Tin khắp nơi – 20/12/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 20/12/2017

Nam Hàn đề xuất hoãn tập trận chung với Mỹ

Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in cho biết nước này đang cân nhắc khả năng tạm hoãn cuộc tập trận chung với Mỹ cho tới sau Thế Vận Hội Mùa đông 2018 để làm giảm căng thẳng với Bắc Hàn.

Phát biểu của ông Moon là lời khẳng định đầu tiên rằng Seoul đang muốn hoãn các cuộc tập trận hàng năm Key Resolve và Foal Eagle, thường bắt đầu vào cuối tháng Hai hay đầu tháng Ba và kéo dài tới cuối tháng Tư.

“Tôi đã đề nghị với Hoa Kỳ và họ hiện đang xem xét việc này. Tuy nhiên, việc này vẫn phụ thuộc vào cách ứng xử của Triều Tiên,” ông Moon nói trong cuộc phỏng vấn với của đài NBC.

Muốn Bắc Triều Tiên tham dự Olympics

Ông Moon Jae-in cũng ngỏ ý muốn các vận động viên Bắc Triều Tiên tham dự Thế vận hội Mùa Đông tại thành phố Pyeongchang, mặc dù có ý kiến cho rằng nước này có thể gây gián đoạn sự kiện, có thể bằng một cuộc thử tên lửa mới hay một cuộc tấn công mạng.

Tổng thống Moon Jae-in vừa trở về nước sau chuyến thăm Trung Quốc để “bình thường hóa’ quan hệ song phương có phần căng thẳng vì vụ hệ thống phòng thủ hỏa tiễn THAAD.

Cũng trong tuần này, hai ngày sau khi ông Moon đi Trung Quốc về, Seoul đã phải đưa phi cơ lên nghêng tiếp năm máy bay quân sự Trung Quốc ‘vào khu vực nhận diện phòng không’ của Hàn Quốc.

Theo trang Korea Times hôm 18/12/2017, Trung Quốc luôn phải đối các cuộc tập trận Mỹ – Hàn.

Năm phi cơ TQ ‘bay sang hỏi thăm’ Hàn Quốc

Hàn Quốc vẫn muốn Nga dự Pyeongchang 2018

Bắc Hàn bác đề nghị Olympic của Nam Hàn

Mỹ và Nam Hàn hàng năm thường xuyên tổ chức tập trận chung để sẵn sàng nếu bị tấn công bởi Triều Tiên. Hai cuộc tập trận lớn nhất, Key Resolve và Foal Eagle, diễn ra vào mùa xuân, có hơn 10 ngàn lính Mỹ và Nam Hàn tham gia.

Tuy nhiên, điều này là nguyên nhân lớn gây căng thẳng trong khu vực, do Triều Tiên nghi ngờ rằng đây là những cuộc diễn tập nhằm xâm lược nước này.

Tillerson: Tiếp tục đối thoại với Bắc Hàn

Hoa Kỳ và Nam Hàn vẫn tập trận chung

Chuẩn tướng Lương Xuân Việt sang Hàn Quốc

Nam Hàn sẽ đăng cai tổ chức Olympics Mùa Đông ở Pyeongchang từ ngày 9-25/2/2018. Địa điểm nơi diễn ra Thế vận hội chỉ cách biên giới với Bắc Hàn có 80km.

“Việc Triều Tiên ngừng khiêu khích Thế vận hội Pyeongchang sẽ giúp Thế vận hội được tổ chức một cách an toàn,” ông Moon nói. “Đồng thời, việc đó cũng giúp tạo nên hòa khí cho đối thoại Bắc – Nam Hàn và Mỹ – Bắc Hàn.”

Trung Quốc và Nga đều ủng hộ đề xuất “đóng băng đổi lấy đóng băng”, theo đó Bắc Hàn sẽ ngưng các vụ thử tên lửa và hạt nhân còn Mỹ và Nam Hàn sẽ ngưng tập trận.

Nhưng Washington và Seoul đều cương quyết từ chối đề xuất này, còn Bình Nhưỡng thì luôn nói họ sẽ không ngừng theo đuổi tham vọng vũ khí hạt nhân của mình.

Các nhà phân tích không đồng tình với gợi ý của Tổng thống Moon Jae-in.

Ông Moon Seong-Mook, nhà nghiên cứu cao cấp ở Viện Nghiên cứu về Chiến lược Quốc gia Triều Tiên, cho rằng Bình Nhưỡng lâu nay yêu cầu “ngừng hẳn” các cuộc tập trận thay vì chỉ tạm hoãn.

Ông cho rằng đề xuất của Tổng thống Nam Hàn sẽ chỉ làm Washington lo ngại về quyết tâm của Nam Hàn hơn là thuyết phục Bắc Hàn có phản ứng tích cực.

Hiện chưa rõ Bắc Hàn có tham gia Olympic Mùa đông 2018 hay không.

Tổng thống Moon cho rằng Bắc Hàn sẽ quyết định tham gia hay không “vào phút cuối”. Ông cũng cho rằng Bắc Hàn sẽ không làm gì ảnh hưởng đến Olympic, trước đây đã được tổ chức tại bán đảo Triều Tiên vào mùa hè năm 1988 tại Seoul.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42427606

 

Doanh thu mì ăn liền giảm tại Trung Quốc

Giá rẻ và dễ chế biến, mì ăn liền từ lâu đã trở thành món ăn tiện lợi được người Trung Quốc ưa chuộng.

Đó là một món ăn vặt cho sinh viên, một bữa ăn nhanh trên tàu, một lựa chọn đơn giản cho các công nhân trong giờ nghỉ. Hơn 46,2 tỉ gói mì được bán tại Trung Quốc và Hong Kong năm 2013.

Nhưng đến năm 2016, con số này đã giảm xuống còn 38,5 tỉ gói, tương đương với 17%.

Con số này thể hiện điều gì về sự thay đổi của Trung Quốc?

Nguyện vọng sử dụng thực phẩm chất lượng hơn

Một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng tới lựa chọn của người tiêu dùng Trung Quốc là kỳ vọng ngày càng cao về chất lượng sản phẩm.

“Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng cuộc sống hơn là lấp đầy cái bụng đói”, Zhao Ping từ Học viện của Hội đồng Trung Quốc, thuộc Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc cho biết.

Thay đổi dân số: Công nhân nông thôn về quê

Theo lý thuyết, công nhân di trú là đối tượng khách hàng lớn của mì ăn liền. Họ sống xa nhà với điều kiện nhà ở chật hẹp, hạn chế về cơ sở vật chất và bếp núc, đồng thời muốn tiết kiệm tiên để gửi về cho gia đình.

Cho đến năm 2014, số lượng người nông thôn Trung Quốc chuyển lên thành phố vẫn tăng.

Tuy nhiên con số này đã đảo ngược trong 2 năm trở lại đây, giảm 1,7 triệu người vào năm 2016 so với 2015.

Cải thiện cơ sở hạ tầng, thay đổi thói quen

Nếu di chuyển bằng tàu tại Trung Quốc cách đây 20 năm, hành khách có thể tiêu thụ rất nhiều mì gói trên những chuyến tàu đi dọc đất nước, có thể kéo dài 3 ngày trở lên.

Nhưng tàu và các nhà ga ở Trung Quốc đã được cải thiện. Các chuyến đi được rút ngắn, và nhiều lựa chọn món ăn hơn – có nghĩa là doanh thu bán mì ăn liền qua dịch vụ đường sắt cũng giảm.

Bên cạnh đó là sự bùng nổ của ngành hàng không do giới trung lưu Trung Quốc trả hàng tỉ nhân dân tệ để bay nội địa và quốc tế thay vì đi tàu.

Tàu siêu tốc Trung Quốc và trải nghiệm đáng nhớ

TQ lần đầu tiên đưa du khách bay tới Nam Cực

Internet và điện thoại thông minh: lựa chọn khác cho đồ ăn nhanh

Khoảng 730 triệu người Trung Quốc sử dụng Internet. Và khoảng 95% trong số đó sử dụng điện thoại thông minh.

Các ứng dụng điện thoại cho phép gọi đồ ăn tới tận nhà, văn phòng hoặc bất kì nơi nào đang phát triển mạnh tại Trung Quốc.

Mặc dù các thực đơn này đắt hơn một bát mì ăn liền, nhưng giá cả vẫn hợp lý, và tất nhiên là ngon hơn mỳ rồi.

Tập đoàn công nghệ nào dám thách thức Trung Quốc?

Sự lạc quan

Nhưng so với thế giới, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất cho mì ăn liền.

Thị trường mì tại Trung Quốc tương đương với các thị trường Indonesia, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc và Philippines cộng lại.

Và điều này có nghĩa là các nhà sản xuất mì ăn liền khó có thể quay lưng lại với Trung Quốc.

Chẳng hạn, hãng sản xuất mỳ ăn liền Nhật Bản Nissin Foods, đang dự định niêm yết trên sàn chứng khoán ở Hong Kong.

“Có những người tiêu dùng thôi không ăn mì ăn liền, nhưng hầu hết người tiêu dùng muốn nâng cao chất lượng (của thực phẩm mà họ ăn),” ông Kiyotaka Ando, giám đốc của hãng này nói với CNBC tuần trước.

“Chúng tôi có thể cung cấp sản phẩm có chất lượng cao vì thế chúng tôi có nhiều khả năng phát triển kinh doanh hơn.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42425527

 

Châu Á đang thúc đẩy cơn sốt Bitcoin?

Ẩn mình trong một góc yên tĩnh của Singapore, khu sản xuất này trông giống như một khu ổ chuột dưới lòng đất.

Nhưng theo Dexter Ng, công việc ở đây là để chuẩn bị cho tương lai.

Tự giới thiệu là doanh nhân trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số, Dexter Ng là giám đốc công nghệ của SG Mining – một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dàn máy đào tiền ảo. Đây là những máy tính dùng để giải các thuật toán phức tạp nhằm giúp người dùng kiếm tiền ảo như Bitcoin.

Bitcoin dùng điện nhiều hơn toàn nước Ireland?

Bắc Hàn ‘tấn công’ giao dịch tiền ảo Nam Hàn

Bitcoin ra mắt trên sàn giao dịch lớn

“Trước đây chúng tôi chỉ có thể bán hai hoặc ba thiết bị một tuần”, ông Ng nói khi chúng tôi đi bộ quanh kho chứa hàng xây bằng xi măng. “Bây giờ chúng tôi có thể bán hàng trăm.”

Làn sóng

Một số thiết bị được bán ra nước ngoài, gồm cả Nhật Bản.

Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên thừa nhận Bitcoin và đã xây dựng lòng tin bằng cách hợp pháp hoá các loại tiền kỹ thuật số.

Gần đây, một công ty Nhật Bản tuyên bố bắt đầu trả một phần lương nhân viên bằng Bitcoin.

Úc cũng chấp nhận tiền kỹ thuật số, nhưng hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh loại hình này bởi làn sóng các nhà đầu tư không chuyên đang đổ vào thị trường.

Cơn sốt?

Liệu có công bằng khi nói rằng châu Á đang thúc đẩy cơn sốt Bitcoin?

Bitcoin là “mỏ vàng” hay “bong bóng”?

Trung Quốc tảo mộ ‘ảo’

Có thời điểm các nhà đầu tư Trung Quốc được cho là chiếm ít nhất 80% quyền sở hữu Bitcoin, nhưng Bắc Kinh hiện đang rất thận trọng.

Lo ngại dòng tiền chảy vào thị trường, Trung Quốc đã cấm tiền kỹ thuật số bằng cách cấm huy động vốn bằng tiền ảo (ICOs).

Và Trung Quốc không đơn độc trong sự thay đổi này.

Việt Nam đã cấm Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số. Ấn Độ và Indonesia đang xem xét các quy định liên quan.

Và chỉ trong tuần này, Singapore đã đổi từ thái độ ôn hòa sang cảnh báo một cách thận trọng đối với người dân về những rủi ro “đáng kể” có thể xảy ra nếu họ tiếp tục đầu tư vào tiền ảo.

Nhưng điều đó không ngăn cản các nhà đầu tư ở đây thử vận may của họ.

Tại một cuộc trao đổi về Bitcoin ở Singapore, tôi gặp một nhóm những người đam mê mà mỗi người bỏ khoảng 100 đôla mỗi tuần để mua tiền ảo.

“Đó là tiền tệ của tương lai”, một người đàn ông nói với tôi. Anh ta không muốn tiết lộ danh tính vì không muốn sếp biết mình đang mua Bitcoin.

“Nếu bạn nói đây là lừa đảo, vậy thì cuộc khủng hoảng tài chính đã không dạy chúng ta rằng tất cả các tổ chức tài chính đều là lừa đảo hay sao?”

‘Tiền nhanh’

Bitcoin xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nó thường được xem như đơn vị tiền tệ được lựa chọn bởi thế hệ Y, hoặc các nhóm rửa tiền, bọn tội phạm, người mua ma túy và dân môi giới kinh doanh.

Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều người châu Á bắt đầu thấy nó như một cách kiếm tiền nhanh, đồng thời là cách để bảo vệ tiền tiết kiệm của họ trước khủng hoảng chính trị và lãi suất thấp.

Zann Kwan, người sáng lập Bitcoin Exchange nói với tôi: “Nhiều khách hàng của chúng tôi coi đó là một loại vàng kỹ thuật số”.

“Đó là sự tiếp nối với tư duy tiết kiệm hay hình thức tiết kiệm của người châu Á.”

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng môi trường lãi suất thấp hoặc bằng không ở Nhật Bản, những quy định nghiêm ngặt về việc rút tiền ra khỏi Trung Quốc và lo ngại cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc là lý do tại sao rất nhiều người ở châu Á đang cố gắng kiếm tiền từ cơn sốt Bitcoin.

Trên nóc tòa Singapore Landmark Tower tọa lạc câu lạc bộ Skyline Crypto. Tại đây khách hàng có thể trả tiền đồ uống bằng cách sử dụng Ethereum, một loại tiền ảo phổ biến và ngày càng có giá trị.

Làm sao để ‘giữ mình’ an toàn trên mạng?

Lại xảy ra tấn công mạng trên thế giới

Hiện tại, loại tiền này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ các giao dịch, nhưng các chủ sở hữu câu lạc bộ hy vọng rằng nó sẽ phát triển.

“Chúng tôi thậm chí còn cung cấp một gói Bitcoin Giao thừa cho năm mới, theo đó khách trả cho một đêm trong câu lạc bộ bằng một Bitcoin”, quản lý câu lạc bộ, ông Subhaish Rajamanickam nói.

Với giá rượu ngày hôm nay, đó là vào khoảng 17.000 đôla.

Nhưng Bitcoin thì cũng rất khó lường, như rượu dễ bay hơi. Không ai dám chắc nó có đủ để giúp bạn mua một hay hai ly cocktail trong tương lai hay không.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42421996

 

Anh: Cảnh sát phá ‘âm mưu khủng bố Giáng sinh’

Cảnh sát chống khủng bố đang tiếp tục khám xét hai khu nhà sau khi một âm mưu khủng bố Hồi giáo cực đoan vào đêm Giáng sinh bị chặn đứng.

Các sĩ quan vũ trang và đội gỡ bom tiến hành cuộc đột kích tại 5 khu nhà ở South Yorkshire và Derbyshire hôm 19/12.

Bốn người đàn ông bị bắt giữ theo Đạo luật Khủng bố.

Đã có tên một nghi phạm vụ đánh bom London

Vụ nổ New York: Akayed Ullah ‘hâm mộ IS’

‘Âm mưu khủng bố thất bại’ ở New York

Nhật thông qua luật chống âm mưu khủng bố

Nhìn lại các vụ tấn công khủng bố tại Anh

Cuộc khám xét đang diễn ra ở Burngreave, Sheffield và tại một căn nhà ở Chesterfield.

Một người đàn ông 31 tuổi bị bắt sau khi đội gỡ bom chặn một con đường ở Chesterfield.

Ba người đàn ông khác ở tuổi 22, 36 và 41 bị bắt tại khu Burngreave và Meersbrook ở Sheffield.

Cảnh sát cũng chặn đường quanh Trung tâm Cộng đồng Fatima trên đường Brunswick ở Burngreave và đội gỡ bom được phái đến đây.

Xe tải tông chết nhiều người ở New York

Điều tra khủng bố vụ cướp súng ở sân bay Orly

Tay súng Paris là ‘trọng tâm điều tra chống khủng bố’

Cả bốn nghi can đều đang bị giam vì nghi liên quan đến việc chuẩn bị hoặc kích động hành vi khủng bố theo Đạo luật chống Khủng bố năm 2000.

Các cuộc đột kích diễn ra tại:

Đường Shirebrook ở Meersbrook, Sheffield

hai địa chỉ ở Burngreave, Sheffield – gồm Trung tâm Cộng đồng Fatima

một ngôi nhà trên đường King Street North ở Chesterfield

một địa chỉ ở Stocksbridge

Bốn người đàn ông bị bắt. Họ cư trú tại Chesterfield, Burngreave, Meersbrook

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42334899

 

Bắc Kinh lên án điều tra đảng đối lập của Đài Bắc

Trung Quốc lên án cuộc điều tra của chính phủ Đài Loan nhắm vào một đảng đối lập nhỏ ủng hộ Trung Quốc ở đảo quốc này.

Reuters loan tin vào thứ Ba 20 tháng 12, cho biết các nhà điều tra Đài Loan đã tiến hành khám xét nhà của bốn thành viên Tân Đảng, một đảng  hiện nay không có thành viên nào tại Quốc hội Đài Loan. Lý do của biện pháp khám nhà được cho biết vì nghi ngờ họ vi phạm Đạo luật An ninh Quốc gia.

Tin cho hay vào tuần rồi, một phái đoàn của Tân Đảng, trong đó gồm ít nhất một người mà tư gia bị khám xét, và phát ngôn viên của đảng này là Vương Bình (Wang Ping-chung) đã đến thăm Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến đi theo kế hoạch sang gặp Cơ quan Đài Loan Sự Vụ của Chính phủ Trung Quốc.

Tin từ Reuters cho hay Tân Đảng lên án các cuộc khám xét như thế là có động cơ chính trị, với mục đích trả thù cho quan điểm phản đối xu hướng độc lập cho Đài Loan.

Các công tố viên Đài Loan và chính phủ Đài Bắc chưa đưa ra chi tiết về vụ việc. Không giống như ở Trung Quốc, nơi mà hệ thống pháp luật được kiểm soát bởi Đảng Cộng sản cầm quyền, nền dân chủ Đài Loan có một hệ thống tư pháp độc lập.

Các phương tiện truyền thông Đài Loan cho rằng vụ việc có thể liên quan đến công dân Trung Quốc Chu Hoành (Zhou Hongxu), bị một tòa án Đài Loan bắt giam hồi tháng 9 cũng với cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia của đảo quốc này.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/beijing-condemns-tw-probe-into-tiny-pro-cn-opposition-party-12202017101828.html

 

Tư lệnh Hải quân Philippines bị cách chức

Tư lệnh Hải quân Philippines, phó đô đốc Ronald Joseph Mercado, vừa bị Bộ quốc phòng Manila cách chức vì lý do bất tuân trong việc thực hiện một hợp đồng đóng tàu chiến cho nước này.

Bộ trưởng quốc phòng Phi là ông Delfin Lorenzana vào ngày 20 tháng 12 nói với báo chí rằng ông đã nhận được phép từ Tổng thống Rodrigo Duterte cách chức phó đô đốc Mercado.

Hợp đồng đóng hai tàu chiến trị giá 308 triệu đô la Mỹ được chính phủ Phi ký vào năm ngoái với công ty đóng tàu Huyndai của Hàn Quốc, dự tính sẽ giao cho Hải quân Philippines vào năm 2020 và 2021. Tuy nhiên dưới sự điều động của phó đô đốc Mercado, phía Hải quân Phi đã chậm trễ trong việc duyệt một thiết kế quan yếu để nhà thầu tiến hành công việc của mình.

Bộ Quốc phòng Phi cho là phó đô đốc Mercado đã cố tình chậm trễ để ép chính phủ Manila và Hyundai trao cho một công ty nước ngoài khác hợp đồng riêng thực hiện ‘hệ thống quản trị tác chiến’ cho các tàu chiến được ký kết.

Phó đô đốc Mercado chưa lên tiếng bình luận gì về cáo buộc này, cũng như danh tính của quốc gia mà ông muốn trao hợp đồng cũng không được tiết lộ.

Philippines hiện đang phải đối đầu với tình trạng xuống cấp của các tàu chiến của mình, trong khi đó lại cũng phải đương đầu với sự lấn lướt của hải quân Trung Quốc trên vùng biển mà Manila có tranh chấp.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/philippine-navy-chief-vice-admiral-ronald-joseph-mercado-fired-12202017101341.html

 

Philippines: Hưu chiến với quân Maoist nhân Giáng Sinh

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố một thời gian hưu chiến trong mùa Giáng Sinh với lực lượng phiến quân cộng sản. Thời gian hưu chiến bắt đầu từ ngày 24 tháng 12, 2017 cho đến ngày 2 tháng Giêng năm 2018.

Sự việc xảy ra ngoài dự đoán của nhiều người là Tổng thống Phi sẽ không ban hành lệnh hưu chiến sau khi xảy ra cuộc tấn công của lực lượng phiến quân cộng sản mang tên Đội quân Tân nhân dân vào một đoàn xe cứu trợ của quân đội vào hôm 18 tháng 12 vừa qua. Hơn nữa vào tháng mười một, Tổng thống Duterte cũng tuyên bố ngừng các cuộc đàm phán với quân cộng sản, và xem lực lượng Đội quân Tân nhân dân của họ như những phần tử khủng bố.

Phát ngôn nhân của ông Duterte nói rằng lệnh hưu chiến này là một quyết định đơn phương thể hiện thiện chí của phía chính phủ trong mùa giáng sinh.

Cuộc chiến của chính quyền Philippines chống lực lượng nổi dậy cộng sản có khuynh hướng Maoist kéo dài đã gần nửa thế kỷ, gây thiệt mạng khoảng 40 ngàn người. Hiện lực lượng vũ trang cộng sản của ở Philippines có khoảng 3800 người.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/duterte-orders-xmas-truce-with-communist-terrorists-12202017100956.html

 

Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của LHQ

bị từ chối nhập cảnh Miến

Miến Điện không cho báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc nhập cảnh để tiếp tục cuộc điều tra về nhân quyền.

Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm ngày 20 tháng 12 từ Geneva, bà Yanghee Lee, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, cho biết chuyến đi Miến Điện dự trù diễn ra vào tháng tới phải hủy bỏ, vì chính phủ Miến từ chối cho bà nhập cảnh.

Từ năm 2014 đến giờ, bà Lee đã nhiều lần đến Miến Điện để quan sát tại chỗ về tình trạng nhân quyền của Miến. Sau chuyến đi hồi tháng Bảy vừa rồi, bà lên tiếng cáo buộc chính phủ Miến làm ngơ, để mặc cho những cuộc đàn áp người Hồi Giáo Rohingya xảy ra ở bang Rakhine.

Bà Lee tin rằng bà bị cấm nhập cảnh vì chính quyền Miến không muốn cho bà thấy sự thật đang xảy ra với người Hồi Giáo Rohingya, buộc hơn 650.000 người của tập thể này phải bỏ chạy sang Bangladesh lành nạn.

Chưa thấy chính phủ Miến lên tiếng nói gì về việc này.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/un-special-rapporteur-of-human-right-not-allow-get-in-myanmar-12202017100435.html

 

Trung Quốc tiếp tục diễn tập gần không phận Đài Loan

Trung Quốc vào ngày 20 tháng 12 lại cho tiến hành diễn tập gần không phận đảo quốc Đài Loan. Đây là lần diễn tập thứ sáu như thế trong tháng 12.

Bộ Quốc Phòng Đài Loan thông báo tin vừa nêu nói rõ Trung Quốc cho một số máy bay, gồm cả chiến đấu cơ phản lực, bay ngang qua eo Bashir vào Thái Bình Dương rồi bay trở về.

Theo Bộ Quốc Phòng Đài Loan thì những chuyến bay diễn tập như thế được tiến hành thường xuyên hơn; tuy nhiên cơ quan này trấn an người dân đảo quốc không nên lo lắng. Ngoài ra, Bộ Quốc Phòng Đài Loan sẽ cử máy bay và tàu chiến đi làm nhiệm vụ giám sát các cuộc diễn tập của không quân Trung Quốc.

Những cuộc diễn tập mới nhất như vừa nêu của phía Trung Quốc gần không phận Đài Loan diễn ra chỉ ít hôm sau khi Bắc Kinh cho chiến đấu cơ bay vào vùng Biển Nhật Bản. Hoạt động này khiến hai lân bang Nhật Bản và Hàn Quốc phải cho máy bay xuất phát theo dõi.

Trung Quốc luôn cho Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và có thể tiến hành thu hồi một lúc nào đó, kể cả bằng biện pháp quân sự.

Hai phía tách ra từ năm 1949 sau cuộc nội chiến tại Hoa Lục. Mặc dù Đài Loan là một vùng lãnh thổ dân chủ tự trị, nhưng chưa bao giờ chính thức tuyên bố độc lập.

Mối quan hệ giữa đôi bên trở nên xấu đi kể từ khi nữ tổng thống Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm ngoái. Bà này từ chối công nhận chính sách ‘một nước Trung Hoa’ của Bắc Kinh.

Do đó Trung Quốc cho cắt đứt mọi liên lạc chính thức với Đài Loan và tăng cường áp lực đối với chính phủ của tổng thống Thái Anh Văn; trong đó có biện pháp tiến hành hằng loạt những cuộc diễn tập hải quân và không quân gần Đài Loan kể từ năm ngoái.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/cn-jets-carry-out-multiple-drills-around-tw-12202017094610.html

 

Khách Trung Quốc vẫn du lịch Bắc Hàn

bất chấp lệnh cấm

Khách du lịch từ thành phố Đan Đông của Trung Quốc vẫn tiếp tục tới thăm thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên bất chấp lệnh tạm ngưng du lịch không chính thức mà chính quyền Bắc Kinh đưa ra trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng trước.

Hãng Reuters đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với một nhóm 40 người từ thành phố Đan Đông tới thăm Bình Nhưỡng vào hôm 20/12. Hướng dẫn viên của nhóm này nói rằng đây là nhóm người đông nhất tới Bình Nhưỡng kể từ khi lệnh hạn chế du lịch được áp đặt, nói thêm là chính quyền Bắc Kinh chắc sẽ rất giận dữ khi biết thành phố Đan Đông đã tự ý không tuân thủ lệnh cấm vận này.

Một du khách cho biết là dù chính phủ Bắc Kinh có đưa ra chính sách gì chăng nữa thì người dân Trung Quốc vẫn luôn tìm ra cách luồn lách chính sách đó.

Hãng Reuters đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và họ nói rằng họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Đan Đông là thành phố nằm giáp ranh với Bắc Triều Tiên và cũng được coi là thủ phủ của ngành du lịch sang Bắc Hàn. Trước chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump hôm 8/11 vừa qua, chính quyền địa phương thành phố Đan Đông cho biết họ nhận được chỉ thị tạm ngưng tất cả các hoạt động du lịch tới Bình Nhưỡng.

Viện Hàng hải Triều Tiên, một trung tâm nghiên cứu tại Nam Hàn, ước lượng là du lịch giúp Triều Tiên thu được 44 triệu đô la hàng năm. Viện này cho biết khoảng 80% du khách nước ngoài đến Triều Tiên là người Trung Quốc.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/chinas-border-city-with-nkorea-eases-tourism-curbs-12202017092139.html

 

Dự luật thuế trở lại Hạ viện,

chiến thắng trong tầm tay TT Trump

Dự kiến vào ngày thứ Tư 20/12, Hạ viện Hoa Kỳ do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về dự luật cải cách thuế và chuyển sang cho Tổng thống Donald Trump để ký thành luật. Theo Reuters, đây sẽ là chiến thắng đáng kể đầu tiên của ông Trump trong lĩnh lực lập pháp kể từ khi ông lên nhậm chức.

Đây là cuộc cải cách hệ thống thuế lớn nhất của Hoa Kỳ trong hơn 30 năm. Chỉ trong vài tuần, Đảng Cộng hoà đã vượt qua sự chống đối của Đảng Dân chủ trong một nỗ lực cắt giảm thuế cho các đại công ty và người đóng thuế giàu có, song song với những khoản cắt giảm thuế khiêm nhường hơn và chỉ có tính cách tạm thời đối với một số cá nhân và gia đình.

Sáng sớm thứ Tư 20/12, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật thuế với 51 phiếu thuận và 48 phiếu chống, nhưng phải gửi lại cho Hạ viện biểu quyết thêm một lần nữa vì một lỗi về thủ tục, gây bối rối cho phe Cộng hoà.

Trước đó, hôm thứ Ba 11/12, Hạ viện thông qua dự luật này bằng một cuộc biểu quyết với tỉ lệ 227-203, vượt qua sự chống đối của toàn thể các nghị sĩ phe Dân chủ cùng với 12 nghị sĩ Cộng hòa.

Các cuộc biểu quyết nước rút vào cuối năm cho thấy phe Cộng hòa quyết tâm gượng dậy kể từ giữa năm nay, sau khi nỗ lực bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc y tế Giá phải chăng của Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama bị thất bại ở Thượng viện, và triển vọng cải cách thuế không mấy sáng sủa do các đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng hoà.

https://www.voatiengviet.com/a/du-luat-thue-tro-lai-ha-vien-chien-thang-trong-tam-tay-tt-trump/4171631.html

 

Cải tổ thuế quan trọng sắp thành luật ở Mỹ.

Đây là những gì bạn cần biết.

Hạ viện Hoa Kỳ do phe Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật cải tổ thuế sâu rộng hôm thứ Ba và chuyển nó sang Thượng viện, nơi mà các nhà lập pháp có phần chắc sẽ biểu quyết vào buổi tối.

Đây là cuộc cải tổ lớn nhất đối với hệ thống thuế của Mỹ trong hơn 30 năm qua mà có thể được Tổng thống Donald Trump ký thành luật sớm nhất là thứ Tư, nếu cả hai viện Quốc hội đều chuẩn thuận.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders phấn khởi nói với các phóng viên trong cuộc họp báo chiều thứ Ba rằng cuộc biểu quyết của Hạ viện đưa ông Trump tiến một bước gần hơn tới việc mang tới “những khoản cắt giảm thuế cho dịp Giáng Sinh.”

Hạ viện thông qua dự luật bằng một cuộc biểu quyết với tỉ lệ 227-203, vượt qua sự chống đối của toàn thể các nghị sĩ của phe Dân chủ cùng với 12 nghị sĩ Cộng hòa.

Dự luật này gần như chắc chắn sẽ được lưỡng viện Quốc hội thông qua vì Thượng viện cũng do phe Cộng hòa kiểm soát, dù với tỉ lệ mong manh 51-48.

Các cuộc biểu quyết nước rút vào cuối năm cho thấy phe Cộng hòa quyết tâm gượng dậy kể từ giữa năm nay, khi mà nỗ lực bãi bỏ luật chăm sóc y tế Obamacare của Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama sụp đổ ở Thượng viện và triển vọng cải cách thuế dường như bị lu mờ do đấu đá nội bộ trong đảng.

Phó Tổng thống Mike Pence đã lùi chuyến công du Ai Cập và Israel sang tháng 1 để ông có mặt ở Washington trong tuần này trong trường hợp cần tới quyền biểu quyết của ông để thông qua dự luật tại Thượng viện.

Những điểm chính của dự luật này là gì?

Kế hoạch này bao gồm những khoản cắt giảm thuế cho các đại công ty và người đóng thuế giàu có, cũng như những khoản cắt giảm thuế tạm thời cho một số cá nhân và gia đình. Nó bãi bỏ một phần của hệ thống y tế Obamacare và cho phép khoan dầu tại Khu Bảo tồn Dã sinh Quốc gia Bắc cực ở bang Alaska, chỉ hai trong số những thay đổi nhỏ được bổ sung vào dự luật để giành đủ sự ủng hộ để nó được thông qua.

Theo Trung tâm Chính sách Thuế, một viện nghiên cứu chính sách độc lập ở Washington, những hộ gia đình có thu nhập trung bình sẽ được giảm thuế một khoản trung bình là 900 đôla vào năm sau, trong khi 1 phần trăm những người Mỹ giàu nhất sẽ được giảm trung bình là 51.000 đôla.

Bạn là người đóng thuế ở Mỹ? Công cụ tương tác này sẽ cho bạn biết tiền thuế của bạn sẽ tăng hay giảm trong năm 2018 theo dự luật của phe Cộng hòa.

Phe Cộng hòa và Dân chủ bất đồng ra sao về dự luật này?

Phe Cộng hòa khẳng định rằng gói cải tổ thuế này sẽ thúc đẩy nền kinh tế và tăng trưởng việc làm. Họ cũng coi dự luật này này chìa khóa để duy trì thế đa số của họ trong Hạ viện và Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm sau.

“Hôm nay, chúng ta trả lại tiền cho người dân của đất nước này. Dù gì đi nữa thì đây là tiền của họ,” Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói ngay trước cuộc biểu quyết.

Phe Dân chủ thì nói rằng dự luật này sẽ nới rộng cách biệt thu nhập giữa người giàu và người nghèo ở Mỹ, trong khi thêm 1,5 ngàn tỉ đôla vào khối nợ quốc gia vốn đã ở mức 20 ngàn tỉ đôla trong 10 năm tới.

Lãnh đạo phe Dân chủ Hạ viện Nancy Pelosi gọi dự luật này là một “con quái vật Frankenstein” chứa đầy những khoản chia chác và lỗ hổng mà không giữ được lời hứa của phe Cộng hòa là đơn giản hóa luật thuế.

“Con quái vật này sẽ trở lại ám ảnh bọn họ,” bà nói trên sàn tranh luận của Hạ viện.

Giới chuyên gia nói gì?

Dù phe Cộng hòa và Tổng thống Trump ca ngợi dự luật này sẽ làm lợi cho tầng lớp trung lưu ở Mỹ, song khoảng 23 phần trăm các khoản cắt giảm thuế là dành cho tầng lớp này dưới dự luật thuế được đề xuất, theo Ủy ban Liên hợp về Thuế vụ (JCT), một nhóm phi đảng phái chuyên phân tích các dự luật thuế cho Quốc hội.

Một phân tích mới được ủy ban công bố hôm thứ Hai cho biết những người nộp thuế thuộc tầng lớp trung lưu sẽ được giảm 61 tỉ đôla tiền thuế trong năm 2019 theo dự luật mà phe Cộng hòa biểu quyết. Tuy nhiên, những người này sẽ thấy tiền thuế của mình nhìn chung tăng lên sau một thập niên.

Tầng lớp trung lưu, những người có thu nhập trong khoảng từ 20.000 tới 100.000 đôla một năm, chiếm khoảng phân nửa số người khai thuế ở Mỹ, báo The Wall Street Journal cho biết.

Khung thuế cao nhất được phân tích trong bản báo cáo của JCT, áp dụng cho những người có thu nhập 500.000 hoặc hơn mỗi năm, sẽ được cắt giảm 61 tỉ đôla tiền thuế trong năm 2019. Mức thu nhập đó chiếm khoảng 1 phần trăm số người khai thuế hàng năm, theo tờ Journal.

Ngoài ra, 37 trên 38 nhà kinh tế được khảo sát bởi Chương trình Thị trường Toàn Cầu của Đại học Chicago hồi tháng 11 nói rằng các dự luật thuế của phe Cộng hòa sẽ khiến nợ của của Mỹ tăng nhanh hơn “đáng kể” so với nền kinh tế. Người thứ 38 nói rằng ông hiểu lầm câu hỏi và sau đó nói rằng ông đồng tình với các nhà kinh tế khác.

Quan điểm của công chúng thế nào?

Trong khi phe Cộng hòa gấp rút thông qua dự luật cải tổ thuế, sự chống đối của công chúng tăng dần trong các cuộc khảo sát ý kiến.

Cuộc khảo sát của CNN công bố hôm thứ Ba cho thấy 55 phần trăm những người được hỏi chống đối dự luật của phe Cộng hòa trong khi chỉ có 33 phần trăm ủng hộ. Tỉ lệ chống đối tăng 10 điểm phần trăm so với khi CNN thực hiện một cuộc cuộc thăm dò trước đó vào tháng 11.

Hai phần ba số người được hỏi nhìn nhận rằng dự luật thuế của phe Cộng hòa làm lợi cho những người giàu có nhiều hơn là tầng lớp trung lưu, với tỉ lệ 66-27 phần trăm.

Một cuộc khảo sát của NBC/Wall Street Journal công bố hôm thứ Ba cho thấy 24 phần trăm những người được hỏi ủng hộ dự luật này, trong khi 41 phần trăm chống đối. Và 63 phần trăm nói nằng nó được thiết kế chủ yếu là để làm lợi cho các đại công ty và người giàu, so với 22 phần trăm nói nó nhắm tới tất cả người Mỹ đồng đều, và chỉ 7 phần trăm nói nó làm lợi cho tầng lớp trung lưu.

Các cuộc khảo sát riêng rẽ của Quinnipiac, Marist và Monmoth trong tháng này nhận thấy mức ủng hộ cho các nỗ lực cải tổ thuế của phe Cộng hòa ở khoảng giữa 20 phần trăm, với một số cuộc thăm dò khác cho thấy cao hơn đôi chút.

Chuyện gì xảy đến kế tiếp?

Nếu được cả lưỡng viện thông qua – điều gần như chắc chắn – thì dự luật thuế này sẽ mang về chiến thắng lập pháp quan trọng đầu tiên cho phe Cộng hòa và Tổng thống Trump, trong năm đầu tiên mà Đảng này nắm toàn quyền kiểm soát cả Quốc hội lẫn Nhà Trắng.

“Và liệu những khoản cắt giảm thuế của Tổng thống Trump có bền vững hay không vẫn còn là điều chưa rõ ràng,” nhà báo Andrew Taylor của hãng tin AP viết, nhắc nhở rằng luật cắt giảm thuế của Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1981 đã bị thu hẹp vài lần cũng như việc ba trong số bốn tổng thống sau đó đều ký luật tăng thuế.

Với việc phe Cộng hòa đang nhắm tới cắt giảm chi tiêu chính phủ để kìm chế thâm hụt ngân sách vì giảm thuế, nhà báo kỳ cựu này nói những gì đang diễn ra bây giờ giống như những gì từng diễn ra dưới thời Tổng thống George W. Bush, đặc biệt là khi ông tìm cách cắt chi tiêu An sinh Xã hội vào năm 2005.

Trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2006, phe Cộng hòa mất quyền kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện.

https://www.voatiengviet.com/a/cai-to-thue-quan-trong-sap-thanh-luat-o-my-day-la-nhung-gi-ban-can-biet/4171224.html

 

Tàu tuần duyên Hàn Quốc nã súng, đuổi tàu Trung Quốc

Tàu tuần duyên Hàn Quốc cho biết họ đã nã 250 phát đạn từ một khẩu súng máy và các vũ khí khác trong một vụ đụng độ với hàng chục tàu cá Trung Quốc.

Lực lượng Tuần duyên Hàn Quốc cho biết vụ việc xảy ra hôm thứ Ba 19/12 khi hơn 40 tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển của Hàn Quốc ở gần đảo Gageodo, ngoài khơi bờ biển phía Tây-Nam của Hàn Quốc.

Tàu của Trung Quốc bị chặn lại và được lệnh phải ra khỏi vùng biển này. Trong một thông báo, Tuần duyên Hàn Quốc cho biết đã nã súng cảnh cáo nhắm vào mũi các tàu của Trung Quốc, bắn 180 phát đạn từ một khẩu súng máy M-60, và gần 70 phát đạn từ các loại súng khác.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, hôm thứ Tư bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về sự cố này. Bà nói:

“Trung Quốc luôn luôn đặt nặng tầm quan trọng của việc quản lý các nguồn cá ở nước ngoài và đã tích cực đề ra những biện pháp hữu hiệu tại các vùng biển có liên quan để duy trì trật tự trong các hoạt động đánh bắt cá.”

Bà Hoa Xuân Oánh nói bà “hy vọng phía Hàn Quốc sẽ xử lý vấn đề một cách đúng đắn, tránh có hành động quá tay có thể gây nguy hiểm tới tính mạng trong khi thực thi luật pháp, bảo đảm sự an toàn cùng quyền lợi chính đáng của ngư dân Trung Quốc.”

Bà hối thúc Hàn Quốc hãy tăng cường liên lạc thông tin với phía Trung Quốc.

Trong một thông báo hôm 20/12, lực lượng tuần duyên Hàn Quốc tố cáo rằng các tàu Trung Quốc đã tìm cách tấn công tàu tuần duyên của họ. Họ nói các tàu của Trung Quốc làm ngơ lệnh yêu cầu họ ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Hàn Quốc, và còn “tăng vận tốc chạy về hướng tàu tuần duyên Hàn Quốc.”

Một đoạn video ghi hình sự cố này cho thấy một súng máy nổ ngay tại mũi một chiếc tàu đang chạy nhanh về hướng tàu tuần duyện của Hàn Quốc.

Theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc đều đặt bút ký kết, các nước có quyền tuyên bố khu đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 dặm kể từ bờ biển nước họ.

Điều này tạo ra một số vùng chồng lấn nhau giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc, và vào năm 2001, hai nước đã ký một thỏa thuận song phương để quy định các hoạt động đánh bắt cá.

Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc nói các tàu Trung Quốc đã tiến sâu vào vùng biển của họ, vượt quá giới hạn được ghi trong thỏa thuận về ngư trường giữa hai bên, và được lệnh phải rút lui về vùng biển quốc tế.

https://www.voatiengviet.com/a/tau-tuan-duyen-han-quoc-na-sung-duoi-tau-trung-quoc/4171813.html

 

Đại hội đồng LHQ sẽ họp khẩn về Jerusalem

Đại hội đồng Liên hiệp quốc gồm 193 thành viên ngày 21/12 sẽ tổ chức cuộc họp khẩn đặc biệt theo yêu cầu của các nước Ả Rập và Hồi giáo liên quan đến quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Đại sứ Palestine tại Liên hiệp quốc, Riyad Mansour, cho hay Đại hội đồng sẽ bỏ hiếu một dự thảo nghị quyết kêu gọi rút lại lời tuyên bố của ông Trump.

Lời kêu gọi này hôm đầu tuần đã bị Mỹ phủ quyết tại Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên. 14 thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an đã biểu quyết ủng hộ nghị quyết do Ai Cập soạn thảo, dù không đề cập cụ thể tới nước Mỹ hay ông Trump, rằng các quyết định gần đây về tình trạng Jerusalem là điều đáng tiếc.

Đại sứ Mansour ngày 18/12 nói ông hy vọng nghị quyết sẽ được ủng hộ áp đảo tại Đại Hội đồng. Cuộc biểu quyết đó không có tính ràng buộc nhưng mang giá trị chính trị.

Theo một nghị quyết năm 1950, có thể kêu gọi Đại Hội đồng triệu tập một kỳ họp khẩn đặc biệt để cân nhắc một vấn đề trên tinh thần ra khuyến nghị thích hợp với các thành viên về các biện pháp chung, nếu không thông qua được ở Hội đồng Bảo an.

Tới nay đã có 10 cuộc họp như thế và lần cuối diễn ra vào năm 2009 bàn về khu vực phía Đông Jerusalem đang bị Israel chiếm đóng và lãnh thổ của người Palestine.

Tháng này, Tổng thống Trump đột ngột đảo chiều nhiều năm chính sách Mỹ khi công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, khiến người Palestine và thế giới Ả Rập phẫn nộ và gây quan ngại cho các đồng minh Tây phương của Washington.

Ông Trump cũng định dời đại sứ Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. Dự thảo nghị quyết của Liên hiệp quốc cũng kêu gọi các nước chớ lập phái bộ ngoại giao ở Jerusalem.

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, Nikki Haley ngày 18/12 tuyên bố Mỹ phủ quyết nghị quyết ở Hội đồng Bảo an để bảo vệ chủ quyền Mỹ và vai trò của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông.

Israel xem Jerusalem là thủ đô của họ và muốn các nước đặt đại sứ quán ở đây. Người Palestine muốn khu vực phía đông của Jerusalem là thủ đô của một nhà nước Palestine độc lập trong tương lai. Khu vực này bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sáp nhập, một động thái chưa được quốc tế công nhận.

https://www.voatiengviet.com/a/dai-hoi-dong-lien-hiep-quoc-se-hop-khan-ve-jerusalem/4171231.html

 

Ứng cử viên Dân Chủ thắng tại hạ viện tiểu bang Virginia

bằng 1 phiếu duy nhất

Hampton, Virginia. (Fox News) – Việc đếm lại phiếu được thực hiện cho 4 quận hạt ở tiểu bang Virginia có kết quả rất khít khao trong cuộc đua vào Hạ Viện.

Tối hôm qua, buổi đếm lại phiếu tại District 94 đã có kết quả. Mặc dù tỷ số vẫn khít khao, nhưng kết quả hoàn toàn lật ngược, mang lại niềm to lớn cho ứng cử viên Dân Chủ Shelly Simonds. Trước khi đếm lại, đối thủ Cộng Hòa của bà Simonds là David Yancey giành chiến thắng, vì nhiều hơn bà Simonds 10 phiếu. Sau khi đếm lại, bà Simonds giành chiến thắng vì nhiều hơn ông Yancey 1 phiếu.

Theo Fox News, nếu đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa chia đều số ghế ở Hạ Viện tiểu bang Virginia, tình trạng lộn xộn có thể xảy ra. Hai đảng phải thỏa hiệp trong việc bầu một vị chủ tịch Hạ Viện, cũng như chỉ định các chủ tịch ủy ban sao cho đồng đều.

Lần cuối cùng Hạ Viện Virginia chia đều số ghế tại tòa nhà này là cách đây 20 năm, khi hai đảng đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Nhưng nếu hai đảng không thể tìm được tiếng nói chung trong việc chia sẻ quyền lực, hỗn loạn trong một thời gian dài có thể xảy ra.

Sau khi giành được chiến thắng, bà Simonds cho biết bà tin rằng các nhà làm luật có thể tìm ra được một thỏa hiệp cho cả hai đảng. Bà tự nhận mình là người lạc quan, và tin rằng mình có thể làm việc được với đảng Cộng Hòa.

Theo tổ chức Dự Án Tiếp Cân Công Chúng Virginia, chiến thắng của bà Simonds sau buổi đếm lại phiếu có thể giúp đảng Dân Chủ đảo ngược vị thế của họ tại Hạ Viện trong 20 năm qua. (Mai Đức)

http://www.sbtn.tv/ung-cu-vien-dan-chu-thang-tai-ha-vien-tieu-bang-virginia-bang-1-phieu-duy-nhat/

 

Phát hiện pháo đài cổ 4.000 năm tại Syria

Thụy My

Một mạng lưới quân sự độc đáo cổ đến 4.000 năm gồm các pháo đài, công sự, tháp canh và lô cốt đã được phát hiện tại Syria nhờ một ê-kíp hỗn hợp Pháp và Syria phân tích các không ảnh chụp từ vệ tinh. Phát hiện này được công bố hôm qua 19/12/2017.

Phòng thí nghiệm Archéorient của Pháp hợp tác với cơ quan khảo cổ và bảo tàng Syria đã nghiên cứu khu vực rộng đến 7.000 km2 ở phía đông Hama. Việc phân tích trên mạng bổ sung cho việc đào bới tại chỗ từ năm 1995 đến 2002 và 2010, tức là trước chiến tranh.

Đây là lần đầu tiên một hệ thống pháo đài quy mô như thế được khám phá. Hệ thống phòng thủ này nhằm bảo vệ các lãnh thổ quan trọng vào thời kỳ đồ đồng trung đại (khoảng năm 1600-1350 trước Công nguyên).

Về thời kỳ đó, cho đến nay các nhà khoa học chỉ biết được các hệ thống phòng thủ đô thị để bảo vệ các trục giao thông và đất đai. Còn mạng lưới pháo đài, công sự vừa được phát hiện gồm những khối đá bazan lớn, và những bức tượng cao nhiều mét chạy dài. Hệ thống này được xây dựng theo cách có thể liên lạc với nhau bằng mắt thường, như phát ra các tín hiệu bằng cách đốt lửa ban đêm hoặc bằng khói như người da đỏ, để nhanh chóng truyền đi các thông tin cho các trung tâm chỉ huy.

Nắm cạnh các vùng định cư đông dân được mệnh danh là Trăng lưỡi liềm Màu mỡ (Croissant fertile) ở phía tây, và khu vực thảo nguyên khô cằn của dân du mục ở phía đông, khu vực này chỉ có dân cư sinh sống trong thời kỳ có xung đột. Gần đây nhất, nhiều người dân Hama và Homs di tản đã đến đây cư ngụ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171220-phat-hien-phao-dai-co-4000-nam-tai-syria

 

Tấn công tin học, trận tuyến mới của Bắc Triều Tiên

Thụy My

Bị mất đi thu nhập trước một loạt những biện pháp trừng phạt của thế giới vì chương trình nguyên tử, Bình Nhưỡng đã tung ra cả một binh đoàn tin tặc thiện chiến, để tìm kiếm nguồn tiền.

Năng lực của tin tặc Bắc Triều Tiên đã được biết đến sau vụ tấn công đại quy mô vào Sony Pictures Entertainment năm 2014, để trả đũa bộ phim hài « The Interview » chế giễu lãnh tụ Kim Jong Un. Nhưng theo AFP, mục đích chính trị nay đã trở thành tài chính, như các vụ tấn công vào Ngân hàng Trung ương Bangladesh hay các sàn giao dịch tiền bitcoin. Và Washington vừa chính thức lên án Bình Nhưỡng là thủ phạm của vụ tấn công tin học toàn cầu bằng mã độc tống tiền « Wannacry ».

Từ mỹ nhân kế trên Facebook để chiếm bitcoin…

Một sàn giao dịch tiền ảo Hàn Quốc hôm qua đã phải đóng cửa, sau hai lần bị tấn công, trong đó lần đầu tiên được cho là do tin tặc Bắc Triều Tiên. Báo chí Seoul dẫn nguồn tin từ tình báo Hàn Quốc cho biết, tin tặc Bình Nhưỡng giả dạng những thiếu nữ xinh xắn trên Facebook để dụ dỗ các nhân viên sàn giao dịch, rồi sau đó gởi cho họ các tập tin chứa mã độc.

Tin tặc Bắc Triều Tiên cũng dồn dập tấn công vào các cán bộ lãnh đạo. Bọn chúng đóng vai người tìm việc, gởi đi các bản lý lịch chứa virus, nhằm chiếm đoạt những dữ liệu cá nhân cũng như chuyên môn.

Ông Moon Jong Hyun, giám đốc công ty an ninh mạng EST Security ở Seoul cho biết, kỹ thuật dùng « mỹ nhân kế » trên mạng, nhắm vào các nhân vật cao cấp trong chính phủ và quân đội đã tăng cao trong những năm gần đây. Ông giải thích : « Tin tặc mở các tài khoản Facebook và duy trì liên hệ bạn bè trong nhiều tháng, sau đó mới đâm sau lưng các nạn nhân ». Nhiều tin tặc giả dạng làm các nữ sinh viên đang theo học các trường đại học bên Mỹ, hoặc làm việc cho các cơ quan nghiên cứu.

Simon Choi, giám đốc công ty Hauri ở Seoul đã thu thập được một số lượng lớn dữ liệu về tin tặc Bắc Triều Tiên. Ông từng cảnh báo khả năng Bình Nhưỡng dùng mã độc tống tiền từ năm 2016. Theo báo chí, Hoa Kỳ cũng đã tăng cường năng lực tấn công tin học đối với Bắc Triều Tiên. Nhưng theo ông Choi, do bị trừng phạt bổ sung, « Bình Nhưỡng đã chuyển từ tấn công tin học vào các Nhà nước thù địch sang mục đích kiếm tiền ».

Tin tặc Bắc Triều Tiên quan tâm đến bitcoin ít nhất là từ năm 2012. Khi giá đồng tiền ảo này tăng lên, các vụ tấn công trên internet để chiếm đoạt cũng tăng theo, trong khi giá trị của bitcoin đã tăng đến 20 lần trong năm nay.

Theo công ty Mỹ FireEye, việc thiếu vắng các quy định và « sự yếu kém trong kiểm soát chống rửa tiền » của nhiều nước khiến đồng tiền ảo thêm hấp dẫn. « Bitcoin trở thành con mồi béo bở đối với một chế độ vốn hành xử như một tổ chức tội phạm ». FireEye nhận định, ba lần tấn công của Bắc Triều Tiên từ tháng Năm đến tháng Bảy vào các sàn giao dịch bitcoin Hàn Quốc là nhằm « làm đầy két bạc của Nhà nước hoặc của giới cầm quyền Bình Nhưỡng ».

Một công ty Mỹ khác là Secureworks cho biết Lazarus, một nhóm tin tặc có liên quan đến Bắc Triều Tiên, hồi tháng 10 đã tung ra một chiến dịch gài bẫy đối với công nghệ bitcoin, bằng những thông báo tuyển dụng giả mạo.

…Đến « cướp ngân hàng » trên mạng

Các vụ tấn công vào tiền ảo chỉ là những ví dụ mới nhất trong danh sách dài các vụ cướp tiền trên mạng, được cho là do Bình Nhưỡng tiến hành.

Năm 2016, Bắc Triều Tiên bị tố cáo đã đánh cắp 81 triệu đô la của Ngân hàng Trung ương Bangladesh (BCB) ; và tháng 10/2017 lại trộm mất 60 triệu đô la của ngân hàng Đài Loan Far Eastern International.

Bình Nhưỡng cực lực phản đổi những cáo buộc « vu khống », nhưng các nhà phân tích chỉ ra những dấu vết cụ thể. Vụ tấn công BCB có liên hệ với « hai đơn vị nhà nước Bắc Triều Tiên », theo Symantec ; còn vụ ngân hàng Đài Loan mang một số « đặc tính » của nhóm Lazarus, theo công ty Anh BAE Systems.

Số tiền chiếm đoạt thường được đem đi « rửa » trong các casino ở Philippines và Macao, hay trên các sàn giao dịch Trung Quốc – Lim Jong In, giáo sư về an ninh mạng ở trường đại học Korea giải thích – và việc lần ra manh mối « hầu như bất khả ».

Vụ tấn công WannaCry hồi tháng Năm đã làm 300.000 máy tính tại 150 quốc gia bị nhiễm mã độc tống tiền : tin tặc đòi hàng trăm đô la để mở lại các tập tin bị chúng khóa.

Theo các chuyên gia, tin tặc Bắc Triều Tiên rất trẻ tuổi, được đào tạo trong các trường tên tuổi như đại học công nghệ Kim Chaek hay đại học quân sự Kim Il Sung ở Bình Nhưỡng. Số tin tặc Bắc Triều Tiên hiện nay đã vượt quá con số 7.000.

Trong quá khứ, bọn chúng thường ra tay từ Bắc Triều Tiên hay từ Trung Quốc, nhưng công ty an ninh mạng Recorded Future đã nhận ra được « một sự hiện diện đáng kể, cả về con người cụ thể lẫn trên mạng của tin tặc Bắc Triều Tiên » tại những nước xa xôi như Kenya và Mozambique.

Theo tổng giám đốc FireEye, ông Kevin Mandia, Bình Nhưỡng nằm trong bộ tứ cùng với Iran, Nga và Trung Quốc, là thủ phạm của trên 90% vụ tấn công tin học mà công ty này phát hiện. Riêng đối với tin tặc Bắc Triều Tiên, « khó thể dự đoán chúng sẽ hành động như thế nào ». Hãng tin AP hôm nay dẫn lời cố vấn an ninh nội địa Mỹ Tom Bosser : «Tổng thống Trump đã vận dụng mọi đòn bẩy để đối phó, chỉ trừ có việc để cho dân Bắc Triều Tiên phải chết đói».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171220-tan-cong-tin-hoc-tran-tuyen-moi-cua-bac-trieu-tien

 

Brexit : Liên Hiệp Châu Âu muốn

giai đoạn quá độ kết thúc cuối 2020

Trọng Nghĩa

Trong bản khuyến cáo gởi các thành viên Liên Hiệp Châu Âu công bố vào hôm nay, 20/12/2017, Ủy Ban Châu Âu đã đề nghị là giai đoạn chuyển tiếp (hay quá độ) sau khi Anh Quốc rút ra khỏi Liên Hiêp Chậu Âu vào ngày 29 tháng 3 năm 2019, phải kết thúc vào cuối năm 2020, « không nên kéo dài quá ngày 31 tháng 12 năm 2020 ».

Trong một buổi họp báo tại Bruxelles, ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Ủy Ban Châu Âu khẳng định là « Giai đoạn chuyển tiếp phải ngắn và giới hạn trong thời gian ».

Gần đây, thủ tướng Anh Theresa May từng đề nghị một thời kỳ quá độ dài tối đa hai năm, tức là kéo dài cho đến ngày 29 tháng 3 năm 2021.

Đối với cả Luân Đôn lẫn Bruxelles, giai đoạn chuyển tiếp sau ngày Anh Quốc chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu sẽ cho phép hai bên có thời gian đàm phán về mối quan hệ song phương trong tương lai của họ, rất có thể là dưới hình thức của một hiệp định thương mại được tăng cường và cải thiện.

Các « khuyến nghị » về quá trình chuyển tiếp mà ông Michel Barnier trình bày vào hôm nay, sẽ còn phải được các nước thành viên thông qua vào cuối tháng Giêng 2018, và ngay sau đó các cuộc đàm phán với Anh Quốc sẽ chính thức mở màn.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, Liên Hiệp Châu Âu muốn Vương Quốc Anh tiếp tục tuân thủ tất cả các quy tắc của Bruxelles, nhưng không tham gia vào quá trình ra quyết định vì về mặt chính thức Anh Quốc là quốc gia bên ngoài khối Liên Âu.

Luân Đôn cũng sẽ phải tiếp tục tuân thủ chính sách thương mại của Liên Hiệp Châu Âu, tức là không được quyền ký các hiệp định thương mại tự do với các nước khác.

Châu Âu hy vọng là từ nay đến tháng Ba 2018 sẽ thỏa thuận được với Luân Đôn về các nguyên tắc chính chi phối giai đoạn chuyển tiếp.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171220-brexit-lien-hiep-chau-au-muon-giai-doan-qua-do-ket-thuc-cuoi-nam-2020