Tin khắp nơi – 21/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 21/10/2017

Tây Ban Nha ‘sắp loại bỏ’ lãnh đạo Catalan

Thủ tướng Tây Ban Nha vừa nêu kế hoạch loại bỏ ban lãnh đạo vùng Catalonia và nắm quyền kiểm soát khu vực ly khai.

Phát biểu sau cuộc họp nội các khẩn cấp hôm thứ Bảy, ông Mariano Rajoy không giải tán quốc hội của vùng này nhưng đưa ra kế hoạch cho các cuộc bầu cử ở Catalonia.

Các biện pháp đưa ra phải được Quốc hội Tây Ban Nha phê chuẩn trong vài ngày tới.

Tây Ban Nha sắp ngưng quy chế tự trị của Catalonia

Lãnh đạo Catalonia chịu áp lực trước khi tuyên bố ly khai

Tây Ban Nha: Cảnh sát đàn áp trưng cầu độc lập

Các kế hoạch được đưa ra gần ba tuần sau khi Catalonia tổ chức một cuộc trưng cầu độc lập gây tranh cãi.

Đây không phải là ước muốn của chúng tôi, không phải là ý định của chúng tôi để kích hoạt điều khoảnThủ tướng TBN Mariano Rajoy

Tòa án tối cao Tây Ban Nha tuyên bố cuộc bỏ phiếu trưng cầu này là bất hợp pháp và nói nó đã vi hiến, và mô tả đất nước là không thể phân chia.

Lãnh đạo vùng Catalan, ông Carles Puigdemont đã phớt lờ lời đề nghị của chính phủ quốc gia về từ bỏ những động thái hướng tới độc lập.

Ông Rajoy nói rằng chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp đặt việc cai trị trực tiếp, lập luận rằng những hành động của chính phủ Catalan là “trái với luật pháp và tìm kiếm sự đối đầu”.

Điều này sẽ được thực hiện thông qua điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha vốn cho phép áp đặt cai trị trực tiếp trong một cuộc khủng hoảng ở bất kỳ khu vực bán tự trị của quốc gia.

Nghị viện của Tây Ban Nha sẽ bỏ phiếu trong vòng một tuần, ông Rajoy nói tại một cuộc họp báo.

Ông nói đây “không phải là ước muốn của chúng tôi, không phải là ý định của chúng tôi” để kích hoạt điều khoản.

Luật pháp Tây Ban Nha quy định rằng các cuộc bầu cử phải được tổ chức trong vòng sáu tháng kể từ khi Điều 155 được kích hoạt, nhưng ông Rajoy nói rằng bỏ phiếu sớm hơn là một điều cực kỳ quan trọng.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41709519

 

Quốc vương Felipe tuyên bố Catalan đang và sẽ

là một phần của Tây Ban Nha

Oviedo, Tây Ban Nha. (Reuters) –  Quốc vương Tây Ban Nha Felipe dùng lễ trao giải thưởng tại khu vực Tây Bắc Asturias vào ngày hôm qua 20/10 để thể hiện sự ủng hộ chính phủ Tây Ban Nha, và khẳng định sự thống nhất của Tây Ban Nha.

Nhà vua tuyên bố Catalan đang và sẽ là một phần thiết yếu của Tây Ban Nha. Đầu tháng này, Vua Felipe chỉ trích những người tổ chức cuộc trưng cầu dân ý chà đạp lên luật pháp và bất trung với đất nước. Người đứng đầu Hoàng gia Tây Ban Nha cáo buộc hành động đòi ly khai của lãnh đạo Catalan thể hiện sự vô trách nhiệm, đẩy sự ổn định về kinh tế và xã hội của Catalan và cả Tây Ban Nha vào nguy cơ bất ổn. Tây Ban Nha phải  đối phó với nỗ lực ly khai không thể chấp nhận được trên lãnh thổ quốc gia. Điều này sẽ được giải quyết thông qua các tổ chức dân chủ hợp pháp.

Nhận xét của quốc vương Felipe được đưa ra khi chính phủ Tây Ban Nha giành được sự ủng hộ của phe đối lập để giải tán Quốc Hội Catalan, và tổ chức cuộc bầu cử mới vào tháng Giêng, nhằm nỗ lực kiểm soát nỗ lực đòi độc lập của chính phủ khu vực. Hôm Thứ Sáu, đảng Xã hội Chủ Nghĩa, đảng đối lập chính, cho biết họ sẽ ủng hộ những dự luật đặc biệt để áp đặt quy tắc đối với khu vực, nhằm ngăn chặn chính phủ có chủ trương ly khai Catalan và chấm dứt cuộc khủng hoảng gây bất ổn cho đồng euro và ảnh hưởng tới niềm tin trong nền kinh tế lớn thứ tư của khu vực đồng Euro.

Thủ Tướng Mariano Rajoy triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp vào ngày hôm nay 21/10 để mở đường cho Madrid thiết lập sự kiểm soát trung ương tại khu vực. (Song Châu)

http://www.sbtn.tv/quoc-vuong-felipe-tuyen-bo-catalan-dang-va-se-la-mot-phan-cua-tay-ban-nha/

 

Munich: ‘nghi phạm’ tấn công bằng dao bị bắt

Cảnh sát Đức đã bắt một người đàn ông ở Munich sau khi bốn người bị thương nhẹ sau một cuộc tấn công bằng dao.

Cảnh sát nói nghi phạm tấn công 5 người đàn ông và một phụ nữ xung quanh khu vực Rosenheimer Platz ở mạn đông thành phố, nhưng nghi phạm đã tấn công hụt hai mục tiêu.

Một phát ngôn nhân của cảnh sát nói người đàn ông bị bắt giữ rất giống với các mô tả được các nhân chứng tại hiện trường đưa ra.

Chúng tôi đã bắt giữ một người rất giống với mô tả của các nhân chứng, nhưng chúng tôi không thể khẳng định ông ta là kẻ tấn côngPhát ngôn viên Cảnh sát Đức

Nghi can được cho là đã bắt đầu tấn công người qua đường ngay sau lúc 06:00 sáng giờ địa phương.

Munich: tấn công bằng dao, nhiều người bị thương

Nổ súng hộp đêm ở Đức làm 2 người chết

Đức bắt hai người về tội khủng bố

Người Đức ‘sốc’ vì vụ nổ súng Munich

“Chúng tôi đã bắt giữ một người rất giống với mô tả của các nhân chứng, nhưng chúng tôi không thể khẳng định ông ta là kẻ tấn công”, phát ngôn viên cảnh sát Munich, Marcus da Gloria Martins nói.

Quan chức này nói thêm rằng cảnh sát đã chưa thể tìm ra bất kỳ động cơ nào về cuộc tấn công. Không ai trong số các nạn nhân bị thương ở vào mức độ có thể đe dọa tính mạng.

Các nhân chứng mô tả nghi phạm là một người đàn ông trong độ tuổi 40, không cạo râu, với quần màu xám và áo choàng màu xanh lá cây, đeo một chiếc ba lô và mền ngủ.

Cảnh sát cho hay nghi phạm đã chạy trốn khỏi hiện trường trên một chiếc xe đạp.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41707085

 

Quan hệ Mỹ-Ấn cải thiện, láng giềng dò xét

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tuần tới sẽ có chuyến công du đầu tiên tới Nam Á kể từ khi Nhà Trắng nêu ra chiến lược mới đối với khu vực. Chuyến thăm này có chặng dừng chân ở Ấn Độ, nước có mối quan hệ với Hoa Kỳ đã phát triển thành một liên minh trên thực tế, trong khi các nước láng giềng của Ấn Độ cảm thấy đầy ngờ vực.

Hoa Kỳ và Ấn Độ sử dụng rất nhiều tên khác nhau để mô tả mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp trong thời gian gần đây. Nhưng một cụm người ta không nghe thấy là “liên minh”. Trên thực tế, các quan chức Mỹ và Ấn Độ đôi khi nói dài dòng đến mức trở thành hài hước để tránh sử dụng cụm từ đó.

Dù đó có vẻ như là một kỹ thuật ngoại giao, nhưng trên thực tế nó phản ánh lịch sử không liên kết của Ấn Độ.

Arpana Pande thuộc Viện Hudson nói với VOA qua Skype: “Ấn Độ không muốn bất cứ ai gọi là đồng minh, và lý do là lịch sử thuộc địa của Ấn Độ”.

Điều đó có thể từ từ thay đổi.

Thương mại Hoa Kỳ-Ấn Độ hiện gấp gần sáu lần so với năm 2000.

Và Hoa Kỳ gần đây đã gọi New Delhi là một “đối tác quốc phòng chủ chốt”.

Trong một bài phát biểu hôm 18/10, Ngoại trưởng Rex Tillerson nói ông muốn đi xa hơn.
“Chính quyền của ông Trump quyết tâm làm sâu sắc thêm những cách thức để Hoa Kỳ và Ấn Độ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác này”.

Ông Tillerson cũng làm Trung Quốc tức giận khi ông nói rằng Ấn Độ nên giúp cho việc duy trì “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” mà Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc đang cố gắng làm cho suy yếu.

Pakistan, đối thủ địa chính trị của Ấn Độ, cũng hoài nghi về sự cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, và phê phán những chỉ trích của Mỹ rằng Pakistan có liên kết với các nhóm khủng bố.

Ông Tillerson sẽ phải cân bằng các mối quan hệ một cách khôn ngoan trong một khu vực ngày càng trở nên quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-he-my-an-cai-thien-lang-gieng-do-xet/4080479.html

 

TT Trump sẽ cho công bố tài liệu mật

về vụ ám sát TT Kennedy

Tổng thống Trump thông báo trên Twitter rằng ông sẽ cho phép công bố hàng ngàn tài liệu mật về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy sau nhiều năm trì hoãn.

Động thái bất ngờ này có nghĩa là các tài liệu chưa từng thấy trước đây sẽ được Cục Hồ sơ Lưu trữ Quốc gia công bố muộn nhật là vào ngày 26/10.

Quốc hội đã yêu cầu hồi năm 1992 rằng tất cả các tài liệu về vụ ám sát được công bố trong vòng 25 năm, trừ khi tổng thống khẳng định rằng làm như vậy sẽ gây tổn hại cho công tác tình báo, thực thi luật pháp, các hoạt động quân sự hoặc quan hệ ngoại giao.

Các tài liệu vẫn còn trong vòng bí mật bao gồm hơn 3.000 văn bản chưa bao giờ được đưa ra công chúng và hơn 30.000 đã được công bố trước đó, nhưng có một số cắt xén.

Các học giả nghiên cứu về ông John F. Kennedy tin rằng các tập tài liệu có thể cung cấp thông tin sâu về việc sát thủ Lee Harvey Oswald đi tới Mexico City vài tuần trước khi xảy ra vụ ám sát, trong thời gian đó hắn ta đã đến các đại sứ quán của Liên Xô và Cuba.

Theo Ủy ban Warren, cơ quan điều tra được Tổng thống Lyndon B. Johnson thành lập, Oswald khai rằng lý do hắn đã đi là để xin visa cho phép hắn nhập cảnh vào Cuba và Liên bang Xô viết, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa biết về chuyến đi đó.

(CBS News, USA Today)

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-se-cho-cong-bo-tai-lieu-mat-ve-vu-am-sat-tt-kennedy/4080421.html

 

Các đại công ty Mỹ lập liên minh vận động cho di dân

Gần hai chục công ty công nghệ lớn và các ngành công nghiệp khác phát động một liên minh vận động luật mở đường cho di dân trẻ, bất hợp pháp được định cư vĩnh viễn tại Mỹ, theo các tài liệu Reuters trích dẫn ngày 20/10.

Liên minh Giấc mơ Mỹ dự định yêu cầu Quốc hội thông qua một đạo luật lưỡng đảng trong năm nay cho phép những di dân tới Mỹ bất hợp pháp từ thơ ấu, thường được gọi là ‘Dreamers’ được tiếp tục làm việc ở Mỹ.

Trong số các công ty hợp lực trong cuộc vận động này có Google, Microsoft, Amazon, Facebook, Intel, Uber, IBM, Tập đoàn Marriott Quốc tế và các công ty hàng đầu khác của Mỹ.

Phát ngôn nhân của công ty Intel, Will Moss, nói “Chúng tôi hân hạnh cùng các tổ chức khác thúc giục Quốc hội thông qua luật bảo vệ các di dân ‘Dreamers’.”

Ông Matthew Wing, người phát ngôn của Uber, nhấn mạnh “Uber tham gia cùng Liên minh Giấc mơ Mỹ vì chúng tôi đứng về phía các di dân Dreamers. Công ty Uber còn cung cấp hỗ trợ pháp lý và mở Trung tâm Nguồn lực Dreamer trên mạng để hỗ trợ các tài xế Uber nằm trong diện di dân ‘Dreamers.’

Nỗ lực thúc đẩy luật bảo vệ ‘Dreamers’ xuất hiện sau loan báo hồi tháng 9 của Tổng thống Donald Trump rằng chương trình trì hoãn hành động đối với những người nhập cư bất hợp pháp từ nhỏ (DACA) sẽ hết hạn vào tháng 3 năm sau.

DACA do cựu Tổng thống Barack Obama lập ra năm 2012, cho phép gần 900.000 di dân bất hợp pháp có được giấy phép lao động tại Mỹ.

Khoảng 800 công ty đã ký thỉnh nguyện thư gửi giới lãnh đạo Quốc hội sau quyết định của Tổng thống Trump, kêu gọi luật bảo vệ ‘Dreamers.’

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/cac-dai-cong-ty-my-lap-lien-minh-van-dong-cho-di-dan-/4079902.html

 

Canada ‘hào phóng’ với người tị nạn

Tỷ lệ người tìm quy chế tị nạn vượt biên giới bất hợp pháp từ Mỹ sang Canada được cấp quy chế người tị nạn tăng cao, theo các dữ kiện mới công bố, vì nhà chức trách Canada chấp nhận đơn xin tị nạn của những người lo sợ bị chính quyền Donald Trump trục xuất.

Hơn 15 ngàn người vượt biên giới Mỹ-Canada trái phép để xin quy chế tị nạn tại Canada trong năm nay. Nhiều người trong số này từng ở Mỹ hợp pháp và một số người trả lời phỏng vấn Reuters cho biết lẽ ra họ vẫn tiếp tục ở Mỹ nếu không có chiến dịch trấn áp di dân.

Quân đội Canada đã dựng lều trại tạm thời cho dòng người tị nạn tá túc, chủ yếu tại biên giới giữa Quebec với New York.

Ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi tháng Giêng với mục tiêu giảm mạnh việc nhận người tị nạn cùng với các chính sách về di dân cứng rắn.

Trong 592 đơn xin tị nạn của những người vượt biên từ tháng ba tới tháng chín năm nay, gần 70% (408 đơn) được Canada chấp nhận, theo số liệu của Ban Di trú và Tị nạn.

Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ nhận tất cả các đơn xin tị nạn từ những người đến Canada bằng nhiều hình thức khác nhau hồi năm ngoái.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/canada-hao-phong-voi-nguoi-ti-nan-/4079901.html

 

Đánh bom tự sát 2 nhà thờ Hồi Giáo ở Afghanistan,

 ít nhất 72 người bị thiệt mạng

Kabul, Afghanistan. (Reuters) – Các viên chức và nhân chứng cho biết, những kẻ đánh bom tự sát tấn công 2 nhà thờ Hồi Giáo ở Afghanistan, làm ít nhất 72 người bị thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, phụ nữ và người cao niên.

Theo ông Mahmood Shah Husaini, một con chiên ở đó, một kẻ đánh bom tự sát bước vào nhà thờ Hồi Giáo Shi’ite ở thủ đô Kabul, khi mọi người đang cầu nguyện vào tối Thứ Sáu 20/10 và châm ngòi chất nổ. Phát ngôn viên bộ Nội Vụ thông báo, ít nhất 39 người bị thiệt mạng trong vụ nổ tại nhà thờ Hồi Giáo Imam Zaman ở quận Dasht-e-Barchi.

Phiến quân Quốc Gia Hồi Giáo nhận trách nhiệm về cuộc tấn công. Tuy nhiên, thông cáo từ nhóm không cung cấp bằng chứng hỗ trợ tuyên bố của họ. Trong những tháng gần đây, người Hồi Giáo Shi’ite phải chịu một loạt các cuộc tấn công tại Afghanistan. Phiến quân Quốc Gia Hồi Giáo Sunni tuyên bố chịu trách nhiệm nhiều cuộc tấn công trong số đó.

Ngoài ra, phát ngôn viên cảnh sát cho biết một vụ đánh bom tự sát cướp đi ít nhất 33 mạng sống tại nhà thờ Hồi Giáo ở trung tâm huyện Ghor. Theo thông cáo từ tỉnh trưởng tỉnh Balkh, vụ tấn công dường như nhắm vào nhà lãnh đạo địa phương từ chính đảng Jamiat. Hiện chưa ai nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. (Song Châu)

http://www.sbtn.tv/danh-bom-tu-sat-2-nha-tho-hoi-giao-o-afghanistan-it-nhat-72-nguoi-bi-thiet-mang/

 

Chết yểu vì ô nhiễm môi trường: SOS

Ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc có liên hệ tới hơn 1,8 triệu ca chết yểu, nghĩa là cứ 5 trường hợp chết yểu tại Trung Quốc thì có 1 ca vì ô nhiễm môi trường, theo cuộc nghiên cứu mới đăng tải trên tờ The Lancet.

Cuộc nghiên cứu trên tạp chí y học này cho hay ô nhiễm (từ không khí bẩn cho tới nước nhiễm độc) mỗi năm cướp đi sinh mạng của nhân loại trên toàn cầu nhiều hơn số nạn nhân thiệt mạng vì chiến tranh và bạo động.

Số người chết vì ô nhiễm nhiều hơn chết vì hút thuốc, đói khát, hay thiên tai.

Số tử vong vì ô nhiễm cao hơn số thiệt mạng vì AIDS, lao phổi, sốt rét cộng lại.

Khoảng 9 triệu người, tức cứ 6 trường hợp chết yểu trên thế giới trong năm 2015 thì có 1 người bị bệnh vì phơi nhiễm với những chất độc hại ô nhiễm độc hại, theo The Lancet.

Báo cáo nói phí tổn tài chính cho các ca tử vong liên quan tới ô nhiễm, cho bệnh tật, và cho an sinh là cao ngang nhau, gây thiệt hại hàng năm khoảng 4,6 ngàn tỷ đô la, nghĩa là trên 6% kinh tế thế giới.

Phúc trình này là nỗ lực đầu tiên tập họp dữ liệu về bệnh tật và tử vong do tất cả các hình thức ô nhiễm cộng lại.

Nghiên cứu cho thấy Châu Á và Châu Phi là hai khu vực khiến người ta bị nguy cơ cao nhất.

Dẫn đầu danh sách các nước có môi trường ‘chết người’ nhất là Ấn Độ và tiếp theo sau là Trung Quốc.

Đa số các ca tử vong liên quan đến ô nhiễm môi trường, 92%, xảy ra tại các nước đang phát triển có thu nhập thấp hoặc trung bình, nơi các nhà hoạch định chính sách chủ yếu quan tâm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng căn bản, theo kết quả nghiên cứu.

Theo AP/The Lancet

https://www.voatiengviet.com/a/chet-yeu-vi-o-nhiem-moi-truong-sos/4079889.html

 

3 nghi can bị bắt trong vụ nổ súng ở Florida

sau bài diễn văn của Richard Spencer

Gainesville, Florida. (CBS) – Cảnh sát cho biết một cư dân Texas lái xe tới Florida, bắn một phát vào đám đông biểu tình sau khi Richard Spencer- một diễn giả theo chủ nghĩa dân tộc- kết thúc bài diễn văn tại trường đại học Florida.

Người này bị bắt cùng hai người khác, luôn miệng xúi giục “bắn chết họ đi”. Cả ba cùng bị buộc tội cố ý giết người.

Tại buổi họp báo hôm qua 20/10, cảnh sát cho biết không ai bị thương trong vụ nổ súng xảy ra tại một nơi gần trường đại học Florida ở Gainesville vào hôm Thứ Năm 19/10, giữa lúc hàng trăm người biểu tình chống đối bài diễn văn của Richard Spencer. Theo báo cáo của cảnh sát, Tyler Tenbrink 28 tuổi, và hai anh em ruột – Colton Fears 28 tuổi và William Fears 30 tuổi – dừng xe gần trường đại học, cãi nhau với một nhóm người biểu tình. Sau khi đe dọa người biểu tình và giơ tay chào theo kiểu Đức Quốc Xã, Tenbrink bắn một phát về phía họ, trong lúc hai anh em nhà Fears lớn tiếng xúi giục Tenbrink bắn chết người biểu tình. Rất may viên đạn chỉ trúng vào một bức tường gần đó, và 3 nghi can lái xe chạy trốn.

Tuy nhiên, một người biểu tình ghi lại được số xe của 3 nghi can và báo cáo cho cảnh sát. Vài giờ sau, 3 nghi can bị bắt. Cảnh sát cho biết trong số 3 người này, có hai người có liên quan tới các nhóm cực đoan, nhưng không cho biết đó là ai. Anh em Fears bị giam giữ với tiền bảo lãnh là 1 triệu mỗi người. Còn Tenbrink bị đối mặt với tội danh sở hữu súng của một cựu tù nhân, tiền bảo lãnh là 3 triệu. (Mai Đức)

http://www.sbtn.tv/3-nghi-can-bi-bat-trong-vu-no-sung-o-florida-sau-bai-dien-van-cua-richard-spencer/

 

Chính phủ tổng thống Trump xem xét kế hoạch tạm ngưng chương trình đoàn tụ gia đình người tị nạn

Washington DC. (Reuters) – Hai nguồn tin biết rõ tình hình nói với Reuters rằng chính phủ Tổng Thống Trump lên kế hoạch tạm dừng chương trình cho phép thành viên gia đình đoàn tụ với người tị nạn đã định cư tại Hoa Kỳ. Chương trình tạm dừng cho tới khi các hệ thống kiểm tra an ninh được sửa chữa và tăng cường.

Đây là một trong nhiều biện pháp đang được xem xét cho người tị nạn. Chính phủ Donald Trump cũng có thể mở rộng việc sử dụng chương trình kiểm tra an ninh chặt chẽ hơn hiện nay đang được nhiều cơ quan liên bang áp dụng, có tên “ý kiến cố vấn an ninh” -SAO, để áp dụng cho phụ nữ đến từ những quốc gia có nguy cơ cao. Hiện tại chương trình SAO chỉ được áp dụng bắt buộc cho nam giới của những quốc gia đó. Chính phủ cũng đang xem xét việc mở rộng các nhóm người tị nạn cần phải được lấy dấu vân tay.

Một số cựu viên chức cho biết những để nghị trên, nếu được thực hiện, có thể làm chậm lại việc định cư của người tị nạn một cách đáng kể. David Lapan là phát ngôn viên Bộ Nội An, cho biết ông không thể đưa ra bất cứ bình luận nào, vì những chương trình và kế hoạch của chính phủ Trump vẫn đang trong tiến  trình xem xét.

Sau ngày nhậm chức, Tổng Thống Trump muốn nhanh chóng giảm số người tị nạn và du khách đến từ những quốc gia Hồi Giáo ở Trung Đông. Lệnh cấm tạm thời 120 ngày cho người tị nạn sẽ hết hạn vào ngày 24 tháng 10. Ông Trump cho rằng chương trình kiểm soát chặt chẽ người tị nạn, di dân và du khách là điều rất cần thiết, để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố. Sẽ chỉ có 45,000 người tị nạn được vào Hoa Kỳ trong năm 2018. (Mai Đức)

http://www.sbtn.tv/chinh-phu-tong-thong-trump-xem-xet-ke-hoach-tam-ngung-chuong-trinh-doan-tu-gia-dinh-nguoi-ti-nan/

 

Nga phản đối Hoa Kỳ lắp đặt hệ thống phòng thủ

chống hoả tiễn tại Liên Âu

Moscow, Nga. (Reuters)- Hôm nay 20/10, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng lá chắn hoả tiễn của Washington lắp đặt trên lãnh thổ của các quốc gia đồng minh là vấn đề đáng lo ngại hàng đầu của Nga và Trung Cộng.

Đọc diễn văn tại cuộc hội nghị quốc tế về chủ đề phi hạt nhân hoá được tổ chức ở Moscow, ngoại trưởng Nga Lavrov nói rằng vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ được điều động đến Liên Âu sẽ phải được đưa trở về lãnh thổ của Hoa Kỳ. Cũng trong hôm nay, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thúc giục các cường quốc thế giới hậu thuẫn kế hoạch của Nga và Trung Cộng để giải quyết cuộc khủng hoảng vũ khí hạt nhân Bắc Hàn. Tuyên bố tại hội nghị quốc tế nói trên, Lavrov cho hay sẽ gửi một thông điệp báo động về tình hình an ninh thế giới, có thể tác động đến tình hình của bán đảo Triều Tiên.

Theo Reuters, đại sứ Nga tại Đan Mạch Mikhail Vanin tuyên bố chiến hạm Đan Mạch có thể trở thành mục tiêu tấn công của hoả tiễn hạt nhân Nga, nếu nước này tham gia hệ thống phòng thủ của liên minh do Hoa Kỳ cầm đầu. Ngoại trưởng Đan Mạch Martin Lidegaard bày tỏ sự tức giận về tuyên bố này và cho rằng tuyên bố của đại sứ Nga là không thể chấp nhận được. Ông Martin Lidegaard nói hệ thống phòng thủ chỉ nhằm mục đích tự vệ để chống lại các quốc gia thường xuyên đe doạ an ninh khu vực.

Bang giao Đông và Tây trở nên tồi tệ trong năm qua, sau vụ Nga sáp nhập Crimea của Ukraine. Hồi tháng 8 qua, Đan Mạch đồng ý để NATO lắp đặt hệ thống phòng thủ hoả tiễn tại lãnh thổ mình với ít nhất một tàu khu trục có khả năng quan sát bằng radar, và quyết định này đã làm Nga tức giận. (Song Châu)

http://www.sbtn.tv/nga-phan-doi-hoa-ky-lap-dat-he-thong-phong-thu-chong-hoa-tien-tai-lien-au/

 

Gió ngược mang ô nhiễm đến Bắc Kinh trong Đại Hội Đảng

Thụy My

Tuy đã cấm các nhà máy và nhà hàng trong khu vực hoạt động để giữ cho bầu trời Bắc Kinh được xanh trong vào dịp Đại hội Đảng lần thứ 19, nhưng một làn gió ngược từ phương nam từ hôm qua 20/10/2017 đã mang đến những đám mây ô nhiễm, làm hỏng mất ngày đại lễ long trọng của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Trong bài diễn văn hôm khai mạc 18/10, tổng bí thư Tập Cận Bình đã hùng hồn tuyên bố : « Cần phải chận đứng nạn ô nhiễm ngay từ gốc, tiếp tục đấu tranh chống ô nhiễm không khí và giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu cho một bầu trời xanh ».

Cả 2.300 đại biểu đồng loạt vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng bên ngoài Đại lễ đường Nhân Dân, tỉ lệ vi phân tử độc hại (có đường kính dưới 2,5 micron) đo được từ hôm qua đã vượt quá ngưỡng 200, theo công ty AirVisual. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tỉ lệ này tối đa chỉ có 25.

Đọc thêm: « Màu xanh APEC »: Màu sắc mới của bầu trời Trung Quốc

Nhà cầm quyền Trung Quốc, một trong những nước ô nhiễm nhất thế giới, mỗi dịp hội nghị lớn đều muốn có được một bầu trời xanh trong trên màn ảnh truyền hình. Đến nỗi có lần người dân đặt tên là « màu xanh APEC », do nhờ hội nghị APEC, các nhà máy bị đóng cửa, mới thấy lại được màu trời xanh.

Trong Đại hội Đảng 19, các nhà máy luyện thép ở cách Bắc Kinh 160 km đã bị buộc phải ngưng hoạt động, các công trường xây dựng bị ngưng, thậm chí các nhà hàng bán món thịt nướng cũng bị tạm đóng cửa.

Tuy nhiên cơ quan khí tượng cho biết một trận gió đã ập vào thủ đô, mang theo khói mù từ các nhà máy thuộc ngành công nghiệp nặng của các tỉnh miền nam đến Bắc Kinh. Đám mây độc hại « ô nhiễm ở mức trung bình đến cao » này sẽ tồn tại ít nhất là đến hết cuối tuần.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171021-gio-nguoc-mang-o-nhiem-den-bac-kinh-trong-dai-hoi-dang

 

Thủ tướng Singapore công du Mỹ để siết chặt hợp tác

Trọng Thành

Hôm nay, 21/10/2017, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bắt đầu chuyến công du Mỹ 6 ngày. Theo báo chí Singapore, mục đích của chuyến đi này của lãnh đạo Singapore là nhằm xây dựng quan hệ đối tác « vững chắc » hơn với Hoa Kỳ.

Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ hội kiến với tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày thứ Hai, 23/10. Thủ tướng Singapore là khách mời của Blair House, Nhà khách riêng của tổng thống Mỹ, trong thời gian công du. Ông Lý Hiển Long là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên được mời lưu lại khách sạn này, kể từ khi Donald Trump làm tổng thống.

Thủ tướng Singapore cũng sẽ có các buổi làm việc riêng với bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin, bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross, cố vấn an ninh quốc gia McMaster và giám đốc Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia Gary Cohn. Một hợp đồng mua máy bay Boeing dự kiến sẽ được ký kết trong dịp này.

Singapore là một đối tác chủ chốt của Hoa Kỳ về kinh tế và an ninh tại châu Á. Buôn bán và đầu tư Singapore tạo 250.000 việc làm tại Mỹ, trong lúc thương mại song phương với Mỹ tương đương 20% GDP của Singapore. Singapore là đối tác châu Á duy nhất đóng góp về nhân sự và phương tiện quân sự cho cuộc chiến chống Daech của liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Một vấn đề mà một số chuyên gia nhấn mạnh là, trong chuyến công du này, thủ tướng Singapore có thể mang lại những tư vấn quan trọng cho Hoa Kỳ về các ứng xử cần có với Trung Quốc. Viện tư vấn Mỹ The Heritage Foundation, theo xu hướng bảo thủ, bình luận là việc Washington « quản lý kém » mối quan hệ với Trung Quốc sẽ là « một đe dọa với sự ổn định » của khu vực Đông Nam Á. Thủ tướng Singapore vừa có chuyến công du Trung Quốc hồi cuối tháng 9.

Đọc thêm : Bắc Kinh dọa nạt để lôi kéo Singapore vào quỹ đạo Trung Quốc

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ CNBC được công bố hôm qua, ngay trước chuyến công du, lãnh đạo Singapore khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông.

Singapore sẽ đảm nhiệm chức vụ chủ tịch luân phiên khối ASEAN trong năm tới. Năm 2018 cũng được coi là một năm bản lề trong các thương thuyết giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông (COC).

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171021-thu-tuong-singapore-cong-du-my-de-siet-chat-hop-tac

 

Tuần duyên Hàn Quốc

có thể nổ súng vào tàu Trung Quốc đánh cá lậu

Thụy My

Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc từ nay có thể sử dụng vũ khí để đối phó với các tàu Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp, nếu các tàu này có vẻ sẵn sàng tấn công hoặc phản ứng lại khi bị kiểm tra. Đài phát thanh truyền hình Hàn Quốc Arirang cho biết như trên, theo một tu chính án bắt đầu có hiệu lực từ hôm 20/10/2017.

Đạo luật mới có mục đích cải thiện năng lực can thiệp trên biển của cảnh sát tuần duyên, để đối phó với các tàu Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp tại vùng biển Hàn Quốc, thường có phản ứng thô bạo với lực lượng chấp pháp.

Cho đến nay, việc sử dụng vũ khí chỉ được cho phép trong trường hợp các tàu của lực lượng tuần duyên bị tấn công.

Luật mới cũng dự kiến các bản án đến một năm tù hoặc phạt vạ đến 10 triệu won (khoảng 88.000 đô la) đối với thủy thủ đoàn nào từ chối cho kiểm tra mà không có lý do chính đáng.

Còn tại Ấn Độ, các ngư dân hành nghề ở cảng Kasimedu hôm qua đã từ chối ra khơi, để phản đối việc các tàu cá Trung Quốc có công suất lớn giành hết ngư trường của họ mà không bị trừng phạt.

Tờ Times of India cho biết, các tàu cá này trang bị động cơ 840 cm3, chạy rất nhanh, thu được lượng cá gấp 10 lần tàu bình thường. Tuy đã bị cấm từ năm ngoái, nhưng chính quyền địa phương vẫn để yên cho hoạt động. Ngư dân các tàu Trung Quốc sẽ càn quét hết hải sản, khiến họ thất nghiệp đồng thời xâm hại đến hệ sinh thái biển.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171021-tuan-duyen-han-quoc-co-the-no-sung-vao-tau-trung-quoc-danh-ca-lau

 

Pháp khởi tố 8 nghi phạm khủng bố cực hữu

Tám nghi phạm, trong đó có ba người vị thành niên, bị bắt hôm thứ Ba, được đưa ra tòa hôm nay 21/10/2017, để khởi tố với tội danh « tham gia một tổ chức khủng bố, nhằm chuẩn bị một hoặc nhiều hoạt động tội ác xâm hại cá nhân », theo viện công tố Paris. Theo Reuters các nghi phạm bị bắt tại Marseille và vùng Seine-Saint-Denis gần Paris.

Những người này bị nghi tham gia vào nhóm mang tên OAS, giống tên của tổ chức quân sự bí mật chống lại nền độc lập Algeri hồi những năm 60. Nhóm OAS đã mua nhiều vũ khí và tổ chức một số buổi huấn luyện vũ trang cho các thành viên.

Mục tiêu tấn công của nhóm là các địa điểm tôn giáo, đặc biệt là các thánh đường Hồi Giáo, một số nhân vật chính trị, những người tranh đấu chống phát xít hay người da đen, gốc Bắc Phi… Một số chính trị gia như người phát ngôn chính phủ Christophe Castaner, hay lãnh đạo phong trào cực tả Nước Pháp bất khuất Jean-Luc Mélenchon, cũng là mục tiêu tấn công.

Theo bộ trưởng Nội Vụ Pháp, Gérard Collomb, ưu tiên tấn công của tổ chức này là một số thánh đường và quán bar, tuy nhiên, ông cũng cho rằng OAS chưa phải là nhóm nguy hiểm nhất bị bắt trong thời gian gần đây.

Thủ lĩnh của nhóm – Alexandre Nisin, 21 tuổi – là người rất hâm mộ Anders Breivik, kẻ sát nhân người Na Uy, đã giết hại 77 nhà hoạt động cánh tả, trong một vụ khủng bố năm 2011. Alexandre Nisin bị bắt hồi tháng 6.

http://vi.rfi.fr/phap/20171021-phap-khoi-to-8-nghi-pham-khung-bo-cuc-huu

 

Trung Quốc khẳng định

vẫn duy trì đối thoại với Bắc Triều Tiên

Trọng Nghĩa

Bên lề Đại Hội đang diễn ra ở Bắc Kinh, Ban Đối Ngoại Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày hôm nay 21/10/2017 đã mở họp báo để nói thêm về đường lối đối ngoại của Đảng – tức là của cả Trung Quốc. Một điểm nổi bật được chú ý là lời khẳng định rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc hội đàm và duy trì các cuộc tiếp xúc và đối thoại với Đảng Lao Động (tức đảng Cộng Sản) Bắc Triều Tiên.

Theo hãng tin Anh Reuters, ông Quách Nghiệp Châu (Guo Yezhou), phó ban Đối Ngoại đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã cho rằng Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là láng giềng, có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, do đó việc duy trì và củng cố quan hệ đó mang « ý nghĩa quan trọng » cho hòa bình, ổn định khu vực.

Lời khẳng định trên đây được đưa ra trong bối cảnh có nhiều thông tin cho rằng quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng đang gặp khó khăn do việc Bắc Triều Tiên liên tục thử hạt nhân và tên lửa, bất chấp thái độ không hài lòng của Trung Quốc.

Đối với ông Quách Nghiệp Châu, hoạt động trao đổi giữa hai đảng đóng vai trò quan trọng việc phát triển các mối quan hệ giữa hai nước nói chung, và hoạt động đó vẫn đang tiếp diễn.

Tuy nhiên, quan chức này đã tránh trả lời trực tiếp khi được hỏi là lần gần đây nhất mà trưởng ban Đối Ngoại Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tống Đào (Song Tao) gặp một quan chức Bắc Triều Tiên là khi nào.

Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên theo nghị quyết Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cho dù vẫn chỉ trích Mỹ và Hàn Quốc tập trận, góp phần làm căng thẳng gia tăng trong khu vực. Trong khi đó thì Hoa Kỳ và các đồng minh luôn cho rằng Trung Quốc nên kiên quyết hơn trong việc kềm chế Bình Nhưỡng.

Theo Reuters, một quan chức Mỹ xin giấu tên vào hôm qua xác định rằng tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng sau Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sẽ có nhiều quyền lực hơn trong việc kềm chế Bắc Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.

Vì vậy, nhân chuyến công du lần đầu tiên tới châu Á trong tư cách Tổng thống Mỹ của ông Trump vào tháng tới, các nhà quan sát nhận định ngoài những vấn đề liên quan tới hợp tác kinh tế và an ninh khu vực, vấn đề Triều Tiên sẽ là một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông Trump.

Ngược lại, về phía Bắc Triều Tiên, ông Choe Son Hui, lãnh đạo bộ phận phụ trách Bắc Mỹ tại bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên, đã tái khẳng định hôm qua rằng vũ khí nguyên tử là « vấn đề mang tính sống còn » của Bắc Triều Tiên. Điểm đáng chú ý là theo lời quan chức này, Bình Nhưỡng sẽ không đàm phán với Washington về chương trình hạt nhân.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171021-trung-quoc-khang-dinh-van-duy-tri-doi-thoai-voi-bac-trieu-tien

 

Bầu cử Quốc Hội Nhật Bản:

Thủ tướng Abe có thể chiến thắng áp đảo

Trọng Thành

Bầu cử Quốc Hội Nhật Bản sẽ diễn ra ngày mai, 22/10/2017. Theo một số thăm dò dư luận mới nhất, đảng Tự Do Dân Chủ của thủ tướng Shinzo Abe có thể giành thắng lợi lớn. Theo một điều tra của báo kinh tế Nikkei, liên đảng Tự Do Dân Chủ và đảng Komeito, có khả năng giành được khoảng từ 300 đến 465 ghế tại Hạ Viện.

Hai đối thủ chính của liên đảng cầm quyền là đảng Hy Vọng của nữ thống đốc Tokyo Yuriko Koiko, mới thành lập hồi cuối tháng 9, và đảng trung hữu Dân Chủ Hiến Pháp cũng mới ra đời ít ngày gần đây. Mỗi đảng dự kiến được khoảng 50 ghế.

Đảng Hy Vọng của nữ thống đốc Tokyo thoạt tiên được coi là một đối thủ đáng gờm của ông Abe, nhưng đảng này đã nhanh chóng mất đi sự ủng hộ sau khi bà Koiko quyết định không trực tiếp ra tranh cử, điều này cũng có nghĩa là nữ thống đốc Tokyo không thể trở thành thủ tướng, cho dù đảng của bà có giành chiến thắng.

Đọc thêm : Nhật Bản : Abe cho bầu Quốc Hội sớm nhằm sửa đổi Hiến pháp “chủ hòa”

Nếu thắng lợi, thủ tướng Abe có thể tiếp tục cầm quyền đến năm 2021, nhưng điều quan trọng hơn là ông Shinzo Abe có cơ hội thực thi việc sửa đổi bản Hiến pháp chủ hòa, nhằm gia tăng gấp bội sức mạnh quân sự của Nhật Bản, trong bối cảnh hạt nhân Bắc Triều Tiên được coi là mối đe dọa hàng đầu. Tuy nhiên, cử tri Nhật Bản có thực sự lo ngại về đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên ? Sau đây là phóng sự về ngày tranh cử cuối cùng, do thông tín viên Alexandre Barbe tại Kyoto thực hiện.

« Trên đường phố Kyoto, các ứng cử viên vận động tranh cử bằng loa phóng thanh. Tuy nhiên, nếu như Bắc Triều Tiên có mặt trong mọi diễn văn, thì không phải ai cũng quan tâm đến chủ đề này.

Ông Kenko không tin vào chiến tranh. Ông nói : ‘‘Tên lửa bay vọt qua Nhật Bản, rõ ràng là vậy, nhưng tôi không cảm thấy mối đe dọa nào cụ thể. Tất nhiên, điều quan trọng là phải bảo vệ đất nước, nhưng Nhật Bản cũng còn có những vấn đề nội bộ khác cần giải quyết’’.

Ngược lại, đối với bà Ai, gốc Hiroshima, thì nỗi lo là thực sự : ‘‘Tôi thường đi du lịch Hàn Quốc, nhưng kể từ khi có vấn đề tên lửa, tôi không đi nữa. Điều này làm tôi sợ’’, bà thừa nhận.

Chính mối lo ngại này giúp thủ tướng Abe lấy lại được cảm tình trong công luận, sau hàng loạt bê bối của chính phủ. Một sinh viên tên Jo bình luận : ‘‘Tôi có cảm tưởng là người ta đang thổi bùng một nỗi lo hãi không có cơ sở. Tôi cho rằng chính phủ Abe đã khuấy động đe dọa Bắc Triều Tiên và dùng điều này để lấy lòng dân chúng’’.

Cuối cùng thì cuộc khủng hoảng tên lửa Bắc Triều Tiên làm sống dậy một cuộc tranh luận mà ông Abe rất muốn, đó là việc biến lực lượng phòng vệ Nhật Bản thành một quân đội thực sự. Nếu thủ tướng Abe giành được đa số, thì mục tiêu này là nằm trong tầm tay ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171021-bau-cu-quoc-hoi-nhat-ban-thu-tuong-abe-co-the-chien-thang-ap-dao

 

Tổng thống Venezuela đe dọa

hủy kết quả bầu cử tại 5 bang đối lập

Thụy My

Tổng thống Venezuela, ông Nicolas Maduro hôm 20/10/2017, đe dọa hủy bỏ kết quả bầu cử tại năm bang mà các ứng cử viên đối lập giành chiến thắng, nếu các tân thống đốc từ chối tuyên thệ trước Quốc Hội lập hiến do ông Maduro dựng lên.

Trong bài diễn văn đọc trên truyền hình sau thành công bất ngờ của đảng cầm quyền tại 18/23 bang vào cuối tuần trước, ông Nicolas Maduro cảnh báo là các thống đốc không có chọn lựa nào khác, ngoài việc nhìn nhận tính chính danh của Quốc Hội lập hiến. Quốc Hội này có quyền lực rộng lớn, được bầu lên trong cuộc bầu cử bị phe đối lập tẩy chay, và sau đó đã vô hiệu hóa Nghị viện đang do đối lập chiếm đa số.

Tổng thống Maduro đe dọa sẽ tổ chức bầu cử lại tại các bang có thống đốc không chịu tuyên thệ. Như vậy đối lập có nguy cơ bị mất 5 bang đang kiểm soát, sau khi tẩy chay buổi lễ tuyên thệ trước Quốc Hội lập hiến hôm thứ Tư 18/10.

Phe đối lập tố cáo bầu cử gian lận, các cuộc thăm dò trước đó cho thấy phong trào Bàn Tròn vì Đoàn Kết Dân Chủ MUD chiến thắng tại 11 đến 18 bang. Không có quan sát viên quốc tế nào được chấp nhận.

Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và hơn một chục quốc gia châu Mỹ la-tinh đặt nghi vấn về kết quả bầu cử, yêu cầu kiểm toán độc lập ; còn ông Maduro khẳng định hệ thống bầu cử Venezuela là một trong những hệ thống bảo đảm nhất thế giới.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171021-tong-thong-venezuela-de-doa-huy-ket-qua-bau-cu-tai-5-bang-doi-lap

 

Irak: Bagdad tái chiếm các khu vực cuối cùng ở Kirkouk

Thụy My

Quân chính phủ Irak hôm qua 20/10/2017 loan báo đã chiếm được những khu vực cuối cùng do dân quân Kurdistan kiểm soát tại tỉnh Kirkouk, sau những trận đánh dữ dội. Hoa Kỳ kêu gọi hai bên hòa dịu.

Gần một tháng sau cuộc trưng cầu dân ý về độc lập, chính quyền trung ương tiếp tục tái chiếm những vùng mà dân quân Kurdistan đã lấn dần từ năm 2003, nhưng phía Kurdistan phản công bằng vũ khí hạng nặng.

Theo đặc phái viên RFI Wilson Fache tại thị trấn Altun Kupri, thường dân trở thành nạn nhân trong cuộc nội chiến này:

« Những tiếng nổ vang trời của đạn pháo chỉ ngưng lại khi có tiếng còi hụ xe cấp cứu. Lực lượng Kurdistan và Irak hôm qua đối đầu tại làng Altun Kupri với vũ khí hạng nặng. Đối với binh lính Irak, đây là việc tái triển khai tại một vùng đất do chính phủ trung ương quản lý, còn người Kurdistan cho rằng chính quyền đã tuyên chiến.

Suốt cả ngày, hai bên chiến đấu với nhau bằng súng cối, súng trường và pháo binh. Nếu chiến tuyến chia cách những chiến binh Kurdistan và Irak, thì ngay tại thị trấn Altun Kupri, cuộc khủng hoảng khiến những người hàng xóm nay cũng đối nghịch với nhau.

Năm 2003, khi quân đội Mỹ tràn sang, thị trấn này được giao phó cho lực lượng cảnh sát Kurdistan. Nhưng trong một nơi gồm những người tứ xứ, sự hiện diện của quân chính phủ liên bang được người dân vui vẻ đón nhận, vì họ không cảm thấy lực lượng Kurdistan có thể đại diện cho mình. Atila, một người Turkmen còn khẳng định : « Đây là một cuộc giải phóng ».

Nhưng niềm vui không kéo dài được bao lâu. Theo người dân này, các vụ oanh kích của phía Kurdistan đã làm hơn một chục thường dân chết và bị thương.

Ngược lại đối với Karim Yassin Ali, một người đàn ông Kurdistan 50 tuổi, có bốn đứa con, việc tiến quân của lực lượng liên bang bị coi là một cuộc xâm lăng, như thời kỳ Saddam Hussein. Nay ông phải để tang cho người em họ bị tử trận. »

Hoa Kỳ lo ngại

Chủ tịch vùng tự trị Kurdistan, Massoud Barzani tố cáo « âm mưu diệt chủng của chính quyền Irak », kêu gọi « dư luận quốc tế gây áp lực để tránh thảm họa cho người dân Kurdistan ». Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết « quan ngại » về tình trạng bạo lực, « yêu cầu chính quyền trung ương làm hòa dịu tình hình, qua việc hạn chế điều động quân đội đến các vùng tranh chấp ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171021-irak-bagdad-tai-chiem-cac-khu-vuc-cuoi-cung-o-kirkouk

 

Brexit: Ngờ vực và thất vọng tại Anh

sau “nhân nhượng” của Bruxelles

Trọng Thành

Trong ngày thượng đỉnh cuối cùng tại Bruxelles hôm 19/10/2017, các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đã tỏ ra nhân nhượng với thủ tướng Anh trong vấn đề Brexit, với việc « bật đèn xanh » cho việc khởi sự các thương lượng « nội bộ » về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit. Về nguyên tắc, thương lượng giai đoạn hai này chỉ bắt đầu sau khi Luân Đôn và Bruxelles đạt thỏa thuận về khoản tiền Anh Quốc phải trả cho Liên Hiệp Châu Âu.

Cử chỉ có vẻ nhân nhượng này được đón nhận tại nước Anh với thái hoài nghi.

Thông tín viên Muriel Delcroix tường trình từ Luân Đôn,

« Nếu thiện chí mà khối 27 nước thể hiện đã cho phép thủ tướng Anh tuyên bố ‘‘lạc quan’’, thì phe ủng hộ Brexit quyết không để bị mê hoặc. Một người phát ngôn của phe này, nghị sĩ bảo thủ Bernard Jenkin cho rằng thái độ nhân nhượng của các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu chỉ ‘‘là một hình ảnh đánh lừa thị giác’’.

Trên thực tế, nếu như tại thượng đỉnh ở Bruxelles vừa qua, khối 27 nước rõ ràng đã thay đổi giọng điệu, thì về cơ bản vấn đề chính vẫn còn nguyên. Đó là khoản tiền chung cuộc mà Luân Đôn phải trả để cuộc ly dị giữa Luân Đôn và Liên Hiệp Châu Âu được hoàn tất và hai đối tác có thể chuyển qua các thương thuyết về quan hệ thương mại tương lai.

Có nhiều đồn đại là thủ tướng Anh Theresa May sẵn sàng trả một khoản tiền lớn hơn nhiều so với 20 tỉ euro, mà lãnh đạo Anh đề nghị trước đó tại Florence, Ý. Bà Theresa May không phủ nhận điều này trước các nhà báo tại Bruxelles.

Tuy nhiên, nếu như việc này xảy ra, thủ tướng Anh sẽ gặp nhiều khó khăn. Trả cho Liên Âu một số tiền lớn như vậy là điều không thể chấp nhận được đối với nhiều cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ bà, với hy vọng nước Anh sẽ lấy lại được tiền.

Ngay chính trong hàng ngũ đảng Bảo Thủ, cũng sẽ có nhiều tiếng nói phản đối, trước hết là các bộ trưởng ủng hộ Brexit trong chính phủ. Vậy là, trong khi chờ đợi vòng đàm phán mới vào tháng 12, thượng đỉnh Bruxelles vừa qua chỉ gây ngờ vực và thất vọng ».

Trong lúc đàm phán Brexit có biểu hiện dẫm chân tại chỗ, việc Anh Quốc và Liên Âu chia tay nhau không « thỏa thuận », sau ngày 29/03/2019, sẽ để lại nhiều hệ quả nặng nề đối với nước Anh. Thủ tướng Anh cũng để ngỏ viễn cảnh xấu này, trong lúc nội bộ đảng cầm quyền đang rất phân hóa, giữa một bên ủng hộ « ly dị » không nhân nhượng, bên kia muốn đạt được một thỏa thuận bằng mọi giá, để tránh thiệt hại cho kinh tế.

Theo Liên Đoàn Thương Nhân Anh (BREC), giá thực phẩm nhập khẩu từ lục địa trung bình sẽ tăng khoảng 22% (60% thực phẩm Anh phụ thuộc vào châu Âu), hàng hóa sẽ phải mất thêm từ 2 đến 3 ngày để làm thủ tục. Các hãng hàng không Anh và châu Âu sẽ không được phép tổ chức các chuyến bay trực tiếp. Ngành điện hạt nhân Anh, chiếm 20% sản lượng toàn quốc, sẽ bị tác động mạnh, do thiếu vật liệu. Ngành tài chính sẽ mất khoảng 70.000 chỗ làm. Trong khi đó, việc đi lại giữa Bắc Ailen và Ailen của 30.000 người sẽ gặp trở ngại do tái lập kiểm soát biên giới.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171021-brexit-ngo-vuc-va-that-vong-tai-anh-sau-%E2%80%9Cnhan-nhuong%E2%80%9D-cua-bruxelles