Tin khắp nơi – 18/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 18/07/2018

Ông Trump thay đổi tuyên bố

về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử

Tổng thống Donald Trump đột nhiên thừa nhận kết luận của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 – chỉ một ngày sau khi ông phủ nhận thông tin trên.

Ông Trump nói ông đã nói nhầm hôm Thứ Hai và có ý nói là “không có lý do gì mà Nga đã không can thiệp” chứ không phải là “không có lý do gì mà Nga đã can thiệp”.

Tuyên bố cũ được ông Trump đưa ra sau khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Helsinki và ngay lập tức bị chỉ trích mạnh mẽ.

Trump bênh Nga trước cáo buộc của FBI

Trump ‘khuyên Anh kiện EU’

Ông Putin khen Donald Trump ‘thông minh’

Thậm chí cả một số đồng minh của Trump cũng yêu cầu ông phải làm rõ quan điểm.

Trong tuyên bố gần đây nhất, ông nói thêm rằng ông có “hoàn toàn niềm tin và ủng hộ” cho các cơ quan tình báo Hoa Kỳ.

Những gì ông Trump nói hôm qua…

Cuộc tranh cãi xoay quanh một câu trả lời ông đưa ra cho một câu hỏi tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai sau hội nghị thượng đỉnh với ông Putin.

Đây là một trích đoạn cuộc phỏng vấn do Nhà Trắng cung cấp.

PHÓNG VIÊN: Tổng thống Putin phủ nhận có liên quan đến việc can thiệp bầu cử vào năm 2016. Tất cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng Nga đã làm. Câu hỏi đầu tiên của tôi cho ông, thưa ông, là, ông tin ai?

TRUMP: Nhân viên của tôi đến nói với tôi … họ nói họ nghĩ đó là Nga. Tôi thì có Tổng thống Putin, ông ấy nói đó không phải là Nga. Tôi sẽ nói điều này: Tôi không thấy lý do gì [mà Nga đã can thiệp].

Những gì ông nói hôm nay..

Ông Trump cho biết ông đã xem xét lại và nói ông cần phải làm rõ một số điều.

“Trong một câu quan trọng trong bình luận của tôi, tôi nói từ ‘sẽ’ thay vì ‘không,” ông nói.

“Câu nên là: ‘Tôi không thấy lý do nào tại sao tôi không thấy’ hoặc ‘tại sao nó không phải là Nga’. Một kiểu phủ định kép.”

Tổng thống Mỹ nói thêm: “Tôi chấp nhận kết luận của cộng đồng tình báo rằng sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 đã diễn ra. Cũng có thể là do những người khác. Có rất nhiều người ngoài kia.”

Ông Trump cũng nói rằng sự can thiệp không ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, trong đó ông đã đánh bại bà Hillary Clinton.

Tuy nhiên, ông không trả lời khi các phóng viên hỏi liệu ông có lên án ông Putin hay không.

Tại sao lại có sự phẫn nộ này?

Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ cũng bị chết lặng khi ông Trump đã tuyên bố đứng về phía Nga thay vì với các quan chức tình báo của Hoa Kỳ sau hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Hai.

Hoa Kỳ và Nga là trường kỳ địch thủ, và vẫn còn khác nhau trên nhiều vấn đề quan trọng. Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ vô cùng thất vọng khi ông Trump từ chối đưa ra những lời chỉ trích cụ thể về phía Nga và ông Putin, thay vào đó nói rằng cả hai nước đều chịu trách nhiệm cho mối quan hệ song phương tồi tệ.

Ngay cả một trong những người ủng hộ trung thành nhất của đảng Cộng hòa, ông Newt Gingrich, cho rằng tuyên bố của ông là “sai lầm nghiêm trọng nhất trong thời kỳ tổng thống của ông”.

Sau khi đưa ra tuyên bố đảo ngược, lãnh đạo đảng Dân chủ Thượng nghị sĩ Chuck Schumer cho rằng Tổng thống Trump đã hèn nhát.

Đã quá trễ

Những gì ông Trump nói sẽ rất khó nuốt đối với giới chỉ trích. Ngay cả thậm chí ông ấy có ý định nói “Tôi không thấy lý do gì không phải là do Nga,” thì nó vẫn là một cách đáp trả vô cùng yếu ớt khi đối mặt với người đứng đầu một quốc gia bị cáo buộc là đe dọa nền dân chủ của Hoa Kỳ.

Dù ông Trump có muốn nói gì thì mọi việc cũng đã quá trễ rồi. Ông có thể đưa ra bao nhiêu tuyên bố mà ông muốn, điều đó cũng không thay đổi được một sự thật, là khi đứng bên cạnh Tổng thống Nga, ông đã chao đảo.

Mọi lời giải thích sau đó đều vô nghĩa.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44855598

 

TT Trump tìm cách giảm cuồng phong chính trị

sau cuộc họp với Putin

Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách hạ giảm trận cuồng phong chính trị đánh vào thất bại của ông không buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin chịu trách nhiệm đã phá hoại cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ. Tổng thống Trump phát biểu rằng ông đã nói nhầm tại cuộc họp báo chung ở Helsinki.

Ông Trump đã khiến cả thế giới sững sốt hôm thứ Hai khi ông cố tránh chỉ trích nhà lãnh đạo Nga về các hành động của Moscow phá cuộc bầu cử của Mỹ, và lại tỏ ra nghi ngờ các cơ quan tình báo Mỹ. Một số nhà lập pháp Mỹ đã ngay lập tức kêu gọi phải có thêm các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Nga và có thêm các hành động đối với Moscow.

Khoảng hơn 24 giờ sau khi xuất hiện cùng với ông Putin ở Helsinki, Tổng thống Trump đã nói với các phóng viên báo chí ở Tòa Bạch Ốc rằng: “Tôi đã nói nhầm từ ‘đã’ thay vì ‘đã không’, và có ý nói là ‘không có lý do gì mà Nga đã không can thiệp’ chứ không phải là “không có lý do gì mà Nga đã can thiệp”.

Cuộc thăm dò ý kiến của Reuters và Ipsos thực hiện sau cuộc họp báo với ông Putin cho thấy 55% cử tri Mỹ không đồng tình với cách Tổng thống Trump quan hệ với Nga, trong khi 37% ủng hộ.

Tổng thống Trump có cơ hội công khai phản đối ông Putin tại cuộc họp báo ở Helsinki, nhưng thay vào đó, ông đã ca ngợi nhà lãnh đạo Nga về sự phủ nhận “mạnh mẽ và kiên quyết” kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ là nhà nước Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

Đứng bên cạnh ông Putin ở Helsinki, Tổng thống Trump nói với các phóng viên báo chí rằng ông không tin rằng Moscow làm việc đó. Ông nói “Tôi không thấy lý do tại sao phải như vậy.”

Mặc dù phải đối mặt với áp lực lớn từ những người chỉ trích, các nước đồng minh và thậm chí cả nhân viên của mình đòi ông phải có một thái độ cứng rắn, Tổng thống Trump không có một lời nói bất bình công khai nào đối với Moscow về bất kỳ vấn đề nào đã đẩy mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh lạnh.

Các đại biểu của cả Đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ cáo buộc ông đứng về phía đối thủ hơn là quốc gia của mình.

Mặc dù có một cuộc phỏng vấn trên truyền hình và nhiều thông tin đăng lên Twitter, ông Trump đã không đính chính phát biểu “nhầm” của ông mãi cho đến 27 giờ sau đó. Trong phát biểu hôm thứ Ba mà chủ yếu là đọc từ một bản văn đã viết sẵn, ôngTrump nói ông hoàn toàn tin tưởng vào các cơ quan tình báo Mỹ và đồng ý với các kết luận của họ.

Sau đó, ông thôi nhìn vào phát biểu đã soạn sẵn và chuyển sang nói về ai đã can thiệp bầu cử Mỹ rằng: “Cũng có thể là những người khác. Có rất nhiều đối tượng khả nghi.”

Cách chữa nhầm của Tổng thống Trump đã không dập tắt được những tranh cãi. Các đảng viên Dân chủ bác bỏ tuyên bố của ông Trump và gọi đó là nỗ lực cứu vãn thiệt hại chính trị.

Ông Adam Schiff, ủy viên kỳ cựu của đảng Dân chủ trong Ủy ban tình báo Hạ viện, nói: “Đó là một thực tế rõ ràng. Cách làm đó là một nỗ lực để sửa lại những tại hại ông gây ra ngày hôm qua. Những tai hại đó quá lớn không thể sửa chữa bằng một tuyên bố ngắn.”

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo khối Dân chủ ở Thượng viện nói rằng những phát biểu của ông Trump hôm thứ ba là một dấu hiệu của sự yếu đuối, đặc biệt là tuyên bố “có thể là những người khác” đã phá cuộc bầu cử Mỹ.

Ông Schumer nói ở Thượng viện: “Ông ấy đã đưa ra một tuyên bố khủng khiếp, cố gắng cứu vãn, nhưng không thể quay ngược lại được. Nó cho thấy Tổng thống Trump yếu đuối, không thể trực tiếp đối mặt với ông Putin.”

Bão tố chính trị từ cách làm của ông Trump ở Helsinki đã bao trùm lên chính quyền của ông và lan sang các đảng viên Cộng hòa, che phủ hầu hết những tranh cãi thường xuyên nổ ra trong suốt 18 tháng cầm quyền của Trump.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo khối đa số Thượng viện, nói với các phóng viên rằng Nga không phải là một người bạn của Hoa Kỳ và cảnh báo rằng Nga có thể sẽ lập lại hành động phá hoại đó trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào tháng 11.

“Có rất nhiều người trong chúng ta hoàn toàn hiểu những gì đã xảy ra trong năm 2016, và tốt hơn là điều đó sẽ không xảy ra một lần nữa vào năm 2018,” ông McConnell nói.

Một số nhà lập pháp cho biết họ sẽ đề xuất các biện pháp chống lại Nga.

Một số thượng nghị sĩ của cả hai đảng ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga. Ông McConnell và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, nói họ sẽ xem xét thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-tim-cach-giam-cuong-phong-chinh-tri-sau-cuoc-hop-voi-putin/4487747.html

 

Mỹ: Lãi suất sẽ tăng theo tăng trưởng kinh tế

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói với các nhà lập pháp hôm thứ Ba rằng tăng trưởng kinh tế mạnh sẽ giữ cho ngân hàng trung ương của Mỹ tiến theo hướng tăng dần lãi suất. Nhưng ông lưu ý rằng các chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Donald Trump có nguy cơ làm kìm hãm tăng trưởng trong tương lai nếu chúng dẫn tới các mức thuế quan cao hơn vĩnh viễn.

Trình bày bản báo cáo hai lần một năm về chính sách tiền tệ trước Quốc hội, ông Powell đưa ra đánh giá lạc quan về triển vọng của nền kinh tế. Ông nói năng lực vận hành của nền kinh tế đã cho phép Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm cường độ chính sách “tiếp sức” mà họ bắt đầu thi hành từ một thập niên trước để giúp nâng nền kinh tế ra khỏi cuộc Đại Suy thoái kinh tế.

Kế hoạch tăng lãi suất chầm chậm của Fed đang “diễn tiến suôn sẻ,” ông Powell nói. Và ngân hàng trung ương hy vọng thị trường việc làm sẽ vẫn vững mạnh và lạm phát sẽ ở gần mục tiêu 2 phần trăm của Fed trong vài năm tới.

“Chính sách của chúng tôi phản ánh năng lực vận hành mạnh mẽ của nền kinh tế và có mục đích giúp đảm bảo rằng xu hướng này tiếp tục,” ông Powell phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện.

Các nhà kinh tế tư nhân nói rằng những phát biểu của ông Powell gửi một tín hiệu rõ ràng rằng Fed, vốn đã tăng lãi suất gấp đôi trong năm nay, dự kiến sẽ vẫn đi theo đường hướng hiện thời là nâng lãi suất thêm hai lần trong năm nay.

Ông Powell đối mặt với một số câu hỏi về thương mại, với các thượng nghị sĩ của Đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa tìm kiếm chỉ trích nhắm vào các chính sách của chính quyền Trump áp thuế quan trừng phạt lên hàng tỉ đôla hàng nước ngoài nhập khẩu. Các hành động này cho tới nay đã khơi ra phản ứng trả đũa từ Trung Quốc và các nước khác áp thuế quan trả đũa lên hàng hóa của Mỹ.

Lúc đầu, ông tìm cách tránh trả lời trực tiếp một câu hỏi về tác động khả dĩ của đối sách của ông Trump về thương mại bằng cách nói rằng thương mại không phải là vấn đề mà Fed có thể kiểm soát. Nhưng khi bị thúc ép, ông nói rằng nếu nỗ lực của ông Trump “dẫn đến mức thuế thấp hơn cho mọi người, đó sẽ là một điều tốt. Nếu nó dẫn đến mức thuế cao hơn, nó sẽ có hại cho nền kinh tế của chúng ta.”

Chủ tịch Fed dẫn ra chính sách thương mại và tài chính, bao gồm luật cắt giảm thuế lớn thông qua vào năm ngoái, là một số trong số những bất ổn có thể làm thay đổi dự báo kinh tế của Fed.

https://www.voatiengviet.com/a/my-lai-suat-se-tang-theo-tang-truong-kinh-te/4486930.html

 

Mỹ: Quan ngại về chính sách bảo vệ

các nhà tài trợ ‘tiền đen’

Một quyết định của Bộ Tài chính Mỹ nhằm bảo vệ danh tính của những nhà tài trợ “tiền đen” cho các tổ chức phi lợi nhuận tham gia hoạt động chính trị đã khơi ra các cảnh báo vào thứ Ba rằng chính sách này có thể vô tình tiếp tay cho các tác nhân nước ngoài, trong đó có Nga. “Tiền đen” là ngân khoản chi tiêu cho chính trị nhằm chi phối quyết định của cử tri nhưng không tiết lộ nhà tài trợ và nguồn gốc của số tiền.

Bộ Tài chính của chính quyền Trump hôm thứ Hai nói họ sẽ sẽ không yêu cầu một số tổ chức được miễn thuế phải tiết lộ danh tính các nhà tài trợ của họ cho Sở Thuế vụ nữa.

Hành động này được các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ca ngợi là một chiến thắng cho quyền tự do ngôn luận. Tổ chức chính trị bảo thủ FreedomWorks đã kêu gọi Quốc hội ban hành luật để pháp điển hóa sự thay đổi chính sách này nhằm ngăn một chính quyền tương lai đảo ngược nó.

Phe Dân chủ chỉ trích thay đổi này là một trở ngại cho sự minh bạch bầu cử vào thời điểm mà căng thẳng tăng cao liên quan tới việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Sự thay đổi chính sách của Bộ Tài chính được công bố chỉ vài giờ sau khi các nhà điều tra liên bang loan báo các cáo buộc đối với một người phụ nữ Nga có liên hệ tới Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA). Những nhà tài trợ của tổ chức phi lợi nhuận này sẽ được bảo vệ bởi sự thay đổi chính sách này.

“Bộ Tài chính đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những nhà tài trợ nước ngoài ẩn danh chuyển tiền đen sang những tổ chức phi lợi nhuận trong cùng một ngày mà một công dân Nga có liên hệ tới NRA bị bắt vì tìm cách ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của chúng ta,” Thượng nghị sĩ Ron Wyden, nhà lập pháp hàng đầu của phe Dân chủ trong Ủy ban Tài chính Thượng viện, nói trong một thông cáo.

Các quan chức của NRA không bình luận ngay lập tức, Reuters cho biết.

Trong nhiều thập niên qua, Bộ Tài chính đã bắt buộc các nhóm được miễn thuế được tổ chức theo Mục 501 (c) của luật thuế Hoa Kỳ phải tiết lộ cho Sở Thuế vụ danh tính của các nhà tài trợ của họ. Những tiết lộ được giữ bí mật và không được công khai.

Theo chính sách mới, các tổ chức từ thiện truyền thống vẫn sẽ được yêu cầu đáp ứng các qui định công bố thông tin.

Nhưng những tổ chức được gọi là các tổ chức phúc lợi xã hội, bao gồm một số tổ chức mà nhiều người biết tiếng như NRA, Planned Parenthood và Sierra Club, sẽ không còn phải tiết lộ danh tính các nhà tài trợ trong hồ sơ khai thuế của họ nữa. Các công đoàn và hiệp hội thương mại, kể cả các phòng thương mại, cũng vậy.

Hôm thứ Hai, Bộ Tư pháp cáo buộc Maria Butina 29 tuổi, người sáng lập một tổ chức vận động ở Nga mang tên “Quyền Mang Vũ khí,” phạm tội dự mưu trong khi vun đắp các quan hệ với công dân Mỹ và thâm nhập các tổ chức chính trị.

Đơn khiếu tố hình sự cho biết cô Butina đã tìm cách gây ảnh hưởng đến chính trị Mỹ và thâm nhập một tổ chức vận động cho quyền sở hữu súng không được nêu tên trong các văn kiện.

Hình ảnh trên trang Facebook của cô Butina cho thấy cô đã tham dự các sự kiện do NRA tài trợ.

https://www.voatiengviet.com/a/my-quan-ngai-ve-chinh-sach-bao-ve-cac-nha-tai-tro-tien-den/4486926.html

 

Quốc hội Mỹ sẵn sàng

áp đặt thêm lệnh cấm vận Nga

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan hôm thứ Ba ngày 17/7 cho biết ông sẵn sàng xem xét áp đặt thêm lệnh trừng phạt vào Nga và lặp lại ủng hộ của ông đối với kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Phát biểu trước các phóng viên một ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ôn Ryan nói rằng nếu các ủy ban của Quốc hội thấy rằng việc trừng phạt thêm đối với Nga là cần thiết thì “Tôi sẽ hết sức vui lòng xem xét chúng’.

“Nga là một chính phủ đe dọa không chia sẻ những lợi ích của chúng ta và họ cũng không chia sẻ những giá trị của chúng ta,” ông Ryan được AP dẫn lời nói.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Jeff Flake đã đưa ra ý tưởng thông qua một nghị quyết thể hiện sự ủng hộ của giới lập pháp đối với cộng đồng tình báo Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ.

Thượng nghị sỹ Dân chủ Robert Menendez thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cũng đua ra đề xuất về một nghị quyết tương tự như của ông Flake.

Một vài thượng nghị sỹ, trong đó có các ông Ben Sasse, Pat Toomey của Đảng Cộng hòa, Lãnh đạo phe Dân chủ Chuck Schumer và ông Mark Warner, thượng nghị sỹ Dân chủ thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện, đều bày tỏ sự ủng hộ tăng cường trừng phạt Nga. Ông Schumer cũng kêu gọi ngay lập tức thông qua các đạo luật để củng cố an ninh bầu cử.

Tuy nhiên hiện chưa rõ liệu các lệnh trừng phạt mới sẽ được soạn thảo như thế nào.

Lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi hôm thứ Ba ngày 17/7 cũng kêu gọi thông qua đạo luật tăng cường ngân sách để củng cố an ninh của các thiết bị bầu cử của Mỹ và ngăn chặn các vụ tấn công mạng. Bà Pelosi cũng muốn đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện một nghị quyết lên án lời phát biểu của ông Trump ở Helsinki.

Một số nhà lập pháp khác thì kêu gọi một số thành viên trong chính quyền ông Trump nên từ chức.

Hồi năm ngoái, Quốc hội Mỹ gần như nhất trí thông qua các biện pháp trừng phạt Moscow vì can thiệp bầu cử và vì hành động của nước này ở Ukraine và Syria.

Chuyện gì đã xảy ra?

Một số thượng nghị sỹ như các ông Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Lindsey Graham (đều thuộc Đảng Cộng hòa) đều muốn Ngoại trưởng Mike Pompeo ra báo cáo trước Quốc hội về cuộc gặp của Tổng thống Trump với ông Putin.

Ông Chuck Schumer lặp lại lời kêu gọi Thượng viện tổ chức ngay lập tức các phiên điều trần để đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Trump ra trả lời về những gì đã diễn ra trong cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin ‘để cho chúng ta có thể hiểu chuyện quái gì đang xảy ra ở đó’, theo Reuters.

Ông Schumer nói rằng nhân dân Mỹ đáng được biết là ông Trump đã hứa với ông Putin những gì trong cuộc gặp riêng kéo dài hai giờ giữa hai người mà chỉ có sự tham gia của phiên dịch. Ông nói ông Trump đã thể hiện ‘sự nhu nhược hèn hạ và bợ đỡ’ đối với ông Putin và những gì ông Trump phát biểu công khai trước báo giới càng khiến cho việc biết hai nhà lãnh đạo đã bí mật bàn bạc chuyện gì trở nên quan trọng.

Ông Lindsey Graham nói rằng các thượng nghị sỹ muốn ông Pompeo ra trước Quốc hội ‘để nói cho chúng tôi là đã có thỏa thuận nào đạt được trong cuộc gặp kéo dài hai tiếng đồng hồ đó hay không’.

Tương tự, bà Nancy Pelosi thì cho rằng sự ‘sự yếu đuối toàn diện của ông Trump trước ông Putin chứng tỏ rằng người Nga đang nắm cái gì đó về tổng thống, về đời tư, về tài chính hay về chính trị’.

Thượng nghị sỹ Cộng hòa Ben Sasse phát biểu trên đài CBS rằng ‘tổng thống không hề lãnh đạo. Chúng ta đàm phán ở thế yếu. Ông Vladimir Putin ra về với chiến thắng’.

Trong lúc này, bộ máy chính trị và truyền thông của Nga đã ca ngợi cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki là ‘thắng lợi cho ông Putin’ trong việc bẻ gãy sức mạnh của phương Tây trong cách đối xử với Nga.

“Nỗ lực cô lập Nga của phương Tây đã thất bại,” tờ báo Rossiisskaya Gazeta thuộc sở hữu của Nhà nước, chạy tít về cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin.

https://www.voatiengviet.com/a/qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-m%E1%BB%B9-s%E1%BA%B5n-s%C3%A0ng-%C3%A1p-%C4%91%E1%BA%B7t-th%C3%AAm-l%E1%BB%87nh-c%E1%BA%A5m-v%E1%BA%ADn-nga/4486692.html

 

Donald Trump :

Nga sẽ giúp về hồ sơ Bắc Triều Tiên

Thụy My

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay 18/07/2018 trên Twitter cho biết Nga đã đồng ý hỗ trợ về hồ sơ Bắc Triều Tiên, và trong cuộc hội đàm với đồng nhiệm Vladimir Putin, cả hai đã thảo luận về việc giảm vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.

Cùng lúc với tweet của ông Trump, hãng tin Nga RIA loan báo một cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Nga và lãnh đạo Bắc Triều Tiên « đã được lên lịch ». Trước đó vào hôm qua, tổng thống Mỹ khẳng định không có thời hạn cụ thể nào được ấn định cho việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ông nói : « Chúng tôi không vội vã ».

Một tháng sau cuộc gặp lịch sử với Kim Jong Un tại Singapore hôm 12/6, vẫn chưa có gì cụ thể về lịch trình và thể thức « giải trừ hạt nhân hoàn toàn » như đã loan báo, tuy trước hội nghị thượng đỉnh, chính quyền Trump khẳng định tiến trình này sẽ được khởi động « rất nhanh chóng ».

Trên lãnh vực quân sự, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis để ngỏ khả năng mở lại đối thoại với đồng nhiệm Nga Serguei Shoigu, lần đầu tiên kể từ năm 2015. Hai viên chức Mỹ ẩn danh cho Reuters biết như trên, tuy tướng Mattis vẫn coi Nga và Trung Quốc là mối đe dọa chính của Hoa Kỳ.

Nguồn tin cũng nói thêm trong chuyến công du Bắc Kinh mới đây, tướng Mattis đã thẳng thừng bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc, kể cả tại Biển Đông.

Về mặt ngoại giao, Reuters cho biết các nhân vật chính trị và báo chí Nga coi cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ tại Helsinki vừa qua là một chiến thắng của ông Vladimir Putin, phá vỡ ý muốn cô lập Nga của phương Tây sau vụ sáp nhập Crimée. Trả lời báo chí, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đánh giá cuộc họp thượng đỉnh Trump-Putin là « trên cả tuyệt vời »

http://vi.rfi.fr/the-thao/20180718-donald-trump-nga-se-giup-ho-so-bac-trieu-tien

 

Arnold Schwarzenegger

gọi ông Trump là ‘cọng bún thiu’

Ông Arnold Schwarzenegger, thành viên kỳ cựu của Đảng Cộng hòa vốn từng là cựu thống đốc bang California và là ngôi sao trong phim ‘Kẻ hủy diệt’, đã đăng một đoạn video công kích ông Trump về buổi họp báo của ông với người đồng cấp Nga trên Instagram mà trong đó ông mỉa mai ông Trump là ‘cọng bún thiu’.

“Tổng thống Trump ạ, tôi vừa xem buổi họp báo của ông với Tổng thống Putin và nó thật đáng xấu hổ. Ý tôi là, ngài đứng đó giống như cọng bún thiu bé nhỏ, giống như một cậu bé là fan hâm mộ vậy.”

Ông Schwarzenegger còn châm chọc ông Trump là ông ấy trông giống như là đang xin chữ ký hay xin được chụp hình tự sướng với Putin vậy. Ông nói thêm là ông Trump đã ‘bán đứng cộng đồng tình báo’, ‘bán đứng hệ thống tư pháp của đất nước’, và ‘tệ hơn hết, bán đứng đất nước chúng ta’ trong buổi họp báo.

Đoạn băng này của ông Schwarzenegger đã nhận được hàng trăm ngàn lượt thích và hàng ngàn bình luận.

Ông Schwarzenegger không phải là thành viên Đảng Cộng hòa duy nhất không chấp nhận được những gì ông Trump nói trước ông Putin trong buổi họp báo. Hàng loạt lãnh đạo khác của Đảng Cộng hòa, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, Thượng nghị sỹ Jonh McCain, Thượng nghị sỹ Lindsay Graham, Dân biểu Liz Cheney và thậm chí là kênh Fox News, vốn là đài truyền hình ủng hộ nhiệt thành của ông Trump, cũng lên tiếng đả kích ông Trump đã chấp nhận lời bác bỏ của Tổng thống Putin rằng Nga không can thiệp vào kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 để giúp ông đắc cử tổng thống thay vì đứng về phía kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ.

Tuy nhiên, không phải tất cả đảng viên Cộng hòa đều phẫn nộ với cách hành xử của ông Trump ở Helsinki. “Tổng thống đã làm đúng khi gặp ông Putin,” Thượng nghị sỹ Rand Paul phát biểu trên chương trình ‘This Morning’ của Đài CBS. Ông Paul đã được ông Trump cảm ơn công khai trên Twitter.

https://www.voatiengviet.com/a/arnold-schwarzenegger-g%E1%BB%8Di-%C3%B4ng-trump-l%C3%A0-c%E1%BB%8Dng-b%C3%BAn-thiu-/4486686.html

 

Giáo sư kiêm nhà phê bình Mỹ Christopher Balding

bị đại học Trung Cộng sa thải

Bắc Kinh, Trung Cộng – Theo tin từ Reuters 17/07, giáo sư kiêm nhà phê bình Mỹ- Christopher Balding cho biết ông đã bị Đại học Thanh Hoa sa thải, và sắp rời khỏi Trung Cộng.

Giáo sư Christopher Balding đã có 9 năm giảng dạy ở Khoa Kinh Doanh HSBC thuộc đại học Thanh Hoa ở Thẩm Quyến, Trung Cộng. Trong một bài viết trên trang blog cá nhân, ông Balding cho biết đại học Thanh Hoa đã nêu rõ lý do “chính thức” tại sao ông không được tái ký hợp đồng. Tuy nhiên, ông Balding chia sẻ ông biết rõ nguyên nhân thật sự dẫn đến việc ông bị từ chối giảng dạy ở Trung Cộng.

Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, Bắc Kinh đã thắt chặt kiểm soát Internet và đời sống xã hội, cũng như tái khẳng định vị thế của đảng cộng sản ở khắp các trường học và viện nghiên cứu. Trong khi đó, ông Balding luôn công khai bày tỏ quan điểm cá nhân về những mặt tiêu cực của chính sách kiểm soát chặt chẽ ở Trung Cộng. Hồi tháng 8 năm ngoái, ông Balding đã khai mào cuộc vận động trên mạng, kêu gọi nhà xuất bản Cambridge University Press ( CUP) từ chối yêu cầu kiểm duyệt của Trung Cộng. Trước đó, dưới áp lực của Bắc Kinh, CUP buộc phải cho phép chính phủ nước này quyền truy cập của hàng trăm bài nghiên cứu của các học giả. Sau cuộc vận động của ông Balding, CUP đã thay đổi quyết định và ngăn chận quyền truy cập các bài nghiên cứu.

Ông Balding cũng là tiếng nói có ảnh hưởng về nền kinh tế Trung Cộng và là cây bút thường trực của tờ báo Bloomberg. Ông thường xuyên công khai phê phán các chính sách kinh tế và thương mại của Bắc Kinh.

Trên trang blog cá nhân, ông Balding cho biết ông đã từng hy vọng sẽ tìm được một công việc khác để ở lại Trung Cộng. Nhưng với tình hình hiện tại, ông bắt buộc phải về nước. Hiện nay, cả ông Balding lẫn đại học Thanh Hoa từ chối trả lời yêu cầu bình luận từ Reuters. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/giao-su-kiem-nha-phe-binh-my-christopher-balding-bi-dai-hoc-trung-cong-sa-thai/

 

Bồi Thẩm Đoàn Liên Bang phê chuẩn bản cáo trạng

đối với công dân Nga Maria Butina

Washington DC – Một bồi thẩm đoàn chính thức phê chuẩn bản cáo trạng hình sự đối với công dân Nga Maria Butina về hai cáo buộc gồm âm mưu và hoạt động như một nhân viên tình báo ngoại quốc mà không thông báo với Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp.

Cô Butina được cho là tìm cách xâm nhập vào các tổ chức chính trị của Hoa Kỳ, thay mặt một viên chức cao cấp của Nga trong vài năm qua. Tại một thời điểm trong cuộc vận động tranh cử, cô và viên chức này tìm cách tạo một cuộc họp giữa ứng cử viên Donald Trump và Tổng Thống Nga  Putin nhưng không thành công.

Bản cáo trạng nói rằng Butina 29 tuổi, nhập cảnh vào Hoa Kỳ vào tháng 8 năm 2016 bằng visa sinh viên F-1. Trong đơn xin cấp visa, cô cho biết trước đây từng là phụ tá đặc biệt của Alexander Torshin, là phó thống đốc ngân hàng trung ương Nga. Nhưng việc làm của cô cho ông Torshin kết thúc vào ngày 20 tháng 5 năm 2016. Tháng 4 năm 2018, Cơ Quan Kiểm Soát Tài Sản Ngoại Quốc của Bộ Tài Chính Hoa Kỳ đã xử phạt ông Torshin.

Dù trong đơn xin cấp visa, cô cho rằng mình không còn làm việc cho ông Torshin, cô vẫn tiếp tục hoạt động dưới chỉ thị và sự kiểm soát của một viên chức Nga, mục đích là thúc đẩy lợi ích của Liên Bang Nga sau khi cô vào Hoa Kỳ.

Nhiều nguồn tin của CBS News cho rằng việc ông Torshin không bị buộc tội cùng cô Butina, là một dấu hiệu cho thấy công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang tìm cách bảo đảm sự hợp tác với cô, để cô khai báo về ông Torshin hoặc về những viên chức người Nga khác. (Mai Đức)

https://www.sbtn.tv/boi-tham-doan-lien-bang-phe-chuan-ban-cao-trang-doi-voi-cong-dan-nga-maria-butina/

 

Thủ tướng Anh dọa tổ chức bầu cử trước thời hạn

Thụy My

Nữ thủ tướng Anh Theresa May dọa các dân biểu thân châu Âu của đảng bảo thủ là sẽ cho tổ chức bầu cử trước thời hạn vào mùa hè này, nếu kế hoạch ra khỏi liên minh thuế quan châu Âu của bà bị bác bỏ. Reuters dẫn nguồn tin từ tờ Times hôm nay 18/07/2018 cho biết như trên.

Theo tờ báo Anh, lời cảnh báo này được đưa ra đối với nhóm phản đối do các cựu bộ trưởng Stephen Hammond và Nicky Morgan lãnh đạo, chỉ vài phút trước cuộc bỏ phiếu quan trọng tối qua về một điều khoản sửa đổi liên quan đến thương mại, trong khuôn khổ kế hoạch ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU).

Rốt cuộc, với 307/301 phiếu, Quốc Hội đã bác điều khoản sửa đổi này, theo đó chính phủ Anh sẽ phải thương lượng việc ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu nếu đến kỳ hạn 21/01/2019 không đạt được một thỏa thuận tự do mậu dịch với 27 nước EU.

Giành được chiến thắng khít khao trên đây, bà Theresa May tránh được nguy cơ thất hứa, có thể gây tức giận cho phe chống châu Âu của đảng bảo thủ, vì trước đây bà hứa hẹn một Brexit không liên minh thuế quan.

Trong khi đó, chiến dịch chính thức nhằm vận động bỏ phiếu ra khỏi EU, « Vote Leave », hôm qua đã bị Ủy ban bầu cử Anh phạt 61.000 bảng (69.000 euro) vì vi phạm luật bầu cử. « Vote Leave » đã chi vượt mức trần trên nửa triệu bảng Anh (656.000 euro) cho quảng cáo trên mạng, được cho là với sự giúp sức của Aggregate IQ, một công ty Canada có liên quan đến Cambridge Analytica – từng bị tố cáo là sử dụng dữ liệu của hàng triệu người dùng Facebook cho mục đích chính trị.

Sự kiện này khiến không ít người đặt lại vấn đề về giá trị của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, vì số phiếu ủng hộ Brexit chỉ vượt không đầy 2% so với số muốn ở lại với EU. Hai dân biểu Công đảng đã chất vấn chính phủ, bên cạnh đó cựu thủ tướng Tony Blair khi trả lời AFP cho rằng nên tổ chức trưng cầu dân ý lại, trước tình hình Brexit đang sa lầy hiện nay.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180718-thu-tuong-anh-de-doa-to-chuc-bau-cu-truoc-han

 

Google bị EU phạt 5 tỷ đôla để chống độc quyền

Cơ quan chống độc quyền của EU hôm 18/7 phạt Google với mức kỷ lục 4,34 tỷ euro (tương đương 5 tỷ đôla) vì hãng này sử dụng hệ điều hành di động Android của hãng để đánh bật các đối thủ.

Hình phạt này cao gần gấp đôi mức kỷ lục 2,4 tỷ euro trước đó mà hãng công nghệ Mỹ đã bị buộc phải nộp năm ngoái liên quan đến dịch vụ tìm kiếm mua sắm trực tuyến của hãng.

Con số này chỉ bằng doanh thu trong hơn hai tuần của Alphabet Inc., công ty mẹ của Google, và có phần chắc sẽ không ảnh hưởng gì đến lượng dự trữ tiền mặt 102,9 tỷ đôla của họ. Nhưng sự kiện này có thể tác động thêm tới cuộc chiến thương mại âm ỉ giữa Brussels và Washington.

Google cho biết sẽ kháng cáo về khoản phạt. “Chúng tôi lo ngại rằng quyết định ngày hôm nay sẽ làm xáo trộn sự cân đối mà chúng tôi tạo ra rất cẩn thận với Android, và nó gửi ra tín hiệu đáng lo ngại, thiên vị cho các hệ thống độc quyền hơn là các nền tảng mở”, Giám đốc điều hành (CEO) Sundar Pichai của Google cho biết trong một bài blog.

Ủy viên về chống độc quyền của EU, Margrethe Vestager, cũng ra lệnh cho Google ngừng các biện pháp chống cạnh tranh trong các hợp đồng với các nhà cung cấp điện thoại thông minh và các nhà mạng viễn thông trong vòng 90 ngày, nếu không sẽ phải chịu thêm mức phạt lên tới 5% doanh thu trung bình hàng ngày trên toàn cầu của hãng mẹ Alphabet.

Lãnh đạo của bà Vestager, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, sẽ gặp Tổng thống Trump tại Tòa Bạch Ốc hôm 25/7 tới nhằm ngăn chặn các mức thuế mới bị Mỹ đe doạ sẽ đánh vào ô tô EU trong bối cảnh ông Trump phàn nàn về thâm hụt thương mại của Mỹ.

Android được cài trong khoảng 80% điện thoại thông minh trên thế giới, theo công ty nghiên cứu thị trường Strategy Analytics.

Theo giám đốc quỹ Polar Capital, Ben Rogoff, việc thực thi các quy định có thể không có mấy tác dụng đối với những hãng công nghệ khổng lồ như Google và Facebook với sức mạnh thị trường rất chắc chắn.

“Trên thực tế, miễn là họ cung cấp tiện ích tuyệt vời cho người tiêu dùng của họ, người ta sẽ vẫn sử dụng những nền tảng đó. Nếu họ làm như vậy, các nhà quảng cáo cũng sẽ bị thu hút tới những nền tảng đó, bởi vì khó đạt được mức lợi tức từ đầu tư tương tự như thế ở bất cứ nơi nào khác”, ông nói.

https://www.voatiengviet.com/a/google-bi-eu-phat-5-ty-dola-de-chong-doc-quyen/4487885.html

 

Nhật Bản, đồng minh của Mỹ

ngả về phía Liên Hiệp Châu Âu

Thanh Hà

Ngày 17/07/2018, Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu đã chính thức ký kết hiệp định thương mại “đầy tham vọng” bao gồm 1/3 tổng sản lượng toàn cầu. Cả Bruxelles lẫn Tokyo cùng xem đây là một hiệp định lịch sử. Ngoài những lợi ích kinh tế, hiệp định tự do mậu dịch giữa châu Âu và Nhật Bản là một dấu hiệu mới cho thấy một đồng minh thân thiết của Mỹ đi tìm những bãi đáp mới, để đối phó với chính sách bảo hộ của Washington.

Từ Tokyo thông tín viên Frédéric Charles giải thích :

“Là đồng minh trung thành nhất của Mỹ, Nhật Bản chưa bao giờ cảm thấy gần gũi với Liên Hiệp Châu Âu như vào lúc này. Theo quan điểm của Tokyo, Donald Trump đe dọa hệ thống thương mại của toàn cầu.

Nhật Bản đánh giá, tự do trao đổi mậu dịch trong tinh thần bình đẳng không còn được bảo đảm kể từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng.

Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố, thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu chứng minh quyết tâm chính trị vững chắc của đôi bên bảo vệ mô hình tự do mậu dịch đa phương.

Thỏa thuận bao gồm gần 1/3 tổng sản lượng toàn cầu, liên quan đến đời sống của khoảng 600 triệu dân trên thế giới. Ngành nông nghiệp thực phẩm của châu Âu có lợi hơn cả với thỏa thuận này.

Nhật Bản đồng ý mở cửa thị trường nông nghiệp, vốn được kiểm soát rất chặt chẽ, cho hàng của Liên Âu. 85 % các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của châu Âu bán sang Nhật được miễn thuế nhập khẩu.

Đổi lại, sau một giai đoạn chuyển tiếp, các hãng xe Nhật sẽ được tự do thâm nhập thị trường Liên Âu”.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180718-nhat-ban-mot-dong-minh-cua-my-nga-ve-phia-lien-hiep-chau-au

 

Thương mại: Dù bị Mỹ làm khó,

châu Âu không để Trung Quốc dụ dỗ

Trọng Nghĩa

Nhân thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc hôm 16/07/2018 tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục châu Âu liên minh với nhau để đối phó với Mỹ. Thế nhưng, bất chấp những lời đường mật từ phía Bắc Kinh, Bruxelles đã không để rơi vào bẫy, một phần vì Mỹ vẫn là đối tác hàng đầu của châu Âu, nhưng một phần khác vì Trung Quốc cho đến nay vẫn nổi tiếng về vi phạm luật lệ thương mại quốc tế.

Phải nói là thời cơ rất thuận lợi cho Bắc Kinh, vốn đang bị tổng thống Mỹ dồn vào chân tường với một loạt biện pháp trừng phạt, và đang cố tìm đồng minh để chống lại Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh đó, bất chấp quan hệ chặt chẽ giữa hai bên trên mọi bình diện, tổng thống Mỹ cũng đã quyết định áp thuế quan thật cao trên nhôm và thép nhập khẩu, bất chấp những kêu gọi miễn trừ của các đồng minh Châu Âu. Không những thế, trong một bài phỏng vấn, ông Trump còn không ngần ngại xếp Liên Hiệp Châu Âu vào diện « kẻ thù » trong lãnh vực thương mại, tương tự như Trung Quốc và Nga.

Thấy rằng châu Âu có khả năng trở thành một đồng minh tiềm tàng nặng ký cho mình, Bắc Kinh đã lập tức tung ra chiến dịch chiêu dụ Bruxelles. Vào lúc báo chí chính thức nhất loạt cho rằng « Trung Quốc và Châu Âu phải tay trong tay chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch », giới chuyên gia cũng không nói gì khác hơn.

Theo thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, kinh tế gia Đồ Tân Tuyền (Tu Xin Quan), lãnh đạo Viện Nghiên Cứu Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, đã nhận định : « Vào lúc này, khi mà Trung Quốc phải đối mặt với một cuộc chiến thương mại, Châu Âu đang trở nên quan trọng hơn, và hai bên phải hợp tác để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Chưa bao giờ lợi ích chung được hai bên chia sẻ lại nhiều như vây. »

Và tại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc tại Bắc Kinh, hôm 16/07 vừa qua, phía Trung Quốc đã cố tỏ thái độ cởi mở, sẵn sàng đối thoại trên mọi vấn đề, trong khi mà hai cuộc họp thượng đỉnh trước đây đều đã thất bại do lập trường cứng rắn của Bắc Kinh. Phía châu Âu đã khéo khai thác cơ hội này để đề cập đến những vấn đề dễ gây bất bình trong quan hệ thương mại song phương.

Trả lời RFI, đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Trung Quốc, ông Hans-Dietmar Schweisgut đã nói đến các chủ đề như việc chính quyền trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và vai trò của các doanh nghiệp này, vấn đề Trung Quốc buộc các tập đoàn châu Âu phải chuyển giao công nghệ, vấn đề phân biệt đối xử đối với các công ty nước ngoài…

Trong một khảo sát gần đây của Phòng Thương Mại Châu Âu tại Bắc Kinh, một nửa số công ty Châu Âu xác định rằng họ bị đối xử một cách « bất lợi » so với các công ty Trung Quốc, trong lúc một phần năm số doanh nghiệp cho biết họ bị ép buộc chuyển giao công nghệ.

Trước những lời than phiền kể trên, khi họp báo chung với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khẳng định công khai rằng Trung Quốc đã mở cửa rất nhiều rồi, nhưng sẽ còn mở rộng cửa hơn nữa. Ông còn hứa : « Trung Quốc sẽ đảm bảo sao cho các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty châu Âu, đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc. Họ sẽ được đối xử bình đẳng ».

Thế nhưng ông Jean-Claude Juncker đã không tránh khỏi hoài nghi khi cho biết là vào năm 2017, Trung Quốc đã đầu tư 30 tỷ euro vào châu Âu, trong khi châu Âu chỉ đầu tư được khoảng 6 tỷ euro vào Trung Quốc.

Bị Washington tấn công, Bắc Kinh quả là muốn liên thủ với Bruxelles để đối phó. Có điều là tuy trị giá trao đổi thương mại Trung Quốc-Liên Hiệp Châu Âu lên đến 1,5 tỷ euro mỗi ngày, Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại số một của châu Âu, và hơn xa Bắc Kinh.

Trong tình hình đó, dù bất bình trước cung cách thô bạo của tổng thống Mỹ Donald Trump, và dù bản thân mình cũng bị Mỹ tấn công, Liên Hiệp Châu Âu đều nhất trí trên một điểm : Trung Quốc là nước vi phạm các quy tắc của thương mại thế giới. Trả lời RFI, đại sứ Hans-Dietmar Schweisgut từ chối nói về một « mặt trận chung » Liên Âu-Trung Quốc.

Ông khẳng định : « Sẽ không có liên minh với Trung Quốc để chống lại Hoa Kỳ, và chúng tôi hy vọng Trung Quốc nghiêm túc xem xét các mối quan ngại của Mỹ mà Châu Âu cũng chia sẻ, liên quan đến cách kinh doanh của Trung Quốc. Chủ nghĩa đa phương không thể chỉ biểu thị qua các cam kết bằng lời nói. Trung Quốc vẫn phải chứng tỏ thiện chí của họ (bằng hành động thực tế). »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180718-thuong-mai-du-bi-my-lam-kho-chau-au-van-khong-bi-trung-quoc-du-do

 

Bộ trưởng quốc phòng,

ngoại giao Nhật, Nga họp ngày 31/7

Bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao của Nga và Nhật Bản sẽ họp tại Moscow vào ngày 31 tháng 7 sắp tới, theo chương trình đối thoại ‘hai-cộng-hai’.

Hãng thông tấn RIA hôm thứ Tư 18/7 dẫn lời người phát ngôn Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga loan báo tin này, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-quoc-phong-ngoai-giao-nhat-nga-hop-ngay-31-7/4487842.html

 

Nhóm bất đồng chính kiến Pussy Riot bị kết án

 vì làm gián đoạn trận chung kết World Cup

Một tòa án ở Moscow hôm 16/7 tuyên án tù giam 15 ngày đối với bốn thành viên của nhóm nhạc bất đồng chính kiến Pussy Riot vì đã làm gián đoạn trận chung kết World Cup hôm 15/7 giữa Pháp và Croatia khi họ mặc đồng phục giả cảnh sát chạy xuống sân bóng giữa lúc trận đấu đang diễn ra.

Việc các thành viên của nhóm nhạc punk chạy vào sân bóng ở đầu hiệp 2 của trận chung kết là một hành động trâng tráo trên sân vận động Luzhniki ở Moscow trước mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhiều quan chức cấp cao của thế giới đến dự. Quan tòa cũng quyết định cấm bốn người này đến các sự kiện thể thao trong ba năm.

Bốn người này gồm Veronika Nikulshina, Olga Pakhtusova, Olga Kurachyova và thành viên nam duy nhất, Pyotr Verzilov.

Kurachyova nói vụ chạy vào sân, làm trận đấu gián đoạn chỉ trong vài phút, là nhằm để quảng bá cho tự do ngôn luận và lên án các chính sách của FIFA, tức cơ quan quản lý bóng đá thế giới.

“Chỉ tiếc là chúng tôi đã làm gián đoạn các cầu thủ đang thi đấu,” Kurachyova nói với các phóng viên hôm 16/7. “Đáng tiếc là FIFA có liên quan tới các trận đấu không công bằng. FIFA là một người bạn của các lãnh đạo hàng đầu của các quốc gia, những người chuyên đàn áp, những người vi phạm nhân quyền.”

Verzilov, một thành viên khác của nhóm, nói họ chạy xuống sân trong trang phục cảnh sát còn để cho thấy “nhà nước, trong hình ảnh của các cảnh sát, xâm phạm đến cuộc sống của con người” như thế nào.

Ba trong số các thành viên của Pussy Riot đã từng bị giam trong tù vào năm 2012 vì đã tiến hành biểu tình chống lại ông Putin ở một nhà thờ và kể từ đó nhóm này đã trở thành một biểu tượng của hành động trực tiếp chống Kremlin.

Hậu vệ Dejan Lovren của Croatia, người đã đẩy thành viên nam của nhóm chạy xuống sân ra bên ngoài, nói với phóng viên rằng sự việc đó làm gián đoạn trận đấu ở giây phút quan trọng đối với đội tuyển của anh.

Pháp đã giành chiến thắng 4-2 trong trận đấu có sự chứng kiến của Tổng thống Putin cùng với tổng thống Pháp và tổng thống Croatia trên khán đài.

https://www.voatiengviet.com/a/nhom-bat-dong-chinh-kien-pussy-riot-bi-ket-an-vi-lam-gian-doan-tran-chung-ket-world-cup/4486512.html

 

Iran kiện Mỹ ra Tòa án Thế giới về các chế tài mới

Iran đã đệ đơn kiện chống lại Mỹ với cáo buộc rằng quyết định của Washington vào tháng 5 áp đặt chế tài sau khi rút khỏi một thỏa thuận hạt nhân là vi phạm hiệp ước năm 1955 giữa hai nước, Tòa án Công lý Quốc tế cho biết hôm thứ Ba.

Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran mà người tiền nhiệm của ông là Barack Obama và các cường quốc khác đạt được, đồng thời ra lệnh áp đặt những chế tài nghiêm khắc của Mỹ lên Tehran. Theo thỏa thuận năm 2015, mà ông Trump coi là đầy khiếm khuyết, Iran đã kiềm chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của họ dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc và đổi lại được giảm bớt các chế tài quốc tế.

Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), còn được gọi là Tòa án Thế giới, là một tòa án của Liên Hiệp Quốc phụ trách giải quyết các tranh chấp quốc tế. Đơn khiếu nại của Iran yêu cầu ICJ ra lệnh cho Mỹ tạm thời dỡ bỏ các chế tài của họ trước khi có các lập luận chi tiết hơn.

“Iran theo đuổi pháp trị khi đứng trước sự khinh thường của Mỹ đối với ngoại giao và các nghĩa vụ pháp lí,” Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói trong một thông cáo hôm thứ Hai liên quan đến vụ kiện của Tehran tại ICJ.

Iran nói trong thông cáo rằng hành động của ông Trump “đã vi phạm và tiếp tục vi phạm nhiều điều khoản” của Hiệp ước Thân hữu, Quan hệ Kinh tế và Quyền Lãnh sự, đã kí từ lâu trước cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979 lật đổ quốc vương thân Mỹ và mở ra hàng thập niên quan hệ thù địch với Washington.
Không thể liên lạc được tức thì với Bộ Ngoại giao Mỹ để yêu cầu bình luận, Reuters cho hay.

Trong một vụ kiện do Iran đệ trình vào năm 2016 căn cứ trên cùng hiệp ước năm 1955, Washington lập luận rằng ICJ không có thẩm quyền. Tòa án này đã lên lịch tổ chức các phiên nghe chứng trong vụ kiện đó vào tháng 10.

Bước tiếp theo trong vụ kiện mới của Iran sẽ là một phiên nghe chứng mà trong đó Mỹ có phần chắc sẽ tranh luận liệu có căn cứ để đưa ra phán quyết tạm thời hay không. Tòa án vẫn chưa định bất kì ngày nào, nhưng các phiên nghe chứng về các yêu cầu phán quyết tạm thời thường được nghe trong vòng vài tuần, với phán quyết được đưa ra trong vòng vài tháng.

Mặc dù ICJ là tòa án cao nhất của Liên Hiệp Quốc và các quyết định của họ mang tính ràng buộc, họ không có thẩm quyền để thi hành, và các nước – kể cả Mỹ – từng phớt lờ các phán quyết này mấy lần.

https://www.voatiengviet.com/a/iran-kien-my-ra-toa-an-the-gioi-ve-cac-che-tai-moi/4486898.html

 

Lực lượng chính phủ Nicaragua

tấn công căn cứ của phe biểu tình

Monimbo, Nicaragua – Vào hôm Thứ Ba 17/7, hàng trăm cảnh sát và người ủng hộ Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã xông vào một căn cứ lớn của những người biểu tình chống chính phủ, phá bỏ rào chắn bằng đá cuội và giáng một đòn bất ngờ vào những nỗ lực lật đổ vị lãnh đạo thuộc đảng Sandinista.

Trong cuộc đụng độ kéo dài hơn bốn tiếng đồng hồ vào hôm Thứ Ba, lực lượng trung thành với chính phủ đội mũ trùm đầu và mang vũ khí tự động, đối đầu với các thanh niên cầm súng cối, khiến vùng ngoại ô Monimbo của thành phố Masaya rải đầy kính vỡ và vỏ đạn.

Ước tính có ít nhất 275 người đã thiệt mạng tại Nicaragua, kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra vào Tháng Tư, do kế hoạch cắt giảm phúc lợi hưu trí của chính phủ tổng thống Ortega. Chính sách áp bức này của chính phủ đã kích động làn sóng biểu tình lan rộng hơn, nhằm chống lại quyền cai trị của ông Ortega.

Ông Ortega từng là lãnh đạo du kích theo chủ nghĩa Mác, đồng thời cũng là tổng thống Nicaragua từ năm 2007, và là lãnh đạo của nước này trong giai đoạn 1979 – 1990. Vào ngày 19 tháng 7 năm 1979, Đảng Sandinista đã tiến vào thủ đô Managua sau khi lật đổ chế độ độc tài tàn bạo của ông Anastasio Somoza, với sự giúp đỡ từ một cuộc nổi dậy ở Masaya. Sau nhiều năm yên bình, tình trạng bạo lực hiện tại được xem là tình hình nghiêm trọng nhất của nước này, kể từ thời phong trào Sandinista đối đầu với quân nổi dậy “Contra” do Hoa Kỳ hậu thuẫn trong những năm 1980.

Hiện nay, Chính quyền tăng cường đàn áp, nhằm xóa sổ những căn cứ biểu tình lớn trước ngày kỷ niệm 39 năm cuộc cách mạng Sandinista vào hôm Thứ Năm 19 tháng 7.

Những người chống đối ông Ortega cho rằng lệnh đàn áp của ông chính là chiến thuật từng được nhà độc tài Somoza sử dụng. Trong khi đó, ông Ortega cho biết các cuộc biểu tình này là một nỗ lực nhằm lật đổ chính quyền của ông bằng vũ lực. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/luc-luong-chinh-phu-nicaragua-tan-cong-can-cu-cua-phe-bieu-tinh/

 

Đài Loan lập phi đội trực thăng tấn công thứ 2

khi Trung Cộng tăng cường quân sự

Đài Bắc, Đài Loan – Theo Bộ Quốc Phòng Đài Loan, phi đội trực thăng tấn công thứ 2 của Đài Loan, gồm 15 trực thăng Apache AH-64E do Hoa Kỳ sản xuất, đã chính thức hoạt động vào Thứ Ba 17 tháng 7, gia nhập phi đội 14 trực thăng trước đó đóng quân tại căn cứ Không quân Longtan ở Đào Nguyên, miền bắc Đài Loan.

Tổng Thống Thái Anh Văn nói, việc điều động phi đội trực thăng Apache là cột mốc quan trọng, đáp ứng các chiến lược của đảo quốc để chống lại sự xâm lược. Quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan đã xấu đi kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành tổng thống năm 2016, và từ chối không công nhận nguyên tắc Một Trung Hoa của Bắc Kinh.

Cho đến nay, bà Thái vẫn tiếp tục kháng cự áp lực từ Bắc Kinh nhờ sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Đài Loan đã mua 30 trực thăng AH-64E từ Hoa Kỳ với giá 1.96 tỷ Mỹ kim vào năm 2008, dưới thời Tổng Thống Mã Anh Cửu. Các trực thăng được giao vào tháng 10, 2014, nhưng 1 chiếc đã bị rơi trong chuyến bay huấn luyện cùng năm, khiến lữ đoàn 601 của Không quân Đài Loan chỉ còn 29 chiếc.

Tổng Thống Thái Anh Văn khẳng định, chính phủ sẽ hoàn toàn ủng hộ quân đội để duy trì và nâng cao năng lực phi đội trực thăng. Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết, phi đội 14 trực thăng đầu tiên chính thức hoạt động vào tháng 6 năm ngoái, và quân đội đã phải mất gần 5 năm để huấn luyện nhân sự và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết, để lữ đoàn trực thăng có thể hoạt động ở mức hiệu quả tối đa. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/dai-loan-lap-phi-doi-truc-thang-tan-cong-thu-2-khi-trung-cong-tang-cuong-quan-su/

 

Tập Cận Bình: Dịu Giọng,

Không Dùng Bạo Lực Chiếm Đài Loan

BEIJING  –   Trong khi các nhân vật diều hâu nói chuyện dùng sức mạnh tái thống nhất Taiwan, lãnh tụ Tập Cận Bình nói chuyện hoà hoãn hơn khi tiếp cựu lãnh tụ KMT (hay Quốc Dân Đảng) là Liên Chấn.

Ông Liên là nhân vật thân Beijing của KMT gặp chủ tịch Tập hôm Thứ Sáu tuần qua.

Nhân dịp này, ông Tập nói rõ “Chúng tôi tin tưởng và có khả năng duy trì định hướng đúng, làm việc vì khả năng phát triển hoà bình 2 bên eo Taiwan, thúc đẩy tiến trình tái thống nhất trong hoà bình”.

Hôm Thứ Hai, viên chức cao cấp Taiwan lên đường đi Washington trong 1 chuyến đi 9 ngày nhằm tăng tiến các liên lạc với chính quyền Trump, theo tin từ tuyền thông chính thức của Taiwan.

Báo Hong Kong viết: Taiwan cần có thêm tàu ngầm trong kế hoạch tăng cường sưc mạnh hải quân.

Mới hồi đầu tháng này, 2 khu trục hạm Hoa Kỳ di chuyển qua eo Taiwai như là “thực hành quyền tự do hàng hải”.

Không lâu sau đó, tại Beijing, viên chức đứng đầu Vụ Taiwan lên án Washington lợi dụng “lá bài Taiwan” trong lúc gây chiến tranh mậu dịïch.

Trong buổi tiếp ông Liên, chủ tịch Tập lập lại “nguyên tắc 1 Trung Hoa” và nhấn mạnh: dân hai bên eo Taiwan không nên để vài vấn đề trì kéo các trao đổi và hợp tác, theo tường thuật của Xinhua – ông nói: đồng chủng 2 bên eo Taiwan phải biết thông cảm, hiểu biết nhau hơn và sát cánh bên nhau để cổ vũ phúc lợi chung.

https://vietbao.com/p122a283394/tap-can-binh-diu-giong-khong-dung-bao-luc-chiem-dai-loan

 

Hồng Kông :

Một đảng ly khai bị dọa cấm hoạt động

Thanh Hà

Ngày 17/07/2018, lãnh đạo ngành an ninh trong chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông, Lý Gia Siêu, chính thức thông báo với đảng Quốc Gia Hồng Kông là đảng này sẽ bị cấm hoạt động. Giới bảo vệ dân chủ Hồng Kông phẫn nộ về quyết định bóp nghẹt quyền tự do hoạt động chính trị tại đặc khu hành chính này.

Từ Hồng Kông, thông tín viên đài RFI Florence de Changy tường trình :

“Hồng Kông công nhận quyền tự do hội họp, nhưng điều đó cũng có giới hạn”. Lãnh đạo ngành an ninh Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee) đã nhắc lại lằn ranh đỏ từng được chủ tịch Tập Cận Bình nêu lên, theo đó Bắc Kinh không chấp nhận mọi ý định đòi tách rời Hồng Kông với Hoa Lục.

Sáng lập viên Đảng Quốc Gia Hồng Kông, Trần Hạo Thiên (Chan Ho Tin), 27 tuổi, xác định là đã nhận được một bức thư chính thức thông báo đảng này có thể bị cấm hoạt động.

Đảng Quốc Gia Hồng Kông thực ra chỉ là một tổ chức rất nhỏ, không có đại biểu trong nghị viện Hồng Kông và ảnh hưởng của đảng này đối với công luận cũng hạn hẹp. Tổ chức này không chính thức đăng ký hoạt động như một đảng phái chính trị. Có điều họ đã dám công khai khẳng định lập trường đòi độc lập với Bắc Kinh.

Trần Hạo Thiên đã không thể ra tranh cử hồi năm 2016 vì từ chối ký tên vào bản cam kết tôn trọng nguyên tắc Hồng Kông là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Hoa Lục. Nhiều nhà đối lập Hồng Kông coi việc đảng này có nguy cơ bị cấm hoạt động là một đòn hù dọa chính trị. Một nghị viên Hồng Kông thuộc phe đối lập cho rằng, nếu chấp nhận cho qua, bước kế tiếp là tất cả các tổ chức kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng ở Trung Quốc sẽ bị khai tử. Đảng Quốc Gia Hồng Kông giờ đây có 21 ngày để giải thích với chính quyền về tính chính đáng để đảng này vẫn được hoạt động”.

Hồng Kông từng là thuộc địa của Anh Quốc, cho nên trong thông cáo ngày 18/07/2018, bộ Ngoại Giao Anh bày tỏ quan ngại trước việc chính quyền Hồng Kông đe dọa cấm đảng do Trần Hạo Thiên sáng lập và kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ”.

Chỉ trích chính sách kiểm duyệt của Bắc Kinh, một giáo sư Mỹ tại Trung Quốc mất việc

Sau 9 năm cộng tác, trường có uy tín Peking University’s HSBC School of Business ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, không gia hạn hợp đồng với giáo sư người Mỹ Christopher Balding. Trên trang mạng ngày 17/07/2018, chuyên gia Mỹ này cho biết ông không ngạc nhiên về quyết định đó. Từ tháng 11 năm ngoái, giáo sư Balding đã biết trước được điều này sau khi ông mở kiến nghị trên mạng kêu gọi nhà xuất bản Anh, Cambridge University Press, kháng cự lại áp lực của Bắc Kinh kiểm duyệt và cấm cho phát hành những bài nghiên cứu nhạy cảm, có nội dung chỉ trích chính quyền Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180718-hong-kong-mot-dang-ly-khai-bi-doa-cam-hoat-dong

 

Jakarta bắn chết 11 ‘trộm vặt’ trước Á Vận Hội

Trước kỳ Asian Games, cảnh sát Jakarta đã thẳng tay bắn chết 11 người bị họ cho là ‘trộm cướp vặt’ và làm bị thương hơn 40 người trong chiến dịch ‘dọn đường phố’.

Báo chí Indonesia cho hay tính đến 17/07 thì “hàng chục nghi phạm các tội trộm cướp đường phố” đã bị bắn.

Trong số này, 11 người đã bị chết, và 41 người bị thương.

Số người bị cảnh sát Anh bắn chết tăng nhanh

Thứ trưởng công an vào Bình Thuận

Công an triệu tập nhiều người sau vụ bạo lực

Nổ lớn tại Công an Đăk Lăk

Chính quyền Jakarta cũng bắt hơn 2000 người bị cho là “gây án” hoặc nghi phạm trong các vụ trộm vặt, cướp giật chỉ sau hai tuần.

Một số đã bị bắn vào chân hoặc vào lưng khi đã bỏ chạy trên phố.

Không nương tay

Thanh tra cảnh sát Idham Aziz nói với báo chí ông ra lệnh cho các đơn vị tuần tra vũ trang “không khoan nhượng, không nương tay khi thấy tội phạm gây nguy hiểm cho tính mạng người dân và nhân viên cảnh sát”.

Nhưng có vẻ lệnh nổ súng nhắm vào mọi nghi phạm cướp giật, trộm vặt, móc túi đến từ cấp cao hơn.

“Điều quan trọng nhất tôi trông đợi là kết quả tốt,” tướng cảnh sát Tito Karnavian nói.

Tổng thống Joko Widodo cũng lên tiếng ủng hộ cho cách kiểm soát xã hội “nặng tay” và chính quyền thường xuyên tổ chức các vụ “trình diễn” tù nhân, và cả các nghi phạm bị bắn ra trước công chúng và truyền hình.

Trong hình có nhiều thiếu niên ngồi vẫn có băng bó ở chân vì bị cảnh sát bắn vào lúc bỏ chạy.

Nhưng đó là những người may mắn vì số còn lại, 11 người, đã bị bắn chết tại chỗ, thường là ở các chợ hoặc trong các đợt vây bắt trộm cắp.

Tổ chức Ân xá Quốc tế lên tiếng phản đối việc bắn và giết người không theo thủ tục này, cho rằng đây là hoạt động vi hiến và xâm phạm quyền con người.

Báo chí Indonesia gọi đây là “bắn người bừa bãi” (shooting spree) mà không cần xử án.

Một phần công chúng cũng lo sợ cảnh sát vũ trang nã đạn ngoài đường gây nguy hiểm cho người dân.

Trước đây, chính quyền Thái Lan thời ông Thaksin Shinawatra, và gần đây là Philippines khi ông Rodrigo Duterte cầm quyền cũng cho công an bắn nghi phạm không cần xét xử.

Á Vận Hội 2018, còn gọi là Jakarta Palembang 2018, sẽ bắt đầu từ 18/08 đến 02/09 tại thủ đô Jakarta và thành phố Palembang.

Dự kiến trên 50 quốc gia châu Á sẽ thi tài trong 40 bộ môn thể thao với khẩu hiệu là ‘Energy of Asia’ (Năng lượng Châu Á).

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44876268

 

Kim Jong-un chê nhà máy điện có ‘bồn tắm bẩn’

Trong chuyến thị sát mới đây, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un bất ngờ chỉ trích giới chức địa phương về sự chậm trễ trong hoàn thành các dự án kinh tế.

Ông Kim thường đưa ra những lời khen ngợi cấp dưới trong các chuyến thị sát nhà máy.

Nhưng truyền thông Bắc Hàn vừa qua cho hay ông Kim ‘không nói nên lời’ khi thấy một nhà máy điện mới chỉ hoàn thành 70% và ‘kinh hoàng’ bởi bồn tắm nước nóng ‘bẩn hơn một bể cá’.

Bình Nhưỡng từ lâu đã thúc đẩy phát triển kinh tế như là mục tiêu thứ hai bên cạnh phát triển vũ khí hạt nhân.

Chuyến thị sát mới đây nhất của ông Kim được thực hiện tại bốn địa điểm phía Bắc tỉnh Hamgyong, giáp với Trung Quốc.

Bắc Hàn ve vãn TQ nhưng ‘muốn học VN’

Kim Jong-un ‘thích chính sách Đổi Mới’ của VN

‘Bên Thắng Cuộc’ chỉ ra hạn chế của Đổi Mới

Tại nhà máy điện Orangchon, ông phàn nàn rằng chỉ 70% cơ sở được hoàn thành dù đã 17 năm sau khi bắt đầu xây dựng.

Tại một khách sạn ở thành phố Yombunjin, ông lưu ý rằng sau sáu năm xây dựng mà vẫn chưa hoàn thành việc trát vữa.

Đến thăm khu nghỉ mát Onpho, ông đã chỉ ra các bồn tắm “bẩn thỉu, u ám và thiếu vệ sinh”, Thông tấn xã KCNA của Bắc Hàn đưa tin.

Sau khi đến thăm một nhà máy sản xuất túi xách, ông nhận định cán bộ ở đây “làm việc chiếu lệ”.

Đổ lỗi

Những gì chúng ta đang nhìn thấy là một lãnh đạo đang mong mỏi xây dựng hình ảnh một nhà cải cách kinh tế ở cả trong và ngoài nước.

Kim Jong-un đã hứa với người dân khi ông lên nắm quyền năm 2011 rằng điều kiện sống sẽ cải thiện. Rằng ông sẽ cải cách kinh tế đồng thời làm Bắc Hàn trở thành một cường quốc hạt nhân.

Bây giờ ông Kim tuyên bố hoàn thành chương trình hạt nhân, và đang cố gắng cho người Bắc Hàn thấy ông ta thực hiện tốt cả cam kết về cải cách kinh tế. Ông đổ lỗi cho các quan chức địa phương về việc không hoàn thành các dự án kinh tế, chứ không phải là do sự lãnh đạo của mình.

Ông ta cũng rất quan tâm tới truyền thông nước ngoài. Bắc Hàn đã cố gắng gạt bỏ những nhận định rằng họ không có ý định giải trừ hạt nhân. Đã có rất ít tiến bộ trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân kể từ khi ông Kim gặp Donald Trump ở Singapore.

Sự chỉ trích được công khai trong chuyến thị sát mới đây cho phép ông Kim biện bạch rằng ông đang tập trung vào cải cách kinh tế – chứ không phải vào xây dựng vũ khí hạt nhân.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44869117

 

Thượng đỉnh Nga-Triều Tiên trong nghị trình

Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên “có trong nghị trình”, đại sứ Nga tại Triều Tiên, Alexander Matsegora, được hãng tin RIA trích lời cho hay hôm 18/7.

Điện Kremlin hồi tháng trước cho biết Nga đã mời lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến thăm Nga, ngoài ra cũng cho biết thêm là ông Kim có thể thăm trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế sẽ được tổ chức tại thành phố Vladivostok ở vùng viễn đông nước Nga vào tháng 9.

https://www.voatiengviet.com/a/thuong-dinh-nga-trieu-tien-trong-nghi-trinh/4487722.html

 

Hàn Quốc cảnh báo hậu quả

của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Thụy My

Bộ trưởng Tài Chính Hàn Quốc hôm nay 18/07/2018 cảnh báo một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể tác động tai hại đến nước mình, đồng thời loan báo tăng trưởng năm nay của Hàn Quốc sẽ giảm nhẹ.

Theo bộ trưởng Kim Dong Yeon, tỉ lệ tăng trưởng của nền kinh tế thứ 11 thế giới năm nay sẽ là 2,9% thay vì 3% như dự kiến, do nhu cầu nội địa cũng như nước ngoài giảm, và tỉ lệ thất nghiệp tăng lên.

Hàn Quốc, vốn rất lệ thuộc vào xuất khẩu, đã đạt tỉ lệ tăng trưởng 3,1% trong năm 2017. Nước này lo ngại về hậu quả cuộc chiến tranh thương mại giữa hai đối tác chính là Trung Quốc và Hoa Kỳ, khi hai bên bắt đầu áp cho nhau các mức thuế quan cao ngất ngưỡng.

Ông Kim tuyên bố trước báo chí : « Tình hình kinh tế trong tương lai không phải màu hồng, và có thể sẽ tệ hại hơn nếu các thị trường tài chính quốc tế lo lắng khi tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên trầm trọng. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao ».

Được biết xuất khẩu chiếm hơn phân nửa GDP của Hàn Quốc, trong đó hơn một phần tư sang Trung Quốc và khoảng 12% sang Hoa Kỳ.

Hôm 6/7, Washington đã áp thuế lên 34 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh lập tức đáp trả tương tự. Nhưng tuần rồi Hoa Kỳ bắn tiếp loạt đại pháo mới, với việc lập danh sách bổ sung hàng Trung Quốc trị giá 200 tỉ đô la có nguy cơ chịu thuế 10% kể từ tháng Chín.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định chiến tranh thương mại là « mối đe dọa lớn nhất trong ngắn hạn » đối với tăng trưởng thế giới.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180718-han-quoc-canh-bao-hau-qua-cua-chien-tranh-thuong-mai-my-trung

 

Đội bóng nhí Thái từng

‘thay phiên nhau đào hang’ tìm lối thoát

Đội bóng thiếu niên và huấn luyện viên được cứu ra khỏi một hang động ở miền bắc Thái Lan hồi tuần trước vừa xuất hiện trước công chúng hôm 18/7, sau một thời gian nằm viện. Họ được giới truyền thông và bạn bè chào đón nồng nhiệt.

Hãng tin Reuters tường thuật rằng 12 thiếu niên và huấn luyện viên đã vẫy tay, mỉm cười và chấp tay chào mọi người theo phong cách truyền thống của người Thái trong lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên trong một chương trình truyền hình trực tiếp từ tỉnh Chiang Rai hôm 18/7.

Tờ Telegraph của Anh trích lời một em trong đội bóng nói: “Em bắt đầu đào hang để cố gắng tìm lối ra. Em đã đào khoảng ba hay bốn mét rồi.”

Hãng tin Reuters trích lời huấn luyện viên Ekkapol Chantawong nói: “Chúng tôi thay phiên nhau đào các vách hang. Chúng tôi không muốn đợi lâu cho đến khi chính quyền tìm thấy chúng tôi.”

Một em kể lại: “Em bảo mọi người nên tiếp tục chiến đấu, đừng tuyệt vọng.”

Adul Sam-on, 14 tuổi, một cầu thủ nhí khác, nhớ lại khoảnh khắc khi hai thợ lặn người Anh tìm thấy nhóm vào ngày 2/7, khi ấy em đang ngồi xổm trong hang sâu vài kilomet.

Giám đốc bệnh viện cho Reuters biết, sau khi được cứu ra khỏi hang vào tuần trước, nhờ kết hợp luyện tập và chăm sóc y tế, các em đã lên cân trung bình 3 kg mỗi em, trước sự kiện báo chí hôm 18/7.

Kết thúc buổi trả lời câu hỏi của truyền thông, các cầu thủ đội bóng Lợn Rừng đã nhận quà lưu niệm từ các giới chức địa phương trước khi ra xe để trở về, bắt đầu một quá trình hồi phục cả về thể chất lẫn tâm lý bên gia đình và người thân.

Tờ Telegraph dẫn lời truyền thông Thái Lan cho biết, gia đình 12 cầu thủ trẻ dự định thu xếp để tất cả cùng dự một khóa tu tập nhằm bày tỏ lòng biết ơn và tiếc thương người hùng cứu mạng, cựu đặc nhiệm Seal Saman Kunan, người đã hy sinh mạng sống trong cuộc giải cứu đầy bất trắc.

Tờ Telegraph của Anh tường thuật rằng khi được hỏi về dự định này, huấn luyện viên Ekapol xác nhận anh cùng các thành viên đội bóng sẽ dự khóa tu tập để tưởng nhớ và tri ân cựu đặc nhiệm Kunan.

Vào ngày 23/6, đội bóng lên kế hoạch để khám phá hang Tham Luang trong khoảng một giờ sau khi tập bóng đá nhưng các em đã bị kẹt trong hang do nước ngập dâng cao làm bít lối ra.

https://www.voatiengviet.com/a/doi-bong-nhi-thai-tung-thay-phien-nhau-dao-hang-tim-loi-thoat/4487831.html

 

World Cup 2022:

Trái bóng chuyển qua sân Qatar

Cúp bóng đá thế giới 2018 trên đất Nga vừa khép lại thành công, mọi cái nhìn giờ đã bắt đầu hướng về Qatar. Từ năm 2010 được FIFA trao quyền tổ chức World Cup 2022, quốc gia nhỏ bé vùng Vịnh này còn 4 năm để hoàn tất mọi công việc đón ngày hội lớn của bóng đá thế giới với không ít thách thức.

Tiến độ có tiến triển

Người Qatar đang cùng lúc phải chạy đua với thời gian, đồng thời phải vượt qua thách thức bối cảnh địa chính trị khu vực ngày thêm căng thẳng cũng như những chỉ trích, tranh cãi không ngớt xung quanh các công việc chuẩn bị hay việc được trao quyền tổ chức sự kiện.

Điều trước tiên có thể nói, cho dù đang bị đẩy vào hoàn cảnh cô lập ngoại giao chưa từng có, Qatar vẫn đang hối hả với các công trường sân vận động, khách sạn, hạ tầng cơ sở sao cho kịp thời hạn đón một kỳ World Cup hoành tráng, khác thường nhất từ trước tới nay.

Cách đây một năm, bộ trưởng Tài Chính Ali Cherif Al-Emadi đã tuyên bố : « Chúng tôi không muốn phải quét lớp sơn cuối cùng khi các cổ động viên tới đất nước chúng tôi ».

Để chuẩn bị cho kỳ Cúp thế giới lịch sử đối với cả khu vực, Qatar đã không tiếc tiền của. Tính trung bình, mỗi tuần quốc gia vùng Vịnh này chi tiêu khoảng 500 triệu đô la cho hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup.

Còn 4 năm rưỡi nữa đến ngày khai hội, trên 8 sân vận động phải được xây mới và nâng cấp, sân Khalifa International Stadium ở Doha đã có thể đi vào hoạt động. Đây sẽ là địa điểm đón giải Vô địch Điền Kinh Thế giới vào tháng 10/2019. Hai sân khác là Al-Wakrah và Al Bayt sẽ được hoàn thiện cuối năm nay và chính thức khánh thành trong năm 2019.

Tiến độ công trình cũng được bảo đảm ở sân vận động chính Lusail Stadium, có sức chứa 80 nghìn người và sẽ là nơi diễn ra trận khai mạc và chung kết Cúp thế giới. Các công trình xây dựng trong thành phố Doha cũng tiến triển tốt.

Tuyến đường tàu điện ngầm đầu tiên có giá trị đầu tư 36 tỷ đô la sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2019 và nhiều tuyến đường ô tô, khách sạn, viện bảo tàng, những khu phố mới và đặc biệt dự án khổng lồ xây mới hoàn toàn thành phố Lusail rộng 35 km2, với kinh phí 45 tỷ đô la, đã bắt đầu thành hình.

Bị các láng giềng bao vây cô lập

Công việc đang có vẻ trôi chảy thì cách đây 13 tháng, Ả Rập Xê Út, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cùng các đồng minh đã cắt quan hệ ngoại giao, bao vây cô lập Qatar.

Sự cố này đã làm dấy lên lại nghi ngại của giới bóng đá không biết liệu nước chủ nhà World Cup 2022 có khả năng bảo đảm thời hạn bàn giao các công trình hay không. Tuy nhiên, vương quốc nhỏ bé nhưng rất giàu có này đã chứng tỏ họ vẫn còn dư nguồn lực.

Cấm vận của các láng giềng đối với Qatar, áp dụng từ ngày 05/06/2017, đã làm gián đoạn nguồn cung ứng vật tư từ các quốc gia trong vùng, đặc biệt là Ả Rập Xê Út, nhưng Qatar đã nhanh chóng tìm được giải pháp thay thế, bằng cách nhập hàng từ Malaysia và Trung Quốc.

Khi có ý kiến nói rằng vương quốc này không có đủ 60 nghìn phòng khách sạn đạt chuẩn của FIFA, Qatar cam đoan đủ khả năng đón tiếp khoảng 1,5 triệu cổ động viên bằng cách huy động khách sạn, các nhà ở qua hệ thống Airbnb, các lều trại và cả du thuyền để đón khách.

Với các đội bóng, người ta vẫn còn chưa biết liệu họ có được ở bên trong nước chủ nhà hay không, vì Qatar có lãnh thổ quá hẹp. Để hỗ trợ Qatar, Iran đã đề nghị đón một số đội tuyển trên đảo Kish, nằm đối diện với nước chủ nhà. Có điều đáng phải tính toán trong chuyện này là đến giờ FIFA vẫn chưa quyết định sẽ cho 32 hay 48 đội dự World Cup 2022.

Một bộ phận khác không thể thiếu trong ngày hội bóng đá thế giới là các khu fan zone. Qatar là nước Hồi Giáo bảo thủ, việc dùng rượu vẫn bị hạn chế. Vậy sẽ quản lý thế nào với khu vực tập trung đông các cổ động viên bóng đá mà bia rượu là một trong những thứ không thể thiếu được.

Một vấn đề luôn là mối lo của bất kỳ nước chủ nhà World Cup nào là an ninh. Từ trật tự sinh hoạt của du khách, nạn côn đồ bóng đá cho đến khủng bố…

Liệu một quốc gia nhỏ như Qatar, dân cư thưa thớt có đủ lực lượng để bảm đảm an ninh trên quy mô lớn hay không ?

Nước chủ nhà hứa sẽ gọi cả lực lượng giữ gìn trật tự của nước ngoài tới để bảo đảm có một kỳ Cúp thế giới an toàn nhất lịch sử. Qatar sẽ huy động cả các chiến đấu cơ mua 8 tỷ đô la của Anh năm ngoái vào việc tuần tra trên không trong thời gian diễn ra sự kiện.

Các tranh cãi, tố cáo vẫn chưa ngừng

Con đường dẫn tới Cúp bóng đá thế giới lần thứ 22 tại Qatar đang rút ngắn dần, thế nhưng đó không phải là con đường bằng phẳng. Đây là kỳ World Cúp gây nhiều tranh cãi nhất ngay từ khi Qatar được chọn là nước tổ chức.

Cho đến giờ nhiều đám mây vẫn còn phủ trên bầu trời nước chủ nhà ngày hội bóng đá thế giới. Cúp bóng đá thế giới 2022 được FIFA trao cho Qatar vào thời điểm mà làng bóng đá thế giới nằm trong tay hai nhân vật đầy quyền lực Sepp Blatter, chủ tịch FIFA và Michel Platini, chủ tịch Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu (UEFA).

Sau đó không lâu, năm 2015 cả hai nhân vật này đã bị văng khỏi cuộc chơi cùng lúc với vụ bê bối tham nhũng bị phanh phui khiến một nửa thành viên ban điều hành định chế quản lý bóng đá thế giới, những người đã bỏ phiếu chọn Qatar, bị liên lụy, dính án.

Vụ đại án ở FIFA vẫn còn chưa kết thúc và nó chỉ làm tăng thêm hoài nghi có tham nhũng vào việc bầu chọn các nước chủ nhà của World Cup, trong đó có Nga và Qatar.

Thực tế là báo chí phương tây đã liên tiếp tung ra những phát giác liên quan đến những dấu hiệu không bình thường trong việc chọn trao quyền đăng cai Cúp thế giới lần thứ 22 cho Qatar.

Trong khi đó, các tổ chức phí chính phủ, đặc biệt là Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), thì công khai tấn công vào khía cạnh khác: tình trạng bóc lột, ngược đãi các lao động nhập cư tại những công trường phục vụ World Cup 2022.

Nước chủ nhà của một sự kiện thể thao đầy tính nhân văn, quảng đại này lại bị tố cáo là đối xử với người lao động như « nô lệ thời hiện đại ». Qatar đã nhiều lần hứa sẽ triển khai hệ thống pháp luật về lao động mới nhằm sửa chữa những sai sót.

Tuy nhiên cách đây ít ngày, Amnesty International đã khẳng định việc bảo vệ quyền của người lao động nhập cư tại Qatar vẫn không được cải thiện, cho dù đất nước này đã ký hai thỏa ước liên quan đến nhân quyền.

Một đất nước nhỏ bé nằm lọt trong sa mạc nắng cháy, không có một chút truyền thống bóng đá, lại là chủ nhà của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã là điều khiên cưỡng. Vì mùa hè quá nóng, cho nên các cuộc thi đấu được FIFA và nước chủ nhà cố ép chuyển sang từ ngày 21/11 đến 18/12/2022.

Đây thực sự là trái khoáy, nhất là khi lịch thi đấu này trùng vào thời điểm các giải vô địch bóng đá châu Âu đang ở vào giai đoạn chạy đua cuối cùng. Như vậy FIFA sẽ phải thương lượng đền bù rất phúc tạp với các câu lạc bộ liên quan.

Qatar đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề cùng lúc để có được World Cup 2020, trong khi mà bên ngoài các tiếng nói kêu gọi tẩy chay vẫn không lắng xuống. 4 năm còn lại sẽ là cuộc chạy đua với thời gian và vượt chướng ngại vật của quốc gia vùng Vịnh này.

http://vi.rfi.fr/the-thao/20180718-worrld-cup-2022-trai-bong-chuyen-qua-san-qatar