Tin khắp nơi – 18/01/2018
Cựu Cố vấn của ông Trump
không hợp tác với Ủy ban Tình báo Hạ viện
Cựu Cố vấn Chiến lược của Tổng thống Trump, ông Steve Bannon, đã từ chối trả lời những câu hỏi của các nhà lập pháp đang điều tra việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Ông Bannon hôm thứ Ba 16/1 phải ngồi hàng giờ trước Ủy ban tình báo Mỹ, một trong nhiều cơ quan đang tiến hành một cuộc điều tra riêng về liệu Nga có xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái hay không?
Trước thái độ bất hợp tác của ông Bannon, Ủy ban Tình báo Hạ viện đã ra trát tòa. Thành viên Đảng Dân chủ cao cấp trong ủy ban, Dân biểu Adam Lanza Schiff, nói các giới chức Toà Bạch Ốc đã chỉ thị ông Bannon không trả lời những câu hỏi.
Dân biểu Adam Lanza Schiff:
“Đây trên thực tế là lệnh cấm của Toà Bạch Ốc để ngăn chứng nhân này trả lời hầu hết mọi câu hỏi liên quan tới thời gian ông làm việc trong nhóm chuyển tiếp hoặc trong chính phủ của Tổng thống Trump. Và còn rất nhiều câu hỏi, ngay cả sau khi ông đã rời nhiệm sở.”
Lập luận của luật sư của ông Bannon là ông Bannon sẵn sàng trả lời những câu hỏi nhưng ông đã nhận được chỉ thị của Toà Bạch Ốc , không được trả lời chất vấn”.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc, bà Sarah Huckabee Sanders, tìm cách né tranh lời tố cáo của dân biểu Schiff, nói rằng:
“Không có ai khuyến khích ông ấy làm bất cứ điều gì khác hơn là phải minh bạch.”
Ông Schiff nói ông dự kiến ông Bannon sẽ phải ra trước ủy ban tình báo hạ viện thêm một lần nữa.
Trong khi chờ đợi, báo The New York Times tường thuật rằng Cố vấn Đặc biệt Robert Mueller hồi tuần trước đã ra trát tòa hạ lệnh cho ông Bannon phải ra điều trần trước một đại bồi thẩm đoàn đang tiến hành điều tra những sự tiếp xúc giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump với Nga.
Ông Bannon tiếp tục khẳng định ông vẫn ủng hộ ông Trump nhưng hình như các quan hệ giữa ông với Tổng thống Trump đã bị rạn nứt nghiêm trọng sau khi ông được trích lời trong một quyển sách mới phát hành, chỉ trích chiến dịch tranh cử và các hoạt động của Toà Bạch Ốc trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump.
Ông Bannon còn nói rằng việc con trai cả của ông Trump, Donald Trump Jr., và những người khác thuộc phe cánh ông Trump, gặp một luật sư người Nga là “có tính cách phản bội” và “không yêu nước.”
Donald Trump Jr. gặp một luật sư Nga giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump trong một cố gắng nhằm thu thập những chứng cứ “có thể được dùng để buộc tội” chống lại ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton.
Bán đảo Triều Tiên:
căng thẳng giảm bớt nhưng còn nguy cơ chiến tranh
Có dấu hiệu căng thẳng sẽ giảm bớt, nhưng nguy cơ chiến tranh vẫn còn trên bán đảo Triều Tiên.
Tất cả các bản tin do những hãng thông tấn quốc tế loan tải đều nói hai chính phủ Nam và Bắc Hàn đã dồng ý trên nguyên tắc việc để hai đoàn vận động viên diễn hành chung trong buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 2018, diễn ra vào ngày mùng 9 tháng Hai sắp tới, ở thành phố Pyeongchang của miền Nam.
Nếu điều này xảy ra, các vận động viên Nam và Bắc Hàn sẽ diễn hành dưới lá cờ mang tên “Triều Tiên Thống Nhất”, với hình bán đảo Triều Tiên màu xanh trên nền màu trắng.
Lá cờ này được sử dụng lần đầu tiên hồi 1991, khi Seoul và Bình Nhưỡng đồng ý thành lập chung đoàn dự Giải Vô Địch Bóng Bàn Thế Giới tổ chức tại Nhật Bản. Sau đó là các cuộc diễn hành chung ở Thế Vận Hội Sydney năm 2000, Thế Vận Hội Athens năm 2004 và Thế Vận Hội Mùa Đông 2006 tại Torino, Italy.
Hồi 2007, lá cờ “Triều Tiên Thống Nhất” cũng được kéo lên ở biên giới hai nước, khi Tổng Thống Nam Hàn Roh Moo-hyun đặt chân lên lãnh thổ Bắc Hàn để gặp lãnh tụ Bình Nhưỡng lúc đó là ông Kim Jong-il.
Ông Kim Jong-il là thân phụ của lãnh tụ đương thời Kim Jong-un.
Song song với tin vừa nói, hãng thông tấn Yonhap cho biết một ngày trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông ở Pyeongchang, quân đội Bắc Hàn sẽ tổ chức cuộc diễn binh hùng hậu để phô trương sức mạnh quân sự của họ.
Trích dẫn tin từ những viên chức tình báo và quốc phòng, Yonhap nói rằng cuộc diễn binh diễn ra tại một căn cứ không quân nằm gần thủ đô Bình Nhưỡng, với sự tham dự của khoảng 12,000 binh sĩ đại diện cho các đơn vị chiến đấu, và các đơn vị pháo binh, yên lửa.
Bộ Quốc Phòng Nam Hàn từ chối trả lời những câu hỏi liên quan đến tin này, và chỉ giải thích rằng không bình luận về những tin liên quan đến tình báo.
Cũng trong ngày 18 tháng Một, Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull đã lên tiếng hoan nghênh việc Nam và Bắc Hàn nói chuyện trực tiếp với nhau và việc hai đoàn vận động viên hai nước sẽ diễn hành chung với nhau, nhưng nhấn mạnh rằng những điều đó vẫn chưa giúp giảm bớt mức độ căng thẳng do Bình Nhưỡng gây nên.
Lên tiếng tại Tokyo nhân dịp đến thăm Nhật Bản, Thủ Tướng Úc nhắc lại kinh nghiệm lịch sử cho thấy Bình Nhưỡng thường xuyên đe dọa sử dụng quân đội để tạo khó khăn, gây bất ổn cho những quốc gia láng giềng. Vì vậy, Thủ Tướng Turnbull cho rằng thế giới phải tiếp tục gia tăng áp lực cấm vận với Bắc Hàn, để buộc Bình Nhưỡng phải ngưng chương trình chế tạo võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Thủ Tướng Úc cũng nhắc lại mục tiêu mà chính phủ nước ông và công đồng quốc tế nhắm tới là bán đảo Triều Tiên phải là vùng phi hạt nhân.
Xưng tội và Tự phê có gì giống nhau?
Với các màn ‘tự phê’ tập thể nay lên cả truyền hình, một số báo quốc tế hỏi vì sao ông Tập Cận Bình cần uốn nắn tư duy của cả tỷ người Trung Quốc.
Nhưng việc ông Tập phục hồi phong trào ‘phê và tự phê’ từ thời Mao Trạch Đông không phải mới diễn ra.
Tập Cận Bình thành ‘hạt nhân của Đảng’
TBT Trọng và hai năm ‘chỉnh đốn Đảng’
Tập Cận Bình: ‘TQ đã bước vào thời đại mới’
Vụ ông Thăng: TBT Trọng ‘chọn đúng đối tượng’
Ngay từ năm 2013, trong một chuyến thăm ngành giáo dục ở tỉnh 73 triệu dân là Hà Bắc, ông đã nói:
“Phê và tự phê là vũ khí hùng mạnh để giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ Đảng.”
Như thế, ông Tập đã thực hiện đúng những gì các tổ chức cộng sản tiên khởi đề ra: “phê và tự phê công khai là cách tìm ra con đường đúng” cho đảng của họ.
Nhưng phong trào cộng sản thực ra đã tiếp nhận ‘phê và tự phê’ từ Giáo hội Công giáo La Mã, như John Fowles nhận định trong The Journals.
Vì sao xưng tội?
Trên thực tế, xưng tội có trước cả Ki Tô giáo vì Do Thái giáo đã công nhận nghi lễ răn mình, chuộc lỗi trước Thượng Đế.
Phê và tự phê là vũ khí hùng mạnh để giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ ĐảngTập Cận Bình
Mà không chỉ ở các tôn giáo cổ đại từ Trung Đông mới có lễ này.
Thần đạo của Nhật Bản từ cổ đại đã có lễ Daishu Tanko.
Khổng giáo cũng nhắc đến việc tu thân, và Luận ngữ có nêu ví dụ tự sửa mình mỗi ngày ba lần của Tăng tử, theo một phân tích trên trang nghiên cứu China File.
Gần như mọi đạo giáo đều chú trọng cầu nguyện và sám hối như cơ chế mỗi tín đồ nhìn lại hành vi của mình để đối chiếu với lý tưởng họ theo đuổi.
Các chuẩn mực đạo đức cơ bản cũng có trong mọi văn hóa, cộng đồng dân cư, dù họ có tôn giáo hay chỉ mới theo các tín ngưỡng đơn sơ.
Nhưng cơ chế xưng tội, hay tự phê thực tế không còn là đối thoại riêng tư với tâm linh của chính mình hay Đấng Tối cao mà bạn tin tưởng.
Thủ Thiêm và di sản kiến trúc tôn giáo
Đảng CSVN đang ‘mềm dẻo hơn’ với đạo?
Đức Giáo hoàng tiếp Chủ tịch Việt Nam
Nghệ An: Chuyện gì xảy ra ở một giáo xứ?
Vì xưng tội, được nâng thành tín điều Giáo hội La Mã từ thế kỷ 13, là hành động mang tính xã hội: giữa tín đồ và thầy tu.
Xây dựng trên nền tảng có tội tổ tông và sau khi được rửa tội lần đầu (baptism), tín đồ Ki Tô phải chuộc lỗi liên tục, và giữ mình.
Sau khi có quy định của Công đồng Lateran (1215), tín đồ Ki Tô phải xưng tội ít nhất một năm một lần.
Nhưng Giáo hội thúc đẩy để tạo ra bộ quy tắc ứng xử là mỗi lần một tuần.
Xưng tội trở thành một trong các lễ trọng.
Sang thời Cải cách, Anh Giáo từng muốn bỏ toàn bộ cơ chế xưng tội.
Một phong trào có từ Oxford muốn duy trì xưng tội riêng tư nhưng đa số các nhánh của Anh Giáo chỉ coi các buổi lễ chung là đủ.
Jean Calvin (thế kỷ 16) sau bác bỏ khái niệm coi xưng tội là lễ trọng của La Mã và cho rằng chỉ cầu nguyện là đủ.
Ngày nay, đa số các phái của Tin Lành tự nhận họ là ‘nonconfessional church’ – giáo hội không xưng tội.
Nhưng với Công giáo La Mã, xưng tội vẫn là một phần quan trọng của sinh hoạt tôn giáo.
Gây tổn thương và lạm dụng
Laurence Forristal trong bài ‘Criticism and Self-Criticism’ đã trích thuật Linh mục Aedan McGrath, kể lại sự ngạc nhiên về tinh thần cộng sản vào thập niên 1950 ở Trung Quốc, nơi ông thấy “mỗi người cộng sản là một vị tông đồ, sẵn sàng chết cho lý tưởng vô thần của họ”.
Dù chính thức là vô thần, phong trào cộng sản ban đầu đã chia sẻ hai mục tiêu giống hệt tôn giáo:
Sứ mệnh cải tạo toàn bộ xã hội, cụ thể là những người xung quanh; và
Sự sẵn sàng đặt hy sinh cá nhân mình, cùng và sức khỏe, sinh mệnh của người khác cho mục tiêu đó.
Vì thế, cả hai tổ chức này đều cần liên tục đề cao niềm tin vào điều đó, uốn nắn tư duy, hành vi của những người khác, làm sao khiến họ “không bị chệch hướng”.
Nhưng xưng tội, tự phê đều đem lại tổn thương tâm lý.
Hồi 2014, Cuốn sách ‘The Dark Box: A Secret History of Confession’ của John Cornwell, một tín đồ Công giáo được xuất bản.
Tác giả nói về nạn lạm dụng quyền lực và tình dục đằng sau các cuộc xưng tội trong Giáo hội La Mã.
Lịch sử xưng tội, về bản chất, là quan hệ bất bình đẳng giữa cha đạo và tín đồ.
Một bên có quyền hỏi và bên kia phải khai hết.
Thời cổ đại, tín đồ, cả nam và nữ xưng tội bằng cách quỳ trước cha.
Chuyện người nữ phải úp mặt lên đùi cha đạo cũng thường xảy ra.
Đơn giản là linh mục đương nhiên được coi là có đạo đức cao, và không ai dám nghi ngờ họ có dâm ý.
Theo John Cornwell, cho đến thập niên 1960, không một cha đạo nào được học về tâm lý trẻ em và chuyện dùng quyền lực ‘thần thánh’ để lạm dụng trẻ là không ít.
Ngày nay phòng xưng tội phân cách tín đồ và linh mục bằng một tấm vách có đục lỗ, nhưng chuyện không trong sáng vẫn có thể xảy ra, đưa đến nhiều vụ kiện nhằm vào Giáo hội Công giáo La Mã.
Chỉnh đốn tư tưởng
Về mặt tâm lý, xưng tội giống tự phê ở chỗ nó tác động đến nhận thức về cá nhân của con người, buộc họ “tẩy rửa” những ý nghĩa “sai lệch”.
Cả bí thư tỉnh Hồ Bắc, ông Chu Bản Thuận và chủ tịch Trương Khánh Vệ đều tự phê công khai, nhận là họ hoặc đã ‘có ý thức lao động yếu’, hoặc ‘chi tiêu cho lễ Tết nhiều’Báo Singapore
Đảng cộng sản tại Nga trong thập niên 1920 đã mở ra các buổi phê và tự phê tập thể để mỗi cá nhân được các đồng chí của mình phê bình, điều chỉnh nhận thức.
Thời Mao, Trung Quốc cũng có các buổi “tự đấu tranh phê bình” tập thể, đôi khi có hàng trăm, hàng nghìn người cùng tham gia.
Các biểu ngữ, lời ca, màn trích dẫn Mao tuyển đã tạo không khí cho buổi tự phê và nhanh chóng biến nó thành ‘đấu tố’.
Nhưng sang thời Khai phóng ông Đặng Tiểu Bình, người từng là nạn nhân của đấu tố trong Cách mạng Văn hóa, đã ra lệnh cấm ‘tự phê tập thể’.
Việc ông Tập Cận Bình cho phục hồi ‘phê và tự phê’ đang khiến giới quan sát nước ngoài đặt câu hỏi về động cơ thực sự của phong trào này.
Trong năm 2013 ông Tập lần đầu tiên xuất hiện trên truyền hình để chủ trì buổi họp ‘phê và tự phê’ của lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc.
Cả bí thư tỉnh Chu Bản Thuận và chủ tịch Trương Khánh Vệ đều ‘tự phê’ công khai, nhận là họ hoặc đã ‘có ý thức lao động yếu’, hoặc ‘chi tiêu cho lễ Tết nhiều’.
Nhưng một tờ báo Singapore nhận xét, cuộc tự phê này không làm cho số phận hai ông Chu và Trương ‘tiến bộ’ mà chỉ một thời gian sau thì họ bị hạ bệ.
Một cán bộ như vậy khi được/bị chọn ra tự phê công khai là chấp nhận trao số phận chính trị cho lãnh đạo Đảng và việc bị xử lý chỉ còn là vấn đề thời gian.
Khác với xưng tội được giữ kín trong giáo hội, tự phê của ĐCS Trung Quốc tước đi cơ hội bào chữa của nạn nhân trước tòa án tôn trọng nhân quyền của họ.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-42330061
Nam Hàn ‘tỉnh táo’ trong đàm phán với miền Bắc
“Chúng ta phải tận dụng triệt để “cơ hội”, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói với BBC.
Hai miền Triều Tiên trước đó đã đồng ý diễu hành dưới Lá Cờ Thống Nhất tại Thế vận hội Mùa đông tháng tới ở miền Nam.
Thế vận hội mùa đông: Bắc Hàn chuẩn bị gì?
Nam Bắc Hàn ‘chung lá cờ ở Olympics’
Đội khúc côn cầu Bắc Hàn ‘sợ mang quà về nước’
Bắc Hàn sẽ cử đoàn tham gia Thế Vận hội Mùa đông
Các cuộc đàm phán được tiến hành sau khi Hoa Kỳ và các đồng minh thề tiếp tục gây áp lực lên phía Bắc.
Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cho biết các lệnh trừng phạt “thực sự bắt đầu gây tổn thất”, thể hiện sự tự tin rằng áp lực cuối cùng sẽ buộc miền Bắc ngồi vào bàn đàm phán về các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Năm ngoái, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói Hoa Kỳ sẽ tiêu diệt Bắc Hàn nếu buộc phải tự bảo vệ mình hoặc các nước đồng minh.
Cũng trong ngày thứ Tư, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho biết thế giới không nên mù quáng bởi “cuộc tấn công hấp dẫn” gần đây của Bình Nhưỡng.
“Đây không phải là thời gian để giảm bớt áp lực hoặc khen thưởng cho Bắc Hàn,” ông Kono nói, Reuters đưa tin. “Thực tế việc Bắc Hàn tham gia đối thoại có thể được hiểu là bằng chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt đang có tác dụng.”
Quan điểm đàm phán của Seoul?
Bà Kang nói với BBC: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi hiểu Bắc Hàn hơn bất cứ ai, dựa trên việc giải quyết các vấn đề Bắc Hàn trong nhiều thập niên qua, và hàng loạt các cuộc đàm phán.
“Chúng tôi đã không có các hoạt động liên quan nào đáng kể gần đây – nhưng lần này là cơ hội.
Bà Kang cũng cho biết Nam Hàn và các nước đồng minh đều cùng có kế hoạch dài hạn – phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.
Bà ngoại trưởng cũng nói Seoul muốn có thêm viện trợ nhân đạo được gửi tới Nam Hàn khi lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực.
Thỏa thuận nào đã đạt được về Thế vận hội?
Nếu kế hoạch được thực hiện, một phái đoàn từ Bắc Hàn gồm hàng trăm người – 230 nghệ sỹ cổ vũ, 140 nhạc công giao hưởng và 30 vận động viên taekwondo – có thể tham dự Thế vận hội Mùa đông.
Điều này có nghĩa là đường biên giới giữa hai miền lần đầu tiên được mở trong gần hai năm.
Bắc Hàn chấp nhận đàm phán về Thế vận hội
Nam Hàn đề xuất hội đàm cấp cao với Bắc Hàn
Ban nhạc Moranbong đến Olympics ở Nam Hàn?
Bắc Hàn mở lại đường dây nóng với Nam Hàn
Hai nước cũng thỏa thuận cùng tham gia môn khúc côn cầu trên băng dành cho nữ. Đây sẽ là lần đầu tiên các vận động viên từ hai miền Triều Tiên cùng thi đấu trong một đội.
Thế vận hội sẽ diễn ra vào tháng Hai tại Pyeongchang.
Miền Bắc cũng đã đồng ý gửi một đoàn nhỏ hơn, 150 thành viên, tham dự Thế vận hội dành cho người khuyết tật vào tháng Ba.
Thỏa thuận cần được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) chấp thuận vào thứ Bảy, bởi vì Bắc Hàn chậm so với thời hạn đăng ký hoặc không đủ điều kiện đăng ký.
Nam Hàn cũng sẽ cần tìm cách để Bắc Hàn tham gia mà không vi phạm các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc như cấm chuyển tiền cho Bình Nhưỡng và đưa một số quan chức cao cấp của Bắc Hàn vào danh sách đen.
Phản ứng tại Hàn Quốc?
Huấn luyện viên khúc côn cầu của Nam Hàn và các tờ báo bảo thủ bày tỏ lo ngại về triển vọng một đội khúc côn cầu thống nhất, nói rằng nó có thể ảnh hưởng tới cơ hội giành huy chương của Nam Hàn.
Hàng chục nghìn người được cho là đã ký vào đơn trực tuyến kêu gọi Tổng thống Moon Jae-in hủy bỏ kế hoạch.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo nói với vận động viên Olympic Nam Hàn hôm thứ Tư rằng sự tham gia của Bắc Hàn vào thế vận hội sẽ giúp cải thiện quan hệ liên Triều.
Các cuộc đàm phán đến từ đâu?
Các cuộc đàm phán diễn ra sau khi căng thẳng trên bán đảo Triều Hàn đạt đến đỉnh điểm trong nhiều thập kỷ do Bắc Hàn này có những phát triển vượt bậc trong các chương trình vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường trong những năm gần đây.
Cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo mới nhất hồi tháng 11 của Bắc Hàn khiến Liên Hiệp Quốc phải đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào vận chuyển xăng dầu và đi lại.
Không lâu sau đó, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un cho hay ông “sẵn sàng đối thoại”. Trong một bài phát biểu nhân năm mới, ông nói đang cân nhắc gửi một đội đến Thế vận hội Mùa đông.
Vào ngày 9/1, có thông báo mang tính đột phá rằng miền Bắc sẽ gửi phái đoàn đến Thế vận hội.
Hai bên thỏa thuận mở lại đường dây nóng vốn bị ngắt quãng trong gần hai năm.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42728201
Phe đối lập ở Philippines quan ngại
Trung Quốc ăn cắp bí mật quốc gia
Phe đối lập tại Quốc hội Philippines hôm 17/1 bày tỏ lo ngại công ty viễn thông của nhà nước Trung Quốc, China Telecom có thể đóng vai trò như một ‘con ngựa thành Troy’, tức tìm cách ăn cắp bí mật quốc gia của Philippines cho chính phủ Trung Quốc.
Theo giới chức Philippines, China Telecom được Bắc Kinh lựa chọn đầu tư vào thị trường viễn thông của Philippines. Tuy nhiên theo quy định luật pháp của Philippines công ty này sẽ phải là đối tác với một công ty địa phương trước khi có thể hoạt động ở Philippines.
Hiện tại thị trường viễn thông của Philippines do hai công ty độc quyền là PLDT và Globe Telecom. Tuy nhiên Tổng thống Rodrigo Duterte đã lên tiếng cảnh báo hai công ty này phải chuẩn bị để đối mặt với sự canh tranh. Ông cũng chào đón các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Thông báo mới đây của khối thiểu số tại Quốc hội Philippines viết rằng các dân biểu dù đánh giá vấn đề viễn thông của Philippines có vấn đề nhưng thỏa thuận với Trung Quốc cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Các dân biểu cho rằng việc cho phép Trung Quốc tiếp cận với cơ sở hạ tầng viễn thông sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 18/1 nói với báo giới rằng việc Philippines cho phép các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước này cho thấy lòng tin sâu đậm thêm trong quan hệ hai nước.
Thêm thủ lĩnh ủng hộ độc lập tại Hong Kong ra tòa
Thủ lĩnh trẻ của một nhóm ủng hộ Hong Kong độc lập, Lương Thiên Kỳ, 26 tuổi bị tòa án cáo buộc 4 tội danh, trong đó có tội gây bạo loạn và kích động bạo loạn trong cuộc biểu tình hồi Tết Nguyên đán năm 2016.
Tòa án Hong Kong vào ngày 18 tháng Giêng cáo buộc anh Lương Thiên Kỳ và hai bị cáo khác vắng mặt tội danh gây bạo loạn trong cuộc biểu tình dẫn đến bạo lực, do người biểu tình ném gạch đá vào cảnh sát và đốt các thùng rác, dẫn đến khoảng 130 người bị thương.
Trong cùng phiên tòa còn có thêm 5 bị cáo là những người biểu tình, đều có mặt ở tòa và bị cáo buộc tội gây bạo loạn và những tội danh khác.
Tòa án Tối cao Hong Kong ban hành lệnh bắt giữ hai bị cáo vắng mặt. Một bị cáo cũng là thủ lĩnh của cuộc biểu tình, được các nhà hoạt động dân chủ cho biết đã rời khỏi Hong Kong. Một bị cáo nữ thiếu niên tham gia biểu tình đang ở Đài Loan.
Thẩm phán Tòa án Tối cao Anthea Pang ban hành một lệnh cấm việc báo cáo chi tiết của vụ án trước khi bồi thẩm đoàn được lựa chọn.
Vụ án vừa nêu được cho là đánh dấu thêm bằng chứng của thế hệ trẻ ở Hong Kong chống đối sự can thiệp quá nhiều của Trung Quốc tại đặc khu hành chánh theo hình thức “một quốc gia hai thể chế”.
Mức án cao nhất của tội danh gây bạo loạn tại Hong Kong lên đến 10 năm tù giam.
Apple sắp xây thêm cơ sở mới
Apple sẽ mở một khuôn viên mới như một phần trong kế hoạch đầu tư 5 năm trị giá 350 tỉ đôla ở Mỹ và sẽ thanh toán một lần khoản thuế trị giá 38 tỉ đôla đối với nguồn tiền ở nước ngoài của công ty này. Đây là một trong những kế hoạch chi tiêu lớn nhất của một công ty được công bố kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật cắt giảm thuế.
Công ty công nghệ này vẫn đang chịu áp lực ngày càng lớn phải rót tiền đầu tư vào Mỹ kể từ chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016, khi ông Trump nhắm mục tiêu công kích vào nhà sản xuất điện thoại iPhone vì họ sản xuất các sản phẩm của mình tại các công xưởng ở Châu Á.
Mặc dù Apple chưa loan báo kế hoạch nào thay đổi hiện trạng này và các chuyên gia nói sẽ không khả thi về mặt kinh tế nếu iPhone được sản xuất ở Mỹ, song công ty đã bắt đầu nhấn mạnh đến tác động kinh tế của họ ở Mỹ, từ những nhà phát triển bán phần mềm trên App Store đến hàng chục tỉ đôla mỗi năm Apple chi cho các nhà cung cấp ở Mỹ.
Giữa kế hoạch chi tiêu, việc thuê 20.000 nhân công, các khoản thanh toán thuế và kinh doanh với các nhà cung cấp ở Mỹ, Apple hôm thứ Tư ước tính họ sẽ chi 350 tỉ đôla ở Mỹ trong năm năm tới.
Tuy nhiên, công ty không nói bao nhiêu phần trong kế hoạch này là mới hoặc bao nhiêu trong khoản tiền 252,3 tỉ đôla của họ ở nước ngoài, khoản tiền lớn nhất của bất kỳ công ty nào của Mỹ, sẽ được đưa về lại Mỹ. Ngoài khoản 38 tỉ đôla tiền thuế phải trả, Apple đã mua tới 97 tỉ đôla công trái của chính phủ Mỹ để trả cho những khoản mua lại cổ phần và cổ tức trước đó.
Loan báo chi tiêu ở Mỹ sẽ là một phần đáng kể trong tổng chi phí đầu tư của Apple. Trên toàn cầu, Apple đã chi 14,9 tỉ đôla trong năm 2017 và dự trù sẽ chi 16 tỉ đôla vào năm 2018, những con số bao gồm cả đầu tư ở Mỹ vào các trung tâm dữ liệu và các dự án khác và các khoản đầu tư ở Châu Á cho các nhà sản xuất ký hợp đồng với Apple.
Mỹ ‘nghiêm túc’
huấn luyện cho trường hợp xung đột với Triều Tiên
Quân đội Mỹ đang tiến hành huấn luyện “rất nghiêm túc” cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Triều Tiên, một nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa phát biểu hôm thứ Ba, dù ông nói ông hy vọng sự chuẩn bị như vậy sẽ không bao giờ được đem ra sử dụng.
Dân biểu Mac Thornberry, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang nghiên cứu kỹ lưỡng các lựa chọn của mình – bao gồm xung đột vũ trang.
“Chính quyền đang xem xét rất nghiêm túc sự lựa chọn quân sự sẽ bao gồm những gì khi nói tới Triều Tiên,” ông Thornberry nói với một nhóm các phóng viên.
Những nỗ lực huấn luyện đang diễn ra “rất nghiêm túc,” ông nói thêm.
“Quân đội đang chuẩn bị và hy vọng sẽ không cần tới những sự chuẩn bị này.”
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên cần được dẫn đầu bằng ngoại giao, dù ông nói rằng Lầu Năm Góc luôn có kế hoạch cho bất kỳ tình huống nào.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và giữa Bình Nhưỡng và Washington đã trở nên trầm trọng trong những tháng qua, sau khi lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un liên tục bắn thử phi đạn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và vươn tới Mỹ.
Ông Kim năm ngoái cũng cho tiến hành vụ hạt nhân mạnh nhất của Triều Tiên tính tới thời điểm này.
Mặc dù quân đội Mỹ thường xuyên diễn tập trên bán đảo Triều Tiên với đồng minh Hàn Quốc, báo The New York Times hôm Chủ nhật đưa tin một loạt các cuộc tập trận ở Mỹ cho thấy một sự tập trung mới vào việc chuẩn bị quân đội cho một cuộc xung đột với Triều Tiên.
Viện Khổng tử tại đại học Mỹ bị phản đối
Một nhóm bao gồm các sinh viên, giáo sư và cựu sinh viên Đại học Massachussetts đang chỉ trích Viện Khổng học của Trung Quốc đặt tại đây, cáo buộc viện này đẩy mạnh kiểm duyệt và làm suy yếu những chương trình về nhân quyền.
Chính phủ Trung Quốc điều hành viện này, một trong số hơn 90 viện đặt tại các trường đại học khắp cả nước Mỹ và ở nước ngoài. Website của trung tâm cho biết nhiệm vụ của họ là tạo điều kiện cho “giao lưu văn hoá phong phú giữa Mỹ và Trung Quốc trong sự hợp tác với các đối tác giáo dục ở Bắc Kinh.”
Những người phản đối hoạt động đang tiếp diễn của trung tâm tại trong khuôn viên của Đại học Massachussetts ở thành phố Boston lo ngại rằng một thực thể do chính phủ Trung Quốc kiểm soát đang hoạt động trong khuôn viên của trường và họ “sử dụng chỗ đứng của họ trong các cơ sở giáo dục có tiếng này để gây ảnh hưởng và định hướng luận đàm học thuật,” theo một bức thư gửi đến hiệu trưởng lâm thời của trường.
Bức thư gửi cho Đại học Massachussetts nói rằng viện Khổng tử định hướng dư luận về những vấn đề gây tranh cãi như sự độc lập của Tây Tạng, mối quan hệ của Trung Quốc với Đài Loan, và vụ thảm sát Thiên An Môn, theo The Boston Globe.
Tờ báo này đưa tin người tổ chức tập hợp những người chống đối nói rằng bà hy vọng sẽ thuyết phục được các trường đại học đóng cửa các viện Khổng Tử này.
Đã có nhiều tranh cãi xung quanh các viện Khổng Tử, bao gồm cả một trường hợp đáng chú ý vào năm 2009 tại Đại học Bang North Carolina sau khi trường này hủy một buổi nói chuyện của Đức Dalai Lama, được cho là để tránh làm mất lòng Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang điều hành hơn 513 viện khắp thế giới, cộng thêm 1.074 Lớp học Khổng Tử đặt trong các trường tiểu học và trung học.
https://www.voatiengviet.com/a/vien-khong-tu-tai-dai-hoc-my-bi-phan-doi/4212614.html
Các nước sẽ cân nhắc chế tài thêm Triều Tiên
20 quốc gia hôm thứ Ba đã đồng ý cứu xét các biện pháp chế tài cứng rắn hơn để gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh báo Bình Nhưỡng rằng họ có thể khơi ra một phản ứng quân sự nếu không chọn đàm phán.
Một cuộc họp của các nước ủng hộ Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 cũng cam kết sẽ hỗ trợ đối thoại mới giữa hai miền Triều Tiên với hy vọng giảm thiểu căng thẳng và nhất trí rằng một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng vừa cần thiết vừa khả dĩ.
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã từ chối từ bỏ tham vọng phát triển các phi đạn hạt nhân có khả năng tấn công tới Mỹ bất chấp các chế tài ngày càng nghiêm khắc của Liên Hiệp Quốc, làm tăng mối lo ngại về một cuộc chiến tranh mới trên bán đảo Triều Tiên.
Mỹ và Canada đồng tổ chức cuộc họp kéo dài một ngày ở Vancouver để thảo luận các cách thức nhằm tăng áp lực lên ông Kim.
“Phương sách của chúng tôi là đưa ra cho họ những lựa chọn tốt nhất – những cuộc đàm phán là lựa chọn tốt nhất,” Ngoại trưởng Tillerson nói tại cuộc họp. “Khi họ nhìn vào tình hình quân sự thì đó không phải là một kết cục tốt đẹp cho họ.”
“Đã đến lúc đàm phán, nhưng họ phải thực hiện bước đi cho thấy họ muốn đàm phán.”
Cuộc họp ở Vancouver cam kết bảo đảm các chế tài của Liên Hiệp Quốc đã được ban hành sẽ được thi hành đầy đủ và các bên tham gia nói trong một tuyên bố chung rằng họ nhất trí “xem xét và thực hiện các bước để áp đặt các chế tài đơn phương và các hành động ngoại giao vượt ra ngoài những yêu cầu của các nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.” Các nước không đưa ra thêm chi tiết.
Ông Tillerson nói tất cả các quốc gia cần phải hợp tác để cải thiện việc ngăn chặn các tàu đang tìm cách né tránh chế tài và nói rằng phải có “hậu quả mới” cho Triều Tiên “bất cứ khi nào có hành động gây hấn mới.”
Ông nói rằng cuộc họp nhất trí rằng Trung Quốc và Nga, những nước không tham dự các cuộc hội đàm ở Vancouver, phải thi hành đầy đủ các chế tài của Liên Hiệp Quốc.
Phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói Canada và Mỹ đang cho thấy “tư tưởng Chiến tranh Lạnh” có thể chia rẽ cộng đồng quốc tế và gây tổn hại cơ hội có một giải pháp thỏa đáng trên bán đảo.
Các quan chức Mỹ cho biết việc thảo luận về một lựa chọn tấn công quân sự đã mất đi ít nhiều đà tiến kể từ khi Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức cuộc hội đàm chính thức lần đầu tiên trong hai năm qua trong tháng này và Bình Nhưỡng cho biết họ sẽ gửi các vận động viên đến đến Thế vận hội mùa Đông mà Hàn Quốc sẽ tổ chức vào tháng sau.
https://www.voatiengviet.com/a/cac-nuoc-can-nhac-che-tai-them-trieu-tien/4212613.html
TT Trump: Phe Dân chủ muốn bảo vệ DACA
buộc chính phủ phải đóng cửa
Bộ Tư pháp Mỹ dự định yêu cầu Tối cao Pháp viện lật ngược phán quyết của tòa án California ngăn việc chấm dứt chương trình Hoãn trục xuất người nhập cư bất hợp pháp lúc còn nhỏ, thường gọi tắt chương trình DACA.
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions mô tả đây là một động thái “hiếm thấy” bởi vì chính quyền Trump hành động trước khi tòa phúc thẩm ở San Francisco ra phán quyết về thủ tục pháp lý hiện nay.
Bộ trưởng Sessions nói rằng đó là việc bất chấp “luật lệ thông thường” – để một thẩm phán liên bang ra phán quyết về vấn đề DACA cho cả nước.
Hôm thứ Ba trước đó, Tổng thống Donald Trump chỉ trích các nhà lập pháp Dân chủ rằng đòi hỏi bảo về DACA của họ sẽ buộc chính phủ phải ngưng hoạt động vào cuối tuần này, và điều đó sẽ gây tổn hại cho quân đội.
Các đảng viên Dân chủ bác bỏ khẳng định của Tổng thống Trump. Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal của bang Connecticut nói:
“Tổng thống nói rằng có thể cần một lần chính phủ tạm ngưng hoạt động có ý nghĩa. Không có chuyện chính phủ tạm ngưng hoạt động có ý nghĩa. Đó là trách nhiệm của ông ấy, ông ấy phải coi chừng, ông ấy sẽ chịu phỉ bán nếu xảy ra chuyện chính phủ bị đóng cửa, bởi vì các nghị sĩ của cải hai bên tại Quốc hội đều đồng ý rằng cần phải che chở cho những di dân đã đến Mỹ khi còn nhỏ không bị trục xuất hàng loạt. Có một tâm điểm để tương nhượng.”
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói rằng tổng thống có thể bảo vệ quan điểm của ông bằng cách trao đổi tích cực hơn với các nhà lập pháp.
Thượng nghị sĩ Graham nói: “Tổng thống ngưng cơ hội thỏa thuận lại. 80% dân Mỹ muốn tạo cho những đứa trẻ theo chương trình DACA có một cuộc sống tốt đẹp hơn và 80% dân Mỹ muốn bảo vệ biên giới và sửa đổi hệ thống di dân có nhiễu lỗi. Ngài tổng thống cần phải nỗ lực làm việc với cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ để hoàn thành nhiệm vụ này. Công việc này không thể làm được bằng cách viết hết Twitter này đến Twitter khác. Điều này có thể làm được bằng thương thảo và thông hiểu.”
Nhiều đảng viên Dân chủ muốn muốn tách DACA ra khỏi chuyện xây tường thành biên giới.
Tháng 9 năm ngoái, ông Trump đã ký lệnh hành pháp chấm dứt DACA, nhưng để cho Quốc hội có thời gian đến ngày 5/3 để xem xét vấn đề này.
Đội khúc côn cầu hợp nhất Triều Tiên chia rẻ miền Nam
Đa số công chúng Hàn Quốc ủng hộ Triều Tiên tham gia Olympic mùa Đông sắp tới và xem đó như là một nỗ lực thúc đẩy cho sự hợp tác với miền Bắc có vũ khí hạt nhân, nhưng công chúng không đồng tình với quyết định thành lập chung một đội tuyển khúc côn cầu nữ. Những người chỉ trích nói rằng việc lập đội tuyển chung này đặt chính trị lên trên việc tranh tài thể thao công bằng.
Kết quả một cuộc thăm dò mới đây cho thấy 80% người Hàn Quốc hoan nghênh quyết định của Triều Tiên cử một phái đoàn lớn đến dự Olympic Pyeongchang 2018 ở Hàn Quốc. Nhưng 70% phản đối việc thành lập một đội tuyển chung.
Ông Lee Hae-jun, một cư dân ở Seoul nói: “Tôi cho rằng điều đó không phù hợp. Tôi cảm thấy đó dường như là một hình thức quảng bá cho một kết quả chính trị.”
Quyết định hôm thứ Tư 17/1 đưa các cầu thủ Bắc Triều Tiên vào đội tuyển khúc côn cầu nữ của Hàn Quốc – đội đã có suất tranh tài tại Olympic – được nhiều người cho là bất công đối với các cầu thủ miền Nam, những người đã nỗ lực vượt bậc để giành cho mình một vị trí trong đổi tuyển.
Huấn luyện viên đội khúc côn cầu Hàn Quốc Sarah Murray trước đó đã bày tỏ lo ngại rằng việc này sẽ gây bất lợi về khả năng thi đấu của đội.
Huấn luyện viên Murray nói: “Đưa một cầu thủ mới vào đội tuyển tại thời điểm rất sát với cuộc tranh tài Olympic là khá mạo hiểm đứng về mặt phối hợp ăn ý trong thi đấu. Các tuyển thủ của đội đã thi đấu và tập luyện chung với nhau qua một thời gian dài.”
Ủy ban Olympic Quốc tế và Ủy ban Olympic Quốc gia của hai miền Triều Tiên phải nhất trí với nhau về việc kết hợp hai đội tuyển nữ thành một đội chung trước khi vị trí của các cầu thủ trong đội tuyển được thay đổi.
Mục tiêu Olympic
Nhưng đổi với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, mục tiêu cao cả hơn Olympic này là thăng tiến hòa bình và hướng đến giải trừ hạt nhân với chế đàn áp và bị cô lập của Kim Jong Un.
Tổng thống Moon phát biểu khi đến thăm địa điểm Olympic Pyeongchang hồi đầu tuần này: “Nếu Nam-Bắc Triều Tiên hợp nhất thành một đội chung để tranh Olympic, tôi nghĩ đó sẽ là một thời khắc lịch sử. Không những chỉ người Triều Tiên thôi, mà mọi người trên thế giới sẽ xúc động chứng hiến một thời khắc lịch sử như vậy, và đó sẽ là một khởi động mạnh để giải quyết các vấn đề liên Triều..”
Mặc dù đa số người Hàn Quốc không tán thành việc đưa chính trị vào thể thao, nhưng một số người nói rằng thăng tiến hòa bình là một phần thưởng cao quý hơn huy chương vàng.
Ông Kum Joo-wook, một cư dân Seoul nói: “Tôi cho rằng chúng ta cần phải hy sinh cho một tương lai tươi sáng hơn, và nếu chúng ta có thể chung sống hòa bình được với Bắc Triều Tiên, thì không còn gì tốt hơn như vậy.”
Kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 5/2017, nhà lãnh đạo cấp tiến của Seoul đã nỗ lực tìm cách cân bằng giữa các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng cứng rắn hơn với việc gia tăng tiếp xúc nhằm thuyết phục chính phủ Kim Jong Un quay trở lại bàn đàm phán về việc chấm dứt tham vọng hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Phái đoàn Bắc Triều Tiên
Trong cuộc đối thoại liên Triều mới đây, Bình Nhưỡng nhận lời mời của Seoul sẽ tham dự tham dự Olympic mùa Đông và hai bên cũng đồng ý xúc tiến đối thoại về quân sự để hạ giảm nguy cơ xảy ra xung đột.
Ngoài việc tiến hành thành lập đội tuyển nữ khúc côn cầu hợp nhất, hai bên trong tuần này sẽ làm việc chi tiết về phái đoàn 400 người của Triều Tiên sang Hàn Quốc tham dự Olympic.
Các chi tiết thảo luận sẽ bao gồm:
Các vận động viên của hai miền Nam-Bắc diễu hành chung với nhau dưới ngọn cờ thống nhất Triều Tiên tại lễ khai mạc Olympic.
Triều Tiên sẽ cử một đội cổ vũ 230 người đến cổ vũ cho cho cả hai đội Bắc và Nam Triều Tiên tại Olympic
Triều Tiên sẽ cử một đội biểu diễn taekwondo 30 thành viên mà một dàn nhạc giao hưởng lớn sang biểu diễn ở Pyeongchang và Seoul.
Triều Tiên cũng sẽ tham gia Paralympics diễn ra tiếp theo sau Olympic.
Và các đội trượt tuyết của hai bên sẽ tập luyện tại khu trượt tuyết ở Núi Kumgang của Bắc Triều Tiên trước Olympic.
Ấn Độ thử thành công tên lửa tầm xa mới
Ấn Độ cho biết đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa tiên tiến nhất của họ.
Bộ Quốc phòng Ấn loan báo tin này trên Twitter hôm 18/1, và cho biết tên lửa liên lục địa Agni-V đã được phóng từ đảo Abdul Kalam, ngoài khơi bang Odisha ở miền đông Ấn Độ.
Báo Hindu Business Line cho biết thêm rằng ‘tên lửa ba giai đoạn’ đã được phóng đi từ bệ phóng di động, di chuyển gần 5.000 km và bay được gần 20 phút.
Đây là lần thử nghiệm tên lửa Agni-V thứ năm kể từ khi tên lửa này ra mắt công chúng vào năm 2012. Cuộc thử nghiệm gần đây nhất được thực hiện chỉ trong tháng trước.
https://www.voatiengviet.com/a/an-do-thu-thanh-cong-ten-lua-tam-xa-moi/4213267.html
Khảo sát: Rủi ro chiến tranh tăng cao trong năm 2018
Nguy cơ đối đầu về chính trị và kinh tế giữa các cường quốc lớn của thế giới, bao gồm xung đột quân sự trực tiếp, đang tăng cao, theo một cuộc khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được công bố vài ngày trước hội nghị hàng năm tại Davos.
Báo cáo Rủi ro Toàn cầu nêu bật một số rủi ro hàng đầu cho năm 2018, bao gồm những mối đe dọa môi trường từ thời tiết và nhiệt độ khắc nghiệt, những bất bình đẳng về kinh tế và các vụ tấn công trên không gian mạng.
Nhưng đáng chú ý nhất là lo ngại địa chính trị đã tăng mạnh sau một năm Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un ‘đốp chát’ qua lại mà nhiều người cho là đã đẩy thế giới tiến gần tới một cuộc xung đột hạt nhân hơn so với nhiều thập niên trước.
Ông Trump dự kiến sẽ có bài diễn văn vào ngày cuối cùng của WEF, một sự kiện hàng năm được tổ chức trên dãy núi Alps ở Thụy Sĩ diễn ra từ ngày 23 tới 26 tháng 4 và sẽ thu hút 70 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ cũng như những người nổi tiếng, các CEO và các nhà quản lý ngân hàng hàng đầu.
Cuộc khảo sát gần 1.000 chuyên gia từ chính phủ, doanh nghiệp, giới học thuật và các tổ chức phi chính phủ cho thấy 93 phần trăm những người được hỏi cho rằng những cuộc đối đầu về chính trị hoặc kinh tế sẽ trầm trọng hơn giữa các cường quốc trong năm 2018, trong đó 40 phần trăm tin rằng những rủi ro này đã tăng lên đáng kể.
Khoảng 79 phần trăm nhận thấy nguy cơ xung đột quân sự giữa nhà nước với nhà nước tăng lên. Ngoài mối đe dọa xung đột trên bán đảo Triều Tiên, báo cáo còn chỉ ra nguy cơ về những cuộc đối đầu quân sự mới ở Trung Đông.
Báo cáo đề cập tới quyết định của ông Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận thương mại TPP và lời đe dọa của ông rút khỏi một thỏa thuận giữa các cường quốc phương Tây với Iran nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này.
Với tăng trưởng toàn cầu đang phục hồi, những lo ngại về kinh tế đã giảm mạnh. Tuy nhiên, báo cáo mô tả sự bất bình đẳng về thu nhập là “vấn đề gây xói mòn” ở nhiều quốc gia và cảnh báo về sự tự mãn về môi trường kinh tế trong khi mức nợ cao, tỉ lệ tiết kiệm thấp và các điều khoản lương hưu không đáp ứng đủ.
https://www.voatiengviet.com/a/khao-sat-rui-ro-chien-tranh-tang-cao-trong-nam-2018/4212993.html
Lào bảo đảm đập ở Mekong không ảnh hưởng tới dân Thái
Lào bảo đảm rằng đập thủy điện Pak Beng được xây ở hạ lưu sông Mekong sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân địa phương sống phía bên kia bờ của dòng sông ở Thái Lan.
Báo The Bangkok Post cho hay các quan chức Lào và Công ty Thủy điện Datang Pak Beng, đơn vị xây cất con đập này, đã gặp Nhóm Bảo tồn Rak Chiang Khong và cư dân hồi gần đây để xoa dịu lo ngại của họ về tác động có thể có của dự án.
Các chuyên gia địa phương và quốc tế trong nhiều lĩnh vực đã cảnh báo rằng cần có các biện pháp khắc phục để giảm thiểu những thay đổi có hại đối với dòng chảy của con sông, ví dụ như tích hợp các đường di cư của cá và trầm tích tuôn ra.
“Dự án này là sự hợp tác giữa Lào và Thái Lan mà sẽ đem lại lợi ích cho cả hai nước. 90 phần trăm lượng điện sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan và thúc đẩy ngành công nghiệp của Thái Lan, trong khi vật liệu xây dựng cũng được mua từ Thái Lan,” Jansawaeng Bunnong, tổng cục trưởng của Bộ Chính sách Năng lượng và Kế hoạch của Lào, được báo the Bangkok Post dẫn lời nói.
Nhóm bảo tồn Rak Chiang Khong, đại diện cho dân làng từ tám cộng đồng ven sông, trước đây đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Hành chính Tối cao chống lại chính quyền Thái Lan vì không cung cấp cho họ đầy đủ diễn đàn để nêu lên những bất bình của họ.
Nhóm này cáo buộc Bộ Tài nguyên Nước, tổng cục trưởng của bộ và Ủy ban Sông Mekong Thái Lan đã không cung cấp đầy đủ thông tin trong suốt ba cuộc họp công cộng đã được thu xếp trước đó.
Nhóm bảo tồn này đã đệ đơn khiếu nại vào tháng 6 năm ngoái nhưng Tòa án Hành chính Trung ương đã bác đơn.
https://www.voatiengviet.com/a/lao-bao-dam-dap-o-mekong-kohng-anh-huong-toi-dan-thai/4212606.html
Thổ dân da đỏ Aztec bị biến mất vào thế kỷ XVI
vì một loại khuẩn thương hàn ?
Le Figaro trích dẫn các kết quả nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí Nature Ecology & Evolution cho rằng căn bệnh bí ẩn có tên gọi là « cocoliztli » làm hàng triệu người chết vào năm 1545 và 1576 rất có thể là do một loại khuẩn thương hàn gây ra.
Làn sóng thực dân Tây Ban Nha tràn sang Trung Mỹ đầu thế kỷ XVI là một thảm kịch cho các nền văn minh bản địa. Chưa đầy trong vòng một thế kỷ, 90% dân số thổ dân da đỏ, chủ yếu do sắc tộc Aztec thống trị đã bị biến mất, theo như con số ước tính của nhiều sử gia.
Nếu như chiến tranh, bị bắt làm nô lệ và các đợt di tản đương nhiên cũng có phần trong sự hủy hoại đó, những căn bệnh du nhập từ châu Âu gần như chắc là chết người. Ban đầu là chứng đậu mùa tàn phá vùng lãnh thổ Mêhicô ngày nay vào năm 1519, yếu tố mang đến chiến thắng chớp nhoáng cho người Tây Ban Nha vào năm 1521. Rồi sau đó là bệnh sởi, cúm và dịch hạch giết hại cả một vùng rộng lớn.
Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là căn bệnh khác, bí ẩn hơn nhiều, mà thổ dân Aztec gọi là « cocoliztli ». Theo các ước tính, 80% dân số thổ dân đã bị giết chết vì chứng bệnh này trong giai đoạn 1545-1550. Rồi sau đó là 50% số dân còn lại vào năm 1576. Tuy rất khó đưa ra con số cụ thể, nhưng các nhà khoa học đánh giá chí ít cũng nhiều triệu người chết.
Vào thời kỳ đó, người ta rất khó xác định bệnh lý chính xác dịch bệnh khủng khiếp này vì những triệu chứng mang bệnh chính có thể giống với nhiều chứng bệnh khác (sốt cao, đau đầu, chóng mặt, lỵ, đau rát cổ họng và ngực). Lời thuật của nhiều nhân chứng thời kỳ đó còn mô tả hiện tượng chảy máu mũi, miệng và mắt, tương tự như bệnh sốt xuất huyết do nhiễm virus cúm.
Ngày nay, cùng với các phương tiện hiện đại, các mẫu phân tích mới đã đưa các nhà khoa học đến giả thuyết : Sốt thương hàn. Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế do Viện Khoa Học Lịch Sử Con Người Max Planck, tại Jena, Đức điều hành đã tìm ra dấu vết của một loài vi khuẩn thương hàn trên nhiều xác chết trong một hố chôn tập thể vẫn được bảo quản tốt, tại khu thành cổ Teposcolula-Yucundaa.
Tổng cộng, các nhà khoa học đã tìm thấy vết tích loài khuẩn này trong răng từ 10-29 người được chôn cất tại đây. Mặt khác, các dấu hiệu của sốt thương hàn, có thể có cả chảy máu mũi, lại trùng khớp với những gì được quan sát.
Dù vậy các nhà khoa học vẫn tỏ ra cẩn trọng, không loại trừ hoàn toàn giả thuyết nhiễm virus do các phân tích cho đến giờ vẫn chưa cho phép phát hiện các loại virus. Hơn nữa, khả năng xảy ra nhiều bệnh cùng một lúc là có thể, trong khi mà người dân bản địa vào thời kỳ đó chưa thể phân biệt các chứng bệnh.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180118-tho-dan-da-do-aztec-xvi-loai-khuan-thuong-han
Liên Hiệp Quốc kêu gọi hỗ trợ tài chính
sau khi Mỹ ngưng viện trợ cho Palestine
Hôm qua, 17/01/2018, lãnh đạo Cơ Quan Cứu Trợ và Hành Động Liên Hiệp Quốc (UNRWA) phụ trách viện trợ nhân đạo cho người Palestine đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tài chính sau khi Hoa Kỳ thông báo chỉ giải ngân một nửa số tiền viện trợ đã cam kết cho người Palestine.
Ông Pierre Krahenbuhl, lãnh đạo cơ quan viện trợ nhân đạo cho người Palestine, UNRWA, cho biết sẽ tiến hành một chiến dịch vận động quốc tế để có được mức hỗ trợ tài chính cần thiết giúp đỡ các trường học và bệnh viện của người Palestine.
Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 16/01, thông báo là trong số 125 triệu đô la tự nguyện đóng góp cho cơ quan phụ trách viện trợ nhân đạo cho người Palestine, chính quyền Washington đã giải ngân 60 triệu để chi trả lương cho các nhân viên làm việc trong trường học, hệ thống y tế của người Palestine tại Jordanie, Cisjordanie và dải Gaza. Số còn lại, 65 triệu, sẽ được giữ lại cho đến khi có lệnh mới. Đại diện bộ Ngoại Giao Mỹ giải thích là cho đến lúc này, Washington không hủy bỏ mà chỉ tạm ngừng giải ngân khoản viện trợ 65 triệu đô la còn lại. Để tháo khoán số tiền này, cần phải tiến hành các cải cách cần thiết để tiền viện trợ được sử dụng tốt hơn.
Theo giới phân tích, có hai yếu tố chính giải thích quyết định của Hoa Kỳ.
Kể từ khi Donald Trump trở thành tổng thống, ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích mạnh mẽ hoạt động của Liên Hiệp Quốc và Washington đã nhiều lần đòi xem xét, cải tổ sâu rộng các tổ chức của Liên Hiệp Quốc trong đó có cơ quan phụ trách viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Palestine.
Mặt khác, Washington thực hiện lời đe dọa « Hoa Kỳ sẽ ghi nhớ » khi cộng đồng quốc tế lên án quyết định của tổng thống Trump thừa nhận Jerusalemn là thủ đô của Israel. Thậm chí, phía Palestine còn tuyên bố không muốn Hoa Kỳ đóng vai trò trung gian để giải quyết cuộc xung đột với Israel.
Fake News : Hai Thượng nghị sĩ Cộng Hoà
lên án tổng thống Trump « độc tài »
Tại Hoa Kỳ, vào lúc tổng thống Donald Trump phát « giải thưởng tin giả » do chính ông bày ra để công kích các cơ quan truyền thông bị xem là « bất lương » thì tại Quốc Hội ngày 17/01/2018, chủ nhân Nhà Trắng bị hai thượng nghị sĩ Cộng Hoà phát pháo đả kích.
Thông tín viên Eric de Salve tường thuật :
“Bản cáo trạng đến từ đảng của tổng thống Donald Trump. Tại diễn đàn Quốc Hội, thượng nghị sĩ Jeff Flake dõng dạt nói lên nổi bất bình của ông trước những lời tấn công hàng ngày của tổng thống Mỹ chống lại báo chí. Ông nói : Khi đầu não của chính quyền cho rằng thông tin của những tờ báo mà mình ghét là tin giả thì phải nói là chính quyền đáng nghi ngờ chứ không phải là báo chí.
Khắc tinh của tổng thống Trump trong phe Cộng Hoà, thượng nghị sĩ Jeff Flake càng chỉ trích mạnh bạo hơn bởi vì ông không tái tranh cử. Ông tố cáo tổng thống Mỹ sử dụng luận điệu của Staline :
Kẻ thù của nhân dân, đó là đánh giá của tổng thống Trump đối với báo chí trong năm 2017. Thưa tổng thống, khi một vị tổng thống Hoa Kỳ sử dụng cùng một thứ từ ngữ mà trước kia Joseph Staline đã dùng để lên án đối thủ của ông ta, thì hành động này đã cho thấy chế độ dân chủ của chúng ta đang ở đâu. Chỉ có chế độ độc tài mới là kẻ thù của nhân dân. Còn báo chí tự do là kẻ thù của chế độ độc tài.
Vào lúc tổng thống Trump nói sẽ thưởng « giải tin giả » cho báo chí ông không thích thì bản cáo trạng thứ hai được thượng nghị sĩ John McCain tung lên trên báo Washington Post, với tựa : Thưa ngài tổng thống, hãy ngưng tấn công báo chí.
Thượng nghị sĩ John McCain nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của nhà báo trong một nền dân chủ : «Cụm từ Fake News mà tổng thống Mỹ trao cho tính chính đáng, đã từng được các nhà độc tài sử dụng để bịt miệng báo chí.
Châu Âu tố cáo Nga tổ chức
« tuyên truyền bóp méo thông tin »
Chính quyền Nga điều hành một chiến dịch tuyên truyền định hướng công luận tại các nước Tây phương theo hướng có lợi cho điện Kremlin…và rất « hiệu quả ». Trên đây là lời tố cáo của Ủy Ban Châu Âu tại Nghị Viện Châu Âu ngày 17/01/2018.
Trong cuộc thảo luận tại Nghị Viện Châu Âu về đề tài « Nước Nga và ảnh hưởng của chính sách tuyên truyền nhắm vào Liên Hiệp Châu Âu », ủy viên đặc trách an ninh Julian King đã khẳng định « chiến dịch bóp méo thông tin, tuyên truyền định hướng thân Kremlin là một chiến lược có phối hợp, cung cấp thật nhiều thông tin thất thiệt, cho thật nhiều kênh truyền thông với rất nhiều ngôn ngữ khác nhau và thật thường xuyên nếu có thể ».
Trong vòng ba năm, đơn vị chống tuyên truyền của Ủy Ban Châu Âu đã thu được 3500 tài liệu dối trá có lợi cho Kremlin. Để củng cố cho lời tố cáo này, ủy viên an ninh Liên Hiệp Châu Âu Julian King cho biết « chính quyền Nga không hề giấu diếm mục tiêu của chiến dịch. Trong học thuyết quân sự của Nga và qua các tuyên bố chính thức, các giới chức Nga gọi việc « tung tin giả, bóp méo sự thật để gây khuynh đảo là vũ khí chính đáng ». Mục đích của Nga là dùng chiến thuật « mưa lâu thấm đất ». Nhiều cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy nhiều người dân tây Âu chấp nhận thông tin định hướng của truyền thông Nga, cụ thể là hai kênh RT và Sputnik.
Theo AFP, cho đến gần đây, mối lo ngại phát xuất từ các nước Đông Âu cũ. Nhưng từ khi các tiết lộ về can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ, rồi bầu cử Quốc Hội Đức và tổng thống Pháp và mới đây là trưng cầu dân ý ở Catalunya ở Tây Ban Nha và trưng cầu dân ý Anh về Brexit, chiến dịch tuyên truyền của chính quyền Putin, qua trung gian tin giả đã gây lo âu cho toàn Liên Hiệp Châu Âu.
Dù vậy, Kremlin cũng được tiếng nói ủng hộ trong Nghị Viện Châu Âu. Trong phần tranh luận, một đại biểu Anh thuộc đảng cực hữu UKIP, đảng chủ trương Brexit, cho rằng «lập luận vụng về của Russia Today không nguy hiểm bằng tuyên truyền tinh vi của châu Âu. Nhờ có đài của Nga mà đảng UKIP có thể phát biểu quan điểm trong khi BBC từ chối. Cám ơn Nga bảo vệ tự do ngôn luận ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/201801/chau-au-to-cao-nga-tuyen-truyen
Mỹ bắt giữ cựu điệp viên
« chỉ điểm » các đồng nghiệp tại Trung Quốc
Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ trong đêm 16 rạng sáng 17/01/2018 thông báo bắt giữ một cựu nhân viên của CIA. Vụ bắt giữ xảy ra vào đầu tuần này. Từ nhiều năm qua, cơ quan tình báo Mỹ truy tìm kẻ nội gián « chỉ điểm » làm hàng chục cộng tác viên của Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc bị bắt giam và hành quyết.
Người bị bắt tên là Jerry Chun Shing Lee, gốc Hồng Kông. Hoa Kỳ cáo buộc người này chiếm hữu trái phép các tài liệu mật liên quan đến an ninh quốc gia. Theo tường thuật của báo chí Mỹ, kể từ đầu thập niên 1990, ông Jerry Chun Shing Lee được giao trọng trách tuyển dụng và quản lý nhân viên của CIA.
Nhưng đến năm 2007, người này đã từ nhiệm và đến định cư hẳn ở Hồng Kông với gia đình. Theo các cựu nhân viên, ông này cảm thấy bất mãn vì sự nghiệp không thăng tiến. Ba năm sau, mạng lưới gián điệp Mỹ tại Trung Quốc bị phá vỡ. Khoảng hai chục nhân viên đã bị bắt giữ hay bị hành quyết.
Hoa Kỳ từ nhiều năm qua tìm hiểu nguyên nhân : Họ là nạn nhân của tin tặc, hay có người « chỉ điểm »? Và cái tên Jerry Chun Shing Lee bắt đầu xuất hiện. Năm 2012, Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI bắt đầu chú ý đến người này bằng cách làm cho Lee lóa mắt với một hợp đồng mới với CIA.
Nhờ vậy FBI phát hiện tại hai trong số các phòng khách sạn của Jerry Chun Shing Lee những tập hồ sơ đầy các thông tin quốc phòng bảo mật. Đặc biệt là danh tính thật của các điệp viên Mỹ. Thế nhưng, Jerry Chun Shing Lee vẫn được tự do rời Mỹ vào năm 2013 sau khi bị thẩm vấn.
Trong một thông cáo công bố lệnh bắt giữ cựu nhân viên tình báo hôm thứ Hai, khi người này vừa đặt chân đến sân bay JFK tại New York, bộ Tư Pháp Mỹ không giải thích vì sao phải đợi đến 5 năm sau mới kết tội Jerry Chun Shing Lee. Về phía Bắc Kinh, ngoại trưởng Trung Quốc hôm qua khẳng định « không hay biết về vụ việc này ».
Thượng đỉnh Pháp-Anh chú trọng an ninh quốc phòng
Thủ tướng Anh Theresa May hôm nay 18/01/2018 tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong cuộc họp thượng đỉnh song phương chủ yếu về vấn đề an ninh biên giới và quốc phòng.
Chính phủ Anh chấp nhận đóng góp thêm 44,5 triệu bảng Anh (50,5 triệu euro) trong việc kiểm soát biên giới ở Calais, theo yêu cầu của Pháp. Lâu nay theo hiệp ước Touquet có hiệu lực từ năm 2004, mà một phát ngôn viên Downing Street hôm qua nhìn nhận là « rất có lợi cho Luân Đôn », Anh đã chi ra 113 triệu euro trong ba năm qua.
Hôm thứ Ba 16/01 khi đến Calais, thành phố có đường tàu cao tốc dưới lòng biển Manche để đi sang Anh, tổng thống Pháp Macron nói rằng sẽ không cho phép hình thành khu vực vô tổ chức từng tập hợp đến 8.000 di dân trước đây. Trong chuyến thăm Anh, ông Emmanuel Macron sẽ ký một thỏa thuận mới bổ sung cho hiệp ước Touquet. Bà Theresa May sẽ tăng số lượng trẻ em đơn thân được nước Anh tiếp nhận, cũng theo đề nghị của Pháp.
Cuộc họp thượng đỉnh tại Học viện quân sự Sandhurst cũng bàn đến vấn đề quân sự, trong bối cảnh Anh tìm cách siết chặt quan hệ trước khi chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU). Hôm qua Luân Đôn loan báo gởi ba trực thăng của Không quân Hoàng gia cùng với nhân sự để hỗ trợ lực lượng Pháp ở Sahel, tăng viện trợ cho vùng này.
Pháp và Anh chiếm đến 50% chi tiêu quốc phòng EU, là hai cường quốc Tây Âu có vũ khí nguyên tử và có khả năng can thiệp quân sự ở nước ngoài, với các phi cơ tiếp liệu, hàng không mẫu hạm, thủy phi cơ…
Trước khi diễn ra cuộc họp, đại diện của năm cơ quan tình báo hai nước (DGSE và DGSI của Pháp, MI5, MI6 và GCHQ của Anh) cũng đã gặp gỡ lần đầu tiên. Nêu ra các vụ khủng bố gần đây tại châu Âu, một phát ngôn viên chính phủ Anh loan báo tăng cường hợp tác về an ninh và tư pháp, với việc gia hạn kế hoạch giám sát các hoạt động khủng bố trên mạng.
http://vi.rfi.fr/phap/20180118-thuong-dinh-phap-anh-chu-trong-an-ninh-quoc-phong
Quan hệ Mỹ và Nga: « Nhọc nhằn » hòa giải
Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, Donald Trump đã nhiều lần hùng hồn hứa hẹn hòa giải mối quan hệ giữa Mỹ với nước Nga của Vladimir Putin. Một năm sau, kể từ khi ông vào Nhà Trắng, bầu không khí Chiến Tranh Lạnh vẫn đè nặng lên mối quan hệ này hơn bao giờ hết.
Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Donald Trump, Washington và Matxcơva không ngừng chỉ trích gay gắt và đe dọa trừng phạt lẫn nhau. Theo nhận định của chuyên gia Vladimir Vassiliev, Viện Nghiên Cứu Hoa Kỳ và Canada tại Matxcơva, được AFP trích dẫn, người ta đang chứng kiến một nghịch lý. Hai bên luôn kêu gọi cải thiện hơn nữa mối quan hệ song phương, nhưng trên thực tế, mối quan hệ này ngày càng trở nên tồi tệ.
Nước Nga hy vọng với thắng lợi của Donald Trump, quan hệ Matxcơva Washington sẽ lại khởi sắc. Nhưng giờ đây đó chỉ là một ảo tưởng. Giữa Nga và Mỹ vẫn còn tồn đọng nhiều bất đồng. Các hồ sơ quốc tế lớn như Ukraina, Syria, Iran hay Bắc Triều Tiên càng đào sâu thêm căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc. Hoa Kỳ buộc phải đưa ra các lệnh trừng phạt ngày càng nghiêm ngặt chống lại Nga.
Trong một bài viết đăng trên báo Pháp Les Echos hồi trung tuần tháng 11/2017, chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean nhận định : Sau một năm cầm quyền của Donald Trump, giới lãnh đạo Nga đối diện với hai sự thật.
Thứ nhất, Nga không phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Thứ hai, nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Hoa Kỳ và mối nghi ngờ về liên hệ giữa những người thân cận của Donald Trump với Matxcơva cản trở đáng kể phạm vi hoạt động của điện Kremlin. Trong bối cảnh này, giới lãnh đạo Nga chỉ biết tạm thu mình chờ thời, mong cho bão tố qua mau.
Thế nhưng, tổng thống Mỹ hiện nay cũng không phải là người duy nhất gặp thất bại trong việc mong muốn cải thiện quan hệ Mỹ – Nga. Vì sao như thế ? Ông Thomas Graham, từng là cố vấn cho cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, trong một lần trả lời phỏng vấn cho báo Nga Sputnik, thân điện Kremlin, đã khẳng định : « Một sự tái khởi động quan hệ Mỹ-Nga là điều không mong muốn ».
Với ông, Nga và Mỹ không phải là những « quốc gia tầm thường và bình thường ». Lịch sử của cuộc Chiến Tranh Lạnh chưa bị xóa nhòa và còn ám ảnh quan hệ hai nước. Vẫn theo chuyên gia này, thế giới ngày nay đã thay đổi, đi từ thế giới lưỡng cực sang đa cực. Do đó, quan hệ Mỹ – Nga cũng phải thích ứng theo. Thế nhưng, cả hai nước vẫn chưa thể đạt được điều đó, bởi vì « ký ức lịch sử, thói quen thời Chiến Tranh Lạnh và cách suy nghĩ theo sơ đồ cũ đang kiềm hãm sự phát triển bình thường của mối quan hệ song phương này ».
Dù vậy, giới lãnh đạo Nga vẫn nuôi hy vọng có thể cải thiện mối quan hệ nhọc nhằn này. « Họ vẫn tin rằng Trump không mong muốn một sự đối đầu toàn diện và hy vọng cải thiện vẫn còn đó. Năm nay không được thì vào năm tới vậy » như nhìn nhận của Ivan Kourilla, thuộc trường Đại học Châu Âu Saint-Petersbourg với AFP.
Vấn đề là với tính khí thất thường của Donald Trump, thì mọi việc trở nên khó lường. Hôm nay vui vẻ bắt tay, ngày mai lại giơ gậy trừng phạt thì sao ?
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180118-quan-he-my-va-nga-%C2%AB-nhoc-nhan-%C2%BB-hoa-giai
Philippines sửa đổi Hiến Pháp
để Duterte tiếp tục nắm quyền ?
Quốc Hội Philippines, từ hôm 16/01/2018, bắt đầu thảo luận về việc sửa đổi Hiến Pháp, theo hướng cho phép tổng thống Rodrigo Duterte tiếp tục cầm quyền, bất chấp những tố cáo về nạn giết người vô tội vạ trong chiến dịch chống tham nhũng.
Từ Manila, thông tín viên RFI Marianne Dardard cho biết thêm chi tiết :
« Ông Rodrigo Duterte, hiện đã 72 tuổi và tình trạng sức khỏe vẫn là nghi vấn, có thể ra tái ứng cử tổng thống vào năm 2022, khi ông 76 tuổi hay không ? Dù sao đi nữa, đó là điều mà những người ủng hộ sửa đổi Hiến Pháp đề nghị.
Theo dự thảo đầu tiên được các dân biểu thân Duterte, hiện đang chiếm đa số tại Quốc Hội, đệ trình, thì tổng thống Philippines sẽ được cầm quyền hai nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp. Trong khi đó Hiến Pháp hiện nay quy định tổng thống chỉ làm được một nhiệm kỳ 6 năm. Hiến Pháp này được ban hành khi tổng thống độc tài Ferdinand Marcos đã bị lật đổ sau 20 năm trị vì.
Về mặt chính thức, mục đích của sửa đổi Hiến Pháp là để chuyển sang hệ thống chính quyền liên bang, với quyền hành tăng thêm cho tổng thống, nhưng cũng trao quyền tự trị nhiều hơn cho người Hồi giáo ở miền nam.
Ông Rodrigo Duterte cho đến nay vẫn nói rằng không thể hoàn tất cuộc chiến chống ma túy chỉ trong một nhiệm kỳ ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180118-philippines-sua-doi-hien-phap-de-duterte-tiep-tuc-nam-quyen