Tin khắp nơi – 18/12/2018
Phúc trình cho thấy
Nga can thiệp sâu rộng vào bầu cử Mỹ
Sự can thiệp của Nga trên mạng xã hội vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 diễn ra ở quy mô rộng hơn những gì mọi người nghĩ trước đây và bao gồm các nỗ lực chia rẽ người Mỹ về sắc tộc và lý tưởng cực đoan, hai phúc trình của các chuyên gia độc lập được các thượng nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ công bố hôm 17/12 cho biết.
Cơ quan Nghiên cứu Internet của Chính phủ Nga có trụ sở ở St. Petersburg đã cố gắng tìm cách thao túng chính trị Mỹ, các phúc trình cho biết. Một phúc trình trong số này do các phân tích gia mạng xã hội New Knowledge thực hiện và một phúc trình khác do một nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford làm việc với công ty phân tích Graphika.
Hai bản phúc trình này phần lớn đã xác nhận những phát hiện trước đó của cơ quan tình báo Mỹ nhưng cung cấp nhiều chi tiết hơn về các hoạt động của Nga đã diễn ra trong nhiều năm trước và vẫn tiếp diễn cho đến nay, bản phúc trình và các thượng nghị sỹ cho biết.
Chẳng hạn, một tổ chức dư luận viên tìm cách khuyến khích các ‘phong trào ly khai’ ở tiểu bang California và Texas, bản phúc trình của New Knowledge cho biết.
“Dữ liệu mới được công bố này đã chứng tỏ Nga đã quyết liệt tìm cách chia rẽ người Mỹ về sắc tộc, tôn giáo và lý tưởng,” ông Richard Burr, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện và là người Đảng Cộng hòa, cho biết trong một thông cáo.
Nga đã tìm cách làm xói mòn lòng tin vào các thể chế dân chủ Mỹ và các hoạt động của họ vẫn chưa dừng lại. Ủy ban này đã thu thập dữ liệu từ các công ty mạng xã hội để cho các nhà phân tích độc lập sử dụng trong các nghiên cứu của họ.
Thượng nghị sỹ Mark Warner, thành viên cao cấp của Đảng Dân chủ trong ủy ban, nói rằng: “Những phúc trình này chứng tỏ phạm vi mà người Nga lợi dụng những sự chia rẽ trong xã hội để chia rẽ người Mỹ trong nỗ lực phá hoại và thao túng nền dân chủ của chúng ta.”
“Những hành vi tấn công này… là toàn diện, có tính toán và lan rộng hơn nhiều hơn nhiều người suy nghĩ trước đây,” ông nói.
Phúc trình của Oxford/Graphika nói rằng người Nga đã lan truyền những ‘thông tin sai lệch, những giải thiết âm mưu, những thông tin rẻ tiền và những dạng tin tức chính trị rác rưởi đến với các cử tri thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau’.
Phúc trình của New Knowledge cho biết người Nga ‘đã thực hiện những chiến dịch chống Hillary Clinton toàn diện’ chẳng hạn như nỗ lực tổ chức người Hồi giáo tuần hành phản đối bà Clinton.
Theo bản phúc trình này cho biết các tin tặc Nga cũng nhắm vào các thượng nghị sỹ Cộng hòa như Ted Cruz, Marco Rubio, Lindsey Graham và cố thượng nghị sỹ John McCain, và cựu giám đốc FBI James Comey và công tố viên đặc biệt Robert Mueller và nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange.
Một bản phúc trình tình báo hồi tháng Giêng năm 2017 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị một chiến dịch gây ảnh hưởng tinh vi để phỉ báng ứng viên Tổng thống bên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ủng hộ cho ông Donald Trump.
Bầu cử Mỹ 2016: Nga xúi giục
người da đen không bỏ phiếu
Sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 có tầm cỡ quy mô hơn người ta tưởng, với các chiến dịch nhằm chia rẽ người Mỹ về chủng tộc. Theo hai báo cáo được Thượng Viện Hoa Kỳ công bố hôm qua 17/12/2018, cộng đồng người Mỹ da đen đặc biệt bị Nga nhắm đến.
Hàng ngàn tài khoản giả hiệu xuất phát từ Saint Petersburg xúi giục họ tẩy chay cuộc bầu cử, ngược lại, hàng ngàn tài khoản khác tìm cách thúc đẩy cử tri da trắng ủng hộ đảng Cộng Hòa đến phòng phiếu.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :
« Cộng đồng người Mỹ gốc châu Phi thường bầu cho đảng Dân Chủ, và Nga cố gắng gây ảnh hưởng lên họ trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Trong số 81 tài khoản Facebook được Trung tâm nghiên cứu internet lập ra tại Nga, có 30 tài khoản chỉ nhắm riêng vào cộng đồng người da đen, tổng cộng có đến 1.200.000 người theo dõi.
Chỉ riêng tài khoản Blacktagram nổi tiếng nhất trên mạng xã hội Instagram do Nga lập ra, dành riêng cho người Mỹ da đen, đã có tới trên 300.000 độc giả trung thành. Bên cạnh đó còn có những kênh lập ra trên YouTube, trực tiếp liên quan đến quyền lợi người da đen.
Nội dung của tất cả diễn đàn này đều nhấn mạnh đến những bất công mà cộng đồng da đen phải chịu đựng, và tìm cách chia rẽ chủng tộc. Matxcơva đặt mục tiêu ngăn cản bà Hillary Clinton thu được lá phiếu của người da đen, qua việc vận động cho thượng nghị sĩ Bernie Sanders và ứng cử viên sinh thái Jill Stein, hoặc thúc đẩy họ không đi bầu.
Lần đầu tiên vào năm 2016, tỉ lệ đi bỏ phiếu của người Mỹ gốc châu Phi sụt giảm 20%. Tuy nhiên không thể quy mức độ sụt giảm này cho các hoạt động của Nga trên mạng xã hội ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181218-bau-cu-my-2016-nga-xui-giuc-nguoi-da-den-khong-bo-phieu
Ông Michael Flynn sắp bị tuyên án tội nói dối FBI
Tòa án hôm nay (18/12) sẽ quyết định liệu có phạt tù cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, ông Michael Flynn về tội nói dối với FBI hay không, theo Reuters.
Thẩm phán Emmet Sullivan của tòa án liên bang khu vực D.C. sẽ tuyên án đối với ông Flynn vào lúc 11 sáng ngày 18/12, cũng theo Reuters.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người đang dẫn đầu cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ năm 2016, đã đề nghị thẩm phán Sullivan không tuyên án đối với ông Flynn, một cựu tướng lãnh quân đội Mỹ, vì ông đã hợp tác “tích cực” với cuộc điều tra.
Hôm 4/12, Văn phòng của ông Robert Mueller nói rằng ông Flynn đã hợp tác “tích cực” với cuộc điều tra về khả năng thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga.
Ông Flynn cũng cung cấp “những thông tin mà ông biết trực tiếp về nội dung và bối cảnh những lần liên lạc giữa ban chuyển giao quyền lực và các quan chức chính phủ Nga.”
Theo luật định, khung hình phạt tối đa cho tội nói dối với FBI là 5 năm tù. Tuy nhiên, thỏa thuận nhận tội của ông Flynn cho phép ông có thể nhận bản án từ 0 đến 6 tháng tù, và có thể xin tòa không phạt tiền.
Các luật sư của ông Flynn đã yêu cầu tòa áp dụng mức phạt quản chế dưới 1 năm, với các điều kiện giám sát tối thiểu và 200 giờ lao động công ích.
Ông Flynn cũng thỏa mãn điều kiện được khoan hồng vì ông không bị cảnh báo trước cuộc họp với các đặc vụ FBI rằng nói dối với họ là một tội, theo lời các luật sư của Flynn tại một phiên tòa gần đây.
Ông Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Trump trong 24 ngày, hồi tháng 10/ 2017 đã nhận tội nói dối với FBI về các lần liên lạc của ông với người Nga.
Cho đến nay ông là người duy nhất trong chính quyền Trump thừa nhận một tội danh trong cuộc điều tra lớn của ông Mueller về việc Nga can thiệp cuộc bầu cử của Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 17/12, hai phúc trình của các chuyên gia độc lập được các thượng nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ công bố nói rằng sự can thiệp của Nga trên mạng xã hội vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 diễn ra ở quy mô rộng hơn những gì mọi người nghĩ trước đây và bao gồm các nỗ lực chia rẽ người Mỹ về sắc tộc và lý tưởng cực đoan.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-michael-flynn-sap-bi-tuyen-an-toi-noi-doi-fbi/4705437.html
Những nỗ lực của Trung Cộng chưa giải quyết
các yêu cầu cốt lõi của Hoa Kỳ
Washington, DC – Theo tin từ Reuters, Hoa Kỳ đã hoan nghênh sự nhượng bộ của Trung Cộng kể từ khi hai nước tuyên bố tạm ngừng cuộc chiến tranh thương mại vào đầu tháng 12, nhưng các chuyên gia thương mại và những người trong cuộc lại cho rằng, Bắc Kinh cần phải làm nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu về thay đổi dài hạn của Hoa Kỳ đối với cách Trung Cộng làm kinh doanh.
Vào ngày 1 tháng 12, tại Buenos Aires, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, đã thống nhất về việc ngừng các loạt thuế trả đũa, vốn đang phá vỡ việc buôn bán của hàng trăm tỷ mỹ kim giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kể từ đó, Bắc Kinh đã tiếp tục việc mua đậu nành từ Hoa Kỳ, mặt hàng xuất cảng nông sản lớn nhất giữa hai nước. Trung Cộng cũng cắt giảm thuế nhập cảng xe hơi từ Hoa Kỳ, hoãn kế hoạch phát triển công nghiệp có tên là “Made in China 2025,” và yêu cầu các nhà tinh chế của họ mua thêm dầu của Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump xem đây là những dấu hiệu cho thấy “Trung Cộng đang muốn thực hiện một thỏa thuận lớn và rất toàn diện.” Nhưng các chuyên gia nhận định rằng những hành động kể trên chỉ bắt đầu đưa Bắc Kinh và Washington trở lại nguyên trạng trước cuộc chiến thương mại. Trung Cộng vẫn chưa đưa ra nhiều hành động để giải quyết các yêu cầu cốt lõi của Hoa Kỳ đối với thay đổi cơ cấu ở Trung Cộng, nhằm chấm dứt các chính sách trợ cấp cho các công ty nhà nước lớn, cũng như buộc Hoa Kỳ chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Cộng. (Mộc Miên)
Google đầu tư 1 tỷ Mỹ kim cho trụ sở ở New York
New York – Theo tin từ CNN, vào hôm thứ Hai (17 tháng 12), trong công cuộc mở rộng tầm ảnh hưởng ra bên ngoài thung lũng Silicon, công ty kỹ thuật khổng lồ Google vừa thông báo sẽ đầu tư hơn 1 tỷ Mỹ kim để gia tăng nguồn nhân lực ở thành phố New York.
Theo đó, Google sẽ mở rộng ba tòa nhà văn phòng gần sông Hudson ở khu vực hạ Manhattan, với diện tích lên đến 1.7 triệu foot vuông phục vụ cho hơn 7,000 nhân viên. Sau khi mở rộng văn phòng tại trụ sở New York, Google hy vọng hãng này sẽ chuyển đến không gian làm việc mới vào năm 2020 và 2022.
Năm 2000, Google mở văn phòng đầu tiên ở New York, bên trong tòa nhà của Starbucks. Giờ đây, hãng này có hơn 7,000 nhân viên đang làm việc tại thành phố này, và phần lớn các nhân viên đều tập trung ở tòa nhà Chelsea do Google mua lại vào năm 2010.
Theo trưởng phòng tài chính Google Ruth Porat, tốc độ phát triển của Google ở các thành phố khác đã vượt qua khu vực vịnh San Francisco. Trong đầu năm nay, Google đã mở thêm văn phòng và trung tâm dữ liệu ở Detroit, Los Angeles, Boulder, Colorado, Tennessee và Alabama.
Đài CNN cho biết các công ty kỹ thuật khác cũng đang tiếp bước Google. Hồi tuần trước, Apple ra thông báo sẽ mở rộng ra thành phố Austin, tiểu bang Texas và ba thành phố khác, với tổng vốn đầu tư cho thành phố Austin lên đến 1 tỷ Mỹ kim, và số lượng nhân viên vào khoảng 5,000 người. Trong khi đó, trụ sở mới của Apple ở ba thành phố San Diego, Seattle và Culver sẽ có khoảng 1,000 nhân viên.
Vào tháng 11, Amazon cũng công bố kế hoạch mở trụ sở mới ở New York và thành phố Arlington, với tổng vốn đầu tư lên đến 2.5 tỷ Mỹ kim. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/google-dau-tu-1-ty-my-kim-cho-tru-so-o-new-york/
Ít nhất 15 người Campuchia thoát bị Mỹ trục xuất
Mấy tháng ròng bà Soeun Neat đau đớn chuẩn bị tâm lý cho các con trước tin chồng bà sắp bị trục xuất từ Mỹ về Campuchia vì ông vướng án tù 20 năm, nhưng đến thứ Sáu rồi 14/12 thì niềm vui vỡ òa.
Ông Sear Un, chồng bà, đã bị giam giữ trong một chương trình hồi hương gây tranh cãi, theo đó kể từ năm 2002 hàng trăm người Campuchia đã định cư ở Hoa Kỳ – chủ yếu là người tị nạn – đã bị trục xuất vì đã phạm tội gì đó.
Sau khi ông Un bị Cơ quan Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) bắt giam vào ngày 5/9, bà Un càng thêm vất vả vì bà mang bầu gần tới ngày sinh nở.
Bà nói với VOA: “Hầu như đêm nào tôi cũng thầm khóc vì quá vô vọng. Tôi không biết làm gì để giúp cho chồng tôi vì tôi không có kiến thức về hệ thống pháp luật.”
Bất lực và tuyệt vọng, nhưng may thay bà Neat nhận được sự giúp đỡ về pháp lý từ các nhân viên và luật sư của Nhóm Tư vấn Luật cho người Á châu (Asian Law Caucus – ALC), như ông Kevin Lo, và vận may của chồng bà đã bắt đầu thay đổi.
ALC và các chi nhánh của nhóm này đang tiến hành một vụ kiện tập thể về việc giam giữ người Campuchia để trục xuất. Từ tháng 10/ 2017 đến nay, nhóm này đã giúp ít nhất 15 người thoát bị trục xuất.
Ông Un bị kết án vào năm 1998 vì tội ăn trộm, và sau đó bị tuyên án tội hình sự.
Sau khi bà Neat liên lạc với văn phòng của Luật sư Lo vào tháng 9, ông Lo và nhóm của ông đã phát hiện ra rằng cáo trạng của ông Un đã được tái xét và không còn là một hành vi phạm tội có thể bị trục xuất – từ đó mở ra một tia hy vọng cho gia đình bà Neat.
Hôm thứ Sáu 14/12, ông Un nhận thông báo được phép ở lại Hoa Kỳ, chỉ vài hôm trước khi một chuyến bay chở khoảng 40 người Campuchia bị trục xuất từ thành phố El Paso, bang Texas về thủ đô Phnom Penh, vào thứ Ba 18/12.
Luật sư Lo cho biết nhóm của ông đã xin được cho 5 người trong số những người Campuchia dự kiến sẽ bị trục xuất trên chuyến bay đó được ở lại Mỹ. Đây là một trong những chuyến bay chở nhiều người bị trục xuất nhất về lại Campuchia từ trước đến nay.
Trong email viết cho VOA, ông Lo nói: “Tôi tin chắc còn có một số người khác trên chuyến bay đủ điều kiện xin ở lại được.”
Ông cho biết thêm: “Các luật sư của nhóm ALC đã giúp cho nhiều người bị ICE bắt ở Bắc California và Central Valley. Chúng tôi giúp họ xác định những điều kiện xin được ở lại Mỹ và sau đó giúp họ kháng cáo thành công trước tòa.”
Có trường hợp các luật sư của nhóm ALC giúp những người đã bị trục xuất về Phnom Penh mở lại hồ sơ và xin được quay về Mỹ. Vào tháng 11, Phorn Tem, một người Campuchia bị trục xuất hồi tháng 4 vì tội tàng trữ và bán cần sa, đã trở thành người bị trục xuất đầu tiên được phép quay lại Hoa Kỳ.
Một ngày sau khi ông Phorn bị trục xuất, một thẩm phán phát hiện rằng phạm nhân đã không được thông báo chính xác về việc nhận tội sẽ dẫn đến việc trục xuất.
Nhóm ALC đã sử dụng phán quyết này để đảo ngược lệnh trục xuất của ông Phorn và hy vọng sẽ sớm giúp ông trở thành người Campuchia bị trục xuất đầu tiên được cấp thẻ xanh.
Năm 2017, các quan chức Campuchia, những người thường xuyên lên tiếng chỉ trích chương trình trục xuất của Hoa Kỳ, bắt đầu từ chối nhận những người bị trục xuất.
Theo một báo cáo của ICE có đến 110 người Campuchia bị trục xuất trong năm tài chính 2018.
https://www.voatiengviet.com/a/it-nhat-15-nguoi-campuchia-thoat-bi-my-truc-xuat/4705551.html
Mỹ trục xuất 256.000 người
trong năm tài chính 2018
Cơ quan di trú Mỹ đã trục xuất khoảng 256.000 người trong năm tài chính đầu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump – một sự gia tăng nhẹ so với năm trước nhưng thấp hơn nhiều so với mức đỉnh dưới thời của cựu Tổng thống Barack Obama với gần 500.000 người bị trục xuất, các số liệu chính thức cho biết.
Số người bị trục xuất bên trong nước Mỹ tăng từ 65.332 lên 95.360 người sau khi chính quyền của ông Trump có sự thay đổi chính sách hồi năm 2017 vốn không còn ưu tiên trục xuất một số người nhất định đang bị giam giữ nữa, do đó khiến cho phạm vị các di dân có nguy cơ bị trục xuất mở rộng hơn.
Con số 160.725 ca trục xuất còn lại là bị trục xuất ở biên giới vốn chiếm phần lớn trong các vụ trục xuất của ICE (Cơ quan thực thi Di trú và Hải quan Mỹ) kể từ năm 2012.
Các số liệu thống kê cho năm tài chính 2018 này này được ICE công bố hôm 14/12.
Mặc dù ông Trump và chính quyền của ông nhấn mạnh vào các tội ác mà di dân gây ra, con số các tội phạm đã bị kết án bị ICE bắt giữ trong năm tài chính 2018 đã gần như giữ nguyên, từ mức 105.736 người trong năm tài chính 2017 xuống nhẹ còn 105.140 trong năm tài chính 2018.
Tranh cãi về tường biên giới,
chính phủ Mỹ có thể đóng cửa một phần
Nếu Tổng thống Donald Trump và Quốc hội Hoa Kỳ không đạt được thỏa thuận chi tiêu trước ngày 21/12 thì một phần tư các hoạt động của chính phủ liên bang Hoa Kỳ sẽ ‘hết tiền’, dẫn tới việc đóng cửa chính phủ một phần.
So với các lần đóng cửa chính phủ trước đây, lần này khá nhỏ, nhưng dân Mỹ muốn tận hưởng kỳ nghỉ lễ cuối năm tại các công viên quốc gia có thể sẽ thất vọng vì các nơi này sẽ đóng cửa.
Ông Trump đòi hỏi Quốc hội chuẩn chi 5 tỷ đô la để bắt đầu xây dựng tường biên giới giữa Mỹ với Mexico để ngăn chặn di dân bất hợp pháp. Trước đây, ông từng cam kết là sẽ buộc Mexico trả tiền xây tường nhưng giờ thì ông muốn người thọ thuế Mỹ phải chi trả cho bức tường.
Các thành viên Dân chủ và một số thành viên Cộng hòa phản đối việc này, lập luận rằng bức tường tốn kém ấy không đủ để chặn di dân bất hợp pháp. Dưới đây là một số thông tin về ‘cuộc chiến’ giằng co hiện nay.
Ngân quỹ
Quốc hội cần phải chấp thuận luật chi khoảng 450 tỷ đô la cho các Bộ gồm An ninh Nội địa, Tư pháp, Nông nghiệp, Thương mại, Nội vụ, và nhiều Bộ khác nữa cũng như cấp quỹ giúp các tiểu bang và các địa phương xử trí với thảm họa thiên tai gần đây.
Trong mấy tháng qua, Quốc hội Mỹ đã chuẩn thuận gần 1 ngàn tỷ đô la chi tiêu cho các chương trình quân sự, giáo dục, sức khỏe, năng lượng, cựu chiến binh, lao động và các chương trình liên quan kéo dài tới ngày 30/9, khi năm tài khóa liên bang kết thúc. Khoản này chiếm chừng 75% các hoạt động của chính phủ.
Chuyện gì xảy ra khi chính phủ đóng cửa?
Chính phủ Mỹ không bao giờ đóng cửa hoàn toàn cho dù Washington có rơi vào tình trạng bế tắc ngân sách. Các nhân viên chính phủ liên bang được xem là “thiết yếu” cho các nhiệm vụ liên bang vẫn phải làm việc.
Chẳng hạn như, nếu đến ngày 21/12 bế tắc giữa ông Trump và Quốc hội không được đả thông, Bộ An ninh Nội địa hết ngân quỹ hoạt động nhưng các nhân viên biên phòng và những nhân viên chịu trách nhiệm an ninh nội địa Mỹ vẫn phải làm việc.
Đội ngũ rà soát an ninh thuộc Cơ quan An ninh Vận tải tại các phi trường và các nhân viên điều tra liên bang FBI vẫn phải duy trì hoạt động. Và, dĩ nhiên, đội ngũ NASA trên Trạm Không gian Quốc tế không thể bị ‘triệu hồi’ về trái đất.
Các công viên liên bang sẽ đóng cửa, trừ phi chính quyền Trump tìm cách công bố hoạt động của các nơi này là dịch vụ ‘thiết yếu.’
Các nhân viên thuộc nhóm ‘không thiết yếu’ đối với an toàn công cộng làm việc tại các cơ quan không được cấp ngân quỹ sẽ được nghỉ. Cả nhân viên ‘thiết yếu’ lẫn ‘không thiết yếu’ của chính phủ liên bang đều không được trả lương cho tới khi nào tranh cãi giữa Tổng thống và Quốc hội được giải quyết.
Các kịch bản có thể xảy ra
-Một sự bế tắc khiến khoảng một phần tư chính phủ liên bang không được cấp ngân quỹ trong một thời gian bất định khi Tổng thống Trump nhất quyết đòi đáp ứng yêu cầu tài chính cho bức tường biên giới.
-Ban hành luật tiếp tục cấp ngân quỹ (hoặc là trong một thời gian ngắn hoặc là cho tới cuối năm tài khóa vào tháng 9 năm sau) cho các cơ quan này ở mức tương đương năm ngoái mà không cấp tiền cho tường biên giới.
-Ban hành luật với mức chi mới của năm tài khóa 2019 và cấp hoặc không cấp tiền cho tường biên giới.
-Đóng cửa một phần chính phủ khoảng 2 tuần kết thúc vào đầu tháng Giêng, khi phe Dân chủ chiếm quyền kiểm soát Hạ viện. Họ có phần chắc sẽ thông qua một dự luật cấp ngân quỹ mà không chi tiền cho tường biên giới rồi gửi sang Thượng viện với hy vọng các nghị sĩ Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện sẽ ‘gật đầu.’
Sơ nét lịch sử
Tháng Giêng năm ngoái, Washington trải qua một đợt đóng cửa chính phủ một phần khi các chính trị gia tranh cãi về ngân quỹ cho tường biên giới và việc nên chăng giúp đỡ các di dân ‘Dreamers’ , những người tới Mỹ bất hợp pháp từ khi còn nhỏ.
Một ‘khoảng trống’ nhỏ trong việc cấp ngân quỹ kéo dài vài giờ đồng hồ vào một đêm tháng Hai. Cả hai vụ đều có tác động không đáng kể đối với các dịch vụ chính phủ.
Hoa Kỳ nếm trải một giai đoạn bế tắc ngân sách khó khăn hơn nhiều, kéo dài hơn nửa tháng, vào tháng 10 năm 2013 khi một nhóm đảng viên Cộng hòa tìm cách dùng các dự luật cấp ngân sách thường niên để hủy bỏ luật chăm sóc sức khỏe Obamacare. Nỗ lực này cuối cùng bị thất bại.
Đòi xây tường biên giới, TBO sẵn sàng đóng cửa
một phần chính phủ liên bang
Đẩy chính phủ đến bên bờ vực phải đóng cửa hoạt động một phần, Toà Bạch Ốc nhất mực đòi Quốc hội cung cấp 5 tỷ đô la để xây bức tường dọc theo biên giới Hoa Kỳ-Mexico bất chấp sự chống đối của các nhà lập pháp từ cả hai đảng, theo hãng tin AP.
Bản tin nói rằng nếu không đạt được một giải pháp thì một số cơ quan của chính phủ liên bang sẽ phải đóng cửa từ nửa đêm thứ Sáu 21/12.
Tổng thống Donald Trump duy trì áp lực đối với đảng Dân chủ hôm thứ Hai 17/12, với dòng tweet: “Đã tới lúc chúng ta tiết kiệm hàng tỷ đô la mỗi năm và cùng lúc, đảm bảo an toàn và kiểm soát ở mức cao hơn nhiều!”
Hôm Chủ nhật, Cố vấn cấp cao của Toà Bạch Ốc Stephen Miller nói: “Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để xây bức tường biên giới hầu ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhập cư bất hợp pháp đang diễn ra”.
Được hỏi liệu điều đó có nghĩa là chính phủ phải đóng cửa? ông Miller trả lời: “Nếu tới mức độ đó, thì đương nhiên rồi!”.
TT Trump tuần trước nói ông sẽ ‘tự hào’ buộc chính phủ ngưng hoạt động để Quốc hội phải phê duyệt ngân khoản 5 tỷ đô la hầu thực hiện lời hứa xây tường biên giới mà ông đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử. Nhưng ông Trump không hội đủ số phiếu tại Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát để giúp tài trợ bức tường ở mức ông đòi hỏi.
Cả hai đảng chính trị của Mỹ đều tin rằng TT Trump cần đi một bước trước để giải tỏa bế tắc. Hạ viện đang nghỉ một cuối tuần kéo dài, và sẽ trở lại làm việc vào tối thứ Tư. Thượng viện tái triệu tập hôm thứ Hai sau ba ngày vắng mặt.
Theo AP, lãnh đạo phe Dân chủ tại quốc hội, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer và Dân biểu Nancy Pelosi, đề nghị 1 ngân sách tối đa 1,6 tỷ đô la, như được nêu ra trong một dự luật lưỡng đảng ở Thượng viện.
Ngân khoản này sẽ không được dành để xây tường mà là để nâng cấp hàng rào hiện có và tài trợ các biện pháp tăng cường an ninh biên giới khác.
Bản tin Reuters nhắc lại rằng trong thời gian vận động tranh cử Tổng thống vào năm 2016, ông Trump hứa với cử tri Mỹ rằng Mexico sẽ trả tiền để xây tường biên giới. Nhưng chính phủ Mexico đã gạt bỏ đề nghị đó.
https://www.voatiengviet.com/a/doi-xay-tuong-bien-gioi-tbo-san-sang-dong-cua-chinh-phu/4704391.html
Seattle thay đổi giờ học
để giúp học sinh ngủ được nhiều hơn
Seattle – Theo tin từ NBC News, các nhà khoa học nghiên cứu về việc đi học muộn hơn cho biết, tại Seattle, học sinh trung học đang được ngủ nhiều hơn.
Các học sinh đã được trang bị máy theo dõi hoạt động để tìm hiểu xem liệu việc bắt đầu ngày học muộn hơn có giúp họ ngủ được nhiều hơn không. Kết quả cho thấy việc này giúp học sinh ngủ thêm được 34 phút mỗi đêm. Bên cạnh đó, các em cũng ít buồn ngủ hơn vào ban ngày, và điểm số được cải thiện.
Theo NBC News, Học khu Seattle đã thay đổi giờ vào lớp từ 7:50 sáng thành 8:45 sáng vào mùa thu năm 2016 đối với các trường trung học, và cùng hàng chục học khu khác của Hoa Kỳ giúp đỡ các thanh thiếu niên bị mất ngủ. Thời gian ngủ đêm của thanh thiếu niên đang bị thu ngắn, và hầu hết học sinh đều không được ngủ đủ chín tiếng như các chuyên gia đề nghị. Thủ phạm chính là ánh sáng từ các thiết bị mà nhiều thanh thiếu niên sử dụng vào ban đêm.
Em Hazel Ostrowski, học sinh cuối cấp của trường trung học Franklin, người đã tham gia vào nghiên cứu, cho biết việc ngủ muộn hơn giúp em dễ chú ý hơn trong giờ học, nhưng đôi khi vẫn gặp khó khăn trong việc tập trung.
Các nhà nghiên cứu đã làm việc với các giáo viên khoa học tại hai trường trung học để tìm hiểu xem học sinh có ngủ nhiều hơn sau khi thay đổi giờ vào lớp, hay đơn giản là thức khuya hơn. Trong hai năm, họ đã tuyển 178 sinh viên năm thứ hai để đeo 1 thiết bị theo dõi, trông giống như đồng hồ đeo tay, trong vòng hai tuần, nhằm theo dõi hoạt động và việc tiếp xúc với ánh sáng.
Các kết quả đã được công bố trên tạp chí Science Advances vào hôm thứ Tư (12 tháng 12). Nhìn chung, thời gian thức dậy buổi sáng đã chuyển từ 6:24 sáng sang 7:08 sáng. Trong khi đó, giờ ngủ chỉ thay đổi nhẹ, từ 11:27 tối thành 11:38 tối. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/seattle-thay-doi-gio-hoc-de-giup-hoc-sinh-ngu-duoc-nhieu-hon/
LHQ thông qua Thỏa Ước về NgườiTị Nạn,
Mỹ và Hungary chống
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 17/12/2018, đã thông qua Thỏa Ước Toàn Cầu về Người Tị Nạn (Global Compact on Refugees), hiện lên đến 25 triệu người trên thế giới. Hoa Kỳ và Hungary là hai nước đã bỏ phiếu chống văn kiện không ràng buộc này, viện cớ chủ quyền quốc gia.
Hiệp ước sẽ tạo điều kiện cho hợp tác tốt hơn giữa các nước, cũng như giúp đõ tốt hơn các quốc gia đón nhận người tị nạn. Liên Hiệp Quốc đã hoan nghênh một ngày lịch sử.
Thông tín viên RFI, Marie Bourreau tường thuật từ New York :
“Ngược lại với thỏa thuận Marrakech về di cư, thỏa ước về người tị nạn chạy lánh nạn chiến tranh hay đàn áp, đã không gây chống đối và tương đối không gây chú ý. Tuy nhiên đây một văn kiện rất quan trọng, được thương lượng trong suốt 18 tháng qua tại Genève, dựa trên Công Ước 1951 về Quyền Người Tị Nạn. Thỏa ước vừa thông qua tăng cường mặt hợp tác quốc tế.
Các số liệu đã cho thấy rõ tình hình : 85% người tị nạn sống tại các quốc gia nghèo nhất và chỉ 10 quốc gia đón đến 60% trong số 25 triệu người tị nạn trên thế giới.
Nhờ thỏa ước này, 6,5 tỷ đô la được huy động để giúp đón nhận tốt hơn người tị nạn, nhất là trên bình diện giáo dục và y tế, và giúp các nước nghèo đón tiếp hoặc cho họ hồi hương.
Đứng trước làn sóng tị nạn và di cư nghiêm trọng ở biên giới, Hoa Kỳ đã phản đối thỏa ước này, nhưng vẫn bảo đảm tiếp tục giúp đỡ Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (HCR) ở mức 1,6 tỷ đô la.
HCR sẽ họp vào năm tới, điểm lại tình hình và xem xét việc thực hiện thỏa ước mới. Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc Filippo Grandi đã lên tiếng hoan nghênh một ngày lịch sử, cho dù có vài tiếng nói phản đối.”
LHQ lên án Bắc Triều Tiên
vi phạm “thô bạo” nhân quyền
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 17/12/2018, đã thông qua một nghị quyết lên án Bắc Triều Tiên về những vi phạm nhân quyền “có hệ thống, phổ biến và thô bạo“. Nghị quyết không mang tính ràng buộc đã được thông qua bằng thể thức đồng thuận, không cần bỏ phiếu.
Theo hãng tin Pháp AFP, nghị quyết của Liên Hiệp Quốc một mặt hoan nghênh các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, mặt khác nhấn mạnh rằng quốc tế « quan ngại sâu sắc trước tình hình vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, tình trạng phổ biến của tệ nạn vi phạm nhân quyền mà không bị trừng phạt, và sự thiếu vắng của các cơ chế buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm tại Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. »
Nghị quyết cũng lên án việc sử dụng tra tấn cũng như « các điều kiện giam cầm vô nhân đạo, hãm hiếp, hành quyết công khai, giam giữ độc đoán và tùy tiện » và « sự tồn tại của một hệ thống trại tù chính trị rộng lớn ».
Đây là lần thứ 5 mà nghị quyết về nhân quyền Bắc Triều Tiên được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua. Tuy nhiên, khác với các lần trước, lần này ngoài việc hoan nghênh xu hướng đối thoại trên bán đảo Triều Tiên, nghị quyết còn yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tiếp tục thảo luận về tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên.
Mỹ muốn Hội Đồng Bảo An thảo luận
Phái bộ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc đã cực lực đả kích Mỹ về ý muốn thúc đẩy Hội Đồng Bảo An họp bàn về nhân quyền Bắc Triều Tiên.
Hồi đầu tháng 12 này, Washington đã phải từ bỏ yêu cầu tổ chức một cuộc họp mới, vì không chắc chắn về hậu thuẫn mà Mỹ có thể nhận được từ các thành viên khác trong Hội Đồng Bảo An đương nhiệm. Hội Đồng Bảo An thường họp bàn về chủ đề này hàng năm, kể từ năm 2014.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ hy vọng sẽ tổ chức được cuộc họp vào tháng Giêng 2019, nhờ các thành viên không thường trực mới, có thể có quan điểm thuận lợi hơn.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181218-lhq-len-an-bac-trieu-tien-vi-pham-tho-bao-nhan-quyen
Tư pháp châu Âu: Ba Lan
phải đình chỉ cải cách Tòa Án Tối Cao
Tư pháp châu Âu vào hôm qua, 17/12/2018, đã nhắc lại một quyết định đã đưa ra giữa tháng 10, bắt buộc Ba Lan phải ngưng “ngay lập tức” tiến trình cải cách Tòa Án Tối Cao gây tranh cãi tại quốc gia này. Ba Lan từ đó đến nay đã có dấu hiệu lùi bước, nhưng không dứt khoát.
Vào cuối tháng 9, Ủy Ban Châu Âu đã kiện Ba Lan trước Tòa Án Công Lý Liên Hiệp Châu Âu (CJUE) về công cuộc cải cách tư pháp mà Ba Lan tiến hành, cho là không tôn trọng tính độc lập của ngành tư pháp tại quốc gia này.
Ủy Ban Châu Âu đã khẩn cấp yêu cầu Tòa Án Công Lý Liên Hiệp Châu Âu ra lệnh cho chính quyền Vacxava là phải đình chỉ tiến trình cải cách, trong đó có điều khoản buộc các thẩm phán trên 65 tuổi của Tòa Án Tối Cao phải về hưu sớm, có nghĩa là khoảng 20 người phải về hưu lúc này.
Ngày 19/10, Tòa Án Công Lý Châu Âu đã tạm thời yêu cầu Ba Lan dừng áp dụng luật mới, và yêu cầu này đã được xác nhận vào hôm qua trong một án lệnh về Ba Lan.
Theo hãng tin Pháp AFP, vào tháng 11 vừa qua, tức là một tháng sau yêu cầu khẩn cấp của Tòa Án Châu Âu, Nghị Viện Ba Lan trong tay đảng bảo thủ Pháp luật và Công lý đang cầm quyền đã thông qua một dự luật sửa đổi điều khoản về tuổi hưu gây tranh cãi, theo như đòi hỏi của Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng, dự luật này không hề được ban hành, buộc Tòa Án Công Lý Liên Hiệp Châu Âu phải ra án lệnh hôm qua.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181218-toa-an-chau-au-ba-lan-phai-dinh-chi-cai-cach-toa-an-toi-cao
100 ngày đến Brexit:
Anh vẫn ‘dùng dằng nửa ở nửa đi’?
Tính từ thứ Tư 19/12 này, nước Anh chỉ còn đúng 100 ngày để rời Liên hiệp châu Âu.
Dù thỏa thuận Brexit có qua được kỳ bỏ phiếu tháng 1/2019 hay không, hạn chót để Điều 50 Hiệp ước Lisbon có hiệu lực là từ 29/03/2019: Anh không còn trong EU.
Theresa May thoát hiểm phiếu bầu tín nhiệm
‘Anh có quyền đơn phương hủy Brexit’
Anh Quốc và hai mặt đối nghịch của Brexit
Hôm 12/12, Thủ tướng Anh Theresa May đứng trước nguy cơ phải từ chức khi đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Mặc dù tiếp tục giữ được vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ nhờ giành 200 phiếu trên tổng số 317 phiếu bầu tín nhiệm, nhưng có thể thấy rằng 117 dân biểu Bảo thủ bỏ phiếu bất tín nhiệm là “điều không dễ chịu chút nào” và là “một đòn thực sự” cho uy tín chính trị của bà.
Các đời thủ tướng trước bao gồm các ông John Major và Tony Blair hôm 17/12 liên tục thúc giục một cuộc trưng cầu dân ý khác nếu như các nghị sĩ trong đảng không thống nhất được cách giải quyết chung cho cuộc ly hôn ‘Brexit’.
Bà May thì phản pháo rằng việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác sẽ chỉ “phá vỡ niềm tin của người người dân Anh”.
Brexit có lý do lịch sử
Tham gia chương trình Bàn tròn BBC hôm 13/12/2018, tại London, luật sư Hoàng Đức Thắng, người có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Anh Quốc, bình luận về Brexit – cuộc ly hôn còn nhiều ‘đau đớn’ cho cả Anh lẫn EU.
BBC:Nước Anh liệu có ra khỏi EU hay không hay đây là một cuộc ly hôn kéo dài với rất nhiều vấn đề đau đầu?
Luật sư Hoàng Đức Thắng: Chúng ta cần điểm lại tiến trình lịch sử Anh gia nhập Liên hiệp châu Âu cũng như hậu quả hiện nay của nó là Anh muốn ra khỏi EU. Sau Chiến tranh Lạnh, việc hình thành Liên hiệp châu Âu đã có ý tưởng rằng Anh nên dẫn đầu với tưởng thành lập nên Liên hiệp châu Âu hiện nay.
Nhưng rốt cuộc rằng lúc đó chính thủ tướng Anh và các chính đảng trong chính giới Anh lo ngại rằng Anh quốc không thích hợp trong vai trò như vậy bởi vì họ muốn có một vai trò bên ngoài và vai trò ảnh hưởng nhiều đến thế giới hơn là nó đóng vai trò vào một khối hẹp như vậy. Sau đó, dưới thời Thủ tướng Calaghan thì có ý định là Anh sẽ lại gia nhập khối đó nhưng vẫn vấp phải ảnh hưởng rất là mạnh trong chính giới của Anh về việc Anh không nên gia nhập. Vì thế cho nên đến năm 1973 mới có việc là Anh gia nhập khối này rất lâu sau khi khồi này được hình thành hơn 10 năm.
Cũng phải lưu ý một điều là kể từ thời điểm đó đến nay không có lúc nào mà chính giới của Anh không có tiếng nói rằng Anh quốc cần phải tách khỏi Liên minh châu Âu. Và tiếng nói đó mạnh đến mức độ khi ông David Cameron thắng cử một trong những lập luận để thắng cử là ông bắt buộc phải chấp nhận rằng sẽ có bỏ phiếu để Anh quốc rời khỏi Liên minh châu Âu.
Và ông đã giữ lời hứa của mình và đưa ra cuộc bỏ phiếu như vậy. Một cuộc bỏ phiếu mà khiến cho lãnh đạo toàn thế giới rất kinh ngạc, như ông Tổng thống Nga lúc đó là Vladimir Putin nói thẳng với ông Cameron rằng tôi không hiểu các ngài tại sao chính phủ muốn ở lại mà lại đưa ra bỏ phiếu để tách ra.
Bà May hiện nay đứng ở vị thế rất khó khăn khi mà trên thực tế người dân Anh đã đưa ra quyết định như vậy. Và nếu để ý đến kết quả bỏ phiếu thì thấy rằng 52/48% muốn tách ra và trong cơ chế dân chủ hiện nay thì 4% chênh lệch là một tỷ số rất lớn.
Còn nếu tính đến số người đi bầu thì phải thấy rằng những người trong độ tuổi trên 40 là những người đã có cuộc sống đã từng trải nghiệm cả những cái gì có lợi và có hại của Liên minh châu Âu thì chiếm tới 70% là muốn Anh quốc ra khỏi. Cho nên nếu nói về ý nguyện của nhân dân thì đó là một ý nguyện thực sự của nhân dân chứ không phải chỉ là ‘war win’ tức là suy nghĩ thoáng qua như một số người lập luận.
Còn câu hỏi “liệu Anh quốc có ra khỏi hay không?” thì đây là một tiến trình khá phức tạp bởi vì nó tùy thuộc vào ý chí chính trị của các bên và đây thực sự là trò chơi chính trị trong chính trường Anh.
Ngay cả bản thân trong Đảng Lao động của Anh hiện nay cũng thể hiện rõ rằng đây là trò chơi chính trị mà các bên đều sẵn sàng ở một mức độ nào đó, tôi không thể nói là hy sinh quyền lợi quốc gia, nhưng họ vẫn sẵn sàng đẩy câu chuyện này lên mức cao hơn mức nó phải có vì những quyền lợi riêng của mình.
BBC: Nước Anh sắp ra khỏi EU, nhìn rộng ra thế giới sau khi nước Anh ra khỏi EU thì ý tưởng như là ký kết thêm các Hiệp định Thương mại Tự do với Hoa Kỳ, với cả Việt Nam rồi với những nước khác khi Anh không còn là thành viên EU thì nó có khả thi, có bù đắp những mất mát về mặt quyền lợi kinh tế mà Anh đang được hưởng, ít ra là trong phần thương mại giữa Anh và EU?
Câu chuyện này liên quan đến lý do vì sao Anh Quốc muốn tách ra khỏi EU và truyền thông xưa nay đưa tin chưa được đầy đủ, nhất là truyền thông ở những nước châu Á mà thiếu nguồn thông tin.
Có bốn căn cứ chính khiến Anh Quốc tách ra khỏi EU.
Thứ nhất là họ muốn khôi phục tự do và quyền làm chủ về luật pháp của họ.
Thứ hai họ cho rằng yếu tố về chủ quyền quốc gia bị hạn chế rất là nhiều trong phạm vi châu Âu. Chủ quyền quốc gia ở đây cụ thể là như thế nào. Anh thấy rằng vị thế của mình trong Liên minh châu Âu cao hơn so với những nước khác ở trong Liên minh châu Âu và điều này là hoàn toàn đúng. Nếu các quý vị để ý thì thấy rằng là Anh là một trong năm thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, điều mà những nước khác không có được trừ Pháp.
Anh Quốc cũng là một nước lớn và là một trong những nước có nền kinh tế mạnh có thặng dư cao đóng góp ròng cho Liên minh châu Âu và hàng năm có tiếng nói và tầm ảnh hưởng rất lớn. Anh có giá trị mềm về văn hóa, lịch sử, chính trị cũng rất lớn và ảnh hưởng trên toàn thế giới với bạn đồng minh Hoa Kỳ là một đối tượng rất là mạnh.
Và ưu thế về tình báo và an ninh của Anh quốc cũng rất là mạnh. Cụ thể là Liên minh Năm Con mắt (Five Eyes) với Canada, New Zealand, với liên minh giữa Anh và Hoa Kỳ là liên minh chính chia sẻ những nguồn tin tình báo có giá trị lớn trên thế giới chứ không phải là những nguồn khác. Trong bối cảnh như vậy mà vai trò của Anh quốc hiện nay lại bị bó hẹp trong phạm vi của Liên minh châu Âu thì Anh thấy rằng chủ quyền của mình bị hạn chế bớt đi trong khu vực đó.
Lý do thứ ba, cũng quan trọng, là vấn đề khi tham gia Liên minh châu Âu thì bên cạnh thị trường mở thì cũng phải mở cửa cả về thị trường lao động và thậm chí không phải là thị trường lao động bình thường mà là cả quyền công dân. Cụ thể là công dân Liên minh châu Âu được phép cư trú, làm việc và sinh sống tại tất cả các quốc gia trong EU. Điều này khiến cho việc Anh quốc là nơi chịu làn song từ các nước Đông Âu mới tràn sang nhiều nhất, lớn nhất, tới gần chục triệu.
Đây là con số khi mà Brexit thì họ đưa nguồn tin như vậy, tôi không thể nào nói chính xác hay không, ví dụ như nguồn tin chính thức của chính phủ thì nói rằng riêng người Ba Lan là hơn một triệu còn người nước khác thì đóng góp từ 1,5 đến 2 triệu nữa. Tổng cộng khoảng ba triệu người. Nhưng mà các nguồn khác họ nói rằng là con cái của các gia đình đó sinh ra cũng được tính vào đó, rồi những người nhập cư kết hôn…
Đấy là nguyên nhân tiếp theo khiến cho người ta tập trung vào và những cái tầng lớp nghèo khổ của Anh Quốc họ tin rằng đấy là đối tượng trực tiếp xâm hại đến quyền lợi của họ, chiếm hết những công việc rẻ tiền, công việc nhàn hạ mà họ vẫn làm đồng thời cũng làm thâm hụt nguồn ngân sách xã hội mà dùng để trang trải tiền nhà cửa đến các tiện nghi khác.
BBC: Đấy chỉ là quan điểm của những người ủng hộ Brexit, những phân tích khác thì họ nói rằng người nhập cư hợp pháp họ đóng góp rất nhiều vào thuế, vào trong ngân sách của nước Anh và họ cũng đâu có rút ra cái gì?
Đấy cũng là một lập luận nhưng phía bên kia họ bác bỏ rất là nhiều. Họ nói rằng số lượng người mà đóng góp trực tiếp so với số tiền rút ra để chi cho họ thì nó chênh lệch rất là lớn và tỷ lệ họ tính vậy là khoảng 300% tức là đóng góp được một đồng thì lại xài ba đồng vào các lĩnh vực khác.
Lý do cuối cùng, tôi cho là lý do quan trọng nhất mọi người ít nói đến là lý do về mặt kinh tế. Có rất nhiều báo cáo chính thức đều nói rằng là hiện nay thương mại của Anh Quốc với châu Âu là 44% tổng thương mại của Anh quốc trên toàn thế giới. Trong 44% đó Anh Quốc là nước nhập khẩu ròng tức là cán cân thương mại nghiêng về châu Âu mỗi năm dao động từ 80 đến 100 tỷ Bảng.
Phần còn lại với thế giới là 56% và nếu mà cán cân nhìn thuần như vậy thì thấy rằng là với thế giới là nhiều hơn với châu Âu.
Nếu nhìn nhận trong tương quan như vậy thì thấy rằng là Anh từ xưa đến nay vẫn là một quốc gia quần đảo và nó luôn luôn là một hòn đảo, tính tách biệt của nó với châu Âu là rất rõ ràng. Cho nên là một quốc gia ở châu Âu nhưng vì vị thế của Anh từ xưa đến nay nên họ có phần thương mại ngoại biên thương mại quốc tế rất là mạnh.
Hiện nay khi ở trong EU thì Anh quốc bị giới hạn bởi các quy định về luật pháp, cả về thể chế lẫn cơ cấu kinh tế của châu Âu dẫn đến việc Anh không thể nào tự do tìm kiếm các cơ hội khác nữa. Nói cách khác Anh như một đứa bé ở trong cái áo rất là chật đang trong độ lớn. Trong trường hợp này, tôi tin chắc rằng trong đầu rất nhiều người Anh khác vẫn còn có tưởng rằng bây giờ phải vươn ra khỏi thế giới bắt đầu một chu kỳ mới. Để có chu kỳ mới như vậy thì rõ ràng cần phải thoát khỏi cái áo kia và họ sẽ có cơ hội làm như vậy nếu họ có Brexit.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46573584
Thủ tướng Anh ấn định
ngày bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit
Thủ tướng Anh Theresa May hôm 17/12 nói rằng bà sẽ đưa thỏa thuận Brexit mà bà có được trở lại Hạ viện để bỏ phiếu vào giữa tháng sau và cam kết sẽ đạt được những đảm bảo từ Liên minh châu Âu để phá thế bế tắc xung quanh sự ly khải của Anh quốc khỏi EU.
Sau lời đe dọa vào phút cuối của Đảng Lao động đối lập kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính biểu tượng đối với bà May nếu bà không thông báo ngày bỏ phiếu, bà May nói rằng Quốc hội sẽ tranh luận về thỏa thuận vào tháng Giêng và cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong tuần lễ 14/1.
Bà May đang cố gắng thúc đẩy thỏa thuận Brexit và bác bỏ các lời kêu gọi trưng cầu dân ý một lần nữa về Brexit cũng như thử xem Quốc hội ủng hộ các lựa chọn Brexit khác nhau như thế nào bất chấp sự phản đối ngày càng mạnh mẽ đối với thỏa thuận duy trì liên hệ chặt chẽ giữa Anh với EU.
Sau một tuần hỗn loạn mà khi đó bà May đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và tìm kiếm những thay đổi vào phút cuối đối với một thỏa thuận Brexit mà bà đạt được với Brussels hồi tháng trước, bà May nói lại một lần nữa rằng các lựa chọn đối với nước Anh là thỏa thuận của bà, ra đi mà không có thỏa thuận hay là không có Brexit gì hết.
“Tôi tin rằng đây không phải là thỏa thuận hoàn hảo đối với tất cả mọi người. Đó là một sự nhượng bộ của cả hai bên. Nhưng nếu chúng ta khiến cho cái hoàn hảo trở thành kẻ thù của các tốt thì chúng ta sẽ có nguy cơ rời EU mà không có thỏa thuận,” bà phát biểu trước các nghị sỹ trong khi các các cử tọa la ó phản đối trong suốt bài phát biểu của bà.
“Để tránh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận chỉ có cách duy nhất là đạt được thỏa thuận hoặc là chúng ta từ bỏ hoàn toàn Brexit.”
Bà cho biết EU đã đồng ý ‘sẽ làm hợn rõ hơn’ về những khía cạnh gây tranh cãi nhất của thỏa thuận ly khai này và rằng chính phủ của bà đang tìm kiếm ‘những đảm bảo pháp lý và chính trị nhiều hơn.’
Tuy nhiên, với việc EU chẳng nhượng bộ gì nhiều để giúp bà giành được sự ủng hộ của các nghị sỹ, ngày càng có nhiều chính trị gia đang kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý lần hai – điều mà các bộ trưởng của bà May nói rằng có thể tránh được nếu chính phủ thử đưa ra Quốc hội bỏ phiếu các kịch bản Brexit khác nhau.
Hạ viện Anh đang hết sức chia rẽ với các phe phái thúc đẩy cho các lựa chọn khác nhau cho mối quan hệ tương lai giữa Anh với EU, ra đi mà không có thỏa thuận hay vẫn ở lại trong EU.
Bà May và các Bộ trưởng của bà đã liên tục loại trừ khả năng trưng cầu dân ý lại và lập luận rằng điều này sẽ càng làm chia rẽ thêm sâu sắc và phản bội lại các cử tri đã bỏ phiếu thuận cho Brexit với tỷ lệ 52/48 hồi năm 2016.
Hiện tại nước Anh đang đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng là phải rời EU mà không có thỏa thuận vào ngày 29/3 năm sau – một kịch bản mà nhiều doanh nghiệp xem là thảm họa đối với kinh tế Anh.
Một số thành viên trong nội các của bà May hồi cuối tuần qua nói rằng họ sẵn sàng chấp nhận đưa một số lựa chọn Brexit ra bỏ phiếu tại Quốc hội để đo lường xem chúng có được đa số các nghị sỹ ủng hộ hay không.
Anh : Liệu có trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit ?
Sau 17 tháng đàm phán cam go, thỏa thuận Brexit chưa được Quốc Hội Anh chấp thuận, trong lúc chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hạn chót. Viễn cảnh Anh rời Liên Âu không thỏa thuận đang nhãn tiền, với các tổn thất vô cùng lớn. Một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit, thậm chí khả năng Anh ở lại với Liên Âu – bị đảng Bảo Thủ cầm quyền phản đối – ngày càng được nói đến nhiều. Liệu có trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit ?
Xung quanh kịch bản trưng cầu dân ý lần thứ hai, hiện tại tương quan lực lượng ra sao ?
Theo giới quan sát, thủ tướng Anh luôn phản đối một cuộc trưng cầu lần thứ hai, khi cho rằng kịch bản này sẽ hủy hoại niềm tin của cử tri Anh đối với các dân biểu và hệ thống chính trị Anh Quốc. Tại Quốc Hội, nhiều nghị sĩ đảng Bảo Thủ kiên quyết chống lại, cùng với phe bảo thủ cầm quyền là đảng DUP, một đảng nhỏ của người Ailen, tham gia liên minh cầm quyền.
Tuy nhiên, trong hiện tại, đã có một số nghị sĩ đảng Bảo Thủ bắt đầu công khai ủng hộ trưng cầu dân ý lần thứ hai.
Công Đảng, đảng đối lập chính, không loại trừ ủng hộ một cuộc trưng cầu lần thứ hai, nếu đề nghị bầu cử sớm không được chấp thuận. Hàng chục nghị sĩ Công Đảng đã công khai bày tỏ thái độ ủng hộ, và kêu gọi lãnh đạo đảng, chính trị gia Jeremy Corbyn – một người vốn có quan điểm hoài nghi châu Âu – cũng làm như họ.
Một số đảng đối lập khác, như đảng Tự Do Dân Chủ cánh trung (LibDem), đảng chủ trương xứ Scotland độc lập (SNP), chống Brexit, cũng ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý mới.
Từ nhiều tháng nay, phong trào People’s vote (tạm dịch là : Lá phiếu của Nhân dân) đã tổ chức hàng chục cuộc mít tinh vận động trên khắp đất nước để thuyết phục cử tri về một cuộc trưng cầu lần thứ hai. Kịch bản này cũng nhận sự ủng hộ của các cựu thủ tướng Tony Blair (Công Đảng) và John Major (đảng Bảo Thủ), hay thị trưởng Luân Đôn Sadiq Khan.
Một thông tin cho thấy sáng kiến trưng cầu dân ý lần hai ngày càng được sự ủng hộ của dân chúng, trái ngược với cách đây hai năm rưỡi. Trong một cuộc thăm dò dư luận của viện BMG Research, được nhật báo Anh The Independant công bố hôm 15/12, có đến 51% người được hỏi xác định không muốn rời Liên Hiệp Châu Âu. Tệ hơn nữa, tỉ lệ người ủng hộ Brexit chỉ còn 41%. Khoảng cách 10% giữa phe chống và phe ủng hộ Brexit là chênh lệch lớn nhất được ghi nhận kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016 đến nay.
Về nguyên tắc, tại Anh, ai có quyền quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ?
Chính phủ Anh có quyền bật đèn xanh cho việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới. Và trong trường hợp này Quốc Hội phải bỏ phiếu thông qua một luật tạo khuôn khổ pháp lý cho cuộc trưng cầu dân ý này. Văn bản luật này sẽ phải xác định câu hỏi nào sẽ được đặt ra trong cuộc trưng cầu dân ý. Thời gian bỏ phiếu không bắt buộc phải ghi trong luật, mà có thể được xác định sau đó.
Cụ thể là Quốc Hội Anh sẽ có thể đề ra những phương án nào ?
Hiện tại có nhiều khả năng xung quanh điều này, và chưa có bất cứ một đồng thuận nào trong vấn đề này. Một trong các giả thuyết được nói đến nhiều là đề nghị cử tri chọn lựa giữa hai phương án : đồng ý với thỏa thuận Brexit của thủ tướng Theresa May, hoặc chia tay với Liên Âu không thỏa thuận. Viễn cảnh thứ hai là điều mà giới kinh tế rất lo sợ do các tổn thất sẽ vô cùng lớn.
Một số người phản đối Brexit thì muốn đưa thêm khả năng hủy bỏ tiến trình ly dị với Liên Âu. Cũng có nghĩa là một câu hỏi với ba phương án. Thứ nhất là Brexit có thỏa thuận, thứ hai là Brexit nhưng không có thỏa thuận và thứ ba là từ bỏ quyết định Brexit.
Nếu một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, cần phải tuân thủ thời hạn nào ?
Theo các nhà nghiên cứu của City University of London, một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai sớm nhất cũng chỉ có thể tổ chức sau 21 hoặc 22 tuần nữa. Trong trường hợp này, nếu quyết định trưng cầu dân ý mới được đưa ra ngày thứ Ba 18/12/2018 chẳng hạn, thì trưng cầu sẽ không thể được tổ chức trước cuối tháng 5/2019.
Ta biết là hạn chót cho Brexit là ngày 29/03/2019, tức đúng hai năm sau khi Luân Đôn khởi sự tiến trình ly dị với Liên Hiệp Châu Âu. Trưng cầu dân ý về Brexit lần thứ hai, theo luật của Anh, về nguyên tắc sẽ chỉ có thể diễn ra sau thời điểm này. Thực tế này đòi hỏi Luân Đôn phải đàm phán với các lãnh đạo Liên Âu, để dời lại hạn chót Brexit, nếu muốn trưng cầu ý dân lần nữa.
Triển vọng của kịch bản trưng cầu dân ý thứ hai ra sao ?
Trong kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua (15 và 16/12), thủ tướng Theresa May đã có những tuyên bố kịch liệt chống lại kịch bản này. Theo bà May, làm như vậy là phản bội lại ý nguyện của cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016. Thủ tướng Anh lên án cựu lãnh đạo chính phủ Công Đảng đang tìm cách hủy hoại tiến trình Brexit. Ông Boris Johnson, một cựu ngoại trưởng ủng hộ Brexit theo phương hướng « cứngrắn », nhấn mạnh là một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai sẽ khiến người dân cảm thấy bị phản bội « một cách sâu sắc và lâu dài ».
Tuy nhiên, áp lực của kịch bản trưng cầu dân ý mới đang tiếp tục dâng lên. Hôm 10/12, Tòa Án Công lý Liên Minh Châu Âu (CJEU), trả lời khiếu nại của một số chính trị gia Scotland, đã ra một phán quyết khiến cán cân nghiêng hơn về phía những người chống Brexit. Theo Tòa Án Công lý Liên Minh Châu Âu, Luân Đôn có quyền đơn phương từ bỏ quyết định rời khỏi Liên Âu hiện nay, mà không cần sự đồng ý của 27 nước còn lại, thể theo điều 50 của Hiến chương của Liên minh châu Âu về các Quyền Cơ bản. Có nghĩa là chấm dứt tiến trình đàm phán ra khỏi Liên Âu mà thủ tướng và chính phủ Anh đã nỗ lực trong suốt một năm rưỡi qua.
Phán quyết của CJEU được đưa ra đúng một hôm trước ngày thủ tướng Anh dự định đưa dự thảo Thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu tại Quốc Hội Anh (ngày 11/11). Bà May đã buộc phải hoãn lại việc bỏ phiếu, vì sợ nỗ lực 17 tháng đàm phán cam go sẽ xôi hỏng bỏng không, vì không hội đủ đa số. Bởi uy tín của đảng cầm quyền cũng sẽ càng bị thách thức mạnh hơn, nhất là sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do một nhóm dân biểu của phe đa số chủ trương chống lại thủ tướng May vừa diễn ra (với 117 dân biểu Bảo Thủ bỏ phiếu yêu cầu phế truất thủ tướng, trên tổng số 317). Thủ tướng Anh, hôm qua, 17/12/2018, lại một lần nữa phải đẩy lùi thời hạn bỏ phiếu dự thảo Brexit cho đến giữa tháng Giêng 2019.
Lãnh đạo đảng Bảo Thủ dường như đang nỗ lực bằng mọi cách để bảo vệ đến cùng quyết định Brexit của đa số cử tri trong cuộc trưng cầu dân ý 2016, cho dù dự thảo thỏa thuận này rất khó được Quốc Hội thông qua. Tuy nhiên, tình huống rối ren hiện nay cũng đặt chính lãnh đạo Anh trước ngã ba đường. Hôm nay, thủ tướng Anh Theresa May khẳng định với các dân biểu cầm quyền là nếu dự thảo thỏa thuận Brexit hiện nay không được Quốc Hội thông qua, thì chỉ còn hai khả năng : « No deal » (tức rời khỏi Liên Âu không thỏa thuận) và « No Brexit at all » (không Brexit). Không Brexit tức Anh Quốc vẫn ở lại với Liên Âu.
Phương án « No Brexit at all » thật ra đã được thủ tướng Anh đưa ra cách nay hơn một tháng (1). Vào thời điểm đó, bốn từ ngắn ngủi đó đã khiến phe phản đối ly dị với Liên Âu hết sức vui mừng. Triển vọng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit dường như không còn là chuyện viễn tưởng.
Ẩn số chính hiện nay là thái độ của nhóm chính trị bảo thủ cầm quyền, ủng hộ triệt để giải pháp Brexit « cứngrắn ». Nếu nhóm này vừa chống lại đến cùng một thỏa thuận Brexit trong tình trạng hiện tại (sau khi Liên Âu không còn chấp nhận nhân nhượng thêm nữa), lại vừa chống một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai, thì nước Anh rất nhiều khả năng sẽ phải chia tay với Liên Âu không thỏa thuận – một kịch bản đen tối cho kinh tế Anh.
Liệu người dân Anh Quốc có chấp nhận tương lai này ?
***
(1) « Accord Brexit: cette expression de Theresa May qui relance l’espoir des anti-Brexit », Huffintonpost.fr, ngày 15/11/2018.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181218-anh-quoc-lieu-co-the-co-mot-cuoc-trung-cau-dan-y-lan-hai-ve-brexit
Đức tăng luật đề phòng chiến lược thâu tóm của TQ
Berlin đang lên kế hoạch thay đổi luật pháp để quản lý các hoạt động đầu tư thâu tóm doanh nghiệp Đức từ phía Trung Quốc
Thời báo kinh doanh Handelsblatt của Đức dẫn nguồn thạo tin cho biết nội các của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang có những động thái đi đến thống nhất sửa đổi điều khoản quản lý đầu tư từ các nước bên ngoài châu Âu vào các công ty chiến lược của kinh tế Đức trong Luật Thương mại Quốc tế.
Theo đó, các điều khoản này cho phép chính phủ Đức được quyền xem xét và dùng quyền chặn những thương vụ mua 10% cổ phần trở lên với các công ty quan trọng, có liên quan tới an ninh quốc gia. Luật hiện hành đang giữ mức 25% cổ phần.
Các công ty trong phạm vi áp dụng luật bao gồm các lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao, công nghiệp nặng và lương thực thực phẩm.
Nhiều ý kiến cho rằng việc thay đổi giới hạn từ 25% xuống 10% cho thấy Đức đã có những sự đề phòng đặc biệt đối với các hoạt động đầu tư – thâu tóm từ các tập đoàn kinh tế nước ngoài nhằm vào doanh nghiệp Đức, đặc biệt là những lo ngại đến từ phía doanh nghiệp Trung Quốc.
Đây không phải là biện pháp đầu tiên của Berlin nhằm ngăn chặn những nguy cơ từ cường quốc châu Á này. Hồi tháng 9/2018, Chính phủ Đức đã đồng ý thông qua việc thành lập quỹ một quỹ trị giá 1 tỷ euro nhằm hỗ trợ phát triển các ngành công nghệ chủ chốt và giải cứu các công ty công nghệ gặp khó khăn về tài chính.
Quỹ này ra đời nhằm cứu vãn tình cảnh nhiều doanh nghiệp quan trọng, nắm giữ các công nghệ khoa học then chốt của Đức nhưng lâm vào tình trạng làm ăn khó khăn và trở nên kém đề kháng trước các cuộc thao túng từ doanh nghiệp nước ngoài.
Sở dĩ Đức có những lo ngại này bởi Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc thâu tóm hàng loạt công ty trọng yếu của Đức. Con số thống kê chỉ ra, kết thúc năm 2016, Trung Quốc chi 10 tỷ euro để thâu tóm 58 công ty Đức.
Trong 2 năm qua, các công ty Trung Quốc đã thu mua các công ty đầu ngành ở Đức như công ty dược phẩm Biotest Pharmaceuticals và mua lại số cổ phần quan trọng của các doanh nghiệp được biết đến là biểu tượng của Berlin như ngân hàng đầu tư lớn nhất châu Âu Deutsche Bank và nhà sản xuất ô tô Daimler, chủ sở hữu thương hiệu Mercedez-Benz.
Theo nhiều chuyên gia, việc Đức đang tự đề phòng trước những nguy cơ Trung Quốc là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia này đang dẫn đầu châu Âu theo một định hướng phát triển thoát ảnh hưởng Mỹ.
Trung Quốc đã bỏ ra 5 tỷ euro để thâu tóm tập đoàn KUKA – chuyên sản xuất chế tạo robot công nghiệp nặng của Đức
Quan điểm “cùng nhau trên hết” đã được Pháp, Đức áp dụng triệt để nhằm đối phó với tư tưởng “nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump. Theo đó, châu Âu đẩy mạnh các biện pháp phối hợp với các quốc gia ngoài khối EU và Mỹ, mở rộng thị trường đầu tư và xuất nhập khẩu.
Trung Quốc là một nền kinh tế lớn và là cơ hội làm ăn không thể chối từ của châu Âu. Đặc biệt trong bối cảnh EU đang gia tăng các biện pháp trừng phạt với Nga, vai trò Trung Quốc càng tỏ ra quan trọng.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có những tham vọng của mình, khi muốn nhanh chóng cắt giảm những chi phí phải đầu tư cho phát triển công nghệ và sớm đạt được thành tựu bằng cách vung tiền thâu tóm các công ty công nghệ hàng đầu từ các quốc gia có nền kinh tế phát triển, mà Đức là một trong số đó.
Việc siết chặt lại các biện pháp quản lý, đề phòng rủi ro trong chiến lược đầu tư – thâu tóm của Bắc Kinh là một hành động cảnh giác cần thiết của Berlin. Đã có nhiều bài học từ việc đánh cắp chất xám, công nghệ dẫn đến thua thiệt trong khả năng cạnh tranh sản phẩm với Trung Quốc ngay tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển.
Đức cho thấy họ đang có những sự chuẩn bị để gia tăng sức đề kháng cho chính các doanh nghiệp của mình, trước cám dỗ đầu tư từ phía các tập đoàn giàu có của Bắc Kinh.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25335-duc-tang-luat-de-phong-chien-luoc-thau-tom-cua-tq.html
Khủng hoảng “Áo Vàng” :
Chính phủ Pháp chạy đua với thời gian
Để thuyết phục những người “Áo Vàng” chấm dứt phong trào biểu tình, chính phủ Pháp đang chạy đua với thời gian để thi hành các biện pháp xã hội mà tổng thống Emmanuel Macron đã hứa hẹn.
Vì muốn tập trung giải quyết khủng hoảng, tổng thống Macron đã hủy chuyến đi đến thành phố Biarritz để khởi động nhiệm kỳ chủ tịch nhóm G7 của Pháp, dự trù hôm nay, 18/12/2018. Ông ở lại Paris để họp với các bộ trưởng về việc tổ chức một thảo luận toàn quốc. Tổng thống Macron muốn là từ đây đến này mai sẽ đúc kết các quy tắc của cuộc thảo luận, sẽ kéo dài hai tháng rưỡi và sẽ xoay quanh bốn chủ đề lớn (chuyển tiếp sinh thái, thuế khóa, tổ chức Nhà nước, dân chủ và quyền công dân).
Cuộc thảo luận cũng sẽ bàn đến một trong những yêu sách chủ yếu của những người “Áo Vàng”, đó là thiết lập cơ chế trưng cầu theo sáng kiến công dân (RIC), để tạo thuận lợi cho việc tham khảo ý kiến nhân dân, mà không thông qua Quốc Hội.
Cũng theo kế hoạch dự kiến, ngày mai, tại cuộc họp Hội Đồng Bộ Trưởng, một dự luật sẽ được đệ trình, bao gồm các biện pháp cụ thể mà tổng thống Macron đã loan báo thứ hai tuần trước, chẳng hạn như tăng lương tối thiểu thêm 100 euro. Dự luật này sẽ được đưa ra biểu quyết ở Hạ Viện thứ Năm và ở Thượng Viện thứ Sáu.
Lịch trình rất sát sao, cho nên chủ tịch Hạ Viện Richard Ferrand đã kêu gọi tinh thần trách nhiệm của các nghị sĩ, đề nghị họ thông qua dự luật ngay từ thứ Sáu, để các biện pháp nói trên có thể được thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Hiện giờ, một số người “Áo Vàng” vẫn tiếp tục chặn các trục lộ, gây cản trở giao thông để phản đối chính sách thuế khóa và chính sách xã hội của chính phủ. Họ dự trù sẽ lại xuống đường ngày thứ Bảy tới, bất chấp lời kêu gọi của chính phủ ngưng biểu tình.
Kể từ đầu cuộc khủng hoảng 17/11, sau năm ngày xuống đường vào thứ bảy, thương mại của Pháp đã bị thiệt hại khoảng 2 tỷ euro, theo thẩm định của Hội đồng các trung tâm thương mại toàn quốc.
http://vi.rfi.fr/phap/20181218-khung-hoang-ao-vang-chinh-phu-phap-chay-dua-voi-thoi-gian
Pháp : Một thân nhân của thủ phạm
vụ xả súng ở Strasbourg bị truy tố
Một người thân của Chérif Chekatt, thủ phạm vụ xả súng mới đây ở Strasbourg khiến cho 5 người chết, đã bị truy tố và bị tạm giam ngày hôm qua, 17/12/2018. Nhân vật này bị tình nghi là có vai trò trong việc cung cấp cho hung thủ khẩu súng lục được dùng khi phạm tội.
Theo hãng tin Pháp AFP, nghi can 37 tuổi, đã bị bắt hôm 13/12, tức là hai hôm sau khi vụ nổ súng xẩy ra. Một nguồn thạo tin cho biết là liên quan đến vụ cung cấp súng cho thủ phạm vụ bắn giết tại Strasbourg, có hai người khác cũng bị câu lưu và tạm giam vào hôm qua.
Từ sau vụ tấn công đã làm 5 người thiệt mạng và 11 người bị thương ở Strasbourg tối 11/12, các nhà điều tra đã cố tìm xem Chérif có đồng lõa hay không, và đã được ai giúp đỡ trong vụ bắn giết và khi chạy trốn.
Sau vụ khủng bố, có 6 người khác đã bị câu lưu, nhưng đã được trả tự do vào cuối tuần qua, vì không có chứng cứ là những người này có vai trò trong vụ việc. Trong số người bị câu lưu, có cha mẹ và hai anh em trai của thủ phạm.
Sau khi hành động, Chérif đã chạy trốn trong hai ngày, nhưng sau đó đã bị cảnh sát nhận dạng và bắn chết tối thứ Năm 13/12, trên một con đường ở Strasbourg.
Vài phút sau khi có tin Chérif bị hạ sát, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã lên tiếng cho rằng người này là « chiến sĩ » của Daech. Bộ trưởng Nội Vụ Pháp Castaner cho là tổ chức thánh chiến chỉ « lợi dụng cơ hội ».
http://vi.rfi.fr/phap/20181218-phap-mot-than-nhan-cua-thu-pham-vu-xa-sung-o-strasbourg-bi-truy-to
Nga bị cáo buộc sử dụng tất cả mạng xã hội
can thiệp bầu cử Mỹ 2016
Nga bị cáo buộc sử dụng nhiều mạng xã hội can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, một báo cáo cho hay.
YouTube, Tumblr, Instagram, PayPal cũng như Facebook và Twitter được cho là những phương tiện được tận dụng cho các chiêu trò tuyên truyền.
Trong tuần này, Thượng viện Mỹ cũng sẽ công bố phúc trình này, chỉ ra quy mô và mức độ mà phía Nga đã cố gắng làm sai lệch thông tin nhằm can thiệp bầu cử.
Bắc Hàn lên án lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ
Phụ tá mới của TT Trump gọi ông là ‘con người tồi tệ’
Người Việt ở Mỹ: Nếu bị trục xuất, Việt Nam có nhận?
Tác giả của bản báo cáo cũng chỉ trích “phản ứng muộn màng và không mang tích hợp tác” của các công ty công nghệ.
Phúc trình được đồng nghiên cứu và thực hiện bởi Đại học Oxford và công ty chuyên phân tích các trang mạng xã hội Graphika.
Đây là phân tích đầu tiên từ hàng triệu bài đăng trên các trang mạng xã hội do Twitter, Google và Facebook cung cấp cho Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ.
Trong khi Facebook và Twitter trước đây đã tiết lộ có sự can thiệp của Nga trong bầu cử Mỹ, thì có rất ít thông tin về các trang mạng khác mà Nga sử dụng cho mục đích này.
YouTube, Tumblr, PayPal và Google+ đều bị ảnh hưởng, theo nghiên cứu này.
Nga sử dụng những công nghệ từ tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing) để nhắm đến nhiều đối tượng trên nhiều nền tảng khác nhau.
Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ vẫn chưa chứng thực những phát hiện này mặc dù họ có kế hoạch công khai báo cáo này cùng với một báo cáo khác.
BBC đã đề nghị Đại sứ quán Nga tại Anh bình luận.
Bản báo cáo cho hay Nga tập trung đặc biệt vào phe bảo thủ với các bài đăng về quyền nhập cư, chủng tộc và quyền sử dụng súng.
Bên cạnh đó, cũng có những nỗ lực làm suy yếu đi sức mạnh cử tri của các công dân Mỹ gốc Phi, bằng cách truyền bá thông tin sai lệch về quá trình bầu cử.
“Điều rõ ràng là tất cả các thông điệp trên mạng xã hội đều hướng đến mục tiêu mang lại lợi ích cho Đảng Cộng hòa và cụ thể là Donald Trump,” bản báo cáo cho hay.
“Ông Trump được nhắc đến nhiều nhất trong các chiến dịch nhắm vào phe bảo thủ và những cử tri cánh hữu. Các thông điệp đều khuyến khích các nhóm này ủng hộ cho chiến dịch của ông.
Một vài nhóm có thể thách thức ông Trump về sau được cung cấp những thông điệp nhằm gây nhầm lẫn, mất tập trung và cuối cùng ngăn cản các thành viên nhóm này bỏ phiếu.”
Mặc dù dữ liệu các nhà nghiên cứu sử dụng được cung cấp bởi Facebook, Twitter và Google, những ho vẫn chỉ trích “phản hứng muộn màng và không mang tính phối hợp” tới từ những công ty này trong chiến dịch cố tình làm sai lệch thông tin từ phía Nga.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46596887
Nga thuyết phục TQ
tham gia đàm phán hạt nhân với Mỹ
Moscow đề nghị Trung Quốc tham dự các cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, trong khi hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới đang tranh cãi về hiệp ước INF năm 1987.
Trích dẫn một số nguồn tin có hiểu biết về vấn đề này, Nikkei Asian Review cho biết Nga đưa ra đề nghị Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Mỹ vào cuối tháng 10.
Hoa Kỳ và Nga hiện đang bị ràng buộc bởi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), trong đó cấm hai bên phát triển các tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500km đến 5.500km. Nhưng Tổng thống Trump ngày 20/10 đã tuyên bố rút khỏi INF vì cho rằng Nga liên tục vi phạm thỏa thuận khi phát triển tổ hợp tên lửa Novator 9M729 với tầm bắn 5.000km.
Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 4/12 đã cho Nga 60 ngày để tuân thủ hiệp ước trước khi Washington bắt đầu rời đi. Tuy nhiên, phía Moscow cho rằng họ không vi phạm hiệp ước và cáo buộc ngược lại Hoa Kỳ vì phần cứng phòng thủ tên lửa ở Đông Âu, theo Nikkei Asian Review.
Giới truyền thông cho rằng hai bên đang bí mật xây dựng một thỏa thuận mới để thay thế Hiệp ước INF. Nga có thể nhận thấy INF về cơ bản đã bị hủy bỏ, thậm chí nước này được cho là hoan nghênh quyết định rời khỏi INF của Mỹ vì có thể dùng đó làm lý do cho việc củng cố vị thế hạt nhân của Moscow, theo Nikkei Asian Review.
http://biendong.net/bien-dong/25341-nga-thuyet-phuc-tq-tham-gia-dam-phan-hat-nhan-voi-my.html
Vụ Mạnh Vãn Chu:
Công viên giải trí Thần Nông ủng hộ Huawei
Một địa điểm du lịch nổi tiếng đã trở thành công ty mới nhất của Trung Quốc thể hiện sự đoàn kết sát cánh cùng giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, người bị Canada bắt vào hôm 1/12.
Công viên Kịch trường Thần Nông Sơn (Shennong Mountain Scenic Park) nằm ở tỉnh Hà Nam ở miền đông Trung Quốc nói rằng họ sẽ miễn phí vé vào cửa trị giá 9,4 đô la Mỹ cho bất kỳ ai có mang theo điện thoại Huawei.
Lục Khảng: ‘Michael Kovrig có thể phạm luật TQ’
Trump có thể can thiệp vụ kiện Mạnh Vãn Chu
Apple có bị ảnh hưởng vì vụ bắt lãnh đạo Huawei
Bà Mạnh, người được cho tại ngoại hầu tra tại Canada, hiện đang đối diện với lệnh dẫn độ tới Mỹ với các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Vụ bắt giữ bà đã gây căng thẳng giữa Canada với Trung Quốc.
“Sử dụng điện thoại Huawei, chụp những bức ảnh tuyệt vời về dãy núi,” một thông báo trên tài khoản mạng xã hội của công viên Thần Nông nói. “Chúng tôi chúc bạn hữu trên toàn thế giới, những người ủng hộ Huawei, gặp nhiều thành công và hạnh phúc.”
Báo South China Morning Post nói rằng chương trình này sẽ áp dụng cho tới ngày 29/12.
Tuy nhiên, lời chào mời đã vấp phải một số lời chỉ trích từ người dùng mạng xã hội Trung Quốc, theo đó nói rằng đây là một hình thức phân biệt đối xử.
Các chủ sở hữu điện thoại Huawei đang nhận được những chào mời, cám dỗ khác nữa. Họ có thể được giảm giá 20% tại một quán bar ở Bắc Kinh.
Ít nhất có một công ty đã đe dọa sẽ phạt bất kỳ ai mua các sản phẩm của Apple.
Huawei: TQ nổi giận vụ Mạnh Vãn Chu bị bắt
Mạnh Vãn Chu là ai và sao không mang họ bố?
Vài ngày trước, Menpad – một nhà sản xuất đèn LED tại Thâm Quyến – đã đề nghị trợ giá cho bất kỳ nhân viên nào mua điện thoại Huawei. Công ty này cũng cam kết sẽ phạt bất kỳ ai mua điện thoại iPhone của Apple.
Tại sao tập trung vào Huawei?
Cơ quan công tố Mỹ cáo buộc bà Mạnh, 46 tuổi, đã sử dụng một công ty con của Huawei có tên là Skycome để vi phạm lệnh trừng phạt áp dụng với Iran trong thời gian từ 2009 đến 2014. Họ cũng nói bà đã công khai diễn giải sai theo hướng Skycom là công ty riêng rẽ khỏi Huawei, và nói bà đã lừa dối các ngân hàng về mối quan hệ thực sự giữa hai công ty.
Bà Mạnh, con gái của nhà sáng lập hãng Huawei, bác bỏ việc có bất kỳ hành vi sai trái nào, và nói bà sẽ chống lại các cáo buộc.
Mỹ hiện đang điều tra hãng viễn thông khổng lồ này của Trung Quốc. Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ nhì thế giới kể từ 2016, bị cho là đã dùng Skycom để đem vào Mỹ các thiết bị sản xuất và hàng triệu đô la giao dịch với Iran, vi phạm lệnh trừng phạt.
Việc bắt giữ bà Mạnh xảy ra giữa lúc tranh cãi thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang ngày càng gay gắt.
Trung Quốc nói gì?
Trung Quốc tức giận về vụ bắt giữ, nói bà Mạnh không vi phạm bất kỳ luật nào. Bắc Kinh đe dọa sẽ có những hậu quả nghiêm trọng xảy ra nếu Canada không thả bà Mạnh.
Kể từ khi bà bị bắt giữ, đã có hai công dân Canada, gồm một cựu nhân viên ngoại giao và một doanh nhân, đã bị bắt giữ tại Trung Quốc do bị nghi là có hành vi tổn hại tới an ninh quốc gia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước nói ông có thể can thiệp vào vụ bà Mạnh tại Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nếu điều đó là vì quyền lợi an ninh quốc gia hoặc có thể giúp đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Canada phản ứng bằng cách thúc giục ông Trump không chính trị hóa tình hình.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46608745
Trung Quốc bắt giữ mục sư
trước Giáng sinh gây quan ngại
Các cuộc đàn áp nhà thờ của cảnh sát tại Trung Quốc làm dấy lên lo ngại chính quyền Bắc Kinh khắt khe hơn với các hoạt động Thiên Chúa giáo vốn không được thừa nhận.
Trong số những người bị bắt giữ có một mục sư nổi tiếng và vợ của ông, của nhà thờ Early Rain Covenant ở Tứ Xuyên.
Cả hai bị buộc tội lật đổ nhà nước.
Và vào sáng thứ Bảy vừa rồi, hàng chục cảnh sát đã đột kích một lớp học Kinh thánh của trẻ em tại nhà thờ Rongguili ở Quảng Châu.
Bản chất của CNXH đặc sắc Trung Quốc là gì?
Google có định trở lại Trung Quốc?
Trung Quốc giận dữ với nhà hoạt động Hong Kong
Trung Quốc chính thức là một quốc gia vô thần, mặc dù nói rằng cho phép tự do tôn giáo.
Nhưng trong nhiều năm qua, đã có nhiều động thái chống lại các nhà lãnh đạo tôn giáo mà Bắc Kinh cho là đe dọa đến chính quyền hoặc sự ổn định của nhà nước.
Nhưng theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thì cho rằng những hành động này là sự “tự chế giễu về tuyên bố của chính phủ rằng họ tôn trọng tự do tôn giáo”.
Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách gây sức ép buộc những người theo đạo phải gia nhập một trong ba nhà thờ Ái quốc Tam tự, một cơ quán giáo hội Kito được Bắc Kinh công nhận và thường tuân theo các đường lối của Đảng Cộng sản và được lãnh đạo bởi các linh mục được Đảng chỉ định.
Làm câm lặng giới chỉ trích
Mặc dù vậy, số người theo Kitô giáo vẫn tăng trưởng đều đặn trong những năm gần đây. Hiện tại có khoảng 100 triệu Kitô hữu ở Trung Quốc, nhiều người trong số họ thờ phượng tại những nơi được gọi là ‘nhà thờ ngầm’.
Wang Yi là lãnh đạo của một nhà thờ như vậy, Nhà thờ Early Rain Covenant ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Sichuan phía tây nam Tứ Xuyên.
Nhà thờ này khác thường ở chỗ thờ phượng công khai và cung cấp tài liệu truyền giáo hoàn toàn trên mạng. Nhà thờ cho biết có khoảng 800 tín đồ khắp thành phố. Nhà thờ cũng mở một trường học nhỏ.
Mục sư Wang cũng nổi tiếng là người thẳng thắn – ông đã chỉ trích gay gắt sự kiểm soát tôn giáo của chính quyền. Ông cũng đưa ra một bản kiến nghị được chia sẻ rộng rãi chống lại luật mới được áp dụng trong năm nay.
Luật này cho phép giám sát các nhà thờ chặt chẽ hơn và đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với những người được cho là vi phạm.
Hôm 9/12, cảnh sát đã đột kích nhà thờ và bắt Mục sư Wang và vợ ông, bà Jiang Rong.
Trong hai ngày sau đó, ít nhất 100 thành viên nhà thờ, bao gồm cả trợ lý của ông Wang đã bị bắt.
Một thành viên của nhà thờ, người yêu cầu không được xác định danh tính vì sợ bị trả thù, nói với BBC rằng khóa của trường học của nhà thờ bị phá.
Nhà của các tín đồ bị lục soát và một số người “bị quản thúc tại gia hoặc bị theo dõi mọi lúc”.
Bà nói rằng cảnh sát và các quan chức khác đã đến nhà của các giáo dân để gây áp lực buộc họ ký các tài liệu cam kết từ bỏ nhà thờ và đưa con cái họ ra khỏi trường.”
“Vào Chủ nhật, một số thành viên đã cố gắng tụ tập ở những nơi khác để cầu nguyện, nhưng cũng bị bắt.”
“Tòa nhà Giáo xứ bị vây quanh bởi cảnh sát mặc sắc phục lẫn thường phục, không cho phép bất cứ ai vào làm lễ.”
Nhà thờ cáo buộc rằng một số người được thả sau đó đã bị đánh đập, ngược đãi khi bị giam giữ.
Bốn mươi tám giờ sau khi bị bắt, Nhà thờ Early Rain Covenant công bố một lá thư từ Mục sư Wang, vốn đã được viết sẵn phòng trường hợp sự việc như thế này xảy ra với ông.
Trong đó, ông nói rằng ông tôn trọng chính quyền Trung Quốc và “không quan tâm đến việc thay đổi bất kỳ thể chế chính trị hoặc pháp lý nào ở Trung Quốc”.
Nhưng ông nói rằng ông “rất giận dữ và ghê tởm trước cuộc đàn áp nhà thờ bởi chế độ Cộng sản này”.
“Là một mục sư của một nhà thờ Cơ đốc, tôi phải tố cáo sự gian ác này một cách công khai và nghiêm khắc.
Những lời đề nghị mà tôi nhận được đòi hỏi tôi phải sử dụng các phương pháp bất bạo động để bất tuân những luật lệ của con người, mà những luật lệ này bất tuân Kinh thánh và Thiên Chúa”, ông nói.
Mục sư Wang và vợ bị buộc tội kích động lật đổ nhà nước, một trong những tội nghiêm trọng nhất chống lại nhà nước và là một cáo buộc thường được sử dụng để bịt miệng những người bất đồng chính kiến.
Họ có thể phải đối mặt với án tù 15 năm.
Một số thành viên khác của nhà thờ cũng đối mặt với cáo buộc tương tự.
Trên khắp Quảng Châu, một nhà thờ khác cũng bị đóng cửa, niêm phong.
Hôm thứ Bảy, lớp Kinh Thánh cho trẻ em của Nhà thờ Rongguili cũng bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của hàng chục cảnh sát.
Các nhân chứng cho biết cảnh sát tuyên bố nhà thờ là một cuộc tụ tập bất trái phép, họ tịch thu Kinh Thánh và các tài liệu khác và đóng cửa nhà thờ.
Cảnh sát sau đó lấy tên và địa chỉ và ra lệnh tất cả những người có mặt phải bàn giao điện thoại của họ.
Trước đó vào tháng Chín, nhà thờ Zion, một trong những nhà thờ không chính thức lớn nhất ở Bắc Kinh đã đột ngột bị đóng cửa. Gần đây, nhà thờ cũng đã từ chối yêu cầu của chính phủ về việc lắp đặt camera an ninh nhằm giám sát các hoạt động của nhà thờ này.
“Tôi sợ rằng không có cách nào để chúng tôi giải quyết vấn đề này với chính quyền,” Mục sư Jin Mingri nói với hãng tin Reuters vào thời điểm đó.
Trong năm nay, hàng loạt nhà thờ cũng đã bị phá hủy, bỏ thập tự giá và nhiều người bị bắt giữ.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết các cuộc đột kích vào Nhà thờ Early Rain Covenant và Nhà thờ Rongguili là một dấu hiệu nữa cho thấy dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang tìm cách thắt chặt kiểm soát mọi lĩnh vực của xã hội.
“Khi các ngày lễ lớn ở nhiều nơi trên thế giới – Giáng sinh và Năm mới – đang đến gần, chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục chú ý đến tình hình các nhà thờ độc lập của Trung Quốc và lên tiếng chống lại sự đàn áp của chính phủ Trung Quốc,” Nhà nghiên cứu Yaqiu Wang nói.
Giáo dân Nhà thờ Early Rain Covenant muốn giấu tên nói rằng ý tưởng gia nhập dòng Ái quốc Tam tự là “nực cười”, nói rằng Ái quốc Tam tự “không truyền bá Phúc Âm chân chính, mà truyền bá những suy nghĩ yêu Đảng, yêu đất nước”.
Một Kitô hữu khác ở Thành Đô nói với BBC rằng các nhà thờ như vậy là “chống lại Jesus, chống lại Phúc Âm”.
Ông mô tả quy mô của các hoạt động chống lại Nhà thờ Ái quốc Tam tự là “chưa từng có”, nhưng nói rằng họ cũng biết nhiều cuộc đàn áp sẽ tiếp tục diễn ra.
“Tôi rất may mắn vì họ chưa tìm ra tôi.”
Cộng đồng Early Rain Covenant sẽ tiếp tục tồn tại, ông nói, nhưng bây giờ sẽ “ẩn mình” hơn.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc họp mặt. Nhà thờ đã đóng cửa nên không thể có một cuộc tụ họp lớn, nhưng sẽ có những cuộc tụ họp nhỏ vào Chủ nhật và vào Ngày Giáng sinh.”
Cuối cùng, ông nói, sự đàn áp chỉ làm tăng hồ sơ vi phạm tự do tín ngưỡng của Trung Quốc.
“Không có sự đàn áp, mọi người có thể nghi ngờ về tôn giáo của chúng tôi. Nhưng khi sự đàn áp xảy ra, phản ứng của các mục sư và các thành viên sẽ khiến những người không tin vào Chúa Jesus nhận ra sự hấp dẫn của Kitô giáo.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46601415
Ông Tập Cận Bình nói
TQ ‘sẽ không tìm cách thống trị thế giới’
Chủ tịch Tập Cận Bình nói trong bài phát biểu đánh dấu 40 năm Trung Quốc bắt đầu công cuộc cải tạo kinh tế rằng đất nước ông sẽ không phát triển bằng cái giá mà các nước khác phải trả.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng siêu cường thế giới không phải là quốc gia mà nước khác có thể yêu cầu phải làm gì.
Trung Quốc bắt giữ mục sư trước Giáng sinh
Lục Khảng: ‘Michael Kovrig có thể phạm luật TQ’
Kinh tế TQ tăng trưởng thấp nhất kể từ 2009
Kế hoạch ‘cải cách và mở cửa’ của cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình bắt đầu được thực hiện hồi bốn thập kỷ trước.
Sự tăng trưởng kể từ đó đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Hàng trăm triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói nhưng trong những năm gần đây Trung Quốc đã phải vật lộn với khoản nợ ngày càng tăng và sự phát triển kinh tế trở nên chậm lại.
Ông Tập nói tuy đã đạt được những thành tựu kinh tế nhưng Trung Quốc sẽ “không bao giờ tìm cách bá chủ thế giới” và cũng nêu rõ về sự đóng góp của nước ông cho một “tương lai chung của nhân loại”.
Ông không nhắc tới cuộc tranh cãi thương mại hiện nay giữa Trung Quốc với Mỹ.
Trung Quốc tiếp tục trấn áp bất đồng chính kiến và bị cáo buộc là đã giam giữ hàng trăm ngàn người Hồi Giáo không qua xét xử tại vùng Tân Cương ở miền tây.
Việc Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa Biển Đông – nơi có những tuyến giao thương đường biển quan trọng – đã gây ra những quan ngại giữa các quốc gia láng giềng rằng Bắc Kinh muốn thống trị khu vực.
Những người chỉ trích nói rằng trong lúc giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết ở khắp châu Á và châu Phi thì Trung Quốc cũng đã đẩy các quốc gia vào cảnh mắc nợ hàng tỷ đô la, qua đó phải chịu ảnh hưởng chiến lược của Bắc Kinh.
Ông Tập đã giành phần lớn thời gian trong bài phát biểu dài của mình để nêu ra những ví dụ về tiến bộ của Trung Quốc trong các thập kỷ qua, và ca ngợi đó như “những thành tích hào hùng làm kinh thiên động địa”.
Ông nói rằng với những thành công đạt được, “không ai có thể ra lệnh cho nhân dân Trung Quốc là cần phải làm gì hay không làm gì”.
Đồng thời, ông nhấn mạnh về điều mà ông mô tả là các nỗ lực của Trung Quốc trong việc hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, nói Bắc Kinh là một “người cổ súy cho hòa bình thế giới”, một “người bảo vệ trật tự quốc tế” và giữ một “vai trò dẫn dắt trong việc đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu”.
Việc cải cách kinh tế của Trung Quốc được khởi xướng bởi lãnh tụ Đặng Tiểu Bình hồi 1978, và chương trình được chuẩn thuận vào ngày 18/12 năm đó.
Con đường chuyển đổi đã đưa nước này ra khỏi chủ nghĩa cộng sản kiểu cũ của Mao Trạch Đông, vốn theo chủ nghĩa tập thể và đã khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng nghèo đói và không hiệu quả.
Quá trình thay đổi tập trung vào cải cách nông nghiệp, tự do hóa kinh tế tư nhân, hiện đại hóa công nghiệp và mở cửa đối với thương mại quốc tế.
Ông Tập Cận Bình mô tả việc cải cách là một cú “dứt bỏ các trói buộc” của các sai lầm trước đó.
Ông nói rằng 40 năm qua là một “bước nhảy lớn của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.
Chủ tịch Trung Quốc không nhắc trực tiếp tới tranh cãi thương mại hiện nay với Mỹ nhưng nhấn mạnh về sự đóng góp của nước ông đối với việc toàn cầu hóa và trật tự quốc tế.
Apple có bị ảnh hưởng vì vụ bắt lãnh đạo Huawei
TQ lần đầu thừa nhận kinh tế sụt giảm vì thuế Mỹ
Google có định trở lại Trung Quốc?
Cuộc tranh cãi thương mại Mỹ-Trung đã leo thang tới mức có thể gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho cả hai bên nếu không đạt được thỏa thuận để xử lý bất đồng.
Không thay đổi về chính trị
Bất chấp việc có các cải cách kinh tế, những thập niên qua không làm thay đổi hệ thống chính trị độc đảng ở Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc có bài phát biểu hôm thứ Ba tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, nơi những lời kêu gọi cải cách chính trị hồi 1989 đã bị quân đội đàn áp dã man.
Ông Tập Cận Bình được đánh giá rộng rãi là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông tới nay.
Hồi 2017, ông đã khẳng định quyền lực của mình và đưa tư tưởng chính trị của mình vào hiến pháp.
Trong bài phát biểu, ông Tập lặp lại rằng ông tin vào việc tăng cường sức mạnh của đội ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản, và ca ngợi chiến dịch trấn áp tham nhũng của Bắc Kinh.
Những người chỉ trích nói rằng việc ông Tập Cận Bình nắm quyền được ghi dấu ấn bởi chiến dịch trấn áp bất đồng chính trị ráo riết hơn bao giờ hết cũng như bất kỳ nhóm nào mà Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là đe dọa tới quyền lực của Đảng, chẳng hạn như giáo hội Thiên chúa không được phép hoạt động chính thức, hay các nhà hoạt động vì quyền lợi của người lao động.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46598629
Trung Quốc, Nga thí nghiệm ‘chỉnh sửa khí quyển’
Trung Quốc và Nga vừa chỉnh sửa một tầng quan trọng của bầu khí quyển bên trên châu Âu để thử nghiệm một công nghệ có thể áp dụng vào mục đích quân sự, theo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng.
Theo các nhà khoa học Trung Quốc tham gia dự án, tổng cộng có năm thí nghiệm đã được thực hiện vào tháng Sáu.
Trong đó, một cuộc thí nghiệm vào 7/6 diễn ra ở độ cao 500 km đã gây ra nhiễu loạn vật lý trên một diện tích khoảng 126.000 km2, tương đương khoảng một nửa diện tích nước Anh.
Nơi diễn ra cuộc thử nghiệm là căn cứ Sura tại thị trấn nhỏ Vasilsursk của Nga, nằm ở Đông Âu.
Nga bị coi là dùng ‘chiêu trò’ can thiệp bầu cử Mỹ
NATO cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước tên lửa
Biển Đông: ‘Cảnh giác TQ sau sự cố Nga-Ukraine’
Trong một thí nghiệm khác hôm 12/6, nhiệt độ của lớp khí mỏng ion-hóa đã tăng thêm hơn 100 độ C do sự chuyển động của các hạt điện tử (electron) được phóng ra từ căn cứ Sura.
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc phát hiện các rối loạn vật chất đã cung cấp bằng chứng cho khả năng thành công của các thí nghiệm liên quan trong tương lai.
Trung Quốc hiện đang xây dựng một cơ sở thậm chí còn lớn hơn và tiên tiến hơn ở Tam Á, Hải Nam, với khả năng thao túng tầng điện ly trên toàn bộ Biển Đông, theo một bài báo trước đó của SCMP.
Hợp tác với Nga?
Giáo sư Guo Lixin, Trưởng Khoa Vật lý và Kỹ thuật Quang Điện tử tại Đại học Xidian ở Tây An, cho biết thí nghiệm chung giữa hai quốc gia là vô cùng bất thường. “Sự hợp tác quốc tế như vậy là rất hiếm đối với Trung Quốc,” ông Guo nói, vốn là người không tham gia thí nghiệm. “Các công nghệ được sử dụng quá nhạy cảm.”
Tầng điện ly cho phép tín hiệu vô tuyến di chuyển trong khoảng cách địa lý lớn để phục vụ liên lạc, bài báo trên SCMP viết.
Quân đội các nước đã chạy đua trong việc giành quyền kiểm soát tầng điện ly trong nhiều thập kỷ qua.
Căn cứ Sura ở Vasilsursk được cho là cơ sở quy mô lớn đầu tiên trên thế giới được xây dựng cho mục đích này.
Thay đổi tầng điện ly trên lãnh thổ của kẻ thù cũng có thể phá vỡ hoặc cắt đứt liên lạc của họ với các vệ tinh.
Quân đội Hoa Kỳ đã học được từ thí nghiệm của Nga và xây dựng một cơ sở lớn hơn nhiều để tiến hành các thử nghiệm tương tự.
Chương trình nghiên cứu High Frequency Active Auroral, hay HAVD, được thiết lập tại Gakona, Alaska, vào những năm 1990 với sự tài trợ của quân đội Hoa Kỳ và Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến.
Trung Quốc hiện đang xây dựng một cơ sở thậm chí còn lớn hơn và tiên tiến hơn ở Tam Á, Hải Nam, với khả năng thao túng tầng điện ly trên toàn bộ Biển Đông, theo một bài báo trước đó của SCMP.
Đã có những lo ngại rằng các cơ sở như vậy có thể được sử dụng để thay đổi thời tiết và thậm chí tạo ra các thảm họa tự nhiên, bao gồm bão, lốc xoáy và động đất.
Nhưng Tiến sĩ Wang Yalu, một nhà nghiên cứu liên kết với Cơ quan Động đất Trung Quốc, người tham gia vào thử nghiệm hồi tháng Sáu, đã bác bỏ những giả thuyết như vậy.
“Chúng tôi chỉ đang làm nghiên cứu khoa học thuần túy. Nếu có bất cứ điều gì khác liên quan, tôi không được thông báo về điều này,” bà nói trong một cuộc phỏng vấn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46601326
40 năm cuộc cải cách kinh tế của TQ
và thế khó hiện nay
Tháng 12/1978, Trung Quốc bắt đầu công cuộc cải cách mở cửa khổng lồ. Ngày nay họ đạt nhiều thành tựu và cũng gặp thách thức lớn.
Khi Victor Gao lớn lên ở vùng nông thôn Trung Quốc vào thập niên 1970, ô tô khi đó hiếm đến mức ông sẽ chạy cùng lũ trẻ chạy theo xe ô tô qua những đoạn đường bụi bặm, hân hoan trước những gì mình được thấy.
Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, gấp đôi năng lực của Mỹ.
Gao nói với CNN: “Tôi đã từng không bao giờ nghĩ rằng một gia đình Trung Quốc bình thường lại có thể sở hữu một chiếc ô tô. Tôi không bao giờ kỳ vọng Trung Quốc sẽ là một nước sản xuất ô tô hàng đầu. Có mơ tôi cũng không tưởng tượng được Trung Quốc sẽ chế tạo ra ô tô nhiều hơn cả Mỹ”.
Ngày 18/12 này tròn 40 năm kể từ khi Trung Quốc bắt đầu quá trình cải cách mở cửa, biến nước này từ một quốc gia nghèo nàn thành một cường quốc kinh tế.
Khi chính trị gia Trung Quốc Đặng Tiểu Bình phát biểu trước ban lãnh đạo Trung Quốc vào tháng 12/1978, GDP của Trung Quốc ở dưới mức 150 tỷ USD. Bài phát biểu này được coi là sự khởi đầu của thời kỳ cải cách mở cửa ở Trung Quốc.
Bốn mươi năm sau, GDP của Trung Quốc đã tăng vọt lên con số hơn 12.000 tỷ USD, và chỉ đứng sau con số của Mỹ.
Nhưng vào dịp kỷ niệm 40 năm bài phát biểu lịch sử này, Trung Quốc đang gặp thế khó về kinh tế.
Kỷ nguyên Đặng Tiểu Bình
Vào năm 1978, kinh tế Trung Quốc vô cùng khó khăn sau nhiều năm quản lý kinh tế yếu kém và nhiều xáo trộn lớn về chính trị. Hàng trăm triệu nông dân rơi vào tình trạng thiếu dinh dưỡng kinh niên.
Ngày nay, Trung Quốc nắm giữ tới 10% tài sản toàn cầu. Chỉ trong riêng 20 năm qua, tỷ lệ tài sản trên đầu người lớn ở Trung Quốc đã tăng 4 lần, chỉ còn hơn 1% dân số nước này là ở trong tình trạng cực kỳ nghèo khó.
Trung Quốc hiện có tới 600 tỷ phú – con số này cao hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Sự trỗi dậy về mặt kinh tế này của Trung Quốc được gắn với công lao của ông Đặng Tiểu Bình.
Cách tiếp cận của ông Đặng là duy trì sự lãnh đạo của đảng cộng sản, đồng thời giảm mức độ kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế. Câu nói nổi tiếng thể hiện quan điểm thực tế của ông Đặng là: “Mèo trắng hay đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”.
Bắt đầu từ tháng 12/1978 đó, Trung Quốc bắt đầu thay đổi từng bước một. Nông dân có thể đem bán các sản phẩm dư thừa và thu lợi. Người dân có quyền lập doanh nghiệp riêng. Các “đặc khu kinh tế” với cơ chế hào phóng cho thương mại tự do đã được lập nên ở một số khu vực nhất định của đất nước.
Năm 1990, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã được chính thức mở lại.
Ông Gao từng làm phiên dịch cho Đặng Tiểu Bình từ năm 1983-1988. Gao giờ là Phó Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, có trụ sở ở Bắc Kinh.
Ông Gao nhớ lại cách tiếp cận thực dụng của ông Đặng. Ông kể về cuộc gặp vào năm 1986 giữa Đặng Tiểu Bình và Chủ tịch Chứng khoán New York (Mỹ) John Phelan. Khi đó nhà lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ giúp họ mở một sàn chứng khoán – ý tưởng này chỉ vài năm trước đó vẫn là điều cấm kỵ.
Ông Gao nói: “Tôi vẫn nhớ hình ảnh sống động này: Trong cuộc gặp, ông Đặng rất khiêm nhường, ông nói với Phelan rằng ‘Người Mỹ các ông biết cách kiếm tiền và các ông là những người rất giàu có. Còn chúng tôi ở Trung Quốc thì lại rất nghèo’”.
Cuộc chiến thương mại và định hướng kinh tế của ông Tập
Tuy nhiên, trước thềm kỷ niệm 40 năm công cuộc cải cách mở cửa đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động một cuộc chiến tranh thương mại bất ngờ và quy mô không hề nhỏ nhằm vào Trung Quốc, khiến Trung Quốc phải xem xét lại đáng kể các phương án kinh tế của mình.
Nhà lãnh đạo Mỹ Trump đã đặt ra hàng rào thuế quan đối với một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc (với trị giá lên tới hàng trăm tỷ USD).
Thời ông Đặng, Trung Quốc nhấn mạnh nhiều đến việc đưa ra quyết định mang tính tập thể. Thời ông Tập, quyền lực được tập trung hơn. Và sự điều chỉnh này của ông Tập có vẻ không làm hài lòng giới chức Mỹ.
Trước chính sách kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chính quyền Mỹ đã yêu cầu phía Trung Quốc để cho nước ngoài được tiếp cận nhiều hơn. Họ cũng yêu cầu chính quyền Trung Quốc giảm bớt sự hỗ trợ cho các ngành kinh tế quan trọng.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do Tổng thống Trump phát động đã không chỉ phủ bóng đen lên hoạt động kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc mà còn ảnh hưởng không tốt tới các kế hoạch kinh tế của ông Tập Cận Bình. Trong cuộc chiến này, phía Mỹ có nhiều lợi thế và công cụ hơn khi họ là bên nhập siêu từ Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25336-40-nam-cuoc-cai-cach-kinh-te-cua-tq-va-the-kho-hien-nay.html
Mỹ-Trung-Canada tiếp tục tranh cãi
về các vụ bắt giữ công dân
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tiếp tục chỉ trích chính phủ Canada về việc bắt giữ Phó Chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu.
Hôm nay (17/12), tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Hoa Xuân Doanh tiếp tục chỉ trích chính phủ Canada về việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu – Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei Trung Quốc sau khi Mỹ và Canada phản ứng về việc chính phủ nước này bắt giữ 2 công dân Canada.
Tại buổi họp báo, bà Hoa Xuân Doanh đánh giá, việc Mỹ và Canada cho rằng mình tuân thủ pháp luật và pháp quy là điều làm người khác ngạc nhiên. Thực tế đã chứng minh, nhiều ngày qua đã có rất nhiều người dân Canada gửi thư cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada hoặc thông qua các cơ quan truyền thông để chỉ trích hành vi của chính phủ Canada. Bà Hoa Xuân Doanh dẫn chứng, nhà kinh tế học Jeffrey Sachs của Mỹ cũng đăng bài phân tích bản chất và tính chất nguy hại của vụ việc căng thẳng lần này. Do đó, Trung Quốc yêu cầu cả Mỹ và Canada cần phải nhìn nhận và xử lý đúng đắn về vụ việc. Bà Hoa Xuân Doanh nói:
“Trung Quốc đốc thúc mạnh mẽ phía Canada lập tức sửa chữa sai lầm, thả ngay công dân Trung Quốc đang bị bắt giữ trái phép, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan. Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ hủy ngay lệnh bắt giữ trước đó”.
Trước đó, tại Đối thoại 2+2 giữa Mỹ và Canada hôm 14/12 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh, việc 2 công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ là trái phép và cần phải được thả ngay lập tức. Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho rằng, cả Mỹ và Canada đều là những nước tuân thủ pháp quy và pháp chế, việc chính phủ Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu dựa trên các Điều ước quốc tế và các điều luật có liên quan.
Được biết, căng thẳng giữa Trung Quốc, Mỹ và Canada kéo dài từ đầu tháng 12/2018 đến nay, sau khi chính quyền Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu – Phó Chủ tịch Tập đoàn Hoa-uây Trung Quốc hôm 1/12 theo yêu cầu của phía Mỹ. Ngay sau đó ngày 10/12 vừa qua, Trung Quốc cũng đã bắt giữ hai công dân của Canada với cáo buộc gây nguy hại cho an ninh quốc gia của nước này
Chỉ đạo các địa phương hoãn chiến lược
‘Made in China 2025’, phải chăng TQ đã thay đổi?
Chính phủ Trung Quốc vừa có động thái bất ngờ khi chỉ đạo các chính quyền địa phương ngừng nỗ lực theo đuổi kế hoạch “Made in China 2025” nữa. Phải chăng động thái này báo hiệu Trung Quốc đang thay đổi chiến lược?
“Động thái nhỏ, tín hiệu to” là câu nói được một số nhà phân tích nhắc tới sau thông tin Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các địa phương trên toàn quốc không nỗ lực theo đuổi kế hoạch “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025), báo hiệu một sự “xuống thang” trong cuộc đối đầu căng thẳng với Mỹ.
Cùng với sáng kiến “Vành đai, Con đường”, chiến lược “Made in China 2025” chính là một trong những tâm điểm gây tranh cãi, xung đột giữa Washington và Bắc Kinh thời gian qua. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tỏ rõ quyết tâm, bằng hàng loạt biện pháp, nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc mà có thể thách thức vị thế của Mỹ hiện nay, trong đó “Made in China 2025” chính là mục tiêu trực diện nhất.
“Made in China 2025” là một sáng kiến nhằm đưa Trung Quốc bắt kịp với các đối thủ trên toàn cầu trong các lĩnh vực kinh tế then chốt và đã được giới chức Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ kể từ khi sáng kiến này được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra hồi năm 2015. Chiến lược này đóng vai trò then chốt trong mục tiêu biến Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu vào năm 2050 và có khả năng cạnh tranh cao hơn trong những lĩnh vực như tự động hóa, máy bay và xe hơi năng lượng sạch. Kế hoạch này được Chủ tịch Tập Cận Bình đặt nhiều kỳ vọng, qua đó biến Trung Quốc từ “công xưởng thế giới” thành một trung tâm công nghệ toàn cầu.
Giữa lúc cuộc chiến thương mại leo thang chóng mặt, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã bất ngờ đạt được một “thỏa thuận đình chiến” tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 1/12 ở Argentina. Đây được xem như là chiếc phao cứu sinh đối với Trung Quốc trong lúc nước này đang chới với.
Tuy nhiên, những nỗ lực công khai của Bắc Kinh trong việc sử dụng nguồn lực và sự hỗ trợ của nhà nước để thu hẹp khoảng cách về công nghệ với các nước đã phát triển khiến phương Tây cảnh giác và vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của chính quyền Mỹ. Áp lực ngày càng lớn của cuộc chiến thương mại đã buộc Bắc Kinh phải hành động?
Trong một bản hướng dẫn mới gửi đến các chính quyền cơ sở đầu tuần này, Chính phủ Trung Quốc đã bỏ cụm từ “Made in China 2025”, thay vào đó, Quốc Vụ viện kêu gọi có thêm nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong các chỉ đạo chính sách những năm qua, Chính phủ Trung Quốc luôn thành lập một khoản quĩ đặc biệt dành cho chiến lược “Made in China 2025” và chỉ đạo các địa phương nên ưu tiền nguồn lực tài chính cho những dự án và doanh nghiệp phục vụ chiến lược này.
Thậm chí, trong chỉ đạo chính sách năm 2017 và ngay đầu năm 2018, Chính phủ Trung Quốc còn công bố một danh sách các địa phương đạt “thành tích vượt trội” trong việc thúc đẩy chiến lược “Made in China 2025”.
Theo giới quan sát, đây là động thái khá bất ngờ, song không rõ đó có phải là một chiến lược tuyên truyền của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại với Mỹ hay không, và động thái này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã hoàn toàn chấm dứt chiến lược “Made in China 2025”. Trả lời phỏng vấn của kênh CNBC, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 12/12 cũng nói rằng động thái trên là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đã giảm nhẹ chiến lược “Made in China 2025”, song còn quá sớm để khẳng định chiến lược này đã bị khai tử.
Bộ trưởng Wilbur Ross nêu rõ: “Chúng tôi kịch liệt phản đối việc sử dụng các biện pháp không hợp lý và không đúng đắn, chẳng hạn như đánh cắp bí mật công nghệ, buộc phải chuyển giao công nghệ hoặc các biện pháp tương tự. Chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh và đối đầu với họ nếu đó là một sân chơi công bằng”.
Cũng như Bộ trưởng Ross, nhiều quan chức trong chính phủ Mỹ cũng bày tỏ nghi ngờ về kế hoạch mới của Bắc Kinh, một số người cho rằng đây có thể chỉ là chiêu trò đánh lạc hướng của Trung Quốc.
Jeremie Waterman, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc của Hội kinh doanh Mỹ, bày tỏ hy vọng kế hoạch mới của Trung Quốc không chỉ là những lời nói sáo rỗng, mang tính tuyên truyền, mà là “những biện pháp điều chỉnh cụ thể, liên quan đến trợ cấp, đề ra tiêu chuẩn và thu mua”.
Con đường Trung Hoa ‘bốc mùi’ tại Belorus
Cả thị trấn Xvetlogorsk nghẹt thở vì một thứ mùi không thể chịu nổi. Người người dân bắt đầu thấy các triệu chứng bị nhiễm khí độc: tức thở, uể oải…
LTS: Xin giới thiệu bài viết của chuyên gia Nga Ghenadi Granovski với tiêu đề trên về một số dự án trong đại dự án “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc ở Belorus và một số nước khác đề bạn đọc tham khảo và liên hệ. Bài đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) ngày 19/11/2018 mới đây. Các ảnh chụp tại Belorus là của tác giả.
Chính quyền thị trấn Xvetlogorsk thuộc tỉnh Gomel của Belorus đã buộc nhà máy sản xuất bột giấy sunphat tẩy trắng do công ty Trung Quốc China CAMC Engineering Co., LTD xây dựng một năm trước đây phải dừng hoạt động. Lý do- nhà máy gây tác động nguy hiểm đến môi trường.
Nói một cách chính xác, nhà máy này vẫn chưa đi vào hoạt động chính thức. Nó được khởi công xây dựng từ năm 2012 và theo hợp đồng đã ký kết, nhà máy sẽ được đưa vào khai thác chính thức trong năm 2015. Sau đó một thời gian, thời hạn nhà máy bắt đầu sản xuất được điều chỉnh lùi sang cuối năm 2017.
Có một số nguyên nhân làm chậm tiến độ, nhưng nguyên nhân chủ yếu là những tác động nguy hiểm đối với môi trường sinh thái khi nhà máy chính thức hoạt động. Vấn đề này đã phải đưa ra toà án địa phương để xem xét. Phía (ban quản lý) nhà máy và các cơ quan liên quan đã phải làm thêm một số xét nghiệm các mẫu chất thải, phân tích đi phân tích lại mọi khía cạnh của dự án này.
Thực ra, từ trước đây, thị trấn Xvetlogorsk đã phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường phức tạp. Những nhà máy công nghiệp ở khu vực thị trấn chủ yếu là các xí nghiệp sản xuất sản phẩm hóa dầu (“xí nghiệp “Xvetlogorsk Chimvolokno”) và sản xuất bột giấy (“Tổ hợp giấy bìa các ton Xvetlogorski”). Chính vì thế mà sức ép đối với môi trường tại đây trước khi có dự án Trung Quốc cũng đã tương đối lớn.
Đúng ra, nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng được xây dựng là để tăng cường thêm công suất sản xuất cho “Tổ hợp bìa giấy các ton Xvetlogorski” đã có. Tuy nhiên, gói thầu xây dựng (nhà máy bộ giấy tẩy trắng) này lại không phải là dự án của chính công ty “Tổ hợp bìa các ton Xvetlogorski”) nói trên.
Tất cả đã được quyết định tại những văn phòng làm việc cấp cao nào đó tại Minsk (thủ đô Belorus). Năm 2012, Tổng thống A.Lukashenko đã ký Nghị quyết №391 “Về xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy sunfat tẩy trắng”. Sau đó, chính phủ Belorus ký thỏa thuận vay một khoản tín dụng trị giá 654 triệu đô la từ Ngân hàng xuất- nhập khẩu và Ngân hàng công thương Trung Quốc (để thực hiện dự án này).
Người dân Xvetlogorsk không chấp nhận kế hoạch này. Có tới hơn 10.000 cư dân thị trấn đã ký đơn phản đối việc xây dựng nhà máy. Dân chúng lo ngại trước việc nếu theo dự án Trung Quốc thì bột giấy sẽ được tẩy trắng bằng chất Chlorine dioxide. Tổ chức môi trường “Ekodom” (Ngôi nhà sính thái) đã đệ đơn có các chữ ký của (10.000) cư dân thị trấn lên tòa án huyện Xvetlogorsk. Trong đơn, “Ekodom” đòi chính quyền phải cấm xây dựng nhà máy.(tương tự như dự án
Đã có một số buổi điều trần về vấn đề này. Bên ủng hộ dự án đưa ra các luận chứng bác bỏ những yêu cầu của dân cư địa phương. Trong đó, các đại diện của tổ chức ủng hộ là “Belnhits Ecology” đã cố gắng thuyết phục tòa là việc sản xuất bột giấy tẩy trắng sẽ đảm bảo an toàn cho môi trường.
Họ dựa vào những kết luận đánh giá tác động môi trường (DTM) đã được gọt rũa và làm đẹp để chứng minh cho khẳng định trên. Tổ chức “Belnhits Ecology” này cũng thuyết minh rằng nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình công nghệ thì những tác động (tiêu cực) lên môi trường do sản xuất bột giấy tẩy trắng sunfat sẽ chỉ ở mức tối thiểu và dưới mức cho phép.
Còn lý lẽ của các nhà hoạt động bảo vệ môi trường- hoạt động xã hội được đưa ra là: nhà máy được xây dựng theo công nghệ cũ, trong khi tại các nước láng giềng người ta đã bỏ công nghệ sử dụng clo để tẩy trắng bột giấy từ rất lâu,- tuy nhiên, toà đã không quan tâm đến lập luận này. Tòa bác đơn “Ecodom” và tiến độ xây dựng nhà máy được đẩy nhanh với tốc độ chóng mặt.
Câu hỏi ai đúng, ai sai trong trường hợp này đã có câu trả lời từ mùa thu năm ngoái (2017), khi nhà máy bắt đầu chạy thử. Ngay khi các tổ máy khởi động, cả thị trấn Svelogorsk đã bị phủ một bầu không khí có mùi cực kỳ khó chịu. Những người dân thị trấn đã mô tả cái mùi này như sau:
“Đó là một mùi vừa giống mùi bắp cải thối rữa, vừa giống mùi cống rãnh”. Còn các chuyên gia hóa học của xí nghiệp “XvetlogorskKhivolokno” thì giải thích trên góc độ chuyên môn như sau: đó là mùi của chấtmecaptan (Thiol)- một loại hợp chất độc nhóm hai được tạo ra trong quá trình đun gỗ với hóa chất.
Sau lần sản xuất thử đầu tiên thất bại, ban quản lý dự án lại cho chạy thử lần hai , nhưng kết quả cũng y như vậy. Chỉ đến tháng 7 năm nay(2018) nhà máy mới cho ra lò lô sản phẩm đầu tiên. Tuy vậy, các chuyên gia Trung Quốc vẫn không thể lắp đặt xong và cho chạy thiết bị đốt để khử chất Thiol.
Cả thị trấn Xvetlogorsk nghẹt thở vì một thứ mùi không thể chịu nổi. Người người dân thị trấn bắt đầu thấy các triệu chứng bị nhiễm khí độc: tức thở, uể oải, tự nhiên chảy nước mắt, ở một số người còn xuất hiện các vết loét nhỏ ở vòm họng.
Người dân cố nhẫn nhục chịu đựng đến cuối mùa thu, nhưng dù vậy- nhà máy cũng không chỉ không thể nào sản xuất hết công suất thiết kế, mà còn gây ô nhiễm trầm trọng môi trường xung quanh (khi Thiol nặng gấp 2 lần không khí. Nó “trườn” ra vùng ngoại vi nhà máy và phủ đầy các vùng trũng thấp). Còn bây giờ- chính quyền buộc phải đóng cửa nhà máy vô thời hạn.
Đặc sắc Trung Quốc
Trường hợp tại Xvetlogorsk- đấy không phải là sai lầm đầu tiên trong thực tiễn thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trên thế giới. Nhưng tại Belorus- nó có một đặc điểm nối trội- đó là mang nét “đặc sắc Trung Quốc”. Ở đây (Belorus) có nhiều dự án đầu tư liên quan trực tiếp đến Đại dự án “Con đường tơ lụa mới”,- tức một kế hoạch bành trướng trên lục địa nhưng được các nhà cầm quyền Trung Quốc đặt cho cái tên mỹ miều như vậy khi họ bắt đầu công khai thực hiện ý tưởng này.
Đến bây giờ thì tên gọi đã được thay đổi- thành “Một vành đai, một con đường!” Tuy nhiên, dù tên gọi có khác đi thì cái “con đường” này vẫn không hề bớt gập ghềnh hơn đối với các đối tác cả tin của Trung Quốc. Cũng chính tại đất nước Belorus này người dân đang “sôi sùng sục” vì cái nhà máy sản xuất ắc quy ở ngoại ô Brest.
Một công ty Trung Quốc đã xây dựng nhà máy độc hại này ngay tại khu nghỉ dưỡng, sát tường bệnh viện tỉnh và khu vực nghỉ ngơi của dân chúng địa phương. Tại thành phố Dobrusha, một công ty Trung Quốc khác cũng đã không thể xây dựng hoàn chỉnh một nhà máy sản xuất bìa các tông.
Hãng Trung Quốc nhận thầu xây dựng nhà máy này, theo thừa nhận của chính cựu Thủ tướng Belorus Andrey Kobyakov, là một hãng không có đủ năng lực thực hiện các dự án lớn như vậy. Người Belorus buộc phải hủy hợp đồng với nhà thầu xây dựng Trung Quốc.
Dự án bây giờ vẫn ở trạng thái dự án bị treo, bởi vì Ngân hàng phát triển quốc gia Trung Quốc- ngân hàng cấp kinh phi (tín dụng) cho dự án này nhất quyết không tham gia vào gói thầu xây dựng nhà máy của những công ty các nước khác ngoài Trung Quốc.
Nét “Đặc sắc Trung Quốc” kiểu trên cũng thể hiện rất rõ tại Xvetlogorsk (như nói tới ở phần đầu-ND). Sau các vụ scandal ầm ỹ (về gây ô nhiễm môi trường) và những rắc rối khi thực hiện dự án (không thể nào cho ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo thiết kế), các chuyên gia Trung Quốc đã rời nhà máy, đồng thời tháo rỡ mang theo toàn bộ các bảng điện tử điều khiển trang thiết bị của nhà máy. Mà thiếu chúng thì không thể nào khởi động lại được nhà máy.
Đó là một bức tranh hoàn hảo và quen thuộc trong thực tiễn đầu tư Trung Quốc. Các ngân hàng Trung Quốc cấp các khoản vay cho các nước để xây dựng một công trình nào đấy. Sau đó những khoản tiền này lại quay trở lại Trung Quốc để chi trả tiền công cho các nhà thầu của chính Trung Quốc.Những nước nào dính bẫy tham gia vào dự án “Một vành đai, một con đường” được quảng cáo rầm rộ sẽ ngập trong các khoản nợ Trung Quốc. Cộng thêm vào đó- phần “giải phụ” sẽ là sự phụ thuộc vào các công ty điều hành- khai thác dự án từ Trung Quốc.
Những ví dụ như vậy có đầy rẫy. Chúng ta đã biết quá rõ cái cách mà Trung Quốc xử sự với Turkmenistan. Người Trung Quốc bỏ tiền (cho vay) xây đường ống dẫn khí đốt từ các mỏ trên lãnh thổ Turkmenistan sang khu tự trị Tân Cương- Duy Ngô Nhĩ của mình, Từ giờ trở đi thì Ashgabat (Turkmenistan) sẽ thanh toán khoản tín dụng của Trung Quốc bằng khí đốt, trong khi trên thực tế đổi lại nước này không hề nhận được gì (từ phía Trung Quốc).
Kết quả là – một đất nước giàu có hạng nhất chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế với tất cả các hậu quả xã hội kèm theo. Có thể nhắc thêm một ví dụ nữa về việc Trung Quốc đầu tư cho Tajikistan. Tại đây các công ty Trung Quốc cũng bỏ tiền xây dựng nhà máy nhiệt điện và các tuyến đường ô tô.
Để thanh toán các khoản tín dụng vay của Trung Quốc, Dushanbe phải “nhượng” cho Bắc Kinh quyền khai thác 6 mỏ vàng và ……. một lượng nước ngọt nhất định. Một công ty Hồng Kông sẽ khai thác nước từ hồ Sarez của Tajiksitan và bán nước sạch tại Trung Quốc.
Sau xem xét tính toàn kỹ mọi vấn đề khi mọi sự đã rồi, các quan chức Tajiksitna mới té ngửa ra là trên thực tế, tất cả các con đường đều cần cho Trung Quốc và đều nằm trong khuôn khổ chiến lược hiện thực hóa Dự án “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh. Còn về phía mình, Tajistan được “vác” trên lưng một gánh nợ khổng lồ (so với quy mô nền kinh tế Tajikistan) – tới 1,5 tỷ đôla.
Trung Quốc cũng áp dụng một cách tiếp cận cứng rắn như vậy ngay cả với những đồng minh chiến lược thân thiết của mình. Cụ thể là tấm gương Pakistan. Lãnh thổ nước này đã được Trung Quốc đưa vào “quy hoạch” dự án “Một vành đai, một con đường”.
Bắc Kinh tính toán sẽ sử dụng các cảng của Pakistan để tiếp nhận hàng hóa từ Trung Đông và Châu Phi (các loại nguyên liệu khác nhau và dầu mỏ- khi đốt). Có thừa đủ lý do để Trung Quốc tính toán như vậy.
Trong trường hợp tình hình quốc tế xấu đi, các tuyến vận tải qua Pakistan sẽ giúp Trung Quốc đảm bảo được nguồn cung nguyên liệu và năng lượng không bị gián đoạn nếu eo biển Malacca và Biển Đông bị phong tỏa. Còn “trong thời bình”, trung chuyển hàng hóa qua lãnh thổ Pakistan sẽ giúp Trung Quốc tiết kiệm được rất đáng kể thời gian và chi phí vận chuyển.
Và thế là ý tưởng của Trung Quốc đã bắt đầu được thực hiện. Bắc Kinh đã nhận quyền sử dụng 9,23km2 đất tại khu vực sát cảng biển Gvadar. Còn chính cảng này đã được người Trung Quốc cải tạo thành cảng nước sâu, xây dựng các công trình phụ trợ, các cơ sở hạ tầng cần thiết.
Vào thời điểm hiện tại thì họ (Trung Quốc) đang xây dựng một hệ thống giao thông nhiều nhánh, một cảng hàng không quốc tế, một khu vực chuyên phục vụ xuất khẩu hàng hóa, – đồng thời làm một hàng lang giao thông kéo dài đến tận biên giới phía tây của nước mình (Trung Quốc- để kết nối với mạng lưới giao thông nội địa). Dự án tuy còn lâu mới hoàn thành, nhưng Pakistan đã ngập trong nợ nần và đang tìm lối thoát bằng cách vay các khoản tín dụng của IMF để thanh toán cho Bắc Kinh.
Dự án “Một vành đai, một con đường” sẽ còn làm cho nhiều đối tác cả tin, ngây thơ của Trung Quốc phải sửng sốt. Ngoài sự phụ thuộc về tài chính vào các nhà đầu tư Trung Quốc, còn có thể (và gần như chắc chắn), các đối tác của Bắc Kinh sẽ phải gánh thêm những vấn đề môi trường hết sức nghiêm trọng, như những gì đã thấy ở Belorus.
Cũng rất không nên quên một điều rằng hiện nay người dân tại ngay chính tại thủ đô Bắc Kinh cũng đang ngạt thở vì khói bụi và có tới 80% các trận mưa trên đất nước Trung Quốc – là mưa axit. Những trận mưa (a xít) này sớm muộn cũng sẽ đến với các đối tác cả tin theo “Một vành đai- một con đường”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25332-con-duong-trung-hoa-boc-mui-tai-belorus.html
QĐ Trung Quốc: Bộ binh không biết đọc bản đồ,
pháo binh chỉ bắn trượt – Còn cửa nào để thắng?
Điểm yếu này có quyết định kết quả của cuộc chiến tranh công nghệ cao giữa Trung Quốc và Mỹ hay không?
Quân đội Trung Quốc hầu như không có kinh nghiệm chiến đấu – nhà phân tích Timothy Heath chỉ ra trong bài viết cho tổ chức tư vấn RAND. Tuy nhiên, cũng theo ông Heath, điều đó có thể không phải là vấn đề quá lớn.
“Hiện nay, quân đội Trung Quốc có trong tay kho vũ khí công nghệ cao ngày càng ấn tượng, song, năng lực của họ trong việc vận hành các loại vũ khí và thiết bị này vẫn chưa rõ ràng. Có nhiều lý do để hoài nghi điều đó” – ông Heath cho hay.
Lần gần đây nhất quân đội Trung Quốc tham chiến là vào năm 1979, cách đây đã gần 40 năm.
“Những hệ quả khôn lường thể hiện rõ ràng ở việc PLA quay trở lại với các chiến thuật tai tiếng như tấn công biển người, lính bộ binh không thể định hướng hoặc đọc bản đồ, pháo binh không thể bắn chính xác do không quen thuộc với các bước đo khoảng cách và tính toán cự ly khai hỏa.
“…Một số ít ỏi các cựu binh trong quân đội Trung Quốc sẽ nghỉ hưu hết trong vài năm tới, như thế, PLA sẽ sớm rơi vào tình trạng không có binh sĩ nào có kinh nghiệm tác chiến trực tiếp” – Ông Health viết.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Bắc Kinh không thể “chiến thắng” một cuộc chiến tranh quy mô lớn, mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi về một “chiến thắng thực sự” trong những cuộc xung đột như vậy, bởi bên thắng lợi vẫn phải chịu những tổn thất tiềm tàng về nhân mạng, tình trạng hỗn loạn về kinh tế, chính trị, cũng như sinh thái học sau chiến tranh.
“Chiến thắng” trong trường hợp này chỉ có nghĩa: Một bên đạt được các mục tiêu chiến lược tức thời của họ và ngăn chặn đối phương làm được điều tương tự.
Ông Heath đã dựa trên cơ sở lịch sử để lý giải vai trò của kinh nghiệm tác chiến đối với kết quả chiến tranh.
Thời kỳ đầu thế chiến II, quân đội Mỹ thiếu kinh nghiệm chiến đấu nhưng sở hữu nhiều nguồn lực, có ý chí chiến đấu, nền tảng giáo dục, đào tạo tốt… nên có thể nhanh chóng hồi phục từ các thất bại trên chiến trường.
Trong khi đó, quân đội Iraq năm 1991 là một đội quân giàu kinh nghiệm, đã chiến đấu chống lại Iran trong 8 năm, từ 1980. Tuy nhiên, họ không có đủ khí tài, cũng như thiếu học thuyết và thể chế vững vàng.
Do đó, liên quân do Mỹ dẫn đầu, dù ít kinh nghiệm hơn, nhưng lại đánh bại được Iraq, một phần là nhờ họ có vũ khí tốt, binh lính được đào tạo chuyên nghiệp và có tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao.
Ngày nay, quân đội Mỹ đã có kinh nghiệm tác chiến nhiều hơn so với bất cứ lực lượng vũ trang nào khác trên thế giới, đó là nhờ họ đã tiến hành nhiều chiến dịch dài hạn tại Iraq, Afghanistan…
Thế nhưng, vẫn còn những tranh cãi về việc liệu kinh nghiệm của Mỹ trong những cuộc xung đột cường độ thấp này có đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh công nghệ cao với Trung Quốc hay không.
“Ở cấp độ chiến lược, cuộc chiến giữa các lực lượng Trung-Mỹ sẽ là một cuộc chiến cường độ cao mà chưa bên nào có kinh nghiệm cả”, ông Heath viết, “Chưa thể dự đoán kết quả của cuộc giao tranh đầu tiên sẽ nghiêng về bên nào.
Song với kế hoạch tỉ mỉ và sự chuẩn bị kỹ càng, cũng như gặp điều kiện thuận lợi, thì Trung Quốc có thể sẽ chiếm ưu thế trước Mỹ trong trận chiến đầu tiên”.
“Tuy nhiên, cuộc chiến tranh sẽ không dừng lại tại đó”, ông Heath viết tiếp, “các lực lượng Mỹ sẽ sử dụng những ưu thế đáng gờm của mình để điều chỉnh và nâng cao hiệu quả chiến đấu trong những đợt giao tranh sau đó”.
“Trung Quốc có thể đã tiến hành đủ mọi nỗ lực để lấp đầy khoảng cách về chất lượng chỉ huy, huấn luyện, phối hợp, và một số nhân tố khác có thể đóng vai trò quan trọng nếu cuộc xung đột nổ ra
Song ngay cả khi ấy, kết quả cuối cùng của cuộc chiến trường kỳ giữa hai cường quốc có vẻ sẽ được quyết định bởi những yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của các vị tướng và đô đốc, chẳng hạn như tinh thần dân tộc, sức mạnh kinh tế và yếu tố chính trị”.
Tập Cận Bình vẫn cưỡng lại các áp lực cải tổ
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ và kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, chủ tịch Tập Cận Bình vẫn cưỡng lại các áp lực cải tổ từ bên trong, cũng như từ bên ngoài. Điều này được thể hiện qua bài diễn văn của ông hôm nay, 18/12/2018, tại lễ kỷ niệm 40 năm cải tổ và mở cửa.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, sau khi đã tăng 6,9% năm 2017, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 6,6% trong năm nay, dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này đang trên đà chậm lại. Đây là hậu quả một phần của những nỗ lực mà chính phủ Bắc Kinh đang thực hiện nhằm cắt giảm nợ công, hiện lên đến mức rất cao. Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, cũng đang có nguy cơ gánh chịu những hậu quả nặng nề, nếu chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ kéo dài.
Nhưng trong bài diễn văn hôm nay, tuy khẳng định là Trung Quốc sẽ tiếp tục con đường cải tổ và mở cửa, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh là cải tổ phải đi đôi với duy trì ổn định và phải giúp đưa Trung Quốc lên “một tầm cao mới” về cả chất lượng lẫn số lượng. Đối với lãnh đạo họ Tập, thành tựu kinh tế trong 40 năm qua đã đủ để chứng minh tính đúng đắn của cái gọi là “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản.
Vào lúc mà Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đang thúc giục Trung Quốc tiến hành những cải tổ về cơ cấu của nền kinh tế để mở rộng cửa thị trường hơn nữa cho các công ty ngoại quốc, ông Tập Cận Bình đã gián tiếp bác bỏ những áp lực đó với lời tuyên bố: “Không một ai có quyền sai bảo nhân dân Trung Quốc phải hành xử như thế nào”.
Tuy nhiên, theo lời một chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Bắc Kinh, ông Ngô Cường ( Wu Qiang ) được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, chiến tranh thương mại với Mỹ có thể là một cơ may cho Trung Quốc: “Nếu đảng Cộng Sản Trung Quốc đủ thông minh, họ có thể nhân cơ hội này khởi động giai đoạn thứ hai của cải tổ và mở cửa, đồng thời điều chỉnh vai trò của Nhà nước và của Đảng”. Theo chuyên gia này, cải tổ kinh tế đã không hề làm thay đổi hệ thống chính trị ở Trung Quốc, mà thậm chí còn giúp Đảng duy trì độc quyền lãnh đạo và tồn tại.
Trên thực tế, theo ghi nhận của các nhà phân tích của ngân hàng HSBC, trong một báo cáo công bố hôm qua, 17/12, trước tình hình bấp bênh ở bên ngoài, và trước những nguy cơ từ những biện pháp cắt giảm nợ công, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ quyết tâm đẩy mạnh các cải tổ để củng cố nền kinh tế. Một cuộc họp quan trọng về kinh tế của Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc trong những ngày tới sẽ cho thấy là họ quyết tâm đến mức độ nào.
Tóm lại, sau 40 năm cải tổ và mở cửa theo đúng phương châm của Đặng Tiểu Bình “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là nó bắt được chuột”, Trung Quốc đúng là đã trở thành một quốc gia hùng mạnh nhất nhì thế giới. Thế nhưng, cho dù đã là cường quốc kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến một lúc nào đó sẽ phải chấp nhận “đổi mới tập hai” để tăng trưởng kinh tế của nước này thật sự bền vững, cho dù họ không muốn để cho người khác “sai bảo”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181218-tap-can-binh-van-cuong-lai-cac-ap-luc-cai-to
Nhật phê chuẩn kế hoạch 5 năm,
tăng chi tiêu quốc phòng
Nhật Bản vừa công bố chi tiết của một kế hoạch 5 năm nhằm tăng chi tiêu quốc phòng để đối phó với những mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc và Bắc Hàn.
Dựa trên các quy tắc hướng dẫn được nội các của Thủ Tướng Shinzo Abe phê chuẩn, Lực lượng Tự vệ Nhật Bản sẽ mua 42 phản lực cơ tàng hình F-35B do Mỹ chế tạo – có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, đồng thời tân trang hai tàu sân bay dành cho máy bay trực thăng để cho phép triển khai các chiến đấu cơ đa nhiệm đó.
Bên cạnh các phi cơ F-35B, quân đội Nhật Bản dự tính sẽ mua thêm 105 máy bay chiến đấu F-35A. Các máy bay này cất cánh và hạ cánh theo lối thông thường.
Ngoài ra, chính sách quốc phòng mới còn kêu gọi chính phủ Nhật mua hai hệ thống chiến đấu Aegis trên bộ -cũng do Mỹ chế tạo, đồng thời thành lập các đơn vị mới chuyên đối phó với các mối đe dọa từ không gian, trên mạng và chiến tranh điện tử.
Tổng chi phí cho kế hoạch 5 năm này được ước lượng lên tới 242 tỷ đôla.
Quyết định tăng chi phí quốc phòng và những sự chuẩn bị để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu thể hiện mục tiêu mà Thủ Tướng Abe đã công bố từ lâu nhằm sửa đổi hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản sau Thế chiến thứ Hai. Hiến pháp đó giới hạn các hoạt động của quân đội Nhật trong phạm vi phòng thủ mà thôi.
Nhật Bản còn bị Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tăng sức ép phải mở cửa thị trường cho các sản phẩm do Mỹ sản xuất. Tổng thống Trump nhiều lần than phiền về mức thâm hụt mậu dịch khổng lồ của Mỹ trong các giao dịch với Nhật Bản.
https://www.voatiengviet.com/a/nhat-phe-chuan-ke-hoach-5-nam-tang-chi-tieu-quoc-phong/4705399.html
Lần đầu tiên từ sau Thế chiến,
Nhật sẽ có 2 tàu sân bay
Chính phủ Nhật Bản hôm nay 18/12/2018 thông qua kế hoạch quốc phòng cho 5 năm tới. Theo đó lần đầu tiên kể từ sau Đệ nhị Thế chiến quân đội Nhật sở hữu hai hàng không mẫu hạm, mua thêm nhiều chiến đấu cơ tối tân, nhằm đối phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Hai chiến hạm chở trực thăng Izumo và Kaga sẽ được nâng cấp thành hàng không mẫu hạm, để các phi cơ tiêm kích loại F-35 có thể hạ cánh và cất cánh. Tuy vậy các chiến đấu cơ không đậu thường trực trên hai tàu sân bay này.
Song song đó, chính phủ Nhật dự kiến mua thêm 45 phi cơ tàng hình F-35B của hãng Lockheed Martin trị giá 4 tỉ đô la, thêm vào số 42 chiếc đã đặt hàng. Ngoài ra còn mua 105 chiếc F-35As (một phiên bản khác không thể sử dụng cho hàng không mẫu hạm), 2 hệ thống phòng không Aegis Ashore để ngăn chận hỏa tiễn Bắc Triều Tiên, 4 phi cơ Boeing KC-46 Pegasus để mở rộng tầm tiếp liệu, 9 máy bay cảnh báo Northrop Grumman E-2 Hawkeye. Báo chí Nhật ước tính phí tổn tổng cộng lên đến trên 1.000 tỉ yen (8,8 tỉ đô la).
Nhật Bản đã có sẵn kho vũ khí quan trọng và Lực lượng Phòng vệ (thực chất là quân đội) lên đến 250.000 quân. Kế hoạch quốc phòng 5 năm cho đến tháng 3/2024, gồm cả an ninh mạng và giám sát không gian, dự kiến dành ngân sách 27.470 tỉ yen (gần 284 tỉ đô la). Riêng thiết bị quân sự chiếm 224,7 tỉ đô la, tăng 6,4% so với kế hoạch 5 năm trước. Chi tiêu quốc phòng của Nhật chỉ chiếm 1% GDP, nhưng tầm vóc của nền kinh tế nước này khiến quân đội Nhật nằm trong số được trang bị tốt nhất thế giới.
Thủ tướng Shinzo Abe nhận định Nhật Bản cần phải có những phương tiện hiệu quả hơn, trước « mối đe dọa đáng lo ngại » từ các hoạt động quân sự trên biển và trên không của Trung Quốc tại châu Á. Bên cạnh đó là Bắc Triều Tiên vốn khó lường, và một nước Nga đang trỗi dậy gây khó khăn cho đồng minh Hoa Kỳ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181218-lan-dau-tien-tu-sau-the-chien-nhat-ban-se-co-2-hang-khong-mau-ham