Tin khắp nơi – 18/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 18/10/2018

Đảng Cộng hòa sẽ nỗ lực

rút lại Obamacare một lần nữa

Đảng Cộng hòa sẽ nỗ lực một lần nữa để rút lại đạo luật Chăm sóc sức khỏe vừa túi tiền (ACA, hay còn gọi là Obamacare) nếu họ giành đủ ghế trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng tới, lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell cho biết.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters hôm 17/10, ông McConnell đã gọi nỗ lực thất bại của Đảng Cộng hòa để rút lại Obamacare hồi năm 2017 là ‘nỗi thất vọng’.

Ông McConnell cũng đổ lỗi cho các chương trình xã hội tốn kém, chẳng hạn như An sinh Xã hội và Medicare, là khiến cho nợ quốc gia tăng nhanh.

Vào ngày 6/11, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu lại toàn bộ Hạ viện, một phần ba Thượng viện và thống đốc một số tiểu bang.

Đảng Cộng hòa của ông McConnell hiện đang kiểm soát cả hai viện Quốc hội. Đảng Dân chủ sẽ cố gắng giành lại kiểm soát Quốc hội từ tay Đảng Cộng hòa.

Mặc dù kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội và Nhà Trắng, hồi năm ngoái Đảng Cộng hòa đã thất bại một cách kịch tính trong nỗ lực đảo ngược đạo luật chăm sóc sức khỏe mang dấu ấn của Tổng thống Barack Obama. Ông McConnell đã gọi đó là ‘sự thất vọng ở Quốc hội nhìn từ quan điểm Cộng hòa’.

“Nếu chúng tôi có đủ số phiếu để làm lại hoàn toàn, chúng tôi sẽ làm. Nhưng điều đó còn tùy thuộc vào điều gì sẽ xảy ra trong một vài tuần nữa. Chúng tôi không hài lòng với cách vận hành của Obamacare.

Lời bình luận của ông McConnell đã hứng chịu chỉ trích gay gắt từ lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện cũng như các thành viên Dân chủ khác. Phe Dân chủ đã tìm cách khắc họa nỗ lực thu hồi Obamacare là ‘cuộc tất công và tầng lớp trung lưu.

“Nếu Đảng Cộng hòa giữ được Thượng viện thì họ sẽ làm tất cả mọt thứ có thể để xóa bỏ chăm sóc y tế cho nhiều hộ gia đình và tăng chí phí của họ lên,” ông Schumer phát biểu trong một thông cáo.

Về các chương trình xã hội, ông McConnell nói rằng: “Sư ban phát là nguyên nhân dài hạn gây ra nợ nần.”

Các chương trình xã hội giúp đỡ người nghèo, người già, người thất nghiệp, cựu chiến binh và người tàn tật thường được gọi là ‘sự ban phát’ ở Washington. Trong số đó có chương trình chăm sóc y tế Medicaid.

Bộ Tài chính Mỹ vừa mới thông báo thâm hụt ngân sách 779 tỷ đô la trong năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 2012. Theo bản báo cáo này thì chi phí quốc phòng tăng cao là nguyên nhân dẫn đến thâm hụt ngân sách. Báo cáo cũng cho thấy khoản thu của chính phủ đã giữ nguyên bất chấp kinh tế tăng trưởng và chi tiêu của người dân tăng cao. Nguyên nhân là gói cắt giảm thuế sâu do Đảng Cộng hòa thông qua hồi năm ngoái.

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BA%A3ng-c%E1%BB%99ng-h%C3%B2a-s%E1%BA%BD-n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-r%C3%BAt-l%E1%BA%A1i-obamacare-m%E1%BB%99t-l%E1%BA%A7n-n%E1%BB%AFa/4618055.html

 

Mueller Công Bố Các Kết Quả Điều Tra

Sau Bầu Cử Giữa Kỳ

WASHINGTON  –    Các khám phá xoay quanh “hồ sơ Nga” của đoàn điều tra Mueller sẽ chỉ được biết sau cuộc bầu cử giữa kỳ Tháng 11-2018.

Thông tấn tài chính Bloomberg cho hay: đoàn của công tố viên đặc biệt Robert Mueller sắp hoàn tất các kết luận về “toa rập” và về các hành động có ý nghĩa “cản trở công lý” của TT Trump.

Bộ tư pháp chưa trả lời yêu cầu bình luận của Fox News.

Có thể là ông Mueller thấy chưa thể công bố nếu không thể bảo đảm các quy kết – các khám phá sẽ được cung cấp cho thượng cấp là thứ trưởng tư pháp Rod Rosenstein.

Đoàn Mueller đang chịp áp lực từ 2 phía, là ngưng điều tra hay đưa ra thêm các truy tố.

Ông Rosenstein muốn cuộc điều tra này ngưng càng sớm càng hay và TT Trump tiếp tục mô tả công việc của đoàn Mueller là thủ thuật chính trị “tìm bắt phù thủy”.

Hơn nữa, nếu cuộc điều tra kéo dài, chính ông TT Trump sẽ ra lệnh ngưng, theo các đồn đoán. Ông Trump chưa từng nói chuyện với đoàn Mueller về các tố giác “toa rập”. Đoàn Mueller đã chuyển tới ông Trump 1 số câu hỏi, để trả lời bằng tờ khai viết tay – thương lượng của tổ pháp lý của Trump về khả năng phỏng vấn của đoàn Trump chưa xong.

Tin Bloomberg ghi: có lẽ phúc trình về điều tra không chấm dứt vai trò của ông Mueller, và cuộc điều tra còn tiếp diễn 1 thời gian.

Đoàn Mueller cũng chưa kết thúc các thương lượng với cựu Tướng Flynn, cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của nội các Trump.

Michael Cohen, là luật sư dàn xếp những việc nhậy cảm của tỉ phú Trump đã nhận tội trốn thuế, cũng đã nói chuyện với đoàn Trump về các thương lượng làm ăn của Trump với người Nga.

Cựu phụ tá tranh cử của ứng viên Trump trong thời gian đầu là Paul Manafort nhận thương lượng, gồm hợp tác với đoàn Mueller.

https://vietbao.com/a286585/mueller-cong-bo-cac-ket-qua-dieu-tra-sau-bau-cu-giua-ky

 

Thăm Dò Mới: DC Khó Chiếm Lại QH

Vào Bầu Cử Giữa Kỳ; South Carolina Là Nơi

Các Ứng Viên TT Đảng DC Đo Lường Cử Tri

WASHINGTON   –     Các tên tuổi lớn của đảng DC tập trung tại South Carolina trong những tuần lễ sau cùng trước cuộc bầu cử giữa kỳ Tháng 11 – tại đây, họ tự giới thiệu với cử tri của tiểu bang có vị trí hệ trọng trong tổng tuyển cử 2018.

CNN ghi: cựu PTT Joe Biden, thống đốc Steve Bullock (của Montana), thị trưởng Pete Buttigleg (của South Bend), luật sư Michael Avenatti, nghị sĩ Cory Booker (của New Jersey), nghị sĩ Kamala Harris (của California), nghị sĩ Bernie Sanders (của Vermont), cựu thị trưởng tỉ phú Michael Bloomberg đã đến hay sắp đến đây. 5, 6 vị đã xuất hiện vận động tranh cử giúp các ứng viên cùng đảng.

Nhà báo cho biết: Iowa và New Hampshire là nơi tổ chức sơ tuyển ứng viên TT trước, nhưng South Carolina là tiểu bang mà các chính khách DC có thể trắc nghiệm khả năng thuyết phục của họ.

Trong chương trình sơ tuyển, South Carolina là sau cùng trước sự kiện gọi là Super Tuesday đầu Tháng 3, là khi 9 tiểu bang đồng loạt tổ chức sơ tuyển. Nên, người thắng South Carolina có thể đưa xung lực tới 9 tiểu bang kia.

Phóng viên địa phương báo tin: nghị sĩ Sanders sắp tới và lên tiếng với cử tri South Carolina vào ngày Thứ Bảy tuần này.

Cựu PTT Biden đến South Carolina 2 lần trong năm qua – cuối tuần qua, ông còn nói “chưa quyết định”.

Theo giới quan sát, nếu ông Biden tranh cử, các ứng viên khác thấy là khó tranh đua.

Một thăm dò mới cho thấy rằng Dân Chủ có thể sẽ không lấy lại kiểm soát Quốc Hội giống như họ đang hy vọng.

Trong năm 2010 và 2014 các nhà lập pháp Cộng Hòa đã có thể tóm thâu quyền lực, nhưng Thăm Dò Kinh Tế Toàn Nước Mỹ của CNBC cho thấy rằng các nhà lập pháp Dân Chủ sẽ không chiếm lĩnh Quốc Hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay.

Dân Chủ dẫn đầu 6 điểm hiện nay nhưng  các nhà thăm dò Cộng Hòa và Dân Chủ đều nói với CNBC rằng tỉ lệ phần trăm từ 42 tới 36 sẽ không tạo được cơn sóng bầu cử nào.

Nhà thăm dò Cộng Hòa Micah Roberts nói rằng niềm tin kinh tế là một phần của lý do mà một số người sẽ bầu cho Cộng Hòa.

https://vietbao.com/a286587/tham-do-moi-dc-kho-chiem-lai-qh-vao-bau-cu-giua-ky-south-carolina-la-noi-cac-ung-vien-tt-dang-dc-do-luong-cu-tri

 

Thay đổi dân cư,

Quận Cam đang nghiêng về Dân chủ?

Những người mua sắm kênh kiệu đẩy xe hàng trong chợ Hàn Quốc vào giữa trưa, chất đầy kim chi đóng chai và cuốn rong biển. Ở cách đó một vài cánh cửa, khách hàng mua phở mang về tại một quầy bán hàng ăn Việt Nam. Phía bên kia đường, những người ăn trưa đang xếp hàng mua taco thịt nướng xiên tại một nhà hàng kiểu Mexico.

Đó là bức tranh cho thấy Orange County (tức Quận Cam) thuộc tiểu bang California đã thay đổi nhiều như thế nào.

Trong hàng chục năm, quận hạt nằm về phía đông nam thành phố Los Angeles này là điển hình cho nước Mỹ của tầng lớp trung lưu. Những người sở hữu nhà đa số là da trắng, bảo thủ vẫn đều đặn bầu cho các ứng viên Đảng Cộng hòa như cựu Tổng thống Richard Nixon, người có dinh thư nghỉ mát còn được gọi là Nhà Trắng Bờ Tây nằm trên bờ biển của tiểu bang.

Các nhà hàng thịt nướng Hàn Quốc và các tiệm bánh mì Mexico dọc theo Đại lộ Orangethorpe ở Fullerton là chỉ dấu cho thấy những biến đổi về cơ cấu dân số và chính trị vốn đã khích lệ những cử tri Dân chủ háo hức muốn giành lấy bốn ghế Hạ viện do phe Cộng hòa nắm giữ ở Quận Cam. Các địa hạt bầu cử vào Hạ viện, vốn một phần hay hoàn toàn nằm trong quận hạt, đã bỏ phiếu cho ứng viên Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2016 và đã trở thành chiến trường quốc gia được theo dõi sát sao trong chiến lược của Đảng Dân chủ nhằm giành lại Hạ viện vào tháng 11.

Trong một mùa bầu cử được định hình bởi những chia rẽ xung quanh Tổng thống Donald Trump và phong trào #MeToo chống lại hành vi sai trái về tình dục, có lẽ bằng chứng hiển hiện nhất về sự đổi thay ở quận hạt này là địa hạt bầu cử số 39.

Chiếc ghế đại diện cho địa hạt này hiện do Dân biểu kỳ cựu Ed Royce của Đảng Cộng hòa nắm giữ. Cũng giống như đa số các thành viên lãnh đạo của Đảng Cộng hòa ở Quốc hội vốn toàn là nam giới, ông Royce là người da trắng và lớn tuổi.

Cuộc đua kế nhiệm vị dân biểu về hưu này sẽ diễn ra giữa hai ứng cử viên rất khác biệt là bà Young Kim, một di dân đến từ Hàn Quốc, của Đảng Cộng hòa, và ông Gil Cisneros, người gốc Mỹ Latin thuộc Đảng Dân chủ.

Cuộc bầu cử hỗn hợp về sắc tộc này đã đặt ra các câu hỏi về tầm quan trọng của tính đảng phái, sắc tộc và xu hướng bầu cho các ứng viên nhà. Cuộc bầu cử diễn ra vào lúc người dân gốc Mỹ Latin và gốc Á cộng lại đã chiếm đa số trong tổng số 3,2 triệu dân ở Quận Cam. Vào năm 1980, khoảng 80% dân số ở đây là dân da trắng.

Đảng Cộng hòa một thời lấn át ở địa hạt này đang bám vào lợi thế mong manh trước Đảng Dân chủ trong số cử tri đăng ký – một sự sụt giảm mà không chỉ thể hiện ở sự xuất hiện của những gương mặt mới mà còn lập trường chính trị tự do hơn của họ.

Bà Kim đang có tham vọng trở thành phụ nữ Mỹ gốc Hàn đầu tiên vào được Hạ viện liên bang. Bà đại diện cho kiểu ứng viên mà Đảng Cộng hòa ở tiểu bang đã cố gắng gầy dựng trong nhiều năm để theo kịp cơ cấu dân số đa dạng hơn ở đây.

Bà Kim, 55 tuổi, sinh ra ở Hàn Quốc và lớn lên ở đảo Guam, sau đó chuyển đến California để học đại học. Bà trở thành chủ doanh nghiệp nhỏ và được bầu vào Hạ viện tiểu bang.

Bà đang chạy đua với tư cách là người được ông Ed Royce mong chờ sẽ kế nhiệm mình sau nhiều năm làm việc cho ông. Tuy nhiên, con đường tranh cử của bà đã trở nên phức tạp vì Tổng thống Donald Trump, người không được lòng dân ở một tiểu bang mà các thành viên Đảng Dân chủ nắm giữ hầu hết các chức vụ trong chính quyền bang và có lợi thế 39 ghế trong Hạ viện so với 14 ghế của Đảng Cộng hòa.

Tại một điểm vận động tranh cử mới đây, bà Kim đã nói về tình hình kinh tế khỏe mạnh, nhưng bà cũng nhấn mạnh rằng bà độc lập với Nhà Trắng trong những vấn đề như thương mại. Bà không ủng hộ biện pháp tăng thuế nhập khẩu của chính quyền Trump.

Bà không bao giờ đề cập đến ông Trump trong bài diễn văn ngắn.

“Tôi là một dạng ứng cử viên khác,” bà nói.

Là ứng viên Dân chủ, ông Cisneros, 47 tuổi, biết rằng ông là gương mặt thay đổi ở địa hạt lâu nay vẫn nằm trong tay Đảng Cộng hòa vốn chủ yếu nằm ở miền bắc Quận Cam và bao gồm một số khu vực ở hạt Los Angeles và hạt San Bernardino ở kế bên. Ông xem cơ cấu dân số đang thay đổi của khu vực là một lợi thế: địa hạt này đã có sự cân bằng giữa cử tri Cộng hòa, Dân chủ và độc lập, cũng như giữa người gốc Á, gốc Mỹ Latin và người da trắng.

Ông Cisneros, một cựu chiến binh Hải quân và một thời thuộc Đảng Cộng hòa, mô tả việc ông ra tranh cử là bước đi kế tiếp của ông trong cuộc đời phụng sự cho công chúng vốn bắt đầu với thời gian ông phục vụ trong quân ngũ. Ông cho biết ông từ bỏ Đảng Cộng hòa bởi vì đảng này đã trở nên quá bảo thủ. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây rằng các cử tri háo hức muốn thấy một sự thay đổi ở Washington vốn đang bị bế tắc.

“Địa hạt này không còn giống như 15 hay thậm chí là 10 năm trước,” ông nói.

Những vùng ngoại ô đông đảo dân Cộng hòa của địa hạt được xem là hòn đá tảng trong phong trào bảo thủ hiện đại và sự trỗi dậy của cách mạng Reagan.

Thành phố Fullerton, cũng giống như Quận Cam, một thời từng được biết đến với những bụi cam Valencia vốn có ở khắp nơi và những giếng dầu nằm ở dưới. Điều này đã thay đổi với sự xây dựng hệ thống đường cao tốc của bang California vốn tạo ra một mạng lưới giao thông giúp tạo dựng một vùng ngoại ô rộng lớn.

Sau Đệ nhị Thế chiến, ở đây có rất nhiều việc làm trong lĩnh vực quốc phòng và chế tạo. Dân số bùng nổ và rất nhiều những cư dân mới đến là từ vùng Trung Tây có quan điểm bảo thủ.

Cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa tự do quốc gia, những cử tri bảo thủ này đã bị gạt ra lề và ‘cuối cùng hình thành phong trào Ronald Reagan,’ ông Raphael Sonenshein, giám đốc điều hành Viện Pat Brown về các Vấn đề Công chúng tại Đại học California State University ở Los Angeles, cho biết.

Một số xu hướng đã khiến cho địa hạt này ngày càng trở nên nghiêng về Đảng Dân chủ theo thời gian, ông Paul Mitchell của Công ty Political Data Inc., một công ty nghiên cứu phi đảng phái, nói. Trong số đó có việc ngày càng có nhiều dân gốc Á và gốc Mỹ Latin đăng ký là cử tri độc lập và ngày càng có ít người đăng ký là cử tri Cộng hòa.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này có lẽ là do xu hướng chính trị của thanh niên California, những người vốn né tránh các đảng phái chính thống.

Cử tri gốc Á dưới 20 tuổi ‘nằm trong số những cử tri có quan điểm tự do nhất ở tiểu bang này,” ông Mitchell giải thích.

Nhà lập trình máy tính về hưu Don Jacques, 76 tuổi, nói vào ngày gần đây bên ngoài thư viện ở Yorba Linda – thành phố nơi cựu Tổng thống Richard Nixon ra đời và là nơi đặt thư viện tổng thống của ông – rằng ông hoan nghênh sự đa dạng trên lá phiếu. Vốn đăng ký là cử tri Dân chủ và là ủng hộ viên của ông Cisneros, Jacques đã sống ở Quận Cam từ thời thơ ấu.

“Đã đến lúc cần có sự thay đổi như thế này,” ông nói.

https://www.voatiengviet.com/a/thay-%C4%91%E1%BB%95i-d%C3%A2n-c%C6%B0-qu%E1%BA%ADn-cam-%C4%91ang-nghi%C3%AAng-v%E1%BB%81-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-/4618051.html

 

Tàu hải quân Mỹ cập cảng Đài Loan, chuyên gia TQ:

Mỹ chuẩn bị cho tác chiến chống ngầm

Giới chuyên gia phân tích quân sự Bắc Kinh đã đưa ra nhiều lo ngại khác nhau khi tàu hải quân Mỹ cập cảng Đài Loan.

Ngày 16/10, truyền thông Đài Loan đồng loạt đưa tin, tàu hải quân Mỹ đã cập cảng Cao Hùng.

Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cho biết, trước thông tin trên, bộ phận dư luận Đài Loan cho rằng, đây là bước chuẩn bị để quân đội Mỹ tiến hành cuộc diễn tập quân sự ở eo biển Đài Loan trong thời điểm nhạy cảm hoặc đây là “giấy đảm bảo” của quân đội Mỹ đối với chính quyền bà Thái Anh Văn về vấn đề ly khai.

Thậm chí, có ý kiến lo ngại Mỹ sẽ biến Đài Loan thành Syria thứ hai sau những hành động tương tự.

Tuy nhiên, theo cơ quan phòng vệ Đài Loan, tàu Thomas G. Thompson (T-AGOR-23) là tàu nghiên cứu khoa học đơn thuần, đã từng đến Đài Loan 3 lần trước đây và những lần cập cảng này đều không liên quân đến hành động quân sự của Lầu Năm Góc.

Dư luận Bắc Kinh lo ngại

Trước động thái của tàu hải quân Mỹ, giới phân tích Bắc Kinh cũng đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau.

Một chuyên gia quân sự giấu tên nói với Hoàn cầu rằng, theo thông tin trên truyền thông thì tàu Thomas G. Thompson (T-AGOR-23) thuộc quản lý của Văn phòng nghiên cứu hải quân Mỹ nhưng từ số hiệu trên hình ảnh thì con tàu này phải thuộc về Bộ tư lệnh hải vận quân sự hải quân Mỹ.

Theo ông này, bất luận Thomas G. Thompson (T-AGOR-23) thuộc đơn vị nào của hải quân Mỹ nhưng khi thủy thủ trên tàu đều chỉ là nhân viên dân sự thì tính nhạy cảm tương đối thấp, tuy nhiên, đây không phải là

con tàu mang nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đơn thuần mà đang chấp hành “nhiệm vụ đặc biệt”: thu thập thông tin hiện trường, chuẩn bị nền tảng cho tác chiến chống tàu ngầm của quân đội Mỹ.

“Tàu này thường xuyên ra vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, rất có thể nó coi biển Đông, eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông là đối tượng quan trắc quan trọng”, chuyên gia Trung Quốc cảnh báo.

Ông này cũng cho rằng, đây là hành động mang tính liên kết tương hỗ giữa chính quyền Mỹ và chính quyền Đài Loan sau khi Mỹ thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng liên tiếp hai năm 2017, 2018 cũng như sau khi hai bên tăng cường hợp tác quân sự.

“[Đài Loan muốn dẫn] một con tàu mang tính chất không quá nhạy cảm đến thăm dò phản ứng của Đại lục. Xét từ quan điểm của chính quyền Thái Văn Anh chính là việc dẫn sói vào nhà sẽ bị Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ nên họ mới vội vàng đưa ra giải thích [như trên truyền thông]”, chuyên gia Bắc Kinh nói.

Ông này còn cho rằng, cách giải thích từ phía Đài Loan rất thiếu tính hợp lý khi từ trước đến nay tàu thuyền Mỹ hoạt động ở khu vực châu Á Thái Bình Dương thường neo đậu ở những nước có căn cứ hải quân Mỹ như Philippines hoặc Nhật Bản để tiếp nhiên liệu chứ không phải ở đảo Đài Loan.

Trong khi đó, ông Kim Dịch Tắc, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Đài Loan, Học viện khoa học xã hội Trung Quốc nhận định, hiện nay không có bằng chứng cho thấy tàu này thực hiện nhiệm vụ khoa học hay đang thi hành nhiệm vụ từ quân đội Mỹ nhưng có một chi tiết quan trọng là, đây là lần thứ 4 tàu này đến Đài Loan trong vòng 1 năm nay.

Theo ông này, trong 4 lần thì chỉ có lần này chính quyền bà Thái mới “loan tin” tàu hải quân Mỹ cập cảng Cao Hùng chứng tỏ chính quyền bà muốn lợi dụng hoạt động này để giành lợi thế trong cuộc bầu cử tháng sau.

Hiện nay mối quan hệ Trung-Mỹ đang rất nhạy cảm, trên thực tế chính phủ Tổng thống Donald Trump chỉ coi Đài Loan là một quân cờ và họ hiểu rằng, nếu thực sự khiến Bắc Kinh nổi giận, họ sẽ không đạt được lợi ích gì nên lúc này họ không thể giải quyết mối quan hệ song phương một cách vội vàng, ông Kim bình luận.

Ông Chu Phong, Giáo sư Đại học Nam Kinh lại cho rằng, trong năm nay có hai tàu chiến Mỹ công khai đi qua eo biển Đài Loan, động thái này không xảy ra trong những năm trước đó.

“Sự việc tàu hải quân Mỹ cập cảng Cao Hùng lần này có hai điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, có khả năng Mỹ chuẩn bị cho cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn ở biển Đông hoặc eo biển Đài Loan trong thời gian tới.

Thứ hai, trong những lần chạm trán gần đây, do bị tàu chiến Trung Quốc theo đuổi sát nên Lầu Năm Góc lần này cử tàu tới Đài Loan là để “khoe cơ bắp”, chứng minh sức mạnh quân đội Mỹ, điều này mang hàm ý khiêu khích Bắc Kinh rất lớn, đồng thời ám chỉ, sẽ không bị Trung Quốc đe dọa về các vấn đề trên biển”, Chu Phong nói.

“Hiện nay không thể nói chắc chắn Mỹ tiếp theo sẽ tập trận quân sự hay như thế nào, chỉ có thể xác định họ có hai ý đồ trên. Tuy nhiên, dù như thế nào thì hành động của họ đều khiến dư luận chú ý”, chuyên gia Trung Quốc kết luận.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24235-tau-hai-quan-my-cap-cang-dai-loan-chuyen-gia-tq-my-chuan-bi-cho-tac-chien-chong-ngam.html

 

Hoa Kỳ chống kế hoạch lập vùng cấm bay

giữa hai miền Triều Tiên

Hoa Kỳ chống đối kế hoạch thiết lập một vùng cấm bay trên khu vực biên giới được canh gác cẩn mật giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, Reuters dẫn hai nguồn tin cho biết hôm 18/10.

Washington và Seoul đều công khai khẳng định rằng hai bên cùng đứng về một phía trong việc đối phó với Bình Nhưỡng. Nhưng đằng sau bề mặt đó, có những dấu hiệu bất đồng giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc giữa lúc hai miền Triều Tiên xúc tiến các kế hoạch nhằm xoa dịu căng thẳng quân sự và xây dựng lại các mối quan hệ kinh tế.

Thỏa thuận quân sự giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên được ký kết trong cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng trước ở Bình Nhưỡng là một trong những thỏa thuận cụ thể nhất giữa hai bên trong năm nay. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nêu lên những lo ngại rằng hiệp ước này có thể làm suy yếu tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội, và thỏa thuận này đạt được giữa lúc không có tiến bộ đáng kể hướng tới việc giải trừ hạt nhân.

Hiệp ước này bao gồm việc tạm dừng “tất cả các hành vi thù địch,” thiết lập một khu vực cấm bay quanh biên giới và dỡ bỏ dần các quả mìn và các chốt bảo vệ trong khu phi quân sự.

Trong một tiết lộ hiếm hoi về mối bất hòa giữa hai đồng minh Mỹ- Hàn, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tuần trước cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một cuộc điện đàm rằng ông “không tán thành” hiệp ước quân sự giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên.

Theo các quan chức ở Seoul thì Hoa Kỳ sẽ không công khai phản đối sáng kiến giữa hai miền Triều Tiên nhưng việc vai trò trung tâm của Hoa Kỳ trong việc thực thi các biện pháp chế tài và các hoạt động quân sự của Mỹ giúp cho Washington có vị thế mạnh hơn để có thể trì hoãn hay thay đổi chính sách này.

Khu vực cấm bay, có hiệu lực từ ngày 1/11, sẽ được mở rộng 40 km về hướng bắc và hướng nam tính từ Đường phân giới quân sự ở mạn đông và 20 km từ mạn tây để cho phép máy bay có cánh nâng cố định hoạt động.

https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-chong-ke-hoach-lap-vung-cam-bay-giua-hai-mien-trieu-tien/4618891.html

 

BTQP Mỹ mưu tìm quan hệ quân sự ‘ổn định’ với TQ

Hôm 18/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói với người đồng nhiệm Trung Quốc rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần tăng cường các mối quan hệ cấp cao để có thể linh động giải quyết các căng thẳng và kiềm chế nguy cơ xảy ra xung đột không có chủ ý.

Hãng tin Reuters tường thuật rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) không phát biểu khi hai ông bắt tay nhau trước phiên đàm phán bên lề hội nghị an ninh khu vực ở Singapore hôm 18/10. Hai bên cũng không đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào sau cuộc gặp.

Ông Randall Schriver, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, người giúp hướng dẫn hoạch định chính sách châu Á cho Ngũ Giác Đài, cho biết ông Mattis và ông Ngụy gần như chỉ tái khẳng định các quan điểm khác biệt của hai bên về những căng thẳng an ninh khu vực, nhưng đồng thuận với nhau về sự cần thiết phải có các quan hệ bền vững hơn.

Nói với các phóng viên tháp tùng Bộ trưởng Mattis trong chuyến công du Châu Á của ông, ông Schriver nói các mối quan hệ quân sự với Trung Quốc là thiết yếu để giảm thiểu nguy cơ dẫn đến xung đột với hậu quả tàn khốc.

Ông Schriver nói phía Mỹ đã mời ông Ngụy đến thăm Hoa Kỳ nhưng ngày giờ của chuyến công du chưa được ấn định.

https://www.voatiengviet.com/a/btqp-my-muu-tim-quan-he-quan-su-on-dinh-voi-tq/4618836.html

 

Tesla chuẩn bị xây nhà máy siêu khổng lồ

2 tỉ đôla tại Thượng Hải

Tesla Inc vừa ký thỏa thuận sử dụng đất với Trung Quốc để xây nhà máy ô-tô siêu khổng lồ ở Thượng Hải.

Gigafactory, hay nhà máy siêu khổng lồ, sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 860.000 m2 vừa được ký hợp đồng sử dụng với chính quyền Thượng Hải sẽ là Gigafactory ở nước ngoài đầu tiên của Tesla — nhà sản xuất ô tô điện của Mỹ cho biết trong một bài đăng trên truyền thông xã hội Trung Quốc hôm 18/10.

Thoả thuận sử dụng đất đánh dấu bước tiến quan trọng của Tesla và Tổng giám đốc Elon Musk trong kế hoạch sản xuất ô tô tại Trung Quốc cho thị trường đang phát triển nhanh nhất thế giới này, trong lúc thuế quan của Bắc Kinh đánh lên hàng hóa Mỹ khiến cho ô tô của hãng xe điện ở Mỹ này nhập vào Trung Quốc bị tăng giá.

Tesla đã ký thỏa thuận với chính quyền Thượng Hải vào tháng 7 để xây dựng nhà máy đầu tiên bên ngoài nước Mỹ, tăng gấp đôi quy mô sản xuất toàn cầu của công ty ô-tô điện này và giúp hạ giá thành của xe Tesla bán tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

“Có được địa điểm xây dựng Gigafactory đầu tiên của Tesla bên ngoài Hoa Kỳ tại Thượng Hải là một cột mốc quan trọng trong kế hoạch phát triển sản xuất bền vững và tiên tiến tiếp theo của chúng tôi”, Robin Ren, phó chủ tịch kinh doanh toàn cầu của Tesla cho biết.

Tesla không cho biết giá tiền của khu đất, nhưng Sở Kế hoạch và Tài nguyên đất Thượng Hải cho biết hôm thứ tư rằng lô đất 864.885 mét vuông đã được bán đấu giá với giá 973 triệu nhân dân tệ (140,51 triệu đôla).

Trong thỏa thuận ký với chính quyền Thượng Hải hồi tháng Bảy, Tesla dự định xây dựng một nhà máy ở thành phố này với công suất 500.000 xe một năm.

Dự án nhà máy này nhắm khai thác thị trường đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc với cái gọi là xe năng lượng mới (NEV), loại bao gồm xe pin điện và xe hybrid điện.

Doanh số bán xe NEV tại Trung Quốc tăng 54,8% trong tháng Chín và tăng 81,1% trong chín tháng đầu năm nay lên 721.000 xe, theo báo cáo của hiệp hội ngành công nghiệp ô tô hàng đầu của Trung Quốc.

Tesla trước đó nói rằng họ sẽ huy động vốn từ các thị trường tài chính châu Á để tài trợ cho dự án xây dựng Gigafactory ở Thượng Hải với ước tính sẽ tốn khoảng 2 tỷ đôla.

https://www.voatiengviet.com/a/tesla-chuan-bi-xay-nha-may-sieu-khong-lo-o-thuong-hai/4618815.html

 

Mỹ lấy lại vị trí dẫn đầu

các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới

Mỹ đứng đầu cuộc khảo sát tính cạnh tranh toàn cầu hàng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.

Mỹ vượt qua Singapore, Đức, Thụy Sĩ và Nhật Bản nhờ điều mà Diễn đàn gọi là văn hóa kinh doanh “năng động” và thị trường lao động và hệ thống tài chính “vững mạnh,” trong số 140 nền kinh tế được đánh giá.

Mỹ hưởng lợi từ một sự thay đổi trong phương pháp đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cân nhắc nhiều hơn tính sẵn sàng cho sự cạnh tranh trong tương lai.

Tổ chức đặt ở Thụy Sĩ, điều hành diễn đàn kinh tế Davos, cho biết còn quá sớm để nói các chính sách thương mại mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng ra sao đến ngôi vị của Mỹ trên bảng xếp hạng. Tuy nhiên, giám đốc điều hành của Diễn đàn, Saadia Zahidi, cũng nói họ dự liệu căng thẳng thương mại với Trung Quốc và các đối tác thương mại khác sẽ có tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của Mỹ trong tương lai, nếu căng thẳng tiếp diễn.

Lý do mà bà đưa ra là các nền kinh tế mở có tính cạnh tranh cao hơn.

https://www.voatiengviet.com/a/my-lay-lai-vi-tri-dan-dau-cac-nen-kinh-te-cnah-tranh-nha-the-gioi/4618016.html

 

Mỹ đòi Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do

cho công dân Mỹ bị giam cầm ở TNK

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 17/10 hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho một công dân Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ- còn là một khoa học gia của Cơ quan Hàng Không và Không gian NASA, cùng với nhiều người khác đang bị giam cầm ở Thổ Nhĩ Kỳ, vài ngày sau khi Ankara trao trả cho Hoa Kỳ Mục sư Andrew Brunson.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong một tuyên bố cho biết rằng Ngoại Trưởng Pompeo đã nêu lên vấn đề này với Ngoại Trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại một cuộc tiếp xúc ở Ankara, nơi ông Pompeo gặp Tổng Thống Tayyip Erdogan để bàn về trường hợp ông Jamal Khashoggi, nhà báo Ả Rập Xê-út đã mất tích một cách bí ẩn,

Ông Khashoggi, cư ngụ ở Hoa Kỳ, mất tích sau khi vào lãnh sự quán Ả Rập Xê-út ở Istanbul vào ngày 2/10 để hoàn tất các thủ tục giấy tờ để kết hôn.

Bản tin Reuters cho hay ông Pompeo còn thảo luận với Ngoại Trưởng Cavusoglu về những vụ bắt bớ và giam cầm các công dân Mỹ – trong đó có Bác sĩ Serkan Golge, và các nhân viên địa phương làm việc cho sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết.

Bác sĩ Golge đang đi thăm gia đình ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ thì bị bắt trong một chiến dịch đàn áp diễn ra sau vụ đảo chánh quân sự vào năm 2016. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã quy trách nhiệm vụ đảo chính cho các ủng hộ viên của ông Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo hoạt động ở Hoa Kỳ”.

Ông Gullen đã bác bỏ mọi cáo buộc. Hồi tháng trước, bản án giành cho ông đã được ân giảm xuống còn 5 năm.

Vụ bắt giữ mục sư Brunson đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao khiến giá trị đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ tuột dốc trong năm nay. Mục sư Brunson bị cáo buộc là có những hoạt động khủng bố. Ông được trả tự do hôm thứ Sáu và đã trở Hoa Kỳ. Luật sư của ông hôm 17/10 tuyên bố sẽ kháng án.

https://www.voatiengviet.com/a/my-doi-tnk-phong-thich-cong-dan-my-bi-giam-cam-o-tnk/4617680.html

 

Máy bay chở ĐNPN Melania buộc trở lại sân bay

vì trục trặc máy móc

Chiếc máy bay chở Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump bị buộc phải bay trở lại phi trường sau khi phát hiện khói trên khoang do “trục trặc kỹ thuật.”

Theo tường thuật của các ký giả tháp tùng phu nhân Melania, một làn khói mỏng như sương cùng với mùi cháy được phát hiện trên khoang độ 10 phút sau khi máy bay cất cánh. Các nhà báo được trao khăn ẩm và đề nghị đắp vào mặt nếu mùi cháy trở nên khó chịu.

Chiếc máy bay Boeing C-32A đáp xuống sân bay tại căn cứ quân sự Andrews vào lúc 9:05 sáng thứ Tư 17/10 an toàn. Một bản tin cho biết Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar cũng có mặt trên chuyến bay.

Toà Bạch Ốc chưa chính thức đưa ra một lời giải thích nào về sự cố này. Giám Đốc liên lạc báo chí của Đệ nhất Phu nhân Melania, Stephanie Grisham, nói với đài CNN rằng đây là một “trục trặc máy móc nhỏ. Tất cả đều ổn và mọi người đều an toàn.”

Bà Melania Trump lúc đó đang trên đường bay tới Bệnh viện Đại học Thomas Jefferson ở Philadelphia, nơi theo dự kiến bà sẽ phát biểu về Hội chứng vai nghiện ở Trẻ sơ sinh. Theo lịch trình đã ấn định thì lẽ ra, bà trở về Washington vào chiều cùng ngày, 17/10.

Tin tức cho biết Tổng thống Trump nói với đài Fox từ Toà Bạch Ốc rằng phu nhân Melania đã đáp một chuyến bay khác.

https://www.voatiengviet.com/a/may-bay-cho-dnpn-melania-buoc-phai-tro-lai-san-bay/4617550.html

 

Diễn đàn Doanh nghiệp Á – Âu:

Nhiều cơ hội mà cũng đầy thách thức

Minh Anh

Hội nghị Cấp cao Châu Âu – Châu Á ASEM lần thứ 12 khai mạc ngày 18/10/2018 tại Bruxelles. Nhân dịp này, diễn đàn Doanh Nghiệp Châu Âu – Châu Á đã được tổ chức tại điện Egmont, Bruxelles, nhằm thảo luận về những thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp giữa hai châu lục, trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ – Trung. Đây cũng là dịp để Việt Nam kêu gọi tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư vào lúc hiệp định tự do thương mại Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu đang chờ được thông qua

Từ Bruxelles, đặc phái viên Minh Anh tường trình:

« Hơn 60 đại diện các doanh nghiệp châu Âu và châu Á, trong đó có Việt Nam, đã tham gia diễn đàn Doanh nghiệp Á – Âu lần thứ 16 với chủ đề « Kết nối – Xây dựng cầu nối giữa châu Âu và châu Á ».

Công nghệ phát triển đang tạo thuận lợi cho việc phát triển mạng lưới kết nối, mang lại nhiều cơ hội lớn cho việc hợp tác thương mại giữa hai châu lục. Giới doanh nhân nhấn mạnh: Kết nối mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức, do những khác biệt về văn hóa, mô hình kinh tế và phát triển giữa châu Á và châu Âu.

Các bên tham gia nhìn nhận là cần phải có những chính sách mới, những khung quy định mới rõ ràng và phù hợp hơn với từng hoàn cảnh, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhất là tại vùng châu Á rộng lớn.

Châu Âu đặc biệt nhấn mạnh hỗ trợ giáo dục là một trong những thế mạnh của khối để có thể giúp các nước châu Á nâng cao trình độ công nghệ, một trong số những rào cản cho việc canh tân đất nước.

Nhân diễn đàn, đại diện châu Âu về Giao Thông giới thiệu tổng quát Chiến lược Kết nối mới nhằm thắt chặt hơn nữa mối liên kết Á – Âu mà Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua hồi trung tuần tháng 09/2018.

Diễn đàn kết thúc với bài phát biểu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Lời kêu gọi tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác châu Âu càng có trọng lượng, vì hôm nay hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đã được Ủy Ban Châu Âu trình lên các cấp có thẩm quyền để thông qua. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181018-dien-dan-doanh-nghiep-a-au-lan-thu-16-co-hoi-nhieu-ma-cung-day-thach-thuc

 

Ủy ban Châu Âu kêu gọi ký kết FTA với Việt Nam

dù nhìn nhận còn vi phạm nhân quyền

Ủy ban Châu Âu (EC), vào ngày 17 tháng 10 thông qua việc đệ trình lên Hội đồng Châu Âu Hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam, đề xuất ký kết và hoàn tất để đưa vào thực thi, một khi được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn.

Truyền thông trong nước, vào ngày 18 tháng 10 dẫn lời của Cao ủy Thương mại của Châu Âu, bà Cecilia Malmstrom rằng bà mong muốn Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu nhanh chóng phê duyệt hai hiệp định được cho là “tiến bộ và rất giá trị” này.

Hôm 17/10, EC phổ biến một thông cáo cho biết hai bên đồng ý đảm bảo việc thực thi đầy đủ các quyền của người lao động theo nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Thỏa thuận cũng bao gồm hợp tác về nhân quyền cho phép Châu  Âu có các biện pháp cần thiết, thậm chí dẫn đến ngưng hiệp định khi có các trường hợp vi phạm nhân quyền.

Tại cuộc họp báo ở Bruxells, Bỉ, diễn ra vào ngày 17 tháng 10, Cao ủy Thương mại Cecilia Malmstrom nhìn nhận có những vấn đề về nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam. Tuy nhiên bà nói rằng EVFTA sẽ giúp thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ nhì của EU trong khối ASEAN, sau Singapore với thương mại hàng hóa trị giá gần 50 tỷ Euro và thương mại dịch vụ ở mức 3,6 tỷ Euro/năm.

Theo EC, Hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA) xóa bỏ trên 99% thuế quan đối với hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và EU, đồng thời áp dụng hàng rào phi thuế quan trong ngành ô tô và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 169 sản phẩm của Châu Âu, tạo điều kiện cho các công ty EU được đấu thầu bình đẳng với công ty Việt Nam trong hợp đồng công.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ec-submits-evfta-preparing-to-complete-the-process-10182018084350.html

 

Anh tỏ vẻ mềm mỏng hơn

để đạt được thỏa thuận Brexit

Thủ tướng Anh Theresa May không đưa ra được ý tưởng mới nào để phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc đàm phán về Brexit (tức nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu). Tuy nhiên, bà trấn an các nhà lãnh đạo EU rằng bà đang rất nỗ lực có được một thỏa thuận.

Tại một hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels hôm 17/10, các nhà ngoại giao EU đã cho biết thái độ của các bên đã tích cực hơn nhiều. Bà May dường như đã thể hiện sự thấu hiểu hơn đối với các quan ngại của EU, trong đó có yêu cầu của Ireland về một điều khoản đảm bảo rằng biên giới trên bộ của nước này với Anh sẽ không bao giờ bị đóng lại.

Bà May đã được dành cho nửa tiếng đồng hồ để phát biểu trước các nhà lãnh đạo khác của khối trước khi họ cùng ngồi xuống ăn tối mà không có sự tham dự của bà để thảo luận những công việc chuẩn bị cho khả năng nước Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận gì để giảm nhẹ sự gián đoạn trong công việc kinh doanh trên khắp châu lục.

Tuy nhiên, ba ngày sau khi các cuộc đàm phán về biên giới Ireland bị bế tắc khiến cho hy vọng đạt được một thỏa thuận bị bóp nghẹt, bà May đã đến Brussels với thái độ quyết tâm nhấn mạnh rằng một thỏa thuận vẫn còn khả dĩ.

“Những gì mà chúng ta đã chứng kiến là chúng tôi đã giải quyết hầu hết những vấn đề trong thỏa thuận rút lui. Vẫn còn đó câu hỏi về việc hỗ trợ mở cửa biên giới Bắc Ireland,” bà phát biểu trước các nhà báo khi đến nơi.

“Bằng việc làm việc chặt chẽ và quyết liệt, chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận đó,” bà nói thêm.

Một tháng sau khi cuộc gặp thượng đỉnh lần trước của bà May ở Áo mà tại đó bà bác bỏ đề xuất của EU nhằm để tránh trở lại tình trạng căng thẳng biên giới ở Bắc Ireland đã gây ra những phản ứng giận dữ, giọng điệu của bà đã trở nên điềm tĩnh hơn nhiều, các quan chức EU có mặt được dẫn lời nói.

“Chắc chắn là giọng điệu thoải mái hơn ở Salzburg. Có thông điệp thiện chí,” ông Antonio Tajani, chủ tịch của Nghị viện châu Âu, nhận định.

“Nhưng tôi không cảm nhận bất cứ điều gì mới mẻ đáng kể nếu xét về nội dung,” ông nói thêm. “Giọng điệu cho thấy mong muốn đạt được thỏa thuận.”

Một trợ lý của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết bà May đã cho thấy bà cởi mở và muốn đạt được thỏa thuận. Trước đó, ông Macron nói rằng ông muốn bà May giải thích kiểu thỏa thuận nào mà bà có thể đạt được thông qua chính phủ của bà và nghị viện của nước Anh.

Ông Tajani nói rằng ông đã đề xuất với bà May khả năng về giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit mà khi đó nước Anh vẫn duy trì các quy định của EU và tránh các vấn đề biên giới với Ireland. Giai đoạn chuyển tiếp này có thể kéo dài một năm cho đến năm 2021. Đây là điều mà các nhà đàm phán EU đưa ra để giảm nhẹ yêu cầu có quy tắc đặc biệt cho Bắc Ireland.

Một sự kéo dài để trì hoãn Brexit như thế, vốn giữ cho nước Anh dưới sự quản lý của EU nhưng lại không có tiếng nói gì trong các chính sách của khối, sẽ rất không được ủng hộ trong những người ủng hộ Brexit cứng rắn. Ông Tajani nói rằng bà May đã nói với ông rằng bà sẽ xem xét ý tưởng này nhưng không có chỉ dấu nào cho thấy bà ủng hộ sự kéo dài như thế.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nói rằng giai đoạn khó khăn cuối cùng của cuộc đàm phán không nhất thiết có nghĩa là nó sẽ thất bại.

“Không ai muốn các cuộc đàm phán này thất bại cả, kể cả EU hay Theresa May đều không muốn Brexit cứng,” ông Kurz nói

https://www.voatiengviet.com/a/anh-t%E1%BB%8F-v%E1%BA%BB-m%E1%BB%81m-m%E1%BB%8Fng-h%C6%A1n-%C4%91%E1%BB%83-%C4%91%E1%BA%A1t-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-brexit/4618043.html

 

New York Times: Kẻ Giết Khashoggi

Là Cận Vệ Thế Tử Saudi; Thượng Nghị Sĩ Graham:

Thế Tử Saudi Ra Lệnh Giết Khashoggi

WASHINGTON   –    TT Trump loan báo: thế tử Saudi Arabia khẳng định không biết điều gì xẩy ra với ký giả Jamal Khashoggi – ông này là cộng tác viên của báo Washington Post và là tiếng nói thường xuyên phê bình vương triều.

Ông biến mất từ hôm 2-10, sau khi đến lãnh sự quán Saudi tại Istanbul làm giấy tờ để kết hôn với vị hôn thê là công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Bà này chờ bên ngoài và không thấy ông trở ra.

TT Trump đã tức tốc phái ngoại trưởng Pompeo đi Riyadh – ông nói “Các giải đáp sắp nhận được”.

Hình ảnh vua và thế tử Saudi tiếp kiến ngoại trưởng Pompeo đã được phổ biến trong lúc khả năng nhận trách nhiệm về cái chết của nhà báo Khashoggi đang được giới lãnh đạo Riyadh cân nhắc, theo ABC News. Nhưng, chưa biết giải trình sẽ là thế nào và bao giờ.

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng ông Khashoggi đã bị sát hại tại lãnh sự quán Istanbul.

Nguồn tin ẩn danh nói có bằng chứng ghi âm và ghi hình về vụ giết người rùng rợn.

Riyadh kịch liệt phản bác trong khi chính quyền Trump hô hào thận trọng chờ kết quả điều tra.

Dường như TT Trump đã có đuợc giải đáp mà ông chấp nhận, và đã dùng twitter thông báo rằng đã nói chuyện điện thoại với ngoại trưởng Pompeo và được biết thế tử bin Salman cả quyết không biết điều gì xẩy ra với ký giả đối lập tại lãnh sự quán Istanbul. Twitter 11 giờ 40 phút trưa Thứ Ba ghi “bin Salman đã bắt đầu điều tra, nhanh chóng mở rộng để hoàn tất – các giải đáp sẽ đến trong thời gian ngắn”.

Ngoại trưởng Pompeo vừa đến Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày Thứ Tư để nói chuyện với ngoại trưởng Cavusoglu và các giới chức Ankara về nghi án Khashoggi.

Hôm Thứ Ba, TT Erdogan ám chỉ: lãnh sự quán Istanbul có thể đã được sơn phết lại mới đây. 1 đoàn công nhân vệ sinh vào tòa lãnh sự Saudi làm việc trước khi cảnh sát bản xứ vào.

Tại Washington, 1 số viên chức và dân cử cảm thấy lo ngại về khả năng thế tử được biết với tên tắt MBS đã ra lệnh hạ thủ ông Khashoggi. Nhân vật hoàng tộc 36 tuổi này được biết là 1 con người thông minh, bắt đầu 1 số biện pháp cải cách trong vài năm gần đây nhưng cũng mạnh tay đàn áp đối lập, đã tống giam 5, 6 hoàng thân, 1 số nhà tranh đấu dân chủ và vận động nữ quyền. Nghi án Khashoggi tô đen thêm hình ảnh của thế tử trẻ có tiếng là thô bạo.

Nghị sĩ Lindsey Graham, đồng minh của TT Trump và là nhân vật tích cực hậu thuẫn các quan hệ song phương với Riyadh, nói “Người này là quả bóng hư hỏng – hắn ta đã cho giết nhà báo Khashoggi, và trông đợi tôi ngó lơ. Không, tôi cảm thấy tôi bị dùng và bị lạm dụng. Tôi cảm thấy bị xúc phạm”. Ông Graham nói rõ hơn với Fox News “Hắn ta phải ra đi”.

Đó là ngôn từ chưa từng được nghe từ 1 nhà lập pháp CH.

Nhưng, hình ảnh về chuyến đi của ngoại trưởng Pompeo là khác hoàn toàn với MBS tuyên bố với ông Pompeo “Chúng ta là đồng minh vững mạnh – chúng ta cùng đối đầu các thách thức, trong quá khứ, hiện tại và tương lai”. Ông Pompeo gật đầu và đáp “Hẳn thế”. Các buổi hội đàm của ông Pompeo tại Riyadh chỉ dài khoảng nửa giờ – nhưng, tối hôm ấy ông được MBS đãi tiệc, là “chuyện dài.”

Trươc khi lên đường sang Ankara, ngoại trưởng Hoa Kỳ tuyên bố với báo giới: vương triều Riyadh sẽ quy trách nhiệm các viên chức cao cấp Saudi dự phần vào sự mất tích của nhà báo Khashoggi từ ngày 2-10. Ông Pompeo nói rõ: họ sẽ quy trách nhiệm viên chức hay viên chức cấp cao liên quan với sai phạm – vẫn theo lời ông Pompeo, chính quyền Saudi quyết tâm làm rõ điều gì đã xẩy ra. Ông Pompeo nói tiếp “Họ muốn có cơ hội hoàn tất cuộc điều tra thấu suốt” – theo ông, đó là yêu cầu hợp lý, tới chừng ấy chúng ta sẽ phán định.

Ngoại trưởng Pompeo đến thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ sáng Thứ Tư. Ngoại trưởng Cavusoghu đã tiếp ngoại trưởng Pompeo và mô tả cuộc hội đàm là “hữu ích và có kết quả”. Ông Cavusoglu tiết lộ: viên chức điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ có thể vào tư dinh của lãnh sự Saudi tại Istanbul để khám xét.

Ông Pompeo rời Ankara để đi Brussels lúc 12 giờ rưỡi trưa (giờ Ankara, là 5 giờ rưỡi sáng giờ miền đông Hoa Kỳ).

NBC News đưa tin: cuộc điều tra tại Istanbul đã bị đình chỉ vì vấn đề thủ tục.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ muốn khám xét cả lãnh sự quán Istanbul và tư dinh của lãnh sự.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ thông tin mới về nhóm nguời tin là “sát thủ” trong nghi án Khashoggi từ Riyadh đến Istanbul hồi đầu tháng này – NBC News được cung cấp ảnh chụp sổ thông hành của 1 số trong tổ ám sát 15 thành viên. Thông tin nhận được từ viên chức Thổ Nhĩ Kỳ gồm ảnh và tài liệu sinh học của 7 thành viên – tên, tuổi của họ là đúng như danh sách 15 nghi can mà báo thân chính Sabah tại Thổ Nhĩ Kỳ đã phổ biến tuần qua. Thông tin về 8 thành viên còn lại sẽ được công bố sau.

Báo Washington Post, là nơi ông Khashoggi cộng tác như là ký mục gia, đã được cung cấp trước. Tin tức hôm Thứ Ba là Riyadh đang bàn 1 kế hoạch xác nhận ông Khashoggi bị hạ sát, nhưng MBS và giới chức cao cấp không liên quan.

Ngoài ra một bản tin khác cho biết nhà báo Khashoggi là thường trú nhân Hoa Kỳ, vào lãnh sự quán Saudi làm giấy tờ mà không bao giờ trở ra – phản ứng của TT Trump hôm Thứ Ba là bênh vực vương triều Riyadh không khác ông đã che chở ứng viên TCPV Kavanaugh trước các tố giác tấn công tình dục. Ông nói “Đây lại là trường hợp nghi can là có tội cho tới khi được chứng minh là vô tội”.

Tại Riyadh, ngoại trưởng Pompeo tươi cười chụp ảnh chung với vua và thế tử Saudi cùng với loan báo “Saudi quyết điều tra thấu đáo”.

Trong khi đó, bản tin của New York Times viết: 1 trong các nghi can được Thổ Nhĩ Kỳ nhận diện là cận vệ thường tháp tùng thế tử bin Salman trong các chuyến đi Paris, Madrid và mới đây đến Boston, LHQ. 3 nghi can khác có liên quan với đơn vị bảo vệ yếu nhân của thế tử. Theo NYT, nghi can thứ 5 là pháp y của Bộ nội vụ Saudi.

Ký giả của NBC nhận xét: tương tự sự kiện Helsinki, nơi Trump gặp Putin, sự bênh vực thế tử Saudi gây chia rẽ trong đảng CH.

Nghị sĩ Lindsey Graham tuyên bố hôm Thứ Ba “Sẽ trừng phạt Riyadh. Đây là vấn đề thể diện. Bản thân thôi cảm thấy bị xúc phạm”.

Cùng ngày, khi đáp lại chất vấn về quan hệ làm ăn trong quá khứ với Saudi, twitter của ông Trump khẳng định không có quyền lợi tài chính tại Saudi, mọi thông tin trái ngược là “fake news”. Nhưng, trong 1 buổi sinh hoạt Tháng 7-2015, chính ông tuyên bố “Tôi thích người Saudi – họ rất tử tế. Tôi kiếm nhiều tiền với họ. Họ mua đủ thứ hàng của tôi. Họ trả tôi hàng triệu, hàng trăm triệu…”.

Như Washington Post đã đưa tin: phái đoàn của MBS lưu trú tại khách sạn của Trump tại Manhattan giúp tăng doanh thu của cơ sở này.

Thế tử bin Salman cũng có quan hệ hữu hảo với con và rể của Trump.

Trong một bản tin khác nói rằng bằng chứng ghi âm mới cho hiểu nhà báo Khashoggi bị tra tấn và bị giết tại lãnh sự quán Saudi tại Istanbul – New York Times dẫn nguồn là truyền thông bản xứ có được bằng chứng rùng rợn về nghi án mất tích của ký giả Khashoggi, công dân Saudi giúp việc báo Washington Post. Bài báo NYT cho hay: ông Khashoggi bị chặt các ngón tay trong lúc thẩm vấn, sau bị chặt đầu và phân thây.

Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận các chi tiết nổi lên trong thông tin do nhật báo thân chính Yeni Safak đã đăng tải.

Bài của NYT là diễn biến mới trong vụ thủ tiêu gây căm phẫn trong dư luận mà vương triều Riyadh đang ra sức né tránh, chống đỡ.

Nhà báo đưa tin: số đại diện doanh nghiệp, truyền thông và học giả dự định tham gia diễn đàn kinh tế do Riyadh tổ chức từ ngày 23 đến ngày 25-10 giảm nhiều với tin ký giả đối lập bị thảm sát.

Tin mới vào sáng Thứ Tư cho hay Wall Street Journal có tin ông Khashoggi bị tra tấn trước mặt lãnh sự Mohammad al-Otaibi, bị giết, bị phân thây trước mặt ông này.

Ngoại trưởng Pompeo từ chối cho biết ông được cung cấp thông tin gì trong chuyến đi Riyadh, theo lệnh của TT Trump.

Lãnh sự al-Otaibi đã từ Istanbul bay về Riyadh hôm Thứ Ba, là trước khi cảnh sát điều tra sở tại đến khám xét tư dinh của ông tại Istanbul.

https://vietbao.com/a286596/new-york-times-ke-giet-khashoggi-la-can-ve-the-tu-saudi-thuong-nghi-si-graham-the-tu-saudi-ra-lenh-giet-khashoggi

 

Vụ Khashoggi đe dọa

chiến lược của Mỹ tại Trung Đông

Thanh Hà

Cái chết mờ ám của nhà báo người Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi đang thách thức bang giao giữa Washington với Riyad, một đồng minh truyền thống của Mỹ tại Trung Đông. Nhà Trắng tránh để mang tiếng là bao che cho Ả Rập Xê Út bịt miệng một tiếng nói đối lập, nhưng cũng không thể làm phật lòng thái tử Mohammed Ben Salman, lá chủ bài của Hoa Kỳ để kềm tỏa ảnh hưởng của Iran trong vùng Vịnh. Về mặt kinh tế, dầu hỏa và những hợp đồng khổng lồ với Riyad là hai yếu tố buộc chính quyền Trump phải thận trọng.

Sau khi lên cầm quyền, tổng thống Donald Trump đã dành chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Ả Rập Xê Út, nơi quyền lực thực sự được đặt trong tay thái tử Mohammed Ben Salman. Đành rằng Riyad là một đồng minh lâu đời của Washington trong khu vực vùng Vịnh và nhiều đời tổng thống Mỹ liên tiếp đứng về phía vương quốc dầu hỏa này, nhưng chính quyền Trump đã có những bước tiến rất xa và kỳ vọng nhiều vào Ả Rập Xê Út để thực hiện một chiến lược “đầy tham vọng” ở Trung Đông.

Phải đợi nhiều ngày sau khi nhà báo người Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi mất tích, chính quyền Mỹ mới lên tiếng. Tổng thống Trump từng bực mình khi được báo chí hỏi về số phận của một cộng tác viên với tờ báo Washington Post và cho rằng, ông Khashoggi không phải là công dân Mỹ. Có điều, hơn hai tuần qua, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy là tiếng nói đối lập với chính quyền Riyad này dường như đã bị “tra tấn và bị chặt đầu” trong tòa lãnh sự Ả Rập Xê Út ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Thêm vào đó là hàng loạt bằng chứng cho thấy đằng sau cái chết mờ ám đó có bàn tay của thái tử Mohammed Ben Salman, nhân vật rất thân với cố vấn và cũng là con rể tổng thống Trump, Jared Kushner. Vụ việc lại càng gây bối rối cho Nhà Trắng khi mọi người phát hiện nhà báo Khashoggi sống lưu vong tại Hoa Kỳ và có thẻ thường trú của Mỹ. Chẳng đặng đừng, tổng thống Trump phải lên tiếng, nhất là khi ông chịu sức ép từ trong hàng ngũ của chính đảng Cộng Hòa ở Quốc Hội.

Dù nói sẽ “nghiêm phạt” Riyad nếu chính quyền Ả Rập Xê Út là thủ phạm vụ sát hại nhà báo Khashoggi, nhưng tổng thống Trump báo trước là quan hệ giữa Hoa Kỳ với đồng minh truyền thống này tại Trung Đông vẫn rất tốt đẹp.

Theo giới quan sát có nhiều lý do để chính quyền Trump nhẹ tay với Riyad.

Trước hết, phải kể đến yếu tố kinh tế, chính quyền Trump cần giữ quan hệ tốt với Ả Rập Xê Út tránh để vương quốc dầu hỏa này dọa khóa van dầu, đẩy giá vàng đen lên cao làm phương hại tới kinh tế của nước Mỹ. Ngoài ra, như chính tổng thống Trump tuyên bố, ông không có ý định hủy bỏ những hợp đồng mua bán vũ khí của Riyad, hay gây phương hại đến 110 tỷ đầu tư của Ả Rập Xê Út vào Hoa Kỳ.

Nhưng quan trọng hơn cả là về phương diện chiến lược, Mỹ cần Ả Rập Xê Út trong nhiều hồ sơ. Theo giải thích của chuyên gia về Trung Cận Đông, Simon Henderson, thuộc trung tâm nghiên cứu Washington Institute for Near East Policy, tổng thống Trump khó xử với Riyad, bởi Ả Rập Xê Út là một lá chủ bài của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn của Donald Trump có những mối liên hệ trực tiếp và gần gũi với thái tử Mohammed Ben Salman. Theo giới phân tích, vũng vì cần Ả Rập Xê Út mà Mỹ – và cả châu Âu đều nhắm mắt làm ngơ để cho thái tử Mohammed Ben Salman rộng bề hành động, đặc biệt là qua chiến dịch quân sự tại Yemen.

Thậm chí Nhà Trắng còn xem Ả Rập Xê Út, một nước Hồi Giáo theo hệ phái Sunni, là cột trụ trong chiến lược Trung Đông rộng lớn. Trong một bài báo trên Wall Street Journal, giáo sư Walter Russell Mead, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Mỹ, nhận định : Khi quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran, tổng thống Trump và ban tham mưu của Nhà Trắng đánh cuộc trên một kịch bản. Đó là bóp ngạt kinh tế Iran, buộc Teheran phải tập trung tăng cường quân sự, triển khai tên lửa và hạt nhân. Khi đó Ả Rập Xê Út và Israel, hai kẻ thù không đội trời chung của Teheran, sẽ là những cánh tay nối dài của Mỹ để “dạy cho Iran một bài học”.

Chỉ khi đó, Washignton mới trở lại cuộc chơi, làm một công đôi việc. Một mặt ép Teheran để đạt được một thỏa thuận về hạt nhân “cân bằng hơn”, mặt khác sẽ mặc cả với Iran để giải quyết hồ sơ Syria. Bởi ai cũng biết, Iran cùng với Nga đang là hai điểm tựa chính của chế độ Damas.

Có điều cái chết đột ngột của nhà báo Jamal Khashoggi đã làm đảo lộn những nước cờ của Washington tại Trung Đông. Ba tuần trước bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, bài toán của tổng thống Donald Trump càng thêm nan giải, khi những nhân vật được cho là thân cận với Nhà Trắng, chẳng hạn thượng nghị sĩ Lindsey Graham, không vòng vo tố cáo là hoàng tử Mohammed Ben Salman đã “ra lệnh ám sát Jamal Khashoggi trước mắt Hoa Kỳ”. Vẫn theo ông Lindsey Graham, trong trường hợp đó, hoàng thái tử Mohammed Ben Salman “phải ra đi”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181018-vu-nha-bao-a-rap-xe-ut-mat-tich-de-doa-chien-luoc-cua-my-tai-trung-dong

 

Nhiều doanh nghiệp

tẩy chay hội nghị kinh tế ở Ả Rập Xê Út

Thanh Phương

Hơn hai tuần sau vụ mất tích của nhà báo Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi, theo hãng tin AFP hôm nay, 18/10/2018, ngày càng có nhiều doanh nghiệp thông báo hủy bỏ việc tham dự một hội nghị kinh tế tổ chức tại Ryad.

Hội nghị mang tên « Sáng kiến Đầu tư Tương lai » (Future Investment Initiative), do hoàng thái tử Mohammed Ben Salmane khởi xướng, trên nguyên tắc sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 25/10/2018. Nhưng hôm nay, bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire vừa thông báo là ông sẽ không dự hội nghị này do vụ mất tích của nhà báo Khashoggi, mà Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định là đã bị các nhân viên Ả Rập Xê Út sát hại ngay trong tòa lãnh sự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nhật báo Mỹ The New York Times, một trong những nghi can là một nhân vận thân cận với thái tử Mohammed Ben Salmane.

Trước đó, hôm thứ Ba, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế Christine Lagarde cũng đã thông báo hủy chuyến công du Trung Đông, trong đó có chặng Ả Rập Xê Út.

Trong khi đó, theo hãng tin AFP, nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn trong các lĩnh vưc tài chính, công nghiệp, công nghệ đã thông báo hủy việc tham gia hội nghị kinh tế ở Ryad. Con số các doanh nghiệp tẩy chay hội nghị Ryad ngày càng đông.

Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, hôm qua, các nhà điều tra đã khám xét tư dinh của lãnh sự Ả Rập Xê Út, như tường trình của thông tín viên Anne Andlauer từ Istanbul :

 « Giống như họ đã làm tại lãnh sự quán Ả Rập Xê Út đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba vừa qua, các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ đã khám xét rất kỹ lưỡng tư dinh của lãnh sự Ả Rập Xê Út. Vị lãnh sự này đã rời Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Ba, sau khi được thông báo là nhà riêng của ông sắp bị lục soát. Nhưng chứng kiến cuộc khám xét có 11 viên chức Ả Rập Xê Út, thành viên của một phái đoàn đã đến Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước.

Toàn bộ các phòng của tư dinh lãnh sự Ả Rập Xê Út đều bị lục soát, kể cả mái nhà. Các xe hơi của tư dinh và xe hơi riêng của lãnh sự cũng không bị bỏ sót. Tham gia cuộc khám xét có khoảng 30 cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, với sự trợ giúp của chó nghiệp vụ và máy bay không người lái.

Các nhà điều tra đã cố tìm ra các vết máu và các vết ADN. Ngay từ ngày đầu tiên, Ankara đã khẳng định nhà báo Jamal Khashoggi đã bị sát hại ngay trong tòa lãnh sự. Trên báo chí, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, xin được giấu tên, cho biết là khi lục soát tòa lãnh sự, họ đã tìm thấy bằng chứng xác nhận vụ sát nhân.

Tuy nhiên, các nhà điều tra hiện vẫn chưa giải đáp được câu hỏi chính yếu : nếu ông đã bị sát hại, thi hài của nhà báo Jamal Khashoggi hiện đang ở đâu ? »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181018-nhieu-doanh-nghiep-tay-chay-hoi-nghi-kinh-te-o-a-rap-xe-ut

 

Syria : “Nhiệm vụ cuối cùng” của đặc phái viên LHQ

Trọng Thành

Hôm qua, 17/10/2018, tại Hội Đồng Bảo An, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, tuyên bố sẽ rời chức vụ, với lý do cá nhân. Ông Staffan de Mistura cũng thông báo sẽ có « chuyến đi cuối cùng » tới Syria.

Đặc phái viên Staffan de Mistura thông báo có « chuyến đi cuối cùng » tới Syria để thuyết phục chính quyền Damas chấp nhận việc lập ra một ủy ban chuẩn bị cho Hiến pháp mới, mở đường cho cuộc chuyển tiếp chính trị tại quốc gia này. Tuy nhiên, Nga – đồng minh chủ yếu của Damas – tỏ ra không vội vã.

Thông tín viên Marie Bourreau tường trình từ New York :

Cả chục lần, 100 lần, người ta từng thông báo đặc phái viên Staffan de Mistura sẽ từ nhiệm. Thế nhưng cuối cùng đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria đã trụ lại được bốn năm và bốn tháng, với một công việc được coi như là « nhiệm vụ khó khăn nhất thế giới » : Chấm dứt cuộc chiến tại Syria, đã kéo dài hơn 7 năm. Trong thời gian này, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc đã bất lực trước các cuộc vây hãm tại Aleppo và Đông Ghouta, cũng như các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, được quy cho chế độ Damas.

Về mặt chính trị, nhà ngoại giao hai quốc tịch Ý-Thụy Điển này rõ ràng đã tổ chức được các cuộc đàm phán tìm giải pháp hòa bình, tại Genève, thế nhưng ông đã không thể mời được chế độ Damas và đối lập Syria đối thoại trực tiếp.

Trước khi rời chức vụ, sẽ chính thức chấm dứt vào cuối tháng 11, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc de Mistura – người thứ ba từ bỏ sứ mạng này – sẽ đến Syria vào tuần tới, với một nhiệm vụ cuối cùng. Staffan de Mistura hy vọng sẽ thuyết phục được chính quyền Damas ủng hộ việc lập ra một ủy ban chuẩn bị Hiến pháp mới, điều đã được quyết định tại hội nghị Sotchi hồi tháng Giêng năm nay (do Nga bảo trợ).

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc đang đứng trước áp lực rất mạnh của các nước phương Tây, vốn tin tưởng là việc lập ra ủy ban nói trên là cơ hội cuối cùng để tái khởi động lại tiến trình chính trị ở Syria.

Thành lập một ủy ban Hiến pháp cho Syria là quyết định được đưa ra tại thượng đỉnh Sotchi, với sự hưởng ứng của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Kể từ đó đến nay, đặc phái viên de Mistura đã nhiều lần tổ chức đối thoại giữa các bên liên quan. Pháp cho rằng để chậm chuyên này bên duy nhất chịu trách nhiệm là chính quyền Damas.

Về vấn đề này, theo AFP, hồi tháng trước, Matxcơva nhấn mạnh là không cần vội thành lập một ủy ban như vậy. Chính quyền Nga lo ngại phương Tây sử dụng biện pháp này để dẫn tới thay đổi chế độ tại Syria.

Theo đặc phái viên Liên Hiệp Quốc từ nhiệm, ủy ban Hiến pháp sẽ bao gồm 150 người, trong đó 50 người của chế độ Damas, 50 người của đối lập và 50 còn lại, đại diện cho xã hội dân sự và người tị nạn Syria, do đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc đề xuất. Một ban soạn thảo Hiến pháp 15 người, bao gồm 5 thành viên của mỗi nhóm 50 người nói trên, được thành lập, và làm việc dưới quyền chủ tọa của một chủ tịch có quan điểm trung lập.

Nga – Thổ Nhĩ Kỳ quyết định kéo dài thời gian lập vùng đệm

Theo Reuters, điều phối viên Liên Hiệp Quốc về nhân đạo tại Syria cho biết Matxcơva và Ankara quyết định kéo dài thời gian thực thi thỏa thuận lập vùng đệm tại tỉnh Idlib, do phe nổi dậy kiểm soát. Theo ông Jan Egeland, khoảng 3 triệu dân cư tỉnh này « thở phào nhẽ nhõm », khi biết được thông tin nói trên.

Hồi tuần trước, một số lực lượng nổi dậy không chấp nhận rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng đệm, theo thỏa thuận, trước ngày 15/10, dẫn đến nguy cơ quân đội Damas có thể sớm mở chiến dịch tấn công quy mô lớn.

Hôm Chủ Nhật, nhóm thánh chiến Tahir al Cham cho biết sẽ tuân thủ thỏa thuận Nga-Thổ.

Cũng điều phối viên Liên Hiệp Quốc thông báo chính quyền của tổng thống Assad vừa rút lại một luật, cho phép tịch thu nhà cửa, đất đai và tài sản của người Syria tị nạn ở nước ngoài.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181018-syria-nhiem-vu-cuoi-cung-cua-dac-phai-vien-lhq

 

Crimée : Bí ẩn bao trùm vụ xả súng ở trường học

Trọng Thành

Theo một ủy ban điều tra Nga, thủ phạm vụ thảm sát 19 người hôm qua, 17/10/2018, là một sinh viên trường trung học Kertch, nơi xảy ra vụ án. Theo các nhà điều tra, học sinh 18 tuổi này đã tự sát, sau khi thực hiện cuộc tấn công theo kế hoạch.

Thủ phạm đã kích hoạt quả bom vào giờ ăn trưa tại căng tin nhà trường, đúng lúc trong phòng đông kín người. Trong lúc vụ nổ gây hoảng loạn, nhân vật này bắt đầu xả súng. Nhiều nhân chứng kể lại khung cảnh giống như trong một trận chiến, với lửa khói, máu chảy, người bị thương nằm la liệt trên sàn…

Cho đến nay, chưa hề có thông tin nào về động cơ của kẻ giết người. Không có tuyên bố hay thư từ nào được để lại. Chỉ duy có một người bạn của sát thủ kể lại thủ phạm vốn là người cô độc, và đã từng nói đến vụ thảm sát tại Columbine ở Mỹ năm 1999, trong đó hai học sinh trung học bắn chết 12 bạn học và một giáo viên.

Chỉ có điều chắc chắn là, kể từ vụ bắt con tin đẫm máu ở một trường học ở Beslan, Bắc Ossetia (thuộc Nga) năm 2004, với hơn 300 người chết, trong đó có gần 200 trẻ em, chưa từng có một trường học nào do chính quyền Nga quản lý lại hứng chịu một vụ thảm sát với số lượng nạn nhân lớn đến như vậy.

Vẫn theo cơ quan điều tra Nga, các nạn nhân không chết do bom, mà do trúng đạn.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181018-crimee-bi-an-bao-trum-vu-xa-sung-o-mot-truong-hoc-khien-19-nguoi-chet

 

Chuyên gia Pháp : Đối với Matxcơva,

 xung đột là không thể tránh khỏi

Thùy Dương

Trong không gian hậu Xô Viết, các cuộc xung đột « đóng băng » – liên quan tới chính sách của điện Kremlin – ngày càng nhiều. (« Xung đột đóng băng » là một thuật ngữ chỉ các xung đột chưa được giải quyết ở các nước Cộng Hòa thuộc Liên Xô cũ, nơi có những cộng đồng ly khai được quân đội Nga hậu thuẫn.) Việc Nga sử dụng sức mạnh vũ trang ở Ukraina, hay Gruzia, là một dấu hiệu cho thấy Matxcơva thất bại về phương diện kinh tế và ngoại giao trong việc tái thiết các ảnh hưởng của Nga.

Có một nghịch lý là dù được Matxccơva coi là đòn bẩy giúp ảnh hưởng của Nga gia tăng, nhưng việc điện Kremlin ủng hộ vùng lãnh thổ ly khai Transnistria ở Moldava, vùng lãnh thổ ly khai Abkhazia và Nam Ossetia ở Gruzia, hay can thiệp vào Donbass thuộc Ukraina lại càng khiến các nước có liên quan rời xa vùng ảnh hưởng của Kremlin.

Trên đây là những nhận định của Nicu Popescu, chuyên gia về Nga, giám đốc chương trình Châu Âu mở rộng ở Hội đồng đối ngoại châu Âu (ECFR), giáo sư Đại học Sciences Po Paris. Nicu Popescu từng là cố vấn ngoại giao của thủ tướng Moldava, Vlad Filat và là tác giả cuốn sách « Chính sách ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu và các cuộc xung đột thời hậu Xô Viết ».

RFI xin lược dịch bài phỏng vấn « Nicu Popescu : Đối với Matxcơva, xung đột là không thể tránh khỏi, thậm chí có lợi » đăng trên báo Le Monde ngày 14/10/2018.

Các xung đột đóng băng tồn tại ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng xung đột đóng băng ở không gian hậu Xô Viết có gì đặc biệt?

Các xung đột « đóng băng» trong không gian hậu Xô Viết có điểm đặc biệt là tạo ra các Nhà Nước « thực tế », có nghĩa là thực thể trên thực tế độc lập với Nhà nước mà chúng trực thuộc và, sau một cuộc xung đột với Nhà nước đó, thì tạo được cơ cấu vững mạnh gần như ở tầm nhà nước, có cảnh sát, quân đội, đại học …, nhưng lại không được quốc tế công nhận. Có rất ít trường hợp như vậy ở các khu vực khác trên thế giới.

Vùng lãnh thổ ly khai Transnistria ở Moldava có đồng tiền riêng. Vùng lãnh thổ ly khai Abkhazia và Nam Ossetia ở Gruzia, tuy không có đồng tiền riêng, nhưng lại có các định chế và một chính phủ riêng. Tất các vùng lãnh thổ này đều nhận được sự trợ giúp của Nga khi xảy ra xung đột với Nhà nước trung tâm, để rồi sau đó thiết lập được các định chế của riêng họ.

Nên nói là Nga đã can thiệp vào các xung đột tồn tại từ trước đó hay Nga đã tạo ra các tình huống chiến tranh sau khi đã suy nghĩ cân nhắc ?

Đó là sự pha trộn của của cả hai. Khi Liên Xô tan rã, đã xuất hiện rất nhiều phong trào ủng hộ Liên Xô hay thân Nga. Một số vùng lãnh thổ hay thành phố vẫn muốn thuộc Liên Xô hay ít nhất là vẫn gắn bó với Nga. Các phong trào đó không chỉ liên quan đến các vùng lãnh thổ hiện đang có xung đột đóng băng. Chúng rất phát triển ở Crimée, Estonia … Nga không can thiệp quân sự vào mọi nơi. Khi can thiệp quân sự, Nga thường hoặc can thiệp trực tiếp, hoặc ủng hộ các phong trào ly khai như trong những năm 1990 ở Abkhazia, Nam Osseti hay Transnistria. Việc lựa chọn giải pháp can thiệp quân sự phụ thuộc một phần vào « cuộc chơi » hay sức mạnh của các bên có liên quan, phần khác thì phụ thuộc vào các lý do địa chính trị.

Khác với các cường quốc khác, Nga không có nhiều phương tiện để củng cố ảnh hưởng, trừ sức mạnh võ trang. Ngay cả trong nhiệm kỳ của vị tổng thống Ukraina thân Nga, Viktor Ianoukovitch (2010-2014), Matxcơva cũng không thành công trong việc lôi kéo Ukraina vào vòng ảnh hưởng của Nga. Ở Ukraina, cũng như ở Gruzia, việc Nga phải dùng đến sức mạnh quân sự là dấu hiệu cho thấy các công cụ quyền lực về kinh tế, ngoại giao hay quyền lực mềm của Nga đã thất bại.

Gruzia, Ukraina và Moldava đều có điểm chung là muốn xích lại gần Liên Hiệp Châu Âu hoặc NATO. Điều này có vai trò gì không ?

Ở Gruzia và Moldava, các xung đột đóng băng này xuất hiện trước cả khi câu hỏi về việc xích lại gần Châu Âu được đặt ra. Ở cả hai quốc gia này, các phong trào đòi độc lập mang tính bài Nga mạnh mẽ và đã bị Matxcơva trấn áp thô bạo. Cũng có những xung đột khác ở Kavkaz hay Trung Á, nhưng là giữa các nhóm sắc tộc hoặc giữa các nước đó. Nếu không có những mâu thuẫn liên quan đến quyền lực của Matxcơva, thì Nga không can thiệp.

Moldava lại thuộc không gian văn hóa Rumani, xu hướng ngả sang Liên Âu là có thể dự đoán được. Gruzia nuôi dưỡng lòng tự hào về quá khứ cổ xưa và những nét đặc thù của họ. Mong muốn độc lập của họ phát triển mạnh mẽ theo hướng đối đầu với Matxcơva. Mong muốn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu hoặc NATO thì mãi sau này Gruzia mới có, và đó cũng chỉ là sự tiếp nối lộ trình của họ.

Như vậy, chúng ta thấy rõ là hành động của Nga đã tạo ra các kết quả mang tính nghịch lý : mong muốn của các nước trên được củng cố bởi sự xuất hiện của các xung đột với các phong trào ly khai. Khi Matxcơva muốn củng cố ảnh hưởng tại các nước này, hấp lực của Nga cuối cùng lại mất đi, Ukraina là một ví dụ.

Làm thế nào mà một cuộc xung đột đóng băng, hay sự tồn tại của một khu vực ly khai nhập nhằng lại là đòn bẩy cho việc tạo dựng ảnh hưởng ?

Châu Âu và Mỹ thường giải thích với Nga rằng Matxcơva sẽ có lợi nếu duy trì được sự ổn định và thịnh vượng của các nước láng giềng. Nhưng đó chỉ là cách nghĩ của phương Tây. Còn đối với Nga, xung đột là điều không thể tránh khỏi, đôi khi là có ích cho. Matxcơva cũng có cái nhìn mang tính lịch sử nhiều hơn. Các đế chế phương Tây mỗi lần tan rã là tan rã hẳn, còn đế chế Nga thì tồn tại vĩnh viễn. Các vùng lãnh thổ của đế chế Nga, nhất là ở phía Tây, cứ bị mất đi rồi lại giành lại được …

Theo cách nhìn của Nga, việc mất một vùng lãnh thổ hay một vùng ảnh hưởng không phải là vĩnh viễn, đơn giản là chỉ cần có thời gian rồi sẽ giành lại được. Quan điểm của Nga là cứ duy trì sự yếu kém của các vùng thổ đó trong thời kỳ Nga suy yếu, cho tới lúc có thể giành lại được các vùng đó.

Khi gây ra các xung đột ở một số nước láng giềng, Matxcơva đã thành công trong việc ngăn cản các nước đó ngả sang NATO, bởi vì một một Nhà nước không có biên giới xác định rõ ràng thì không thể gia nhập NATO. Theo tôi, các xung đột đóng băng góp phần khiến công cuộc cải cách, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, việc tạo dựng các định chế vững chắc ở một nước sẽ trở nên khó khăn hơn, cho dù trách nhiệm quan trọng nhất vẫn thuộc về giới tinh hoa của quốc gia đó.

Chính sách của Nga thể hiện sự yếu kém của Matxcơva ?

Đúng, đó là một chính sách yếu kém. Trước khi xuất hiện một thuật ngữ rất hiện đại là « trolling », tôi gọi đó là « sự quấy rối về địa chính trị », nó vượt qua cả câu hỏi về các xung đột vũ trang. Ở Ukraina, trước khi gây ra cuộc chiến ở vùng Donbass, Nga đã liên tục « châm chích » Kiev, phong tỏa thương mại của Ukraina trên nhiều lĩnh vực hoạt động.

Hy vọng là khiến các nước láng giềng mất khả năng chống đỡ, Matxcơva trên thực tế lại mất đi ảnh hưởng. Các quốc gia đó đã đa dạng hóa thị trường của họ. Trong số 14 nước thuộc Liên Xô cũ, Nga chỉ là đối tác thương mại số một của Belarus và Arménia. Khi Nga để mất trọng lượng kinh tế, Matxcơva chỉ còn khả năng gây ảnh hưởng bằng sức mạnh quân sự. Và đó là vòng luẩn quẩn.

Chính sách này là kết quả của một chiến lược có suy tính ? Có ý kiến cho rằng chiến lược chống Ukraina là đòn trừng phạt của Nga …

Tùy theo đối tượng là các nước láng giềng hay châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông hay phần còn lại của thế giới mà giới ngoại giao Nga có cách nói và cách cư xử rất khác nhau. Ngoại giao nhắm vào châu Âu hay Ukraina mang nhiều cảm xúc : người ta thấy có nhiều nỗi oán hận, thất vọng, đôi khi là sự hung hăng, khiêu khích, ngạo nghễ … Với Trung Quốc và các nước Ả Rập, quan hệ hai bên lại ít cảm xúc hơn, thể hiện nhiều sự tôn trọng hơn, nhiều toan tính hơn nhưng cũng hiệu quả hơn.

Sự sáp nhập bán đảo Crimée cũng nằm trong chiến lược của Nga ?

Việc Matxcơva sáp nhập Crimée lẽ phải nhằm tránh cho bán đảo này trở thành một vùng xám nhập nhằng ở biên giới Nga, nhưng đó lại là một thất bại, vì quốc tế không công nhận Crimée là của Nga.

Có cần phải đóng băng một cuộc xung đột tại một khu vực nhập nhằng ? Nói cách khác, Donbass liệu sẽ mãi là một vùng chiến ?

Trái lại, tôi cho rằng các xung đột đóng băng luôn có thể nóng trở lại. Tại Gruzia, xung đột ở Nam Ossetia, xuất hiện năm 1992, đã nóng lên trong giai đoạn 2004-2008 để cuối cùng trở thành một cuộc chiến mới.

Ở một số vùng hiện đang căng thẳng, chiến lược của Nga là chờ thời cơ thuận lợi để hành động sao cho có lợi. Chẳng hạn, hồi năm 2003, Matxcơva đưa ra một đề xuất với Moldava để giải quyết mâu thuẫn liên quan đến Transnistria. Theo đề xuất đó, vùng lãnh thổ này tái nhập Moldava, đổi lại Nga mở một căn cứ quân sự ở Moldava và nước này chuyển sang chế độ liên bang.

Mọi chuyện ở Donbass cũng có thể diễn ra theo chiều hướng tương tự. Vùng này có thể là điểm xuất phát cho một cuộc leo thang xung đột, nhưng cũng có thể là để gây ảnh hưởng lên diễn tiến các sự kiện tại Ukraina, vừa biến Ukraina thành chế độ liên bang, vừa làm suy yếu đất nước này.

Tuy nhiên, các quốc gia có liên quan thường muốn giữ nguyên trạng hơn là để Nga tăng cường ảnh hưởng lên các vấn đề nội bộ của họ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181018-chuyen-gia-phap-doi-voi-matxcova-xung-dot-la-khong-the-tranh-khoi-tham-chi-la-co-lo

 

Đài Loan tổ chức biểu tình

kêu gọi độc lập hoàn toàn, thách thức Bắc Kinh

Đài Bắc, Đài Loan – Theo tin từ Reuters, vào Thứ Bảy tới (ngày 20 tháng 10), các nhà vận động độc lập tại Đài Loan sẽ xuống đường biểu tình.

Cuộc biểu tình quan trọng này được xem như một hành động chống đối Bắc Kinh, và một thách thức lớn đối với chính quyền Đài Loan. Gần đây, Bắc Kinh ráo riết tuyên bố hòn đảo tự trị Đài Loan thuộc quyền sở hữu của Trung Cộng. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp khó khăn trong việc xoa dịu Bắc Kinh và các phe phái độc lập.

Các sự việc trên đã làm dấy lên sự phản kháng ở vùng trung tâm Đài Bắc. Cuộc biểu tình sắp diễn ra vào ngày 20/10 được tổ chức bởi Liên minh Formosa, nhằm kêu gọi một cuộc bỏ phiếu về việc Đài Loan có nên chính thức tuyên bố độc lập khỏi Trung Cộng hay không. Kể từ khi Đài Loan dân chủ hóa  20 năm trước, đây có lẽ là cuộc biểu tình phản đối quy mô lớn đầu tiên, kêu gọi một cuộc bỏ phiếu cho nền độc lập hoàn toàn.

Các nhà tổ chức ước tính sẽ có khoảng 100,000 người tham gia. Người đứng đầu Liên minh Formosa bày tỏ quan điểm rằng, chính mỗi công dân Đài Loan là người phải quyết định tương lai của hòn đảo này.

Hiện nay, Bắc Kinh vẫn xem Đài Loan là một phần của lãnh thổ Trung Cộng, và cần được hợp nhất, mặc dù hai bên đã tách biệt hoàn toàn từ cuộc nội chiến năm 1949. Còn Đài Loan lại xem họ là một quốc gia có chủ quyền, với hệ thống tiền tệ, chính trị và pháp luật riêng. Tuy nhiên, hòn đảo này chưa bao giờ chính thức tuyên bố độc lập. Cuộc biểu tình thể hiện rõ quan điểm: nói không với tham vọng thôn tính Đài Loan của Trung Cộng.

Bắc Kinh cảnh báo sẽ đáp trả bằng vũ lực nếu Đài Loan nỗ lực chính thức tách ra khỏi Trung Cộng. Chính quyền Trung Cộng khuyến cáo Liên minh Formasa không nên đi vào con đường nguy hiểm này. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/dai-loan-to-chuc-bieu-tinh-keu-goi-doc-lap-hoan-toan-thach-thuc-bac-kinh/

 

TQ phản đối liên lạc chính thức giữa Mỹ và Đài Loan

Một phát ngôn viên của Trung Quốc hôm thứ Tư nhắc lại sự phản đối của nước này đối với bất kỳ liên lạc chính thức và liên lạc quân sự nào giữa Mỹ và Đài Loan.

Ông Mã Hiểu Quang, phát ngôn viên của Văn phòng Sự vụ Đài Loan Quốc Vụ Viện, phát biểu như vậy tại một cuộc họp báo để đáp lại sự kiện một tàu nghiên cứu Hải quân Mỹ cập cảng ở Cao Hùng, một thành phố cảng của Đài Loan, hôm thứ Ba trong chuyến thăm thứ tư trong năm nay tới thành phố này.

“Chúng tôi kiên quyết phản đối mọi liên lạc chính thức hoặc quan hệ quân sự dưới bất kỳ hình thức nào giữa Mỹ và Đài Loan. Lập trường của Trung Quốc về vấn đề này là nhất quán và rõ ràng,” ông Mã nói.

Nói về các bản tin của giới truyền thông cho hay Hải quân Mỹ có kế hoạch “thể hiện uy lực quân sự” ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan vào tháng 11, ông Mã kêu gọi các bên liên quan cẩn trọng cân nhắc.

“Vấn đề Đài Loan, mang tính sống còn đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Chúng tôi kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc,” phát ngôn viên này nói.

Ông Mã nói thêm rằng Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan hành động thận trọng, không làm tổn hại đến hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-phan-doi-lien-lac-chinh-thuc-giua-my-va-dai-loan/4618010.html

 

Lộ con đường xa xỉ của các ‘tham tướng’ TQ

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Tham mưu trưởng Bộ tham tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Phòng Phong Huy đã bị khai trừ khỏi đảng và giao cho cơ quan thẩm tra khởi tố. Nguyên Ủy viên quân ủy Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Bộ công tác chính trị Quân ủy trung ương Trung Quốc, Trương Dương bị khai trừ khỏi đảng.

Thông báo của Tân Hoa Xã nhấn mạnh, Phòng Phong Huy và Trương Dương đều phạm phải 3 tội danh đưa hối lộ, nhận hối lộ và sở hữu khối tài sản kếch xù không rõ nguồn gốc.

Trước đó Phòng Phong Huy đã bị Quân ủy trung ương Trung Quốc tước quân hàm thượng tướng và quân tịch vào tháng 1/2018. Như vậy, với cáo buộc này, Phòng Phong Huy đã có thêm tội danh mới đó là “sở hữu khối tài sản kếch xù không rõ nguồn gốc”.

Trong khi đó, Trương Dương đã tự sát tháng 11/2017 trong lúc đang bị các cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc điều tra.

Nhiều nguồn thông tin thân cận với giới chức Trung Quốc cho biết, Phòng Phong Huy đã dựa vào con hổ lớn Quách Bá Hùng-nguyên Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã bị kết án chung thân hồi tháng 7/2016, để được thăng quan tiến chức.

Trong thời gian đảm nhiệm cương vị Tư lệnh quân khu Bắc Kinh đã nhiều lần kiếm chác số tiền lớn từ các vụ mua bán sản sản quân sự.

Đặc biệt, Phòng Phong Huy đã chi rất nhiều tiền xây dưng tư dinh của bản thân theo mô hình Tứ hợp viện, có diện tích lên tới hơn 1.000 m2. Thậm chí Phòng Phong Huy còn hạ lệnh cho thuộc hạ lắp đặt kính chống đạn và xây dựng hầm trú ẩn có thể chống bom hạt nhân ngay tại tư dinh của mình.

Ngoài ra, theo các nguồn tin đáng tin cậy khác, Phòng Phong Huy còn là vị tướng rất sành ăn.

Nghe nói, do không vừa lòng với các đầu bếp phục vụ tại Bắc Kinh, đích thân Phòng Phong Huy đã phái 2 đầu bếp tới Quảng Châu học nấu ăn trong thời gian 3 tháng, với mục đích để đáp ứng nhu cầu ẩm thực của bản thân.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24234-lo-con-duong-xa-xi-cua-cac-tham-tuong-tq.html

 

TQ khoe tên lửa phòng không HQ-22

giữa lúc căng thẳng với Mỹ

Hệ thống Hồng Kỳ-22 (HQ-22) sẽ giúp lực lượng không quân Trung Quốc lấp khoảng trống chiến thuật trong thế trận phòng không đa tầng của quân đội nước này.

Hôm 15/10/2018, quân đội Trung Quốc đã lần đầu tiên công bố các hình ảnh chi tiết và các thông số kỹ thuật của hệ thống tên lửa phòng không HQ-22 của nước này.

Theo những thông tin được công bố trên trang mạng của Bộ quốc phòng Trung Quốc hôm 15/10, tên lửa phòng không HQ-22 là trang bị vũ khí thế hệ mới của lực lượng tên lửa đất đối không của Không quân Trung Quốc.

Trong đó, HQ-22 là hệ thống tên lửa phòng không đất đối không tầm trung-xa, có tầm bắn 120 km, sử dụng hệ thống dẫn đường kết hợp với sóng radio của đài điều khiển và radar bán chủ động, có khả năng chống chế áp điện tử cao.

Hệ thống HQ-22 sử dụng các ống phóng được đặt trên khung ngầm xe mang phóng tự hành, và được phóng đi theo phương nằm nghiêng, điều đó giúp cho tầm bắn xa hơn và chính xác hơn.

Mỗi tổ hợp tên lửa phòng không HQ-22 được trang bị 1 đài radar điều khiển hỏa lực, có thể dẫn đường cho tên lửa đánh chặn tối đa 12 mục tiêu cùng lúc.

Các nhà phân tích cho rằng, với việc ra đời hệ thống HQ-22 sẽ giúp lực lượng không quân Trung Quốc lấp khoảng trống chiến thuật trong thế trận phòng không đa tầng của quân đội nước này.

Việc Trung Quốc liên tiếp trình làng các loại vũ khí mới trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington có nguy cơ bùng phát toàn diện từ kinh tế tới quân sự là động thái hết sức đáng chú ý.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24236-tq-khoe-ten-lua-phong-khong-hq-22-giua-luc-cang-thang-voi-my.html

 

Đòn đáp trả Mỹ trong chiến tranh thương mại

phản tác dụng, làm “đau ví” người TQ

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang đẩy sâu thêm tình trạng tăng giá trên diện rộng ở Trung Quốc, khiến chính người tiêu dùng trong nước ngấm “đòn”.

Người dân Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng giá cả leo thang do các khoản thuế chính nước này áp đặt với hàng hóa Mỹ. Ảnh: Reuters.

Thuế suất Bắc Kinh áp lên các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ lại đang gây ra tình trạng lạm phát cho nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã đạt 2,5% trong tháng 9 so với năm ngoái và tăng 0,2 điểm % so với tháng 8, theo báo cáo của Tổng cục thống kê. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ thời điểm Tết âm lịch đến nay.

Mặc dù việc tăng giá phần lớn trong mặt hàng thực phẩm, một phần do thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến nguồn cung, thuế suất đánh lên hàng nhập khẩu nhằm đáp trả cuộc chiến thuế quan của Mỹ là một nguyên nhân.

Bắc Kinh đã áp thuế bổ sung 25% lên ô tô Mỹ nhập khẩu, tăng tỷ lệ thuế suất lên 40% và các nhà sản xuất ô tô buộc phải chuyển một phần gánh nặng này lên người tiêu dùng.

Một chiếc ô tô điện Model S thông thường của hãng Tesla hiện giờ có giá 850.000 Nhân dân tệ (123.000 USD) so với 710.000 Nhân dân tệ trước đây. BMW và Daimler cũng vừa tăng giá cho các mẫu xe thể thao sản xuất tại Mỹ từ 4-7%.

Đơn vị hàng tiêu dùng và hóa chất của Đức Henkel cũng tăng giá trong tháng này cho các sản phẩm bán tại Trung Quốc, theo truyền thông địa phương, dẫn ra nguyên nhân là thuế suất đáp trả lên các mặt hàng từ Mỹ cũng như đồng Nhân dân tệ suy yếu trong thời gian qua.

Một chi nhánh địa phương của tập đoàn Mỹ 3M cũng tăng giá sản phẩm khoảng 3-5%, do nguyên liệu và chi phí lao động tăng, cũng như biến động tiền tệ, dấy lên lo ngại rằng việc tăng giá có thể làm cho sản xuất thiết bị cầm tay đắt hơn.

Theo một nhà phân tích công nghệ thông tin, cuộc chiến thương mại leo thang sẽ làm xói mòn lợi nhuận của các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc đang chạy đua để giảm bớt lạm phát, xoa dịu sự lo lắng của dư luận trong nước, đặc biệt là với mặt hàng đậu tương. Trong chuyến thăm tháng trước tới một cơ sở nghiên cứu nông nghiệp ở tỉnh Hắc Long Giang, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hỏi một nhà nghiên cứu làm thế nào để cây đậu tương đạt được nhận sản lượng cao.

Mặt hàng đậu nành được chế biến để chế biến dầu ăn và phần còn lại từ quá trình này được sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Do cả thịt lợn và dầu đậu tương đều là mặt hàng chủ yếu trong bữa ăn của người dân Trung Quốc, giá đậu tương tăng có tác động đáng kể đến chỉ số CPI.

Trung Quốc nhập khẩu gần 90% lượng đậu nành tiêu thụ, 1/3 nguồn cung nước ngoài đến từ Mỹ.

Hồi tháng 7, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với đậu nành Mỹ, một biện pháp nhằm tạo sức ép lên nông dân Mỹ – lượng cử tri đông đảo ủng hộ Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, việc áp thuế này thực chất lại tác động ngược trở lại, khiến giá đậu nành tại thị trường Trung Quốc cũng tăng “phi mã”.

Giá đậu nành ở Trung Quốc đã tăng 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái, gây ra áp lực lên các hộ nông dân. Cụ thể, mỗi gia đình nông dân Trung Quốc mất 200 Nhân dân tệ trên mỗi con lợn. Chính phủ đang đề xuất các khoản trợ giá nhằm hỗ trợ nông dân trong nước trong khi cố gắng giữ giá thịt heo không tăng.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang thúc đẩy trợ cấp cho nông dân và đẩy mạnh trồng đậu tương ở các khu vực như Hắc Long Giang để nâng sản lượng trong nước.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24233-don-dap-tra-my-trong-chien-tranh-thuong-mai-phan-tac-dung-lam-dau-vi-nguoi-tq.html