Tin khắp nơi – 17/12/2018
Mỹ chỉ trích TQ, dẫn đầu nỗ lực cải tổ WTO
Hôm 17/12, Hoa Kỳ nói rằng “các hành động cạnh tranh không công bằng” của Trung Quốc đã làm phương hại các công ty và công nhân nước ngoài, vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và nói thêm rằng Washington sẽ dẫn đầu các nỗ lực cải cách ở WTO, theo Reuters.
Hãng tin Anh trích lời Đại sứ thương mại Hoa Kỳ Dennis Shea bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của Hoa Kỳ về hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO vì nó đã “đi chệch hướng khỏi hệ thống đã được các thành viên đồng thuận.”
Ông Shea nói thêm rằng Cơ quan phúc thẩm của WTO đã phản ứng thái quá trong một số các vụ tranh chấp pháp lý.
Người đại diện của Mỹ ở WTO nói thêm rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump cam kết duy trì chính sách thị trường cạnh tranh và nền thương mại tự do, công bằng và đối ứng. Đồng thời, ông bác bỏ những chỉ trích nói rằng Hoa Kỳ theo đuổi “chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ mậu dịch.”
Ông lên tiếng chỉ trích rằng Trung Quốc đã theo đuổi “các chính sách công nghiệp phi thị trường và các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh,” nhằm mục đích hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời hạn chế hoặc phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài, cũng như hàng hóa và dịch vụ của các công ty này.
Ông Shea nói: “WTO không được trang bị tốt để xử lý thách thức cơ bản từ Trung Quốc, vốn tiếp tục áp dụng cách tiếp cận theo chủ nghĩa trọng thương, do nhà nước chỉ đạo, đối với nền kinh tế và thương mại.”
“Hoa Kỳ cam kết hợp tác với các thành viên có cùng chí hướng để giải quyết các mối quan tâm của chúng ta đối với hoạt động của WTO. Cải cách là điều cần thiết cho khả năng tồn tại liên tục của tổ chức,” ông nói thêm.
https://www.voatiengviet.com/a/my-chi-trich-tq-dan-dau-no-luc-cai-to-wto/4703770.html
TQ được coi là mối đe dọa an ninh lớn nhất của Mỹ
Trung Quốc và Mỹ đang ở thế công kích lẫn nhau khi căng thẳng gia tăng về một loạt các vấn đề như thương mại, tấn công mạng và gián điệp, trong khi các quan chức hành pháp Mỹ nhận diện Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất với an ninh quốc gia của Mỹ.
Hôm thứ Tư (giờ Mỹ), các quan chức Cục Điều tra liên bang (FBI), Bộ Tư pháp và Bộ An ninh nội địa Mỹ diễn giải trước các nghị sỹ về các phương pháp gián điệp “phi truyền thống” của Trung Quốc, bao gồm việc sử dụng những người Trung Quốc sống ở nước ngoài thay cho các điệp viên chuyên nghiệp tại các trường đại học và doanh nghiệp, và tình trạng ăn cắp bản quyền.
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu của Huawei chỉ là một trong một chuỗi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, nước bị coi là mối đe dọa lớn nhất về an ninh đối với Washington (CNN)
“Trong khi Mỹ tiến hành một loạt phản ứng về mối đe dọa này, chúng ta phải giải quyết sự dễ tổn thương của hệ thống, trong khi vẫn giữ được các giá trị và tính cởi mở, tự do và các nguyên tắc đúng đắn vốn đã giúp chúng ta cường thịnh”, E.W. Priestap, trợ lý giám đốc FBI về mảng phản gián nói trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ. “Việc cân bằng lại mọi thứ không chỉ vì tương lai của nước Mỹ, mà còn là tương lai của thế giới”.
Ông Priestap và các đồng nghiệp đã có phiên điều trần chỉ vài giờ sau khi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với Fox News rằng Mỹ tin Bắc Kinh đứng đằng sau vụ tấn công mạng vào hệ thống khách sạn Marriott. Tờ New York Times trích các nguồn tin nói vụ tấn công là một phần trong chiến dịch của phía Trung Quốc, ngoài hệ thống của Marriott còn nhắm tới các nhà bảo hiểm y tế và hệ thống hồ sơ an ninh của nhiều triệu người Mỹ.
Những tiết lộ ngày xuất hiện chỉ một ngày sau khi tổng thống Donald Trump nói với hãng tin Reuters rằng ông sẵn sàng sử dụng vụ bắt giữ một quan chức của tập đoàn Huawei (Trung Quốc) làm một “quân bài” để mặc cả trong đàm phán thương mại với Bắc Kinh, đang trong giai đoạn hòa hoãn 90 ngày.
Các quan chức phụ trách mảng an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp Mỹ nói chính phủ đang phản ứng lại trước các hoạt động do thám kinh tế “ngày càng gia tăng” từ phía Trung Quốc, vốn gây thiệt hại cho Mỹ ước tính ở mức 225 tỷ USD/năm. Từ năm 2011-2018, hơn 90% các vụ việc liên quan đến do thám kinh tế do một quốc gia tiến hành đều liên quan đến Trung Quốc, và hơn 2/3 các vụ ăn cắp bí mật thương mại có mối liên hệ với Trung Quốc, thứ trưởng Bộ Tư pháp John Demers nói.
“Từ thiết bị lặn không người lái, xe tự lái đến các hợp chất hóa học quan trọng hay các giống ngô lai, Trung Quốc đã nhắm tới công nghệ tiên tiến của Mỹ ở nhiều lĩnh vực phù hợp với các mục tiêu chiến lược mà họ công bố”, thứ trưởng Demers nói. “Chiến thuật của họ rất đơn giản: cướp, làm nhái và thay thế”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25307-tq-duoc-coi-la-moi-de-doa-an-ninh-lon-nhat-cua-my.html
Hoa Kỳ ấn định thời điểm mới cho việc tăng thuế
đối với hàng hóa Trung Cộng
Washington, DC – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Sáu (14 tháng 12), Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã chính thức thay đổi ngày tăng thuế dự kiến đối với 200 tỹ Mỹ kim hàng hóa Trung Cộng thành 12 giờ 01 sáng EST (05:01 GMT) vào ngày 2 tháng 3 năm 2019, trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Cộng đang hướng đến các cuộc đàm phán về thương mại và sở hữu trí tuệ.
Sự thay đổi này được đưa ra trong hồ sơ Ghi danh Liên bang kể từ ngày có hiệu lực dự kiến trước đó, tức ngày 1 tháng 1 năm 2019, để tăng thuế từ 10% lên 25%. Thông báo mới này không ảnh hưởng đến mức thuế 25% đã được áp dụng với 50 tỷ mỹ kim hàng hóa kỹ thuật của Trung Cộng, bao gồm chất bán dẫn, bảng mạch in cùng các linh kiện điện tử, máy móc và phương tiện khác.
Hồ sơ này đã được thêm vào các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra “Section 301” của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ về các hoạt động sở hữu trí tuệ của Trung Cộng, vốn là cơ sở đánh thuế của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Cộng.
Thông báo của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ không đề cập đến các bước Trung Cộng đã thực hiện trong tuần này như việc tiếp tục việc mua đậu nành Hoa Kỳ, hoặc đình chỉ mức thuế 25% đối với các xe và phụ tùng xe hơi do Hoa Kỳ sản xuất. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-an-dinh-thoi-diem-moi-cho-viec-tang-thue-doi-voi-hang-hoa-trung-cong/
Tập đoàn Mỹ Boeing cho xuất xưởng
phi cơ đầu tiên lắp ráp ở Trung Quốc
Ngay trong bối ảnh căng thẳng thương mại Mỹ Trung, tập đoàn Boeing hôm 15/12/2018, đã cho xuất xưởng chiếc máy bay đầu tiên lắp ráp tại Trung Quốc, một chiếc 737 Max, được bàn giao cho hãng hàng không Trung Quốc Air China. Việc lắp ráp hoàn tất ở Chu San, tỉnh Chiết Giang, trung tâm lắp ráp phi cơ hoàn chỉnh đầu tiên của Boeing ở nước ngoài. Lãnh đạo Boeing và Air China cũng như hàng trăm khách mời đã tham dự buổi lễ “giao hàng”.
Thông tín viên RFI, Stéphane Lagarde tường thuật :
“Nhân viên xưởng lắp ráp ở Chu San (Zhoushan) đã dùng điện thoại di động ghi lại giây phút trọng đại này. Chiếc máy bay hai động cơ phản lực với dòng chữ đen Air China là phi cơ đầu tiên mà Boeing hoàn tất trên đất Trung Quốc trong một xưởng từng hứa với chủ tịch Tập Cận Bình lúc ông viếng thăm Mỹ vào năm 2015.
Hợp tác với đối tác Trung Quốc Comac (Commercial Aircraft Corporation of China), Boeing đã thực hiện tại chỗ phần bên trong máy bay (ghế ngồi, phòng vệ sinh, thiết bị giải trí, thiết bị hâm nóng thức ăn…) nhưng những phần khác còn lại thì vẫn chế tạo tại Hoa Kỳ – made in USA. Ba cơ xưởng dành cho việc sơn máy bay thì vẫn chưa hoạt động được.
Với trung tâm Chu San, Boeing có một cách tiếp cận không dứt khoát bằng Airbus, cũng đã có một trung tâm lắp ráp máy bay A320 hoàn chỉnh ở Thiên Tân (Tianjin), phía đông Bắc Kinh.
Đối với hai nhà chế tạo phi cơ, mục tiêu đều giống nhau : phải có cơ sở sản xuất gần các khách hàng tốt, tức các hãng máy bay Trung Quốc. Theo các chuyên gia, đây là thị trường hàng không đứng thứ hai thế giới, sẽ cần đến hơn 7.500 máy bay thương mại trong vòng 20 năm tới đây.
Hiện tại, cứ 4 chiếc Boeing 737 được làm ra thì có 1 chiếc được giao cho Trung Quốc, nhưng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Boeing sẽ phải đưa ra những đề nghị hấp dẫn nếu vẫn muốn vươn cánh ở Trung Quốc.
Cho đến nay, Boeing vẫn từ chối, không chịu thiết lập một dây chuyền sản xuất máy bay hoàn chỉnh tại Trung Quốc, theo kiểu nhà máy của Airbus ở Thiên Tân, nhưng trung tâm Chu San là một nhượng bộ đầu tiên.
Sau chiếc máy bay đầu tiên vừa ra mắt, Boeing hy vọng hàng năm hoàn tất được 100 chiếc tại đây.”
Hiện thời, máy bay chế tạo ở Mỹ không bị Trung Quốc áp thuế, nhưng cuộc cạnh tranh với Airbus trên thị trường Trung Quốc sẽ gay gắt hơn do cuộc đọ sức thương mại. Một ví dụ : Boeing đã cung cấp chiếc máy bay thứ 2000 vào tháng 11 vừa qua cho Xiamen Airlines, một chiếc 737 Max, nhưng khách hàng vốn từ ba thập niên qua chỉ sử dụng máy bay Boeing, giờ đây đã vừa quay sang đàm phán với Airbus.
Thương mại : Hy vọng Mỹ-Trung “buông súng” ?
Cuối tuần trước, tổng thống Hoa Kỳ để ngỏ cánh cửa Washington và Bắc Kinh gần đạt được một “thỏa thuận lớn” về thương mại. Liệu đây có là món quà cuối năm Hoa Kỳ và Trung Quốc dành cho thế giới ?
Cử chỉ đầu tiên thể hiện thiện chí của Bắc Kinh được ghi nhận qua hai quyết định : một là Trung Quốc cho nhập khẩu trở lại đậu nành của Mỹ kể từ ngày 01/01/2019 trong một thời hạn 90 ngày, và hai là tạm ngưng dùng đòn tăng thuế nhập khẩu nhắm vào xe Mỹ.
Theo giới phân tích, cả hai quyết định nói trên cùng cho thấy Trung Quốc có dấu hiệu hòa hoãn sau thượng đỉnh Donald Trump-Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Buenos Aires hôm 01/12/2018. Ban cố vấn của chủ tịch Trung Quốc đã khôn ngoan nhắm vào hai hồ sơ quan trọng đối với Nhà Trắng đó là nông nghiệp và xe hơi, như thể để bảo đảm ghi được một số bàn thắng trong các cuộc thương lượng với Washington dự trù mở ra trong những tuần lễ sắp tới.
Chính quyền Trump đã phải dự trù dành 12 tỉ đô la đền bù thiệt hại cho giới nông gia không bán được, ngũ cốc, lúa mì, bắp hay đậu tương cho Trung Quốc. Ngành sản xuất xe hơi của Hoa Kỳ cũng có dấu hiệu mệt mỏi. Điển hình là sự kiện tập đoàn General Motors cuối tháng 11/2018 thông báo cho 15 % nhân viên nghỉ việc, đóng cửa 5 nhà máy trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Quyết định này của hãng xe Mỹ đã khiến tổng thống Trump vô cùng giận dữ.
Về phía Washington, hai tuần trước, tại Buenos Aires, phía Hoa Kỳ đã thông báo hoãn 90 ngày việc tăng thuế nhập khẩu nhắm vào 200 tỷ hàng của Trung Quốc báng sang Mỹ. Tại Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump trong tin nhắn trên Twitter hôm 14/12/2018 tỏ ra lạc quan nói tới khả năng đạt được một “thỏa thuận lớn” với Bắc Kinh về thương mại và đôi bên đã có những cuộc “trao đổi rất bổ ích”. Nguyên thủ Mỹ giải thích thêm, ông tin tưởng sẽ nhanh chóng tìm ra đồng thuận với Bắc Kinh do kinh tế Trung Quốc đã bị chựng lại và đây là thành quả mà các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã đem lại.
Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trên đúng vào lúc bộ Ngoại Giao Canada và Mỹ thảo luận về trường hợp của bà Mạnh Vãn Châu : Giám đốc tài chính tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi bị tư pháp Canada bắt giữ theo yêu cầu của Washington và bà Mạnh vừa được tại ngoại hầu tra. Vụ bắt giữ này diễn ra trong bối cảnh Mỹ-Trung căng thẳng về thương mại. Thổng thống Trump trong tuần qua nói thẳng ông sẵn sàng “can thiệp” trong vụ kiện lãnh đạo Hoa Vi, hàm ý Nhà Trắng có thể can thiệp nếu đấy là một phương tiện để đạt được thỏa thuận về thương mại với Tập Cận Bình.
Nhưng bên cạnh các dấu hiệu hòa hoãn của cả đôi bên, liệu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có cơ may chóng kết thúc ?
Edward Alden, một chuyên gia về thương mại quốc tế thuộc viện nghiên cứu quan hệ quốc tế của Mỹ, Council on Foreign Relations được AFP trích dẫn cho rằng “Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng thực sự bắt đầu nghiêm túc đàm phán” sau nhiều đòn hù dọa lẫn nhau để gây sức ép. Trong hai tuần vừa rồi, Washington và Bắc Kinh đã đạt được “nhiều tiến bộ” hơn so với những vòng đàm phán đã kéo dài trong suốt gần hai năm dưới nhiệm kỳ Donald Trump.
Một dấu hiệu khác cho phép hy vọng chiến tranh thương mại Mỹ -Trung sẽ có tiến triển tốt, là Nhà Trắng đã cử ông Robert Lighthizer làm trưởng đoàn đám phán. Trong mắt các nhà quan sát, đây là một “tín hiệu mạnh” của Washington, vì ông Lighthizer là một chuyên gia về luật thương mại giàu kinh nghiệm, và nổi tiếng là một người tháo gỡ những hồ sơ khó khăn nhất.
Dù vậy, còn quá sớm để kết luận rằng, Mỹ và Trung Quốc sẽ san bằng những bất đồng thương mại trong 90 này sắp tới, đặc biệt là trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh còn nhiều sung khắc về ngoại giao, từ Biển Đông đến Đài Loan, rồi Mỹ cáo buộc Trung Quốc tiến hành các vụ tấn công tin học, “ăn cắp” công nghệ cao của Hoa Kỳ. Đấy mới là cốt lõi của cuộc đọ sức giữa hai siêu cường kinh tế thế giới.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181217-thuong-mai-hy-vong-my-trung-buong-sung
Mỹ, Hàn Quốc bàn về tình hình đàm phán
phi hạt nhân hóa Triều Tiên
Đặc phái viên phụ trách chính sách Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun sẽ tới Seoul trong tuần này để tìm cách cứu vãn các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên.
Theo kế hoạch, đặc phái viên Stephen Biegun sẽ tới Hàn Quốc vào cuối tuần này để gặp trực tiếp người đồng cấp Hàn Quốc – Trưởng đoàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên Lee Do-hoon, Yonhap đưa tin.
Hai bên sẽ bàn vềtình hình trong đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như các cách để tái khởi động đàm phán.
Bên cạnh đó, quan chức Hàn Quốc và Mỹ dự kiến sẽ chia sẻ quan điểm về lý do tại sao nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết đến thăm Hàn Quốc vào cuối năm 2018 nhưng thất bại và ảnh hưởng của việc này đối với quá trình phi hạt nhân hóa.
Thảo luận về việc miễn trừng phạt đối với các dự án hợp tác kinh tế liên Triều, như chương trình kết nối đường sắt và đường cao tốc của hai miền Triều Tiên, có lễ khởi công vào ngày 26/12, cũng nằm trong khuôn khổ cuộc họp.
Seoul và Washington thành lập một nhóm làm việc chung từ 20/11 để liên lạc “thường xuyên, có hệ thống và chính thức” về chính sách của Triều Tiên khi 2 bên đều nỗ lực đạt được mục tiêu chung phi hạt nhân hóa trên bán đảo.
Nhóm làm việc chung đã tổ chức một cuộc họp hội nghị trực tuyến hồi đầu tháng 12.
Hoa Kỳ : Luật sư Giuliani
lên tuyến đầu bảo vệ ông Trump
Tổng thống Mỹ rất tức giận vị luật sư cũ của ông, Michael Cohen – bị kết án 3 năm tù tuần qua, và đang hợp tác với công tố viên Robert Mueller về nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống 2016 như các tweet của ông hôm qua, 16/12/2018, cho thấy. Giờ đây ông dựa vào luật sư Robert Giuliani để bảo vệ ông trước dư luận.
Thông tín viên RFI, Grégoire Pourtier tường thuật từ New York :
“Rudolph Giuliani nói năng thường không rõ ràng, nhưng ông rất kiên trì. Hôm qua, Chủ nhật, vị luật sư của Donald Trump đã đi một vòng các đài truyền hình để bảo vệ tổng thống. Tuần lễ qua một lần nữa đã rất căng thẳng, nhưng đối với vị luật sư từng là thị trưởng New York, thì đây chỉ là “một vụ săn phù thủy”.
« Họ cứ đi ngược lên ngày xa hơn, lên cho đến 1982, 1983, xem xét các hồ sơ thương mại ! Đi từ từ việc cấu kết với Nga đến việc ngăn chặn tư pháp… Không có chứng cứ ! Và bây giờ đến tài trợ vận động tranh cử, không có gì vi phạm luật. »
Ông Giuliani mỉa mai cho là các nhà điều tra còn nghiên cứu cả những vụ bị phạt vì ông Trump đậu xe không đúng chỗ, hay một ngày nọ ông đã băng qua đường phía ngoài vạch dành cho người đi bộ. Tuy nhiên ông có vẻ đã không thuyết phục được các nhà báo trước mặt ông.
Về việc tình nghi cấu kết với Nga, ông Giuliani khẳng định « cấu kết không phải là một tội ác và đã chấm dứt vào lúc bầu cử. » Ông cũng không để cho nhà báo thời gian đặt câu hỏi.
Ông cũng khẳng định là « phải bước qua xác » ông nếu công tố viên Mueller muốn thẩm vấn trực tiếp tổng thống, nhưng dẫu sao thì ông cũng sẽ chết một ngày nào đó. Ông đã làm những người trước mặt mỉm cười.
Thái độ bồng bột, lộn xộn của ông ngược hẳn với sự lắng tiếng của ông Mueller. Từ khi được giao cuộc điều tra vào tháng 5/2017, vị cựu lãnh đạo FBI đã chưa bao giờ lên tiếng hay tiết lộ thông tin, mà chỉ để các tài liệu chính thức mà ông trao cho tư pháp nói lên sự việc.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181217-hoa-ky-luat-su-giuliani-len-tuyen-dau-bao-ve-ong-trump
Mỹ: ‘Hành hung’ học sinh,
hai cựu cảnh sát bị truy tố
Luật sư bào chữa cho một thiếu niên Louisiana nói rằng các cáo buộc chống lại hai cựu cảnh sát “là hơi nhẹ,” sau khi đoạn băng ghi hình cho thấy hai nhân viên cảnh sát này đã quật ngã, khống chế, nâng em lên và ném xuống đất, theo AP.
Hôm 14/12, một đại bồi thẩm đoàn ở Giáo xứ West Baton Rouge đã ra phán quyết truy tố cựu cảnh sát thành phố Brusly, ông Dan Cipriano, về tội dùng vũ lực vượt thẩm quyền, theo truyền thông địa phương. Ông Kip Dupre, một cựu cảnh sát khác, đã bị truy tố về tội hành xử sai trái nơi công sở.
Vào tháng 11, cả hai viên cảnh sát đã từ chức sau khi một đoạn băng ghi hình video của trường cấp hai Brusly cho thấy một cảnh sát quật ngã và đè lên khống chế một nam sinh.
Sau đó, một cảnh sát khác đến hỗ trợ bằng cách còng tay nam sinh và đập em vào bàn. Đoạn video an ninh của trường được một người ẩn danh gửi tới đài truyền hình địa phương WAFB.
Cảnh sát tiểu bang đã điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho văn phòng công tố địa phương, nơi sau đó đã đệ trình cho bồi thẩm đoàn.
Ông Kwame Asante, một luật sư của nam sinh, cho biết, ban đầu gia đình rất vui vì bồi thẩm đoàn đã có đủ bằng chứng để buộc tội các sĩ quan cảnh sát. Nhưng ông cho biết gia đình nghĩ rằng các cựu cảnh sát phải bị buộc tội nặng hơn.
Trước đó, ông Jonathan Lefeaux, Cảnh sát trưởng thị trấn Brusly, cho biết, ông đã yêu cầu hai cảnh sát từ chức vì ông tin rằng vụ việc sẽ khiến họ khó tiếp tục làm việc trong cộng đồng.
https://www.voatiengviet.com/a/my-hanh-hung-hoc-sinh-hai-cuu-canh-sat-bi-truy-to/4704048.html
Quốc hội chuẩn bị cấm đá gà trên lãnh thổ Hoa Kỳ
San Juan, Puerto Rico – Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 13 tháng 12, đã ban pháp lệnh cấm đá gà trên lãnh thổ của Hoa Kỳ bao gồm Puerto Rico và Virgin Islands, kết thúc việc tổ chức đá gà tạo ra hàng triệu Mỹ Kim hàng năm có mặt từ thời kỳ thuộc địa.
Các phe phản đổi pháp lệnh cho biết, việc này sẽ làm ảnh hưởng đến kinh tế của hòn đảo này, khi tại Puerto Rico ngành công nghiệp đá gà tạo ra 18 triệu Mỹ kim và nuôi sống hơn 20,000 nhân viên. Thống đốc của Puerto Rico đã cố yêu cầu pháp lệnh loại hòn đảo của ông ra khỏi lệnh cấm nhưng không được, khi pháp lệnh đã được đưa lên Thượng viện.
Đá gà không những đã trở thành một nét văn hóa của Puerto Rico mà nó còn là bàn đạp kinh tế của nước này. Các viên chức lo ngại rằng lệnh cấm có thể đẩy hòn đảo này vào suy thoái trong 12 năm.
Phó giám đốc của Hội Bảo vệ Động vật, bà Ashley Byrne đồng ý với lệnh cấm, bà cho biết tiền và truyền thống không phải là lý do để hành xác động vật. Hành động ép buộc các con vật chiến đấu sống còn là rất tàn nhẫn.
Không chỉ có những chủ trường thi đấu bị ảnh hưởng, thức ăn cho gà là sản phẩm được bán chạy thứ 3 của hòn đảo này. Chủ cửa hàng thức ăn cho gà, ông Pedro Casillas tin rằng pháp lệnh này sẽ không được thông qua vì nó ảnh hưởng quá nhiều đên nền kinh tế, và việc cấm sẽ chỉ khiến đấu gà thành tổ chức phi pháp. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/quoc-hoi-chuan-bi-cam-da-ga-tren-lanh-tho-hoa-ky/
California hủy bỏ cuộc bỏ phiếu về đề nghị
đánh thuế tin nhắn trên điện thoại di động
Sacramento, California – Theo tin từ đài Fox News, Ủy ban Tiện ích Công cộng tiểu bang California (CPUP) đã hủy một cuộc họp dự kiến vào tháng 1/2019, về việc tổ chức cuộc bỏ phiếu theo lịch trình về việc đánh thuế đối với tin nhắn trên điện thoại di động.
Hành động này được đưa ra sau khi Cơ quan Viễn thông Liên bang (FCC) tại Washington tuyên bố rằng, tin nhắn điện thoại là một dịch vụ thông tin trên mạng, chứ không phải là dịch vụ viễn thông, và do đó không phải chịu phụ phí theo luật California.
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, CPUP cho biết trước khi có phán quyết của FCC, các tin nhắn không phải là một dịch vụ được phân loại theo luật liên bang. Đề nghị đánh thuế của CPUC sẽ sử dụng phí tin nhắn để bù đắp khoản thu ngày càng giảm sút của các dịch vụ viễn thông tại các khu vực nông thôn của tiểu bang, cũng như hỗ trợ cho người dân có thu nhập thấp và người khuyết tật. CPUP đã công bố một báo cáo cho thấy lý do vì sao việc đánh thuế là cần thiết, và trích dẫn việc doanh thu ngành công nghiệp viễn thông giảm giảm gần 5 triệu Mỹ kim trong 6 năm qua.
Hiện vẫn chưa rõ theo tuyên bố trên Twitter của CPUP thì liệu ủy ban này có kế hoạch khác để để tài trợ cho các kế hoạch của họ hay không. (Mộc Miên)
Hàng ngàn giáo viên đình công,
tuần hành tại Los Angeles
Los Angeles, California – Theo tin từ hãng thông tấn AP, vào thứ Bảy (15 tháng 12), hàng ngàn giáo viên tại Học khu Los Angeles – học khu lớn thứ hai Hoa Kỳ – đã có một cuộc tuần hành ở trung tâm thành phố Los Angeles, chuẩn bị cho một cuộc đình công được dự kiến sẽ diễn ra vào tháng tới.
Các giáo viên và những người ủng hộ đã mặc áo đỏ, gõ trống và mang theo các biểu ngữ với hàng chữ “Ủng hộ giáo viên Los Angeles” khi họ đi dọc các con đường, để kêu gọi việc phê chuẩn một hợp đồng thay đổi lương giáo viên và một số yêu cầu khác.
Theo hãng thông tấn AP, Nghiệp đoàn Giáo chức ở Los Angeles đang đe dọa sẽ mở cuộc đình công đầu tiên trong vòng 30 năm qua, khi các cuộc đàm phán với Học khu Los Angeles, vốn đã kéo dài suốt 18 tháng qua, vẫn không mang lại kết quả họ mong đợi.
Hồi tháng trước, những lãnh đạo của Nghiệp đoàn Giáo chức Los Angeles (UTLA) đã bác bỏ đề nghị mới nhất của học khu, và cho đến nay, hai bên vẫn chưa đi đến một thỏa thuận nào, dù đã trải qua ba cuộc hòa giải cấp tiểu bang. Hiện tại, hợp đồng đang gặp bế tắc trong giai đoạn cuối cùng của quá trình đàm phán theo luật tiểu bang. UTLA cho rằng học khu vẫn chưa sử dụng đến khoản dự trữ tài chính khổng lồ có thể được dùng để tăng lương cho giáo viên, và cải thiện điều kiện học tập cho học sinh. Các viên chức của UTLA cũng chỉ trích kế hoạch tái tổ chức học khu bằng cách chia nhỏ học khu thành 32 khu vực. Các giáo viên cũng như nhân viên nhà trường ở Los Angeles yêu cầu sĩ số lớp học phải được thu hẹp, đồng thời gia tăng số lượng y tá trong trường để chăm sóc cho học sinh, và tăng thêm số lượng quản thủ thư viện.
Học khu Los Angeles hiện có hơn 640,000 học sinh, từ lớp 1 tới lớp 12, ở Los Angeles và khoảng 31 thành phố nhỏ hơn. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hang-ngan-giao-vien-dinh-cong-tuan-hanh-tai-los-angeles/
Xuất hiện tình tiết mới
liên quan đến cái chết của bé gái di dân 7 tuổi
El Paso, Texas – Theo tin từ đài CBS, đại diện của một trại tạm cư nơi ông Neddie Gilberto Caal Cruz – cha của bé gái di dân tử vong đang lưu trú – cho biết ông Caal Cruz không đồng ý với nhận định con gái ông không được ăn uống nhiều ngày. Ông Ruben Garcia – giám đốc kiêm nhà sáng lập trại Annunziato Center ở El Paso – cho biết thi thể bé gái Jakelin Caal Maquin sẽ được gửi về Guatemala.
Theo tuyên bố của Bộ Nội an, hai cha con ông Caal Cruz cùng một nhóm người di dân đã tìm đến chính quyền dọc biên giới New Mexico vào hôm 6 tháng 12. Tám giờ sau khi bị bắt giữ, bé Jakelin bắt đầu bị co giật và sốt lên đến 105.7 độ F, sau đó tại bệnh viện nhi đồng ở El Paso, bé Jakelin đã tử vong.
Tờ Washington Post là cơ quan truyền thông đầu tiên đưa tin về cái chết của bé Jakeline, theo đó, bé gái này đã không được ăn uống nhiều ngày. Tuy nhiên, luật sư gia đình bé Jakeline đã phản bác thông tin này. Luật sư Enrique Morneo và luật sư Elena Esparza cho biết hai cha con bé Jakelin không băng qua sa mạc, và không bị thiếu thức ăn hay nước uống.
Đài CBS cho biết chính quyền đã tiến hành khám nghiệm tử thi để xác nhận nguyên nhân cái chết.
Trả lời trên chương trình Fox and Friends hôm thứ Sáu (14 tháng 12), Bộ trưởng Bộ Nội an Kirstjen Nielsen cho biết cái chết của bé Jakelin là “ví dụ điển hình cho thấy sự nguy hiểm trong cuộc hành trình di dân.”
Theo ký giả Carter Evans của đài CBS News, hôm thứ Bảy, những người biểu tình ở biên giới El Paso đã yêu cầu điều tra cái chết của bé Jakelin. Trong chuyến thăm trại tạm giữ trẻ em di dân, Dân biểu Dân Chủ Beto O’Rourke cho biết Hoa Kỳ không chỉ quay lưng với người di dân, mà còn với truyền thống tốt đẹp nhất của đất nước. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/xuat-hien-tinh-tiet-moi-lien-quan-den-cai-chet-cua-be-gai-di-dan-7-tuoi/
Ngoại trưởng Ireland: Anh cần
‘hoãn Brexit’ nếu muốn thỏa thuận mới
Brexit có thể cần phải hoãn lại nếu như Anh đệ trình một đề xuất “hoàn toàn mới” cho việc nước này rút khỏi EU, ngoại trưởng Ireland nói.
Phát biểu với kênh truyền thông quốc gia Ireland RTÉ, ông Simon Coveney nói Anh có thể phải hủy bỏ thông báo Brexit “vào lúc này” nếu như đưa ra một đề xuất mới.
Theresa May thoát hiểm phiếu bầu tín nhiệm
Brexit: Chính phủ Anh chao đảo trong sóng gió
‘Anh có quyền đơn phương hủy Brexit’
EU đã tuyên bố không có chuyện tái đàm phán đề xuất Brexit của bà May.
Tuy nhiên, các thành viên chủ trương muốn Anh ra khỏi EU trong đảng Bảo thủ ở Anh nói rằng đề xuất của bà thủ tướng sẽ không được các dân biểu thông qua, trừ phi có những thay đổi về một số nội dung.
Bà Theresa May sẽ nói với các dân biểu Anh vào cuối ngày thứ Hai rằng việc tổ chức một kỳ trưng cầu dân ý nữa về vấn đề EU sẽ “làm đổ vỡ niềm tin của người dân”.
Các cựu thủ tướng John Major và Tony Blair nằm trong số những người thúc giục việc tổ chức kỳ trưng cầu dân ý mới nếu các dân biểu không thể thống nhất được đối với đề xuất Brexit hiện thời.
Tuy nhiên, bà May nói điều đó sẽ gây “tác hại không thể sửa chữa đối với tính toàn vẹn của nền chính trị Anh” và cũng không giúp giải quyết vấn đề.
BBC được biết một cựu thủ tướng nữa, ông David Cameron, đã cố vấn cho bà May về việc nên trao cho các dân biểu ‘vai trò to lớn hơn’ như thế nào nhằm xử lý được thế bế tắc trong vấn đề Brexit, nếu như đê xuất của bà bị các dân biểu phủ quyết.
Từ quan điểm châu Âu, Ngoại trưởng Ireland Coveney nói nếu như có một đề án mới “không nghi ngờ gì nó sẽ cần thêm rất nhiều thời gian để phía EU cân nhắc”.
“Điều đó có lẽ sẽ cần tới việc gia hạn Điều 50 hoặc rút Điều 50 lại.”
“Nhưng tôi nghĩ rằng đó sẽ là một quyết định lớn mà Anh cần phải đưa ra, và bà Theresa May đã nói rằng bà không muốn làm vậy.”
EU ‘giữ nguyên lập trường’
Ông cũng bác bỏ việc bà May đã bị các lãnh đạo EU làm cho mất mặt trong kỳ họp thượng đỉnh Hội đồng châu Âu hồi tuần trước.
Bà thủ tướng Anh đã tới Brussels để tìm kiếm các bảo đảm pháp lý trong vấn đề chốt chặn Ireland.
“Bà ấy không bị mất mặt và đó không phải là chiến thắng – EU chỉ đơn giản là giữ nguyên lập trường,” ông Coveney nói.
Bà May kêu gọi Anh chấp nhận thỏa thuận Brexit
Lãnh đạo EU đồng ý thỏa thuận Brexit
Brexit: bảng Anh sụt giá và nội các khủng hoảng
“Chúng tôi có một thỏa thuận mà bà Theressa May đã ký và chính phủ Anh cũng đã ủng hộ, chính phủ 27 nước khác cũng ủng hộ.”
“Bà May không định mở lại việc đàm phán về thỏa thuận rút lui hoặc về tuyên bố về mối quan hệ trong tương lai vốn đã được ký vài tuần trước.”
“Điều bà ấy tìm kiếm là làm rõ việc sử dụng biện pháp chốt chặn.”
Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Irland Leo Varadkar nói Anh không thể tiếp tục đòi hỏi việc xem lại thỏa thuận Brexit.
Ông bác bỏ khả năng Anh “quay lại cứ vài tuần một lần” để hỏi về các điểm khác nhau, bởi “quý vị không thể duy trì các mối quan hệ quốc tế trên cơ sở đó”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46596073
Anh : Thủ tướng May bị đe dọa thêm,
51% dân chúng giờ đây chống Brexit
Vào hôm nay, 17/12/2018, thủ tướng Anh Quốc sẽ trở lại trước Hạ Viện Anh để bảo vệ thỏa thuận Brexit mà chính quyền của bà đã đàm phán được với Liên Hiệp Châu Âu. Theo một số trích đoạn diễn văn được tiết lộ tối qua, bà Theresa May sẽ dứt khoát bác bỏ khả năng tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Lý do rất đơn giản : một cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy đa số dân Anh giờ đây sẽ phản đối việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Cách nay hơn 2 năm, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 tháng 6 năm 2016 về việc nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, phe « Đi – Leave » đã chiến thắng với 51,9% số phiếu, so với 48,1% của phe « Ở lại – Remain ».
Thế nhưng, theo một cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của viện BMG Research, được nhật báo Anh The Independant công bố hôm 15/12, có đến 51% người được hỏi xác định không muốn rời Liên Hiệp Châu Âu. Tệ hơn nữa, tỉ lệ người ủng hộ Brexit chỉ còn 41%.
Khoảng cách 10% giữa phe chống và phe ủng hộ Brexit là chênh lệch lớn nhất được ghi nhận kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016 đến nay.
Trong bối cảnh đó, rõ ràng là thủ tướng Anh Theresa May sẽ phải đối phó với những ngày cực kỳ khó khăn, đặc biệt là làm sao để thuyết phục các nghị sĩ bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận Brexit mà bà đã thương thuyết được với Bruxelles.
Trước ngày bà trở lại để giải trình vào hôm nay, Hạ Viện Anh đã tràn ngập những ý kiến khác nhau để tránh khủng hoảng.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix tường trình :
“Làm gì bây giờ ? Không chỉ có các nghị sĩ, và đây là điểm mới, mà cả một số bộ trưởng của bà Theresa May cũng bắt đầu tự hỏi là làm thế nào để phá vỡ thế bế tắc của Brexit, vào lúc mà theo nhận định chung, thỏa thuận của thủ tướng không thể được phê chuẩn nếu vẫn giữ nguyên.
Một ý tưởng thường xuyên được nêu lên trong những ngày gần đây là tổ chức một loạt những cuộc “bỏ phiếu lấy ý kiến” trong Hạ Viện, cho phép các dân biểu đề cập một cách tự do đến các phương án khác nhau. Chẳng hạn như Brexit theo mô hình Na Uy hay mô hình Canada, hoặc một Brexit không có thỏa thuận, thậm chí tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai…
Nói tóm lại, đó sẽ là các cuộc tham vấn với hy vọng tạo ra được một đa số ủng hộ một Kế hoạch B, trong bối cảnh chẳng bao lâu nữa sẽ đến ngày định mệnh 29 tháng 3, là ngày nước Anh thực sự ra khỏi khối châu Âu.
Lội ngược dòng nước đó, bà Theresa May hôm nay trở lại trước các nghị sĩ để cảnh cáo rằng bà sẽ không từ bỏ kế hoạch của mình, và các cuộc đàm phán với châu Âu sẽ tiếp tục ở Luân Đôn và Bruxelles trong tuần lễ Giáng Sinh.
Qua đến thứ Ba, bà May cũng sẽ họp nội các như mọi tuần, để chấn chỉnh tinh thần đội ngũ.
Thế nhưng thái độ cứng rắn của bà, kèm theo với việc bà suýt nữa thì bị chính đảng của mình bỏ phiếu bất tín nhiệm, cả hai yếu tố này khi uy thế của bà May bị suy yếu thêm.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181217-anh-thu-tuong-may-bi-de-doa-them-51-dan-chung-gio-day-chong-brexit
Pháp vừa “hạ nhiệt”,
biểu tình tiếp tục bùng phát ở Áo và Italy
Làn sóng biểu tình phản đối việc tăng thuế nhiên liệu đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi số người tham gia phòng trào biểu tình “Áo vàng” đã giảm mạnh vào cuối tuần thứ 5 và cũng là tuần mang tính quyết định.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, ước tính 66.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp diễn ra vào ngày 15/12, giảm tới một nửa so so với tuần trước. Tại thủ đô Paris, khoảng 2.200 người tham gia làn sóng biểu tình “Áo vàng” và hơn 8.000 cảnh sát cùng 14 xe bọc thép đã được huy động phòng ngừa nguy cơ bùng phát bạo lực. Lực lượng an ninh chống bạo động đã được triển khai quanh các nhà ga trung tâm và dọc đại lộ Champs-Elysees.
Hơn 20 xe thùng cảnh sát và một xe vòi rồng cũng được bố trí gần đó. Nhiều cửa hàng đóng cửa, nhưng một số cửa hàng lớn như Galeries Lafayette vẫn mở cửa để phục vụ khách hàng mua sắm dịp Giáng sinh. Tính đến cuối ngày 15/12, đã có 168 đối tượng bị bắt, giảm mạnh so với 1.000 người trong tuần trước.
“Độ nóng” của cuộc biểu đã giảm đáng kể khi cảnh sát đã không phải dùng nhiều đến đạn hơi cay để giải tán những kẻ quá khích. Một số đụng độ nhỏ giữa cảnh sát và người biểu tình cũng ghi nhận tại các khu vực như Bordeaux, Toulouse, Nantes, Besancon, Nancy, Saint-Etienne và Lyon. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết khoảng 69.000 nhân viên cảnh sát làm nhiệm vụ trong ngày 15/12 và cảnh sát tăng cường sự hiện diện tại các thành phố trên. Ông cho biết thêm đã có 8 người thiệt mạng liên quan đến các vụ biểu tình trong 5 tuần qua, đồng thời kêu gọi những người biểu tình ngừng phong tỏa các tuyến đường trên cả nước.
Cùng ngày, hàng nghìn người dân Italy đã xuống đường ở thủ đô Rome để biểu tình phản đối luật nhập cư và an ninh mới vốn đã được quốc hội nước này thông qua hôm 28/11. Những người biểu tình cũng mang áo vàng và dương cao các biểu ngữ với khẩu hiệu: “Hãy đứng lên vì quyền lợi của các bạn.”
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, những người biểu tình cho rằng luật mới “chống người di cư” này sẽ chỉ làm gia tăng thêm số lượng người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp ở Italy, qua đó khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Sắc lệnh trên sẽ nới lỏng các quy định về trục xuất người nhập cư, cho phép tước quyền công dân Italy của người nhập cư nếu bị buộc tội khủng bố. Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng bãi bỏ việc cấp giấy phép cư trú vì lý do nhân đạo, thay thế bằng các giấy phép cư trú theo diện “bảo vệ đặc biệt” hay “thảm họa tự nhiên ở quê hương”. Hiện Italy chỉ cấp quy chế tị nạn cho 25% số người đăng ký, thấp hơn quy định theo luật pháp quốc tế.
Trước đó, Thượng viện và Hạ viện Italy đã thông qua sắc lệnh an ninh và kiểm soát nhập cư cứng rắn, do Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini đệ trình, bất chấp sự phản đối của phe cánh tả. Trong năm 2018, đã có hơn 22.000 người di cư đến Italy, giảm hơn 80% so với năm ngoái.
Trong khi đó, cảnh sát Áo cho biết khoảng 17.000 người đã xuống đường tại thủ đô Vienna của Áo trong ngày 16/12 để tham gia một cuộc biểu tình chống chính phủ. Con số này vượt quá con số ước tính 10.000 người của các nhóm tổ chức biểu tình.
Những người tham gia biểu tình chủ yếu phản đối chính sách di cư của nhà chức trách Áo, cũng như đề nghị giảm ngày làm việc và bãi bỏ những biện pháp khắc khổ. Cuộc biểu tình đã khiến nhiều tuyến phố tại trung tâm Vienna tắc nghẽn và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của hệ thông giao thông công cộng. Tuy nhiên, không có vụ việc đáng tiếc nào xảy ra.
Cuộc biểu tình diễn ra đúng dịp kỷ niệm một năm ngày chính phủ liên minh hiện nay của Áo lên nắm quyền vào năm 2017.
Thủ tướng Pháp thông báo các biện pháp cụ thể
giải quyết khủng hoảng Áo Vàng
“10 tỉ euro” để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp trong xã hội. Thủ tướng Edouard Philippe cho biết như trên khi trả lời báo Les Echos ngày 17/12. Chính phủ gấp rút chuẩn bị một dự luật nhằm đáp ứng những đòi hỏi của những người Áo Vàng.
Phong trào xuống đường lần thứ 5 của phe Áo Vàng tại Pháp hôm 15/12/2018 có dấu hiệu thuyên giảm. Paris mong muốn nhanh chóng khép lại khủng hoảng. Nhưng từ một tuần qua chính phủ ráo riết tìm kiếm những giải pháp nhằm vừa tăng mãi lực cho một bộ phận dân chúng, vừa tuân thủ luật chơi của Liên Hiệp Châu Âu, giữ bội chi ngân sách trong năm 2019 gần với ngưỡng 3 % GDP nhất.
Về điểm thứ nhì này, thủ tướng Edouard Philippe trên báo kinh tế Les Echos cho biết, thâm hụt chi tiêu của chính phủ Pháp trong tài khóa 2019 sẽ là 3,2 %. Đây là hậu quả trực tiếp từ quyết định tăng chi tiêu công cộng, xoa dịu công luận từ đầu cuộc xuống đường của những người Áo Vàng chống sưu cao thuế nặng, chống tăng giá xăng dầu và đòi được tăng mãi lực.
Những thông báo của thủ tướng Eduard Philippe là bước kế tiếp từ sau bài diễn văn tổng thống Macron gửi tới quốc dân hôm 10/12/2018.
Đi sâu vào chi tiết : mọi người chú ý đến biện pháp tăng mức lương tối thiểu được chính phủ thông báo vào tuần qua. Thủ tướng Pháp nói rõ biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 05/02/2019, liên quan trực tiếp đến 5 triệu người lao động trên toàn quốc.
Một biện pháp thứ nhì quan trọng không kém là chính phủ sẽ miễn thuế cho những người có thu nhập thấp được phát tiền thưởng đặc biệt vào cuối năm nay. Chính phủ cũng sẽ rà soát lại biện pháp bắt dân đóng thuế GSG cho quỹ an sinh xã hội.
Paris dự trù chi ra 10 tỉ euro để tài trợ cho tất cả các biện pháp vừa nêu. Phía các doanh nghiệp bị thiệt thòi hơn cả. Một mặt chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tay để tăng thêm sức mua cho người lao động, mặt khác Paris dời lại một năm dự luật giảm thuế cho các công ty.
Dù vậy trước mắt phong trào Áo Vàng vẫn chuẩn bị “Hồi VI”, kêu gọi xuống đường vào ngày Thứ Bảy tới đây (22/12/2018)
Sụt điểm tín nhiệm
Điểm tín nhiệm của tổng thống và thủ tướng Pháp tiếp tục giảm. Theo thăm dò của viện IFOP được công bố vào hôm qua 15/12/2018, tổng thống Emmanuel Macron mât thêm hai điểm, và thủ tướng Emmanuel Macron thì mất 3 điểm tín nhiệm. Theo thứ tự, các ông Macron và Philippe chỉ còn được 23 % và 31 % dân Pháp tin tưởng.
Bóng Ném : Đội tuyển nữ của Pháp
đoạt chức Vô Địch Châu Âu
Trong trận chung kết vào hôm qua 16/12/2018 trên sân nhà ở Paris Bercy, đội tuyển bóng ném nữ của Pháp đã hạ được đối thủ Nga với tỉ số 24-21, giành được chức Vô Địch Bóng Ném Châu Âu.
Thắng lợi này lại càng vang dội hơn nữa, khi các nữ tuyển thủ Pháp đã đoạt được danh hiệu châu Âu một năm sau chiến thắng tại giải Vô Địch Thế Giới, làm nên cú đúp Châu Âu-Thế Giới, một thành tích hiếm có đội tuyển nào làm được.
Đối với các nữ tuyển thủ bóng ném Pháp, chiến thắng hôm qua còn là dịp trả hai mối hận trước các tuyển thủ Nga, đã bất ngờ đánh bại Pháp ở vòng ngoài giải Vô Địch Châu Âu năm nay, và nhất là đã đánh bại Pháp trong trận chung kết Thế Vận Hội Rio (Brazil) để đoạt chức Vô Địch Thế Vận.
Với chức Vô Địch Châu Âu trong tay, đội tuyển bóng ném nữ của Pháp đã cầm chắc chiếc vé đi dự Thế Vận Hội Tokyo 2020, nơi họ trở thành ứng viên sáng giá nhất cho chức vô địch.
Theo hãng tin Pháp AFP, thế hệ tuyển thủ bóng ném nữ của Pháp hiện nay đang viết nên một trang mới cho lịch sử bóng ném Pháp. Huy chương vàng châu Âu hôm qua là huy chương thứ tư liên tiếp mà đội tuyển bóng ném nữ giành được, sau Thế Vận Hội Rio 2016 (bạc) Euro-2016 (đồng) World Cup-2017 (vàng).
Trong lịch sử bóng ném nữ của Pháp, đây là điều chưa từng thấy. Nhìn chung, từ năm 1999 đến nay, các « nàng » bóng ném Pháp đã giành được cả thảy 10 huy chương đủ loại, trong đó có ba vàng, và đang nhanh chóng đuổi theo các tuyển thủ nam, từ năm 1992 đến nay, đã được 19 huy chương, trong đó có 11 chức vô địch.
http://vi.rfi.fr/phap/20181217-bong-nem-doi-tuyen-nu-cua-phap-doat-chuc-vo-dich-chau-au
Putin muốn chính phủ “kiểm soát” nhạc rap
Theo ông Putin, quan chức nước này nên xem xét đưa ra một giải pháp thay thế cho các biện pháp cấm đoán như hiện nay.
Ông nói: “Cấm nhạc rap là điều không thể, nên thay vì cấm thì cần dẫn dắt và định hướng nó theo một cách thích hợp.”
Tuyên bố được ông Putin đưa ra hôm 15/2, sau vụ việc ca sĩ nhạc rap nổi tiếng ở Nga là Husky bị bắt.
Trước đó, hàng loạt buổi biểu diễn của Husky đã bị chính quyền các địa phương ngăn chặn, hủy bỏ.
Sau khi tiếp tục bị hủy một buổi biểu diễn ở Krasnodar, thành phố miền nam nước Nga, Husky đã phản ứng lại với quyết định này bằng cách biểu diễn từ nóc xe hơi.
Ca sĩ Husky, tên thật là Dmitry Kuznetsov, sau đó bị bắt giữ trong 12 ngày.
Sự việc gây ra một làn sóng phản đối trong dư luận vài tháng trở lại đây, đặc biệt là giới trẻ.
Phát biểu trong cuộc họp với Hội đồng Văn hóa và Nghệ thuật tại St.Petersburg, Tổng thống Putin nói rằng đây là vấn đề cần được tiếp cận “hết sức thận trọng”.
“Cần phải tìm ra biện pháp để kiểm soát nhạc rap, thay vì không quản được là cấm”, Tổng thống Nga nói và cho biết thêm chính quyền của ông sẽ thảo luận thêm với Bộ Văn hóa về vấn đề này.
Cũng theo nhà lãnh đạo Nga, nhạc rap ở nước này hiện bị cấm đoán là bởi 3 yếu tố tiêu cực liên quan tình dục, ma túy và sự phản kháng, trong đó ma túy là vấn đề đáng lo ngại nhất, là con đường dẫn tới sự suy thoái của quốc gia.
Ông Putin cũng nói rằng ông lo lắng về ngôn ngữ xấu trong rap, đến mức ông đã nói chuyện với một nhà ngôn ngữ học về điều này.
Chuyên gia ngôn ngữ giải thích rằng chửi thề là “một phần ngôn ngữ của chúng ta”.
Đáp lại, Tổng thống Nga so sánh nó với cơ thể con người.
Ông nói đùa rằng “chúng ta sở hữu tất cả các bộ phận trên cơ thể, nhưng không phải lúc nào cũng phơi bày hết ra”.
Chính phủ Nga từ lâu đã có mối quan hệ phức tạp với nghệ thuật âm nhạc.
Dưới thời Liên Xô, dòng nhạc pop và rock du nhập từ phương Tây không được chính quyền ủng hộ, một số nhạc sĩ rock người Nga thậm chí bị khủng bố về tinh thần.
Nhạc sĩ dòng nhạc cổ điển cũng từng nhiều lần “đụng độ” với chính quyền.
Nhà soạn nhạc Dmitri Shostakovich từng 2 lần bị tố cáodưới thời nhà lãnh đạo Joseph Stalin.
https://www.bbc.com/vietnamese/46589300
Hungary : Hàng ngàn người vẫn biểu tình
chống luật “nô lệ hóa” lao động
Hơn 15.000 người đã xuống đường tại Hungary vào hôm qua, 16/12/2018, phản đối một đạo luật mới về lao động của chính quyền, bị cho là có tác dụng biến người lao động thành « nô lệ » cho giới chủ. Người biểu tình cũng phản đối xu hướng ngày thêm độc tài của thủ tướng Vicktor Orban.
Đây là cuộc biểu tình thứ tư trong một tuần lễ do đối lập cánh tả, sinh viên, tổ chức và được sự hưởng ứng của dân chúng. Tối qua một số người đã đột nhập vào đài truyền hình nhà nước, đòi cho truyền thông được độc lập.
Thông tín viên RFI, Florence La Bruyère tường thuật từ Budapest :
Laszlo, 18 tuổi, tóc chải kiểu punk, làm việc trong một cửa hàng, đã từ tỉnh lên đây để biểu tình chống luật lao động cho phép giới chủ có thể đòi nhân viên làm thêm đến 400 giờ phụ trội hàng năm.
Cậu thanh niên rất bất bình : « Ngày cuối tuần là dành cho gia đình ! Luật này buộc chúng tôi làm thêm quá nhiều giờ, chúng tôi đã làm việc quá nhiều rồi. Họ không ngừng đưa ra những luật ngu xuẩn ».
Hơn nữa giới chủ sẽ có 3 năm để trả lương cho những giờ làm thêm này.Lãnh đạo công đoànTamas Székely rất được hoan nghênh khi ông nói « Chúng ta sẽ đình công ».
Luật lao động trên tiếp nối theo những luật không mấy được lòng dân như việc bãi bỏ phiếu ăn trưa được nhà nước trợ cấp.
Cộng vào đó còn tình trạng tham nhũng làm người dân bực tức. Theo bà Emma Bugram, 68 tuổi, người Hung « nhận được nhiều tiền của Châu Âu nhưng Orban và phe đảng của ông lấy đến 1/3. Dân chúng không chịu nổi nữa, hơn nữa chính quyền gian lận ở mọi cuộc bầu cử ! ».
Con cháu của bà đã xuống đường từ 4 ngày qua, chống lại luật lao động mới và luật thiết lập những tòa án mới do chính phủ kiểm soát.
Các chính trị gia cánh tả cũng như cực hữu, sinh viên, người về hưu đã cùng nhau xuống đường. Những cuộc biểu tình phản đối cũng diễn ra ở các tỉnh.
Ả Rập Xê Út bác bỏ hai nghị quyết
“chống Riyad” của Thượng Viện Mỹ
Chính quyền Ả Rập Xê Út vào hôm qua 16/12/2018, đã lên tiếng tố cáo hai nghị quyết vừa được Thượng Viện Mỹ thông qua, về cuộc chiến tại Yemen cũng như về vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi. Đối với Riyad, đây là hành vi can thiệp vào nội bộ của vương quốc này.
Trong một tuyên bố được hãng thông tấn Ả Rập Xê Út SPA đăng tải, bộ Ngoại Giao nước này cho rằng việc Thượng Viện Mỹ đã quy trách nhiệm cho Thái tử Mohammed ben Salmane về vụ sát hại nhà báo Khashoggi là là hành động can thiệp “trắng trợn” vào công việc nội bộ của Ả Rập Xê Út, làm suy yếu “vai trò và vị thế của nước này trong khu vực và trên thế giới“.
Đối với Ả Rập Xê Út, vụ sát hại Khashoggi là một tội ác, nhưng không có liên quan gì đến chính sách của chính quyền Riyad..
Tuyên bố của bộ Ngoại Giao Ả Rập Xê Út còn bày tỏ quan ngại về lập trường của các “thành viên của một định chế lập pháp đáng kính của một nước bạn bè và đồng minh”, xác định rằng Riyad sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc tranh luận chính trị nội bộ tại Mỹ, để không ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ song phương.
Còn về quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, theo hãng Reuters, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày hôm qua 16/12 tiết lộ: Bên lề Thượng Đỉnh G20, tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan biết rằng Washington đang tiến hành thủ tục cho Ankara dẫn độ giáo sĩ Hồi Giáo Fethullah Gulen, hiện sống tại Mỹ.
Nhân vật này bị tổng thống Erdogan cáo buộc sắp đặt vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.
Kenya thay hình lãnh đạo trên tiền xu
bằng hình động vật
Kenya đã bỏ hình các tổng thống trên những đồng tiền xu mới đúc, trong nỗ lực được nước này cho là để ngăn chặn sự tự tôn của họ.
Những đồng tiền xu trước mang hình ảnh của ba nhà cầm quyền cũ của Kenya: Jomo Kenyatta, Daniel arap Moi và Mwai Kibaki.
Nhiều người Kenya từng coi đây là một nỗ lực của các nhà lãnh đạo nhằm quảng bá bản thân và cá nhân hóa đất nước.
Công dân TQ gọi tổng thống Kenya là ‘khỉ’
Nhà điều tra thị trường ngà voi bị giết ở Kenya
Những đồng tiền xu mới có đúc hình các động vật hoang dã nổi tiếng của Kenya, bao gồm sư tử, voi, hươu cao cổ và tê giác.
Tổng thống Uhuru Kenyatta – con trai của nhà lãnh đạo đầu tiên của Kenya Jomo Kenyatta – cho biết các đồng tiền mới là một “thay đổi lớn” và cho thấy “đất nước chúng ta đã đi một chặng đường dài”.
Tất cả ba tổng thống tiền nhiệm của ông Uhuru Kenyatta đều có hình họ được in trên tiền tệ của Kenya trong thời gian họ lãnh đạo đất nước.
Ông Kibaki, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2002, chấm dứt 24 năm cai trị của ông Moi, đã thất hứa trong việc không in hình ông lên tiền.
Áp lực cộng đồng lớn đã dẫn đến một hiến pháp mới, được thông qua vào năm 2010, để thiết lập dân chủ và nhân quyền. Trong đó quy định rằng tiền tệ “sẽ không mang chân dung của bất kỳ cá nhân nào”.
Ngân hàng trung ương đã đáp ứng yêu cầu này đối với tiền xu, và có khả năng làm điều tương tự khi in các tờ tiền giấy mới.
Ngân hàng cho biết sự lựa chọn đúc hình động vật trên tiền diễn tả “một Kenya mới được tái sinh và thịnh vượng”, và thể hiện sự tôn trọng đối với môi trường.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46588712
Căng thẳng với Mỹ leo thang,
TQ tân trang lại “vũ khí”
Trung Quốc sẽ tăng tốc các dự án thuộc sáng kiến Vành đai – Con đường đầy tham vọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang, báo cáo của Citi bank cho biết.
Một vài công ty Trung Quốc và các khu vực khác nhau, bao gồm khai thác khoáng sản và giao thông có lợi từ sự phát triển này, báo cáo cho hay.
Người khổng lồ châu Á đã công bố sáng kiến Vành đai – Con đường vào năm 2013, nhằm mục đích tái hiện và hiện đại hóa tuyến đường thương mại Con đường tơ lụa cổ xưa. Sáng kiến này đã trở thành chương trình mang dấu ấn đối ngoại của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Sáng kiến Vành đai – Con đường là một dự án hạ tầng tham vọng, đặt mục tiêu kết nối hơn 60 quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Phi và Trung Đông qua đường bộ và trên biển.
Nhưng sáng kiến này bị chỉ trích rộng rãi, trong bối cảnh lo ngại các khoản nợ lớn từ các dự án không còn bền vững cho các quốc gia như Sri Lanka, trong khi tại một số quốc gia khác, Vành đai – Con đường đối mặt với rủi ro bởi các thay đổi chính trị như ở Malaysia.
Trung Quốc đã đưa chương trình này thành chiến lược hàng đầu quốc gia. Bên cạnh đó, căng thẳng với Mỹ đồng nghĩa với việc Bắc Kinh chuẩn bị cách tiếp cận khác với các dự án xây dựng để mở rộng ảnh hưởng với các quốc gia thành viên của sáng kiến.
Trung Quốc sẽ tăng các khoản vay và rút ngắn quy trình thông qua dự án để đẩy nhanh tốc độ xây dựng hạ tầng, làm đa dạng hoạt động kinh tế và thương mại.
“Chúng tôi tin rằng, Vành đai – Con đường sẽ làm lợi cho lĩnh vực đường sắt, bởi Trung Quốc có lợi thế toàn cầu về mặt kỹ thuật và chi phí trong xây dựng đường sắt. Đồng thời, việc xây dựng các nhà máy điện, cơ sở viễn thông và cảng biển cũng tăng lên”, báo cáo của Citi nói.
Một số công ty Trung Quốc hưởng lợi từ BRI, bản báo cáo viết, dẫn ra ví dụ của Công ty đường sắt Trung Quốc và Công ty xây dựng đường sắt.
Theo Citi bank, cơ hội cho các lĩnh vực hàng hóa, khoáng sản, giao thông và hậu cần cũng như tài chính được nhìn thấy trong ngắn hạn.
Trong một báo cáo khác đánh giá tiến triển của Vành đai – Con đường sau 5 năm đầu tiên, Citi bank cho hay, Trung Quốc có thể thúc đẩy sáng kiến này sang phiên bản “tử tế hơn, dịu dàng hơn” để có thể xoa dịu các chỉ trích.
Nhưng bất chấp việc có thể thay đổi về mặt hình thức, Vành đai – Con đường sẽ không biến mất, Citi bank lưu ý.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25330-cang-thang-voi-my-leo-thang-tq-tan-trang-lai-vu-khi.html
Vận may không còn mỉm cười với TQ,
tổn thất từ chiến tranh thương mại hiện hữu
Tổn thất đối với nền kinh tế Trung Quốc do chiến tranh thương mại với Mỹ là không thể bù đắp ngay lập tức, kể cả khi một thoả thuận với tổng thống Trump được đưa ra, các kinh tế gia tại Citigroup cho biết.
“Made in China 2025” đặt mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc về sản xuất tiên tiến trong vòng một thập kỷ.
Đó là bởi cuộc chiến thuế quan đang làm giảm chi phí lao động của Trung Quốc vào thời điểm thị trường việc làm phải chịu nhiều áp lực, trưởng nhóm các kinh tế gia – Liu Li-Gang, cho biết trong báo cáo về triển vọng kinh tế năm 2019. Cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể khiến lượng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc giảm xuống gần một nửa, khiến khoảng 4,4 triệu việc làm đối mặt với rủi ro.
“Thực tế là Trung Quốc đang mất dần một số khả năng cạnh tranh về chi phí, đặc biệt là trong các lĩnh vực cần nhiều lao động và giá trị gia tăng thấp”, theo bản báo cáo. “Dù việc thay đổi chuỗi cung ứng là không khả thi trong thời điểm hiện tại, nhưng các nhà sản xuất có thể nghiêm túc cân nhắc về việc rời khỏi Trung Quốc nếu thuế quan trừng phạt kéo dài hơn dự kiến.”
Ngay cả khi các dấu hiệu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đang dần giảm nhiệt, dự đoán cơ bản của Citi vẫn là thuế quan bổ sung ở mức 15% sẽ áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sau ngày 1 tháng 3 tới. Bởi 90 ngày là không đủ để giải quyết “những khác biệt lớn” giữa hai nước về các vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, các hành vi xâm nhập và ăn cắp công nghệ được các doanh nghiệp nhà nước hậu thuẫn.
Các nhà kinh tế học dự đoán cuộc chiến thương mại sẽ khiến tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc giảm xuống gần một nửa, xuống còn 5,1% vào năm tới. Mức thuế 25% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến xuất khẩu nước này giảm 5,6 điểm phần trăm, tăng trưởng GDP là 1,04 điểm phần trăm.
Đó là bởi hơn một nửa hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc đều đi tới Mỹ, tương đương với khoảng 127,1 tỷ USD hàng hoá, có thể được thay thế bằng hàng hoá từ các quốc gia khác. Điều này dẫn đến lượng hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm sút, Liu giải thích.
Liu cho biết, có những dấu hiệu đáng lo ngại đã xuất hiện, thể hiện ở các chỉ số dẫn đầu về thị trường việc làm, chẳng hạn như chỉ số việc làm PMI có tình trạng ngày càng tồi tệ, số người yêu cầu trợ cấp thất nghiệp đã gia tăng và tâm lý về hiện tại, tương lai về việc làm của các hộ gia đình tại thành thị cũng đã giảm.
Tuy nhiên, nhìn về tương lai, Liu cho rằng cuộc chiến thương mại sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng, mở cửa nền kinh tế và thị trường vốn Trung Quốc trong thời gian dài, vượt qua tổn thất về ngắn hạn. Ông chỉ ra lý do là cải cách quyền sở hữu đất ở các vùng nông thôn của đất nước đã trở nên cấp bách hơn chiến tranh thương mại.
“Chúng tôi tin rằng sự cải cách này có thể là chính sách hiệu quả nhất để giảm tác động “cú sốc” chiến tranh thương mại cho nền kinh tế Trung Quốc, bởi nó có khả năng mang lại hiệu quả tài sản với 20,6 nghìn tỷ USD cho các gia đình ở nông thôn”, các kinh tế gia cho hay. Liu cho rằng việc thúc đẩy tiêu dùng ở khu vực nông thôn, đặc biệt là mua ô tô, có thể sẽ cực kỳ hiệu quả để bù đắp cho lượng xuất khẩu sang Mỹ bị mất.”
Vì sao TQ nắn gân Canada?
Đáp trả vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, Trung Quốc nhằm vào Canada chứ không phải Mỹ, dù Mỹ mới là nước yêu cầu bắt giữ và dẫn độ.
Bất đồng giữa Canada và Trung Quốc tiếp tục leo thang sau khi Bắc Kinh bắt giữ 2 công dân Canada trong tuần vừa qua và cảnh báo sẽ tiếp tục “đáp trả” nếu Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu không được thả.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng, Canada chỉ tuân thủ “quy tắc pháp luật” khi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ ở sân bay quốc tế Vancouver ngày 1/12 theo yêu cầu của Mỹ – nước cáo buộc bà này vi phạm các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Tuy nhiên Trung Quốc đáp trả nhằm vào Canada chứ không phải nhằm vào Mỹ.
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu khiến nhiều quan chức Trung Quốc nổi giận, họ nhanh chóng lên tiếng chỉ trích Canada và dọa sẽ có “những hậu quả thảm khốc” nếu bà Mạnh không được thả. Và thực sự Trung Quốc đã đáp trả.
Doanh nhân Canada Michael Spavor và cựu nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig bị bắt giam ở Trung Quốc ngày 10/12 với cáo buộc “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.
Peter Navarro, cố vấn chính sách thương mại Nhà Trắng, phát biểu trên Fox Busines Network ngày 13/12 rằng, vụ Huawei là lý do khiến công dân Canada bị bắt. Khi được hỏi liệu các vụ bắt giữ có liên quan với nhau hay không, ông Navarro đáp: “Tất nhiên là có. Đó là chiêu bài của Trung Quốc”.
Nelson Wiseman, một giáo sư chính trị tại Đại học Toronto cũng nói rằng, thực tế Trung Quốc sẽ đáp trả Canada chứ không phải Mỹ, dù Mỹ mới là nước yêu cầu bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu. Điều này cho thấy đây là một động cơ chính trị. “Trung Quốc có thể dễ dàng bắt giữ lãnh đạo doanh nghiệp hay nhà ngoại giao Mỹ, họ có thể làm cả 2 điều đó. Nhưng họ không làm như vậy”.
Vì sao Trung Quốc bắt bí Canada?
Giáo sư Charles Burton thuộc đại học Brock, đồng thời là cựu nhà ngoại giao Canada ở Trung Quốc tin rằng Trung Quốc bắt giữ công dân Canada để gửi tới Canada một lời cảnh báo về vụ bà Mạnh Vãn Chu.
Ông nói rằng “thời điểm” vụ bắt giữ các công dân Canada dường như là hành động thực tế cho tuyên bố “hậu quả thảm khốc” mà chính quyền Trung Quốc đã cảnh báo trước đó. Lý do là bởi bà Mạnh không đơn thuần chủ là một Giám đốc tài chính của Huawei, mà bà còn được nhắc đến như “công chúa công nghệ” của Trung Quốc và cũng là thành viên cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với cha bà (ông Nhậm Chính Phi).
Theo Giáo sư Burton, bà Mạnh là người có nhiều mối liên hệ và Trung Quốc sẽ “gây áp lực hết sức” để đảm bảo bà được thả.
Một trong những cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc cũng cho biết, ông không nghi ngờ vụ bắt giữ công dân Canada Spavor và Kovrig là nhằm đáp trả vụ Huawei. “Tôi có thể nói rằng, dựa vào 13 năm kinh nghiệm ở Trung Quốc, đó không phải là sự trùng hợp. Trung Quốc muốn gửi tới Canada một thông điệp”.
Vì sao là Canada mà không phải Mỹ?
Trung Quốc dường như “nhẹ tay” hơn nhiều đối với Mỹ. Ngày 9/12, Trung Quốc đã triệu Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh tới để “phản đối mạnh mẽ” vụ bắt bà Mạnh Vãn Chu. Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ rút lại lệnh bắt bà Mạnh, nhưng lại không hề dọa về “hậu quả thảm khốc” như đã làm đối với Canada.
Theo Giáo sư Đại học Toronto, ông Wiseman, cách hành động nhằm vào Canada thay vì Mỹ của Trung Quốc tóm gọn trong vấn đề kinh tế. “Trọng tâm là nhằm vào Canada chứ không phải Mỹ, vì Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với Mỹ – điều có lợi hơn đối với Trung Quốc”, ông nói.
Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý 90 ngày đình chiến thương mại. Vụ bắt giữ Giám đốc Mạnh Vãn Chu dấy lên lo ngại đàm phán thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ bị chệch hướng. Tuy nhiên, ngày 11/12, Trung Quốc tuyên bố, các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ vẫn đang diễn ra.
Thương mại với Canada chỉ là “số lẻ” đối với Trung Quốc so với những gì mà nước này xuất khẩu sang Mỹ. Và chính Mỹ mới là nước đang áp thuế bổ sung với Trung Quốc.
Năm 2016, Trung Quốc xuất khẩu hơn 48 tỷ USD sang Canada, và nhập khẩu 15 tỷ USD từ Canada. Trong khi đó, cũng năm 2016, Trung Quốc xuất khẩu 481 tỷ USD sang Mỹ và nhập khẩu 115 tỷ USD từ Mỹ.
Do sự phụ thuộc của Trung Quốc là vào Mỹ, Canada dường như bị biến thành “con tốt thí mạng”.
Liệu Canada có chao đảo vì áp lực của Trung Quốc?
Stephanie Carvin, chuyên gia về an ninh quốc gia và giáo sư đại học Carleton nói rằng, Trung Quốc đã từng bắt giữ công dân Canada trước đây và đó lại là một động cơ chính trị khác.
“Người ta cho rằng gia đình Garrett, người bị bắt giữ vài năm trước, là nhằm đáp trả cho vụ một cá nhân Trung Quốc ở British Columbia bị dẫn độ sang Mỹ vì hoạt động gián điệp”, bà Carvin nói.
Năm 2014, vợ chồng Kevin và Julia Garratt, chủ một cửa hàng cafe ở Trung Quốc, bị bắt với cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp. Julia được thả năm 2015 trong khi Kevin bị giam 2 năm.
Theo bà Carvin, Trung Quốc tin rằn vụ bắt giữ cựu nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig sẽ giúp ích trong trường hợp vụ Huawei.
Canada nhiều lần nói rằng, vụ bắt giữ Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu không phải là động thái chính trị và đơn thuần là tuân thủ luật pháp quốc tế về dẫn độ – một yêu cầu từ giới hành pháp Mỹ.
Roland Paris, một cựu cố vấn chính sách ngoại giao cho Thủ tướng Canada Justin Trudeau, nói rằng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm buộc Canada phải nhượng bộ có thể sẽ không có tác dụng. “Họ sẽ không thuyết phục được chính phủ Canada. Các thẩm phán mới là người quyết định”
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25317-vi-sao-tq-nan-gan-canada.html
Doanh nghiệp bắt đầu chuyển khỏi TQ:
Việt Nam lợi gì?
Ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt thuế quan của Mỹ.
Theo Nikkei, cùng với Bangladesh, Việt Nam là một trong những địa điểm được nhiều công ty may mặc Mỹ lựa chọn để chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trung Quốc là nước xuất khẩu các sản phẩm dệt may lớn nhất thế giới. Năm 2017, tổng giá trị hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc đạt 158,4 tỷ USD, tương đương hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn cầu.
Thế nhưng, tỷ lệ trên đã giảm đáng kể nếu so với con số 40% ở thời điểm đầu những năm 2000. Nguyên nhân là các công ty dệt may trên thế giới đang dần chuyển sang những nước láng giềng có chi phí lao động thấp hơn.
Bangladesh là một trong những lựa chọn thay thế. Bangladesh đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu hàng dệt may với 6,4% thị phần. Việt Nam đứng thứ 3 với 5,8% thị phần. Thù lao người lao động tại Việt Nam chưa bằng một nửa so với mức lương người lao động tại nhiều thành phố như Thượng Hải hay Quảng Châu. Mức lương người lao động tại Bangladesh còn thấp hơn.
Nhiều công ty may mặc Mỹ đang đa dạng hóa nhà cung cấp, giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Đến cuối quý III/2018, xuất khẩu dệt may của Bangladesh sang Mỹ đã tăng 14%.
Còn theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2018 ước tính đạt kỷ lục mới – 36 tỷ USD. Xuất khẩu dệt may chiếm khoảng hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Xu thế này sẽ còn dâng cao hơn nữa khi mà các công ty Mỹ tiếp tục chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại lên cao.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump chưa tăng thuế với hàng dệt may, nhưng kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra bởi Mỹ đã phát đi tín hiệu.
Đại diện một công ty vận tải tại Việt Nam nói: “Ngay cả những công ty trước đây từng ngại ngần nay cũng đang tính chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc”.
Trước đó, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cũng dự báo, không loại trừ khả năng các nhà sản xuất nước ngoài, trong đó phần nhiều là các doanh nghiệp Trung Quốc, sẽ thiết lập chuỗi sản xuất từ sợi – vải – may mặc tại Việt Nam, để tránh ảnh hưởng từ đòn trừng phạt thương mại của Mỹ.
Trong trường hợp này, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam không được hưởng lợi nhiều, bởi hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ có thế mạnh và kinh nghiệm về khâu may. Hiện nguồn nguyên liệu phục vụ ngành dệt may Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu, một phần lớn nhập từ Trung Quốc.
Xu hướng chuyển dịch nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác có chi phí rẻ hơn ngày càng trở nên rõ rệt kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra.
Không chỉ dệt may, trong lĩnh vực công nghệ cao, Samsung cũng vừa quyết định đóng cửa một nhà máy sản xuất tại Trung Quốc trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất gặp khó khăn ở thị trường tỷ dân này.
Theo báo cáo của Counterpoint Research, lượng iPhone của Apple bán ra chiếm 9% trong số 100 triệu máy của quý III/2018, trong khi Samsung chỉ có 1%.
Đây là lý do mà “gã khổng lồ công nghệ” Hàn Quốc quyết định đóng cửa một trong hai nhà máy sản xuất điện thoại tại Trung Quốc.
Nhà máy sắp đóng cửa đặt tại Thiên Tân, thành phố đông dân thứ 11 thế giới. Nhà máy hiện hoạt động với 2.600 nhân viên, tất cả sẽ nhận được bồi thường sau khi đóng cửa hoặc chuyển sang nhà máy khác của Samsung.
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ được đánh giá là nơi có nguồn lao động rẻ hơn và điện thoại Samsung được sử dụng phổ biến.
Trong khi đó, các nhà cung cấp linh kiện cho Apple cũng đang lên kế hoạch di chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc trong trường hợp thuế nhập khẩu tăng cao.
Hiện nay, hầu hết iPhone được lắp ráp bởi hai công ty Foxconn hoặc Pegatron tại các nhà máy đặt ở Thâm Quyến và Thượng Hải, Trung Quốc.
Ngày 4/12, trang 9to5mac đã đưa tin Foxconn, đối tác gia công các sản phẩm iPhone lớn nhất của Apple đang xem xét xây dựng một nhà máy tại Việt Nam để hạn chế sự ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.
Reuters cũng cho biết Tập đoàn Foxconn và UBND TP Hà Nội đang thảo luận về việc xây dựng một cơ sở sản xuất iPhone tại Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin này chưa rõ ràng.
Việc xây dựng nhà máy lắp ráp iPhone tại Việt Nam có thể giúp Foxconn tránh được thuế nhập khẩu này và giữ chân Apple không quay sang các nhà sản xuất khác để giảm chi phí.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng chỉ rõ, nếu có dịch chuyển nhà máy sản xuất iPhone sang Việt Nam thì cũng là dịch chuyển khâu lắp ráp, nghĩa là phía Việt Nam vẫn chỉ làm gia công, giải quyết được chút công ăn việc làm cho người lao động.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25301-doanh-nghiep-bat-dau-chuyen-khoi-tq-viet-nam-loi-gi.html
Liệu Hoa Vi có thể sống sót ?
The Economist tuần này đã đặt ra câu hỏi : « Liệu Hoa Vi có thể sống sót sau một loạt những biện pháp hạn chế hoặc cấm đoán từ Hoa Kỳ và một số nước khác hay không ? »
Rúng động vì vụ bắt Mạnh Vãn Châu
Bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) không tìm kiếm sự nổi tiếng. Là con gái của Nhậm Chính Phi ((Ren Zhengfei), người sáng lập Hoa Vi (Huawei), một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, bà bắt đầu bằng công việc thư ký, và 25 năm sau mới giữ chức giám đốc tài chính. Nếu các doanh nhân giàu có thường là những ngôi sao, thì bà Mạnh khá lặng lẽ.
Nhưng đến ngày 05/12/2018, mọi cái nhìn đều tập trung vào bà. Cảnh sát Canada cho biết Mạnh Vãn Châu đã bị bắt trước đó bốn ngày ở Vancouver khi định đi Mêhi cô. Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ, do cáo buộc đã giấu nhẹm việc một chi nhánh của Hoa Vi buôn bán với Iran, vi phạm cấm vận của Washington. Ngày 11/12/2018, tòa án Vancouver cho phép Mạnh Vãn Châu được tại ngoại, buộc đeo vòng điện tử.
Trung Quốc đòi thả ngay bà Mạnh, đe dọa « hậu quả nghiêm trọng » đối với Canada. Cả thủ tướng Canada Justin Trudeau và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đều nhấn mạnh vụ bắt giữ bà Mạnh chỉ đơn thuần là vấn đề của tư pháp, là một phần của cuộc điều tra về Hoa Vi và các đối tác từ nhiều năm qua. Tuy nhiên tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm phương hại đến nỗ lực của ông Lighthizer khi tuyên bố hôm 11/12 là ông có thể can thiệp (được cho là có lợi cho bà Mạnh), nếu việc này góp phần tạo thuận lợi cho cuộc thương lượng về thương mại Mỹ-Trung.
Hoa Vi, chìa khóa của « Made in China 2025 » gây lo sợ
Từ lâu Hoa Vi vẫn gây nhiều quan ngại. Hoa Vi nhanh chóng lớn mạnh, từ một nhà sản xuất hàng điện tử giá rẻ, trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Doanh số bán từ 93,8 tỉ nhân dân tệ (12,8 tỉ đô la) năm 2007, nay đã lên đến 603 tỉ nhân dân tệ, đứng ngang hàng với những tên tuổi lớn như IBM và Microsoft. Mới đây Hoa Vi đã qua mặt Apple, trở thành tập đoàn bán điện thoại thông minh thứ nhì thế giới.
Với mục tiêu thống trị thị trường thông qua việc cung cấp thiết bị cho các công ty viễn thông cần thiết lập mạng điện thoại thế hệ thứ năm (5G), Hoa Vi là chìa khóa của kế hoạch « Made in China 2025 ». Do tham vọng của mình, Hoa Vi nay là trung tâm quan ngại của phương Tây, liên quan đến an ninh quốc gia và trọng lượng kinh tế của Trung Quốc.
Hoa lục là thị trường lớn nhất của Hoa Vi, chiếm phân nửa thu nhập. Hoa Vi cũng rất thành công khi vươn ra nước ngoài, ký kết nhiều hợp đồng cơ sở hạ tầng cho các mạng lưới, từ Đan Mạch cho đến Ấn Độ ; và chiếm được thị phần của các công ty lâu đời hơn như Ericsson của Thụy Điển, Nokia của Phần Lan.
Khi những luồng dữ liệu ngày càng được lưu thông nhiều hơn qua các mạng lưới của Hoa Vi, cái tên Hoa Vi hiện diện khắp nơi, thì các chính phủ bắt đầu lo lắng. Ngay sau khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt, ông Andrus Ansip, một viên chức Ủy ban Châu Âu nói rằng người ta có lý khi quan ngại về tập đoàn Trung Quốc. Ông cảnh báo khả năng các mã độc được cài trong thiết bị của Hoa Vi có thể chuyển thông tin về Bắc Kinh, và ngay cả việc mở ngõ vào cho tin tặc nhà nước.
Đồng minh của Mỹ ngại ngần
Một số nước đặc biệt là đồng minh của Mỹ, sau đó tỏ ra ngần ngại. Úc cấm Hoa Vi bán thiết bị cho các công ty trong nước, Đài Loan cũng thế. Trước khi bà Mạnh bị bắt, New Zealand cũng đã cấm công ty Spark mua thiết bị 5G của Hoa Vi vì lý do an ninh quốc gia. Vài ngày sau đó, Nhật loan báo chính sách mới, dường như đưa ra để ngăn chận Hoa Vi và ZTE hoạt động tại xứ phù tang.
Hoa Vi bác bỏ những cáo buộc, nói rằng không có bằng cớ gì. Vincent Pang, giám đốc chi nhánh Hoa Vi ở Tây Âu biện minh là tập đoàn Trung Quốc có mặt ở 170 nước không hề dọ thám khách hàng. Tuy nhiên vẫn không thể trấn an được các nước, do ông Nhậm Chính Phi xuất thân từ quân đội Trung Quốc, và luật pháp Trung Quốc buộc các công ty tư nhân phải hỗ trợ Nhà nước khi được yêu cầu.
Như Edward Snowden đã tiết lộ năm 2013, các tình báo viên Mỹ đã chỉnh sửa những sản phẩm công nghệ để nghe lén mục tiêu theo dõi, thì không có lý do gì mà các đồng nghiệp Trung Quốc lại không sử dụng chiến thuật tương tự.
Vụ bà Mạnh Vãn Châu bị bắt ảnh hưởng đến Hoa Vi như thế nào, còn tùy thuộc vào phản ứng của các nước. Nhưng các quyết định quan trọng nhất là từ Hoa Kỳ, nơi mà nghi ngờ đối với tập đoàn này hết sức lớn. Washington gây áp lực lên các đồng minh, đặc biệt tại châu Âu – thị trường lớn thứ nhì của Hoa Vi – để cấm đoán hoặc hạn chế tập đoàn viễn thông Trung Quốc.
Hoa Vi sẽ có cùng số phận với ZTE ?
Theo ông Shaun Collins, công ty tư vấn CCS Insight, thì đây là một vố rất đau cho Hoa Vi nhưng chưa đến nỗi làm công ty này phải phá sản. Các thị trường khác vẫn có triển vọng, nhất là Hoa lục : Trung Quốc có thể là thị trường lớn nhất và phát triển nhanh nhất đối với 5G trong những năm tới.
Nhưng còn có những khả năng khác nữa. Tương tự như trường hợp bà Mạnh, năm 2017 một tập đoàn khác của Trung Quốc là ZTE cũng bị cáo buộc là vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran. Tháng Tư năm ngoái, các công ty Mỹ bị cấm bán thiết bị cho ZTE, khiến tập đoàn này có nguy cơ phá sản vì phải sử dụng chip điện tử và phần mềm của Mỹ. Nhờ sự can thiệp của tổng thống Donald Trump – một động thái ưu ái cho Tập Cận Bình – mà ZTE mới có thể tồn tại. Trong báo cáo mới nhất, ZTE cho biết bị thiệt mất 7,2 tỉ nhân dân tệ trong năm, so với năm trước đó lợi nhuận đạt được 4,6 tỉ nhân dân tệ.
Một số chính khách Mỹ, trong đó có ông Mark Warner, phó chủ tịch (Dân Chủ) Ủy ban Tình báo Thượng Viện, cho rằng các biện pháp tương tự cần được áp dụng với Hoa Vi.
Nếu điều này xảy ra, Hoa Vi sẽ bị tê liệt, mặc dù chính quyền Trung Quốc hay các ngân hàng quốc doanh vẫn có thể rót thêm vốn nếu cần thiết.
Lệ thuộc vào công nghệ Mỹ
Cũng giống như ZTE, Hoa Vi lệ thuộc vào các thiết bị của Mỹ, như hệ điều hành Android của Google và chip điện tử của Qualcomm.
Trong báo cáo mới đây, ngân hàng Jefferies cho biết Hoa Vi không thể tự sản xuất điện thoại thông minh hay các trạm thu phát sóng điện thoại di động, nếu không có các sản phẩm Mỹ. Cũng như nhiều công ty công nghệ khác, Hoa Vi phải dựa rất nhiều vào những con chip được thiết kế theo giấy phép của ARM, một công ty Anh thuộc quyền sở hữu của SoftBank, một công ty Nhật. SoftBank nay đang có kế hoạch gỡ bỏ một số thiết bị Hoa Vi khỏi mạng lưới của mình.
Hồi tháng 11, Hoa Vi đã tổ chức lễ trao giải thưởng cho 92 nhà cung cấp hàng đầu, trong đó có 33 nhà cung cấp Mỹ. Intel (sản xuất chip vi xử lý, Mỹ) và NXP (sản xuất chất bán dẫn, Hà Lan được tặng bằng danh dự để đánh dấu một thập kỷ cùng làm việc. Trông cậy vào sự hợp tác trong quá khứ, ông Pang tỏ ra lạc quan là cơn bão sẽ đi qua.
Tuy nhiên mới đây tập đoàn Orange của Pháp loan báo sẽ không mời Hoa Vi tham gia thiết lập mạng lưới 5G, và Deutsche Telekom, tập đoàn điện thoại lớn nhất nước Đức cũng cho biết sẽ xem xét lại các nhà cung cấp, vì « hết sức quan tâm đến cuộc tranh luận trên thế giới về tính an toàn của các thiết bị Trung Quốc ».
Xem ra số phận của Hoa Vi khá mong manh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181217-lieu-hoa-vi-co-the-song-sot
Tuyên bố đả hổ thành công mỹ mãn, TQ ý gì?
Giới phân tích Trung Quốc chỉ ra những vấn đề sau tuyên bố của Chủ tịch Tập về việc chiến thắng áp đảo trong chiến dịch đả hổ diệt ruồi.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, tại một cuộc họp của Bộ Chính trị hôm 14/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, hiện cuộc chiến chống tham nhũng đã giành được “chiến thắng áp đảo”.
Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết tiến hành chiến dịch chống tham nhũng ở tất cả các cấp, từ “những con hổ” ở cấp cao cho tới “những con ruồi” ở cấp thấp.
Trong cuộc họp các quan chức lãnh đạo đảng cấp cao vào tháng 11/2017, ông Tập Cận Bình từng tuyên bố, chiến dịch chống tham nhũng của ông đã đạt được “đà áp đảo”.
CCTV nhận định, sự thay đổi từ “đà” sang “chiến thắng” phản ánh một sự thay đổi quan trọng trong đánh giá của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc về cuộc chiến chống tham nhũng.
Trong khi đó, SCMP dẫn thống kê cho biết, hơn 1,3 triệu quan chức trong đảng ở các cấp độ khác nhau đã bị bắt giữ và xét xử trong chiến dịch, từ những người đầy quyền lực được coi là “hổ” cho đến những người ở vị trí thấp hơn ở hạng “ruồi”, kể từ khi chiến dịch này được bắt đầu vào cuối năm 2012.
Cũng theo tờ SCMP, tuyên bố của Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 14/12 đã khiến giới quan sát khá bất ngờ, mặc dù cơ quan này không nêu rõ các tiêu chí cụ thể đánh giá mức độ thành công của chiến dịch.
Zhuang Deshui, một chuyên gia về quản trị trong sạch tại Đại học Bắc Kinh cho rằng, cụm từ “chiến thắng áp đảo” không có nghĩa là chiến dịch chống tham nhũng đã hoàn thành và nó cũng không phải là chiến thắng cuối cùng.
“Mọi thứ mới đạt được 60% quá trình. Sẽ có những cụm từ mới để mô tả những mục tiêu mới được đề ra”, ông Zhuang Deshui nói.
Tân Hoa xã nhận định việc thay đổi “trên đà áp đảo” sang “chiến thắng áp đảo” có nghĩa là cuộc chiến chống tham nhũng đã thay đổi trọng tâm, từ số lượng sang chất lượng.
Hãng thông tấn này mô tả việc thành lập Uỷ ban Giám sát Quốc gia và các nhánh của cơ quan này vào hồi tháng ba là một cột mốc trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Cơ quan mới này sẽ mở rộng tầm kiểm soát từ 90 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc đến tất cả những người làm việc trong lĩnh vực nhà nước, bao gồm cả những người không phải là đảng viên làm việc cho các bệnh viện và trường học công lập.
Phó giáo sư Jiangnan Zhu của Đại học Hồng Kông, người nghiên cứu về tham nhũng, cho biết tuyên bố này về cơ bản là để báo hiệu sự chấm dứt của cuộc chiến chống tham nhũng theo kiểu chiến dịch chuyên sâu.
“Nhà chức trách Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các biện pháp thể chế của Ủy ban giám sát quốc gia để chống tham nhũng trong tương lai để duy trì kết quả từ việc thực thi chuyên sâu trước đây”, bà nói.
Cũng trong tuần qua, Bộ Chính trị Trung Quốc đã có phiên thảo luận nhóm để tái cơ cấu lại uỷ ban này, Chủ tịch Tập kêu gọi kỷ luật đảng cần phải được kết hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan hành pháp để đẩy mạnh việc “thể chế hoá theo luật và tiêu chuẩn hoá” động lực chống tham nhũng.
Mặc dù Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục với cường độ không hề suy giảm, nhiều nhà quan sát cho rằng sự thay đổi về câu từ thể hiện sự chuyển dịch ưu tiên của đảng.
Kinh tế năm tới
Trong cùng một tuyên bố sau cuộc họp ngày 14/12, Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết đã thảo luận về triển vọng kinh tế của đất nước trong năm tới, rằng Bắc Kinh sẽ cố gắng phát triển một thị trường mạnh mẽ, để giúp bù đắp những bất ổn bên ngoài.
Tăng trưởng của Trung Quốc vào quý IV/2018 được dự báo có thể thấp hơn cả quý III/2018 (6,5%) trong bối cảnh đang diễn ra cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Ding Xueliang nhà khoa học chính trị tại Đại học Khoa học Công nghệ Hong Kong cho rằng các vấn đề kinh tế và tài chính của Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn do cuộc chiến thương mại với Mỹ, và điều đó chiếm sự quan tâm lớn nhất vào lúc này.
Ông Ding cho rằng: “Cách dùng từ khác đi thể hiện sự thay đổi rất quan trọng. Trước đây, chiến đấu chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu của đảng. Nhưng bây giờ nó không còn là ưu tiên số một nữa”.
Ông Ding cũng nhận định: “Điều này không có nghĩa là chống tham nhũng sẽ bị loại khỏi danh sách những việc cần làm, nhưng những vấn đề về kinh tế và tài chính trở nên quan trọng hơn rất nhiều”.
Các chuyên gia khác thì cho rằng tuyên bố này của Bộ Chính trị là một cách để Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện những thành tựu chính trị trong bối cảnh tình hình kinh tế có dấu hiệu sa sút.
Zhang Lifan,một nhà bình luận chính trị ở Bắc Kinh nhận định rằng, đang có nhiều câu hỏi về khả năng lãnh đạo của chủ tịch Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm và việc nhấn mạnh sự thành công của kế hoạch chống tham nhũng gắn liền với tên tuổi ông Tập là một cách để khẳng định khả năng lãnh đạo.
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình được coi là một bước ngoặt trong một triển lãm tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa đất nước.
Li Ling, người giảng dạy chính trị và luật pháp Trung Quốc tại Đại học Vienna, cho biết việc Trung Quốc tuyên bố “chiến thắng áp đảo” trong chiến dịch đả hổ diệt ruồi cũng có thể là một phần của sự chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước CHND Trung Quốc vào năm sau.
“Đánh dấu kỷ niệm bằng một chiến thắng trong cuộc chiến chống tham nhũng lâu dài và khó khăn sẽ giúp tạo hình ảnh một chính phủ biết cách quản lý dưới sự chỉ đạo của ông Tập và cũng giúp cải thiện hình ảnh nhà nước”, bà Li Ling nói.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25302-tuyen-bo-da-ho-thanh-cong-my-man-tq-y-gi.html
TQ: 4 phụ nữ cạo đầu,
phản đối chính quyền ‘bức hại’ chồng
Bốn phu nhân của các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nhất của Trung Quốc đã xuống tóc, cạo đầu hôm 17/12 để phản đối việc chính quyền “bức hại” các ông chồng, theo Reuters.
Vào ngày 9/7/2015, các ông chồng của bốn bà đã bị bắt giam trong một cuộc truy quét, bắt bớ hàng loạt luật sư trên toàn quốc, được biết là đợt truy quét 709.
Tại một khu căn hộ ở Bắc Kinh hôm 17/12, bốn bà đã cắt tóc, cạo trọc đầu trước sự chứng kiến hàng xóm và các nhà báo nước ngoài.
Các bà thay phiên cạo đầu cho nhau, bỏ tóc vào các chiếc hộp cùng với bức hình của chồng mình, và sau đó tiến đến Tòa án Nhân dân Tối cao để khiếu kiện việc bắt bớ các ông chồng.
Bà Lý Văn Túc (Li Wenzu), nói rằng bà vẫn chưa được gặp chồng, luật sư nhân quyền Vương Toàn Cách (Wang Quanzhang), kể từ khi ông mất tích trong cuộc truy quét năm 2015. Bà nói với các phóng viên rằng bà cạo đầu để phản đối việc chồng bà bị bắt giam.
Bà Lý cho biết các thẩm phán đã trì hoãn các thủ tục xét xử ông Vương một cách bất hợp pháp và ngăn cản không cho bà chỉ định luật sư bào chữa.
Luật sư Vương Toàn Cách đang bị giam giữ ở tỉnh Thiên Tân vì bị tình nghi lật đổ chính quyền, nhưng cả bà Lý và bảy luật sư mà bà đã chỉ định vẫn chưa được gặp ông.
“Chúng tôi có thể không có tóc, nhưng quý vị không thể không tuân thủ luật pháp,” các bà tuyên bố vào cuối buổi lễ xuống tóc.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-4-phu-nu-cao-dau-phan-doi-chinh-quyen-buc-hai-chong/4703967.html
61% người Nhật ủng hộ cấm thiết bị viễn thông
do công ty TQ sản xuất
Người dân Nhật ủng hộ một quyết định mới đây của chính phủ trong một lệnh cấm Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sử dụng thiết bị viễn thông do các công ty Trung Quốc sản xuất, theo kết quả khảo sát mới nhất của Nikkei/TV Tokyo.
Quyết định này gắn liền với những lo ngại về an ninh quốc gia, đã thu hút sự ủng hộ từ 61% người được hỏi, trong khi đó 21% người phản đối, theo một cuộc thăm dò được tiến hành từ thứ Sáu tới Chủ nhật (14-16/12).
Khi được hỏi về cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc, 74% tin rằng nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế Nhật Bản, trong khi đó 15% không đồng tình, theo Nikkei.
Cuộc khảo sát còn liên quan tới Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe, 47% số người được hỏi tán thành với các chính sách của ông Abe, giảm 4 điểm phần trăm so với khảo sát trước đó vào tháng 11. Những người không tán thành đã tăng 6 điểm lên 44%. Tỷ lệ tán thành ở nam giới là 51%, so với 41% ở nữ giới.
Cuộc thăm dò được Nikkei Research thực hiện thông qua quay số ngẫu nhiên, nhận được 990 phản hồi từ những người 18 tuổi trở lên, với tỷ lệ phản hồi là 46,3%.
Một công nhân đang kiểm tra bo mạch chủ tại một nhà máy ở Trung Quốc. Nhật Bản về cơ bản đã cấm các bộ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sử dụng thiết bị viễn thông do các công ty Trung Quốc sản xuất. (Ảnh: © Reuters)
Bắc Hàn lên án lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ
Bắc Hàn tố cáo các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ, nói rằng việc này có thể “ngăn chặn việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mãi mãi”.
Washington cho biết đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với ba quan chức hàng đầu của Bắc Hàn, sau khi một báo cáo cho thấy một loạt các vi phạm nhân quyền.
Một hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa các nhà lãnh đạo của hai quốc gia vào mùa hè này có vẻ đã chỉ ra con đường hướng tới mối quan hệ tốt hơn.
Quan chức Bắc Hàn đến Việt Nam học ‘Đổi Mới’
Pháp bắt quan chức nghi làm gián điệp cho Bắc Hàn
Lính Triều Tiên qua lại biên giới trong hữu nghị
Đã có những gợi ý về hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa các nhà lãnh đạo giữa hai nước. Mặc dù Tổng thống Donald Trump chỉ ra rằng dù ông cởi mở với ý tưởng này nhưng ông không vội vàng.
Trong một tuyên bố, chính quyền Bắc Hàn bày tỏ “sốc và phẫn nộ” trước lệnh trừng phạt mới của Mỹ.
Tuyên bố của hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cáo buộc bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã ” đưa … quan hệ trở lại tình trạng của năm ngoái được đánh dấu bằng những lời qua tiếng lại nảy lửa”.
Các biện pháp trừng phạt mới
Các biện pháp trừng phạt mới được đưa ra sau một báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Bắc Hàn.
Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tịch thu tài sản tại Mỹ của ông Choe Ryong-hae , cánh tay phải của ông Kim, và của hai người khác là bộ trưởng an ninh Jong Kyong-thaek và ông Pak Kwang-ho – Trưởng ban Tuyên giáo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Robert Palladino cho biết: “Lạm dụng nhân quyền ở Bắc Hàn vẫn là một trong những điều tồi tệ nhất trên thế giới, bao gồm giết người, cưỡng bức, tra tấn, giam giữ tùy tiện kéo dài, cưỡng hiếp, phá thai cưỡng ép và lạm dụng tình dục.”
Điều gì xảy ra kể từ Thượng đỉnh tại Singapore?
Tại hội nghị thượng đỉnh tháng Sáu tại Singapore, hai nhà lãnh đạo đã ký thỏa thuận hợp tác phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiêu.
Nhưng thỏa thuận này không bao gồm lộ trình thời gian, chi tiết hoặc bất kỳ cơ chế nào để xác minh quy trình phi hạt nhân hóa.
Kể từ hội nghị thượng đỉnh này, đã có một số thành công, nhưng đáng chú ý nhất là trong quan hệ liên Triều.
Chỉ trong tuần này, lần đầu tiên, binh lính Bắc Hàn đã thực hiện một số cuộc ‘đi vào lãnh thổ của nhau’ một cách thân thiện lần đầu tiên kể từ khi hai quốc gia bị chia cắt, nhằm kiểm tra việc tháo dỡ các trạm gác trong Khu phi quân sự (DMZ).
Quan hệ Mỹ-Bắc Hàn thì bị đình trệ hơn.
Các cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Bắc Hàn Kim Yong-chol bị hủy bỏ đột ngột vào tháng 11 và chưa có kế hoạch được khởi động lại.
Mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo dường như tương đối không bị ảnh hưởng, nhưng ở một mức độ nào đó, khó đoán trước.
Vào tháng Chín, ông Trump đã ca ngợi một bức thư “rất ấm áp” của ông Kim về một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.
Nhưng, như nhà báo Laura Bicker của BBC tại Seoul chỉ ra, trở ngại không thể vượt qua vẫn còn – vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Mỹ kiên quyết không bao giờ cho phép một thỏa thuận chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, cũng như sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Bắc Hàn, trong khi chính quyền của ông Kim đặt ra mối đe dọa hạt nhân.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46588710
1MDB: Malaysia buộc tội
ngân hàng Mỹ Goldman Sachs
Malaysia buộc tội Goldman Sachs và hai cựu quan chức của ngân hàng liên quan tới vụ điều tra tham nhũng và rửa tiền tại quỹ đầu tư 1MDB của nước này.
Ngân hàng Mỹ đã bị xem xét về vai trò của họ trong việc giúp gây quỹ cho 1Malaysia Development Bhd (1MDB).
Cuộc điều tra hiện đang được thực hiện tại ít nhất sáu quốc gia.
Mỹ bắt cựu quan chức Goldman về bê bối tài chính 1MDB
Cựu thủ tướng Malaysia bị bắt vì cáo buộc tham nhũng
Công ty Trung Quốc ‘dính líu bê bối ở Malaysia’
Goldman Sachs gọi những lời buộc tội là “nhắm sai hướng” và nói hãng sẽ “mạnh mẽ bảo vệ họ”.
“Hãng sẽ tiếp tục hợp tác với toàn bộ giới chức điều tra về những vấn đề này,” ngân hàng nói thêm.
Malaysia đã ra lời buộc tội đối với Goldman Sachs và hai cựu quan chức của hãng là Tim Leissner và Roger Ng.
Ông Leissner từng là chủ tịch phụ trách hoạt động Đông Nam Á của Goldman, và rời khỏi hãng hồi 2016.
Ông Ng là giám đốc điều hành tại Goldman cho tới 5/2014 thì ra đi.
Malaysia cũng đưa ra lời buộc tội đối với một cựu nhân viên của 1MDB là Jasmine Loo, và nhà tài phiệt Jho Low.
Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas nói trong một tuyên bố: “Các cáo buộc đưa ra từ tiến trình điều tra về ba loại trái phiếu mà các công ty con của 1MDB phát hành, là các loại trái phiếu do Goldman Sachs dàn xếp và bảo lãnh phát hành.”
Cáo buộc
Hồi tháng trước, ông Leissner, ông Ng và ông Low đã bị các cáo buộc hình sự tại Mỹ liên quan tới 1MDB.
Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak bị bắt
Malaysia: Làm sao để truy tố cựu thủ tướng?
Khám nhà cựu thủ tướng Malaysia
Ông Lessner nhận tội tại Mỹ đối với tội danh âm mưu rửa tiền và vi phạm luật chống hối lộ.
Trong vụ đó, cơ quan công tố nói các cựu quan chức ngân hàng của Goldman Tim Leissner và Roger Ng đã phối hợp với ông Low để hối lộ các quan chức chính phủ nhằm giành được các hoạt động kinh doanh của 1MDB về cho Goldman Sachs.
Giới chức tại Hoa Kỳ nói hàng tỷ đô la Mỹ đã bị biển thủ khỏi quỹ quốc gia này để mua các tác phẩm nghệ thuật, bất động sản, một phi cơ riêng – và thậm chí còn tài trợ cho Sói Phố Wall, là bộ phim có sự tham gia diễn xuất của tài tử Leonardo DiCaprio.
Vụ bê bối đã dẫn tới các cuộc điều tra trên toàn thế giới, và dẫn đến sự thất bại trong cuộc tranh cử hồi đầu năm của cựu thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak.
Ông Najib bị cáo buộc đã bỏ túi 700 triệu đô la.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46592742
Đập thủy điện lớn nhất Campuchia bắt đầu sản xuất
Dự án thủy điện lớn nhất Campuchia chính thức sản xuất điện hôm 17/12 giữa lúc Phnom Penh cố tăng công suất để giảm nhập khẩu năng lượng và giúp khởi động phát triển công nghiệp, theo hãng tin AP.
Thủ tướng Hun Sen đã khánh thành đập thủy điện Lower Sesan II tức Hạ Sesan 2. Đập thủy điện 400 megawatt này đặt tại tỉnh Stung Treng ở khu vực đông bắc Campuchia.
Dự án được xây dựng dưới hình thức hợp đồng “Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao”, sẽ đẩy mạnh sản xuất điện tại Campuchia lên 20%, theo Bộ Hầm mỏ và Năng lượng nước này.
Được xây dựng trong bốn năm với chi phí lên tới gần 800 triệu đô la, đập Hạ Sesan 2 là một liên doanh giữa Công ty Năng lượng Quốc tế Trung Quốc Hydrolancang, chiếm 51% cổ phần, Tập đoàn Hoàng gia Campuchia với 39%, và Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN của Việt Nam với 10%.
AP tường thuật rằng theo dự kiến con đập này sẽ mang về gần 30 triệu đô la tiền thuế hàng năm. Quyền sở hữu sẽ được chuyển giao cho chính phủ sau 40 năm.
Những người phản đối cho rằng con đập sẽ phá hủy tính đa dạng sinh học của hai nhánh sông Mê Kông và tàn phá sinh kế cũng như nhà cửa của hàng ngàn người. Ước lượng có đến 100.000 người có thể mất khả năng kiếm sống bằng nghề đánh cá.
Con đập này là đập thủy điện quy mô thương mại thứ 7 ở Campuchia, nâng sản lượng thủy điện lên 1.328 megawatt.
Thủy điện cung cấp 45% điện tiêu thụ của Campuchia, tiếp theo là 35% từ các nhà máy nhiệt điện than và khoảng 5% từ dầu mỏ và năng lượng thay thế.
Campuchia vẫn phải nhập khoảng 15% điện từ các nước láng giềng. Giá tiện ích cao, gây ra bởi sự thiếu hụt nguồn cung trong nước, là một trở ngại lớn đối với Campuchia trong cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài.
AP trích dẫn một báo cáo của chính phủ năm ngoái ước tính Campuchia có thể sản xuất tới 10.000 megawatt từ thủy điện, và việc phát triển các dự án bổ sung đang được tiến hành.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào Campuchia trong các dự án phát triển các đập thủy điện và cơ sở hạ tầng.
https://www.voatiengviet.com/a/dap-thuy-dien-lon-nhat-campuchia-bat-dau-san-xuat/4704116.html