump ngồi nhà, ông Tập ‘vùi dập’ Mỹ ở APEC

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có mặt tại thủ đô Papua New Guinea từ tối 15/11 để dự hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) cuối tuần qua, sớm hơn lãnh đạo các nước khác, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump “ngồi nhà”.

Hãng Nikkei đưa tin, Lãnh đạo 21 quốc gia có mặt ở Port Moresby để dự hội nghị kéo dài 2 ngày. Sau khi tranh cãi về an ninh khu vực ở Singapore, Mỹ và Trung Quốc dự định sẽ tiến hành đàm phán thương mại song phương tại Argentina vào cuối tháng này, khi lãnh đạo hai cường quốc dự kiến gặp gỡ nhau.

Tại hội APEC lần này ở Port Moresby, Phó tổng thống Mike Pence đại diện cho Mỹ tham dự.

Ngày 16/11, ông Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill và nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại tự do. Cuộc gặp sớm giữa họ được xem là một phần nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc muốn ngăn những vấn đề không có lợi cho Bắc Kinh, chẳng hạn như Biển Đông, trở thành tâm điểm của hội nghị APEC.

Ông Tập đã cùng ông O’Neill đi tham quan Đại lộ Độc lập – một con đường trọng yếu gần Quốc hội Papua New Guinea mà Bắc Kinh đã hỗ trợ xây dựng. Chủ tịch Trung Quốc cam kết sẽ ủng hộ các dự án hạ tầng ở Papua New Guinea.

Chủ tịch Tập Cận Bình còn mời lãnh đạo 8 quốc đảo Thái Bình Dương không có quan hệ ngoại giao với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), trong đó có Papua New Guinea và Fiji, tới khách sạn của mình. Việc ông cam kết thúc đẩy hỗ trợ kinh tế cho 8 nước này được đánh giá chính là muốn khuyến khích các nước khác hãy xây dựng quan hệ với Bắc Kinh.

Trước đó, cách thức các nhà lãnh đạo thảo luận vấn đề thương mại đã cho thấy bầu không khí chung của hội nghị. Phía Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải có thương mại “công bằng và tương xứng”. Chính quyền Trump đã sử dụng cụm từ này để biện hộ cho lập trường cứng rắn của mình.

Không nhắc đến Trung Quốc, Phó đại diện Thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish công kích các nước “không phải nền kinh tế thị trường” bao cấp cho các doanh nghiệp nhà nước nhằm giành lợi thế cạnh tranh quá đáng, buộc đối thủ từ các nước khác phải chuyển giao công nghệ.

Còn trong bài phát biểu của mình, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Ren Hongbin bảo vệ cuộc chiến chống “chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương”.

Theo một quan chức cấp cao, đã có một “màn trao đổi nóng bỏng về chủ nghĩa bảo hộ giữa Mỹ và Trung Quốc” trong khi soạn tuyên bố của các bộ trưởng. Đến chiều ngày 16/11, các bộ trưởng không ra tuyên bố chung về hội nghị.

Ở cuộc họp ngày 17/11, đại diện Mỹ và Trung Quốc đã có màn “đốp chát” nhau về các quan điểm và chính sách trái ngược của hai nước.

Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ, khẳng định xu thế không thể đảo ngược của toàn cầu hóa và bảo vệ Sáng kiến đầu tư Vành đai và Con đường trị giá hàng tỷ USD của Bắc Kinh. Đáp lại, Phó Tổng thống Pence tái lên án các hành vi thương mại bất công bằng của Trung Quốc, bóng gió mỉa mai chương trình Vành đai và Con đường là âm mưu khiến các nước sa vào bẫy nợ nần.

Tại hội nghị Đông Á ở Singapore ngày 15/11 trước đó, hai nước cũng dành cho nhau những lời lẽ gay gắt về an ninh khu vực. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với các đại biểu rằng xung đột ở Biển Đông sẽ được các nước liên quan giải quyết mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Ông Pence tuyên bố, “quân sự hóa là trái phép”, ám chỉ các đảo nhân tạo và cơ sở quân sự mà Bắc Kinh xây dựng ở các vùng biển tranh chấp.

“Đối với APEC, đó là một tình huống mới khi hai thành viên lớn nhất kẹt trong thù địch, và quan ngại là liệu thù địch có ảnh hưởng đến đặc thù của nhóm hay không”, tạp chí Nikkei Asian Review dẫn lời Amitendu Palit, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore. Ông Palit nhận định thêm, các thành viên nhỏ hơn muốn một APEC hòa đồng và có tính xây dựng “nhưng điều đó rất khó bởi Mỹ và Trung Quốc bất hòa”.

Sau hội nghị APEC, Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Brunei, tìm kiếm các mối quan hệ sâu sắc hơn với quốc gia giàu dầu khí này. Chuyến thăm được đánh giá là một nỗ lực đảm bảo một nguồn dầu thay thế trong trường hợp Mỹ cấm vận Iran ảnh hưởng đến Trung Quốc.

Theo lịch trình, Chủ tịch Tập Cận Bình trở về Bắc Kinh vào ngày 21/11 và lên đường tới Argentina một tuần sau đó để dự hội nghị thượng đỉnh G-20. Ông dự kiến gặp Tổng thống Trump lần đầu tiên trong khoảng 1 năm.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/24848-ong-trump-ngoi-nha-ong-tap-vui-dap-my-o-apec.html

 

Kim Jong-yang,

người Nam Hàn làm chủ tịch Interpol

Interpol đã bầu Kim Jong-yang, người Nam Hàn làm chủ tịch, trong lúc ứng viên hàng đầu người Nga Alexander Prokopchuk bất ngờ thua cuộc.

Ông Kim được 194 quốc gia thành viên của Interpol bỏ phiếu bầu tại đại hội thường niên diễn ra ở Dubai.

Moscow cho biết ông Prokopchuk sẽ tiếp tục phục vụ làm phó chủ tịch Interpol và giúp tăng cường “vị thế của tổ chức này trong cộng đồng quốc tế”.

Hôm thứ ba, Điện Kremlin phản ứng cái mà họ gọi là “chiến dịch nhằm làm mất uy tín” ứng viên Nga.

Trước đó, tin Interpol dự kiến bầu một quan chức cấp cao của Nga làm chủ tịch kế nhiệm hôm 21/11 khiến châu Âu và Hoa Kỳ quan ngại về nguy cơ Kremlin can thiệp tổ chức này.

Trung Quốc xác nhận bắt Chủ tịch Interpol

Nhìn từ hai vụ ‘mất tích’ nổi cộm ở TQ

Một ứng viên cần ⅔ số phiếu để đắc cử. Có thể có nhiều vòng bầu cử.

Có hai ứng viên chính thức, và có khả năng có thêm ứng viên phút chót, nhưng cuộc bỏ phiếu được trông đợi dẫn tới kết cục là Alexander Prokopchuk của Nga, một thiếu tướng cảnh sát và hiện là một trong bốn phó chủ tịch Interpol, được chọn để thay ông Mạnh Hoành Vỹ, người mất tích hồi tháng 9/2018 trong chuyến đi đến Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc sau đó xác nhận ông này đang bị điều tra vì nhận hối lộ. Ông Mạnh không xuất hiện từ thời điểm đó, nhưng đã gửi thư từ chức.

Chức danh chủ tịch Interpol phần lớn mang tính lễ nghi, do công việc hàng ngày được Tổng thư ký Jurgen Stock, người Đức xử lý, nhưng vẫn có ảnh hưởng.

Điều đó dẫn đến quan ngại ở châu Âu và Hoa Kỳ về khả năng Nga có thể tận dụng uy lực của Interpol.

“Nga luôn lợi dụng Interpol để đeo đuổi các đối thủ chính trị của họ”, Guy Verhofstadt, cựu thủ tướng Bỉ và là thành viên chủ chốt của Nghị viện châu Âu, viết trên Twitter hôm 20/11.

Ông Mạnh, từng là Thứ trưởng Bộ Công an, được thông báo mất tích khi đi từ Lyon, Pháp, nơi đặt trụ sở Interpol, trở về quê nhà Trung Quốc hôm 25/9.

Interpol cho hay họ nhận được thư từ chức của ông Mạnh và quyết định này có hiệu lực lập tức.

Giám đốc Interpol người Trung Quốc ‘mất tích’

Hong Kong bác thị thực cho biên tập viên FT

TBT Trọng: ‘Quan hệ Việt-Trung đang tốt đẹp nhất’

Ủy ban Giám sát quốc gia của Trung Quốc, cơ quan xử lý các vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức, cho biết trong một tuyên bố trên webiste rằng ông Mạnh đang bị điều tra.

Ông Mạnh là trường hợp quan chức cao cấp mất tích mới đây nhất ở Trung Quốc, nơi mà một số quan chức chính phủ hàng đầu, các tỷ phú và thậm chí là một ngôi sao hạng A đã biến mất trong những tháng gần đây.

Interpol nói gì?

Trong một tuyên bố trên Twitter, tổ chức này cho hay đã nhận được quyết định từ chức của ông Mạnh và quyết định có hiệu lực ngay lập tức.

Interpol đã bổ nhiệm phó chủ tịch cấp cao, ông Kim Jong-yang của Nam Hàn, làm quyền chủ tịch.

Hôm 6/10, Interpol đã kêu gọi Trung Quốc làm rõ tình trạng của ông Mạnh, và rằng tổ chức này lo ngại cho an sinh của ông.

Pháp đã mở một cuộc điều tra nhưng cho hay hôm 7/10 rằng chưa có thêm thông tin gì.

Vợ ông Mạnh nói gì về sự mất tích của chồng?

Bà Grace Meng, phát biểu ngắn gọn trước thông báo của Trung Quốc về việc bắt giữ ông Mạnh, rằng bà nghĩ chồng đang gặp nguy hiểm.

Bà Grace Meng cũng kêu gọi sự trợ giúp quốc tế để tìm kiếm chồng mình.

Trong ngày ông Mạnh mất tích, bà cho hay ông gửi tin nhắn cho bà trên mạng xã hội, nói chờ ông gọi điện, trước khi gửi hình ảnh một con dao, ám chỉ nguy hiểm.

“Tôi không biết điều gì đã xảy ra với ông ấy,” bà Grace Meng nói.

Bà Grace Meng, quay lưng về phía camera nhằm tránh bị nhận dạng do lo sợ cho an toàn của mình, cố kìm nén tiếng nức nở khi đọc một tuyên bố bằng tiếng Anh và Trung.

“Chúng tôi luôn kết nối với nhau bằng trái tim. Anh ấy sẽ hỗ trợ tôi thực hiện điều này. Vụ việc này thuộc về công bằng và công lý. Thuộc về cộng đồng quốc tế. Và thuộc về người dân quê hương tôi.”

Chiến dịch của ông Tập

Phân tích của Hugh Schofield, BBC News, Paris

Chính quyền Trung Quốc đã xác nhận những gì mọi người đã giả định: rằng Mạnh Hoành Vỹ đã bị bắt giữ khi máy bay của ông hạ cánh tại Trung Quốc.

Thông tin về việc giam giữ ông Mạnh được cơ quan chống tham nhũng của Bắc Kinh phát đi, cho thấy ông Mạnh đã bị cuốn vào chiến dịch chống tham nhũng đang lan rộng của chủ tịch Tập Cận Bình. Và điều này đã dẫn đến sự biến mất của nhiều nhân vật cao cấp.

Bí ẩn về những gì đã xảy ra với ông bây giờ đã được làm rõ – nhưng chi tiết của những cáo buộc chống lại ông, và số phận nào đang chờ ông càng mờ mịt hơn bao giờ hết.

Interpol làm gì?

Interpol phối hợp tìm kiếm giữa các thành viên của tổ chức, đưa ra thông báo màu vàng cho trường hợp người mất tích và thông báo màu đỏ – một cảnh báo quốc tế – đối với một người bị truy nã. Tuy nhiên, tổ chức này không có thẩm quyền đưa người đến các quốc gia để bắt giữ các cá nhân hoặc ra lệnh bắt giữ.

Ông Mạnh Hoành Vỹ là ai?

Ông Mạnh được bầu làm chủ tịch Interpol tháng 11/2016. Ông là người Trung Quốc đầu tiên giữ vị trí này và dự kiến sẽ giữ chức này đến 2020.

Ông đứng đầu Ủy ban điều hành của Interpol, nơi ban hành các hướng dẫn và quản lý chung.

Ông Mạnh có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật hình sự ở Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực thuốc phiện, chống khủng bố và kiểm soát biên giới.

Sau khi ông được bầu làm chủ tịch Interpol, các nhóm nhân quyền bbày tỏ lo ngại rằng động thái này có thể giúp Trung Quốc truy bắt những người bất đồng chính kiến đã bỏ chạy khỏi đất nước.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46257414

 

Ông Duterte bị đòi công khai kế hoạch

khai thác chung với Trung Quốc

Các thượng nghị sỹ đối lập ở Philippines yêu cầu Tổng thống Rodrigo Duterte công bố các chi tiết của các kế hoạch cùng khai thác năng lượng với Trung Quốc và cảnh báo rằng một thỏa thuận như vậy có nguy cơ khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vốn không được luật pháp quốc tế công nhận.

Hồi đầu năm, hai nước đã thiết lập một ủy ban chung để xác định phương cách khai thác dầu khí ngoài khơi ở những vùng nước mà cả hai đều tuyên bố có chủ quyền.

“Ký thỏa thuận với Trung Quốc sẽ khiến Philippines công nhận ‘quyền đồng sở hữu’ bất hợp pháp với Trung Quốc,” các thượng nghị sỹ thuộc nhóm thiểu số cho biết trong một nghị quyết vào đêm trước chuyến thăm Manila của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Philippines, vốn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu năng lượng, đang chạy đua với thời gian để khai thác trữ lượng dầu mỏ trên Biển Đông. Nhưng quốc gia này cần sự giúp đỡ của nước ngoài và Trung Quốc đã đề nghị giúp đỡ.

Mặc dù hai nước dự định tiến hành khai thác ở những vùng biển không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn, nhưng các luật sư và các nhà ngoại giao Philippine vẫn có lo ngại về việc hai nước hợp tác ở những vùng biển mà cả hai nước đều nói thuộc sở hữu của mình, đặc biệt là Bãi Cỏ Rong vốn nằm cách Đảo Palawan khoảng 167 km.

Trong vụ kiện do Manila đưa ra, Tòa Trọng tài Thường trực PCA đã ra phán quyết rằng Philippines có quyền chủ quyền để khai thác năng lượng tại Bãi Cỏ Rong.

Họ cũng tuyên bố vô hiệu đường chín đoạn của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Bắc Kinh không chịu công nhận phán quyết của tòa án ở The Hague này.

Ý tưởng hợp tác cùng khai thác lần đầu tiên được ấp ủ vào năm 1986 nhưng các cuộc tranh chấp và tính phức tạp của vấn đề chủ quyền đã khiến nó bị trì hoãn.

Các thượng nghị sỹ này nói rằng bất cứ thỏa thuận nào với Trung Quốc sẽ là vi phạm Hiến pháp Philippines và có thể bị luận tội.

Phát ngôn nhân Tổng thống, ông Salvador Panelo, nói rằng bất kỳ thỏa thuận khai thác chung nào cũng hợp hiến và rằng hiện vẫn còn quá sớm để tính tới sự giám sát của Thượng viện.

“Bất cứ yêu cầu nào đòi phải công bố hồ sơ… là vẫn còn quá sớm và làm tổn hại đến lợi ích đất nước chúng ta do hai phía cho đến nay vẫn chưa ký thỏa thuận nào,” ông nói.

https://www.voatiengviet.com/a/%C3%B4ng-duterte-b%E1%BB%8B-%C4%91%C3%B2i-c%C3%B4ng-khai-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-khai-th%C3%A1c-chung-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c/4667424.html

 

Tập đoàn quân sự Thái Lan ra dự luật an ninh mạng

Thụy My

Tập đoàn quân sự cầm quyền Thái Lan hôm nay 21/11/2018 đã công bố  dự luật về an ninh mạng. Tuy bị các tổ chức phi chính phủ chỉ trích là bóp nghẹt tự do, dự luật này có thể được thông qua trước các cuộc bầu cử đầu năm 2019.

Theo dự luật an ninh mạng, một cơ quan chính phủ có quyền hành hết sức rộng rãi sẽ được lập ra để giám sát internet. Ủy ban này có thể buộc các cá nhân hoặc doanh nghiệp tư nhân cung cấp những thông tin, ra lệnh xóa các nội dung, thậm chí tịch thu đĩa cứng nếu có nghi ngờ hay trong trường hợp khẩn cấp, mà không cần có lệnh của tòa án.

Chủ tịch ủy ban là lãnh đạo tập đoàn quân sự, thủ tướng Prayut Chan-O-Cha. Nhân vật số hai trong chính phủ, bộ trưởng Quốc Phòng Prawit Wongsuwan, cũng nằm trong ủy ban này.

Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật số Pichet Durongkaveroj tuyên bố : « Mỗi nước đều cần thiết lập một hệ thống luật pháp có thể bảo vệ mình. Mỗi lãnh vực kinh tế đều có nguy cơ bị tấn công tin học ». Tại một diễn đàn ở Bangkok, ông Pichet mời các tổ chức phi chính phủ, giới đại học, doanh nghiệp nước ngoài có ý kiến để đạo luật được « quân bình » hơn.

Dự luật an ninh mạng « đang trong quá trình hoàn tất » và có thể được thông qua trước cuộc bầu cử Quốc Hội – lần đầu tiên được tổ chức kể từ sau vụ đảo chính năm 2014.

Dự luật này bị chỉ trích rất nhiều tại Thái Lan, kể cả trong bộ máy tư pháp. Sriamporn Saligupta, thẩm phán tòa phúc thẩm Bangkok, tuyên bố : « Luật này bất chấp các quyền và tự do của người dân ». Theo ông, các công ty ngoại quốc cũng có thể ngần ngại khi muốn làm ăn tại Thái Lan, vì lo ngại các giao dịch tài chính và dữ liệu thương mại bị giám sát.

Đọc thêm: Việt Nam: Luật An Ninh Mạng “nhằm ngăn dòng chảy cuộc sống”

Đây là sự kiện mới nhất trong xu hướng gần đây tại nhiều nước châu Á : ra luật để kiểm soát internet. Việt Nam đã thông qua một luật an ninh mạng khắt khe, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng Giêng, buộc các trang web trong vòng không đầy 24 giờ phải xóa tất cả các bình luận bị cho là đe dọa « an ninh quốc gia ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181121-tap-doan-quan-su-thai-lan-ra-du-luat-an-ninh-mang

 

Cá voi chết ở Indonesia ăn phải 6kg nhựa

Một con cá nhà táng chết dạt vào bờ một công viên quốc gia ở Indonesia có gần 6kg nhựa trong dạ dày, người quản lý công viên cho hay.

Vật phẩm tìm thấy bao gồm 115 cốc nhựa, bốn chai nhựa, 25 túi nhựa và hai chiếc dép.

Xác con cá voi dài 9,5m này được tìm thấy ở vùng biển gần đảo Kapota trong Vườn quốc gia Wakatobi vào cuối ngày thứ Hai 20/11.

Phát hiện này khiến giới bảo vệ môi trường thực sự lo ngại.

Dwi Suprapti, một điều phối viên bảo tồn các loài sinh vật biển tại WWF Indonesia cho biết: “Mặc dù chúng tôi không thể suy ra đây là nguyên nhân cái chết, nhưng thực tế mà chúng tôi chứng kiến thật sự khủng khiếp”.

Thân phận gấu tại Việt Nam

Cá tra đại gia mua ăn Tết có nguy cơ tuyệt chủng

‘VN cần trình giấy phép mua vây cá mập Chile’

Nhân viên thương vụ VN ‘mua vây cá mập cho gia đình’

Không thể nói có phải nhựa đã gây ra cái chết của con cá voi này hay không vì xác cá đang trong giai đoạn phân hủy mạnh, bà nói thêm.

Trong một tweet, WWF Indonesia phân tích những gì đã được tìm thấy bên trong con cá nhà táng:

“Nhựa cứng (19 mảnh, 140g), chai nhựa (4 cái, 150g), túi nhựa (25 mảnh, 260g), dép nhựa (2 chiếc, 270g), dây nhựa (3.26kg), cốc nhựa (115 cái, 750g).”

Việc sử dụng nhựa dùng một lần là một vấn đề nhức nhối ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia.

Năm quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, và Thái Lan, đại diện cho 60% chất thải nhựa bị vứt vào đại dương, theo báo cáo năm 2015 của chiến dịch Ocean Conservancy và Trung tâm Kinh doanh và Môi trường McKinsey.

Túi nhựa được cho là giết hàng trăm loài động vật biển mỗi năm.

Vào tháng Sáu, một con cá voi hoa tiêu chết ở miền nam Thái Lan sau khi nuốt phải 80 túi nhựa.

Một báo cáo được công bố hồi đầu năm nay cảnh báo rằng lượng nhựa trong đại dương có thể tăng gấp ba lần trong một thập niên trừ khi việc xả rác thải nhựa được kiểm soát.

Vào cuối năm ngoái, Liên Hiệp Quốc cho biết sinh vật biển đang phải đối mặt với “tổn thất không thể khắc phục” từ khoảng 10 triệu tấn chất thải nhựa bị vứt ra đại dương mỗi năm.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46285385

 

Người phụ nữ phán quyết

liệu đàn ông có thể lấy thêm vợ

Luật Hồi giáo, hay còn được gọi là luật Sharia, thường gắn liền với những hình phạt nghiêm khắc và thái độ không khoan nhượng. Nhưng một trong những nữ thẩm phán đầu tiên của tòa án Hồi giáo Sharia tại Malaysia nói vai trò của bà mang đến một cơ hội bảo vệ phụ nữ trong một quốc gia mà phần lớn là người Hồi giáo.

Nữ thẩm phán Nenney Shushaidah chủ trì hơn năm phiên toà mỗi ngày và có thể lắng nghe tới 80 vụ án mỗi tuần.

Malaysia chỉ áp dụng ‘vừa phải’ luật pháp Hồi giáo nhưng ngày nay thái độ bảo thủ ngày càng gia tăng và việc sử dụng luật Sharia cũng tăng lên nhanh chóng.

100 phụ nữ truyền cảm hứng của BBC năm 2018

Năm thành phố đáng sống nhất thế giới 2018

Blogger Mẹ Nấm được đề cử Nobel Hòa Bình

Hàng ngàn người Hồi giáo dựa trên hệ thống pháp luật kép để giải quyết các vấn đề đạo đức và gia đình. Những người không theo đạo Hồi được yêu cầu tuân theo ”luật thể tục” để giải quyết những vấn đề tương tự.

Shushaidah xét xử rất nhiều vụ án từ tài chính đến luật Sharia.

Nhưng chuyên môn của bà nằm trong các phiên xử liên quan đến quyền nuôi con và chế độ đa thê. Khái niệm này cho phép đàn ông có thể kết hôn với bốn người vợ và được xem là hợp pháp tại Malaysia.

Nữ thẩm phán Shushaidah nói rằng có rất nhiều yếu tố cần phải xem xét trước khi đồng ý cho phép một cuộc hôn nhân đa thê.

”Phiên xử nào cũng đều phức tạp và khó khăn,” bà giải thích.

”Bạn không thể khái quát hoá luật Hồi giáo và nói rằng luật ủng hộ đàn ông và đối xử tồi với phụ nữ…Tôi muốn sửa đổi quan niệm sai lầm đó.”

Tất cả những ai liên quan đến một cuộc hôn nhân đa thê đều được yêu cầu phải có mặt trong phiên tòa của Thẩm phán Shushaidad.

”Tôi muốn lắng nghe từ tất cả mọi người, không chỉ những người đàn ông,” bà nói.

”Tôi luôn cho rằng nói chuyện với những người phụ nữ là cách để phát hiện ra liệu họ có đang dàn xếp mọi chuyện với nhau.”

”Điều quan trọng là họ đồng ý bởi vì nếu như tôi thấy có bất kỳ dấu hiệu gì ngược lại thì tôi sẽ không cấp phép cho họ.”

”Tôi là phụ nữ và tôi có thể hiểu hầu hết những người phụ nữ không thích ‎ ý tưởng này. Nhưng nó lại được cho phép theo luật Hồi giáo, và các phiên tòa tại Malaysia đã ban hành các luật nghiêm ngặt hơn để kiểm soát việc này.”

”Một người đàn ông phải có những lý do rất mạnh mẽ để muốn có thêm một cuộc hôn nhân khác,” bà nói.

”Chàng trai đó phải chứng tỏ anh ta có thể quan tâm đến phúc lợi của người vợ thứ nhất cũng như là những người phụ nữ đến sau. Anh ta không được pháp lơ là bỏ qua nhu cầu của bất cứ người nào.”

Giải phóng phụ nữ: hai giới cùng có lợi?

Phụ nữ chuyển giới lần đầu tiên có thể cho con bú

Tài ứng biến ‘siêu đẳng’ của người Ấn Độ

Thẩm phán Shushaidah nói thêm rằng một số người vợ có thể ủng hộ ý tưởng này.

Bà nhớ lại, ví dụ, một vụ xét xử liên quan đến người phụ nữ bị bệnh nặng và không thể sinh con.

”Cô ấy yêu chồng và muốn tôi cho phép anh ta kết hôn với người vợ thứ hai. Và tôi đã đồng ý.”

Luật Sharia là gì?

Sharia là hệ thống luật pháp của người Hồi giáo, có nguồn gốc từ kinh Koran, cuốn sách thánh của người Hồi giáo; Hadith, bản ghi chép những lời dạy của Thiên sứ Muhammad; và fatwas, bao gồm các phán quyết của các học giả Hồi giáo.

Tại Malaysia, nó được áp dụng bằng những mức độ khác nhau trên toàn quốc.

Các nhà phê bình và một vài nhóm cho rằng Sharia thường bị lạm dụng.

Catherine Deneuve: ‘Chủ nghĩa nữ quyền đi quá xa’

Những phụ nữ phản đối lá phiếu nữ giới

Phụ nữ ‘ít cơ hội’ trong nền kinh tế số

”Chúng tôi không phản đối những điều luật Sharia không phân biệt đối xử với phụ nữ, người đồng tính hay những người thiểu số dân tộc và trong xã hội,” phó giám đốc phụ trách châu Á của HRW, Phil Robertson nói với BBC 100 Women.

“Nhưng vấn đề với luật Sharia ở Malaysia là nó lại thường xuyên phân biệt những nhóm người trên”

”Tôn giáo không bao giờ là một lý do có thể chấp nhận được cho việc vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế về bình đẳng và không phân biệt đối xử.”

Các nhà hoạt động nhân quyền cảm thấy phẫn nộ bởi hình phạt đánh đón gần đây với hai phụ nữ Malaysia bị kết tội cố gắng quan hệ tình dục đồng tính.

Họ cũng cho rằng luật Sharia đã bị lạm dụng trong trường hợp này.

Thẩm phán Shushaidah sẽ không giải quyết vụ việc này, nhưng nói: “Hình phạt đánh đòn trong luật Sharia nhằm mục đích giáo dục người phạm tội không lặp lại những hành động như thế nữa”.

Thẩm phán Shushaidah cũng cho rằng Sharia không phải lúc nào cũng ủng hộ đàn ông.

“Luật pháp của chúng tôi tồn tại để bảo vệ quyền lợi của những người phụ nữ.

”Nó hướng về phúc lợi của phụ nữ và bảo vệ kế sinh nhai của họ”, bà nói.

“Người Hồi giáo có một sự tôn trọng lớn đối với phụ nữ”

Phụ nữ dễ thất bại bởi chính ưu điểm của mình?

Những bộ phận cơ thể nữ mang tên đàn ông

Hoa hậu Phan Thị Mơ: Phụ nữ ‘nên quyết đoán’

Mối bận tâm lớn nhất của Shushaidah là với những người đàn ông Hồi giáo cố lách qua các thủ tục nghiêm ngặt của tòa án Hồi giáo Sharia bằng cách kết hôn ở nước ngoài.

“Anh ta sẽ không bị ràng buộc bởi luật pháp Malaysia nếu anh ta kết hôn ở nước ngoài.”

”Một số người vợ thì thực sự đồng tình với điều này để bảo vệ cho chồng nhưng họ không nhận ra nó đang chống lại họ”, bà nói.

“Luật Sharia của chúng tôi được áp dụng để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và khiến cho nam giới cần phải có trách nhiệm.”

Các nhóm phụ nữ như ‘Sisters in Islam’ nhấn mạnh đang có “sự thiếu hụt nghiêm trọng về sự hiện diện của những người phụ nữ” trong các phiên tòa và một “sự lấn át rất lớn của chế độ phụ quyền”.

“Bối cảnh luật pháp Sharia ở Malaysia không chỉ phân biệt đối xử với phụ nữ, mà nó còn khiến họ trở thành nguyên nhân của những hành vi vô đạo đức trong xã hội”, phát ngôn viên Majidah Hashim nói.

“Các tổ chức Hồi giáo… không có nhiều hành động để đảm bảo phụ nữ được hưởng công lý.”

Thực tế, việc truy tố phụ nữ gần đây theo luật Sharia cho thấy rõ ràng rằng tiếng nói của họ bị im lặng một cách đáng báo động và công lý đang bị bóp nghẹt.”

Điều này khiến cho việc bổ nhiệm Thẩm phán Shushaidah trở nên hết sức quan trọng.

Những nữ chiến binh Amazon không biết sợ

Biến đổi khí hậu ‘tác động nhiều đến phụ nữ’

Doanh nhân nữ ‘cần được thấu hiểu’ để thành công

“Trước đây, hầu hết các thẩm phán Sharia là những người đàn ông đặt câu hỏi về nhu cầu của những người phụ nữ trong các phiên tòa,” Thẩm phán Shushaidah nói.

“Tôi chưa bao giờ mơ ước để được trở thành một thẩm phán,” bà thừa nhận.

“Là một luật sư, tôi không biết liệu tôi có thể đảm nhiệm một vai trò cấp cao như vậy hay không. Một vai trò đòi hỏi tôi phải giải quyết những vụ việc phức tạp. Và với tư cách là một phụ nữ, tôi cảm thấy tương đối nghi ngờ và sợ hãi.”

“Đôi khi tôi cảm thấy không hề dễ dàng. Là một phụ nữ, tôi sẽ là kẻ nói dối nếu tôi nói tôi không cảm nhận được gì. Nhưng tôi là một thẩm phán và tôi phải chắc chắn rằng tôi luôn rõ ràng và khách quan.”

”Do vậy trong phiên xử của tôi, tôi cần cố gắng và giải quyết vấn đề. Tôi cần phải có được những bằng chứng tốt nhất khi tôi bước vào phiên tòa.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46278178

 

Con trai Hun Sen : ASEAN có thể

phải chọn Mỹ hay Trung Quốc

Tú Anh

Một lúc nào đó, các quốc gia Đông nam Á buộc phải chọn một phe : Mỹ hay Trung Quốc. Trên đây là tuyên bố của ông Hun Many, con trai của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen khi bình luận về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, trong bài diễn văn đọc tại Bangkok ngày 21/11/2018.

Hiếm khi phát biểu ở nước ngoài, dân biểu Cam Bốt Hun Many, con trai của thủ tướng Hun Sen, vừa đưa ra một lời tuyên bố có thể gây chia rẽ lâu dài trong hiệp hội ASEAN, trong bối cảnh chính quyền Phnom Penh ngày càng ngả theo lập trường của Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông, cũng như mở rộng cửa cho đầu tư Trung Quốc.

« Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang lan ra khắp nơi. Áp lực này chắc chắn sẽ làm cho một cá nhân thành viên ASEAN hoặc toàn bộ ASEAN phải chọn một phe ». Nhưng khi được hỏi Cam Bốt sẽ chọn phe nào, Hun Many, được đào tạo tại Úc, từ chối trả lời trực tiếp mà cho rằng « những người có liên can có bổn phận chọn thái độ một cách có trách nhiệm ».

Hồi đầu tuần, thủ tướng Hun Sen đã tìm cách đánh tan các mối lo ngại về tin Cam Bốt cho phép Trung Quốc lập căn cứ hải quân ở bờ biển tây nam xứ chùa Tháp, nhìn ra vịnh Thái Lan.

Giới quan sát Tây phương không loại trừ khả năng Hun Many sẽ lên kế nhiệm cha. Các con trai của ông Hun Sen đều tốt nghiệp những đại học danh tiếng Tây phương. Nhưng khác với các anh đều ở trong quân đội, Hun Many tiến thân bằng con đường chính trị.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181121-cam-bot-asean-co-the-phai-chon-my-hay-trung-quoc