Tin khắp nơi – 19/04/2017
Trump ký lệnh bổ sung
quy định ‘Mua hàng Mỹ/Thuê người Mỹ’
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành chính chỉ đạo các cơ quan chính phủ tái soát việc sử dụng chương trình thị thực H-1B, là chương trình cho phép các công ty Mỹ thuê lao động nước ngoài tạm thời.
Những người chỉ trích nói rằng chương trình đã bị lợi dụng để thuê lao động rẻ hơn từ nước ngoài, gây tổn thất cho lực lượng lao động Mỹ. Nhưng những người ủng hộ cho rằng đó là một biện pháp cần thiết để có đủ người cho những công việc công nghệ cao có tầm quan trọng quyết định đối với nền kinh tế Mỹ.
Ông Trump đã ký sắc lệnh hôm thứ Ba, trong chuyến thăm bang miền bắc Wisconsin, ông nói rằng đây là một phần trong nỗ lực của ông nhằm tái thiết nền kinh tế Mỹ.
Theo sắc lệnh mới của ông Trump, các cơ quan chính phủ phải tái soát hoạt động mua sắm của họ và đảm bảo rằng các ngoại lệ về quy định “Mua hàng Mỹ” không bị lạm dụng.
Tổng thống Mỹ nói: “Với sắc lệnh này, tôi chỉ đạo mọi cơ quan trong chính phủ thực hiện nghiêm chỉnh luật “Mua hàng Mỹ” của chúng ta, giảm thiểu áp dụng các ngoại lệ và tăng tối đa hàng hóa “Made-in-America” (chế tạo tại Mỹ) trong tất cả các dự án liên bang”.
Ông Trump nói với cử tọa tại một nhà máy sản xuất công cụ ở Wisconsin rằng tình trạng lạm dụng sai trái hệ thống nhập cư Hoa Kỳ một cách tràn lan tiếp tay cho các nhà tuyển dụng thay thế các công nhân Hoa Kỳ ở mọi lứa tuổi bằng lao động rẻ hơn từ các nước khác.
Tổng thống Hoa Kỳ nói: “Các lao động Mỹ từ lâu kêu gọi phải có cải cách để chấm dứt những vi phạm này, và hôm nay lời kêu gọi của họ lần đầu tiên có hồi đáp. Câu trả lời bao gồm tiến hành những bước đi đầu tiên để thực hiện cuộc cải cách về thị thực H-1B mà lẽ ra phải làm từ lâu rồi”.
Thị thực H-1B được thiết kế để giúp các nhà tuyển dụng đưa vào Mỹ những lao động nước ngoài có những kỹ năng còn hiếm ở Hoa Kỳ.
Chương trình này có mục đích tốt, giáo sư khoa học chính trị Ronil Hira, thuộc Đại học Howard, nói: “Ý định ở đây là bù đắp sự thiếu hụt về người có kỹ năng. Như vậy, khi thiếu nhân công Mỹ, người ta sẽ đưa vào một nhân viên nước ngoài có chuyên môn để lấp chỗ trống đó”.
Chương trình này đáng lẽ chỉ là biện pháp tạm thời. Nhưng Hira nói người ta đã không sử dụng chương trình để mang vào Mỹ chỉ những người lao động tốt nhất và tài giỏi nhất: “Nó trở thành một cách để các nhà tuyển dụng đưa những người lao động rẻ hơn, ở dạng học nghề, hơn là lấp đầy khoảng trống của người có kỹ năng. Kết quả là chương trình luôn có số lượng đăng ký quá cao, và thực sự tác hại đến người Mỹ, và trong trường hợp này, ông Trump hoàn toàn đúng”.
Hira nói rằng việc thi hành nghiêm ngặt các quy định này có thể mở ra một số lượng visa tạm thời loại này dành cho các công ty thực sự cần các chuyên gia với những kỹ năng hiếm có.
http://www.voatiengviet.com/a/trump-ky-lenh-bo-sung-quy-dinh-mua-hang-my-thue-nguoi-my/3816865.html
Mỹ xét lại thỏa thuận hạt nhân với Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Hội đồng An ninh Quốc gia xem xét lại thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran và đánh giá xem việc đình chỉ các biện pháp trừng phạt có “thiết yếu đối với lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ” hay không.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã hé lộ bản đánh giá này trong một văn thư hôm thứ Ba gửi cho Chủ tịch Quốc hội Paul Ryan.
Ông Tillerson thông báo với ông Ryan rằng Iran đang tuân thủ các trách nhiệm theo Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung được ký kết vào năm 2015, sau khi đàm phán với Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức.
Hoa Kỳ đã dẫn đầu một nỗ lực quốc tế trừng phạt kinh tế Iran – đặc biệt là hạn chế nước này bán dầu hỏa ra thị trường thế giới – nhằm buộc quốc gia Hồi giáo này phải từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) quy định rằng nếu một bên tin rằng bên kia đang vi phạm thỏa thuận, thì họ có thể khởi động một tiến trình giải quyết tranh chấp, mà bước cuối cùng sẽ là một cuộc biểu quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ để quyết định liệu có tiếp tục dỡ bỏ lệnh trừng phạt hay không.
Việc Hoa Kỳ áp dụng lại các biện pháp trừng phạt có thể khiến Iran rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
http://www.voatiengviet.com/a/my-xet-lai-thoa-thuan-hat-nhan-voi-iran/3816620.html
Mỹ cân nhắc
các giải pháp hạn chế trong việc đối phó với Bắc Hàn
Trong những ngày gần đây, chính quyền Tổng thống Trump cho thấy một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Bắc Triều Tiên và tuyên bố rằng Mỹ đã hết kiên nhẫn với thái độ ngoan cố của Bình Nhưỡng, khi Bắc Hàn tiếp tục làm ngơ các yêu cầu của quốc tế đòi họ kiềm chế tham vọng hạt nhân.
Khi thăm tàu sân bay Mỹ ở Nhật Bản hôm thứ Tư, Phó Tổng thống Mike Pence nói:”Kẻ nào thách thức quyết tâm và khả năng phòng vệ sẵn sàng của chúng tôi nên biết rằng chúng tôi sẽ đập tan bất cứ cuộc tấn công nào và đáp trả đích đáng và hiệu quả bất kỳ việc sử dụng vũ khí quy ước hay hạt nhân nào.” Cũng hôm thứ Ba ở Tokyo, ông Pence tuyên bố Mỹ sẽ không bỏ qua vấn đề này cho đến khi đạt mục tiêu phi hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Và tại một điểm dừng chân ở thủ đô Seoul trước đó, ông Pence nói rằng “giai đoạn kiên nhẫn chiến lược đã chấm dứt” khi ông đề cập đến chiến lược của chính quyền Obama.
Khi ông Pence tới thăm vùng đông bắc Á, Trung tướng McMaster, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, nói với đài ABC News rằng: “tất cả các lựa chọn của chúng tôi đều đặt ra sẵn” cho vấn đề Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, ông McMaster bày tỏ hy vọng sẽ không tấn công Bắc Triều Tiên bằng quân sự.
Trong một bình luận trên Twitter gần đây, Tổng thống Donald Trump nói chế độ Bình Nhưỡng là một “mối đe dọa” và đang “tìm cách gây rắc rối.” Về cách tiếp cận của ông Obama, Tổng thống Trump viết: “Trong 90 ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của tôi, tôi đã cho thấy rõ sự thất bại hoàn toàn trong chính sách đối ngoại của 8 năm qua.”
Tương phản với cách tiếp cận của ông Obama
Mặc dù có những phát biểu mạnh mẽ, các nhà phân tích từ cả hai đảng chính trị đồng ý rằng chính sách của ông Trump vẫn giống với “chiến lược kiên nhẫn” của ông Obama, và các lựa chọn để đối phó với Bình Nhưỡng vẫn còn hạn chế. Họ nói, sự khác biệt chính là trong âm điệu của các phát biểu.
Giáo sư Henry Nau thuộc Đại học George Washington, từng làm việc cho Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, nói rằng những phát biểu cứng rắn này nhằm mục đích chủ yếu thu hút sự chú ý của một số thành phần ương ngạnh trên thế giới, nơi họ đã hành động mà không bị trừng phạt.
Ông Nau nói: “Ở châu Á, chẳng hạn như ở Syria, ông Trump đang gửi một tín hiệu: Chúng tôi sẽ trở lại. Chúng tôi sẽ không loại bỏ biện pháp quân sự ra khỏi các chọn lựa của chúng tôi. Ông Obama còn miễn cưỡng sử dụng quân đội. Đó là sự tương phản với giải pháp mà ông Trump sử dụng cho các mục đích của ông.”
Bà Christine Wormuth, cựu thứ trưởng bộ quốc phòng trong chính quyền Obama, mô tả các phát biểu hùng hồn của ông Trump như là một hành động “giương oai diễu võ trước công chúng,” tuy nhiên khi nói đến các lựa chọn chính sách, chính quyền đương nhiệm có cùng một vài lựa chọn giống như chính quyền Obama trong việc đối mặt với một chế độ thất thường và khó đoán của Bình Nhưỡng.
Bà Wormuth nói: “Tôi ủng hộ một chiến lược song hành là củ cà rốt và cây gậy và chiến lược ngoại giao. Tôi nghĩ đây sẽ những gì ông Trump đang cố gắng làm, điều mà trước đây ông Obama cũng đã cố gắng thực hiện. Và giả như bà Hillary Clinton có lên nắm quyền thì bà cũng sẽ theo đuổi một chiến lược tương tự như vậy.”
Kỳ vọng từ các đồng minh của Hoa Kỳ
Ông Abraham Denmark, nguyên Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực Đông Á dưới thời ông Obama, nói rằng các đồng minh của Washington xem những âm hưởng mạnh mẽ hơn của ông Trump đối với Bình Nhưỡng như một sự thay đổi đáng hoan nghênh so với sự bình tĩnh có chủ ý của chính quyền trước đây khi đối mặt với thái độ ngày càng hung hăng của ông Kim Jong Un. Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, ông Denmark nói, “Các đồng minh của chúng tôi muốn xem chúng tôi phản ứng ra sao và muốn chúng tôi cứng rắn hơn, và không chỉ để những điều này rơi vào quên lãng.”
Ông Denmark cho biết: “Dưới thời ông Kim Nhật Thành (cha của lãnh tụ Kim Jong Un), Bắc Triều Tiên đã khiêu khích như vậy để thu hút thêm viện trợ kinh tế hoặc những thứ như thế. Nhưng tôi nghĩ rõ ràng dưới thời ông Kim Jong Un, Bắc Triều Tiên có một cách tiếp cận khác. Họ dường như thực sự muốn phát triển một năng lực hạt nhân đáng tin cậy, có nghĩa là chiến lược của chúng ta cũng phải thay đổi.”
Bà Christine Wormuth, hiện đang làm cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, đồng ý rằng Bắc Triều Tiên đang trở thành một thách thức nghiêm trọng hơn mỗi khi họ thử tên lửa dù thành công hay thất bại.
Bà nói: “Với tất cả các vụ thử tên lửa, dù là vụ thử thất bại, các nhà khoa học Triều Tiên cũng đúc kết kinh nghiệm từ chương trình của họ. Điều này cho tôi biết rằng sự tập trung của họ không chỉ mang tính khiêu khích mà họ còn cố gắng đạt được chương trình tên lửa hạt nhân, và chúng ta phải tìm cách để chận tiến trình này lại.”
Bà Wormuth cho biết thêm: “Nếu họ càng có nhiều cuộc thử nghiệm, họ càng có nhiều khả năng thành công trong việc phát triển phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM), có thể phóng tới đại lục Hoa Kỳ.
George H.W. Bush nhập viện ở Houston
Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. đã được đưa vào bệnh viện ở thành phố Houston, bang Texas, để chữa trị chứng viêm phổi nhẹ. Đây là lần thứ hai ông mắc phải chứng bệnh đường hô hấp này trong ba tháng, nhưng ông “sẽ ổn,” theo lời người phát ngôn của ông.
Phát ngôn viên của gia đình ông, Jim McGrath, cho hay cựu tổng thống 92 tuổi này nhập viện vào ngày thứ Sáu để “theo dõi vì ho dai dẳng khiến ông không nghỉ ngơi đúng mức.”
“Sau đó ông được xác định là mắc chứng viêm phổi nhẹ, đã được chữa trị và giải quyết xong,” ông McGrath cho biết trong một thông cáo. “Tổng thống Bush hiện tinh thần rất tốt và đang được giữ lại để theo dõi thêm trong khi ông hồi sức.”
Ông McGrath không cung cấp thêm thông tin nào khác ngoại trừ nói rằng ông Bush đang ở Bệnh viện Methodist Houston, nơi ông cũng từng lưu lại hơn hai tuần vào tháng 1 sau khi bị viêm phổi.
Ông Bush, cựu tổng thống lớn tuổi nhất còn sống của Mỹ, từng phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất trong Phòng Bầu dục từ năm 1989 đến năm 1992.
Ông là cha của cựu Tổng thống George W. Bush, người từng phục vụ hai nhiệm kỳ trong Tòa Bạch Ốc từ năm 2001 đến năm 2008.
http://www.voatiengviet.com/a/george-h-w-bush-nhap-vien-o-houston/3816542.html
Lãnh đạo United Airlines gặp lãnh sự Trung Quốc
Lãnh đạo hãng hàng không United Airlines họp với lãnh sự Trung Quốc tại Chicago bàn về tác động có thể có đối với số lượng vé đặt mua của hãng sau vụ bác sĩ David Đào, một hành khách bị cưỡng chế ra khỏi máy bay của United Airlines gây phẫn nộ công luận vừa qua. Tuy nhiên, hãng hàng không này nói rằng hiện có quá sớm để có thể nói rằng doanh số của họ ở thị trường Trung Quốc có bị ảnh hưởng từ scandal này hay chưa.
United Airlines đã lặp lại lời xin lỗi về vụ lôi kéo bác sĩ Đào xuống máy bay để nhường chỗ cho thành viên phi hành đoàn.
Một hành khách đi cùng chuyến bay với ông Đào cho biết trước khi bị lôi xuống máy bay, ông Đào tố cáo rằng các giới chức phân biệt đối xử ông vì ông là người gốc Hoa. Cộng đồng sử dụng truyền thông xã hội ở Mỹ, Việt Nam, và Trung Quốc đang kêu gọi tẩy chay hãng United Airlines vì vụ này.
Reuters dẫn lời Chủ tịch hãng, Scott Kirby, nói: “Hiện giờ còn quá sớm để đánh giá về lượng đặt vé, đặc biệt đó là tuần lễ trước Phục Sinh, thường là thời điểm bán vé chậm.”
Cổ phiếu UAL.N của hãng bị sụt 4.12% trong phiên giao dịch chiều nay.
Tổng Giám đốc điều hành của hãng, ông Oscar Munoz, cho biết trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới đã được lên lịch trước vụ scandal, ông sẽ có những cuộc trao đổi và thảo luận thêm với khách hàng và giới chức liên hệ. United Airlines không tiết lộ ông Munoz đã gặp giới chức lãnh sự Trung Quốc tại Mỹ hồi nào.
Tuần trước, chuyến bay 3411 của hãng trở thành tâm điểm bị công luận quốc tế lên án sau khi những hành khách đi cùng chuyến bay với bác sĩ Đào tung ra các đoạn video quay lại cảnh ông Đào người vấy máu trong lúc bị lôi kéo thô bạo, tống xuất khỏi máy bay.
Sau vụ việc, nạn nhân bị gãy hai răng cửa, gãy mũi, và bị chấn động.
Ông Đào di cư qua Mỹ từ Việt Nam. Phát ngôn nhân của luật sư đại diện cho ông Đào không xác nhận nguồn gốc sắc tộc của ông.
http://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-united-airlines-gap-lanh-su-quan-trung-quoc/3816273.html
Đài Loan từ chối đơn tị nạn của du khách Trung Quốc
Ông Trương Hướng Trung, một nhà hoạt động dân sự Trung Quốc đã bị nhà chức trách Đài Loan từ chối đơn xin tị nạn.
Như đã đưa tin ông Trương đến Đài Loan vào ngày 12 tháng tư theo một đoàn du khách từ Hoa Lục. Sau đó ông tách rời khỏi đoàn này và làm đơn xin tị nạn với lý do là những hoạt động dân sự của ông có thể bị nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp. Ông nói rằng ông tham gia một tổ chức là Tân Công Dân kêu gọi các nhà lãnh đạo Bắc Kinh công bố công khai tài sản của mình.
Giải thích lý do bác đơn của ông Trương, một viên chức của cơ quan các vấn đề Hoa Lục của Đài Bắc nói rằng rất là khó để chứng minh ông Trương phù hợp với những tiêu chuẩn để có thể có giấy phép cư trú dài hạn tại Đài Loan.
Ông Trương được biết là đã bị đi tù vào năm 2014 tại Hoa Lục với tội danh gian lận thẻ tín dụng.
Mỹ vẫn giữ chính sách xoay trục sang châu Á
Trung Tá Brian Middleton, chỉ huy trưởng lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đang đồn trú ở Darwin thuộc Úc nói rằng chính sách chuyển trục sang Châu Á được thực hiện từ thời chính phủ Obama sẽ không thay đổi.
Trung Tá Middleton cho biết Tổng Thống đương nhiệm Donald Trump tiếp tục cam kết bảo vệ ổn định cho vùng Châu Á, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng đang tăng bởi nhiều lý do khác nhau.
Điều đó cũng được Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence nói tới khi ghé thăm Nam Hàn và Nhật Bản để trấn an đồng minh và đảm bảo Hoa Kỳ sẽ can thiệp mạnh mẽ, không để cho Bắc Hàn có võ khí hạt nhân.
Phó Tổng Thống Pence cũng tái khẳng định nước Mỹ sẽ bảo vệ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, nơi Trung Quốc tự nhận là có chủ quyền hầu hết các hòn đảo, bãi đá mà họ đang tranh chấp với những nước Đông Nam Á.
Sau Nhật Bản, tạm dừng chân kế tiếp của Phó Tổng Thống Mỹ sẽ là Indonesia và sau đó là Úc.
Mỹ hợp tác với đồng minh để áp lực Bắc Hàn
Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence đã kết thúc chuyến viếng thăm Nhật Bản với lời tuyên bố Washington đang làm việc cùng các nước đồng minh và với Trung Quốc để gây áp lực kinh tế lẫn ngoại giao đối với Bắc Hàn.
Phát biểu khi ghé thăm hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Ronald Reagan đang bảo dưỡng định kỳ ở cảng Yokosuka của Nhật Bản, Phó Tổng Thống Mỹ nhắc lại lời cảnh báo Bình Nhưỡng không nên thử thách quyết tâm của Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng bằng sự đáp trả mạnh mẽ và không ai có thể kháng cự được, Hoa Kỳ sẽ đánh bại tất cả mọi cuộc tấn công, cũng như đánh bại tất cả mọi loại võ khí, kể cả võ khí hạt nhân.
Ông cũng nói quân đội Hoa Kỳ luôn luôn đi tìm hòa bình, nhưng dưới thời Tổng Thống Donald Trump, chính sách quốc phòng của nước Mỹ sẽ bao gồm một tấm khiên để phòng vệ và một thanh gươm để sẵn sàng đối phó với thử thách đến bất kỳ từ đâu.
Trong bài phát biểu, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ tiết lộ ông đã bàn thảo với Tổng Thống Trump về chiến lược ở Châu Á-Thái Bình Dương, tiết lộ từ nay đến năm 2020, khoảng 60% chiến hạm của Mỹ sẽ có mặt trong khu vực, theo đúng kế hoạch tăng cường sự hiện diện mà chính phủ Trump từng nói tới.
Vẫn theo Phó Tổng Thống Pence, Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ.
Quân đội Trung Quốc:
Tập Cận Bình loan báo bước cải tổ thứ hai
Với mục tiêu biến quân đội Trung Quốc thành một lực lượng tinh nhuệ có năng lực hợp đồng tác chiến cao hơn, sau khi hoàn thành giai đoạn một là cải tổ các cơ chế chỉ huy, vào hôm qua, 18/04/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã loan báo bước cải cách thứ hai, thiết lập 84 đơn vị cấp trung gian. Theo giới quan sát, công việc cải tổ này cho phép ông Tập Cận Bình củng cố trong thực tế quyền kiểm soát quân đội.
Trong một bản tin vào tối hôm qua, 18/04/2017 Tân Hoa Xã trích phát biểu của ông Tập Cận Bình với chỉ huy các đơn vị mới tại Bắc Kinh, theo đó công cuộc cải tổ được tiến hành « mang ý nghĩa sâu sắc và quan trọng trong việc xây dựng một quân đội đẳng cấp thế giới ».
Cuộc cải tổ phản ánh nỗ lực trong nhiều năm qua của lãnh đạo Trung Quốc nhằm hiện đại hóa quân đội nước này, nhấn mạnh hơn trên những năng lực mới như chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin và điện tử.
Báo Trung Quốc China Daily cho biết là bước cải tổ này tập trung trên một kiến trúc mới, bao gồm 84 đơn vị quân đội hỗn hợp, với sĩ quan chỉ huy mang quân hàm thiếu tướng hoặc chuẩn đô đốc, và quân số chọn lọc từ các lực lượng có sẵn trong quân đội, vì lẽ Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch ban hành từ năm 2015 nhằm cắt giảm 300.000 quân.
Từ nay cho đến năm 2020, Trung Quốc sẽ xây dựng một cơ chế chỉ huy tác chiến hỗn hợp, sắp xếp lại các quân khu hiện có, đồng thời tiếp tục tinh giản số lượng binh lính, đặc biệt là trong các lực lượng phi chiến đấu.
Trong giai đoạn một của cuộc cải tổ, Trung Quốc đã giảm số lượng 7 quân khu trước đây thành 5 đại quân khu, đồng thời biến 4 tổng cục trong quân đội – bao gồm nhân sự, chính trị, hậu cần và vũ khí – thành 15 cơ quan. 84 đơn vị mới thành lập sẽ trực thuộc 15 cơ quan này.
Trả lời câu hỏi của hãng Reuters, tướng hồi hưu Hứa Quang Dụ (Xu Guangyu), chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Hiệp Hội Giải Trừ Quân Bị và Kiểm Soát Khí Giới tại Bắc Kinh, xác định đây là bước quan trọng thứ hai trong công cuộc cải tổ quân đội mà ông Tập Cận Bình chủ trương, nhắm vào các đơn vị cấp trung, sau khi đã hoàn thành đợt cải cách nhắm vào những cấu trúc cấp cao.
Cải tổ theo mô hình Mỹ ?
Do việc chi tiết về công cuộc cải tổ chưa được tiết lộ nhiều, giới phân tích quân sự nước ngoài chưa thể xác định tác động của tiến trình này đến năng lực chiến đấu của quân đội Trung Quốc. Richard Bitzinger, chuyên gia nghiên cứu về quân sự tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S.Rajaratnam ở Singapore, cho rằng tác động có thể là tích cực, vì với các đơn vị nhỏ hơn, quân đội Trung Quốc có thể trở nên linh hoạt, nhanh nhẹn hơn.
Dường như Trung Quốc đã lấy ý tưởng từ cách tổ chức của quân đội Mỹ. Theo ông Bitzinger, các đơn vị quân đội mới của Trung Quốc có thể được trang bị để tự cung tự cấp, với các bộ phận tình báo pháo binh, công binh của riêng mình. Tuy nhiên, chuyên gia này thận trọng cho rằng để cho các thay đổi phát sinh hiệu quả, cần phải mất thêm nhiều thời gian nữa.
Song song với việc cải tổ cơ cấu, Trung Quốc cũng đã nhanh chóng nâng cấp các thiết bị quân sự và vũ khí của mình, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng thêm quyết đoán trong việc áp đặt chủ quyền tại Biển Đông, cũng như tìm cách mở rộng sức mạnh quân sự ra nước ngoài.
Hải quân là lực lượng được Bắc Kinh ưu tiên phát triển, như lời thừa nhận mới đây của ông Vương Duy Minh (Wang Weiming), phó tổng tham mưu trưởng hải quân Trung Quốc, bên lề khóa họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh đang tăng tốc phát triển thêm các loại tàu tuần dương, tàu khu trục và sẽ đẩy mạnh tuần tra trên biển, trên không.
Theo ghi nhận của Reuters, báo chí Trung Quốc hiện đang suy đoán là rất có thể quân đội Trung Quốc cho hạ thủy một hàng không mẫu hạm thứ hai, hoàn toàn made in China, vào ngày 23/04 tới đây, nhân kỷ niệm ngày thành lập lực lượng hải quân.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170419-quan-doi-trung-quoc-tap-can-binh-loan-bao-buoc-cai-to-thu-hai
Trung Quốc ‘hết sức quan ngại’ về đe dọa hạt nhân Bắc Hàn
Trung Quốc nói họ hết sức lo ngại về chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Hàn, sau khi BBC có cuộc phỏng vấn với một quan chức cao cấp Bắc Hàn.
Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn cho phóng viên BBC hay Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thử tên lửa và sẽ có cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nếu họ nghĩ Mỹ sắp tấn công.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng nói Trung Quốc phản đối những lời nói và hành động làm căng thẳng thêm tình hình.
Căng thẳng giữa Bắc Hàn và Mỹ ngày càng gia tăng.
Hai bên đều có những động thái nóng nảy trong những ngày gần đây.
Không còn kiên nhẫn?
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, người đang có chuyến thăm khu vực, cảnh báo Bắc Hàn đừng thách thức Washington và nói “thời kỳ kiên nhẫn chiến lược” của Mỹ với Bình Nhưỡng đã chấm dứt.
Bắc Hàn ‘sẽ thử tên lửa hàng tuần’
Đối mặt với nhà ngoại giao cao cấp Bắc Hàn
Phóng viên BBC tại Bắc Kinh Stephen McDonell nói chính phủ Trung Quốc có vẻ ngày càng bức xúc với Bắc Hàn, một nước đồng minh lâu năm.
“Tôi đã thấy xem những tin tức gần đây,” ông Lục nói đến cuộc phỏng vấn do BBC thực hiện.
“Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc với những diễn biến gần đây về việc Bắc Hàn phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.
“Trung Quốc có cam kết không lay chuyển nhằm thực hiện phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên, gìn giữ hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên, và tiếp tục giải quyết xung đột qua đối thoại và đàm phán.”
Ông Lục nói thêm căng thẳng trong khu vực vốn đã ở mức cao trước khi Bình Nhưỡng đưa ra những lời phát biểu mới này.
Bắc Hàn khoa trương thế mạnh quốc phòng trong một cuộc diễu binh cuối tuần trước và thử một tên lửa hôm Chủ Nhật 16/4, nhưng bị nổ gần như ngay lập tức sau khi phóng.
Bình Nhưỡng nói họ có thể sẽ thử tên lửa hàng tuần, và cảnh báo sẽ có một “cuộc chiến tranh tổng lực” nếu Mỹ có hành động quân sự.
“Nếu Mỹ lên kế hoạch tấn công quân sự, chúng tôi sẽ đáp trả bằng cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu theo cách thức và biện pháp của chúng tôi,” Thứ trưởng Ngoại giao của Bắc Hàn, Han Song-ryol nói với BBC hôm thứ Hai 17/4.
Sau đó ông Pence cam kết sẽ “đánh bại bất kỳ cuộc tấn công nào và đối chọi với bất kỳ động thái sử dụng vũ khí truyền thống hay hạt nhân nào bằng phản ứng tổng lực và hiệu quả của Mỹ”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39646296
‘Hạm đội Mỹ’ hướng khỏi Bắc Hàn
Hàng không mẫu hạm và các tàu khu trục khác của Hoa Kỳ không di chuyển về Bắc Hàn mà theo hướng ngược lại, tin cho hay.
Hôm 8/4, Hải quân Hoa Kỳ cho biết rằng toán tàu chiến Carl Vinson đang hướng tới bán đảo Triều Tiên, như một biện pháp ngăn chặn.
Tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố rằng một “hạm đội” đã được điều đến khu vực này.
Nhưng thực tế thì toán tàu chiến đang đi xa khỏi khu vực này hơn vào cuối tuần, qua eo biển Sunda vào Ấn Độ Dương.
Mỹ đưa tàu chiến tới bán đảo Triều Tiên
Bắc Hàn ‘sẽ thử tên lửa hàng tuần’
Hoa Kỳ tuyên bố rằng toán tàu chiến trước hết phải hoàn thành đợt huấn luyện với Úc.
Toán tàu chiến bây giờ đang “tiến tới Tây Thái Bình Dương theo lệnh”, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho hay hôm 18/4.
Stephen Evans, phóng viên BBC tại Nam Hàn, nói rằng hiện chưa rõ liệu việc toán tàu chiến không đến bán đảo Triều Tiên có phải là mưu mẹo có chủ đích, có lẽ nhằm khiến cho nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un sợ hãi, hoặc là do thay đổi kế hoạch hoặc đơn giản là sự diễn giải sai.
Căng thẳng giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ gia tăng trong những tuần gần đây và động thái của toán tàu chiến khiến người ta đặt câu hỏi về việc liệu Mỹ có tấn công phủ đầu hay không.
Bắc Hàn vừa tổ chức diễu binh và thử tên lửa không thành hôm 16/4.
Hôm 18/4, Mỹ cáo buộc Bắc Hàn định “khiêu khích gì đó”, và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nói vụ thử tên lửa là một động thái liều lĩnh.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39627241
TQ sắp ra mắt hàng không mẫu hạm tự chế
Trung Quốc lên kế hoạch hoàn tất hàng không mẫu hạm tự chế tạo đầu tiên vào dịp 68 năm thành lập Hải quân Quân Giải phóng, truyền thông nước này cho hay hôm 19/04.
Cùng thời gian, lãnh tụ tối cao Tập Cận Bình cũng công bố chương trình cải tổ quốc phòng sâu rộng để hiện đại hóa quân đội và tập trung vào các lĩnh vực ngoài bộ binh thuần tuý.
Nếu mọi việc tiến triển tốt, chiếc hàng không mẫu hạm loại Type-001A của Trung Quốc có thể ra mắt vào ngày 23/04 năm nay.
Hiện con tàu này đang được Xưởng đóng tàu Đại Liên lắp các bộ phận cuối cùng để có thể hạ thủy.
Vận hành từ 2020
Tuy thế, theo BBC Tiếng Trung từ Hong Kong, cũng phải đến năm 2019, con tàu mới được đem ra chạy thử để có thể vận hành bình thường từ 2020.
Chiếc hàng không mẫu hạm hiện Trung Quốc đang sử dụng, tàu Liêu Ninh vốn có phần vỏ của tàu Varyag thuộc lớp Kuznetsov sản xuất từ thời Liên Xô của Ukraine.
Tàu Liêu Ninh được Trung Quốc xếp loại Type-001.
Nếu hoàn tất đúng hạn, chiếc tàu mới là hàng không mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế và đóng trong nước, thuộc thế hệ sau, Type-001A.
Các báo quốc tế tin rằng sau chiếc tàu mới này, Trung Quốc có tham vọng đóng thêm bốn hàng không mẫu hạm nữa.
Theo các tài liệu quốc phòng của Hoa Kỳ, phải đến thế hệ mới nữa (Type-002), Trung Quốc mới đủ khả năng bỏ hệ thống bệ phóng phi cơ kiểu cũ thời Liên Xô của chiếc Liêu Ninh để chọn công nghệ mới hơn, trong tiếng Anh gọi là ‘Electromagnetic Aircraft Launch System’, giống như tàu USS Gerald Ford (CVN-78) của Hoa Kỳ vốn đã sắp bị thanh lý.
Quan chức quốc phòng Trung Quốc cũng nói các hàng không mẫu hạm mới sẽ được trang bị nhiều tiện nghi hơn cho thủy thủ đoàn và có hình dáng giống các tàu Mỹ hơn là tàu của Liên Xô trước đây.
Giảm bộ binh, tăng tên lửa và hải quân
Cũng trong tuần này, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình công bố cuộc cải cách quân binh chủng của Quân Giải phóng.
Theo China Daily hôm 19/04, ông Tập muốn hiện đại hóa Quân Giải phóng bằng cách giảm đi 300 nghìn quân, nhưng tăng đầu tư vào các lực lượng như công nghệ thông tin, tên lửa, hải quân.
Dự kiến sang 2020, Trung Quốc sẽ lập ra một bộ tư lệnh tối cao liên binh chủng và giảm thiểu cách điều hành theo cơ chế quân khu.
Quân đội Trung Quốc sẽ tái cơ cấu và tập trung lại ở các đơn vị cấp lữ đoàn với con số là 84 trên cả nước, báo cáo lên 15 bộ chỉ huy, và từ đó lên Bộ tư lệnh tối cao.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39641963
Trung Quốc
áp đặt tên cho 6 địa điểm ở vùng tranh chấp với Ấn Độ
Bắc Kinh đã ban hành tên gọi chuẩn cho sáu địa điểm trong một khu vực đang tranh chấp với Ấn Độ. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 19/04/2017 không ngần ngại xác định đó là hành động biểu thị chủ quyền của Trung Quốc tại vùng đó.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, vào tuần trước, bộ phụ trách các vấn đề dân sự của Trung Quốc đã công bố một danh sách sáu địa điểm tại vùng Arunachal Pradesh, một khu vực phía đông dãy núi Himalaya đang do New Delhi quản lý, nhưng bị Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền dưới tên gọi “Nam Tạng“.
Danh sách này bao gồm tên Trung Quốc “chính thức” gọi các địa điểm đó, được viết bằng ba thứ tiếng Hoa, Tây Tạng và Anh ngữ.
Phát biểu vào hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã cho rằng quyết định “chuẩn hóa địa đanh” đó hoàn toàn đúng đắn, vì phản ánh các tên gọi mà các dân tộc Trung Quốc, chẳng hạn như người Tây Tạng, từng sử dụng trong một thời gian dài.
Đối với phát ngôn viên Trung Quốc, các địa danh đó cũng “phản ánh và lý giải” được là các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng “Nam Tạng” có cơ sở hiển nhiên về lịch sử, văn hóa và thẩm quyền hành chính.
Đầu tháng 4/2017, Bắc Kinh đã rất tức giận trước việc Ấn Độ cho phép lãnh tụ người Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma, đến vùng Arunachal Pradesh sát biên giới với Trung Quốc.
Các quan chức Ấn Độ đã bác bỏ những lời chỉ trích từ phía Trung Quốc, cho rằng đức Đạt Lai Lạt Ma là một lãnh đạo tôn giáo, chỉ đến thăm một nơi ông có tín đồ mà thôi.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170419-trung-quoc-dat-ten-chuan-cho-6-dia-diem-o-vung-tranh-chap-voi-an-do
Mỹ sẽ xem lại việc bỏ các biện pháp trừng phạt Iran
Tối hôm qua, 18/04/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết đã thông báo cho Quốc Hội sẽ tiến hành đánh giá lần nữa về việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Iran.
Thông báo nói trên được đưa ra, sau khi Nhà Trắng công nhận là Teheran đã tôn trọng những cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được với chính quyền cựu tổng thống Barack Obama vào năm 2015. Đây là chứng nhận đầu tiên của chính quyền Trump. Cứ mỗi 90 ngày, chứng nhận này phải được thông báo cho Quốc Hội.
Trong bức thư gởi cho chủ tịch Hạ Viện Mỹ Paul Ryan ( Cộng Hòa ), ngoại trưởng Tillerson cho biết tổng thống Trump đã yêu cầu xem xét lại thỏa thuận năm 2015, nhằm đánh giá xem việc đình chỉ các biện pháp trừng phạt Iran có phù hợp với các lợi ích của Hoa Kỳ hay không.
Được xem là một trong những thành công ngoại giao của tổng thống Obama, thỏa thuận tháng 07/2015 giữa Iran và các cường quốc ( Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức ) nhằm bảo đảm là chương trình hạt nhân của Iran chỉ nhằm mục đích hòa bình, đổi lại quốc tế sẽ bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Teheran. Tuy nhiên, hiện giờ Washington vẫn duy trì một số biện pháp trừng phạt Iran.
Từ khi nhậm chức cho đến nay, tổng thống Donald Trump đã không nhắc lại tuyên bố của ông khi tranh cử là sẽ “xé bỏ” thỏa thuận hạt nhân với Iran. Khi tiếp thủ tướng Israel Netanyahu vào giữa tháng 2 vừa qua, ông Trump có nhắc lại rằng đây là một trong những thỏa thuận “tệ hại nhất” mà ông từng thấy, nhưng không nói là sẽ hủy bỏ thỏa thuận này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170419-my-se-xem-lai-viec-bo-cac-bien-phap-trung-phat-iran