Tin khắp nơi – 18/01/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 18/01/2020

Lầu Năm Góc được yêu cầu chuyển thêm tiền

để xây tường biên giới

Lầu Năm Góc đã nhận được từ Bộ An ninh Nội địa (DHS) một yêu cầu chuyển ngân quỹ để giúp xây dựng hàng rào dài khoảng 270 dặm ở biên giới phía nam của Mỹ với Mexico, theo một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Bộ Quốc phòng “hiện đang bắt đầu thẩm định yêu cầu hỗ trợ” và yêu cầu này được gửi tới hôm 15/1, quan chức này nói.

Yêu cầu vừa kể kêu gọi xây dựng hàng rào, đường và lắp đèn chiếu sáng ở nhiều bang trong sáu khu vực “có lưu lượng người vượt biên lớn” dọc biên giới phía tây nam, bao gồm một số khu vực đô thị.

Quan chức này không biết yêu cầu từ DHS sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền của Lầu Năm Góc vì yêu cầu nói là cho “hàng dặm biên giới” chứ không nói khoản kinh phí cụ thể là bao nhiêu.

Một thỏa thuận chi tiêu của Quốc hội được kí thành luật vào tháng 12 cấp cho chính quyền khoảng 1,4 tỉ đôla để xây dựng bức tường biên giới. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền yêu cầu 5 tỉ đôla.

Theo quan chức quốc phòng này, Lầu Năm Góc sẽ mất khoảng hai tuần để đưa ra khuyến nghị cho Bộ trưởng Quốc phòng, người sẽ chịu trách nhiệm phê duyệt.

Năm ngoái, chính quyền Trump đã lấy 2,5 tỉ đôla từ các chương trình chống ma túy của quân đội để xây dựng hàng rào biên giới và khoảng 3,6 tỉ đôla từ ngân quỹ thi công quân sự. Quốc hội không thay thế khoản tiền lấy từ các tài khoản đó trong ngân sách hiện tại.

https://www.voatiengviet.com/a/lau-nam-goc-duoc-yeu-cau-chuyen-them-tien-de-xay-tuong-bien-gioi/5250326.html

 

Ngoại trưởng Mỹ nói sẽ làm rõ

liệu cựu đại sứ ở Ukraine có bị đe dọa hay không

Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ làm mọi thứ cần thiết để xác định liệu cựu Đại sứ Hoa Kỳ Marie Yovanovitch có bị đe dọa ở Ukraine hay không, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết hôm thứ Sáu.

Các tài liệu được công bố trong tuần này cho thấy Lev Parnas, một công dân Mỹ gốc Ukraine, đã giúp luật sư cá nhân Rudy Giuliani của Tổng thống Mỹ Donald Trump điều tra ứng cử viên tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai ông Hunter.

Tài liệu cũng cho thấy ông Parnas có dính líu vào việc theo dõi hành tung của bà Yovanovitch trước khi ông Trump sa thải bà vào tháng 5. Bà Yovanovitch, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp được nể trọng, là một nhân chứng chính trong cuộc điều tra của Hạ viện Hoa Kỳ nhắm vào ông Trump trước khi ông bị luận tội vào tháng 12.

Trong những phát biểu đầu tiên về vấn đề này kể từ khi các tài liệu được công bố vào tối thứ Ba, ông Pompeo nói rằng ông chưa bao giờ gặp gỡ hay trao đổi với ông Parnas, nói thêm rằng ông nghĩ phần lớn những gì đã được báo cáo về vấn đề này sẽ được chứng tỏ là sai.

“Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì chúng tôi cần làm để thẩm định liệu có chuyện gì xảy ra ở đó không,” ông nói với người dẫn chương trình phát thanh bảo thủ Tony Katz trong một cuộc phỏng vấn.

“Tôi ngờ rằng phần lớn những gì đã được báo cáo cuối cùng sẽ được chứng tỏa là sai, nhưng nghĩa vụ của chúng tôi, nghĩa vụ của tôi với tư cách ngoại trưởng, là đảm bảo rằng chúng tôi thẩm định, điều tra. Bất cứ khi nào có ai đó cho rằng có thể có rủi ro đối với một trong những viên chức của chúng tôi, chúng tôi rõ ràng sẽ làm điều đó,” ông nói.

Bà Yovanovitch khai chứng rằng bà đã nhận được một cuộc gọi vào đêm khuya từ Washington cảnh báo rằng bà cần phải quay lại Mỹ ngay và có những lo ngại về sự an toàn của bà.

Việc theo dõi bà bất hợp pháp có thể là một yếu tố quan trọng của phiên xét xử luận tội về việc có nên truất quyền tổng thống của ông Trump hay không. Quá trình này đã chính thức bắt đầu vào ngày thứ Năm.

https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-noi-se-lam-ro-lieu-cuu-dai-su-o-ukraine-co-bi-de-doa-hay-khong/5250866.html

 

Hai luật sư nổi tiếng

gia nhập nhóm biện hộ của Tổng Thống Trump

Tin Washington DC – Theo đài NBC dẫn một nguồn tin trong Tòa Bạch Ốc cho biết hôm thứ Sáu, 17 tháng 1, nhóm biện hộ của Tổng Thống Donald Trump trong phiên xét xử luận tội tại Thượng Viện sẽ có thêm cựu công tố viên độc lập Ken Starr, người từng điều tra Tổng Thống Bill Clinton, và luật sư biện hộ nổi tiếng Alan Dershowitz.

Nhóm luật sư này sẽ được dẫn đầu bởi cố vấn Tòa Bạch Ốc Pat Cipollone và luật sư riêng của Tổng Thống Trump, ông Jay Sekulow. Ngoài ra, một số nhân vật khác cũng tham gia nhóm biện hộ luận tội là ông Robert Ray, người kế nhiệm ông Starr làm công tố viên đặc biệt điều tra Tổng Thống Clinton, bà Pam Bondi, cựu Bộ trưởng tư pháp Florida, và vợ chồng bà Jane Raskin, luật sư biện hộ hình sự làm việc tại Miami, hiện đang là thành viên nhóm cố vấn pháp lý riêng của Tổng Thống Trump. Tòa Bạch Ốc vào tối thứ Năm đã nhận thư thông báo yêu cầu tổng thống tham gia phiên xét xử tại Thượng Viện. Thư triệu tập yêu cầu tổng thống phải trả lời bằng văn bản chậm nhất là đến chiều thứ Bảy. Nguồn tin của đài NBC News nói bà Bondi sẽ hiện diện trong các phiên tranh luận, cùng với các ông Cipollone, Sekulow, và Dershowitz. Luật sư Dershowitz, giáo sư khoa Luật Harvard, nhiều khả năng sẽ đảm nhận phần tranh luận về hiến pháp.

Hạ Viện do đảng Dân Chủ dẫn đầu đã bỏ phiếu để luận tội Tổng Thống Trump về 2 cáo trạng là lạm quyền và cản trở Quốc Hội. Kế tiếp, phiên xét xử tại Thượng Viện do đảng Cộng Hòa chiếm đa số sẽ quyết định xem liệu có nên truất phế Tổng Thống Trump hay không.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/hai-luat-su-noi-tieng-gia-nhap-nhom-bien-ho-cua-tong-thong-trump/

 

Ông Trump muốn tận dụng xung đột với Iran

trong chiến dịch tranh cử?

Mặc dù tận dụng tốt các tình tiết căng thẳng với Iran, nhưng có vẻ như điều đó chưa mang lại sự thay đổi đáng kể trong tỷ lệ ủng hộ của các cử tri Mỹ đối với ông Trump.

“Tình tiết căng thẳng Iran” và mọi thứ liên quan đến nước này, đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, là yếu tố tinh chỉnh trong chiến lược tranh cử, nhà phân tích Paul Veronique của tờ tạp chí Pháp L’Express nhận định.

“Liệu giọng điệu hòa giải trong các phát ngôn của ông Trump về Iran vào ngày 8/1 có phải là ‘sự yên lặng sau cơn bão’ hay không?” – ông Veronique đặt câu hỏi.

Cùng hôm đó, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cố gắng giảm nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột khi nói rằng, Tehran không tìm cách gây chiến.

Khoảng lặng này trong cuộc khủng hoảng giữa hai nước sẽ có lợi cho ông Donald Trump trong bối cảnh chiến dịch tranh cử tổng thống tại Mỹ đang diễn ra – L’Express viết.

“Ông Donald Trump có thể chứng minh rằng, ông đã chế ngự được Iran” – chuyên gia về chính sách Mỹ Jean-Eric Branagh nhận định.

Một mặt, tướng Qasem Soleimani của Iran đã bị giết trong vụ không kích của Mỹ, mặt khác, các hành động trả đũa của Iran chỉ gây ra thiệt hại không đáng kể. Điều đó có nghĩa là “ông Donald Trump, rõ ràng, đang bước ra khỏi vụ việc này với tư cách là người chiến thắng” – chuyên gia Branagh nói.

Ngoài ra, ông Donald Trump cũng không bỏ lỡ cơ hội xuất hiện trong hình ảnh của Tổng tư lệnh tối cao. Nhà phân tích Paul Veronique lưu ý, trong bài phát biểu trước đất nước tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã chú ý rất nhiều đến khâu dàn dựng, tổ chức, khi phát biểu từ lễ đài trong bầu không khí trang nghiêm, được bao quanh bởi các thành viên “đội vệ binh của mình”.

“Chừng nào tôi còn là Tổng thống Mỹ, Iran sẽ không có vũ khí hạt nhân” – người đứng đầu Nhà Trắng đảm bảo.

Theo ý kiến của ông Branagh, buổi phát biểu này đã mang lại ấn tượng về một cảnh tượng rất siêu thực.

“Tất cả đều hiểu rằng, đó là một bài tập trong PR chính trị, bởi ông ấy đã tóm tắt hành động của mình đối với Iran, chứng tỏ rằng ông ấy là một nhà lãnh đạo quân sự dám hành động, không giống như ông Barack Obama, người dè dặt hơn” – nhà khoa học chính trị giải thích.

Theo chuyên gia này, nhà lãnh đạo Mỹ cũng tự hào về những “chiến tích đi săn” khác của mình, như việc thanh trừng Abu Bakr al-Baghdadi.

Chuyên gia tin rằng, danh sách các chiến thắng này sẽ còn được nhắc đến trong mỗi bài phát biểu tranh cử của ông Trump từ nay về sau. Bên cạnh đó, bằng cách từ chối đưa ra hành động quân sự trả đũa Tehran, người đứng đầu Nhà Trắng đã cho thấy mình là một nhà lãnh đạo không quá hiếu chiến – chuyên gia lưu ý.

Theo một cuộc thăm dò dư luận do công ty Gallup tiến hành hồi tháng 8, phần lớn người dân Mỹ phản đối hành động quân sự chống lại Iran. Bên cạnh đó, 78% số người được hỏi thể hiện sự ủng hộ đối với việc sử dụng các phương pháp phi quân sự để chấm dứt chương trình hạt nhân Iran. Tuy nhiên, bất chấp các điều kiện thuận lợi, tình huống này không đóng góp vào sự tăng trưởng mức tín nhiệm của ông Trump trong các cuộc thăm dò dư luận.

Như tạp chí Pháp lưu ý, tỷ lệ ủng hộ ông Trump, như mọi khi, đang ở trong tình trạng không biến đổi nhiều, bất kể các sự kiện diễn ra. Theo một cuộc khảo sát do Reuters và Ipsos thực hiện vào ngày 7/1, mức độ tín nhiệm của Tổng thống Trump vẫn ổn định: 41% người Mỹ tán thành hoạt động của ông và 54% không tán thành – tương đương với số người không hài lòng với chính sách của ông đối với Iran.

“Ông Donald Trump không mất đi cử tri, nhưng cũng không giành thêm: đây thực sự là một hiện tượng kỳ lạ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông” – ông Branagh nhấn mạnh.

Do đó, khó có khả năng tỷ lệ ủng hộ của ông Trump sẽ tăng cao đột biến như của ông George W. Bush vào lúc bắt đầu cuộc chiến tranh Iraq – chuyên gia kết luận.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/32606-ong-trump-muon-tan-dung-xung-dot-voi-iran-trong-chien-dich-tranh-cu.html

 

Bão Sierra mang đến nhiều tuyết cùng gió lớn

và nguy cơ tuyết lở ở vùng núi phía trên Lake Tahoe

Tin từ Nevada – Cơn bão Sierra với lượng tuyết lớn và những cơn gió với vận tốc 116 dặm / giờ đã thúc đẩy chính quyền ban hành khuyến cáo tuyết lở vào hôm thứ Năm (16 tháng 1) tại khu vực miền núi phía trên Lake Tahoe, làm gián đoạn giao thông giữa các tiểu bang, đóng cửa trường học và các văn phòng chính phủ tại tiểu bang Nevada.

Thống đốc Steve Sisolak đã yêu cầu đóng cửa sớm các văn phòng chính phủ tiểu bang vào lúc 3 giờ 30 chiều tại Carson City, Reno-Sparks và ba quận lân cận. Cơn bão dự kiến sẽ mang đến 2 feet tuyết đến đỉnh núi Sierra vào sáng thứ Sáu (17 tháng 1). Hơn 30 dặm đường tại xa lộ xuyên bang I-80 ở phía tây của tuyến California-Nevada đã phong tỏa lưu lượng xe vì lý do an toàn. Các tài xế được yêu cầu trang bị dây xích bánh xe, ngoại trừ các loại xe bốn bánh vốn đã có dây xích. Cho đến nay, chưa có báo cáo tức thời về bất kỳ thương tích nghiêm trọng. Vào hôm thứ Năm, Cơ quan Thời tiết quốc gia cho biết họ được thông báo về những cơn gió mạnh vượt quá 100 dặm / giờ tại các khu nghỉ mát trượt tuyết trên bờ phía tây Lake Tahoe, trong đó ghi nhận vận tốc gió 116 dặm / giờ tại đỉnh của khu nghỉ mát Alpine

Meadows. Trung tâm Sierra Avalanche Center ở California đã đưa ra khuyến cáo tuyết lở đối với hầu hết vùng trung tâm Sierra, bao gồm khu vực Tahoe trải dài từ bắc ra nam, từ Yuba pass trên Xa lộ 49 cho đến Ebbetts pass trên Xa lộ 4.

Một khuyến cáo bão mùa đông dự kiến sẽ kết thúc vào 10 giờ tối thứ Năm tại Tahoe. Theo cơ quan thời tiết quốc gia, gió mạnh dự kiến sẽ giảm trong suốt buổi tối khi có nhiều mưa từ phía tây và khối khí lạnh di chuyển về phía đông. Hôm thứ Năm, tất cả các trường học đã đóng cửa tại Incline Village trên bờ phía bắc của Tahoe.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/bao-sierra-mang-den-nhieu-tuyet-cung-gio-lon-va-nguy-co-tuyet-lo-o-vung-nui-phia-tren-lake-tahoe/

 

Tăng trưởng dân số Mỹ chậm lại

gây lo ngại tác động kinh tế lâu dài

Sự sụt giảm tăng trưởng dân số ở Mỹ có thể là một vấn đề tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế của nước này trong tương lai và phúc lợi xã hội cho những người về hưu, giới phân tích nhận định, sau khi con số thống kê mới nhất cho thấy tỉ lệ sinh và số người nhập cư ở Mỹ giảm đi trong một thập niên trở lại đây.

Ước tính dân số mới được Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ công bố hồi gần đây cho thấy dân số Mỹ chỉ tăng 0,48% kể từ tháng 7 năm 2018. Mức tăng dân số đã chậm lại hàng năm kể từ năm 2015.

Dân số Mỹ tăng 19,5 triệu người kể từ tháng 4 năm 2010 – trung bình khoảng 0,66% mỗi năm. Một thập niên trước, dân số tăng trung bình 0,97% mỗi năm.

Sự gia tăng tự nhiên – cách biệt giữa số người sinh ra và chết đi ở Mỹ – giảm xuống mức 957.000 người trong năm 2019, lần đầu tiên trong ít nhất 40 năm mà mức tăng tự nhiên giảm xuống thấp hơn mức 1 triệu người.

Tính đến năm 2018, tỉnh lệ sinh tổng cộng của Mỹ là 1728 em bé chào đời cho mỗi 1000 người phụ nữ trong quãng đời của họ, thấp hơn hẳn so với tỉ lệ thay thế 2100 em bé chào đời cho mỗi 1000 người phụ nữ.

Trong khi đó số lượng những người cao tuổi được hưởng hưu bổng lại đang trên đà gia tăng. Tất cả những người còn sống nằm trong nhóm “Baby Boombers” – một thế hệ em bé ồ ạt ra đời ở Mỹ từ 1946 đến 1964 – đều sẽ qua tuổi 65 đến năm 2030 – và 18 phần trăm dân số Mỹ ít nhất sẽ ở độ tuổi đó , theo dự báo dân số của Trung tâm Nghiên cứu Pew.

“Những xu hướng này, nếu không kiểm soát, sẽ có nghĩa là tăng trưởng kinh tế thấp hơn và cơ sở hỗ trợ cho một nhóm lớn những người về hưu bị thu nhỏ,” bài xã luận của báo The Washington Post viết.

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà quan sát tại California, nhận định với VOA Việt ngữ rằng hai yếu tố chính ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh thấp ở Mỹ là cuộc Đại Suy thoái kinh tế vào cuối những năm 2000 và đầu những năm 2010, và sự thay đổi trong lối sống của thế hệ trẻ hơn.

Ông nói:

“Giới trẻ thế hệ Z, tức là sinh năm 2000 trở về sau, lập gia đình trễ và học hành cũng ít hơn vì món nợ tiền học phí quá lớn, thành ra cái đó cũng sẽ ảnh hưỡng về lâu về dài, trong khi tuổi thọ kéo dài cũng ảnh hưởng tới quỹ hưu bổng. Bây giờ nó đã hụt chừng 24 ngàn tỉ đôla. Nếu mà tuổi thọ trung bình thêm được một năm thì tức là thêm ngàn tỉ nữa. Cái đó cũng là vấn đề nguy hiểm cho nước Mỹ nữa.”

Di dân có thể giúp bù đắp vào lượng dân số sụt giảm, nhưng dự báo của Cục Điều tra Dân số cho thấy việc di cư sang Mỹ có xu hướng giảm, đề ra thêm một lo ngại nữa về tương lai dân số

Số lượng di dân xuống mức thấp nhất một thập niên trong khoảng thời gian giữa năm 2018 và 2019, theo ước tính. Trong thời gian này, ước tính 595.000 người nhập cư vào Mỹ, giảm đáng kể so với 1.047.000 người di cư sang Mỹ trong giai đoạn 2015-2016.

Kể từ năm 2010, di dân quốc tế đã thêm khoảng 7,9 triệu người vào dân số của Mỹ, mặc dù mức này đã giảm dần kể từ năm 2016.

Sự sụt giảm này diễn ra cùng lúc chính quyền của Tổng thống Donald Trump thắt chặt chính sách nhập cư và hạn chế di dân vào Mỹ, cả bất hợp pháp lẫn hợp pháp.

“Tôi cho rằng sau cuộc điều tra dân số chính quyền của ông Trump phải nghiên cứu lại [chính sách] này,” kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nói, dù ông lưu ý rằng chính sách hiện thời có khía cạnh tích cực là chú trọng vào trình độ và kĩ năng thay vì số lượng di dân nhận vào.

Một số giải pháp được đề xuất cho tình trạng sút giảm dân số bao gồm thúc đẩy tỉ lệ sinh sản bằng cách tăng đãi ngộ cho những người làm cha mẹ như cho nghỉ phép sinh sản có trả lương và hỗ trợ chu cấp tiền nuôi dưỡng con cái. Gia tăng nhập cư được xem là biện pháp dễ thực hiện hơn.

Nhưng sự sụt giảm này đang khơi lên lo ngại về tác động tiềm năng đối với nền kinh tế của Mỹ.

“Sự sụt giảm tăng trưởng dân số gần đây không nhất thiết là không thể đảo ngược được,” bài xã luận của báo The Washington Post nói. “Nhưng việc khởi đầu một cuộc sống mới ở Mỹ dường như kém hấp dẫn hơn, đối với những người cha mẹ tiềm năng đã sinh sống ở đây và những di dân tiềm năng đến đây từ nước ngoài, là lời cảnh báo mà Mỹ không tài nào phớt lờ được.”

https://www.voatiengviet.com/a/tang-truong-dan-so-my-cham-lai-gay-lo-ngai-tac-dong-kinh-te-lau-dai/5250335.html

 

14 tiểu bang kiện chính phủ Trump

vì cắt giảm chương trình Food Stamp

Tin Washington DC – 14 tiểu bang Hoa Kỳ, cùng với thành phố New York và Washington D.C., đã khởi kiện để ngăn chận một quy định mới của chính phủ Trump, vốn sẽ thắt chặt yêu cầu về việc làm đối với những người đang nhận hỗ trợ thực phẩm food stamps. Các tiểu bang và thành phố này cho rằng, quy định mới đã phớt lờ các vấn đề lao động mà người nghèo tại Hoa Kỳ đang đối mặt.

Đơn kiện cũng cáo cuộc quy định mới sẽ làm tăng chi phí chung tại các tiểu bang, do phải cung cấp thêm thực phẩm và dịch vụ y tế, đồng thời làm tăng thêm gánh nặng hành chính vì phải thực hiện các thủ tục giấy tờ mới. Các tiểu bang và thành phố cho rằng quy định mới buộc họ phải phụ thuộc vào dữ kiện thống kê về tình trạng thất nghiệp, vốn rất chung chung và bỏ qua tình hình thực tế tại các khu vực nơi không có nhiều công việc trả lương cao. Quy định mới của chính phủ được thông báo vào tháng 12, là một phần trong nỗ lực của Bộ Nông Nghiệp USDA nhằm cải tổ chương trình food stamp, có tên chính thức là Chương trình hỗ trợ thực phẩm SNAP. Bộ Nông Nghiệp cho rằng, việc tăng yêu cầu về việc làm đối với người trưởng thành khỏe mạnh, không có con cái, từ 18 đến 49 tuổi, sẽ khuyến khích họ tìm việc làm.

Bộ Trưởng Nông Nghiệp Sonny Perdue nói, chương trình food stamp được thiết kế để hỗ trợ trong lúc khó khăn, không phải là một cách sống dài hạn. Quy định mới không áp dụng cho người có con nhỏ, trẻ em, người tàn tật, và người trên 50 tuổi.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/14-tieu-bang-kien-chinh-phu-trump-vi-cat-giam-chuong-trinh-food-stamp/

 

Mỹ không thuyết phục được Anh

coi Huawei là mối nguy an ninh

Ủy viên thương mại của EU nói nước Anh có thể bỏ ngoài tai lời ‘hăm dọa xuông’ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, rằng Washington sẽ ngưng hợp tác tình báo và an ninh với London, nếu chính quyền Anh đồng ý cho Huawei, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, xây dựng mạng lưới 5G và nâng cấp mạng viễn thông của Anh.

Ông Phil Hogan không ngại cơn thịnh nộ của tổng thống Mỹ khi tuyên bố rằng về mặt nguyên tắc, EU không chống đối hoạt động của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tại Châu Âu.

Tại một cuộc họp báo ở London, ông Hogan nói Hoa Kỳ không có độc quyền về vấn đề an toàn và an ninh của công dân, và dự đoán ông Trump rốt cuộc sẽ ngả theo quan điểm của EU, rằng hai bên chia sẻ chung các lợi ích trong vấn đề này.

Được hỏi ông nghĩ gì về đe dọa của Hoa Kỳ rằng Anh sẽ không được tiếp cận tin tình báo và chiến lược an ninh cũng như thông tin chống khủng bố của Hoa Kỳ, nếu Anh không nghe lời khuyên của Mỹ, để cho Trung Quốc xây dựng mạng lưới 5G?

Ông Hogan trả lời thẳng thừng: “Tôi nghĩ rằng đó là một cách thị uy thôi. Tôi không tin rằng ông ấy sẽ thực hiện lời hăm dọa đó”.

Ủy viên thương mại Phil Hogan nói EU ‘đừng rơi bẫy để Mỹ đặt ra các điều kiện liên quan tới Huawei’.

Ông Hogan đang thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Washington trong cương vị Ủy viên thương mại mới của EU.

Ông nói EU về mặt nguyên tắc, không chống đối hoạt động của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tại Châu Âu.

Ông nói thêm rằng Châu Âu có cách tiếp cận khác, mà tốt nhất là đề ra các tiêu chí để mọi người có thể giao dịch một cách công bằng. Ông nói nếu Huawei tuân thủ luật chơi thì tất cả mọi sự cạnh tranh lành mạnh đều được hoan nghênh và phải công bằng.

Hoa Kỳ tin rằng một nguy cơ là tin tình báo của Mỹ có thể bị lộ bởi vì nước Anh trong tư cách là một nước “Năm Mắt”, được tiếp cận các tin tình báo Mỹ trong khi Huawei bị nhà nước Trung Quốc chi phối, điều mà Huawei bác bỏ.

“Năm Mắt” là liên minh tình báo giữa năm quốc gia: Anh, Mỹ, Úc, Canada và Tân Tây Lan, tức 5 nền dân chủ cấp tiến chia sẻ chung truyền thống văn hóa, chính trị và ngôn ngữ Anh. Chính sách đối phó với Huawei hiện nay chưa thống nhất giữa Năm Mắt.

Tổng thống Donald Trump và các cố vấn của ông đe dọa sẽ cắt đứt thông tin tình báo với Anh, nếu Hội đồng an ninh quốc gia Anh bật đèn xanh cho Huawei.

Luật pháp Trung Quốc đòi hỏi các công ty như Huawei phải hỗ trợ nhà nước Trung Quốc trong công tác tình báo khiến cho Huawei trở thành một mối nguy về an ninh quốc gia. Vì vậy Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) coi Huawei là một nguy cơ đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ và cấm các đối tác Mỹ của hãng này sử dụng khoản ngân quỹ trị giá 8,5 tỷ đôla của chính phủ Mỹ để mua các thiết bị viễn thông của Huawei.

https://www.voatiengviet.com/a/my-khong-thuyet-phuc-duoc-anh-coi-huawei-la-moi-nguy-an-ninh/5250282.html

 

Anh và Pháp phối hợp

bắt tội phạm buôn lậu người Việt đến Anh Quốc

Ông Khanh Chan 39 tuổi, hay còn được gọi là Khanh Ngọc Nguyễn, là thành viên của một nhóm chuyên đưa người trái phép từ Việt Nam sang Anh Quốc. Ông Khanh Chan bị Cơ quan tội phạm Anh Quốc bắt  giữ tại khu vực Đông Sussex. Giới công tố viên Pháp cho hay, ông Khanh hoạt động trong ngành này từ năm 2015 đến năm 2017.

Người nhập cư sẽ được đưa đến Pháp bằng nhiều con đường. Sau đó họ được giấu vào trong các thùng xe vận tải để vận chuyển qua eo biển đến Anh Quốc hoặc các nước khác ở Châu Âu. Theo National Crime Agency đưa tin, ông Khanh bị kết án vắng mặt về tội buôn lậu người tại tòa án ở Paris vào tháng 9 năm 2019 với bản án tám năm tù. Ban đầu, ông Khanh được cho là đang ở London, nhưng sau đó các nhân viên điều tra của Cơ quan tội phạm Anh Quốc phối hợp cùng Pháp phát hiện ông tại thị trấn Bexhill. Tại đây, ông Khanh bị bắt giữ theo Lệnh bắt giữ châu Âu vào thứ Năm (16/1). Ông hiện đối mặt với lệnh dẫn độ sang Pháp để chấp hành án tù và sẽ bị đưa ra tòa Westminster vào ngày thứ Sáu (17/1).

Ông Steve Reynolds, giám đốc Cơ quan tội phạm Anh Quốc, tin rằng ông Khanh đóng vai trò quan trọng trong một nhóm tội phạm có tổ chức chịu trách nhiệm buôn lậu người trên toàn cầu. Ông khẳng định sẽ làm tất cả những gì có thể để phá vỡ những mạng lưới tội phạm có tổ chức liên quan đến hoạt động phạm pháp này.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/anh-va-phap-phoi-hop-bat-toi-pham-buon-lau-nguoi-viet-den-anh-quoc/

 

Pháp : Những người chống cải tổ hưu trí

« đa dạng hóa » hành động

Thanh Phương

Hôm 17/01/2020, trong ngày đình công thứ 44, những người chống dự án cải tổ hưu trí đã có những hành động khác để tỏ sự phản đối, thậm chí ngăn chận du khách tham quan viện bảo tàng Louvre ở Paris.

Theo hãng tin AFP, hơn một trăm người biểu tình đã chặn ngõ vào viện bảo tàng Louvre và kêu gọi du khách tham gia phong trào. Nhưng các du khách, đa số là khách từ các tỉnh và từ nước ngoài, đã tỏ thái độ bất bình với người biểu tình, và không hiểu là vì sao cảnh sát Pháp đã không có hành động gì để giải tỏa lối vào bảo tàng Louvre. Hậu quả là lần đầu tiên kể từ khi khởi đầu phong trào đình công chống cải tổ hưu trí ngày 05/12/2019, viện bảo tàng nhiều người tham quan nhất thế giới phải đóng cửa, nhưng hôm nay đã mở cửa trở lại.

Hôm qua, những người chống cải tổ hưu trí còn xâm nhập trụ sở ở Paris của công đoàn cấp tiến CFDT, công đoàn ủng hộ việc thiết lập hệ thống hưu trí phổ quát tính theo điểm, như đề nghị của chính phủ.

Theo lời kể của ông Laurent Berger, tổng thư ký CFDT, vài chục người đã xông vào trụ sở của công đoàn này, thóa mạ và hành hung các nhân viên tại đây. Tối qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phản ứng về vụ này : « Những hành vi bạo động đó là một sự sỉ nhục cho nền dân chủ của chúng ta».

Theo hãng tin AFP, tối qua, hàng chục người chống đối tổng thống Macron đã tập hợp trước nhà hát Bouffes du Nord, Paris, khi biết được ông Macron và phu nhân đang xem kịch trong nhà hát. Những người này đã tìm cách lọt vào nhà hát, nhưng đã bị lực lượng an ninh đẩy lùi. Tuy xảy ra sự cố, vợ chồng tổng thống Pháp vẫn ở lại xem kịch cho đến hết.

Trong khi đó, Hội đồng luật sư toàn quốc, tổ chức đại diện cho 70 ngàn luật sư tại Pháp, tối qua đã thông qua quyết định kéo dài thêm một tuần cuộc đình công đã bắt đầu cách đây hai tuần. Giới luật sư đòi chính phủ phải giữ nguyên chế độ hưu trí chuyên biệt của họ, vì theo họ, với việc cải tổ hưu trí, lương hưu của họ sẽ giảm đi và tiền đóng góp vào quỹ hưu trí lại tăng thêm.

Cuộc đình công « lịch sử » tại nhà hát Opera Paris cũng có nguy cơ kéo dài, do các nghệ sĩ và chính phủ vẫn chưa đạt đồng thuận. Các nghệ sĩ muốn duy trì chế độ hưu trí của họ, trong khi chính phủ thì muốn xóa bỏ chế độ đó. Cuộc đình công đã khiến nhà hát Opera Paris thiệt hại hơn 14 triệu euro cho tới nay, do nhà hát đã phải hủy đến 67 buổi diễn.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200118-ph%C3%A1p-ch%E1%BB%91ng-c%E1%BA%A3i-t%E1%BB%95-h%C6%B0u-tr%C3%AD-

 

Quan sát Cuộc sống Đó đây

Hồ sơ Đức lục soát nhà và văn phòng

các đối tượng nghi làm gián điệp cho TQ

Đức thông báo đã tiến hành lục soát văn phòng làm việc và nhà riêng của ba đối tượng bị tình nghi làm gián điệp cho Trung Quốc.

Hôm qua (15/1), Cơ quan công tố Đức thông báo cảnh sát nước này đã tiến hành lục soát văn phòng làm việc và nhà riêng của ba đối tượng bị tình nghi làm gián điệp cho Trung Quốc.

Mặc dù cơ quan công tố Đức từ chối tiết lộ danh tính và nghề nghiệp của 3 đối tượng tình nghi, nhưng các nguồn tin tiết lộ cho hay một trong ba người này là công dân Đức và từng là nhà ngoại giao danh tiếng làm việc cho văn phòng đối ngoại của Liên minh châu Âu trước năm 2017, đồng thời từng đảm nhiệm chức vụ Đại sứ Liên minh châu Âu.

Đây là chiến dịch đầu tiên được chính phủ Đức tiến hành trước nhiều cáo buộc về các hoạt động gián điệp được cho là do Trung Quốc tiến hành nhằm vào Đức và Liên minh châu Âu. Các nước phương Tây đang lo ngại về nguy cơ Trung Quốc gia tăng các hoạt động gián điệp trên quy mô toàn cầu, nhằm mục đích mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị tương xứng với sức mạnh về kinh tế

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/32671-quan-sat-cuoc-song-do-day-ho-so-duc-luc-soat-nha-va-van-phong-cac-doi-tuong-nghi-lam-gian-diep-cho-tq.html

 

Bộ trưởng: Đức cần

công ty Huawei của TQ xây dựng mạng 5G

Bộ trưởng nội vụ Đức nói rằng nước của ông không thể xây dựng mạng di động 5G mà không cần đại công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc, ít nhất là vào lúc này, can dự vào một vấn đề vốn đã gây nên căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh.

Washington đang gây sức ép để các đồng minh của mình cấm Huawei, hãng cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, tham gia vào các mạng 5G mới. Mỹ cáo buộc công ty này đề ra mối đe dọa gián điệp.

Tuy nhiên, Đức đã quyết định không cấm Huawei cạnh tranh giành hợp đồng xây dựng mạng lưới 5G của nước này, thay vào đó đồng ý rằng các công ty phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt mà cuối cùng vẫn có thể khiến công ty này của Trung Quốc bị loại.

Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer, quan chức an ninh hàng đầu của Đức, được dẫn lời phát biểu hôm thứ Bảy rằng ông “chống lại việc rút sản phẩm khỏi thị trường chỉ vì có khả năng là điều gì đó có thể xảy ra.”

Ông Seehofer nói Đức phải được bảo vệ khỏi hoạt động gián điệp và phá hoại, nhưng ước tính rằng việc gạt bỏ Huawei có thể khiến việc xây dựng mạng 5G mới bị chậm trễ từ 5 đến 10 năm, nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung hàng ngày đưa tin.

“Tôi không hình dung được rằng chúng tôi có thể thiết lập mạng 5G ở Đức trong thời gian ngắn mà không cần sự tham gia của Huawei,” ông Seehofer nói với tờ báo.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-duc-can-cong-ty-huawei-cua-trung-quoc-xay-dung-mang-5g/5250877.html

 

Ông Putin có những lựa chọn gì

để duy trì quyền lực sau 2024?

Nhà lãnh đạo Nga có thể sẽ ngồi vào ghế Thủ tướng hoặc trở thành người đứng đầu Hội đồng Nhà nước được “tân trang” với tư cách là một lãnh đạo tối cao sau năm 2024.

Nhà lãnh đạo Nga trong Thông điệp Liên bang lần thứ 16 đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý để đưa ra các thay đổi lớn đối với hệ thống chính trị của đất nước, bao gồm kế hoạch nhằm hạn chế quyền lực của Tổng thống tương lại và trao thêm quyền cho Quốc hội.

Theo FT, những cải cách này có thể dọn đường cho ông Putin mở rộng 20 năm cầm quyền ở Nga của mình theo một cách mới.

Ngay sau khi ông chủ điện Kremlin công bố đề xuất thay đổi Hiến pháp, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết ông sẽ từ chức cùng phần còn lại của nội các. Kế đó, ông Putin đề cử lãnh đạo Cơ quan Thuế Liên bang Mikhail Mishustin trở người kế nhiệm của ông Medvedev.

Về quyết định của mình, Medvedev nói rằng ông và nội các muốn để Tổng thống có cơ hội đưa ra các quyết định cần thiết liên quan tới sự thay đổi hiến pháp.

Các nhà phân tích nhận định đề xuất mới của Tổng thống Putin xác nhận một đồn đoán từ lâu nay rằng nhà lãnh đạo Nga có thể sẽ ngồi vào ghế Thủ tướng hoặc trở thành người đứng đầu một Hội đồng Nhà nước được tân trang với tư cách là một lãnh đạo tối cao, tương tự như mô hình ở Kazakhstan.

Hồi tháng 3/2019, ông Nursultan Nazarbayev, Tổng thống Kazakhstan từ chức sau 3 thập kỷ cầm quyền. Tuy nhiên, sau khi mãn nhiệm, ông vẫn giữ vị trí lãnh đạo hội đồng an ninh và lãnh đạo đảng cầm quyền Nur Otan.

Ông Mishustin, 53 tuổi từng giành được không ít lời khen khi cải tổ cơ quan thuế ở Nga thành một tổ chức kỹ thuật số tiên tiến kế từ khi ông tiếp quản nó vào năm 2010, nhưng chưa bao giờ giữ một vị trí chính trị. Điều này khiến nhiều người hoài nghi về việc liệu chiếc ghế Thủ tướng có phải là bước đệm giúp Mishustin trở thành người kế nhiệm của Tổng thống Putin hay không?

Tatiana Stanovaya, học giả tại Trung tâm Carnegie Moscow tin rằng có thể lãnh đạo Cơ quan Thuế Liên bang Nga chỉ là người giữ chỗ tạm thời.

“Mishustin không có kinh nghiệm chính trị hay được các cử tri biết tới nhiều. Ngoài ra, ông ấy cũng không thuộc nhóm nội bộ của Tổng thống Putin”, bà này phân tích.

Trong thông điệp liên bang, ông Putin nói việc sửa đổi Hiến pháp sẽ cho phép các nhà lập pháp bầu ra Thủ tướng và các thành viên nội các. Quyền này hiện nằm trong tay ông.

Ông có ý định xóa bỏ hệ thống Tổng thống nắm quyền – điều đã cho phép ông nắm nhiều quyền lực ở vị trí này. Nó cũng giúp tăng vai trò của Quốc hội và các đảng nghị viện cũng như quyền hạn cho Thủ tướng và các thành viên trong nội các.

Ông cũng nhấn mạnh Nga sẽ không duy trì ổn định nếu được quản lý theo hệ thống nghị viện và Tổng thống vẫn nên giữ quyền bãi nhiệm Thủ tướng, các Bộ trưởng nội các, bầu ra các quan chức quốc phòng và an ninh hàng đầu cũng như chịu trách nhiệm về quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật Nga.

Tổng thống Putin nắm quyền tại Nga lâu hơn bất cứ nhà lãnh đạo Nga hay Liên Xô nào kể từ thời Josef Stalin. Theo luật pháp hiện hành, ông buộc phải rời nhiệm sở vào năm 2024 sau khi nhiệm kỳ kết thúc.

Các nhà quan sát tin rằng việc tăng thêm quyền lực cho quốc hội và nội các, cũng như cắt giảm thẩm quyền của Tổng thống là bước đi dọn đường để ông Putin chuyển sang vị trí Thủ tướng.

Nhà phân tích chính trị Dmitry Oreshkin cho rằng bài phát biểu hôm 15/1 cho thấy ông Putin đang cân nhắc vị trí này.

“Ông Putin đang thúc đẩy ý tưởng nắm giữ quyền lực của mình như một Thủ tướng mạnh mẽ và có ảnh hưởng hơn”, ông Oreshkin nói.

Bà Stanovaya nhận định không loại trừ khả năng ông Putin sẽ chuyển sang vị trí mới trước khi nhiệm kỳ của kết thúc.

“Có vẻ như Putin đang chuẩn bị rời khỏi vị trí Tổng thống dù điều đó sẽ diễn ra vào năm 2024 hay thậm chí sớm hơn. Ông ấy đang cố gắng tạo ra một cơ chế an toàn cho người kế nhiệm trong trường hợp xảy ra xung đột”, bà Stanovaya cho hay.

Nhà phân tích chính trị Kirill Rogov cho rằng cái đích mà ông Putin nhắm tới là nắm quyền trong tương lai trong khi phân phối lại quyền lực giữa các nhánh khác nhau trong Chính phủ.

“Một mô hình giống như của Trung Quốc sẽ cho phép Putin ở lại cầm quyền vô thời hạn trong khi khuyến khích sự cạnh tranh giữa những người kế nhiệm tiềm năng”, ông Rogov nhận xét.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/32667-ong-putin-co-nhung-lua-chon-gi-de-duy-tri-quyen-luc-sau-2024.html

 

Vùng Balkan ngạt thở vì ô nhiễm không khí

Minh Anh

Người dân vùng Balkan trong tuần qua lần đầu tiên bị « nếm mùi » ô nhiễm không khí nặng nề chưa từng có. Từ Sarajevo, Beograd, Pristina, cho đến Skopje, thủ đô của các nước Bosnia và Herzegovina, Serbia, Kosovo và Bắc Macedonia dưới một lớp bụi mịn dầy đặc.

Tình trạng này đã biến những thủ đô vừa nêu trên thành những thành phố ô nhiễm nhất hành tinh. Chính phủ buộc phải hành động và một cuộc biểu tình đã diễn ra tối hôm 17/01/2020 ở Beograd. Thông tín viên đài RFI, Laurent Rouy tường thuật :

« Suốt cả tuần, Beograde bị chìm ngập dưới lớp bụi mịn. Bầu trời tối sầm, sặc mùi khét khó thở. Một hiện tượng chưa từng thấy. Đương nhiên, khó có thể tìm kiếm mặt nạ dưỡng khí. Cuối cùng thì những chiếc mặt nạ cũng đến được các hiệu thuốc một cách nhỏ giọt.

Cô Sladjana giải thích : ʺNhững chiếc mặt nạ được giao trong suốt cả ngày và chiều tối hầu như đã được bán hết. Ở hiệu thuốc chúng tôi chỉ có 15 chiếc mà thôiʺ.

Đường phố vắng vẻ do chính quyền khuyến cáo hạn chế di chuyển. Ivan, một người bố trẻ cũng không thể đến công viên được nữa. Anh nói : ʺThời gian qua, không khí nực mùi ! Điều đó làm cho chúng tôi hiểu được mức độ ô nhiễm đến dường nào. Mắt cay xè. Chúng tôi cũng không thể nào thở được nữaʺ.

Nguyên nhân là không có gió để xua tan những lớp khói do sưởi bằng than, cũng như là khói công nghiệp. Quá sức chịu đựng, nhiều người dân thành Beograd đã xuống đường biểu tình tối qua. Họ cáo buộc chính phủ đã không thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường được quy định trong luật. Trong đám đông biểu tình, có một nhóm nhỏ học sinh thuộc một trường của Pháp.

Em Yasmine, 12 tuổi, thổ lộ : ʺÔ nhiễm làm cho tôi bị ho, rồi bị đau đầu vì phải đi bộ đến trường. Tôi không thể phòng vệ nếu như không có mặt nạ. Trong khi mà tôi rất muốn có thể đi ra ngoài mà không cần mặt nạʺ.

Beograd không phải là thành phố duy nhất bị ô nhiễm. Không có gió thổi, các thủ đô lớn ở vùng Balkan ngột ngạt dưới lớp bụi mịn ».

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200118-v%C3%B9ng-balkan-ng%E1%BA%A1t-th%E1%BB%9F-v%C3%AC-%C3%B4-nhi%E1%BB%85m-kh%C3%B4ng-kh%C3%AD

 

Iran đơn độc đối đầu với Mỹ

Vài ngày trước vụ Mỹ hạ sát tướng Soleimani, Iran lần đầu tiên tập trận hải quân chung với Nga và Trung Quốc, hai đối thủ toàn cầu của Mỹ.

“Giờ đây, kỷ nguyên lộng hành của Mỹ tại Trung Đông đã chấm dứt. Họ phải rời khỏi khu vực”, Đô đốc Hossein Khanzadi, tư lệnh hải quân Iran, tuyên bố hôm 29/12 trong cuộc họp báo bên lề cuộc tập trận chung giữa Iran, Trung Quốc và Nga tại vịnh Oman và phía bắc Ấn Độ Dương.

Cuộc tập trận mang tên Vành đai An ninh Hàng hải diễn ra vào 27-30/12 với mục tiêu đảm bảo an ninh thương mại hàng hải quốc tế, huấn luyện chống cướp biển và khủng bố. Moskva điều tàu hộ vệ tên lửa Yaroslav Mudry cùng một tàu tiếp dầu và một tàu kéo, trong khi Bắc Kinh cử tàu khu trục tên lửa Tây Ninh tham gia. “Kết quả tập trận cho thấy Iran không thể bị cô lập”, Đô đốc Iran Gholamreza Tahani phát biểu.

Tuy nhiên, thay vì rút quân, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thêm hàng nghìn binh sĩ tới Trung Đông để đối phó Iran, giữa lúc hai nước căng thẳng cao độ vì vụ không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani ở Iraq hôm 3/1. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc dường như không muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột ngày càng khó lường.

Bình luận viên Yaroslav Trofimov của WSJ chỉ ra rằng sau vụ hạ sát Soleimani, phản ứng của Moskva và Bắc Kinh đều dừng lại ở chỉ trích mà không đưa ra cam kết hành động nào, mặc dù họ tỏ ý bênh vực Tehran. Vì vậy, Iran chỉ có thể dựa vào chính họ, cùng mạng lưới dân quân Shiite và các lực lượng ủy nhiệm mà Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds, đã xây dựng tại Lebanon, Iraq, Syria hay Yemen.

“Iran là một trong những quốc gia cô đơn nhất thế giới về mặt chiến lược. Họ coi hàng chục nước là đối thủ, trong khi chỉ có một người bạn đáng tin cậy duy nhất là chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria”, Karim Sadjadpour, chuyên gia về Iran tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington, cho hay.

Sự đơn độc của Iran được cho là nguyên nhân nước này hành động thận trọng sau cái chết của Soleimani. Tướng Abolfazl Shekarchi, phát ngôn viên lực lượng vũ trang Iran, nói rằng Tehran sẽ trả thù “dữ dội”, nhưng “không vội vàng”. Theo Trofimov, đây là dấu hiệu cho thấy Tehran đang tìm cách tránh leo thang ngay lập tức, bởi nó tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh toàn diện với Washington.

Abas Aslani, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông tại Tehran, bổ sung thêm rằng Iran “đang nói về đáp trả, báo thù, không phải bắt đầu một cuộc chiến”.

“Nếu xung đột trực tiếp nổ ra, tôi nghĩ Iran cũng không hy vọng Nga và Trung Quốc tuyên chiến với Mỹ vì họ. Moskva và Bắc Kinh chỉ có thể hỗ trợ Tehran theo cách khác, như ủng hộ về mặt chính trị hay trong một số tổ chức quốc tế. Khả năng cung cấp thiết bị cho Iran cũng chưa chắc chắn”, Aslani nói.

Bình luận viên Yaroslav Trofimov của WSJ chỉ ra rằng sau vụ hạ sát Soleimani, phản ứng của Moskva và Bắc Kinh đều dừng lại ở chỉ trích mà không đưa ra cam kết hành động nào, mặc dù họ tỏ ý bênh vực Tehran. Vì vậy, Iran chỉ có thể dựa vào chính họ, cùng mạng lưới dân quân Shiite và các lực lượng ủy nhiệm mà Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds, đã xây dựng tại Lebanon, Iraq, Syria hay Yemen.

“Iran là một trong những quốc gia cô đơn nhất thế giới về mặt chiến lược. Họ coi hàng chục nước là đối thủ, trong khi chỉ có một người bạn đáng tin cậy duy nhất là chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria”, Karim Sadjadpour, chuyên gia về Iran tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington, cho hay.

Sự đơn độc của Iran được cho là nguyên nhân nước này hành động thận trọng sau cái chết của Soleimani. Tướng Abolfazl Shekarchi, phát ngôn viên lực lượng vũ trang Iran, nói rằng Tehran sẽ trả thù “dữ dội”, nhưng “không vội vàng”. Theo Trofimov, đây là dấu hiệu cho thấy Tehran đang tìm cách tránh leo thang ngay lập tức, bởi nó tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh toàn diện với Washington.

Abas Aslani, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông tại Tehran, bổ sung thêm rằng Iran “đang nói về đáp trả, báo thù, không phải bắt đầu một cuộc chiến”.

“Nếu xung đột trực tiếp nổ ra, tôi nghĩ Iran cũng không hy vọng Nga và Trung Quốc tuyên chiến với Mỹ vì họ. Moskva và Bắc Kinh chỉ có thể hỗ trợ Tehran theo cách khác, như ủng hộ về mặt chính trị hay trong một số tổ chức quốc tế. Khả năng cung cấp thiết bị cho Iran cũng chưa chắc chắn”, Aslani nói.

Bình luận viên Trofimov cho rằng Iran chắc chắn muốn nhận được thiết bị quân sự để thay thế số máy bay, tàu chiến và xe tăng lỗi thời của họ, nhưng Nga và Trung Quốc đều không thể cung cấp số thiết bị đó hợp pháp, ít nhất là tới tháng 10, thời điểm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với hầu hết giao dịch quân sự với Iran hết hạn.

Khó khăn trong việc hỗ trợ Iran thể hiện qua hợp đồng tên lửa S-300 nước này ký với Nga hồi năm 2005. Sau khi Liên Hợp Quốc áp lệnh trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân, Nga phải hủy hợp đồng vào năm 2010. Quá trình chuyển giao các tổ hợp tên lửa nối lại hồi tháng 4/2015, sau khi 6 cường quốc và Iran đạt thỏa thuận tạm thời về hạt nhân. Trung Quốc cũng từng cam kết đầu tư hàng trăm tỷ USD vào ngành dầu khí Iran, nhưng các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ khiến kế hoạch bị đình trệ.

Một yếu tố cần tính đến là cả Nga và Trung Quốc đều duy trì mối quan hệ gần gũi với Arab Saudi và Israel, hai đối thủ “không đội trời chung” của Iran tại khu vực.

Nga và Iran từng chung chiến tuyến tại Syria. Tuy nhiên, khi chính quyền Syria dần ổn định và Nga tìm được chỗ đứng mới tại nước này bằng cách bắt tay với Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng gần đây, lợi ích của Nga và Iran ở Syria bắt đầu chia rẽ.

Xét về mặt lịch sử, Nga và Iran cũng từng có nhiều hiềm khích. Người Nga có lẽ không quên vụ sát hại đại sứ Alexander Griboedov, đồng thời là nhà viết kịch nổi tiếng, khi đám đông xông vào sứ quán Nga ở Tehran hồi năm 1829. Iran cũng ủng hộ các phiến quân chống Liên Xô ở Afghanistan vào những năm 1980.

Trong khi đó, ký ức của người Iran bao gồm những vùng đất mà Nga sáp nhập từ đế quốc Ba Tư qua nhiều thế kỷ, cũng như việc Liên Xô kiểm soát nước này vào năm 1920 và 1941.

“Không ai ở Nga thực sự quan tâm về Iran. Họ không coi Iran là đối tác và chắc chắn không phải người bạn đáng để hy sinh”, Alexander Gabuev, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie Moskva, cho hay.

Một người dân cầm ảnh tướng Soleimani trong lễ tang của ông tại thủ đô Tehran, Iran hôm 6/1. Ảnh: Reuters.

Một người dân cầm ảnh tướng Soleimani trong lễ tang của ông tại thủ đô Tehran, Iran hôm 6/1. Ảnh: Reuters.

Theo chuyên gia này, Nga và Trung Quốc thậm chí có thể hưởng lợi từ sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Xung đột ở Trung Đông sẽ khiến Mỹ bị phân tâm, giúp họ có thêm thời gian củng cố những lợi ích cốt lõi ở Đông Âu và châu Á.

“Nga không có dù chỉ một chút ý định tham gia vào tình huống tranh cãi này và đang cố gắng tránh nó xa nhất có thể, ngay cả khi tiếp tục lớn tiếng ủng hộ Iran”, Ruslan Pukhov, giám đốc Trung Tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ tại Moskva, nhận định. “Ít nhất về ngắn hạn, điều này hoàn toàn có lợi cho Nga. Giá dầu đang tăng và Iran, vốn là đối tác khá cứng rắn, buộc phải trở nên hợp tác hơn nhiều”.

Dù Trung Quốc hiện là nước mua dầu nhiều nhất từ Trung Đông, giới chuyên gia của nước này từ lâu đã cảnh báo Bắc Kinh nên kiềm chế và tránh nhúng tay vào khu vực đầy biến động, một phần vì dầu vẫn tiếp tục được cung cấp bất chấp loạt xung đột chính trị trong những thập kỷ gần đây.

“Trung Đông không quá quan trọng trong chiến lược tổng thể của Bắc Kinh. Kể từ năm 2011, nhiều nước Trung Đông cùng rơi vào nội chiến, nhưng không ảnh hưởng nhiều tới kinh tế Trung Quốc”, Niu Xinchun, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, cho biết.

Zhu Feng, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nam Kinh, đánh giá việc Trung Quốc tập trận hải quân chung với Iran “mang tính biểu tượng hơn là thực tế”. “Tôi nghĩ Trung Quốc không bận tâm chút nào tới khả năng tham gia vào căng thẳng tại Trung Đông”, Feng nói thêm.

Mặc dù Iran không thể trông đợi nhiều vào sự giúp đỡ ngay lập tức từ Nga và Trung Quốc, tình hình trong tương lai có thể sẽ thay đổi, cựu cố vấn cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ Vali Nasr nhận định. “Những gì Washington đang làm khiến Moskva, Bắc Kinh và Tehran dần xích lại gần nhau. Họ có động lực chung nhất định trong việc ngăn cản Mỹ gây áp lực tối đa”, ông nói.

“Chúng ta sẽ không thấy ảnh hưởng trong tương lai gần, nhưng sau 10 năm, mọi người sẽ nhận ra rắc rối giữa chính quyền Trump và Iran đã thúc đẩy Nga và Trung Quốc phát triển chiến lược bảo vệ, nhằm đối phó với loại chính sách mà Mỹ đang sử dụng để chống lại Iran hiện nay”, Nasr cho hay.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/32636-iran-don-doc-doi-dau-voi-my.html

 

Lãnh đạo tối cao Iran:

Vệ binh Cách mạng có thể chiến đấu ở nước ngoài

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo có thể chiến đấu bên ngoài ranh giới Iran, lãnh đạo tối cao của Iran tuyên bố hôm thứ sáu 17/1, trong một phản ứng sau khi Mỹ hạ sát Tư lệnh quân đội hàng đầu của Iran, và trong bối cảnh bất ổn chống chính phủ ở trong nước về vụ bắn rơi một máy bay dân dụng của HHK Ukraine.

Trong bài thuyết giảng tại buổi cầu nguyện ngày thứ sáu đầu tiên của ông trong tám năm, Giáo sĩ Ayatollah Ali Khamenei nói với hàng ngàn người Iran đang hô “Nước Mỹ chết đi!” rằng không thể tin

cậy các cường quốc châu Âu trong cuộc đối đầu giữa Iran với Washington về chương trình hạt nhân Iran.

Giáo sĩ Khamenei nói: Các lực lượng Quds “bảo vệ các quốc gia bị áp bức trên toàn khu vực”. “Họ là những chiến sĩ không biên giới.”

Ông Khamenei tuyên bố: “Chúng ta phải tiếp tục cưỡng chống lại cho tới khi nào khu vực này hoàn toàn được giải phóng khỏi sự bạo ngược của kẻ thù,” ông yêu cầu quân đội Hoa Kỳ rời nước láng giềng Iraq và rút ra khỏi khu vực Trung Đông.

Năm 2018, chính quyền của Tổng thống Trump rút ra khỏi thoả thuận hạt nhân của Tehran với các cường quốc, đồng thời áp đặt các biện pháp chế tài đã làm tê liệt nền kinh tế Iran, dẫn cuộc xung đột hiện nay giữa Washington và Tehran.

Tổng thống Donald Trump đã hạ lệnh giết Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh chỉ huy lực lượng Quds hôm 3/1/2020. Ông Suleimani là người đã xây dựng các lực lượng dân quân khu vực bị Washington đổ lỗi là phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công nhắm vào các lực lượng Mỹ.

Iran đáp trả bằng cách bắn hơn một chục tên lửa đạn đạo vào các mục tiêu Mỹ ở Iraq hôm 8/1.

Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã rơi vào tình trạng bất ổn từ sau cái chết của ông Soleimani, người được coi như một anh hùng dân tộc ở Iran nhưng bị phương Tây cho là một kẻ thù bạo tàn.

Tang lễ của ông Soleimani được tiếp nối bởi thảm họa bắn nhầm máy bay dân dụng của Ukraine giết chết 176 người. Vài ngày sau Vệ binh Cách mạng mới thừa nhận họ đã bắn nhầm chiếc máy bay, mặc dù một viên chỉ huy cho biết ông ta đã báo cho nhà chức trách Iran biết trong cùng ngày.

Sự chậm trễ này đã gây phẫn nộ, đưa đến các cuộc biểu tình trên khắp Iran.dẫn tới những cuộc biểu tình kéo dài bốn ngày lan rộng trên nhiều thành phố, với những người biểu tình hô to “Khamenei chết đi!”

Tổng thống Trump đã lên tiếng hỗ trợ cho người biểu tình trên trang Twitter của ông, với những thông điệp bằng tiếng Farsi (Iran) và tiếng Anh, làm Giáo sĩ Khamenei nổi giận.

Tại buổi cầu nguyện hôm thứ Sáu, Giáo sĩ Khamenei gọi Tổng thống Trump là “một tên hề” giả vờ hỗ trợ người Iran, nhưng chỉ chực đâm sau lưng họ bằng “con dao tẩm thuốc độc”, theo FOX News.

Lãnh tụ tối cao Khameini kêu gọi dân Iran hãy sát cánh và thể hiện tình đoàn kết bằng cách đi bầu đông đảo trong các cuộc bầu cử quốc hội vào tháng hai sắp tới.

Ông Khamenei nói rằng Hoa Kỳ đã phơi bày ‘bản chất khủng bố’ khi giết Tướng Soleimani, và nói vụ ‘ám sát’ đó là một vết nhơ của chính phủ Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-toi-cao-iran-ve-binh-cach-mang-co-the-chien-dau-o-nuoc-ngoai/5249884.html

 

Quốc vương Jordan

cảnh báo nguy cơ IS trỗi dậy trở lại ở Trung Đông

Quốc vương Jordan Abdullah hôm 13/01 cảnh báo nguy cơ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy trở lại tại Trung Đông.

Theo Quốc vương Jordan Abdullah, IS đang hồi phục và đang gia tăng ở Trung Đông. Ông bày tỏ quan ngại về việc IS tái lập trong năm qua ở miền Đông Nam Syria và miền Tây Iraq. “Chúng ta phải đối phó với sự xuất hiện trở lại của IS”, Quốc vương Jordan nói và cho biết đó là “điều hết sức lo ngại”.

Bên cạnh đó, Quốc vương Abdullah cũng lưu ý nhiều phần tử khủng bố nước ngoài ở Syria đã tìm đường đến Libya. Đây là điều mà các nước châu Âu sẽ phải đối phó trong năm nay vì Libya rất gần với châu Âu.

“Vài nghìn phần tử IS đã rời Idlib (Syria) qua biên giới phía Bắc để tới Libya và đây là cũng là điều mà các nước châu Âu sẽ phải đối phó trong năm 2020. Cuộc thảo luận về tình hình Libya trong vài ngày tới đây sẽ rất quan trọng vì Libya rất gần với châu Âu”, Quốc vương Jordan cảnh báo.

Cảnh báo của Quốc vương Abdullah được đưa ra vài tháng sau khi IS bị lật đổ khỏi thành trì cuối cùng ở Syria.

Về việc gia tăng căng thẳng giữa Iran và Mỹ thời gian gần đây, Quốc vương Abdullah cho biết, ông hy vọng “trong vài tháng tới, chúng tôi sẽ thiết lập cơ chế phù hợp cho khu vực, nhấn mạnh đây là điều thực sự sẽ góp phần làm giảm căng thẳng giữa hai bên. Đến nay, tình hình đã có phần giảm nhiệt, chúng tôi hy vọng điều đó tiếp tục là xu hướng trong thời gian tới. Bất cứ điều gì xảy ra ở Tehran sẽ ảnh hưởng đến Baghdad, Amman, Beirut cũng như tiến trình hòa bình giữa Palestine và Israel”.

Theo dự kiến, Quốc vương Abdullah ​​sẽ tham dự các cuộc đàm phán về tình hình Libya trong tuần này tại Brussels, Strasbourg và Paris.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/32604-quoc-vuong-jordan-canh-bao-nguy-co-is-troi-day-tro-lai-o-trung-dong.html

 

ASEAN xem xét đề nghị của Mỹ về thượng đỉnh đặc biệt

Minh Anh

Ngày 17/01/2020, hội nghị cấp ngoại trưởng ASEAN kết thúc hai ngày họp tại Việt Nam. Ngoài việc kêu gọi tiếp tục hợp tác tìm kiếm giải pháp cho căng thẳng ở Biển Đông và khủng hoảng người Rohingya, ASEAN xem xét khả năng mở thượng đỉnh đặc biệt với tổng thống Trump theo đề nghị từ phía Mỹ.

Trong thông cáo chung, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết ASEAN « hoan nghênh lời mời của tổng thống Donald Trump triệu tập một Thượng đỉnh Đặc biệt để kỷ niệm năm năm quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN – Mỹ trong năm nay, và quyết định sau cùng sẽ do lãnh đạo các nước thành viên đưa ra ».

Theo nhiều nguồn tin ngoại giao, chính phủ Hoa Kỳ đã đề nghị tổ chức sự kiện này tại Las Vegas vào trung tuần tháng 3/2020, nhưng chưa cho biết ngày giờ cụ thể.

Hãng tin Kyodonews nhận định tổng thống Trump đưa ra lời mời này sau khi đã xem nhẹ hai kỳ thượng đỉnh được tổ chức ở Bangkok, thủ đô Thái Lan tháng 11/2019 và Singapore cũng trong tháng 11/2018, khiến nhiều lãnh đạo khối ASEAN thất vọng.

Tuyên bố chung của hội nghị không chính thức cấp ngoại trưởng  Đông Nam Á hoan nghênh việc Hoa Kỳ tham gia trở lại các cuộc họp cấp cao với ASEAN, bao gồm cả thượng đỉnh ASEAN – Đông Á diễn ra vào tháng 11/2020 tại Hà Nội.

Biển Đông và hồ sơ Rohingya : Trọng tâm của ASEAN 2020

Về tình hình căng thẳng ở Biển Đông do những tranh chấp chủ quyền giữa một số nước thành viên với Trung Quốc, thông cáo bày tỏ « quan ngại về những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ, các tiến triển gần đây và những sự cố nghiêm trọng, đang làm xói mòn niềm tin và sự tin tưởng, làm gia tăng căng thẳng và có thể gây tổn hại cho nền hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực ».

Ngoại trưởng các nước ASEAN một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng luật quốc tế, nhất thiết phải tạo một môi trường thuận lợi cho các cuộc thương lượng đang được tiến hành nhằm đúc kết một bộ Quy tắc ứng xử tại vùng Biển Đông.

Các ngoại trưởng ASEAN còn thảo luận về triển vọng của ASEAN về vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhằm khẳng định rằng ASEAN có một « vai trò trung tâm và chiến lược » cho sự phát triển của khu vực.

Đối với cuộc khủng hoảng Rohingya, các ngoại trưởng tái khẳng định ASEAN nên « can dự nhiều hơn và tăng cường vai trò của mình trong việc hỗ trợ Miến Điện thông qua các hoạt động cứu trợ nhân đạo, tạo thuận lợi cho tiến trình hồi hương và phát triển bang Rakhine ».

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200118-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t-asean-m%E1%BB%B9

 

Tin nói bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên bị thay thế

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho đã bị thay thế, báo NK News ở Seoul đưa tin vào ngày thứ Bảy.

Người thay thế ông Ri chưa được xác định nhưng Bình Nhưỡng dự kiến sẽ tiết lộ người kế nhiệm ông vào ngày thứ Năm tới, bản tin cho biết, trích dẫn các nguồn không nêu danh tính.

Bộ thống nhất Hàn Quốc, chịu trách nhiệm về các vấn đề Triều Tiên, đã nói rằng bất cứ sự thay đổi nào về tư cách của ông Ri nên được thẩm định một cách thận trọng.

Sinh năm 1956, ông Ri là con trai của Ri Myong Je, cựu phó giám đốc của Bộ Tổ chức Chỉ đạo, một cơ quan trong Đảng Lao động cầm quyền giám sát việc bổ nhiệm các vị trí quản lí trong nước, theo Bộ thống nhất của Hàn Quốc.

Cha của ông cũng là một biên tập viên tại Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA), cơ quan truyền thông nhà nước đăng tải các tuyên bố tuyên truyền của Bình Nhưỡng.

Nói tiếng Anh lưu loát và từng theo học Đại học Ngoại ngữ danh giá của Bình Nhưỡng, ông Ri trong nhiều năm đã giữ một số chức vụ cao cấp tiếp xúc với phương Tây.

Từ năm 2003 đến 2007, ông là đại sứ của Triều Tiên tại London và giữ chức phó bộ trưởng ngoại giao, đại diện Triều Tiên tại các cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Ri không tham dự cuộc hội họp hàng năm của các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên Hiệp Quốc vào tháng 9. Ông tham dự cuộc họp cao cấp này ở New York trong ba năm từ 2016 đến 2018.

https://www.voatiengviet.com/a/tin-noi-bo-truong-ngoai-giao-trieu-tien-bi-thay-the/5250901.html

 

Hàn Quốc chỉ trích phát biểu của Đại sứ Mỹ

Hàn Quốc ngày 17/1 phản bác mạnh mẽ phát biểu của Đại sứ Mỹ Harry Harris kêu gọi Seoul tham khảo ý kiến của Washington về nỗ lực của miền Nam muốn nối lại các chuyến du lịch cá nhân tới Triều Tiên.

Trước đó, hôm 16/1, đại sứ Harris kêu gọi Hàn Quốc nên trình bày kế hoạch này với một nhóm công tác chung để “tránh sự hiểu lầm sau này mà có thể kích hoạt các chế tài.”

Một quan chức của văn phòng Tổng thống Hàn Quốc gọi phát biểu đó là “rất không thỏa đáng,” trong khi nhấn mạnh Seoul tiếp tục phối hợp với Washington.

“Vấn đề hợp tác [liên Triều] là vấn đề mà chính phủ của chúng tôi quyết định,” quan chức này nói.

Bộ Thống nhất của Hàn Quốc, nơi xử lý các mối quan hệ với Triều Tiên, từ chối phản hồi trực tiếp về phát biểu của ông Harris, nhưng một phát ngôn viên cho biết chính sách của nước này đối với Triều Tiên “thuộc thẩm quyền của chúng tôi.”

Quan hệ Mỹ-Hàn đã bị căng thẳng vì đòi hỏi của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Seoul phải trả thêm nhiều chi phí hơn cho sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại đây.

Thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự hiện thời đã hết hạn vào cuối năm ngoái. Một vòng đàm phán thứ sáu kết thúc trong tuần này mà không đạt đột phá nào và các quan chức Mỹ cảnh báo “ngân khoản còn lại” dùng để trám vào phần bị hụt cũng đang cạn kiệt.

Vấn đề này đã tạo ra xích mích bất thường trong liên minh kéo dài 70 năm giữa Mỹ và Hàn Quốc mà cả hai nước thường xuyên mô tả là “không gì lay chuyển được.”

https://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-chi-trich-phat-bieu-cua-dai-su-my/5250330.html

 

Virus viêm phổi corona:

Số người nhiễm ‘nhiều hơn báo cáo’

James GallagherPhóng viên Khoa học và Y tế

Số người bị nhiễm loại virus bí ẩn mới xuất hiện ở Trung Quốc lớn hơn nhiều so với con số chính thức được đưa ra, các nhà khoa học nói với BBC.

Đã có 41 trường hợp được khẳng định nhiễm loại virus mới này, nhưng các chuyên gia của Anh ước tính con số thực tế vào khoảng 1.700 người.

Bộ Y tế VN họp khẩn về virus viêm phổi corona

WHO báo động tình trạng lây lan của virus gây viêm phổi từ TQ

Virus viêm phổi bí ẩn bùng phát ở Trung Quốc

Hai người được biết đã chết ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019.

“Tôi bây giờ cảm thấy vô cùng lo ngại so với cách đây một tuần,” nhà khoa học về bệnh dịch, Giáo sư Neil Ferguson, nói.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm phân tích bệnh truyền nhiễm toàn cầu MRC tại Đại học Hoàng gia London, nơi tư vấn cho các cơ quan bao gồm chính phủ Anh và Tổ chức Y tế Thế giới.

Singapore và Hong Kong đã tiến hành sàng lọc các hành khách đi máy bay từ Vũ Hán và chính phủ Mỹ cũng thông báo các biện pháp tương tự hôm thứ Sáu tại ba sân bay San Francisco, Los Angeles và New York.

Số người nhiễm virus mới được tính thế nào?

Manh mối quan trọng để xác định được số ca nhiễm virus mới là dựa vào các trường hợp được phát hiện ở các nước khác.

Trong khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, hai trường hợp nhiễm virus corona đã được phát hiện ở Thái Lan và Nhật Bản.

Ở Việt Nam, hai khách Trung Quốc nghi nhiễm virus này đã bị phát hiện ở sân bay Đà Nẵng, theo truyền thông địa phương.

“Điều này khiến tôi đặc biệt lo ngại,” Giáo sư Ferguson nói.

Ông nói thêm: “Việc Vũ Hán xuất khẩu ba ca bệnh sang các nước khác nghĩa là hẳn đã có nhiều hơn các trường hợp bị lây nhiễm so với số ca đã được báo cáo.”

Việc tìm ra con số chính xác là không thể, nhưng quy mô ổ dịch, dựa trên loại virus, dân số địa phương, và dữ liệu chuyến bay, có thể cho biết phần nào.

Sân bay Quốc tế Vũ Hán phục vụ dân số 19 triệu người, nhưng chỉ 3.400 người bay quốc tế trong một ngày.

Các tính toán chi tiết, được đăng trên mạng trước khi một báo cáo khoa học được xuất bản, đưa ra con số 1.700 trường hợp.

Con số này có ý nghĩa gì?

Giáo sư Ferguson nói “quá sớm để cảnh báo” nhưng rằng ông “đặc biệt lo ngại hơn” một tuần trước đó.

Giới chức Trung Quốc nói không có trường hợp nào virus lây từ người sang người.

Thay vì thế họ nói người ta nhiễm virus từ các động vật bị nhiễm bệnh ở một chợ hải sản và động vật hoang dã ở Vũ Hán.

Giáo sư Ferguson lập luận: “Họ nên xem xét khả năng lây nhiễm từ người sang người một cách nghiêm túc hơn là họ đã làm cho tới nay.”

“Theo tôi thì không thể, dựa trên những điều mà chúng tôi biết về virus corona, tiếp xúc với động vật lại là nguyên nhân chính cho số người bị nhiễm virus như vậy.”

Hiểu được loại virus mới lây lan thế nào là điều tối quan trọng để đánh giá mối đe dọa của nó.

Virus mới

Các mẫu virus lấy từ bệnh nhân đã được phân tích trong phòng thí nghiệm.

Và giới chức Trung Quốc cùng Tổ chức Y tế Thế giới đã kết luận đó là virus corona.

Virus corona có nhiều chủng, nhưng chỉ có sáu chủng (tính cả chủng vừa phát hiện ở Trung Quốc là bảy) được biết là có khả năng lây sang người.

Ở mức độ nhẹ, chúng gây ra cảm lạnh thông thường, nhưng hội chứng hô hấp cấp (Sars) là một loại virus corona đã giết chết 774 trong số 8.098 người bị nhiễm trong một ổ dịch bùng phát ở Trung Quốc vào năm 2002.

Phân tích mã di truyền của virus mới cho thấy nó có liên hệ mật thiết với Sars hơn bất kỳ loại virus corona nào khác ở người.

Virus corona mới gây viêm phổi và đã khiến hai bệnh nhân tử vong.

Các nhà khoa học khác nói gì?

Giáo sư Jeremy Farrar, Giám đốc Tổ chức từ thiện Nghiên cứu Y tế Wellcome, nói: “Sẽ có nhiều điều đáng bàn về dịch này.

“Sự không chắc chắn và các khoảng cách vẫn còn, nhưng rõ ràng là đã có một mức độ lây nhiễm từ người sang người.

“Chúng tôi bắt đầu nghe thấy có nhiều ca nhiễm hơn ở Trung Quốc và các nước khác và có khả năng, như quy mô hiện nay cho thấy, sẽ còn nhiều hơn các ca lây nhiễm, ở nhiều nước.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-51159459

 

Ông Tập nói Myanmar và TQ là ‘anh em cùng mẹ’

Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm hai ngày, từ 17/01/2020 sang liên bang Myanmar để mở rộng Vành đai và Con đường.

Dự kiến ông sẽ gặp bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo trên thực tế của chính phủ Myanmar để cùng dự lễ kỷ niệm 70 năm quan hệ hai nước.

Đây là lần đầu tiên từ 19 năm một chủ tịch Trung Quốc thăm Myanmar, mà tên gọi trước đây là Miến Điện.

Myanmar và hai phiên tòa về người Rohingya

Aung San Suu Kyi ‘bảo vệ Myanmar trước tòa quốc tế’

Vụ Rohingya: Suu Kyi ‘Lẽ ra nên từ chức’

Chủ tịch Quang vắng mặt dịp đón bà Suu Kyi

Dự án xây đập Myitsone với đầu tư Trung Quốc, và cảng Kyaukphyu bên bờ Vịnh Bengal nằm trong nghị trình của chuyến thăm.

Trung Quốc coi cảng biển nước sâu này là một phần quan trọng của dự án Vành đai và Con đường tại châu Á, đưa hàng hóa từ Ấn Độ Dương vào thẳng vùng Tây Nam của TQ.

Nhưng Ấn Độ lại coi đây là dự án, cùng cảng Hambantota mà Sri Lanka cho Trung Quốc thuê 99 năm, là cách Bắc Kinh “khóa lại vòng vây với Dehli”, theo trang India Times tuần này.

Dự án thủy điện Myitsone trị giá trên 3 tỷ USD tiền đầu tư từ TQ bị phê phán nhiều tại Myanmar, nhưng sẽ được triển khai, và 90 điện từ đây sẽ chuyển về Trung Quốc.

Vấn đề người Rohingya

Trước khi bắt đầu chuyến thăm, Chủ tịch Tập đích thân viết bài đăng trên các báo Myanmar, “Viết ra Trang Mới trong quan hệ anh em cùng mẹ đã một Thiên niên kỷ”.

Tựa đề bài báo dùng khái niệm “Pauk-Phaw Friendship” của tiếng Miến Điện, có nghĩa là “anh chị em cùng mẹ”, để nói về hai quốc gia.

Chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác chiều sâu, hai bên cùng có lợi, trong các lĩnh vực như kết nối viễn thông, năng lượng, giao thông, nông nghiệp, tài chính và đời sống để đem lại thêm nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước.” ông Tập viết.

Các báo khu vực chú ý rằng ngoài các cuộc gặp với Ủy viên Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint, ông Tập còn gặp tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing.

Theo báo Ấn Độ, ông Hliang bị nêu tên trong phúc trình của Liên hiệp quốc về “các vụ đàn áp, giết chóc người Rohingya”.

Năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ đưa ông Hliang vào danh sát bốn quan chức cao cấp Myanmar bị Hoa Kỳ chế tài vì “tội ác vi phạm nhân quyền”.

Báo India Times cho rằng Trung Quốc ủng hộ Myanmar trong vấn đề người Rohingya.

Không chỉ có vậy, các dự án đầu tư của TQ ở Myanmar sẽ gồm cả một đặc khu kinh tế tại chính bang Rakhine, nơi xảy ra các vụ đàn áp người thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Trung Quốc bị cho là có cách hành xử tương tự Myanmar vì đã giam cầm con số đông đảo người Hồi giáo Uyghur ở Tân Cương.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài thứ nhì, sau Singapore, ở Myanmar, nước thành viên ASEAN.

Chỉ trong 11 tháng đầu 2019, đầu tư từ TQ đạt con số 20 tỷ USD.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-51153571

 

Trung Quốc- Miến Điện đoàn kết

bất chấp khủng hoảng Rohingya

Thanh Phương

Ngày 18/01/2020, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến viếng thăm hai ngày tại Miến Điện sau khi gặp bà Aung San Suu Kyi, nhân vật trên thực tế là lãnh đạo chính phủ nước này, tại thủ đô Naypyidaw. Sau cuộc gặp giữa hai lãnh đạo, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định về xây dựng các dự án cơ sơ hạ tầng ở Miến Điện.

Chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra vào lúc các nhà đầu tư ngoại quốc tránh Miến Điện do khủng hoảng người Rohingya. Từ năm 2017, chính quyền Miến Điện đã mở chiến dịch đàn áp, mà Liên Hiệp Quốc xem là một cuộc diệt chủng, nhắm vào thiểu số Rohingya, đa số theo Hồi Giáo, khiến khoảng 740 ngàn người phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.

Cho tới nay Bắc Kinh vẫn ủng hộ mạnh mẽ Miến Điện trong khi cộng đồng quốc tế lên án chính quyền Naypyidaw. Theo nhật báo Global New Light of Myanmar, hôm 17/01/2020, chủ tịch Tập Cận Bình đã xem chuyến viếng thăm lần này là một “thời điểm lịch sử” trong quan hệ giữa hai nước láng giềng này. Lãnh đạo Trung Quốc cũng đã nêu lên cái mà ông gọi là “sự bất công” trong quan hệ quốc tế, rõ ràng ám chỉ thái độ của Hoa Kỳ, do việc Washington trừng phạt tổng tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing.

Về phần Aung San Suu Kyi, bà tuyên bố Miến Điện lúc nào cũng sẽ sát cánh với Trung Quốc. Từng được trao giải Nobel Hòa bình, bà Aung San Suu Kyi nay bị phương Tây chỉ trích kịch liệt do bà đã bênh vực quân đội Miến Điện trong khủng hoảng Rohingya.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Miến Điện. Hai nước đã ký các hiệp định về dự án xây một cảng nước sâu, nhiều đặc khu kinh tế, đường xe lửa cao tốc xuyên Miến Điện…

Nhưng nhiều người dân Miến Điện không tin là họ sẽ được hưởng những lợi ích kinh tế từ các dự án đó. Theo hãng tin AFP, tại Rangun, thủ đô kinh tế của Miến Điện, nhiều người xuống đường biểu tình phản đối việc khởi động lại dự án xây một đập thủy điện khổng lồ của Trung Quốc. Dự án đập thủy điện Myitsone với công suất 6.000 megawatt đã bị đình chỉ từ năm 2011 do gặp rất nhiều chỉ trích ở Miến Điện.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200118-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-trung-qu%E1%BB%91c-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-th%E1%BB%83-hi%E1%BB%87n-t%C3%ACnh-%C4%91o%C3%A0n-k%E1%BA%BFt-b%E1%BA%A5t-ch%E1%BA%A5p-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-rohingya

 

Nhà nghiên cứu Mỹ phân tích

lý do ‘TQ tìm kiếm các đối tác dễ bảo’

Một nhà nghiên cứu tại R Street Institute, một viện nghiên cứu phi đảng phái – phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington DC, hôm 13/1 đã có bài bình luận trên báo National Interest về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.

Bài viết có tựa đề được tạm dịch: “Kháng cự là vô ích: Lý do thực sự khiến Trung Quốc tìm kiếm các đối tác dễ bảo”.

Trong bài viết này, nhà nghiên cứu Kathryn Waldron đã chỉ ra thực tế rằng khi cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ban hành chính sách mở cửa kinh tế Trung Quốc vào năm 1978, nhiều người phương Tây tưởng rằng việc tự do hóa nền kinh tế sẽ dẫn đến tự do hóa chính trị ở nước này, và rằng người dân Trung Quốc khi đã quen với tự do kinh tế sẽ yêu cầu chính quyền mở cửa và nhận được tự do chính trị.

Bà Waldron nhận định: “Cho đến nay, những yêu cầu này đã không được đáp ứng”. Bà cho biết, thay vì nắm lấy thời cơ về cởi mở kinh tế và chính trị, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát đất nước bằng cách bịt miệng bất cứ ai có quan điểm trái ý họ. Bà lấy ví dụ là cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với các nhóm thiểu số Hồi giáo sống ở tỉnh Tân Cương. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ khoảng 1 triệu người Hồi giáo, giam cầm họ trong các trại tập trung ở Tân Cương. Bà cũng đề cập đến báo cáo điều tra của The New York Times về mạng lưới các trại tập trung này.

Nhà nghiên cứu đặt câu hỏi: “Vậy làm sao mà phương Tây tưởng nhầm về Trung Quốc như vậy? Câu trả lời là có quá nhiều người ở phương Tây đánh giá thấp sức mạnh của một phương châm chính trị [của chính quyền Trung Quốc], đó là đảm bảo sự tồn tại của ĐCSTQ”.

Bà Waldron cho biết, để giành quyền kiểm soát mà không khiến phương Tây cảnh cáo, Bắc Kinh đã tiến hành một phương pháp cẩn mật, cho phép đàn áp để đảm bảo đường lối của chính quyền, trong khi chi tiền để xoa dịu các mối quan tâm của phương Tây về quyền tự do và nhân quyền.

Nhà nghiên cứu cho rằng việc chính quyền Trung Quốc mở rộng quyền lực đã được củng cố nhờ áp dụng công nghệ một cách “nham hiểm hơn”. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học, thu thập mẫu ADN, mở rộng giám sát nhận dạng khuôn mặt và giọng nói, chấm điểm tín nhiệm, … những thứ đó đã trở thành công cụ để kiểm soát và trừng phạt người dân. Hệ thống chấm điểm tín nhiệm đối với công dân, kết hợp với luật An ninh mạng năm 2016 cho phép chính quyền Trung Quốc truy cập vào bất kỳ dữ liệu nào họ muốn, đã dẫn đến một luồng dữ liệu lớn cho ĐCSTQ.

Bà Waldron cho biết các nước phương Tây đã nhận ra sự nguy hiểm của việc chính quyền Trung Quốc nắm giữ các dữ liệu và quyền giám sát, sau khi có thông tin về những rủi ro an ninh quốc gia từ các công ty Trung Quốc như Huawei. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Kỳ không đạt được đồng thuận về tính cấp bách của vấn đề và các chiến lược để giảm thiểu rủi ro an ninh quốc gia do Trung Quốc gây ra.

Bà cho rằng khi sự kìm kẹp của ĐCSTQ đối với Trung Quốc mạnh lên, Bắc Kinh đã mạnh tay hơn trong việc buộc người khác phải chấp nhận luận điệu của mình. Chẳng hạn, năm 2018, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã cáo buộc một số hãng hàng không quốc tế vi phạm luật pháp Trung Quốc khi liệt kê Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao là các quốc gia riêng biệt trên trang web của họ. Sau áp lực mạnh mẽ từ chính quyền Trung Quốc, các hãng hàng không đã phải lên tiếng đính chính.

Việc các công ty nước ngoài cúi đầu theo yêu cầu của Bắc Kinh, theo bà Waldron, thực chất chỉ khiến chính quyền Trung Quốc cải thiện tính hợp pháp của họ. Nhà nghiên cứu cho rằng: “Các nhà hoạch định chính sách và các công ty phương Tây cần phải nhận ra rằng cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với bất kỳ ai

mà họ coi là mối đe dọa đối với Đảng và việc họ sẵn sàng sử dụng áp lực kinh tế để buộc các công ty quốc tế phải phục tùng đường lối của Đảng là nảy sinh từ bản chất cơ bản của ĐCSTQ”.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/32672-nha-nghien-cuu-my-phan-tich-ly-do-tq-tim-kiem-cac-doi-tac-de-bao.html

 

Trung Quốc phản ứng trước việc

bị lên án vi phạm dân chủ và nhân quyền

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá tình hình nhân quyền tại Trung Quốc hiện nay ở vào thời kỳ tốt nhất trong lịch sử.

Trung Quốc đã phản ứng về việc hai báo cáo mới nhất của hai tổ chức “Theo dõi nhân quyền” (HRW) và “Ngôi nhà tự do” lên án Trung Quốc vi phạm dân chủ, nhân quyền và sử dụng sức mạnh kinh tế gây sức ép lên toàn cầu.

Phát biểu tại buổi họp báo hôm nay (15/1), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng cũng tố cáo ngược lại hai tổ chức này từ trước đến nay luôn có tuyên bố và báo cáo không đúng sự thật, đổi trắng thay đen, không khách quan liên quan đến tình hình tại Trung Quốc.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá, vấn đề nhân quyền thuộc về nội bộ Trung Quốc và tình hình nhân quyền tại Trung Quốc hiện nay ở vào thời kỳ tốt nhất trong lịch sử.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các tổ chức phi chính phủ quốc tế, cũng như một số nước, đặc biệt là Mỹ tập trung lên án về tình trạng vi phạm dân chủ, nhân quyền của Trung Quốc tại khu vực Tân Cương, Tây Tạng và mới đây nhất là ở Hong Kong

http://biendong.net/goc-nhin-moi/32670-trung-quoc-phan-ung-truoc-viec-bi-len-an-vi-pham-dan-chu-va-nhan-quyen.html

 

Trung Quốc công bố

nội dung Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1

Bộ Tài chính Trung Quốc hôm nay (16/1) công bố bản tiếng Trung của Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký với Mỹ trước đó một ngày tại thủ đô Washington.

Thỏa thuận này được cho là nhằm giải quyết căng thẳng thương mại kéo dài nhiều tháng qua giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo đó, Trung Quốc đồng ý mua ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ bổ sung của Mỹ trong 2 năm, bao gồm 31 tỷ USD nhập khẩu thêm nông sản. Nội dung này cũng phù hợp cả về giá trị tài chính và khung thời gian được đề cập trong phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận được Mỹ công bố.

Theo cả hai phiên bản, Trung Quốc và Mỹ đều nhất trí, việc mua bán sẽ được thực hiện theo giá thị trường dựa trên những cân nhắc thương mại và điều kiện thị trường, đặc biệt đối với nông sản.

Chỉ vài giờ sau khi ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Mỹ và Trung Quốc đã ngay lập tức bắt đầu các cuộc đàm phán về thỏa thuận giai đoạn 2. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, nếu Mỹ – Trung nhanh chóng tiến tới được thỏa thuận giai đoạn 2, Tổng thống Trump sẽ xem xét dỡ bỏ thuế quan như một phần của thỏa thuận

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/32668-trung-quoc-cong-bo-noi-dung-thoa-thuan-thuong-mai-giai-doan-1.html

 

Tổng Thống Myanmar ca ngợi chuyến thăm “lịch sử”

 của chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình

Tin từ Yangon – Hôm thứ Sáu (17/01/2020), chủ tịch Trung Cộng, Tập Cận Bình đã đến Myanmar trong chuyến thăm hai ngày để củng cố các dự án cơ sở hạ tầng ở quốc gia Đông Nam Á bị phương Tây cô lập vì cách họ đối xử với dân tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Cố vấn chính phủ Myanmar, Aung San Suu Kyi chào đón chủ tịch Tập bằng một cái bắt tay trên bậc thang dinh tổng thống sau một nghi thức chào đón của tổng thống và diễn hành quân sự vào ngày đầu tiên của chuyến thăm hai ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập với tư cách là chủ tịch Trung

Công và là chủ tịch Trung Cộng đầu tiên đến thăm trong 19 năm. Tổng thống Myanmar, Win Myint nói với các phóng viên tại cung điện rằng đây là một chuyến thăm lịch sử và rất quan trọng. Các nhà phân tích nói rằng ông Tập sẽ tìm cách tái tạo các dự án cơ sở hạ tầng trọng tâm đang bị đình trệ của Sáng kiến Vành đai và Con đường của ông, sáng kiến được mô tả như một con đường tơ lụa của thế kỷ 21. Theo dữ kiện của Ngân hàng Thế giới, Trung Cộng là nước đầu tư lớn thứ hai của Myanmar, chỉ sau Singapore. Nhưng nhiều người ở Myanmar tỏ ra thận trọng với Trung Cộng, và các dự án cơ sở hạ tầng đã không được lòng dân do gây thiệt hại cho hàng ngàn dân làng và môi trường.

Người biểu tình có kế hoạch tập trung bên ngoài tòa đại sứ Trung Cộng tại Yangon vào thứ Bảy (18/01/2020) để phản đối việc khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Myanmar, bao gồm dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3.6 tỉ Mỹ kim bị đình chỉ vào năm 2011, nhưng có thể được khởi động lại. Thương gia 34 tuổi Aung Ko Latt nói rằng Myanmar không có trang bị để đánh giá các dự án của Trung Cộng để bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/tong-thong-myanmar-ca-ngoi-chuyen-tham-lich-su-cua-chu-tich-trung-cong-tap-can-binh/

 

Maldives lựa chọn đứng về phía Ấn Độ và Hoa Kỳ

thay vì Trung Cộng

Tin Male, Maldives – Trong bối cảnh sự đối đầu chính trị tại Ấn Độ Dương đang nóng dần lên, đảo quốc Maldives đã quyết định đứng về phía Ấn Độ, dù việc này sẽ làm mất lòng Trung Cộng. Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm, 16 tháng 1, với tờ Tin sáng Hoa Nam, Ngoại Trưởng Maldives Abdulla Shahid cho biết đảo quốc này sẽ ủng hộ chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Washington, một chiến lược vốn được cho là có tác dụng kềm chế Bắc Kinh.

Ngoại Trưởng Shahid gọi Ấn Độ là người bạn đặc biệt của Maldives, đồng thời cho biết hai nước có cùng nhu cầu và cùng mối quan tâm về an ninh, liên quan đến các nỗ lực của Trung Cộng nhằm tăng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương. Ông Shahid thêm rằng, tuy Maldives không muốn làm xấu đi quan hệ với Trung Cộng, nhưng cộng đồng quốc tế cần nhớ rằng mối liên hệ giữa Maldives với Ấn Độ là rất đặc biệt. Vị ngoại trưởng cũng ủng hộ các nỗ lực của Washington nhằm thành lập một liên minh xuyên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và cho biết Maldives hoàn toàn tuân theo chiến lược do Hoa Kỳ dẫn đầu. Tuyên bố của Ngoại Trưởng Shahid được đưa ra giữa lúc Chủ Tịch Tập Cận Bình đang đến thăm Myanmar, nhằm ký kết một thỏa thuận trị giá 1.3 tỷ Mỹ kim, để phát triển một hải cảng giúp Trung Cộng có thêm 1 điểm đặt chân tại Ấn Độ Dương.

Trước đó không lâu, chỉ huy Hải quân Ấn Độ, Đô Đốc Karambir Singh, cho biết hải quân Trung Cộng đang ngày càng tăng hiện diện tại Ấn Độ Dương, gây ảnh hưởng đến chủ quyền và các mối quan hệ của Ấn Độ. Đô Đốc Singh cảnh báo các mối lo ngại này sẽ ngày càng tăng trong tương lai.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/maldives-lua-chon-dung-ve-phia-an-do-va-hoa-ky-thay-vi-trung-cong/

 

Mưa lớn giúp dập tắt nhiều đám cháy ở Úc,

nhưng nguy cơ vẫn còn

Các trận mưa trút đã dập tắt nhiều đám cháy rừng ở vùng duyên hải phía Đông nước Úc hôm thứ Sáu, là tin vui cho các đôi cứu hỏa và giới nông dân, cũng như ban tổ chức Giải Quần Vợt Mở Rộng vào tuần tới, theo Reuters.

Nước Úc vốn nổi tiếng nhờ các bãi biển tuyệt đẹp và đời sống hoang dã phong phú, đã chật vật đấu tranh chống các đám cháy rừng từ tháng 9 vừa qua, những trận hỏa hoạn đã giết chết 29 người và hàng triệu động vật, hủy hoại hơn 2.500 căn nhà, thiêu rụi một khu vực tương đương với 1/3 nước Đức.

Ba tiểu bang bị tác động nặng nề nhất, Victoria, New South Wales (NSW) và Queensland, thở phào nhẹ nhõm chào mừng những trận mưa lớn, trong khi các dịch vụ cứu hỏa nói rằng tuy không dập tắt tất cả các đám cháy, nhưng giúp nỗ lực khống chế các đám cháy.

Dự báo sẽ có nhiều trận bão mang mưa lớn tới nhiều khu vực từng bị cháy rừng hoành hành ở bang NSW và Queensland, kể cả các khu vực không có mưa trong nhiều năm qua, giảm bớt mức nghiêm trọng của nạn hạn hán đã kéo dài 3 năm qua.

Trời mưa đã giúp cho không khí trở nên trong lành, bớt khói bụi, tuy nhiên, theo bản tin Reuters, 3 thành phố Sydney, Canberra và Melbourne vẫn nằm trong danh sách 100 thành phố bị ô nhiễm nhất thế giới trong ngày thứ Sáu 17/1.

Báo Sydney Morning Herald trích dẫn Dịch vụ Cứu Hỏa Vùng Quê NSW (RFS) cảnh báo nguy cơ hỏa hoạn vẫn còn đó vì mùa hè còn dài.

Tờ báo dẫn lời người phát ngôn của tổ chức này, ông Jonty Bruce, cảnh báo mưa không có nghĩa là mùa cháy rừng đã qua. Ông nói: “Chúng ta chỉ mới qua được nửa mùa hè. Nguy cơ hỏa hoạn có thể lại trở về, chỉ không biết là nó sẽ xảy ra lúc nào và ở đâu.”

Theo Reuters vào đầu ngày thứ Sáu, 82 trận hỏa hoạn vẫn tiếp tục cháy trên khắp NSW, trong số đó có 30 đám cháy chưa được khống chế, theo Dịch vụ Cứu Hỏa Vùng Quê NSW (RFS) được tờ Sydney Morning Herald dẫn lời.

Lệnh sơ tán khẩn cấp đã được ban hành cho một số khu vực ở Đông Nam tiểu bang Victoria, trong khi một đám cháy không kiềm hãm được hoành hành ở Thung lũng Sông Buffalo.

Tại NSW, các nhân viên cứu hỏa, gia đình và cộng đồng vùng Holbrook dự lễ an táng một nhân viên cứu hỏa tình nguyện 28 tuổi, anh Samuel McPaul, thiệt mạng trong khi thi hành phận sự hồi tháng 12.

Cơ quan Khí tượng Úc dự báo có thể phải chờ tới tháng Ba thì mới có các trận mưa đủ lớn để giảm nguy cơ khô hạn dẫn tới cháy rừng do hạn hán gây ra.

Tổ chức Du lịch hàng đầu nước Úc ước lượng thảm họa cháy rừng đã gây tổn thất lên tới gần 1 tỉ AUD cho ngành du lịch nước này.

https://www.voatiengviet.com/a/mua-lon-giup-dap-tat-nhieu-dam-chay-nhung-nguy-co-van-con/5250024.html