Tin khắp nơi – 19/09/2018
Phụ nữ tố ông Kavanaugh muốn FBI điều tra
trước khi bà ra điều trần
Người phụ nữ tố cáo ông Brett Kavanaugh, ứng viên được Tổng thống Trump đề cử vào Tối Cao Pháp viện, về hành vi tấn công tình dục xảy ra cách đây nhiều thập niên, muốn FBI điều tra những cáo buộc của bà trước khi bà ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện, các luật sư bảo vệ cho biết hôm 18/9.
Diễn biến này càng làm trật đường rầy tiến trình chuẩn thuận ông Kavanaugh, vốn suôn sẻ trước đó. Nếu được chuẩn thuận cho chức vụ cả đời này, ông Kavanaugh có thể củng cố hơn nữa gọng kềm của phe bảo thủ tại tòa án cao nhất Hoa Kỳ.
Bà Christine Blasey Ford, một giáo sư đại học ở bang California, tố cáo ông Kavanaugh đã ném bà lên giường giở trò và tìm cách cởi quần áo bà trong khi đang say rượu tại một party ở bang Maryland vào năm 1982- thời cả hai còn là học sinh trung học. Bà nói khi bà la lên, Kavanaguh liền lấy tay bịt miệng. Bà nói trước khi chạy thoát thân, có lúc bà đã lo sợ Kavanaguh có thể vô tình giết bà.
Ông Kavanaugh bác bỏ những cáo buộc đó là “hoàn toàn sai sự thực”.
Điều tra trước khi điều trần?
Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ, cơ chế giám sát tiến trình đề cử, đã ấn định một phiên điều trần vào ngày thứ Hai sắp tới để xem xét vấn đề này, và Toà Bạch Ốc cũng cho biết là ông Kavanaguh đã sẵn sàng ra làm chứng.
Trong một bức thư gửi đến chủ tịch ủy ban là Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, các luật sư bảo vệ bà Ford nói cần phải có một cuộc điều tra của Cơ quan Điều tra Liên Bang -FBI trước khi cuộc điều trần diễn ra.
Thượng nghị sĩ Grassley thuộc Đảng Cộng hoà, nói không có lý do để trì hoãn buổi điều trần của bà Ford, và ủy ban vẫn để ngỏ lời mời bà ra điều trần vào ngày thứ Hai.
Trong một thông báo, ông Grassley giải thích rằng cuộc điều trần của Tiến sĩ Ford phản ánh những gì bà biết và nhớ về những gì đã xảy ra. Ông nói FBI hoặc bất cứ bên điều tra nào khác không có ảnh hưởng gì tới những gì mà Tiến sĩ Ford nói với ủy ban, cho nên ông không thấy có lý do để trì hoãn buổi điều trần.
Các thành viên Đảng Dân chủ vốn mạnh mẽ chống đối việc đề cử ông Kavanaugh, cũng vận động để FBI tiến hành điều tra, điều mà phe Cộng hòa cực lực bác bỏ. Ông Trump và nhiều đảng viên Cộng hòa khác nói họ thấy không cần tới FBI nhúng tay vào vụ việc này.
“Chúng ta phải tôn trọng ý kiến của Tiến sĩ Blasey Ford và hoãn lại cuộc điều trần. Một cuộc điều tra nghiêm túc phải được hoàn tất, các nhân chứng được phỏng vấn,
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, thành viên cao cấp nhất của Đảng Dân chủ tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ, nói các đảng viên Đảng Cộng hoà không coi trọng những lời tố cáo của Giáo sư Ford và đang đốt giai đoạn để mở một cuộc điều trần vội vàng, “hoàn toàn bất công.”
Bà nói: “Chúng ta phải tôn trọng ý kiến của Tiến sĩ Blasey Ford và hoãn lại cuộc điều trần. Một cuộc điều tra nghiêm túc phải được hoàn tất, các nhân chứng được phỏng vấn, những chứng cớ được kiểm chứng, và phải nói chuyện với tất cả mọi người liên quan. Chỉ tới lúc đó, chủ tịch ủy ban mới nên ấn định ngày giờ cho cuộc điều trần”.
Tổng thống Trump vẫn hậu thuẫn ông Kavanaugh
Tổng thống Donald Trump hôm 18/9 lại lên tiếng hậu thuẫn nhân vật do ông đề cử, ông Trump bày tỏ sự bất bình của ông về việc ông Kavanaugh bị săm soi vì những lời tố cáo.
Ông Trump lại chỉ trích Thượng nghị sĩ Feinstein, chất vấn tại sao bà không tiết lộ vụ việc khi biết về những lời cáo buộc đó hồi tháng 7. Ông Trump đả kích các thành viên Đảng Dân chủ là “những chính khách tồi, nhưng là những ‘kỳ đà cản mũi’ giỏi”.
Thượng nghị sĩ Feinstein lặp lại rằng quyết định công bố cho công chúng vụ việc này không phải do quyết định của bà, mà nằm trong tay bà Ford, người tố cáo ông Kavanaugh.
Người tố cáo bị dọa giết
Tiến sĩ Ford trình bày chi tiết của những cáo buộc của bà trong một bức thư gửi cho Thượng nghị sĩ Feinstein hồi tháng Bảy. Nội dung bức thư bị rò rỉ vào tuần trước, và bà Ford xác nhận lý lịch của mình trong một cuộc phỏng vấn với báo The Washington Post. Tờ báo đăng tải bài viết hôm Chủ nhật cùng với những chi tiết của cuộc tấn công mà ông Kavanaugh bị cáo buộc đã thực hiện.
Thượng nghị sĩ Feinstein đề nghị nên thẩm vấn nhiều nhân chứng, kể cả người chứng kiến vụ tấn công. Ford cho biết người chứng kiến là Mark Judge, bạn của Kavanaugh. Nhưng một luật sư đại diện cho ông Judge gửi thư cho Thượng nghị sĩ Grassley, nói rằng ông Judge không muốn lên tiếng công khai về vụ việc này, và nói thêm rằng ông không nhớ về sự kiện mà Tiến sĩ Ford kể lại trong thư tố cáo.
Judge là tác giả một quyển hồi ký xuất bản năm 1997 mang tựa đề: “Những chuyện kể của một kẻ say sỉn thế hệ X”.
Một luật sư đại diện cho bà Ford, Lisa Banks, nói với dài CNN rằng thân chủ của bà “bị sách nhiễu, nhận thư với những lời lẽ đầy hận thù, và bị dọa giết”, và ưu tiên trước mắt của bà bây giờ là bảo vệ gia đình và chính mình.
Một nghị sĩ đảng Dân chủ, ông Richard Blumenthal, nói ông Kavanaugh nên rút lui khỏi đề cử của Tổng thống Trump vào tòa tối cao.
Thượng nghị sĩ Blumenthal nói:
“Tôi tin cậy Tiến sĩ Ford, người sống sót ở đây. Bà đã can đảm bước ra, biết rằng bà sẽ phải đối mặt với một cơn ác mộng, và có nguy cơ trở thành mục tiêu bị săm soi một cách đầy ác ý.”
Không chỉ Mỹ, nhiều nước khác đang ‘tẩy chay’ TQ
Trong nhiều tháng gần đây, Đức, Pháp, Anh, Liên minh Châu Âu, Úc và Nhật Bản đều có vẻ cùng hợp lực chống lại sức mạnh đồng tiền Nhân dân tệ, dẫn chứng vì lý do an ninh quốc gia, theo tờ Bưu điện Hoa Nam.
Hồi tháng Tám, chính phủ Đức lần đầu tiên sử dụng quyền “phủ quyết” để không cho hãng Yantai Taihai, một chuyên sản xuất thiết bị hạt nhân của Trung Quốc tiếp quản công ty chuyên về hàng không vũ trụ và hạt nhân của Đức.
Vào tháng Năm, Canada cũng không cho phép một đơn vị của China Communications Construction thâu tóm công ty xây dựng Aecon của nước này
Tất cả chỉ vì một mối lo ngại: an ninh quốc gia.
Đang có một phong trào lan tỏa trên toàn cầu, kêu gọi sự cảnh giác về các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là về công nghệ, theo nhận định của một số chuyên gia.
Khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ thống lĩnh ngành công nghệ cao trong 7 năm tới, với chương trình “Made in China 2025” thì đối với phương Tây, đó nghe như “một lời tuyên chiến,”Jeremy Zucker, chuyên về thương mại quốc tế tại Washington nói với tờ Bưu điện Hoa nam.
Kết quả, khoản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc lần đầu tiên đã giảm tổng thể trên toàn thế giới kể từ 2002, xuống còn 124,6 tỷ USD so với thời kỳ đỉnh điểm là 196,15 tỷ USD năm 2016, theo như thông tin từ Hội nghị về Thương mại và phát triển của LHQ.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Hồi tháng Tư, một cơ quan giám sát của Anh đã cảnh báo chính phủ không nên hợp tác với ZTE của Trung Quốc, sau khi Mỹ cấm ZTE mua linh kiện của nước này trong 7 năm.
Khoản đầu tư trực tiếp vào Hoa Kỳ của Trung Quốc cũng giảm kỷ lục, với trong nửa năm nay chỉ đạt 1,8 tỷ USD, tức tụt hơn 90% so với năm ngoái, và thấp nhất trong 7 năm qua, theo Rhodium Group.
Tổng thống Donald Trump cũng thông qua việc mở rộng Ủy ban về Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) vào tháng trước.
Và động thái đã lan rộng các nước thuộc Liên minh Châu Âu, với Đức và Anh đang lên một số dự luật và chính sách sau khi chứng kiến nhiều thương gia Trung Quốc thâu tóm được các tập đoàn khổng lồ của hai qốc gia này.
“Về lâu dài thì đồng tiền của Trung Quốc vẫn sẽ tìm cách vươn ra ngoài – và thế giới biết rằng nó cần những đồng tiền của Trung Quốc. Nhưng hiện giờ, chủ nghĩa bảo hộ đang lên và nó không chỉ xảy ra ở Hoa Kỳ,” Edward Mermelstein, một cố vấn về đầu tư nước ngoài tại New York cho biết.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/23667-khong-chi-my-nhieu-nuoc-khac-dang-tay-chay-tq.html
Mỹ tính chuyện
hiện diện quân sự thường trực tại Ba Lan
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 18/9 tuyên bố Mỹ đang cứu xét đề nghị cho quân đội Mỹ hiện diện thường trực tại Ba Lan cũng như một chương trình bãi bỏ visa cho nước này.
“Ba Lan sẵn sàng đóng góp lớn để Hoa Kỳ đến và có mặt tại Ba Lan, và chắc chắn đây là điều chúng tôi sẽ thảo luận,” ông Trump phát biểu tại Tòa Bạch Ốc trước cuộc họp với Tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda.
“Chúng tôi đang nghiêm chỉnh cân nhắc việc này, tôi biết Ba Lan rất thích ý tưởng đó, và đây là điều chúng tôi đang cứu xét,” ông Trump nhấn mạnh.
Mỹ buộc truyền thông Trung Quốc
đăng ký như cơ quan nước ngoài
Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã ra lệnh cho hai cơ quan truyền thông hàng đầu của Trung Quốc đăng ký như cơ quan nước ngoài, trong nỗ lực chống lại các hoạt động của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng lên chính trường Mỹ. Phía Trung Quốc hôm nay 19/09/2018 kêu gọi Washington không đặt ra rào cản đối với báo chí Hoa lục.
Tờ New York Times hôm qua dẫn các nguồn tin thông thạo cho biết Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tuần trước đã yêu cầu Tân Hoa Xã và đài truyền hình nhà nước bằng tiếng Anh CGTN phải đăng ký là cơ quan nước ngoài, và việc này sẽ hạn chế các hoạt động thu thập thông tin tại Washington.
Năm ngoái, Hoa Kỳ đã buộc kênh truyền hình RT (Russia Today) và trang Sputnik của Nga phải đăng ký theo luật Foreign Agents Registration Act (FARA). Tác động của quyết định này rất lớn : RT và Sputnik không còn được cấp thẻ để tiếp xúc với các dân biểu, nghị sĩ và viên chức quan trọng của Mỹ, vì bị coi là cơ quan tuyên truyền chứ không phải cơ quan báo chí.
Tờ báo Mỹ cho biết hồi tháng Giêng, các thượng nghị sĩ Marco Robio và Patrick Leahy đã gởi thư cho bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions đòi hỏi có biện phái tương tự với Tân Hoa Xã và CGTN.
New York Times nêu ví dụ như hồi tháng 7/2016, một video dài ba phút của Tân Hoa Xã tuyên bố « chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc tại Biển Đông » đã được phát đi phát lại đến 120 lần trong một ngày, trong suốt hai tuần lễ, trên màn hình khổng lồ ngay trên quảng trường trung tâm nổi tiếng Times Square ở New York.
Hôm nay, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng, nói rằng Bắc Kinh đang thảo luận với phía Mỹ, bày tỏ hy vọng Washington sẽ không « đặt ra các rào cản cho truyền thông », không « chính trị hóa » vấn đề, « tất cả các nước phải có cái nhìn cởi mở với báo chí ». Tuy nhiên hãng tin Anh nhắc lại, Trung Quốc lâu nay vẫn phong tỏa nhiều trang web của các tổ chức báo chí nước ngoài, trong đó có cả Reuters.
Đạo luật FARA được thông qua từ năm 1938 nhằm ngăn chận các hoạt động tuyên truyền bí mật của phe quốc xã trên đất Mỹ, đòi hỏi tất cả các cơ quan và cá nhân làm công việc vận động hành lang hay giao tế cho một định chế nước ngoài phải đăng ký và cập nhật thường xuyên cho bộ Tư Pháp Hoa Kỳ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180919-my-buoc-truyen-thong-trung-quoc-dang-ky-nhu-co-quan-nuoc-ngoai
TT Maduro bị lên án vì ăn bít tết đắt tiền
trong khi dân Venezuela đói
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro ăn món bò bít tết đắt tiền và hút xì gà tại một nhà hàng “Salt Bae” ở Istanbul hôm 17/9, gây ra cơn bão chỉ trích ở trong nước, nơi nền kinh tế đang lao dốc đi đến sụp đổ và đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lương thực.
Đầu bếp nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe, thường được biết đến với biệt danh Salt Bae vì phong cách rắc gia vị đặc trưng của ông khi chế biến món bít tết, đã đăng các đoạn video lên Twitter và Instagram. Các video cho thấy ông Maduro ăn uống cùng vợ, bà Cilia Flores, trong khi ông Gökçe trình diễn các động tác cắt thịt trên bàn của họ. Một đoạn clip khác cho thấy ông Maduro đang phồng má hút xì gà.
“Đây là khoảnh khắc cả đời mới có một lần”, tiếng của ông Maduro trong video, nói với những thực khách cùng có mặt. Sau đó, các video đã bị xóa.
Đối thủ chính trị của ông Maduro đã coi bữa ăn đó là bằng chứng về việc tổng thống xem thường cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng của đất nước.
“Trong khi người Venezuela đang khốn khổ và chết đói, ông Nicolas Maduro và bà Cilia lại hưởng thụ tại một trong những nhà hàng đắt tiền nhất trên thế giới, tiêu những đồng tiền lấy cắp từ nhân dân Venezuela”, ông Julio Borges, một chính trị gia đối lập hàng đầu mới đây phải rời khỏi Venezuela để đi lưu vong, viết trên Twitter.
Thượng nghị sĩ bang Florida, Mỹ, Marco Rubio cũng góp tiếng nói trên Twitter. Ông lên án khung cảnh đó: “Tôi không biết người này là ai #Saltbae, nhưng vị khách mà anh ta tự hào phục vụ không phải là Tổng thống #Venezuela. Hắn ta là tên độc tài thừa cân của một quốc gia nơi mà 30% dân số chỉ ăn một bữa mỗi ngày và trẻ sơ sinh đang bị suy dinh dưỡng”.
Nghiên cứu của một trường đại học được công bố vào tháng 2 cho thấy 87% người Venezuela hiện đang sống trong nghèo đói. Lạm phát phi mã và giá lương thực tăng cao đồng nghĩa với việc nhiều người đang phải bỏ bữa – một hiện tượng được gọi là “chế độ ăn kiêng Maduro” vì vị tổng thống đang bị tấn công từ tứ phía đã nói rằng nhịn ăn “làm cho bạn rắn rỏi”.
Theo một cuộc khảo sát năm 2016, 72,7% số người được hỏi cho biết họ đã sụt cân trong năm trước, mất trung bình 8,7 kg. Mức sụt cân trung bình còn cao hơn một chút đối với những người sống trong tình trạng nghèo khổ cùng cực.
Số lượng người tham gia khảo sát nói họ ăn hai bữa hoặc ít hơn mỗi ngày là gần gấp ba lần so với cuộc khảo sát năm trước, tăng từ 11,3% năm 2015 lên 32,5% năm 2016. Dựa trên dữ liệu đó, các tác giả của cuộc nghiên cứu ước tính khoảng 9,6 triệu người Venezuela ăn hai bữa ăn hàng ngày hoặc ít hơn.
(CNN, New York Post)
Việt Nam bị tố cáo vi phạm nhân quyền
tại kỳ họp lần thứ 39 của Hội đồng Nhân quyền LHQ
Hai tổ chức Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Hành động Chung cho Nhân quyền (AEDH) lên tiếng cáo buộc Chính phủ Hà Nội ngăn cản tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình, tự do tôn giáo và phúc trình dối gạt Liên Hiệp Quốc (LHQ) về thực tế vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Thông cáo báo chí của Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cho biết tại khóa họp lần thứ 39 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, vào chiều ngày 18 tháng 9, đại diện cho VCHR và AEDH, ông Võ Văn Ái tố cáo nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền người Việt cũng như người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, qua trường hợp bà Debbie Stothard-Tổng Thư ký Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền (FIDH) bị Hà Nội cấm nhập cảnh khi bà đến tham dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới về Đông Nam Á 2018 vào ngày 9 tháng 9 vừa qua.
Ông Võ Văn Ái nhấn mạnh rằng VCHR và AEDH vô cùng quan ngại về sự đàn áp khủng khiếp của nhà cầm quyền Việt Nam chống lại tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình và tự do tôn giáo tại Việt Nam bằng các bản án tù tiếp nối lên đến 20 năm dành cho những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền ở trong nước Việt Nam.
Đại diện của VCHR và AEDH còn cáo buộc bản dự thảo phúc trình của Việt Nam chuyển đến cho LHQ trước kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR), sẽ diễn ra vào tháng Giêng năm 2019, che giấu các vi phạm nhân quyền và cố tình che đậy thảm trạng nhân quyền tại Việt Nam bằng những thông tin sai lệch.
ICC mở cuộc điều tra vụ Rohingya
Tòa án Hình sự Quốc tế mở một cuộc thẩm tra sơ bộ về tội ác nhắm vào người thiểu số Hồi giáo Rohingya mà chính quyền Myanmar bị cáo buộc.
Động thái này có thể mở đường cho một cuộc điều tra đầy đủ về cuộc đàn áp quân sự của Myanmar khiến hàng ngàn người thiệt mạng và hơn 700.000 người phải di tản.
Tháng trước, Myanmar bác bỏ một báo cáo của Liên Hiệp Quốc kêu gọi điều tra về tội diệt chủng đối với các tướng lĩnh quân đội nước này.
Nghị sĩ ASEAN đòi ICC ‘điều tra Myanmar’
‘6.700 người Rohingya bị giết trong một tháng’
LHQ: Khủng hoảng Rohingya là ‘thảm họa nhân đạo’
Myanmar: Quân nổi dậy tuyên bố tạm ngừng bắn
Quân đội Myanmar trước đây tuyên bố họ không làm gì sai trái trong cuộc khủng hoảng Rohingya.
Tuy nhiên, báo cáo của họ đã bị các nhóm nhân quyền chỉ trích như là toan tính “thanh lọc sắc tộc”.
Quân đội đã phát động một cuộc đàn áp tại bang Rakhine năm ngoái sau khi các chiến binh Rohingya tiến hành các vụ tấn công chết người tại đồn cảnh sát.
Hàng trăm ngàn người đã chạy trốn sang Bangladesh.
Ngày càng có thêm những cáo buộc lạm dụng nhân quyền, gồm giết người tùy tiện, hãm hiếp và đốt làng.
‘Hành vi cưỡng bách’
Hôm 18/9, công tố viên ICC Fatou Bensouda cho biết bà quyết định “thực hiện cuộc thẩm tra sơ bộ về tình hình Rohingya”.
Bà Bensouda cho biết cuộc điều tra chính thức của ICC có thể tập trung vào một số “hành vi cưỡng bách” dẫn đến việc “ép buộc di tản” nhắm vào người Hồi giáo Rohingya.
Bà nói thêm rằng tòa án đặt tại The Hague sẽ xem xét liệu cuộc bức hại hay “những hành vi vô nhân đạo khác” đóng vai trò thế nào trong vụ khủng hoảng Rohingya.
Trong khi Myanmar không phải là một thành viên của ICC, các thẩm phán phán quyết rằng tòa án vẫn có thẩm quyền xét xử bất kỳ tội danh nào bị cáo buộc nhắm vào người Rohingya, vì Bangladesh là thành viên ICC.
Thông báo của ICC được phát đi trong bối cảnh Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt dự kiến đến Myanmar hôm 19/9 để họp với các nhà lãnh đạo nước này.
Ông Hunt, người sẽ tới thăm bang Rakhine và cũng sẽ gặp bà Aung San Suu Kyi, người gần đây nói rằng lẽ ra chính phủ của bà có thể đã xử lý vụ Rohingya khác đi.
Trước đó, 132 nghị sĩ của 5 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức các nghị sĩ Đông Nam Á về nhân quyền (APHR) ra tuyên bố chung kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) điều tra “hoạt động giết người ở Bang Rakhine” của quân đội Myanmar cách đây một năm.
Mặc dù chỉ có nghị sĩ của 5 quốc gia là Indonesia, Malaysia, Phillipines, Đông Timor và Singapore đứng ra kêu gọi, đây được xem là sự lên án thống nhất nhất trong khu vực Đông Nam Á về vấn đề bạo lực ở bang Rakhine của Myanmar.
“Tôi cùng với 131 nghị sĩ được bầu chọn kêu gọi các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) ngay lập tức đưa vụ việc ở Myanamar ra Tòa án Hình sự Quốc tế. Những người ở Myanmar chịu trách nhiệm về tội ác khủng khiếp này phải bị quy trách nhiệm; họ không thể được tự do để có thể tái phạm trong tương lai”, ông Charles Santiago, chính trị gia Malaysia và là thành viên của APHR được báo chí khu vực trích lời.
Một nghị sĩ khác, bà Eva Kusuma Sundari, thành viên Hạ viện Indonesia cho rằng đã đến lúc các quốc gia Asean cần “gạt bỏ chính sách ‘không can dự’ và thực thi hành động chính đáng”, cũng theo trang Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng 23/8.
“Công lý cho Rohingya là một vấn đề vượt tầm chính trị khu vực – nó liên quan đến cả nhân loại”, bà nói thêm. “Chúng tôi không thể cho phép những hành động tàn bạo này diễn ra ở một trong các quốc gia thành viên của chúng tôi mà không bị trừng phạt gì.”
Trong một động thái được coi là nỗ lực để xoa dịu cộng đồng quốc tế, chính phủ Miến Điện đã công bố hồi tháng Bảy rằng họ đang mở một ủy ban điều tra khác để điều tra các cáo buộc về vi phạm nhân quyền ở bang Rakhine.
Kể từ khi hoạt động bạo lực nhắm vào người Rohingya của quân đội Myanmar bùng phát hồi cuối tháng 8/2017, đã có hơn 700.000 người di cư sang Bangladesh và 25.000 người bị giết, cùng với nhiều làng mạc bị phá hủy và phụ nữ bị cưỡng hiếp.
Người Rohingya là nhóm người thiểu số Hồi giáo không có tổ quốc sống ở bang Rakhine, nơi đa số dân là người Phật giáo.
Từ lâu họ không được thừa nhận ở Myanmar, nơi chính quyền cấm sử dụng cái tên ‘Rohingya’ mà chỉ cho phép báo chí coi đây là người ‘tỵ nạn trái phép từ Bangladesh’.
Quân đội Miến Điện nói họ chỉ đáp trả những cuộc tấn công của nhóm vũ trang Rohingya và phủ nhận tin rằng họ nhắm vào thường dân.
Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới đã lên án hoạt động bạo lực này của quân đội Miến Điện và cho rằng có ‘thanh lọc sắc tộc’ ở đây.
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Asean), nơi Myanmar là một nước thành viên, đã bị cáo buộc là làm ngơ trước khủng hoảng Rohingya mà không có bất kỳ hành động can thiệp nào.
ICC được thành lập theo Quy chế Rome vào năm 2002, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan với hơn 120 quốc gia đã phê chuẩn quy chế này.
ICC chỉ thực hiện thẩm quyền xét xử khi một quốc gia không thể hoặc không muốn tiến hành điều tra và xét xử những người phạm tội nghiêm trọng như tội ác chống lại loài người, diệt chủng, các tội ác chiến tranh.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45561015
Nga triệu đại sứ Thụy Sĩ về tố cáo do thám
Bộ Ngoại giao Nga ngày 18/9 loan báo đã triệu đại sứ Thụy Sĩ tại Moscow Yves Rossier đến Bộ Ngoại giao, yêu cầu giải thích về việc Thụy Sĩ tố cáo Nga có hoạt động do thám.
Diễn tiến này xảy ra sau khi Thụy Sĩ, trong tuần này, lên tiếng đề nghị Nga chấm dứt các hành động gián điệp trên lãnh thổ Thụy Sĩ sau khi phanh phui hai trường hợp tình nghi gián điệp.
Máy bay Nga bị bắn hạ tại Syria :
Putin và Netanyahu đấu dịu
Tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tìm cách dập tắt khủng hoảng sau vụ một chiếc máy bay quân sự Nga bị trúng tên lửa phòng không của Syria bắn trả một phi vụ oanh kích của Israel vào chiều 17/09/2018 ở vùng Lattaquié.
Thoạt đầu, Matxcơva trút cơn giận vào Israel. Theo bộ quốc phòng Nga, 4 chiến đấu cơ Israel đã « cố tình » phủ sóng ra-đa máy bay Nga, khiêu khích phòng không Syria phóng tên lửa S-200 gây cái chết cho 15 quân nhân Nga. Nhân vật số hai của Đại sứ quán Israel đã bị bộ ngoại giao Nga triệu mời.
Nhưng vài giờ sau đó, trưa ngày 18/09, trong cuộc điện đàm với thủ tướng Israel, tổng thống Nga tỏ thái độ hòa dịu, nhìn nhận « một loạt tình huống không may đã xảy ra cùng lúc ». Theo thông cáo của điện Kremlin, tổng thống Putin yêu cầu Israel tránh để « tái diễn tình trạng tương tự ».
Về phần Israel, thủ tướng Netanyahu đề nghị giúp Nga mở cuộc điều tra, nhưng khẳng định « tiếp tục can thiệp chống âm mưu của Iran bám trụ tại Syria ». Trong một hành động được xem là hiếm hoi, bộ quốc phòng Israel tỏ ý « thương tiếc » các quân nhân Nga thiệt mạng và nhìn nhận các chiếc F-16 đã oanh kích một căn cứ quân sự Syria để phá hủy các linh kiện dùng lấp ráp vũ khí do Iran cung cấp cho Hezbollah-Liban.
Pháp tố Nga tung tin giả trong vụ máy bay rơi
Đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ, ông Gérard Araud hôm qua 18/09/2018 tố cáo Nga khởi động « cỗ máy tin giả », sau khi Matxcơva cáo buộc quân đội Pháp trong vụ chiếc máy bay quân sự Nga bị bắn rơi ở Syria.
Bộ Quốc Phòng Nga sáng qua khẳng định chiến hạm Pháp « Auvergne » đang công tác tại Trung Đông, vào tối thứ Hai 17/9 đã bắn đi một loạt hỏa tiễn. Bộ Tổng tham mưu Pháp kiên quyết bác bỏ thông tin này, khẳng định không hề liên can.
Sau đó phía Nga mới nói rằng chiếc phi cơ trinh sát chở theo 15 quân nhân đã bị lực lượng Syria, liên minh của quân Nga bắn nhầm, do hành động « thù địch » của phi cơ Israel.
Trên Twitter, nhà ngoại giao nổi tiếng thẳng thắn đã phản ứng : « Cỗ máy tin giả của Nga đã phát khùng : họ cáo buộc Pháp đã bắn rơi một máy bay Nga (mà thực ra chiếc máy bay này là nạn nhân của hỏa tiễn Syria ‘bạn bè’) ».
Bất chấp đính chính của Bộ Tổng tham mưu Pháp, truyền thông Nga vẫn tiếp tục nêu ra trách nhiệm được cho là của Paris. Một chuyên gia quân sự nói với hãng tin nhà nước Tass là « các vụ bắn hỏa tiễn » của chiến hạm Pháp đã góp phần gây ra sự cố.
Chiến hạm đa nhiệm (FREMM) Auvergne hiện diện tại khu vực phía đông Địa Trung Hải trong khuôn khổ hoạt động của liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria và Irak.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180919-may-bay-nga-bi-ban-ha-tai-syria-putin-va-netanyahu-dau-diu
Vì sao Nga bị cáo buộc « can thiệp » vào Macedonia ?
Ngày thứ Hai 17/09/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã ghé thăm Skopje để ủng hộ cho phe chủ trương đổi tên nước trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, đồng thời ngăn chặn điều mà ông gọi là « chiến dịch gây ảnh hưởng » của Nga chống lại cuộc bỏ phiếu này.
Vì sao Nga bị tố cáo can dự vào cuộc bỏ phiếu này ở Macedonia ? Báo La Croix ngày 18/09/2018 giải mã.
Chuyến thăm Macedonia của ông Jim Mattis diễn ra trong bối cảnh nào ?
Người dân Macedonia, ngày Chủ Nhật 30/9 này, thông qua lá phiếu phải cho biết ý kiến về thỏa thuận ký kết ngày 17/06/2018 với Hy Lạp, theo đó, nước Cộng hòa Nam Tư Macedonia cũ đổi tên thành « Cộng hòa Bắc Macedonia ». Thỏa thuận này còn mở đường cho quốc gia này gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO và tiến hành đàm phán gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.
Cuộc trưng cầu dân ý mang tính tham vấn này sau đó phải được 2/3 số dân biểu tại Nghị Viện thông qua trong khuôn khổ dự thảo sửa đổi Hiến Pháp. Kể từ khi quốc gia thuộc Liên Bang Nam Tư cũ này độc lập vào năm 1991, Hy Lạp phản đối việc giữ tên Macedonia, vốn dĩ cũng là tên của tỉnh phía bắc Hy Lạp. Quyền phủ quyết của Hy Lạp đang gây trở ngại cho Macedonia trong tiến trình gia nhập NATO và Liên Hiệp Châu Âu.
Nga can thiệp như thế nào ?
Chính phủ Nga tiến hành chiến dịch đưa tin giả nhằm khuyến khích cử tri Macedonia tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý. Nếu như số người đi bỏ phiếu thấp dưới một nửa so với số người đăng ký, thỏa thuận sửa đổi tên nước được ký với Hy Lạp sẽ phải đưa trở về Nghị Viện để phê chuẩn. Theo nhiều quan chức phương Tây và Macedonia, chính quyền Matxcơva huy động mọi công cụ : hỗ trợ tài chính cho các nhóm và cá nhân thân Nga, phát tán tin giả trên mạng xã hội và trên các trang mạng, lựa chọn hỗ trợ các nhóm cổ động viên bóng đá và các băng đảng mô-tô.
Hành động can thiệp của Nga đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Matxcơva và Athene hồi tháng 7/2018. Hy Lạp đã trục xuất hai nhà ngoại giao Nga vì bị cáo buộc có ý đồ hối lộ các quan chức có ý định ủng hộ phe chống thỏa thuận ngày 17/6. Hy Lạp còn cấm hai công dân Nga đặt chân vào lãnh thổ Macedonia trong vòng hai năm.
Tỷ phú Hy Lạp gốc Nga, Ivan Savvidis, chủ nhân câu lạc bộ bóng đá Thessalonique, dường như đã chi ra hàng trăm nghìn euro để tài trợ cho phe chống thỏa thuận ở Skopje.
Điện Kremlin phủ nhận mọi sự can thiệp trong chiến dịch chuẩn bị trưng cầu dân ý, nhưng công khai phản đối việc mở rộng khối NATO đến tận Macedonia. Trả lời phỏng vấn cho trang mạng thông tin Nova Makedonija của Macedonia vào cuối tháng Tám vừa qua, ông Oleg Shcherbak – đại sứ Nga tại Skopje, đã tố cáo phương Tây đã « gây áp lực truyền thông và tâm lý mạnh mẽ » lên cử tri. Ông cảnh báo : Macedonia « nghiễm nhiên trở thành một mục tiêu » trong trường hợp có xung đột giữa Nga và NATO.
Từ nhiều năm qua, Nga đã hoạt động tích cực nhằm ngăn chận ảnh hưởng của phương Tây tại vùng Balkan. Nhất là, Matxcơva tạo dựng nhiều mối liên hệ với các lãnh đạo Serbia và Cộng hòa Serbia thuộc Bosnia và Herzegovina, và đầu tư xây dựng nhiều cơ sở năng lượng cũng như là truyền thông. Năm 2017, tại Cộng hòa Montenegro, điện Kremlin đã làm hết sức ủng hộ phe chống việc nước này gia nhập NATO nhưng bất thành.
Phương Tây phản ứng như thế nào ?
Chuyến thăm Skopje của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Jim Mattis, được cho là một sự ủng hộ đối với thủ tướng Zoran Zaev, người ủng hộ thỏa thuận, đồng thời còn gây áp lực với tổng thống Gjorge Ivanov, thân với phe hữu chủ nghĩa dân tộc và công khai phản đối thỏa thuận.
Trước bộ trưởng Mỹ, nhiều lãnh đạo phương Tây khác như thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini và thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng đã lần lượt đến Skopje để kêu gọi người dân Macedonia nắm lấy « cơ hội lịch sử ». Hoa Kỳ đã viện trợ khoảng 750 triệu đô la cho Macedonia từ năm 1991, trong đó có 5 triệu hỗ trợ quân sự.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180919-vi-sao-nga-bi-cao-buoc-%C2%AB-can-thiep-%C2%BB-vao-macedonia
Đức : Angela Merkel cách chức lãnh đạo sở phản gián
Tại Đức, để cứu liên minh cầm quyền sau nhiều tuần lễ tranh cãi, ngày 18/09/2018, thủ tướng Angela Merkel quyết định cách chức Hans-Georg Maassen, giám đốc cơ quan phản gián, bị nghi là thông đồng với các nhóm cực hữu bài ngoại. Tuy nhiên, nhân vật này sẽ nhận chức mới là « thứ trưởng của bộ trưởng Nội Vụ » Horst Seehofer, một người chống lại chính sách nhập cư của thủ tướng Merkel.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut tường thuật :
« Một tấn thảm kịch trong một vở tuồng hài », « một màn diễu dở », người ta có thể đọc những phản ứng chua cay đầu tiên trên báo chí Đức. Đối lập cũng chỉ trích dữ dội thỏa hiệp của hai đảng lớn trong liên minh cầm quyền. Lãnh đạo đảng cánh tả Die Link cũng như các chính trị gia trong phong trào sinh thái lên án « một âm mưu không tưởng tượng được » và « một trò hề tưởng thưởng cho kẻ phản bội ».
Thỏa hiệp này giúp chính phủ liên minh tránh được khủng hoảng chính trị và cứu cho đảng Dân Chủ Xã Hội và đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo không bị mất mặt, cho dù bị công luận chê trách. Đảng Dân Chủ Xã Hội, vẫn đòi giám đốc an sở phản gián Hans-Georg Maassen từ chức, đã đạt được mục đích. Nhưng bộ trưởng nội vụ Horst Seehofer, thượng cấp của đương sự, nhất quyết không nhượng bộ : Hans-Georg Maassen sẽ được bổ nhiệm làm thứ trưởng nội vụ trong nay mai. Đã vậy, ngoài việc được thăng chức, ông ta còn được lên lương. Đa số dân Đức muốn giám đốc phản gián từ chức sau khi ông phủ nhận tính xác thực của một đoạn băng ghi hình ảnh nhiều di dân nước ngoài bị truy đánh ở Chamnitz, một thành phố ở Đông Đức cũ.
Kết quả thăm dò ý kiến lần tới có thể sẽ cho biết người dân nghĩ gì về thỏa hiệp hôm ngày 18/09.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180919-duc-angela-merkel-cach-chuc-lanh-dao-so-phan-gian
Tai tiếng lạm dụng tình dục
lan đến Phật giáo Tây Tạng
Hôm thứ bảy tuần trước, ngày 15/09/2018, Đức Đạt Lai Lạt Ma khi trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình Hà Lan, đã nhìn nhận là ngay từ những năm 1990, Ngài đã nghe nói đến những tố cáo về lạm dụng tình dục của các vị đạo sư Phật Giáo Tây Tạng. Lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng đã nhìn nhận điều này một ngày sau khi gặp gỡ các nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục đó.
Những nạn nhân này trong một kiến nghị công bố ngày 10/09 đã ngỏ ý muốn gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhân dịp Ngài công du châu Âu, để kể cho Ngài nghe những gì mà họ đã trải qua. Trong bản kiến nghị, đã nhận được cả ngàn chữ ký ủng hộ, các tác giả viết rằng : « Chúng tôi đã tìm chốn nương náu nơi cửa Phật với một tinh thần và tấm lòng rộng mở, cho đến khi chúng bị xâm hại bởi những kẻ nhân danh Phật Giáo ».
Sau khi tiếp các nạn nhân nói trên, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gợi ý là vào tháng 11 tới sẽ tổ chức một cuộc họp quy tụ các lãnh đạo tinh thần Phật Giáo Tây Tạng ở Dharamsala, để nói về các vụ tố cáo xâm hại tình dục.
Đây không phải là vụ tai tiếng lạm dụng tình dục đầu tiên gây chấn động giới Phật Giáo Tây Tạng, một tôn giáo được rất nhiều người ở phương Tây ngưỡng mộ, thậm chí không ít người đã trở thành tín đồ thuần thành.
Theo đài phát thanh Pháp France Inter, vào tháng 07/2017, sau khi một bức thư ngỏ của các cựu đệ tử đạo sư Sogyal Rinpoche được công bố, vị đạo sư này đã phải tuyên bố rút lui « ngay lập tức » ban lãnh đạo tinh thần của Trung tâm Rigpa, một mạng lưới kết nối toàn cầu hơn 130 trung tâm và các nhóm tu Phật giáo đến từ 30 quốc gia trên toàn thế giới.
Sogyal Rinpoche là một bậc thầy giảng dạy Phật Pháp Tây Tạng nổi tiếng toàn thế giới đến từ Tây Tạng, cũng chính là tác giả của cuốn sách xuất bản năm 1992, The Tibetan Book of Living and Dying ( Cuốn sách Tây Tạng về Sự Sống và Cái Chết). Cuốn sách này cho tới nay đã được phát hành bằng 34 thứ tiếng khác nhau ( Bản tiếng Việt với tựa đề “ Tạng Thư Sinh Tử” ), với tổng cộng gần 3 triệu bản được phát hành tại 80 quốc gia. Sogyal Rinpoche cũng chính là người sáng lập Trung tâm Rigpa.
Trong suốt hàng chục năm trời, Sogyal Rinpoche vẫn được tôn sùng gần như là một vị thánh, nhất là vì ông đã được xác nhận là hóa thân của một bậc Đạo sư vĩ đại, Tertön Sogyal Lerab Lingpa (1856-1926), cũng chính là thầy dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13. Thế mà trong bức thư ngỏ nói trên, các cựu đệ tử của Sogyal Rinpoche tố cáo vị đạo sư này đã có nhiều hành động « lạm dụng về tâm lý và tình dục » cũng như có một lối sống « xa hoa ».
Thật ra thì trước đó, những hành động của Sogyal Rinpoche đã bị tố cáo công khai trong một cuốn sách mang tựa đề « Les dévots du bouddhisme » ( tạm dịch « Những người hiến dâng cho Phật Giáo » ), xuất bản năm 2016, của nhà nhân chủng học Pháp Marion Dapsance. Tác giả đã viết cuốn sách này sau khi đã tham gia một trung tâm ở vùng Hérault do đạo sư Sogyal Rinpoche sáng lập và được Đức Đạt Lai Lạt Ma khánh thành năm 2008. Ngay từ năm 2011, tạp chí Marianne của Pháp cũng đã từng đưa ra các lời cáo buộc tương tự về Sogyal Rinpoche.
Nguyên là thông dịch viên của đạo sư Sogyal Rinpoche, ông Olivier Raurich đã rời khỏi trung tâm Rigpa vào năm 2014. Lúc đó, ông đã lên tiếng báo động về những hành vi của vị đạo sư này.
Raurich cho biết có hai phụ nữ kể với ông là họ đã bị hãm hiếp. Bản thân ông cũng đã chứng kiến những lạm dụng tài chính của Sogyal Rinpoche : « Vào năm 2014, trong một buổi tập hợp từ 600 đến 800 người tại trung tâm chính của Rigpa gần Montpellier, Sogyal Rinpoche đã yêu cầu chúng tôi cúng thật nhiều và phải cúng tiền mặt. Tôi đã nhìn thấy nhiều phong bì bỏ vào các thùng và nghĩ rằng nếu những tiền cúng ấy là để dùng chuyện từ thiện đàng hoàng, thì tại sao lại quyên tiền một cách bất hợp pháp như vậy ? ».
Những tố cáo nói trên được đưa ra chỉ vài tháng trước khi cuốn sách “Les dévots du boud dhisme”. Thế nhưng, những tố cáo của Olivier Raurich và cuốn sách của Marion Dapsance đều đã không làm thay đổi tình hình. Mãi đến khi có bức thư ngỏ từ chính các đệ tử của Sogyal Rinpoche, vị đạo sư này mới buộc phải rút lui, trước cơn chấn động mà bức thư đó gây ra đối với cộng đồng Phật Giáo Tây Tạng.
Trong suốt một thời gian dài Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn bị chỉ trích là quá khoan dung đối với đạo sư Sogyal Rinpoche. Mãi đến đầu tháng 8 vừa qua, trong một hội nghị ở Ấn Độ, Đức Đạt Lai Lạt Ma mới dứt khoát tuyên bố: “ Một số định chế Phật Giáo còn bị ảnh hưởng của chế độ phong kiến. Phải chấm dứt điều này. Những kẻ đó không theo đúng lời dạy của Đức Phật ». Ngài nói thêm : « Điều duy nhất phải làm, đó là công khai hóa những chuyện đó, trên mặt báo, trên đài phát thanh. Sogyal Rinpoche không còn bạn của tôi nữa, ông ấy đã bị thất sủng rồi ».
Theo France Inter, sau khi đạo sư Sogyal Rinpoche rút lui, Trung tâm Rigpa đã thông báo mở một cuộc điều tra nội bộ và lập ra một bộ quy tắc về đạo đức trong nội bộ cộng đồng Phật Giáo này. Liên hiệp Phật Giáo Pháp cũng đã lên án những hành vi của đạo sư Sogyal Rinpoche và đã khai trừ Trung tâm Rigpa khỏi Liên hiệp.
Câu hỏi được đặt ra bây giờ là vụ tai tiếng ở Trung tâm Rigpa có phải là riêng lẻ, hay còn nhiều vụ khác nữa trong các cộng đồng Phật Giáo Tây Tạng?
Theo France Inter, tất cả những người có liên quan, kể cả những người trợ giúp các nạn nhân, đều nhấn mạnh là không nên nghĩ xấu về toàn bộ cộng đồng Phật Giáo. Những sai phạm như thế rất hiếm và mang tính cục bộ.
Thật ra thì cũng có rất nhiều người không dám lên tiếng tố cáo vì xấu hổ, vì quá đau đớn, hoặc vì sợ là vụ việc sẽ làm ô danh cả Phật Giáo. Những người đã đến gõ cửa các hiệp hội trợ giúp nạn nhân thì đôi khi lại không dám đệ đơn kiện, theo lời khuyên của chính các hiệp hội đó, sợ rằng thủ tục kiện cáo sẽ kéo dài nhiều năm mà không chắc sẽ đạt kết quả.
Tuy vậy, với việc công bố bức thư ngỏ tố cáo những lạm dụng của Sogyal Rinpoche, các nạn nhân bắt đầu mạnh dạn công khai hóa những chuyện mà cho tới nay được dàn xếp êm thắm trong nội bộ. Trong khi chờ đợi những vụ tai tiếng khác được phanh phui, các hiệp hội và chính các tín đồ Phật Giáo đều nhắc nhở : đã đến lúc « tuần trăng mật » giữa phương Tây và Phật Giáo chấm dứt, mọi người phải ý thức được rằng, trong bất cứ tôn giáo nào cũng có những kẻ làm trái với giáo lý.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180919-tai-tieng-lam-dung-tinh-duc-lan-den-phat-giao-tay-tang
Ba Lan sẵn sàng chi 2 tỉ đô la để có căn cứ quân sự Mỹ
Theo AFP hôm nay 19/09/2018, Ba Lan sẵn sàng chi ra ít nhất 2 tỉ đô la cho việc thiết lập một căn cứ quân sự Mỹ tại nước mình. Đề nghị này được tổng thống Donald Trump hứa sẽ « nghiên cứu thật nghiêm túc ».
Trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng hôm qua, tổng thống Mỹ cho biết đồng nhiệm Ba Lan Andrej Duda « đã đề nghị chi cho chúng tôi trên 2 tỉ đô la để thiết lập một căn cứ quân sự thường xuyên tại nước ông ». Donald Trump nói thêm : « Chúng tôi sẽ nghiên cứu một cách thật nghiêm túc ».
Tổng thống Andrej Duda kêu gọi ông Donald Trump « triển khai thêm nhiều đơn vị lính Mỹ và trang thiết bị quân sự tại Ba Lan », và đề nghị lập một căn cứ quân sự thường xuyên mang tên là « Fort Trump ».
Bên cạnh tổng thống Mỹ, ông Duda nhấn mạnh về « thái độ hung hăng », « thường xuyên vi phạm luật pháp quốc tế » của Nga, đặc biệt là tình hình nước láng giềng Gruzia hay tại Crimée, để chứng minh sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực là chính đáng. Ông khẳng định : « Tôi tin rằng không có phương cách nào hiệu quả hơn để ngăn trở một cuộc chiến tranh, ngoài việc chứng tỏ rằng chúng tôi sẵn sàng đẩy lùi các cuộc tấn công vào bất cứ lúc nào ».
Buổi tối cùng ngày, Nhà Trắng ra thông cáo khẳng định : « Hoa Kỳ cam kết khai thác các khả năng liên quan đến một vai trò quan trọng hơn của quân đội Mỹ tại Ba Lan, và sẽ tăng cường tham vấn để xác định tính khả thi. Kết quả của những nỗ lực này đóng góp vào công cuộc quốc phòng không chỉ ở Trung Âu và Đông Âu, mà còn cho toàn bộ Liên minh (NATO) ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis sau đó đã hoan nghênh các cố gắng của Ba Lan trong việc tăng ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên ông nói rằng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra về căn cứ quân sự, vì còn rất nhiều vấn đề liên quan phải giải quyết.
Việc lập căn cứ quân sự Mỹ tại Ba Lan có thể gây mâu thuẫn trong NATO mà Ba Lan là thành viên, đồng thời làm tăng thêm căng thẳng giữa phương Tây với Nga.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180919-ba-lan-san-sang-chi-2-ti-do-la-de-co-can-cu-quan-su-my
Nobel Văn chương : Bắt đầu xử vụ tai tiếng tình dục
Hôm nay, 19/09/2018, tại Stockholm bắt đầu phiên xử một công dân Pháp là nguyên nhân một vụ tai tiếng được đưa tin liên tục trong những tháng gần đây tại Thụy Điển. Ông Jean-Claude Arnault, có vợ là viện sĩ hàn lâm Thụy Điển, bị 18 phụ nữ tố cáo tấn công tình dục. Hơn nữa ông ta lại còn tiết lộ những tên những nhà văn sắp được giải Nobel, gây ra một loạt vụ từ chức trong Viện hàn lâm, khiến giải thưởng danh giá này năm nay không thể trao tặng.
Từ Stockholm, thông tín viên Frédéric Faux cho biết thêm chi tiết :
« Có ít nhất 18 phụ nữ tố cáo ông Jean-Claude Arnault đã cưỡng hiếp họ hoặc tấn công tình dục. Nhiều người không thể đi thưa vì đã quá thời hạn khởi kiện, nhưng đối với một trong số họ, tư pháp Thụy Điển cho rằng có những chứng cứ khả tín. Nạn nhân đã bị Jean-Claude Arnault hãm hiếp hai lần vào năm 2011.
Một câu chuyện bỉ ổi, và phía sau là cả một bí mật. Làm thế nào người đàn ông nguyên quán Marseille năm nay 71 tuổi, đến Thụy Điển lúc 22 tuổi và không quen biết ai, đã thành công trong việc trở thành một nhân vật nổi tiếng trong thế giới nghệ sĩ ? Một nhân vật có ảnh hưởng mở rộng đến tận Viện hàn lâm Văn chương, mà sau xì-căng-đan Arnault, Viện đã không thể trao giải Nobel trong năm nay !
Vai trò nổi bật của ông ta đã được nhìn nhận vào năm 2015, khi được bộ trưởng Văn Hóa gắn huy chương. Một vai trò mà Arnault đã lạm dụng để chi phối tất cả các phụ nữ trẻ trong tầm ngắm của mình.
Jean-Claude Arnault, từ khi các vụ bê bối bị báo chí tiết lộ hồi tháng 11 năm ngoái đến nay, đều chối bay chối biến. Phiên tòa rất được chú ý tại Thụy Điển còn kéo dài đến thứ Hai tuần tới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180919-nobel-van-chuong-bat-dau-xu-vu-tai-tieng-tinh-duc
Nigeria: Lũ lụt, hàng trăm người chết
Lũ lụt tại nhiều nơi ở trung bộ và nam bộ Nigeria làm 100 người thiệt mạng tại 10 tiểu bang, cơ quan cứu trợ khẩn cấp loan báo ngày 17/9.
Lũ lụt kiểu này thường xảy ra mỗi năm trong mùa mưa, gây tai họa tàn khốc vì hạ tầng cơ sở nghèo nàn và thiếu hoạch định chống ngập, nhưng sự tàn phá trong năm nay là tệ hại nhất kể từ năm 2012.
“Căn cứ trên số liệu có được, cho đến nay có 100 người thiệt mạng tại 10 tiểu bang,” phát ngôn viên của Cơ quan Xử lý Khẩn cấp Quốc gia (NEMA) Sani Datti nói.
Ông cho biết chính quyền đã công bố tình trạng thiên tai tại 4 tiểu bang Kogi, Niger, Anambra và Delta, có nghĩa là chính phủ liên bang hiện chịu trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn và tái định cư các nạn nhân.
Delta là một tiểu bang sản xuất dầu mỏ tại vùng Châu thổ sông Niger, nơi có công nghiệp năng lượng lớn nhất châu Phi. Tại vùng này sông Niger chia thành những nhánh nhỏ trước khi đổ ra Đại Tây Dương. Không có báo cáo về ảnh hưởng của lũ lụt đối với sản lượng dầu thô.
Kogi và Niger là tiểu bang miền trung của Nigeria trong khi hai tiểu bang còn lại thuộc miền nam.
Lũ lụt làm ngập một phần nhà cửa tại Lokoja, thủ đô của Kogi. Thành phố này nằm tại giao điểm của sông Benue và sông Niger, con sông dài thứ ba của châu Phi, khiến nơi đây càng dễ bị tác động bởi lũ lụt.
Lũ lụt trong những năm gần đây làm hàng trăm ngàn người mất nhà cửa tại Nigeria, nước sản xuất năng lượng lớn nhất châu Phi và cũng là quốc gia đông dân nhất châu lục này.
Trung Quốc hối thúc Hoa Kỳ
không cản trở hoạt động báo chí
Hôm 19/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Washington không tạo ra rào cản đối với hoạt động báo chí của Trung Quốc.
Hãng tin Reuters cho biết Bắc Kinh đưa ra yêu cầu này sau khi đã thảo luận với Hoa Kỳ về việc Washington yêu cầu một số nhóm truyền thông nhà nước Trung Quốc phải đăng ký là “cơ quan nước ngoài” tại Mỹ.
Tờ Wall Street Journal cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu Tân Hoa xã và kênh truyền hình CGTN phát tiếng Anh của nhà nước Trung Quốc phải đăng ký tổ chức nước ngoài hoạt động tại Mỹ. Yêu cầu này có thể giới hạn quyền hoạt động báo chí của họ ở Washington.
Khi được hỏi về vấn đề này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Cả hai bên đã có liên lạc và thông tin về vấn đề này.”
“Chúng tôi hy vọng rằng bên liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện truyền thông thực hiện công việc bình thường của họ, và không đưa ra rào cản.”
Ông nói thêm rằng tất cả các nước nên nhìn báo chí với một thái độ cởi mở và toàn diện và không nên “chính trị hóa” vấn đề này.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có thể thực hiện các biện pháp đáp trả đối với các nhóm truyền thông Mỹ hay không, ông Sảng cho biết Bắc Kinh luôn ủng hộ các phóng viên nước ngoài và mong họ tôn trọng luật pháp và đưa tin một cách công bằng và khách quan.
Trung Quốc hiện chặn truy cập vào các trang web của nhiều hãng truyền thông nước ngoài, trong đó cả Reuters và VOA.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-hoi-thuc-hoa-ky-khong-can-tro-hoat-dong-bao-chi/4577958.html
Trung Quốc đánh thuế lên 60 tỷ đôla
hàng nhập khẩu từ Mỹ
Hôm 18/9, Trung Quốc áp thêm thuế đối với 60 tỷ đôla giá trị hàng hóa nhập từ Hoa Kỳ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đánh thuế đối với 200 tỷ đôla giá trị hàng nhập từ Trung Quốc.
Hãng tin Reuters cho biết việc áp thuế mới này là một hành động ăn miếng trả miếng khi cả Bắc Kinh và Washington đều lún sâu vào cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hôm 17/9, chính quyền Mỹ cho biết họ sẽ bắt đầu đánh thuế 10% đối với khoảng 200 tỷ đôla giá trị hàng hóa nhập từ Trung Quốc kể từ ngày 24/9, và với mức thuế lên tới 25% vào cuối năm 2018.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố trên trang web hôm 18/9: “Trung Quốc bị buộc phải đáp trả lại chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ mậu dịch của Mỹ, và không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải đáp trả bằng thuế quan.”
Bộ này cho biết Bắc Kinh sẽ áp thuế đối với tổng số 5,207 sản phẩm của Mỹ – từ khí đốt hóa lỏng tới một số loại máy bay nhất định cũng như bột cacao và rau đông lạnh – ở mức 5% và 10%, thay vì ở mức 5%, 10%, 20% và 25% như đề xuất trước đây.
Thuế suất của cả hai bên sẽ có hiệu lực vào ngày 24/9.
Cho đến nay, Hoa Kỳ đã áp đặt thuế quan đối với 50 tỷ đôla giá trị hàng hóa của Trung Quốc nhằm gây áp lực đòi Bắc Kinh phải thay đổi sâu rộng các chính sách trợ cấp công nghệ, chuyển giao công nghệ cao.
Tổng thống Donald Trump ngày 18/9 mở ngỏ cho Trung Quốc thương thuyết nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, một ngày sau khi áp đặt thuế mới lên gần 200 tỉ đôla hàng xuất khẩu của Trung Quốc và đe dọa sẽ áp đặt thêm thuế nếu Trung Quốc trả đũa.
Trung Quốc hôm 18/9 nói họ không còn lựa chọn nào khác hơn là trả đũa Mỹ áp thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc, làm tăng rủi ro Tổng thống Trump có thể sớm áp thuế lên hầu hết hàng hóa của nước này bán vào Hoa Kỳ.
Du khách ‘bị đưa ra nghĩa địa’,
Trung Quốc đòi Thụy Điển xin lỗi
Ba khách du lịch Trung Quốc bị đuổi khỏi một khách sạn ở Stockholm sau khi nhân viên khách sạn này gọi cho cảnh sát.
Theo truyền thông Trung Quốc, ba người khách du lịch nói họ bị cảnh sát đưa ra nghĩa địa lúc nửa đêm, nơi họ lạnh cóng và “có tiếng muông thú kêu”.
Trung Quốc vừa đẩy vụ việc này lên mức ngoại giao cao nhất – và yêu cầu chính phủ Thụy Điển phải “trừng phạt cảnh sát”.
TQ đáp trả Mỹ bằng biểu thuế quan mới
Chiến tranh thương mại và chuyện hai nước TQ
Thụy Điển ‘từ lề trái sang lề phải’ chỉ sau một đêm
Trên trang mạng của Sứ quán Trung Quốc ở Stockholm, có những lời chỉ trích không thương tiếc. Trong thông cáo báo chí hôm 15/9, Sứ quán viết rằng ba khách du lịch Trung Quốc “bị cảnh sát Thụy Điển bạo hành dã man” vào khoảng 0 giờ ngày 2/9 giờ địa phương.
“Các nhân viên cảnh sát đã đặt các công dân Trung Quốc vào tình huống nguy hiểm và vi phạm quyền con người cơ bản,” người phát ngôn của Sứ quán Trung Quốc viết.
Thông cáo viết thêm rằng Sứ quán Trung Quốc “hoang mang và lo ngại về những gì đã xảy ra và lên án mạnh mẽ hành vi của cảnh sát Thụy Điển.” Sứ quán cũng đưa ra cảnh báo cho các công dân Trung Quốc đang đi du lịch ở Thụy Điển.
Mọi chuyện không dừng lại ở đó.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã liên hệ với chính phủ Thụy Điển về vụ việc này và yêu cầu phía Thụy Điển phải điều tra vụ việc kỹ lưỡng và ngay lập tức.
Không những thế, bộ này cũng yêu cầu cảnh sát Thụy Điển phải bị phạt, xin lỗi và bồi thường cho những người khách Trung Quốc.
Bị đuổi đi
Truyền thông Trung Quốc đưa tin khá rộng rãi về vụ việc này. Tờ Hoàn cầu Thời báo viết hành động của cảnh sát Thụy Điển là “gây sốc”.
Theo tờ này, một người đàn ông tên là Đặng tới thăm Thụy Điển hôm 2/9 cùng cha mẹ của ông. Họ tới khách sạn nhưng sau đó bị cảnh sát đuổi ra ngoài.
Truyền thông Trung Quốc đăng tải các hình ảnh hai nữ cảnh sát Thụy Điển đưa một người đàn ông ra khỏi cửa khách sạn. Theo lời ông Đặng, ông nói với cảnh sát rằng sức khỏe bố mẹ ông không tốt nhưng cảnh sát “bỏ ngoài tai”.
Có tin nói cha của ông Đặng đột nhiên bị chuột rút nhưng vẫn theo truyền thông Trung Quốc, cảnh sát cũng bỏ ngoài tai chuyện đó, và đưa gia đình ông Đặng tới một nơi qua đường tối ngay cạnh một nghĩa địa ở Stockholm bằng xe cảnh sát.
Ông Đặng mô tả nơi họ bị thả xuống là một “môi trường kinh khủng”, nơi họ thấy có tiếng muông thú kêu ở xa. Ông nói nhiệt độ khi đó thấp dưới 10 độ C, và cả ba người phải ngồi sát vào nhau để giữ ấm.
Sau khi run rảy trong cái lạnh khoảng nửa tiếng, gia đình ông Đặng được một người đi qua giúp đỡ, và được đưa trở về trung tâm thành phố, truyền thông Trung Quốc viết.
Không đặt phòng nhưng không chịu đi
Tờ báo Thụy Điển Aftonbladet đưa tin cảnh sát được gọi đến một khách sạn ở trung tâm Stockhom vào khoảng 1:43 sáng ngày 2/9, sau khi ba khách du lịch Trung Quốc không đặt phòng trước khăng khăng không chịu rời khách sạn.
Nhân viên khách sạn nói ba người này ngồi trên ghế ở sảnh khách sạn, và lúc đầu họ từ chối không chịu nói chuyện với nhân viên, theo biên bản của cảnh sát.
Sau đó, các khách Trung Quốc nói họ không khỏe, nhưng nhân viên khách sạn không nghĩ họ trông có vẻ đau ốm. Hai bên đôi co và nhân viên khách sạn gọi cảnh sát.
“Nhân viên đó cho rằng mấy người khách Trung Quốc ngồi lỳ ở đó để đợi trời sáng, vì vậy họ bị đưa đi,” một trung úy ở đồn cảnh sát Norrmalm cho tờ Aftonbladet hay.
Giám đốc khách sạn: chúng tôi hết phòng
Giám đốc khách sạn nói với tờ Aftonbladet hôm 16/9 rằng bối cảnh của vụ việc là gia đình người Trung Quốc đã đặt phòng nhầm ngày.
“Họ đã đặt không đúng ngày và chúng tôi hết phòng hôm đó. Tình hình ở sảnh khách sạn mang tính đe dọa cao cho nhân viên chúng tôi. Các khách Trung Quốc khoa chân múa tay và đưa ra nhiều lời lẽ đe dọa. Sau đó chúng tôi đưa nhân viên an ninh vào, và họ đánh giá rằng vụ này không thể giải quyết được trong khách sạn và vì thế họ gọi cảnh sát tới làm dịu tình hình,” vị giám đốc cho biết.
Ông giải thích thêm rằng gia đình này tới khách sạn từ tối và mãi đến khoảng nữa đêm, cảnh sát mới được gọi.
“Về phần chúng tôi, chúng tôi thấy rằng mình đã làm tất cả những gì có thể cho vị khách này, nhưng đồng thời, chúng tôi không thể chấp nhận chuyện nhân viên chúng tôi bị đe dọa và những người khách khác bị ảnh hưởng bởi một tình huống có tính đe dọa trong khách sạn của chúng tôi”.
Trên trang web, Sứ quán Trung Quốc viết họ ngạc nhiên rằng họ vẫn chưa nhận được phản hồi của chính phủ Thụy Điển.
Sẽ có đối thoại
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết họ đã có liên hệ với Sứ quán Trung Quốc về vấn đề này.
“Chính quyền Trung Quốc đã đặt câu hỏi với chúng tôi, và trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có đối thoại với Sứ quán Trung Quốc. Chúng tôi cũng sẽ đối thoại về vấn đề cảnh báo cho khách du lịch Trung Quốc tại Thụy Điển. Ta có thể nói rằng tất cả các nước có trách nhiệm đưa ra thông tin về đi lại cho công dân nước mình, nhưng tôi sẽ nhấn mạnh rằng Thụy Điển là một quốc gia an toàn,” phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thụy Điển Patric Nilsson nói.
Ông sẽ không bình luận về hành động của cảnh sát nhưng cho biết Cơ quan Công tố Đặc biệt, chịu trách nhiệm về các vấn đề của cảnh sát, hiện đang điều tra vấn đề này.
“Nếu có người báo cáo về một vụ việc như vậy cho cơ quan thực thi luật, hệ thống ở Thụy Điển khiến mọi người phải nghiêm túc xem xét và xử lý vụ việc trong khuôn khổ của cuộc điều tra. Điều này không có nghĩa là chúng tôi xác nhận chuyện đã xảy ra nhưng đó là lý do vì sao chúng tôi đang điều tra nó,” ông Nilsson cho biết.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45574081
Phía sau những khoản đầu tư “béo bở”
của TQ vào Nepal là gì?
Trung Quốc đang tận dụng căng thẳng giữa Ấn Độ và Nepal để ‘lôi kéo’ Nepal – một “con mồi” trong sáng kiến Vành đai – Con đường, và cạnh tranh ảnh hưởng với Ấn Độ trong khu vực, theo nhận định của giới chuyên gia.
Hiệp định Giao thông và Vận tải (TTA) vừa được ký kết tại thủ đô Kathmandu của Nepal vào tuần trước sẽ cho phép Nepal sử dụng các cảng của Trung Quốc để giao thương. Bao gồm bốn cảng biển ở Thiên Tân, Thẩm Quyến, Liên Vân và Trạm Giang cùng ba cửa khẩu đường bộ và các tuyến đường nối chính ở Lan Châu, Lhasa và Xigazê.
Nepal và Ấn Độ đều có phần lớn người dân theo đạo Hindu (Ấn Độ giáo), giữa hai nước không cần visa, chỉ cần hộ chiếu là có thể thông hành. Nhưng do bất mãn với hiến pháp mới của Nepal ban hành năm 2015, Ấn Độ đã đơn phương chặn các con đường ngoại thương chủ yếu của Nepal trong vòng 5 tháng, dẫn đến việc Nepal thiếu hụt lương thực và quần áo, đất nước cũng bị xáo trộn trong một thời gian.
BL Daily cho rằng, Trung Quốc và Ấn Độ trên bề mặt dường như đang theo đuổi một mối quan hệ ổn định, nhưng giữa hai nước này thường xuyên có tranh chấp lẻ tẻ về biên giới. Hơn nữa, Trung Quốc và Pakistan có mối quan hệ ngoại giao, nhưng Ấn Độ và Pakistan lại đang đối lập và Trung Quốc muốn dùng Nepal để cân bằng các mối quan hệ Trung Á.
Mặc dù việc sử dụng các cảng Trung Quốc có thể giúp Nepal thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế thương mại vào Ấn Độ, nhưng các cảng Trung Quốc này cách biên giới Nepal hơn 2.600 km, giới doanh nhân Nepal cho rằng, đường xá giữa Nepal và Trung Quốc vẫn chưa phù hợp cho vận chuyển hàng hóa cũng như thiếu hụt cơ sở hạ tầng khác, thực sự rất khó để sử dụng cảng thương mại của Trung Quốc.
Hiệp định thương mại TTA vừa ký kết chỉ là một trong hàng loạt các khoản đầu tư và dự án mà Trung Quốc đưa vào Nepal, bao gồm sân bay quốc tế Pokhara, một nhà máy xi măng và một số dự án thủy điện, và tuyến đường sắt nối Kathmandu và Gyirong, một quận ở Tây Tạng, v.v.
Việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Nepal làm dấy lên những lo ngại rằng đất nước này có thể rơi vào một cái bẫy nợ, giống như những gì đã xảy ra với Sri Lanka, theo một bài báo đăng ngày 20/6 trên trang tin tức tiếng Nepal My Republica. Tháng 12 năm ngoái, Sri Lanka đã buộc phải trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát cảng Hambantota, vì không trả được khoản nợ 6 tỷ đô la.
Bài báo cũng nhắc đến sân bay Quốc tế Mattala Rajapaksa của Sri Lanka, một dự án trong sáng kiến Vành đai – Con đường, hiện là sân bay vắng vẻ nhất thế giới và đã chịu thiệt hại tài chính nặng nề. Sân bay quốc tế Pokhara của Nepal có thể sẽ chịu chung số phận.
Hơn nữa, Nepal có rất nhiều người Tây Tạng đang sống lưu vong và họ vẫn chưa được biết được liệu Trung Quốc có đưa ra bất kỳ yêu cầu nào trong tương lai hay không.
Trong một bài báo ngày 14/8/2017 của tờ Global Times, động cơ cơ bản của Trung Quốc sau khi hợp tác với Nepal được tuyên bố mạnh mẽ: “Nepal, giáp với khu tự trị Tây Tạng của Tây Nam Trung Quốc, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chống lại những người ly khai Tây Tạng”.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xâm lược Tây Tạng vào năm 1949, tuyên bố đây là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Trong bối cảnh tăng cường đàn áp từ các nhà chức trách Trung Quốc, một số người Tây Tạng đã vượt qua biên giới tới Nepal vì tự do tôn giáo của họ.
Theo Chiến dịch Quốc tế cho Tây Tạng – một nhóm vận động phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington – Trung Quốc đã tài trợ cho việc xây dựng một học viện đào tạo Lực lượng Cảnh sát vũ trang Nepal. Các viên chức từ học viện có nhiệm vụ “ngăn chặn sự thâm nhập của người Tây Tạng vào Nepal”.
Nhóm này đã viết: “Có một mối tương quan trực tiếp giữa đầu tư và viện trợ từ Trung Quốc với những người Tây Tạng ở Nepal”.
Đài Loan lo về thỏa ước Vatican sắp ký với Bắc Kinh
Hiện đang có lo ngại từ Đài Loan rằng một thỏa ước Vatican ký với Bắc Kinh về cơ chế bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc, sẽ gây thiệt thòi cho Đài Bắc.
Theo trang Taiwan News (18/09/2018), một thỏa thuận lớn giữa Tòa Thánh Vatican và Bắc Kinh có thể được ký ngay ngày 1/10 này.
Nhà nước Vatican hiện là quốc gia châu Âu duy nhất công nhận Đài Loan, tức Trung Hoa Dân Quốc.
Croatia và một trang sử đen tối
Một số vụ thanh trừng khét tiếng lịch sử
Giáo hoàng không dùng từ Rohingya ở Myanmar
Nghệ An: ‘Hội Cờ Đỏ’ tự phát nhưng được phép?
Đại sứ Đài Loan tại Vatican, Matthew Lee S.M (Lý Thế Minh) được báo chí trích lời nói:
“Chúng tôi tin rằng Vatican muốn các thỏa thuận sẽ giúp cho người Trung Quốc cơ hội có sinh hoạt tôn giáo bình thường, giảm bớt áp chế đối với người Công giáo tại Trung Quốc, và giúp các giáo hội Công giáo ở Trung Quốc hội nhập với giáo hội toàn cầu, và đổi lại là giúp thúc đẩy tự do tôn giáo ở Trung Quốc.”
Đài Loan phải chuẩn bị tinh thần
Một số bình luận, theo Taiwan News, tin rằng Đại sứ Đài Loan chuẩn bị tinh thần cho dư luận về khả năng Trung Quốc cắt đứt quan hệ với Đài Loan để công nhận Trung Quốc.
Đổi lại, Trung Quốc sẽ đồng ý để người Công giáo công nhận Đức Giáo hoàng Francis và Tòa Thánh La Mã.
Hiện nay, tại Trung Quốc có hai giáo hội Công giáo, một của nhà nước quản lý và không thần phục Vatican, một của những tín đồ và giám mục ‘ngoài luồng’, hướng về Tòa Thánh.
Vatican muốn các thỏa thuận sẽ giúp cho người Trung Quốc cơ hội có sinh hoạt tôn giáo bình thường, giảm bớt áp chế đối với người Công giáo tại Trung QuốcĐại sứ Matthew Lee
Thỏa thuận mới, mà một số nhà bình luận nói là theo ‘mô hình Việt Nam’ sẽ cho phép đảng cộng sản Trung Quốc chuẩn thuận tên các giám mục Vatican bổ nhiệm.
“Đài Loan lo ngại vì không rõ một thỏa thuận như thế sẽ tác động thế nào đến quan hệ ngoại giao của đảo quốc với đồng minh duy nhất ở châu Âu là Vatican”, theo Taiwan News.
Các nguồn tin cũng nói đại sứ Matthew Lee vừa gặp Đức Giáo hoàng Francis để thảo luận lo ngại của Đài Loan.
Vẫn theo nguồn tin này thì ông Lee cho hay các quan chức Vatican xác nhận thỏa thuận chỉ nhằm giải quyết vấn đề của người Công giáo ở Trung Quốc mà không có hàm ý gì khác về ngoại giao”.
Ngay từ tháng 3/2018, Reuters đã đưa tin “Đài Loan lo lắng” về khả năng Vatican và Bắc Kinh tiến tới một thỏa thuận về chuyện thụ phong và bổ nhiệm giám mục tại Trung Quốc.
Một thỏa thuận dù chưa toàn bộ, có thể mở đường cho quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Vatican và cho phép Giáo hội Công giáo có cơ chế hoạt động hợp pháp để chăm sóc chừng 12 triệu tín đồ Công giáo Trung Quốc, Reuters viết trong bài ‘As Vatican and China talk, Taiwan looks on nervously‘ (25/03/2018).
Xin nhắc đây là con số ước tính tín đồ thuộc Giáo hội “hoạt động ngầm” và trung thành với Vatican.
Mâu thuẫn Vatican – Trung Quốc thỉnh thoảng lại bùng lên khi có tin giáo dân hoặc giám mục tại Trung Quốc bị trấn áp.
Hồi tháng 6/2017, Tòa thánh Vatican công khai bày tỏ sự quan ngại sâu sắc sau khi một giám mục bị đuổi khỏi giáo phận rồi bị bắt.
Giám mục Peter Thiệu Chúc Mẫn bị quan chức bắt giữ hồi tháng 5/2017, phát ngôn viên Tòa Vatican Greg Burke nói với báo chí chừng một tháng sau đó.
Hiện Giáo hội Công giáo La Mã đang gặp phải vấn đề lan rộng liên quan đến các vụ linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, và điều này khiến một số người “ngạc nhiên” vì sao Vatican lại tìm cách trao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc quyền kiểm soát giáo hội tại Trung Quốc vào thời điểm này”, theo Taiwan News.
Nay, thông tấn xã CNA của Đài Loan trích lời đại sứ Lee nói rằng Đức Giáo hoàng Francis có vẻ đang tiến tới quan điểm rằng “một thỏa thuận không hoàn hảo còn tốt hơn là không có gì”.
Đại diện cuối cùng của Vatican bị trục xuất khỏi Trung Quốc năm 1951.
Tòa Thánh từ đó đã chuyển trụ sở của khâm sứ sang Đài Loan, nơi chính quyền Quốc Dân Đảng chiếm giữ và làm chủ sau khi thua cuộc Nội chiến 1949.
Tại Hoa Lục, ban đầu chính quyền của Mao Trạch Đông cấm mọi hoạt động tôn giáo nhưng những năm nay, CHND Trung Hoa cho lập ra Giáo hội Công giáo yêu nước do Đảng CS kiểm soát.
Kể từ thập niên 1970, sau khi Liên Hiệp Quốc công nhận CHND Trung Hoa, Tòa Thánh không gửi khâm sứ (đại sứ) sang Đài Loan nữa nhưng giữ cơ quan ngoại giao ở cấp đại biện lâm thời.
Điều gây ra đồn đoán rằng một ngày Vatican sẽ quay sang công nhận Trung Quốc còn được thể hiện ở chỗ dù Đài Loan có đại sứ ở Vatican, danh mục điện thoại và giấy tờ của Tòa Thánh ghi chức danh, vị trí của người này dưới mục ‘China’ (Trung Quốc), chứ không phải Republic of China (Trung Hoa Dân Quốc), tên chính thức của Đài Loan.
Nhiệm kỳ của chủ tịch Tập Cận Bình là thời gian Trung Quốc tăng cường gây cô lập Đài Loan trên trường quốc tế.
Ông Tập Cận Bình đã coi việc đưa Đài Loan về với Trung Quốc là vấn đề mang tính ‘lợi ích cốt lõi’ của Bắc Kinh.
Càng gần đây càng có thêm các nước bỏ Đài Loan để quay sang công nhận Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45561144
Kim Jong Un sẽ cho phép thanh tra quốc tế
giám sát giải trừ hạt nhân
Hôm 19/9, Triều Tiên cho biết sẽ bãi bỏ vĩnh viễn các cơ sở tên lửa chính của họ dưới sự chứng kiến của các chuyên gia nước ngoài, theo hãng tin Reuters.
Phát biểu tại một cuộc họp báo chung ở Bình Nhưỡng hôm thứ Tư 19/9, Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết họ đã đồng ý biến bán đảo Triều Tiên thành “vùng đất hòa bình, không có vũ khí hạt nhân và không có các mối đe dọa hạt nhân.”
Triều Tiên cũng sẵn sàng đóng cửa khu liên hợp hạt nhân chính của nước này nếu như Hoa Kỳ thực hiện “hành động đối ứng,” hai nhà lãnh đạo nói thêm.
Các cam kết hôm 19/9 của ông Kim và ông Moon tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba trong năm nay có thể tạo động lực mới cho các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đã bị đình trệ trước đó và đặt nền móng cho một cuộc gặp khác mà ông Kim mới đề xuất với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Trump nói những cam kết mới nhất của ông Kim là “rất thú vị.”.
Ông Trump viết trên Twitter: “Ông Kim Jong Un đã đồng ý cho phép thanh tra hạt nhân, đúng theo tinh thần của các cuộc đàm phán gần đây nhất, và đồng ý tháo dỡ vĩnh viễn một cơ sở thử nghiệm hạt nhân và bệ phóng hạt nhân trước chứng kiến diện của các chuyên gia quốc tế. Trong thời gian này [Triều Tiên] sẽ không tiến hành thử nghiệm tên lửa hoặc hạt nhân.”
Ông Kim cho biết ông sẽ thăm Seoul trong tương lai gần. Ông Moon cho biết chuyến thăm của ông Kim dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Ông Kim đưa ra những cam kết này chỉ vài ngày trước khi ông Moon gặp ông Trump ở thành phố New York bên lề Đại hội đồng LHQ vào tuần tới. Các quan chức Seoul hy vọng ông Moon sẽ có thể thuyết phục Trump tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng, sau khi ông hủy bỏ một chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ vào tháng trước cho rằng việc đàm phán hạt nhân không tiến triển.
Trong hai cuộc họp với ông Moon hồi trước đây trong năm và tại hội nghị thượng đỉnh mang lịch sử hồi tháng 6 của ông với Tổng thống Trump ở Singapore, ông Kim Jong Un cam kết sẽ hướng tới việc “giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.”
Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak bị bắt
Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak vừa bị bắt giữ chiều thứ Tư, theo tuyên bố của Ủy ban chống tham nhũng Malaysia.
Malaysia: Làm sao để truy tố cựu thủ tướng?
Cựu thủ tướng Malaysia bị bắt vì cáo buộc tham nhũng
Ông Najib Razak sẽ đối diện cáo buộc lạm dụng chức vụ và tham ô, liên quan cuộc điều tra thất thoát ở quỹ nhà nước 1Malaysia Development Berhad.
Ủy ban chống tham nhũng Malaysia nói họ đang điều tra việc chuyển “2,6 tỉ ringgit (khoảng 628 triệu đôla) vào tài khoản cá nhân” của cựu thủ tướng.
Trước đây Bộ Tư pháp Hoa Kỳ từng nói hơn 4,5 tỉ đôla đã bị lạm dụng từ quỹ 1MDB, trong đó có tiền được dùng để mua máy bay riêng, du thuyền, tranh Picasso.
Ông Najib là người thành lập quỹ 1MDB, và đã bác bỏ mọi sai trái.
Ủy ban chống tham nhũng Malaysia nói ông Najib bị tạm giữ lúc 4.13 chiều tại trụ sở cơ quan này.
Ông sẽ bị đưa ra tòa ở Kuala Lumpur ngày 20/9.
Kể từ sau cú thua cử gây sốc trước đối thủ Mahathir Mohamad hồi tháng Năm, ông Najib đã bị điều tra và bị cấm rời khỏi đất nước.
Ông cũng bị cơ quan phòng chống tham nhũng thẩm vấn, và tư gia của ông cùng các căn nhà của gia đình ông đã bị lục soát trong vụ điều tra 1MDB.
Được ông Najib thành lập vào 2009, 1MDB bị điều tra ở ít nhất là sáu quốc gia liên quan tới các cáo buộc rửa tiền và tham nhũng.
Quỹ này nhằm biến Kuala Lumpur thành một cổng tài chính và thúc đẩy nền kinh tế đấy nước thông qua các khoản đầu tư chiến lược.
Nhưng quỹ bắt đầu thu hút sự chú ý từ đầu 2015, do không trả đúng hạn một số các khoản trong tổng số 11 tỷ đôla nợ ngân hàng và các chủ nợ.
Sau đó, tạp chí Wall Street Journal tường thuật rằng họ đã nhìn thấy tài liệu được cho là lần ra dấu vết cho thấy khoản 700 triệu đôla từ quỹ được chuyển sang các tài khoản cá nhân của ông Najib.
Ông Najib liên tục bác bỏ việc lấy tiền từ 1MDB hoặc từ bất kỳ quỹ công nào