Tin khắp nơi – 21/01/2019
Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand bác bỏ
lời đề nghị của Tổng thống Donald Trump
Washington, DC – Theo tin từ đài CBS, ứng cử viên tổng thống kiêm thượng nghị sĩ Dân Chủ, bà Kirsten Gillibrand đã từ chối đề nghị của Tổng thống Trump về việc gia hạn sự bảo vệ dành cho những người di dân không có giấy tờ. Bà Gillibrand cũng lặp lại quan điểm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rằng, thỏa thuận của Tổng thống là “vô vọng.”
Hôm thứ Bảy (19 tháng 1), Tổng thống Trump đã đưa ra đề nghị để chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ. Theo đó, Tổng thống sẽ gia hạn 3 năm cho Chương trình hoãn trục xuất người di dân tới hoa kỳ lúc vị thành niên (gọi tắt là DACA), và chương trình Temporary Protected Status (TPS), đổi lại, đảng Dân Chủ sẽ phê chuẩn ngân sách xây dựng bức tường biên giới để mở cửa lại chính phủ.
Trên chương trình Face the Nation hôm Chủ Nhật, bà Gillibrand cho biết, ngay từ đầu tổng thống đã muốn loại bỏ DACA, do đó lời đề nghị của Tổng thống chỉ là “sự trì hoãn tạm thời.” Bà Gillibrand kiên quyết cho rằng, sự bảo vệ dành cho chương trình DACA phải được trao cho “toàn bộ thế hệ Dreamers,” trong đó bao gồm cơ hội trở thành công dân Hoa Kỳ. Chính vì thế, một thỏa thuận gia hạn 3 năm cho DACA không giải quyết được yêu cầu đặt ra.
Vào sáng Chủ Nhật, Tổng thống đã đăng dòng tweet viết rằng tổng thống sẽ “ân xá” cho người di dân bất hợp pháp trong một thỏa thuận lớn hơn. Phản ứng trước nội dung dòng tweet, bà Gillibrand bày tỏ sự hoài nghi, đồng thời cho rằng nếu thật sự quan tâm, tổng thống sẽ đồng ý mở của chính phủ, và chấm dứt sự khó khăn của 800,000 nhân viên liên bang.
Trên chương trình Face the Nation, thượng nghị sĩ Gillibrand đã yêu cầu tổng thống nên bày tỏ sự cảm thông dành cho những người di dân của chương trình DACA, và người tầm trú. Ngoài ra, bà cũng bảo vệ sự ủng hộ dành cho chương trình y tế đại chúng (Medicare for All), vì người dân có thể được chăm sóc sức khỏe với chi phí thấp hơn. (Mộc Miên)
TT Trump nói không ‘ân xá’
cho di dân trái phép tới Mỹ lúc nhỏ
Tổng thống Donald Trump hôm 20/1 nói rằng đề xuất của ông nhằm chấm dứt việc đóng cửa chính phủ kéo dài 30 ngày qua sẽ không dẫn tới chuyện ân xá cho những di dân trái phép được đưa tới Mỹ khi còn nhỏ, vốn hiện được bảo vệ khỏi bị trục xuất theo một chương trình viết tắt là DACA, theo Reuters.
Trên Twitter, ông Trump cũng viết rằng ông sẽ không tìm cách loại bỏ hàng triệu người sống trái phép ở Mỹ, trong khi chỉ trích Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và phe Dân chủ đã từ chối chấp nhận đề xuất mà ông đưa ra hôm 19/1.
“Không, ân xá không phải là một phần của đề xuất của tôi. Nó là việc kéo dài DACA thêm 3 năm. Ân xá sẽ chỉ được sử dụng trong một thỏa thuận lớn hơn nhiều, về vấn đề di dân hoặc vấn đề khác”, ông Trump viết trên Twitter.
“Cũng giống như vậy, sẽ không có chuyện đẩy nhanh việc loại bỏ hơn 11 triệu người ở đây [Mỹ] trái phép – nhưng hãy liệu đấy Nancy!”
Trump đề nghị đổi tường lấy DACA để ngưng vụ đóng cửa chính phủ
DACA có hiệu lực từ thời chính quyền của cựu Tổng thống Obama. Chính quyền của ông Trump hồi tháng Chín năm 2017 tuyên bố sẽ hủy bỏ DACA, nhưng hiện nó vẫn có hiệu lực theo phát quyết của tòa.
Ông Trump không nói rõ điều ông đề cập tới trong đoạn tweet của mình về 11 triệu người. Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, ước tính có 12 triệu người sinh sống trái phép ở Mỹ.
Theo Reuters, ông Trump dường như đáp lại những lời chỉ trích của các nhân vật bảo thủ, cáo buộc ông đề xuất ân xá và từ bỏ một cam kết trong chiến dịch tranh cử mà có thể khiến những người ủng hộ cánh hữu của ông phật lòng.
Khoảng một phần tư chính phủ Mỹ đóng cửa kể từ ngày 22/12 vì không đạt được thỏa thuận đối với yêu cầu ngân sách 5,7 tỷ đôla xây tường trên biên giới của ông Trump.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-nói-không-ân-xá-cho-di-dân-trái-phép-tới-mỹ-lúc-nhỏ/4751128.html
Giuliani : Thương lượng về tháp Trump ở Matxcơva
tiếp diễn sau 06/2016
Hôm qua, 20/01/2019, luật sư riêng của tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Rudy Giuliani, thừa nhận là các cuộc thảo luận về dự án xây tòa tháp Trump ở Matxcơva đã kéo dài cho đến sau thời điểm tháng 06/2016, tức là cho đến khi diễn ra bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ.
Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier tường trình:
« Trong tuần, ông Rudy Giuiani tuyên bố rằng có thể đã có thông đồng giữa những người thân cận của ông Donald Trump với phía Nga. Đến cuối tuần, luật sư của tổng thống Mỹ lại tung một quả bom mới, khi tiết lộ là các cuộc thương lượng về việc xây một tòa tháp Trump ở Matxcơva đã tiếp diễn cho đến mùa thu 2016, vào lúc diễn ra bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Thế mà trong thời gian tranh cử, ứng cử viên Trump đã khẳng định là ông không còn bất cứ dự án địa ốc nào ở Nga.
Ông Rudy Giuliani giải thích : Tổng thống nhớ là đã có bàn về vấn đề này có thể là đến tận tháng 10 hay tháng 11. Họ dường như là đã có nói đến vào một thời điểm nào đó trong giai đoạn đó. Nhưng tổng thống cũng nhớ là mọi việc sau đó đã phần nào tạm lắng. Công ty đã gởi một ý định thư, nhưng họ thậm chí không biết phải gởi đi đâu, dự án tiến triển rất chậm.
Dẫu sao thì giai đoạn làm chính trị của Donald Trump lẽ ra chỉ kéo dài vài tháng. Nếu thua trong cuộc bầu cử tổng thống, ông Donald Trump sẽ trở lại thành nhà doanh nghiệp và có thể là ông đã muốn hoàn tất dự án ở Matxcơva.
Nhưng thượng nghị sĩ Dân Chủ Mark Warner vẫn không bớt nghi ngờ. Ông nói : Đây là một thông tin mới, thông tin quan trọng đối với tôi. Tại sao bây giờ chúng ta mới nhận được thông tin đó, 2 năm sau khi xảy ra vụ việc, trong khi đã có rất nhiều cuộc điều tra ? Tôi nghĩ rằng các cử tri phải được cung cấp thông tin về vụ này.
Hôm qua, ông Giuliani cũng đã thú nhận một chi tiết khác. Theo ông, có thể tổng thống Donald Trump đã nói chuyện với luật sư của ông, Michael Cohen, về cuộc điều trần của ông này trước Quốc Hội, nhưng không hề yêu cầu ông Cohen nói dối với Quốc Hội.
Dầu sao thì những thông tin nói trên đang làm gia tăng những lời đồn đoán, trong khi chờ các kết luận của công tố viên đặc biệt Mueller. Ông Mueller dường như đang lần ra nhiều mối dây trong nghi án đầy phức tạp về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. »
Mỹ kêu gọi Nga phá hủy hệ thống tên lửa mới
Hoa Kỳ hôm 21/1 mới lên tiếng kêu gọi Nga phá hủy hệ thống tên lửa hành trình mới mà Washington nói là một “sự vi phạm trực tiếp” Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm Trung (INF).
Theo Reuters, Mỹ cũng cáo buộc Moscow gây bất ổn an ninh toàn cầu.
Ông Robert Wood, đại sứ về giải trừ vũ khí của Mỹ, nói tại một cuộc hội thảo về giải trừ vũ khí, do Liên Hiệp Quốc tài trợ, rằng “Hoa Kỳ ngày càng thấy rằng Nga không đáng tin để tuân thủ các nghĩa vụ kiểm soát vũ khí”.
Quan chức này cũng nói thêm rằng “các hành động ác ý và ép buộc trên toàn cầu của nước này đã gây căng thẳng”.
Nga trình làng tên lửa mới có thể qua mặt lá chắn phòng thủ của Mỹ
Ông Wood nói tiếp rằng “Nga phải thực hiện việc phá hủy có thể kiểm chứng được đối với các tên lửa SSC-8, bệ phóng và các thiết bị liên quan để quay lại tuân thủ Hiệp ước INF”.
Reuters dẫn lời ông nói rằng hệ thống tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cũng như thông thường và có thể gây ra “mối đe dọa lớn và trực tiếp đối với châu Á và châu Âu” vì nó có tầm bắn từ 500 tới 1.500 km.
Đại sứ về giải trừ vũ khí của Mỹ cũng nhấn mạnh lại kế hoạch của chính quyền của ông Trump, rút khỏi hiệp ước đạt được năm 1987 vào đầu tháng Hai.
Hoa Kỳ tuần trước bác bỏ đề nghị của Nga nhằm cứu vãn Hiệp ước INF.
https://www.voatiengviet.com/a/mỹ-kêu-gọi-nga-phá-hủy-hệ-thống-tên-lửa-mới/4751791.html
WhatsApp hạn chế chia sẻ nội dung
để chống tin giả gây bạo lực
WhatsApp sẽ chỉ cho phép người dùng chia sẻ một tin nhắn nhiều nhất là năm lần để ngăn tình trạng tin giả lan truyền trên ứng dụng này.
Whatsapp, ứng dụng thuộc sở hữu Facebook, đã tung ra chính sách này tại Ấn Độ sáu tháng trước.
Động thái này được đưa ra sau khi xuất hiện tình trạng bạo hành đám đông xảy ra một cách vô cớ bởi những tin giả lan truyền trên nền tảng này.
Mạng xã hội có khiến chúng ta căng thẳng?
EU tăng cường bảo vệ dữ liệu người lên mạng
Tin đồn về việc đổi tiền của Ấn Độ
Sau 20 năm, Internet ‘chuyển hoá’ Việt Nam như thế nào?
Cho tới thời điểm hiện tại, người dùng ở một vài nơi vẫn có thể chuyển tiếp tin nhắn tối đa 20 lần trên WhatsApp.
Điều luật mới này của WhatsApp được công bố trong một sự kiện diễn ra tại Jakarta, Indonesia.
Indonesia đang chuẩn bị tổ chức cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng Tư tới đây.
WhatsApp nói với BBC họ đưa ra quyết định này sau khi đã có sự đánh giá “kỹ lưỡng” về kết quả thử nghiệm kéo dài nửa năm trong quốc gia này.
“Mức giới hạn này đã làm giảm đáng kể lượng tin nhắn được chuyển tiếp trên thế giới,” một nữ phát ngôn viên cho biết.
“Điều này cũng sẽ giúp WhatsApp tập trung hơn vào tin nhắn riêng tư với những người trong danh bạ cũ.”
“Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe phản hồi của người dùng về trải nghiệm của họ, và theo thời gian, tìm thêm những cách giải quyết mới để xử lý những nội dung lan truyền.”
Tin nhắn tạp
Tối đa 256 người dùng có thể cùng tham gia vào một nhóm WhatsApp.
Do vậy, về mặt lý thuyết, một người dùng giờ đây chỉ có thể chuyển tiếp một tin nhắn tối đa cho 1.280 người khác thay vì con số 5.120 người như trước đây.
Mặc dù vậy, không thể ngăn được những người nhận tin cuối cùng chia sẻ tin nhắn thêm năm lần nữa.
Điều luật giới hạn này xuất hiện vào thời điểm WhatsApp và các dịch vụ khác của Facebook đang xem xét kĩ lưỡng vai trò của họ trong việc lan truyền tin và thông tin sai sự thật trên mạng.
Tuần trước, Facebook đã tuyên bố xóa bỏ 500 trang và tài khoản bị cho là có liên quan đến tin giả tại Trung Âu, Ukraine và những quốc gia Đông Âu khác.
Gần đây, Facebook cũng thông báo rằng họ đã áp dụng một loại hình dịch vụ kiểm tra sự thật tại Anh.
Tuy nhiên, việc WhatsApp áp dụng phương thức mã hóa ‘end-to-end encryption’ đồng nghĩa tin nhắn chỉ có thể được đọc bởi người gửi và người nhận, từ đó hạn chế khả năng của hãng trong việc phát hiện tin giả.
Nhưng vào cuối năm ngoái, báo chí Ấn Độ đưa tin rằng chính phủ nước này đang xem xét thay đổi luật buộc Facebook phải kiểm soát WhatsApp vì nội dung “bất hợp pháp”.
Điều này sẽ thách thức việc sử dụng công nghệ mã hóa này của hãng.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46946795
Bão mùa đông
gây gián đoạn giao thông khắp Hoa Kỳ
Theo tin từ đài CBS News, một cơn bão mùa đông lớn và nguy hiểm đang nhắm vào khoảng một phần ba dân số Hoa Kỳ vào cuối tuần này.
Cơn bão nhanh chóng di chuyển từ khu vực Central Plains đến vùng Trung Tây và đang di chuyển về phía Đông Bắc Hoa Kỳ và New England. Tuyết có thể rơi đến 18 inch tại một số khu vực phía bắc của New England. Cơn bão dự kiến sẽ mang đến tuyết, mưa đá, mưa và băng giá ở nhiều nơi. Sau đó, trời sẽ chuyển lạnh.
Tại tiểu bang Missouri, tuyết từ cơn bão đã khiến mặt đường trơn trượt và gây ra một vụ đụng xe, khiến 15 chiếc xe chặn một phần của Xa lộ xuyên bang I-55 ở phía đông nam Missouri.
Một tình huống tương tự cũng xảy ra tại Phi Trường Quốc Tế O’Hare tại thành phố Chicago khi mà một chiếc máy bay thuộc hãng United Airlines đã trượt khỏi phi đạo do tuyết rơi và băng đóng trên đường.
Trong khi đó tại tiểu bang Connecticut, Thống đốc tiểu bang, Ned Lamont đã tổ chức một cuộc họp báo vào thứ Bảy (19 tháng 1) lúc 6 giờ 30 chiều để cập nhật tình hình cho người dân trong lúc chính quyền chuẩn bị cho cơn bão. Ông Lamont cho biết ông sẽ “phát triển một phần” Trung tâm Khẩn cấp của Connecticut bắt đầu lúc 6:00 tối để theo dõi cơn bão.
Theo đài CBS, tại thành phố New York, khu vực Tri-State đang chuẩn bị đối phó với thời tiết mùa đông bằng cách điều động 1,600 xe ủi đất và xe rải muối (Salt spreaders) vào cuối tuần để dọn tuyết trên đường.
Cũng vào cuối tuần, Cơ quan Thời tiết Quốc gia đã ban hành khuyến cáo bão mùa đông từ khu vực Dakota đến các tiểu bang Great Lakes đến New England. Cơ quan cho biết thời tiết ở khu vực Đông Bắc Hoa Kỳ có thể gây ra bão tuyết. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/bao-mua-dong-gay-gian-doan-giao-thong-khap-hoa-ky/
Venezuela bắt quân nhân nổi loạn,
kiểm soát căn cứ
Chính quyền Venezuela hôm 21/1 tuyên bố đã bắt giữ một nhóm quân nhân đánh cắp vũ khí và bắt cóc bốn sĩ quan, vài giờ sau khi một đoạn video trên mạng xã hội cho thấy một trung sĩ yêu cầu loại bỏ Tổng thống Nicolas Maduro.
Theo Reuters, những người biểu tình đốt rác và một chiếc ôtô bên ngoài địa điểm đồn trú của Lực lượng Vệ binh Quốc gia, nơi các sĩ quan bị bắt trong một dấu hiệu cho thấy tình hình tiếp tục căng thẳng, sau khi ông Maduro nhậm chức nhiệm kỳ hai, dù nhiều nước gọi chính quyền của ông là bất hợp pháp.
Dù vụ việc trên cho thấy sự bất mãn trong quân lực, các nhà quan sát cho rằng nó dường như chỉ có sự can dự của các quân nhân cấp thấp với ít khả năng gây ra sự thay đổi trong nền kinh tế đang trải qua siêu lạm phát trong khi nhiều người đói ăn và thiếu thuốc men.
Phó Tổng thống Mỹ điện đàm với thủ lĩnh đối lập Venezuela
Reuters dẫn tuyên bố đọc trên truyền hình nhà nước nói rằng “quân lực kịch liệt bác bỏ loại hành động này, mà rõ ràng là đã bị kích động bởi các quyền lợi đen tối của phe cực hữu”.
Ông Maduro lên nhậm chức ngày 10/10 giữa làn sóng chỉ trích rằng chính quyền của ông thiếu tính chính danh sau cuộc bầu cử bị coi là có nhiều gian lận.
Các thủ lĩnh đối lập và những nhà bất đồng chính kiến lưu vong kêu gọi giới quân nhân đứng lên chống lại ông Maduro.
Trong khi đó, nguyên thủ Venezuela coi đây là nỗ lực nhằm lật đổ ông.
https://www.voatiengviet.com/a/venezuela-bắt-quân-nhân-nổi-loạn-kiểm-soát-căn-cứ/4752005.html
Colombia : Lực lượng du kích mác-xít
nhận là thủ phạm vụ xe gài bom
Tổ chức ELN « Quân đội Giải phóng Dân tộc » Colombia là thủ phạm vụ tấn công tự sát vào khuôn viên trường đào tạo cảnh sát ở Bogota làm 20 người chết hôm thứ Năm tuần trước.
Trong một thông cáo công bố ngày 21/01/2019, lực lượng cộng sản võ trang cuối cùng chưa muốn hoà bình tại quốc gia Trung Mỹ này nhìn nhận họ là tác giả nhưng bác bỏ cáo buộc khủng bố.
Từ Bogota, thông tín viên Marie-Eve Detoeuf tường thuật :
“Tổ chức võ trang nhìn nhận là tác giả vụ khủng bố tự sát và cùng lúc biện minh cho hành động bạo lực này. Lập luận thứ nhất : chính phủ Colombia không đáp ứng một cách tương xứng động thái hoà bình của quân đội giải phóng. Trong khi đó Quân đội Giải phóng đã ban hành và tôn trọng lệnh ngưng bắn đơn phương từ 22 tháng 12 năm 2018 đến 03 tháng 01 năm 2019. Thế mà quân đội chính phủ lại thừa cơ hội này oanh kích các căn cứ lực lượng du kích nổi dậy để tìm chiến thắng quân sự. Lập luận thứ hai : chiếc xe gài bom nhắm vào một mục tiêu quân sự vì trường cảnh sát trực thuộc bộ Quốc Phòng. Vụ tấn công không gây thiệt hại nhân mạng cho thường dân. Do vậy vụ gài bom không phải là hành động khủng bố mà là một hành động chiến tranh phù hợp với quyền phản ứng trong chiến tranh. Tổ chức Quân đội Giải phóng biện minh như thế và nói là thực thi quyền tự vệ chính đáng. Cuối cùng họ đề nghị lập một vùng ngưng bắn với quân đội chính phủ Colombia và kêu gọi tổng thống Ivan Duque mở lại hoà đàm.
Bản thông cáo của ELN đã đánh tan mọi tin đồn trên các mạng xã hội từ sau vụ khủng bố. Có người không tin ELN là thủ phạm thậm chí còn nghi ngờ chính quyền Colombia đặt bom rồi cáo buộc lực lượng cộng sản.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190121-colombia-luc-luong-du-kich-mat-xit-nhan-la-thu-pham-vu-xe-gai-bom
Vụ Skripal : Liên Hiệp Châu Âu
trừng phạt lãnh đạo quân báo Nga
Hôm nay, 21/01/2019, Liên Hiệp Châu Âu đã ban hành các biện pháp trừng phạt đối với 9 quan chức Nga và Syria, trong đó có lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Nga GRU.
Theo Liên Hiệp Châu Âu, một nhóm người Nga, bao gồm hai nhân viên và phó giám đốc cơ quan GRU, đã « tàng trữ, vận chuyển và sử dụng » chất độc thần kinh Novichok được dùng trong vụ tấn công tại Salisbury, Anh Quốc, tháng 03/2018, đầu độc cha con cựu điệp viên Nga Serguei Skripal. Hội đồng các bộ trưởng Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định trừng phạt những người nói trên bằng cách phong tỏa tài sản của họ trong Liên Hiệp Châu Âu và cấm họ đi vào Liên Âu.
Vụ tấn công ở Salisbury, vụ đầu tiên sử dụng vũ khí hóa học ở châu Âu kể từ sau thế chiến thứ hai, đã bị quốc tế lên án, và đã dẫn đến việc các quốc gia Tây phương trục xuất hàng loạt các nhà ngoại giao Nga. Cho tới nay, Matxcơva vẫn khẳng định không có liên quan gì đến vụ đầu độc Skripal, đưa ra nhiều giải thích khác nhau, thậm chí cáo buộc trở lại phương Tây.
Ngoài Serguei Skripal, con gái Ioula và một cảnh sát, hai người khác cũng đã bị nhiễm độc chất Novitchok vào tháng 6 trong vùng Salisbury, trong đó có một phụ nữ đã tử vong.
Các biện pháp trừng phạt tương tự cũng đã được ban hành đối với một cơ quan của Syria tham gia sản xuất vũ khí hóa học, SSRC, cũng như đối với 5 quan chức Syria có liên quan trực tiếp với các hoạt động của SSRC.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190121-vu-skripal-lien-hiep-chau-au-trung-phat-lanh-dao-quan-bao-nga
Sau Brexit,
Biển Đông vẫn là ưu tiên của Anh Quốc
Mất điểm tựa là châu Âu, Anh Quốc lại càng phải thiết tha hơn với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, với vùng Biển Đông, nơi “12 % tổng kim ngạch mậu dịch” của vương quốc Anh phải đi qua. Trên đây là nhận định được chuyên gia Carl Thayer, Học Viện Quốc Phòng Úc, đăng trên tạp chí The Diplomat trong ấn bản ngày 17/01/2019.
Vào lúc nguy cơ không đạt được thỏa thuận ly dị với Liên Hiệp Châu Âu càng lúc càng cận kề, nguy cơ Anh Quốc mất hết những lợi thế kinh tế, thương mại và có thể là cả về mặt chiến lược với các đồng minh cũ ngày càng lớn, thiệt hại đối với nền kinh tế xứ này chưa biết đâu mà lường, thì câu hỏi đặt ra là trong giai đoạn hậu Brexit, liệu rằng nước Anh có còn đủ sức củng cố vai trò tại vùng Viễn Đông như điều đã thấy từ hơn hai năm qua hay không ?
Trong bài viết, giáo sư Thayer điểm lại chiến lược Viễn Đông của Luân Đôn từ năm 2016, sau khi đa số người dân Anh đòi từ dã mái nhà chung châu Âu. Năm 2016 thủ tướng Theresa May và ngoại trưởng Boris Johnson bắt đầu phác họa ra chính sách Global Britain, với tầm nhìn toàn cầu, đặc biệt là tăng cường vai trò của vương quốc Anh ở Ấn Độ -Thái Bình Dương, một cụm từ từng được chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump sử dụng. Chiến lược này chú trọng vào hai vế : kinh tế và quốc phòng. Theo giới chuyên gia, Luân Đôn đặc biệt muốn “thành lập một liên minh với Hải Quân tại các nền dân chủ trong khu vực như Úc, New Zealand, Nhật Bản Hàn Quốc và Singapore”.
Một năm sau đó, cũng ngoại trưởng Johnson trong một chuyến công du Úc thông báo kế hoạch điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và chiếc HMS Prince of Wales đến Biển Đông vào năm 2020 nhân danh quyền tự do lưu thông trên biển và trên không.
Vào những ngày cuối của năm 2018, bộ trưởng Quốc Phòng Anh, Gavin Williamson, tiết lộ kế hoạch mở căn cứ quân sự trong vùng Viễn Đông trong vòng “hai năm sắp tới” và rất có thể Luân Đôn sẽ chọn Singapore hoặc Brunei làm địa bàn. Trong mắt chuyên gia Học Viện Quốc Phòng Úc Carl Thayer, đây là một dấu hiệu mới cho thấy trong vế an ninh, Luân Đôn “trong thời gian gần đây, ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Đông Nam Á”.
Vẫn theo ông Thayer, Anh Quốc cũng đã tìm cách hâm nóng lại thỏa thuận mang tên “Five Power Defence Arrangements” (FPDA) từng ký kết với 5 thành viên trong vùng hồi năm 1971. Năm quốc gia đó gồm Anh Quốc, Úc, Malaysia, New Zealand, và Singapore. Các nước này đều là thành viên Khối Thịnh Vượng Chung.
Nhưng trước 1001 thách thức đang đặt ra trước ngày chia tay Liên Hiệp Châu Âu, liệu rằng Anh Quốc có đủ sức để tiếp tục theo đuổi chiến lược đông tiến nữa hay không ?
Chuyên gia Úc Carl Thayer nêu ra ba lý do giải thích rằng, chẳng những Luân Đôn phải tiếp tục chiến lược đó mà còn phải “nỗ lực hơn nữa” trong chính sách về Viễn Đông.
Thứ nhất là về mặt an ninh, do không còn bị ràng buộc vì chính sách chung của châu Âu, Anh Quốc sau này sẽ dễ dàng tham gia, và đóng góp duy trì ổn định, an ninh cho khu vực châu Á Thái Bình Dương. Không nên quên là khoảng 12 % tổng trao đổi mậu dịch của nước Anh được vận chuyển qua Biển Đông.
Lý do thứ hai là các nước trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương sẽ trở thành một điểm tựa kinh tế và thương mại của nước Anh trong thời kỳ hậu Brexit. Chuyên gia Carl Thayer cho rằng Luân Đôn cần nhanh chóng đàm phán về một hiệp định tự do thương mại với từ Úc đến Việt Nam … và nhất là cần tham gia CPTPP – Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương.
Cuối cùng, chuyên gia Học Viện Quốc Phòng Úc nhắc lại rằng, Hải Quân vương quốc Anh là một trong những lực lượng tinh nhuệ và lợi hại nhất thế giới. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để nước Anh trở thành một đối tác có uy tín với các đối tác trong vùng châu Á-Thái Bình Dương. Trong giai đoạn từ 2013 đến 2017, Anh là nguồn cung cấp vũ khí lớn thứ sáu trên thế giới. Cách nay hai năm, Luân Đôn đã ký một hợp đồng quân sự với Indonesia trị giá hơn 11 tỷ đô la. Năm ngoái, đến lượt Canberra đặt mua 26 tỷ đô la trang thiết bị quân sự của Anh cho Hải Quân Úc.
Khó có thể tin rằng, trước ngần ấy những lợi thế, Luân Đôn vì một lý do này hay một lý do khác, sẽ kém vồn vã hơn với các đối tác châu Á trong thời hậu Brexit.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190121-sau-brexit-bien-dong-van-la-uu-tien-cua-anh-quoc
Brexit : Thủ tướng Theresa May
trình nghị viện phương án B
Một tuần sau khi Nghị Viện Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit, thủ tướng Theresa May trở lại Quốc Hội trình « phương án B » vào ngày thứ hai 21/01/2019. Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu hành pháp và lập pháp Anh đồng ý với nhau và đưa ra những đề nghị thay thế thỏa thuận Brexit.
Trong bối cảnh nội bộ bất đồng, Anh Quốc còn bị áp lực từ Bắc Ai Len. Một vụ nổ xe bom hôm Chủ nhật ở Londonderry được xem là do nhánh IRA ly khai thực hiện để đòi tách rời Bắc Ai Len ra khỏi Anh Quốc và thống nhất với Cộng Hoà Ai Len, thành viên Liên Âu. Vụ nổ không gây thiệt hại nhân mạng. Bốn nghi can bị bắt.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Marina Daras phân tích nhiệm vụ bất khả thi của thủ tướng Theresa May :
“Sau thất bại lịch sử hôm thứ Ba tuần trước, thủ tướng Theresa May lại phải thượng đài để trình kế hoạch B với nghị viện, đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Bà phải phát họa những nét chính của phương án « backstop – vấn đề biên giới » đối với Ai Len mà các dân biểu chống lại, thành một kế hoạch riêng với Cộng Hoà Ai Len. Một phương án mà Bruxelles không chấp thuận.
Thủ tướng Anh phải đệ trình một « văn kiện trung dung » để được tranh luận và biểu quyết vào ngày 29/01/2019. Văn kiện này chắc chắn sẽ nhận được một loạt sửa đổi từ phía đối lập cũng như từ trong đảng bảo thủ.
Những người muốn ly dị với châu Âu thì đòi thủ tướng bỏ đàm phán với Bruxelles và thông qua kịch bản Brexit không cần thỏa thuận trước.
Những dân biểu muốn phá Brexit thì đang nỗ lực đẩy lui ngày ly dị được qui định qua điều 50, thậm chí bác bỏ toàn bộ điều 50 này.
Một số khác nữa, trong hai đảng đều có, muốn giải tán Quốc Hội bầu lại trước kỳ hạn để sau đó bắt đầu thương lượng lại với Bruxelles từ số không.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190121-brexit-theresa-may-truoc-nhiem-vu-bat-kha
Nghị sĩ Nga: Chiến hạm Mỹ
nên ‘tránh xa bờ của chúng tôi’
Các chiến hạm Mỹ đến Biển Đen không liên quan gì đến an ninh của Hoa Kỳ và được thúc đẩy bởi chính trị nội địa, thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov nói và cảnh báo các tàu này nên tránh xa bờ biển Nga.
Putin nói Ukraine dàn dựng vụ đụng độ trên biển
Nga đưa các thủy thủ Ukraine bị bắt lên truyền hình
Lãnh đạo Ukraine kêu gọi Nato gửi tàu trợ giúpTheo Reuters, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Hoa Kỳ Donald Cook bắt đầu di chuyển tới Biển Đen hôm 19/1, “để tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải và tăng cường ổn định hàng hải khu vực, đồng thời nâng cao tính sẵn sàng và năng lực hải quân”, thông cáo của hải quân Hoa Kỳ cho biết.
Hạm đội Biển Đen của Nga bắt đầu theo dõi chiến hạm Mỹ một khi nó vào khu vực này, hãng RIA dẫn lời Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Nga hôm 19/1.
“Các chiến hạm Hoa Kỳ đang thường xuyên đến Biển Đen. Những chuyến thăm này không liên quan gì đến an ninh của Hoa Kỳ,” ông Pushkov, thành viên Ủy ban Chính sách thông tin của Thượng viện Nga, viết trên Twitter của mình.
“Họ phô trương lá cờ của họ, gửi cho chúng tôi một tín hiệu và khiến các nghị sĩ Mỹ thỏa mãn vì đáp ứng yêu cầu gửi cả một hạm đội quân sự đến Biển Đen. Họ nên tránh xa bờ biển của chúng tôi,” ông viết.
Tuần này, một tòa án ở Nga gia hạn giam thêm ba tháng đối với 24 thủy thủ Ukraine bị bắt cùng với các tàu của họ hồi tháng 11/2018 ở eo biển Kerch, nối liền Biển Đen với Biển Azov. Họ bị buộc tội xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Nga.
Hồi tháng 11/2018, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thúc giục Nato gửi tàu tới Biển Azov sau vụ đụng độ trên biển ngoài khơi Crimea.
Ông nói với tờ báo Đức Bild rằng ông hy vọng các tàu sẽ được đưa đến để “hỗ trợ Ukraine và đưa đến an ninh”.
Trước đó, Nga nã đạn vào ba tàu của Ukraine và bắt thủy thủ đoàn ở khu vực Eo biển Kerch nối Biển Đen với Biển Azov.
Nato tỏ ý “hỗ trợ đầy đủ” Ukraine, quốc gia không phải là thành viên của khối.
Trong lúc quan hệ hai bên đang xấu đi, hôm thứ Tư Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc ông Poroshenko tạo ra “sự khiêu khích” trên biển để tăng mức tín nhiệm cá nhân trước khi Ukraine có kỳ bầu cử vào năm 2019.
Tổng thống Poroshenko đã áp lệnh thiết quân luật dọc các vùng biên giới của Ukraine trong thời gian 30 ngày để đối phó với cuộc khủng hoảng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46936507
Moscow tính xử lý Facebook
về chuyện đặt máy chủ ở Nga
Cơ quan giám sát truyền thông của Nga hôm 21/1 cho biết đã bắt đầu xem xét các biện pháp hành chính đối với Facebook và Twitter vì không giải thích cách thức hai công ty này tuân thủ với các điều luật về dữ liệu của Nga, hãng tin Interfax đưa tin.
Theo Reuters, cơ quan có tên gọi Roskomnadzor được dẫn lời nói rằng Facebook và Twitter đã không giải thích cách thức cũng như thời điểm sẽ tuân thủ với một điều luật, theo đó yêu cầu đặt tại Nga tất cả các máy chủ sử dụng để lưu trữ dữ liệu cá nhân của người Nga.
Ông Alexander Zharov, người đứng đầu Roskomnadzor, được trích lời nói rằng các công ty có một tháng để cung cấp thông tin, và nếu không, sẽ phải đối mặt với các hệ quả.
Facebook chặn 652 trang tuyên truyền xuyên tạc xuất xứ từ Iran, Nga
Theo Reuters, Nga đã thi hành các điều luật cứng rắn hơn về Internet trong vòng 5 năm qua, yêu cầu các công cụ tìm kiếm xóa một số kết quả, các công ty nhắn tin trên mạng phải chia sẻ khóa mã hóa với cơ quan an ninh hay các mạng xã hội phải lưu trữ dữ liệu cá nhân của người sử dụng Nga trên các máy chủ đặt tại nước này.
Hiện thời, tin cho hay, các công cụ mà Nga áp dụng để thi hành các điều luật về dữ liệu là các khoản tiền phạt hàng nghìn đôla hoặc chặn các dịch vụ trên mạng bị coi là vi phạm luật lệ, nhưng điều này gặp khó về mặt kỹ thuật.
Tuy nhiên, các nguồn tin nói với Reuters hồi tháng 11 năm ngoái rằng Moscow có kế hoạch áp đặt các khoản tiền phạt lớn hơn đối với các công ty công nghệ không tuân thủ pháp luật của Nga.
https://www.voatiengviet.com/a/moscow-tính-xử-lý-facebook-về-chuyện-đặt-máy-chủ-ở-nga/4751848.html
Nga : Biểu tình chống trao trả
quần đảo Kuril cho Nhật Bản
Chủ nhật 20/01/2019 tại Matxcơva, hàng trăm người dân Nga biểu tình chống nguy cơ trao trả một số đảo cho Nhật Bản để đánh đổi một hiệp định hoà bình.
Cuộc biểu tình do các phong trào cộng sản và dân tộc chủ nghĩa tổ chức. Tokyo đòi chủ quyền trên 4 đảo thuộc quần đảo Kuril bị Liên Xô sáp nhập vào cuối Thế chiến thứ hai, 1945. Bất đồng kéo dài cản trở hai bên ký kết một hiệp định hoà bình. Người biểu tình cáo buộc chính quyền Putin đang âm thầm chuẩn bị trao trả một số đảo cho Nhật trong bối cảnh lãnh đạo hai nước gặp nhau vào thứ Ba tới.
Từ Matxcơva, thông tín viên Etienne Bouche tường thuật :
“Điểm hẹn tập họp được thông báo dưới tượng đài tướng Souvorov. Địa điểm này có ý nghĩa biểu tượng và tướng Souvorov là vị anh hùng đem lại nhiều chiến thắng cho đế chế Nga. Đối với những người biểu tình, nhượng quần đảo Kuril cho Nhật là hành động bán nước. Một phụ nữ giải thích : Tôi không muốn để lại cho con cháu tôi một nước Nga bị cắt mất một phần lãnh thổ. Vì vậy mà tôi có mặt tại đây vào ngày hôm nay. Ông có biết không, một Nhà nước có thể thay đổi nhưng chiếm lại lãnh thổ bị mất là chuyện vô vọng. Tại sao ngày nay người ta phải nhượng một vùng đất mà cha ông của tôi vì nó mà chiến đấu ?.
Bay phất phới trên đầu đoàn biểu tình là cờ búa liềm và chân dung của Stalin. Nhiều người biểu lộ lòng hoài niệm thời hùng mạnh của siêu cường quân sự xô-viết không ai dám phản đối.
Một cựu dân biểu cộng sản Nga lý giải : Những đảo này là của Liên Bang Xô Viết, bây giờ là của Liên Bang Nga. Bất cứ một chuyển nhượng nào, dù nhỏ, cho Nhật Bản cũng là nhượng bộ cho một nước thân Mỹ lúc nào cũng hành động cũng phối hợp với Mỹ. Trong bối cảnh người Nhật ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga, đưa đảo cho Tokyo là bán đứng quyền lợi nước Nga. Tại sao phải làm thế ? Nhân danh ai ?
Những người biểu tình nói là họ muốn đánh động công luận Nga về vấn đề sẽ được tổng thống Vladimir Putin và thủ tướng Nhật Shinzo Abe thảo luận trong ngày thứ Ba 22/01/2019. Một cách chính thức, lãnh đạo hai bên mong muốn nhanh chóng đạt được một hiệp định hoà bình.”
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190121-nga-bieu-tinh-chong-trao-tra-quan-dao-kuril-cho-nhat-ban
Máy bay của liên minh do Saudi dẫn đầu
tấn công thủ đô Yemen
Aden / Sanaa – Theo tin từ Reuters, các lực lượng quân sự do Saudi dẫn đầu, đã tiến hành các cuộc không kích trong đêm vào thủ đô Yemen, trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc gặp khó khăn trong việc đưa ra một thỏa thuận hòa bình. Theo ý kiến của người dân, đây được xem là cuộc tấn công ác liệt nhất trong vòng 1 năm qua.
Phát ngôn viên của liên minh nói trên cho hay, các máy bay chiến đấu của họ đã tấn công 7 cơ sở quân sự được sử dụng cho các hoạt động của máy bay không người lái ở Sanaa. Các hoạt động này do lực lượng phiến quân Houthi tổ chức.
Cuộc nội chiến tại Yemen đã kéo dài trong suốt 4 năm. Đây được xem là sự đối đầu giữa phong trào Houthi liên kết với Iran chống lại chính phủ Abd-Rabu Mansour Hadi do Saudi hậu thuẫn. Cuộc nội chiến kéo dài khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người rơi vào nạn đói.
Đài truyền hình Al Arabiya của Saudi cho biết, các mục tiêu trong cuộc tấn công bao gồm căn cứ không quân al-Dulaimi, nơi lưu trữ máy bay không người lái và các địa điểm huấn luyện quân sự khác.
Các nhân viên y tế và người dân cho biết, ít nhất hai thường dân đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, nhà cửa cũng bị hư hại.
Theo thông tin từ đài truyền hình Masirah, liên minh đã tiến hành 24 cuộc không kích vào Sanaa kể từ tối thứ Bảy (19 tháng 1), trong đó có 4 cuộc tấn công vào căn cứ không quân. Một nhà máy nhựa cũng bị tấn công, gây ra một đám cháy lớn. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/may-bay-cua-lien-minh-do-saudi-dan-dau-tan-cong-thu-do-yemen/
Kinh tế Trung Quốc:
Tăng trưởng quý 4/2018 giảm còn 6,4%
Cuộc chiến thương mại gây thiệt hại với Mỹ đang làm tăng thêm mối lo ngại ở Trung Quốc khi kinh tế của nước này có dấu hiệu tăng trưởng chậm dần.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại trong quý cuối năm 2018, các số liệu chính thức cho thấy. Điều này làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế toàn cầu.
Trong ba tháng tính đến tháng 12, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,4% so với một năm trước đó, giảm từ mức 6,5% của quý trước.
Trong cả năm, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng ở mức 6,6%, tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990.
Dữ liệu này phù hợp với dự báo nhưng vẫn nhấn mạnh mối lo ngại gần đây về sự suy yếu tăng trưởng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về tiềm năng của hiệu ứng dây chuyền với nền kinh tế toàn cầu. Cuộc chiến thương mại với Mỹ làm tăng thêm viễn cảnh ảm đạm.
Các số liệu chính thức được công bố hôm thứ Hai cho thấy tốc độ tăng trưởng từng quý yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
TQ sau 40 năm cải cách: bài học nào cho VN?
TQ lần đầu thừa nhận kinh tế sụt giảm vì thuế Mỹ
‘Sói già’ Trump đang áp đảo Tập Cận Bình?
Trong khi các nhà theo dõi kinh tếTrung Quốc khuyên nên thận trọng với số GDP chính thức của Bắc Kinh, dữ liệu trên được xem là một chỉ số hữu ích về quỹ đạo tăng trưởng của nước này.
Cảnh báo về suy giảm
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm bớt trong nhiều năm, nhưng mối lo ngại về tốc độ chậm lại ở nước này tăng lên trong những tháng gần đây khi các công ty gióng lên hồi chuông cảnh báo về thị trường quan trọng.
Đầu tháng này, Apple đã cảnh báo sự yếu kém ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng doanh số của công ty.
Các nhà sản xuất xe hơi và các công ty khác đã lên tiếng về tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
‘Chiến tranh thương mại từng dẫn đến Thế chiến’
Chính phủ Trung Quốc đã và đang cố gắng tránh xa sự tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu để phụ thuộc nhiều hơn vào giới tiêu dùng trong nước.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tăng cường nỗ lực trong những tháng gần đây để hỗ trợ nền kinh tế.
Những biện pháp thúc đẩy nhu cầu bao gồm đẩy nhanh các dự án xây dựng, cắt giảm một số thuế và giảm mức dự trữ mà các ngân hàng cần phải nắm giữ.
Nhà kinh tế học Trung Quốc Julian Evans-Pritchard cho biết nền kinh tế của nước này vẫn còn yếu vào cuối năm 2018 “nhưng đã đứng vững hơn sự lo ngại của nhiều người”.
“Tuy nhiên, với những cơn gió ngược từ việc làm dịu tăng trưởng toàn cầu và tác động bị trì hoãn của sự tăng trưởng chậm của tín dụng giờ đang tăng cường… Kinh tế Trung Quốc có thể sẽ suy yếu hơn nữa trước khi tăng trưởng ổn định trong nửa sau của năm nay.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46943192
‘Giết gà dọa khỉ’ – Chiến lược TQ
phá vỡ các liên minh của Mỹ
Giữa lúc căng thẳng Mỹ-Trung Quốc dâng cao, Bắc Kinh đang gây sức ép mạnh mẽ lên Canada và sắp tới có thể là Australia, New Zealand. Giới phân tích đánh giá đây là chiến lược có chủ đích.
Theo tờ nationalinterest, đầu tháng 12/2018 Trung Quốc đã bắt giữ một giáo viên người Canada tên là Sarah McIver với lý do làm việc trái phép tại nước này.
Bà Sarah McIver trở thành công dân Canada thứ 3 bị rơi vào vòng lao lý ở Trung Quốc kể từ khi nhà chức trách Canada bắt giam Giám đốc Tài chính Tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei Mạnh Vãn Chu tại Vancouver.
Thông tin cho hay đã có 13 công dân Canada bị bắt giữ tại Trung Quốc kể từ sau vụ việc liên quan tới bà Mạnh Vãn Chu, dù một vài người trong số này đã được chính quyền Trung Quốc trả tự do, trong đó có bà Sarah McIver. Tuy nhiên, hai người Canada bị bắt đầu tiên vẫn trong nhà giam.
Cựu quan chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor thậm chí đang đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng như gây phương hại an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Việc Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của Washington đã khiến Trung Quốc nổi giận và Bắc Kinh không ngần ngại đưa ra ngay hành động trả đũa. Không phải một mà là hai cách “ăn miếng-trả miếng” khác nhau, đồng thời nhằm vào cả Mỹ và Canada.
Bằng cách làm này, Bắc Kinh muốn gửi lời cảnh báo tới Ottawa không theo chân Mỹ chống lại Trung Quốc và ngăn chặn Washington thiết lập một cú đánh liên hoàn trên phạm vi khu vực cũng như toàn cầu nhằm vào Trung Quốc.
Sâu xa hơn, trong bối cảnh xung động Mỹ-Trung hiện nay, cách xử lý của Trung Quốc đã châm ngòi cho một cuộc chiến buộc các đồng minh của Mỹ phải lựa chọn đứng về phía Bắc Kinh, hoặc ít nhất cũng không đứng về phía Washington.
Đối với vụ Huawei, Trung Quốc nhận ra rằng Mỹ đang tập hợp các đồng minh để “đánh hội đồng”, bao vây tập đoàn viễn thông được coi là niềm tự hào của Trung Quốc này. Bước đi của Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng tạo tiền lệ để Mỹ huy động đồng minh kiềm tỏa Trung Quốc trong các lĩnh vực khác trong tương lai.
Trong bài xã luận có tựa đề “Let the country that is invading China’s interests pay the price” (tạm dịch: Hãy khiến quốc gia xâm phạm lợi ích của Trung Quốc phải trả giá), tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng “đối với những nước không đếm xỉa tới lợi ích của Trung Quốc và có cách hành xử khác thường, Bắc Kinh cần cương quyết đáp trả, khiến quốc gia đó phải trả giá và thậm chí phải hứng chịu những tổn thất nghiêm trọng”.
Báo này giải thích thêm hành động như vậy cũng sẽ khiến các nước khác hiểu rằng “Trung Quốc có nguyên tắc”.
“Canada đã giúp Mỹ bắt giữ lãnh đạo cấp cao tập đoàn Huawei, phá vỡ đường giới hạn. Trung Quốc cần thể hiện rõ lập trường rằng chúng ta không chấp nhận cách hành xử này. Canada sẽ phải trả giá đắt cho quan hệ với Trung Quốc”.
Tờ Thời báo Hoàn cầu kêu gọi “Trung Quốc cần lựa chọn các mục tiêu phản đòn và khiến những quốc gia gây sự với Trung Quốc phải thất bại đau đớn. Bắc Kinh nên tập trung vào những nước trong nhóm Liên minh Five Eye, đặc biệt là Australia, New Zealand và Canada. Các nước này đang theo chân Mỹ gây phương hại cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc”.
Đây là tuyên bố công khai đầu tiên trên phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng Bắc Kinh sẽ trả đũa các đồng minh của Mỹ và triển khai những biện pháp cụ thể nhằm thực thi chiến lược loại bỏ các đối tác thân thiện và đồng minh của Washington.
Diễn biến quan hệ Trung Quốc-Canada thời gian gần đây là một ví dụ điển hình của câu thành ngữ nổi tiếng tại Trung Quốc: Sát kê hách hầu (Giết gà dọa khỉ).
Trên thực tế, chiêu “Giết gà dọa khỉ” đã được Trung Quốc vận dụng nhiều lần trước đây trong quan hệ đối ngoại. Chiến lược tập trung “đánh” các lực lượng thân Mỹ cũng đạt được một số kết quả. Ví dụ từ năm 2012, Bắc Kinh đã thành công trong việc ép buộc một số nước Đông Nam Á ủng hộ lập trường phi lý của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.
Ngay cả Nhật Bản, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, cũng ngả chút ít về phía Bắc Kinh.
Tháng 10/2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm Bắc Kinh. Tại đây, ông Abe tuyên bố Tokyo sẽ không đối đầu với Trung Quốc nữa. Kể từ đó tới nay, nhà lãnh đạo Nhật Bản thận trọng hơn khi sử dụng thuật ngữ “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cởi mở và tự do” được Chính quyền Tổng thống Trump đưa ra.
Trung Quốc tin rằng đã kiểm soát được Tây Thái Bình Dương theo cách này. Và nay, chiến lược của Trung Quốc buộc các đồng minh của Mỹ phải đứng về phía Bắc Kinh sắp được triển khai ở Đông Thái Bình Dương.
Mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Mỹ sẽ là Australia. Bài báo cho rằng Austrlia là đồng minh đầu tiên của Mỹ hưởng ứng lời kêu gọi của Washington “cấm cửa” các sản phẩm công nghệ của tập đoàn Huawei. Nếu Bắc Kinh hành động cứng rắn hơn nhằm đáp trả quyết định của Canberra, nhiều nước khác sẽ cảm thấy lo ngại.
Có lý do để Trung Quốc đặt niềm tin lớn vào chiến lược tấn công các đồng minh của Mỹ, trong khi lại thể hiện một lối hành xử “mềm” với chính Washington. Thứ nhất, Bắc Kinh hiểu rằng hầu hết các đồng minh của Mỹ đều đang có những mối quan hệ kinh tế-thương mại tích cực với Trung Quốc.
Thậm chí, Trung Quốc chứ không phải Mỹ mới là đối tác thương mại lớn nhất của họ. Australia và New Zealand đều coi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của mình. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Canada.
Thứ hai, Bắc Kinh không muốn làm xói mòn sự đồng thuận và tiến triển hướng tới một thỏa thuận thương mại đạt được giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tháng 12/2018 tại Argentina.
Điều đó lý giải vì sao Trung Quốc đang cố gắng tránh một cuộc đối đầu trực diện với Mỹ.
Bên cạnh đó, nhiều đồng minh của Mỹ như Canada hay Australia không có sức mạnh như nền kinh tế số 1 thế giới, nên dễ dàng trở thành mục tiêu ra đòn của Trung Quốc. Đó là lý do vì sao Trung Quốc không nhằm vào Mỹ, dù Mỹ là nước yêu cầu bắt giữ Giám đốc Tài chính tập đoàn Huawei, mà lại “hưỡng mũi súng” vào Canada.
Tuy vậy, hiện còn quá sớm để khẳng định chiến lược này của Trung Quốc sẽ khiến những nước đồng minh của Mỹ như Canada hay Australia bị khuất phục và đứng về phía Bắc Kinh trong cuộc đối đầu với Mỹ.
Để vượt qua cuộc chiến tuyên truyền và chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn các công ty viễn thông và công nghệ cao của Trung Quốc, Bắc Kinh không chỉ dựa vào mỗi chiến thuật này.
http://biendong.net/diem-tin/25949-giet-ga-doa-khi-chien-luoc-tq-pha-vo-cac-lien-minh-cua-my.html
Nhà khoa học TQ bị tố cáo
‘chỉnh sửa gene trẻ em’ phi pháp
Các báo Trung Quốc hôm 21/01/2019 cho hay nhóm điều tra ở tỉnh Quảng Đông kết luận ông Hạ đã hoạt động vì danh vọng và tư lợi.
Toàn bộ quá trình này “nằm ngoài các quy định pháp luật từ giai đoạn tìm ngân quỹ, làm nghiên cứu đến việc thực hành chỉnh sửa gene”, theo các nhà điều tra.
Đàn ông hói thì mạnh mẽ hơn trong chuyện chăn gối?
Giới khoa học nghi ngờ kết quả ‘chỉnh sửa gene’ của TQ
Dân Anh cổ bị thay 90% gene 4500 năm trước
Ba thách thức công nghệ và thông tin
Được biết hai em bé Trung Quốc đã ra đời trong quá trình này.
Hồi tháng 11/2018, Hạ Kiến Khuê công bố quá trình chỉnh sửa DNA mà ông thực hiện đã “thành công”.
Hai bé gái này có gene được chỉnh sửa để không nhiễm HIV.
Tân Hoa Xã cho hay trong thời gian từ 03/2017 đến 11/2018, nhóm của ông Hạ Kiến Khuê đã tuyển tám cặp nam nữ tham gia thí nghiệm.
Hai phụ nữ có mang và một người sinh đôi ra hai em bé, Lulu và Nana.
Người thứ nhì hiện vẫn mang thai, chưa sinh nở.
Hồi tháng 1/2019, ông Hạ Kiến Khuê lên tiếng bảo vệ cho công trình của mình.
Nhiều khoa học gia lên án tuyên bố của ông Hạ ngay khi nghe tin này.
Việc chỉnh sửa gene như vậy là bị cấm ở hầu hết các quốc gia vì lý do luân lý và hệ quả chưa ai lường hết cho người.
Trường đại học nơi ông Hạ làm việc – Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Phương ở Thâm Quyến – nói rằng họ không biết gì về công trình nghiên cứu này và sẽ tiến hành điều tra.
Ông Hạ cũng đã xác nhận rằng trường không hề biết công việc của ông và ông tự tài trợ cho việc thử nghiệm.
Tân Hoa Xã nói ông Hạ cũng làm giả các bài đánh giá (review) để tiến hành thí nghiệm này.
Tuy chính quyền Trung Quốc đổ lỗi cho ông Hạ “làm sai”, họ cũng xác nhận việc chỉnh sửa gene như thế ở nước này là có thật.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46948162
Tướng TQ: Lực lượng ly khai Đài Loan
như kiến càng lay cổ thụ,
sẽ bị xét xử như tội phạm chiến tranh
Tướng Trung Quốc cho biết, lực lượng ly khai Đài Loan chỉ có “quyết tâm hão” chứ không hề có “sức mạnh và biện pháp cụ thể”.
Mới đây, trả lời về vấn đề “Bắc Kinh có sẵn sàng dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan”, cựu Phó Viện trưởng Học viện quân sự Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc – Trung tướng Hà Lôi khẳng định, quân đội nước này luôn sẵn sàng với sức mạnh toàn diện và mọi biện pháp để thực hiện mục tiêu này.
Ông này cho biết, trong tương lai, khi buộc phải sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan, Bắc Kinh sẽ cố gắng thống nhất hai bờ eo biển với tổn thất nhỏ, thương vong nhỏ nhất.
Nhắc tới thế lực ly khai Đài Loan, ông Hà Lôi nhấn mạnh, bất luận là chính đảng, tổ chức và cá nhân nào, bất kể hành vi ly khai nào đều không thể ngăn cản tiến trình thống nhất và khẳng định lực lượng này chỉ có “quyết tâm hão” chứ không hề có “sức mạnh và biện pháp cụ thể”.
Lực lượng ly khai và hành vi ly khai là xu hướng ngược dòng chảy lịch, chỉ có thể là kiến càng lay cổ thụ, không tự lượng sức mình, là châu chấu đá xe, tự chịu diệt vong, tướng Trung Quốc nói.
Ông này cảnh báo, “nếu không quay đầu, lực lượng ly khai ở Đài Loan sẽ trở thành tội nhân của lịch sử Trung Quốc, trở thành tội phạm chiến tranh”.
“Trong tương lai khi buộc phải sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan, lực lượng ly khai ít ỏi chắc chắn sẽ bị trừng phạt như tội phạm chiến tranh”, tướng Trung Quốc nhấn mạnh.
Trước đó, trong bài phát biểu ngày 2/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Bắc Kinh chắc chắn sẽ thống nhất Đài Loan và không loại trừ phương án sử dụng vũ lực để thực hiện tiến trình này, đồng thời sẽ áp dụng giải pháp “một quốc gia, hai chế độ” sau thống nhất với vùng lãnh thổ này.
Trái lại, bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan – người có quan điểm ủng hộ Đài Loan độc lập lại phản đối phát biểu của ông Tập và cho rằng, Bắc Kinh cần thấu hiểu nguyện vọng, tâm tư của người dân trên đảo.
Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan được đánh giá xấu đi kể từ khi bà Thái lên nắm quyền lãnh đạo Đài Loan. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã triển khai nhiều chiến đấu cơ, tàu chiến, thậm chí tàu sân bay tuần tra quanh đảo nhằm thị uy chính quyền bà Thái.
TQ hứng thú với “hồ Mỹ” hay “sân sau của Úc”
Một chuỗi đảo rộng 1.005 km2 do Mỹ kiểm soát ở Thái Bình Dương đang trở thành đầu mối trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng toàn cầu giữa Washington và Bắc Kinh.
Quần đảo Mariana ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương, gồm Thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Mariana (CNMI) và đảo Guam, từng được xem là “mũi giáo tiên phong” của cường quốc Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đang phát triển khắp vùng biển này thông qua những nghiên cứu biển sâu và nơi từng là sòng bạc sầm uất nhất thế giới.
“Chiến tranh và xung đột không bao giờ khởi nguồn từ Đại lộ số 5. Chúng bắt đầu từ những nơi có hậu quả chiến lược hạn chế (ví dụ như quần đảo Mariana. Đó là nơi những cường quốc đối chọi lẫn nhau” – ông Patrick Gerard Buchan, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, nhận xét.
Các lãnh thổ của Mỹ, cách California đến 15 giờ bay trong khi chỉ cách Bắc Kinh 5 giờ bay, nằm rải rác khắp Thái Bình Dương dọc theo rìa phía Tây của Vực Mariana, điểm sâu nhất trên thế giới.
“Chính tại xung quanh những hòn đảo này, phạm vi ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc đang được phân chia. Câu hỏi ở đây là phạm vi này thay đổi ở đâu” – bà Lyle Goldstein, giám đốc Viện nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc ở Trường Hải chiến Mỹ, nói.
“Hoạt động và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực đã tăng lên đáng kể, dẫn đến tác động sâu rộng trong chính trị và an ninh. Trung Quốc đang trở nên rất hứng thú với khu vực từng được gọi là ‘hồ Mỹ’ hay ‘sân sau của Úc'” – ông Jian Zhang, trưởng khoa Hợp tác Trung Quốc tại Học viện Quốc phòng Úc, cho biết.
Một trong những hứng thú mới nổi của Trung Quốc là khám phá biển sâu để có hiểu biết dồi dào về khu vực được xem là tiền đồn quân sự quan trọng của Mỹ kể từ Thế chiến II.
Hơn 1/4 đảo Guam là nơi đóng quân của 2 căn cứ quân sự Mỹ và số dân đảo làm việc trong quân đội cao gấp 3 lần so với bất kỳ tiểu bang nào khác. Vào năm 2013, Mỹ lắp đặt Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên đảo Guam và khiến Trung Quốc nổi giận. Sau đó, khu vực này còn trở thành mục tiêu đe dọa của vũ khí hạt nhân Triều Tiên trong suốt 5 năm qua.
Vào tháng 10-2018, tàu khám phá biển sâu Tan Suo 1 của Trung Quốc trở về từ Vực Mariana sau khi thành công vận hành 1 tàu lặn không người lái trong 46 ngày liên tiếp ở độ sâu 7.000 m. Truyền thông nước nhà tung hô rằng đây là thành công chưa từng có với thời gian và độ sâu dài kỷ lục.
“Đây không phải là một vấn đề mơ hồ mà đi thẳng vào cốt lõi chiến lược hạt nhân của Trung Quốc” – ông Goldstein nhận định và không quên nhắc rằng tham vọng của quân đội Trung Quốc là có hạm đội tàu ngầm hoạt động toàn cầu như Mỹ và Nga.
Chìa khóa của chiến lược này là khả năng điều khiển tàu ngầm mà không bị phát hiện tại những vùng biển nằm giữa chuỗi đảo đầu tiên – tức Nhật Bản, Đài Loan và Philippines – và đến chuỗi đảo thứ 2, trong đó có quần đảo Mariana.
Các chuyên gia cảnh báo rằng tình trạng thiếu vắng sự hiện diện của Mỹ tại Thái Bình Dương đang tạo ra một khoảng trống và giúp tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên.
“Mục tiêu của Trung Quốc không phải là trở thành siêu cường quốc mới trong khu vực. Họ chỉ quan tâm tới việc trở thành thế lực có sức ảnh hưởng chủ đạo trong những sự kiện. Sự thiếu rõ ràng của Mỹ đang tạo điều kiện cho xu hướng này” – trích lời ông Robert Underwood, cựu hạ nghị sĩ của đảo Guam.
Hiện trạng này không chỉ thay đổi dưới mặt biển. Các chuyên gia đã kêu gọi thế giới chú ý đến thực tế rằng Trung Quốc đang đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng của các đảo với số lượng dự án ngày càng tăng do các công ty nhà nước thực hiện.
Khi nhúng tay vào khoảng trống được tạo ra bởi luật lao động lỏng lẻo và nền kinh tế tăng trưởng chậm, các công ty nhà nước Trung Quốc đã trở thành những tay chơi chủ chốt trong môi trường kinh doanh địa phương.
“Một điều ngày càng trở nên rõ ràng đó là rất nhiều dự án đầu tư đều ẩn chứa khuynh hướng chiến lược. Trung Quốc muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của họ với mục tiêu cuối cùng là mở rộng sự hiện diện quân sự.
Úc và Mỹ dường như đang quan sát tất cả những hành động của Trung Quốc tại Thái Bình Dương qua lăng kính chiến lược” – ông Jonathan Pryke, giám đốc chương trình Những hòn đảo Thái Bình Dương của Viện Lowy (Úc), nói.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25948-tq-hung-thu-voi-ho-my-hay-san-sau-cua-uc.html
Bị tố cáo là “hiểm họa”,
Trung Quốc gay gắt đả kích Thụy Điển
Như thông lệ từ nhiều tháng nay, mỗi lần gặp chuyện không vừa ý từ Thụy Điển, là Bắc Kinh lại lớn tiếng công kích những ai có liên quan. Đại sứ quán Trung Quốc tại Stockholm hôm thứ Sáu 18/01/2019 vừa qua đã cực lực phản đối các lời báo động trong dư luận Thụy Điển về các “mối đe dọa” về an ninh mà cường quốc châu Á có thể đặt ra cho nước Bắc Âu nổi tiếng là hiền hòa này.
Trong một bản thông cáo chính thức, phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển cho biết đã ghi nhận được là trong thời gian gần đây “một số chính khách cao cấp và truyền thông” Thụy Điển đã cho rằng Trung Quốc là một “mối đe dọa về an ninh” ” và đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài là “đáng lo ngại”.
Đối với người phát ngôn sứ quán Trung Quốc, đó là những tuyên bố “vô căn cứ”, được “cố tình ngụy tạo và thổi phồng”, và “hoàn toàn vô trách nhiệm”.
Bản thông cáo cũng nhắc lại rằng một vài người đã cáo buộc Trung Quốc về tội ‘kiểm soát’ mạng lưới và cơ sở hạ tầng viễn thông, nhưng chưa hề đưa ra được bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào. Theo phía Trung Quốc, đó là những suy đoán đầy “ác ý” và “hoàn toàn phi lý”.
Theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 19/01, có hai sự kiện trong những tuần lễ đầu năm 2019 đã khiến cho Bắc Kinh phản ứng tức tối.
Trước hết đó là lời cảnh báo từ giới chuyên gia quốc phòng Thụy Điển, theo đó một trạm vệ tinh do Trung Quốc điều hành tại miền bắc quốc gia này có thể phục vụ cho quân đội Trung Quốc. Bên cạnh đó là quyết định xem xét khả năng cấm tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi tham gia xây dựng mạng lưới di động 5G tại Thụy Điển.
Tính lưỡng dụng – dân sự và quân sự – của trạm vệ tinh Kiruna
Nguy cơ Trung Quốc có thể sử dụng trạm vệ tinh dân sự ở Thụy Điển mà họ được giao quyền điều hành vào mục tiêu quân sự, đã được Cơ Quan Nghiên Cứu Quốc Phòng FOI trực thuộc bộ QuốcPhòng Thụy Điển nêu bật trong tuần qua, xem đấy là một mối đe dọa an ninh.
Cơ sở có liên quan là trạm vệ tinh mặt đất ở Kiruna, miền cực bắc Thụy Điển mà Trung Quốc đã xây dựng năm 2016 để dùng vào mục tiêu dân sự. Tuy nhiên, trả lời đài truyền hình SVT hôm Chủ Nhật, 13/01/2019 vừa qua, một trong những chuyên gia của Cơ Quan Nghiên Cứu Quốc Phòng Thụy Điển đã báo động rằng hợp tác trên danh nghĩa là dân sự đó rốt cuộc sẽ bị quân đội Trung Quốc kiểm soát.
Theo báo South China Morning Post số ra ngày 14/01, thì giới nghiên cứu thuộc cơ quan FOI cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng trạm vệ tinh – theo dõi vùng Bắc Cực – để bổ sung thông tin tình báo cho quân đội của họ, thậm chí hỗ trợ cho việc giám sát khu vực bằng vệ tinh nếu vệ tinh quân sự Trung Quốc không còn khả năng hoạt động trong trường hợp nổ ra chiến tranh.
Theo ông John Rydqvist, một nhà nghiên cứu của FOI, do việc Trung Quốc mập mờ về ranh giới giữa quân sự và dân sự, cần phải cẩn trọng trong việc hợp tác giữa cơ quan không gian Nhà nước Thụy Điển SSC với trạm vệ tinh Trung Quốc, vì thông tin thu thập được có một vai trò quân sự và chính quyền Thụy Điển phải quan tâm.
Đối với chuyên gia này, về phương diện tổ chức, hầu như tuyệt đại bộ phận chương trình không gian Trung Quốc mang tính chất quân sự.
Tram vệ tinh tại Thụy Điển đóng một vai trò trong chương trình vệ tinh Cao Phân (Gaofen) của Trung Quốc – một mạng lưới vệ tinh quan sát cung cấp cho Trung Quốc khả năng giám sát toàn cầu.
Theo website của chính phủ Trung Quốc, trạm vệ tinh ở Kiruna đã mất đến hai năm để hoàn tất, và là “trạm vệ tinh mặt đất đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài”.
Trạm vệ tinh nằm dưới quyền quản lý của một viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc, một định chế về danh nghĩa không có liên hệ với quân đội.
Cơ quan không gian Thụy Điển SSC, định chế đã ký thỏa thuận về trạm vệ tinh đã tìm cách trấn an, bác bỏ lời cảnh báo của FOI, khẳng định với đài SVT rằng là hợp tác với Trung Quốc mang tính chất thuần túy dân sự.
Tuy nhiên các chuyên gia vẫn cảnh giác, ông Rydqvist cho rằng cơ quan SSC nên giám sát trạm vệ tinh Trung Quốc một cách chặt chẽ hơn, và “nếu có bất kỳ mối nghi ngờ nào về nguy cơ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự…thì không được làm”, vì điều đó có thể trở thành một vấn đề cho Thụy Điển trong khâu quan trọng hơn nhiều là hợp tác an ninh với phần còn lại của châu Âu và Hoa Kỳ.
Tẩy chay Hoa Vi
Giống như nhiều quốc gia khác, Thụy Điển cũng đang đánh giá lại rủi ro tiềm tàng về mặt an ninh quốc gia đến từ quan hệ với Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Chính phủ Thụy Điển cùng với nhiều nước châu Âu khác – trong đó có láng giềng Na Uy – đang xem xét liệu rằng có nên cấm tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi tham gia dự án công nghệ 5G hay không.
Vào tuần trước, Thụy Điển cùng Na Uy thông báo bắt đầu điều tra xem có thể sử dụng công nghệ học của Hoa Vi để xây dựng hệ thống 5G ở các nước Bắc Âu hay không.
Viking Bohman, một nhà phân tích ở Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Thụy Điển ghi nhận: “Thụy Điển đang mở mắt về thách thức của Trung Quốc”. Theo ông đây là trào lưu quốc tế đáp trả Trung Quốc trên nhiều chiến tuyến.
“Khi các quốc gia châu Âu giới hạn thị trường của họ đối với Hoa Vi, thì Thụy Điển cũng tự hỏi có nên làm như vậy hay không”.
Truyền thông Thụy Điển mới đây tiết lộ là một số công ty bán dẫn tiên tiến của Thụy Điển đã được bán lại cho các tập đoàn Trung Quốc, trong đó các các công ty chuyên về công nghệ lưỡng dụng, có khả năng ứng dụng về quân sự.
Ông Bohman kết luận: “Những lời nói được lập đi lập lại ở Thụy Điển cho thấy là chúng ta đã quá ngây thơ”.
Truyền thông Trung Quốc tố cáo tâm lý bài Trung Quốc
Những cáo buộc từ phía Thụy Điển dĩ nhiên đã bị các phương tiện truyền thông Trung Quốc đả kích, cho rằng những lo ngại về trạm vệ tinh Kiruna phản ánh tâm lý chống Trung Quốc nổi lên sau vụ Hoa Vi.
Theo South China Morning Post số ra ngày 19/01, Dương Miễn (Yang Mian), một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Thông Tin Trung Quốc ở Bắc Kinh đã nhận định trên trang web thông tin Quan Sát (Guancha.cn) rằng các cáo buộc trên gắn liền với học thuyết về “mối đe dọa Trung Quốc”.
Theo vị giáo sư này thì “các nước phương Tây hiện đang lo ngại về sự phát triển của Trung Quốc” được thấy qua sự kiện Hoa Vi đã trở thành “nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới với công nghệ tiên tiến”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190121-bi-to-cao-la-“hiem-hoa”-trung-quoc-gay-gat-da-kich-thuy-dien
Lãnh đạo Trung Quốc và Campuchia
hội đàm ở Bắc Kinh
Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Hun Sen tham gia cuộc đàm phán song phương Trung Quốc – Campuchia ở Bắc Kinh hôm 21/1.
Theo Reuters, ông Hun Sen đang trong chuyến thăm chính thức kéo dài 4 ngày tới quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tân Hoa Xã đưa tin, ngày 22/1, nhà lãnh đạo Campuchia dự kiến sẽ gặp các chính trị gia cấp cao của Trung Quốc, trong đó có Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Reuters nhận định rằng Trung Quốc có mối quan hệ sóng gió với nước láng giềng phía nam sau khi chính quyền Khmer Đỏ bị phế truất.
Quan hệ giữa hai nước đã mạnh lên trong vòng một thập kỷ qua với chính quyền của ông Hun Sen, vốn nắm quyền 33 năm qua.
Hãng tin Anh cho rằng Campuchia đã ủng hộ việc Trung Quốc xây đảo và quân sự hóa ở Biển Đông.
Làm thế nào Việt Nam để Campuchia lọt vào tay Trung Quốc?
Theo Reuters, Phnom Penh cũng tìm cách chống đỡ cho Bắc Kinh khỏi bị các quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) chỉ trích về các hành động trên.
Ngoài Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Trung Quốc được coi là đồng minh chính trị và kinh tế gần gũi nhất của Campuchia.
Đầu tư của quốc gia đông dân nhất thế giới đã tăng từ mức 600 triệu đôla năm 2012 lên 1,08 tỷ đôla năm 2016, theo Reuters.
Thống kê của chính phủ Campuchia cho thấy, Trung Quốc chiếm một nửa đầu tư nước ngoài.
https://www.voatiengviet.com/a/lãnh-đạo-trung-quốc-và-campuchia-hội-đàm-ở-bắc-kinh/4752151.html
Những phụ nữ Bắc Hàn
trốn khỏi ngành nô lệ tình dục
Su-Min HwangKorean Editor
Bị bán vào ngành công nghiệp tình dục sau khi chạy khỏi Bắc Hàn, hai cô gái trẻ bị giam cầm nhiều năm sau khi tìm cách trốn thoát.
Từ tầng ba của một tòa tháp dân cư ở thành phố Yanji, Trung Quốc, hai phụ nữ trẻ vội vã quăng qua cửa sổ những mảnh khăn trải giường đã được xé và buộc thắt nút vào nhau.
Bằng các này, họ trèo qua cửa sổ và bắt đầu leo xuống.
Bắc Hàn: Từ nạn nhân thành kẻ buôn người
Cuộc chiến VN: Đòi công lý cho ‘Con lai Đại Hàn’
Các vụ ám sát và bắt cóc của Bắc Hàn
‘Bị hãm hiếp’ trong quân đội Bắc Hàn
“Nhanh lên, chúng ta không có nhiều thời gian,” người cứu hộ thúc giục.
Tiếp đất an toàn, họ quay lưng, bỏ chạy đến một chiếc xe đang chờ sẵn.
Nhưng họ vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm.
Mira và Jiyun đều là những người đào thoát Bắc Hàn và cách đây nhiều năm, cả hai đều bị những kẻ buôn người lừa.
Sau khi vượt biên sang Trung Quốc, cũng chính những người giúp họ thoát khỏi Bắc Hàn, được gọi là “kẻ môi giới” buôn lậu, đã giao họ cho một đường dây tình dục qua mạng (sexcam).
Mira trong năm năm qua và Jiyun trong tám năm qua, bị giam trong một căn hộ và làm việc như “những cô gái sexcam”, thường thực hiện các hành vi khiêu dâm trước webcam.
Rời khỏi Bắc Hàn mà không có sự cho phép của chính phủ là bất hợp pháp. Nhưng nhiều người liều mạng để chạy trốn.
Việc trú ẩn ở Hàn Quốc khá an toàn, nhưng dải đất giữa Bắc và Nam Triều Tiên bị quân sự hóa mạnh và chứa đầy mìn – gần như không thể đào thoát trực tiếp bằng con đường này.
Thay vào đó, nhiều người đào thoát phải quay về hướng bắc và băng qua Trung Quốc.
Nhưng tại Trung Quốc, những người đào thoát Bắc Hàn bị coi là “người nhập cư bất hợp pháp” và sẽ bị trả lại nếu bị chính quyền Trung Quốc bắt.
Khi trở về quê hương, những người đào thoát phải chịu sự tra tấn và cầm tù vì “tội phản quốc”.
Nhiều người Bắc Hàn đã chạy khỏi đất nước vào giữa những năm 1990 khi nạn đói nghiêm trọng được gọi là The Arduity March gây ra cái chết của ít nhất một triệu người.
Nhưng kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền ở Bắc Hàn vào năm 2011, tổng số người đào thoát mỗi năm đã giảm hơn một nửa. Sự suy giảm này được cho là do sự kiểm soát chặt chẽ hơn ở biên giới và kẻ môi giới tăng giá.
Mira đào thoát khi cô mới 22 tuổi.
Sinh ra gần cuối nạn đói, Mira lớn lên trong một thế hệ mới của Bắc Hàn. Nhờ có một mạng lưới các thị trường ngầm đang phát triển, được biết đến với tên địa phương là Jangmadang, họ có thể tiếp cận với các mặt hàng như đầu DVD, mỹ phẩm, quần áo nhái các hãng thiết kế nổi tiếng, cũng như các thẻ nhớ USB chứa các phim nước ngoài bất hợp pháp.
Những hàng hóa từ bên ngoài đưa vào đã giúp thuyết phục một số người đào thoát. Những bộ phim nhập lậu từ Trung Quốc đã cung cấp cho người Bắc Hàn một cái nhìn thoáng qua về thế giới bên ngoài, và một động lực để rời khỏi Bắc Hàn.
Mira là một trong số những người bị ảnh hưởng.
“Tôi thực sự mê phim Trung Quốc và nghĩ rằng tất cả đàn ông từ Trung Quốc đều như vậy. Tôi muốn kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc và tôi đã tìm cách rời khỏi Bắc Hàn trong vài năm.”
Cha cô, một cựu quân nhân và đảng viên, rất nghiêm khắc và điều hành gia đình theo một lịch trình chặt chẽ. Ông thậm chí thỉnh thoảng đánh cô.
Mira muốn được học để trở thành một bác sĩ, nhưng điều này cũng bị cha cô ngăn cản. Cô ngày càng thất vọng và mơ về một cuộc sống mới ở Trung Quốc.
“Cha tôi là một đảng viên và điều đó thật ngột ngạt. Ông ấy không cho tôi xem phim nước ngoài, tôi phải thức dậy và ngủ vào những thời điểm nhất định. Tôi không có cuộc sống của riêng mình.”
Trong nhiều năm, Mira đã cố gắng tìm một người môi giới để giúp cô vượt qua sông Tumen và trốn thoát qua biên giới bị kiểm soát chặt chẽ. Nhưng mối quan hệ chặt chẽ của gia đình cô với chính phủ khiến nhiều kẻ buôn lậu lo lắng rằng cô sẽ báo cáo họ với chính quyền.
Cuối cùng sau bốn năm cố gắng, cô đã tìm được người giúp mình.
Giống như nhiều người đào thoát, Mira không có đủ tiền để trả trực tiếp cho nhà môi giới. Vì vậy, thay vào đó, cô đồng ý “bị đem bán” để xóa nợ. Mira nghĩ rằng cô sẽ làm việc trong một nhà hàng.
Nhưng cô đã bị lừa. Mira bị một nhóm buôn người nhắm. Đây là đường dây chuyên đưa những người đào thoát Bắc Hàn vào ngành công nghiệp tình dục.
Sau khi qua sông Tumen vào Trung Quốc, Mira được đưa thẳng đến thành phố Yanji, nơi cô được trao lại cho một người đàn ông gốc Hàn mà cô sẽ gọi là “giám đốc”.
Yanji nằm ở trung tâm của khu vực Yanbian, vùng tự trị, độc lập với chính quyền trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh.
Một số lượng lớn người Hàn Quốc thiểu số sống ở đó, và nơi này trở thành một trung tâm thương mại sầm uất cho Bắc Hàn, cũng như một trong những thành phố chính của Trung Quốc nơi người Bắc Hàn sống ẩn mình.
Phụ nữ chiếm phần lớn số người đào thoát. Nhưng không có địa vị pháp lý ở Trung Quốc, họ đặc biệt dễ bị lợi dụng. Một số bị bán làm cô dâu, thường ở khu vực nông thôn, một số bị ép làm gái mại dâm hoặc, như Mira, vào công việc sexcam.
Về đến căn hộ, cuối cùng, giám đốc tiết lộ cho Mira biết công việc mới của cô sẽ đòi hỏi những gì.
Ông ta ‘cặp’ nhân viên mới của mình với một “cố vấn”, người sẽ chung phòng với cô. Mira phải xem, học và thực hành.
“Tôi không thể tin được. Thật là nhục nhã khi là một phụ nữ, phảicởi bỏ quần áo trước mặt mọi người. Khi tôi bật khóc, họ hỏi tôi có khóc vì nhớ nhà không.”
Trang sexcam, và hầu hết khách hàng của nó, là của Hàn Quốc. Họ sẽ trả tiền theo phút, vì vậy phụ nữ được khuyến khích giữ sự chú ý của đàn ông càng lâu càng tốt.
Bất cứ khi nào Mira dao động hoặc tỏ ra sợ hãi, vị giám đốc đe dọa cô sẽ bị đưa trở lại Bắc Hàn.
“Tất cả các thành viên gia đình tôi làm việc trong chính phủ và tôi sẽ mang lại sự xấu hổ cho gia đình nếu tôi trở về. Tôi thà biến mất như khói và chết.”
Có tới chín người phụ nữ trong căn hộ. Khi bạn cùng phòng đầu tiên của Mira trốn thoát với một cô gái khác, Mira được ghép vào sống cùng một nhóm các cô gái khác. Đây là cách Mira gặp Jiyun.
Jiyun mới 16 tuổi khi cô đào tẩu năm 2010.
Cha mẹ Jiyun li dị khi cô lên hai, và gia đình cô rơi vào cảnh nghèo khó. Cô đã phải thôi học ở tuổi 11 để đi làm, và cuối cùng quyết định đến Trung Quốc một năm để mang tiền về nước.
Nhưng giống như Mira, Jiyun cũng bị người môi giới lừa và không cho biết cô sẽ làm công việc sexcam.
Khi cô đến Yanji, đạo diễn tìm cách trả cô trở về Bắc Hàn. Ông ta nói cô “da quá đen và xấu xí”.
Bất kể tình hình, Jiyun không muốn quay lại.”Đó là một công việc mà tôi khinh bỉ nhất, nhưng tôi đã liều mạng để đến Trung Quốc kiếm tiền thì không thể trở về tay không.
“Ước mơ của tôi là được mang về cho ông bà một ít gạo trước khi họ rời khỏi thế giới này. Đó là lý do tại sao tôi có thể chịu đựng mọi thứ. Tôi muốn gửi tiền về cho gia đình. “
Jiyun làm việc chăm chỉ, tin rằng đạo diễn sẽ thưởng cô vì thành tích tốt. Bám lấy lời hứa rằng cô sẽ có thể liên lạc với gia đình và gửi tiền về cho họ, cô mau chóng kiếm được nhiều tiền hơn những cô gái khác trong nhà.
“Tôi muốn được đạo diễn thừa nhận và tôi muốn liên lạc với gia đình. Tôi nghĩ mình sẽ là cô gái đầu tiên được thoát ra khỏi nghề này nếu tôi là người giỏi nhất trong đám.”
Đôi khi Jiyun chỉ ngủ bốn tiếng một đêm, để đạt mục tiêu hàng ngày là $177 đôla. Cô ấy hết lòng muốn kiếm tiền cho gia đình.
“Đầu tiên, hãy làm việc chăm chỉ,” cô nói với Mira, “và nếu sau đó đạo diễn không cho bạn về nhà, thì bạn có thể lý luận với anh ta.”
Jiyun nói rằng trong những năm cô kiếm được nhiều tiền hơn những cô gái khác, cô rất được đạo diễn ưu ái.
“Tôi nghĩ rằng ông ta thực sự quan tâm đến tôi. Nhưng vào những ngày thu nhập của tôi đi xuống, sắc mặt ông ta sẽ thay đổi. Ông ấy mắng chúng tôi là đã không cố gắng hết sức và phí thì giờ vào những việc như xem phim truyền hình. “
Căn hộ được gia đình của đạo diễn canh gác chặt chẽ. Bố mẹ ông ta ngủ trong phòng khách và khóa cửa ra vào.
Đạo diễn mang thức ăn cho các cô gái, và anh trai của ông ta ở gần đến đó mỗi sáng để dọn rác.
“Đó là một sự giam cầm hoàn toàn, thậm chí còn tồi tệ hơn một nhà tù”, Jiyun nói.
Các cô gái Bắc Hàn được phép ra ngoài sáu tháng một lần, hoặc nếu thu nhập của họ đủ cao, mỗi tháng một lần. Trong những khoảnh khắc hiếm hoi đó, họ đi mua sắm hoặc đi làm tóc. Nhưng ngay cả trong những lúc đó, họ không được phép nói chuyện với bất cứ ai.
“Đạo diễn đi gần sát chúng tôi như một người yêu, bởi vì ông ta sợ chúng tôi sẽ chạy trốn”, Mira nói. “Tôi muốn được tung tăng đi bộ xung quanh, nhưng không thể. Chúng tôi không được phép nói chuyện với bất cứ ai, thậm chí mua một chai nước. Tôi cảm thấy như một kẻ ngốc.”
Người đạo diễn chỉ định một trong những phụ nữ Bắc Hàn trong căn hộ của chúng tôi làm “quản lý”, và cô để ý những người còn lại khi đạo diễn đi vắng.
Đạo diễn hứa với Mira rằng anh cho cô ấy kết hôn với một người đàn ông tốt nếu cô làm việc chăm chỉ. Ông hứa với Jiyun sẽ để cô liên lạc với gia đình.
Khi Jiyun yêu cầu đượcthả ra, ông nói rằng cô cần phải kiếm được 53.200 đôla để trả cho chuyến đi. Sau đó ông nói với cô rằng không thể thả cô ra vì không thể tìm được bất kỳ nhà môi giới nào.
Mira và Jiyun chưa bao giờ thấy số tiền họ kiếm được thông qua công việc sexcam của họ.
Thoạt đầu đạo diễn đồng ý cung cấp cho họ 30% lợi nhuận và họ sẽ nhận được khoản này khi được thả.
Nhưng Mira và Jiyun ngày càng trở nên lo lắng hơn khi họ nhận ra rằng có thể không sẽ không bao giờ được tự do.
“Tự tử không phải là điều tôi thường nghĩ, nhưng tôi đã cố dùng thuốc quá liều và tìm cách nhẩy từ cửa sổ,” Jiyun nói.
Năm tháng trôi qua – năm năm cho Mira và tám năm cho Jiyun.
Sau đó, một khách hàng sexcam của Mira, người mà cô quen biết trong ba năm, thấy tội nghiệp cho hoàn cảnh của cô. Ông giúp cô liên lạc với Mục sư Chun Kiwon, người đã giúp đỡ nhiều người Bắc Hàn đào thoát trong 20 năm qua.
Ông này cũng cài đặt từ xa một ứng dụng nhắn tin trên máy tính của Mira, để cô có thể liên lạc với vị mục sư.
Mục sư Chun Kiwon là người nổi tiếng trong số những người Bắc Hàn đào thoát. Truyền hình nhà nước Bắc Hàn thường xuyên tấn công ông, gọi ông là “kẻ bắt cóc” và “kẻ lừa đảo”.
Kể từ khi thành lập tổ chức từ thiện Kitô giáo Durihana vào năm 1999, mục sư Chun Kiwon ước tính ông đã giúp được khoảng 1.200 người đào thoát đến nơi an toàn.
Mỗi tháng ông nhận được khoảng hai hoặc ba yêu cầu giải cứu, nhưng ông thấy trường hợp của Mira và Jiyun đau khổ một cách đặc biệt.
“Tôi từng thấy nhiều cô gái bị cầm tù tới ba năm. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy trường hợp nào họ bị nhốt lâu như vậy. Nó thực sự làm tan nát trái tim tôi.” Mục sư Chun nói.
Mục sư Chun nói rằng việc buôn bán phụ nữ trốn khỏi Bắc Hàn đã trở nên có tổ chức hơn và một số binh sĩ bảo vệ biên giới Bắc Hàn có liên quan đến đường giây này.
Việc buôn bán phụ nữ đôi khi được người dân sống ở khu vực biên giới Trung Quốc gọi là “buôn bán lợn Hàn”. Giá của mỗi phụ nữ có thể dao động từ hàng trăm đến hàng ngàn đôla Mỹ.
Mặc dù rất khó để có được số liệu thống kê chính thức, LHQ từng lên tiếng cảnh báo về mức độ buôn bán phụ nữ cao của Triều Tiên.
Tường trình về buôn bán người hàng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã liên tục chỉ định Triều Tiên là một trong những quốc gia buôn người tồi tệ nhất.
Trong suốt một tháng, Chun giữ liên lạc với Mira và Jiyun và giả làm khách hàng trên trang web sexcam. Bằng cách này, các cô gái có thể giả vờ rằng họ đang làm việc trong khi lên kế hoạch trốn thoát.
“Thông thường những người đào thoát bị giam cầm không biết họ đang ở đâu, vì họ bị bịt mắt khi được đưa đến một căn hộ, hoặc bị đưa đi vào ban đêm. May mắn thay, họ [Mira và Jiyun] biết rằng họ đang ở Yanji và họ có thể thấy một bảng hiệu khách sạn bên ngoài.” Ông nói.
Dùng Google Maps để tìm ra vị trí chính xác của họ, mục sư Chun đã gửi một tình nguyện viên từ tổ chức Durihana của mình để trinh sát căn hộ trước khi cuộc trốn thoát xẩy ra.
Ra khỏi Trung Quốc là việc rất nguy hiểm cho bất kỳ kẻ đào ngũ nào.
Hầu hết muốn vào một nước thứ ba, và đến một đại sứ quán Nam Hàn, nơi họ sẽ được cấp một chuyến bay trở về Nam Hàn và tị nạn.
Nhưng đi khắp Trung Quốc mà không có căn cước rất là nguy hiểm.
“Trước đây, người đào thoát có thể thoát khỏi bằng cách dùng ID giả. Nhưng giờ đây, các quan chức mang theo một thiết bị điện tử có thể cho biết ID đó có thật hay không”, Chun giải thích.
Sau khi trốn thoát khỏi căn hộ, Jiyun và Mira bắt đầu hành trình dài xuyên Trung Quốc với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên Durihana.
Không có bất kỳ ID nào, họ không thể mạo hiểm tìm phòng trong khách sạn hoặc nhà nghỉ, và vì vậy buộc phải ngủ trên tàu hoặc ngủ đêm trong nhà hàng.
Vào ngày cuối của hành trình ở Trung Quốc, sau khi chịu đựng được một cuộc leo núi kéo dài năm giờ, cuối cùng họ đã vượt qua biên giới và vào một quốc gia láng giềng. Tuyến đường và quốc gia họ nhập không thể được tiết lộ.
Mười hai ngày sau khi trốn thoát khỏi căn hộ, Mira và Jiyun lần đầu tiên gặp Chun.
“Tôi nghĩ rằng tôi chỉ hoàn toàn an toàn khi chính thức được trở thành công dân Nam Hàn. Nhưng chỉ cần gặp mục sư Chun đã khiến tôi cảm thấy an toàn. Tôi đã khóc khi nghĩ đến việc tìm thấy tự do, “Jiyun nói.
Cùng nhau, họ đi bằng ô tô thêm 27 giờ tới đại sứ quán gần nhất của Nam Hàn.
Chun nói rằng một số người Bắc Hàn thấy phần cuối của hành trình đặc biệt khó khăn, vì không quen di chuyển bằng ô tô.
“Người đào thoát thường bị say xe và đôi khi ngất xỉu sau khi bị nôn quá nhiều. Đó là một con đường địa ngục, được du hành bởi những người tìm kiếm thiên đường. “
Ngay trước khi đến đại sứ quán, Mira mỉm cười lo lắng và nói rằng cô cảm thấy muốn khóc.
“Tôi cảm thấy như mình đã ra khỏi địa ngục”, Jiyun nói. “Nhiều cảm xúc đến và đi. Tôi có thể không bao giờ gặp lại gia đình nếu tôi đến Nam Hàn và tôi cảm thấy có lỗi. Đó không phải là ý định của tôi lúc rời đi. “
Mục sư và những cô gái trẻ cùng nhau bước vào cổng đại sứ quán. Vài giây sau, chỉ có Chun quay ra. Công việc của ông đã xong.
Mira và Jiyun sẽ được bay thẳng đến Nam Hàn, nơi họ sẽ trải qua quá trình sàng lọc nghiêm ngặt của cơ quan tình báo quốc gia để đảm bảo họ không phải là gián điệp.
Sau đó, họ sẽ ở ba tháng tại trung tâm tái định cư Hanawon cho người Bắc Hàn, nơi họ sẽ được dạy các kỹ năng thực tế để xây dựng cuộc sống mới ở Nam Hàn.
Người đào thoát học cách đi chợ, cách sử dụng điện thoại thông minh, được dạy các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường tự do và được đào tạo nghề. Họ cũng có thể nhận được tư vấn.
Sau đó, họ sẽ trở thành công dân chính thức của Nam Hàn.
“Tôi muốn học tiếng Anh hoặc tiếng Trung Hoa để có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch”, Mira nói khi được hỏi về giấc mơ của mình ở Nam Hàn.
“Tôi muốn sống một cuộc sống bình thường, uống cà phê trong quán cà phê và trò chuyện với bạn bè”, Jiyun nói. “Ai đó đã từng nói với tôi rằng một ngày nào đó mưa sẽ tạnh, nhưng đối với tôi, mùa mưa kéo dài quá lâu đến nỗi tôi quên mất mặt trời tồn tại.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46915349
Philippines : Trưng cầu dân ý
về vùng tự trị ở miền nam Hồi Giáo
Hôm nay, 21/01/2019, hàng triệu người dân Philippines đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý về việc thành lập một vùng tự trị mới ở miền nam nước này, chiểu theo hiệp định hòa bình mà chính phủ Manila ký với phiến quân Hồi Giáo nhằm chấm dứt nhiều thập niên nổi dậy.
Những người Hồi Giáo ở miền nam Philippines đã đấu tranh vũ trang từ thập niên 1970 để đòi quyền tự trị hoặc độc lập cho miền nam Philippines. Tổng cộng đã có 150 ngàn người thiệt mạng trong cuộc nổi dậy. Hôm nay, cử tri tại đây sẽ bỏ phiếu về việc thành lập Vùng tự trị Bangsamoro, thay thế cho vùng tự trị hiện nay, đã được thành lập sau một hòa ước mà Manila đã ký với một lực lượng phiến quân khác.
Từ thành phố Cotabato, thông tín viên Marianne Dardard gởi về bài tường trình :
« Trước trường Central Pilot ở thành phố Cotabato được xe tăng của quân đội bảo vệ, cử tri xếp hàng dài mấy trăm mét. Mọi người đang đứng chờ trong yên lặng thì bỗng nổ ra cãi vã bên trong phòng phiếu. Các quân nhân đã chạy đến để giải tán đám đông. Nguyên nhân là một cử tri đã toan gian lận phiếu bằng cách sử dụng các giấy căn cước khác nhau để đi bầu.
Bầu cử tại Philippines thường xảy ra nhiều bạo lực, cho nên cuộc trưng cầu dân ý về việc thiết lập một vùng tự trị Hồi Giáo mới đã được bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Thiết quân luật được ban hành trên đảo Mindanao kể từ sau vụ lực lượng thân Nhà nước Hồi Giáo Daech bao vây thành phố Marawi vào năm 2017.
Là một trong những quan sát viên của phía cựu du kích quân, Khalid Mero nói : Chúng tôi phải bảo đảm làm sao có đủ quan sát viên trong mỗi phòng phiếu, cũng như kiểm tra xem các thùng phiếu có thật sự trống trước khi được sử dụng hay không.
Về phần Jehan Usop, một phụ nữ Hồi Giáo, cô đến quan sát bầu cử cho một tổ chức Công Giáo, Hội đồng Mục vụ vì một lá phiếu có trách nhiệm. Cô cho biết : Ban đầu không có đủ người tình nguyện, cho nên tôi đã tự đề nghị tham gia quan sát bầu cử.
Sau cuộc bỏ phiếu, các thùng phiếu sẽ được chở bằng máy bay đến Manila, nơi mà các kết quả sẽ được công bố, để bảo đảm tính minh bạch. »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190121-philippines-trung-cau-dan-y-ve-vung-tu-tri-o-mien-nam-hoi-giao
TQ lấn biển để xây thành phố cảng 1,4 tỉ USD
ở Sri Lanka
Công ty CHEC Port City Colombo (Pvt) Ltd. (Trung Quốc) đã hoàn thành công đoạn cải tạo đất ven biển, sẵn sàng cho giai đoạn hai trong Dự án phát triển thành phố cảng Colombo.
Dự án phát triển thành phố cảng Colombo trị giá 1,4 tỉ USD là một phần của kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh trong việc tạo ra “Con đường tơ lụa” hiện đại trên khắp châu Á.
Hôm 17-1, Tân Hoa Xã cho biết trong một buổi lễ được tổ chức tại thành phố cảng Colombo, các quan chức xác nhận dự án đã đạt được cột mốc quan trọng khi hoàn thành công đoạn cải tạo đất và tàu cuối cùng trong số 4 tàu nạo vét được sử dụng để khai thác cát đã rời khỏi khu vực tiến hành dự án. Tổng cộng 269 ha đất đã được mở rộng ra ngoài biển.
Bộ trưởng Phát triển khu vực Sri Lanka Champika Ranawaka ca ngợi dự án nói trên “là một điều kỳ diệu về công nghệ và là một trong những dự án phát triển ngoạn mục nhất ở Sri Lanka”.
“Sri Lanka sẽ là trung tâm của sự thay đổi trong vài năm tới và Port City sẽ là một trong những dự án quan trọng nhất đưa chúng tôi đến sự thay đổi đó. Thành phố sẽ biến Sri Lanka trở thành trung tâm của Nam Á” – ông Ranawaka kỳ vọng.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Trung Quốc Cheng Xueyuan cho biết Thành phố cảng Colombo là một dự án quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường ở Sri Lanka, mang lại lợi ích cho người dân và xã hội Sri Lanka.
“Hôm nay, 269 ha đất đã được bồi đắp vượt tiến độ. Nó tượng trưng cho tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Sri Lanka vốn đã có một lịch sử lâu dài và đáng giá hơn giá trị của khoản đầu tư. Dự án đã tạo ra hơn 4.000 việc làm cho cư dân địa phương.
Đồng thời, chương trình cải thiện sinh kế của ngư dân do công ty phụ trách dự án thực hiện đã mang lại lợi ích cho hàng chục ngàn ngư dân và gia đình họ” – ông Cheng nói.
Ngoài Dự án phát triển thành phố cảng Colombo, cảng nước sâu Hambantota trị giá 1,4 tỉ USD cũng do công ty Trung Quốc xây dựng vào tháng 12-2017 đã được chính phủ Sri Lanka cho thuê 99 năm sau khi Colombo không thể trả các khoản vay của Bắc Kinh đúng kỳ hạn.
http://biendong.net/diem-tin/25925-tq-lan-bien-de-xay-thanh-pho-cang-1-4-ti-usd-o-sri-lanka.html