Tin khắp nơi – 18/12/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 18/12/2016

Thường dân Aleppo, Syria được sơ tán

Hãng thông tấn nhà nước Syria, SANA, cho biết, việc sơ tán sẽ tiếp tục ở thành phố Aleppo bị chiến tranh tàn phá.

Hôm Chủ nhật, 18/12, các xe buýt đã bắt đầu đi vào những khu vực cuối cùng do phiến quân nắm giữ ở Aleppo để sơ tán thường dân Syria và các phiến quân dưới sự giám sát của tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ và Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế.

Hàng chục ngàn thường dân Syria và phiến quân đã bị mắc kẹt, hoảng loạn và đang đợi việc sơ tán tiếp tục.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến bỏ phiếu hôm Chủ nhật về việc có cử những giám sát viên đến Aleppo để giám sát việc sơ tán và giúp bảo vệ thường dân còn lại hay không.

Hội đồng sẽ xem xét một dự thảo của Pháp báo động về cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ ở trong và gần thành phố, và dành cho “hàng chục ngàn cư dân Aleppo bị vây hãm” cần được sơ tán.

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, cuộc xung đột tại Syria, bắt đầu gần 6 năm trước với cuộc biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, đã giết chết gần 400 ngàn người. Hàng triệu người đã bỏ chạy khỏi quê hương để đi lánh nạn tại những nước châu Âu. Những nước đó miễn cưỡng tiếp nhận họ.

http://www.voatiengviet.com/a/thuong-dan-aleppo-syria-duoc-so-tan/3640972.html

Ông Trump chọn nghị sĩ bảo thủ về tài chính

làm giám đốc ngân sách

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã chọn Dân biểu Đảng Cộng hòa Mick Mulvaney làm giám đốc ngân sách Tòa Bạch Ốc của ông, một tín hiệu cho thấy ông Trump định sẽ cắt giảm chi tiêu liên bang mặc dù hứa hẹn sẽ tăng chi tiêu quân sự, bảo vệ những chương trình trợ cấp tốn kém và xây dựng lại cơ sở hạ tầng của đất nước.

Ông Mulvaney là người có chủ trương bảo thủ tài chính. Ông thậm chí còn thúc ép những đồng nghiệp Cộng hòa của mình cắt giảm chi tiêu liên bang quyết liệt hơn nữa.

Trong một thông cáo hôm thứ Bảy loan báo quyết định của mình, ông Trump nói: “Ngay bây giờ chúng ta đang mắc nợ 20 ngàn tỉ đôla, nhưng Mick là nhà lãnh đạo đầy nhiệt huyết với những niềm tin sâu sắc về việc làm thế nào để quản lý tài chính của đất nước chúng ta một cách có trách nhiệm và cứu đất nước chúng ta khỏi chìm trong nợ nần.”

Nếu ông Mulvaney được Thượng viện chuẩn thuận làm Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách thì việc này có thể xoa dịu những lo ngại trong khối những nhà lập pháp có chủ trương bảo thủ về tài chính. Những người này đã nêu nghi vấn về cách thức mà chính quyền của ông Trump sẽ quản lý ngân sách liên bang.

Ông Trump đã hứa sẽ cắt giảm chi tiêu liên bang trong khi củng cố quân đội và bảo lưu những chương trình trợ cấp xã hội được nhiều người sử dụng, chẳng hạn như Medicare và An sinh Xã hội. Ông Trump cũng đã kêu gọi chi tới 1 ngàn tỉ đôla để sửa chữa cơ sở hạ tầng đang trở nên cũ kỹ của đất nước, một ý tưởng mà lâu nay rất được phe Dân chủ ủng hộ.

Ông Mulvaney thuộc một nhóm những nghị sĩ trẻ có lập trường bảo thủ tài chính, được bầu vào Quốc hội vào năm 2010. Ông nhanh chóng được biết tới như một người kiên quyết thắt chặt chi tiêu trong khi đóng vai trò hàng đầu trong một cuộc đối đầu hồi năm 2011 giữa phe Cộng hòa tại Hạ viện và Tổng thống Barack Obama, dẫn tới việc chấp thuận những giới hạn nghiêm ngặt đối với ngân sách.

Ông Mulvaney là một thành viên sáng lập của Khối Tự do Hạ viện, một nhóm những nhà lập pháp Cộng hòa bảo thủ kiên định tại Hạ viện mà hồi năm 2015 đã lật đổ Chủ tịch Hạ viện khi đó là ông John Boehner.

http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-chon-nghi-si-bao-thu-ve-tai-chinh-lam-giam-doc-ngan-sach/3640445.html

 

Đánh bom tự sát làm chết 40 binh sĩ Yemen

Các quan chức quân đội ở Sana’a cho biết một vụ đánh bom tự sát đã giết chết ít nhất 40 binh sĩ hôm Chủ nhật, 18/12, tại thành phố cảng Aden ở miền nam nước này.

Nhà chức trách nói các binh sĩ đã tập trung tại căn cứ quân sự để nhận lương.

Quân đội cho biết ít nhất 50 binh sĩ khác đã bị thương trong vụ đánh bom.

Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công.

Vụ đánh bom xảy ra một tuần sau vụ nổ tương tự ở Aden, do Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm, đã giết chết ít nhất 45 binh sĩ và làm hàng chục người khác bị thương.

http://www.voatiengviet.com/a/danh-bom-tu-sat-lam-chet-40-binh-si-yemen/3640951.html

 

Rơi máy bay quân sự Indonesia, 13 người thiệt mạng

Một máy bay vận tải quân sự Indonesia đã bị rơi, khiến toàn bộ 13 người thiệt mạng.

Máy bay Hercules C-130 khởi hành hôm Chủ nhật, 18/12, từ Timika ở tỉnh Papua và gặp nạn chỉ vài phút trước khi hạ cánh ở Wamena, thủ phủ của quận hạt miền núi Jayawijaya.

Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân Agus Supriatna cho biết thời tiết xấu được cho là nguyên nhân khiến máy bay rơi.

Một thông cáo của lực lượng không quân nói chiếc máy bay chở 12 tấn lương thực tiếp tế.

Các quan chức cho biết thi thể của các nạn nhân đã được tìm thấy.

Tháng trước, một máy bay trực thăng quân đội của Indonesia đã rơi ở Borneo khiến 3 người thiệt mạng.

http://www.voatiengviet.com/a/roi-may-bay-quan-su-indonesia-13-nguoi-thiet-mang/3640937.html

 

Căng thẳng tại Seoul sau việc luận tội tổng thống

Căng thẳng đã tăng cao khi những người ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vừa bị luận tội và những người chống lại bà đã tập trung mít tinh ở Seoul hôm thứ Bảy, 17/12. Số người chống bà Park đông hơn nhiều.

Những người ủng hộ bà Park, bị luận tội hôm 9/12, đã vận động việc phục chức cho bà, trong khi những người phản đối đã tập trung trong tuần thứ tám để nhắc lại yêu cầu của họ là vì lãnh đạo bị luận tội vì bê bối tham nhũng phải rời bỏ quyền lực ngay lập tức.

Mặc dù có sự hiện diện dày đặc của cảnh sát để tách hai nhóm ra, vẫn có tin đã xảy ra một số vụ la hét và xô đẩy giữa những người biểu tình. Không có tin về thương tích.

Những người ủng hộ bà Park lần cuối tổ chức một cuộc mit tính lớn là vào giữa tháng 11. Các nhà tổ chức ước tính có hơn 300.000 người chống bà Park đã có mặt tại cuộc mít tinh.

Bà Park bị cáo buộc thông đồng với người bạn lâu năm của bà là Choi Soon-sil để ép buộc các tập đoàn Hàn Quốc đóng góp gần 65 triệu đôla cho hai quỹ mờ ám. Bà Choi cũng đang bị điều tra về việc tuồn tiền từ các quỹ và từ các hợp đồng phụ béo bở cho chính bà và bạn bè của bà.

http://www.voatiengviet.com/a/cang-thang-tai-seoul-sau-viec-luan-toi-tong-thong/3640924.html

 

Người biểu tình chống đối,

ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc đụng độ

Căng thẳng tăng cao khi những người ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và những người chống đối bà, tụ tập với số lượng đông đảo hơn nhiều, biểu tình ở Seoul vào ngày thứ Bảy.

Những người ủng hộ bà Park, người đã bị luận tội vào ngày 9 tháng 12, biểu tình đòi phục chức cho bà, trong khi những người chống đối tụ tập sang tuần thứ tám để lặp lại đòi hỏi bà phải từ chức ngay lập tức vì vụ bê bối tham nhũng.

Mặc dù cảnh sát hiện diện dày đặc và tách hai nhóm này ra, tin cho hay có tiếng la ó và xô đẩy giữa những người biểu tình. Không có báo cáo về thương tích ngay tức thì.

Lần gần đây nhất mà những người ủng hộ bà Park tổ chức một cuộc tập hợp lớn là vào giữa tháng 10. Những người tổ chức ước tính hơn 300.000 người biểu tình chống bà Park có mặt tại cuộc tập hợp.

Bà Park, 64 tuổi, bị cáo buộc thông đồng với người bạn lâu năm là Choi Soon-sil để buộc những tập đoàn của Hàn Quốc quyên góp gần 65 triệu đôla cho hai quỹ từ thiện đáng ngờ. Bà Choi cũng đang bị điều tra về việc bòn rút tiền từ những quỹ này và chuyển những hợp đồng kinh doanh béo bở cho bà ta và bạn bè.

Luật sư của bà Park hôm thứ Sáu lập luận rằng luận tội không có cơ sở pháp lý và điều này đã thôi thúc một số người biểu tình hôm thứ Bảy.

“Tôi không thể chịu nổi bà Park dù chỉ một ngày nữa. Không ai muốn bà ta cả, vậy mà bà ta vẫn lì lợm bám trụ, xài tiền thuế của dân như tiền của mình vậy,” Kim Eun-young, người tham gia biểu tình ba lần vào dịp cuối tuần, nói với hãng tin AP hôm thứ Bảy.

Thủ tướng Hwang Kyo-ahn đảm nhận vai trò điều hành chính phủ sau khi bà Park bị luận tội.

Tòa án Hiến pháp đang cứu xét quyết định luận tội, một quá trình có thể mất đến sáu tháng. Nếu tòa án chuẩn y, một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ được hoạch định trong vòng hai tháng kể từ khi tòa đưa ra phán quyết.

http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-bieu-tinh-chong-doi-ung-ho-tong-thong-han-quoc-dung-do/3640776.html

Iran yêu cầu họp khẩn để phản đối Mỹ triển hạn chế tài

Iran đã yêu cầu một cuộc họp khẩn với một ủy ban sáu quốc gia đã đạt đồng thuận trong năm 2015 chấm dứt những chế tài kinh tế vốn gây khốn đốn cho Tehran, để nghe những khiếu nại về việc Mỹ triển hạn một số chế tài dù đã có thỏa thuận này.

Thông tấn xã chính thức của Iran cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif đã gửi một yêu cầu thông qua Liên minh Châu Âu để các nước được gọi là P5+1 hội họp. Không có bình luận ngay tức thì của EU hôm thứ Bảy.

Yêu cầu theo sau một thông cáo của Tòa Bạch Ốc hôm thứ Năm nói rằng dự luật cho phép triển hạn một số chế tài nhắm vào Iran thêm 10 năm nữa sẽ trở thành luật mà không có chữ ký của Tổng thống Barack Obama.

Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, được năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức thương thuyết với Iran, nới lỏng những biện pháp trừng phạt kinh tế trên diện rộng nhắm vào Iran để đổi lấy việc Iran hạn chế chương trình hạt nhân của mình.

Tổng thống Obama đình chỉ những chế tài liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nhưng việc ông khoan bãi bỏ những chế tài này sẽ cho phép tổng thống mới sử dụng chúng nếu thấy phù hợp.

Tehran nói rằng việc Mỹ triển hạn những chế tài vi phạm thỏa thuận năm 2015, và tuần này Iran đã ra lệnh cho những nhà khoa học của mình bắt đầu phát triển những hệ thống cho tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.

http://www.voatiengviet.com/a/iran-yeu-cau-hop-khan-de-phan-doi-my-trien-han-che-tai/3640741.html

 

Tổng thống Duterte của Philippines ‘chào tạm biệt’ Mỹ

Có lẽ trong suy nghĩ một gói viện trợ lớn của Mỹ sẽ bị đình chỉ, Tổng thống hay nổi giận Rodrigo Duterte của Philippines đã “chào tạm biệt” Mỹ để trả đũa, và dọa sẽ cắt hợp đồng cho phép quân đội Mỹ ghé vào Philippines.

Millennium Challenge Corporation, cơ quan chuyên lo viện trợ nước ngoài của chính phủ Mỹ, thực ra chưa cắt viện trợ cho Philippines. Cơ quan này mới chỉ hoãn lại cuộc biểu quyết gia hạn viện trợ cho Philippines để “xem xét thêm những lo ngại liên quan đến quyền tự do dân sự và luật lệ.”

Ông Duterte tuyên bố: “Chúng tôi vẫn sống mà không cần tiền của Mỹ. Nhưng Mỹ cũng cần lưu ý chuẩn bị rút khỏi Philippines, chuẩn bị cho việc chấm dứt thỏa thuận cho các lực lượng Mỹ ghé vào Philippines.”

Nhà lãnh đạo thường gây tranh cãi này hôm thứ Bảy còn phát biểu rằng ông sẽ “bỏ sang một bên” phán quyết của một tòa trọng tài quốc tế về tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông.

Ngoại trưởng Perfecto Yasay, Jr. của Philippines nói: “Chúng tôi muốn đảm bảo là sẽ không có thêm những hành động làm tăng căng thẳng” giữa Trung Quốc và Philippines.

Manila lâu nay luôn là một trong những đồng minh chính ở châu Á của Washington kể từ khi hai nước ký hiệp ước phòng thủ chung vào năm 1951.

Năm 2013, Hoa Kỳ đã đầu tư 1,3 tỉ đôla vào Philippines.

http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-duterte-cua-philippines-chao-tam-biet-my/3640342.html

 

Venezuela tuyên bố hoãn việc đổi tiền đến tháng Giêng

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bất ngờ ra quyết định hoãn thu hồi tờ 100 bolivar đến 02/01/2017, sau một thời gian kinh tế khủng hoảng.

Trên kênh truyền thông quốc gia, ông Maduro cho rằng Venezuela là nạn nhân của sự phá hoại ngầm từ quốc tế, khiến tờ 500 bolivar không được vận chuyển đúng thời gian, trong khi người dân xếp hàng dài trong nhiều ngày để nộp tiền cũ và đổi tiền mới.

Hàng ngàn cửa hàng phải đóng cửa do tình trạng thiếu hụt tiền mặt, còn người dân không có lựa chọn nào khác ngoài thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản qua ngân hàng. Rất nhiều người đã không thể mua lương thực.

Sự giận dữ từ công chúng đã dẫn đến các cuộc đụng độ ở sáu thành phố khác nhau vào hôm thứ Sáu 16/12, theo tin từ Hiệp hội Báo chí cho hay, khiến 32 người bị bắt giữ và một người bị thương.

Tại Caracas, những người biểu tình vẫy tờ 100 bolivar và hô to ‘vô tác dụng’- sau đó bỏ chạy do cảnh sát sử dụng hơi cay để trấn áp.

Trong bối cảnh hiện nay, những người thiệt thòi chính là những người dân thường Venezuela, với đồng lương mất giá từng phút, và là những người phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ chỉ để mua những món hàng căn bản nhất mà họ có thể trang trải nổi.

Tại nước này hiện trên thực tế có ba mức tỷ giá hối đoái khác nhau.

Nếu ai đó nhập các mặt hàng như thực phẩm thiết yếu và thuốc men, mà lại quen đúng người trong chính phủ, thì người đó có thể mua đô la Mỹ với giá nhà nước kiểm soát, chỉ 10 bolivar một đô la.

Những người khác được trợ giá để đổi tiền với loại tỷ suất thứ hai, cũng do nhà nước kiểm soát, hiện ở mức 670 bolivar ăn một đô la.

Thế nhưng trong đời thật, ở chợ đen, thì tỷ giá đã lên tức mức khủng khiếp trong những tuần gần đây.

Hồi tháng Mười, 1.500 bolivar ăn một đô la. Tới cuối tháng Mười Một, tỷ giá đã là trên 4.000 bolivar.

Đồng tiền Venezuela sau đó đã gượng lại chút ít, nhưng kể cả vậy vẫn là mất giá tới một nửa trên thị trường chợ đen so với vài tháng trước.

Đồng 100 bolivar, là tờ tiền có mệnh giá cao nhất đang được lưu hành hiện nay, chỉ đáng giá hai xu Mỹ.

Ngân hàng trung ương nay đang muốn phát hành các loại tiền giấy và tiền xu có mệnh giá lớn hơn, nhưng điều này cũng đang gặp trục trặc.

Với việc tiền giấy trở nên gần như vô giá trị, các máy rút tiền tự động không thích ứng nổi – chúng chỉ có thể nhả ra số tiền tương đương vài đô la mỗi lần. Cho nên ở nơi nào có máy ATM thì cũng đều có hàng dài người xếp rồng rắn, trừ phi máy không hoạt động.

Không ai hiểu thực sự tình trạng lạm phát khủng khiếp tại Venezuela là gì. Chính phủ không còn công bố số liệu nữa..

Hồi năm ngoái, mức lạm phát là 180%. Năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính là 500%, trong lúc GDP giảm 10%. Khó có thể hình dung bất kỳ nền kinh tế nào lại tồn tại được với tình thế đó.

Chính phủ nói việc đổi thu đổi tờ 100 bolivar là cần thiết để chống lại tệ nạn buôn lậu.

Tổng thống nói mục đích là nhắm vào những tổ chức tội phạm đang tích trữ tiền tệ của Venezuela ở nước ngoài, được Tổng thống mô tả là một phần trong ‘cuộc chiến tranh kinh tế’ chống lại chính phủ Venezuela.

Ông Maduro nói những tổ chức tội phạm này hiện lưu trữ hơn 300 tỉ bolivar, đa phần là tờ 100 bolivar.

Ông nói có những nhà kho “chứa đầy tờ 100 bolivar ở những nơi như (thành phố thuộc Colombia) Cacuta, Cartagena, Maicao and Buaramanga”.

Tổng thống nói một trong những lý do của việc đổi tiền là để ngăn chặn các tổ chức tội phạm đưa những tờ 100 bolivar vào Venezuela và khi đó, lượng tiền mặt của những tổ chức tội phạm này trở nên vô giá trị.

Dữ liệu từ Ngân hàng trung ương cho thấy hiện có hơn sáu tỉ bolivar là tờ tiền 100 đang lưu hành, tương đương gần một nửa lượng tiền tệ của Venezuela.

Các chuyên gia kinh tế lo ngại việc đổi tiền sẽ không có nhiều hiệu quả đối với các vấn đề về kinh tế và chính trị mà Venezuela đang đối diện.

Các lãnh đạo phe đối lập thì cho rằng Tổng thống Maduro đang phá hoại nền kinh tế và cần phải bị phế truất.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38356979

 

Giáo hoàng Francis nỗ lực cải tổ Vatican

Giáo hoàng Francis, cũng là người gốc châu Mỹ Latin đầu tiên nắm vị trí này, tròn 80 tuổi vào Chủ nhật 18/12, đó là tuổi mà các vị Hồng y không còn được phép bỏ phiếu chọn người kế vị ngài.

Giáo hoàng đã không còn là chức vụ có thể nắm giữ cả đời. Giáo hoàng Francis có thể sẽ quyết định về hưu bất cứ lúc nào, theo gương của người tiền nhiệm, Giáo hoàng Danh dự Benedict, người đã già yếu nhưng vẫn sống tại Tòa thánh Vatican ở độ tuổi 89.

Theo luật mới ban hành của Giáo hoàng, tất cả những quan chức cao cấp của nhà thờ, đang làm việc tại Vatican sẽ phải nghỉ hưu khi tròn 80 tuổi. Nhưng Giáo hoàng Francis là ngoại lệ.

Mặc dù Giáo hoàng cho biết thời gian tại vị sẽ không dài, nhưng vì cuộc cải tổ ở Vatican chưa hoàn tất và vì vậy mình vẫn phải tiếp tục vị trí Giám mục của Rome thêm vài năm nữa.

Quá trình tuyển chọn thế hệ lãnh đạo mới, đề bạt giám mục và Hồng y mới theo như ý tưởng “nhà thờ của người nghèo” của Giáo hoàng hiện có tiến độ khá chậm.

Chỉ mới 1/3 thành viên của hội đồng bầu cử, là nơi sẽ chọn Giáo hoàng mới, được thay thế. Những người đang điều hành Vatican, từng phục vụ hai đời Giáo hoàng khác nhau là John Paul II và Benedict XVI, vẫn chiếm đa số so với những vị trí được Giáo hoàng Francis đề cử.

Sức khỏe của Giáo hoàng Francis vẫn rất ổn, mặc dù ông bị mất một lá phổi do bệnh tật từ khi còn trẻ. Ông cũng bị đau thần kinh hông và phải vịn vào tay người dẫn chương trình mỗi khi chủ trì hành lễ tại Vatican. Nhưng nếu lại gần, Giáo hoàng trông đầy sức sống và vẫn hoạt bát.

Ít khi thấy Giáo hoàng nghỉ phép, cho dù đó là thời gian nghỉ lễ dài ngày vào mùa hè của Vatican. Ông cũng không sử dụng căn hộ penthouse rộng rãi mà các đời Giáo hoàng trước đã ở từ một thế kỷ qua, mà chọn một gian nhỏ ở khu nhà khách của Vatican, và biến khu nghỉ dưỡng mùa hè của mình ở Castelgandolfo thành một bảo tàng.

Trong lần sinh nhật trước đây, những cặp đôi thường nhảy theo điệu tango ở dưới sân lát sỏi của quảng trường thánh Peter- nhưng vài người trong số 120 vị giám mục của Giáo hoàng Francis, cũng là những người cố vấn cho Giáo hoàng, cho rằng ông đã nghễnh ngãng- hoặc không còn nghe rõ trong những buổi giảng đạo Công giáo truyền thống.

Bốn người trong số họ, từ Ý, Hoa Kỳ và Đức từng cáo buộc Giáo hoàng làm con chiên cảm thấy bối rối, khi trong buổi thuyết giảng, họ yêu cầu Giáo hoàng giải thích về vấn đề tái hôn của những cặp đã ly dị và hôn nhân đồng giới nhưng Giáo hoàng không hề đáp lời.

Giáo hoàng Francis vẫn không cảm thấy phiền lòng với những chỉ trích như vậy.

Giáo hoàng nói mình ‘chẳng hề mất ngủ’ trước những thách thức về vị trí lãnh đạo, mà theo ông mang ‘ý nghĩa tinh thần’. Giáo hoàng có lối nói chuyện trực tiếp và thẳng thắn, kể cả trước công chúng cũng như ở nơi riêng tư.

Ông thường không sử dụng những bài diễn văn được viết sẵn mà thay vào đó là những phát biểu tự nhiên. Đối với tiếng Tây Ban Nha và Ý, là hai ngôn ngữ mà Giáo hoàng thuần thục nhất, ông vẫn thích sử dụng những thành ngữ địa phương của vùng Buenos Aires.

Công du

Không như các vị tiền nhiệm người Ba Lan và Đức, Giáo hoàng Francis không thăm lại quê hương Argentina trong vòng bốn năm.

Lịch trình các chuyến công du của Giáo hoàng trong năm 2017 bao gồm đến thăm Bồ Đào Nha, công du châu Á qua các nước như Ấn Độ, hai nước Hồi giáo lớn là Bangladesh và Indonesia, và có thể có chuyến đi ngắn đến Colombia để làm lễ nhân dịp kết thúc cuộc nội chiến.

Hiện vẫn tranh cãi về chuyện Giáo hoàng Francis sẽ để lại di sản gì cho Vatican khi thoái vị hoặc qua đời.

Quá trình cải tổ có tiến độ quá chậm. Một hội đồng các giám mục ở ngoài Vatican do Giáo hoàng thành lập nên, không cần phải thông qua hội đồng trung ương, vẫn chưa đưa ra được quyết định quan trọng nào.

Ngân hàng Vatican thì phải thay đổi toàn diện, công bố bảng cân đối tài sản và tránh các cáo buộc rửa tiền trong tương lai.

Sổ sách kế toán của Vatican được kiểm toán lần đầu tiên bởi những công ty kiểm toán chuyên nghiệp. Một hội đồng mới thuộc Giáo hoàng được thành lập để giải quyết các vụ bê bối ấu dâm, đồng thời ngăn ngừa những vụ bê bối tương tự trong tương lai.

Hoạt động truyền thông của Vatican cũng được sát nhập và có lãnh đạo mới.

Cuộc bầu chọn Giáo hoàng tới đây sẽ diễn ra gay gắt khi các vị giám mục về Rome. Đó cũng là buổi họp kín lớn nhất của Vatican.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38351430

 

Mỹ khẳng định tiếp tục hợp tác với tổng thống Philippines

Trọng Nghĩa

Không đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lớn tiếng hăm dọa hủy bỏ thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ đặt chân lên lãnh thổ Philippines, đại sứ quán Mỹ tại Manila đã ra thông cáo khẳng định sẽ « hợp tác chặt chẽ » với chính quyền của tổng thống Duterte để « giải quyết bất cứ mối lo ngại nào ».

Bản thông cáo được đưa ra sau khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lớn tiếng đả kích Washington về việc một cơ quan viện trợ Mỹ đã dời việc gia hạn một khoản viện trợ lớn cho Manila vì « những quan ngại đáng kể » trong lãnh vực nhân quyền.

Cho dù chính quyền Mỹ chưa có quyết định dứt khoát, ông Duterte đã lập tức nặng lời công kích, đe dọa « ăn miếng trả miếng », cho rằng Hoa Kỳ nên chuẩn bị rời khỏi Philippines, chuẩn bị đón nhận quyết định hủy bỏ Hiệp Ước Thăm Viếng Quân Sự (VFA). Đây là thỏa thuận ký năm 1998 cho phép Mỹ luân chuyển lực lượng qua Philippines để tham gia tập trận chung hay giúp đỡ chống khủng bố.

Nhà Trắng chưa thấy có phản ứng trước tuyên bố của tổng thống Philippines, nhưng phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest từng xác định rằng Mỹ sẽ không phản ứng công khai mỗi lần ông Duterte có tuyên bố thiếu xây dựng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161218-my-khang-dinh-tiep-tuc-hop-tac-voi-tong-thong-philippines

 

Đức – Pháp : Biểu tình lên án

cuộc chiến Syria và đoàn kết với Aleppo

Trọng Nghĩa

Trước thảm cảnh của nạn nhân chiến sự tại Aleppo nói riêng và Syria nói chúng, hàng ngàn người đã xuống đường ngày hôm qua 17/12/2016 tại Đức và tại Pháp để tố cáo cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Syria và đặc biệt là tại Aleppo, nơi mà « thường dân bị kẹt trong bẫy rập », trong đó có rất nhiều trẻ em.

Hãng tin Pháp AFP, trích số liệu của cảnh sát Đức, cho biết là đã có gần 3000 người tham gia hai cuộc biểu tình tại Berlin, ở trước tòa nhà Quốc Hội, và trên một quảng trường đông đảo người qua lại ở trung tâm thủ đô Đức.

Người biểu tình muốn thức tỉnh dư luận, mà theo họ, vẫn thờ ơ trước thảm cảnh tại Aleppo. Họ đã phất cờ Syria và đốt nến trước Quốc Hội Đức, giương cao các biểu ngữ như « Trẻ em Aleppo đang kêu gọi chúng ta », « Aleppo trong máu lửa mà thế giới lại đứng nhìn ».

Cuộc biểu tình do hiệp hội Adopt a Revolution tổ chức, tập hợp được rất nhiều thanh niên người Đức và cộng đồng người Syria, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Pháp, biểu tình cũng tập hợp được hàng trăm người tham gia tại Paris, cũng như ở một số thành phố lớn khác như Lille ở miền Bắc, hay Strasbourg ở miền Đông, Marseille ở miền Nam.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161218-duc-%E2%80%93-phap-bieu-tinh-len-an-cuoc-chien-syria-va-doan-ket-voi-aleppo

 

Syria : Mỹ oanh kích Daech ở Palmyra để phá hủy vũ khí Nga

Tú Anh

Khoảng 40 chiến binh Daech ở Syria đã bị liên quân quốc tế do Hoa Kỳ chỉ huy oanh kích chết. Trận không kích diễn ra hai ngày trước, gần thành phố cổ Palmyra, sau khi lực lượng thánh chiến bất ngờ chiếm lại khu vực này từ tay quân Nga và Syria, 7 tháng sau khi bị đánh đuổi. Trên đây là thông tin AFP loan báo ngày hôm qua.

Hôm thứ Sáu 16/12/2016, liên quân quốc tế chống Daech loan báo oanh kích phá hủy nhiều vũ khí nặng, từ chiến xa cho đến hệ thống phòng không, mà quân thánh chiến chiếm được của Nga và lực lượng Damas ở Palmyra.

Theo tổ chức Quan Sát Nhân Quyền Syria OSDH, trận oanh kích này giết chết ít nhất 38 chiến binh Daech, diễn ra gần phi trường quân sự.

Theo giải thích của AFP, trong những tháng gần đây, liên quân quốc tế do Hoa Kỳ chỉ huy không can thiệp vào Palmyra và các vùng lân cận, vì nơi đây là địa bàn hoạt động của Nga và quân đội chính phủ Syria. Cách nay một tuần, Daech bất ngờ tung quân tái chiếm thành phố cổ, lấy được nhiều vũ khí nặng của Nga.

Cuộc can thiệp của Mỹ diễn ra sau khi Nga than phiền bị mất Palmyra vì Mỹ không hợp tác về quân sự. Nhờ trận oanh kích này mà lực lượng của Damas đã đạt được một vài tiến triển ở chiến trường phía Tây .

Tướng Mỹ Stephen Towsend, chỉ huy trưởng chiến dịch không kích Daech ở Syra và Irak, cho biết phải phá hủy các loại vũ khí nặng này trước khi trở chúng thành mối đe dọa cho liên quân quốc tế.

Cuộc gặp tay ba Nga – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ sớm hơn dự kiến

Tình hình Syria hiện đang trong khúc quanh mới, ba tác nhân gồm Nga, Iran (đồng minh của Damas) và Thổ Nhĩ Kỳ (hỗ trợ cho đối lập võ trang) sẽ gặp nhau vào ngày 20/12 tới đây, ở cấp ngoại trưởng. Tin này do Teheran loan báo. Trước đó, Ankara thông báo cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 27/12/2016.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161218-syrie-my-oanh-kich-daech-o-palmyra-de-triet-vu-khi-nga

 

Bắc Triều Tiên: Hạt nhân, điểm đen

trong bản tổng kết nhiệm kỳ đầu tiên của Kim Jong Un

Minh Anh

Cách nay 5 năm, ngày 17/12/2011, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il qua đời. Đó cũng chính là quãng thời gian Kim Jong Un lên nắm quyền điều hành đất nước. Nhật báo công giáo La Croix, ngày 16/12/2016, nhìn lại bản tổng kết « Nhiệm kỳ năm năm đầu tiên của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ».

Những ai cách đây 5 năm từng nói rằng chế độ này rồi sẽ không « thọ », vị tân lãnh đạo « quá non trẻ », « chưa đủ sức để kế vị », là « con rối của mấy công thần ở sau hậu trường »… đều sai lầm cả. Năm năm sau, không những Kim Jong Un vẫn yên vị, mà còn đánh bật hết tất cả những « kẻ thù bên trong », cho về hưu những vị tướng gây phiền toái và đổi mới toàn bộ nhân sự ngoại giao. Nhưng bản chất chế độ vẫn được giữ nguyên và các quyền tự do vẫn nắm dưới sự kiểm soát của đảng Lao Động Triều Tiên.

Nhìn chung, đời sống của người dân Bắc Triều Tiên đã khấm khá hơn xưa nhờ vào một số cải cách kinh tế như Kim Jong Un đã hứa. Các đặc khu kinh tế đã được xây dựng tại nhiều nơi trên cả nước. Mức tăng trưởng kinh tế hiện nay ở Bắc Triều Tiên gần như tương đương với mức tăng trưởng của Trung Quốc vào đầu những năm 1980. Như lời xác nhận của một nhà ngoại giao phương Tây, thì quả thật tại Bắc Triều Tiên « không còn nạn đói nữa ».

Tuy nhiên, song song với việc phát triển kinh tế, lãnh đạo trẻ Kim Jong Un không từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân. Đây chính là điểm gây cản trở chương trình cải cách kinh tế, do các lệnh trừng phạt của quốc tế nhắm vào Bình Nhưỡng.

Đây là một thách thức lớn cho chế độ Bắc Triều Tiên trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Các vụ thử hạt nhân hồi tháng Giêng và tháng Chín năm nay đã khiến cho cộng đồng quốc tế ngày càng quay lưng lại với Kim Jong Un và các chương trình cải cách của ông. Những nguồn đầu tư khả dĩ duy nhất hiện nay chỉ có thể đến từ Trung Quốc và trong một chừng mực nào đó là Nga, dù rằng hiện nay có rất nhiều doanh nhân Hàn Quốc làm ăn với đồng hương Bắc Triều Tiên ngay trên lãnh thổ Trung Quốc.

Theo giải thích của Andrei Lankov, giáo sư trường đại học Kookmin, tại Seoul, Hàn Quốc, thì « còn phải đợi xem hậu quả của các lệnh trừng phạt mới, nhưng chắc chắn một điều là những trừng phạt mới này sẽ là một rào cản trên con đường tiến tới sự thịnh vượng ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161218-hat-nhan-diem-den-trong-ban-tong-ket-nhiem-ky-dau-tien-cua-kim-jong-un

 

Bắc Kinh: tiếp tục báo động đỏ về ô nhiễm không khí

Trong vòng 6 ngày, kể từ ngày thứ Sáu 16/12/2016, Bắc Kinh phải áp dụng hàng loạt các biện pháp nghiêm ngặt để lớp bụi mù ô nhiễm đang bao trùm thành phố không kéo dài quá lâu. Giao thông luân phiên theo biển số chẵn – lẻ đã được triển khai, nhiều trường học phải đóng cửa, các nhà máy phải ngừng hoạt động.

Từ Thượng Hải, thông tín viên RFI Angélique Forget cho biết chi tiết :

« Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã thông báo danh sách 1.200 nhà máy phải giảm hay ngưng hoàn toàn hoạt động trong thời gian báo động về ô nhiễm không khí. Trên danh sách này, người ta thấy, chẳng hạn, một công ty tinh chế đường, một xưởng luyện gang thép, hay một nhà máy sản xuất mỳ ăn liền. Tất cả các cơ sở sản xuất này đều nằm gần Bắc Kinh và thải nhiều khí gây ô nhiễm bầu trời thành phố.

Để đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ quy định này, nhà chức trách đã thông báo tổ chức đội thanh tra tại các nhà máy. Mục tiêu là thúc đẩy chương trình chống ô nhiễm mà chính quyền đã triển khai hôm thứ Sáu. Bởi vì mặc dù đã có báo động, nhưng mức độ ô nhiễm với các hạt tử li ti vẫn rất cao. Và theo dự báo, tình hình vẫn chưa được cải thiện trong hai ngày tới đây.

Tổng cộng, có 22 thành phố ở miền Bắc Trung Quốc ban hành tình trạng báo động đỏ về ô nhiễm không khí giống Bắc Kinh. Giảm ô nhiễm không khí là một cam kết lớn của nhà chức trách Trung Quốc. Theo một nghiên cứu, ô nhiễm không khí ở Trung Quốc gây ra cái chết cho 1,6 triệu người dân vào năm ngoái. »

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161218-bac-kinh-bao-dong-do-ve-o-nhiem-khong-khi