Tin khắp nơi – 20/03/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 20/03/2019

Hội đàm Mỹ-Nga về Venezuela bế tắc

Các cuộc đàm phán cao cấp Mỹ-Nga về cách thức hóa giải cuộc khủng hoảng của Venezuela kết thúc vào ngày thứ Ba trong khi hai bên vẫn còn mâu thuẫn về tính chính danh của Tổng thống Nicolas Maduro.

Nga nói ông Maduro vẫn là nhà lãnh đạo chính danh duy nhất của đất nước trong khi Mỹ và nhiều nước phương Tây khác hậu thuẫn Juan Guaido, người đứng đầu Quốc hội do phe đối lập kiểm soát và đã viện dẫn một điều khoản Hiến pháp vào tháng 1 để tuyên bố là Tổng thống lâm thời.

Thông tấn xã TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói hai bên không thể thu hẹp cách biệt lập trường của mình và Moscow đã cảnh báo Washington chớ can thiệp quân sự vào Venezuela.

Đại diện Đặc biệt của Mỹ Elliot Abrams nói với các nhà báo rằng điểm gây tranh cãi vẫn là “ai giữ danh hiệu Tổng thống” ở Venezuela.

Ông gọi cuộc hội đàm ngày thứ Ba là hữu ích, có thực chất và nghiêm túc và cho biết hai bên đều đồng ý về “chiều sâu của cuộc khủng hoảng.” Ông Ryabkov nói Nga ngày càng lo ngại về các chế tài của Mỹ đối với quốc gia Mỹ Latin này.

Vài giờ trước đó, Mỹ áp đặt các chế tài lên công ty khai thác vàng quốc doanh của Venezuela là Minerven và Chủ tịch công ty, Adrian Perdomo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng tất cả các lựa chọn đang được cân nhắc đối với Venezuela, một lập trường mà ông Abrams nói phía Nga có nêu ra tại cuộc họp ngày thứ Ba.

https://www.voatiengviet.com/a/hoi-dam-nga-my-be-tac/4838471.html

 

Trump: Mỹ chưa cứng rắn tối đa với Venezuela

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba nói rằng chính quyền của ông vẫn chưa tung ra thứ mà ông gọi là “những chế tài cứng rắn nhất” nhằm tìm cách cắt đứt nguồn thu cho Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

“Chúng tôi vẫn chưa áp dụng những chế tài cứng rắn nhất, như quý vị biết đấy,” ông Trump nói sau khi thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Venezuela tại Nhà Trắng với Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.

Ông Trump hồi tháng 1 áp đặt các chế tài lên công ty dầu mỏ quốc doanh Petroleos de Venezuela, được gọi là PDVSA, là biện pháp kinh tế cứng rắn nhất đối với ông Maduro tính đến nay. Mỹ là một trong số các quốc gia đã công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là nguyên thủ chính danh của Venezuela.

Nhưng chính quyền Trump vẫn chưa tìm cách ngăn các công ty ở bên ngoài Mỹ mua dầu của Venezuela, một chiến lược được gọi là “chế tài thứ cấp.”

Các chế tài thứ cấp từng là một phần trong chiến lược của Washington nhằm cắt đứt nguồn thu cho Iran, điều mà cuối cùng đã góp phần buộc Tehran phải đàm phán một thỏa thuận hạt nhân với sáu cường quốc thế giới vào năm 2015.

https://www.voatiengviet.com/a/my-chua-cung-ran-toi-da-doi-voi-venezuela/4838468.html

 

Tổng thống Mỹ và Brazil

phô trương sự thân thiện ở Nhà Trắng

Mai Vân

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp đồng nhiệm Brazil Jair Bolsonaro tại Nhà Trắng vào hôm qua, 19/03/2019. Ông Bolsonaro đã dành cho Hoa Kỳ chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông. Hai người có nhiều điểm chung và trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, họ đã cho thấy rõ sự thân thiện.

Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet, ghi nhận :

« Chúng ta sẽ làm việc với nhau một cách tuyệt vời. Không phải ngày nào cũng có một nguyên thủ nước ngoài công khai ủng hộ toàn bộ chính sách của ông Trump, và tổng thống Mỹ đã không che giấu sự hài lòng.

Ông Trump khen ngợi ông Bolsonaro là đã làm một công việc tuyệt vời. Brazil và Hoa Kỳ chưa bao giờ gần nhau như thế, trước khi gợi lên những lãnh vực có thể hợp tác giữa hai nước, gợi lên cả việc Brazil gia nhập NATO.

Tổng thống Brazil cũng đáp lễ, cho rằng ông luôn luôn ngưỡng mộ Hoa Kỳ và càng ngưỡng mộ hơn từ khi ông (Trump) được bầu lên. Ông Bolsonaro còn dự đoán là ông Trump sẽ được bầu lại.

Hai người quả có nhiều điểm chung : rất thích khiêu khích, gửi tin nhắn Twitter liên tục, rất dè dặt đối với chính sách đa phương, chống đối nhập cư, tố cáo mạnh mẽ chính sách gọi là xã hội chủ nghĩa. Hai người cùng quan điểm về Venezuela, cả hai đều đòi tổng thống Maduro ra đi. Ông Trump nhắc lại : Tất cả các giải pháp đều đặt trên bàn.

Khi được hỏi về khả năng can thiêp quân sự của Mỹ, tổng thống Brazil thận trọng hơn và tránh né, cho rằng đó không phải là vấn đề có thể bàn công khai.

Hai người cũng thông báo tăng cường hợp tác giữa hai nước trong mọi lãnh vực. Một hôm trước cuộc gặp tại Nhà Trắng, tổng thống Brazil đã ký một thỏa thuận để cho phép phóng vệ tinh thương mại Mỹ từ căn cứ Alcantara, gần biên giới với Ecuador.»

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190320-tong-thong-my-va-brazil-pho-truong-su-than-thien-o-nha-trang

 

Nghị sĩ Mỹ: Phải cứng rắn với TQ

để gây sức ép với Triều Tiên

Việc Triều Tiên đe dọa khởi động lại chương trình tên lửa khiến các nghị sĩ Mỹ chuyển sang tìm kiếm những biện pháp mới để gây áp lực lên Bắc Hàn nhưng vẫn đảm bảo quốc gia khép kín này không “manh động”, theo Washington Examiner.

“Trò chơi nguy hiểm này đã diễn ra 30 năm và nó đang trở nên nghiêm trọng hơn”, nghị sỹ Ted Yoho (Đảng Cộng hòa, bang Florida), một thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói với Washington Examiner. “Sau đó, chúng ta phải lo lắng về việc Trung Quốc và Nga sẽ làm gì nếu xảy ra xung đột”.

Ông Yoho nói rằng Hoa Kỳ cần tăng cường áp lực kinh tế đối với Triều Tiên bằng cách áp các lệnh trừng phạt đối với các đối tác quốc tế của quốc gia này, bao gồm các tổ chức tài chính lớn ở nước láng giềng Trung Quốc. Dùng biện pháp như vậy sẽ làm các quan chức Bắc Kinh khó chịu, giống như cách Tổng thống Trump đang làm trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, thông qua đó tạo áp lực lên Bắc Hàn. Vị nghị sĩ này cho rằng với thái độ của Triều Tiên thời gian gần đây thì việc thực hiện điều này là cần thiết.

“Trung Quốc và Nga đã đồng lõa với việc không chấp hành các lệnh trừng phạt [Triều Tiên của Liên Hợp Quốc], bởi vậy chúng ta sẽ tăng thêm các lệnh trừng phạt đối với họ để thông qua đó gây thêm áp lực đối với Triều Tiên”, ông Yoho nói. “Trung Quốc và Nga, họ không muốn có một giải pháp đối với vấn đề phi hạt nhân hóa [bán đảo Triều Tiên] bởi vì [để tình trạng như hiện tại] nó khiến Mỹ mất tấp trung”.

Ông Yoho và nghị sỹ Brad Sherman, nghị sỹ Đảng Dân chủ hàng đầu trong tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện, cho rằng chính quyền Trump cần tấn công mạnh hơn nữa vào mối liên kết kinh tế giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Họ kêu gọi ông Trump áp các biện pháp trừng phạt đối với các ngân

hàng lớn của Trung Quốc hỗ trợ chính quyền Triều Tiên, bên cạnh hàng chục công ty vỏ bọc ở Hồng Kông giúp rửa tiền cho Bình Nhưỡng.

“Chúng tôi đang xem xét Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Xây dựng của Trung Quốc, sau đó sẽ là bất kỳ công ty nào đang thực hiện việc rửa tiền như [các công ty] ở Hồng Kông”, ông Yoho nói với Washington Examiner.

Ông Yoho đã đề xuất tý tưởng này cho nhóm trợ lý của Tổng thống Trump sau khi Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Sau đó Triều Tiên đã cho thấy những động thái của việc khôi phục lại chương trình tên lửa đạn đạo.

Ông Yoho tin rằng sẽ là “một sai lầm lớn đối với Kim nếu ông ta cho thử nghiệm một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khác”.

“Chúng ta không muốn tham gia vào một chu kỳ đe dọa khác. Kim Jong Un cần biết rằng vị tổng thống này rất nghiêm túc đối với những gì ông ấy nói và ông ấy sẽ làm đấy. Biện pháp mà ông ấy sử dụng sẽ tương ứng với những gì ông Kim Jong Un làm”, ông Yoho nêu quan điểm.

http://biendong.net/bi-n-nong/26988-nghi-si-my-phai-cung-ran-voi-tq-de-gay-suc-ep-voi-trieu-tien.html

 

TT Trump đề xuất

đóng cửa 3 ban Đài Âu Châu Tự do/Radio Liberty

Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa đệ trình dự thảo xin cấp ngân sách năm 2020 với đề xuất cắt giảm 22% mức chi cho các chương trình phát thanh và truyền hình ra nước ngoài, đồng thời dự tính đóng cửa 3 ban ngôn ngữ của đài RFE/RL (Radio Free Europe/Radio Liberty).

Theo dự thảo ngân sách, ngân quỹ dành cho RFE/RL sẽ bị cắt giảm từ 124 triệu đô la vào năm 2019 xuống còn 87 triệu đô la vào năm 2020. Quyết định này theo dự kiến sẽ kéo theo các biện pháp giảm chi sâu rộng, bao gồm đề xuất đóng cửa các ban tiếng Georgia, Tatar-Bashkir và Bắc Kavkaz thuộc RFE/RL trong năm tài chính tới.

RFE/RL cũng sẽ đóng cửa ban tiếng Balkan khi đình chỉ hoạt động của các ban ngôn ngữ Montenegro và Macedonia.

Quyền Chủ tịch RFE/RL Daisy Sindelar nói “Năm ngoái, RFE/RL đạt được lượng khán thính giả hàng tuần lên tới 34 triệu người trên Internet, truyền hình và đài phát thanh – tăng 30% so với năm trước. Đây là một minh chứng cho thấy ở Nga, Iran, Pakistan, và tất cả các quốc gia mục tiêu của RFE/RL đang có nhu cầu lớn được tiếp cận những nguồn tin khách quan, trung thực.”

RFE/RL hiện đang phát sóng tới 22 quốc gia qua 26 ngôn ngữ. Nhiệm vụ của đài là cung cấp tin tức và thông tin khách quan, chuyên nghiệp đến với các quốc gia nơi báo chí, truyền thông bị hạn chế.

Các đài VOA, Á châu Tự do và các đài khác nằm dưới sự quản lý của Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM) cũng bị đề xuất cắt giảm ngân quỹ đáng kể trong dự thảo ngân sách năm 2020.

Năm 2019, Quốc hội Mỹ phê duyệt ngân sách là 124 triệu đô la cho RFE/RL sau khi tổng thống đề xuất ngân sách cho đài là 91 triệu đô la.

Khi chính quyền TT Trump trình bày đề xuất này trước Quốc hội vào ngày 11/3, nhiều dân biểu đảng Dân chủ đối lập đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất này.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (thuộc đảng Dân chủ-đại diện bang California) khuyến cáo: “Những cắt giảm tàn nhẫn và thiển cận trong dự thảo xin cấp ngân sách của Tổng thống Trump là một lộ trình dẫn tới một nước Mỹ suy yếu hơn, nhu nhược hơn.”

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-de-xuat-dong-cua-3-ban-c%E1%BB%A7a-rfe/4839612.html

 

TT Trump gặp lãnh đạo vùng Carribe, bàn về Trung Quốc

Tổng thống Donald Trump sẽ gặp lãnh đạo Bahamas, Cộng hòa Dominica, Haiti, Jamaica và Saint Lucia tại khu nghỉ dưỡng của ông ở Florida vào ngày 22/3 để bàn về “các hoạt động kinh tế mang tính lợi dụng” của Trung Quốc cũng như tình hình ở Venezuela, Nhà Trắng thông báo hôm 19/3, theo Reuters.

Thông cáo còn nói thêm rằng ông Trump và các lãnh đạo vùng Carribe cũng sẽ thảo luận về hợp tác an ninh và các cơ hội tiềm tàng về đầu tư năng lượng.

“Tổng thống nóng lòng làm việc với các nước trong khu vực để củng cố hợp tác an ninh và chống lại các hoạt động kinh tế mang tính lợi dụng của Trung Quốc”, Nhà Trắng nói.

XEM THÊM:

TT Trump và Chủ tịch Tập không gặp nhau cuối tháng này

Washington từng cảnh báo các nước vùng Carribe về việc chấp nhận đầu tư của Trung Quốc.

Hồi tháng Mười năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với các phóng viên ở Mexico City rằng các thỏa thuận với Trung Quốc “không phải lúc nào cũng tốt cho công dân của các quý vị”, theo Reuters.

Về vấn đề Venezuela, Mỹ đã công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là lãnh đạo lâm thời của nước này và quay lưng đối với Tổng thống Nicolas Maduro.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-g%E1%BA%B7p-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-v%C3%B9ng-carribe-b%C3%A0n-v%E1%BB%81-trung-qu%E1%BB%91c/4838989.html

 

Trump Jr: Dân chủ Anh ‘hấp hối’

vì Brexit và EU ra điều kiện hoãn

Con trai tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, công kích chính giới Anh vì Brexit hôm thứ Ba.

Diễn tiến xảy ra sau khi Thủ tướng Anh Theresa May nói sẽ yêu cầu EU cho trì hoãn việc Anh ra khỏi EU, theo như ý muốn quốc hội.

Thủ tướng Theresa May nói bà vừa viết thư cho Hội đồng châu Âu đề nghị để Anh được hoãn hạn chót ra khỏi EU từ 29/03 này đến 30/06 năm nay.

Tin mới nhất: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trả lời tại Brussels lúc 17:13 giờ địa phương rằng việc gia hạn ngắn cho Brexit sau 29/03 ‘là có thể được’ nhưng nêu điều kiện Hạ viện Anh phải thông qua thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May.

Sự bế tắc chính trị ở Anh vì vấn đề Brexit, cùng khả năng Anh chưa thể ra khỏi EU đúng ngày 29/3 đang đe dọa nền dân chủ ở Anh, ông Donald Trump Jr lên tiếng chỉ trích.

Ông Trump Jr, con trai của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng không tham gia chính trường, đã viết một bài báo trên tờ Daily Telegraph của Anh.

Trong đó, ông chỉ trích Thủ tướng Theresa May đã “phớt lờ lời khuyên của cha tôi”.

Ông Trump Jr bổ sung rằng: “Thiện chí của mọi người dường như đã bị bỏ qua” chỉ vì các chính trị gia “lỗi lạc” tại Brussels.

Sự can thiệp của doanh nhân người Mỹ vào chính trường Anh đúng lúc hạn rời EU của Anh còn chín ngày.

Thủ tướng Anh Theresa May từng nói rằng ông Trump khuyên bà “đi kiện EU chứ không đàm phán”.

Trong cuộc phỏng vấn với Sky News, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn một cách giải quyết cho phép Mỹ và Anh “thương thảo lại về thỏa thuận”.

Ông nói rằng: “Ông nhìn thấy vận hội lớn nếu tình trạng của Anh được giải quyết.”

Trì hoãn Brexit

Bà May đã viết cho EU để yêu cầu Brexit được hoãn lại, và chính phủ Anh đã xác nhận Thủ tướng sẽ không yêu cầu một cuộc trì hoãn kéo dài.

Bất kể sự trì hoãn nào cũng sẽ được thống nhất bởi 27 nước thành viên EU; và bà May đã tới Brussels vào thứ Năm để thảo luận các vấn đề với những nhà đồng cấp.

Tuy nhiên, ngày 29 tháng Ba là ngày rời EU của Anh quốc nếu như đề xuất kéo dài thời hạn không được thông qua.

Trong bài báo, ông Trump Jr – người đóng một vai trò nổi bật trong chiến dịch tranh cử của cha ông – đã viết rằng:

“Bà May đã bỏ ngoài tai lời khuyên của cha tôi, và phút chót, quá trình đáng nhẽ ra chỉ kéo dài vài tháng thì lại bế tắc cả năm trời, làm cho người Anh như sống trong địa ngục.”

Ông Trump Jr nói thêm rằng: “Hiện giờ, thời gian đã sắp hết và tất cả sắp thất bại – chính xác là điều mà chính trị gia EU mong muốn.”

“Hạn đã đến rất gần, có vẻ như nền dân chủ ở Anh đang sắp chết.”

Tháng Năm 2016, trước khi Anh tiến hành trưng cầu dân ý về EU, ông Donald Trump nói ông cho rằng Anh “sẽ tốt hơn” khi ra khỏi EU.

Tháng Giêng 2017, khi đã là tổng thống, ông Trump nói EU là “chiếc xe cho Đức” và rằng Anh quốc “thật thông minh khi đi ra”.

Người tiền nhiệm của ông Trump, Barack Obama, thì ủng hộ Anh ở lại EU.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47616234

 

TT Trump: Tôi chưa bao giờ là fan của John McCain

Tổng thống Donald Trump hôm 19/3 tiếp tục công kích cố Thượng nghị sĩ John McCain, tuyên bố rằng ông sẽ “không bao giờ” là người hâm mộ nhà lập pháp kỳ cựu qua đời năm ngoái vì bệnh ung thư não.

“Tôi chưa từng là một fan của John McCain và tôi sẽ không bao giờ như vậy”, ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục.

Tuyên bố này tiếp theo một loạt các tweet của đương kim nguyên thủ Hoa Kỳ đăng tải trên Twitter mà hãng tin AP nói là “hạ nhục” ứng viên tổng thống của phe Cộng hòa năm 2008.

Ông Trump lặp lại một số lời lẽ công kích, và phàn nàn về chuyện ông McCain bỏ phiếu chống việc bãi bỏ luật về chăm sóc y tế của Tổng thống Obama hay thường được gọi tắt là Obamacare.

“Ông ta vận động bãi bỏ và thay thế Obamacare trong nhiều năm và tới khi bỏ phiếu thì ông ta lại chống”, ông Trump nói, và cho rằng việc bãi bỏ luật trên có lẽ đã “tiết kiệm được một nghìn tỷ đôla”, dù không đưa ra bằng chứng.

XEM THÊM:

Cựu TT Obama, Bush truy điệu TNS McCain, kín đáo quở trách TT Trump

Cuối tuần qua, ông Trump đã lên Twitter để công kích ông McCain, trong đó có chuyện cố thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Arizona này “đội sổ” trong khóa học tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ.

Cô Meghan, con gái của ông McCain, sau đó đã đáp trả ông Trump trên chương trình “The View” của Kênh ABC mà cô là người đồng dẫn chương trình.

“Ông ta dành ngày nghỉ cuối tuần ám ảnh về những người đàn ông vĩ đại vì ông ta biết, tôi biết và tất cả quý vị đều biết rằng ông ta sẽ không bao giờ là một người đàn ông vĩ đại”, cô Meghan nói.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump nói năm 2015 rằng cựu tù binh chiến tranh Việt Nam không phải là một người hùng “vì ông ta bị bắt”.

Ông Trump từng được hoãn gia nhập quân ngũ và đi lính tại Việt Nam nhờ lá thư của bác sĩ nói rằng ông bị bệnh gai xương bàn chân.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-t%C3%B4i-ch%C6%B0a-bao-gi%E1%BB%9D-l%C3%A0-fan-c%E1%BB%A7a-john-mccain/4838915.html

 

Phó Tổng thống Mỹ đi thị sát

vùng hứng chịu trận lụt lịch sử

Phó Tổng tống Mike Pence tới tiểu bang Nebraska hôm 19/3 để chứng kiến hậu quả của trận lụt lịch sử khắp vùng Trung Tây đã làm 4 người chết, một người mất tích và gây thiệt hại hơn một tỷ đôla.

Theo Reuters, nước lụt đã gây ngập các tiểu bang phụ thuộc vào nông nghiệp như Iowa và Nebraska nằm dọc theo sông Missouri, khiến một nửa trong số 99 địa hạt của Iowa phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

“Hạ cánh xuống Omaha, Nebraska để thị sát thiệt hại lũ lụt và cám ơn các tình nguyện viên và nhân viên cứu hộ”, ông Pence viết trên Twitter, đăng kèm hình ảnh ông gặp gỡ với thống đốc của hai bang trên.

XEM THÊM:

Phúc trình cảnh báo hiểm họa khôn lường của biến đổi khí hậu

“Trái tim của người dân Mỹ hướng về những người bị tác động khắp vùng Trung Tây”.

Nebraska, Iowa và Wisconsin đều đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì lũ lụt do một cơn bão mạnh gây ra.

Theo Reuters, các quan chức Nebraska ước tính rằng lũ lụt gây ra thiệt hại hơn 1 tỷ đôla đối với lĩnh vực nông nghiệp và con số này dự kiến sẽ còn tăng khi nước rút.

https://www.voatiengviet.com/a/ph%C3%B3-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-%C4%91i-th%E1%BB%8B-s%C3%A1t-v%C3%B9ng-h%E1%BB%A9ng-ch%E1%BB%8Bu-tr%E1%BA%ADn-l%E1%BB%A5t-l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD/4838983.html

 

Trump đả kích các mạng xã hội,

cáo buộc thiên vị chính trị

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba cáo buộc các nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube và Twitter ưu ái các đối thủ Đảng Dân chủ của ông hơn là ông và những người đồng Đảng Cộng hòa của ông.

“Nhưng đừng sợ, rồi chúng ta sẽ thắng, giống như chúng ta đã thắng trước đây! #MAGA,” ông nói trong một dòng tweet. MAGA là những chữ cái đầu tiên trong khẩu hiệu vận động tranh cửa của ông vào năm 2016, “Make America Great Again” (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại).

Facebook và Twitter từ chối bình luận. Google và YouTube, thuộc sở hữu của công ty Alphabet, không bình luận ngay tức thì, theo Reuters.

Tổng thống và những người có quan điểm bảo thủ khác đã nhiều lần phàn nàn rằng các nền tảng công nghệ lớn này đối xử với họ không công bằng.

Ông Trump trước đây đã cáo buộc Twitter hạn chế mức độ hiển thị của những nhân vật có tiếng theo Đảng Cộng hòa ở Mỹ mà không đưa ra bằng chứng nào, và ông đã hứa sẽ điều tra các hoạt động của công ty.

Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey đã nói rằng các thuật toán đã được thay đổi để khắc phục vấn đề đó.

Bộ Tư pháp đã tổ chức một cuộc họp vào mùa thu năm ngoái giữa các quan chức liên bang và các tổng chưởng lí bang để thảo luận về các cáo buộc rằng các tư tưởng bảo thủ kìm kẹp trên mạng, nhưng cho đến giờ không có hành động cụ thể nào được đưa ra.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-da-kich-cac-mang-xa-hoi-cao-buoc-thien-vi-chinh-tri/4838476.html

 

Quốc Hội Venezuela ra luật

bảo đảm quyền lợi quân nhân từ bỏ Maduro

Thụy My

Quốc Hội Venezuela, định chế duy nhất do đối lập kiểm soát, hôm 19/03/2019 đã thông qua đạo luật bảo đảm cho các quân nhân không còn ủng hộ ông Nicolas Maduro vẫn được giữ nguyên cấp bậc cũ trong chính quyền mới.

Tiếp tục các nỗ lực nhằm thúc đẩy quân đội bỏ rơi ông Maduro, quay sang ủng hộ thủ lãnh đối lập Juan Guaido, Quốc Hội Venezuela đưa ra nhiều biện pháp bảo đảm. Luật mới « cam kết cho các quân nhân quyết định hành động để tái lập trật tự theo Hiến pháp, không còn tuân lệnh kẻ tiếm quyền, sẽ được tiếp tục phục vụ trong quân đội. Tất cả các quyền lợi, cấp bậc và huy chương đã có đều giữ nguyên giá trị ».

Trước đó tổng thống tự phong, chủ tịch Quốc Hội Juan Guaido đã hứa sẽ ân xá cho các quân nhân từ bỏ phe Nicolas Maduro. Nhưng cho đến nay chỉ mới có 700 quân nhân bỏ sang phía đối lập, tại Colombia và Brazil, trong đó không có sĩ quan cao cấp nào. Venezuela hiện có tổng cộng 365.000 binh lính và cảnh sát.

Các quyết định của Quốc Hội không được chính quyền nhìn nhận từ năm 2016, và tổng thống Maduro đã dựng lên một Quốc Hội lập hiến với 100% thành viên là người của chế độ.

Cũng trong hôm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định « mọi giải pháp vẫn đang được xem xét » nhằm buộc Maduro phải rời ghế. Ông Trump tuyên bố : « Thật đáng xấu hổ với những gì đang diễn ra tại Venezuela : nợ nần, nạn đói, phá hoại đất nước ».

Bộ Tài Chính Hoa Kỳ hôm qua loan báo các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào công ty khai khoáng quốc doanh Venezuela Minerven và chủ tịch công ty này.

Nhà Trắng cho biết tổng thống Donald Trump sẽ nêu ra cuộc khủng hoảng Venezuela khi tiếp các nhà lãnh đạo nhiều nước vùng Caribê (Bahamas, Cộng hòa Dominicana, Haiti, Jamaica, Sainte-Lucie) vào thứ Sáu 22/3 tới tại tư dinh của ông ở Mar-a-Lago, Florida. Các nước này trong nhiều năm qua được hưởng lợi từ chương trình bán dầu lửa với giá rẻ Petrocaribe của ông Hugo Chavez.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190320-quoc-hoi-venezuela-ra-luat-bao-dam-quyen-loi-cho-quan-nhan-tu-bo-maduro

 

Châu Âu trước tham vọng bá quyền kinh tế của Trung Quốc

Tú Anh

Chính phủ Pháp phải làm gì sau vụ biểu tình bạo động lần thứ 18 ? Quân đội Algéri chuẩn bị nắm quyền ? Vì sao nhà độc tài Kazakhstan bất ngờ từ chức ? Châu Âu có nên thụ động trước chính sách bá quyền kinh tế của Trung Quốc hay không ? Đây là một số chủ đề lớn trên báo Pháp hôm nay.

Trước hết, chuyến công du châu Âu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được các báo đưa tin với nhiều lo âu : “Bắc Kinh cái gì cũng mua”, Libération lưu ý. Từ hải cảng đến nhà cửa, công ty, Trung Quốc lợi dụng lúc Hy Lạp khủng hoảng để tung tiền kiểm soát một cửa ngõ vào Châu Âu. Thế công của Trung Quốc được Hội Đồng Châu Âu thảo luận tìm đối sách trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu, tức lúc ông Tập Cận Bình đến Roma.

Trang quốc tế, Le Figaro loan tin : Tập Cận Bình muốn gia tăng kiểm soát tư tưởng trẻ em bằng biện pháp thêm giờ chính trị trong chương trình bậc tiểu học. Giáo chức Trung Quốc nhận được chỉ thị hồi đầu tuần, trong bối cảnh sắp đến ngày tưởng niệm nạn nhân bị chế độ thảm sát ở Thiên An Môn, tháng sáu 1989.

Tập Cận Bình thứ Năm này đến Ý để ký một loạt hợp đồng thương mại. Do thiếu phối hợp, châu Âu đáp trả không đồng loạt. Chính sách bá quyền kinh tế của Trung Quốc chia rẽ châu Âu. Trong bài nhận định với tựa « Mù lòa », nhật báo cánh hữu nhận định chua cay : “Đúng 18 ngày nữa, cử trị châu Âu sẽ bỏ phiếu bầu người đại diện vào Nghị Viện. Chúng ta phải xem kỹ chương trình hành động của các ứng cử viên mà bổn phận là bảo vệ quyền lợi kinh tế cũng như công ăn việc làm của người dân. Bởi vì cứ theo đà này, không còn bao lâu nữa châu Âu sẽ bị Trung Quốc và Mỹ bỏ lại đằng sau”. Le Figaro giải thích : Từ khi vào Nhà Trắng, Donald Trump không bỏ qua một cơ hội nào để cỗ vũ cho quyền lợi của Mỹ và thực hiện bằng mọi phương tiện. Tuy ít ồn ào hơn, Tập Cận Bình từng bước tiến hành chiến lược « con đường tơ lụa mới » với một kế hoạch đầu tư đáng ngại với 3000 tỷ đôla mà mục tiêu là thống lĩnh thương trường thế giới. Chuyến công du châu Âu của chủ tịch Trung Quốc chứng tỏ các tham vọng bá quyền. Từ Đông Âu cho đến Tây Âu, Trung Quốc kiên trì « tung lưới nhện ». Từ nay, những đại tập đoàn công nghệ và viễn thông Trung Quốc, với phương tiện tài chính không lồ huy động mọi vũ khí phục vụ cho chính sách đế quốc kinh tế của chế độ.

Trong ván cờ này, châu Âu đứng ở chổ nào ? Le Figaro không dấu tâm trạng bi quan. Tình trạng quan liêu và ngây thơ chính trị đã cản trở Liên Hiệp Châu Âu thành lập các đại tập đoàn công nghiệp và đã để cho người nước ngoài kiểm soát cổ phần. Bị mờ mắt vì lời hứa ngọt ngào của Trung Quốc mở cửa thị trường rộng lớn mà hàng loạt công ty châu Âu bị rơi vào tay người Trung Quốc. Trong khi đó, những đối thủ khác ngày càng hùng mạnh trên sự mù lòa và thiếu quyền biến của châu Âu. “Đã đến lúc châu Âu phải thức tỉnh”, Le Figaro kết luận.

Thế nào là thức tỉnh ? Câu trả lời có thể tìm thấy trên Les Echos : « Không nên sợ Trung Quốc, nếu đã không sợ Mỹ“. Tổng thống De Gaulle đã tiên liệu Trung Quốc là siêu cường khi quyết định, nước Pháp tự do bang giao với chế độ phi dân chủ của Mao vào năm 1964. Thật ra, tác giả bài phân tích cảnh báo : Con đường tơ lụa của Trung Quốc mời gọi 100 quốc gia ký kết vào tháng Tư năm nay tại Bắc Kinh, phần lớn là để giúp Trung Quốc vận chuyển hàng hóa sang châu Á, châu Âu và châu Phi mà không nối kết với Mỹ cũng như không sử dụng đôla. Châu Âu không chống lại nhưng tuyên bố « cần suy tính thận trọng » vì không muốn các lãnh vực kinh tế chiến lược rơi vào tay Trung Quốc.

Chính vì muốn tránh rơi vào vòng tay Trung Quốc mà tổng thống Pháp mới đây phải bay sang Djibouti. Vùng ảnh hưởng truyền thống của Pháp này, năm 2017 lại cho Trung Quốc lập căn cứ quân sự, sát bên quân cảng và nơi đóng quân của Mỹ và Pháp. Con đường tơ lụa của Trung Quốc đúng là hàm chứa dụng ý địa chiến lược. Trong thực tế này, nước Pháp phải làm sao ? Đứng ngoài hay phải tham gia ? Tham gia một mình hay với toàn Liên Hiệp ? Les Echos để giới chính trị quyết định.

Pháp : Sau bạo động, chính phủ ra tay

Le Monde, ra từ trưa thứ Ba, cũng kịp đưa độc giả đi một vòng thời sự nóng bỏng. Tại Pháp, thủ tướng Edouard Philippe cách chức giám đốc cảnh sát thủ đô Paris và trình bày những biện pháp « cứng rắn hơn, chấp nhận rủi ro hơn » để đối phó với những thành phần cực đoan cướp phá trà trộn biểu tình biến đại lộ Champs-Elysées thành chiến trường hôm thứ Bảy.

Với nhận định « bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner bị chỉ trích và phải ra Thượng Viện điều trần » Le Figaro cho biết thành phần cực đoan trong phong trào « Áo Vàng » bất chấp thái độ cứng rắn của chính phủ, kêu gọi tiếp tục xuống đường bạo động dữ dội hơn nữa vào thứ Bảy tới.

Nhật báo La Croix dành một trang để tóm lược tiểu sử và tài năng của tân lãnh đạo cảnh sát thủ đô nhưng không khỏi ngại cho tương lai đất nước. Theo phân tích của nhật báo Công Giáo và của nhiều trí thức tham gia thảo luận trực tiếp với tổng thống Macron hôm thứ Hai tại Điện Elysée, nền dân chủ Pháp đang bị đe dọa vì « trong giới trí thức có một bộ phận chống chế độ nổi lên ». Chính thành phần này có ít nhiều trách nhiệm trong phong trào phản kháng xã hội và trong bối cảnh xã hội, kinh tế đặc biệt hiện nay, bạo lực có thể được định hướng chống lại chế độ dân chủ.

Trong không khí căng thẳng này, Les Echos thông báo tin khích lệ : kinh tế Pháp đứng vững hơn dự báo : Viện thống kê quốc gia đánh cược GDP của Pháp sẽ tăng cao hơn các thành viên khác trong vùng euro 0,4% trong hai quý liên tiếp.

Algeri: Trước phong trào phản kháng, quân đội đứng ra làm trọng tài

Tổng tham mưu trưởng Gaid Salah, cố gắng xoa dịu người biểu tình để đóng vai trò chính trị trong giải pháp thoát khủng hoảng. Lẽ ra phải về hưu từ 2003, viên tướng già 74 tuổi này vẫn bám trụ cho đến hôm nay chứng tỏ là một kẻ có bản lĩnh.

Tuy nhiên, bên cạnh bức ảnh tổng thống Algeri bệnh tật, ưu sầu, Le Monde phân tích : khi tuyên bố có dụng ý « nhân dân là niềm hãnh diện của quân đội », tổng tham mưu trưởng quân đội Algeri vừa phát họa lối thóat khủng hoảng vừa gieo rắc mầm hiểu lầm. Bởi vì với hai khẩu hiệu « chế độ cút xéo » « quân đội, nhân dân là anh em » mà người biểu tình hô to chẳng qua là nhằm tránh bị quân đội đàn áp.

Đồng điệu với đồng nghiệp Le Monde, Le Figaro nhận định là phải theo sát nhất cử nhất động của tổng tham mưu trưởng quân đội Algeri để có thể dự phóng tương lai quốc gia Bắc Phi này sẽ đi về đâu ?

Tiếp tục các trang quốc tế, là thông tin nhiều người Palestine bị đàn áp không nương tay tại Gaza. Thủ phạm không phải là binh lính Israel mà chính là cảnh sát của tổ chức Palestine Hamas trấn áp người dân phản đối đời sống đắt đỏ vật giá leo thang : hàng chục thanh niên sử dụng mạng xã hội bị bắt, phóng viên bị đánh để không cho tiết lộ thông tin.

Hamas rất sợ bị lên án tàn bạo đối với dân của mình không khác gì quân đội Israel bắn vào thanh niên Palestine biểu tình ở biên giới dải Gaza. Một phụ nữ Palestine, thành viên Hiệp hội Phụ nữ liên đới thuật lại : Hamas muốn kiểm soát tất cả, mặc kệ cho người dân chết đói. Cảnh sát của Hamas tràn vào nhà, đập phá bàn ghế, đánh đập mọi người, kẻ gảy tay người bầm mặt và bắt đi hàng chục người kể cả những người đang nằm bệnh viện.

Được Le Monde đặt câu hỏi, một đại diện của Hamas phủ nhận mọi cáo buộc, khẳng định có đàn áp biểu tình nhưng bắn đạn cao su, không bắn đạn thật. Hamas còn đỗ trách nhiệm cho chính phủ Palestine của ông Mahmoud Abbas « cắt lương » nhân viên tạo nên tình trạng khủng hoảng sức mua của dân.

Liên quan đến châu Mỹ, Libération và Le Figaro gần như có cùng một tựa để mô tả chuyến công du của tổng thống Brazil tại Hoa Kỳ, quốc gia đầu tiên mà ông Bolsorano đi thăm từ khi nhậm chức : “Bolsorano đồng lõa với Trump”, tựa của báo thiên tả. “Bolsorano đồng điệu với chủ nhân Nhà Trắng“, tựa của nhật báo thân hữu.

Còn liên quan đến Nga, Le Fiagaro dành một bài điều tra về một loạt cái chết bí ẩn của những viên chức Nga một thời là cộng sự viên của tổng thống Putin. Nhiều yếu tố mới được phát hiện hay tiết lộ cho phép kết luận đó là những cái chết mờ ám chứ không phải tự nhiên hay tự tử như phía Nga cho biết. Vụ thứ nhất là Mikhail Lesin, cố vấn báo chí tổng thống, bị Putin thất sủng năm 2012, sống lưu vong tại Washington chế bất đắc kỳ tử vào ngày 05/11/2015. Điều tra sơ khởi kết luận nạn nhân say rượu, té và chết vì trụy tim. Giảo nghiệm tử thi cho biết thân thể nạn nhân có nhiều vết bầm. FBI xếp lại hồ sơ. Ba năm sau, qua nỗ lực kiên trì của thân nhân, hồ sơ được mở lại và lộ ra chi tiết : nạn nhân bị gảy xương cổ, có thể bị siết cổ hay bị treo cổ.

Vụ Mikhail Lesin xảy ra vào lúc tai tiếng « thông đồng Nga-Trump » nổ ra và tiếp theo đó, đúng vào ngày bầu cử tổng thống, một đại diện ngoại giao của Nga chế bất đắc kỳ tử, từ nóc cao ốc, nơi toạ lạc lãnh sự quán Nga ở New York rơi xuống đường. Trong lúc giới phóng viên chạy đến nơi thì lãnh sự quán Nga can thiệp : nạn nhân không rõ tông tích chết vì “ trụy tim”như trường hợp cựu cố vấn báo chí. Cuối cùng, danh tính nạn nhân mới được phía Nga tiết lộ : Serguei Krivov, đặc trách an ninh chống « phá hoại » hay nói cách khác là sĩ quan phản gián.

Trong bối cảnh địa chấn chính trị, Donald Trump đắc cử bất ngờ, báo chí Mỹ quên đi hai cái chết bí ẩn. Thế rồi, đến ngày 20/07/2017, vào lúc 9 giờ sảng xảy ra vụ đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vitali Tchourkin, một người có tiếng tuyên bố hung hăng, bất tỉnh trong văn phòng, sau đó chết tại bệnh viện. Lại một vụ « trụy tim ». Thi hài nạn nhân được chuyển khẩn cấp về Nga. Nhưng một nguồn tin từ bệnh viện cho biết, đại sứ chết trước từ buổi chiều hôm trước .

Lãnh đạo mãn đời Kazakhstan từ chức : nhường quyền cho thế hệ trẻ ?

Cuối cùng, là tin tổng thống mãn đời của Kazakhstan đột ngột lên đài truyền hình thông báo từ chức, một năm trước khi hết nhiệm kỳ thứ năm. Les Echos gọi đây là sự kiện bất ngờ và hy hữu tại các nước Trung Á thuộc Liên xô cũ. Có lẽ tổng thống Noursoultan Nazerbaiev từ chức vì bị dân chúng bất mãn sau 30 năm cầm quyền.

78 tuổi, nhà độc tài Kazakhstan lý giải là trong bối cảnh không mang lại kết quả kinh tế như mong muốn, ông nhường ghế lãnh đạo cho thế hệ trẻ. Nhưng theo Libération, nhà độc tài chỉ « về hưu có một chân » cho đến khi mãn đời. Libération dựa vào tuyên bố của đương sự : tiếp tục lãnh đạo đảng cầm quyền và đặc quyền chính thức trong vai trò « cha già dân tộc », quy chế được ghi thành luật vào năm 2018.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190320-chau-au-truoc-tham-vong-ba-quyen-kinh-te-cua-trung-quoc

 

Nóng mặt, loạt nước EU cùng điều binh

 “chống TQ” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?

Các nước châu Âu sẽ tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm tăng hoạt động hải quân nhằm đối phó với Trung Quốc – theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Nhiều nước châu Âu sẽ hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Liselotte Odgaard, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson (Mỹ), đánh giá Liên minh châu Âu (EU) “đã bắt đầu đặt dấu ấn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Phát biểu tại sự kiện hôm 18/3 thảo luận về vai trò của EU trong khu vực, bà Odgaard nói EU có định hướng chính sách chung là phản đối những hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông và ủng hộ tự do hàng hải, tuy nhiên khối này chưa thể tiến xa hơn trong các sáng kiến chính sách cụ thể – điều “sẽ được để cho một nhóm quốc gia thực hiện, và cũng là những gì chúng ta thấy ngày càng nhiều”.

Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng với khoảng 3 nghìn tỉ USD thông thương mỗi năm, chiếm 1/3 quy mô thương mại toàn cầu. Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý – được biết đến là “Đường 9 đoạn” – đối với hơn 80% diện tích vùng biển quốc tế ở đây, và vấp phải sự phản đối phổ biến của cộng đồng quốc tế.

Hoạt động bồi lấp, cải tạo, quân sự hóa trái phép trên các đảo nhân tạo ở biển Đông mà Bắc Kinh tiến hành ồ ạt đã dấy lên quan ngại từ phía Mỹ và các đồng minh. Ấn Độ cũng bày tỏ lo ngại về sự hiện diện gia tăng của lực lượng Trung Quốc trên vùng biển Ấn Độ Dương. EU cùng một số thành viên khối nhiều lần lên tiếng quan ngại về hành động của Trung Quốc trên biển Đông.

Hải quân và không quân Mỹ đã gia tăng các chiến dịch tuần tra nhằm bảo đảm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và mở cửa”, trong khi Pháp đã tiến hành các hoạt động hải quân đi qua biển Đông từ năm 2014.

Bà Odgaard cho hay, một số nước đã gửi nhân viên tham gia trên tàu quân sự Pháp những năm gần đây, nhằm ủng hộ kêu gọi của EU về thực thi quy định quốc tế liên quan đến tự do hàng hải.

“Năm nay, Đan Mạch sẽ gửi một tàu tuần dương và Pháp sẽ gửi một nhóm tác chiến tàu sân bay [tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương],” bà nói với SCMP. “Có thể thấy đang có những bước tiến dần dần trong nỗ lực của một nhóm quốc gia đồng tình rằng chúng ta cần phải tiến hành các chiến dịch ủng hộ [tự do hàng hải] ở biển Đông.”

Bà cho biết, một số nước sẽ tổ chức tập trận quân sự với Ấn Độ và Nhật Bản, và “không phải là cả EU, nhưng sẽ là một nhóm nước đủ lớn tham gia để thông điệp chuyển tải được rõ ràng rằng châu Âu không phải là những quốc gia đơn lẻ”.

Anh có kế hoạch triển khai một tàu sân bay đến Thái Bình Dương và cân nhắc thiết lập một chuỗi cơ sở quân sự mới trong khu vực. Pháp cũng đang thảo luận về khả năng tổ chức tập trận với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Tiến sĩ Patrick Cronin – Giám đốc An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Viện Hudson, cũng kêu gọi “đưa châu Âu vào phương trình” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm buộc Bắc Kinh tuân thủ các điều luật về tự do hàng hải ở các vùng nước quốc tế.

Theo ông, châu Âu “có thể rất hữu ích trong vai trò giúp mọi người nhận ra rằng chúng ta cần làm việc trên cơ sở các quy định quốc tế, chứ không phải một phạm vi ảnh hưởng đặc biệt nào đó – nơi mà các quy định bất ngờ [được áp dụng] khác biệt”.

EU ngày càng quan ngại về sự hung hăng của Trung Quốc

Mối quan ngại trong EU ngày càng gia tăng, liên quan đến những thách thức từ Trung Quốc nhằm vào tình hình kinh tế và an ninh của khối. Bắc Kinh thường xuyên bị tố là không tuân theo các quy định quốc tế.

Trong một tài liệu phát hành tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu định danh Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh kinh tế” và “đối thủ hệ thống thúc đẩy các mô hình quản trị thay thế”. EC đưa ra 10 đề xuất nhằm cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và đoàn kết nội khối để ứng phó với ảnh hưởng từ đối tác thương mại hàng đầu này.

Các lãnh đạo EU sẽ thảo luận về những đề xuất trên tại phiên thượng đỉnh ngày 21/3 tới, một phần trong loạt cuộc gặp cấp cao. Từ ngày 21, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng bắt đầu chuyến công du Italy và Pháp. EU cũng chuẩn bị để tổ chức một hội nghị cấp cao với Trung Quốc vào tháng 4.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong đối thoại an ninh với các đồng cấp châu Âu hôm 18/3 tại Brussels, rằng giữa Trung Quốc và EU có tồn tại khác biệt trong một số vấn đề, song hợp tác vẫn là dòng chảy chính trong mối quan hệ này.

Một nguồn tin ngoại giao tiết lộ với SCMP rằng bên cạnh bất đồng trong EU liên quan đến sự thiếu cân bằng lợi ích trong tiếp cận thị trường giữa châu Âu và Bắc Kinh, trong khối còn xuất hiện những bất mãn nghiêm trọng về chiến lược hàng hải hung hăng của Bắc Kinh như ở biển Đông.

Nguồn tin nói rằng sẽ có nhiều hơn các hoạt động hải quân của các nước EU được triển khai ở biển Đông.

Anh nhiều lần đề cập ý định gia tăng hoạt động ở châu Á và đã tổ chức hoạt động chung với Mỹ. Tàu chiến HMS Albion của hải quân Anh ngày 31/8/2018 tiến sát các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam và bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), khiến Bắc Kinh giận dữ.

John Hemmings, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á (Anh), nói rằng Anh đang cân nhắc xây dựng chính sách chia sẻ tình báo với Nhật.

Ông cho biết, Anh có khoảng 124 tỉ USD hàng hóa đi qua biển Đông hồi năm ngoái. Đây “là con số đáng kể trong nguồn thu của chúng tôi, do đó chúng tôi quan ngại về việc bất kỳ ai cố gắng kiểm soát tuyến đường biển đó”.

Anh “sẽ không dẫn đầu, nhưng chắc chắn sẽ đi theo, tham gia, và trở thành đối tác trách nhiệm của cộng đồng các nước có lợi ích trong khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” – ông Hemmings nói.

Hồi tháng 10/2018, Hà Lan cho biết nước này sẽ gửi tàu chiến để tham gia cùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh trong hoạt động triển khai đầu tiên trên các vùng biển của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2021.

“Chúng ta sẽ thấy nhiều động thái như vậy hơn,” Hemmings nhận định, bổ sung rằng Anh cùng các nước châu Âu khác, Canada, Australia,… sẽ “sát cánh với nhau và hoạt động theo các nhóm như vậy”.

http://biendong.net/diem-tin/26997-nong-mat-loat-nuoc-eu-cung-dieu-binh-chong-tq-o-an-do-duong-thai-binh-duong.html

 

Tiếng Pháp, ngôn ngữ hiện đại

có thể diễn đạt mọi khái niệm

Thụy My

« En français, s’il vous plaît » (Xin vui lòng nói bằng tiếng Pháp), đó là khẩu hiệu của Ngày quốc tế Pháp ngữ hôm nay 20/03/2019, nhằm truyền bá ngôn ngữ của Molière trên thế giới.

Hàng ngàn sự kiện diễn ra trong ngày này trên cả năm lục địa, nơi 300 triệu người nói tiếng Pháp sinh sống – con số này sẽ tăng gấp đôi trong vòng 50 năm tới. Các sự kiện được tập trung trên trang web www.20mars.francophonie.org, phổ biến trực tiếp trên các mạng xã hội. Còn tại Pháp, « Tuần lễ ngôn ngữ Pháp và cộng đồng nói tiếng Pháp » kéo dài đến ngày 24/3 với chủ đề « những thay đổi trong chữ viết ». Trụ sở OIF cũng đón tiếp tổng thống Emmanuel Macron trong Ngày quốc tế Pháp ngữ.

Bà Louise Mushikiwabo (người Rwanda), tổng thư ký Tổ chức quốc tế các quốc gia nói tiếng Pháp (OIF) từ đầu năm 2019, nhấn mạnh : « Chúng ta hãy mang lại cho tiếng Pháp vị thế trên trường quốc tế, bảo đảm sự hiện diện dày đặc trên mạng, trên các phương tiện truyền thông và trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt là khuyến khích mọi sáng kiến về đào tạo có chất lượng ».

Theo bà Mushikiwabo, khẩu hiệu « En français, s’il vous plaît » mang lại hình ảnh một ngôn ngữ hiện đại, có thể gọi tên tất cả những thực tế trên thế giới ngày nay trong mọi lãnh vực từ kỹ thuật số, kinh tế cho đến khoa học, truyền thông.

Tiếng Pháp hiện đứng thứ năm trong số ngôn ngữ được nói nhiều nhất trên thế giới, sau tiếng Hoa, Anh, Tây Ban Nha, Ả Rập.

Bà Louise Mushikiwabo cho rằng xúc tiến tiếng Pháp không phải là « chiến đấu chống lại các ngôn ngữ khác », mà bà chủ trương đa ngôn ngữ. Bản thân bà Mushikiwabo, cựu ngoại trưởng Rwanda, khi được bầu làm tổng thư ký OIF đã gây tranh cãi, vì đất nước bà đã dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ bắt buộc dùng trong trường học thay cho tiếng Pháp.

http://vi.rfi.fr/phap/20190320-tieng-phap-ngon-ngu-hien-dai-co-the-dien-dat-moi-khai-niem

 

Dù Mỹ lo ngại, Italy gia nhập

Sáng kiến Vành đai và Con đường của TQ

Thủ tướng Giuseppe Conte hôm 19/3 cam kết sẽ đưa Italy trở thành nước đầu tiên trong nhóm G7 gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc, bất chấp phản đối của Mỹ cũng như các quan ngoại trong liên minh cầm quyền của ông.

Phát biểu trước quốc hội, ông Conte nói rằng việc Italy ký biên bản ghi nhớ sẽ được tiến hành tuần này nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trước đây, một quan chức Nhà Trắng đã cảnh báo Italy không nên tham gia dự án bị coi là “phù phiếm” của Trung Quốc, theo AP.

Các chính phủ châu Âu từ chối ký vào một tuyên bố chung tại diễn đàn “Vành đai và Con đường” ở Bắc Kinh năm ngoái vì cho rằng nó thiếu các tiêu chuẩn về cung cấp tài chính và minh bạch.

XEM THÊM:

Italy tính tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của TQ

Trong bài phát biểu đầu tiên về thỏa thuận trước các nhà lập pháp trước chuyến thăm của ông Tập, ông Conte nói rằng các chi tiết đã được làm rõ sau nhiều tháng thương thảo ở mọi cấp độ.

Ông nhấn mạnh rằng biên bản ghi nhớ không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và nó sẽ giúp Italy tiếp cận một thị trường khổng lồ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20/3 nói rằng ngoài Rome, ông Tập sẽ thăm thành phố Sicily và sẽ gặp ông Conte cũng như Tổng thống Sergio Mattarella.

Bộ này cũng lên tiếng bảo vệ Sáng kiến Vành đai và Con đường.

https://www.voatiengviet.com/a/d%C3%B9-m%E1%BB%B9-lo-ng%E1%BA%A1i-italy-gia-nh%E1%BA%ADp-s%C3%A1ng-ki%E1%BA%BFn-v%C3%A0nh-%C4%91ai-v%C3%A0-con-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-c%E1%BB%A7a-tq/4839052.html

 

Thổ Nhĩ Kỳ xung khắc

với Úc và New Zealand vì trận Gallipoli

Lời của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan về trận Gallipoli trong Thế Chiến I đang làm căng thẳng quan hệ với Úc và New Zealand.

Bình luận về ‘tuyên ngôn’ của tay súng Úc 28 tuổi, Brenton Tarrant, nghi phạm gây ra vụ bắn giết hai đền Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand, giết chết 50 người, ông Erdogan nhắc lại lịch sử chống Thiên Chúa Giáo của người theo đạo Hồi.

Ông cảnh báo “những kẻ đến đây tấn công cộng đồng Hồi giáo” rằng họ sẵn sàng đáp trả.

New Zealand: Nghi phạm xả súng ra tòa

New Zealand: kẻ tấn công ‘hành động một mình’

New Zealand: Xả súng đền đạo Hồi giết chết 49 người

Nhưng không chỉ giới hạn câu chuyện trong một vụ việc nào đó, ông nhắc tới cả thời đế chế La Mã của Ki Tô giáo bị đánh bật khỏi Constantinople:

“Chúng ta đã ở đây cả một nghìn năm, và sẽ còn ở đây đến Ngày Phán xử. Các ngươi sẽ không thể nào biến Istanbul trở lại thành Constantinople,”

Nhưng nhắc riêng đến cuộc tấn công của quân đội phe đồng minh châu Âu đánh đế chế Ottoman của người Thổ Nhĩ Kỳ năm 1915, ông nói:

“Ông của các ngươi đã đến đây, và thấy là chúng ta đã ở đây. Một số họ bước trở về, một số về trong hòm gỗ…Nếu các ngươi quay lại với ý định tương tự, chúng ta đang sẵn sàng chờ đợi.”

Việc nhắc lại trận Gallipoli, nơi liên quân Anh, Pháp cùng các đơn vị Ấn, Úc, New Zealand thuộc quyền chỉ huy của Anh bị thua trận, bị giết hàng chục nghìn lính, đã khiến Úc và New Zealand lên tiếng phản đối.

Thủ tướng Úc, Scott Morrison ngay lập tức phê phán lời của ông Erdogan vì hàng năm, ngày tử sĩ ANZAC, đánh dấu trận Gallipoli năm 1915 ở eo biển Dardanelles là biểu tượng lớn của Úc và New Zealand.

Phát biểu của ông Erdogan, người không ít lần gây ra những vụ việc trên truyền thông, được giới quan sát đặt vào bối cảnh ông muốn sự ủng hộ của cử tri Hồi giáo.

Erdogan: ‘Jerusalem phải là thủ đô Palestine’

‘Tôi bị Thằng Lùn đánh ở Ả Rập Saudi’

Đánh vào Lăng Giáo chủ Khomeini và Quốc hội Iran

Trận Gallipoli

Đầu năm 1915, quân lực Đế chế Anh dưới quyền của Tổng tư lệnh Hải quân Winston Churchill tổ chức đổ bộ vào eo biển Dardanelles của đế chế Ottoman nhằm phân tán quân Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Đức ở chiến trường châu Âu.

Ngoài quân Pháp và một số quân Nga, riêng Anh đổ vào cuộc chiến 345 nghìn quân.

Trong số này, gần 60 nghìn lính, gồm 29 nghìn quân Anh, Ireland, 11 nghìn quân Úc, New Zealand thiệt mạng vì quân Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ các cứ điểm trên cao và bắn pháo, súng máy tiêu diệt quân xâm lăng.

Dù thiệt hại nặng – 87 nghìn quân Thổ bị giết – phía đế quốc Ottoman đã bảo vệ được bán đảo Gallipoli dài 50 dặm.

Tháng 1/2016, liên quân rút lui.

Thắng lợi ở trận Gallipoli sản sinh ra một người anh hùng của Thổ Nhĩ Kỳ, trung tá Mustafa Kemal, ở tuổi 33 tuổi đã làm chỉ huy sư đoàn 19.

Năm 1923, ông lập ra cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ và trở thành người cha lập quốc, Atatürk.

Vì thất bại, Churchill mất chức và bị giáng cấp xuống làm tiểu đoàn trưởng bộ binh. Nội các Anh của thủ tướng Asquith bị sụp đổ.

Nhưng trung tướng Anh, William Birdwood, tư lệnh Binh đoàn Úc – New Zealand (ANZAC) được ca ngợi là anh hùng.

Tinh thần ANZAC gồm cả tình đồng đội và tính bài Anh – lính Úc và New Zealand bị Anh đẩy vào chỗ chết vô ích – đã hình thành sau trận Gallipoli.

Đây là một yếu tố hun đúc ý thức dân tộc của Úc và New Zealand, tạo đà cho nền độc lập của họ về sau này.

Chính vì thế, như thủ tướng Morrison nói, tinh thần ANZAC – hàng năm nhiều nghìn thanh thiếu niên Úc và New Zealand hành hương tới Gallipoli để tưởng niệm cha ông – là một cam kết chống chiến tranh, vì thế giới hòa bình.

Nhưng với một số người thì tinh thần ANZAC chỉ là di sản cổ hủ và tai hại của chủ nghĩa đế quốc châu Âu mà Anh để lại cho các cựu thuộc địa, Úc, New Zealand.

Không chỉ người Hồi giáo hoặc chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ như ông Erdogan nghĩ vậy, mà tác giả Jason Wilson cũng viết trên trang The Guardian sau vụ Christchurch:

“Ngày Anzac, dịp tưởng niệm cuộc xâm lăng thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ, là ngày có ý nghĩa nước đôi. Trong những năm gần đây, nó ngày càng dịch chuyển lại gần chỗ thành ngày ca ngợi chủ nghĩa quân phiệt và đế quốc.”

Vấn đề di sản

Yếu tố di sản văn hóa Ki Tô giáo trong xung đột nhiều thế kỷ với Hồi giáo ở châu Âu và vùng phụ cận được nhắc đến nhiều sau vụ bắn giết ở Christchurch.

Bản thân nghi phạm Brenton Tarrat đã biểu lộ rằng y lấy cảm hứng từ các cuộc ‘thánh chiến’ chống Hồi giáo của người Âu, và cuộc thảm sát ở Bosnia thời hậu Nam Tư.

Được biết trong lúc xả súng bắn tín đồ Hồi giáo ở hai ngôi đền tại Christchurch, y bật nhạc một bài hát ca ngợi Radovan Karadzic, tội phạm chiến tranh Serbia chịu trách nhiệm vụ giết 8000 đàn ông và bé trai Hồi giáo ở Bosnia năm 1992.

Không chỉ có vậy, Brenton Harrison Tarrant còn đã sang châu Âu (Bulgaria, Hungary, Serbia, Croatia, Montenegro, Bosnia-Herzegovina, Romania) Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan.

Y đã viết tên một số nhân vật Ki Tô giáo thời Trung Cổ trong cuộc chiến chống Hồi giáo ở châu Âu lên báng súng khi gây án.

Một báo Anh cho hay Tarrant gọi Anders Breivik, kẻ khủng bố theo phái tân phát-xít giết 77 người ở Na Uy là ‘hiệp sỹ’, theo cách gọi các Hiệp sĩ dòng Đền (Knights of Templar), giáo đoàn vũ trang Ki Tô giáo cực đoan tham gia Thánh Chiến ở Trung Đông thời Trung Cổ.

Ngoài ra, có vẻ như Tarrant còn chịu ảnh hưởng của phong trào cựu hữu ‘Identitarian’ ở Pháp.

Nhóm này nêu ra thuyết ‘Sự thay thế toàn diện’ (Great Replacement), cho rằng các nhóm người theo ‘văn hóa ngoại lai’ đang bằng mọi cách tràn vào châu Âu thay chân người bản đị́a da trắng gốc Ki Tô giáo.

Theo đó, các trào lưu xã hội mới như đa văn hóa chỉ là ‘vỏ bọc’ cho sự hủy diệt chủng da trắng.

Điều đáng chú ý là Brenton Tarrant khi đến sát biên giới Tân Cương của Trung Quốc đã viết ra những lời ca ngợi chế độ ‘một văn hóa’ ở Trung Quốc hiện nay.

Chính vì những liên hệ của thủ phạm vụ Christchurch với các ý thức hệ cực hữu xưa và nay, nữ thủ tướng New Zealand, bà Jacinka Ardern kêu gọi có cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Vì những căng thẳng hiện thời đang rất dễ bị biến dạng nguy hiểm nhờ vào các cảm hứng và xung khắc tưởng như đã bị lịch sử vùi lấp.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47643846

 

Hungary : Viktor Orban

một mình đối đầu với Liên Hiệp Châu Âu

Thủ tướng Vikor Orban lãnh đạo Hungary suốt 9 năm qua với không ít điều tiếng trong Liên Hiệp Châu Âu bởi những phát ngôn không kiêng nể cũng như các chính sách cải cách nhiều tranh cãi, đang một lần nữa là trung tâm chú ý của dư luận khi đảng của ông đang trước nguy cơ  trở thành ly khai của cánh hữu tại Nghị Viện châu Âu.

Hôm nay, 20/03/2019, đảng Fidesz do Viktor Orban đồng sáng lập và lãnh đạo phải đối mặt với khả năng bị khai trừ khỏi nhóm nghị sĩ cánh hữu chiếm đa số ở Nghị Viện Châu Âu, Đảng Nhân Dân Châu Âu (PPE). Nguyên nhân chỉ vì chính phủ của ông mở chiến dịch tuyên truyền, thông tin thất thiệt đả kích nhà tỷ phú hảo tâm người Mỹ gốc Hung, George Soros cùng chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Jungker.

Vài nét chân dung chính của nhà lãnh đạo mà có người thì gọi ông là « chuyên quyền độc đoán », người khác thì lại cho ông là « nhà bảo vệ quốc gia ».

Từ ly khai Cộng sản đến đứa con ngỗ ngược trong gia đình Châu Âu

Vikto Orban nổi lên là nhà chính trị từ những biến động tan rã của khối Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu cuối thập niên 1980. Đó là vào năm 1989, Viktor Orban, một thanh niên cấp tiến 26 tuổi đã xuất hiện như một nhà ly khai dám đương đầu với chế độ Cộng sản ở Budapest trong bài diễn văn hừng hực khát vọng tự do nhân một cuộc mít tinh kỷ niệm sự kiện Hungary nổi dậy chống lại đô hộ của Liên Xô năm 1956.

Ba mươi năm sau, Viktor Orban đã có bốn nhiệm kỳ, trong đó có ba nhiệp kỳ liên tục lãnh đạo đất nước Hungary, một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Điều để cả Liên Âu phải lưu tâm lo ngại đó là Victor Orban trở thành một ngương mặt tiêu biểu của các phe hữu dân tộc chủ nghĩa ở trong cũng như ngoài lục địa châu Âu. Cựu cố vấn của tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Bannon, một người nổi tiếng có tư tưởng cực hữu, từng ca tụng ông Orban như là « người hùng ».

Năm 1998, lên làm thủ tướng khi mới 35 tuổi, nhưng Viktor Orban chỉ cầm quyền được một nhiệm kỳ 4 năm vì thất bại trước Đảng Xã Hội, do những người Cộng sản cũ lập nên. Đây là một sự sỉ nhục không thể quên đối với một người có tư tưởng chống Cộng sản ăn sâu vào máu như Victor Orban.

Năm 2010, ông trở lại nắm quyền giữa lúc đất nước Hungary bị trao đảo bởi khủng hoảng kinh tế và đầy rẫy những vụ bê bối tham nhũng liên quan đến chính phủ cánh tả chủ trương tự do hóa. Ông bắt đầu gây dựng sự chi phối ảnh hưởng của đảng Fidesz trong toàn bộ hệ thống  thể chế đất nước nhân danh vì « dân tộc Hungary », đồng thời với việc đó là các cải cách cắt xén các quyền tự do của người dân để  thao túng quyền lực.

Vị thủ tướng này tự nhận đang thực thi một kiểu « dân chủ phi tự do » và ông luôn tỏ sự ngưỡng mộ đặc biệt và thường xuyên gặp gỡ  tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đứng đầu một nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, ông Orban luôn có những chỉ trích gay gắt các chính sách cũng như cách lãnh đạo của Liên Âu, đặc biệt trong chính sách về người nhập cư.

Thủ tướng Hungary vẫn khẳng định chính sách đóng cửa với người nhập cư trong cuộc khủng hoảng di dân ồ ạt vào châu Âu hồi năm 2015 là đúng đắn. Dường như chủ trương dựng hàng rào biên giới ngăn người nhập cư dù bị cả Liên Âu lên án nhưng lại củng cố thêm vị thế lãnh đạo của Victor Orban ở trong nước.

Bên cạnh đó thủ tướng Orban mở cuộc tấn công không thương tiếc vào nhà tỷ phú Mỹ gốc Hung George Soros, tố cáo ông này cung cấp tài chính cho nhiều tổ chức xã hội dân sự nhằm mục đích gây mất ổn định chính trị và muốn “nhấn chìm Châu Âu trong biển người nhập cư“. Ông không kiên quyết không chấp nhận một đất nước Hungary đa văn hóa với lập luận bảo vệ « bản sắc Thiên chúa giáo châu Âu ».

Ở trong nước chính phủ của Orban có vẻ như vẫn thuận buồm xuối gió với kết quả nền kinh tế vẫn tăng trưởng đều đặn, 4,8% trong năm 2018, tỷ lệ nạn thất nghiệp ở mức thấp nhất từ trước đến nay, 3,7%. Đối lập tiếp tục bị chia rẽ, đảng Fidesz của ông vẫn thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội đầu năm 2018.

Phong trào biểu tình rầm rộ chống chính phủ Orban cuối năm ngoái cũng đột ngột dừng lại vì đối lập không đoàn kết. Lời kêu gọi tổng đình công của các công đoàn cũng không được đáp ứng.

Vẫn giữ quan điểm bài bác các giá trị chung của Liên hiệp Châu Âu, nhưng Viktor Orban lần này đã đi quá giới hạn khi tháng Hai vừa qua mở chiến dịch quy mô trong cả nước để bài bác chính sách nhập cư của Liên Âu trong đó chỉ đích danh ông chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean- Claude Junker.  Đó là lý do mà 12 đảng thành viên của PPE yêu cầu khai trừ đảng Fidesz ra khỏi nhóm tại Nghị Viện .

Nhật báo Les Echos số ra ngày 11/03, trong một bài phân tích nhận định : Cho dù xảy ra với đảng Fidesz ở Nghị Viện Châu Âu, thủ tướng Hungary vẫn sẽ tiếp tục củng cố thanh thế ở châu Âu bằng việc tập hợp các phong trào dân túy. Gần 10 năm sau khi trở lại nắm quyền ở Budapest, dường như không gì có thể ngăn được Viktor Orban trở thành người dẫn đầu phong trào dân túy ở châu Âu.

Phần đông giới quan sát đều có chung một nhận định : Mục tiêu của thủ tướng Hungary là lãnh đạo những lực lượng cực hữu nhằm chuyển hóa từ bên trong Liên Hiệp Châu Âu.  Tuy bài bác các giá trị châu Âu, nhưng Viktor Orban vẫn muốn trở thành người cầm lái con tầu châu Âu. Thế nhưng đó là một châu Âu khác hoàn toàn, một châu Âu của các quốc gia có chủ quyền tự quyết trong các chính sách riêng của mình.

Theo phân tích của Les Echos thì, nếu đảng Fidesz không bị loại khỏi PPE, Orban sẽ càng khẳng định vị thế lãnh tụ cánh hữu cứng rắn nhất để đối đầu với đảng phái khác trong Liên Hiệp Châu Âu.  Còn nếu như Fidesz bị loại thì cũng chẳng thay đổi gì, lập trường chống châu Âu của Orban càng được củng cố và liên minh với các trào lưu dân túy khác ở châu Âu càng được thắt chặt. Cho đến lúc này Viktor Orban đã phần nào thành công trong mục tiêu áp đặt « luật chơi » của ông đối với châu Âu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190320-hungary-viktor-orban-mot-minh-doi-dau-voi-lien-hiep-chau-au

 

SDF thân Mỹ tiễu trừ tàn quân

xung quanh hang ổ cuối cùng của IS

Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) hôm 20/3 tiến hành các hoạt động tiễu trừ sau khi chiếm được phần lớn hang ổ cuối cùng của Nhà nước Hồi giáo ở miền đông Syria, một quan chức của SDF cho biết. Lực lượng bán quân sự này được Mỹ hậu thuẫn.

Các chiến binh đã lùng sục tại hang ổ ở Baghouz gần biên giới với Iraq để truy tìm các phần tử thánh chiến, các đường hầm và bom mìn cài lại, nhưng tình hình yên ắng và không có đụng độ, quan chức SDF cho hay.

Việc Nhà nước Hồi giáo bại trận ở Baghouz sẽ chấm dứt quyền kiểm soát lãnh thổ của nhóm này đối với hơn 1/3 Syria và Iraq mà chúng từng nắm giữ hồi năm 2014 khi chúng tìm cách dựng lên một nhà nước tự xưng rộng lớn trong khu vực.

Tuy sự kiện này thể hiện một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến 8 năm ở Syria cũng như trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, song nhóm thánh chiến này vẫn là một mối đe dọa.

Một số phần tử của nhóm vẫn đang ẩn náu ở sa mạc miền trung Syria, còn những kẻ khác chuyển sang hoạt động ngầm ở các thành phố của Iraq để thực hiện một chiến dịch nổi dậy nhằm gây bất ổn cho chính phủ.

Hôm 19/3, SDF cho biết họ đã đánh bật các phần tử Nhà nước Hồi giáo còn lại ở Baghouz ra khỏi một nơi đóng quân tạm được xem như là phần lãnh thổ còn lại của nhóm này.

Các phần tử cực đoan còn lại đã bị dồn đến bờ sông Euphrates, và vào tối 19/3, chúng tiếp tục đụng độ với SDF, một phát ngôn viên của lực lượng bán quân sự nói.

https://www.voatiengviet.com/a/sdf-tieu-tru-tan-quan-is/4839634.html

 

Kazakhstan thăng chức con cựu tổng thống và đổi tên thủ đô

Kazakhstan đã ngay lập tức có những bước đi nhằm giữ gìn di sản của ông Nursultan Nazarbayev, một ngày sau khi ông rời khỏi chức tổng thống.

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua việc đổi tên thủ đô để vinh danh ông, người bất ngờ từ chức hôm 19/3/2019 sau gần 30 năm cầm quyền.

“Astana nay chính thức có tên là Nursultan,” hãng thông tấn Kazinform của nước này nói.

Tổng bí thư làm tổng thống rồi tự nghỉ

Kazakhstan cải tiến chữ quốc ngữ lần thứ hai trong năm

Cái giá phải trả khi đất nước thay đổi chữ viết

Tân tổng thống, Kassym-Jomart Tokayev, tuyên thệ nhậm chức hôm 20/3, cam kết sẽ luôn tham vấn người tiền nhiệm trong mọi vấn đề then chốt.

Ông Tokayev cũng là người đề xuất việc đổi tên thủ đô Astana thành Nursultan.

Ông Nursultan Nazarbayev bất ngờ từ chức hôm thứ Ba sau gần 30 năm giữ chức tổng thống.

Tuy nhiên, ông sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt đất nước trong vị trí chủ tịch hội đồng an ninh và người đứng đầu đảng cầm quyền.

Con gái cả của ông, bà Dariga Nazarbayeva, nay trở thành Chủ tịch Thượng viện, là vị trí quyền lực thứ nhì tại quốc gia Trung Á này.

Việc bầu bà Nazarbayeva, 56 tuổi, vào vị trí trên được các nghị sỹ hoàn toàn nhất trí, Kazinform đưa tin.

“Tổng số 44 nghị sỹ có mặt đều bỏ phiếu cho bà Nazarbayeva,” bản tin viết.

Sự hồi sinh của một vùng biển đã chết

Cái chết của một cảng biển Liên Xô

Phiên bản “tự nguyện hồi hương” và “thú tội”

Ứng viên sáng giá trong cuộc đua 2020

Trước đó, bà Dariga Nazarbayeva là người đứng đầu ủy ban Thượng viện về quan hệ đối ngoại, quốc phòng và an ninh.

Bà cũng từng dẫn dắt kênh truyền hình chính của Kazakhstan, và từng là phó thủ tướng.

Bên cạnh các hoạt động chính trị, bà có niềm đam mê opera, và từng biểu diễn trước công chúng.

Việc được trao vị trí mới khiến bà trở thành một ứng viên đầy tiềm năng thay thế vị trí của cha bà.

Theo Hiến pháp Kazakhstan, chủ tịch Thượng viện sẽ lên nắm quyền trong trường hợp tổng thống từ chức hoặc chết.

Ông Tokayev, 65 tuổi, người nói thông thạo tiếng Nga, Anh và Trung, Reuters nói, sẽ giữ chức cho tới hết nhiệm kỳ tổng thống còn lại, tới 4/2020.

Hiện chưa rõ vị cựu thủ tướng từng được Nga đào tạo này có định ra tranh cử cho nhiệm kỳ tổng thống tới hay không.

Ngoài hai người trên, còn có hai cái tên khác được nhắc tới như các đối thủ có thể tham gia cuộc đua năm tới.

Một thân nhân khác, Samat Abish, cháu gọi ông Nazarbayev là chú ruột, cũng được coi là ứng viên nhờ thăng tiến trong lực lượng an ninh quốc gia.

Ông Abish đã giữ vị trí số hai trong lực lượng này kể từ 2015 tới nay. Tuy nhiên, Abish thường giữ mình kín đáo trước công chúng.

Một gương mặt nữa là Karim Masimov, một người rất thân cận với ông Nazarbayev, hiện đứng đầu lực lượng an ninh quốc gia.

Ông từng là tham mưu trưởng quân đội, và đã hai lần làm thủ tướng.

Phản ứng từ Nga và Trung Quốc

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhanh chóng ngỏ lời cảm ơn và ca ngợi ông Nazarbayev về những đóng góp của ông cho mối quan hệ hai nước ngay sau tin ông bất ngờ từ chức.

Ông Putin gọi Kazakhstan là “đồng minh thân thiết nhất của chúng tôi”

“Ông [Nazarbayev] là một trong các tác giả, nếu không nói là tác giả duy nhất, của EurAsEC [Liên minh Kinh tế Á-Âu], một dự án đang phát triển rất thành công nhờ sự hỗ trợ trực tiếp và sự tham gia của ông vào dự án, bên cạnh các yếu tố khác,” ông Putin phát biểu trong cuộc họp chính phủ tại Moscow.

Trung Quốc cũng lập tức nói họ “hiểu và ủng hộ” quyết định của ông Nazarbayev, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng tuyên bố, và gọi tân tổng thống của Kazakhstan là “người bạn lâu năm”.

Kazakhstan có chung đường biên giới với Trung Quốc ở khu vực Tân Cương.

Quan hệ ngoại giao giữa hai nước có những vấn đề nhạy cảm, kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu đưa bắt giam những người thuộc sắc tộc Kazakh nhằm “chống khủng bố”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47639302

 

Nhật gia hạn trừng phạt đối với Triều Tiên thêm 2 năm

Nhật Bản sẽ gia hạn các lệnh trừng phạt đơn phương đối với Triều Tiên thêm hai năm nữa, đài truyền hình NHK cho biết hôm 20/3.

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ gia hạn lệnh cấm vận thương mại đối với Bình Nhưỡng và lệnh cấm tàu Triều Tiên cập cảng Nhật Bản thêm hai năm nữa.

Theo đài NHK, chính phủ Nhật dự kiến sẽ phê chuẩn việc gia hạn lệnh trừng phạt này tại một cuộc họp nội các vào đầu tháng tới.

Quyết định này đã được đưa ra sau sự đỗ vỡ của cuộc gặp lần thứ hai giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội hồi tháng trước.

https://www.voatiengviet.com/a/nhat-gia-han-trung-phat-doi-voi-trieu-tien-them-2-nam/4839215.html

 

Có yêu cầu điều tra

hóa chất ướp thi hài hai ông Kim ở Triều Tiên

Ken Kato, Giám đốc tổ chức nhân quyền Human Rights ở châu Á yêu cầu LHQ điều tra việc Nga giúp Bắc Hàn nhập hóa chất duy trì thi hài hai cố lãnh tụ họ Kim.

Trong lá thư gửi Hội đồng Bảo an LHQ, ông Ken Kato lập luận rằng việc chuyển giao các hóa chất này cần được điều tra xem có vi phạm lệnh cấm vận với các mặt hàng xa xỉ không.

Bảo tồn xác ướp Lenin hết bao nhiêu tiền?

Hé lộ chi tiết ướp thi hài Hồ Chủ tịch

Phong cách thiết kế độc đáo của Bắc Hàn

Nhưng mục tiêu của yêu cầu này, theo ông Ken Kato, người Nhật Bản, giám đốc Human Rights ở châu Á và thành viên một liên minh ngăn ‘tội các chống nhân loại ở Bắc Hàn’, là để buộc chính quyền Bắc Triều Tiên thay đổi chính sách để cứu đói cho người dân của họ, ông nói với tờ The Telegraph (20/03/2019).

Bài của tờ báo Anh cho hay ông Ken Kato yêu cầu ngưng việc chuyển giao hóa chất từ Nga cho Bắc Triều Tiên để dùng vào việc duy trì hai “xác ướp” trong Cung điện Mặt trời Kumsusan ở Bình Nhưỡng.

Chuyên gia Nga vẫn sang Bình Nhưỡng 18 tháng một lần để bảo trì thi hài hai ông Kim Nhật Thành (qua đời năm 1994), và Kim Chính Nhật (Kim Jong-il, mất năm 2011).

Chi phí cho việc duy trì hai xác ướp này một năm được ước tính vào khoảng gần 400 nghìn USD một năm, theo tờ báo Anh.

Ông Kato muốn chính phủ Triều Tiên “lo cho dân ăn, thay vì chi ra hàng chục nghìn đô la một năm cho người đã chết trong lăng mộ,” tờ Telegraph trích lời ông.

Ken Kato nói các loại hóa chất kia chắc chắn không phải là thứ thiết yếu cho sinh hoạt của người dân, nên phải được coi là xa xỉ phẩm, đối tượng của cấm vận.

Hồi tháng 3/2019, một báo cáo của LHQ cho hay 43% dân CHDCND Triều Tiên, tức là khoảng 11 triệu người, đang thiếu lương thực.

Báo cáo đó kêu gọi các nước thành viên LHQ trợ giúp 120 triệu USD để giúp lương thực cho Bình Nhưỡng, nhất là để cứu trẻ em khỏi suy dinh dưỡng.

Truyền thông Phương Tây cho rằng việc duy trì sự sùng bái lãnh tụ (cult of personality) là công cụ để vận động quần chúng cho mục tiêu chính trị ở Bắc Triều Tiên.

Tình trạng kinh tế nước này càng kém so với Hàn Quốc thì chính quyền lại càng cần đưa sự tôn thờ các cố lãnh tụ lên cao hơn.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47637606

 

Nói Triều Tiên thiện chí phi hạt nhân:

Mở đường cho Mỹ

Hàn Quốc đưa ra loạt thông tin chứng minh Triều Tiên vẫn đang không có ý định theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình.

Yonhap đưa tin, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon ngày 18/3 cho biết Triều Tiên đang tu sửa bãi phóng tên lửa Dongchang-ri, hay còn gọi là Trạm phóng vệ tinh Sohae.

Đây là cơ sở mà Triều Tiên đã tháo dỡ một phần vào năm ngoái để thể hiện cam kết phi hạt nhân hóa của mình. Hình ảnh vệ tinh của Hàn Quốc cho thấy một phần bị tháo dỡ đang được khôi phục lại.

Đã có những đánh giá trái chiều về động thái này. Như các hãng truyền thông Hàn Quốc và Mỹ đã đưa tin những ngày qua, hành động thay đổi hiện trạng của Dongchang-ri được cho là nỗ lực khôi phục các chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cho Myoung-gyon lại đưa ra một nhận định hoàn toàn khác biệt. Ông Cho nhấn mạnh: “Khi Bình Nhưỡng tiếp tục công việc, chúng ta cần xem xét kỹ hơn về ý định của họ. Rất có thể, họ chỉ xây dựng lại địa điểm này để phá dỡ nó”.

Những lập luận của ông Cho khó có thể thuyết phục được những người không tin tưởng vào nỗ lực phi hạt nhân của Triều Tiên, đặc biệt sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui phát biểu ngày 15/3 trên TASS rằng Bình Nhưỡng đang cân nhắc đình chỉ đàm phán phi hạt nhân với Trung Quốc. “Chúng tôi không có ý định nhún nhường trước những yêu cầu của Mỹ (được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai) dưới bất kỳ hình thức nào, cũng như không sẵn sàng tham gia thương lượng kiểu này” – bà Choe Son-hui phát biểu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc dường như đã có những phát biểu mang tính giảm nhẹ cho tình hình ngày càng xấu đi kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai không ra được tuyên bố chung.

Đáng chú ý, Seoul không chỉ làm dịu cách đánh giá của dư luận quốc tế về vấn đề bãi thử Dongchang-ri của Triều Tiên mà còn phát đi các thông điệp xoa dịu chính Bình Nhưỡng trong thời điểm này.

Cụ thể, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha ngày 18/3 thông tin, Mỹ muốn đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên dựa trên lộ trình toàn diện hơn để loại bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

“Cả Mỹ và Hàn Quốc đều cho rằng một lộ trình toàn diện là cần thiết. Có vẻ như Mỹ đã tham gia một hội nghị thượng đỉnh với lập trường đó. Dường như hai bên chưa hiểu dụng ý của nhau và Hàn Quốc kỳ vọng có thể cùng thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau để những nỗ lực có một lộ trình hòa bình được đi đúng hướng” – Ngoại trưởng Kang cho biết trong phiên họp quốc hội về các vấn đề của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.

Từ đó để thấy, Seoul đang thực hiện hàng loạt động thái ngoại giao con thoi, nhằm xoa dịu cả hai bên Mỹ – Triều. Đáng chú ý, sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đưa ra những tuyên bố cứng rắn nêu trên, Cố vấn cấp cao Nhà Trắng John Bolton cũng lập tức lên tiếng chỉ trích.

Noi Trieu Tien thien chi phi hat nhan: Mo duong cho My

Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim ở Hà Nội không ra được tuyên bố chung

“Đáng tiếc là Triều Tiên không sẵn sàng làm những gì họ nên làm. Các tuyên bố gần đây của Bình Nhưỡng không giúp ích được gì, thậm chí có thể gây mất lòng tin” – ông Bolton nhấn mạnh.

“Việc quay lại sử dụng biện pháp khiêu khích không phải ý hay với Bình Nhưỡng. Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều đề xuất với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Điều này chưa mang lại kết quả, nhưng Tổng thống Trump vẫn sẵn sàng giải quyết vấn đề bằng đàm phán”, Bolton nói thêm.

Thực tế, Mỹ và Triều Tiên đang trong tình trạng không nhân nhượng lẫn nhau. Điều này gây ra tác động xấu cho tiến trình hòa bình trên bán đảo này. Và người chịu thiệt ở đây vẫn là Hàn Quốc.

Seoul đã rất kỳ vọng vào thượng đỉnh lần 2 sẽ là bước đột phá cho tiến trình hòa bình của bán đảo này, song thực tế đã không được như mong muốn.

Hiện tại, mối quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc Triều đã được cải thiện rất đáng kể. Mấu chốt của vấn đề chỉ nằm tại việc giải quyết dứt điểm vấn đề mâu thuẫn Washington – Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Washington muốn tỏ ra vị thế của mình khi nhất mực áp đặt các điều kiện và yêu cầu đối phương phải tuân theo. Đây là sự khiêu khích không chấp nhận được đối với Bình Nhưỡng.

Nếu không muốn mọi nỗ lực đi vào bế tắc, Seoul buộc phải đứng ra làm nhà hòa giải. Thông qua những thông điệp mà giới chức Hàn Quốc gửi đi liên tiếp, Seoul đang nỗ lực thực hiện: một mặt họ chứng minh Bình Nhưỡng vẫn đang giữ những thiện chí cho kế hoạch phi hạt nhân của họ.

Mặt khác, họ mở đường cho Mỹ quay lại bàn đàm phán mà không để ảnh hưởng đến uy tín và sự tự cao của ông Donald Trump hay nước Mỹ. Đối với ông Trump, Triều Tiên là một phương tiện tạo ra danh tiếng, nhưng không phải nơi để Mỹ tranh giành lợi ích chiến lược địa chính trị.

Vì thế, bán đảo Triều Tiên càng bất ổn, Hàn Quốc càng phải dựa vào ô quân sự của Mỹ và buộc phải chi trả thêm kinh phí quốc phòng hàng năm – điều mà ông Trump đã ép Seoul kể từ khi lên nắm quyền Tổng thống đến nay.

http://biendong.net/bi-n-nong/26982-noi-trieu-tien-thien-chi-phi-hat-nhan-mo-duong-cho-my.html

 

Thương chiến Mỹ-Trung:

TQ biết Mỹ thiệt hại nhiều hơn

Sau khi ông Trump hoãn tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh trở nên lạnh nhạt vì hiểu rõ Mỹ.

Phòng Thương mại Mỹ và hãng nghiên cứu Rhodium Group mới đây công bố nghiên cứu chung cho thấy, sự leo thang đối đầu thương mại bằng áp đặt thuế quan hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến Mỹ thiệt hại nặng nề, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Nghiên cứu “Đánh giá thiệt hại do thuế đối với lĩnh vực ICT của Mỹ” nêu rõ, việc Mỹ và Trung Quốc tăng thuế lên hàng hóa của nhau sẽ làm giảm GDP, việc làm, đầu tư và các dòng chảy thương mại của Mỹ.

Ước tính, các biện pháp áp thuế sẽ khiến GDP của Mỹ thiệt hại 45-60 tỷ USD trong năm đầu tiên. Con số này sẽ tăng lên khoảng 89-125 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm tiếp theo.

Tính tổng thể, kinh tế Mỹ sẽ giảm 1.000 tỷ USD so với mức tiềm năng trong vòng 10 năm do việc áp thuế. GDP của Mỹ đạt xấp xỉ 20.500 tỷ USD trong năm 2018.

Trong hoạt động chế tạo ICT của Mỹ, một trong những ngành phát triển dựa trên các mạng lưới sản xuất và thương mại toàn cầu hóa, việc áp thuế sẽ khiến xuất khẩu các sản phẩm ICT giảm 14,2- 20% trong 5 năm tới, trong khi nhập khẩu các sản phẩm cùng loại chỉ giảm 9-10%.

Nghiên cứu cho rằng thuế nhập khẩu của Mỹ tăng không chỉ tác động lên các nhà chế tạo của nước này vốn cần nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giá rẻ từ Trung Quốc, mà còn khiến các doanh nghiệp liên quan đến ICT phải chuyển từ các chuỗi cung ứng toàn cầu sang các chuỗi cung ứng khu vực, với những lựa chọn hạn chế hơn.

Đáng chú ý là triển vọng giải quyết cuộc đối đầu thương mại này đang bị giảm hẳn do các ý đồ chính trị.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố hoãn áp đặt thuế tăng thêm đối với hàng hóa Trung Quốc sau khi hết hạn đình chiến thương mại bắt đầu vào tháng 3.

Khi đó, ông Donald Trump đã kỳ vọng vòng đàm phàn thương mại có nhiều tích cực sẽ được chốt hạ bằng cuộc gặp cấp thượng đỉnh khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Washington nội trong tháng 3.

Đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc khó chốt hạ trong tháng 3.

Tuy nhiên, đến nay, chuyến thăm của ông Tập có thể mãi tháng 4 hoặc thậm chí tháng 6/2019 mới được thực hiện.

Theo Nikkei, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong ngày thứ Hai đã thông báo lịch trình chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 3/2019.

Lịch trình của ông Tập không có chuyến bay nào tới Mỹ để có thể đối thoại với ông Donald Trump. Điều này làm tiêu tan đi hy vọng rằng hai nhà lãnh đạo sẽ gặp mặt trước thời điểm cuối tháng 3/2019.

Thay vì đắc thắng trước sự nhún nhường chờ đợi một thỏa thuận của Trung Quốc, Washington giờ đây mới là người ngồi trên đống lửa.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong ngày thứ Năm khẳng định rằng còn quá nhiều việc phải làm, ông thừa nhận rằng cuộc họp thượng đỉnh sẽ không diễn ra vào cuối tháng 3/2019 theo lịch trình ban đàu.

Mấu chốt chưa được giải quyết triệt để của cuộc đối đầu này là sự khác biệt tới xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về cơ chế thực thi thỏa thuận thương mại.

Một nguồn tin ngoại giao Mỹ – Trung Quốc tiết lộ, Washington yêu cầu sự tuân thủ của Bắc Kinh với thỏa thuận cuối cùng và trừng phạt Bắc Kinh nếu không tuân thủ được thỏa thuận. Dường như Trung Quốc đã không thể gật đầu về cơ chế này.

Đáng chú ý là kể từ khi ông Donald Trump trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, áp đặt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc thì thặng dư thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ đã đạt mức 794,4 tỷ USDm theo CNBC News. Tính riêng trong năm 2018, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong tăng 11,3% so với 2017, trong khi nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ chỉ tăng 0,7%.

Nghiên cứu của các nhà kinh tế học đến từ những trường Đại học hàng đầu nước Mỹ cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang các nước bị tăng thuế giảm 31,5% trong khi kim ngạch nhập khẩu từ quốc gia này giảm 11%. Ngoài ra, thiệt hại của việc tiêu dùng và sản xuất tại Mỹ cũng lên tới 68,8 tỷ USD vì thuế nhập khẩu tăng cao.

Tính toán phần thu ngân sách nhờ tăng thuế và doanh thu của các công ty Mỹ từ việc tăng giá, tổng thiệt hại là 7,8 tỷ USD, tương đương 0,04% tổng GDP.

Dù áp thuế nặng hơn vào Trung Quốc, viện dẫn chênh lệch cán cân thương mại Mỹ- Trung nhưng càng đấu, Mỹ càng chứng minh kết quả kinh tế suy giảm. Chỉ có các cuộc đàm phán mang lại cho Mỹ cảm giác chiến thắng trước Bắc Kinh, giờ đây đang đứng trước nguy cơ bị trì hoãn dài lâu.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/26981-thuong-chien-my-trung-tq-biet-my-thiet-hai-nhieu-hon.html

 

Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của TQ

Bất chấp những tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết trên Biển Đông,  Đông Nam Á vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đối với các nước đang phát triển.

Chính sách của Trung Quốc đối với các nước đang phát triển cho thấy mặc dù Mỹ và Trung Quốc đang là những đối thủ cạnh tranh trên vũ đài thế giới, và dường như đang hoạt động tách biệt, song hai cường quốc này – vốn đang lâm vào một cuộc chiến thương mại khốc liệt – có thể hợp tác với nhau bên ngoài châu Á, nơi họ có ít quyền lợi chồng chéo hơn.

Đông Nam Á, nơi có những quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa gần gũi, là khu vực đang phát triển quan trọng nhất đối với Trung Quốc bất chấp những tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei trên Biển Đông. Ngược lại, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN trong suốt 8 năm qua, và cũng là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 3 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với ASEAN năm 2018 đạt hơn 500 tỷ USD, trong đó Việt Nam, Malaysia, Thái Lan là những đối tác lớn nhất của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.

Hiện nay, 21 trong số 39 tuyến thương mại hàng hải của Trung Quốc và 60% hoạt động giao thương của Trung Quốc là thông qua quần đảo Trường Sa – một quần đảo đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Malaysia, Philippines, và Việt Nam. Không giống như các khu vực đang phát triển khác, hoạt động thương mại 2 chiều của Trung Quốc với Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng được đánh giá cao hơn nhiều so với việc chỉ mua nguyên liệu thô của Trung Quốc. tất cả 10 thành viên ASEAN đều nằm trong số 57 thành viên sáng lập ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn dắt. Ngân hàng này được biết đến rộng rãi như một phương tiện tài trợ cho sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc. 4 quốc gia trong khu vực – bao gồm Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, và Malaysia – đều là trung tâm lợi ích của Bắc Kinh. “Indonesia, Malaysia và Thái Lan không có lập trường quá cứng rắn đối với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Họ có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, và nằm trong số những nước có nền kinh tế phát triển nhất, lớn nhất của Châu Á”. Trong khi đó Việt Nam dù có quan điểm phản đối mạnh mẽ về sự bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, song vẫn có mối quan hệ bền chặt với Bắc Kinh vì giữa họ có chung ý thức hệ chính trị.

Tuy nhiên chính sách của Bắc Kinh đối với các nước Đông Nam Á “phần lớn mang tính chia để trị”, trong khi khuyến khích các nước châu Á không có tranh chấp với Trung Quốc đứng ở bên lề, Bắc Kinh còn đối phó với các nước có tranh chấp trên cơ sở song phương bằng nỗ lực ngăn cản các quốc gia bên ngoài như Mỹ và Nhật Bản đang tiến gần đến “cuộc chơi” này. Trung Quốc bắt đầu thận trọng ngăn cản các quốc gia châu Á đoàn kết chống lại Trung Quốc. Để xoa dịu những lo ngại về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Bắc Kinh đã chọn sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển, chứ không phải lực lượng hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) làm lực lượng tiên phong trong việc bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các nước Đông Nam Á cần thận trọng với chính sách của Trung Quốc như là Malaysia đã làm gần đây.

http://biendong.net/dam-luan/26983-dong-nam-a-trong-chinh-sach-doi-ngoai-cua-tq.html

 

Trung Quốc mời các nhà ngoại giao châu Âu

 đến Tân Cương

Trung Quốc sẽ mời các nhà ngoại giao châu Âu đến thăm vùng Tân Cương nhằm đẩy mạnh các nỗ lực chống chế lại những lời chỉ trích từ các nước phương Tây đối với chương trình quy mô “chống cực đoan hóa” của Bắc Kinh, mà nhà nước Trung Quốc đã viện ra để đưa vào trại tập trung hơn một triệu người thuộc nhóm thiểu số Uighur.

Theo Reuters, nếu chuyến thăm diễn ra thì đây sẽ là lần đầu một nhóm đông đảo nhà ngoại giao Tây phương được tới thăm khu vực xa xôi ở miền tây Trung Quốc giữa lúc Bắc Kinh đang đối mặt với những chỉ trích ngày càng mạnh mẽ hơn từ các thủ đô Tây phương, cũng như các nhóm bảo vệ nhân quyền vì đã thiết lập các cơ sở mà các chuyên gia LHQ mô tả là các trung tâm giam giữ hơn một triệu người Uighur và những người theo đạo Hồi khác.

Nhiều nguồn tin ngoại giao cho biết lời mời đến thăm khu tự trị Tân Cương vào cuối tháng 3 đã được đưa ra một cách không chính thức, và chính quyền Trung Quốc cũng không nói rõ họ sẽ được gặp ai hoặc sẽ đến những nơi nào.

Năm ngoái, hơn một chục đại sứ từ các nước phương Tây, bao gồm Pháp, Anh, Đức và đặc phái viên EU tại Bắc Kinh, đã viết thư cho Bắc Kinh, tỏ ý muốn gặp quan chức hàng đầu của Tân Cương, Bí thư Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), để thảo luận về những lo ngại của họ về tình hình nhân quyền ở đây.

Các nhà ngoại giao nói bức thư đó đã không được hồi đáp, ngoài việc bị lên án công khai, khi Bắc Kinh cho rằng bức thư đó là một sự vi phạm các quy tắc ngoại giao.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ lên đường sang châu Âu vào ngày 21/3 trong chuyến công du cấp nhà nước tới thăm Ý, Monaco và Pháp.

Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ thăm Brussels vào tháng tới để dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố: “Trung Quốc dự định mời các đặc sứ châu Âu tại Trung Quốc đến thăm Tân Cương để các nước châu Âu hiểu thêm về những thành tựu của Tân Cương trong lĩnh vực phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời để thúc đẩy trao đổi và hợp tác song phương.”

Bộ Ngoại giao nóiTrung Quốc “tin rằng qua chuyến thăm này, các đặc sứ châu Âu sẽ có thể tự mình trải nghiệm tình hình thực tế an hòa, trật tự, bình yên của Tân Cương, cũng như cuộc sống hạnh phúc của tất cả người dân ở đây.”

Tuần trước, một phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng cách Trung Quốc đối xử với người Hồi giáo ở Tân Cương đánh dấu “những vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất tính từ những năm 1930.”

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-moi-cac-nha-ngoai-giao-chau-au-den-tan-cuong/4839303.html

 

Bầu cử Thái Lan:

Bỏ phiếu chỉ để có nền dân chủ pha trộn

Jonathan HeadBBC News, Bangkok

Khi quân đội Thái Lan nắm quyền lực vào tháng 5/2014, họ đã mô tả việc này như một cuộc đảo chính để chấm dứt mọi cuộc đảo chính.

Quân đội đã không thực hiện tốt nhiệm vụ này trong cuộc đảo chính trước đó, năm 2006, một trong những người lãnh đạo cuộc đảo chính nói với BBC năm 2014. Lần này chúng tôi sẽ sửa chữa mọi thứ để không bao giờ phải can thiệp nữa, ông nói.

Mục đích chính thức của những người tổ chức đảo chính là can thiệp để chấm dứt tình trạng hỗn loạn chính trị khiến Thái Lan rối ren trong các thập kỷ trước.

Phải tranh cử chính trị gia Thái Lan ‘ai cũng trẻ ra’

Thái Lan: Đảng đề cử công chúa ứng cử Thủ tướng bị giải tán

Chuyện Phạm Cao Lâm bị Thái Lan trục xuất về VN

Thái Lan vẫn điều tra vụ Trương Duy Nhất?

‘Em nghỉ học thứ Sáu để chống biến đổi khí hậu’

Nhưng trên thực tế, chính phủ quân đội thực sự có hai mục tiêu chính: bảo đảm sự kế vị hoàng gia đầu tiên sau 70 năm, việc mà họ đã làm vào năm 2016, sau khi vua Bhumibol Adulyadej qua đời; và làm tê liệt phong trào chính trị trung thành với cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, trước đó thắng mọi cuộc tranh cử kể từ năm 2001.

Phong trào này được xem là mối đe dọa dai dẳng với liên minh hoàng gia, quân đội và những doanh nghiệp lớn đã thống trị Thái Lan trong phần lớn lịch sử hiện đại.

Cuộc bầu cử diễn ra vào Chủ nhật tuần này 24/3 tại Thái Lan cần được hiểu trong bối cảnh của mục tiêu cuối cùng này.

Quân đội giữ khư khư quyền lực

Thay vì nhường một sân chơi chính trị cho các chính trị gia dân sự, quân đội đang vận động để duy trì quyền lực, và đã đẩy sân chơi này theo hướng có lợi cho mình.

Tướng Prayuth Chan-ocha, người lãnh đạo cuộc đảo chính, và trở thành thủ tướng Thái Lan kể từ đó, hy vọng sẽ giữ được quyền lực. Và vì thế, một đảng chính trị mới, tự gọi là Palang Pracharat – Quyền lực của Nhà nước Nhân dân – được thành lập vào năm ngoái.

Đảng này được nhiều quan chức đã phục vụ trong chính phủ quân sự ủng hộ, với thành viên là một số chính trị gia địa phương tên tuổi từ các đảng khác. Tướng Prayuth là ứng cử viên duy nhất của đảng này cho chức thủ tướng, mặc dù các đảng được phép chỉ định ba người.

Quân đội cũng đã soạn thảo một hiến pháp mới cho phép một thượng viện 250 ghế, do chính họ chỉ định, được tham gia bỏ phiếu trong quốc hội để bầu thủ tướng tiếp theo. Quân đội cũng đã đưa ra một hệ thống bầu cử mới gây bất lợi cho đảng lớn nhất của Thái Lan và thân Thaksin, đảng Pheu Thai, bằng cách áp trần số ghế mà đảng này có thể giành được.

Dân túy vẫn còn mạnh

Mặc dù quân đội rõ ràng có lợi thế, cuộc tranh cử đang diễn ra rất quyết liệt.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy số cử tri bỏ phiếu sẽ cao. Vẫn còn nhiều người trung thành với đảng Pheu Thai ở vùng trung tâm phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan, bất chấp việc đảng này bị cấm sử dụng tên hoặc hình ảnh của Thaksin hoặc em gái Yingluck, cả hai cựu thủ tướng nổi tiếng (mặc dù cả hai bị kết án vắng mặt vì tham nhũng và đang sống lưu vong), và thiếu các chính sách cũng như các cá nhân truyền cảm hứng như trong các chiến dịch tranh cử trước đó.

Đảng Dân chủ, đảng lớn thứ hai sau Pheu Thai và đối thủ chính của Pheu Thai, đã bị cấm gia nhập liên minh do Tướng Prayuth lãnh đạo – mặc dù họ vẫn để ngỏ lựa chọn hợp tác với đảng của ông ta. Đảng cỡ trung Bhum Jai cũng bị cấm.

Và một người chơi mới đầy thú vị, tự gọi mình là ‘Tương lai phía trước’ (Future Forward), lãnh đạo bởi một tỷ phú trẻ, ‘ăn hình’, đã nhảy vào cuộc cải cách đầy hứa hẹn này. Future Forward đang cho thấy họ đặc biệt được giới trẻ Thái Lan ưa chuộng. Bảy triệu người trẻ Thái Lan sẽ đủ điều kiện để bỏ phiếu lần đầu tiên trong cuộc bầu cử này.

Những yếu tố này đã phủ bóng đen lên tham vọng nắm giữ quyền lực của quân đội. Trong các cuộc thăm dò, một số lớn người dân cho hay họ chưa quyết định; dưới sự áp chế của chính phủ quân sự, nhiều người không muốn nói rõ điều họ nghĩ. Thủ tướng Prayuth về mặt cá nhân vẫn được ưa chuộng – người ta thích sự cộc cằn, thẳng thắn của ông ta. Và ông Prayuth vẫn tương đối được tiếng là không tham nhũng.

Nhưng bất chấp nỗ lực làm hình ảnh ông Prayuth mềm mại hơn, với những bức ảnh người đàn ông vốn nghiêm nghị nay mỉm cười trong bộ trang phục áo khoác sáng màu và sơ mi, ông Prayuth miễn cưỡng tranh cử. Và đảng của ông vất vả lôi kéo các cử tri. Các cuộc vận động của đảng này không có đông người tham dự.

Tỷ phú và hoàng gia

Thêm vào đó là nền kinh tế chậm phát triển trong thời gian chính phủ quân đội nắm quyền, giá sinh hoạt ngày càng tăng với người Thái thu nhập thấp, trong khi giá các mặt hàng nông nghiệp quan trọng như cao su, đường và gạo lao dốc, và thông điệp cốt lõi của chính phủ quân sự giờ rút xuống chỉ quanh việc tiếp tục duy trì sự ổn định, cùng với một vài lời hứa quen tai như tăng mức lương tối thiểu.

Điều này không đủ để làm lung lay lòng trung thành của hầu hết những người trung thành với Thaksin. Một loạt các vụ bê bối tham nhũng, và sự mệt mỏi với một chế độ hứa hẹn một cuộc bầu cử trong vòng một hoặc hai năm nắm quyền, nhưng sau đó liên tục trì hoãn, có thể khiến đảng thân quân đội phải trả giá.

Một dấu hiệu căng thẳng của đảng quân đội là việc đảng này tiếp tục đưa ra những cáo buộc hình sự mơ hồ nhằm chống lại các đối thủ, đặc biệt là lãnh đạo trẻ nổi tiếng của đảng Future Forward, Thanatorn Juangroongruangkit.

Tuy nhiên, đảng này đã ghi được một chiến thắng đáng chú ý trước phe thân Thaksin khi một trong các đảng này, Thai Raksa chart, bị tòa án hiến pháp giải tán vì đề cử chị gái của vua Vajirusongkorn làm ứng cử viên tranh chức thủ tướng. Nếu không thì công chúa Ubolratana, một nhân vật nổi tiếng của hoàng gia, đã có thể mang lại cho các đồng minh của Thaksin một lợi thế lớn.

Không có Thai Raksa Chart trong cuộc đua, phe thân Thaksin có rất ít cơ hội đạt được mục tiêu chiếm đa số ghế trong quốc hội.

Nhưng cử tri Thái Lan vẫn còn nhiều lựa chọn.

Pheu Thai và Future Forward đang thể hiện mình là phe dân chủ, chống quân đội. Mỗi đảng đều hứa hẹn sẽ hạn chế ảnh hưởng lan rộng của các lực lượng vũ trang trong các vấn đề dân sự. Đảng Palang Pracharat muốn giữ nguyên hiện trạng. Và các đảng khác đang cố gắng thu hút cử tri bằng các chính sách tốt cho túi tiền của họ, như cam kết của đảng Bhum Jai Thai trong vịêc hợp pháp hóa cần sa như một loại nông sản thay thế.

Ở nhiều khu vực, cử tri có thể sẽ trung thành với các chính trị gia địa phương nổi tiếng, dựa trên thành tích mang lại lợi ích cho cử tri, bất chấp họ ủng hộ đảng nào – một lý do mà đảng quân đội đã cố gắng hết sức để lôi kéo cử tri của các đảng cũ khác.

Không hòa giải?

Vì thượng viện do quân đội chỉ định sẽ giúp chọn thủ tướng mới, Tướng Prayuth có lợi thế rất lớn.

Đảng của ông, cộng với bất kỳ đồng minh nào tham gia với ông, chỉ cần 126 trong số 500 ghế ở hạ viện. Ngoài ra, tất cả các chính quyền tương lai đều phải tuân thủ kế hoạch 20 năm phát triển Thái Lan trong hiến pháp do quân đội soạn thảo, hạn chế việc họ đưa ra các chính sách làm hài lòng dân.

Tòa án hiến pháp khét tiếng bảo thủ được trao quyền để có hành động quyết liệt chống lại bất kỳ chính phủ nào đi chệch khỏi chính sách này.

Nhưng nếu các đảng chống quân sự làm tốt – và Pheu Thai gần như chắc chắn là đảng lớn nhất với số lượng thành viên đáng kể – họ sẽ thách thức tính hợp pháp của bất kỳ chính phủ nào do Tướng Prayuth lãnh đạo. Chính phủ mới cũng sẽ cần phải đưa đủ các đồng minh liên minh vào hạ viện; họ không thể chỉ dựa vào thượng viện.

Mọi thứ phụ thuộc vào việc các đảng lớn hơn sẽ được ủng hộ nhiều hay ít và điều này khó dự đoán. Nếu đảng Palang Pracharat đạt kết quả tốt, giành hơn 80 ghế, có lẽ họ sẽ thu hút các đối tác liên minh một cách nhanh chóng.

Nhưng nếu đảng này không làm được như mong đợi, nỗ lực để giữ ghế của ông Prayuth sẽ vô cùng khó khăn, và Thái Lan có thể gặp nhiều bất ổn chính trị.

Sẽ mất thời gian để xác nhận và đánh giá kết quả bầu cử. Tất cả các bàn cãi trong Quốc hội sẽ tạm ngưng khi nhà vua mới đăng quang vào đầu tháng Năm. Nhưng sau sự kiện này thì mọi đảng phái đã xung đột nhiều năm qua trong chính trường Thái Lan vẫn còn nguyên đó.

Bất chấp những lời hứa hòa giải ngày xưa, quân đội đã không làm được gì mấy để giải quyết mối bất hòa trong năm năm cai trị.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47634656