Tin khắp nơi – 20/01/2018
Chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa, không thể giải ngân
Chính phủ Mỹ đã ngừng hoạt động liên bang sau khi Thượng viện không thể thống nhất về ngân sách mới.
Mặc dù đã có các cuộc họp lưỡng đảng phút cuối cùng, dự luật cho ngân sách của chính phủ cho đến 16/2 đã không nhận được đủ 60 phiếu.
Điều đó có nghĩa là nhiều dịch vụ của chính phủ sẽ đóng cửa cho đến khi ngân sách được thông qua.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ chính phủ phải đóng cửa trong khi chỉ có một đảng kiểm soát cả hai viện của Quốc hội và Nhà Trắng.
‘Khả năng nhận thức của Trump bình thường’
Trump phủ nhận kỳ thị chủng tộc
Hạ viện đã bỏ phiếu 230-197 vào tối 18/1 cho dự luật mở rộng ngân quỹ cho tới tháng tới, nhưng lại không được thông qua ở Thượng viện với tỷ lệ 50-49.
Năm đảng viên Cộng hòa đã bỏ phiếu chống lại dự luật, trong khi năm đảng viên Dân chủ phá vỡ quy ước đảng để ủng hộ nó.
Lần cuối chính phủ Mỹ đóng cửa là vào năm 2013 và kéo dài trong 16 ngày, khi đó nhiều nhân viên liên bang đã buộc phải nghỉ việc.
Nhiều văn phòng chính phủ sẽ đóng cửa theo luật liên bang yêu cầu các cơ quan phải đóng cửa nếu Quốc hội chưa phân bổ tiền để tài trợ cho họ.
Các công viên và di tích quốc gia cũng có thể bị đóng cửa.
Nhưng các dịch vụ thiết yếu vẫn sẽ chạy. Bao gồm an ninh quốc gia, dịch vụ bưu chính, kiểm soát không lưu, các dịch vụ y tế nội trú, y tế ngoại trú khẩn cấp, trợ giúp thảm họa, nhà tù, thuế và phát điện.
Vấn đề ở đây là gì?
Chủ đề tranh cãi chính là yêu cầu của đảng Dân chủ đối với hơn 700.000 người nhập cư không có giấy tờ mà đã nhập cảnh Hoa Kỳ khi còn là trẻ em phải được bảo vệ khỏi lệnh trục xuất.
Những người này còn được biết đến là “Dreamers”, đã được trao quyền pháp lý tạm thời theo một chương trình do cựu Tổng thống Barack Obama thiết lập.
Tháng 9, ông Trump tuyên bố ông sẽ chấm dứt chương trình này và cho phép Quốc hội cho đến tháng Ba để thay thế một chương trình khác.
Trump đóng chương trình bảo hộ nhập cư Daca
Người Việt ở Mỹ: Nếu bị trục xuất, Việt Nam có nhận?
Chủ tịch đảng Cộng hòa và những người của phe bảo thủ của Quốc hội đã sử dụng vấn đề này để thương lượng lấy sự nhượng bộ từ đảng Dân chủ.
Ông Trump muốn tài trợ cho các biện pháp kiểm soát biên giới mới, bao gồm cả việc xây bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ-Mexico mà ông đề xuất.
Các đảng viên Cộng hòa đã dỗ ngọt đảng Dân Chủ bằng cách bổ sung chính sách gia hạn 6 năm cho một chương trình bảo hiểm y tế cho trẻ em thuộc các gia đình có thu nhập thấp.
Nhưng đảng Dân chủ muốn chương trình này kéo dài vĩnh viễn.
Hiện không rõ cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra theo hướng nào khi hạn chót nửa đêm đang gần kề, với đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn chia rẽ rõ rệt về những vấn đề chính.
Nghị sĩ California kêu gọi thả người Việt
Dự luật di trú ‘ảnh hưởng hàng trăm ngàn người Việt’
Mỹ: Hàng ngàn người Việt có nguy cơ bị trục xuất?
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42757581
Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần,
Trump đổ lỗi cho phe Dân chủ
Chính phủ Mỹ đã bắt đầu đóng cửa một phần vào sáng sớm thứ Bảy sau khi một dự luật cấp ngân quỹ bị chặn lại ở Thượng viện. Thẩm quyền chi tiêu hết hạn vào lúc nửa đêm giờ Washington, kích hoạt việc đình chỉ những chức năng phi thiết yếu của chính phủ.
Các thượng nghị sĩ tiếp tục tranh luận vào chiều thứ Bảy về một dự luật chi tiêu tạm thời, cấp ngân quỹ cho chính phủ cho đến ngày 8 tháng 2. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Tammy Baldwin phản đối hàng loạt những dự luật chi tiêu tạm thời, nói rằng việc này “chỉ đùn đẩy vấn đề thêm nữa và không làm tròn phận sự cho người dân Mỹ.”
Tối thứ Sáu, một số thượng nghị sĩ Cộng hòa cùng đa số các thượng nghị sĩ Dân chủ biểu quyết chống lại dự luật cấp ngân quỹ này, vốn cần 60 người biểu quyết thuận để được xúc tiến trong Thượng viện gồm 100 thành viên.
Kết quả này đã khiến các thượng nghị ráo riết thương lượng với nhau trên và ngoài sàn nghị trường, tìm kiếm một thỏa thuận lưỡng đảng vào phút chót để ngân quỹ liên bang không bị đình chỉ.
Nhà Trắng phản ứng ngay lập tức về việc hai đảng không đạt được thỏa thuận. Họ nói trong một thông cáo rằng phe Dân chủ Thượng viện là “những kẻ cản trở” và quy trách Lãnh đạo Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer về vụ đóng cửa chính phủ vì coi trọng những người nhập cư bất hợp pháp hơn là công dân Mỹ hợp pháp.
“Khi phe Dân chủ bắt đầu cấp ngân quỹ cho lực lượng vũ trang và các nhân viên ứng cứu đầu tiên, chúng tôi sẽ mở lại các cuộc thương thuyết về cải tổ di trú,” thông cáo nói.
Tổng thống Donald Trump sáng thứ Bảy viết trên Twitter: “Phe Dân chủ lo cho Người nhập cư Bất hợp pháp nhiều hơn là cho Quân đội hay sự An toàn của chúng ta tại Biên giới phía Nam nguy hiểm của chúng ta. Họ lẽ ra có thể dễ dàng đạt thỏa thuận nhưng thay vào đó quyết định chơi trò đóng cửa.”
Một cuộc họp trước đó trong ngày thứ Sáu giữa ông Schumer đã không thể mang lại một bước đột phá.
Phe Dân chủ làm đúng như tuyên bố của họ là biểu quyết chống một dự luật do phe Cộng hòa soạn thảo mà lẽ ra sẽ cấp ngân quỹ cho chính phủ liên bang tới giữa tháng 2. Hạ viện đã thông qua dự luật này với sự ủng hộ duy nhất từ phe Cộng hòa.
Sở dĩ các thượng nghị sĩ Dân chủ ở Thượng viện không ủng hộ dự luật là vì họ muốn nhấn mạnh đòi hỏi Quốc hội phải hành động về vấn đề di trú và các ưu tiên chi tiêu, trong khi đòi chấm dứt việc cấp ngân quỹ cho chính phủ theo từng tháng một.
Phe Cộng hòa cáo buộc các đồng nghiệp Dân chủ là đặt các ưu tiên nhầm chỗ.
Phe Dân chủ đã biểu quyết thuận ba dự luật triển hạn chi tiêu ngắn hạn trước đó vào cuối năm ngoái trong khi các cuộc đàm phán lưỡng đảng được xúc tiến về vấn đề di trú và các ưu tiên chi tiêu. Tuần trước, ông Trump đã bác bỏ một đề xuất nhập cư lưỡng đảng của Thượng viện, khiến các cuộc đàm phán rơi vào tình trạng rối loạn.
Phe Dân chủ đang đòi hỏi Quốc hội đưa ra các cuộc biểu quyết nhanh chóng về một gói cải cách di trú để che chở hàng ngàn người nhập cư không có giấy tờ được đưa vào Mỹ lúc còn nhỏ. Phe Cộng hòa lưu ý rằng những người nhập cư trẻ tuổi này sẽ không bị trục xuất cho tới tháng 3, khi mà chương trình Hành động Trì hoãn cho Người đến Mỹ lúc nhỏ, tức DACA, hết hạn.
Chính phủ Mỹ trước đây đã nhiều lần đóng cửa, kể cả một lần vào năm 2013, trong một vụ bế tắc đảng phái liên quan tới chính sách y tế và việc cấp ngân quỹ. Vụ đóng cửa này kéo dài 16 ngày và hàng ngàn công chức liên bang đã bị cho nghỉ không lương.
https://www.voatiengviet.com/a/chnh-phu-my-bat-dau-dong-cua-mot-phan/4216427.html
Mỹ đổi trọng tâm chiến lược an ninh quốc gia,
tập trung vào Trung Quốc và Nga
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành chiến dịch chống chủ nghĩa khủng bố như đang làm ngày hôm nay, nhưng sự cạnh tranh của các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga, giờ sẽ là trọng tâm của an ninh quốc gia, chứ không phải chủ nghĩa khủng bố.”
Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis
Tâm điểm của chiến lược an ninh quốc gia mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa công bố hôm thứ Sáu 19/1, là đương đầu với sự thách thức và cạnh tranh của các nước khác như Trung Quốc và Nga. Đây là dấu hiệu mới cho thấy Hoa Kỳ đã thay đổi các ưu tiên trong chiến lược quốc phòng sau hơn 15 năm chủ yếu tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố.
Công bố chiến lược mới đặt ra những ưu tiên cho Ngũ Giác Đài trong nhiều năm tới, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis miêu tả Trung Quốc và Nga là “các cường quốc xét lại” đang tìm cách tạo ra một thế giới phù hợp với mô hình cai trị độc tài của họ.
Trong bài diễn văn vạch ra chiến lược an ninh quốc gia mới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố:
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành chiến dịch chống chủ nghĩa khủng bố như đang làm ngày hôm nay, nhưng sự cạnh tranh của các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga, giờ sẽ là trọng tâm của an ninh quốc gia, chứ không phải chủ nghĩa khủng bố.”
Ngũ Giác Đài công bố tài liệu chiến lược quốc phòng mới dài 11 trang hôm 19/1, tuy nhiên không cung cấp chi tiết về cách làm thế nào để thực thi chiến lược mới.
Ông Elbridge Colby, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách phát triển chiến lược và lực lượng, nhận định rằng so với Trung Quốc, Nga tỏ ra táo bạo hơn trong việc sử dụng sức mạnh quân sự. Nước này sáp nhập bán đảo Crimé vào năm 2014 và can thiệp quân sự tại Syria để hậu thuẫn đồng minh, là Tổng Thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên Moscow bị hạn chế hơn về mặt tài nguyên kinh tế.
Trong khi đó Trung Quốc được mô tả là quốc gia đang lên về kinh tế và quân sự. Nước này đã thực hiện một chương trình hiện đại hóa quân đội sẽ có ảnh hưởng sâu rộng mà ông Colby cho là “đi ngược lại các quyền lợi của Mỹ.”
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói nỗ lực hiện đại hoá của quân đội của Trung Quốc và những tiến bộ công nghệ của Nga cùng với cuộc chiến kéo dài tại Afghanistan, đã khiến quân đội Mỹ đánh mất lợi thế cạnh tranh so với các nước đối thủ.
Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ liệt kê Triều Tiên là một trong các ưu tiên của Ngũ Giác Đài, và trong khi Tổng thống Trump từng nói liên minh quân sự NATO đã ‘lỗi thời’, Bộ trưởng Mattis khẳng định Washington sẽ củng cố các liên minh truyền thống, trong khi xây dựng các quan hệ đối tác mới, và sẽ lắng nghe ý kiến của các nước khác nhiều hơn.
Hoa Kỳ chi nhiều hơn cho lĩnh vực quốc phòng hàng năm, hơn xa Trung Quốc và Nga. Mỹ chi 587,8 tỉ đôla hàng năm cho quân đội. Trung Quốc chi 161,7 tỉ, và Nga 44,6 tỉ.
https://www.voatiengviet.com/a/my-doi-trong-tam-chien-luoc-an-ninh-quoc-gia/4215857.html
Facebook sẽ khảo sát để tăng nguồn tin ‘đáng tin cậy’
Facebook vừa công bố sẽ ưu tiên các nguồn tin tức được cho là đáng tin cậy hơn trên Trang Tin (News Feed) của mạng xã hội này.
Và cộng đồng mạng xã hội sẽ là người quyết định trang tin nào là đáng tin cậy thông qua cuộc khảo sát.
Người sáng lập và giám đốc điều hành Mark Zuckerberg cho biết nội dung tin tức sẽ sớm chiếm khoảng 4% trong số những gì xuất hiện trong News Feed – giảm từ 5% trước đó.
Động thái này là nỗ lực mới nhất của công ty nhằm dập tắt sự lây lan của hiện tượng tin tức và thông điệp tuyên truyền giả mạo trên mạng.
Viết Facebook, nhiều người bị ‘mời lên phường’
Facebook sẽ thay đổi nội dung hiển thị tin
Facebook mở trung tâm London, tuyển 800 người
Trong một cuộc chiến chống tin giả khác, Twitter cho biết hôm 19/1, mạng xã hội gửi cảnh báo cho 677.775 người dùng ở Mỹ, những người đã đăng tải lại, thích hoặc theo dõi các tài khoản ảo của Nga liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2016.
Sự thay đổi này là một nỗ lực nhằm tránh đưa ra các phán đoán quan trọng dựa trên sự thiên vị và sự chính xác của các nhân viên Facebook, mà dựa trên cơ sở người dùng mạng xã hội.
Ông Zuckerberg nói: “Chúng tôi có thể tự mình đưa ra quyết định đó, nhưng đó không phải là điều chúng tôi cảm thấy thoải mái.”
“Chúng tôi đã xem xét yêu cầu các chuyên gia bên ngoài, điều này sẽ khiến tách quyền phán đoán ra khỏi chúng tôi nhưng có lẽ vẫn không giải quyết vấn đề về sự khách quan.”
“Hoặc chúng tôi có thể yêu cầu bạn – cộng đồng người sử dụng mạng xã hội – và các phản hồi của bạn sẽ quyết định bảng xếp hạng các trang tin.”
Người dùng sẽ được hỏi, liệu họ có nhận ra một thương hiệu tin tức hay không và nếu họ có tin tưởng nó.
Giả định của Facebook, dù chưa được thử nghiệm trên diện rộng, là trong khi có nhiều nguồn tin tức thiên về một phe phái chính trị vốn có rất nhiều người tin tưởng, thì cũng có một số hãng truyền thông nhỏ mà nhiều người cảm thấy “đáng tin cậy”, cho dù các hãng tin này có thiên về phía nào.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42757573
Cạnh tranh từ Nga, Trung Quốc
là đe dọa hàng đầu của Mỹ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis loan báo Hoa Kỳ đang mất lợi thế quân sự cạnh tranh với Trung Quốc và Nga, một thách thức trọng tâm với lực lượng võ trang Mỹ.
Bộ trưởng Mattis ngày 19/1 tuyên bố sự cạnh tranh này, chứ không phải là cuộc chiến chống khủng bố, hiện là trọng tâm chính của an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Ông nói thêm rằng mục tiêu là xây dựng lực lượng có tính sát thương hơn trong lúc mở rộng lợi thế cạnh tranh của Mỹ và ưu tiên hóa tính sẵn sàng cho chiến tranh.
“Quân đội của chúng ta vẫn mạnh nhưng các khía cạnh cạnh tranh của chúng ta đang bị xói mòn trong các mặt chiến sự từ đường không, đường bộ, trên không gian và không gian mạng và sự xói mòn này đang tiếp diễn,” lãnh đạo ngành quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Tài liệu Bộ trưởng Mattis đưa ra cũng tố cáo Trung Quốc hiếp đáp các nước láng giềng trong lúc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Văn kiện này cũng nêu rõ Nga vi phạm biên giới với các nước láng giềng cũng như tìm cách làm vỡ liên minh NATO nhằm thay đổi an ninh và cấu trúc kinh tế Châu Âu và Trung Đông theo ý hướng của họ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng chỉ ra rằng các chế độ như Triều Tiên và Iran vẫn tiếp tục ‘những hành động đe dọa ổn định khu vực và toàn cầu’ và ‘đàn áp công dân của chính mình.’
Chủ nghĩa khủng bố, vốn được xem là ưu tiên quân sự hàng đầu dưới hai chính quyền trước đây của Mỹ, hiện vẫn là một mối quan tâm của Hoa Kỳ dù ‘đế chế’ của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria đã sụp đổ.
Văn kiện ông Mattis vừa công bố cũng cho biết các nỗ lực hiện đại hóa sẽ tập trung vào các lực lượng hạt nhân, phòng thủ phi đạn, không gian và không gian mạng.
Bộ trưởng Mattis nói Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tập trung làm việc với các đồng minh trong lúc xây dựng các quan hệ đối tác trên toàn cầu.
Bộ trưởng Quốc phòng Mattis kêu gọi các tiến trình quân sự của Mỹ phải ‘thân thiện với đồng minh’ và sẵn sàng bị chi phối bởi những người bạn trung thành của nước Mỹ.
“Không phải tất cả các cao kiến đều phát sinh từ quốc gia có nhiều hàng không mẫu hạm nhất thế giới,” ông Mattis nhấn mạnh.
https://www.voatiengviet.com/a/canh-tranh-tu-nga-trung-quoc-la-de-doa-hang-dau-cua-my-/4216327.html
Tàu TQ lén làm ăn với Triều Tiên,
vi phạm lệnh cấm của LHQ
Nhiều tàu Trung Quốc đã bị phát hiện đang bán dầu cho Triều Tiên, bất chấp các biện pháp cấm vận gắt gao do Liên Hiệp Quốc áp đặt.
Các giới chức Mỹ vừa công bố một số ảnh vệ tinh mà họ nói cho thấy 6 chiếc tàu thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc, hay do người Trung Quốc điều hành, đang buôn bán với Triều Tiên.
Hành động này vi phạm các biện pháp chế tài áp đặt lên chế độ bất hảo ở Bình nhưỡng sau khi lãnh tụ Kim Jong Un đe dọa Bình nhưỡng sẽ không ngần ngại dùng vũ khí hạt nhân.
Các biện pháp chế tài được áp đặt nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên và buộc lãnh tụ họ Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Báo WSJ tường thuật rằng 6 chiếc tàu được truy là xuất xứ từ Trung Quốc, đã bị tình báo Mỹ bắt quả tang đang trao đổi làm ăn với chế độ ở Bình Nhưỡng.
Các giới chức Mỹ đã nhận dạng và thu thập thông tin về những sự đi chuyển của các tàu hàng Trung Quốc bằng ảnh vệ tinh và các phương tiện tình báo khác. WSJ hôm 18/1 tường thuật rằng các bằng chứng đã được trình lên một ủy ban đặc trách cấm vận của Liên Hiệp Quốc.
Các hình ảnh và bản đồ trong phúc trình được giải mật cho thấy 6 chiếc tàu còn chất hàng cấm, chủ yếu là than, tại Triều Tiên để vận chuyển tới Nga và Việt Nam, hoặc chuyển sang các tàu khác ngoài biển.
Một số tàu giấu địa điểm của mình bằng cách tắt Hệ thống Nhận dạng Tự động.
Theo WSJ, nhà chức trách Trung Quốc đã điều tra ít nhất 4 trong 6 tàu chở hàng liên hệ, ít nhất một quản trị viên bị bắt giữ.
Hồi tháng 12, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua lệnh cấm 90% dầu xuất khẩu sang Triều Tiên. Hoa Kỳ biểu quyết áp đặt các biện pháp chế tài đối với Triều Tiên tiếp theo sau các vụ thủ nghiệm hạt nhân và phi đạn đạn đạo của miền Bắc.
Tổng thống Trump và chính phủ của ông kêu gọi Trung Quốc hãy tăng áp lực để buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân.
(Reuters, WSJ, Washington Examiner)
https://www.voatiengviet.com/a/tau-tq-len-lam-an-voi-trieu-tien-vi-pham-lenh-cam-lhq/4215577.html
Anh, Pháp đạt thỏa thuận an ninh
Anh và Pháp, hai cường quốc quân sự lớn nhất Châu Âu, nhất trí siết chặt quan hệ quốc phòng và an ninh sau thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước.
Tổng thống Pháp đang có chuyến thăm tới Anh quốc. Nghị trình hàng đầu là một thỏa thuận mới để xử lý cuộc khủng hoảng di dân tại Calais, cảng phía Bắc của Pháp được ví như cửa ngõ đi vào Anh.
Thủ tướng Anh, Theresa May đồng ý chi thêm 67 triệu đô la cho các biện pháp tăng cường an ninh và cho tiến trình giải quyết đơn xin tị nạn, đặc biệt là trẻ dưới tuổi vị thanh niên.
“Tổng thống [Pháp] và tôi đồng ý với nhau về tầm quan trọng của mối quan hệ Anh-Pháp, không chỉ đối với an ninh của chúng tôi mà còn đối với an ninh Châu Âu,” Thủ tướng Anh nhấn mạnh.
Anh cung cấp trực thăng giúp chuyên chở binh sĩ Pháp đóng quân ở Sahel để chống các mạng lưới Hồi giáo khủng bố.
Ngược lại, Pháp phái thêm binh sĩ củng cố một đạo quân Anh đóng ở Estonia làm nhiệm vụ của NATO ngăn cản sự hung hăng của Nga.
https://www.voatiengviet.com/a/anh-phap-dat-thoa-thuan-an-ninh-/4216326.html
Thử máu tầm soát ung thư
Các nhà khoa học tại đại học Johns Hopkins (JHU) của Mỹ báo cáo tiến bộ trong việc phát triển một dạng xét nghiệm máu phát hiện 8 loại ung thư ở giai đoạn đầu, trong đó có một số loại ung thư ‘ác tính’ nhất rất khó phát hiện với các công cụ tầm soát hiện có.
Trong mẫu máu từ hơn 1 ngàn bệnh nhân, cuộc thử nghiệm phát hiện ra khoảng 70% các căn bệnh ung thư.
Cuộc nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Science ngày 19/1 cho biết các nhà khoa học cho biết họ theo dõi, đo lường xem cuộc thử nghiệm của họ phát hiện ra ung thư chính xác đến mức nào nơi những người đã được chẩn đoán mắc ung thư.
Nhóm nghiên cứu tập trung vào các cuộc thử nghiệm sinh thiết lỏng, tìm kiếm các AND biến đổi trôi nổi tự do trong máu và các protein có liên quan đến ung thư để cố gắng phát hiện ung thư trước khi bệnh lan ra cũng như tìm hiểu xem giai đoạn nào có cơ may chữa trị bệnh tốt hơn.
Ung thư buồng trứng dễ phát hiện nhất, sau đó đến ung thư gan, bao tử, lá lách, thực quản, ruột kết, phổi, và ung thư ngực.
Tuy nhiên, thử nghiệm này chưa được đưa ra sử dụng rộng rãi trong công chúng, cần phải trải qua một cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn, với đối tượng mở rộng hơn không chỉ là những bệnh nhân ung thư để quyết định xem tính hiệu quả tới đâu. Cuộc nghiên cứu sâu rộng đó đã được khởi sự.
https://www.voatiengviet.com/a/thu-mau-tam-soat-ung-thu-/4216322.html
TQ dự định đưa ‘tư tưởng Tập’ vào hiến pháp nhà nước
Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn được xem là quan trọng hơn, đã được sửa đổi tại Đại hội Đảng lần thứ 19 hồi tháng 10/2017 để đưa tư tưởng chính trị của ông Tập vào.
ĐCSTQ khi đó đã nhất trí thông việc sửa đổi điều lệ để bổ sung vào đó “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội với Đặc trưng Trung Quốc cho Kỷ nguyên Mới” như là một trong những nguyên tắc chỉ đạo của đảng.
Sau một cuộc họp kéo dài hai ngày gồm các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh, đảng này giờ đây đề xuất đưa lý luận tương tự vào hiến pháp nhà nước, hãng tin Tân Hoa Xã cho biết.
Cuộc họp cũng nhấn mạnh rằng cần thiết lập một hệ thống giám sát quốc gia “tập trung, thống nhất, có thẩm quyền và hiệu quả cao” để chống tham nhũng trong toàn bộ cơ quan hành chính nhà nước, theo Tân Hoa Xã.
Tuy nhiên, Tân Hoa Xã không nói rõ ràng sẽ có những sửa đổi gì liên quan đến ủy ban giám sát.
Chống tham nhũng đã ăn sâu vào xã hội là một phần quan trọng trong chính sách đối với ông Tập trong nhiệm kỳ đầu nắm quyền và cuộc chiến đó sẽ mang một sắc thái mới với việc thành lập Ủy ban Giám sát Quốc gia khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai.
Vì hiến pháp nhà nước đang được sửa đổi, nó cần quốc hội chính thức thông qua, có lẽ là trong kỳ họp tháng 3, dù điều đó có thể diễn ra sớm hơn. Tân Hoa Xã không nói chính xác khi nào điều đó sẽ diễn ra.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-du-dinh-dua-tu-tuong-tap-vao-hien-phap-nha-nuoc/4215463.html
“Người phụ nữ” thế lực nhất tại Trung Quốc là ai?
Tại Trung Quốc, ai nổi tiếng hơn cả đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viên, thế lực hơn nữ tỷ phú giàu nhất nước Dương Huệ Nghiên ? Theo Les Echos số ra cuối tuần (20/01/2018), nhân vật đó là Kim Tinh (Jin Xing), người điều khiển chương trình truyền hình mang tên bà. Hàng tuần, hơn 100 triệu khán giả tại Hoa Lục vẫn đón chờ The Jin Xing talk show.
Ở tuổi ngũ tuần, Kim Tinh được ví như một Oprah Winfrey của Mỹ. “Sao Vàng” đó của Trung Quốc là ai ?
Xuất thân từ quân đội, Kim Tinh nổi tiếng trong làng nghệ thuật múa đương đại ở Mỹ và châu Âu trước khi chinh phục được cảm tình của giới mộ điệu Trung Quốc.
1001 cuộc đời và sự tái sinh
Sinh năm 1967 ở miền Tây Bắc Trung Quốc, là cậu con trai út của một gia đình mà bố phục vụ trong quân đội, Kim Tinh, năm lên 6 bị nhân vật nữ trong một vở múa cổ truyền của Trung Quốc làm mê hoặc. Cậu bé mơ được được làm con gái. Ba năm sau, Kim được kết nạp vào trường múa của quân đội. Tiếp theo đó là những năm tháng luyện tập khổ ải.
Cậu bé lớn lên cùng với những vở ba lê kinh điển của trường phái Nga, với những vở tuồng cổ của Trung Hoa, cùng với những bài tập bắn đạn thật, phá sập cầu trong quân đội.
Nhỏ thó, gầy gò, Kim Tinh thương bị đồng đội chế diễu là con gái. Cậu không mấy phật lòng. Năm 19 tuổi, Kim được học bổng sang Mỹ, chuyên về múa đương đại.
Trên đất Hoa Kỳ, ban ngày anh được những nghệ sĩ bậc thầy như José Limon, Merce Cunningham hay Martha Graham dẫn dắt. Tối về, “Sao Vàng” chạy bàn cho các hiệu ăn ở khu phố Tàu New York.
Trên vùng đất tự do này, Kim Tinh khám phá thế giới của những người đồng tính và phát hiện ra bản chất của chính mình : “một người đàn bà bị giam giữ trong thân thể của một người đàn ông”, như chính đương sự từng thổ lộ.
Cuối thập niên 1980-đầu những năm 1990, sự nghiệp của ngôi sao múa đương đại người Trung Quốc này bắt đầu cất cánh. Năm 1991, trong một vòng lưu diễn tại châu Âu, Kim Tinh quyết định ở lại Roma. Ba năm sau, anh dọn đến Bruxelles. Vương quốc Bỉ không chỉ là “ngôi sao dẫn đường của dòng múa đương đại” mà còn là nơi để Kim Tinh tiến hành một cuộc thử nghiệm. Anh để tóc dài, trang phục như phụ nữ. Từ một chàng trai, hóa thân thành một phụ nữ đầy quyến rũ.
Năm 26 tuổi, Kim quyết định trở về nước để “tái sinh” dù biết rằng, phương Tây có nhiều kinh nghiệm hơn Trung Quốc trong các cuộc phẫu thuật chuyển giới tính.
Sau này, khi thành danh, Kim tâm sự : do đã sinh ra ở Trung Quốc dưới hình hài của một thằng bé, khi được giải phóng khỏi hình hài của một chàng trai, Kim Tinh muốn được tái sinh cũng trên đất nước này.
Kim Tinh trước định kiến của xã hội
Từ khi được học bổng của quân đội sang Mỹ, tại Trung Quốc, Kim Tinh tiếp tục được thăng tiến. Dù vắng mặt, anh được phong hàm đại tá. Năm 1994 khi trở về nước, Kim thực sự là “một ngôi sao sáng chói” của đoàn nghệ thuật trong quân đội Trung Quốc, là một trong những tên tuổi hiếm thấy của phương Đông trong số các vì sao trên bầu trời nghệ thuật múa được các nhà phê bình phương Tây quan tâm.
Nhưng làm thế nào để tìm một chỗ đứng tại một đất nước mà giới đồng tính, mà những người chuyển giới tính không được nhìn nhận ?
Sau 16 giờ đồng hồ trên bàn mổ, Kim Tinh trở thành phụ nữ. Cái giá phải trả là đôi chân của nghệ sĩ múa đương đại này không còn uyển chuyển và mềm mại như xưa.
Kim Tinh ý thức được điều đó nhưng vì không thể sống xa sân khấu nghệ thuật, “cô” Kim bằng lòng nhường lại các vai diễn hàng đầu cho một thế hệ trẻ hơn. Cô lui về hậu trường, lập một đoàn múa để đào tạo cho cả một lớp trẻ ngay trên quê nhà.
Những vở múa đầu tiên của Kim Tinh gây sốc trong công luận. Vào những năm đầu thế kỷ 21, hình ảnh một đoàn vũ công mình trần trên sân khấu còn quá mới mẻ và xa lạ ngay cả ở Bắc Kinh hay Thượng Hải. Ngôn ngữ nghệ thuật của Kim cần có thêm thời gian để đến được gần hơn với khán giả Trung Quốc.
Cửa ải thứ nhì cô phải vượt qua là hình ảnh của một người chuyển giới tính. Người tình đầu tiên của cô là một anh cán bộ cao cấp. Nhờ một vài chỗ quen biết, cô Kim dễ dàng mở quán giải khát ở Bắc Kinh. Chẳng bao lâu quán bar Half Dream trở thành điểm hẹn của nam thanh nữ tú Bắc Kinh, của những cô cậu con nhà giàu nơi đất kinh kỳ.
Năm 2004, cô gặp người chồng tương lai của mình trên một chuyến bay Paris-Thượng Hải. Gần một chục năm sau, được mời làm ban giám khảo trong một chương trình truyền hình, Kim Tinh gây chú ý với những lời phê bình thẳng thắn và bình dân dễ đi vào lòng người.
Khán giả mê cô đến nỗi, đài truyền hình Trung Quốc dành hẳn cho Kim một chương trình mang tên cô. Mỗi tuần, Kim Tinh được hơn 100 triệu khán giả Trung Quốc chờ đợi.
Vượt rào để rồi trở lại với điểm khởi đầu
Tại nước cộng sản đông dân nhất địa cầu, Kim không bao giờ đề cập đến các chủ đền chính trị mà chỉ xoáy vào những đề tài xã hội. Cô thường mời những nhân vật nổi tiếng tham dự vào talk show của mình. Nhờ đó, người từng mang hàm “đại tá” trong quân đội, từng là một ngôi sao của dòng múa đương đại Trung Quốc, trở thành người điều khiển chương trình ăn khách nhất Hoa Lục.
Đầu 2017, Kim Tinh có thêm một chương trình làm môi giới cho các cặp trẻ nên vợ nên chồng. Ở đây, cô hiện nguyên hình là một “phụ nữ Trung Quốc còn rất cổ điển và truyền thống”.
Tác giả bài báo trên Les Echos nhận thấy rằng, là người từng phá rào, từng vượt qua những bức tường thành kiên cố trong xã hội để hiện hữu, Kim Tinh lại rất bảo thủ về vai trò của phụ nữ Trung Quốc.
Là người dẫn chương trình truyền hình có ảnh hưởng với trên 100 triệu khán giả, cô Kim vẫn quan niệm rằng “phụ nữ không nên vượt quá giới hạn của mình, không nên cạnh tranh với nam giới”.
Một nhà văn nữ Trung Quốc tiếc là hào quang “Sao Vàng” này có được nhờ anh/cô Kim đã biến mình thành “một chiếc loa phóng thanh cho những thành phần có cái nhìn hẹp hòi và bất vị tha trong một xã hội phong kiến. Đó là tất cả những gì mà một thời Kim Tinh đã phải vượt qua để lên được đỉnh cao danh vọng của ngày hôm nay”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180119-nguoi-dan-ba-the-luc-nhat-tai-trung-quoc-la-ai
Thế vận hội Pyeongchang :
Nam-Bắc Triều Tiên sẽ diễu hành chung
Ngày 20/01/2018, tại Lausanne, Thụy Sĩ đã diễn ra một cuộc họp nhằm xác định những điều kiện tham gia của các vận động viên Bắc Triều Tiên vào Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang ở Hàn Quốc. Cuộc họp quy tụ 3 phái đoàn của Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Ủy ban tổ chức Thế vận hội Pyeongchang.
Theo thông báo của Ủy ban Thế vận Quốc tế CIO, cuộc họp đã đi đến quyết định là đoàn vận động viên của hai miền Nam và Bắc Triều Tiên sẽ diễu hành chung trong buổi lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông. Hai miền cũng sẽ lập một đội tuyển nữ chung để thi đấu môn khúc côn cầu trên băng. Tổng cộng sẽ có 22 vận động viên Bắc Triều Tiên tham gia tranh tài trong 3 môn thể thao tại Thế vận hội Pyeongchang.
Vào tuần trước, Bắc Triều Tiên đã chấp nhận gởi một phái đoàn gồm tổng cộng 550 người tham gia Thế vận hội Pyeongchang, sẽ diễn ra chỉ cách vùng phi quân sự giữa hai miền 80 km. Quyết định này đã làm giảm căng thẳng từ nhiều tháng qua do chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Cũng trong ngày 20/01, Bình Nhưỡng vừa thông báo với Seoul là phái đoàn chuẩn bị cho những sự kiện văn hóa bên lề Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang rốt cuộc sẽ đến Hàn Quốc ngày 21/01.
Bắc Triều Tiên đã dự trù gởi một phái đoàn gồm 7 người đến Hàn Quốc vào hôm nay để thanh tra những nơi sẽ đón tiếp các sự kiện văn hóa ở hai thành phố Seoul và Gangneug, trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa Đông (từ 09 đến 25/02/2018 ). Nhưng Bình Nhưỡng vào giờ chót đã thông báo với Seoul là họ đình hoãn chuyến đi của phái đoàn nói trên, mà không nói rõ lý do.
Dẫn đầu phái đoàn này trên nguyên tắc sẽ là cô Hyong Song Wol, nổi tiếng vì từng là một nhân tình của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Nếu chuyến đi diễn ra ngày mai, cô Hyong Song Wol sẽ là nhân vật quan trọng đầu tiên của miền bắc đến miền nam Triều Tiên kể từ 4 năm qua.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180120-the-van-hoi-pyeongchang-nam-bac-trieu-tien-se-dieu-hanh-chung
Miến Điện: 6 quân nhân lãnh án tù
vì sát hại thường dân bang Kachin
Thông cáo ngày 20/01/2018 của cảnh sát bang Kachin, miền đông bắc Miến Điện sát biên giới với Trung Quốc, cho biết một tòa án quân sự đã tuyên phạt 6 binh sĩ 10 năm tù vì tội sát hại 3 thường dân hồi tháng 09/2017.
Hãng tin AP của Mỹ chưa liên lạc được với chính quyền của bang Kachin để kiểm chứng tin trên. Một số tổ chức nhân quyền xem việc tòa án quân đội trừng phạt các binh sĩ có hành vi sai trái là một sự kiện hiếm có. Tuy nhiên, các bên cho biết phiên xử sáu binh sĩ Miến Điện về tội sát hại ba thường dân Kachin mở ra hôm 19/01/2017 là một phiên xử kín.
Kachin là vùng đất của một lực lượng nổi dậy vũ trang. Xung đột tại đây đã kéo dài từ nhiều năm qua và có khuynh hướng gia tăng trong những tháng gần đây. Đến nay, đã có hơn 100.000 người phải di tản. Theo tin từ cảnh sát bang Kachin, ba thường dân là nạn nhân của sáu binh sĩ Miến Điện nói trên thuộc một nhóm nổi dậy đã bị quân đội bắt giữ vào tháng 5/2017.
Kế hoạch hồi hương người Rohingya từ Bangladesh bị chỉ trích
Ngày 20/01/2018, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền và Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch hồi hương người Rohingya một khi từ Bangladesh trở về. Nhóm nổi dậy ARSA coi đây là một âm mưu để Napyidaw tước đoạt đất đai của cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi.
Trong thông cáo đăng trên Twitter,lực lượng nổi dậy của người Rohingya tại bang Arakan (ARSA) cho rằng kế hoạch hồi hương mà Bangladesh và Miến Điện đã đạt được là “không trung thực và không công bằng” nhằm “nhốt những người Rohingya hồi hương vào một vài trại tị nạn, thay vì cho phép họ trở về nguyên quán”. Mục tiêu sau cùng chính là nhằm “tịch thu đất của người Rohingya, khai thác các dự án phát triển công và nông nghiệp”. ARSA cho rằng, về mặt chính trị, Miến Điện muốn bang Rakhine trở thành một vùng đất dành cho cộng đồng Phật giáo.
Về phía các tổ chức bảo vệ nhân quyền và Liên Hiệp Quốc, kế hoạch hồi hương phải dựa trên tinh thần tự nguyện của 750.000 người tị nạn Hồi Giáo Rohingya đang tạm cư tại Bangladesh.
Đình hoãn chuyến đi của một phái đoàn :
Seoul chất vấn Bình Nhưỡng
Ngày 20/01/2018, Hàn Quốc đã gọi điện thoại cho Bắc Triều Tiên để yêu cầu giải thích vì sao Bình Nhưỡng đã đình chỉ việc gởi một phái đoàn đến miền nam Triều Tiên để chuẩn bị cho những sự kiện văn hóa sẽ diễn ra bên lề Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang.
Bắc Triều Tiên đã dự trù gởi một phái đoàn gồm 7 người đến Hàn Quốc vào cuối tuần này để thanh tra những nơi sẽ đón tiếp các sự kiện văn hóa ở hai thành phố Seoul và Gangneug, trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa Đông (từ 09 đến 25/02/2018 ).
Dẫn đầu phái đoàn này trên nguyên tắc sẽ là cô Hyong Song Wol, nổi tiếng vì từng là một nhân tình của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Nếu chuyến đi diễn ra như dự kiến, cô Hyong Song Wol sẽ là nhân vật quan trọng đầu tiên của miền bắc đến miền nam Triều Tiên kể từ 4 năm qua.
Nhưng Bình Nhưỡng vào giờ chót đã thông báo với Seoul là họ đình hoãn chuyến đi của phái đoàn nói trên, nhưng không nói rõ lý do và hiện chưa biết là chuyến đi này bị hủy luôn hay chỉ bị dời lại.
Vào tuần trước, Bắc Triều Tiên đã chấp nhận gởi một phái đoàn gồm tổng cộng 550 người tham gia Thế vận hội Pyeongchang, sẽ diễn ra chỉ cách vùng phi quân sự giữa hai miền 80 km. Quyết định này đã làm giảm căng thẳng từ nhiều tháng qua do chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Ngày 20/01, tại Lausanne, Thụy Sĩ, đang diễn ra một cuộc họp nhằm xác định những điều kiện tham gia của các vận động viên Bắc Triều Tiên vào Thế vận hội Mùa Đông. Cuộc họp quy tụ ba phái đoàn của Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Ủy ban tổ chức Thế vận hội Pyeongchang.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180120-dinh-hoan-chuyen-di-cua-mot-phai-doan-seoul-chat-van-binh-nhuong
Trung Quốc bắt một luật sư đòi cải tổ chính trị
Một ngày sau vụ luật sư Trung Quốc Dư Văn Sinh (Yu Wenshing) bị công an bắt giữ và cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”, ngày 20/01/2018, bên bào chữa cho ông khẳng định : kêu gọi bầu cử tự do không phải là một tội.
Hãng tin Pháp AFP trích dẫn hai nguồn tin cho biết luật sư họ Dư đã bị khoảng một chục công an và nhân viên an ninh Trung Quốc bắt ngày 19/01/2018 tại Bắc Kinh, trong lúc đưa con trai đến trường.
Một ngày trước đó, trên mạng internet, ông Dư Văn Sinh đã gửi một bức thư ngỏ đến nhiều phóng viên, kêu gọi Bắc Kinh cải tổ hệ thống chính trị, cho phép bầu chủ tịch nước theo thể thức phổ thông đầu phiếu và phải để cho nhiều ứng cử viên ra tranh cử.
Luật sư Hoàng Hán Trung (Huang Hanzhong) bảo vệ cho ông Dư khẳng định với AFP, đăng một bức thư trên mạng không phải là một hành vi bất hợp pháp và đó là một trong những quyền của mỗi công dân Trung Quốc.
Hơn 24 giờ sau khi bị bắt, ông Dư Văn Sinh vẫn chưa được gặp luật sư riêng, gia đình chưa được vào thăm. Với tội danh “gây rối trật tự công cộng”, tác giả bức thư kêu gọi Bắc Kinh cải tổ hệ thống chính trị có thể lãnh án tới ba năm tù.
Năm 2017, luật sư họ Dư từng viết một bức thư ngỏ gửi đến đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong đó ông chỉ trích đảng ” vẫn nói đến tự do, dân chủ, bình đẳng và nhà nước pháp quyền, nhưng Trung Quốc không có tất cả những thứ ấy (…), quyền lực trong tay thành phần giàu có nhất nước và nạn tham nhũng tràn lan”.
Vì bức thư này mà Dư Văn Sinh đã được cảnh sát “mời lên nói chuyện” trong ba giờ đồng hồ. Năm 2016, ông cũng là người đã đệ đơn kiện thành phố Bắc Kinh để không khí bị ô nhiễm. Gần đây, ông Dư Văn Sinh bị khai trừ khỏi luật sư đoàn và theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International, đơn xin hoạt động trở lại của ông đã bị bác.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180120-trung-quoc-bat-mot-luat-su-doi-cai-to-chinh-tri
Mỹ: Cộng đồng người Haiti
vẫn “sốc” vì tổng thống Trump
Cộng đồng người Haiti tại New York đã xuống đường ngày 19/01/2018 để phản đối tổng thống Mỹ « kì thị chủng tộc ». Vài trăm người đã tuần hành từ Brooklyn đến phía nam Manhattan và dừng lại trước một tòa nhà thuộc sở hữu của Donald Trump.
Cộng đồng Haiti yêu cầu tổng thống Trump xin lỗi vì dường như ông đã so sánh Haiti, Salvador và châu Phi là « những đất nước thối tha » trong một phiên họp kín cách đây một tuần.
Thông tín viên RFI Marie Bourreau, theo đoàn người biểu tình tại New York, tường trình :
« Một tuần sau những phát biểu gây tranh cãi của Donald Trump, cộng đồng người Haiti ở New York vẫn thể hiện rõ sự giận dữ, đặc biệt là sự khó hiểu.
Một người tham gia tuần hành cho biết : “Suốt hai đêm, tôi không ngủ được. Đất nước của tôi được mệnh danh là Hòn ngọc vùng Antilles. Chúng tôi là đất nước da đen đầu tiên giành được độc lập và chúng tôi đã giúp tất cả mọi người giành lại tự do”.
Đoàn người biểu tình rất đông, như Violette, nhắc lại với tổng thống Mỹ là dân tộc Haiti đã tham gia vào nền độc lập Mỹ năm 1779. Ông nói : “Chúng tôi không phải là một nước thối tha. Người Haiti cũng đóng góp vào đất nước này. Chúng tôi không phải là một lũ ăn hại và cũng không phải là những người vô dụng”.
Khoảng 700.000 người Haiti đang sống tại Mỹ và họ sẽ đấu tranh bảo vệ 60.000 đồng hương, từng được cấp thị thực tạm thời sau trận động đất năm 2010, đang bị đe dọa trục xuất ngay từ tháng 07/2019 ».