Tin khắp nơi – 19/09/2016
Đảng của bà Merkel thất thế tại Berlin
Đảng CDU của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải chịu trận thua lịch sử trong cuộc bầu cử tiểu bang tại Berlin.
Đảng này đã bị loại khỏi liên minh cầm quyền tại bang với đảng trung tả Dân chủ xã hội.
Trong khi đó, đảng cánh hữu chống nhập cư Lựa chọn khác cho Đức (AfD) gia tăng phiếu bầu và sẽ bước vào quốc hội bang lần đầu tiên.
Vị thế của bà Merkel suy yếu sau quyết định cho phép hơn một triệu người nhập cư vào Đức năm ngoái.
Đảng CDU giành 17,6% số phiếu – kết quả tồi tệ nhất từ trước đến giờ tại Berlin.
Đây là thiệt hại bầu cử thứ hai của đảng trong hai tuần, sau khi bị đẩy vào vị trí thứ ba bởi đảng AfD ở Mecklenburg-Tây Pomerania vào đầu tháng.
‘Lời cảnh tỉnh’
Đảng Dân chủ xã hội SPD nổi lên như đảng mạnh nhất với khoảng 22%, mặc dù mất gần 7% cử tri của họ.
Hiệu suất mạnh mẽ của AfD, 14%, đã thúc đẩy đồng chủ tịch Joerg Meuthen của đảng nói rằng họ có vị trí vững chắc trong các cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới.
“Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng chúng tôi sẽ kết thúc năm tới với một kết quả có hai con số, ” ông nói.
AfD sẽ chắc chắn có đại diện tại 10 trong số 16 quốc hội bang.
Bộ trưởng Tài chính Bavaria, ông Markus Soeder, từ CSU, đảng liên kết của CDU, đã nhanh chóng gọi đây là “lời cảnh tỉnh to lớn thứ hai” trong hai tuần.
“Mất lòng tin nghiêm trọng và lâu dài giữa các cử tri truyền thống đe dọa các đảng bảo thủ,” ông nói với tờ Bild, và thêm rằng liên minh quốc gia tả hữu của bà Merkel phải giành lại sự ủng hộ bằng cách thay đổi hướng đi về chính sách nhập cư của mình.
Cuộc bầu cử ở Berlin, có 3,5 triệu người, bị chi phối vởi các vấn đề địa phương bao gồm dịch vụ công cộng kém, trường học đổ nát, tàu trễ và thiếu nhà ở, cũng như các vấn đề trong việc đối phó với làn sóng nhập cư.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/09/160919_losses_cdu_gains_for_afd
Vụ đánh bom New York:
Mỹ truy lùng nghi can gốc Afghanistan
NEW YORK —
Chính quyền thành phố New York đang truy tìm một người đàn ông 28 tuổi bị nghi có liên hệ tới vụ nổ bom tối 17/9 tại Manhattan. Một tuyên bố của Cục Điều tra Liên bang Mỹ, FBI, nói rằng Ahmad Khan Rahmani, một công dân Hoa Kỳ gốc Afghanistan, đang bị truy nã. Cơ quan này nói rằng địa chỉ cuối cùng của nhân vật này là ở Elizabeth, New Jersey.
Thị trưởng New York Bill de Blasio nói với kênh truyền hình CNN rằng chính quyền “cần phải tóm được ông ta” ngay lập tức. Đầu giờ sáng nay, 19/9, thống đốc New York Andrew Cuomo lặp lại rằng vụ đánh bom hôm 17/9 là một “hành động khủng bố”, và rằng có thể có “liên hệ với nước ngoài”. Một ngày trước đó, ông Cuomo nói ông không tin vụ đánh bom có liên hệ tới “khủng bố quốc tế”.
Trước đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ và cảnh sát ở New York hôm nay, 19/9, vẫn tiếp tục truy tìm các nghi can, cũng như xem xét liệu có mối liên hệ giữa vụ nổ bom tối 17/9 ở Manhattan và một thiết bị nổ khác tìm thấy gần đó.
Giới hữu trách đã chặn một “chiếc xe đáng ngờ” trên đường cao tốc ở khu vực Brooklyn thuộc New York cuối ngày 18/9, và sau đó, FBI thẩm vấn năm người bên trong xe, nhưng không ai bị truy tố vì bất kỳ tội danh nào.
Vụ nổ xảy ra tối 17/9 ở khu vực Chealsea làm 29 người bị thương, và tới nay, tất cả đã xuất viện.
Thiết bị nổ thứ hai, được tìm thấy ngay sau vụ nổ thứ nhất, gồm một chiếc nồi áp suất và một chiếc điện thoại di động gắn vào chiếc nồi này. Cảnh sát đã đưa thiết bị nổ này đi và hôm 18/9, cho biết rằng đã cho nổ tung nó một cách an toàn.
Các kỹ thuật viên của FBI tại một phòng thí nghiệm gần Washington đang xem xét bằng chứng từ cả hai quả bom.
Ông Tom Sanderson, Giám đốc phụ trách một nhóm có tên gọi Chương trình Các mối đe dọa Xuyên quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại thủ đô Washington nói với VOA rằng ông kỳ vọng các nhà điều tra sẽ nắm được nhiều thông tin từ các cuộc kiểm nghiệm bằng chứng.
Ông Sanderson nhận định rằng ADN của ai đó có thể vẫn còn trên chiếc nồi áp suất. Nhà nghiên cứu này cho rằng khả năng một tổ chức thánh chiến Hồi giáo gây ra vụ này là 50%. Ông cũng nói thêm rằng tại một nơi đa dạng sắc tộc như ở New York, các nhóm tôn vinh, coi người da trắng là ưu việt, có thể là thủ phạm.
Kênh truyền hình CNN dẫn lời nhiều nguồn tin từ lực lượng chấp pháp, cho biết rằng máy quay an ninh ghi lại hình ảnh một người đàn ông tại cả hai nơi đặt bom.
Trong khi đó, cả hai ứng viên tổng thống của Mỹ, vốn đều là cư dân của New York, đã lên tiếng về vụ việc xảy ra ở thành phố này.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thuộc Đảng Dân chủ nói:
“Tôi nghĩ rằng luôn cần phải tỉnh táo chờ đợi nắm được mọi thông tin trước khi đi tới kết luận”.
Chưa có câu trả lời
Thị trưởng New York Bill de Blasio hôm 18/9 cảnh báo rằng còn nhiều việc cần phải làm để tìm ra động cơ thực hiện vụ đánh bom.
Trao đổi với các phóng viên, ông nói: “Đây là một động cơ chính trị, động cơ cá nhân, hay động cơ là gì? Chúng tôi vẫn chưa biết”.
Còn Thống đốc New York Andrew Cuomo gọi vụ nổ là một “hành động khủng bố”, nhưng nói không có bằng chứng về sự can dự của “khủng bố quốc tế”.
Ông Cuomo cũng cho biết rằng để đề phòng bất trắc, thêm 1 nghìn cảnh sát và binh sĩ thuộc lực lượng Cảnh vệ Quốc gia sẽ đi tuần trên các tuyến tàu điện ngầm của thành phố.
Cả hai nhà lãnh đạo đều nói rằng không có bằng chứng về sự liên hệ giữa các quả bom ở New York và một quả bom ống phát nổ sáng 17/9 trong thùng rác tại thị trấn nằm ven bờ biển ở New Jersey, cách thành phố New York 135 km về phía nam. Không ai bị thương trong vụ nổ đó.
Giới hữu trách cho biết phát hiện thêm các thiết bị nổ bên trong một chiếc túi balô trong một thùng rác tại một ga tàu ở Elizabeth, New Jersey, cách không xa New York. Thị trưởng thành phố Elizabeth, Chris Bollwage, nói rằng một trong các thiết bị đã phát nổ trong khi cảnh sát dùng robot để tháo ngòi.
Quan chức thành phố này nói rằng xét về địa điểm nhà ga và nơi chiếc túi được tìm thấy, “rất có khả năng” là ai đó đã vứt nó đi, thay vì tìm cách cho nó nổ tung trong thùng rác.
Thời điểm bận rộn
Tuần này là thời điểm bận rộn ở New York khi hàng trăm nhà lãnh đạo và các quan chức từ khắp nơi trên thế giới đổ về thành phố để tham dự các cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Phát ngôn viên của LHQ, ông Stephane Dujarric, nói với Đài VOA rằng hàng ngày các quan chức đều đánh giá tình hình an ninh bên trong khu trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Ông nói thêm rằng còn ở bên ngoài tòa nhà LHQ, an ninh do các lực lượng ở cả cấp liên bang và địa phương của nước chủ nhà đảm nhiệm, và “không còn nghi ngờ gì, họ làm hết sức để bảo đảm an toàn cho mọi người”.
http://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-noi-vu-no-o-new-york-la-hanh-dong-co-y/3514055.html
Ngoại trưởng Mỹ để ngỏ khả năng đối thoại với Bắc Hàn
Chín ngày sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Hàn, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm Chủ nhật, 18/9, bày tỏ sẵn sàng tiếp tục cố gắng khôi phục đối thoại với Bình Nhưỡng nếu họ đình chỉ các chương trình phát triển vũ khí nguyên tử và vũ khí đạn đạo của họ.
Ông Kerry nói: “Chúng tôi đã nói nhiều lần rằng chúng tôi sẵn sàng ngồi lại với CHDCND Triều Tiên để xử lý các vấn đề về không xâm lược và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, về tham gia cộng đồng quốc tế, thu hút sự trợ giúp và phát triển kinh tế, với điều kiện Bắc Hàn cũng sẵn sàng nói chuyện với phần còn lại của thế giới về cách tiếp cận có trách nhiệm đối với vấn đề vũ khí hạt nhân và các chương trình hạt nhân”.
Cuộc họp ba bên hôm 18/9 giữa ông Kerry và các đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra tiếp sau vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ năm của Bắc Hàn cũng như sau khi họ gia tăng các vụ phóng tên lửa ngày càng thường xuyên hơn.
Các nhà phân tích xem xét các hình ảnh vệ tinh từ nguồn mở và cho rằng Bắc Hàn còn đói nghèo có thể đã hoàn tất việc chuẩn bị cho ba vụ thử hạt nhân nữa. Họ có thể tiến hành thử bất cứ lúc nào.
http://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-de-ngo-kha-nang-doi-thoai-voi-bac-han/3515076.html
Kẻ tấn công
khu mua sắm ở Minnesota được xác định danh tính
Người đàn ông đâm chín người bị thương tại một khu trung tâm mua sắm ở bang Minnesota phía bắc của Mỹ được xác định là người Mỹ gốc Somalia 22 tuổi.
Nhà lãnh đạo cộng đồng người Somalia ở bang này nói với VOA rằng nghi phạm, bị cảnh sát bắn chết trong vụ tấn công hôm thứ Bảy, tên là Dahir Adan.
Ông Abdul Kulane cho biết Adan là người được cộng đồng biết tới, làm nhân viên an ninh bán thời gian, và là một người “thông minh và đáng tin cậy.”
Ông Kulane nói ông không biết động cơ hoặc toàn bộ sự việc đằng sau vụ tấn công. Ông nói ông không cho rằng vụ tấn công có liên hệ tới khủng bố, mặc dù một tuyên bố của một hãng tin do IS điều hành đã nói rằng vụ tấn công là do một “người lính của Nhà nước Hồi giáo” thực hiện.
Cha của Adan, Ahmed Adan, nói với báo Star Tribune rằng cảnh sát nói với ông đêm thứ Bảy rằng con trai của ông, Dahir, đã qua đời tại Trung tâm Crossroads ở St. Cloud. Ông cho biết cảnh sát không nhắc tới vụ tấn công ở khu trung tâm mua sắm này, nhưng họ thu giữ hình ảnh và những tài liệu khác từ căn hộ của gia đình.
Nhà chức trách vẫn chưa công khai xác định danh tính kẻ tấn công bị một viên cảnh sát bắn chết. Viên cảnh sát này khi đó không đang làm nhiệm vụ. Không ai trong số những nạn nhân bị thương đe dọa tới tính mạng.
Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ đang điều tra vụ tấn công như là một “hành động khủng bố tiềm năng.”
Trao đổi tù nhân
có thể giảm căng thẳng giữa Iran và Afghanistan
Các nhà phân tích nói một cuộc trao đổi tù nhân mới đây giữa Iran và Afghanistan có thể báo hiệu việc Tehran sẵn sàng bắt đầu cải thiện mối quan hệ giữa hai quốc gia đã trở nên căng thẳng do việc chế độ Iran đối xử với người Afghanistan.
Kabul đã một vài lần phản đối trong những tháng gần đây về cách hành xử của Iran đối với người Afghanistan ở trong lãnh thổ Iran, kể cả việc nhốt một số tù nhân Afghanistan vào cũi tại một quảng trường thành phố và đưa hàng ngàn người Afghanistan đi chiến đấu ở tiền tuyến trong cuộc chiến Syria.
Khoảng 200 tù nhân Afghanistan bị xích đã được xe buýt của Iran đưa đến cửa khẩu biên giới Islam Qala hôm thứ Năm, 15/9, ở tỉnh miền tây Herat. Việc bàn giao diễn ra sau khi Kabul trao trả khoảng hai chục công dân Iran đã thụ án tù ở Afghanistan.
Mostafa Hazareh, một nhà báo Afghanistan ở thủ đô Kabul chuyên theo dõi Iran, nói: “Tehran đẩy nhanh cuộc trao đổi này… để chuyển hướng sự chú ý khỏi các sự kiện trước đó cũng như các tin tức về sự ngược đãi có hệ thống đối với người dân Afghanistan”.
Hai nước đã nhất trí trao đổi tù nhân trong năm 2012 nhưng việc trao đổi tù nhân mới chỉ được thực hiện hai lần. 16 tù nhân Afghanistan đã được bàn giao trong năm 2014.
Khoảng ba triệu người Afghanistan sống ở Iran. Hầu hết trong số họ định cư ở đó sau khi chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh và xung đột tại quê hương của họ. Tuy nhiên, nhiều người thiếu các quyền cơ bản và sống không có quốc tịch hoặc không có giấy tờ về tình trạng cư trú. Khoảng 950.000 người Afghanistan ở Iran được phân loại là người tị nạn.
Căng thẳng Mỹ-Nga gia tăng,
thỏa thuận ngừng bắn Syria lâm nguy
Thỏa thuận ngừng bắn mong manh ở Syria dường như đang sụp đổ khi những vị trí của phiến quân ở Aleppo bị không kích hôm Chủ nhật khiến ít nhất tám người thiệt mạng, trong khi những nhà lãnh đạo thế giới tề tựu về New York tham dự cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Sự vi phạm thỏa thuận xảy ra giữa lúc căng thẳng tăng cao giữa Mỹ và Nga sau một cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu làm thiệt mạng hàng chục binh sĩ Syria vào thứ Bảy.
Bộ Quốc phòng Nga nói chiến đấu cơ của Mỹ giết chết hơn 60 binh sĩ Syria tại thành phố Deir al-Zor ở miền đông trong bốn cuộc không kích của hai chiến đấu cơ F16 và hai chiến đấu cơ A10 bay từ hướng Iraq. Moscow đã kêu gọi một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để bàn về những cuộc không kích này.
Đại sứ Mỹ Samantha Power nói yêu cầu nhóm họp của Moscow là một “trò gây chú ý,” trong khi người tương nhiệm của Nga Vitaly Churkin cáo buộc Mỹ vi phạm những thỏa thuận rằng Mỹ sẽ không nhắm mục tiêu vào những vị trí của lục quân.
Ông Churkin gọi vụ không kích là “điềm xấu” cho thỏa thuận Mỹ-Nga để dừng cuộc chiến ở Syria, đã làm thiệt mạng hơn 300.000 người kể từ khi nổ ra vào năm 2011.
Nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm Chủ nhật bác bỏ những cáo buộc của Nga trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN. Thay vào đó ông Kerry quy trách nhiệm cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Ông Kerry nói rằng chính phủ Assad đang ngăn chặn viện trợ nhân đạo tới được một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Syria và vẫn tiếp tục tình trạng bạo lực, và ông nói Nga phải gây áp lực lên ông Assad.
“Để tôi nói rõ điều này: Nga đã đồng ý tham gia đình chỉ chiến sự. Assad nói ông ta sẽ tuân thủ,” ông Kerry nói. “Vậy thì ông ta cần phải dừng lại và để cho trung tâm thi hành hỗn hợp được thiết lập để Nga và Mỹ có thể phối hợp để tránh được vụ việc khủng khiếp xảy ra ngày hôm qua mà tất cả chúng tôi thừa nhận và hối tiếc.”
Thỏa thuận ngừng bắn bảy ngày kết thúc vào nửa đêm Chủ nhật, theo một thông cáo mà quân đội Syria đưa ra vào tuần trước. Mỹ và Nga đã nói rằng nếu thỏa thuận đứng vững trong bảy ngày thì sau đó nên thành lập một Trung tâm Thi hành Hỗn hợp để cả hai nước phối hợp việc xác định những mục tiêu chống lại Nhà nước Hồi giáo và những kẻ chủ chiến có liên hệ với al-Qaida.
Ông Kerry kêu gọi Nga ngăn cản ông Assad làm suy yếu thỏa thuận hòa bình vì “không có lựa chọn tốt” nào để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria, và những chọn hiện có đều “xấu.”
Ông Kerry nói: “Một lựa chọn là cố gắng tiến tới một sự ngừng bắn và cố gắng tiến tới bàn đàm phán. Nhưng lựa chọn kia là thêm vũ khí trong khu vực, thêm chiến sự, thêm sự hủy diệt, thêm di dân, thêm người tị nạn. Thêm trẻ em, phụ nữ, trường học, bệnh viện bị trúng đạn. Có thể là sự hủy diệt cả một quốc gia và nhà nước Syria. Và thậm chí bây giờ tình hình đang tiến gần tới mức đó. Vì vậy, những lựa chọn này chẳng có gì tốt đẹp. Nhưng ta phải thử mức độ nghiêm túc của mục đích của một quốc gia.”
‘Đảng của Putin’ thắng lớn
Đảng Nước Nga Thống Nhất, được Tổng thống Vladimir Putin ủng hộ, giành được đa số trong bầu cử quốc hội.
Với 93% phiếu đã kiểm, đảng giành 54,2% phiếu và 343 ghế trong quốc hội 450 thành viên.
Nhưng tỉ lệ đi bầu chỉ là 47,8%.
Đảng Cộng sản và đảng dân tộc chủ nghĩa LDPR cùng chỉ có 13%.
Đảng Nước Nga Công bằng được hơn 6%.
Cả bốn đảng này đều trung thành với ông Putin và chi phối quốc hội sắp mãn nhiệm, Viện Duma.
Ông Putin đã cầm quyền 17 năm trong tư cách tổng thống hoặc thủ tướng.
Gian lận phiếu bầu được đưa tin ở nhiều khu vực.
Các đảng đối lập mang quan điểm tự do không giành được đủ phiếu.
Hai đảng đối lập chính được phép có ứng viên, Yabloko và Parnas, chỉ được 1,89% và 0,7%.
Kết quả lần này tăng đa số của đảng Nước Nga Thống Nhất so với 49% năm 2011.
Đảng này, do Thủ tướng Dmitry Medvedev dẫn dắt, sẽ có thêm ghế trong quốc hội, so với 238 ghế nhiệm kỳ trước.
Nhưng tỉ lệ đi bầu, dựa theo số liệu chưa đầy đủ, sẽ là thấp nhất trong lịch sử hiện đại của Nga.
Nó thấp hơn tỉ lệ 60% năm 2011.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/09/160919_russia_vote_result
Loạt tấn công ở Mỹ: Những điều đã biết
Các quan chức Hoa Kỳ đang điều tra về một số vụ tấn công xảy ra trong dịp cuối tuần, trong đó có ba vụ xảy ra trong cùng một ngày.
Đến nay, chúng ta đã biết những gì về những kẻ đứng đằng sau các vụ tấn công Minnesota, New York và New Jersey?
Điều gì xảy ra?
Vào sáng thứ Bảy, một trái bom phát nổ trên tuyến đường có cuộc chạy gây quỹ thiện nguyện tại New Jersey. Không ai bị thương, bởi đường phố khi đó vắng bóng người. Cuộc đua đã bị trì hoãn do người ta phát hiện thấy một túi xách vô chủ. Sự kiện được lên kế hoạch tổ chức nhằm gây quỹ cho lính thủy quân lục chiến và các thủy thủ sau đó đã bị hủy bỏ.
Vào buổi tối, một người đàn ông mặc đồng phục nhân viên an ninh đâm tám người tại một trung tâm mua sắm ở thị trấn Minnesota. Không có ai bị thương tới mức đe dọa tính mạng.
Kẻ tấn công đã bị một viên cảnh sát khi đó đang trong thời gian nghỉ bắn chết. Vụ việc xảy ra tại St Cloud, cách thủ phủ Minneapolis chừng 110km. Cảnh sát trưởng thị trấn nói kẻ tấn công đã hỏi ít nhất là một người xem liệu họ có phải là người Hồi giáo không. Kẻ tấn công được cho là người Mỹ gốc Somali.
Cũng khoảng cùng thời gian đó, cách hơn 1.900km, tại Manhatta, New York, một nồi áp suất chứa đầy những mảnh sắc nhọn phát nổ. Vụ việc xảy ra ở khu vực Chelsea, nói có đời sống về đêm rất nhộn nhịp, khiến 29 người bị thương. Tất cả các nạn nhân đã được xuất viện vào hôm Chủ Nhật. Loại bom tương tự đã được sử dụng trong vụ tấn công ở cuộc đua marathon Boston hồi 2013.
Một quả bom thứ hai, tương tự, đã được phát hiện ở địa điểm cách đó bốn tòa nhà, và đã được tháo dỡ an toàn.
Qua đêm, tới Chủ Nhật và vào đầu giờ sáng thứ Hai, có tới năm thiết bị phát nổ nữa được tìm thấy trong một ba lô để trong thùng rác tại Elizabeth, New Jersey. Một trong các thiết bị này đã phát nổ khi robot tiến hành xử lý. Thị trưởng thành phố nói đây “không phải là một vụ nổ có kiểm soát”.
Đó có phải là các vụ tấn công khủng bố không?
Khó nói về điều này, nhất là khi không có một định nghĩa nhất quán về chủ nghĩa khủng bố. Giới chức nói động cơ của toàn bộ ba vụ tấn công này hiện vẫn chưa rõ là gì.
Thống đốc New York, Andrew Cuomo ban đầu nói trái bom ở thành phố “rõ ràng là một hành động khủng bố, nhưng không liên hệ tới khủng bố quốc tế”, và xác nhận là người ta không tìm thấy mối liên hệ nào tới nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) ‘v.v… và v.v…’.
Nhưng hôm thứ Hai, sau khi một người đàn ông sinh ra tại Afghanistan được xác định là nghi phạm, ông Cuomo nói có thể có mối liên hệ quốc tế. “Thông tin có được trong hôm nay cho thấy có thể vụ việc có liên hệ với nước ngoài, nhưng chúng ta sẽ theo dõi xem liên hệ với đâu,” ông nói.
Thị trưởng thành phố, Bill de Blasio nói không có mối đe dọa cụ thể, rõ rệt nào từ bất kỳ một nhóm khủng bố nào.
Về phần mình, IS nói kẻ tấn công Minnesota là một trong các chiến binh của họ, nhưng FBI nói không thể tìm thấy bất kỳ liên hệ nào giữa người này với IS.
Nhóm IS đã kêu gọi tiến hành các vụ tấn công “sói đơn độc” và nổi tiếng là hay lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ về sau được xác định là không liên hệ gì với họ.
Có một liên hệ này giữa các vụ tấn công không?
Cuộc điều tra cho đến nay chưa phát hiện ra bất kỳ mối liên hệ nào, tuy cả ba vụ đánh bom đều tập trung ở các tiểu bang cạnh nhau, New Jersey và New York.
Đã có ai bị bắt chưa?
Truyền thông Mỹ đưa tin các cơ quan thực thi pháp luật liên bang đang thẩm vấn năm người bị giữ liên quan tới vụ đánh bom New York, nhưng những người này chưa bị bắt.
Hôm thứ Hai, giới chức New York xác định một người đàn ông nữa đang bị truy nã để thẩm vấn. Ahmad Kan Rahami, 28 tuổi, là người sinh ra tại Afghanistan và sau nhập tịch Mỹ.
Các biện pháp an ninh liệu có thay đổi?
Các biện pháp đã được thay đổi rồi. Có thêm chừng 1.000 nhân viên an ninh được triển khai tại các điểm giao thông đi lại quan trọng của New York khi Tổng thống Barack Obama tới thành phố.
Ông Obama có kế hoạch ở đây vào thứ Ba để khai mạc kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sự kiện có sự tham dự của các lãnh đạo và các phái đoàn đến từ trên toàn thế giới.
Tóm lại, chúng ta biết những gì?
Chúng ta không chắc ai đã đặt các thiết bị nổ tại Manhattan và tại hai địa điểm ở New Jersey. Thường thì những người để bom sẽ để lại một thông điệp mà họ muốn được thế giới, hoặc một nhóm người cụ thể mà họ nhắm tới, biết đến. Nếu không biết những người để bom là ai như trong trường hợp này, chúng ta sẽ không biết động cơ của họ là gì.
Tuy nhiên, cũng có khả năng những người đặt bom tận dụng việc thiếu thông tin để làm tâm lý sợ hãi lan đi rộng khắp hơn. Nếu bạn không biết ai là đối tượng bị tấn công, lý do tấn công là gì, thì bạn sẽ không thể đoán ra được là liệu việc đó có xảy ra nữa hay không, hay sẽ xảy ra ở nơi nào. Và tâm lý đó sẽ gây hại cho bất kỳ xã hội, bất kỳ nền kinh tế nào.
Cho đến nay, chúng ta hầu như không biết gì về người đàn ông đã đâm bị thương tám người ở Minnesota. Tên của ông ta vẫn chưa được công bố và chúng ta không biết gì nhiều về động cơ của ông ta, trừ lời nhận trách nhiệm do nhóm IS nêu ra.
Chúng ta cũng không biết tại sao các địa điểm cụ thể này lại bị tấn công, hay liệu các vụ tấn công có liên hệ với nhau hay không.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/09/160919_us_attacks_what_we_know
Báo Trung Quốc :
Phản đối xây đập tại Miến Điện là « cực đoan »
Những người phản đối dự án xây đập thủy điện tại Miến Điện là những « kẻ cực đoan », làm tổn hại nghiêm trọng đến dự án đầu tư chung của cả hai nước. Trên đây là những lời chỉ trích mạnh mẽ từ một tờ báo Đảng Trung Quốc đưa ra ngày 19/09/2016.
Reuters trích dẫn tờ The Study Times, một tờ báo do trường Đảng Trung ương Trung Quốc phát hành hai số/ tuần, đã có những lời bình luận gay gắt cho rằng dự án xây đập thủy điện Myitsone và nhiều dự án quan trọng khác trên dòng Salween « đã bị vài tờ báo cực đoan, một số tổ chức phi chính phủ phản đối dữ dội».
Theo tờ báo Trung Quốc, việc một số báo Miến Điện yêu cầu ngưng các dự án « là một bước quan trọng nhằm chứng tỏ Miến Điện không muốn quá lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc ». Tờ báo này viết, các bình luận có tính chất « cực đoan » tại Miến Điện sẽ có « những tác động tiêu cực lên công luận và làm tổn hại nghiêm trọng cho các dự án hợp tác chung ».
Reuters nhắc lại, dự án đập thủy điện Myitsone, có tổng trị giá công trình là 3,6 tỷ đô-la, đã bị đình lại dưới thời cựu tổng thống Thein Sein, do những quan ngại về môi trường. Đây chính là điểm gây căng thẳng cho quan hệ đôi bên. Giới quan sát nhận định quyết định này của ông Thein Sein cũng là ý định muốn giữ khoảng cách với Bắc Kinh.
Thế nhưng, tìm kiếm một giải pháp cho dự án này đối với bà Aung San Suu Kyi là một điều quan trọng. Miến Điện hiện rất cần đến sự hợp tác của Trung Quốc trong việc đàm phán với các lực lượng nổi dậy đang hoạt động dọc theo biên giới với Trung Quốc.
Cảnh sát Mỹ phát hiện thêm bom tự tạo gần New York
Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI tiếp tục điều tra về ba vụ tấn công xảy ra tại Hoa Kỳ vào cuối tuần qua. Năm người bị câu lưu tại New York. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhận là tác giả vụ tấn công bằng dao ở bang Minnesota. Cảnh sát Mỹ phát hiện nhiều quả bom tự tạo tại nhà ga xe lửa Elizabeth, bang New Jersey, gần phi trường Newak, sân bay lớn thứ nhì của New York.
Cảnh sát vào đêm hôm qua rạng sáng nay 19/09/2016 đã phát hiện một kiện hàng với “nhiều quả bom tự tạo” tại nhà ga Elizabeth, nơi có có những chuyến tàu đưa hành khách đến thẳng phi trường Newark.
Trước mắt giới điều tra chưa có bằng chứng các vụ tấn công dồn dập xảy ra tại New York, bang New Jersey trong đêm ngày thứ Bảy 17/09/2016 được phối hợp với nhau. FBI câu lưu 5 nghi phạm nhưng chưa chính thức truy tố bất kỳ một ai. Thị trưởng New York không loại trừ khả năng giới điều tra nghiêng về giả thuyết khủng bố. Theo tin mới nhất, cảnh sát New York đang truy lùng một nghi phạm có “mang vũ khí và nguy hiểm” liên quan đến loạt nổ vừa qua. Theo thị trưởng New York kẻ bị truy lùng là một thanh niên 28 tuổi, sống tại bang New Jersey.
Tối thứ Bảy vừa qua một quả bom tự tạo đã phát nổ ở khu Chelsea sầm uất, làm 29 người bị thương. Trước đó ở phía nam bang Jew Jersey, sát cạnh New York, một quả bom khác cũng đã nổ tại Seaside Park, trên lộ trình mà hàng trăm người chuẩn bị chạy bộ. Cũng ngày thứ Bảy, một thanh niên 22 tuổi đã dùng dao đâm bị thương 9 người tại khu thương mại của thành phố Saint-Cloud, bang Minnesota, miền bắc nước Mỹ.
Các vụ tấn công nói trên diễn ra vài giờ trước khi khai mạc khóa họp thường niên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Thành phố New York tăng cường 1000 nhân viên an ninh. Gần đến ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, vấn đề an ninh trở thành đề tài nổi bật trong chương trình vận động của hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160919-canh-sat-my-phat-hien-them-bom-tu-tao-gan-new-york
Philippines triển hạn thêm 6 tháng chiến dịch bài trừ ma túy
Mặc dù bị quốc tế và các tổ chức bảo vệ nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn trong chiến dịch bài trừ ma túy. Ông yêu cầu triển hạn thêm 6 tháng để hoàn thành nhiệm vụ, giải quyết dứt điểm tệ nạn xã hội này. Từ khi ông Duterte lên cầm quyền tháng 6/2016, đã có hơn 3.000 người bị giết vì tội buôn ma túy. Gần 2/3 trong số đó không được xét xử.
Nói chuyện với báo giới tại Davao ngày 18/09/2016, tổng thống Duterte nhấn mạnh ông chỉ nhận ra mức độ nghiêm trọng của hiện tượng xã hội này đối với Philippines kể từ khi lên cầm quyền, đã có « hàng trăm người tham gia vào các đường dây ma túy ». Manila « cần có thêm thời gian, có thể là sáu tháng » để hoàn thành mục tiêu bài trừ ma túy ở Philippines.
Theo thống kê của cảnh sát, từ khi ông Rodrigo Duterte lên cầm quyền vào tháng 6/2016, hơn 1.000 tội phạm ma túy đã bị hành quyết. Nhưng theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, ngoài con số chính thức nói trên, còn có hơn 2.000 người đã bị sát hại ngoài khuôn khổ pháp lý. Tổng thống Duterte liên tục kêu gọi người dân Philippines giúp đỡ chính quyền tiêu diệt hết những tên tội phạm.
Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, cùng các tổ chức nhân quyền trên thế giới mạnh mẽ lên án chính sách bài trừ ma túy của Philippines và các vụ giết người ngoài vòng pháp luật.
Tổng thống Rodrigo Duterte cam kết chiến dịch bài trừ ma túy quy mô của ông sẽ trừ khử khoảng 100.000 tội phạm, để Philippines không trở thành một nhà nước trong tay các băng đảng ma túy.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160919-philippines-trien-han-them-6-thang-chien-dich-bai-tru-ma-tuy
Cam Bốt : Thủ tướng Hun Sen dọa « trừ khử » đối lập
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen lại lên giọng ngày 19/09/2016 bất chấp những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế tiến hành đối thoại chính trị. Ông Hun Sen dọa « loại trừ » các nhà đối lập nếu họ tiếp tục kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình lớn.
Trong bài diễn văn đọc tại buổi lễ trao bằng ở đại học Phnom Penh, người đứng đầu chính phủ Cam Bốt nhấn mạnh : « Đừng đe dọa tôi bằng những cuộc biểu tình. Đây không phải là lời cảnh báo mà tôi gửi đến các vị mà còn hơn thế nữa. Lệnh thanh trừng tất cả những ai muốn phá hoại an ninh và ổn định xã hội đã được ban hành ». Đồng thời, ông Hun Sen cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế không can thiệp vào nội tình Cam Bốt.
Hãng tin AFP nhắc lại, trong một bản tuyên bố chung được công bố vào tuần trước, 36 nước, trong đó có 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ, đã tỏ ra « vô cùng quan ngại » trước tình hình căng thẳng leo thang tại Cam Bốt. Các nước này cũng kêu gọi Phnom Penh tiến hành đối thoại chính trị và chính phủ phải « cam kết tôn trọng toàn vẹn nhân quyền », trong đó có quyền tự do ngôn luận và quyền hội họp.
Bầu không khí chính trị tại Cam Bốt trở nên rất căng thẳng trong những tháng gần đây : Nhiều nhà đối lập phải xin tị nạn chính trị ở nước ngoài để tránh bị truy tố, một nhà bình luận chỉ trích chính phủ bị sát hại.
Sự kiện gần đây nhất, ngày 09/09/2016, Kem Sokha, một lãnh đạo đối lập tại Cam Bốt, bị kết án 5 tháng tù trong một vụ án được giới bảo vệ nhân quyền đánh giá là hoàn toàn mang tính chính trị. Từ nhiều tháng nay, nhà đối lập này trốn tại trụ sở đảng Cứu Nguy Dân Tộc (CNRP) của ông để tránh bị bắt. Từ đó, phe đối lập đe dọa tập hợp người ủng hộ để biểu tình phản đối, trong trường hợp nhà cầm quyền bắt giữ ông Kem Sokha.
Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (HRW) cho rằng thủ tướng Hun Sen « sử dụng mọi biện pháp có thể để vô hiệu hóa phe đối lập ». Vẫn theo tổ chức phi chính phủ này, hai nghị sĩ thuộc phe đối lập hiện bị cầm tù và ít nhất 10 người khác đang bị truy tố.
Năm 2017, Cam Bốt sẽ tổ chức bầu cử địa phương trước khi tiến hành bầu cử Quốc Hội năm 2018. Thủ tướng Hun Sen điều hành Cam Bốt từ 31 năm nay. Ông bị cáo buộc chà đạp mọi quyền cơ bản nhất của con người để duy trì vị thế của ông, bên cạnh một nhóm đồng minh thân cận ngày càng giầu có hơn.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160919-cam-bot-thu-tuong-hun-sen-doa-%C2%AB-tru-khu-%C2%BB-doi-lap