Tin khắp nơi – 18/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trump ra lệnh giải mật tài liệu

điều tra nghi án Nga xen vào bầu cử Mỹ

Ken Schwartz

Tổng thống Donald Trump vừa ra lệnh cho Bộ Tư pháp giải mật một loạt tài liệu liên quan đến cuộc điều tra về vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

Người phát ngôn của Toà Bạch Ốc, bà Sarah Sanders, cho biết những thông tin sẽ được công khai gồm trát lệnh cho phép FBI theo dõi một số nhân vật, trong đó có cựu Cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump, Carter Page, và những báo cáo sau các cuộc thẩm vấn của FBI với Bruce Ohr, quan chức cấp cao thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.

Ông Ohr có liên hệ với cựu gián điệp Anh Christopher Steele, người đã thu thập một hồ sơ cáo buộc Nga có thể đang “tống tiền”, tức là áp lực ông Trump hợp tác bởi vì Moscow nắm được những thông tin có thể dùng để kết tội, hoặc gây bối rối cho nhà lãnh đạo Mỹ.

Các tài liệu khác mà TT Trump đòi giải mật còn gồm tất cả các tin nhắn điện thoại liên quan đến cuộc điều tra Nga của ông James Comey, giám đốc FBI bị ông Trump sa thải, cựu Phó giám đốc FBI Andrew McCabe, cựu nhân viên FBI Peter Strzok, và cựu luật sư của FBI Lisa Page.

Những tin nhắn qua email giữa ông Strzok và bà Page có những lời lẽ xem thường ứng cử viên tổng thống Donald Trump, nói rằng có thể chặn ông lại.

Bà Sarah Sanders nói Tổng thống Trump đã hạ lệnh giải mật các tài liệu vừa nêu “theo yêu cầu của một số ủy ban Quốc hội vì những lý do về sự minh bạch.”

Không rõ khi nào thì những tài liệu này sẽ được công bố.

Ông Trump từ trước tới giờ vẫn nói rằng một số người của FBI và Bộ Tư pháp thiên vị và gây tiếng xấu cho cuộc điều tra độc lập về liệu ban vận động tranh cử của ông có thông đồng với Nga để thay đổi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 theo hướng có lợi cho ông hay không.

Ông Trump phủ nhận tất cả các cáo buộc đó và gọi cuộc điều tra là một vụ “săn phù thủy” (truy sát chính trị).

Dân biểu Adam Schiff, đại diện cho đảng Dân chủ ở bang California, cũng là người đứng đầu Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ, tố cáo ông Trump đang tìm cách phá hoại cuộc điều tra.

“Tổng thống Trump rõ ràng là đang lạm dụng quyền lực khi quyết định can thiệp vào cuộc điều tra về tiến trình thực thi pháp luật qua lệnh cho công bố một số tài liệu chọn lọc mà ông ta tin sẽ có lợi cho nhóm luật sư bảo vệ cho ông, và theo ông nghĩ, có thể được dùng để lái câu chuyện theo ý ông, khác với sự thật.”

Trong khi đó, dân biểu Matt Gaetz, đại diện cho Đảng Cộng hoà ở bang Florida, cho rằng công bố các tài liệu cho công chúng xem là một ý kiến hay.

“Các tài liệu này sẽ hé lộ cho người dân Mỹ thấy tình trạng nhũng nhiễu có hệ thống, và thái độ thiên vị ở các cấp cao nhất trong Bộ Tư pháp và cơ quan FBI, kể cả sử dụng các công cụ của cộng đồng tình báo của chúng ta vào các mục đích chính trị đảng phái.”

Dân biểu Schiff cảnh giác rằng công bố các thông tin đó có thể vượt qua “lằn ranh đỏ”, dẫn đến nguy cơ làm lộ những người cung cấp thông tin và các phương pháp điều tra.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-ra-lenh-giai-mat-tai-lieu-dieu-tra-nghi-an-nga-xen-vao-bau-cu-my/4576530.html

 

Nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ:

Trump chỉ thị FBI tiết lộ thêm thông tin

Print

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thị Cục Điều tra Liên bang FBI ngay lập tức tiết lộ thêm thông tin liên quan đến cuộc điều tra về việc Nga có hay không có can thiệp bầu cử Mỹ 2016, Reuters dẫn tin từ Tòa Bạch Ốc cho biết ngày 17/9.

Ông Trump cũng chỉ thị Bộ Tư pháp công khai hóa các tin nhắn gốc liên quan đến cuộc điều tra Nga từ cựu Giám đốc FBI, James Comey, cựu Phó Giám đốc FBI, Andrew McCabe, cũng như từ các cựu và đương kim quan chức Bộ Tư pháp, kể cả từ đặc vụ FBI Peter Strzok, người vừa bị sa thải và bị chỉ trích vì đã gửi các tin nhắn miệt thị ông Trump khi ông còn là ứng viên Tổng thống.

https://www.voatiengviet.com/a/nghi-an-nga-can-thiep-bau-cu-my-trump-chi-thi-fbi-tiet-lo-them-thong-tin-/4575613.html

 

Mỹ cáo buộc Nga

gian lận về việc chế tài Triều Tiên

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley ngày 17/9 cáo buộc Nga “gian lận” đối với các chế tài của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên và cho biết Washington có “bằng chứng rõ ràng và rộng rãi về các vi phạm của Nga.”

Việc đối dầu công khai giữa Hoa Kỳ và Nga về Triều Tiên cho thấy có rạn nứt trong sự đoàn kết của 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vốn trước đây từng nhất trí đẩy mạnh các chế tài kể từ năm 2016 nhằm bóp nghẹt các khoản tài trợ cho chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Bà Haley nói với Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc là Nga đã giúp Triều Tiên nhận được dầu mỏ một cách bất hợp pháp qua việc chuyển giao ngoài biển, từ chối việc trục xuất một người Triều Tiên bị Hội đồng đưa vào danh sách đen hồi năm ngoái và đã thúc đẩy để làm thay đổi một phúc trình độc lập của Liên hiệp quốc về các vi phạm chế tài hầu che đậy những vi phạm của Nga.

Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vassily Nebenzia nói Moscow không làm áp lực lên các tác giả phúc trình của Liên hiệp quốc và đổ lỗi cho bà Haley làm căng thẳng tăng cao. Ông cũng nêu rõ là phúc trình đã quyết định là một tàu Nga chuyển dầu cho Triều Tiên mà bà Haley nêu lên không phải là một vi phạm.

Bà Haley nói Washington trong năm nay đã theo dõi khoảng 146 vụ các tàu dầu chuyển dầu cho các tàu của Triều Tiên ngoài biển khơi vi phạm mức trần của Liên hiệp quốc. Bà không nói có bao nhiêu vụ chuyển dầu như vậy có thể được Nga giúp.

“Nga phải ngưng các vụ vi phạm chế tài Triều Tiên. Nga phải chấm dứt những nỗ lực che dấu chứng cớ vi phạm chế tài.” Bà Haley nói “các vi phạm này không phải thỉnh thoảng xảy ra mà là có hệ thống.”

Nga và Trung Quốc đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc giảm bớt chế tài sau khi Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau vào tháng 6 năm nay và ông Kim hứa làm việc để phi hạt nhân hóa.

Bà Haley nói trong khi “các cuộc thảo luận khó khăn và nhạy cảm” giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên đang tiến hành, thì lúc này không phải là thời điểm thích hợp để bắt đầu giảm bớt các chế tài đối với Bình Nhưỡng.

Đại sứ Nga Nebenzia nói “Khó có thể đạt được một thỏa thuận nếu anh chỉ đưa ra đòi hỏi một chiều.” Đại sứ Nebenzia cho rằng biện pháp xây dựng lòng tin có thể là một hiệp ước hòa bình được ký giữa Nam-Bắc Triều Tiên.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Mã Triều Húc nói Bắc Kinh thi hành các chế tài đối với Triều Tiên và cảnh báo là đối đầu với Bình Nhưỡng sẽ là “đường cụt.” Ông kêu gọi tiến bộ trong những cuộc thương thuyết và thúc đẩy Hội đồng Bảo an vẫn đoàn kết trong vấn đề này.

Ông Mã nói với Hội đồng “Dùng vũ lực không mang lại kết quả gì cả nhưng chỉ đem lại những hậu quả tai hại.”

Người đứng đầu các vấn đề chính trị của Liên hiệp quốc Rosemary DiCarlo nói với Hội đồng là dù có những phát triển tích cực mới đây, nhưng “tiếp tục có những dầu hiệu cho thấy Triều Tiên đang giữ và phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo.”

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-c%C3%A1o-bu%E1%BB%99c-nga-gian-l%E1%BA%ADn-v%E1%BB%81-vi%E1%BB%87c-ch%E1%BA%BF-t%C3%A0i-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-/4575620.html

 

Mỹ đánh mức thuế lớn nhất

từ trước đến nay lên TQ

Mỹ sẽ áp dụng mức thuế mới trị giá 200 tỷ đôla lên gần 6.000 hàng hóa của Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ tiếp tục leo thang.

Động thái này đánh dấu vòng thuế quan lớn nhất của Mỹ từ trước đến nay.

Các mặt hàng bị đánh thuế là túi xách, gạo và hàng dệt may.

Trước đó, Trung Quốc cũng nói sẽ trả đũa bất kỳ mức thuế tiếp theo của Hoa Kỳ.

Mức thuế quan mới này sẽ có hiệu lực từ 24/9, bắt đầu với mức 10% và sau đó tăng lên 25% kể từ đầu năm sau, trừ khi hai nước đạt được một thỏa thuận.

‘Sói già’ Trump đang áp đảo Tập Cận Bình?

Thuế quan của Trump có ngăn chặn gián điệp TQ?

Tổng thống Donald Trump nói vòng thuế mới nhất là để đáp trả lại “thực tiễn thương mại không công bằng của Trung Quốc, bao gồm tình trạng trợ cấp thương mại và luật lệ yêu cầu các công ty nước ngoài trong một số lĩnh vực phải có đối tác địa phương.

“Chúng ta đã rất rõ ràng những thay đổi cần được thực hiện, và chúng ta đã cho Trung Quốc mọi cơ hội để đối xử với chúng ta công bằng hơn.

“Nhưng, đến nay, Trung Quốc đã không hề thay đổi,” ông Trump nói.

Ông cũng cảnh báo rằng nếu Trung Quốc trả đũa thì Mỹ sẽ “ngay lập tức” áp đặt thêm thuế quan trị giá 267 tỷ USD lên các sản phẩm Trung Quốc.

Nếu ông Trump tiến hành mức thuế quan trị giá 267 tỷ đôla, điều đó có nghĩa là hầu như tất cả các mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ phải chịu mức thuế mới.

Vòng đánh thuế thứ ba trong năm

Trên thực tế, vòng đánh thuế mới nhất này là lần thứ ba trong năm nay

Vào tháng Bảy, Nhà Trắng đánh mức thuế 34 tỷ đô la lên các sản phẩm Trung Quốc.

Sau đó, vào tháng trước, cuộc chiến thương mại leo thang nhanh chóng khi Mỹ tiến hành vòng đánh thuế thứ hai với mức thuế 25%, trị giá 16 tỷ đô la.

Vòng mới nhất này có nghĩa là khoảng một nửa tổng số hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ hiện đang phải chịu mức thuế mới.

Đây cũng là mức thuế quan lớn nhất cho đến nay, và không giống như những vòng đánh thuế trước đó, danh sách mới nhất này nhắm vào hàng tiêu dùng, như vali hành lý và đồ nội thất.

Điều đó có nghĩa là các hộ gia đình có thể bắt đầu cảm thấy giá thành cao hơn.

‘Chiến tranh thương mại từng dẫn đến Thế chiến’

Mỹ đưa mức thuế trả đũa của Nga lên WTO

Các công ty Mỹ đã nói rằng họ đang lo lắng về tác động lên doanh nghiệp và cảnh báo về nguy cơ cắt giảm việc làm.

Thuế quan Trump sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu, IMF cũng cảnh báo.

Các sản phẩm nào đã bị đánh thuế?

Các quan chức cho biết họ muốn bảo vệ hàng tiêu dùng từ các vòng đánh thuế càng nhiều càng tốt.

Nhưng nhiều mặt hàng hàng ngày như vali, túi xách, giấy vệ sinh và len có trong danh sách vòng đánh thuế mới nhất này.

Danh sách này cũng bao gồm một số mặt hàng thực phẩm từ thịt đông lạnh, đến hầu hết các loại cá từ cá thu hun khói đến sò điệp và đậu nành, nhiều loại trái cây và ngũ cốc và gạo.

Các sản phẩm giúp mạng máy tính hoạt động, chẳng hạn như bộ định tuyến cũng bị đánh thuế.

Các mặt hàng nào được miễn?

Danh sách dự kiến ban đầu bao gồm hơn 6.000 mặt hàng, nhưng các quan chức Mỹ sau đó đã loại bỏ khoảng 300 loại mặt hàng, bao gồm đồng hồ thông minh, mũ bảo hiểm xe đạp, ghế ăn cho trẻ em và ghế ô tô cho trẻ em.

Những thay đổi này xảy ra sau khi có sự phản đối quyết liệt từ các công ty, bao gồm cả những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Apple, Dell và Hewlett Packard Enterprise.

Các công ty đang lo lắng thuế quan sẽ làm tăng chi phí sản xuất vì nhiều sản phẩm của họ đang được sản xuất tại Trung Quốc.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45556504

 

Mỹ muốn đàm phán thương mại nghiêm túc

với Trung Quốc

Hoa Kỳ sẵn sàng thương thuyết về một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc bất cứ khi nào Bắc Kinh sẵn sàng cho những cuộc thảo luận nghiêm túc giúp giảm thuế quan và bãi bỏ những rào cản thương mại phi thuế quan, cố vấn kinh tế hàng đầu Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow nói ngày 17/9.

“Chúng ta sẵn sàng thương thuyết và thảo luận với Trung Quốc bất cứ lúc nào họ sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nghiêm chỉnh và bền vững về thương mại tự do để giảm thuế quan và những rào cản phi thuế quan, mở cửa thị trường, cho phép nền kinh tế cạnh tranh nhất trên thế giới của chúng ta xuất khẩu càng ngày càng nhiều hàng hóa và dịch vụ sang Trung Quốc,” ông Kudlow phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế ở New York.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-mu%E1%BB%91n-%C4%91%C3%A0m-ph%C3%A1n-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-nghi%C3%AAm-t%C3%BAc-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c-/4576009.html

 

Mỹ, EU, Trung Quốc

muốn tạo ảnh hưởng tại Đông Âu

Tổng thống Donald Trump ngày 17/9 xác nhận sự ủng hộ của Washington đối với hội nghị thượng đỉnh về kinh doanh nhằm thúc đẩy việc nối kết với Đông Âu và cải thiện các mối quan hệ giữa vùng này với Hoa Kỳ cũng như Liên hiệp Châu Âu.

Tuy nhiên phương Tây không phải chỉ là đối tác chính yếu duy nhất trong vùng. Một ít lâu sau khi Chủ tịch Ủy hội châu Âu Jean-Claude Juncker và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry đến Bucharest để dự Diễn đàn Sáng kiến Kinh doanh Ba Biển, Thủ tướng Romania Viorica Dancila gặp một giới chức cao cấp của Trung Quốc, nói rằng Romania muốn xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc và thu hút nhiều đầu tư của nước này.

Thời điểm chuyến viếng thăm của bà Thẩm Dược Dược, một giới chức cao cấp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, có thể gây ra quan ngại trong khung cảnh của một trong những hội nghị thượng đỉnh lớn nhất Romania tổ chức trong những năm gần đây. Tuy nhiên việc này cho thấy cách mà Romania và các nước láng giềng sử dụng đòn bẩy vùng này để thu hút những thỏa thuận tốt nhất cho phần kém phát triển nhất của khối này. Đó cũng là điều EU đang quan sát một cách chặt chẽ.

Nhà phân tích khu vực, Radu Magdin, nói các quốc gia Trung và Tây Âu “đủ bạo dạn để biết họ muốn gì và cũng tự nhận thức đủ để sử dụng sự cạnh tranh của các cường quốc nhằm có lợi cho họ.” Ông nói Hungary thích nghi để chơi “nhiều trò chơi liên hệ đến EU, một số giới bảo thủ tại Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc và Nga.”

Romania có truyền thống quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc kể từ kỷ nguyên cộng sản, nhưng thất bại trong việc lợi dụng những lời hứa của Trung Quốc như xây dựng một mạng lưới đường ray, ông Magdin nói. Hậu quả là Trung Quốc giao dịch nhiều hơn với Hungary, Serbia và Ukraine.

Đưa ra chủ đề cho hội nghị thượng đỉnh “Đẩy mạnh sự hợp tác châu Âu và Xuyên Đại Tây Dương,” ngày 17/9, ông Trump gởi thư cho Tổng thống Klaus Iohannis nói rằng 12 thành viên của Sáng kiến Ba Biển có thể mở rộng hạ tầng cơ sở, nối kết kinh doanh, củng cố an ninh năng lượng và giảm bớt rào cản thương mại.

Ông Trump viết “Hoa Kỳ vẫn hãnh diện là một đối tác trong những nỗ lực …trong vùng chiến lược quan trọng này.”

Hội nghị thượng đỉnh Bucharest diễn ra 2 tháng sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gặp các nhà lãnh đạo Trung và Đông Âu ở Sofia, thủ đô Bulgaria, tại hội nghị thượng đỉnh “16+1” lần thứ 7 trong đó các nước hy vọng thu hút được đầu tư được nhà nước Trung Quốc hỗ trợ.

Ông Magdin nói “Mọi người đều chú trọng đến những sáng kiến cạnh tranh vùng, nhưng Brussels quan ngại nhiều nhất vì có nguy cơ lớn lao về một EU bị chia rẽ giữa Đông và Tây Âu. Ông nói thêm là EU có thể ra luật cấm những đầu tư quan trọng không thuộc các nước EU trong tương lai.

Trong khi đó tại Bucharest, ông Juncker, ông Perry và Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic cùng các nguyên thủ quốc gia khác thảo luận khoảng 40 dự án được chính phủ chấp thuận nhằm đẩy mạnh sự liên kết vùng về giao thông, năng lượng và lĩnh vực kỹ thuật số.

Cùng với các nhà lãnh đạo này là các giới chức và các chủ ngân hàng thuộc Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Ngân hàng châu Âu về Tái thiết và Phát triển và Ngân hàng Thế giới.

Sáng kiến Ba Biển là sự hợp tác các các nước thành viên Liên hiệp Châu Âu nằm giữa Biển Adriatic, Biển Baltic và Biển Đen.

Áo là nước thành viên duy nhất không phải là quốc gia cộng sản trước đây.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức vào năm 2016.

Ông Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh thứ hai năm 2017 tại Warsaw, Balan.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-eu-trung-qu%E1%BB%91c-mu%E1%BB%91n-t%E1%BA%A1o-%E1%BA%A3nh-h%C6%B0%E1%BB%9Fng-t%E1%BA%A1i-%C4%91%C3%B4ng-%C3%A2u/4576027.html

 

Không lực Mỹ tìm cách

vượt xa Trung Quốc và Nga

Không lực Mỹ dự đoán cần phải tăng trưởng mạnh trong vòng thập niên tới hay hơn nữa, đẩy mạnh con số các phi đội hoạt động gần 25% để vẫn dẫn trước quân đội ngày càng hùng mạnh của Trung Quốc và Nga, các giới chức cho biết.

Bộ trưởng Không quân Heather Wilson nói với các phóng viên là các cuộc phân tích sơ khởi xuất phát một phần từ các tin tức tình báo mật về những đe dọa trong khoảng thời gian từ 2025 đến 2030 cho thấy là không lực với tầm vóc như hiện nay, khó có thể giữ được lợi thế của nước Mỹ.

“Không lực Mỹ quá nhỏ so với những gì đất nước cần chúng ta làm,” Bộ trưởng Wilson nói với báo giới trước khi đọc một bài diễn văn vào ngày 17/9 trình bày lập luận.

Phân tích của không lực Mỹ không bao gồm giá cả và bà Wilson từ chối ước đoán về chi phí. Tuy nhiên một sự lớn mạnh như vậy có thể tiêu tốn hàng tỉ đô la vì cần phải thuê mướn thêm nhân viên và mua thêm máy bay cần thiết từ các máy bay tiếp dầu và máy bay chiến đấu cho đến máy bay ném bom, do các công ty như Boeing Co (BA.N) và Lockheed Martin Corp (LMT.N) chế tạo.

Bà Wilson ước lượng không lực cần thêm hơn 40.000 nhân viên trong khuôn khổ của kế hoạch có được tổng cộng 386 phi đội hoạt động, tăng 24% so với con số 312 hiện nay. Mức tăng này sẽ nâng tổng số nhân viên của không quân lên đến 717.000 người, gồm cả bảo vệ và trừ bị.

Không lực Hoa Kỳ có 401 phi đội vào năm 1987, vào lúc Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên bang Xô Viết lên đến cao độ.

Thường do một Trung tá chỉ huy, phi đội là đơn vị chiến đấu căn bản của Không lực Mỹ và gồm từ 18 đến 24 máy bay.

Không lực Mỹ trù liệu sẽ có những cuộc tranh luận sôi nổi về những ưu tiên trong chi tiêu quốc phòng, kể cả bên trong Ngũ Giác Đài, nơi các ngành của quân lực mạnh nhất thế giới đã tranh nhau các nguồn lực một cách kịch liệt.

Sự cạnh tranh này sẽ tăng lên nếu Tổng thống Donald Trump thành công trong việc thành lập một “Lực lượng Không gian” mới như là một ngành thứ 6 của quân đội, điều mà ông hy vọng làm được vào năm 2020.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, chi phí Quốc phòng chiếm khoảng 1/6 ngân sách liên bang. Dù một số nhà lập pháp than phiền Ngũ Giác Đài chiếm một phần nguồn lực quá lớn, nhưng chi tiêu quốc phòng được Quốc hội ủng hộ rộng rãi.

Bà Wilson từ chối nêu chi tiết bản phân tích mật về các mối đe dọa quân sự trong tương lai.

Tuy nhiên bà đưa ra những sự kiện nổi bật mới đây như việc Nga tổ chức cuộc tập trận lớn nhất trong tháng này kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, với sự tham dự của 300.000 binh sĩ.

Các giới chức Ngũ Giác Đài tin là thách thức lớn nhất sẽ là vượt lên trước khả năng quân sự đang bành trướng nhanh chóng của Trung Quốc.

“Đe dọa đang gia tăng,” bà Wilson nói. “Chúng ta phải có cái nhìn rõ rệt về thế giới chúng ta đang sống.”

Bà Wilson nói tiếp “Tuy nhiên tôi nghĩ là chúng ta phải rõ ràng đối với những gì cần thiết để bảo vệ những quyền lợi thiết yếu của đất nước này.”

https://www.voatiengviet.com/a/kh%C3%B4ng-l%E1%BB%B1c-m%E1%BB%B9-t%C3%ACm-c%C3%A1ch-v%C6%B0%E1%BB%A3t-xa-trung-qu%E1%BB%91c-v%C3%A0-nga-/4576018.html

 

Mỹ giảm nhận người tị nạn

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo ngày 17/9 loan báo trong năm tài khóa 2019, số lượng người tị nạn được phép vào Mỹ sẽ được quy định ở mức 30 ngàn trường hợp, giảm mạnh so với con số giới hạn 45 ngàn người trong năm nay.

“Chúng tôi đề nghị tái định cư cho 30 ngàn người tị nạn theo mức trần mới quy định cũng như xử lý hồ sơ hơn 280 ngàn người tới Mỹ tầm trú,” Ngoại trưởng Pompeo loan báo tại Bộ Ngoại giao.

Số lượng người tị nạn giới hạn trong năm 2018 ở mức 45 ngàn đã là mức thấp nhất kể từ năm 1980 tới nay, khi chương trình người tị nạn trong thời đại mới được thành lập. Hoa Kỳ nhận 22 ngàn người tị nạn trong năm nay, tức chỉ phân nửa số tối đa cho phép.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016 cam kết siết chặt chính sách di trú và chính quyền Trump đã giảm mạnh việc nhận di dân thông qua các sắc lệnh hành pháp cũng như các quyết định ‘kín’ trong một năm rưỡi qua.

https://www.voatiengviet.com/a/my-giam-nhan-nguoi-ti-nan-/4575614.html

 

Tỷ phú Nhật là khách đầu tiên

của SpaceX bay lên Mặt Trăng

SpaceX, công ty của Elon Musk, loan báo khách hàng đầu tiên bay lên Mặt Trăng nhờ tên lửa đẩy của SpaceX là doanh nhân người Nhật Yusaku Maezawa, theo Reuters.

Ông Maezawa, 42 tuổi, là người sáng lập và giám đốc điều hành của cửa hàng bán lẻ thời trang trực tuyến Zozo.

Elon Musk tham gia #DeleteFacebook

Cuộc đua mới chinh phục vũ trụ

Từng là một tay trống trong ban nhạc punk rock, tỷ phú Maezawa sẽ có một chuyến vòng quanh mặt trăng trên tàu vũ trụ Big Falcon Rocket. Sự kiện này nhằm đưa việc thương mại hóa ngành du lịch vũ trụ lên tầm cao mới.

Là hành khách đầu tiên lên Mặt Trăng từ khi sứ mệnh Apollo của Hoa Kỳ kết thúc vào năm 1972, danh tính của Maezawa được tiết lộ tại sự kiện đêm 17/9 tại trụ sở chính của công ty và nhà máy tên lửa ở ngoại ô Hawthorne, Los Angeles ,theo Reuters.

Trước đó, hôm 13/9, Musk post trên Twitter một tấm ảnh lá cờ Nhật. Hôm 16/9, ông post tiếp phần diễn giải hoạt động của Big Falcon Rocket, tàu vũ trụ mà Musk hứa hẹn sẽ đưa hành khách lên Mặt Trăng và sau đó đưa người và hàng hóa đến sao Hỏa.

Trong khi Big Falcon Rocket vẫn chưa hoàn thiện, Musk nói rằng ông muốn tên lửa sẵn sàng cho một chuyến đi không người lái tới sao Hỏa vào năm 2022, và với một chuyến bay có phi hành đoàn vào năm 2024.

SpaceX lên kế hoạch cho sứ mệnh bay vào quỹ đạo Mặt Trăng.

Không rõ Maezawa trả bao nhiêu tiền cho chuyến đi.

Maezawa gầy dựng tài sản bằng cách lập website mua sắm Zozotown. Công ty Zozo, tên chính thức là Start Today Co Ltd, cũng cung cấp dịch vụ may đo Zozosuit.

Ngoài SpaceX, còn có Blue Origin và Virgin Galactic khởi động các chuyến tàu vũ trụ tư nhân nhắm vào khách hàng là người nổi tiếng và người siêu giàu.

Trong số những người đăng ký bay trên tàu Virgin Galactic có tài tử Leonardo DiCaprio và ngôi sao nhạc pop Justin Bieber. Chuyến bay dài 90 phút có giá 250.000 đôla.

Cuộc đua chinh phục không gian trong thời Chiến tranh Lạnh từng đẩy hai siêu cường thế giới vào thế cạnh tranh quyết liệt trong việc khám phá thế giới bên ngoài Trái Đất.

Nhưng giờ đây, chúng ta đã có thể bỏ qua những quy tắc truyền thống về công cuộc chinh phục không gian: gần như là cứ có tiền và có một hãng nào đó hỗ trợ là bạn có thể bay vào vũ trụ.

Cuộc đua không còn là giữa các quốc gia với nhau nữa, mà là giữa các công ty.

Tàu vũ trụ dân dụng: Ước mơ không còn xa?

Tàu vũ trụ sẽ rẻ như phi cơ dân dụng?

Năng lượng nào cho tàu vũ trụ tương lai?

Vũ trụ – nơi tạo ra những đột phá

Từ những ngày ban đầu với việc phóng vệ tinh Sputnik hồi 1957 và chuyến bay của Yurin Gagarin hồi 1961, hành trình khám phá vũ trụ của nhân loại đã luôn chiếm vị trí quan trọng trong cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ – các bên đặc biệt coi trọng việc bên nào sẽ đưa được con người lên Mặt Trăng trước tiên.

Trong suốt cuộc cạnh tranh nhằm “bay xa hơn vào vũ trụ”, vấn đề lợi ích kinh doanh luôn chỉ là mục đích phụ.

Chính phủ chi trả và duy trì các nỗ lực chinh phục không gian.

Vệ tinh thương mại đầu tiên trên thế giới – Early Bird – được phóng đi vào năm 1965, nhưng cho tới tận gần đây những bước phát triển trong lĩnh vực vũ trụ nhằm phục vụ mục tiêu dân sự đa phần chỉ hạn chế ở mức các vệ tinh viễn thông lớn.

Tốn hết vài trăm triệu đô la, nặng tới vài tấn, các vệ tinh này được thiết kế nhằm hoạt động trong 15 năm, đủ để các nhà đầu tư thu hồi chi phí sản xuất ban đầu.

Thế nhưng đang có một cuộc cách mạng diễn ra. Các tiến bộ công nghệ đang lật đổ những mô hình hoạt động truyền thống trong vũ trụ.

Một nhóm các công ty đang hứa hẹn sẽ tìm cách đưa con người lên không gian với mức chi phí rẻ hơn, nhờ vào các sáng chế như loại tên lửa tái sử dụng và các hệ thống phóng tên lửa theo chiều ngang.

Hành trình hơn 60 năm con người chinh phục vũ trụ

Vệ tinh đang ngày càng nhỏ gọn hơn, có giá thành rẻ hơn – hiện đang có khoảng 1.500 chiếc bay trong quỹ đạo trên đầu chúng ta.

Với lượng thông tin và hình ảnh khổng lồ thu được từ vũ trụ, cộng với việc ngày càng có thêm nhiều các công ty mới tham gia vào tiến trình xử lý, phân tích, diễn giải và marketing những dữ liệu, hình ảnh đó, thì đây quả là một cuộc cách mạng thông tin thực sự.

“Chúng ta nay có thể làm được nhiều thứ chỉ bằng với cỗ máy bé như chiếc hộp đựng giày, những thứ trước kia cần phải dùng tới thứ máy móc to như chiếc xe buýt,” Stuart Martin, giám đốc điều hành Satellite Applications Catapult, một hãng của Anh chuyên hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực chinh phục không gian, nói.

Ngành này hiện đang nhận được nhiều khoản đầu tư. Trong năm 2016, ngành kinh tế vũ trụ toàn cầu có tổng trị giá 329 tỷ đô la, với ba phần tư đến từ các hoạt động thương mại thay vì từ các nguồn vốn chính phủ.

Tên lửa là phương tiện giúp chúng ta đi vào vũ trụ, là ‘chiếc chuyên chở’ không thể thiếu cho hành trình chinh phục không gian của nhân loại. Và nay, khi nói đến tên lửa thì giới tỷ phú đang là nhóm đi tiên phong.

Pháo đài bay B-52 và sứ mệnh tìm đường lên Mặt Trăng

Chiếc phi cơ Anh làm thay đổi ngành hàng không thế giới

48 giờ bất hạnh thử làm phi hành gia

SpaceX của doanh nhân công nghệ Elon Musk đang sử dụng các tên lửa Falcon 9 để tiếp vận cho Trạm Không gian Quốc tế (ISS), còn Blue Origin của Jeff Bezos đang phát triển các bệ phóng New Shepard và New Glenn.

Cả hai hãng đều đưa ra các công nghệ mang tính cách mạng, cho phép việc tiếp đất theo chiều thẳng đứng – một bước đi quan trọng trong việc hướng tới sản xuất các tên lửa có thể tái sử dụng nhiều lần.

Tập đoàn Virgin của Richard Branson thì đang nghiên cứu khả năng phóng vệ tinh từ trên không – bên cạnh các kế hoạch mở các chuyến du hành không gian dưới quỹ đạo.

Bay vào không gian bằng tên lửa

Rocket Lab của New Zealand, một công ty mới ‘trình làng’, đang hy vọng sẽ tạo thay đổi trong cách thức tìm hiểu, khám phá vũ trụ.

Hiện vẫn đang trong giai đoạn trứng nước, đây là hãng sản xuất tên lửa duy nhất trên thế giới có tổ hợp bệ phóng riêng đặt tại Bán đảo Mahia ở Đảo Bắc.

Vào lúc này, không có công ty chuyên phóng tên lửa nào hoạt động thuần túy với mục tiêu dân dụng. “Các hãng đều được chính phủ trợ giá rất mạnh, bằng cách này hay cách khác,” Stuart Martin nói.

Tuy tên lửa chưa có nhiều thay đổi kể từ thời Sputnik được phóng đi, 1957 – ta vẫn phải thắng được lực hấp dẫn của Trái Đất và đi vào quỹ đạo – nhưng sẽ là sai lầm nếu ta nghĩ rằng Rocket Lab đơn giản chỉ là một nhà sản xuất tên lửa truyền thông, sáng lập viên của hãng là Peter Beck nói.

Hiện giá thành trung bình một vụ phóng vệ tinh là khoảng 200 triệu đôla.

Peter Beck nói rằng một khi vệ tinh của công ty ông đi vào hoạt động, ông muốn tìm cách đi vào vũ trụ với giá 5 triệu đôla, và “ở mức độ thường xuyên vào khoảng mỗi tuần một chuyến”.

Ý tưởng phát triển của Rocket Lab tập trung vào tên lửa Electron của hãng, được thiết kế đặc biệt để đưa những tên lửa cỡ nhỏ vào quỹ đạo.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45538666

 

Cơ quan tị nạn LHQ chán ngán

với cắt giảm mới của chính quyền Trump

Cơ quan tị nạn của Liên hiệp quốc, gọi tắt là UNHCR, hôm thứ Ba 18/9 từ chối chỉ trích quyết định về việc cắt giảm suất tái định cư cho người tị nạn của chính quyền Tổng thống Donald Trump, và nói rằng Hoa Kỳ quyết định về chính sách của riêng họ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết hôm thứ Hai số người tị nạn được Hoa Kỳ nhận cho tái định cư sẽ giới hạn ở mức tối đa là 30.000 người cho năm tài chính 2019, giảm mạnh so với giới hạn 45.000 người được đặt ra cho năm 2018.

Phát ngôn viên của UNHCR, ông William Spindler phát biểu tại một cuộc họp thường lệ của Liên hiệp quốc: “Quyết định nhận những người tị nạn nào và được cho tái tái định cư ở đâu do chính phủ các quốc gia, như Hoa Kỳ, đưa ra.”

Nhiều lần bị hỏi dồn liệu Cơ quan Tị nạn Liên hiệp quốc có thất vọng bởi quyết định cắt giảm của Mỹ, vốn là nhà tài trợ lớn nhất và là nước nhận nhiều người tị nạn nhất thế giới, ông Spindler từ chối trả lời.

“Tôi đã nói những gì tôi phải nói,” ông nói.

Mức giới hạn nhận tối đa 45.000 người tị nạn được đặt ra hồi năm ngoái là mức thấp nhất kể từ năm 1980, khi chương trình tị nạn mới được khởi xướng. Hoa Kỳ cho tới thời điểm này trong năm mới nhận 22.000 người tị nạn, tức mới khoảng một nửa con số giới hạn tối đa.

Trong quá trình vận động tranh cử năm 2016, ông Trump hứa sẽ hạn chế nhập cư nghiêm ngặt, và chính quyền của ông đã giảm mạnh số người tị nạn được tái định cư ở Mỹ thông qua các lệnh hành pháp và các quyết định nội bộ trong một năm rưỡi qua.

Hồi tháng 1, ông đặt câu hỏi tại sao Hoa Kỳ lại muốn những người nhập cư từ các nước “hố phân,” theo các nguồn tin quen thuộc với các bình luận của ông.

UNHCR đã báo động trong những năm qua về số người buộc phải chạy nạn trên khắp thế giới đang ngày càng tăng, với 68,5 triệu người vào cuối năm 2017, trong đó có 25,4 triệu người phải trốn chạy xung đột và khủng bố.

Ông Spindler cho biết khoảng 8% người tị nạn là những người dễ gặp nguy nhiểm nhất và cần được tái định cư, nhưng con số thực tế được nhận cho tái định cư ít hơn 1%, và số nơi nhận cho người tị nạn tái định cư chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu này, ngay cả trước khi Mỹ hạ mức giới hạn xuống.

Ngoại trưởng Pompeo cho biết giới hạn mới về nhận người tị nạn tái đính cư phản ánh quan điểm của chính quyền về việc để cho người tị nạn ở gần với quốc gia của họ hơn, và được giải thích rằng sẽ đỡ tốn kém hơn so với việc tái định cư họ ở Mỹ

Ngoại trưởng Pompeo nói thêm rằng điều này còn dựa trên mối quan tâm về an ninh.

Ông Spindler cho biết Hoa Kỳ áp dụng một quy trình sàng lọc rất dài và nghiêm ngặt.

Ông nói quy trình “bao gồm tám cơ quan chính phủ, sáu cơ sở dữ liệu bảo mật riêng biệt, năm cuộc kiểm tra lý lịch và ba cuộc phỏng vấn trực tiếp.”

https://www.voatiengviet.com/a/co-quan-ti-nan-lhq-chan-ngan-voi-cat-giam-moi-cua-chinh-quyen-trump/4576472.html

 

Trừng phạt Bình Nhưỡng:

Mỹ, Nga đấu khẩu dữ dội tại Hội Đồng Bảo An

Trọng Thành

« Lừa đảo », « dối trá » là những từ ngữ được dùng để buộc tội đối phương tại một phiên họp của Hội Đồng Bảo An, bàn về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên, ngày 17/09/2018. Mỹ – Nga đấu khẩu dữ dội, ngay hôm trước cuộc thượng đỉnh Liên Triều, được tổ chức tại Bình Nhưỡng, nhằm tìm giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.

Đại sứ Hoa Kỳ Nikki Haley đã cáo buộc Matxcơva « lừa dối », « tìm cách lách các quy định trừng phạt ». Bà Nikki Haley đặc biệt lên án các áp lực mới đây của Nga buộc nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc, phụ trách thẩm định việc thực thi các biện pháp của Hội Đồng Bảo An, phải đưa ra khỏi báo cáo nhiều đoạn văn, mô tả việc Nga vi phạm nghị quyết trừng phạt.

Để đáp trả, đồng nhiệm Nga Vassily Nebenzia đã chỉ trích đại sứ Mỹ Washington có những lời lẽ « bốc lửa ». Đại diện Nga tại Hội Đồng Bảo An cũng bác bỏ cáo buộc Matxcơva hậu thuẫn cho các doanh nghiệp vi phạm lệnh trừng phạt, và phẫn nộ lên án Washington lừa dối cộng đồng quốc tế, phát tán thông tin bịa đặt.

Trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, kể từ khi Hội Đồng Bảo An đạt được quan điểm thống nhất trong việc áp đặt các trừng phạt để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân hồi 2017, chưa bao giờ căng thẳng Mỹ-Nga lại bùng lên dữ dội như vậy. Có mặt tại phòng họp, đại sứ Anh, đại sứ Trung Quốc kêu gọi các thành viên bình tĩnh, để bảo vệ sự đoàn kết của Hội Đồng.

Về phần mình, đại sứ Pháp François Delattre nhấn mạnh là báo cáo mới của các chuyên gia cho thấy Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, và Hội Đồng Bảo An cần « sẵn sàng gia tăng trừng phạt, nếu cần ». Đại sứ Pháp cũng lưu ý là các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc không phải là một « thực đơn », mà mỗi nước áp dụng tùy theo « khẩu vị ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180918-trung-phat-binh-nhuong-my-nga-dau-khau-du-doi-tai-hoi-dong-bao-an

 

Liên Hiệp Quốc cổ vũ Miến Điện

rút quân đội ra khỏi chính trường

Thụy My

Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc hôm nay 18/09/2018 cổ vũ chính quyền dân sự Miến Điện loại quân đội nước này ra khỏi chính trường, do liên can đến việc « diệt chủng » người Rohingya. Báo cáo chung cuộc của phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc về Miến Điện kết luận: chính quyền Miến Điện cần « tiếp tục tiến trình nhằm đưa quân đội ra khỏi chính trường », và sửa đổi Hiến pháp theo hướng này.

Mặc dù chính quyền dân sự của giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi đã lên nắm quyền từ năm 2016, nhưng quân đội vẫn giữ vị trí trung tâm trong đời sống chính trị Miến Điện. Quân đội nắm ba bộ quan trọng là Quốc Phòng, Nội Vụ, Biên Giới, và giới quân nhân chiếm một phần tư trong Quốc Hội, có thể ngăn chận mọi sửa đổi Hiến pháp.

Cũng như hồi cuối tháng Tám, các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc cũng đòi cách chức và khởi tố tổng tham mưu trưởng quân đội Min Aung Hlang cùng với năm tướng lãnh khác vì các tội « diệt chủng », « tội ác chống nhân loại » và « tội ác chiến tranh ».

Phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc do không được phép đến Miến Điện, đã phỏng vấn trên 850 nạn nhân và nhân chứng, đổng thời sử dụng những hình ảnh vệ tinh để kiểm chứng. Bản báo cáo nêu chi tiết một danh sách dài các tội ác đối với người Rohingya : « sát nhân », « tra tấn », « bạo hành tình dục », « cưỡng bức lao động », « làm mất tích », mà theo các nhà điều tra, là « những tội ác trầm trọng nhất theo luật pháp quốc tế ».

Báo cáo đòi hỏi « chấm dứt mọi hoạt động quân sự bất hợp pháp, vô ích hoặc mất cân xứng, đặc biệt là nhắm vào thường dân », và yêu cầu chính quyền Miến Điện « không cản trở cho việc quay lại sinh sống lâu dài » của người Rohingya. Đồng thời cần phối hợp với hội Hồng Thập Tự và chính quyền Bangladesh để nhận diện số người bị giết chết hoặc mất tích.

Trên 700.000 người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi đã phải bỏ trốn khỏi Miến Điện trong năm 2017, và theo Y Sĩ Không Biên Giới (MSF), có khoảng 10.000 người bị sát hại.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180918-lien-hiep-quoc-co-vu-mien-dien-rut-quan-doi-ra-khoi-chinh-truong

 

32 nghị sĩ EU đòi VN cải thiện nhân quyền

trước khi thông qua EVFTA

Một nhóm nghị sĩ Liên hiệp châu Âu mới đây đã gửi một bức thư chung đến hai lãnh đạo của khối, đề nghị họ “thúc đẩy để có tiến bộ mạnh mẽ về nhân quyền ở Việt Nam” trước khi phê chuẩn Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam (EVFTA).

Bức thư của 32 nghị sĩ đề ngày 17/9, được gửi đến Đại diện Cấp cao đặc trách chính sách Đối Ngoại và An ninh của EU, bà Federica Mogherini, và Ủy viên Thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom.

Nội dung bức thư viết bằng tiếng Anh, được tải lên trang web của nghị sĩ Ramon Tremosa, một đại diện của Tây Ban Nha trong nghị viện EU, có đoạn nói rằng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam hiện nay “làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc” và “gây nghi ngại lớn” về cam kết của Việt Nam đối với tôn trọng nhân quyền.

Lưu ý đến cam kết của EU về việc cổ vũ cho nhân quyền trong các chính sách đối ngoại và thương mại, 32 nghị sĩ viết trong thư là họ tin rằng điều cấp thiết EU phải làm là “nêu rõ về một loạt các chuẩn mực nhân quyền mà Việt Nam cần đáp ứng” trước khi EVFTA được đệ trình lên Nghị viện EU để phê chuẩn.

Trên thế giới không ai có thể yên lặng trước những hành động có thể gọi là tàn nhẫn như thế này. Và tôi ước mong rằng các nghị sĩ lên tiếng nhiều hơn nữa để những áp lực này sẽ có những thành quả, những hiệu quả tốt.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng

Từ Pháp, nhà hoạt động Phạm Minh Hoàng nhận xét với VOA rằng bức thư của nhóm nghị sĩ EU là một động thái “tích cực” song không gây ngạc nhiên nếu xét đến bối cảnh trong hơn một năm trở lại đây, chính quyền Việt Nam liên tiếp ra những bản án nặng nề tổng cộng lên đến trên 220 năm tù đối với khoảng 20 người đấu tranh vì dân chủ.

Chỉ 1 tháng trước, một tòa án ở Nghệ An kết án nhà hoạt động Lê Đình Lượng 20 năm tù về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, mức án cao nhất từ trước đến nay cho một người bất đồng chính kiến.

Ông Phạm Minh Hoàng, cựu giảng viên đại học bị Việt Nam tước quốc tịch và trục xuất về Pháp hồi năm ngoái, cho biết trong một vài tháng gần đây, ông đã tiếp xúc với các nghị sĩ trong nghị viện châu Âu, thuyết phục họ tích cực bày tỏ thái độ về những vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam.

Ông nói với VOA:

“Trên thế giới không ai có thể yên lặng trước những hành động có thể gọi là tàn nhẫn như thế này. Và tôi ước mong rằng các nghị sĩ lên tiếng nhiều hơn nữa để những áp lực này sẽ có những thành quả, những hiệu quả tốt, đặc biệt là cho những người đấu tranh dân chủ ở trong nước, cũng như là cho đất nước của chúng ta trong tương lai”.

Nhóm nghị sĩ nêu ra một số việc cụ thể mà Việt Nam cần làm, hàng đầu là bãi bỏ các điều 109, 116, 117, 118 và 331 trong Bộ luật Hình sự – là các điều về “chống phá”, “lật đổ” – và bảo đảm rằng bộ luật phù hợp với Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).

Các điều 74 và 173 của Luật Tố tụng Hình sự cũng phải bị bãi bỏ, và chính quyền cần cho phép tất cả những ai bị giam giữ, kể cả những người bị cáo buộc phạm các tội liên quan đến an ninh quốc gia, đều được tư vấn pháp lý ngay sau khi bị bắt, theo bức thư.

Tôi nghĩ việc 32 nghị sĩ Âu châu lên tiếng không phải là cái gì to tát hay vĩ đại lắm. Nhưng trong bối cảnh Việt Nam đang nhờ cậy đến Âu châu, đây rõ là một áp lực mà nhà cầm quyền sẽ không thể mạnh tay. Và tôi hy vọng là họ sẽ phải dè chừng trước những bản án trong tương lai.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng

Một đề nghị quan trọng khác được 32 nghị sĩ nêu ra là Việt Nam cần thả tất cả những người đã bị kết án tù hoặc đang bị tạm giam chỉ vì họ thực hiện các quyền cơ bản. Thư nêu tên của 21 nhà hoạt động hoặc bất đồng chính kiến, trong đó có Hòa Thượng Thích Quảng Độ, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm), bà Trần Thị Nga, ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Hoàng Đức Bình, và nhiều người khác.

Bức thư của nhóm nghị sĩ EU cũng đề nghị Việt Nam sửa đổi các luật về an ninh mạng và tôn giáo-tín ngưỡng, công nhận công đoàn độc lập, và thông qua một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về bảo vệ các quyền của người lao động.

Nhóm nghị sĩ cảnh báo rằng Việt Nam cần “nỗ lực một cách thực tâm” để giải quyết các vấn đề nhân quyền cấp bách vừa nêu, đồng thời “cho thấy những cải thiện cụ thể” trước khi nghị viện châu Âu bỏ phiếu về hiệp định EVFTA. Nếu không, “chúng tôi khó có thể bỏ phiếu thuận để thông qua hiệp định,” nhóm nghị sĩ nói trong thư.

Theo giáo sư Phạm Minh Hoàng, chính quyền Việt Nam “hiện đang rất cần” hiệp định thương mại tự do giữa Âu châu và Việt Nam “bởi vì họ không còn nơi nào khác để nương tựa”.

Giáo sư Hoàng cũng thận trọng nói rằng xét đến tương quan giữa 32 nghị sĩ ký vào bức thư với tổng cộng 750 nghị sĩ trong nghị viện chung châu Âu, cần “chừng mực” khi kỳ vọng về tác động của bức thư:

“Tôi nghĩ việc 32 nghị sĩ Âu châu lên tiếng không phải là cái gì to tát hay vĩ đại lắm. Nhưng trong bối cảnh Việt Nam đang nhờ cậy đến Âu châu, đây rõ là một áp lực mà nhà cầm quyền sẽ không thể mạnh tay. Và tôi hy vọng là họ sẽ phải dè chừng trước những bản án trong tương lai”.

Nói chung, chính sách của Việt Nam là không chấp nhận sức ép từ bên ngoài. Tôi nghĩ phía Liên minh châu Âu nên có sự trao đổi trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng để phía Việt Nam hiểu sự quan tâm của Liên minh châu Âu và có thể có các bước đi thích hợp có lợi cho cả hai bên.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng trị giá trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU28) trong năm 2017 đạt 50,46tỷ đô la, trong đó tổng lượng hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường EU đạt 38,27 tỷ đô la, chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Từ Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói với VOA rằng tuy EU là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ, song cách tiếp cận gây sức ép về nhân quyền có thể không đem lại hiệu quả mong muốn.

Ông nói:

“Nói chung, chính sách của Việt Nam là không chấp nhận sức ép từ bên ngoài. Tôi nghĩ phía Liên minh châu Âu nên có sự trao đổi trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng để phía Việt Nam hiểu sự quan tâm của Liên minh châu Âu và có thể có các bước đi thích hợp có lợi cho cả hai bên”.

Việt Nam và EU chính thức khởi động đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa hai bên vào tháng 6/2012 và hoàn tất đàm phán vào đầu tháng 12/2015.

Tuy nhiên, gần 3 năm trôi qua, hiệp định chưa được hai bên ký kết chính thức và thông qua để đi vào thực thi. Mối quan tâm của EU đến 3 vấn đề gồm nhân quyền, các quyền của người lao động và bảo vệ môi trường được xem là các trở ngại chính.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói ông mong rằng hai bên sẽ tích cực “trao đổi ý kiến” để quan điểm hai bên xích lại gần nhau hơn và đi đến ký kết, thông qua hiệp định vào tháng 3/2019, trước cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 5.

Hồi cuối tháng 7, theo một bản tin trên trang nhadautu.vn, Nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu, nói ông hy vọng lễ ký kết hiệp định “sẽ diễn ra trong tháng 10” tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), “hoặc muộn hơn vào tháng 11 tới”.

Ông nói thêm rằng “Nếu vì lý do nào đó làm chậm việc ký kết, chẳng hạn chậm 1 năm, không ai có thể biết nó sẽ diễn ra như thế nào trong nhiệm kỳ mới của Nghị viện châu Âu”.

https://www.voatiengviet.com/a/ba-hai-nghi-si-eu-doi-vn-cai-thien-nhan-quyen-truoc-khi-thong-qua-evfta/4576607.html

 

Doanh nghiệp châu Âu tố cáo

nạn cạnh tranh bất bình đẳng ở Trung Quốc

Thụy My

Trong báo cáo thường niên công bố hôm nay 18/09/2018, Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc tố cáo Bắc Kinh thiếu thiện chí trong việc mở cửa thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài qua nạn phân biệt đối xử, những quy định không rõ ràng…mặc dù liên tục hứa hẹn cải cách.

Những chỉ trích trên đây được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đợt hai lên hàng Trung Quốc nhập khẩu. Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, ông Mats Harborn nhấn mạnh « gốc rễ của cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ chính là do Bắc Kinh không chịu mở cửa hoàn toàn thị trường Hoa lục ».

Bản báo cáo dài 400 trang nhận định, Trung Quốc đã có một số tiến bộ như giảm thuế hải quan, mở rộng thêm đôi chút trên thị trường tài chính và thiết bị y tế. Tuy nhiên các doanh nghiệp ngoại quốc vẫn phải cạnh tranh một cách bất bình đẳng tại Hoa lục.

Phòng Thương mại châu Âu đại diện cho 1.600 công ty làm ăn tại Trung Quốc, tố cáo các tập đoàn quốc doanh chiếm độc quyền trong nhiều lãnh vực, và doanh nghiệp nước ngoài cũng không được tham gia thị trường đấu thầu của nhà nước do thiếu minh bạch và tùy tiện.

Đối với các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc kế hoạch « Con đường tơ lụa mới », có đến 90% số hợp đồng rơi vào tay các công ty Trung Quốc. Luật an ninh mạng bắt đầu có hiệu lực từ năm 2017 đặc biệt bị đả kích, do quy mô dữ liệu bị kiểm soát không được quy định rõ ràng.

Cũng theo ông Harborn, chính quyền Bắc Kinh qua các động thái tái cấu trúc muốn làm cho các tập đoàn quốc doanh « lớn hơn và hiệu quả hơn », nhưng trên thực tế không có lợi lộc gì cho việc chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180918-doanh-nghiep-chau-au-to-cao-phai-canh-tranh-bat-binh-dang-tai-trung-quoc

 

Nga đổ lỗi cho Israel

vụ phi cơ Il-20 bị Syria bắn hạ

Chính quyền Nga đổ lỗi cho không quân Israel về vụ chiếc phi cơ quân sự Il-20 của họ bị trúng đạn phòng không của Syria.

Syria: Dân chạy trốn, chiến sự leo thang

Tổng thống Syria ‘sẽ thăm Bắc Hàn’

Chiếc phi cơ vận tải quân sự của Nga với 15 người trên khoang đã mất tích từ 20 giờ tối hôm thứ Hai ở Syria.

Chiếc Il-20 bay trên biển Địa Trung Hải và đáng ra phải về căn cứ trước nửa đêm hôm thứ Hai, giờ địa phương.

Nhưng nay, theo thông tấn TASS của Nga trích nguồn Bộ Quốc phòng thì Syria bắn rơi chiếc phi cơ này do nhầm lẫn.

Tuy thế, Nga lại nói Israel phải chịu trách nhiệm gây ra vụ không chiến.

Israel thừa nhận họ có tấn công vào khu vực Latakia của Syria.

Chiếc Il-20 mất tích đúng vào lúc bốn chiếc F-16 của Israel đang oanh kích các mục tiêu của Syria, nước đồng minh với Nga.

Theo hãng tin Sana thì phòng không Syria đã bắn trả khi thấy hỏa tiễn của đối phương bay từ phía biển vào Latakia trước 22 giờ hôm thứ Hai.

Vụ việc xảy ra ở địa điểm cách bờ biển Syria chừng 35 km.

Chiếc Ilyushin Il-20 đang trên đường về căn cứ của Nga ở Hmeimim nằm về phía Tây Bắc của Latakia.

Quan chức Israel thừa nhận họ đã tấn công 200 mục tiêu của Iran tại Syria trong 18 tháng qua.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45561145

 

Syria: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ

thỏa thuận lập vùng ‘‘phi quân sự’’ tại Idlib

Trọng Thành

Chiến dịch tấn công quy mô lớn của quân đội Damas nhắm vào tỉnh Idlib, tây bắc Syria, do các lực lượng nổi dậy kiểm soát, đã tạm thời bị đình chỉ. Hôm qua 17/09/2018, hai tổng thống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận lập vùng đệm, rộng từ 15 đến 20 km, ngăn cách các vị trí của quân nổi dậy và quân đội Syria.

Toàn bộ vũ khí hạng nặng và các lực lượng bị coi là « cực đoan nhất » sẽ phải rời khỏi khu vực này. Khu vực được đặt sự kiểm soát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân cảnh Nga. Viễn cảnh thảm họa nhân đạo khủng khiếp, đe dọa tính mạng của ba triệu thường dân Idlib, mà cộng đồng quốc tế lo ngại, tạm thời lùi xa. Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Matxcơva :

Cụ thể là việc lập ra vùng đệm này sẽ gây khó khăn cho một đợt tấn công quy mô lớn trên bộ, nhưng điều đó không có nghĩa là không quân Nga và Syria sẽ không thể tấn công vào các vị trí của quân nổi dậy, nằm ở bên ngoài khu vực, nếu Matxcơva và Damas muốn.

Tuy nhiên, nhìn chung, và trong thời gian trước mắt, có thể coi giả thuyết về một đợt tấn công quy mô lớn đã bị gạt qua một bên, trong lúc mà chỉ cách nay chục hôm, Nga, chế độ Damas và Iran dường như đã kiên quyết tiến hành một chiến dịch như vậy.

Rõ ràng là tổng thống Nga đã chọn cách nương nhẹ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Hai lãnh đạo Nga, Thổ đã phải mất bốn giờ đồng hồ thương lượng, mới đi được đến quyết định này. Tuy nhiên tại Teheran, cách đây mười hôm, bất đồng giữa Putin và Erdogan về cùng một vấn đề đã phơi bày trước các ống kính camera của toàn thế giới. Kể từ đó, tổng thống Nga đã chọn cách không tỏ ra giận giữ với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, được coi là một tác nhân không thể vắng mặt trong hồ sơ Syria. Tuy nhiên, nước Nga cũng có được một vùng phi quân sự rộng từ 15 km đến 20 km, cho phép các căn cứ của Nga ở khu vực này không bị các máy bay không người lái của phe nổi dậy tấn công.

Về phía Iran, theo AFP, cố vấn của giáo chủ Iran về quan hệ quốc tế, Ali Akbar Velayati, một mặt hoan nghênh thỏa thuận Nga, Thổ lập vùng đệm, mặt khác, tuyên bố các thương lượng vẫn đang được tiến hành nhằm giúp Damas lấy lại tỉnh Idlib, với tổn thất thấp nhất.

Trái bóng hiện trong chân Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara có trách nhiệm tách lực lượng nổi dậy « ôn hòa » khỏi các nhóm thánh chiến, và buộc các nhóm này rút khỏi vùng « phi quân sự ».

Máy bay Nga bị Syria bắn rớt, Matxcơva cáo buộc Israel

Hôm nay, 18/09/2018, quân đội Nga buộc Israel phải chịu trách nhiệm trong vụ một máy bay trinh sát Nga mất tích tại Địa Trung Hải. « Thủ phạm » trực tiếp là phòng không Syria, nhưng theo Matxcơva, Israel mới là kẻ có tội.

Theo bộ Quốc Phòng Nga, chiếc phi cơ IL-20 đã bị trúng tên lửa S-200 của phòng không Syria. Máy bay Nga, với 15 quân nhân, mất tích 19 giờ tối hôm qua, cách bờ biển Syria khoảng 35 km, đúng vào lúc « Israel và Pháp » đang không kích dữ dội một số mục tiêu thuộc tại Syria.

Theo người phát ngôn quân đội Nga Igor Konachenkov, không quân Israel đã không báo sớm cho Matxcơva biết về cuộc tấn công vào khu vực Lattaquié, một nơi được coi là căn cứ địa của tổng thống Syria Bachar al-Assad.

Chiến dịch chỉ được thông báo một phút trước khi diễn ra, khiến Nga không kịp đưa máy bay Il-20 « về nơi an toàn ». Người phát ngôn quân đội Nga cáo buộc các phi công F-16 của Israel đã cố tình gây nguy hiểm cho máy bay trinh sát nói trên, bằng cách ẩn nấp trong vùng tín hiệu radar của phi cơ này. Chiếc IL-20 của Nga như vậy đã bị lọt vào lưới phòng không của đồng minh Syria.

Người phát ngôn Nga coi hành động nói trên của Israel là « khiêu khích » và cho biết Matxcơva có toàn quyền trả đũa.

Về phản ứng của Pháp, theo Reuters, người phát ngôn của bộ tổng tham mưu quân đội, đại tá Patrik Steiger bác bỏ việc Pháp liên quan đến vụ mất tích của chiếc máy bay Nga, cũng như cuộc tấn công mà phía Nga cáo buộc.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180918-syria-nga-tho-nhi-ky-thoa-thuan-lap-vung-%E2%80%98%E2%80%98phi-quan-su%E2%80%99%E2%80%99-tai-idlib

 

Nga và Trung Quốc cùng tập trận:

Một liên minh quân sự ảo hơn là thực

Trọng Nghĩa

Cuộc tập trận Vostok 2018 của Nga kết thúc ngày 17/09/2018 đã đặc biệt thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận, không chỉ về quy mô to lớn của sự kiện, mà còn về sự tham gia của quân đội Trung Quốc, dù còn khiêm tốn, với khoảng 3000 quân trên tổng số 300.000 người được huy động. Nhiều quan sát viên đã cảnh báo về khả năng một liên minh chặt chẽ Nga-Trung, nhắm chống lại đối thủ chung là Mỹ. Thế nhưng, cũng có nhiều nhà phân tích khác cho rằng trước mắt, lợi ích riêng tư của Bắc Kinh và Matxcơva còn quá khác nhau để hai bên có thể liên kết lâu dài với nhau.

Trong một bài phân tích ngày 15/09/2018 mang tựa đề không thể nhầm lẫn « Nga ve vãn Trung Quốc về mặt quân sự – Russia’s military dalliance with China », tạp chí chính trị có uy tín Politico, trụ sở chính tại Mỹ, đã không ngần ngại cho rằng Matxcơva và Bắc Kinh tiến hành tập trận chung, nhưng « ít ai thấy được các dấu hiệu về một liên minh thực sự ».

Không thể có 300.000 quân lính tham gia

Tạp chí Mỹ trước hết ghi nhận rằng các phương tiện truyền thông Nga do nhà nước kiểm soát đã rầm rộ «tung hô» quy mô hùng hậu của một cuộc thao diễn được cho là lớn nhất trong hàng chục năm gần đây, với sự tham gia đặc biệt của quân đội Trung Quốc. Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Mỹ cũng theo dõi chặt chẽ cuộc tập trận.

Tuy nhiên, theo Politico, những người có kinh nghiệm thực tiễn về quân đội Nga đã cho rằng phải hết sức cẩn thận trước các số liệu do Matxcơva loan báo.

Theo tướng Ben Hodges, nguyên tư lệnh Lục Quân Mỹ tại châu Âu, nay đã về hưu, thì có lẽ Nga đã « phóng đại quy mô » cuộc tập trận. Ông nhấn mạnh đến thói quen nói sai sự thật của Nga khi nhắc lại rằng vào năm ngoái, khi cho tiến hành cuộc tập trận Zapad 2017, Nga đã từng làm điều ngược lại, loan báo là họ chỉ huy động 13.000 quân trong khi mà « bất kỳ một người lính chuyên nghiệp và quan sát viên nào cũng đều thấy rằng lực lượng tham gia là khoảng 100.000 quân ».

Còn theo ông Michael Kofman, chuyên gia về quân đội Nga tại Trung Tâm Phân Tích Hải Quân Mỹ, một think-tank của chính quyền Hoa Kỳ, thì vì Nga không cho quan sát viên quốc tế đến theo dõi cuộc tập trận Vostok 2018, cho nên không ai kiểm chứng được các số liệu do Matxcơva cung cấp, tức là « quân đội Nga có thể thổi phồng số liệu về cuộc thao diễn ».

Đối với chuyên gia này : « Cách an toàn nhất để tính là chia số liệu chính thức ra làm ba. Đó vẫn là một cuộc tập trận với quy mô to lớn, nhưng số người tham gia chắc hẳn ít hơn 100.000 ».

Nga không còn xem Trung Quốc là mối đe dọa

Yếu tố thứ hai mà tạp chí Mỹ chú ý là cuộc tập trận Vostok 2018 diễn ra trong bối cảnh quan hệ của Mỹ với cả Trung Quốc lẫn Nga đang xấu đi, 9 tháng sau khi Washington công bố chiến lược quốc phòng mới, chuyển trọng tâm vào mục tiêu « cạnh tranh chiến lược » với Matxcơva và Bắc Kinh.

Politico ghi nhận là một số chuyên gia về Nga đã cho rằng cuộc tập trận lần này đáng ngại hơn cho Mỹ vì có sự hiện diện của quân đội Trung Quốc – nhất là khi trước đấy, các cuộc thao diễn quân sự của Nga trong khu vực đều được cho là đã được thiết kế nhằm chống lại những cuộc tấn công của Trung Quốc.

Theo ông Jeffrey Mankoff cựu cố vấn về quan hệ với Nga tại bộ Ngoại Giao Mỹ, hiện là chuyên gia thuộc Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế CSIS: « Điểm khác trong cuộc tập trận năm nay là sự tham gia của Trung Quốc, dù ở quy mô tương đối nhỏ nhưng cũng đã gửi một tín hiệu (đến Mỹ) ».

Chuyên gia Mỹ giải thích : « Nga đang nói với Bắc Kinh rằng Trung Quốc không còn là đối tượng cần ưu tiên trong chính sách của Nga Nga ở vùng Viễn Đông nữa, và báo hiệu cho Hoa Kỳ và NATO biết là nếu quan hệ song phương tiếp tục tồi tệ, thì Nga sẽ có các lựa chọn khác. »

Nhà phân tích Kofman bổ sung : Nga và Trung Quốc « không phải đồng minh, nhưng để đối phó với áp lực từ Hoa Kỳ, họ đang báo hiệu rằng họ không còn xem nhau là mối đe dọa của nhau nữa ».

Washington không tin vào sự lâu bền của liên minh Nga-Trung

Tuy vậy, theo Politico, giới quan chức Mỹ cấp cao có vẻ không mấy lo ngại trước xu hướng xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc, trước mắt được coi là một cuộc “hôn nhân vì lợi ích” và không có khả năng kéo dài do mâu thuẫn quyền lợi sâu sắc giữa Matxcơva và Bắc Kinh.

Vào đầu tuần trước, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã xác định với báo giới rằng ông « không thấy có gì có thể gắn kết Nga và Trung Quốc trong lâu dài ».

Nhiều chuyên gia khác cũng đồng quan điểm : Ông Mark Simakovsky thuộc trung tâm tham vấn Hội Đồng Đại Tây Dương, từng là quan chức giám sát chính sách đối với Nga tại Lầu Năm Góc thời tổng thống Obama phân tích : « Cuộc tập trận đó đã được lên kế hoạch hàng tháng nếu không muốn là hàng năm trước đây, vì vậy không thể nói đây là một cái gì được hình thành trong một sớm một chiều ».

Có điều chuyên gia này cũng thận trọng, cho rằng ông không thấy dấu hiệu gì về một liên minh rộng lớn hơn nhằm chống Mỹ, nhưng rõ ràng hai nước Nga và Trung Quốc sẽ « tiếp tục hợp tác để phá hoại các lợi ích của Mỹ tại châu Á. »

Cựu cố vấn bộ Ngoại Giao Mỹ Mankoff cũng đồng quan điểm : « Vùng Viễn Đông Nga cách các vùng lãnh thổ của NATO rất xa, và tôi không nghĩ rằng Trung Quốc đang muốn lao vào cuộc đấu với NATO, hoặc là bị ràng buộc trong một liên minh với Nga ».

Trung Quốc được lợi về quân sự khi tập trận với Nga

Về mặt chiến lược liên minh quân sự thực thụ Nga-Trung là một điều rất xa vời, nhưng theo Politico, về mặt thuần túy quân sự, cuộc tập trận Vostok 2018 cũng mang lại cho cả Nga lẫn Trung Quốc những lợi ích nhất định.

Cả hai quân đội Nga và Trung Quốc được hưởng lợi từ quy mô to lớn của cuộc tập trận. Dù con số thực tế về lực lượng tham gia thấp hơn rất nhiều so với những gì được loan báo, nhưng cuộc tập trận Vostok 2018 cũng rầm rộ hơn tất cả những cuộc tập trận tương tự mà NATO từng thực hiện, mà vào lúc đông nhất cũng chỉ có khoảng 40.000 quân.

Chuyên gia Ian Brzezinski, một cựu quan chức Lầu Năm Góc phụ trách giám sát chính sách của NATO và châu Âu cho chính quyền George W. Bush cho rằng Vostok 2018 « nêu bật trọng tâm mà Nga đặt trên vấn đề triển khai nhanh chóng trên một địa bàn rất lớn và huy động lực lượng hùng hậu ».

Còn chuyên gia Kofman thì nhắc đến việc cuộc tập trận cho phép Nga phổ cập những kinh nghiệm thu thập được trên chiến trường Syria gần đây như « cách thức hợp đồng binh chủng, tận dụng các nguồn thông tin, điều mà họ đã học nhờ theo dõi lâu dài cách làm của Hoa Kỳ và các đồng minh ». Đối với ông Kofman, dù không nói rõ, nhưng « trong thực tế, Nga và Trung Quốc đã rèn luyện cách chống lại một cuộc tấn công từ phía Mỹ ».

Riêng đối với Trung Quốc, Tướng Bill Hix, người mà trước khi về hưu vào mùa xuân qua còn lo việc giám sát nỗ lực hiện đại hóa của quân đội Mỹ, nhằm đối phó với một cuộc xung đột trong tương lai với một cường quốc quân sự lớn, đồng thời là một người theo dõi sát tình hình quân sự Nga, thì cuộc tập trận là « một cơ hội cho Trung Quốc để học hỏi cách Nga huy động và triển khai lực lượng, một lãnh vực mà Trung Quốc còn non yếu ».

Chuyên gia Brzezinski tuy nhiên lại có nhận xét ngược lại. Đối với ông, trong thực tế thì Nga cần Trung Quốc hơn : « Tôi không nghĩ là Trung Quốc coi Nga là một đối tác chiến lược quan trọng… Sức mạnh quân sự của Trung Quốc hơn hẳn sức mạnh quân sự của Nga. Điều đang diễn ra chỉ là một sự hợp tác chiến thuật », chứ không phải là chiến lược.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180918-nga-va-trung-quoc-cung-tap-tran-mot-lien-minh-quan-su-ao-hon-la-thuc

 

Paris mở rộng dự án “Thành phố không xe hơi”

Tuấn Thảo

Ngày 16/09 vừa qua, Paris đã tổ chức ‘‘Ngày không xe hơi’’ lần thứ tư (Journée Sans Voiture). Theo bản tổng kết, kế hoạch này đã đem lại khá nhiều kết quả tích cực. Trên đà thành công, Tòa đô chính quyết định kể từ 07/10/2018 trở đi, 4 quận trung tâm thành phố Paris sẽ cấm hẳn xe hơi lưu thông mỗi Chủ Nhật đầu tháng.

Theo dự kiến ban đầu ‘‘Ngày không xe hơi’’ trong thành phố đáng lẽ phải diễn ra vào cuối tuần này, thứ Bảy 22/09/2018, bởi vì đó là ngày ‘‘World Car Free Day’’ với sự tham gia của hàng trăm thành phố lớn trên khắp thế giới. Nhưng rốt cuộc, thủ đô Paris đã tổ chức ngày không xe hơi sớm hơn một tuần, trùng hợp với ‘‘Ngày Di sản châu Âu’’ đón tiếp công chúng miễn phí trong hai ngày 15/09 và 16/09/2018.

Đây có lẽ là một sự tính toán có chủ ý, phía Toà Đô Chính cho biết Hội đồng thành phố Paris đã làm việc và phối hợp với Sở cảnh sát, hầu tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các lực lượng an ninh hùng hậu, bảo đảm trật tự cho cả hai sự kiện trong cùng một tuần lễ, thay vì phải dàn trải từ tuần này sang tuần khác.

‘‘Ngày không xe hơi’’ lần thứ 4 trong ngày Chủ nhật 16/09 đã được phần lớn đông đảo người dân thủ đô Paris hưởng ứng. Từ 11 giờ sáng đến 6 giờ chiều, hầu hết xe cộ đều bị chặn lại ngay từ xa lộ vành đai chạy vòng quanh Paris (périphérique). Chỉ có xe buýt công cộng, xe cấp cứu, taxi và xe Uber mới được phép chạy trong thành phố (và thường là phải dưới 30 cây số /giờ ở nhiều khu vực). Ngoài hệ thống xe điện ngầm, các phương tiện giao thông khác như xe đạp, xe đẩy trotinette, skate board đều được cho phép, nhưng xe gắn máy và kể cả xe hai bánh có động cơ đều bị cấm hẳn.

Cho dù đã có một số trường hợp vi phạm, do Tòa Đô chính không thể nào đặt một viên cảnh sát ở mỗi ngã tư thành phố, nhưng nhìn chung ‘‘Ngày Paris không có xe hơi’’ đã khá thành công. Các góc phố có nhiều hàng quán hay những cửa hàng mua sắm như ở Marais, Bastille, Oberkampf, Belleville hay là dưới chân đồi Montmartre đều thu hút khách qua lại nhiều hơn thường lệ.

Thực khách la cà các quán cà phê vỉa hè cũng ngồi nán lại lâu hơn, so với những ngày cuối tuần khác, khi có nhiều xe cộ chạy qua trên các con đường lớn hay các trục giao thông quan trọng. Ô nhiễm do khí thải xe hơi cũng như tiếng ồn ào (người Tây Âu cũng xem đó là một nguồn “ô nhiễm”) khiến cho khách hàng không có hứng thú ngồi lâu tại các hàng quán.

Theo báo cáo của cơ quan Airparif, chuyên đo lường độ sạch của không khí, mức độ ô nhiễm trong ‘‘Ngày không xe hơi’’ đã giảm từ 28% đến 35%, so với một ngày Chủ nhật bình thường không có hạn chế giao thông trong thành phố và với một thời tiết tương tự. Nếu phải so sánh, kế hoạch năm nay còn đem lại khá nhiều kết quả tích cực so với năm 2017.

Thật vậy, theo số liệu của Hội đồng thành phố Paris, việc cấm xe hơi lưu thông trong thành phố, đã làm giảm gần 60% dòng xe cộ trong nội thành và 35% lượng xe chạy trên xa lộ vành đai. Ở một số khu vực trung tâm, cũng như trên phố Champs-Élysées, mức độ ô nhiễm không khí giảm 35%, còn tiếng ồn đã giảm từ 25% đến 54% trên những đại lộ lớn.

‘‘Ngày không xe hơi’’ là một sự kiện thường niên, mỗi năm chỉ diễn ra có một lần. Thế nhưng, kể từ đầu tháng 10/2018 trở đi, và cứ vào mỗi ngày Chủ nhật đầu tháng, Đô trưởng Paris Anne Hidalgo đã tuyên bố mở rộng dự án cấm xe cộ lưu thông trong trung tâm thành phố qua chương trình gọi là ‘‘Paris Respire’’, hàm ý tạo thêm điều kiện cho Paris hít thở không khí trong lành.

Tuy nhiên, quyết định của bà Anne Hidalgo cũng đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối, đặc biệt là từ các thành phần dân Paris buộc phải làm việc vào những ngày cuối tuần, chẳng hạn như những người phải thức dậy sớm đi làm trước khi xe điện ngầm hoạt động, hay là những người cần xe hơi để làm việc. Đó là trường hợp của các công ty dọn nhà, vận chuyển hàng hóa hay đơn thuần lấy hàng và giao hàng tại các phiên chợ trời cuối tuần.

Khác với một số thành phố châu Âu như Luxembourg, Helsinki, Copenhagen hay Amsterdam, thủ đô Paris cho tới giờ này vẫn chưa lập ra được những bãi đậu xe hoàn toàn miễn phí, để rồi sau đó chuyên chở những người, buộc phải vào trung tâm thành phố, do nhu cầu công việc. Đây là một biện pháp ưu tiên, rất cần thiết, nếu Hội đồng thành phố muốn khuyến khích dân chúng dùng các phương tiện gaio thông khác ngoài chiếc xe hơi.

Những ý kiến chống đối cũng lưu ý rằng các biện pháp cấm xe hơi lưu thông thật ra đã được áp dụng tại hai mươi khu vực trong Paris : đầu tiên hết là các con đường dọc hai bờ sông Seine, từ nhiều năm qua chỉ dành riêng cho người đi bộ. Giờ đây, có thêm góc phố Mouffetard, đồi Montmartre, phố Daguerre gần khu vực Alésia, các lối vào rừng Vincennes hay là Boulogne.

Cả hai mươi khu vực này cũng như đại lộ Champs-Élysées đều đã cấm xe cộ giao thông vào mỗi chủ nhật cvç chỉ dành riêng cho khách bộ hành. Nay có lẽ Hội đồng thành phố Paris muốn mở rộng thời hạn cũng như tăng gấp 4 lần phạm vi của kế hoạch ‘‘Thành phố không xe hơi’’. Thế nhưng, nhiều người dân Paris phàn nàn vì họ lại ít khi nào được tham khảo ý kiến. Thêm vào đó, các biện pháp bổ sung, thay thế cho việc dùng xe hơi như phương tiện di chuyển, đi lại vẫn còn một số điều bất cập, còn cần phải được hoàn chỉnh trong thời gian tới.

http://vi.rfi.fr/phap/20180918-paris-mo-rong-du-an-thanh-pho-khong-xe-hoi

 

Chiến tranh thương mại

và chuyện về hai Trung Quốc

Karishma VaswaniPhóng viên Kinh doanh châu Á

Tổng thống Donald Trump đã áp thuế lần thứ ba lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ đôla.

Điều này có nghĩa rằng gần một nửa tất cả sản phẩm mà Mỹ mua từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế – bằng 40% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Gần một nửa số sản phẩm trong danh sách này là hàng tiêu dùng – những thứ như va li, túi xách và dao kéo.

Điều này làm tình thế vô cùng nghiêm trọng.

Trung Quốc đã nói rằng họ sẽ không nằm yên chịu đựng, và các cuộc đàm phán được cho là sắp diễn ra giữa hai bên ngày càng thấy có vẻ như sẽ bị hoãn lại.

Mỗi lần người Trung Quốc nghĩ rằng họ đã gần đạt được một thỏa thuận, họ lại bị Trump làm cho bật ngửa.

Thương chiến Mỹ Trung ‘có ảnh hưởng tới VN’

Mỹ đánh mức thuế lớn nhất từ trước đến nay lên TQ

‘Sói già’ Trump đang áp đảo Tập Cận Bình?

‘Chiến tranh thương mại từng dẫn đến Thế chiến’

Tweet của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ hôm thứ hai cho thấy giá trị mà ông thấy trong việc áp thuế – đơn giản là một công cụ thương lượng.

Nhưng nó là một canh bạc lớn – Mỹ sẽ có nhiều bằng, nếu không là nhiều hơn, điều để mất hơn Trung Quốc.

Mối quan hệ cộng sinh

Tác động ngay lập tức của các mức thuế này là giá cho người tiêu dùng Mỹ sẽ có xác suất tăng lên, các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể sẽ phải chịu mức đơn đặt hàng thấp hơn, và cả hai nước sẽ thấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ bị áp lực.

Tôi đến thăm Trung Quốc trong tuần, và đã thấy tận mắt khác biệt lớn trong tư thế của hai quốc gia này. Nhưng tôi cũng thấy sự đan xen phức tạp giữa hai nước, và sự phụ thuộc vào nhau đối với sự tăng trưởng kinh tế.

Một phần của vấn đề nằm trong sự hiểu biết của quốc gia này về động cơ của quốc gia kia – và sự thiếu hiểu biết đó chính là lý do tại sao cả hai bên không sẵn lòng nhượng bộ.

Trung Quốc chơi không công bằng?

Ông Trump nói rằng Trung Quốc đã đánh cắp công nghệ Mỹ, công ăn việc làm của người Mỹ, và chơi một trò chơi bẩn trong việc hạn chế không cho các công ty Mỹ vào thị trường Trung Quốc.

Và trong khi những người khác có thể không có nhận định gay gắt ấy, quan điểm cho rằng Trung Quốc đã không hoàn toàn minh bạch trong việc mở cửa nền kinh tế theo cam kết dưới Tổ chức Thương mại Thế giới phần nào đúng, William Zarit, chủ tịch của Phòng Thương mại Mỹ ở Bắc Kinh, nói.

“Một thị trường có thể được chính thức mở cửa nhưng vẫn còn có những rào cản”, ông Zarit nói với tôi. “Đây là một vấn đề với Trung Quốc trong suốt từ 30 năm qua.”

Thuế quan của Trump có ngăn chặn gián điệp TQ?

Mỹ áp thuế quan mới, TQ bị tổn hại tới đâu?

Tuy nhiên, ông Zarit nói thêm rằng cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc không coi áp thuế quan là cách tốt nhất để giải quyết sự khác biệt về cấu trúc giữa hai bên. Ông cho biết căng thẳng thương mại đã tác động lên cách các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc được đối xử tại đây.

“Trì hoãn giấy chứng nhận, tăng mức kiểm tra các hãng xưởng, xem xét rất kỹ hồ sơ thuế của bạn trong năm năm qua, giữ một loại hàng nào đó trong hải quan cho đến khi nó bị hư hỏng, và sau đó bạn có thể gửi hàng đó trở lại Mỹ”, ông nói, mô tả những điều các doanh nghiệp Mỹ đôi khi phải đối mặt ở Trung Quốc.

Trung Quốc bị hiểu lầm?

Tuy nhiên, những người khác vạch ra rằng Trung Quốc bị Hoa Kỳ hiểu lầm một cách sâu sắc – và đó là lý do tại sao hai nước vẫn chưa đi đến bất kỳ giải pháp nào về cuộc chiến thương mại.

Trung Quốc có hơn ba triệu sinh viên đang theo học tại Mỹ, so với 15.000 sinh viên Mỹ đang theo học tại Trung Quốc, Wang Huiyang, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, viện nghiên cứu tư vấn cho chính phủ Trung Quốc về chính sách, gần đây đã nói thế với tôi ở Bắc Kinh.

Việc thiếu sự trao đổi giữa người và ngườicó nghĩa là câu chuyện của Trung Quốc và mô hình kinh tế của Trung Quốc không được giải thích một cách thuyết phục cho phương Tây.

Ông Wang cũng lưu ý đến điểm mối quan hệ của Hoa Kỳ đã mang lợi ích cho các công ty Mỹ trong vòng 40 năm qua.

“Tất cả các công ty lớn của Mỹ đều ở Trung Quốc”, ông nói với tôi. “Một số thậm chí còn lớn hơn ở đây hơn là ở Mỹ. Bạn không thể nói rằng đó không phải là một thành công.”

Thực tế: chồng và vợ

Vậy quan điểm nào là chính xác? Vâng, sự thật – như mọi trường hợp – nằm đâu đó ở giữa.

Trung Quốc đang thay đổi và mở cửa – nhưng chính phủ này áp đặt một sự kiểm soát quá mức trên các hoạt động kinh tế.Và sự thật là trong một số lãnh vực các công ty Trung Quốc hoạt động trên một sân chơi bình đẳng, nhưng ở nhiều lãnh vực khác, nền kinh tế Trung Quốc vẫn được bảo vệ rất nhiều.

Nhưng Mỹ cũng được hưởng lợi nhờ hưởng giá rẻ trong nhiều thập niên và mức lợi nhuận kỷ lục, và việc sản xuất ở Trung Quốc đã giúp người tiêu dùng cũng như công ty Mỹ.

“Tôi nghĩ rằng sự va chạm thương mại này là một cuộc gọi đánh thức cả hai bên để họ hiểu ra là không thể tách rời nhau”, ông Wang nói. “Nó giống như một người chồng và vợ – hai người có thể cãi nhau không thể ly hôn.”

Nhưng thật khó để xem cuộc cãi vã này có thể kết thúc sớm như thế nào.

“Tôi không thấy có lối thoát trong thời gian ngắn”, ông Zarit nói.

“Tôi muốn thấy các cuộc đàm phán nghiêm túc trong đó người Trung Quốc sẽ giải quyết việc mở cửa thị trường, và đối xử tương đồng và bình đẳng”.

Trước bối cảnh những quan điểm đối lập giữa Washington và Bắc Kinh, cuộc chiến thương mại này dường như không thể tốt hơn trước khi nó tồi tệ hơn – cho cả hai nước, hoặc cho bất kỳ ai trong chúng ta.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45556879

 

Trung Quốc: Không có lựa chọn nào khác

ngoài trả đũa Mỹ

Trung Quốc hôm 18/9 nói họ không còn lựa chọn nào khác hơn là trả đũa Mỹ áp thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc, làm tăng rủi ro Tổng thống Trump có thể sớm áp thuế lên hầu hết hàng hóa của nước này nhập khẩu vào Hoa Kỳ, theo Reuters.

Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc đã được đưa ra nhiều giờ sau khi ông Trump thông báo áp thuế 10% lên hàng hóa trị giá gần USD 200 tỷ nhập khẩu từ Trung Quốc, và đe dọa sẽ áp thuế lên 267 tỷ đôla hàng hóa nữa nếu Trung Quốc trả đũa hành động của Hoa Kỳ.

Tuyên bố ngắn gọn không đưa ra chi tiết về kế hoạch của Trung Quốc, nhưng trong cuộc họp báo thường nhật sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói rằng các bước của Mỹ mang lại tình trạng “bất định mới” trong những đàm phán giữa hai nước.

Reuters dẫn lời ông Cảnh Sảng nói: “Trung Quốc luôn khẳng định rằng cách đúng đắn duy nhất trong việc giải quyết tranh chấp thương mại Trung-Mỹ là thông qua đàm phán và tham vấn được tổ chức trên cơ sở bình đẳng, chân thành và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng tại thời điểm này, mọi việc Hoa Kỳ làm không thể hiện sự chân thành hay thiện chí”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc không bình luận về “những giả thuyết” như những biện pháp mà Bắc Kinh có thể cân nhắc ngoài áp thuế quan đối với các sản phẩm Mỹ. Ông chỉ nói rằng các chi tiết đó sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp.

Hôm 17/9, Tổng thống Trump cảnh báo nếu Trung Quốc trả đũa với những biện pháp chống lại nông dân hoặc các ngành công nghiệp Mỹ, “chúng tôi sẽ lập tức theo đuổi giai đoạn ba, đánh thuế lên khoảng 267 tỷ đôla hàng nhập khẩu”.

Đợt thuế mới nhất của Hoa Kỳ miễn trừ cho đồng hồ thông minh của Apple, Fitbit và các sản phẩm tiêu dùng khác như ghế ngồi trên xe hơi dành cho trẻ em. Nhưng nếu Mỹ thực thi các sắc thuế bổ sung, thì các biện pháp đó sẽ bao gồm mọi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và các sản phẩm của Apple như iPhone và các sản phẩm cạnh tranh với nó có phần chắc sẽ không được miễn trừ.

Tháng trước, Trung Quốc công bố một danh sách đề nghị đánh thuế trên 60 tỷ đôla hàng hóa của Mỹ, từ khí thiên nhiên hóa lỏng cho tới một số loại máy bay nhất định, nếu Washington kích hoạt mức thuế trên danh sách 200 tỷ đôla.

Trung Quốc đang xem xét kế hoạch gửi một phái đoàn đến Washington để dự các cuộc đàm phán mới vì hành động của Hoa Kỳ, tờ Hoa Nam Buổi Sáng đưa tin hôm 18/9, dẫn nguồn tin chính phủ ở Bắc Kinh.

Áp thuế đối với các sản phẩm trên danh sách dài của Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 24/9, nhưng mức thuế sẽ tăng lên tới 25% vào cuối năm 2018, cho phép các công ty Mỹ có thời gian điều chỉnh chuỗi cung ứng của họ sang các quốc gia khác.

Cho đến nay, Hoa Kỳ đã áp đặt thuế trên 50 tỷ đôla sản phẩm Trung Quốc nhằm áp lực Bắc Kinh phải giảm thặng dư thương mại song phương và thực hiện những thay đổi sâu rộng về các chính sách thương mại, chuyển giao công nghệ và trợ cấp công nghiệp công nghệ cao.

Bắc Kinh đã trả đũa bằng các biện pháp tương ứng, nhưng một số nhà phân tích và doanh nghiệp Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể sẽ sử dụng các biện pháp khác như gây áp lực lên các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc.

Một quan chức cấp cao của thị trường chứng khoán Trung Quốc nói những động thái của Mỹ sẽ không có tác dụng gì vì Trung Quốc có nhiều công cụ về chính sách tiền tệ và tài chính để đối phó với những tác động đó. Bắc Kinh đã tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Reuters dẫn lời ông Fang Xinghai, Phó chủ tịch của cơ quan quy định các hoạt động thị trường chứng khoán Trung Quốc, phát biểu tại một hội nghị ở phố cảng Thiên Tân:

“Tổng thống Trump là một doanh nhân cứng rắn, ông ấy đang tìm cách tăng sức ép đối với Trung Quốc để có được những nhượng bộ trong các cuộc đàm phán với chúng tôi. Tôi nghĩ chiến thuật đó sẽ không hiệu quả”,

Mong manh đàm phán

Leo thang mới nhất về thuế quan của ông Trump đối với Trung Quốc diễn ra sau nhiều vòng đàm phán không mang lại tiến bộ nào. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin tuần trước đã mời các quan chức hàng đầu Trung Quốc dự các cuộc thảo luận mới, nhưng cho đến nay chưa có cuộc thảo luận nào được lên kế hoạch.

“Chúng tôi đã nói rất rõ rằng cần phải có thay đổi, và chúng tôi đã cho Trung Quốc mọi cơ hội để đối xử công bằng hơn với chúng tôi”, ông Trump nói trong một tuyên bố. “Nhưng, cho đến giờ, Trung Quốc vẫn không muốn đổi cách làm của mình”.

Tại diễn đàn ở Thiên Tân, ông Fang nói ông hy vọng hai bên có thể ngồi xuống nói chuyện, nhưng ông nói thêm rằng động thái mới nhất của Hoa Kỳ đã “phá hoại” bầu không khí.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Trump nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ đã mở cửa cho khả năng đàm phán thêm với Bắc Kinh, nhưng không cho biết thêm chi tiết về thời điểm.

Cho đến nay, Trung Quốc đã áp đặt hoặc đề xuất mức thuế đối với hàng hóa trị giá 110 tỷ đôla của Mỹ, đại diện cho phần lớn các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ.

“Căng thẳng trong hệ thống kinh tế toàn cầu thể hiện trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang phá vỡ nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu”, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cảnh giác trong một tuyên bố hôm 18/9.

Đồng nhân dân tệ trượt giá so với đồng đôla trong ngày 18/9 sau khi có tin tức về các biện pháp mới của Mỹ. Đồng tiền của Trung Quốc đã giảm giá khoảng 6% kể từ giữa tháng Sáu, bù đắp đáng kể cho mức thuế suất 10%.

Tiêu dùng công nghệ giảm

Văn phòng đại diện thương mại của Hoa Kỳ đã xóa 297 danh mục sản phẩm ra khỏi danh sách thuế được đề xuất mới nhất cùng với một số tập hợp con các danh mục khác.

Tuy nhiên, những điều chỉnh có ít tác dụng trong việc xoa dịu các nhóm công nghệ và bán lẻ, những người cho rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ bị thiệt hại.

Ông Dean Garfield, Chủ tịch Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin, đại diện cho các công ty công nghệ lớn nói: “Quyết định của Tổng thống Trump… là vô trách nhiệm và sẽ gây tổn hại lâu dài cho các cộng đồng trên toàn quốc”.

Ông Kenneth Jarrett, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Thượng Hải, cho biết 3/4 số thành viên của tổ chức của ông sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan, và họ sẽ không mang việc làm trở lại cho Hoa Kỳ.

Ông Jarrett nói: “Hầu hết các công ty thành viên của chúng tôi là ‘ở Trung Quốc, cho Trung Quốc’, bán hàng cho các công ty và người tiêu dùng Trung Quốc chứ không phải cho người Mỹ, và do đó rốt cuộc sẽ giúp đẩy mạnh nền kinh tế Mỹ”.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-khong-co-lua-chon-nao-khac-ngoai-tra-dua-my/4576546.html

 

Nguyên thủ hai miền Nam-Bắc Triều Tiên

họp thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng

Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in và chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un vào ngày 18 tháng 9 bắt đầu vòng họp thượng đỉnh tại thủ đô Binh Nhưỡng với mục tiêu chủ yếu được cho biết là giúp tái tục đàm phán Bắc Hàn- Hoa Kỳ về giải trừ vũ khí hạt nhân tại Bán đảo Triều Tiên.

Tin cho biết đích thân chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Un ra Sân bay Quốc tế Sunan đón tổng thống Moon Jae-in. Hằng ngàn người dân Bắc Triều Tiên mang theo cờ và hoa chào mừng vị Tổng thống từ miền Nam đến. Ông Moon Jae-in trở thành vị Tổng thống Hàn Quốc thứ ba đến thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Hàn.

Sau đó hai vị nguyên thủ của hai miền Nam-Bắc Triều Tiên bắt đầu cuộc họp đầu tiên tại Trụ Sở Trung Ương Đảng Lao Động Bắc Hàn. Theo vị thư ký cấp cao của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thì đây là lần đầu tiên một lãnh tụ miền Bắc tiếp một nguyên thủ nước khác tại Trụ sở Trung Ương Đảng Lao Động Bắc Hàn.

Tham dự cuộc họp, phía đoàn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in còn có cố vấn an ninh Chung Eui-yong và Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia Suh Hoon. Phía phái đoàn miền Bắc, cùng với chủ tịch Kim Jong-Un còn có quan chức cấp cao Đảng Lao Động Bắc Hàn phụ trách vấn đề miền nam, Kim Yong-chol và em gái của lãnh tụ Kim Jong-Un, cũng là một thành viên cấp cao Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lao động Bắc Hàn.

Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-In được truyền thông dẫn lời nói rằng mục tiêu chuyến công du ba ngày đến Bắc Hàn lần này nhằm giúp phá vỡ bế tắc trong đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng về giải trừ nguyên tử tại Bán đảo Triều Tiên.

Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Un cám ơn Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In về việc làm trung gian giúp hình thành cuộc gặp thượng đỉnh giữa bản thân ông Kim Jong-Un với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tháng 6 vừa qua ở Singapore. Cũng theo lời Chủ tịch Bắc Hàn thì cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ đã giúp ổn định tình hình an ninh khu vực.

Theo kế hoạch, vào ngày 19 tháng 8, hai vị nguyên thủ Nam-Bắc Triều Tiên lại gặp nhau. Tin nói tùy theo kết quả đạt được thì một cuộc họp báo chung có thể được tổ chức.

Đến ngày 20 tháng 9, Tổng thống Moon Jae-In và phái đoàn sẽ rời miền Bắc trở về Nam Hàn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/president-moon-kim-jong-un-hold-first-round-of-summit-talks-in-pyongyang-09182018090823.html

 

Lãnh tụ Kim hy vọng tạo ra ‘kết quả lớn’

tại thượng đỉnh Liên Triều

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un nói ông muốn tạo ra một “kết quả lớn” khi ông bắt đầu ba ngày đàm phán thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Ba 18/9 với mục đích nhen nhóm lại tiến trình ngoại giao hạt nhân đang bị ngưng trệ.

Hai nhà lãnh đạo bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức vào chiều thứ Ba, sau khi diễu hành qua các đường phố Bình Nhưỡng trên chiếc limousine Mercedes đen của lãnh tụ Kim giữa tiếng reo hò cổ vũ của gần 100.000 người Bắc Triều Tiên vẫy cờ hoa dọc hai bên đường và hô vang “Thống nhất! Tổ quốc! ”

Trước đó, ông Kim chào đón ông Moon với những cái ôm và cái bắt tay thân thiết khi nhà lãnh đạo Hàn Quốc đáp máy bay đến thủ đô Bắc Hàn với nhiệm vụ phục hồi động lực cho các cuộc đàm phán đang chệnh choạng giữa Washington và Bình Nhưỡng về mục tiêu phi hạt nhân hóa và thúc đẩy viễn cảnh chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

Trong khi đưa Tổng thống Moon đến Nhà khách chính phủ Paekhwawon, nơi nhà lãnh đạo Hàn Quốc sẽ ở trong chuyến thăm Triều Tiên ba ngày, lãnh tụ Kim nói rằng ông muốn tạo ra một “kết quả lớn hơn với tốc độ nhanh hơn” so với những gì hai nhà lãnh đạo đã đạt được cho đến nay.

“Ngài Tổng thống đã đi khắp nơi trên thế giới. Đất nước của chúng tôi còn khiêm tốn so với các quốc gia phát triển,” lãnh tụ Kim nói với ông Moon. “Tôi đã trông chờ và mong đợi ngày hôm nay. Mức độ của chỗ nghĩ và lịch trình chúng tôi cung cấp có thể thấp, nhưng đó là sự chân tình và lòng nhiệt thành nhất của chúng tôi. ”

Tổng thống Moon nói “đã đến lúc thu gặt thành quả” và cảm ơn sự hiếu khách của lãnh tụ Kim, trong đó có một lễ chào đón long trọng tại Sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng, với một đội quân danh dự danh diễu hành và một ban quân nhạc.

Trong cuộc diễu hành trên xe đi qua phố Ryomyong biểu tượng của Bình Nhưỡng, một khu dân cư mới được khởi xướng vào năm ngoái theo sáng kiến của lãnh tụ Kim trong kế hoạch hiện đại hóa thành phố, hai nhà lãnh đạo đã ra khỏi xe, bước đến giao tiếp và nhận hoa chúc mừng từ đám đông.

Hai nhà lãnh đạo theo kế hoạch sẽ tham dự buổi biểu diễn âm nhạc và ăn tối tại Mokrankwan, hội trường trang trọng nhất, nơi lãnh tụ Kim tổ chức lễ kỷ niệm lớn hồi năm ngoái để chúc mừng các nhà khoa học và quan chức về thành tựu thử nghiệm tên lửa tầm xa có khả năng bắn tới Hoa Kỳ.

Thương thuyết gia trưởng

Cuộc họp thượng đỉnh tuần này — lần thứ ba giữa Tổng thống Moon và Chủ tịch Kim — sẽ tìm câu trả lời cho đề xuất của ông Kim tổ chức một cuộc họp nữa với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Trump đã yêu cầu ông Moon làm “thương thuyết gia chính” cho ông và ông Kim, theo các trợ lý của ông Moon, sau khi ông Trump hủy bỏ chuyến công du Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng trước.

Washington muốn thấy những hành động cụ thể hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên trước khi đồng ý với mục tiêu chính của Bình Nhưỡng, đó là tuyên bố chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.

“Nếu cuộc đối thoại Mỹ-Triều tái khởi động sau chuyến thăm này, nó sẽ có nhiều ý nghĩa hơn,” ông Moon nói trước khi khởi hành.

Nhấn mạnh những thách thức phía trước, báo Rodong Sinmun của nhà nước Triều Tiên hôm thứ Ba nói rằng “trách nhiệm xúc tiến cuộc đàm phán hạt nhân đang bị ngưng trệ này hoàn toàn tùy thuộc vào Hoa Kỳ.”

Báo Rodong Sinmun nói trong một bài xã luận: “Đó là do sự bướng bỉnh vô lý với đòi hỏi rằng các vấn đề khác chỉ có thể được thương thảo sau khi đất nước chúng tôi vô hiệu hóa hoàn toàn, có thể xác nhận, và không thể phục hồi khả năng hạt nhân của chúng tôi … mà không thể hiện ý định xây dựng niềm tin, trong đó có việc tuyên bố kết thúc chiến tranh.”

Ông Moon, bản thân là một người con trong một gia đình bị chiến tranh ly tán, đã họp với ông Kim hai lần trước đây trong năm tại làng biên giới Bản Môn Ðiếm.

Đi cùng với ông Moon trong chuyến công du Bình Nhưỡng này có các ông trùm kinh doanh của Hàn Quốc, trong đó có ông Jay Y. Lee của dòng họ Samsung và lãnh đạo của các tập đoàn SK Group và LG Group. Họ sẽ gặp Phó Thủ tướng Bắc Triều Tiên Ri Ryong Nam, người đặt trách về các vấn đề kinh tế của miền Bắc. Tuy nhiên các quan chức Seoul cho biết họ không mong đợi bất kỳ dự án kinh tế cụ thể nào do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt của quốc tế.

Theo dự kiến trong ngày thứ Tư, ông Moon và ông Kim sẽ đàm phán vòng hai, và sau đó họ sẽ công bố một tuyên bố chung, và một hiệp ước quân sự riêng biệt được thiết kế để xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn xung đột vũ trang. Ông Moon sẽ trở về lại Hàn Quốc sáng thứ Năm 20/9.

Các lệnh trừng phạt

Hội nghị thượng đỉnh tuần này diễn ra giữa lúc Hoa Kỳ hối thúc quốc gia khác nghiêm chỉnh thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc nhằm phong tỏa các nguồn thu tài chính của Bắc Triều Tiên mà Bình Nhưỡng dùng tài trợ cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Bắc Triều Tiên cho biết họ đã phá hủy địa điểm thử nghiệm hạt nhân và tên lửa chính và đã ngưng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo, nhưng các quan chức và các nhà phân tích của Mỹ tin rằng Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục bí mật phát triển các kế hoạch vũ khí .

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley hôm thứ Hai cáo buộc Nga “gian lận” đối với các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc lên Bắc Triều Tiên.

Ông Moon hy vọng sẽ đặt ra được đề xuất kết hợp tiến trình phi hạt nhân của miền Bắc với một tuyên bố chung kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.

Cuộc Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt bằng một hiệp định đình chiến, không phải là một hiệp ước hòa bình, do đó về mặt kỹ thuật cuộc chiến tranh vẫn còn giữa các lực lượng của Liên hiệp quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo, trong đó có Hàn Quốc, với miền Bắc.

Nhưng các quan chức Hoa Kỳ vẫn “không nhiệt tình” với tuyên bố chấm dứt chiến tranh nếu không có bất kỳ hành động đáng kể nào trong việc phi hạt nhân hóa của miền Bắc.

Các quan chức Seoul cho biết Hàn Quốc đặt hy vọng cao vào những phát biểu của lãnh tụ Kim với các đặc phái viên của ông Moon hồi đầu tháng này rằng nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên muốn hoàn thành mục tiêu phi hạt nhân hóa trước khi nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump kết thúc vào đầu năm 2021.

https://www.voatiengviet.com/a/lanh-tu-kim-hy-vong-tao-ra-ket-qua-lon-tai-thuong-dinh-lien-trieu/4576350.html