Tin khắp nơi – 21/03/2017
Ông Tillerson chủ trì hội nghị toàn cầu chống IS
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chủ trì cuộc họp toàn cầu chống IS đầu tiên kể từ năm 2014. Hội nghị này quy tụ các ngoại trưởng và quan chức cấp cao đến từ 68 quốc gia, và các tổ chức quốc tế tham gia liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo chống Nhà nước Hồi giáo.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói mục tiêu của hội nghị hôm thứ Tư là thúc đẩy các nỗ lực quốc tế nhằm đánh bại ISIS ở các khu vực còn lại của Iraq và Syria, tăng tối đa áp lực đối với các phân nhánh, chân rết và mạng lưới của IS.
Ông Michael O’Hanlon thuộc Viện Brookings nói sẽ có rất nhiều vấn đề gai góc để các đối tác trong liên minh thảo luận:
“Với Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề là họ có hàng triệu người tị nạn trên đất của họ và chưa biết bao giờ cuộc chiến ở Syria mới chấm dứt. Với người châu Âu, họ vẫn lo lắng về phần tử ISIS quay về nước, đặc biệt là những kẻ ban đầu bỏ đất nước của họ ra đi đến các chiến trường rồi quay về và cố gắng thực hiện các chiến dịch khủng bố … Vì vậy, không có ai vui cả, chúng ta đang ở giai đoạn giao thời trong chiến dịch này”.
Tổng thống Trump đã chỉ trích Tổng thống Barack Obama trước đây về điều mà ông gọi là một cuộc chiến yếu ớt chống các phần tử IS, do đó các nhà phân tích đang theo dõi xem liệu chính quyền mới có đề ra một lộ trình mới hay không, vào lúc trọng tâm hành động được tiên liệu sẽ nhằm vào Raqqa, thủ đô tự phong của Nhà nước Hồi giáo.
http://www.voatiengviet.com/a/tillerson-chu-tri-hoi-nghi-chong-is/3775559.html
Tiến trình chuẩn thuận Thẩm phán Gorsuch:
Chia rẽ phe phái
ĐIỆN CAPITOL —
Những chia rẽ phe phái đã nhanh chóng xuất hiện tại Uỷ ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ trong ngày đầu tiên của tiến trình chuẩn thuận Thẩm phán Toà phúc thẩm liên bang Neil Gorsuch, người được Tổng thống Trump đề cử vào Tối cao Pháp viện. Thông tín viên Michael Bowman của VOA tường trình rằng thẩm phán Gorsuch xác minh xu hướng bảo thủ của ông về phương diện pháp lý.
Ông Gorsuch nói với các nhà lập pháp rằng các thẩm phán không nên làm luật từ băng ghế của Toà án tối cao. Ông giải thích thêm như sau:
“Đó là vai trò của cơ chế này, các vị đại biểu của nhân dân tại quốc hội mới có nhiệm vụ làm ra luật mới. Nếu các thẩm phán là những nhà lập pháp trong bóng tối, không công bố luật pháp là gì mà luật pháp theo ý họ mong muốn, thì ngay cả khái niệm của một chính quyền do dân, và vì dân sẽ lâm nguy.”
Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley thuộc Đảng Cộng hoà, ca ngợi triết lý pháp lý bảo thủ của ông Gorsuch. Ông nói:
“Chúng ta phải quan tâm đến việc duy trì trật tự hiến pháp của chúng ta, và quan trọng hơn hết là khái niệm tam quyền phân lập. Đối diện với chúng ta một nhân vật được đề cử mà thành tích trong sự nghiệp được định nghĩa bởi một sự cam kết không hề lay chuyển đối với các nguyên tắc đó.”
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của Đảng Dân chủ nói bà muốn biết liệu ông Gorsuch “có sẽ bảo vệ các quyền pháp lý và hiến định của tất cả mọi công dân Mỹ, chứ không chỉ những người giàu có và có thế lực.” Bà nói:
“Toà án Tối cao có tiếng nói quyết định cuối cùng liệu một phụ nữ có tiếp tục được kiểm soát cơ thể của chính mình, hay các quyết định về chăm sóc sức khoẻ cho họ nằm trong tay của các nhà chính trị và chính phủ. Toà án tối cao quyết định liệu các tỷ phú và các tập đoàn công ty lớn có được phép chi ra những món tiền vô giới hạn để mua kết quả bầu cử hay không.”
Tổng thống Trump đề cử ông Gorsuch để điền khuyết vào chiếc ghế trống do Thẩm phán Antonin Scalia để lại, sau khi ông qua đời hồi năm ngoái. Các chính khách Đảng Cộng hoà lúc đó đã chặn nhân vật được cựu Tổng thống Barack Obama đề cử vào chỗ trống này, một điều mà Thượng nghị sĩ Dick Durbin nói với ông Gorsuch rằng Đảng Dân chủ của ông không quên.
“Danh tính của ông là một phần trong một chiến lược của Đảng Cộng hoà nhằm chiếm quyền kiểm soát nhánh pháp lý của chính phủ. Đó là lý do vì sao các nghị sĩ Đảng Cộng hoà tại Thượng viện duy trì chiếc ghế trống này tại Toà án tối cao trong hơn một năm trời.”
Các nghị sĩ Đảng Cộng hoà phản bác lại rằng phe Dân chủ cũng sẽ làm y như vậy nếu họ ở trong vị thế tương tự, và rằng các nghị sĩ Đảng Dân chủ đang chống đối thẩm phán Gorsuch dựa trên căn bản ý thức hệ. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham lưu ý rằng ông đã biểu quyết để chuẩn thuận hai nhân vật cấp tiến được Tổng thống Obama đề cử: bà Elena Kagan và Sonia Sotomayor. Ông Graham nói tiếp:
“Tôi lẽ ra có thể bỏ rất nhiều thì giờ ra để nói về lập trường của hai thẩm phán Kagan và Sotomayor, cực lực chống đối Tu chính án thứ Hai (tức quyền được mang vũ khí), về cơ may rất thấp để sống còn của một phôi thai trong toà án của họ, về cách nào môi trường phải luôn luôn thắng thế, và về việc họ không bao giờ nói “không” với một hệ thống chính quyền cồng kềnh. Lý do tôi không làm như thế là bởi vì tôi nghĩ rằng họ hội đủ điều kiện để làm nhiệm vụ của họ.”
Đảng Cộng hoà chiếm đa số chỉ có hai ghế tại Thượng viện và sẽ cần 8 nghị sĩ Đảng Dân chủ ủng hộ mới hội đủ đa số 3/5 cần thiết để đưa hồ sơ chuẩn thuận ông Gorsuch ra trước lưỡng viện quốc hội.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hoà có thể chọn phương án thay đổi các quy định tại Thượng viện để loại trừ khả năng của đảng thiểu số ngăn chận người được đề cử vào Toà án tối cao.
http://www.voatiengviet.com/a/tien-trinh-chuan-thuan-tham-phan-gorsuch-chia-re-phe-phai/3775397.html
FBI điều tra liên hệ giữa Nga
và chiến dịch tranh cử của ông Trump
Giám đốc FBI, James Comey, ngày 20/3 lần đầu tiên xác nhận FBI đang điều tra các mối liên hệ có thể có giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump với Nga trong lúc Moscow tìm cách ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái.
Ông Comey và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mike Rogers nói rõ cuộc điều tra về sự can dự của Nga trong mùa bầu cử vừa rồi tại Mỹ có thể kéo dài nhiều tháng trời.
Xuất hiện trước một ủy ban của Quốc hội, ông Comey cũng công khai thách thức tuyên bố của Tổng thống Trump rằng cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe lén Tòa Tháp Trump trong cuộc tranh cử 2016.
Hai giới chức ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện trong 5 tiếng rưỡi đồng hồ hôm 20/3.
Ông Comey không rút lại nhận định của mình khi cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không đơn thuần muốn ứng viên Dân chủ Hillary Clinton bị thất cử mà cụ thể là muốn ứng viên Cộng hòa Donald Trump chiến thắng.
“Về những dòng tin của tổng thống liên quan đến cáo buộc bị chính quyền cũ nghe lén, tôi không có thông tin nào hậu thuẫn tuyên bố đó,” ông Comey nhấn mạnh.
Ông cũng xác nhận rằng FBI đã tiến hành điều tra vụ Nga bị tố cáo can thiệp bầu cử Mỹ từ tháng 7 năm ngoái.
Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận Nga tìm cách giúp ông Trump bằng cách tấn công tin tặc các đảng viên hàng đầu bên phía Dân chủ.
http://www.voatiengviet.com/a/3774547.html
Bay tới Mỹ, không được mang thiết bị điện tử trong xách tay
Nhà chức trách Mỹ định cấm hành khách trên các chuyến bay nước ngoài tới Mỹ không được mang lên máy bay các thiết bị điện tử cỡ lớn, các giới chức Mỹ cho biết ngày 20/3.
Quy định mới nhằm đáp ứng trước một đe dọa khủng bố chưa xác định cụ thể. Các giới chức cho Reuters biết Bộ An ninh Nội địa Mỹ sẽ sớm ra thông báo và rằng đây là việc đã được xem xét từ khi chính phủ Mỹ nhận được thông tin về một mối đe dọa khủng bố cách đây vài tuần.
Nguồn tin này cho hay lệnh cấm sẽ bao gồm một chục các hãng máy bay xuất phát từ hàng chục nước tới Mỹ, bao gồm một số nước ở Trung Đông và trong đó sẽ có các hãng hàng không có trụ sở tại Jordan và Ả Rập Xê Út.
Không một hãng hàng không nào của Mỹ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này. Các thiết bị điện tử bị cấm đem lên khoang hành khách bao gồm những máy móc có kích cỡ lớn hơn điện thoại di động. Hành khách được mang các thiết bị như máy chụp hình, máy tính xách tay, máy tính bảng, nhưng phải bỏ vào hành lý ký gửi, không được để trong hành lý xách tay lên máy bay.
Hãng hàng không Hoàng gia của Jordan trong dòng tin trên mạng xã hội hôm 20/3 cho hay các hành khách tới Mỹ sẽ bị cấm mang theo phần lớn các thiết bị điện tử trong xách tay kể từ thứ ba, 21/3. Hành khách chỉ được mang điện thoại di động và các thiết bị y tế được chấp thuận lên khoang.
Tòa Bạch Ốc chưa bình luận về tin này.
Muốn sống thọ, hãy tới Italy
Nơi khởi điểm của nhiều nền văn hoá Châu Âu đang dẫn đầu danh sách quốc gia có dân số khỏe mạnh nhất trên trái đất, theo Chỉ số Sức khỏe Toàn cầu của Bloomberg xếp hạng 163 nước trên thế giới.
Một người sinh ra tại Italy có thể sống thọ tới bát tuần.
Mỗi nước trong bảng xếp hạng được đánh giá dựa vào tuổi thọ của dân, nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất, các nguy cơ về sức khỏe từ cao máu, sử dụng rượu bia, hút thuốc, dinh dưỡng, đến điều kiện sử dụng nước sạch.
Trong top 5 nước có dân số khỏe mạnh hàng đầu có Iceland, Thụy Sĩ, Singapore và Australia.
Thế giới các nước phát triển không phải là không có rủi ro về sức khỏe, mà phổ biến trong số này là bệnh béo phì. Mỹ xếp hạng 34, với điểm số 73,05 trên 100. Người Mỹ cũng lọt vào nhóm các nước cân nặng nhất thế giới.
Dân Italy sức khỏe tốt hơn dân Mỹ, Anh, hay Canada, những nơi phổ biến bệnh cao máu, cao cholesterol, và các chứng bệnh về sức khỏe tinh thần.
Người dân Italy dễ dàng tiếp cận bác sĩ, khẩu phần dinh dưỡng của họ giàu rau cải, sử dụng nhiều cá, mì sợi và dầu olive.
Phần lớn đánh giá cao thuộc về hệ thống chăm sóc sức khỏe của Italy, được thành lập từ năm 1978, cho dân được chăm sóc sức khỏe miễn phí.
Đội ngũ y tế Italy cung cấp sự chăm sóc sức khỏe chất lượng cao trong khi nước này chi tiêu cho hệ thống chăm sóc sức khỏe tính trên đầu người ít hơn các nước láng giềng.
Thành tựu về sức khỏe của Italy càng đáng chú ý hơn khi nền kinh tế nước này gần đây đang chật vật chống chọi với tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ là 40%, và tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước là gần 12%.
Dân chúng ở Sierra Leone có tuổi thọ thấp nhất, theo bảng xếp hạng của Bloomberg. Một trẻ em sinh ra tại quốc gia này có tuổi thọ trung bình là 52 tuổi.
Bloomberg 2017 Healthiest Country Index
http://www.voatiengviet.com/a/muon-song-tho-hay-toi-italy-/3774511.html
TQ ‘khó khăn’ với thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ, EU
Mỹ và EU, những bạn hàng lớn của Trung Quốc, đưa giới chức hàng đầu phụ trách tiêu chuẩn thực phẩm của Liên hiệp quốc sang Trung Quốc trong nỗ lực cuối cùng nhằm thuyết phục giới hữu trách nước này rút lui kế hoạch kiểm soát gắt gao thực phẩm nhập khẩu, kể cả những mặt hàng ít rủi ro về chất lượng an toàn như rượu và sô-cô-la.
Theo quy định sắp có hiệu lực từ tháng 10, mỗi lô hàng thực phẩm phải có giấy chứng nhận từ một nhà kiểm tra nước ngoài xác nhận đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của Trung Quốc. Các nước khác đòi hỏi các cuộc kiểm tra này chỉ yêu cầu áp dụng với các mặt hàng như thịt hay sản phẩm từ sữa.
Điều này gây báo động các nhà cung cấp vốn xem Trung Quốc là thị trường tăng trưởng cho các sản phẩm như nước trái cây, thức ăn vặt, rượu Pháp, sô-cô-la Đức, mì Ý, và nước cam Australia.
“Điều này có thể giảm lượng thực phẩm nhập khẩu Trung Quốc đáng kể. Dường như động thái này nhằm bảo vệ các nhà sản xuất Trung Quốc nhiều hơn là vì an toàn thực phẩm,’ đại sức Đức tại Bắc Kinh, Michael Clauss, nhận xét.
Washington và EU nói luật lệ của Trung Quốc có thể làm gián đoạn hàng tỷ đô la thương mại. Quy định này cũng có thể thổi bùng căng thẳng với chính quyền của Tổng thống Donald Trump, người đã cam kết sẽ tăng thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và EU.
Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế của Liên hiệp quốc sẽ tham dự hội thảo với các giới chức Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 6/4 để giải thích các tiêu chuẩn cặn kẽ.
Các tham dự viên định đề nghị những biện pháp thay thế như cho Bắc Kinh tiếp cận các thông tin điện tử để biết được các nguồn xuất hàng.
Giới chức Mỹ, EU, Canada, New Zealand, Australia, Argentina, Chile và các chính phủ khác đã gửi thư tới cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm của Trung Quốc bày tỏ quan ngại, nói rằng các luật lệ mới của Trung Quốc sẽ là gánh nặng đối với các nhà cung cấp nước ngoài và phung phí các nguồn lực kiểm tra vốn chỉ nên tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ vi phạm.
Các nhà cung cấp phàn nàn rằng Bắc Kinh đã dùng các luật lệ an toàn vi phạm cam kết mở cửa thị trường của chính họ.
Quy định của Trung Quốc được đưa ra giữa hàng loạt các tai tiếng của các nhà cung cấp Trung Quốc với các vụ sữa nhiễm độc, cùng các mặt hàng thực phẩm kém chất lượng khác.
Theo AP
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-kho-khan-voi-thuc-pham-nhap-khau-tu-my-eu/3774418.html
Công ty TQ dự định xây khu công nghệ 10 tỷ đôla ở Ma-rốc
Một công ty Trung Quốc và chính phủ Ma-rốc đã ký thỏa thuận trị giá 10 tỷ đôla cho 10 năm tới để xây dựng một trung tâm công nghiệp và công nghệ gần thành phố Tangiers ở miền bắc. Họ hy vọng trung tâm này sẽ thu hút hàng trăm doanh nghiệp và tạo ra hàng nghìn việc làm trong các ngành hàng không, ô tô, viễn thông, năng lượng tái tạo và các thiết bị vận tải.
Dự án sẽ do Tập đoàn Haite của Trung Quốc và Ngân hàng Châu Phi BMCE tài trợ. Cựu Đại sứ David Shinn thuộc Đại học George Washington, một chuyên gia về hoạt động kinh doanh của Trung Quốc tại Châu Phi, nói với VOA rằng đây là một dự án đầy tham vọng những vẫn còn lâu mới trở thành hiện thực.
Ông David Shinn nói kế hoạch tổng thể của Trung Quốc ở châu Phi là kiếm tiền trong khi gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi. Ông cũng nói rằng đó là một con đường thênh thang để xuất khẩu của Trung Quốc đi đến thị trường toàn cầu rộng lớn hơn nhờ các điều kiện ưu đãi thuế. Vua Ma-rốc Mohammed VI đã thăm Trung Quốc vào năm ngoái. Hai nước đã có quan hệ chính thức từ năm 1958.
http://www.voatiengviet.com/a/cong-ty-trung-quoc-du-dinh-xay-khu-cong-nghe-o-ma-roc/3775589.html
Ông Tillerson kết thúc chuyến thăm TQ
với lời lẽ nồng ấm từ ông Tập
Với những lời lẽ nồng ấm từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kết thúc chuyến công du đầu tiên của ông tới châu Á kể từ khi nhậm chức với một thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc về Bắc Triều Tiên và gác sang một bên một số vấn đề phức tạp hơn.
Trung Quốc đã cảm thấy khó chịu vì liên tục bị Washington nhắc nhở phải kiềm chế các chương trình hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên và vì quyết định của Mỹ đặt một hệ thống phòng thủ phi đạn tiên tiến tại Hàn Quốc.
Bắc Kinh cũng hết sức hoài nghi về ý định của Mỹ đối với lãnh thổ Đài Loan tự trị mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình, trong khi chính quyền Trump đang soạn thảo một gói vũ khí mới cho đảo quốc này – điều mà chắc chắn sẽ làm Trung Quốc nổi giận.
Nhưng khi hội kiến tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc, những vấn đề đó được cả hai ông Tập và ông Tillerson gác sang một bên, ít nhất là trước mặt báo giới. Ông Tập nói ông Tillerson đã nỗ lực rất nhiều để đạt được sự chuyển tiếp suôn sẻ trong kỷ nguyên mới của mối quan hệ.
“Ông nói rằng quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ chỉ có thể là thân thiện và tôi đánh giá cao điều này,” ông Tập nói.
Ông Tập cho biết ông đã liên lạc với Tổng thống Donald Trump vài lần qua những cuộc điện đàm và tin nhắn.
“Cả hai chúng tôi đều tin rằng sự hợp tác Trung Quốc-Hoa Kỳ từ nay trở đi đang tiến theo chiều hướng mà chúng tôi phấn đấu. Cả hai chúng tôi đều mong đợi một kỷ nguyên mới cho sự phát triển mang tính xây dựng,” ông Tập nói.
“Các lợi ích chung của Trung Quốc và Hoa Kỳ vượt trội so với những khác biệt, và sự hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất cho cả hai chúng ta,” ông Tập nói thêm, trong những phát biểu mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng tải.
Ông Tập nói rằng Trung Quốc và Mỹ phải tăng cường điều phối những vấn đề nóng trong khu vực, tôn trọng lợi ích cốt lõi và những mối quan tâm chính của nhau, và bảo vệ sự ổn định rộng lớn của mối quan hệ.
Ông Tillerson đáp lại rằng ông Trump mong chờ tăng cường hiểu biết với Trung Quốc và mong có cơ hội thực hiện một chuyến thăm trong tương lai.
Ông Tillerson nói ông Trump “rất coi trọng những liên lạc đã diễn ra” giữa ông Tập và ông Trump.
“Và ông mong đợi tăng cường sự hiểu biết đó trong cơ hội công du trong tương lai,” ông Tillerson nói.
Ông Trump tới giờ vẫn là một đối tác không thể đoán định được đối với Trung Quốc. Ông đã công kích Bắc Kinh về các vấn đề từ thương mại cho tới Biển Đông và hồi tháng 12 năm ngoái ông điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Hai ngày sau khi cáo buộc Trung Quốc không làm gì mấy để giúp hạn chế nỗ lực thủ đắc vũ khí của Bình Nhưỡng, ông Trump nói với báo giới rằng ông đã tổ chức những cuộc họp về Bắc Triều Tiên vào cuối tuần qua tại khu nghỉ mát của ông ở Florida và nói rằng lãnh tụ Kim Jong Un “đang hành xử rất tệ.”
Bắc Triều Tiên mấy ngày trước đã tiến hành thử nghiệm một động cơ đẩy công năng cao mới tại trạm phóng phi đạn Tongchang-ri, và ông Kim nói vụ thử nghiệm thành công là “sự khai sinh mới” của ngành phi đạn của nước này, truyền thông chính thức của Bình Nhưỡng cho biết hôm Chủ nhật.
Nga-Trung chặn thông cáo của Hội đồng Bảo an về Myanmar
Các nhà ngoại giao cho biết Trung Quốc, với sự hậu thuẫn của Nga, đã ngăn chặn một thông cáo ngắn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Myanmar, sau khi cơ quan 15 thành viên này họp thảo luận về tình hình ở bang Rakhine, nơi quân đội Myanmar đang tiến hành một chiến dịch an ninh.
Văn phòng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hồi tháng trước cáo buộc quân đội giết chóc và hãm hiếp hàng loạt người Hồi giáo Rohingya, đốt làng mạc của họ kể từ tháng 10 năm ngoái trong một chiến dịch “rất có thể” cấu thành tội ác chống nhân loại và có thể là hành động thanh trừng sắc tộc.
Trưởng sự vụ chính trị của Liên Hiệp Quốc Jeffrey Feltman báo cáo cho Hội đồng trong một phiên họp kín. Anh là nước yêu cầu mở phiên họp này.
Đại sứ Anh tại Liên hiệp quốc Matthew Rycroft, chủ tịch Hội đồng trong tháng 3, cho báo giới biết sau cuộc họp rằng các nước có một số đề xuất trong thông cáo báo chí nhưng không đạt được đồng thuận.
Những thông cáo như vậy phải đạt được sự đồng thuận. Các nhà ngoại giao cho biết Trung Quốc, nước láng giềng của Myanmar, được Nga hậu thuẫn, đã ngăn chặn thông cáo này.
Dự thảo thông cáo báo chí ngắn mà hãng tin Reuters đã xem qua “lưu ý với mối lo ngại về chiến sự tái tục ở một số vùng của Myanmar và nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếp cận nhân đạo đối với tất cả các khu vực bị ảnh hưởng.”
Khoảng 75.000 người đã chạy khỏi bang Rakhine sang Bangladesh sau khi quân đội Myanmar khởi sự chiến dịch an ninh vào tháng 10 năm ngoái để đáp lại điều mà họ nói là cuộc tấn công của quân nổi dậy người Rohingya ở những đồn biên giới, trong đó chín cảnh sát viên bị giết.
Liên minh Châu Âu hôm thứ Năm kêu gọi Liên Hiệp Quốc gửi một phái đoàn quốc tế tìm hiểu thực tế đến Myanmar để điều tra các cáo buộcquân đội tra tấn, hãm hiếp và hành quyết người Hồi giáo Rohingya.
http://www.voatiengviet.com/a/nga-trung-chan-thong-bao-cua-hoi-dong-bao-an-ve-myanmar/3774514.html
New Zealand trục xuất một nhà ngoại giao Mỹ
New Zealand trục xuất một tùy viên tại Đại sứ quán Mỹ sau khi Washington từ chối bãi miễn quyền miễn trừ ngoại giao của viên chức này sau một “sự cố” khiến ông bị gãy mũi và bầm mắt, truyền thông và giới chức cho hay.
Cảnh sát New Zealand cho biết họ đến hiện trường xảy ra sự việc gần thủ đô Wellington vào ngày 12 tháng 3 liên quan đến một nhân viên của Đại sứ quán Mỹ. Họ không cho biết trách vụ của nhân viên này hoặc cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào khác.
Bộ Ngoại giao New Zealand ngày 20/3 cho biết chính phủ Mỹ từ chối yêu cầu của cảnh sát New Zealand về việc bãi miễn quyền miễn trừ ngoại giao của nhân viên đó.
Báo The New Zealand Herald cuối tuần qua xác định người đàn ông này là một tùy viên của đại sứ quán và nói rằng ông ta đã rời New Zealand với chấn thương mũi gãy và mắt bầm.
Nữ phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ cho biết họ đã liên lạc với nhà chức trách New Zealand.
“Chúng tôi nghiêm túc xem xét bất kỳ ý kiến nào cho rằng nhân viên của chúng tôi không đáp ứng tiêu chuẩn cao về cách hành xử của một nhân viên chính phủ Hoa Kỳ,” nữ phát ngôn viên này nói.
http://www.voatiengviet.com/a/new-zealand-truc-xuat-mot-nha-ngoai-giao-my/3774507.html
Bà Park Geun-hye ra tòa
trả lời thẩm vấn về bê bối tham nhũng
Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất Park Geun-hye đã ra tòa hôm thứ Ba để trả lời thẩm vấn về vụ bê bối tham nhũng đã khiến bà bị miễn nhiệm.
Tòa bảo hiến Hàn Quốc đã miễn nhiệm bà Park hồi đầu tháng này sau khi bà bị các nhà lập pháp luận tội với cáo buộc bà đã thông đồng với người bạn lâu năm Choi Soon-sil để ép các công ty phải đóng góp 70 triệu đôla cho các quỹ mờ ám để đổi lại những ưu đãi.
Bà Park có thể phải đối mặt với cáo buộc về tội tống tiền, hối lộ và những tội danh hình sự khác. Cho đến nay bà vẫn phủ nhận đã có bất kỳ hành vi sai trái nào.
Khi bà ra tòa, nữ cựu tổng thống đã ra tuyên bố với giới truyền thông. Bà nói: “Tôi xin lỗi quốc dân, tôi sẽ hợp tác trung thành với cuộc thẩm vấn”.
Có các nhân vật nổi danh khác cũng bị cáo buộc liên quan đến vụ án, bao gồm Lee Jae-yong, người thừa kế của tập đoàn điện tử khổng lồ Samsung.
Với việc bà Park bị miễn nhiệm, Hàn Quốc sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống mới. Chính phủ loan báo hôm thứ Tư rằng cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 9/5.
http://www.voatiengviet.com/a/park-geun-hya-ra-toa-tra-loi-tham-van-ve-tham-nhung/3775635.html
Đài Loan sẽ tự đóng tàu ngầm
Sáng nay khi đến thăm một căn cứ hải quân ở Cao Hùng, Tổng Thống Thái Anh Văn của Đài Loan tuyên bố sẽ tăng cường biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia bằng cách tự đóng chiếc tàu ngầm đầu tiên, để đối phó với đe dọa quân sự đến từ Trung Quốc.
Bản tin của AFP cho hay kế hoạch đóng tầu ngầm có thể kéo dài tới 8 năm mới hoàn tất, và 2 năm sau đó chiếc tầu mới bắt đầu hoạt động.
Đài Loan hiện có 4 chiếc tầu ngầm, nhưng chỉ có 2 chiếc mua của Hà Lan có thể tham gia chiến đấu, hai chiếc còn lại do Hoa Kỳ sản xuất từ năm 1940, tức đã quá cũ, chỉ được dùng vào công tác huấn luyện.
Cuối tuần trước khi ra điều trần trước Quốc Hội, ông Phùng Thế Khoan, Bộ Trưởng Quốc Phòng Đài Loan, nguy cơ bị Trung Quốc tấn công bằng võ lực ngày càng cao, dẫn chứng là hiện Trung Quốc đặt 1,500 phi đạn nhắm vào Đài Loan.
Có tin nói rằng Đài Bắc đã liên hệ với chính quyền của Tổng Thống Trump, bàn thảo về việc muốn mua võ khí của Mỹ. Tin này cũng nói là phía Hoa Kỳ đồng ý bán những loại võ khí tối tân hơn để giúp Đài Loan bảo vệ an ninh lãnh thổ, nhưng chưa rõ số võ khí Đài Loan được mua bao gồm những gì.
Hôm qua trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhắc lại quan điểm không thay đổi của Hoa Lục là chống đối việc Hoa Kỳ có ý định bán võ khí cho Đài Loan, nói thêm là Bắc Kinh mong Washington hiểu đây là một vấn để rất tế nhị, ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ song phương.
Một nông dân Tây Tạng tự thiêu ở Trung Quốc
Văn phòng chính phủ Tây Tạng lưu vong cho hay một nông dân trẻ tuổi Tây Tạng nổi lửa tự thiêu hôm thứ bảy tuần trước để phản đối chính sách của nhà nước Trung Quốc đối với các sắc tộc thiểu số, và để bày tỏ lòng trung thành với Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Bản tin do chính phủ lưu vong Tây Tạng phổ biến nói rằng nông dân này tên là Pema Gyaltsen, 24 tuổi, tự thiêu ở Tứ Xuyên, nói thêm đây là vụ tự thiêu đầu tiên xảy ra trong năm 2017, nhưng nếu tính từ năm 2009 thì đây là vụ tự thiêu thứ 146.
Thông cáo của Tổ Chức Đấu Tranh Cho Tự Do Của Nhân Dân Tây Tạng nói dường như anh thanh niên này vẫn còn sống lúc cảnh sát dập tắt ngọn lửa, nhưng không ai rõ anh hiện đang ở đâu, còn sống hay đã chết.
Hãng thông tấn AFP cho biết đã liên lạc với cơ quan cảnh sát địa phương nhưng được trả lời là không hay biết gì về chuyện này.
Mỹ-Trung : Bất đồng nhưng buộc phải hợp tác
Tờ nhật báo kinh tế của Anh Financial Times hôm nay có bài nhận định về quan hệ Mỹ-Trung đứng về góc độ thương mại. Khỏi nói thì ai cũng hiểu rằng tương lai của thế giới tùy thuộc phần lớn vào quan hệ giữa hai siêu cường quốc này. Thế mà hai nước nay lại có quan điểm đối chọi nhau về nền kinh tế thế giới.
Tờ báo nhắc lại rằng, cách đây 40 năm, Mao Trạch Đông lãnh đạo Trung Quốc với mục tiêu đạt đến tự cấp tự túc. Tuy nhiên, đến năm 1978, người kế nhiệm ông là Đặng Tiểu Bình đã đề ra chính sách cải tổ và mở cửa. Trong khi đó, Hoa Kỳ, quốc gia cha đẻ của tự do kinh tế toàn cầu thời hậu thế chiến thứ hai, nay lại bầu một lãnh đạo có quan điểm cho rằng chính sách kinh tế đó đi ngược lại với quyền lợi của nước Mỹ.
Điều trớ trêu hiện nay đó là thái độ trái ngược hẳn nhau của lãnh đạo hai nước Mỹ -Trung về nền kinh tế thế giới hiện nay, mà rõ rệt nhất là sự tương phản giữa bài diễn văn ủng hộ mạnh mẽ toàn cầu hóa mà chủ tịch Tập Cận Bình đọc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos tháng Giêng vừa qua, với tuyên bố của tổng thống Donald Trump vài ngày sau đó rằng « bảo hộ mậu dịch sẽ giúp cho đất nước chúng ta thịnh vượng và hùng mạnh ».
Thông cáo của cuộc họp các bộ trưởng Tài chính nhóm G20 tại Đức tuần trước cũng đã bỏ đi cam kết « chống lại mọi hình thức bảo hộ mậu dịch ». Hiện nay chưa biết là bảo hộ mậu dịch theo kiểu Trump sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn là sẽ rất đáng ngại. Theo Financial Times, nền kinh tế thế giới còn đang gượng dậy khó mà chống đỡ được một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.
Thế nhưng tờ báo này cho rằng, cho dù ông Trump vẫn tuyên bố « Nước Mỹ trên hết » và cho dù lãnh đạo Trung Quốc chỉ lo cho công dân nước họ, không bên nào có thể đưa ra những đòi hỏi mà không để ý đến quan điểm và lợi ích của bên kia. Điều đáng nói là giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay có vẻ như hiểu điều đó hơn là lãnh đạo Mỹ.
Theo Financial Times, khi chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Donald Trump gặp nhau lần đầu tiên vào tháng tới ở Mar-a-Lago, hai bên cần phải tìm ra một nền tảng cho hợp tác. Nhưng hiện giờ chỉ toàn thấy những “điềm xấu”. Ông Trump đã kịch liệt chỉ trích chính sách mậu dịch và hối đoái của Trung Quốc, thậm chí đã toan thách thức chính sách « một nước Trung Quốc duy nhất ». Thêm vào đó là sự cách biệt rất lớn về cá tính và kinh nghiệm giữa hai nhân vật này.
Nếu chỉ xét thuần túy về mặt kinh tế, theo Financial Times, trước hết, hai lãnh đạo cần phải thuyết phục nhau rằng sẽ không có bên nào đạt được mục tiêu của mình nếu xung đột với nhau, cho dù là chiến tranh thương mại, vì cả hai bên sẽ đều bị thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp.
Thứ hai, ông Tập Cận Bình phải nhấn mạnh với ông Donald Trump rằng quan điểm của ông về các chính sách tiền tệ và thương mại của Trung Quốc không còn đúng với thực tế nữa. Từ tháng 06/2014 đến nay, Bắc Kinh đã bỏ ra rất nhiều tiền để nâng giá đồng nhân dân tệ và từ 2006 đến 2016, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm từ 35% xuống còn 19% GDP, tức là nước này không còn là cỗ máy xuất khẩu hàng hoá tràn ngập thế giới.
Thứ ba, ông Trump cần nói với lãnh đạo họ Tập rằng Trung Quốc không thể cứ lập luận rằng họ là một quốc gia đang phát triển và họ cần phải nhận thức rằng, trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau như thế, các nước khác buộc phải quan tâm đến những gì Trung Quốc làm, chẳng hạn như trong vấn đề thặng dư thương mại.
Nhưng Finnancial Times đặt câu hỏi: “ Nếu ông Trump mặc kệ những hậu quả toàn cầu của những gì ông làm, tại sao Trung Quốc lại không được có thái độ như thế ? ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170321-my-trung-bat-dong-nhung-buoc-phai-hop-tac
AIEA : Chương trình nguyên tử Bắc Triều Tiên
bước sang giai đoạn mới
Bắc Triều Tiên trong những năm gần đây đã tăng gấp đôi diện tích các cơ sở làm giàu uranium. AFP ngày 21/03/2017 đưa tin người đứng đầu Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (AIEA) đã cảnh báo như trên, cho biết chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đã bước sang « một giai đoạn mới ».
Ông Yukiya Amano, tổng giám đốc AIEA, khi trả lời phỏng vấn báo The Wall Street Journal đã khẳng định : « Tình hình rất tệ hại (…). Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới, tất cả đều cho thấy Bắc Triều Tiên có những tiến bộ như đã tuyên bố ».
Ông Amato cũng cho biết Bình Nhưỡng đang tăng cường nỗ lực sản xuất plutonium được làm giàu tại nhà máy Yongbyon, và bày tỏ nghi ngờ về khả năng giải quyết hhồ sơ này qua con đường ngoại giao.
Hồi tháng Giêng, Seoul cho rằng Bình Nhưỡng đã có đủ lượng plutonium để sản xuất ra 10 quả bom nguyên tử, đồng thời có khả năng « đáng kể » trong việc sản xuất các loại vũ khí sử dụng uranium được làm giàu.
Quốc tế còn lo ngại trước loạt hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên mới đây, sau khi đã thử hạt nhân hai lần vào năm ngoái. Cách đây 15 ngày, Bình Nhưỡng đã cho bắn đi bốn hỏa tiễn, nói rằng đây là loạt bắn thử với mục đích tấn công vào các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản. Vào cuối tuần qua, Bình Nhưỡng lại khẳng định đã thử nghiệm một động cơ tên lửa rất mạnh, nhằm hoàn chỉnh một hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa có thể bay đến đất Mỹ.
Hành động này diễn ra trong lúc ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang công du châu Á. Ông Tillerson khi thăm vùng phi quân sự Triều Tiên đã tuyên bố Hoa Kỳ « không còn kiên nhẫn » với Bắc Triều Tiên, và không loại trừ việc phải dùng đến vũ lực.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170321-aiea-chuong-trinh-nguyen-tu-bac-trieu-tien-buoc-sang-giai-doan-moi
Pháp : Tranh luận sôi động giữa các ứng cử viên tổng thống
François Fillon, Benoît Hamon, Jean-Luc Mélenchon, Marine Le Pen, Emmanuel Macron, năm ứng cử viên tổng thống Pháp (trên tổng số 11), dẫn đầu thăm dò ý kiến, đã tham gia cuộc tranh luận đầu tiên do đài truyền hình TF1 tổ chức tối 20/03/2017, trước khi diễn ra vòng một bầu cử tổng thống vào ngày 23/04.
Cơ hội để 5 đối thủ trình bày và đối chiếu quan điểm, chính sách trước sự chứng kiến của hàng triệu khán giả diễn ra rất sôi nổi. Ngay vào đầu, năm khách mời, nhân danh 6 ứng cử viên khác bị bỏ quên, tấn công vào đài TF1. Ngay sau đó, mọi mũi dùi tập trung vào ứng cử viên trẻ tuổi nhất, người sáng lập phong trào « Tiến Bước », Emmanuel Macron.
Căng thẳng nhất là cuộc « đụng độ » giữa Marine Le Pen, lãnh đạo cực hữu và Emmanuel Macron, hai ứng cử viên ngang ngửa nhau trong cuộc đua vào điện Elysée, khi tranh luận về xã hội thế tục, trang phục phụ nữ Hồi giáo và nhất là khi cựu bộ trưởng kinh tế bị đả kích sử dụng đặc quyền từ tài chính đến chính trị làm đòn bẩy tiến thân. Ông Emmanuel Macron dọa sẽ nhờ pháp luật can thiệp truy tố bà Marine Le Pen vì những lời « vu khống ».
Kết quả thăm dò do viện Elabe thực hiện sau cuộc tranh luận đầu tiên cho thấy Emmanuel Macron « có khả năng thuyết phục » cao nhất với 29%, hơn ứng cử viên « Nước Pháp Bất Khuất » Jean-Luc Mélenchon một điểm. Đồng hạng ba là bà Marine Le Pen và cựu thủ tướng François Fillon 19%. Trong khi đó, đại diện của đảng Xã hội Benoît Hamon, với 11%, bị xem là ít thuyết phục nhất.
Bộ trưởng nội vụ Pháp gặp rắc rối vì…con
Ngày 21/03/2017, bộ trưởng nội vụ Pháp Bruno Le Roux bị thủ tướng triệu mời để giải thích về một số hợp đồng « trợ lý » mà lúc còn là dân biểu ông đã ký với hai cô con gái ruột trong các mùa nghỉ hè từ 2009 đến 2016. Việc học sinh đi làm hè ở tuổi 15, 16 là chuyện bình thường. Vấn đề là có vài hợp đồng ngắn hạn trùng hợp với thời điểm các con của bộ trưởng, theo chương trình học, đi tập huấn ở một công ty. Phải chăng đây là hợp đồng ma ?
Tin này do báo chí tiết lộ trong bối cảnh tai tiếng « việc làm giả » của phu nhân và hai con của cựu thủ tướng và cũng là ứng cử viên tổng thống François Fillon. Rất có thể ông Bruno Le Roux sẽ từ chức.
http://vi.rfi.fr/phap/20170321-phap-tranh-luan-soi-dong-khai-man-bau-cu-tong-thong
Nga quan ngại về tình hình Donbass
Hôm nay, 21/03/2017, Nga tuyên bố rất lo ngại trước việc chính quyền Ukraina ngưng mọi quan hệ thương mại với vùng Donbass. Quyết định của Kiev được đưa ra sau một tuần lễ căng thẳng, do phe nổi dậy thân Nga ở Donbass tịch biên các công ty của Ukraina tại đây.
Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Muriel Pomponne tường trình :
« Nga cho biết hết sức quan ngại về tình hình vùng Donbass, nói rằng việc một quốc gia bỏ rơi cả một vùng đất là điều chưa từng thấy. Đối với Nga, việc phong tỏa Donbass gây trở ngại cho triển vọng thực hiện hiệp ước Minsk. Đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Kiev cũng phát biểu gần như tương tự, nhận định quyết định này không theo hướng hòa giải giữa Kiev và quân nổi dậy.
Như vậy Nga đã tự đóng vai người tử tế, khi nói rằng có nghĩa vụ không để cho hàng triệu người dân Donbass bị Kiev bỏ rơi không có được trợ giúp nhân đạo. Trên thực tế, nước cộng hòa tự tuyên bố Donbass đã xa rời Ukraina hơn, qua việc xích gần lại với Nga. Từ giữa tháng Hai, Nga đã công nhận hộ chiếu do hai vùng nổi dậy cấp, với lý do chính thức : đây chỉ là biện pháp tạm thời mang tính nhân đạo.
Tuy vậy, phát ngôn viên điện Kremlin mới đây khẳng định, không có kịch bản viết sẵn về việc sáp nhập các lãnh thổ này vào Nga. Đa số các nhà phân tích cho rằng Matxcơva có lợi khi duy trì tình hình hiện tại, hơn là công nhận độc lập đối với hai nước cộng hòa tự phong hay sáp nhập vào Nga. Cuộc chiến không tuyên bố này ít tốn kém hơn, và giúp Nga gây áp lực lên Ukraina, trong khi vẫn nói rằng tôn trọng hiệp ước Minsk ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170321-nga-quan-ngai-ve-tinh-hinh-donbass