Tin khắp nơi – 21/05/2018
Làm sao biết Bắc Hàn thực sự phi hạt nhân hóa?
Catherine DillMIIS
Bắc Hàn nói sẽ dỡ bỏ một địa điểm thử hạt nhân cuối tuần này với sự chứng kiến của báo chí. Nhưng để xem họ làm gì để thực sự phi hạt nhân hóa.
Cơ sở thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng – khu phức hợp Punggye-ri nằm ở vùng núi phía đông bắc Bắc Hàn.
Bắc Hàn: Mỹ ‘khiêu khích’ đe dọa đến hòa bình
Nam Hàn tắt loa phát thanh nhắm vào Bắc Hàn
Nơi này đã được dùng cho sáu vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006, nhưng Bắc Hàn cho hay “các biện pháp kỹ thuật” sẽ được thực hiện từ 23-25/5 để tháo dỡ địa điểm này.
Bắc Hàn cam kết phi hạt nhân hóa, nhưng lại đe dọa rút khỏi các cuộc đàm phán dự kiến với ông Trump do bất đồng trong cách thức thực hiện.
Thoạt tiên, cam kết của Kim Jong-un về đóng cửa cơ sở thử hạt nhân dường như là bước đầu tiên để chấm dứt chương trình hạt nhân. Nhưng thực sự nước này sẽ đi xa đến đâu trong phi hạt nhân hóa?
Đánh giá đúng đắn
Punggye-ri là địa điểm thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn, với một hệ thống đường hầm đào dưới lòng núi Mantap gần đó. Địa điểm này được cho là đã sụp đổ một phần.
Bình Nhưỡng nói việc mời các nhà quan sát nước ngoài – các nhà báo Nam Hàn và quốc tế – chứng kiến các đường hầm bị đánh sập và các cơ sở quan sát bị dỡ bỏ sẽ thể hiện việc Bắc Hàn làm việc một cách ‘minh bạch’.
Nhưng không rõ các chuyên gia có được mời hay không? Việc mời chuyên gia là biện pháp cần thiết để đánh giá một cách đúng đắn.
Việc mời Tổ chức Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện (CTBTO) cho phép xác nhận rằng địa điểm này không còn khả năng tiến hành thử nghiệm hạt nhân nữa.
Tổ chức này, một nhóm giám sát do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn nhằm cấm các thử nghiệm hạt nhân trên toàn thế giới, duy trì một mạng lưới cảm biến để đảm bảo rằng không có vụ thử hạt nhân nào được tiến hành.
Các chuyên gia có thể đưa ra đánh giá kỹ thuật về việc hoàn tất phá hủy khu thử hạt nhân.
Các nhà phân tích sẽ chờ đợi chứng kiến sự sụp đổ của các đường hầm còn lại tại Punggye-ri và việc dỡ bỏ các thiết bị giám sát.
Sau buổi lễ, hình ảnh vệ tinh sẽ được các nước và các chuyên gia độc lập sử dụng để theo dõi hoạt động, các tòa nhà và thiết bị mới, việc này có thể giúp chỉ ra rằng Bắc Hàn có kế hoạch tiếp tục thử nghiệm hạt nhân nữa hay không.
Hình ảnh vệ tinh có thể không hữu ích nếu Bắc Hàn triển khai một địa điểm thử nghiệm hạt nhân mới. Nước này có nhiều ngọn núi khác có thể sử dụng cho mục đích này.
Nhưng nếu như vậy, Bắc Hàn cũng không thể giấu được bất kỳ hoạt động thử nghiệm nào dưới lòng đất, vì các chấn động địa chấn sẽ bị phát hiện.
Việc Bắc Hàn sẵn lòng tháo dỡ cơ sở thử hạt nhân ở Punggye-ri có thể chỉ ra nước này tin rằng các chương trình hạt nhân của mình đã đạt đến sự phát triển hoàn thiện và việc thử nghiệm toàn diện không còn cần thiết nữa.
Việc này cũng có thể chỉ là bước sơ khai hướng tới việc phi hạt nhân hóa, vì chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn vượt xa sự tồn tại của một cơ sở thử nghiệm hạt nhân.
Bắc Hàn có một loạt các cơ sở cho phép làm giàu uranium và plutonium – các vật liệu phân hạch cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trong số này có một số mỏ uranium, cũng như các máy ly tâm, lò phản ứng hạt nhân và các thiết bị tái chế tại cơ sở chế tạo hạt nhân chính – Yongbyon.
Ngoài ra, Bắc Hàn có hệ thống vận chuyển vũ khí – một chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tuy nhiên, đầu năm nay, khi mối quan hệ giữa hai miền Nam Bắc trên bán đảo Triều Tiên ấm lên, Bắc Hàn tuyên bố ngưng tất cả các thử nghiệm tên lửa và hạt nhân.
Năm 1994, sau một Thỏa thuận Khung, Bắc Hàn ngưng chương trình hạt nhân, đổi lại nước này nhận được dầu nhiên liệu và hai lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã thực hiện thành công các cuộc kiểm tra để xác minh rằng Bắc Hàn không chuyển hướng vật liệu hạt nhân sang sản xuất vũ khí.
Tuy nhiên, cam kết của Bắc Hàn không thể không đảo ngược. Năm 2002, sau sự sụp đổ của thỏa thuận phi hạt nhân hóa, Bình Nhưỡng tuyên bố kích hoạt trở lại cơ sở chế tạo hạt nhân Yongbyon. Năm 2005, Bắc Hàn thừa nhận sản xuất vũ khí hạt nhân để ‘tự vệ’.
Bất kỳ thỏa thuận phi hạt nhân hóa nào trong tương lai sẽ đòi hỏi các cuộc kiểm tra đột xuất được thực hiện.
Việc phá hủy địa điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri có thể mất vài tuần, nhưng để xác minh Bắc Hàn có dỡ bỏ hoàn toàn các cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân hay không phải mất nhiều năm.
Và có rất nhiều cách khiến quá trình này có thể trở nên tồi tệ.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-44192983
Venezuela: Maduro thắng nhiệm kỳ hai
Hội đồng Bầu cử Venezuela loan báo Tổng thống Nicolás Maduro thắng cuộc bầu cử, sự kiện bị phe đối lập tẩy chay và cáo buộc xảy ra gian lận phiếu bầu.
Báo cáo sơ bộ cho biết lượng cử tri đi bỏ phiếu thấp bất thường – chỉ hơn 30%.
Ứng viên đối lập chính, Henri Falcón không công nhận kết quả ngay sau khi các phòng phiếu đóng cửa, tuyên bố cuộc bầu cử “là không hợp lệ.”
Mỹ đóng băng tài sản tổng thống Venezuela
Tổng thống Venezuela kêu gọi đối thoại
Venezuela: Cấm đối lập tranh cử năm 2018
“Chúng ta không công nhận cuộc bầu cử này là hợp lệ… Chúng ta phải có cuộc bầu cử mới ở Venezuela,” ông nói.
Trước đó, ông Falcón cho rằng cuộc bỏ phiếu đã bị gian lận theo hướng có lợi cho ông Maduro, bằng cách lạm dụng việc quét thẻ phúc lợi do nhà nước cấp – được dùng để nhận thực phẩm.
Giới chức chính phủ cho biết cuộc bầu cử là “tự do và công bằng” nhưng hầu hết phe đối lập đã tẩy chay sự kiện này.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không công nhận kết quả cuộc bầu cử này.
Venezuela: Trực thăng tấn công Tòa Tối cao
Venezuela: Trump cảnh báo Maduro
Khủng hoảng Venezuela: Đụng độ, triệu người đình công
Mỹ chế tài 13 quan chức Venezuela
Viết trên Twitter trước cuộc bỏ phiếu, phái đoàn Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc gọi cuộc bầu cử ở Venezuela “sỉ nhục dân chủ”.
Cuộc bầu cử ban đầu dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2018, nhưng Hội đồng Lập pháp Quốc gia, cơ quan tập hợp những người ủng hộ ông Maduro, đẩy sự kiện này diễn ra sớm hơn.
Liên minh Đoàn kết Dân chủ đối lập cho biết cuộc bầu cử được đẩy lên sớm hơn nhằm tận dụng việc liên minh này đang bị chia rẽ. Hai ứng viên của họcũng bị cấm tranh cử, trong lúc những ứng viên đi khỏi nước này.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-44187457
TT Trump đòi Tư pháp điều tra
về do thám bầu cử
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ ra lệnh vào ngày 21/5 phải điều tra về các cáo buộc rằng một người chỉ điểm của FBI đã thâm nhập vào ban vận động bầu cử năm 2016 của ông. Phát biểu của ông có thể dẫn đến đối đầu với Bộ Tư pháp.
“Tôi yêu cầu, và sẽ chính thức làm điều đó vào ngày mai, rằng Bộ Tư pháp xem xét liệu FBI/DOJ [Cục Điều tra Liên bang/Bộ Tư pháp] có thâm nhập hay do thám Ban vận động bầu cử của Trump vì mục đích chính trị hay không, và liệu có bất kỳ yêu cầu hoặc đề nghị nào do người trong chính quyền ông Obama đưa ra hay không!”, ông Trump viết trên Twitter hôm 20/5.
Sau đó trong cùng ngày 20/5, Bộ Tư pháp thông báo họ đã yêu cầu tổng thanh tra mở rộng việc tái soát về “quy trình áp dụng” Luật Do thám Tình báo Nước ngoài (FISA) “để bao gồm cả việc xác định xem liệu có bất kỳ động cơ chính trị hay sự bất phù hợp nào không trong việc FBI điều tra phản gián đối với những người bị tình nghi dính líu đến các điệp viên Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016″, phát ngôn viên của bộ, Sarah Isgur Flores, cho hay trong một tuyên bố.
“Nếu có ai xâm nhập hoặc do thám những người tham gia trong một ban vận động tranh cử tổng thống vì mục đích không phù hợp, chúng ta cần phải biết về điều đó và có hành động thích hợp”, Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein nói trong một tuyên bố.
Trong vòng vài phút sau khi các ý kiến của tổng thống xuất hiện trên Twitter, các thành viên của chính quyền ông Obama và những người khác đã phản ứng với sự kinh ngạc. Họ tin rằng lời đe dọa của ông Trump có thể là sự can thiệp nghiêm trọng nhất vào hệ thống tư pháp của Mỹ kể từ khi tổng thống sa thải Giám đốc FBI James Comey trong khi ông ta điều tra về ban vận động tranh cử của ông Trump.
Ông Trump hôm 19/5 than phiền rằng Cục Điều tra Liên bang và Bộ Tư pháp đã xâm nhập ban vận động bầu cử của ông bằng cách sử dụng một người chỉ điểm kết nối liên lạc với ba cộng sự trong ban trước khi chuyển thông tin đến FBI.
Một số hãng tin đã xác định danh tính của người chỉ điểm là Stefan Halper, một giáo sư 73 tuổi sinh ra ở Mỹ, làm việc tại Đại học Cambridge của Anh, ông này cũng đã làm việc trong ba chính quyền Cộng hòa khác.
Ông Benjamin Wittes, một chuyên gia kỳ cựu của Viện Brookings, chuyên về luật an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, nói ông Trump “chắc chắn” có thẩm quyền để yêu cầu.
Ông Wittes cũng dự đoán là Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, Thứ trưởng Rosenstein, và Giám đốc FBI Christopher Wray sẽ không tuân theo mệnh lệnh của ông Trump.
Trong ngày 20/5, ông Trump tiếp tục phàn nàn về cuộc điều tra kéo dài cả năm để xác định xem ban vận động bầu cử năm 2016 của ông có hợp tác với Nga hay không và liệu ông có cản trở công lý bằng cách cố gắng ngăn chặn cuộc điều tra hay không.
“Mọi chuyện đang thực sự trở nên nực cười”, ông Trump than phiền trong một ý kiến đăng trên Twitter. Ông đặt câu hỏi đến lúc nào cuộc điều tra mới kết thúc, và cho rằng nó “sẽ sớm trở thành cuộc truy sát chính trị tốn đến 20 triệu đôla”.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-doi-tu-phap-dieu-tra-ve-do-tham-bau-cu/4403016.html
Bộ Tư pháp Mỹ sẽ điều tra
‘sự xâm nhập’ chiến dịch Trump
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sẽ điều tra liệu các nhân viên FBI có theo dõi chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016 của Donald Trump cho “mục đích không đúng đắn” hay không.
Viết trên Twitter, ông Trump nói ông muốn biết liệu chính quyền của người tiền nhiệm có ra lệnh như vậy.
Động thái này diễn ra sau khi truyền thông Mỹ cho hay FBI đã thẩm vấn một trợ lý chiến dịch Trump.
Trump ‘trông đợi’ được thẩm vấn
Trump bị điều tra ‘khả năng cản trở công lý’
Liên hệ Trump với Nga sẽ bị điều tra
Donald Trump xác nhận bị điều tra
Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein cho biết sẽ có hành động nếu phát hiện bất kỳ sự xâm nhập nào.
“Nếu có ai xâm nhập hoặc theo dõi người tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống vì mục đích không đúng đắn, chúng ta cần phải biết và có hành động tương thích”, thông cáo của ông Rosenstein viết.
Phạm vi điều tra là gì?
Đã có một cuộc điều tra về tất cả các khía cạnh liên quan đến chiến dịch Trump và liệu Nga có định tác động đến kết quả hay không.
Yêu cầu mới nhất của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh một loạt các mẩu tweet hôm 20/5 tố cáo “cuộc săn lùng phù thủy” mà ông nói rằng đã không phát hiện được sự thông đồng nào trong chiến dịch của ông với Nga.
Trump ‘đã yêu cầu FBI ngừng điều tra Flynn’
Trump mất thêm luật sư cho vụ điều tra Trump-Nga
Điều tra Trump-Nga ‘phát xuất từ rò rỉ của Úc’
Trump giận dữ về vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử
Chi tiết này nhắc đến cuộc điều tra do Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang dẫn dắt để tìm hiểu xem có bất kỳ thông đồng nào giữa điện Kremlin và chiến dịch Trump hay không và liệu tổng thống có định cản trở cuộc điều tra này.
Ông Trump đã liên tục công kích cuộc điều tra.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-44187456
Mark Zuckerberg đồng ý cho phát trực tiếp
cuộc điều trần ở quốc hội EU
Mark Zuckerberg, người đứng đầu tập đoàn Facebook, đồng ý cho phát trực tiếp cuộc làm việc với các thành viên Nghị Viện Liên Minh Châu Âu- EU liên quan vụ tai tiếng Facebook tiết lộ thông tin cá nhân người sử dụng qua Công ty dữ liệu Anh Cambridge Analytica.
Bản tin AFP loan đi ngày 21 tháng 5 cho hay ban đầu cuộc làm việc diễn ra vào ngày 22 tháng 5 là họp kín; tuy nhiên một số thành viên Nghị Viện Liên Minh EU có uy tín yêu cầu cần phải công khai.
Chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Antonio Tajani được AFP dẫn tuyên bố viết trên tài khoản Twitter của cá nhân ông này về việc thuyết phục Mark Zuckerberg và được chấp nhận để cho phát trực tiếp cuộc gặp gỡ.
Theo ông Antonio Tajani thì đây là một tin quan trọng đối với công dân khối EU, vì có đến 2 triệu 700 ngàn công dân EU bị tác động bởi vụ tai tiếng bị lộ thông tin cá nhân trên Facebook.
Cuộc làm việc giữa các thành viên Nghị Viện Liên Minh Châu Âu được tiến hành vào khi khối này đang đưa ra luật bảo vệ dữ liệu mới được cho là chặt chẽ hơn và Facebook nói sẽ tuân thủ luật đó.
Vào đầu tháng này, Facebook thừa nhận thông tin cá nhân của 87 triệu người sử dụng bị lộ qua Công ty dữ liệu Cambridge Analytical.
Bản thân Mark Zuckerberg nhiều lần lên tiếng xin lỗi về vụ tai tiếng này và vào tháng tư vừa qua có cuộc điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ. Trong cuộc điều trần, Mark Zuckerberg cho rằng luật mới về bảo vệ dữ liệu của EU có thể là một kiểu mẫu cho toàn cầu.
Vào ngày 25 tháng 5 tới đây, luật mới về bảo vệ dữ liệu của EU bắt đầu có hiệu lực.
Ông Pompeo:
Mỹ sẽ trừng phạt ‘mạnh mẽ nhất’ đối với Iran
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 21/5 đe dọa áp đặt “các lệnh trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử” đối với Iran nếu lãnh đạo của nước này không thay đổi chính sách đối ngoại và đối nội của nước này.
Vài tuần sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran, ông Pompeo đã nêu ra cách tiếp cận cứng rắn đối với nước Cộng hòa Hồi giáo, bao gồm làm việc chặt chẽ với Ngũ Giác Đài và các đồng minh trong khu vực để kiềm chế Iran.
Ông Pompeo đã đưa ra 12 yêu cầu đối với Iran và nói rằng việc giảm các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ chỉ xảy ra khi Washington nhìn thấy những thay đổi hữu hình trong chính sách của Iran.
Ông Pompeo cho biết đối với những người làm ăn với Iran trong những lĩnh vực bị cấm, Hoa Kỳ sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm.
Lời đe dọa của ông về các biện pháp trừng phạt thêm nữa được đưa ra khi Anh, Pháp và Đức – các bên châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt – đang tìm cách duy trì hiệu lực của hiệp định với Iran sau khi Washington rút ra.
Ông Pompeo cho biết Washington có quan điểm cởi mở về một hiệp ước mới và muốn có sự ủng hộ của các đồng minh của Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-pompeo-my-se-trung-phat-manh-me-nhat-doi-voi-iran/4403131.html
Malaysia lập ban chuyên án điều tra 1MDB
Malaysia mới lập một lực lượng đặc nhiệm sẽ xem xét hành vi tội phạm có thể có của các cá nhân tham gia vào việc quản lý quỹ nhà nước có tên 1Malaysia Development Berhad (1MDB), văn phòng thủ tướng cho biết hôm 21/5.
Lực lượng đặc nhiệm, bao gồm cơ quan chống tham nhũng, cảnh sát và ngân hàng trung ương, cũng sẽ chịu trách nhiệm xác định và tịch thu những tài sản bị cáo buộc là xuất phát từ các nguồn tiền tuồn từ quỹ nhà nước do cựu thủ tướng Najib Razak lập vào năm 2009.
Ông Najib cầm quyền trong gần 10 năm cho đến khi thất cử hôm 9/5. Hiện ông đang gặp nhiều rắc rối.
“Lực lượng đặc nhiệm này cũng sẽ chịu trách nhiệm tìm cách hợp tác với các cơ quan chấp pháp khác nhau ở Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Singapore, Canada và các nước liên quan khác”, văn phòng tân Thủ tướng Mahathir Mohamad cho biết trong một tuyên bố.
https://www.voatiengviet.com/a/malaysia-lap-ban-chuyen-an-dieu-tra-1mdb/4403076.html
Hội kiến Modi – Putin tại Nga
có ý nghĩa gì với Ấn Độ ?
Hôm nay 21/05/2018, thủ tướng Ấn Độ tới Nga. Thủ tướng Modi có cuộc gặp « không chính thức » với tổng thống Nga Vladimir Putin, vừa tái đắc cử. Với New Delhi, cuộc gặp lãnh đạo Nga có ý nghĩa đặc biệt. Ấn Độ và Nga phải xác định lại nhiều quan hệ hợp tác truyền thống, trong bối cảnh cục diện địa chính trị quốc tế đang biến đổi nhanh chóng. New Delhi, một mặt, ngày càng được coi là đối tác chiến lược trụ cột của Mỹ, nhưng mặt khác, lại có nguy cơ bị Washington trừng phạt nặng nề, do tiếp tục mua vũ khí của Nga, bị coi là đối thủ hàng đầu của Hoa Kỳ.
Đây là lần đầu tiên thủ tướng Ấn Độ hội kiến với nguyên thủ Nga, kể từ khi ông Putin nhậm chức. Chuyến công du của thủ tướng Ấn diễn ra trong ngày. Chín giờ 40 phút sáng máy bay hạ cánh tại Sotchi, 18g10 theo kế hoạch thủ tướng Ấn trở về nước.
« Gặp không chính thức »
Theo báo chí Ấn Độ, tổ chức các cuộc gặp không chính thức với một số đối tác, là phong cách ngoại giao mới đây của thủ tướng Modi. Hồi cuối tháng trước, thủ tướng Ấn cũng đã có một cuộc gặp không chính thức với chủ tịch Trung QuốcTập Cận Bình tại thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc.
Theo báo chí Ấn Độ, vấn đề ưu tiên hàng đầu của cuộc gặp Sotchi là tác động kinh tế với Ấn Độ và Nga sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tình hình tại Afghanistan và Syria, nguy cơ khủng bố, cũng như các vấn đề liên quan đến Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hảivà Khối BRICS, mà hai nước là thành viên.
Mở rộng hợp tác về hạt nhân dân sự, hợp tác về tuyến đường giao thông quốc tế Bắc Nam (INSTC) (từ Ấn Độ đến châu Âu qua Nga và khu vực trung Á), và đặc biệt là vấn đề mua bán vũ khí, trong bối cảnh Hoa Kỳ ra luật trừng phạt các công ti có hợp đồng quân sự lớn với Nga, cũng có thể là những nội dung chính của chương trình.
Chuyên gia chính trị quốc tế Harsh Pant, trong một bài viết ít ngày trước chuyến công du của thủ tướng Modi đến Nga (1), ghi nhận : Ấn Độ vốn có quan hệ đồng minh lâu đời với Nga, nhưng mối quan hệ truyền thống này hiện đứng trước áp lực phải thay đổi, do các thực tế địa-chính trị đang biến đổi mau chóng.
Trong lúc New Delhi và Matxcơva, về mặt chính thức, vẫn tuyên bố hợp tác chặt chẽ, nhưng những khác biệt giữa đôi bên « đang liên tục xuất hiện với một nhịp độ đáng ngại ».
Quan hệ phai nhạt ?
Vấn đề hàng đầu với Ấn Độ là Nga ngày càng có xu hướng xích lại gần với Pakistan, quốc gia láng giềng và cũng là đối thủ của New Delhi. Trong quá khứ, Matxcơva thường xuyên hậu thuẫn Ấn Độ tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, với việc bỏ phiếu phủ quyết các nghị quyết liên quan đến vấn đề Kashmir, vùng lãnh thổ là đối tượng tranh chấp ngay từ khi Ấn Độ và Pakistan lập quốc năm 1947.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, khu vực Nam Á ngày càng trở thành đối tượng ưu tiên của Nga, trong bối cảnh Matxcơva bị cô lập do các trừng phạt phương Tây, kể từ năm 2014. Lần đầu tiên Nga ủng hộ một đường ranh giới tại Kashmir, với việc tham gia vào Tuyên bố chung Islamabad, trong một hội nghị quốc tế diễn ra tại thủ đô Pakistan tháng 12/2017, với sự tham gia của 5 quốc gia khác, là Afghanistan, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan.
Tuyên bố chung nhấn mạnh là « để bảo đảm hòa bình và ổn định trên thế giới và trong khu vực, vấn đề Jammu và Kashmir cần phải được Pakistan và Ấn Độ giải quyết thể theo các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An ».
Nga xích gần với Pakistan và Trung Quốc
Bên cạnh vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Pakistan là vấn đề Trung Quốc. Trong chuyến công du New Delhi tháng 12/2018, ngoại trưởng Nga Sergueil Lavrov công khai hối thúc Ấn Độ tham gia vào sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh. Về lập trường đối kháng của New Delhi đối với hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (một bộ phận chính của dự án Con Đường Tơ Lụa Mới tại Nam Á), do các vấn đề chủ quyền, ngoại trưởng Nga nhấn mạnh với Ấn Độ là không nên để toàn bộ các cơ hội hợp tác còn lại trong dự án này phụ thuộc vào việc giải quyết một số « bất đồng về chính trị ».
Một vấn đề quan trọng khác mà ngoại trưởng Nga tỏ ra bất bình với New Delhi là việc Ấn Độ tham gia vào «Bộ Tứ » Ấn Độ – Thái Bình Dương, do Hoa Kỳ đứng đầu, mà Ấn Độ tham gia cùng với Nhật Bản và Úc. Theo ông Lavrov, không thể để cho « kiến trúc an ninh khu vực lâu dài tại vùng châu Á – Thái Bình Dương » bị phụ thuộc vào quyết định của một khối như vậy.
Tóm lại, theo chuyên gia Harsh Pant, những thay đổi mang tính nền tảng của môi trường chính trị quốc tế đang ngày càng khiến Ấn Độ và Nga, hai quốc gia vốn gắn bó lâu đời, xa nhau hơn.
Đổi mới quan hệ tay ba với Nga và Trung Quốc là một vấn đề chủ yếu trong chính sách quốc tế hiện nay của Ấn Độ. Tại vùng Ấn Độ Dương, New Delhi đang đứng trước tình trạng bị Trung Quốc lấn sâu vào các khu vực ảnh hưởng truyền thống. Tại Nam Á, Bắc Kinh siết chặt quan hệ với Pakistan và đe dọa vùng biên giới phía tây bắc của Ấn Độ. Trong các chuyển động về ngoại giao đang diễn ra, trong lúc Nga có thể tìm kiếm các hợp tác với Trung Quốc trong thế đối đầu với phương Tây, nhưng đây lại hoàn toàn không phải là hướng đi của New Delhi, vốn vẫn coi phương Tây là đồng minh.
Tóm lại, theo chuyên gia Harsh Pant, đây là thời điểm mà New Delhi cần xem xét lại quan hệ truyền thống lâu đời với Matxcơva, vốn chủ yếu dựa trên hợp tác quốc phòng, trong khi đó mặt kinh tế lại bị coi nhẹ. Giờ là lúc Ấn Độ và Nga cần có « các đối thoại thẳng thắn » về thực trạng quan hệ song phương. Nếu chỉ dựa trên các tình cảm vốn có, New Delhi và Matxcơva sẽ không thể đối mặt được với « các thách thức mới » của đời sống chính trị thế giới đang trong giai đoạn thay đổi sâu sắc.
Ngả về Mỹ, không bỏ Nga : Cái khó của Ấn Độ
Trong lĩnh vực quốc phòng, một vấn đề nhức đầu đối với New Delhi hiện nay là làm sao chuyển hướng sang mua thêm nhiều vũ khí của Mỹ, nhưng vẫn duy trì quan hệ bạn hàng quân sự với Nga, bởi Matxcơva không chỉ là nguồn cung cấp vũ khí có chất lượng, mà còn là đồng minh lâu năm.
Sau khi chính quyền Mỹ thông qua luật CAATSA (luật nhắm Chống lại những đối thủ của Hoa Kỳ thông qua các biện pháp trừng phạt), hồi tháng 7/2017, để trả đũa lại việc Matxcơva can thiệp vào bầu cử Hoa Kỳ, các đối tác tham gia các hợp đồng mua bán vũ khí « quy mô lớn » với Nga sẽ bị trừng phạt. Hợp đồng 5 hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 – trị giá khoảng 4,5 tỉ đô la – mà New Delhi đang tìm cách ký kết với Nga chắc chắn là đối tượng của trừng phạt này.
Báo Ấn Độ bình luận « ám ảnh trừng phạt Mỹ đè nặng lên cuộc hội kiến không chính thức của thủ tướng Narendra Modi và tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai này tại Sotchi » (2). Trong một thông điệp trên Twitter cuối tuần trước, thủ tướng Ấn cho biết ông « tin tưởng là cuộc đối thoại với tổng thống Putin cho phép củng cố quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt » với Nga, đồng thời khẳng định quyết tâm hóa giải các trở ngại từ Hoa Kỳ.
Vận động trong chính giới Mỹ
Về mặt chính thức, Washington tỏ ra cứng rắn trong việc áp dụng luật CAATSA – trừng phạt các bạn hàng vũ khí của Nga, tuy nhiên, trong chính giới Mỹ – Ấn, đang có nhiều vận động để giúp cho New Delhi được hưởng quy chế miễn trừ.
Theo ông Mukesh Aghi, chủ tịch Diễn đàn đối tác chiến lược Mỹ-Ấn (USISPF), cần ghi nhận xu thế Ấn Độ ngả sang mua nhiều vũ khí của Mỹ là điều nổi rõ (3).
Một báo cáo của Ủy Ban Quân Lực Quốc Hội Mỹ mới đây cho biết, trong ba năm vừa qua New Delhi ký kết 13 hợp đồng vũ khí với các doanh nghiệp Mỹ, trị giá tổng cộng 4,3 tỉ đô la, trong lúc chỉ có 12 hợp đồng với Nga, trị giá 1,2 tỉ. Tình hình này là khác hẳn so với cách nay một thập niên Ấn Độ gần như không hề mua vũ khí Mỹ.
Chủ tịch Diễn đàn đối tác chiến lược Mỹ-Ấn cảnh báo là, nếu Hoa Kỳ cứ khăng khăng áp dụng các trừng phạt đối với Ấn Độ, thì chẳng khác nào gậy ông đập lưng ông, vì New Delhi sẽ phải « chịu các áp lực chính trị rất lớn », đến mức sẽ không có hợp đồng mua vũ khí lớn nào với Mỹ nữa (cụ thể là các hợp đồng mua chiến đấu cơ F-16 của Lockheed Martin hay F-18 của Boeing). Chưa kể đến việc quan hệ song phương Mỹ-Ấn sẽ bị tổn thất nặng nề.
Trước nguy cơ này, bộ Quốc Phòng Mỹ phải lên tuyến đầu. Hôm 27/04, trước Thượng Viện Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ khẩn cấp ra một luật mới, để sửa đổi luật CAATSA trừng phạt các bạn hàng của Nga.
Theo lãnh đạo quốc phòng Mỹ, Quốc Hội cần dành cho lãnh đạo ngoại giao quyền hạn ra quyết định miễn trừ đối với từng trường hợp một. Cụ thể là với Ấn Độ – vốn được coi là « đối tác quốc phòng lớn » của Mỹ, hay Việt Nam, cũng như các quốc gia nào, tuy vẫn là bạn hàng vũ khí của Nga, nhưng đang tìm cách dần dần chuyển hướng.
Vẫn theo báo Ấn Times of India, mới đây các giới chức cấp bộ Ấn – Mỹ đã có nhiều tiếp xúc về chủ đề này, Washington bảo đảm với New Delhi là các trừng phạt sẽ chỉ nhắm vào Nga chứ không vào Ấn Độ.
****
(1) Trong bài « Modi goes to Sotchi », đăng tải trên trang mạng của Observer Researcher Foundation, ngày 18/05/2018.
(2) Times of India, ngày 17/05/2018.
(3) Bài « Why Punishing India on Russia Would Be a Mistake for the United States », trên The Diplomat, ngày 17/05/2018.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180521-hoi-kien-modi-putin-tai-nga-co-y-nghia-gi-voi-an-do
Nghị Viện Anh Quốc
đòi chống tiền « dơ bẩn » của Nga
Một ủy ban Nghị Viện Anh vào hôm nay, 21/05/2018, đã kêu gọi chính quyền đề ra biện pháp nhằm ngăn chặn dòng tiền « dơ bẩn » của Nga đang lưu hành ở Luân Đôn.
Trong một bản báo cáo, Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Anh cho rằng : « Không có lý do gì để Anh Quốc nhắm mắt làm ngơ trong lúc những kẻ cắp của tổng thống Nga Putin và những kẻ vi phạm nhân quyền sử dụng đồng tiền được rửa tại Luân Đôn để mua chuộc đồng minh (của nước Anh), làm suy yếu đối tác và làm giảm lòng tin vào định chế của Anh Quốc ».
Thủ tướng Anh Theresa May đã có biện pháp cứng rắn đối với Matxcơva sau vụ cựu điệp viên Nga Serguei Skripal bị đầu độc vào đầu tháng 3 vừa qua : Trục xuất một số nhà ngoại giao, cam kết truy lùng các tội phạm và phần tử tham nhũng…
Tuy nhiên đối với các nghị sĩ Anh, các biện pháp nói trên chưa đủ, mà cần phải có hành động mạnh mẽ hơn vì những người thân cận tổng thống Nga tiếp tục che giấu tài sản bất chính ở Luân Đôn : « Nước Anh phải cho thấy là đồng tiền do tham nhũng đến từ điện Kremlin không còn được hoan nghênh trên thị trường Anh và Anh Quốc sẽ có hành động ».
Các nghị sĩ còn kêu gọi Luân Đôn hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, nhóm G7 và Liên Hiệp Châu Âu để chống lại Matxcơva.
Theo Reuters, Cơ Quan Phòng Chống Tội Phạm Anh trong tháng Năm này đã công bố một báo cáo theo đó hoạt động rửa tiền lên tới hàng trăm tỉ bảng Anh mỗi năm của giới đại gia giàu có Nga đã có tác hại không nhỏ. Bản báo cáo nói rõ : « Việc các nhân vật có liên quan tới điện Kremlin sử dụng London làm kho chứa tài sản tham nhũng… là mối đe dọa tiềm tàng cho an ninh quốc gia Anh ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180521-nghi-vien-anh-quoc-doi-chong-tien-%C2%AB-do-ban-%C2%BB-cua-nga
Thỏa thuận hạt nhân:
Iran yêu cầu châu Âu nỗ lực thêm
Sau chuyến thăm Teheran trong hai ngày của ủy viên về Năng lượng của Liên Hiệp Châu Âu Miguel Arias Canete, ngoại trưởng Iran ngày hôm qua, 20/05/2018, đã đánh giá là chưa « thỏa đáng » những cam kết mà Liên Hiệp Châu Âu đã đưa ra nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, sau khi Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận và tuyên bố sẽ áp đặt các trừng phạt mới đối với Iran.
Thông tín viên RFI Siavosh Ghazi từ Iran tường trình :
« Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, công luận Iran đã mong đợi rất nhiều, nhưng hậu thuẫn chính trị của Liên Hiệp Châu Âu cho việc tiếp tục áp dụng thỏa thuận hạt nhân là không thỏa đáng ». Sau cuộc gặp với ủy viên châu Âu, ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif đã tuyên bố như trên và nói thêm : « Liên Hiệp Châu Âu phải có thêm những bước cụ thể, và gia tăng đầu tư vào Iran ».
Ngoại trưởng Iran đặc biệt chỉ trích tuyên bố của một loạt tập đoàn châu Âu về ý định rời Iran, sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp. Theo ông, hành động rút lui của các công ty châu Âu không tương thích với cam kết của các quốc gia châu Âu.
Ủy viên châu Âu Miguel Arias Canete là quan chức phương Tây đầu tiên đến Teheran kể từ khi Hoa Kỳ quyết định rút ra khỏi thỏa thuận lịch sử được ký kết vào năm 2015 giữa Iran và sáu cường quốc (gồm 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An và Đức). Thỏa thuận quy định việc Iran hạn chế chương trình hạt nhân, để đổi lấy việc giảm một phần trừng phạt quốc tế chống lại Teheran.
Washington không những đã tuyên bố sẽ tái lập các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran, mà còn cho biết sẽ trừng phạt cả các công ty nước khác làm ăn với Iran.
Một chục tập đoàn châu Âu, trong đó có hãng dầu Total của Pháp, đã thông báo rằng họ sẽ rút ra khỏi thị trường Iran, vì không được Mỹ miễn trừ trừng phạt.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180521-thoa-thuan-hat-nhan-theo-iran-no-luc-cua-lien-hiep-chau-au-chua-du