Tin khắp nơi – 20/04/2017
Chủ tịch Hạ viện: Phải xét giải pháp quân sự với Bắc Triều Tiên
Hoa Kỳ phải sẵn sàng một giải pháp quân sự đối với Bắc Triều Tiên nhưng sẽ không sử dụng trừ khi cần đến, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan tuyên bố trong chuyến viếng thăm Anh Quốc hôm 19 tháng 4.
Đáp câu hỏi liệu chính quyền Mỹ có sẵn sàng thả bom xuống Bắc Triều Tiên hay không, ông Ryan nói “dĩ nhiên chúng tôi không muốn sử dụng giải pháp quân sự, nhưng tất cả các phương án đều phải được tính tới.”
Trong những vấn đề khác, Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng cho biết ông ủng hộ chế tài mạnh mẽ đối với Iran. Vẫn theo lời ông, Hoa Kỳ muốn có một thỏa thuận thương mại với Anh càng sớm càng tốt và ông mong cải cách thuế khóa nội địa được hoàn tất vào cuối mùa hè năm nay.
Người dẫn chương trình nổi tiếng của Fox News bị sa thải
Nhà bình luận nổi tiếng, người dẫn chương trình được đánh giá hàng đầu trong mạng lưới tin tức truyền hình cáp tại Mỹ, Bill O’Reilly, bị buộc rời khỏi vị trí người dẫn chương trình ‘giờ vàng’ của Fox News.
Loan báo được Fox News đưa ra hôm 19/4 sau khi hé lộ nhiều cuộc dàn xếp liên quan đến các cáo buộc sách nhiễu tình dục nhắm vào ông O’Reilly.
Sự ‘truất phế’ này là một dấu chấm hết đột ngột và đáng hổ thẹn kết thúc 2 thập niên ‘ngự trị’ của ông O’Reilly trong vị trí một trong những nhà bình luận nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trên truyền hình.
“Sau khi xem xét kỹ lưỡng các cáo giác, công ty và Bill O’Reilly nhất trí rằng O’Reilley sẽ không trở lại Kênh Fox News nữa,” hãng 21st Century Fox, công ty mẹ của Fox News, ra thông cáo cho biết.
O’Reilly bị sa thải khỏi Fox News sau khi lộ tin rằng ông và công ty đã chi tiền trong các cuộc dàn xếp với những phụ nữ tố cáo ông sách nhiễu tình dục.
Tường thuật của tờ New York Times rằng 13 triệu đô la đã được chi trả cho 5 phụ nữ từng làm việc với ông hay từng xuất hiện trên chương trình của ông đã khiến hàng chục nhà quảng cáo tẩy chay chương trình O’Reilly phụ trách và mang lại hình ảnh xấu cho Fox News.
Ông O’Reilly khẳng định không làm gì sai và nói rằng chi tiền dàn xếp để ‘chấm dứt các tranh cãi vì con cái.’
http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dan-chuong-trinh-noi-tieng-cua-fox-news-bi-sa-thai/3817920.html
Nga chặn thông cáo của Hội đồng Bảo an về Bắc Triều Tiên
Nga ngày 19/4 cản một dự thảo thông cáo tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lên án vụ thử phi đạn mới đây nhất của Bắc Triều Tiên.
Thông cáo nói hoạt động phi đạn đạn đạo bất hợp pháp của Bắc Triều Tiên dẫn tới một hệ thống võ khí hạt nhân và ‘cực kỳ làm gia tăng căng thẳng khu vực và xa hơn thế nữa.’
Theo thông cáo, Hội đồng đáng lẽ sẽ phải yêu cầu Bình Nhưỡng ‘chấm dứt ngay lập tức các hành động thêm nữa vi phạm nghị quyết tương ứng của Hội đồng Bả an và tuân thủ đầy đủ các trách nhiệm của họ theo các nghị quyết này.’
Các thành viên trong Hội đồng nói họ hết sức quan ngại vì Bình Nhưỡng tận dụng nguồn lực vào việc xây dựng phi đạn và bom trong khi dân số Bắc Triều Tiên còn những nhu cầu cấp thiết không được đáp ứng.
Không rõ lý do Nga chặn thông cáo dù thông cáo lần này gần như tương tự thông cáo của Hội đồng hồi tháng hai mà Nga đã thông qua, lên án các vụ thử phi đạn đạn đạo khác.
Tuy nhiên, giới ngoại giao cho biết Moscow phản đối việc gỡ bỏ cụm từ ‘thông qua đối thoại’ trong thông cáo lần này khi đề cập tới một giải pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Rex Tillerson, dự định chủ trì một cuộc họp tại Hội đồng Bảo an vào tuần tới bàn về vấn đề Bắc Triều Tiên.
Đại sứ Mỹ Nikki Haley ngày 19/4 cảnh cáo Bình Nhưỡng chớ ‘cố ý khai chiến’ với Hoa Kỳ.
http://www.voatiengviet.com/a/nga-chan-thong-cao-cua-hoi-dong-bao-an-ve-bac-trieu-tien/3817926.html
Hộ chiếu nước nào quyền lực nhất thế giới?
Đức có thể lớn hơn Singapore gấp 500 lần về diện tích, nhưng công dân đảo quốc sư tử hiện chẳng thua kém gì công dân Đức về phương diện sở hữu những cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới.
Singapore bước từ hạng nhì lên đồng hạng nhất với Đức trong bảng Xếp hạng Quyền lực Hộ chiếu Toàn cầu 2017 do hãng tư vấn tài chính Arton Capital thực hiện, so sánh passport của 193 nước thành viên Liên hiệp quốc và 6 vùng lãnh thổ.
Arton Capital cho biết Singapore ‘lên ngôi’ sau khi Ukraine nới lỏng quy định cấp visa cho những ai mang hộ chiếu Singapore.
Vì vậy, Singapore tăng điểm trong hạng mục ‘được miễn visa’ lên thành 159, sánh bước đồng hạng nhất với Đức.
Điểm ‘được miễn visa’ này đại diện cho con số các quốc gia mà công dân Singapore có thể đặt chân tới mà không cần xin visa hoặc tới nơi mới xin, không cần xin trước.
Về khoản được miễn visa hoàn toàn, công dân Đức có thể du hành tới 125 nước mà không cần xin visa. Với công dân Singapore, con số đó là 122 nước.
Ngược lại, có 37 quốc gia mà người mang hộ chiếu Singapore đến nơi mới phải xin visa. Số này đối với người mang hộ chiếu Đức là 34.
Xếp hạng nhì bảng xếp hạng năm nay là Thụy Điển. Số nước mà công dân Thụy Điển có thể tới hoàn toàn không cần xin visa là 158.
Chỉ tính vùng Châu Á, passport của Singapore là mạnh nhất, theo sau là Hàn Quốc với 157 đích đến ‘được miễn visa’, Nhật với 156, và Malaysia cũng 156.
Việt Nam xếp hạng 77/93 về Quyền lực Hộ chiếu, đồng hạng với Campuchea và Ấn Độ cùng ba nước khác. Công dân mang passport Việt Nam được 49 nước miễn visa hoặc tới nơi mới xin visa.
Hộ chiếu của Afghanistan dường như ‘yếu’ nhất thế giới, xếp thứ 93 trên bảng đánh giá. Công dân nước này chỉ được 24 quốc gia miễn visa hoàn toàn hoặc tới nơi mới xin visa.
Trong năm nay, hộ chiếu Singapore cũng vươn lên vị trí thứ tư toàn cầu trong bảng xếp hạng khác về tự do du hành mang tên Chỉ số Giới hạn về Visa.
Nguồn: https://www.passportindex.org/byRank.php
http://www.voatiengviet.com/a/ho-chieu-nuoc-nao-quyen-luc-nhat-the-gioi/3817916.html
Bộ Nội an
biện hộ việc trục xuất, cảnh báo về mối đe dọa lớn hơn
Cựu tướng Thủy quân Lục chiến Mỹ nay là lãnh đạo Bộ An ninh Nội địa đang đáp trả những lời chỉ trích, ông đưa ra lời biện hộ mạnh mẽ về cách thức bộ của ông đang đối phó với các mối đe dọa ở biên giới và xa hơn thế.
Mệt mỏi vì thấy các đặc vụ của ông bị một số người trong giới truyền thông, các nhà lập pháp và những người khác chỉ trích chỉ vì họ thực thi luật pháp, Bộ trưởng Nội an John Kelly lập luận rằng chỉ có một lựa chọn là hành động cứng rắn.
Ông nói: “Chớ có nhầm lẫn, trên thực tế, chúng ta là một quốc gia đang bị tấn công. Những kẻ tấn công chúng ta là những kẻ căm ghét chúng ta, ghét tự do của chúng ta, ghét luật lệ của chúng ta, ghét các giá trị của chúng ta, và đơn thuần là ghét cách sống của chúng ta”.
Ông Kelly nói với cử tọa tại Đại học George Washington rằng phương pháp làm việc cứng rắn hơn đang mang lại kết quả tốt, các vụ chặn bắt ở biên giới tây nam giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái, ông nói điều này tốt cho mọi người.
Bộ trưởng Kelly phát biểu: “Có ít người vượt biên bất hợp pháp hơn, có nghĩa là ít người chết trên sa mạc hơn”.
Tuy nhiên, có những đường biên giới khác cần phải lo lắng. Một số nước gặp nguy cơ trước các chiến binh nước ngoài từng thề trung thành với những nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo.
Ông Kelly nói: “Có dự báo là nhiều phần tử thánh chiến này sẽ sống sót, trở về quê nhà, ở đó chúng sẽ phá hoại, giết chóc, đó là ở châu Âu, châu Á, Bắc Phi, Caribê và Hoa Kỳ”.
Ông Kelly cho hay hiện đã có rất nhiều phần tử như vậy bắt đầu về nước.
Một trong những mối quan ngại lớn nhất hiện nay đối với các quan chức Bộ Nội an là việc họ thấy các nhóm khủng bố và các tổ chức tội phạm đang liên kết với nhau. Bộ trưởng Nội an John Kelly cảnh báo rằng một số kẻ buôn lậu đã trở nên rất thành thạo và hiệu quả đến mức chúng có thể vận chuyển lậu bất cứ gì, kể cả đưa vào Mỹ.
http://www.voatiengviet.com/a/bo-noi-an-bien-ho-viec-truc-xuat-canh-bao-moi-de-doa/3816951.html
Chủ tịch TQ đặt cược cao vào Khu vực Phát triển
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã tiết lộ một kế hoạch đầy tham vọng để biến một khu vực nằm sâu trong đất liền rộng lớn ở tây nam thủ đô thành một khu kinh tế hiện đại và công nghệ tiên tiến. Một số người lập luận rằng nếu thành công, Tân khu Hùng An có thể trở thành một thành tựu lớn trong di sản của ông Tập. Ngược lại, nó có thể là một sai lầm đắt giá.
Khi hoàn thành, Hùng An sẽ có kích thước gấp khoảng ba lần thành phố New York.
Nhà chức trách vẫn đang xây dựng kế hoạch tổng thể cho khu vực hẻo lánh kém phát triển, nhưng người ta đã có thể cảm nhận được tác động của dự án.
Giá bất động sản tăng vọt sau khi dự án được công bố hồi đầu tháng này, và nhà chức trách đã nhanh chóng thực hiện bước đi chưa từng thấy là đóng cửa thị trường hoàn toàn.
Không chỉ việc bán bất động sản bị cấm, mà việc xây dựng cũng đã bị ngưng lại. Số phận của nhiều cộng đồng quy mô lớn hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, người dân địa phương cho biết các biện pháp kiểm soát đã dần dần được thắt chặt trong nhiều tháng.
Một nam cư dân Hùng An nói: “Tôi đã xây xong một ngôi nhà rộng 400 mét vuông năm ngoái và vẫn không thể vào ở được. Nó sẽ bị phá. Nhà chức trách chưa nói gì, nhưng họ chắc chắn sẽ phá nó”.
Một nam cư dân cho biết: “Năm ngoái, tin đồn đã bắt đầu lan truyền. Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Ban đầu, người dân không thể canh tác, và bây giờ người dân không thể xây dựng. Chuyện này thật không bình thường”.
Một số nhà phân tích bất động sản nói chính quyền có thể cấm vĩnh viễn tư nhân xây dựng, cho phép chính phủ Trung Quốc dưới quyền lãnh đạo của đảng cộng sản được kiểm soát thị trường nhà ở trong khu vực.
Rõ ràng một số người sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn.
Một số nhà phân tích nói rằng số tiền đầu tư cần thiết cho kế hoạch này có thể làm tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc thêm tới 1%, đó là sự gia tăng quan trọng vào thời điểm nền kinh tế đang phát triển chậm lại.
Một số cư dân địa phương cảm thấy lợi ích của họ đang bị gạt sang một bên.
Một nữ cư dân Hùng An nói: “Sau khi nghe về kế hoạch, tôi chỉ muốn khóc. Tôi không thể ăn, ngủ trong nhiều ngày. Tôi đã làm lụng cả nửa đời và bây giờ tôi phải vứt bỏ tất cả”.
Không rõ nhà chức trách sẽ xử lý những mối quan ngại đó ra sao. Hiện tại, người ta vẫn tập trụng chú ý đến toàn cục.
Miền bắc Trung Quốc lâu nay đã tụt lại so với miền nam về vai trò động lực kinh tế cũng như đổi mới trong nhiều lĩnh vực. Và mặc dù các quan chức hy vọng khu vực này sẽ trở thành một mô hình tăng trưởng mới, một số người chỉ trích nói rằng, nếu thị trường không được phép gây tác động, thì phương pháp tiếp cận từ trên xuống dưới của nhà nước có thể sẽ thất bại.
http://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-trung-quoc-dat-cuoc-vao-khu-vuc-phat-trien/3818342.html
Mỹ đang phối hợp áp lực Bắc Triều Tiên
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 19 tháng 4 tuyên bố Washington sẽ làm việc với các nước đồng minh và Trung Quốc để làm áp lực kinh tế và ngoại giao đối với Bắc Triều Tiên, nhưng nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ đánh bại bất cứ cuộc tấn công nào bằng một “sự giáng trả mạnh mẽ.”
Ông Pence từ Hàn quốc đến Tokyo và tái đảm bảo với Nhật về cam kết kìm chế tham vọng hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên trong một loạt các cuộc hội kiến với giới lãnh đạo Nhật bao gồm Thủ tướng Shinzo Abe.
Phát biểu trên tàu sân bay USS Ronald Reagan đang được bảo trì tại cảng Yokosuka, ông Pence nói ý định của Hoa Kỳ vẫn không lay chuyển trước những đe dọa của Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã tiến hành một loạt các cuộc thử nghiệm phi đạn và hạt nhân bất chấp những chế tài của Liên hiệp quốc, gần đây nhất là vụ phóng phi đạn thất bại vào ngày Chủ Nhật vừa qua.
Những tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ được đưa ra giữa lúc Tòa Bạch Ốc đang đối mặt với tranh cãi về vị trí của lực lượng tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đường. Tổng thống Donald Trump tuần trước tuyên bố lực lượng này được phái tới gần bán đảo Triều Tiên như một lời cảnh cáo, nhưng thực chất, đoàn tàu lại tiến về Australia.
Ông Pence không đề cập gì đến tàu Carl Vinson hay cuộc tranh cãi liên quan.
Ông Pence cho biết ông đã nói chuyện với ông Trump và vào năm 2020, khoảng 60% hạm đội Mỹ sẽ có mặt trong khu vực này, vai trò của Nhật Bản sẽ càng ngày càng tăng.
Các giới chức quốc phòng Mỹ, Hàn quốc và Nhật Bản có mặt tại Tokyo để dự hội nghị an ninh 3 bên ra thông cáo yêu cầu Bắc Triều Tiên từ bỏ vĩnh viễn việc phát triển vũ khí của họ.
Ông Pence cũng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ quyền tự do hàng hải-hàng không trên Biển Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền chồng chéo với một vài nước Đông Nam Á.
Cuối ngày thứ Tư 19 tháng 4, ông Pence sẽ lên đường đi thăm Indonesia.
http://www.voatiengviet.com/a/my-dang-phoi-hop-ap-luc-bac-trieu-tien-/3817516.html
Bắc Hàn dọa nhấn chìm nước Mỹ trong tro bụi
Bắc Hàn cảnh cáo Hoa Kỳ về một cuộc tấn công phủ đầu mà Bình Nhưỡng tung ra sẽ vô cùng dữ dội.
Tuyên bố này được hãng thông tấn Bắc Hàn đưa ra sau khi Bộ trưởng ngoại giao Mỹ ông Rex Tillerson nói là Washington đang tìm cách tăng áp lực lên nhà nước Bắc Hàn để giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này.
Tờ báo của Đảng Lao động Triều tiên cầm quyền ở Bắc Hàn nói rằng cuộc tấn công phủ đầu không những sẽ quét sạch các lực lượng đế quốc Mỹ xâm lược ở Nam Hàn mà còn sẽ nhấn chìm cả nước Mỹ trong tro bụi.
Đây được xem như phản ứng giận dữ của Bắc Hàn để đối lại với những lời lẽ của các quan chức Mỹ trong vài ngày qua.
Ông Rex Tillerson ngoại trưởng Mỹ thì nói rằng Bắc Hàn là một nhà nước hỗ trợ khủng bố. Phó tổng thống Mike Pence của Mỹ trong chuyến viếng thăm các đồng minh vùng châu Á nói thời kỳ chính sách kiên nhẫn của Hoa Kỳ đã qua rồi, ý muốn nói đến chính sách mềm mỏng đối với Bắc Hàn của tổng thống Obama. Còn ông Paul Ryan, chủ tịch Hạ viện Mỹ thì ám chỉ ông Kim Jong Un lãnh đạo Bắc Hàn là một nhà độc tài, và chuyện cho phép một kẻ như vậy có sức mạnh là điều không thể chấp nhận được của loài người văn minh.
Trong khi đó thì ở miền Nam, tổng thống tạm quyền Hàn quốc Hwang Kyo-ahn nói trong một cuộc họp với các quan chức cao cấp của Hàn Quốc rằng các cơ quan quân đội và an ninh lúc nào cũng phải cảnh giác.
Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc nói rằng cuộc tập trận hàng năm phối hợp với lực lượng không quân Mỹ vẫn đang diễn ra và kết thúc vào ngày 28 tháng tư tới đây.
Bắc Hàn nói rằng cuộc tập trận này là để chuẩn bị xâm lăng miền Bắc. Còn một sĩ quan Hàn Quốc thì nói là với những cuộc tập trận như thế này Hàn Quốc có thể ngăn chận chiến tranh cũng như không cho kẻ địch có ý định khiêu khích.
Trong khi đó thì tại hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga lại phản đối một dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo, lên án vụ thử tên lửa vừa qua của Bình Nhưỡng.
Nga đòi thêm vào bản dự thảo câu nói giải quyết vấn đề thông qua thương lượng, trong khi đó các nhà ngoại giao lại nói là Trung quốc đồng ý với bản dự thảo này.
Sợ khủng bố, Pháp tăng cường an ninh cho bầu cử tổng thống
Ngày 18/04/2017, tức là chỉ vài ngày trước vòng một bầu cử tổng thống Chủ nhật này, cảnh sát Pháp đã bắt giữ hai nghi can khủng bố tại Marseille. Vụ này khiến nhà chức trách Pháp phải tăng cường an ninh cho cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Từ năm 2015 đến nay, Pháp đã bị nhiều cuộc tấn công khủng bố của các nhóm thánh chiến Hồi giáo hoặc của các cá nhân làm theo lệnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Theo chính phủ, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 20 âm mưu khủng bố bị phá vỡ. Lần đầu tiên một cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp, được duy trì do nguy cơ khủng bố vẫn rất cao.
Thứ ba vừa qua, hai thanh niên, Clément Baur, 23 tuổi và Mahiedine Merabet, 29 tuổi, đều mang quốc tịch Pháp, nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan an ninh Pháp vì có tư tưởng Hồi Giáo cực đoan, đã bị câu lưu tại một căn hộ ở Marseille, mà họ mới thuê từ ngày 01/04. Trong căn hộ này, cảnh sát đã tìm thấy nhiều súng và khối chất nổ tự tạo, cũng như một lá cờ của tổ chức Nhà nước Hồi Giáo.
Hiện chưa biết là hai thanh niên này dự tính tấn công vào lúc nào và vào mục tiêu nào, nhưng cảnh sát tìm thấy trong căn hộ của họ một tấm bản đồ Marseille, và do các khối chất nổ nói trên khó có thể được vận chuyển xa, cho nên các nhà điều tra nghi rằng họ định ra tay hành động ở Marseille hoặc vùng phụ cận, nhằm phá hoại chiến dịch tranh cử tổng thống.
Những người đặc trách về an ninh cho nhiều ứng cử viên tổng thống Pháp vào tuần trước đã được cảnh báo về tính chất nguy hiểm của hai thanh niên nói trên và cũng nhận được ảnh của hai nghi can.
Chân dung hai nghi can
Biện lý Paris François Molins trong cuộc họp báo ngày 18/04 đã mô tả Clément Baur và Mahiedine Merabet là hai người « vừa kiên quyết vừa rất cẩn trọng ». Trong cặp bài trùng này, Clément Baur có vẻ là « rành nghề » hơn, vì anh ta thường xuyên thay đổi chổ ở và lấy nhiều bí danh khác nhau, trong đó có cả bí danh của một quân thánh chiến người Tchetchenia ở Bỉ.
Bị kết án vào tháng 01/2015 vì tội sử dụng giấy tờ giả, Clément Baur đã ra tòa với một tên khác : Ismail Djabrailov. Chính là ở trong tù mà anh ta đã gặp « đồng nghiệp » tương lai, Mahiedine Merabet, một kẻ có nhiều tiền án tiền sự ( bị kết án tổng cộng 12 lần từ năm 2004 đến 2013 về các tội cướp giật, bạo lực, buôn ma túy ). Sống chung buồng giam với Clément Baur, Merabet cũng trở thành một thành phần Hồi giáo cực đoan.
Các nhà điều tra đã phải mất rất nhiều thời gian để lùng bắt được hai nghi can này, vì họ dùng rất nhiều tên giả, xài nhiều điện thoại khác nhau và chi trả bằng những thẻ tín dụng nạp tiền trước. Cảnh sát đã gia tăng truy tìm Baur và Merabet sau khi vào ngày 12/04 họ tìm thấy được một đoạn video gởi cho các thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi Giáo, cho thấy có thể là hai thanh niên này sắp sửa tiến hành tấn công khủng bố ở Pháp.
Tăng cường an ninh cho tranh cử
Hai nghi can khủng bố đã bị bắt ở Marseille một ngày trước khi ứng cử viên đảng cực hữu Marine Le Pen có một cuộc mít tinh vận động tranh cử tại thành phố này. Không biết có sự liên hệ nào giữa âm mưu khủng bố với cuộc mít tinh của bà Le Pen hay không, nhưng sau vụ bắt giữ này, bộ trưởng Nội Vụ Matthias Fekl cho rằng nguy cơ khủng bố tại Pháp là « cao hơn bao giờ hết » và ông bảo đảm chính phủ sẽ thi hành đủ mọi biện pháp để bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử tổng thống, sẽ diễn ra trong hai ngày 23/04 và 07/05.
Trước mắt, an ninh đã được tăng cường cho các cuộc mít tinh tranh cử, như của ứng cử viên cực hữu tại Marseille ngày 19/04. Những cảm tình viên của bà Le Pen khi vào dự mít tinh đều phải qua nhiều vòng kiểm tra nghiêm ngặt. Khoảng 300 cảnh sát đã được huy động để bảo đảm an ninh cho cuộc mít tinh của Le Pen, với sự tham gia của hơn 5000 người, cũng như bảo đảm trật tự cho cuộc biểu tình chống ứng cử viên cực hữu, với sự tham gia của khoảng 500 người.
Trên đài truyền hình CNews, ứng cử viên Xã hội Benoit Hamon cũng xác nhận là an ninh cho bản thân ông đã được tăng cường sau vụ bắt giữ hai nghi can khủng bố ở Marseille. Tại cuộc mít tinh của ông tối 19/04 ở quảng trường Cộng hòa, Paris, với sự tham gia của 20 ngàn người ( theo lời ban tổ chức ), lực lượng an ninh đã dựng nhiều hàng rào kiểm tra, đóng nhiều ngõ vào các trạm métro và hạn chế lưu thông xe cộ ở khu vực chung quanh.
Tại Nantes, một số xe cảnh sát cũng đã đậu chung quanh rạp Zénith, nơi mà ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron tổ chức mít tinh. Những người vào dự cũng bị khám xét kỹ lưỡng hơn.
An ninh ở các phòng phiếu
An ninh dĩ nhiên sẽ được tăng cường tối đa vào ngày bầu cử tổng thống. Tổng cộng hơn 50.000 cảnh sát và hiến binh sẽ được huy động, với sự yểm trợ của quân đội, để bảo đảm an ninh ở các phòng phiếu.
Riêng tại Nice, nơi đã xảy ra vụ khủng bố bằng xe tải đúng vào ngày Quốc khánh Pháp năm ngoái, chính quyền thành phố cho biết là các nhân viên bảo vệ tư nhân sẽ được bố trí trước mỗi phòng phiếu, để tăng viện cho lực lượng cảnh sát thành phố. Các chủ tịch của mỗi phòng phiếu sẽ được trang bị các nút báo động, được nối với trung tâm giám sát đô thị.
Đường dây thánh chiến Hồi Giáo
Một thông tin nữa cho thấy là hiểm họa khủng bố ở Pháp vẫn rất đáng ngại: Hôm nay, 20/04/2017, tòa đại hình đặc biệt của Paris đưa ra xét xử một đường dây thánh chiến Hồi Giáo, gọi là đường dây Cannes-Torcy.
Ba năm trước khi xảy ra các vụ khủng bố ở Paris năm 2015, đường dây này, bao gồm đến 20 người, đã được các cơ quan chống khủng bố của Pháp mô tả là đường dây nguy hiểm nhất bị phá vỡ, kể từ sau các vụ tấn công khủng bố của nhóm Hồi giáo Algéri GIA vào thập niên 1990 tại Pháp.
Hai mươi bị cáo, tuổi từ 23 đến 33, sống tại Torcy, ngoại ô Paris, và Cannes, miền nam nước Pháp, sẽ bị xét xử từ đây đến ngày 07/07. Các phiên xử này sẽ giúp nhà chức trách Pháp hiểu rõ hơn về các phương thức hoạt động của nhóm này, góp thêm những kinh nghiệm quý báu trong việc chặn đứng các âm mưu khủng bố ở Pháp.
Trong khi đó, hai bị cáo khác cũng vừa bị tòa kết án 2 năm tù giam ngày 19/04/2017, vì đã từng sang Syria vào mùa thu năm 2013 và có tên trong danh sách các chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi Giáo, danh sách gọi là “Daech leaks” bị tiết lộ vào tháng 05/2016.
Là dân thành phố Nice, hai người này, khoảng 30 tuổi, đã đến Syria, mà theo lời kể của họ để trợ giúp người dân Syria. Khi đến nơi, họ đã nhanh chóng vỡ mộng, bất bình trước cách cư xử của phe thánh chiến Hồi Giáo với người dân, nên đã quay trở về Pháp. Nhưng sau đó họ đã bị bắt tại Pháp, chỉ vài ngày trước khi danh sách “Daech leaks” được kênh truyền hình Anh Sky News tiết lộ, bao gồm tên 4.600 chiến binh nước ngoài, trong đó có 128 người đến từ Pháp. Bị truy tố về tội có quan hệ với một tổ chức khủng bố, hai bị cáo đã bị tuyên án 5 năm tù, trong đó có 3 năm tù treo.
http://vi.rfi.fr/phap/20170420-so-khung-bo-phap-tang-cuong-an-ninh-cho-bau-cu-tong-thong
Mỹ kêu gọi tái cân bằng thương mại với Indonesia
Phó tổng thống Mỹ đến thủ đô Jakarta tối 19/04/2017 trong khuôn khổ chuyến công du châu Á 10 ngày. Sau cuộc gặp với tổng thống Joko Widodo, ông Mike Pence tuyên bố chính quyền Mỹ muốn có một nền thương mại cân bằng hơn với Indonesia.
Trao đổi mậu dịch năm 2016 giữa hai nước là 23,83 tỉ đô la, nhưng Indonesia có mức thặng dư 8,65 tỉ đô la so với Mỹ. Phó tổng thống Mỹ cho biết Washington muốn thiết lập « mối quan hệ đôi bên cùng có lợi » với Jakarta, vì Indonesia là một trong 16 nước mà Hoa Kỳ đang xét lại quan hệ kinh tế do bị thâm hụt thương mại.
Theo AP, ngoài chủ đề thương mại, trong cuộc họp báo chung với tổng thống Joko Widodo, ông Mike Pence cho biết Hoa Kỳ muốn củng cố mối quan hệ chiến lược với Indonesia. Tuy nhiên, trong lời bình luận ngắn gọn, tổng thống Joko Widodo nói hai bên đồng ý tăng cường hợp tác.
Ngoài ra, phó tổng thống Mỹ ca ngợi Hồi Giáo ôn hòa tại quốc gia Đông Nam Á này, đồng thời tuyên bố ủng hộ sự hợp tác rộng rãi hơn trong vấn đề chống khủng bố và duy trì quyền tự do lưu thông hàng hải trong khu vực.
Tổng thống Trump sẽ dự ba thượng đỉnh tại Đông Nam Á vào tháng 11/2017
Viếng thăm trụ sở ASEAN tại Jakarta sáng nay phó tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết tổng thống Donald Trump sẽ đến Philippines và Việt Nam vào tháng 11 sắp tới, dự thượng định Mỹ-ASEAN và thượng đỉnh Đông Á tại Philippines, trước khi đến Việt Nam dự Diễn đàn hợp tác kinh tế APEC.
Vẫn theo lời ông Pence, chính quyền Trump sẽ làm việc chặt chẽ với ASEAN trên các vấn đề an ninh, mậu dịch và tự do giao thông hàng hải ở Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170420-my-keu-goi-tai-can-bang-thuong-mai-voi-indonesia
Pháp sẽ cung cấp bằng chứng Damas tấn công hóa học
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault ngày 19/04/2017 tuyên bố Pháp sẽ đưa ra bằng chứng cho thấy chính chính quyền của tổng thống Syria Bachar al-Assad đã tổ chức vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 04/04 tại thành phố Khan Chekhoun, khiến 87 người chết.
AFP cho biết Ngoại trưởng Pháp khẳng định đang nắm trong tay những bằng chứng cho phép ông và cơ quan tình báo của Pháp tin rằng chế độ Bachar al-Assad đã « cố ý sử dụng vũ khí hóa học » và là « thủ phạm » vụ tấn công tại thành phố Khan Chekhoun. Ngoại trưởng Jean-Marc Ayrault nói thêm rằng Pháp không phải nước duy nhất có bằng chứng về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nói trên, và tổ chức Cấm Vũ Khí Hóa Học (OIAC) đang tiếp tục cuộc điều tra của họ. Tuần trước, tổ chức Cấm Vũ Khí Hóa Học cũng đánh giá giả thuyết vụ tấn công hóa học là có cơ sở.
Cũng trong ngày hôm qua, một quan chức cấp cao của quân đội Israel phát biểu trước báo giới nước này là lực lượng của tổng thống Syria Bachar al-Assad vẫn còn sở hữu nhiều tấn vũ khí hóa học. Hồi đầu tháng, bộ trưởng Quốc Phòng Israel đã khẳng định « chắc chắn 100% » là vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thành phố Khan Chekhoun là do « Assad lên kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo ».
http://vi.rfi.fr/phap/20170420-phap-se-cung-cap-bang-chung-damas-la-thu-pham-tan-cong-hoa-hoc
Tòa án quốc tế bác đơn của Kiev kiện Nga về đông Ukraina
Hôm qua, 19/04/2017, Tòa Án Công Lý Quốc Tế ở La Haye đã ra phán quyết về vụ chính quyền Kiev kiện Nga trong hồ sơ Ukraina. Tòa đã bác bỏ đề nghị của Kiev là phải có những biện pháp khẩn cấp để buộc Matxcơva chấm dứt ủng hộ phe nổi dậy ở miền đông Ukraina, với lý do không có đủ bằng chứng. Ngược lại, tòa án cho rằng Nga đã có chính sách phân biệt đối xử cộng đồng người Tatar ở Crimée.
Từ Kiev, thông tín viên Sébastien Gobert gửi về bài tường trình :
« Quyết định của tòa có thể tạo thuận lợi cho Ukraina, nhưng không giúp giải quyết cuộc xung đột với Nga. Phái đoàn Ukraina ở La Haye đã hoan nghênh một phán quyết thừa nhận thẩm quyền của tòa trong việc Nga phân biệt đối xử với cộng đồng Tatar ở Crimée và sự ủng hộ của Nga đối với các nước cộng hòa ly khai tự tuyên bố độc lập.
Sẽ có những biện pháp tạm thời áp đặt đối với Nga trong vấn đề thứ nhất và có thể coi đây là một dạng khẳng định rằng việc Nga sáp nhập Crimée là bất hợp pháp. Nhưng trong vấn đề thứ hai, tòa cho rằng không có đủ các bằng chứng để buộc tội Matxcơva. Tại Kiev, rất nhiều người tỏ ra sốt ruột. Cuộc xung đột kéo dài từ năm 2014 đã làm hơn 10 ngàn người thiệt mạng. Sự dính líu của Nga đã được chứng minh qua nhiều cuộc điều tra, đặc biệt là trong vụ máy bay Boeing MH17 bị bắn hạ hồi tháng 07/2014.
Trên mạng xã hội ở Ukraina, có nhiều bình luận bức tức và mỉa mai về các thẩm phán. Nội dung chính các bình luận thể hiện sự thất vọng khi thấy Ukraina không được tòa thừa nhận là nạn nhân của một cuộc xâm lược và nỗi lo sợ sẽ không bao giờ có được công lý ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170420-toa-an-quoc-te-bac-don-cua-kiev-kien-nga-ve-ho-so-dong-ukraina
Tổng thư ký LHQ
kêu gọi đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên
Hôm qua, 19/04/2017, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu là các nước ở « tuyến đầu » trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc phải làm mọi việc để ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang của Bình Nhưỡng, để khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên không trở thành mối đe dọa với cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, cũng trong ngày hôm qua, Nga đã bác bỏ nghị quyết của Hội Đồng Bảo An lên án cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây nhất của Bắc Triều Tiên. Rất nhiều nhà ngoại giao giấu tên cho biết họ rất bất ngờ về lá phiếu phủ quyết của Matxcơva, khi mà ngay cả Bắc Kinh, đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng, vốn là một lá chắn ngoại giao của Bình Nhưỡng tại Liên Hiệp Quốc, lần này cũng đồng ý trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Sau vụ thử nghiệm tên lửa thất bại của Bình Nhưỡng hôm Chủ Nhật, Washington đã đề xuất Hội Đồng Bảo An ra nghị quyết yêu cầu Bình Nhưỡng ngưng các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân. Trong dự thảo nghị quyết đã bị Nga bác bỏ, Hội Đồng Bảo An lo ngại về « thái độ gây bất ổn trầm trọng » của Bắc Triều Tiên và đe dọa sẽ có thêm các biện pháp quan trọng chống lại chế độ Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, theo tin của Abcnews, bà Federica Mogherini, lãnh đạo Ngoại Giao của Liên Hiệp Châu Âu, thể hiện lo ngại trước các căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trong khuôn khổ chuyến thăm ba ngày tại Bắc Kinh, khi phát biểu tại đại học danh tiếng Thanh Hoa – nơi đào tạo rất nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc, lãnh đạo Ngoại Giao Châu Âu cũng tuyên bố Trung Quốc và châu Âu có cùng chung trách nhiệm và mối quan tâm trong việc ngăn chặn một cuộc leo thang quân sự tại bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy Bình Nhưỡng tôn trọng các quy định quốc tế, tái hòa nhập vào cộng đồng quốc tế và loại trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Còn hãng tin Mỹ AP lại cho biết Nhật Bản và Úc sẽ củng cố quan hệ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên gia tăng. Ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Úc và Nhật Bản gặp nhau hôm nay tại Tokyo để bàn về các biện pháp tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước nhằm đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Nhân dịp này, phát biểu trước báo giới, ngoại trưởng Úc Julie Bishop cũng kêu gọi Trung Quốc nỗ lực hơn để hỗ trợ cộng đồng quốc tế gây sức ép và thuyết phục Bắc Triều Tiên ngưng chương trình hạt nhân.
Bầu cử TT Pháp 2017: Cú sốc 2002 sẽ tái diễn?
Chỉ còn ba ngày nữa là đến vòng 1 cuộc bầu cử Pháp (23/04/2017), thế nhưng khả năng hai ứng cử viên nào sẽ được cử tri chọn vào vòng 2 vẫn là một ẩn số. Qua những cuộc thăm dò dư luận, ngoài việc không ai trong số 4 nhân vật chủ chốt (Macron, Le Pen, Fillon và Mélenchon) là đã bứt phá được, còn có một yếu tố quan trọng khác là tỷ lệ người cho biết sẽ không đi bầu hay chưa dứt khoát chọn ai vẫn ở mức cực cao, khiến cho mọi đoán định đều bấp bênh.
Chính tỷ lệ này đã khiến cho mọi người lo ngại trước khả năng một cú sốc theo kiểu cuộc bầu cử tổng thống năm 2002 lại diễn ra, khi trái với mọi dự đoán, ứng cử viên cực hữu Jean-Marie Le Pen đã vượt qua ứng viên đảng Xã Hội Lionel Jospin trong gang tấc để vào vòng 2 tranh chức tổng thống với ứng cử viên cánh hữu Jacques Chirac.
Theo kết quả thăm dò mới nhất của viện Ipsos Sopra-Steria công bố ngày 18/04, vẫn còn 28% những người được hỏi xác định rằng họ sẽ không đi bầu. Viện thăm dò Ifop cũng cho một mức tương tự. Tỷ lệ này đã giảm nhiều so với kết quả nhiều cuộc thăm dò trước đó, cụ thể là khảo sát cách nay vài ngày của viện Ifop, cho thấy là một tuần lễ trước cuộc bỏ phiếu, chỉ có 68% người có tên trong danh sách cử tri xác nhận là họ chắc chắn sẽ đi bầu, có nghĩa là có thể có đến 32% người vắng mặt.
Tuy nhiên con số 28% người không đi bầu – tức là chỉ có 72% người đến phòng phiếu – vẫn gây lo ngại vì vẫn ở mức tương đương với tỷ lệ cử tri vắng mặt trong cuộc bầu cử gây chấn động vào năm 2002.
Theo nhận định chung của giới quan sát, bầu tổng thống là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong đời sống chính trị Pháp, với tỷ lệ đi bầu bình thường ở mức 80% tham gia. Gần đây nhất, vào năm 2012, vẫn có 79,5% cử tri đã đến phòng phiếu vào nhân vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống, và ngoại lệ chính là vào năm 2002, khi số cử tri vắng mặt đạt kỷ lục 28,4%, điều được cho là đã tạo điều kiện để cho ứng cử viên đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia FN, Jean-Marie Le Pen vào được vòng 2. Bà Marine Le Pen, con gái của ông Jean-Marie Le Pen đang hy vọng lập lại thành tích này vào năm nay cũng trong bối cảnh tương tự.
Cú sốc ngày 21 tháng Tư năm 2002
Ngược dòng lịch sử về năm 2002, trong suốt cuộc vận động tranh cử tổng thống Pháp, hai ứng cử viên dẫn đầu luôn luôn là cựu thủ tướng Lionel Jospin, đảng Xã Hội, và ứng viên cánh hữu Jacques Chirac, đảng Tập Hợp Vì Nền Cộng Hòa RPR. Một số cuộc thăm dò dư luận đúng là có ghi nhận xu hướng vươn lên của nhân vật thứ ba là Jean-Marie Le Pen, đảng cực hữu Mặt Trận Quốc gia FN, nhưng không phát hiện được cường độ của sự trỗi dậy này.
Theo các cuộc khảo sát ý định bầu của cử tri Pháp lúc đó, ông Chirac dẫn đầu với 20%, theo sau là ông Jospin, 18%, còn ông Le Pen chỉ được 13%, và như thế sẽ bị loại.
Không ngờ kết quả thực sự lại khác đi. Vào tối ngày bầu vòng 1 hôm 21/04/2002, hầu như mọi người Pháp đều choáng váng khi thấy rằng người được vào vòng hai tranh chức tổng thống với ứng cử viên cánh hữu Jacques Chirac, được 19,88% số phiếu – đúng như thăm dò – không phải là ông Jospin, chỉ được 16,18%, mà là ông Le Pen, được 16,88%.
Kết quả chung cuộc ở vòng hai sau đó không có gì đáng ngạc nhiên, tất cả các đảng phái ở Pháp đều liên kết lại kêu gọi cử tri dồn phiếu cho ông Chirac để chặn đường phe cực hữu, và ông Jacques Chirac đã dễ dàng thắng cử.
Giải thích về nguyên nhân của cơn địa chấn chính trị đó, giới quan sát thường nêu lên hai yếu tố, trước tiên hết là tình trạng chia rẽ trong cảnh tả lúc đó, với một ứng cử viên có uy tín là bà Taubira đã chia phiếu của ông Jospin. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất thường được nêu bật là tỷ lệ người không bỏ phiếu cực cao lên đến mức kỷ lục đối với một cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp.
Về nguyên do dẫn đến tình hình vắng mặt đó, giới phân tích cho rằng do kết quả các cuộc thăm dò nhất loạt cho thấy là ông Jospin chắc chắn sẽ vào vòng trong, điều đó đã tạo nên tâm lý ỷ y trong các cử tri cánh tả, không tích cực đi bầu, hoặc là khi bỏ phiếu lại chọn người khác để tỏ thái độ bất bình với ứng cử viên Jospin. Trong khi đó thì giới cử tri của Mặt Trận Quốc Gia thì có quyết tâm cao hơn nên đã hăng hái đi bầu.
2017: Cực hữu thuận lợi hơn
Bối cảnh cuộc bầu tổng thống Pháp năm 2017 có phần thuận lợi hơn cho ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, ngay từ đầu đã luôn luôn nằm trong tốp 4 người nhiều triển vọng nhất được vào vòng hai, thậm chí là ứng viên được đánh giá là đã cầm chắc một vé, trong lúc ba người còn lại thì phải giành nhau chiếc vé thứ hai.
Tình trạng chia rẽ nặng nề trong cánh tả, nhất là trong đảng Xã Hội, kèm theo là các tai tiếng tài chánh liên quan đến ứng viên cánh hữu truyền thống cũng là những nhân tố được cho là có lợi cho bà Le Pen. Ngoài ra, việc hai đối thủ trực tiếp của bà là hai ông Macron và Mélenchon đều không có một đảng cụ thể chống lưng mà chỉ có một « phong trào » ủng hộ, cũng là một tin vui cho ứng cử viên cực hữu. Trong bối cảnh đó, một số nhà phân tích đã cho rằng sự thờ ơ của các cử tri, ngán ngẩm trước thời cuộc, không sốt sắng đi bầu sẽ là một yếu tố giúp ứng viên cực hữu chiến thắng ở vòng một.
Theo những cuộc điều tra dư luận gần đây nhất, có từ 1/3 đến 40% cử tri của các ông Macron hay Mélenchon cho rằng họ vẫn có thể thay đổi ý kiến. Và như vậy, một tỷ lệ đi bầu thấp có thể tạo điều kiện cho các ứng viên có một khối lượng cử tri chắc chắn như bà Le Pen chiến thắng. Khi được thăm dò, bình quân có khoảng 80% cảm tình viên của ứng viên cực hữu cho biết là họ đã chắc chắn về sự chọn lựa của mình.
Tuy vậy, một số chuyên gia đã cho rằng khả năng có quá nhiều cử tri sẽ không đi bỏ phiếu không nhất thiết là có lợi cho đảng FN. Dĩ nhiên là với hơn 80% cảm tình viên, thậm chí 85% theo một vài cuộc thăm dò, đã tuyên bố là sẽ bầu cho bà, Marine Le Pen có khối cử tri vững chắc. Tuy nhiên, chính trong khối cử tri này mà hiện tượng không đi bầu từng xẩy ra nhiều nhất.
Tỷ lệ không đi bầu cao không nhất thiết có lợi cho ứng viên Le Pen
Ông Bruno Cautrès, nhà phân tích chính trị tại trung tâm nghiên cứu chính trị Cevipof thuộc trường Khoa Học Chính Trị Sciences-po ở Paris phân tích : « Có môt nhân tố xã hội học chi phối hiện tượng không đi bầu. Càng ở vị trí cao trên bậc thang xã hội, người ta càng đi bầu nhiều hơn. Giới trẻ, nhất là những thành phần ít học thức, không được ưu đãi trong xã hội, thường ít đi bầu hơn những tầng lớp khác ».
Theo bà Céline Braconnier, giám đốc trường Khoa Học Chính Trị Sciences-po Saint-Germain-en-Laye, đồng tác giả của tập khảo luận « Tính dân chủ của hành động không bỏ phiếu », những thành phần kể trên lại chính là thành phần cử tri của ứng viên cực hữu : « Bà Le Pen được từ 30% đến 35% ý định bầu trong số những người dưới 35 tuổi. Và những thanh niên không có bằng cấp, chiếm một tỷ lệ cực cao trong số cử tri của đảng FN, lại chính là những người thường không đi bầu nhất. Do đó, tình trạng thiếu vắng cử tri ngày 23 tháng Tư tới đây có thể sẽ có hại cho đảng Mặt Trận Quốc Gia ».
Dẫu sao thì các kết quả thăm dò dư luận cho đến hôm nay đều khẳng định là dù có vào được vòng trong, nếu gặp các đối thủ như ông Macron hay Fillon, bà Le Pen chắc chắn sẽ bị thua, vì các cử tri bên tả cũng như bên hữu sẽ liên kết lại để bác bỏ một tổng thống cực hữu.
Kịch bản ác mộng : Le Pen và Mélenchon vào vòng 2 ?
Trong những ngày gần đây, với sự vươn lên ngoạn mục của ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon trong nhiều cuộc thăm dò, một kịch bản đáng ngại đã được một số nhà quan sát nêu lên : khả năng ửng viên cực tả vào được vòng 2 để đấu với ứng viên cực hữu Le Pen.
Đây là một kịch bản đang khiến giới đầu tư ớn lạnh, vì ông Mélenchon cũng như bà Le Pen đều chủ trương Frexit, rút nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, ra khỏi khối sử dụng đồng euro. Theo kinh tế gia Marc Touati, đấy là nhũng chủ trương rất tệ hại vì « đồng euro ngăn ngừa lạm phát » và cho phép « duy trì lãi suất ở một mức tương đối thấp ».
Theo kinh tế Touati, nếu một trong hai ứng viên nói trên đắc cử tổng thống, thì « trị giá cổ phiếu trên thị trường Paris CAC40 có thể nhanh chóng mất đi 20% và nhiều hơn nữa trong trung hạn. Lãi suất dài hạn có thể tăng lên 8% hay 10%, tác động tiêu cực đến tài chính các hộ gia đình và các công ty, với những khoản lợi bị thu hẹp. Các nhà đầu tư ngoại quốc sẽ rút vốn đi… »
Ngoài tác động tiêu cực của Frexit, giới tài chính sẽ không mấy ưa thích vấn đề dễ dãi về ngân sách trong chương trình của hai ứng viên cực hữu và cực tả, cùng với chính sách bảo hộ mậu dịch của họ. Giới tài chánh tố cáo ý của ông Mélenchon muốn áp đặt một mức thuế mang tính chất « tịch thu tài sản » trên những nguồn thu nhập cao.
Dẫu sao đây có vẻ như là một kịch bản không tưởng. Nhưng trong thời gian qua, nhiều cuộc bầu cử đã có những kết quả bất ngờ, khiến giới quan sát rất thận trọng khi nói về cuộc bầu cử tổng thống Pháp.
http://vi.rfi.fr/phap/20170420-bau-cu-tt-phap-2017-cu-soc-2002-se-tai-dien