Tin khắp nơi – 18/02/2017
Ông Pence: Mỹ ‘kiên định trong cam kết’ với NATO
Phó Tổng thống Mỹ phát biểu trước Hội nghị An ninh Munich rằng “Lịch sử sẽ chứng thực rằng khi Hoa Kỳ và Châu Âu được hòa bình và thịnh vượng, thì chúng ta thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng của toàn thế giới.”
Ông Mike Pence phát biểu hôm thứ Bảy: “Hôm nay, thay mặt Tổng thống Trump, tôi mang đến cho quý vị sự bảo đảm này. Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ NATO và sẽ kiên định trong cam kết của chúng tôi đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương này.
“Số phận của Hoa Kỳ và Châu Âu gắn chặt với nhau,” Phó Tổng thống nói. “Sự gắn kết của chúng ta mạnh tới mức suốt thế kỷ qua, binh sĩ Mỹ đã từ đất nước của chúng tôi ồ ạt đổ sang để giúp phòng vệ cho quý vị.”
Ông Pence nói NATO “phải nổi trội trong thế giới kỹ thuật số cũng như chúng ta đang ở trong thế giới thực” để chống lại những nhóm như Nhà nước Hồi giáo, mà ông nói “có lẽ là kẻ tà ác lớn nhất trong hết thảy” và đã “cho thấy sự dã man chưa từng thấy kể từ thời Trung Cổ.”
Liên quan tới Ukraine, Phó Tổng thống nói, “chúng ta phải buộc Nga chịu trách nhiệm và đòi họ tôn trọng các Thỏa thuận Minsk, bắt đầu bằng việc xuống thang bạo lực ở miền đông Ukraine.”
Ông nói rằng Mỹ “sẽ tiếp tục buộc Nga chịu trách nhiệm, ngay cả khi hai nước chúng tôi tìm kiếm điểm chung mới, như quý vị đã biết, mà Tổng thống Trump tin là có thể tìm được.”
Ông Pence tìm cách trấn an các nước đồng minh rằng Mỹ ủng hộ NATO theo sau những phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về sự ngưỡng mộ của ông đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và chỉ trích của ông đối với NATO trong lúc có nhiều bất ổn toàn cầu. Những phát biểu của Trump đã khơi lên nỗi lo sợ từ các chính phủ Châu Âu.
Tuy nhiên ông Pence nói với các thành viên NATO rằng ông Trump kỳ vọng là các nước thành viên liên minh giữ đúng cam kết tài chính của mình đối với NATO. “Lời hứa chia sẻ gánh nặng phòng thủ của chúng ta từ quá nhiều năm nay vẫn chưa được đáp ứng và nó làm xói mòn nền tảng liên minh của chúng ta,” ông nói. “Khi thậm chí chỉ một đồng minh không hoàn thành nghĩa vụ của mình, thì nước này làm suy yếu khả năng của tất cả các nước giúp đỡ lẫn nhau.”
Ông Pence lưu ý tất cả 28 nước thành viên của liên minh đã cam kết vào năm 2014 tại Hội nghị Thượng đỉnh Wales là sẽ “hướng tới cam kết an ninh tối thiểu hai phần trăm tổng sản phẩm quốc nội của họ về quốc phòng trong một thập kỷ.” Ông cho biết chỉ có Mỹ và bốn quốc gia khác đã đáp ứng trách nhiệm tài chính của mình đối với khối.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng phát biểu tại hội nghị hôm thứ Bảy.
Vào ngày thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis phát biểu trước hội nghị rằng nền an ninh của Mỹ gắn liền với Châu Âu, mô tả nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO là một “cam kết nền tảng.”
Tổng thống Trump hồi tháng trước gọi NATO là lỗi thời. Nhưng ông Mattis cho biết Tổng thống Mỹ giờ dành mọi sự ủng hộ của mình cho liên minh – mặc dù ông nhắc lại đòi hỏi là Châu Âu phải chia sẻ gánh nặng tài chính nhiều hơn.
Thêm binh sĩ và thiết bị quân sự của Mỹ được đưa tới Latvia và Romania trong tuần qua, một phần trong đợt củng cố quân lực lớn nhất của NATO kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Các nước đồng minh Châu Âu cho biết họ cảm thấy được trấn an với những lời nói của ông Mattis đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương, nhưng nhiều đại biểu cũng cho biết họ muốn nghe những lời đó từ chính Tổng thống Trump.
http://www.voatiengviet.com/a/ong-pence-my-kien-dinh-trong-cam-ket-voi-nato/3730092.html
Thượng viện phê chuẩn
người lãnh đạo cơ quan môi trường, bất chấp phản đối
Thượng viện Hoa Kỳ đã chuẩn thuận người được Tổng thống Donald Trump đề cử để lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) bất chấp phản đối của những nhà vận động vì môi trường, những người đang lo ngại rằng những nỗ lực thực thi luật môi trường của cơ quan này sẽ bị rút lại.
Scott Pruitt được các thượng nghị sĩ chuẩn thuận với tỉ lệ 52-46 theo lập trường đảng phái. Chỉ có một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa biểu quyết chống lại ông, trong khi hai thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ đến từ hai bang sản xuất năng lượng biểu quyết ủng hộ ông.
Cuộc biểu quyết hôm thứ Sáu diễn ra sau khi phe Dân chủ chiếm diễn đàn Thượng viện thâu đêm với một loạt những bài phát chống lại việc chuẩn thuận ông Pruitt.
Ông Pruitt tuyên thệ nhậm chức sau đó trong ngày thứ Sáu với sự chủ trì của Thẩm phán Tòa án Tối cao Samuel Alito.
Trong sáu năm giữ chức tổng chưởng lý bang Oklahoma, ông Pruitt đã đệ trình 14 vụ kiện thách thức những quy định EPA bao gồm giới hạn phát thải carbon từ những nhà máy điện đốt than.
Ông cũng kiện việc EPA gần đây mở rộng những vùng nước được quản lý theo Đạo luật Nước Sạch; một luật của liên bang vấp phải sự chống đối của các ngành công nghiệp vì buộc họ phải làm sạch nước thải ô nhiễm.
Ông Pruitt đã cho biết ông sẽ cải tổ và hiện đại hóa EPA. Theo lịch trình ông sẽ phát biểu trước toàn thể nhân viên EPA ở Washington vào thứ Ba tuần sau.
Tổng thống Trump lại đi vận động như lúc tranh cử,
nhắm tới năm 2020
Chưa đầy một tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tiếp tục đi vận động hôm thứ Sáu khi ông đi thăm một cơ sở lắp ráp máy bay Boeing khổng lồ ở bang South Carolina.
Tổng thống đã tổ chức một vài cuộc tập hợp trong nhà chứa máy bay ở sân bay khi ông đi vận động tranh cử khắp cả nước vào năm ngoái. Chuyến thăm Boeing ở phía bắc thành phố Charleston, bang South Carolina gợi nhớ tới những cuộc tập hợp như vậy.
Giọng điệu của ông Trump tại Boeing lạc quan hơn một ngày trước đó tại một cuộc họp báo ồn ào trong Tòa Bạch Ốc, nơi ông đả kích giới truyền thông và tiếp tục công kích bà Hillary Clinton, đối thủ Đảng Dân chủ của ông lúc tranh cử tổng thống.
Ông Trump, người thắng lớn trong cuộc bầu cử tổng thống ở bang South Carolina, nói với các nhân viên Boeing, những người mà gần đây đã biểu quyết không tổ chức công đoàn cho dây chuyền sản xuất của họ, rằng ông đang dốc sức giữ lại công ăn việc làm ở Mỹ. Công nhân đã reo hò khi nghe thấy phát biểu này.
Tổng thống cũng nói đùa rằng ông vẫn đang mặc cả với Boeing về mức giá của chiếc Air Force One mới, chuyên cơ của tổng thống. Chiếc Air Force One hiện thời đã 30 năm tuổi. Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump tỏ ra ngần ngại về một chiếc chuyên cơ thay thế có giá nhiều triệu đôla.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc nói rằng ủy ban vận động của ông Trump sẽ tổ chức một cuộc tập hợp ở bang Florida vào ngày thứ Bảy. Tin cho hay Tổng thống đã nộp hồ sơ để tái tranh cử vào năm 2020 vào ngày ông nhậm chức.
Nói về cuộc tập hợp ở Florida trước đó trong tuần, Tổng thống nói: “Những đám đông khổng lồ muốn có mặt ở đó.”
Ông Trump cũng đang nhắm tới cuộc bầu cử năm 2020, nhưng sau một tháng tại nhiệm Tòa Bạch Ốc được xem là đang trong tình trạng hỗn loạn. Vấn đề nhân sự không suôn sẻ như Tổng thống mong muốn. Mối quan hệ của ông với giới truyền thông mang tính đối đầu cực kỳ lớn, với việc các quan chức Tòa Bạch Ốc gọi giới truyền thông là “phe đối lập.”
Không giống như những tổng thống tiền nhiệm, ông Trump vẫn chưa công bố hồ sơ khai thuế của mình mà sẽ cho biết thông tin chi tiết về những hoạt động kinh doanh của ông, vốn bị nhiều người chỉ trích cho rằng có thể vi hiến.
Tổng thống vẫn bị đeo bám bởi những câu hỏi về mối quan hệ của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin và sự dính líu của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống.
Ông Trump phản ứng mạnh mẽ với gần như bất kỳ chỉ trích hay lời nói đùa nào về ông. Ông thường xuyên lên Twitter để đả phá những người mà ông cho là công kích ông.
Trung Quốc: Lợi ích chung vượt cách biệt Mỹ-Trung
Trung Quốc nói lợi ích giữa mối quan hệ Trung-Mỹ vượt xa hơn những khác biệt giữa đối bên. Tuyên bố được Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra hôm 17/2 trong lần đầu gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson kể từ khi ông Tillerson nhậm chức.
Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump làm Bắc Kinh giận giữ sau cuộc điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và sau những lời bình luận rằng Hoa Kỳ không buộc phải gắn kết với chính sách “Một nước Trung Hoa” theo đó Washington công nhận lập trường của Trung Quốc là chỉ có một nước Trung Hoa và Đài Loan là một phần lãnh thổ của nước này.
Trong một cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước, ông Trump thay đổi lập trường và đồng ý tôn trọng chính sách “Một nước Trung Hoa.” Đây là một thắng lợi ngoại giao đối với Bắc Kinh vì Trung Quốc không chấp nhận bị chỉ trích vì tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan tự trị.
Tuy nhiên, một vài lãnh vực khác biệt giữa hai nước, như tiền tệ, thương mại, Biển Đông và Bắc Triều Tiên không được đề cập đến trong các tuyên bố công khai hay trên các cuộc điện đàm.
Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được công bố sau khi ông Vương Nghị gặp Ngoại trưởng Tillerson bên lề hội nghị Ngoại trưởng các nước G20 tại Bonn, Đức, cũng không đề cập rõ ràng đến những bất đồng giữa hai bên.
Ông Vương nói cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Trump rất quan trọng, và hai nước nên thúc đẩy các mối quan hệ tốt hơn nữa.
Vẫn theo lời ông Vương, Mỹ-Trung nên tăng lòng tin lẫn nhau, hợp tác sâu rộng hơn và đảm bảo rằng dưới thời Tổng thống Trump, hai nước đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và thịnh vượng thế giới.
Thông cáo cho biết hai bên cũng đã “trao đổi quan điểm một cách sâu rộng”về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng không cho biết chi tiết.
Ngoại trưởng Tillerson cũng thúc đẩy Trung Quốc làm mọi việc có thể để làm dịu bớt cách hành xử của Bình Nhưỡng gây bất ổn khu vực sau khi Bắc Triều Tiên phóng thử nghiệm phi đạn đạn đạo ngày Chủ Nhật vừa qua.
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-loi-ich-chung-vuot-cach-biet-my-trung/3729581.html
Mỹ: Chưa định dùng Vệ binh Quốc gia thi hành luật di trú
Tòa Bạch Ốc ngày 17/2 cho biết chưa có kế hoạch sử dụng Vệ binh Quốc gia để thi hành luật di trú truy lùng di dân bất hợp pháp, sau khi có tin là đề nghị này đã được chính quyền ông Trump cứu xét.
Thông tấn xã AP loan tin rằng đề nghị sử dụng đến 100.000 vệ binh quốc gia là một phần trong dự thảo bản ghi nhớ đang được truyền tay tại Bộ An ninh Nội địa.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer cực lực chỉ trích tin này. Ông nói “không có bất cứ nỗ lực nào…sử dụng Vệ binh Quốc gia để truy lùng di dân bất hợp pháp. Tin này sai sự thật 100%.”
Ông David Lapan, phát ngôn viên Bộ An ninh Nội địa, nói Bộ “không cứu xét việc huy động Vệ binh Quốc gia để thi hành luật di trú.”
Thông tấn xã AP cho biết dự thảo ghi nhớ đề ngày 25 tháng 1 được luân lưu trong nhân viên Bộ An ninh Nội địa trong khoảng 2 tuần lễ và đưa lên cho người đứng đầu tạm thời của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ.
Theo tin AP, xấp tài liệu 11 trang kêu gọi quân sự hóa việc thi hành luật di trú tại những tiểu bang giáp ranh Mexico như California, Arizona, New Mexico và Texas và còn bao gồm 5 tiểu bang nối lền 4 tiểu bang này là Oregon, Nevada, Utah, Colorado, Oklahoma, Arkansas và Louisana.
AP nói bản ghi nhớ dùng để hướng dẫn việc thi hành một loạt các lệnh hành pháp về di trú và an ninh biên giới mà Tổng thống Donald Trump đã ký vào ngày 25 tháng 1.
Một giới chức dấu tên của Bộ An ninh Nội địa cho biết bản ghi nhớ AP có được chỉ là bản ‘hết sức sơ khởi’ của một tài liệu do nhân viên của Bộ trưởng An ninh Nội địa soạn thảo. Giới chức này nói thảo luận về việc sử dụng Vệ binh Quốc gia bị bãi bỏ trước khi dự thảo được đệ trình tới ông Kelly.
http://www.voatiengviet.com/a/my-chua-dinh-dug-ve-binh-quoc-gia-thi-hanh-luat-di-tru/3729575.html
Trung Quốc đình chỉ
tất cả than đá nhập khẩu của Bắc Triều Tiên
Trung Quốc sẽ đình chỉ tất cả than đá nhập khẩu từ Bắc Triều Tiên bắt đầu từ ngày 19 tháng 2, Bộ Thương mại nước này cho biết trong một thông báo đăng trên website của mình hôm thứ Bảy, như một phần trong nỗ lực của họ nhằm thực thi những chế tài của Liên Hiệp Quốc nhắm vào nước này.
Bộ Thương mại cho biết trong một thông cáo ngắn rằng lệnh cấm sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31 tháng 12.
Bộ không cho biết lý do tại sao tất cả những lô hàng sẽ bị đình chỉ, nhưng hãng tin Yonhap của Hàn Quốc tuần trước đưa tin một lô hàng than đá của Bắc Triều Tiên trị giá khoảng 1 triệu đôla đã bị từ chối tại cảng Ôn Châu ở bờ biển phía đông của Trung Quốc.
Sự từ chối này xảy ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm một phi đạn đạn đạo tầm trung, là thách thức trực tiếp đầu tiên của nước này đối với cộng đồng quốc tế kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.
Trung Quốc vào tháng 4 năm ngoái loan báo họ sẽ cấm nhập khẩu than đá của Bắc Triều Tiên để tuân thủ những chế tài của Liên Hiệp Quốc và nhắm mục tiêu cắt nguồn ngân quỹ cho chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của họ.
Nhưng Trung Quốc cho phép những ngoại lệ nếu những chuyến hàng này là vì “phúc lợi của nhân dân” và không liên quan tới chương trình hạt nhân và phi đạn.
Mặc dù có những hạn chế, Bắc Triều Tiên vẫn là nước cung ứng than đá lớn thứ tư của Trung Quốc trong năm qua, với khối lượng than nhập khẩu không phải than non đạt 22,48 triệu tấn, tăng 14,5 phần trăm so với năm 2015.
Malaysia bắt một người đàn ông Bắc Triều Tiên
trong vụ ám sát Kim Jong Nam
Cảnh sát Malaysia hôm thứ Bảy cho biết họ đã bắt giữ một người đàn ông Bắc Triều Tiên có liên hệ tới vụ sát hại người anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, trong khi tranh cãi ngoại giao về thi thể của ông này leo thang.
Ông Kim Jong Nam tử vong trong tuần này sau khi bị tấn công tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur với thứ được cho là một chất độc có tác dụng nhanh. Các quan chức Hàn Quốc và Mỹ đã nói rằng ông ta bị sát hại bởi những điệp viên của Bắc Triều Tiên.
Cảnh sát Malaysia cho biết vụ bắt giữ mới nhất liên quan tới vụ giết người được thực hiện vào tối thứ Sáu, và nghi phạm được xác định danh tính là Ri Jong Chol, sinh ngày 6 tháng 5 năm 1970. Ông ta sở hữu một thẻ chứng minh được cấp người lao động nước ngoài, họ nói thêm.
Reuters dẫn lời cảnh sát trưởng bang Selangor, Abdul Samah Mat, cho biết nghi phạm đã bị cảnh sát lâu lưu.
Hai nghi phạm nữ, một là người Indonesia và người kia mang giấy tờ thông hành Việt Nam, cũng đã bị bắt giữ, trong khi một người đàn ông Malaysia đã bị câu lưu. Ít nhất ba nghi phạm vẫn đang tại đào, nguồn tin chính phủ cho biết.
Trong khi đó Bắc Triều Tiên vào sáng sớm ngày thứ Bảy nói rằng họ sẽ dứt khoát bác bỏ báo cáo khám nghiệm tử thi của Malaysia về cái chết của ông Kim Jong Nam, và cáo buộc Malaysia “thông đồng với các lực lượng bên ngoài,” ám chỉ nước đối thủ của họ là Hàn Quốc.
Malaysia phản pháo bằng cách nói rằng quy định của nước họ phải được tuân thủ. Bộ Ngoại giao vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Bộ trưởng Y tế, bác sĩ S.Subramaniam, nói với thông tấn xã nhà nước Bernama rằng Malaysia đang chờ báo cáo độc chất để hoàn tất việc khám nghiệm tử thi.
Ông cho biết báo cáo khám nghiệm tử thi hy vọng sẽ được công bố “trong tuần này.”
Vụ việc đang đe dọa làm suy yếu mối quan hệ của Bắc Triều Tiên với Malaysia, một trong số ít các quốc gia vẫn duy trì quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Bình Nhưỡng.
Kim Jong Nam, con trai cả của cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il, đã công khai lên tiếng chống lại sự kiểm soát chuyên quyền của gia đình ông đối với đất nước Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Cơ quan tình báo của Hàn Quốc nói với các nhà lập pháp ở Seoul rằng ông Kim trước đó đã sống với người vợ thứ hai của ông trong lãnh thổ Macau thuộc Trung Quốc, dưới sự bảo vệ của Trung Quốc.
Lúc bị hạ sát ông đang ở tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur để lên một chuyến bay về Macau.
Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung bị bắt
Con trai Chủ tịch tập đoàn Samsung của Hàn quốc bị bắt và đối xử như bất cứ một thường phạm nào của Hàn Quốc.
Ông Lee Lae-yong Phó chủ tịch Samsung-Electronic bị bắt ngày hôm qua vì liên can đến vụ bê bối chính trị và tài chánh lớn nhất Hàn Quốc khiến tổng thống Park Geun-hye đang đối diện với khả năng phải từ chức do sức ép của công luận Hàn quốc.
Ông Lee bị cáo buộc đã chi hàng chục triệu đô la cho Quỹ phi lợi nhuận của Choi Soon-sil bạn thân của Tổng thống Hàn quốc để được chính phủ thông qua một thương vụ quan trọng nhằm giúp bản thân ông giữ được vị trí cao nhất của tập đoàn Samsung.
Trong đêm đầu tiên của mình tại Trung tâm giam giữ Seoul, Lee nằm trong một phòng giam rộng 6.27 mét vuông khác xa với căn nhà bốn triệu đô-la của ông tại Seoul.
Giống như tất cả những phạm nhân khác đang chờ xét xử, ông mặc đồng phục của tù nhân và ăn cơm, súp và ba món ăn phụ – trị giá 1,26 đô la. Thực phẩm mang từ bên ngoài đều bị cấm.
Sau bữa ăn tù nhân phải tự tay rửa sạch khay đựng thức ăn và ngủ trên một chiếc nệm gấp. TV chỉ có một kênh duy nhất và chương trình được lựa chọn trước bởi chính quyền, chỉ được cho phép mở xem vào ban ngày.
Giáo dân Philippines biểu tình
chống chiến dịch bài trừ ma túy
Hàng nghìn giáo dân Philippines đã xuống đường biểu tình ngày 18/02/2017 tại thủ đô Manila theo lời kêu gọi của Giáo Hội để phản đối cuộc chiến bài trừ ma túy của tổng thống Duterte. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất từ khi tổng thống Philippines nhậm chức cách đây 7 tháng.
Theo các nhà tổ chức, có khoảng 20.000 người tham gia biểu tình, còn phía cảnh sát đưa ra con số 10.000 người. Họ cầu nguyện và hát vang các bài thánh ca trên đường phố Manila để phản đối « sự bành trướng của chính sách bạo lực ». Trả lời hãng tin AFP, giám mục Manila, Broderik Pabillo, cho biết mục đích của cuộc biểu tình là để « thể hiện sự phản đối xu hướng phi nhân tính ».
Hơn 6.000 người đã thiệt mạng từ khi tổng thống Duterte phát động chiến dịch bài trừ ma túy. Gần một nửa trong số nạn nhân là người nghiện hoặc được cho là tội phạm ma túy, số còn lại bị chết trong hoàn cảnh không rõ ràng.
Không chỉ bị lên án vì chính sách mạnh tay chống nạn ma túy, tổng thống Philippines còn bị ông Antonio Trillanes, một thượng nghị sĩ đối lập, cáo buộc che dấu nhiều triệu đô la. Ngày 17/02/2017, ông Duterte tuyên bố đã ra lệnh cho cơ quan chống rửa tiền Philippines công khai tài khoản cá nhân và cho rằng những cáo buộc của ông Antonio Trillanes chỉ là « rác rưởi ».
Ngày 31/01, tổng thống Duterte đã ra lệnh cho cảnh sát rút khỏi cuộc chiến chống túy, sau khi bị lên án gay gắt kể từ khi hàng nghìn người chết vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, Wilnor Papa, một nhà hoạt động của Amnesty International tại Philippines, cho biết khoảng 146 người Philippines đã thiệt mạng kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực. Các nhóm sát thủ vô danh vẫn tiếp tục giết khoảng 9-10 người mỗi ngày. Theo nhà hoạt động nhân quyền, « nạn nhân vẫn là những người có liên quan đến ma túy và sống trong những khu ổ chuột ».
Amnesty International vừa công bố một bản báo cáo lên án những vụ sát hại trên tương tự với tội ác chống nhân loại. Tổ chức này cũng cáo buộc cảnh sát Philippines vi phạm nhân quyền, trong đó có việc hạ sát người không có vũ trang, lập bằng chứng giả, thuê người thứ ba ra tay sát hại nghi phạm và cướp tài sản của nạn nhân.