Tin khắp nơi – 20/05/2018
Mỹ-Trung ‘không gây chiến tranh thương mại’
Đặc phái viên Trung Quốc nói đàm phán mới nhất giúp “không gây ra cuộc chiến thương mại, đình chỉ áp thuế quan lẫn nhau”.
TQ vui mừng trước việc Trump đổi ý về ZTE
Trung Quốc làm gì nếu có cuộc chiến thương mại với Mỹ?
Đặc phái viên của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Trưởng phái đoàn Trung Quốc tham gia Đối thoại Kinh tế Toàn diện Trung-Mỹ Lưu Hạc vừa kết thúc cuộc họp tại Mỹ hôm 19/5.
Sau cuộc thương lượng, ông Lưu Hạc tuyên bố cuộc họp diễn ra “tích cực, thiết thực”.
Ông cho hay hai nước “đạt được nhận thức chung, không gây ra cuộc chiến thương mại, đồng thời đình chỉ áp thuế quan lẫn nhau”.
Trung Quốc đồng ý sẽ mua thêm hàng hóa và dịch vụ Mỹ, giảm bớt thâm hụt mậu dịch.
Washington thì tuyên bố kết quả đạt được sẽ “giảm đáng kể” thâm hụt 335 tỉ đôla mỗi năm với Bắc Kinh.
Tuyên bố chung sau cuộc họp đề cập việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Trung Quốc cam kết sẽ sửa đổi các pháp luật và pháp quy liên quan, trong đó có “Luật Sáng chế phát minh”.
Hai bên đồng ý tăng thêm xuất khẩu hàng nông sản và năng lượng của Mỹ.
Hai bên cũng đồng ý khuyến khích đầu tư hai chiều, sẽ nỗ lực kiến tạo môi trường cạnh tranh và kinh doanh “công bằng”.
Ông Lưu Hạc tuyên bố hai nước sẽ tăng cường hợp tác thương mại trên các lĩnh vực năng lượng, nông sản phẩm, y tế, sản phẩm công nghệ cao, tài chính….
Ông nói như vậy vừa có thể thúc đẩy kinh tế Trung Quốc chuyển sang phát triển chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, cũng có lợi cho Mỹ cắt giảm thâm hụt thương mại.
Đặc phái viên Trung Quốc gọi đây là “sự lựa chọn cùng thắng”.
Đích thân Tổng thống Donald Trump hôm 17/5 đã tiếp ông Lưu Hạc.
Tổng thống Donald Trump từng đe dọa áp đặt thuế quan trị giá tới 150 tỉ đôla lên hàng hóa Trung Quốc.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-44190586
Núi lửa lại phun trào, cư dân Hawaii được giải cứu
Dòng dung nham chảy với tốc độ cao từ núi lửa Kilauea ở Hawaii đã cô lập một khu gia cư gồm khoảng 40 căn nhà tại một vùng nông thôn, khiến nhà chức trách phải giải cứu ít nhất bốn người hôm thứ Sáu bằng máy bay trực thăng của quận và của Lực lượng Vệ binh Quốc gia.
Cuộc giải cứu được tiến hành một ngày sau khi núi lửa phun trào trên đảo Hawaii, phóng những đám tro bụi lên không trung. Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết dung nham chảy với tốc độ lên tới 366 mét/giờ. Vụ phun trào hôm thứ Năm được đánh giá là dữ dội nhất kể từ khi núi lửa hoạt động hồi đầu tháng này.
Các quan chức của Bộ Dân phòng quận Hawaii cho biết nhân viên cứu hộ địa phương và lực lượng Vệ Binh Quốc gia đang bảo vệ khu vực và ngăn chặn, không cho bất cứ ai bước vào.
Kilauea là núi lửa hoạt động mạnh nhất trên thế giới và là một trong năm ngọn núi trên Đảo Lớn của Hawaii. Núi lửa bắt đầu phun trào hôm 3 tháng 5, buộc 2.000 người phải di tản khỏi các ngôi nhà trên núi.
Trước đó, các giới chức địa phương kêu gọi cư dân hãy chuẩn bị sơ tán, vì các nhà khoa học tin rằng hoạt động núi lửa có thể là dấu hiệu báo trước một vụ phun trào quy mô tương tự như vụ phun trào lớn đã làm rung chuyển hòn đảo này vào giữa những năm 1920.
Các nhà khoa học không dự đoán sẽ có ca tử vong nào trong trường hợp xảy ra một vụ phun trào lớn, bởi vì hầu hết các cộng đồng dân cư đã được sơ tán và phần đông nam của hòn đảo, nơi núi lửa phun trào, vốn thưa thớt dân cư.
Phần lớn Đảo Lớn của Hawaii và phần còn lại của chuỗi đảo tại bang này không bị tác động bởi hoạt động núi lửa. Các giới chức cho hay các chuyến bay hạ cánh và cất cánh từ Đảo Lớn và phần còn lại của tiểu bang cũng không bị ảnh hưởng.
https://www.voatiengviet.com/a/nui-lua-lai-phun-trao-cu-dan-hawaii-duoc-giai-cuu/4401353.html
CTV Mueller ra trát hầu tòa
cho phụ tá của Cố vấn TT Trump
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller hôm 18/5 ra trát hầu tòa đối với John Kakanis, một phụ tá của cố vấn lâu năm của Tổng thống Trump Roger Stone, theo hai nguồn tin hiểu chuyện cho hãng tin Reuters biết.
Theo Reuters, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy cuộc điều tra của ông Mueller vào nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đang đổ dồn sự chú ý vào ông Roger Stone, chiến lược gia khét tiếng từ thời Watergate.
Trát hầu tòa mới đây được trao cho ông John Kakanis, 30 tuổi, người từng làm tài xế, kế toán viên và nhân viên trực quyền ông Stone.
Ông Kakanis mới đây bị Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI thẩm vấn về nhiều đề tài gồm: nghi vấn Nga xen vào bầu cử Tổng thống Mỹ, trang mạng của Wikileaks, sáng lập viên trang mạng này là Julian Assange, và tin tặc tự xưng là Guccifer 2.0.
Công tố viên Mueller không ấn định ngày giờ cho sự xuất hiện của ông Kakanis trước một đại bồi thẩm đoàn.
Cả Wikileaks lẫn Guccifer 2.0 đều tải các email và tài liệu khác của Đảng Dân chủ hồi năm 2016 mà các cơ quan tình báo Mỹ nói đã bị gián điệp Nga đánh cắp trong một cố gắng nhằm thay đổi kết quả bầu cử về hướng có lợi cho ông Donald Trump, lúc đó còn là ứng cử viên Tổng thống.
Luật sư của ông Kakanis, Michael Becker, không trả lời những yêu cầu liên tiếp của Reuters, xin bình luận về những thông tin mới nhất, trong khi văn phòng của công tố viên Mueller cũng từ khước yêu cầu bình luận.
Trong một email gửi tới Reuters hôm 18/5, ông Stone nói ông tin rằng việc công tố viên Mueller soi mói ông là dựa trên những “sự ngộ nhận và khái niệm sai lầm” do truyền thông tạo ra, và ông bày tỏ tin tưởng rằng rốt cuộc, ông sẽ được tuyên bố vô tội vì không làm bất cứ điều gì sai trái.
Ông Stone nói: “Tôi thành thực hy vọng rằng lúc đó, chiến dịch bôi nhọ nực cười của giới truyền thông mà tôi đã phải chịu đựng trong nhiều năm rồi, cuối cùng sẽ chấm dứt.”
Dựa trên những tài liệu của Ủy ban Bầu cử Liên bang, trong các cuộc bầu cử sơ bộ trong Đảng Cộng hoà vào năm 2016, ủy ban hành động chính trị của ông Stone đã trả hơn 130,000 đôla cho một thực thể mang tên “Citroen Associates” để gọi là “nghiên cứu và thu thập tài liệu về gian lận bầu cử”. Theo tài liệu của bang Florida, chủ nhân của Citroen Associates là John P. Kakanis.
Trát hầu tòa gửi cho ông Kakanis là diễn biến mới nhất hé lộ ông Stone, một nhân vật công khai rất sớm lập trường ủng hộ ông Trump, đang bị công tố viên Mueller đặc biệt chú ý.
Những phát biểu của ông Stone trong cuộc bầu cử đã khiến các nhà điều tra quốc hội và nhiều người khác đặt nghi vấn rằng ông có thể biết về những tài liệu của Đảng Dân chủ bị tin tặc Nga đánh cắp, và sau đó gửi cho ông Julian Assange để phổ biến trên trang Wikileaks của ông này.
Xuất hiện trước Ủy ban Tình báo Hạ viện hồi tháng 9 năm ngoái, ông Roger Stone khẳng định ông không hề nhận được bất cứ email nào của ông Assange hay Wikileaks, hay của người Nga, và không hề chuyển bất cứ email nào bị đánh cắp cho ông Trump, chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump hay bất cứ ai khác.
Công tố viên Mueller đang điều tra về việc Nga xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, xem có bất cứ sự thông đồng nào giữa Nga với ban vận động tranh cử của ông Trump hay không. Cả Nga và Tổng thống Trump đều khẳng định là không có sự thông đồng nào.
https://www.voatiengviet.com/a/ctv-mueller-ra-trat-hau-toa-cho-phu-ta-co-van-tt-trump/4401313.html
Đệ nhất Phu nhân Melania xuất viện,
trở về Toà Bạch Ốc
Phu nhân của Tổng thống Trump, Melania, đã trở về Toà Bạch Ốc hôm thứ Bảy 19/5 sau khi trải qua một ca phẫu thuật để điều trị một chứng bệnh thận lành tính, người phát ngôn của văn phòng Đệ nhất Phu nhân Stephanie Grisham cho biết.
Bà Grisham nói bà Melania Trump đang nghỉ ngơi, và tinh thần đang phấn chấn. “Văn phòng chúng tôi đã nhận được hàng ngàn cú điện thoại và email, chúc Phu nhân Tổng thống chóng lành bệnh. Chúng tôi xin cảm tạ tất cả mọi người đã bỏ thời giờ ra để chia sẻ với Phu nhân Melania.”
Bà Melania Trump đã được phẫu thuật để chặn dòng máu luân lưu tới một khối u bất thường. Trước đó, các bác sĩ cho biết khối u lành tính này rất phổ biến, phẫu thuật có xác suất thành công rất cao.
https://www.voatiengviet.com/a/de-nhat-phu-nhan-melania-xuat-vien/4401217.html
Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc điện đàm
Tổng thống Hàn Quốc và Hoa Kỳ hôm 20/5 đã thảo luận qua điện thoại nhằm bảo đảm rằng cuộc họp thượng đỉnh giữa Bắc Hàn và Mỹ không đổ vỡ sau lời đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Dẫn thông báo từ văn phòng tổng thống Hàn Quốc, Reuters đưa tin, ông Moon Jae-in và ông Donald Trump điện đàm trong vòng 20 phút và đã trao đổi quan điểm về phản ứng gần đây của Bắc Hàn.
“Hai nhà lãnh đạo đã làm việc chặt chẽ và kiên định vì thành công của hội nghị thượng đỉnh Bắc Hàn và Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 12/6, và cả hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc và Mỹ sắp tới”, thông cáo có đoạn.
Ông Moon và Tổng thống Trump dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày 22/5 ở Washington trước cuộc gặp giữa nguyên thủ Mỹ với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un ở Singapore ngày 12/6.
Theo Reuters, Nhà Trắng nói rằng ông Trump và ông Moon thảo luận về các diễn biến gần đây ở Bắc Hàn và tiếp tục “phối hợp chặt chẽ trước cuộc gặp ngày 12/6 giữa ông Trump và lãnh tụ Kim Jong Un”.
Dù cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều mang tính lịch sử hồi cuối tháng Tư mang tới hy vọng về hỏa giải, nhưng gần đây, Bắc Hàn đã thay đổi quan điểm một cách chóng mặt.
Quan chức phụ trách đàm phán chính của Bắc Hàn Ri Son Gwon tuần trước nói rằng nước này sẽ không tổ chức đàm phán với Hàn Quốc nếu các yêu cầu của Bình Nhưỡng không được đáp ứng.
Một ngày trước đó, Bắc Hàn dọa sẽ không tham gia cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ.
Mọi chuyện xấu đi, theo Reuters, sau khi Bình Nhưỡng hôm 19/5 yêu cầu chính phủ Hàn Quốc đưa các nữ nhân viên nhà hàng Bắc Hàn trở về nước để chứng tỏ thiện chí cải thiện quan hệ liên Triều.
Hồi năm 2016, hơn mười nữ nhân viên này đã từ Trung Quốc tới Hàn Quốc. Bình Nhưỡng nói Seoul bắt cóc những người này, trong khi Hàn Quốc nói họ tự nguyện.
Thượng đỉnh với Kim Jong Un :
Hai tổng thống Mỹ – Hàn thỏa thuận “phối hợp chặt chẽ”
Thượng đỉnh Kim Jong Un – Donald Trump, với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, có nguy cơ không thành, sau các đe dọa hủy bỏ cuộc gặp từ phía Bình Nhưỡng, để phản đối các cuộc tập trận không quân Mỹ-Hàn ở miền Nam bán đảo Triều Tiên. Hôm nay 20/05/2018, tổng thống Mỹ và đồng nhiệm Hàn Quốc có cuộc điện đàm để bàn biện pháp.
Hãng tin Yonhap dẫn lời phủ tổng thống Hàn Quốc, theo đó, trong cuộc điện đàm dài khoảng 20 phút nói trên, tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In thỏa thuận « sẽ phối hợp chặt chẽ », vì thành công của thượng đỉnh lịch sử, dự kiến sẽ được tổ chức tại Singapore ngày 12/06 tới.
Thư ký phụ trách báo chí của tổng thống Hàn Quốc ra thông báo khẳng định « lãnh đạo hai nước trao đổi quan điểm về những hành động mới đây của Bắc Triều Tiên », nhưng không cho biết chi tiết.
Sau nhiều tháng hồ sơ Bắc Triều Tiên có những biến đổi ngoạn mục, với tiêu điểm là cuộc thượng đỉnh giữa lãnh đạo Nam Bắc Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm, trong những ngày đầu tuần này, không khí đột nhiên căng thẳng trở lại, đặc biệt với việc Bình Nhưỡng đe dọa sẽ hủy bỏ cuộc thượng đỉnh dự kiến giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên và tổng thống Mỹ. Đe dọa được đưa ra sau tuyên bố của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton về « một kịch bản Libya » với Bắc Triều Tiên.
Thứ trưởng bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên Kim Kye Gwan cáo buộc Hoa Kỳ gây áp lực buộc Bình Nhưỡng « đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân ». Bắc Triều Tiên cũng hủy bỏ một cuộc gặp cấp cao với Hàn Quốc để phản đối các tập trận Mỹ-Hàn.
Thứ Ba tuần tới, 22/05, tổng thống Hàn Quốc có kế hoạch gặp tổng thống Mỹ tại Washington.
Malaysia nóng bỏng tin tức
liên quan đến cựu thủ tướng Najib
Kuala Lumpur, Malaysia.- Cựu thủ tướng Malaysia, Najib Razak hôm nay 19/05 lên tiếng phản đối việc cảnh sát mở cuộc điều tra để tìm kiếm chứng cứ tham nhũng liên quan đến ông, trong đó có việc tịch thu các hộp giấy đựng nữ trang, các vật dụng đắt tiền và cả tiền mặt.
Ông Najib và vợ, bà Rosmah Mansor đã bị cấm xuất ngoại. Luật sư của ông Najib, Harpal Singh Grewal nói rằng hai vợ chồng cựu thủ tướng hết sức bất bình vì cảnh sát tịch thu cả quần áo và giầy dép của các con của họ, trong tổng số 284 hộp giấy chứa các túi xách Birkin hiệu Hermes, gồm hàng chục túi xách chứa đầy tiền mặt và nữ trang.
Tin Reuters cho hay, hàng chục ngàn người dân truy cập Facebook để theo dõi sự kiện nóng hổi đang diễn ra, được cho là công khai sỉ nhục cựu thủ tướng Rajib và phu nhân của ông, tại một trong số hàng chục địa điểm liên quan đến gia đình ông.
Trong gần 10 năm nắm quyền cai trị đất nước, ông Najib đã dập tắt mọi ý kiến bất đồng, và bịt miệng báo chí. Nhưng từ khi bị ông Mahathir đánh bại trong cuộc bầu cử ngày 9 tháng 5 vừa qua, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện đầy những tin tức nói về sự sụp đổ của ông một cách không thương tiếc. Dư luận bàn tán sôi nổi về tấm màn bí mật nay đã được vén lên, về chiếc túi xách Birkins đựng trong hộp giấy Hermes, và khoản tiền mặt, đồng hồ, nữ trang trị giá cao gấp 3 lần mức lương 120,000 Mỹ kim một năm của vị thủ tướng.
Một trang mạng độc lập của người Malaysia đưa tin tức công khai của chính phủ nói rằng, số người thích bài vở liên quan đến sự kiện này cao kỷ lục, với hơn 222 triệu người. (Song Châu)
https://www.sbtn.tv/malaysia-nong-bong-tin-tuc-lien-quan-den-cuu-thu-tuong-najib/
Tổng thống Trump kêu gọi bưu điện
tăng gấp đôi cước vận chuyển đối với Amazon
Washington DC – Theo Washington Post đưa tin hôm Thứ Sáu 18 tháng 5, Tổng thống Trump đích thân yêu cầu Giám đốc Bưu điện Hoa Kỳ tăng gấp đôi cước phí vận chuyển bưu kiện đối với Tập đoàn bán lẻ trên mạng Amazon và các công ty khác.
Ông Trump cho rằng việc giao hàng cho Amazon làm tốn kém tiền của Bưu điện. Tuy nhiên, bà Megan Brennan, Giám đốc Bưu điện, phản đối đề nghị của ông Trump trong các cuộc hội thoại riêng vào năm 2017 và 2018. Theo bà Brennan, cước phí vận chuyển bưu kiện được tính tùy theo hợp đồng, và phải do một ủy ban độc lập xem xét. Bà còn tiết lộ rằng Amazon và các công ty khác là những đối tác lớn đang góp phần giúp Dịch vụ Bưu chính vượt qua quãng thời gian khó khăn về mặt tài chính.
Tháng trước, ông Trump ra lệnh thành lập một lực lượng đặc nhiệm để nghiên cứu về Bưu điện và những khó khăn tài chính của ngành này. Gần đây, tổng thống Trump đưa ra những lời chỉ trích đối với công ty Amazon, và ông Jeff Bezos- sáng lập viên và cũng là giám đốc điều hành của trang bán lẻ trực tuyến này. Ông Bezos còn là chủ sở hữu của Washington Post, tờ báo phát hành nhiều bản tin khiến tổng thống Trump tức giận.
Nếu cước phí vận chuyển tăng cao, Amazon và các doanh nghiệp khác có khả năng sẽ trả hàng tỷ Mỹ Kim, dẫn đến kết quả cuối cùng là người tiêu dùng phải trả mức giá cao hơn để mua các sản phẩm.
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-keu-goi-buu-dien-tang-gap-doi-cuoc-van-chuyen-doi-voi-amazon/
Liên Triều : Bình Nhưỡng
đòi Seoul trả lại 12 nữ nhân viên nhà hàng đào thoát
Quan hệ liên Triều có dấu hiệu căng thẳng sau nhiều tháng êm dịu. Trong bản tin tối thứ bảy 19/05/2018, hãng thông tấn KCNA của Bắc Triều Tiên yêu cầu Hàn Quốc cho hồi hương 12 nữ chiêu đãi viên nhà hàng đào tị vào năm 2016, dường như do bị trúng kế của tình báo miền nam.
Vụ 12 nữ nhân viên Bắc Triều Tiên phục vụ trong một quán ăn ở Ninh Ba, một thành phố cảng ở tỉnh Triết Giang, Trung Quốc năm 2016, gây xung khắc giữa hai miền nam bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng khẳng định các công dân của họ bị bắt cóc còn Seoul cho đây là những người tình nguyện đào thóat và được cứu trợ.
Chiều ngày 19/05, KCNA kêu gọi chính quyền Nam Hàn phải « ngay tức khắc trả các công dân Bắc Triều Tiên về cho gia đình của họ và chứng tỏ thiện chí muốn cải thiện quan hệ Nam-Bắc ».
Mới đây, trong chương trình Spotlight của đài JTBC, một trong những tiết mục ăn khách của truyền hình Hàn Quốc, người cựu quản lý của nhà hàng Bắc Triều Tiên ở Ninh Ba xác nhận là các cô tiếp viên này bị tình báo Hàn Quốc đánh lừa. Bản thân viên quản lý cho biết thêm ông được tình báo Hàn Quốc NSI tuyển mộ từ năm 2014.
Do sợ bị lộ bí mật, ông này xin « điệp viên tuyển mộ » tổ chức cho ông đào thóat. Vào giờ chót, điệp viên này yêu cầu « đem hết nhân viên đi theo ». Do vậy, tất cả 12 nữ nhân viên không biết bị đưa đi đâu, cho đến khi đến trước cổng Sứ quán Hàn Quốc tại Kuala-Lumpur.
Được đài JTBC đặt câu hỏi kiểm chứng, một trong số phụ nữ này cho biết rất do dự không muốn vào cơ quan đại diện ngoại giao Hàn Quốc. Nhưng người quản lý hù dọa là ông ta sẽ tố cáo với chính quyền Bắc Triều Tiên là các cô « xem phim Hàn Quốc » và như thế bản thân sẽ bị xử tử, gia đình cũng bị liên can.
Hạt nhân : Châu Âu, Trung Quốc và Nga
tìm cách hỗ trợ tài chính Iran
Các nỗ lực cứu vãn hiệp định hạt nhân Iran tiếp tục. Các nhà ngoại giao châu Âu, Nga và Trung Quốc đang tìm kiếm một thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho Teheran, để đối phó với các trừng phạt của Mỹ.
Theo báo Đức Welt am Sonntag, hôm nay, 20/05/2018, cuộc gặp sẽ diễn ra vào tuần tới tại Vienna, dưới sự chủ tọa của bà Helga Schmid, người đứng đầu bộ phận phụ trách đối ngoại của châu Âu (SEAA), cơ quan trực tiếp nằm dưới quyền của lãnh đạo ngoại giao Liên Âu. Các đại diện ngoại giao Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc tham gia vào cuộc họp này. Hiện tại không biết phía Iran có tham dự không.
Với thỏa thuận này, dự kiến Liên Âu và các đối tác sẽ dành cho Iran nhiều tỉ đô la viện trợ, theo mô hình mà Bruxelles hiện đang áp dụng với Thổ Nhĩ Kỳ, để đổi lại việc Ankara tiếp nhận người tị nạn Syria.
Sau quyết định rút khỏi hiệp định hạt nhân của Washington, nhiều doanh nghiệp châu Âu cho biết muốn rời khỏi Iran, để tránh trừng phạt. Trong kỳ nghỉ cuối tuần này, ủy viên châu Âu về năng lượng Miguel Arias Canete công du Teheran để trấn an chính quyền Iran. Ông Caneta có kế hoạch thông báo các biện pháp mà Liên Hiệp Châu Âu quyết định, để bảo đảm tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ từ Iran và bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu làm việc tại nước này.
Thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình từ Teheran :
« Trái bóng hiện đang ở trong chân của Liên Hiệp Châu Âu », trên đây là tuyên bố của phó tổng thống Iran Ali Akbar Salehi, người lãnh đạo chương trình hạt nhân Teheran. Phó tổng thống Iran cho biết : Ủy viên châu Âu về năng lượng đã thông báo với phía Iran về một số đề nghị và biện pháp để đối trọng lại quyết định của Mỹ. Ông bày tỏ hy vọng là các biện pháp này sẽ được thực thi.
Ủy viên châu Âu Canete là giới chức cao cấp đầu tiên của phương Tây đến Teheran kể từ sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, và tái áp đặt các trừng phạt kinh tể, chống lại Iran và các tổ chức không phải của Mỹ muốn cộng tác với Iran.
Iran hiện xuất khẩu khoảng 20% dầu mỏ sang châu Âu, và hơn 70% sang Trung Quốc và một số nước châu Á khác. Nhiều doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là tập đoàn dầu khí Pháp Total, đã thông báo sẽ ngưng các hoạt động tại Iran, trừ phi không phải hứng chịu các trừng phạt của Mỹ.
Nhìn chung, theo phó tổng thống Iran Ali Akbar Salehi, Teheran sẽ nối lại chương trình làm giàu uranium, và từ bỏ thỏa thuận hạt nhân, nếu không nhận được các bảo đảm nghiêm túc từ phía châu Âu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180520-hat-nhan-chau-au-trung-quoc-va-nga-tim-cach-ho-tro-tai-chinh-iran
Ấn Độ : Đảng Quốc Đại thua phiếu
nhưng thắng trong nghị viện bang Karnataka
Tại miền nam Ấn Độ, đảng cánh hữu Dân Tộc BJP bị thất bại không ngờ cho dù về nhất trong cuộc bầu cử địa phương. Quyết không để cho một trong những thành trì truyền thống, với thủ phủ Bangalor và 65 triệu dân, chiếc nôi của công nghệ cao cấp, lọt vào tay phe thủ tướng Modi, đảng Quốc Đại liên kết với một đảng nhỏ địa phương, lật ngược thế cờ, giành đa số tuyệt đối tại nghị viện Karnataka.
Chiều thứ bảy 19/05/2018, năm ngày sau bầu cử, đảng BJP tuyên bố bỏ cuộc nhượng ghế thống đốc cho đối lập. Sự kiện này mang ý nghĩa gì ?
Từ New Delhi, thông tín viên Antoine Guinard giải thích :
Kết quả bầu cử ở bang Karnataka là một quả chùy nện vào đảng cánh hữu BNJ. Đảng của thủ tướng Narendra Modi tưởng đâu đã chiến thắng bầu cử , ai ngờ bị thua ngược trước một liên minh gồm đối thủ truyền thống là đảng Quốc Đại cùng với một tổ chức chính trị địa phương.
Với số đại biểu gần sát đa số tuyệt đối, đảng BNJ tìm cách đặt đối phương trước chuyện đã rồi, bổ nhiệm một thống đốc mới cho bang Karnataka.
Nhân vật này chỉ nắm chức vụ mới được hai ngày đã phải vội vàng thông báo từ chức vào ngày thứ bảy 19/05 trong một bài diễn văn dài, lên án các thủ đoạn chính trị và liên minh « ngược đời » của hai đảng đối lập.
Về phần đối lập, đảng Quốc Đại cáo buộc đảng BNJ của thủ tướng Ấn tham ô trong tiến trình vận động cử tri và nhất là giam giữ bất hợp pháp hai trong số các đại biểu của đối lập để họ không thể bỏ phiếu hôm thứ bảy vừa qua.
Toà án tối cao đã ra lệnh nghị viện Karnataka biểu quyết lần cuối cùng, buộc đảng BNJ trong vòng 24 giờ phải chứng minh là hội đủ đa số tuyệt đối . Bất ngờ trước thời hạn quá ngắn, đảng cánh hữu không đủ thời gian để chiêu dụ một vài đại biểu đối phương cho đủ số.
Đối với đảng Quốc Đại, cuộc bầu cử ở bang Karnataka là mô hình cho phép đánh bại đảng của thủ tướng Modi trong cuộc bầu cử quốc hội liên bang vào năm tới 2019.
Venezuela : Bầu cử tổng thống
trong bối cảnh đối lập tẩy chay
Chủ nhật 20/05/2018, khoảng 20 triệu cử tri Venezuela, kiệt quệ vì cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, được kêu gọi đi bầu tổng thống nhằm duy trì Nicolas Maduro thêm một nhiệm kỳ 6 năm. Một cuộc bầu cử bị đối lập kêu gọi tẩy chay và phần lớn cộng đồng quốc tế không công nhận tính minh bạch. Cho dù bị 75% dân chúng xem là thủ phạm gây khủng hoảng, tổng thống cánh tả có nhiều cơ may tái đắc cử.
Từ Caracas, đặc phái viên Achim Lippold phân tích :
Từ mấy ngày nay, chính quyền Venezuela không ngừng khẳng định cuộc bầu cử tổng thống vào chủ nhật 20/05/2018 là hoàn toàn minh bạch : « những ai nghi ngờ hệ thống bầu cử quốc gia là những người đánh phá nền dân chủ Venezuela ». Thông điệp này nhắm vào phe đối lập đang kêu gọi tẩy chay « trò hề dàn dựng ».
Chính phủ Caracas nhận được sự ủng hộ của một phái đoàn quan sát viên quốc tế do ông José Luis Zapatero, một cựu thủ tướng Tây Ban Nha dẫn đầu. Nhân vật này, sau khi tiếp xúc với hai ứng cử viên là tổng thống Nicolas Maduro và Henri Falcon, tuyên bố người dân Venezuela « sẽ đi bầu một cách tự do ».
Lời tuyên bố này đã làm cho ông Ignacio Avalos, giám đốc hiệp hội Quan sát bầu cử Venezuela, một tổ chức độc lập, phì cười. Trả lời phỏng vấn RFI, ông cho biết đông đảo dân chúng vì nghèo khó, sống bằng tiền trợ cấp của chính phủ, nên bị sức ép chính trị rất mạnh . Vì sợ bị cắt khẩu phần lương thực, họ sẽ bỏ phiếu cho tổng thống Nicolas Maduro.
Trái lại, phó chủ tịch quốc hội lập hiến Tania Diaz bác bỏ mọi nghi ngờ có gian lận. Bà còn cho rằng đa số cử tri rất hăng hái đi bầu cho dù đối lập kêu gọi tẩy chay.
Tuy nhiên, theo viện thăm dò Datanalisis, chỉ có 41% cử tri có ý định đi bầu . Giới quan sát đã nói đến kịch bản vắng mặt kỷ lục. Tin chắc là có đi bầu thì mọi chuyện vẫn như cũ, chỉ có vật giá tiếp tục leo thang với vận tốc phi mã, người dân Venzuela sẽ ngồi nhà.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180520-venezuela-bau-cu-tong-thong-trong-boi-canh-doi-lap-tay-chay
Washington và Bắc Kinh đạt thỏa thuận
tăng hàng Mỹ bán sang Trung Quốc
Căng thẳng thương mại kéo dài từ nhiều tháng nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh kinh tế, vừa bước qua một khúc quanh mới. Trong một thông cáo chung được công bố hôm qua, 19/05/2018, Washington và Bắc Kinh khẳng định nhất trí hướng đến mục tiêu « giảm đáng kể » tình trạng nhập siêu của Mỹ trong thương mại song phương, với khoảng 330 tỉ đô la một năm hiện nay.
Trong thông cáo nói trên, hai bên không đưa ra một con số cụ thể, nhưng cam kết sẽ có « các biện pháp hiệu quả » đặc biệt làm gia tăng hàng nhập khẩu từ Mỹ trong hai lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng. Đổi lại, Hoa Kỳ cũng không đả động gì đến việc áp dụng các biện pháp tăng thuế với 50 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, dự kiến sẽ có hiệu lực từ thứ Ba tuần tới.
Thỏa thuận nói trên đạt được sau nhiều tuần thương lượng Mỹ-Trung, đặc biệt là cuộc đàm phán trong tuần vừa qua giữa phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He), dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc, với bộ trưởng Thương Mại Mỹ Steven Mnuchin, tại Washington. Sau khi thỏa thuận được công bố, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh và Washington cam kết sẽ không tham gia vào các cuộc « chiến thương mại », tăng thuế qua lại để trả đũa nhau.
Theo thông tín viên Grégoire Pourtier từ New York, chính quyền Donald Trump có thể tuyên bố đã giành thắng lợi bước đầu :
« Các trừng phạt thương mại chống lại Trung Quốc, mà Hoa Kỳ thông báo cách nay hai tháng, sẽ phải được đúc kết trong tuần tới, thế nhưng tình thế hiện nay đã thay đổi. Thay vì xu thế leo thang căng thẳng rất đáng lo ngại, hai quốc gia đã đạt được một thỏa thuận nhằm giảm ‘‘một cách đáng kể’’ thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ.
Có phải con số cắt giảm sẽ là 200 tỉ đô la một năm ? Điều mà chính quyền Trump đòi hỏi từ thứ Sáu vừa qua bị các kinh tế gia cho là phi thực tế. Thông cáo chỉ cho biết là các đàm phán sẽ tiếp tục. Cũng cùng một viễn cảnh đầy bất trắc trong lĩnh vực thuế nhập khẩu, mà hai bên vừa đồng loạt tuyên bố tăng thuế đối với nhiều mặt hàng của nhau trong bối cảnh lời qua tiếng lại gay gắt.
Thêm vào đó, xung đột xung quanh vấn đề tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE – bị trừng phạt do vi phạm lệnh cấm vận Iran, mà tổng thống Trump cho biết sẽ bỏ qua với một loạt thông điệp trên Twitter – lại không được nhắc đến trong thông cáo này.
Tuy nhiên, bất luận thế nào cũng sẽ có nhiều hàng hóa và dịch vụ của Mỹ được bán tại Trung Quốc trong những năm tới, với mục tiêu ‘‘thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại Mỹ », và cũng để giúp cho Trung Quốc có thể thỏa mãn được ‘‘các nhu cầu tiêu thụ gia tăng’’.
Như vậy là, trong khi chờ đợi những chi tiết cụ thể, chính quyền Trump đã có thể tuyên bố giành chiến thắng trong vấn đề cân bằng cán cân thương mại, cũng như tán dương lối đàm phán rất hung bạo của mình ».
Bộ trưởng Pháp cảnh báo Mỹ-Trung thỏa thuận « trên lưng châu Âu »
Về phía nước Pháp, sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận không gây chiến tranh thương mại song phương, bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire cảnh báo có rất nhiều khả năng thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh sẽ gây thiệt hại nhiều cho Liên Hiệp Châu Âu, nếu các nước châu Âu « không tỏ thái độ cứng rắn ».
Theo bộ trưởng Kinh Tế Pháp, Mỹ đang muốn buộc các đồng minh châu Âu phải trả giá cho « các hành xử xấu » của Bắc Kinh, và đây là điều « hoàn toàn sai lầm » và « không thể hiểu được ».
Đài Loan thông báo « tăng cường phòng thủ »
trước áp lực của Hoa lục
Đài Loan sẽ huy động mọi biện pháp an ninh để đối đầu với mối đe dọa quân sự của Bắc Kinh. Trên đây là tuyên bố của tổng thống Thái Anh Văn để trả lời một loạt câu hỏi của dân chúng hải đảo, ưu tư trước một loạt hành động biểu dương lực lượng của Hoa lục tại eo biển Đài Loan.
Lo âu về mối căng thẳng giữa hai bờ eo biển, dân Đài Loan đã gửi 56 câu hỏi vào Facebook của văn phòng tổng thống Thái Anh Văn, yêu cầu cho biết chính phủ có những biện pháp đối phó ra sao. Trong thông điệp trấn an được công bố ngày chủ nhật 20/05/2018, tổng thống Thái Anh Văn cho biết nền kỷ nghệ quốc phòng của Đài Loan đã được khuyến khích phát triển vũ khí để đương đầu với Hoa lục. Chính phủ của bà sẽ tăng cường mọi biện pháp an ninh bảo vệ Đài Loan, và theo dõi sát sao mọi động thái của Bắc Kinh.
Chính phủ Thái Anh Văn đã thông báo kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng thêm 2%, thúc đẩy phát triển công nghiệp hàng không, tên lửa tàu ngầm, và nhiều công nghệ quân sự khác .
Trước câu hỏi làm cách nào để « thanh tóan các kênh xâm nhập » của Trung Quốc ? Tổng thống Thái Anh Văn không trả lời thẳng nhưng cho biết với tư cách là một « tổng thống nhã nhặn » bà sẽ « bắt tay ông Tập Cận Bình ».
Đắc cử vào năm 2016, tổng thống Thái Anh Văn phủ nhận nguyên tắc « một nước Trung hoa » và « phải thống nhất » theo quan điểm của Bắc Kinh. Chính quyền Tập Cận Bình đã phản ứng mạnh bằng các biện pháp tấn công ngoại giao cô lập Đài Loan, huy động lực lượng hải thuyền, tàu sân bay, chiến đấu cơ tiến gần bờ biển « hải đảo ly khai » hàng chục lần trong hai năm qua.
Fin publicité dans 20 s
Theo một chuyên gia về tâm lý quần chúng, đại học Đài Bắc, được AP trích dẫn, thông điệp trên đây của tổng thống Đài Loan, tăng cường an ninh quốc phòng, không nhắm vào Bắc Kinh mà nhằm trấn an công luận và nhất là động viên giới trẻ Đài Loan ủng hộ lập trường chính phủ : « Chính sách hai bờ eo biển của Đài Bắc không hề thay đổi. Trung Quốc phải thay đổi »