Tin khắp nơi – 20/08/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp  nơi – 20/08/2019

Hoa Kỳ lần đầu thử nghiệm hỏa tiễn

sau khi rút khỏi thỏa thuận INF

Tin từ California — Theo tin từ CBS News, Hoa Kỳ vừa tiến hành đợt phóng thử nghiệm hỏa tiễn hành trình mặt đất lần đầu tiên, kể từ khi rút khỏi hiệp ước Lực lượng Nguyên tử Tầm trung (INF) với Nga hồi đầu tháng này.

Vào Chủ nhật (18 tháng 8), Ngũ Giác Đài đã tiến hành thử nghiệm tại đảo San Nicolas, California. Trong tuyên bố của Bộ Quốc phòng, hỏa tiễn thử nghiệm đã được phóng khỏi dànphóng di động mặt đất, và trúng mục tiêu sau khi bay 500 km. Ngũ Giác Đài cũng đã thu thập dữ kiện để phát triển hỏa tiễn tầm trung trong tương lai.

Nếu Hiệp ước INF vẫn còn hiệu lực, thử nghiệm này sẽ vi phạm thỏa thuận vì hỏa tiễn đã bay hơn 500 km.

Hoa Kỳ có hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không và trên biển. Vì vậy, việc phát triển phiên bản hỏa tiễn phóng từ mặt đất là một quá trình khá đơn giản. Hiện vẫn chưa rõ liệu có bất kỳ quốc gia châu Âu nào trong tầm bắn của Nga sẽ đồng ý bố trí vũ khí trên lãnh thổ của họ hay không.

Theo Reuters dẫn nguồn hãng tin TASS của Nga hôm thứ Ba 20 tháng 8, phía Moscow gọi cuộc thử nghiệm là hành động “đáng tiếc”, đồng thời cho rằng Washington đã sẵn sàng chấm dứt hiệp ước lâu năm này.

Theo hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên Cảnh Sảng thuộc Bộ Ngoại giao Trung Cộng, hành động của Hoa Kỳ sẽ kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang mới, dẫn đến sự leo thang đối đầu quân sự, sẽ có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến tình hình an ninh quốc tế và khu vực.

Sau khi Tổng thống Ronald Reagan và Tổng thống Nga Mikhail Gorbachev ký kết hiệp ước INF năm 1987, Hoa Kỳ và Nga đã tháo dỡ hơn 2,600 hỏa tiễn có tầm bắn từ 310-3400 dặm.

Hoa Kỳ vừa rút khỏi thỏa thuận, sau khi cáo buộc Nga vi phạm hiệp định vì đã sản xuất hỏa tiễn hành trình phóng từ mặt đất Novator 9M729, có tầm bắn sang châu Âu. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-lan-dau-thu-nghiem-hoa-tien-sau-khi-rut-khoi-thoa-thuan-inf/

 

Tư lệnh Không quân Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam

kể từ sau chiến tranh

Đại tướng David L. Goldfein đã trở thành Tư lệnh Không quân Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam kể từ sau khi kết thúc chiến tranh. Trong chuyến thăm 2 ngày đến Hà Nội, ông đã giúp thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng như ủng hộ quyền tự vệ chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông.

Theo truyền thông trong nước, Tư lệnh Không quân Mỹ đã gặp Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Phan Văn Giang tại Trụ sở Bộ Quốc phòng ở Hà Nội hôm 19/8.

Quan hệ quốc phòng song phương giữa Việt Nam và Mỹ được Thượng tướng Giang và Đại tướng Goldfein đánh giá là “phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện” của hai nước, theo Quân đội Nhân dân.

Vẫn theo tờ báo điện tử của Bộ Quốc phòng, hai vị tướng của hai nước mong muốn trong thời gian tới, hợp tác quốc phòng giữa hai nước tiếp tục có hiệu quả trong các lĩnh vực như hiện nay, trong đó có khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo, và an ninh biển.

Một ngày trước đó, truyền thông trong nước cho biết Đại tướng Goldfein, cùng với Đại tướng Charles Q. Brown Jr – tư lệnh không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, nói với các phóng viên trong nước rằng Mỹ “ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam” khi được yêu cầu bình luận về các hoạt động của Trung Quốc với việc đưa tàu Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

“Tôi nhấn mạnh lại tuyên bố rất mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mike Pompero đã đưa ra,” Đại tướng Goldfein được Lao Động trích lời nói tại cuộc họp báo hôm 18/8. “Đó là chúng tôi phản đối mạnh mẽ các hoạt động gây ảnh hưởng và thách thức những quyền lợi chính đáng cũng như chủ quyền của Việt Nam trong khu vực.”

Các tàu hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc đã “đối đầu” nhau trong hơn 1 tháng qua tại Bãi Tư Chính với việc Bộ Ngoại giao ở Hà Nội cáo buộc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Mỹ là nước duy nhất cho đến lúc này đã lên tiếng phản đối hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông tại Bãi Tư Chính.

Cũng tại buổi họp báo hôm 18/8, Đại tướng Goldfein cho biết rằng Việt Nam là trạm dừng chân duy nhất ở khu vực Thái Bình Dương trong lịch trình công tác của ông trong năm nay, theo Lao Động.

“Việt Nam là một chặng dừng vô cùng quan trọng với nhiều lý do cả công việc chuyên môn và cá nhân,” Đại tướng Goldfein nói. “Tôi rất tự hào vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tham mưu trưởng Không quân Mỹ đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc.”

Các lực lượng của Mỹ rút khỏi miền nam Việt Nam năm 1973 và 2 năm sau đó Việt Nam thống nhất dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Mỹ và Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ năm 1995 và quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù đặc biệt nồng ấm hơn trong những năm gần đây giữa bối cảnh Trung Quốc ngày càng bành trướng sức mạnh trong khu vực.

“Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh,” Đại tướng Goldfein nói với các phóng viên. “Sự hiện diện của hai Đại tướng Không quân Mỹ thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ với Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.”

https://www.voatiengviet.com/a/tu-lenh-khong-quan-my-dau-tien-tham-viet-nam-ke-tu-sau-chien-tranh/5049691.html

 

Hoa Kỳ tiếp tục cảnh báo Trung Quốc

về tình hình Hong Kong

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 19/8 nhắc lại những cảnh báo trước đó của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc về tình hình Hong Kong, và kêu gọi Bắc Kinh phải tôn trọng luật pháp Hong Kong.

Phát biểu trước một cuộc tập trung ủng hộ Tổng thống Donald Trump ở Cincinnati, Ohio, Phó Tổng thống Mike Pence nói: “Để Hoa Kỳ có thể đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, Bắc Kinh cần phải tôn trọng những cam kết, bao gồm cả cam kết mà Trung Quốc đã đồng ý từ năm 1984 là tôn trọng luật pháp Hong Kong thông qua Tuyên bố chung Trung Quốc – Anh.”

Và chính phủ của chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục Bắc Kinh và những người biểu tình giải quyết những khác biệt một cách hòa bình”, Phó Tổng thống Pence nói tiếp.

Những cuộc biểu tình của người dân Hong Kong đã diễn ra từ tháng 6 đến nay và được coi là thách thức lớn nhất với Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.

Những người biểu tình ban đầu đòi bỏ dự luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc. Dự luật sau đó đã được hoãn lại, nhưng những người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường đòi bỏ hoàn toàn dự luật và dân chủ cho Hong Kong.

Hôm 18/8, Tổng thống Trump ám chỉ rằng Nhà Trắng muốn thấy Bắc Kinh giải quyết được những phản đối ở Hong Kong trước khi một thỏa thuận về thương mại giữa hai nước đạt được.

Ngay sau đó, vào ngày 19/8, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc có bài viết chỉ trích Hoa Kỳ can thiệp vào quyết định của Bắc Kinh liên quan đến Hong Kong.

Giới tinh hoa chính trị và ý kiến công chúng ở Hoa Kỳ phải hiểu rằng mặc dù họ có khả năng kích động những người biểu tình cực đoan và làm cho việc lập lại trật tự cho Hong Kong khó hơn, nhưng họ hoàn toàn không thể làm ảnh hưởng đến các quyết định về tình hình Hong Kong”, bài xã luận viết.

Bài báo cũng nói Bắc Kinh hy vọng Hong Kong có thể lập lại được trật tự với sự giúp sức từ chính phủ trung ương (ý nói từ Bắc Kinh) nhưng một ‘can thiệp mạnh’ từ Trung Quốc sẽ chỉ được thực hiện nếu Hong Kong không thể tự làm được điều này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-china-trade-barb-about-hongkong-08202019093309.html

 

Tướng Mỹ cam kết bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông

Các tướng lĩnh của Không quân Hoa Kỳ gần đây đã tái khẳng định cam kết của Washington về việc đảm bảo tự do hàng hải cho các vùng biển quốc tế ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã chiếm đóng phi pháp và trang bị vũ khí trên nhiều hòn đảo mà họ xây dựng trái phép..

Báo Inquirer của Philippines hôm thứ Hai (19/8) đưa tin, Chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Tướng Charles Brown cho biết Không quân đang cung cấp “thông tin chính xác” cho những người ra quyết định và cho các đối tác trong khu vực để họ có được nhận thức toàn diện về tình hình Biển Đông và thực thi các nhiệm vụ của mình.

Ông nói với các póng viên ở Manila: “Một trong những mục tiêu chính của chúng tôi với các đối tác của chúng tôi ở đây là cung cấp nhận thức về khu vực, cả trên không và trong trường hợp này là lĩnh vực hàng hải. Vì vậy, chúng tôi có một sự hiểu biết khá rõ về những gì đang diễn ra”.

Cũng trong cuộc họp báo, Tham mưu trưởng Không quân Hoa Kỳ, Tướng David Goldfein, cho biết Hoa Kỳ không có kế hoạch cắt giảm số lượng các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.

Ông nói: “Không có chuyện chúng tôi buông lơi sự sẵn lòng hay khả năng của chúng tôi đối với việc lái máy bay hay đưa tàu qua những nơi cần thiết và vào những thời điểm cần thiết”.

Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng thường thực hiện các cuộc tuần tra như vậy, để đảm bảo các tuyến đường thủy quốc tế được lưu thông tự do, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang bành trướng kiểm soát và quân sự hóa vùng biển.

Inquirer bình luận rằng Hoa Kỳ đã thể hiện rõ thông điệp rằng họ sẽ không từ bỏ việc hỗ trợ các đồng minh trong khu vực trước sự hung hăng của Trung Quốc.

Cả ông Goldfein và ông Brown đều có mặt tại Philippines từ ngày 15 đến 18/8 để gặp gỡ các quan chức quốc phòng và quân sự của Philippines, trong đó có Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines, Tướng Benjamin Madrigal Jr. và người chỉ huy Không quân, Trung tướng Rozzano Briguez.

http://biendong.net/bi-n-nong/29905-tuong-my-cam-ket-bao-ve-tu-do-hang-hai-o-bien-dong.html

 

Nhà Trắng tố cáo “chiến thuật đe dọa”

của Bắc Kinh trên Biển Đông

Thụy My

Washington hôm nay 20/08/2019 tố cáo Bắc Kinh vận dụng « chiến thuật hăm dọa » trên Biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên hầu hết diện tích. Về vụ bãi Tư Chính, phía Bắc Kinh trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua 19/08/2019 khẳng định tàu Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 « hoạt động tại vùng biển dưới quyền tài phán của Trung Quốc ».

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố : « Các nỗ lực cao độ mới đây của Trung Quốc để hăm dọa các quốc gia khác trong việc khai thác tài nguyên của họ, là rất đáng ngại. Hoa Kỳ kiên quyết ủng hộ những ai đang đương đầu với các hành vi cưỡng bức, và chiến thuật đe dọa » gây nguy hại cho hòa bình và an ninh khu vực.

Tại Bắc Kinh trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng, khi trả lời câu hỏi của báo chí về vụ tàu Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8, đã khẳng định tàu này « hoạt động tại vùng biển dưới quyền tài phán của Trung Quốc ».

Trước việc Hà Nội tố cáo nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 vi phạm chủ quyền Việt Nam qua hành động xâm nhập bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Cảnh Sảng tuyên bố rằng « Trung Quốc có chủ quyền tại ‘Nam Sa’ và vùng biển xung quanh ».  Chiếc tàu liên quan hoạt động « tại vùng biển dưới quyền tài phán của Trung Quốc », « phù hợp với các điều kiện hàng hải và nhu cầu thực tế ».

Cảnh Sảng nói thêm : « Chúng tôi hy vọng quốc gia liên quan nghiêm chỉnh tôn trọng quyền chủ quyền của Trung Quốc, và làm việc với Trung Quốc để duy trì sự hài hòa và yên tĩnh tại vùng biển này ».

Giáo sư Carl Thayer nhận định, nếu tin Việt Nam điều tàu Quang Trung (HQ 016) ra bãi Tư Chính là chính xác, thì có nghĩa là Hà Nội kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên vùng biển của mình.

Quang Trung 16 thuộc lớp Gepard là tàu hộ vệ tên lửa, trang bị hỏa tiễn chống hạm, hỏa tiễn phòng không, sẽ tạo lại thế quân bình lực lượng ở bãi Tư Chính, nơi các tàu hải cảnh Trung Quốc đông đảo hơn và có trọng tải lớn hơn. Theo ông, giờ đây những người chỉ huy phía Trung Quốc ở Tư Chính sẽ phải suy nghĩ kỹ càng trước khi định tấn công, uy hiếp các tàu cảnh sát biển Việt Nam.

Cũng theo giáo sư Carl Thayer, Bắc Kinh đang đứng trước thế lưỡng nan. Nếu đưa lực lượng hải quân Trung Quốc đến bãi Tư Chính, thì sẽ vào vai kẻ tấn công quân sự, gây ra làn sóng phản đối của quốc tế. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cũng phải tính đến khả năng Việt Nam sẽ xích lại gần Hoa Kỳ hơn nếu Trung Quốc leo thang quân sự.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn sử dụng các biện pháp ngoại giao, nhưng việc Hải Dương Địa Chất 8 quay lại bãi Tư Chính đã buộc Hà Nội phải có thái độ cứng rắn hơn. Giáo sư Thayer nhận xét, các nước láng giềng đang quan sát kỹ lưỡng sự kiện, và khía cạnh tích cực về Trung Quốc sẽ bị mất đi nếu dùng vũ lực uy hiếp Việt Nam, vốn sẽ trở thành chủ tịch luân phiên ASEAN trong bốn tháng rưỡi nữa.

Trong khi đó, các lãnh đạo Trung Quốc họp tại Bắc Đới Hà đang phải đau đầu tìm cách đối phó với những vấn đề khác như phong trào phản kháng ở Hồng Kông, Donald Trump đánh thêm thuế vào hàng Trung Quốc.

Trên thực địa, dữ liệu vệ tinh của Marine Traffic cho thấy Hải Dương Địa Chất 8 vẫn đang được hộ tống bởi ít nhất 6 tàu hải cảnh 33111, 31302, 37111, 46111 và 46303, cùng với tàu Meicheng 822.

Theo trang Đại sự ký Biển Đông, hôm qua nhóm tàu Trung Quốc đã lùi xa hơn bãi Mỹ Hải về phía nam. Riêng tàu 46301 hiện vẫn đang ở khu vực gần lô dầu 06-1 ở bể Nam Côn Sơn. Cạnh đó là tàu cá Trung Quốc Suseyui 5916 đã hiện diện ở đây từ hôm Chủ nhật 18/8.

Giáo sư Ryan Martinson, trường Hải Chiến Hoa Kỳ hôm nay cho biết thêm, một tàu khảo sát khác của Trung Quốc là Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 4 vẫn đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, gần cụm bãi cạn Luconia.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190820-nha-trang-to-cao-chien-thuat-de-doa-cua-bac-kinh-tren-bien-dong

 

Quan sát Cuộc sống Đó đây Hồ sơ

Đưa tên lửa tầm trung đến Châu Á,

Mỹ đang “xoay trục” nhanh hơn

Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo trước tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper về việc sớm triển khai các tên lửa tầm trung tại Châu Á.

Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia nằm cách xa Mỹ từ Sri Lanka ở Ấn Độ Dương đến đồng minh Philippines tại Đông Nam Á luôn xem việc Washington triển khai khí tài và lực lượng tại Châu Á như một biện pháp cần thiết nhằm chống lại tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên sự chệch hướng khỏi chiến lược “xoay trục sang Châu Á” vốn có từ thời cựu Tổng thống Barack Obama, cùng với chính sách hướng nội “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump và những xáo trộn gần đây tại Bộ Quốc phòng Mỹ đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc Châu Á đang đứng ở đâu trong các ưu tiên của Washington.

Triển khai tên lửa tầm trung

Các quan chức quốc phòng, ngoại giao, nhà quan sát trong khu vực cho biết họ đang phân tích chặt chẽ các tín hiệu từ tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper về chiến lược, đầu tư và triển khai quân đội Mỹ tại châu Á.

“Ông ấy sẽ là một người tuyệt vời”, đó là lời khen ngợi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dành tặng cho Mark Esper – nhân vật thứ 4 được lựa chọn vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trong 3 năm. Tại Châu Á, các nhà phân tích và hoạch định chính sách quốc phòng từng theo dõi những xáo trộn chưa từng thấy ở Bộ Quốc phòng suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Trump cũng hy vọng cựu quân nhân từng tốt nghiệp Học viện quân sự Mỹ này sẽ đảm đương tốt vai trò lãnh đạo một trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới.

Tâm điểm sự chú ý là những tuyên bố của ông chủ Lầu Năm Góc trong chuyến công du châu Á hồi đầu tháng 8, tại đây ông Esper bày tỏ hy vọng sớm triển khai các tên lửa tiêu chuẩn tầm trung trong khu vực. Bình luận này được đưa ra một ngày sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết từ năm 1987.

Mỹ cho rằng việc Nga không tuân thủ các cam kết là lý do khiến Hiệp ước INF sụp đổ và Bộ trưởng Esper khẳng định mong muốn triển khai các tên lửa với khả năng tiên tiến hơn từng bị cấm theo quy định của INF, tại châu Á trong thời gian sớm nhất. Đây là chính sách mà các nhân vật tại Washington có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc mong muốn tìm kiếm trong thời gian dài, viện dẫn những lo ngại liên quan đến sự phát triển vượt bậc về công nghệ tên lửa của Trung Quốc trong khu vực.

Trước đó, ông Jim Fanell, cựu giám đốc tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trích dẫn các nghiên cứu độc lập cho biết, tên lửa đạn đạo DF-21D của Trung Quốc vốn được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”, không chỉ có khả năng vô hiệu hóa các căn cứ hải quân của Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc mà còn nhắm vào các tàu sân bay đang hoạt động tại Tây Thái Bình Dương.

Khi được hỏi về phản ứng bất lợi mà Trung Quốc có thể đưa ra đối với kế hoạch nêu trên, Bộ trưởng Esper nói rằng: “80% số lượng tên lửa trong kho vũ khí của Trung Quốc là hệ thống tên lửa tầm trung vì thế họ sẽ không ngạc nhiên khi chúng tôi muốn có một khả năng tương tự”.

Các quan chức tại Trung Quốc đã nhanh chóng cảnh báo về biện pháp đáp trả nếu tên lửa của Mỹ được triển khai ngay sát sườn quốc gia này. Trong bài bình luận đăng tải trên Thời báo Hoàn cầu hồi đầu tháng 8, ông Wang Hongguang, Cựu Phó tư lệnh quân khu Nam Kinh viết rằng, Mỹ có thể triển khai tên lửa theo vòng vây hình chữ “C” bao quanh Trung Quốc đại lục và điều này sẽ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng về an ninh. Những địa điểm tiềm năng là quần đảo Aleutian gần Alaska, đảo Guam ở Thái Bình Dương, căn cứ quân sự Diego Garcia ở Ấn Độ Dương và các quốc gia thân thiện với Mỹ ở trung Á và tây Á.

Ở mạn Thái Bình Dương, các nhà quan sát đánh giá Australia và Hàn Quốc có thể được chọn là những nơi triển khai tên lửa của Mỹ, tuy nhiên lãnh đạo các nước này khẳng định không đàm phán với Washington về kế hoạch như vậy. Ông Wang Hongguang cảnh báo, những quốc gia cho triển khai tên lửa của Mỹ nên biết rằng họ sẽ trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của Trung Quốc nếu xung đột Mỹ-Trung bùng nổ.

Các nước Châu Á đã bắt đầu nghiên cứu hậu quả liên quan đến kế hoạch của triển khai tên lửa Mỹ trong khu vực. ông Ian Bremmer, chủ tịch trung tâm tư vấn chính trị Eurasia Group có trụ sở tại New York cho biết: “Sẽ rất khó cho Mỹ để triển khai tên lửa ngay trong năm 2019”.

Trả lời câu hỏi của tạp chí “This week in Asia” tuần trước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách Kiểm soát vũ khí và An ninh Quốc tế Andrea L. Thompson cho biết: “Việc cho phép triển khai tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ các nước đồng minh hay không là quyết định mang tính chủ quyền được chính phủ các nước đưa ra. Tôi chỉ có thể nói rằng bất cứ quyết định nào của Mỹ tại khu vực sẽ thực hiện với sự tham khảo ý kiến của các đồng minh. Đây không phải là quyết định đơn phương của Mỹ. Chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các đối tác và đồng minh”.

Mở rộng căn cứ quân sự

Trong phiên điều trần tại Thượng viện về bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Quốc phòng, ông Esper khẳng định, Washington cần có nhiều căn cứ quân sự hơn để đối phó với “những tiến bộ công nghệ quan trọng” của Trung Quốc và Bộ Quốc phòng cần phải mở rộng địa bàn hoạt động bên cạnh những căn cứ đã có.

Mỹ có khoảng 800 căn cứ trải rộng trên mọi lục địa, ngoại trừ Nam Cực. Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các căn cứ của Mỹ kéo dài từ căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản, căn cứ không quân Andersen ở Guam đến các căn cứ nhỏ không cố định phục vụ tiếp nhiên liệu và neo đậu phương tiện không quân và hải quân ở những nơi như Singapore và Thái Lan.

Ông Patrick M. Cronin – Giám đốc cấp cao Chương trình an ninh châu Á – Thái Bình Dương (CNAS) ở Washington cho rằng, việc duy trì một lực lượng cân bằng, đủ năng lực và luôn sẵn sàng tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là vì lợi ích quốc gia của Mỹ. “Có nhiều cách thực để đạt được mục tiêu này, trong đó có việc tiến hành tập trận với các đối tác trong khu vực, mở rộng triển khai, tăng cường sự hiện diện các lực lượng tại Nhật Bản hay vùng lãnh thổ Guam của Mỹ, củng cố năng lực của đối tác và đồng minh, hay xây dựng thêm các căn cứ mới”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích khu vực đánh giá, bất kỳ nỗ lực nào của Washington bổ sung các cơ sở hiện có ở nước ngoài sẽ phải đối mặt với vô số rào cản, trong đó có cả sự phản đối gay gắt từ quốc gia sở tại.

Nhà phân tích hải quân Singapore Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) đã viện dẫn những tranh cãi liên quan đến việc di dời căn cứ quân sự của Mỹ tại Okinawa (Nhật Bản). Ông nhấn mạnh, ngay cả khu vực Nam Thái Bình Dương, nơi được xem là điểm đến mới của các căn cứ Mỹ, việc tiếp cận cũng chưa chắc được bảo đảm, vì nhiều quốc gia ở đây không muốn chọc giận Trung Quốc.

Tìm kiếm thêm đồng minh

Bộ trưởng Esper từng tuyên bố, ông dự định sẽ củng cố quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với một quốc gia lớn mạnh trong khu vực. Và đối tác mà Mỹ có thể nghĩ đến hiện nay là Ấn Độ bởi New Delhi dường như đang tách biệt khỏi đồng minh truyền thống là Nga để chống lại tham vọng của Trung Quốc trong khu vực.

Ông Kashish Parpiani thuộc Tổ chức Nghiên cứu quan sát Ấn Độ nhận định, New Delhi dưới thời Thủ tướng Narendra Modi đã phát triển quan hệ quốc phòng mạnh mẽ với Mỹ bất chấp bất đồng trên các mặt trận khác như thương mại. Mỹ và Ấn Độ đã ký thỏa thuận đảm bảo liên lạc quân sự, đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin không gian địa lý, tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng.  Lực lượng không quân Ấn Độ đang có nhu cầu mua 114 máy bay chiến đấu và Mỹ đã mời chào dòng máy bay chiến đấu F21 với năng lực vượt trội.

Một số nhà phân tích phương Tây đã mường tượng ra mô hình Bộ tứ các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Dù vậy, ông Pankaj Jha, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng và chiến lược tại Trường Đại học Toàn cầu O.P. Jindal (Ấn Độ), cho rằng bất chấp quan hệ hợp tác quốc phòng đang “thuận buồm xuôi gió”, cơ hội của Mỹ đưa Ấn Độ vào chiến lược “chống Trung Quốc” rất dễ thất bại.

“Ấn Độ sẽ không bao giờ gây chiến với Trung Quốc và Bắc Kinh cũng không muốn gây hấn với New Delhi. Lựa chọn của Mỹ liên quan đến việc lôi kéo Ấn Độ vào một chiến lược chống Trung Quốc là rất hạn chế”, ông Pankaj Jha nói.

Hiện nay, các nhà phân tích đều có chung câu hỏi về việc liệu Mỹ có thực sự đáng tin cậy với vai trò đảm bảo an ninh tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương mà nước này đã cam kết hay không. Ông Michael H. Fuchs, cựu trợ lý hàng đầu của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh: “Thực tế không may là Tổng thống Trump đang làm suy yếu chiến lược của Mỹ trong khu vực. Ông ấy chỉ quan tâm đến thương mại và Triều Tiên mà không có bất cứ chiến lược nào khác”. Các quan chức của chính quyền Tổng thống Trump đã bác bỏ lời chỉ trích này, nhấn mạnh, những nỗ lực ngoại giao và quốc phòng của họ tại Châu Á là một bước tiến từ thời Tổng thống Obama.

Trong khi đó, một quan chức quốc phòng Châu Á nhận xét, chiến lược của Mỹ tại Châu Á sẽ luôn khó đoán định với những thay đổi gần như thành thông lệ tại Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao nếu Tổng thống Trump tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm 2020. Theo nhân vật này, chiến lược quốc phòng tại Mỹ được hoạch định “với giả định rằng mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng và chúng ta phải có khả năng ứng phó với mọi biến chuyển về mặt địa chính trị”

http://biendong.net/goc-nhin-moi/29902-quan-sat-cuoc-song-do-day-ho-so-dua-ten-lua-tam-trung-den-chau-a-my-dang-xoay-truc-nhanh-hon.html

 

Hoa Kỳ để nghị tăng visa nông dân

để thúc đẩy thỏa thuận tị nạn với Guatemala

Tin từ GUATEMALA CITY, Guatemala – Vào hôm thứ Hai (19/8), trong một nỗ lực để củng cố thỏa thuận tị nạn giữa tổng thống sắp mãn nhiệm của Guatemala và Hoa Kỳ, một viên chức Hoa Kỳ đã đề nghị tăng gấp ba số lượng visa nông dân tạm thời cho người Guatemala.

Trước nguy cơ từ các lệnh trừng phạt của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hồi tháng trước, tổng thống Jimmy Morales của Guatemala đã đồng ý yêu cầu những người Armenia và người Salvador đang hướng về Hoa Kỳ tìm nơi ẩn náu ở Guatemala, thay vì tiến lên phía bắc. Thỏa thuận này, được gọi là một “thỏa thuận quốc gia thứ ba an toàn”, được thiết kế để làm giảm bớt các yêu cầu tị nạn tại Hoa Kỳ.

Mặc dù được tổng thống Donald Trump ca ngợi, nhưng thỏa thuận này vấp phải sự chỉ trích rộng rãi từ các nhóm nhân quyền, vì những rủi ro của việc gửi di dân đến một quốc gia có tình trạng nghèo đói và bạo lực.

Ông Alejandro Giammattei, tổng thống sắp tới của Guatemala, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi đầu tháng này. Sau đó, ông cho biết rằng thỏa thuận  này vẫn cần được cơ quan lập pháp Guatemala cũng như Quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận, khiến tương lai của thỏa thuận trở nên phức tạp hơn. Ông Giammattei sẽ nhậm chức vào tháng 1, cũng từng chỉ trích thỏa thuận này là “không phù hợp với đất nước”, vì Guatemala đang thiếu tài nguyên để cung cấp cho những người tầm trú. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-de-nghi-tang-visa-nong-dan-de-thuc-day-thoa-thuan-ti-nan-voi-guatemala/

 

Giám đốc cơ quan nhà tù liên bang bị cách chức

sau cái chết của tỷ phú Jeffrey Epstein

Theo tin từ CBS News, quyền giám đốc Cơ quan Nhà tù Liên bang vừa bị cách chức, hơn một tuần sau khi ông Jeffrey Epstein tự sát trong nhà giam liên bang. Hôm thứ Hai (19 tháng 8).

Bộ trưởng Tư pháp William Barr tuyên bố tiến sĩ Hawk Sawyer sẽ thay thế ông Hugh Hurwitz. Ông Barr không cung cấp lý do dẫn đến quyết định chuyển công tác của ông Hurwitz. Nhưng thông báo này được đưa ra khi cơ quan nhà tù đang bị điều tra sau vụ tự sát của ông Epstein tại một nhà tù liên bang ở New York.

Vào tuần trước, ký giả của CBS News đưa tin các nhân viên tại Trung tâm Cải huấn Metropolitan có thể đã báo cáo sai về việc họ thường xuyên kiểm tra ông Epstein theo quy định. Theo CBS News đưa tin, đoạn phim giám sát cho thấy quản ngục không bao giờ đến kiểm tra ông Epstein theo như ghi chép. Ngoài ra, một người đại diện cho nhân viên tại cơ sở cho biết điều kiện làm việc tại đây đã tệ hại trong hai năm qua. Theo đó, các nhân viên từ lâu đã phàn nàn về việc họ phải làm đến 60 giờ/tuần, và làm thêm ngoài giờ bắt buộc.

Nhiều nguồn tin nói với CBS News rằng tù nhân chung phòng giam với ông Epstein đã đóng tiền thế chân tại ngoại một ngày trước khi ông Epstein tử vong, nên ông bị giam giữ một mình. Có vẻ như ông Epstein đã tử vong từ 1-2 giờ trước khi được tìm thấy. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/giam-doc-co-quan-nha-tu-lien-bang-bi-cach-chu-sau-cai-chet-cua-ty-phu-jeffrey-epstein/

 

Mỹ sắp phóng phi thuyền tự động lên mặt trăng

Tàu vũ trụ Mỹ đầu tiên dự kiến đáp xuống mặt trăng sau gần nửa thế kỷ sẽ là một phi thuyền tự động không người lái do hãng Astrobotic Technology chế tạo và sẽ được phóng trong hai năm tới, Reuters dẫn nguồn tin từ các công ty liên hệ cho biết hôm 19/8.

Astrobotic là một trong chín công ty được chọn hồi tháng 11 năm ngoái để giành hợp đồng trị giá 2,6 tỷ đô la phát triển các phương tiện di chuyển nhỏ gọn trong không gian cùng công nghệ khác cho 20 sứ mạng khám phá bề mặt mặt trăng trong thập niên tới.

Phi thuyền tự động không người lái mang tên Peregrine sẽ được phóng lên từ Mũi Canaveral thuộc bang Florida vào mùa hè năm 2021 và sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên của Mỹ đáp xuống mặt trăng kể từ khi các phi hành gia của Apollo chạm chân xuống lãnh thổ của ‘chị Hằng’ vào năm 1972.

Phi vụ sắp tới này sẽ đưa công nghệ và các cuộc thử nghiệm lên mặt trăng dưới một chương trình của NASA vốn sẽ lót đường cho các chuyến bay của các phi hành gia trước năm 2024.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-s%E1%BA%AFp-ph%C3%B3ng-phi-thuy%E1%BB%81n-t%E1%BB%B1-%C4%91%E1%BB%99ng-l%C3%AAn-m%E1%BA%B7t-tr%C4%83ng/5048630.html

 

Bóng ma suy thoái kinh tế Mỹ

đe dọa khả năng TT Trump tái đắc cử

Trọng Thành

Ngày 14/08/2019, thị trường tài chính thế giới chao đảo sau thông tin về lãi suất tín dụng 2 năm vượt lãi suất tín dụng 10 năm, dấu hiệu được cho là gần như báo trước kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Bóng ma suy thoái kinh tế liệu có đe dọa tổng thống Donald Trump trong tham vọng tái đắc cử vào Nhà trắng năm tới 2020 ?

Vì sao việc lãi suất tín dụng 2 năm vượt lãi suất tín dụng 10 năm gây lo sợ ?

Ngày 14/08/2019, vào lúc 11 giờ 40 phút giờ quốc tế, lãi suất tín dụng 10 năm của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sụt xuống dưới mức 1,62%, thấp hơn lãi suất tín dụng 2 năm. Lần đầu tiên kể từ năm 2007. Cho dù thời gian đảo chiều không kéo dài, nhưng ngay lập tức đã gây ra nhiều phản ứng rất tiêu cực về phía thị trường (chỉ sổ Dow Jones rớt giá 3% trong ngày, mức sụt giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay). Đa số chuyên gia kinh tế nhìn thấy trong sự thay đổi khác thường này dấu hiệu chắc chắn cho thấy một thời kỳ kinh tế suy thoái đang đến.

Tại sao các chuyên gia lo ngại ? Khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, thị trường thường chờ đợi các đầu tư dài hạn, do rủi ro cao hơn, sẽ được nhiều ưu đãi hơn. Cụ thể là, nếu kinh tế phát triển ổn định thì lãi suất cho vay dài hạn sẽ phải cao hơn lãi suất ngắn hạn để bù cho các rủi ro về lạm phát hay các biến động khó lường khác. Ngành ngân hàng sẽ chịu tác động rất lớn khi lãi suất của tín dụng ngắn hạn được đẩy cao hơn các công cụ nợ dài hạn. Nếu lãi suất đầu ra không đủ bù lãi suất đầu vào, ngân hàng sẽ không thể hoạt động bình thường.

Trong lịch sử kinh tế Mỹ, từ hơn nửa thế kỷ qua, mỗi khi lãi suất 10 năm xuống thấp hơn lãi suất 2 năm, thì một thời gian sau (khoảng thời gian từ 12 đến 18 tháng) kinh tế nước này sẽ lâm vào suy thoái. Cụ thể là dấu hiệu nói trên đã báo trước cuộc suy thoái kinh tế 2009, diễn ra tiếp theo việc bong bóng bất động sản tan vỡ, do tình trạng bùng nổ các khoản cho vay dễ dãi. Cuộc khủng hoảng 2001, với sự tan vỡ của bong bóng internet, cũng tương tự.

Theo một phỏng vấn của Hiệp hội kinh tế gia Mỹ National Association for Business Economists (NABE), công bố hôm 19/08, được AFP dẫn lại, 38% trong số 226 chuyên gia kinh tế được hỏi cho rằng nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ rơi vào suy thoái ngay vào sang năm 2020, 34% dự đoán vào năm 2021, 14% cho rằng chậm hơn. Có nghĩa là 82% nhận định sớm hay muộn kinh tế Mỹ cũng sẽ suy thoái (số người tin suy thoái bắt đầu ngay từ năm nay chỉ có 2%) (1).

Ngân Hàng Trung Ương Mỹ cũng mới đây – dựa trên một mô hình tính toán khác – đưa ra con số dự báo, xác suất 33% kinh tế Mỹ suy thoái trong vòng 12 tháng tới, xác suất cao nhất kể từ năm 2009. Công ty thẩm định tài chính Standard & Poor’s cũng đưa ra con số xác xuất từ 30 đến 33%.

Những dấu hiệu nào khác gây lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế ?

Về phía nước Mỹ, dấu hiệu đáng lo ngại là lĩnh vực công nghiệp chế biến quý thứ hai chững hẳn lại. Tháng 7/2019 so với cùng kỳ năm ngoái, công nghiệp chế biến Mỹ sụt giảm 0,4%, sản xuất công nghiệp sụt 0,2%. Các lĩnh vực suy yếu nhất là sản phẩm gỗ, máy móc, dệt may, in ấn, đồ nhựa. Theo kinh tế gia của Capital Economics, xu thế này sẽ tiếp tục trong quý ba. Chiến tranh thuế với Trung Quốc, với việc tăng giá nhập khẩu đối với các mặt hàng đại chúng như điện thoại, đồ chơi, có thể là một nhân tố khiến hàng hóa tăng từ nay đến của năm, khiến sức mua sụt giảm cũng là một dấu hiệu khác. Hôm 13/08, dường như cảm thấy nguy cơ đến gần, tổng thống Mỹ đã bất ngờ quyết định triển hạn (thêm 100 ngày) việc tăng thuế bổ sung đối với khoảng 300 tỉ đô la hàng Trung Quốc nhập khẩu, vốn dự kiến có hiệu lực từ đầu tháng 9 tới. Quyết định này ắt hẳn là để đối phó với nguy cơ nói trên. Theo chuyên gia Marc Zandy, văn phòng Analytics của công ty thẩm định tài chính Moody, nếu tổng thống Trump quyết định tăng thuế nhập khẩu như đe dọa, thì xác suất suy thoái kinh tế Mỹ từ nay đến cuối năm 2020 sẽ tăng lên mức 50%.

Theo các kinh tế gia, một dấu hiệu còn đáng sợ hơn đối với nền kinh tế Mỹ trong hiện tại là các nền kinh tế Đức và Anh đồng loạt rơi vào suy thoái. GDP của Đức – nền kinh tế hàng đầu của châu Âu và thứ tư thế giới – trong quý hai sụt 0,1% so với quý một. Kinh tế Anh cũng sụt 0,2% trong quý hai. Viễn cảnh Brexit không thỏa thuận gây tổn hại nghiêm trọng cho kinh tế Anh và Liên Hiệp Châu Âu càng khiến viễn cảnh tương lai u ám hơn. Ba nền kinh tế khác trong nhóm G20 cũng có nguy cơ suy thoái là Ý, Brazil và Mêhicô. Tỉ lệ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua cũng xuống mức thấp nhất từ 17 năm nay.

Bóng ma kinh tế suy thoái ảnh hưởng ra sao đến khả năng tái đắc cử của Donald Trump ?

Cho đến những tuần gần đây, ông Donald Trump vẫn được coi là người ở thế thượng phong, có nhiều khả năng tái đắc cử. Giới quan sát đều có chung một nhận định là tổng thống Mỹ được đa số cử tri ủng hộ trong lĩnh vực kinh tế, với tỉ lệ 53% tin tưởng (ba phần tư thăm dù dư luận của CNN cho kết quả này), trong khi chỉ có 44% người Mỹ tin tưởng ở Donald Trump trong các lĩnh vực khác.

Suy thoái kinh tế thường là nguyên nhân chính dẫn đến việc một tổng thống Mỹ không thể tái đắc cử. Không kể việc suy thoái kinh tế khiến tỉ lệ ủng hộ của dân chúng tại Mỹ đảo chiều, từ Cộng Hòa chuyển sang Dân Chủ và ngược lại, có ít nhất ba tổng thống không thể tái đắc cử do suy thoái. Tổng thống Cộng Hòa Herbert Hoover thất cử năm 1932, tổng thống Dân Chủ Jimmy Carter năm 1981, cho dù kinh tế chỉ suy thoái trong bảy tháng và gần đây nhất là tổng thống Bush cha đảng Cộng Hòa, năm 1990. Báo Washington Post nhắc lại là, kể từ Nội chiến đến nay, chỉ có duy nhất tổng thống William McKinley là đắc cử, sau nhiệm kỳ đầu tiên với hai năm suy thoái kinh tế.

Cho dù trong hiện tại, tổng thống Trump liên tục nhấn mạnh là kinh tế Mỹ đang trong trạng thái khỏe mạnh, Nhà trắng dường như đang chuẩn bị hàng loạt biện pháp để đối phó với nguy cơ suy thoái. Ngoài việc chấm dứt tăng thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Washington có thể đang xem xét giảm thuế thu nhập để kích thức sức mua của dân chúng, theo The Washington Post.

Nhiều chuyên gia kinh tế ghi nhận là việc Ngân Hàng Trung Ương Mỹ can thiệp vào lãi suất chỉ đạo, lần đầu tiên từ 11 năm nay, hồi cuối tháng 7/2019, có thể là một biện pháp cho phép làm chậm lại thời điểm suy thoái.

Về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ trong thời gian trước mắt ra sao ?

Nếu như viễn cảnh suy thoái trong vòng 12 tháng là điều ngày càng được đông đảo chuyên gia cảnh báo, trong quý tới kinh tế Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng với mức 1,9%, theo dự đoán của một ngân hàng khu vực Hoa Kỳ. Động lực chính của nền kinh tế Mỹ là tiêu thụ trong nước, chiếm đến 75% tăng trưởng GDP, trong đó hơn một nửa là tiêu thụ dịch vụ và chỉ có hơn một phần tư là tiêu thụ hàng hóa bán lẻ. Kinh tế gia trưởng của Oxford economics, ông Gregory Daco, nhận định là nhìn chung niềm tin vững chắc của người tiêu thụ Mỹ, tình trạng việc làm tiếp tục phát triển mạnh, lạm phát thấp và lương bổng tiếp tục tăng sẽ khiến cho tiêu thụ không sụt giảm trong quý ba này. Trên thực tế, niềm tin của người tiêu thụ Mỹ không hẳn đã ổn định, nếu căn cứ theo kết quả điều tra của Đại học Michigan, công bố hôm 16/08, được AFP dẫn lại, chỉ số niềm tin sụt xuống mức 92 điểm, mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, sụt 4% so với năm ngoái.

Ghi chú :

1 – Dù sao một số chuyên gia cũng nhìn nhận dấu hiệu này một cách dè dặt hơn. Theo cựu thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Mỹ Janet Yellen (từ năm 2014 đến 2018), tình trạng « lãi suất đảo ngược » như trên vẫn là một dấu hiệu suy thoái, nhưng « ít đáng tin hơn trong quá khứ ». Theo bà, có thể có một số nhân tố khác dẫn đến việc lãi suất cho vay dài hạn sụt giảm mạnh. Theo nhiều nhà quan sát, tình trạng lãi suất cho vay dài hạn xuống đến mức âm tại các thị trường châu Âu và Nhật Bản, với tổng số ước tính khoảng 16.000 tỉ đô la, có thể khiến các nhà đầu tư ồn ạt đổ tiền vào Mỹ, một trong những khu vực hiếm hoi trên thế giới lãi suất tín dụng được coi là cao và ổn định, và đây là nguyên nhân kéo lãi suất dài hạn tại Mỹ xuống (theo Les Echos 31/07/2019).

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190820-bong-ma-suy-thoai-my-de-doa-trump-tai-dac-cu

 

Thủ tướng Anh nói bỏ “backstop”,

Brexit sẽ được Quốc hội thông qua

Ông Boris Johnson nói với EU rằng kế hoạch có mục đích tránh đường biên giới cứng ở Ireland phải bị hủy bỏ vì nó “không khả thi” và “phản dân chủ”.

Trong một lá thư gửi Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk , Thủ tướng nói rằng “backstop” có nguy cơ phá hoại tiến trình hòa bình Bắc Ireland.

Nếu kế hoạch bị gỡ bỏ, ông Johnson tuyên bố một thỏa thuận Brexit sẽ được Quốc hội thông qua.

Brexit: Thủ tướng Anh đề nghị EU ‘đàm phán lại’ thỏa thuận

Brexit: Ông Boris Johnson cam kết đạt thỏa thuận mới

Số liệu mới đánh động nước Anh về ‘suy giảm’ tăng trưởng

Thời gian rất ngắn. Nhưng nước Anh đã sẵn sàng để di chuyển nhanh chóng, và, với cấp độ nền tảng đã có, tôi hy vọng EU sẽ sẵn sàng để hành động tương tựThủ tướng Anh Boris Johnson

Đồng bảng yếu thúc đẩy khách du lịch đến nước Anh

Brussels hiện vẫn chưa trả lời.

Tuy nhiên, EU đã liên tục khăng khăng “backstop” phải là một phần của thỏa thuận Brexit và không thể thay đổi.

Trong cuộc điện đàm với ông Johnson vào tối thứ Hai , ông thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar nhắc lại rằng thỏa thuận – được cựu Thủ tướng Theresa May đàm phán nhưng bị Quốc hội bác bỏ ba lần – không thể mở lại.

Vấn đề nhạy cảm

Bức thư dài bốn trang của ông Johnson gửi ông Tusk đến trước các cuộc gặp trong tuần này với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Biên giới là một vấn đề rất nhạy cảm về chính trị, an ninh và ngoại giao, và cả Anh lẫn EU đều đồng ý rằng bất cứ điều gì xảy ra sau Brexit sẽ không có kiểm tra hữu hình, vật chất hoặc cơ sở hạ tầng mới nào để kiểm tra ở biên giới.

Bảo đảm cuối cùng hay “backstop” là một biện pháp cuối cùng để đảm bảo, nhưng nếu được thực hiện, nó sẽ thấy Bắc Ireland được liên kết với một số quy tắc của thị trường duy nhất EU.

Nó cũng sẽ liên quan đến một lãnh thổ hải quan tạm thời, giữ hiệu quả cho toàn bộ Vương quốc Anh trong liên minh hải quan EU.

Trong bức thư của mình, ông Johnson mô tả thỏa thuận này “không phù hợp với chủ quyền của Vương quốc Anh” và khẳng định nó không thể là một phần của thỏa thuận để nước Anh rời khỏi EU.

Ông cũng cảnh báo rằng nó có nguy cơ “làm suy yếu sự cân bằng tế nhị” của thỏa thuận hòa bình Thứ Sáu Tuần Thánh vì các đảng phái chính trị như DUP rất không hài lòng với nó.

Thủ tướng kêu gọi “các giải pháp linh hoạt và sáng tạo” và “các thỏa thuận thay thế” – dựa trên công nghệ – để tránh đường biên giới cứng.

Ông nói rằng “backstop” nên được thay thế bằng một cam kết để đưa ra thực thi các thỏa thuận như vậy càng nhiều càng tốt trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp – hiện tại là cuối năm 2020 theo thỏa thuận của bà May.

Nếu chúng không được thực hiện vào cuối giai đoạn chuyển tiếp, ông Johnson nói rằng Anh quốc “sẵn sàng xem xét một cách xây dựng và linh hoạt những gì các cam kết có thể giúp ích”.

“Thời gian rất ngắn. Nhưng nước Anh đã sẵn sàng để xúc tiến nhanh chóng, và, với cấp độ nền tảng đã có, tôi hy vọng EU sẽ sẵn sàng để hành động tương tự”, Thủ tướng Anh viết.

“Tôi cũng tự tin không kém rằng Quốc hội sẽ có thể hành động nhanh chóng nếu chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận thỏa đáng mà không có backstop.”

Đề nghị công bố

Tuy nhiên, đảng Lao động chỉ ra rằng ông Johnson thực sự đã bỏ phiếu cho thỏa thuận của bà May – bao gồm cả bảo đảm cuối cùng (backstop) – khi lần bỏ phiếu diễn ra trước Quốc hội lần thứ ba vào tháng 3/2019.

Ông Johnson nói vào thời điểm đó ông chỉ làm như vậy vì ông đã đi đến “kết luận buồn” rằng đó là cách duy nhất để đảm bảo nước Anh thực sự rời khỏi EU.

Nếu chính phủ muốn tin rằng tài liệu này không đại diện cho tác động thực sự, thì chính phủ phải công bố đầy đủ các đánh giá gần đây nhất của mình ngày hôm nayLãnh đạo đảng Lao động, Jeremy Corbyn

“Bất cứ kết quả Brexit nào mà ông ấy theo đuổi, cho dù đó là một Brexit không có thỏa thuận hay một danh sách những điều ước thần tiên, thì rõ ràng, ông Boris Johnson không hề day dứt gì về việc đặt việc làm, các quyền lợi, sự thịnh vượng hay hòa bình ở Bắc Ireland vào rủi ro”, người giữ vai trò tương đương bộ trưởng phụ trách vấn đề Bắc Ireland Tony Ireland trong nội các đối lập nói.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn đang kêu gọi chính phủ công bố tất cả các tài liệu về tác động của Brexit không có thỏa thuận, sau khi tài liệu rò rỉ vào cuối tuần cho thấy sẽ có thể có gián đoạn đáng kể đối với nguồn cung cấp thực phẩm và thuốc men.

Chính phủ khẳng định thông tin Chiến dịch Yellowhammer đã lỗi thời và kế hoạch Brexit đã tăng tốc kể từ khi ông Johnson trở thành Thủ tướng.

Chủ tịch đảng Bảo thủ James Cleverly nói với BBC hôm thứ Ba, 20/8/2019:

“Đó là một tài liệu nội bộ để kích thích hành động và hành vi của các chính phủ – đó không phải là một dự đoán, đó không phải là ước tính thực tế trong tương lai, đó là một loạt các tình huống xấu nhất để được giảm thiểu rủi ro và phòng tránh.”

Tuy nhiên, ông Corbyn nói: “Nếu chính phủ muốn tin rằng tài liệu này không đại diện cho tác động thực sự, thì chính phủ phải công bố đầy đủ các đánh giá gần đây nhất của mình ngày hôm nay.”

Người phát ngôn của chính phủ cho biết thông tin cập nhật về những gì các doanh nghiệp và thành viên của cộng đồng cần làm để chuẩn bị cho việc Anh rời khỏi EU có sẵn trên trang mạng của chính phủ.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-49408765

 

GAFA lên án Pháp đánh thuế « bất công »

Thu Hằng

Việc Pháp quyết định đánh thuế các tập đoàn kỹ thuật số bị đại diện của Amazon, Facebook, Google và nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực internet đồng loạt lên án trong buổi điều trần ngày 19/08/2019 ở Washington.

Tại buổi điều trần diễn ra trong khuôn khổ điều tra của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, các tập đoàn trên đã chỉ trích luật thuế mới của Pháp là « sự thụt lùi »« phân biệt đối xử »« bị đánh thuế hai lần »« chấm dứt đột ngột các quy tắc được ấn định từ lâu ».

Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) mở điều tra nhằm tìm biện pháp đáp trả đối với quyết định của chính phủ Pháp. Tổng thống Donald Trump từng dọa nâng thuế nhập khẩu đối với rượu vang Pháp.

Được ban hành hôm 11/07/2019, luật của Pháp tạo thêm một loại thuế đánh vào doanh thu của các tập đoàn kỹ thuật số thu được trên lãnh thổ Pháp, trong khi hầu hết những tập đoàn này có trụ sở ở Mỹ, nơi họ chỉ bị đánh thuế trên lợi nhuận.

Khoảng 30 tập đoàn có tổng doanh thu được thẩm định chừng 25 triệu euro tại Pháp và 750 triệu euro trên thế giới sẽ phải nộp loại thuế này. Trong số đó, phần lớn là các tập đoàn kỹ thuật số hàng đầu của Mỹ. Mức thuế của Pháp căn cứ vào ba cấp độ hoạt động : quảng cáo, trao đổi hoặc hiển thị trên nền tảng và dữ liệu giao dịch.

http://vi.rfi.fr/phap/20190820-gafa-len-an-phap-danh-thue-bat-cong

 

Macron-Putin cố tỏ thiện chí

xoa dịu căng thẳng quan hệ Nga và Liên Âu

Thu Hằng

Không được mời tham gia cuộc họp thượng đỉnh của khối G7 diễn ra từ ngày 24 đến 26/08/2019 tại Biarritz (miền nam Pháp), nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin đã được nguyên thủ Pháp tiếp đón tại Brégançon. Trả lời họp báo sau hơn 5 giờ tiếp xúc hôm 19/08, cả hai nguyên thủ nêu khả năng nối lại đàm phán về hồ sơ miền đông Ukraina trong thời gian tới, nhưng vẫn bất đồng về Syria.

Từ Brégançon, đặc phái viên RFI Valérie Gas tóm lược buổi làm việc của hai nguyên thủ Pháp và Nga:

« Không có thông tin nào được tiết lộ sau cuộc họp giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin ở Brégançon, trừ việc hai nhà lãnh đạo đã hội đàm trong vòng gần 5 tiếng, trong đó có hai tiếng rưỡi gặp riêng giữa hai nguyên thủ. Cuối cùng, nguyên thủ hai nước ăn tối ở ngoài hiên của pháo đài nhìn ra biển.

Ở mỗi cuộc gặp, tổng thống Pháp đều đặc biệt tôn vinh nguyên thủ Nga. Nhưng cuối cùng lại không có thông báo nào. Trước báo giới, nguyên thủ hai nước bày tỏ mong muốn thảo luận trên nhiều hồ sơ nóng hiện nay như Ukraina, Syria, Iran… và thể hiện nhã nhặn cho đến khi trao đổi về các cuộc biểu tình ở Nga và phong trào Áo Vàng ở Pháp. Ở điểm này, cả ông Macron lẫn ông Putin đều nhắc nhở nhau rằng họ không cần bên này « lên lớp » cho bên kia.

Cả hai tổng thống vừa theo đuổi đối thoại vừa thể hiện cứng rắn. Và như mọi lần, họ đều đánh giá cao nhau.

Tuy nhiên, cuộc gặp lần này giúp ông Emmanuel Macron duy trì được hình ảnh nhà trung gian trên trường quốc tế. Theo hướng này, tổng thống Pháp sẽ tiếp thủ tướng Anh Boris Johnson , thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào thứ Năm 22/08.

Những cuộc gặp đó như vòng khởi động trước cuộc họp thượng đỉnh nhóm G7, nơi tổng thống Macron sẽ làm mọi cách để cố gây ấn tượng ».

http://vi.rfi.fr/phap/20190820-macron-putin-co-to-thien-chi-xoa-diu-cang-thang-quan-he-nga-va-lien-au

 

Khủng hoảng chính trị :

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte có thể từ chức

Chiều nay, 20/08/2019, thủ tướng Giuseppe Conte ra điều trần trước Thượng Viện về tình hình chính trị hiện tại. Bộ trưởng Nội Vụ Matteo Salvini gần đây đã lên tiếng yêu cầu bầu cử sớm và có ý định ngừng quan hệ đồng minh với đảng M5S, đẩy Ý vào cuộc khủng hoảng chính trị bất ngờ.

Trước giờ họp Thượng Viện, sáng nay, ông Di Maio, lãnh đạo đảng 5 Sao (M5S), đồng thời là phó thủ tướng Ý, trên trang facebook, đã tuyên bố giải thể liên minh với đảng Liên Đoàn của ông Salvini. Rất có thể thủ tướng Giuseppe Conte cũng tuyên bố từ chức trong cuộc họp chiều nay, mở ra một lối thoát cho cuộc khủng hoảng này.

Từ Roma, thông tín viên Anne Le Nir tường trình :

« Tình hình chính trị hiện nay vô cùng hỗn loạn ! Matteo Salvini, người đệ trình bản kiến nghị bất tín nhiệm đối với thủ tướng, nhận ra rằng ông đã đi một nước cờ sai. Salvini có lẽ sẵn sàng lùi bước và một lần nữa bắt tay với các đồng minh cũ thuộc đảng M5S. Thế nhưng đảng này tuyên bố đã chấm dứt quan hệ với « kẻ phản bội Salvini ». Đảng Dân Chủ, đứng đầu phe đối lập, lại đang bị chia rẽ. Những người theo Matteo Renzi ủng hộ một thỏa thuận với Phong trào 5 Sao, thậm chí với cả đảng Forza Italia của ông Silvio Berlusconi, nhằm « cứu nước Ý thoát khỏi khỏi hiểm họa Salvini ».

Lãnh đạo đảng Dân Chủ, Nicola Zingaretti, và phe của ông cho rằng nên bầu cử lại. Bởi lẽ, đảng Dân Chủ và phong trào dân túy không thể đồng thuận với nhau. Và thủ tướng Giuseppe Conte, có những phát biểu chỉ trích hướng thẳng vào Salvini.

Sau khi phát biểu tại Thượng Viện, rất có thể ông Conte sẽ đệ đơn từ chức lên tổng thống Sergio Mattarella. Việc từ chức này có thể mở đường cho các cuộc tham khảo thương lượng nhằm thành lập chính phủ mới hoặc giải tán nghị viện. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190820-khung-hoang-chinh-tri-tai-y-thu-tuong-giuseppe-conte-co-the-tu-chuc

 

Nga lên án Mỹ thử tên lửa gây căng thẳng

Hôm 20/8, Nga lên án việc Hoa Kỳ thử tên lửa hành trình mặt đất đã kích động căng thẳng quân sự, nhưng Moscow sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang, Reuters dẫn nguồn tin của Thông tấn Nga TASS.

Hôm 19/8, Lầu Năm Góc cho biết Hoa Kỳ đã thử nghiệm một tên lửa hành trình quy ước, đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 500km (310 mile). Đây là lần thử tên lửa đầu tiên sau khi Hoa Kỳ rút khỏi một hiệp ước hạt nhân mang tính bước ngoặt có từ hậu Chiến tranh Lạnh vào đầu tháng này.

Hôm 2/8, Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga sau khi cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước này, một cáo buộc mà Kremlin bác bỏ.

Nếu còn tham gia hiệp ước này, Hoa Kỳ sẽ bị cấm thử tên lửa.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov được Reuters dẫn lời, nói: “Tất cả những điều này là sự hối tiếc, Hoa Kỳ rõ ràng đã gây căng thẳng, leo thang quân sự. Chúng tôi sẽ không chịu khuất phục trước các hành động khiêu khích.”

Nhà ngoại giao Nga nói thêm: “Chúng tôi không tự cho phép mình bị cuốn vào cuộc đua vũ trang tốn kém.”

Hiệp ước INF cấm sử dụng tên lửa đặt trên mặt đất có tầm bay từ 310 đến 3.400 mile (khoảng từ 500 km đến 5.500 km), giảm khả năng hai nước có thế tấn công nhau bằng vũ khí hạt nhân bằng một cảnh cáo nhanh.

Ông Ryabkov nói rằng mặc dù Hoa Kỳ đã thử nghiệm, Nga không có kế hoạch triển khai bất kỳ tên lửa mới nào, ngoại trừ nếu Hoa Kỳ triển khai trước.

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết cuộc thử nghiệm này cho thấy Mỹ đang châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang và đối đầu mới, sẽ có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến an ninh khu vực và toàn cầu.

Ông Cảnh nói tại cuộc họp báo hôm 20/8: “Chúng tôi khuyên phía Hoa Kỳ nên từ bỏ các quan niệm lỗi thời về tư duy Chiến tranh Lạnh và các trò vô bổ, và hãy hạn chế phát triển vũ khí.”

https://www.voatiengviet.com/a/nga-len-an-my-thu-ten-lua-gay-cang-thang/5049390.html

 

Ngân sách quốc phòng Đài Loan

 tăng theo mối đe dọa TQ?

Đại diện Hoa Kỳ tại đảo quốc Đài Loan vào ngày 15 tháng 8 phát biểu rằng Washington mong muốn Đài Bắc tiếp tục gia tăng ngân sách quốc phòng khi mà mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc đối với Đài Loan tiếp tục tăng lên.

AP loan tin dẫn phát biểu của ông Brent Christensen nói rõ Washington không chỉ theo dõi nhiệt tâm của Đài Bắc khi tìm kiếm những công cụ cần thiết nhằm bảo đảm quốc phòng tự vệ, mà còn theo dõi quyết tâm mạnh mẽ phát triển ngành công nghiệp quốc phòng bản xứ của đảo quốc Đài Loan.

Vị đại diện Hoa Kỳ bày tỏ khen ngợi đối với Đài Loan và dự báo ngân sách quốc phòng của Đài Bắc sẽ tiếp tục gia tăng tương ứng với những mối đe dọa mà đảo quốc này phải đối diện.

Theo lời ông Brent Christensen thì kể từ năm 2008, Nhà Trắng đã thông báo cho Quốc Hội Hoa Kỳ lượng  vũ khí quân sự bán cho Đài Loan là hơn 24 tỷ đô la. Trong số này gồm khoản 2 tỷ 2 bán trong hai tháng qua. Đó là khoản tiền bán 108 xe tăng MiA2 và 250 hỏa tiễn Stinger. Riêng chính quyền của tổng thống Donald Trump cũng thông báo cho Quốc hội Hoa Kỳ lượng vũ khí bán cho Đài Loan trị giá 4,4 tỉ đô la.

Sang ngày 16 tháng 8, tờ Washington Post loan tin chính quyền của tổng thống Donald Trump đang xúc tiến thương vụ bán tiêm kích F-16 trị giá 8 tỷ đô la Mỹ cho Đài Loan; bất chấp phản đối từ phía Trung Quốc.

Một viên chức Hoa Kỳ và những nguồn tin thân cận khác cho Washington Post biết như vừa nêu. Nếu được phê duyệt đây sẽ là thương vụ bán vũ khí lớn nhất và quan trọng nhất cho đảo quốc Đài Loan suốt nhiều năm qua.

Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ trước những thương vụ vũ khí như thế và gần đây tuyên bố sẽ áp lệnh trừng phạt đối với bất cứ doanh nghiệp Hoa Kỳ nào liên quan đến những thương vụ đó. Lý do được Bắc Kinh nại đến là hoạt động đó gây phương hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Mới hôm chủ nhật ngày 11 tháng 8, Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa lại cảnh báo sẽ có hành động để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan cũng như Biển Đông.

Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan vẫn cứng rắn đối với đe dọa vừa nêu của Bắc Kinh khi nói sẽ thống nhất Đài Loan kể cả bằng vũ lực.

Bà Thái Anh Văn cho biết đang gia tăng công tác huấn luyện để sẵn sang chuyển đổi sang lực lượng toàn thành phần tình nguyện. Ngoài ra trong 3 năm liên tục vừa qua ngân sách quốc phòng của Đài Bắc đều được tăng.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/29904-ngan-sach-quoc-phong-dai-loan-tang-theo-moi-de-doa-tq.html

 

Hong Kong: Nhân viên Lãnh sự quán Anh

 ‘bị giữ ở biên giới TQ’

Bộ Ngoại giao Anh bày tỏ quan ngại trước tin nói một nhân viên lãnh sự quán Anh ở Hong Kong đã bị giữ tại biên giới Trung Quốc.

Truyền thông đưa tin ông Simon Cheng, người Hong Kong, được cho là đã mất tích từ ngày 8 tháng Tám.

Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Anh nói họ đang “yêu cầu thêm thông tin từ giới chức Quảng Đông và giới chức Hong Kong.”

Sứ quán Anh tại Bắc Kinh đang hỗ trợ gia đình ông Cheng.

Hong Kong sẵn sàng cho các cuộc biểu tình lớn sắp tới

Biểu tình ôn hòa quy mô lớn ở Hong Kong

Biểu tình Hong Kong: Twitter và Facebook xóa tài khoản TQ

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh nói: “Chúng tôi lo ngại trước tin một nhân viên của chúng tôi đã bị giữ khi trên đường trở về Hong Kong từ Thâm Quyến.”

Trang tin địa phương HKFP đưa tin ông Cheng là một nhân viên chuyên về thương mại và đầu tư trong bộ phận Phát triển Quốc tế Scotland thuộc lãnh sự quán Anh. Trang này nói ông đã tới dự một sự kiện kinh doanh ở Thâm Quyến vào ngày 8/8 qua cửa kiểm soát xuất nhập cảnh Lo Wu.

Bạn gái ông Cheng nói với trang tin HK01 ông đã có kế hoạch về nhà bằng tàu hỏa trong cùng ngày, nhưng đã không trở về.

Nhiều du khách kể về các biện pháp an ninh tăng cường tại biên giới Hong Kong – Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách dập các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong, mà Bắc Kinh gọi là “gần như khủng bố”.

Những người đi lại qua biên giới trong thời gian gần đây thuật lại rằng bất kỳ ai đi qua biên giới từ Hong Kong vào Trung Quốc lục địa đều phải đi qua kiểm tra của cảnh sát phía lục địa. Cảnh sát kiểm tra điện thoại của mọi người và xem xét kỹ ảnh và video trong máy họ.

Biểu tình ở Hong Kong: dân TQ đại lục và HK nói gì?

“Cô Chan” đi từ Hong Kong qua Trung Quốc đại lục vì mục đích kinh doanh. Cô kể với BBC cô bị ép xóa ảnh trong điện thoại tại biên giới trong một chuyến đi gần đây. Cảnh sát tiến hành kiểm tra bất ngờ và yêu cầu cô nộp điện thoại, trong đó có một số cuộc chuyện trò của cô với bạn bè về các cuộc biểu tình trên ứng dụng Whatsapp.

“Tôi rất sợ họ kiểm tra điện thoại của tôi, nên tôi đưa cho họ cái điện thoại cũ. Tôi nghĩ là tôi đã xóa hết tất cả các tấm ảnh biểu tình, nhưng họ cũng tìm cả các biểu ngữ và tin tức có liên quan đến biểu tình.

“Sau khi họ thấy những thứ đó trong phone của tôi, vị cảnh sát đó lập tức gọi các nhân viên mặc đồng phục khác tới. Họ dẫn tôi vào một phòng khác, và hỏi về lý lịch của tôi, công việc của tôi, liệu tôi đã tham gia biểu tình chưa. Các cảnh sát khác cũng xem rất kỹ album ảnh trong phone của tôi để xem tôi có bao nhiêu bức ảnh liên quan đến biểu tình.

“Tôi đã xóa một số ảnh biểu tình trong iPhone, nhưng tôi không biết chúng vẫn nằm trong folder “mới xóa gần đây”. Cảnh sát cũng kiểm tra folder đó. Anh ta phát hiện ra tôi có khoảng 100 bức ảnh và yêu cầu tôi xóa hết.

“Quan sát của tôi là cứ ba người thì họ kiểm tra hai người. Tình hình khá căng thẳng. Bạn tôi bây giờ chẳng có ai muốn đi Trung Quốc lục địa nữa.”

Biểu tình ở Hong Kong, nay đã bước sang tháng thứ ba, được châm ngòi từ dự luật dẫn độ mà giờ đây đã bị hoãn.

Các cuộc biểu tình nay đã phát triển thành một phong trào rộng hơn kêu gọi cải cách dân chủ ở Hong Kong, và một cuộc điều tra về cáo buộc cảnh sát đàn áp dã man người biểu tình.

Những người tổ chức nói 1,7 triệu người tham gia xuống đường ủng hộ dân chủ ở trung tâm Hong Kong hôm Chủ Nhật.

Cảnh sát nói con số người biểu tình chỉ là 128,000 – chỉ tính những ai chính thức đăng ký ở Công viên Victoria trong thành phố.

Biểu tình Hong Kong: Chính trị gia thế giới nói gì?

Hong Kong: Tài phiệt ủng hộ Bắc Kinh, giáo viên ủng hộ học sinh

Hong Kong, Việt Nam và những tiềm ẩn

Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam cho biết hôm thứ Ba rằng bà hy vọng cuộc biểu tình chống chính phủ ôn hòa cuối tuần qua là khởi đầu cho nỗ lực khôi phục hòa bình và cuộc đối thoại với những người biểu tình ôn hòa sẽ tìm thấy ‘lối ra’ cho tinh trạng hiện nay của thành phố này.

“Tôi hy vọng rằng đây là khởi đầu của quá trình đem bình yên trở lại xã hội và thoát khỏi bạo lực,” bà Lam nói.

Bà hứa hẹn “sẽ ngay lập tức bắt đầu công việc tạo mở ra cuộc đối thoại” giữa chính phủ Hong Kong và người biểu tình, nhưng không nói rõ cuộc đối thoại sẽ diễn ra theo hình thức nào.

“Cuộc đối thoại này, tôi hy vọng, sẽ dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau và tìm ra lối thoát cho Hong Kong hiện nay.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-49406479

 

Hong Kong sẵn sàng

cho các cuộc biểu tình lớn sắp tới

Hong Kong đang chuẩn bị cho các cuộc biểu tình tiếp theo trong tuần này sau khi hàng trăm ngàn người phản đối chính phủ đội mưa lớn để biểu tình ôn hòa vào Chủ nhật, đánh dấu một sự thay đổi với gian đoạn trước đó thường có đụng độ dữ dội.

Cuộc biểu tình quy mô lớn vào Chủ nhật, mà theo ban tổ chức có tới 1,7 triệu người tham gia, cho thấy phong trào này vẫn được ủng hộ rộng rãi bất chấp những hỗn loạn vào tuần trước khi người biểu tình chiếm sân bay thành phố.

Một số nhà hoạt động đã xin lỗi vì sự hỗn loạn của sân bay và những người biểu tình đã được trông thấy hối thúc những người khác về nhà một cách ôn hòa tối Chủ nhật.

Biểu tình ôn hòa quy mô lớn ở Hong Kog

Người Trung Quốc đại lục nghe gì về biểu tình Hong Kong?

Biểu tình Hong Kong lan rộng trên toàn cầu

Hong Kong: Tài phiệt ủng hộ Bắc Kinh, giáo viên ủng hộ học sinh

Cảnh sát cho biết hôm thứ Hai rằng trong khi cuộc biểu tình vào Chủ nhật chủ yếu là ôn hòa, tuy nhiên vào buổi tối một số người biểu tình đã phá hoại các tòa nhà công cộng và chiếu tia laser vào các sĩ quan.

Nhưng cảnh tượng sáng Chủ Nhật dù sao vẫn khác xa với các cuộc đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động những tuần gần đây, không có cảnh các nhà hoạt động xông vào cơ quan lập pháp và nhắm vào Văn phòng Liên lạc chính của Trung Quốc trong thành phố, hay đạn hơi cay từ phía cảnh sát.

Các cuộc biểu tình này là một trong những thách thức lớn nhất đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012.

Các cuộc biểu tình đã kéo dài suốt nhiều tuần tại Hong Kong, thuộc Trung Quốc, bắt đầu từ sự giận dữ về một dự luật dẫn độ sang đại lục, nhưng đã mở rộng thành yêu cầu cải cách dân chủ.

Họ kêu gọi một điều tra độc lập về cáo buộc cảnh sát dùng vũ lực quá tay trong đợt biểu tình vừa rồi và đòi trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức.

Ngoài ra những người biểu tình có năm yêu cầu – rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, tạm dừng việc mô tả về các cuộc biểu tình là bạo loạn và rút cáo buộc đối vớinhững người bị bắt, một cuộc điều tra độc lập và thực hiện cải cách chính trị.

Wang, một người biểu tình,phát biểu tại một “cuộc họp báo của công dân thành phố” hôm thứ Hai, sau khi được hỏi rằng cuộc biểu tình sẽ đi theo con đường nào, hòa bình hay bạo lực:

“Chúng tôi đã bắt đầu các cuộc biểu tình của mình rất yên bình nhưng sau hai tháng rưỡi, dường như chính phủ Hong Kong đã không đáp ứng với năm yêu cầu của chúng tôi và rồi chuyện này kéo theo chuyện khác, sự việc leo thang.”

“Nếu bạn hỏi tôi, cá nhân tôi hy vọng sẽ có một giải pháp nhanh chóng cho vấn đề này từ chính phủ để chúng tôi không phải biểu tình nữa.”

“Lối thoát” thông qua đối thoại

Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam cho biết hôm thứ Ba rằng bà hy vọng cuộc biểu tình chống chính phủ cuối tuần qua diễn ra ôn hòa là khởi đầu cho nỗ lực khôi phục hòa bình và cuộc đối thoại với những người biểu tình ôn hòa sẽ tìm thấy ‘lối ra’ cho tinh trạng hiện nay của thành phố này.

“Tôi hy vọng rằng đây là khởi đầu của quá trình đem bình yên trở lại xã hội và thoát khỏi bạo lực,” bà Lam nói.

“Chúng tôi sẽ ngay lập tức bắt đầu công việc tạo mở ra cuộc đối thoại. Cuộc đối thoại này, tôi hy vọng, sẽ dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau và tìm ra lối thoát cho Hong Kong hiện nay.”

Hong Kong đã được Anh trả lại cho Trung Quốc năm 1997, nhưng Hong Kong vẫn được giữ một số định chế dân chủ trong 50 năm, hết hạn năm 2047.

Hong Kong có sự độc lập về tư pháp và báo chí tự do theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, nhưng giới hoạt động nói họ lo ngại sự tự do ngày càng bị thu hẹp lại.

https://www.bbc.com/vietnamese/49404469

 

Biểu tình Hong Kong:

Twitter và Facebook xóa tài khoản TQ

Dave LeePhóng viên Công nghệ Bắc Mỹ

Twitter và Facebook đã thực hiện chặn các tài khoản mà họ cho là thuộc một chiến dịch truyền thông sai lệch do Trung Quốc hậu thuẫn.

Twitter cho biết đã xóa 936 tài khoản “đang được sử dụng để gieo rắc bất hòa chính trị ở Hong Kong”.

Twitter nói các tài khoản này có nguồn gốc từ Trung Quốc đại lục và là một phần trong nỗ lực phối hợp nhằm làm suy yếu tính hợp pháp và các vị thế chính trị của phong trào biểu tình Hong Kong.

Facebook cho biết đã xóa “bảy trang, ba nhóm và năm tài khoản Facebook”.

Biểu tình Hong Kong: Chính trị gia thế giới nói gì?

Biểu tình ôn hòa quy mô lớn ở Hong Kong

Hong Kong: Tài phiệt ủng hộ Bắc Kinh, giáo viên ủng hộ học sinh

“Họ thường đăng bài về các tin tức chính trị địa phương và các chủ đề như biểu tình Hong Kong,” ông Nathaniel Gle Rich, người phụ trách chính sách an ninh mạng của Facebook, cho hay.

“Mặc dù những người đứng sau hoạt động này cố gắng che giấu danh tính, cuộc điều tra của chúng tôi đã tìm thấy các liên kết liên quan đến chính phủ Trung Quốc.”

Ngoài 936 tài khoản cụ thể, Twitter cho biết có tới 200.000 tài khoản khác được thiết kế để khuếch đại thông tin sai lệch. Các tài khoản này đã bị chặn trước khi kịp ‘hoạt động một cách tích cực’.

“Dựa trên các cuộc điều tra chuyên sâu của chúng tôi,” Facebook cho hay trong một thông cáo, “chúng tôi có bằng chứng đáng tin cậy rằng đây là một hoạt động được nhà nước hậu thuẫn”.

“Cụ thể, chúng tôi đã xác định số lượng lớn các tài khoản hoạt động theo cách phối hợp để khuếch đại các thông điệp liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hong Kong.”

Facebook nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cảnh giác, nghiên cứu mạng lưới này và chủ động thực thi các chính sách của mình.”

Động thái này được đưa ra sau khi Twitter bị chỉ trích dữ dội vào cuối tuần qua vì cho phép hãng tin Xinhua của Trung Quốc mua các bài quảng cáo trên trang này. Twitter cho biết vào thứ Hai 17/8 rằng sẽ không cho phép quảng cáo như vậy nữa.

“Từ nay về sau, chúng tôi sẽ không chấp nhận quảng cáo từ các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát.”

Tuy nhiên, Twitter cho biết chính sách mới này không áp dụng “đối với các cơ quan có đóng thuế, bao gồm cả các đài truyền hình độc lập.”

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong diễn ra như thế nào?

Hàng ngàn người Hong Kong đã biểu tình kể từ tháng Ba để phản đối một dự luật của chính phủ cho phép dẫn độ nghi phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc đại lục.

Những người chỉ trích dự luật cho rằng nó sẽ làm suy yếu nền tư pháp độc lập của Hong Kong và có thể được sử dụng để nhắm vào những người lên tiếng chống lại chính phủ Trung Quốc.

Dự luật đã bị đình chỉ vào tháng Sáu sau một loạt các cuộc biểu tình lớn. Nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục và hiện đã biến thành một phong trào lớn hơn đòi hỏi cải cách dân chủ và một cuộc điều tra về sự tàn bạo của cảnh sát trong các cuộc biểu tình.

Tuần trước, hàng ngàn người biểu tình đã tràn vào sân bay Hong Kong, dẫn đến đụng độ với cảnh sát và khiến trăm chuyến bay bị hủy.

Các nhà tổ chức cho biết 1,7 triệu người đã xuống đường biểu tình ôn hòa hôm Chủ nhật 18/8. Nhưng cảnh sát đưa ra con số thấp hơn nhiều ở mức 128.000.

Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng sau tình trạng bất ổn ở sân bay, lên án đó là “hành vi gần như khủng bố”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-49403629

 

Hong Kong: Bánh trung thu

cũng mang khẩu hiệu biểu tình

Một tiệm bánh ở Hong Kong đang nỗ lực để ủng hộ phong trào phản kháng dân chủ của thành phố bằng cách làm bánh trung thu với một thông điệp trên đó, theo AP.

Tại Wah Yee Tang, món bánh nhân tết trung thu truyền thống của Trung Quốc năm nay có sự thay đổi: các khẩu hiệu phản đối chính phủ thân Bắc Kinh của thành phố, và quảng bá bản sắc độc đáo của Hong Kong, nơi đang ngày càng nổi tiếng vì các cuộc tuần hành biểu tình.

Chủ tiệm bánh, bà Naomi Suen, hy vọng những chiếc bánh sẽ mang lại điều tích cực trong thời gian bất ổn chính trị ở Hồng Kông.

Bánh trung thu của bà Suen mang theo các thông điệp, bao gồm “Không rút lui, không phân tán”, và “người Hong Kong”.

Các phiên bản khác còn có “Hãy trở thành nước”, ám chỉ đến triết lý của những người biểu tình, lấy cảm hứng từ ngôi sao võ thuật Bruce Lee, nói về cách tiếp cận linh hoạt trong các cuộc biểu tình của họ.

Bà Suen hy vọng bánh trung thu của bà có thể “làm cho người Hong Kong vui vẻ trở lại”.

Một khách hàng tên Sandy Lam nói rằng chiếc bánh ngọt “đại diện cho tiếng nói của chúng tôi” và phản ánh “tình hình thực tế” của người biểu tình.

Người biểu tình đã xuống đường từ đầu tháng 6 như một phần trong phong trào phản kháng, bắt đầu bằng yêu cầu hủy bỏ luật dẫn độ nghi phạm hình sự đến Trung Quốc. Phong trào này mở rộng với những lời kêu gọi dân chủ hoàn toàn và yêu cầu một cuộc điều tra về hành động bạo lực của cảnh sát đối với người biểu tình.

https://www.voatiengviet.com/a/hong-kong-banh-trung-thu-mang-khau-hieu-bieu-tinh/5048256.html

 

Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ thử tên lửa

sẽ kích hoạt một ‘cuộc chạy đua vũ trang’ mới

Động thái phóng thử tên lửa hành trình tầm trung của Hoa Kỳ sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang mới, dẫn tới đối đầu quân sự leo thang mà nó sẽ gây tác động tiêu cực nghiêm trọng đến an ninh khu vực và thế giới.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, được AFP trích lời, tuyên bố như vừa nêu vào hôm thứ Ba, ngày 20 tháng 8, hai ngày ngày sau khi Mỹ tiến hành phóng thử nghiệm tên lửa hành trình tầm trung tại Đảo San Nicolas, vùng biển ở bang California dưới sự quản lý của Hải quân Hoa Kỳ.

Phát ngôn nhân Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ nên từ bỏ các quan niệm lỗi thời từ thời Chiến tranh Lạnh và hãy làm những điều có lợi vì hòa bình và ổn định cho khu vực và thế giới.

Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ vào ngày 19 tháng 8 thông báo vừa cho thử nghiệm một loại tên lửa mặt đất đã bị cấm theo Hiệp ước Về Loại bỏ Tên lửa Hạt nhân-Tầm trung (INF) năm 1987.

Vụ phóng thử tên lửa vừa nêu của Hoa Kỳ diễn ra chỉ vài tuần sau khi Washington và Moscow rút khỏi INF trong tháng này. Cả hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm hiệp ước; đồng thời cũng vài tuần sau khi xảy ra một vụ nổ gây chết người ở một khu vực thử nghiệm miền Bắc của Nga mà giới chuyên gia Tây Âu cho rằng vụ nổ đó có liên hệ với việc Moscow đang cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân.

Nga vào ngày 20 tháng 8 lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ làm gia tăng căng thẳng quân sự qua động thái phóng thử tên lửa mới nhất này. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov được hãng thông tấn TASS trích lời rằng Nga sẽ không bị lôi kéo vào những hành động khiêu khích như thế.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-missile-test-will-trigger-a-new-arms-race-beijing-08202019090717.html

 

TQ diễn tập ngắm bắn tàu khu trục Nhật

Chiến đấu cơ Trung Quốc được cho là đã sử dụng tàu khu trục Nhật làm mục tiêu diễn tập ở Biển Hoa Đông cách đây vài tháng. Chính phủ Nhật Bản thời điểm đó không tiết lộ thông tin này vì không muốn để lộ năng lực quân sự.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản dẫn các nguồn tin chính phủ nước này ngày 19-8 cho biết máy bay quân sự của Trung Quốc đã sử dụng các tàu khu trục Nhật Bản gần đó làm mục tiêu diễn tập khi tiến hành một cuộc tập trận tên lửa ở biển Hoa Đông cách đây vài tháng.

Theo các nguồn tin này, chính phủ Nhật Bản xem đây là “hành động quân sự vô cùng nguy hiểm”, có thể diễn biến thành một tình huống bất ngờ.

Cuộc tập trận này diễn ra hồi cuối tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, Nhật Bản đã không gửi công hàm phản đối Trung Quốc hay công bố vụ việc cho công chúng biết vì Tokyo không muốn tiết lộ năng lực thu thập và phân tích tình báo của mình, các nguồn tin trên giải thích.

Theo các nguồn tin, thời điểm đó một vài tiêm kích bom JH-7 của Trung Quốc tiếp cận 2 tàu khu trục của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) ở khoảng cách nằm trong phạm vi hoạt động của tên lửa chống hạm.

Các binh sĩ trên tàu Nhật lúc đó không thể xác định được ý định của máy bay Trung Quốc vì máy bay Trung Quốc không dùng rađa khóa mục tiêu vào tàu Nhật. Tuy nhiên, nhờ đánh chặn được liên lạc từ máy bay Trung Quốc, phía Nhật nắm được nội dung trao đổi giữa các phi công Trung Quốc. Theo đó, họ nói rằng sẽ sử dụng tàu chiến Tokyo làm “mục tiêu giả định”.

Dựa trên phân tích thông tin liên lạc vô tuyến, đường bay của máy bay Trung Quốc cùng các thông tin khác, Nhật Bản kết luận Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận tên lửa diệt hạm thời điểm đó.

Một số quan chức Nhật Bản xem rằng hành động này là một sự khiêu khích, trong khi các chuyên gia quốc phòng cho rằng cần phân tích thêm vụ việc.

“Thông thường không có chuyện bất kỳ tổ chức quân sự nào sử dụng quân đội của một quốc gia khác làm mục tiêu trong một cuộc tập trận ở vùng biển quốc tế” – ông Bonji Ohara, nhà nghiên cứu tại Quỹ hòa bình Sasakawa, bình luận. Ông nói rằng cũng cần làm rõ liệu động thái trên do các chỉ huy quân đội Trung Quốc ra lệnh hay do phi công tự ý tiến hành.

Hồi năm 2013, một tàu chiến Trung Quốc đã hướng rađa kiểm soát hỏa lực ngắm bắn một tàu khu trục của Nhật Bản ở biển Hoa Đông, buộc chính phủ Nhật Bản gửi công hàm phản đối Trung Quốc.

Theo Kyodo, quan hệ Trung – Nhật đang dần cải thiện gần đây, nhưng hai quốc gia vẫn đang căng thẳng tại biển Hoa Đông. Tokyo liên tục phản đối Trung Quốc đơn phương khai thác khí đốt ở vùng biển này cũng như việc tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản.

Các chuyên gia quân sự nhận định cuộc tập trận tên lửa trên của Trung Quốc cho thấy căng thẳng ở khu vực biển Hoa Đông vẫn còn dai dẳng. Điều đó cũng đồng nghĩa cần có một cơ chế để tránh xảy ra các cuộc đụng độ bất ngờ giữa các bên.

http://biendong.net/bi-n-nong/29900-tq-dien-tap-ngam-ban-tau-khu-truc-nhat.html

 

TQ tiếp tục dọa đáp trả

việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay tuyên bố Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp đáp trả sau khi Trump duyệt bán 66 tiêm kích F-16V cho Đài Loan.

“Trung Quốc đã đưa ra nhiều phản kháng nghiêm túc đối với việc Mỹ bán chiến đấu cơ F-16V cho Đài Loan. Mỹ phải chịu toàn bộ hậu quả từ thương vụ này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phát biểu tại buổi họp báo ở Bắc Kinh hôm nay, lặp lại tuyên bố tương tự hôm 16/8.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ông đã phê duyệt hợp đồng trị giá 8 tỷ USD để bán 66 tiêm kích F-16V hiện đại nhất cho Đài Loan. Trump cho biết hợp đồng vẫn cần được quốc hội Mỹ thông qua trước khi có hiệu lực, song các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ trước đó tỏ ý ủng hộ.

“Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của chính mình dựa trên diễn biến tình hình”, ông Cảnh nói thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng hợp đồng bán chiến đấu cơ đã vi phạm nguyên tắc “Một Trung Quốc” và yêu cầu Mỹ dừng ngay thương vụ này.

Ông Cảnh không nêu chi tiết những biện pháp đáp trả Trung Quốc có thể thực hiện. Hồi tháng 7, Bắc Kinh nói sẽ áp lệnh trừng phạt các công ty Mỹ liên quan việc bán lô xe tăng, tên lửa và các thiết bị liên quan trị giá 2,2 tỷ USD cho Đài Loan với lý do “gây tổn hại chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc”.

Việc bán các tiêm kích F-16V là hợp đồng vũ khí lớn nhất giữa Mỹ và Đài Loan trong nhiều năm qua. Người đứng đầu lực lượng phòng vệ Đài Loan hoan nghênh việc chính quyền Trump phê duyệt hợp đồng, thể hiện mong muốn quốc hội Mỹ sẽ thông qua thương vụ này càng sớm càng tốt.

Trong khi đó, tờ Global Times của Trung Quốc nói rằng thỏa thuận này sẽ thúc đẩy phản ứng mạnh mẽ từ Đại lục, bao gồm các cuộc tập trận và các biện pháp kinh tế nhằm vào Đài Loan.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả phải dùng vũ lực. Dù công nhận chính sách “một Trung Quốc”, Mỹ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao và bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng thường không cung cấp những khí tài hiện đại nhất để tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh.

http://biendong.net/bi-n-nong/29893-tq-tiep-tuc-doa-dap-tra-viec-my-ban-vu-khi-cho-dai-loan.html

 

Twitter và Facebook cáo buộc Trung Cộng sử dụng

 tài khoản giả phá hoại cuộc biểu tình Hồng Kông

Vào hôm thứ Hai (19/8), Twitter và Facebook cho biết họ đã hủy bỏ một chiến dịch truyền thông xã hội do nhà nước hậu thuẫn bắt nguồn từ Trung Cộng, nhằm làm suy yếu các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Twitter cho biết họ đã đình chỉ 936 tài khoản và các hoạt động phối hợp được nhà nước hậu thuẫn bắt nguồn từ Trung Cộng. Họ cho biết rằng các tài khoản này chỉ là phần hoạt động mạnh nhất của chiến dịch, và có một mạng lưới lớn hơn gồm khoảng 200,000 tài khoản đã bị chủ động đình chỉ trước khi chúng có những hoạt động đáng kể.

Facebook cũng cho biết họ đã xóa nhiều trang và tài khoản khỏi một mạng lưới nhỏ sau khi được Twitter chỉ điểm. Họ tuyên bố rằng cuộc điều tra của họ đã phát hiện ra những mối liên hệ đến các cá nhân có liên kết với chính phủ Trung Cộng.

Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã đặt ra một trong những thách thức lớn nhất đối với Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012. Sau khi bùng nổ vào tháng 6 để phản đối dự luật hiện đã bị đình chỉ cho phép nghi phạm bị dẫn độ sang Trung Cộng, các cuộc biểu tình này đã phát triển thành những lời kêu gọi dân chủ rộng hơn.

Các công ty truyền thông xã hội trên toàn cầu đang phải đối mặt với áp lực trong việc ngăn chặn các chiến dịch ảnh hưởng chính trị bất hợp pháp trên mạng, đặc biệt là trước cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 2020. Một cuộc điều tra kéo dài 22 tháng của Hoa Kỳ đã kết luận rằng Nga đã can thiệp “một cách rộng rãi và có hệ thống” trong cuộc bầu cử năm 2016 của Hoa Kỳ để giúp tổng thống Trump giành được chức tổng thống. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/twitter-va-facebook-cao-buoc-trung-cong-su-dung-tai-khoan-gia-pha-hoai-cuoc-bieu-tinh-hong-kong/

 

Cảnh sát Trung Quốc điều tra

gói bưu kiện FedEx chứa súng ngắn

Cảnh sát tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc, vừa mở một cuộc điều tra sau khi một bưu kiện của FedEx gửi về từ Mỹ được phát hiện có chứa một khẩu súng ngắn. Theo Reuters, đây là vụ việc mới nhất liên quan đến Trung Quốc có ảnh hưởng đến công ty chuyển phát của Hoa Kỳ.

Giữa lúc mối quan hệ Trung-Mỹ đang căng thẳng, công ty chuyển phát nhanh FedEx của Mỹ có trụ sở tại Memphis đang phải đối mặt với sự giám sát ở Trung Quốc vì nghi ngờ công ty này đã giữ lại bất hợp pháp hơn 100 bưu kiện của Huawei, sau khi Washington hồi tháng Năm đưa tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc vào danh sách đen và cấm các công ty Mỹ làm ăn với tập đoàn này.

Cảnh sát ở thành phố Phúc Châu, thủ phủ tỉnh Phúc Kiến, cho biết trên trang Weibo hôm 18/8 rằng một công ty sản xuất đồ thể thao, không được nêu danh tính, đã nhận được bưu kiện gửi từ một khách hàng Mỹ thông qua FedEx.

“Bên trong là một khẩu súng”, cảnh sát Trung Quốc cho biết trên trang mạng xã hội chính thức của họ. “Vào thời điểm hiện tại, cảnh sát Phúc Châu đã tịch thu khẩu súng và bắt đầu điều tra vụ việc”.

Người phát ngôn của FedEx, vốn đã lên tiếng xin lỗi vì những sự cố liên quan đến các bưu kiện của Huawei bị thất lạc, cho biết, công ty đã thông báo cho các cơ quan chức năng về lô hàng vào ngày 14/6, mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

“Chúng tôi nghiêm túc xem xét vấn đề này và sẽ tiếp tục hợp tác toàn diện”, Reuters dẫn lời người phát ngôn của FedEx nói trong email.

Công ty đã kiện chính phủ Hoa Kỳ vào tháng 6, cho rằng họ không phải chịu trách nhiệm nếu vô tình vận chuyển các sản phẩm vi phạm lệnh cấm xuất khẩu cho một số công ty Trung Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-trung-quoc-dieu-tra-goi-buu-kien-fedex-chua-sung-ngan/5048165.html

 

Philippines cảnh báo về những tàu chiến

đi qua vùng biển của nước này mà không thông báo

Cũng trong khu vực, phát ngôn nhân của tổng thống Philippines vào ngày 20 tháng 8 được Reuters dẫn lời rằng tất cả những tàu thuyền nước ngoài đi qua vùng biển chủ quyền của Philippines phải thông báo và được cơ quan chức năng của Manila đồng ý.

Reuters dẫn phát biểu phát ngôn nhân của tổng thống Philippines, Salvador Panelo, rằng hoặc các tàu nhận được sự đồng thuận một cách thức hữu hảo hay phải đối diện biện pháp ‘không thân thiện.’

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thì nói với báo giới rằng biện pháp ‘không thân thiện’ của Manila có thể gồm đưa tàu đến để kèm tàu nước ngoài bị phát hiện đi ra khỏi vùng biển của Philippines. Người đứng đầu ngành quốc phòng Philippines nói rõ Manila sẽ có nhiều biện pháp mang tính ‘không thân thiện’ đối với tàu nước ngoài vào vùng biển chủ quyền của Philippines mà không thông báo hay xin phép.

Trong mấy tuần qua, Manila gửi một số công hàm phản đối Bắc Kinh về việc tàu cảnh sát biển, tàu dân quân biển của Trung Quốc đi vào vùng biển chủ quyền của Philippines tại Biển Đông.

Các lực lượng vũ trang của Philippines công bố hình ảnh và dẫn lời của nhân chứng nhìn thấy tàu tàu chiến của Trung Quốc ngoài khơi Palawan và tỉnh đảo Tawi Tawi kể từ tháng hai cho đến đầu tháng 8 vừa qua.

Theo bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thì hoạt động của Trung Quốc như thế là ‘khiêu khích’ đáng ngại.

Cảnh báo từ phát ngôn nhân của tổng thống Philippines được đưa ra vào khi ông Rodrigo Duterte gặp phải chỉ trích từ trong nước là thụ động trước những khiêu khích của Trung Quốc nhằm đổi lại quan hệ mậu dịch mặc dù những khoản hứa hẹn đầu tư chậm được thực hiện.

Vào ngày 28 tháng 8 tới đây tổng thống Rodrigo Duterte sẽ lên đường công du Trung Quốc đến ngày 2 tháng 9. Vào đầu tháng này, ông Duterte cho biết lần này sẽ nêu ra với chủ tịch Tập Cận Bình phán quyết mà Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế PCA ở La Haye tuyên vô hiệu đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc hồi tháng 7 năm 2016.

Phán quyết của PCA được tuyên theo đơn kiện mà Manila đệ trình từ năm 2013 về đường lưỡi bò mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra trên Biển Đông.

3.Philippines warns of ‘unfriendly’ greeting for uninvited warships (Philippines cảnh báo về những tàu chiến đi qua vùng biển của nước này mà không thông báo)

Cũng trong khu vực, phát ngôn nhân của tổng thống Philippines vào ngày 20 tháng 8 được Reuters dẫn lời rằng tất cả những tàu thuyền nước ngoài đi qua vùng biển chủ quyền của Philippines phải thông báo và được cơ quan chức năng của Manila đồng ý.

Reuters dẫn phát biểu phát ngôn nhân của tổng thống Philippines, Salvador Panelo, rằng hoặc các tàu nhận được sự đồng thuận một cách thức hữu hảo hay phải đối diện biện pháp ‘không thân thiện.’

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thì nói với báo giới rằng biện pháp ‘không thân thiện’ của Manila có thể gồm đưa tàu đến để kèm tàu nước ngoài bị phát hiện đi ra khỏi vùng biển của Philippines. Người đứng đầu ngành quốc phòng Philippines nói rõ Manila sẽ có nhiều biện pháp mang tính ‘không thân thiện’ đối với tàu nước ngoài vào vùng biển chủ quyền của Philippines mà không thông báo hay xin phép.

Trong mấy tuần qua, Manila gửi một số công hàm phản đối Bắc Kinh về việc tàu cảnh sát biển, tàu dân quân biển của Trung Quốc đi vào vùng biển chủ quyền của Philippines tại Biển Đông.

Các lực lượng vũ trang của Philippines công bố hình ảnh và dẫn lời của nhân chứng nhìn thấy tàu tàu chiến của Trung Quốc ngoài khơi Palawan và tỉnh đảo Tawi Tawi kể từ tháng hai cho đến đầu tháng 8 vừa qua.

Theo bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thì hoạt động của Trung Quốc như thế là ‘khiêu khích’ đáng ngại.

Cảnh báo từ phát ngôn nhân của tổng thống Philippines được đưa ra vào khi ông Rodrigo Duterte gặp phải chỉ trích từ trong nước là thụ động trước những khiêu khích của Trung Quốc nhằm đổi lại quan hệ mậu dịch mặc dù những khoản hứa hẹn đầu tư chậm được thực hiện.

Vào ngày 28 tháng 8 tới đây tổng thống Rodrigo Duterte sẽ lên đường công du Trung Quốc đến ngày 2 tháng 9. Vào đầu tháng này, ông Duterte cho biết lần này sẽ nêu ra với chủ tịch Tập Cận Bình phán quyết mà Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế PCA ở La Haye tuyên vô hiệu đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc hồi tháng 7 năm 2016.

Phán quyết của PCA được tuyên theo đơn kiện mà Manila đệ trình từ năm 2013 về đường lưỡi bò mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra trên Biển Đông.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/philippines-warns-of-unfriendly-greeting-for-uninvited-warships-08202019101325.html

 

TT Philippines ‘sẽ thất lễ’ nếu chiến hạm

nước ngoài không được mời mà tới

Hôm 20/8, Tổng thống Rodrigo Duterte cảnh báo tàu nước ngoài sẽ bị đối xử “không thân thiện” nếu họ mạo hiểm vào lãnh hải Philippines mà không được phép, ám chỉ các tàu chiến Trung Quốc đi vào khu vực gần bờ biển do Manila kiểm soát, theo Reuters.

Cảnh báo được đưa ra khi ông Duterte đối mặt với các lời chỉ trích trong nước – cáo buộc ông thụ động trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc để đổi lấy mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh.

Ông Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Duterte nói: “Tất cả các tàu nước ngoài đi qua lãnh hải của chúng ta phải thông báo và phải được chính quyền các cấp có thẩm quyền chấp thuận trước khi vào.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi một là tiếp đón một cách thân thiện hai là chúng tôi thực thi hành động không thân thiện.”

Ông Panelo không nêu tên Trung Quốc trong phát biểu của mình, cũng không nói chi tiết những cách thực thi ‘không thân thiện’ như thế nào.

XEM THÊM:

Philippines chính thức phản đối hành động của Trung Quốc ở eo biển Sibutu, đảo Thị Tứ

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói với các phóng viên rằng một phản ứng không thân thiện có thể liên quan đến việc hộ tống con tàu không mong muốn ra khỏi khu vực. “Có rất nhiều điều mà chúng ta có thể làm để tỏ ra không thân thiện,” ông nói.

Ông Duterte dự kiến sẽ thăm Trung Quốc vào tuần tới. Nhiều khả năng ông sẽ thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình về phán quyết trọng tài quốc tế năm 2016 đối với Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-phillipines-se-that-le-neu-chien-ham-nuoc-ngoai-khong-duoc-moi-ma-toi/5049618.html

 

Nghiên cứu của Úc: ‘TQ có thể

áp đảo quân đội Mỹ ở châu Á trong vài giờ’

Một nghiên cứu mới phổ biến cảnh báo quân đội Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rằng Trung Quốc có thể phát động và chiến thắng quân sự ngay cả trước khi các lực lượng Mỹ kịp phản ứng, theo Fox News.

Đài truyền hình của Mỹ trích báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu về Hoa Kỳ của trường Đại học Sydney bên Úc công bố hôm 16/8, trong đó nêu chi tiết về những thay đổi sâu rộng mà trung tâm này cho rằng đang xảy ra trong khu vực, tạo thuận lợi cho Trung Quốc phát huy ảnh hưởng nhiều hơn.

Báo cáo có tựa đề Khủng hoảng chuyển hướng: Chiến lược của Mỹ, chi tiêu quốc phòng và phòng thủ chung ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhận định rằng “Hoa Kỳ không còn được xem là lực lượng ưu việt ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và khả năng duy trì sự cân bằng quyền lực ngày càng không chắc chắn.”

CNN dẫn khuyến cáo của nghiên cứu nói rằng Úc, Nhật Bản và các đối tác khác của Mỹ cần xây dựng và tập trung lại lực lượng của họ trong khu vực và xem xét tăng cường hợp tác với Mỹ, để đảm bảo an ninh của họ.

Trong khi đó, tờ Newsweeks trích dẫn báo cáo cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ có thể tận dụng tình trạng quân đội Hoa Kỳ thiếu sự liên kết trong khu vực để tiến hành một cuộc tấn công quân sự chống lại các đồng minh của Mỹ và giành chiến thắng ngay cả trước khi Mỹ kịp phản ứng.

Báo cáo nhấn mạnh các lĩnh vực mà quân đội Trung Quốc đang có những bước tiến lớn so với Mỹ và các đồng minh và đối tác châu Á. Nổi bật trong những tiến bộ này là tên lửa.

“Trung Quốc đã triển khai một loạt các tên lửa chính xác và các hệ thống chống can thiệp khác để vượt qua khả năng thống trị quân sự của Mỹ trong khu vực.”

Hôm 19/8, theo CNN, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ chưa xem báo cáo của Úc, nhưng người phát ngôn Cảnh Sảng nhấn mạnh rằng chính sách quân sự của nước này là “là hoàn toàn mang tính phòng vệ.”

https://www.voatiengviet.com/a/nghien-cuu-cua-uc-tq-co-the-ap-dao-quan-doi-my-o-chau-a-trong-vai-gio/5049539.html