Tin khắp nơi – 18/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 18/10/2017

‘Iran sẽ xé thỏa thuận hạt nhân nếu Mỹ rút lui’

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 18/10 nói rằng Teheran chỉ duy trì hiệp định hạt nhân năm 2015 với các cường quốc, chừng nào mà tất cả các nước đã đặt bút ký kết vào văn kiện đó còn tôn trọng nó, nhưng Giáo chủ Khamenei tuyên bố Teheran sẽ xé bỏ thỏa thuận này, nếu Hoa Kỳ rút lui.

Đài truyền hình nhà nước Iran tường thuật rằng giáo chủ Khamenei lên tiếng 5 ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố hướng tiếp cận mới, cứng rắn hơn với Iran.

Thỏa thuận hạt nhân đạt được vào năm 2015 dưới thời Tổng Thống Barack Obama, người tiền nhiệm của ông Trump. 6 cường quốc thế giới cùng đặt bút ký vào văn kiện này là Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/iran-se-xoa-bo-thoa-thuan-hat-nhan-neu-my-rut-lui/4076089.html

 

Bà Clinton

không chỉ trích chính sách Triều Tiên của TT Trump

Phát biểu tại Hàn Quốc hôm thứ Tư 18/10, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton mạnh mẽ chỉ trích những lời phát biểu thiếu thận trọng của Tổng thống Donald Trump về Triều Tiên.

Bà nói: “Không có lý do nào để chúng ta tỏ thái độ hiếu chiến, hung hăng.”

Những lời hăm dọa bất chấp hậu quả

Bà Clinton không đồng ý với từ ngữ mà Tổng thống Trump dùng khi gọi lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong un là “little rocket man”- tạm dịch là ‘thằng nhóc tên lửa”, và những lời hăm dọa của ông Trump, đòi đáp lại hành động khiêu khích của Triều Tiên bằng “hỏa thịnh nộ.”

Bà Clinton nói:

“Với số phận của hàng triệu người đặt trên bàn cân, tùy thuộc vào một giải pháp ngoại giao nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng với Triều Tiên, rõ ràng là những lời hăm dọa bất chấp hậu quả, sẽ phát động chiến tranh, rất là nguy hiểm và thiển cận.”

Bà Clinton nói tiếp:

“Khiêu khích Kim Jong Un càng làm cho ông ta như mở cờ trong bụng”. vì như vậy là giúp giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng được thế giới chú ý, và chính đó là điều mà Bình Nhưỡng khao khát.”

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson tuần này bênh vực những dòng tweet của ông Trump cũng như những phát biểu công khai của ông là cố gắng “tạo hành động dẫn đến sự cố” để các nỗ lực ngoại giao có thể tiến tới phía trước.

Ngoại giao mạnh tay

Trong khi bà Clinton bất đồng với phong cách hung hăng của ông Trump, thì hình như bà ủng hộ chiến lược ngoại giao mạnh tay nói chung của chính phủ Trump để tăng áp lực đối với chính quyền Kim Jong Un phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Bà đồng ý rằng tiến bộ nhanh chóng của Triều Tiên hướng tới việc phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có gắn đầu đạn hạt nhân và có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ, cấu thành một mối đe dọa an ninh có thực đối với Hoa Kỳ.

Nhưng cựu Ngoại Trưởng Mỹ không đề nghị những giải pháp chính sách thay thế để ngăn chận các cuộc thử nghiệm hạt nhân tiếp theo, bà cũng không đề nghị những biện pháp khích lệ hoặc có tính nhượng bộ để tạo điều kiện cho đàm phán. Bà không bình luận gì về đề nghị của Trung Quốc và Nga, là đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên để đánh đổi việc tạm ngưng các cuộc diễn tập quân sự Mỹ-Hàn.

Thay vào đó, bà Clinton góp tiếng với chính quyền ông Trump, kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên để buộc Kim Jong Un phải từ bỏ chương trình hạt nhân, bằng không chế độ của ông ta sẽ sụp đổ. Bà đồng ý rằng Trung Quốc phải làm nhiều hơn nữa để thực thi các biện pháp chế tài, và trong khi chờ đợi, các đồng minh của Hoa Kỳ cần duy trì khả năng răn đe quân sự.

Mặt khác, bà Hillary Clinton chỉ trích các hành động của Bắc Kinh chống lại các công ty Hàn Quốc làm ăn ở Trung Quốc, sau khi Seoul triển khai một hệ thống chống phi đạn của Mỹ ở Hàn Quốc.

Một nước hạt nhân trên thực tế

Bà Clinton nói Hoa Kỳ và các đồng minh nên có phản ứng quân sự “tương xứng” với hành động khiêu khích của Triều Tiên, trong khi ông Trump trước đây tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ “hoàn toàn tiêu diệt Triều Tiên”, nếu bị tấn công.

Bất cứ hành động quân sự đánh chặn nào để tiêu diệt các địa điểm hạt nhân hoặc tên lửa của Triều Tiên cũng có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh có thể tàn phá và gây bất ổn cho khu vực. Nhưng một số nhà lãnh đạo và nhà phân tích nói rằng các biện pháp chế tài không mà thôi, không thể buộc các nhà lãnh đạo ở Bình Nhưỡng từ bỏ khả năng răn đe hạt nhân của họ, đặc biệt giữa lúc Tổng thống Trump tung ra những lời hăm dọa đối với Triều Tiên.

Quan chức phối hợp kiểm soát vũ khí của Toà Bạch Ốc thời Tổng Thống Obama, nay giảng dạy tại Trường Quản lý Nhà nước Kennedy ở Đại học Harvard Gary Samore nhận định:

“Tôi nghĩ chúng ta phải chấp nhận thực tế là chúng ta phải sống với một nước Triều Tiên có vũ khí hạt nhân trong tương lai có thể thấy được. Phi hạt nhân hóa không còn là một mục tiêu thực tiễn nữa.”

Trấn an đồng minh

Bà Hillary Clinton nói Hoa Kỳ cần phải là một lực lượng vững vàng, trước sau như một, có chính sách rõ ràng dễ đoán, để duy trì hòa bình ở Châu Á, và lối tiếp cận của ông Trump vừa thiếu thận trọng, lại vừa phản tác dụng.

Các đồng minh của Washington, theo bà, đã bày tỏ quan ngại về độ tin cậy của Hoa Kỳ, sau những lời bình luận của ông Trump, chỉ trích những sự mất cân bằng về thương mại, và chi phí quốc phòng không đầy đủ để các lực lượng quân sự Mỹ hiện diện trong khu vực.

Theo lịch trình, Tổng thống Trump sẽ thực hiện chuyến đi thăm chính thức Châu Á đầu tiên của ông vào đầu tháng 11. Ông sẽ ghé thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trước khi sang Việt Nam và Philippines để dự các hội nghị cấp cao về thương mại và an ninh.

Trong một tuyên bố, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết họ trông đợi Tổng thống Trump không những chỉ bàn đến việc “tăng cường liên minh Mỹ-Hàn, hồi đáp các vấn đề hạt nhân Triều Tiên, mà còn đưa ra viễn kiến của ông về chính sách đối với bán đảo Triều Tiên và vùng Đông Bắc Á.”

https://www.voatiengviet.com/a/ba-clinton-khong-chi-trich-chinh-sach-trieu-tien-cua-tt-trump/4076027.html

 

Trung Quốc khai mạc Đại hội đảng cộng sản

Trong bài phát biểu dài hơn 3 tiếng đồng hồ trước cử tọa gồm khoảng 2.300 người tại đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 18/10 nhân khai mạc đại hội đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện cải cách sâu về kinh tế và tài chính nhằm đạt được tăng trưởng có chất lượng cao.

Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc sẽ tiếp tục không chỉ mở cửa mà còn mở rộng hơn nữa, đẩy mạnh cải cách theo định hướng thị trường đối với tỷ giá ngoại tệ và hệ thống tài chính và để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân phối nguồn lực của thị trường.

Người đứng đầu nhà nước và Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nói chính phủ sẽ tiến hành việc làm sạch các quy định và thực hành đã cản trở một thị trường thống nhất và sự cạnh tranh công bằng. Ông ủng hộ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân và khuyến khích mọi loại hình thể nhân của thị trường.

Chủ tịch Tập Cận Bình đồng thời cũng khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục ủng hộ các doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh việc đổi mới trong các doanh nghiệp nhà nước.

Những gì Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại đại hội Đảng 19 cũng là những gì mà ông đã cam kết trong suốt 5 năm cầm quyền vừa qua tại Trung quốc, tức là đẩy mạnh vai trò của các nguồn lực thị trường tự do, đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định hơn.

Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng việc tự do hóa thị trường chỉ đóng vai trò thứ yếu trong các ưu tiên của ông Tập là hướng vào chính sách kinh tế nhà nước tập trung và ổn định.

Trong tạp chí kinh tế tuần này của Đài Á Châu Tự Do, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa đã chỉ ra chiến dịch của ông Tập Cận Bình nhằm đả kích tội đầu cơ của các tập đoàn tư doanh và hạn chế các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, bắt doanh nghiệp tư nhân gánh một phần lỗ của quốc doanh như trong trường hợp của các doanh nghiệp lớn như Tencent hay Alibaba. Theo kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, sau 30 năm mở cửa, Trung Quốc đã có 30 triệu doanh nghiệp tư nhân với mức lời bình quân cỡ 7% một năm trong khi mức lời của quốc doanh chỉ ở khoảng 3%.

Chủ tịch Tập Cận Bình trong bài phát biểu của mình cũng đưa ra mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu có tầm ảnh hưởng toàn cầu từ nay đến 2050.

Để đạt được mục tiêu này ông để ra ra mục tiêu giai đoạn 2020 đến 2035 là mở rộng tầng lớp trung lưu, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Ông Tâp nói đến năm 2035 Trung Quốc phải trở thành một quốc gia hiện đại hóa về cơ bản và có nền kinh tế sáng tạo và đến năm 2050 sẽ trở thành một cường quốc hiện đại.

Tuy nhiên các phân tích gia quốc tế lo ngại là chính phủ Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục chú trọng vào tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao và điều này có thể dẫn đến làm tăng nợ chính phủ.

Theo ước tính của ngân hàng ANZ, để đạt được mục tiêu là một nền kinh tế sáng tạo và đuổi kịp mức độ phát triển của Hàn Quốc vào thời điểm hiện tại vào năm 2035, Trung Quốc cần đưa thu nhập nội địa đầu người lên thêm trung bình 6.6% một năm tính theo giáo trị của đồng đô la Mỹ ở năm 2017.

Xiết chặt quản lý mạng trước đại hội

Ngay trước khi diễn ra đại hội đảng 19, các công ty mạng ở Trung Quốc đã ngăn cản người dùng mạng xã hội đổi tên hay hình ảnh của mình trên mạng.

Những mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc hiện nay chịu tác động này là WeChat, QQ, Weibo. Thậm chí mạng trả tiền Alipay của Alibaba cũng chịu ảnh hưởng nhưng chủ yếu là với người dùng có tài khoản đăng ký trong nước.

WeChat thông báo cho người dùng hôm 17/10 là mạng này sẽ tiến hành bảo trì từ ngày 17/10 đến tận cuối tháng. Người dùng vì vậy không thể thay đổi hình ảnh và tên tài khoản của mình.

Việc cấm này được cho là để tránh tình trạng người dùng đưa các hình ảnh hay khẩu hiệu giống như phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong hồi năm 2014 khi hàng loạt người dùng Facebook đổi hình ảnh của họ sang hình chiếc nơ vàng để ủng hộ phong trào cách mạng cây dù.

Đồng thời ứng dụng tin nhắn WhatsApp trong vài tuần qua cũng thường xuyên bị gián đoạn.

Trong bài phát biểu ở phiên khai mạc đại hội đảng, Chủ tịch Tập Cận Bình nói đảng cộng sản sẽ cung cấp thêm nội dung trực tuyến tốt hơn và đưa vào một hệ thống dành cho quản lý internet kết nối đảm bảo một môi trường mạng sạch.

Bắc Hàn gửi thông điệp mừng đại hội đảng Trung Quốc

Trong khi đó, Bắc Hàn, nước đồng minh lâu năm của Trung Quốc cũng nhân dịp này gửi một thông điệp chúc mừng đến Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thông điệp gồm ba đoạn được hãng tin KCNA của  Bắc Hàn loan tải, viết Đảng Lao Động Triều Tiên nồng nhiệt chúc mừng đại hội 19 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và gửi lời chào nồng ấm đến tất cả các đảng viên và người dân Trung Quốc.

Thông điệp viết người dân Trung Quốc đã có những bước tiến lớn trong việc hoàn thành xây dựng xã hội chủ nghĩa và Bắc Hàn rất mừng về điều này.

Lời chúc lần này của Bắc Hàn khác với lời chúc hồi năm 2012 vì đã không đưa ra những lời nói đề cao mối quan hệ lịch sử giữa hai nước. Trong lời chúc hồi năm 2012, Bắc Hàn đã ca ngơi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Lời chúc lần này chỉ nói đảng Lao động  Triều Tiên sẽ bảo vệ mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước đã được vun đắp bởi thế hệ trước của hai đảng và nhà nước và tiếp tục được phát triển qua các thế hệ kế tiếp.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/xi-says-china-will-continue-to-open-its-economy-deepen-financial-reforms-10182017091026.html

 

Tập Cận Bình: ‘TQ đã bước vào thời đại mới’

Trung Quốc đã bước vào “thời đại mới” và cần đóng vai trò “trung tâm trên thế giới”, theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc nhờ “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” cho thấy có “lựa chọn mới” cho các nước, ông phát biểu khai mạc Đại hội Đảng 19.

Trong diễn văn gần 3 tiếng rưỡi đồng hồ, ông Tập dùng chữ “thời đại mới” 36 lần.

Đại hội 5 năm một lần sẽ kết thúc thứ Ba tuần sau, với dự kiến ông Tập tiếp tục là lãnh đạo đảng.

Hơn 2200 đại biểu được bầu ra từ hơn 80 triệu đảng viên Cộng sản Trung Quốc về dự Đại hội.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc diễn văn khai mạc trước hơn 2.000 đại biểu.

Cuộc họp kín được tiến hành 5 năm một lần, sẽ quyết định ai là nhà lãnh đạo kế tiếp và đường lối cho Trung Quốc trong 5 năm tới.

Ông Tập, người cầm quyền năm 2012, đã củng cố được quyền lực và dự kiến sẽ tiếp tục tại vị.

Giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập

Tư tưởng Tập Cận Bình

TS. Vũ Cao Phan: Đại hội 19 và thực chất tư tưởng ông Tập

TQ sắp ‘sửa điều lệ Đảng’ và ‘bổ sung’ tư tưởng Tập Cận Bình

Ngay sau khi Đại hội kết thúc, đảng dự kiến sẽ công bố danh sách ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Bài diễn văn của ông Tập liệt kê những thành tựu của Trung Quốc trong nhiệm kỳ của ông, và nói rằng chủ nghĩa xã hội với đặc trưng của Trung Quốc đã bước vào “một kỷ nguyên mới”.

Ông kêu gọi các đảng viên “luôn gắn bó với người dân, dốc tâm trí xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.”

Ông cũng nói về thắng lợi của công cuộc chống tham nhũng khiến hơn một triệu quan chức bị xử phạt, phóng viên BBC ở Bắc Kinh tường thuật.

Bắc Kinh ngập tràn biểu ngữ, cờ hoa chào mừng đại hội.

Tuy nhiên, thủ đô cũng đang được đặt trong tình trạng báo động cao. Từ đầu tuần, người ta phải xếp hàng dài tại các ga tàu do tăng cường kiểm tra an ninh.

Đại hội cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, một số nhà hàng, phòng tập thể dục, hộp đêm và quán karaoke buộc phải đóng cửa để đảm bảo an ninh và dịch vụ đặt phòng Airbnb hủy các đơn đặt chỗ ở trung tâm Bắc Kinh.

‘Tự thay đổi thể chế’

Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh bình luận:

“14 điểm chính sách và ba trọng tâm mà Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra trong bài diễn văn khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 19 có thể được thu gọn vào ba điểm sau. Thứ nhất về nội trị, ông Tập vẫn đang tập trung tối đa vào việc củng cố quyền lực thông qua cuộc chiến chống tham nhũng mà ông đã tung ra từ hơn 3 năm nay. Ông sẽ mỏi mệt nhiều hơn nữa nếu ông không giải quyết được bài toán ổn định và phát triển kinh tế cũng như không thỏa mãn được những đòi hỏi hiện đại hóa quân đội.”

“Hiện nay, ông Tập gần như lệ thuộc hoàn toàn vào phe cánh diều hâu trong đảng Cộng sản Trung Quốc. Hiện đại hóa quân đội thì cần phải làm nhưng cái giá phải trả rất đắt cả về kinh tế lẫn ngoại giao.”

“Thứ hai, với một Tổng thống Mỹ bất thường và co cụm lại trong chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tự cô lập, Trung Quốc bất đắc dĩ bị đưa ra trước sân khấu chính trị toàn cầu và buộc phải đóng vai trò của một quốc gia siêu cường trong các vấn đề cấp bách của quốc tế. Cho nên về chính trị, Trung Quốc cũng buộc phải có một lý thuyết, mô hình phát triển hấp dẫn để các quốc gia khác noi theo, ít nhất về mặt lý luận. Ông Tập đã nhân dịp này khái quát hóa khái niệm “Chủ nghĩa Xã hội Hiện đại đặc tính Trung Quốc”.

“Tuy vậy, nội hàm của chủ thuyết này vẫn mơ hồ và chung chung, thật sự chưa có gì có thể nói là “Chủ nghĩa Xã hội đặc thù Trung Quốc”. Về ngân sách, việc tiếp nhận bất đắc dĩ vai trò siêu cường này cũng làm Trung Quốc bị bội chi cho những hoạt động chính trị ngoại giao. Nếu kinh tế thế giới bị rơi vào trì trệ, khủng hoảng nặng, Trung Quốc đa phần sẽ không kham nổi.”

Thứ ba, nguy cơ xung đột ở bán đảo Triều Tiên, căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông Việt Nam là những điểm nóng mà không khéo, ông Tập sẽ bị mất khả năng kiểm soát được tình hình. Có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng ông Tập không dễ dàng điều khiển được từ xa ông Kim. Và dường như đồng minh Hà Nội của ông Tập hiện cũng là một ẩn số lớn khi Washington vẫn tiếp tục đeo đuổi chính sách tiếp cận cầm chân với họ.”

“Bất luận kết quả đại hội này có là gì, dù có ông Tập hay không thì Trung Quốc và những người lãnh đạo tối cao của họ vẫn phải đối đầu với một thế giới có quá nhiều biến động mà không một cường quốc nào riêng lẻ có thể giải quyết được. Nếu Trung Quốc thật tâm muốn phát triển hòa bình, hội nhập hài hòa với cộng đồng nhân loại để giải quyết những vấn đề chung thì trước tiên Trung Quốc cần phải tự thay đổi thể chế và những chính sách nội trị phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tham gia sâu rộng vào các cơ chế đa phương để giúp giải quyết những vấn đề chung của thế giới.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41662038

 

Đại hội 19 và Bài toán Kinh tế của Trung Quốc

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

Ngày Thứ Tư 18, đảng Cộng sản Trung Hoa khai mạc Đại hội đảng Khóa 19 khi ông Tập Cận Bình sẽ lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ năm năm và củng cố quyền lực của mình. Nhưng ông sẽ đối đầu với những bài toán kinh tế nào và gặp những trở ngại gì? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu vấn đề này của nền kinh tế Trung Quốc.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, tuần này đảng Cộng sản Trung Hoa có Đại hội năm năm triệu tập một lần, lần này là Khóa 19 hội họp từ hôm 18 đến 24, để xác nhận những gì đảng chuẩn bị trước. Theo dõi việc chuẩn bị, giới quan sát quốc tế cho là Tổng bí thư Tập Cận Bình tiếp tục củng cố quyền lực về trung ương và trong trung ương là quyền lực của cá nhân ông, điều chưa từng thấy kể từ thời các lãnh tụ Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình. Nhưng thuần về kinh tế, thưa ông, điều ấy có giúp gì cho việc giải quyết các vấn đề của Trung Quốc không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Trước hết, chúng ta biết kinh tế và xã hội Trung Quốc tích lũy nhiều vấn đề được lãnh đạo thuộc thế hệ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo xác nhận từ 10 năm trước mà chưa giải quyết nổi. Đây chỉ là hiện tượng bình thường của các nền kinh tế vừa theo quy luật thị trường và có vài chục năm tăng trưởng mạnh trong thời gọi là “khởi phát”. Sau năm 2007 thì đà tăng trưởng thuần, từ khoảng 14% cứ suy giảm dần, nay chỉ còn từ 6,5 tới 6,7% thôi. Đây là ta nói về lượng, chưa nói về phẩm của sự tăng trưởng đó. Hiện tượng bất thường là cách ứng phó của lãnh đạo chính trị có tính chất nửa vời vì quy luật “đồng thuận” giữa các phe nhóm từ trung ương tới địa phương. Lên lãnh đạo đảng sau Đại hội 18 vào Tháng 11 năm 2012, Tập Cận Bình mới tập trung quyền lực để tiến hành cải cách và chuyển hướng kinh tế, mà vẫn chưa xong sau năm năm củng cố vị trí cùa mình.

Kinh tế và xã hội Trung Quốc tích lũy nhiều vấn đề được lãnh đạo thuộc thế hệ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo xác nhận từ 10 năm trước mà chưa giải quyết nổi. – Nguyễn Xuân Nghĩa

– Ông củng cố qua ba ngả là thanh lọc tham nhũng, thanh trừng đối thủ và cải tổ cơ chế để thâu tóm quyền lực với một số người thân tín vây quanh trong bộ máy đảng, nhà nước và quân đội. Việc thanh lọc tham nhũng khiến cả triệu cán bộ bị kỷ luật, việc thanh trừng đối thủ khiến cả chục đảng viên từ Bộ Chính Trị xuống tới cấp Trung ưng Ủy viên bị cách chức và vào tù, gần đây nhất là việc cách chức Bí thư thành phố Trùng Khánh để đưa người của ông vào. Trong số Bí thư của 31 tỉnh, Tập Cận Bình có 13 người thuộc phe mình; trong bốn thành phố lớn nhất do trung ương quản lý, ông kiểm soát được Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thiên Tân và sẽ nắm cả Thượng Hải. Sau Đại hội 19 được chuẩn bị từ hơn một năm nay, Tập Cận Bình còn đưa người vào Thường vụ Bộ Chính Trị để chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp, là thế hệ thứ sáu kể từ Mao Trạch Đông.

Nguyên Lam: Có lẽ vì vậy mà quốc tế đánh giá là ông Tập Cận Bình đã có quyền lực ngang hàng Đặng Tiều Bình, thậm chí Mao Trạch Đông, và phải chăng từ nay sẽ rộng tay giải quyết các vấn đề kinh tế? Nhưng thưa ông, các vấn đề ấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Nói chung là tăng trưởng thiếu phẩm chất, bất ổn, bất công mà gây ô nhiễm. Nghĩ về phương án giải quyết thì ta thấy ra năm vòng lẩn quẩn đan kết vào nhau. Trước hết là nạn sản xuất thừa vì mục tiêu tạo ra việc làm và nâng mức lời cứ sa sút đều của các doanh nghiệp. Thứ nhì là tình trạng vay mượn quá cao, theo thống kê Ngân hàng Nhà nước thì lên tới 260% Tổng sản lượng, vì nhà nước sợ các xí nghiệp tư doanh, quốc doanh, xí nghiệp hương trấn của địa phương sụp đổ nên ngân hàng cứ tiếp tục tài trợ. Đây là chưa nói đến khoản vay ngoài sổ sách hay “ngân hàng chui”, là một quả bom tín dụng khác. Hậu quả là vấn đề thứ ba, tình trạng bấp bênh của hệ thống tài chính ngân hàng. Thứ tư là rủi ro ngoại hối sau khi nhà nước muốn đồng Nguyên cũng là ngoại tệ dự trữ trong khi tư bản lại có thể bị tẩu tán ra ngoài. Thứ năm, chính là sự suy sụp của doanh nghiệp nhà nước, nắm giữ tới 25% tài sản kinh doanh của cả nước mà chỉ có xuất lượng chừng 14% so với 70% của tư doanh. Tập Cận Bình muốn dùng hệ thống kinh tế nhà nước làm đòn bẩy cho đảng và đòi giới hạn sự lớn mạnh của tỷ phú tư nhân sợ họ sẽ lũng đoạn chính trị như tài phiệt bên Nga. Chỉ một vòng sơ lược về sự đan kết của năm loại vấn đề chằng chịt ấy, ta cũng thấy ra những bài toán đang chờ đợi Tập Cận Bình. Ông ta có thể nghĩ ưu thế của vòng luẩn quẩn là mình chặt bất cứ khoen nào thì cũng đánh bung tất cả, nhưng thực tế có khi lại cứng đầu hơn vậy!

Nguyên Lam: Bây giờ, chúng ta có thể đi vào từng loại vấn đề kinh tế nói trên, trước hết thì ưu tiên số một của lãnh đạo Trung Quốc sẽ là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ ưu tiên là núi nợ quá lớn, nhất là khoản nợ của chính quyền địa phương. Sở dĩ như vậy vì năm ba năm trước, vào cuối năm 2014, ông Tập Cận Bình đã có chương trình cải cách để chấn chỉnh hệ thống tài chính của các tỉnh, như đặt ra định mức đi vay và đảo nợ thành trái phiếu nhưng việc không thành cũng vì địa phương không chấp hành, giới ngân hàng sợ rủi ro mất vốn mà trung ương cũng chẳng thể tung tiền chuộc nợ. Từ đó, họ Tập mới tìm giải pháp tạm là ổn định tình hình với một số tài trợ cưỡng bách của trung ương và của các ngân hàng. Biện pháp đó chỉ là trì hoãn vấn đề và nay sẽ phải ưu tiên giải quyết vì vấn đề nằm trong cơ chế quyền lực giữa trung ương và các địa phương.

– Vấn đề thứ hai là tình trạng sản xuất dư dôi. Năm 2015, Tập Cận Bình đề ra chính sách cùng lúc giải quyết tình trạng sản xuất thừa và nhà cửa ế ẩm, doanh nghiệp lỗ lã. Chính sách có cương có nhu, có trừng phạt lẫn cứu trợ mà vẫn không đem lại kết quả vì nhiều địa phương lại gánh chịu hậu quả nếu doanh nghiệp sở tại bị đóng cửa và cư dân mất việc. Rốt cuộc thì chính sách ấy chỉ thành công tại những tỉnh trù phú có khả năng vượt qua khó khăn. Các địa phương nghèo hơn thì mong cầm cự cho qua ngày chứ không thể đảo ngược nổi tình hình. Như vậy, cái vòng luẩn quẩn này càng cho thấy khả năng giới hạn của trung ương, dù đã nằm trong phạm vi quyền lực của Tập Cận Bình.

Tập Cận Bình sẽ có biện pháp cứng rắn với các doanh nghiệp tư nhân không chấp hành đường lối quản lý của đảng. – Nguyễn  Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Hồi nãy ông có nêu một vấn đề kinh tế đáng chú ý là tình trạng suy yếu của các tập đoàn kinh tế nhà nước trước đà phát triển khá của hệ thống tư doanh. Vấn đề đó cũng có một nguyên do chính trị, như vậy, sau Đại hội 19, lãnh đạo Bắc Kinh có thể làm gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chưa tới Đại hội 19 thì ta đã thấy Chính quyền Tập Cận Bình đưa ra nhiều tín hiệu đáng chú ý. Điển hình là chiến dịch đả kích tội đầu cơ của các tập đoàn tư doanh rồi hạn chế việc các tập đoàn này đầu tư ra nước ngoài vì là nạn tẩu tán tư bản. Sau đó là biện pháp hình sự là truy tố và cầm tù tỷ phú tư nhân, điển hình là trường hợp của chủ tịch tổ hợp bảo hiểm An Bang. Ông Ngô Tiểu Huy bị tống giam từ Tháng Sáu về tội danh mơ hồ là phạm luật kinh tế mặc dù ông có người vợ là cháu ngoại của Đặng Tiểu Bình, tức là cũng có quan hệ với chế độ. Cùng biện pháp răn đe tư doanh, Tập Cận Bình lại mở cho họ một con đường khác, đó là bỏ tiền hùn hạp vào doanh nghiệp nhà nước, nôm na là bắt tư doanh gánh một phần lỗ lã của quốc doanh, đó là trường hợp của các doanh nghiệp như Tencent hay Alibaba.

– Bài toán kinh tế vượt khỏi quyền lực chính trị của Tập Cận Bình là 30 năm sau khi mở cửa, Trung Quốc đã có 30 triệu doanh nghiệp tư nhân, với mức lời bình quân cỡ 7% một năm trong khi mức lời của quốc doanh chỉ ở khoảng 3%, còn thấp hơn lãi suất tín dụng. Thành thử, một khía cạnh chính trị của núi nợ chính là khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Theo hướng này, tư doanh sẽ è cổ đắp nợ cho quốc doanh và điều ấy cũng sẽ thành vấn đề chính trị.

Nguyên Lam: Nếu như vậy, phải chăng là lãnh đạo Trung Quốc từ Đại hội 18 cho tới sau này vẫn có chủ trương can thiệp mạnh hơn vào sinh hoạt kinh tế?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta sẽ có cơ hội kiểm chứng điều ấy sau khi Đại hội 19 phô bày cái gọi là “tư tưởng Tập Cận Bình”. Ông ta có thể thêu dệt về nghĩa vụ xã hội của thành phần kinh tế nhà nước để giải thích tình trạng kinh doanh đầy lãng phí và tốn kém nhưng mục tiêu là củng cố hậu thuẫn chính trị của mình từ thành phần đảng viên đang quản lý các trung tâm gọi là “sản nhập” chứ không phải sản xuất. Mặt khác, Tập Cận Bình sẽ có biện pháp cứng rắn với các doanh nghiệp tư nhân không chấp hành đường lối quản lý của đảng.

– Dư luận bên ngoài cứ bị mê hoặc bởi thành quả tăng trưởng của nền kinh tế nay có sản lượng hạng nhì thế giới mà ít thấy là 16 năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Trung Quốc vẫn chưa được công nhận là có quy chế kinh tế thị trường vì sự can thiệp quá lớn của nhà nước qua hệ thống quốc doanh. Với quyền lực tập trung hơn nữa sau Đại hội 19, Tập Cận Bình sẽ chẳng xả ra mà còn xiết vào, đấy là một vấn đề khác của cái vòng luẩn quẩn.

Nguyên Lam: Vì thời lượng có hạn và bề nào thì chúng ta còn thời gian kiểm chứng lại, Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra vài kết luận cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Như nhiều nền kinh tế mới chuyển hướng thì sau 30 năm tăng trưởng bình quân 10% một năm, Trung Quốc cũng đi vào thời kỳ suy giảm với tốc độ thấp hơn. Điều bất ngờ là vụ Tổng suy trầm toàn cầu năm 2008 khiến lãnh đạo xứ này ráo riết bơm tiền để duy trì một đà sản xuất cao hầu tránh nội loạn. Vì vậy, năm 2010 họ đã có sản lượng vượt Nhật Bản nhưng lại tích lũy thêm vấn đề. Trong năm năm lãnh đạo, Tập Cận Bình có thấy ra và muốn sửa mà không xong. Qua nhiệm kỳ tới, ông sẽ tập trung thêm quyền lực để làm chủ bộ máy quản lý, nhưng kết quả sẽ là một chế độ chính trị khắt khe nghiệt ngã hơn trong khi lãnh tụ trên đỉnh tháp lại tạo ra một nếp văn hóa mới là có một triều đình cúi đầu thần phục mà không còn nhìn xuống dưới, hay ra ngoài. Giỏi lắm thì Tập Cận Bình chỉ tạm đẩy lui được cái giờ tính sổ chi thu, trong khi lại gây thêm mâu thuẫn với các địa phương và nhiều phe phái khác.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/ccp-congress-and-economic-issues-10172017140253.html

 

Trump bác bỏ cáo buộc làm góa phụ bật khóc

Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ cáo buộc của một dân biểu rằng ông làm vợ góa của một người lính bật khóc.

Dân biểu đảng Dân Chủ Frederica Wilson, đại diện một quận của bang Florida, nói bà bị sốc vì lời bình của ông Trump với người góa phụ.

Bà dân biểu tố cáo ông Trump nói: “Anh ta [người lính] biết nhập ngũ là sao, nhưng dù sao thì cũng đau đớn nhỉ.”

Ông David Johnson là một trong bốn lính Mỹ bị dân quân Hồi giáo giết ở Niger tháng rồi.

Ông Trump viết trên Twitter rằng bà dân biểu đảng Dân Chủ “hoàn toàn bịa đặt”.

Còn dân biểu Wilson nói rằng ông Trump gọi điện cho người vợ trước khi quan tài của ông Johnson đến Miami.

Tổng thống Trump sẽ gặp Chủ tịch Quang

Trump dọa hủy thỏa thuận hạt nhân Iran

Tổng thống Trump trước đó bị chỉ trích vì không liên lạc ngay với gia đình bốn quân nhân bị giết.

Hôm thứ Hai, ông nói đã viết thư cho họ và dự định sẽ gọi điện.

Đến hôm thứ Ba, ông Trump nhắc lại rằng Tổng thống Barack Obama đã không gọi điện cho gia đình Tướng John Kelly khi con trai họ bị giết ở Afghanistan năm 2010.

Bình luận này đã tạo ra giận dữ cho các cựu cố vấn của ông Obama.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41667801

 

EU và Nhật nên xem xét

ngưng tài trợ cho bầu cử ở Campuchia

Các nhóm đấu tranh nhân quyền thúc giục Liên Minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, xem xét biện pháp ngưng cung cấp tài chính cho cuộc bầu cử sắp tới ở Campuchia nếu như nổ lực giải tán đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc của đảng cầm quyền ở nước thành công.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc khu  vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nói rằng nếu Đảng Nhân dân cách mạng đang cầm quyền thắng được vụ kiện đòi giải tán đảng đối lập Cứu nguy dân tộc, thì cuộc bầu cử vào năm tới chỉ là trò đùa.

Ông Robertson nói thêm rằng đảng cầm quyền đang dùng những thủ đoạn bẩn thỉu để để bỏ tù những dân biểu đối lập.

Tổ chức Ủy ban luật gia quốc tế có trụ sở ở Geneva, Thụy sĩ, thì nói rằng đảng cầm quyền đang dựa vào hệ thống tư pháp do đảng mình kiểm soát để đập tan nền dân chủ của Campuchia.

Hiện Liên minh Châu Âu, cũng như Nhật Bản chưa ra lời bình luận nào về những lời kêu gọi này.

Châu  Âu và Nhật Bản là nguồn cung cấp tài chính chủ yếu để tổ chức cuộc bầu cử vào năm 2018 ở Campuchia. Ngoài ra còn có Trung Quốc, và Mỹ, nước cung cấp các phương tiện vận tải, cũng như những trợ giúp kỹ thuật.

Xin nhắc lại là trong thời gian qua, chính quyền Phnom Penh do đảng Nhân Dân Cách Mạng của Thủ tướng Hunsen lãnh đạo đã tiến hành đàn áp các chính khách đối lập. Ông Kem Sokha, một lãnh tụ của đảng Cứu nguy dân tộc bị bắt hồi đầu tháng Chín với cáo buộc phản quốc. Một số đông đại biểu quốc hội của đảng này phải bỏ trốn ra nước ngoài vì sợ đàn áp.

Sau đó Đảng Nhân Dân Cách Mạng lại tiếp tục tấn công đảng đối lập bằng cách kiện đảng này ra tòa, yêu cầu tòa án Campuchia ra lệnh giải tán đảng Cứu nguy dân tộc.

Ngoài ra chính quyền Phnom Penh cũng mạnh tay đàn áp các cơ quan truyền thông độc lập, báo Cambodia Daily đã bị đóng cửa vì cáo buộc trốn thuế, mà báo này bác bỏ.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/rights-groups-urge-eu-jp-to-consider-halt-in-funding-for-cambodian-election-10182017101945.html

 

Ngoại giao Mỹ, Hàn, Nhật bàn về mối đe dọa Bắc Hàn

Các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn mới kết thúc cuộc họp tại Seoul, để cùng hoạch định chính sách đối phó với những hành động mang tính gây rối của Bắc Hàn.

Tin tức được phổ biến cho hay cả 3 nước đồng ý tiếp tục gia tăng áp lực với Bình Nhưỡng, đẩy Bắc Hàn tới chỗ phải đình chỉ chương trình chế tạo võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Trong cuộc họp báo sau đó, Phụ tá ngoại trưởng Nam Hàn Lim Sung-nam tiết lộ chính phủ nước ông đang thảo luận về những biện pháp cấm vận, chế tài đối với Bắc Hàn, nhưng không cho biết những đề nghị nào đã được nói tới và bao giờ sẽ áp dụng.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/diplomats-from-washington-seoul-and-tokyo-talk-nk-threat-10182017101244.html

 

Hàn Quốc cứu xét

các biện pháp cấm vận đơn phương chống Triều Tiên

Hàn Quốc đang cân nhắc việc áp đặt các biện pháp chế tài của riêng mình đối với Triều Tiên giữa lúc chế độ bị cô lập của miền Bắc khơi dậy căng thẳng bằng các hành động khiêu khích liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của họ.

Tuy nhiên khi loan báo tin này hôm thứ Tư, Phó Bộ trưởng Ngoại giao Lim Sung-Nam nói thêm rằng chưa có quyết định nào dược đưa ra tại thời điểm này.

Hãng tin Reuters tường thuật rằng ông Lim Sung-nam đã đưa ra những phát biểu vừa kể tại một cuộc họp báo ở Seoul cùng với Thứ Trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John J. Sullivan và Phó Ngoại Trưởng Nhật Bản Shinsuke Sugiyama.

https://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-cuu-xet-bien-phap-cam-van-don-phuong-chong-trieu-tien/4075670.html

 

Tổng thống Trump muốn thăm Khu Phi Quân sự Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho báo giới biết đang cân nhắc khả năng ghé thăm Khu Phi quân sự Triều Tiên nhân chuyến công du 5 nước Châu Á vào tháng 11.

Truyền thông Hàn Quốc trước đó từng dự đoán rằng ông Trump sẽ tới Khu Phi quân sự Triều Tiên, dải đất hẹp chia cắt hai miền Nam-Bắc Triều Tiên.

Ông Trump không trả lời trực tiếp câu hỏi của phóng viên rằng liệu một chuyến thăm tương tự như chuyến đi của Phó Tổng thống Mike Pence hồi tháng tư sẽ bị Bình Nhưỡng xem là hành động khiêu khích hay không.

Huy động thêm áp lực chống lại Triều Tiên phát triển võ khí hạt nhân và cổ súy các lợi ích kinh tế Mỹ trong khu vực nằm trong số các trọng tâm hàng đầu trong chuyến công du Châu Á của Tổng thống Trump vào tháng sau, bao gồm chặng dừng chân tại Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-muon-tham-khu-phi-quan-su-trieu-tien-/4074985.html

 

Mỹ: Phải sẵn sàng

cho tình huống xấu nhất về Triều Tiên

Một giới chức hàng đầu của Mỹ ngày 17/10 khẳng định Hoa Kỳ phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất nếu không đạt được giải pháp ngoại giao về các chương trình phát triển phi đạn và hạt nhân của Triều Tiên.

Sau cuộc họp với người đồng nhiệm Nhật Bản ở Tokyo bàn về các nỗ lực chung chống lại Triều Tiên, Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan nhấn mạnh:

“Trọng tâm của chúng ta tại Bộ Ngoại giao nhân danh Tổng thống Trump là dựa trên ngoại giao để giải quyết vấn đề xuất phát từ phía Triều Tiên, chương trình võ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của họ. Tuy nhiên, chúng ta phải, cùng với các đồng minh Nhật, Hàn và các nơi khác, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong trường hợp ngoại giao thất bại.”

Ông Sullivan ngày 18/10 tiếp tục chuyến công du sang Hàn Quốc để họp ba bên với những người đồng cấp phía Hàn Quốc và Nhật Bản.

https://www.voatiengviet.com/a/my-san-sang-cho-tinh-huong-xau-nhat-ve-trieu-tien-/4074983.html

 

Triều Tiên: Chiến tranh hạt nhân

có thể nổ ra bất cứ lúc nào

Bán đảo Triều Tiên đang ‘nóng’ tới mức ‘nhấn nút là bắn’ và một cuộc chiến hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào, phó đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc cảnh cáo.

Phát biểu trước ủy ban giải giới hạt nhân của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, ông Kim In-ryong tuyên bố Triều Tiên là quốc gia duy nhất trên thế giới gánh chịu ‘mối đe dọa hạt nhân trực tiếp và kinh khủng như thế’ từ Hoa Kỳ kể từ thập niên 70 và nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng có quyền sở hữu võ khí hạt nhân để tự vệ.

Ông Kim viện dẫn các cuộc tập trận quy mô hằng năm sử dụng ‘tài sản hạt nhân’ và nói rằng đây là chuyện còn nguy hiểm hơn điều mà ông gọi là kế hoạch của Mỹ muốn mở ‘chiến dịch ngầm nhắm lật đổ lãnh đạo tối cao của chúng tôi.’

Vẫn theo lời phó đại sứ Triều Tiên, năm nay, Bình Nhưỡng đã hoàn thành lực lượng hạt nhân nhà nước và trở thành một cường quốc hạt nhân ‘đủ lông đủ cánh’ sở hữu công cụ chuyển giao các loại võ khí kể cả bom nguyên tử, bom khinh khí, và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

“Toàn bộ lục địa Hoa Kỳ nằm trong tầm ngắm của chúng tôi và nếu Mỹ dám xâm lược lãnh thổ thiêng liêng của chúng tôi dù chỉ một li, sẽ khó thoát khỏi trừng trị mạnh tay của chúng tôi ở bất cứ nơi đâu trên thế giới,” ông Kim đe dọa.

Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đầu tuần này tuyên bố Moscow đang cắt các quan hệ kinh tế, khoa học và các mối quan hệ khác với Bình Nhưỡng tuân thủ các biện pháp chế tài của Liên hiệp quốc.

Liên hiệp Châu Âu cũng vừa loan báo các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Bình Nhưỡng vì phát triển võ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo.

Ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson, ngày 16/10 tuyên bố các nỗ lực ngoại giao giải quyết khủng hoảng Triều Tiên ‘sẽ tiếp tục cho tới khi nào quả bom đầu tiên rơi xuống.’

Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc nói kho võ khí hạt nhân và phi đạn của nước ông là một ‘tài sản chiến lược quý báu, không thể đảo ngược hay đổi chác’ dù, vẫn theo lời ông, Triều Tiên vẫn hy vọng một thế giới phi hạt nhân.

“Triều Tiên kiên định ủng hộ việc xóa bỏ hoàn toàn võ khí hạt nhân và các nỗ lực phi hạt nhân hóa trên toàn thế giới, nhưng chừng nào mà Mỹ vẫn còn khước từ hiệp ước [cấm phổ biến võ khí hạt nhân] và vẫn còn liên tục đe dọa, hăm dọa Triều Tiên bằng võ khí hạt nhân…thì Triều Tiên chưa tính đến chuyện tham gia vào hiệp ước,” đại diện của Bình Nhưỡng tại Liên hiệp quốc tuyên bố.

Theo AP

https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-doa-chien-tranh-hat-nhan-co-the-no-ra-bat-cu-luc-nao-/4074974.html

 

Lệnh cấm du hành của Trump tiếp tục bị chặn

Một thẩm phán Hoa Kỳ ngày 17/10 chặn nỗ lực của Tổng thống Donald Trump muốn giới hạn công dân từ một số nước nhập cảnh Mỹ.

Lệnh cấm mới nhất của Tổng thống loan báo hồi tháng trước nhắm vào dân từ các nước Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia, Chad và Triều Tiên cũng như một số giới chức chính phủ từ Venezuela. Đây là phiên bản thứ ba của chính sách trước đây nhắm vào một số nước có đa số dân theo Hồi giáo vốn bị các tòa án ngăn chặn.

Phán quyết hôm 17/10 có thể sẽ đẩy ‘cuộc chiến pháp lý’ về thẩm quyền hành pháp của Tổng thống Trump lên đến tận Tòa Tối cao. Lệnh cấm du hành đầu tiên của ông Trump hồi tháng Giêng từng gây xáo trộn và khơi mào nhiều cuộc biểu tình tại các phi trường Mỹ trước khi bị đình chỉ bởi các thẩm phán.

Tiểu bang Hawaii kiện để ngăn sắc lệnh du hành mới nhất của ông Trump, nói rằng luật di trú liên bang không cho Tổng thống quyền ban hành các cấm chỉ như thế đối với các nước vừa kể. Hawaii không kiện các điều khoản ngăn cấm đối với Triều Tiên và Venezuela.

Thẩm phán Derrick Watson ở Honolulu nói Hawaii có phần chắc sẽ thành công trong việc chứng minh rằng lệnh cấm du hành của ông Trump vi phạm luật di trú liên bang.

Thẩm phán Watson nói sắc lệnh sửa đổi của ông Trump cũng giống như các sắc lệnh tiền thân trước đó, thiếu những minh chứng đáng kể cho thấy việc hơn 150 triệu công dân từ 6 nước bị liệt kê vào Mỹ là thiệt hại cho lợi ích quốc gia Hoa Kỳ.

Bộ Tư pháp nói phán quyết của thẩm phán Watson là ‘sai’ và cho biết Bộ sẽ kháng cáo.

Tòa Bạch Ốc nói phán quyết hôm nay ‘sai lầm một cách nguy hiểm’ vì các cấm chỉ của ông Trump là cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia.

Sau phán quyết của thẩm phán ngày 17/10, Bộ Ngoại giao đã chỉ thị cho các lãnh sự và đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giới ‘tái tục tiến trình cấp xét visa thường lệ’ cho công dân Chad, Iran, Libya, Somalia, Syria và Yemen, một giới chức Bộ Ngoại giao cho Reuters biết.

Các nhóm cổ súy cho quyền di dân hoan nghênh phán quyết của thẩm phán tại bang Hawaii hôm nay, nói rằng đây là một chiến tích nữa cho nền pháp trị quốc gia.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/lenh-cam-du-hanh-cua-trump-lai-bi-chan-/4074968.html

 

Airbus kiểm soát dòng máy bay C Series

của Canada Bombardier

Công ty Airbus SE đồng ý mua lại phần lớn cổ phần của công ty Bombardier với dòng máy bay phản lực C Series. Giao dịch này có thể giúp nhà chế tạo máy bay của Canada né hàng rào thuế quan của Hoa Kỳ, điều mà phía Mỹ đã đe dọa sẽ áp dụng trong vụ tranh chấp thương mại với hãng Boeing của Mỹ.

Hãng tin Reuters loan tin Airbus, tập đoàn hàng không lớn nhất châu Âu, sẽ sở hữu 50,01% cổ phần trong chương trình này mà không tốn phí ban đầu, để đổi lấy việc hậu thuẫn cho một thương hiệu máy bay đã được nhiều người hâm mộ vì ít tốn nhiên liệu.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ doạ sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu 300% đối với dòng máy bay C Series sau khi Bộ Thương mại hậu thuẫn đơn khiếu nại của Boeing rằng Bombardier nhận tài trợ bất hợp pháp, và bán phá giá máy bay của họ.

Thỏa thuận này với Airbus có nghĩa là máy bay phản lực C Series có thể được chế tạo tại nhà máy lắp ráp máy bay của Airbus ở bang Alabama, và như thế lách được hàng rào thuế quan mà Hoa Kỳ áp đặt trên hàng nhập khẩu.

Ông Alain Bellemare, Giám đốc điều hành của hãng Bombardier, nói với các phóng viên tại trụ sở của Airbus ở thành phố Toulouse:

“Lắp ráp ở Mỹ có thể giải quyết vấn đề thuế vì lắp ráp ở Mỹ khiến máy bay trở thành sản phẩm nội địa.”

Ông Tom Enders, Giám đốc điều hành của Airbus, ca ngợi kết quả này là một “thắng lợi cho Canada … và thắng lợi cho nước Anh,” ý nhắc đến một nhà máy chế tạo cánh máy bay của Bombardier ở Bắc Ailen, mà từ trước đến nay cũng bị cuộc chiến thương mại từ xa Mỹ- Canada đe dọa.

Ông nói thương vụ này cũng sẽ tạo ra công ăn việc làm mới cho Hoa Kỳ.

Cổ phiếu Airbus trưa hôm 17/10 tăng 2.5%, lên tới 79 euro, là một trong những cổ phiếu blue-chip lớn nhất của châu Âu.

https://www.voatiengviet.com/a/airbus-kiem-soay-dong-may-bay-c-series-cua-canada-bombardier/4074198.html

 

Liệu Mỹ còn giữ cam kết luôn bảo vệ đồng minh châu Á?

Brian Padden

Có một sự ủng hộ đang tăng tại Hàn Quốc và Nhật Bản đối với dự tính triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trước mối đe dọa hạt nhân đang ngày một tăng của Bắc Triều Tiên, và cũng liên quan đến sự lo ngại trong công chúng rằng các đồng minh không thể còn trông nhờ hoàn toàn vào các biện pháp răn đe hạt nhân của Mỹ nữa.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Mỹ ước tính Bình Nhưỡng có đến 60 vũ khí hạt nhân, và có thể đã chế tạo thành công đầu đạn hạt nhân thu nhỏ để gắn vào tên lửa mà hiện nay Bình Nhưỡng có khoảng 1.000 chiếc.

Nhưng điều đang thay đổi các tính toán về an ninh của cả Mỹ và châu Á là sự tiến bộ quá nhanh của Bắc Hàn trong việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa, gọi tắt là ICBM, có thể bắn đến đại lục Hoa Kỳ.

Sự phát triển này của Bắc Triều Tiên đang tạo nên mối lo ngại rằng Washington không thể chấp nhận rủi ro chiến tranh hạt nhân với Bình Nhưỡng để thực thi cam kết bảo vệ an ninh cho các đồng minh châu Á từ lâu nay.

Ông Park In-koon của Viện Nghiên cứu Triều Tiên và là cựu thứ trưởng ngoại giao của Hàn Quốc nói rằng: “Công chúng có những nghi ngờ rằng Washington sẽ không thực sự bảo vệ cho Seoul hoặc Tokyo với cái giá phải trả là Washington, Seattle hay New York.” Ông Park đã điều giải cho một hội đồng các chuyên gia về mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên tại Diễn đàn Kiến thức Thế giới diễn ra ở Seoul hôm thứ Ba 17/10.

Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ, ứng cử viên Donald Trump đã gieo rắc những nghi ngờ đối với cam kết an ninh của Mỹ với các đồng minh trong khu vực, khi ông nói rằng ông sẽ xem xét việc rút quân đội Mỹ ra khỏi khu vực và để cho các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương có vũ khí hạt nhân nếu các nước này không tăng chi phí quốc phòng trả cho Mỹ. Tuy nhiên kể từ khi ông Trump lên nhậm chức tổng thống, chính quyền của ông đã đề nghị nhiều nhiều biện pháp nhằm bảo đảm cam kết của Mỹ đối với các đồng minh.

Một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 9 cho thấy 60% người Nam Hàn ủng hộ việc nước họ nên tự có khả năng răn đe hạt nhân, hoặc là thông qua việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Nam Hàn, hoặc là Seoul tự phát triển vũ khí hạt nhân.

Còn tại Nhật Bản, nước duy nhất từng bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, chỉ có 9% ủng hộ việc nước này có vũ khí hạt nhân trong một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 7. Nhưng hai vụ Bắc Hàn bắn tên lửa đạn đạo tầm trung bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản hồi gần đây đã khiến tỉ lệ ủng hộ đối với nỗ lực của Thủ tướng theo chính sách bảo thủ Shinzo Abe nhằm tăng cường khả năng quốc phòng đang tăng lên.

Hồi tháng 9, cựu bộ trưởng quốc phòng Shigeru Ishiba đã công khai hỏi rằng liệu Nhật Bản có còn tin tưởng là Mỹ sẽ bảo vệ cho nước ông.

Nhật Bản có ngành công nghiệp năng lượng công nghiệp hạt nhân dân sự, và được cho là có đủ nguyên liệu hạt nhân để có thể nhanh chóng phát triển vũ khí hạt nhân, một khi họ quyết định làm như vậy.

Phản đối chiến lược

Nhưng có nhiều tranh luận tại cả Seoul lẫn Tokyo chống lại việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trong khu vực.

Một trong những tranh cãi đó là một động thái như vậy chẳng khác gì việc hợp thức hóa cho chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, đồng thời làm suy yếu đáng kể cam kết của cộng đồng quốc tế tiếp tục áp lực buộc Triều Tiên phi hạt nhân bằng các biện pháp chế tài kinh tế.

Trung Quốc từ chỗ đang hợp tác trong nỗ lực kiềm chế Bắc Hàn sẽ chuyển sang đối phó với mối đe dọa an ninh bằng hạt nhân, nhất là từ Nhật Bản, nước đã từng có một lịch sử quân sự hung hãn ở châu Á.

Ông Shu Feng, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, nhận định: “Nhật Bản đang tìm cách lợi dụng một yếu tố gì đó từ Bắc Hàn để phát triển quân sự trở lại. Điều đó sẽ làm Trung Quốc lo ngại lớn.”

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ vi phạm Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân mà hai nước này đã cam kết sẽ là các quốc gia không có vũ khí hạt nhân và có thể bị quốc tế trừng phạt.

Liên hiệp quốc cũng cũng có thể áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao đối với Nam Triều Tiên nếu nước này phát triển vũ khí hạt nhân.

Từ góc nhìn quân sự, việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ tại Nam Hàn không mang ý nghĩa gì lớn. Các loại vũ khí chiến lược mà Mỹ rút khỏi Bán đảo Triều Tiên vào thập niên 1990 được cho là những vũ khí đã lỗi thời. Các nhà phân tích nói rằng giờ đây Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân của họ trong các tàu ngầm và máy bay tại những địa điểm không được tiết lộ.

Triển khai vũ khí hạt nhân tại những địa điểm cố định ở Nam Hàn không những mất đi yếu tố bất ngờ, mà lại còn làm mục tiêu thu hút Bắc Hàn nhắm vào tấn công.

Nỗ lực đối phó với mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên của Hoa Kỳ vác các đồng minh Seoul và Tokyo cho tới nay là phát triển các hệ thống chống tên lửa và các loại vũ khí quy ước.

Nhật Bản đặt mua các hệ thống tên lửa không-đối-không tầm trung tiên tiến AIM 120C-7, gọi tắt là AMRAAM, trị giá 113 triệu đôla của Mỹ.

Quân đội Mỹ cũng đã triển khai các hệ thống phòng thù tên lửa THAAD tại Nam Triều Tiên.

https://www.voatiengviet.com/a/lieu-my-con-cam-ket-bao-ve-dong-minh-chau-a/4074193.html

 

Buôn lậu của Triều Tiên gây hại động vật hoang dã châu Phi

Triều Tiên ngày càng bị các lệnh trừng phạt quốc tế thắt chặt nhằm ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.

Chính quyền Triều Tiên đã tìm nhiều cách sáng tạo để mang về tiền mặt, thường là thông qua buôn lậu dưới vỏ bọc ngoại giao.

Nhưng một nguồn thu nhập bất hợp pháp gây hại nhiều cho các động vật gặp nguy cơ đặc biệt, là voi và tê giác châu Phi. Các động vật này là mục tiệu của những kẻ săn trộm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường Châu Á về sản phẩm ngà voi và sừng tê giác.

Vào năm 2015, Nam Phi trục xuất một nhà ngoại giao Triều Tiên bị bắt ở Mozambique với 4,5 kg sừng tê giác và 100.000 đôla tiền mặt. Không chỉ có một sự cố đơn lẻ như vậy.

Theo báo cáo mới của nhà nghiên cứu Nam Phi Julian Rademeyer, trong số 31 nhà ngoại giao bị bắt vì buôn lậu ngà voi và sừng tê giác trong suốt ba thập kỷ qua, có 18 vị là người Triều Tiên.

Ít nhất 11 quốc gia châu Phi có mối liên kết thương mại với Triều Tiên, một phần do quốc gia này thường có những thương thảo hấp dẫn nhằm ngăn chặn sự cô lập kinh tế.

Nhà nghiên cứu Zachary Donnenfeld thuộc Viện Nghiên cứu An ninh ở Pretoria cho biết nhiều quốc gia châu Phi không muốn cắt đứt mối quan hệ này:

“Ví dụ, nếu một quốc gia như Triều Tiên đến và đưa ra một thoả thuận tương đối tốt về các sản phẩm lọc dầu, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của họ sang châu Phi, điều dễ hiểu là các chính phủ châu Phi có lẽ không đặt nhiều câu hỏi về xăng dầu đó có xuất xứ từ đâu dù có những áp lực to lớn”.

VOA đã liên lạc với Đại sứ quán Triều Tiên ở Pretoria hỏi họ có phản ứng gì về các cáo buộc trong báo cáo, nhưng các viên chức đại sứ quán đã không trả lời.

https://www.voatiengviet.com/a/buon-lau-cua-trieu-tien-gay-hai-dong-vat-hoang-da-chau-phi/4076084.html

 

Chưa rõ Thiên cung 1 của TQ sắp rơi xuống đâu

Một trạm vũ trụ lớn của Trung Quốc có thể rơi xuống Trái Đất dưới dạng một quả cầu lửa trong vòng vài tháng tới, và các chuyên gia không thể xác định được nó sẽ rơi xuống đâu.

Vệ tinh Thiên cung 1 nặng 8 tấn được phóng lên vào năm 2011, nay đã mất liên lạc vô tuyến với cơ quan vũ trụ của Trung Quốc, và có tin Trung Quốc giờ đây thừa nhận rằng nó sẽ rơi xuống Trái Đất.

Trạm này hiện đang rơi vào bầu khí quyển của trái đất, và hướng đến hành tinh của chúng ta.

Jonathan McDowell thuộc Đại học Harvard nói rằng trạm vũ trụ mất kiểm soát này có thể rơi xuống Trái Đất vào cuối năm nay.

Ông nói: “Với điểm cận địa của quỹ đạo là dưới 300 km và nó ở trong bầu khí quyển đậm đặc hơn, tốc độ phân rã đang tăng lên”.

“Tôi tiên liệu nó sẽ rơi xuống trong vài tháng tới – cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018”.

Hầu hết các mảnh của trạm vũ trụ bỏ đi này sẽ cháy hoàn toàn lên khi rơi trở lại Trái Đất, nhưng vì kích thước lớn của nó, vẫn có một số mảnh của Thiên cung 1 có thể rơi xuống mặt đất.

McDowell cho biết sẽ rất khó dự đoán được nơi nó rơi xuống – tuy nhiên, các trạm quỹ đạo rơi trở lại Trái Đất trong những lần trước đây chưa bao giờ gây thương tích cho ai.

(theo abc.net.au, au.news.yahoo.com)

https://www.voatiengviet.com/a/chua-ro-thien-cung-1-cua-tq-sap-roi-xuong-dau/4075993.html

 

Chủ tịch TQ nói có thể ngăn chặn Đài Loan độc lập

Trung Quốc có quyết tâm, niềm tin và khả năng ngăn chặn bất cứ nỗ lực nào của Đài Loan tự trị tuyên bố độc lập, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu hôm 18/10, khiến Đài Loan phản bác rằng chỉ có người dân mới có thể quyết định tương lai của họ.

Trung Quốc coi Đài Loan vẫn luôn tự hào về dân chủ là một tỉnh cách biệt và chưa bao giờ từ bỏ khả năng sử dụng vũ lực để đưa đảo này nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc.

“Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép bất cứ ai, bất kỳ tổ chức nào, hoặc bất cứ đảng phái chính trị nào, vào bất cứ lúc nào hoặc dưới bất kỳ hình thức nào, chia tách bất kỳ lãnh thổ nào của Trung Quốc khỏi Trung Quốc”, ông Tập nói trước hơn 2.000 đại biểu trong lễ khai mạc đại hội Đảng Cộng sản kéo dài một tuần. Lời phát biểu này nhận được tràng vỗ tay dài nhất trong toàn bài diễn văn kéo dài 3 tiếng rưỡi của ông.

“Chúng ta có quyết tâm, sự tự tin và khả năng đánh bại các nỗ lực ly khai hòng có Đài Loan độc lập dưới bất kỳ hình thức nào”, ông Tập nói với cử tọa, trong đó có khoảng 300 người thuộc Giải phóng quân Nhân dân.

Tống thống Đài Loan Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân tiến ủng hộ độc lập nói bà muốn hòa bình với Trung Quốc nhưng sẽ bảo vệ tự do và dân chủ của Đài Loan.

Tại Đài Bắc, Hội đồng chuyên trách quan hệ với đại lục của nội các nói chỉ có 23 triệu người Đài Loan mới có toàn quyền quyết định tương lai của họ.

“Trung Hoa Dân Quốc là một quốc gia có chủ quyền”, hội đồng nói, sử dụng tên chính thức của Đài Loan.

Việc bảo tồn hệ thống dân chủ của Đài Loan là một giá trị cốt lõi của Đài Loan, hội đồng nói, đáp trả bài phát biểu của ông Tập.

Bà Thái và chính phủ của bà đã kiềm chế và không khiêu khích đối với Trung Quốc, nhưng lâu nay vẫn kiên quyết bảo vệ an ninh và phẩm giá của Đài Loan.

Ông Tập nói Trung Quốc tôn trọng “hệ thống xã hội và lối sống hiện tại” của Đài Loan.

Ông nói thêm: “Ghi nhận thực tế lịch sử … rằng cả hai bên đều thuộc về một Trung Quốc, và kế đến là hai bên chúng ta có thể tiến hành đối thoại để thông qua thảo luận mà giải quyết những mối quan ngại của người dân hai bên, và không chính đảng nào tại Đài Loan sẽ gặp bất kỳ khó khăn nào khi tiến hành trao đổi với đại lục”.

https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-tq-noi-co-the-ngan-chan-dai-loan-doc-lap/4075918.html

 

Nhận dạng khuôn mặt :

Trung Quốc dùng “viễn tưởng” theo dõi đời thường

Từ các tiệm ăn nhanh, trường đại học hay trong cuộc chiến chống tội phạm đến những máy tự động cung cấp giấy vệ sinh ở nơi công cộng, Trung Quốc đang sử dụng triệt để công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Đối với những người ủng hộ, công nghệ này giúp cuộc sống trở nên đơn giản và chắc chắn hơn. Nhưng với những người phản đối, chính phủ lại có thêm một cách để giám sát hơn 1,4 tỉ dân.

Cảnh sát sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để lần theo các đối tượng bị truy lùng. Tại thành phố Thanh Đảo (Qingdao), nơi nổi tiếng với loại bia Tsingtao, nhiều camera đã được lắp đặt ở lối vào một lễ hội bia và giúp bắt giữ 25 nghi phạm.

Mọi công dân Trung Quốc từ 16 tuổi đều được cấp một chứng minh thư có ảnh và địa chỉ. Điều này cũng giúp chính quyền lập được một ngân hàng dữ liệu khổng lồ.

Tại Thượng Hải cũng như nhiều thành phố lớn khác, công nghệ nhận dạng khuôn mặt thậm chí còn len lỏi vào các khu phố để truy tìm những người không tôn trọng luật giao thông. Người đi bộ đi lệch khỏi làn đường dành cho người đi bộ sẽ bị tự động chụp ảnh và hình ảnh của họ xuất hiện ngay lập tức trên một màn hình lớn đặt ở ngã tư gần nhất. Nếu bị xuất hiện trên « màn hình hổ thẹn này » họ sẽ phải trả tiền phạt 20 nhân dân tệ (3 euro).

Ngoài ra, Thượng Hải còn có một hệ thống công giúp phát hiện những người đi lạc, chủ yếu là người cao tuổi hay người thiểu năng trí tuệ, để đưa họ về gia đình.

Công nghệ này còn được áp dụng trong các kiểu thanh toán, từ chuỗi ăn nhanh KFC sử dụng hệ thống « Hãy cười để trả tiền », đến trong các cách sử dụng thông thường hơn.

Ví dụ, trong các nhà vệ sinh ở công viên Thiên Đàn (Tiantan) ở Bắc Kinh, các máy cung cấp giấy được trang bị công nghệ này để chống trộm. Nếu một ai đó sử dụng nhiều lần, máy tự động nhận ra họ và từ chối đưa thêm giấy với lời nhắc nhở lịch sự là họ đã được phục vụ, trước khi nói thêm : « Xin mời quay lại sau ».

Một trong các trường đại học ở Bắc Kinh, nơi có trường Sư phạm, đã lắp công nghệ nhận dạng khuôn mặt ở lối vào ký túc xá để chắc chắn rằng chỉ có sinh viên của trường mới được phép vào, đồng thời giúp « xác định tốt hơn sinh viên đang ở đâu », như giải thích của một lãnh đạo trường với Tân Hoa Xã.

Một số ngân hàng bắt đầu trang bị công nghệ này ở các máy rút tiền tự động để thay thế thẻ tín dụng. Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, China Southern Airlines cũng nhận ra lợi ích của công nghệ này và đã bắt đầu bỏ sử dụng thẻ lên máy bay.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt : Trung Quốc đi trước phương Tây

Giới chuyên gia nhận định, về mặt này, Trung Quốc đi trước phương Tây một bước, một phần vì luật về đời tư tại Trung Quốc không chặt chẽ bằng và vì người dân có thói quen bị chụp ảnh, lấy vân tay sinh trắc và cung cấp đủ loại thông tin cá nhân cho chính quyền.

Xã hội Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản, đã là một trong những nơi mà công dân bị theo dõi nhiều nhất, với khoảng 176 triệu camera liên tục hoạt động. Tuy nhiên, những người được phóng viên của AFP hỏi tại một ngã tư ở Thượng Hải, dường như họ không cảm thấy bị làm phiền vì công nghệ mới này, như bà Wu, 42 tuổi, một nhân viên làm việc tại bệnh viện.

Bà nói : « Tôi có thể chấp nhận chuyện này. Những người vi phạm bị chụp hình và công bố, tóm lại, đây là một cách để bắt buộc tôn trọng luật pháp. Nhưng tôi cũng nghĩ là có nhiều người có thể nói rằng đời tư của họ bị xâm phạm và lo sợ thông tin đó có nguy cơ bị đánh cắp ».

Công nghệ mới này nằm trong chiến lược phát triển công nghệ cao của Trung Quốc. Tháng 07/2017, chính phủ thông báo ý định biến Trung Quốc thành nước hàng đầu về trí thông minh nhân tạo từ nay đến năm 2030 với thị trường trong nước lên đến 150 tỉ đô la.

Về hậu quả đối với đời tư, giáo sư luật Yue Lin, đại học Thượng Hải, cho rằng « còn quá sớm để đánh giá. Điều này không chỉ diễn ra ở mỗi Trung Quốc, mà ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng có thể đây là một điều tốt với người Trung Quốc nhưng lại là một điều kinh khủng đối với người Mỹ ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171018-nhan-dang-khuon-mat-trung-quoc-dung-vien-tuong-theo-doi-doi-thuong

 

Các quyền tự do bị siết chặt dưới thời Tập Cận Bình

Thụy My

Không chỉ trong dịp Đại hội Đảng, mà trong năm năm qua, chế độ Bắc Kinh đã tăng cường kiểm soát internet, siết chặt tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận…Trung Quốc ngày nay bị xếp thứ 176/180 nước trong bảng xếp hạng về tự do báo chí của tổ chức Phóng viên Không biên giới.

Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh Heike Schmidt cho biết :

Xã hội Trung Quốc ngày nay là một xã hội bị bịt miệng, với việc kiểm duyệt càng thêm hoàn hảo dưới thời Tập Cận Bình, theo nhà nghiên cứu Chloé Froissart, thuộc Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc đương đại.

Bà nói : « Người ta có thể ghi nhận một chủ trương chung về việc tái lập kiểm soát nhiều lãnh vực khác nhau của xã hội dân sự, từ các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng tôn giáo cho đến truyền thông, giới luật gia và các trường đại học.

Các tổ chức xã hội đã phát triển mạnh tại Trung Quốc từ 20 năm qua, đa số nằm trong một vùng xám được chính quyền làm ngơ, nhưng không được hợp thức hóa bằng luật pháp. Ý định rõ ràng của Tập Cận Bình là tái lập việc kiểm soát vùng xám này, hệ thống hóa các đạo luật giúp các tổ chức xã hội sống sót nhưng chỉ được hoạt động như là những tổ chức phụ trợ cho đảng Cộng Sản. Đảng muốn duy trì sự ổn định và thống trị xã hội».

Tất cả các công dân dám lên tiếng cho các giá trị xã hội có nguy cơ bị khởi tố vì tội « lật đổ chính quyền » hay « gây rối trật tự công cộng ».

Cụ thể, có bốn lãnh vực đặc biệt bị siết chặt trong 5 năm qua.

Trước hết là internet. Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng với « Vạn Lý Hỏa Thành », bức tường lửa vĩ đại ngăn chận mọi thứ bị coi là không chính thống. Các bài viết hoặc lời bình nhạy cảm đều bị xóa, và nhiều trang web nước ngoài (Google, Facebook, YouTube, Twitter, Instagram, Dailymotion) bị phong tỏa.

Tháng 6/2017, đạo luật an ninh mạng đã hạn chế thêm quyền tự do ngôn luận, buộc các công ty internet phải lưu trữ dữ liệu của người sử dụng tại Trung Quốc. Chính quyền đóng cửa các blog thông tin bình dân, các trang web đăng tải video được lệnh xóa các nội dung « không phù hợp với các tiêu chuẩn chính trị và đạo đức ». Trước khi bước vào Đại hội Đảng 19 lần này, Bắc Kinh bắt đầu phong tỏa các VPN, tức những phần mềm giúp vượt tường lửa.

Về tư pháp, tháng 7/2015 một mẻ lưới quy mô chưa từng thấy đã được giăng ra : trên 200 luật sư đã bị công an câu lưu, thẩm vấn. Các luật sư bị bắt nổi tiếng là chuyên biện hộ cho những thân chủ « nhạy cảm » : các nhà đấu tranh dân chủ, học viên Pháp Luân Công hay các nhà đối lập. Đa số sau đó đã được thả ra, nhưng một số luật sư sau đó bị kết án thậm chí đến bảy năm tù.

Đối với các nhà ly khai lại càng tệ hại. Thậm chí giải Nobel Hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba, bị án tù 11 năm, khi phát bệnh ung thư, cũng đã phải chết đi trong tình trạng bị quản thúc, bất chấp những lời kêu gọi trả tự do cho ông của cộng đồng quốc tế. Cái chết của nhà hoạt động ôn hòa 61 tuổi nổi tiếng thế giới, đã gây ra một làn sóng thất vọng trong giới đấu tranh dân chủ. Vợ ông Lưu Hiểu Ba là nhà thơ Lưu Hà, dù không phạm bất cứ tội danh nào, cũng vẫn bị quản thúc từ bảy năm qua.

Một đạo luật về an ninh quốc gia năm 2015 đã tạo ra nhiều lo ngại cho các tổ chức bảo vệ nhân quyền, vì trao nhiều quyền hạn cho ngành an ninh để kiếm soát xã hội dân sự. Còn tại Hồng Kông, bàn tay sắt của Bắc Kinh ngày càng lộ rõ, nhất là sau vụ bắt cóc các chủ nhà sách chuyên xuất bản những tác phẩm tiết lộ về đời tư các lãnh đạo Hoa lục.

Về tự do tín ngưỡng, chế độ áp đặt những hạn chế khắt khe với Hồi giáo, vì lo sợ các vụ nổi dậy ở vùng Tân Cương. Bắt đầu từ năm nay, khăn choàng Hồi giáo và những bộ râu bị cho là « không bình thường » đều bị cấm. Và từ năm 2018, các tôn giáo nếu muốn mở trường phải chịu nhiều điều kiện khắt khe. Tại Tân Cương, nhà nước hạn chế cấp hộ chiếu, công chức và sinh viên học sinh không được tham gia mùa chay Ramadan. Còn tại Tây Tạng, các nhà sư bị giám sát chặt chẽ, mỗi lần di chuyển phải xin giấy phép đặc biệt.

Tóm lại, năm năm cầm quyền vừa qua của ông Tập Cận Bình không có gì tốt đẹp đối với các nhà đấu tranh nhân quyền, luật gia, blogger hoặc tất cả những ai không ngoan ngoãn tuân theo đường lối của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171018-cac-quyen-tu-do-bi-siet-chat-duoi-thoi-tap-can-binh

 

Tập Cận Bình, người cầm lái một Trung Quốc ngập nợ

Thụy My,

Vào lúc Đại Hội lần thứ 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc, sẽ tiếp tục trao quyền lãnh đạo nền kinh tế thứ nhì thế giới cho ông Tập Cận Bình, nhiều chuyên gia bày tỏ mối lo ngại trước hiện tượng kinh tế Trung Quốc chậm lại. Lần đầu tiên từ 1/4 thế kỷ nay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể xuống dưới ngưỡng 6% vào năm 2018.

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI đã cảnh báo trước về nguy cơ ngày càng rõ nét là tăng trưởng Trung Quốc chậm lại do món nợ khổng lồ. Các cơ quan thẩm định tài chính Moody’s và Standard & Poor’s đã hạ điểm về nợ của Trung Quốc. Tổng số nợ Trung Quốc, ngoài lãnh vực tài chính, có thể vượt qua 290% của GDP Trung Quốc từ đây đến 2022, so với 235% vào năm ngoái.

Nỗ lực định hướng lại kinh tế

Tuy nhiên theo bà Françoise Renard, giám đốc Viện Nghiên Cứu về Kinh Tế Trung Quốc, không nên hoảng hốt vì kinh tế nước này vẫn không « lâm nguy ». Trả lời ban tiếng Pháp RFI, bà Renard giải thích :

« Trung Quốc đang bắt đầu định hướng lại kinh tế của mình, cải thiện tăng trưởng theo hướng chú ý đến chất lượng của tăng trưởng, để tránh rơi vào cái bẫy đối với các nước có thu nhập trung bình. Cụ thể là Trung Quốc đã đề ra những dự án khổng lồ, đặc biệt trong lãnh vực môi trường, nhưng mục tiêu chưa đạt được, vì vấn đề rất khó.

Điều mà ta có thể nói là kinh tế Trung Quốc còn vướng phải nhiều méo mó, lệch lạc mà chính quyền đang tìm cách khắc phục, ví dụ như do tình trạng sản xuất quá mức, họ đang cơ cấu lại các tập đoàn Nhà Nước.

Bên cạnh đó, còn có vấn đề chính sách xã hội, giảm thiểu bất công, vì vậy họ lao vào chống tham nhũng. Chiến dịch này dĩ nhiên có thể gây tranh cãi, nhưng đã có một số kết quả là giảm thiểu được hiện tượng.

Ngoài ra, Trung Quốc đang cố cải thiện chính sách bảo hiểm y tế, hệ thống hưu bổng nhưng còn phải nỗ lực hơn nữa.

Tóm lại, kinh tế Trung Quốc không suy sụp như có người lo ngại, tăng trưởng vẫn khá đều đặn. Dự phóng cho những năm sắp tới vẫn có phần lạc quan, nếu chính quyền tiếp tục đấu tranh chống những yếu tố lệch lạc.

Thách thức từ khối nợ khổng lồ của các địa phương

Vấn đề đáng ngại nhất là số nợ cực kỳ to lớn của chính quyền các địa phương, mà quy mô chưa lường được chính xác, khiến cho chính quyền không thể biết rõ mức độ mắc nợ thực thụ của nền kinh tế. Trong lãnh vực này cũng vậy, chính quyền trung ương cũng đã đề ra biện pháp để tái cơ cấu lại các món nợ này.

Khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nói là họ có một số quan ngại về tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc, họ muốn nói đến món nợ của các địa phương. Nhất là khi các chính quyền địa phương đã thế chấp nhà cửa, đất đai để vay tiền, điều đó khuyến khích tình trạng đầu cơ, giá sụt giảm, với nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chánh.

Tóm lại, đe dọa chủ yếu đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay chính là mức nợ đó. Nhưng trong ngắn hạn, nền kinh tế Trung Quốc không gặp nguy hiểm. Tăng trưởng có thể chậm lại, có thể sẽ ở mức 5%, nhưng 5% cũng không phải là cái gì nguy hiểm, con số này đã được mọi người dự kiến từ lâu. »

Mở rộng kiểm soát trên toàn bộ nền kinh tế

Vấn đề nợ của Trung Quốc vào lúc Đại Hội Đảng Cộng Sản mở ra cũng được nhật báo Pháp Le Figaro nêu bật trong một nhận định : Tập Cận Bình, người cầm lái một Trung Quốc bị ngập nợ.

Theo tờ báo, nhiều chuyên gia đã bày tỏ mối quan ngại về việc ông Tập đã mở rộng kiểm soát trên toàn bộ nền kinh tế. Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế của Natixis tại Hồng Kông nhìn nhận : « Đó không phải là điều được người ta chờ đợi cách đây 5 năm ».

Hồi tháng 10/2012, và sau đó đến mùa xuân năm 2013, khi các cải cách kinh tế của « Tập gia gia » được đưa ra, vấn đề đối với ĐCSTQ chỉ là đấu tranh chống tham nhũng, chuyển đổi nền kinh tế dựa vào tiêu thụ nội địa, và tự do hóa.

Đối với chống tham nhũng và chuyển đổi mô hình kinh tế, Bắc Kinh đã đúng hẹn. Công cuộc « đả hổ, diệt ruồi » đại quy mô đã giúp Tập Cận Bình tăng cường kiểm soát cả về chính trị lẫn kinh tế cả nước. Còn việc chuyển đổi tăng trưởng, từ dựa trên xuất khẩu hàng giá rẻ sang dựa vào tiêu thụ của giai cấp trung lưu, những con số thống kê đã tự nó nói lên. Hồi Đại Hội 18, tiêu thụ chiếm khoảng 35% GDP, còn nay lên 40%. Riêng khu vực dịch vụ chiếm đến 50% nền kinh tế.

Sự thay đổi này trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục chậm, đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của Trung Quốc. Aidan Yao thuộc Axa IM ở Hồng Kông nhắc nhở : nhịp độ tăng trưởng chậm lại, cộng với vụ sụp đổ thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến mùa hè 2015, đã gây lo lắng cho các nhà kinh tế cách đây hai năm. Tuy từ đó đến nay tình hình đã được cải thiện, nhưng mọi quan ngại đều tập trung vào một điểm : nợ nần đang tăng lên.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lo ngại trước tình trạng chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc chậm lại, có thể làm tăng thêm số nợ. Nợ nần của Nhà Nước, doanh nghiệp và hộ gia đình cách đây 10 năm chiếm khoảng 150% GDP, thì nay lên tới 270%. Sau cuộc khủng hoảng năm 2009, và đầu năm 2016, Bắc Kinh đã tái thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư – một cách lặng lẽ nhưng ồ ạt.

Cải cách các công ty quốc doanh ?

Ý kiến về nợ Trung Quốc của các chuyên gia có khác nhau. Philippe Le Corre, thuộc Havard Kennedy School cho rằng vấn đề này « hết sức to lớn ». Alicia Garcia Herrero cũng nhận thấy nợ nần tiếp tục tăng lên, tỉ lệ với GDP.

Ngược lại Aidan Yao không loại trừ việc tỉ lệ nợ giảm xuống trong năm nay. Ông nói : « Các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng lên nhờ chính quyền cải thiện xuất khẩu và giảm tình trạng sản xuất thừa, nên ít có nhu cầu vay hơn ». Chuyên gia này cũng nêu ra hành động tích cực của Ngân Hàng Trung Ương nhằm giảm bớt tín dụng đen.

Cũng cùng xu hướng lạc quan, Sébastien Djaoui, chuyên về thị trường Trung Quốc của ngân hàng Nomura tương đối hóa vấn đề nợ, nhấn mạnh đến cán cân thương mại thặng dư và lượng tiền tiết kiệm lớn : « Nợ của Trung Quốc do người Trung Quốc nắm giữ ».

Các chuyên gia đều đồng ý ở một điểm : nợ nần phình to, chủ yếu là do các công ty quốc doanh. Tập Cận Bình cam đoan sẽ cải cách các tập đoàn công nghiệp khổng lồ này, đa số kém hiệu quả và sản xuất thừa. Theo Alicia Garcia Herrero : « Mới đây đã có thay đổi, sở hữu chủ của các doanh nghiệp quốc doanh không còn là Nhà Nước mà là Đảng ! ».

Chính quyền đã cho sáp nhập các công ty quốc doanh làm ăn hiệu quả nhất với các doanh nghiệp đang suy sụp, với tham vọng tạo ra các đại tập đoàn mang tầm quốc tế. Aidan Yao nhận định : « Biện pháp này khác hẳn những gì thị trường trông đợi cách đây 5 năm, nhắm vào tư nhân hóa ». Tuy vậy cũng đã có những nỗ lực để chuyển đổi khu vực quốc doanh.

Nếu việc tự do hóa đã được tiến hành từ 5 năm qua, đặc biệt trong lãnh vực tài chính, qua việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và kết nối thị trường chứng khoán Thượng Hải với Hồng Kông, điều rõ rệt nhất là nền kinh tế ngày càng bị tập trung hóa.

Ngay cả thông qua các ngôi sao công nghệ, thường là tư nhân, như Hoa Vi (Huawei), « Nhà Nước đã tăng cường kiểm soát » qua những mối liên hệ với Đảng hay chính quyền địa phương, theo kiểu « golden share » (cổ phần ưu tiên), tinh tế và mạnh mẽ hơn – Alicia Garcia Herrero giải thích.

Sébastien Djaoui dự báo : « Chính quyền có thể nắm lấy các công ty đã trở nên quá to, như Alibaba chẳng hạn ». Nhà tỉ phú Mã Vân (Jack Ma), chủ nhân tập đoàn bán hàng trên mạng vào mùa xuân từng nói : « Chúng tôi không chỉ là một doanh nghiệp mà là cả một nền kinh tế ». Thế nên, rất có thể ông Tập Cận Bình sẽ cố mở rộng thêm nữa tầm khống chế của mình.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171018-tap-can-binh-nguoi-cam-lai-mot-trung-quoc-no-nan

 

Kim Jong Un và Trump :

Cặp đôi làm Tập Cận Bình khốn khổ

Thụy My

Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ được tái nhiệm chức tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong vài ngày nữa, nhưng hai nhân vật không thể nào đoán định được là Kim Jong Un và Donald Trump, có thể thêm một lần nữa làm hỏng mất ngày vui của ông Tập.

ĐCSTQ từ hôm nay 18/10/2017 khai mạc Đại hội lần thứ 19, kéo dài một tuần lễ. Nếu không có sự cố gì xảy ra, Tập Cận Bình sẽ tiếp tục ở ngôi vị tối cao tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa.

Nhưng sự kiện này có thể bị quấy đảo bởi ông chủ Nhà Trắng, thường bất chợt tung ra những tin Twitter đả kích chính sách thương mại của Bắc Kinh chẳng hạn, hoặc sự bất lực trước tham vọng nguyên tử của Bình Nhưỡng.

Về phần lãnh đạo Bắc Triều Tiên, có thể cố tình chiếm mất ngôi vị vedette trên mặt trận truyền thông của ông Tập, qua việc cho thử một quả bom nguyên tử, hay bắn vài hỏa tiễn đạn đạo trong lúc Đại hội 19 đang họp.

Những giả thiết xấu này của hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đã từng xảy ra trong quá khứ.

Hồi tháng Năm, trong dịp khai mại hội nghị thượng đỉnh vừa mang tính ngoại giao vừa thương mại về « Con đường tơ lụa mới » do Bắc Kinh tổ chức, một hỏa tiễn của Bình Nhưỡng đã thu hút mọi sự chú ý. Đồng thời ông Donald Trump còn tố cáo Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của Bắc Triều Tiên – đã không nỗ lực đúng mức để kiểm soát người hàng xóm thích quấy nhiễu.

Đến tháng Chín, lại diễn ra một kịch bản tương tự : Kim Jong Un ra lệnh thử bom nguyên tử, vào đúng ngày ông Tập Cận Bình tiếp đón các đối tác khối BRICS, nhóm năm quốc gia mới nổi.

Nhiều nhà phân tích lý giải hành động của Bắc Triều Tiên là một sự đối đầu với Tập Cận Bình. Hoặc là một cách để gây áp lực lên Trung Quốc, để Bắc Kinh thuyết phục Washington nên mở đối thoại với Bình Nhưỡng.

Giáo sư Thành Hiểu Hà (Cheng Xiaohe) chuyên về quan hệ quốc tế ở trường đại học Nhân Dân Bắc Kinh cho rằng, một vụ thử bom nguyên tử trong thời gian diễn ra Đại hội ĐCSTQ « trước hết là làm mất thể diện. Việc này sẽ có ảnh hưởng tai hại cho ông Tập Cận Bình, vào thời điểm mấu chốt ».

Nếu tại Trung Quốc, quyền lực của Tập chủ tịch là không thể bàn cãi, thì ảnh hưởng của ông Tập đối với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên hiện nay tỏ ra hạn chế. Lời kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên của ông Tập Cận Bình bị cả Donald Trump và Kim Jong Un phớt lờ. Hai lãnh đạo Washington và Bình Nhưỡng cùng lao vào một cuộc khẩu chiến đáng ngại.

Hoa Kỳ cũng bác bỏ đề nghị của Trung Quốc về việc « mỗi bên nhường một nửa » : Bình Nhưỡng ngưng thử hỏa tiễn đạn đạo và nguyên tử, đổi lấy việc quân đội Mỹ-Hàn ngưng tập trận.

Sau khi bị ông Trump chỉ trích mạnh mẽ, Trung Quốc cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt tăng cường do Liên Hiệp Quốc quy định vào tháng trước. Quan hệ với Washington nhờ đó được sưởi ấm đôi chút, thế nên tổng thống Mỹ sẽ đi thăm Bắc Kinh vào tháng 11 tới.

Nhưng Kim Jong Un thì Tập Cận Bình chưa bao giờ gặp, và quan hệ Trung-Triều có vẻ đang ở mức thấp nhất kể từ bảy thập niên qua.

Ông Triệu Thông (Zhao Tong), chuyên gia về chính sách nguyên tử tại trung tâm nghiên cứu Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh nhận định : « Có thể Bắc Triều Tiên sẽ lại cho bắn tên lửa đạn đạo tầm xa mới » trong dịp Đại hội trọng đại của ĐCSTQ.

Lợi ích của Bình Nhưỡng nếu phóng hỏa tiễn vào lúc này, là chỉ gây ra phản ứng tương đối nơi Trung Quốc, đang quá bận bịu với công việc hệ trọng trong nội bộ, không thể tập trung vào hồ sơ Bắc Triều Tiên. Theo chuyên gia Triệu Thông, « Đối với Bình Nhưỡng, tốt nhất là thử hỏa tiễn trước khi Đại hội Đảng 19 kết thúc ».

Nhưng một số nhà phân tích khác phân vân về tác động đối với các lãnh đạo Trung Quốc, nếu Bắc Triều Tiên bắn tên lửa.

Nhà nghiên cứu Dương Hy Vũ (Yang Xiyu), Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, thuộc bộ Ngoại Giao cho rằng : « Các vụ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc, dù được tiến hành vào bất kỳ thời điểm nào đi nữa ». Đồng thời Bình Nhưỡng « cũng giống như một con kiến cố gắng làm chuyển động một cây cổ thụ » – ông ví von. « Đại hội Đảng lần thứ 19 là một sự kiện rất trọng đại tại Trung Quốc. Những hành vi của Bắc Triều Tiên không thể làm khuấy động được ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171018-jong-un-va-trump-cap-doi-lam-tap-can-binh-khon-kho

 

Tập Cận Bình :

Trung Quốc là siêu cường quân sự vào năm 2050

Tú Anh

Bắc Kinh sẽ hoàn tất kế hoạch canh tân quân đội vào năm 2035 và sẽ áp đảo toàn cầu vào năm 2050. Trên đây là tuyên bố của lãnh đạo Hoa lục Tập Cận Bình trong diễn văn khai mạc đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18/10/2017 tại Bắc Kinh được báo chí châu Á đặc biệt lưu tâm.

Khai mạc đại hội đảng Cộng sản lần thứ 19 sau năm năm củng cố quyền lực với bàn tay thép, chủ tịch Trung Quốc tuyên bố một cách tự tin : Giải phóng quân Trung Quốc sẽ được cải cách thường trực để phục vụ nhu cầu quốc gia. Cả ba binh chủng hải lục không quân phải có khả năng hành quân phối hợp để « chiến thắng trên mọi chiến trường, quy ước cũng như mới ».

Trong diễn văn, Tập Cận Bình nhấn mạnh đến nhu cầu « hiện đại hóa hải quân phù hợp với nhu cầu an ninh và phát triển » của Trung Quốc, tăng tốc tiến hành các đại công trình từ cải tiến khoa học, công nghệ hợp nhất quân sự với dân sự ở tầm cở chiến lược ».

Phát họa một tương lai rực rở, người lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc hứa hẹn vào năm 2050, sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ bao trùm thế giới, đánh thắng mọi cuộc chiến tranh trên khắp địa cầu.

Bình luận về tham vọng của chủ tịch kiêm tổng tư lệnh tối cáo quân đội Trung Quốc, báo mạng The Straitstimes của Singapore lưu ý là trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự tại Biển Đông, xây dựng căn cứ quân sự trên các hải đảo, tranh chấp chủ quyền với một số nước Đông Nam Á và làm gia tăng nguy cơ xung đột vũ trang.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171018-tap-can-binh-trung-quoc-la-sieu-cuong-quan-su-vao-nam-2050

 

Đại hội 19 : Tập Cận Bình kêu gọi bảo vệ đảng

Thụy My

Trong bài diễn văn khai mạc Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 hôm nay 18/10/2017 dài ba tiếng rưỡi đồng hồ, chủ tịch kiêm tổng bí thư đảng Tập Cận Bình kêu gọi các đảng viên đấu tranh chống lại mọi đe dọa đối với quyền lực đảng, và hứa hẹn « một kỷ nguyên mới » cho đất nước.

Trước khoảng 2.300 đại biểu đại diện cho 89 triệu đảng viên trên cả nước, với sự hiện diện của các cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, ông Tập Cận Bình hứa hẹn xây dựng « một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại », không sao chép các mô hình của nước ngoài.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình :

« Đó là một Tập Cận Bình đầy tự tin, tươi cười, bước vào Đại sảnh đường Nhân Dân treo đầy những lá cờ đỏ, với các khẩu hiệu « Đảng Cộng Sản vĩ đại quang vinh muôn năm ». Trong bài diễn văn dài hơn ba tiếng đồng hồ, người quyền lực nhất Trung Quốc đã tổng kết 5 năm hoạt động, mà theo ông là 5 năm tiến triển, để thực hiện « Giấc mơ Trung Hoa », tái xây dựng một đại quốc.

Trung Quốc mà ông Tập mơ đến là một Trung Quốc hùng mạnh, chiến đấu không ngơi nghỉ để leo lên được hàng đầu thế giới, phất cao lá cờ xã hội chủ nghĩa, và không là con rối của ai cả. « Hài hòa », « ổn định » và nhất là « trung thành với các giá trị của chủ nghĩa xã hội », đó là những sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong bài diễn văn mang đậm tính ý thức hệ, dân tộc chủ nghĩa và đôi khi đầy đe dọa.

Tổng bí thư nhấn mạnh, không thể có dung thứ cũng như không có vùng cấm nào trong cuộc chiến chống tham nhũng, và hoan nghênh việc những song sắt nhà tù đã được siết chặt đối với các đảng viên cộng sản biến chất ».

Cụ thể, ông Tập Cận Bình tuyên bố : « Hiện nay tình hình trong cũng như ngoài nước có những thay đổi sâu sắc và phức tạp. Sự phát triển đất nước đang trong một thời kỳ quan trọng mang tính chiến lược, với các triển vọng sáng sủa, đồng thời phải đối mặt với những thách thức rất lớn.

Tất cả các đồng chí trong đảng đều phải nâng tầm để nhìn xa hơn, ý thức được những mối nguy, cởi mở trước cải cách và sáng tạo, bỏ đi những suy nghĩ xơ cứng. Phải dẫn dắt nhân dân đa sắc tộc đi đến chiến thắng quyết định của xã hội trung lưu, khiến chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa giành được thắng lợi trong kỷ nguyên mới ».

Bên cạnh đó, chủ tịch Tập Cận Bình cũng tuyên bố sẽ mở cửa nền kinh tế nhiều hơn cho thế giới, hứa hẹn sẽ « đối xử bình đẳng » với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.

Đại hội Đảng 19 kéo dài một tuần lễ. Ngoài chủ tịch kiêm tổng bí thư Tập Cận Bình chắc chắn sẽ tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai, đại hội sẽ bỏ phiếu kín chọn ra 25 ủy viên Bộ Chính trị và 205 ủy viên trung ương. Giới quan sát đang chờ xem ông Tập có thể đưa được bao nhiêu người thân tín vào thường trực Bộ Chính trị, và tư tưởng chủ đạo của ông có được ghi vào điều lệ Đảng, như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình trước đây hay không.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171018-dai-hoi-19-tap-can-binh-keu-goi-bao-ve-dang-0