Tin khắp nơi – 21/02/2019
Sau Hà Nội, TT Trump kỳ vọng gặp lại Chủ tịch Kim
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/2 nói rằng ông dự kiến sẽ gặp lại lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un sau hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tuần tới ở Hà Nội.
Phát biểu tại Nhà Trắng, theo Reuters, ông Trump nói rằng ông muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn, nhưng nói thêm rằng ông cần chứng kiến Bình Nhưỡng phải có hành động trước về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Tổng thống Mỹ nói rằng ông “không nghĩ đây sẽ là cuộc gặp cuối cùng”.
Mỹ đã yêu cầu Bắc Hàn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đe dọa Hoa Kỳ. Trong khi đó, Triều Tiên yêu cầu phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt do Mỹ khởi xướng, chính thức chấm dứt Cuộc chiến Triều Tiên 1950-53 cũng như các bảo đảm về an ninh.
Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên đến Việt Nam chuẩn bị cho thượng đỉnh
Theo Reuters, ông Trump nóng lòng tới tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam vào ngày 27 và 28/2, dù cuộc gặp đầu tiên ở Singapore vào tháng Sáu năm ngoái chỉ mang lại các cam kết mơ hồ và từ đó tới nay chưa dẫn tới các tiến bộ cụ thể nào.
“Tôi nghĩ rằng họ muốn làm điều gì đó. Chúng ta phải chờ xem chuyện gì xảy ra”, ông Trump nói.
Ông cũng cho hay rằng ông cần phải thấy tiến bộ “có ý nghĩa” từ phía Triều Tiên trước khi đưa ra bất kỳ thay đổi nào về các biện pháp từng phạt.
Hôm 19/2, ông Trump nhấn mạnh rằng ông muốn Bắc Hàn chấm dứt chương trình hạt nhân, nhưng nói thêm rằng ông không vội vã cũng như không có khung thời gian cấp bách đặt ra cho Bình Nhưỡng.
Trực thăng Marine One của TT Trump đã đến Hà Nội
Trưa ngày 21/2, máy bay vận tải C-17 của Không quân Hoa Kỳ đã đáp xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội mang theo các phương tiện chuyên dụng để phục vụ Tổng thống Donald Trump cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp diễn ra vào tuần tới.
Trang Zing ghi nhận hình ảnh “Ngựa thồ” C-17 với số hiệu 0185 đã đáp xuống sân bay Nội Bài và đã cất cánh rời khỏi sân bay này sau vài giờ dỡ thiết bị.
Trước đó vào chiều 20/2 một chiếc máy bay C-17 cũng đã mang trực thăng Marine One của tổng thống đến Hà Nội.
Dự kiến nhiều chuyến C-17 khác sẽ đáp Nội Bài trong những ngày tới để phục vụ chuyến công du của Tổng thống Trump.
C-17 có chiều dài 53 m, sải cánh 51 m, cao 16 m, trọng lượng rỗng 128 tấn, tải trọng hàng hóa 77,5 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 265 tấn.
Các vận tải cơ của Mỹ đến sân bay Nội Bài vào thời điểm 1 tuần trước hội nghị thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, tổ chức tại Hà Nội ngày 27-28/2 tới.
VietnamNet loan tin Đại sứ quán Mỹ vừa gửi công hàm tới Cục Hàng không Việt Nam đề nghị miễn kiểm tra an ninh đối với chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ và đã được phía Việt Nam chấp thuận.
Truyền thông Việt Nam nói công tác chuẩn bị đón Tổng thống Donald Trump tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài “đã sẵn sàng theo đúng phương án và yêu cầu từ phía Mỹ.”
https://www.voatiengviet.com/a/truc-thang-marione-one-cua-tt-trump-de-hanoi/4797916.html
Thiếu nữ kêu gọi đánh phương Tây không được về Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 20/2 nói rằng một cô gái sinh ra ở Mỹ, từng gia nhập tổ chức khủng bố ở Syria, không đủ điều kiện làm công dân Mỹ và không có cơ sở pháp lý nào để trở lại Hoa Kỳ.
Cô Hoda Muthana, 24 tuổi, tới Syria 4 năm trước để gia nhập Nhà nước Hồi giáo.
Theo Reuters, cô đã cưới nhiều chiến binh của tổ chức này và lên Twitter kêu gọi tấn công phương Tây.
Trả lời truyền thông trong tuần này từ một trại giam ở Syria, cô Muthana ngỏ lời xin lỗi vì hành động của mình và muốn trở về với gia đình ở tiểu bang Alabama với cậu con trai mới chập chững biết đi.
Anh tước quốc tịch cựu nữ sinh gia nhập Nhà nước Hồi giáo ở Syria
Ông Pompeo nói rằng cô Muthana không phải là công dân Mỹ và sẽ không được nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
“Cô ấy không có cơ sở pháp lý nào, không có hộ chiếu Mỹ hợp lệ, không có hộ chiếu, hay visa để nhập cảnh vào Mỹ”, Ngoại trưởng Mỹ nói trong một tuyên bố.
Viết trên Twitter, ông Trump cho biết đã yêu cầu ông Pompeo “không cho phép Hoda Muthana trở lại” Mỹ.
Tuyên bố của ông Pompeo không giải thích lý do vì sao Bộ Ngoại giao không coi cô Muthana là một công dân Mỹ.
Bước đi trên của Hoa Kỳ tiếp theo sau việc Anh tước quốc tịch của một thiếu nữ vì lý do an ninh sau khi cô gia nhập Nhà nước Hồi giáo.
Mỹ lập Lực lượng không gian: Mưu đồ với Nga, TQ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/2 đã ký chỉ thị chính thức thành lập nhánh quân chủng thứ 6 với tên gọi Lực lượng Không gian.
Thông tin từ Reuters, chỉ thị trên đã đưa ra nền tảng thành lập một lực lượng mới trực thuộc không quân Mỹ – quân chủng hiện vẫn đang thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực không gian, vũ trụ của Mỹ.
Đơn vị quân chủng này sẽ có cấu trúc tương tự như Thủy quân lục chiến của Mỹ, vẫn thuộc hải quân nhưng có đại diện độc lập trong Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, có ngân sách riêng và các kế hoạch tác chiến độc lập.
Quân chủng này sẽ phụ trách các vấn đề liên quan đến không gian từ mạng lưới vệ tinh phục vụ hệ thống định vị toàn cầu GPS, đến các cảm biến giúp phát hiện các vụ phóng tên lửa, phát triển các phương tiện vũ khí tác chiến trong không gian vũ trụ…
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrich Shanahan nhấn mạnh, ngân sách ban đầu của lực lượng này là 5 tỷ USD. Kinh phí thành lập và hệ thống lực lượng này khoảng 72 triệu USD.
Trong buổi lễ ký chỉ thị thành lập quân chủng mới hôm 19/2, ông Donald Trump gọi việc thành lập Lực lượng Không gian là ưu tiên hàng đầu với an ninh quốc gia của Mỹ.
Trong khi đó, thành viên Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ Mac Thornberry cho rằng đây là bước đi quan trọng nhất của Mỹ nhằm đối phó với “các thách thức từ Nga và Trung Quốc” trong lĩnh vực không gian.
Như vậy, Lực lượng Không gian đã chính thức trở thành lực lượng thứ 6 độc lập với hải quân, thủy quân lục chiến, lục quân, không quân và tuần duyên Mỹ.
Thực tế, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ luôn cho rằng các đời Tổng thống tiền nhiệm đã không quan tâm đúng mức tới những vấn đề thuộc vào lĩnh vực an ninh vũ trụ. Trong chính sách quốc phòng năm 2018, ông Trump đã nói thẳng Mỹ đang ở thế thua thiệt về công nghệ tác chiến vũ trụ so với Nga, Trung Quốc.
“Các đối thủ như Nga và Trung Quốc phát triển khả năng diệt vệ tinh từ dưới mặt đất và trong không gian. Những vũ khí này có thể được ra mắt và sẽ biên chế rất sớm trong quân đội của họ. Trong khi Mỹ chưa có biện pháp nào cụ thể để ngăn chặn điều này” – Tổng thống Donald Trump nói hồi tháng 6/2018.
Hôm 13/8/2018, Tổng thống Mỹ ký luật ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2019, ghi nhận 716 tỉ USD được dành cho vấn đề này, tăng 16 tỉ USD so với năm trước. Cũng tại thời điểm này, ông Trump đã ra tối hậu thư cho Lầu Năm Góc nhấn mạnh đầu năm 2019, ông muốn thấy Lực lượng Không gian của Mỹ trong hàng ngũ các quân chủng của nước này.
Hồi tháng 10/2018, ông Trump tiếp tục nhấn mạnh việc vươn tầm ảnh hưởng ra vũ trụ: “Nga đã bắt đầu, Trung Quốc cũng bắt đầu, chúng ta chỉ vừa mới bắt đầu, nhưng chúng ta có những con người giỏi nhất, tạo ra thiết bị tốt nhất. Chúng ta tạo ra tên lửa, xe tăng, tàu chiến tốt nhất thế giới. Chúng ta sẽ bắt kịp và vượt qua họ trong cuộc đua này”.
My lap Luc luong khong gian: Muu do voi Nga, Trung Quoc?
Ông Trump tuyên bố sẽ làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại” trong cuộc đua không gian với Nga và Trung Quốc
Cho đến thời điểm thành lập Lực lượng Không gian, Tổng thống Trump đã nhiều lần nói về sự yếu thế của Mỹ so với Nga và Trung Quốc. Đồng thời, ông Trump nhắc đi nhắc lại việc Washington cần mở một mặt trận mới để chạy đua với Moscow và Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng Nga Igor Korotchenko, Mỹ đang có một kế hoạch khác: “Đây là một con số ngân sách quốc phòng khổng lồ, một số tiền khổng lồ cho một lực lượng vừa thành lập. Mỹ đã thực sự tạo ra một cú hích, khiến Moscow và Bắc Kinh phải nôn nóng.
Họ muốn kích thích sự cảnh giác của những đối thủ và gây ra một cuộc đua vũ trang mới, khốc liệt hơn. Người Mỹ cần sức mạnh quân sự để đảm bảo các tuyên bố kinh tế của mình. Đặc biệt, họ cần cuộc chạy đua vũ trang mới để khiến kinh tế Nga và Trung Quốc phải theo đuổi và kiệt sức”.
Ông Korotchenko nhận định: “Không có gì mới mẻ trong quan điểm của Washington ở đây. Từ việc hủy bỏ INF, cho đến thành lập lực lượng vũ trang không gian, Mỹ chỉ muốn mở ra các mặt trận mới. Họ muốn lặp lại kịch bản từ Chiến tranh Lạnh, họ muốn nhìn thấy sự sụp đổ kiểu Liên bang Xôt viết. Nhưng sự thật thì chính sách của mỗi lãnh đạo và mỗi thời kỳ rất khác nhau”.
Hồi tháng 1/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại nghiêm túc với Mỹ về mọi vấn đề nghị sự chiến lược và không có ý định tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang mới. Đó là điều không cần thiết cho thế giới hiện tại”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26357-my-lap-luc-luong-khong-gian-muu-do-voi-nga-tq.html
Chủ nghĩa xã hội quay trở lại chính trường Mỹ
Trong phần lớn các giai đoạn của lịch sử Hoa Kỳ, chủ nghĩa xã hội luôn được coi là một từ dơ bẩn – thường được dùng như một cách mỉa mai chính trị, hơn là để miêu tả lý tưởng chính trị của một ai đó.
Chủ nghĩa xã hội thường bị nhầm lẫn với việc quốc hữu hóa phương tiện sản xuất, chủ nghĩa cộng sản, hay thậm chí còn bị nhầm lẫn với chế độ độc tài. Các ứng viên của đảng Xã hội ở Mỹ chật vật thu hút sự ủng hộ của công chúng. Năm 1920, thời cực thịnh của những người theo chủ nghĩa xã hội ở Mỹ, ứng viên Eugene V.Debs chỉ nhận được vỏn vẹn 915.000 phiếu trong cuộc đua Tổng thống.
Tuy nhiên, theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây, những ý tưởng của chủ nghĩa xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến tại Hoa Kỳ, phổ biến tới mức các ứng viên Dân chủ trong cuộc đua để được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống năm 2020 đều đang áp dụng những cương lĩnh về kinh tế, thuế, và chính sách xã hội có liên hệ mật thiết với lí tưởng của chủ nghĩa xã hội.
“Cảm giác là chúng ta đang gặp rắc rối lớn, khi mà dân Mỹ không được hưởng những thứ đáng lí ra phải sẵn có trong một quốc gia giàu có như Hoa Kỳ,” Giáo sư kinh tế Richard D.Wolff và là tác giả cuốn “Hiểu về Chủ nghĩa Mác” nói với VOA. “Vậy nên mới có những người như Jeff Bezos [tỷ phú chủ nhân Amazon … và số còn lại như chúng ta thì không biết làm cách nào để chu cấp đủ tiền cho con học hết đại học.”
Có khoảng 44 triệu người Mỹ đang phải gánh trên vai món nợ tiền học đại học, theo ước tính của giáo sư Wolff- đây là thực tế mà ngày càng có nhiều ứng viên Dân chủ đề cập đến trong chiến dịch tranh cử của mình.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont, người tự xưng theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, đã huy động được một lượng lớn cử tri, những người ủng hộ các chính sách cấp tiến như miễn học phí đại học và bảo hiểm y tế toàn dân.
Mặc dù thất bại trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton (không được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống), sức thu hút từ những chính sách của ông Sanders đã buộc đảng Dân chủ xem xét lại những chính sách dòng chính của họ.
Ngay cả trước khi ông Sanders tuyên bố ra tái tranh cử Tổng thống vào năm 2020 với tư cách là ứng viên của đảng Dân chủ, những ứng viên khác cũng đã bắt đầu trở nên thiên tả hơn với những hứa hẹn như mở rộng chương trình chăm sóc sức khỏe, chính sách về thuế và biến đổi khí hậu.
Năm trong số sáu thượng nghị sĩ Dân chủ tuyên bố tranh cử như Cory Booker đến từ New Jersey, Kirsten Gillibrand từ New York, Kamala Harris từ California, Elizabeth Warren của bang Massachusetts và Sanders đều hứa sẽ mưu tìm “Bảo hiểm sức khỏe cho mọi người,” một chính sách từng được rất nhiều thành viên phe Dân Chủ coi là không tưởng bởi chi phí quá đắt đỏ. Chỉ duy nhất thượng nghị sĩ Amy Klobuchar của bang Minnesota là không tán đồng quan niệm này.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump và các thành viên đảng Cộng hòa liên tục sử dụng từ chủ nghĩa xã hội như một cách miệt thị – lên án và móc mỉa những đề xuất của các nhà lập pháp mới như dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, một cựu nhân viên trong chiến dịch tranh cử của ông Sanders.
Mới đây ông Trump có viết trên trang Twitter của mình rằng “Tôi nghĩ phe Dân chủ cần phải thúc đẩy cho Thỏa thuận Xanh Mới. Đối với cái gọi là “Khí thải hiệu ứng nhà kính này”, sẽ thật tuyệt nếu chúng ta có thể loại bỏ vĩnh viễn tất cả Máy bay, Xe hơi, Bò, Dầu khí, Gas và cả Quân đội nữa – ngay cả khi không một quốc gia nào khác làm điều tương tự. Thật xuất sắc!”
“Nước Mỹ sẽ không bao giờ trở thành một quốc gia Xã hội Chủ nghĩa,” ông Trump tuyên bố hôm 05/02 trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang.
Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của cánh hữu nhắm vào ý thức hệ này, 57% đảng viên Dân chủ lại ủng hộ cách nhìn của chủ nghĩa xã hội, theo một cuộc thăm dò ý kiến của Gallup năm 2018.
“Rõ ràng, chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Bernie Sanders đã góp phần quan trọng cho việc lấy lại danh dự cho cụm từ xã hội chủ nghĩa,” Lial Harrison, tình nguyện viên cho tổ chức Socialist Alternative, một mạng lưới trên toàn quốc bao gồm các tổ chức nhỏ hơn với tôn chỉ “đấu tranh chống bất công” tại các cộng đồng địa phương.
“Người dân, giới lao động phổ thông đều nghĩ rằng ‘Tôi cần lương tối thiểu 15 đô la một giờ. Tôi cần Bảo hiểm y tế cho mọi người. Tôi cần đại học miễn phí. Tôi đoán tôi là một người theo chủ nghĩa xã hội,” cô nói với VOA.
Kể từ khi ông Trump đắc cử vào năm 2016, tổ chức Chủ nghĩa xã hội Dân chủ Hoa Kỳ, tổ chức hàng đầu qui tụ những người tự nhận theo chủ nghĩa xã hội, khoe đã có được gần 60.000 thành viên so với con số chỉ 5.000 vào năm 2015, trước khi ông Sanders lần đầu tiên ra tranh cử Tổng thống.
Y tế cho mọi người
Một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với những cử tri tự xưng theo xã hội chủ nghĩa dân chủ và những cử tri của đảng Dân chủ nói chung, đó chính là y tế miễn phí cho toàn dân.
Khi ông Sanders giới thiệu dự luật Bảo hiểm Sức khỏe Toàn dân vào năm 2013, không một đồng nghiệp nào cùng đứng tên với ông. Tới thời điểm hiện tại, một dự luật tương tự, được đưa ra bởi dân biểu cấp tiến Pramila Jayapal, dự kiến sẽ nhận được hơn 100 chữ kí ủng hộ khi được chính thức đệ trình.
Bảo hiểm y tế toàn dân đã trở thành một phép thử cho những ứng viên tiềm năng của đảng Dân chủ chứng tỏ cam kết của mình với những ý tưởng cấp tiến, các nhà phân tích chính trị cho biết.
“Rõ ràng thời thế đã khác so với lúc ông Bernie ra tranh cử, chạy đua với nhà Clinton khốn khổ,” ông Bob Muehlenkamp, đồng chủ tịch chiến dịch tranh cử cho Bernie năm 2016 tại Maryland, nói với VOA.
“Lúc đó, không khó để cử tri lựa chọn. Còn giờ đây thì có rất nhiều ứng viên xuất sắc tranh cử,” ông nói, ám chỉ số lượng lớn ứng viên Dân Chủ đã tuyên bố chạy đua cho kì bầu cử Tổng thống 2020, hoặc đang thành lập các ủy ban thăm dò.
TNS Bernie Sanders tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống Hoa Kỳ 2020
Có một sự chia rẽ lớn trong dư luận Mỹ về ý nghĩa của chủ nghĩa nghĩa xã hội đối với chính trị Mỹ. Bất chấp việc phe Cộng hòa đánh đồng chủ nghĩa xã hội với một ngước Nga theo chủ nghĩa Stalin, cái chủ nghĩa xã hội mà những ứng viên thiên tả đề nghị không hề thu hẹp những quyền tự do chính trị, mà thay vào đó, cổ súy tăng thuế người giàu để có tiền hỗ trợ các chính sách như Bảo hiểm Y tế Toàn dân, chi trả học phí đại học cho dân, và tăng lương tối thiểu cho người lao động.
“Những người trẻ, đặc biệt là lớp người không sống qua thời kì Chiến tranh lạnh, không được nuôi dạy trong nỗi sợ hãi rằng một quả bom nguyên tử sẽ được những tay người Nga xấu xa ném xuống,” ông Wolff nói.
Một cuộc thăm dò dư luận do Axios thực hiện hồi tháng 1 vừa qua cho thấy cử tri thế hệ Z, tức là những người từ 18-24 tuổi, thực tế có cảm tình với chủ nghĩa xã hội (61%) hơn là chủ nghĩa tư bản (41%). Tỉ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình trên toàn quốc. Tỷ lệ trung bình toàn quốc là 39% thích chủ nghĩa xã hội và 61% nghiêng về chủ nghĩa tư bản.
“Phe Cộng hòa… đã lạm dụng những đòn tấn công nhắm vào người ta như những người chủ nghĩa xã hội, hay những người cộng sản, hay những người Marxist, hay bất kì từ ngữ nào tương tự như vậy … trong suốt nửa thế kỉ qua tại Hoa Kỳ,” Wolff nói.” Và giống như tất cả mọi thứ, chiến thuật đó đã lỗi thời.”
Nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân dành nhiều sự ủng hộ cho các chính sách xã hội chủ nghĩa hơn là xác nhận thuật ngữ chủ nghĩa xã hội. Ví dụ, một cuộc thăm dò của Fox News hồi tháng 1 cho thấy 70% cử tri đăng kí đi bầu ủng hộ việc tăng thuế áp lên những gia đình có thu nhập trên 10 triệu đô một năm.
“Tôi muốn tất cả mọi người đều được tiếp cận chăm sóc y tế,” Adriana Ortiz, một sinh viên cao học trường đại học Pennsylvania, người không nhận mình theo chủ nghĩa xã hội, nói với VOA.
“Khi tôi 26 tuổi, tôi không còn được bảo hiểm của mẹ chi trả nữa, tôi phát điên để tìm hiểu về hệ thống bệnh viện, cũng như y tế, cho tới mức tôi không còn muốn đi khám bệnh nữa,” cô nói.
https://www.voatiengviet.com/a/chu-nghia-xa-hoi-quay-tro-lai-chinh-truong-my/4797649.html
Quan chức quân sự Venezuela ở LHQ
ủng hộ thủ lĩnh đối lập
Phó Tùy viên quân sự Venezuela ở Liên Hợp Quốc, Đại tá Pedro Chirinos, tuyên bố trong một đoạn video phát trên mạng xã hội rằng ông công nhận lãnh tụ đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela.
Theo Reuters, động thái trên của quan chức quân sự Venezuela tại Liên Hợp Quốc sẽ gây thêm áp lực lên Tổng thống Nicolas Manduro.
Trên Twitter hôm 20/2, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, ông John Bolton, nhắc lại tuyên bố của ông Chirinos.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết ông không hay biết bất kỳ thông báo nào từ phái đoàn Venezuela về sự thay đổi nhân sự.
TT Trump: Quân nhân Venezuela mất tất, nếu không vì dân chủ
Trong đoạn video được ông Bolton chia sẻ trên Twitter, ông Chirinos mặc quân phục và đứng trước lá cờ của Venezuela và Liên Hợp Quốc.
Ông nói rằng chính phủ của ông Maduro “được thành lập bất hợp pháp”.
“Tôi công nhận, hậu thuẫn và phục tùng chính phủ chuyển tiếp do Tổng thống Juan Guaido lãnh đạo”, ông Chirinos nói, theo Reuters.
Hoa Kỳ và nhiều nước khác đã công khai ủng hộ ông Guaido.
Ông Maduro vẫn nhận được sự hậu thuẫn của Nga và Trung Quốc cũng như đang kiểm soát các cơ quan an ninh của Venezuela.
Ông cáo buộc thủ lĩnh đối lập dẫn đầu một cuộc đảo chính cho Mỹ giật dây để chống lại mình.
Biên giới Venezuela–Colombia : Guaido tìm cách
phá hàng rào ngăn hàng cứu trợ
Hôm nay, 21/02/2019, chủ tịch Quốc Hội, tổng thống tự phong của Venezuela, Juan Guaido dự định cùng với những người ủng hộ ông đến vùng biên giới Colombia để tìm cách đưa vào Venezuela hàng viện trợ nhân đạo do Hoa Kỳ gởi đến, nhưng cho tới nay vẫn bị quân đội trung thành với tổng thống Nicolas Madura chặn lại ở biên giới.
Hôm qua, nhà đối lập Venezuela đã bày tỏ quyết tâm phá vỡ hàng rào phong tỏa của quân đội theo lệnh của tổng thống Maduro. Ông Guaido tuyên bố như trên trước hàng chục tài xế xe tải và xe buýt tập trung tại một khu vực ở phía đông thủ đô Caracas, để chuẩn bị tham gia một chiến dịch vào thứ Bảy tới vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo đang kẹt ở biên giới. Nhưng hiện chưa biết phe của Guaido sẽ làm cách nào để phá được phong tỏa của quân đội. Hôm qua, tổng thống tự phong của Venezuela đã một lần nữa cố thuyết phục quân đội nước này ngả theo ông.
Hôm qua, chính quyền Maduro đã ra quyết định cấm mọi tàu bè rời các cảng Venezuela, sau khi đã đình chỉ giao thông hàng không và hàng hải đến các đảo thuộc Hà Lan, trong đó có một đảo được dùng làm nơi tiếp nhận viện trợ nhân đạo từ Miami, Hoa Kỳ.
Như là biểu tượng cho cuộc đọ sức giữa ông Guaido và tổng thống Maduro về viện trợ nhân đạo, ngày mai tại vùng biên giới với Colombia, sẽ diễn ra hai buổi ca nhạc, tại hai địa điểm chỉ cách nhau 300 mét. Một bên là để đòi đưa hàng cứu trợ nhân đạo vào Venezuela, và bên kia là nhằm từ chối hàng viện trợ đó.
Các cuộc biểu tình của hai phe thân Guaido và thân Maduro cũng sẽ diễn ra trên toàn quốc vào thứ Bảy tới. Đây sẽ là một ngày rất căng thẳng. Trước tình hình này, hãng hàng không Air France hôm qua đã loan báo quyết định đình chỉ, ít nhất là đến thứ Hai, các chuyến bay đến Caracas.
LHQ cho VN cấp visa
để phái đoàn Kim Jong-un nhập cảnh
Tin từ New York hôm 20/2 cho hay Ủy ban Trừng phạt Bắc Hàn thuộc Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã chấp thuận đề nghị của Việt Nam, theo đó cho phép phái đoàn Bắc Hàn được tới Hà Nội dự kỳ họp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Việt Nam đã đệ đơn xin phép ủy ban cấp lệnh miễn trừ đối với các quan chức cao cấp của Bắc Hàn, những người bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen.
Hà Nội sẽ giúp Mỹ-Triều ‘đón ánh sáng hòa bình’
Vì sao Kim Jong-un sẽ rất để tâm quan sát Việt Nam?
Giải mã chiến lược nguyên tử của Bắc Hàn
Theo lệnh trừng phạt hiện thời, chính phủ các nước không được cấp visa nhập cảnh cho những người này.
Các quan chức ngoại giao Liên hiệp quốc nói đề nghị của Việt Nam đã không bị thành viên nào trong số 15 quốc gia thuộc Hội đồng Bảo an bác bỏ.
Lệnh miễn trừ tương tự cũng đã được cấp hồi năm ngoái, cho phép phái đoàn Bắc Hàn tới dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore hồi tháng Sáu.
‘Sẽ chỉ tập trung vào kỳ họp với ông Trump’
Kỳ họp lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un theo kế hoạch sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27-28/2 tới đây.
Nghị trình làm việc chính thức cho tới nay vẫn chưa được công bố.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2: Từ thù thành bạn
Tuy nhiên, ông Kim Jong-un được trông đợi sẽ tập trung vào kỳ họp thượng đỉnh thay vì có “lịch trình làm việc phức tạp”, hãng tin Yonhap của Nam Hàn nói hôm 21/2.
Trước đó, đã có những đồn đoán rằng ông Kim sẽ nhân dịp này có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.
Nay, nguồn tin từ Seoul nói rằng ông Kim sẽ tập trung cho mục đích chính là việc họp với ông Trump, và sẽ chỉ có rất ít các hoạt động bên lề.
Giới quan sát tin rằng ông Kim sẽ có cuộc gặp với Tổng bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, người sẽ chỉ trở về Hà Nội hôm thứ Ba 26/02, sau chuyến thăm Lào và Campuchia bắt đầu từ 24/02.
Ông Kim được trông đợi sẽ tới Hà Nội vào thứ Hai, nhưng hiện vẫn chưa rõ về cách ông vào Việt Nam.
Có người tin rằng ông có thể đi bằng tàu hỏa, hoặc xe hơi thay vì máy bay, theo một bài trên trang tin của BBC News hôm 21/02.
Ông Nguyễn Phú Trọng thăm Lào, Campuchia
‘Quản gia’ của Kim Jong-un khảo sát Hà Nội
Được biết nếu chuyến đi bằng tàu hỏa thì sẽ không có vấn đề kỹ thuật nào phát sinh khi di chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Về địa điểm diễn ra cuộc họp thượng đỉnh, hiện có vẻ như vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Trong số các vị trí có thể được chọn có Nhà khách Chính phủ, Trung tâm Hội nghị Quốc tế, và khách sạn Metropole.
Một nhóm các quan chức Bắc Hàn do ông Kim Chang-son, nhân vật gần gũi của ông Kim Jong-un, dẫn đầu, đang khảo sát các địa điểm tại Hà Nội.
Đặc phái viên của Bình Nhưỡng tại Washington, Kim Hyok-chol, cũng đã tới Hà Nội hôm thứ Tư để bàn về các nội dung nghị trình cho kỳ họp thượng đỉnh và về khả năng ra tuyên bố chung vào cuối kỳ họp.
Người tương nhiệm phía Mỹ của ông, Stephen Biegun, cũng đang có mặt tại Hà Nội để có các trao đổi với phía đại diện Bắc Hàn.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47312085
Vatican mở hội nghị về bê bối giáo sĩ lạm dụng tình dục
Martin BashirBiên tập viên tôn giáo của BBC
Trong một nỗ lực làm dịu tình hình trước các cáo buộc về bê bối tình dục làm rung chuyển Giáo hội Công giáo La Mã, Giáo hoàng triệu tập một hội nghị giám mục ở Rome tuần này (21-23/02/2019).
Không lâu trước đó, ngài thừa nhận rằng có vụ trong một tu viện ở Pháp, các nữ tu bị những linh mục nam dùng như ”nô lệ tình dục”.
Hội nghị toàn cầu này diễn ra sau khi Giáo hoàng có cuộc trao đổi với nhóm C9, bao gồm chín vị hồng y là cố vấn cao cấp, được bổ nhiệm sau khi Giáo hoàng Francis lên ngôi.
Những câu chuyện về lạm dụng tình dục đã và đang xuất hiện khắp nơi trên thế giới.
Và Giáo hội đã bị cáo buộc đã che đậy tội phạm giới tu sĩ gây ra, và điều này ảnh hưởng đến uy tín đạo đức của Giáo hội.
Đức Giáo hoàng Francis đang phải chịu áp lực lớn để tỏ ra là vẫn đóng vai trò lãnh đạo và phải tìm ra giải pháp khả thi cho khủng hoảng có lẽ là lớn nhất từ trước đến nay của Giáo hội.
Ngoài ra, các câu hỏi, về hành vi, thái độ gì dẫn đến việc lạm dụng tình dục trong Công giáo trở nên phổ biến cũng sẽ là nỗi đau đầu cho Giáo hoàng.
Quan hệ VN-Vatican ‘lên mức đại diện thường trú’?
ĐS Vatican ở Pháp bị điều tra ‘quấy nhiễu tình dục’
Giáo hoàng: ‘Linh mục bắt nữ tu làm nô lệ tình dục’
Hội nghị này sẽ bao gồm các vị đứng đầu hội đồng giám mục từ 130 quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, đây chỉ là những nỗ lực khởi đầu trong việc giải quyết mầm bệnh đã tồn tại trong đạo Công giáo từ những năm 1980.
Khi Jason Berry, phóng của viên tờ báo địa phương ở bang Louisiana của Hoa Kỳ, bắt đầu theo dõi câu chuyện về linh mục Gilbert Gauthe, anh không ngờ rằng mình sẽ châm ngòi cho vụ bê bối quốc tế vẫn còn bùng cháy hơn 30 năm sau.
Cuộc điều tra của Berry là tiền đề cho cuốn sách Lead Us Not Into Temptation, xuất bản năm 1992, dựa trên các thỏa thuận pháp lý Giáo hội đã dàn xếp đối với những người tố cáo họ vào cuối những năm 1980.
Năm 2002, cuộc điều tra của tòa soạn Boston Globe đã giúp tường thuật rộng rãi hơn về các vụ bê bối tình dục và hành vi che đậy nó của Giáo hội Công giáo.
Giới nhà báo trong cuộc đã nhận được giải thưởng Pulitzer danh giá, và những nỗ lực của họ được đưa lên màn ảnh qua bộ phim Spotlight.
Nhưng làn sóng bê bối vẫn chưa dừng lại ở đó.
Trong năm vừa rồi, cũng tại tiểu bang Pennsylvania, luật sư Josh Shapiro đã tập hợp và duyệt lại hàng trăm ngàn tài liệu liên quan đến Giáo phận địa phương.
Hàng chục nhân chứng đã đưa ra các bằng chứng khác nhau liên quan tới bê bối tình dục, và một số giáo sĩ đã thừa nhận tội ác của mình.
”Hơn 1000 nạn nhân là trẻ em được ghi lại trong hồ sơ của chính Giáo hội”, báo cáo của Shapiro cho biết, và ”hàng loạt tố cáo có cơ sở được nêu ra với hơn 300 linh mục”.
Báo cáo của ông được công bố vào tháng 12 năm ngoái, dài hơn 1000 trang và bao gồm những cáo buộc từ 70 năm qua, kể lại nhiều câu chuyện khủng khiếp.
Ở giáo phận Scranton, sau khi hãm hiếp một cô gái, một linh mục đã sắp xếp để cô đi phá thai. Vị cấp trên của linh mục đó, giám mục trong vùng, đã viết một bức thư, với nội dung:
”Đây là thời gian rất đen tối trong cuộc đời con, và ta thông hiểu cảm xúc của con như thế nào.”
Nhưng lá thư đó không dành cho cô gái mà để gửi cho linh mục hiếp dâm.
Ở một giáo phận khác có linh mục đã đến thăm một cô bé bảy tuổi trong bệnh viện sau phẫu thuật cắt amidan và đã cưỡng hiếp em.
Trong một chuyện khác, có linh mục đã lạm dụng tình dục bé trai chín tuổi và sau đó súc miệng cho nạn nhân bằng nước thánh để ‘thanh tẩy’ em nhỏ.
Báo cáo kết luận rằng những kẻ ấu dâm tàn bạo vẫn cứ hoạt động đều vì sự che đậy của Giáo hội, thông qua việc luân chuyển linh mục phạm tội đến các giáo xứ khác, và từ chối thông báo tội của họ cho chính quyền.
Các cáo buộc tình dục
Franco Mulakkal, từ một thị trấn nhỏ mang tên Kerala, nằm ở bờ biển Tây Nam Ấn Độ, đã vươn lên từ nghèo khó để lên tới hàng giám mục ở phía Bắc Ấn Độ.
Trong tháng 9 năm 2018, ông ta bị cảnh sát bắt vì có cáo buộc từ một tu nữ rằng cô thường xuyên bị cưỡng hiếp khi giám mục này đến thăm tu viện.
Giám mục Mulakkal, hiện nay đã mất quyền hành lễ, bác bỏ mọi cáo buộc, coi chúng là ‘vô căn cứ và bịa đặt’.
Trong một lá thư gửi lên bề trên trong dòng tu, người nữ tu viết rằng vụ cưỡng hiếp đầu tiên xảy ra vào tháng 5 năm 2014 và lần cuối vào tháng 9 năm 2016.
Hồi tháng 1, các tu nữ đã kêu gọi thủ hiến tiểu bang Kerala can thiệp vì quan chức của Giáo Hội yêu cầu họ rời khỏi giáo phận trong nỗ lực xóa đi vụ bê bối.
Các tu nữ cho rằng họ dễ bị lạm dụng vì bị phụ thuộc vào linh mục và giám mục để có chỗ trú ngụ và lo ngại bị cho ra đường nếu tiếp tục tố cáo các vụ lạm dụng.
Ở Malawi, nơi tỷ lệ nhiễm HIV ở người trưởng thành đến 64 tuổi là hơn 10%, các nữ tu cũng là mục tiêu của lạm dụng tình dục vì họ được coi là “tinh khiết” và ít bị mang virus hơn.
‘Sẽ không bao giờ tiếp diễn’
Năm 2012, chính phủ Úc đã cho lập Ủy ban Hoàng gia có nhiệm vụ điều tra các cáo buộc đối với hành vi lạm dụng trẻ em.
Các tổ chức có liên quan bao gồm các trung tâm chăm sóc dân cư cho những người trẻ tuổi, trường học, thể thao, nghệ thuật và các nhóm cộng đồng khác, và Giáo hội.
Ủy ban kết luận rằng 7% linh mục Công giáo La Mã của Úc bị cáo buộc lạm dụng trẻ em, trong thời gian từ năm 1950 đến 2010.
Trong nhà dòng mang tên St John of God Brothers, 40% thành viên ở đây đã bị buộc tội lạm dụng trẻ em.
Trả lời với BBC News, Chrissie Foster, người mẹ của hai đứa trẻ bị các linh mục lạm dụng ở Melbourne, cho biết sau khi tố cáo với chính quyền, gia đình của bà trở thành một chủ để tán gẫu.
”Họ cho rằng chúng tôi là những kẻ nói dối, rằng chúng tôi bịa chuyện để câu tiền.”
”Đó là những gì họ sẽ nói với giáo dân. Và giáo dân sẽ tin điều đó bởi vì chẳng ai tin rằng linh mục hãm hiếp trẻ em? Điều đó dễ nghe hơn sự thật rằng các linh mục lạm dụng tình dục trẻ em.”
Vào tháng 8 năm 2018, Giáo hội Công giáo La Mã ở Úc đã công bố báo cáo chính thức của mình đối với Ủy ban Hoàng gia.
Đức Tổng Giám mục Mark Coleridge, người đứng đầu Hội đồng Giám mục Công giáo Úc phát biểu rằng ”nhiều giáo sĩ, giáo dân trong Giáo hội Úc đã ”thất bại trong nhiệm vụ bảo vệ và tôn vinh phẩm giá của mọi người, đặc biệt đối với những người dễ tổn thương nhất là trẻ em.”
”Với cùng một tiếng nói, các giám mục và những người đứng đầu Công giáo ở đây cam nguyện rằng những điều tương tự sẽ ”không bao giờ xảy ra nữa”.
Lạm dụng kinh hoàng
Mùa hè năm ngoái, Cục Điều tra Độc lập về lạm dụng tình dục trẻ em ở Anh đã công bố về cuộc điều tra đối với hai trường Công giáo La Mã uy tín nhất ở Anh: Ampleforth College, ở Bắc Yorkshire và Downside School, ở Somerset.
Theo báo cáo, các trường “ưu tiên các nhà sư và danh tiếng của họ hơn việc bảo vệ trẻ em” và “hành vị lạm dụng tình dục đã xảy ra trong nhiều thập kỷ qua, bao gồm các nạn nhân chỉ có tuổi đời 7 ở Ampleforth và 11 ở Downside”.
Các nhân chứng bao gồm những người bị ép buộc tham gia vào các hành vi lạm dụng tình dục, đôi khi trước sự hiện diện của các bạn bè trang lứa.
Báo cáo kết luận rằng ”một số thủ phạm không hề che giấu chúng quan tâm đến trẻ em về mặt tình dục”.
”Sự lộ liễu trắng trợn của các hành vi này cho thấy có tồn tại một văn hóa chấp nhận các hành động lạm dụng ở đây,” báo cáo cho biết.
Sau khi báo cáo được công bố, trường Ampleforth lên tiếng rằng ”tu viện và trường học muốn gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới tất cả nạn nhân và những người sống qua vụ việc”.
Tương tự, trường Downsize bày tỏ sự hối tiếc:
”Chúng tôi thừa nhận những thất bại và sai lầm nghiêm trọng trong việc bảo vệ các nhân vật liên quan, cũng như việc phản ứng kịp thời.”
Với hơn 1,2 tỷ tín đồ có mặt khắp nơi trên thế giới, mọi ánh mắt đang hướng về Giáo hoàng Francis.
Khi được bầu lên vào tháng 3 năm 2013, Giáo hoàng đã hiểu rõ những ảnh hưởng xấu của bê bối tình dục đối với Giáo hội.
Chỉ trong vòng một năm, ngài đã thăm trực tiếp sáu nạn nhân của các vụ bê bối tình dục từ Ireland, Anh và Đức. Trong một thánh lễ kín, gồm sự có mặt của sáu nạn nhân, ngài gửi đến họ một lời xin lỗi chân thành.
”Trước Chúa, ta bày tỏ nỗi buồn về tội lỗi và tội ác nghiêm trọng của các giáo sĩ đối với con,” Giáo hoàng Francis nói trong bài giảng được Vatican công bố sau đó.
”Và ta mong muốn nhận được sự tha thứ. Ta xin sự tha thứ từ các con vì những sai lần của những người đứng đầu Giáo hội khi không thể ngăn chặn và phản ứng kịp thời trước tố cáo đến từ gia đình và chính nạn nhân. “
Ngay sau đó, Giáo hoàng Francis đã bổ sung tám thành viên mới vào Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên từ châu Phi, châu Đại Dương, châu Á và Nam Mỹ. Nhưng cơ quan này đã sớm bị mất thành viên.
Hai nhân vật duy nhất trong ủy ban từng là nạn nhân của quấy rối tình dục, Marie Collins và Peter Saunders, đã xin thôi.
Trong bức thư gửi đến Giáo hoàng, bà Marie Collins, từng bị một linh mục lạm dụng hồi 13 tuổi, viết rằng Giáo hoàng có thể muốn đề ra giải pháp nhưng bộ máy quan liêu của Vatican sẽ luôn tìm cách cản trở những thay đổi.
Sau khi ủy ban đưa ra một khuyến nghị rằng tất cả các thư từ của nạn nhân và những người sống sót sẽ được hồi đáp, bà Marie Collins phát hiện ra rằng trên thực tế, chưa ai nhận được phản hồi.
”Lời phát biểu của Giáo hội về việc chăm lo cho các nạn nhân của bạo hành tình dục đối với tôi nghe rất giả tạo,” bà viết, ” khi mà giới quan chức ở Vatican còn không coi trọng những bức thư đó.”
”Đây là sự phản ánh cách mà Giáo hội xử lý các bê bối tình dục trước đây: nói lời lẽ tốt đẹp trước công chúng và làm ngược lại sau cánh cửa đóng kín.”
Giáo hoàng Francis đã quyết định mở cửa, triệu tập một hội nghị thượng đỉnh chưa từng có để giải quyết vấn đề này. Nhưng để giảm kỳ vọng cao, trong chuyến bay trở về Rome từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất,ngài nói với truyền thông rằng hội thảo kéo dài ba ngày như vậy sẽ chỉ là sự khởi đầu.
Nhiều người cho rằng Giáo hoàng chỉ nên đưa ra một sắc lệnh để Giáo hội tuân theo. Tuy nhiên để thực hiện áp dụng nguyên tắc chung cho toàn cầu quả là không đơn giản bởi vì Giáo hội tồn tại và vận hành trong các nền văn hóa và hệ thống tư pháp rất khác nhau.
Thật khó tưởng tượng ra thách thức lớn hơn cho vị giáo hoàng 82 tuổi này.
Ngài lên nắm quyền và thoạt đầu nhận được sự ủng hộ và yêu mến khắp nơi vì luôn chọn công tác mục vụ trên cả sự hào nhoáng của lễ lạt, đặt sự khiêm tốn và đồng cảm lên trên vinh hoa của chức quyền.
Nhưng giáo triều của ngài chấm dứt ra sao sẽ tùy thuộc vào hành động sắp tới của vị Giáo hoàng và các thủ tục và quy định ngài áp dụng, thực hiện để giải quyết tệ nạn lạm dụng.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-47311486
Brexit đẩy nước Anh rơi vào tay Trung Quốc nhanh hơn
Xử lý vụ Hoa Vi như thế nào ? Chưa có lúc nào Anh Quốc lại bối rối như lúc này. Luân Đôn bị giằng xé giữa đồng minh Washington và đối tác Bắc Kinh. Câu hỏi đặt ra : Trong bối cảnh tương lai kinh tế mịt mù vì Brexit, liệu rằng nước Anh có chấp nhận rủi ro hy sinh một phần sự hợp tác với các đồng minh truyền thống, để có được sự hỗ trợ mạnh mẽ về kinh tế của Trung Quốc ?
Càng gần đến kỳ hạn Brexit, ngày 29/03, nước Anh càng « cuống quýt ». Thái độ này thể hiện rõ qua việc chỉ trong vòng có vài ngày, nhiều cơ quan chính phủ Anh Quốc đã có những quan điểm trái ngược nhau về vụ Hoa Vi.
Ngày 20/02/2019, một báo cáo của Royal United Service Institute (Rusi) đã khẳng định Anh Quốc chẳng có lợi gì khi để tập đoàn viễn thông Trung Quốc tham gia việc phủ sóng mạng 5G chiến lược. Báo cáo này phản bác lại tuyên bố của lãnh đạo cơ quan tình báo Anh quốc trước đó vài ngày cho rằng các thiết bị viễn thông của Hoa Vi không hàm chứa nhiều rủi ro, đến mức phải cấm tập đoàn này gia nhập thị trường.
Cử chỉ hòa dịu này của nước Anh, như quan điểm của lãnh đạo tình báo quốc gia cho thấy, cũng đi ngược với quan điểm cứng rắn của đồng minh Hoa Kỳ, ví tập đoàn viễn thông Trung Quốc bị xem là cỗ máy dọ thám cho chính quyền Bắc Kinh và Washington đã kêu gọi các nước tẩy chay Hoa Vi.
Giải thích vì sao nước Anh có vẻ « cuống cuồng » như thế, ông Jean-François Dufour, giám đốc văn phòng cố vấn DCA Chine Analyse nhận định với kênh truyền hình France 24 rằng chính « nguy cơ bị giảm trao đổi mậu dịch với các nước khác trong khối Liên Hiệp Châu Âu sau Brexit buộc nước Anh phải dàn xếp với các nhà đầu tư Trung Quốc ».
Hoa Vi là một trong những hồ sơ hiếm hoi mà Vương Quốc Anh không có cùng tiếng nói với các đồng minh trong nhóm Five Eyes, nhóm hợp tác về tình báo bao gồm 5 nước Anh, Mỹ, Úc, Canada và New Zealand, để cùng chia sẻ những thông tin cực kỳ nhậy cảm. Việc Luân Đôn ngập ngừng không muốn giữ khoảng cách với Hoa Vi rất có thể khiến « các đối tác trong nhóm Five Eyes ngần ngại hợp tác với nước Anh », như cảnh báo của ông Charles Parton, nhà cựu ngoại giao có 22 năm làm việc ở Trung Quốc và là tác giả bản báo cáo của Rusi.
Thế nhưng, Anh Quốc cũng như nhiều nước châu Âu khác khó có thể « quay lưng » với Hoa Vi. Tập đoàn viễn thông này, liên kết với nhà khai thác mạng BT từ năm 2005, hồi tháng 2/2018 đã cam kết đầu tư ba tỷ euro trong vòng 5 năm để hiện đại hóa mạng viễn thông nước Anh.
Hơn nữa, Hoa Vi cũng chưa phải là nguồn đầu tư Trung Quốc duy nhất tại Anh Quốc. Nếu như nhiều nước châu Âu khác như Pháp và Đức thận trọng tiếp nhận đầu tư Trung Quốc, tìm cách bảo vệ các ngành công nghiệp mũi nhọn chống lại việc chuyển giao công nghệ như Trung Quốc yêu cầu, thì tại nước Anh, Bắc Kinh ồ ạt đầu tư trong nhiều lĩnh vực quan trọng.
Trong vòng chưa đầy 20 năm, Anh trở thành điểm đầu tư hàng đầu của Trung Quốc và là đối tác thương mại châu Âu hàng thứ hai, chỉ sau Đức. Nếu như từ lâu Luân Đôn vẫn tìm cách duy trì mối quan hệ thương mại theo phương châm « đôi bên cùng có lợi », thì thế cân bằng này nay đã bị bẻ gãy.
Sự việc cho thấy rõ nền kinh tế Anh Quốc bị lệ thuộc vào Trung Quốc đến dường nào. Ông Jean-François Dufour kết luận : « Bắc Kinh kể từ giờ trong thế mạnh » và có thể áp đặt các điều kiện của mình. Nước Anh trong thế bất lợi, mà vụ « Hoa Vi và mạng 5G » là một ví dụ điển hình : Để tránh bị mất nguồn tài chính dồi dào của Trung Quốc vào thời điểm nhậy cảm này, Luân Đôn không còn cách nào khác là phải để cho sói Hoa Vi vào nhà.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190221-brexit-day-nuoc-anh-roi-vao-tay-trung-quoc-nhanh-hon
Ngân hàng Thụy Sĩ UBS bị Pháp phạt 3,7 tỷ euro
Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS hôm qua, 20/02/2019, đã bị Tòa tiểu hình Paris buộc phải chi ra 4,5 tỷ euros, trong đó có 3,7 tỷ euros tiền phạt về những sai phạm « đặc biệt nghiêm trọng », do đã giúp khách hàng Pháp trốn thuế. Đây là án phạt lớn nhất mà tư pháp nước Pháp đưa ra để làm gương.
Thông tín viên RFI tại Genève, Jérémie Lanche, cho biết thêm chi tiết :
“UBS vẫn có thể kháng cáo. Nhưng ngay cả ở Thụy Sĩ, người ta cũng không có ảo tưởng về kết cục. Lúc diễn ra vụ xét xử, nhật báo Le Temps thắc mắc về chiến lược của ngân hàng, phủ nhận các cáo buộc là UBS đã vượt quá giới hạn của luật pháp. Tờ báo cũng tự hỏi là người Thụy Sĩ có nên tỏ tình liên đới với ngân hàng lớn nhất nước hay không ?
Vấn đề là, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tình hình đã thay đổi nhiều. Một thời bị đặt vào danh sách thiên đường thuế của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển (OCDE), Thụy Sĩ đã tỏ ra minh bạch, bí mật ngân hàng không còn nữa. Ngoại trừ đối với người Thụy Sĩ có tài khoản trong nước.
Việc trao đổi thông tin đã trở thành quy tắc. Thụy Sĩ đã chuyển thông tin về 2 triệu tài khoản cho các đối tác.
http://vi.rfi.fr/phap/20190221-ngan-hang-thuy-si-ubs-bi-phap-phat-37-ty-euro
Tên lửa S-400 Nga chuyển cho TQ
rơi xuống đáy biển, loạt bí mật có nguy cơ bại lộ?
Theo dự đoán của nhà phân tích Joseph Trevithick, một số tên lửa 40N6 trong lô hàng S-400 mà Nga cung cấp cho Trung Quốc có thể đã trượt khỏi boong tàu và rơi xuống biển.
Tên lửa đánh chặn 40N6 đang chìm dưới biển?
Nga xác nhận rằng nước này quả thực đã bán cho Trung Quốc các tên lửa đất-đối-không tầm xa 40N6 trong khuôn khổ hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-400 giữa hai phía.
Nhưng đồng thời, Moscow cũng tiết lộ rằng toàn bộ số tên lửa đánh chặn đó đã không thể tới được tay Bắc Kinh, sau khi con tàu vận chuyển chúng gặp bão, khiến lô hàng bị thiệt hại. Theo dự đoán của nhà phân tích Joseph Trevithick trên trang mạng The Drive, một số tên lửa có thể đã trượt khỏi boong tàu và rơi xuống biển.
Hôm 18/2, Giám đốc điều hành (CEO) Rostec Sergei Chemezov đã cung cấp thông tin mới về lô hàng chuyển giao S-400 cho Trung Quốc tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ Triển lãm Quốc phòng và Hội thảo Quốc tế (IDEX) ở UAE.
Biên tập viên Quốc phòng của tờ Aviation Week Steve Trimble đã đăng lên Twitter cá nhân bản dịch sang tiếng Anh cuộc trao đổi giữa ông với CEO Chemezov.
“Hợp đồng đã được ký kết cách đây khá lâu. Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp các tên lửa 40N6 nhưng đã có sự cố”, ông Chemezov cho hay, “Con tàu vận chuyển các tên lửa đó đã bị cuốn vào một cơn bão. Vì thế, chúng tôi buộc phải phá hủy toàn bộ số tên lửa trên tàu và hiện giờ, chúng tôi đang sản xuất các tên lửa mới để thay thế”.
Trung Quốc ký hợp đồng mua các tổ hợp S-400 từ Nga vào năm 2015 nhưng kể từ đó, có rất ít thông tin cụ thể về loại tên lửa đánh chặn được cung cấp theo thỏa thuận. Đáng chú ý là quân đội Nga mới chỉ chính thức tiếp nhận tên lửa 40N6 vào biên chế trong tháng 10/2018.
40N6 là một trong ba loại tên lửa được chế tạo dành cho hệ thống S-400, hai loại còn lại là 48N6 và 9M96. Theo nhà sản xuất Almaz-Antey, đây cũng là tên lửa đánh chặn có tầm bắn xa nhất trong 3 loại, có khả năng tấn công mục tiêu cách xa hơn 400km.
Hồi tháng 1/2018, Nga đã thông báo về việc con tàu chở S-400 cho Trung Quốc gặp bão, phải trở về cảng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Cơ quan hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga (FSTVS – chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động hợp tác kỹ thuật-quân sự nước ngoài) cho biết các thành phần bị hư hỏng trong lô hàng là “thiết bị hỗ trợ”.
Trong tuyên bố chính thức ngày 19/1/2018, FSTVS cho biết các cơ quan chức năng của Nga đang đánh giá mức độ thiệt hại để bồi thường. Kremlin dự kiến sẽ chuyển giao lô hàng S-400 không bị hư hại cho Trung Quốc trong thời gian sớm nhất có thể.
Tới tháng 4/2018, Nga thông báo đã chuyển giao thành công lô đầu tiên cho Trung Quốc nhưng vẫn không đưa ra thông tin cụ thể về loại tên lửa đánh chặn mà Bắc Kinh đã nhận được.
Tạp chí Diplomat dẫn một số báo cáo chưa được xác nhận cho biết, lô hàng trên gồm các tên lửa 48N6E2 với tầm bắn ngắn hơn, còn các tên lửa 40N6 sẽ được vận chuyển tới Trung Quốc sau đó.
Tiết lộ của ông Chemezov về lô hàng bị thiệt hại trong cơn bão tháng 1/2018 đã khớp với những báo cáo này.
Song, vẫn chưa biết đích xác điều gì đã xảy ra với các tên lửa 40N6. Theo nhà phân tích Trevithick, mô tả của ông Chemezov về sự cố trên dường như chỉ cho biết rằng, các tên lửa đã bị hư hại nghiêm trọng trong quá trình vận chuyển nên bị phá hủy, ít nhất là một phần.
Do Nga chưa từng công bố thông tin về con tàu gặp nạn nên việc đánh giá chính xác quy mô sự cố trở nên khó khăn hơn.
Các tài khoản theo dõi lộ trình tàu thuyền cho biết, Nikifor Begichev – một tàu chở hàng đa nhiệm – đã xuất phát từ cảng Ust Luga ở Vịnh Phần Lan và di chuyển về phía Trung Quốc. Nó đã gặp một sự cố
không xác định với lô hàng trên khoang sau khi gặp bão tại (hoặc gần) eo biển Anh. Ngày 3/1/2018, con tàu đã vòng lại và quay trở về cảng.
Hai ngày sau, tàu chở hàng RO-RO Ocean Power – từng được Nga sử dụng để vận chuyển vũ khí – cũng đột ngột quay đầu tại biển Baltic. Sau đó, con tàu trở về cảng Koskolovo, cũng tại Vịnh Phần Lan.
Theo ông Trevithick, có khả năng lô hàng trên tàu đã bị bung ra và rơi khỏi tàu. Biển Baltic, Biển Bắc và Eo biển Anh được biết tới là những vùng biển dữ với thời tiết khắc nghiệt. Trong năm 2009, một tàu chuyên chở của Nga đã thiệt hại 1.500 tấn gỗ khi đi qua eo biển Anh.
Nhìn chung, các tàu container đều thiệt hại một số lô hàng khi gặp thời tiết xấu. Năm 2017, Hội đồng Vận tải biển thế giới đã tiến hành một nghiên cứu, trong đó kết luận rằng tính trung bình 3 năm qua, có tới 1.390 container phải nằm dưới đáy đại dương mỗi năm.
Các bản ước tính khác thậm chí còn cao hơn đáng kể, như có tới 10.000 container bị thiệt hại hàng năm, hoặc khoảng 27 container mỗi ngày.
Do đó, theo ông Trevithick, mặc dù chúng ta không biết đích xác điều gì đã xảy ra với con tàu chở tên lửa 40N6 nhưng vẫn có cơ sở để đề ra khả năng một số tên lửa đã rơi khỏi tàu xuống biển.
Nếu rơi vào trường hợp đó thì lại có một điều cần lưu ý, đó là sau hơn 1 năm trôi qua, chúng ta không thấy có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Nga đang trục vớt thứ gì đó dưới đáy biển, kể cả ở khu vực eo biển Anh hay biển Baltic.
Tuy nhiên, Nga có cả một hạm đội gồm các tàu ngầm chuyên thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, có khả năng tiến hành trục vớt hoặc ít nhất là kiểm tra tình trạng lô hàng bị rơi xuống một cách bí mật.
“Mỏ vàng” với tình báo phương Tây
Theo ông Trevithick, trong trường hợp một số lô hàng chứa tên lửa 40N6 đang chìm dưới đáy biển thì đây sẽ là “mỏ vàng” đối với các lực lượng tình báo phương Tây nếu họ có thể tìm kiếm và thu hồi toàn bộ (hoặc ít nhất một phần) các tên lửa đánh chặn của Nga. Đặc biệt, hải quân Mỹ có khả năng thu thập thông tin tình báo và cứu hộ biển sâu rất tốt.
Khí hậu lạnh và nguy cơ thời tiết chuyển biến xấu có thể sẽ khiến các hoạt động thu hồi trở nên đặc biệt phức tạp hoặc thậm chí bất khả thi.
Chẳng hạn, kể từ tháng 11/2018, các nhà chức trách Na Uy đã vấp phải rất nhiều khó khăn khi tìm cách trục vớt chiếc khinh hạm Helge Ingstad (gần như đã bị chìm hoàn toàn), mặc dù nó chỉ bị kẹt trong một vùng nước khá nông gần cảng Bergen.
Đầu tháng 2/2019, các thợ lặn đã phải xuống dỡ bỏ tên lửa và ngư lôi trên tàu, sau đó cho nổ những ngư lôi này do lo ngại chúng có thể phát sinh trục trặc nguy hiểm sau nhiều tuần ngâm dưới nước.
Bất cứ tên lửa 40N6 nào bị ngâm dưới biển trong nhiều tháng cũng có thể gây ra mối nguy hiểm tương tự.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ sẵn lòng đối mặt với rủi ro để thu thập được thông tin tình báo đáng giá về đối thủ.
Trong những năm 1970, Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ đã triển khai tàu cứu hộ Hughes Glomar Explorer để trục vớt một phần tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo K-129 (lớp Golf II) của Liên Xô bị chìm dưới đáy Thái Bình Dương.
Lực lượng cứu hộ Hải quân Mỹ cũng từng có trải nghiệm tương tự khi tìm kiếm những quả đạn bị thất lạc. Năm 1976, tàu ngầm nghiên cứu NR-1 đã tìm thấy và thu hồi được một tên lửa không-đối-không AIM-54 vẫn còn khả năng hoạt động của Mỹ ở Bắc Đại Tây Dương, ngoài khơi Scotland.
Dù số phận của lô hàng bị mất là như thế nào thì có một điều không thể nghi ngờ, đó là Trung Quốc rất háo hức nhận được lô hàng thay thế.
Như đã lưu ý ở trên, sự khác biệt giữa tên lửa 40N6 và 48N6 là rất rõ rệt. Đối với Trung Quốc, điều này có nghĩa các tổ hợp S-400 trang bị tên lửa 40N6 và triển khai trên đại lục, gần eo biển Đài Loan sẽ có tầm bao phủ toàn bộ không phận Đài Loan.
Các yếu tố khác nhau có thể làm hạn chế khả năng phát hiện mục tiêu và tấn công của S-400 đối với các máy bay hoạt động trên bầu trời Đài Loan, song phạm vi bao phủ được mở rộng thêm của Trung Quốc vẫn sẽ tạo ra mối đe dọa đáng kể mới đối với Không quân Đài Loan.
Trước đó, quân đội Đài Loan đang phải đối mặt với lực lượng tên lửa đạn đạo trên bộ gồm nhiều chủng loại, với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Bên cạnh đó là các loại máy bay chiến đấu và tàu chiến trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất của Bắc Kinh – giờ đây chúng có thể tấn công hiệu quả các cơ sở quan trọng của Đài Loan nằm ở mạn Thái Bình Dương.
Với tên lửa 40N6, S-400 sẽ trở thành công cụ chống tiếp cận/chống xâm nhập mạnh mẽ của Trung Quốc tại các vùng tranh chấp hoặc những điểm nóng tiềm tàng trên thế giới.
Dựa theo mức độ thiệt hại thì Almaz-Antey có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thay thế các tên lửa bị hỏng, thậm chí phải ưu tiên xử lý đơn hàng của Trung Quốc trước các khách hàng khác.
Hệ thống S-400 của Nga ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ khách hàng nước ngoài.
Hồi tháng 5/2018, Almaz-Antey cho biết nhà máy chịu trách nhiệm chế tạo các hệ thống tên lửa S-400 đã kín đơn đặt hàng cho tới năm 2025.
Với tuyên bố mới nhất của ông Chemezov, chúng ta sẽ chờ xem bao lâu nữa Trung Quốc nhận được các tên lửa 40N6. Theo nhà phân tích Trevithick, trong lần chuyển giao tới, biết đâu Nga sẽ cân nhắc phương án vận chuyển bằng tàu hỏa.
Putin tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc
‘khủng hoảng tên lửa Cuba’ nữa nếu Mỹ muốn
Tổng thống Vladimir Putin nói Nga đã sẵn sàng về mặt quân sự cho một cuộc “khủng hoảng tên lửa kiểu Cuba” nếu Hoa Kỳ dại dột muốn như vậy, và Moscow đang giữ ưu thế khi tấn công hạt nhân trước, theo Reuters.
Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba nổ ra vào năm 1962 khi Moscow đáp trả việc triển khai tên lửa của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách đưa tên lửa đạn đạo tới Cuba – đẩy thế giới tới bên bờ vực chiến tranh hạt nhân.
Hơn năm thập niên sau, căng thẳng đang gia tăng trở lại vì Nga lo ngại rằng Hoa Kỳ có thể triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu sau khi thoát khỏi ràng buộc từ việc rút khỏi một hiệp ước kiểm soát vũ khí thời chiến tranh Lạnh.
Phát biểu của ông Putin được đưa ra cho truyền thông Nga vào cuối ngày 20/2, theo sau cảnh báo của ông trước đó rằng Moscow sẽ đáp trả tương ứng với bất kỳ động thái nào của Hoa Kỳ trong việc triển khai các tên lửa mới gần nước Nga hơn bằng việc lắp đặt tên lửa của mình gần Mỹ hơn, hoặc bằng cách triển khai tên lửa nhanh hơn, hoặc bằng cả hai biện pháp.
Đây là lần đầu tiên ông Putin đưa ra cảnh báo một cách chi tiết, nói rằng Nga có thể triển khai tên lửa siêu thanh trên các tàu và tàu ngầm ẩn nấp bên ngoài lãnh hải Hoa Kỳ nếu Washington chuyển sang triển khai vũ khí hạt nhân tầm trung ở châu Âu.
“Chúng ta đang nói về phương tiện vận chuyển hải quân: tàu ngầm hoặc tàu nổi. Và chúng ta có thể đặt chúng, với tốc độ và tầm bắn của tên lửa của chúng ta… trong vùng lãnh hải chung. Thêm vào đó, chúng không đứng yên mà di chuyển và họ sẽ phải tìm ra chúng”, Reuters dẫn lại lời ông Putin theo văn bản từ Điện Kremlin.
“Anh tính đi. Số Mach là 9 (tốc độ của tên lửa) và hơn 1.000 km (tầm bắn của tên lửa)”.
Vi phạm hiệp ước
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bác bỏ cảnh báo trước đó của ông Putin là “tuyên truyền”, nói rằng đó là kế hoạch nhằm chuyển sự chú ý ra khỏi cáo buộc của Washington là Nga vi phạm Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).
Hiệp ước cấm Nga và Hoa Kỳ lắp đặt các tên lửa đất đối không tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu. Hiệp ước này đang trong giai đoạn cáo chung, làm gia tăng triển vọng về một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Washington và Moscow.
Ông Putin nói rằng ông không muốn có một cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ, nhưng ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc hành động nếu như Washington triển khai tên lửa mới ở châu Âu, mà một số trong đó, theo lời ông, có thể tấn công Moscow trong vòng 10-12 phút.
Tổng thống Nga nói rằng phản ứng của hải quân Nga đối với một động thái như vậy là Nga có thể tấn công Hoa Kỳ nhanh hơn là các tên lửa của Mỹ được triển khai ở châu Âu có thể tấn công Moscow vì thời gian bay sẽ ngắn hơn.
“Điều đó sẽ không có lợi cho họ, ít nhất là theo lúc này. Đó là điều chắc chắn”, ông Putin nói.
Tổng thống Nga nói thêm rằng quan hệ giữa Moscow và Washington đã căng thẳng, nhưng những căng thẳng đó không thể so sánh với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
“Chúng (căng thẳng) không phải là lý do gia tăng đối đầu so với các cấp độ của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trong những năm 1960. “Trong bất kỳ tình huống nào không như chúng ta mong muốn”, ông Putin nói. “Nếu ai muốn điều đó, thì OK, xin mời. Tôi đã nói hôm nay rằng điều đó có nghĩa là gì. Hãy để cho họ tính toán (thời gian bay của tên lửa)”.
TQ hút công nghệ quốc phòng,
tài nguyên Belarus thế nào?
Trung Quốc giúp Belarus chế tạo tên lửa để đổi lấy tài nguyên. Lukashenko đã có đồng minh mới?
Theo nhiều nhà quan sát, chính sách đối ngoại của giới lãnh đạo Belarus đang ngày càng rời xa khỏi vectơ Nga. Tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc là một hướng đi mới trong chính sách của Belarus mà Minsk đã phát triển trong một thời gian.
Phối hợp với các đối tác Trung Quốc, ông Lukashenko đang xây dựng các tổ hợp tên lửa, khu công nghệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên của Belarus. Chúng ta cùng nhìn lại mối quan hệ lâu nay giữa Belarus và Trung Quốc.
Hướng về phía Đông
“Thay mặt nhân dân Belarus, tôi xin nghiêng mình trước người bạn của mình là Chủ tịch Trung Quốc và tất cả những quân nhân đã giúp chúng tôi chế tạo ra những vũ khí có độ chính xác cao trên lãnh thổ Belarus trong vòng một năm rưỡi nay”.
Ông Alexander Alexander Lukashenko đã đưa ra lời cám ơn các đối tác Trung Quốc vào tháng 3 năm 2018 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập các lực lượng vũ trang của Cộng hòa Belarus.
Câu nói cửa miệng sắc sảo và đầy ấn tượng của ông Lukashenko là: “thế giới đang đắm mình trong vực sâu của vũ khí có độ chính xác cao – đó là những quả tên lửa có thể bay vào từng ô cửa sổ”.
Trước đây, Belarus chưa có công nghệ đó, nhưng các đối tác Trung Quốc đã đến trợ giúp. Mặc dù từ giữa những năm 2000, Belarus đã có tuyên bố liên minh với Nga, song ông Lukashenko đang tìm kiếm một sự thay thế khác.
Ngay sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Belarus, Minsk chính thức chuyển tầm nhìn sang phương Đông.
Ngay từ năm 2006, tại một cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc khi đó là Cao Ganchuan, Lukashenko đã coi mối quan hệ với Trung Quốc là quan hệ chiến lược.
Quan điểm đó lúc bấy giờ chỉ giống như một mong muốn hơn là một tình trạng thực sự. Tuy nhiên, chỉ vài năm trôi qua, “đồng minh chính của Nga” đã thực sự bắt đầu phát triển quan hệ chiến lược với Trung Quốc.
Năm 2012, ông Lukashenko đã đề nghị Moscow chuyển giao cho Belarus hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander. Để đối phó với “sự tăng cường hoạt động của một số lực lượng”, Tổng thống Belarus cần có tổ hợp có khả năng mang tên lửa có đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, Nga chỉ có thể đặt Iskander ở Belarus cùng với binh sỹ của mình. Moscow lo ngại rằng nếu hệ thống tên lửa được chuyển trực tiếp sang Belarus, thì vũ khí mạnh (hoặc các bộ phận riêng lẻ của nó) có thể sẽ lọt vào tay các nước đối thủ phương Tây thuộc khối NATO.
Trung Quoc hut cong nghe quoc phong, tai nguyen Belarus the nao?
Hệ thống tên lửa phóng “Polonaise” Ảnh: Viktor Tolochko / RIA Novosti
Công nghệ tiên tiến
Không đạt được điều mong muốn, ông Lukashenko bắt đầu tìm kiếm một giải pháp khác, thay thế cho Iskander của Nga.
Việc tạo ra một hệ thống tên lửa ngay từ đầu là vô cùng khó khăn và gần như không thể đối với một quốc gia còn hạn chế về tiềm lực kinh tế như Belarus. Do đó, Minsk quyết định phát triển tổ hợp chiến thuật của riêng mình với sự giúp đỡ của các đối tác phương Đông.
Vũ khí mới được tạo ra khá nhanh chóng và năm 2015, vào Ngày lễ Chiến thắng, lần đầu tiên, quân đội Belarus đã trình diễn hệ thống tên lửa phóng (MLRS) Polonez được chế tạo cùng với Trung Quốc.
Hệ thống này đã được chính thức công bố rằng tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu ở cự ly 280 km. Tuy không thể đạt được hiệu quả ở cự ly 500 km như Iskander, nhưng sức mạnh cũng rất ấn tượng.
Nhưng để nói rằng Trung Quốc đã giúp Belarus tạo ra Polonez là không hoàn toàn chính xác. Trên thực tế, chính người Trung Quốc đã chế tạo ra nó, vì bản thân tên lửa A200 và một phần quan trọng của thiết bị điện tử là của Trung Quốc, chứ không phải là nguồn gốc của Belarus.
Đóng góp chính của Belarus là cung cấp khung gầm phóng tên lửa, lần đầu tiên được sản xuất bởi nhà máy sản xuất máy kéo Minsk cách đây 30 năm.
Lãnh đạo Belarus rất tự hào về mức độ nội địa hóa cao của sản phẩm. Theo người đứng đầu của UB Công nghiệp Quốc phòng Belarus, Thiếu tướng Oleg Dvigalev, thì có tới 95% của sản phẩm có nguồn gốc nội địa.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin, vào năm 2018, bốn năm sau cuộc trình diện đầu tiên của Polonaise, nhà máy đã không thể tiếp tục chu trình sản xuất đầy đủ. Khối lượng nội địa hóa thực sự, theo dữ liệu của họ, chỉ khoảng 30%, khiến ngành công nghiệp quốc phòng Belarus cực kỳ phụ thuộc vào việc hợp tác với Trung Quốc.
Không phải chỉ có mình tên lửa
Thị phần của Trung Quốc trong quan hệ thương mại cũng vượt quá Belarus. Trong 5 năm qua, doanh thu tích lũy của các sản phẩm MIC và công nghệ sử dụng kép giữa 2 nước đã tăng hơn gấp đôi, trong khi đó Trung Quốc chiếm thị phần tới 65% sản phẩm.
Nhưng tình trạng này dường như vẫn làm cho cả hai nước hài lòng. Belarus hiện rất cần các khoản vay nước ngoài nhằm phát triển đất nước. Điều này liên quan tới các chi phí xây dựng và du nhập công nghệ mới.
Đồng thời, các nước NATO tiếp tục hạn chế giao cho Trung Quốc các sản phẩm quân sự và sản phẩm sử dụng kép, buộc Bắc Kinh phải tìm kiếm đối tác mới.
Còn Belarus, sau sự sụp đổ của Liên Xô, đã giữ lại được một cơ sở nghiên cứu khoa học và thực nghiệm phát triển trong lĩnh vực quốc phòng. Do đó, về khách quan, Trung Quốc sẽ có lợi khi thiết lập hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng Belarus.
Ngoài “Polonaise”, Belarus có thể tự hào về một số mẫu thiết bị quân sự khác, được phát triển cùng với đối tác Trung Quốc. Tại triển lãm MILEX 2017 ở Minsk, lần đầu tiên, họ đã trình diễn tên lửa mới cho hệ thống Polonaise với cự ly lên tới 300 km.
Loại tên lửa này khó có thể được gọi là vũ khí mới bởi trên thực tế, đây là phiên bản chung của tên lửa A200 và M20 của Trung Quốc cho các tổ hợp WS-2 và WS-3.
Cũng tại triển lãm này có trưng bày một phiên bản hiện đại hóa của xe tăng T-72 – T-72BME, được chế tạo bởi nhà máy sửa chữa số 140 (Borisov) và doanh nghiệp “Peleng” (Minsk). Theo thông tin có sẵn, phiên bản xe tăng này sẽ chủ yếu được giao cho Trung Quốc.
Trong khi đó, xe bọc thép lại đi theo hướng ngược lại. Trong năm 2016-2017, những xe bọc thép hạng nhẹ và trung bình mới Dong Feng Mengshi, “Bogatyr”, FAW Hong Oi L5, “Cờ đỏ” và CS / VN3, “Con Rồng” đã được Trung Quốc chuyển giao cho Belarus.
Xe bọc thép của Trung Quốc đã được trang bị cho các lực lượng hoạt động đặc biệt của Belarus.
Tảng đá hộc
Belarus đã chọn con đường hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc trong nỗ lực nhằm cân bằng ảnh hưởng của Nga. Nhưng sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng sự hợp tác của hai nước này chỉ giới hạn trong quốc phòng.
“Tảng đá hộc” là khu công nghiệp Trung Quốc-Belarus đã được khởi công. Theo dự tính của đại sứ quán Trung Quốc, số tiền đầu tư trực tiếp vào dự án này ước tính vượt quá 5 tỷ đô la.
Tổng số tiền đầu tư được quy định ở mức 30 tỷ đô-la trong vòng 30 năm. Kế hoạch của dự án này là tạo ra sản phẩm công nghệ cao và định hướng xuất khẩu, bao gồm lĩnh vực hóa học, công nghệ sinh học, dược phẩm, thương mại điện tử, lưu trữ và xử lý dữ liệu.
Trong thời gian đầu, dường như dự án có quy mô lớn này của Belarus-Trung Quốc sẽ thực sự nhắm tới và trở thành viên ngọc của Con đường tơ lụa. Công cuộc xây dựng bắt đầu vào mùa hè năm 2014, và vào giữa năm 2015, giai đoạn đầu tiên của khu công nghiệp đã được đưa vào vận hành.
Mặc dù đã đầu tư hai tỷ đô la, nhưng rõ ràng là còn lâu mới hoàn vốn được. Vào mùa xuân năm 2018, Thủ tướng Andrei Kobyakov đã tính toán rằng đến năm 2021, khối lượng sản phẩm được sản xuất trong khu công nghiệp sẽ là một tỷ đô la, và sẽ có 100 nhà đầu tư vào đó.
Đó là một mục tiêu đầy tham vọng, tuy nhiên, cho đến nay chỉ mới có 34 nhà đầu tư và khối lượng tiền của các sản phẩm đầu ra không được công bố. Liệu Belarus có tăng được gấp ba số lượng nhà đầu tư trong 3 năm còn lại hay không- thời gian sẽ trả lời.
Trung Quốc sẽ là đối tác chiến lược của Belarus
Mặc dù Belarus và Trung Quốc chưa có nhiều thành tựu trong hợp tác lĩnh vực công nghệ cao, nhưng trong các lĩnh vực truyền thống của nền kinh tế họ đã đạt được một số kết quả đáng kể.
Năm 2015, công ty Slavkali, thuộc sở hữu của doanh nhân Mikhail Gutseriev, đã ký hợp đồng với Trung Quốc để xây dựng một nhà máy khai thác và chế biến khoáng sản tại Belarus với số tiền của hợp đồng là 2 tỷ đô la.
Điều thú vị là 1,4 tỷ đô la thông qua Belarusbank sẽ được cung cấp bởi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Đồng thời, công ty đã ký hợp đồng 20 năm cung cấp kali cho Trung Quốc, là nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới loại khoáng sản này.
Đến năm 2020, theo các chuyên gia tại VTB Capital, Trung Quốc sẽ cần 9 triệu tấn kali mỗi năm, trong đó gần 2 triệu sẽ được cung cấp từ Belarus.
Các điều kiện thuận lợi của hợp đồng cho phép Belarus không phải lo lắng về việc bán nguyên liệu thô, điều đó có nghĩa là việc trả lại khoản vay rất có thể sẽ không trở thành vấn đề đối với các doanh nhân.
Điều đáng lo ngại là, bất chấp mọi nỗ lực để tạo ra sản xuất công nghệ cao và tăng cường hợp tác thương mại quân sự, Belarus mới chỉ thành công trong việc khai thác và bán tài nguyên khoáng sản.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26356-tq-hut-cong-nghe-quoc-phong-tai-nguyen-belarus-the-nao.html
Hé lộ lý do Đài Loan tự tin
TQ sẽ “không dám” tấn công bất ngờ
Một viện nghiên cứu ở Đài Loan nhận định nhờ các hệ thống giám sát điện tử hiện đại của Mỹ, Trung Quốc sẽ không tính tới chuyện tấn công bất ngờ Đài Loan.
Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn thị sát 2 tàu hộ vệ cũ lớp Perry của Mỹ được biên chế vào lực lượng hải quân Đài Loan hồi tháng 11/2018.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn báo cáo từ tổ chức National Policy Foundation đặt trụ ở Đài Bắc cho hay, nếu Trung Quốc vẫn muốn triển khai tấn công Đài Loan, Trung Quốc sẽ chọn cách làm tê liệt từng phần Đài Loan thay vì một cuộc chiến tổng lực.
“Đầu tiên, quân đội Trung Quốc không tự tin vào năng lực chiến tranh đổ bộ bởi công tác hậu cần không được đảm bảo. Ngoài ra, địa hình ở Đài Loan cũng là trở ngại lớn gây khó khăn cho quân đội Trung Quốc đổ bộ”, ông Lin Yu-fang, người đứng đầu tổ chức National Policy Foundation, một cơ quan nghiên cứu an ninh ở Đài Loan nhận định.
“Thứ hai, bất cứ động thái bất thường nào liên quan tới hoạt động quân sự hay một cuộc tấn công bất ngờ đều không thể qua khỏi sự giám sát từ các thiết bị hiện đại của Mỹ như vệ tinh tình báo”, ông Lin nói thêm.
Lâu nay, Bắc Kinh chỉ coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẵn sàng dùng vũ lực để sáp nhập vào lãnh thổ đại lục.
Hồi tháng Một, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Đài Loan nên từ bỏ ý định giành độc lập và nhấn mạnh tới con đường “hợp nhất trong hòa bình”.
Đáp trả, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn khẳng định Đài Loan sẽ “không bao giờ chấp nhận chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’” như chính quyền Bắc Kinh đưa ra.
Trước đó, bà Thái cũng đã kêu gọi Mỹ giúp đỡ cả về mặt quân sự và chính trị. Thậm chí, bà Thái còn cho thúc đẩy chính sách tự phòng thủ thông qua chương trình sản xuất hàng loạt vũ khí bao gồm tàu ngầm.
Còn theo ông Lin, dù năng lực quân đội Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ trong hàng thập niên qua, nhưng Bắc Kinh vẫn do dự trong việc triển khai tấn công sáp nhập Đài Loan trước mối lo thiệt hại về tài chính, ngoại giao và dư luận trong nước.
Đồng tình với ông Lin, ông Tsai Teh-sheng, cựu Giám đốc Cục An ninh Đài Loan cho hay quân đội Trung Quốc sẽ không muốn tham gia một cuộc chiến vừa tốn thời gian vừa tốn tiền bạc bởi đây là hành động gây tổn hại tới nền kinh tế nội địa và cuộc sống của người dân đại lục.
http://biendong.net/diem-tin/26394-he-lo-ly-do-dai-loan-tu-tin-tq-se-khong-dam-tan-cong-bat-ngo.html
TQ có dự án kinh tế tham vọng cho Vùng Vịnh Lớn
Kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc theo đó phát triển Vùng Vịnh Lớn (Greater Bay Area – 粤港澳大灣區) nhằm thúc đẩy kinh tế, nhưng các phân tích gia đặt câu hỏi liệu các mục tiêu cao quý có thể đạt được hay không.
Phóng viên BBC Ana Nicolaci da Costa giải thích.
Kế hoạch Vùng Vịnh Lớn được công bố trong tuần này, muốn kết nối Hong Kong, Macau và chín thành phố khác ở miền nam Trung Quốc.
Tại sao Nhân dân tệ đang tụt dốc?
Mỹ dọa đánh thuế toàn bộ hàng TQ
‘Sói già’ Trump đang áp đảo Tập Cận Bình?
Dự án nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bằng cách phát triển công nghệ và sáng tạo nhằm phát triển hạ tầng và tăng mối liên kết tài chính giữa các thành phố.
Một số người nói Trung Quốc đang tìm cách tạo ra một khu vực có thể cạnh tranh với Thung lũng Silicon.
Vùng Vịnh Lớn có vai trò rất quan trọng đối với Trung Quốc.
Khu vực này có khoảng 70 triệu dân, đóng góp 37% tổng xuất khẩu cả nước và 12% tổng sản phẩm quốc nội, theo HSBC.
Trung Quốc hy vọng việc đưa các thành phố trong khu vực xích lại gần nhau hơn sẽ giúp đẩy mạnh sản phẩm đầu ra hơn nữa.
Kế hoạch này là gì?
Kế hoạch nhằm phát triển công nghệ, thắt chắt mối liên hệ giữa các hệ thống tài chính và cơ sở hạ tầng, trong lúc đảm bảo chất lượng sống cho người dân.
Một số dự án về cơ sở hạ tầng hiện đã được triển khai.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái đã chính thức khai trương cây cầu nối Hong Kong với Macau và thành phố Châu Hải trong đại lục, cây cầu vượt biển dài nhất thế giới, một phần trong kế hoạch kết nối Vùng Vịnh Lớn.
Bản kế hoạch phác ra tầm nhìn chiến lược để các thành phố lớn trong khu vực trở thành những cổng kết nối chính cho các lĩnh vực khác nhau, theo các nội dung tường thuật.
Hong Kong sẽ củng cố vị thế là cổng tài chính thương mại; Thâm Quyến, nơi hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc là Huawei đặt trụ sở chính, sẽ là cổng công nghệ, trong lúc Macau sẽ tập trung vào du lịch, thương mại với thế giới nói tiếng Bồ Đào Nha.
‘Chiến tranh thương mại từng dẫn đến Thế chiến’
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và kinh tế VN
VN dễ thiệt hại vì vấn đề ‘hàng TQ tuồn sang’
“Nếu như bạn nghĩ về các thành phố nằm trong Vùng Vịnh Lớn…thì thấy chúng bổ trợ lẫn nhau,” Abert Hu, phó giáo sư Đại học Quốc gia Singapore, nói.
Ông Hu nói rằng “sẽ rất hợp lý khi thử cải thiện sự kết nối giữa các thành phố này”.
“Nếu như toàn bộ những thứ này được thực hiện thì tôi cho rằng khu vực sẽ hiệu quả hơn là tổng thành tích của từng thành phố riêng lẻ.”
Kế hoạch này cũng nhấn mạnh tới mục tiêu của chính quyền trung ương ttrong việc cải thiện năng lực sáng tạo, sáng chế trong khu vực, phát triển các dịch vụ hiện đại và quảng bá kinh doanh ở bên ngoài, theo Yue Su, kinh tế gia chuyên theo dõi tình hình Trung Quốc tại cơ quan nghiên cứu Economist Intelligence Unit.
Nhưng bà Su nói rằng sự “không rõ ràng” của bản tài liệu gồm 11 chương “cho thấy rằng giới chức sẽ gặp khó khăn trong việc hiện thực hóa các mục tiêu được nêu trong sáng kiến này.”
Có thể có những thách thức gì?
Toàn khu vực sẽ được lợi từ một thị trường chung rộng lớn hơn, trong đó con người và các nguồn lực sẽ di chuyển dễ dàng hơn, các nhà phân tích nói.
Với Hong Kong, sự hội nhập hơn nữa sẽ thúc đẩy vai trò của đặc khu hành chính này trong vai trò là trung tâm thương mại và tài chính toàn cầu.
Việc này thậm chí có thể còn giúp xả bớt áp lực cho thị trường nhà ở vốn đã rất căng thẳng ở Hong Kong, nếu như nó đủ sức hấp dẫn và độ dễ dàng để người dân Hong Kong chuyển sang đại lục.
Nhưng sự hội nhập kinh tế gần gũi hơn cũng tạo thách thức cho một vùng vốn có những phong tục tập quá, những hệ thống pháp lý và cả dịch vụ công khác nhau, các nhà phân tích nói.
Kế hoạch cũng làm dấy lên một số quan ngại về khung “một quốc gia, hai chế độ” vốn trao cho Hong Kong nhiều tự do hơn trong các vấn đề chính trị, kinh tế và pháp lý.
“Sự thịnh vượng của Hong Kong được xây dựng trên việc nơi này được thế giới công nhận quyền tự trị khỏi Trung Quốc,” bà Su nói.
“Mức độ ảnh hưởng gia tăng từ phía chính quyền trung ương Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ này, nếu có, nhiều khả năng sẽ khiến các đối tác thương mại lớn của Hong Kong quan ngại.”
Có thể thực sự cạnh tranh với Thung lũng Silicon?
Mục tiêu rõ ràng về công nghệ và sáng tạo được đặt ra khiến người ta đưa ra sự so sánh giữa Vùng Vịnh Lớn và Thung lũng Silicon của California.
Thế nhưng các nhà phân tích nói khu vực này còn lâu mới cạnh tranh nổi với cổng công nghệ của Mỹ, nếu như đó thực sự là mục tiêu Trung Quốc muốn hướng tới.
“Các hãng công nghệ của Trung Quốc chỉ đáng giá nhiều nhất là bằng một phần ba so với các hãng của Mỹ. Chúng cũng tạo ra không bao nhiêu doanh thu ở nước ngoài,” bà Su nói.
Những người khác nói rằng đưa ra sự so sánh thế là không phù hợp, chẳng khác gì so táo với cam.
“Không so sánh được,” Adam Xu, thành viên hãng tư vấn chiến lược toàn cầu OC&C tại Thượng Hải, nói.
“Kế hoạch nhằm mục tiêu phát tăng trưởng kinh tế khu vực thay vì cạnh tranh ngang bằng với Thung lũng Silicon.”
https://www.bbc.com/vietnamese/business-47321151
Trung Quốc sẽ để Vành đai Con đường lặng lẽ chết?
Tina Hà GiangBBCvietnamese.com
Chuyên gia Bùi Mẫn Hân gần đây đặt câu hỏi là liệu Trung Quốc có sẽ để cho dự án Vành đai Con đường chết một cái chết lặng lẽ.
Vành đai Con đường là sáng kiến đầu tư rộng lớn, đầy tham vọng của Trung Quốc, do Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra với mục đích kéo thế giới lại gần và biến quốc gia này thành trung tâm chính trị và kinh tế của hơn 60 quốc gia trong vòng quét của dự án.
Nhiều nước ‘lưỡng lự, tẩy chay’
Đưa ra phân tích của mình trong bài “Will China let Belt and Road die quietly?” tác giả Bùi Mẫn Hân trước tiên đề cập đến những thái độ tẩy chay, hay ít ra là xét lại của hàng loạt các nước quanh vùng.
Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia đã hủy bỏ hai dự án Vành đai Con đường lớn, một tuyến đường sắt trị giá 20 tỷ USD, với lý do là chi phí quá cao.
Chính phủ mới của Pakistan kêu gọi xem xét lại viên ngọc quý của Vành đai Con đường – Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), mà Trung Quốc cam kết tài trợ hơn 60 tỷ đôla.
VN tham gia ‘Vành đai, Con đường’ như thế nào?
‘Vành đai và Con đường lấy tài nguyên của nước đối tác’
TQ: Bẫy nợ là ‘thuyết âm mưu của Phương Tây’
Chính phủ Myanmar vừa nói với Bắc Kinh rằng việc xây dựng một đập thủy điện đã bị đình chỉ do Trung Quốc tài trợ sẽ không được khởi động lại.
Maldives, quốc đảo nhỏ bé ở Ấn Độ Dương, đang cố gắng đàm phán lại khoản nợ 3 tỷ đôla – bằng hai phần ba tổng sản phẩm quốc nội – mà nước này đã vay từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự án Vành đai Con đường.
Ngoại hối suy giảm, ngân sách thâm hụt
Dự án đầy tham vọng này của Trung Quốc không chỉ khó tồn tại vì sự tẩy chay của các nước trong vùng, nó đang gặp khó khăn vì tình hình kinh tế của nước này.
Môi trường tài chánh của Trung Quốc giờ đây không còn giống như thời Tập Cận Bình tung ra Vành đai Con đường vào năm 2013. Lúc đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt gần 4 nghìn tỷ đôla. Và với số tiền ấy, việc dùng một số hối đoái nước ngoài là một ý tưởng tuyệt vời để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Cùng với việc sử dụng các nhà thầu và vật liệu của Trung Quốc, Vành đai Con đường còn có thể giúp giải quyết vấn đề thặng dư của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp thép, xi măng và xây dựng.
Nhưng trong 5 năm qua suy thoái kinh tế đã rút đi hơn 1 nghìn tỷ đôla từ dự trữ ngoại hối nói trên. Nếu tính thêm ảnh hưởng của chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc sẽ khó có thể tạo ra đủ thặng dư ngoại hối để tài trợ cho Vành đai Con đường ở một quy mô như trước. Thuế quan áp đặt bởi Mỹ cộng với sự không chắc chắn về quan hệ thương mại giữa hai bên sẽ làm giảm đáng kể xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và, ở mức độ thấp hơn, các thị trường phát triển khác.
“Vì thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ chiếm gần như toàn bộ thặng dư tài khoản vãng lai, việc xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm đáng kể dẫn đến tình trạng thâm hụt tài khoản ̣(vãng lai) cho Trung Quốc, nếu không thể bù đắp được sự thiếu hụt bằng cách xuất khẩu sang các thị trường khác (một điều khó thực hiện). Khả năng thanh toán xấu đi sẽ buộc Bắc Kinh sử dụng dự trữ ngoại hối chủ yếu để bảo vệ đồng Nhân dân tệ và duy trì niềm tin của các nhà đầu tư vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của Trung Quốc.” Chuyên gia Bùi Mẫn Hân dẫn giải.
Chưa hết! Về mặt đối nội, Bắc Kinh phải đương đầu với một cơn bão về chi phí lương hưu tăng, tăng trưởng kinh tế làm chậm và tiền thu thuế giảm dần.
Thẳng thừng cảnh báo về triển vọng tài chính nghiệt ngã này, cuối tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn nói: “Tất cả các cấp của chính phủ phải lãnh đạo bằng cách thắt lưng buộc bụng và làm hết sức mình để giảm chi phí hành chính.” Và ngay sau cuộc họp, Thượng Hải, thành phố giàu nhất Trung Quốc, đã ra lệnh cắt giảm 5% cho hầu hết các cơ quan trong năm 2019.
Lỗ hổng ngân sách lớn nhất của Bắc Kinh là lương hưu cho dân số già hóa nhanh chóng. Tỉnh Hắc Long Giang thâm hụt 23 tỷ nhân dân tệ trong tài khoản lương hưu tính đến năm 2016, và sáu tỉnh khác, với dân số kết hợp là 236 triệu người, đã tham gia đóng góp lương hưu ít hơn so với chi trả trong năm 2016. Bức tranh lương hưu cho toàn Trung Quốc trông cũng đen tối không kém. Bộ Tài chính nước này cho biết chính phủ đã phải đóng góp 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm 2017 để tài trợ cho những thiếu hụt cho lương hưu.
Bùi Mẫn Hân kết luận:
”Trong tình trạng kinh tế bị trì hoãn vì chiến tranh thương mại với Mỹ, và phải đối mặt với sự chỉ trích từ các quốc gia nhận tiền Vành đai Con đường, những người hoài nghi dự án này, bao gồm các học giả, nhà kinh tế và doanh nhân, đang lặng lẽ hỏi liệu chính phủ có đang xử dụng đúng đắn nguồn lực khan hiếm của quốc gia hay không.”
“Các dự án vĩ đại được hình thành và ra chào đời khi túi ngoại hối còn đầy sẽ phải được Bắc Kinh đánh giá lại. Một số sẽ phải bị giới hạn hoặc thậm chí bị bỏ rơi hoàn toàn. Điều dường như đang xảy ra ở Bắc Kinh là trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục sát cánh với Vành đai Con đường, tham vọng ban đầu của ông Tập đang bị đẩy lùi khỏi tầm nhìn của công chúng. Sẽ không nên ngạc nhiên nếu cuối cùng Bắc Kinh để cho Vành đai Con đường, ít nhất là Vành đai Con đường phiên bản 1, chết một cái chết lặng lẽ.”
Những nhận định khác
Không có thông báo chính thức nào cho thấy Bắc Kinh sắp sửa dập tắt giấc mơ Vành đai Con đường của Tập Cận Bình. Điều này không có gì ngạc nhiên. Kiểm duyệt chặt chẽ đã loại bỏ bất kỳ lời chỉ trích trực tiếp nào, nếu có, về dự án này khỏi mọi phương tiện truyền thông.
Thế nhưng, nếu để ý kỹ, người ta vẫn thấy được dấu hiệu. Trong tháng 1 năm 2018, tờ The People’s Daily, tiếng nói của Đảng Cộng sản Trung Quốc có 20 bài viết về Vành đai Con đường. Tháng 1 năm nay, tờ báo này chỉ có 7 bài viết về cùng đề tài.
Dù cái loa tuyên truyền của Bắc Kinh không còn lớn tiếng quảng bá Vành đai Con đường, tác giả David Hutt, chuyên gia theo dõi chính trị châu Á, không đồng ý với nhận định của Bùi Mẫn Hân.
Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 15/2, ông nói:
“Cũng không đáng ngạc nhiên là thoạt nhìn thì mọi thứ đang không suôn sẻ lắm đối với Vành đai Con đường. Không ai nghi ngờ là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang đặt ra một vấn đề lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.”
”Một số nhận định, tuy nhiên, có thể hơi được phóng đại. Một số nhà phân tích cho rằng việc xuất khẩu chậm lại thực sự có thể là điều tốt, vì Bắc Kinh giờ đây sẽ tăng gấp đôi nỗ lực để làm cho nền kinh tế trở nên hướng nội và tự chủ hơn, vì hy vọng sẽ biến nó thành một khuynh hướng dài hạn, và chuyển công dân từ việc chi tiêu quá mức sang tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ, hơn là hàng hóa. Nhưng tôi không nghĩ điều này sẽ có tác động tiêu cực đến chính sách Vành đai Con đường”.
Ông phân tích:
“Nhìn vào chuỗi cung ứng. Campuchia, chẳng hạn, bán rất nhiều sản phẩm may mặc cho EU và Mỹ. Nhưng hầu hết chỉ đơn giản là nguyên liệu thô được mua từ Trung Quốc, sau đó được sản xuất nhẹ ở Campuchia và được bán dưới dạng hàng hóa do Campuchia sản xuất. Với các biện pháp trừng phạt hiện nay với các sản phẩm của Trung Quốc vào Mỹ, thậm chí còn có nhiều lý do để thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc hơn, như xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, nơi chúng có thể được thay đổi một chút và sau đó được bán lại như là hàng hóa sản xuất bởi nước ngoài (nhưng Trung Quốc vẫn có lời).”
“Hơn nữa, trong khi Trung Quốc đang mất một số đồng minh ở châu Á (Malaysia, Pakistan, Sri Lanka, v.v…) Bắc Kinh dường như không nhận ra rằng người dân ở các quốc gia này tức giận với số lượng tiền đầu tư của Trung Quốc vào nước họ – thay vào đó, lãnh đạo Trung Quốc có vẻ nghĩ rằng chỉ đơn giản là phải chuyển hướng đầu tư Con đường Vành đai sang nhiều quốc gia khác.”
Tác giả Nadege Rolland, trong bài Reports of Belt and Road’s Death Are Greatly Exaggerated cũng cho rằng những suy đoán rằng Vành đai Con đường đang chết hay rồi sẽ chết, ‘có tính phóng đại cao’:
“Vành đai Con đường không chỉ là một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc thậm chí reo rắc hạt giống hợp tác kinh tế. Thay vào đó, như Tập Cận Bình đã nói rõ Trung Quốc coi dự án là một phương tiện để “cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu” và đưa ra một “cộng đồng có định mệnh chung”.
Giải thích về ”cộng đồng’ này, ông Nadege Rolland nói:
”Vành đai Con đường phản ánh tầm nhìn của Bắc Kinh về vai trò cường quốc đứng đầu một trật tự khu vực của Trung Quốc – một trật tự không bị ràng buộc bởi những quy tắc, chuẩn mực và giá trị tự do mà Bắc Kinh bác bỏ là di tích của một trật tự không công bằng và lỗi thời do phương Tây quy định”.
“Dự án này nằm ở cốt lõi của chiến lược lớn của Đảng Cộng sản, điều này có nghĩa là giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không dễ dàng từ bỏ nó. Nhưng Vành đai Con đường cũng là một phòng thí nghiệm. Đã gạt sang một bên lời khuyên của Đặng Tiểu Bình là Trung Quốc nên “tránh thu hút chú ý” trong các vấn đề quốc tế, giới lãnh đạo Trung Quốc đang cảm thấy tự tin, và, theo cách nói của ông Tập, “phấn đấu để đạt được thành tựu.” Nhưng nó vẫn “băng qua sông bằng cách cảm nhận những viên đá” (một chủ nghĩa khác của Đặng). Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rằng vì đây là sáng kiến đầu tiên mà Bắc Kinh thực hiện với quy mô lớn như vậy, cần phải có nỗ lực và thời gian cho cả đảng lẫn thế giới bên ngoài thích nghi.”
Nadege Rolland khuyến cáo ”các nhà quan sát phương Tây không nên diễn giải quá mức các dấu hiệu đẩy lùi Vành đai Con đường là dự án này đang thất bại, cũng không nên đánh giá thấp khả năng thích nghi và học hỏi của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác đang phải tìm cách tốt nhất để bảo vệ phiên bản trật tự quốc tế tự do và cởi mở của họ, giới lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện bước đi tiếp theo.”
Vậy số phận Vành đai Con đường của Trung Quốc rồi sẽ ra sao? Chúng ta hãy chờ xem!
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47290217
TQ phát triển tàu chiến không người lái
Công ty đóng tàu quốc tế Trung Quốc (CSOI) đang phát triển một loại tàu mặt nước nhỏ không người lái có tên JARI USV. Tàu này nặng 20 tấn, dài 15m, nhỏ hơn rất nhiều so với các tàu khu trục Type -055 của hải quân Trung Quốc nhưng có cùng nhiệm vụ: chống ngầm, chống tàu mặt nước và cả phòng không.
Tàu JARI được trang bị các cảm biến điện-quang, radar mảng pha, thiết bị thủy âm, 8 ống phóng thẳng đứng, một ống phóng ngư lôi và một súng gắn phía mũi tàu, một dàn phóng rocket, theo mô hình trưng bày tại triển lãm.
Không chỉ Trung Quốc, hiện nay hải quân Mỹ cũng đang thảo luận về mong muốn phát triển các công nghệ không người lái để tích hợp vào tàu chiến đấu mặt nước và tàu ngầm.
Họ đã nghiên cứu phát triển một số tàu không người lái trang bị nhiều cảm biến và vũ khí để thâm nhập các khu vực chống tiếp cận của đối phương, ví dụ như trên biển Đông. Tàu JARI có vẻ là lời đáp trả của Trung Quốc đối với hình thức tác chiến kiểu mới từ phía Mỹ.
Theo các thông tin giới thiệu sản phẩm, tàu robot của Trung Quốc có vẻ được chế tạo theo hình thức module, có thể tái cấu hình để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, nhưng chưa rõ nhiệm vụ gì là chủ chốt. Trong video giới thiệu, JARI bắn hạ các máy baykhông người lái, đánh chìm tàu ngầm, tàu mặt nước…
Tốc độ của tàu đạt gần 80km/h, tầm hoạt động hơn 900km. Năm ngoái, khi Trung Quốc công bố thiết kế này tại một triển lãm ở châu Phi, một đại diện của họ nói với Navy Recognition rằng tàu robot này được hải quân Trung Quốc sử dụng và cũng dành để xuất khẩu, và rằng tàu nguyên mẫu đang được vận hành thử nghiệm ở Trung Quốc.
Tàu có thể được điều khiển từ một trạm đặt trên đất liền, hoặc từ tàu mẹ, theo tin của Navy Recognition. Tuy nhiên, không có thông tin về hình thức liên lạc từ trạm điều khiển hay từ tàu mẹ.
Trong khi Trung Quốc mới chỉ trưng bày mô hình của tàu chiến robot, Mỹ đang phát triển các tàu chiến đấu mặt nước không người lái cỡ lớn và cỡ vừa, có thể hoặc không người lái, hoặc mang theo thủy thủ đoàn, tùy tình huống và nhiệm vụ.
Theo chuẩn đô đốc RonBoxall, hải quân Mỹ đang dần tích hợp ngày càng nhiều các tàu không người lái vào hạm đội của họ. Trong thời gian trước mắt, các tàu này vẫn có thủy thủ đoàn. “Tôi cho rằng chúng chưa thể tự lái ngay lập tức”, ông Boxall nói.
“Chúng tôi sẽ thiết kế các con tàu này với ý tưởng rằng trong thời gian trước mắt sẽ có người trên tàu. Và sẽ đến lúc tàu không cần người lái hoàn toàn khi chúng tôi thấy rằng công nghệ và cách thức sử dụng chúng đã hoàn thiện”.
Ông Boxall nói hải quân Mỹ sẽ cần thời gian để tin tưởng hoàn toàn công nghệ không người lái này trong các cuộc thử nghiệm, ví dụ với lực lượng tuần duyên Mỹ, chịu trách nhiệm đảm bảo lưu thông
hàng hải an toàn ở vùng biển xung quanh nước Mỹ, nhưng rồi các tàu kiểu này sẽ được hoàn thiện trong tương lai với vai trò là các tàu mang cảm biến và kể cả vũ khí.
Ý tưởng đằng sau việc sử dụng các con tàu không người lái của hải quân Mỹ là một phần chuẩn bị cho đụng độ với các đối thủ tiềm tàng như Nga và Trung Quốc.
Trong các cuộc chiến công nghệ cao, bất cứ vật gì phát ra tín hiệu điện từ có thể phát hiện, ví dụ như năng lượng hiệu suất cao, radar phòng không, sẽ có thể là nạn nhân của tình báo điện từ hay các thiết bị do thám.
Hải quân Mỹ muốn giảm thiểu rủi ro này bằng việc sử dụng các tàu robot đóng vai trò là các cảm biến kiêm tàu tấn công, bảo vệ các tàu chiến có người lớn hơn.
http://biendong.net/diem-tin/26387-tq-phat-trien-tau-chien-khong-nguoi-lai.html
Biện minh của giới chuyên gia TQ
về chiến lược phát triển cường quốc biển
Để giải thích cho chiến lược biển của Trung Quốc, giới học giả Bắc Kinh đã đưa ra nhiều nhận định, đánh giá nhằm biện minh cho sự “trỗi dậy hòa bình” và chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng vấn đề chiến lược phát triển của Trung Quốc tập trung ở trên bộ hay trên biển có thể ngược dòng về cuộc tranh luận giữa “phòng ngự biên ải” và “phòng ngự trên biển” diễn ra vào cuối thời nhà Thanh. Cuộc tranh luận lúc đó là do tài lực của Trung Quốc không đủ dẫn đến vấn đề trong phân phối quân lương, điều này cũng đã phản ảnh nhận thức khác nhau của giới “tinh anh” chính trị Trung Quốc về cục diện an ninh chính trị địa duyên của đất nước. Thế nhưng, từ thời nhà Tần thống nhất Trung Quốc, mối đe dọa chủ yếu với an ninh của Trung Quốc là sự xâm lược, quấy nhiễu của các dân tộc ít người phía Tây và phía Bắc. Do đó, các nhà chính trị Trung Nguyên của các triều đại Trung Hoa đều xem việc củng cố biên phòng phía Tây là vấn đề mấu chốt cho việc bảo vệ sự ổn định của chính quyền. Những “bờ vách ngăn cách” Vạn Lí Trường Thành, phía Bắc Trung Quốc chính là những “nhân chứng chứng kiến” cho “chính trị lục quyền” (chính trị quyền lợi trên bộ) của Trung Quốc. Đến cả sau khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc thành lập tới nay, Trung Quốc vẫn kiên trì giữ quan niệm an ninh “chính trị lục quyền” truyền thống. Quan niệm này không thể không xem trọng, bởi Trung Quốc có 22.000 km biên giới lục địa, thiết lập mối quan hệ “láng giềng hữu nghị, ổn định lâu dài” với tất cả các nước láng giềng, đó là điều kiện tiền đề quan trọng cho sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Ở nhận thức này, Trung Quốc tập trung cho các mối quan hệ láng giềng, nhất là từ thập niên 90 của thế kỉ XX, mối quan hệ với các nước láng giềng đã được đưa lên vị trí hàng đầu trong nền ngoại giao của Trung Quốc.
Qua nhiều năm vun đắp, Trung Quốc đã thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược tương ứng với từng nước lớn ở xung quanh, đặc biệt với nước láng giềng lớn nhất là Nga, mối quan hệ giữa hai nước đang ở trong thời kỳ lịch sử tốt nhất. Cho dù đôi lúc vẫn còn bị động trong mối quan hệ với Ấn Độ, nhưng Trung Quốc vẫn duy trì mối quan hệ đối thoại tương đối tốt với nước này. Thông qua các cơ chế hợp tác đa phương của tổ chức Thượng Hải, Trung Quốc đã duy trì những hoạt động tương tác lẫn nhau mang tính tốt đẹp trong quan hệ với các nước Trung Á. Thậm chí có thể nói rằng, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã trở thành một vũ đài đa phương quan trọng cho sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Từ những tình hình trên có thể thấy, Trung Quốc là một nước lớn có xu hướng duy trì quyền lợi trên bộ (“lục quyền đại quốc”- nước lớn “lục quyền”).
Thế nhưng, nếu chỉ là một nước lớn “lục quyền” thì chưa đủ cho Trung Quốc để thực hiện mục tiêu “phát triển nước lớn” của mình. Suy cho cùng, về địa lí, Trung Quốc có 18.000 km đường bờ biển với tài nguyên biển vô cùng phong phú và vô cùng quan trọng với sự phát triển trong tương lai. Sự phát triển của cục diện thế giới thúc đẩy Trung Quốc không chỉ phải duy trì địa vị một nước lớn “lục quyền” mà còn phải trở thành một nước lớn “hải quyền” (nước lớn có xu hương duy trì quyền lợi trên biển). Sự “phát triển nước lớn” của Trung Quốc còn nhu cầu một chiến lược lớn về biển vô cùng rõ ràng.
Văn hóa biển có mối quan hệ mật thiết với sự “hưng vong, vinh nhục” của dân tộc Trung Hoa
Trung Quốc là một quốc gia “văn hóa lục địa”, có thể trích dẫn lời nói của học giả Đài Loan Lăng Thuần Thanh; thực tế nhà Tần thống nhất được 6 nước là sự chinh phục của văn hóa lấy nước Tần là đại diện với văn hóa biển lấy các nước Tề, Sở là đại diện. Lăng Thuần Thanh còn cho rằng Tần Thủy Hoàng trong ngoài trao đổi di dân, ngăn cách giao thông trên biển, là chính sách cấm biển tiêu cực mà văn hóa lục địa áp dụng với văn hóa đại dương. Mà chính sách của nhà Tần vẫn được công nhận và kéo dài, cho đến tận chính sách cấm biển của thời nhà Thanh.
Thế nhưng, cùng với sự biến thiên của thời đại, văn hóa lục địa cũng đại diện cho tính lạc hậu, tính bế phong (đóng cửa) của văn hóa canh tác nông nghiệp. Đặc biệt sau cách mạng công nghiệp của Châu Âu, cùng với sự bắt đầu của các tuyến đường mới và những phát kiến lớn về địa lý và nhờ những thành quả kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp, các nước lớn của phương Tây lần lượt bước ra vũ đài của thế giới. Trong quá trình trỗi dậy của các nước lớn phương Tây, quyền lợi trên biển (hải quyền) là một yếu tố hết sức quan trọng. Những ý nghĩa thực sự trong lịch sử thế giới đều bắt đầu từ những phát kiến hàng hải, đều dựa vào các con tàu buôn chở vàng và hương liệu. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã từng xưng bá thế giới, tiếp đó là vương quốc thương nghiệp Hà Lan- hệ thống tài chính và bá quyền thương mại của nước này đều xây dựng trên cơ sở những đội thuyền thương nghiệp đồ sộ và sự phát đạt của ngành đóng tàu. Bá quyền thế giới của Hà Lan là dựa vào thương mại trên biển, mà sau đó nước thay thế Hà Lan – đế quốc Anh không chỉ chú trọng vào thương mại trên biển mà còn có lực lượng hải quân hùng mạnh là chiếc ô bảo vệ cho nền thương mại trên biển của nước này. Đúng là do dựa vào lực lượng hải quân hùng mạnh mà nước Anh xưng bá trên thế giới cả trăm năm.
Thời cận đại Trung Quốc lạc hậu thậm chí trở thành đất nửa thuộc địa cho chủ nghĩa thực dân, đều có liên quan tới sự coi thường biển trong thời gian dài. Nói thực ra là có liên quan đến sự coi thường văn hóa biển của Trung Quốc. Tiên sinh Phùng Hữu Lan đã từng nói: nền văn minh Hi Lạp là nền văn minh mang tính biển, nền văn minh phương Tây cũng tương tự, nên những nền văn hóa này linh động giống như dòng nước, giống như những người có trí tuệ, luôn mong muốn tìm kiếm sự thay đổi, cách tân…Mà nền văn minh Trung Quốc thuộc văn minh mang tính lục địa lại giống như một vị “nhân giả” (con người nhân nghĩa) cao tuổi, là một ngọn núi lớn vững chãi, tôn trọng truyền thống, có một sự cẩn trọng “trời sinh” với những sự thay đổi. Văn minh nông nghiệp canh tác mang tính ổn định, khiến con người vì tôn trọng cái cũ mà không có trí tiến thủ. Tính lưu động và tính đa biến của văn minh biển lại khiến nó có được một sức sống dẻo dai, có nhuệ khí tiến thủ, giàu sức sống và tinh thần sáng tạo cái mới. Nước Anh là một đảo quốc, bá chủ biển hiện nay là nước Mỹ lại giáp với 2 đại dương, môi trường địa lý này “làm nóng” những hoạt động về biển trong lòng người dân Mỹ, trên phương diện tố chất con người và kinh nghiệm, nước Mỹ đều có những ưu thế mà các quốc gia lục địa không thể so sánh được.
Những điều trên tuyệt đối không hạ thấp văn minh và con người Trung Quốc, mà là nhấn mạnh đến mối quan hệ trực tiếp giữa văn hóa biển và sự “hưng vong, vinh nhục” của dân tộc Trung Hoa. Thế kỷ XXI là thế kỷ của biển, bài học “bị đánh” vào cuối thời nhà Thanh, sự tranh luận giữa nguy cơ phòng ngự biển thời cận đại và quyền lợi trên biển thời hiện đại phản ánh khá đầy đủ những ảnh hưởng lớn của biển đến tiến trình lịch sử của Trung Quốc và tính quan trọng của việc phát triển ra biển của Trung Quốc.
Ý nghĩa của lãnh thổ biển đối với sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai:
Phát triển cải cách và xây dựng hiện đại hóa của Trung Quốc trong 30 năm qua chủ yếu là loại phương thức còn thô sơ. Đặc điểm lớn nhất của phương thức này là sản xuất kinh tế do sự hao phí năng lượng lớn đem lại. Đồng thời do các nguồn tài nguyên có giới hạn. Do đó kinh tế Trung Quốc đi vào ngõ cụt của sự phát triển. Ngõ cụt này biểu hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, mâu thuẫn giữa sự phát triển của kinh tế Trung Quốc và sự thiếu hụt những nguồn tài nguyên ngày càng nổi bật. Một mặt tỉ lệ tài nguyên trên đầu người của người dân Trung Quốc rất thấp, mặt khác trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc do kỹ thuật còn tương đối lạc hậu nên tỉ lệ sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên còn tương đối thấp. Theo thống kê của các chuyên gia trong ngành, tỉ lệ sử dụng tổng hợp tài nguyên nước và khoáng sản của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 25% tỉ lệ của các quốc gia phát triển, bằng xấp xỉ 55% trình độ trung bình của các quốc gia đang phát triển, cũng có nghĩa là lượng tài nguyên hao phí cho 1 đơn vị GDP của Trung Quốc bằng 5 lần con số của các quốc gia phát triển, bằng 3 lần lượng tài nguyên hao phí của các quốc gia đang phát triển. Theo “Quy hoạch 5 năm lần thứ 12” của Trung Quốc, 5 năm trong tương lai, thực hiện tăng 50% tổng lượng kinh tế, điều đó có nghĩa là Trung Quốc vẫn là nước tiêu thụ năng lượng và tài nguyên lớn. Mà trong khi đó, tỷ lệ tự cung các nguồn tài nguyên, năng lượng của Trung Quốc sẽ giảm mạnh. Bắt đầu từ năm 1993, từ một nước xuất khẩu dầu, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu. Theo thống kê của các ngành có liên quan, tỉ lệ tự cung nguồn dầu trong nước sẽ từ con số 82% năm 2000 giảm xuống 60% năm 2020. Các quặng sắt lớn và các quặng dự trữ siêu lớn ít dần, nguồn tài nguyên đang có và cần phải bảo vệ thiếu hụt nghiêm trọng, lớp quặng ít dần, chi phí khai thác cao. Những năm gần đây, sản lượng các quặng ở Trung Quốc không còn đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng sản lượng gang thép của nước này. Với tốc độ khai thác hiện nay, lượng tài nguyên, quặng sắt chỉ còn đủ dùng trong 40 năm nữa. Mà ở dưới biển không chỉ có tài nguyên dầu mỏ phong phú mà còn có cả than, mangan, sắt, niken, coban, đồng, băng cháy… Đi ra biển
khai thác các nguồn tài nguyên, năng lượng sẽ là sự lựa chọn tất yếu cho sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc.
Thứ hai, hiện tượng đất chật người đông ngày càng nổi bật. Trung Quốc là một nước đông dân, thế nhưng lượng đất có thể sử dụng trên thực tế rất ít. Số lượng thống kê có liên quan đã chỉ rõ, diện tích đất bình quân đầu người trên thế giới là 44,5 mẫu nhưng bình quân đầu người ở Trung Quốc chỉ đạt 12,4 mẫu- thiếu khoảng 32,1 mẫu so với mặt bằng chung của thế giới. Diện tích đất canh tác bình quân thế giới là 4,8 mẫu còn của Trung Quốc chỉ đạt 1,3 mẫu- còn kém 3,5 mẫu so với mặt bằng chung. Diện tích đồng cỏ trên đầu người của thế giới là 10,4 mẫu còn của Trung Quốc chỉ đạt 5,2 mẫu, kém đến 5,2 mẫu. Diện tích đất rừng trên đầu người của thế giới là 13,6 mẫu, của Trung Quốc chỉ đạt 1.6 mẫu, kém đến tận 12 mẫu. Mâu thuẫn đất chật người đông không chỉ kiềm chế sự phát triển kinh tế của Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội của Trung Quốc. Biển mặc dù không thể cung cấp trực tiếp cho chúng ta đất đai thực tế, nhưng nó có thể cung cấp cho chúng ta những không gian sinh sống đặc thù, đó cũng là một nguồn tài nguyên đất đặc thù.
Thứ ba là mâu thuẫn giữa mô hình kinh tế mở cửa và sự khó khăn trong những tuyến đường. Trung Quốc đã là một nền kinh tế mở, một nền kinh tế mở có mối quan hệ vô cùng mật thiết với bên ngoài. Điều này yêu cầu một đường giao thông trên biển thông thoáng không bị gián đoạn để đảm bảo chắc chắn mối liên hệ kinh tế với bên ngoài. Mà trên lĩnh vực vận tải trên biển ta thấy rằng, 80% vận tải trên biển của Trung Quốc phải thông qua con đường eo biển Malacca. Do đó đường giao thông trên biển tại Biển Đông là con đường “sinh mệnh” của Trung Quốc. Đầu tiên đó là con đường vận chuyển năng lượng quan trọng của Trung Quốc. Sự phụ thuộc vào năng lượng bên ngoài của Trung Quốc không ngừng gia tăng, mà trước khi khai thông tuyến đường Trung Quốc – Myanmar, 70% dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đều phải thông qua tuyến đường Malacca. Đầu tiên, con đường hàng hải qua Biển Đông cũng là con đường quan trọng của mậu dịch ngoại thương Trung Quốc. Đa phần mậu dịch ngoại thương của Trung Quốc đều thực hiện qua đường biển. Những đội tàu vận tải viễn dương của Trung Quốc đã qua lại tới hơn 600 hải cảng của 150 quốc gia và khu vực mà đa số đều thông qua con đường Biển Đông. Do đó Biển Đông là con đường “sinh mệnh” của thương mại Trung Quốc.
Thế nhưng, con đường eo biển Malacca là nơi bọn cướp biển hoạt động một cách hung hăng. Cục Hàng hải quốc tế cho biết, các vụ hải tặc cướp bóc diễn ra tại eo biển Malacca chiếm 56% tổng số vụ hải tặc trên tòan thế giới, những vụ việc trên vẫn chỉ là những vụ án đã được biết đến (tức là còn nhiều những vụ việc khác chưa được ai biết). Theo thống kê, ít nhất có đến một nửa các vụ việc bị tấn công, cướp bóc chưa được báo cáo. Hoạt động tấn công, cướp bóc ngày càng hung hăng của bọn cướp biển đã biến một con đường biển tấp nập, phồn thịnh nhất thế giới trở thành một eo biển nguy hiểm nhất. Mà khu vực eo biển Malacca vẫn luôn là nơi các nước lớn ra sức gây ảnh hưởng. Nước Mỹ luôn duy trì một lực lượng quân sự lớn tại Biển Đông, các quốc gia trong khu vực này có mối quan hệ cao cấp với các lực lượng quân sự trên. Tại Đông Nam Á, nước Mỹ đã có những điều ước đồng minh lâu dài với các nước Phillipines và Thái lan. Nước Mỹ xưa nay vẫn quan tâm đến an ninh hàng hải tại Biển Đông. Nhưng điều chủ yếu mà Mỹ quan tâm không phải là vấn đề nạn hải tặc mà là các phần tử khủng bố và sự vận chuyển các loại vũ khí mang tính hủy diệt hàng loạt và giám sát các hoạt động có liên quan tới các nước lớn mới nổi như Trung Quốc. Do đó có thể thấy, giữa vùng Biển Đông thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương,con đường hàng hải đi qua Biển Đông không chỉ là nơi vận chuyển dầu mỏ và thương mại của đại đa số các quốc gia ở châu Á mà còn có vai trò quan trọng đối với giao thông “kinh tế- quân sự” của nhiều quốc gia ở khu vực khác. Do đó an ninh hàng hải qua Biển Đông nhận được sự quan tâm của các nước trên thế giới.
Chuỗi đảo “bị khóa” trên biển ức chế sự “trỗi dậy” của Trung Quốc:
Trung Quốc là quốc gia “lục địa” cũng là một quốc gia “biển”. Trung Quốc có 3.000.000 km2 biển, đường bờ biển dài 18.000 km, đứng thứ 4 trên thế giới, có 200 hải lí khu vực đặc quyền kinh tế- đứng đầu thế giới. Thế nhưng một bộ phận lãnh hải tương ứng của vẫn chưa thuộc về Trung Quốc, trong đó có khoảng 12.000.000 km2 biển và các vùng tranh chấp tồn tại với các nước xung quanh.
Ở Biển Hoa Đông, giữa Trung Quốc và Nhật Bản tồn tại tranh chấp đảo Điếu Ngư (Senkaku), đảo này nằm ở phía Đông, thềm lục địa Hoa Đông của Trung Quốc, thực ra là phần kéo dài của núi lửa Đại Đồn – Đài Loan. Dựa vào quan điểm của “Công ước thềm lục địa ” có hiệu lực từ những năm 60 của thế kỷ XX, về lý, đảo Điếu Ngư (Senkaku) là bộ phận của đảo Đài Loan. Đảo này có diện tích 6,344 km2, nhưng diện tích khu vực biển xung quanh đảo lại là 17.000 km2, gấp 5 lần diện tích đảo Đài Loan.
Ngoài ra trên vùng biển Hoa Đông, Trung Quốc và Nhật Bản còn xảy ra tranh chấp các nguồn dầu khí. Thềm lục địa biển Hoa Đông nằm ở giữa 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, là phần khéo dài
lãnh thổ tự nhiên của đại lục Trung Hoa. Thềm lục địa biển Hoa Đông cũng ẩn chứa nhiều nguồn tài nguyên phong phú như: thủy sản, dầu mỏ, khí tự nhiên và các nguồn khoáng sản tự nhiêm hiếm. Thế nhưng phía Nhật Bản cho rằng mỏ dầu khí tự nhiên ẩn chứa không chỉ thuộc về phía Trung Quốc mà còn kéo dài đến lãnh thổ của Nhật Bản. Do đó chính phủ Nhật Bản phản đối phía Trung Quốc đơn phương khai thác khí tự nhiên, nhiều lần đem chuyện mỏ dầu khí biển Hoa Đông gây sự với Trung Quốc.
Tại khu vực biển Hoàng Hải, giữa Trung Quốc và Hàn Quốc tồn tại tranh chấp xung quanh vấn đề bãi đá ngầm Suyan. Bãi đá ngầm Suyan nằm ở phía Bắc biển Hoa Đông, là một bộ phận kéo dài ra biển của thềm lục địa Giang Tô, là một bãi đá ngầm nằm dưới mặt nước. Phía cực Nam mà Hàn Quốc công nhận là đảo Mã La (126E, 33N), ở đó có dựng bia đá ghi rõ “Cực Nam của nước Đại Hàn Dân Quốc”, đây cũng là cách nói mà phía Hàn Quốc công nhận. Thế nhưng bãi đá ngầm Suyan lại nằm cực Nam của đảo Mã La (125010’56”81 Kinh Đông; 3207’22”63 Vĩ Bắc), điều này cũng được cộng đồng quốc tế xem là một trong chứng cứ có sức thuyết phục chứng minh bãi Suyan thuộc về Trung Quốc.
Đến khu vực Biển Đông, Trung Quốc có nhiều tranh chấp hơn với các nước xung quanh. Quyền lợi biển của Trung Quốc có thể xem như sau: Thứ nhất, chỉ vùng biển rộng hơn 3.000.000 km2 của Trung Quốc; Thứ hai, Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế thế giới có an ninh tuyệt đối của Trung Quốc đối với con đường vận chuyển trên biển cho việc vận chuyển năng lượng và trao đổi xuất nhập khẩu thương mại. Tuy nhiên, sự tồn tại những điểm tranh chấp các đảo trên biển đã trở thành một “quả cân” nặng để Mỹ và các nước lớn phương Tây kiềm chế Trung Quốc. Những điểm tranh chấp do chuỗi đảo gồm các quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryu Kyu, đảo Đài Loan, quần đảo Phillipines tạo thành đã khóa chặt vùng biển gần đại lục Trung Hoa, thu hẹp vào một vùng biển bên trong các biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và Biển Đông, tạo thành chuỗi đảo khóa chặt sự “trỗi dậy” của Trung Quốc; khiến cho sức mạnh trên biển của Trung Quốc không thể tiến ra Tây Thái Bình Dương, biển Nhật Bản, Ấn Độ dương… Điều này quyết định đến những xung đột chiến lược chủ yếu đến từ biển đối với Trung Quốc trong tương lai.
Tư duy mới về chiến lược biển của Trung Quốc:
Bảo vệ quyền lợi trên biển của Trung Quốc, phòng ngừa xung đột trên biển… trên phương diện khách quan, đã bắt buộc Trung Quốc không chỉ nhu cầu một chiến lược mới về biển của mình mà còn phải có tư duy mới về chiến lược biển trong khi xây dựng chiến lược mới về biển.
Đầu tiên, phải phát triển mạnh mẽ hải quyền của Trung Quốc, tăng cường việc xây dựng lực lượng viễn dương. Đây là việc làm tất yếu và quan trọng duy trì lợi ích của quốc gia sau khi đã tăng cường thực lực về kinh tế. Keohane và Joseph Nye đã coi hai vấn đề về biển và vấn đề về tiền tệ là hai nhân tố lớn chủ yếu ảnh hưởng tới đại cục của thế giới. Trung Quốc không thể không thừa nhận những gì rõ ràng mà hai học giả người Mỹ đã nhìn thấy trước, họ đã sớm dự đoán được tính quan trọng của hai nhân tố lớn trên. Hiện nay, “chiến tranh tiền tệ” toàn cầu- đặc biệt là “chiến tranh tiền tệ” với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã nổ ra toàn diện, mà vấn đề biển ngày càng diễn ra gay gắt trong vùng biển thuộc Trung Quốc. nếu có một chút lơ là, vấn đề biển sẽ “phá hủy” chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc.
Nước Mỹ kiềm chế sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, thế nhưng trên lĩnh vực kinh tế, các nước từ ASEAN đến Nhật Bản và Hàn Quốc lại vẫn đón “chiếc xe thuận gió” từ sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, các nước này đã thu lại không ít những lợi ích kinh tế. Nhưng trên lĩnh vực chính trị, các nước này vẫn có thành kiến với Trung Quốc, thiếu niềm tin đầy đủ với sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Cho nên, các nước này thường gây ra những sự cố tại các quần đảo thuộc vùng biển Đông, lấy những hành động này để tiến hành “thăm dò” Trung Quốc. Những nước này dám tiến hành “thăm dò” Trung Quốc là do: Thứ nhất, mượn sự giúp đỡ từ một vài lực lượng của Mỹ; Thứ hai, lực lượng trên biển của Trung Quốc còn chưa thực sự lớn mạnh cần thiết, đặc biệt chưa có lực lượng viễn dương lớn mạnh. Đây là điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc sau khi đã có nền kinh tế phát triển mạnh.
Thứ hai, “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”, nhưng trước đó là “chủ quyền của tôi”. Trung Quốc đề xướng ra “Gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” trong một thời gian dài trở lại bị một vài nước khác lợi dụng và xem là “Gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”. Thậm chí dẫn đến các nước có liên quan tranh đoạt chủ quyền của Trung Quốc. độc lập hành động khai thác trên thực tế. Vế trước của “Gác lại tranh chấp” mà Trung Quốc đề xướng là “chủ quyền của tôi”. Nếu chủ quyền không phải là của Trung Quốc, Trung Quốc quyết không tranh chấp với bất cứ quốc gia nào. Điều này thể hiện rõ sự “khoan dung” của Trung Quốc. điều này cũng chứng minh Trung Quốc luôn luôn thực hiện nền ngoại giao và quốc phòng “hướng nội”. “Khoan dung” ở đây là mặc dù là thứ thuộc về Trung Quốc nhưng các quốc gia khác vẫn được hưởng. Trung Quốc có thể dừng không bàn đến vấn đề “thuộc về nước nào” chỉ
thừa nhận hiện thực khách quan (tức là “chủ quyền của tôi”). Nhưng nếu khai thác chưa ra lợi ích , Trung Quốc có thể chia sẻ với các quốc gia có liên quan (tức là “Cùng nhau khai thác”). Do vậy, “Gác lại tranh chấp” tuyệt đối không phải là “Gác lại chủ quyền”, mà là dưới tiền đề “Chủ quyền của tôi” tiến hành “Cùng nhau khai thác”. Cái gọi là “hướng nội” ở đây tức là bất kể trên hoạt động quân sự hay hoạt động ngoại giao, Trung Quốc đều không mong muốn “khuếch trương, mở rộng” mà chỉ là giữ “nhất mẫu tam phân” (từng tấc, từng thước) đất của mình; quyết không tiến hành “độc chiếm đất” theo kiểu Chủ nghĩa Bá Quyền.
Thứ ba, Trung Quốc kiên trì “phát triển hòa bình” nhưng tuyệt nhiên không phải là Chủ nghĩa Hòa bình lý tưởng. Phát triển hòa bình là chiến lược Trung Quốc kiên định không thay đổi, nhưng chiến lược phát triển hòa bình không có nghĩa Trung Quốc có thể “mù quáng nhân nhượng”, từ đó sa vào “Chủ nghĩa Hòa bình lý tưởng”. Hiện nay, thách thức trực tiếp tạo ra với chiến lược Phát triển hòa bình của Trung Quốc chính là vấn đề các quần đảo ở Biển Đông. Nếu như Trung Quốc là nước lớn “có khí phách” lại không thể bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông, do “Thuyết mối đe dọa Trung Quốc của phương Tây” mà không dám có hành động bảo vệ chủ quyền….Vậy thì, “Chủ nghĩa Hòa bình lý tưởng” sẽ “phá hủy” Chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc. Do đó trên vấn đề chủ quyền tại biển Đong (Nam Hải) “Cứng rắn” ở mức độ nhất định là có lợi cho Chiến lược phát triển hòa bình.
Cuối cùng, phải tăng cường quan niệm về hải quyền, xây dựng ý thức hoàn tòan mới về hải quyền. Điều quan trọng trong quan niệm về hải quyền không phải là chuyển sự chú ý vào 3 triệu kilomet hải phận mà bỏ qua 9.600.000 km diện tích đất liền. Tư duy hoàn toàn mới về hải quyền chính là Trung Quốc phải thoát ra khỏi “Chuỗi đảo thứ nhất”, “tự tin” và “hùng dũng” tiến vào Thái Bình Dương. Mấu chốt của việc tiến vào Thái Bình Dương là Đài Loan. Do đó tư duy mới về chiến lược biển phải đưa Đài Loan lên vị trí quan trọng hàng đầu. Cũng có thể nói phải cân nhắc việc liên kết hai vấn đề “Thống nhất hai bờ” và “Tư duy mới về chiến lược biển” với nhau. Trên tầng ý nghĩa này có thể thấy rằng ngày để giải quyết Vấn đề hai bờ là thời gian Trung Quốc thực hiện “Tư duy biển”.
Nhìn chung, những luận điệm biện minh trên của giới học giả Trung Quốc cũng chỉ nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế, cố tình bao biện cho chủ trương, hành động phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông cũng như các vùng biển khác.
TQ xâm nhập Trung Đông trong quá khứ,
hiện tại và tương lai
Trung Quốc đã và đang tích cực xâm nhập vào Trung Đông trên nhiều phương diện (kinh tế, chính trị, quân sự) nhưng vấn đề này chưa được đề cập nhiều.
Trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng giảm của Mỹ ở khu vực Trung Đông thì Trung Quốc với sáng kiến Vành đai và Con đường đang nổi lên như một thế lực hàng đầu ở khu vực này. Tuy nhiên, giới học giả hiện nay ít chú ý đến sự hiện diện của Trung Quốc ở Trung Đông.
Giai đoạn 1978-1991: Trỗi dậy dần sau cái bóng của Mỹ và Liên Xô
Trong thời kỳ lãnh tụ Mao Trạch Đông cầm quyền, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh chủ yếu thiên về ý thức hệ. Khi ấy mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia cụ thể ở Trung Đông chủ yếu được quyết định bởi mối quan hệ giữa nhà nước đó với Mỹ hoặc Liên Xô.
Tuy nhiên, vào đầu kỷ nguyên của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vào năm 1978, cách tiếp cận ý thức hệ nói trên đã nhường bước cho cách tiếp cận thực tế hơn, theo hướng phục vụ nhu cầu thương mại và kinh tế trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa khổng lồ của Trung Quốc.
Theo đó, Bắc Kinh bắt đầu thiết lập quan hệ thương mại với các nước trên toàn cõi Trung Đông, xây dựng các mối quan hệ kinh tế dưới hình thức bán vũ khí và xuất khẩu lao động Trung Quốc.
Tuy nhiên, do Chiến tranh Lạnh vẫn còn mà Trung Đông lại là địa bàn tranh đấu quyết liệt giữa Liên Xô và Mỹ vào lúc đó nên không còn chỗ cho lực lượng thứ 3 xen vào. Do vậy, Trung Đông vẫn nằm ở rìa của chính sách đối ngoại Trung Quốc trong phần lớn thời kỳ này. Chỉ tới khi Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc và chương trình hiện đại hóa của Trung Quốc được đẩy mạnh, Bắc Kinh mới bắt đầu quan tâm tới việc gia tăng ảnh hưởng của mình để cạnh tranh với hai siêu cường Mỹ và Nga.
Giai đoạn 1992-2007: Khát dầu mỏ
Thời kỳ cuối của Chiến tranh Lạnh chứng kiến cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Trung Đông không dừng lại ở việc nâng cao vị thế toàn cầu mà còn củng cố mối quan hệ kinh tế sâu hơn nhằm hỗ trợ cho việc mở rộng nền kinh tế Trung Quốc.
Nỗ lực này của Trung Quốc gặp thuận lợi do vào năm 1992, Bắc Kinh đã thiết lập ngoại giao với tất cả các quốc gia trong khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, tiến trình hòa bình Arab-Israel vào thời điểm đó đã làm cho việc hợp tác kinh tế trở thành ưu tiên của các nước trong khu vực, tạo thuận lợi cho Bắc Kinh.
Mỹ “khuấy động” Venezuela để chặn nguồn cung dầu cho Trung Quốc? VOV.VN – Việc Mỹ đẩy mạnh hỗ trợ phe đối lập Venezuela hạ bệ Tổng thống Maduro có thể không chỉ giới hạn vào câu chuyện “sân sau” mà còn nhằm vào Trung Quốc.
Một bước phát triển quan trọng đối với sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc trong khu vực là việc Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu ròng các sản phẩm hóa dầu vào năm 1993. Khi nền kinh tế Trung Quốc cất cánh trong thập niên 1990, mối quan hệ hóa dầu của nước này với Trung Đông bung ra mạnh mẽ.
Trong suốt thời kỳ còn lại, quan hệ giữa Trung Quốc và khu vực Trung Đông được đặc trưng bởi nhu cầu mạnh của Trung Quốc đối với các sản phẩm hóa dầu của các nước vùng Vịnh – những sản phẩm góp phần đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế nóng của Trung Quốc lúc đó.
Giai đoạn 2008 tới nay: Quan tâm tới an ninh và địa chiến lược
Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công cuộc cải cách mở cửa vào năm 1978, Bắc Kinh tự nhận mình là “người bên lề” hay “người lướt qua” ở khu vực Trung Đông, và sự hiện diện của Trung Quốc tại đây chỉ nhằm vào thu lợi ích kinh tế tối đa.
Tuy nhiên xu hướng Trung Quốc tìm cách né tránh khía cạnh chính trị trong khu vực này bắt đầu giảm dần vào năm 2008, khi Bắc Kinh cử 3 tàu hải quân tới tham gia hoạt động chống cướp biển ở vịnh Aden (nằm giữa Yemen và Somalia).
Việc nghiêng về yếu tố an ninh này tiếp diễn trong cuộc Nội chiến Libya năm 2011, khi Trung Quốc đáp ứng các kỳ vọng trong nước họ về việc sử dụng quân đội để bảo vệ các Hoa kiều. Cụ thể, các đơn vị không quân và hải quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã sơ tán 35.000 công dân Trung Quốc ra khỏi Libya khi đó.
Cũng theo hướng này, Trung Quốc đã đóng góp 700 lính gìn giữ hòa bình cho lực lượng Liên Hợp Quốc ở Sudan vào cuối năm 2012. Họ cũng đóng góp vài trăm nhân viên quân y và công binh cho lực lượng lâm thời của Liên Hợp Quốc ở Lebanon.
Những động thái nêu trên khiến một số nhà quan sát đặt dấu hỏi về chủ trương của Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước đang phát triển khác. Tư tưởng không can thiệp này vốn là một trong 5 nguyên tắc của Cùng tồn tại Hòa bình mà Bắc Kinh đã tuyên bố tại Hội nghị Á-Phi của các nước không liên kết năm 1955.
Khi nhu cầu của Trung Quốc về năng lượng tăng lên, nước này ngày càng cần đến một khu vực an toàn.
Trung Quốc quyết theo đuổi “Vành đai và Con đường” bất chấp trở ngại VOV.VN – Tại hội thảo “Sáng kiến Vành đai & Con đường” lần 2 ở Hà Nội, học giả Trung Quốc khẳng định quyết tâm theo đuổi sáng kiến này là không lay chuyển.
Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Trung Đông trải qua bước phát triển lớn nhất vào năm 2013, với sự ra đời của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Trung Đông có vai trò trung tâm trong sáng kiến này. Tại phiên họp toàn thể thứ 3 của Ban chấp hành trung ương khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2013, Trung Đông được xác định là khu vực “láng giềng” của Bắc Kinh. Nói cách khác, Trung Đông giờ đã rơi vào vùng địa chiến lược ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh.
Trung Quốc xác định có 4 vòng tròn địa lý đồng tâm nhô ra từ “Vương quốc Trung tâm” này. Vòng tròn gần nhất là quan trọng nhất với Trung Quốc và vòng tròn này chứa đựng Trung Đông. Trung Đông đã trở thành trọng điểm của ngoại giao chủ động của Bắc Kinh, được thực hành thông qua khuôn khổ BRI. Với việc ưu tiên Trung Đông trong BRI , Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Liên đoàn Arab và Iran cũng như là đối tác chính của Israel.
Vậy chính sách không can thiệp của Trung Quốc sẽ đi về đâu?
Thực tế, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi năm 2014 đã thừa nhận rằng “Vai trò chính trị của Trung Quốc ở Trung Đông sẽ chỉ có gia tăng và không có đường lùi”.
Ưu tiên của Trung Quốc tại Trung Đông hiện tập trung vào an ninh năng lượng và tăng cường vị thế cường quốc toàn cầu của mình bằng cách dùng sức mạnh kinh tế để cân bằng lại ảnh hưởng của Mỹ.
Thách thức của Trung Quốc hiện nay nằm ở chỗ phải đạt được các mục tiêu trên nhưng vẫn duy trì được vị thế của bên trung gian và không rơi vào thế đối đầu chính trị tại khu vực.
Trung Quốc yêu cầu Mỹ tôn trọng
quyền phát triển và thịnh vượng
Hoa Kỳ nên tôn trọng quyền phát triển và trở nên thịnh vượng của Trung Quốc, Reuters dẫn lời nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ Trung Quốc nói với một phái đoàn Hoa Kỳ đến thăm nước này, và nhắc lại rằng cánh cửa của Trung Quốc ra thế giới bên ngoài sẽ rộng mở hơn.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới nhất trong tuần này để giải quyết cuộc tranh chấp thương mại gay gắt dẫn đến việc hai bên đã đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu của nhau.
Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc tiến hành thương mại không công bằng, bao gồm cưỡng bức chuyển giao công nghệ, nhưng Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc này.
“Tôn trọng và hợp tác là lựa chọn đúng đắn cho cả hai nước, điều mà cộng đồng quốc tế hy vọng sẽ nhìn thấy”, Reuters dẫn lời Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị nói với phái đoàn lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ và các cựu quan chức ở Bắc Kinh hôm 19/2.
“Cũng như Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng có quyền phát triển và người dân Trung Quốc cũng có quyền có một cuộc sống tốt đẹp”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc được dẫn lời lại trong một tuyên bố đưa ra hôm 20/2.
“Phía Hoa Kỳ nên công nhận sự phát triển của Trung Quốc là vì lợi ích của thế giới, cũng như của Hoa Kỳ. Chỉ bằng cách xem sự phát triển của Trung Quốc là một cơ hội cho Hoa Kỳ thì mới có thể giúp giải quyết một số vấn đề nhất định, bao gồm vấn đề thương mại và kinh tế”, ông Vương nói.
Cải cách và các bước cởi mở là phù hợp với nhu cầu phát triển của Trung Quốc, và cánh cửa mở ra thế giới bên ngoài sẽ rộng mở hơn bao giờ hết, ông Vương nói thêm, lặp lại các cam kết của chính phủ trước đây.
“Chừng nào Trung Quốc và Hoa Kỳ còn chủ động thỏa hiệp với nhau, thì chừng đó hợp tác kinh tế và thương mại vẫn có thể đóng vai trò trụ cột trong quan hệ Trung-Mỹ”, ông nói.
Phái đoàn Hoa Kỳ bao gồm cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Stephen Hadley, Phó Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ Myron Brilliant, và Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc, thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Jeremie Waterman.
Hôm 19/2, Tổng thống Donald Trump cho biết các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp và đề nghị sẵn sàng lùi thời hạn là ngày 1/3 để hoàn tất các cuộc đàm phán, nói rằng đó không phải là một ngày “kỳ diệu”.
Ngày 1/3 là ngày mà Mỹ sẽ áp đặt mức thuế quan tăng từ 10% lên 25% đối với hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc nếu các đối tác không giải quyết được tranh chấp thương mại của họ, nhưng ông Trump đã nhiều lần ngỏ ý rằng ông sẽ sẵn sàng hoãn thời hạn này lại.
Các cuộc đàm phán ở Washington trong tuần này diễn ra sau khi đợt đàm phán trước đó tại thủ đô của Trung Quốc kết thúc vào tuần trước mà không đạt được thỏa thuận nào, nhưng các quan chức nói nó đã mang lại tiến bộ trong một số vấn đề chính.
Tờ báo nhà nước Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời báo, trong một bài xã luận hôm 20/2 nói rằng cả hai bên phải giữ bình tĩnh trong các cuộc đàm phán đang diễn ra, nhưng Washington không được ép buộc Bắc Kinh.
“Yêu cầu của Hoa Kỳ về việc cải cách cấu trúc của Trung Quốc phải phù hợp với hợp tác thương mại Trung-Mỹ, và phối hợp với việc cải cách và mở cửa của Trung Quốc. Các cuộc đàm phán không được cố ép buộc Bắc Kinh thay đổi cách quản trị kinh tế hay thậm chí là con đường phát triển của mình”, tờ báo nói.
“Trung Quốc và Hoa Kỳ phải ký một thỏa thuận mang lại hứng khởi cho người dân của mình, thúc đẩy tăng tốc phát triển kinh tế”, tờ báo nói thêm.