Tin khắp nơi – 20/09/2018
Tổn thất nhân mạng do bão Florence lên tới 37 người;
TT Trump thị sát vùng thiên tai
WILMINGTON, North Carolina (AP) — Tổn thất nhân mạng do bão Florence nay lên tới ít nhất là 37 người, gồm cả hai phụ nữ chết đuối khi chiếc xe van của cảnh sát chở họ đến một bệnh viện tâm thần bị nước cuốn trôi. Trong khi đó, thống đốc tiểu bang North Carolina kêu gọi hàng ngàn người di tản là chớ vội trở về nhà vì tình hình nơi đây chưa sẵn sàng.
Tổng Thống Donald Trump trong ngày Thứ Tư, 19 Tháng Chín, cũng đi thị sát khu vực thiên tai ở cả North và South Carolina.
Ông giúp người tình nguyện tại một nhà thờ phân phối thực phẩm, nước uống cho người dân tại thành phố New Bern, đi thăm các khu xóm bị tàn phá, nói chuyện và bắt tay với dân chúng ở những nơi này và thảo luận về kế hoạch trợ giúp các nạn nhân thiên tai với giới chức chính quyền địa phương và liên bang.
“Cả nước Mỹ đều lo buồn cùng quý vị. Xin Thượng Đế phù hộ các bạn,” Tổng Thống Trump nói trong buổi thuyết trình tại một căn cứ TQLC ở Havelock, tiểu bang North Carolina.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những mất mát của quý vị. Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ quý vị,” ông Trump cho hay.
Thống đốc tiểu bang North Carolina, ông Roy Cooper, hôm Thứ Tư lập lại lời kêu gọi các cư dân phải bỏ nhà đi lánh nạn bão Florence hãy khoan trở về nhà ngay trong lúc này, một phần cũng để khỏi tạo thêm gánh nặng cho các nỗ lực trợ giúp đang diễn ra và các nguy hiểm vẫn chưa đi qua. (V.Giang)
Mỹ sẵn sàng ‘tái đàm phán’ với Bắc Hàn
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói ông đã sẵn sàng tái đàm phán với Bình Nhưỡng về mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vào 2021.
Các cuộc thảo luận giữa hai bên đã bị đình trệ sau một thỏa thuận khái quát được thực hiện hồi đầu năm nay.
Nhưng cuộc gặp giữa lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in mới đây dường như đã trấn an Washington.
Sau những cuộc đàm phán với ông Moon, ông Kim đã đồng ý đóng cửa một trong những địa điểm thử nghiệm và phóng tên lửa chính của Bắc Hàn.
Bắc Hàn đồng ý đóng cơ sở thử tên lửa
‘Sói già’ Trump đang áp đảo Tập Cận Bình?
Chiến tranh thương mại và chuyện hai nước TQ
Ông Kim cũng “đồng ý về cách để đạt được phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên.
Ông Pompeo nói rằng “trên cơ sở những cam kết quan trọng này”, Hoa Kỳ “đã chuẩn bị để tham gia ngay vào các cuộc đàm phán”.
Trong một tuyên bố, ông Pompell nói ông đã mời Ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong-ho gặp ông ở New York vào tuần tới. Lời mời đã được mở rộng cho một cuộc họp thứ hai giữa các đại diện Bắc Hàn và Hoa Kỳ tại Vienna, Áo.
“Điều này sẽ đánh dấu khởi đầu của các cuộc đàm phán để biến đổi quan hệ Mỹ-Bắc Hàn thông qua quá trình phi hạt nhân hóa nhanh chóng bán đảo Triều Tiên, hoàn thành vào tháng 1/2021, theo cam kết của ông Kim, và xây dựng một chế độ hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên,” ông Pompell nói.
Tháng 1/2021 là thời gian cụ thể nhất mà hai bên đưa ra công khai cho đến nay.
Hội nghị thượng đỉnh Kim-Moon có gì?
Trọng tâm chính của hội nghị thượng đỉnh giữa ông Kim và ông Moon là vấn đề phi hạt nhân hóa.
Ông Kim bày tỏ sẵn sàng đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon – nơi mà Bắc Hàn được cho là sản xuất vật liệu được sử dụng trong các thử nghiệm hạt nhân – nếu Mỹ có một số hành động tương ứng.
Phóng viên Bicker của BBC ở Seoul nói rằng có triển vọng Mỹ sẽ ký một hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Nhưng ông Kim thậm chí còn đi xa hơn – nói sẽ đóng cửa vĩnh viễn cơ sở thử nghiệm và phóng tên lửa Tongchang-ri “với sự hiện diện của các chuyên gia từ các quốc gia liên quan”. Phóng viên BBC nói rằng đó là một bước tiến quan trọng.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Tongchang-ri đang trong quá trình bị phá hủy, bà Bicker nói thêm, và tuyên bố của ông Kim sẽ cho phép các thanh tra xác minh quy trình này.
Tongchang-ri là cơ sở phóng vệ tinh chính của Bắc Hàn kể từ năm 2012, theo nhóm giám sát 38 North.
Nó cũng đã được sử dụng để thử nghiệm động cơ của tên lửa Bắc Hàn có khả năng phóng tới Mỹ.
Bắc Hàn đã cho nổ tung cơ sở thử nghiệm hạt nhân chính tại Punggye-ri ngay trước hội nghị thượng đỉnh của ông Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng Sáu.
Hôm thứ Năm, hai nhà lãnh đạo Bắc và Nam Hàn đã tới Núi Paektu – một địa điểm trung tâm trong thần thoại Hàn Quốc. Núi lửa này nằm ở biên giới giữa Bắc Hàn và Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45583790
Hoa Kỳ muốn Triều Tiên
giải trừ hạt nhân trước năm 2021
Hoa Kỳ cho biết sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng cam kết tháo dỡ cơ sở tên lửa chủ yếu của nước này.
Hãng tin Reuters trích lời ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông đã mời Ngoại trưởng Triều Tiên tới gặp gặp ông tại tại thành phố New York vào tuần tới, với mục tiêu nhắm tới là hoàn tất việc giải trừ nhân trước tháng 1/2021.
Lên tiếng tại cuộc họp báo chung với Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un ở thủ đô Bình Nhưỡng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói Triều Tiên sẽ cho phép các chuyên gia ở “các nước liên quan” tới chứng kiến việc đóng cửa các cơ sở thử nghiệm và bệ phóng tên lửa tại tỉnh Tongchang-ri.
Ông Moon nói thêm rằng Triều Tiên cũng sẽ thực hiện các bước bổ sung như đóng tổ hợp hạt nhân ở tỉnh Yongbyon, với điều kiện Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp tương ứng.
Mốc tháng 1/2021 là thời hạn cụ thể nhất được xác định để Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân.
Ngoài việc mời Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho đến dự một cuộc họp bên lề Đại hội đồng LHQ thường niên tổ chức ở New York vào tuần tới, ông Pompeo cho biết Washington cũng đã mời đại diện của Bình Nhưỡng gặp đặc phái viên của Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên, ông Stephen Biegun, tại thành phố Vienna của nước Áo, vào một thời điểm “sớm nhất có thể.”
Trung Quốc nói họ nhiệt liệt hoan nghênh thỏa thuận đạt được ở Bình Nhưỡng giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc và mạnh mẽ ủng hộ thỏa thuận này.
Ông Vương Nghị, Ngoại Trưởng kiêm Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc, nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi hoàn toàn không thể để cho cơ hội hiếm có nhằm tạo dựng hòa bình lại bị trượt đi một lần nữa.”
https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-muon-trieu-tien-giai-tru-hat-nhan-truoc-nam-2021/4579622.html
Mỹ: Dù giảm,
nguy cơ khủng bố toàn cầu ‘phức tạp’ hơn
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 19/9 công bố một phúc trình, trong đó nhận định rằng việc Nhà nước Hồi giáo (ISIS) gần như bị đánh bại ở Iraq và Syria đã phân tán tổ chức này và khiến nguy cơ tấn công khủng bố toàn cầu phức tạp hơn nhiều.
Các nhóm như ISIS hay Al-Qaeda đã phi tập trung hóa và sử dụng các công nghệ mới như hệ thống bay không người lái loại nhỏ để gây ra các mối đe dọa xa hơn các khu vực hoạt động truyền thống của các nhóm này, AFP đưa tin, trích dẫn báo cáo về khủng bố năm 2017 của Bộ trên.
Điều phối viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về chống khủng bố, ông Nathan Sales, nói rằng so với con số năm 2016, các vụ tấn công khủng bố trên toàn cầu đã giảm 23% và con số người chết vì khủng bố đã giảm 27% trong năm 2017.
AFP đưa tin, sự sụt giảm đó phần lớn là do ISIS sụp đổ ở Iraq sau khi các lực lượng chính phủ và liên quân giành lại phần lớn lãnh thổ mà nhóm này từng kiểm soát.
Nhưng các thành viên của nhóm đã phân tán vượt ra khỏi Trung Đông và xuất hiện ở những khu vực khác, trong đó có Đông Nam Á.
Năm ngoái, theo báo cáo, các thành viên của ISIS đã tiến hành các vụ tấn công ở Anh, Tây Ban Nha, Ai Cập, Hoa Kỳ và Philippines.
Phúc trình cũng chỉ ra rằng ISIS hiện cũng đe dọa Trung Quốc và các quyền lợi của Trung Quốc khắp thế giới sau khi một số công dân nước này tham gia nhóm khủng bố.
https://www.voatiengviet.com/a/my-noi-rang-nguy-co-khung-bo-toan-cau-phuc-tap-hon/4579920.html
Bộ trưởng Tư pháp hạn chế khả năng
thẩm phán hủy các bản án trục xuất
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions hôm 19/9 công bố các giới hạn mới đối với khả năng của các thẩm phán di trú trong việc chấm dứt các vụ trục xuất. Đây là bước đi mới nhất trong một loạt các quyết định nhằm tạo thuận lợi cho việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.
Không giống như hệ thống tư pháp liên bang, các tòa án di trú của Mỹ trực thuộc Bộ Tư pháp và bộ trưởng tư pháp có thể viết lại các quan điểm do Ban Kháng nghị Di trú ban hành. Ông Sessions đã tích cực viết lại các quan điểm này nhiều hơn một cách bất thường so với những người tiền nhiệm của ông.
Trong quyết định gần đây nhất, ông Sessions cho biết các thẩm phán chỉ có thể chấm dứt hoặc bãi bỏ các trường hợp trục xuất trong “những tình huống cụ thể và giới hạn.” Thẩm phán “không có thẩm quyền cố hữu để chấm dứt thủ tục trục xuất dù một trường hợp cụ thể có thể làm nảy sinh tình huống đáng thông cảm,” ông nói.
Quyết định vạch ra các trường hợp cụ thể mà theo đó thẩm phán di trú có thể chấm dứt thủ tục trục xuất, bao gồm những trường hợp mà trong đó chính phủ không thể chứng minh được đối tượng phải bị trục xuất. Thẩm phán cũng có thể chấm dứt thủ tục trục xuất nếu chính phủ yêu cầu bãi bỏ hoặc cho phép người nhập cư thời gian để xuất hiện trong phiên tòa nghe chứng cuối cùng đối với đơn xin nhập tịch đang chờ giải quyết khi vấn đề liên quan đến “các yếu tố đặc biệt khơi ra sự thông cảm hoặc nhân đạo.”
Được chấm dứt trục xuất không có nghĩa là người nhập cư có được tư cách pháp lý, nhưng họ có thời gian để theo đuổi những ngả đường khác để được ở lại trong nước một cách hợp pháp. Bộ An ninh Nội địa có thể đặt những người nhập cư được chấm dứt trục xuất vào thủ tục trục xuất trở lại với một văn kiện buộc tội mới.
“Quyết định này là bước tiếp theo trong nỗ lực có phối hợp của bộ trưởng tư pháp nhằm làm suy yếu sự độc lập tư pháp và giảm tối thiểu vai trò của thẩm phán trong các tòa án di trú,” Kate Voigt, phó giám đốc quan hệ chính phủ tại Hiệp hội Luật sư Di trú Mỹ, nói.
Dana Leigh Marks, chủ tịch danh dự của Hiệp hội Thẩm phán Di trú Quốc gia, nói quyết định này “cho thấy một lần nữa mức độ áp lực đang đè nặng lên các thẩm phán để xúc tiến các hồ sơ theo hướng trục xuất càng nhanh càng tốt.”
Bộ Tư pháp từ chối bình luận, Reuters cho hay.
Chuyên gia pháp lý:
Cáo buộc Kavanaugh tấn công tình dục là khả tín
Sự lộ diện của người đưa ra cáo buộc tấn công tình dục đối với ông Brett Kavanaugh, nhân vật được Tổng thống Donald Trump đề cử vào Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, đã đẩy tiến trình chuẩn thuận ông này đột nhiên rơi tình thế bất định và khơi ra nhiều nghi vấn. Những diễn biến trong những ngày tới sẽ phần nào định hình kết quả chung cuộc, nhưng có những chỉ dấu cho thấy người cáo buộc đang nói sự thật, theo nhận định của các chuyên gia pháp lý.
Bà Christine Blasey Ford, một giáo sư đại học ở bang California, nói bà sẽ ra khai chứng trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện sau khi Cục Điều tra Liên bang (FBI) điều tra cáo buộc của bà rằng ông Kavanaugh đã tấn công tình dục bà vào năm 1982 tại một bữa tiệc khi hai người còn là học sinh trung học ở bang Maryland. Ông Kavanaugh kịch liệt bác bỏ cáo buộc này.
Đòi hỏi của bà Ford không nhận được sự tán đồng của Chủ tịch Ủy ban do Đảng Cộng hòa nắm giữ. Các thượng nghị sĩ Cộng hòa muốn nghe bà trình bày đầu đuôi sự việc trong một phiên điều trần đã được lên lịch vào ngày thứ Hai, dù họ vẫn nóng lòng xúc tiến cuộc biểu quyết chuẩn thuận ông Kavanaugh, người được Tổng thống Cộng hòa Donald Trump đề cử làm thẩm phán Tòa án Tối cao. Phe Cộng hòa cũng không muốn gọi thêm nhân chứng ra điều trần.
“Nếu bà ta xuất hiện và điều trần một cách khả tín thì đó sẽ là chuyện rất đáng quan tâm, và chúng tôi sẽ đưa ra quyết định,” ông Trump nói với báo giới ngày 19/9. “Nhưng tôi chỉ có thể nói điều này: [Kavanaugh] là một người mẫu mực – tôi khó lòng hình dung ông ấy lại làm chuyện gì giống như vậy,” ông Trump nhắc đến cáo buộc tấn công tình dục.
Kể từ khi công khai danh tính với báo Washington Post hôm Chủ nhật, bà Ford đã nhận nhiều email và tin nhắn mạng xã hội có nội dung tục tĩu và thậm chí những lời dọa giết, báo New York Times dẫn lời một người thân cận với bà phát biểu với điều kiện ẩn danh. Người này cho biết bà đã cùng gia đình dọn ra khỏi nhà và đang lo thu xếp vấn đề an ninh riêng tư, nói rằng tình hình hiện thời chính là điều mà bà đã lo sợ ngay từ đầu và cũng là lý do bà đã không muốn tiết lộ danh tính.
Các chuyên gia pháp lý nhận định sự ngần ngại này là một trong những yếu tố giúp gia tăng mức độ khả tín trong cáo buộc của bà, ngoài việc chuyên gia trị liệu cho bà đã ghi chép lại lời kể của bà về vụ việc từ năm 2012 và việc bà đã vượt qua một cuộc kiểm tra nói dối do một cựu đặc vụ FBI thực hiện, theo tường trình của tờ Washington Post.
Trong một bài bình luận đăng trên NBC News, bốn cựu công tố viên liên bang và một cựu luật sư tổng quyền của Lục quân Mỹ lưu ý rằng bà Ford chỉ lộ diện khi phóng viên phát hiện ra danh tính của bà và theo đuổi bà sau khi xuất hiện cáo buộc từ một nhân vật ẩn danh nhắm vào ông Kavanaugh vào tuần trước.
“Ford biết rằng bà ấy sẽ bị công kích cá nhân trước con cái, đồng nghiệp, sinh viên và bạn bè của bà ấy. Không có lời giải thích hợp lý nào cho lý do tại sao bà ấy lại bắt mình phải chịu sự làm nhục như vậy ngoài lý do mà bà ấy đã đưa ra: rằng bà ấy cảm thấy mình có nghĩa vụ của một công dân là phải lên tiếng,” nhóm chuyên gia pháp lý viết.
Năm nữ chuyên gia pháp lý này lập luận tiếp:
“Nếu bạn vẫn muốn tin rằng Ford đang nói dối, hãy tự hỏi: Tại sao bà ấy lại tạo ra một nhân chứng cho bên bị tố bằng việc nêu ra Mark Judge, người mà lúc đó và hiện giờ vẫn là bạn của Kavanaugh, là người hiện diện và tham gia vào vụ tấn công? Tại sao bà ấy lại đặt vào hiện trường một nhân vật mà, vì mối liên hệ bằng hữu của ông ta, có thể mâu thuẫn lời kể của bà ấy nếu bà ấy đang bịa ra chuyện này? Bà ấy sẽ không làm vậy.”
Các chuyên gia pháp lý khác tán đồng. Linda Fairstein, người từng là trưởng Bộ phận Tội ác Tình dục của Văn phòng Công tố viên Liên bang Khu Manhattan ở New York, nói rằng ông Judge sẽ là “một nhân chứng thiết yếu.” Bà nói hiếm khi một vụ tấn công tình dục xảy ra mà có nhân chứng hiện diện.
“Tôi thấy việc bà ấy nêu tên người có mặt tại hiện trường là rất đáng chú ý, và rằng người đó có mặt trong phòng và có vấn đề uống rượu say xỉn đến bất tỉnh,” bà Fairstein nói với báo Washington Post. Ông Judge, giờ là một nhà làm phim và một tác giả, từng mô tả về ông tương tự như vậy trong cuốn sách ông viết mang tên: “Wasted: Tales of a Gen-X Drunk.” “Đó là hành vi say xỉn mà bà ấy đã mô tả đêm hôm đó,” bà Fairstein nói thêm.
Ông Judge, trong một phát biểu thông qua luật sư của ông, nói rằng ông “không nhớ gì về vụ việc bị cáo buộc” và “chưa bao giờ thấy Brett (Kavanaugh) hành xử theo cách mà Giáo sư Ford” mô tả. Ông cũng nói rằng ông không muốn phát biểu công khai trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện.
Với đòi hỏi FBI vào cuộc và lời khước từ khai chứng của một nhân chứng được nêu tên, không rõ phiên điều trần về cáo buộc tấn công dình dục nhắm vào ông Kavanaugh có diễn ra như đúng lịch trình là thứ Hai tuần sau hay không, và liệu phe Cộng hòa Thượng viện có tiếp tục xúc tiến cuộc biểu quyết để chuẩn thuận ông hay không.
Vụ việc của bà Ford và ông Kavanaugh gợi nhớ ngay lập tức tới một vụ việc tương tự vào năm 1991 khi bà Anita Hill lên tiếng tố cáo người được đề cử vào Tòa án Tối cao, Clarence Thomas, về chuyện quấy rối tình dục. Bà Hill có ra điều trần trước Ủy ban của Thượng viện và FBI khi đó có tiến hành một cuộc điều tra về cáo buộc của bà. Cuối cùng ông Thomas được chuẩn thuận.
“Việc Ủy ban Tư pháp Thượng viện vẫn thiếu một qui trình để thẩm định các cáo buộc quấy rối và tấn công tình dục nảy sinh trong cuộc điều trần chuẩn thuận cho thấy Ủy ban đã rút rất ít kinh nghiệm từ cuộc điều trần Thomas, và còn ít hơn nữa từ phong trào #MeToo gần đây,” bà Hill viết trong một bài bình luận đăng trên báo The New York Times hôm thứ Ba, nhắc tới một phong trào đang lan rộng mà trong đó các nạn nhân nữ mạnh mẽ lên tiếng tố cáo những người đàn ông đầy quyền thế về những hành quấy nhiễu tình dục.
Sau khi đưa ra một loạt những khuyến nghị cho Ủy ban về cách thức xử lý vụ việc Ford-Kavanaugh để tránh lặp lại vụ việc của bà, bà Hill kêu gọi các thượng nghị sĩ “phải làm cho hợp lẽ.”
Phe Cộng hòa đang rất cần một chiến thắng nữa trong việc bổ nhiệm thêm một thẩm phán Tòa án Tối cao có chủ trương bảo thủ dưới nhiệm quyền của ông Trump để khuấy động tinh thần cử tri trước cuộc bầu cử giữa kì vào tháng 11, giữa lúc quyền kiểm soát Quốc hội của họ đang bị phe Dân chủ thách thức.
Nhưng việc chuẩn thuận thêm một thẩm phán bị cáo buộc có hành vi sai trái về tình dục có thể sẽ là một vấn đề bùng nổ đối với phụ nữ, một khối cử tri trọng yếu vốn đang ngả về Đảng Dân chủ ngày một nhiều, đặc biệt là kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.
Nạn Nhân Sex Của Ứng Viên TCPV Kavanaugh:
Đòi FBI Điều Tra;
CH Muốn Bỏ Phiếu Ứng Viên TCPV Kavanaugh,
DC Muốn Trì Hoãn
WASHINGTON – Sau các vận động ráo riết hồi chập tối Thứ Ba, nhóm lãnh đạo đảng CH chuẩn bị xúc tiến thủ tục phê duyệt ứng viên TCPV của TT Trump, là Brett Kavanaugh, đối tượng bị 1 giáo sư trường cao đẳng Paolo Alto tố cáo âm mưu cưỡng hiếp 36 năm trước.
Tổ luật sư đại diện giáo sư Christine Blasey Ford cho biết: thân chủ không sẵn sàng điều trần công khai, trừ phi FBI điều tra tố giác của bà – quyết định của bà Ford chứa đựng trong 1 văn thư đã đuợc chuyển tới nghị sĩ CH Chuck Grassley, chủ tịch ủy ban pháp chế Thượng Viện, nêu lên các hậu quả chính trị để phe CH chọn đáp ứng hay không.
Phóng viên nhận thấy có tín hiệu họ vẫn muốn tiến tới, tìm cách phê chuẩn ứng viên Kavanaugh, bỏ qua yêu sách của bà Ford với lập luận: bà Ford từ chối cơ hội điều trần.
Loan báo từ nghị sĩ Grassley là “Lời mời bà Ford vẫn là giá trị” – theo ông này, điều trần của giáo sư Ford là hiểu biết cá nhân và ký ức về các sự kiện, không có lý do để trì hoãn tiến trình phê chuẩn ứng viên của TT”.
Nghị sĩ Bob Corket (cùng đảng CH) nói “Nếu chúng tôi không nghe thông báo từ 2 bên, hãy biểu quyết”.
Nhưng, để tránh tiếng là thiếu thiện chí, nghị sĩ Grassley và thủ lãnh CH Thượng Viện Mitch McConnel có thể cho phép làm 1 loại điều tra nào đó – cách này có thể làm đình hoãn biểu quyết nhiều tuần, là để ngỏ khả năng ngưng trệ hoàn toàn.
Tin bổ túc trưa Thứ Tư là chủ tịch ủy ban pháp chế ra kỳ hạn chót cho bà Ford điều trần là Thứ sáu 21-9, theo Reuters.
Theo văn thư gửi nghị sĩ Grassley, bà Ford có thể làm việc với ban tham mưu của chủ tịch ủy ban pháp chế về những bước hợp lý có thể giải tỏa bế tắc.
Luật sư Lisa Banks trong tổ đại diện giáo sư Ford cho hay “Không sẵn sàng điều trần vào ngày Thứ Hai – không có điều tra hợp thức trước Thứ Hai. Không phải vội với việc điều trần”.
Giới quan sát nhận thấy phe CH cần lắng nghe phe chủ lực của đảng – 1 thẩm phán bảo thủ tại TCPV là quan trọng sinh tử với các nhà hoạt động và cả với TT Trump.
Giới lập pháp của đảng DC nhanh chóng tập trung ủng hộ giáo sư Ford, gồm phản ứng nhanh chóng từ nghị sĩ Kamala Harris (California), 1 ứng viên TT tiềm năng, và ứng viên TT 2016 là Hillary Clinton.
Thủ lãnh thiếu số Thượng Viện Chuck Schumer đã nói: Bạch ốc và phe CH nên ngưng sự chống đối không thể giải thích, cho phép sự thật phơi bày, rồi hãy tiếp tục tiến trình.
CNN nhận xét: nếu phe CH xông lên, Kavanaugh được phê chuẩn, phe DC có lý do để kích động hậu cứ cấp tiến trong cuộc bầu cử giữa kỳ Tháng 11. Và nếu phe DC có thể gây trì hoãn, họ có thể gây ngưng trệ và hoang mang với ưu tiên chính trị hàng đầu của Trump.
Tin mới nhận ghi: TT Trump tuyên bố trên đường đi thăm vùng bão lụt “Sẽ là không may nếu bà Ford không điều trần tại Thượng Viện ngày Thứ Hai 24-9 như được đề nghị”. Nhân dịp này, ông mô tả ứng viên Kavanaugh là trí thức, là hơn người – ông muốn biết giáo sư Ford trình bày thế nào để có thể có thêm ý kiến về bà ta. Ông xác nhận sự tin tưởng Thượng Viện trong việc này.
Liên quan đến ứng viên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ Kavanaugh, một bản tin khác cho biết rằng 27 năm sau vụ điều trần tố cáo ứng viên TCPV Clarence Thomas tấn công tình dục, nạn nhân Anita Hill tuyên bố với báo chí “Ủy ban pháp chế nên ngưng tiến trình biểu quyết với ứng viên Kavanaugh” – theo lời bà, cần thu thập thông tin, tập trung chuyên gia và tổ chức điều trần công khai, công bằng, vô tư, ngòai thiên kiến của chính trị hay huyền thoại, để đưa sự thật tới công chúng.
Bà Hill nhấn mạnh: vấn đề không là các điều kiện lý tưởng hay hợp lý để bà Ford điều trần công khai.
27 năm trước, bà Hill tố cáo ứng viên TCPV Clarence Thomas tấn công tình dục khi 2 người cùng làm việc tại Bộ giáo dục và ủy hội về nhân dụng công bằng (thập niên 1980). Cuộc điều trần tại Thượng Viện năm 1991 được tổ chức 5 ngày sau khi tố giác của bà Hill được công bố – vào thời gian ấy, bà cảm thấy điều trần công khai có ý nghĩa răn đe. Nay bà có cảm giác tương tự về phản ứng của đảng CH, nhưng 6 ngày là không đủ để các nghị sĩ tìm hiểu thông tin và tham vấn. Theo lời bà, có thể họ không quan tâm hay không hiểu cách xử trí với tình huống này.
Trong chương trình “Good Morning America”, bà Hill ủng hộ yêu cầu điều tra của giáo sư Ford, và điều tra là khung của điều trần – bà khuyến cáo: công dân muốn Thượng Viện làm việc nghiêm chỉnh.
Bà không trực tiếp góp ý bà Ford, nhưng hô hào ủy ban pháp chế không đẩy tới tiến trình biểu quyết phê chuẩn ứng viên Kavanaugh.
Ngoại trưởng Mỹ ‘nói không’
với việc dùng sai … dấu phẩy
Bận rộn đi vào vùng nóng khắp thế giới để giải quyết các vấn đề quốc gia đại sự, ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo, vẫn cương quyết giải quyết cho xong tình trạng sử dụng sai dấu phẩy trong các văn bản của Bộ Ngoại Giao.
CNN đưa tin cho biết, trong vài tháng qua đã có hai email do các phụ tá hàng đầu của ông Pompeo gởi ra cho toàn bộ nhân viên Bộ Ngoại Giao, kèm theo hướng dẫn chi tiết cách dùng đúng … dấu phẩy.
Dấu phẩy dùng sai trong các văn bản bao gồm cả hai lỗi: Cần dùng thì không có; không cần dùng thì lại … phẩy một cái.
CNN trích dẫn email gần nhất, gởi ra trong tháng Chín này, có nội dung “cập nhật hướng dẫn … liên quan đến việc sử dụng đúng dấu phẩy trong các văn bản quan trọng của Bộ Ngoại Giao.”
“Ông Bộ Trưởng nhấn mạnh nhu cầu sử dụng đúng dấu phẩy trong các văn bản của ông (cho cả hai trường hợp, thêm dấu phẩy hoặc thiếu dấu phẩy).” Nội dung email có đoạn. Email cũng nói ông Bộ Trưởng thích cách sử dụng dấu phẩy theo trường phái Chicago Manual of Style. Trường phái này viết rằng, “sử dụng dấu phẩy hiệu quả đòi hỏi nhận định chính xác, với mục đích làm sao cho dễ đọc.”
Không chỉ phàn nàn, các email gởi ra còn liệt kê ví dụ cụ thể về cách dùng đúng dấu phẩy, bao gồm nhiều ví dụ theo phong cách Chicago Manual of Style. Bản hướng dẫn ghi rõ khi nào thì cần thêm vào một dấu phẩy, và khi nào thì lấy dấu phẩy ra. Chưa hết, các ví dụ còn được in bằng các màu sắc khác nhau, để chỉ rõ sự khác biệt.
Dưới đây là một ví dụ:
“Chính quyền cam kết thực hiện bằng được một thỏa thuận hòa bình toàn diện và lâu dài, và tiếp tục lạc quan rằng tiến trình ấy có thể kiến tạo được.” Bản hướng dẫn nói rằng dấu phẩy trong đoạn văn này là sai: “Không sử dụng dấu phẩy khi một chủ ngữ có một vị ngữ kép.”
CNN trích lời một nhân viên cao cấp của Bộ Ngoại Giao, rằng Pompeo rất quan tâm đến phép chấm câu, và đã ra lệnh gởi ra bản hướng dẫn liên quan đến dấu phẩy.
Các đời ngoại trưởng tiền nhiệm cũng có những nguyên tắc ngữ pháp riêng liên quan đến văn bản. Chẳng hạn, cựu ngoại trưởng Colin Powell “quan tâm đến font chữ và kích thước chữ”, bà Condoleezza Rice thì kỹ lưỡng đối với kích thước phần để trắng ở bốn phía của trang giấy.
Trong khi ông Pompeo quan tâm đến ngữ pháp thì boss của ông, Tổng Thống Trump, có vẻ không quan tâm lắm đến điều này, vì ông tổng thống chỉ thích dùng Twitter, vốn không câu nệ phép chấm câu và nguyên tắc viết hoa.
https://www.voatiengviet.com/a/mike-pompeo-noi-khong-voi-dau-phay/4578798.html
Mỹ muốn đàm phán hiệp ước với Iran
Hoa Kỳ đang tìm cách đàm phán một hiệp ước với Iran xoay quanh chương trình phi đạn đạn đạo và cách hành xử của Iran trong khu vực, Reuters dẫn lời đặc sứ Mỹ về Iran cho biết ngày 19/9 trước các cuộc họp của Liên hiệp quốc tại New York vào tuần sau.
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump xé bỏ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với 6 cường quốc, Iran khước từ các nỗ lực của Mỹ muốn tổ chức đàm phán cấp cao.
Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Mike Pompeo liệt kê một chục yêu cầu mà ông nói sẽ là nội dung của thỏa thuận mới. Danh sách này sẽ phải được Thượng viện chuẩn thuận.
Đặc sứ Brian Hook nói tại Viện Nghiên cứu Hudson rằng thỏa thuận mới mà Mỹ hy vọng ký với Iran, không phải là thỏa thuận riêng giữa hai chính phủ và rằng Hoa Kỳ muốn có một hiệp ước.
Trong số các đòi hỏi đó có yêu cầu Iran phóng thích công dân Mỹ bị cầm giữ, chấm dứt chương trình phi đạn và hạt nhân, rút lui lực lượng và chấm dứt hỗ trợ tài chính cho các bên trong các cuộc xung đột tại Syria và Yemen.
Tuy nhiên, đặc sứ Hook thừa nhận rằng lãnh đạo Iran chưa quan tâm đến chuyện đàm phán với Mỹ dù Tổng thống Trump đã tuyên bố sẵn sàng gặp gỡ. Ông Hook nói Washington hy vọng là các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ buộc Tehran rốt cuộc phải ngồi vào bàn đàm phán.
Đặc sứ Hook cho biết chính quyền Trump đang mở rộng các nỗ lực ngoại giao để làm sao thị trường mua dầu Iran giảm mạnh trước ngày 4/11, khi Washington tái ban hành chế tài nhắm vào dầu của Iran.
Ông Hook nhấn mạnh “Nếu chúng ta muốn có một Trung Đông ổn định và thịnh vượng, khởi sự phải là kiềm chế Iran.”
Mỹ-Philippines thảo luận về hồ sơ Biển Đông
Những vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và khủng bố đã nổi bật trong chương trình nghị sự cuộc gặp vào hôm qua, 19/09/2018, tại Washington, giữa bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana và ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Trước đó một hôm, bộ trưởng Philippines đã tiếp xúc với đồng nhiệm Mỹ James Mattis tại Lầu Năm Góc.
Trong một thông cáo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Heather Nauert cho biết, “bộ trưởng Pompeo và bộ trưởng Lorenzana đã thảo luận về hợp tác nhằm đối phó với những thách thức an ninh khu vực, kể cả vấn đề quân sự hóa Biển Đông và đe dọa khủng bố, cũng như nỗ lực hoàn tất việc phi hạt nhân hóa ở Bắc Triều Tiên“.
Hoa Kỳ cho đến nay luôn tỏ ra rất quan ngại về việc Trung Quốc đã biến các đảo đá mà họ tranh chấp với các láng giềng ở Biển Đông thành cơ sở quân sự.
Trong cuộc gặp hôm qua, ông Pompeo cũng nhắc lại sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ về chương trình hiện đại hóa quân đội của Philippines.
Ngoài ra ngoại trưởng Mỹ chia buồn về thiệt hại nhân mạng do bão Mangkhut gây ra và đề nghị giúp đỡ nhân đạo cho nạn nhân Philippines.
Nhân chuyến công du Hoa Kỳ, ngoài hai bộ trưởng Mattis và Pompeo, ông Lorenzana còn gặp hai thượng nghị sĩ Dan Sullivan, thuộc Ủy Ban Quân Vụ và Cory Gardner, chủ tịch Tiểu Ban Đông Á và Thái Bình Dương Thượng Viện Mỹ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180920-bien-dong-lai-noi-bat-trong-cuoc-gap-my-philippines-o-cap-bo-truong
Châu Âu: Hồ sơ nhập cư và Brexit
vẫn gây chia rẽ ở thượng đỉnh Salzbourg
Cuộc họp thượng đỉnh không chính thức của Liên Hiệp Châu Âu tại Salzbourg (Áo), hôm nay 20/09/2018 bước sang ngày thứ hai và ngày cuối cùng.
Nguyên thủ nhà nước và lãnh đạo chính phủ 28 nước tập trung trên hai vấn đề nhập cư và Brexit. Bất đồng vẫn còn nhiều, và bữa ăn tối làm việc hôm qua đã rất căng thẳng.
Trên vấn đề di dân nhập cư, việc nâng quân số lượng lực lượng biên phòng Frontex từ 1500 lên 10.000 vào năm 2020 đang gặp sự chống đối của một số quốc gia như Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp.
Trên hồ sơ Brexit, thủ tướng Anh Theresa May đã thúc giục 27 nước còn lại trong Liên Hiệp là phải tỏ ra mềm dẻo hơn, nhưng không đưa thêm đề nghị nào. Phía châu Âu thì tiếp tục muốn duy trì Bắc Ai Len trong Liên Minh Thuế Quan điều mà Luân Đôn cực lực phản đối, vì đó có nghĩa là tái lập biên giới giữa Bắc Ai Len và Vương Quốc Anh.
Thông tín viên RFI, Isaure Hiace, tại Salzbourg cho biết thêm chi tiết :
Ngay cả những ý kiến tưởng chừng đã được đồng thuận thì nay lại không còn được nhất trí nữa. Như trường hợp của lực lượng biên phòng Frontex. Ủy Ban Châu Âu đã đề nghị nâng số lượng lên 10.000 người từ đây đến năm 2020, để kiểm tra hữu hiệu hơn làn sóng di dân. Nhưng Hungary đã chống lại biện pháp này, trong lúc Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý thì tỏ ra rất dè dặt. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, người cũng như Pháp vốn hết mình ủng hộ biện pháp đó, đã tỏ ý lấy làm tiếc về những bất đồng.
Một cuộc tranh cãi sóng gió khác đã bùng lên vào tối qua và cũng sẽ tiếp tục vào hôm nay, đó là Brexit. Thủ tướng Anh Theresa May và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk đã đối đáp gay gắt vào hôm qua, nhất là trên vấn đề biên giới ở Ai Len, giữa Bắc Ai Len (thuộc Anh) và Cộng Hòa Ai Len. Đây là điểm bất đồng quan trọng giữa Luân Đôn và Bruxelles. Lãnh đạo 27 nước sẽ thảo luận vấn đề này vào buổi ăn trưa hôm nay, không có mặt thủ tướng Anh, và chuẩn y một cuộc họp đặc biệt về Brexit vào tháng 11 tới đây.
Nga và Israel lời qua tiếng lại
vụ bắn nhầm máy bay ở Syria
Israel hôm 20/9 tuyên bố sẽ không ngưng các cuộc tấn công nhắm vào Syria sau khi Moscow chỉ trích Tel Aviv có “các hành động thiếu trách nhiệm và thiếu thân thiện”, dẫn tới việc hỏa lực của Syria bắn nhầm một máy bay Nga.
15 quân nhân của Nga đã tử vong khi chiếc máy bay do thám IL-20 bị bắn rơi ở miền bắc Syria hôm 17/9.
Theo Reuters, Nga nói rằng Syria bắn hạ chiếc máy bay ngay sau khi chiến đấu cơ Israel tấn công khu vực. Moscow cũng cáo buộc Israel gây ra các tình thế nguy hiểm khi không thông báo trước.
Viết trên Twitter, đại sứ quán Nga ở Tel Aviv nói rằng hành động của Không lực Israel “đã đẩy máy bay Il-20 của Nga vào tình thế nguy hiểm và dẫn tới cái chết của 15 quân nhân”.
Cơ quan ngoại giao này cũng nói thêm rằng Nga “sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để loại trừ mối đe dọa tới tính mạng và an ninh của quân đội [Nga] đang chống khủng bố”.
Israel hôm 20/9 đã cử người đứng đầu lực lượng không quân của nước này tới Moscow để trao đổi về vụ việc trên.
Dù bày tỏ sự đáng tiếc về cái chết của các quân nhân, Israel bác bỏ gây ra các hành động sai lầm và đổ lỗi cho hỏa lực phòng không Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman nói rõ trên đài phát thanh quân đội nước này rằng Israel sẽ không ngưng các cuộc tấn công ở Syria.
Phi cơ Nga bị bắn hạ ở Syria,
Israel cử phái đoàn đến Matxcơva
Dù tình hình đã tạm thời lắng dịu, Tư lệnh Không Quân Israel dẫn đầu một phái đoàn đến Matxcơva hôm nay, 20/09/2018 để làm sáng tỏ bối cảnh một chiếc máy bay Nga đã bị đồng minh Syria bắn hạ trong một cuộc oanh kích của Không quân Israel.
Tối thứ Hai vừa qua, phòng không Syria đã nhắm bắn nhầm một chiếc Il-20, bay trên Địa Trung Hải, làm 15 quân nhân Nga trên máy bay thiệt mạng. Trong lúc đó, Không quân Israel tấn công vào kho đạn của quân đội Syria ở Lattaquié, vùng tây bắc.
Nga đã tố cáo không quân Israel sử dụng máy bay làm bình phong tránh đạn. Israel đáp trả là không đúng vì máy bay Nga ở xa nơi mà không quân Israel tấn công, vả lại máy bay Nga bị bắn rơi vào lúc mà máy bay Israel đã trở về không phận của mình.
Quân đội Israel muốn làm rõ tình hình, và trong một thông cáo cho biết là tướng Amikam Norkin đến Matxcơva để trình bày về “báo cáo tình hình tối hôm đó…trên mọi mặt”.
Những phản ứng gay gắt ngay sau sự cố đã dịu dần. Thủ tướng Israel, trong cuộc điện đàm hôm thứ Ba đã chia buồn với tổng thống Nga và đề nghị giúp đỡ trong cuộc điều tra.
Theo thông cáo của điện Kremlin, tổng thống Putin cũng dịu giọng cho đó là “một chuỗi sự kiện ngẫu nhiên dẫn đến tai nạn thảm khốc” và “kêu gọi phía Israel không để tái diễn những tình huống như vậy”.
Chỉ có một người cho đến hôm qua là không nguôi giận : tổng thống Syria Bachar al-Assad. Ông cho là « sự cố bất hạnh đó là kết quả của thái độ kiêu ngạo và đồi bại của Israel ».
Israel từ mấy tháng nay đã mở chiến dịch tấn công nhắm vào quân đội Syria và đồng minh Iran của họ. Israel không che giấu lý do là muốn ngăn chặn, không để cho Iran sử dụng Syria như bàn đạp để tấn công Israel.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180920-phi-co-nga-bi-ban-ha-o-syria-israel-cu-phai-doan-den-matxcova
Nga : Lần đầu tiên
chính quyền hủy kết quả bầu lãnh đạo cấp tỉnh
Hôm nay, 20/09/2018, ủy ban bầu cử tỉnh Primorski Krak, miền viễn đông nước Nga, đã ra quyết định hủy bỏ kết quả bầu tỉnh trưởng, sau khi dân chúng tố cáo đã có nhiều gian lận xảy ra trong cuộc bỏ phiếu.
Theo AFP, biểu tình phản đối kết quả bầu cử đã bùng phát tại tỉnh Primorski Krak hôm thứ Hai 17/09, sau khi kết quả kiểm 95% số phiếu cho thấy tỉnh trưởng mãn nhiệm Andrei Tarassenko – thuộc đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất – chiến thắng đối thủ, một ứng cử viên của đảng Cộng Sản, với tỉ lệ chênh lệch khoảng 1%.
Hôm qua, 19/09, Uỷ Ban Bầu Cử Quốc Gia đã ghi nhận nhiều trường hợp « cử tri bị cưỡng bức đến phòng phiếu » và hiện tượng « mua phiếu bầu » trong cuộc bỏ phiếu vòng hai, hôm Chủ Nhật 16/09. Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia cũng đồng thời khuyến nghị địa phương này hủy bỏ kết quả bỏ phiếu.
Tỉnh trưởng mãn nhiệm Tarassenko, cũng là ứng cử viên được coi là thắng cuộc trong cuộc bỏ phiếu hồi tuần trước, đã tuyên bố chấp nhận quyết định nói trên, trong lúc ứng cử viên đối thủ Andrei Ichtchenko cho biết sẽ khiếu nại lên tư pháp, vì ông coi chính ông mới là người thắng cử.
Tỉnh Primorski Krak, có Vladivostok là thủ phủ, giáp biên giới với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, và nhìn ra biển Nhật Bản, được coi là một trong các vùng phát triển nhất về kinh tế tại miền đông nước Nga.
Trong các bầu cử địa phương gần đây, đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất thu được lượng phiếu bầu thấp kỷ lục kể từ 10 năm nay, trong bối cảnh dân chúng nhiều nơi tại Nga đang hết sức bất mãn về dự án cải cách hưu trí của chính quyền.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180920-nga-lan-dau-tien-chinh-quyen-huy-ket-qua-bau-lanh-dao-cap-tinh
Ông Abe tái đắc cử chức Thủ tướng Nhật
thêm nhiệm kỳ ba
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa tái đắc cử vị trí người đứng đầu Đảng Dân Chủ Tự Do (LDP) trong một chiến thắng được coi là áp đảo vào ngày thứ năm, 20/9. Điều này có nghĩa là ông sẽ ở lại vị trí Thủ tướng Nhật Bản thêm nhiệm kỳ thứ 3.
Ông Abe nhậm chức Thủ tướng Nhật vào tháng 12 năm 2012 và đã nhận được sự ủng hộ của phe bảo thủ trong việc đem lại ổn định, tiếp tục các chính sách kinh tế và ngoại giao của Nhật. Với nhiệm kỳ thứ ba này, ông Abe sẽ trở thành vị Thủ tướng tại vị lâu nhất ở đất nước Phù tang nếu tính đến hết nhiệm kỳ là vào tháng 8 năm 2021.
Hiện ông Abe cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng dân số già nhanh và đang giảm đi, các vấn đề an ninh đến từ những đe dọa của chương trình hạt nhân Bắc Hàn và các hoạt động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực, bên cạnh đó là những bất đồng với đồng minh Mỹ liên quan đến vấn đề thương mại.
Ông Abe cho biết ông kiên quyết thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp có từ năm 1947 do Mỹ soạn thảo. Ông Abe muốn hiến pháp Nhật cho phép quân đội Nhật được tham gia vào các tranh chấp quốc tế.
Đài Loan cáo buộc TQ ráo riết tấn công mạng
Đài Bắc lên tiếng rằng Bắc Kinh, cũng như Nga và Bắc Hàn, đang dùng đảo quốc làm nơi thử nghiệm trước khi nhắm mục tiêu Hoa Kỳ và các quốc gia khác, theo báo Hong Kong.
Tờ South China Morning Post hôm 20/9 cho hay, Đài Loan đang chuẩn bị chống đỡ chiến dịch tấn công mạng từ Trung Quốc nhằm làm suy yếu Tổng thống Thái Anh Văn trước cuộc bầu cử địa phương vào tháng 11.
Bắc Kinh, cùng với Nga và Bắc Hàn, có thể đang tăng cường thử nghiệm các kỹ thuật tấn công mạng nhắm vào Đài Loan trước khi dùng chúng để nhắm vào Mỹ và các cường quốc khác, theo chính phủ Đài Loan.
Đài Bắc muốn tăng trao đổi quân sự với Mỹ
Bà Thái Anh Văn: ‘Không ai ‘xóa bỏ’ được Đài Loan’
Dân TQ ghét cả quán cà phê đón bà Thái Anh Văn
Đài Loan mất thêm đồng minh ngoại giao
TQ phạt hãng Nhật vì công nhận Đài Loan
Các thử nghiệm này liên quan đến các loại mã độc mới chủ yếu nhắm mục tiêu các cơ quan chính phủ gồm Bộ Ngoại giao và Bộ Kinh tế Đài Loan, ông Howard Jyan, tổng giám đốc cơ quan An ninh mạng Đài Loan cho biết.
“Dựa trên so khớp mẫu và các đặc điểm khác thì có khả năng là phần lớn các cuộc tấn công mạng đến từ các nhóm được Trung Quốc hậu thuẫn,” Jyan nói với Bloomberg News.
“Chúng tôi tin rằng số lượng các cuộc tấn công mạng sẽ tăng cao trước cuộc bầu cử. Tin tặc sẽ toan tính can thiệp vào sự kiện này.”
‘David chống lại Goliath’
Từ khi nhậm chức vào tháng 5/2016, Tổng thống Thái Anh Văn và Đảng Dân Tiến từ chối công nhận yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh với đảo quốc.
Bắc Kinh luôn xem đảo quốc này là thuộc lãnh thổ của mình và sẽ được thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết.
Gần đây, Bắc Kinh dùng mọi cách để chèn ép chính quyền của bà Thái: giành lại các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, tăng cường các đợt tập trận quân sự ở eo biển Đài Loan, gây áp lực buộc các hãng hàng không và khách sạn ghi chú Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
“Ở một mức độ nào đó, Đài Loan chống lại Trung Quốc giống như David chống lại Goliath,” Ben Read, chuyên gia phân tích gián điệp mạng tại công ty bảo mật FireEye nhận định.
Hàng không Mỹ vẫn chưa bỏ tên Đài Loan trước 9/8
Hàng không Mỹ phải bỏ tên Đài Loan vì sợ TQ
Có ghi nhận Chính phủ Đài Loan đã chống đỡ thành công 360 cuộc tấn công mạng trong năm 2017, Jyan cho biết. Nhưng số lượng các mưu toan tấn công lớn hơn nhiều: Khoảng 20 đến 40 triệu lượt được tiến hành mỗi tháng vào năm ngoái, ông ước tính.
Các máy chủ tại cơ quan dân sự, quân sự và nghiên cứu của Đài Bắc được nhắm mục tiêu, gồm hệ thống bệnh viện bị tấn công để ăn cắp thông tin sức khỏe cá nhân và các dữ liệu khác.
Hồi tháng trước, bà Thái nói với cựu tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ rằng chuyến thăm của ông “thể hiện quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai bên”, báo Hong Kong viết.
Theo South China Morning Post, Đài Loan và Hoa Kỳ đang tăng cường quan hệ quân sự qua việc Tổng thống Thái Anh Văn kêu gọi “bình thường hóa” việc Mỹ bán vũ khí cho đảo quốc.
Tuy nhiên, giới quan sát viên nói rằng bất kỳ hoạt động kết nối nào của Đài Bắc với Mỹ nên bắt đầu trong một lĩnh vực ít nhạy cảm hơn như cứu trợ nhân đạo để tránh chọc giận Bắc Kinh. Trung Quốc từng cảnh báo Washington về việc trợ giúp quân sự cho Đài Bắc.
Các nhà phân tích ở đại lục nhận định bà Thái đang cố gắng nâng cao vị thế của đảo quốc trên trường quốc tế, trong khi Mỹ “đang chơi lá bài Đài Loan”.
Trong cuộc gặp với Đô đốc Scott Swift, người từng là tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương tại Đài Bắc hôm 24/8, bà Thái nói rằng các cuộc tập trận quân sự của Bắc Kinh mang tính đe dọa và chuyến viếng thăm của ông “không chỉ cải thiện giao lưu quân sự mà còn thể hiện quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai bên.”
Bà Thái cũng nói với ông Swift rằng đảo quốc này đang trông đợi “bình thường hóa” việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và chính phủ của bà muốn có thêm nhiều hoạt động trao đổi quân sự hơn giữa hai bên, thông cáo do văn phòng tổng thống Đài Loan phát đi cho hay.
Cuộc gặp của họ diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng với mức ngân sách quốc phòng 716 tỷ đôla, gồm các điều khoản kêu gọi cải thiện năng lực phòng thủ cho Đài Loan nhằm đương đầu với việc phô trương sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh, đồng thời tăng cường trao đổi quân sự cấp cao giữa Mỹ và Đài Loan như mở rộng hợp tác về trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Theo Reuters, bà Thái Anh Văn từng tuyên bố trước chuyến thăm các đồng minh mới đây: “Đi ra nước ngoài, cả thế giới có thể nhìn thấy Đài Loan. Họ có thể nhìn thấy đất nước chúng ta cũng như sự ủng hộ của chúng ta dành cho nền dân chủ và tự do. Chúng ta chỉ cần cứng rắn để không ai có thể xóa bỏ sự tồn tại của Đài Loan.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45584020
Trung Quốc ngày càng hà khắc
với tự do tín ngưỡng
Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình không buông tha và sẵn sàng trấn áp ngày càng mạnh mẽ tự do tôn giáo. Ví dụ mới nhất của sự cuồng ám của đảng Cộng sản Trung Quốc trong vấn đề này là sắp tới, chính phủ sẽ cấm các tín đồ phát tán trên mạng xã hội các hình ảnh hay những đoạn video lễ rửa tội, lễ cầu nguyện hay các lễ Phật giáo.
Báo Pháp Le Figaro ngày 17/09/2018 có bài « Tại Trung Quốc, cấm đoán tự do tín ngưỡng sẽ còn đi đến đâu ? » RFI xin giới thiệu.
1. Phải chăng đảng Cộng Sản Trung Quốc từ trước đến giờ vẫn luôn đàn áp tôn giáo ?
Các tôn giáo từng nếm mùi khổ ải dưới thời Mao Trạch Đông. Nhất là trong suốt cuộc Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976). Cuộc cách mạng này đã tìm cách triệt tiêu tôn giáo. Các địa điểm thờ phụng đã bị đóng cửa hay phá hủy hàng loạt, và nhiều chức sắc tôn giáo đã bị cầm tù hay bị đưa đi các trại cải tạo lao động.
Kể từ những năm 1980, sau khi bắt đầu cải cách kinh tế và mở cửa đất nước, chế độ cộng sản đã tỏ ra khoan dung hơn. Các tín đồ thuộc năm tôn giáo lớn – bao gồm Phật giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Hồi giáo và Lão giáo – đã được phép xây dựng các điểm tôn thờ và thực thi tín ngưỡng, với điều kiện trung thành với các cơ quan mặt trận tổ quốc, do đảng Cộng sản Trung Quốc giám sát.
Tuy nhiên, nhiều tín đồ công giáo từ chối sự bảo hộ này và vẫn muốn tiếp tục lui tới các giáo hội « bí mật », nơi mà họ từng đến lánh nạn dưới thời Mao Trạch Đông. Chính quyền lúc bấy giờ ít nhiều cũng nhắm mắt làm ngơ và các nhà thờ này đã phát triển cho dù cũng có lúc xẩy ra các đợt truy bức.
Sau Thế Vận Hội Mùa Hè 2008, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu siết chặt kiểm soát tôn giáo trong khuôn khổ chương trình tái kiểm soát toàn diện xã hội. Chủ trương này đã thật sự tăng tốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền vào cuối năm 2012. « Hoàng đế đỏ » đã cảnh báo : Không nương tha tất cả những ai đe dọa uy quyền của Đảng.
Tháng 10/2017, ông còn nhấn mạnh rằng tôn giáo nhất thiết phải thuận theo « các thực tế của Trung Quốc » và « xã hội xã hội chủ nghĩa ». Mục tiêu của sự Hán hóa tín ngưỡng này rất đơn giản: Các tôn giáo phải đi theo đường lối của Đảng.
Các quy định ban hành gần đây áp đặt điều gì ?
Trong khi mà các tôn giáo đã bị giám sát nghiêm ngặt, những quy định mới nhằm quản lý chặt hơn việc thờ phụng đã có hiệu lực từ tháng 2/2018. Về mặt chính thức, các quy định này nhằm « ngăn chặn tư tưởng cực đoan », « chống sự thâm nhập » của nước ngoài và hạn chế các hoạt động hành đạo không được Nhà nước công nhận. Các chỉ thị đó nghiêm cấm các khoản tài trợ từ nước ngoài và siết chặt điều kiện mở các trường học tôn giáo.
Kể từ khi các quy định này được áp dụng, các đền thờ Hồi giáo chẳng hạn, buộc phải treo cao quốc kỳ để « phát huy tinh thần yêu nước ». Các vị chức sắc buộc phải dự các khóa đào tạo tìm hiểu Hiến Pháp, kể cả tư tưởng « Tập Cận Bình » vừa được đưa vào Hiến Pháp từ hồi tháng Ba, cũng như là các « giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội ».
Một dự thảo luật vừa được tiết lộ dự kiến nghiêm cấm các hình thức trao đổi trên mạng – từ hình ảnh, video cho đến bài viết – về lễ nghi tôn giáo. Được cho là nhằm ngăn chặn việc truyền đạo, dự thảo luật còn cấm « phân phát các sản phẩm tín ngưỡng » hay « xúi giục trẻ vị thành niên tham gia vào các hoạt động tôn giáo ». Văn bản này được phổ biến công khai cho người dân tham khảo, góp ý, nhưng đảng cộng sản ít khi sửa đổi các loại dự luật này.
Việc đưa vào khuôn phép còn nhắm đến cả các đảng viên, theo yêu cầu của ông Tập Cận Bình, họ đều phải là những người vô thần « không gì lay chuyển được ». Theo một thông tư mới nhằm củng cố kỷ cương, những ai không từ bỏ được niềm tin tín ngưỡng bất chấp sự « giáo dục » của đảng, được yêu cầu ra khỏi đảng Cộng sản.
Phải chăng tín đồ công giáo đặc biệt bị nhắm đến nhiều nhất ?
Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn ngờ vực những tôn giáo nào có liên hệ với nước ngoài : Cơ Đốc giáo, Hồi giáo và Phật giáo Tây Tạng. Sự bùng phát nhanh chóng các giáo hội Tin Lành không chính thức tại nhiều thành phố trong 15 năm gần đây đã khiến đảng Cộng sản Trung Quốc lo lắng tột độ. Tháng 9/2018, chính quyền Bắc Kinh đã cho giải thể một trong những tổ chức quan trọng kiểu này : Hội Thánh Đức Chúa Trời – Giáo hội Sion. Ông Dương Phượng Cương (Yang Fenggang), giáo sư trường đại học Purdue tại Mỹ cho rằng « điều đó có nghĩa là đảng Cộng sản quyết tâm loại bỏ những cộng đồng độc lập này trên khắp cả nước ».
Năm 2016, hơn 1500 cây thánh giá trên nóc các nhà thờ, chủ yếu là Tin Lành, đã bị phá dỡ tại tỉnh Chiết Giang. Theo nhiều nhà quan sát, chiến dịch này sau đó đã được mở rộng sang cả nhiều vùng khác như tỉnh Hà Nam. Cùng lúc, Bắc Kinh gia tăng kiểm duyệt sách vở kinh thánh, theo như cáo buộc của những nhà quan sát trên.
Giáo sư Dương ước tính « hiện nay số lượng tín đồ Cơ Đốc giáo Trung Quốc có thể gần được 100 triệu người (cao hơn số lượng đảng viên hiện có của đảng Cộng sản Trung Quốc là 90 triệu người) và rất có thể số tín đồ này sẽ lên tới 224 triệu người vào năm 2030 ». Nhà nghiên cứu chính trị học Lâm Hòa Lập (Willy Lam), trường đại học Hồng Kông còn nhấn mạnh thêm, chế độ « đang tỏ ra căng thẳng trước việc một cộng đồng đông đảo và có tổ chức đến thế có thể phản bác quyền lực của đảng ».
Hơn nữa, các hội đoàn Tin Lành « không chính thức » ngày càng thu hút nhiều cán bộ doanh nghiệp và giới trẻ Trung Quốc có học vấn. Đó chính là những tầng lớp mà đảng Cộng Sản đang muốn dựa vào để xây dựng một siêu cường hiện đại.
Theo giới quan sát, năm 2018 này, chính quyền đã gia tăng áp lực và các hành động sách nhiễu nhằm làm nản lòng các tín đồ Cơ đốc giáo đến những nhà thờ không được Nhà nước thừa nhận. Hành động trấn áp này cũng liên quan đến cả những người công giáo được cho là « bất hợp pháp », vào lúc mà Bắc Kinh và Vatican đang trong quá trình thương thuyết để xích lại gần nhau.
Tại Hà Nam, nhiều nhà thờ đã bị phá hủy, lễ cầu nguyện bị cấm cho trẻ em tham dự và nhiều linh mục buộc phải cung cấp danh sách các tín đồ cho chính quyền, theo như lời một số nhân chứng với AFP. Trung Quốc có khoảng từ 10-12 triệu người công giáo, được phân bổ gần như ngang nhau giữa một bên là giáo hội Nhà nước và bên kia là giáo hội được Giáo hoàng công nhận.
Số phận nào dành cho người theo đạo Hồi ?
Trung Quốc đặc biệt quan ngại về tình hình tỉnh Tân Cương, nơi sinh sống của 14 triệu người theo đạo Hồi và nơi diễn ra nhiều cuộc bạo động trong những năm gần đây. Chính quyền Bắc Kinh, do ngờ vực những mối liên hệ có thể có giữa những người đấu tranh « đòi ly khai » với các nhóm thánh chiến quốc tế, nên đã đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát mọi sinh hoạt trong cuộc sống của người Hồi giáo. Từ năm 2017, chính phủ đã cấm trùm khăn toàn thân và để « râu bất bình thường », đồng thời truy xét trong điện thoại cầm tay từng dấu hiệu của hiện tượng « cực đoan hóa ».
Thế nhưng, mọi việc còn đi xa hơn. Nhiều báo cáo lên án việc thành lập một mạng lưới rộng lớn các trại « cải tạo » ở tỉnh này. Có khoảng hàng trăm nghìn cho đến một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan đã bị đưa đến các trại này từ năm 2017, theo nhà nghiên cứu người Đức, ông Adrian Zenz.
Nhiều lời chứng do các tổ chức phi chính phủ và báo chí thu thập được cũng cho thấy những người bị giam giữ hứng chịu một sự tẩy não khủng khiếp. Mục đích là buộc họ phải từ bỏ bản sắc tôn giáo, cưỡng bức họ ca tụng đảng cộng sản và bôi nhọ chính nền văn hóa của họ.
Tổ chức Human Rights Watch của Mỹ đã tố cáo « các hành động vi phạm nhân quyền tại Tân Cương trên diện rộng chưa từng thấy ở Trung Quốc kể từ nhiều thập niên qua ». Liên Hiệp Quốc cũng bắt đầu lên tiếng, kêu gọi Bắc Kinh cho phép các nhà quan sát đến những nơi này. Trung Quốc đã đáp trả rằng họ không hề truy bức người Hồi giáo, mà chỉ thiết lập các « trung tâm giáo dục ».
Phải chăng một số tôn giáo được đối xử nhẹ tay hơn ?
Dù là mọi hình thức thờ phụng đều bị giám sát, nhưng Phật giáo Trung Hoa (tôn giáo hàng đầu có khoảng từ 185 và 250 triệu tín đồ) hay như Lão giáo được chiếu cố hơn. Những tôn giáo truyền thống này quả thật được đánh giá là thích hợp với « sự đổi mới lớn » của đất nước theo như ý của Tập Cận Bình.
Lãnh đạo Bắc Kinh, vốn đang tìm cách củng cố sự gắn kết của xã hội, cho rằng những hệ thống tư tưởng này bám rễ sâu trong văn hóa Trung Quốc có thể có ích để đáp ứng sự hẫng hụt về tinh thần mà đảng hoặc cuộc chạy đua theo tiền bạc không tài nào khỏa lấp được.
Theo giới chuyên gia, khi làm điều này, ông Tập Cận Bình còn củng cố hơn nữa quyền lực của mình, bởi vì các chức sắc Phật giáo chấp nhận phục tùng sự chi phối của đảng cộng sản và các quy định nhiều hơn giới lãnh đạo các tôn giáo khác.
Tuy nhiên, đảng cộng sản cũng đang tìm cách chống lại hiện tượng « buôn thần bán thánh » của đạo Phật. Ông Ian Johnson, tác giả cuốn « The Souls of China – tạm dịch Tâm linh Trung Hoa », giải thích : « Đảng cộng sản hiểu rằng rất nhiều đền thờ đã trở thành điểm kinh doanh, điều đó khiến cho các đền thờ ngày càng kém hấp dẫn trong con mắt tầng lớp trung lưu ở các thành phố lớn, mà tầng lớp này ngày càng phức tạp tinh vi hơn. ». Chế độ muốn tránh bằng mọi giá tầng lớp dân cư này tiếp tục gia nhập cộng đồng tín đồ Cơ Đốc giáo, cộng đồng được xem là ít tham nhũng hơn.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180920-trung-quoc-ngay-cang-ha-khac-voi-tu-do-tin-nguong
Diễn văn lịch sử đầu tiên
của Tổng thống Moon ở Bắc Hàn
Tổng thống Moon Jae-in là lãnh đạo Nam Hàn đầu tiên phát biểu trước công chúng Bắc Hàn khi ông tham dự màn đồng diễn thể thao lớn ở Bình Nhưỡng tối hôm thứ Tư (19/9).
Ông Moon đang có chuyến thăm ba ngày tới Bình Nhưỡng. Ông dự Đại hội thể thao Arirang Games và có bài diễn văn phát biểu.
Trong bài diễn văn dài bảy phút, ông nói hai nước nên “là một”, như trong thời kỳ trước chiến tranh.
Mỹ sẵn sàng ‘tái đàm phán’ với Bắc Hàn
Trump có thể mời Kim Jong-un sang Mỹ
Kim, ngôi sao mới nổi trong lớp lãnh đạo 2018
Đại hội thể thao Arirang Games là một trong những sự kiện mang tính tuyên truyền lớn nhất của Bình Nhưỡng.
Hàng chục nghìn người tham gia vào các màn đồng diễn múa được dàn dựng và thể dục đồng diễn, kể những câu chuyện về lịch sử và thần thoại Hàn Quốc. Năm nay họ kỷ niệm 70 năm Bắc Hàn.
Cả hai nhà lãnh đạo nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ 150.000 người dân khi họ bước vào sân vận động May Day ở Bình Nhưỡng.
“Tôi đề nghị chúng ta nên chấm dứt hoàn toàn 70 năm thù địch và có bước tiến lớn hướng tới hòa bình để lại trở thành một dân tộc,” ông Moon nói trong bài phát biểu được phát trực tiếp ở Nam Hàn, nhưng không phải ở Bắc Hàn.
Ông cũng nêu vấn đề phi hạt nhân hóa trong bài diễn văn của mình, kêu gọi loại bỏ “vĩnh viễn” vũ khí hạt nhân.
Andray Abrahamian, người tham dự Diễn đàn Thái Bình Dương nói với BBC: “Bài diễn văn rõ ràng hướng đến khán giả Bắc Hàn.”
Ông Abrahamian nói thêm rằng không khí tại sân vận động “cực kỳ xúc động”. Ông cũng nói rằng “các màn biểu diễn kết hợp với diễn văn của ông Moon được thiết kế để lôi kéo tình cảm công chúng”.
“Nó thực sự là một lời kêu gọi tình cảm của ông Moon để nhận được sự ủng hộ ở Bắc Hàn. Tôi chắc chắn rằng sự nổi tiếng hiện giờ của ông ở Bắc Hàn sẽ là chưa từng có.”
Đại hội thể thao Arirang Games, đã không được tổ chức trong nhiều năm, là một phần quan trọng của hoạt động tuyên truyền trong nước của Bắc Hàn, nhấn mạnh tính đồng nhất, lịch sử sẻ chia và vị trí tôn kính của lãnh tụ.
Kim Jong-un lần đầu tiên nói ‘có thể’ họp với Mỹ
Kim Jong-un cảm ơn Nam Hàn vì nỗ lực ‘ấn tượng’
‘Gắn một nụ cười’ lên gương mặt Kim Jong-un
Các nhóm nhân quyền đã từng cáo buộc Bắc Hàn ép buộc hàng ngàn trẻ em tham gia sự kiện như này.
“Lịch trình tập luyện khắt khe cho đại hội thể thao… là nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn của trẻ em,” Ủy ban Liên Hiệp Quốc về báo cáo điều tra về nhân quyền ở Bắc Hàn năm 2014 cho biết.
Báo cáo cũng cho biết thêm rằng đại hội thể thao thu hút một lượng lớn khách du lịch, “những người thường không nhận biết về các vi phạm nhân quyền mà những đứa trẻ phải chịu đựng và bị buộc tham gia”.
Trong một động thái mang tính biểu tượng cao, hai nhà lãnh đạo Nam và Bắc Hàn đã đến thăm núi Paektu để kết thúc hội nghị thượng đỉnh ba ngày.
Ngọn núi này giữ vị trí trung tâm trong thần thoại Hàn Quốc, các hình ảnh trong quốc ca của Nam Hàn và rất nhiều sự tuyên truyền khác nhau ở Bắc Hàn.
Ông Moon dường như cũng khơi mào bình luận ở Bắc Hàn khi ông cúi chào những người chào đón ông ở sân bay.
Một người đào ngũ Bắc Hàn nói trên đài phát thanh địa phương rằng việc cúi gập người 90 độ là cách công dân Bắc Hàn chào đón lãnh tụ của họ, không phải cách cúi người khác.
Ông nói thêm rằng cách cúi người sâu sẽ có tác động sâu sắc tới người dân Bắc Hàn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45586873
Thượng đỉnh Liên Triều 3 :
Tổng thống Hàn Quốc táo bạo hay ngây thơ ?
Thượng đỉnh Liên Triều lần 3 kết thúc ngày 20/09/2018 trên đỉnh núi huyền thoại Paektu. Thông báo về kết quả đạt được trong thượng đỉnh lần này lại nhen nhóm nhiều hy vọng về tiến trình phi hạt nhân hóa và tái lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời cũng dấy lên nhiều nghi ngờ về thực tâm của chính quyền Bắc Triều Tiên.
Câu hỏi đang gây tranh luận trong giới phân tích là phải chăng tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã táo bạo hay ngây thơ khi chấp nhận gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ba lần trong năm nay và còn mời lãnh đạo Bắc Triều Tiên tới Seoul.
Nếu nhìn vào các kết quả đạt được trong thượng đỉnh Liên Triều 3, xã luận báo Anh The Independent, trên mạng ngày hôm qua 19/09, cho rằng có nhiều yếu tố cho phép người dân hai nước Triều Tiên có thể lạc quan.
Thứ nhất, cả Mỹ và lãnh đạo hai nước Triều Tiên đều mong muốn chấm dứt tình trạng chiến tranh. Vì tình trạng đình chiến, kéo dài từ năm 1953 đến nay, cản trở việc thực hiện nhiều ưu tiên khác.
Thứ hai, khác với quá khứ, Bắc Triều Tiên lần này có vẻ thực tâm và đang có những cử chỉ được đánh giá là « thành thật » trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ví dụ, một số địa điểm thử hạt nhân và bệ phóng tên lửa đạn đạo đã được phá dỡ, cho dù một số người nói rằng đó là những cơ sở không thể sử dụng được nữa. Về phần còn lại của chương trình hạt nhân, Bắc Triều Tiên cam kết thực hiện hủy bỏ, với điều kiện Hoa Kỳ cũng phải có những đáp ứng, nhượng bộ tương xứng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180920-thuong-dinh-lien-trieu-3-tong-thong-han-quoc-tao-bao-hay-ngay-tho
Singapore đề xuất Facebook,
Google xử lý tin giả
Hôm 20/9, một ủy ban quốc hội Singapore nói chính phủ nên xem xét ban hành luật để đảm bảo các công ty mạng xã hội phải kiểm soát tin tức giả mạo và những người có trách nhiệm để xảy ra tình trạng này phải bị xử phạt.
Hãng tin Reuters dẫn lời một ủy ban được thành lập nhằm đưa ra các kiến nghị để loại trừ “việc đưa tin tức giả một cách có chủ ý trên mạng,” nói rằng các công ty như Facebook, Google và Twitter cần phải có chính sách xử lý việc đăng tải các nội dung sai sự thực.
Ông K. Shanmugam, Bộ trưởng Bộ luật pháp, một thành viên của ủy ban, nói với các phóng viên: “Tôi nghĩ tất cả các bên đã nhận thức được rằng các công ty công nghệ và các chính phủ có trách nhiệm phải can thiệp để hoàn tất nhiệm vụ của mình.”
Ông nói chính phủ Singapore phải đáp ứng các khuyến nghị này với thái độ “khẩn trương và nghiêm túc.”
Trong một tuyên bố, Bộ Luật pháp và Bộ Truyền thông cho biết chính phủ đã chấp nhận trên nguyên tắc các khuyến nghị và sẽ làm việc với các bên liên quan để thông qua các luật lệ và các quy định khác trong vài tháng tới.
Các công ty công nghệ toàn cầu đã bày tỏ lo ngại về đề xuất xử lý tin tức giả của Singapore, họ nói các quy định hiện hành đã quá đầy đủ rồi.
Trong một tuyên bố gửi qua email vào hôm 20/9, công ty Google nói họ xem việc “đăng tải thông tin sai sự thật” là một vấn đề quan trọng và mong muốn tiếp tục làm việc với chính phủ Singapore để giải quyết vấn đề này.
Twitter cho biết công ty này cũng quan ngại “sâu sắc về những vấn đề liên quan tới việc cố ý tung thông tin sai sự thật” và “các tác hại tiềm ẩn của vấn đề này đối với quyền biểu đạt quan điểm trong các cuộc tranh luận dân sự và chính trị.”
https://www.voatiengviet.com/a/singapore-de-xuat-facebook-google-xu-ly-tin-gia/4579704.html
Cựu thủ tướng Malaysia ra tòa,
bị cáo buộc biển thủ 681 triệu đô la
Hôm nay, 20/09/2018, cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak phải trình diện trước tòa án, để trả lời về các cáo buộc liên quan đến vụ biển thủ 681 triệu đô la của Quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB.
Theo AFP, tại phiên tòa, ông Najib Razak đã nghe các thẩm phán tống đạt 25 tội danh mới, bao gồm 4 tội danh tham nhũng và 21 tội danh liên quan đến hoạt động rửa tiền. Cựu thủ tướng Malaysia đã tuyên bố không thừa nhận các tội danh này.
Ngày hôm qua, Ủy Ban Chống Tham Nhũng Malaysia, cơ quan tiến hành điều tra, đã được phép bắt giam ông Najib Razak để phục vụ quá trình điều tra. Sáng nay, cảnh sát lại tiếp tục lấy cung cựu thủ tướng Malaysia.
Sau khi mất quyền, ông Najib Rajak đã hai lần bị bắt giam, nhưng sau đó đã được phép tại ngoại. Ông Najib Rajak cũng từng bị khởi tố với nhiều tội danh trong một vụ biển thủ 10 triệu đô la của một cơ sở cũ của Quỹ đầu tư 1MDB (tên đầy đủ là 1Malaysia Development Berhad). Vụ 1MDB là một vụ án lớn, liên quan đến nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ. Theo bộ Tư Pháp Mỹ, tổng cộng có khoảng 4,5 tỉ đô la đã bị biển thủ. Washington cũng đang tìm cách thu hồi lại các khoản tiền bị đánh cắp.
Đương kim thủ tướng Mahathir Mohamad, 93 tuổi, khi trở lại nắm quyền, đã quyết định mở lại vụ án 1MDB, một quỹ vốn được lập ra để thúc đẩy hiện đại hóa Malaysia. Vụ án vốn được mở ra dưới thời ông Najib Rajak, nhưng đã bị đình chỉ sau đó.
Cựu thủ tướng Najib Rajak cũng bị chỉ trích đã ký kết nhiều hợp đồng mờ ám với Trung Quốc, rất bất lợi cho Kuala Lumpur, đặc biệt là các dự án xây dựng đường sắt, đường ống dẫn khí đốt hết sức tốn kém, mà Malaysia phải trả lãi suất cao, khiến Malaysia chìm sâu trong núi nợ. Tân thủ tướng, ông Mahathir, đã hủy bỏ 22 tỉ đô la hợp đồng với Trung Quốc, trong chuyến công du Bắc Kinh hồi cuối tháng 08/2018.