Tin khắp nơi – 19/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 19/06/2018

Thượng viện Mỹ đồng ý cho tập trận với Đài Loan

Thượng viện Hoa Kỳ hôm 18/06/2018 đã thông qua luật quốc phòng cho phép quân đội tham dự tập trận ở Đài Loan.

Luật Ủy quyền Quốc phòng (National Defense Authorisation Act 2019) đã được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 24/05.

Nay, việc đưa quân lính Mỹ tham gia cuộc tập trận thường niên Hán Quang (Han Kuang) của Đài Loan chỉ còn tùy thuộc vào quyết định của bên Hành pháp Mỹ.

Luật này cũng cho phép quân đội Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) tham gia diễn tập quân sự tại Hoa Kỳ.

Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan mở trụ sở mới

Đài Loan phản đối VN trao nghi phạm cho TQ

Mỹ bán 1,42 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan

Từ một thời gian trước đã có tin Cố vấn An ninh John Bolton cổ vũ cho việc để quân lực Hoa Kỳ tham gia tập trận tại Đài Loan, bất chấp phản đối từ Hoa Kỳ.

Từ năm 2017, ông Bolton đã nêu ý kiến rằng Hoa Kỳ có thể “cải thiện vị thế an ninh bằng cách tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan và đặt quân đội và vũ khí ở đó”.

Đến tháng 6 năm nay, một báo Hong Kong trích nguồn từ giới nghiên cứu tại Đài Bắc nêu ra ý tưởng “cho Hoa Kỳ thuê” đảo Ba Bình ở Trường Sa, như cách làm đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông.

Lawrence Chung viết trên South China Morning Post (07/06) rằng một tạp chí ở Đài Loan nói “một số nhà nghiên cứu gợi ý rằng Washington có thể được lợi từ chuyện đem quân đến đóng trên đảo Thái Bình”.

Đây là hòn đảo tự nhiên thuộc loại lớn nhất tại quần đảo Trường Sa mà Việt Nam gọi là Ba Bình.

Tuy đây chỉ là một gợi ý mang tính nghiên cứu, không phải chính sách của chính phủ Đài Loan hay Hoa Kỳ, nó cũng được bình luận ở Đài Loan từ đầu tháng 6.

Duncan DeAeth viết trên trang Taiwan News hôm 04/06 rằng viện nghiên cứu nêu ra ý tưởng trên có liên hệ với Dân Tiến Đảng đang cầm quyền ở Đài Loan.

Hai vấn đề được nêu ra là hoặc Đài Loan cho Mỹ “thuê lâu dài” để đóng quân ở Ba Bình, hoặc mời quân đội Hoa Kỳ cập bến thăm hòn đảo.

Cả hai khả năng đều sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận, và cũng không giải quyết được các tranh chấp lâu dài ở khu vực này.

Bài báo cũng nói tuy thế, nếu quân đội Mỹ vào thăm Ba Bình thì cũng chỉ là hành động tương tự như mời tàu chiến Mỹ thăm Cao Hùng ở Đài Loan.

Trang Taiwan News cũng đăng một bản đồ cho thấy đường thẳng từ Cao Hùng ra Ba Bình là 850 hải lý.

Hồi 2016, Tổng thống Đài Loan lúc đó, ông Mã Anh Cửu đã ra thăm hòn Ba Bình và đặt bia đá.

Theo các số liệu công bố năm 2016, các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều xây cất cơ sở quân sự trên các đảo ở Trường Sa, trong đó đảo Ba Bình có đường băng của Đài Loan thuộc hàng thứ ba về tầm vóc.

Quan hệ Đài Loan – Hoa Kỳ

Từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, quan hệ của Washington với Đài Bắc có nhiều chuyển biến.

Ông Trump sau khi thắng cử đã nhận cuộc điện đàm từ bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan thuộc Dân Tiến Đảng, khiến Trung Quốc nổi giận.

Dân Tiến Đảng liên tục bị Trung Quốc cáo buộc là theo đường lối ly khai.

Gần đây, Thứ trưởng Marie Royce của Mỹ và bà Thái Anh Văn đã dự lễ khai trương trụ sở mới của Viện Hoa Kỳ tại Đài Bắc hôm 12/06

Hồi giữa năm 2017, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận nước này vẫn bán vũ khí trị giá 1,42 tỷ USD cho Đài Loan, bất chấp mọi phản đối từ Bắc Kinh.

Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ vào lúc đó, ông Thôi Thiên Khải nói quyết định của Washington bán vũ khí cho Đài Bắc “làm tổn hại niềm tin” hai bên Mỹ-Trung.

Hiện có tin từ Đài Loan rằng ông John Bolton có thể thăm Đài Loan vào mùa thu năm nay, và việc này nếu xảy ra sẽ là chuyển biến quan trọng trong cách Hoa Kỳ nhìn nhận đảo quốc.

Cho tới nay, Đài Loan bị Trung Quốc cô lập trên trường quốc tế và Bắc Kinh phản đối mọi chuyến thăm của quan chức Hoa Kỳ sang Đài Loan.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44532407

 

Kim gặp Tập lần thứ ba trong vòng ba tháng

Lãnh đạo Bắc Hàn có chuyến công du Trung Quốc lần thứ ba trong ba tháng vào đầu ngày 19/6, truyền thông Nhật cho hay.

Nikkei Asian Review dẫn các nguồn tin thân cận nói ông Kim Jong-un đến Trung Quốc để báo cáo cho Chủ tịch Tập Cận Bình về hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump và trao đổi về chiến lược đàm phán.

Hãy tưởng tượng một gia đình Bắc Hàn…

Bắc Hàn sẽ ‘dỡ bỏ địa điểm thử hạt nhân chính’

Ông Moon ‘có thể dự hội nghị Trump-Kim’

Sao bóng rổ Dennis Rodman có thể tới thượng đỉnh Trump-Kim?

Ông Kim bay đến Bắc Kinh, và an ninh tại thủ đô Trung Quốc được siết chặt, theo các nguồn tin. Đây là chuyến đi thứ ba của ông đến Trung Quốc trong một khoảng thời gian chỉ ba tháng.

Chuyến thăm mới nhất của ông Kim với đồng minh lâu năm và là hậu thuẫn kinh tế diễn ra trong bối cảnh Bắc Hàn và Mỹ chuẩn bị tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao tiếp theo sau hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 tại Singapore.

Tại hội nghị thượng đỉnh, Trump cho biết rằng Hoa Kỳ sẽ “bảo đảm an ninh” cho chế độ Bình Nhưỡng và hủy các đợt tập trận với Nam Hàn. Nhưng khi rời khỏi cuộc họp, ông Kim không có cam kết của Mỹ về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

“Chỉ khi nào chúng tôi nhận thấy Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn, lúc đó mới có giảm bớt các biện pháp trừng phạt,” Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm 14/6.

Với ba cuộc hội đàm liên tiếp cùng ông Tập, ông Kim dường như đang định cho Hoa Kỳ thấy rằng sự hỗ trợ của Bắc Kinh cho Bình Nhưỡng vẫn còn vững chắc.

Bắc Kinh, về phần mình, có thể muốn dùng ảnh hưởng lên Bình Nhưỡng như lá bài mặc cả trong cuộc chiến thương mại leo thang với Hoa Kỳ, Nikkei Asian Review nhận định.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44530242

 

Trung Quốc cảnh báo Mỹ

về ‘các biện pháp đáp trả’ những loại thuế mới

Trung Quốc nói sẽ có các biện pháp đáp trả thích đáng nếu Mỹ áp thêm các loại thuế mới lên các mặt hàng của Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump hôm 18/6 nói ông đã yêu cầu đại diện thương mại Mỹ đưa ra một danh sách các mặt hàng (Trung Quốc) sẽ bị áp thuế 10% với tổng trị giá 200 tỷ USD. Tổng thống nói biện pháp này nhằm trả đũa quyết định của Bắc Kinh đánh thuế nhập khẩu lên hàng hóa của Mỹ với tổng trị giá 50 tỷ USD. Mức thuế này của Trung Quốc tương đương với loạt thuế đầu tiên mà ông Trump áp lên hàng Trung Quốc.

Trong một thông cáo đưa ra hôm 19/6, bộ trưởng thương mại Trung Quốc chỉ trích động thái mới nhất của ông Trump đơn thuần là “tăng áp lực một cách thái quá và đe dọa” và điều đó “đi trệch khỏi những thỏa thuận mà hai bên đã thống nhất” trong các cuộc thương lượng trước đây.

Loạt khẩu chiến giữa ông Trump và Bắc Kinh đã làm cho các chỉ số của thị trường châu Á sụt giảm mạnh hôm 19/6. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 3,7% trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,7%. Các chỉ số của Tokya, Seoul, Manila và Đài Bắc đồng loạt mất hơn 1%.

Các giao dịch chứng khoán sáng sớm ngày 19/6 cũng giảm trên toàn châu Âu.

Ông Trump nói trong thông cáo ra ngày 18/6 rằng “Trung Quốc rõ ràng không có ý định thay đổi các biện pháp không công bằng liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ của Mỹ. Thay vì sửa đổi các biện pháp này, họ đang đe dọa các công ty, các công nhân và nhà nông của Mỹ – những người chẳng làm gì sai cả.”

Ông Trump đe dọa áp thêm thuế nếu Bắc Kinh đáp trả bằng các loại thuế trả đũa lên các mặt hàng của Mỹ.

Tuyên bố của ông Trump được đưa ra vài giờ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo nói tại một cuộc họp doanh nghiệp ở Detroit rằng Trung Quốc đang làm “kinh tế theo kiểu ăn trộm sơ đẳng” và đang ở “mức độ đánh cắp chưa từng có” quyền sở hữu trí tuệ (của Mỹ).

Ngoại trưởng Pompeo nói những tuyên bố gần đây của Trung Quốc về “mở cửa thị trường và toàn cầu hóa” là “một trò đùa.”

Ông Pompeo nói ông đã nêu vấn đề này lên trong một họp vào tuần trước với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cho biết “tôi đã nhắc nhở Chủ tịch Tập rằng đó là một sự cạnh tranh không công bằng.”

Ông Trump nói ông có một “mối quan hệ tuyệt vời” với ông Tập “nhưng nước Mỹ sẽ không còn bị Trung Quốc và các nước khác trên thế giới lợi dụng về thương mại nữa.”

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-canh-bao-my-ve-cac-bien-phap-dap-tra-nhung-loai-thue-moi/4445172.html

 

Vụ chia tách trẻ em tại biên giới:

TT Trump sẽ gặp phe Cộng hòa

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ gặp các nghị sĩ Cộng Hòa tại Quốc hội hôm nay 19/6 giữa lúc ông đang phải đối mặt với những chỉ trích về việc giam giữ trẻ em, chia tách chúng khỏi cha mẹ nhập cư tại biên giới Mỹ – Mexico.

Việc chia tách gia đình, như một đoạn ghi hình loan truyền trên mạng cảnh trẻ em bị giam trong lồng sắt, đã khiến dư luận phẫn nộ đối với chính sách di dân của ông Trump dâng cao.

Ông Trump sẽ gặp các nhà lập pháp Cộng hòa tại Điện Capitol khi phe Dân chủ lên tiếng chỉ trích việc đối xử “dã man” đối với trẻ em.

Chính sách “không khoan nhượng” nhập cư của chính quyền Tổng thống Trump cho phép bắt giữ tất cả những người lớn nhập cảnh bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, kể cả những người xin tị nạn.

Trong khi cha mẹ bị giam trong tù, con cái của họ được gửi đến các cơ sở giam giữ riêng biệt, một số cơ sở nằm ở địa điểm hẻo lánh.

Ông Trump và các viên chức chính quyền nói rằng chính sách bắt giam này là cần thiết để bảo đảm an ninh biên giới và ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp. Hai tổng thống tiền nhiệm chưa từng thực hiện chính sách này.

Trước đó thành viên Dân chủ và một số thành viên Cộng hòa đã chỉ trích chính quyền ông Trump việc chia tách gần 2.000 trẻ em khỏi cha mẹ chúng trong thời gian từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5.

Các đoạn video trên mạng cho thấy trẻ em nhập cư bị giam trong những chiếc lồng trên sàn bê tông tại các trung tâm giam giữ.

https://www.voatiengviet.com/a/vu-chia-tach-tre-em-tai-bien-gioi-tt-trump-se-gap-cac-nha-lam-luat/4445162.html

 

Đoạn ghi âm trẻ em khóc gây bất bình

trong công chúng Mỹ về chính sách di dân biên giới

Một đoạn ghi âm nghe đau lòng của những trẻ em Mỹ Latin khóc đòi cha mẹ ở một trung tâm di dân của Mỹ đã trở thành tâm điểm hôm 18/6 trong bối cảnh có nhiều phản ứng về chính sách di dân của Tổng thống Donald Trump bắt những trẻ em này tách khỏi bố mẹ của chúng.

Đoạn ghi âm do trang web điều tra độc lập ProPublica công bố và sau đó được AP cùng nhiều hãng truyền thông Mỹ đăng tải lại trong đó cho thấy tiếng một em bé khóc đòi “Bố ơi! Bối ơi!”

Luật sư nhân quyền Jennifer Harbury nói bà nhận được đoạn ghi âm của một người tự nguyện lên tiếng tố cáo và người này cho ProPublica biết nó được ghi âm vào tuần trước. Luật sư này không cho biết thêm thông tin chính xác là nó được ghi âm ở đâu, theo AP.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen nói bà chưa biết về đoạn ghi âm này nhưng cho biết những trẻ em bị chính phủ giam giữ đang được đối xử một cách nhân đạo. Bộ trưởng Nielsen nói chính phủ đặt ra các tiêu chuẩn cao cho các trung tâm tạm giữ và trẻ em được chăm sóc tốt đồng thời nhấn mạnh rằng Quốc hội cần bịt những lỗ hổng trong luật pháp để các gia đình không bị chia tách.

Đoạn ghi âm được tung ra trong lúc các chính khách và các nhà tranh đấu kéo tới khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico để thăm các trung tâm di dân của Mỹ và gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Trump.

Những phản ứng đối với chính sách này ngày càng dữ dội. Nhà thờ Mormon nói chính sách này “bất ổn sâu sắc” khi nó chia lìa các gia đình ở biên giới và họ thúc giục các nhà lãnh đạo Mỹ tìm ra các giải pháp hợp tình hợp lý.

Thống đốc bang Massachusetts Charlie Baker, một thành viên đảng Cộng hòa, đã đảo ngược một quyết định đưa một trực thăng vệ binh quốc gia tới biên giới Mexico để hỗ trợ việc triển khai lực lượng vì cho rằng chính sách này của chính quyền đương nhiệm là “tàn ác và vô nhân đạo.”

Có khoảng 80 người nhận tội vượt biên vào Mỹ trái phép hôm 18/6. Có một số người trong đó hỏi thẩm phán những câu hỏi như “Điều gì sẽ xảy ra với con gái của tôi?” và “Điều gì sẽ xảy ra với con trai của tôi?”

Các luật sư tại các phiên tòa ở đó nói các di dân đã đem theo khoảng hơn 20 trẻ em tới Mỹ và thẩm phán trả lời họ rằng ông không biết con cái của họ hiện ra sao.

Nhiều nhóm các nhà lập pháp đã tới thăm một trung tâm ở Brownsville ở Texas, nơi đang chứa hàng trăm trẻ em di dân.

Dân biểu đảng Dân chủ Ben Ray Lujan của tiểu bang Mexico nói trung tâm này trước đây là một bệnh viện được chuyển thành nơi ở cho trẻ em với các phòng được chia theo lứa tuổi. Có cả một phòng cho trẻ em sơ sinh.

Một nhóm các nhà lập pháp khác hôm 17/6 đã tới thăm một khu nhà kho cũ ở McAllen, Texas, nơi hàng trăm trẻ em đang bị giữ trong các “chuồng” làm bằng lưới sắt. Trong đó có một chuồng giam giữ 20 trẻ em.

Hơn 1.100 người đang bị giữ trong khu nhà rộng nhưng tối om đó. Nơi này được chia thành các khu riêng biệt cho những trẻ em không có bố mẹ đi kèm, người lớn riêng và những bố mẹ có mang theo trẻ em.

Ở thung lũng Rio Grande của Texas, hành lang có nhiều người nhất tìm cách vượt biên giới vào Mỹ, các giới chức tuần tra biên giới nói họ phải trừng trị thẳng tay những di dân và chia tách người lớn với trẻ em để ngăn cản những người khác đang tìm cách vào Mỹ một cách bất hợp pháp.

Tổng thống Donald Trump hôm 18/6 kiên quyết bảo vệ chính sách ngăn chặn di dân của ông và tiếp tục đổ lỗi một cách sai lầm cho những người của đảng Dân chủ.

Tổng thống nói: “Nước Mỹ sẽ không phải là trại tập trung di dân và nước Mỹ sẽ không phải là một trung tâm giam giữ người tị nạn. Tôi không muốn điều đó.”

https://www.voatiengviet.com/a/doan-ghi-am-tre-em-khoc-gay-bat-binh-trong-cong-chung-my-ve-chinh-sach-di-dan-bien-gioi/4445139.html

 

Chính quyền Trump tìm cách hạn chế phán quyết

về ‘thành phố lánh nạn”

Chính quyền Trump ngày 18/6 yêu cầu Tối cao Pháp viện Mỹ thu hẹp phạm vi áp dụng trên toàn quốc phán quyết của một tòa dưới ngăn chính phủ liên bang không được cấp quỹ liên bang về an toàn công cộng cho những thành phố hạn chế sự hợp tác thi hành luật di trú.

Bộ Tư pháp đã yêu cầu Tối cao Pháp viện Mỹ hạn chế lệnh của tòa do một thẩm phán liên bang đưa ra tại Chicago để lệnh này chỉ có hiệu lực tại thành phố này chứ không phải trên toàn quốc. Chính quyền của Tổng thống Cộng hòa Donald Trump đang mở cuộc tấn công vào các thành phố do đảng Dân chủ kiểm soát và những tiểu bang bảo vệ di dân bất hợp pháp trong khuôn khổ chính sách di trú cứng rắn của ông Trump.

Bộ Tư pháp nói lệnh của Tòa án “vượt xa truyền thống và vai trò thực sự của Tòa án liên bang.” Các thẩm phán tối cao sẽ yêu cầu thành phố Chicago trả lời trước khi quyết định về yêu cầu của Bộ Tư pháp.

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions chỉ trích các tòa dưới là áp đặt lệnh của tòa lên toàn quốc chống lại một trong những chính sách gây tranh cãi của chính quyền.

Năm ngoái Chicago kiện chính quyền sau khi ông Sessions nói ông sẽ cắt một số khoản tài trợ cho các thành phố trừ phi những thành phố này cho phép nhà cầm quyền di trú liên bang tiếp cận không giới hạn các trại giam địa phương và cung cấp những tin tức trước khi trả tự do cho những người vi phạm luật di trú.

Kể từ khi lệnh của tòa được ban hành vào năm ngoái, Bộ Tư pháp cho biết đã không tài trợ cho gần 1.000 cơ quan tài phán áp dụng phán quyết. Số tiền tài trợ này lên đến hơn 250 triệu đô la.

Tòa phúc thẩm liên bang số 7 có trụ sở tại Chicago xác nhận lệnh của tòa hồi tháng 4, nói rằng ông Sessions đã vượt quyền khi áp đặt những điều kiện tài trợ. Tòa án số 7 nói vì lệnh tòa áp dụng trên toàn quốc có hiệu lực mạnh mẽ nên các thẩm phán ít khi đưa ra phán quyết như vậy, nhưng trong trường hợp này là thích đáng.

Lệnh của Tòa án có hiệu lực trên tòa quốc cũng đã chặn đứng nỗ lực của ông Trump muốn kết thúc một chương trình bảo vệ di dân đến Mỹ bất hợp pháp từ niên thiếu trước nguy cơ bị trục xuất và miễn trừ không bắt các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo phải bao gồm chi phí ngừa thai cho phụ nữ trong quỹ bảo hiểm sức khỏe.

https://www.voatiengviet.com/a/chinh-quyen-trump-tim-cach-han-che-phan-quyet-ve-thanh-pho-lanh-nan/4444337.html

 

Tối cao Pháp viện Mỹ

tránh phán quyết về khu vực bầu cử

Tối cao Pháp viện Mỹ ngày thứ Hai 18/8 tránh những phán quyết quan trọng về việc liệu các nhà lập pháp tiểu bang có thể bị ngăn cản về khả năng khoanh vùng các khu vực lập pháp hầu tạo lợi thế đảng phái hay không. Tòa đã đưa ra những phán quyết hạn hẹp trong những vụ kiện từ Wisconsin và Maryland liên hệ đến tập tục được gọi là sắp xếp gian lận khu vực bầu cử để giành thắng lợi.

Tòa án ban phần thắng cho đảng Cộng hòa tiểu bang Wisconsin trong việc khoanh vùng các khu vực bầu cử tiểu bang giúp củng cố quyền hành của đảng bằng cách bác bỏ với 9 phiếu thuận, 0 phiếu chống phán quyết của tòa dưới cho rằng khu vực bầu cử tước đoạt quyền hiến định của các cử tri Dân chủ trong đó có quyền được bảo vệ bình đẳng theo luật.

Trong trường hợp Maryland, Tòa án quyết định không tức thì ngăn một khu vực bầu cử Hạ viện do phe Dân chủ khoanh vùng khiến cử tri đảng Cộng hòa thưa kiện. Thay vào đó, tòa cho phép vụ này xúc tiến.

Các nhà cải cách bầu cử thuộc hai đảng hy vọng các thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ sẽ chặn đứng khuynh hướng ngày càng tăng mà qua đó, đảng kiểm soát quốc hội tiểu bang dùng tiến trình này để phân chia lại khu vực bầu cử, sau cuộc kiểm tra dân số tại Mỹ được tổ chức 10 năm một lần, để nắm chặt quyền hành bằng cách giảm bớt số cử tri có khuynh hướng ủng hộ đảng đối thủ.

Những người chống đối nói rằng việc sắp xếp gian lận khu vực bầu cử để giành thắng lợi bắt đầu làm méo mó nền dân chủ Mỹ bằng cách bóp nghẹt tiếng nói của những phần cử tri đoàn đông đảo.

Hành động của Tối cao Pháp viện Mỹ giúp cho các thẩm phán tối cao tránh một phán quyết cuối cùng là liệu các Tòa án có quyền can thiệp khi các chính đảng ở mọi cấp khoanh vùng khu vực bầu cử nhằm nắm chặt chính quyền bất chấp sự thiệt hại của đảng khác hay không.

Trong trường hợp Wisconsin, Tối cao Pháp viện Mỹ thấy rằng các cử tri Dân chủ kiện để ngăn chặn bản đồ bầu cử do Đảng Cộng hòa vạch ra thiếu căn bản pháp lý để đưa vụ này ra trước Tối cao Pháp viện bởi vì họ thách thức trên căn bản toàn tiểu bang thay vì chú trọng đến những khu vực bầu cử riêng rẽ.

Biện luận cho Tối cao Pháp viện, Chủ tịch Tối cao Pháp viện John Robert nói bản đồ khu vực bầu cử trên căn bản toàn tiểu bang không thể thách thức toàn thể. “Trong trường hợp này, phương pháp sửa chữa là những mối liên hệ thích đáng và đầy đủ trong việc duyệt xét lại ranh giới của những khu vực riêng rẽ,” ông Robert nói.

Các thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ gởi vụ kiện này trở lại Tòa án liên bang để cho các cử tri Dân chủ một cơ hội khác chứng tỏ họ bị tổn hại trên một căn bản cụ thể.

Phán quyết ngắn 5 trang trong vụ Maryland giới hạn trong việc bác bỏ các nỗ lực của cử tri đảng Cộng hòa ngăn chặn khu vực bầu cử quốc hội trong khi vụ kiện được tiến hành.

Các cử tri đảng Cộng hòa kiện Maryland sau khi quốc hội tiểu bang vào năm 2011 vẽ lại bản đồ khu vực bầu cử 6 của tiểu bang theo cách dời bỏ những khu vực có khuynh hướng Cộng hòa và thêm vào những khu vực có khuynh hướng Dân chủ.

https://www.voatiengviet.com/a/toi-cao-phap-vien-my-tranh-phan-quyet-ve-khu-vuc-bau-cu/4444741.html

 

World Cup bước sang ngày thi đấu thứ sáu

World Cup 2018 tại Nga tiếp tục sôi động khi bước sang ngày thi đấu thứ sáu hôm 19/6.

Ở bảng A, chủ nhà Nga sau trận cầu oanh liệt thắng đậm 5-0 trước Saudi Arabia, sẽ tiếp Ai Cập, đội bị thua Uruguay sát nút 0-1, tại Saint Petersburg.

Tại bảng H, ngày thứ Ba sẽ là lần ra quân đầu tiên của Nhật Bản khi đội bóng xứ sở hoa anh đào sẽ đọ sức với Colombia và Ba Lan xuất trận lần đầu gặp Senegal.

Bình luận sau trận Nhật 2-1 Columbia và trước trận Ba Lan gặp Senegal

Xem World Cup, ngẫm về cơ hội của Việt Nam

Bình luận World Cup từ quán Pub London

Ở trận đấu sớm nhất giữa Nhật Bản và Colombia, lúc 19h00 theo giờ Việt Nam, ban huấn luyện tung ra đội hình mạnh với Kawashima; H Sakai, Yoshida, Shoji, Nagatomo; Hasebe, Shibasaki; Haraguchi, Kagawa, Inui; Osako xuất phát từ đầu, trong khi Shinji Okazaki và Keisuke Honda được xếp dự bị.

Phía Colombia, đội hình ra quân gồm Ospina; Arias, Murillo, D Sanchez, Mojica; Lerma, C Sanchez; Cuadrado, Quintero, Izquierdo; Falcao, trong khi ban huấn luyện xếp James Rodriguez ngồi ghế dự bị.

Đội hình xuất phát và sơ đồ vị trí của tuyển Nhật Bản

Bàn tròn World Cup và dự đoán cơ hội ở các bảng

World Cup, bảng G: Bỉ 3-0 Panama

World Cup: Thụy Điển thắng Hàn Quốc 1-0

Bình luận dự đoán về cơ hội của Nhật Bản trước trận cầu này, tại Bàn tròn World Cup ngay hôm khai mạc giải đấu, nhà báo, bình luận viên bóng đá Trần Tiến Đức từ Hà Nội nói:

“Chúng ta là người châu Á, chúng ta mong Nhật Bản cũng đặt chân vào vòng sau, nhưng trong rất nhiều bình luận, người ta vẫn nói rằng trong số các đội châu Á mà còn tham gia ở giải này, thì có lẽ chính Nhật Bản có nhiều hy vọng hơn.

“Mặc dù với thế hệ bây giờ là thế hệ của Nhật Bản giỏi như ngày xưa thì đã bắt đầu già rồi, như là Kagawa hay như là Nakata chẳng hạn, nhưng đội bóng vẫn còn giữ được phong độ.”

World Cup 2018: Các ‘ông lớn’ sảy chân

World Cup: Bồ Đào Nha 3- 3 Tây Ban Nha

Bàn tròn World Cup: bình luận và dự đoán

World Cup: Uruguay và Iran đều thắng sát nút 1-0

World Cup: Uruguay và Iran đều thắng sát nút 1-0

Nhân World Cup xem lại 8 đội từng lập kỳ tích

Trận thứ hai ở bảng H tại Moscow vào lúc 22h, giờ Việt Nam, đại bàng trắng Ba Lan sẽ đọ sức cùng Senegal, đây sẽ là cuộc thi tài giữa hai hảo thủ Robert Lewandowski và Sadio Mane ở mỗi bên.

Lewandowski từng ghi tới 16 bàn trong 10 trận thi đấu, hơn một nửa tổng số bàn thắng mà tuyển Ba Lan ghi được ở giai đoạn đấu bảng trên đường tới vòng chung kết. Anh cũng là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất tại giả ngoại hạng Đức với 29 bàn đóng góp cho Bayern Munich, trong cả thảy 41 trận tranh tài ở các giải đấu.

Mane, về phía Senegal, ghi được 20 bàn trong tất cả các giải đấu cho Liverpool, trong đó có 10 trận tại Champions League, anh từng có hiệu số bàn thắng đứng ngang với các đồng đội ở vị trí thứ hai là Roberto Firmino và Mohamed Salah, chỉ thấp hơn thành tích của Cristiano Ronaldo.

Bình luận dự đoán trận này, chuyên gia bóng đá của BBC Mark Lawrenson cho rằng Ba Lan đá đều hơn là Senegal và nghĩ rằng tỷ số sẽ là 1-0 nghiêng về đội bóng Đại bàng trắng.

Tuyển Anh có còn ‘hữu danh vô thực’

World Cup 2018: Tây Ban Nha sa thải huấn luyện viên

World Cup 2026: Canada, Mỹ và Mexico giành quyền đăng cai

Ở trận cầu lúc 1 giờ sáng ngày 20/6, theo giờ Việt Nam, tuyển Nga sẽ gặp Ai Cập. Giới hâm mộ đang theo dõi xem các chú Gấu Nga có thể phát huy nhuệ khí ở trận thắng cực đậm tới 5 bàn không gỡ trước Saudi Arabia hôm khai mạc và biến thành một trận thắng khác.

Trong khi đó, tiền đạo ngôi sao Mohamed Salah của Ai Cập được cho là đã bình phục chấn thương ở vai và sẽ được tung ra trong trận đấu quan trọng này, sau khi Ai Cập đã thua sát nút 0-1 trước Uruguay và rất cần có 3 điểm để hy vọng đi tiếp.

Bình luận với BBC Tiếng Việt từ Hà Nội sau trận Nga thắng lớn Saudi Arabia, bình luận viên bóng đá, nhà báo Trần Tiến Đức nói:

“Tôi nghĩ trận gặp Ai Cập là trận rất quan trọng, sẽ quyết định đội Nga sẽ vào vòng tiếp hay không. Nếu Nga không thắng và không hòa được Ai Cập, tôi nghĩ sẽ rất là khó bởi vì trận cuối cùng họ sẽ gặp Uruguay.

“Mà đứng về mặt lực lượng, kinh nghiệm rồi ‘độ quái’ của các cầu thủ ở trên cả ba tuyến, thì Nga không thể nào bằng được Uruguay kể cả có yếu tố sân nhà chăng nữa,” ông nói với BBC.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44536157

 

World Cup 2018:

Nhật Bản lập chiến tích, thắng Colombia 2-1

Trọng Nghĩa

Ngày 19/06/2018, đại diện thứ hai của Đông Á xuất quân tại Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018, gặp đối thủ Nam Mỹ Colombia. Dù phải đấu với một đội có đẳng cấp trội hơn mình, các chàng Võ Sĩ Đạo đã kiêu hùng giành thắng lợi 2-1, sau một trận đấu đầy kịch tính và rất rắn.

Quá khứ quả là không mấy thuận lợi cho đội tuyển xứ Phù Tang so với đạo quân của xứ sở cà phê. Hai bên đã 3 lần gặp nhau, và đội châu Á đã hai lần bị bại, lần gần đây nhất là tại World Cup 2014, với kết quả là Colombia đã hạ gục Nhật Bản với tỷ số không thương tiếc 4-1 ở vòng ngoài.

Thế nhưng lần này, tại Nga, các tuyển thủ Nhật đã chứng tỏ đẳng cấp số một châu Á của mình, chống chọi ngang ngửa với đối phương. Sức ép của Nhật Bản từ những phút đầu mạnh đến nỗi trung vệ Colombia, Carlos Sanchez, ngay vào phút thứ ba, phải dùng tay chặn bóng trong vòng cấm địa, nhận thẻ đỏ ra sân, còn đội tuyển Nam Mỹ thì bị phạt penalty.

Shinji Kagawa đã ghi bàn cho đội Nhật (phút thứ 6), và từ lúc đó trở đi, Colombia phải chật vật thi đấu trong tình trạng 10 chống 11. Đẳng cấp Nam Mỹ đã giúp Colombia gỡ hòa ở phút thứ 39, nhờ một pha đá phạt trực tiếp, Juan Fernando Quintero tung ra cú sút chìm lắt léo, san bằng tỷ số 1-1.

Thế nhưng chuyển sang hiệp hai, sức ép của số đông đã có tác dụng, và đến phút thứ 73, một cú đánh đầu của Yuya Osako đã giúp Nhật làm nên kỳ tích.

Gọi là kỳ tích không sai, vì Nhật Bản đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên hạ được một nước Nam Mỹ tại một Cúp Bóng Đá Thế Giới.

Tài nghệ sắc bén của đội thoạt đầu bị xếp hạng chót trong bảng H đã cho phép nước Nhật hy vọng vào được vòng 1/8, mà trong lịch sử của mình, đội Nhật mới làm được hai lần vào năm 2002 và 2010.

Thành công bước đầu của Nhật Bản lại càng nêu bật thất bại của Hàn Quốc trong trận ra quân đầu tiên hôm 18/06 trong vòng loại bảng F, đấu với Thụy Điển. Bị một quả penalty, các tuyển thủ xứ Kim Chi đã để thua 0-1 trước các cầu thủ Bắc Âu.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180619-world-cup-2018-nhat-ban-lap-chien-tich-thang-colombia-2-1

 

Ảnh vệ tinh cho thấy

Nga đang nâng cấp hầm chứa bom nguyên tử

Thụy My

Nhật báo The Guardian hôm qua 18/06/2018 dẫn một báo cáo của Liên đoàn các Khoa học gia Mỹ (FAS), cho biết theo các hình ảnh chụp được từ vệ tinh, thì có thể Nga đang nâng cấp các boong-ke chứa vũ khí nguyên tử tại Kaliningrad, trong bối cảnh đang căng thẳng với NATO.

Những bức ảnh vệ tinh do FAS công bố cho thấy các boong-ke tại Kaliningrad, vùng đất hẻo lánh nằm giữa Ba Lan và Litva nhìn ra biển Baltic, đã được đào sâu thêm, và phủ lên một tấm trần bê-tông trong những tháng gần đây.

Ông Hans Kristensen, giám đốc phụ trách thông tin về nguyên tử nói : « Hầm chứa này mang đầy đủ các dấu ấn đặc thù của các địa điểm trữ vũ khí hạt nhân Nga. Chu vi bên ngoài được bao bọc bằng nhiều lớp hàng rào kiên cố, và bản thân hầm chứa cũng được bảo vệ bằng ba lớp rào. Tất cả những boong-ke chứa vũ khí nguyên tử ở Nga mà chúng tôi biết được đều có những đặc trưng này ».

Việc nâng cấp bắt đầu từ năm 2016, và tấm phủ mới được đặt lên vào đầu mùa hè năm nay. Ông Kristensen cho biết đây là lần đầu tiên một địa điểm chứa vũ khí nguyên tử được đào sâu thêm và cải tạo lại. Các hình ảnh không thể chứng tỏ có vũ khí hạt nhân bên trong hay không, nhưng các boong-ke này đang ở tình trạng sẵn sàng hoạt động.

Kaliningrad hiện là một trong những địa điểm diễn ra các trận đấu Cúp bóng đá thế giới 2018, đồng thời là nơi đặt căn cứ hạm đội Baltic của Nga.

Quân đội Nga hồi tháng Giêng loan báo cần xây dựng cơ sở hạ tầng để trữ các hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M, có thể mang theo đầu đạn nguyên tử có tầm bắn 500 km.

Hoa Kỳ nói rằng với loại hỏa tiễn này, Nga đã vi phạm hiệp ước năm 1987 nhằm giải trừ các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Khác với NATO, quân đội Nga đặc biệt là hải quân vẫn giữ lại nhiều vũ khí chiến thuật, kể cả hỏa tiễn chống hạm, hỏa tiễn địa đối địa.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180619-anh-ve-tinh-cho-thay-nga-dang-nang-cap-ham-chua-bom-nguyen-tu

 

Syria: Israel oanh kích

quân đội Syria và chiến binh Irak thân Damas?

Tú Anh

52 chiến binh gồm binh sĩ Syria và dân quân Irak- Shia ủng hộ chế độ Damas bị oanh kích chết trong đêm Chủ Nhật rạng thứ Hai 18/06 tại một khu vực gần biên giới Irak, giàu dầu khí. Theo một viên chức Mỹ, không quân Israel đã ra tay trong đêm nhưng Israel từ chối bình luận.

Sau vụ oanh kích bí ẩn, tổ chức vũ trang Hachd al Chaabi, dân quân phụ trợ của quân đội Irak tố cáo đích danh Hoa Kỳ là thủ phạm. Tuy nhiên, Washington phủ nhận cáo buộc này, khẳng định liên quân quốc tế không có hoạt động nào trong khu vực vào thời điểm đó. Một viên chức Mỹ xin giấu tên cho là « có nhiều lý do để tin rằng chính Israel đã ra tay trong đêm » tấn công vào lực lượng dân quân Irak gần al Hari.

Quân đội Irak thì tỏ ra ngạc nhiên, khẳng định không có bố trí lực lượng ở bên kia biên giới Syria, ám chỉ tổ chức dân quân theo hệ phái Shia tự ý hành động.

Theo AFP, một số đơn vị của tổ chức võ trang Irak- Shia nhận được sự trợ giúp của Iran.

Được AFP đặt câu hỏi kiểm chứng, phát ngôn viên quân đội Israel không xác nhận cũng không phủ nhận, với lý do là « không bình luận thông tin từ nước ngoài ».

Hôm chủ nhật, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một lần nữa tuyên bố « tiếp tục hành động buộc Iran phải rút khỏi Syria ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180619-syria-israel-oanh-kich-quan-doi-syria-va-chien-binh-irak-than-damas

 

Liên minh Mỹ-Nhật thời Trump:

đã đến lúc phải xét lại?

Mười tám tháng sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ và bắt đầu làm lung lay nền ngoại giao toàn cầu, Nhật Bản có vẻ như đang thức tỉnh trước những rủi ro của một liên minh chỉ dựa trên đô la và trao đổi chứ không dựa trên những giá trị chung và các lợi ích về an ninh.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật vẫn nhấn mạnh rằng liên minh giữa hai nước được đặt trên các giá trị như: dân chủ, tự do và pháp trị. Một trong những mối quan hệ an ninh lâu đời nhất của châu Á, liên minh này đặt Nhật Bản dưới ô dù phòng thủ của Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un hồi tuần trước đã không đặt nặng các quan tâm về an ninh của Nhật Bản, chẳng hạn như chương trình tên lửa của Bắc Hàn mà Tokyo coi như một mối đe dọa trực tiếp. Cộng đồng quốc phòng của Nhật Bản cũng cảm thấy hụt hẫng khi Tổng thống Hoa Kỳ bất ngờ tuyên bố ông sẽ ngưng các cuộc tập trận “tốn kém” với Hàn Quốc, vốn từ lâu được Tokyo coi như một lá chắn chống lại mối đe dọa do Triều Tiên đặt ra.

“Tôi nghĩ rằng hội nghị thượng đỉnh vừa rồi đã lay tỉnh người dân Nhật để họ nhận ra rằng phó mặc số phận của đất nước mình cho một quốc gia khác là điều nguy hiểm”.

Cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản về các vấn đề đối ngoại, nhà lập pháp Katsuyuki Kawai thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP)

Cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe về các vấn đề đối ngoại, nhà lập pháp Katsuyuki Kawai thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP), nói với Reuters:

“Liên minh Mỹ-Nhật đã thay đổi từ một liên minh dựa trên các giá trị chung, thành một liên minh dựa trên những sự trao đổi.”

Ông Kawai nói ông kinh ngạc trước việc ông Trump viện dẫn lý do tài chánh để đình chỉ các cuộc tập trận chung, trước đây vẫn được Washington coi là quan trọng để chặn đứng những mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng hội nghị thượng đỉnh vừa rồi đã lay tỉnh người dân Nhật để họ nhận ra rằng phó mặc số phận của đất nước mình cho một quốc gia khác là điều nguy hiểm”.

Thủ Tướng Abe đã trao đổi với ông Trump hàng chục lần kể cả vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, ông cố tỏ thái độ tin tưởng vào cuộc gặp thượng đỉnh, mô tả đây là một bước đầu tiên hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân.

Một số nhà lập pháp thân cận với Thủ Tướng Abe đồng tình với cách đánh giá tích cực đó. Nhưng những người khác thì tin rằng Tokyo đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim. Washington thoạt tiên nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm cam kết của Triều Tiên phải “giải trừ hạt nhân một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, một lập trường được Nhật Bản hậu thuẫn.

Tuy nhiên một nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản, có nhận xét sau đây về nhà lãnh đạo Mỹ:

“Tổng thống (Trump) không mấy lưu tâm tới nội dung, thực chất của hội nghị, mà ông lo lắng hơn nhiều hơn tới ý kiến của người khác về ông, về vai trò của ông ở Singapore như thế nào.”

Các quan tâm của Nhật Bản về an ninh trùng hợp với những căng thẳng về thương mại giữa nền kinh tế lớn nhất và nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, càng làm tăng những mối lo về ông Trump, một nhân vật chỉ thích thương lượng làm ăn sẽ khiến ông nối kết các quan hệ kinh tế với vấn đề quốc phòng.

Theo các chuyên gia điều đó có nghĩa là Mỹ có thể tăng áp lực với Nhật Bản, buộc nước này mua nhiều thiết bị quân sự hơn, hoặc có thể, chi nhiều tiền hơn để tài trợ cho lực lượng 50,000 quân Mỹ trú đóng tại Nhật Bản, mặc dù hiện nay Tokyo đã phải gánh vác phần lớn các tổn phí liên quan tới sự hiện diện của các binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản.

Báo Nikkei nhận định trong một bài xã luận hồi cuối tuần:

“Sự kiện ông Trump lẫn lộn kinh tế và an ninh với não trạng của một doanh nhân địa ốc, là điều hết sức đáng lo ngại.”

Ông Trump đã áp thuế lên các mặt hàng thép và nhôm do Nhật Bản sản xuất, và ông đang đe dọa sẽ có hành động tương tự với xe hơi do Nhật Bản sản xuất. Ông Trump còn rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một thỏa thuận mà trong thời gian qua, Thủ Tướng Abe đã vận động và cổ vũ như một lực đối trọng chống Trung Quốc.

Thủ Tướng Abe lên nắm quyền hồi năm 2012 với tỷ lệ ủng hộ áp đảo khi ông hứa hẹn sẽ tăng cường các khả năng phòng thủ của Nhật Bản.

Cố vấn của Thủ tướng về các vấn đề đối ngoại, nhà lập pháp Katsuyuki Kawai nhận định rằng sự thay đổi về bản chất của liên minh Mỹ-Nhật càng khiến cho nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản thêm cấp bách.

https://www.voatiengviet.com/a/lien-minh-my-nhat-thoi-trump-da-den-luc-xet-lai/4444164.html

 

Trump chỉ trích chính sách di dân của Đức

Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho di dân tại châu Âu đã làm thay đổi mạnh mẽ nền văn hóa châu Âu và gây ra điều mà ông mô tả không chính xác là tội phạm gia tăng tại Đức giữa lúc ông Trump tìm cách bênh vực chính sách của chính quyền ông về di dân bất hợp pháp vốn bị chỉ trích rộng rãi.

Các nhà hoạt động cho di dân, giới hành nghề y khoa, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các đảng viên Dân chủ và một số thành phần trong chính đảng Cộng hòa của ông Trump đã lên án chính quyền ông Trump vì đã chia cắt gần 2.000 trẻ em khỏi cha mẹ các em tại biên giới Mỹ-Mexico trong khoảng giữa tháng 4 và cuối tháng 5 năm nay.

Các giới chức chính quyền bênh vực chiến thuật này là cần thiết để bảo vệ biên giới và cho rằng việc này sẽ ngăn di dân bất hợp pháp mà ông Trump từ lâu đã xem như mục tiêu chính trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông.

Đối mặt với những chỉ trích trong đó có những cuộc biểu tình vào ngày Chủ Nhật vừa qua tại các nhà giam ở New Jersey và Mexico và một thông điệp gay gắt của cựu Đệ nhất Phu nhân Laura Bush, ông Trump đáp trả bằng một loạt tin nhắn trên Twitter ngày thứ Hai 18/6.

“Người dân Đức đang quay lại chống giới lãnh đạo vào lúc vấn đề di dân làm rúng động liên minh cầm quyền tại Berlin vốn đã mong manh. Tội phạm tại Đức đang gia tăng. Sai lầm lớn đang diễn ra trên toàn thể châu Âu khi cho phép hàng triệu người di dân vào, những người đã làm thay đổi nền văn hóa châu Âu một cách mạnh mẽ và bạo động!”ông Trump viết trên Twitter.

“Chúng ta không muốn những gì xảy ra với di dân ở châu Âu xảy ra với chúng ta!”

Vào tháng 5 năm nay, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions loan báo chính sách “không khoan nhượng” trong đó tất cả những người bị bắt khi vào nước Mỹ bất hợp pháp sẽ bị truy tố hình sự, thường đưa đến việc con cái bị tách rời khỏi cha mẹ.

Ông Trump trước đây đã cáo buộc sai lầm rằng đảng Dân chủ đã tạo ra nhu cầu cần phải có chính sách chia cắt gia đình. Ông nói sự ủng hộ của đảng Dân chủ để thông qua một luật di trú rộng rãi hơn sẽ chấm dứt việc này.

Trong một Twitter khác ngày thứ Hai 18/6, ông Trump nói đảng Dân chủ “yếu kém và không hữu hiệu với Vấn đề An ninh và Tội phạm.”

“Hãy nói với họ bắt đầu suy nghĩ về những người bị tác hại vì những tội phạm đến từ di dân bất hợp pháp. Hãy thay đổi luật lệ!” ông nói

Twitter của ông Trump ám chỉ đến chính sách di dân gây tranh cãi của Đức đang đe dọa liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel.

Chính sách mở rộng cửa cho di dân của bà bị quy lỗi đã làm đảng AfD cánh hữu nổi lên, hiện là đảng đối lập chính trong quốc hội liên bang Đức. Hơn 1,6 triệu di dân, phần lớn theo Hồi Giáo thoát khỏi chiến tranh tại Trung Đông đã đến Đức kể từ năm 2014.

Trái với sự quả quyết của ông Trump, tội phạm đã giảm đáng kể tại Đức, theo phúc trình của Bộ Nội vụ Đức hồi tháng trước. Tổng số các tội phạm hình sự tại Đức là 5, 76 triệu vụ trong năm 2017, con số thấp nhất kể từ năm1992, dẫn đến tỉ lệ tội phạm tại Đức thấp nhất trong hơn 30 năm.

Đệ nhất Phu nhân Laura Bush bất ngờ viết một bài bình luận đăng trên tờ Washington Post nhân Ngày của Cha, trong đó nêu rõ “chính sách không khoan nhượng là tàn ác, vô luân, khiến tôi đau lòng.”

https://www.voatiengviet.com/a/trump-chi-trich-chinh-sach-di-dan-cua-duc/4444120.html

 

TQ áp thuế lên dầu nhập từ Mỹ

sẽ tác động tới ngành công nghiệp tỷ đô

Việc Bắc Kinh dọa áp thuế lên dầu hỏa Mỹ được cho là sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới một ngành công nghiệp đang phát triển mạnh trong 2 năm qua, hiện trị giá gần 1 tỉ USD/tháng.

Trong cuộc đối đầu thương mại ngày càng leo thang về mức thâm hụt mậu dịch của Mỹ với đa số các đối tác thương mại, kể cả Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuần trước tuyên bố sẽ xúc tiến với kế hoạch áp thuế suất cao trên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỉ đôla, khởi sự từ ngày 6/7.

Hôm thứ Sáu, Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả bằng cách áp thuế lên nhiều mặt hàng Mỹ, kể cả dầu hỏa.

Giới đầu tư nhận định vụ xung đột thương mại này sẽ phương hại tới các công ty dầu khí Mỹ, làm giá cổ phần của ExxonMobil và Chevron giảm từ 1 tới 2% trong phiên giao dịch ngày 15/6, và khiến giá dầu thô Mỹ sụt giảm khoảng 5%.

Ông Stephen Innes – người đứng đầu bộ phận kinh doanh khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn Oanda ở Singapore, nhận định, căng thẳng thương mại leo thang “rất nguy hiểm cho giá dầu”.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra vào một thời điểm quyết định đối với thị trường dầu khí.

Sau một năm rưỡi tình nguyện cắt giảm nguồn cung – một nỗ lực được dẫn đầu bởi các nước xuất cảng dầu hỏa –OPEC, và Nga, một nước không thuộc OPEC, các thị trường dầu khí đã bắt đầu siết chặt khiến giá cầu tăng cao.

Trung Quốc dọa cắt giảm nhập khẩu dầu từ Hoa Kỳ sẽ có lợi cho các nước sản xuất khác, như các thành viên của OPEC, và Nga. Ả Rập Saudi, nước xuất khẩu dầu hàng đầu OPEC, và Nga, vừa cho biết sẽ nới lỏng các hạn chế đối với nguồn cung và bắt đầu tăng lượng dầu xuất khẩu.

Trung Quốc giảm nhập dầu từ Mỹ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, nước đang bị Mỹ đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đã loan báo hồi tháng 5 năm nay.

Ông John Driscoll – Giám đốc JTD Energy Services, nhận định: “Trung Quốc có thể thay thế dầu của Mỹ bằng dầu thô của Iran”.

Theo phúc trình của Cơ quan Năng lượng Hoa Kỳ, dầu thô của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng mạnh trong 2 năm qua nhờ tăng sản lượng dầu để bù đắp lại trong tình hình các nước OPEC và Nga tìm cách cắt giảm nguồn cung.

Các biện pháp trả đữa gay gắt của Trung Quốc để phản bác ông Trump đã gây bất ngờ.

“Chúng tôi bất ngờ vì dầu thô được ghi vào danh sách”, một quan chức của một tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc nói và yêu cầu không nêu tên vì ông không được phép nói chuyện với giới truyền thông.

Mức thuế mà Trung Quốc dọa áp đặt sẽ khiến dầu thô của Mỹ trở nên đắt hơn so với các nguồn cung đến từ các khu vực khác, kể cả Trung Đông và Nga, và có nguy cơ gây gián đoạn cho một ngành công nghiệp đã phát triển mạnh trong thời gian gần đây.

Ông Driscoll nói:

“Với những trò chính trị của ông Trump, chúng ta bước vào một thế giới trong đó các liên minh phải được sắp xếp lại. Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng yên để Mỹ áp đặt các mức thuế mới.”

https://www.voatiengviet.com/a/tq-ap-thue-len-dau-nhap-tu-my-tac-dong-toi-nganh-cong-nghiep-ty-do/4443863.html

 

Pháp-Đức: Thượng đỉnh Macron-Merkel mở ra

với hồ sơ di dân nổi cộm

Trọng Nghĩa

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào hôm nay 19/06/2018, đã sang Đức để họp thượng đỉnh với thủ tướng Angela Merkel. Lẽ ra vấn đề cải tổ vùng sử dụng đồng euro phải là hồ sơ quan trọng được hai bên bàn thảo, thế nhưng cuộc khủng hoảng di dân tại châu Âu, bùng lên sau vụ tàu Aquarius, đã đẩy hồ sơ người nhập cư bất hợp pháp vào Liên Hiệp Châu Âu lên hàng đầu chương trình nghị sự.

Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibault nêu bật những điểm tương đồng giữa hai lãnh đạo Pháp Đức trên hồ sơ này.

« Họ khá gần nhau trên các vấn đề nhập cư, những hồ sơ rốt cuộc sẽ chiếm một vị trí quan trọng hơn là hồ sơ cải tổ khu vực đồng euro dự kiến lúc ban đầu.

Trong lãnh vực di dân, cả hai lãnh đạo chủ trương có các biện pháp ở cấp châu Âu hơn là cấp quốc gia, để tìm ra những giải pháp lâu bền, một mặt đánh vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng di dân bất hợp pháp tại các nước xuất xứ, một mặt khác thành lập những trung tâm tiếp cư ở cửa ngõ vào châu Âu, tăng cường hơn nữa việc bảo vệ biên giới châu Âu.

Ông Macron và bà Merkel cũng có quan điểm tương đồng trên vấn đề chăm lo cho các người nhập cư đã đặt chân lên lãnh thổ châu Âu.

Sau cùng, phải nói là cả hai cũng áp dụng một chính sách hạn chế chặt chẽ nhập cư trong nội bộ nước mình. »

Hồ sơ di dân nhập cư lại càng nổi cộm trong bối cảnh chính sách nhập cư của bà Merkel vừa bị tổng thống Mỹ Donald Trump đả kích vào hôm qua, 18/06.

Trong một thông điệp Twitter tổng thống Mỹ không ngần ngại khẳng định rằng « Người dân Đức đang quay lưng với lãnh đạo mình trong lúc nạn nhập cư làm lung lay liên minh cầm quyền tại Berlin vốn đã mong manh. Tội ác ở Đức đang tăng ».

Ông Trump đã nói đến tranh cãi về chính sách sách nhập cư trong nội bộ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Việc bà mở rộng cửa cho người nhập cư bị cánh hữu triệt để trong liên minh coi là giúp cho đảng cực hữu AfD vươn lên. Đảng này hiện là đảng đối lập chính trong Quốc Hội Đức.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180619-phap-duc-thuong-dinh-macron-merkel-mo-ra-voi-ho-so-di-dan-noi-com

 

Di dân nhập cư: Lòng nhân đạo bị thách thức

Tú Anh

Thảm nạn của di dân lánh nạn chiến cuộc, nghèo đói, bạo lực và độc tài tìm miền đất hứa ở tây phương có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị tại châu Âu và hy vọng đánh động lương tâm con người tại nước Mỹ.

Thảm kịch 630 thuyền nhân, được tàu Aquarius của Tổ chức Y sĩ không biên giới cứu cấp nhưng bị Malta và Ý xua đuổi phải chạy đến tận Tây Ban Nha, hay hàng ngàn trẻ em đơn độc ở biên giới Mỹ-Mêhicô, là biểu tượng của một cuộc khủng hoảng thế kỷ 21.

Trước hết tại Châu Âu. Được mô tả là « cằn cỗi, kinh tế bấp bênh, thất nghiệp cao, tăng trưởng thấp », trong nhiều thập niên qua, Liên Hiệp Châu Âu vẫn là « miền đất hứa », đã rộng lượng đón tiếp hàng triệu người nhập cư từ Trung Quốc ở châu Á cho đến di dân ở châu Phi. Từ khi khủng hoảng Syria từ một cuộc tranh đấu đòi dân chủ biến thành xung đột vũ trang, từ khi Libya hậu Kadhafi trở thành địa bàn của các tổ chức buôn người, Địa Trung Hải ngăn cách châu Phi với châu Âu không còn là biên giới tự nhiên.

Nước Đức của Angela Merkel, với hai kinh nghiệm đau thương là chế độ kỳ thị của Hitler và độc tài Đông Đức, đã mở rộng cánh cửa đón tiếp gần 1,5 triệu di dân lúc khủng hoảng nhân đạo lên cao điểm trong năm 2015. Nước Ý, do là « bến cảng » lý tưởng nên đã tiếp đón gần như là hàng ngàn thuyền nhân mỗi tuần. Áp lực di dân đã biến thành lá bài tranh cử với hệ quả là phe hữu cực đoan ở khắp châu Âu lên điểm đến mức độ các đảng phái truyền thống cũng bắt đầu theo chiêu bài bày ngoại để chinh phục cử tri.

Angela Merkel lưỡng đầu thọ địch : Seehofer và Trump

Trong bối cảnh này, tình thế của thủ tướng Merkel rất bi quan, chính phủ liên minh có thể tan rã bất cứ lúc nào nhưng không phải vì đối tác Dân Chủ Xã Hội mà do nội bộ của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Bộ trưởng nội vụ Horst Seehofer ra tối hậu thư, kỳ hạn cho thủ tướng từ nay đến cuối tháng phải tìm ra một giải pháp chung ở cấp Châu Âu để ngăn chận làm sóng nhập cư. Dụng ý của vị bộ trưởng này là thách thức thủ tướng có dám cách chức ông hay không với hệ quả là bầu lại quốc hội trong xu hướng bài ngoại đang lên trong công luận. Lần đầu tiên từ sau Thế Chiến, một « trục Áo, Đức, Ý » gồm ba bộ trưởng có chủ trương chống di dân được thành lập.

Theo AFP, thủ tướng Đức, dù có bản lĩnh đến đâu cũng không thể thuyết phục toàn thể Liên Hiệp Châu Âu thông qua một luật mới trục xuất di dân về quốc gia đầu tiên đón tiếp họ. Chắc chắn Ý và Hy Lạp sẽ bác bỏ.

Macron cứu tinh ?

Giải pháp trung dung là Đức với sự đồng thuận của Pháp, tăng cường lực lượng Frontex tuần tra trên biển và nhanh chóng lập ra những trại tạm cư ở châu Phi để nhận đơn xin tị nạn hay nhập cư của di dân trong khi chờ đợi « thống nhất luật tị nạn » trong Liên Hiệp Châu Âu.

Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng này, Đức và Pháp có một cuộc họp thượng đỉnh vào hôm nay. Thế nhưng đồng minh Hoa Kỳ, hay chính xác hơn là tổng thống Donald Trump lại đánh một đòn chí tử vào thủ tướng Đức và qua Berlin, là cả Liên Hiệp Châu Âu : « Nhân dân Đức đang quay lại chống những người lãnh đạo của họ ».

5 vị đệ nhất phu nhân

Không rõ trong toan tính chiến lược của tổng thống một nước siêu cường, ông Donald Trump có lợi gì khi ủng hộ phe hữu bài ngoại ở châu Âu, gây ra sức ép lên những nhà lãnh đạo có chủ trương nhân đạo ?

Phải chăng Donald Trump muốn làm công luận quên đi thảm cảnh di dân đang bị chính sách « bức tường » của ông khóa cổng biên giới Mỹ-Mêhicô ?

Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, cùng một lúc 4 cựu đệ nhất phu nhân Mỹ và cả đương kim lên tiếng chống lại biện pháp bất nhân này : chia cách trẻ con với cha mẹ. Khoảng 2000 trẻ di cư đang lâm vào hoàn cảnh này, gợi nhớ thời Đức Quốc Xã đàn áp dân Do Thái, theo cảnh báo của các nhà phân tích.

Vào lúc tổng thư ký Liên Hiệp Quốc khẳng định « di dân là nhu cầu tự nhiên và cần thiết » thì tổng thống Mỹ tuyên bố ông « không để nước Mỹ trở thành một trại tị nạn ».

Đến tổng thống Donald Trump mà còn không nhớ mình là « hậu duệ » của di dân. Từ Châu Âu đến Mỹ, lòng nhân đạo đang bị thách thức nghiêm trọng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180619-di-dan-nhap-cu-long-nhan-dao-bi-thach-thuc

 

Mỹ sẽ lập lực lượng chinh phục không gian

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/6 cho biết đã ra lệnh thành lập một nhánh quân đội thứ 6, mở đường cho nước Mỹ thống lĩnh không gian.

“Sự hiện diện của Hoa Kỳ trong không gian thôi chưa đủ. Chúng ta phải thống lĩnh không gian,” ông Trump nói trước cuộc họp Hội đồng Không gian Quốc gia.

“Chúng ta có Không Lực và Chúng ta sắp có Lực lượng Không gian, tách biệt nhưng ngang bằng. Sẽ có. Rất quan trọng,” ông Trump nói.

Hoa Kỳ là một thành viên của Hiệp ước Ngoài Không gian. Hiệp ước này cấm đặt những vũ khí giết người hàng loạt trong không gian và chỉ cho phép sử dụng mặt trăng và những thực thể vũ trụ khác cho những mục đích hòa bình.

Ông Trump cũng ký một chỉ thị về việc quản trị giao thông và rác trong không gian.

Loan báo này là động thái mới nhất của chính quyền đẩy mạnh việc thám hiểm không gian. Hoa Kỳ muốn gởi người máy thám hiểm mặt trăng vào năm tới và đang chuẩn bị gởi phi hành gia trở lại mặt trăng lần đầu tiên kể từ năm 1972, một giới chức NASA nói hôm 18/6.

Cơ quan Quản trị Hàng không và Không gian Quốc gia đang lập kế hoạch về một loạt các phi vụ lên mặt trăng bắt đầu vào năm tới nhằm phát triển khả năng trở lại mặt trăng, bà Cheryl Warner, phát ngôn viên Cục Thám hiểm của Nhân loại thuộc NASA, cho biết.

Bà Warner nói NASA sẽ làm việc với các công ty tư, nhưng chưa chọn công ty nào, cho các cuộc thám hiểm mặt trăng.

https://www.voatiengviet.com/a/my-se-lap-luc-luong-chinh-phuc-khong-gian/4444290.html