Tin khắp nơi – 19/10/2017
Khủng hoảng Tây Ban Nha :
Catalunya từ chối hủy tuyên bố độc lập
Ngày 19/10/2017, lãnh đạo vùng tự trị Cataluny đòi độc lập yêu cầu có 2 tháng để đối thoại với Madrid. Thủ tướng Tây Ban Nha thông báo họp khẩn, tiếp tục tiến trình đình chỉ quy chế tự trị của vùng Catalunya.
Khủng hoảng giữa Madrid và Barcelona gia tăng : trên nguyên tắc, 10 giờ sáng nay là hạn chót để chính quyền Catalunya ra thông báo rõ ràng về tuyên bố độc lập. Thế nhưng lãnh đạo cấp vùng, Carles Puigdemont, vẫn không chùn bước và úp mở tuyên bố : Catalunya không tuyên bố độc lập, nhưng có khả năng sẽ làm điều ấy, nếu Madrid “gia tăng áp lực“.
Lập tức chính quyền Tây Ban Nha của thủ tướng Mariano Rajoy thông báo : sẽ họp khẩn vào ngày Thứ Bảy tới đây, để thông qua thủ tục “đình chỉ quy chế tự trị của vùng Catalunya“. Thủ tục này sau đó sẽ được trình lên Thượng Viện.
Từ 8 ngày qua, Madrid liên tục đe dọa sử dụng điều khoản 155 trong Hiến pháp để rút lại quy chế tự trị của vùng Catalunya. Một khi quyết định được chính thức thông qua, chính quyền trung ương Tây Ban Nha sẽ từng bước thâu tóm lại các quyền tự trị, tiếp thu từng bộ đang thuộc quyền hạn của chính quyền cấp vùng Catalunya.
Theo giới phân tích, giải pháp đối đầu này bất lợi cho cả đôi bên. Phe đòi ly khai đang đẩy Catalunya vào một vùng bất định : kinh tế bị suy yếu, công luận bị chia rẽ giữa hai giải pháp, ra đi hay ở lại trong đại gia đình Tây Ban Nha.
Về phía Madrid, việc rút lại quyền tự trị của Catalunya là một bài toán chính trị đầy rủi ro. Nếu xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên từ khi chế độ dân chủ được tái lập, Madrid sử dụng điều khoản 155 trong Hiến pháp hiện hành từ năm 1978. Việc này chắc chắn sẽ càng khơi dậy những hiềm khích và nghi kỵ của người dân Catalunya, vốn có từ thời chế độ độc tài Franco. Một số nhà quan sát lo ngại Catalunya và Tây Ban Nha khó tránh khỏi bạo động.
Tây Ban Nha sắp ngưng quy chế tự trị của Catalonia
Tin cho hay Tây Ban Nha sắp đình chỉ quy chế tự trị của Catalonia vào ngày thứ Bảy, sau khi lãnh đạo vùng này đe dọa tuyên bố độc lập.
Văn phòng chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy nói họ sẽ kích hoạt điều 155 vào ngày thứ Bảy này để áp dụng trực trị, xóa bỏ chính quyền địa phương Catalonia.
Điều 155 của Hiến pháp năm 1978 chưa từng được sử dụng trong bốn thập niên, kể từ khi Tây Ban Nha có nền dân chủ sau khi chế độ phát xít của Tướng Francisco Franco chấm dứt.
Nhà lãnh đạo Catalan, Carles Puigdemont, nói trước đó, Quốc hội vùng sẽ bỏ phiếu độc lập nếu Tây Ban Nha “tiếp tục đàn áp”.
Chính phủ Tây Ban Nha sẽ tiếp tục các thủ tục được nêu trong Điều 155 của Hiến pháp để phục hồi tính hợp pháp trong tự trị của CataloniaThủ tướng Mariano Rajoy
Một số người lo sợ những động thái này có thể gây ra bất ổn.
“Chính phủ Tây Ban Nha sẽ tiếp tục các thủ tục được nêu trong Điều 155 của Hiến pháp để phục hồi tính hợp pháp trong tự trị của Catalonia,” tuyên bố của Thủ tướng Mariano Rajoy nói.
Điều 155 của Hiến pháp 1978 của Tây Ban Nha cho phép Madrid áp đặt nguyên tắc trực tiếp trong một cuộc khủng hoảng nhưng nó chưa bao giờ được kích hoạt.
Các nhà lãnh đạo chính trị ở Madrid và Barcelona đang ở trong một tình huống đối đầu căng thẳng kể từ cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Trước đó, hôm 11/10, người đứng đầu vùng Catalonia, Carles Puigdemont và các lãnh đạo cấp vùng khác đã ký tuyên bố độc lập từ Tây Ban Nha.
Tuyên bố viết: “Chúng tôi kêu gọi mọi nhà nước và tổ chức quốc tế công nhận cộng hòa Catalonia là nhà nuớc độc lập có chủ quyền.”
Nhưng họ nói sẽ chưa tiến hành trên thực tế trong vài tuần tới để diễn ra đàm phán với chính phủ ở Madrid.
Ông Puigdemont nhấn mạnh với nghị viện rằng “ý chí của nhân dân” là tách khỏi Madrid nhưng ông muốn “giảm” căng thẳng.
Ông nói nghị viện hãy tạm thời chưa chính thức tuyên bố độc lập để có đối thoại.
Trưng cầu dân ý hôm 1/10 tại tỉnh đông bắc này với kết quả ủng hộ độc lập đã bị Tòa hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố không hợp lệ.
Lãnh đạo Catalonia chịu áp lực trước khi tuyên bố ly khai
Tây Ban Nha: Cảnh sát đàn áp trưng cầu độc lập
Trong hôm thứ Ba, ông Puigdemont nói với nghị viện Catalonia ở Barcelona rằng vùng này đã giành được quyền độc lập nhờ cuộc bỏ phiếu.
Không rõ triển vọng đối thoại chính trị với Madrid sẽ là thế nào, vì chính phủ ở Madrid đã tuyên bố không chấp nhận cuộc bỏ phiếu.
Chính phủ Tây Ban Nha sẽ họp ngày thứ Tư để ra phản ứng trước tuyên bố của ông Puigdemont.
Ada Colau, thị trưởng Barcelona là người chỉ trích cả hai phe, đã kêu gọi giảm căng thẳng.
Bà thị trưởng cảm ơn ông Puigdemont trên Twitter vì lựa chọn “đối thoại”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã kêu gọi ông Puigdemont không tuyên bố độc lập.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ chối lời kêu gọi của ông Puigdemont muốn EU làm trung gian, nói rằng Madrid có thể giải quyết vấn đề.
Chính quyền Catalonia nói 90% người bỏ phiếu đã ủng hộ độc lập, nhưng tỉ lệ đi bầu chỉ là 43%.
Catalonia là một trong những vùng giàu có nhất của Tây Ban Nha, chiếm 1/4 sản lượng xuất khẩu của cả nước.
Catalonia, một vùng khá giả với dân số 7,5 triệu người tại đông bắc Tây Ban Nha, có ngôn ngữ và văn hóa riêng.
Là khu vực có quyền tự trị cao, nhưng Catalonia không được công nhận là một quốc gia độc lập theo hiến pháp Tây Ban Nha.
Hiện Catalonia đã có lực lượng cảnh sát riêng, ‘Mossos d’Esquadra’, có quy chế truyền thanh truyền hình riêng và một số sứ bộ ngoại giao như là ‘sứ quán mini’ ở nước ngoài để thúc đẩy thương mại.
Nhưng hiện nay công tác kiểm soát biên giới, hải quan, quan hệ quốc tế, quốc phòng và ngân hàng trung ương là do chính quyền Tây Ban Nha kiểm soát.
(Tiếp tục cập nhật)
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41678790
‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ ghi vào Điều lệ Đảng?
Giới quan sát đang chờ xem liệu ‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ có được ghi vào điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc hay không.
Từ trước tới nay, chỉ có Tư tưởng Mao Trạch Đông được ghi vào điều lệ Đảng khi vị lãnh tụ còn đương quyền.
Ngay cả Đặng Tiểu Bình chỉ được thừa nhận có “lý luận” chứ chưa lên cao đến “tư tưởng”.
Bản tin tiếng Anh mới nhất của Tân Hoa Xã ghi rằng sẽ có “Tư tưởng Tập Cận Bình” bao gồm 14 nguyên tắc.
Nhưng bản tin chỉ mới có tiếng Anh chứ chưa thấy bản tiếng Trung.
Giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập
Bàn tròn thứ Năm: Bình luận và phân tích ĐH 19 của Đảng CSTQ vừa khai mạc
TQ sắp ‘sửa điều lệ Đảng’ và ‘bổ sung’ tư tưởng Tập Cận Bình
TS Vũ Cao Phan nói về ĐH19 và Tư tưởng ông Tập
Tân Hoa Xã nói Đảng Cộng sản Trung Quốc, đang tiến hành Đại hội 19, đã sáng tạo “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc cho thời đại mới”.
Nếu điều lệ Đảng được sửa đổi tại đại hội lần thứ 19 để bổ sung “Tư tưởng Tập Cận Bình”, đây sẽ là chỉ dấu chưa từng có, đưa ông Tập lên ngang hàng với Mao Trạch Đông.
Hai lãnh đạo Đảng trước đây đã có học thuyết gắn với thời kỳ họ nắm quyền.
Hồ Cẩm Đào có Quan điểm phát triển khoa học, Giang Trạch Dân có Thuyết Ba đại diện.
Nhưng liệu ông Tập Cận Bình lần này có đi xa hơn người tiền nhiệm bằng việc lấy tên mình gắn vào hệ lý thuyết mới hay không?
Trước đây chỉ có Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình.
Giới quan sát đang chờ xem rốt cuộc nền tảng lý luận của Tập Cận Bình sẽ được đặt ở vị thế nào sau Đại hội Đảng 19.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41681534
Nga: Ngôi sao showbiz tuyên bố tranh cử tổng thống
Bà Ksenia Sobchak, phóng viên truyền hình kiêm diễn viên, ngôi sao showbiz, nói sẽ tham gia tranh cử tổng thống Nga vào tháng 3/2018.
Tổng thống Vladimir Putin được trông đợi sẽ tái tranh cử đợt này.
Bà Sobchak thừa nhận mình là một ứng viên “hơi khác” và nói bà ủng hộ lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny, người bị cấm ra tranh cử.
Tuy nhiên, ông này đã cảnh báo bà không ra tranh cử và một số nhà bình luận giờ đây dự đoán phe đối lập sẽ bị chia rẽ.
Cáo buộc Trump-Nga ‘lớn hơn Watergate’
Lãnh đạo đối lập Nga bị tạm giữ
Kremlin hoan nghênh bà Sobchak ra ứng cử và nói rằng việc này đúng với hiến pháp.
Ông Navalny hiện đang phải chấp hành án tù giam 20 ngày vì đóng vai trò người tổ chức các cuộc biểu tình “không được cấp phép”.
Ông bị cấm ra tranh cử do bị tuyên tội gian lận mà ông nói là bịa đặt.
‘Trò cười’
Sarah Rainsford, phóng viên BBC tại Moscow, tường thuật:
Tin bà Ksenia Sobchak ra tranh cử được loan báo sau thời gian dài đồn đoán. Ông Alexei Navalny đã đưa quan điểm của ông về việc này ngay trước thời điểm ông bị bắt.
Blogger chống tham nhũng nói Ksenia Sobchak bị xem là “bù nhìn của Kremlin”, một “trò cười” và “người mang danh” phe đối lập, được bố trí tranh cử để tăng tính hợp pháp cho một cuộc bỏ phiếu giả cầy. Ông tỏ vẻ khinh miệt và mô tả bà là người nổi tiếng trong giới giải trí, chỉ đặt mục tiêu tăng lượt like và follower trên mạng xã hội.
Bà Sobchak phủ nhận mình là “người phá đám”, nói rằng bà sẽ rời khỏi cuộc đua nếu ông Navalny được phép ra tranh cử. Kịch bản đó có vẻ như không thể xảy ra.
Chiến dịch tranh cử của Nga bắt đầu từ khoảng hôm 7/12, khi các đảng chính trị dự kiến nhóm họp để đề cử ứng viên.
Một công dân Nga nếu không nhận được sự ủng hộ từ một đảng chính trị thì vẫn có quyền đăng ký như ứng viên độc lập nếu người này thu thập được ít nhất 300.000 chữ ký.
Tổng thống Putin, người nhậm chức tổng thống lần đầu năm 2000, vẫn chưa thông báo về khả năng ông có tái tranh cử.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41675866
TQ: Những tấm pin mặt trời dập dềnh trên nước
Trung Quốc có thể coi là đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất năng lượng mặt trời. Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế nói rằng nước này đã thiết lập lượng pin mặt trời cho ra sản lượng gấp đôi Mỹ hồi năm ngoái, và đóng góp gần nửa tổng sản lượng pin mặt trời trên toàn cầu trong năm 2016.
Trong năm nay, Trung Quốc đã mở trại pin mặt trời đặt trên mặt nước lớn nhất thế giới.
Công nghệ đặt các tấm pin hấp thụ ánh sáng mặt trời trên mặt nước giúp giải phóng mặt đất.
Một số nước khác như Nhật Bản và Anh đã có những dự án tương tự.
Mời quí vị tham quan công nghệ mới qua video.
Video do Howard Timberlake thực hiện.
http://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-41658078
Quân đội Philippines
tiêu diệt thêm một thủ lĩnh khủng bố ISIS
Trong cuộc hành quân tối thứ Hai vừa rồi nhằm tái chiếm lại thành phố Marawi, quân đội Philippines đã bắn hạ 20 tay súng ISIS, trong đó có thể có cả thủ lãnh khủng bố Mahmud Ahmad người Malaysia.
Tin này được Đại Tá Romeo Brawner, phát ngôn viên quân sự Phi thông báo ngày hôm nay, nói thêm là phải chờ kết quả thử nghiệm DNA trước khi có thể quả quyết người mới bị bắn hạ chính là kẻ cầm đầu lực lượng ISIS đang chiếm giữ Marawi trong 5 tháng qua.
Mahmud Ahmad từng là giảng viên đại học ở Malaysia, trước khi gia nhập lực lượng khủng bố ISIS, tham gia hoạt động với quân khủng bố tại Iraq và Syria hồi 2014. Tin tình báo nói rằng khi trở về lại Đông Nam A, Mahmud Ahmad không chỉ đóng vai thủ lãnh, mà còn là người tuyển mộ và đưa các tay súng nước ngoài vào Phi để hoạt động. Cũng vẫn theo tin tình báo, Mahaud Amhmad nhận trợ giúp tài chánh từ nhiều nguồn khác nhau. Đồn dãi nói rằng phần lớn nguồn cung cấp tiền bạc cho hắn ta xuất phát từ Trung Đông.
Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên quân sự Phi cũng nói quân đội đang làm chủ tình hình, dự đoán hiện chỉ còn từ 20 đến 40 tay súng ISIS trong thành phố. Cũng theo lời Đại Tá Romeo Brawner, số người thiệt mạng trong 5 tháng qua ở Marawi là 1,000 người, đa số là quân khủng bố.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ thấp kỷ lục
Tính đến tuần trước, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 44 năm qua.
Triển vọng thị trường lao động cũng được củng cố thêm nhờ một báo cáo khác hôm 19/10, cho thấy số lượng việc làm trong các hãng xưởng ở miền trung của Bờ Đông nước Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 10. Các dấu hiệu về độ vững mạnh của thị trường lao động có thể tăng cường những kỳ vọng là Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất trong tháng 12.
Bộ Lao động cho hay số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở cấp tiểu bang đã giảm 22.000 đơn, còn 222.000 đơn, sau khi được điều chỉnh theo mùa, trong tuần kết thúc vào ngày 14/10. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ tháng 3/1973.
Tuần trước đánh dấu tuần thứ 137 liên tiếp có lượng đơn khai thất nghiệp dưới ngưỡng 300.000, điều này liên quan đến thị trường lao động hoạt động tốt. Đây là khoảng thời gian kéo dài nhất kể từ năm 1970.
Thị trường lao động đang trong tình trạng gần như ai muốn có việc làm cũng có việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,2%, mức thấp nhất trong hơn 16 năm rưỡi qua.
https://www.voatiengviet.com/a/ty-le-that-nghiep-my-thap-ky-luc/4077678.html
Bộ An ninh Nội địa
thu thập thông tin mạng xã hội của người nhập cư
Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) hôm thứ Tư 18/10 đã bắt đầu thu thập một số dữ kiện của những người sử dụng các trang mạng truyền thông xã hội, chẳng hạn như “biệt hiệu, bí danh, những thông tin có thể giúp nhận dạng người sử dụng mạng xã hội, và các kết quả tìm kiếm” của tất cả những người di dân muốn nhập cảnh Hoa Kỳ.
Mặc dù biện pháp này đã được loan báo hồi cuối tháng 9, Bộ An ninh Nội địa không nói gì nhiều về cách thu thập dữ liệu, và ai sẽ được tiếp cận và nghiên cứu các dữ liệu đó.
Việc thi hành biện pháp này mở rộng hơn các nỗ lực đã có dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Người phát ngôn của DHS, bà Joanne Talbot, nói:
“Bản sửa đổi không đại diện cho một chính sách mới. “DHS, trong quá trình thực thi pháp luật và khả năng giải quyết hồ sơ nhập cư, đã và tiếp tục theo dõi các phương tiện truyền thông xã hội sẵn có để bảo vệ đất nước.”
Bản mới là một sự sửa đổi Luật về Quyền riêng tư năm 1974. Sửa đổi này bao gồm việc giám sát những người có thẻ xanh và công dân nhập tịch cũng như thân nhân của người nhập cư, bác sĩ điều trị cho họ, các quan chức thực thi pháp luật xác nhận sự hợp tác của người di dân trong cuộc điều tra, các luật sư và những người giúp đỡ người nhập cư.
Bất chấp những thách thức về mặt hậu cần, một số nhà lập pháp Mỹ trong nhiều năm qua vẫn hối thúc chính phủ hãy làm nhiều hơn để giám sát những thông tin công khai về những người tới đất nước này.
Năm 2015, sau khi những kẻ tấn công (sinh ở nước ngoài) thực hiện một vụ nổ súng bừa bãi ở San Bernadino, California, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đã đề xuất một dự luật, đòi DHS tìm kiếm các trang web truyền thông xã hội của du khách ngoại quốc và người nhập cư.
Lúc đó ông McCain nói, “điều quan trọng là chúng ta phải có các chính sách và thủ tục mạnh mẽ để kiểm tra lý lịch những thành phần cần theo dõi, nhằm phản ánh những mối đe dọa an ninh luôn thay đổi mà đất nước chúng ta đang đối mặt”.
Thay đổi trong Đạo luật về Quyền Riêng Tư
Đạo luật Bảo vệ Quyền Riêng tư được đưa ra vào năm 1974 sau khi Tổng thống Richard Nixon từ chức vì vụ tai tiếng chung quanh việc đột nhập các hồ sơ của Đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate ở thủ đô Washington. Biện pháp này được thiết kế để hạn chế khả năng của chính phủ thu thập các thông tin cá nhân.
Theo Bộ Tư pháp, bộ luật này lập ra “một bộ quy tắc về thu thập thông tin công bằng, đề ra các quy định về cách thu thập, gìn giữ thông tin, sử dụng và phổ biến thông tin về những cá nhân được lưu trữ trong các hồ sơ lý lịch tại các cơ quan liên bang”.
Bắc Kinh: Mỹ nên bỏ ‘định kiến thiên lệch’ về Trung Quốc
Trung Quốc nói nước này hy vọng Hoa Kỳ có thể bỏ định kiến của mình và nhìn Trung Quốc một cách khách quan, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi một liên minh mở rộng để kiểm soát những ảnh hưởng “bất lợi” của Bắc Kinh ở châu Á.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói với các nhà báo hôm 19/10 rằng Trung Quốc kiên định ủng hộ trật tự quốc tế trong đó Liên Hiệp Quốc đóng vai trò cốt lõi.
Trước đó, hôm 18/10, trong bài phát biểu về chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Ấn Độ tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington trước khi đi thăm nước này, ông Tillerson nói chính quyền của ông Trump muốn hợp tác sâu rộng với New Delhi và ông lên án Trung Quốc là nước đã phá hoại trật tự thế giới, xâm phạm chủ quyền của các quốc gia láng giềng và tỏ ra vô trách nhiệm với các chính sách kinh tế ‘cá lớn nuốt cá bé’ của mình.
Ngoại trưởng Mỹ nói “các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trực tiếp thách thức luật pháp quốc tế và các chuẩn mực của cả Mỹ lẫn Ấn Độ”.
CNN dẫn lời ông Tillerson nói mặc dù Hoa Kỳ mong muốn có một mối quan hệ xây dựng với Trung Quốc, nhưng sẽ không khoanh tay đứng yên đối nếu Trung Quốc “phá hoại chủ quyền của các nước láng giềng và gây bất lợi cho Hoa Kỳ và các nước bạn”.
https://www.voatiengviet.com/a/bac-kinh-my-nen-bo-dinh-kien-thien-lech-ve-trung-quoc/4077501.html
Ông Trump chống thỏa thuận lưỡng đảng
của thượng viện về Obamacare
Một thỏa thuận lưỡng đảng do hai Thượng nghị sĩ đưa ra nhằm ổn định Obamacare bằng cách phục hồi những trợ cấp cho những công ty bảo hiểm sức khỏe, đã gặp phải khó khăn vào ngày 18/10 khi Tòa Bạch Ốc nói Tổng thống Donald Trump hiện đang chống thỏa thuận này và một Thượng nghị sĩ Cộng hòa cấp cao cho biết thỏa thuận đang bị hoãn lại.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng cho thấy ông chống lại thỏa thuận được Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lamar Alexander và Thượng nghị sĩ Dân chủ Patty Murray loan báo ngày 17/10 để chống đỡ Obamacare bằng cách tái lập nhiều tỉ đô la trợ cấp của liên bang cho các công ty bảo hiểm trong vòng 2 năm để giúp những người Mỹ có lợi tức thấp được có bảo hiểm y tế.
Ngày 17/10 ông Trump nói thỏa thuận của hai Thượng nghị sĩ đề xướng là “một giải pháp ngắn hạn rất tốt” những sau đó vào cuối ngày 17/10 và sang ngày 18/10, ông Trump tuyên bố sẽ không ủng hộ kế hoạch làm giàu cho những công ty bảo hiểm.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sander nói ông Trump không ủng hộ thỏa thuận theo dạng thức hiện hành, dù bà gọi đó là “một bước tốt đẹp đi đúng hướng.”
Các công ty bảo hiểm nói không hưởng lợi từ các khoảng trợ cấp của Obamacare, nhưng chuyển trực tiếp cho người tiêu dùng để giảm bớt tiền khấu trừ cho các công ty bảo hiểm, tiền trả cho bác sĩ và những chi phí thuốc men khác đối với những người có lợi tức thấp.
Một số công ty bảo hiểm như UnitedHealth Group, Aetna Inc và Humana Inc, đã ra khỏi thị trường này vì thua lỗ. Những công ty khác gồm Anthem Inc cũng giảm một cách đáng kể sự có mặt tại những thị trường các tiểu bang.
Mỹ không liệt kê Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ
Hoa Kỳ ngày 17/10 từ chối gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ dù vẫn chỉ trích các chính sách kinh tế của chính phủ Bắc Kinh trước khi Tổng thống Trump lên đường công du Trung Quốc vào tháng sau.
Phúc trình bán niên của Bộ Tài chính Hoa Kỳ về tiền tệ nói không có nước nào đáng bị liệt kê là thao túng tiền tệ, nhưng Bộ vẫn giữ Trung Quốc trong “danh sách theo dõi” dù mức thặng dư tiền tệ toàn cầu của Trung Quốc có giảm kể từ năm 2016. Tiền của Trung Quốc, Nhân dân tệ hay đồng Nguyên, trong năm nay cũng tăng mạnh so với đồng đô la Mỹ, đảo ngược xu thế yếu hơn trong 3 năm liên tiếp.
Bộ Tài chính Mỹ viện dẫn mức thặng dư mậu dịch song phương lớn bất thường giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Thâm thủng mậu dịch Hoa Kỳ-Trung Quốc ở mức 34,9 tỉ đô la trong tháng 8.
Bốn đối tác thương mại khác nằm trong danh sách theo dõi của Hoa Kỳ trong tháng 4 gồm Nhật Bản, Hàn quốc, Đức và Thụy Sĩ vẫn còn trong danh sách. Chính quyền Mỹ nói đã rút tên Đài Loan khỏi danh sách vì Đài Loan đã giảm bớt mức độ can thiệp ngoại hối.
Phó Thống đốc Ngân hàng Ching-Long Yang nói ngân hàng trung ương Đài Loan sẽ tiếp tục đối thoại về tiền tệ với Washington.
Giới chức Bộ Tài chính Hàn Quốc phụ trách về thị trường tiền tệ nói quyết định của Washington là như dự kiến, đồng thời ghi nhận rằng thặng dư mậu dịch thu hẹp giữa Hàn Quốc với Hoa Kỳ giúp nước ông tránh bị liệt kê là “thao túng tiền tệ.”
Ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử đã đổ lỗi cho Trung Quốc “đánh cắp” việc làm của Mỹ và đánh cắp sự thịnh vượng của Mỹ bằng cách hạ giá đồng tiền Trung Quốc. Ông nhiều lần hứa sẽ liệt kê Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ trong “ngày đầu tiên” lên nhậm chức, một động thái sẽ khơi mào những cuộc thương thuyết đặc biệt và có thể đưa đến việc trừng phạt thuế quan và những động thái khác.
Tuy nhiên bình luận của Tổng thống Trump về Trung Quốc ít gay gắt hơn kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1 năm nay. Ông Trump nói ông muốn Bắc Kinh giúp làm áp lực lên Triều Tiên để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11 tới.
Các nhà phân tích thị trường tiền tệ nhìn chung không kỳ vọng chính quyền ông Trump có lập trường cứng rắn về vấn đề tiền tệ hiện nay trong khung cảnh của cuộc căng thẳng về Triều Tiên.
https://www.voatiengviet.com/a/my-khong-liet-ke-trung-quoc-la-nuoc-thao-tung-tien-te/4077065.html
Cuộc điều tra Nga-Trump còn nhiều gay cấn
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions ngày 18/10 từ chối trả lời những chất vấn của các nhà lập pháp liên quan đến nội dung các cuộc thảo luận giữa ông với Tổng thống Trump về Nga, đồng thời khẳng định ông không khai gian với Quốc hội về các cuộc tiếp xúc của ông với người Nga trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống 2016.
Trong buổi điều trần đôi lúc có phần căng thẳng trước các Thượng nghị sĩ Dân chủ, ông Sessions phủ nhận đã gây hiểu lầm cho các Thượng nghị sĩ trong buổi điều trần chuẩn nhận ông vào chức Bộ trưởng Tư pháp trước đây trong năm khi ông tuyên bố chưa từng gặp giới chức Nga trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm ngoái.
Sau khi có tiết lộ vào tháng 3 năm nay là ông Sessions đã gặp đại sứ Nga Sergey Kislyak ít nhất hai lần trong năm 2016, ông Sessions buộc phải đứng ngoài những cuộc điều tra xem Nga có can thiệp bầu cử Mỹ hay không và những phụ tá vận động tranh cử cho ông Trump có thông đồng với Nga hay không.
Washington Post vào tháng 7 loan tin là các cơ quan tình báo Mỹ bắt được những cú điện thoại trong đó đại sứ Kislyak nói với Điện Kremlin là ông đã có những cuộc thảo luận với ông Sessions về lập trường của ông Trump trong mối quan hệ Mỹ-Nga.
Bộ trưởng Tư pháp Sessions ngày 18/10 nói ông không thể nhớ lại những chi tiết cụ thể về cuộc nói chuyện đó.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy nói với ông Sessions là nhiều thành viên của ủy ban tin là ông Sessions đã khai chứng sai khi phủ nhận việc gặp người Nga trước đây.
Ông Sessions nói ông nghĩ ngữ cảnh của câu hỏi này chỉ liên hệ đến những vấn đề cụ thể liên hệ tới sự can thiệp vào chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 và khẳng định với ông Leahy rằng ông đã trả lời trung thực.
Ông cũng nhắc lại là ông không được bàn về nội dung các cuộc trao đổi mật với Tổng thống.
Những sự khước từ này càng khiến cho các nghị sĩ Dân chủ thêm bất bình với chính quyền Trump về việc mà họ gọi là hợp tác không thỏa đáng với cuộc điều tra.
Nga phủ nhận việc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và ông Trump cũng nói không có chuyện thông đồng với Nga.
https://www.voatiengviet.com/a/cuoc-dieu-tra-nga-trump-con-nhieu-gay-can/4076675.html
Ngân hàng trung ương TQ cảnh báo sụp đổ giá tài sản
Trung Quốc sẽ ngăn ngừa những rủi ro từ sự lạc quan thái quá có thể dẫn đến “khoảnh khắc Minsky”, thống đốc ngân hàng trung ương Chu Tiểu Xuyên nói hôm 18/10. Ông cho biết thêm mức nợ của doanh nghiệp hiện tương đối cao và nợ của hộ gia đình đang tăng quá nhanh.
Khoảnh khắc Minsky là sự sụp đổ đột ngột của giá tài sản sau một thời gian dài tăng trưởng, gây ra bởi nợ hoặc áp lực tiền tệ. Lý thuyết này được đặt tên của nhà kinh tế Hyman Minsky.
Những lời cảnh báo của ông Chu về những nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tương phản với quan điểm tươi hồng hơn của hầu hết các quan chức Trung Quốc.
“Nếu có quá nhiều yếu tố thuận cho tính chu kỳ trong nền kinh tế, những biến động theo chu kỳ bị phóng đại và có sự lạc quan thái quá trong giai đoạn này, tích lũy các mâu thuẫn có thể dẫn đến cái gọi là Khoảnh khắc Minsky”, ông Chu nói bên lề Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 của Trung Quốc.
Ông nói: “Chúng ta nên tập trung vào việc ngăn ngừa một sự điều chỉnh quá mạnh”. Trung Quốc sẽ kiểm soát những rủi ro từ việc điều chỉnh đột ngột đối với bong bóng tài sản và sẽ xử lý nghiêm túc những khoản nợ được cải trang thuộc về các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương, ông Chu nói.
Mặc dù vậy, mức nợ chung của Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống khi các nhà chức trách kiểm soát tín dụng chặt chẽ, ông nói.
Những lo ngại về sự gia tăng nợ nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến cho bộ phận đánh giá toàn cầu của S&P Global hạ xếp hạng tín dụng tầm quốc gia của Trung Quốc vào tháng trước, sau khi Moody’s hạ mức xếp hạng vào tháng 5.
Bộ Tài chính Trung Quốc nói việc S&P hạ bậc xếp hạng là “quyết định sai lầm”.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nói hồi tháng 8 rằng họ dự báo tổng nợ của khu vực phi tài chính của Trung Quốc sẽ tăng lên gần 300% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2022, tăng từ mức 242% trong năm ngoái.
https://www.voatiengviet.com/a/ngan-hang-trung-uong-tq-canh-bao-sup-do-gia-tai-san/4077661.html
Quebec cấm che mặt ở nơi công cộng
Những người thụ hưởng hay phụ trách những dịch vụ của chính quyền tỉnh Quebec sẽ không được phép mang mạng che mặt, theo một đạo luật được thông qua ngày 18/10 mà những tổ chức nhân quyền chỉ trích là đặt ra bên lề xã hội những phụ nữ Hồi Giáo trong một tỉnh phần lớn nói tiếng Pháp của Canada.
Đạo luật có hiệu lực vào ngày 1/7/2018 không nói rõ loại mạng che mặt nào bị cấm, nhưng tranh cãi phần lớn chú trọng vào trang phục niqab của phụ nữ Hồi Giáo, loại trang phục che hết toàn thân trừ cặp mắt.
Những người bị ảnh hưởng bởi luật này bao gồm nhân viên làm việc trong lãnh vực công như giáo chức, cảnh sát, nhân viên bệnh viện và các nơi chăm sóc sức khỏe.
Pháp đã ban hành lệnh cấm khăn che mặt, thánh giá và những biểu tượng tôn giáo trong trường học vào năm 2004. Tương tự, Quebec cũng gặp khó khăn trong việc hòa hợp tính thế tục với số dân Hồi Giáo ngày càng tăng, nhiều người là di dân Bắc Phi.
Hội đồng Quốc gia Hồi Giáo Canada bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với việc thông qua luật này và đang tìm các giải pháp pháp lý.
Luật cho phép những ngoại lệ trong một vài trường hợp, nhưng không cho biết chi tiết. Các nghị định ấn định việc luật sẽ được thi hành như thế nào chưa được ban hành.
Pháp, Bỉ, Hà Lan, Bulgaria và bang Bavaria của Đức đã áp đặt những hạn chế đối với việc che mặt hoàn toàn tại nơi công cộng. Đan Mạch đang cứu xét việc cấm này.
Các tổ chức cánh hữu cực đoan và một số truyền thông địa phương nói tiếng Pháp trong những năm gần đây đã nhắm vào những người Hồi Giáo Quebec trong khuôn khổ cuộc thảo luận về việc thích nghi văn hóa và tôn giáo tại Quebec.
https://www.voatiengviet.com/a/quebec-cam-che-mat-o-noi-cong-cong/4076654.html
Tập Cận Bình có đe dọa sự tồn vong
của đảng Cộng Sản Trung Quốc ?
Đại hội 19 đảng Cộng Sản Trung Quốc, khai mạc hôm 18/10/2017, là một diễn biến đặc biệt quan trọng đối với tương lai của xã hội Trung Quốc những năm tới. Hai câu hỏi mà nhiều người đặt ra là : trong dịp này quyền lực vốn rất lớn của ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục được khẳng định đến mức độ nào ? Cuộc phiêu lưu quyền lực của lãnh đạo họ Tập ảnh hưởng thế nào đến số phận đảng Cộng Sản Trung Quốc ? Đây cũng là vấn đề mà nhà nghiên cứu Pháp Antoine Richard tìm cách giải mã trong một bài phân tích được đăng tải trên mạng Asialyst, ngày 18/10.
Nắm quyền đến 2022 hay 2027 ?
« Mục tiêu (nắm quyền đến) 2022 hay 2027 ? » là vấn đề đầu tiên mà tác giả nhấn mạnh, thông qua ý kiến của hai nhà quan sát Choi Chi Yuk và Viola Zhou (trên South China Morning Post). Theo thông lệ, ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ chỉ định người thừa kế chức vụ tổng bí thư đảng, ngay từ 5 năm trước, tức tại Đại hội khóa trước. Theo hai nhà báo Hồng Kông, « nếu sau kỳ Đại hội này, không có người kế thừa được chỉ định nào lọt vào danh sách ủy viên thường trực Bộ Chính Trị, cơ quan quyền lực tối cao của Đảng, thì điều đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Tập Cận Bình muốn cầm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba, với tư cách tổng bí thư, hoặc với một chức vụ khác, kể từ năm 2022 ». Một người được coi là có khả năng kế thừa ông Tập, nguyên bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) vừa bị hạ bệ hồi tháng 7/2017.
Khả năng « một nhiệm kỳ thứ ba » đối với Tập Cận Bình được coi là một vấn đề chính của Đại hội 19, cho dù không được công khai thừa nhận. Theo các nhà quan sát South China Morning Post, viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi « từ 5 năm nay, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh đến đòi hỏi phá bỏ ‘‘các quy tắc ngầm’’ của Đảng và thiết lập các đường hướng chỉ đạo mới ».
Cho đến nay, dường như chủ tịch Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo giới tinh hoa tại nước này, muốn tái lập « một quyền lực mạnh », bởi nhiều người « thất vọng vì quy tắc lãnh đạo tập thể (…) kém hiệu quả dưới thời tiền nhiệm ». Cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cầm Đào bị phê phán vì đã cho phép « nổi lên một số trung tâm quyền lực đối địch, với nạn tham nhũng là hệ quả ». Thể hiện rõ cho quan điểm này là ý kiến của ông Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), một giáo sư tại Đại học khoa học chính trị và pháp lý Thượng Hải, theo đó, quyền lực trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc « được phân chia giữa 9 thành viên thường trực Bộ Chính Trị ». Và đây chính là điều cốt lõi mà ông Tập Cận Bình tìm cách xóa bỏ.
Ẩn số Vương Kỳ Sơn
Điều gì cho thấy quyết tâm thay đổi của lãnh đạo Trung Quốc được Đại hội 19 chấp nhận ? Theo nhà nghiên cứu Pháp, việc Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), cánh tay phải của Tập Cận Bình trụ lại được hay phải về hưu là một chỉ dấu quan trọng số một.
Vương Kỳ Sơn – một trong bảy thành viên viên thường trực đầy quyền uy và lãnh đạo Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương – được nhiều người gọi là « quỷ dữ » hay « bố già », chính là thủ lĩnh của « cuộc chiến chống tham nhũng », còn gọi là cuộc chiến « đả hổ, diệt ruồi » mà lãnh đạo Trung Quốc chủ trương. Ông Vương Kỳ Sơn vừa kỷ niệm sinh nhật 69 tuổi. Độ tuổi mà theo quy định sẽ buộc phải về nghỉ.
Đọc thêm : ‘‘Giấu bài’’ đến cùng : Bí quyết thâu tóm quyền lực của ‘‘Tập hoàng đế’’
Theo các nhà quan sát, nếu Vương Kỳ Sơn ở lại trong cương vị đứng đầu Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương, Tập Cận Bình sẽ không chỉ có được một trợ thủ không ai thay thể nổi trong « cuộc chiến chống tham nhũng », đồng thời cũng là cuộc chiến thanh toán các phe phái đối địch trong Đảng. Việc Vương Kỳ Sơn ở lại còn tạo nên một tiền lệ cho việc Tập Cận Bình ở lại thêm một nhiệm kỳ thứ ba, vì vào năm 2022, lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ 69 tuổi.
Tuy nhiên, trong giới quan tâm, cũng còn một kịch bản khác. Đó là ông Vương Kỳ Sơn thậm chí có thể được bổ nhiệm làm thủ tướng. Giả thuyết có vẻ huyễn tưởng này được xới trở lại sau cuộc gặp « bí mật » giữa trợ thủ số một của Tập Cận Bình với nguyên cố vấn chiến lược của tổng thống Hoa Kỳ Steve Bannon, trong chuyến công du Bắc Kinh của người khách Mỹ hồi giữa tháng 9.
Theo giáo sư đại học Thượng Hải, chuyến công du đã được giữ bí mật, và báo chí Hoa lục không được phép nói đến, bởi cũng trong thời gian này có những đồn đoán về việc thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) sẽ bị thay thế sau Đại hội 19.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Pháp, khả năng này là hoàn toàn có thể bởi Vương Kỳ Sơn được coi là « một trong các lãnh đạo hiểu biết rõ nhất » về nền kinh tế Trung Quốc. Ông Vương Kỳ Sơn từng theo dõi « các cải cách thị trường và ngân hàng công từ những năm 80, cũng như những vấn đề thương mại Mỹ-Trung » (nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 09/10).
Giải pháp « Putin hóa » và số phận đảng Cộng Sản Trung Quốc
Về mặt cảm xúc, việc Vương Kỳ Sơn nắm giữ chức vụ này rõ ràng sẽ vực dậy niềm tin cho những người thất vọng với các kết quả kinh tế 5 năm thời Tập Cận Bình. Tuy nhiên, nhà phân tích của Asialyst đặt câu hỏi : liệu việc quyền lực tập trung vào tay cặp bài trùng Tập – Vương thêm một nhiệm kỳ nữa có dẫn chế độ chính trị Trung Quốc hiện hành đi vào con đường « Putin hóa » ?
Một số dấu hiệu cho thấy phong cách lãnh đạo của Tập Cận Bình « ngày càng giống » với tổng thống Nga Putin. Nhà nghiên cứu Alexander Gabuev (văn phòng Matxcơva của viện tư vấn Carnegie) cảnh báo, nếu lãnh đạo Trung Quốc đi theo vết xe đổ của tổng thống Nga, thì các hệ quả tồi tệ đã được báo trước. Đó là kinh tế nước này sẽ trì trệ trong dài hạn, và sự trị vì dài lâu của cá nhân nhà lãnh đạo sẽ chỉ khiến cho « hệ thống (chính trị Trung Quốc) hoàn toàn mất chân đứng, không thể tiếp tục tồn tại », một khi ông Tập Cận Bình không còn đó.
Đây cũng chính là vấn đề mà một trong những chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc đương đại, ông David Shambaugh (giáo sư Đại học Georges Washington), đặt ra. Theo David Shambaugh, dự án phá hủy toàn bộ « các cơ tầng cũ » của hệ thống chính trị Trung Quốc hiện hành, để tập trung toàn bộ quyền lực trong tay, có thể kéo Trung Quốc trở lại với mô hình chính trị « gia trưởng thừa kế », nơi mọi quyền lực tập trung vào tay « hoàng đế », chứ không phải trong các định chế chính trị.
Giáo sư David Shambaugh là tác giả cuốn tiểu luận China’s Future, từng gây xôn xao công luận cách nay một năm. David Shambaugh cảnh báo « bất chấp vẻ bề ngoài, hệ thống chính trị Trung Quốc đã thối rữa (badly broken), và không ai khác biết rõ điều này hơn là đảng Cộng Sản » và « các biện pháp tàn khốc » của Tập Cận Bình đang dẫn chế độ này đến điểm tan vỡ.
***
Phá vỡ « các cơ tầng » của hệ thống quyền lực vốn có của đảng Cộng Sản Trung Quốc liệu có phải là phá hủy chính đảng Cộng Sản Trung Quốc ? Đồng thời phá vỡ khả năng tự cải cách của chế độ cộng sản Trung Quốc ? Hay ngược lại, đây chính là một phương tiện cho phép đảng này « lột xác », để tiếp tục duy trì quyền cai trị đất nước Trung Hoa, dưới sự dẫn dắt của « hoàng đế đỏ » ?… Bài phân tích của nhà nghiên cứu Pháp để ngỏ nhiều câu hỏi.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171019-tap-can-binh-co-de-doa-su-ton-vong-cua-dang-cong-san-trung-quoc
Châu Âu và Anh
bước vào vòng đàm phán thứ 5 trong không khí bi quan
Hôm nay 19/10/2017, hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Châu Âu sẽ diễn ra tại Bruxelles, chủ yếu thảo luận về cuộc thương lượng Brexit. Hội nghị bắt đầu bằng một cuộc thảo luận về chính sách nhập cư. Vấn đề vùng Catalunya đòi độc lập cũng sẽ là vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự.
Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson tổng kết bốn vòng đàm phán về Brexit:
“Tới tận đầu tháng này, những cuộc đàm phán về cuộc ly hôn giữa Anh và Liên Hiệp Châu Âu hầu như không tiến triển, vì đứng trên quan điểm của Luân Đôn, sẽ là tự sát đối với thủ tướng Theresa May, nếu bà đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào trước khi kết thúc đại hội đảng bảo thủ cầm quyền của bà. Tóm lại, bốn phiên thương lượng không hoặc gần như không mang lại kết quả gì.
Phiên thứ 5 không thực sự tái thúc đẩy cuộc đàm phán, thậm chí là ngược lại. Do vậy, 27 đối tác của bà Theresa May, nhóm họp thượng đỉnh vào hôm nay 19/10/2017 và ngày mai 20/10/2017, sẽ không thể nhận thấy được một sự tiến triển nào dù là nhỏ nhất trong cuộc thương lượng về Brexit, mà theo quy trình được chính Anh Quốc chấp nhận, thì chỉ khi đạt được những tiến bộ trong đàm phán về Brexit, mới có thể tiến hành song song cuộc đàm phán về mối quan hệ trong tương lai giữa Vương Quốc Anh và Liên Hiệp Châu Âu.
Mặc cho ý đồ của chính quyền Luân Đôn muốn gây chia rẽ giữa 27 nước thành viên, hoặc thậm chí là giữa các thành viên này với trưởng đoàn đàm phán của Liên Hiệp Châu Âu Michel Barnier, đến thời điểm hiện tại, cuộc thương lượng song song này vẫn không diễn ra. Ngược lại, Liên Hiệp Châu Âu sẽ cho nước Anh cơ hội. Do vậy, chính quyền của bà Theresa May sẽ được thông báo là châu Âu hy vọng sẽ có được những tiến triển tích cực vào trước cuối tháng 12, để các bên có thể cùng nhau nói về tương lai thời kỳ hậu Brexit“.
Trung Quốc thông báo kinh tế tăng trưởng “vững chắc”
Trong bối cảnh Đại Hội Đảng, Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc thông báo, tăng trưởng “hợp lý và ổn định”, đạt 6,8 % trong quý 3/2017. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cảnh báo thành tích có được che giấu một sự thật phũ phàng : nợ trên toàn quốc tăng mạnh.
Trong thông cáo ngày 19/10/2017 Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc cho biết, so với cùng thời kỳ năm ngoái, GDP tăng 6,8 % trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2017. Nền kinh tế thứ 2 trên thế giới trong giai đoạn tăng trưởng được đánh giá là “ổn định“. Bắc Kinh đề ra mục tiêu GDP tăng 6,5 % trong năm nay. Theo phân tích của Cơ quan tư vấn Capital Economics, trụ sở tại Luân Đôn, Anh Quốc, đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc “vững vàng“. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,6 % trong tháng 9/2017, khá hơn so với dự phóng.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF không lạc quan bằng, khi cho rằng, tăng trưởng mà Trung Quốc có được do trung ương bơm thêm tín dụng trong 6 tháng đầu năm, tăng chi tiêu công cộng và cho mở nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Đầu tư cho các dự án xây dựng tăng 7,5 % trong 9 tháng đầu năm 2017.
AFP lưu ý, trong diễn văn khai mạc Đại Hội Đảng hôm qua, khác với thông lệ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không nêu lên mục tiêu tăng trưởng cụ thể, mà chỉ nói đến những nỗ lực để chuyển đổi mô hình kinh tế Trung Quốc, chú trọng vào “chất lượng“, khuyến khích những phát minh và kêu gọi “giảm thiểu rủi ro tài chính“.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171019-trung-quoc-thong-bao-kinh-te-tang-truong-vung-chac
Mỹ: Bang Maryland
chống sắc lệnh chống nhập cư của Trump
Sau ba lần sửa đổi, sắc lệnh chống nhập cư được tổng thống Donald Trump ban hành vẫn gặp trở ngại. Ngày 18/10/2017, thẩm phán bang Maryland ra phán quyết “đình chỉ” thực thi sắc lệnh, đã được ban hành hôm 25/09/2017. Trước Maryland, thẩm phán Hawaii cũng có quyết định tương tự.
Sau hai lần phải điều chỉnh, cuối tháng 09/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump, viện lý do an ninh, ban hành sắc lệnh mới về nhập cư, quy định rõ : vĩnh viễn cấm đặt chân đến Hoa Kỳ công dân 7 nước Yemen, Syria, Libya, Iran, Somalia, Tchad và Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, vì muốn trừng phạt chính quyền của tổng thống Maduro đe dọa dân chủ Venezuela, trong sắc lệnh nói trên, Washington đã thêm vào danh sách cấm nhập cảnh vào Mỹ, các quan chức trong chính quyền Caracas.
Trên nguyên tắc, sau ba lần sửa đổi, sắc lệnh chống nhập cư của Donald Trump chính thức có hiệu lực từ hôm qua,18/10/2017. Nhưng tại thủ đô Washington đã diễn ra một cuộc tuần hành chống sắc lệnh nhập cư của Nhà Trắng. Thông tín viên Anne Corpet tường trình :
” Phiên bản thứ ba về sắc lệnh chống nhập cư của tổng thống Trump chắc chắn không phải là văn bản cuối cùng. Người biểu tình tại đây tin chắc điều ấy và họ sẵn sàng xuống đường để chống đối quyết định của Nhà Trắng.
Linda Salsour dẫn đầu đoàn tuần hành. Bà là chủ tịch một hiệp hội của người Mỹ gốc Ả Rập, có trụ sở tại New York. Bà nói : Chính quyền này ráo riết theo đuổi chính sách chống người Hồi Giáo. Sắc lệnh thứ nhất, rồi thứ nhì và đến phiên bản thứ ba. Không ai chờ đợi họ sẽ lui bước, vì vậy mà chúng tôi biểu tình hôm nay.
Bên cạnh Linda Salsour, Kay Oshell nói thêm : Chính phủ có thể đưa vấn đề ra trước Tòa Phúc Thẩm, rồi Tòa Án Tối Cao. Do vậy tôi nghĩ là cần đề cao cảnh giác và xuống đường biểu tình, chống đối sắc lệnh nhập cư của Donald Trump.
Trong đoàn người tuần hành có đông người Hồi Giáo nhưng không chỉ có thế. Victor Urecki, người Do Thái, cho biết thân phụ ông đã đến Mỹ tị nạn dưới thời Đức Quốc Xã, và ông cho rằng, hoàn cảnh của người Hồi Giáo giờ đây cũng như trường hợp của người Do Thái xưa kia mà thôi. Trong quá khứ cũng đã có nhiều người ở Mỹ không muốn đón nhận người Do Thái vì lo sợ họ cướp đi công việc làm, lật đổ cả chính phủ … Nhưng cuối cùng thì người nhập cư Do Thái đã trở thành những người Mỹ, cùng chia sẻ một giấc mơ. Victor Urecki nghĩ là với người Hồi Giáo thì cũng vậy và ông kêu gọi thể hiện tình liên đới, ủng hộ những người anh em Hồi Giáo.
Trước khách sạn của gia đình Trump ở thủ đô Washington, đoàn người biểu tình hô to khẩu hiệu ”USA, USA”. Đó là khẩu hiệu mà các thành phần ủng hộ Donald Trump luôn hô hào trong mỗi cuộc vận động tranh cử của ông”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171019-my-bang-maryland-chong-sac-lenh-chong-nhap-cu-cua-trum