Tin khắp nơi – 17/12/2017
Cựu thủ tướng Anh quản trị quỹ 1 tỷ đô với TQ
Cựu Thủ tướng Anh, David Cameron vừa nhận làm việc cho quỹ đầu tư hợp tác Anh – Trung Quốc.
Ông sẽ phụ trách một quỹ trị giá 1 tỷ USD thuộc dự án vĩ đại Một Vành đai Một Con đường mà Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.
Chính phủ cho biết việc hợp tác với dự án này để cải thiện cảng, đường xá và mạng lưới đường sắt với Trung Quốc, tạo ra việc làm và tăng cường liên kết thương mại.
Quyết định này được đưa ra sau chuyến đi hai ngày của Bộ trưởng Tài chính Anh, Philip Hammond tới Trung Quốc.
Đảng tăng kỷ luật và ‘tham nhũng quyền lực’
Luật sư Lê Công Định: Bức tranh nhân quyền VN 2017
Anh Quốc tịch thu thuốc ‘cổ truyền’ làm từ cao hổ cốt
Thu phí đường bộ: Dân Trung Quốc, Anh ‘cũng bức xúc’
Trump sẽ ‘không được chào đón’ tại Quốc hội Anh
Dự án Một Vành đai Một Con đường đã được công bố lần đầu tiên vào năm 2013, nhưng trong năm nay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ chi 124 tỷ USD cho chương trình này.
Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ đầu tư hàng chục tỷ đô la vào kế hoạch kinh tế đầy tham vọng để xây dựng lại các cảng, đường xá và đường sắt liên kết với Trung Quốc và các đối tác thương mại.
Chủ tịch Tập dự định phát triển các tuyến đường thương mại cổ đại thông qua Trung Quốc và Châu Âu để làm cho thế giới thông thương với Trung Quốc dễ dàng hơn.
Trung Quốc hy vọng rằng bằng cách cải thiện và tạo ra mối liên kết thương mại với các nước khác bằng đường biển và đường sắt sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của siêu cường châu Á, vốn đã chậm lại trong những năm gần đây.
Một tuyên bố từ Bộ Tài chính cũng cho thấy chi tiết tiến trình cho phép các ngân hàng Anh và các công ty bảo hiểm tiếp cận thị trường trái phiếu và bảo hiểm của siêu cường châu Á.
Theo phóng viên BBC Robin Brant, kế hoạch của Trung Quốc không phải là không gây ra tranh cãi vì một số nhà phê bình coi đây là một nỗ lực toàn cầu để gia tăng ảnh hưởng chính trị và sự hiện diện của Bắc Kinh.
Ông Cameron đã thúc đẩy tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc trong khi ông là thủ tướng, đánh dấu cái mà cả hai bên gọi là “thời kỳ hoàng kim”.
Hãng tin Reuters cho biết, Anh và Trung Quốc đã đồng ý tăng tốc chuẩn bị cho chương trình kết nối chứng khoán London-Thượng Hải.
Nhưng theo tìm hiểu của BBC kế hoạch nối London Stock Exchange với các đối tác ở Thượng Hải và Thâm Quyến vẫn ở “giai đoạn nghiên cứu”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42383137
Úc bắt giữ ‘đặc vụ kinh tế của Bắc Hàn’
Một người đàn ông đã bị bắt tại Sydney vì bị cáo buộc là đặc vụ kinh tế của Bắc Hàn, Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) cho biết.
Ông Chan Han Choi, 59 tuổi, bị buộc tội môi giới các giao dịch xuất khẩu bất hợp pháp từ Úc và trao đổi thông tin cung cấp vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Cảnh sát cáo buộc ông đã phá vỡ cả hai lệnh trừng phạt của LHQ và Úc.
Đảng tăng kỷ luật và ‘tham nhũng quyền lực’
Luật sư Lê Công Định về bức tranh nhân quyền VN 2017
Bắc Hàn ‘tấn công’ giao dịch tiền ảo Nam Hàn
Mỹ sẵn sàng đàm phán với Bắc Hàn ‘vô điều kiện’
Tổ bay Cathay Pacific ‘thấy tên lửa Bắc Hàn’
Ông Chan là người đầu tiên ở Úc bị buộc tội theo Đạo luật Vũ khí Tàn sát (Phòng chống Sự phổ biến Vũ khí) năm 1995 của quốc gia này.
Cảnh sát nói rằng có bằng chứng cho thấy ông Chan đã tiếp xúc với “các quan chức cấp cao ở Bắc Hàn”.
Họ cáo buộc ông đã môi giới các giao dịch liên quan đến chương trình vũ khí của Bắc Hàn, bao gồm việc bán công nghệ tên lửa đạn đạo cho các tổ chức nước ngoài, nhằm tạo nguồn thu cho Bình Nhưỡng.
Ông Chan cũng bị buộc tội bán buôn than từ Bắc Hàn cho một số nhóm ở Indonesia và Việt Nam. Ông đang phải đối mặt với tổng cộng sáu cáo trạng sau khi bị bắt tại nhà vào tối thứ Bảy.
Trong một cuộc họp báo chủ nhật, cảnh sát xác nhận người đàn ông này là công dân nhập tịch Úc gốc Triều Tiên và đã ở Úc hơn 30 năm.
Cảnh sát mô tả ông Chan là một “nhân viên trung thành, và tin rằng ông đã hành động để phục vụ mục đích yêu nước cao cả”.
Tuy nhiên, cảnh sát khẳng định hành động của người đàn ông này không gây bất kỳ “nguy cơ trực tiếp” nào cho người Úc, với hầu hết các hành động phạm pháp đều xảy ra ở nước ngoài.
“Tôi biết những cáo trạng nghe rất nghiêm trọng. Để tôi nói rõ rằng chúng tôi không hề nói rằng có bất kỳ loại vũ khí hay tên lửa nào đã được đem vào lãnh thổ nước Úc”, phó giám đốc AFP Neil Gaughan nói.
“Bất kỳ cá nhân nào lờ đi các lệnh trừng phạt sẽ không thể không bị phát hiện ở Úc.”
Ông Chan có thể phải đối mặt với 10 năm tù giam và đã bị từ chối quyền được bảo lãnh.
Vào tháng 10, chính phủ Úc cho biết họ đã nhận được một lá thư từ Bắc Hàn kêu gọi Canberra tránh xa chính quyền Trump.
Bình Nhưỡng trước đây đã cảnh báo rằng Úc sẽ “không thể tránh được thảm hoạ” nếu nó theo chính sách của Hoa Kỳ đối với chế độ của Kim Jong-un.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42382802
Pakistan: Nhà thờ bị đánh bom, 5 người chết
Một vụ đánh bom tự sát và tấn công bằng súng vào một nhà thờ Methodist ở Pakistan đã giết chết ít nhất năm người.
Vụ tấn công xảy ra tại thành phố Quetta, cách biên giới với Afghanistan khoảng 65km.
Pakistan: Trường cảnh sát bị tấn công
Máy bay rơi ở Pakistan: Toàn bộ tử nạn
Hơn một chục người khác bị thương sau khi những tay súng mặc áo khoác cài thuốc nổ đã cố gắng lọt vào tòa nhà.
Nếu những người đàn ông đó không bị chặn lại, con số thương vong có thể lên đến hàng trăm ngườiQuan chức nội vụ cấp vùng, Sarfaraz Bugti
Hai đối tượng tấn công đã bị chặn tại lối vào, quan chức về nội vụ cấp vùng, Sarfaraz Bugti, cho hay trên Twitter.
‘Nếu những người đàn ông đó không bị chặn lại, con số thương vong có thể lên đến hàng trăm người’, ông nói thêm.
Một người đàn ông đã kích hoạt bom cài trong áo khoác và những người khác đã bị chặn lại trong một cuộc đụng độ với cảnh sát.
Tìm kiếm, bao vây
Thủ tướng Pakistan thề quét sạch khủng bố
Nghi phạm đánh bom bị buộc tội khủng bố
Các lực lượng an ninh Pakistan đang tiến hành một chiến dịch tìm kiếm và bao vây địa điểm bị tấn công, vốn nằm trong một khu vực an ninh cao của thành phố, theo các kênh truyền hình bằng tiếng Urdu ở địa phương.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, ông Mohammed Faisal, lên án cuộc tấn công này.
Các cuộc tấn công ở khu vực có đông người Hồi giáo theo dòng Sunni sinh sống không phải là hiếm và thường nhắm vào cộng đồng Hồi giáo Hazara Shia trong các vụ đánh bom tự sát.
Nhưng cộng đồng thiểu số theo Kitô giáo ở Pakistan cũng thường bị các cuộc tấn công của các chiến binh, và hệ quả là các lực lượng bảo vệ đã được đặt gần nhà thờ ở Quetta.
Tỉnh Balochistan là nơi có tình trạng bất ổn từ nhiều nhóm trong đó có các nhóm tôn giáo hoặc ly khai, một số trong đó thường vượt quan biên giới từ nước láng giềng Afghanistan.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42385374
Đồng minh của Trump nói
Mueller thu giữ hàng ngàn email bất hợp pháp
Một tổ chức được thành lập cho giai đoạn chuyển tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào Nhà Trắng ngày thứ Bảy nói rằng công tố viên đặc biệt điều tra các cáo buộc về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 đã thu giữ hàng chục ngàn email bất hợp pháp.
Kory Langhofer, luật sư cho đội ngũ chuyển tiếp này mang tên Trump for America, Inc. (TFA), đã viết một bưcthư gửi tới các ủy ban của Quốc hội nói rằng đội ngũ của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã nhận một cách không thỏa đáng những email từ Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA), một cơ quan của chính phủ.
Các nhân viên của cơ quan này đã “đưa một cách bất hợp pháp các tài liệu riêng tư của TFA, bao gồm những trao đổi liên lạc kín, cho Văn phòng Công tố viên Đặc biệt,” theo bức thư này. Bức thư nói các tài liệu bao gồm “hàng chục ngàn email.”
Đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump đã sử dụng cơ sở vật chất của GSA, có nhiệm vụ quản lý hệ thống quan liêu của chính phủ Hoa Kỳ, trong giai đoạn sau khi ông Trump đắc cử tổng thống vào tháng 11 và trước lễ nhậm chức của ông vào tháng 1.
Lời cáo buộc của phe ông Trump cho thấy sự sự xung khắc ngày càng lớn giữa những người ủng hộ tổng thống và văn phòng của ông Mueller trong lúc họ đang điều tra xem Nga có can dự vào cuộc bầu cử hay không và liệu ông Trump hoặc bất cứ ai trong đội ngũ của ông có thông đồng với Moscow hay không.
Khi được yêu cầu bình luận, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói: “Chúng tôi tiếp tục hợp tác đầy đủ với công tố viên đặc biệt và cho rằng quá trình này sẽ sớm kết thúc.”
Văn phòng công tố viên đặc biệt bác bỏ khiếu nại của đội ngũ chuyển tiếp.
“Khi chúng tôi thu giữ những email này trong lúc tiến hành cuộc điều tra hình sự đang tiếp diễn, chúng tôi đã bảo đảm được sự đồng ý của chủ sở hữu tài khoản hoặc tiến trình hình sự thích hợp,” Peter Carr, người phát ngôn của văn phòng công tố viên đặc biệt, nói.
GSA không phản hồi ngay tức thì về yêu cầu bình luận.
Langhofer, luật sư của đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump, viết trong bức thư của ông rằng việc GSA chuyển giao tài liệu được phát hiện vào ngày 12 và 13 tháng 12.
FBI đã yêu cầu các tài liệu này từ nhân viên GSA vào ngày 23 tháng 8, bao gồm các bản sao email, máy tính xách tay, điện thoại di động và các tài liệu khác liên quan đến chín thành viên trong đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia và các vấn đề chính sách.
FBI yêu cầu các tài liệu của thêm bốn thành viên cao cấp trong đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump vào ngày 30 tháng 8, bức thư nói.
Ông Langhofer lập luận rằng, dù các đội ngũ chuyển tiếp tham gia vào các chức năng điều hành, họ được coi là các tổ chức tư nhân, phi lợi nhuận và những giấy tờ văn bản lưu lại của họ có tính chất riêng tư, không phải tuân theo luật kí lục tổng thống.
TT Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia
vào thứ Hai
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Hai sẽ công bố chiến lược của ông nhằm chống lại điều mà ông xem là những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất đối với Mỹ.
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, H.R. McMaster, cho biết trước chính sách an ninh quốc gia mới của chính quyền hôm thứ Ba tại một hội nghị do tổ chức nghiên cứu chính sách Exchange Policy ở London tổ chức.
“Địa chính trị đã trở lại và còn quyết liệt hơn,” ông McMaster nói với cử tọa.
Ông McMaster nói rằng chính sách của ông Trump được thúc đẩy bởi bốn ưu tiên chính: bảo vệ quê nhà, thăng tiến và bảo vệ sự thịnh vượng của Mỹ, duy trì hòa bình thông qua sức mạnh và thăng tiến ảnh hưởng của Mỹ.
Vị tướng Lục quân này nói rằng những mối đe dọa chính đối với an ninh của Mỹ là “những cường quốc xét lại” như Nga và Trung Quốc đang tìm cách làm suy yếu trật tự và ổn định toàn cầu và “các chế độ bất hảo,” bao gồm Triều Tiên và Iran.
Nga đang đe dọa Mỹ bằng “cái gọi là chiến tranh thế hệ mới” bao gồm các chiến dịch tuyên truyền tinh vi được thiết kế nhằm mục đích “chia rẽ cộng đồng của chúng tôi,” ông McMaster nói mà không đề cập đến sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Ông McMaster mô tả “hành vi gây hấn kinh tế” của Trung Quốc là một mối đe dọa đang “thách thức trật tự kinh tế dựa trên các quy tắc, vốn đã giúp đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo túng,” và đề xuất chống lại các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc bằng “sự giao tiếp mang tính cạnh tranh,” một ý tưởng cho rằng sự thịnh vượng của Mỹ là một lợi ích quốc gia.
Ông nói việc thương thuyết lại các thỏa thuận thương mại sẽ là một phần chính trong chiến lược an ninh quốc gia này.
“Mỹ và Anh không thể giữ vai trò là một thế lực vì hòa bình và ổn định trên thế giới nếu chúng ta không có được an ninh về kinh tế và tài chính,” ông McMaster nói.
Ông cũng dẫn ra Nhà nước Hồi giáo và các nhóm khủng bố khác là những mối đe dọa đang thực hiện và khơi gợi cảm hứng cho các vụ tấn công nhắm vào phương Tây.
Về Triều Tiên, McMaster kêu gọi cộng đồng toàn cầu hành động vượt ra ngoài các nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua, nói rằng đây “có thể là cơ hội tốt nhất cuối cùng để tránh xung đột quân sự.”
Theo một số nhận định, các mối đe dọa mà ông McMaster ưu tiên trùng với những gì được chính quyền Tổng thống Barack Obama trình bày vào năm 2015, nhưng chính quyền Obama nói về việc chia sẻ và mở rộng các lợi ích kinh tế của Mỹ. Cách tiếp cận của chính quyền Trump hạn chế hơn, nhấn mạnh rằng sự thịnh vượng của Mỹ phải được bảo vệ, không phải mở rộng.
TT Trump quảng bá dự luật thuế,
kỳ vọng đạt thành tựu lập pháp đầu tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy tiếp tục quảng bá dự luật thuế của phe Cộng hòa, nói rằng “mọi người sẽ được hưởng lợi” nếu nó được ký thành luật.
“Nhưng tôi nghĩ được hưởng lợi lớn nhất sẽ là tầng lớp trung lưu, những người có mức thu nhập trung bình,” ông Trump nói với các nhà báo trên Bãi cỏ Nam Nhà Trắng trước khi lên đường đến khu nghỉ dưỡng Camp David ở bang Maryland.
Những người thương thuyết của Thượng viện và Hạ viện thuộc phe Cộng hòa hôm thứ Sáu đã hoàn tất phiên bản cuối cùng một thỏa hiệp của họ cho luật thuế 1,5 ngàn tỉ đôla, sau khi nhượng bộ Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, người yêu cầu mở rộng tín dụng thuế trẻ em để có lợi cho các gia đình thu nhập thấp.
Các nhà lập pháp Cộng hòa đã giải quyết được những khác biệt giữa hai phiên bản luật thuế của Hạ viện và Thượng viện, và cả lưỡng viện Quốc hội dự định sẽ biểu quyết về dự luật cuối cùng này vào đầu tuần sau với ý định trình nó cho Tổng thống Donald Trump ký trước Giáng sinh.
Không có nghị sĩ nào của phe Dân chủ công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với dự luật mà họ công kích là tặng không cho các đại công ty và những người đóng thuế giàu có nhất, trong đó có ông Trump, một tỉ phú bất động sản.
Luật này sẽ cắt giảm 1,5 ngàn tỉ đôla tiền thuế trong thập niên tới, nghiêng mạnh về việc giảm thuế suất của giới doanh nghiệp, và có thể thêm 1 ngàn tỉ đôla vào khối nợ mà Mỹ đang thiếu các nhà đầu tư và chính phủ nước ngoài như Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Khi được hỏi về khoản nợ này, ông Trump trả lời rằng luật thuế mới sẽ khuyến khích dòng tiền từ nước ngoài đổ vào. “Nó sẽ mang tiền vào. Lấy thí dụ, chúng tôi nghĩ rằng bốn tỉ đôla sẽ đổ vào đất nước này trở lại. Đó là tiền ở nước ngoài, nằm yên ở đó từ nhiều năm qua.”
Các quan chức chính quyền cho biết hàng triệu người đóng thuế cá nhân, nhưng không phải tất cả mọi người, sẽ thấy tiền thuế của họ đóng cho chính phủ được cắt giảm, trong nhiều trường hợp là vài trăm đôla, hoặc trong trường hợp những người đóng thuế giàu có là hàng ngàn đôla.
Trong dự thảo thỏa hiệp cuối cùng, thuế suất cá nhân đối với những người có thu nhập cao nhất sẽ được cắt giảm từ mức 39,6 phần trăm xuống còn 37 phần trăm.
Thuế suất doanh nghiệp của Mỹ, hiện ở mức 35 phần trăm và là một trong những mức thuế cao nhất trong nhóm các nước công nghiệp hóa, sẽ được cắt giảm đáng kể xuống còn 21 phần trăm.
Nếu được chấp thuận và ký thành luật, luật thuế này sẽ là thành tựu lập pháp đầu tiên của trong nhiệm quyền tổng thống gần 11 tháng của ông Trump, sau khi ông và phe Cộng hòa trong năm nay đã không thể bãi bỏ được luật chăm sóc y tế Obamacare của người tiền nhiệm.
Cơ quan y tế công của Mỹ cấm dùng các từ
gồm ‘bào thai,’ ‘dựa trên khoa học’
Tin tức cho hay Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đang cấm một danh sách bảy từ hoặc cụm từ trong những văn bản chính thức, khơi ra một loạt phản ứng gay gắt trên mạng xã hội.
Các nhà phân tích chính sách tại CDC, ở thành phố Atlanta bang Georgia, được thông báo về danh sách những từ bị cấm trong một cuộc họp hôm thứ Năm với các quan chức cao cấp của CDC, theo lời một nhà phân tích giấu tên tham dự cuộc họp này, báo The Washington Post đưa tin.
Những từ bị cấm là “diversity” (sự đa dạng), “entitlement” (quyền lợi, phúc lợi), “evidence-based” (dựa trên bằng chứng), “fetus” (bào thai), “science-based” (dựa trên khoa học), “transgender” (chuyển đổi giới tính) và “vulnerable” (dễ bị tổn thương).
Cuộc họp được chủ trì bởi Alison Kelly, một quan chức hàng đầu trong Văn phòng Dịch vụ Tài chính của CDC, theo lời nhà phân tích mà tờ Post nói muốn ẩn danh vì người này không được phép phát biểu công khai về công việc của cơ quan. Nhà phân tích này nói Kelly không giải thích vì sao những từ này lại bị cấm.
Planned Parenthood Federation of America, một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, nói trên Twitter rằng hành động này sẽ gửi những thông điệp mạnh mẽ về chính quyền Trump.
“Giờ đã rõ ràng hơn bao giờ hết: chính quyền này khinh thường sức khoẻ của phụ nữ, người LGBTQ, và khoa học kể từ ngày đầu tiên.”
David Reiss, một nhà tâm thần học nổi tiếng thế giới, tweet rằng quyết định của chính quyền là phản tác dụng và vượt ngoài ranh giới chính trị truyền thống ở Washington.
“Đây là một sự tấn công vào thực tế. Bằng việc kiểm duyệt những cái tên, Trump định xóa sổ kiến thức, người dân và luận đàm hữu lý. Đây không phải là chính trị hoặc đảng phái mà là những kẻ nắm quyền đạo tặc độc đoán chiếm lấy xã hội. Kháng cự hay là Hợp tác. Không có lựa chọn nào khác.”
Dân biểu Hoa Kỳ Ted Lieu đả kích kịch liệt chính quyền Trump về danh sách những từ bị cấm này.
“Chính quyền @realDonaldTrump đang làm cho nước Mỹ ngu si trở lại. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật bị cấm sử dụng các từ “dựa trên khoa học” và “dựa trên bằng chứng.” Bây giờ chúng ta sẽ dùng bùa phép & đỉa để chữa bệnh hay sao? #MASA”
Các quan chức khác của cơ quan y tế công hàng đầu của Mỹ xác nhận sự tồn tại của danh sách các từ bị cấm này, tờ Post cho hay. Tờ báo này nói thêm các từ này sẽ bị cấm đưa vào bất kỳ văn bản chính thức nào của CDC đang được chuẩn bị cho ngân sách năm 2019.
Nhà phân tích nói trên, được tờ Post mô tả là một “nhà phân tích lâu năm của CDC” giúp viết những mô tả công việc của cơ quan này cho đề xuất ngân sách hàng năm của chính quyền, không thể nhớ có lần nào trước đây mà các từ ngữ lại bị cấm dùng trong các văn bản ngân sách vì chúng bị xem là gây tranh cãi.
“Theo kinh nghiệm của tôi, chúng tôi chưa bao giờ vấp phải sự chống trả từ một quan điểm ý thức hệ,” nhà phân tích này nói với tờ Post.
Những người khác trong cuộc họp đã sững sờ về thông báo này, nhà phân tích này cho biết.
Chính quyền Trump đã chật vật với việc nên phát biểu như thế nào về những vấn đề như quyền phá thai, bản dạng giới tính và khuynh hướng tình dục. Một số cơ quan liên bang đã thay đổi một số chính sách liên bang và cách thức họ thu thập thông tin về người lưỡng tính, đồng tính nam, đồng tính nữ và chuyển đổi giới tính (LGBT).
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đã loại bỏ các câu hỏi về bản dạng giới tính và khuynh hướng tình dục trong hai cuộc khảo sát người cao tuổi. Cơ quan này cũng đã xóa thông tin về người LGBT khỏi website của họ.
Chính quyền của Trump trong nhiều trường hợp đã bác bỏ những kết luận dựa trên khoa học và ưu ái ý kiến chủ quan – đặc biệt là về vấn đề biến đổi khí hậu. Ông Trump chưa nói liệu ông có tin vào khoa học khí hậu hay không và nhiều thành viên trong chính quyền ông đã phủ nhận các khía cạnh của các kết luận khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã loại bỏ những tham chiếu về biến đổi khí hậu trên website của mình và đã cấm các nhà khoa học của cơ quan trình bày các báo cáo khoa học về chủ đề này.
Văn phòng Quản lý và Ngân sách, nơi phát hành đề xuất ngân sách của tổng thống và giám sát sự tuân thủ của các cơ quan liên bang đối với các chính sách của tổng thống, chưa trả lời yêu cầu bình luận, và CDC cũng vậy, theo tờ Post.
NATO tố cáo Nga lắp hệ thống hoả tiễn
vi phạm hiệp ước chiến tranh lạnh
Brussels. (Reuters)- Hôm qua 15/12 tổ chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương, NATO, cho biết họ lo lắng về việc Nga xây dựng hệ thống hoả tiễn có mang đầu đạn hạt nhân và cho rằng điều này vi phạm Hiệp Ước Vũ Khí Thời Chiến Tranh Lạnh.
Khối liên minh quân sự do Hoa Kỳ cầm đầu tuyên bố họ đã xác định hệ thống hoả tiễn của Nga là mối lo ngại lớn hiện nay. NATO nói hệ thống này vi phạm Hiệp Ước Hạt Nhân Tầm Trung ký kết năm 1987, được ký kết thời chiến tranh Lạnh cấm sản xuất vũ khí, nhất là các hoả tiễn có thể phóng trong khoảng từ 500 đến 5,500 cây số, tương đương từ 310 đến 3,410 dặm. Hoa Kỳ có chứng cứ cho thấy Nga đang phát triển loại hoả tiễn này, và nó cho phép Moscow khả năng mở cuộc tấn công hạt nhân tại Liên Âu mà không cần thông báo. Đặc sứ Hoa Kỳ tại NATO, bà Kay Bailey Hutchison coi hành động của Nga là nguy hiểm và gây bất ổn.
Nga đã bác bỏ lời cáo giác trên, cho rằng vũ khí của họ chỉ ngang bằng của Hoa Kỳ. Hôm Thứ Năm 14/12, tổng thống Nga Putin nói rằng Nga luôn tuân thủ hiệp ước Hiệp Ước Vũ Khí Thời Chiến Tranh Lạnh, và cho rằng Hoa Kỳ cáo buộc Nga vi phạm như là một phần của chiến dịch tuyên truyền để rút khỏi hiệp ước. Putin cũng xác nhận lời cáo buộc nhắm vào Hoa Kỳ, nói rằng căn cứ hoả tiễn phòng thủ của Hoa Kỳ lắp đặt tại Romania có hoả tiễn hạt nhân.
Căng thẳng gia tăng giữa NATO và Nga kể từ khi Nga sáp nhập Crimea của Ukraine hồi năm 2014 và yểm trợ quân nổi dậy thân Nga tại miền đông Ukraine. NATO đã phản ứng bằng cách điều động hàng ngàn binh sĩ đến Estonia, Latvia, Lithuania và Poland để bảo vệ lãnh thổ khỏi hoạ xâm lược của Nga. (Song Châu)
http://www.sbtn.tv/nato-to-cao-nga-lap-he-thong-hoa-tien-vi-pham-hiep-uoc-chien-tranh-lanh/
Indonesia: 80.000 người biểu tình
chống quyết định của Mỹ về Jerusalem
Hàng chục ngàn người Indonesia vào hôm nay 17/12/2017 đã xuống đường biểu tình phản đối việc tổng thống Mỹ Donald Trump xem Jerusalem là thủ đô Israel. Nhân dịp này, giới lãnh đạo Hồi Giáo Indonesia đã hô hào tẩy chay hàng hóa Mỹ.
Theo nguồn tin cảnh sát Indonesia, đã có đến 80.000 người tập hợp ở Đài Tưởng Niệm Quốc Gia ở thủ đô Jakarta, vẫy cờ Palestine và mang các biểu ngữ như « Tự do cho Palestine ».
Cuộc biểu tình diễn ra yên ổn nhưng cảnh sát vẫn phải bố trí dây thép gai và cử người bảo vệ đại sứ quán Mỹ ở Jakarta. Chính quyền đã phải triển khai đến 20.000 cảnh sát và binh sĩ để đảm bảo an ninh.
Đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở Indonesia từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngày 06/12 là ông công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv về đấy.
Ban tổ chức biểu tình tại Indonesia bao gồm các hội đoàn Hồi Giáo lớn, đã nhân dịp này kêu gọi toàn bộ người dân Indonesia « tẩy chay hàng hóa Mỹ và Israel » nếu ông Donald Trump không thu hồi quyết định.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp về vấn đề Jerusalem
Không chỉ tại Indonesia, nước quốc gia Hồi Giáo đông dân nhất thế giới, quyết định của tổng thống Trump còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của hầu hết các nước. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào ngày mai sẽ xem xét một dự thảo nghị quyết do Ai Cập chủ trương, buộc Hoa Kỳ thu hồi quyết định về Jerusalem.
Theo thông tín viên RFI Grégoire Pourtier tại New York, chắc chắn Mỹ sẽ bị cô lập, nhưng vì Washington có quyền phủ quyết nên chắc chắn nghị quyết sẽ không được thông qua:
« Cách đây một năm, chính quyền Obama đã để cho Hội Đồng Bảo An thông qua một nghị quyết kêu gọi chấm dứt việc thành lập các khu định cư người Do Thái trên lãnh thổ Palestine, một động thái đoạn tuyệt mạnh mẽ với nhiều thập kỷ luôn luôn bênh vực Nhà Nước Do Thái.
Và ngày 18/12 này trên nguyên tắc chỉ là một cuộc thảo luận đơn giản nhằm điểm lại việc thực thi nghị quyết đó, một cuộc họp đã được lên kế hoạch từ đầu. Có điều là mới đây, Donald Trump cũng đã thực hiện một động thái đoạn tuyệt khác, theo chiều hướng ngược lại, và thậm chí dứt khoát hơn.
Bằng cách công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, tổng thống Mỹ đã đi ngược lại hàng thập kỷ đồng thuận quốc tế, và đã bị hầu hết các đồng minh của Mỹ và các tác nhân khu vực quan trọng đả kích.
Vì vậy, vào ngày 18/12, Hội Đồng Bảo An sẽ xem xét một dự thảo nghị quyết mới để đặc biệt nhắc nhở rằng quy chế của Jerusalem phải được giải quyết bằng đàm phán, và một số quyết định đơn phương không có hiệu lực pháp lý và phải bị thu hồi.
Người Palestine đang chờ xem quyết định của Hội Đồng Bảo An, Ai Cập thì đã soạn ra dự thảo, và các nhà ngoại giao dự trù là hầu hết các thành viên sẽ đồng ý. Ngoại trừ Hoa Kỳ, và dĩ nhiên là ai cũng cho rằng Mỹ sẽ sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ.
Nghị quyết như vậy sẽ không tài nào được thông qua, nhưng mục đích khi đưa ra bỏ phiếu là để nêu bật thành biểu tượng sự cô lập của ông Trump trên vấn đề này. »
Peru: Quốc Hội ủng hộ
đề xuất bỏ phiếu phế truất tổng thống
Tổng thống Peru (P) trong Ngày Độc Lập tại thủ đô Lima ngày 28/07/2017. Ảnh minh họa.REUTERS/Guadalupe Pardo
Hôm qua 16/12/2017, Quốc Hội Peru bỏ phiếu thông qua đề xuất tổ chức lấy ý kiến phế truất tổng thống Pedro Pablo Kuczynski vì ông « không đủ phẩm chất đạo đức ». Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski thuộc đảng trung tả. Ông bị phe đối lập cáo buộc tham nhũng do liên can đến vụ tai tiếng của đại tập đoàn BTP Odedrecht Brazil, vốn đã gây rúng động trong khu vực.
Trong số 118 dân biểu có mặt (trên tổng số 130 dân biểu), 93 người ủng hộ đề xuất của một nhóm dân biểu đối lập về việc tổ chức bỏ phiếu phế truất tổng thống, dự kiến diễn ra vào ngày 21/12/2017.
Để phế truất được tổng thống Pedro Pablo Kuczynski, trong phiên bỏ phiếu tới đây, cần có số phiếu ủng hộ của 2/3 số dân biểu Quốc Hội, và phe đối lập chiếm đa số (87 ghế).
Nếu ông Pedro Pablo Kuczynski bị truất phế, phó thủ tướng Martin Vizcarra sẽ trở thành tổng thống mới của Peru. Theo giới chuyên gia, số phận tổng thống Pedro Pablo Kuczynski dường như đã được định đoạt trong phiên họp Quốc Hội vừa qua.
Hôm thứ Năm 14/12, sau khi tập đoàn Brazil BTP Odedrecht tiết lộ đã chi gần 5 triệu đô la cho các công ty tư vấn có liên hệ trực tiếp với tổng thống Peru Kuczynski giai đoạn 2004-2013.
Phe đối lập tại Peru đã yêu cầu tổng thống Kuczynski từ chức, nhưng ông Kuczynski phủ nhận có liên hệ với BTP Odedrecht, kiên quyết không từ chức và cam kết hợp tác với các nhà điều tra.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171217-peru-quoc-hoi-phe-truat-tong-thong-qt
Brexit:
Anh Quốc và Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ
Trung Quốc và Anh Quốc hôm qua 16/12/017 tuyên bố hai bên nóng lòng muốn tăng cường hợp tác giai đoạn hậu Brexit, nhất là tăng cường quan hệ giữa sàn chứng khoán Luân Đôn và Thượng Hải. Thông báo trên được đưa ra nhân dịp bộ trưởng tài chính Anh thăm Bắc Kinh.
Trong buổi họp báo sau cuộc gặp với bộ trưởng Tài Chính Anh Philip Hammond và phái đoàn thương mại Anh Quốc, phó thủ tướng Trung Quốc Mã Khải tuyên bố : « Kế hoạch hậu Brexit của nước Anh sẽ đánh dấu điểm khởi đầu cho giai đoạn mới đầy cơ hội lịch sử cho sự hợp tác Trung Quốc – Anh Quốc về phát triển kinh tế và thương mại. » Nguồn đầu tư tài chính quan trọng của Trung Quốc vào nước Anh khiến Bắc Kinh trở thành một đối tác hấp dẫn của Luân Đôn.
Theo AFP, bộ trưởng Tài Chính Anh Philip Hammond đã thông báo là Trung Quốc và Anh Quốc đã đẩy nhanh các bước chuẩn bị cuối cùng để tăng cường sự hợp tác giữa sàn chứng khoán Luân Đôn và Thượng Hải. Hai quốc gia cũng dự kiến thành lập một quỹ mới nhiều tỉ đô la về đầu tư song phương, và với sự tham gia của cựu thủ tướng Anh David Cameron.
Thứ trưởng bộ Tài Chính Trung Quốc tuyên bố với báo giới là các đầu tư của Trung Quốc được hoan nghênh tại nước Anh, và ngược lại đầu tư của Anh Quốc cũng được Bắc Kinh chào đón. Cả hai nước đều muốn nước này mở rộng thị trường sang nước kia.
« Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh » trong chiến lược an ninh mới của Mỹ
Ngày mai, 18/12/2017, tổng thống Mỹ sẽ có bài diễn văn trình bày về chiến lược an ninh mới của Mỹ. Trong bài diễn văn, ông Doanld Trump sẽ làm sáng tỏ quan điểm : « Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh ».
Theo giải thích của hai quan chức Mỹ được hãng tin Anh Reuters trích dẫn lại, không nên nhìn chiến lược an ninh mới này như là một nỗ lực kiềm chế Trung Quốc mà đúng ra là mang đến một cái nhìn rõ nét hơn về những thách thức do Trung Quốc đặt ra.
Chiến lược mới này rất có thể sẽ đi ngược lại với tuyên bố của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra hồi tháng 9/2016 cho rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia.
Tổng thống Trump, thuộc đảng Cộng Hòa, sẽ đưa ra các ưu tiên đối ngoại và sẽ nhấn mạnh đến cam kết « Nước Mỹ trên hết ! » mà ông đưa ra trong quá trình vận động tranh cử như củng cố quân đội, chống khủng bố Hồi Giáo và sắp xếp lại các mối quan hệ thương mại nhằm nâng cao tính cạnh tranh của Hoa Kỳ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171217-brexit-anh-quoc-trung-quoc-quan-he-qt
Nghi án bầu cử Mỹ:
Bên điều tra có hơn 10.000 emails để khai thác
Hôm qua, 16/12/2017, website thông tin Axios của Mỹ đưa tin, nhóm điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller có trong tay hàng chục ngàn thư điện tử cá nhân các cộng sự của Donald Trump, những người phụ trách chuyển giao chính quyền.
Trong số tài liệu này có cả các thư điện tử của Jared Kushner, con rể đồng thời là cố vấn đặc biệt của tổng thống Donald Trump, cũng như của các thành viên phụ trách vấn đề chính trị và chính sách đối ngoại.
Theo Axios, cơ quan hỗ trợ việc chuyển giao chính quyền – General Services Administration GSA – quản lý các tài khoản thư điện tử của nhóm phụ trách chuyển giao chính quyền, đã cung cấp các thư này cho công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Có thể công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã có các thư điện tử từ 12 tài khoản khác nhau.
Các nhà điều tra dường như sử dụng các thư điện tử để thẩm vấn các nhân chứng, cũng như để kiểm chứng thông tin, mở thêm các hướng điều tra mới. Cho đến lúc này, văn phòng của ông Mueller từ chối bình luận về thông tin nói trên.
Tuy nhiên, vẫn theo nguồn tin của Axios, ông Kory Langhofer, luật sư của nhóm phụ trách chuyển giao chính quyền đã viết thư gửi các ủy ban của nghị viện Mỹ tố cáo GSA đã cung cấp bất hợp pháp các thư điện tử nói trên cho nhóm điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Hồi tháng 10 vừa qua, Paul Manafort, cựu giám đốc chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Trump đã bị điều tra về tội trốn thuế và rửa tiền. Trong khi đó, George Papadopoulos, nguyên là cố vấn về đối ngoại trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, đã thừa nhận nói dối với các nhân viên FBI về những cuộc tiếp xúc của ông ta với các đại diện chính quyền Nga.
Vài tuần sau, đến lượt Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh của tổng thống Trump, đã thừa nhận khai gian với FBI về các tiếp xúc của ông với đại sứ Nga tại Mỹ. Ông Flynn chấp nhập hợp tác với nhóm điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Chính quyền Trump cấm một số từ ngữ trong lĩnh vực Y Tế
Các cơ quan trực thuộc bộ Y Tế phải tránh sử dụng một số từ hay thành ngữ trong các văn bản chính thức đang được soạn thảo cho ngân sách năm 2018 tại Mỹ. Đây là chỉ thị mới nhất của chính quyền Donald Trump, theo như tường thuật của tờ báo Mỹ Washington Post.
Một trong những cơ quan này, tập hợp các Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Chống Bệnh Tật (CDC) đã nhận được một danh sách gồm 7 từ hay thuật ngữ không được dùng : « dễ bị tổn thương », « trợ cấp », « đa dạng », « chuyển giới », « bào thai », « dựa trên các hiện tượng » và « dựa trên những dữ liệu khoa học ».
Một cơ quan khác nhận được chỉ thị thay thế « Obamacare » bằng « Affordable Care Act ». Vẫn theo Washington Post, các tài liệu của bộ Y Tế kể từ giờ dùng thuật ngữ « dự phòng rủi ro giới tính » thay vì nói về « giáo dục giới tính ».
Trước những thông tin này, bộ Y Tế đã lên tiếng phủ nhận cho rằng những thông tin trên mang tính chất « sai lệch », đồng thời khẳng định cơ quan này « tiếp tục dựa vào những yếu tố khoa học tốt nhất để cải thiện sức khỏe của người dân Mỹ ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171217-dieu-tra-nghi-an-nga-robert-mueller-dien-tu
Áo: Phe cực hữu nắm các vị trí chủ chốt trong tân nội các
Thùy Dương Đăng ngày 17-12-2017 Sửa đổi ngày 17-12-2017 15:21
Nước Áo có nội các mới, đảng bảo thủ và phe cực hữu chia nhau quyền lực. Lãnh đạo đảng bảo thủ ÖVP Sebastian Kurz, 31 tuổi trở thành thủ tướng Áo, và cũng là thủ tướng trẻ nhất thế giới. Ông Heinz-Christian Strache, chủ tịch đảng cực hữu FPÖ được bầu làm phó thủ tướng. Đảng cực hữu FPÖ có sáu ghế bộ trưởng, cho dù ít hơn hai ghế so với đảng bảo thủ, nhưng đó lại là sáu bộ chủ chốt. Ngay lập tức, phe đối lập đã có nhiều phản ứng.
Từ Vienna, thông tín viên RFI Isaure Hiace cho biết chi tiết:
« Các bộ Nội Vụ, Quốc Phòng, Ngoại Giao sẽ nằm trong tay đảng FPÖ. Đó là điều khiến phe đối lập lo ngại. Bắt đầu từ những người thuộc đảng Xanh, họ phản đối việc quyền lực tập trung trong tay đảng FPÖ. Thật vậy, đảng này từ nay sẽ lãnh đạo quân đội, cảnh sát và cơ quan tình báo.
Và điều này khiến ông Christian Kern, chủ tịch đảng Xã Hội-Dân Chủ, không an tâm. Trả lời phỏng vấn trên một đài phát thanh nhà nước, ông nói : « Những lời hứa trong chiến dịch tranh cử đã bị vứt bỏ trong thời gian ngắn kỷ lục. Từ nay, đảng FPÖ nắm giữ tất cả, từ an ninh tới tình báo ».
Phe đối lập cũng không đánh giá cao chương trình chung của hai đảng. Nhiều biện pháp gây tranh cãi, chẳng hạn hỗ trợ tài chính cho di dân, cho phép ngày làm việc 12 tiếng.
Ngay cả những người có tư tưởng tự do cởi mở của đảng Neos cũng phản đối, ví dụ ông Matthias Strolz, muốn « hai đảng có nhiều cam kết hơn trong nhiều chủ đề và có lịch trình rõ ràng hơn cho những cải cách sắp tới. »
Chỉ có một điều khiến phe đối lâp an tâm : Sẽ không có trưng cầu dân ý về việc Áo ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Hơn nữa, sẽ là thủ tướng, chủ tịch đảng bảo thủ ÖVP, ông Sebastian Kurz chứ không phải đảng FPÖ kiểm soát chính sách về châu Âu. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171217-ao-phe-cuc-huu-nam-cac-vi-tri-chu-chot-trong-tan-noi-cac
Seoul khẳng định
đã hóa giải được rào cản về THAAD với Bắc Kinh
Một quan chức Hàn Quốc ngày 17/12/2014 cho biết hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc đã « vượt qua được rào cản liên quan đến hệ thống lá chắn chống tên lửa tầm cao – THAAD », nhân cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần rồi tại Bắc Kinh.
Theo quan chức cao cấp này, tuy hồ sơ THAAD chưa được giải quyết hoàn toàn, nhưng « mức độ và cường độ Trung Quốc đề cập đến hồ sơ này đã giảm đi rõ rệt ». Bằng chứng là hôm 14/12, trong suốt 5 tiếng đồng hồ nói chuyện về Bắc Triều Tiên, các mối quan hệ song phương và nhiều hồ sơ khác, chủ tịch Trung Quốc chỉ một lần nhắc đến hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ.
Vẫn theo lời quan chức cao cấp này, cuộc gặp thượng đỉnh đã giúp cho đôi bên thiết lập các cơ sở quan trọng mới để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Cả hai nguyên thủ đã thống nhất 4 nguyên tắc chính cho việc xử lý tình hình bán đảo : không để xảy ra bất kỳ cuộc chiến nào trên bán đảo, phi hạt nhân hóa bán đảo, giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân và cải thiện quan hệ liên Triều.
Cuối cùng vị quan chức này cho biết thêm rằng mối quan hệ cá nhân giữa tổng thống Moon và đồng nhiệm Trung Quốc đã có những cải thiện rõ nét, gần gũi hơn so với hai lần gặp trước tại Berlin (Đức) hồi tháng 7 và tại Đà Nẵng (Việt Nam) vào trung tuần tháng 11/2017 nhân thượng đỉnh APEC.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171217-seoul-khang-dinh-da-hoa-giai-duoc-rao-can-ve-thaad-voi-bac-kinh
Bắc Triều Tiên:
Nga lo ngại căng thẳng sau “bước lùi” của Mỹ
Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Serguei Riabkov hôm 16/12/2017 cảnh báo về nguy cơ căng thẳng gia tăng « không thể kiểm soát nổi » trên bán đảo Triều Tiên sau khi ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Washington rút lại đề nghị “đối thoại vô điều kiện” với Bình Nhưỡng.
Phát biểu với hãng tin Nga Ria Novosti, ông Serguei Riabkov tuyên bố: « Thật buồn khi thấy Mỹ lại một lần nữa yêu cầu Nga và Trung Quốc tăng cường gây áp lực đối với Bắc Triều Tiên (…). Đã tới lúc ngưng đe dọa, gây áp lực và đặt điều kiện. Cần phải tìm kiếm một giải pháp chính trị thực sự ». Theo Reuters, ông Serguei Riabkov lo ngại bán đảo Triều Tiên sẽ rơi vào « tình hình vô cùng nguy hiểm ».
Còn trong ngày hôm nay 17/12, bộ Ngoại Giao Hàn Quốc thông báo ngoại trưởng nước này, bà Kang Kyung Wha, sẽ sang Nhật Bản vào ngày thứ Ba 19/12 để trao đổi với đồng nhiệm Nhật Bản. Seoul và Tokyo đang tìm cách tăng cường hợp tác để đương đầu với chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Đây là chuyến công du Nhật Bản đầu tiên của bà Kang Kyung Wha trên cương vị ngoại trưởng.
Cũng trong ngày hôm nay 17/12, theo nguồn tin của cảnh sát Úc, một người đàn ông Úc, 59 tuổi, gốc Bắc Triều Tiên, đã bị buộc tội vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Người này – bị cáo buộc là « gián điệp của Bắc Triều Tiên » – đã bán các bộ phận cấu thành, sơ đồ lắp đặt tên lửa, phần mềm công nghệ và than của Bắc Triều Tiên ra « thị trường đen quốc tế » để thu ngoại tệ cho Bình Nhưỡng. Nghi can hiện đang bị tạm giam.
Theo cảnh sát liên bang Úc, nếu phi vụ trên thành công, người này có thể mang về cho chế độ Kim Jong Un hàng trăm triệu đô la. Nhà chức trách Úc từ chối tiết lộ cá nhân, tổ chức nào có khả năng mua các loại tài liệu đó, nhưng khẳng định không một chính phủ hay quan chức chính phủ nào của các nước có liên quan đến vụ việc.
Riêng tại Bắc Triều Tiên, vào hôm nay, chính quyền Bình Nhưỡng tổ chức kỷ niệm 6 năm ngày Kim Jong Il (tức là cha của Kim Jong Un) qua đời.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171217-bac-trieu-tien-nga-lo-ngai-cang-thang-sau-buoc-lui-cua-my