Tin khắp nơi – 18/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 18/05/2018

Gina Haspel: Nữ Giám đốc đầu tiên của CIA

Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn giám đốc nữ đầu tiên của CIA, bất chấp vai trò trước đây của bà trong chương trình thẩm vấn nghi phạm khủng bố.

Bà Gina Haspel 61 tuổi, từng làm việc cho CIA 33 năm trong các vai trò bí mật, trở thành giám đốc CIA thay thế ông Mike Pompeo với tỷ lệ biểu quyết 54-45.

Bà Haspel từng điều hành một ‘nhà tù đen’ ở Thái Lan. Đây là hệ thống nhà tù bí mật của Mỹ được thành lập sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 để giam giữ các nghi phạm khủng bố.

Gina Haspel và các vụ CIA ‘tra tấn ở Thái Lan’

Trump khen ngợi cuộc gặp bí mật giữa CIA và Kim Jong-un

Cựu nhân viên CIA bị bắt giữ trong vụ ‘gián điệp Trung Quốc’

Cựu giám đốc CIA, Mike Pompeo, từ nhiệm để trở thành Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain – người bị tra tấn trong hơn năm năm tại một nhà tù Việt Nam – trước đó đã tuyên bố ông phản đối người được Trump đề cử.

Hôm thứ Năm 16/5, sáu đảng viên Dân chủ đã bỏ phiếu cho bà Gina.

Một trong số họ, Thượng nghị sĩ Virginia Mark Warner, cho biết bà Haspel từng nói với ông rằng CIA không nên dùng đến cái gọi là kỹ thuật thẩm vấn nâng cao.

Ông nói bà cam kết không bao giờ sử dụng các phương pháp như vậy ngay cả khi tổng thống yêu cầu.

Hai thành viên đảng Cộng hòa – Jeff Flake và Rand Paul – đã bỏ phiếu chống lại bà Haspel, có nghĩa là bà sẽ không trúng cử nếu không có sự ủng hộ của đảng Dân chủ.

Năm 2002, bà được CIA chọn để điều hành một ‘nhà tù đen’ ở Thái Lan, nơi các kỹ thuật thẩm vấn khắc nghiệt được sử dụng, trong đó có tra tấn, theo một báo cáo của Thượng viện.

Một nghi phạm được đưa đến đó, Abd al-Rahim al-Nashiri, bị tra tấn bằng các phương pháp mà sau này bị tổng thống Barack Obama cấm.

Al-Nashiri, người bị thẩm vấn sau khi bà Haspel điều hành cơ sở này, chịu cảnh thiếu ngủ, khoả thân, nhiệt độ khắc nghiệt, bị giam giữ trong một chiếc hộp nhỏ, bị đẩy mạnh nhiều lần vào tường.

Ba năm sau, bà Haspel ra lệnh hủy bỏ 92 băng video ghi lại việc thẩm vấn ông Al-Nashiri, và ông Abu Zubaydah, người cũng bị giam ở Thái Lan.

Ít nhất 119 nam giới bị Mỹ tra tấn sau những vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại và Lầu năm góc, theo một báo cáo của Thượng viện năm 2014.

Các nhóm nhân quyền cho biết bà Haspel đã rời Thái Lan để giám sát thêm chương trình tra tấn của Mỹ ở nước ngoài, nhưng không rõ vai trò của bà chính xác là gì do hồ sơ của bà đã được CIA bảo mật.

Trước đó, ông Trump kêu gọi Hoa Kỳ bắt đầu lại hình thức tra tấn ‘trấn nước’ các nghi phạm khủng bố.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44164558

 

Ba Lan bắt ‘nhóm quấy phá’ từ Liên bang Nga

An ninh Cộng hòa Ba Lan nói họ bắt giữ một phụ nữ có tên là ‘Yekaterina C’ từ Nga đến để hoạt động cùng một nhóm quấy phá vùng biên giới với Ukraine.

Lãnh đạo Nga nói người VN ‘hiểu rõ cảm xúc người Crimea’

Chỉ Ba Lan bênh Anh mạnh sau vụ Skripal?

Vì sao Tổng thống Ba Lan thăm VN?

Cục an ninh Ba Lan (ABW) cho hay người này cùng một số cộng sự lên kế hoạch gây ra căng thẳng Ba Lan với Ukraine.

Phụ nữ này sẽ bị Ba Lan trục xuất và bốn người khác nay bị cấm nhập cảnh Ba Lan.

Phát ngôn viên của cơ quan an ninh ABW, ông Stanislaw Zaryn còn tiết lộ Ba Lan đã “vô hiệu hóa’ hai mạng lưới ‘chiến tranh hỗn hợp’ của Nga.

“Chiến tranh hỗn hợp’ (hybrid war) là hoạt động phá hoại nhiều cách, gồm cả phát tán tin giả để xoay chuyển thái độ trong công chúng.

Ba Lan luôn cảnh giác trước các nỗ lực của Kremlin tác động đến dư luận của họ sau khi Nga sáp nhập Crimea của Ukraine vào tháng 3/2014, theo BBC News.

Là thành viên Nato và EU, Ba Lan luôn phê phán mạnh chính sách đối ngoại của Nga, nhất là sự can thiệp quân sự của Moscow ở Đông Ukraine.

Tuần này, Tổng thống Nga, Vladimir Putin đã khai trương một chiếc cầu nối phần đất liền của Nga với Crimea, bán đảo nằm trên Biển Đen.

Nhân dịp này, báo Ba Lan đăng các hình ông Putin lái xe tải ‘thông cầu’ qua eo biển Kerch nối Taman thuộc Nga với Crimea.

Trang Wprost ở Ba Lan cho hay Ukraine và cả EU gồm Ba Lan không chấp nhận dự án xây cầu này.

Cây cầu dài 12 dặm là cách chính quyền Moscow nối Nga với phần cực Đông của Crimea trên bộ vì đường từ phía Tây bán đảo này chạy sang Ukraine đã bị Kiev chặn.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44167261

 

Tịch thu hàng trăm túi

chứa ngoại tệ tại nhà ông Najib

Cảnh sát Malaysia tịch thu hàng trăm hộp đồ xa xỉ và túi chứa đầy ngoại tệ từ các dinh thự của cựu thủ tướng Najib Razak.

Hôm thứ Sáu 18/5, cảnh sát cho hay các tài sản bị tịch thu gồm 284 hộp đựng túi xách đắt tiền.

Khi kiểm tra các túi này, cảnh sát phát hiện nhiều loại tiền tệ khác nhau bao gồm Ringgit Malaysia, đô la Mỹ, đồng hồ và đồ trang sức trong 72 túi.

Cảnh sát cho hay chưa thống kê được chính xác có bao nhiêu đồ trang sức vì số lượng khá lớn, theo Reuters.

Khám nhà cựu thủ tướng Malaysia

Bầu cử Malaysia: Mahathir Mohamad tái xuất?

Chuyện gì đã xảy ra ở Malaysia?

Các túi xách bao gồm cách thương hiệu cao cấp như Hermes, Birkin và Louis Vuitton.

Luật sư của ông Najib phàn nàn rằng các cuộc đột nhập và khám xét là “hành vi quấy rối không chính đáng” đang gây ra “lo lắng” cho gia đình ông Najib và những cư dân khác.

Ông nói rằng các tài sản bị tịch thu “dường như có giá trị không đáng kể” và rằng việc tịch thu “tạo ra một hình ảnh xấu cho thân chủ của tôi.”

Các cuộc khám xét các dinh thự của ông Najib ở khắp thủ đô Kuala Lumpur có liên quan đến cuộc điều tra quỹ phát triển nhà nước 1MDB.

Các cáo buộc tham nhũng liên quan đến quỹ 1MDB là nguyên nhân chính khiến ông Najib mất ghế thủ tướng vào tay đồng minh cũ, ông Mahathir Mohammad.

Hàng tỷ đô la không được đưa vào quỹ do ông Najib thành lập.

Bản thân ông Najib được cho là đã bỏ túi 700 triệu đô la, điều ông một mực phủ nhận.

Ông được chính quyền Malaysia xóa tội nhưng hiện đang bị một số nước khác điều tra.

Bầu cử Malaysia: Phe đối lập giành thắng lợi lịch sử

Malaysia đón ông Mahathir trở lại nắm quyền

Thủ tướng mới của Malaysia, ông Mahathir cho biết đang cân nhắc việc mở lại hồ sơ vụ việc và tin rằng số tiền còn thiếu có thể được thu hồi. Ông đã cấm ông Najib rời khỏi đất nước.

Cảnh sát đột nhập văn phòng của ông Najib, nhà riêng và một số bất động sản khác liên quan đến ông trong một khu hạng sang của thủ đô.

Một thợ khóa được đưa đến để mở các khóa an toàn tại nhà ông Najib.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44164559

 

Trump nói không với ‘mô hình Libya’

Năm 2003, lãnh đạo Libya, ông Muammar Gaddafi đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân nhưng sau đó bị các phiến quân do phương Tây hậu thuẫn sát hại.

Mới đây, Bắc Hàn, khi cho hay có thể rút khỏi hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, chỉ đích danh Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton .

Bắc Hàn chỉ trích Nam Hàn ‘kém cỏi’

Mỹ ‘vẫn hy vọng’ sẽ họp thượng đỉnh Mỹ-Triều

Bắc Hàn đe dọa hủy cuộc gặp với Trump

Bắc Hàn có vẻ liên hệ tới một cuộc phỏng vấn trong đó ông Bolton so sánh nước này với mô hình Lybia trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

‘Mô hình Libya’

Năm 2003, sau khi lãnh đạo Libya tuyên bố từ bỏ các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt làm cả thế giới ngạc nhiên, Mỹ dỡ bỏ hầu hết lệnh trừng phạt với nước này trong vòng một tháng.

Quan hệ ngoại giao giữa hai nước được khôi phục.

Nhưng vào năm 2011, nhà lãnh đạo độc tài của Libya bị lật đổ bởi các phiến quân và lính phòng vệ do Nato hậu thuẫn.

Sau đó ông bị các lực lượng nổi loạn bắt và ám sát.

Tổng thống Trump nói gì?

Tổng thống Mỹ nói: “Mô hình Libya không phải là một mô hình mà chúng ta lựa chọn khi nghĩ đến Bắc Hàn.”

Thỏa thuận mà ông Trump đang cân nhắc với Kim Jong-un sẽ là “một cái gì đó mà ông ấy có mặt ở đó, ông ấy sẽ ở đất nước của mình, ông ấy sẽ điều hành đất nước của mình, đất nước của ông ấy sẽ rất giàu mạnh.”

“Nếu bạn nhìn vào Nam Hàn, đây thực sự là một hình mẫu Nam Hàn trong ngành công nghiệp của họ … họ đang làm việc chăm chỉ, những người phi thường.”

Về kế hoạch hội nghị thượng đỉnh, ông Trump nói: “Không có gì thay đổi gì từ phía Bắc Hàn theo như chúng tôi được biết. Chúng tôi chưa được báo gì cả.”

“Và nếu có thay đổi thì cũng tốt thôi, còn nếu không, tôi nghĩ chúng tôi có thể sẽ có một cuộc họp rất thành công.”

Ông Trump nói ông vẫn nghĩ rằng một hội nghị thượng đỉnh với miền Bắc sẽ diễn ra.

Bắc Hàn cảnh báo hôm thứ Tư 16/5 rằng nước này có thể hủy đàm phán với Mỹ dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6.

Vào thứ Năm 17/5, Bắc Hàn cho biết sẽ không tiếp tục đàm phán với Nam Hàn đến khi các vấn đề giữa hai bên được giải quyết.

Hôm thứ Tư 16/5, Bắc Hàn hủy đàm phán với Nam Hàn do giận giữ trước các cuộc tập trận chung của Nam Hàn với Mỹ, và cho rằng đây là sự tập dượt để ‘xâm lược’.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44164557

 

Bắc Hàn chỉ trích Nam Hàn ‘kém cỏi’

Bắc Hàn nói sẽ không nối lại các cuộc đàm phán với Nam Hàn cho tới khi các vấn đề giữa hai quốc gia được giải quyết.

Trưởng đoàn đàm phán của Bình Nhưỡng nói giới chức Nam Hàn kém cỏi và thiếu nhạy cảm.

Miền Bắc đang rất giận dữ trước việc Mỹ và miền Nam đang có cuộc tập trận chung.

Mỹ ‘vẫn hy vọng’ sẽ họp thượng đỉnh Mỹ-Triều

Bắc Hàn đe dọa hủy cuộc gặp với Trump

Bắc Hàn thả ba tù nhân Mỹ

Hiện chưa rõ liệu cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un có diễn ra như dự kiến hay không.

Nam Hàn đã đề nghị đóng vai trò cầu nối giữa hai bên, nhưng điều này dường như sẽ khó lòng xảy ra với việc việc Bắc Hàn ra tuyên bố gay gắt mới đây.

Trưởng đoàn thương thuyết Ri Son-gwon nay chuyển sang dùng những lời lẽ giận dữ mà Bắc Hàn vốn từng dùng, theo nội dung các nhận xét của ông được hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn KCNA loan tải.

Ông cũng chỉ trích giới chức Nam Hàn là đã cho phép “kẻ cặn bã” (là cách mà Bắc Hàn dùng để gọi người Bắc Hàn đào tẩu) phát biểu trước Quốc hội ở Seoul.

Hôm thứ Ba, Bắc Hàn rút khỏi cuộc họp theo dự kiến sẽ diễn ra với Nam Hàn vào thứ Tư, do tức giận về việc Mỹ-Hàn bắt đầu tập trận chung.

Sau đó, Bình Nhưỡng ra tuyên bố nói có thể họ sẽ không tham gia cuộc họp thượng đỉnh với Hoa Kỳ nếu như chính quyền ông Trump khăng khăng muốn Bắc Hàn phải đơn phươngn từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Cuộc họp rất được trông đợi giữa hai nhà lãnh đạo theo dự kiến sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày 12/06.

Thái độ chỉ trích mà Bắc Hàn tỏ rõ với Nam Hàn hôm thứ Năm đánh dấu sự đổi giọng của Bình Nhưỡng chỉ vài tuần trước khi dự kiến có cuộc gặp thượng định với Mỹ, phóng viên BBC tại Seoul Laura Bicker nói.

Bình Nhưỡng có vẻ như đang muốn gây áp lực lên cả Mỹ và Nam Hàn, và từ chối nói chuyện cho tới khi đạt được một số nhân nhượng, phóng viên BBC nói thêm.

Điều gì khiến Bắc Hàn tức giận?

Mỹ và Nam Hàn đang có cuộc thao diễn chiến đấu trên không, cuộc tập trận có tên là Max Thunder, ở bán đảo Triều Tiên với sự tham gia của gần 100 chiến đấu cơ.

Bắc Hàn gọi đây là hành động “khiêu khích” và là sự tập dượt cho cuộc xâm lược.

Việc Bắc Hàn nói có thể rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ bắt nguồn từ sự tức giận của Bình Nhưỡng đối với Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton.

“Chúng tôi không che giấu cảm giác ghê tởm của chúng tôi đối với ông ta,” tuyên bố do Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye-gwan viết, nêu rõ.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình dịp cuối tuần rồi, ông Bolton nói rằng Bắc Hàn có thể đi theo “mô hình Libya” trong việc tiến hành phi hạt nhân hóa theo cách có thể kiểm tra được.

Tuy nhiên, điều này khiến cho Bình Nhưỡng cảm thấy bị báo động.

Bắc Hàn đã từng theo dõi diễn biến tại Libya, nơi mà Đại tá Gaddafi từ bỏ chương trình hạt nhân và rồi bị các phiến quân do phương Tây hậu thuẫn giết chết chỉ vài năm sau đó.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44161532

 

Xả súng trường học ở Texas

Tám người có thể đã thiệt mạng trong vụ xả súng ở một trường trung học tại bang Texas, Hoa Kỳ.

Florida: Bảo vệ trường bị xả súng phản biện

Mỹ: Xả súng ở trường trung học, 17 người chết

Một người đang bị tạm giữ sau vụ tấn công tại Trường Santa Fe, cách Houston 65 cây số.

Chưa rõ kẻ tấn công có phải là học sinh hay không.

Một đội chống bom đang có mặt tại hiện trường, trong lúc trực thăng y tế đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Vụ việc xảy ra ở Harris County, quận lớn nhất tại Texas.

Cảnh sát trưởng Ed Gonzalez viết trên Twitter rằng đang có “vụ nhiều thương tích”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng viết trên Twitter rằng đã có vụ bắn súng trường học ở Texas.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44160895

 

Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo

hoàn thành thử nghiệm trên biển

Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo vừa hoàn thành 5 ngày thử nghiệm trên biển. AP loan tin này hôm 18 tháng 5.

AP trích thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, tàu sân bay Type 001A, hiện chưa được đặt tên, vừa hoàn thành tất cả các hạng mục vụ thử nghiệm và đã quay trở về cảng Đại Liên, ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.

Tàu sân bay 50 ngàn tấn này là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, sẽ được đưa vào hoạt động trước năm 2020 sau khi bổ sung các trang thiết bị.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là tàu Liêu Ninh được mua từ Ukraina về rồi tân trang lại và được đưa vào sử dụng từ năm 2012 cùng với các máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc.

Trung Quốc được choa đang cố gắng vượt Mỹ để trở thành cường quốc hải quân thống trị ở châu Á.

Bắc Kinh nói các tàu sân bay là cần thiết để bảo vệ bờ biển và các tuyến đường biển thương mại, nhưng đây cũng được xem là để củng cố tuyên bố của Trung Quốc đối với lãnh thổ Đài Loan và việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/cn-first-home-built-aircraft-carrier-completes-sea-trials-05182018085206.html

 

Núi lửa Hawaii phun cao 9 ngàn mét,

và có thể còn hoạt động mạnh hơn

Núi lửa Kilauea tại Hawaii hôm 17/5 phun ra cột tro khói bụi cao hơn 9.000 mét. Các nhà khoa học cảnh báo rằng nhiều khả năng còn các đợt phun trào dung nham mạnh hơn sắp diễn ra.

Theo hãng tin Reuters, núi lửa​ đang phun trào dữ dội với tro khói bụi cao hơn 9.000 m trên bầu trời đảo Hawaii Lớn.

Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cảnh báo rất có thể núi lửa sẽ còn phun tiếp trong vài ngày tới.

Nhà chức trách đã ban bố tình trạng báo động đỏ, cảnh báo các phi công không bay qua khu vực núi lửa do nguy cơ tro bụi dày đặc.

Chính quyền Hawaii lo ngại dung nham sẽ ảnh hưởng các đường ống dẫn khí đốt dưới lòng đất, sẽ gây nổ lớn, với hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì đang diễn ra. Nguồn cung cấp điện, gas và nước tại một số khu vực đã bị cắt.

Hàng nghìn người dân đã di tản kể từ khi núi lửa Kilauea có dấu hiệu hoạt động bất thường hồi đầu tháng 5. Kể từ đó, chính quyền Hawaii đã mở nhiều điểm tạm trú cho người tản cư.

Kilauea là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới. Theo Reuters, vụ phun trào hôm 17/5 là lần đầu tiên núi lửa Kilauea phu mạnh nhất từ năm 1924 cho đến nay. Các nhà địa chất Mỹ nói núi lửa Kilauea đã từng phun một đợt mạnh vào năm 1790, làm hàng chục cư dân thiệt mạng.

https://www.voatiengviet.com/a/nui-lua-hawaii-phun-cao-9-ngan-met-va-co-the-con-hoat-dong-manh-hon/4399984.html

 

Ông Giuliani nói ông Mueller đã đồng ý

thu hẹp phạm vi phỏng vấn TT Trump

Ông Rudy Giuliani, Luật sư riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm 18/5 cho biết Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã đồng ý thu hẹp phạm vi thẩm vấn đối với Tổng thống Donald Trump từ năm chủ đề còn lại hai chủ đề.

Luật sư Giuliani, từng là thị trưởng thành phố New York, nói với đài truyền hình CNN trong chương trình “New Day” rằng ông Mueller không phỏng vấn Tổng thống về luật sư riêng trước đây của ông là Michael Cohen. Ông Cohen là người đang bị điều tra về các giao dịch kinh doanh riêng của ông ở thành phố New York.

Ông Giuliani nói rằng ông không thể đi vào chi tiết, nhưng nói rằng “trọng tâm chính mà chúng tôi muốn là vấn đề Nga.”

Vào tháng 3, CNN loan tin rằng các nội dung mà nhóm của ông Mueller cho biết muốn phỏng vấn ông Trump bao gồm cả cuộc gặp của con trai ông Trump với những người Nga hồi tháng 6/2016 tại Tòa Tháp Trump ở New York, việc sa thải cựu giám đốc FBI James Comey và cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.

https://www.voatiengviet.com/a/ong-giuliani-noi-ong-mueller-da-dong-y-thu-hep-pham-vi-phong-van-tt-trump/4399975.html

 

Nhân viên ngân hàng TQ rao ăn tối với TT Trump

giá 150.000$

Một ngân hàng Trung Quốc hôm 18/5 nói họ đang siết chặt công tác quản lý sau khi một số nhân viên bị bắt gặp chào mời các khách hàng đầu bảng về cơ hội dự bữa tối và chụp ảnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump với giá 150.000 đôla.

Một giấy mời có hình logo của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), được lan truyền trên mạng xã hội Weibo, chào mời với các khách hàng có giá trị cao về cơ hội dự bữa tối ngày 31/5 tại Dallas để gặp gỡ các “đại gia” Mỹ.

Trong số những điều được nhấn mạnh trong lời quảng cáo là những khách VIP sẽ “ăn tối với tổng thống; chụp ảnh với tổng thống” và được tặng chữ ký của tổng thống.

Ông Trump dự kiến sẽ tổ chức một bữa tiệc tối để gây quỹ với Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa ở Dallas tối hôm 31/5. Số tiền để tham dự là 50.000 đôla một đầu người.

Chi nhánh CCB tại Thâm Quyến cho biết họ đã không đứng ra mời chào và sau khi điều tra, họ thấy rằng một số nhân viên đã quảng cáo về bữa tiệc tối kể trên.

Vì điều này, ngân hàng CCB sẽ tăng cường quản lý nội bộ và chuẩn hóa các hoạt động tiếp thị, họ cho biết trong một tuyên bố.

https://www.voatiengviet.com/a/nhan-vien-ngan-hang-tq-rao-an-toi-voi-tt-trum-gia-150000-dola/4399610.html

 

Trump: Đàm phán thương mại Mỹ-Trung

khó thành công

Tổng thống Donald Trump ngày 17/5 tuyên bố Trung Quốc đã trở nên hết sức phá hoại trong thương mại với Mỹ, đồng thời bày tỏ nghi ngờ về sự thành công trong nỗ lực tái cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh giữa lúc các cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung khai diễn tại Washington.

Phát biểu với báo giới tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói Trung Quốc ‘đánh cắp’ của Mỹ quá lâu rồi và rằng ông đã bảo với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng ‘không thể tiếp tục như thế.’

Dù ca ngợi nỗ lực của đôi bên tìm cách tái cân bằng mối quan hệ thông qua các cuộc thương thuyết mậu dịch, nhưng Tổng thống Trump nói ông nghi ngờ khả năng thành công của nỗ lực này.

Vòng đàm phán thứ nhì giữa các giới chức cao cấp trong chính quyền Trump với những người đồng nhiệm phía Trung Quốc khởi sự tại Bộ Tài chính sáng ngày 17/5, trọng tâm xoay quanh việc cắt giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ và thúc đẩy Trung Quốc cải thiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Tòa Bạch Ốc cho hay Tổng thống Trump sẽ gặp trưởng phái đoàn Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc trong ngày 17/5.

Reuters dẫn lời các giới chức Mỹ thạo tin cho biết trong cuộc đàm phán, Trung Quốc đưa ra một gói các đề nghị mua hàng hóa Mỹ cùng các biện pháp khác nhằm giảm thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc khoảng 200 tỷ đô la một năm.

Một giới chức cho Reuters hay trong số các doanh nghiệp hưởng lợi từ đề nghị của Trung Quốc có nhà sản xuất máy bay Boeing.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/trump-noi-dam-phan-thuong-mai-my-trung-kho-thanh-cong-/4398921.html

 

Mỹ khuyến cáo việc Campuchia

xây đập trên sông Mekong do TQ hỗ trợ

Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy đập thủy điện Sambor của Campuchia do Trung Quốc hỗ trợ sẽ hủy diệt các loài hản sản trên sông Mekong. Các chuyên gia Mỹ ra khuyến cáo dừng dự án này nhưng chính quyền Campuchia vẫn im hơn lặng tiếng.

Hãng tin AP hôm 17/5 dẫn phúc trình của Viện Di sản Thiên nhiên (NHI) có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết dự án đập Sambor dù mang lại lợi ích lớn về điện cho Campuchia nhưng cũng góp phần phá huỷ môi trường sống của các loài thủy sản trên dòng Mekong, nơi sinh kế của hàng triệu người dân.

Các chuyên gia NHI cảnh báo đập Sambor sẽ trở thành rào cản ngăn chặn sự di cư của cá từ Biển Hồ của Campuchia, đồng thời ngăn chặn trầm tích chảy xuống vùng hạ lưu, nơi đất nông nghiệp đồng bằng bị phá hủy do xâm nhập mặn từ nước biển.

Đập Sambor sẽ chặn luồng cá từ Biển Hồ, một chi lưu quan trọng của sông Mekong, trong khi dòng sông này đảm bảo an ninh lương thực cho khoảng 60 triệu người Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Thêm vào đó, khoảng 80 con cá heo nước ngọt đang có nguy cơ tuyệt chủng ở sông Mekong có thể bị chết vì các khu vực mà chúng sử dụng để trú ẩn vào mùa khô sẽ bị lấp đầy do đập Sambor bị ngăn gây ra sự tích tụ của trầm tích.

Đập thủy điện Sambor được Công ty Lưới điện Nam Trung Quốc thiết kế, trong đó có một hồ chứa rộng 620 km vuông, khi hoàn thành sẽ là con đập lớn nhất từng được xây dựng trên sông Mekong, vượt qua đập Xayaburi ở Lào, vốn bị các nhà môi trường phản đối trong nhiều năm qua.

Các chuyên gia NHI đã gửi báo cáo cho chính quyền Campuchia vào năm ngoái, trong đó đề xuất ngưng dự án này và xây nhà máy điện năng lượng mặt trời để thay thế thủy điện, nhưng phía Campuchia chẳng hề có phản ứng gì.

Báo The Guardian của Anh nói các chuyên gia Mỹ nhận định dự án Sambor ở tỉnh Kratie thuộc Campuchia là một vị trí “tồi tệ nhất để xây thủy điện” vì có tác hại quá lớn đối với môi trường hoang dã.

Tờ Guardian dẫn lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng Campuchia Ith Praing nói: “Đây là một vấn đề nhạy cảm và còn quá sớm để công bố thông tin về dự án Sambor”.

Ông Praing cho biết sẽ không có quyết định nào được đưa ra trước cuộc bầu cử tháng 7 tới. Nếu dự án được thông qua, nhà thầu Trung Quốc Hydrolancang International Energy Company có nhiều khả năng được chọn thực hiện dự án thủy điện Sambor.

https://www.voatiengviet.com/a/my-khuyen-cao-viec-campuchia-xay-dap-tren-song-mekong-do-tq-ho-tro/4398342.html

 

Tổng thống Nga – Pháp sẽ gặp bàn về vấn đề Iran

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ thảo luận về vấn đề Iran, Syria và Ukraine khi ông Macron thăm thành phố St Petersburg vào ngày 24 và 25/5, hãng tin Reuters trích một thông cáo của điện Kremlin cho biết hôm thứ Sáu 18/5.

Hãng Thông tấn Nga TASS nói: “Các cuộc thảo luận cao của hai nhà lãnh đạo sẽ bàn về sự hợp tác giữa Nga và Pháp và các vấn đề quốc tế và khu vực, bao gồm tình hình xung quanh Kế hoạch hành động toàn diện chung về chương trình hạt nhân Iran, vấn đề Syria và cuộc khủng hoảng nội bộ Ukraina.”

Thông tấn Nga cho biết Tổng thống Pháp sẽ thăm chính thức Nga từ ngày 24/25 tháng 5 theo lời mời của Tổng thống Putin. Ông Macron là khách mời danh dự của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế tại St. Petersburg.

Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg sẽ được tổ chức vào ngày 24-26/5. Diễn đàn này được tổ chức từ năm 1997, và kể từ năm 2006, được tổ chức dưới sự bảo trợ của Tổng thống Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-nga-phap-se-gap-ban-ve-can-de-iran/4399654.html

 

Thái tử Charles sẽ dắt tay tân nương Meghan

vào thánh đường

Hoàng Thái tử Anh Charles, người thừa kế ngai vàng của Vương quốc Anh, sẽ dắt tay nữ diễn viên Mỹ Meghan Markle đến thánh đường hôm 19/5 để cử hành hôn lễ của cô với Hoàng tử Harry, con trai của ông, vì thân phụ của cô sức khỏe kém.

Hãng tin Reuters trích một thông cáo của Điện Kensington hôm 18/5 cho biết: “Cô Meghan Markle đã yêu cầu Hoàng Thái tử xứ Wales dắt tay cô lên cung thánh The Quire của thánh đường St George trong hôn lễ.”

Điện Kensington cho biết “Hoàng Thái tử xứ Wales hân hoan thực hiện nghi thức này và chào đón cô Markle đến với Hoàng gia.”

Ông Thomas, thân phụ của nữ diễn viên trong tuần này vừa phải phẫu thuật tim nên không thể tham dự lễ cưới. Hôm 17/5, cô Markle nói trong một tuyên bố rằng cô rất buồn vì cha cô không thể có mặt trong hôn lễ.

Vào đêm trước khi diễn ra lễ cưới, thân mẫu của cô dâu sẽ diện kiến và dùng tiệc trà với Nữ Hoàng Anh Elizabeth II, bà nội của chú rễ, Hoàng tử Harry.

Bên ngoài Lâu đài Windsor, nơi hoàng gia Anh đã ngự trị gần 1.000 năm qua, các du khách gửi lời chúc phúc tới đôi tân nương và tân lang, trong lúc các phóng viên truyền hình thì nhộn nhịp đưa tin về lễ cưới hoàng gia bên dưới quốc kỳ Anh và Mỹ.

Hoàng tử Harry sẽ kết hôn cùng cô Markle, một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng qua bộ phim truyền hình “Suits.” Lễ cưới sẽ được tổ chức theo nghi thức Hoàng gia tại thánh đường St George bắt đầu vào lúc khoảng 1100 giờ trưa giờ GMT, ngày Thứ Bảy 19/5/2018.

https://www.voatiengviet.com/a/thai-tu-charles-se-dat-tay-tan-nuong-meghan-vao-thanh-duong/4399641.html

 

Tổng thống Syria sang Nga gặp Putin

Tổng thống Syria, Bashar al-Assad ngày 17/5 bay sang nơi nghỉ mát mùa hè của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Hắc Hải để thảo luận về cuộc xung đột Syria, theo loan báo từ Điện Kremlin. Chuyến thăm càng chứng tỏ Nga là nước chống lưng chính của ông Assad.

Kể từ khi giao tranh bùng nổ ở Syria năm 2011, ông Assad hiếm khi du hành ra khỏi nước, nhưng đã có 3 chuyến thăm Nga được thừa nhận công khai. Mỗi lần như thế đều họp với ông Putin.

Tại cuộc gặp lần này ở khu nghỉ mát Sochi, ông Assad chúc mừng ông Putin đắc cử nhiệm kỳ mới sau cuộc bầu cử Tổng thống Nga hồi tháng 3, đồng thời cũng cảm ơn sự hỗ trợ của quân đội Nga ở Syria.

Phát ngôn nhân Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết cuộc gặp ngày 17/5 không được loan báo trước khi diễn ra.

Điện Kremlin dẫn lời ông Putin chúc mừng lãnh đạo Syria về điều mà ông Putin gọi là thành công quan trọng quân đội Syria đạt được trên chiến trường.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-syria-sang-nga-gap-putin-/4398918.html

 

Ý : Hai đảng dân túy, bài châu Âu

tìm lập chính phủ “đồng sàng dị mộng”

Huê ĐăngTrọng Thành

Hơn hai tháng sau bầu cử Quốc Hội, trong những ngày gần đây, khả năng hai lực lượng chính trị dân túy, bài châu Âu, của Ý – vốn là hai đối thủ – có thể đạt được thỏa thuận lập chính phủ ngày càng hiện rõ. Hôm qua, 17/05/2018, đảng Lega và phong trào 5 Sao vừa tuyên bố đạt được thỏa thuận về bản “hợp đồng chính phủ”, để trình lên tổng thống phê chuẩn. Đa số cử tri Ý hiện nay không biết giữa tình trạng không có được chính phủ hay có một chính phủ dân tuý và bài xích châu Âu thì kịch bản nào tệ hại hơn. Thông tín viên Huê Đăng từ Roma cho biết cụ thể.

Ngoại trừ những cử tri đã bỏ phiếu cho phong trào 5 Sao (của hề Grillo) và đảng Lega (Liên Minh Phương Bắc) của Matteo Salvini ra (khoảng 10 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho 5 Sao và 6 triệu cho Lega trên tổng số 46 triệu cử tri có quyền đi bầu), thì hiện nay đa số người dân Ý không biết giữa tình trạng không có được chính phủ, hoặc có một chính phủ dân tuý và bài xích Liên Âu của liên minh 5 Sao và Lega, thì kịch bản nào tệ hại nhất.

Nói như thế bởi vì cả hai lực lượng chính trị nói trên đều có mẫu số chung là dân tuý, theo nghĩa cho đến nay họ chỉ tỏ ra có khả năng phê phán, chống đối cơ chế đảng phái vốn có quá nhiều tệ nạn, như tham nhũng hối lộ và xa rời quần chúng, hai đảng này đã đưa ra những hứa hẹn tranh cử rất “hào phóng”, nhưng phía sau những hứa hẹn hào phóng đó họ không hề đưa ra một kế hoạch nào để tìm ra ngân sách nhằm thực hiện những chính sách đó (1).

Hai đối thủ từng phỉ báng nhau, phải ngậm bồ hòn làm ngọt

Tuy cùng là lực lượng dân tuý, nhưng hai đảng 5 Sao và Lega lại là đối thủ của nhau: đối thủ theo nghĩa là cả hai đều đã từng chửi rủa phỉ báng lẫn nhau, chỉ cốt tìm cách thu hút những cử tri vốn không còn tin tưởng vào các đảng phái truyền thống, dù hữu khuynh hay tả khuynh. Vì kết quả bầu cử Quốc Hội vừa qua không cho phép đảng nào có được đa số, vì thế cả hai lực lượng phải “ngậm bồ hòn” ngồi chung lại với nhau để thương thuyết tìm ra kế hoạch lập chính phủ.

Theo thông tin báo chí Ý ngày hôm qua 17/05, thì sau những buổi họp “vật vã”, hai lực lượng nói trên đã nhất trí ký bản “hợp đồng chính phủ” gồm 29 điểm bao gồm các vấn đề kinh tế, xã hội, tài chính, thuế khoá, lao động, hưu trí, nhập cư, quan hệ với Liên Âu, quan hệ quốc tế (nhất là với Nga) ….

Nổi bật nhất là những đề nghị như kế hoạch “lợi tức thu nhập công dân”, đây là sáng kiến của 5 sao, theo đó thì những người thất nghiệp sẽ được nhà nước phát lương là 780 Euro/tháng, có điều là chính sách này cũng chỉ sẽ được áp dụng từ năm 2020 vì còn cần phải biết tìm đâu ra ngân sách để đáp ứng.

Hoặc sáng kiến đưa ra “flat tax”, tức là chính sách “thuế má bằng phẳng”, lợi tức thu nhập sẽ chỉ còn bị đánh thuế đơn giản qua hai tỉ suất là 15% đối với lợi tức tối đa là 80 ngàn Euro/năm và 20% đối với lợi tức trên 80 ngàn Euro/năm (3). Đây là sáng kiến của Lega, với lý do là giảm áp lực thuế để tạo “kích cầu” cho nền sản xuất kinh tế.

Đa phần các kế hoạch kinh tế tài chính của hai đảng dân tuý này là nhằm thoả mãn bụng dạ của những cử tri đã dồn phiếu cho họ nhưng không lý giải được sẽ phải làm như thế nào để đối phó với sự bội chi (kế hoạch lợi tức thu nhập công dân) và thất thu (giảm áp lực thuế) cho ngân sách nhà nước.

Theo tin từ hãng thông tấn ANSA(Ý) sáng nay, 18/05, thì “hợp đồng chính phủ” của liên minh 5 sao và Lega sẽ tốn toàn bộ cho ngân sách nhà nước Ý từ 100 đến 150 tỉ trong những năm tới.

“Ủy ban hòa giải” : Sáng kiến cho liên minh “đồng sàng dị mộng”

Có một điều nổi bật nhất trong “hợp đồng chính phủ” nói trên là sáng kiến lập ra một uỷ ban được gọi là “Uỷ ban hoà giải” (Comitato di concilliazione) với nhiệm vụ giải quyết các tranh cãi trong nội bộ chính phủ trong thời gian cầm quyền. Uỷ ban hoà giải này sẽ bao gồm hai lãnh tụ của hai đảng cầm quyền cùng với các trưởng nhóm của các nhóm đại biểu quốc hội của các đảng nằm trong phe đa số của chính phủ. Việc quyết định thành lập một cơ chế mới như uỷ ban nói trên cho thấy bản “hợp đồng chính phủ” vừa được ký kết cũng không bảo đảm hết sự nhất trí cần thiết để cầm quyền, do đó cần phải có một tổ chức đứng ra “hoà giải”, nói cách khác là trong suốt thời gian cầm quyền hai lực lượng dân tuý nói trên sẽ vẫn phải tiếp tục hiệp thương từng ngày.

Nhưng điều đáng chú ý là dựa theo các nhận xét của những nhà nghiên cứu Hiến pháp thì quyền hành pháp đã được uỷ thác cho chính phủ, thì không thể nào bên cạnh chính phủ lại có một cơ chế với sự có mặt của đại biểu quốc hội song song tiếp tục quản lý quyền hành pháp, nói trắng ra sáng kiến “Uỷ ban hoà giải” vi phạm Hiến pháp một cách nghiêm trọng vì có sự pha trộn giữa hành pháp và lập pháp trong một nhà nước pháp quyền dựa trên tam quyền phân lập là lập pháp, hành pháp và tư pháp phải độc lập với nhau. Và cũng theo nhận xét của các chuyên gia Hiến pháp thì đây là một trong những điểm yếu mà tổng thống Ý, ông Sergio Mattarella, có thể đánh giá vi phạm Hiến pháp và từ chối “hợp đồng chính phủ”, một cách gián tiếp từ chối không chấp nhận đề nghị lập chính phủ của liên minh dân tuý nói trên.

Vẫn theo tin của hai lực lượng nói trên thì “hợp đồng” này sẽ được đưa ra cho các đảng viên của hai đảng nói trên “phê chuẩn” vào week-end này. Nhưng vấn đề mấu chốt là ai sẽ đứng ra làm thủ tướng vẫn chưa ngã ngũ (2).

Liên Âu : Liệu Ý có trở thành điểm khởi đầu cho các đổ vỡ ?

Chắc chắn là nếu như liên minh 5 Sao và Lega thành công trong việc lập chính phủ thì sự kiện nói trên sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ trong quan hệ tương lai giữa Ý và Liên Hiệp Châu Âu. Người ta còn nhớ hồi năm 2011, chính phủ của Berlusconi đã có quá nhiều căng thẳng với Liên Âu, nợ công của Ý bị quá tải, các chỉ số tài chính nhảy vọt, báo động đến độ Liên Âu đã phải gây áp lực lên tổng thống Ý, thời đó là ông Giorgio Napolitano, để thay thế bằng chính phủ kỹ trị Mario Monti.

Lần này, dù hiện nay Ý chưa chính thức có chính phủ dân tuý 5 Sao và Lega, nhưng trong mấy ngày qua các chỉ số tài chính spread giữa trái phiếu của nhà nước Ý và của Đức lại bắt đầu tăng vọt, có lúc lên đến 158 điểm, và thị trường chứng khoán ở Milano đã bị tụt đến hơn 2%. Điều này cho thấy là trước viễn ảnh của một chính phủ dân tuý bài xích châu Âu đã bắt đầu gây lo ngại trong cộng đồng Liên Âu (4).

Đọc thêm : Bầu cử Ý : Phe dân túy về đầu, Liên Âu như « chuông treo mành chỉ »

Dĩ nhiên là trong suốt mấy tháng qua Liên Âu vẫn im hơi lặng tiếng vì không muốn bị mang tiếng là can thiệp vào nội bộ chính trị Ý, nhưng khi báo chí đưa ra những sáng kiến nói trên thì Liên Âu đã phải bắt buộc lên tiếng cảnh báo, chẳng hạn như Phó Chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu, ông Dombrovskis đã lớn tiếng kêu gọi Ý phải cẩn thận lo giảm nợ nhà nước và bội thu ngân sách, thậm chí ông ta còn nhắc khéo rằng “sau Hy Lạp thì Ý là thành viên Liên Âu có nợ công lớn hàng thứ hai ở Liên Âu, vượt hơn 130% tồng số sản lượng nhà nước GDP”.

Ngoài ra còn vấn đề quốc tế: hiện nay giữa Liên Âu và Nga đang có nhiều căng thẳng. Châu Âu đang áp dụng một số lệnh cấm vận thương mãi đối với Nga. Nhưng vì đảng Lega là đảng có quan hệ chặt chẽ với Putin (na ná như quan hệ của lãnh đạo cực hữu Pháp Le Pen đối với Putin) nên trong bản “hợp đồng” cũng có nói đến việc đòi “tăng cường quan hệ với Nga”. Thậm chí trong mùa tranh cử Salvini còn “hăm doạ” rằng sẽ xoá bỏ hết tất cả các lệnh cấm vận đối với Nga.

Nhưng dù ai làm thủ tướng đi nữa, dù các đồng thuận về “hợp đồng chính phủ” sẽ được thực hiện suôn sẻ hay không, thì một nước Ý với một chính phủ bao gồm 5 Sao và Lega sẽ là quốc gia thành viên sáng lập Liên Âu đầu tiên có một chính phủ dân tuý, bài xích Liên Âu, bài ngoại, và “hữu hảo” với Putin. Đây là điều mà hồi năm ngoái ở Pháp Le Pen đã không thành công, thì bây giờ Salvini lại thành công ở Ý. Và chắc chắn các đèn pha quốc tế, và nhất là Liên Âu sẽ lập tức chĩa thẳng vào nước Ý, vì có quá nhiều xung khắc giữa Liên Âu với hai lực lượng chính trị 5 Sao và Lega.

Trong những năm gần đây Liên Âu đang gặp rất nhiều khó khăn ngay trong hàng ngũ nội bộ các thành viên, nhất là một số thành viên thuộc các nước Đông Âu cũ, nhưng nếu như Di Maio và Salvini thành công trong việc lập chính phủ thì đây là trường hợp đầu tiên xảy ra ngay ở một quốc gia truyền thống Tây Âu và thậm chí lại là nước thành viên sáng lập Liên Hiệp Châu Âu, nằm trong khối đồng Euro. Những gì sẽ xảy ra cho Liên Âu sẽ là một câu hỏi lớn không chỉ riêng cho Liên Âu mà cho cả sân khấu chính trường quốc tế.

Và điều mà Liên Âu ngại nhất là trong tình cảnh có nhiều khó khăn hiện nay, vấn đề thúc đẩy hội nhập không phải chỉ trên lãnh vực kinh tế và tài chính mà còn trên các lãnh vực khác như quốc phòng, ngoại giao vẫn còn nhiều trở ngại, rất nhiều quốc gia thành viên không muốn từ khước quyền “độc lập tự chủ”, các phong trào “ái quốc cực đoan” đang gậm nhấm Liên Âu, quan hệ với Mỹ cũng đang có nhiều khó khăn, thì một trường hợp như chính phủ dân tuý ở Ý có thể sẽ là đầu cầu cho những bước đổ vỡ khác.

Vai trò của các đảng phái khác ?

Lần bầu cử vừa qua đảng Dân Chủ đã thất cử nặng nề với 18% số phiếu. Từ một đảng có đến 40% trong kỳ bầu cử Quốc hội Châu Âu hồi năm 2014, chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm đảng PD đã mất đi 22% số phiếu. Một cuộc tuột dốc thê thảm, và bắt buộc đảng PD phải lấy vị thế đối lập trong Quốc Hội mới. Nhưng vấn đề trầm trọng nhất là hiện nay đảng PD đang bị chia rẽ nội bộ sâu sắc, và nhất là sau khi Matteo Renzi từ chức tổng thư ký, cho đến nay đảng PD vẫn chưa chính thức có được lãnh đạo mới, chỉ có ông Maurizio Martina, vốn là phó tổng thư ký, đang đứng ra điều hành đảng một cách lâm thời. Do đó nếu phải làm đối lập, đảng PD cũng sẽ không có được một đường lối đối lập thông suốt.

Còn riêng cá nhân Berlusconi thì đảng Forza Italia cũng bị tụt hậu nặng nề, với 14% số phiếu, còn thấp hơn cả phiếu của Lega. Nói cho cùng Berlusconi cũng là một chính khách dân tuý, nhưng “mặt hàng” Berlusconi đã bị “quá đát” và không cạnh tranh nỗi với những Di Maio hay Salvini.

Bản thân Berlusconi cũng sẵn sàng ngồi chung với liên minh dân tuý để lập chính phủ, nhưng chính 5 Sao đã từ khước từ đầu khả năng tham gia chính phủ của Berlusconi, lý do là vì đảng 5 Sao luôn luôn tự xưng mình là lực lượng chính trị “cách mạng triệt để” duy nhất, tẩy chay tất cả các đảng phái, và hình ảnh Berlusconi đã bị 5 Sao dùng như một biểu tượng cho sự thối nát của giai cấp lãnh đạo chính trị của các đảng phái truyền thống, do đó trong bất cứ tình huống nào 5 Sao không thể muối mặt chấp nhận sự tham gia chính phủ của Berlusconi.

Và đây là lý do vì sao dù rằng Lega nằm trong liên minh hữu khuynh với Forza Italia nhưng Berlusconi cũng đã phải tuyên bố sẽ không bỏ phiếu ủng hộ chính phủ dân tuý nói trên (5).

Cỗ xe “5 Sao-Lega” có vượt qua cửa ải Hiến pháp ?

Theo tuyên bố của hai đảng 5 Sao và Lega thì trong week-end tới này bản “hợp đồng chính phủ” nói trên sẽ được hai đảng đưa cho các đảng viên tham gia trưng cầu dân ý. Nhưng thành thật mà nói, 5 Sao thì trưng cầu dân ý qua mạng với hệ thống tin học Rousseau thuộc quyền sở hữu của công ty tin học Casaleggio, vốn cùng với hề Grillo là đồng sáng lập viên của phong trào 5 Sao. Còn Lega thì sẽ áp dụng chính sách bỏ phiếu cổ điển, nhưng những cuộc bỏ phiếu này cũng không có một ai ngoài lãnh đạo Lega kiểm soát, do đó cũng có thể biết trước được kết quả của cuộc trưng cầu dân ý sẽ như ý của hai lãnh đạo hai đảng nói trên.

Nước Ý không theo chính thể dân cử trực tiếp người nắm quyền hành pháp như trường hợp tổng thống chế ở Pháp hay ở Mỹ. Cử tri Ý chỉ có quyền bầu cử trực tiếp đại biểu quốc hội mà thôi. Rồi chính Quốc Hội sẽ bầu ra tổng thống, và chính tổng thống sẽ là người có quyền chấp nhận lời đề nghị người đứng ra làm thủ tướng và lập hội đồng chính phủ. Người được tổng thống chỉ định sẽ ra đệ trình với Quốc Hội để được đa số thông qua chính phủ mới. Chỉ đến lúc đó Ý mới có chính phủ.

Theo chương trình thoả thuận với tổng thống Sergio Mattarella thì ngày thứ Hai 21/05) sắp tới hai đảng 5 Sao và Lega sẽ hội kiến với tổng thống để đệ trình kế hoạch và chính sách của chính phủ mới (nói theo cách nói thời sự của 5 Sao và Lega là “hợp đồng chính phủ”) và đề nghị người đứng ra nắm quyền thủ tướng.

Chỉ khi nào tổng thống, sau khi duyệt xét nội dung của “hợp đồng chính phủ” không thấy có điểm nào vi phạm Hiến pháp, không vi phạm các thoả thuận giữa Ý và Liên Hiệp Châu Âu, cũng như không vi phạm các hiệp thương quốc tế khác, thì tổng thống mới có thể chấp nhận lời đề nghị người đứng ra làm thủ tướng.

Vấn đề là theo các thông tin báo chí thì bản “hợp đồng chính phủ” còn có nhiều điểm bất cập: có quá nhiều chính sách có thể vượt quá khả năng chi tiêu ngân sách nhà nước mà không vi phạm các điều luật về bội chi và nợ nhà nước đã ký kết với Liên Hiệp Châu Âu, có nhiều điểm có thể đi ngược lại các thoả hiệp với Liên Hiệp Châu Âu, và nhất là như đã nói trên, cái tổ chức “Uỷ ban hoà giải” có thể bị đánh giá là vi hiến.

Kịch bản “chính phủ lâm thời” đầy rủi ro

Nếu như tổng thống Sergio Mattarella từ chối kế hoạch thành lập chính phủ của liên minh 5 Sao và Lega thì chỉ còn có khả năng đi bầu lại Quốc Hội trong thời gian tới.

Trong trường hợp đó tổng thống sẽ phải trực tiếp chỉ định người đứng ra lập một chính phủ kiểu “lâm thời” để quán xuyến công việc điều hành Nhà nước và để tổ chức lại bầu cử Quốc Hội vào đầu năm 2019. Vấn đề là chính phủ “lâm thời” của tổng thống cũng cần phải có đa số trong Quốc Hội. Chắc chắn là 5 Sao và Lega sẽ từ chối bỏ phiếu cho chính phủ “lâm thời” vừa nói. Chỉ còn các lực lượng khác, và trong đó chắc chắn là có đảng PD và Forza Italia: một chính phủ (lâm thời) mà đa số bao gồm cả đảng PD và Forza Italia, vốn là hai đảng thất cử, sẽ lại là một để tài “ăn khách” cho 5 Sao và Lega trong suốt mùa tranh cử sắp tới với tuyên truyền kiểu PD và Forza Italia đã ngồi chung với nhau cốt chỉ để tiếp tục bòn rút đất nước, cản trở nguyện vọng đổi mới của cử tri.

Và trước mắt là nước Ý lại sẽ rơi vào tình trạng bất ổn định.

Nhưng người ta tự hỏi: giữa một chính phủ “lâm thời” như thế hoặc một chính phủ dân tuý 5 Sao – Lega … thì kịch bản nào gây bất ổn định nhiều nhất cho nước Ý ?

****

(1) – Lý do phẫn nộ của dân chúng : Cũng phải nói rõ thêm là một số phê phán nhắm vào các đảng phái truyền thống dân chủ nghị viện hiện nay cũng không phải hoàn toàn vô căn cứ. Trong gần ba thập niên vừa qua, nhất là kể từ khi có khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay, tầng lớp lãnh đạo chính trị của các đảng phái đã hoàn toàn không có khả năng đối phó lại những khó khăn của đất nước, khiến xã hội ngày càng thêm lún sâu trong khó khăn chật vật. Và các lực lượng chính trị dân tuý như 5 Sao hay Lega chỉ cần “cỡi” làn sóng bức xúc của người dân là họ thu hút phiếu của cử tri dễ dàng. Có thể nói rằng thắng cử của những đảng dân tuý này không phải nhờ vào những ưu điểm của họ (vốn không có) mà là dựa trên những khuyết điểm của các đảng phái khác, nhất là những đảng đã từng cầm quyền như đảng trung tả Dân chủ (PD) hay đảng trung hữu Forza Italia (của Berlusconi).

(2) – Ai “can đảm” lái chiếc xe 5 Sao – Lega ? Cả 5 Sao lẫn Lega vẫn chưa đồng thuận trong việc chọn ai là người giữ ghế thủ tướng. Luigi Di Maio của 5 sao thì vẫn cứ khăng khăng đòi nắm ghế thủ tướng vì 5 Sao có đến 32,7% phiếu trong khi Lega chỉ có 17,6%, nhưng Matteo Salvini thì nhất quyết “cản đường”. Sau nhiều ngày bàn luận sôi nỗi, tên tuổi của một vài nhân vật “cao cấp” trong lãnh vực kinh tế hay quản lý nhà nước cũng đã được tung ra, nhưng rốt cuộc cho đến nay vẫn chưa thực sự ngã ngủ vấn đề chức vụ Thủ tướng.

Dù rằng cả 5 Sao lẫn Lega đều ráng tìm cách tách rời hai vấn đề đường lối chính sách và ghế Thủ tướng ra riêng biệt, cứ như là người ta có thể lắp ráp cho xong cái xe rồi sau đó tìm người đứng ra lái. Hiện tại khó có một nhân vật “thứ ba” nào dám có can đảm đứng ra lái một cái xe mà ông ta không biết cái xe đó có an toàn hay không (vì không hề dược tham dự trong suốt quá trình lắp ráp xe). Rất khó có được một “nhân vật thứ ba” nào có can đảm đứng ra làm “bia đỡ đạn” cho một chính sách có quá nhiều bất cập mâu thuẫn và dễ bị chỉ trích. Do đó, rất có thể sẽ chỉ có cách là hoặc người của 5 sao hay của Lega, đứng ra làm thủ tướng.

(3) – Chính sách giảm thuế của Lega : Trong khi hiện nay chính sách thuế khoá của nhà nước Ý dựa trên lối tính thăng tiến với 5 tỉ suất khác nhau, tỉ suất thấp nhất là 23% và tỉ suất cao nhất là 43%. Nhìn sơ qua, các tỉ suất đó thì dễ dàng nhận ra ngay là “flat tax” sẽ giảm thuế mạnh cho những tầng lớp giàu có (từ áp lực thuế 43% xuống còn 20%).

(4) – Thậm chí trong mùa tranh cử vừa qua, các đảng dân túy đã tuyên bố đòi trưng cầu dân ý để rút ra khỏi khối đồng Euro (dù rằng trước những áp lực của các giới tài chính thì trước mắt trong bản “hợp đồng” vừa được công bố đã không thấy đả động chi đến vấn đề đồng Euro nữa). Nhưng trong bản “hợp đồng” lại nói đến “sáng kiến” đòi “xét lại” các điều thoả thuận về ngân sách tài chính với châu Âu. Và thậm chí còn đưa ra “sáng kiến” đòi Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) xoá một số nợ Nhà nước Ý xuyên qua việc “hủy” một số công trái phiếu nhà nước Ý mà BCE đã thu mua trong mấy năm qua để “bơm tiền” vào ngân sách Nhà nước Ý.

(5) – Tính cách xoay như chong chóng của cựu thủ tướng Berlusconi : Điều trớ trêu là chính năm 2011 các chính sách kinh tế tài chính của chính phủ Berlusconi đi ngược lại với các thoả hiệp tài chính với Liên Âu đã khiến Liên Âu làm áp lực lên tổng thống Ý để đi đến việc thay thế Berlusconi bằng chính phủ kỹ trị Mario Monti, thì hiện nay lại chính Berlusconi, trước những tuyên bố bài xích châu Âu của 5 Sao và Lega, lại đứng ra đóng vai trò người bảo vệ châu Âu với những tuyên bố ủng hộ các chính sách kinh tế tài chính của Liên Âu. Nói cho cùng, Berlusconi vốn nổi tiếng là người “buôn hay bán giỏi”, thời nào thì rao hàng theo thời đó: mưa thì bán áo mưa, nắng thì bán áo cánh .

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180518-y-hai-dang-dan-tuy-bai-chau-au-tim-moi-cach-lap-lien-minh-cam-quyen

 

Sinh viên Nicaragua

yêu cầu tổng thống Ortega từ chức

Tú Anh

Tại Nicaragua, sinh viên lên tuyến đầu trong cuộc tranh đấu chống chế độ độc đoán của tổng thống Ortega, gốc là một lãnh tụ phong trào theo chủ nghĩa Mác. Sau một tháng đối đầu trong bạo lực với gần 60 người chết, phong trào của xã hội dân sự và chính quyền bước vào ngày thứ hai của tiến trình « đối thoại quốc gia ».

Trong ngày hôm nay, 18/05/2018, sinh viên Nicaragua và tổng thống Ortega phải thỏa thuận trên một lịch trình thương lượng để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng. Cũng như đồng nhiệm Venezuela, tổng thống Nicaragua bị dân chúng xem là nguyên nhân gây bế tắc tương lai.

Từ Managua, đặc phái viên Patrick John Buffe tường thuật :

Một ngày sau khi bắt đầu cuộc đối thoại quốc gia, Nicaragua tạm hưởng tình trạng « hưu chiến » mong manh. Tuy nhiên, một số vụ xuống đường đã diễn ra đó đây như trường hợp cuộc biểu tình của sinh viên tại thủ đô Managua. Giới trẻ đòi hỏi công lý và nhắc nhở chính quyền phải biết rằng sinh viên không phải là kẻ gian.

Giovana, một nữ sinh viên giải thích : « Họ sợ rằng bởi vì chúng tôi tuần hành trên đường phố nên sẽ giết người. Chúng tôi không phải là những kẻ gian ác. Chúng tôi chỉ là sinh viên muốn tổ quốc được tự do và có một tương lai ».

Play Video

Để đạt tới mục tiêu này, đông đảo người dân Nicaragua đối lập với tổng thống Ortega tin rằng chỉ có một giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng này : đó là tổng thống phải từ chức.

Miguel Guevana, một tài xế Taxi trẻ tuổi kêu gọi « Daniel Ortega phải lưu vong và Nicaragua tổ chức bầu tổng thống trước kỳ hạn. Tôi muốn có một cuộc bầu cử minh bạch thật sự, để đổi mới đất nước ».

Hôm thứ Năm, phong trào sinh viên tiếp tục cuộc tranh đấu với lời kêu gọi tổng đình công 24 giờ trên toàn quốc, để thúc giục tổng thống Ortega từ chức.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180518-sinh-vien-nicaragua-yeu-cau-tong-thong-ortega-tu-chuc

 

Trung Quốc dỡ lệnh tăng thuế hạt bo bo của Mỹ

Thu Hằng

Trung Quốc đã có một cử chỉ thiện chí đối với Hoa Kỳ. Vào lúc phái đoàn hai bên bước sang ngày đàm phán thứ hai tại Washington nhằm tránh một cuộc chiến thương mại, ngày 18/05/2018, bộ Thương Mại Trung Quốc thông báo dỡ bỏ biện pháp áp thuế chống bán phá giá đối với hạt bo bo của Mỹ.

Thời gian trở nên cấp bách hơn với Trung Quốc. Nếu phái đoàn tay trắng trở về Bắc Kinh, các biện pháp trừng phạt của Mỹ, nhắm vào 50 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ có hiệu lực từ thứ Ba 22/05/2018.

Thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình từ Bắc Kinh :

«Phải chăng đó là một cành ô liu nhằm tránh một cuộc chiến thương mại? Hay đó chỉ đơn giản là cách để cứu ngành thịt lợn Trung Quốc? Có thể là cả hai!

Dù thế nào thông cáo của bộ Ngoại Thương Trung Quốc giải thích rằng các biện pháp trừng phạt nhắm vào hạt bo bo của Mỹ không vì lợi ích chung.

Trước hết, đó là vì các nhà chăn nuôi lợn đang gặp khó khăn. Với khoản thuế có thể tăng thêm đến 180%, thức ăn cho đàn gia súc trở nên quá đắt đỏ, trong khi thu nhập của người nông dân lại đang giảm.

Đây là một thách thức lớn, vì Trung Quốc phụ thuộc vào hạt bo bo của Mỹ. Năm 2017, quốc gia châu Á này đã mua đến 5 triệu tấn hạt bo bo với tổng trị giá là 1 tỉ đô la, hầu hết nhập từ Mỹ.

Trước đó, để trừng phạt các nhà sản xuất ở Kansas, bang đã giúp tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Bắc Kinh có nguy cơ gây khó khăn cho chính các nhà chăn nuôi Trung Quốc. Hôm nay, chính phủ lùi bước.

Nhưng cần lưu ý là Trung Quốc vẫn còn rất nhiều lá bài quan trọng trong tay, ví dụ như hạt đậu nành. Các nhà thu mua Trung Quốc dường như đã bắt đầu giảm khối lượng nhập từ Mỹ. Một lá bài khác chính là thịt lợn. Hải quan Trung Quốc vừa thông báo tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề vệ sinh dịch tễ».

Ngày 18/05/2018, bộ Ngoại Giao Trung Quốc phủ nhận thông tin cho rằng Bắc Kinh đề xuất giảm 200 tỉ đô la thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ, được phái đoàn Trung Quốc nêu lên trong ngày họp đầu tiên với đối tác Mỹ tại Washington. Chiều 17/05, tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), người đứng đầu phái đoàn đàm phán Trung Quốc, nhằm tìm ra một thỏa thuận cho cuộc khủng hoảng thương mại Mỹ-Trung hiện nay.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180518-trung-quoc-do-lenh-tang-thue-hat-bo-bo-cua-my

 

Thỏa thuận Iran : Châu Âu khởi động

biện pháp đối phó với Donald Trump

Thu Hằng

Tại thượng đỉnh Sofia ngày 17/05/2018, toàn bộ thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã nhất trí thông qua những biện pháp cụ thể đầu tiên để hỗ trợ các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Iran nhằm đối phó với lệnh cấm vận đơn phương của Hoa Kỳ. « Luật ngăn chặn  trừng phạt 1996 » (blocking status), một trong số những biện pháp này, đã được Ủy Ban Châu Âu kích hoạt ngay sáng 18/05/2018.

Đặc phái viên RFI Juliette Gheerbrant tường trình từ Sofia :

« Đại thể, luật này cho phép Liên Hiệp Châu Âu, trước tiên là bù đắp thiệt hại cho các doanh nghiệp vì lệnh cấm vận. Sau đó, Bruxelles sẽ đệ đơn kiện lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (OMC) để yêu cầu Hoa Kỳ bồi thường thiệt hại gây ra cho Liên Hiệp Châu Âu.  

Cơ chế chống trừng phạt này được Liên Hiệp Châu Âu lập ra năm 1996, trong bối cảnh tương tự như hiện nay, tức là vào thời điểm đó, châu Âu tìm cách lách lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào Cuba. Nhưng trên thực tế, cơ chế này chưa bao giờ được áp dụng vì Bruxelles đạt được một thỏa thuận với Washington.

Một biện pháp khác cũng được thông báo, đó là Ngân hàng Đầu tư châu Âu sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động tại Iran.

Ngược lại, không có biện pháp đáp trả nào nhằm vào doanh nghiệp Mỹ. Tổng thống Pháp nhấn mạnh một điểm là không có chuyện gây ra chiến tranh thương mại với Washington.

Điều này cũng sẽ được áp dụng trong việc Bruxelles đáp trả mối đe dọa của Washington tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm châu Âu. Đối với tổng thống Pháp Macron, hai chủ đề trên là một bài trắc nghiệm về chủ quyền đối với Liên Hiệp Châu Âu. Theo tổng thống Pháp, bài trắc nghiệm đã thành công vì cả 28 nước đã có chung tiếng nói và đó là một tiếng nói cứng rắn. Giờ thì chờ xem hiệu quả của các biện pháp được thông báo sẽ ra sao ».

Hoa Kỳ tìm cách lập « liên minh » quốc tế chống Iran

Sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Hoa Kỳ muốn xây dựng một « liên minh » quốc tế chống chế độ Teheran và « các hoạt động gây bất ổn » của quốc gia Hồi Giáo này.

Dự định trên được ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu lên trong bài diễn văn ngày 17/05, diễn văn đầu tiên về chính sách đối ngoại, kể từ khi ông nhậm chức. Tuy nhiên, nội dung chi tiết chỉ được công bố vào thứ Hai 21/05 tới đây. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Heather Nauert khẳng định « đó không phải là một liên minh chống Iran, mà chỉ nhắm vào chế độ Iran và những hành động xấu xa của chế độ đó ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180518-trung-phat-iran-chau-au-khoi-dong-bien-phap-doi-pho-voi-donald-trump

 

Thổ Nhĩ Kỳ vận động lãnh đạo Hồi Giáo lên án Israel

Thu Hằng

Chiều 18/05/2018, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp lãnh đạo các nước Hồi Giáo tại Istanbul, trong một thượng đỉnh bất thường, có mục tiêu lên án Nhà nước Israel tấn công người Palestine ở dải Gaza. Tuy nhiên, hội nghị có thể sẽ không đưa ra được nhiều biện pháp cụ thể, vì nội bộ bị chia rẽ.

« Thượng đỉnh bất thường » của Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo (OCI) diễn ra dưới sự chủ trì của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên, cùng lúc với một cuộc tuần hành lớn tại Istanbul ủng hộ người dân Palestine.

Tại phiên họp trù bị sáng cùng ngày của ngoại trưởng các nước Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi « đưa ra biện pháp đáp trả cứng rắn nhất đối với tội ác chống nhân loại của Israel ». Ông tỏ ra bất bình, vì một số nước thành viên OCI, dù không nêu tên, đã không hỗ trợ người dân Palestine.

Tuy nhiên, theo AFP, thượng đỉnh OCI sẽ khó có thể đưa ra biện pháp cụ thể đối với Israel, vì thế giới Ả Rập-Hồi Giáo hiện bị chia rẽ và cạnh tranh nhau.

Gaza : Liên Đoàn Ả Rập kêu gọi điều tra quốc tế

Ngoại trưởng Liên Đoàn các Quốc Gia Ả Rập, họp tại Cairo (Ai Cập) ngày 17/05/2018, đã bác bỏ và lên án quyết định của Mỹ chuyển sứ quán về Jerusalem, cũng như các cuộc tấn công của Israel nhắm vào người Palestine ở dải Gaza.

Tổng thư ký Liên Đoàn Ả Rập Ahmed Aboul Gheit cũng kêu gọi tổ chức « một cuộc điều tra quốc tế » về tội ác mà quân đội Israel gây ra ở dải Gaza. Thông tín viên RFI tại Caro cho biết ngoại trưởng Liên Đoàn các Quốc Gia Ả Rập đồng ý giao cho tổng thư ký nhiệm vụ soạn thảo « kế hoạch chiến lược », nhằm ngăn cản các nước khác có ý định theo chân Mỹ chuyển sứ quán về Jerusalem.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180518-tho-nhi-ky-van-dong-lanh-dao-hoi-giao-len-an-israel

 

Tại sao Donald Trump lại “tha” ZTE,

tập đoàn viễn thông Trung Quốc?

Phải trừng phạt tập đoàn viễn thông ZTE rồi đột ngột nhượng bộ vì muốn cứu tập đoàn Trung Quốc, quyết định quay ngoắt « 180 độ » được tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra ngày 13/05/2018 cho thấy quy mô các xung đột lợi ích vẫn xen lẫn vào các quyết định và định hướng chính trị của chính quyền Mỹ hiện nay.

Chỉ hai ngày trước khi phái đoàn Trung Quốc sang Washington tiếp tục đàm phán về thương mại (ngày 17/05/) để tránh một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra giữa hai nước, tổng thống Mỹ lại cho biết đang hợp tác với đồng nhiệm Trung Quốc để giúp đỡ nhà sản xuất điện thoại ZTE duy trì công việc của 74.000 nhân viên và tạo thêm việc làm ở Trung Quốc.

Theo nhận định của giáo sư khoa học chính trị Pierre Martin, đại học Montréal, trên Journal de Montréal (15/05/2018), ưu ái bất chợt này của tổng thống Mỹ vừa « khó giải mã » vừa không rõ là « lẫn lộn » hay « trùng hợp ngẫu nhiên ».

Thứ nhất, quyết định không trừng phạt ZTE của tổng thống Mỹ được đưa ra vào lúc chính chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố áp dụng lại hoàn toàn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Trong khi đó, chỉ vì giao dịch với Iran, cũng như với Bắc Triều Tiên, trong suốt nhiều năm, tập đoàn viễn thông ZTE đã phải nộp hơn 1 tỉ đô la tiền phạt cho Washington vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ngoài ra, quyết định nhân nhượng của Mỹ đối với Trung Quốc lại được đưa ra vào đúng thời điểm hai bên nối lại đàm phán thương mại tại Washington (17/05), sau chuyến làm việc tại Bắc Kinh của phái đoàn Mỹ. Vậy tại sao quyết định nhân nhượng với tập đoàn ZTE lại được đưa ra vào lúc này ?

Theo giáo sư Pierre Martin, thái độ mềm dẻo của chủ nhân Nhà Trắng có thể là do bối cảnh Mỹ cần Trung Quốc để đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Bắc Triều Tiên. Nhưng theo nhiều nhà quan sát, việc tổng thống Trump vội vàng muốn ghi điểm trong hồ sơ này khiến ông trở nên dễ dãi chấp nhận một thỏa thuận không hoàn thiện với mục đích duy nhất là tuyên bố chiến thắng.

Cho dù giới chuyên gia có nhận xét thế nào, tổng thống Donald Trump sẽ biết cách « bán »mọi thỏa thuận hạt nhân với Bắc Triều Tiên và mọi thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, ưu việt hơn tất cả những gì đã được làm trước đó.

Điểm thứ hai gây ngạc nhiên, không hiểu do « lẫn lộn » hay « trùng hợp ngẫu nhiên », là cùng lúc chính quyền Trump thông báo nương tay với Bắc Kinh, Trung Quốc thông báo đầu tư hơn 500 triệu đô la vào một dự án phát triển du lịch và bất động sản ở Indonesia, nơi Trump Organization có nhiều lợi ích quan trọng. Rõ ràng là dự án đầu tư này của Trung Quốc là một nguồn lợi tài chính đáng kể cho tập đoàn Trump.

Thêm một sự kiện « trùng hợp ngẫu nhiên » là theo AP ngày 14/06/2018, chính quyền Trung Quốc đã cấp giấy phép cho thêm 9 thương hiệu của tập đoàn gia đình Trump mà trước vẫn bị bác. Liệu tổng thống Mỹ có chịu tha tập đoàn ZTE và Trung Quốc hay không nếu như Bắc Kinh không tặng món quà quý này cho doanh nghiệp gia đình tổng thống ?

Quyết định này cũng đi ngược với chính những lời hứa trừng phạt và tố cáo Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, đừng được Donald Trump đưa ra trấn an cử tri trong suốt thời gian tranh cử tổng thống.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180517-tai-sao-donald-trump-lai-tha-zte-tap-doan-vien-thong-trung-quoc