Tin khắp nơi – 20/12/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 20/12/2018

Quốc hội Mỹ tìm cách

ngăn đóng cửa chính phủ liên bang

Quốc hội Mỹ hôm 20/12 tiến gần tới việc ngăn đóng cửa một phần chính quyền liên bang, trong khi các nhà lập pháp hàng đầu hy vọng thông qua lần cuối một dự luật cung cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ nhưng không có khoản dành cho bức tường ngăn trên biên giới như mong muốn của Tổng thống Trump.

Theo Reuters, ông Trump từng nhiều lần công kích phe dân chủ vì không ủng hộ ngân quỹ cho bức tường và sẽ không ký vào bất kỳ dự luật nào không bao gồm khoản tiền đó, nên có thể đe dọa tới dự luật chi tiêu mà Quốc hội Mỹ đang thương thảo.

Hiện chưa rõ là ông Trump đề xuất tới dự luật ngân sách đã qua được Thượng viện cuối ngày 19/12, và sẽ được thảo luận tại Hạ viện, hay ông nhắm vào một dự luật mà phe Dân chủ trình ra vào năm tới.

XEM THÊM:

Quốc hội Mỹ tính cấp ngân quỹ tạm thời để tránh đóng cửa chính phủ

Reuters đưa tin rằng Nhà Trắng không hồi đáp ngay trước yêu cầu bình luận của hãng.
Ông Trump viết trên Twitter sáng 20/12: “Phe Dân chủ biết rằng bức tường là cần thiết cho an ninh biên giới, [nhưng] vẫn đặt chính trị nên đất nước”.

Tổng thống Mỹ viết thêm rằng “điều họ mới bắt đầu nhận ra rằng tôi sẽ không ký vào bất kỳ dự luật nào, bao gồm cả về cơ sở hạ tầng, trừ khi nó bao gồm an ninh biên giới. Nước Mỹ chiến thắng!”

Theo Reuters, ông Trump dường như đề cập tới dự luật mà phe Dân chủ tìm cách đưa ra vào năm 2019 khi lấy quyền kiểm soát Hạ viện từ tay phe Cộng hòa.

https://www.voatiengviet.com/a/qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-m%E1%BB%B9-t%C3%ACm-c%C3%A1ch-ng%C4%83n-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-li%C3%AAn-bang/4709180.html

 

Quốc hội Mỹ tính cấp ngân quỹ tạm thời

để tránh đóng cửa chính phủ

Quốc hội Mỹ hôm 19/12 đã bắt đầu thúc đẩy dự luật cấp ngân sách cho một số các cơ quan liên bang cho đến ngày 8/2 để tránh cho chính phủ bị đóng cửa một phần nhưng không hề có khoản tiền nào dành cho bức tường biên giới với Mexico mà Tổng thống Donald Trump yêu cầu.

“Chúng tôi sẽ mau chóng có một biện pháp đơn giản để tiếp tục cấp ngân sách cho chính phủ cho đến tháng 2 để chúng tôi có thể tiếp tục cuộc tranh luận quan trọng về an ninh biên giới sau khi Quốc hội mới nhóm họp vào tháng Hai,” lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mitch McConnell nói.

Một trợ lý phe Dân chủ ở Thượng viện cho biết dự luật cấp ngân quỹ này, vốn giữ cho Bộ An ninh Nội địa và một số cơ quan khác hoạt động tạm thời, được trông đợi sẽ được Thượng viện thông qua.

Hạ viện sau đó cũng bỏ phiếu để thông qua dự luật và ông Trump sẽ ký ban hành để tránh cho các cơ quan này bị đóng cửa do ngân quỹ hiện tại của họ sẽ hết vào giữa đêm ngày 21/12.

Với việc hoãn lại các quyết định cấp ngân sách cho các cơ quan chính phủ bao gồm các bộ Tư pháp, Thương mại, Nội vụ và Nông nghiệp, phe Dân chủ sẽ có vị thế mạnh hơn để mặc cả vào năm tới khi họ nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Các thành viên Đảng Dân chủ và nhiều nhân vật bên Đảng Cộng hòa đã chất vấn về tính khôn ngoan của việc cấp cho ông Trump 5 tỷ đô la trong năm nay để xây dựng một bức tường biên giới vốn tiêu tốn ước tính 24 tỷ đô la. Họ lập luận rằng biện pháp này kém hiệu quả trong việc đảm bảo an ninh biên giới hơn là phát huy những công cụ hiện có.

Trong nỗ lực vào giờ chót để vượt qua bế tắc, ông Trump và ông McConnell hôm 18/12 đã đề xuất cấp cho chính quyền ông Trump 1 tỷ đô la mà tổng thống có thể tùy nghi sử dụng để củng cố an ninh biên giới.

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng khoản cấp ngân quỹ này sẽ không giành đủ sự ủng hộ để qua được Quốc hội.

Trước đó, Nhà Trắng cho biết họ sẽ tìm trong các khoản ngân quỹ đã được phân bổ nguồn tiền để chuyển cho việc xây dựng bức tường biên giới do Quốc hội không chịu đáp ứng yêu cầu của họ.

Đó là một sự thừa nhận ngầm rằng không có khả năng Quốc hội cấp tiền xây dựng bức tường và đánh dấu sự chuyển hướng của ông Trump khỏi giọng điệu cứng rắn hồi tuần trước rằng ông ‘tự hào’ đóng cửa chính phủ vì bất đồng về việc cấp vốn cho bức tường.

Tuy nhiên ông Schumer phát biểu trước Thượng viện hôm 19/12 rằng chính quyền Trump không thể làm việc đó một cách hợp pháp mà không có sự đồng ý của Quốc hội.

“Thượng viện và Hạ viện sẽ không phê chuẩn một bức tường từ các khoản ngân quỹ được tái sắp xếp hay bất cứ thứ gì khác. Sẽ không có chuyện đó đâu,” ông Schumer cảnh báo.

Ông Trump đã lên Twitter để đả kích Đảng Dân chủ là ‘sẵn sàng bỏ tiền cho mọi thứ chứ không chịu cấp ngân quỹ cho an ninh biên giới và quân sự’. Trong khi đó, bà Kellyanne Conway, cố vấn cao cấp của ông Trump lại chỉ trích các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã không thúc đẩy vấn đề này mạnh mẽ hơn.

https://www.voatiengviet.com/a/qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-m%E1%BB%B9-t%C3%ADnh-c%E1%BA%A5p-ng%C3%A2n-qu%E1%BB%B9-t%E1%BA%A1m-th%E1%BB%9Di-%C4%91%E1%BB%83-tr%C3%A1nh-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7/4708600.html

 

Mỹ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt Nga

do can thiệp bầu cử

Hoa Kỳ hôm 19/12 đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga và mở ộng một bản danh sách đen các cá nhân bị cáo buộc là có tham gia trong chiến dịch can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 với sự hỗ trợ của Kremlin bên cạnh những hành động sai trái khác.

Lệnh trừng phạt này nhằm vào 15 thành viên của cơ quan tình báo quân sự Nga và bốn thực thể dính dáng đến các hoạt động can thiệp bầu cử, tấn công mạng của Cơ quan Chống Doping Thế giới và ‘các hoạt động hung ác’ khác trên thế giới, thông cáo trên trang mạng của Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký kết sắc lệnh hành pháp hồi tháng Chín để áp đặt lệnh trừng phạt lên bất cứ quốc gia hay cá nhân nào tìm cách can thiệp vào bầu cử Mỹ. Ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp này giữa những chỉ trích cách ông xử lý cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Trong danh sách bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt có một số cá nhân bị cáo buộc có vai trò trong vụ tấn công mạng nhằm vào Cơ quan Chống Doping Thế giới, Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học và những tổ chức khác trong giai đoạn từ 2016 cho đến 2018.

Ngoài ra còn có hai sỹ quan tình báo Nga là Alexander Petrov và Ruslan Boshirov vì vai trò của họ trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái của ông ở Salisbury hồi tháng Ba năm nay.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-%C3%A1p-%C4%91%E1%BA%B7t-c%C3%A1c-th%C3%AAm-c%C3%A1c-l%E1%BB%87nh-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-nga-do-can-thi%E1%BB%87p-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD/4708587.html

 

Mỹ không thể chống lại

vũ khí bội siêu thanh Nga, TQ

Báo cáo mới đây của Văn phòng thẩm định trách nhiệm chính phủ Mỹ (GAO) kết luận nước này hiện không thể đẩy lùi nếu có cuộc tấn công bằng vũ khí bội siêu thanh từ Trung Quốc và Nga.

“Nga và Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các loại vũ khí bội siêu thanh có thể đánh bại đa số hệ thống phòng thủ tên lửa và chúng có thể được dùng để tăng cường năng lực tấn công hạt nhân tầm xa”, theo GAO.

Báo cáo của GAO đề cập đến nhiều thách thức an ninh từ các loại vũ khí diệt vệ tinh. Ngoài ra, máy bay tàng hình của Nga và Trung Quốc được đánh giá “có thể bay nhanh, xa và mang nhiều vũ khí hơn”.

“Tốc độ phát triển những loại vũ khí này có thể buộc các máy bay quân sự Mỹ phải hoạt động ở khoảng cách xa hơn, điều này khiến nhiều mục tiêu của Mỹ có nguy cơ cao bị tấn công”, cũng theo bản báo cáo.

Phát biểu tại hội nghị hồi tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Nga đã vượt qua các đối thủ về mặt vũ khí bội siêu thanh và gọi đây là “sự thật hiển nhiên”, theo đài RT.

“Không ai hiện sở hữu vũ khí bội siêu thanh chính xác như Nga. Một số quốc gia lên kế hoạch thử nghiệm vũ khí bội siêu thanh trong vòng 18-24 tháng tới. Trong khi chúng tôi đã có sẵn để triển khai cho quân đội”, Tổng thống Putin lưu ý.

Hồi tháng 3.2018, Tổng thống Putin cũng đã hé lộ một số hệ thống tên lửa bội siêu thanh tối tân của Nga, bao gồm Avangard, Kinzhal và Dagger.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/25368-my-khong-the-chong-lai-vu-khi-boi-sieu-thanh-nga-tq.html

 

Mỹ ra cú đánh ‘tin tặc TQ’

và đòi quyền vào Tây Tạng ‘bình đẳng’

Hoa Kỳ buộc tội hình sự với tin tặc ‘làm cho tình báo Trung Quốc’ sau khi Tổng thống ký luật phạt quan chức TQ ngăn người Mỹ đến Tây Tạng.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tuyên bố buộc tội hình sự đối với hai tin tặc được cho là có liên quan tới cơ quan tình báo chính của Trung Quốc.

Zhu Hua và Zhang Shilong bị cáo buộc nhắm vào các mạng ở Mỹ và các quốc gia đồng minh để đánh cắp bí mật thương mại và công nghệ.

Họ thuộc nhóm “hacking group” được biết đến là phương thức tấn công mạng Advanced Persistent Threat 10, theo cáo buộc.

Thuế quan của Trump có ngăn chặn gián điệp TQ?

Mỹ bắt một người âm mưu làm gián điệp cho TQ

Tin tặc Trung Quốc ăn cắp dữ liệu của hải quân Mỹ

TQ treo thưởng cho tin về gián điệp ngoại

Có ý kiến cho rằng họ hiện đang ở Trung Quốc.

Úc, Anh, Canada, Nhật, Hà Lan, New Zealand và Thụy Điển cũng được báo cáo nằm trong mục tiêu của hai tin tặc.

Các báo châu Âu chiều tối 20/12 chạy tin nói Hoa Kỳ “cáo buộc Trung Quốc có hoạt động tin tặc toàn cầu”.

Zhu Hua và Zhang Shilong làm việc cho công ty Huaying Haitai và hợp tác với Bộ Công an Trung Quốc, theo cáo trạng.

Các tập đoàn Mỹ liên quan đến hàng không, công nghệ vũ trụ và không gian, và các cơ quan chính phủ như Hải quân và cơ quan vũ trụ NASA cũng bị nhắm đến, cáo trạng cho cho biết thêm.

căng thẳng xung quanh vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei

Thông báo về việc không tiết lộ cáo trạng, Phó Tổng chưởng lý Hoa Kỳ Rod Rosenstein cho biết Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận 2015, theo đó họ cam kết không tham gia vào hoạt động gián điệp thương mại trên mạng.

Ông Rosenstein cho biết động thái của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ được phối hợp với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á để ngăn chặn “sự xâm lược kinh tế của Trung Quốc”.

Ông nói thêm:

“Chúng tôi muốn Trung Quốc chấm dứt các hoạt động phi pháp trên mạng.”

Người Mỹ đòi vào Tây Tạng ‘một cách bình đẳng’

Hôm 19/12 Tổng thống Donald Trump ký luật trừng phạt với mọi quan chức Trung Quốc ngăn cản người Mỹ đến Tây Tạng.

Luật ‘Reciprocal Access to Tibet Act’ nay mở ra một thời kỳ mới trong việc Hoa Kỳ ủng hộ Tây Tạng và thách thức chính sách của Trung Quốc ở vùng này.

Luật này yêu cầu Trung Quốc cho giới ngoại giao, báo chí và công dân Mỹ hưởng quyền đến Tây Tạng tương xứng với quyền của người Trung Quốc đến các vùng của Mỹ.

Về cơ bản, đây là luật nhắm vào các quan chức Trung Quốc”cản trở người Mỹ” tới Khu tự trị Tây Tạng, vùng mà Bắc Kinh thường hạn chế người nước ngoài tới thăm.

Luật yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ phải đánh giá trong vòng 90 ngày và báo lên Quốc hội về nhân sự Trung Quốc “chịu trách nhiệm ngăn cản người Mỹ tới Tây Tạng”.

Các quan chức Trung Quốc đó sẽ bị bác visa nếu muốn sang Mỹ.

Bắc Kinh đã phản đối luật này, coi đây là việc can thiệp vào tình hình nội bộ của Trung Quốc, còn giới vận động nhân quyền ủng hộ người Tây Tạng thì vui mừng trước luật này.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46640259

 

Vì sao Mỹ quyết định “đánh” Hoa Vi vào lúc này ?

Mai Vân

Ngay từ năm 2012, tập đoàn công nghệ viễn thông Hoa Vi của Trung Quốc đã lọt vào tầm ngắm của chính quyền Mỹ. Theo một báo cáo của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Hoa Kỳ, tập đoàn Trung Quốc này đặt ra một mối đe dọa cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ vì sản phẩm của Hoa Vi có thể bị sử dụng vào mục tiêu gián điệp. Thế nhưng phải chờ đầu tháng 12 năm 2018 này, thì Mỹ mới ra tay “đánh” mạnh, với việc yêu cầu Canada bắt giữ nữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của Hoa Vi, chờ dẫn độ qua Mỹ để xét xử về cáo buộc vi phạm cấm vận Hoa Kỳ đối với Iran.

Từ lúc vụ việc được tiết lộ, giới báo chí và các chuyên gia không ngày nào mà không có bài viết về sự kiện chấn động này, đặc biệt là tìm hiểu lý do Hoa Vi bị Hoa Kỳ chú ý. Trong một bài phân tích được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post công bố hôm 12/12/2018 vừa qua, Tom Holland, một nhà báo kỳ cựu về châu Á, đã đặt vụ Hoa Vi vào trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung đang hết sức gay gắt để cho rằng “Đừng hỏi vì sao Mỹ đánh Hoa Vi, mà nên hỏi vì sao vào lúc này – Don’t ask why US acted against China’s Huawei. Ask: why now?”.

Dấu hiệu rõ nét của “chiến tranh lạnh kinh tế” Mỹ-Trung

Đối với nhà báo của tờ South China Morning Post, vụ bà Mạnh Vãn Châu bị Mỹ làm khó dễ rõ ràng là biểu hiện của một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế Mỹ-Trung đang càng lúc càng gay gắt, bất chấp thỏa thuận “hưu chiến” hôm 01/12/2018, giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 tại Buenos Aires (Achentina).

Theo tác giả bài phân tích, Trung Quốc quả là đã có dấu hiệu rất lúng túng trước động thái cứng rắn bất ngờ của phía Mỹ. Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt đúng vào ngày hai ông Trump và Tập chuẩn bị gặp nhau, tức là hôm 01/12, nhưng thông tin đã bị bịt kín (và phải chờ đến ngày 05/12 mới

Theo Tom Holland, dường như luật sư của giám đốc Hoa Vi đã tìm cách ngăn chặn thông tin, trong khi chờ đợi Bắc Kinh gây sức ép lên Ottawa và Washington để bà được trả tự do.

Đến khi tin tức vụ bắt giữ được tiết lộ, thì phía Trung Quốc đã lớn tiếng tỏ thái độ phẫn nộ : Đại sứ Trung Quốc tại Canada đã lên tiếng tố cáo việc giam giữ bà Mạnh Vãn Châu, cho rằng “quyền con người của nạn nhân bị tổn hại nghiêm trọng” và cam kết dùng “tất cả các biện pháp để kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân Trung Quốc”.

Đối với nhà báo Holland, giọng điệu bị sốc này có một cái gì đó giả dối. Nếu đại sứ Trung Quốc chắc chắn là vụ bắt giữ này là sai trái, thì lúc đó ông có thể đệ trình một lệnh pháp lý (a writ of habeas corpus) yêu cầu đưa ngay bà ra trước một tòa án để xác định tính hợp pháp của việc bắt giữ. Nhưng đại sứ Trung Quốc đã không làm điều đó.

Có nhiều lý do cho việc này. Có lẽ đại sứ không quen với thủ tục pháp lý này, có thể là vì ở Trung Quốc không có loại quyền này, hay là vì Trung Quốc bối rối khi phải dựa trên luật của nước khác để bà Mạnh được trả tự do, trong khi chính người dân Trung Quốc trong nước lại không được bảo vệ trước các vụ bắt bớ tùy tiện.

Một lý do khác nữa là đại sứ Trung Quốc không dám chắc chắn là vụ bắt giữ thiếu cơ sở.

Hoa Vi đã bị chính quyền Mỹ đưa vào tầm nhắm từ lâu

Dẫu sao, theo tác giả bài viết, những nghi ngờ về Hoa Vi và bà Mạnh Vãn Châu liên quan đến việc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran không có gì mới mẻ.

Năm 2012, Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Mỹ đã ra một báo cáo về kết quả một cuộc điều tra nhắm vào Hoa Vi. Ủy Ban đã mở rộng mạng lưới điều tra, thậm chí còn phỏng vấn cả nhà báo của tờ South China Morning Post về cách điều hành và hoạt động kinh doanh của Hoa Vi.

Một trong những chỉ trích được nêu lên là Hoa Vi đã từ chối không trả lời câu hỏi của Ủy Ban về hoạt động của tập đoàn ở Iran, và đã không chứng minh được là họ đã tuân thủ lệnh cấm vận của Mỹ.

Sau đó, vào năm 2013, hãng tin Anh Reuters đã loan tin về một công ty con của Hoa Vi, mà bà Mạnh từng làm giám đốc, đã tìm cách bán sang Iran thiết bị viễn thông mà tập đoàn Mỹ Hewlett Packard sản xuất, bất chấp các lệnh cấm của Mỹ vào thời đó.

Tuy nhiên, điều mà Reuters không nói đến là công ty Iran đối tác của công ty con của Hoa Vi, cho đến hai tháng gần đây, còn là một công ty của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran, can dự rất nhiều vào chương trình hạt nhân Iran.

Và như thế, bà Mạnh không chỉ vi phạm cấm vận của Mỹ mà còn vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, và điều đó có nghĩa là vi phạm cả luật Canada, và đó chính là cơ sở biện minh cho việc cho dẫn độ bà sang Mỹ.

Vì sao Mỹ lại đánh Hoa Vi trong khi có nhiều công ty khác cũng phạm luật

Hoa Vi không phải là tập đoàn quốc tế duy nhất vẫn làm việc với Iran. Một số đã bị trừng phạt như Standard Chartered và tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE; nhưng phần đông thì không bị phiền hà, trong đó có cả các tập đoàn Mỹ lẫn Trung Quốc. Thế nhưng tại sao Mỹ lại truy Hoa Vi ?

Nguyên do thứ nhất là vì Hoa Vi, theo nhận định phổ biến ở Washington, là một tập đoàn thương mại thành công nhưng cũng phục vụ mục tiêu do thám chính trị, quân sự, công nghiệp, một cánh tay tình báo của quân đội Trung Quốc.

Sự tin tưởng này cũng dễ hiểu vì ông Nhậm Chánh Phi, nhà sáng lập Hoa Vi và là cha của bà Mạnh Vãn Châu, nguyên là một kỹ sư, sĩ quan cao cấp trong quân đội Trung Quốc, nhưng chuyên ngành là gì thì vẫn chưa rõ.

Nhưng đó chỉ là những tin cũ. Theo một viên chức tình báo phương Tây, các cơ quan gián điệp phương Tây từ lâu đã biết được vai trò thu thập thông tin của Hoa Vi, và đã tương kế tựu kế cung cấp thông tin sai lệch cho Trung Quốc theo kiểu thường gọi là “Concordski”.

Cái tên này chỉ chương trình của Liên Xô trong những năm 1960, 1970 nhằm phát triển một loại phi cơ cạnh tranh với máy bay hành khách siêu âm Concorde, do Anh và Pháp hợp tác chế tạo. Câu chuyện được lưu truyền trong giới tình báo là gián điệp Nga đã móc nối được với một kỹ sư Anh Quốc để có được sơ đồ chi tiết của chiếc Concorde.

Nhưng nhờ biết tin trước, phía Anh đã cung cấp cho điệp viên Liên Xô sơ đồ ngụy tạo. Máy bay Nga chế tạo theo thiết kế đó đã bị rơi trong lần biểu diễn quốc tế đầu tiên, ở triển lãm hàng không không gian Paris 1973, và sau đó rơi một lần thứ hai. Sau tai nạn thứ hai đó, kế hoạch về máy bay này đã bị bỏ đi.

Tại sao đánh Hoa Vi vào lúc này?

Tuy nhiên, theo Tom Holland, trong vụ Hoa Vi, câu hỏi quan trọng hiện nay không phải là thế nào hay tại sao Mỹ có hành động chống Hoa Vi mà là “tại sao vào lúc này ?”

Một giả thuyết cho rằng “bánh xe công lý” của Mỹ luôn luôn quay rất chậm, và các cuộc điều tra khởi xướng từ cách đây 5-6 năm, giờ đây mới có được đủ bằng chứng để biện minh cho một vụ bắt giữ.

Tuy nhiên Tom Holland cho rằng điều này không hợp lý. Chính quyền Mỹ có thể sẵn sàng thu hồi các kế hoạch tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vốn có thể tác hại đến người tiêu dùng Mỹ. Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy là cuộc chiến tiêu hao của Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn.

Hành động của Mỹ chống lại Hoa Vi do vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ gây thiệt hại nặng nề, thậm chí là làm tê liệt tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc.

Trong số 92 nhà cung ứng cốt lõi cho Hoa Vi, có tới 33 công ty là các tập đoàn Mỹ, trong đó có các nhà sản xuất chip như Intel, Qualcomm, Broadcom, Marvell và Micron. Nếu Washington cấm các công ty này bán cho Hoa Vi, tập đoàn viễn thông khổng lồ này của Trung Quốc sẽ rất khó khăn để tồn tại.

Nói tóm lại, những nỗ lực của Mỹ nhằm làm suy yếu, hoặc ít ra là kềm hãm sự phát triển của nền công nghệ Trung Quốc, vẫn tiếp diễn. Thương mại có thể đình chiến nhưng cuộc chiến công nghệ vẫn chưa ngã ngũ. Trong thời gian tới, Mỹ sẽ còn đưa ra nhiều hành động gây áp lực hơn nữa.

Và như vậy, Tom Holland kết luận một cách dí dỏm là vào lúc này, nếu một giám đốc điều hành của một công ty công nghệ Mỹ có ý định đến Trung Quốc – hoặc là một giám đốc điều hành Trung Quốc muốn qua Mỹ – họ nên xét lại kế hoạch du lịch hoặc công tác của mình, đặc biệt nếu muốn năm nay được đón Giáng Sinh cùng gia đình.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181220-my-da-quyet-dinh-danh-hoa-vi-vi-sao-luc-nay

 

Mỹ triệt thoái khỏi Syria,

một quyết định nhiều hậu quả

Tú Anh

Quyết định của tổng thống Donald Trump rút quân khỏi Syria không những tác động trên cục diện chiến trường mà còn gây những hệ quả lớn cho các đồng minh của Mỹ, cho chính nước Mỹ và Tây phương nói chung, từ địa chính trị cho đến ngoại giao, theo cảnh báo của các nhà phân tích.

Trước hết là về mặt quân sự. Không có lực lượng Mỹ trên chiến trường, Thổ Nhĩ Kỳ tha hồ thực hiện kết hoạch tiêu diệt sắc dân Kurdistan sinh sống và kiểm sóat một vùng bắc Syria, giáp giới với Thổ nhĩ Kỳ và Irak. Chuyên gia Mỹ Jonas Parello-Plesner, thuộc viện nghiên cứu chiến lược Hudson Institute phân tích : Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tấn công lực lượng võ trang Kurdistan-Syria. Thành phố Minbej do lực lượng Kurdistan trấn giữ sẽ « bốc lửa » đầu tiên. Chiến binh Kurdistan sẽ không thể huy động lực lượng phản công tàn quân Daech cố thủ dọc biên thùy Irak.

Về địa chính trị, chiến tranh Syria là cuộc chiến giữa hàng chục xung khắc chồng chéo lên nhau : đối lập chống chế độ cha truyền con nối ở Damas, giữa chính phủ Syria chống thánh chiến, giữa các phe Hồi Giáo đối nghịch, giữa các sắc tộc, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurdistan, giữa Iran và Israel và cuộc chiến chống Daech.

Chiến tranh chống Nhà Nước Hồi Giáo là lý do chính thức để Hoa Kỳ tham dự. Do vậy, quyết định rút quân của Donald Trump là một sai lầm, theo nhà cựu ngoại giao Mỹ Ilan Goldberg của Trung Tâm An Ninh Mới của Mỹ. Ông dự báo là Daech sẽ hồi sinh tại Syria như đã nổi dậy ở Irak khi tổng thống Barack Obama đã phạm sai lầm rút quân Mỹ trong khi Irak chưa ổn định.

Jonas Parello-Plesner, trích dẫn bên trên, lo ngại Matxcơva sẽ lấp chổ trống, trở thành chủ nhân ông tại Syria. Chưa hết, Donald Trump sẽ dựa vào lập luận nào, cơ sở nào để đòi Iran chấm dứt hỗ trợ Damas trong khi ưu tiên số một trong chiến lược Trung Đông của Mỹ là làm suy yếu Teheran ? Khi Israel, một mình đơn độc, tuyên bố « tự lo thân », có nghĩa là một mặt trận mới đang được chuẩn bị.

Nhưng tại sao Donald Trump lại chọn một quyết định đầy bất trắc ? Chủ nhân Nhà Trắng có tiếng là đổi ý như « chong chóng » có thể sẽ thay đổi nữa khi thấy rõ lợi hại. Tuy nhiên, theo AFP, rất có thể trong vụ này, tính tóan con buôn cũng là một thông số trong phương trình địa chiến lược của Donald Trump: Không rõ do tình cờ hay hữu ý mà hôm thứ tư 19/12/2018, tức là cùng ngày, Washington thông báo đồng ý bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống lá chắn chống tên lửa Patriot để khuyến khích Ankara ngưng dự án trang bị S-400 của Nga và hoà giải với tổng thống Erdogan.

An ninh châu Âu bị đe dọa

Paris cho biết là không rút lực lượng đặc biệt ở Syria và sẽ tiếp tục chiến dịch chống Daech, dù có Mỹ hay không: Daech chưa bị đánh bại hoàn toàn. Nhưng tâm trạng lo âu chung cho an ninh châu Âu được cựu thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, nay là nghị sĩ Châu Âu phát biểu như sau: Mỹ rút lui là một chiến thắng cho « Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và chế độ Damas ».

Đại diện của Lực lượng dân chủ Kurdistan tại Pháp cảnh báo : Mỹ đã nhượng bộ trước áp lực của Erdogan. Nếu tây phương không cung cấp vũ khí cho chúng tôi tự vệ, Daech sẽ hồi sinh và lúc đó Pháp cũng như các nước châu Âu khác sẽ bị tấn công.

Tóm lại, như chuyên gia Charles Lister, giám đốc Chương trình chống khủng bố và cực đoan của viện nghiên cứu Trung Đông ở Washington, nhận định : Quyết định của Donald Trump là một « kịch bản tuyệt vời » cho mưu đồ của Daech, Matxcơva và chế độ Assad.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181220-my-triet-thoai-syria-mot-quyet-dinh-nhieu-hau-qua

 

Tân tổng thống Brazil thề chống Cuba và Venezuela

Tổng thống tân cử cực hữu Brazil, Jair Bolsonaro, hôm 18/12 nói sẽ thực hiện tất cả các hành động ‘trong khuôn khổ nền dân chủ và pháp trị’ để chống lại các chính quyền ở Venezuela và Cuba.

Ông Bolsonaro, người sẽ nhậm chức vào ngày 1/1, là người chống cộng sản cuồng nhiệt và ca ngợi chế độ độc tài quân sự ở Brazil từ năm 1964 cho đến 1985. Ông thường có những lời lẽ đả kích nhắm vào Venezuela và Cuba – một sự thay đổi hoàn toàn so với lập trường của các đời chính phủ trước đây của Brazil dưới sự lãnh đạo của Đảng Công nhân cánh tả vốn cầm quyền ở Brazil từ năm 2003 đến 2016 và có quan hệ nồng ấp với hai nước láng giềng này.

Ông Bolsonaro không đưa ra chi tiết trong đoạn video phát trực tiếp trên Facebook trong đó ông đưa ra bình luận mới nhất nhằm vào Venezuela vào Cuba.

Hoa Kỳ sẽ xem Brazil như là đối tác chiến lược dưới thời Tổng thống Bolsonaro.

Hồi cuối tháng 11, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã gặp ông Bolsonaro ở tư dinh tại Rio de Janeiro để giúp xây dựng quan hệ.

Ông Bolton nói rằng việc ông Bolsonaro đắc cử tổng thống là ‘cơ hội lịch sử’ để Mỹ và Brazil làm việc cùng nhau trên các vấn đề an ninh, kinh tế và các vấn đề khác.

Bolton cũng ca ngợi chiến thắng của Bolsonaro là ‘dấu hiệu tích cực’ cho thấy Brazil sẽ ủng hộ áp lực của Mỹ lên chính phủ cánh tả của ông Nicolas Maduro ở Venezuela mà ông gọi là thuộc về tam giác chuyên chế ở châu Mỹ cùng với Cuba và Nicaragua.

https://www.voatiengviet.com/a/t%C3%A2n-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-brazil-th%E1%BB%81-ch%E1%BB%91ng-cuba-v%C3%A0-venezuela/4708597.html

 

Hiệp ước di trú quốc tế

được LHQ thông qua với đa số phiếu thuận

Thùy Dương

Hiệp ước di trú quốc tế, hay còn gọi là hiệp ước Marrakech, đã được chính thức thông qua với đa số phiếu thuận tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào hôm qua 19/12/2018. Hiệp ước này không mang tính cưỡng chế, mà chỉ tạo điều kiện để tăng cường hợp tác quốc tế, nhằm điều phối, quản lý tốt hơn hồ sơ di dân. Trong những tuần qua, hiệp ước Marrakech đã làm dấy lên nhiều thiên kiến chính trị, thậm chí thủ tướng Bỉ Charles Michel hôm 18/12 đã thông báo từ nhiệm trước Hạ Viện vì hiệp ước Marrakech. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu hôm qua cũng không làm ai ngạc nhiên.

Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau cho biết chi tiết :

« 152 nước bỏ phiếu thuận, 5 nước bỏ phiếu chống và 12 nước không bỏ phiếu. Con số này phản ánh chính xác kết quả ở Marrakech cách nay một tuần. Đối với Liên Hiệp Quốc, đây là một thắng lợi trong bối cảnh có thể đã có rất nhiều cuộc khủng hoảng chính trị và hiệp ước có thể đã bị phản đối rất nhiều.

Không có gì đáng ngạc nhiên, 5 nước bỏ phiếu chống hiệp ước là Hoa Kỳ, Hungary, Israel, Ba Lan và Cộng Hòa Séc. Đây là những nước thành viên Liên Hiệp Quốc đã từng thông báo muốn giải ước. Ngay vào lúc bỏ phiếu, đại diện những nước này đều phát biểu tương tự như ngoại trưởng Hungary, người đã gieo rắc nỗi lo ngại ám ảnh rằng hiệp ước này có thể sẽ gây ra nạn di dân ồ ạt và mất kiểm soát.

Tuy nhiên, điều này không được đa số các nước khác ủng hộ. Trái lại, đa phần các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc muốn có một sự hợp tác quốc tế tốt hơn nữa trên vấn đề này. Nước Pháp, cho dù đã bỏ phiếu ủng hộ hiệp ước, nhưng đánh giá là hiệp ước vẫn chưa hoàn thiện và kêu gọi cần phân biệt rõ ràng hơn nữa di dân hợp pháp và di dân bất hợp pháp ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181220-hiep-uoc-di-tru-quoc-te-duoc-lhq-thong-qua-voi-da-so-phieu-thuan

 

Drone buộc sân bay ở London phải đóng cửa

Sân bay Gatwick ở London, Anh, đã buộc phải đóng cửa sau khi người ta thấy drone bay gần phi trường này, khiến hàng chục nghìn người lỡ kế hoạch.

Các chuyến bay tới sân bay Gatwick đã bị hủy tối 19/12 sau khi hai thiết bị bay không người lái điều khiển từ xa bay gần đường băng, gây ra vụ gián đoạn lớn nhất đối với phi trường này kể từ năm 2010, khi sân bay phải đóng cửa vì tro bụi núi lửa.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Theresa May được Reuters dẫn lời nói rằng việc cho bay những chiếc drone như vậy là hành động “thiếu trách nhiệm và hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Ngoài ra, người phát ngôn cũng bày tỏ sự cảm thông đối với các hành khách vì kế hoạch của họ bị gián đoạn, vài ngày trước Giáng sinh.

XEM THÊM:

Bắc Triều Tiên chế máy bay không người lái dùng công nghệ của Mỹ

Cảnh sát cho biết rằng hơn 20 đơn vị đã được triển khai truy tìm người điều khiển những chiếc drone, và theo Reuters, chính quyền cũng cho biết rằng việc trên không liên quan tới khủng bố.

Sự gia tăng các vụ suýt va chạm giữa drone và máy bay hành khách càng làm gia tăng quan ngại về an toàn trong ngành hàng không trong những năm gần đây.

Tại Anh, con số các vụ suýt va chạm từ năm 2015 tới 2017 đã tăng gấp ba, với 92 vụ ghi nhận năm ngoái, theo Reuters.

https://www.voatiengviet.com/a/drone-bu%E1%BB%99c-s%C3%A2n-bay-%E1%BB%9F-london-ph%E1%BA%A3i-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa/4709017.html

 

TT Putin: Mỹ hiện diện ở Nhật

khiến khó ký hòa ước

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm 20/12 nói rằng việc quân đội Mỹ hiện diện ở Nhật Bản gây phức tạp cho nỗ lực mưu tìm một hòa ước chính thức giữa Moscow và Tokyo.

Nga và Nhật Bản suốt bảy thập kỷ qua tranh chấp chủ quyền các hải đảo bị quân đội Liên Xô cũ chiếm vào những ngày cuối của Thế chiến thứ II. Hậu quả là hai hai nước chưa chính thức chấm dứt thù địch.

Tổng thống Putin nói với các phóng viên báo chí tại cuộc họp báo thường niên của ông rằng Nga lo ngại về việc Mỹ triển khai hệ thống phòng không ở Nhật Bản.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-putin-my-hien-dien-o-nhat-khien-kho-ky-hoa-uoc/4709134.html

 

TT Putin: ‘Mỹ gây nguy cơ chiến tranh hạt nhân’

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 20/12 cáo buộc Hoa Kỳ gây ra nguy cơ về chiến tranh hạt nhân, sau khi Washington đe dọa rút khỏi một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân và từ chối tổ chức hội đàm về một hiệp ước khác sẽ sớm hết hạn.

Trong cuộc họp báo kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, theo Reuters, ông Putin nói rõ rằng mối lo ngại lớn nhất của ông là một cuộc chạy đua vũ trang mới mà ông cáo buộc Mỹ gây ra, khi quay lưng lại với một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Washington đã đe dọa rút khỏi một hiệp ước ký năm 1987, viết tắt là INF, theo đó cấm Nga và Mỹ đặt tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên đất liền ở châu Âu.

XEM THÊM:

Bắc Hàn ‘không đơn phương phi hạt nhân hóa’

Ông Putin nói rằng nếu điều đó xảy ra thì nó sẽ dẫn lới các hậu quả không thể lường trước.

“Về cơ bản, chúng ta đang chứng kiến một sự tan rã trật tự kiểm soát vũ khí quốc tế và sự bắt đầu của một cuộc chạy đua vũ trang”, ông Putin nói với hơn 1 nghìn phóng viên.

“Khó có thể tưởng tượng được tình hình sẽ diễn biến như thế nào nếu Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước INF. Nếu những tên lửa đó xuất hiện ở châu Âu, chúng tôi nên làm gì? Dĩ nhiên, chúng tôi phải bảo đảm an ninh của mình”.

Tổng thống Nga từng nói rằng Moscow sẽ buộc phải chĩa tên lửa của mình vào bất kỳ quốc gia châu Âu nào là nơi đặt rocket của Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-putin-m%E1%BB%B9-g%C3%A2y-nguy-c%C6%A1-chi%E1%BA%BFn-tranh-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n-/4709084.html

 

Nga nói sẽ không để Mỹ thanh sát phi đạn

trong tranh chấp hạt nhân

Nga hôm thứ Tư nói sẽ không để Mỹ thanh sát một phi đạn hành trình có năng lực hạt nhân mới nằm ở tâm điểm của một tranh chấp giữa Washington và Moscow, có nguy cơ làm đổ vỡ một hiệp ước kiểm soát vũ khí mang tính dấu mốc.

Washington đã đe dọa rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung năm 1987 (INF), cáo buộc rằng phi đạn mới của Nga, Novator 9M729 (được NATO gọi là SSC-8), vi phạm hiệp ước này, vốn cấm hai nước điều động phi đạn tầm trung đặt trên bộ ở Châu Âu.

Nga nói rằng phạm vi của phi đạn đặt nó hoàn toàn ngoài hiệp ước và không dài như Washington cáo buộc, nghĩa là Nga hoàn toàn tuân thủ INF. Nga đã cáo buộc Mỹ ngụy tạo cái cớ sai lạc để rút khỏi một hiệp ước mà họ vốn dĩ muốn rời bỏ để phát triển phi đạn mới.

Mỹ vào đầu tháng này đã ra tối hậu thư 60 ngày để Nga thú nhận về vi phạm bị cáo buộc và quay trở lại tuân thủ “một cách đầy đủ và có thể kiểm chứng được.” Điều này có nghĩa là Moscow chịu áp lực phải hủy bỏ phi đạn mới và các giàn phóng.

Tuy nhiên, Nga hôm thứ Tư nói họ không có ý định để các thanh sát viên Mỹ kiểm tra phi đạn này. Họ nói phi đạn chưa được thử nghiệm ở tầm xa hơn mà Washington cáo buộc.

“Chúng tôi không cảm thấy một bước đi như như vậy sẽ là chính đáng từ quan điểm chính trị hay kĩ thuật,” Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Kommersant đăng hôm thứ Tư.

Ông Ryabkov cáo buộc Washington về những nỗ lực “cực kì soi mói” để phơi bày hoạt động sản xuất phi đạn của Nga và nói rằng trước đây Washington đã từ chối các yêu cầu của Nga xem bên trong các tàu ngầm của Mỹ theo một hiệp ước kiểm soát vũ khí khác.

Bất cứ một cuộc thanh sát nào như vậy – nếu diễn ra – không nên đơn phương mà nên diễn ra ở cả hai nước, ông nói thêm.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Daniel Coats hôm 30 tháng 11 nói rằng Nga đã triển khai nhiều tiểu đoàn tên lửa 9M729 và rằng chúng đề ra mối đe dọa trực tiếp cho hầu hết Châu Âu và một số nơi ở Châu Á.

Các chuyên gia quân sự Nga vài ngày trước đã yêu cầu những người tương nhiệm phía Mỹ tổ chức các cuộc tham vấn về tranh chấp phi đạn, nhưng chưa nhận được bất kì phản hồi nào, ông Ryabkov nói.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-noi-se-khong-de-my-thanh-sat-phi-dan-trong-tranh-chap-hat-nhan/4708063.html

 

Nga: Uy tín của tổng thống Putin tuột dốc

Thanh Hà

Tổng thống Nga mở cuộc họp báo trước 1700 phóng viên Nga và quốc tế ngày hôm nay (20/11/2018) trong bối cảnh, uy tín của ông tuột dốc không phanh. Công luận Nga đòi tổng thống Vladimir Putin phải quan tâm đến đời sống khó khăn của người dân.

Theo giới quan sát, trong cuộc họp báo lần này, tổng thống Nga sẽ đề cập đến những hồ sơ nổi cộm như quan hệ giữa Matxcơva và Washington, xung đột võ trang giữa chính quyền Kiev và phe nổi dậy ở miền đông Ukraina thân Nga. Nhưng đặc biệt ông Vladimir Putin khó tránh được những câu hỏi của báo chí về tình hình kinh tế Nga. Đây là lần thứ 14, ông Putin tham gia sự kiện này kể từ khi lên cầm quyền. Nhưng 2018 là lần đầu tiên, điểm tín nhiệm của ông giảm mạnh, chủ yếu do dự án cải tổ chế độ hưu bổng đang gây bất đồng trong công luận Nga.

Phân tích của thông tín viên đài RFI, Daniel Vallot từ Matxcơva :

Tổng thống Nga hồi tháng 3 vừa qua tái đắc cử với 70% người ủng hộ. Thế nhưng điểm tín nhiệm của ông đã tuột dốc không phanh kể từ mùa hè năm nay. Hiện tại chỉ còn chưa đầy 40 % tin tưởng vào ông Putin, theo như kết quả một cuộc thăm dò dư luận của viện Leveda vừa được công bố hồi tháng trước. Leveda là một trong những viện thăm dò độc lập hiếm hoi tại Nga.

Hai yếu tố giải thích cho hiện tượng này. Một là kế hoạch cải tổ hệ thống hưu bổng được thông báo đúng vào lúc diễn ra Cúp Bóng Đá Thế Giới. Dân chúng Nga đã phản đối mạnh mẽ dự án cải tổ nói trên. Yếu tố thứ hai, như giải thích của giới chuyên gia là “hiệu ứng Crimée” hết tác động.

Nhà chính trị học Nikolai Petrov, thuộc trường Cao Đẳng Kinh Tế Matxcơva phân tích :

“Ngay sau khi Nga sáp nhâp bán đảo Crimée, điểm tín nhiệm của tổng thống Putin, chính phủ cũng như của quân đội đã tăng vọt, như thể là công luận Nga say men chiến thắng và mọi người nghĩ rằng những vấn đề thường ngày trong cuộc sống không thực sự quan trọng, và rồi tất cả sẽ đâu vào đấy.

Nhưng đến bây giờ thì công luận ý thức rằng những thắng lợi về phương diện quân sự hay hào quang của nước Nga trên trường quốc tế không làm lu mờ những khó khăn trong đời sống hàng ngày. Giờ đây người dân Nga đòi chính phủ, đòi tổng thống phải quan tâm tới họ, phải chú trọng vào vế kinh tế và tình hình nội bộ của nước Nga, thay vì chỉ tập trung vào những vấn đề ở bên ngoài lãnh thổ”.

Thêm một yếu tố khác khiến vấn đề càng nghiêm trọng hơn, đó là từ trước tới nay, đây là lần đầu tiên, người dân Nga cho rằng đích thân tổng thống Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm về kinh tế, về đời sống xã hội của nước Nga.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181220-nga-uy-tin-cua-tong-thong-putin-tuot-doc

 

Ukraine sẽ đưa chiến hạm trở lại Biển Azov

Ukraine sẽ đưa chiến hạm trở lại các cảng trên Biển Azov, một quan chức an ninh nước này được Reuters dẫn lời nói hôm 19/12 bất chấp việc Nga bắt giữ ba tàu hải quân cùng thủy thủ đoàn của họ trong khu vực hồi tháng trước.

Nga và Ukraine đã hục hặc với nhau kể từ khi Moscow sát nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine hồi năm 2014 với hơn 10.000 người chết trong các trận chiến giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.

Căng thẳng giữa hai nước càng trở nên sâu sắc khi hồi tháng trước Moscow đã bắt giữ hai tàu chiến và một tàu kéo của Ukraine với tổng số thành viên thủy thủ đoàn là 24 người ngoài khơi Crimea với cáo buộc xâm nhập trái phép vào lãnh hải của Nga. Lúc bị bắt, các tàu Ukraine đang trên đường từ Biển Đen đi qua Vịnh Kerch.

Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã yêu cầu phía Nga thả người. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Argentina hồi đầu tháng để phản đối.

“Sự hung hăng của Nga không thể ngăn được kế hoạch xây dựng một đội hải quân ở Biển Azov của chúng tôi,” ông Oleksandr Turchynov, thư ký của hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia của Ukraine, nói trong cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Anh BBC.

“Nếu chúng tôi dừng lại và rút lui, Nga sẽ thật sự hoàn thành mục tiêu chiếm lấy Biển Azov, đưa ra cho thế giới đường biên giới trên biển mới mà họ tự vẽ ra trên Biển Đen và về mặt pháp lý hợp thức hóa việc chiếm đóng Crimea,” ông nói thêm.

Ông Turchynov còn nói rằng Kiev sẽ mời đại diện khối NATO và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) lên tàu của họ để chứng tỏ rằng Ukraine không vi phạm bất cứ quy định nào.

Ông không cho biết khi nào thì những chiến hạm này sẽ ra khơi tiếp mặc dù ông cho biết rằng sẽ không còn lâu nữa.

Phản ứng trước viêc này, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, nói rằng ý định của Ukraine muốn điều tàu chiến trở lại thông qua eo biển Kerch là ‘hành động khiêu khích’.

https://www.voatiengviet.com/a/ukraine-s%E1%BA%BD-%C4%91%C6%B0a-chi%E1%BA%BFn-h%E1%BA%A1m-tr%E1%BB%9F-l%E1%BA%A1i-bi%E1%BB%83n-azov/4708592.html

 

Israel xét lại thương vụ với TQ vì Washington

Công ty Trung Quốc đang chuẩn bị hợp đồng thuê lại cảng biển Haifa của Israel nhưng Tel Aviv đã buộc lòng từ chối.

Chính phủ Israel đã xem xét lại thỏa thuận đầu tư 2 tỉ USD với Trung Quốc về cảng Haifa – cảng lớn thứ ba của Israel.

South China Morning Post cho biết, diễn biến này xuất hiện sau khi giới chức an ninh Israel được nói là đã xem xét lại thỏa thuận giữa Bộ Giao thông Vận tải Israel và Tập đoàn cảng biển quốc tế Thượng Hải (Shanghai International Port Group – SIPG) liên quan đến cảng Haifa.

SIPG đã cam kết rót 2 tỷ USD vào dự án và lên kế hoạch biến cảng này thành cảng biển lớn nhất ở Israel. Thỏa thuận với Chính phủ Israel cho phép SIPG quản lý cảng Haifa trong 25 năm.

Trong khi đó tờ Jerusalem Post lại cho rằng, Chính phủ Israel đang chịu sức ép từ Washington vì Hải quân Mỹ đã đánh tiếng rằng các hoạt động của họ có thể thay đổi một khi SIPG kiểm soát cảng dân sự Haifa.

Haifa là thành phố cảng lớn nhất của Israel, nơi thường xuyên diễn ra các cuộc tập trận hải quân chung giữa Mỹ và Israel.

Một khi thỏa thuận giữa công ty Trung Quốc với Israel được thực hiện từ năm 2021, giới chức tình báo và an ninh Mỹ không khỏi lo ngại.

Giới phân tích cho rằng, chính những cân nhắc về chính trị liên quan đến đầu tư của Trung Quốc vào cảng biển lớn thứ ba của Israel là lý do đứng phía sau quyết định của Chính phủ nước này khi xem xét thỏa thuận mang lại cho Bắc Kinh phần lớn cổ phần trong cơ sở này.

Haifa không phải cảng duy nhất của Israel có dính đến tiền Trung Quốc. Một công ty con của China Habour Engineering thắng thầu 876 triệu USD xây một cảng ở thành phố Ashdod bên bờ biển Địa Trung Hải

Các công ty hàng hải tiên phong của Trung Quốc như  Cosco Shipping Post, China Merchants Port Holdings đang nỗ lực giành lấy các cổ phần hoặc ký thỏa thuận xây dựng các nhà ga tại cảng biển ở nước ngoài.

Ông Oded Eran, cựu nhân viên ngoại giao Israel, nhận định ngày càng nhiều quốc gia lo lắng về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, và cách Bắc Kinh có thể dùng nó để đạt mục tiêu chính trị trong một số hoàn cảnh nhất định.

“Trường hợp của Israel, quan ngại chủ yếu là an ninh… cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, do đó cần phải bảo vệ tài sản quốc gia” – ông Eran bình luận.

Ehud Gonen, một chuyên gia về chính sách và chiến lược hàng hải tại Đại học Haifa của Israel, cho biết sự gia tăng mạnh mẽ trong đầu tư của Trung Quốc vào Israel đã gây lo ngại.

Do phạm vi rất đáng kể của các khoản đầu tư của Trung Quốc trên toàn thế giới, nhiều cuộc tranh luận công khai đã được tổ chức khắp trên thế giới nhằm đánh giá tác động và động cơ của các khoản đầu tư này.

Thương mại giữa Trung Quốc và Israel đã vượt 11 tỷ USD, con số lớn hơn 200 lần so với 25 năm trước. Trong giai đoạn 1992- 2017, thương mại Mỹ- Trung tăng trưởng gấp 20 lần, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ.

Nhưng chuyên gia Liu Naiya thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, thì cho rằng tính toán của Israel đằng sau cảng Haifa đơn thuần là chính trị.

“Lý do đằng sau là Mỹ muốn cản trở hợp tác giữa Trung Quốc và Israel. Đây luôn là cách Washington dùng để phá hợp tác quốc tế của Trung Quốc” – vị này chỉ trích.

Đây là phương pháp nhất quán của Washington trong việc kìm hãm các hoạt động quốc tế của Trung Quốc, ông Liu Liu nhận xét.

Giới quan sát đánh giá, động thái mới nhất từ Israel đã cho thấy Tel Aviv đang bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng giữa Mỹ- Trung Quốc về kinh tế, ngoại giao và cả quân sự.

http://biendong.net/bien-dong/25366-israel-xet-lai-thuong-vu-voi-tq-vi-washington.html

 

Ý định thật sự sau hành động “lạ” của TQ

giữa lúc thương chiến với Mỹ leo thang

Chính phủ Trung Quốc vừa yêu cầu Quảng Đông, trung tâm xuất khẩu của đất nước ngừng đưa ra chỉ số quản lý thu mua (PMI) của tỉnh nhằm kiểm soát số liệu kinh tế nhạy cảm.

Chính phủ Trung Quốc vừa yêu cầu tỉnh Quảng Đông không công bố chỉ số PMI của tình trong 2 tháng 10 và 11. Ảnh: Reuters.

Hành động “lạ”

Động thái này được đưa ra trong thời điểm Bắc Kinh đang muốn siết chặt việc rò rỉ thông tin kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ. Yêu cầu của Tổng cục thống kê quốc gia có nghĩa là tỉnh này sẽ không công bố chỉ số PMI của cả tháng 10 và 11.

Trong giới phân tích và những người thuộc ngành công nghiệp đang dấy lên quan ngại về ý nghĩa của yêu cầu này trong việc công bố ảnh hưởng thật sự từ cuộc xung đột thương mại với việc kinh doanh địa phương.

Chính quyền tỉnh Quảng Đông chỉ ngừng công bố số liệu mà không đưa ra tuyên bố. Trên trang thông tin của Sở thông tin công nghệ Quảng Đông, một bản tuyên bố vắn tắt được phát hành ngày 10/12 ở dưới cùng của website, cho biết, văn bản từ Tổng cục thống kê quốc gia hồi cuối tháng 10

gửi đến cơ quan này thông báo, tất cả các số liệu PMI tổng hợp đều được thực hiện bởi Tổng cục thống kê quốc gia. Theo chỉ đạo này, cơ quan này quyết định ngừng thu thập và công bố chỉ số PMI của tỉnh từ 1/11 trở đi.

Chỉ số PMI của tỉnh Quảng Đông bắt đầu được công bố hàng tháng từ tháng 11/2011. Khi chính quyền tỉnh Quảng Đông quyết định đưa ra chỉ số PMI của riêng mình vào năm đó, tỉnh này cho rằng, Quảng Đông – một trung tâm sản xuất toàn cầu – cần PMI riêng để giúp thông báo cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế, doanh nghiệp và nhà phân tích có thể dự đoán chính xác hiệu quả kinh tế của tỉnh và cả nước.

Tại Mỹ, Chicago từng là “trái tim” sản xuất và PMI của Chicago thường được coi là một trong những chỉ số kinh tế quan trọng nhất của Mỹ, chính quyền tỉnh Quảng Đông viết trong thông báo. PMI của Quảng Đông được tính toán dựa trên khảo sát 1.000 doanh nghiệp chủ chốt trong tỉnh.

Ý định thực sự?

Ông Peng Peng, Phó chủ tịch của Viện nghiên cứu phi chính phủ ở Quảng Đông cho rằng, việc không công bố chỉ số PMI của tỉnh sẽ là một thiệt thòi đối với cộng đồng doanh nghiệp địa phương.

“Chỉ số PMI hàng tháng của Quảng Đông là chỉ dấu chính quan trọng cho thấy tình hình kinh tế thực sự của Trung Quốc”, ông Peng nói.

Chủ sở hữu của một doanh nghiệp xuất khẩu tại Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, cho biết ông lo ngại về động thái của chính quyền trung ương vì nó cho thấy nền kinh tế có thể còn tồi tệ hơn ông nghĩ.

Dữ liệu PMI kịp thời và minh bạch không chỉ quan trọng đối với các công ty Quảng Đông mà còn đối với tất cả các doanh nghiệp trên toàn quốc, vì Quảng Đông là động cơ kinh tế chính của Trung Quốc, chủ doanh nghiệp giấu tên này cho biết.

“Tôi thật sự lo lắng về động thái này. Tôi nghĩ tình hình ở lĩnh vực sản xuất có thể thực sự tồi tệ vào năm tới và đây là lý do vì sao tỉnh Quảng Đông không đưa ra chỉ số PMI hàng tháng”, ông nói.

Chỉ số PMI hồi tháng 9 của Quảng Đông tăng từ 49,3 lên 50,2. Chỉ số này lớn hơn 50 có nghĩa là lĩnh vực sản xuất đang được mở rộng.

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng cục thống kê quốc gia thắt chặt kiểm soát đối với các số liệu. Năm 2015, Tổng cục thống kê đã yêu cầu một đơn vị tư nhân chuyên thống kê PMI  ngừng phát hành các số liệu sơ bộ một tuần trước khi công bố chính thức.

Cũng từ tháng 10/2017, Tổng cục thống kê sẽ tổng hợp số liệu GDP của các tỉnh trực tiếp từ năm 2019 trở đi. Thông báo của NBS tại thời điểm đó chỉ đề cập đến dữ liệu GDP và không đề cập đến các chỉ số khác như PMI

http://biendong.net/diem-tin/25395-y-dinh-that-su-sau-hanh-dong-la-cua-tq-giua-luc-thuong-chien-voi-my-leo-thang.html

 

Mong Trump thay đổi, Trung Quốc

đang tích cực mua đậu nành của Mỹ

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã quay trở lại thị trường đậu nành Hoa Kỳ vào thứ Ba (18/12) để mua hàng đợt thứ hai kể từ khi hai nước đồng ý đình chiến thương mại, theo Reuters.

Các giao dịch này là bằng chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc đang thực hiện các cam kết mua hàng nông sản của Mỹ theo như thỏa thuận “ngừng bắn” 90 ngày đạt được giữa Trump-Tập bên lề thượng đỉnh G-20 hồi đầu tháng này.

Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ mua tổng cộng bao nhiêu đậu nành của Hoa Kỳ trong thời gian hai nước đình chiến thương mại. Tuần trước, các công ty quốc doanh của Trung Quốc đã đặt mua hơn 1,5 triệu tấn đậu nành của Hoa Kỳ cho khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3.

Các đơn hàng mới từ Trung Quốc đã đẩy giá đậu tương tại các kho xuất khẩu ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Bờ Vịnh của Mỹ tăng 1,5%. Tuy nhiên, theo Reuters, lượng mua của Trung Quốc vẫn thấp hơn kỳ vọng của các thương nhân Hoa Kỳ.

Trung Quốc năm ngoái đã nhập khẩu 31,7 triệu tấn đậu nành của Hoa Kỳ, chiếm gần 60% lượng đậu nành xuất khẩu của Mỹ, với tổng các giao dịch trị giá 12,25 tỷ USD.

Long Yongtu, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, trong một hội nghị của tạp chí kinh tế Caixin hồi tháng 11, đánh giá Bắc Kinh đã sai lầm khi chọn đậu nành để đánh thuế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Ông Long cho rằng các bang sản xuất nông nghiệp ở Mỹ chủ yếu trồng đậu nành, và lại là những bang ủng hộ Trump, mặc dù vậy, trong khi “Trung Quốc đang rất cần nhập khẩu đậu nành, tại sao chúng ta [lại] chọn sản phẩm này [để đánh thuế] ngay từ đầu? Đây có phải là suy nghĩ chín chắn không?”.

Tổng thống Trump hôm thứ Hai (17/12) cho biết ông đã yêu cầu hỗ trợ đợt thứ hai, gói trị giá 12 tỷ đô la cho những nông dân bị thiệt hại do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Theo Reuters, các giao dịch mua đậu nành của Trung Quốc trong những ngày gần đây sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho nông dân Mỹ, nhưng đây được xem như một cử chỉ “xuống thang” của Bắc Kinh trước các vòng đàm phán tiếp theo với chính quyền Trump nhằm thay đổi các điều khoản thương mại.

Hoa Kỳ có một danh sách dài các cáo buộc chống lại Trung Quốc liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và bảo hộ công nghiệp.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25373-mong-trump-thay-doi-trung-quoc-dang-tich-cuc-mua-dau-nanh-cua-my.html

 

Người dùng Trung Quốc kêu gọi

tẩy chay điện thoại Mỹ sau vụ bắt giữ sếp Huawei

Sau vụ việc Canada bắt giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu, nhiều người Trung Quốc đã kêu gọi sử dụng điện thoại của hãng viễn thông lớn nhất quốc gia tỷ dân này, đồng thời tẩy chay điện thoại của Mỹ.

Ngày 1/12, Canada đã bắt bà Mạnh theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc “âm mưu lừa đảo các tổ chức tài chính”.

Vụ việc không những khiến chính phủ Trung Quốc “nóng mặt” mà còn châm ngòi giận dữ của một bộ phận người dùng Trung Quốc, những người coi Huawei là một trong những niềm tự hào quốc gia.

Tuần trước, người tiêu dùng Trung Quốc đã kêu gọi tẩy chay sản phẩm của một hãng áo Canada khiến doanh số của hãng sụt giảm nghiêm trọng. Thậm chí hãng này còn phải tạm dừng kế hoạch mở thêm cửa hàng mới do phong trào tẩy chay đã lan rộng khắp trên mạng xã hội Weibo.

Không những thế, người Trung Quốc bắt đầu thể hiện tinh thần ủng hộ với Huawei bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Công viên núi Thần Nông, tỉnh Hà Nam, một điểm giải trí thu hút khách du lịch đã tuyên bố họ sẽ giảm 9,4 USD (65 Nhân dân tệ) tiền vé cho bất cứ ai mang theo điện thoại của Huawei.

“Sử dụng điện thoại Huawei, chụp những bức ảnh với ngọn núi. Chúng tôi mong muốn bạn bè trên khắp thế giới sẽ ủng hộ cho sự thành công của Huawei”, thông báo của công viên viết.

Ngoài ra, một công ty sản xuất màn hình LED tên là Menpad ở Thiên Tân thông báo rằng họ có chính sách ưu đãi cho bất cứ nhân viên nào mua điện thoại Huawei. Công ty này tuyên bố sẽ có hình phạt thích đáng cho ai mua điện thoại iPhone của hãng Apple (Mỹ).

Tại một quán bar ở Bắc Kinh, bất cứ ai mang điện thoại Huawei tới đều được giảm giá 20% hóa đơn.

Tuy hành động trên có mục đích thể hiện sự ủng hộ với hãng viễn thông Trung Quốc, nhưng nhiều ý kiến chỉ trích rằng điều này có thể được coi là phân biệt đối xử trong kinh doanh khi họ có những ưu đãi riêng với người dùng Huawei.

Bà Mạnh, 46 tuổi, bị nghi là đã sử dụng một công ty con của Huawei tên là Skycom nhằm lách qua lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran từ năm 2009 tới 2014. Phía công tố Mỹ cho rằng bà đã cố tình cung cấp thông tin sai lệch cho các ngân hàng về quan hệ thật sự giữa 2 công ty. Bà Mạnh đã bác bỏ mọi cáo buộc vi phạm.

Theo BBC, Mỹ đã bắt đầu điều tra bà Mạnh và Huawei từ năm 2016. Họ tin rằng Huawei đã dùng Skycom để chuyển các thiết bị do Mỹ sản xuất tới Iran trong những thương vụ giao dịch hàng trăm triệu USD.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25371-nguoi-dung-trung-quoc-keu-goi-tay-chay-dien-thoai-my-sau-vu-bat-giu-sep-huawei.html

 

Trung Quốc: Phụ nữ Canada bị bắt giữ

vì lao động bất hợp pháp

Bắc Kinh nói phụ nữ Canada bị bắt giữ bị “phạt hành chánh” vì lao động bất hợp pháp ở Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm 20/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hứa Chí Vịnh xác nhận người phụ nữ Canada đó tên là Sarah McIver, nhưng không cho biết chi tiết về hình phạt.

Truyền thông Canada trước đó xác định McIver là một giáo viên.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm thứ Tư cho biết rằng chính phủ của ông đang cố gắng thu thập thêm thông tin về vụ này, nhưng việc giam giữ McIver dường như không liên quan đến việc giam giữ hai người Canada khác ở Trung Quốc mà ông gọi là “một trường hợp rất riêng biệt.”

Hai người Canada bị Trung Quốc bắt giam ngay sau khi Canada bắt giữ một giám đốc điều hành của một công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc theo yêu lệnh bắt giữ cũa Hoa Kỳ ngày 1 tháng 12.

Giám đốc tài chính công ty Huawei, bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc “lách” các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Các giới chức Canada tránh nói việc Bắc Kinh bắt giữ hai người Canada là hậu quả trực tiếp từ vụ Canada bắt giữ bà Mạnh. Tuy nhiên cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc David Mulroney nói điều đó không thể chấp nhận được.

Ông Mulroney nói: “Bắt giữ một người là đủ tệ rồi. Bắt hai người là khủng khiếp. Bắt đến ba người cho thấy rõ Trung Quốc tàn nhẫn như thế nào. Đó là một lời nhắc nhở cho mọi người rằng Trung Quốc là một quốc gia tù đày.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó cho biết hai người Canada – nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig và cố vấn kinh doanh Michael Spavor – bị bắt với cáo buộc gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng bà Mạnh đã nói dối với các ngân hàng về việc Huawei kiểm soát công ty Skycom Nethera có trụ sở tại Hồng Kông. Công ty này được cho là đã bán hàng hóa của Mỹ cho Iran vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Bà Mạnh được tại ngoại tại Vancouver trong khi chờ phiên tòa quyết định về việc dẫn độ bà sang Hoa Kỳ.

Trung Quốc cảnh báo Canada về “những hậu quả nghiêm trọng” nếu không thả bà Mạnh.

Tổng thống Donald Trump nói với Reuters tuần trước rằng ông sẽ đích thân can thiệp vào vụ bà Mạnh nếu điều đó có lợi cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ hoặc có ích cho thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Ông Nelson Wiseman, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, nói rằng Trung Quốc dễ dàng trút sự tức giận lên Canada, nhưng thay vào đó nên đổ vào Hoa Kỳ.

Giáo sư Wiseman nói với VOA: “Mối quan hệ thương mại, và rộng hơn về mặt chiến lược, quan trọng đến mức họ sợ ảnh hưởng đến quyền lực của tổng thống Mỹ. Và đối với họ, điều quan trọng nhất là đạt được một thỏa thuận thương mại nào đó với Hoa Kỳ bởi vì hiện tại nền kinh tế của họ đang thực sự xuống dốc.”

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-noi-phu-nu-canada-bi-bat-giu-vi-lao-dong-bat-hop-phap/4709042.html

 

Doanh nghiệp nhà nước TQ bắt đầu ‘ngấm đòn’

 chiến thương mại với Mỹ

Đòn giáng mạnh từ cuộc chiến thương mại với Mỹ đang bắt đầu lan từ khu vực tư nhân sang các công ty quốc doanh tại Trung Quốc.

Nhận định trên được báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) trích lời ông Meng Jianmin – Phó ban Quản lý và Giám sát Tài sản công (SASAC) – đưa ra trong một cuộc họp kín với các doanh nghiệp quốc doanh tuần trước, hối thúc những đơn vị này phải nhanh chóng thanh toán hóa đơn hàng hóa và dịch vụ của các công ty tư nhân để hỗ trợ họ về mặt tài chính.

Tính đến cuối tháng 9, doanh nghiệp nhà nước nợ các công ty tư nhân khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 290 tỷ USD). Ông Meng nhấn mạnh chỉ có một “phần nhỏ” hóa đơn bị quá hạn thanh toán.

Vị quan chức SASAC khuyến cáo các doanh nghiệp nhà nước phải chú ý tới vấn đề mà bộ phận công ty tư nhân nước này đối mặt vì cuộc chiến thương mại với Mỹ, do rất có thể những vấn đề tương tự và hậu quả sẽ ảnh hưởng xấu tới công việc làm ăn của chính họ.

“Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vừa là đối thủ cạnh tranh đồng thời cũng là đối tác- đồng đội tương hỗ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và trong con đường phát triển thị trường nước ngoài mới.

Có thể lấy ngành công nghiệp điện làm ví dụ. Khu vực phía Nam và phía Đông Trung Quốc nổi lên với nền kinh tế tư nhân mạnh mẽ luôn là thị trường quan trọng cho ngành điện. Tuy nhiên, hiện nền kinh tế tư nhân địa phương đang vấp phải thiệt hại vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Lượng tiêu thụ điện tại thành phố Tô Châu có phần giảm trong tháng 10.

Đây là lần đầu tiên lượng điện giảm trong 10 năm qua. Lượng tiêu thụ điện ở Chiết Giang cũng bắt đầu giảm trong quý IV”, ông Meng lý giải.

Tô Châu – thành phố nằm ở tỉnh phía Đông Giang Tô – là một cửa ngõ xuất khẩu then chốt của Trung Quốc, trong khi tỉnh Chiết Giang lại là khu vực chủ đạo trong nền kinh tế tư nhân quốc gia.

Theo vị quan chức của SASAC, nhu cầu về điện giảm tại những tỉnh này đã bắt đầu gây ra một số “ảnh hưởng” không nhỏ đối với việc vận hành điện lưới độc quyền của các công ty nhà nước.

Nhận xét của ông Meng thể hiện mối quan ngại sâu sắc của các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đối với sự giảm tốc kinh tế của Trung Quốc do cuộc chiến thương mại.

Chính phủ Trung Quốc dự kiến đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, bao gồm cắt giảm thuế và tăng chi tiêu tài khóa, khi các quan chức trình bày chính sách kinh tế tổng thể cho năm 2019 tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương diễn ra trong tuần.

http://biendong.net/doc-bao-viet/25413-doanh-nghiep-nha-nuoc-tq-bat-dau-ngam-don-chien-thuong-mai-voi-my.html

 

TQ hành xử kiểu “qua cầu rút ván”:

Được lợi nhỏ trước mắt, gánh họa lớn lâu dài

Ngày 18/12, Trung Quốc đã kỉ niệm 40 năm “Cải cách và Mở cửa” – chính sách đã giúp nền kinh tế nước này phát triển thần kì trong suốt 4 thập kỷ sau đó.

Kinh tế Trung Quốc phát triển như vũ bão sau “Cải cách và Mở cửa”

Chủ trương của ông Đặng Tiểu Bình đã giúp đưa hàng trăm triệu người dân thoát khỏi diện hộ nghèo, biến trung tâm công nghiệp của Trung Quốc thành công xưởng của thế giới, và đưa Trung Quốc trở thành một trong những cường quốc thuộc top đầu trên thế giới.

Tuy nhiên, có lẽ vào thời điểm đó, không ai – thậm chí là cả ông Đặng Tiểu Bình – có thể dự đoán về những điều Trung Quốc đã đạt được ngày hôm nay, với những con số đặc biệt ấn tượng như số lượng doanh nghiệp tư nhân một chủ (sole proprietor) tăng hơn 500 lần, và các doanh nghiệp sở hữu tư nhân tăng gấp 339 lần so với năm 1978.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm là 9,5%, kinh tế Trung Quốc hiện nay chiếm khoảng 15% kinh tế toàn cầu, trong khi trước cải cách thì con số này chỉ vỏn vẹn 1,8%.

Các số liệu chính thức cho thấy việc Trung Quốc cải cách và mở cửa nền kinh tế đã giúp hơn 700 triệu người dân thoát khỏi diện nghèo, con số này chiếm hơn 70% tỉ lệ giảm nghèo trên toàn thế giới.

Theo ông Achim Steiner, người đứng đầu Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), nhận định: “Các thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được đều xuất sắc cả về tầm cỡ và thời gian thực hiện. Chưa nước nào làm được điều đó”.

Ông Eugenio Bregolat Obiols, Đại sứ Tây Ban Nha tại Trung Quốc cho biết, chủ trương cải cách và mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình không chỉ thay đổi Trung Quốc, mà còn đem lại sự thay đổi trên toàn thế giới.

Ai đóng góp nhiều nhất cho thành công của Trung Quốc?

Những thành tựu ấy đúng là rất đáng tự hào, nhưng dường như giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay có phần hơi quá tự mãn về mô hình quản trị và các chính sách của mình, theo Bloomberg. Trong khi đó, những quốc gia khác đã dần nhận ra rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc và đường lối của họ không phải là yếu tố duy nhất làm nên thành công của nước này.

Thực tế, yếu tố chủ yếu làm nên “phép màu” kinh tế này là những công dân Trung Quốc đã lao động chăm chỉ và cần cù trong suốt 40 năm qua – từ những chủ doanh nghiệp, bất kể lớn hay nhỏ, cho đến những người lao động nhập cư…

Bên cạnh đó, “phần còn lại” của thế giới cũng góp phần rất lớn vào thành công của Trung Quốc, thế nhưng họ đang dần nhận ra rằng mình chưa được đền đáp xứng đáng cho điều đó.

Ví dụ, các tập đoàn lớn trên thế giới quyết định đặt cược và đầu tư vào Trung Quốc, đã đóng góp rất lớn và làm nên chỗ đứng của Trung Quốc trên trường thế giới ngày nay.

Ngoài ra, cũng phải kể để việc nhiều chính phủ trên thế giới đã “tạo điều kiện” để Trung Quốc phát triển trong hệ thống thương mại toàn cầu, với hy vọng quốc gia châu Á này sẽ trở nên tự do hơn, hội nhập hơn trên sân chơi toàn cầu.

Tuy nhiên, thỏa thuận ngầm ấy – rằng các nhà đầu tư nước ngoài có thể thu được lợi nhuận tại Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ thay đổi để trở thành hình tượng quốc gia được nhiều nước kì vọng – đã bị phá vỡ.

Dưới thời lãnh đạo Tập Cận Bình, những kì vọng trên đã trở nên gần như vô vọng. Các doanh nghiệp nước ngoài lo lắng rằng họ sẽ bị cho ra rìa khi Trung Quốc bước sang giai đoạn phát triển mới; còn chính phủ các nước thì nhận ra rằng họ đang phải đương đầu với một “gã khổng lồ” cứng đầu hơn rất nhiều so với tưởng tượng.

Muốn đi xa, Trung Quốc không thể tiếp tục “qua cầu rút ván”

Tuy nhiên, theo Bloomberg, nếu Trung Quốc hành xử kiểu “qua cầu rút ván”, không biết trân trọng những người bạn của mình, thì chắc chắn họ sẽ tụt hậu so với thế giới.

Điều này được thể hiện khá rõ ràng trong lĩnh vực kinh tế: Mặc dù thị trường nội địa Trung Quốc có tiềm năng lớn, nhưng điều đó không có ích gì với những lĩnh vực nghiên cứu công nghệ cao, như trí thông minh nhân tạo.

Quả thực, nếu không thể được áp dụng trên quy mô toàn cầu, thì Trung Quốc sẽ không thể thu được lợi nhuận từ những công nghệ mà họ tự nghiên cứu và phát triển.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ không thể đạt được thành công như kì vọng trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nếu như họ không có hệ thống tài chính mở và hội nhập hơn, cùng với những đánh giá chi tiết về rủi ro tiềm tàng của quyết định cải cách.

Một ví dụ điển hình cho lập luận trên chính là sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Một mặt, Bắc Kinh có thể thu được lợi nhuận từ các quốc gia này khi đầu tư vốn và nhân lực phù hợp. Mặt khác, dự án này cũng có thể khiến Trung Quốc phải gánh lấy những rủi ro từ những nước vay nợ mình.

Một điều nữa cần nói đến, đó chính là an nguy của chính các công dân Trung Quốc cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng trên con đường cải cách của nước này.

Vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính của tập đoàn viễn thông Huawei xảy ra gần đây chính là lời nhắc nhở đối với chính quyền Bắc Kinh: Nếu muốn tiến xa hơn, thì Trung Quốc không thể đi một mình, mà buộc phải trở nên hòa thuận hơn với các đối tác của họ.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/25412-tq-hanh-xu-kieu-qua-cau-rut-van-duoc-loi-nho-truoc-mat-ganh-hoa-lon-lau-dai.html

 

Bắc Hàn ‘không đơn phương phi hạt nhân hóa’

Bắc Hàn hôm 20/12 nói sẽ không bao giờ đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân trừ khi Mỹ dỡ bỏ điều Bình Những coi là mối đe dọa hạt nhân.

AP nhận định rằng tuyên bố thẳng thừng này nhiều khả năng có thể ảnh hưởng tới nỗ lực ba bên nhằm tháo ngòi cuộc khủng hoảng hạt nhân từng gây lo ngại có thể leo thang thành chiến tranh hồi năm ngoái.

Tuyên bố được hãng thông tấn nhà nước KCNA đăng tải cũng được cho là đặt ra vấn đề về uy tín đối với chính quyền Hàn Quốc vì Seoul liên tiếp tuyên bố rằng lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un thành thật muốn đàm phán từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Theo AP, tuyên bố của Bình Nhưỡng cũng khẳng định lại mối nghi ngờ của nhiều người rằng ông Kim sẽ không bao giờ tự nguyện từ bỏ điều không ít chuyên gia cho là giúp bảo vệ sự tồn vong của nước này.

XEM THÊM:

VN ‘quan tâm’ đến đăng cai thượng đỉnh Mỹ-Triều tiếp theo

Tuyên bố trên của Bình Nhưỡng cũng được cho là có thể dẫn tới việc Triều Tiên rốt cuộc yêu cầu Mỹ giảm đáng kể con số 28,500 binh sĩ Hoa Kỳ đồn trú ở Hàn Quốc.

Lời khẳng định của Bắc Hàn được đưa ra ít ngày sau khi Bình Nhưỡng lên án chính quyền Hoa Kỳ gia tăng áp đặt các lệnh trừng phạt cũng như áp lực lên nước này.

Theo Reuters, việc phi hạt nhân hóa Bắc Hàn đạt được ít tiến bộ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Trump ở Singapore hồi tháng Sáu.

Hai nước vẫn chưa lên lịch lại cuộc họp đã bị hủy hồi tháng 11 giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và quan chức cấp cao của Triều Tiên, ông Kim Yong Chol.

https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BA%AFc-h%C3%A0n-kh%C3%B4ng-%C4%91%C6%A1n-ph%C6%B0%C6%A1ng-phi-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n-h%C3%B3a-/4708953.html

 

Miến Điện : Hành quân truy kích

 « khủng bố » ở Rakhine

Tú Anh

Quân đội Miến Điện mở chiến dịch« truy quét » trong bang Rakhine sau nhiều vụ tấn công mà nạn nhân là phật tử, theo thông báo của bộ tư lệnh ngày thứ sáu 20/12/2018.

Các vụ tấn công được mô tả diễn ra trong khu vực huyện Maungdaw, miền bắc bang Rakhine, nơi mà dân Hồi giáo Rohingya bị bạo lực trấn áp từ nhiều năm nay. Thông báo của văn phòng tướng Min Aung Hlaing, được AFP trích dẫn cho biết các cuộc hành quân đã được mở lại để « quét dọn » ở Puy Ma Creek sau khi phát hiện thi thể hai dân chài theo đạo Phật bị cắt cổ, hôm thứ Hai. Cùng ngày, hai ngư dân khác cũng bị sáu người « nói tiếng Bengali » tấn công nhưng chỉ bị thương.

Chính quyền nói không xác định được danh tính thủ phạm nhưng ám chỉ người Rohingya qua cụm từ « nói tiếng Bengali ».

Trong khi đó tại Hoa Kỳ, một nhóm Thượng nghị sĩ Mỹ thuộc hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ ký một bức thư chung kêu gọi ngoại trưởng Mike Pompeo lên án chiến dịch quân sự của Miến Điện, đã làm hơn 700.000 người Rohingya chạy sáng Bangladesh tị nạn. Theo các tác giả, cho đến nay bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn chưa chính thức lên án quân đội Miến Điện phạm tội ác diệt chủng .

Một quyết định theo chiều hướng này sẽ buộc chính phủ Mỹ gia tăng trừng phạt chính quyền Miến Điện, hiện do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181220-mien-dien-hanh-quan-truy-kich-%C2%AB-khung-bo-%C2%BB-o-rakhine