Tin khắp nơi – 19/09/2017
Tại LHQ, Trump cảnh báo
Mỹ có thể phải ‘hủy diệt hoàn toàn’ Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba cảnh báo rằng Mỹ sẽ buộc phải “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên trừ phi Bình Nhưỡng thoái lui khỏi cuộc đối đầu hạt nhân của mình. Ông cũng chế nhạo lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un là “ông hỏa tiễn” đang thực hiện một sứ mệnh tự sát.
Những tiếng xì xầm rộ lên bên trong hội trường của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khi ông Trump đưa ra cảnh báo nghiêm khắc nhất của mình đối với Triều Tiên. Những vụ phóng phi đạn và thử hạt nhân của quốc gia này đã khiến cả thế giới bất an.
Trừ phi Bắc Triều Tiên nhún nhường, ông Trump nói, “Chúng ta sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên.”
“Ông hỏa tiễn này đang thực hiện sứ mệnh tự sát cho chính mình và chế độ của mình,” ông nói.
Ông hối thúc các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc hợp tác để cô lập chính quyền của ông Kim cho đến khi chính quyền này chấm dứt hành vi “thù địch” của mình.
Một nhà ngoại giao cấp thấp của Triều Tiên vẫn ngồi trong hàng ghế đầu của phái đoàn nghe bài phát biểu của ông Trump, phái bộ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc cho biết.
Cố vấn ông Trump: Mỹ quyết từ bỏ hiệp ước khí hậu Paris
Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Donald Trump ngày 18/9 phát biểu tại Liên hiệp quốc là Hoa Kỳ giữ nguyên lập trường rút khỏi hiệp ước khí hậu Paris mà không thương thuyết lại để có lợi cho Washington, một quyết định khiến cộng đồng thế giới không hài lòng.
Tổng thống Trump vào tháng 6 năm nay loan báo quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước Paris, cho rằng hiệp ước này làm hại cho công nghiệp Mỹ, làm người Mỹ mất việc làm, làm suy yếu chủ quyền quốc gia của nước Mỹ và đặt Hoa Kỳ trong tình trạng thường xuyên mất lợi thế so với các nước khác.
“Chúng tôi xác định rõ ràng lập trường của Tổng thống về hiệp ước Paris,” ông Gary Cohn, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Tòa Bạch Ốc, nói với các phóng viên sau một buổi họp điểm tâm không chính thức với các bộ trưởng của hơn chục quốc gia bên lề hội nghị thường niên các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên hiệp quốc.
Trong một tuyên bố sau cuộc họp, một giới chức Tòa Bạch Ốc nói: “Chúng ta rút khỏi hiệp ước Paris trừ phi chúng ta có thể có những điều khoản thuận lợi hơn cho nước Mỹ. Lập trường này được nêu lên rõ ràng trong buổi họp điểm tâm.”
Cuối tuần qua, các giới chức Mỹ tham dự phiên họp Montreal với sự có mặt của đại diện hơn 30 nước tham gia hiệp ước biến đổi khí hậu. Tờ Wall Street Journal loan tin các giới chức chính quyền Trump cho biết Washington sẽ không rút khỏi hiệp ước mà chỉ đề nghị thương thuyết lại.
Về điều này, ông Cohn nói: “Có một số nhầm lẫn hồi cuối tuần và tôi nghĩ chúng tôi đã tháo gỡ những nhầm lẫn đó.”
Ngoại trưởng Rex Tillerson ngày 17/9 nói Hoa Kỳ có thể lưu lại hiệp ước biến đổi khí hậu Paris theo những điều kiện thỏa đáng.
Ông Cohn, giám sát vấn đề này cho ông Trump, ngày 17/9 từ chối nêu lên chi tiết về những điều khoản thích hợp mà Hoa Kỳ sẽ xem xét để ở lại hiệp ước.
Phải mất 4 năm để một nước rút ra khỏi hiệp ước Paris, do đó Hoa Kỳ vẫn là một thành viên của hiệp ước cho đến sau khi nhiệm kỳ đầu của ông Trump chấm dứt 2 ngày.
Pháp là nước bênh vực mạnh mẽ hiệp ước Paris kể từ khi ông Trump loan báo quyết định rút lui. Pháp tuyên bố vẫn sẽ thúc đẩy việc thi hành hiệp ước dù thế nào đi chăng nữa.
Trung Quốc bác yêu cầu của Mỹ về Triều Tiên
Nhân dân nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ trích yêu cầu của Hoa Kỳ đòi Bắc Kinh tăng áp lực với Triều Tiên để kìm chế chương trình vũ khí của nước này.
Bài báo nói Bắc Kinh “sẽ không bao giờ chấp nhận ‘trách nhiệm’ do Hoa Kỳ áp đặt.
Trung Quốc chiếm khoảng 90% hàng hóa buôn bán giao dịch với Triều Tiên.
Nhân dân nhật báo cũng cho rằng các chế tài không nên can thiệp vào việc buôn bán hợp pháp giữa Triều Tiên và thế giới bên ngoài, hay làm hại đến dân chúng. Chế tài không phải là “một công cụ để bóp nghẹt một chế độ,” tờ báo viết.
Sau đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói với các phóng viên là “một số bên liên hệ”—ám chỉ Hoa Kỳ và Triều Tiên—“tiếp tục đưa ra những lời đe dọa cả về lời nói lẫn hành động trong đó có những cảnh báo sẽ có hành động quân sự.”
“Những hành vi loại này không giúp giải quyết vấn đề nhưng chỉ làm tình hình phức tạp thêm,” ông nói.
Triều Tiên đã phóng một phi đạn bay ngang Nhật Bản hôm 15/9 để phản đối những chế tài mới khắc nghiệt hơn đối với việc nước này thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 vào ngày 3 tháng 9.
Ngoại trưởng Đức kêu gọi nói chuyện trực tiếp với Triều Tiên trong cuộc đối đầu về chương trình hạt nhân và phi đạn của nước này.
Các giới chức tại Đức bận rộn với cuộc bầu cử ngày 17/9 mong muốn có một giải pháp ngoại giao. Thủ tướng Angela Merkel nêu ra những cuộc thương thuyết đưa đến việc Iran ngưng chương trình hạt nhân như là một mẫu mực có thể áp dụng được.
Bộ trưởng Ngoại giao Sigmar Gabriel nói với nhật báo Bild số ra ngày 18/9 rằng về vấn đề Triều Tiên, “một sự đảm bảo an ninh cần hơn là một quả bom hạt nhân” đồng thời nêu lên tình trạng giảm bớt căng thẳng của Chiến tranh Lạnh như là một ví dụ điển hình. Ông Gabriel nói là cần có những cuộc thương thuyết trực tiếp với Triều Tiên và Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga cần phải tham dự.
Trong khi đó Hàn quốc cho biết quân đội Mỹ đã cho các máy bay ném bom và máy bay phản lực tàng hình bay trên bán dảo Triều Tiên trong một cuộc tập trận chung với các máy bay chiến đấu Hàn quốc.
Hoa Kỳ thường phái các máy bay kỷ thuật cao, hùng hậu để biểu dương lực lượng vào những thời điểm căng thẳng lên cao với Triều Tiên.
Các máy bay tối tân bay trên bán đảo Triều Tiên hôm 18/9, ba ngày sau khi Triều Tiên phóng một phi đạn tầm trung ngang qua Nhật Bản rơi xuống phía bắc Thái Bình Dương bất chấp áp lực quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo đối với quốc gia này.
Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 vào ngày 3/9 và hậu quả là chịu những chế tài mạnh mẽ của Liên hiệp quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-bac-yeu-cau-cua-my-ve-trieu-tien/4034233.html
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ:
chưa cần bắn hạ phi đạn Triều Tiên
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis cho hay Mỹ chưa bắn hạ phi đạn nào của Triều Tiên vì chúng không đề ra mối đe dọa với nước Mỹ hay đồng minh của Mỹ.
Trong một phát biểu với các phóng viên tại Ngũ Giác Đài hôm 18/9, ông Mattis nhấn mạnh nếu các phi đạn của Triều Tiên được xem như là một mối đe dọa, thì Mỹ “sẽ có cách đáp ứng khác.”
Được hỏi về cách đáp trả như thế nào, ông Mattis từ chối cho biết chi tiết.
Trước đây trong tháng, Triều Tiên thử nghiệm cái mà họ gọi là một vũ khí nhiệt hạch, có thể được đặt trên đầu một phi đạn đạn đạo liên lục địa.
Đầu năm nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un loan báo kế hoạch phát triển phi đạn đạn đạo liên lục địa tầm xa có thể bắn tới lục địa Mỹ.
Ngày 18/9, khoảng 12 máy bay chiến đấu Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc vũ trang đạn thật bay trên bán đảo Triều Tiên. Quân đội Mỹ mô tả đây là “một cuộc biểu dương lực lượng” để đáp trả việc Triều Tiên phóng phi đạn mới đây.
Ngũ Giác Đài cho hay các máy bay tập khả năng tấn công bằng cách sử dụng đạn thật tại một căn cứ huấn luyện ở Hàn Quốc. Đội bay của hai quốc gia có sự tham dự của 4 máy bay phản lực chiến đấu F-2 của Nhật Bản để huấn luyện thêm về đội hình tại vùng biển Kyushu của Nhật Bản.
Khi loan báo cuộc tập trận ngày 17/9, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nói quân lực Mỹ “duy trì khả năng đáp ứng với bất cứ mối đe dọa nào tại vùng Ấn-Thái-Á châu ngay khi có báo động.” Máy bay tham gia diễn tập gồm hai máy bay ném bom B-1B, 4 máy bay chiến đấu tiên tiến F-35B Lightning của thủy quân lục chiến Mỹ và 4 máy bay F-15K của Hàn Quốc.
Cuộc tập trận được tiến hành để đáp trả việc Triều Tiên ngày 15/9 phóng một phi đạn tầm trung qua Nhật Bản. Đây là lần phóng phi đạn thứ hai của Triều Tiên trong vòng chưa đầy một tháng. Phi đạn bay 3.700 ki-lô-mét trước khi rớt xuống phía bắc Thái Bình Dương và là phi đạn đạn đạo bay xa nhất của Triều Tiên chưa từng thử nghiệm trước đây.
Bộ Tư pháp Mỹ kháng cáo
phán quyết ngăn cản sắc lệnh của Trump
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 18/9 tuyên bố sẽ kháng cáo một lệnh của một tòa án ngăn cản sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump muốn tìm cách giới hạn quỹ liên bang cho các thành phố ‘chứa chấp’ di dân không giấy tờ còn được gọi là những ‘thành phố trú ẩn an toàn.’
Trước đây trong năm, Thẩm phán William Orrick III thuộc San Francisco ra phán quyết rằng sắc lệnh của ông Trump dường như vi hiến và đã ngăn không cho sắc lệnh được thực thi.
Sắc lệnh vừa kể được Tổng thống ban hành hồi đầu năm không lâu sau khi nhậm chức chỉ thị cắt giảm ngân quỹ cho những địa phương hay những cơ quan nào không chịu tuân thủ yêu cầu chia sẻ thông tin với giới hữu trách di trú Mỹ.
Các ‘thành phố trú ẩn an toàn’ cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho di dân bất hợp pháp, không truy quét, và thường không dùng ngân quỹ hay các nguồn lực của thành phố để thực thi luật di trú liên bang.
Hàng chục thành phố và các chính quyền địa phương, trong đó có New York, Los Angeles và Chicago tham gia vào phong trào ‘thành phố ẩn náu an toàn.’
Chính quyền Trump lập luận rằng các chính quyền địa phương gây nguy hại cho an toàn công cộng khi từ chối giao nộp những di dân bất hợp pháp bị bắt vì phạm tội để bị trục xuất.
Hạt Santa Clara thuộc tiểu bang California bao gồm thành phố San Jose và một số cộng đồng nhỏ của Thung Lũng Silicon đã khởi kiện sắc lệnh của Tổng thống Trump, nói rằng sắc lệnh vi hiến.
Thành phố San Francisco cũng đệ đơn kiện tương tự.
Các đương đơn nói sắc lệnh của ông Trump có thể có thể ‘ngốn mất’ một cách không đáng một phần lớn nguồn quỹ mà liên bang cấp phát cho các thành phố.
Triều Tiên: chủ đề ‘nóng’ tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ
Đe dọa hạt nhân của Triều Tiên bao trùm cuộc gặp hàng năm của các nhà lãnh đạo tại Liên hiệp quốc, New York, nơi các nhà ngoại giao nóng lòng muốn nghe bài diễn văn đầu tiên của Tổng thống Donald Trump trước 193 thành viên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Các nhà ngoại giao Triều Tiên sẽ được ngồi hàng đầu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc để nghe bài diễn văn của Tổng thống Trump vào sáng ngày 19/9 đề cập đến cuộc khủng hoảng đang leo thang giữa bối cảnh Bình Nhưỡng và ông Trump đang ‘lời qua tiếng lại’ đe dọa sử dụng vũ lực.
Dù nghi ngờ về giá trị của các định chế quốc tế và đặc biệt là Liên hiệp quốc, ông Trump sẽ tìm sự ủng hộ áp đặt những biện pháp mạnh mẽ chống lại Triều Tiên, trong khi đưa ra thông điệp “Nước Mỹ trên hết” tại Liên hiệp quốc.
“Đây không phải là một vấn đề giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên. Đây là một vấn đề giữa thế giới và Triều Tiên,” cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, ông H.R. McMaster tuyên bố ngày 15/9.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres- nhậm chức vào tháng 1 năm nay như ông Trump-có kế hoạch gặp riêng “các bên liên quan” kể cả Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho, bên lề phiên họp lần thứ 72 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
“Chỉ có giải pháp chính trị. Hành động quân sự có thể gây nên những tàn phá ở mức độ phải mất nhiều thế hệ mới phục hồi được,” ông Guterres ngày 19/9 cảnh báo.
Cách đây một tuần lễ, 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhất trí chấp thuận nghị quyết chế tài lần thứ 9 kể từ năm 2006 về chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Triều Tiên.
Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley nói các chế tài Liên hiệp quốc đã cấm 90% mức xuất khẩu của quốc gia châu Á này. Bà tuyên bố hôm 15/9 rằng: “Đáp ứng như thế nào hoàn toàn tùy thuộc Triều Tiên.”
Bà Haley hôm 17/9 cho CNN biết Washington “đã gần như cạn kiệt”các phương án về Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an.
Thứ sáu tới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên sẽ đọc diễn văn tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-chu-de-nong-tai-cuoc-hop-dai-hoi-dong-lhq/4034196.html
Bắc Hàn: Chế tài khiến chương trình hạt nhân tăng tốc
Bắc Hàn cảnh báo rằng các biện pháp chế tài và áp lực sẽ chỉ làm cho chương trình hạt nhân của nước này tăng tốc.
Trong tuyên bố với lời lẽ mạnh mẽ, Bình Nhưỡng gọi một loạt các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc là “hành động thù địch xấu xa, phi đạo đức và vô nhân đạo”.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc cam kết “tăng hết mức áp lực” đối với Bắc Hàn thông qua việc thực thi mạnh mẽ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Kim Jong-un: ‘Bắc Hàn sẽ có vũ khí nguyên tử’
Đe dọa ám sát Kim Jong-un nghiêm trọng tới đâu?
Trước đó, Mỹ và Nam Hàn đã tiến hành các cuộc tập trận chung.
Vụ thử tên lửa mới nhất của Bắc Hàn hướng về phía Nhật Bản hôm 15/9, bay được 3.700km, khiến Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương mà Bắc Hàn tuyên bố có kế hoạch tấn công, nằm trong tầm bắn.
Vụ thử này theo sau một loạt lệnh trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc và bị Hội đồng Bảo an nhất trí lên án là “khiêu khích cực độ”.
Bắc Hàn nói gì?
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Bắc Hàn, do thông tấn xã KCNA phát đi cho biết: “Những động thái gia tăng của Mỹ và chư hầu nhằm áp các biện pháp trừng phạt và áp lực lên CHDCND Triều Tiên sẽ chỉ khiến chúng tôi tăng tốc hoàn thiện chương trình hạt nhân.”
Thông cáo cũng nói rằng mục tiêu của các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc, được thông qua hôm 11/9, là “tiêu diệt” dân tộc và chính phủ nước này.
Putin: ‘Không thể nào khiến Bắc Hàn sợ hãi’
Trung Quốc lo sợ ‘nhiễm phóng xạ’ từ Bắc Hàn
Các biện pháp trừng phạt là nỗ lực nhằm cắt nguồn nhiên liệu và nguồn thu cho các chương trình vũ khí, hạn chế nhập khẩu dầu và cấm xuất khẩu hàng dệt may của Bình Nhưỡng. Nhưng một số nhà chỉ trích đặt nghi vấn về tính hiệu quả của các biện cháp chế tài, vì Bắc Hàn vẫn còn giao thương.
Thương vụ của nước này với Trung Quốc, đồng minh chính, đóng phần chính trong mức tăng trưởng kinh tế ước tính 3,9% vào năm ngoái, theo Bloomberg.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41316274
Khủng hoảng Rohingya: Suu Kyi không sợ ‘giám sát’
Nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi nói rằng bà không sợ “sự giám sát của quốc tế” về cách chính phủ của bà xử lý cuộc khủng hoảng Rohingya ngày càng trầm trọng.
Bà Suu Kyi có bài diễn văn hôm 19/9.
Người đoạt giải Nobel Hòa bình nói bà đọc bài diễn văn này vì bà không thể đi dự họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong tuần này.
Suu Kyi nói bà muốn cộng đồng quốc tế biết những gì chính phủ của bà đang làm để giải quyết tình hình.
Bangladesh ‘lập trại lớn’ cho người Rohingya
LHQ: Khủng hoảng Rohingya là ‘thảm họa nhân đạo’
Bà lên án mọi vi phạm nhân quyền và cho biết bất cứ ai chịu trách nhiệm về những vụ ngược đãi tại Rakhine đều bị đưa ra tòa.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Trung Quốc phản đối bạo lực tại khu vực Rakhine và thấu hiểu những nỗ lực của chính phủ Miến Điện nhằm duy trì sự ổn định của nước này”.
Ông Vương cũng nói thêm rằng Myanmar và Bangladesh nên giải quyết những vấn đề trước mắt thông qua đối thoại và tham vấn.
Bà Suu Kyi bị chỉ trích nặng nề khi 400.000 người Rohingya đã chạy trốn bạo lực sang Bangladesh.
Bạo lực gần đây nổ ra sau cuộc tấn công có vũ trang bị quy trách nhiệm cho các chiến binh Rohingya nhắm vào đồn cảnh sát ngày 25/8.
Cuộc đàn áp của quân đội tiếp theo sau bị Liên Hiệp Quốc gọi là thanh lọc sắc tộc.
Quân đội nói rằng các chiến dịch của họ ở bang Rakhine nhằm mục đích triệt hạ các chiến binh và bác việc nhắm mục tiêu là dân thường.
Nhưng các nhân chứng từ Rohingya, những người đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh, nói ngược lại.
Bà Suu Kyi trước đó tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng đang bị bóp méo bởi “những thông tin sai lệch” và cho biết những căng thẳng đang lan rộng nhờ tin giả.
Bà cũng hủy chuyến đi dự họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, và nói rằng bà có bài diễn văn hôm 19/9 về “hòa giải dân tộc và hoà bình”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, cảnh báo bà Suu Kyi “có cơ hội cuối cùng” để ngăn chiến dịch tấn công quân sự.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41305074
Nhật bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở đảo bắc
Nhật Bản cho triển khai thêm một hệ thống tên lửa phòng thủ PAC-3 tại đảo Hokkaido phía bắc của nước này vào hôm 19 tháng 9.
Hãng thông tấn AFP cho biết thông tin vừa nêu, dẫn nguồn từ một giới chức địa phương. Tuy nhiên, Phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Nhật Bản Kensaku Mizuseki từ chối xác nhận hệ thống tên lửa phòng thủ PAC-3 được lặp đặt ở đâu, vì đây là thông tin nhạy cảm liên quan đến quốc phòng.
Nhật Bản cho triển khai thêm một hệ thống tên lửa phòng thủ PAC-3 trong bối cảnh căng thẳng leo thang do Bắc Hàn 2 lần phóng thử tên lửa bay qua lãnh thổ xứ Phù Tang chỉ trong vòng một tháng.
Bắc Triều Tiên từng đe dọa “sẽ nhấn chìm” Nhật Bản xuống biển. Và vào hôm thứ Bảy tuần trước, Bình Nhưỡng lên tiếng rằng sẽ tìm kiếm sự “cân bằng quân sự” với địch thủ Mỹ bằng cách phát triển một kho vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói ông không bao giờ chịu đựng được hành động khiêu khích đầy nguy hiểm của Bắc Hàn; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực mạnh lên Bình Nhưỡng.
HK, Hàn Quốc tập trận giả định chiếm làng gần Bắc Hàn
Những tiếng nổ kèm theo hỏa hoạn xảy ra dọc theo các sườn đồi gần biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Nam Hàn trong ngày 19 tháng 9. Đây là những hình ảnh của cuộc trận chung Hoa Kỳ và Nam Hàn, giả định giành lại một ngôi làng, nơi có căn cứ quân sự bị đối phương chiếm giữ.
Cuộc tập trận chung diễn ra 4 ngày với sự tham gia của khoảng 700 binh sĩ Hoa Kỳ và Nam Hàn, có tên gọi ‘Chiến binh Đánh chiếm 8’, gần khu vực phi quân sự Nam-Bắc Hàn.
Những cuộc tập trận chung như thế được tổ chức thường xuyên, nhưng cuộc diễn tập lần này có sự tham gia của giới truyền thông lần đầu tiên sau 2 năm.
Phía quân đội Hoa Kỳ mô tả cuộc tập trận chung với tinh thần sẵn sàng chiến đấu ngay với Bắc Hàn, nếu điều đó là cần thiết.
Hoa Kỳ và Nam Hàn cũng đã diễn tập trận chiến trên không tại bán đảo Triều Tiên vào ngày hôm trước
Bắc Triều Tiên nhiều lần lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngưng các cuộc tập trận chung, mà Bình Nhưỡng cho là khiêu khích.
Anh, Pháp kêu gọi lãnh tụ Suu Kyi chấm dứt bạo lực
Hai nước Anh và Pháp vào ngày 18 tháng 9 lên tiếng kêu gọi lãnh tụ Aung San Suu Kyi của Myanmar cần có thêm biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực do quân đội tiến hành chống lại người sắc tộc thiểu số Rohingya ở bang Rakhine.
Tin cho biết từ cuối tháng 8 vừa qua, quân đội Myanmar tiến hành phản công sau những cuộc tấn công do những thành phần vũ trang nổi dậy tại bang Rakhine.
Thống kê của chính phủ Myanmar nói có chừng 400 người thiệt mạng trong đợt bạo loạn này. Ngoài ra còn có hơn 410 ngàn người sắc tộc Hồi giáo Rohingya phải trốn chạy sang Bangladesh.
Hai vị ngoại trưởng Pháp và Anh khi có mặt tại New York, Hoa Kỳ để tham gia kỳ họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, lên tiếng thúc giục lực lượng an ninh Myanmar phải chấm dứt bạo lực, bảo bảm việc bảo vệ cho thường dân và cho phép các nhóm nhân đạo đến làm công tác.
Điều tra Liên Hiệp Quốc yêu cầu được tự do đến Myanmar
Các viên chức Liên Hiệp Quốc điều tra về nhân quyền vào ngày 19 tháng 9 nêu rõ họ cần được đến Myanmar một cách đầy đủ, không bị giới hạn để tiến hành công tác điều tra cuộc khủng khoảng nghiêm trọng đang xảy ra tại quốc gia này.
Ông Marzuki Darusman, trưởng phái đoàn tìm hiểu được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, phát biểu với Hội Đồng Nhân Quyền rằng cần phải đến tận nơi để tìm hiểu sự thật về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Myanmar.
Ông này cho biết đang chờ sự cho phép của Myanmar để đến đất nước này.
Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thành lập phái đoàn hồi tháng ba với mục tiêu điều tra về những cáo giác vi phạm tại Myanmar; đặc biệt tập trung vào những cáo giác về tội ác chống lại người sắc tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine.
Vào ngày 19 tháng 9, chỉ ít giờ sau khi lãnh tụ Aung San Syu Kyi có bài phát biểu về vấn đề Rohingya, đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc Htin Lynn lên tiếng về quan điểm của Naypyidaw đối với phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc là không chấp thuận.
Ông này cho rằng biện pháp thành lập một phái đoàn như thế không ích lợi gì trong việc giải quyết khủng hoảng phức tạp tại bang Rakhine.
Doanh giới châu Âu mỏi mòn chờ Trung Quốc thực thi lời hứa
Phòng thương mại châu Âu nói rằng châu Âu đã qua mỏi mệt trước những lời hứa mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty Châu Âu.
Đây là tuyên bố mới nhất của Phòng Thương mại châu Âu trong một báo cáo dày 400 trang của tổ chức này, liệt kê những rào cản thương mại mà Bắc Kinh dựng lên để ngăn cản hàng hóa châu Âu.
Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu, ông Mats Harborn nói với các nhà báo rằng Trung Quốc có những giới hạn áp đặt lên các công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc, trong khi các công ty của Trung Quốc thì không bị như vậy.
Ông nói tiếp là các công ty châu Âu thường phải chia sẻ những kỹ thuật quan trọng của họ cho đối tác Trung Quốc. Ông đưa ra các số liệu nói rằng trong năm vừa qua đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu tăng lên đến 77%, trong khi đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc giảm một phần tư.
Đáp trả những chỉ trích này, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng Trung Quốc lúc nào cũng ủng hộ việc mở cửa thị trường, và đã đạt được nhiều thành công từ khi bắt đầu cải cách kinh tế từ cuối những năm 1970 đến nay, vì thế ông không hiểu tại sao vẫn có những lời than phiền đó.
Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới từ năm 2001, nhưng cho đến nay, ba đối tác quan trọng của Bắc Kinh là châu Âu, Mỹ, và Nhật Bản đều chưa công nhận Trung Quốc là nước có nền kinh tế thị trường.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/eu-china-trade-09192017092301.html
ĐCS Trung Quốc sắp đưa tư tưởng Tập vào điều lệ đảng?
Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức đại hội 5 năm một lần vào tháng tới, các nhà phân tích chính trị sẽ đều theo dõi một điều quan trọng, đó là tên ông Tập Cận Bình.
Đương kim lãnh đạo Trung Quốc là một trong những nhân vật quyền lực nhất mà quốc gia này đã có trong nhiều thập kỷ, nhưng các nhà phân tích cho rằng tầm vóc của ông có thể được nâng cao hơn nữa nếu tên của ông được ghi vào điều lệ đảng.
Nếu điều đó diễn ra, ông Tập có thể sánh ngang hàng các vị khai quốc công thần của đảng như các cựu lãnh tụ Đặng Tiểu Bình và Mao Trạch Đông.
Tối 18/9, truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo rằng trong đại hội vào tháng sau, đảng sẽ đưa lý luận quan trọng và tư tưởng chiến lược được vạch ra trong hội nghị vào điều lệ đảng. Đại hội khai mạc ngày 18/10.
Vẫn chưa rõ “Tư tưởng Tập” hay tên của ông sẽ có thể được đưa vào điều lệ ra sao, nhưng một số người đã hình dung được khái quát về những thay đổi.
Dương Giới Hoàng, giám đốc một trung tâm nghiên của trường Đại học Minh Truyền ở Đài Loan, nói sẽ quá ngạo mạn nếu dùng tên “Tư tưởng Tập” và điều đó thể hiện không tôn trọng ông Mao. Còn nếu gọi là lý luận (giống như Lý luận Đặng Tiểu Bình) lại quá bó hẹp, vì ông Tập xử lý nhiều lĩnh vực hơn như văn hoá, các chính sách phát triển quân sự và Đài Loan, so với ông Đặng Tiểu Bình.
Ông Dương nói: “Tư tưởng của ông Tập thực ra là kết hợp của cả tư tưởng ông Mao và ông Đặng. Sẽ không có tư tưởng Tập nếu không có việc ông Mao Hán hóa Chủ nghĩa Mác hay việc ông Đặng Tiểu Bình khởi động cải tổ, mở cửa thị trường”.
David Kelly, giám đốc nghiên cứu thuộc China Policy, một công ty tư vấn ở Bắc Kinh, cho rằng vì ông Tập kiểm soát mọi cơ quan chính phủ, giới truyền thông và tuyên truyền, ông có thể sử dụng bất cứ nhan đề nào theo ý ông.
Ông Kelly nói: “Vì ông ấy có thể, nên ông ấy sẽ tự đưa mình trở thành chủ nhân của tư tưởng Tập, và sau đó ông sẽ pha trộn một số yếu tố trong nước, rất có thể dưới tiêu đề là tạo dựng một xã hội thịnh vượng hợp lý, thúc đẩy chính sách đối ngoại bao gồm Vành đai và Con đường, nhưng có lẽ sẽ sử dụng thuật ngữ là Giải pháp Trung Quốc”.
Ông Kelly nói thêm rằng Trung Quốc đã không hành xử như một cường quốc dưới thời Hồ Cẩm Đào, nhưng đã làm như vậy khi dưới quyền lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.
Một số người nói rằng công thức đó thật vô nghĩa và chủ yếu nhằm để tô vẽ quyền lực.
Nhà bình luận chính trị Paul Lin nói rằng việc đưa tư tưởng vào điều lệ của đảng không có gì khác ngoài những lời trống rỗng.
https://www.voatiengviet.com/a/dcs-trung-quoc-sap-dua-tu-tuong-tap-vao-dieu-le-dang/4035086.html
Trung Quốc sẽ sửa đổi hiến chương Đảng tại Đại hội 19?
Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc dự kiến sẽ sửa đổi hiến chương tại kỳ đại hội Đảng 19 diễn ra vào tháng tới, Reuters dẫn nguồn truyền thông trong nước ngày 18/9 cho biết trong một chỉ dấu cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình muốn hệ tư tưởng chủ đạo của ông được vinh danh trong hiến chương.
Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ gần 5 năm trước, Tập Cận Bình đã nhanh chóng củng cố quyền lực, với những động thái như đứng đầu một nhóm lãnh đạo cải cách kinh tế và tự phong làm tổng tư lệnh quân đội. Mặc dù với tư cách là người đứng đầu Quân ủy Trung ương, Tập Cận Bình đã nắm trong tay quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang.
Bộ Chính trị, một trong những cơ quan quyền lực nhất của đảng, đã đưa ra dự thảo sửa đổi hiến chương, trong đó có “các quan điểm lý luận chính và tư tưởng chiến lược quan trọng”. Dự thảo này sẽ được đưa ra bàn thảo vào kỳ Đại hội Đảng sắp tới, theo Tân Hoa Xã.
Mặc dù Tân Hoa Xã không tường thuật chi tiết về việc này, nhưng một trong những mục tiêu sửa đổi chính có thể là liệu học thuyết mang tên ông Tập Cận Bình có được ghi vào hiến chương, ngang tầm với các lãnh đạo đảng đã lập ra nước Trung Quốc cộng sản, chẳng hạn như Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình hay không.
Những người tiền nhiệm gần đây của Tập Cận Bình như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đã từng sửa đổi hiến chương đảng để đưa vào những tư tưởng chủ đạo của họ, nhưng không trực tiếp gắn tên mình vào.
Giang Trạch Dân có “Thuyết ba đại diện”, còn Hồ Cẩm Đào có “Khoa học phát triển quan”.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố đẩy học thuyết “Tứ toàn” của Tập Cận Bình lên nhưng chưa rõ hiến chương sửa đổi sẽ đưa tư tưởng nào của ông Tập vào.
“Tứ toàn” nói về việc Trung Quốc phải nỗ lực “toàn diện” để xây dựng một xã hội thịnh vượng và tăng cường cải cách, pháp quyền và kỷ luật đảng.
“Việc sửa đổi hiến chương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19 dựa trên tình hình và nhiệm vụ mới, thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Quốc và xây dựng Đảng”, Reuters trích nguồn từ Tân Hoa Xã.
“Sửa đổi cần bao gồm các lý luận quan trọng và các ý tưởng chiến lược được trình bày trong một báo cáo” ngay vào lúc bắt đầu Đại hội Đảng, khai mạc ngày 18/10.
Vẫn theo Tân Hoa Xã, hiến chương sửa đổi phải đại diện cho sự “Hán hóa” mới nhất của chủ nghĩa Marx, khái niệm quản trị mới và “những kinh nghiệm mới trong việc củng cố và tăng cường lãnh đạo Đảng, và trong sự quản lý chặt chẽ của Đảng”.
Dự thảo sửa đổi sẽ được đệ trình vào ngày 11/10 tại phiên họp toàn thể của đảng. Đây là cuộc họp quy mô nhỏ với khoảng 200 lãnh đạo cấp cao nhất để thông qua lần cuối chương trình nghị sự của Đại hội.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-se-sua-doi-hien-chuong-dang-tai-dai-hoi-19/4033805.html
Quân đội Syria vượt sông Euphrate
tấn công Nhà Nước Hồi Giáo
Ngày 18/09/2017, được yểm trợ của không quân Nga và các đồng minh, quân đội chính phủ Syria đã vượt sông Euphrate, phía bắc của thành phố Deir Ezzor, để đánh úp nhóm phiến quân thánh chiến của Nhà Nước Hồi Giáo.
Từ Beirouth, thông tín viên Paul Khalifeh cho biết thêm thông tin :
Dưới làn pháo bắn chặn dồn dập và với sự yểm trợ của không quân Nga, quân đội Syria và đồng minh, ngày hôm qua, đã vượt qua sông Euphrate bằng các cầu nổi do công binh Nga và Syria lắp đặt. Trong vài giờ, lực lượng bộ binh, thiết giáp, xe tăng và pháo đã vượt sông, sang bờ tả ngạn.
Sau khi củng cố vị trí đầu cầu, quân đội Syria tiếp tục tiesn về phía Howeijet Sakr, một cứ địa quan trọng của quân thánh chiến ở phía đông bờ sông Euphrate. Theo các nguồn tin của Nga và Syria, quân đội chính phủ Syria đã tiến quân nhanh chóng, bất chấp sự kháng cự mạnh mẽ của các chiến binh thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Cuộc tiến quân vượt sông nhằm hai mục đích : Trước tiên là đánh bọc hậu lực lượng thánh chiến và bao vây hoàn toàn nhóm chiến binh hiện đang còn chiếm giữ một phần ba thành phố Deir Ezzor. Mục đích thứ hai là ngăn chặn liên quân Ả Rập –Kurdistan do Washington ủng hộ và ở một số nơi, liên minh chỉ còn cách bờ sông Euphrate khoảng 6 km.
Do vậy, quân đội Syria và đồng minh đã quyết định không chia sẻ lãnh thổ Deir Ezzor với Mỹ và các đồng minh của Hoa Kỳ. Rõ ràng là họ muốn tiếp tục đà tiến quân về phía đông, hướng biên giới Syria – Irak và ở phía đông nam, nhắm vào hai cứ địa của lực lượng thánh chiến tại Syria, đó là các thành phố Al Mayadeen và Boukamal.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170919-quan-doi-vuot-song-o-deir-ezzor-de-danh-up-nha-nuoc-hoi-giao
Canh tân Liên Hiệp Quốc :
cuộc mặc cả giữa Trump và Guterres
Bắc Triều Tiên, Iran, Miến Điện, Syria, làn sóng tị nạn, khủng bố quốc tế… Từ ngày thành lập, chưa bao giờ Liên Hiệp Quốc đối phó với nhiều khủng hoảng nghiêm trọng như thế. Tuy nhiên, trong kỳ họp Đại Hội Đồng lần thứ 72 khai mạc vào ngày 19/09/2017 tại New York, Liên Hiệp Quốc đối đầu trước khủng hoảng của chính mình : Cạn nguồn tài chính. Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định gây sức ép để định chế quốc tế này phải cải cách và giảm chi ngân sách.
Tại New York, cuối cùng Mỹ cũng thuyết phục được nước Pháp, bất bình vì không được tham khảo ý kiến, ký vào bản tuyên bố chính trị 10 điểm bên cạnh 130 thành viên thúc giục Liên Hiệp Quốc cải tổ guồng máy hoạt động vài giờ trước khi Đại Hội Đồng lần thứ 72 khai mạc phiên họp khoáng đại.
Về phần Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Antonio Guterres, nhà chính trị lão luyện của Bồ Đào Nha cũng tung ra một loạt biện pháp cải thiện hoạt động từ quản trị nhân sự, điều hợp các cơ quan khác nhau đặc trách lãnh vực an ninh và hòa bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đe dọa cắt giảm phần đóng góp của Mỹ từ ngân sách hoạt động cho đến các chiến dịch duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Theo vị tổng thống doanh nhân này thì cơ quan quốc tế có hai căn bệnh trầm kha : Một là quản lý kém và hai là bộ máy điều hành thiếu hiệu năng, tiền chi ra thì nhiều mà hiệu quả chẳng bao nhiêu.
Theo AFP, 130 nước ký vào tuyên bố chính trị 10 điểm cam kết làm cho Liên Hiệp Quốc có hiệu năng cao và hiệu quả tốt.
Donald Trump dường như bỏ qua lời lẽ phê phán trịch thượng coi Liên Hiệp Quốc là một « câu lạc bộ giải lao ». Một ngày trước khi đọc thông điệp ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ ca ngợi và ủng hộ « những mục tiêu chân thành và cao thượng » nền tảng của Liên Hiệp Quốc. Sau đó ông mới định bệnh « do thiếu hiệu năng và do tình trạng quan liêu » cho nên dù ngân sách tăng 140%, dù nhân lực tăng gắp đôi từ năm 2000, Liên Hiệp Quốc không đem lại kết quả như mong muốn.
Chủ nhân Nhà Trắng đề nghị tập trung vào nạn nhân cần được cứu trợ hơn là bổ sung nhân sự. Trong phần trình bày dự án cải cách Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ cho biết là muốn giảm phần đóng góp « quá cao » của Mỹ để « không một thành viên nào bị thiệt thòi khi đứng ra gánh vác trách nhiệm quân sự hay tài chính ».
Hoa Kỳ là quốc gia đóng góp cao nhất cho Liên Hiệp Quốc bỏ xa Trung Quốc và Nga cũng như Anh, Pháp, Đức, Nhật. Một mình Washington cung cấp 28,5% trong số 7,3 tỷ đôla chi phí cho các chiến dịch quốc tế và 22% trong số 5,4 tỷ cho ngân sách hoạt động.
Sự kiện bản tuyên bố do Washington soạn thảo không nói rõ là sẽ cắt giảm bao nhiêu mà chỉ đề cập đến nguyên tắc tiết kiệm là một chiến thuật khôn khéo, vận động được sự đồng thuận của các nước ký kết và của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.
Chiến thuật này cho phép hóa giải xung khắc giữa chính quyền Trump và Liên Hiệp Quốc, thiết lập mối quan hệ tin cậy lẫn nhau « với giá thấp » theo nhận định của tổng thư ký Guterres. Nhất cử lưỡng tiện, tổng thống Mỹ có thể chứng minh với cử tri bảo thủ là ông đã thành công buộc Liên Hiệp Quốc giảm chi để bớt gánh nặng tài chính cho công dân Mỹ.
Trên thực tế, theo một nhà ngoại giao Tây phương, Hoa Kỳ thực tâm không muốn giảm nhiều phần đóng góp vì như thế sẽ giảm ảnh hưởng đối với Trung Quốc trong thế trận đa cực. Giải pháp tối ưu là thương lượng nâng cao mức trần đóng góp của tất cả 193 thành viên.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170919-canh-tan-lien-hiep-quoc-cuoc-mac-ca-giua-trump-va-guterres
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc
kêu gọi đoàn kết về hồ sơ Bắc Triều Tiên
Tại phiên khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm nay 19/09/2017, mọi chú ý đều đổ dồn vào ông Donald Trump, vị tổng thống thất thường của Mỹ. Nhưng ông Trump không phải là người duy nhất lần đầu tiên phát biểu trước Đại Hội Đồng. Tổng thư ký Antonio Guterres cũng đăng đàn trước hơn một trăm nguyên thủ quốc gia,với một bài diễn văn rất được chờ đợi trong bối cảnh phức tạp của thế giới ngày nay. Ông kêu gọi Hội Đồng Bảo An đoàn kết trước cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên.
Thông tín viên RFI Marie Bourreau nhận định từ New York :
Đó là hai quan điểm về thế giới có thể sẽ trái ngược với nhau, được phát biểu chỉ cách nhau vài phút tại hội trường lớn của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Quan điểm dân túy của ông Donald Trump chống lại quan điểm đa phương trong quan hệ quốc tế được ông Antonio Guterres ủng hộ. Theo thông lệ, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là người phát biểu thứ hai, ngay sau tổng thống Brazil.
Bài diễn văn của ông tập trung vào vai trò mà Liên Hiệp Quốc có thể đóng, trong một thế giới đầy chia rẽ với những cuộc khủng hoảng. Ông cổ vũ cho một giải pháp hòa bình và ngoại giao về cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, và đề nghị Hội Đồng Bảo An đoàn kết trên vấn đề này.
Nói bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, ông Guterres cũng đề cập đến các vấn đề khủng bố, nhập cư, cuộc khủng hoảng ở Miến Điện – nơi mà Liên Hiệp Quốc tố cáo một cuộc thanh lọc chủng tộc, và các nguy cơ về khí hậu. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc có được sự ủng hộ to lớn của tổng thống Pháp. Ông Emmanuel Macron đã dùng bữa tối với ông Antonio Gutteres hôm qua và chia sẻ những quan ngại trên.
Ông Macron cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đoàn kết trong Hội Đồng Bảo An, nhất là đối với cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên. Đối với tổng thống Mỹ, bên cạnh việc đả kích các « Nhà nước côn đồ » Bắc Triều Tiên và Iran đang đe dọa hòa bình thế giới, ông Donald Trump cho rằng các Nhà nước cần phải được tự do theo đuổi các lợi ích của mình. Chủ nghĩa đơn phương này bị các nước có quan điểm đa phương chống đối, mà đứng đầu là tổng thống Pháp Emmanuelle Macron.
Trong ngày đầu tiên của cuộc họp thường niên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc gồm 193 quốc gia, có diễn văn của các nước Brazil, Ghinê, Nigeria, Colombia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Mali, Ai Cập, Afghanistan. Chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Nga không tham dự. Song song đó là nhiều hội nghị về các chủ đề như khí hậu, nô lệ thời hiện đại…và các cuộc tiếp xúc song phương.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170919-tong-thu-ky-lien-hiep-quoc-keu-goi-doan-ket-ve-ho-so-bac-trieu-tien
Tổng thống Putin thị sát cuộc tập trận Nga
Theo Reuters, ngày 18/09/2017, Tổng thống Nga Putin đã tham dự cuộc tập trận, mang tên « Zapad 2017 », bắt đầu từ ngày 14/09 và theo dự kiến sẽ kéo dài tới hết thứ Tư, 20/09, với kịch bản giả định chống kẻ thù và một cuộc phản công với sự hỗ trợ của xe bọc thép. Với tư cách là tổng tư lệnh quân đội Nga, tổng thống Putin, cùng bộ trưởng Bộ Quốc Phòng và tổng tham mưu trưởng, theo dõi cuộc tập trận từ sở chỉ huy tác chiến.
Diễn ra ở miền Tây nước Nga, chỉ cách biên giới Estonia khoảng 10 km, thuộc vùng đệm giữa Kaliningrad và Belarusia, vốn là đồng minh thân cận của Nga, cuộc phô trương sức mạnh quân sự này diễn ra trước sự chứng kiến của vài chục phóng viên ngoại quốc và Nga được Bộ Quốc Phòng Nga đặc cách mời tới quan sát. Matxcơva cho biết đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, bắn trúng mục tiêu cách xa khoảng 480 km trên lãnh thổ Kazakhstan.
Sự kiện quân sự này dấy lên lo ngại từ các nước láng giềng, đặc biệt là Ba Lan và các quốc gia thuộc vùng Baltic, coi đây là một hành động khiêu khích từ phía Nga. Trong khi đó, giới quan sát phương Tây cũng tỏ ra e ngại, bởi họ cho rằng, Matxcơva dường như muốn kiểm tra năng lực tác chiến của mình nhằm chống lại phương Tây. Song, Nga khẳng định, kịch bản tác chiến này chỉ nhằm mục đích phòng thủ.
Đặc phái viên Daniel Vallot tường trình :
không quân ném bom, pháo binh nã pháo hạng nặng, phóng tên lửa : Đó là một trận bão lửa trút xuống một vùng đất bùn lầy, bị cày xới bởi sức công phá của thuốc nổ… Quân đội Nga muốn chứng tỏ sức mạnh quân sự của họ. Sự phô trương sức mạnh với sự hiện diện của Tổng thống Vladimir Poutine và chỉ huy cấp cao của quân đội Nga.
Tướng Andrei Kartapolov, tư lệnh vùng quân sự phía Tây cho biết :”Các đơn vị tham gia tập trận có thể kiểm tra các hệ thống phối hợp giữa không quân, lính dù và pháo binh. Nói chung, tôi rất hài lòng về cuộc tập trận này, giống như Bộ trưởng bộ Quốc phòng và tổng tư lệnh”.
Sau những loạt đại pháo, hàng chục nhà báo Nga và nước ngoài xếp hàng dài dưới mưa, phía trước là các đơn vị thiết giáp. Từ một cái bục bằng bê tông, một diễn giả bình luận trực tiếp về những cuộc thao diễn, và mô tả những khí tài được sử dụng.
Trong suốt gần một giờ, quân đội Nga mới chỉ tiết lộ một chút về Zapad 2017. Không thể đánh giá được quy mô thực sự của những cuộc diễn tập đang tiếp tục gây lo ngại cực độ cho các nước láng giềng của Nga và Belarus.
Theo tin mới nhất của thông tín viên Daniel Vallot, vì lý do thời tiết, cuộc tập trận Zapad chấm dứt hôm nay, sớm hơn một ngày so với dự kiến.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170919-tong-thong-putin-thi-sat-cuoc-tap-tran-nga
Miến Điện : Arakan, hai trăm năm xung đột cộng đồng
Các cuộc truy bức của chính quyền trung ương Miến Điện đối với người Rohingya không thể thu gọn qua lăng kính của một cuộc xung đột giữa người Phật Giáo và người Hồi Giáo. Trong các vấn đề tranh chấp đất đai và sắc tộc này còn có cả những lợi ích kinh tế mới.
Cả thế giới những ngày qua dồn sự chú ý đến cuộc khủng hoảng sắc tộc tại bang Arakan miền tây Miến Điện, nơi đang diễn ra thảm cảnh những người thiểu số theo Hồi Giáo bị truy bức phải chạy tị nạn sang nước láng giềng Bangladesh.
Để hiểu thêm về cuộc xung đột cộng đồng sắc tộc này chúng tôi xin giới thiệu bài viết mang tựa đề “ Tại Arakan, hai thế kỷ xung đột cộng đồng” đăng trên nhật báo Libération số ra ngày 19/09/2017 của tác giả Laurence Defranoux.
Tại sao nạn nhân là người Rohingya?
Chỉ trong vòng một tháng, 400 nghìn người đã bị đẩy vào một cuộc di cư chạy trốn bạo lực. Cuộc trấn áp này có liên quan đến lịch sử của vùng đất Arakan (chính quyền quân sự cũ Miến Điện gọi đây là bang Rakhine). Trong khi đó, người Hồi Giáo ở nhiều vùng khác của Miến Điện vẫn sống không mấy phải lo ngại gì.
Những cuộc thanh lọc sắc tộc xảy ra trong những tuần qua chỉ là một mảng trong nhiều thế kỷ truy bức sắc tộc và tôn giáo ở đất nước này, tuy nhiên trong đó người ta có thể tìm thấy cả những động cơ kinh tế khi chính quyền đang có những dự án công nghiệp ở vùng đất nóng này.
Để hiểu được căn nguyên của vấn đề, cần phải ngược dòng thời gian về hai thế kỷ trước. Đó là vào năm 1826, người Anh sáp nhập Arakan vào thuộc địa Miến Điện của họ. Arakan là một dải đất màu mỡ bên bờ vịnh Bengale. Một bộ phận dân gồm những người Phật Giáo và người Hồi Giáo đã sống ở đó ít nhất từ thế kỷ thứ 15. Họ đã sống lưu vong tại đây khi quê hương của họ bị vương quốc láng giềng xâm chiếm.
Nhà nghiên cứu nhân chủng học có văn phòng tại Rangoon, ông Maxime Boutry giải thích : “Trên vùng đất hoang hóa đó, chính quyền thực dân đã đưa những di dân từ Bengale đến định cư phát triển canh tác lúa. Những người Arakan trở về thì đất đai của họ đã bị chiếm. Đất đai chính là nguồn gốc của hiềm khích giữa hai cộng đồng dân cư.”
Trên toàn đất nước, người Anh đưa về hàng trăm nghìn người gốc Ấn Độ. Tâm lý chống thực dân khi đó đổ lên đầu những người nhập cư theo đạo Hindu và Hồi, những người đã làm giàu bằng buôn bán và cho vay nặng lãi.
Năm 1930 và 1937, nhiều cuộc truy sát nhằm vào người gốc Ấn đã diễn ra tại Rangoon. Năm 1942, khi người Nhật chiếm Miến Điện, những hậu duệ của người gốc Ấn Độ vẫn trung thành với người Anh, trong khi đó người Arakan ngả theo người Nhật.
Bà Alexandra de Mersan thuộc Viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông của Pháp (Inalco), người đã nghiên cứu về Arakan từ năm 1998, giải thích : “Cuối cuộc chiến tranh, Miến Điện muốn thoát khỏi sự đô hộ của đế quốc và người nước ngoài. Các làn sóng đòi độc lập đầu tiên do các sư sãi khởi xướng tập hợp thành phong trào Phật giáo vì độc lập dân tộc. Người Hồi Giáo ở Arakan đòi được công nhận như là một cộng đồng thiểu số tôn giáo, thế nhưng họ bị từ chối.”
Một phong trào độc lập có tên gọi “Rohingya” đòi sáp phần phía bắc Arakan vào phía đông Pakistan đã dấy lên nhưng không thành công. Người Miến Điện về sau gọi những người thiểu số này bằng cái tên “ Bengalis”.
Vùng đất nghèo đói kém phát triển
Năm 1971, một làn sóng di cư bùng lên do cuộc chiến tranh đòi độc lập của Bangladesh lại càng củng cố thêm định kiến cho rằng người Hồi Giáo ở Arakan là “những người nước ngoài bất hợp pháp” và thế là một chiến dịch bạo lực xua đuổi họ nổi lên lên hồi năm 1978.
Đến năm 1982, Miến Điện ra đạo luật về quyền công dân, đòi hỏi các nhóm sắc tộc phải chứng minh được sự hiện diện của họ trên lãnh thổ trước thời thuộc địa. Thế là những người “Bengalis” bị truất quyền công dân. Họ không được tham gia các công việc hành chính và một số tài sản còn bị tịch thu.
Bang Rakhine có 3 triệu dân, trong đó 1/3 là người Hồi Giáo có nguồn gốc lịch sử di cư khác nhau. Đây cũng là bang chậm phát triển nhất Miến Điện. Năm 1991-1992, làn sóng bạo lực mới lại bùng lên khiến hàng trăm nghìn người Rohingya bỏ nhà cửa chạy nạn.
Cộng đồng quốc tế đã quan tâm đến số phận của họ, và đã đến cứu trợ. Người Arakan theo Phật Giáo cũng sống khổ sở đói nghèo không kém, vì thế mà họ cảm thấy bị bỏ rơi.
Chuyên gia Alexandra de Mersan nhận xét: “Áp lực của quốc tế là chính đáng, nhưng các tổ chức phi chính phủ đã gây thiệt hại nhiều vì tuyên truyền thái quá. Tình cảnh của người Rohingya là rất khó khăn, nhưng họ không phải là những người duy nhất không có quyền gì ở Miến Điện và cũng không phải là những người duy nhất đấu tranh chống lại chính phủ.”
Sau vụ quân Taliban phá hủy bức tượng phật cổ nổi tiếng ở Bamiyan và loạt khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, truyền thông do chính quyền quân sự kiểm soát, đã đưa tràn ngập những hình ảnh gắn Hồi Giáo với khủng bố.
Arakan vẫn luôn là vùng đấy nghèo đói. Những chuyện về các đứa trẻ sinh ra từ một cặp vợ chồng theo đạo Hồi và đạo Phật buộc phải theo Hồi Giáo và chuyện không thể cải đạo sang Phật Giáo tại Miến Điện đã nuôi dưỡng suy nghĩ sai lệch cho rằng đất nước họ đang bị “Hồi Giáo hóa”. Thực tế, người Hồi Giáo chỉ chiếm 4,7% trong số 62 triệu dân Miên Điện.
Năm 1995, chính quyền ban hành quy định về chỉ tiêu hôn nhân sắc tộc. Người Rohingya không thể kết hôn mà không có phép và mỗi cặp vợ chồng chỉ được quyền có 2 con.
Việc Miến Điện chuyển tiếp sang chế độ dân chủ năm 2011 cũng không chấm dứt được sự kỳ thị đó. Theo chuyên gia Maxime Boutry, “ giới quân sự chắc chắn thấy thấy ở đó cách chia để trị như trong các cuộc xung đột trong các bang miền bắc Shan và Kachin. Chính quyền dân sự thì lại bất lực với những cử tri đa số là người Phật Giáo”, những người đã ủng hộ họ.
Cái bóng của Bắc Kinh
Trong khi đó, Bắc Kinh xích lại gần với chính quyền mới vì họ quan tâm đến nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Arakan. Nhiều dự án công nghiệp đã được khởi công, trong đó có công trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt ở Kyaukpyi. Các khu đất bị quân đội tịch thu dưới chế độ độc tài giờ được đem cho các nhà thầu nước ngoài và Miến Điện thuê. Những người đang sống trên những mảnh đất đó bị cưỡng chế trục xuất mà hầu hết không được đền bù gì.
Năm 2012, vụ cưỡng hiếp một thiếu nữ trong cộng đồng người Phật Giáo lại làm dấy lên chiến dịch thanh lọc sắc tộc và cuộc di cư mới của người Rohingya. Những đứa trẻ Rohingya sinh ra không được cấp giấy chứng sinh. Các nghề như bác sĩ, kỹ sư, hay quyền học đại học giờ bị cấm đối với người Hồi Giáo ở Arakan. Họ buộc phải sống trong các khu làng hay khu trại biệt lập, không công ăn việc làm.
Năm 2015, Quốc Hội Miến Điện tiếp tục ra thêm luật thắt chặt các quyền của người Rohingya. Bên cạnh đó, chính quyền trung ương liên tiếp mở các dự án với Bắc Kinh, trong đó có công trình cảng Kyaukphyu, có trị giá đầu tư 7,3 tỷ đô la. Đây là một điểm quan trọng trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Theo nhà xã hội học Saskia Sassen, tác giả cuốn sách “Trục xuất: Tính thô bạo và phức tạp trong kinh tế toàn cầu” nhận định: “ Tiếp cận vịnh Bengale và Ấn Độ Dương giờ là lợi ích cốt yếu của Trung Quốc. Điều này sẽ làm thay đổi sâu sắc mọi chuyện. Giới quân nhân Miến Điện từ lâu nay vẫn tham gia vào các vụ làm ăn vơ vét đất đai. Họ kiếm chác được nhiều với việc loại bỏ người Rohingya”.
Những mỏ titan, aluminum đã được tìm thấy ở huyện Maungdaw, nơi người Rohingya sinh sống. Khi các đồn cảnh sát bị quân nổi dậy tấn công hồi tháng 8, trấn áp bạo lực đổ xuống người dân cùng với sự đồng tình của Bắc Kinh. Tuần trước, Trung Quốc đã cam đoan vẫn dành cho Naypyidaw sự ủng hộ.
Như ở Kyauphyu năm 2012, các khu làng bị đốt trụi để người dân không thể trở lại và để xóa sạch mọi dấu vết về quyền lợi của tổ tiên họ trên mảnh đất của người Rohingya.
(Theo Libération http://www.liberation.fr/liseuse/publication/19-09-2017/1/)
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170919-mien-dien-arakan-2-the-ky-xung-dot-cong-dong
Teheran tố cáo
Hoa Kỳ ngầm phá hoại thỏa thuận hạt nhân Iran
Lãnh đạo chương trình hạt nhân Iran hôm qua, 18/09/2017, tố cáo Hoa Kỳ đang tìm cách ngầm phá hoại thỏa thuận quốc tế về hạt nhân với Iran và kêu gọi Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA) chống lại « các đòi hỏi không để chấp nhận được » của Washington.
AFP cho biết từ Vienna, Áo, nhân cuộc gặp thường niên giữa các nước thành viên Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế, ông Ali-Akbar Salehi, lãnh đạo Tổ Chức Năng Lượng Nguyên Tử Iran phát biểu : « Thái độ thù địch không giấu giếm, cũng như chính sách trì hoãn của chính quyền Mỹ nhằm ngầm phá hoại thỏa thuận hạt nhân (…) là đi ngược lại cả nội dung và tinh thần của thỏa thuận này ».
Ông Ali-Akbar Salehi cũng chỉ trích bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đã đưa ra « hàng loạt đòi hỏi vô lý và khác thường » trong việc yêu cầu Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế kiểm tra việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân và thanh tra các cơ sở quân sự của Iran.
Lãnh đạo Tổ Chức Năng Lượng Nguyên Tử Iran cho biết ông tin chắc rằng rằng Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế sẽ phản đối các đòi hỏi không thể chấp nhận được của Mỹ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170919-teheran-to-cao-hoa-ky-ngam-pha-hoai-thoa-thuan-hat-nhan-iran