Tin khắp nơi – 19/11/2018
Tổng thống Trump tuyên bố
sẽ không can thiệp Bộ trưởng Tư pháp
Washington, DC – Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình Fox News Sunday phát sóng hôm Chủ Nhật (18 tháng 11), Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ không can thiệp nếu Bộ trưởng Tư pháp tạm thời Matthew Whitaker hạn chế cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ngoài ra, tổng thống cũng để ngỏ khả năng không tham gia phỏng vấn trực tiếp với ông Mueller trong cuộc điều tra nghi vấn nhóm tranh cử của tổng thống hợp tác với Moscow, cũng như nghi vấn tổng thống cản trở công lý.
Ông Whitaker chịu trách nhiệm giám sát cuộc điều tra của ông Mueller vào ngày 7 tháng 11 sau khi Tổng thống Trump sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Đảng Dân chủ từng gọi ông Whitaker là “phụ tá chính trị” của Tổng thống Trump, ông Whitaker cũng từng chỉ trích cuộc điều tra của ông Mueller và hoàn toàn có khả năng cắt giảm chi phí tài trợ điều tra với chức vụ mới.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump nói với ký giả Chris Wallace rằng tổng thống không biết về các tuyên bố của ông Whitaker về công tố viên Mueller, đồng thời cho biết sẽ không can thiệp nếu ông Whitaker hạn chế phạm vi cuộc điều tra này. Tổng thống cũng giành lời khen ông Whitaker có nhận thức chính trị sắc sảo và sẽ đưa ra quyết định đúng đắn. Tổng thống Trump đã phủ nhận mọi nghi vấn hợp tác với Moscow và gọi cuộc điều tra của ông Mueller là “cuộc săn phù thủy.”
Hiện nay, một nhóm các thượng nghị sĩ đang thúc đẩy việc thông qua dự luật bảo vệ ông Mueller, nhưng Chủ tịch Thượng viện Mitch McConnell đã bác bỏ vì cho rằng điều này vi phạm hiến pháp và không cần thiết.
Hồi tuần trước, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham đã gặp ông Whitaker và tự tin khẳng định cuộc điều tra Nga can thiệp vẫn sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, trả lời trên chương trình Meet the Press của đài NBC, Thượng nghị sĩ Linsey Graham cho rằng Thượng viện cần bỏ phiếu thông qua dự luật bảo vệ ông Mueller. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-tuyen-bo-se-khong-can-thiep-bo-truong-tu-phap/
Cựu thị trưởng New York tặng trường cũ 1,8 tỷ đôla
Tỷ phú Michael Bloomberg, cựu thị trưởng New York, mới thông báo tặng 1,8 tỷ đôla cho trường cũ, Đại học Johns Hopkins, để giúp hỗ trợ tài chính cho sinh viên nghèo học giỏi.
Reuters đưa tin, ông Bloomberg đã thông báo như vậy trong một bài bình luận đăng trên tờ New York Times hôm 18/11.
Nhà sáng lập và hiện là giám đốc điều hành của tập đoàn truyền thông Bloomberg LP nói rằng số tiền đó dùng để hỗ trợ tài chính cho các sinh viên có năng lực, nhưng xuất thân từ các gia đình trung lưu và có thu nhập thấp.
“Bằng của trường Hopkins đã mở ra cánh cửa mà nếu không có nó, đã khép lại [đối với tôi], và cho tôi cơ hội sống với giấc mơ Mỹ”, ông Bloomberg viết trên tờ New York Times.
“Tôi muốn chắc rằng trường đã trao cho tôi cơ hội sẽ có thể mãi mãi mở ra cơ hội như vậy đối với nhiều người khác”.
Theo Reuters, ông Bloomberg đã tái gia nhập Đảng Dân chủ hồi tháng Mười, trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11, trong bối cảnh có các đồn đoán rằng tỷ phú này có thể chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Người dân dựng lều ở
để vượt qua khủng hoảng sau cháy rừng California
Chico, California – Theo tin từ Reuters, vào hôm Chủ Nhật (18 tháng 11), nhà chức trách tại California đã lục soát đống đổ nát sau cháy rừng để tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào của 1,276 người hiện vẫn đang mất tích sau đám cháy.
Đám cháy Camp Fire, được ghi nhận là đám cháy nguy hiểm nhất trong lịch sử tiểu bang California, đã tàn phá gần như toàn bộ thị trấn miền núi Paradise. Theo tin dự báo thời tiết, những cơn mưa được dự báo sẽ trút xuống khu vực Paradise vào thứ Tư tuần này, góp phần giúp ngăn chặn ngọn lửa, nhưng đồng thời cũng làm tăng nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất, làm trầm trọng hơn tình trạng khốn khổ của 46,000 người hiện đang di tản từ đám cháy.
Nhiều người mất cửa, mất nhà hiện đang tạm trú cùng với bạn bè và người thân, trong khi những người khác thì dựng tạm lều hoặc sinh sống ngay trong xe của họ. Một số người đã chọn cách cắm trại ở bên ngoài bãi đậu xe của một trung tâm mua sắm Walmart ở thành phố Chico, cách khoảng 20 phút lái xe từ cộng đồng Paradise bị tàn phá trong đám cháy.
Nhiều người đã tình nguyện đến tận nơi để phân phát những nhu yếu phẩm cần thiết cho nạn nhân của hỏa hoạn. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nguoi-dan-dung-leu-o-de-vuot-qua-khung-hoang-sau-chay-rung-california/
Tổng tham mưu trưởng Hoa Kỳ xác định rõ
nhiệm vụ của quân đội ở biên giới phía nam
Halifax, Canada – Tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax diễn ra hôm thứ Bảy (17 tháng 11), Tổng tham mưu trưởng Joseph Dunford cho biết sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở biên giới Hoa Kỳ – Mexico không phục vụ mục đích ngăn chặn người di dân.
Trước ngày bầu cử giữa mùa, Tổng thống Donald Trump từng cho biết ông sẽ điều động 15,000 binh lính đến biên giới để ngăn dòng người di dân vào Hoa Kỳ. Hiện nay đã có đến 5,000 binh lính đến biên giới phía nam.
Ông Dunford cho biết các binh lính chỉ hỗ trợ kỹ thuật tại cửa nhập cảnh, cung cấp dữ kiện và hỗ trợ y tế cho quan thuế và cảnh sát biên giới. Ông Dunford khẳng định nhiệm vụ này được Bộ Nội an ủng hộ. Ngoài ra, ông Dunford bảo đảm người di dân sẽ không gặp phải binh lính Hoa Kỳ khi họ vượt biên giới, vì quân đội không có mặt ở đó để từ chối nhập cảnh, mà để hỗ trợ Bộ Nội an thực hiện trách nhiệm.
Đảng Dân chủ đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump khi điều động binh lính quân đội đến biên giới, cho rằng tổng thống tập trung quá mức vào đoàn người di dân để thu hút cử tri. (Mộc Miên)
Ứng cử viên Dân chủ Andrew Gillum chấp nhận
thua cuộc trong cuộc tranh cử thống đốc Florida
Florida – Vào thứ Bảy (17 tháng 11), ứng cử viên Dân chủ Andrew Gillum – kiêm thị trưởng thành phố Tallahassee – đã chính thức công nhận chiến thắng của ứng cử viên Cộng hòa Ron DeSantis trong cuộc tranh cử Thống đốc tiểu bang Florida.
Tuyên bố của ông Gillum được đưa ra hai ngày sau khi máy kiểm phiếu hoàn tất việc đếm phiếu lần hai. Kết quả kiểm phiếu vẫn cho thấy ông DeSantis dẫn trước với cách biệt 3,000 lá phiếu.
Trong đoạn phim đăng tải trên mạng xã hội Facebook, ông Gillum đã chúc mừng ông DeSantis nhậm chức thống đốc, đồng thời kêu gọi người dân hãy tiếp tục theo dõi các kế hoạch sắp tới của ông, nhưng lại không nói rõ những kế hoạch này là gì.
Trên trang Twitter, ông DeSantis cũng viết rằng “Kỳ tranh cử vừa qua là 1 cuộc đua đầy căng thẳng, nhưng giờ là thời điểm tiểu bang Florida nên đoàn kết lại với nhau.”
Trước lần công nhận này, ông Gillum cũng từng nhận thua vào đêm tranh cử, nhưng sau đó rút lại tuyên bố khi khoảng chênh lệch nhỏ với ông DeSantis buộc tiểu bang phải kiểm phiếu lần hai.
Hồi tháng 8, ông Gillum đã bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ. Nhiều tháng trước đó, ông chỉ đứng vị trí thứ ba và bị các đối thủ áp đảo về quỹ vận động tranh cử.
Trong cuộc đua thống đốc vừa qua, cựu Tổng thống Obama đã đến Florida để vận động tranh cử cho ông Gillum trong khi ông DeSantis lại nhận được sự ủng hộ từ phía Tổng thống Trump.
Phản ứng trước kết quả tranh cử, Tổng thống Trump đã chúc mừng ông DeSantis và gọi ông Gillum là “một ứng cử viên Dân chủ mạnh mẽ trong tương lai.” (Mộc Miên)
Gil Cisneros đánh bại ứng cử viên Cộng hòa Young Kim
California – Theo tin từ KTLA, ứng cử viên Dân chủ Gil Cisneros đã giành được chiếc ghế ở Hạ viện từ tay Đảng Cộng hòa tại Nam California vào hôm thứ Bảy (17 tháng 11), nâng tổng số ghế Đảng Dân chủ giành được ở tiểu bang California lên 7 ghế.
Cuộc đua cuối cùng vào Hạ viện đã ngã ngũ khi ông Cisneros đánh bại ứng cử viên Cộng hòa Young Kim. Chiến thắng này sẽ mang đến sự thay đổi chính trị đáng kể khi hàng loạt thành phố lớn ở Los Angeles và Quận Cam giờ đây đều do Đảng Dân chủ kiểm soát ở Hạ viện.
Thất bại của bà Young Kim cũng cho thấy bốn chiếc ghế do Đảng Cộng hòa kiểm soát ở Quận Cam giờ đây đã rơi vào tay Đảng Dân chủ, đồng nghĩa với việc quê hương của cựu Tổng thống Cộng hòa Richard Nixon nay sẽ được đại diện bởi Đảng Dân chủ tại Quốc hội trong năm 2019.
Ông Cisneros (47 tuổi) là cựu sĩ quan Hải quân và cũng là người từng thắng giải độc đắc Mega-Million với trị giá 266 triệu Mỹ kim; trong khi đó bà Kim (55 tuổi) là dân biểu tiểu bang kiêm phụ tá thân cận của Dân biểu Cộng Hòa Ed Royce – người sẽ nghỉ hưu và chọn bà Kim để thay thế ông ở Hạ viện. Ông Cisneros và bà Kim đối đầu trong cuộc đua rất khít khao tại khu vực có tỷ lệ ủng hộ các đảng tương đối đồng đều.
Tại tiểu bang ít ưu ái Tổng thống Trump, bà Kim đã tranh cử độc lập với Tòa Bạch Ốc khi nói về thương mại và chăm sóc sức khỏe. Xuất thân cũng như giới tính của bà Kim đã khiến bà rất nổi bật trong một chính đảng do người da trắng lớn tuổi lãnh đạo. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để bà thu hút sự chú ý của cử tri, nhất là khi Đảng Dân chủ cho rằng bà sẵn sàng hủy bỏ chương trình y tế Obamacare, thực hiện mọi chương trình nghị sự của tổng thống.
Dù kỳ bầu cử thể hiện một kết quả xáo trộn, nhưng tiểu bang California giờ đây đã khẳng định vị thế là một pháo đài của đảng Dân Chủ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/gil-cisneros-danh-bai-ung-cu-vien-cong-hoa-young-kim/
Ông Putin nói gì với Phó Tổng thống Pence
về bầu cử Mỹ?
Tổng thống Vladimir Putin đã nói với Phó Tổng thống Mike Pence rằng Nga không can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ năm 2016.
Reuters hôm 19/11 dẫn lại tin của hãng thông tấn Nga, Interfax, nói rằng nguyên thủ Nga đã nói như trên với ông Pence trong cuộc thảo luận về cuộc gặp sắp tới giữa ông Putin và Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Putin và Phó Tổng thống Pence trao đổi tại Singapore tuần trước về các vấn đề chính có thể được mang ra thảo luận tại cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga và Mỹ, dự kiến diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào cuối tháng 11, một phát ngôn viên của Điện Kremlin nói, theo Reuters.
Interfax dẫn lời người phát ngôn Dmitry Peskov nói rằng ông Pence đã nêu vấn đề can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, nhưng ông Putin đã nói với quan chức Hoa Kỳ rằng “nhà nước Nga không liên quan” và “không thể can thiệp” vào bất kỳ tiến trình bầu cử nào.
Những vũ khí thương mại
Trump có thể tung ra tiếp với TQ
Thay vì áp thêm thuế, Mỹ có thể tăng trừng phạt gián điệp kinh tế, giám sát xuất khẩu công nghệ và lôi kéo đồng minh đối phó Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua xác nhận với Reuters rằng Trung Quốc hồi đầu tuần đã gửi một văn bản phản hồi các yêu cầu cải cách thương mại do Mỹ đưa ra để hai nước có thể bắt đầu đàm phán chấm dứt chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, quan chức này cho biết sự phản hồi đó của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không giúp tạo ra đột phá trong cuộc trao đổi giữa Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G-20 vào cuối tháng.
Tài liệu Trung Quốc đưa ra có 142 mục, chia làm ba phần, gồm những vấn đề Trung Quốc sẵn sàng thương lượng để có thêm hành động, những vấn đề họ đang xử lý và những vấn đề mà họ cho là “bất khả xâm phạm”.
Theo quan chức giấu tên này, việc Trung Quốc đưa ra câu trả lời bằng văn bản cho những yêu cầu của Mỹ sau nhiều tháng từ chối là một tín hiệu tốt, nhưng đây không phải là dấu hiệu đáng lạc quan, một phần là do Bắc Kinh từng nhiều lần hứa hẹn về cải cách kinh tế và thương mại nhưng không thực hiện. Các quan chức Mỹ vẫn đang nghiên cứu danh sách do Trung Quốc cung cấp, nhưng nhiều khả năng kịch bản tốt nhất nó có thể mang lại cho cuộc gặp Trump – Tập lần tới là việc nhất trí tiếp tục trao đổi và tuyên bố tranh chấp thương mại giữa hai nước đang đi theo chiều hướng tốt hơn.
Giới quan sát cho rằng điều này cho thấy văn bản mà Trung Quốc đưa ra không phải là những nhượng bộ mà Mỹ yêu cầu Bắc Kinh cần có để chấm dứt chiến tranh thương mại. Không có gì đảm bảo rằng đề xuất này của Trung Quốc đủ thỏa mãn để Trump không thực hiện lời đe dọa tăng thuế 25% đối với hơn 250 tỷ USD hàng hóa nước này từ đầu năm 2019.
Trong bài viết đăng trên The Hill, Peter Harrell, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), cho rằng việc áp thuế với những mặt hàng còn lại và tăng thuế với những mặt hàng cũ không phải là vũ khí duy nhất mà Trump có thể tung ra để tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc trong chiến tranh thương mại.
Vũ khí mới thứ nhất mà Trump đang nắm trong tay chính là việc tăng cường truy tố các điệp viên, tin tặc Trung Quốc có hành vi xâm nhập, đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ. Từ đầu tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra ít nhất ba hồ sơ truy tố hành vi ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của công dân Trung Quốc và dẫn độ một trong những gián điệp từ Bỉ về Mỹ để xét xử.
Điều này cho thấy các cơ quan hành pháp Mỹ đang hướng sự chú ý của mình vào hành vi gián điệp kinh tế của Trung Quốc và trong thời gian tới có thể gia tăng đáng kể hoạt động đó. Hoạt động gián điệp kinh tế và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ được cho là đã giúp Trung Quốc thu được lợi thế đáng kể về công nghệ, nắm trong tay những công nghệ tiên tiến của Mỹ mà không phải bỏ ra quá nhiều chi phí nghiên cứu, phát triển.
Vũ khí thứ hai là tung ra những đòn trừng phạt mới nhắm vào các công ty hưởng lợi từ công nghệ bị ăn cắp từ Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ trong thực tế đã hạn chế các công ty Mỹ làm ăn với một nhà sản xuất con chip của Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp các bí mật thương mại.
Trước đó, Washington cũng đã cấm 44 cá nhân, tổ chức có liên quan tới lĩnh vực quốc phòng Trung Quốc tiếp cận và mua sắp công nghệ của Mỹ. Chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ tăng cường sử dụng vũ khí này để nhắm vào các công ty Trung Quốc khác có hành vi tiếp tay cho ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ hoặc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Vũ khí thứ ba là thi hành điều luật vừa được thông qua để tăng cường hoạt động giám sát đầu tư nước ngoài vào Mỹ và kiểm soát việc xuất khẩu một số công nghệ hiện đại nhất định của Mỹ, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo và phương tiện không người lái, tới Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh khác. Điều luật này sẽ hạn chế khả năng Bắc Kinh thu được những công nghệ tối tân của Mỹ để làm lợi cho họ.
Vũ khí cuối cùng mà chính quyền Trump có thể tung ra là sử dụng chính sách ngoại giao của mình để vận động các đồng minh, đối tác cùng ủng hộ Washington trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer gần đây đã trao đổi với các đại diện châu Âu và Nhật để cùng xây dựng một biện pháp đối phó tập thể với Trung Quốc.
Lighthizer cũng là người đã thêm “điều khoản thuốc độc” vào hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mới, trong đó yêu cầu Canada và Mexico phải thông báo cho Mỹ trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại song phương với Trung Quốc. Nếu quốc gia nào vi phạm điều khoản này có thể sẽ bị loại khỏi hiệp định.
Chuyên gia Harrell đánh giá rằng những vũ khí mới này nếu được thực hiện sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với đòn áp thuế, vốn gây áp lực lớn cho chính những người tiêu dùng Mỹ mua hàng hóa Trung Quốc. Những đòn đánh mới này sẽ giáng trực tiếp vào các công ty Trung Quốc và những quan chức dung dưỡng cho hành vi vi phạm các quy tắc thương mại với Mỹ. Chúng cũng phát đi thông điệp rõ ràng rằng chính sách thực sự của Mỹ là buộc Trung Quốc phải chấm dứt các hành vi bất công, chứ không phải đơn thuần là biện pháp bảo hộ thương mại.
“Cuộc gặp bên lề hội nghị G-20 sắp tới là cơ hội để Trump làm rõ những mục tiêu mà Mỹ muốn Trung Quốc phải đáp ứng để chấm dứt chiến tranh thương mại”, Harrell nhận định. “Chỉ sau khi đã làm rõ những yêu cầu đó, Trump mới có thể biến những vũ khí trong tay mình thành hành động cải cách thực sự của Bắc Kinh”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/24795-nhung-vu-khi-thuong-mai-trump-co-the-tung-ra-tiep-voi-tq.html
Gián điệp công nghiệp : Một cội rễ
của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau ít ngày tới tại Achentina để tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại. Trong số các tranh chấp Mỹ-Trung, hồ sơ then chốt là vấn đề « gián điệp công nghiệp », trong đó đặc biệt nóng bỏng là lĩnh vực chíp điện tử. Gián điệp công nghiệp là vấn đề hoàn toàn không dễ giải quyết trong quan hệ Trung – Mỹ.
Ngày 01/12/2018 tới, sau thượng đỉnh của khối G20, tại Buanos Aires, Achentina, các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, dự kiến hai lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ hội kiến, để bàn về một thỏa hiệp nhằm đình chỉ cuộc chiến thương mại song phương, đang gây nhiều thiệt hại cho kinh tế hai nước, đe dọa tăng trưởng toàn cầu. Đây là lần đầu tiên nguyên thủ hai nước ngồi lại với nhau, kể từ khi chiến tranh thương mại bùng phát từ nửa năm nay. Liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có tìm được thỏa hiệp hay không ? Trong số các tranh chấp Mỹ-Trung, gián điệp công nghiệp là hồ sơ then chốt, và cũng được coi là một cội rễ của cuộc chiến thương mại. Báo Hồng Kông South China Morning Post có ba bài viết đáng chú ý về chủ đề này, RFI xin giới thiệu.
Tạm lắng sau thỏa thuận 2015, nhưng tăng vọt trở lại
Bài « Đánh cắp công nghệ Mỹ, Trung Quốc không còn dè dặt » của South China Morning Post (1) cho biết Bắc Kinh bị cáo buộc đã gia tăng đánh cắp sở hữu công nghiệp từ hai năm trở lại đây. Trước đó, tình trạng đánh cắp sở hữu công nghiệp đã nở rộ, khiến chính quyền tổng thống tiền nhiệm Obama nhiều lần đe dọa trừng phạt Trung Quốc.
Tháng 9 năm 2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Do áp lực của Mỹ, Bắc Kinh đã chấp nhận ký kết một thỏa thuận cam kết không hậu thuẫn gián điệp công nghiệp, để tránh các trừng phạt của Washington. Ít tháng sau đó, các vụ gián điệp công nghiệp Trung Quốc sụt giảm đến 90%, theo một điều tra của CrowdStricke, một công ty chuyên về an toàn mạng, có trụ sở tại Sunnyvale, California.
Tình hình tạm lắng dịu trong khoảng một năm. Tuy nhiên, kể từ tổng thống Trump lên nắm quyền, gián điệp Trung Quốc đã hoạt động mạnh trở lại. Giám đốc kỹ thuật của công ty CrowdStricke và một số chuyên gia khác ghi nhận một hiện tượng rất đáng chú ý là : không còn là Quân Đội Trung Quốc đứng đằng sau các vụ tấn công tin học, mà là bộ An Ninh Quốc Gia, tức cơ quan phụ trách tình báo dân sự Trung Quốc.
Tình báo dân sự thay cho tình báo quân đội
Tình hình hiện nay đươc coi là đáng lo ngại hơn, vì tình báo dân sự Trung Quốc sử dụng các tin tặc có kinh nghiệm, tinh vi hơn bên quân đội, rất khó bắt được và quy trách nhiệm cho các hoạt động phá hoại hay đánh cắp công nghệ.
Một ví dụ đó là phải mất nhiều năm trời, vào tháng 10/2018 vừa qua, các thẩm phán liên bang Mỹ tại San Diego, mới có thể truy tố được hai gián điệp Trung Quốc và 5 nghi phạm tin tặc khác. Đầu tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên một sĩ quan tình báo Trung Quốc, tên Từ Ngạn Quân (Yanjun Xu), gián điệp công nghiệp, bị cho phép dẫn độ sang Hoa Kỳ. An ninh Mỹ đã tổ chức gài bẫy để viên sĩ quan an ninh cao cấp này trực tiếp sang Bruxelles, với hy vọng mua được nhiều tài liệu mật về động cơ máy bay của một hãng Hoa Kỳ.
Hàng loạt vụ gián điệp lớn khác, liên quan đến nhiều lĩnh vực công nghệ cao, như dược phẩm chống ung thư (hãng GlaxoSmithKline), gạo biến đổi gien… cũng liên tục được đưa ra ánh sáng trong những tháng gần đây. Trong một bài viết trên South China Morning Post, nhà báo Robert Bowell, chuyên về quan hệ thương mại Mỹ-Trung, ghi nhận : « Việc đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, lâu nay bị phía Mỹ coi thường, là đầu mối của cuộc chiến thương mại » (2).
Chíp DRAM : Tìm cách chiếm đoạt thông qua Đài Loan
Một ví dụ tiêu biểu được nói đến nhiều trong những tuần gần đây liên quan đến tập đoàn Micron của Mỹ. Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một vụ đánh cắp công nghiệp tiêu biểu trong những năm gần đây, một điển hình của gián điệp công nghiệp Trung Quốc, vụ lớn thứ hai chống lại gián điệp công nghệ Trung Quốc, sau vụ công ty ZTE.
Xem thêm : ZTE, yếu tố chính trị trong cuộc đọ sức kinh tế Mỹ-Trung
Công ty Micron Technology, có cơ sở tại Idaho, miền đông bắc Hoa Kỳ, sở hữu công nghệ chíp điện tử bán dẫn có tên là « DRAM », được sử dụng trong nhiều phương tiện điện tử, như smartphone, máy tính, xe hơi hay vô tuyến truyền hình… Micron kiểm soát khoảng 20% thị trường bộ nhớ DRAM trên thế giới, đứng hàng thứ tư trong lĩnh vực bán dẫn. Chíp điện tử là mặt hàng chủ lực, chiếm khoảng 70% doanh số hàng năm của hãng, ước tính 30 tỉ đô la.
Năm 2016, Bắc Kinh thông báo việc Trung Quốc tự túc chíp DRAM sẽ là ưu tiên của chính sách an ninh quốc gia. Tháng 2/2016, chính quyền Trung Quốc đã giải ngân hơn 37 tỉ yuan (tương đương hơn 5 tỉ đô la) để lập ra công ty Fujian Jinhua Circuit Co., chuyên sản xuất loại chíp này tại một xí nghiệp ở Jinjiang, miền nam Trung Quốc. Tuy nhiên công ty Fujian Jinhua không nắm được công nghệ. Doanh nghiệp này ký một thỏa thuận với công ty Đài Loan United Microelectronics Corps (hay UMC) để có được công nghệ cần thiết. Theo viên công tố Mỹ phụ trách điều tra, thì một phó chủ tịch công ty Đài Loan (ông Chen Zhengkun) đã nhờ đến sự giúp đỡ của các nhân viên của MMT, một chi nhánh công ty này.
Theo cơ quan công tố Mỹ, MTT đã tuyển mộ được một kỹ sư và một phụ trách (đều là người Đài Loan, vốn là nhân viên cũ của tập đoàn Mỹ), cho phép lấy được nhiều bí mật công nghệ của Micron Technology tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực này. « Khoảng 900 tệp tin bí mật » chứa các dữ liệu của Micron Technology đã bị đánh cắp. Các nhà điều tra Mỹ ước tính các thông tin gây thiệt hại từ 400 triệu đến 8,75 tỉ đô la.
Một trong những người mới được ông chủ Đài Loan tuyển mộ khai là, « trong những ngày gần đây, tại công ty MMT, hoạt động đánh cắp dữ liệu mật của (công ty Mỹ) Micron diễn ra hết tốc lực…. Các bí mật đánh cắp bao phủ toàn bộ các công nghệ » DRAM, để công ty Đài Loan có thể kịp chuyển cho công ty Trung Quốc.
Sau một phán quyết của tư pháp Mỹ cách nay ba tuần, công ty Đài Loan UMC thông báo tuân thủ, và sẽ tạm thời đóng cửa các hoạt động nghiên cứu (R&D), phối hợp với đối tác Trung Quốc Fujian Jinhua.
Công ty Đài Loan kiện để đẩy đối thủ Mỹ khỏi Hoa lục
Trên thực tế, Hoa Kỳ không chỉ đương đầu với Trung Quốc, mà cả với nhiều công ty Đài Loan, bạn hàng với Hoa lục.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chíp điện tử DRAM số một thế giới, với 20% thị phần. Trước mùa hè năm nay, một nửa doanh thu của tập đoàn Micron Technology của Mỹ là đến từ Trung Quốc.
Ngày 3/7 vừa qua, một tòa án địa phương Trung Quốc quyết định ngưng tạm thời 26 sản phẩm chíp bán dẫn của công ty Mỹ Micron, vì bị cáo buộc xâm phạm bản quyền của công ty Đài Loan United Microelectronics Corp (UMC).
Công ty Đài Loan UMC, để củng cố vị trí tại Hoa lục, đã khởi kiện đối thủ Mỹ Micron Technology, về vi phạm bản quyền, đặc biệt liên quan đến các công nghệ sản xuất bộ nhớ sử dụng trong vi mạch. Một số công ty Hàn Quốc cũng là đối tượng của lệnh trừng phạt này. Phán quyết nói trên được đưa ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc chiến thương mại, với việc Washington quyết định sẽ tăng thuế 25% lên 34 tỉ đô la hàng nhập khẩu.
Trở lại với vụ kiện Micro Technology bị gián điệp công nghiệp Trung Quốc xâm nhập, cáo buộc của tư pháp Mỹ được đưa ra đúng vào lúc xí nghiệp sản xuất chíp điện tử DRAM của công ty Trung Quốc Fujian Jinhua đang sắp sửa hoàn tất, đe dọa trực tiếp các mặt hàng xuất khẩu tương đương từ phía Mỹ (chưa kể vấn đề tập đoàn Mỹ Micron đang bị tư pháp Trung Quốc đình chỉ, không cho nhập nhiều sản phẩm chíp bán dẫn như đã nói ở trên).
Mới đây, bộ Thương Mại Mỹ ra một thông tư cấm công ty Trung Quốc Fujian Jinhua mua được các linh kiện Mỹ cần cho việc sản xuất chíp. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, có thể đã quá trễ để ngăn chặn thiệt hại đã xảy ra, do bản quyền bị đánh cắp.
Mọi lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đều bị nhòm ngó
Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nói chung là một thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Theo một điều tra được công bố hồi tháng 9/2018, của Viện Oxford’s Future of Humanity Institute (3), với thị trường 1,4 tỉ dân và hơn 700 triệu người dùng Net, Trung Quốc vượt xa Hoa Kỳ về tiềm năng trở thành người dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Nhìn chung, nghiên cứu của Đại học Oxford ghi nhận là « Bắc Kinh rình rập Hoa Kỳ trong mọi lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo, ngoại trừ Big Data (hay cơ sở dữ liệu lớn) », vốn được coi là nguồn tài nguyên vô tận, tự có của Trung Quốc, do số lượng dân cư đông đúc, nhưng đặc biệt do việc chính quyền Trung Quốc không bị luật pháp khống chế, gần như toàn quyền tự tung tự tác trong việc sử dụng thông tin cá nhân của các công dân.
Nghiên cứu nói trên cũng cho thấy trở ngại chính đối với tham vọng của Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu chính là khả năng sản xuất các bộ vi xử lý và chíp điện tử. Đánh cắp bí mật công nghiệp như vậy là một giải pháp mà Bắc Kinh hy vọng có thể giúp Trung Quốc nhanh chóng đuổi kịp Mỹ.
Chấp nhận thiệt hại, với hy vọng Trung Quốc dân chủ hóa
Nhà báo Robert Bowell, trong bài viết trên South China Morning Post (2), tóm lại quan điểm về nước Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc trong mấy chục năm vừa qua. Chính quyền Mỹ trong một thời gian dài đã chấp nhận thiệt hại lớn về bản quyền và xử lý nhẹ nhàng với nạn gián điệp công nghiệp, nhưng hy vọng là việc tham gia vào kinh tế thị trường thế giới sẽ giúp xã hội Trung Quốc phát triển lên và dần dần dân chủ hóa.
Theo ước tính của Ủy Ban Sở Hữu Trí Tuệ Mỹ (4), thiệt hại một năm của việc đánh cắp bản quyền trí tuệ – trong đó có hoạt động gián điệp công nghiệp – đối với Hoa Kỳ là từ 180 tỉ đến 540 tỉ đô la, tương đương từ 1% đến 3% GDP. Trong đó, Trung Quốc bị coi là thủ phạm chính.
Nhưng rốt cục, bản quyền vẫn bị đánh cắp ngày càng nhiều, gián điệp công nghiệp ngày càng táo bạo và tinh vi, mà xã hội Trung Quốc lại không có dấu hiệu chuyển sang dân chủ. Chế độ chính trị thì với bên trong ngày càng gia tăng trấn áp, bên ngoài đẩy mạnh tham vọng lãnh thổ nhiều hơn (trước hết tại Biển Đông). Đặc biệt kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012. Đây có thể coi là một lý do sâu xa đã khiến cho chính quyền Donald Trump quyết định không nhân nhượng Trung Quốc.
Ghi chú
1. «China ‘‘has taken the gloves off’’ in its thefts of US technology secrets», South China Morning Post, 19/11/2018.
2. « How China’s rampant intellectual property theft, long overlooked by US, sparked trade war », South China Morning Post, 28/10/2018.
3. « China trails US in every area of AI development except big data, Oxford University report finds », South China Morning Post, 25/09/2018.
4. Xem báo cáo 2017 của Commission on the Theft of American Intellectual Property.
Cử Mike Pence tới châu Á – TBD,
ông Trump phó mặc cho TQ “đục nước béo cò”?
Suy tính chính sách của ông Trump và cộng sự là nhằm vào mối quan ngại của các nước trong khu vực về Trung Quốc.
Hai cương vị của Mike Pence
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence thực hiện chuyến công du khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ ba này trên hai cương vị.
Ông Pence thăm Nhật Bản, Singapore và Australia trên cương vị phó tổng thống Mỹ và thay mặt cho Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự hội nghị cấp cao Asean – Mỹ, hội nghị cấp cao Đông Á ở Singapore và hội nghị cấp cao APEC ở Papua New Guinea.
Năm nay là lần thứ hai kể từ năm 2013, tổng thống đương nhiệm của Mỹ không tham dự 3 sự kiện đa phương thường niên được coi là quan trọng nhất của cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Không ít người nhìn nhận việc phía Mỹ tham dự 3 sự kiện này không phải ở cấp ông Trump mà chỉ ở cấp ông Pence là thể hiện thái độ không coi trọng khu vực, thậm chí là cả sai lầm tai hại về chiến lược của chính quyền mới ở Mỹ và cơ hội cho Trung Quốc gây dựng, mở rộng và phát huy vai trò và ảnh hưởng.
Ở vào thời điểm khác và trong bối cảnh tình hình khác tại khu vực này cũng như trên thế giới và thực trạng khác trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thì rất có thể như thế thật nhưng hiện tại thì không hẳn như vậy.
Cặp bài trùng Trump – Pence
Cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trên mọi phương diện đã được chính quyền của ông Trump xác định là định hướng chiến lược được dành cho ưu tiên chiến lược.
Sau cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vừa rồi ở Mỹ, ông Trump và cộng sự sẽ hăng hái và quyết liệt hơn trước nhiều về đối ngoại bởi càng khó khăn và khó thành công về đối nội
thì ông Trump có nhu cầu càng cấp thiết về việc dùng hoạt động và kết quả đối ngoại để trang trải cho đối nội.
Một khi đối ngoại có giá trị mới quan trọng đến vậy đối với ông Trump thì sẽ quá là vội vàng nếu có ai đó nghĩ rằng người này phó mặc cho Trung Quốc “đục nước béo cò” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thật ra, ở đây có sự phân vai cho hoạt động đối ngoại trong chính quyền của ông Trump. Khi ông Pence thực hiện chuyến công du khu vực châu Á – Thái Bình Dương này, Mỹ và Trung Quốc nối lại đối thoại và tham vấn chiến lược, tuy không đạt được kết quả cụ thể nào nhưng cầu quan hệ vẫn được duy trì.
Ông Trump đã sang Pháp dự nghi lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Mấy ngày nữa, ông Trump sẽ tới Argentina dự hội nghị cấp cao của nhóm G20, dự kiến sẽ gặp cả chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lẫn Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Trump vốn không mặn mà với các sự kiện đa phương, vốn không coi trọng các thể chế, khuôn khổ và diễn đàn đa phương. Vì thế, cử ông Pence đi thay có lợi hơn rất nhiều cho ông Trump. Người này vốn có quan điểm rất cứng rắn với Trung Quốc.
Công du khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần này, ông Pence có sứ mệnh làm găng với Trung Quốc, tranh thủ đồng minh và đối tác, cũng như thể hiện Mỹ bắt đầu triển khai thực hiện cụ thể cái gọi là chiến lược của ông Trump cho cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương và khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương mà ông Trump đã phác hoạ và giới thiệu hồi cuối năm ngoái ở Đà Nẵng (Việt Nam), trước mắt với chương trình tài chính 60 tỷ USD và kế hoạch 123 triệu USD.
Tại Argentina mới có trận chung kết mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Pence bày trận để cho ông Trump đánh trận. Cặp bài trùng này cho tới nay đã không ít lần như thế rồi.
Qua đó, có thể nhận diện được suy tính chính sách của ông Trump và cộng sự là nhằm vào mối quan ngại của các nước trong khu vực về Trung Quốc.
Không ít mưu tính và hành động của Trung Quốc cả về kinh tế, thương mại lẫn quân sự và an ninh khiến các nước này không thể không lo ngại, trong khi tình trạng này còn kéo dài cũng như còn trầm trọng hơn trong thời gian tới.
Xem ra phía Mỹ hiện tính rằng Mỹ càng cạnh tranh chiến lược quyết liệt với Trung Quốc thì càng dễ thành công với việc tranh thủ các đồng minh và đối tác ở khu vực. Mỹ càng làm găng với Trung Quốc thì các đối tác trong khu vực càng phải dè chừng Mỹ và để ý đến lợi ích của Mỹ, từ đó Mỹ càng có thế trong xử lý quan hệ với Trung Quốc.
Hệ luỵ là các đối tác này rồi đây sẽ càng thêm khó khăn và khó xử giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ủy Ban Olympic
không cho Đài Loan đổi tên đoàn thể thao
Theo AFP hôm nay 19/11/2018, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế (CIO) cảnh báo Đài Loan có thể mất quyền tham dự Olympic Tokyo 2020, nếu đổi tên gọi đoàn thể thao sau cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.
Thứ Bảy tới, nhân cuộc bầu cử địa phương, cử tri Đài Loan sẽ bỏ phiếu trưng cầu dân ý quyết định xem các vận động viên của hòn đảo tham dự Thế Vận Hội Tokyo 2020 dưới tên đoàn Đài Loan hay Đài Bắc Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai. Hầu hết các nước trên thế giới cũng không công nhận Đài Loan là quốc gia có chủ quyền. Tên gọi chính thức của hòn đảo này khi tham gia các định chế cũng như các sự kiện quốc tế luôn là vấn đề nhạy cảm.
Từ năm 1981, các vận động viên đảo Đài Loan khi tham dự các cuộc thi đấu đều phải mang cờ hiệu dưới tên gọi « Đài Bắc Trung Quốc ». Trước cuộc trưng cầu dân ý có thể dẫn tới đổi tên gọi đoàn thể thao của hòn đảo, hôm 16/11 Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đã có thư gửi Ủy Ban Olympic Đài Bắc Trung Quốc (CTOC) và chính quyền Đài Loan khuyến cáo việc thay tên gọi đoàn thể thao có thể gây hậu quả .
CIO dẫn điều khoản Hiến chương Olympic cho phép Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế quyền đình chỉ hoạt động các ủy ban quốc gia và vùng lãnh thổ, nếu chính phủ cản trở hay can thiệp vào các công việc của ủy ban quốc gia thành viên.
Thư của CIO nhấn mạnh mọi ý đồ gây áp lực đối với ủy ban địa phương sẽ bị coi như là hành động can thiệp và có thể dẫn tới những phản ứng thuộc thẩm quyền của CIO.
Bắc Kinh đã có phản ứng phẫn nộ với cuộc trưng cầu dân ý nói trên. Văn phòng sự vụ Đài Loan của Trung Quốc đã cảnh báo Đài Bắc sẽ « phải nhận quả đắng » và sẽ làm mất cơ hội để các vận động viên của hòn đảo tham gia các đấu trường thể thao quốc tế.
http://vi.rfi.fr/the-thao/20181119-uy-ban-olympic-khong-cho-dai-loan-doi-ten-doan-the-thao
Interpol họp bầu người thay thế chủ tịch bị bắt ở TQ
Cảnh sát trưởng các nước khắp thế giới hôm 18/11 họp ở Dubai, Các tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất, để bầu chọn tân chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) sau khi người đứng đầu cơ quan này bị bắt ở Trung Quốc.
Ông Mạnh Hoành Vĩ, cựu Chủ tịch Interpol đồng thời là Thứ trưởng Công an Trung Quốc, mất tích sau khi trở về Trung Quốc hồi tháng Chín, theo AP.
Chính quyền Trung Quốc sau đó nói rằng ông Mạnh bị điều tra vì nhận hối lộ và các tội danh khác.
Từ Pháp, vợ của ông nói với hãng tin AP rằng cáo buộc chỉ là cái cớ để bắt giữ cựu chủ tịch Interpol vì mục đích chính trị.
Tổng Thư ký Interpol Jurgen Stock giải thích với các phóng viên rằng luật lệ của cơ quan này không cho phép ông Mạnh tiếp tục làm chủ tịch.
Quan chức Trung Quốc đảm nhiệm chức vụ chủ tịch kể từ tháng 11 năm 2016 và nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào năm 2020.
Ngoài việc trên, các thành viên của Interpol cũng sẽ quyết định xem có chấp nhận Kosovo làm thành viên toàn diện của tổ chức này hay không.
Nếu được công nhận, Kosovo, theo AP, có thể phát cảnh báo đỏ đối với các quan chức Serbia mà nước này coi là tội phạm chiến tranh.
Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức gặp gỡ
để bàn việc thành lập quân đội châu Âu
Berlin, Đức – Vào ngày Chủ Nhật (18/11), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và Thủ tướng Đức Angela Merkel, gặp nhau tại Berlin để cùng tưởng nhớ đến các nạn nhân của những cuộc chiến tranh châu Âu, đồng thời nhằm thể hiện một mặt trận thống nhất trong việc đối phó với tình trạng hỗn loạn toàn cầu, được gây ra bởi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Theo kế hoạch, Tổng thống Macron sẽ thăm viếng kẻ thù cũ của Pháp là Đức quốc, và có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Merkel. Cả ông Macron và bà Merkel đều cam kết ủng hộ những người chống lại sự gia tăng các nhà dân túy, những người chống lại các lực lượng theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và chống di dân, cũng như ủng hộ những ai chống lại lập trường “American First” của Tổng thống Trump. Trong cuộc họp sắp tới của ông Macron và bà Merkel, họ có thể sẽ thảo luận kỹ hơn về ý tưởng thành lập một quân đội châu Âu trong tương lai. Đề nghị này khiến Tổng thống Trump rất tức giận.
Trong khi thế giới đang tưởng nhớ đến Thế chiến Thứ nhất kết thúc cách đây một thế kỷ, thì Tổng thống Macron nhiều lần viện dẫn những nỗi kinh hoàng của cuộc chiến tranh này, để gửi đi thông điệp rằng, chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng trên toàn cầu sẽ lại một lần nữa gây bất ổn cho thế giới. Ông đề nghị xây dựng một quân đội châu Âu trong tương lai như biểu tượng của một lục địa thống nhất. Đề nghị được ủng hộ bởi thủ tướng Đức Merkel.
Tuy nhiên, vào hôm thứ Sáu vừa qua, Thủ tướng Hòa Lan Mark Rutte cho rằng, Pháp và Đức đang quá vội vàng, đồng thời khẳng định sự an toàn của châu Âu chỉ có thể được bảo đảm thông qua NATO. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-phap-va-thu-tuong-duc-gap-go-de-ban-viec-thanh-lap-quan-doi-chau-au/
Pháp : Phong trào « áo vàng » tiếp diễn
Thứ hai 19/11/2018, rào cản phong tỏa kho xăng , chiến dịch ốc sên làm ngưng trệ nhiều trục giao thông. Đó là hình ảnh nước Pháp hai ngày sau khi phong trào chống tăng thuế xăng dầu có tên là « áo vàng » được phát động trên toàn quốc.
Một phần trong số 290.000 người tham gia chiến dịch đòi giảm thuế xăng dầu phát động hôm thứ Bảy (17/11), tiếp tục tranh đấu qua hôm nay, 19/11/2018. Theo AFP, giao thông trên nhiều đoạn xa lộ bị chậm lại vì chiến dịch ốc sên hoặc rào cản hạn chế xe qua lại, tổng cộng 110 địa điểm được ghi nhận vào sáng hôm nay.
Hãng xăng Total cho biết có hai kho xăng, một ở miền nam gần Marseille và một ở phía tây, vùng Vendée bị phong tỏa.
Nhiều người tranh đấu cho biết họ kiên trì hoạt động và chờ đợi các thành phần khác trong xã hội tiếp tay .
Tuy nhiên, theo bộ Nội Vụ, cuộc biểu dương lực lượng đã giảm nhiều từ 2000 địa điểm phong tỏa trong ngày đầu tiên, đến hôm nay còn độ hơn 100.
Tối Chủ Nhật, đích thân thủ tướng Pháp lên đài truyền hình cho biết chính phủ thông cảm với sự bất bình « chính đáng » của người biểu tình nhưng quyền của người cần tự do đi lại cũng chính đáng tương tự. Cố gắng thuyết phục công luận về nhu cầu « chính đáng » chống biển đổi khí hậu, thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố « duy trì » mục tiêu đi tới kèm theo lời hứa là các biện pháp cải cách cấu trúc kinh tế và thuế khóa sẽ có hiệu quả chậm lắm là trong ba, bốn năm tới.
http://vi.rfi.fr/phap/20181119-phap-phong-trao-%C2%AB-ao-vang-%C2%BB-tiep-dien
Brexit : Thủ tướng Anh
tiếp tục chống đỡ khủng hoảng nội các
Vương Quốc Anh bước vào tuần lễ quyết định cho Brexit trong bối cảnh khủng hoảng chính trị vẫn diễn biến căng thẳng. Thủ tướng Theresa May và lãnh đạo đối lập Jeremy Corbyn tiếp tục cuộc đua, chống và ủng hộ thỏa thuận Brexit.
Thủ tướng Anh hôm nay, 19/11/2018, trở lại Bruxelles tiếp tục thương lượng thêm trước phiên họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu vào Chủ Nhật tới. Bà May kiên quyết bảo vệ kế hoạch Brexit, mỗi ngày đang gây thêm phản đối gay gắt ở trong nước.
Thông tín viên RFI tại Luân Đôn Marina Daras :
Đối mặt với hàng loạt thành viên chính phủ từ chức và sự phản kháng của khoảng 30 dân biểu đảng Bảo Thủ đang muốn thay thủ tướng, bà Theresa May vẫn không lay chuyển. Thủ tướng Anh tuyên bố : Đó chỉ là để làm tốt cho đất nước, riêng đối với cá nhân, tôi sẽ không để bị dứt ra khỏi việc đó. Tôi sẽ tiếp tục làm công việc của mình trong tuần lễ gay cấn này, để chúng ta có được thỏa thuận cuối cùng cho đất nước. Thay đổi người lãnh đạo vào giai đoạn này không làm thuận lợi gì cho các cuộc đàm phán và sẽ không thay đổi tương quan tại nghị viện. Điều có thể sẽ mang lại là bất trắc, nguy cơ Brexit bị chậm lại. Tôi luôn rõ ràng rằng mọi người đã bỏ phiếu để chúng ta ra đi, chúng ta sẽ ra đi vào ngày 29/03/2019.
Về phần mình, lãnh đạo đối lập Jeremy Corbyn, dù thú nhận không đọc hết 585 trang thỏa thuận, nhưng vẫn khẳng định lại lập trường của Công Đảng như sau : Chúng tôi sẽ bỏ phiếu chống thỏa thuận này, vì nó không phục vụ lợi ích của đất nước. Từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, họ đáng ra đã phải tiến hành các cuộc đàm phán nghiêm túc, vậy mà giờ đây chúng ta chỉ còn 131 ngày thì họ trình ra nghị viện một thỏa thuận.
Nếu thỏa thuận về tương lai quan hệ giữa Vương Quốc Anh và Liên Hiệp Châu Âu có thể còn được sửa sửa đổi, thì thỏa thuận về việc ra đi là không thể thay đổi trên bàn đàm phán được nữa.
Nếu bà Theresa May muốn đi tới đích với thỏa thuận này, ngoài việc mỗi ngày vị trí lãnh đạo đảng Bảo Thủ thêm rủi ro, bà còn phải lo đối phó với các bộ trưởng chống đối.
Xung đột nổ ra tại Hy Lạp
Athens, Greece – Vào thứ Bảy (17 tháng 11), cảnh sát Hy Lạp đã xung đột với những người biểu tình trẻ tuổi tại trung tâm thủ đô Athens thuộc Hy Lạp sau lễ kỷ niệm ngày sinh viên nổi dậy vào năm 1973, nhằm mục đích lật đổ quân đội đang chiếm đóng Hy Lạp lúc bấy giờ.
Hơn 10,000 người đã tham gia một cuộc diễn hành qua trung tâm thủ đô Athens, nơi được lực lượng cảnh sát bảo vệ nghiêm ngặt. Những người tham gia diễn hành mang theo biểu ngữ với dòng chữ “Kháng Chiến” và hô vang các khẩu hiệu liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ kéo dài tám năm của Hy Lạp. Cuộc diễn hành kết thúc tại tòa đại sứ Hoa Kỳ, quốc gia mà nhiều người Hy Lạp buộc tội đã ủng hộ chế độ độc tài quân sự kéo dài 7 năm (từ 1967 đến 1974).
Ngay sau khi cuộc diễn hành kết thúc, xung đột đã diễn ra giữa cảnh sát và những người biểu tình. Những người biểu tình đã ném đá và bom xăng vào cảnh sát tại trường đại học Athens Polytechnic, nơi mà hàng chục sinh viên đã thiệt mạng trong cuộc nổi dậy năm 1973.
Đài truyền hình Alpha của Hy Lạp đã quay lại cảnh tượng cảnh sát bắn hơi cay vào những người biểu tình bên trong trường Polytechnic. Những người biểu tình khác đã xây dựng các chướng ngại vật trên phố với ghế hoặc ném bom xăng từ các mái nhà. Sau đó, cảnh sát đã phải sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/xung-dot-no-ra-tai-hy-lap/
APEC: Một mâu thuẫn không lối thoát
Karishma VaswaniAsia business correspondent @BBCKarishma
Lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) kết thúc mà không đưa ra được thỏa thuận chung.
Các kỳ APEC thường kết thúc bằng một thỏa thuận chung, và một bức ảnh ‘đại gia đình’ APEC.
Những hội nghị này thường là các sự kiện được dàn dựng kỹ lưỡng. Bạn thường không nhận được nhiều bất ngờ.
Căng thẳng Mỹ – Trung lộ rõ ở Apec
Tổ chức APEC, Việt Nam được gì?
Năm nay, APEC vẫn có bức ảnh ‘gia đình’ – nhưng là một gia đình đầy căng thẳng và thù hận.
Trong khi mọi người đều mỉm cười trước máy ảnh, một trận chiến giành ảnh hưởng và quyền lực bùng nổ giữa hai cường quốc của thế giới: Mỹ và Trung Quốc.
Những tầm nhìn khác biệt
Báo giới lần đầu tiên nghi ngờ là có điều gì đó diễn ra không theo đúng kế hoạch khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau bước ra sân khấu và tuyên bố rằng APEC năm nay sẽ không có thỏa thuận chung.
Sự khác biệt về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc này.
Đây là lần đầu tiên trong hơn hai thập kỷ mà 21 thành viên APEC thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận vào cuối cuộc họp.
Hãy suy nghĩ một chút về điều này.
Cuộc tranh luận giữa hai nước mạnh nhất thế giới là nguyên nhân khiến cộng đồng quốc tế không thể quyết định một số vấn đề thương mại và kinh tế quan trọng nhất lúc này.
Việc hai nước bất đồng điều gì chưa được biết rõ một cách chính xác, nhưng các báo cáo trước APEC cho thấy đã có vấn đề giữa Washington và Bắc Kinh, đặc biệt trong định nghĩa về thương mại tự do và công bằng, và cách điều chỉnh và phân loại các hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước khi họ đầu tư vào các quốc gia khác nhau.
Mỹ nhìn các công ty nhà nước của Trung Quốc như là một phần mở rộng của chính phủ, mà Mỹ nói bảo vệ không công bằng các công ty trong nước gây bất lợi cho các công ty Mỹ. Mỹ cũng cho biết Trung Quốc sử dụng chương trình Vành đai Con đường như một cách để dụ Bắc Kinh phủ nhận điều này, nói rằng Washington đang tích cực ngăn cản Trung Quốc trở nên quá mạnh bằng cách hạn chế sự trỗi dậy của các công ty của Trung Quốc.
Những căng thẳng giữa hai nước bao trùm toàn bộ hoạt động của Apec, nhưng chủ nhà Papua New Guinea (PNG) đã cố gắng để xoa dịu.
Tuy nhiên, đó là do PNG được hưởng lợi nhiều nhất từ APEC.
Trong bối cảnh trận chiến Mỹ-Trung nhằm giành ảnh hưởng trong khu vực, PNG nhận được một căn cứ hải quân mới được tái phát triển bởi Mỹ và Úc, và 1,7 tỉ đô la Mỹ đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện.
Tất cả điều này để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, như tôi đã viết trước đây.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau vào cuối tháng này, và thất bại tại APEC sẽ thúc đẩy hai nước phải đi đến một số thỏa thuận liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Nhưng cuộc chiến giữa hai siêu cường của thế giới sẽ không sớm kết thúc. Nó đang nhanh chóng biến thành mối quan hệ mong manh nhất thế giới – với những hậu quả nguy hiểm cho phần còn lại của thế giới.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46257338
Mỹ – Australia phát triển căn cứ hải quân
ở nước chủ nhà APEC
Mỹ cho rằng việc kết hợp cùng Australia phát triển căn cứ ở Papua New Guinea thể hiện cam kết với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
“Chúng tôi sẽ làm việc với hai quốc gia này để bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải của những quốc đảo Thái Bình Dương”, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 17/11 thông báo về việc Mỹ hợp tác với Australia và Papua New Guinea để phát căn cứ hải quân trên đảo Manus. Papua New Guinea là nước chủ nhà năm nay của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Pence sau đó nói với các phóng viên bên lề APEC rằng căn cứ sẽ thể hiện cam kết của Mỹ đối với một “Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do”. “Các bạn có thể tự tin, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì tự do trên biển và trên không”, Pence nói.
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 1/11 thông báo rằng Australia sẽ tài trợ cho việc phát triển căn cứ trên đảo Manus với sự hỗ trợ của chính phủ Papua New Guinea. Quyết định được đưa ra sau khi Trung Quốc có dấu hiệu muốn xây cơ sở quân sự tại đây.
Đảo Manus từng là căn cứ hải quân lớn của Mỹ trong Thế chiến II, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Thái Bình Dương của Washington. Các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc trên đảo Manus có thể ảnh hưởng đến khả năng điều hướng của phương Tây ở Thái Bình Dương trong khi giúp cho Bắc Kinh tiếp cận gần với căn cứ của Mỹ tại Guam, cách Papua New Guinea vài nghìn km.
http://biendong.net/bi-n-nong/24806-my-australia-phat-trien-can-cu-hai-quan-o-nuoc-chu-nha-apec.html
Mỹ cùng lúc đấu với Nga-Trung
Nga- Trung Quốc ngày càng “gần gũi” hơn vì họ có cùng một mối quan tâm.
Sự kiện Tổng thống Vladimir Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Nga diễn ra Singapore vào ngày 14 tháng 11 tiếp tục củng cố cho “chính sách hướng Đông” trong chiến lược kinh tế và đối ngoại của Mát-cơ-va.
Được biết, trao đổi thương mại giữa Nga với các nước ASEAN đã tăng 35% trong năm 2017. Đầu tư qua lại đã vượt quá 25 tỷ USD. Đó là một sự tăng trưởng lớn.
Trong đó, thương mại Nga-Singapore tăng 94%, Nga-Thái Lan tăng 50%. Đây là là những ấn tượng về sự tăng trưởng thương mại giữa Nga và ASEAN bất chấp những lệnh trừng phạt của Mỹ và EU.
Đáng chú ý thương mại song phương Nga-Trung có thể đạt 100 tỷ USD vào cuối năm 2018 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong những năm tới, Andrey Slepnev, Giám đốc điều hành của Trung tâm xuất khẩu Nga tuyên bố.
“Xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc đạt 26 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng 43% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Slepnev cho biết. Thương mại song phương giữa hai nước tăng 31,5%, đạt 87 tỷ USD vào năm 2017.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, và dường như áp lực của Mỹ đối với cả Trung Quốc và Nga chỉ đẩy Mát-cơ-va và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi giao dịch thương mại giữa hai cường quốc này sẽ còn phát triển hơn nữa.
Trong thời gian tham gia hội nghị, ông Putin đã một lần nữa ca ngợi kế hoạch hành động của Hội nghị Sochi diễn ra hồi tháng 5 năm 2016, và khẳng định, lộ trình hợp tác ASEAN – Nga với khoảng 60 dự án trong các ngành công nghiệp và công nghệ cao đang được thực hiện thành công.
Tổng thống Putin cũng khẳng định thêm rằng, Ngoại trưởng Nga sẽ tổ chức các cuộc họp thường niên với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Nga sẽ tham gia các cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, và Bộ trưởng Nội vụ sẽ tham dự các hội nghị của ASEAN về an ninh.
Rõ ràng, Nga ngày thắt chặt quan hệ toàn diện với không chỉ ASEAN mà còn là cả khu vực Đông Á trong đó có cả Nhật Bản và Hàn Quốc những đồng minh của Mỹ để thoát vòng kiềm tỏa của Washington.
Bên lề hội nghị, ông Putin đã nói chuyện với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Theo truyền thông, ông Putin và ông Pence đã ngồi cạnh nhau trong phiên họp toàn thể và “họ có trò chuyện một chút”.
Alyssa Farah, thư ký báo chí của ông Pence nói rằng, ông Putin và ông Pence đã đề cập đến những vấn đề Tổng thống Trump sẽ thảo luận với Tổng thống Putin tại Argentina khi hai người cùng tham dự hội nghị thượng đỉnh đỉnh G20 sắp tới.
Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức tại Buenos Aires vào cuối tháng 11 này.
Tại Singapore ông Pence một lần nữa nhắc lại lập trường của Mỹ về việc bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo của quân đội Trung Quốc tại Biển Đông.
“Hãy để tôi được rõ ràng, Trung Quốc quân sự hóa và mở rộng lãnh thổ ở Biển Đông là bất hợp pháp và nguy hiểm. Điều này đe dọa chủ quyền của nhiều quốc gia và gây nguy hiểm cho sự thịnh vượng của thế giới”.
Ông Pence cũng tuyên bố rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump rất mong được gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh G-20.
Tuyên bố của ông Pence chẳng khác nào lời nhắc nhở của Washington với Bắc Kinh về vị thế của Mỹ tại các khu vực.
Mỹ đang cố khẳng định vị thế thống trị toàn cầu bằng cách cô lập Nga và chiến tranh thương mại với Trung Quốc nhưng dường như chiến lược này đang ngày một phản tác dụng.
Vì cùng sử dụng chiến thuật cô lập với Nga và Trung Quốc chẳng những không làm Nga suy yếu mà còn khiến Mát-cơ-va và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn. Chẳng phải đó là điều mà Washington lo ngại nhất hay sao?
http://biendong.net/bi-n-nong/24804-my-cung-luc-dau-voi-nga-trung.html
“Con đường chẳng đi tới đâu”
và cách TQ Quốc gây thanh thế ở APEC
Chủ tịch Tập Cận Bình dự APEC 2018 ở Papua New Guinea với tâm thế hoàn toàn khác các lãnh đạo thế giới bởi Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng đáng kể ở đây.
Trung Quốc đã bỏ ra 16 triệu USD xây một đại lộ trông vô cùng ấn tượng, rộng tới vài trăm mét, với 6 làn xe, 2 lối đi bộ, 3 bộ đèn giao thông và tận 5 công viên cây xanh trên chiều dài chỉ vỏn vẹn 1 km dẫn vào trung tâm hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2018 tại Papua New Guinea.
“Con đường chẳng đi tới đâu”
Vào ngày 16/11 vừa qua, cũng là ngày đầu tiên trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh của 21 nền kinh tế ở “vành đai Thái Bình Dương” này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng lãnh đạo nước chủ nhà Papua New Guinea đã chính thức khai trương đại lộ mang tên “Độc lập” (Independent) ở thủ đô Port Moresby.
Có điều, đại lộ biểu tượng cho quan hệ Trung Quốc – Papua New Guinea, đồng thời thể hiện tham vọng của Bắc Kinh muốn cạnh tranh với Australia ở ngay cửa ngõ châu lục này, lại dẫn tới một con đường nhỏ gập ghềnh dưới chân đồi. Giới phê bình đã gọi đây là “con đường chẳng đi tới đâu” như cái cách Trung Quốc đang muốn gây thanh thế ở khắp châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có APEC lần này.
Google map chưa kịp cập nhật hình ảnh song phần khoanh đỏ là nơi xây dựng đại lộ Độc lập nối tòa nhà Quốc hội (Parliament) và trung tâm hội nghị APEC (Convention Centre).
Không thể phủ nhận rằng, việc được làm chủ nhà của APEC là một vinh dự to lớn và lại càng có ý nghĩa hơn với quốc gia nghèo nhất APEC – Papua New Guinea. Vì thế chẳng có gì khó hiểu hay sai trái khi Papua New Guinea muốn chứng minh cho các nước thành viên khác rằng, nước này đã phát triển ra sao và nỗ lực hết sức cho sự kiện chính trị đầu tiên lớn như thế ở quốc đảo này.
“Cao tốc Poreporena và Đại lộ Độc lập sẽ là tâm điểm của APEC” – Thủ tướng Papua New Guinea – Peter O’Neill ca ngợi dự án do Trung Quốc tài trợ. “Những con đường này và trung tâm hội nghị sẽ không chỉ được dùng cho các nhà lãnh đạo thế giới và quan chức, khách mời tới APEC mà Papua New Guinea sẽ sử dụng những cơ sở hạ tầng này trong nhiều năm nữa”.
Nhưng không phải mọi người dân Papua New Guinea đều nghĩ như vậy, nếu không phải là một bộ phận đáng kể dư luận có nhận định ngược lại.
“Đại lộ Độc lập là một con đường tốt hoàn hảo, chỉ có điều nó chẳng dẫn đi đâu cả và ai mà biết được vì sao họ lại xây nó” – Tỉnh trưởng tỉnh Oro của Papua New Guinea, ông Gary Juffa nói.
“Bẫy nợ”
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc vung tiền khắp Nam Thái Bình Dương bởi Bắc Kinh có quá nhiều mục tiêu ở khu vực này, trong đó có việc “mua chuộc” những quốc đảo đã chính thức công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, điều mà Trung Quốc không thể chấp nhận được.
Đối với một số nước nhỏ ở khu vực này, giờ là lúc phải trả cả gốc lẫn lãi.
Như Tonga, nước đã nhận 160 triệu USD của Trung Quốc để tái thiết trung tâm thủ đô sau cuộc bạo động năm 2008, và giờ nước này đang phải vật lộn để trả lại khoản nợ chiếm gần 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ.
120 triệu USD là khoản tiền Vanuatu đã nhận từ Trung Quốc để xây cầu cảng được quảng bá là dài nhất khu vực, có thể tiếp đón từ tàu du lịch đến tàu chở containter, thậm chí là tàu chiến. Hồi tháng 4 vừa qua, chính phủ Vanuatu đã lên tiếng khẳng định, tin đồn rằng Trung Quốc muốn sử dụng cầu cảng mới này như một căn cứ quân sự chỉ là “sự suy đoán”, nhưng sự quan ngại ở trong và ngoài Vanuatu về viễn cảnh đó là điều có thật.
Một số học giả cáo buộc Trung Quốc đang rải “bẫy nợ” ở khắp nơi như một công cụ hỗ trợ cho chính sách ngoại giao của Bắc Kinh. Về cơ bản, Trung Quốc đã nhìn ra khả năng những “con nợ” của họ không thể trả nổi số tiền khổng lồ kia và chỉ chờ thời điểm thích hợp để đưa
ra những lời đề nghị “giúp” giãn nợ, giảm nợ hay xóa nợ, tùy thuộc vào độ “khó” của yêu cầu từ phía Bắc Kinh.
Bài học của Sri Lanka
Hành động gần đây của Trung Quốc ở Sri Lanka càng làm các nước nhỏ ở châu Á – Thái Bình Dương cảnh giác hơn về ý đồ thực sự của Bắc Kinh đằng sau những khoản tiền có vẻ “hào phóng” đó.
Chính phủ Sri Lanka hiện nợ Bắc Kinh tới 4 tỷ USD để thực hiện một dự án cảng biển mới, mà đến nay vẫn ngổn ngang. Khi Sri Lanka không thể trả nợ, Trung Quốc đường hoàng nắm đa số cổ phần của cảng biển này. Và một số người lo ngại họ sẽ biến nó trở thành một tiền đồn quân sự của Trung Quốc đặt sát sườn đối thủ ở khu vực là Ấn Độ.
Cũng là cảng biển, năm 2015, lãnh thổ Bắc Australia đã cho 1 công ty tư nhân của Trung Quốc thuê với giá 500 triệu USD, một bản hợp đồng mà cả đôi bên đều vui vẻ nhưng chính phủ Mỹ thì khó chịu ra mặt vì cảng biển này nằm quá gần 1 căn cứ của họ ở gần đó.
Đầu tư của Trung Quốc ở Thái Bình Dương vẫn đứng sau Australia nhưng nó đang tăng với tốc độ đáng nể, giảng viên luật kinh doanh của trường đại học Charles Darwin, ông John Garrick nhận định.
Những khoản vay của Trung Quốc quá hấp dẫn với những quốc gia nghèo “đói” cơ sở hạ tầng, khiến các khoản đầu tư cho giáo dục, đào tạo, quản trị công…, như cái cách mà Australia hay các nước phương Tây đưa ra, không thể cạnh tranh dù có hiệu quả bền vững.
Một phân tích của Reuters về 11 nước Nam Thái Bình Dương đã tổng kết rằng, các khoản cho vay của Trung Quốc ở khu vực này đã tăng từ con số gần như bằng “0” lên hơn 1,3 tỷ USD chỉ trong vòng 1 thập kỷ.
“Tín dụng mà các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đang rải ở khắp các quốc gia nghèo khổ và đang phát triển trông rất giống một hình thức ‘chủ nghĩa thuộc địa con nợ’. Điều đáng sợ là Trung Quốc đang sử dụng những khoản vay đó như là đòn bẩy để mở rộng ‘dấu chân’ quân sự của họ” – ông Garrick nhận định.
Thuyết âm mưu
Trung Quốc vẫn một mực khẳng định các khoản đầu tư nước ngoài của họ là nhằm phát triển kinh tế và xã hội.
Global Times, một “phát ngôn viên” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã phủ nhận nước này rải “bẫy nợ” ở khắp nơi. Trong 1 bài báo hồi tháng 6, tờ báo này cho rằng cái gọi là “bẫy nợ” chỉ là một “thuyết âm mưu” của truyền thông phương Tây. Trung Quốc nói rằng, cảng biển mới mà họ nắm đa số cổ phần ở Sri Lanka có tiềm năng rất lớn và “Trung Quốc luôn tuân theo nguyên tắc cùng chia sẻ tăng trưởng”.
Trở lại với “con đường chẳng đi tới đâu” ở Papua New Guinea, Global Times cho biết, đây là một “món quà” từ Trung Quốc bởi kinh phí xây dựng dự án này không phải là tiền vay mượn.
Với 800 triệu USD mà Papua New Guinea đang nợ Trung Quốc, thực tế, việc thêm khoản kinh phí đó vào chỉ là trồng thêm 1 cái cây trên núi nợ khổng lồ. Quốc đảo nhỏ bé này đang là con nợ lớn nhất của Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương.
Nợ tiền, nợ cả “tình” mà Bắc Kinh đã gửi gắm qua món quà ở APEC, Papue New Guinea sẽ khó lòng từ chối các yêu cầu của Trung Quốc.
“Con đường chẳng đi tới đâu” kia sẽ trở thành “đường cao tốc” đưa Bắc Kinh tới mục tiêu bành trướng ảnh hưởng ở Papua New Guinea.
Còn đại lộ “Độc lập” đó sẽ khiến Papua New Guinea bớt “độc lập” hơn trong những quyết sách có thể ảnh hưởng tới lợi ích của Bắc Kinh ở khu vực này
Cảnh sát phải can thiệp
vì tình trạng căng thẳng tại Hội nghị APEC
Port Moresby, Papua New Guinea – Cảnh sát đã phải can thiệp khi các viên chức Trung Cộng định xông vào văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Rimbink Pato của nước chủ nhà Papua New Guinea vào ngày thứ Bảy (17 tháng 11), trong lúc căng thẳng tại Hội nghị APEC mất kiểm soát.
Theo nguồn tin nội bộ, các viên chức Trung Cộng đã cố xông vào văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Pato để can thiệp vào một bản thông báo sơ thảo của Hội nghị thượng đỉnh, nhưng đã bị ngăn lại không cho vào. Một nguồn tin cho hay cảnh sát đã đứng canh ở ngoài văn phòng của vị bộ trưởng sau sự việc trên. Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea, ông Pato đã từ chối gặp các viên chức Trung Cộng và cho hay việc bộ trưởng thỏa thuận riêng với phía Trung Cộng sẽ là không đúng. Tuy vậy, ông cho rằng sự việc trên không phải là vấn đề lớn. Phía Trung Cộng hiện chưa có lời phát biểu chính thức về việc này.
Các nước trong khối APEC thường đồng lòng về một thỏa thuận chung nhưng các viên chức hiện đang gặp khó khăn để thống nhất các quan điểm khác nhau về chính sách thương mại do căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.
Tại Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương vào tháng 9/2018, Tổng thống Nauru đã yêu cầu Trung Cộng phải xin lỗi sau khi đại diện nước này đã rời khỏi một cuộc họp khi người điều hành không đồng ý để ông ta lấn phiên phát biểu trong lúc các lãnh đạo của quốc đảo khác vẫn còn đang sắp hàng theo thứ tự ưu tiên. Tổng thống Baron Waqa đã lên tiếng rằng Trung Cộng không phải là bạn mà chỉ muốn lợi dụng quốc gia của ông. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/canh-sat-phai-can-thiep-vi-tinh-trang-cang-thang-tai-hoi-nghi-apec/
APEC tại Papua New Guinea:
Có nên tổ chức các diễn đàn quá tốn kém?
Tổ chức thượng định và hội nghị quốc tế là những sự kiện ngoại giao nặng phần trình diễn, mà kết quả lại không bao nhiêu. Nhiều nhà quan sát lại đưa ra nhận định như trên sau thất bại từ hội nghị APEC – Papua New Guinena vừa bế mạc.
Là một trong những quốc gia nghèo nhất, chậm phát triển nhất trong diễn đàn APEC, Papua New Guinea gồng mình huy động hàng triệu đô la cho hai ngày hội nghị tại thủ đô Port Moresby. Thủ tướng Peter O’Neill tưởng chừng APEC 2018 là cột mốc quan trọng đánh dấu hoạt động ngoại giao của quốc gia nhỏ bé này trên trường quốc tế, ít ra là trong khu vực Thái Bình Dương. Tiếc là sau 48 giờ họp, lần đầu tiên trong lịch sử APEC, 21 phái đoàn đã ra về mà không ra được một bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị. Đây là một vố đau đối với nước chủ nhà.
Trước khi lãnh đạo của 21 nền kinh tế tham gia Diễn Đàn Kinh Tế Châu Á – Thái Bình Dương tập hợp về Port Moresby, một nhà quan sát thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lượng và Quốc Tế, William Reinsch nói với hãng tin Pháp AFP “mong đợi từ cuộc họp cấp cao lần này không bao nhiêu mà ngay cả những mục tiêu ít ỏi đó cũng ít hy vọng đạt được”.
Hai nhân vật chủ chốt trong số 21 lãnh đạo thành viên APEC là tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga, Vladimir Putin đều vắng mặt. Washington và Bắc Kinh, qua các phát biểu của phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã có những lời lẽ gay gắt hiếm thấy chỉ trích lẫn nhau. Bản thân diễn đàn APEC vốn được lập ra gần bốn thập kỷ nay nhằm thúc đẩy tự do mậu dịch, lần này đã trở thành đấu trường giữa Mỹ và Trung Quốc cũng trên hồ sơ thương mại.
Thất vọng về hiệu quả của APEC và thất bại của nước chủ nhà, một lần nữa làm dấy lên câu hỏi : nên hay không duy trì các cuộc họp thượng đỉnh, các hội nghị cấp cao, rất tốn kém mà kết quả lại chẳng là bao.
Hong Kong: Biểu tình tại phiên xử lãnh đạo ‘Occupy’
Hơn 100 người biểu tình bên ngoài tòa án Hong Kong hôm 19/11 để ủng hộ ba lãnh đạo của phong trào bất tuân dân sự “‘Occupy'” năm 2014.
Giáo sư luật Benny Tai, 54 tuổi, giáo sư xã hội học Chan Kin-man, 59 tuổi, và mục sư đã nghỉ hưu Chu Yiu-ming, 74 tuổi, phải đối mặt với ba tội danh về gây rối trật tự công cộng và kích động.
Trung Quốc giận dữ với nhà hoạt động Hong Kong
Biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong
Thái Anh Văn: ‘Không ai có thể ‘xóa bỏ’ Đài Loan’
TQ: ‘Giam triệu người Uighur’, phá đền thờ Hồi giáo
Biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong
Mỗi tội danh đều có mức án tối đa 7 năm tù. Sáu trường hợp khác cũng bị buộc tội trong bối cảnh quyền tự do dân sự tại trung tâm tài chính đang bị xiết lại.
Reuters tường thuật, những người biểu tình vẫy những chiếc dù vàng, biểu tượng của phong trào ủng hộ dân chủ và họ hô vang: “Chúng tôi muốn quyền phổ thông đầu phiếu.”
Một người biểu tình khác cầm một chiếc dù với dòng chữ: “Quyền cho người dân”.
Năm 2013, bộ ba kể trên bắt đầu vận động và lên kế hoạch cho chiến dịch bất tuân dân sự bất bạo động để chiếm đóng đường phố khu trung tâm Hong Kong nếu Trung Quốc không cho phép một cuộc bỏ phiếu dân chủ thực sự.
Chiến dịch “Occupy” nổ ra vào tháng 9/2014 và trở thành một phần của chuỗi thách thức đáng kể đối với các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Hàng trăm ngàn người chiếm đóng các đường phố chính của Hong Kong trong gần ba tháng.
Trong số sáu người khác phải ra tòa có hai thủ lĩnh sinh viên Tommy Cheung và Eason Chung.
Vụ này có thể tạo hệ lụy cho hàng trăm người biểu tình khác chưa bị buộc tội.
Hồi tháng 8/2018, một cuộc nói chuyện vào giờ ăn trưa của một chính trị gia Hong Kong ít tên tuổi đã thu hút sự chú ý toàn cầu về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với tự do ngôn luận ở nước này.
Andy Chan là lãnh đạo Đảng Dân tộc – đảng kêu gọi Hong Kong độc lập khỏi Trung Quốc. Đảng Dân tộc Hong Kong đang phải chịu lệnh cấm vì lập trường ly khai của mình.
Khi chính trị gia 27 tuổi này được mời đến nói chuyện tại CLB Phóng viên Ngoại giao (FCC) vào thứ Ba (13/8), nó đã gây ra những lời chỉ trích nghiêm khắc từ cả chính quyền Trung Quốc và Hong Kong, họ đã yêu cầu sự kiện này phải chấm dứt hoàn toàn.
FCC bảo vệ cuộc nói chuyện và sẽ thúc đẩy nó – với sự chú ý của truyền thông toàn cầu tập trung vào những gì có thể ít gây chú ý hoặc không gì cả.
Tại sao chính quyền Hong Kong quan tâm?
Là cựu thuộc địa của Anh, Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Nhưng nơi này được hưởng nhiều quyền tự do hơn nhờ chính sách “một quốc gia, hai hệ thống”, mà Bắc Kinh đồng ý trao cho quyền tự trị và duy trì nguyên trạng hệ thống kinh tế và xã hội trong 50 năm.
Có những mối quan tâm rộng rãi trong thành phố về việc những quyền tự do đó đang dần bị xói mòn và mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc lên Hong Kong là một vấn đề nhạy cảm.
Các cuộc biểu tình của sinh viên, kêu gọi dân chủ hơn, nổ ra năm 2014 làm tê liệt thành phố trong vài tuần. Một số nhà lãnh đạo phong trào bị kết án và thậm chí phải đối mặt với án tù. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình đó chỉ đơn thuần là về quá trình bầu cử dân chủ hơn – không nơi nào gây tranh cãi như vấn đề độc lập.
“Bắc Kinh và những nhà chức trách liên quan rất rõ về ‘ranh giới đỏ’ mà không được cho phép ở bất cứ nơi nào trong phạm vi công cộng,” Mathew Wong từ Đại học Hong Kong giải thích. “Cuộc nói chuyện của Andy Chan tại FCC là một trong số đó và là một ví dụ rõ ràng về những gì họ không muốn thấy.”
Tại sao Trung Quốc rất nhạy cảm về vấn đề này?
Trung Quốc cực kỳ – và ngày càng – nhạy cảm về những câu hỏi về chủ quyền quốc gia.
Người bán sách Hong Kong bị bắt trên tàu TQ
Hong Kong: Joshua Wong bị phạt tù lần hai
Hai tiêu điểm chính của sự nhạy cảm đó là Hong Kong và Đài Loan. Trong trường hợp Đài Loan, vị trí của Bắc Kinh là rất rõ ràng: Trung Quốc xem Đài Loan như một tỉnh ly khai thuộc Trung Quốc một cách hợp pháp.
Trong trường hợp Hong Kong, tình hình mờ nhạt hơn. Hong Kong là một phần của Trung Quốc nhưng vị thế đặc biệt của nó và những quyền tự do được trao cho công dân nơi đây có thể được coi là gián tiếp làm suy yếu sự kiểm soát cứng rắn của Trung Quốc với đại lục.
Tuy nhiên, khi nói đến các cuộc kêu gọi độc lập cho Hong Kong, trên thực tế có rất ít sự ủng hộ công khai cho những người ủng hộ như ông Chan. “Không nhiều người thực sự nghĩ rằng Hong Kong có thể tự tồn tại trên thực tế,” ông Wong nói.
Ông bổ sung rằng trong khi có nhiều người có thể lên tiếng cho tự do thảo luận những ý tưởng như vậy, họ sẽ ngần ngại làm như vậy trong trường hợp này, vì họ có nguy cơ bị xem là ủng hộ chủ nghĩa ly khai.
Vậy chính quyền đã thực sự làm gì?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi FCC hủy bỏ sự kiện này và quan chức cao cấp của Hong Kong, Carrie Lam, đã chỉ trích nó là “đáng tiếc và không phù hợp”.
Cựu lãnh đạo thành phố và người tiền nhiệm của bà Lam, CY Leung, thậm chí còn thẳng thừng hơn khi lên án sự kiện này. Trong một đăng tải công khai trên Facebook, ông nói rằng buổi nói chuyện “không có gì liên quan đến tự do báo chí”.
Ông đề cập trực tiếp FCC, nói rằng “chẳng bao lâu nữa các bạn sẽ mời những người ủng hộ Đài Loan độc lập đến nói chuyện công khai tại câu lạc bộ của mình”.
“Theo logic này, các bạn gần như chắc chắn sẽ không vạch ra lằn ranh nào chống lại tội phạm và bọn khủng bố. Như tôi nói, chúng ta cần phải lo lắng một cách nghiêm túc.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46257408
Tiêm kích tàng hình J-20 TQ: Đáng thất vọng,
“chưa đủ tuổi” để dọa F-22 và F-35 Mỹ
Xuất hiện khá ồn ào với mục đích là đối trọng với máy bay thế hệ thứ 5 của Mỹ như F-22 và F-35, tuy nhiên tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc chưa đủ đẳng cấp.
Thông điệp gửi đến những đối tác “không thân thiện”
Vào tháng 5 năm 2018, không quân Trung Quốc thực hiện cuộc diễn tập đối kháng; theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đây là cuộc diễn tập “sát điều kiện thực tế chiến đấu”; lực lượng “địch” trong cuộc diễn tập chính là không quân Đài Loan.
Sẽ không có gì đáng nói, nếu cuộc diễn tập đó không có sự tham gia của những chiếc tiêm kích tàng hình J-20 của không quân Trung Quốc; hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Việc đưa loại máy bay loại mới nhất và vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm vào tham gia diễn tập đối kháng, Trung Quốc khẳng định chiếc máy bay tàng hình dầu tiên của họ đã ổn định các thuộc tính và nhất là việc đào tạo phi công cho loại máy bay mới này đã có những thành tựu nhất định.
Nên biết rằng, trên thế giới hiện mới chỉ có Mỹ là quốc gia có kinh nghiệm trong khai thác và vận hành máy bay tàng hình.
Tuyên bố đưa J-20 vào diễn tập “sát điều kiện thực tế chiến đấu”, Trung Quốc ngầm gửi “thông điệp” đến một số “đối tác không thân thiện” rằng: Nếu cần thiết, J-20 của Trung Quốc cũng có thể sẵn sàng tham chiến; nó có thể là đối thủ xứng tầm với F-22 hoặc F-35, hoặc bất kỳ máy bay chiến đấu nào khác?
Màn trình diễn đáng thất vọng
Tuy nhiên từ những tuyên bố đến những hành động thực tiễn là những khoảng cách rất xa; theo đánh giá của giới phân tích quân sự, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc là một thất vọng tại cuộc triển lãm hàng không Chu Hải 2018 vừa qua.
Triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải là sự kiện quan trọng để quân đội Trung Quốc khoe vũ khí tiên tiến, thúc đẩy tinh thần quân đội và lòng tự hào dân tộc. Tuy nhiên, 3 chiếc tiêm kích tàng hình J-20 bay trình diễn kéo dài 6 phút tại triển lãm Chu Hải vẫn sử dụng động cơ của Nga.
Chiếc J-20 không sử dụng động cơ WS-15 mới nhất của Trung Quốc như công bố trước đó, thay vào đó vẫn đang sử dụng động cơ AL-31 được chế tạo cho tiêm kích dòng Su-27 do Nga sản xuất. Việc sử dụng động cơ AL-31F khiến J-20 không thể đạt hiệu suất và tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu thế hệ 5.
Nhưng màn trình diễn nhào lộn của J-20 có lẽ chỉ mang tính giải trí chứ không thật hữu ích trong chiến đấu, việc phô trương sức mạnh cũng không thể che lấp được những điểm yếu của không quân Trung Quốc.
J-20 xuất hiện lần đầu trước công chúng trong những bức ảnh mờ đã lưu hành trên mạng từ cuối năm 2011; các nhà quan sát nước ngoài và cả một số quan chức quân đội Trung Quốc cũng nhất trí cho rằng, Bắc Kinh cần thêm thời gian để hoàn thành một máy bay chiến đấu tàng hình thực sự.
Vẫn vướng mắc ở phần chế tạo động cơ
Thiết kế máy bay tàng hình đòi hỏi phải có những vật liệu hấp thụ radar cũng như vật liệu chế tạo động cơ.
Theo Phó giám đốc Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) Nga, Konstantin Makienko:
“Các tập đoàn lớn sẵn sàng chi hàng tỷ USD để phát triển một động cơ máy bay, tuy nhiên chi phí nghiên cứu, phát triển một công nghệ mới như vậy cũng như tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Do vậy, việc chế tạo ra những động cơ máy bay không dành cho những công ty nhỏ, ít tiềm lực”.
Theo ông Makienko, ngay cả Mỹ cũng không thể sản xuất ra toàn bộ động cơ cần thiết cho hàng không. Do đó, vấn đề phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu luôn là bài toán nan giải ngay với cả nước Mỹ.
Nước Nga là một quốc gia có lãnh thổ rộng lớn; nhưng trong lĩnh vực sản xuất động cơ máy bay thì nước Nga cũng chỉ là một nước nhỏ. Nếu không tham gia vào thị trường thế giới thì không dễ gì có thể giải quyết được.
Do vậy việc Trung Quốc tuyên bố sản xuất thành công động cơ WS-15 dùng cho tiêm kích tàng hình J-20, đáp ứng đầy đủ tiêu chí động cơ máy bay thế hệ 5 là một tuyên bố mang tính “truyền thông” nhiều hơn.
Mặc dù chưa thể chế tạo động cơ máy bay theo đúng tiêu chuẩn động cơ máy bay thế hệ 5, nhưng vào tháng 9/2017, Trung Quốc vẫn quyết định đưa J-20 vào trực chiến. Tính đến thời điểm đó, chỉ có Mỹ là quốc gia duy nhất có khả năng thiết kế, chế tạo và sử dụng các loại máy bay chiến đấu tàng hình.
Chương trình chế tạo J-20 đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc.
Và hơn thế nữa, chúng được hưởng lợi từ việc gián điệp công nghiệp chuyên nhắm vào các công ty hàng không vũ trụ Mỹ và châu Âu; cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây đã giúp chương trình chế tạo máy bay tốn kém này có những bước tiến mạnh mẽ.
“Chúng tôi đã có khả năng thiết kế và làm những gì chúng tôi muốn”, Yang Wei, Phó giám đốc khoa học và công nghệ hàng không AVIC, nói với tờ China Daily của Chính phủ vào tháng 3 năm 2018.
Máy bay chiến đấu J-20 là trọng tâm chính của các nỗ lực hiện đại hóa không quân Trung Quốc. Nguyên mẫu bay thử lần đầu tiên lần đầu tiên vào tháng 1/2012; những nguyên mẫu tiếp theo được hưởng lợi từ những thành tựu về công nghệ (kể cả tự phát triển và gián điệp công nghiệp) như các lớp sơn phủ phức tạp hơn và các cảm biến tốt hơn.
J-20 cùng với máy bay ném bom H-6K và máy bay vận tải Y-20 sẽ là xương sống của lực lượng không quân Trung Quốc. Vào giữa năm 2018, AVIC đã chế tạo khoảng 20 chiếc J-20, nhưng số lượng đó quá nhỏ so với số lượng 200 chiếc F-22 của không quân Mỹ.
“Chúng tôi không tự mãn về những gì chúng tôi đã đạt được; chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực đầu tư để hoàn thiện J-20, nhất là khả năng xử lý thông tin cũng như trang bị cho máy bay trí tuệ nhân tạo; trong tương lai đây sẽ là loại máy bay chiến đấu chủ lực của không quân Trung Quốc”, Yang nói.
Các nhà phân tích quân sự chỉ ra điểm yếu của J-20 so với các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35 do Mỹ sản xuất. Khẩu pháo phía trước của J-20 làm tăng khả năng bộc lộ tín hiệu phản xạ radar của nó; kích thước và trọng lượng lớn hơn của J-20 có thể làm giảm khả năng cơ động.
Quan trọng nhất là động cơ dùng cho J-20 là động cơ AL-31 dùng cho máy bay chiến đấu thế hệ 4, không có khả năng bay hành trình với tốc độ siêu âm, cũng như khả năng bộc lộ tín hiệu hồng ngoại rất lớn.
Hiện nay vẫn có nhiều tranh cãi rằng chiếc J-20 liệu có tính năng tàng hình hơn các loại máy bay chiến đấu cũ của Trung Quốc; nên nhớ khả năng tàng hình là khả năng giảm bộc lộ tín hiệu phản xạ của radar của máy bay chứ không phải là vô hình.
Thiếu tướng Mark Barrett và đại tá Mace Carpenter, chuyên gia Viện Nghiên cứu vũ trụ Mitchell ở Virginia, trong một nghiên cứu công bố năm 2017 cho biết:
“Khả năng tàng hình phát huy hiệu quả nhất khi được sử dụng tổng thể với các máy bay có cùng tính năng với chiến thuật hợp lý và khả năng chỉ huy, dẫn đường từ mặt đất và trên không”; mà vấn đề này, Trung Quốc cần phải có thời gian để xây dựng và hoàn thiện.
Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là sáp nhập Đài Loan, mở rộng vùng lãnh hải mà nước này đang đòi chủ quyền, khống chế các tuyến thương mại quan trọng của họ trên Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.
Cùng với đó, Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế khả năng của Hải quân Mỹ can thiệp qua chiến lược chống xâm nhập, chống tiếp cận khu vực (A2/AD), có lẽ đây là chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc.
Quan một nghiên cứu của Học viện Hải quân Mỹ cho thấy, một chiếc J-20 có khả năng khống chế hàng trăm hải lý trên biển cũng như tấn công các tàu chiến Mỹ và máy bay hải quân ở khoảng cách xa với cơ hội sống sót cao hơn các máy bay chiến đấu thế hệ cũ.
Nhưng đó là tính toán trên lý thuyết, còn trên thực tế, theo tiết lộ của tờ Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết: Trung Quốc đang phải vật lộn để sản xuất động cơ cho các máy bay phản lực thế hệ thứ năm.
Michael Raska, một giáo sư tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, đã trích dẫn trong bài viết “Những vấn đề nổi cộm trong chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5” cho biết:
“Các nhà sản xuất động cơ Trung Quốc phải đối mặt với vô số vấn đề; máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và J-31 của Trung Quốc không thể bay hành trình với tốc độ siêu âm như đối thủ là F-22 và F-35 của Lockheed Martin, mà không cần sử dụng chế độ đốt sau”.
Theo thời gian, có thể Trung Quốc sẽ khắc phục được các vấn đề của mình trong việc chế tạo động cơ. Bài báo của SCMP cho biết, một số nguồn tin cho rằng Bắc Kinh đang thuê kỹ sư nước ngoài và và đẩy mạnh việc gián điệp công nghệ để có thể chạy nước rút trong việc chế tạo động cơ máy bay.
Và cũng theo một công ty tư vấn hàng không trụ sở tại Thượng Hải (công ty Galleon) cho biết, ước tính Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 300 tỷ USD trong hai thập kỷ tới để phát triển các động cơ máy bay dân dụng và quân sự.
Tuy nhiên, trong thời gian này, máy bay chiến đấu nhiều kỳ vọng J-20 của Trung Quốc chưa phải là đối thủ của F-35 hay F-22; và trên thực tế J-20 chưa phải là mối đe dọa đối với không quân và hải quân viễn chinh Mỹ.
Dấu hiệu TQ bắt đầu nhượng bộ Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ lạc quan về giải quyết xung đột thương mại với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tỏ ý đáp ứng một phần yêu cầu của Washington.
Phát biểu với giới phóng viên tại Nhà Trắng hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ: “Trung Quốc muốn có một thỏa thuận. Họ đã gửi danh sách về những điều sẵn sàng làm”. Chủ nhân Nhà Trắng còn nói đó là một “danh sách lớn”, theo Bloomberg. Ông vẫn lặp lại cảnh báo Mỹ sẽ áp thuế lên 267 tỉ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, nhưng phát biểu thêm: “Chúng tôi có thể không cần làm điều đó”. Nhà lãnh đạo nhận định những thuế suất Mỹ áp lên hàng loạt hàng hóa Trung Quốc trong thời gian gần đây đã gây sức ép khiến Bắc Kinh phải nhượng bộ và đồng ý tiến tới một thỏa thuận thương mại mới. Cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung bùng phát từ tháng 7 và tính đến nay, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh áp thuế lên 110 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ đối tác và dừng mua những nông sản xuất khẩu chủ chốt, trong đó có đậu nành.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho hay vẫn còn “4 hoặc 5 vấn đề lớn” không nằm trong danh sách bao gồm 142 điều khoản nói trên, nhưng không cung cấp chi tiết. Bloomberg dẫn nguồn tin cấp cao từ Nhà Trắng cho hay đề nghị từ Trung Quốc không giải quyết được quan ngại của Mỹ về việc chính quyền Bắc Kinh ép buộc công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ khi làm ăn tại nước này. Ngoài ra, Trung Quốc không đề cập cáo buộc tấn công mạng nhắm vào các công ty Mỹ để lấy cắp công nghệ. Có thể đây là lý do khiến Phó tổng thống Mike Pence tiếp tục đưa ra cảnh báo cứng rắn ngày 17.11. Theo ông, Mỹ sẽ không lùi bước và thậm chí có thể tiếp tục đánh thuế lên thêm hơn 500 tỉ USD hàng hóa nếu Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu. “Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ trong nhiều năm qua. Những ngày đó đã kết thúc”, Reuters dẫn lời ông Pence nhấn mạnh.
Theo dự kiến, Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở thủ đô Buenos Aires của Argentina từ ngày 30.11 – 1.12. Một số quan chức Mỹ và giới phân tích cho rằng cuộc gặp có thể dẫn tới khả năng Bắc Kinh dừng các biện pháp trả đũa thương mại còn Washington đồng ý không thực hiện kế hoạch tăng thuế suất từ 10% hiện nay lên 25% vào tháng 1.2019 đối với khối hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD. Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhận định Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập có thể đạt được một thỏa thuận khung bên lề Hội nghị G20 và hai bên sẽ tiếp tục đàm phán kéo dài nhiều tháng sau đó. Trong khi đó, chuyên gia William Reinsch thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) dự báo kết quả khả dĩ nhất cho cuộc gặp ở Argentina là Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập sẽ giao cho cấp dưới tiến hành các cuộc đàm phán chi tiết nhưng Mỹ sẽ không chấp nhận đàm phán kéo dài quá lâu. “Tôi không thể tưởng tượng chỉ với 1 hoặc 2 cuộc gặp là có thể giải quyết tất cả những vấn đề đưa ra. Viễn cảnh khả dĩ nhất là họ cam kết đàm phán nghiêm túc”, ông Reinsch nói.
Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng về những thông tin trên nhưng tờ South China Morning Post dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ không có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến tranh thương mại. Ông còn chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ và kêu gọi bảo vệ hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời khẳng định Trung Quốc sẽ cho phép các công ty nước ngoài tiếp cận sâu vào thị trường nước này
http://biendong.net/goc-nhin-moi/24808-dau-hieu-tq-bat-dau-nhuong-bo-my.html
Tham vọng của TQ ở Nam Cực
Trung Quốc chuẩn bị xây sân bay đầu tiên và cơ sở thứ 5 ở Nam Cực, dẫn đến lo ngại về việc nước này nhảy vào tranh chấp trong khu vực.
Theo tờ Shanghai Daily, tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc đang chở 351 người và trang thiết bị trên đường đến Nam Cực để xây dựng trạm nghiên cứu thứ năm cũng như hoàn thành giai đoạn 2 của trạm nghiên cứu Đài Sơn. Bên cạnh đó, nước này còn có 3 trạm khác gồm Trường Thành, Trung Sơn và Côn Lôn ở khu vực. Đáng chú ý, đoàn cũng sẽ tiến hành nghiên cứu khả thi cho kế hoạch xây dựng sân bay trên băng cách trạm Trung Sơn khoảng 28 km.
Trước đó, giới địa chất Trung Quốc đã mất 1 năm nghiên cứu và quan trắc sự thay đổi của mặt băng để chọn địa điểm xây sân bay. Các chuyên gia cũng đặt thiết bị theo dõi khí tượng trước khi máy móc hạng nặng được đưa đến để nén lớp đất đóng băng vĩnh cửu làm đường băng dài khoảng 1,5 km. Hiện Trung Quốc có chiếc Tuyết Ưng 601 được cải tạo từ mẫu máy bay vận tải C-47 của Mỹ hoạt động tại 2 đường băng tạm của nước này ở Nam Cực. Theo tờ Science and Technology Daily thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, sân bay mới sẽ phục vụ các máy bay lớn hơn cũng như xây dựng mạng lưới giao thông hàng không ở Nam Cực trong tương lai. “Đồng thời, Trung Quốc cũng sẽ có tiếng nói trên thế giới trong việc quản lý không phận ở Nam Cực”, tờ báo viết. Chưa hết, Tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc vừa hạ thủy tàu Tuyết Long 2 trong kế hoạch đẩy mạnh hoạt động ở các vùng biển xa như Nam Cực. Con tàu dài 122,5 m và rộng 22,3 m với lượng choán nước 13.990 tấn dự kiến hoạt động vào năm 2019 với khả năng phá các lớp băng dày đến 3 m.
Trước các dự án rầm rộ của Trung Quốc ở Nam Cực, giới phân tích cảnh báo về khả năng nước này có thể tuyên bố chủ quyền tại lục địa giàu tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ, theo trang News.com.au. Hiệp ước Nam Cực không công nhận chủ quyền của bất cứ quốc gia nào tại đây nhưng Úc, Argentina, Chile, Pháp, New Zealand, Na Uy và Anh đều đơn phương đưa ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn một số khu vực. Theo Giáo sư Donald Rothwell thuộc Trung tâm luật quân sự và an ninh Úc, tình hình sẽ càng thêm phức tạp nếu có thêm một bên mới nhảy vào Nam Cực và sẽ ảnh hưởng xấu đến công cuộc bảo tồn cũng như khai thác bền vững tại vùng cực nam trái đất. “Bất cứ ai hiện diện nhiều tại Nam Cực đều quan tâm đến nguồn tài nguyên khoáng sản và thủy sản lớn ở đây”, ông nói với News.com.au. Tương tự, Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) ra báo cáo viết: “Trung Quốc đang gây dựng căn cứ để gia tăng hiện diện và có thể nhằm tuyên bố chủ quyền, đồng thời chưa bao giờ dừng khai thác khoáng sản ở Nam Cực”. Trong khi đó, Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách Mỹ (CSBA) nhận định về viễn cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc, nước có tuyên bố chủ quyền lớn nhất ở Nam Cực hiện nay. “Các bên cần có chính sách ngăn ngừa sớm mâu thuẫn và đảm bảo không xảy ra xung đột ở Nam Cực”, theo CSBA.
Trì hoãn bảo tồn
Theo Đài Deutsche Welle, các thành viên Công ước về bảo tồn nguồn lợi ở biển Nam Cực (CCAMLR) đã không thông qua được kế hoạch thành lập 3 khu bảo tồn đại dương tại cuộc họp thường niên mới đây ở Úc. Dù được EU cùng 21 nước ủng hộ, nhưng kế hoạch chưa được thông qua do thiếu phiếu thuận từ Trung Quốc, Nga và Na Uy. Kế hoạch nhằm biến 3 khu vực với tổng diện tích 1,8 triệu km2 thành các khu bảo tồn nhiều loại sinh vật như chim cánh cụt, cá voi sát thủ, cá voi xanh và hải cẩu báo với thỏa thuận cấm săn bắn và thăm dò, khai thác dầu khí.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/24807-tham-vong-cua-tq-o-nam-cuc.html
Chiến Tranh Thương Mại : Cựu trưởng đoàn
đàm phán Trung Quốc đả kích Bắc Kinh
Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc trong tiến trình gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, vào thập niên 1990, công khai phê phán chiến lược của Bắc Kinh trong cuộc đọ sức với Mỹ hiện nay. Sự kiện này cho thấy có sự chia rẽ, bất đồng trong nội bộ giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc.
Theo AFP, trong cuộc hội thảo do tạp chí kinh tế Tài Tân (Caixin) tổ chức tại Bắc Kinh ngày thứ Hai 19/11/2018, chuyên gia kinh tế Trung Quốc Long Vĩnh Đồ (Long Yong Tu) cho rằng Bắc Kinh đã sai lầm khi « tấn công vào ngành xuất khẩu nông phẩm của Mỹ » để trả đũa các biện pháp áp thuế của Washington.
Long Vĩnh Đồ là trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc đã thành công đưa Bắc Kinh gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO vào năm 2001. Ông cho biết đã khuyến cáo chính quyền Trung Quốc, trước khi để xung khắc thương mại leo thang, phải suy tính thật kỹ, làm gì thì làm không nên đụng vào nông phẩm của Hoa Kỳ. Thế mà ngay trong đợt trả đũa đầu tiên, Bắc Kinh đã tăng thuế đánh vào sản phẩm nông nghiệp và đậu nành xuất sang Trung Quốc.
Đậu nành là « lãnh vực nhạy cảm ». Đánh vào đậu nành là đánh vào quyền lợi của nông dân Mỹ, là đụng chạm đến cử tri của tổng thống Donald Trump. Chuyên gia Long Vĩnh Đồ cho biết đã giải thích rõ như thế, nhưng « kinh nghiệm đàm phán » của ông không được lắng nghe.
Long Vĩnh Đồ thuộc xu hướng chủ trương thương thuyết với Mỹ để giải quyết mọi tranh chấp chiến lược giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, theo AFP, cựu đại diện thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefski, đối tác của Long Vĩnh Đồ 20 năm trước đây, hôm nay cũng có mặt trong buổi hội thảo cho rằng hố sâu cách biệt Mỹ – Trung càng ngày càng rộng : « Kinh tế Trung Quốc và chính sách kinh tế của Trung Quốc đi theo một quỹ đạo khác, mỗi ngày mỗi tách xa kinh tế thị trường…. và từ bốn, năm năm nay, còn đi nhanh thêm ».
Năm năm nay cũng là khoảng thời gian tính từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền.
Tân Cương : Tự tố cáo để được khoan hồng,
một biện pháp trấn áp mới
Chính quyền một huyện ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, ra lệnh cho người Hồi Giáo « có quan hệ với thế lực thù địch » trong và ngoài nước, trong vòng 30 ngày phải « nộp mình để được khoan hồng ».
Theo Reuters, chỉ thị đăng trên trang mạng của chính quyền huyện Hạ Mật (Kumul theo tiếng Duy Ngô Nhĩ) ngày Chủ Nhật 18/11/2018 kỳ hạn cho dân địa phương trong vòng 30 ngày phải thú tội để tránh bị trừng phạt.
Để được tha thứ, những người phạm « tội ác », bị « ba thế lực đồi bại đầu độc », có thời hạn 30 ngày để trình diện cảnh sát, thành thật khai báo, cung cấp chứng cớ liên quan đến hành động của mình, theo thông cáo của huyện Hạ Mật, với hơn 500 ngàn dân.
Đằng sau tên gọi « ba thế lực đồi bại » – « khủng bố, ly khai và cực đoan », chính quyền Trung Quốc muốn nhắm đến Hồi Giáo. Danh sách các hành động bị xem là vi phạm pháp luật rất dài và mơ hồ, từ chuyện « tiếp xúc với các nhóm khủng bố ở nước ngoài cho đến lối sống tôn giáo » hay phá các camera nhận diện trên đường phố. Mọi hành động khuyến khích sinh hoạt theo giới luật của kinh Coran, không xem truyền hình Nhà nước, không nhận nhà cửa, trợ cấp của chính quyền, không hút thuốc lá, uống rượu, đều phải được phát hiện và báo cáo với chính quyền.
Thông cáo của chính quyền huyện Hạ Mật, Tân Cương, không nói là những người nộp mình trong thời hạn 30 ngày sẽ được khoan hồng như thế nào. Từ đầu năm nay, Bắc Kinh bị các tổ chức, báo chí quốc tế là chuyên gia Liên Hiệp Quốc tố cáo đưa hơn một triệu dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vào các nhà tù cải tạo. Bắc Kinh thì xem đó là các trường dạy nghề.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181119-tan-cuong-tu-to-cao-de-duoc-khoan-hong-mot-bien-phap-tran-ap-moi
Ấn Độ mong muốn Việt Nam ký thỏa thuận
mua bán vũ khí trị giá 500 triệu USD
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind trong chuyến thăm Việt Nam cho biết chính phủ Ấn Độ hy vọng sẽ thực hiện được khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD mà Ấn Độ đã cam kết cho Hà Nội vay để tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam. Tờ Thời Báo Ấn Độ loan tin này hôm 18/11.
Đây là khoản vay mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố cho Hà Nội vay hơn 2 năm về trước nhưng cho đến giờ hai bên vẫn chưa ký được một thỏa thuận khung để có thể thực hiện khoản vay.
Gần đây Việt Nam đã thừa nhận hợp tác quốc phòng là trụ cột quan trọng trong mối quan hệ với Ấn Độ và đã khuyến khích các cuộc trao đổi của phái đoàn cấp cao, cơ chế tham vấn, và hợp tác chặt chẽ với lực lượng vũ trang Ấn Độ.
Tờ Thời báo Ấn Độ trích các nguồn tin chính thức của Ấn Độ cho biết sự chậm trễ ký kết thỏa thuận khoản vay 500 triệu USD này có thể vì Việt Nam đang đẩy mạnh giám sát các khoản vay nước ngoài. Theo đó, Việt Nam không muốn nợ nước ngoài vượt quá 50% GDP và nợ công vượt quá 65% GDP.
Các nguồn tin ngoại giao nói với Thời Báo Ấn Độ rằng Việt Nam cũng có thể sẽ dùng khoản vay 500 triệu USD cho các mục đích khác như phát triển cơ sở hạ tầng công cộng. Tuy vậy, Ấn Độ nói với Hà Nội rằng khoản vay chỉ được dùng cho mục đích hợp tác quốc phòng.
Trước đó, Ấn Độ đã từng cho Việt Nam vay 100 triệu đô la để mua các tàu tuần tra trên biển tốc độ cao.
Các nguồn tin của Thời báo Ấn Độ loại trừ khả năng Việt Nam chậm trễ việc ký thỏa thuận vì lo ngại người láng giềng Trung Quốc.
Ông Hun Sen không cho
lập căn cứ quân sự nước ngoài ở Campuchia
Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 19/11 nói sẽ không bao giờ có một căn cứ quân sự nước ngoài nào ở nước này, sau khi có tin cho rằng Trung Quốc đang vận động cho một căn cứ hải quân ở tỉnh Koh Kong phía tây nam, theo Reuters.
Dẫn các nguồn tin ngoại giao và các nhà phân tích, tờ Asia Times hôm 15/11 cho biết Bắc Kinh đã vận động cho căn cứ hải quân ở Campuchia từ năm 2017, có thể dùng làm nơi trú đóng cho tàu hộ vệ, khu trục hạm và các tàu khác của hải quân Trung Quốc.
“Campuchia có cần phải vi phạm Hiến pháp của mình để cho phép một căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Campuchia hay không?”, Bộ trưởng Thông tin Khieu Kanharith dẫn lời Thủ tướng Hun Sen nói trên Facebook trong một cuộc họp Nội các hôm 19/11.
“Campuchia cần quân đội nước ngoài để chiến đấu với ai đây?”, vẫn ông Khieu Kanharith dẫn lời Thủ tướng Hun Sen nói.
“Và tôi không cần người nước ngoài chiến đấu trên lãnh thổ Campuchia như trong quá khứ, cũng không cho phép Campuchia trở thành một nơi để thử nghiệm ý thức hệ hay thử nghiệm vũ khí”, ông Hun Sen nói.
Căn cứ hải quân được xem là một phần dự án của Tập đoàn Phát triển Liên minh Thiên Tân (UDG) của Trung Quốc. Năm 2008, tập đoàn này bắt đầu khai thác 45.000 ha đất trong một công viên quốc gia của Campuchia trong 99 năm.
Có rất ít thông tin về dự án trị giá 3,8 tỷ đôla hoặc tiến độ của dự án này.
UDG cũng đã chi 45 triệu đôla để xây cảng, mà theo Asia Times mô tả là một căn cứ hải quân.
Công ty tư vấn phát triển Sawac có trụ sở tại Campuchia, được ủy nhiệm bởi Bộ Môi trường Campuchia, cho biết cảng có thể xử lý lên đến bốn tàu container trọng tải 20.000 tấn.
Cảng được quân đội Campuchia bảo vệ và có vẻ chưa hoàn thành khi Reuters đến thăm vào tháng Sáu.
Trung Quốc, đồng minh mạnh nhất trong khu vực của Thủ tướng Hun Sen, đã đổ hàng tỷ đôla hỗ trợ phát triển và các khoản vay vào Campuchia thông qua các khuôn khổ song phương và sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.
Sáng kiến, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013, nhằm mục đích tăng cường mạng lưới đường bộ và đường biển nối liền Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.
Nó đã thu hút một lượng lớn các dự án thương mại của Trung Quốc ở Campuchia, bao gồm sòng bạc và các đặc khu kinh tế.