Tin khắp nơi – 21/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 21/07/2018

Trump ‘sẵn sàng’

đánh thuế tất cả hàng nhập khẩu TQ

Tổng thống Donald Trump nói ông sẵn sàng tăng cường cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng cách áp thuế quan lên toàn bộ 500 tỷ USD hàng nhập khẩu từ nước này.

“Tôi sẵn sàng tăng lên mức 500 [tỷ USD],” ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNBC.

Ông Trump có bình luận này trước khi đợt thuế quan mới nhất của Mỹ áp lên hàng hóa TQ đi vào hiệu lực vào cuối tháng 7.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và kinh tế VN

VN: Nguy cơ thiệt hại vì chiến tranh thương mại

TQ định mở khu ‘hàng TQ mác Việt Nam’ ở biên giới

Tuần trước, Washington liệt kê danh sách các mặt hàng Trung Quốc có trị giá 200 tỷ USD mà Mỹ dự định sẽ áp thuế bắt đầu từ tháng 9/2018.

Danh sách này gồm hơn 6000 mặt hàng gồm thực phẩm, khoáng sản, hàng tiêu dùng như túi xách. Các mặt hàng này dự tính sẽ chịu mức thuế 10%.

Danh sách này hiện vẫn đang trong giai đoạn tham khảo ý kiến của công chúng cho tới hết tháng 8/2018.

Mỹ ‘bị trừng phạt’

Tổng thống Donald Trump cũng phàn nàn rằng đồng đô la Mỹ mạnh hơn đang làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Mỹ.

Trong một loạt các dòng tweet, ông đổ lỗi việc “thao túng” tiền tệ của Trung Quốc và EU đã làm tăng giá đồng đô la Mỹ.

Ông cũng chỉ trích động thái tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ hôm 20/7.

“Hoa Kỳ không nên bị trừng phạt vì chúng ta đang phát triển tốt. Biện pháp thắt chặt lúc này làm ảnh hưởng tất cả những gì chúng ta đã làm,” ông viết trên Twitter.

Mỹ và TQ khai hỏa cuộc chiến thương mại

Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là gì?

Mỹ và Trung Quốc đã áp dụng thuế quan ‘ăn miếng trả miếng’ lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau. Lời đe dọa nâng thuế quan lên 500 tỷ USD hàng hóa TQ của ông Trump cho thấy sự leo thang đáng kể của cuộc chiến thương mại.

“Chúng ta vẫn thiệt [thâm hụt thương mại] một khoản rất lớn,” ông Trump nói với kênh CNBC, nhấn mạnh lại quan điểm của ông rằng Trung Quốc có thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ do những tập quán thương mại không công bằng.

Khi được hỏi liệu động thái tiếp tục áp thuế bổ sung lên nhiều mặt hàng có dẫn đến chuyện rút vốn khỏi thị trường chứng khoán hay không, ông Trump đáp: “Nếu điều đó xảy ra, chuyện là vậy. Tôi không làm điều này vì lý do chính trị. Tôi làm điều này vì đó là điều đúng đắn cho đất nước chúng ta.”

Mỹ cũng muốn TQ ngưng các tập quán kinh doanh được cho là khuyến khich việc chuyển giao sở hữu trí tuệ – những ý tưởng sản phẩm và thiết kế – cho các công ty TQ, chẳng hạn yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải cùng sở hữu với các đối tác trong nước nếu họ muốn tiếp cận thị trường TQ.

Nhiều công ty Mỹ phản đối các biện pháp thuế quan của chính quyền Trump với TQ. Họ nói các biện pháp này có nguy cơ làm tổn hại doanh nghiệp và kinh tế Mỹ mà không làm thay đổi cách làm ăn của TQ.

Thị trường chứng khoán châu Âu mất điểm sau cuộc phỏng vấn của ông Trump được phát sóng, với chỉ số FTSE 100 giảm 0,4% trong phiên giao dịch chiều ngày 20/7.

“Đó là bằng chứng cho thấy, nếu cần thiết, vị tổng thống sẵn sàng đi tới cùng trong cuộc chiến thương mại để đạt được nhượng bộ từ phía TQ,” ông Neil Wilson, nhà phân tích thị trường từ hãng Markets.com cho biết.

“Trong bối cảnh EU và các nước khác tuyên bố họ sẵn sàng đáp trả thuế quan đánh vào xe hơi, nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại đang tăng nhanh. Liệu chúng ta có một cuộc chiến tổng lực hay không thì còn phải xem xét, nhưng khả năng đó ngày một lớn,” ông Wilson nhận định.

Tác động đến Việt Nam

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ có hệ lụy khó lường đến các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam, theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, từ Đại học Strasbourg, Pháp.

“”Vì hàng hóa Trung Quốc xuất qua Mỹ bị đắt hơn, các doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc.

“Ngoài ra, việc đồng tiền Nhân dân tệ rớt giá, hàng hóa của Trung Quốc sẽ rẻ hơn so với hàng Việt Nam trên thị trường thế giới, sẽ làm xuất khẩu Việt Nam gặp thêm khó khăn.”

“Do vậy mà nhiều khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ gây sức ép rất lớn lên kinh tế Việt Nam trong thời gian tới,” TS Nguyễn Văn Phú bình luận với BBC Tiếng Việt.

Tiến sĩ Giang Lê, chủ nhân blog KinhteTaichinh, thì bình luận với BBC hôm 10/7:

“Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và các căng thẳng thương mại khác tiếp tục leo thang, tác động trong dài hạn sẽ rất xấu vì không chỉ các hoạt động kinh tế bị gián đoạn mà trật tự thương mại quốc tế có thể bị đảo lộn.

“Có thể nói sau hơn 10 năm gia nhập WTO và trải qua một số sóng gió ban đầu, Việt Nam đang gặt hái nhiều lợi ích của hệ thống này trong vài năm gần đây.

“Tất cả những thuận lợi này có thể bị đảo lộn nếu các trật tự/thể chế kinh tế chính trị thế giới (Wto, Nafta, Imf, Wb, Eu) tan vỡ chỉ vì một vài chính sách thiển cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Ngay cả nếu điều này không xảy ra mà chỉ cần Mỹ quay lưng lại với thế giới, Việt Nam sẽ dễ dàng rơi vào một trật tự mới do Trung Quốc xác lập, nhiều phần sẽ tồi tệ hơn hệ thống hiện tại.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44910475

 

Donald Trump lại tố

Trung Quốc và LHCÂ “thao túng tiền tệ”

Trọng Nghĩa

Tổng thống Mỹ như đã mở thêm một mặt trận mới chống các kẻ thù thương mại của Hoa Kỳ : Vào hôm qua, 20/07/2018, ông Donald Trump không ngần ngại tố cáo Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu là đã « thao túng tiền tệ » để thu lợi bất hợp pháp.

Trong một tin nhắn Twitter, ông Trump khẳng định : « Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc và những quốc gia khác đã thao túng tiền tệ bằng cách hạ thấp lãi suất… trong khi Mỹ thì lại tăng lãi suất, với đồng đô la ngày càng mạnh hơn… làm mất đi lợi thế cạnh tranh ». Theo ông Trump, đồng đô la mạnh lên gây bất lợi cho nước Mỹ, trong khi đồng nhân dân tệ Trung Quốc « đã và đang giảm giá dữ dội », xuống mức thấp nhất từ một năm nay.

Đối với ông Trump: « Mỹ cần được phép lấy lại những gì đã mất vì nạn thao túng tiền tệ bất hợp pháp và các thỏa thuận thương mại tệ hại ».

Trong một tin nhắn khác, ông Trump còn đánh cả vào chính sách tiền tệ của Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ, bị ông cho là đang làm « tổn hại đến mọi chính sách » mà nước Mỹ đã thực hiện.

Sau các tuyên bố của ông Trump, trước mắt cả Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu lẫn Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ đều không phản ứng.

Mở mặt trận mới, nhưng không quên mặt trận cũ. Hôm qua, tổng thống Mỹ cũng đe dọa đánh thuế nặng trên toàn bộ sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá hơn 500 tỷ đô la để bù đắp điều mà ông cho là nước Mỹ « bị Trung Quốc lợi dụng suốt một thời gian dài ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180721-donald-trump-lai-to-trung-quoc-va-lh-chau-au-%E2%80%9Cthao-tung-tien-te%E2%80%9D

 

Bộ Quốc Phòng Mỹ ủng hộ việc miễn trừng phạt

các nước mua vũ khí Nga

Trọng Nghĩa

Hoa Kỳ nên cho một số quốc gia mua vũ khí của Nga được hưởng quyền đặc miễn, không bị trừng phạt theo tinh thần môt đạo luật của Mỹ. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã tuyên bố như trên vào hôm qua, 20/07/2018, giải thích rằng đó là điều cần thiết để khỏi đẩy một số nước vào vòng tay của Nga.

Trong một bản thông cáo, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nói rõ : « Nga phải trả giá cho những hành vi hung hăng và gây bất ổn của họ, cũng như cho việc sự chiếm đóng Ukraina bất hợp pháp… Tuy nhiên, trong khi chúng ta vẫn áp đặt các biện pháp trừng phạt cần thiết và xứng đáng cho thái độ xấu của Nga, thì việc cung cấp cho ngoại trưởng Mỹ khả năng miễn trừ việc áp dụng đạo luật Caatsa là thiết yếu ».

Quốc Hội Hoa Kỳ vào năm 2017, đã thông qua một đạo luật được cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ hậu thuẫn nhằm trừng phạt Nga vì thái độ của họ ở Ukraina và hành vi can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Đạo luật này, được gọi là Caatsa (Counter America’s Adversaries Through Sanctions Act – Luật chống kẻ thù của nước Mỹ bằng trừng phạt), áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với bất kỳ thực thể hoặc quốc gia nào ký hợp đồng vũ khí với các công ty Nga.

Luật này đã được tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành một cách rất miễn cưỡng, vì bản thân ông rất muốn hòa hoãn với Nga.

Ngoài ra, đạo luật tiếp tục gây tranh cãi vì nhiều chuyên gia lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt nhắm vào một số đồng minh châu Á của Mỹ như Ấn Độ chẳng hạn, có thể làm sứt mẻ các mối quan hệ mà Washington đã cố gắng củng cố trong nhiều năm qua. Ấn Độ, nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, từ lâu nay đã mua thiết bị của Nga và đang thảo luận với Mátxcơva về việc mua các hệ thống phòng không S-400.

Đối với ông James Mattis, biện pháp miễn áp dụng luật Caatsa sẽ cho phép một số quốc gia « xây dựng mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Mỹ » đồng thời với việc giảm dần sự phụ thuộc vào thiết bị quân sự của Nga. Ông Mattis đã thăm Ấn Độ vào năm ngoái, và sẽ trở lại Ấn Độ vào tháng 9 tới đây cùng với ngoại trưởng Mike Pompeo để tham gia một cuộc đối thoại đã bị dời hai lần.

Khi được AFP đặt câu hỏi về tuyên bố của ông Mattis, bộ Ngoại Giao Mỹ đã từ chối bình luận.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180721-bo-quoc-phong-my-ung-ho-viec-mien-trung-phat-cac-nuoc-mua-vu-khi-nga

 

Bắc Triều Tiên:

Mỹ yêu cầu thực thi ‘‘đầy đủ’’ cấm vận LHQ

Trọng Thành

Hôm qua, 20/07/2018, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lần đầu tiên đến Liên Hiệp Quốc, kể từ cuộc thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Trước Hội Đồng Bảo An, ngoại trưởng Pompeo kêu gọi « thực thi đầy đủ » các trừng phạt nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng. Ông Pompeo nhắc lại là tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên sẽ kéo dài và khó khăn, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết. Tuyên bố được đưa ra trong lúc Nga và Trung Quốc vừa ngăn cản một nỗ lực siết chặt trừng phạt của Washington.

Thông tín viên Gregoire Pourtier tường trình từ New York :

Donald Trump và Kim Jong Un rõ ràng đã trở nên thân thiện hơn ở thượng đỉnh Singapore, thế nhưng việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên vẫn chỉ là một cam kết mơ hồ. Do vậy Hoa Kỳ tiếp tục có kế hoạch dựa vào các trừng phạt kinh tế để gây áp lực.

Hôm thứ Sáu, 20/07, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cứng rắn hơn, chừng nào mà chế độ Bình Nhưỡng chưa có các hành động cụ thể để giải trừ vũ khí hạt nhân. Ông Mike Pompeo tuyên bố : ‘‘Nếu các trừng phạt chưa được thực thi, viễn cảnh thành công của mục tiêu phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên sẽ ngày càng xa vời. Hiện tại, Bắc Triều Tiên vẫn nhập khẩu bất hợp pháp nhiều sản phẩm dầu mỏ, vượt số lượng mà Liên Hiệp Quốc cho phép. Việc chuyển dầu bất hợp pháp từ tàu này sang tàu khác là những bằng chứng rõ ràng nhất’’.

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định là các hoạt động này đã diễn ra 89 lần, từ tháng Giêng đến cuối tháng Năm vừa qua, và hiện vẫn tiếp diễn. Hành động này hoàn toàn trái ngược với các nghi quyết trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng, mà Hội Đồng Bảo An đưa ra hồi năm ngoái.

Hôm thứ Năm 19/07, Trung Quốc và Nga đã làm thất bại một loạt các biện pháp mới, có mục tiêu giúp cho các quyết định của Liên Hiệp Quốc được áp dụng đúng. Hai quốc gia nói trên đã yêu cầu thông tin bổ sung, trong lúc Hoa Kỳ cho biết có trong tay nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy dầu được chuyển từ tàu này sang tàu khác và cập bến bất hợp pháp như thế nào.

Bắc Kinh thậm chí hy vọng là các trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên sẽ được giảm nhẹ, tuy nhiên trong hiện tại, Washington dứt khoát bác bỏ khả năng này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180721-bac-trieu-tien-my-yeu-cau-thuc-thi-%E2%80%98%E2%80%98day-du%E2%80%99%E2%80%99-cac-trung-phat-cua-hdba

 

Ba kịch bản ‘Cái ô của Putin’

Nguyễn Hà HùngGửi tới BBC từ Hà Nội

Nhân loại đang lây lan một chuyện lạ. Nước Nga chỉ có một cái ô.

Chính hiệu Made in Russia.

Có nhiều bình luận sự kiện này với nhiều khía cạnh. Có người so sánh với hình ảnh Thủ tướng Việt Nam khi trao bằng khen trong một sự kiện trước. Đây là bài học cho những người đang chủ ý hay vô thức xây dựng thương hiệu quốc gia, dù được giao nhiệm vụ hay không, quan chức và người dân. Vụ dùng tiền âm phủ trả người nước ngoài tuần này cũng ảnh hưởng hình ảnh dân tộc đấy. Bài viết này coi đó như một trường hợp điển hình cần tham khảo (case-study).

Hội nghị Trump-Putin: Người Nga ca ngợi Putin

Bóng qua bóng lại: Trump mời Putin thăm Mỹ

Bạn giống Obama hay Putin?

Giá trị một đất nước là phép cộng nhiều yếu tố, tôn giáo, con người, thể chế, chính phủ, thể thao, văn hóa, di sản, phát minh, công nghệ, đầu tư… Một trong những cách tốt nhất làm hình ảnh đất nước mình tồi tệ là bỏ mặc, không quan tâm bạn bè, rồi phát tán hành động đó khắp thế giới. Nếu nước Nga quên cả tổng thống các nước, thì họ có thể quên những thứ khác. Với sự kiện “cái ô của Putin”, có lẽ chưa khi nào hình ảnh nước Nga được khắp hành tinh chú ý đến vậy, vì khả năng và mức độ chăm sóc bạn bè đặc biệt của họ.

Chăm sóc và được chăm sóc tốt nhất luôn là giá trị quan trọng nhất của một thương hiệu, bao gồm cả nhãn hiệu, hình ảnh quốc gia. Nếu không phản bác được nguyên tắc nền tảng này, chúng ta thử phân tích ba kịch bản về “cái ô của Putin” dưới đây, để hiểu thêm về cách nghĩ, cách đánh giá, đòi hỏi của thế giới. Người Việt Nam tuy nói nhiều về kỷ nguyên 4.0, nhưng mang trong mình đặc điểm nôm na mách qué, đại khái, xuề xòa, tưởng nhỏ, bỏ qua.

Cả ba kịch bản đều có chung điều kiện và hoàn cảnh như nhau, tức là sự kiện đã xảy ra, nằm ở tâm điểm chú ý của truyền thông quốc tế và chỉ có một cái ô cho nhiều người. Cả ba chỉ là giải pháp tình thế.

Kịch bản thứ nhất

Dùng cái ô đó che cho Putin, như những gì đã diễn ra, các vị khách đều phải đầu trần, chịu mưa, ướt từ đầu đến chân. Nhược điểm của phương án này là không chăm sóc bạn bè, bất bình đẳng, định vị trịch thượng, quá đề cao cá nhân Putin, không tôn trọng bạn bè, tổ chức, dịch vụ yếu kém, thu hút các kênh truyền thông, ảnh hưởng tiêu cực hình ảnh nước Nga. Không có ưu điểm.

Kịch bản thứ hai

Cất cái ô của Putin, không dùng, tất cả mọi người cùng ướt. Nhược điểm của phương án này là không chăm sóc, tổ chức, dịch vụ yếu kém, thu hút truyền thông, ảnh hưởng tiêu cực hình ảnh nước Nga. Ưu điểm, không định vị trịch thượng, không quá đề cao cá nhân Putin, không bất bình đẳng.

Kịch bản thứ ba

Nhường ô cho khách, ô cho Putin được mang ra sau cùng. Nhược điểm của phương án này là không chăm sóc kịp thời, tổ chức, dịch vụ yếu kém, ảnh hưởng tiêu cực hình ảnh dân tộc. Ưu điểm, đề cao nước Nga, Putin là người ướt nhiều nhất, nhưng mạnh mẽ, phù hợp với hình ảnh cá nhân phong trần mà ông thường khoe, thu hút truyền thông, có thể đảo ngược tình thế và được yêu mến.

Trong ba kịch bản vừa nêu, kịch bản thứ ba ít nhược điểm hơn cả. Người Nga đã chọn phương án nhiều nhược điểm nhất. Dù người xem nhận thấy có thêm một số cái ô nhỏ hơn xuất hiện sau đó, nhưng có thể đó là do nhân viên của chính phủ các nước khác tự lo liệu (?). Nước Nga đã đầu tư nhiều nhất cho một kỳ World Cup, đến 15 tỷ Đô La, họ chuẩn bị nhiều năm trời, mời gọi bạn bè và phương tiện truyền thông khắp năm châu, chắc chắn không phải để thưởng thức vở diễn đáng tiếc đó.

Cái ô to của Putin che cho ông ta, còn nước Nga thì ướt lướt thướt.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-44909705

 

Pháp và Nga hợp tác cứu trợ nhân đạo tại Syria

Trọng Thành

Lần đầu tiên Paris và Matxcơva hợp tác cứu trợ tại Syria, kể từ khi nội chiến bùng nổ tại quốc gia Trung Cận Đông này. Chiến dịch được khởi sự trong đêm hôm qua, 20/07, rạng sáng nay 21/07/2018.

Một máy bay vận tải Antonov-124 của quân đội Nga, chuyên chở 50 tấn nhu yếu phẩm và thiết bị y tế, do Pháp cung cấp, đã cất cánh vào khoảng 3 giờ sáng, tức 1 giờ giờ quốc tế, từ sân bay Châteauroux, miền trung nước Pháp, hướng về căn cứ quân sự Nga Hmeinim, miền tây Syria. Giám đốc sân bay nói trên cho AFP biết thông tin này. Phủ tống thống Pháp ra thông báo : « Trong khuôn khổ nghị quyết 2401 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, kế hoạch này có mục tiêu cho phép thường dân (Syria) được tiếp cận dễ dàng hơn với các trợ giúp ».

Đối tượng được cứu trợ lần này là một địa điểm thuộc khu Đông Ghouta, gần thủ đô Damas, mà quân chính phủ vừa chiếm lại từ tay phe nổi dậy hồi tháng 4 năm nay. Bộ Ngoại Giao Pháp cho biết việc phân phối hàng cứu trợ diễn ra dưới sự giám sát của Văn phòng Điều phối trợ giúp nhân đạo (OCHA) của Liên Hiệp Quốc. Theo Paris, Pháp được phía Nga bảo đảm là hoạt động nói trên không bị chính quyền Damas gây trở ngại, điều đã từng xẩy ra với nhiều đoàn xe cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc.

Tổng trị giá của đợt cứu trợ lần này là khoảng 400.000 euro. Thuốc men và các thiết bị y tế sẽ dành trước hết để chăm sóc 500 người bị thương nặng và 15.000 người bị thương nhẹ tại vùng Đông Ghouta, khu vực đã gánh chịu nhiều đợt không kích dữ dội của quân đội Damas, trong vòng hai tháng, 3 và 4/2018, trước khi thất thủ. Đông Ghouta từng bị vây hãm trong vòng 5 năm trời.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180721-phap-va-nga-hop-tac-cuu-tro-nhan-dao-tai-syria

 

Brexit: Thủ tướng Anh đến Bắc Ailen

bảo vệ cho kế hoạch của Luân Đôn

Thủ tướng Theresa May đã đến Bắc Ailen vào hôm qua, 20/07/2018, trong một chuyến thăm hai ngày nhằm vận động cho quyển « sách trắng » của bà về tiến trình Brexit, nhưng đồng thời cũng để cảnh cáo Liên Hiệp Châu Âu trên vấn đề biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland.

Thông tín viên RFI tại Anh, Muriel Delcroix giải thích :

Tại Belfast, bà Theresa May đã gởi một thông điệp rõ ràng đến khối Châu Âu : Anh Quốc đã có một số nhượng bộ, thỏa hiệp, và bây giờ đến lượt Châu Âu phải có thái độ mềm dẻo hơn.

Dưới con mắt không khoan nhượng của đảng DUP, một đảng nhỏ tại Bắc Ailen, bảo đảm cho bà May được đa số ở Nghị Viện và cũng cứu vãn chính phủ của bà, thủ tướng Anh đã bác bỏ, sau khi chấp nhận vào tháng 12 năm ngoái, giải pháp gọi là « lưới an toàn », cho phép Bắc Ailen bám chặt thị trường chung Liên Hiệp Châu Âu và liên hiệp thuế quan.

Đối với thủ tướng Anh, giải pháp đó sẽ mặc nhiên tao ra một ranh giới giữa Bắc Ailen với phần còn lại của vương quốc Anh, điều không thể chấp nhận được.

Do đó, bà Theresa May đã nhấn mạnh trên quyển « sách trắng » của bà về Brexit, một văn kiện gây tranh cãi, với những đề nghị thương lượng về quan hệ thương mại, càng chặt chẽ càng tốt, hầu tránh thành lập một đường biên giới với thuế quan giữa hai vùng lãnh thổ Ailen.

Câu trả lời của Châu Âu, qua tiếng nói của nhà đàm phán về Brexit, Michel Barnier, là sách trắng của Anh Quốc mở đường cho một « cuộc thảo luân xây dựng » nhưng có nguy cơ làm suy yếu thị trường duy nhất, kèm theo là nhiều vấn đề vẫn chưa giải đáp…

Tóm lại cuộc đọ sức có khả năng tiếp diễn trong suốt mùa hè này, với nguy cơ được cả hai bên nêu lên về một cuộc chia tay mà không có thỏa thuận nào được đúc kết…

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180721-brexit-thu-tuong-anh-den-bac-ireland-bao-ve-cho-ke-hoach-cua-luan-don

 

World Cup 2018: Pháp còn say men chiến thắng

Thanh Hà

 Nhìn từ Paris, sự kiện này làm lu mờ thượng đỉnh Nga Mỹ đầu tiên dưới nhiệm kỳ Donald Trump, đẩy đối thoại giữa Trung Quốc với Liên Hiệp Châu Âu ở Bắc Kinh hay hiệp định thương mại giữa Nhật và Châu Âu xuống hàng thứ yếu.

Khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu, các cổ động viên Pháp ngay tại thủ đô Matxcơva điên lên vì vui sướng, coi ngày 15/07/2018 là “ngày hạnh phúc nhất trong đời”. Cách xa sân vận động Loujniki 2.500 cây số, tại Pháp từ bắc chí nam, từ đông sang tây, điệp khúc “Champions du monde” vang rền trong những rừng cờ ba màu Xanh-Trắng- Đỏ

Không khí ngày hội

Một người hâm mộ nói : “Tôi là người hạnh phúc nhất đời, tôi giữ mãi hình ảnh ngày hôm nay, để kể lại cho con, cháu chiến thắng vẻ vang của đội tuyển bóng đá Pháp. Vô địch thế giới !”

Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, những biểu tượng của nước Pháp đều khoác lên mình màu cờ Xanh -Trắng -Đỏ, hình ảnh của chú Gà Trống xứ Gaule, chân dung của các cầu thủ đã viết nên một trang sử mới cho bóng đá Pháp hay hai ngôi sao, mừng đội bóng Áo Lam hai lần đoạt chức vô địch thế giới (2018 và 1998).

Khi đội tuyển Pháp từ Matxcơva trở về thủ đô Paris, 23 tuyển thủ và huấn luyện viên Didier Deschamps đã được chào đón như những vị anh hùng. Thảm đỏ ở phi trường, thảm đỏ tại phủ tổng thống chờ đón. Một biển người tràn ngập con lộ đẹp nhất thế giới, Champs Elysées, đợi chiếc xe mui trần của đội bóng Pháp đi qua. Có mặt tại chỗ thông tín viên đài RFI Pierre Olivier mô tả không khí lễ hội tại đây :

“Tiếng vỗ tay vang rền khi chiếc xe buýt của đội tuyển Pháp đi qua. Những người may mắn nhất trông thấy được một vài danh thủ. Số khác trèo lên cột đèn hay đứng trên nóc của các sạp báo, để trông thấy các cầu thủ trong những chiếc áo thun, màu của đội tuyển quốc gia nhưng tiếc là xe đi qua quá nhanh.

Điều quan trọng nhất là chia sẻ niềm vui sướng với tất cả mọi người chung quanh. Sau một đêm hò hét, có những người khản cả giọng nhưng vô cùng tự hào. Niềm tự hào mà cả buổi chiều ngày Thứ Hai, 16/07/2018, hàng trăm ngàn người trên đại lộ Champs Elysées cùng chia sẻ”.

Zagreb không để lép vế Paris

Thua Pháp trên sân cỏ, nhưng ở quê nhà, các cầu thủ Croatia được tiếp đón như những người lính thắng trận trở về.

Tại Zagreb, những lá cờ cũng ba màu Xanh -Trắng -Đỏ với những ô sọc trắng và đỏ ở giữa của Croatia rợp trời. Nửa triệu người -tức gần 12 % dân số cả nước, dừng mọi hoạt động, đổ về Zagreb kiên nhẫn hàng giờ với hy vọng được trông thấy đội bóng Vatreni.

Lần đầu tiên vào chung kết Cúp Bóng Đá Thế Giới, các tuyển thủ Croatia đem lại niềm tự hào vô biên cho đất nước với khoảng 4 triệu dân này. Đoàn xe của đội bóng áo sọc trắng đỏ từ phi trường quốc tế Zagreb phải mất đến 5 giờ mới vào được đến quảng trường Jelacic ở trung tâm thủ đô.

Từ năm 1994, đường phố Zagreb mới lại đông kín người. 24 năm về trước là khi đức giáo hoàng Gioan Phaolồ Đệ Nhị cử hành thánh lễ tại một đất nước mà 90 % dân số theo Công Giáo.

Thành tích thể thao và kinh tế

Bên cạnh niềm tự hào dân tộc trước một thế hệ vàng các tuyển thủ trẻ,  Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 còn đem lại một làn gió mới cho cỗ xe kinh tế của Croatia, như tường thuật sau đây của thông tín viên Laurent Rouy từ Zagreb :

“Hiệu ứng kinh tế đầu tiên Cúp Bóng Đá Thế Giới đem lại cho Croatia là trong suốt mùa bóng, nhịp độ mua sắm đã tăng vọt. Nào là mua vô tuyến truyền hình, mua trang thiết bị thể thao, nước ngọt, các dịch vụ thuê bao điện thoại… Chỉ số tiêu thụ tăng từ 10 đến 15 % so với cùng thời kỳ năm ngoái và đã nhảy vọt lên tới 17 % vào lúc đội tuyển Croatia đấu với đội bóng của Anh ở vòng bán kết. Sức mua sắm của người dân Croatia nhân trận bóng này còn cao hơn so với mùa lễ Giáng Sinh. Nhìn chung, tiêu thụ tại Croatia tăng thêm khoảng 1,2 tỷ đô la.

Giới doanh nhân hy vọng hiệu ứng bóng đá sẽ kéo dài. Nhờ thành tích của đội tuyển quốc gia, Croatia thu hút chú ý của thế giới và hình ảnh của đất nước được quảng bá miễn phí một cách rộng rãi, chủ yếu là qua mạng internet.

Ngành du lịch là lĩnh vực kinh tế đầu tiên hưởng lợi từ mùa bóng lần này khi biết rằng các hoạt động du lịch đem về 18 % tổng sản phẩm nội địa cho Croatia. Với các lĩnh vực khác, hiệu ứng bóng đá không được bằng. Xuất khẩu của Croatia không hy vọng tặng vọt nhờ vào thành tích của đội tuyển quốc gia”.

Nước chủ nhà là Nga “đại thắng”

Theo dõi toàn bộ các trận bóng tại 12 sân cỏ của Nga trong một tháng trời, đặc phái viên đài RFI Christophe Jousset tổng kết mùa World Cup 2018 :

“Cúp bóng đá thế giới lần này không tôn trọng trật tự của làng bóng quốc tế. Các đội bóng dẫn đầu bảng xếp hạng của FIFA sớm bị loại. Đó là trường hợp của đội tuyển Đức, Achentina và Tây Ban Nha. Rồi ở vòng tứ kết, đến lượt Brazil, Uruguay bị “knock out”. Những Ronaldo, Messi, Neymar phải ra về. Thay vào đó là một thế hệ vàng của làng bóng Croatia và nhất là đội trưởng Luka Modric, được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất của lễ hội bóng đá tổ chức tại Nga.

Croatia ngấp nghé chức vô địch, nhưng đã thua Pháp ở trận chung kết. Đây cũng là một trận chung kết với nhiều bàn thắng nhất từ năm 1966. Đội tuyển Pháp dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Didier Deschamps, nhờ ngôi sao may mắn dẫn đường, đã có được Kylian Mbappé. Cầu thủ trẻ tuổi này được vinh danh là cầu thủ trẻ triển vọng nhất tại cúp thế giới lần này. Đó là một trong những yếu tố giúp cho Pháp đã đoạt được chức vô địch thứ nhì sau 20 năm chờ đợi.

Trong số các nguyên thủ đứng dưới mưa trong buổi lễ trao giải, tổng thống Vladimir Putin tươi cười hỉ hả vì tổ chức Cúp Bóng Đá Thế Giới thành công vượt bực. Điều bất ngờ là thành tích của đội tuyển Nga, chỉ đầu hàng ở vòng tứ kết.

Đây là một trong số nhiều bất ngờ lần này. Khán đài trên các sân vận động đông kín khán giả, đông nhất là giới hâm mộ từ châu Mỹ La Tinh đến xem bóng đá. Không một sự cố đáng tiếc nghiêm trọng nào đã xảy ra trong suốt mùa thi đấu, ngoài việc 4 thành viên của nhóm Pussy Riot lao xuống sân cỏ.

Qatar khó có thể cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ như vậy khi tổ chức Cúp Bóng Đá Thế Giới 2022″

Nike đăng quang ở World Cup 2018

Nếu như trên sân cỏ, Pháp đoạt danh hiệu vô địch bóng đá thế giới 2018, Croatia là á quân, thì trên mặt trận thương mại, tập đoàn Mỹ Nike đã hạ gục Adidas của Đức.

Lần đầu tiên, 100% quần áo và giầy của các tuyển thủ có mặt trên trong trận chung kết đều có logo của Nike. Cũng tập đoàn Mỹ có trụ sở tại bang Oregon này trang bị cho 3 trong số 4 đội bóng vào bán kết. Ba cầu thủ được xướng tên trong lễ bế mạc là Mbappé của Pháp, Modric của Croatia và thủ môn người Bỉ Courtois đều là những sứ giả của Nike. Áo của Thibaut Courtois mang nhãn hiệu Adidas nhưng đôi giầy anh đi là của Nike. Cũng hãng này cung cấp giầy cho 60% cầu thủ thi đấu trên các sân cỏ Nga.

Đối thủ chính của Nike là Adidas chỉ có mỗi quả bóng với logo ba sọc của tập đoàn Đức hiện diện trong trận chung kết Pháp-Croatia. Adidas tuy được 12 trong số 32 đội bóng khoác lên mình những chiếc áo có logo ba sọc và trong số ấy có những đội bóng lớn như là Đức, Tây Ban Nha hay Achentina. Tiếc cho Adidas là tất cả những đội này đã phải rời sân cỏ Nga quá sớm.

Nike là nhà tài trợ chính thức của đội tuyển Pháp từ năm 2008, hàng năm rót cho đội này hơn 50 triệu euro, hợp đồng kéo dài cho tới năm 2026. Với chiến thắng của đội tuyển Áo Lam, Nike cầm chắc doanh thu tăng vọt, bởi như ghi nhận của giám đốc phụ trách về khuyến mãi thuộc tập đoàn này, “hình ảnh của một đội bóng, uy tín của các ngôi sao là kênh liên lạc hiệu quả nhất”.

Tính cách dễ mến và gần gũi với giới trẻ của một cầu thủ như Kylian Mbappé sẽ chắp thêm đôi cánh để những sản phẩm của tập đoàn mang tên Nữ Thần Chiến Thắng bay xa hơn, cao hơn.

Cơn sốt áo thun xanh lam 2 sao

Nhưng thách thức trước mắt đối với Nike là làm thế nào để cung cấp nhanh nhất những chiếc áo mang tên các tuyển thủ Pháp với hai ngôi sao trên ngực, dấu hiệu của đội bóng hai lần đoạt chức vô địch thế giới.

Trước cả trận đấu Croatia-Pháp, Nike chuẩn bị sẵn 1.500 áo thun màu xanh lam với 2 ngôi sao trên ngực để tặng không cho một số rất ít các vị khách mời đặc biệt của tập đoàn này, khi các chú Gà trống xứ Gaule lần thứ nhì viết nên trang sử của làng bóng thế giới.

Giới hâm mộ lập tức cuồng nhiệt săn lùng những chiếc áo với hai ngôi sao. Không ít người đã thất vọng vì không thể tìm thấy những món hàng độc đáo ấy tại cửa hiệu của Nike ở đại lộ Champs Elysées. Công ty này cho biết sớm nhất cũng phải đến giữa tháng 8 mới có thể chiều lòng người hâm mộ. Trong khi đó, tại Trung Quốc một nhà phân phối trên mạng đã tung ra hàng giả, đó cũng là những chiếc áo màu xanh lam có logo của Nike với 2 ngôi sao trên ngực. Giá bán ra không quá 10 đô la.

Theo một số nguồn tin thông thạo, những chiếc áo đầu tiên với 2 ngôi sao của đội Pháp sẽ được may tại Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi các hãng gia công của Nike ở Thái Lan tiếp tay. Giá thành chưa đầy 20 đô la nhưng sẽ được bán ra trên các cửa hàng với giá từ 90 đến 150 đô la. Dù vậy để có lãi, hãng này phải bán ít nhất “một triệu rưỡi chiếc áo trong vòng một năm”.

Nhà cung cấp quần áo thể thao của Mỹ chờ đợi trong ba tuần lễ đầu khi phát hành “sản phẩm mới” 300.000 chiếc áo sẽ được các nhà sưu tập săn lùng như một món hàng “độc”.

http://vi.rfi.fr/phap/20180721-world-cup-2018-phap-con-say-men-chien-thang

 

Toàn bộ dữ liệu iCloud của TQ đã về tay Bắc Kinh

Đối tác dữ liệu duy nhất của Apple ở Trung Quốc, Guizhou-Cloud Big Data Industry Development (GCBD) đã chuyển giao toàn bộ dữ liệu của người dùng của nước này cho hãng China Telecom.

Và mặc dù dữ liệu iCloud được mã hóa hai đầu, chìa khóa mở mã hóa cũng được Apple chuyển giao cho Bắc Kinh, gây lo ngại rằng chính quyền sẽ tìm cách lợi dụng nó để xâm phạm quyền riêng tư của người dân.

China Telecom là một công ty lưu trữ dữ liệu nhà nước, giờ đã có toàn bộ hình ảnh, tin nhắn, email và thông tin cá nhân của 130 triệu người dùng Trung Quốc.

LHQ bày tỏ quan ngại về Luật an ninh mạng

Lo ngại khi Apple lưu dữ liệu ở Trung Quốc

Luật An ninh mạng không tốt cho kinh tế VN

Apple nói động thái này là để tuân thủ luật An ninh mạng của nước sở tại, và nói với hãng tin Reuters rằng: “Dù chúng tôi đã đấu tranh chống lại việc iCloud phải tuân thủ luật này, nhưng chúng tôi đã không thành công.”

Từ năm ngoái, Apple đã hợp tác với GCBD, hãng phát triển công nghệ Big Data ở tỉnh Quý Châu, và từ tháng Hai năm nay, toàn bộ dữ liệu người dùng đã bị chuyển về máy chủ ở TQ, kèm theo chìa khóa để mở mã hóa.

Trước đó, dữ liệu iCloud của người dùng TQ được lưu trữ ở bang North Carolina, Hoa Kỳ.

Đến hôm 18/7, trên trang web tỉnh Quý Châu, GCBD đã ký kết với China Telecom để cung cấp dịch vụ iCloud cấp địa phương. GCBD cũng sẽ xây dựng một trung tâm dữ liệu quốc gia cho các dịch vụ lưu trữ iCloud, dự kiến sẽ đi vào họat động vào 2020.

Hồi tháng Một, khi tuyên bố toàn bộ hoạt động vận hành iCloud của người dùng Trung Quốc sẽ bị chuyển về nước sở tại, Apple đã thay đổi một đoạn trong nội dung Các Điều khoản và Điều kiện sử dụng:

“Nếu bạn hiểu và đồng ý, Apple và GCBD sẽ có quyền tiếp cận dữ liệu lưu trữ trên máy chủ. Điều này bao gồm quyền chia sẻ, trao đổi và công bố tất cả dữ liệu người dùng (bao gồm nội dung) để tuân theo luật.”

Đe dọa quyền riêng tư

Joshua Rosenzweig, phó giám đốc văn phòng Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Hong Kong, nói với BBC rằng động thái này của Apple gây nguy hại cho quyền riêng tư của người dùng Trung Quốc.

“Động thái này thực sự làm suy yếu tuyên bố của Apple rằng rất coi trọng quyền riêng tư của khách hàng. Apple không nên để cơn khát lợi nhuận này khiến người dùng Trung Quốc gặp rủi ro,” “Chúng tôi đã viết thư cho Apple để biết thông tin về cách Apple sẽ bảo vệ quyền lợi của khách hàng đối với các yêu cầu lạm dụng dữ liệu của chính phủ. Nhưng sự phản hồi im lặng của công ty này là vô cùng đáng quan ngại.”

Người dùng Apple ở Trung Quốc có cách tốt nhất là xóa tài khoản cũ, tạo tài khoản mới và lựa chọn một quốc gia khác là quốc gia lưu trữ dữ liệu iCloud của họ.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố ông sẵn sàng tăng cường cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng cách đánh thuế lên tất cả 500 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu từ nước này.

Mỹ luôn cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền hữu trí tuệ như đánh cắp thiết kế và ý tưởng sản phẩm bằng cách yêu cầu các công ty nước ngoài chia sẻ quyền sở hữu với các đối tác địa phương để tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Apple đã tuân thủ luật an ninh mạng TQ

Apple đã chính thức chuyển máy chủ về Trung Quốc và giờ đã giao nốt dữ liệu người dùng cho chính quyền, như vậy Apple đã tuân thủ luật an ninh mạng TQ.

Năm ngoái, Apple cũng đã xóa bỏ các ứng dụng VPN khỏi App Store để tuân thủ các quy định về không gian mạng của Trung Quốc, khiến người dùng internet khó vượt tường lửa hơn.

Những điều này gây lo ngại cho một số người phản đối luật an ninh mạng ở Việt Nam, vì có nhiều sự tương đồng giữa luật an ninh mạng của Hà Nội và Bắc Kinh.

Trinh Huu Long: Apple mà đã chịu thì nó tạo ra một tiền lệ xấu, nghĩa là khả năng Apple, Facebook và Google tuân thủ Luật An ninh mạng Việt Nam sẽ cao hơn, mặc dù thị trường Việt Nam có thể không lớn.

Hong Phuc Nguyen: Haizzz sống bên Trung Quốc chính phủ nó muốn sao dân phải theo vậy 🙁

Mấy hãng muốn bán ở TQ cũng phải chịu sự kiểm soát của chính phủ tàu như vậy 🙁

Mai Phuong Tu: Sau khi nhượng bộ chính quyền Trung Quốc, Apple đã hợp tác cùng Guizhou-Cloud Big Data ở Quý Châu để xây dựng hệ thống máy chủ iCloud. Và mới đây, toàn bộ dữ liệu iCloud của khoảng 130 triệu người dùng Trung Quốc đã bị chuyển về đây quản lý. Được biết Guizhou-Cloud Big Data là một công ty viễn thông thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc.

Lưu ý, 130 triệu tài khoản này được hiểu là “những tài khoản đăng ký theo địa chỉ Trung Quốc”. Có nghĩa là, nếu người dùng sống tại Trung Quốc, nhưng đăng ký địa chỉ tài khoản không phải là Trung Quốc thì không thuộc loại tài khoản bị chuyển về quản lý trong nước.

Có thể nói, đây là thành quả của luật An ninh mạng Trung Quốc, và là tiền đề cho Việt Nam noi gương sau khi bản sao của luật này đã được thông qua vừa rồi. Song song với bộ luật An ninh mạng, Trung Quốc còn có một bộ luật khác mang tên “Luật an ninh quốc gia”, luật này cho phép cảnh sát điều tra được quyền yêu cầu các công ty giúp họ truy cập dữ liệu cá nhân của người dùng. Không sớm thì muộn, một bản sao của nó cũng sẽ cập bến xứ Đông Lào.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44909707

 

Trung Cộng cho Cambodia vay

hàng trăm triệu mỹ kim để xây dựng đường xá

Phnom Penh, Cambodia – Trung Cộng vừa cho Cambodia vay 259 triệu Mỹ kim để xây một con đường mới tại thủ đô Phnom Penh, trong lúc chính phủ của Thủ Tướng Hun Sen mô tả quan hệ giữa 2 nước đang ở mức tốt nhất từ trước đến nay.

Theo một thông cáo vào Thứ Sáu, 20 tháng 7, thỏa thuận cho vay ưu đãi được ký vào ngày 10 tháng 7 giữa ngân hàng Xuất Nhập Cảng Trung Cộng và Bộ Tài Chính Cambodia, để xây một con đường bao quanh thủ đô với 4 làn xe, dài 47 km. Thỏa thuận mới được thông báo giữa lúc Trung Cộng và Cambodia đang ăn mừng dịp kỷ niệm 60 năm ngày 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Bắc Kinh đã đổ nhiều tỷ Mỹ kim vào Cambodia dưới hình thức hỗ trợ phát triển và cho vay, thông qua các thỏa thuận song phương và sáng kiến Vành đai và Con đường. Việc này đã dẫn đến sự xuất hiện của hàng loạt các hãng liên doanh Trung Cộng tại Cambodia, bao gồm cả nhiều sòng bài và các khu công nghiệp. Thủ Tướng Hun Sen, người cầm quyền tại Cambodia suốt 33 năm qua, là đồng minh thân cận nhất của Trung Cộng trong khu vực. Ông dự kiến sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 29 tháng 7, sau khi đảng đối lập chính đã bị giải tán vào năm ngoái theo yêu cầu của chính quyền.

Sự ủng hộ của Trung Cộng đã giúp Hun Sen vượt qua các lời chỉ trích cáo buộc ông ta phá hoại nền dân chủ.

Trong thư gởi ông Hun Sen vào Thứ Năm, Thủ Trướng Trung Cộng Lý Khắc Cường viết rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ Cambodia đi theo con đường phát triển phù hợp với điều kiện quốc gia. ( Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/trung-cong-cho-cambodia-vay-hang-tram-trieu-my-kim-de-xay-dung-duong-xa/

 

Lãnh đạo Trung Quốc đến Senegal,

chặng đầu chuyến công du châu Phi

Trọng Thành

Hôm nay, 21/07/2017, chủ tịch Trung Quốc tới Dakar, thủ đô Senegal. Đây là chặng dừng chân đầu tiên của ông Tập Cận Bình trong chuyến công du châu Phi. Sau Senegal, Rwanda, Nam Phi và đảo Maurice sẽ là đích đến của lãnh đạo Trung Quốc. Chuyến đi kéo dài hơn một tuần lễ của ông Tập Cận Bình được nhiều nhà quan sát coi như là bước chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh Trung Quốc – Châu Phi tại Bắc Kinh tháng 9 tới đây, tiếp theo thượng đỉnh tại Nam Phi hồi 2015.

Bắc Kinh ngày càng khẳng định như một đối tác hàng đầu của châu lục. Vấn đề là ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc đi kèm với nguy cơ châu Phi ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc về tài chính và chính trị.

Thông tín viên Heike Schmidt tường trình từ Bắc Kinh :

« Ông Tập Cận Bình, người được tổng thống Mỹ Donald Trump mệnh danh là « tay đánh phé », đang chơi một ván bài then chốt ở châu Phi. Bắc Kinh thúc đẩy những con tốt để đảm bảo các nguồn cung ứng tài nguyên và tìm những thị trường mới.

Để tạo điều kiện thuân lợi cho thương mại, ông Tập đã đặt cược trên những « con đường tơ lụa mới » trên nguyên tắc nối liền châu Á với châu Âu và châu Phi.

Một ví dụ là trường hợp Senegal, nơi mà Trung Quốc tài trợ cho dự án xây dựng hệ thống đường xá lớn nhất của nước này: một xa lộ từ Dakar đến Touba, trị giá 700 triệu euro.

Rwanda thì hy vọng được Trung Quốc giúp phá vỡ thế cô lập, nhờ một đường xe lửa nối liên thủ đô Kigali với Mombasa ở Kenya.

Bắc Kinh không do dự trám vào chỗ trống mà phương Tây để lại, theo nhận định của Hoàn Cầu Thời Báo : « Tổng thống Mỹ Donald xem các quốc gia châu Phi như ‘‘những nước thổ tả’’, bằng chứng là giới tinh hoa phương Tây vẫn có xu hướng xem thường châu Phi, trong lúc Trung Quốc coi lục địa này là vùng đất đầy hứa hẹn ».

Thế nhưng, nguy cơ đối với châu Phi là vùng này ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia hiện đang nắm một phần lớn nợ nần của châu lục ».

Nợ của Châu Phi

Một nghiên cứu của công ty thẩm định tài chính Standard & Poor’s (S&P), được công bố ngày 22/05/2018, cảnh báo nguy cơ châu Phi rơi vào cuộc khủng hoảng nợ mới, từng gây tai họa cho châu lục vào cuối thập niên 1990. Không chỉ đích danh Trung Quốc, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, trong một báo cáo hồi tháng 5, cho biết 15 trong số 35 quốc gia châu Phi thu nhập thấp, hiện đang lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất hoặc có thể sẽ rơi vào tình trạng này. Ví dụ như Trung Quốc nắm đến 55% nợ nước ngoài của Kenya, gần 70% nợ của Cameroun…

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180721-lanh-dao-trung-quoc-den-senegal-chang-dau-chuyen-cong-du-chau-phi