Tin khắp nơi – 19/03/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 19/03/2019

Mỹ đón “Trump nhiệt đới” tại Nhà Trắng

Trọng Nghĩa

Hôm nay, 19/03/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump đón tiếp tại Nhà Trắng một trong những người ngưỡng mộ ông nhất. Đó là tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, được mệnh danh « Donald Trump nhiệt đới », một người cũng có cương lĩnh hành động « triệt để » và đã được người dân bất ngờ bầu làm tổng thống.

Đây là lần đầu tiên mà ông Bolsonaro công du Hoa Kỳ từ ngày nhậm chức. Theo hãng tin Pháp AFP, chương trình nghị sự của cuộc gặp đầu tiên giữa hai nguyên thủ bao gồm một cuộc hội đàm tay đôi ở Phòng Bầu Dục, một bữa ăn trưa làm việc và một cuộc họp báo chung ở vườn Nhà Trắng.

Đối với AFP, hai vị tổng thống sẽ tranh thủ cuộc gặp để gây thêm sức ép lên tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, người bị họ liên tục đòi phải ra đi, để nhường chỗ cho tổng thống lâm thời Juan Guaido được cả Mỹ lẫn Brazil hậu thuẫn.

Đối với tổng thống Trump, chuyến thăm của ông Bolsonaro là cơ hội để ông xóa nhòa một chuỗi khó khăn, do thất bại của hội nghị thượng đỉnh Hà Nội với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và dự án xây tường biên giới với Mêhicô bị Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ bác bỏ.

Về phần mình, ông Bolsonaro đã hết sức tỏ thiện chí với ông Trump. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Fox News tối hôm qua, tổng thống Brazil đã ca ngợi sự kiên định của tổng thống Hoa Kỳ về vấn đề bức tường, và chỉ trích Pháp khi cho rằng « biên giới mở cửa toang hoang cho người tị nạn ». Đối với ông Bolsonaro, « phần lớn những người nhập cư tiềm tàng không có ý định tốt… Họ không muốn người Mỹ được hưởng điều tốt lành ».

Cũng hôm qua, tổng thống Brazil đã ký một thỏa thuận mở cửa một căn cứ ở Brazil để phóng các vệ tinh của Mỹ. Đây là căn cứ Alcantara, ở bang Maranhao, phía bắc Brazil. Cơ sở Alcantara có vị trí lý tưởng vì vị trí gần xích đạo, cho phép tiết kiệm khoảng 30% nhiên liệu khi phóng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190319-my-don-tiep-trump-nhiet-doi-tai-nha-trang

 

Mỹ: Triều Tiên phải từ bỏ

các chương trình hạt nhân, tên lửa

Một quan chức kiểm soát vũ khí cấp cao của Hoa Kỳ hôm 19/3 nói rằng cách duy nhất để Triều Tiên có được an ninh và phát triển là từ bỏ tất cả các các vũ khí hủy diệt hàng loạt và các chương trình tên lửa đạn đạo.

Hãng tin Reuters dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách về kiểm soát vũ khí, Yleem Poblete, kêu gọi các quốc gia hãy ngừng mọi hợp tác quân sự và vũ khí với Triều Tiên.

“Quý vị đang vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an, nghiêm cấm các cuộc chuyển giao như vậy”, bà Yleem Poblete nói.

Phái đoàn Triều Tiên có mặt tại Hội nghị Giải trừ quân bị do Liên Hiệp Quốc bảo trợ chưa đưa ra phản ứng nào về phát biểu của giới chức Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/my-trieu-tien-phai-tu-bo-cac-chuong-trinh-hat-nhan-ten-lua/4837638.html

 

Cố vấn an ninh Nhà Trắng:

Triều Tiên ‘không sẵn sàng’ phi hạt nhân hóa

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton nói rằng, Tổng thống Donald Trump nhận thấy Triều Tiên không sẵn sàng phi hạt nhân hóa, theo Newsmax.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin The Cats Round Table, phát sóng hôm 17/3, ông John Bolton nói rằng: “Thật không may, Triều Tiên không sẵn lòng làm những gì họ cần làm”.

Mặc dù các cuộc đàm phán đã ngưng lại sau hai hội nghị thượng đỉnh, ở Singapore vào năm ngoái và mới đây là ở Hà Nội, nhưng Hoa Kỳ sẽ không từ bỏ mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, Newsmax nhận định.

Theo Cố vấn an ninh Nhà Trắng, Tổng thống Trump muốn mối nguy cơ vũ khí hạt nhân Triều Tiên được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán.

“Vào tối thứ Sáu, họ [Triều Tiên] đã đưa ra một tuyên bố không ích lợi gì, rằng họ nghĩ sẽ quay trở lại thử nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân, đây sẽ không phải là một ý tưởng hay”, ông Bolton nói. Trả lời của cố vấn Mỹ với đài The Cats Round Table được đưa ra sau khi có những tin tức Triều Tiên dường như tái khôi phục lại cơ sở hạt nhân trước đó đã được ngưng hoạt động.

National Public Radio đưa tin, sau Hội nghị thượng đỉnh bất thành tại Hà Nội, các hình ảnh vệ tinh được phát hành bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS cho biết, cho thấy, Triều Tiên dường như đã nhanh chóng lắp ráp lại bệ phóng thử nghiệm động cơ tên lửa. Trước đó, khu vực nằm bên bờ biển phía tây của nước này đã ngừng hoạt động.

Vẫn trong cuộc phỏng vấn, Cố vấn An ninh Hoa Kỳ nhắc đến “Ý tưởng để Trung Quốc tham gia đóng một vai trò trong các cuộc đàm phán” giữa Mỹ và Triều Tiên là điều mà “Hoa Kỳ sẵn sàng xem xét” nếu như Triều Tiên có những động thái tích cực thấy rõ.

“Trung Quốc cũng đã nhiều lần nói rằng, họ không muốn thấy Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, vì họ nghĩ rằng điều đó gây bất ổn cho Đông Bắc Á. Về lý thuyết, Trung Quốc có cùng quan điểm với Hoa Kỳ. Những gì họ có thể làm là tạo ra nhiều áp lực nhiều hơn đối với Triều Tiên. Họ có thể áp dụng các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc chặt chẽ hơn. Họ kiểm soát 90% thương mại đối ngoại của Triều Tiên, vì vậy Trung Quốc có thể có vai trò rất quan trọng trong vấn đề này. Điều này rất rõ ràng”, ông John Bolton nói.

Tổng thống Trump họp báo sau cái kết đột ngột của Thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội

Tuy nhiên, Newsmax nhận định, không thể trông đợi vào Bắc Kinh trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp thương mại giữa Mỹ-Trung đang rất căng thẳng.

Trong khi đó, Trung Quốc đang xây dựng năng lực hạt nhân, và “đó là một trong những lý do mà tại sao chúng tôi đang xem xét tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của chúng tôi tại Hoa Kỳ”, ông John Bolton nói.

Cố vấn Mỹ cũng nói về vai trò của Nga về vấn đề vũ khí hạt nhân nói rằng: “Nếu chúng ta sẽ có một cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí khác, ví dụ, với người Nga, thì rất có thể sẽ bao gồm cả Trung Quốc trong cuộc thảo luận”.

http://biendong.net/bi-n-nong/26961-co-van-an-ninh-nha-trang-trieu-tien-khong-san-sang-phi-hat-nhan-hoa.html

 

Không chỉ là cuộc chiến thương mại:

Mỹ -Trung còn đáp trả nhau bằng các báo cáo nhân quyền

Trung Quốc vừa công bố báo cáo “Hồ sơ nhân quyền của Mỹ năm 2018” tại Liên hợp quốc, trong đó đưa ra các đánh giá về tình hình nhân quyền tại Mỹ trong năm qua. Đây được xem là đòn đáp trả mới nhất của Trung Quốc nhằm vào các động thái tương tự của Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng quan hệ hai nước đang liên tục gia tăng.

“Cuộc chiến trong lĩnh vực nhân quyền”

Văn phòng Thông tin của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc(IOCSC) hôm 14/3 đã công bố một báo cáo về tình hình nhân quyền ở Mỹ với tiêu đề “Hồ sơ nhân quyền của Mỹ năm 2018”, trong đó đưa ra các vi phạm nhân quyền của Washington hiện nay trong các lĩnh vực như bất bình đẳng thu nhập ngà càng gia tăng, sự phân biệt chủng tộc ngày càng tồi tệ và tiền hóa chính trị ngày càng phổ biến. Theo báo cáo, Chính phủ Mỹ, một quốc gia luôn tự phong là “người bảo vệ nhân quyền”, song lại có một hồ sơ vi phạm nhân quyền tồi tệ với các tiêu chuẩn kép về quyền con người.Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 của Mỹ đã tiêu tốn một số tiền rất lớn khi các cuộc bầu cử ở nước này trở thành trò chơi tiền bạc, với nhiều sự tham gia của “tiền bẩn” và tham nhũng.

Báo cáo của Trung Quốc nói rằng bạo lực súng đạn tiếp tục lan tràn ở Mỹ. Dữ liệu từ Lưu trữ Bạo lực Súng đạn cho thấy Mỹ đã xảy ra 57.103 vụ bạo lực súng trong năm 2018, khiến 14.717 người chết và 28.172 người bị thương, trong đó có 3.502 thương vong ở tuổi vị thành niên. Về tình trạng phân biệt chủng tộc, có hệ thống đã tồn tại từ lâu ở Mỹ, báo cáo cho biết phân biệt chủng tộc ở Mỹ đang trở nên tồi tệ và thu hút sự chỉ trích từ Liên hợp quốc. Tỷ lệ cao của các vụ xả súng ở trường học, bạo lực học đường lan rộng và thiếu sự giám sát hiệu quả của chính phủ đối với lạm dụng trẻ em đã đe dọa trẻ em ở Mỹ về thể chất và tinh thần. Hơn nữa, phụ nữ Mỹ phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng về quấy rối tình dục và tấn công tình dục, với thiếu sự bảo vệ đối với an toàn cá nhân. Báo cáo cũng cho biết thêm rằng họ cũng phải đối mặt với sự phân biệt rõ ràng trong việc làm và nơi làm việc. Đối với các chính sách nhập cư của Mỹ, báo cáo cho biết chính phủ Mỹ đã sử dụng lời lẽ vu khống và bạo lực đối với người nhập cư, lưu ý rằng các chính sách nhập cư vô nhân đạo đã buộc trẻ em di cư khỏi cha mẹ.

Mỹ trước đó đã đưa ra “Báo cáo Quốc gia về Thực hành Nhân quyền năm 2018” trên thế giới, trong đó có TQ

Báo cáo cũng chỉ trích các chính sách đơn phương của Washington. Mỹ trốn tránh các trách nhiệm quốc tế, thực hiện các chính sách đơn phương “Nước Mỹ trước tiên” một cách vô đạo đức, rút ​​khỏi các tổ chức quốc tế, bắt nạt kẻ yếu và gây ra thảm họa nhân quyền trong các hoạt động quân sự ở nước ngoài, báo cáo cho biết. Báo cáo của Trung Quốc được đưa ra ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày công bố “Báo cáo Quốc gia về Thực hành Nhân quyền năm 2018”, trong đó nhấn mạnh vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 14/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng yêu cầu Mỹ ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh. “Phần liên quan đến Trung Quốc của báo cáo cũng giống như những năm trước. Nó chứa đầy định kiến ​​về ý thức hệ, coi thường sự thật và nhầm lẫn giữa đúng và sai, những cáo buộc chống lại Trung Quốc là không có căn cứ”, theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối báo cáo và đã có những đại diện nghiêm khắc với phía Mỹ. Trung Quốc kêu gọi Mỹ tháo kính ra, từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh cũng như định kiến ​​về ý thức hệ và đối xử với tình hình nhân quyền của Trung Quốc một cách khách quan và công bằng, ông Lục Khảng nói. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp nhân quyền của mình, đặc biệt kể từ khi phát động cải cách và mở cửa vào năm 1978, điều này cũng đã được cộng đồng quốc tế chứng kiến. “Chúng tôi cũng thuyết phục Mỹ xem xét kỹ hồ sơ nhân quyền trong nước của mình và trước hết hãy quan tâm đến các vấn đề riêng của mình”, ông Lục Khảng nói thêm.

Tháng 4/2018, Mỹ và Trung Quốc cũng đưa ra các báo cáo nhân quyền năm 2017 để đáp trả nhau. Trong đó, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích tình trạng vi phạm nhân quyền tại Syria, Triều Tiên, Myanmar, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela và Nga. Cho rằng

8 quốc gia này vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, bị xếp loại “cần bị lên án về mặt đạo đức”. Khi đề cập đến Trung Quốc, Mỹ cho rằng “Trung Quốc tiếp tục mở rộng gieo rắc hệ thống độc tài tồi tệ nhất của họ, bao gồm cản trở các nhà hoạt động, xã hội dân sự, tự do ngôn luận và sử dụng nhiều thủ đoạn kiểm soát dân chúng”. Trung Quốc thiếu một nền tư pháp độc lập, đàn áp các luật sư độc lập, tăng cường kiểm soát thông tin, phá hoại luật pháp. Chính phủ Mỹ đặc biệt lo ngại việc nhà cầm quyền Trung Quốc hạn chế bản sắc tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uighur) và người Tây Tạng, và hạn chế người theo đạo chúa Giê-su thực hành đức tin của họ, theo “Báo cáo Thực hành Nhân quyền năm 2017” của Mỹ. Đáp trả, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố bản báo cáo về “Quyền con người ở Mỹ năm 2017” để đáp lại báo cáo được Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành trước đó. Trung Quốc lưu ý rằng Washington tự cho mình quyền làm “quan tòa đạo đức” và “nhà bảo vệ nhân quyền”, trong khi ở Mỹ có xu hướng xấu đi liên tục trong lĩnh vực này. Báo cáo của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc lưu ý rằng vấn đề về vũ khí, tình hình quan hệ chủng tộc ở Mỹ tiếp tục xấu đi, chính phủ can thiệp vào cuộc sống cá nhân của công dân trên Internet. Các nhà phân tích Trung Quốc cũng ghi nhận mức độ nghèo đói cao ở Mỹ. Theo báo cáo của Trung Quốc, quan ngại lớn là vấn đề cung cấp dịch vụ giáo dục và y tế, phân biệt đối xử với phụ nữ và đảm bảo sự an toàn của trẻ vị thành niên. Hoạt động quân sự của Mỹ ở các quốc gia khác khiến một số lượng lớn người thiệt mạng và vô số vi phạm nhân quyền, báo cáo của Trug Quốc nêu.

http://biendong.net/bien-dong/26966-khong-chi-la-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-con-dap-tra-nhau-bang-cac-bao-cao-nhan-quyen.html

 

Mỹ – Nhật hợp lực phát triển

vũ khí mới ứng phó tên lửa TQ, Nga

Hệ thống phòng thủ Aegis thế hệ mới, dưới dạng radar lắp trên tàu chiến, được kỳ vọng cung cấp sự bảo vệ “không có góc chết”, theo hãng thông tấn Kyodo News.

Mỹ và Nhật Bản đang bắt tay vào dự án phát triển radar mới cho thế hệ các tàu chiến được trang bị hệ thống phòng thủ Aegis và là “một phần của nỗ lực cải thiện năng lực phòng thủ”.

Hệ thống mới tập trung vào ứng phó các vũ khí như tên lửa hành trình bội siêu thanh do Trung Nga và Trung Quốc đang phát triển, theo các nguồn tin từ Washington và Tokyo.

Ngoài ra, Nhật Bản muốn tận dụng cơ hội hợp tác với Mỹ để tăng cường năng lực phòng thủ trước nguy cơ tiềm tàng từ CHDCND Triều Tiên.

Tuy nhiên, quyết định tham gia dự án nói trên của chính quyền Tokyo làm dấy lên quan ngại về nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực, theo Kyodo News.

Hiện chiến hạm trang bị Aegis của hải quân Mỹ dựa vào hệ thống radar AN/SPQ-9B để phát hiện các mối đe dọa tầm thấp. Tuy nhiên, hệ thống này sử dụng radar xoay truyền thống nên vẫn có “góc chết”.

Hệ thống radar mới mang đến tầm nhìn 360o, được phối hợp sử dụng với hệ thống khác là AN/SPY-6, chuyên trị các mục tiêu tầm cao và chuẩn bị được được vào sử dụng trong năm 2020.

http://biendong.net/bi-n-nong/26960-my-nhat-hop-luc-phat-trien-vu-khi-moi-ung-pho-ten-lua-tq-nga.html

 

Phe Dân chủ yêu cầu điều tra

 chủ tiệm massage ‘quen’ TT Trump

Các lãnh đạo của phe Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã yêu cầu FBI điều tra người sáng lập một chuỗi tiệm massage ở Florida mà có tin nói là “người quen” của Tổng thống Trump, theo một lá thư công bố hôm 18/3.

Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi, và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, ông Chuck Schumer, công bố lá thư được bốn nhà lập pháp khác ký vào, theo Reuters.

Lá thư kêu gọi FBI điều tra “các bản tin công khai về các hoạt động của bà Li ‘Cindy’ Yang và mối quan hệ của bà với tổng thống”.

Chuỗi cửa tiệm massage do bà Yang lập nên “bị nghi liên quan” tới việc buôn người và mại dâm, theo lá thư gửi FBI và các cơ quan điều tra liên bang khác.

Lá thư cũng nói rằng bà Yang cũng lập một cơ sở kinh doanh khác mà họ cho rằng “có thể rao bán việc tiếp cận tổng thống và các thành viên gia đình ông cho các khách hàng từ Trung Quốc”.

XEM THÊM:

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ: Tôi không chủ trương luận tội Tổng thống

Theo Reuters, bà Michelle Merson, một luật sư ở Florida đại diện cho bà Yang, đăng tải một đoạn video trong đó nói rằng bà Yang đang lo sợ và phải đi trốn. Bà Merson cũng nói rằng thân chủ của mình bác bỏ mọi cáo buộc.

Lá thư của phe Dân chủ nói rằng trang web của bà Yang, mà hiện không truy cập được, từng quảng cáo với các khách hàng về “cơ hội trao đổi” với Tổng thống Trump và các nhân vật chính trị khác cũng như việc tham gia ăn tối tại Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ.

Lá thư nói rằng, nếu đúng như vậy, thì việc đó “gây ra các quan ngại nghiêm trọng về phản gián”.

Theo Reuters, FBI không bình luận về lá thư, trong khi Nhà Trắng không hồi đáp tức thời đối với một yêu cầu bình luận.

https://www.voatiengviet.com/a/phe-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-ch%E1%BB%A7-ti%E1%BB%87m-massage-quen-tt-trump/4837209.html

 

Cố vấn kinh tế của cựu TT Obama và Clinton tự sát

Ông Alan Krueger, 58 tuổi, một giáo sư kinh tế nổi bật tại Đại học Princeton, từng cố vấn cho các cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama, đã tự sát cuối tuần qua, gia đình ông cho biết hôm 18/3.

Theo Reuters, tuyên bố từ người thân của ông, cũng như của Đại học Princeton trước đó, không nói rõ về hoàn cảnh dẫn tới cái chết của ông. Ông bỏ lại vợ và hai con.

Ông Krueger từng phục vụ trong hai chính quyền gần đây nhất thuộc Đảng Dân chủ.

XEM THÊM:

Mỹ: Thất nghiệp tăng, nhưng chính phủ tin rằng kinh tế đang cải thiện

Trên Facebook cá nhân, cựu Tổng thống Obama viết rằng cựu cố vấn của mình “sâu sắc hơn các con số trên màn hình và biểu đồ trên trang giấy”.

“Ông ấy coi chính sách kinh tế không phải là một vấn đề gồm các lý thuyết trừu tượng mà là một cách thức để làm cho cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn”, ông Obama viết.

Ông Krueger dạy môn kinh tế tại Đại học Princeton từ năm 1987. Mới tuần trước, ông còn giảng bài tại Đại học Stanford ở California về phân phối thu nhập và điều tiết thị trường lao động.

https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BB%91-v%E1%BA%A5n-kinh-t%E1%BA%BF-c%E1%BB%A7a-c%E1%BB%B1u-tt-obama-v%C3%A0-clinton-t%E1%BB%B1-s%C3%A1t/4837193.html

 

Phe đối lập kiểm soát cơ sở ngoại giao Venezuela ở Mỹ

Đại diện của thủ lĩnh đối lập Venezuela, ông Juan Guaido, đã kiểm soát ba cơ sở ngoại giao của nước này ở Hoa Kỳ.

Reuters dẫn lời đặc sứ của ông Guaido tại Mỹ nói như vậy hôm 18/3, trong bối cảnh phe đối lập đang tăng tốc chiến dịch nhằm lật đổ Tổng thống theo đường lối xã hội chủ nghĩa, ông Nicolas Maduro.

Ông Carlos Vecchio nói rằng phe đối lập đã kiểm soát hai tòa nhà thuộc về Bộ Quốc phòng Venezuela ở Washington và một tòa nhà lãnh sự ở New York.

Đặc sứ này nói thêm rằng nhóm của ông dự kiến sẽ kiểm soát đại sứ quán của Venezuela ở Washington “trong những ngày tới”.

XEM THÊM:

Mỹ cân nhắc cấm thẻ tín dụng Visa và Mastercard ở Venezuela

“Chúng tôi tiến hành những bước đi này nhằm bảo quản tài sản của người dân Venezuela tại đây”, ông Vecchio nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino nói với các phóng viên rằng Mỹ “vui lòng hỗ trợ các đề nghị này”.

Trong một tuyên bố, theo Reuters, Bộ Ngoại giao Venezuela kêu gọi chính quyền Mỹ “tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm ngay lập tức đảo ngược việc cưỡng chiếm” các văn phòng ngoại giao của nước này.

Bộ này cũng nói rằng việc chuyển giao quyền sở hữu vi phạm luật lệ quốc tế về việc bảo vệ tài sản ngoại giao.

https://www.voatiengviet.com/a/phe-%C4%91%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp-ki%E1%BB%83m-so%C3%A1t-c%C6%A1-s%E1%BB%9F-ngo%E1%BA%A1i-giao-venezuela-%E1%BB%9F-m%E1%BB%B9/4837167.html

 

Venezuela có thể chuyển dầu sang Nga

Venezuela có thể đổi hướng chuyển sản lượng dầu mà thoạt đầu định đưa tới Mỹ sang cho công ty dầu khí Rosneft của Nga hay tới các nơi khác do những chế tài của Mỹ, Bộ trưởng dầu khí của Venezuela và Chủ tịch công ty dầu quốc doanh PDVSA, Manuel Quevedo, tuyên bố ngày 18/3.

Phát biểu tại một hội nghị của OPEC và những Bộ trưởng dầu khí khác ở Baku, Azerbaijan, ông Quevedo cho biết nhà máy điện tại trạm dầu chính Jose của Venezuela đã hoạt động trở lại sau khi mất điện làm ngưng việc xuất khẩu dầu trong tuần trước.

Ông Quevedo nói Caracas sẽ quyết định chở dầu của nước này đến đâu và mục đích chính là củng cố các quan hệ với Nga, cam kết tuân thủ các hợp đồng cung cấp dầu với Moscow.

Rosneft, một công ty dầu quốc doanh Nga liên doanh với PDVSA tại Venezuela, mua dầu thô của PDVSA trong khuôn khổ của những hợp đồng đổi dầu để vay tiền, từ đó chuyển tới khách hàng trên toàn thế giới, chủ yếu là các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ.

Được hỏi về tin rằng Rosneft là sở hữu chủ của hàng trăm tỉ đô la từ liên doanh vì đầu ra của dầu thấp hơn nhiều so với dự kiến, ông Quevedo nói Venezuela tới nay thanh toán nợ nần đầy đủ với Nga.

“Hợp đồng đã được thực hiện,” ông nói. “Chúng tôi có thể chuyển dầu dự trù được giao cho Hoa Kỳ đến Nga hay những khách hàng khác.”

Trước đây trong năm, Hoa Kỳ áp đặt các chế tài khắc nghiệt đối với ngành công nghiệp dầu Venezuela để cắt đứt nguồn lợi tức chính của Tổng thống Nicolas Maduro trong nỗ lực lật đổ nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa xã hội. Ông Quevedo nói nỗ lực này đã cắt việc xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela khoảng 400.000 thùng dầu mỗi ngày.

Venezuela đáp ứng bằng cách nỗ lực tăng xuất khẩu dầu sang Ấn Độ, một nước nhập khẩu dầu hàng đầu khác. Tuy nhiên chính phủ Mỹ đã làm áp lực lên Ấn Độ để ngưng mua dầu của Venezuela.

Nhiều nơi tại Venezuela, bao gồm một phần thủ đô Caracas bị mất điện trong vài ngày qua khiến dân chúng chật vật để có được nước uống và thực phẩm. Điều này ảnh hưởng đến trạm Jose, vì máy điện không hoạt động vào thời điểm đó.

Ông Quevedo nói qua một thông dịch viên “Vào lúc này, trạm Jose hoàn toàn hoạt động. Trạm chịu nhiều thiệt hại vì mất điện…ngành dầu khí của Venezuela cũng tổn hại đáng kể.”

https://www.voatiengviet.com/a/venezuela-c%C3%B3-th%E1%BB%83-chuy%E1%BB%83n-d%E1%BA%A7u-sang-nga/4837198.html

 

Khủng hoảng Venezuela leo thang,

Mỹ tập trung hơn tới hiểm họa từ phe nổi dậy Colombia

Trong lúc Mỹ đang thực hiện cú thúc đẩy ngoại giao lớn nhất từ trước tới nay tại Châu Mỹ Latin để tìm cách lật đổ Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, quân đội Hoa Kỳ đang phải để mắt tới một ‘phó phẩm’ của cuộc khủng hoảng: đó chính là lực lượng nổi dậy Colombia ngày càng lớn mạnh trên cả hai phía biên giới của Venezuela.

Giới chức Mỹ cho Reuters biết Hoa Kỳ tăng cường tập trung tới các phần tử nổi dậy này cũng như tăng cường chia sẻ tình báo với giới chức Colombia.

Mỹ nhìn thấy mối đe dọa ngày càng tăng từ cả Quân đội Giải phóng Quốc gia của Colombia (ELN) và các nhánh của Lực lượng Võ trang Cách mạng của Colombia (FARC) vốn không chịu tuân thủ thỏa thuận hòa bình 2016 để chấm dứt 50 năm nội chiến.

Mỹ tin rằng các phần tử nội dậy này đang lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Venezuela để mở rộng các hoạt động bất hợp pháp lâu nay kể cả việc buôn bán ma túy cũng như vươn xa ‘vòi bạch tuột’ vào đất nước này.

Những nguy cơ từ phe nổi dậy ở cả hai bên biên giới Colombia-Venezuela càng làm cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela thêm phức tạp.

Giới chức Mỹ đồng loạt nhấn mạnh đến các biện pháp ngoại giao và kinh tế để buộc Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, phải ra đi nhưng chỉ huy Bộ Tư lệnh phía Nam của Mỹ, Đô đốc Craig Faller, cho biết quân đội Hoa Kỳ sẵn sàng đưa ra các phương án nếu cần thiết.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết không một đồng minh nào của Mỹ trong khu vực mưu tìm giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Venezuela.

https://www.voatiengviet.com/a/kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-venezuela-leo-thang-m%E1%BB%B9-t%E1%BA%ADp-trung-h%C6%A1n-t%E1%BB%9Bi-hi%E1%BB%83m-h%E1%BB%8Da-t%E1%BB%AB-phe-n%E1%BB%95i-d%E1%BA%ADy-colombia/4837153.html

 

Canada gia hạn nhiệm vụ huấn luyện quân sự

ở Ukraine, Iraq

Canada sẽ giữ phái bộ huấn luyện quân sự tại Ukraine gồm 200 người thêm 3 năm nữa để giúp các lực lượng an ninh trong nước đối phó với những căng thẳng tiếp tục với Nga, Ottawa cho biết hôm 18/3.

Các binh sĩ Canada, lần đầu tiên đến Ukraine vào tháng 9 năm 2015, hết hạn nhiệm vụ vào cuối tháng 3 năm nay, nhưng sẽ ở lại cho đến tháng 3 năm 2022. Tin về việc gia hạn được Reuters loan báo đầu tiên vào ngày 17/3.

“Việc mất an ninh đang diễn ra trong vùng nhấn mạnh đến tầm quan trọng và sự cần thiết của phái bộ quân sự Canada,” chính phủ Canada nói trong một thông báo.

Việc huấn luyện của Canada “trực tiếp giúp phòng vệ Ukraine và các lực lượng an ninh giữ an ninh trong nước và sự toàn vẹn lãnh thổ”, thông báo viết tiếp.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland là một tiếng nói chỉ trích kịch liệt việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Bán đảo này trước đây là một phần của Ukraine.

Lực lượng Canada có mặt tại phía tây Ukraine cách xa vùng có những vụ đụng độ giữa các binh sĩ Ukraine và các phần tử đòi ly khai được Nga hậu thuẫn tại phía đông Ukraine.

Phái bộ Canada đã huấn luyện hơn 10.800 thành viên của lực lượng an ninh Ukraine, thông báo nói. Các binh sĩ này là một phần của phái bộ lớn hơn bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Lithuania, Ba Lan và Thụy Điển.

Ottawa cũng cho biết sẽ triển hạn một phái bộ huấn luyện tại Iraq, nơi Canada đã có khoảng 250 quân nhân. Số binh sĩ này sẽ lưu lại cho đến tháng 3/2021.

“Lực lượng vũ trang Canada sẽ tiếp tục hỗ trợ huấn luyện, cố vấn và trợ giúp các lực lượng an ninh Iraq,” thông báo nói

Tháng 11 năm ngoái, Canada nắm quyền chỉ huy phái bộ NATO ở Iraq, một nhiệm vụ huấn luyện không tác chiến và khả năng xây dựng mới.

Vào cuối năm 2016, các giới chức Canada nói các huấn luyện viên-vào thời điểm đó hoạt động với lực lượng người Kurd tại miền bắc Iraq-đã đụng độ vài chục lần với các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo trong vòng một tháng.

Kể từ đó, một vài cuộc tấn công lớn tại Iraq và Syria đã dẩy lùi Nhà nước Hồi Giáo và hiện nay tổ chức này chỉ chiếm đóng một phần nhỏ bé lãnh thổ tại Syria.

https://www.voatiengviet.com/a/canada-gia-h%E1%BA%A1n-nhi%E1%BB%87m-v%E1%BB%A5-hu%E1%BA%A5n-luy%E1%BB%87n-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1-%E1%BB%9F-ukraine-iraq-/4837160.html

 

EU gọi TQ là ‘đối thủ hệ thống’

trước khi ông Tập thăm Ý và Pháp

Trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình sang Ý và Pháp, Liên hiệp châu Âu công bố văn bản gọi Trung Quốc là ‘đối thủ mang tính hệ thống’.

Khái niệm ‘systemic rival’ mà văn bản 10 điểm của EU nêu ra tuần trước để đối phó với Trung Quốc đã bị Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị bác bỏ.

EU sẽ ký EVFTA với Việt Nam ‘trong hè này’

TQ: Bắc Kinh phủ nhận giam giữ một triệu người Hồi giáo Uighur

Cả đoàn ‘theo chân bác Tập’ đến York ăn cá rán

Hôm 18/03, ông Vương Nghị nói có sự cạnh tranh (competition) giữa Trung Quốc và EU nhưng hai bên đều muốn tiếp tục quan hệ đối tác chiến lược.

Ủy hội châu Âu – cơ quan hành pháp của Liên hiệp châu Âu kêu gọi châu lục này phải cứng rắn hơn với đầu tư Trung Quốc.

EU gọi Trung Quốc là “đối thủ kinh tế tìm cách giành vị trí lãnh đạo về công nghệ, và đối thủ mang tính hệ thống, đang thúc đẩy cho một mô hình khác về quản trị nhà nước và xã hội.”

Giới bình luận tin rằng đây là lần đầu tiên, EU dùng ngôn từ rõ ràng chỉ ra khác biệt ý thức hệ và mô hình chính trị của Trung Quốc, coi đó là ‘đối thủ’.

Không thích Vành đai và Con đường?

Văn bản của EU cũng phê phán một số quốc gia đang muốn tham gia dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Dự án này chính là mục tiêu của chuyến thăm sang Ý tuần này mà Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện.

Chính phủ thiên hữu ở Ý ngỏ ý muốn tham gia Vành đai và Con đường, điều EU không đồng ý.

Chủ tịch Trung Quốc sẽ thăm cả Ý, Monaco và Pháp từ 21 đến 26/03 này.

Sau đó, tới ngày 09/04, EU và Trung Quốc sẽ mở hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng TQ, Lý Khắc Cường.

Hiện hai bên đang chuẩn bị về thông cáo chung nhưng chưa đồng ý được về nội dung.

EU muốn tiếp cận rộng hơn thị trường Trung Quốc nhưng chính sách của Bắc Kinh chưa mở cho các đại công ty châu Âu đầu tư bình đẳng với công ty Trung Quốc.

Tiếp cận thị trường một cách bình đẳng cũng là điều Hoa Kỳ yêu cầu với Trung Quốc.

EU còn lo ngại về các vụ mua đứt khổng lồ của đối tác Trung Quốc tại châu Âu.

Sự bành trướng của Huawei mà Hoa Kỳ cho là ‘ăn cắp công nghệ’ cũng đang khiến một số chính phủ EU xem lại hợp đồng phát triển mạng 5G của tập đoàn này.

Ngoài ra, thâm hụt thương mại của EU với TQ vẫn đang tăng, lên tới 21,4 tỷ euro năm qua, từ 20,8 tỷ năm trước nữa.

Nato tập trận lớn ở Na Uy gây phản ứng từ Nga

Tập Cận Bình thành ‘hạt nhân của Đảng’

Người Tân Cương bị tịch thu hộ chiếu

Pháp và Đức muốn tăng cường vai trò trong quốc phòng và an ninh châu Âu sau Brexit, và Trung Quốc bị Paris và Berlin nay coi là đối thủ, theo trang Politico.

Có ý kiến tại Đức cho rằng EU đã sai lầm về an ninh, quốc phòng những năm qua vì “đề cao quá mức mối đe dọa từ Nga, và coi nhẹ quá mức đe dọa từ TQ”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47624077

 

Các lực lượng quân đội Châu Âu

sẽ có thêm hoạt động tại Ấn Độ- Thái Bình Dương

Các quốc gia Châu Âu sẽ củng cố sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương, gồm cả gia tăng các chiến dịch hải quân, nhằm đối trọng lại với hoạt động ‘quyết đoán’ của Trung Quốc tại vùng biển này.

Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin ngày 19 tháng 3 dẫn nguồn từ giới phân tích và một nguồn tin ngoại giao như vừa nêu.

Cụ thể Liên Minh Châu Âu đã khởi sự dấu ấn tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đây là phát biểu của bà Liselotte Odgaard, một chuyên gia tại Viện Hudson ở Washington, đưa ra hôm 18 tháng 3.

Theo bà Liselotte Odgaard, Liên Minh Châu Âu đã có một đường lối chính sách chung như đối trọng lại sự quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông và ủng hộ tự do hàng hải; tuy thế vẫn chưa thể đi sâu vào  những sáng kiến chính sách cụ thể. Do đó những nhóm quốc gia trong liên minh sẽ thực hiện và đó là điều mà giới chuyên gia nhận thấy đang gia tăng.

Hoạt động bồi lấp nên những đảo nhân tạo và quân sự tại Biển Đông do phía Trung Quốc tiến hành lâu nay gây quan ngại cho Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh. Liên Minh Châu Âu và một số nước thành viên lâu nay lặp đi, lặp lại quan ngại này.

Ân Độ cũng quan ngại về sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương.

Biển Đông có tuyến đường hàng hải mà lượng hàng hóa đi qua mỗi năm được thống kê lên đến chừng 3 ngàn tỷ đô la Mỹ; chiếm thứ ba tổng mậu dịch toàn cầu.

Trung Quốc đơn phương vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn để tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông. Đây là nơi có tuyên bố chủ quyền của các nước khác trong khu vực ngoài Trung Quốc và Đài Laon; gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/european-militaries-will-do-more-to-counter-assertive-china-in-indo-pacific-03192019104105.html

 

Dân London: Sao có người bỏ nơi đô hội để về quê?

So với các thành phố khác trong nước và trên thế giới, rõ ràng London có một nền kinh tế phát triển thành công.

Cù lao ‘lập dị’ của London bên dòng sông Thames

Lenin từng họp ĐH Đảng Bolshevik ở London

Trong hơn một thập kỷ qua, nền kinh tế London đã mở rộng thêm một phần năm. Nhiều cửa hàng, nhà hàng và quán bar đã được mở ra để phục vụ cư dân thành phố.

Kết quả là dân số London và khu vực thành thị xung quanh London đã tăng đáng kể – dân tăng thêm 1,1 triệu người trong khoảng thời gian từ 2008 -2017, đạt tới 10 triệu cư dân.

Thành công là vậy, nhưng mọi thứ không phải khi nào cũng diễn ra theo cách mà chúng ta nghĩ.

Thay vì ở lại thủ đô London, nhiều người đã rời đến sống ở các vùng khác ở Anh và xứ Wales.

Đây không phải là một xu hướng mới vì trước đó nó cũng đã xảy ra ở các thành phố lớn của Mỹ như New York, Miami, Chicago và Los Angeles.

Vậy tại sao dân số London vẫn tăng lên dù cho nhiều người rời đi? Điều này có thể được giải thích bởi hai yếu tố.

Đầu tiên là tỷ lệ sinh: 790,000 trẻ em đã được sinh ra ở London từ năm 2009 đến 2017.

Yếu tố thứ hai là nhập cư quốc tế. Thêm 860,000 người đã nhập cư vào London từ năm 2009 đến 2017, với hơn một nửa số đó đến từ châu Âu. Tính đến năm 2017, có 3,6 triệu người sống ở London được sinh ra ở nước ngoài.

Trong số những người Anh chuyển đến thủ đô London, độ tuổi của họ tiết lộ thêm nhiều thông tin thú vị.

Theo đó, nhiều người ngoài 20 tuổi từ các vùng khác nhau ở Anh đã chuyển đến sống ở London để tìm việc làm.

Tuy nhiên, người ở độ tuổi từ 18 đến 20 hay ngoài 30 lại định rời khỏi London.

Điểm đến của người dân sau khi rời London cũng giải thích tại sao xảy ra xu hướng này.

Ở khắp cả nước, thanh niên từ 18 đến 20 tuổi thường chuyển đến sống và học đại học tại các thành phố Nottingham, Coventry và Brighton.

Trong khi đó, trẻ em dưới bốn tuổi và những người ngoài 30 tuổi thường rời đi cùng nhau.

Đây là những gia đình trẻ đang rời thủ đô London để tìm mua nhà ở các vùng khác rẻ hơn.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ đã rời khỏi London hoàn toàn. Thay vào đó, nhiều người vẫn đi đi về về giữa nhà mới và London để làm việc.

Hai phần ba nhóm này thường chuyển đến sống ở vùng Đông Nam của nước Anh, trải dài từ Southampton đến Milton Keynes và Norfolk.

Dù không sống ở London nữa, họ vẫn có thể đến đây làm việc.

Có khoảng 800,000 người đến London làm việc mỗi ngày – nhiều hơn toàn bộ dân số các thành phố như Leeds và Bristol.

Một số nhỏ những người trên 30 tuổi còn lại ở London cũng đang có xu hướng rời đi.

Xu hướng di dân này khiến London luôn là một thành phố trẻ.

Với độ tuổi trung bình là 37, London có dân số trẻ đứng thứ sáu cả nước.

Trong khi đó, độ tuổi trung bình ở Oxford, Cambridge và Coventry là 36, và ở Swansea và Sunderland là 41, già nhất cả nước.

Các thành phố như Liverpool, Sheffield, Newcastle và Nottingham cũng có nền kinh tế và dân số phát triển. Tuy nhiên, làn sóng di dân ở đây lại khác so với London.

Hiện có hai làn sóng di dân ở các thành phố này, đối với những người ở độ tuổi từ 21 đến 30 (thường chuyển đến London) và những người ngoài 30 tuổi.

Đầu tiên, xu hướng di dân này liên quan đến việc học đại học.

Nhờ vào số lượng các trường đại học, các thành phố này thu hút hàng ngàn sinh viên từ khắp cả nước, bao gồm London.

Tuy nhiên nhiều sinh viên thường rời các thành phố này sau khi tốt nghiệp, dễ dàng như lúc họ đến vậy.

Chẳng hạn như ở Liverpool, nhiều thanh niên ở độ tuổi từ 18 đến 20 đã chuyển đến đây từ khắp nơi trên nước Anh và xứ Wales. Trong khi đó, những người từ 21 đến 30 tuổi lại có xu hướng rời đi.

Tuy nhiên, một số sinh viên vẫn chọn ở lại Liverpool sau khi ra trường.

Cụ thể, cứ năm sinh viên đến đây học thì có một sinh viên chọn ở lại sau tốt nghiệp. Theo đó, số lượng những người trẻ có trình độ cao trong thành phố tăng lên.

Trong khi đó, tương tự như London, những người ngoài 30 tuổi ở các thành phố này lại cùng gia đình chuyển đến sống ở các vùng khác.

Ví dụ, những người sống ở Birmingham có xu hướng chuyển đến những nơi như Shropshire hay Staffordshire. Và những người rời Newcastle thì chủ yếu chuyển đến các vùng lân cận như Northumberland và hạt Durham.

Xu hướng di dân này cho thấy, ở các độ tuổi khác nhau, con người thường tìm kiếm những thứ khác nhau ở những nơi khác nhau.

Theo đó, sự năng động và cơ hội việc làm ở các thành phố lớn thu hút sinh viên và nhân viên trẻ tuổi. Điều này có tác động đến số lượng các cửa hàng, quán bar và các dịch vụ khác trong thành phố.

Đối với những người lớn tuổi hơn, nhu cầu về không gian và môi trường yên bình hơn khiến họ rời các thành phố lớn.

Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, các thành phố không phải là các hòn đảo, vì người dân đến và đi tùy theo độ tuổi.

Thách thức đi kèm với xu hướng này là vấn đề nhà ở và phương tiện đi lại để đáp ứng nhu cầu của người dân.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-47625066

 

Anh Quốc phá đường dây buôn người Việt

Một tòa án của Anh vừa xét xử thành viên thứ bảy của một đường dây “tinh vi” đưa người Việt di cư bất hợp pháp vào Vương quốc Anh bằng xuồng.

Hôm 18/3, Egert Kajaci, 35 tuổi, bị kết án tù 4 năm 6 tháng.

Kajaci đang lái một chiếc ô tô chứa bốn người đàn ông Việt Nam khi bị cảnh sát chặn lại vào 3/8/2018.

Kajaci là thành viên thứ bảy của một băng đảng buôn người vào bờ ở Walmer, Kent, nơi đang bị cảnh sát và Lực lượng Biên phòng theo dõi.

Bảy thành viên của mạng lưới buôn lậu “tinh vi” hiện đã bị kết án tổng cộng số án tù hơn 30 năm.

Trước đó, Thomas Mason, 36 tuổi, và Nguyen Thi Hoa, 49 tuổi, đã bị kết án 8 năm tù giam vì tội “âm mưu tạo điều kiện cho các công dân nước ngoài nhập cảnh bất hợp pháp vào Vương quốc Anh”.

Mason là người lái tàu, mặc áo phao nhưng kiện hàng “người” của anh ta thì không, còn Hoa thì giúp chỉ đường.

Đối tác của Hoa, Chi Tan Huynh, 41 tuổi cũng bị kết án với 30 tháng tù giam.

Nazmi Velia, 32 tuổi, gốc Kosovo, bị kết án 5 năm 4 tháng tù. Erald Gapi, 27 tuổi bị 21 tháng tù. Wayne Lee, 46 tuổi bị 2 năm tù giam.

Thẩm phán Robert Winstanley nói băng đảng này có “âm mưu rất chuyên nghiệp, hoàn toàn được thúc đẩy bởi lợi ích tài chính”, và rằng chúng “coi thường sự an toàn” của những người Việt chúng buôn lậu vào Anh.

Thẩm phán cho biết cảnh sát đã phá tan một “hệ thống và cơ chế tinh vi có thể đưa vô số người nhập cư bất hợp pháp vào Vương quốc Anh”.

Các hoạt động buôn người diễn giữa 1/4-3/8 năm ngoái, mà hoàn toàn không biết đã bị cảnh sát nằm vùng theo dõi.

Những người di cư lậu vào Anh được biết dự định sẽ phải làm việc không lương trong hai năm để trả nợ cho những kẻ buôn lậu, tòa án cho biết.

Phuong Dan Tran, một trong những người Việt bị nhóm này đưa vào Anh, nói với tòa án rằng ông ta trốn chạy một cuộc đàn áp tôn giáo ở Việt Nam và chạy đến Trung Quốc.

Sau đó, ông bay sang Nga, được hứa hẹn một công ăn việc làm và điều kiện sống tốt hơn, trước khi bị đưa vào Pháp và Anh.

Thẩm phán Winstanley nói: “Những kế hoạch bất hợp pháp như vậy xảy ra từ Viễn Đông đến những trại lao động áp bức ở Vương quốc Anh.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47621624

 

Chủ tịch Hạ Viện Anh :

Không thể bỏ phiếu lần nữa về thỏa thuận Brexit

Thanh Phương

Tiến trình đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Brexit) tiếp tục gặp bế tắc. Hôm qua, 18/03/2019, chủ tịch Hạ Viện Anh Quốc John Bercos tuyên bố là chính phủ không thể đưa thỏa thuận về Brexit ra Quốc Hội để biểu quyết một lần nữa.

Thủ tướng Theresa May đã thông báo ý định từ đây đến ngày mai sẽ đệ trình thỏa thuận về Brexit mà bà đã thương lượng với Bruxelles. Nhưng ngoài một vài sửa đổi nhỏ, văn bản này không khác gì thỏa thuận mà các dân biểu Anh mới bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu vào tuần trước.

Dựa trên một công ước có từ năm 1604, chủ tịch Hạ Viện Anh John Bercow cho rằng chính phủ không thể đệ trình trong cùng một kỳ họp của Quốc Hội một văn bản đã bị các dân biểu bác bỏ trước đó.

Kịch bản nào cho Brexit ?

Sau khi chủ tịch Hạ Viện từ chối cho biểu quyết lần nữa thỏa thuận Brexit, ba kịch bản có thể xảy ra :

Kịch bản thứ nhất là dời ngày Brexit. Nếu muốn tránh một Brexit không thỏa thuận vào ngày 29/03, thủ tướng Theresa May phải xin Liên Hiệp Châu Âu cho dời lại ngày chia tay. Nhưng Liên Hiệp Châu Âu đã báo trước là mọi yêu cầu dời ngày Brexit phải được toàn bộ 27 nước thành viên đồng ý. Lãnh đạo các nước Liên Hiệp Châu Âu sẽ họp thượng đỉnh trong hai ngày 21 và 22/03 ở Bruxelles để quyết định.

Kịch bản thứ hai là Brexit không thỏa thuận. Tuy Quốc Hội Anh đã bác bỏ khả năng này trong cuộc bỏ phiếu ngày 13/03, nhưng đây vẫn là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra, nếu không đạt được đồng thuận trong nội bộ chính giới Anh, cũng như giữa Luân Đôn với Bruxelles. Trong trường hợp này, Anh Quốc sẽ rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan châu Âu ngay lập tức mà không có một giai đoạn chuyển tiếp. Đây là kịch bản mà giới doanh nghiệp rất lo ngại vì sẽ gây nhiều xáo trộn trong trao đổi mậu dịch giữa Anh với Liên Hiệp Châu Âu.

Thứ ba là trong trường hợp bế tắc kéo dài, không loại trừ khả năng Anh Quốc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit, tuy phương án này đã bị Hạ Viện bác bỏ vào tuần trước. Thủ tướng May thì vẫn từ chối tham khảo ý kiến dân Anh một lần nữa, như vậy nếu muốn có một cuộc trưng câu dân ý thứ hai, thì phải vừa dời ngày Brexit, vừa thay chính phủ hoặc tổ chức bầu Quốc Hội mới.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190319-chu-tich-ha-vien-anh-khong-the-bo-phieu-lan-nua-ve-thoa-thuan-brexit

 

Paris lần đầu nhận danh hiệu thành phố “đắt nhất thế giới”

Trọng Nghĩa

Trong một bảng xếp hạng thường niên vừa được trung tâm tham vấn Anh Quốc Economist Intelligence Unit (EIU) công bố hôm nay, 19/03/2019, thủ đô nước Pháp lần đầu tiên đoạt được một danh hiệu có thể nói là không mong muốn. Đó là chức « thành phố đắt đỏ nhất thế giới », đồng hạng với Hồng Kông và Singapore.

Trong bản Báo Cáo Chi Phí Sinh Hoạt Toàn Thế Giới (Worldwide Cost of Living), xếp hạng các thành phố có chi phí sinh hoạt cao nhất Paris lần đầu tiên xếp thứ nhất, bên cạnh Singapore và Hồng Kông. Cũng như Paris, Hồng Kông lần đầu đứng đầu danh sách này, trong lúc Singapore đã xếp thứ nhất 6 năm liên tiếp.

Theo sau bộ ba vừa kể là hai thành phố Thụy Sĩ, Zurich và Genève, trong khi New York và Los Angeles (Mỹ) quay trở lại top 10 nhờ đồng đô la mạnh lên.

Hai thành phố khác của châu Á góp mặt trong top 10 là Osaka (Nhật Bản) và Seoul (Hàn Quốc). Riêng Osaka năm nay tăng 6 bậc so với năm ngoái. Nhiều thành phố khác ở châu Á cũng đang tăng hạng, và một trong các lý do được nêu lên là chi phí thực phẩm gia tăng.

Bảng xếp hạng của cơ quan uy tín EIU, dựa trên giá cả 160 sản phẩm và dịch vụ như bánh mì, rượu vang, xăng… tại các thành phố ở 93 quốc gia trên thế giới.

Đứng cuối danh sách cũng là các đại diện châu Á. Bangalore, Chennai, New Delhi (Ấn Độ) và Karachi (Pakistan) đều thuộc nhóm có chi phí sinh hoạt rẻ nhất thế giới.

http://vi.rfi.fr/phap/20190319-paris-thanh-pho-dat-do-nhat-the-gioi

 

Áo Vàng Pháp: Lãnh đạo cảnh sát Paris bị cách chức,

biểu tình bị hạn chế

Trọng Nghĩa

Sau những vụ bạo động, cướp phá bùng lên tại đại lộ Champ-Elysées, Paris bên lề cuộc biểu tình tuần thứ 18 của phong trào Áo Vàng, chính quyền Pháp bị buộc phải phản ứng.

Hôm qua, 18/03/2019, thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã loan báo nhiều biện pháp mạnh, nổi bật hơn cả là quyết định cách chức lãnh đạo ngành cảnh sát Paris, và cấm biểu tình tại một số địa điểm.

Trong bài phát biểu từ điện Matignon, tức phủ thủ tướng Pháp, và sau đó là trên đài truyền hình France 2, thủ tướng Pháp đã bày tỏ thái độ không hài lòng về phản ứng thiếu hiệu quả

lực lượng cảnh sát trước các vụ bạo động, đã từng bộc phát tại cuộc biểu tình cuối năm ngoái ở Paris chẳng hạn.

Lãnh đạo ngành cảnh sát thủ đô Paris ông Michel Delpuech đã bị cách chức, và được thay thế bằng ông Didier Lallement, nổi tiếng là cứng rắn. Cho đến nay ông Lallement là lãnh đạo cảnh sát vùng Nouvelle-Aquitaine, mà thủ phủ là Bordeaux, một thành phố thường xuyên bị các cuộc biểu tình Áo Vàng khuấy động trong thời gian gần đây.

Thủ tướng Philippe cũng công bố một số biện pháp nhằm tái lập an ninh trật tự, trong đó có việc cấm tổ chức biểu tình ngay từ thứ Bảy tới đây, tại « các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất », ngay khi chính quyền xác định « có sự tham gia của những phần tử quá khích, đến để đập phá ».

Thủ tướng Pháp nêu ba ví dụ về nơi mà lệnh cấm sẽ được áp dụng: đại lộ Champs-Elysees ở Paris, quảng trường Pey-Berland ở Bordeaux và quảng trường Capitole ở Toulouse.

Một biện pháp thứ hai được dự trù là tăng mức tiền phạt đối với những ai cố tình tham gia các cuộc biểu tình bị cấm, từ mức tối đa hiện nay là 38 euro, lên thành 135 euro. Trong trường hợp có biểu tình bất chấp lệnh cấm, cảnh sát sẽ tiến hành giải tán ngay lập tức.

Bên cạnh đó, thủ tướng Pháp khẳng định cảnh sát được lệnh « tiến công » kiên quyết hơn vào các phần tử quá khích, thay vì thụ động để tránh các sự cố như cho đến nay.

Vào lúc chính quyền tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với các cuộc biểu tình Áo Vàng, hôm nay, hai công đoàn CGT và FO đã kêu gọi tổng đình công toàn quốc và xuống đường để đấu tranh đòi tăng mãi lực cho người dân. Đảng Cộng Sản Pháp cũng loan báo tham gia phong trào, cũng như các hội đoàn sinh viên Unef và học sinh UNL.

Tại Paris, CGT và FO, đã tổ chức một cuộc biểu tình tuần hành từ 13 giờ trưa, đi từ đại lộ Saint-Michel đến quảng trường Champ-de-Mars.

Hai công đoàn này đã tẩy chay cuộc Thảo luận toàn quốc do chính quyền khởi xướng để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

http://vi.rfi.fr/phap/20190319-ao-vang-phap-lanh-dao-canh-sa%CC%81t-paris-bi-cach-chuc-bieu-tinh-bi-han-che

 

Mạng di động 5G: Đức độc lập với Mỹ

và sáng suốt với Trung Quốc

Tú Anh

Hôm nay, 19/03/2019, Đức khởi động gọi thầu xây dựng mạng viễn thông, di động siêu tốc thế hệ 5 (5G). Điểm đặc biệt là Berlin không loại trừ trang thiết bị của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi bất chấp những khuyến cáo và đe dọa của Washington xét lại quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương.

Chiến thuật trung dung của Đức thể hiện tinh thần độc lập, không khoan nhượng với cả Mỹ và Trung Quốc.

Gọi thầu quốc tế bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng nay, giờ địa phương, dưới sự giám sát của Cơ quan liên bang Đức về internet. Jochen Homann, chủ tịch cơ quan này tuyên bố như sau : Đến từ Trung Quốc hay Thụy Điển, điều đó không quan trọng, miễn là các công ty cung cấp trang thiết bị đáp ứng những chuẩn mực và kiểm soát an ninh của nước Đức .

Tổng cộng có 41 « khối chu kỳ » sẽ được phân chia cho bốn công ty dịch vụ viễn thông của ba nước Đức, Anh, Tây Ban Nha trong danh sách đấu thầu gồm Deutsche Telekom, 1&1/Drillisch, Vodafone và Telefónica/O2 .

Tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi không tranh thầu nhưng với tư cách là doanh nghiệp chế tạo trang thiết bị, Hoa Vi cũng như ZTE, đã bán cho bốn công ty dịch vụ kể trên các loại linh kiện, an-ten thu phát sóng, đương nhiên có tham vọng tiếp tục tham gia vào thời đại 5G tại Đức nói riêng và tại châu Âu nói chung.

Đi trước trong tiến bộ công nghệ học, tập đoàn Hoa Vi trở thành « thủ lĩnh » không thể tranh cãi được trong lãnh vực mạng di động siêu tốc thế hệ 5. Nếu Đức, hay châu Âu, không sử dụng công nghệ của Hoa Vi thì khó tránh được tình trạng chậm trễ.

Nhưng đối với Washington, các an-ten của Hoa Vi là « con ngựa thành Troie » của thế kỷ 21, làm nội gián, đánh cắp dữ liệu cho chính quyền Hoa lục. Tập đoàn Hoa Vi bị trói buộc với an ninh Trung Quốc theo một đạo luật ban hành vào năm 2017, theo đó mọi công dân và doanh nghiệp Trung Quốc có bổn phận hợp tác với cơ quan an ninh tình báo.

Đức đặc biệt bị Mỹ chiếu cố

Ba nước Úc, New Zealand và Nhật Bản đã loại trang thiết bị của Hoa Vi trong khi các chính phủ châu Âu nhận được khuyến cáo, cảnh giác của các cơ quan tình báo liên hệ về nguy cơ « con ngựa thành Troie » của Trung Quốc.

Nước Đức của Angela Merkel đặc biệt bị áp lực rất mạnh của Washington. Gần đây trong một bức thư gửi bộ trưởng kinh tế Đức Peter Altmaier, một người thân cận với thủ tướng Angela Merkel, đại sứ Mỹ tại Berlin cảnh báo rằng nếu chính phủ Đức không cấm cửa Hoa Vi thì Mỹ sẽ xét lại mối hợp tác về tình báo và an ninh mạng.

Tiếp theo đó, tư lệnh lực lượng đồng minh tại châu Âu, tướng Mỹ Curtis Scaparrotti khẳng định « để bảo mật, NATO sẽ ngưng liên lạc với các sĩ quan Đức nếu Berlin cộng tác với Hoa Vi ». Theo tuần báo Der Spiegel, giới tình báo Đức cũng có cùng lo ngại.

Thế nhưng, chính phủ Đức dường như gạt bỏ ngoài tai những đe dọa hay khuyến cáo này. Hư thực ra sao ?

Con đường trung dung nhưng nghiêm ngặt

Theo AFP, lý do đầu tiên, theo lý giải cúa bộ trưởng Nội Vụ Horst Seehofer hồi tuần trước, Berlin không muốn mở một mặt trận thứ hai với Bắc Kinh sau khi đã ra luật chống các nhà đầu tư Trung Quốc, tuy không nói ra, mua các công ty có giá trị chiến lược của Đức.

Nhưng không phải vì thế mà chính phủ Đức xem nhẹ an ninh quốc gia và đồng minh Hoa Kỳ. Thủ tướng Angela Merkel cho biết sẽ « thảo luận » chiến lược bảo mật với Washington. Còn đối với Trung Quốc, thay vì cấm hay không cấm, Berlin chọn thái độ trung dung và sáng suốt. Theo báo chí, chính phủ Đức đánh ván bài lật ngửa, với chuẩn mực có giá trị như nhau đối với mỗi đối tác từ quản lý dịch vụ, trang thiết bị và nhà cung cấp trang thiết bị với các điều kiện nghiêm ngặt có mã số gốc, kiểm chứng trong phòng thí nghiệm và bảo đảm không cài linh kiện đánh cắp thông tin. Cũng trong chiều hướng này, chính phủ Đức có thể yêu cầu thay thế một trang thiết bị đã được lắp ráp. Nói cách khác, Hoa Vi có thể bị loại trừ mà chính phủ Đức không cần tuyên bố chọc giận Bắc Kinh, theo phân tích của nhật báo Handelsblatt.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190319-hoa-vi-doc-lap-voi-my-sang-suot-voi-tq

 

Utrecht, Hà Lan:

Cảnh sát bắt được nghi phạm người Thổ

Cảnh sát Hà Lan vừa bắt giữ được nghi phạm nổ súng giết người trên tàu điện ở thành phố Utrecht.

Gokmen Tanis, người Thổ Nhĩ Kỳ 37 tuổi, bị bắt giữ sau khi đã lẩn trốn trong ngày.

Ba người bị giết trong vụ một tay súng tấn công trên tàu điện ở thành phố Utrecht, Hà Lan.

New Zealand: kẻ tấn công ‘hành động một mình’

Ai tấn công Đại sứ quán Bắc Hàn ở Tây Ban Nha?

Năm người khác bị thương trong vụ tấn công của nghi phạm người Thổ Nhĩ Kỳ Gokmen Tanis, 37 tuổi.

Các trường học đã đóng cửa và an ninh được tăng cường trong khi cảnh sát chống khủng bố làm việc để tìm ra tay súng.

“Chúng tôi loại bỏ động cơ khủng bố,” ông Pieter-Jaap Aalbersberg, điều phối viên chống khủng bố Hà Lan nói với truyền thông hôm thứ Hai, 18/03.

“Có nhiều thứ vẫn chưa rõ ràng tại thời điểm này và chính quyền địa phương đang làm việc cật lực để thiết lập các dữ kiện,” ông Aalbersberg chia sẻ.

Ông Aalbersberg cũng nói thêm rằng, đã có nổ súng ở “một vài địa điểm khác” nhưng lại không nói chi tiết về những nơi này.

Chính quyền đã phong tỏa một quảng trường gần ga tàu điện ở phía Tây thành phố và các dịch vụ khẩn cấp cũng đã có mặt tại hiện trường.

Hà Lan: ba người thiệt mạng trong vụ xả súng Utretch

Vụ nổ súng xảy ra lúc khoảng 10:45 sáng theo giờ địa phương. Ba trực thăng đã được gửi đi.

“Một người đàn ông đã nổ súng điên cuồng,” một nhân chứng nói với trang NU.nl của Hà Lan.

Vụ việc xảy ra ở số 24 giao lộ Oktoberplein.

Cơ quan vận tải Utrecht cho biết tất cả các dịch vụ tàu điện trong thành phố đã bị hủy bỏ.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47573457

 

Bầu cử tổng thống Ukraina :

Anh hề Zelensky và khát vọng chống tham nhũng

Trọng Thành

Ngày 31/03/2019, cử tri Ukraina sẽ được kêu gọi bỏ phiếu bầu cử tổng thống vòng một. Điều gì đáng chú ý trong cuộc bỏ phiếu tại nước Ukraina vốn liên tục căng thẳng với Nga từ sau chính biến 2014 ? Vì sao diễn viên hài Zelensky được cử tri ủng hộ đông đảo ? Viễn cảnh chính trị Ukraina ra sao, nếu Zelensky đắc cử ? RFI tổng hợp nhận định.

1. Bầu cử tổng thống Ukraina lần này có gì đáng chú ý ?

Điểm đáng ghi nhận đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Ukraina lần thứ hai, kể từ chính biến Maidan 2014, lật đổ tổng thống bị cáo buộc thân Nga Yanoukovitch, là con số kỷ lục ứng cử viên. Tổng cộng 44 người. Thế nhưng dường như dân chúng Ukraina không mấy hy vọng vào cuộc bầu cử này, theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Figaro, « hoặc thất vọng hoặc chán ngán, họ không còn tin vào các hứa hẹn của một giai tầng chính trị, bị đánh giá là bất lương, hoặc nhẹ nhất cũng là không đủ năng lực » (1).

Tổng thống Petro Prochenko, được bầu lên trong cuộc bầu cử sớm sau chính biến Maidan, đã không thực hiện được các cam kết chính trong tranh cử : xóa bỏ nạn tham nhũng, kết thúc chiến sự ở miền đông (vùng Donbass thân Nga) trong vòng sáu tháng, và lấy lại bán đảo Crimée từ tay Nga. Xung đột ở miền đông tiếp diễn, Nga ngày càng củng cố vị trí tại Crimée. Về mặt đối nội, nạn tham nhũng trên thượng tầng quyền lực không những không xóa bỏ được, mà tổng thống Prochenko còn bị cáo buộc duy trì quan hệ trong bóng tối với nhiều tập đoàn tài phiệt.

Trong một bài tổng hợp về nạn tham nhũng ở Ukraina, đăng tải trên Libération (2), nhà báo Sébastian Gobert nhắc lại bê bối mới nhất trong ngành quốc phòng Ukraina, khi gia đình của một viên phó thư ký Hội Đồng An Ninh Quốc Phòng, cộng sự của tổng thống, bỏ túi ít nhất 8,2 triệu euro (trong khoảng thời gian từ 2015-2017), do các hoạt động mua vũ khí lậu từ Nga, để bán cho quân đội Ukraina. Bản thân nhiều thành viên của Cơ Quan chống Tham Nhũng Quốc Gia (Nabu), vốn được coi là niềm tự hào của các lực lượng cải cách, cũng dính líu (3).

Trong hàng ngũ chính trị gia đối lập, những người như cựu thủ tướng Ioulia Tymochenko, ngôi sao của cuộc « Cách mạng Da Cam » 2004, với nhiều tai tiếng tham nhũng, lạm quyền, cho dù vẫn còn nhiều ảnh hưởng tại các vùng miền đông nói tiếng Nga, khó lòng thu hút được sự ủng hộ của đông đảo cử tri.

Theo nhiều nhà quan sát, không phải vấn đề quan hệ với nước Nga, mà chính là thái độ với nạn than nhũng trầm kha, những quan hệ mờ ám lâu đời của giới cầm quyền với giới tài phiệt mới là vấn đề chính của cuộc bầu cử tổng thống Ukraina lần này. Cho dù, tâm trạng chán nản, mất lòng tin có bao trùm, một điểm đáng chú ý khác là sự trỗi dậy của một gương mặt mới.

Trong tất cả các thăm dò dư luận gần đây, hơn 25% cử tri dự định bỏ phiếu cho diễn viên hài Volodymir Zelenzky, sinh năm 1978, một nhân vật không hề có kinh nghiệm chính trị, nhưng thể hiện như là người hóa thân cho khát vọng chống tham nhũng của dân chúng. Diễn viên hài Zelensky dẫn đầu danh sách những người có khả năng đắc cử, vượt xa tổng thống mãn nhiệm Porochenko (khoảng 15%), và cựu thủ tướng Tymochenko (cũng khoảng 15%).

2. Vì sao đông đảo dân chúng Ukraina muốn « anh hề » Volodymyr Zelensky trở thành tổng thống ?

Ứng cử viên Zelensky là lãnh đạo đảng « Người phụng sự nhân dân » (Sluga Narodou), thành lập cách nay mới 6 tháng. Tên của đảng cũng chính là tên gọi của một chương trình tấu hài trên truyền hình ra đời từ cuối năm 2015. Nhân vật chính của tiết mục truyền hình dài kỳ này là một giáo viên sử học, Vasyl Petrovych Holoborodko, do chính ứng cử viên tổng thống tương lai Zelensky thủ vai. Người giáo viên sử học trong phim đắc cử tổng thống, nhờ một đoạn video rất được người dân hưởng ứng, trong đó ông hành động như một hiệp sĩ chống tham nhũng.

Đối với một bộ phận đông đảo giới trẻ, đặc biệt là ở miền đông và miền nam nói tiếng Nga, diễn viên hài Zelensky là hiện thân cho một làn gió mới thổi vào chính trường Ukraina. Theo thăm dò mới nhất của viện Institut Rating Group, 38% thanh niên từ 18 đến 25 tuổi và 26% từ 26 đến 35 tuổi, muốn bỏ phiếu cho Zelensky.

Hãng thông tấn Pháp AFP tập hợp một số ý kiến của cử tri, theo đó những người ủng hộ không cần biết đến việc ông Zelensky không hề có kinh nghiệm chính trị. Nhưng theo họ, một con người « thông minh », « rất có trách nhiệm », một doanh nhân tài giỏi, « người tự thân lập thân » như ông, chắc chắn sẽ tìm được ê-kíp cộng sự. Nhiều người còn so sánh ông với tổng thống Mỹ Ronald Reagan trước khi đắc cử cũng là một diễn viên.

Không dính líu đến giai tầng chính trị truyền thống thậm chí còn được coi là một ưu điểm lớn. Nhiều người đưa ra nhận xét châm biếm, khi cho rằng, với dân chúng, một người mới tham gia chính trường có lẽ còn tốt hơn vạn lần so với nhiều chính trị gia dày dạn kinh nghiệm, nhưng với tâm địa xấu. Cho đến nay, Zelensky tỏ ra là người đoạn tuyệt với phong cách làm chính trị truyền thống, vốn bị đông đảo dân chúng coi là thủ phạm của sự thất bại của Ukraina, qua nhiều đời chính quyền, kể từ khi độc lập với Nga năm 1991. Hoạt động tranh cử của Zelensky được tiến hành chủ yếu trên các mạng xã hội. Diễn viên hài Zelensky cố gắng thể hiện triệt để ông là một người hoàn toàn nằm ngoài hệ thống chính trị hiện hành.

3. Đằng sau diễn viên được đông đảo giới trẻ ưa chuộng là ai ?

Đây là câu hỏi được rất nhiều người tại Ukraina đặt ra. Nhật báo Pháp La Croix (4) ghi nhận trong một cuộc mít tinh phản đối Zelensky tại Lviv (miền tây), một nhà đối lập đã đón tiếp ứng viên tổng thống với biểu ngữ « Anh hề phục vụ giới tài phiệt ». Những người chống lại Zelensky chỉ trích ứng viên này là một con rối trong tay nhà tài phiệt Igor Kolomoisky, một trong những người giầu nhất Ukraina. Tỉ phú này cũng là chủ kênh truyền hình 1+1, nơi phát chương trình tấu hài « Người phục vụ nhân dân » của Zelensky.

Tỉ phủ Igor Kolomoisky, hiện đang có vấn đề với tư pháp, chọn sống lưu vong tại Thụy Sĩ. Ông Kolomoisky bị tư pháp Anh tình nghi cất giấu hàng tỉ euro tại một số thiên đường tài chính. Theo La Croix, trước khi trở thành đối thủ của tổng thống Porochenko năm 2017, tỉ phú Kolomoisky từng được hưởng lợi rất nhiều từ chương trình « tái cấu trúc » nợ ngân hàng PrivatBank, một trong những ngân hàng lớn nhất Ukraina, từng thuộc sở hữu của nhà tỉ phú. Nhà tài phiệt Kolomoisky có thể đã khai thác được những quan hệ riêng với tân chính quyền Porochenko, sau chính biến Maidan, để hưởng lợi trong thời kỳ tái cấu trúc quy mô lớn từ 2013 đến 2016.

4. Nếu Zelensky đắc cử, nền chính trị Ukraina sẽ đi về đâu ?

Cho dù vượt xa các đối thủ, và nhiều khả năng về đầu trong vòng một, nhưng theo nhà bình luận chính trị Volodymyr Fesenko người Ukraina, khả năng diễn viên tấu hài đắc cử tổng thống vòng hai không hẳn đã dễ dàng. Cho đến nay, Zelensky chủ yếu thu hút đông đảo giới trẻ, và những người chán ngấy chính trị, vốn là những cử tri được coi ít có khả năng đi bỏ phiếu. Bản thân uy tín của diễn viên hài nổi tiếng này cũng bị ảnh hưởng tiêu cực do các quan hệ với tỉ phủ Kolomoisky.

Và cho dù có đắc cử tổng thống Ukraina, định chế bán tổng thống hiện hành đòi hỏi nguyên thủ tương lai phải có được sự hậu thuẫn của đa số dân biểu trong Quốc Hội (Rada) mới. Chuyên gia về Ukraina Christine Dugoin-Clément (5) nhấn mạnh là : để không bị rơi vào « ngõ cụt » sau này, các ứng cử viên tổng thống phải khởi sự xây dựng quan hệ liên minh, nhắm có một đa số tuyệt đối trong Rada, ngay trong thời gian tranh cử.

Theo chuyên gia Christine Dugoin-Clément, cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội Ukraina được Liên Hiệp Châu Âu và Nga theo dõi sát. Về phía châu Âu, cuộc tranh cử hiện nay một mặt cho thấy phần nào sức sống của nền dân chủ non trẻ tại Ukraina, nhưng mặt khác cũng cho thấy sự mất lòng tin đáng kể của dân chúng vào hệ thống chính trị. Liên Âu hy vọng một chính quyền Ukraina « ổn định », để có thể vừa vực dậy nền kinh tế, vừa tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng triệt để.

Về phần mình, truyền thông Nga liên tục khẳng định dân chúng Ukraina cần một tổng thống thân Nga. Nước Nga dường như đặt cược vào một Ukraina rối ren, để có thể tiếp tục chi phối quốc gia láng giềng, mà Matxcơva coi là « chưa trưởng thành », là một chư hầu, một vùng đệm với phương Tây.

Hiện tại lập trường chính trị và khả năng điều hành đất nước của ứng viên tổng thống, diễn viên tấu hài Zelensky là câu hỏi hoàn toàn để ngỏ. Tương lai Ukraina trong những năm tới ắt hẳn cũng chứa đầy bất định.

Tuy nhiên, dường như có một điều mà nhiều nhà quan sát chia sẻ, đó là dù diễn viên hài 41 tuổi có đắc cử hay không, có tìm được đa số trong Quốc Hội hay không, thì cuộc chiến chống tham nhũng tại Ukraina ắt hẳn sẽ tiếp tục đi tới. « Thời điểm chia cắt mang tính lịch sử giữa bộ máy cầm quyền và giới tài phiệt đã diễn ra », như ghi nhận của một luật sư (6). Với sự hỗ trợ của quốc tế, và áp lực từ xã hội dân sự Ukraina, trong bốn năm gần đây (2014-2018), cơ hội tham nhũng đã giảm mạnh (ghi nhận của IER – Institut for Economy Research and Policy Consulting), thị trường dùng tài chính công trên đường minh bạch hóa, lĩnh vực ngân hàng được thanh lọc. Một số định chế chống tham nhũng, tư pháp độc lập đang bước đầu được thiết lập, cho dù với muôn vàn khó khăn (7).

Ghi chú

1. « Les clés pour comprendre les élections présidentielles en Ukraine », Le Figaro, 01/03/2019.

2, 6. « Corruption : avec Prochenko, l’Ukraine condamnée à l’impunité », Libération, 18/03/2019.

3. Cùng với các liên hệ mờ ám với giới tài phiệt, tổng thống Porochenko cũng bị coi là người siết chặt quyền tự do báo chí. Nhiều người cho rằng có bàn tay của tổng thống đằng sau vụ nhà báo Zurab Alasania. Người đứng đầu kênh truyền hình công lớn nhất (Ukrainian National Television Company), và cũng được coi là nhà báo có quan điểm độc lập, đầu tháng 2/2019 đột ngột nhận quyết định sa thải trước khi hợp đồng hết hạn. Zurab Alasania vốn là người nỗ lực cải cách để truyền hình trở nên độc lập với chính quyền. Quyết định sa thải bị xã hội dân sự và báo giới phản ứng dữ dội (ít ngày sau, chính quyền thay đổi quyết định, chấp nhận để nhà báo tiếp tục làm việc đến hết hạn hợp đồng).

4.« La justice anglaise ordonne le gel d’avoirs d’un oligarque ukrainien », La Croix, 21/12/2017.

5. « La présidentielle en Ukraine, une élection sous haute tension », The Conversation, 05/03/2019. Chuyên gia Dugoin-Clément là đồng tác giả cuốn « L’Ukraine : entre déchirements et recompositions », l’Harmatan, 2015.

7. « Ukraina đưa mục tiêu gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và NATO vào Hiến pháp », ngày 07/02/2019.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190319-tranh-cu-ukraina-dien-vien-hai-chong-tham-nhung

 

Nazarbayev: Tổng bí thư Đảng làm tổng thống rồi về nghỉ

Ông Nursultan Nazarbayev, tổng thống duy nhất của Kazakhstan từ ngày tách khỏi Liên Xô, tuyên bố từ bỏ quyền lực sau 30 năm.

Quyết định này ‘không đơn giản’, ông nói trên truyền hình Kazakhstan hôm 19/03/2019.

Cũng trên truyền hình, ông ký sắc lệnh hủy quyền tổng thống của mình từ ngày hôm sau 20/03.

Phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống Kazakhstan từ nay đến giữa 2020 sẽ được chủ tịch Thượng viện Kassym-Jomart Tokayev, người ông Nazarbayev tin tưởng, đảm trách.

Tranh chấp Biển Caspi được Nga giải quyết ra sao?

Kazakhstan cải tiến chữ quốc ngữ lần thứ hai trong năm

Phiên bản “tự nguyện hồi hương” và “thú tội”

Putin cổ vũ huyền thoại Thế chiến Hai

Tuy ông Nazarbayev sẽ vẫn giữ chức chủ tịch hội đồng an ninh quốc gia nhưng thời đại ‘ba thập niên’ nắm quyền của ông chính thức khép lại.

Từ Bí thư thứ nhất của Đảng CS thành ‘người cha dân tộc”

Sinh năm 1940, năm nay ‘mới có’ 78 tuổi, ông Nazarbayev đã không đi theo con đường làm lãnh đạo trọn đời như một số nhân vật cùng thế hệ Hậu Liên Xô.

Ông lên làm Bí thứ thứ nhất Đảng Cộng sản Kazakhstan khi nước này vẫn còn là cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết.

Sau khi Kazakhstan độc lập, ông thắng cử bốn lần và giữ chức tổng thống nước cộng hòa, trong các năm 1999, 2005, 2011 và 2015.

Trong tất cả các cuộc bầu cử đó ở quốc gia 18 triệu dân, ông chỉ phải đối chọi với các đối thủ hình thức mà không có thực lực.

Gần đây, ông được phong làm ‘Elbasy’ – người cha của dân tộc, danh hiệu sẽ đảm bảo cho ông không bị xét xử hay quy trách nhiệm gì kể cả sau khi đã rời chính trường.

Tin ông rút khỏi vị trí quyền lực một cách tự nguyện gây ngạc nhiên cho nhiều người Kazakhstan.

Với nước láng giềng lớn là Nga, đây cũng là “điều gây ngạc nhiên”, theo Moscow Times.

Bà Valentina Matvienko, chủ tịch Thượng viện Liên bang Nga cũng bày tỏ sự ngạc nhiên và nói “đây là chuyện nghiêm trọng”, dấu hiệu Kazakhstan không báo trước cho Nga về quyết định của ông Nazarbayev.

Hội các lãnh đạo ‘cựu Liên Xô’

Giới quan sát nói một hiện tượng ở Nga, Belarus và các nước thuộc phần châu Á của Liên Xô cũ là có lãnh đạo ‘trọn đời’.

Tại Nga, ông Vladimir Putin cầm quyền liên tục, giữ cả chức tổng thống và thủ tướng từ 1998, và không tỏ ra có ý định rút lui.

Ở Belarus, ông Alexander Lukashenko cầm quyền từ 1994, không lâu sau khi nước này tách khỏi Liên Xô.

Hồi 2016, trang The Diplomat có bài nói về ‘Các tổng thống trọn đời’ (Presidents for life) ở khu vực Trung Á thuộc Liên Xô cũ.

Bài báo cho hay hồi tháng 1/2016, quốc hội Tajikistan sửa hiến pháp để tổng thống Emomali Rahmon có thể tái ứng cử không hạn chế.

Tuổi ra tranh cử chức tổng thống cũng được hạ xuống 30 để con trai ông Rahmon là Rustam Emomali có thể ‘tiếp nối cha anh’ nắm quyền.

Ở Uzbekistan, tổng thống Islam Karimov, 78 tuổi, cầm quyền từ 1989 và sẽ còn giữ chức lâu dài.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47629161

 

Mozambique: Tử vong vì bão Idai có thể vượt quá 1.000

Con số người thiệt mạng vì bão lũ tại Mozambique có thể vượt quá 1.000 người, Tổng thống nước này ngày 18/3 cho biết, dự đoán số tử vong có thể cao hơn nhiều lần thống kê hiện nay.

Cho đến nay, 84 người được xác nhận thiệt mạng tại Mozambique, hậu quả của bão Idai. Cơn bão này cũng làm nhiều người chết và gây thiệt hại tại Zimbabwe và Malawi, với những khu vực rộng lớn bị ngập lụt, đường sá và thông tin liên lạc bị phá hủy.

Nói chuyện trên đài Radio Mocambique, Tổng thống Filipe Nyusi cho biết ông đã bay thị sát vùng bị ảnh hưởng, nơi hai con sông đã tràn bờ. Làng mạc biến mất, ông nói, và xác người trôi trên mặt nước.

“Mọi chuyện cho thấy chúng ta có thể ghi nhận trên 1.000 người thiệt mạng.”

Cơn bão cũng giết chết 98 người và hơn 200 người mất tích tại Zimbabwe, chính phủ nói hôm 18/3. Số tử vong tại Malawi vì mưa lớn và lụt lội ở mức 56 người, theo ghi nhận tuần trước. Không có con số mới được công bố sau khi cơn bão đổ bộ vào nước này.

Bà Caroline Haga, một giới chức cao cấp của Hội Chữ Thập đỏ Quốc tế hiện có mặt tại Beira, nói tình hình có thể tồi tệ hơn tại những khu vực xung quanh hiện vẫn hoàn toàn bị cô lập, không thể tiếp cận bằng đường bộ.

https://www.voatiengviet.com/a/mozambique-t%E1%BB%AD-vong-v%C3%AC-b%C3%A3o-idai-c%C3%B3-th%E1%BB%83-v%C6%B0%E1%BB%A3t-qu%C3%A1-1-000-/4837184.html

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma: Người kế nhiệm

do Trung Quốc đề cử sẽ không được tôn trọng

Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của Phật Giáo Tây Tạng, ngày 18/3 nói có thể tìm thấy sự hiện thân của Ngài tại Ấn Độ một khi Ngài viên tịch, đồng thời cảnh báo rằng bất cứ người kế nhiệm nào do Trung Quốc đề cử cũng sẽ không được tôn trọng. Ấn Độ là nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma sống lưu vong trong 60 năm qua.

Trong một văn phòng gần một ngôi chùa bao bọc bởi các dãy đồi xanh và những ngọn núi tuyết phủ, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chia sẻ với Reuters một ngày sau khi người Tây Tạng ở thị trấn Dharamshala kỷ niệm ngày Đức Đạt Lai Lạt Ma ngụy trang thành một người lính để thoát khỏi Lhasa, thủ đô Tây Tạng cách đây 6 thập niên.

Ngài đến Ấn Độ vào đầu năm 1959 sau một cuộc nổi dậy bất thành chống lại sự cai trị của Trung Quốc và kể từ đó Ngài hoạt động để thu hút sự ủng hộ của thế giới đối với sự tự trị về ngôn ngữ và văn hóa cho Tây Tạng.

Trung Quốc kiểm soát Tây Tạng vào năm 1950. Bắc Kinh xem vị khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình 83 tuổi này là một phần tử đòi ly khai nguy hiểm.

Suy nghĩ về những gì có thể xảy ra sau khi Ngài viên tịch, Đức Đạt Lai Lạt Ma dự đoán một số âm mưu của Bắc Kinh nhằm dựng nên một người kế vị Phật Giáo Tây Tạng.

“Trung Quốc xem Đức Đạt Lai Lạt Ma hóa thân là một việc rất quan trọng. Họ quan tâm nhiều đến Đức Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp hơn là tôi,” Đức Đạt Lai Lạt Ma nói.

“Trong tương lai khi các bạn thấy hai vị Đạt Lai Lạt Ma đến, một từ đây, trong một đất nước tự do, và một do Trung Quốc chọn, thì không ai tin hay tôn trọng người được Trung Quốc chọn. Do đó đây là một vấn đề thêm nữa đối với Trung Quốc. Điều đó có thể xảy ra,” Đức Đạt Lai Lạt Ma cười và chia sẻ thêm.

Trung Quốc nói các nhà lãnh đạo Bắc Kinh có quyền chấp thuận người kế vị Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Tuy nhiên nhiều người Tây Tạng, theo truyền thống, tin rằng linh hồn của một vị cao tăng sẽ hóa thân vào thân thể của một em bé khi Ngài viên tịch. Và người Tây Tạng nghi ngờ vai trò của Trung Quốc âm mưu gây ảnh hưởng lên cộng đồng.

Sinh năm 1935 trong một gia đình nông dân ở Taktser, một làng ở rìa đông bắc cao nguyên Tây Tạng, tại tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc, Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay được xem như hiện thân của vị tiền nhiệm khi Ngài mới hai tuổi.

Nhiều người trong số hơn 6 triệu dân Tây Tạng tại Trung Quốc vẫn tôn trọng Đức Đạt Lai Lạt Ma dù chính phủ cấm treo hình của Ngài hay trưng bày tại các nơi thờ phượng công cộng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói việc tiếp xúc giữa người Tây Tạng sống tại quê nhà và sống lưu vong ngày càng tăng nhưng không có cuộc họp chính thức nào giữa người Trung Quốc và các giới chức của Ngài kể từ năm 2010.

Tuy nhiên một cách không chính thức, một số giới chức Trung Quốc hồi hưu và các doanh nhân có liên hệ với Bắc Kinh thỉnh thoảng đến thăm Ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói.

Ngài nói thêm là vai trò của Đức Đạt Lai Lạt Ma sau khi viên tịch, kể cả việc có nên giữ lại vai trò này hay không, sẽ được thảo luận trong một cuộc họp của các Phật tử Tây Tạng ở Ấn Độ trong năm nay.

Tuy nhiên, Ngài nói, dù không có Đức Phật tái sanh nhưng lời giảng dạy của Ngài vẫn tồn tại.

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BB%A9c-%C4%91%E1%BA%A1t-lai-l%E1%BA%A1t-ma-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-k%E1%BA%BF-nhi%E1%BB%87m-do-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%E1%BB%81-c%E1%BB%AD-s%E1%BA%BD-kh%C3%B4ng-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-t%C3%B4n-tr%E1%BB%8Dng/4837173.html

 

Chính phủ Hàn Quốc

cam kết điều tra các vụ ‘hối lộ tình dục’

Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ điều tra đến cùng ba vụ bê bối tình dục có liên quan những người có ảnh hưởng trong chính phủ, truyền thông và giới giải trí, theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap.

Hàn Quốc: bắt đạo diễn ‘liên quan bê bối tham nhũng’

Thêm cựu tổng thống Nam Hàn bị truy tố

Park Geun-hye: Từ danh vọng tổng thống đến sa cơ

Bộ trưởng Nội vụ Kim Boo-kyum và Bộ trưởng Tư pháp Park Sang-ki đã tổ chức một cuộc họp báo hiếm hoi để công bố kế hoạch điều tra các vụ án, một ngày sau khi Tổng thống Moon Jae-in yêu cầu các bộ “đóng góp vai trò” của mình để tìm ra sự thật.

Một vụ án có liên quan đến Seungri, thành viên nhóm nhạc Bing Bang, và ca sĩ Jung Joon-young.

Seungri bị cáo buộc sắp xếp các dịch vụ tình dục cho các nhà đầu tư tiềm năng, trong khi Jung Joon-young đối mặt với cáo buộc quay phim tình dục trái phép và chia sẻ chúng trong một tin nhắn trên di động.

Cả hai cũng bị nghi ngờ có thông đồng với cảnh sát.

“Nếu sự thông đồng là có thật, văn phòng của tôi sẽ đảm bảo rằng tất cả những ai có liên quan, dù cho chức vụ của họ là gì, sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc,” Bộ trưởng Kim Boo-kyum nói với truyền thông.

Trong khi đó, Bộ trưởng Park Sang-ki cho biết Bộ Tư pháp đã gia hạn nhiệm kỳ của hội đồng sự thật độc lập thêm hai tháng nữa để kết thúc hai cuộc điều tra liên quan đến tình dục được cho là đã xảy ra 10 năm trước.

Trong một trường hợp, cựu Thứ trưởng Bộ Tư pháp Kim Hak-ui đối mặt với tình nghi cưỡng hiếp phụ nữ và nhận các dịch vụ tình dục trong một bữa tiệc được sắp xếp bởi một nhà phát triển địa phương, người đang tìm kiếm sự ủng hộ kinh doanh từ ông Kim Hak-ui.

Ông Kim Hak-ui đã được trắng án năm 2013, nhưng vẫn còn những nghi ngờ về việc liệu công tố viên đã xử đúng vụ việc hay không.

Một trường hợp khác đề cập đến vụ tự tử của nữ diễn viên trẻ Jang Ja-yeon, người đã treo cổ tự tử tại nhà năm 2009 và để lại một bức thư tuyệt mệnh.

Trong bức thư Jang Ja-yeon nói rằng cô bị công ty giải trí của mình ép quan hệ tình dục với ít nhất 30 người đàn ông, bao gồm người đứng đầu một tờ báo lớn.

“Bộ Tư pháp sẽ nỗ lực điều tra các cáo buộc mới để tìm ra sự thật, và buộc những người có liên quan phải chịu trách nhiệm cho hành vi phạm tội của họ,” ông Park Sang-ki nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47628069

 

Tổng thống Hàn Quốc

có thể gởi đặc sứ đến Bắc Triều Tiên

Thanh Phương

Theo nhật báo The Korea Times hôm nay, 19/03/2019, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In có thể sẽ gởi một đặc sứ đến Bình Nhưỡng vào tháng tới và vị đặc sứ đó có thể là lãnh đạo cơ quan tình báo quốc gia Suh Hoon.

Theo một nguồn tin được nhật báo Hàn Quốc trích dẫn, nhiệm vụ của đặc sứ này là tìm cách khai thông bế tắc trong cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ với Bắc Triều Tiên về phi hạt nhân hóa, sau thất bại của thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội cuối tháng 2 vừa qua. Nguồn tin nói trên biết đặc sứ Hàn Quốc cũng có thể sẽ bàn về khả năng tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh mới giữa tổng thống Moon Jae In với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Hôm qua, phát biểu với các nghị sĩ bên lề một cuộc họp của Quốc Hội Hàn Quốc, Ngoại trưởng Kang Kyung Wha cũng đã cho biết việc gởi một đặc sứ sang Bình Nhưỡng là « một trong những phương án » để thúc đẩy đàm phán giữa hai lãnh đạo Mỹ, Bắc Triều Tiên trong tương lai.

Trong khi đó, trả lời hãng tin AFP hôm nay, cố vấn đặc biệt của tổng thống Moon Jae In về an ninh quốc gia, ông Moon Chung In tuyên bố rằng sự kiên nhẫn của Seoul có thể sẽ cạn đi, cho nên ông đề nghị Bình Nhưỡng nên có « hành động thật sự » theo hướng từ bỏ vũ khí hạt nhân để khai thông bế tắc trong đàm phán với Washington.

Kể từ sau thất bại của thượng đỉnh Hà Nội, Bắc Triều Tiên cho biết đang xem xét khả năng đình chỉ đàm phán với Mỹ. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bình Nhưỡng đã xây lại bãi phóng tên lửa Sohae, khiến quốc tế lo ngại là Bắc Triều Tiên sẽ lại phóng tên lửa đạn đạo hoặc một tên lửa mang vệ tinh, sau hơn một năm tạm ngưng. Theo lời cố vấn đặc biệt về an ninh quốc gia của tổng thống Moon Jae In, bất cứ vụ phóng tên lửa nào của Bắc Triều Tiên đều sẽ là một « thảm họa ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190319-tong-thong-han-quoc-co-the-goi-dac-su-den-bac-trieu-tien

 

Bắc Hàn đuổi phóng viên ảnh

từng theo chân ông Kim ở Hà Nội

Dù từng được sang Hà Nội chụp hình cho Kim Jong-un, người chụp ảnh thân cận nay bị mất việc vì để ống kính che mặt lãnh tụ ba giây hôm 10/03.

Cùng thời gian, có gợi ý từ một cựu quan chức Bắc Hàn đã đào tẩu nói ông Kim Jong-un có thể sẽ lên làm chủ tịch nước Triều Tiên.

Kim Jong-un rời Bắc Hàn bằng xe lửa

Ông Kim Jong-un thăm chính thức VN hai ngày

Phi công và tâm lý chiến Triều Tiên ở VN

Giải mã hội nghị Trump-Kim ‘không ký gì’ ở Hà Nội

Báo chí Hàn Quốc trích nguồn từ trang Daily NK cho hay phía miền Bắc chỉ công bố họ người phóng viên ảnh này là Lee.

Ông Lee bị trừng phạt vì “bất kính” với Chủ tịch Kim Jong-un trong khi chụp hình ông xuất hiện tại phiên họp Quốc hội hôm 10/03 ở Bình Nhưỡng.

Nhiệm vụ của Lee là chụp ảnh Kim Jong-un cách xa hai mét, nhưng có vẻ như ông đã “vi phạm quy định”.

Chưa kể, ống kính của ông Lee đã ngăn những người khác nhìn thấy ‘lãnh tụ yêu quý’, và trong một đoạn video tuyên truyền của Triều Tiên, ống kính máy ảnh của Lee “chèn vào mặt chủ tịch Kim Jong-un chừng ba giây”, theo Daily NK.

Ông Lee từng được đi cùng nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên sang chụp ảnh ở Hà Nội khi ông Kim dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump.

Nhưng nay chính quyền bắt đầu cho xóa mọi hình ảnh của ông Lee ở các video gần đây.

Sẽ làm chủ tịch nước?

CHDCND Triều Tiên theo thuyết ‘chủ thể’ (juche), về cơ bản là đặt dòng họ Kim Nhật Thành vào trung tâm của hệ thống chính trị.

Bộ máy tuyên truyền ở nước này tập trung vào ba thế hệ lãnh đạo của nhà Kim và mọi hành vi, lời nói bị cho là ‘xúc phạm’ đến họ đều bị trừng phạt nghiêm khắc.

Ông nội của ông Kim Jong-un là Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) dù đã qua đời vẫn chính thức là Chủ tịch nước ‘vĩnh cửu’.

Tuy nhiên, theo hãng tin Nam Hàn Yonhap (18/03), cựu phó đại sứ Bắc Triều Tiên ở London đã bỏ trốn, ông Thae Yong-ho, cho rằng ông Kim Jong-un đang chuẩn bị sửa hiến pháp để lên làm Chủ tịch nước.

Ông Thae Yong-ho, hiện đang sống ở Hàn Quốc, bình luận về chuyện 687 đại biểu Quốc hội Triều Tiên sắp nhóm họp phiên đầu, sau kỳ bầu cử 10/03.

Trong dịp đó, chỉ có em gái ông Kim Jong-un là Kim Yo-jong được bầu vào làm dân biểu Quốc hội.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47624076

 

TQ định hướng phát triển đảo Hải Nam

trở thành trung tâm du lịch và tiêu dùng quốc tế

mở ra Biển Đông

Hôm 15/3, truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tin Chính quyền đảo Hải Namđã nhận được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc để thiết lập các địa điểm giải trí thâu đêm tại các khu vực du lịch quan trọng và cho rằng động thái này sẽ giúp phát triển tỉnh đảo thành một trung tâm du lịch, tiêu dùng quốc tế và mở ra Biển Đông.

Trung Quốc lên kế hoạch phát triển Hải Nam thành một điểm đến du lịch toàn cầu lớn vào năm 2035, theo kế hoạch do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia ban hành vào tháng 12/2018.Các quán bar và địa điểm vui chơi thâu đêm sẽ được phép hoạt động tại các khu vực trung tâm ở Hải Nam.Tuy nhiên, biện pháp này mâu thuẫn với các quy định hiện hành của Trung Quốc về quản lý các địa điểm giải trí, quy định rằng họ “sẽ không mở cửa cho doanh nghiệp từ 2 giờ sáng đến 8 giờ sáng mỗi ngày”.Để cải thiện du lịch và tiếp tục mở cửa ngành, cơ quan văn hóa và du lịch tỉnh đã nộp đơn cho Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho phép các địa điểm giải trí vẫn mở suốt đêm ở một số khu vực, gần đây đã được Bộ phê duyệt.Điều này được kỳ vọng sẽ giúp Hải Nam xây dựng các trung tâm thương mại tập trung vào người tiêu dùng quốc tế và giúp tỉnh cung cấp nhiều lựa chọn ẩm thực, lưu trú, du lịch, mua sắm và giải trí và tạo ra một điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới.

Đảo Hải Nam có vị trí chiến lược đối với Trung Quốc trong vùng Biển Đông. Tại thành phố Tam Á, phía Nam hòn đảo rộng 34.000 km2, Trung Quốc đã lập một căn cứ quân sự hùng hậu nhằm cân bằng với sự hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, đặc biệt phải kể đến đội tầu ngầm thuộc Hạm Đội Nam Hải. Đảo Hải Nam còn hỗ trợ về mặt hậu cần và quân sự cho các đảo và đá bị Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông, trong đó có 7 hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, nằm cách Hải Nam hơn 1.000 km.

Trong những năm qua, cùng với các hoạt động quân sự hóa, mở rộng bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào ngành du lịch biển, đảo nhằm thúc đẩy hoạt động này vươn ra Biển Đông, thậm chí là tới các khu vực mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp. Trong những toan tính và hành động đó, Hải Nam được xác định là cửa ngõ và chủ công đưa “du lịch” ra Biển Đông của Trung Quốc. Ngày 06/2/2017, Ngân hàng Trung Quốc (BOC) đã khai trương trái phép chi nhánh tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, thực chất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho người dân thanh toán và sử dụng dịch vụ tại đây. Trước đó vào tháng 6/2016, Công ty phát triển vận tải quốc tế Tam Á đã công bố kế hoạch mua từ 5 đến 8 tàu du lịch chở khách mới trong vòng 5 năm tới, đồng thời xây dựng thêm 4 bến tàu ở Tam Á, trên đảo Hải Nam. Hiện nay các tàu xuất phát từ cảng biển trên hòn đảo nhân tạo Phoenix gần thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam. Ngày 19/4/2018, tỉnh Hải Nam thông báo miễn thị thực cho công dân của 59 quốc gia bắt đầu từ ngày 01/5/2018. Quy định mới cho phép du khách được miễn thị thực có thể đi riêng lẻ và ở lại Hải Nam trong thời gian lên tới 30 ngày, thay vì phải đi theo nhóm và không được ở quá 21 ngày như trước. Các nước được bổ sung vào danh sách miễn thị thực nhập cảnh vào Hải Nam mới là Bỉ, Brazil, Hy Lạp, Ba Lan và Qatar. Theo Tân hoa xã, quy định mới sẽ “mở rộng cửa hơn nữa ngành du lịch và thu hút thêm nhiều du khách quốc tế tới Hải Nam, đồng thời sẽ thúc đẩy phát triển ngành hàng không và phát triển kinh tế trên hòn đảo du lịch nổi tiếng”. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc miễn visa cho khách du lịch tới Hải Nam có thể lót đường cho một số du khách có tính hiếu kỳ tham quan các thực thể trong vùng biển đang tranh chấp với các nước khác. Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng đã kêu gọi, mời chào các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác, xây dựng phát triển tại các đảo không có người ở ở Biển Đông để phục vụ các mục đích khác nhau, trong đó quy định thời hạn đầu tư cho hoạt động nuôi trồng thủy sản là 15 năm, hoạt động du lịch giải trí là 25 năm, hoạt động khai thác khoáng sản là 30 năm, các dự án công trình phục vụ dân sinh là 40 năm và thậm chí nếu xây dựng cảng biển là 50 năm.

Chuyến tàu du lịch đầu tiên do hãng đóng tàu Hainan Strait của Trung Quốc sản xuất khởi hành trái phép tới quần đảo Hoàng Sa là vào năm 2013. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã âm thầm tiến hành nhiều hoạt động du lịch ra quần đảo Trường Sa. Ngày 02/3/2017, Trung Quốc đưa tàu “Công chúa Trường Lạc” chở 308 khách khởi hành từ Tam Á tới quần đảo Hoàng Sa trong hành trình kéo dài 4 ngày 3 đêm. Con tàu này do Công ty cổ phần vận tải eo biển Hải Nam quản lý, được đầu tư với số tiền 230 triệu nhân dân tệ (33,4 triệu USD). Đây là tàu du lịch hạng sang do Công ty đóng tàu Quảng Châu chế tạo, với trọng tải 12.336 tấn, có khả năng chở 499 người, gần 2.200 tấn hàng hóa, với vận tốc 16,5 hải lý. Con tàu sẽ đảm nhận khai thác tuyến du lịch sinh thái biển phi pháp tới nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Các công ty du lịch Trung Quốc cho biết sau các tuyến du lịch đến Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ phát triển các tuyến khác ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan, rồi dần dần mở rộng thành các tuyến du lịch quốc tế, nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia đầu tiên của Trung Quốc về tàu du lịch biển.

Hiện nay các công ty du lịch của Trung Quốc đang triển khai mở bán vé cho hành trình du lịch trên tàu biển đến “quần đảo Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) và lượng khách du lịch đến khu vực này đang không ngừng tăng lên. Năm 2016, có khoảng 12.000 khách Trung Quốc đã đến thăm quần đảo này, nhiều hơn 50% so với năm 2015. Giới chức “thành phố Tam Sa” cho biết kể từ đầu năm 2017 đến nay đã có 59 đoàn du khách Trung Quốc ra tham quan quần đảo Hoàng Sa, tăng 20% cả về số đoàn và số du khách so với năm 2016. Tính từ năm 2013 khi tour du lịch biển đầu tiên được tổ chức đi Hoàng Sa, số du khách đến tham quan địa danh này đến nay tổng cộng hơn 39.000 người. Văn kiện được công bố tại kỳ họp Đại hội đại biểu Nhân dân của Trung Quốc cho biết rằng, Chính quyền tỉnh Hải Nam đặt ra mục tiêu sẽ thực hiện các tour du lịch bằng máy bay. Phó Giám đốc Đặc trách chiến lược và phát triển kinh doanh của hãng hàng không Textron ở Thượng Hải Michael Shih cho biết lợi thế của thủy phi cơ là có thể bay tới các đảo nhỏ không có sân bay. Chính quyền tỉnh Hải Nam đang hoạt động rất tích cực để nhận được sự chấp thuận của các Bộ có liên quan, bao gồm cả Bộ Quốc phòng. Các số liệu tính toán cũng cho thấy rằng, những chuyến du lịch bằng máy bay có thể mang lại lợi nhuận cao cho các nhà khai thác tour du lịch.

http://biendong.net/bien-dong/26969-tq-dinh-huong-phat-trien-dao-hai-nam-tro-thanh-trung-tam-du-lich-va-tieu-dung-quoc-te-mo-ra-bien-dong.html

 

TQ công bố Sách Trắng về chống khủng bố ở Tân Cương

Theo Sách Trắng, có thời điểm vùng Tân Cương của Trung Quốc chịu sự ảnh hưởng của các phần tử ly khai, cực đoan tôn giáo và khủng bố, thường xuyên phải chứng kiến các vụ tấn công khủng bố.

Theo Tân Hoa Xã, Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 18/3 đã công bố Sách Trắng có tựa đề “Cuộc chiến chống khủng bố, cực đoan và bảo vệ quyền con người ở Tân Cương.”

Nội dung Sách Trắng nêu rõ Chính phủ Trung Quốc kiên quyết chống lại mọi thức khủng bố và cực đoan, không ngừng đấu tranh, trên cơ sở phù hợp với luật pháp, chống mọi hành vi ủng hộ khủng bố và cực đoan, cũng như bất kỳ hành động nào liên quan đến việc tổ chức, lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động khủng bố, hoặc xâm phạm quyền con người của các công dân.

Theo Sách Trắng, có thời điểm vùng Tân Cương của Trung Quốc chịu sự ảnh hưởng của các phần tử ly khai, cực đoan tôn giáo và khủng bố, thường xuyên phải chứng kiến các vụ tấn công khủng bố, gây tổn hại cuộc sống và tài sản của người dân thuộc mọi sắc tộc ở Tân Cương và chà đạp phẩm giá của người dân. Văn kiện này nhấn mạnh Trung Quốc là nước pháp trị, tôn trọng và bảo vệ các quyền con người phù hợp với các nguyên tắc trong Hiến pháp của nước này.

Sách Trắng này cũng khẳng định cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan của Trung Quốc là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan của cộng đồng quốc tế và Trung Quốc sẽ luôn kiên định các mục tiêu đã đề ra, cũng như tuân thủ các nguyên tắc của Liên hợp quốc trong cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ các quyền con người cơ bản.

Sách Trắng của Trung Quốc cho rằng trong bối cảnh thế giới hiện đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ khủng bố và cực đoan, không một quốc gia nào có thể né tránh mối đe dọa đó.

Vì vậy, “chỉ có thể ngăn chặn hiệu quả khủng bố và cực đoan vì lợi ích của hòa bình và ổn định thế giới bằng cách củng cố sức mạnh cộng đồng với một tương lai chung, từ bỏ các tiêu chuẩn kép, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, đạt được sự đồng thuận về chiến lược, thúc đẩy trao đổi và hợp tác”.

http://biendong.net/doc-bao-viet/26977-tq-cong-bo-sach-trang-ve-chong-khung-bo-o-tan-cuong.html

 

“Nhiễu loạn” vũ khí khủng của TQ

trong đại lễ duyệt binh mừng Quốc khánh 70 năm

Bắc Kinh đang nhìn vào Mỹ và quan hệ song phương để quyết định tính chất sự kiện duyệt binh hoành tráng sắp tới.

Mặc dù còn 6 tháng nữa mới tới đại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, nhưng theo tờ South China Morning Post (SCMP), các công việc chuẩn bị cho sự kiện duyệt binh đã đang được gấp rút tiến hành.

Các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nhận định, trong khi lễ duyệt binh ngày 1/10 là một dịp để phô trương sức mạnh quân sự Trung Quốc, các loại vũ khí xuất hiện cũng sẽ được cân nhắc một cách rất thận trọng, để tránh tạo ra những xung đột không đáng có với Mỹ, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước vẫn chưa đi tới hồi kết.

“Công tác chuẩn bị đã bắt đầu và việc tập luyện cho lễ diễu binh, diễu hành đang diễn ra tại một số căn cứ huấn luyện ở ngoại ô Bắc Kinh từ tháng Một”, một nguồn tin nói với SCMP. “Cùng lúc, một danh sách gồm 50 – 60 loại vũ khí đã được đệ trình lên Uỷ ban quân sự trung ương”.

Người này cho biết thêm, “nếu quan hệ với Mỹ cải thiện trong vài tháng tới, Chủ tịch Tập Cận Bình gần như chắc chắn sẽ lựa chọn một màn trình diễn sức mạnh ít mang tính khiêu khích hơn”.

Theo Tướng Hàn Vệ Quốc, Tư lệnh lục quân quân đội Trung Quốc, cho dù quyết định cuối cùng ra sao, lễ diễu binh cũng sẽ cho thấy tất cả những khía cạnh quan trọng nhất của quân đội nước này.

“Lễ diễu binh ngày Quốc khánh không chỉ tập trung vào bất kỳ một bộ phận nào của quân đội Trung Quốc”, ông nói bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 15/3.

“Đó là một sự phô diễn toàn diện về các binh lính và vũ khí từ tất cả các lực lượng quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA)”.

Hai năm trước, tại Nội Mông, trong buổi lễ diễu binh kỷ niệm 90 năm thành lập PLA, 12.000 binh lính đã có mặt tại Căn cứ huấn luyện chiến thuật kết hợp Zhurihe, với một số vũ khí tối tân nhất của PLA, bao gồm các xe tăng mới, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31AG, các phi cơ chiến đấu và máy bay ném bom…

“Một số người bạn nước ngoài hỏi tôi, làm sao có thể chỉ huy nhiều binh lính và khí tài đến như vậy trong một cuộc diễu binh. Và tôi trả lời đó là một bí mật…”, ông Hàn Vệ Quốc nói.

Một nguồn tin quân đội khác tiết lộ, cuộc diễu binh sắp tới nhiều khả năng có cả các vũ khí chiến thuật hoặc chiến trường, thay vì các vũ khí chiến lược được thiết kế nhằm đe dọa các mục tiêu hạ tầng cơ sở…

“Có rất nhiều thiết bị công nghệ cao đã được đưa vào sử dụng trong PLA, nhưng chỉ một số nhỏ sẽ xuất hiện trong lễ diễu binh. Gần như chắc chắn các vũ khí tối tân, đặc biệt là các vũ khí chiến lược như thiết bị trượt siêu thanh hoặc súng điện từ đường ray – sẽ không được đưa ra nhằm nhằm tránh để Mỹ hoặc các nước láng giếng không hài lòng”, nguồn tin chỉ ra. “Để khiến cho lễ diễu binh thêm hoành tráng, Bắc Kinh sẽ trình diễn một số vũ khí chiến thuật thông thường, như xe tăng chiến đấu thế hệ mới và súng tự động”. Người này cũng nhấn mạnh, “một trong những mục tiêu đó là giáo dục lòng yêu nước.

Một trong những vũ khí chiến thuật được nhắc tới ở phía trên có thể là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân và nhắm trúng các mục tiêu trong nội địa Mỹ. Tên lửa DF-41 không có mặt trong lễ diễu binh tại Zhurihe.

Theo nhà phân tích quân sự Zhou Chenming, “tên lửa đa đầu đạn DF-41 trông lớn hơn là các tên lửa DF-31AG”. Và nếu DF-41 xuất hiện vào ngày 1/10 tới đây, chủ yếu là do Mỹ đã nâng cấp mạng lưới phòng thủ tên lửa, trong đó, “Trung Quốc được coi là một mục tiêu tiềm tàng”.

Một vũ khí khác cũng có thể có mặt tại một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm 2019 của Trung Quốc, đó là mẫu xe tăng chiến trường cỡ nhẹ mới Type 15.

“Tôi đã nhìn thấy nhiều xe tăng Type 15 mới tại Yangfang”, một quan chức quốc phòng Trung Quốc từng có mặt trong một căn cứ huấn luyện duyệt binh tại thành phố Yangfang ở ngoại ô Bắc Kinh, tiết lộ.

Xe tăng Type 15 bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 2017, và được nhìn thấy tại biên giới Trung Quốc và Ấn Độ cùng trong năm đó.

Tuần trước, Thượng Tá Huang Xueying, người từng tham gia các cuộc kiểm tra súng cho lễ diễu binh Quốc khánh 2009 cho hay, các nhà tổ chức vẫn đang nghiên cứu và thử nghiệm loại súng trường tự động nào sẽ được lựa chọn để tham gia lễ diễu binh sắp tới.

Một nguồn tin quân sự khác cho hay, hoạt động tập dượt chính thức sẽ bắt đầu một vài tháng trước ngày diễn ra sự kiện. “Thời tiết hiện tại ở Bắc Kinh đang rất lạnh. Chúng ta sẽ thấy binh lính và sinh viên luyện tập diễu hành khi mùa xuân thực sự tới”, nguồn tin này nói.

http://biendong.net/doc-bao-viet/26975-nhieu-loan-vu-khi-khung-cua-tq-trong-dai-le-duyet-binh-mung-quoc-khanh-70-nam.html

 

Trung Quốc giúp giảm căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đã đóng một “vai trò mang tính xây dựng”, giúp giảm căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ.

Cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan tháng trước gần như đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát nếu không có sự can thiệp của các quan chức Mỹ, nhất là Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton.

Reuters dẫn năm nguồn thạo tin đưa như vậy hôm 17/3. Ấn Độ có lúc đã đe dọa bắn ít nhất sáu quả tên lửa vào Pakistan.

Đáp lại, Islamabad tuyên bố sẽ trả đũa bằng cuộc không kích với quy mô gấp “ba lần”, hãng tin Anh cho biết, trích các nhà ngoại giao phương Tây và các nguồn tin chính phủ ở New Delhi, Islamabad và Washington.

XEM THÊM:

Ấn Độ và Pakistan đe dọa nã tên lửa vào nhau

Một bộ trưởng Pakistan nói rằng Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất cũng can thiệp nhằm giảm căng thẳng giữa hai nước láng giềng Nam Á.

Trong một tuyên bố fax tới Reuters cuối ngày 19/3, trả lời câu hỏi về vai trò của Trung Quốc nhằm khống chế cuộc khủng hoảng, Bộ Ngoại giao nước này nói rằng sự chung sống hòa bình giữa Pakistan và Ấn Độ là mối quan tâm của tất cả mọi người.

“Là một nước láng giềng thân thiện của cả Ấn Độ và Pakistan, Trung Quốc tích cực thúc đẩy đối thoại hòa bình và đóng một vai trò mang tính xây dựng nhằm làm dịu tình hình căng thẳng”, tuyên bố có đoạn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh “sẵn lòng làm việc với cộng đồng quốc tế để tiếp tục khuyến khích hai nước láng giềng gặp nhau giữa chừng và sử dụng đối thoại và các biện pháp hòa bình để giải quyết các khác biệt”.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-gi%C3%BAp-gi%E1%BA%A3m-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng-gi%E1%BB%AFa-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-v%C3%A0-pakistan/4837274.html

 

Campuchia tung xe tăng “tối tân”

tập trận lớn nhất trong lịch sử với TQ

Các xe tăng T-55AM1 của Campuchia trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại tăng cường đáng kể sức chiến đấu so với thế hệ T-55A nguyên bản của Liên Xô.

Hôm 13/3, hàng nghìn binh sĩ Quân đội Trung Quốc và Campuchia đã bước vào cuộc tập trận chung lớn nhất trong lịch sử giữa hai quốc gia tại thao trường rộng 10.000 hecta ở tỉnh Kampot.

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia – tướng Chum Sucheat, cuộc tập trận kéo dài trong 15 ngày tới tận 27/3, 252 binh sĩ Trung Quốc sẽ huấn luyện cùng 2.542 lính Campuchia.

Từ tuần trước, hai bên đã bắt đầu di chuyển các đơn vị cơ giới xe tăng – thiết giáp cùng trực thăng tới huyện Chum Kiri, tỉnh Kampot.

Dựa theo các hình ảnh được tiết lộ về những ngày đầu tập trận, phía Trung Quốc họ triển khai các trực thăng Mi-17 và xe chiến đấu bộ binh Type 86. Trong khi đó, phía Campuchia thì triển khai xe tăng T-55, xe chiến đấu bộ binh BMP-1.

Đáng chú ý, đây được xem là lần đầu tiên Campuchia đưa mẫu xe tăng T-55AM1 thuộc hàng hiện đại nhất nước này tham gia hoạt động diễn tập quân sự quốc tế.

Có thể ví T-55AM1 như là “hàng quốc bảo” của Quân đội Hoàng gia Campuchia hiện nay, bởi nó sở hữu một số “tính năng mới” ở hệ thống điều khiển hỏa lực so với các tăng T-55 mà Lào hay Việt Nam sở hữu.

T-55AM1 hiện đại hơn hẳn T-55A

Theo đó, T-55AM1 vốn là phiên bản cải tiến của thế hệ T-55AM mà Tiệp Khắc sản xuất theo giấy phép chế tạo T-55 của Liên Xô cung cấp.

So với dòng T-55A của Liên Xô, T-55AM1 Tiệp Khắc được “hiện đại hóa” với hệ thống điều khiển hỏa lực Kladivo được phát triển bởi Viện nghiên cứu 060 ở Prague giai đoạn 1981-1983.

Kladivo bao gồm một máy tính đường đạn điện tử; đo xa laser (đặt ở gốc nòng pháo 100mm); một số các cảm biến; kính ngắm pháo thủ cải tiến; kính ngắm trưởng xe cùng nguồn điện…

Trong đó, máy tính đường đạn sử dụng bộ vi xử lí của Tiệp Khắc thu thập 8 dữ liệu từ cảm biến tự động kết hợp với dữ liệp nhập bằng tăng. Cảm biến tự động sẽ thu thập dữ liệu tốc độ xe, góc nâng hạ nòng, vị trí tháp pháo, nhiệt độ bên ngoài…

Các dữ liệu nhập thủ công bằng bàn phím với việc thu thập thông tin sơ tốc đầu nòng, thời tiết và vài yếu tố khác.

Khí tài đo xa laser Kaldivo có thể đo khoảng cách mục tiêu từ 200-3.900m. Độ chính xác với mục tiêu là xe thiết giáp của đối phương cách 3.500m ở vào khoảng 10m. Ở cự ly tối đa, các mục tiêu phải cách nhau ít nhất 30m mới có thể phân biệt và đo cự ly chính xác.

Thiết bị đo xa này có thể đo trong vòng 2 giây sau khi kích hoạt, sử dụng tối đa 6 lần mỗi phút. Khi không hoạt động, một tấm che sẽ hạ xuống bảo vệ khí tài.

Với việc tích hợp hệ thống Kladivo, hiệu suất chiến đấu của T-55AM1 so với T-55A Liên Xô tăng đáng kể. Các quá trình thử nghiệm, huấn luyện chứng minh rằng kíp lái tăng đạt tỉ lệ bắn trúng mục tiêu 47,9% với phát đạn đầu tiên, gấp 13,3 lần sử dụng T-55A.

Độ chính xác khi bắn tăng 6,4 lần khi bắn trong trạng thái đứng yên, 3,6 lần khi bắn từ các điểm dừng ngắn và 3 lần bắn trong khi hành tiến so với T-55A.

Ngoài ra, hệ thống Kladivo còn được tích hợp thêm hệ thống cảnh báo laser chiếu rọi SDIO với góc bao quát 4 phía, mỗi hướng quét 90 độ và góc cao từ -15 độ tới +45 độ. Bước sóng từ 0,85 tới 1.065 um, cự ly tối đa với laser 1MW lên tới 5km.

Tuy nhiên, việc tích hợp Kladivo và các thành phần khác khiến trọng lượng xe tăng lên 500kg và “thiệt hại nặng nhất” là phải giảm cơ số đạn mang theo từ 43 xuống 38 viên (gồm 18 viên nổ phá HE; 4 viên xuyên giáp AP; 6 viên nổ mạnh chống tăng HEAT và 10 viên đạn xuyên có guốc giảm cỡ nòng APFSDS).

Giáp tăng T-55AM1 so với T-55A là không thay đổi, động cơ vẫn là loại diesel V12 4 thì 570hp V-55A.

Theo các nguồn tài liệu của Czech sau này, các xe tăng T-55AM1 không bao giờ được phép xuất khẩu tới sau năm 1990.

Họ ký hợp đồng đầu tiên là với Campuchia năm 1994 cung cấp một số lượng nhỏ (có nguồn cho là 40 chiếc), đến 1999 tiếp tục bán cho Yemen 97 chiếc khác.

Campuchia có T-55AM2?

Ngoài T-55AM1, Campuchia được cho là sở hữu vài chục chiếc T-55AM2 cũng được nhập khẩu từ Czech.

Phiên bản này vẫn sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực Kladivo nhưng cấp độ bảo vệ nâng lên với hai khối giáp BDD bó quanh mặt trước tháp pháo.

Khối giáp BDD được cho là nâng cấp độ bảo vệ tháp pháo T-55AM2 ngang ngửa với tháp pháo T-72 đời đầu, tăng tới tương đương 120mm thép chống đạn xuyên APDS và tới 200-250mm chống đạn HEAT.

Bên cạnh đó, động cơ của T-55AM2 cũng là loại mới V-55U nâng công suất lên 620hp.

Tuy nhiên, so với T-55AM1 được “quảng bá” rộng rãi, các hình ảnh T-55AM2 của Campuchia rất hạn chế, hầu như không có khiến nó trở thành “nghi án” rằng Campuchia có thể chưa bao giờ sở hữu phiên bản hiện đại này.

http://biendong.net/diem-tin/26972-campuchia-tung-xe-tang-toi-tan-tap-tran-lon-nhat-trong-lich-su-voi-tq.html