Tin khắp nơi – 19/01/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 19/01/2019

Mueller: Thông tin Buzzfeed

về lời khai luật sư của Trump ‘không chính xác’

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller tuyên bố rằng một thông tin của Buzzfeed News về việc Tổng thống Trump chỉ thị luật sư nói dối trước Quốc hội “là không chính xác”.

“Mô tả của Buzzfeed về các tuyên bố cụ thể cho Văn phòng luật sư đặc biệt, và tính chất của các tài liệu và lời khai mà văn phòng này có được, liên quan đến lời khai trước Quốc hội của Michael Cohen là không chính xác,” tuyên bố của văn phòng công tố viên đặc biệt cho biết.

Tuy nhiên, tuyên bố này không cho biết rõ phần nào trong báo cáo BuzzFeed là không chính xác.

Buzzfeed News trước đó đã đưa tin rằng ông Donald Trump đã chỉ thị luật sư của mình ông Michael Cohen nói dối về kế hoạch xây dựng Tháp Trump ở Moscow.

Chiến thuật tấn công truyền thông của Trump

Cohen đổ lỗi cho ‘hành động bẩn thỉu’ của Trump

Trump phủ nhận ông từng làm việc cho Nga

Buzzfeed cho biết báo cáo của họ dựa trên lời khai từ hai quan chức bên hành pháp xin giấu tên.

Cohen nói với Quốc hội rằng các cuộc đàm phán về kế hoạch xây Tháp Trump đã diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 9/2015 đến tháng 1/2016.

Nhưng bây giờ ông lại nói rằng các cuộc đàm phán kéo dài đến tháng 6, khi ông Trump đang là ứng cử viên cho chức tổng thống.

Trích dẫn các quan chức, Buzzfeed cho biết Cohen đã nói với công tố viên đặc biệt rằng sau cuộc bầu cử tháng 11/2016, ông Trump đã “đích thân chỉ thị ông” – bằng cách tuyên bố rằng các cuộc đàm phán đã kết thúc sớm hơn nhiều tháng so với thực tế – “để che giấu sự liên quan của Trump”.

Ông Trump sau đó phủ nhận rằng luật sư cũ của ông đã nói dối các nhà điều tra để “giảm thời gian ngồi tù”.

Đáp lại lời tuyên bố của ông Mueller, Tổng biên tập Buzzfeed Ben Smith đã tweet rằng anh vẫn cho rằng câu chuyện Buzzfeed đăng là chính xác.

Rất hiếm khi văn phòng của ông Mueller đưa ra tuyên bố như trên.

Chính ông Mueller trước đó cũng tiết lộ rằng Cohen đã nói dối về ngày dự án Tháp Trump ở Moscow kết thúc.

Các chính trị gia dân chủ cho biết họ sẽ điều tra các cáo buộc.

Công tố viên đặc biệt đang điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và liệu các thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump có đồng lõa hay không – một tuyên bố liên tục bị ông Trump phủ nhận.

Ông Michael Cohen đã bị kết án 36 tháng vào tháng 12 sau khi ông ta nhận tội nói dối trước Quốc hội về kế hoạch của Trump Tower.

Ông cũng thừa nhận vi phạm tài chính chiến dịch và trốn thuế. Tại tòa, ông nói rằng “điểm yếu của ông là lòng trung thành mù quáng với Donald Trump” – người có “hành động bẩn thỉu” mà ông cảm thấy buộc phải che đậy.

Cuộc điều tra của ông Mueller vẫn đang tiếp tục và chưa rõ khi nào ông sẽ nộp kết luận điều tra cho tổng chưởng lý.

Và sẽ tùy thuộc vào tổng chưởng lý để thông báo cho Quốc hội và quyết định xem báo cáo sẽ được công bố cho công chúng hay không.

Ứng cử viên của Tổng thống Trump cho tổng chưởng lý, William Barr, hiện đang được xác nhận tại Quốc hội. Ông Barr nói rằng ông sẽ công khai báo cáo Mueller càng nhiều càng tốt nhưng không hứa sẽ công bố tất cả.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46930236

 

Ứng viên Bộ trưởng Tư pháp Mỹ nói

TQ là ‘đối thủ chính’

Ứng viên Bộ trưởng Tư pháp Mỹ do Tổng thống Trump đề cử, ông William Barr, nói rằng Trung Quốc là “kẻ thù chính” của Hoa Kỳ, theo CNBC.

Ông Barr đưa ra phát biểu này hôm thứ Ba (15/1) tại phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viên liên quan tới vấn đề đã được điều tra suốt hai năm qua nhưng chưa có kết luận: Trump có hợp tác với Nga trong cuộc bầu tử tổng thống hồi năm 2016 không ?.

Khi được Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse hỏi rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là bạn hay thù, ông Barr trước tiên nói rằng “Tôi nghĩ rằng Nga là một đối thủ mạnh của đất nước chúng ta”.

Nhưng “đồng thời, tôi nghĩ đối thủ chính của Hoa Kỳ là Trung Quốc”, ông Barr nói thêm.

“Nga chỉ [mạnh] bằng một nửa khi chúng ta đối mặt với họ ở [thời kỳ] đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Triển vọng kinh tế trong dài hạn của họ không sánh được với Trung Quốc”, ông đánh giá. “Tôi e rằng hành động chỉnh đốn với Nga không làm lu mờ mối nguy hiểm từ Trung Quốc”.

Khi được hỏi liệu ông có lý do nào để nghi ngờ đánh giá của Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats rằng Nga có âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 không, ông Barr nói “tôi chưa xem các báo cáo đó”, nhưng “tôi không có lý do gì để nghi ngờ điều đó”.

Ông Barr nhấn mạnh Trung Quốc là đối thủ lớn nhất của Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại giữa hai quốc gia chưa đạt được nhiều tiến triển ở những vấn đề chính, Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, nhận định trong một hội nghị trực tuyến vào hôm thứ Ba.

Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer cho biết “không có bất kỳ tiến triển nào về những thay đổi cần phải đạt được [giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”, ông Grassley trích dẫn lời ông Ligthizer cho biết.

http://biendong.net/bien-dong/25881-ung-vien-bo-truong-tu-phap-my-noi-tq-la-doi-thu-chinh.html

 

Lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Hàn gặp nhau cuối tháng Hai

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vào cuối tháng Hai, Nhà Trắng vừa cho hay.

Tuyên bố được đưa ra sau khi ông Trump gặp nhà đàm phán Bắc Hàn cấp cao Kim Yong-chol tại Nhà Trắng.

Vị tướng hàng đầu của Bắc Hàn được cho là đã đưa một lá thư của ông Kim Jong-un tới Tổng thống Trump.

Chưa có mấy tiến triển về phi hạt nhân hóa kể từ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử của họ ở Singapore tháng Sáu năm ngoái. Hiện địa điểm cho cuộc gặp lần thứ hai vẫn chưa được thông báo.

Ngày càng có nhiều đồn đoán rằng cuộc gặp có thể được tổ chức tại Việt Nam.

Việt Nam ‘sẵn sàng tạo điều kiện’

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dẫn lời nói Việt Nam sẵn sàng làm nơi tổ chức cuộc này.

Trang Bloomberg cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với họ rằng Việt Nam sẵn sàng tổ chức cuộc gặp, mặc dù Việt Nam chưa được chọn.

“Chúng tôi không biết về quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, nếu chuyện đó xảy ra thì chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tạo điều kiện cho cuộc họp.”

“Việt Nam đã phối hợp rất tốt với Hoa Kỳ trong quan hệ phát triển kinh tế và thương mại cũng như trong các lĩnh vực khác.”

Ông Nguyễn Xuân Phúc trả lời phóng viên Haslinda Amin của Bloomberg TV.

Quan chức Bắc Hàn tới Mỹ, đồn đoán Kim gặp Trump ở Việt Nam

Hà Nội: địa điểm cho hội nghị Trump-Kim lần 2?

TQ ‘ủng hộ’ Thượng đỉnh Trump-Kim lần hai

Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên nói rằng nhà lãnh đạo Bắc Hàn dự kiến sẽ tới thăm Việt Nam trong một “chuyến thăm chính thức cấp nhà nước” vào tháng 2.

Trong một động thái riêng rẽ, Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao nói các phái viên từ Hoa Kỳ và Bắc Hàn đang có các cuộc thảo luận tại Thụy Điển nhằm chấm dứt tình trạng đối đầu giữa hai nước.

Trump-Kim: Abe tới Mỹ giữa đợt sóng ngoại giao

Mỹ: ‘chuẩn bị thượng đỉnh Trump-Kim tiến triển tốt’

Bắc Hàn thả ba tù nhân Mỹ

Chỉ vài giờ trước khi ông Kim Yong Chol tới Mỹ, Tổng thống Trump – vốn đã tuyên bố chỉ một ngày sau kỳ họp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singpore hôm 12/6/2018 rằng mối đe dọa từ Bắc Hàn đã hết – công bố việc củng cố chiến lược phòng thủ tên lửa, là chiến lược coi Bắc Hàn như một “mối đe dọa đặc biệt”.

Cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều diễn ra hồi năm ngoái là cuộc gặp lịch sử đầu tiên từ trước tới nay giữa hai đương kim lãnh đạo của hai nước.

Trong một tuyên bố có ngôn từ không mấy rõ ràng được đưa ra sau đó, ông Kim cam kết sẽ hợp tác nhằm hướng tới “giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”.

Tuy nhiên, đã không có mấy tiến triển từ cả hai phía.

Ông Kim đang hy vọng làm giảm bớt các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Hàn, nhưng Hoa Kỳ nói sẽ tiếp tục duy trì áp lực tối đa cho tới khi Bình Nhưỡng có bước đi tiến tới từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ.

Hiện chưa có chỉ dấu nào cho thấy có sự rút ngắn lại trong khoảng cách giữa đòi hỏi của Mỹ đối với việc Bắc Hàn từ bỏ chương trình hạt nhân và đòi hỏi của Bình Nhưỡng muốn các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ.

Các nhà phân tích từ Mỹ nói rằng Bắc Hàn sẽ muốn có một thông điệp rõ ràng từ phía chính quyền ông Trump về những nhượng bộ từ phía Mỹ.

Ngoại trưởng Nam Hàn Kang Kyung-wha hôm thứ Tư nói nếu Bắc Hàn có những bước đi vững chắc tiến tới từ bỏ chương trình vũ khí của mình thì Washington có thể sẽ đề nghị chính thức chấm dứt Cuộc chiến Triều Tiên 1950-53, bên cạnh việc đưa ra các viện trợ nhân đạo hoặc mở kênh đối thoại song phương thường trực.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46918415

 

Thượng nghị sĩ Graham kêu gọi ‘xử lí’ thái tử

để quan hệ Mỹ-Saudi tiến triển

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thuộc Đảng Cộng hòa Lindsey Graham hôm thứ Bảy nói rằng quan hệ giữa Mỹ và Ả-rập Saudi không thể tiến triển cho đến khi Thái tử Saudi Mohammed bin Salman được “xử lí,” nhưng ông không nói rõ hơn.

Phát biểu tại Ankara một ngày sau khi hội kiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Graham cũng nói Quốc hội Mỹ sẽ giới thiệu lại các chế tài nhắm vào những người dính líu đến vụ giết hại nhà báo người Saudi Jamal Khashoggi.

“Quan hệ giữa Mỹ và Ả-rập Saudi không thể tiến triển cho đến khi Thái tử Mohammed bin Salman được xử lí,” ông Graham nói.

Ông Khashoggi là một nhà báo có tiếng chuyên viết bài bình luận cho tờ The Washington Post và sinh sống ở Mỹ. Ông bị hạ sát trong lãnh sự quán Saudi ở Istanbul vào tháng 10.

Ban đầu, Riyadh nói không hay biết gì về chuyện ông Khashoggi mất tích, sau đó đưa ra những lời giải thích mâu thuẫn, kể cả thú nhận rằng ông bị giết trong một phi vụ xằng bậy.

Các quan chức Saudi đã nói rằng thái tử không biết gì về vụ giết người. Ả-rập Saudi năm ngoái nói rằng 21 người Saudi đã bị bắt giam liên quan đến vụ Khashoggi, 11 người trong số này đã bị truy tố và đưa ra xét xử.

Trợ lí hàng đầu của Thái tử Mohammed, Saud al-Qahtani, đã bị cách chức sau khi giám sát phi vụ này.

Mỹ đã áp đặt chế tài kinh tế lên 17 quan chức Saudi vào tháng 11 vì vai trò của họ trong vụ giết hại ông Khashoggi.

Thượng viện biểu quyết vào tháng 12 để xúc tiến nghị quyết chấm dứt hỗ trợ quân sự của Mỹ cho liên minh do Saudi dẫn đầu trong cuộc chiến ở Yemen, và các nhà lập pháp tuyên bố sẽ thúc đẩy các chế tài nhắm vào vương quốc này trong năm mới.

https://www.voatiengviet.com/a/thuong-nghi-si-graham-keu-goi-xu-li-thai-tu-de-quan-he-my-saudi-tien-trien/4750213.html

 

Bush đem pizza đãi nhân viên Mật vụ làm việc không lương

Cựu Tổng thống George W. Bush đãi các nhân viên Mật vụ của ông một chầu pizza để tỏ lòng cảm kích đối với sự phục vụ của họ trong khi họ không nhận được lương trong thời gian chính phủ đóng cửa một phần.

Một bức ảnh đăng trên Instagram và Facebook của ông Bush cho thấy ông đem pizza đến cho các nhân viên an ninh. Trên các post này, ông Bush nói ông và vợ ông Laura “rất biết ơn các nhân viên Mật vụ của chúng tôi và hàng ngàn nhân viên liên bang đang làm việc chăm chỉ vì đất nước của chúng ta mà không nhận được chi phiếu trả lương.” Ông cũng nói “đã đến lúc các nhà lãnh đạo cả hai phía gác chính trị sang một bên, đến với nhau và chấm dứt vụ đóng cửa này.”

AP cho biết người phát ngôn của ông Bush, Freddy Ford, nói bức hình được chụp hôm thứ Sáu tại Florida, nhưng ông không nêu rõ địa điểm.

Vụ đóng cửa một phần chính phủ Mỹ đã chạm mốc bốn tuần vào ngày thứ Sáu, với căng thẳng gia tăng ở cả hai phía liên quan tới đòi hỏi 5,7 tỉ đôla của ông Trump để giúp tài trợ bức tường biên giới Mỹ-Mexico.

https://www.voatiengviet.com/a/bush-dem-pizza-dai-nhan-vien-mat-vu-lam-viec-khong-luong/4750181.html

 

Pelosi: Trump gây nguy hiểm cho binh sĩ, nghị sĩ

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi ngày 18/1 cáo buộc Tổng thống Donald Trump gây nguy hiểm cho binh sĩ và thường dân Mỹ làm việc ở Afghanistan bằng việc loan báo công khai một chuyến đi của phái đoàn Quốc hội được lên kế hoạch tới đất nước bị chiến tranh tàn phá này, trong khi căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo tăng cao khi tình trạng chính phủ đóng cửa một phần đã bước sang ngày 28.

Nhà Trắng bác bỏ cáo buộc của bà Pelosi. Chính quyền của Tổng thống Trump thuộc Đảng Cộng hòa hôm 17/1 đã ngăn bà Pelosi thuộc Đảng Dân chủ thực hiện chuyến đi tới Afghanistan. Hôm 18/1, chính quyền ban hành lệnh cấm đối với tất cả các chuyến du hành của Quốc hội Mỹ sử dụng máy bay thuộc sở hữu của chính phủ hoặc do chính phủ vận hành trong khi tình trạng đóng cửa tiếp diễn.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nói chính quyền chỉ đang cố gắng giữ bà Pelosi ở lại Washington cho các cuộc đàm phán có thể diễn ra để tìm cách chấm dứt vụ đóng cửa, hiện đã kéo dài bốn tuần và lâu nhất trong lịch sử Mỹ.

Nhưng phe Dân chủ nói không có cuộc đàm phán nào đang diễn ra. “Chúng tôi không nhận được yêu cầu hội họp nào từ Nhà Trắng,” người phát ngôn của bà Pelosi, Drew Hammill, nói.

Ông Trump hôm 17/1 đã ngăn bà Pelosi sử dụng máy bay quân sự cho một chuyến đi của phái đoàn Quốc hội cùng các nghị sĩ Dân chủ cao cấp khác đến trụ sở NATO ở Brussels và sau đó là Afghanistan.

Văn phòng của bà Pelosi sau đó đã chuẩn bị bay bằng máy bay thương mại – một ý tưởng mà chính ông Trump đã nêu ra – nhưng vào sáng 18/1 thông báo chuyến đi đã bị hoãn lại vì chính quyền rò rỉ những chi tiết có thể gây nguy hiểm cho chuyến đi hoặc cho những binh sĩ mà Chủ tịch Hạ viện nói bà đã lên kế hoạch đến thăm.

Một quan chức Nhà Trắng, phát biểu trước đó với điều kiện giấu tên, phủ nhận chính quyền đã rò rỉ kế hoạch du hành của bà Pelosi, nói thêm rằng khi Chủ tịch Hạ viện và khoảng 20 nghị sĩ Quốc hội khác quyết định đặt vé máy bay thương mại tới Afghanistan, thì thế giới sẽ tìm ra.”

Vụ đóng cửa một phần chính phủ Mỹ đã chạm mốc bốn tuần vào ngày 18/1, với căng thẳng gia tăng ở cả hai phía liên quan tới đòi hỏi 5,7 tỉ đôla của ông Trump để giúp tài trợ cho bức tường biên giới Mỹ-Mexico.

https://www.voatiengviet.com/a/pelosi-trump-gay-nguy-hiem-cho-binh-si-nghi-si/4749636.html

 

2018: Người Mỹ dọn đến ở Florida nhiều nhất

Người mua nhà ở Mỹ trong năm 2018 hướng về phía Nam nhiều hơn bất cứ nơi nào khác ở Mỹ.

Trong số các bang miền nam, Florida là điểm đến số 1 cho những người dọn từ bang này sang bang khác với ý định mua nhà, theo một phân tích từ Lending Tree. Thị trường trực tuyến này nhận thấy 12,4 phần trăm những người thuê những người chuyên dọn nhà đã chọn Florida là nơi cư ngụ kế tiếp.

Lending Tree nghiên cứu 2 triệu yêu cầu vay tiền mua nhà mới ở tất cả 50 bang vào năm 2018 và nhận thấy trong số 12,1 phần trăm người mua nhà trên toàn quốc và dọn đến bang khác, hầu hết đều đi về phía nam, với 9 phần trăm đến Florida.

Các bang miền nam khác được người mua nhà dọn tới đông đúc bao gồm South Carolina, Delaware, Georgia và North Carolina.

South Dakota, Hawaii, Minnesota, California và New York là những bang có ít yêu cầu vay tiền mua nhà nhất trong năm 2018.

Người mua nhà ở Texas có tỉ lệ an cư cao nhất, với hơn 93 phần trăm người dân ở Texas mong vay được tiền mua nhà tại bang này. Texas cũng là điểm đến hàng đầu cho những người dọn từ bang khác tới, đứng thứ hai sau Florida.

Michigan cũng là một bang có nhiều người mua nhà không muốn dọn đi quá xa. Hơn 91 phần trăm cư dân đã yêu cầu vay tiền thuê nhà tại bang thuộc vùng Trung Tây này.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-my-don-den-o-florida-nhieu-nhat-2018/4749618.html

 

Các tiểu bang Hoa Kỳ

chuẩn bị đón bão mùa đông sắp đổ bộ

Theo tin từ đài CBS, một cơn bão mùa đông đang di chuyển dọc theo vùng Trung Tây và hướng đến khu vực Đông Bắc. Cơn bão sẽ gây mưa, cùng hiện tượng tuyết rơi và băng giá ở 30 tiểu bang.

Tiểu bang New Jersey và Pennsylvania đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vài giờ trước khi cơn bão đia qua.

Theo Trung tâm Thời tiết Quốc gia (NWS), Pittsburgh sẽ có mưa với lưu lượng 11 inch, và ở một số khu vực thuộc Poconos, lưu lượng mưa có thể lên đến 15 inch. Chính quyền địa phương hiện đang chuẩn bị dọn tuyết ở các tuyến đường, đồng thời yêu cầu người dân ở yên trong nhà.

Tiểu bang Pennsylvania đã đặt giới hạn tốc độ ở mức 45 dặm/giờ, đồng thời cấm các xe cộ thương mại di chuyển trong các xa lộ. Trong khi đó, các phi trường đang chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất giữa kỳ nghỉ cuối tuần tấp nập.

Theo trang web Flightaware.com, đã có 3,600 chuyến bay bị hoãn, và 472 chuyến bay bị hủy khắp Hoa Kỳ vào hôm thứ Sáu (18 tháng 1).

Sang đến Chủ Nhật, cơn bão dự kiến sẽ gây ra hiện tượng tuyết rơi dày 10 inch ở vùng Trung Tây, trước khi tiến đến khu vực Đông Bắc.

Trung tâm NWS ở Albany, New York cho biết lượng tuyết rơi dày 1 đến 3 inch sẽ ảnh hưởng đến điều kiện di chuyển ở khu vực này.

Tại  Cleveland, Ohio, các trại trú ẩn đã sẵn sàng để tiếp nhận người vô gia cư khi cơn bão đổ bộ. Thành phố New York sẽ có tuyết dày đến 6 inch.

Hôm thứ Bảy, hãng hỏa xa Amtrak đã hoãn nhiều chuyến tàu khởi hành từ Chicago đến Washington và New York, từ New York đến Boston và Pennsylvania vào Chủ Nhật.

Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio thúc giục các cư dân chuẩn bị đón bão đổ bộ vào sáng thứ Bảy, và tránh ra ngoài trước 7 giờ tối. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/cac-tieu-bang-hoa-ky-chuan-bi-don-bao-mua-dong-sap-do-bo/

 

Cơ hội phục hồi nhân loại

nếu chỉ còn một cặp nam nữ sống sót

Zaria GorvettBBC Future

“Người cuối cùng trên Trái Đất” – dĩ nhiên được dùng với ý nghĩa giả tưởng – nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thực sự đúng như vậy? Với bao nhiêu cá thể người sống sót thì chúng ta có thể duy trì sự tồn tại của loài người?

Kịch bản giả tưởng như sau: quái vật từ vũ trụ đi thuyền đến Trái Đất. Trong vòng hai năm, con người trên Trái Đất bị giết gần như chết hết.

Nhân loại sẽ không tránh khỏi đại dịch cúm chết chóc?

Bạn có sống nổi không nếu xảy ra ngày tận thế

Cuộc tập trận suýt dẫn tới Thế Chiến III

Hòn đảo nhỏ xíu Ball’s Pyramid nằm cách 600km về phía đông nước Úc, trên Nam Thái Bình Dương, tựa như một mẩu thủy tinh nhô lên trên biển.

Có hai cá thể cuối cùng, ‘Adam’ và ‘Eva’ của một loài động vật đã bám được vào lưng chừng rìa vách đá của hòn đảo rồi trú ẩn dưới một bụi cây gai. Hai cá thể đã may mắn thoát chết và chỉ chín năm sau, tổng cộng đã sinh sôi nảy nở thành 9.000 con, cháu, chắt, chút, chít của cặp đôi thuỷ tổ.

Không, đây chẳng phải là một câu chuyện đùa kỳ quái được tưởng tượng ra. Cặp đôi may mắn được nói đến ở đây là hai con bọ que có tên trong tiếng Anh là tree lobster, tên khoa học là Dryococelus Australis.

Chúng thuộc loài côn trùng hình que không biết bay, có kích thước bằng bàn tay con người. Chúng được cho là đã tuyệt chủng sau khi chuột đen xâm chiếm đảo Lord Howe – vùng đất quê hương của bọ que cánh cứng vào năm 1918, nhưng bất ngờ lại được tìm thấy ở Ball’s Pyramid 83 năm sau.

Loài này có được sự phục hồi kỳ diệu là nhờ một nhóm các nhà khoa học đã trèo cao hơn 500 bộ (khoảng 152m) vách đá dựng đứng để đến được nơi ẩn náu của chúng vào năm 2003.

Hai con bọ que cánh cứng này được đặt tên là Adam và Eva, và được gửi đến Sở thú Melbourne để thực hiện chương trình nhân giống trở lại.

Sự hồi phục lại của loài côn trùng từ bờ vực tuyệt chủng với sự giúp đỡ của con người là một chuyện. Bọ que cái đẻ 10 trứng trong vòng 10 ngày và có khả năng tự sinh sản, không cần bọ que đực.

Nhưng việc đưa loài người sinh sôi nảy nở trở lại trên toàn Trái Đất là một vấn đề hoàn toàn khác.

Uống nước trái cây lợi, hại thế nào cho cơ thể

Có nên ‘ăn sáng như hoàng đế’?

Bổ sung vitamin D lợi hại thế nào cho cơ thể

Liệu chúng ta có làm được điều đó không? Sẽ mất bao lâu đây?

Câu trả lời không đơn giản có được từ một cuộc tranh luận không hồi kết lúc trà dư tửu hậu.

Từ nghiên cứu của Nasa về số lượng những người tiên phong cần và đủ để loài người có thể chuyển tới tồn tại được ở hành tinh khác, cho tới việc bảo tồn các loài sắp tuyệt chủng, đây là vấn đề có tầm quan trọng quốc tế và cực kỳ cấp bách.

Hãy thử tưởng tượng tới 100 năm nữa. Những nỗ lực của nhân loại đã đi sai hướng và một cuộc nổi dậy của robot khiến chúng ta bị xóa sổ hoàn toàn khỏi Trái Đất – số phận này của loài người đã được nhà vật lý thiên tài người Anh Stephen Hawking dự đoán năm 2014.

Chỉ còn lại hai người sống sót. Không có cách nào khác, tất cả thế hệ đầu tiên được sinh ra đều sẽ là những anh chị em ruột của nhau.

Sigmund Freud tin rằng loạn luân là điều cấm kị mang tính phổ quát nhất của con người, bên cạnh việc giết cha mẹ. Nó không chỉ ghê rợn, mà còn cực kỳ nguy hiểm.

Một nghiên cứu về trẻ em sinh ra ở Tiệp Khắc từ năm 1933 đến 1970 cho thấy gần 40% những đứa trẻ có cha mẹ là họ hàng trực hệ đời thứ nhất bị tàn tật nặng, trong đó 14% chết yểu.

Nguy cơ từ gene lặn

Để hiểu tại sao sinh sản cận huyết lại có nguy cơ gây chết người như vậy, chúng ta cần nắm bắt một số nguyên lý di truyền.

Tất cả chúng ta đều có hai bản sao của mỗi gene, một từ cha và một từ mẹ. Một số biến thể gene không biểu hiện thành bệnh trừ khi bạn có hai gene giống hệt nhau nhận được từ cha và mẹ mình.

Hầu hết các bệnh di truyền được gây ra bởi các biến thể gene lặn, chúng lén lút vượt qua được kiểm soát của quá trình tiến hóa vì chúng biểu hiện một cách vô hại khi chỉ tồn tại một bản sao.

Trên thực tế, trung bình bộ gene người có từ một đến hai biến thể gene lặn gây chết người.

Khi một cặp đôi có mối quan hệ cận huyết, các gene lặn sẽ nhanh chóng lộ diện.

Lấy ví dụ hội chứng achromatopsia – một rối loạn gene lặn hiếm gặp gây mù màu hoàn toàn. Cứ 33.000 người Mỹ thì có một người bị mù màu và tỷ lệ người có mang gene lặn này là 1/100.

Nếu một trong những người sống sót sau ngày tận thế của chúng ta có biến thể gene lặn này, thì có 1/4 xác suất nguy cơ con họ có một bản sao gene này.

Cũng chưa thành vấn đề.

Nhưng sau một thế hệ sinh sản cận huyết, nguy cơ rủi ro tăng vọt – với 1/4 nguy cơ cháu của họ có hai bản sao gene lặn này – điều kiện đủ để biểu hiện bệnh.

Như vậy sẽ có xác suất một trên 16 những đứa cháu của cặp vợ chồng thế hệ thứ nhất sẽ mắc bệnh mù màu.

Đây chính là số phận của cư dân ở Pingelap, một đảo san hô nhỏ nằm cách biệt ở tây Thái Bình Dương.

Chỉ còn 20 cư dân đảo sống sót sau khi một cơn bão quét qua đảo hồi Thế kỷ 18, trong đó bao gồm một người mang biến thể gene lặn achromatopsia.

Với một nguồn gene ít như vậy, để duy trì nòi giống cư dân trên đảo buộc phải sinh sản cận huyết. Ngày nay, một phần mười dân số trên đảo hoàn toàn mù màu.

Nhưng ngay cả với những rủi ro ghê gớm như vậy, nếu những người sống sót sinh nhiều con thì ít nhất cũng có một số người con của họ khỏe mạnh.

Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi tình trạng sinh sản cận huyết tiếp diễn hàng mấy trăm năm?

Bạn không cần phải bị kẹt trên một hòn đảo mới có thể tìm hiểu được vấn đề này, bởi vì đã từng tồn tại một cộng đồng chỉ kết hôn trong thân tộc ruột thịt: hoàng gia châu Âu.

Với chín thế hệ hôn nhân chiến lược giữa những anh chị em họ, chú bác và cháu gái trong vòng 200 năm, đế chế quân chủ Habsburg ở Tây Ban Nha là một trải nghiệm tự nhiên về vấn đề này.

Vua Charles II là nạn nhân nổi tiếng nhất trong dòng họ. Sinh ra với một loạt các khuyết tật về thể chất và tinh thần, đến 8 tuổi nhà vua mới biết đi. Khi trưởng thành, chứng vô sinh của ông đã gióng lên hồi chuông tuyệt chủng của cả một đế chế.

Năm 2009, một nhóm các nhà khoa học Tây Ban Nha đã tiết lộ lý do tại sao xảy ra hiện tượng dần dần tiêu vong của hoàng gia châu Âu.

Dòng họ vua Charles trong nhiều thế hệ trước đó đã có những cuộc hôn nhân cận huyết quá gần gũi trong hoàng tộc, cho nên tới vua Charles thì hệ số cận huyết – tức chỉ số phản ánh tỷ lệ các gene giống nhau mà ông nhận được từ cả cha và mẹ – trong cơ thể ông cao hơn cả các trường hợp có cha mẹ là anh chị em ruột.

Biện pháp tương tự đã được các nhà sinh thái học sử dụng để đánh giá rủi ro di truyền mà các loài có nguy cơ tuyệt chủng phải đối mặt.

Tiến sĩ Bruce Robertson từ Đại học Otago giải thích: với quy mô dân số nhỏ, mọi người không sớm thì muộn sẽ có quan hệ sinh sản trong họ hàng với nhau và sẽ làm trầm trọng thêm hiệu ứng cận huyết.

Ông nghiên cứu loài vẹt New Zealand khổng lồ – một loài vẹt không biết bay.

Loài vẹt có tên kakapo này hiện chỉ còn tồn tại 125 cá thể trên toàn thế giới. Có một mối quan ngại đặc biệt đáng kể là việc sinh sản cận huyết có tác động tới chất lượng tinh trùng, khiến cho tỷ lệ trứng không nở được tăng từ 10% lên khoảng 40%.

Đây là một ví dụ về tình trạng suy thoái do sinh sản cận huyết, Robertson nói, do sự kết hợp của gene di truyền lỗi vốn là gene lặn.

Mặc dù được cung cấp thức ăn dồi dào và được bảo vệ khỏi các loại kẻ thù, vẹt kakapo vẫn khó có thể khôi phục lại số lượng để đạt mức không nằm trong danh sách các loài bị đe doạ tuyệt chủng.

Hệ miễn dịch lai tạp

Các loài có nguy cơ tuyệt chủng cũng gặp phải các rủi ro dài hạn khác.

Mặc dù có thể đã thích nghi rất tốt với môi trường sống, nhưng tính đa dạng trong gene di truyền của chúng cho phép các loài liên tục tiến hóa để tiếp tục thích ứng với các thách thức trong tương lai.

Không điều gì quan trọng bằng khả năng miễn dịch.

“Đó là thứ mà hầu như muôn loài, kể cả con người, đều muốn đa dạng hoá tới mức tối đa. Chúng ta chọn người phối ngẫu có hệ miễn dịch rất khác với mình nhằm để sinh ra các đời con cháu về sau với xác suất hệ miễn dịch đa dạng hơn,” Tiến sĩ Philip Stephens từ Đại học Durham, Anh Quốc, nói.

Nhìn lại quá khứ tiến hóa của loài người, người ta cho rằng chính việc kết hợp sinh sản với người Neanderthal có thể đã giúp cho hệ miễn dịch của loài người trở nên tốt hơn.

Giả sử như loài người từng là loài có nguy cơ tuyệt chủng, thì đây không phải là điều có thể nhận biết dễ dàng.

Khi những nhóm quần thể nhỏ sống cách ly trong một thời gian dài thì các cá thể trong đó trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi gene lỗi hơn. Việc thiếu tính đa dạng trong các bộ gene khiến tình trạng gene lỗi truyền sang các thế hệ sau tăng lên gấp nhiều lần.

Do vậy, loài người ‘mới’ trong trường hợp đó sẽ trở nên không chỉ khác với chúng ta hiện nay về cả hình thức, giọng nói, mà còn có thể trở thành một loài hoàn toàn khác biệt.

Vậy cần bao nhiêu cá thể khác nhau mới đủ? Stephens nói rằng chủ đề này đã được tranh luận từ thời thập niên 1980, khi một khoa học gia người Úc đề xuất ‘quy tắc ngón tay cái’ mang tính phổ quát.

“Về cơ bản, bạn cần 50 cá thể để tránh được tình trạng suy thoái do sinh sản cận huyết, và cần 500 cá thể để có thể thích nghi với môi trường sống,” ông nói.

Quy tắc này vẫn được sử dụng cho đến ngày nay, tuy con số được nêu ra là 500-5.000 cá thể, nhằm dự phòng bù đắp cho các tổn thất ngẫu nhiên khi gene được truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo. Những loài không đạt số lượng cá thể đó sẽ được đưa vào Danh sách đỏ IUCN, danh mục các loài bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm trọng nhất thế giới.

Khái niệm này khiến những người hoạt động trong lĩnh vực đặt câu hỏi về chính sách của các tổ chức thiện nguyện lớn chuyên về bảo tồn tự nhiên, với mối quan tâm hàng đầu là các loài có nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng nhất.

“Công tác bảo tồn được đề ra dựa theo danh sách các loài khẩn nguy – quý vị sàng lọc số lượng tổn thất của những loài nằm trong danh sách đó và đặt câu hỏi liệu có cơ hội cứu được số lượng bị mất đi đó không. Nó có thể được dùng để đặt vấn đề là, liệu chúng ta có thể bỏ qua yếu tố loài đi không?”

Nhưng trước khi bạn bác bỏ giả thuyết về sự tồn tại của cặp đôi cuối cùng của loài người, thì, như một nhà khoa học đã chỉ ra, con người chúng ta chính là bằng chứng sống của những thiếu sót nội tại.

Theo những bằng chứng giải phẫu học và khảo cổ học, tổ tiên chúng ta đã không đạt đủ số lượng đông cần thiết – chỉ có độ 1.000 cá thể tồn tại trong thời gian gần một triệu năm.

Rồi khoảng từ 50.000 đến 100.000 năm trước, loài người di cư khỏi châu Phi. Và thế là con người lại rơi vào tình trạng kém đa dạng di truyền.

Một nghiên cứu thực hiện hồi 2012 về những khác biệt di truyền giữa hai nhóm tinh tinh láng giềng cho thấy mức đa dạng còn nhiều hơn toàn bộ bảy tỉ người đang sống trên Trái Đất.

Nhìn lại tổ tiên của chúng ta có lẽ là bước đi tốt.

Ước tính của nhà nhân chủng học John Moore, được Nasa công bố hồi 2002, đã được dựng thành mô hình mô phỏng các nhóm di cư nhỏ của loài người thời cổ đại – khoảng 160 người.

Ông cho rằng nên bắt đầu với những cặp đôi trẻ, chưa có con và với việc sàng lọc, theo dõi các gene lặn nguy hiểm.

Lưu ý rằng đây là cách ông tính toán cho chuyện đưa người vào vũ trụ sinh sống về lâu về dài, chứ không phải là nhằm duy trì sự tồn tại của loài người trên Trái Đất. Số lượng người mà ông nêu ra đó chỉ được phép sống biệt lập trong 200 năm, sau đó sẽ được quay trở lại Trái Đất.

Vậy điều gì là cần ở người đàn ông và người phụ nữ cuối cùng đây?

Không thể nói chắc chắn điều gì, cho dù Stephens đã rất lạc quan.

“Bằng chứng về những tác hại ngắn hạn của tình trạng kém đa dạng di truyền là rất mạnh, nhưng tất cả vẫn chỉ là xác suất có thể xảy ra. Đã có những câu chuyện về sự trở lại đầy ngoạn mục của những loài từng đứng bên bờ vực tuyệt chủng – mọi thứ đều có thể xảy ra.”

Chừng nào ngày tận thế còn chưa phá hủy những nền tảng cơ bản của nền văn minh hiện đại, thì loài người vẫn có thể hồi phục trở lại về mặt dân số một cách nhanh chóng đến kinh ngạc.

Vào đầu Thế kỷ 20, cộng đồng người Hutterite ở Bắc Mỹ – là nhóm dân có tình trạng sinh sản cận huyết khá phổ biến – đã đạt được mức tăng trưởng dân số cao nhất từng được ghi nhận, tăng gấp đôi cứ sau 17 năm.

Đó là một việc khó khăn, nhưng nếu mỗi phụ nữ có tám đứa con, thì rất có thể loài người chúng ta sẽ đạt trở lại con số bảy tỷ người chỉ trong vòng 556 năm.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-46856285

 

Thương mại: Châu Âu muốn giảm căng thẳng với Mỹ

Ủy Ban Châu Âu hôm qua, 18/01/2019, đã trình bày kế hoạch thúc đẩy lại thương mại với Mỹ, hủy bỏ thuế quan đối với sản phẩm công nghiệp. Mục tiêu là tránh tạo ra thêm căng thẳng sau cuộc đọ sức liên quan đến thép và nhôm. Nhưng kế hoạch của Bruxelles không đề cập đến nông nghiệp.

Thông tín viên RFI tại Bruxelles, Joana Hostein cho biết thêm chi tiết :

Khi bỏ thuế đánh vào sản phẩm công nghiệp, xuất khẩu của châu Âu sang Hoa Kỳ sẽ tăng 10%, theo Ủy Ban Châu Âu. Tại châu Âu, có 5 triệu việc làm gắn liền với xuất khẩu này.

Trong tài liệu công bố hôm qua, Ủy Ban Châu Âu nêu chi tiết những mối lợi trong trao đổi thương mại tự do với Mỹ. Tuy nhiên, ủy viên thương mại châu Âu, bà Cecilia Malmström, nói rõ thêm rằng đây chỉ là mở cửa giới hạn, không phải một thỏa thuận tự do mậu dịch truyền thống. Không phải một TTIP mới, mà là một đề nghị hạn chế, chỉ liên quan đến thuế quan đối với hàng công nghiệp và sẽ có lợi cho cả châu Âu và Mỹ. Chúng tôi sẽ không đưa hàng nông nghiệp vào trong đề xuất này ».

Loại trừ nông nghiệp ra khỏi kế hoạch đàm phán, Ủy Ban Châu Âu muốn tránh một cuộc tranh cãi về việc nhập gà có chất chlore hay OGM trong thời điểm vận động tranh cử Nghị Viện Châu Âu.

Với kế hoạch được trình bày hôm qua, Bruxelles trước hết muốn chấm dứt chiến tranh, cho dù thuế của Mỹ đánh vào thép và nhôm vẫn được áp dụng.

Châu Âu muốn tránh bằng mọi giá việc Hoa Kỳ áp thuế đối với xe hơi – vì biện pháp này tác động mạnh đến ngành xe hơi Đức – trong bối cảnh phía Mỹ vẫn nghĩ đến khả năng này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190119-thuong-mai-chau-au-muon-giam-cang-thang-voi-my

 

EU: Có thể kéo dài hạn chót Brexit

Ủy ban châu Âu cho biết các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) có thể kéo dài hạn chót quá trình Anh rời EU, còn gọi là Brexit, nếu London đưa ra yêu cầu với lý do hợp lý.

“Khi Anh đưa ra yêu cầu kéo dài với các lý do thì 27 thành viên EU sẽ cùng quyết định” – Reuters ngày 16-1 dẫn lời người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) nói.

Trước đó, các lãnh đạo châu Âu cũng tỏ ý EU có thể nhượng bộ thêm với Anh liên quan vấn đề biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và nước thành viên EU là CH Ireland. Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng ngày 16-1 nhấn mạnh “vẫn còn thời gian đàm phán” sau khi Hạ viện Anh bác thỏa thuận của Thủ tướng Anh Theresa May về Brexit và cho biết EU hiện đang đợi đề xuất từ Thủ tướng May.

Đây là tín hiệu mới sau nhiều ngày EU kiên quyết bác bỏ khả năng đàm phán lại thỏa thuận Brexit khiến Anh có nguy cơ rời khỏi khối vào 29-3 mà không có thỏa thuận nào.

Thủ tướng May trong ngày 16-1 tiếp tục thuyết phục quốc hội Anh về kế hoạch Brexit sau khi bản kế hoạch bị phủ quyết với tỉ lệ “lịch sử” 432 phiếu chống trên 202 phiếu thuận. Cuộc bỏ phiếu tiếp tục gây chấn động chính trường Anh, thậm chí có thể đảo ngược kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Brexit hồi năm 2016.

Bà May cũng đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tối ngày 16-1, giờ Anh. Nhưng nhiều khả năng bà sẽ vượt qua được và tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho thỏa thuận Brexit.

Hãng tin Sky đưa tin một nhóm gồm 71 nghị sỹ thuộc Công đảng đối lập của Anh trong một bức thư đã kêu gọi lãnh đạo đảng này Jeremy Corbyn thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 về Brexit.

Tuy nhiên Bộ trưởng Giáo dục Anh Damian Hinds cùng ngày khẳng định chính phủ nước này không có kế hoạch tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về Brexit lần hai đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng các bộ trưởng Anh đang xem xét khả năng này để phá vỡ thế bế tắc hiện nay xung quanh vấn đề Brexit.

http://biendong.net/bien-dong/25875-eu-co-the-keo-dai-han-chot-brexit.html

 

Ba kịch bản của Anh

 sau ‘nỗi nhục’ kế hoạch Brexit bị quốc hội bác

Thủ tướng Theresa May đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập kêu gọi trong khi đất nước tiến gần hơn đến nguy cơ “tay không” rút khỏi EU trong 10 tuần nữa.

Sau khi kế hoạch Brexit không được thông qua tại quốc hội hôm 15/1, Thủ tướng Anh Theresa May phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể khiến bà mất chức. Lần gần nhất sự kiện tương tự xảy ra là cách đây gần 26 năm, theo AFP.

Trang nhất Daily Telegragh để dòng chữ “Nỗi nhục nhã trọn vẹn” sau cuộc bỏ phiếu tại hạ viện, trong đó 432 nghị sĩ phản đối thỏa thuận mà bà May đã đạt được với Brussels để Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) vào ngày 29/3. Chỉ 202 người ủng hộ kế hoạch của bà May, người đã dẫn dắt các cuộc đàm phán Brexit giữa Anh với EU trong hơn 2 năm qua.

“Cuộc ly hôn” đau đớn nhất tại châu Âu trong nhiều thập kỷ đang đối mặt với nguy cơ hỗn loạn khi Anh có thể phải rời EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào trong tay.

Một tháng, 2 lần bỏ phiếu bất tín nhiệm

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ của bà May, do lãnh đạo phe đối lập Jeremy Corbyn kêu gọi, dự kiến diễn ra lúc 19h ngày 16/1 (giờ địa phương), theo AFP.

Theo Luật Nghị viện Có Thời hạn năm 2011 của Anh, nếu chính phủ thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, một quy trình 2 tuần sẽ được khởi động và có thể dẫn đến cuộc tổng tuyển cử mới trên toàn quốc để chọn ra thủ tướng tiếp theo.

Trong 14 ngày này, chính phủ của bà May phải giành lại được sự tín nhiệm của hạ viện, với đa số ủng hộ, trong một cuộc bỏ phiếu khác. Nếu không, về mặt lý thuyết, ông Corbyn có thể tự xây dựng liên minh với các đảng đối lập khác để lên nắm quyền.

Trong trường hợp không bên nào có thể thành lập chính phủ mới với tình trạng hiện tại của hạ viện, quốc hội tự động giải tán và tổng tuyển cử toàn quốc sẽ diễn ra.

Bà May đang điều hành chính phủ thiểu số phụ thuộc vào sự ủng hộ của đảng Dân chủ Thống nhất (DUP) ở Bắc Ireland.

Từ năm 1900, có ba lần chính phủ Anh thất bại trong bỏ phiếu bất tín nhiệm: hai lần năm 1924 và một lần năm 1979. Trong lần gần nhất, Thủ tướng Jim Callaghan thất bại chỉ với một phiếu chênh lệch: 311-310.

Lần cuối cùng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra là vào năm 1993, cũng trong giai đoạn quan hệ giữa Anh và châu Âu gặp sóng gió. Tuy nhiên, chính phủ Thủ tướng John Major đã vượt qua với 339 phiếu thuận/299 phiếu chống.

Bà May, người lên nắm quyền thay ông David Cameron sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về Brexit năm 2015, từng kêu gọi tổng tuyển cử hồi tháng 6/2017 nhằm tăng cường vị thế của mình trong quá trình thương lượng với Brussels.

Song bà đã thất bại và để mất thế đa số. Đảng Bảo thủ của bà hiện nắm 316 ghế trong hạ viện, nhưng cần 320 phiếu mới giành được đa số. DUP, vốn có thỏa thuận ủng hộ bà May trong các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và ngân sách, giữ 10 ghế.

Bà May từng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nội bộ đảng Bảo thủ hôm 12/12 để tiếp tục lãnh đạo đảng. Theo AFP, bà May sẽ vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần này để giữ ghế thủ tướng.

“Chúng ta cần xác nhận liệu chính phủ này có còn được hạ viện tín nhiệm nữa hay không. Tôi tin là vẫn còn”, bà nói sau thất bại.

3 kịch bản Brexit

Sau diễn biến ở Anh, câu hỏi nhiều người đặt ra nhất là điều gì sẽ xảy đến với Brexit? Có 3 khả năng: bà May đạt được thỏa thuận mới với EU; Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào và Anh tổ chức trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit.

Trong kịch bản thứ nhất, chính phủ Anh và các nhà lãnh đạo EU nói thỏa thuận mà họ đạt được là tốt nhất có thể. Và dù thỏa thuận bị quốc hội Anh bác bỏ, bà May hôm 15/1 vẫn cho rằng đây là lựa chọn duy nhất.

Các thành viên của đảng Bảo thủ nói thỏa thuận giữ Anh ở lại quá gần EU trong khi các đảng đối lập nói thỏa thuận không bảo vệ được quan hệ kinh tế giữa Anh với liên minh. Cả hai bên đều không muốn duy trì biên giới mở với Cộng hòa Ireland, một nội dung trong thỏa thuận.

Bà May cảnh báo EU không đề xuất bất kỳ “thỏa thuận thay thế” nào, nhưng bà cũng nói bà sẵn sàng thảo luận với các nghị sĩ “có thể đàm phán một chân thành” và có thể thương lượng lại với EU.

Trong trường hợp không có thỏa thuận nào được thông qua trước ngày 29/3, nước Anh sẽ đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất về Brexit, việc có thể dẫn đến suy thoái kinh tế ở Anh cũng như tại châu Âu.

Kế hoạch của bà May vốn nhằm giúp giữ nguyên các quy định về thương mại giữa nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và thị trường xuất khẩu lớn nhất của nó, trong giai đoạn chuyển đổi kéo dài đến hết năm 2020.

Việc chuyển đổi đột ngột sang các tiêu chuẩn khác sẽ tác động đến hầu như mọi lĩnh vực kinh tế và có thể khiến giá cả các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày tại Anh tăng lên cũng như gây ra sự gián đoạn tại các trung tâm hậu cần như cảng biển.

Chính phủ Ireland hôm 15/1 nói họ sẽ tăng cường chuẩn bị cho kịch bản Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào, cảnh báo về nguy cơ Brexit “hỗn loạn”.

Hiện có những đồn đoán ở cả London và Brussels rằng bà May có thể tìm cách để trì hoãn Brexit, tránh kịch bản “tay không ra đi”.

Một khả năng khác là Anh sẽ tổ chức tái trưng cầu dân ý về Brexit. Những người ủng hộ EU đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu khác sau cuộc trưng cầu dân ý dẫn đến kết quả chấn động năm 2016 với 52% cử tri muốn Anh rời EU.

Không có quy định nào buộc Anh không được tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai, nhưng nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc liệu điều này có dân chủ hay không. Cuộc bỏ phiếu Brexit mới cũng có thể tiếp tục chứng kiến sự chia rẽ trong công chúng Anh tương tự lần trước.

Những người phản đối Brexit tụ tập bên ngoài trụ sở quốc hội Anh tối 15/1. Ảnh: Bloomberg.

Bà May đã cảnh báo việc tái trưng cầu dân ý “sẽ gây ra những tổn hại không thể bù đắp đối với sự liêm chính của nền chính trị chúng ta”.

Trong kịch bản này, việc đầu tiên cần làm là lùi lại ngày Anh ra đi, dù các nhà ngoại giao EU cảnh báo chỉ có thể lùi thêm một vài tháng.

“Tôi kêu gọi Anh làm rõ ý định của họ càng sớm càng tốt. Thời gian đã gần hết rồi”, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker nói, khẳng định thỏa thuận mà bà May đã đạt được với Brussels là “cách duy nhất để đảm bảo Anh rút khỏi EU một cách trật tự”.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/25877-ba-kich-ban-cua-anh-sau-noi-nhuc-ke-hoach-brexit-bi-quoc-hoi-bac.html

 

Vợ cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoàng Vỹ xin tị nạn

Vợ của chủ tịch Interpol Mạnh Hoàng Vỹ, người bị giam giữ ở Trung Quốc kể từ tháng 9, đã xin tị nạn ở Pháp cho bản thân và hai đứa con sinh đôi.

Bà Grace Mạnh và hai đứa con bảy tuổi đang sống ở Lyon, trụ sở của cơ quan cảnh sát quốc tế.

Ông Mạnh Hoàng Vỹ đã mất tích kể từ chuyến thăm Trung Quốc.

Vào tháng 10, chính quyền Trung Quốc cho biết ông Mạnh đang bị điều tra vì nghi ngờ nhận hối lộ.

Vợ và con của ông đang được cảnh sát bảo vệ, sau khi nhận được những lời đe dọa.

Trung Quốc xác nhận bắt Chủ tịch Interpol

Chủ tịch Interpol bị bắt ở TQ vì đã ‘nhận hối lộ’

Theo đài phát thanh France Inter, bà nói: “Tôi sợ họ sẽ bắt cóc tôi.”

“Tôi đã nhận được những cuộc điện thoại lạ. Ngay cả xe của tôi cũng bị hư. Hai người Trung Quốc – một người đàn ông và một người phụ nữ – đã theo tôi đến khách sạn,” bà nói thêm.

Trong các cuộc phỏng vấn truyền thông, bà đã từ chối để lộ khuôn mặt lo lắng cho sự an toàn của mình.

Vào ngày chồng bà mất tích, bà nói rằng ông đã gửi cho bà một tin nhắn trên mạng xã hội nói “Hãy đợi cuộc gọi của anh”, trước khi gửi biểu tượng hình con dao, ẩn ý có sự nguy hiểm.

Những gì được biết về Mạnh Hoàng Vỹ?

Kể từ khi ông biến mất vào ngày 25/9/2018, vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về tình trang giam giữ của ông hoặc các cáo buộc chống lại ông.

Công việc của chủ tịch Interpol 65 tuổi này phần lớn là nghi lễ và không yêu cầu ông phải trở về Trung Quốc thường xuyên.

Ông cũng là một trong sáu thứ trưởng có ảnh hưởng trong Bộ An ninh Trung Quốc và có 40 năm kinh nghiệm trong hệ thống tư pháp hình sự.

Trước đây, ông đã làm việc dưới trướng Chu Vĩnh Khang, một trong những nhân vật quyền lực nhất bị hạ bệ trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình nhắm đến hơn một triệu quan chức.

Mạnh Hoàng Vỹ được bầu làm chủ tịch Interpol vào tháng 11/2016, người Trung Quốc đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này, và dự kiến sẽ phục vụ đến năm 2020.

Ủy ban giám sát quốc gia mới của Trung Quốc – một cơ quan chống tham nhũng – cho biết ông Mạnh đang bị điều tra vì “vi phạm pháp luật”.

Nhưng không giống như các vụ giam giữ cấp cao khác, nó không đề cập đến cáo buộc “vi phạm nội quy đảng”.

Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để biện minh cho cáo buộc chống lại ông Mạnh.

Interpol đã phản ứng thế nào?

Trung Quốc cho biết ông Mạnh đã viết một lá thư từ chức và Tổng thư ký Interpol Jürgen Stock xác nhận đã nhận được lá thư này vào ngày 7/10/2018.

“Không có lý do gì để tôi (nghi ngờ) rằng có điều gì bị ép buộc hoặc không đúng,” ông nói.

Được trích dẫn bởi hãng tin Associated Press, ông Stock cho biết các quy tắc của Interpol không cho phép ông điều tra vụ mất tích của ông Mạnh.

Interpol chấp nhận thư từ chức mà không bình luận thêm.

Vào tháng 11, Interpol đã bầu Kim Jong-yang của Hàn Quốc làm chủ tịch mới, từ chối một ứng cử viên người Nga, người được cho là kế nhiệm ông Mạnh.

Interpol là gì?

Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế được thành lập năm 1923 tại Vienna và các thành viên ban đầu bao gồm Đức, Pháp và Trung Quốc.

Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã không tham gia cho đến mãi sau này.

Năm 1956, nó được chính thức gọi là Interpol và từ đó đã phát triển thành một mạng lưới gồm 194 quốc gia thành viên.

Mục đích chính của nó là thúc đẩy hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo giữa các lực lượng cảnh sát.

Tổng thư ký giám sát công việc hàng ngày. Nó tập trung vào các tội phạm như khủng bố, buôn bán ma túy, buôn lậu người, khiêu dâm trẻ em và rửa tiền

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46930235

 

Các thị trưởng bất bình trong cuộc tranh luận

 do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức

Souillac, Pháp – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Sáu (18 tháng 1), các thị trưởng của những vùng nông thôn từ miền nam nước Pháp đã lên tiếng cho sự bất bình của họ trong cuộc tranh luận do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức tại thị trấn Souillac.

Theo hãng tin Reuters, cuộc tranh luận tại thị trấn Souillac được tổ chức như một phần của chuyến đi tranh luận quốc gia kéo dài hai tháng của Tổng thống Macron. Chuyến đi được bắt đầu vào đầu tuần này.

Các thị trưởng nhấn mạnh rằng, họ cảm thấy không được coi trọng, và họ có quyền tham gia nhiều hơn vào việc ra quyết định.

Ở phía tây nam thị trấn Souillac, 600 thị trưởng từ khu vực Lot đã gặp gỡ để giải quyết các vấn đề được đưa ra trước “cuộc bạo động áo khoác vàng.” Ban đầu, nguyên nhân “bạo động áo khoác vàng” nổi lên là vì phản đối việc tăng thuế nhiên liệu, nhưng sau đó đã phát triển thành sự thất vọng chung về mức thuế và chi phí sinh hoạt cao.

Tại cuộc tranh luận, những chủ đề được đưa ra bao gồm, chủ đề về hệ thống giao thông công cộng ở vùng nông thôn nước Pháp, việc đánh thuế gây tranh cãi của những người giàu nhất, và việc các cộng đồng nông thôn không được tham khảo ý kiến trong việc ra quyết định.

Cuộc tranh luận quốc gia được tạo ra nhằm tập trung vào bốn chủ đề: thuế, năng lượng xanh, cải cách thể chế và quyền công dân. Cuộc tranh luận này dự kiến sẽ tiếp tục trong bốn tuần, và kết thúc vào ngày 15 tháng 3, sau đó Tổng thống Macron sẽ đưa ra những kết luận của ông. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/cac-thi-truong-bat-binh-trong-cuoc-tranh-luan-do-tong-thong-phap-emmanuel-macron-to-chuc/

 

Pháp: “Áo Vàng chống cảnh sát”,

trò chơi mới trong sân trường

Phong trào Áo Vàng làm cho tổng thống Pháp Macron và chính phủ thủ tướng Edouard Philippe phải lao đao, khốn khổ. Nhưng « Áo Vàng » và « CRS » (cảnh sát chống bạo động) lại đang là một trò chơi được rất nhiều em học sinh ưa thích trong giờ ra chơi.

Ai nói rằng phong trào Áo Vàng chỉ là đề tài tranh luận của người lớn ? Tại một số trường tiểu học, Áo Vàng bắt đầu xen vào các cuộc “thảo luận” giữa các em học sinh. Adam, 6 tuổi, hồn nhiên kể lại với phóng viên AFP : « Hiện có nhiều bạn em hô to ʺMacron từ chứcʺ. Nhưng em không đồng ý, nên em không hô ».

Bên cạnh những trò chơi quen thuộc như đá bóng, mèo vờn chuột…, một hình thức trò chơi mới đang nở rộ trong sân trường : Áo Vàng chống cảnh sát bạo động CRS. « Áo Vàng là phe dữ. Họ đập phá các tủ kính. Và bọn em dựng rào chắn, ngăn Áo Vàng và cảnh sát. Nhưng em thì thích làm Áo Vàng hơn là làm cảnh sát. Vì em không thích chạy », Adam cho biết tiếp.

Giờ đây, trong sân trường giờ giải lao, người ta nghe vang các khẩu hiệu « Macron démission» (Macron từ chức), một điệp khúc trong bài hát « Gilets Jaunes » (Áo Vàng) do Kopp Johnson trình bày trong một đoạn clip video, thu hút đến 17 triệu lượt người xem trên Youtube.

Phong trào Áo Vàng còn là nguồn cảm hứng cho một vở kịch của các em học sinh. Trong vở kịch này, các em sáng tác các luật lệ sao cho « các em nhỏ phải nổi dậy ». Mục đích là để hiểu rằng « có những lý do đúng để nổi dậy và cũng có những lý do không đúng », vì các em cũng bắt đầu cảm thấy chán các cuộc biểu tình.

« Phe Áo Vàng là những người không tử tế », bởi vì căn tin ở trường từ một tuần nay phải đóng cửa do xe giao hàng bị những người Áo Vàng cản trở, như thổ lộ của Safa, 5 tuổi, ở vùng Val d’Oise.

Câu hỏi « Cuối cùng ai mới thật sự là kẻ dữ ? » không ngừng được đặt ra sau giờ học. Một câu hỏi khó trả lời đối với các bậc phụ huynh và cả với giáo viên. Bởi một lẽ đương nhiên, xã hội Pháp giờ cũng đang chia rẽ vì « Áo Vàng ».

http://vi.rfi.fr/phap/20190119-phap-%C2%AB-ao-vang-chong-canh-sat-%C2%BB-tro-choi-moi-trong-san-truong

 

Chiến tranh mạng : Pháp công bố chiến lược mới

Minh Anh

Ngày 18/01/2019, chính phủ Pháp đã trình bày học thuyết mới về phòng thủ mạng. Kể từ nay quân đội không chỉ đáp trả một vụ tấn công tin học, mà còn có khả năng sử dụng mạng tin học như là một vũ khí tấn công trên chiến trường.

Từ lâu, học thuyết quân sự của Pháp về chiến tranh mạng được cho là mang tính phòng vệ. Quân đội chỉ tìm cách phá vỡ và ngăn chận các vụ tấn công tin học mà họ là mục tiêu chính. Năm 2017, trong số 700 sự cố an ninh, có đến khoảng 100 vụ là tấn công tin học, mà mục tiêu chính là các hệ thống mạng của bộ Quốc Phòng. Và đây cũng chính là số vụ tấn công mạng tính riêng trong tháng 9/2018, theo như tiết lộ của bộ trưởng Quân Lực, bà Florence Parly.

Giờ đã đến lúc Pháp phải chuyển sang thế tấn công. Bộ trưởng Quân Lực Pháp tuyên bố : « Cuộc chiến tin học đã bắt đầu và Pháp phải sẵn sàng để chiến đấu. Trong trường hợp quân đội chúng ta bị tấn công tin học, chúng ta có quyền đáp trả theo đúng luật lệ, bằng những phương tiện và thời điểm do chúng ta chọn. Chúng ta cũng có quyền vô hiệu hóa các tác động và các phương tiện kỹ thuật số được sử dụng ».

Một cách chính thức, quân đội Pháp không chỉ đáp trả các vụ tấn công mạng, mà còn có thể vô hiệu hóa các thông điệp tuyên truyền và phá hủy các máy chủ từ xa. Không những thế, quân đội Pháp còn có thể sử dụng tin học như là một vũ khí chiến đấu trên chiến trường bên cạnh các loại vũ khí thông thường khác.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, François Lecointre nêu rõ các bước : « Trước hết là quân báo, qua việc khai thác và thu thập thông tin ; đánh lừa bằng cách làm thay đổi khả năng phân tích của kẻ thù ; vô hiệu hóa bằng cách giảm thiểu hay phá hủy khả năng tin học của quân đội đối phương».

http://vi.rfi.fr/phap/20190119-chien-tranh-mang-phap-cong-bo-sach-luoc-moi

 

Pháp: “Áo Vàng” tiếp tục biểu tình

bất chấp “Thảo luận toàn quốc”

Thanh Phương

Hôm nay, 19/01/2019, những người Áo Vàng lại xuống đường tại nhiều nơi ở Pháp, vài ngày sau khi tổng thống Emmanuel Macron khởi động cuộc “Thảo luận toàn quốc” nhằm xoa dịu phong trào biểu tình chưa từng có đã kéo dài từ hai tháng qua.

Đây là lần thứ 10, những người Áo Vàng xuống đường vào thứ Bảy. Theo một nguồn tin cảnh sát được hãng tin AFP trích dẫn, số người tham gia biểu tình hôm nay ít nhất sẽ bằng với số người thứ Bảy tuần trước, tức là khoảng hơn 80 ngàn người. Ngoài Paris, những người Áo Vàng tuần hành tại nhiều thành phố khác như Bordeaux, Toulouse, Marseille, Lyon….

Chính phủ Pháp cũng đã dự trù một lực lượng an ninh tương tự như thứ Bảy tuần trước, tức là khoảng 80 ngàn cảnh sát và hiến binh được huy động.

Riêng tại Paris, những người tổ chức biểu tình đã kêu gọi những người tham gia mang theo một cành hoa hoặc cây nến dành cho những người đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi khởi đầu phong trào Áo Vàng ngày 17/11/2018. Vào trưa nay, một đoàn biểu tình gồm khoảng 1 ngàn người đã xuất phát từ quảng trường Invalides, vừa đi vừa hô khẩu hiệu “ Macron từ chức” và hát quốc ca Pháp. Họ tuần hành đến quảng trường Italie rồi sau đó quay trở lại quảng trường Invalides.

Trong tuần qua, đã có nhiều tranh cãi về việc cảnh sát sử dụng súng bắn đạn nhựa, gây thương tích trầm trọng cho nhiều người biểu tình. Bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner hôm qua đã biện minh cho việc sử dụng súng bắn đạn nhựa để đối phó với biểu tình. Theo lời ông Castaner, chính nhờ dùng vũ khí này, mà lực lượng cảnh sát tránh va chạm trực tiếp với người biểu tình, và như vậy tránh được nhiều thương tích.

Sau các cuộc tuần hành hôm nay, những người Áo Vàng được kêu gọi tiếp tục xuống đường ngày mai tại nhiều thành phố.

Trong khi đó, hôm qua, trong khuôn khổ đợt “Thảo luận toàn quốc”, tổng thống Emmanuel Macron đã đối thoại trong hơn 5 tiếng đồng hồ với 600 thị trưởng tại Souillac, một thành phố nhỏ miền tây nam nước Pháp. Nhưng một số người tham gia cuộc đối thoại đã cảnh báo tổng thống Pháp rằng những lời nói suông sẽ không đủ để chấm dứt được cuộc khủng hoảng Áo Vàng.

Trong cuộc đối thoại hôm qua, ông Macron đã một lần nữa bảo vệ việc xóa bỏ thuế đánh vào những người có tài sản lớn ( ISF ), mặc dù những người Áo Vàng vẫn đòi tái lập loại thuế này.

http://vi.rfi.fr/phap/20190119-phap-%E2%80%9Cao-vang%E2%80%9D-tiep-tuc-bieu-tinh-bat-chap-%E2%80%9Cthao-luan-toan-quoc%E2%80%9D

 

Đức xem xét cấm Huawei lập mạng 5G ‘vì rủi ro an ninh’

Chỉ hơn một tháng sau khi Tổng thống Đức thăm Trung Quốc, Berlin xem xét việc cấm Huawei thiết kế mạng 5G ở nước này.

Huawei tuyên bố sa thải Vương Vệ Tinh

Nhà sáng lập Huawei phủ nhận rò rỉ tin cho TQ

Ba Lan bắt quan chức Huawei ‘vì nghi gián điệp’

Hồi đầu tháng 12/2018, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier sang thăm Bắc Kinh và được Chủ tịch Tập Cận Bình trải thảm đỏ đón long trọng.

Hai bên nói về quan hệ chiến lược và việc mở đường cho các tập đoàn Trung Quốc đầu tư vào Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Vào lúc đó, chính phủ Đức bác bỏ các lo ngại về hoạt động của Huawei ở châu Âu.

Nhưng hôm 18/01/2019, Bộ Nội vụ Đức cho hay họ đang xem xét việc “cấm hoàn toàn Huawei tham gia thiết kế mạng viễn thông 5G”.

Điều này, nếu xảy ra, sẽ đưa Đức vào cùng nhóm các nước Phương Tây và EU “không hoan nghênh” hệ 5G của Huawei.

Trước đó, Ba Lan cũng lên tiếng tương tự, cho rằng Huawei “tạo rủi ro an ninh”, và quan chức Cộng hòa Czech cũng chia sẻ quan điểm này.

Cho đến gần đây, Hoa Kỳ, Úc và New Zealand là các nước mạnh mẽ nhất trong việc chỉ trích tập đoàn Huawei của Trung Quốc.

Bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei bị Canada bắt hồi cuối 2018 theo yêu cầu của Mỹ. Vụ việc đã gây ra căng thẳng quan hệ Canada-Trung Quốc.

Tới nay, có vẻ như chiến dịch nhắm vào Huawei có hai phần.

Một là việc cấm Huawei xây dựng mạng viễn thông vì lo ngại vì Trung Quốc “xâm nhập”.

Hai là việc không cung cấp cho Huawei và các công ty Trung Quốc công nghệ cao, nhằm hạn chế sự phát triển của Trung Quốc.

Hôm 17/01, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đề nghị ra một luật cấm các hãng Hoa Kỳ bán chip cho Huawei, ZTE và các doanh nghiệp Trung Quốc nếu họ “vi phạm lệnh cấm vận” mà Mỹ áp đặt với một số quốc gia.

Chủ nghĩa Marx và thương mại

Dù có thể ra lệnh cấm Huawei xây dựng mạng 5G, Đức vẫn tiếp tục muốn có quan hệ kinh tế tốt với Trung Quốc.

Tuần này, Bộ trưởng Tài chính Đức, Olaf Scholz đang ở thăm Trung Quốc và ký kết một thỏa thuận về hợp tác công nghệ tài chính với Phó Thủ tướng Lưu Hạc.

Trao đổi thương mại Đức với TQ đạt 230 tỷ USD năm 2017.

Tuy thế, hai nước vẫn giữ quan điểm khác nhau về chính trị và hệ giá trị.

Sang thăm Trung Quốc tháng 12/2018, Tổng thống Steinmeier của Đức cũng cảnh báo cử tọa sinh viên tại Tứ Xuyên rằng “tai họa đã diễn ra ở Đức và Đông Âu nhân danh Karl Marx”.

Ông cũng công khai nói rằng tuy thế Karl Marx khi còn sống luôn ủng hộ tự do tư tưởng.

Phát biểu của ông Steinmeier được nêu ra không lâu sau khi Chủ tịch Tập ca ngợi chủ nghĩa Marx và con đường cộng sản cho Trung Quốc.

Xem thêm về Đức:

Thủ tướng VN gặp Đại sứ Đức

Thành phố Đức ‘nhấp nháy đèn Karl Marx’

Ozil rời tuyển Đức vì ‘bị phân biệt chủng tộc’

Các diễn tiến về Huawei

10/2012: Một ủy ban quốc hội Mỹ cảnh báo Huawei và đối thủ ZTE là đe dọa an ninh, theo sau một cuộc điều tra

7/2013: Huawei bác bỏ cáo buộc của một cựu lãnh đạo CIA rằng công ty làm gián điệp cho Trung Quốc

10/2014: Huawei nói lệnh cấm đấu thầu hợp đồng với chính phủ Mỹ là “không quan trọng”

19/7/2018: Báo cáo chính phủ Anh nói họ chỉ “có đảm bảo hạn chế” rằng thiết bị Huawei không phải đe dọa an ninh quốc gia

23/8/2018: Australia nói Huawei và ZTE sẽ bị cấm tham gia mạng lưới 5G

28/11/2018: New Zealand loại Huawei khỏi mạng 5G

1/12/2018: Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Vancouver, Canada

24/12/2018: Thiết bị Huawei bị đưa ra khỏi một hệ thống dùng cho dịch vụ khẩn cấp ở Anh

12/1/2019: Huawei sa thải một nhân viên bị bắt ở Ba Lan vì nghi làm gián điệp

17/1: Đại học Oxford của Anh cho hay đã tạm ngừng nhận tiền tài trợ của Huawei

https://www.bbc.com/vietnamese/business-4692112

 

Đức kêu gọi Nga và Ukraine giảm leo thang xung đột

Moscow và Kiev – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Sáu (18 tháng 1), Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas kêu gọi cả Nga và Ukraine giảm leo thang xung đột ở miền đông Ukraine, và cho biết rằng cả Pháp và Đức đều sẵn sàng giúp đỡ bằng cách giám sát giao thông hải quân gần bờ biển Crimea.

Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Ukraine, ông Pavlo Klimkin, thì tại Kiev, Ngoại trưởng Maas một lần nữa kêu gọi Moscow trả tự do cho thủy thủ đoàn của ba tàu hải quân Ukraine. Thủy thủ đoàn của 3 tàu này bị Moscow bắt giữ hồi tháng 11 năm ngoái, ở ngoài khơi bán đảo Crimea.

Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Moscow, Ngoại trưởng Mass cũng tuyên bố tại Kiev rằng, tất cả các bên cần góp phần để giảm leo thang các cuộc xung đột. Ông Mass cho rằng, Nga phải cho phép tàu thuyền đi qua eo biển Kerch dẫn đến biển Azov. Trong khi đó, ông Klimkin rất hoan nghênh lời đề nghị của Đức với việc giám sát lưu lượng vận chuyển qua Eo biển Kerch.

Trong cuộc phỏng vấn với các phóng viên, ông Lavrov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý lời đề nghị của Thủ tướng Đức Angela Merkel, về việc cho các chuyên gia Đức theo dõi eo biển Kerch, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thấy họ đến.

Ngoài ra, ông Mass cho biết, Đức vẫn ủng hộ dự án Nord Stream 2 của Nga, bất chấp sự chỉ trích từ Washington và một số nước châu Âu khác. Bên cạnh đó, ông Mass cũng khẳng định, ông Lavrov đã gia hạn cam kết của Moscow về việc tiếp tục vận chuyển khí đốt tự nhiên thông qua Ukraine, bất chấp việc đường ống Nord Stream 2 đang được xây dựng dưới biển Baltic. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/duc-keu-goi-nga-va-ukraine-giam-leo-thang-xung-dot/

 

Nga trở thành quốc gia trữ vàng lớn thứ năm thế giới

sau khi bị trừng phạt

Nga vừa vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia dự trữ vàng lớn thứ năm trên thế giới giữa bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến ngân hàng trung ương nước này mua vàng vào với mức cao kỷ lục trong năm 2018, Reuters trích dẫn dữ liệu chính thức của ngân hàng này cho biết hôm 18/1.

Với sự ủng hộ của Tổng thống Vladimir Putin, ngân hàng trung ương đã đầu tư rất nhiều vào vàng thỏi, thường được coi là công cụ an toàn hay phương pháp giảm thiểu rủi ro tự nhiên chống lại đồng đôla, với lượng mua tích cực trong 10 năm qua.

Năm 2018, lượng mua của Nga đã tăng vọt khi lượng nắm giữ về chứng khoán Kho bạc Mỹ sụt giảm sau khi Washington áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các thực thể Nga hồi tháng Tư, biện pháp cứng rắn nhất kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014.

Ngân hàng trung ương Nga cho biết đã mua vào 8,8 triệu ounce vàng vào năm ngoái, phá kỷ lục 7,2 triệu ounce được thiết lập trong năm 2017.

Tính đến ngày 1/1 năm nay, ngân hàng trung ương đã nắm giữ 67,9 triệu ounce vàng, tăng từ 59,1 triệu ounce vào đầu năm 2018, khiến nó trở thành chủ sở hữu lớn thứ năm trên thế giới sau Hoa Kỳ, Đức, Pháp và Ý.

Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ sáu khi báo cáo mức tăng dự trữ vàng chỉ một lần trong vòng hơn hai năm, với lượng dự trữ tăng lên 59,6 triệu ounce trong tháng 12 năm 2018 từ mức 59,2 triệu ounce vào tháng 10/2016.

Reuters dẫn các nguồn tin trong lĩnh vực này cho biết một trong những lý do khiến ngân hàng trung ương của Nga đặt cược vào vàng là do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, vì nó không thể bị đóng băng hoặc nằm trong danh sách đen được.

“Có vẻ như có mục đích đa dạng hóa từ các tài sản của Mỹ”, Reuters dẫn nguồn tin từ một nhà sản xuất vàng của Nga khi đề cập đến việc dự trữ vàng của ngân hàng trung ương.

Hồi tháng 5, ông Putin nói rằng “sự độc quyền của đồng đôla Mỹ không đủ tin cậy, nó rất nguy hiểm đối với nhiều người”.

Ngân hàng trung ương Nga đang mua vàng sản xuất trong nước từ các ngân hàng thương mại. Quy mô mua vào trong tương lai là một bí mật nhà nước. Không rõ liệu nó sẽ tiếp tục tăng dự trữ vàng với tốc độ tương tự, khoảng 14% một năm, vào năm 2019 hay không.

Tuy nhiên, ngân hàng trung ương đã mua một phần đáng kể sản lượng vàng trong nước của Nga, vốn cũng đang tăng nhưng với tốc độ chậm hơn, các nguồn tin trong ngành cho biết thêm.

Ngân hàng trung ương từ chối bình luận với Reuters về các thông tin trên.

Nga là nhà sản xuất vàng lớn thứ ba thế giới. Nước này đã tăng sản lượng vàng năm 2017 lên 6%. Liên minh Công nghiệp Vàng, nơi vận động hành lang cho các nhà sản xuất vàng, trước đây dự kiến sản lượng vàng của Nga năm 2018 sẽ tăng 3%.

Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Nga, nước này đã sản xuất 8,5 triệu ounce (265 tấn) vàng từ tháng 1 đến tháng 10 năm ngoái.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-tro-thanh-quoc-gia-tru-vang-lon-thu-5-the-gioi-sau-khi-bi-trung-phat/4749282.html

 

Nga đồng ý cho Pháp và Đức

gởi quan sát viên đến eo biển Kertch

Minh Anh

Ngoại trưởng Nga, Serguei Lavrov, ngày 18/01/2019, cho biết Matxcơva chấp thuận các quan sát viên của Pháp và Đức đến giám sát eo biển Kertch, nằm giữa Biển Đen và vùng biển Azov.

Đây là nơi xảy ra một vụ va chạm giữa Nga và Ukraina hồi cuối tháng 11/2018 dẫn đến việc Nga bắt giữ 3 tầu chiến Ukraina và 24 thủy thủ.

Thông báo trên của ngoại trưởng Nga được Ukraina đón nhận một cách thận trọng. Từ Kiev, thông tín viên Sébastien Gobert giải thích:

« Nhìn từ Kiev, điều đó chưa đủ. Việc gởi các quan sát viên Pháp và Đức đến eo biển Kertch đương nhiên là rất được hoan nghênh, bởi vì cả Pháp và Đức đã không nhượng bộ Nga, vốn dĩ không muốn cho Ukraina tham gia vào dự án này, một hình thức qua đó Ukraina hợp pháp hóa chủ quyền lãnh thổ tại Crimée.

Tuy nhiên, Ukraina đã đề nghị phương Tây đưa các nhà quan sát lên cả các tầu chiến của nước này, nhằm giúp họ có thể đi vào vùng biển Azov. Kiev còn đề nghị lực lượng quân đội NATO đến trấn giữ ngoài khơi bán đảo Crimée. Hiện chỉ có vài chiếc tầu chiến của Anh và Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra.

PUBLICITÉ

Phương Tây không chấp nhận lời đề nghị này, bởi lẽ có nhiều rủi ro hiển nhiên. Nhưng đối với chính quyền Kiev, sự can dự trực tiếp của phương Tây có lẽ sẽ là phương cách duy nhất để ngăn chận tiến trình sáp nhập vùng biển Azov.

Sáng kiến Pháp – Đức cũng không giải quyết được một trong những vấn đề quan trọng nhất sau vụ leo thang căng thẳng hồi tháng 11/2018 : chưa một ai trong số 24 thủy thủ Ukraina, bị xem như là tù binh chiến tranh, đã được thả khỏi các nhà tù của Nga. Do vậy, sự hiện diện đơn thuần của các nhà quan sát tại eo biển Kertch sẽ chẳng làm thay đổi được điều gì cả. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190119-nga-dong-y-phap-va-duc-goi-quan-sat-vien-den-eo-bien-kertch

 

TQ lo thất nghiệp và bất ổn

khi Tết Nguyên đán tới gần

Trong vài tuần qua, giới chức Trung Quốc đưa ra một loạt các thông báo, bao gồm cắt giảm thuế, nới lỏng chính sách tiền tệ và kế hoạch hỗ trợ chi tiêu công. Động thái này xuất hiện khi các dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế trong nước chững lại và Hoa Kỳ không có dấu hiệu nới lỏng áp lực thương mại.

Theo CNBC, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng tình trạng thất nghiệp có thể dẫn đến bất ổn xã hội và hoài nghi sâu sắc hơn về tuyên bố của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc hành xử vì lợi ích tốt nhất của đất nước. Nền kinh tế được dự đoán sẽ chậm lại, từ mức tăng trưởng khoảng 6,5% xuống chỉ còn hơn 6%.

“Chúng tôi nghĩ rằng rủi ro lớn nhất trong thời gian tới là thất nghiệp gia tăng vào dịp Tết Nguyên đán”, ông Haibin Zhu, kinh tế trưởng về Trung Quốc của J.P. Morgan, cho biết trong một bài báo hôm thứ Hai (14/1), theo CNBC.

Vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp thường đóng cửa trong một hoặc hai tuần và các nhân viên về quê thăm gia đình. Đối với ít nhất một nhà máy ở Quảng Đông, việc đóng cửa bắt đầu vào đầu tháng 12 và tiếp diễn cho đến tháng 3, theo thông tin từ giới truyền thông Trung Quốc.

“Ở một đất nước khét tiếng về kiểm duyệt nặng nề, không rõ liệu việc đóng cửa sớm [như trên] có phải là dấu hiệu của một xu hướng rộng lớn hơn hay không”, CNBC đặt ra nghi vấn. Nhưng các cuộc khảo sát chỉ ra tình trạng mất việc làm ngày càng tăng trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là sau khi chính quyền Trump áp thuế quan đối với nhóm hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc.

Ông Ernan Cui, nhà phân tích về người tiêu dùng Trung Quốc, thuộc công ty tư vấn Gavekal Dragonomics cho biết trong báo cáo ngày 9/1 rằng một cuộc khảo sát chính thức đối với 374.000 doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp cho thấy số việc làm đã giảm khoảng 2,8 triệu vị trí trong vòng 12 tháng, tính đến tháng 11/2018.

Trong một báo cáo khác, UBS ước tính tổng thiệt hại việc làm tiềm năng trong các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu của Trung Quốc có thể lên tới 1,5 triệu việc làm.

Tình trạng mất việc không chỉ có trong ngành sản xuất, theo CNBC. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy mức độ yếu kém về việc làm như vậy, kể từ khi cuộc hoảng loạn trên thị trường (chứng khoán) vào quý 1 năm 2016”, theo Leland Miller, CEO của China Beige Book cho biết.

Bà Meng Wei, phát ngôn viên của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho biết căng thẳng thương mại với Mỹ đã gây ra một số bất ổn trong thị trường lao động Trung Quốc, và chính phủ đã đặt ưu tiên cho việc giữ ổn định việc làm. Tuy nhiên, không rõ khi nào và liệu các sáng kiến ổn định việc làm mà Bắc Kinh đưa ra có hiệu quả thực tế hay không, theo CNBC.

http://biendong.net/bien-dong/25880-tq-lo-that-nghiep-va-bat-on-khi-tet-nguyen-dan-toi-gan.html

 

Lá bài S-400 của Trung Quốc

trong kịch bản nổ ra xung đột với Đài Loan

Mong muốn nhanh chóng thu hồi Đài Loan của Chủ tịch Trung Quốc có thể đẩy căng thẳng hai bờ eo biển tới nguy cơ xung đột trực diện.

“Thông điệp gửi các đồng bào ở Đài Loan” của Bắc Kinh ngày 1/1/1979 được coi là bước ngoặt mở ra một kỷ nguyên mới giữa hai bờ eo biển Đài Loan sau nhiều thập kỷ thù địch. Bản tuyên bố này không chỉ khẳng định việc Trung Quốc sẽ chấm dứt các cuộc pháo kích vào đảo Đài Loan, mà còn đánh dấu sự thay đổi trong mục tiêu “giải phóng” hòn đảo sang “thống nhất hòa bình”.

Tuy nhiên, đúng 40 năm sau, bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 2/1 để kỷ niệm sự kiện này dường như mở ra một cách tiếp cận mới của Bắc Kinh đối với vấn đề Đài Loan, làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ mở ra cánh cửa chiến tranh sau 4 thập kỷ yên ắng, theo SCMP.

Trong bài phát biểu, ông Tập định nghĩa lại Đồng thuận 1992, thỏa thuận phi chính thức được các đại biểu của Trung Quốc đại lục và Đài Loan thống nhất rằng chỉ có “một Trung Quốc”, dù mỗi bên có cách hiểu của riêng mình về cái gì tạo nên “Trung Quốc” đó. Ông khẳng định Đài Loan phải chấp nhận rằng hòn đảo “bắt buộc và sẽ được” thống nhất với đại lục theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” từng áp dụng với Hong Kong và Macau, dù khái niệm này hoàn toàn xa lạ với người dân Đài Loan.

Ở Đài Loan, bài phát biểu đầy cứng rắn của ông Tập dường như “phản tác dụng”, khi nó tạo nên sự đoàn kết hiếm thấy giữa các đảng phái chính trị trong lập trường với Bắc Kinh. Từ các lãnh đạo của đảng Dân Tiến cầm quyền phản đối nguyên tắc “Một Trung Quốc” cho đến Quốc Dân đảng vốn có truyền thống thân Bắc Kinh và ba đảng đối lập lớn khác đều lên tiếng bác bỏ mô hình thống nhất do ông Tập đề xướng.

Cựu chủ tịch Quốc Dân đảng Mã Anh Cửu khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng sẽ không có chỗ cho “một quốc gia, hai chế độ” ở Đài Loan. Trong thời kỳ làm lãnh đạo Đài Loan 2008-2016, ông Mã đã thực thi chính sách “ba không”, gồm không thống nhất, không độc lập và không chiến tranh với Trung Quốc đại lục.

Một cuộc khảo sát được tiến hành cuối tháng 12/2018 cho thấy 81,2% người dân Đài Loan không chấp nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Trong khảo sát khác do Đại học Chengchi thực hiện hồi tháng 8/2018, đa số người dân Đài Loan muốn duy trì bản sắc riêng của mình, chỉ có 3% số người được hỏi muốn sớm thống nhất với Trung Quốc đại lục.

Nhiều người Đài Loan tỏ ra không mặn mà với mô hình “một quốc gia, hai chế độ” khi chứng kiến những gì đang diễn ra ở Hong Kong sau hơn hai thập kỷ trở về với Trung Quốc. Một bộ phận dân Hong Kong cho rằng nền dân chủ của họ đang bị suy giảm dưới ảnh hưởng của Bắc Kinh và hàng trăm nghìn người ở đặc khu kinh tế này từng đổ xuống đường tổ chức biểu tình quy mô lớn vào năm 2014, gây chấn động dư luận quốc tế.

Chủ tịch Trung Quốc còn cho thấy Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ và đàm phán với Đài Loan để tìm ra giải pháp hòa bình, khi nhấn mạnh nước này không bao giờ từ bỏ phương án sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan. Ngay lập tức, hàng loạt câu hỏi xuất hiện trên các tờ báo trên thế giới, như “Liệu Trung Quốc có gây chiến với Đài Loan không?” và “Lực lượng phòng vệ Đài Loan đã đủ sức đối đầu với Trung Quốc hay chưa”. Một số cựu tướng quân đội, chuyên gia quân sự quốc tế còn dự đoán rằng Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan trong giai đoạn 2020-2025.

Giới quan sát cho rằng Đồng thuận 1992 chính là cơ sở chính trị để Bắc Kinh đàm phán với Quốc Dân đảng trong thời kỳ đảng này nắm quyền ở Đài Loan. Thỏa thuận này thừa nhận có bất đồng giữa hai bờ eo biển Đài Loan và duy trì một sự mơ hồ nhất định để hai bên có không gian đàm phán. Nhưng khi định nghĩa lại thỏa thuận này, ông Tập có thể đã đóng sập cánh cửa thương lượng với Quốc Dân đảng trong trường hợp đảng này quay lại nắm quyền sau cuộc bầu cử 2020 ở Đài Loan.

Nhiều lãnh đạo Trung Quốc trước đây đã tìm cách thống nhất Đài Loan, nhưng họ không thể hiện sự nôn nóng như ông Tập, người mô tả việc thu hồi hòn đảo là “yêu cầu không thể tránh khỏi” cho chương trình “chấn hưng Trung Hoa” đầy tham vọng của mình. Ông từng tuyên bố “vấn đề Đài Loan” không thể để lại cho thế hệ sau và đã kêu gọi quân đội Trung Quốc sẵn sàng cho “những trận chiến đẫm máu” để bảo vệ “từng tấc lãnh thổ”.

Bình luận viên Cary Huang của SCMP cho rằng sự nóng vội của ông Tập cho thấy Bắc Kinh ngày càng mất niềm tin vào triển vọng “thống nhất hòa bình” với Đài Loan và có nguy cơ làm đình trệ vô thời hạn tiến trình đàm phán về vấn đề này giữa hai bên.

“Với việc tuyên bố thống nhất với Đài Loan là không thể tránh khỏi và đe dọa sử dụng vũ lực chống lại các ‘phong trào đòi ly khai’ cũng như sự can thiệp từ bên ngoài, ông Tập đang làm hồi sinh một chiến lược nội chiến trong vấn đề Đài Loan”, Huang nhận định.

Bình luận viên này cho rằng chính sách của ông Tập cho thấy hố sâu chính trị giữa hai bờ eo biển rộng 180 km này không được thu hẹp chút nào trong suốt 40 năm qua mà chỉ ngày càng rộng thêm, tạo thành một trong những điểm nóng xung đột nguy hiểm nhất thế giới, có thể mở toang cánh cửa chiến tranh bất cứ lúc nào, khi mọi cánh cửa đàm phán đều đóng lại.

Trong một bài bình luận trên Project Syndicate, giáo sư Minxin Pei thuộc Đại học Claremont McKenna, Mỹ cho rằng điểm nóng tại eo biển Đài Loan này có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia đang lâm vào “chiến tranh lạnh kiểu mới”.

Là đồng minh thân cận nhất với Đài Loan, Mỹ nhiều khả năng sẽ không chấp nhận bất cứ hành động can thiệp quân sự nào của Trung Quốc vào hòn đảo và đã có những bước đi quyết liệt để phát đi thông điệp rằng họ sẽ không bao giờ ngồi yên nhìn Đài Loan bị “bắt nạt”. Hồi đầu năm ngoái, quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Đi lại Đài Loan, cho phép các quan chức cấp cao nước này tới thăm hòn đảo và ngược lại. Động thái này dù mang tính biểu tượng nhưng cũng khiến Bắc Kinh nổi giận, vì họ cho rằng nó đồng nghĩa với việc Washington công nhận chính quyền Đài Loan.

Mỹ hồi tháng 9 cũng triệu hồi đại sứ tại Cộng hòa Dominica, El Salvador và Panama để phản đối việc các nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đưa ra những đề xuất nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với Đài Loan và nâng cao năng lực phòng thủ cho hòn đảo.

“Trung Quốc tới nay mới chỉ dùng ngôn từ để gia tăng sức ép đối với Đài Loan và tránh vượt tầm kiểm soát khi quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng”, giáo sư Pei nhận định. “Nhưng khi cuộc đấu với Mỹ leo thang, nếu lãnh đạo Trung Quốc không thay đổi cách tiếp cận của mình trong chính sách với Đài Loan, xung đột trực diện có thể bùng nổ”.

http://biendong.net/bi-n-nong/25870-la-bai-s-400-cua-trung-quoc-trong-kich-ban-no-ra-xung-dot-voi-dai-loan.html

 

Hàn Quốc : Bỏ phế các cơ sở Thế Vận Hội,

chính phủ bị chỉ trích

Minh Anh

Tại Hàn Quốc, căng thẳng đang dấy lên giữa chính quyền địa phương và trung ương liên quan đến các cơ sở hạ tầng phục vụ Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang 2018, bị chỉ trích là quá tốn kém và bây giờ trở nên vô dụng.

Với tổng chi phí xây dựng lên đến 10 tỷ euro, Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang được xem như là một thành công lớn, vì là nơi tạo cơ hội cho hai miền Nam – Bắc Triều Tiên khởi động một cuộc đối thoại vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay.

Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias gởi về bài tường thuật :

« Một đường trượt tuyết bị bỏ phế, một đường đua trượt băng tốc độ phải dùng vào việc khác, một sân trượt băng hockey vô tác dụng : Một năm sau Thế vận hội, Hàn Quốc chẳng biết làm gì với các cơ sở phục vụ cho sự kiện này.

Ủy ban tổ chức bảo đảm rằng Thế Vận Hội Mùa Đông là có lợi. Những các thành phố đón tiếp các cuộc tranh tài đang mang nợ nặng và tỉnh phải chi ra 16 triệu euro từ đây đến năm 2022 để bảo trì các cơ sở mà không biết dùng để làm gì.

Catherine Germier Hamel, giám đốc Millenium Destination, doanh nghiệp đóng trụ sở ở Seoul, có tham gia các tour du lịch ở Pyeongchang, cho biết :

ʺLợi thì cũng có, nhưng cả người dân lẫn chính quyền địa phương đều không được hưởng. Trong vụ việc này, người thua thiệt chính là thành phố và tỉnh nơi diễn ra Thế Vận Hội Mùa Đông. Vấn đề là người ta hứa hẹn với người dân địa phương: quý vị sẽ thấy, rồi sẽ có du khách. Đây là một sai lầm. Nếu không muốn nói là lừa bịp, bởi vì chẳng có chút lợi lộc đáng kể nào trong lĩnh vực du lịch

Tranh chấp đã nổ ra liên quan đến khu rừng ngàn năm tuổi ở núi Gariwang, đã bị tàn phá một phần để xây một đường trượt tuyết chỉ dùng trong 3 tuần. Nhà nước đã đổi ý về lời hứa sẽ trồng lại cây sau kỳ tranh tài ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190119-han-quoc-bo-phe-cac-co-so-phuc-vu-the-van-hoi-mua-dong-chinh-phu-bi-chi-trich

 

Pakistan muốn hủy dự án lớn của TQ

Tờ South China Morning Post ngày 16/1 đưa tin giới chức Pakistan đề nghị Trung Quốc hủy dự án nhiệt điện than trị giá 2 tỉ USD (46.340 tỉ đồng) tại nước này.

Đề nghị được Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển Pakistan Makhdoom Khusro Bakhtyar đưa ra tại cuộc họp mới đây về Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC). “Chính phủ đang cân nhắc lại một số dự án tốn kém và chưa cần thiết để tiết kiệm ngân sách”, một quan chức Pakistan không nêu tên cho biết.

CPEC dự kiến hoàn thành vào năm 2030 và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức vào tháng 8.2018, Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho rằng nước này không kham nổi tất cả các dự án trong đó, đồng thời muốn tập trung phát triển nông nghiệp và tạo việc làm cho thanh niên.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25876-pakistan-muon-huy-du-an-lon-cua-tq.html