Tin khắp nơi – 21/06/2018
Thượng đỉnh Trump-Putin
có thể diễn ra quanh hội nghị NATO
Các chuẩn bị đang được xúc tiến để mở một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, các bản tin trích dẫn hai người quen thuộc với vấn đề này yêu cầu giấu tên cho biết.
Cuộc gặp gỡ dự kiến sẽ diễn ra trong chuyến công du của ông Trump tới thăm châu Âu vào tháng tới. Hai nhà lãnh đạo có thể gặp nhau trước hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra trong hai ngày 11-12 tháng 7 tại Brussels, hoặc sau chuyến đi của Tổng thống Trump tới thăm nước Anh hai ngày sau đó.
Đêm thứ Tư 20/6, Toà Bạch Ốc từ chối bình luận, và Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ không trả lời ngay yêu cầu của VOA xin bình luận.
Phát ngôn nhân của TT Putin, Dmitry Peskov, cũng từ chối bình luận trong một cuộc hội đàm với các nhà báo hôm thứ Năm, tuy nhiên ông cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton dự kiến sẽ sang thăm Nga vào tuần tới để thảo luận về những sự chuẩn bị cho cuộc gặp tay đôi này.
Địa điểm thượng đỉnh chưa được tiết lộ, nhưng một số tổ chức truyền thông nước ngoài trước đó nói rằng hai nhà lãnh đạo có thể gặp nhau tại một thủ đô châu Âu sau hội nghị thượng đỉnh NATO. Một số bản tin của giới truyền thông tường thuật rằng Vienna là một địa điểm khả thi.
Tổng thống Trump đã bày tỏ ý định của ông, muốn khôi phục vị thế của ông Putin trên toàn cầu. Đầu tháng này, ông Trump đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Quebec rằng Nga nên được tái gia nhập nhóm các cường quốc thế giới, để G-7 trở thành G-8. Tư cách thành viên của Nga đã bị đình chỉ sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.
Mỹ xác định địa điểm thử tên lửa
mà Triều Tiên cam kết phá hủy
Địa điểm thử nghiệm tên lửa mà Tổng thống Donald Trump nói lãnh tu Triều Tiên Kim Jong Un đã cam kết phá hủy là một cơ sở hạt nhân lớn ở hướng tây Triều Tiên, địa điểm này từng được sử dụng để phóng tên lửa tầm xa, hãng Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết.
Ông Trump nói với các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 rằng ông Kim Jong Un đã cam kết tháo dỡ một trong các thiết bị phóng tên lửa, đây sẽ là sự nhượng bộ cụ thể nhất của Triều Tiên tại cuộc họp mang tính bước ngoặt ở Singapore.
Tuy nhiên, vào thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Trump không nêu tên cụ thể địa điểm thử nghiệm.
Hôm 21/6, một quan chức của Hoa Kỳ đã xác định vị trí đó là nơi phóng vệ tinh Sohae, và cho biết thêm rằng Triều Tiên “đã sử dụng địa điểm này để thử động cơ đẩy nhiên liệu lỏng cho các tên lửa đạn đạo tầm xa của họ.”
Bình Nhưỡng nói các tên lửa của họ có thể vươn tới lục điạ Hoa Kỳ.
Một viên chức yêu cầu không nêu tên nói với Reuters: “Chủ tịch Kim Jong Un hứa rằng Triều Tiên sẽ sớm tiêu hủy một thiết bị dùng để thử nghiệm động cơ tên lửa.”
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ thời điểm chính xác Triều Tiên sẽ tiêu hủy thiết bị này, trong khi đó Bình Nhưỡng vẫn chưa công khai xác nhận ông Kim Jong Un đã dưa ra lời cam kết này.
TT Trump ký lệnh
‘để các thành viên gia đình bên nhau’
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa ký sắc lệnh ‘để các thành viên gia đình bên nhau’, chấm dứt chính sách bị chỉ trích mạnh mẽ do chia ly các gia đình di dân không có giấy tờ.
Đã có làn sóng tức giận nổ ra quanh việc chia tách các trẻ em nhập cư không có giấy tờ khỏi người lớn.
Ông Trump nói ông đã đổi ý sau khi xem những bức ảnh chụp trẻ em bị tách khỏi cha mẹ, những người bị bỏ tù và truy tố về tội vượt biên trái phép.
Nhân viên Microsoft không ‘đồng loã’ vụ cách ly trẻ em
Hoa Kỳ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ
Điều trần ‘Năm tồi tệ của nhân quyền VN’ trước QH Mỹ
Biểu tình phản đối chia cắt gia đình tại biên giới Mỹ
Ông Trump trước đó thúc giục các nhà lập pháp hãy thông qua dự luật chấm dứt tình trạng chia cách các thành viên gia đình ra khỏi nhau.
Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa cũng muốn luật lệ nhập cư phải cứng rắn hơn.
“Chúng ta sẽ để các thành viên gia đình ở cùng với nhau,” ông Trump nói.
“Nếu quý vị thực sự, thực sự yếu đuối dễ mủi lòng, thì đất nước này sẽ có hàng triệu người tràn vào.”
“Còn nếu quý vị cứng rắn thì quả là quý vị không có trái tim. Thật là một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Có lẽ tôi thà là người cứng rắn còn hơn.”
“Chúng ta không muốn trẻ em bị tách khỏi cha mẹ,” ông nói tại cuộc họp báo ở Capitol Hill. “Chúng ta có thể thực thi luật nhập cư mà không cần phải chia rẽ các thành viên gia đình.”
Các thành viên thuộc phe Cộng hòa trong Quốc hội nói tổng thống đã thảo luận vấn đề chia tách các gia đình với con gái ông, Ivanka Trump, theo tường thuật trên truyền thông Mỹ.
Hồi tháng Tư, tổng chưởng lý Hoa Kỳ công bố chính sách “không khoan nhượng” theo đó ra các cáo buộc hình sự và bỏ tù những ai vượt biên vào Mỹ mà không có giấy tờ hợp lệ.
Do trẻ em không thể bị bỏ tù một cách hợp pháp cùng cha mẹ, các em được đưa tới những trung tâm riêng biệt.
Các quan chức nhập cư Mỹ nói có hơn 2.300 em đã bị tách khỏi khoảng 2.200 phụ huynh kể từ 5/05 tới nay.
Các hình ảnh hàng chục em ngủ trong các khu vực có rào chắn, và âm thanh trẻ em gào khóc được loang ra trong những ngày gần đây, tạo nên làm sóng chỉ trích rộng khắp.
Các em bé và trẻ nhỏ tuổi nhi đồng, từ 5 tuổi trở xuống, được gửi tới ba khu vực tạm trú dành cho trẻ nhỏ của Bộ Y tế, hãng tin AP tường thuật.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44541485
Các hãng hàng không Mỹ
từ chối chở con cái của di dân bị cách ly
Hai hãng hàng không American Airlines và United Airlines cho biết họ đã yêu cầu chính quyền Trump không sử dụng các chuyến bay của họ để chở trẻ em di dân bị tách khỏi cha mẹ của chúng.
Vấp phải sự phản đối ngày càng tăng đối với chính sách chia ly gia đình di dân hồi gần đây của chính quyền, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh sau đó trong ngày để giữ các gia đình ở cùng nhau tại biên giới phía nam của Mỹ.
Vấn đề tách ly đã khiến các tiếp viên hàng không bức xúc, một số người đã lên mạng xã hội để đăng hình ảnh những trẻ em trên các chuyến bay mà họ tin là di dân bị tách khỏi cha mẹ của chúng.
“Chúng tôi không mong muốn dính dáng tới việc chia cắt các gia đình, hoặc tệ hơn, thu lợi từ chuyện này,” hãng American nói trong một tuyên bố.
United sau đó ra một thông cáo mà trong đó Giám đốc Điều hành Oscar Munoz cho biết mục đích của công ty là kết nối mọi người. “Chính sách này và tác động của nó đối với hàng ngàn trẻ em xung đột sâu sắc với sứ mệnh đó và chúng tôi không muốn dự phần trong đó,” ông nói.
Các hãng Southwest, Frontier và Alaska cũng chỉ trích chính sách này và yêu cầu chính phủ Mỹ không để họ dính dáng vào việc vận chuyển trẻ em bị chia ly.
Một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa chỉ trích các hãng hàng không bằng ngôn từ mạnh mẽ, cáo buộc họ không còn muốn giúp cơ quan này bảo vệ công chúng du hành và đoàn tụ những trẻ em nhập cư bất hợp pháp không có người đi kèm với gia đình của chúng.
“Mặc dù đã được cung cấp dữ kiện thật về vấn đề này, các hãng hàng không rõ ràng không hiểu luật nhập cư của chúng ta,” phát ngôn viên Tyler Houlton nói trong một thông cáo. Ông cáo buộc các hãng hàng không “nghe theo luận điệu sai trái của giới truyền thông.”
Ông Trump trong ngày thứ Tư đã kí một sắc lệnh hành pháp cho giữ các gia đình lại với nhau ở biên giới phía nam. Ông phát biểu tại Nhà Trắng rằng ông không thích cảnh trẻ em bị tách khỏi gia đình, nhưng ông nói thêm chính sách “không khoan nhượng” sẽ tiếp tục.
Hãng Delta, im tiếng một cách đáng chú ý trong ngày, sau đó ra một thông cáo ngắn gọn gọi các tin tức về chuyện các gia đình bị chia cắt là “đáng buồn,” và ca ngợi sắc lệnh hành pháp của ông Trump.
Nhiều hãng hàng không có hợp đồng cung cấp dịch vụ du hành cho chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hãng American nói rằng chính phủ không cung cấp thông tin về hành khách hoặc lý do du hành của họ.
Đại sứ Hoa Kỳ Nikki Haley
công kích các nhóm nhân quyền
Đại sứ Hoa Kỳ, bà Nikki Haley chỉ trích các nhóm quyền đã nỗ lực “cản trở cải cách” của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC).
Trong một bức thư, bà Haley nói công việc của các nhóm này “đối lập với Hoa Kỳ” và là một phần nguyên nhân khiến Mỹ rút khỏi UNHRC.
Hoa Kỳ rút khỏi UNHRC hôm thứ Ba 20/6, gọi đó là “sự chia rẽ của thiên vị chính trị”.
Hoa Kỳ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ
Điều trần ‘Năm tồi tệ của nhân quyền VN’ trước QH Mỹ
Trump ký lệnh ‘ngưng việc chia ly các gia đình’
Lá thư của bà Nikki được gửi đến Liên đoàn Nhân văn và Đạo đức Quốc tế, đại diện cho 162 nhóm nhân quyền.
Bà Haley nói rằng các nhóm nhân quyền đã không ủng hộ đề xuất thay đổi của Mỹ đối với UNHRC, rằng họ “tìm cách phá hoại” và đứng về “phía Nga và Trung Quốc, đối lập với Hoa Kỳ”.
Bức thư nói rằng các nhóm nhân quyền là yếu tố góp phần vào việc Hoa Kỳ rút khỏi hội đồng do những nỗ lực của các nhóm này “để ngăn chặn các cuộc đàm phán và cản trở cải cách”.
Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), ông Louis Charbonneau nói thật “vô lý” khi cho rằng các nhóm nhân quyền đã làm suy yếu các nỗ lực cải cách hay khẳng định các nhóm này ủng hộ Nga và Trung Quốc.
Ông Charbonneau viết trên Twitter rằng Mỹ “tấn công và đổ lỗi cho các nhóm nhân quyền vì những thất bại của chính nước này”.
Trong thông báo quyết định rời hội đồng, bà Haley đã mô tả tổ chức này “đạo đức giả” và rằng họ thể hiện “sự thù địch bất tận đối với Israel”.
Bà Haley phát biểu bên cạnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người lên án UNHRC là “kẻ bảo vệ những kẻ lạm dụng nhân quyền”.
Hoa Kỳ đã rút khỏi tổ chức Unesco của Liên hợp quốc Unesco vào năm 2017, cũng do việc tổ chức này được cho là thiên vị chống lại Israel.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44557367
Mỹ để lại khoảng trống
tại hội đồng nhân quyền LHQ
Trung Quốc, Anh và Liên minh Châu Âu hôm thứ Tư bày tỏ tiếc nuối về việc Washington quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong khi các nước phương Tây bắt đầu tìm kiếm một nước thay vào ghế trống của Mỹ.
Mỹ vào ngày thứ Ba rút khỏi diễn đàn mà họ gọi là “đạo đức giả và vị kỉ” vì Mỹ nói hội đồng này cho thấy sự thiên vị kinh niên đối với đồng minh thân cận Israel của Mỹ và thiếu cải cách sau một năm đàm phán.
Sự rút lui của Washington – được chính thức thông báo với Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư – là sự khước từ mới nhất của Mỹ đối với việc giao tiếp đa phương sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Ghế của phái đoàn Mỹ bỏ trống và bảng tên được gỡ bỏ vào cuối ngày.
“Đây là tin xấu, đây là tin xấu cho hội đồng này, đây là tin xấu cho Liên Hiệp Quốc. Đây là tin xấu với Hoa Kỳ, đây là tin xấu cho tất cả mọi người quan tâm đến nhân quyền,” Tổng thống Slovenia Borut Pahor phát biểu trước diễn đàn 47 thành viên ở Genève, nơi ghế của Mỹ bị bỏ trống.
Liên minh Châu Âu, Anh và Úc cũng phát biểu tương tự như ý kiến của ông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự tiếc nuối về quyết định của Mỹ, trong khi truyền thông nhà nước nói rằng hình ảnh của Mỹ như một nước bảo vệ nhân quyền “đang trên bờ vực sụp đổ.”
Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng góp vào “sự phát triển lành mạnh của nhân quyền khắp thế giới thông qua đối thoại mang tính xây dựng và hợp tác,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư.
Các nhà ngoại giao cho biết việc Mỹ rút đi có thể củng cố vị thế của Cuba, Nga, Ai Cập và Pakistan, những nước kháng cự điều mà họ xem là sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc trong các vấn đề thuộc chủ quyền.
Liên minh Vận động vì Tây Tạng, một tổ chức có các nhà hoạt động tìm cách thu hút sự chú ý đến tình hình trong khu vực tự trị này ở Trung Quốc, nói trong một thông cáo rằng quyết định của Mỹ “sẽ cho Trung Quốc rộng chỗ để tung hỏa mù và làm suy yếu hệ thống nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.”
Sau khi chính quyền Trump đã chính thức gửi thông báo về quyết định của mình, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức các cuộc bầu cử để chọn nước thay thế để đảm nhận nhiệm kỳ của Mỹ cho đến năm 2019.
Nhóm các nước phương Tây trong hội đồng dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề này tại cuộc họp hàng tuần của họ vào ngày thứ Năm, các nhà ngoại giao nói với Reuters.
Khi hội đồng được thành lập vào năm 2006, chính quyền của Tổng thống Mỹ George W. Bush đã từ chối tham gia.
New Zealand, nước đã bước sang một bên để cho phép Mỹ đắc cử trong cuộc bầu cử vào Hội đồng năm 2009 dưới thời Tổng thống Barack Obama, có thể là một lựa chọn tốt để thay thế, hai nhà ngoại giao nói với Reuters
Canada và Hà Lan là những khả năng khác, dù chưa có ước nào đứng ra nhận, họ cho biết.
GE bị loại khỏi Dow Jones sau hơn 1 thế kỷ
Lần đầu tiên sau 110 năm hoạt động, General Electric sẽ không còn là một đơn vị của nhóm chỉ số bình quân công nghiệp uy tín Dow Jones.
S&P Dow Jones Indices loan báo hôm 19/6 rằng nhà sản xuất các mặt hàng công nghiệp từ bóng đèn cho đến động cơ máy bay mang tính biểu tượng của Mỹ này sẽ bị thay thế bởi Walgreens Boots Alliance trên danh sách nhóm cổ phiếu của 30 công ty hàng đầu trong chỉ số Dow Jones, theo CNN và Wall Street Journal.
GE từng là đơn vị đầu tiên của Dow Jones vào năm 1896 và luôn hiện diện liên tục trên bảng chỉ số này từ tháng 11/1907.
Bị loại khỏi Dow Jones là một thất bại mới nhất của GE – công ty này đang phải đối phó với một cuộc khủng hoảng tiền mặt nghiêm trọng trong nhiều năm qua do các thương vụ đổ bể. GE đã thay giám đốc điều hành và cắt giảm hàng nghìn công ăn việc làm cũng như phải giảm cổ tức đi một nửa.
Năm ngoái, cổ phiếu của GE là kém nhất trong nhóm chỉ số Dow Jones khi bị mất hơn một nửa giá trị. Giá cổ phiếu của GE giảm thêm 25% trong năm nay.
“Chúng tôi đang tập trung vào việc thực hiện kế hoạch mà chúng tôi đã đề ra để cải thiện hoạt động kinh doanh của GE,” theo một người phát ngôn của GE nói trong một thông cáo đưa ra hôm 19/6. “Thông cáo ngày hôm nay sẽ không thay đổi những cam kết đó hay làm thay đổi trọng tâm của chúng tôi vào việc tạo ra một GE mạnh mẽ và hiệu quả hơn.”
Để trả một núi nợ, GE đang phải bán đi những doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài. Tháng trước, GE bán đi chi nhánh đường sắt đã hoạt động trong một thế kỷ qua. GE cũng đang tìm người mua chi nhánh sản xuất bóng đèn đang thua lỗ.
Cổ phiếu GE rớt giá đã dẫn tới việc công ty này bị loại khỏi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones.
David Blitzer, chủ tịch ủy ban chỉ số của S&P, cho biết những công ty như GE không còn quan trọng trong nền kinh tế Mỹ nữa. Các ngân hàng, các công ty về chăm sóc y tế, công nghệ và người tiêu dùng ngày nay đang đóng một vai trò lớn hơn.
“Sự thay đổi hôm nay đối với DJIA (chỉ số bình quân công nghiệp của Dow Jones) sẽ làm cho các chỉ số này trở thành thước đo đúng hơn đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán,” theo ông Blitzer.
S&P cho biết Walgreens, công ty sở hữu chuỗi cửa hàng dược phẩm lớn thứ 2 ở Mỹ, sẽ thay thế GE vào ngày 26/6.
Đây là vụ cải tổ đầu tiên trong chỉ số Dow Jones úy tín kể từ năm 2015 khi Apple, công ty công nghệ đa quốc gia của Mỹ, thay thế tập đoàn viễn thông AT&T.
https://www.voatiengviet.com/a/ge-bi-loai-khoi-down-jones-sau-hon-1-the-ky/4447381.html
Vanuatu và ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc
Cộng hòa Vanuatu là đảo quốc nhỏ bé nằm ở tây nam Thái Bình Dương, phía đông bắc nước Úc, với tổng diện tích chỉ khoảng 12 ngàn km2, chỉ khoảng bằng tỉnh Đắk Lắk của Việt Nam.
Nhưng đảo quốc này lại nằm ở một trong những vị trí chiến lược nhất ở khu vực Thái Bình Dương, kiểm soát tuyến lưu thông hàng không và hàng hải giữa Mỹ và Úc.
Trong thế chiến II, chính khu cảng Luganville ở đảo bắc Espiritu Santo là căn cứ quân sự lớn thứ hai của Hoa Kỳ tại nam Thái Bình Dương.
Nhưng hiện nay một số người lo ngại chính khu cầu cảng này đang có khả năng trở thành căn cứ quân sự của Trung Quốc, do có dự án cầu cảng Luganville được Trung Quốc bỏ một số vốn không nhỏ để đầu tư.
Lý do Trung Quốc đưa ra là để giúp phát triển ngành thương mại du lịch đang lớn dần ở Vanuatu.
Nhưng một nhà phân tích an ninh của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), Malcolm Davis, nói với kênh 9News của Úc rằng bãi cầu cảng rộng lớn, dài nửa cây số là “hơi quá” cho ngành công nghiệp du lịch.
“(Cầu cảng) này đủ lớn để làm bãi đậu cho các tàu khu trục tên lửa, hoặc tàu tuần dương cỡ lớn,” tiến sĩ Davis nói với phóng viên Tom Steinfort trong chương trình 60Minutes của kênh 9News phát hôm 17/6.
Nhiều năm qua, Trung Quốc đã đổ vào hàng trăm triệu đôla vào đảo quốc nhỏ bé với chỉ khoảng 270.000 dân trên danh nghĩa hỗ trợ phát triển.
Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến nhiều công trình đồ sộ mà chính chính phủ Vanuatu không có khả năng vận hành.
Tỉ dụ như một sân vận động quy mô do Trung Quốc đầu tư nhân một sự kiện thể thao giao hữu giữa hai nước vào năm ngoái, mà đến giờ nước sở tại vẫn chưa tìm ra mục đích sử dụng nào khác kể từ đó.
Lâm Tắc Từ và chuyện Trung Hoa mất đất
Sri Lanka: Viên ngọc sắp vào tay Trung Quốc
‘Đừng bán đất của tôi cho Trung Quốc!’
Hay một trung tâm hội nghị quá hoành tráng mà ngay cả chính phủ Vanuatu còn không thể trả nổi tiền điện lẫn tiền lau dọn, chứ nói đến tổ chức hội nghị.
Và ngoài dự án đáng chú ý nhất là cầu cảng Luganville, thì Trung Quốc cũng đang giúp Vanuatu nâng cấp một sân bay quốc tế cách đó không xa.
Ông Davis cho rằng đây chính là chính sách ‘ngoại giao bẫy nợ’ của Trung Quốc, bằng cách cho các nước nghèo vay nợ dưới danh nghĩa hỗ trợ phát triển.
“Phải có gì đó hơn thế này. Họ đang nghĩ đến ảnh hưởng về thương mại, về chính trị và cuối cùng một sự hiện diện quân sự,” ông Davis nhận định.
Những tháng gần đây, nhiều người Úc bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại Vanuatu, đảo quốc ở ngay sát gần Úc.
Vào đầu tháng Tư, Fairfax Media của Úc tiết lộ về những cuộc thảo luận ban đầu giữa chính quyền Trung Quốc và Vanuatu về khả năng xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc.
Nếu thông tin này đúng và dự án này thành hiện thực thì đây có thể là căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, và là căn cứ quốc tế thứ hai sau Djibouti.
Với vị trí chiến lược của Vanuatu, điềy này có nghĩa mạch chiến lược của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương có thể bị cắt đứt.
Tuy nhiên, chính phủ Vanuatu đã bác tin này, gọi nó là tin đồn và phía Trung Quốc gọi báo cáo của Fairfax là không có “căn cứ”, theo tờ Guardian.
Chiến lược ‘bẫy nợ’
“Cái mà người Trung Quốc thường hay làm là đầu tư quy mô lớn vào các quốc gia vốn không có khả năng để trả nợ,” chuyên gia an ninh, Tiến sĩ Malcom Davis phân tích.
“Nếu Trung Quốc có thể khiến một quốc gia rơi vào tình trạng nợ nần trầm trọng đến mức nó không thể trả hết số nợ, thì Trung Quốc sẽ lấy cái gì khác đổi lại như ….một bến cảng chẳng hạn.”
Đã có nhiều sự so sánh với những gì đang diễn ra ở Vanuatu và ở Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự quốc tế đầu tiên ở Djibouti và sự hiện diện của Bắc Kinh ở Pakistan và Sri Lanka.
Tháng 12 năm ngoái, Sri Lanka đã phải ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê 99 năm khu cầu cảng nằm ở vị trí vô cùng chiến lược Hambantota, để được Trung Quốc giảm bớt nợ.
Trung Quốc đã phủ nhận rằng cầu cảng này sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự.
Theo trang Quartz, Trung Quốc vốn đã bị cáo buộc là đổ tiền vào các quốc gia nghèo và nhỏ với các dự án phát triển khổng lồ – hay nói cách khác là ‘đặt bẫy nợ’.
Trong khi mục đích thực sự của Bắc Kinh là nhắm vào vị trí chiến lược, tài nguyên của nước này, và nhận được sự ủng hộ của các nước này trên các bàn đàm phán quốc tế.
Ngoại trưởng Vanuatu cũng thừa nhận trong chương trình 60Minutes đã ủng hộ Trung Quốc trên các bàn đám phán ở Liên Hiệp Quốc để đổi lấy ưu đãi đầu tư.
Chiến lược bẫy nợ này không chỉ xảy ra ở Vanuatu mà còn ở cả Fiji và Tongua.
“Nếu người Trung Quốc thiết lập được một căn cứ quân sự ở Vanuatu, hoặc ở bất kỳ nước nào ở Nam Thái Bình Dương, thì đột nhiên [Úc] sẽ phải đối mặt với một lực lượng quân sự của Trung Quốc ở rất gần bờ biển đông Úc,” ông Davis nói.
Trả lời trong chương trình 60Minutes, ông nói Úc cần phải tái khẳng định lại ảnh hưởng của nước này trong khu vực để đối kháng với Trung Quốc.
“Nếu chúng ta không đối phó với Trung Quốc bây giờ, thì chúng ta có thể bị ép buộc vào một tình huống mà chúng ta sẽ phải đối mặt với một xung đột quyền lực lớn hơn.”
“Chúng ta cần phải xem xét khả năng đó một cách nghiêm túc,” ông Davis nói thêm.
Phản ứng từ phía Trung Quốc
Hôm 17/6 kênh 9News cho phát sóng phóng sự của 60Minutes về ảnh hưởng Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.
Kênh này cũng đưa tin nói rằng trước đó, vào hôm 12/6, người phụ trách báo chí ở Sứ quán Trung Quốc ở Canberra đã gọi điện cho một nhà sản xuất của chương trình.
Theo kênh này, bà Saxian Cao, từ Sứ quán Trung Quốc, đã “la hét” với giám đốc sản xuất Kirsty Thompson, rằng “gỡ nó ngay xuống, và cho lãnh đạo của cô xem đi.”
Trong bài viết bình về phản ứng của đại sứ quán Trung Quốc, trang 9News viết ‘Người Trung Quốc nên kiềm chế sự khó chịu của mình”
Và “Bà Cao đã bộc lộ cảm xúc theo cái cách của một thế chế vốn đã quá quen đòi gì được nấy. Bà ta có lẽ không hiểu rằng, không như ở Trung Quốc, trong hệ thống của [Úc], bà Thomson không làm việc cho, hay nghe lệnh của Canberra.”
Tác giả của 9News nhận định “Người Trung Quốc xa lạ với khái niệm truyền thông tự do, nhưng đây là một sự bất tiện mà họ phải chấp nhận khi làm việc với Úc.”
Trang web của 9News nói nếu bà Cao có gì không hài lòng với phóng sự, bà có quyền đăng bài phản biện. Vì “dù chúng tôi không đồng tình với nó, chúng tôi cũng sẽ đăng nó. Đó là cách truyền thông tự do vận hành ở đất nước này.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44561229
Trung Quốc có thể trả đũa thương mại Mỹ đến đâu?
Trung Quốc và Hoa Kỳ đã chìm vào tranh chấp thương mại ngày càng sâu sắc khiến cho các thị trường tài chính chao đảo và Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp đặt thuế lên thêm 200 tỷ đô la giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc – hành động khiến Bắc Kinh cáo buộc Washington phát pháo một cuộc chiến thương mại.
Hôm 18/6, ông Trump nói rằng lời đe dọa của ông là sự trả đũa với quyết định của Trung Quốc tăng thuế quan lên 50 tỷ hàng hóa Trung Quốc trong cuối tuần qua – một động thái mà bản thân nó đã là phản ứng của Trung Quốc với việc áp đặt thêm thuế lên hàng hóa của họ mà Mỹ loan báo trước đó.
Quy mô đơn thuần của lời đe dọa mới nhất của ông Trump khiến Trung Quốc không thể đưa ra phản ứng đích đáng kể từ khi giá trị hàng hóa liên quan vượt qua hơn 70 tỷ đô la so với tổng giá trị hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu của Mỹ hồi năm ngoái, theo dữ liệu của Mỹ.
Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách khác. Sau đây là một số kịch bản khả dĩ.
Sau khi đe dọa sẽ áp thuế thêm 25% với 50 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ hôm thứ Sáu tuần trước, Trung Quốc có thể tăng thuế lên thêm nhiều hàng hóa của Mỹ nữa, như máy bay chẳng hạn.
Họ cũng có thể tăng mức thuế lên các mặt hàng mà họ đang nhắm vào.
Nhưng Trung Quốc cũng chỉ có thể hành động tới mức đó mà thôi.
Trung Quốc nhập khẩu 129,89 tỷ đô la hàng hóa Mỹ hồi năm ngoái, so với lượng 505,47 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ hồi, theo số liệu của Mỹ. Con số này khác với số liệu do hải quan Trung Quốc đưa ra mà theo đó Trung Quốc nhập khẩu 153,9 tỷ hàng hóa Mỹ còn Mỹ mua 429,8 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc.
Cho dù theo số liệu nào đi nữa thì ngay cả khi chính quyền Trump vẫn áp thuế lên 300 hay thậm chí 400 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh có thể áp thuế lên tổng cộng hơn 100 tỷ đô là hàng hóa Mỹ.
Để leo thang cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh có thể dùng đến các biện pháp phi thuế quan. Họ có thể tạo tạo ra những nút thắt cổ chai tốn kém cho hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Hồi tháng Năm, các nhà nhập khẩu Trung Quốc cho Reuters đã tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập từ Mỹ so với kiểm tra bất chợt trước đây. Những sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm từ thịt lợn và xe hơi cho đến táo và cherry.
Các nhà nhập khẩu cho biết họ được nói rằng các biện pháp kiểm tra này chỉ đơn thuần là ‘mang tính kỹ thuật’ về bản chất. Táo, cherry, xe hơi và thịt lợn Mỹ đã nằm trong danh sách bị Trung Quốc áp thuế.
Trung Quốc cũng có thể áp đặt những quy định mới lên hàng hóa và các công ty Mỹ để hoặc là hạn chế sự hiện diện của Mỹ tại nước họ hoặc thậm chí là cấm cửa luôn.
Trong nhiều năm, các thương hiệu Mỹ như Facebook và Google đã bị cấm cung cấp dịch vụ ở Trung Quốc.
Việc xin giấy phép hoạt động trong một số lĩnh vực cũng có thể sẽ khó khăn hơn.
Ông Jacob Parker, phó chủ tịch phụ trách các hoạt động ở Trung Quốc của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, cho biết Trung Quốc chắc chắn sẽ bắt đầu xem xét các cách thức khác để thực thi những hành động chống lại các công ty Mỹ hoạt động ở thị trường của họ.
“Một điều mà tôi nghe từ các công ty là Chính phủ Trung Quốc đã có những cuộc họp với các doanh nghiệp tư nhân và các công ty Nhà nước nội địa để bàn bạc về dừng mua hàng và dịch vụ Mỹ và chuyển hợp đồng sang cho các công ty châu Âu, Nhật và các công ty nội địa Trung Quốc,” Parker cho biết.
“Điều này sẽ có tác động rất lớn vì nhiều công ty của chúng tôi hoạt động ở Trung Quốc đã xây dựng được thị phần lớn qua hàng chục năm. Nếu thị phần đó bị xói mòn thì gần như sẽ không thể trở lại như cũ,” Parker giải thích.
Việc Trung Quốc phê chuẩn cho các thỏa thuận kinh doanh với Mỹ cũng sẽ trở nên khó khăn hơn.
Chẳng hạn như họ vẫn chưa phê chuẩn thương vụ thâu tóm hãng bán dẫn NXP Semiconductors trị giá 44 tỷ đô la mà hãng sản xuất chip điện tử Qualcomm của Mỹ đưa ra – một thỏa thuận đã nhận được sự đồng ý của tám trong số chín nhà quản lý bắt buộc trên thế giới.
Trung Quốc cũng có thể cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá hơn nữa so với đồng đô la, khiến cho hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trở nên đắt đỏ hơn và hàng xuất khẩu Trung Quốc rẻ hơn. Trên thực tế, đồng nhân dân tệ đã giảm giá so với đồng đô la từ giữa tháng Tư, sau khi tăng giá đều đặn kể từ tháng Giêng năm 2017.
Tuy nhiên một số nhà kinh tế nói rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ cảnh giác với việc để cho đồng nhân dân tệ trượt giá mạnh so với đồng đô la. Hành động phá giá đồng nhân dân tệ hồi năm 2015 đã dẫn đến việc dòng vốn tháo chạy ra khỏi Trung Quốc trong nhiều tháng trời mà giới chức Trung Quốc phải chật vật đối phó – một ký ức chẳng mấy xa.
Trung Quốc cũng có thể cắt giảm lượng tài sản mà họ nắm giữ của Ngân khố Mỹ. Tính đến tháng Ba năm 2018, nước này hiện đang nắm giữ 1.188 tỷ đô la trái phiếu Chính phủ Mỹ, con số cao nhất kể từ tháng 10 năm 2017.
Tuy nhiên do Trung Quốc nắm giữ một lượng lớn như vậy tài sản của Mỹ trong tài khoản đầu tư của họ, một số nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh không muốn giá trị các khoản đầu tư của họ sụt giảm mạnh.
Chính vì thế mà nhiều kinh tế gia cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng tăng cường sức ép lên các công ty Mỹ hơn là gây ra hỗn loạn trên thị trường mà cuối cùng khiến cho Bắc Kinh bị tổn thương.
Hàng hóa Mỹ cũng có thể bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay. Hàng hóa Hàn Quốc từng bị tẩy chay khi quan hệ giữa Bắc Kinh với Seoul trở nên lạnh giá sau khi Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng vệ chống tên lửa tầm cao THAAD bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Lượng du khách Trung Quốc đến Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng khi các nhà điều hành tour cắt giảm các tour đi Mỹ. Có khoảng 3 triệu người Trung Quốc đến thăm Mỹ hàng năm và họ chi tiêu hàng tỷ đô la.
Khi bà Thái Anh Văn đắc cử Tổng thống Đài Loan hồi năm 2016, số lượng du khách Trung Quốc đến Đài Loan đã sụt giảm mạnh. Mặc dù bà Thái nói bà muốn hòa bình với Trung Quốc, Bắc Kinh nghi ngờ rằng bà muốn tuyên bố độc lập chính thức.
Du lịch chiếm gần hai phần ba xuất khẩu dịch vụ của Mỹ đến Trung Quốc trong năm 2015, theo Ủy Ban Thương mại Quốc tế của Mỹ. Du lịch cũng là khu vực xuất khẩu dịch vụ lớn nhất Mỹ đến Trung Quốc.
Một phản ứng cực đoan của Trung Quốc có thể làm cấm vận giao thương với một loạt hàng hóa Mỹ, nhưng điều này không tương ứng với giọng điệu và hành động của Trung Quốc.
Động thái như thế sẽ dẫn đến quan hệ song phương xấu đi trầm trọng và gây xáo trộn trong hệ thống thương mại toàn cầu.
Hoa Kỳ từng áp đặt lệnh cấm vận thương mại lên Trung Quốc trong khoảng từ năm 1950 cho đến năm 1972.
Daimler: ‘doanh số 2018 thấp hơn vì TQ áp thuế’
Hãng xe Daimler cho biết họ dự báo doanh số thấp hơn trong năm nay trong bối cảnh tranh chấp thương mại ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.Họ dự đoán doanh số thấp hơn dự kiến của dòng xe SUV Mercedes-Benz do thuế nhập khẩu xe Mỹ vào Trung Quốc.
Mỹ có kế hoạch đánh thuế nhập khẩu ít nhất 50 tỷ đôla giá trị hàng Trung Quốc nhập khẩu để đáp trả hành vi trộm cắp bản quyền trí tuệ mà họ cáo buộc Bắc Kinh.
Mỹ-Trung ‘không gây chiến tranh thương mại’
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ‘bất phân thắng bại’
TQ ‘sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia’
TQ đe dọa trả đũa thuế quan mới của Mỹ
Trung Quốc tuyên bố sẽ thu hàng tỷ đôla giá trị hàng Mỹ, gồm xe hơi, từ ngày 6/7 để đáp trả.
Chính quyền Trump đe dọa áp thuế lên thêm 400 tỷ đôla giá trị hàng hóa nếu Trung Quốc tiếp tục trả đũa.
Daimler, hãng sở hữu Mercedes-Benz, cho biết doanh số bán xe dự kiến sẽ “hơi thấp hơn năm trước”.
“Từ đánh giá hiện tại, nhân tố quyết định là, với thương hiệu Mercedes-Benz, doanh số dòng SUV sẽ thấp hơn dự kiến trong lúc chi phí tăng hơn vì thuế nhập khẩu xe Mỹ vào thị trường Trung Quốc tăng,” thông cáo của hãng viết.
TQ cảnh báo về chế tài trừng phạt của Mỹ
Trump dọa đánh thêm 100 tỷ đôla thuế vào hàng TQ
Trump có đang thua cuộc chiến thương mại với TQ?
Trump bàn thương mại, quên nhân quyền
“Chi phí tăng nhưng không thể bù đắp bằng việc tái phân bổ xe sang các thị trường khác.”
Đầu tháng này, Daimler buộc phải triệu hồi xe tại Đức bị phát hiện trang bị phần mềm bất hợp pháp nhằm che giấu lượng khí thải diesel.
Daimler cho biết việc thu hồi các loại xe chạy diesel và lượng cầu giảm ở châu Mỹ Latinh cũng ảnh hưởng đến tổng doanh số của hãng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44530251
Nghị sỹ Mỹ yêu cầu Google
xem lại hợp tác với Huawei
Một nhóm các nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ hôm thứ Tư ngày 20/6 đã yêu cầu hãng Google của Alphabet Inc tái xem xét lại việc hợp tác của họ với tập đoàn viễn thông Huawei Technologies của Trung Quốc mà họ xem là một mối đe dọa về an ninh.
Trong một lá thư gửi đến Giám đốc điều hành của Google Sundar Pichai, các nghị sỹ cho biết mới đây Google đã quyết định không tiếp tục ‘Dự án Maven’ một quan đối tác giữa Google với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ để nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.
“Mặc dù chúng tôi lấy làm tiếc rằng Google không muốn tiếp tục truyền thống hợp tác lâu dài và có hiệu quả giữa quân đội và các công ty công nghệ, chúng tôi thậm chí còn thất vọng hơn với việc Google sẵn sàng ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc hơn là quân đội Mỹ,” ông nói.
Lá thư này có chữ ký của những thượng nghị sỹ Cộng hòa Tom Cotton và Marco Rubio, các vị dân biểu Cộng hòa Michael Conaway và Liz Cheney và dân biểu Dân chủ Dutch Ruppersberger.
Alphabet không phản hồi trước yêu cầu bình luận.
Lá thư này là động thái mới nhất trong một loạt những nỗ lực của các nghị sỹ trong Quốc hội Mỹ nhằm vào Huawei và tập đoàn ZTE, một công ty thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc.
Họ đã soạn thảo những dự luật cấm các cơ quan của Chính phủ Mỹ sử dụng các sản phẩm của những công ty này và tìm cách đảo ngược quyết định của Tổng thống Donald Trump chấm dứt lệnh cấm đối với ZTE.
Hồi đầu tháng này, một thượng nghị sỹ khác, ông Mark Warner của Đảng Dân chủ, đã viết thư cho hãng Alphabet và các công ty công nghệ khác để hỏi về các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với các bạn hàng Trung Quốc.
Triều Tiên, TQ thảo luận
về ‘hòa bình thực sự’ và giải trừ hạt nhân
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng thuận về các vấn đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo, bao gồm vấn đề giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên — truyền thông nhà nước Bắc Hàn cho biết hôm 20/6, theo Reuters.
Ông Kim và ông Tập đánh giá cuộc họp lịch sử giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore vào tuần trước và trao đổi ý kiến về cách giải quyết vấn đề giải trừ hạt nhân, Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng cam kết tại cuộc họp với ông Tập ở Bắc Kinh là sẽ hợp tác với các giới chức Trung Quốc để bảo đảm “hòa bình thực sự” trong quá trình “mở ra một tương lai mới” trên bán đảo Triều Tiên, theo KCNA.
Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập nói với lãnh tụ Kim rằng những nỗ lực chung của hai quốc gia láng giềng chắc chắn có thể đảm bảo hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, Tân Hoa Xã cho biết.
Ông Kim Jong Un đã kết thúc chuyến đi kéo dài hai ngày đến Bắc Kinh hôm thứ Tư bằng chuyến thăm triển lãm khoa học nông nghiệp và trung tâm chỉ huy tàu điện ngầm Bắc Kinh, Tân Hoa xã cho biết thêm.
Chuyến thăm Trung Quốc diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử Singapore, nơi ông Kim và ông Trump tái khẳng định cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Trump đã gây sửng sốt cho các giới chức Hàn Quốc và Hoa Kỳ sau cuộc họp khi ông tuyên bố sẽ chấm dứt các cuộc tập trận quân sự “khiêu khích” của Mỹ – Hàn.
Hoa Kỳ và Hàn Quốc cho biết họ đã đồng ý đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung vào tháng Tám, mặc dù quyết định liên quan đến các cuộc tập trận tiếp theo vẫn chưa được đưa ra.
Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa cho biết quyết định đình chỉ tập trận có thể được xem xét lại, tùy theo những diễn tiến tương lai của Triều Tiên.
Đây là chuyến đi thứ 3 của ông Kim Jong Un tới Trung Quốc trong năm nay. Hôm thứ Ba, Chủ tịch Trung Quốc khen ngợi lãnh tụ Triều Tiên về “kết quả tích cực” của hội nghị thượng đỉnh tuần trước với ông Trump.
Vẫn theo KCNA, ông Tập còn nói rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã đạt đến một “tầm cao mới” kể từ chuyến thăm đầu tiên của ông Kim hồi tháng Ba và các hiệp ước giữa hai nhà lãnh đạo đã được thực hiện “từng cái một”.
Ông Kim cũng nói với ông Tập rằng ông sẵn sàng tăng cường tình hữu nghị và hợp tác.
Nhiều người dự đoán là ông Kim sẽ đến thăm Bắc Kinh để báo cáo với ông Tập về hội nghị thượng đỉnh với ông Trump, trong đó có việc Bình Nhưỡng đồng ý giao cho Hoa Kỳ hài cốt các binh sĩ Mỹ tử trận trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Theo hai nguồn tin của các giới chức Mỹ nói với Reuters, Triều Tiên có thể sẽ bắt đầu việc giao hài cốt này trong vài ngày tới.
Đàm phán với Mỹ,
Bắc Triều Tiên không quên Trung Quốc
Ông Kim Jong Un lần thứ ba viếng thăm Trung Quốc trong vỏn vẹn ba tháng, để hội kiến chủ tịch Tập Cận Bình, chỉ một tuần sau thượng đỉnh lịch sử với tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore. Theo giới quan sát, qua động thái này, Bình Nhưỡng đưa ra thông điệp rất rõ ràng là không quên những quyền lợi của Bắc Kinh dù đang trong giai đoạn tương đối “hòa dịu” với Washington. Câu hỏi được đặt ra : Vậy các lợi ích của Trung Quốc là gì ? Hay nói một cách khác, Trung Quốc đang theo đuổi những mục đích gì trước viễn cảnh phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ?
Khác với hai lần trước, chuyến viếng thăm Bắc Kinh lần thứ ba của Kim Jong Un trong hai ngày, 19 và 20/06/2018, đã được báo chí Trung Quốc đưa tin rất sớm, nhưng nội dung các cuộc trao đổi giữa nguyên thủ hai nước chưa được công bố. Theo một chuyên gia Trung Quốc được AFP trích dẫn, Kim Jong Un đích thân “báo cáo” với Tập Cận Bình về buổi làm việc lịch sử với Donald Trump, đây cũng là dịp để Bình Nhưỡng tìm kiếm hậu thuẫn và có thể cả tư vấn của Bắc Kinh.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh, Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đang “thắt chặt quan hệ và củng cố tầm nhìn chiến lược” trên nhiều vấn đề nhằm “góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực”. Về phần Kim Jong Un, ông tuyên bố Bắc Triều Tiên hài lòng trước “mối bang gần gũi, thân tình như anh em một nhà” với Trung Quốc.
Dù đang rất bận rộn vì lịch trình ngoại giao, từ Nhật Bản đến Nga đều muốn gặp riêng, nhưng Kim Jong Un vẫn dành thời gian để sang Bắc Kinh, là bằng chứng rõ rệt nhất chứng tỏ một mối quan hệ đặc biệt, gắn bó và chiến lược giữa Bắc Triều Tiên với nước láng giềng to lớn sát cạnh là Trung Quốc.
Về phần Trung Quốc, tương tự như Washington, Bắc Kinh cũng muốn Bình Nhưỡng ngưng các chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa, nhưng Trung Quốc dường như đã bị hụt hẫng khi Donald Trump và Kim Jong Un thông báo trực tiếp đối thoại với nhau.
Tuy hài lòng trước viễn cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên lắng dịu, nhưng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không muốn Mỹ và Bắc Triều Tiên quá thân thiện với nhau, có nguy cơ ảnh hưởng tới quyền lợi kinh tế và an ninh của Trung Quốc. Nói một cách ví von, Bắc Kinh không muốn cái bắt tay lịch sử giữa Kim và Trump ở Singapore làm đảo lộn thế cân bằng ở châu Á.
Dường như lo ngại đó của ông Tập đã được cả Donald Trump lẫn Kim Jong Un cùng nhanh chóng xua tan khi tổng thống Hoa Kỳ ngay tại Singapore đã thông báo ngưng các cuộc tập trận với Hàn Quốc và thậm chí là Washington còn nghiên cứu khả năng rút quân khỏi phía nam bán đảo Triều Tiên. Đó chính là điều mà Trung Quốc mong muốn hơn cả.
Về mặt ngoại giao, Bắc Kinh đã thắng lớn tại thượng đỉnh Kim- Trump ở Singapore hôm 12/06/2018. Dù vắng mặt, nhưng bóng dáng Trung Quốc vẫn luôn lởn vởn tại thượng đỉnh này. Kim Jong Un đến gặp tổng thống Hoa Kỳ bằng một chiếc máy bay của hãng hàng không Trung Quốc. Tất cả các nhà quan sát đều cho rằng, đây là một chi tiết cho thấy ảnh hưởng rất lớn của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng và trọng lượng của Trung Quốc trong cuộc gặp trọng đại này.
Quan trọng hơn nữa là văn bản đã được hai ông Donald Trump và Kim Jong Un đặt bút ký tại Singapore : Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa, đổi lại Mỹ – Hàn đình chỉ các chương trình tập trận chung. Đó là sáng kiến của Bắc Kinh mà ông Tập Cận Bình đã đề xuất với phía Mỹ.
Sau cùng, trên phương diện kinh tế, hội nghị Singapore vừa chấm dứt, Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế xóa bỏ cấm vận Bắc Triều Tiên. Điều mà đến nay Washington xem là còn quá sớm để quyết định. Nhưng chính trên hồ sơ này Bình Nhưỡng cần đến sự yểm trợ của người anh cả Bắc Kinh.
Tiếp Kim Jong Un tại Bắc Kinh hôm qua, ông Tập Cận Bình không quên nhắc nhở rằng “nhờ những nỗ lực của Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và tất cả các bên liên quan, bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á chắc chắn là đang trông thấy một tương lai tươi sáng và viễn cảnh hòa bình, thịnh vượng đang mở ra”. Đồng thời, nguyên thủ Trung Quốc không quên chúc mừng lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã đi đúng hướng khi đặt ưu tiên vào phát triển kinh tế đất nước.
Còn trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc, chuyên gia Shin Bum Cheol thuộc Viện Nghiên Cứu Chính Trị Asan, tại Seoul nhận định : “Ảnh hưởng của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên cũng là một lá chủ bài để ông Tập Cận Bình đem ra mặc cả với Donald Trump trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang đọ sức trên hồ sơ thương mại.”
Không chỉ với Mỹ, hay Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh còn đang ghi được cả những bàn thắng với Hàn Quốc : Trước thượng đỉnh Liên Triều với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ngày 27/04/2018, cũng ông Kim Jong Un, vợ và em gái đã lần đầu tiên sang tận Bắc Kinh gặp chủ tịch Tập Cận Bình. Seoul phải hiểu rằng, Trung Quốc sẽ theo dõi sát phát triển quan hệ Liên Triều trong tương lai.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180621-dam-phan-voi-my-bac-trieu-tien-khong-quen-trung-quoc
Trung Quốc : Ẩn sau chiến tranh thương mại
là cuộc chiến về tiêu chuẩn
Đội tuyển bóng đá Trung Quốc không được thi đấu tại World Cup 2018, nhưng nhiều thương hiệu Trung Quốc hiện diện trong mùa bóng đá ở Matxcơva. Nhiều sai phạm ở FIFA đã khiến các tập đoàn phương Tây « né » World Cup. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này để nhanh chóng trở thành các nhà tài trợ cho Giải vô địch bóng đá thế giới. Hisense, Mengniu và Vivo đã trở thành các đối tác của World Cup 2018 tại Nga, biến giấc mơ của chủ tịch Tập Cận Bình thành sự thật : đưa Trung Quốc thành «một đất nước của trái bóng tròn ».
Nhưng đó không chỉ là thể thao, mà là một chiến lược của Bắc Kinh. Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ sớm phổ biến các tiêu chuẩn Trung Quốc ra toàn cầu : đây mới là « trận chiến » quan trọng hơn cả cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trên đây là nhận định của kinh tế gia Jean-Raphaël Chaponnière, tác giả bài viết « Trung Quốc : trận chiến về tiêu chuẩn đằng sau cuộc chiến tranh thương mại ». Bài viết được đăng trên trang mạng châu Á Asialyst ngày 17/06/2018.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đưa thương hiệu hàng hóa ra thế giới bằng cách nào ?
Trong những năm 1990, một doanh nghiệp lớn của Pháp về quần áo may sẵn phát hiện nhãn hiệu sản phẩm của họ đã được đăng ký tại Indonésia, nơi họ đang định mở trụ sở. Điều đáng nói hơn nữa là công ty đăng ký nhãn hiệu đó tại Indonésia lại là một đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp Pháp mà họ đã phải thương lượng để đạt một thỏa thuận. Từ đó tới nay, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã vấp phải vấn đề tương tự ở Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Trung Quốc không phải là những nhà sao chép, mà là những nhà sao chép siêu hạng. Tiếp theo Nhật Bản, Hàn Quốc, giờ đây Trung Quốc trở thành các nhà vô địch trong lĩnh vực này ở châu Á, nơi mà sao chép là một cách học hỏi được ưa chuộng hơn cả sáng tạo.
Song song với sản xuất hàng nhái, hàng giả, Trung Quốc đang nỗ lực bảo vệ các thương hiệu của mình. Từ vài năm nay, chính quyền có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thương hiệu doanh nghiệp hoặc hàng hóa tại nước ngoài. Từ năm 2004 đến năm 2017, lượng thương hiệu Trung Quốc đăng ký ở châu Âu đã tăng gấp 5 lần và tăng gấp 8 lần so với số thương hiệu của Mỹ. Cuộc chạy đua rõ rệt nhất là trong lĩnh vực tin học. 8% số ứng dụng mới tại Hoa Kỳ là của Trung Quốc, trên cả Đức, Anh và Canada.
Cuộc chạy đua bằng sáng chế diễn ra thế nào ?
Nghịch lý là trong khi Trung Quốc là công xưởng lớn nhất thế giới, chỉ có hai thương hiệu Trung Quốc là Hoa Vi và Lenovo là nằm trong sách sách top 100 thương hiệu hàng đầu thế giới. Trong danh sách này có 3 thương hiệu của Hàn Quốc và 6 thương hiệu của Nhật Bản. Sự thua kém này của Trung Quốc phần nào là do việc Trung Quốc tham gia toàn cầu hóa khá muộn. Trong khi hàng hóa của các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản xuất ra thị trường thế giới với thương hiệu của riêng họ, thì Trung Quốc và các nước Đông Nam Á vẫn chỉ là những nước chuyên gia công cho các thương hiệu cao cấp.
Nhưng về sáng chế thì khác, cuộc chạy đua đã bắt đầu từ lâu. Phải nói là tiến bộ về công nghệ của Trung Quốc thật đáng khâm phục. Theo Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới, trong năm 2017, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản và xếp hạng thứ 2 (48.882 bằng sáng chế), chỉ đứng sau Mỹ (56.624 bằng sáng chế). Trong số 10 tập đoàn có nhiều sáng chế nhất toàn cầu, có Hoa Vi, ZTE và BOE của Trung Quốc, Mitsubishi và Sony của Nhật, LG và Samsung của Hàn Quốc.
Vào năm 2020, Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt Hoa Kỳ trong bảng xếp hạng của Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới. Nếu chỉ tính riêng tại Mỹ, Trung Quốc là nước ngoài được Văn Phòng Sáng Chế Hoa Kỳ cấp nhiều bằng sáng chế thứ ba. Khoảng cách giữa Nhật và Trung Quốc ngày càng được thu hẹp.
Chuẩn Trung Quốc được quốc tế hóa thế nào ?
Từ phát minh tới phổ biến các sản phẩm hay công nghệ mới, cần có các chuẩn mực. Tại châu Âu, Nhà Nước điều phối và tài trợ tiến trình xây dựng tiêu chuẩn. Tại Mỹ, tiến trình này chủ yếu do các hiệp hội công nghiệp thực hiện. Các doanh nghiệp kiểm soát các công nghệ được dùng làm chuẩn mực có ưu thế rất lớn trong cạnh tranh. Đối thủ của các doanh nghiệp này buộc phải mua các trang thiết bị hay giấy phép sử dụng của họ.
Điển hình nhất là trường hợp của Qualcomm với các bằng sáng chế công nghệ LTE, 3G và 4G. Mỗi năm, gã khồng lồ của Mỹ về công nghệ điện thoại di động thu lời vài chục tỉ đô la từ các bằng sáng chế của mình, chỉ riêng Trung Quốc năm 2014 đã mang về cho Qualcomm 8 tỉ đô la. Lợi nhuận đặc biệt cao trong các ngành công nghiệp mà tiêu chuẩn là thành quả của quá trình thương lượng phức tạp giữa các hãng sản xuất lớn và người sử dụng trên toàn thế giới, và lợi nhuận còn khổng lồ hơn khi các tiêu chuẩn chỉ do một bên ấn định.
Từ khi nhà chức trách Trung Quốc thông qua một bộ luật mới về tiêu chuẩn, các tiêu chuẩn, chuẩn mực không còn do Nhà Nước xây dựng và kiểm soát nhiều nữa mà chủ yếu do các hiệp hội công nghiệp xây dựng. Đồng thời, Bắc Kinh cũng tìm cách quốc tế hóa các tiêu chuẩn Trung Quốc. Dự án « Sáng kiến một vành đai, một con đường » là cách để phổ biến các tiêu chuẩn của Trung Quốc. Khi Bắc Kinh đầu tư vào xây dựng hạ tầng cơ sở cho nước ngoài, họ không có ý định cải tiến công tác quản lý ở nước đó mà gây sức ép để các quốc gia này phải sử dụng các tiêu chuẩn mà Trung Quốc đề ra trong rất nhiều lĩnh vực : đường bộ, đường sắt, tàu cao tốc và đường dây truyền tải điện.
Phương Tây sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc bằng cách nào ?
Trong vòng 5 năm qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư 102 tỉ đô la để xây dựng và phát triển hạ tầng truyền tải điện, 40% mạng lưới điện quốc gia của Philippines và 20% mạng lưới điện quốc gia của Chi lê là có sự tham gia của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã đầu tư khoảng 500 tỉ đô la vào sản xuất điện. Sản lượng điện của Trung Quốc còn có thể tăng thêm, nếu tập đoàn Phân phối và Truyền tải Điện Trung Quốc Sate Grid Corporation of China nắm quyền kiểm soát công ty Năng Lượng Bồ Đào Nha. Sate Grid Corporation of China là tập đoàn quản lý mạng lưới điện, truyền tải và phân phối điện có nhiều nhân viên nhất thế giới. Tập đoàn Trung Quốc đã chi 7 tỉ đô la để mua công ty Năng Lượng Bồ Đào Nha nhưng đã bị khước từ.
Các phi vụ làm ăn kiểu này nằm trong chiến lược Trung Quốc phát triển công nghệ truyền tải điện siêu cao áp từ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện tới những nơi tiêu thụ điện vốn nằm rất xa các nhà máy điện. Công nghệ trên sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí truyền tải điện, cho phép tập đoàn điện lực Trung Quốc Sate Grid Corporation of China thay thế các nhà máy điện ở các vùng ven biển bằng các nhà máy điện ở miền tây có năng suất cao hơn và ít ô nhiễm môi trường hơn rất nhiều. Các công nghệ này sẽ mở ra những triển vọng mới : tập đoàn Sate Grid Corporation of China có thể đưa 4000 MW điện tới Pakistan, ngược lại cũng có thể đưa điện về từ những nơi rất xa.
Các tiến bộ công nghệ nói trên của Trung Quốc sẽ dẫn tới sự thay đổi về hệ thống thương mại. Việc phổ biến các tiêu chuẩn Trung Quốc về bản chất là nhằm làm thay đổi phương thức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cho tới nay, các doanh nghiệp phương Tây phải cạnh tranh với các công ty Trung Quốc có khả năng cung cấp thiết bị đáp ứng được tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu. Trong tương lai, rất có thể các doanh nghiệp phương Tây lại phải cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc bằng cách sản xuất các thiết bị theo chuẩn Trung Quốc.
EU sắp trả đũa thuế Mỹ
Liên minh Châu Âu sẽ bắt đầu đánh thuế nhập khẩu 25 phần trăm lên một loạt các sản phẩm của Mỹ vào ngày thứ Sáu, đáp lại thuế suất của Mỹ nhắm vào thép và nhôm của EU vào đầu tháng này, Ủy hội Châu Âu cho biết hôm thứ Tư.
Hành động này cho thấy đang có một tranh cãi ăn miếng trả miếng giữ Mỹ và Châu Âu mà có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh thương mại toàn cục, đặc biệt nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện lời đe dọa của ông trừng phạt xe hơi của Châu Âu.
Ủy hội chính thức thông qua một luật ban hành các khoản thuế 2,8 tỉ euro (3,2 tỉ đôla Mỹ) giá trị hàng hóa của Mỹ, bao gồm thép và nhôm, các nông sản như bắp ngọt và đậu phộng, rượu bourbon, quần jean và xe máy.
“Chúng tôi không muốn ở trong vị thế này,” Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom nói trong một phát biểu, và nói thêm rằng quyết định “đơn phương và phi lí” của Mỹ khiến EU không còn lựa chọn nào khác.
Bà gọi là phản ứng của EU là tương xứng và tuân thủ các qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới và nói rằng thuế sẽ được loại bỏ nếu Washington loại bỏ thuế kim loại. Thép và nhôm xuất khẩu của EU hiện đang đối mặt với thuế quan của Mỹ trị giá tổng cộng 6,4 tỉ euro.
Ông Trump đã nhắm đánh thuế 25 phần trăm lên thép và 10 phần trăm lên nhôm của EU, Canada và Mexico vào đầu tháng 6, chấm dứt các điều khoản miễn trừ được đưa ra kể từ tháng 3.
Canada đã loan báo sẽ áp thuế quan trả đũa đối với hàng xuất khẩu của Mỹ trị giá 16,6 triệu đôla Canada (12,5 tỉ đôla Mỹ) từ ngày 1 tháng 7. Mexico đã áp thuế lên các sản phẩm của Mỹ từ thép cho tới thịt heo và rượu bourbon hai tuần trước.
Một số các sản phẩm được lựa chọn để nhắm vào các bang của các nghị sĩ Cộng hòa, những người đang tìm cách giữ lại quyền kiểm soát ở cả hai viện Quốc hội trong cuộc bầu cử tháng 11 này.
EU cũng dự phòng mức thuế tiềm năng từ 10 đến 50 phần trăm mà họ có thể áp đặt lên thêm 3,6 tỉ euro hàng nhập khẩu của Mỹ trong thời gian ba năm.
https://www.voatiengviet.com/a/eu-sap-tra-dua-thue-my/4447648.html
Tình báo Đức:
Nga đứng sau vụ tấn công mạng các công ty năng lượng
Nga có lẽ đã đứng đằng sau một vụ tấn công rộng lớn trên mạng nhắm vào các công ty cung cấp năng lượng của Đức được tiết lộ vào tuần trước, người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa BfV của Đức nói với báo RND ở nước này.
Hans-Georg Maassen nói với tờ báo có vài lí do để tin rằng Nga có dính líu, bao gồm cách thức mà vụ tấn công mạng được thực hiện.
“Cách thức thực hiện thật ra là một trong nhiều chỉ dấu cho thấy sự kiểm soát của Nga đối với chiến dịch tấn công,” tờ báo dẫn lời ông Maassen.
Nga đã nhiều lần từ phủ nhận tìm cách xâm nhập cơ sở hạ tầng của các nước khác. Được yêu cầu bình luận về những cáo buộc của ông Maassen, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Chúng tôi không biết ông ấy đang nói về chuyện gì.”
Maria Zakharova, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, nói: “Họ nên đưa ra dữ kiện có thật.”
Cơ quan bảo vệ mạng liên bang BSI của Đức tiết lộ vụ tấn công mạng được gọi là “Gấu Điên” vào ngày 13 tháng 6, nêu ra các nỗ lực của các tin tặc xâm nhập mạng máy tính của nhiều công ty cung cấp năng lượng và điện của Đức.
Cơ quan này, lần đầu tiên cảnh báo về các vụ tấn công có thể xảy ra cách đây một năm, cho biết vụ tấn công chỉ xâm nhập các mạng văn phòng của một vài công ty.
Ông Maassen không xác định có bao nhiêu công ty bị nhắm mục tiêu trong vụ tấn công mà BSI cho biết hiện đang được kiểm soát.
Mỹ vào tháng 3 cũng quy trách Nga về một chiến dịch tấn công mạng nhắm vào lưới điện của Mỹ mà Washington cho biết bắt đầu vào tháng 3 năm 2016 hoặc có thể sớm hơn.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas vào tháng 4 cũng cho biết Đức cho rằng Nga đã đứng sau một vụ tấn công mạng nhắm vào Bộ Ngoại giao bị phát giác vào tháng 12.
Đức phá vỡ một âm mưu khủng bố
bằng bom sinh học
Chính quyền Đức hôm qua, 20/06/2018, thông báo đã phá vỡ một âm mưu khủng bố bằng “bom sinh học” sau khi câu lưu một người Tunisia trong thời gian gần đây.
Theo ông Holger Munch, lãnh đạo cơ quan cảnh sát hình sự Đức, đó là “những công việc chuẩn bị cụ thể để hành động khủng bố với một loại bom sinh học, và đây là điều chưa từng có ở Đức”. Giới điều tra đã thu thập được những yếu tố cho thấy là âm mưu này liên quan đến tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Theo họ, nghi phạm được nêu tên là Sieh Allah H đã hai lần tìm cách qua Syria theo ngả Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2017, nhưng không thành công.
Theo cảnh sát, nghi phạm đang chuẩn bị vụ khủng bố khi bị bắt. Khám soát nhà của người này, người ta phát hiện được là kẻ tình nghi đã chế tạo xong chất ricin, một chất độc thực vật độc hại hơn cyanure đến 6.000 lần, người bị tiêm chất này, thậm chí chỉ hít phải chất này là có thể tử vong.
Ngoài ra, còn 250 viên bi bằng kim loại, dây điện nối với bóng đèn v.v…
Cảnh sát Đức cho biết đã câu lưu người Tunisia 29 tuổi này cách đây một tuần ở Cologne và khám phá chất ricin tại nơi ở của nghi phạm. Lúc đầu chỉ nghi ngờ, nhưng hiện nay các nhà điều tra chắc chắn là là nhân vật này chuẩn bị một cuộc khủng bố. Nhưng mục tiêu tấn công là nơi nào thì vẫn chưa rõ.
Vụ câu lưu nhân vật Tunisia này là nhờ sự hợp tác giữa tình báo Đức và quốc tế. Theo truyền thông Đức, CIA đã thông báo với Đức sau khi khám phá những vụ mua loại hạt để chiết xuất chất độc ricin, và thiết bị làm làm bom sinh học.
Kẻ tình nghi đến Đức trong một chương trình đoàn tụ gia đình, và bị “theo dõi” từ nhiều tháng qua. Theo AFP, Đức rất cảnh giác do đã bị nhiều vụ khủng bố của thành phần thánh chiến trong thời gian qua.
Âm mưu khủng bố bằng bom sinh học bị phá vỡ ở Đức chưa đầy một tháng sau khi nhà chức trách Pháp cho biết họ đã phá tan một vụ tấn công khủng bố có liên quan tới việc sử dụng chất ricin. Trong vụ này, có hai anh em là người Ai Cập bị bắt.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180621-duc-pha-vo-mot-am-muu-khung-bo-bang-bom-sinh-hoc
Nhật Bản ngưng
diễn tập phòng ngừa tên lửa Bắc Triều Tiên
Hội nghi thượng đỉnh Trump-Kim tại Singapore tiếp tục có tác động tích cực : Sau Mỹ và Hàn Quốc, đến lượt Nhật Bản quyết định ngưng những bài tập huấn chuẩn bị đối phó với khả năng bị Bắc Triều Tiên tấn công bằng tên lửa. Một quan chức chính phủ Nhật Bản hôm nay 21/06/2018 cho biết là Tokyo sẽ có thông báo chính thức vào ngày mai 22/06.
Theo hãng tin Anh Reuters, một quan chức tại thành phố Yaita ở miền bắc Nhật Bản đã xác nhận rằng chính quyền thành phố được thông báo là chính phủ Nhật Bản đã quyết định ngừng các cuộc luyện tập đã được lên kế hoạch, « căn cứ vào tình hình quốc tế » hiện nay.
Hãng tin Nhật Bản Kyodo cũng cho biết là nhiều địa phương khác tại Nhật cũng đã được thông báo là quyết định trên sắp được chính thức công bố. Theo Kyodo, có 9 tỉnh tại Nhật Bản đã dự trù những bài tập di tản trong năm nay.
Vào năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã khiến Nhật Bản lo ngại khi phóng đi hai hỏa tiễn bay qua bầu trời nước Nhật. Trong bối cảnh Bình Nhưỡng tiếp tục thúc đẩy chương trình hạt nhân, tên lửa, thủ đô Nhật Bản hồi đầu năm nay 2018 đã cho tiến hành một bài tập di tản đầu tiên, và một số thành phố và thị trấn Nhật Bản khác cũng có những hoạt động tương tự.
Tuy nhiên, tại thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên ở Singapore hôm 12/06/2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã hứa « tiến tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, và tổng thống Mỹ cho biết quyết định ngưng các cuộc tập trận Mỹ-Hàn mà chính ông cho là mang tính chất « khiêu khích ».
Quyết định dừng diễn tập chống Bắc Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đang mong muốn một cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un để giải quyết vấn đề công dân Nhật bị gián điệp Bắc Triều Tiên bắt cóc trước đây.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180621-nhat-ban-ngung-dien-tap-phong-ngua-ten-lua-bac-trieu-tien
Hungary thông qua luật
phạt « tội » giúp người nhập cư
Cá nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ giúp đỡ người nhập cư vào Hungary kể từ giờ trở đi sẽ phạm tội hình sự và có thể bị phạt tù. Hôm qua, 20/06/2018, Quốc Hội Hungary đã chính thức thông qua bộ luật với quy định như trên. Luật vừa thông qua có tên gọi « Stop-Soros » được trình theo sáng kiến của thủ tướng Viktor Orban.
Luật mới nhằm vào « những người tổ chức nhập cư bất hợp pháp » được thông qua với 160 phiếu thuận, 18 phiếu chống. Công cụ pháp lý này quy định hình phạt một năm tù cho những ai có hành vi hỗ trợ người nhập cư bất hợp pháp vào Hungary từ một nước không thuộc khu vực tự do đi lại Schengen, trừ trường hợp đối tượng nhập cư gặp nguy hiểm tính mạng.
Tên gọi bộ luật mới gắn với nhà tỷ phú Mỹ gốc Hungary George Soros, người sáng lập quỹ Open Society George Soros, từng tài trợ cho nhiều tổ chức phi chính phủ ở Hungary và trên thế giới. Chính phủ Orban thường xuyên tố cáo quỹ Soros có hoạt động thù nghịch tại Hungary. Hôm 19/06, Quốc Hội Hungary cũng đã thông qua một điều luật đánh thuế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ bị nghi ngờ hỗ trợ người nhập cư.
Nhiều tổ chức phi chính phủ đã lên án luật mới là đòn « tấn công » vào quyền tự do công dân ở Hungary. Phủ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (HCR) hồi tháng 05/2018 đã nhiều lần kêu gọi Hungary « rút lại » bộ luật nói trên.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180621-hungary-thong-qua-luat-phat-%C2%AB-toi-%C2%BB-giup-nguoi-nhap-cu
Người biểu tình Iran bị chặn tại World Cup
Một nhà hoạt động vì nữ quyền của Iran cho biết bà đã bị giật mất biểu ngữ tại World Cup ở Nga hôm 20/6 và bị chặn không cho vào sân vận động hai giờ đồng hồ sau khi cuộc biểu tình trước đó của bà thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.
Bà Maryam Qashqaei Shojaei được Reuters trích lời nói rằng bà bị nhân viên an ninh giữ hai tiếng tại sân vận động chính ở Kazan trước trận đấu giữa Iran và Tây Ban Nha.
Nhà hoạt động này dự tính sẽ giơ cao biểu ngữ phản đối Iran cấm phụ nữ tới sân vận động xem bóng đá.
Một nữ phát ngôn viên của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) nói rằng tổ chức này cùng Ban tổ chức ở địa phương (LOC) cũng như các lực lượng an ninh Nga đang điều tra vụ việc.
Người phát ngôn này được Reuters trích lời nói rằng “các biểu ngữ ủng hộ các fan nữ tới sân vận động xem bóng đá tại Iran đã được FIFA và LOC thông qua trước khi World Cup 2018 khai mạc”.
Ngoài ra, nữ phát ngôn viên của FIFA cho biết rằng các biểu ngữ trên được Liên đoàn Bóng đá Thế giới coi là một lời vận động xã hội, chứ không phải là một khẩu hiệu chính trị, nên không bị cấm theo các quy định hiện hành.
Bà Shojaei đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế trong trận đấu đầu tiên của Iran với Marốc tuần trước, khi bà giơ cao biểu ngữ tại sân vận động ở St. Petersburg với nội dung: “Ủng hộ phụ nữ Iran tới sân vận động #khôngcấmphụnữ”.
World Cup 2018 : Pháp thận trọng cao độ trước Peru
Hôm nay, lúc 17 giờ (giờ Pháp), trên sân vận động thành phố Ekaterinburg, đội tuyển Pháp bước vào trận thứ 2 vòng bảng, gặp đội tuyển Peru của khu vực Nam Mỹ. Đây là trận cầu quan trọng với đội quân của huấn luyện viên Didier Dechamps, sau chiến thắng 2-1 trước đội Úc.
Để cầm chắc chiếc vé vào vòng 1/8, các cầu thủ áo Lam buộc phải có chiến thắng. Ở trận ra quân, dù có 3 điểm trước đội đại diện châu Á, bị đánh giá là yếu hơn, nhưng các cầu thủ Pháp đã phải khá vất vả và phải nhờ một phần vào sự hỗ trợ của công nghệ trọng tài video VAR. Huấn luyện viên Didier Déchamps sẽ phải điều chỉnh lại đội hình, chủ yếu hàng tấn công. Tiền đạo Olivier Giroud sẽ được đưa vào đá chính ngay từ đầu, thay cho Ousmane Dembele, trong trận ra quân có vẻ chơi chưa được ăn ý với đồng đội.
Người hâm mộ Pháp đang chờ đợi các ngôi sao hàng đầu của sân cỏ châu Âu trong đoàn quân của ông Dechamps khẳng định được chính mình, tìm được phong độ cao nhất và cảnh giác cao độ thì mới có hy vọng chế ngự được các cầu thủ đến từ Nam Mỹ.
Peru, từ năm 1982, nay mới trở lại World Cup, có lối chơi kỹ thuật, linh hoạt, rất khó chịu. Trong thế bị dồn đến chân tường sau trận thua Đan Mạch 0-1 ở trận ra quân và nhất là khi Đan Mạch vừa bị Úc cầm chân 1-1, Peru muốn có hy vọng thì buộc phải thắng Pháp. Người Peru đang mơ đội tuyển làm nên được kỳ diệu trước Pháp. Cả đất nước Peru đang đứng sau đội tuyển.
Nếu thua hoặc hòa trước Peru, thì chưa hẳn đã là thảm họa, nhưng các cầu thủ áo Lam sẽ không còn tự quyết được được số phận và đường vào vòng 1/8 sẽ trở nên phức tạp với Pháp.
Achentina – Croatia : Sứ mệnh lớn lại đặt lên vai Messi
Sau trận Pháp – Peru ít giờ, bảng D bước vào loạt trận thứ 2 với cặp đấu Achentina gặp Coatia. Messi và đồng đội của anh phải quên đi nỗi thất vọng ở trận hòa Iceland. Nhưng đối thủ của Achentina tối nay là Croatia, hiện dẫn đầu bảng D, sau chiến thắng 2-0 trước Nigeria. Tuyển Croatia với các danh thủ như Mandzukic, Ratkitic hay Modric, hơn hẳn Iceland về thứ hạng đẳng cấp và được đánh giá là một đội bóng khó chơi và nguy hiểm cho bất kỳ đội bóng lớn nào. Achentina mà lối chơi tập trung chủ yếu vào tài năng cá nhân và lần này, áp lực đè lên đôi chân của Messi lại nặng hơn gấp bội. Các cổ động viên Achentina vẫn tiếp tục trông chờ Messi tỏa sáng.
Những đội đầu tiên đi tiếp hoặc ra về
Sau ngày thì đấu hôm qua, đã xác định được hai đội bóng đầu tiên của bảng A đi tiếp vào vòng trong. Đó là Uruguay sau khi hạ Ả Rập Xê Út 1-0, kết quả này đồng thời xác định Nga giành vé vào vòng 1/8. Trước đó, đội chủ nhà đã có 2 chiến thắng 5-0 trước Ả rập Xê Út và 3-1 trước Ai Cập. Đến lúc này, đã có ba đội phải rời World Cup sớm : Ai Cập, Ả Rập Xê Út và Maroc.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180621-world-cup-2018-phap-than-trong-cao-do-truoc-peru