Tin khắp nơi – 21/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 21/03/2018

Thủ tướng và bộ trưởng công an Slovakia mất chức

Thủ tướng mới được đề cử Peter Pellegrini không lập nổi nội các vì phản đối của chính Tổng thống Andrej Kiska sau khi Thủ tướng tiền nhiệm Robert Fico đã từ chức vì vụ nhà báo Jan Kucial bị giết.

Hôm 20/03, Tổng thống Kiska nói ông không tin rằng tân chính phủ có đủ tính công bằng để điều tra vụ giết người gây chấn động Slovakia.

Vụ giết nhà báo trẻ chấn động Slovakia

Lãnh đạo EU kêu gọi đoàn kết

Ân xá Quốc tế cáo buộc các chính phủ EU

Cựu đảng viên CS sắp làm Thủ tướng Czech

Pellegrini chính là người phó cho ông Fico trong nội các bị giải tán.

Các cuộc xuống đường đều đặn mỗi cuối tuần đã hạ bệ cả ông Fico và Bộ trưởng nội vụ Slovakia, Robert Kalinak.

Ông Kalinak đã từ chức tuần trước.

Nhìn vào danh sách các tân bộ trưởng được đề nghị vào nội các mới, Tổng thống Slovakia nói họ “không đảm bảo được tính độc lập cho cuộc điều tra về vụ giết ông Jan Kuciak và vợ chưa cưới, Martina Kusnirova”.

Ông cho thủ tướng đề cử đến thứ Sáu 23/03 để trình lên một danh sách mới.

Tổng thống Slovakia cũng nhắc đến các nghi vấn về “tội phạm băng đảng” mà ông Kuciak điều tra trong phóng sự của mình.

Liên quan hay không?

Nhà báo Jan Kuciak bị giết cùng vợ chưa cưới hôm 25/02 trong vụ có nghi vấn một nhóm mafia gốc Ý “có liên quan đến những người thân cận của cựu thủ tướng Fico”.

Cảnh sát cho hay cái chết của Jan Kuciak có dấu vết của một vụ giết thuê.

Bài báo cuối cùng của Jan Kuciak – xuất bản ngay sau khi ông bị ám sát – cáo buộc những mối liên hệ giữa mafia Ý và những nhân vật thân cận với ông Robert Fico.

Jan Kuciak cáo buộc một số doanh nhân người Ý có quan hệ khăng khít với tổ chức tội phạm vùng Calabrian, ‘Ndrangheta của Ý sang hoạt động ở phía đông Slovakia.

Vẫn theo nhà báo này, băng đảng từ Ý đã có nhiều năm lập ra các dự án ma để biển thủ tiền trợ cấp của quỹ Liên minh châu Âu (EU) dành cho tương đối nghèo giáp biên giới của Slovakia giáp Ukraine.

Jan Kuciak cáo buộc băng đảng Ý có liên kết kinh doanh với quan chức cấp cao, bao gồm cựu người mẫu nổi tiếng Maria Troskova, cho đến 28/2 vẫn là “cố vấn của Thủ tướng”.

Một người khác là cấp trên của bà Troskova, ông Viliam Jasan, từng là thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Slovakia.

Cả hai đều đã từ chức.

Ông Fico bác bỏ mọi cáo buộc liên quan và đưa ra giải thưởng 1 triệu euro tiền mặt cho ai bắt được thủ phạm vụ giết người.

Dù vậy, làn sóng biểu tình ở Brastislava mang theo biểu ngữ “Fico phải vào tù” liên tục trong nhiều dịp cuối tuần đã khiến ông phải từ chức giữa tháng 3.

Sinh năm 1964, ông Robert Fico là lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SMER-SD) ở Slovakia và từng giữ chức trong Hội đồng châu Âu.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43484773

 

Myanmar: Tổng thống Htin Kyaw từ chức

Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đã từ chức, văn phòng tổng thống cho biết hôm 21/3.

Hiện không rõ lý do ông từ chức, nhưng đã có những quan ngại về sức khoẻ của vị tổng thống 71 tuổi, vì thần sắc ông không tốt khi xuất hiện trongcác sự kiện gần đây.

Phó Tổng thống Myint Swe sẽ đảm nhiệm chức vị tổng thống cho đến khi một vị tổng thống mới được chọn trong vòng bảy ngày.

Htin Kyaw đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào năm 2016 sau các cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt, chấm dứt hàng chục năm chế độ quân đội thống trị.

Phóng viên Reuters bị truy tố ở Myanmar

Reuters công bố cuộc điều tra vụ thảm sát người Rohingya

‘Suu Kyi chắc chẳng hiểu nỗi đau của Rohingya’

Nhưng quyền lực thực sự nằm trong tay lãnh đạo phe đối lập lâu năm, bà Aung San Suu Kyi.

Bà Suu Kyi, người bị bỏ tù nhiều năm dưới thời quân đội cầm quyền, bị cấm đảm nhiệm vị trí quyền lực nhất này.

Một điều khoản trong hiến pháp Myanmar không cho phép người có con có một quốc tịch khác có thể làm tổng thống.

Điều khoản này bị cho là được chủ ý soạn thảo để nhắm vào bà Suu Kyi vì bà đã có hai con với người chồng quá cố người Anh.

Được Suu Kyi hoàn toàn tin cậy

Htin Kyaw là người bạn thời thơ ấu của bà Suu Kyi, là cố vấn lâu năm và từng có một thời gian chuyên lái xe chở bà khi đi vận động chính trị.

Ông được biết đến là một người ít nói và đáng tin cậy, và một người bà Suu Kyi có thể tin tưởng hoàn toàn.

Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 11/2015.

Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền, giới cầm quyền gặp nhiều sự chỉ trích, nhất là vì cuộc khủng hoảng ở bang Rakhine.

Hàng chục ngàn người Rohingya đã trốn chạy vì bị đàn áp vũ trang sau khi có một số vụ tấn công chết người vào đồn cảnh sát Myanmar vào tháng 8/2017.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43482422

 

Hoa Kỳ gây chiến mậu dịch toàn cầu?

Nguyễn Xuân Nghĩa

Mậu dịch công bằng

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, Nhóm G-20, gồm 19 nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng khối Liên hiệp Âu Châu, vừa có kỳ họp của giới tài chính và ngân hàng tại thủ đô của Argentina để chuẩn bị cho Thượng đỉnh thứ 14 vào Tháng 11 năm nay. Tại Hội nghị cấp cao vừa qua, dư luận quốc tế lưu ý tới câu trả lời của Tổng trưởng Ngân khố Hoa Kỳ cho 19 đại biểu kia về lập trường của Mỹ. Giới lãnh đạo tài chính và ngân hàng của các nước bày tỏ sự quan ngại là Hoa Kỳ đe dọa trật tự thương mại thế giới vì không tôn trọng nguyên tắc hợp tác đa phương mà đơn phương quyết định tăng thuế nhập nội trên thép và nhôm. Tổng trưởng Ngân khố, là Bộ Tài chính của Mỹ, trả lời rằng Hoa Kỳ quyết bảo vệ quyền lợi kinh tế và an ninh của mình và chỉ muốn một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và công nhân Mỹ. Nói cách khác, phải chăng Hoa Kỳ đang từ bỏ nguyên tắc tự do mậu dịch đã đề cao từ 70 năm nay để lui về chủ trương bảo hộ được gọi là “mậu dịch công bằng”? Ông nghĩ thế nào về chuyện này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ sự thể nó không đơn giản như thế và sau nhiều lần phân tích chuyện mậu dịch hay ngoại thương trên diễn đàn này, ta vẫn trở về bối cảnh sâu xa của vấn đề. Sau hai thế kỷ áp dụng chế độ bảo hộ mậu dịch để công nghiệp hóa, các quốc gia tiên tiến nhất chỉ theo chủ trương tự do mậu dịch từ đầu thế kỷ 20 thôi. Nhưng rồi vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933 làm các nước lui về chủ trương bảo hộ khiến cho khủng hoảng kéo dài và còn dẫn tới Thế chiến II (1939-1945). Là quốc gia chiến thắng và ít bị tàn phá nhất, Hoa Kỳ viện trợ cho các đồng minh tái thiết và phát triển theo chủ trương tự do kinh tế, trong đó có tự do mậu dịch, là trao đổi với tối thiểu về thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu. Cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Tự Do – Cộng Sản càng thúc đẩy chiều hướng đó và cách nay 70 năm, đầu năm 1948 thì Mỹ còn vận động Hiệp Ước Chung về Thuế Quan và Mậu Dịch gọi tắt là GATT với quy chế “tối huệ quốc” cho các nước. Kể từ năm 1998, quy chế đó được gọi là “mậu dịch bình thường” cách nay cũng 30 năm. Từ đó thiên hạ cứ tưởng rằng đấy là lý tưởng.

Nguyên Lam: Như vậy, từ 30 năm hay thậm chí 70 năm trước, Hoa Kỳ coi như dẫn đầu thế giới về chủ thuyết tự do mậu dịch, thế thì tại sao ngày nay nước Mỹ lại có vẻ đổi ý về lý tưởng đó, thưa ông?

Lý tưởng tự do mậu dịch vẫn bị thực tế của đời sống trong từng nước thách thức. Là xứ dân chủ tiên tiến nhất, Hoa Kỳ sớm thấy ra sự bất toàn của lý tưởng và muốn đặt lại vấn đề.

-Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Từ sau Thế chiến II, các nước đều theo nhau ký kết hiệp ước song phương, giữa hai nước với nhau, hoặc đa phương, là giữa nhiều quốc gia, với niềm tin là việc giao dịch tự do sẽ đem lại thịnh vượng cho mọi người. Thực tế thì sự thịnh vượng đó lại không được phân bố đồng đều vì nhiều lý do:

– 1/ Muốn giao dịch thì phải làm ra sản phẩm có nước muốn mua nhưng nếu xứ khác lại có sản phẩm đó mà rẻ và tốt hơn thì ta khó cạnh tranh và tiếp tục nghèo. 2/ Nhiều nước vẫn kín đáo bảo vệ một số khu vực của mình vì yêu cầu kinh tế, xã hội hay chính trị và gây ra tình trạng cạnh tranh bất chính làm xứ khác bị thiệt. 3/ Các nước nghèo có nhân công rẻ cũng chiếm lợi thế cạnh tranh làm khu vực chế biến của các nước giàu suy sụp vì lương cao hơn. 4/ Cơ cấu sản xuất của các nước công nghiệp hóa đều thay đổi, với nhân công giảm trong khu vực chế biến mà khu vực dịch vụ lại phát triển mạnh và đóng góp nhiều hơn trong luồng giao dịch. Nhưng nạn sa sút nhân dụng trong ngành chế biến như một kết quả của năng suất cao vẫn là một bài toán xã hội và chính trị. Do đó, lý tưởng tự do mậu dịch vẫn bị thực tế của đời sống trong từng nước thách thức. Là xứ dân chủ tiên tiến nhất, Hoa Kỳ sớm thấy ra sự bất toàn của lý tưởng và muốn đặt lại vấn đề.

Bảo hộ mậu dịch vẫn tồn tại

Nguyên Lam: Nếu như vậy, thưa ông, phải chăng tự do mậu dịch gây ra thay đổi trong ngắn hạn khiến một số quốc gia e ngại nên vẫn duy trì chế độ bảo hộ, như chúng ta đang thấy tại Việt Nam hay Trung Quốc. Về dài hạn thì các nước cần điều chỉnh tình trạng đó nhưng thật ra sự thịnh vượng vẫn không trải rộng cho mọi thành phần dân chúng và gây phản ứng chính trị trong các nước dân chủ. Ông giải thích thế nào về sự nghịch lý này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tình trạng bảo hộ kín đáo thật ra vẫn còn trong nhiều quốc gia đã hay đang phát triển. Nhưng Hoa Kỳ quan tâm đến việc khác và đang đảo lộn lập trường. Thời Chiến tranh lạnh, vì yêu cầu an ninh, Hoa Kỳ chấp nhận cho các đồng minh Âu Á lợi thế về mậu dịch nhưng lâu lâu cũng có phản ứng bảo hộ chứ không phải là không. Khi Chiến tranh lạnh tàn lụi với sự sụp đổ của Liên Xô, nhu cầu an ninh đó không còn, Hoa Kỳ nhìn lại sự thất thế về kinh tế của mình mà các nước kia thì chưa. Đó là một lẽ. Ngày nay, sự thể còn thay đổi nhiều hơn, vì về an ninh thì từ Âu qua Trung Đông tới Á Châu, các nước đều cần Mỹ bảo vệ, nhưng kinh tế Hoa Kỳ lại bị nhập siêu nặng nên từ tả sang hữu, chính trường Hoa Kỳ dè dặt hơn với lý tưởng tự do mậu dịch như ta thấy từ năm 2015 với phản ứng của Quốc hội Mỹ về Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Đó là lẽ thứ hai. Chuyện thứ ba là Chính quyền Trump lại kết hợp yếu tố an ninh vào bài toán giao dịch kinh tế, nôm na là chỉ chia sẻ gánh nặng kinh tế với đối tác nào chia sẻ gánh nặng phòng vệ an ninh với Mỹ, chứ các nước không thể tiếp tục đạt xuất siêu là xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu với Hoa Kỳ mà lại không đóng góp tiền bạc công sức vào việc phòng thủ an ninh. Khi nói về trận chiến mậu dịch của Hoa Kỳ với các nước thì ta đừng nên quên rằng với nước Mỹ ngày nay, an ninh và kinh tế là hai mặt của một đồng tiền!

Nguyên Lam: Thưa ông, phải chăng vì đó mà đầu năm nay, hôm 19 Tháng Giêng, văn phòng Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ đệ nạp Quốc hội hai báo cáo đáng chú ý về kinh tế của Trung Quốc và Liên bang Nga. Rằng Hoa Kỳ sai lầm khi cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001 và rằng, sau khi  gia nhập WTO vào năm 2012, Liên bang Nga không tôn trọng cam kết với các thành viên của WTO mà vẫn duy trì chế độ bảo hộ làm doanh nghiệp và công nhân Mỹ bị thiệt vì không hưởng được sự thịnh vượng lý thuyết mà ông vừa nói? Cùng ngày 19 đó, Bộ Quốc Phòng Mỹ còn nêu đích danh hai cường quốc đang cạnh tranh về thế lực an ninh với Mỹ là Trung Quốc và Liên bang Nga. Nguyên Lam xin hỏi rằng với nước Mỹ, an ninh và kinh tế đang nhập một hay không?

Chính quyền Trump chỉ dàn cảnh chiến tranh mậu dịch để đàm phán với từng nước trên cơ sở của quyền lợi an ninh hỗ tương, chứ trọng tâm vẫn nhắm vào Trung Quốc vì lý do an ninh lẫn kinh tế do hiểu được văn hóa chính trị của Bắc Kinh là “mềm nắn, rắn buông”.

-Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thưa đúng vậy, nhưng hãy nói chuyện gần rồi sẽ đề cập tới chuyện xa. Việt Nam đạt xuất siêu với Mỹ bao nhiêu thì bị nhập siêu với Trung Quốc bấy nhiêu và có thể đang cố thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào Bắc Kinh hoặc bị Trung Quốc ức chế ngoài Đông Hải. Khi ấy, Hoa Kỳ có thể là giải pháp. Vì sao các nước trong Hiệp hội ASEAN đều muốn làm ăn với Trung Quốc mà khi an ninh bị đe dọa thì lại trông cậy vào Hoa Kỳ? Chính quyền Mỹ không ưa trò phân công bất lợi đó nữa mà nói ra sự thật là ưu tiên giải quyết mâu thuẫn với Trung Quốc và Liên bang Nga, đồng thời kêu gọi các nước hợp tác khi xét tới yếu tố an ninh của họ. Đấy là phong thái đàm phán của Chính quyền Trump.

– Nếu chỉ nhìn vào nguy cơ chiến tranh mậu dịch thì ta quên nguy cơ chiến tranh thật: thà cãi nhau về xuất nhập khẩu còn hơn bắn nhau thật. Vả lại nếu chiến tranh mậu dịch bùng nổ thì Hoa Kỳ vẫn giữ thế mạnh vì cần xuất khẩu ít khi các nước đều cần bán hàng cho một thị trường có sức tiêu thụ cao nhất, là điều chúng ta đã nói tới. Có lẽ Bắc Kinh hiểu ra sự thể phũ phàng ấy rõ ràng hơn các quốc gia kia.

Trung Quốc trong tầm ngắm của Hoa Kỳ

Nguyên Lam: Ông vừa nói ra một điều có lẽ bất ngờ cho thính giả của chúng ta. Tại sao ông cho rằng Bắc Kinh hiểu ra lập trường của Hoa Kỳ hơn nhiều xứ kia?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thứ nhất, lãnh đạo Bắc Kinh biết là họ vẫn can thiệp vào quản lý kinh tế chứ không theo quy luật thị trường như đã cam kết. Thứ hai, là đối thủ muốn cạnh tranh và vượt Hoa Kỳ về cả an ninh lẫn kinh tế, họ theo dõi đối sách của Mỹ dưới sự lãnh đạo của Chính quyền Donald Trump. Họ thấy và có lẽ cũng được giới chức kinh tế tài chính Mỹ cho biết rằng từ cả năm nay, Chính quyền Trump đã chuẩn bị gây áp lực rất nặng trên ba bình diện. Thứ nhất, về an ninh thì tận dụng Khoản 232 của Đạo luật Thương mại Mở rộng năm 1962 để áp thuế mà khỏi cần Quốc hội cho phép, đó là chuyện nhôm thép. Thứ hai, về mậu dịch thì viện dẫn Khoản 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 để đòi trả đũa Trung Quốc tội ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ và bắt doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ và dùng công nghệ lấy được của Mỹ để đánh Mỹ. Thứ ba là sẽ kiểm soát việc đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào thị trường Mỹ theo lối “ăn miếng trả miếng”, tức là doanh nghiệp Mỹ mà đầu tư vào Trung Quốc bị áp chế thế nào thì doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường Mỹ cũng bị kiểm soát theo cùng một chế độ. Sau cùng, gần đây nhất, Chính quyền Trump còn quyết định hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 60 tỷ Mỹ kim để thu hẹp số khiếm hụt mậu dịch. Hàng loạt biện pháp dồn dập ấy đều nhắm vào Trung Quốc hơn là các nước bạn hàng khác của Hoa Kỳ.

Nguyên Lam: Khi thấy rõ động thái đó của Chính quyền Hoa Kỳ, lãnh đạo của Bắc Kinh đã làm những gì thưa ông?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Đương lúc dầu sôi lửa bỏng, lãnh đạo Trung Quốc gửi Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, là cựu Bộ trưởng Ngoại giao nay chỉ đạo ngành ngoại giao và hồ sơ Đài Loan, bay qua Mỹ vận động mà không có kết qủa. Rồi một trí thức thân tín của Tập Cận Bình là kinh tế gia Lưu Hạc, người vừa lên làm Phó Thủ tướng cũng qua Mỹ giải tỏa sức ép ngoại thương mà ra về tay không. Sau đó, nhân vật sát cánh với lãnh tụ Tập Cận Bình là Vương Kỳ Sơn không chỉ lên làm Phó Chủ tịch mà còn đảm nhiệm thêm cả hồ sơ kinh tế với Hoa Kỳ. Tức là Bắc Kinh coi Mỹ là ưu tiên. Sau cùng, hôm qua, khi kết thúc hai tuần họp của Quốc hội để hợp thức hóa quyết định của đảng, Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Lý Khắc Cường lại có lời hòa dịu với Mỹ là nên đàm phán để tránh chiến tranh mậu dịch giữa đôi bên. Vì vậy, tôi nghĩ là Chính quyền Trump chỉ dàn cảnh chiến tranh mậu dịch để đàm phán với từng nước trên cơ sở của quyền lợi an ninh hỗ tương, chứ trọng tâm vẫn nhắm vào Trung Quốc vì lý do an ninh lẫn kinh tế do hiểu được văn hóa chính trị của Bắc Kinh là “mềm nắn, rắn buông”. Các nước khác, kể cả Việt Nam, cứ theo đó mà tính toán lợi hại….

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/us-trade-war-03202018113501.html

 

Nghi can bom thư Austin

nổ bom tự sát khi bị cảnh sát bao vây

Austin, Texas. (Reuters) – Nhà chức trách địa phương cho biết nghi can 24 tuổi, được cho là thủ phạm của 5 vụ nổ bom bưu phẩm gây chết người ở Austin Texas, đã tự cho mình nổ tung khi bị cảnh sát phát hiện và bao vây.

Tại buổi họp báo gần hiện trường, cảnh sát trưởng Brian Manley cho biết nhân viên của ông theo dõi nghi can tới một khách sạn gần Austin, và trong khi họ đuổi theo chiếc xe, nghi can dừng xe lại bên lề đường, kích hoạt ngòi nổ tự sát. Theo ông Manley, nghi can chết vì những vết thương chí mạng từ vụ nổ sau khi một quả bom trong xe được kích hoạt.

Ông tiết lộ nghi can là một thanh niên da trắng, nhưng từ chối cung cấp danh tính nghi can cho giới báo chí. Ông cũng nói thêm rằng nghi can cho quả bom nổ khi hai cảnh sát Austin tới gần chiếc xe. Một cảnh sát bị thương nhẹ sau khi quả bom phát nổ.

Trong thời gian qua, nhà chức trách địa phương cảnh báo cư dân trong khu vực nên thận trọng khi nhìn thấy một bưu phẩm khả nghi ở trước cửa, hoặc trên lề đường. Dù nghi can đã được xác nhận chết, cư dân vẫn phải tiếp tục cảnh giác, vì nhóm điều tra không chắc nghi can có đặt thêm hoặc có gởi thêm bưu phẩm tới nhà nào hay không.

Trong thời gian 3 tuần qua, có 5 vụ nổ bom bưu phẩm giết chết 2 người và làm bị thương ít nhất 5 người khác ở Austin, thành phố có khoảng 1 triệu dân số.

Video của các đài truyền hình địa phương cho thấy rất nhiều xe cảnh sát chớp đèn ở Round Rock, là nơi nghi can tự sát. (Mai Đức)

https://www.sbtn.tv/nghi-can-no-bom-buu-pham-austin-no-bom-tu-sat-khi-bi-canh-sat-bao-vay/

 

Dự báo trạm vũ trụ TQ rơi xuống trái đất tuần tới

Thiên cung 1, trạm vũ trụ nguyên mẫu đầu tiên của Trung Quốc, được dự báo sẽ rơi xuống trái đất vào trong khoảng thời gian từ ngày 30/3 đến 6/4.

Trạm này đã được thay thế bằng Thiên cung 2, nhưng có tin nói rằng Trung Quốc đã mất khả năng kiểm soát Thiên cung 1. Trạm này hiện đang giảm dần độ cao và các nhà khoa học đã có thể dự đoán khi nào nó rơi nhờ có dữ liệu tốt hơn nó tiến đến gần trái đất hơn.

Các nhà khoa học không trông đợi sẽ biết chính xác ngày và địa điểm mà trạm rơi xuống cho đến khi nó tiếp tục giảm độ cao và tiến sát hơn nữa.

Aerospace, một tổ chức nghiên cứu chuyên tư vấn cho các chính phủ về vũ trụ, dự đoán trạm này có thể rơi xuống một trong những thành phố ở Hoa Kỳ như Boston, Detroit, Philadelphia, Des Moines, Milwaukee và Salt Lake City.

Khi trạm này rơi, nhiều khả năng mọi người sẽ nhìn thấy một quả cầu lửa trên bầu trời. Ít có khả năng các mảnh vỡ của trạm sẽ thực sự rơi xuống mặt đất vì chúng có phần chắc sẽ cháy rụi trong bầu khí quyển. Trạm Thiên cung 1 nặng 8,5 tấn.

(wjla, popularmechanics)

https://www.voatiengviet.com/a/du-bao-tram-vu-tru-tq-roi-xuong-trai-dat-tuan-toi/4308709.html

 

Học giả nói bị đổ vấy trong vụ lộ dữ liệu Facebook

Một học giả, người tạo ứng dụng được Cambridge Analytica sử dụng để thu thập dữ liệu từ hàng triệu người dùng Facebook, nói hôm 21/3 rằng ông không hề biết sản phẩm của ông sẽ được sử dụng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Donald Trump. Ông cũng nói mình đang bị biến thành kẻ giơ đầu chịu báng trong vụ việc này.

Alexandr Kogan, giáo sư tâm lý học tại Đại học Cambridge, nói với BBC rằng cả Facebook lẫn Cambridge Analytica đều cố đổ lỗi cho ông về sự vi phạm các điều khoản dịch vụ của mạng xã hội Facebook, trong khi ông đã được đảm bảo rằng mọi việc ông làm đều đúng.

Các nhà chức trách ở Anh và Hoa Kỳ đang điều tra cáo buộc về việc sử dụng dữ liệu không đúng mục đích.

Giám đốc điều hành của Cambridge Analytica, Alexander Nix, đã bị đình chỉ công tác sau khi một cuộc điều tra của truyền hình Channel 4 News ở Anh trưng ra cảnh quay cho thấy ông này khoe về những dịch vụ xấu xa với một phóng viên cải trang.

Facebook cũng tiếp tục bị chỉ trích về cáo buộc là họ không hành động gì để bảo vệ sự riêng tư của người sử dụng. Hôm 20/3, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông của Nghị viện Anh, Damian Collins, cho biết ủy ban của ông đã nhiều lần chất vấn Facebook về cách sử dụng dữ liệu của Facebook. Ông nói rằng các lãnh đạo Facebook “đã cung cấp thông tin gây hiểu nhầm cho ủy ban”.

Ủy ban này đã triệu tập Giám đốc Điều hành Facebook Mark Zuckerberg ra điều trần. Facebook né tránh câu hỏi liệu Zuckerberg có xuất hiện hay không, thay vào đó, họ nói hiện tại họ đang tập trung thực hiện các hoạt động rà soát của chính họ.

Các nhân vật hàng đầu đảng Dân chủ ở Thượng viện Hoa Kỳ cũng kêu gọi Zuckerberg ra điều trần. Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của bang California, nhân vật cao nhất của đảng Dân chủ trong Uỷ ban Tư pháp Thượng viện, gọi vụ bê bối về quyền riêng tư gần đây nhất của Facebook là một “tín hiệu nguy hiểm”. Bà muốn Zuckerberg bảo đảm rằng Facebook sẵn sàng chủ động thực hiện các biện pháp an ninh để bảo vệ sự riêng tư của người dân, nếu không quốc hội Mỹ có thể sẽ can thiệp.

(AP, Reuters)

https://www.voatiengviet.com/a/hoc-gia-noi-bi-do-vay-trong-vu-lo-du-lieu-facebook/4308521.html

 

Dân Hàn Quốc lạc quan về các cuộc gặp thượng đỉnh

Người Hàn Quốc ngày càng tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng hòa bình sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ngạc nhiên khi ông đồng ý gặp lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un để giải quyết vụ bế tắc liên quan tới vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Phóng viên VOA tại Seoul, Brian Padden, có thêm chi tiết về các cuộc thăm dò được thực hiện hồi gần đây, cho thấy tỷ lệ rất cao người dân tán thành các nỗ lực ngoại giao đang được tiến hành.

Người dân trên các đường phố thủ đô Seoul tỏ vẻ hy vọng về các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới với Triều Tiên.

Bà Jang Soon-ae, một cư dân ở Seoul nói:

Không ai thích chiến tranh, người Triều Tiên hay người dân ở đây, hay ở các nước láng giềng cũng vậy. Tôi nghĩ rằng các cuộc đàm phán này sẽ hướng tới hòa bình.”

Hơn 70% các đối tượng tham gia cuộc thăm dò dư luận gần đây tại Hàn Quốc tán thành các cuộc gặp thượng đỉnh, dự kiến sẽ diễn ra giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 4, và giữa ông Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5 tới đây.

Đầu năm nay, Triều Tiên mở cánh cửa cơ hội cho các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân bằng cách đình chỉ các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa và tham gia Thế vận hội Mùa Đông PyeongChang ở Hàn Quốc. Ngay sau đó, lãnh tụ Triều Tiên nói với một đặc phái viên Hàn Quốc rằng ông sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, hơn 60% người Hàn Quốc trả lời câu hỏi trong cuộc thăm dò tỏ thái độ hoài nghi, không chắc Triều Tiên sẽ tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận phi hạt nhân hóa.

Ông Han Pil-Woo, một cư dân Hàn Quốc nói:

“Tôi nghĩ rằng chúng ta không thể tin tưởng 100 % những gì mà người Triều Tiên nói về vấn đề phi hạt nhân hóa, bởi vì họ chuyên nói dối.”

Trong một cuộc thăm dò ở Hàn Quốc, mức tán thành trong dân chúng đối với ông Trump lần đầu tiên vượt qua Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi ông Trump đồng ý gặp lãnh tụ Kim Jong Un mà không đưa ra điều kiện tiên quyết nào, trong khi nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt vẫn được giữ nguyên cho tới khi đạt được thỏa thuận về hạt nhân.

Trong một cuộc thăm dò khác, mức độ ủng hộ những nỗ lực ngoại giao tích cực của Tổng thống Moon nhằm tạo thuận lợi cho đàm phán phi hạt nhân hóa đã tăng lên hơn 70 %.

Cô Song Ja-Young, một cư dân Hàn Quốc nói:

“Tôi không biết cuộc gặp sẽ có kết quả như thế nào, nhưng tôi nghĩ rằng nỗ lực đó có ý nghĩa.”

Dù Triều Tiên vẫn chưa xác nhận sẽ tham gia các cuộc gặp thượng đỉnh, nhưng kế hoạch chuẩn bị cho các cuộc gặp vẫn đang được tiến hành.

Mức độ mà Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy việc chấm dứt các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ vẫn còn là một vấn đề chính cần được giải quyết.

https://www.voatiengviet.com/a/dan-han-quoc-lac-quan-ve-cac-cuoc-gap-thuong-dinh/4307150.html

 

Bom tự chế thứ 5 nổ ở Texas, ít nhất 1 người bị thương

Một quả bom tự chế đã phát nổ tại một trung tâm phân phối của Công ty FedEx gần San Antonio sáng sớm thứ Ba 20/3.

Các giới chức địa phương còn cho biết Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ – FBI đang điều tra xem liệu vụ nổ có liên quan tới một loạt 4 vụ nổ dùng bom tự chế trước đây tại Austin, thủ phủ của bang Texas trong tháng này hay không.

Các giới chức không cho biết liệu họ có tin rằng thiết bị được kích nổ tại cơ sở của Công ty chuyển phát nhanh FedEx ở Schertz, có phải được chế tạo bởi một “kẻ đánh bom hàng loạt” mà cảnh sát lo ngại có thể chịu trách nhiệm chế ra 4 thiết bị nổ trước đây đã giết chết 2 người và làm 6 người bị thương, một người bị thương nhẹ.

Ba quả bom đầu tiên được đặt trên bậc thềm nhà của nạn nhân trong khi quả bom thứ 4 được kích hoạt bằng dây dẫn. Cảnh sát cảnh báo rằng quả bom mới nhất được thiết kế tinh xảo hơn những quả bom trước.

Vụ nổ mới nhất xảy ra ngay sau nửa đêm tại cơ sở của FedEx, cách Austin 105km về hướng nam, theo một tin nhắn trên Twitter của Sở cứu hỏa San Antonio.

Cảnh sát của Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI và Cơ quan Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ đã có mặt tại hiện trướng và đang tiến hành điều tra, theo nhân viên sở cứu hỏa cho biết. Họ không tiết lộ địa chỉ của kiện hàng có chứa bom đầy đinh và mảnh vụn kim loại.

“Chúng tôi đang điều tra vụ này vì nó có thể liên quan đến cuộc điều tra mà chúng tôi đang tiến hành,” người phát ngôn của FBI Michelle Lee nói với tờ Austin American-Stateman. “Chúng tôi không thể biết chắc cho đến khi có cơ hội xem xét các bằng chứng.”

Được biết có một người được điều trị tại hiện trường nhưng vết thương không nguy hiểm đến tính mạng. Theo truyền thông địa phương, nạn nhân cho biết là nghe tiếng ù trong tai.

Các nhân viên cứu hỏa cho biết uớc lượng có 75 người đang làm việc vào thời điểm xảy ra vụ nổ.

Cảnh sát không cho biết liệu vụ nổ có liên quan đến bốn vụ nổ trước hay không.

Bốn thiết bị nổ giống nhau về cấu trúc và điều này cho thấy chúng có thể được một người chế tạo. Reuters không thể liên lạc với các giới chức FedEx để xin bình luận.

Cảnh sát cho biết hai quả bom đầu tiên đã giết chết 2 người đàn ông da đen và các nhà điều tra tin rằng quả bom thứ ba, làm một phụ nữ gốc châu Mỹ Latinh bị thương, có thể nhắm vào một gia đình da đen, nêu lên khả năng đây là một tội ác do hận thù sắc tộc.

Sau khi cảnh sát đưa ra lời kêu gọi công khai hiếm hoi trực tiếp tới nghi can, yêu cầu giải thích động cơ thì một quả bom thứ 3 được được kích nổ bằng dây dẫn làm 2 người đàn ông da trắng bị thương.

Thành phố Austin, với dân số gần 1 triệu người, là nơi có Đại học Texas và nhiều công ty công nghệ và là một trong những thành phố lớn đang phát triển nhanh tại Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/bom-tu-che-thu-5-no-o-texas-it-nhat-1-nguoi-bi-thuong/4307247.html

 

TT Moon: có khả năng có cuộc gặp thượng đỉnh ba bên

Mỹ – Triều Tiên – Hàn Quốc

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Tư 21/3 cho biết một cuộc gặp thượng đỉnh ba bên gồm có Hàn Quốc – Triều Tiên và Hoa Kỳ có thể diễn ra và cuộc đàm phán này nên nhằm chấm dứt mối đe dọa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Moon phát biểu như vừa nêu trong một cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại dinh tổng thống ở thủ đô Seoul.

Ông Moon nói:

“Một cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên – Hoa Kỳ sẽ là một sự kiện lịch sử sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Vấn đề này còn phụ thuộc vào địa điểm, thậm chí còn kịch tính hơn, và tùy thuộc vào diễn tiến, và cũng có thể dẫn đến một hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Hoa Kỳ.”

Ông Moon cũng đang lên kế hoạch gặp lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng tới.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng lên tiếng rằng ông sẽ gặp ông Kim Jong Un vào cuối tháng Năm.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-moon-co-kha-nang-xay-ra-cuoc-gap-thuong-dinh-ba-ben-my-trieu-tien-han-quoc/4308847.html

 

Bộ trưởng Bộ truyền thông Vatican từ chức

Ông Dario Vigano, Bộ trưởng Bộ truyền thông của Tòa Thánh Vatican hôm 21/3 đã đã đệ đơn từ chức và được Giáo Hoàng Francis chấp nhận.

Hãng tin Reuters trích thông cáo của Vatican nói rằng ông đã từ chức, nhưng một nguồn tin khác cho rằng ông bị sa thải.

Hãng tin AP nói vụ từ chức của người đứng đầu bộ phận truyền thông của Vatican diễn ra sau khi có những tranh luận và phê bình trong những ngày trước đó.

Theo đài phát thanh Vatican, ông Vigano được cho là là chỉnh sửa nội dung một bức thư của cựu Giáo hoàng Benedict trước khi cung cấp cho báo chí.

Báo chí phản ánh mạnh mẽ về những sự kiện này và phê bình Ông Viganò vì đã tạo nên “tin giả,” trái với tinh thần Sứ điệp của Giáo hoàng Francis nhân ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2017.

Ông Viganò người Italia, sinh tại Brazil, năm nay 55 tuổi, tác giả của nhiều bài báo và sách về tương quan giữa điện ảnh và thế giới Công Giáo.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-bo-truyen-thong-vatican-tu-chuc/4308765.html

 

Chuyên gia: Putin sẽ thống trị nước Nga vô thời hạn

Zlatica Hoke

Các nhà quan sát quốc tế cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin chiến thắng thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa bằng cách loại bỏ cơ hội tranh cử bình đẳng cho các đối thủ. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hôm 19/3 nói rằng việc truyền thông nhà nước liên tục đưa tin về các hoạt động của ông Putin đã giúp ông ấy có ưu thế vượt trội các đối thủ. Ông Putin tái đắc cử dễ dàng, đẩy 7 đối thủ của ông tụt lại sâu phía sau. Các nhà phân tích nói ông Putin có lẽ sẽ thống trị điện Kremlin thậm chí sang cả nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo.

Các nhà quan sát quốc tế nói rằng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Nga lần thứ 18 có thể đoán trước được bởi vì cử tri đi bầu không có lựa chọn nào khác. Một người đại diện của OSCE cho biết trong môi trường chính trị Nga, những tiếng nói chỉ trích luôn bị đe doạ.

Đặc phái viên của OSCE Michael Georg Link nói với VOA: “Các ứng cử viên nhìn chung có thể tranh cử tự do. Việc thông tin rộng rãi và không mang tính phê phán đối với một người đương chức tổng thống trên hầu hết các phương tiện truyền thông đã tạo ra một sân chơi không công bằng. Nhìn chung, cuộc bầu cử diễn ra theo trình tự, mặc dù có những thiếu sót liên quan đến bí mật bầu cử và tính minh bạch của việc kiểm phiếu.”

Ngay cả trước cuộc bầu cử, các đối thủ của ông Putin nói rằng họ không hy vọng giành chiến thắng. Một số nhà hoạt động nêu nghi ngờ về tính hợp pháp của cuộc bầu cử đã bị bắt giam.

Các nhà phân tích nói ông Putin muốn đông đảo cử tri đi bầu để cho thấy tính hợp pháp cho nhiệm kỳ thứ tư của mình.

Nhà nghiên cứu Alexander Baunov của Trung tâm Cargegie Moscow cho VOA biết: “Đây là một cuộc bỏ phiếu chứ không phải là một cuộc bầu cử, bởi vì chúng ta không bầu ra người lãnh đạo kế tiếp trong một cuộc bầu cử cạnh tranh. Không ai được chỉ định để chiến thắng nhưng đây là một sự ủng hộ của công chúng được tổ chức trong quy trình bầu cử, và sự ủng hộ này là có thực. Điều đó có nghĩa là đối với phương Tây nếu bạn muốn đối phó với Nga – một điều không tránh khỏi và quá lớn – ‘thì bạn phải đối phó với tôi’ (Putin).”

Ông Putin, người đã cai trị nước Nga trong gần hai thập kỉ, đã giành được chiến thắng lớn nhất — khoảng 77% phiếu bầu. Mặc dù ông Putin từ chối khả năng nắm giữ quyền lực vô thời hạn, một số nhà phân tích nói rằng ông có thể sẽ thống trị Kremlin trong một thời gian dài.

Nhà phân tích chính trị độc lập Nikolai Petrov nói với VOA: “Giờ đây, tôi nghĩ rằng ông Putin sẽ phải bắt đầu chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền lực – nhưng không phải là từ Tổng thống Putin tới vị tổng thống kế tiếp mà là chuyển giao quyền lực từ tổng thống Putin cho Putin với những năng lực khác.”

Ông Putin đã cai trị nước Nga gần hai thập kỷ, từ làm tổng thống rồi sang thủ tướng rồi trở lại làm tổng thống.

https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-putin-se-thong-tri-nuoc-nga-vo-thoi-han/4308696.html

 

Bộ Ngoại giao Nga tố ngược

Anh đứng sau vụ dầu độc con gái Scripal

Một giới chức Bộ Ngoại giao Nga hôm 21/3 nói nước Anh có thể đứng sau vụ tấn công bằng chất hóa học mà nạn nhân là Yulia Scripal, con gái của cựu điệp viên nhị trùng Sergei Scripal.

” Hoặc là chính quyền Anh không bảo vệ được dân chống các cuộc tấn công khủng bố ngay trên lãnh thổ của họ, hoặc là chính quyền Anh đã trực tiếp hay gián tiếp dàn dựng cuộc tấn công nhắm vào một công dân Nga” .

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Phát biểu tại cuộc họp với các đại sứ nước ngoài ở Moscow, ông Vladimir Yermakov, người đứng đầu bộ phận kiểm soát và cấm phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói:

“Lôgic cho thấy “chỉ có hai tình huống có thể xảy ra: Hoặc là chính quyền Anh không bảo vệ được dân chống các cuộc tấn công khủng bố ngay trên lãnh thổ của họ, hoặc là chính quyền Anh đã trực tiếp hay gián tiếp, tôi không tố cáo một ai, dàn dựng cuộc tấn công nhắm vào một công dân Nga” .

Trước đó, Điện Kremlin đả kích quyết định của Đại sứ Anh không đến dự cuộc họp về cựu gián điệp Nga Sergei Skripal và con gái ông bị dầu độc ở Anh, nói rằng điều đó chứng tỏ là London không muốn lắng nghe quan điểm của Moscow.

Cuộc tấn công bằng chất độc thần kinh đã đẩy các quan hệ Anh-Nga vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Anh đổ lỗi cho Nga về vụ tấn công, Moscow bác bỏ lời cáo buộc, và hai nước trục xuất các nhà ngoại giao của nhau trong vụ xung đột ngoại giao.

Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Anh hôm thứ Tư cho biết, đại sứ Anh Laurie Bristow không đến dự buổi họp với các chuyên gia kiểm soát vũ khí tại Bộ Ngoại giao Nga, nhưng cho biết London có thể cử một đại diện khác.

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các nhà báo: “Đây là thêm một ví dụ sống động khác về tình huống phi lý khi một bên đặt câu hỏi nhưng lại không muốn nghe bên kia trả lời.”

Nga cho tới nay không giải thích vì sao Novichok, một độc chất thần kinh được quân đội Liên Xô phát triển, nay được dùng để tấn công điệp viên nhị trùng Skripal. Moscow đã mời các đại sứ nước ngoài đến dự cuộc họp để thảo luận về trường hợp này.

Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Anh nói: “Đại sứ sẽ không tham dự và chúng tôi đang cân nhắc việc cử một đại diện đến làm việc.”

Các hãng thông tấn Nga tường thuật rằng đại sứ nhiều nước khác, kể cả Hoa Kỳ và Pháp, cũng không đến dự.

Phát biểu trong chuyến thăm Nhật Bản, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm thứ Tư nói Moscow muốn Anh cho biết ông Skripal và Yulia, con gái ông, đang ở đâu.

Lavrov nói Moscow cũng muốn biết lý do tại sao chính phủ Anh đổ tội cho Nga là phải chịu trách nhiệm, trong khi cuộc điều tra của cảnh sát về vụ việc ở Salisbury chưa hoàn tất.

Tại một cuộc họp báo chung với Ngoại Trưởng Nhật Taro Kono ở Tokyo, ông Lavrov nói không còn nghi ngờ gì là ê-kíp lãnh đạo Anh hiện nay cố tình chọn con đường phá hoại các quan hệ Nga-Anh.

Theo biên bản buổi họp báo tải lên trang web của Bộ Ngoại giao Nga, ông Lavrov viết: “Nếu tình trạng này tiếp tục dưới hình thức của bất kỳ hành động cụ thể nào khác chống lại Nga, thì tất nhiên nguyên tắc ăn miếng trả miếng vẫn được áp dụng. Sẽ tốt hơn cho tất cả mọi người và cho chính phủ Anh, nếu họ bớt khích động và lấy lại bình tĩnh.”

https://www.voatiengviet.com/a/bo-ngoai-giao-nga-to-nguoc-anh-dung-sau-vu-dau-doc-yulia-cripal/4308701.html

 

Nghi án nhận tiền Libya :

Cựu TT Sarkozy trong gọng kềm tư pháp

Trọng Nghĩa

Được đặc cách cho về nhà tối hôm qua, sau một ngày bị thẩm vấn, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã phải trở lại sở cảnh sát vào hôm nay 21/03/2018 để tiếp tục bị xét hỏi về những cáo buộc nhận tiền của cố lãnh đạo độc tài Kadhafi tại Lybia để vận động tranh cử tổng thống Pháp vào năm 2007. Vụ tai tiếng này đã bùng lên từ cuối năm 2011, một cuộc điều tra đã được mở ra sau đó, và việc ông Sarkozy bị câu lưu để thẩm vấn cho thấy là gọng kềm tư pháp đang siết chặt quanh cựu tổng thống Pháp.

Đối với giới quan sát chính trị, quan hệ giữa cựu tổng thống Pháp Sarkozy với cố lãnh đạo Libya Kadhafi thật phức tạp. Cuối năm 2007, sự kiện ông Sarkozy, lúc đó đã lên làm tổng thống Pháp, long trọng đón tiếp Muammar Kadhafi công du chính thức đã khiến mọi người sửng sốt, vì vào thời điểm đó Libya bị cộng đồng quốc tế cô lập.

Giúp Kadhafi giảm nhẹ sự cô lập, nhưng sau đó ít lâu, ông Sarkozy lại trở thành một trong những lãnh đạo phương Tây cứng rắn nhất trong chiến dịch tấn công trừng phạt chế độ Kadhafi, với hệ quả là Libya bị nội chiến tàn phá, chế độ Tripoli sụp đổ, và bản thân Kadhafi bị phiến quân sát hại.

Chính trong bối cảnh đó mà ông Sarkozy bị cho là đã nhận tiền từ chính phủ Libya để tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007. Những lời tố cáo đầu tiên do chính con trai của Kadhafi, Saif al-Islam đưa ra vào năm 2011, khi nội chiến Libya lên đỉnh điểm.

Trả lời đài truyền hình Euronews tại Pháp, con trai của cố lãnh đạo Libya đã không ngần ngại đòi tổng thống Pháp Sarkozy « phải trả lại số tiền mà ông ta lấy của Libya để tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông ta ». Nhân vật này khẳng định « Chúng tôi đã tài trợ cho ông ta và chúng tôi có tất cả các chi tiết và sẵn sàng tiết lộ tất cả mọi thứ ».

Lời tố cáo đó không mấy được chú ý cho đến khi trang mạng thông tin Pháp Mediapart nhập cuộc vào năm 2012, công bố kết quả điều tra của họ về nghi án này, theo đó một doanh nhân người Pháp gốc Liban Ziad Takieddine thú nhận đã chuyển 5 triệu euro của cựu lãnh đạo tình báo chế độ Kadhafi, Abdullah Senussi, cho người điều hành chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy là ông Claude Guéant.

Theo Mediapart, hai ông Kadhafi và Sarkozy đã sắp xếp chi tiết về việc chuyển 50 triệu euro, nhân dịp ông Sarkozy tới Tripoli ngay từ tháng 10 năm 2005. Lúc đó ông Sarkozy còn là bộ trưởng Nội Vụ.

Đến năm 2013, nước Pháp chính thức mở cuộc điều tra về những cáo buộc nói trên, và đến tháng 9 năm 2017, cơ quan chống tham nhũng Pháp OCLCIFF đã chuyển cho các thẩm phán một báo cáo nêu bật việc ban vận động của ông Sarkozy đã dùng tiền mặt để chi trả mà không khai báo. Ông Eric Woerth, cựu thủ quỹ của ban vận động, đã thừa nhận vụ việc, nhưng giải thích rằng đó là các khoản đóng góp vô danh.

Dẫu sao thì chiến dịch vận động của ông Sarkozy bị tình nghi là đã vi phạm luật lệ Pháp, đặc biệt là nhận tài trợ bất hợp pháp. Bản thân cựu tổng thống Sarkozy bị nghi ngờ là đã nhận tiền của lãnh đạo Libya, điều mà ông Sarkozy luôn luôn phủ nhận.

Liên quan đến vụ này còn có Alexandre Djouhri, một cựu trợ lý của ông Sarkozy, bị nghi là chuyển tiền từ Libya về Pháp. Nhân vật này đã bị bắt ở Luân Đôn vào tháng Giêng và đang chờ bị dẫn độ về Pháp để trả lời về tội danh rửa tiền trong khuôn khổ vụ án.

Bị dính líu vào vụ này còn có ba cận thần của ông Sarkozy, Claude Guéant, cựu bộ trưởng Nội Vụ và chánh văn phòng phủ tổng thống Pháp, Brice Hortefeux, cựu bộ trưởng Nội Vụ và Lãnh Thổ Hải Ngoại, và Eric Woerth, cựu bộ trưởng Ngân Sách.

http://vi.rfi.fr/phap/20180321-nghi-an-nhan-tien-tu-libya-tu-phap-siet-gong-kem-tren-cuu-tt-sarkozy

 

Trung Quốc cảnh báo Đài Loan bằng tàu sân bay

Tú Anh

Để thị uy với Đài Bắc, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan vào lúc tại Bắc Kinh, chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố bốc lửa, đe dọa đập tan điều mà ông gọi là « âm mưu ly khai ».

Hôm qua, 20/03/2018, tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc và các hộ tống hạm đã đi vào eo biển Đài Loan, xâm nhập vào vùng phòng không của hải đảo, trong mục đích biểu dương lực lượng. Ngay lập tức, quân đội Đài Loan khẩn cấp cho chiến đấu cơ, chiến hạm theo dõi đoàn tàu của Hoa lục và cùng lúc trấn an dân chúng. Theo bộ quốc phòng Đài Loan, được AFP trích dẫn, đoàn tàu của Hoa lục không có hành động nào bất thường và cuối cùng đã rời eo biển vào trưa hôm nay.

Trung Quốc gia tăng các họat động quân sự trên không và trên biển chung quanh đảo Đài Loan từ khi bà Thái Anh Văn, lên cầm quyền. Tổng thống Đài Loan dứt khóat không nhìn nhận công thức chỉ có một nước Trung Quốc, mà tổng thống tiền nhiệm Mã Anh Cử đã thỏa thuận với Bắc Kinh.

Hành động thị uy của Trung Quốc bằng tàu sân bay Liêu Ninh diễn ra vài hôm sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh ban hành đạo luật khuyến khích viên chức hai chính phủ Hoa Kỳ và Đài Loan thường xuyên gặp gỡ, trao đổi.

Bắc Kinh đã giận dữ, yêu cầu Washington điều chỉnh « quyết định sai lầm » nhưng dường như không có tác động.

Theo AFP, trợ lý thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Alex Wong, hiện đang thăm Đài Loan, sẽ dự buổi dạ tiệc dành cho giới doanh nhân và đọc một bài diễn văn, bên cạnh tổng thống Thái Anh Văn, vào chiều nay.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180321-trung-quoc-canh-bao-dai-loan-bang-tau-san-bay

 

Israel nhận

đã phá hủy « lò hạt nhân » của Syria năm 2007

Tú Anh

Ngày 21/03/2018, quân đội Israel chính thức nhìn nhận đã hủy diệt một « lò phản ứng hạt nhân bí mật của Syria » trong một trận oanh kích chớp nhoáng cách nay 11 năm. Theo AFP, mọi người đều biết Israel là tác giả vụ tấn công táo bạo này, nhưng đây là lần đầu tiên nhà nước Do Thái công khai nhìn nhận và công bố tài liệu vừa được giải mật.

Từ Jerusalem, thông tín viên Michel Paul tường thuật:

“Ngày 06 tháng 9 năm 2007, vào khoảng nửa đêm, không quân Israel đã tấn công căn cứ Al-Kibar, trong tỉnh Deir Ezzor, đông Syria. Trong trận oanh kích này, 10 kỹ sư Bắc Triều Tiên tử thương. Trong vòng 11 năm qua, Israel giữ im lặng tuyệt đối về chiến dịch này.

Sáng nay, lần đầu tiên Israel vén màn bí mật tiết lộ vụ tấn công « chiến dịch vườn cây ». Đối với Tel Aviv, chắc chắn đây là lò phản ứng hạt nhân do Bắc Triều Tiên cung cấp cho Syria, với mục đích chế tạo bom nguyên tử. Vài tháng trước, nhân viên tình báo của Israel đã chụp được bằng chứng và dữ liệu từ máy vi tính của một viên chức Syria trong Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA.

Vấn đề là vì sao chính phủ Israel cho phép tiết lộ chuyện này và vào thời điểm này ? Chiến dịch oanh kích diễn ra dưới thời thủ tướng Ehud Olmert, một người mà đương kim thủ tướng Benjamin Netanyahu có mối quan hệ khá căng thẳng.

Sự thay đổi chính sách có thể có liên quan đến việc vào tháng 5 tới, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ xem xét lại Hiệp định hạt nhân đã ký với Iran và có thể quyết định hủy bỏ thỏa thuận này.”

Còn theo giải thích của bộ trưởng quốc phòng Israel Avigdor Lieberman, quyết định công bố vụ tấn công vào lò hạt nhân của Syria là « thông điệp gửi đến mọi kẻ thù của Israel ». Ngày nay, sức mạnh của quân đội, của không quân và tình báo Israel đã được « tăng cường rất nhiều so với 2007 ». Nếu không can thiệp, « có lẽ Syria đã trở thành một nước có bom hạt nhân ».

Yisrael Katz, bộ trưởng đặc trách tình báo, gọi đích danh Iran để khuyến cáo : Không bao giờ Israel cho phép kẻ thù đòi tiêu diệt Israel trang bị bom hạt nhân.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180321-trung-dong-israel-nhin-nhan-pha-huy-%C2%AB-lo-hat-nhan-%C2%BB-cua-syria-nam-2007

 

K-Pop Hàn Quốc đến Bình Nhưỡng

đáp lễ Samjiyon của Bắc Triều Tiên

Trọng Nghĩa

Dàn sao K-Pop Hàn Quốc sẽ đến biểu diễn tại Bình Nhưỡng trong khoảng thời gian từ 31/03 đến 03/04/2018. Chuyến biểu diễn đặc biệt này đã được chính quyền Hàn Quốc chính thức loan báo ngày 20/03/2018 sau những cuộc đàm phán song phương tại Bàn Môn Điếm, ở vùng biên giới Hàn Quốc-Bắc Triều Tiên.

Theo hãng tin Pháp AFP, Seoul sẽ cử một phái đoàn hùng hậu gồm 160 nghệ sĩ qua Bình Nhưỡng. Trong số này có những gương mặt nổi bật của làng nhạc K-Pop như Cho Yong Pil và Choi Jin Hee, cùng ban nhạc năm thành viên Red Velvet, cũng như Seohyun, thuộc nhóm K-Pop nổi tiếng Girls’ Generation.

Đoàn nghệ thuật Hàn Quốc sẽ diễn hai buổi, ở Nhà Hát Lớn Đông Bình Nhưỡng (1.500 chỗ) và sân vận động Ryugyong Jong Ju Yong với khoảng 12.000 chỗ ngồi.

Theo Seoul, Bắc Triều Tiên đã mời đoàn nghệ thuật Hàn Quốc đến “để duy trì đà tiến tới hòa bình và hòa giải”. Nhân Olympics Pyeongchang, Bắc Triều Tiên đã cử một đoàn nghệ thuật đến Hàn Quốc để chào mừng Thế Vận Hội mở ra, và 140 thành viên của dàn nhạc Bắc Triều Tiên Samjiyon đã có 2 buổi biểu diễn rất được tán thưởng ở Hàn Quốc.

Đây là lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ mà một sự kiện như vậy diễn ra, và chuyến lưu diễn miền bắc của dàn sao K-Pop là thêm một dấu hiệu phản ánh đà sưởi ấm quan hệ đáng kể giữa Seoul và Bình Nhưỡng, đặc biệt từ sau Thế Vận Hội Mùa Đông ở Hàn Quốc tháng Hai vừa qua.

Hai buổi biểu diễn trên lại càng đậm ý nghĩa hòa giải vì diễn ra ngay trước thềm cuộc họp thượng đỉnh liên Triều dự kiến vào cuối tháng Tư ở Bàn Môn Điếm.

Trong thời gian qua, nhiều thông tin báo chí xác định rằng K-Pop rất được người Bắc Triều Tiên ưa chuộng, bất chấp lệnh cấm nghe nhạc Hàn và xem phim bộ truyền hình do Hàn Quốc sản xuất. Các đĩa nhạc và đĩa phim Hàn Quốc vẫn được bán lén lút ở miền Bắc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180321-k-pop-han-quoc-den-binh-nhuong-dap-le-samjiyon-cua-bac-trieu-tien

 

Bắc Triều Tiên: Hòa dịu với Seoul và Mỹ

không phải là do trừng phạt

Trọng Thành

Hôm qua, 20/03/2018, lần đầu tiên hãng thông tấn Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA lên tiếng khẳng định chiến dịch hướng đến « đối thoại hòa bình » của Bình Nhưỡng đã mang lại kết quả ban đầu, đồng thời bác bỏ quan điểm là các trừng phạt quốc tế đã buộc quốc gia này phải chấp nhận đối thoại.

Hãng tin KCNA – được AFP dẫn lại – khẳng định Bình Nhưỡng là động lực chính của « một chiến dịch vì hòa bình », đồng thời kêu gọi Seoul và Washington « thận trọng và kiên nhẫn ». KCNA nhấn mạnh là Bình Nhưỡng có các cử chỉ cởi mở trên tư thế của kẻ mạnh, ngay trong bối cảnh phải đối mặt với các áp lực quốc tế rất lớn và các trừng phạt kinh tế khắc nghiệt.

KCNA cũng lên án « các thành phần diều hâu » ở Washington, Tokyo và Seoul, « bóp méo sự thật », gây nghi ngờ về thiện chí của Bình Nhưỡng, « phá hỏng bầu không khí hòa dịu », khi tung ra các bình luận quàng xiên ( « chó sủa mặt trăng » – từ ngữ trong nguyên văn), « ngay trước khi các bên liên quan có cơ hội tìm hiểu các quan điểm sâu xa của nhau và ngồi vào bàn đàm phán ».

Thông tin về các cuộc họp thượng đỉnh sắp tới, giữa Bắc Triều Tiên với Hàn Quốc và tiếp theo đó là với Hoa Kỳ, đã được truyền thông quốc tế loan tải rộng rãi từ đầu tháng 3/2018, nhưng cho tới nay Bình Nhưỡng vẫn giữ im lặng.

Seoul dự kiến thượng đỉnh ba bên Moon-Trump-Kim

Theo Reuters, sau thông báo nói trên của KCNA, hôm nay, thứ Tư 21/03, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ra tuyên bố nhấn mạnh, nếu hai thượng đỉnh « lịch sử » liên Triều (dự kiến vào tháng Tư) và Mỹ-Bắc Triều Tiên (dự kiến tháng Năm) thành công, có thể tính đến việc tổ chức một thượng đỉnh thứ ba quan trọng hơn nữa : Thượng đỉnh hai miền Triều Tiên và Hoa Kỳ.

Mục tiêu của thượng đỉnh tay ba này là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vì một nền hòa bình bền vững và tiến đến bình thường hóa quan hệ Bình Nhưỡng – Washington.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180321-bac-trieu-tien-hoa-diu-voi-seoul-va-my-khong-phai-la-do-trung-phat