Tin khắp nơi – 17/09/2019
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung sắp tái tục
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cấp phó được lên lịch khởi sự tại Washington vào ngày 19/9, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết hôm 16/9, mở đường cho các cuộc đàm phán cấp cao vào tháng 10 nhằm xoa dịu cuộc thương chiến.
Trước đó, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ Tom Donohue cho hay Đại diện Thương mại Mỹ thông báo với các lãnh đạo doanh nghiệp rằng ông đang mưu tìm ‘một thỏa thuận thật sự’ giải quyết các vấn đề của Trung Quốc về sở hữu trí tuệ và đòi hỏi chuyển giao công nghệ mà Đại diện Thương mại Mỹ đã nêu lên cách đây hai năm.
Theo ông Donohue, người đứng đầu nhóm vận động lớn nhất của giới kinh doanh Hoa Kỳ, khó mà bảo đảm được một thỏa thuận hoàn toàn giải quyết được các yêu sách của Mỹ rằng Trung Quốc phải thay đổi các tập tục thương mại và cho phép tiếp cận thị trường nhiều hơn.
Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ dự kiến sẽ gặp thương thuyết gia hàng đầu của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, vào đầu tháng 10.
Từ tháng 7 tới nay, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có các cuộc đàm phán trực diện nào hướng tới giải quyết bế tắc thương chiến kéo dài 14 tháng qua.
Đặc phái viên TQ sang Mỹ
chuẩn bị đàm phán thương mại
Một phái viên Trung Quốc sẽ đến Washington vào ngày 18/09 để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán thương mại, theo AP.
Thông báo này được đưa ra hôm 17/09 tiếp theo sau những cử chỉ hòa giải của cả hai bên trước cuộc đàm phán tháng 10 về chiến tranh thương mại và công nghệ.
Tân Hoa Xã cho biết Thứ trưởng tài chính Trung Quốc Liêu Mân (Liao Min), sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến Washington để mở đường cho vòng đàm phán thứ 13. Tuy nhiên Tân Hoa Xã không tiết lộ chi tiết về chương trình nghị sự.
Theo Reuters các quan chức Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại vào cuối tuần này, nhưng dự kiến bất kỳ thỏa thuận nào đạt được giữa hai bên, đều được coi là có tính cách chắp vá, hời hợt.
Hai chính phủ đã tăng thuế đối với hàng tỷ đôla hàng hóa của nhau. Điều này đã gây khốn đốn cho nông dân và nhà chế tạo sản xuất ở cả hai nước và làm dấy lên lo ngại cho nền kinh tế toàn cầu, vốn đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng vẫn có thể dẫn đến suy thoái.
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cấp phó đã được lên lịch để khởi sự tại Washington vào ngày 19/9, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết hôm 16/9, mở đường cho các cuộc đàm phán cấp cao vào tháng 10 sắp tới để hạ nhiệt cuộc thương chiến.
Trước đó, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ Tom Donohue cho hay Đại diện Thương mại Mỹ đã thông báo với các lãnh đạo doanh nghiệp rằng ông đang mưu tìm ‘một thỏa thuận thật sự’ để giải quyết các vấn đề về Trung Quốc về quyền sở hữu trí tuệ cũng như những đòi hỏi của Trung Quốc đòi được chuyển giao công nghệ. Đây là vấn đề mà Đại diện Thương mại Mỹ đã nêu lên cách đây hai năm.
Đại diện Thương mại và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ dự kiến sẽ gặp thương thuyết gia hàng đầu của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, vào đầu tháng 10.
https://www.voatiengviet.com/a/dac-phai-vien-tq-sang-my-chuan-bi-dam-phan-thuong-mai/5086963.html
Hoa Kỳ và Trung Cộng sẽ bắt đầu
các cuộc họp cấp thứ trưởng vào Thứ Năm 19/09
Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ Hai (16/9), văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết các cuộc đàm phán thương mại cấp thứ trưởng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng dự kiến sẽ bắt đầu tại Washington vào hôm thứ Năm, mở đường cho các cuộc đàm phán cấp cao vào tháng 10, nhằm giải quyết một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài 14 tháng.
Phát ngôn viên của USTR không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào về các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng. Trước đó, Giám đốc điều hành Tom Donohue của Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho biết, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer thông báo với các giám đốc điều hành doanh nghiệp rằng ông đang tìm kiếm một “thỏa thuận thực sự” về vấn đề chuyển giao kỹ thuật và sở hữu trí tuệ, lần đầu tiên được USTR đưa ra vào hai năm trước.
Ông Donohue cho biết ông Lighthizer có đưa ra một số hành động theo hướng mua sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ và các vấn đề khác. Nhưng ông Lighthizer không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy các cuộc đàm phán có thể tạo ra một thỏa thuận tạm thời với phạm vi hạn chế hơn, như đề nghị của một số báo cáo truyền thông. Người đứng đầu nhóm vận động hành lang kinh doanh lớn nhất của Hoa Kỳ cho biết thêm rằng sẽ là rất khó để đạt được một thỏa thuận giải quyết đầy đủ các yêu cầu của Hoa Kỳ. Yêu cầu này sẽ là thay đổi hàng loạt đối với các chính sách của Trung Cộng, bao gồm chuyển giao kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường và bao cấp. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-va-trung-cong-se-bat-dau-cac-cuoc-hop-cap-thu-truong-vao-thu-nam-19-09/
Tổng Thống Trump không muốn tham chiến
sau vụ tấn công cơ sở dầu mỏ Saudi
Tin từ WASHINGTON/DUBAI – Vào hôm thứ Hai (16/9), tổng thống Trump cho rằng có vẻ như Iran đứng sau các cuộc tấn công vào các nhà máy dầu ở Saudi Arabia, nhưng nhấn mạnh không muốn tham chiến.
Các cuộc tấn công đã khiến giá dầu tăng vọt và gây ra mối lo ngại về một cuộc xung đột mới ở Trung Đông. Iran bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ về việc họ đứng sau vụ tấn công hôm thứ Bảy (14/9). Vụ tấn công này làm hư hại nhà máy chế biến dầu thô lớn nhất thế giới và gây ra đợt tăng giá dầu thô lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran xấu đi kể từ khi tổng thống Trump rút khỏi hiệp ước nguyên tử Iran hồi năm ngoái, và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các chương trình nguyên tử và đạn đạo của Tehran. Washington cũng muốn gây áp lực để buộc Tehran chấm dứt việc hỗ trợ cho các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, bao gồm cả Houthi ở Yemen. Các lực lượng Saudi chiến đấu với Houthis do Iran hậu thuẫn trong bốn năm qua.
Tổng thống Trump, người dành phần lớn nhiệm kỳ tổng thống để cố gắng đưa Hoa Kỳ ra khỏi những cuộc chiến. Ông nói sẽ không lao vào một cuộc xung đột mới thay mặt cho Saudi Arabia. Một số thành viên Nội các Hoa Kỳ, bao gồm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mike Pompeo và Bộ trưởng Bộ Năng lượng Rick Perry, đổ lỗi cho Tehran về các cuộc tấn công. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-khong-muon-tham-chien-sau-vu-tan-cong-co-so-dau-mo-saudi/
Mỹ chuẩn bị trả đũa
vụ tấn công cơ sở dầu của Ả Rập Xê Út
Hoa Kỳ đang chuẩn bị trả đũa các vụ tấn công cơ sở dầu hỏa của Ả Rập Xê Út, mà Iran bị cáo buộc là thủ phạm. Sau khi tuyên bố hôm Chủ Nhật « sẵn sàng trả đũa », hôm qua, 16/09/2019, tổng thống Donald Trump đã họp ê kíp của ông để bàn về tình hình hiện nay và mọi người đang chờ xem tổng thống Mỹ có ra lệnh oanh kích vào Iran hay không. Tuy nhiên, ông Trump lại có thái độ không dứt khoát.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet gởi về bài tường trình :
« Hôm Chủ Nhật, tổng thống tuyên bố trên mạng Twitter là ông sẵn sàng trả đũa vụ tấn công vào các cơ sở dầu hỏa của Ả Rập Xê Út, sau khi ngoại trưởng Pompeo khẳng định chính Iran là thủ phạm. Nhưng hôm qua, thứ Hai ông Donald Trump lại có giọng điệu bớt đe dọa hơn. Ông nói: Tôi không muốn gây chiến với bất cứ ai, tôi không phải là một người muốn chiến tranh. Tổng thống Mỹ nói thêm: Rất có thể Iran là thủ phạm vụ tấn công này, nhưng hiện còn quá sớm để khẳng định điều đó.
Chủ nhân Nhà Trắng còn bảo đảm là hiện Hoa Kỳ chưa dự trù một chiến dịch quân sự nào, nhưng ông nhắc lại quân đội Mỹ là quân đội được trang bị tốt nhất thế giới, có những phi cơ hiện đại nhất, những tên lửa đáng gờm nhất, tức là nếu cần, có thể làm cho đối phương bị tổn thất nặng nề.
Ông Donald Trump tiếp tục khi thì tỏ ra cứng rắn, lúc thì có thái độ hòa dịu, nhưng về cơ bản, ông vẫn chống lại việc Hoa Kỳ tham gia vào một cuộc xung đột mới. Cách đây ba tháng, tổng thống Trump vào giờ chót đã từ bỏ việc tung lực lượng đánh Teheran sau vụ bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ. »
Trong khi đó, hôm nay, trên trang web chính thức của ông, lãnh đạo tối cao của Iran, giáo chủ Ali Khamenei đã loại trừ khả năng thương lượng với Hoa Kỳ. Sau đó, trên mạng Twitter, giáo chủ Khamenei nói thêm là nếu Washington trở lại với hiệp định hạt nhân năm 2015, mà họ đã rút khỏi vào năm ngoái, Mỹ có thể tham gia vào các cuộc thảo luận với Iran và các nước khác đã ký hiệp định này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190917-my-chuan-bi-tra-dua-vu-tan-cong-co-so-dau-cua-a-rap-xe-ut
Tổng thống Trump sẽ gặp gỡ
các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Úc vào tuần tới
Tin từ WASHINGTON, DC – Theo tin từ Reuters, vào tuần tới, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Úc ở Texas và Ohio, để thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Tòa Bạch Ốc cho biết tổng thống Donald Trump sẽ đến Houston, Texas, vào ngày 22 tháng 9 để tham gia một sự kiện với Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ, và để “thảo luận về các biện pháp củng cố thêm mối quan hệ năng lượng và thương mại giữa hai bên”. Sau đó, tổng thống Donald Trump sẽ đến Wapakoneta, Ohio, nơi ông sẽ cùng Thủ tướng Úc Scott Morrison tham gia một chuyến đi đến một cơ sở sản xuất mới thuộc sở hữu của Úc.
Trong tuần này, tổng thống Donald Trump sẽ mời ông Morrison dùng quốc tiệc tại Tòa Bạch Ốc. Đây là buổi quốc tiệc thứ hai của tổng thống Donald kể từ khi nhậm chức.
Vào tháng 6, Hoa Kỳ chấm dứt việc ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ, và loại bỏ nước này khỏi chương trình Hệ thống ưu đãi tổng quát cho phép nhập cảng miễn thuế đối với lượng hàng xuất cảng hàng năm có giá trị lên tới 5.6 tỷ mỹ kim sang Hoa Kỳ. Khi trả lời phỏng vấn với hãng tin Reuters hồi tháng Tám, các viên chức cho biết các nhà đàm phán thương mại của Hoa Kỳ và Ấn Độ kết thúc các cuộc đàm phán vào tháng 7 mà không đạt được tiến triển lớn nào đối với một loạt các tranh chấp về thuế, và các biện pháp bảo hộ khác được cả hai bên áp đặt. Các biện pháp bảo hộ này đang làm căng thẳng quan hệ song phương. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-se-gap-go-cac-nha-lanh-dao-an-do-va-uc-vao-tuan-toi/
Donald Trump tuyên bố « chưa phải lúc »
đi thăm Bắc Triều Tiên
Một hôm sau khi báo chí Hàn Quốc tiết lộ việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã viết thư mời ông đến thăm Bình Nhưỡng, tổng thống Mỹ Donald Trump ngày hôm qua, 16/09/2019 cho biết là ông chưa sẵn sàng cho chuyến công du này.
Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump đã cho rằng thời điểm hiện nay « có lẽ không » thích hợp cho việc đi thăm ông Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng, và phía Mỹ chưa sẵn sàng cho một chuyến công du như vậy.
Tuy nhiên, tổng thống Mỹ cũng nói thêm là một chuyến thăm Bắc Triều Tiên có thể diễn ra trong tương lai, cũng như là việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến thăm Hoa Kỳ.
Về nguồn tin nói rằng Kim Jong Un mời Donald Trump thăm Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ đã không xác nhận mà cũng không phủ nhận, chỉ nói rằng : « Quan hệ giữa chúng tôi rất tốt nhưng tôi không muốn đề cập đến điều này ».
Cho đến nay, lãnh đạo hai nước đã gặp nhau ba lần: vào tháng 6 năm 2018 tại Singapore, vào tháng 2 năm 2019 tại Hà Nội, sau đó vào tháng 6 vừa qua tại Bàn Môn Điếm ở vùng phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên.
Bất chấp thông báo của lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm về việc sắp mở lại các đàm phán, tình hình vẫn bế tắc. Thậm chí, kể từ tháng 7 vừa qua, Bình Nhưỡng đã liên tục cho bắn thử tên lửa tầm ngắn, một động thái bị các quan chức Mỹ xem là « khiêu khích » cho dù ông Trump có phản ứng nhẹ nhàng hơn.
Hàn Quốc phát triển vũ khí chống drone
Theo hãng tin Anh Reuters, trích dẫn thông báo hôm nay 17/09/2019 của Cơ Quan Mua Sắm Quốc Phòng DAPA thuộc Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, chính quyền Seoul sẽ đầu tư 74 triệu đô la để phát triển một hệ thống vũ khí phòng không mang tên Block-I chuyên dùng bám sát và tiêu diệt các máy bay trinh sát không người lái cỡ nhỏ (drone). Hệ thống này sẽ được đưa vào hoạt động từ năm 2023.
Một quan chức cơ quan DAPA còn cho biết thêm là Seoul cũng đề ra mục tiêu cải thiện hệ thống đó để trong tương lai, có thể đánh chặn được phi cơ tiêm kích và vệ tinh.
Quyết định phát triển hệ thống Block-I được đưa ra sau vụ một chiếc phi cơ không người lái của Bình Nhưỡng bị phát hiện ở vùng phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên hồi năm 2017. Chiếc drone này đã chụp được 550 bức ảnh tại khu vực Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc trước khi gặp sự cố và rơi xuống vùng phi quân sự.
Trước đó, vào năm 2014, một phi cơ không người lái khác của Bắc Triều Tiên cũng đã bị rơi sau khi bay sâu vào trong lãnh thổ Hàn Quốc, thậm chí đã chụp ảnh phủ tổng thống Hàn Quốc ở Seoul.
Thương chiến TQ bắt đầu thắp lửa bầu cử Mỹ
Bắc Kinh đã dự định kéo dài thương chiến cho tới bầu cử Mỹ 2020 để ủng hộ Tổng thống mới thuộc phe Dân chủ nhưng…
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Mỹ và từ đó, nó cho người Mỹ thấy một sự thực là nước Mỹ đã và đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Các ứng viên đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng trong cuộc tranh luận tối 13/9 không ngừng công kích Tổng thống Donald Trump, gọi ông là “vấn đề”, là người đào sâu “thù hận và chia rẽ” hay “tổng thống nguy hiểm nhất trong lịch sử đất nước”.
Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ trích ông Donald Trump, họ cũng không thể phủ nhận một điều là cần có thái độ rõ ràng với “mối đe dọa” đến từ nền kinh tế thứ hai thế giới.
Có nhiều dấu hiệu từ các ứng viên Tổng thống Đảng Dân chủ cho thấy, họ sẽ tiếp tục ý tưởng của ông Donald Trump nếu trở thành Tổng thống.
Trong buổi tranh luận, dù các ứng viên đảng Dân chủ chỉ trích cách ông Trump xử lý cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, không ai cam đoan rằng họ sẽ nhanh chóng bãi bỏ những hàng rào thuế quan ông đã tung ra vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Một số người còn ngụ ý sẽ giữ nguyên chính sách thuế này.
Ứng viên Andrew Yang cho biết ông sẽ không “xóa bỏ thuế quan ngay lập tức”, trong khi Thị trưởng Pete Buttigieg nói ông sẽ áp dụng chiến lược coi “thuế quan như đòn bẩy lợi thế”.
Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Minnesota Amy Klobuchar thừa nhận bà ủng hộ đòn thuế đánh vào thép nhập khẩu từ Trung Quốc song cho rằng phạm vi áp thuế của Trump quá rộng và làm tổn thương cả các đồng minh.
“Trump khiến chúng ta mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại và ông ấy đang coi những người công nhân, nông dân như quân bài trong sòng bài sắp phá sản của mình” – bà Klobuchar nhấn mạnh.
Ngay cả ứng viên Joe Biden, Phó Tổng thống Mỹ dưới thời chính quyền Barack Obama, người được cho là “sự lựa chọn” của Trung Quốc nhằm thay thế ông Donald Trump, cũng có khả năng sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc chiến với Trung Quốc.
Ông Biden cho rằng, vấn đề không nằm ở thâm hụt thương mại giữa hai nước, mà nằm ở việc Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ.
“Họ đang vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Họ bán phá giá thép. Đây là vấn đề khác hoàn toàn so với việc họ bán phá giá nông sản” – ông Joe Biden đánh giá.
Đây có thể là dấu hiệu không vui với Trung Quốc, cho thấy ngay cả khi họ đặt cược vào kịch bản ông Donald Trump bị đánh bại trong cuộc bầu cử 2020 và nhường chỗ cho một ứng viên Đảng Dân chủ khác, thì cuộc chiến vẫn có thể tiếp tục diễn ra trong tương lai.
Chưa kể, việc phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc dù gây thiệt hại nhưng vẫn được người dân Mỹ ủng hộ.
Trong một cuộc khảo sát gần đây do Washington Post thực hiện, 6 ứng viên, bao gồm cả những người đang dẫn đầu như Thượng Nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren hay Thượng Nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, từng tuyên bố họ sẵn sàng duy trì mức thuế cao với Trung Quốc nếu được bầu làm tổng thống Mỹ. 10 ứng viên không đưa ra câu trả lời rõ ràng.
Trong các khảo sát của Washington Post, quan điểm về Trung Quốc đã chuyển biến tiêu cực trong vòng một năm qua, trong đó 60% người Mỹ giờ đây có cái nhìn không thiện cảm về Trung Quốc.
Điều đó khiến Bắc Kinh khó có thể tìm cách lay chuyển chính trường Mỹ theo hướng có lợi cho cuộc chiến thương mại. Việc ủng hộ một ứng cử viên Dân chủ cũng sẽ khó giúp Bắc Kinh chấm dứt cuộc chiến thương mại vơi Washington.
Trung Quốc dường như đã hiểu được điều này và tìm cách hạ nhiệt cuộc chiến thương mại sớm với ông Donald Trump để hạn chế càng sớm càng tốt các thiệt hại kinh tế từ thương chiến.
Ngày 12/9, Trung Quốc thông báo đang tiến hành tham vấn về vấn đề mua nông sản của Mỹ, bao gồm các loại hàng hóa đắt đỏ như thịt lợn và đậu nành.
Đây được xem là thiện chí từ Bắc Kinh trước thềm các cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa hai nước dự kiến diễn ra tại Washington vào tháng tới sau khi nước này cũng miễn thuế 15 mặt hàng nông sản Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc.
Trong tuyên bố trước báo giới, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết các công ty nước này đã bắt đầu tham vấn về nhập khẩu nông sản của Mỹ. Ông bày tỏ hy vọng hai nước sẽ tiếp tục có những hành động thiết thực để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tham vấn có lợi cho cả Bắc Kinh và Washington.
Những động thái của Trung Quốc và Mỹ cho thấy hai bên đang nỗ lực tạo không khí hòa hoãn thúc đẩy cuộc đàm phán hướng tới đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại đang gây tổn hại cho 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như đẩy lùi tốc độ tăng trưởng toàn cầu.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30424-thuong-chien-tq-bat-dau-thap-lua-bau-cu-my.html
Biện lý Quận Manhattan
yêu cầu bản khai thuế của tổng thống Trump
Tin từ New York –Hôm Thứ Hai (17/09/2019) theo hãng thông tấn AP đưa tin, các công tố viên New York đã triệu tập các bản khai thuế của Tổng thống Donald Trump.
Biện lý quận Manhattan, Cyrus Vance Jr., đã gửi trát hầu tòa cho công ty kế toán của Tổng thống Trump, yêu cầu bản khai thuế tiểu bang và liên bang trong tám năm qua của Tổng thống Trump và công ty Trump Organization. Ông Vance đã triệu tập công ty Trump Organization vào tháng trước vì các hồ sơ liên quan đến các khoản thanh toán của cựu luật sư Trump, Michael Cohen, để dàn xếp với một nữ diễn viên khiêu dâm tuyên bố cô đã ngoại tình với ông Trump. Cơ quan này cũng đang theo đuổi một vụ lừa đảo thế chấp tiểu bang của cựu chủ tịch ban tranh cử của ông Trump, Paul Manafort.
Các công tố viên liên bang ở New York và Washington đã dành nhiều tháng để điều tra các khoản thanh toán được thực hiện trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016, cho hai người phụ nữ có quan hệ với Tổng thống Trump, Stormy Daniels và người mẫu Karen McDougal. Tổng thống Trump phủ nhận có quan hệ với hai người phụ nữ, và cho rằng bất kỳ khoản thanh toán nào đều là chuyện cá nhân, không phải là chi phí của cuộc bầu cử.
Văn phòng biện lý New York đã thông báo cho tòa án vào tháng trước rằng họ đã hoàn tất việc điều tra các khoản thanh toán. Không ai ngoài ông Cohen bị buộc tội, mặc dù các công tố viên nói hồ sơ tòa án công khai rằng Tổng thống Trump đã chỉ thị các khoản thanh toán. Trump Organization cũng hoàn trả cho ông Cohen số tiền mà Cohen đã trả cho bà Daniels. Ông Cohen đã cho rằng bản tranh cử đã ngụy trang bản chất thực sự của các khoản thanh toán, và không công bằng khi ông là người duy nhất bị truy tố. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/bien-ly-quan-manhattan-yeu-cau-ban-khai-thue-cua-tong-thong-trump/
Mike Pompeo, cột trụ cuối cùng
trong chính sách ngoại giao của Donald Trump
Vị thế của ngoại trưởng Mike Pompeo trong chính quyền càng được củng cố sau khi cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ, John Bolton ra đi. Về đối ngoại, Mike Pompeo “một mình một chợ” và cũng là “cột trụ cuối cùng” về chính sách đối ngoại của Nhà Trắng, là một trong những người hiếm hoi được Donald Trump “tin tưởng“. Trên đây là nhận định của giới truyền thông quốc tế.
Vào lúc cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Hoa Kỳ, ông Bolton, bị thất sủng, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tươi cười xuất hiện trước thềm Nhà Trắng. Phát biểu với báo chí, ông Pompeo đã nhấn mạnh đến những “bất đồng” từng có với John Bolton và tin tưởng rằng, “từ giờ trở đi chung quanh tổng thống Trump chỉ còn lại những người được nguyên thủ Mỹ hoàn toàn tin tưởng“. Tổng thống Trump không ngớt lời ca ngợi Mike Pompeo, thành viên duy nhất trong nội các rất “ăn ý” với ông.
Chuyên gia Thomas Wright thuộc viện nghiên cứu Brookings đánh giá : loại được Bolton là một “thắng lợi của ông Pompeo“. Cặp bài trùng này không hòa thuận với nhau và đã từ lâu ngoại trưởng Mỹ muốn Bolton rời khỏi chính quyền.
Thắng lợi của ông Mike Pompeo càng thêm trọn vẹn khi đích thân tổng thống Hoa Kỳ cho biết đã “đề nghị” để đương kim ngoại trưởng Mỹ kiêm luôn cả chức cố vấn an ninh quốc gia. Đây là một sự kiện hiếm hoi, bởi tới nay nhà ngoại giao Henry Kissinger là người duy nhất có được vinh dự này.
Mike Pompeo đã khéo léo cảm ơn tổng thống Trump và cho biết ông muốn có được một người để cùng “phối hợp chính sách đối ngoại” của Mỹ. Nói cách khác, về mặt chính thức, ngoại trưởng Pompeo đã từ chối ân huệ nói trên, nhưng về thực chất, ngày nào mà chiếc ghế cố vấn an ninh quốc gia còn chưa có chủ, thì Mike Pompeo là người duy nhất chia sẻ với tổng thống Trump chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Trên báo Wall Street Journal ngày 12/09/2019, Micheal C. Bender và Courtney McBride nhận định : “Bolton ra đi, vai trò của Mike Pompeo được mở rộng“.
Tháng 5/2018 khi Mike Pompeo, ông trùm cơ quan tình báo Hoa Kỳ chính thức ngồi vào chiếc ghế ngoại trưởng, thay thế Rex Tillerson, cựu chủ tịch tập đoàn dầu khí ExxonMobile, mọi người đã nghĩ rằng, Pompeo là nhân vật cuối cùng còn thiếu trong dàn cố vấn về chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. Một năm rưỡi sau nhìn lại, Mike Pompeo là người duy nhất trong ê-kíp đó “còn trụ lại“.
Vậy giờ đây, khi độc quyền điều hành chính sách ngoại giao của Mỹ, Mike Pompeo sẽ làm gì ? Hai đồng tác giả bài báo trên Wall Street Journal trả lời : Bolton đi rồi, Pompeo rảnh tay để thực hiện những tham vọng to lớn hơn của tổng thống Trump. Chẳng hạn như việc tiếp xúc trực tiếp với tổng thống Iran, Hassan Rohani mà Washington không đặt ra những “điều kiện tiên quyết” hay mời đại diện quân Taliban đến Camp David để thảo luận về tiến trình vãn hồi hòa bình tại Afhganistan.
Trái với John Bolton, ngoại trưởng Pompeo là người ủng Zalmay Khalilzad, đặc sứ Mỹ về Afghanistan và ông tán đồng ý kiến mời đại diện Taliban đến tận Hoa Kỳ.
Liên quan đến đàm phán hạt nhân Mỹ-Bắc Triều Tiên, mọi chú ý sẽ dồn về phía ngoại trưởng Mike Pompeo. Bởi mọi người còn nhớ Bình Nhưỡng luôn chống đối sự hiện diện của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người chủ trương dùng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề nguyên tử Bắc Triều Tiên và từng quan niệm rằng Mỹ nên áp dụng “mô hình Libya” để buộc chế độ Kim Jong Un từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Michael C. Bender và Courtney McBride không nhắc đến đoạn hồi tháng 4/2019, Bình Nhưỡng từng yêu cầu Washington “rút” ngoại trưởng Pompeo ra khỏi vòng đàm phán. Bắc Triều Tiên muốn đối thoại với một người “chín chắn hơn” và quy trách nhiệm cho nhà ngoại giao đắc lực này của tổng thống Trump đẩy đàm phán Washington – Bình Nhưỡng vào bế tắc.
Đâu là bí quyết để ông trùm CIA Mike Pompeo, 56 tuổi này được ông vua địa ốc Donald Trump trọng dụng ? Thomas Wright, Viện Nghiên cứu Brookings giải thích : Thành công của Pompeo nằm ở chỗ, ông “không bao giờ lộ rõ quan điểm của chính mình. Mike Pompeo lặng lẽ đi từng nước cờ và biết dừng lại đúng lúc nếu ông cảm nhận thấy là không thuyết phục được tổng thống Trump“.
Trên cả hai hồ sơ Iran và Afghanistan, Mike Pompeo là một nhân vật diều hâu, nhưng đã nhiều lần “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi được tổng thống Trump giao nhiệm vụ thu xếp để nguyên thủ Mỹ gặp tổng thống Iran hay mời đại diện của Tailban đến Camp David, khu nghỉ dưỡng của các vị tổng thống Hoa Kỳ.
Ưu điểm thứ hai của ngoại trưởng Pompeo là biết phát biểu đúng lúc, kiểm soát từng lời ăn tiếng nói, qua đó vừa tránh để lộ những bất đồng của bộ Ngoại Giao với Nhà Trắng, vừa luôn chứng tỏ ông chỉ là chiếc bóng, đứng sau lưng tổng thống Trump.
Nhờ những đức tính đó, mà Mike Pompeo đã nhanh chóng thăng tiến trong suốt sự nghiệp của ông, và nhất là kể từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Ngay đầu nhiệm kỳ tổng thống, nhà tỷ phú New York đề cử Mike Pompeo làm giám đốc cơ quan tình báo CIA.
Bài báo trên Wall Street Journal nhắc lại ông Pompeo ngồi vào chiếc ghế giám đốc CIA vào thời điểm tân tổng thống Mỹ thứ 45 liên tục công khai chỉ trích cơ quan tình báo Hoa Kỳ, gây phẫn nộ trong hàng ngũ các điệp viên lợi hại nhất của Mỹ. Và thế là Mike Pompeo không ngừng đóng vai trò hòa giải.
Tương tự như vậy, ở cương vị bộ trưởng Ngoại Giao, một lần nữa cánh tay đắc lực này của Donald Trump cố gắng san bằng những bất đồng giữa The US State Department (bộ Ngoại Giao) với Nhà Trắng. Uy tín của vị cựu dân biểu bang Kansas trong mắt tổng thống Hoa Kỳ lớn dần.
Vào lúc tổng thống Trump bãi nhiệm tướng James Mattis hồi tháng 12/2018, chức bộ trưởng Quốc Phòng tạm thời được trao cho hai nhân vật khá nhạt mờ trong giai đoạn “chuyển tiếp đó“, nhiều thành viên trong nội các Hoa Kỳ coi Mike Pompeo như là “ông sếp” của cả Lầu Năm Góc.
Cuối tháng 6/2019, ngoại trưởng Pompeo đến Tampa, bang Florida, dự một loạt các cuộc họp với các bộ ngành được đặt dưới quyền của bên bộ Quốc Phòng. Nhân vật thân tín với tổng thống Trump này giải thích : ông có mặt tại các cuộc họp nói trên nhằm “phối hợp chặt chẽ vế ngoại giao và an ninh“. Hiềm nỗi, lần đó, quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ lại vắng mặt !
Xét cho cùng, bản thân ngoại trưởng Mike Pompeo xuất thân là một nhà quân sự. Ông từng tốt nghiệp Học Viện West Point, tốt nghiệp thủ khoa khóa 1986. Sau 5 năm phục vụ trong quân đội, ông ghi danh vào trường Harvard nổi tiếng của Hoa Kỳ, rồi ra kinh doanh.
Mãi đến năm 2010, Mike Pompeo mới tham gia chính trị. Được bầu vào Quốc Hội, ông nhanh chóng được đề cử vào Ủy Ban của Hạ Viện theo dõi các hoạt động tình báo. Tên tuổi của ông bắt đầu được công chúng biết đến nhân cuộc điều tra về vụ tấn công ở Benghazi năm 2012, làm đại sứ Mỹ tại Libya thiệt mạng.
Ngày Mike Pompeo được đề cử làm ngoại trưởng Mỹ, đảng Cộng Hòa đồng loạt hoan nghênh quyết định nói trên của chủ nhân Nhà Trắng. Thượng nghị sĩ Lindsay Graham tuyên bố “không ai hiểu rõ hơn Mike Pompeo về những mối đe dọa xuất phát từ Bắc Triều Tiên và Iran (…) Quan hệ cá nhân đặc biệt giữa ông với tổng thống Trump sẽ giúp ích cho Mike Pompeo rất nhiều ở cương vị ngoại trưởng“.
Cố thượng nghị sĩ JohnMcCain thì đánh giá Pompeo ở bộ Ngoại Giao, Lầu Năm Góc thực sự có được một “đối tác đáng tin cậy“. Chỉ riêng có bên đảng Dân Chủ đối lập, thượng nghị sĩ Dianne Fenstein hoài nghi về “những phát biểu kém ngoại giao của người đứng đầu bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ” này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190917-mike-pompeo-chinh-sach-ngoai-giao-donald-trump
Lo ngại lợi ích bị đe dọa,
Canada thông qua kế hoạch
tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực
Thủ tướng Canada Justin Trudeau (10/9) đã công bố một kế hoạch 10 năm đối với khu vực Bắc Cực thuộc nước này, trong đó bao gồm việc tăng cường hiện diện quân sự và phản ứng với sự gia tăng cạnh tranh quốc tế.
Theo kế hoạch trên, Canada sẽ duy trì cam kết sử dụng chủ quyền của mình thông qua tuyến hàng hải, mà các quốc gia khác gồm Mỹ, coi là tuyến hải trình quốc tế. Tại vùng Bắc Cực hiện đang gia tăng lợi ích và cạnh tranh quốc tế giữa các quốc gia và các yếu tố phi quốc gia, những bên đang tìm cách chia chác nguồn tài nguyên giàu có và vị trí chiến lược của khu vực này. Tài liệu khẳng định mục tiêu chính của Chính phủ Canada là “tăng cường hiện diện quân sự ở Ottawa tại vùng Bắc Cưc và phía Bắc”. Được biết, trong năm 2017, lưu thông hàng hải tại vùng biển Bắc Cực tăng 22% so với năm 2016.
Khu vực Bắc Cực bao gồm lục địa Bắc Cực rộng khoảng 8 triệu km2 và biển Bắc Cực rộng khoảng 12 triệu km2, là một trong những khu vực được đánh giá có tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú. Các nhà khoa học ước tính Bắc cực chiếm 25% nguồn tài nguyên “chưa được phát hiện” toàn cầu. Báo cáo từ Viện Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) cũng cho thấy 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt (tương đương với 1.670 ngàn tỉ m3) chưa được thăm dò trên thế giới đang “ngủ yên” dưới các lớp băng. Ngoài ra, Bắc Cực còn rất giàu tiềm năng khoáng sản. Khu vực này có những mỏ quặng sắt, kẽm, niken, vàng, uranium và nhiều loại khoáng sản khác với trữ lượng thuộc loại lớn nhất thế giới. Cần biết rằng mỏ kẽm lớn nhất thế giới đang nằm ở Alaska, một bang nằm gần Bắc Cực của Mỹ, trong khi đó một mỏ niken lớn nhất thế giới cũng được phát hiện ở vùng lãnh thổ Bắc Cực của Nga. Ngoài ra, theo đánh giá của Công ty tư vấn toàn cầu Strategic Forecasting, Inc (SFI) của Mỹ, khoảng 20% băng ở Bắc Cực sẽ tan ra vào năm 2050, lộ ra khoảng một triệu dặm vuông làm cho hành lang Tây Bắc, lộ trình vận tải biển ở các vĩ độ xa nhất về phía Bắc xuất hiện, tạo tiền đề cho các ngành công nghiệp khác như khai thác dầu khí, khai thác mỏ và du lịch phát triển. Theo ước tính sơ bộ của giới chuyên gia, hoạt động kinh tế hàng năm của khu vực Bắc Cực có thể vượt quá 450 tỷ USD. Không những vậy, phía Bắc Bắc Cực còn có giá trị rất lớn về vị trí địa chiến lược quân sự, nhất là trong bối cảnh chưa có các điều ước quốc tế cấm triển khai các vũ khí ở khu vực này. Bởi vậy, các quốc gia có liên quan như Mỹ, Na Uy, Canada, Thụy Điển và Nga, thậm chí cả Trung Quốc cũng đã và đang gửi thiết bị và phương tiện để thể hiện sự quan tâm của mình đối vùng đất xa xôi, hẻo lánh này.
Hiện khu vực Bắc Cực được Hội đồng Bắc Cực điều phối. Hội đồng này được thành lập năm 1996 ở Ottawa (Canada) bao gồm 8 thành viên là Mỹ, Nga, Canada, Phần Lan, Na uy, Iceland, Đan Mạch và Thuỵ Điển. Theo tờ nhật báo Thế giới của Đức, trong thời gian từ 2012 đến 2017, mức độ đầu tư của một số thành viên Hội đồng vào các hoạt động liên quan đến khu vực này như sau: Nga 194,4 tỷ USD, Mỹ 189,7 tỷ USD, Canada 47,3 tỷ USD, Na uy 2,5 tỷ USD, Đan Mạch 2 tỷ USD và Iceland 1,2 tỷ USD.
Trong những năm gần đây, với việc số lượng băng ở Bắc Cực tan nhanh đáng kể do các tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, một số nước xung quanh như Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy đã bắt đầu tuyên bố chủ quyền của mình ở khu vực này. Để bảo vệ lợi ích của mình ở vùng Bắc Cực, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điều 38.000 quân, 41 tàu chiến và 15 tàu ngầm tới bảo vệ một vùng khoảng 1,2 triệu km2. Những khu vực này được trang bị tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không tối tân. Trong khi đó, hai đối thủ của Nga, là Canada và Đan Mạch, đưa ra lập luận rằng các dãy núi ngầm dưới Bắc Cực là phần nền tiếp nối của đảo Greenland (lãnh thổ tự trị của Đan Mạch và Canada). Năm 2014, Đan Mạch cũng đã đệ đơn đòi chủ quyền 900.000km2, tới tận đường giới hạn 200 hải lý của Nga. Không chỉ tranh chấp khu vực với Nga, Đan Mạch còn bất đồng với Canada liên quan đến việc giành chủ quyền ở đảo Hans, một đảo hoang với diện tích 1,3km2 nằm ở vùng xa xôi và hẻo lánh của Bắc Cực.
Đáng chú ý, để ngăn chặn Nga tăng cường hiện diện trong khu vực, Canada đã tiến hành cuộc tập trận mang tên NOREX 2015 hồi tháng 1 vừa qua tại khu vực Nunavut, phía Bắc nước này trên vùng Bắc Cực. Ngoại trưởng Canada John Baird trong một cuộc phỏng vấn còn bóng gió rằng Canada đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu vũ trang với Nga tại đây có thể xảy ra. Không những vậy, Thủ tướng Canada Stephen Harper khi còn đương chức cũng đã lên đường tới Bắc Cực với mục tiêu tái khẳng định tuyên bố chủ quyền của Ottawa đối với khu vực này. Ông Harper cam kết sẽ “hành động để bảo
vệ bằng mọi giá chủ quyền của Canada tại Bắc Cực trong bối cảnh quốc tế ngày càng quan tâm tới khu vực này”. Trong chuyến thị sát này, ông Harper dự kiến sẽ đặt tên cho cảng nước sâu đầu tiên của Canada tại Bắc Cực, gặp gỡ 800 binh sĩ Canada, cảnh sát liên bang và lính biệt kích đang diễn tập tại đây.
HRW tố cáo chính phủ Brazil
để mặc mafia phá rừng Amazon
Tổ chức Human Rights Watch (HRW) trong báo cáo công bố hôm nay 17/09/2019 tố cáo chính phủ Brazil đã thất bại trong việc bảo vệ những người đấu tranh cho môi trường; họ trở thành nạn nhân của các mạng lưới mafia phá hoại rừng Amazon.
Báo cáo mang tựa đề « Bọn mafia của rừng nhiệt đới » nhận định do kiểm soát lỏng lẻo và không hề trừng phạt, nạn phá rừng tại khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới đã tăng gấp đôi từ đầu năm nay cho đến tháng Tám, từ 3.337 km2 lên 6.404 km2 so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết thủ phạm là các mạng lưới tội phạm, đã hành hung hoặc đe dọa những ai ngăn trở chúng.
Theo Human Rights Watch : « Các tổ chức tội phạm có hệ thống phối hợp việc đốn cây, cưa và bán gỗ ở mức quy mô, sử dụng những kẻ vũ trang để đe dọa thậm chí sát hại những người muốn bảo vệ rừng ».
Brazil là nước đứng thứ tư về sát hại các nhà đấu tranh môi trường, theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Global Witness năm 2018.
HRW nêu ra 28 trường hợp sát nhân trong những năm gần đây, « theo những bằng chứng chắc chắn », mà thủ phạm có liên can đến các vụ đốn hạ cây rừng. Những kẻ bạo hành hiếm khi bị ra tòa, và không có cuộc điều tra nào được mở ra khi người bị đe dọa tố cáo. HRW nhắc lại vụ ám sát Chico Mendes, một trong những tiếng nói bảo vệ môi trường được biết đến nhiều trên thế giới, năm 1988.
Human Rights Watch yêu cầu tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro chấm dứt việc cáo buộc vô căn cứ đối với các tổ chức phi chính phủ, và tái lập hợp tác với xã hội dân sự để bảo vệ thổ dân và các nhà đấu tranh môi trường. Tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng cảnh báo việc ông Bolsonaro bổ nhiệm Ernesto Araujo làm ngoại trưởng – một nhân vật chủ trương rút Brazil khỏi hiệp định khí hậu Paris.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190917-hrw-to-cao-chinh-phu-brazil-de-mac-mafia-pha-rung-amazon
Brexit: Thủ tướng Anh
vẫn không thuyết phục được LHCA
Một lần nữa, thủ tướng Anh Boris Johnson lại thất bại trong việc thuyết phục Liên Hiệp Châu Âu đàm phán lại thỏa thuận đã ký về Bexit, tức là về việc nước Anh chia tay Liên Âu.
Đến Luxembourg hôm qua, 16/09/2019, trong một chuyến viếng thăm chớp nhoáng để tiếp xúc với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker và thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, ông Johnson đã lẳng lặng bỏ đi ngay sau cuộc gặp, bất chấp một cuộc họp báo chung đã được dự kiến.
Theo đặc phái viên RFI Pierre Benazet tại Luxembourg, thủ tướng Anh Boris Johnson đã đến Luxembourg để tìm cách thúc đẩy các cuộc đàm phán đang diễn ra với hy vọng đạt được một thỏa thuận brexit mới với châu Âu. Tuy nhiên, cả chủ tịch Ủy Ban Châu Âu lẫn thủ tướng Luxembourg đều hoài nghi trước thực tâm muốn đàm phán của ông Johnson.
« Sau các cuộc tiếp xúc tại Luxembourg, Boris Johnson vẫn tuyên bố rằng ông hy vọng có thể ký kết một thỏa thuận mới với châu Âu. Tuy nhiên, ông không mảy may thay đổi lập trường: Thời điểm rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu vẫn là ngày 31 tháng 10, sẽ không có một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai và cơ chế backstop về biên giới Ireland vẫn là điều không thể chấp nhận được đối với ông.
Với các lập trường như vậy, cũng dễ hiểu là sau bữa ăn trưa với thủ tướng Anh, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, không biết là lần thứ mấy, đã nhắc lại rằng giờ đây, trách nhiệm của chính phủ Anh là đề xuất một giải pháp hiệu quả.
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cũng có phát biểu tương tự. Ông đã lấy làm tiếc về việc thiếu các đề xuất rõ ràng, hợp pháp và bằng văn bản. Ông Bettel đã phải một mình đảm trách cuộc họp báo dự trù sau cuộc họp, bên cạnh một cái bục trống, vì Boris Johnson đã lẳng lặng bỏ đi sau cuộc gặp.
Sự hiện diện của một đám đông rất ồn ào của người biểu tình phản đối ông Johnson và Brexit cách nơi họp báo vài thước có lẽ không xa lạ với việc thủ tướng Anh vội vã bỏ đi.
Và vào lúc ông Boris Johnson leo lên xe của mình, thủ tướng Luxembourg đã không tiếc lời chỉ trích tình trạng thiếu chuẩn bị của phía Anh, thậm chí cáo buộc chính phủ Anh là bắt công dân làm con tin ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190917-brexit-thu-tuong-anh-van-khong-thuyet-phuc-duoc-lhca
Ba Lan chi 6,5 tỷ USD
mua chiến đấu cơ F-35 từ Mỹ để làm gì?
Tin tức về việc chính phủ Donald Trump chuẩn thuận để Cộng hòa Ba Lan mua 32 chiến đấu cơ tàng hình F-35 từ Mỹ được bàn đến nhiều trong giới quan sát quân sự châu Âu tuần qua.
Dù đơn đặt hàng đã được Ba Lan gửi đến Mỹ từ lâu, quyết định của Ba Lan mua F-35, và quan trọng hơn, là sự đồng ý của Mỹ cho tập đoàn Lockheed Martin bán dàn phi cơ hiện đại nhất của Hoa Kỳ cho đồng minh Đông Âu, có ý nghĩa lớn.
Ngoài ra là vấn đề giá cả.
F-35 nổi tiếng là đắt tiền và thời giá năm 2012 cho thấy chương trình F-35 của Ngũ Giác Đài đã khiến ngân sách Hoa Kỳ tốn 400 tỷ USD.
Hôm 14/09/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, Mariusz Błaszczak xác nhận với báo chí con số Ba Lan phải chi là 6,5 tỷ USD, tính từ nay đến 2026.
Đây là một khoản tiền rất lớn cho Ba Lan, và vì thế, khiến người ta đặt ra câu hỏi liệu Ba Lan có đủ khả năng sử dụng hết các tính năng của F-35 chưa.
Nói ngắn gọn thì có câu hỏi rằng nhu cầu phòng thủ của Không quân Ba Lan đã cần đến 32 chiếc F-35 thế hệ 5 hay chưa.
Mỹ luân chuyển thêm 1000 quân sang Ba Lan
Hàng vạn quân Ba Lan đã cầm súng cho Hitler
Tranh cãi về trận Liên Xô đánh Ba Lan
Nhu cầu hiện đại hóa không quân
Theo giới chức Ba Lan, nước họ thực sự có nhu cầu hiện đại hóa không quân, thay toàn bộ các phi cơ cũ do Liên Xô chế tạo.
Quả vậy, 20 năm sau khi gia nhập khối Nato, Ba Lan vẫn còn nhiều chiến đấu cơ cổ lỗ như Sukhoi Su-22, hoặc thậm chí MiG-29.
Để phù hợp với hoạt động tác chiến cùng Nato, Ba Lan đã dần dần mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.
Hiện nay, Ba Lan có 48 chiếc F-16 nhưng có tiếng nói rằng Ba Lan chỉ cần tăng thêm các phi đội F-16 là đủ mà không cần đến F-35.
Tuy thế, ông Tomasz Smura, giám đốc văn phòng nghiên cứu thuộc quỹ Casimir Pulaski Foundation ở Warsaw được báo chí trích lời đánh giá rằng “phi cơ F-35 sẽ mở ra một loạt cơ hội mới cho Không lực Ba Lan trong mấy thập niên tới, nhờ tính năng tàng hình và khả năng tác chiến đa dạng mà hiện Ba Lan không có”.
Theo trang defense24.pl của Ba Lan, có khả năng bốn chiếc F-35A đầu tiên sẽ được chuyển cho Ba Lan năm 2024.
Các phi cơ F-35 Lightning II có thể được chuyển cho Ba Lan năm 2026.
Tổng số 16 chiếc sẽ về Ba Lan năm 2026 và 16 chiếc còn lại vào 2030.
Ý nghĩa về chiến lược và uy tín
Việc đem về các phi đội F-35 còn mang ý nghĩa chiến lược.
Chúng giúp Ba Lan tiến lên hàng đầu trong số các quốc gia Nato từng thuộc phe xã hội chủ nghĩa, và đứng ngang hàng với các nước Tây Âu đã và đang dùng F-35.
Theo hãng thông tấn nhà nước Ba Lan (PAP), nhờ dàn F-35 Ba Lan sẽ là đối tác không quân với Đan Mạch, Hà Lan, Anh và Ý tại châu Âu.
Ngoài EU, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, Úc và Canada được Mỹ bán cho F-35.
Trước mắt, không quân Ba Lan phải bắt đầu chương trình huấn luyện phi công của họ ở Hoa Kỳ để có thể tiếp nhận máy bay mới.
Xây Fort Trump làm doanh trại cho quân Mỹ?
Hồi tháng 6/2019, khi ở thăm Washington, Tổng thống thuộc cánh hữu của Ba Lan, ông Andrzej Duda đề xuất xây một căn cứ quân sự để Hoa Kỳ luân chuyển quân sang đóng.
Ba Lan muốn tự bỏ ra 2 tỷ USD cho dự án này và gọi nó không chính thức là Căn cứ Trump (Fort Trump).
Dù hoan nghênh ý tưởng đó từ tổng thống Ba Lan, ông Trump không xác nhận Mỹ sẽ đồng ý lập căn cứ vĩnh viễn tại quốc gia Đông Âu này.
Di sản từ khối Hiệp ước Warsaw
Thời xã hội chủ nghĩa, quân lực Ba Lan đặt ưu tiên vào thiết giáp và bộ binh chứ không chú trọng nhiều vào không quân, theo các tính toán của Moscow.
Tại Legnica (Legnitz) nằm ở phía Tây Nam Ba Lan có căn cứ xe tăng lớn của Liên Xô và Ba Lan, sẵn sàng tấn công sang các nước tư bản Nato nếu xảy ra chiến tranh.
Lực lượng Liên quân Khối Hiệp ước Warsaw chỉ trang bị cho Ba Lan các máy bay hạng nhẹ.
Đã từng có sáng kiến để Ba Lan dùng cả máy bay ném bom mang được bom nguyên tử, nhưng sau bị bác bỏ.
Cho đến thập niên 1980, trong chương trình hiện đại hóa không quân 1981-85, Ba Lan mới được phép đặt hàng một loạt phi cơ hiện đại thời đó từ Liên Xô.
Đó là tám máy bay tiêm kích MiG-25P, 96 tiêm kích MiG-23MF, 82 máy bay ném bom Su-22, 36 phi cơ tấn công Su-25 và hàng chục trực thăng.
Tuy thế, chương trình này không thành hiện thực một cách toàn bộ vì các biến động chính trị và thay đổi thể chế năm 1989.
Sau đó khối Hiệp ước Warsaw giải tán và Liên Xô sụp đổ (1991).
Từ đó đến nay, không quân Ba Lan về cơ bản không có trang bị gì mới.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49726491
Hỏa hoạn ở phòng thí nghiệm virus siêu độc
tại Siberia, Nga
Một trung tâm khoa học lớn của Nga, nơi chuyên nghiên cứu các virus chết người gồm Ebola và HIV, bác bỏ nghi ngờ về tình trạng ô nhiễm sinh học sau một vụ nổ và hỏa hoạn tại cơ sở của họ.
Đám cháy xảy ra từ vụ nổ bình gas trong quá trình cải tạo nhà xưởng tại trung tâm Vektor ở Koltsovo, một thị trấn gần thành phố Novosibirsk ở Siberia.
Nhân viên y tế Nga lo bị nhiễm xạ sau vụ nổ
Nga: Vụ nổ tên lửa khiến độ phóng xạ tăng 16 lần
Bí ẩn tên lửa: Nga thử nghiệm vũ khí gì ở Bắc Cực?
Vụ cháy Rạng Đông: “Dân không còn biết tin vào đâu”
Mỹ nghi vụ nổ ở Nga xuất phát từ thử tên lửa hành trình dùng năng lượng hạt nhân
Tin cho hay một người bị bỏng và hiện đang được chăm sóc đặc biệt.
Được biết Vektor là một cơ sở nghiên cứu vũ khí sinh học trong thời Chiến tranh Lạnh.
Cơ sở này được thành lập vào năm 1974, là viện nghiên cứu vaccines và “phòng chống các loại vũ khí vi khuẩn và sinh học”, hãng thông tấn Interfax tường thuật.
Vụ nổ hôm thứ Hai xảy ra trong quá trình cải tạo sửa chữa tầng năm của tòa nhà thí nghiệm cao sáu tầng, khiến các cửa sổ vỡ tung.
Không có hư hại lớn về mặt cấu trúc tòa nhà, và “không có công tác nghiên cứu nào đối với các thành phần sinh học diễn ra tại đó”, thông cáo của trung tâm Vektor nói.
Vụ hỏa hoạn lan ra ở diện tích 30 mét vuông trước khi bị khống chế, dập tắt.
Vektor là một trong những nơi có số lượng mẫu virus lớn nhất thế giới, trong đó có Ebola, theo Interfax.
Các tường thuật nói trong bộ các mẫu vật sinh học ở đây có cả virus đậu mùa, cúm chim và các biến thể khác nhau của bệnh viêm gan.
Hồi 5/2004, một nữ khoa học gia làm việc tại phòng thí nghiệm của Vektor ở Koltsovo tử vong sau khi vô tình bị chích vào tay trái một xy-lanh có chứa khuẩn Ebola.
Antonina Presnyakova là một nhà nghiên cứu dày dạn kinh nghiệm, khi đó đã làm nhiều các thí nghiệm trên chuột lang, nhật báo Nga Kommersant tường thuật.
Bà có trang bị đồ bảo hộ thông thường, đeo găng tay cao su, và ngay lập tức đã được điều trị y tế, nhưng liều lượng lớn vẫn khiến bà tử vong sau đó hai tuần.
Bốn viên chức tại Vektor đã bị kỷ luật trong vụ này.
Kommersant mô tả Vektor như một “cơ sở quân sự”, có hàng rào kẽm gai vây quanh và nhân viên bảo vệ có vũ trang đứng gác trên các tháp canh.
Các cơ sở bí mật thời Chiến tranh Lạnh
Sự cố ở Koltsovo khiến làm dấy lên quan ngại về vấn đề an toàn ở các cơ sở bí mật có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Liên Xô thời đó, để cạnh tranh với Mỹ, đã có các chương trình nghiên cứu quy mô lớn về vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học.
Hồi tháng trước, năm kỹ sư hạt nhân cùng hai quân nhân thiệt mạng khi một động cơ “năng lượng đồng vị” phát nổ tại bãi thử tên lửa của hải quân tại Nyonoksa ở vùng Bắc Cực thuộc Nga. Vụ việc làm rò rỉ phóng xạ ra môi trường ở mức độ thấp, các quan chức nói.
Sự cố hồi tháng trước vẫn được giữ bí mật. Nga đang phát triển một loại tên lửa tuần du hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, nhưng quân đội Nga không cho biết chi tiết loại công nghệ được thử nghiệm tại Nyonoksa.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49732661
Bầu cử Israel mang tính quyết định
với số phận thủ tướng Netanyahu
Lần thứ hai kể từ năm tháng qua, người dân Israel hôm nay 17/09/2019 lại đi bầu Quốc Hội. Do không lập được liên minh sau cuộc bầu cử lần trước, thủ tướng Benyamin Netanyahu quyết định giải tán Quốc Hội và cho bầu lại với hy vọng sẽ chiếm được ưu thế, nhưng tình hình rất phức tạp.
Đối thủ của ông Netanyahu là cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz, chủ trương tự do về các vấn đề xã hội nhưng « diều hâu » về an ninh.
Thông tín viên Guilhem Delteil tường trình từ Jérusalem :
« Thử thách hàng đầu của ông Benyamin Netanyahu là lại được giao phó nhiệm vụ lập chính phủ. Hồi tháng Năm, sau khi thất bại, lẽ ra ông đã phải để cho một dân biểu khác cố gắng thành lập một liên minh. Nhưng ông Netanyahu không thích điều này, thay vào đó ông cho giải tán Quốc Hội.
Để bảo đảm được tổng thống chỉ định làm thủ tướng, Benyamin Netanyahu muốn đảng Likud của ông phải là lực lượng mạnh nhất tại Quốc Hội. Vì vậy chiến dịch bầu cử của ông nghiêng về phía hữu, hứa hẹn sáp nhập nhiều mảng lớn của lãnh thổ Palestine, đưa ra những tuyên bố chống người Ả Rập. Và ông Netanyahu kêu gọi cử tri bỏ phiếu một cách thông minh, với hy vọng sẽ tranh thủ được phiếu của các đảng nhỏ.
Nhưng chiến lược này có nguy cơ vấp phải một điều bắt buộc: đó là thành lập một liên minh để chiếm đa số tại Quốc Hội. Bị yếu đi vì đang bị điều tra về tham nhũng, Benyamin Netanyahu nay có số đối tác tiềm năng hạn chế : chỉ có các đảng cánh hữu muốn tham gia chính phủ của ông. Như vậy sau hôm bầu cử, Netanyahu cần có các đảng mà ông đã cố thu phục cử tri của họ trong chiến dịch tranh cử. Và từ khi Knesset bị giải tán, không có cuộc thăm dò nào cho thấy ông Netanyahu sẽ có được đa số cánh hữu. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190917-bau-cu-israel-mang-tinh-quyet-dinh-voi-so-phan-thu-tuong-netanyahu
Bầu tổng thống Tunisia:
Chiến thắng của các ứng viên “phi hệ thống”
Một chuyên gia về luật hiến pháp khắc khổ sẽ đọ sức với một doanh nhân hiện đang ngồi tù : Nếu kết quả bán phần cuộc bầu cử tổng thống Tunisia hôm Chủ Nhật 15/09/2019 vừa qua được xác nhận, thì vòng 2 cuộc bầu cử sẽ cho thấy sự biến động của bối cảnh chính trị tại đất nước đi tiên phong trong Mùa Xuân Ả Rập.
Theo số liệu chính thức được cơ quan bầu cử (Isie) của Tunisia công bố vào hôm qua, 16/09/2019, dựa trên 2/3 số phiếu đã kiểm, thì ứng cử viên Kais Saied, một học giả 61 tuổi, không thuộc đảng phái hay phong trào chính trị nào, đã về đầu với 18,9% số phiếu.
Theo sau là ông Nabil Karoui, một doanh nhân 56 tuổi, hiện đang bị cầm tù, được 15,5% phiếu bầu, đứng trên cả Abdelfattah Mourou, ứng cử viên của đảng Ennahda theo xu hướng Hồi Giáo, chỉ được 12,9%.
Theo hãng tin Pháp AFP, ông Mohamed Tlili Mansri, một quan chức thuộc cơ quan bầu cử Isie cho rằng kết quả sơ bộ nói trên khá tiêu biểu, và thứ hạng chung cuộc sẽ không thay đổi.
Cả hai ứng cử viên về đầu thường được coi là những ứng viện « phi hệ thống », tức là không phải là những người xuất thân từ một đảng phái hay phong trào chính thống, trong chính quyền hoặc trong phe đối lập.
Họ nằm trong số 26 người ra tranh cử tổng thống lần này, trong bối cảnh Tunisia đang trải qua khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng, dẫn đến xu hướng phủ nhận giới chính khách truyền thống.
Trong cuộc vận động tranh cử vừa qua, cả hai ông Saied và Karoui, đều đã khai thác tâm lý phản bác giới chính trị truyền thống đó.
Là một người sành sỏi về Hiến Pháp, ông Kais Saied được biết đến trong tư cách một nhà bình luận chính trị, luôn có hình ảnh là một người thanh liêm, không thể mua chuộc, đứng trên các tranh cãi chính trị nhỏ nhen. Ông có một chủ trương nhìn chung rất bảo thủ về mặt xã hội, như chống việc bãi bỏ án tử hình, chống việc bãi bỏ luật kết tội những người đồng tính, chống chủ trương công bằng trong việc nhận thừa kế.
Còn Nabil Karoui là một người xuất thân từ giới quyền thế tại Tunisia, nhưng đã tỏ lập trường chống lại các thành phần đó. Hình ảnh của người hùng chống hệ thống của ông đã được củng cố đáng kể khi ông bị bắt giam vào cuối tháng Tám vừa qua trong khuôn khổ một cuộc điều tra về rửa tiền và gian lận thuế.
Trong những năm gần đây, doanh nhân này đã được người dân biết đến nhờ những chiến dịch từ thiện mà ông tổ chức tại những vùng nghèo khó, và nhất là nhờ Nessma, một kênh truyền hình tư nhân hùng mạnh mà chính ông là sáng lập viên.
Giá dầu đầu tuần tăng
và Mỹ đổ lỗi cho Iran về các vụ tấn công
Giá dầu tăng gần 15% vào hôm thứ Hai 16/09, với giá dầu Brent tăng mạnh nhất trong khoảng 30 năm.
Giá dầu tăng mạnh sau hai cuộc tấn công vào các cơ sở của Ả Rập Saudi vào hôm thứ Bảy.
Các vụ tấn công này làm mất khoảng 5% nguồn cung toàn cầu.
Dầu thô Brent lúc đầu tăng 20% khi bắt đầu giao dịch, nhưng đã giảm xuống lại và đứng ở mức 69 USD/thùng, tăng 14,6%. Giá dầu Mỹ hết phiên tăng 14,7%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2008.
Giá đã giảm xuống lại sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ bán dầu dự trữ của Mỹ.
Vụ tấn công mà Mỹ đổ lỗi cho Iran làm dấy lên lo ngại về rủi ro với nguồn cung cấp năng lượng trong khu vực.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn ở dưới mức giá dầu Brent cao nhất trong 12 tháng là 86,29 đô la/thùng hồi tháng 10 năm ngoái, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Texas cũng tăng lên hơn 76 đô la một thùng.
Tấn công bằng drone
Vụ tấn công bằng drone đánh vào một cơ sở chế biến dầu mỏ lớn nhất thế giới cũng như một mỏ dầu gần đó, do công ty năng lượng Aramco vận hành.
Sản lượng dầu của cả hai cơ sở này chiếm khoảng 50% sản lượng dầu của Ả Rập Saudi, tương đương 5% sản lượng dầu toàn cầu hàng ngày.
Người ta cho rằng có thể mất vài tuần trước khi các cơ sở có thể hoạt động trở lại hoàn toàn.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố rằng Tehran đứng đằng sau các cuộc tấn công.
Iran nói cáo buộc Mỹ mang tính dối trá.
Trung Quốc, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, bà Hoa Xuân Oánh, bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ về Iran, cho rằng đó là lời nói “vô trách nhiệm”.
Tổng thống Trump viết một tweet rằng Hoa Kỳ biết ai là thủ phạm và đã “lên nòng” để chờ nghe tin từ Ả Rập Saudi về cách họ muốn xử lý vụ này như thế nào.
Theo Reuters, ông Trump cũng nói ông không vội vàng tham gia một cuộc chiến “nhân danh Ả Rập Saudi”.
TQ tuyên bố áp thuế mới, Trump lập tức dọa trả đũa
Iran lại bắt tàu dầu, truyền thông nước này nói
Hải quân Anh ngăn Iran ‘định bắt’ tàu dầu ở Vịnh Oman
Trong một tweet khác, ông Trump nói rằng Mỹ “có khối dầu!”.
Hoa Kỳ có 644.8 triệu thùng dầu dự trữ tính tới 6/09/2019, theo Bộ Năng lượng nước này.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-49727771
Lãnh tụ tối cao Iran:
‘Không có chuyện đàm phán với Mỹ’
Hôm 17/09, lãnh tụ tối cao Iran tuyên bố rằng sẽ “không có cuộc đàm phán nào với Hoa Kỳ ở bất kỳ cấp độ nào”. Với phát biểu đó, Iran dường như đã xóa tan mọi đồn đoán về một cuộc gặp gỡ có thể diễn ra giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ-Iran tại LHQ vào cuối tháng này, theo AP.
Hôm 16/09, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói dường như Iran đứng sau cuộc tấn công vào trung tâm ngành công nghiệp dầu mỏ Ảrập Xêút hồi cuối tuần, khiến sản lượng dầu toàn cầu giảm 5%, nhưng ông Trump nhấn mạnh rằng ông không muốn chiến tranh xảy ra, theo Reuters.
Đài truyền hình nhà nước Iran dẫn lời lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố:
“Các quan chức Iran, ở bất kỳ cấp nào, sẽ không bao giờ nói chuyện với các quan chức Mỹ … đây chỉ là một phần trong chính sách của họ nhằm gây áp lực lên Iran.”
Giáo chủ Khameini nói các cuộc đàm phán chỉ có thể diễn ra nếu Hoa Kỳ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và phương Tây, một thỏa thuận mà Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra hồi năm ngoái.
Quan hệ Mỹ-Iran xấu đi sau khi Tổng thống Trump rút ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các chương trình hạt nhân và đạn đạo của Tehran. Ông muốn Iran ngừng hỗ trợ cho các nhóm thân Iran trong khu vực, gồm nhóm Houthi tại Yemen, nhóm đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công vào Ảrập Xêút.
Theo AP, mới đây đã xuất hiện tin nói rằng một cuộc gặp có thể diễn ra giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Iran, Hassan Rouhani, bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ sắp diễn ra vào tháng này tại thành phố New York.
Nhưng hôm 12/09 xảy ra các vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào các nhà máy nằm ở trung tâm ngành dầu mỏ của Ảrập Xêút, kể cả cơ sở chế biến dầu lớn nhất thế giới.
https://www.voatiengviet.com/a/lanh-tu-toi-cao-iran-khong-co-chuyen-dam-phan-voi-my/5086928.html
TT Afghanistan thoát chết
trong vụ nổ bom giết chết 30 người
Một vụ nổ hôm 17/09 gần một cuộc vận động bầu cử có sự hiện diện của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã giết chết 30 người và làm 31 người bị thương. Bản tin của Reuters cho hay Tổng thống Ghani không hề hấn gì.
Vụ nổ xảy ra 11 ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan mà các thủ lãnh Taliban thề sẽ dùng bạo lực để phá hoại, và tiếp theo sau sự tan vỡ của các cuộc hòa đàm giữa Hoa Kỳ và nhóm nổi dậy Taliban.
Cuộc tấn công xảy ra vào lúc ông Ghani sắp sửa phát biểu tại cuộc vận động bầu cử ở thành phố Charikar, thủ phủ của tỉnh Parwan, phía bắc thủ đô Kabul.
“Hầu hết các nạn nhân dường như là thường dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Xe cứu thương vẫn đang hoạt động và số thương vong có thể còn tăng cao,” ông Abdul Qasim Sangin, giám đốc bệnh viện tỉnh cho Reuters biết.
Một quan chức chính quyền địa phương nói rằng cuộc tấn công là do một kẻ đánh bom tự sát thực hiện.
“Tổng thống vẫn bình an vô sự,” phụ tá của ông Ghani nói với Reuters.
Chưa có ai hoặc nhóm nào nhận trách nhiệm sau vụ nổ.
Trong một diễn biến liên quan, cảnh sát cho biết một vụ nổ khác xảy ra ở trung tâm Kabul, giết chết ít nhất ba người. Xe cứu thương và các lực lượng Afghanistan đã nhanh chóng đến hiện trường.
Các thủ lãnh Taliban tuyên bố sẽ tăng cường đụng độ với các lực lượng Afghanistan và nước ngoài để ngăn cản người dân đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 28/09, khi ông Ghani ra tranh cử để giành thêm một nhiệm kỳ năm năm thứ nhì.
An ninh tại các cuộc vận động bầu cử trên khắp nước đã được tăng cường sau khi lực lượng Taliban đe dọa tấn công các cuộc tuần hành và địa điểm bỏ phiếu.
Cuộc đàm phán hòa bình giữa Hoa Kỳ và phe Taliban đã tan vỡ hồi tuần trước. Trước đó, hai bên tìm cách đạt được một thỏa thuận để Hoa Kỳ rút hàng ngàn binh sĩ ra khỏi Afghanistan, và lực lượng Taliban cam kết sẽ đảm bảo an ninh.
Các cuộc đàm phán này, không bao gồm chính phủ Afghanistan, được dự kiến là tiền đề cho các cuộc hòa đàm rộng lớn hơn để chấm dứt hơn 40 năm chiến tranh ở Afghanistan.
Hong Kong: Ngân hàng kỹ thuật số
chậm ra mắt do biểu tình
Sự ra mắt của các ngân hàng trực tuyến mới ở Hong Kong dự kiến sẽ bị trì hoãn một phần do các cuộc biểu tình chống chính phủ đang diễn ra, theo Reuters.
Hầu hết trong số tám ngân hàng kỹ thuật số mới được cấp phép tại Hong Kong, bao gồm các liên doanh với Standard Chartered (STAN.L) và Bank of China Hong Kong (2388.HK), đã dự định đi vào hoạt động trước cuối năm 2019.
Nhưng khi các cuộc biểu tình liên tiếp bước sang tháng thứ tư , các ngân hàng mới, dự kiến sẽ tạo đột phá cho các ngân hàng bán lẻ Hong Kong trong nhiều năm, sẽ phải ra mắt vào đầu năm 2020.
Joshua Wong gây ‘ấn tượng đẹp’ cho chính quyền Đức
Joshua Wong kêu gọi Mỹ ủng hộ biểu tình
Người biểu tình: ‘Ông Trump hãy cứu lấy Hong Kong’
Sự chậm trễ này là dấu hiệu mới nhất về thiệt hại mà bất ổn chính trị gây ra tại trung tâm tài chính châu Á này, theo Reuters.
Một số ngân hàng ảo đã dự định khởi động các chiến dịch quảng bá thương hiệu sớm nhất là trong tháng Chín trước khi ra mắt chính thức, nhưng những kế hoạch này hiện đã bị hoãn lại.
Các ngân hàng này chủ yếu cung cấp các dịch vụ nhắm vào giới trẻ, thế hệ thiên niên kỷ, nhiều người trong các khách hàng tiềm năng này đã xuống đường biểu tình trong những ngày qua, một giám đốc điều hành cấp cao của một trong những ngân hàng mới được cấp phép cho hay.
“Sẽ rất khó để khởi động một chiến dịch thương hiệu nhắm tới họ và thu hút sự quan tâm của họ khi ưu tiên của họ rõ ràng là không phải là có một tài khoản ngân hàng khác,” vị giám đốc đề nghị giấu tên nói.
Hong Kong cấp giấy phép ngân hàng ảo cho ba nhóm vào tháng Ba, bao gồm liên doanh do StanChart và BOC Hong Kong điều hành, và một công ty con của công ty bảo hiểm trực tuyến Trung Quốc ZhongAn Online P&C Insurance.
Các ngân hàng dự định ra mắt dịch vụ trong vòng từ sáu đến chín tháng tới, Cơ quan tiền tệ Hong Kong (HKMA) cho biết. Năm giấy phép nữa đã được cấp sau đó.
HKMA cho biết việc ra mắt sau sáu đến chín tháng kể từ khi được cấp phép không phải là một yêu cầu cứng nhắc.
StanChart cho biết liên doanh ngân hàng ảo của họ đang chuẩn bị để ra mắt vào đầu năm 2020. Livi VB Ltd, liên doanh ngân hàng ảo do BOC Hong Kong điều hành, cho biết họ đang chuẩn bị để ra mắt trong tương lai gần. ZhongAn từ chối bình luận.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49724371
Những thủ lãnh sinh viên Hồng Kông
Đinh Yên Thảo, Dallas, Texas
Cuộc tranh đấu dân chủ tại Hồng Kông hiện nay, dù khá quy mô và tổ chức chặt chẽ nhưng được xem như không có những người lãnh đạo chính thức nhằm bảo vệ những nhân vật có ảnh hưởng trong phong trào. Dù vậy, những khuôn mặt quen thuộc của phong trào từ cuộc Cách Mạng Dù hồi năm 2014 cho đến nay đã được cả thế giới chú ý, không chỉ từ những hoạt động tranh đấu tích cực của họ mà còn là những suy nghĩ, tư tưởng dân chủ họ đang cổ súy. Để hiểu hơn về phong trào dân chủ tại Hồng Kông, hãy gặp gỡ những khuôn mặt thủ lãnh sinh viên Hồng Kông tiêu biểu như Joshua Wong, Agnes Chow, Brian Leung, Nathan Law, Alex Chow, Andy Chan… đã và đang đóng vai trò gì trong cuộc cách mạng dân chủ này.
1. Joshua Wong (Hoàng Chi Phong): Tuần này, Joshua Wong đang ở Mỹ sau chuyến thăm Đài Loan và Đức nhằm vận động sự ủng hộ của công luận thế giới cho cuộc tranh đấu dân chủ tại Hồng Kông hiện nay. Với phong thái đĩnh đạc, phát biểu sâu sắc, Joshua đã chứng tỏ bản lĩnh của một lãnh tụ trẻ, tạo được nhiều thiện cảm với truyền thông cùng giới chính khách các quốc gia này. Thái độ cùng các tuyên bố giận dữ của Trung Cộng, cũng như việc khóa bỏ tên Joshua Wong trên các trang mạng tại Hoa Lục đã cho thấy Trung Cộng đặc biệt lo ngại về tầm ảnh hưởng của Joshua Wong cùng các những thủ lãnh Hồng Kông khác.
Joshua Wong sinh năm 1996, một năm trước khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Cộng, có thể xem Joshua lớn lên trong một tân Hồng Kông đã bị Trung Cộng chi phối, không như vốn đã từng là một phần của thế giới tự do. Có lẽ vì vậy mà tinh thần dân chủ và phản kháng của Joshua đã tỏ mạnh mẽ, là khuôn mặt tiêu biểu cho giới trẻ Hồng Kông cùng thế hệ. Năm 15 tuổi, Joshua khởi xướng phong trào phản đối Trung Cộng có ý định tiêm nhiễm vấn đề ý thức hệ vào Hồng Kông, qua chiến dịch tuyên truyền “dân tộc và đạo đức” đưa vào học đường. Cùng với một số bạn bè, Joshua khởi xướng phong trào Scholarism (Học Dân Tư Triều) để phản đối những áp đặt giáo dục của Trung Cộng. Phong trào Scholarism huy động được hàng chục ngàn sinh viên học sinh (SVHS) tuần hành, vây quanh các cơ quan chính phủ để đòi hỏi những người đứng đầu Hồng Kông phải hủy bỏ các chương trình của Trung Cộng. Không ngừng ở đó, phong trào Scholarism còn tiếp tục quy tụ các SVHS để trở thành một trong những tiếng nói dân chủ mạnh mẽ nhất Hồng Kông, lên tiếng về các vấn đề chính trị lớn lao hơn như cải tổ lại hệ thống bầu cử theo thể thức dân chủ, phản đối sự can thiệp của Trung Cộng.
Năm 2014, ở tuổi 17, Joshua Wong trở thành một trong những thủ lãnh sinh viên đầy ảnh hưởng trong cuộc Cách Mạng Dù Vàng, kêu gọi SVHS và người dân bất tuân dân sự, bãi khóa và xuống đường nhằm phản đối Trung Cộng áp đặt luật lệ bầu cử lên Hồng Kông. Cuộc xuống đường của người dân cùng SVHS Hồng Kông kéo dài hơn hai tháng rưỡi và đã nhận được sự ủng hộ từ khắp thế giới. Cuộc tranh đấu này đã làm anh bị vào tù ra khám, chịu án hai tháng tù giam và chỉ mới ra tù hồi giữa tháng Sáu năm nay, đương lúc cuộc tranh đấu mới phản đối dự luật dẫn độ của Hồng Kông diễn ra. Joshua đồng sáng lập đảng Demosisto (đảng Vì Dân) năm 2016 và hiện là Tổng Thư Ký của đảng phái chính trị này, hứa hẹn sẽ hiện diện tích cực trên chính trường Hồng Kông trong thời gian tới. Anh được Netflix dựng phim và từng được đề cử danh hiệu “Nhân Vật trong Năm” (2014) của Time và được đề cử giải Nobel Hòa Bình (năm 2017) cùng với người biểu tình trong phong trào Dù Vàng.
2. Agnes Chow (Chu Đình): Cùng ở tuổi 22 như Joshua Wong và từng là phát ngôn viên của phong trào Scholarism. Agnes tham gia tích cực vào các phong trào dân chủ như kể trên cùng với Joshua Wong và trở thành Phó Tổng Thư Ký của đảng Demosisto. Nói tiếng Anh, Quảng Đông và tiếng Nhật, năm 2018 Agnes Chow buộc phải từ bỏ quốc tịch Anh theo luật định để ra tranh cử vào Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông (LegCo) nhưng lại bị ủy ban bầu cử loại bỏ với lý do cô không tuân theo luật lệ và thể thức bầu cử do đã ủng hộ, kêu gọi quyền tự quyết của Hồng Kông, vi phạm “Luật Căn Bản” – luật xem Hồng Kông là đặc khu hành chính trực thuộc Trung Cộng (!?). Giới quan sát cho rằng đây là một động thái chính trị của giới lãnh đạo Hồng Kông thân Trung Cộng, nhằm ngăn cản Agnes Chow có nhiều khả năng trở thành một nhà lập pháp trẻ tuổi nhất của đảo quốc này một khi được ra tranh cử. Đó là một thủ thuật dùng đối phó với Chủ Tịch đảng Demosisto là Nathan Law trước đó khi dùng luật này để truất quyền nghị viên cùa anh. Agnes Chow hiện là tiếng nói được thế giới chú ý nhiều bên cạnh Joshua Wong.
3. Brian Leung (Lương Kế Bình): 25 tuổi, Brian Leung đang cùng Joshua Wong thực hiện chuyến diễn thuyết tại các đại học và quốc hội Hoa Kỳ tuần này. Từng là Tổng Biên Tập tạp chí sinh viên The Undergrad, Brian vẫn tiếp tục tranh đấu cho Hồng Kông dù sang Mỹ du học sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Chính Trị Học. Hiện đang theo học ban tiến sĩ tại đại học University of Washington, Brian trở về Hồng Kông để tham gia tranh đấu cùng phong trào dân chủ Hồng Kông hồi đầu Hè. Anh là người duy nhất đã can đảm mở mặt nạ khi các sinh viên chiếm tòa Lập Pháp Hồng Kông, chính thức tuyên chiến cùng Trung Cộng với tuyên bố về “một thế hệ không có gì để mất” và tố cáo Bắc Kinh không tôn trọng lời cam kết giữ chế độ dân chủ tại Hồng Kông khi được phỏng vấn trên tờ Le Monde. Brian Leung đã kịp rời Hồng Kông trước khi bị bắt để hiện đồng hành cùng Joshua Wong tại Mỹ từ cuối tuần qua.
4. Nathan Law (La Quán Thông): Hiện nay 26 tuổi, từng là Chủ Tịch Liên Đoàn Sinh Viên Hồng Kông và cũng là môt thủ lĩnh tích cực của phong trào Dù Vàng . Nằm trong phái đoàn sinh viên đối thoại cùng hội đồng đặc khu Hồng Kông, Nathan cùng với Joshua Wong và Alex Chow là ba khuôn mặt thủ lĩnh sinh viên nổi bật, được các hãng tin nước ngoài phỏng vấn, đăng hình ảnh và các phát biểu nhiều trong cuộc tranh đấu này. Có thái độ và phát biểu ôn hòa hơn Joshua, Nathan cũng từng vào tù ra khám như các thủ lĩnh sinh viên khác vì bị ghép tội tổ chức biểu tình bất hợp pháp. Đồng sáng lập đảng Demosisto và trở thành Chủ Tịch đảng này, Nathan bắt đầu các hoạt động chính trị từ 2016. Tháng 9 năm 2016, ở tuổi 23, Nathan ra tranh cử và đắc cử vào Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông, trở thành nghị sĩ trẻ nhất trong lịch sử Hồng Kông. Tuy nhiên như đã nói trên, anh bị hủy quyền nghị sĩ khi trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức, anh cùng những tân nghị sĩ độc lập khác bị cho có những phát biểu và thái độ chống Trung Cộng, vi phạm “Luật Căn Bản”. Nathan Law tốt nghiệp khoa Nghiên Cứu Văn Hóa tại Hồng Kông và được đại học Yale trao học bổng để theo học Cao Học về Đông Á Học từ mùa Thu năm nay. Theo tin trên tờ Yale News, Nathan đã nhận được rất nhiều lời hăm dọa thủ tiêu qua mạng xã hội từ những nhóm Hoa Lục tự nhận là “sinh viên trường Yale” trong những tuần qua.
5. Alex Chow (Chu Vĩnh Khang): Sinh năm 1990, năm nay 29 tuổi, khi phong trào Dù Vàng xảy ra hồi 2014, Alex là người lớn nhất trong nhóm thủ lĩnh sinh viên này. Là cựu sinh viên Văn Khoa và Xã Hội Học ĐH Hồng Kông, Alex là Tổng Thư Ký Liên Đoàn Sinh Viên Hồng Kông, người được xem là biến những cuộc tuần hành của giới SVHS trở thành thành phong trào bất tuân dân sự tại Hồng Kông. Alex từng cứng rắn tuyên bố sẽ hủy bỏ các cuộc họp giữa Liên Đoàn Sinh Viên với đại diện chính phủ nếu có sự đàn áp người biểu tình xảy ra lúc bấy giờ. Năm 2016, Alex theo học Cao Học Đại Học Kinh Tế London và dự kiến theo học ban tiến sĩ tại đại học Berkeley tại California vào mùa Thu năm nay, mà lẽ ra anh đã theo học từ năm trước nếu không bị các án tù như các thủ lĩnh khác. Alex Chow hiện đang là cái gai trong mắt Trung Cộng khi mới hồi đầu tháng Chín này, anh cùng với Joshua đã viết bài trên tờ New York Times để tố cáo chính quyền Hồng Kông thân cộng đàn áp người dân và kêu gọi quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật nhân quyền với biện pháp trừng phạt với những quan chức Trung Cộng xen vào vấn đề Hồng Kông.
6. Andy Chan, tức Trần Hạo Thiên, sinh năm 1990, cựu sinh viên Bách Khoa Hồng Kông cũng xuất thân trong phong trào Dù Vàng và đi vào con đường chính trị từ sau thời gian này. Năm 2016, Andy sáng lập đảng Dân Tộc Hồng Kông, quy tụ các đảng viên là giới sinh viên tranh đấu tích cực cùng các trí thức trẻ mới ngoài 20, mang mục đích vận động cho sự độc lập của Hồng Kông. Chính vì mục tiêu hoạt động này, đảng Dân Tộc Hồng Kông trở thành đảng phái chính trị đầu tiên của Hồng Kông bị xem là bất hợp pháp và bị cấm hoạt động từ khi đảo quốc này bị trao trả lại cho Trung Cộng. Andy Chan thường cho rằng Trung Cộng là mối đe dọa với các quốc gia tự do trên thế giới. Anh vừa bị bắt tại phi trường Hồng Kông trong khi chuẩn bị thủ tục sang Nhật, cùng thời điểm Joshua Wong và Agnes Chow bị bắt hồi cuối tháng Tám vừa qua, ngay trước ngày được kêu gọi sẽ có cuộc tổng xuống đường. Andy Chan hiện đang bị ghép vào tội danh “âm mưu gây bạo động” và “tàng trữ vũ khí”, một tội danh mà các thể chế cộng sản thường ngụy tạo và gán đặt cho những nhà đấu tranh dân chủ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/hk-st-leaders-09162019141533.html
Người Hồng Kông kêu gọi Anh
thừa nhận TQ vi phạm Tuyên bố chung
Hàng trăm người đã tập trung bên ngoài Tổng lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông hôm Chủ nhật (15/9) để kêu gọi London thừa nhận Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận với Anh Quốc về việc đảm bảo dân chủ cho thành phố.
Hồng Kông từng là thuộc địa Anh Quốc, cho đến khi được chuyển giao cho Trung Quốc vào năm 1997 theo một thỏa thuận chung, trong đó Bắc Kinh hứa hẹn sẽ đảm bảo một số quyền tự do, dân chủ cho người dân thành phố dưới chính sách “Một quốc gia, hai chế độ”.
Hong Kong Free Press (HKFP) cho biết, đám đông hát vang quốc ca nước Anh “God Save the Queen” (Thượng đế hãy phù hộ Nữ hoàng), vẫy cao cờ Union Jack (Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland) và cờ Hồng Kông thuộc địa.
Họ giương cao biểu ngữ trích câu nói của cựu thủ tướng Anh Winston Churchill với nội dung: “Chúng ta sẽ vượt qua chiến tranh bão táp, vượt qua sự đe dọa bạo ngược, nếu cần thiết, trong nhiều năm, nếu cần thiết, chỉ chúng ta”. Nhóm cũng hô vang: “Một quốc gia, hai chế độ đã chết”.
Những người biểu tình cũng đã gửi thư kiến nghị tới ông Andrew Heyn, Tổng lãnh sự tại Hồng Kông và Macao. Bức thư viết: “Vào ngày 27/8/2019, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức tuyên bố không có quốc gia hay tổ chức nào có thể can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông bằng cách nêu ra Tuyên bố chung. Rõ ràng, chính phủ Trung Quốc chối bỏ vĩnh viễn và đơn phương chấm dứt Tuyên bố chung Trung-Anh”.
Giáo viên Nicholas Wong, 24 tuổi nói với HKFP, anh muốn hai loại hộ chiếu Quốc tịch Anh quốc (British Nationals) và Quốc tịch Anh quốc hải ngoại (British Nationals Overseas – BNO) mà anh nắm giữ đều bình đẳng, vì chính phủ Anh duy trì quyền tối hậu về Tuyên bố chung Trung-Anh.
Wong bổ sung, chính phủ Anh đã lên án Bắc Kinh một cách mơ hồ. Wong nói: “Vấn đề là ngay cả khi chính phủ Anh kêu gọi Trung Quốc dừng vi phạm thỏa thuận nhưng họ không có hành động”.
Nhóm người viết thư cũng kêu gọi London công khai thừa nhận Tuyên bố chung Trung-Anh được đưa ra khi bàn giao Hồng Kông về Trung Quốc hiện đã “vô hiệu”. Họ đề nghị Anh Quốc hành động để đảm bảo an toàn cho công dân Anh cư trú ở Hồng Kông khi các cuộc biểu tình bước vào tuần thứ 15.
Ảnh: HKFP/Jennifer Creery.
HKFP cho biết, đại diện Tổng lãnh sự quán Anh đã nhận được thư kiến nghị từ nhóm.
Một phát ngôn viên tại cuộc biểu tình, cô Dawn Law nói rằng, họ sớm tổ chức một cuộc biểu tình tương tự ở London. Cô nói: “Chúng tôi hy vọng chính phủ Anh sẽ có những hành động ngay lập tức thừa nhận rằng tuyên bố chung vô hiệu lực”.
Ca sĩ Hồng Kông kêu gọi
các nhà lập pháp và công ty Hoa Kỳ chỉ trích Bắc Kinh
Tin từ WASHINGTON, DC – Theo tin từ Reuters, ca sĩ và nhà hoạt động Hồng Kông Denise Ho mong muốn các nhà lập pháp và công ty Hoa Kỳ chỉ trích các hành động của Bắc Kinh tại Hồng Kông, để giúp thay đổi hành vi của đảng cộng sản Trung Hoa.
Khi trả lời phỏng vấn với hãng tin Reuters vào hôm thứ Hai (16/9), ca sĩ Ho cho biết rằng Bắc Kinh đang sử dụng sức mạnh và tầm ảnh hưởng của họ để đàn áp bất đồng chính kiến trên khắp thế giới. Cô kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Trung Cộng và Hồng Kông quyết liệt ủng hộ nhân quyền và dân chủ. Ho cho biết Bắc Kinh đang xuất cảng các giá trị độc đoán của họ trên khắp thế giới.
Lãnh thổ Trung Cộng này bị chấn động bởi hơn ba tháng xung đột bạo lực, với những người biểu tình phẫn nộ về sự can thiệp của Bắc Kinh trong các vấn đề của Hồng Kông, bất chấp lời cam kết về quyền tự trị.
Trung Cộng lên án các cuộc biểu tình, đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ và Anh Quốc can thiệp vào các vấn đề của họ ở Hồng Kông. Họ đưa ra khuyến cáo rõ ràng về khả năng sử dụng vũ lực.
Vào hôm Thứ Ba (17/9), Denise Ho sẽ cùng tham gia một sự kiện do Ủy ban Chấp hành của Hạ Viện Hoa Kỳ về Trung Cộng (CECC) tổ chức, cùng với Joshua Wong, tổng thư ký đảng Demosisto của Hồng Kông kiêm lãnh đạo của “Phong trào Dù Vàng”
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang điều chỉnh một dự luật lưỡng đảng, yêu cầu phải xem xét lại cách đối xử đặc biệt hàng năm của Washington dành cho Hồng Kông, bao gồm các đặc quyền thương mại và kinh doanh, theo Đạo luật Chính sách Hồng Kông năm 1992 của Hoa Kỳ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/ca-si-hong-kong-keu-goi-cac-nha-lap-phap-va-cong-ty-hoa-ky-chi-trich-bac-kinh/
Lãnh đạo Hong Kong
mở đối thoại vào tuần tới nhằm xoa dịu căng thẳng
Hôm 17/09 Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam cho biết bà và ê-kip của bà sẽ bắt đầu các buổi đối thoại với cộng đồng vào tuần tới. Đồng thời bà tái khẳng định rằng bạo lực đã làm rúng động thành phố trong hơn ba tháng biểu tình, phải chấm dứt, theo Reuters.
Bà Lam, người đang chịu áp lực từ Bắc Kinh phải tháo ngòi nổ của cơn phẫn nộ của công chúng là yếu tố đã khích động các cuộc biểu tình, cho biết các cuộc đối thoại sẽ cởi mở tối đa, và bất cứ ai trong công chúng đều có thể đăng ký để tham dự.
“Tôi hy vọng những hình thức đối thoại khác nhau có thể cho chúng ta một nền tảng để thảo luận,” bà Lam nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hàng tuần hôm 17/09.
Bà cho biết các vấn đề đó bao gồm tình trạng thiếu nhà ở và đất đai ở một trong những thành phố đông dân nhất thế giới có 7,4 triệu người. Đặc biệt những người trẻ rất bất bình vì chi phí để ra ở riêng quá cao.
Tuy nhiên bà Lam cảnh giác: “Tôi phải nhấn mạnh ở đây rằng nền tảng đối thoại không có nghĩa là chúng tôi sẽ không hành động quyết liệt để thực thi công lực. Kìm hãm bạo lực đang diễn ra trước mắt chúng ta, vẫn là ưu tiên hàng đầu.”
Theo AP, cũng hôm 17/09, bà Lam cho biết chính phủ đã yêu cầu các công ty quan hệ công chúng quốc tế giúp khôi phục uy tín của Hong Kong, nhưng các công ty này đã khước từ.
Bà Lam cho biết các công ty trả lời chính phủ rằng “thời điểm hiện nay không đúng lúc” khi mà bạo lực và tình trạng bất ổn trong lãnh thổ bán tự trị của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu gì là sẽ chấm dứt, cũng theo AP.
Gần 1.500 người đã bị bắt kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra từ tháng 6 cho đến nay.
Trung Quốc tố cáo các cường quốc nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ và Anh, đã đổ dầu vào lửa làm tăng tình trạng bất ổn và yêu cầu các nước này chớ xen vào công việc nội bộ của Hong Kong.
https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-hong-kong-moi-doi-thoai-vao-tuan-toi/5086816.html
TQ ‘nhập’ cầu thủ ngoại mong vào World Cup 2022
Zhijie ShaoBBC Tiếng Trung
Khi Trung Quốc mở màn các trận vòng loại World Cup khu vực châu Á cho Qatar 2022 tuần này, mọi con mắt đều đổ dồn về hai gương mặt mới.
Nico Yennaris, 26 tuổi, sinh ở London, còn Elkeson, 30 tuổi, vẫn là công dân Brazil cách đây vài tháng.
Cả hai đều có mặt trong danh sách 24 cầu thủ chính thức của tuyển Trung Quốc trong trận lượt đi gặp Maldives hôm thứ Ba 10/9, và Trung Quốc giành chiến thắng 5-0.
Dân Hong Kong có hộ chiếu Anh theo luật gì?
Chỉ 3% người Đài Loan muốn ‘về với Trung Quốc’
Vua triều Nguyễn dùng Quốc ngữ để ‘thoát Hán’
Quyền công dân theo yêu cầu
Elkeson đã có màn khởi đầu ngoạn mục: anh tham gia từ đầu và ghi hai bàn thắng ở cuối trận.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một cầu thủ nước ngoài nhập quốc tịch đã thi đấu cho Trung Quốc trong một trận đấu cạnh tranh.
Cầu thủ sinh tại London Yennaris không vào sân trong trận này.
Đây là một bước tiến mới quan trọng – quốc gia có 1,4 tỷ dân giờ đây đã sẵn sàng cho “người nước ngoài” chơi trong đội tuyển quốc gia nhằm lọt vào danh sách các đội thi đấu World Cup. Lần cuối cùng Trung Quốc có mặt tại World Cup là năm 2002.
Ý tưởng này đã được nhắc đến trong nhiều năm nhưng mãi cho tới 2019 mới được thực hiện. Cho cầu thủ ngoại nhập quốc tịch được cho là một trong những điều kiện – ngoài một hợp đồng béo bở – để ông Marcello Lippi quay lại làm huấn luyện viên trưởng dẫn dắt đội bóng.
Người Ý huyền thoại nghỉ vị trí HLV trưởng hồi tháng Một sau khi Trung Quốc bật ra khỏi giải Asian Cup một cách đáng thất vọng. Nhưng chỉ 119 ngày sau, ông lại trở về vị trí cũ.
Kể từ đó, các cầu thủ ngoại được nhập quốc tịch đã trở thành chủ đề nóng trên các kênh thể thao Trung Quốc.
Yennaris và Elkeson là hai cầu thủ được vào danh sách tuyển quốc gia hiện tại, nhưng họ không phải là những cầu thủ duy nhất sinh ở nước ngoài đã hoặc chuẩn bị trở thành công dân Trung Quốc trong tám tháng qua.
Nhưng làm sao họ được nhập tịch? Ngoài một số quy định của Fifa, có sáu điều họ cần phải lưu ý như sau:
1. Có ít nhất một bên cha mẹ hay ông bà là người Trung Quốc
Trung Quốc muốn cải thiện trình độ bóng đá, chắc chắn là vậy. Nhưng họ không bao giờ có ý định thay đổi “chất Trung Quốc”.
Vậy nên khi cho phép cầu thủ nước ngoài nhập tịch, Trung Quốc bắt đầu bằng việc xem xét các cầu thủ có gốc Trung Quốc.
Hồi tháng Một, CLB Sinobo Guoan FC Bắc Kinh, một trong những CLB hàng đầu trong giải Ngoại hạng Trung Quốc, tự hào tuyên bố đã ký hợp đồng với Nico Yennaris và John Hou Saeter, với cả hai cầu thủ được đăng ký là người Trung Quốc.
Họ trở thành hai cầu thủ nhập tịch đầu tiên trong lịch sử bóng đá Trung Quốc.
Mặc dù cả hai chưa từng sống ở Trung Quốc trước đó, họ đủ tiêu chuẩn chơi cho Trung Quốc vì có mẹ là người Trung Quốc.
Cả hai đều bày tỏ sự phấn khích sau vài tháng thi đấu tại Trung Quốc.
Campuchia mua nhiều vũ khí Trung Quốc
Có đáng học Trung Quốc về kinh tế ban đêm?
“Mẹ tôi sinh ra ở Trung Quốc,” Hou Saeter nói với truyền thông Trung Quốc hồi tháng Tư, “Sẽ là một vinh dự cho gia đình tôi nếu tôi thi đấu cho Trung Quốc.”
Yennaris thì nói anh luôn luôn biết rằng anh có “gốc gác” ở Trung Quốc.
Hiện giờ, Yennaris được gọi vào đội tuyển quốc gia – và anh đã chơi một trận giao hữu hồi tháng Sáu. Còn Saeter có thể còn nhiều hy vọng ở độ tuổi 21.
2. Được đào tạo ở một công lạc bộ châu Âu
Mặc dù cho cầu thủ nhập tịch là chính sách trong bóng đá Trung Quốc, họ vẫn phải đủ giỏi thì các câu lạc bộ Trung Quốc và cơ quan có thẩm quyền mới nỗ lực cho họ nhập tịch.
Mục tiêu hàng đầu cho nền bóng đá Trung Quốc là đưa đội tuyển nam vào World Cup, nhưng họ mới làm được điều này một lần, năm 2002. Lần đó, họ thua cả ba trận và không ghi được một bàn thắng nào. Ngay cả cho World Cup U-20, mãi tới 2005 Trung Quốc mới vào được.
Chủ tịch Tập Cận Bình khai trương một dự án bóng đá lớn để thúc đẩy hệ đào tạo cầu thủ trẻ của đất nước. Nhưng các cầu thủ nhập cư là để giúp họ có thành công ngay trước mắt.
Yennaris được đào tạo ở học viện bóng đá thiếu niên của Arsenal, còn Hou Saeter là cầu thủ trẻ nhất từng bắt đầu sự nghiệp ở đội Rosenberg của Na Uy.
Cả hai đều chơi cho đội tuyển quốc gia trẻ của nước mà họ sinh ra.
Đội từng vô địch giải Ngoại hạng Trung Quốc bảy lần Quảng Đông Evergrande cũng vừa ký hợp đồng với Tyias Browning hồi tháng Hai. Tin nói ông của cầu thủ này sinh ra ở Quảng Đông và chuyển đến Anh những năm 1960.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin hồi tháng Bảy rằng anh cũng đã được có quốc tịch Trung Quốc nhưng Fifa đang xét lại xem anh có đủ tiêu chuẩn không.
3. Thi đấu rất tốt cho một CLB Trung Quốc
Hồi tháng Tám, Trung Quốc tiến xa một bước nữa và đưa cầu thủ Brazil Elkeson vào đội tuyển quốc gia, người không có gốc Trung Quốc nhưng đã thi đấu ở Trung Quốc sáu năm.
Điều đó có nghĩa là ngay cả khi bạn không phải là người gốc Trung Quốc, bạn vẫn có cửa chơi cho đội tuyển quốc gia Trung Quốc.
Tuy nhiên ở một quốc gia có tự hào dân tộc Hán rất mạnh, phải có nhiều yếu tố hội tụ để được lựa chọn theo cách này
Lý do chính để một tiền đạo được chọn? Anh là người ghi nhiều bàn thắng nhất từ trước tới nay trong Giải Ngoại hạng Trung Quốc với 103 bàn thắng và còn tiếp tục ghi bàn.
Giờ đây, người hâm mộ Trung Quốc – và ông Lippi – trông đợi anh sẽ kết hợp với We Lei của CLB Espanyol thành hàng công sắc bén và ghi bàn cho Trung Quốc vào lúc cần.
Nếu phương án đó không thành công? Có nguồn tin nói Ricardo Goulart, một tiền đạo khác của CLB Evergrande, đã từ bỏ quốc tịch Brazil và đang trong quá trình lấy hộ chiếu Trung Quốc.
4. Từ bỏ quốc tịch gốc
Mặc dù Lionel Messi có thể giữ hộ chiếu Tây Ban Nha và chơi cho tuyển Argentina, chuyện này không thể xảy ra ở Trung Quốc.
Luật quốc tịch Trung Quốc không cho phép công dân có hai quốc tịch, có nghĩa là một khi được cấp quốc tịch Trung Quốc, bạn sẽ không được giữ bất kỳ hộ chiếu nào khác.
Số người nước ngoài chuyển đến Trung Quốc làm việc đã tăng dần trong thời gian qua, nhưng quyết định từ bỏ quốc tịch Anh hay Na Uy để chơi bóng đá ở Trung Quốc vẫn là bằng chứng cho thấy quyền lực đang mạnh lên của cuốn hộ chiếu Trung Quốc, hay ít ra là quyền lực của thị trường bóng đá nước này.
Vài năm trước, các CLB Trung Quốc trả lương cao cho cầu thủ nước ngoài đến nỗi Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc bắt đầu đánh thuế 100% vào các hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ ngoại quốc.
Năm 2019, lương hàng năm của Elkeson là 11 triệu USD.
Anh được Brazil gọi chơi cho đội tuyển quốc gia trong một trận giao hữu nhưng không ra sân.
Giờ đây ở tuổi 30, anh có cơ hội biến ước mơ World Cup của mình, và của Trung Quốc, thành hiện thực.
5. Có tên Trung Quốc đàng hoàng
Nếu một cầu thủ tuyển Trung Quốc không nói tiếng Trung hoàn hảo, ít nhất anh ta cũng phải có cái tên Trung Quốc cho người hâm mộ hô to.
Những người hâm mộ bóng đá châu Á cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, hẳn còn nhớ tên một loạt các cầu thủ nước ngoài nhập tịch Nhật Bản để chơi cho đội bóng xứ mặt trời mọc.
Ruy Ramos được gọi là “Ramosu Rui”, còn Wagner Lopez là “Ropesu Waguna” và Alex dos Santos thì trở thành “Santosu Aresandoro”.
Với Trung Quốc, tinh thần cũng tương tự nhưng có sự khác biệt nhỏ.
Nico Yennaris giờ đây được biết đến như Li Ke (Lý Khắc), một cách phiên âm na ná tên tiếng Anh của anh sang tiếng Trung. Còn với Elkeson, tên mới là Ai Kesen (Ái Khắc Sâm).
Tên tiếng Trung của Hou Saeter là Hou Yongyong (Hầu Vĩnh Dũng), vì đó là tên tiếng Trung nguyên bản của anh, do anh lấy họ Hou của mẹ.
Nhưng cái tên Trung Quốc hay nhất lại thuộc về một cầu thủ nước ngoài ít được biết đến hơn.
Aloisio dos Santos Goncalves, thuộc CLB Những con hổ Nam Quảng Đông của giải Ngoại hạng Trung Quốc, nhập quốc tịch hồi tháng Bảy. Anh đăng ký với tên Lư Quốc Phúc – Lou Guo (quốc gia) Fu (giàu có).
6. Học hát quốc ca Trung Quốc
“Đứng lên! Đứng lên! Đứng lên!”
Đây là một câu thống thiết trong lời bài quốc ca Trung Quốc, “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc”.
Mặc dù hiện giờ chưa nói được tiếng Trung, khi có mặt trong đội hình tuyển Trung Quốc, Li Ke và Elkeson sẽ hát được toàn bộ bài quốc ca bằng tiếng Quan Thoại.
Và tất nhiên phải cố gắng thắng các trận đấu nữa.
Trung Quốc hy vọng rằng, với sự góp mặt của “các cầu thủ ngoại” cũng như “cầu thủ trong nước”, quốc ca Trung Quốc sẽ vang lên nhiều lần tại Qatar 2022.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49714947
TQ yêu cầu
Mỹ không lạm dụng lý do an ninh quốc gia
Mỹ không nên lạm dụng lý do an ninh quốc gia để cản trở hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Tuyên bố trên được người phát ngôn Hoa Xuân Doanh đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/9. Phát biểu tại buổi họp báo, người phát ngôn Hoa Xuân Doanh cho
biết, thời gian qua, Mỹ không chỉ lạm dụng lý do an ninh quốc gia để trấn áp các doanh nghiệp Trung Quốc mà còn tung tin bôi đen doanh nghiệp nước này, đặc biệt là Tập đoàn viễn thông Huawei.
Bà Hoa Xuân Doanh cho rằng, đây là hành vi đi ngược lại tinh thần thị trường và các quy tắc quốc tế. Trung Quốc phản đối Mỹ cản trở hoạt động phát triển và hợp tác kỹ thuật viễn thông thông thường của doanh nghiệp Trung Quốc.
Bà Hoa Xuân Doanh nói: “Mỹ tung tin và tuyên truyền về nguy cơ an ninh mạng 5G của Huawei, tuy nhiên không đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào. Ngoài ra, cũng không có quốc gia, tổ chức hoặc cá nhân nào đưa ra bằng chứng về việc Huawei tạo ra nguy cơ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho rằng, luôn tồn tại vấn đề an ninh chuỗi cung ứng trong quá trình phát triển kỹ thuật thông tin viễn thông, đây không phải là vấn đề 5G hay của bất kỳ công ty nào.
Do đó, để đảm bảo an toàn cho các sản phẩm và dịch vụ thông tin, các bên nên cùng nhau thảo luận, đưa ra ý kiến nhằm đảm bảo an toàn của chuỗi cung ứng, tuy nhiên với điều kiện các bên cần công bằng, bình đẳng và không kỳ thị lẫn nhau.
Phản ứng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được cho là nhằm vào những động thái cấm vận của Mỹ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có Tập đoàn viễn thông Huawei.
Mỹ không chỉ cấm nhiều doanh nghiệp nước này mà còn yêu cầu các đồng minh của Mỹ hạn chế sử dụng các sản phẩm của Huawei đặc biệt là công nghệ 5G do các lo ngại về an ninh
Bắc Kinh tỏ thiện ý cầu hoà
trước vòng đàm phán thương mại mới
Đàm phán thương mại Mỹ – Trung dường như có bước tiến triển mới khi hai nước đã quyết định tiến hành vòng đàm phán thương mại cấp cao mới tại Washington vào tháng 10 tới sẽ. Có thông tin cho biết, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra điều kiện mới để lấy lòng Mỹ.
Tờ Hoa Nam buổi sáng (SCMP) tại Hồng Kông đưa tin, phó đại diện đoàn đàm phán hai nước Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận về nội dung thoả thuận thương mại, chế định nghị trình và chi tiết đàm phán, để làm bước trải thảm cho cuộc đàm phán cấp cao vào tháng 10 tới, khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin gặp mặt tại Mỹ, sẽ tiến hành đánh giá thêm bước nữa về nội dung này.
Nguồn tin cho biết, nội dung thoả thuận này là dựa trên cơ sở của bản thảo đàm phán giữa hai nước hồi tháng 4 vừa qua, phía Trung Quốc dự tính mua nhiều hàng hoá của Mỹ hơn nữa, để đổi lấy việc Mỹ trì hoãn thực thi thuế quan và nới lỏng lệnh cấm đối với công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc là Huawei.
Bên cạnh đó, phía Trung Quốc có thể sẽ đưa ra nhiều điều kiện cho phép tiếp cận thị trường hơn nữa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tốt hơn nữa, và giảm năng năng suất dư thừa. Nhưng về phương diện trợ cấp doanh nghiệp, chính sách doanh nghiệp và cải cách doanh nghiệp nhà nước thì phía Trung Quốc lại không muốn đưa ra thoả hiệp.
Điều đáng chú ý là, trước khi đàm phán thương mại diễn ra, phía Trung Quốc đã đưa ra tín hiệu thiện ý. Hôm thứ Hai (9/9), tại Đại hội đại biểu doanh nghiệp tại Mỹ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, phía Trung Quốc hy vọng hai nước sớm giải quyết tranh chấp thương mại; ông nói, Bắc Kinh hoan nghênh công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ cải cách mở cửa.
Hôm 11/9, AFP đưa tin, vòng áp thuế quan mới nhất của Trung Quốc đối với hàng hoá Mỹ được bắt đầu thực thi vào ngày 1/9. Tuy nhiên, hôm 11/9, chính phủ Trung Quốc tuyên bố miễn trừ tăng thuế quan đối với 16 chủng loại hàng hoá của Mỹ.
Thông cáo của Bộ Tài chính Trung Quốc cho thấy, hành động áp thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 17/9/2019, trong thời hạn 1 năm.
Bản tin của AFP cho biết, đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố biện pháp miễn trừ kể từ khi hai nước áp thuế quan lẫn nhau trong chiến tranh thương mại, có lẽ là Trung Quốc muốn giảm bớt căng thẳng trong quan hệ Trung – Mỹ trước vòng đàm phán mới sắp diễn ra.
Trước đó, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết, đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là cần phải xử lý “7 tội lớn” của Trung Quốc trong thương mại: Đánh cắp sở hữu trí tuệ, cưỡng chế chuyển giao công nghệ, đánh cắp bí mật thương mại, bán phá giá dẫn đến doanh nghiệp Mỹ phá sản, trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước, vấn đề bán Fentanyl sang Mỹ và thao túng tiền tệ.
Ông nhấn mạnh, đại diện phía Trung Quốc cần lấy lại và đưa ra 150 trang thoả thuận mà hai bên đã đạt được trước đó, thoả thuận này là nền tảng để hai bên tiếp tục đàm phán, bởi vì khi đó vấn đề cải cách cấu trúc đã tiến hành xử lý, nhưng cuối cùng Bắc Kinh lại nuốt lời và không đồng ý ký.
Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng chia sẻ trên Twitter, trách Bắc Kinh không tuân thủ điều kiện mà trước đó đã đề xuất để tiến hành đàm phán, ông phê bình hành vi huỷ bỏ cam kết của Bắc Kinh. Tờ Kyodo News tại Nhật đưa tin, trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng 6, ông Tập Cận Bình từng tiết lộ với Thủ tướng Abe Shinzō rằng ông không thể đoán ra được ý đồ của ông Trump.
Số liệu mà phía Trung Quốc công bố hôm 8/9 cho thấy, lượng nhập khẩu của Trung Quốc liên tục giảm trong 4 tháng từ tháng Tư đến nay, kim ngạch nhập khẩu tháng 8 giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
TQ lên án các cuộc tấn công
vào các cơ sở dầu mỏ Ả Rập Xê-út
Trung Quốc hôm thứ Ba 17/9 lên án cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở dầu mỏ Ả Rập Xê-út, trong một động thái thể hiện thái độ cứng rắn hơn trong ngôn từ được sử dụng, so với ngày hôm trước. Tuy nhiên một lần nữa Bắc Kinh vẫn không cho biết họ tin là ai hoặc tổ chức nào đứng sau cuộc tấn công, theo Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai nói hình như Iran là nước đứng sau các cuộc tấn công hôm thứ Bảy nhắm vào các cơ sở sản xuất dầu do tập đoàn Saudi Aramco điều hành, nhưng ông nhấn mạnh rằng ông không muốn chiến tranh xảy ra, giữa lúc các cuộc tấn công làm giá dầu tăng vọt, làm dấy lên những lo ngại về khả năng bùng phát một cuộc xung đột mới ở Trung Đông .
Hãng tin Reuters tường thuật rằng Iran đã bác bỏ các cáo buộc của Hoa Kỳ quy cho họ đứng sau các cuộc tấn công đã làm hư hại nhà máy xử lý dầu thô lớn nhất thế giới, làm giá dầu thô tăng vọt với tỷ lệ cao kỷ lục tính từ nhiều thập kỷ qua.
Phát biểu tại Bắc Kinh hôm thứ Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đưa ra một cách diễn giải khác, khi bà nói “thật là vô trách nhiệm khi đổ lỗi cho bất cứ ai về vụ tấn công mà không có những bằng chứng rõ rệt”.
Trung Quốc lên án cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi và chống đối bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào thường dân hoặc các cơ sở dân sự, bà Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo hàng ngày.
Vẫn theo Reuters, bà Hoa Xuân Oánh lặp lại lời kêu gọi hôm thứ Hai, yêu cầu các bên liên quan hãy tránh các hành động có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Trung Quốc có quan hệ kinh tế và năng lượng mật thiết với cả Ả Rập Saudi lẫn Iran, và từ lâu phải thận trọng việc duy trì quan hệ hữu hảo với cả hai nước.
Tính cho tới thời điểm này trong năm, thì Ả Rập Xê-út là nước cung cấp dầu hỏa hàng đầu của Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-len-an-cac-cuoc-tan-cong-vao-cac-co-so-dau-mo-saudi/5087026.html
Tòa án Campuchia phát lệnh
Ngày 16/9, Tòa sơ thẩm Phnom Penh đã ra lệnh bắt giữ ông Sam Rainsy, thủ lĩnh lưu vong của Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập đã bị giải thể.
Thẩm phán điều tra Tòa sơ thẩm Phnom Penh, ông Koy Sao đã ra lệnh cho các cơ quan có thẩm quyền của Campuchia phải nhanh chóng tìm kiếm, bắt giữ và đưa ông Sam Rainsy ra truy tố, do đã có hành vi xúc phạm Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Theo người phát ngôn Bộ Tư pháp Campuchia Kim Santepheap, nếu bị kết tội, ông Sam Rainsy có thể phải chịu mức án lên đến 10 năm tù giam.
Trước đó, ngày 12/9, trong một bài phỏng vấn trên Đài châu Á Tự do (RFA), ông Sam Rainsy đã có lời nói xúc phạm Quốc vương Sihamoni. Phản ứng trước phát biểu này, Bộ Hoàng cung Campuchia và lực lượng vũ trang cùng các cơ quan, ban ngành của nước này đã lên án phát biểu của ông Sam Rainsy. Nhiều luật sư của Chính phủ Campuchia đã đệ đơn, yêu cầu tòa án nước này triển khai hành động pháp lý, xử lý nghiêm đối với ông Sam Rainsy.
Theo các cơ quan trên, Điều 7 trong Hiến pháp của Vương quốc Campuchia quy định: “Quốc vương Campuchia trị vì, nhưng không cai trị. Đức Vua là Nguyên thủ quốc gia trọn đời và bất khả xâm phạm”. Do đó, thẩm phán cho rằng phát biểu của ông Sam Rainsy là vi hiến, phạm tội “xúc phạm Quốc vương” theo quy định tại Điều 83, 88 và 437 bổ sung của Bộ Luật Hình sự Campuchia.
Trước đó, tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Lào hôm 12/9 tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết, nước này đã đề nghị các quốc gia thành viên ASEAN bắt giữ, dẫn độ ông Sam Rainsy và những người ủng hộ đã có trát của tòa án Campuchia nếu họ nhập cảnh lãnh thổ của các nước này.
Mua tàu đổ bộ Type 071E:
Thái Lan và TQ đang thắt chặt hợp tác quân sự
Hải quân Thái Lan (9/9) đã ký hợp đồng mua tàu đổ bộ Type 071E do Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) đóng nhằm tăng cường năng lực hải quân và thúc đẩy quan hệ quân sự giữa hai nước.
Tàu đổ bộ hiện đại bậc nhất của Trung Quốc về tay Thái Lan
Tàu đổ bộ Type 071E sẽ được đóng tại Nhà máy đóng tàu Hudong Zhonghua ở Thượng Hải. Từ năm 2006, nhà máy đóng tàu này đã đóng chiếc 8 tàu đổ bộ Type 071 cho Hải quân Trung Quốc. 071E là mẫu dùng cho xuất khẩu của lớp này.
Tàu đổ bộ Type 071E có lượng giãn nước đầy tải 22.000 tấn, chiều dài 210 m, chiều rộng 28 m, mớn nước 17,4 m. Hệ thống động lực của Type 071E là động cơ CODAD (kết hợp diesel – diesel) với 4 máy chính, cho vận tốc tối đa 23 hải lý/h, tầm hoạt động 8.000 hải lý khi chạy ở tốc độ kinh tế 18 hải lý/h. Type 071E cung cấp một mặt sàn cực kỳ rộng giúp tăng sức chứa và có đủ diện tích để dựng bệnh viện dã chiến hoặc các phòng chỉ huy tạm ngay trên tàu. Tàu có tổng cộng ba tầng bao gồm tầng cuối cùng để phương tiện đổ bộ qua lối cửa mở phía sau, tầng giữa đặt các phương tiện vận tải, trang thiết bị đổ bộ và tầng trên cùng bao gồm cấu trúc thượng tầng, sân đỗ và nhà chứa trực thăng. Sân đỗ trên tàu đổ bộ Type 071E có thể tiếp nhận cùng lúc 2 trực thăng và sàn đáp có thể đỗ cùng luc 3 chiếc trực thăng. Hỏa lực chính trên tàu bao gồm một khẩu hải pháo H/PJ-26 cỡ 76 mm. Đây là biến thể từ pháo AK-176 do Liên Xô sản xuất, có tầm bắn tối đa 15,5 km và tốc độ bắn lên tới 120 phát/phút. Ngoài ra tàu còn trang bị 4 khẩu pháo cao tốc AK-630 cỡ nòng 30 mm. Vũ khí này có tốc độ bắn lên tới 6.000 phát/phút và là lớp phòng thủ cuối cùng của tàu đổ bộ tấn công Type 071. Type 071E còn được lắp thêm một module tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn FL-3000N. Ngoài ra, Type 071E có biên chế thủy thủ đoàn và sĩ quan chỉ huy đầy đủ là 150 người, có thể chở theo tối đa tới 800 lính thủy đánh bộ, mang theo từ 15 tới 20 phương tiện thiết giáp, bao gồm xe chiến đấu bộ binh hoặc xe tăng lội nước tùy chủng loại.
Được biết, dự án chế tạo tàu đổ bộ Type 071 được Trung Quốc khởi động vào năm 2002, được cho là liên quan đến tình hình căng thẳng tại eo biển Đài Loan. Do được hải quân Trung Quốc hoan nghênh nên sau khi đóng 3 chiếc đầu tiên, hải quân Trung Quốc tiếp tục đặt hàng đóng thêm 5 chiếc nữa. Với sự ra đời của tàu tấn công đổ bộ Type 075 hiện đại hơn sau đó, Type 071 đã được phép xuất khẩu hạn chế cho một số quốc gia. Type 071E đã được công khai lần đầu tại Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế lần thứ 10 tại thành phố Karachi, Pakistan vào tháng 11 năm 2018. Sự khác biệt rõ ràng
giữa nó và mẫu Type 071 trước đây là có thêm một hệ thống tên lửa phòng không trên hạm HQ-10 đặt ở phía sau pháo chính.
Thái Lan đang tích cực mua sắm trang thiết bị quân sự của Trung Quốc
Ngoài việc mua tàu 071E, Hải quân Thái Lan trước đó cũng đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Trung Quốc để mua ba chiếc tàu ngầm thông thường lớp S-20T Kirin với tổng trị giá 1,03 tỷ USD. S-20T được phát triển trên cơ sở tàu ngầm Type 039A do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo. Loại tàu này có lượng giãn nước từ 2.300 tấn đến 2.600 tấn, với thủy thủ đoàn khoảng 65 người và được trang bị sáu ống phóng ngư lôi 533mm và có thể phóng tên lửa chống hạm YJ-83. Quân đội Hoàng gia Thái Lan (2017) cũng đã mua 28 xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 từ Trung Quốc với chi phí 150 triệu USD và sau đó chi thêm 58 triệu USD để đặt mua thêm 10 chiếc nữa.
Không những vậy, Không quân Trung Quốc và Thái Lan vừa tổ chức cuộc huấn luyện chung mang tên Eagle Strike-2019 tại Thái Lan từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9. Không quân Trung Quốc đã đưa tới các máy bay chiến đấu J-10A/ B/C, máy bay báo động sớm KJ-500 và máy bay vận tải Y-9. v.v., Thái Lan đã huy động các máy bay chiến đấu JAS-39C/D và máy bay cảnh báo sớm SAAB-340.
Tuy nhiên, việc chính quyền Thái Lan đẩy mạnh mua sắm trang thiết bị quân sự từ Trung Quốc cũng vấp phải sự phản đối và nghi ngại từ trong nước. Sau cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng Yingluck Shinawatra vào năm 2014, Hội đồng Hòa bình và Trật tự Thái Lan (NCPO), chính quyền quân sự do các tướng lập ra, đã tăng ngân sách quốc phòng thêm 20%, từ mức 5,8 tỷ USD/năm lên 7,2 tỷ USD. Sau thông báo của quân đội Thái Lan về hợp đồng mua thêm xe tăng từ Trung Quốc, Tổng thư ký Nhóm hoạt động chính trị Hội Bảo vệ Hiến pháp Thái Lan Srisuwan Janya đã lên tiếng yêu cầu điều tra các hợp đồng vũ khí này. Theo ông, “NCPO cho phép quân đội mua nhiều khí tài Trung Quốc, bao gồm cả tàu ngầm S26T và xe thiết giáp VN1. Tại sao họ tập trung mua sắm khí tài từ Bắc Kinh, nhất là khi chúng không thể được giám sát công khai như phương Tây”.
Cùng quan điểm trên, giới chuyên gia Thái Lan cho rằng trang thiết bị quân sự của Trung Quốc có chất lượng kém. Giáo sư Paul Chambers, Đại học Naresuan của Thái Lan nhận đinh “khí tài quân sự Trung Quốc có giá rẻ nhưng chất lượng thua kém sản phẩm Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, việc Thái Lan mua xe tăng, tàu ngầm và nhiều vũ khí Trung Quốc không gây bất ngờ, khi chính quyền quân sự nước này đang ngả về Bắc Kinh do chính sách dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama”; cho rằng Bangkok đang chào đón các khoản đầu tư và vũ khí từ Bắc Kinh, nhưng sẽ duy trì chính sách đối ngoại cân bằng giữa Nga – Trung Quốc và Mỹ – Nhật. Phó Giáo sư Dulyapak Preecharush, Đại học Thammasat cho rằng “quân đội Thái Lan từng nhiều lần mua vũ khí từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc ngả về phía Bắc Kinh có thể đi ngược lại chiến lược hiện nay của họ, khiến chính sách đối ngoại và quốc phòng của Bangkok ít mềm dẻo hơn. Ảnh hưởng từ Trung Quốc có thể khiến Thái Lan đưa ra những quyết định có lợi cho Bắc Kinh trong tương lai”.
Một số nhà hoạt động chính trị Thái Lan cũng đặt câu hỏi về việc chính quyền quân sự hối hả ký hợp đồng mua vũ khí giá trị lớn với Trung Quốc ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào ngày 24/3. Theo Phó Giáo sư Preecharush, một khi các hợp đồng này được ký, chúng sẽ được thực hiện kể cả khi Thái Lan có chính quyền mới, do quân đội vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử và tiến trình chuyển giao quyền lực.
Thái Lan từng nếm “trái đắng” vì vũ khí của Trung Quốc
Trong những năm trước đây, Thái Lan đã phải trả giá tương đối đắt khi tăng cường mua vũ khí giá rẻ của Trung Quốc, như thương vụ mua xe tăng chiến đấu chủ lực Type-69-II năm 1987. Chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào biên chế, quân đội Thái Lan đã phải loại biên trước thời hạn toàn bộ 25 xe tăng Type-69-II do gặp nhiều hư hỏng, trục trặc và thiếu linh kiện thay thế. Chính quyền Thái Lan phải ném số xe tăng này xuống biển để làm rặng san hô nhân tạo vào năm 2010. Số phận của những chiếc Type-69-II này được coi là thất bại đáng quên trong tiến trình mua sắm vũ khí của Bangkok. Ngoài lô xe tăng Type-69-II, Thái Lan cũng gặp vấn đề lớn khi mua 4 tàu hộ vệ lớp Type-053H2 từ Trung Quốc với giá 60,3 triệu USD/chiếc, chỉ bằng một phần tư giá chiến hạm cùng loại của phương Tây. Ngay sau khi nhận bàn giao, hải quân Thái Lan bắt đầu than phiền về chất lượng tàu. Dây điện của 4 chiếc Type-053H2 đều bị lộ ra ngoài, buộc hải quân Thái Lan phải thiết kế lại mạng điện. Hệ thống kiểm soát thiệt hại cũng rất kém, thiết bị dập lửa và cửa chống nước không hiệu quả. Hải quân Thái Lan đánh giá nếu vỏ tàu bị thủng, nước sẽ nhanh chóng tràn vào và làm chìm tàu. Bangkok buộc phải chi nhiều tiền của và thời gian để sửa chữa những vấn đề này.
Ngoài quân sự, hai nước còn thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Trong lĩnh vực kinh tế, hợp tác song phương thương mại và đầu tư là nền tảng trong quan hệ Thái Lan – Trung Quốc và hai lĩnh vực này tiếp tục phát triển, mở rộng một cách nhanh chóng. Dưới tác động tích cực của sự phát triển quan hệ chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng và khả năng bổ sung cho nhau giữa kinh tế Thái Lan với Trung Quốc, quan hệ thương mại và đầu tư của hai nước đã phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Thương mại hai nước đi từ con số rất nhỏ, chỉ ở mức dưới 25 triệu USD năm 1975. Tới năm 2003, tổng giá trị thương mại song phương đạt 11,7 tỉ USD, tới năm 2013 là 65,6 tỉ USD, năm 2014 đạt 72,6 tỉ USD (đã tăng 3.000 lần sau 39 năm) và năm 2015 lên tới 75,46 tỉ USD. Năm 2011, tổng thương mại song phương đạt 57,98 tỉ USD và chiếm 12,7% tổng kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu của Thái Lan. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan chỉ sau Nhật Bản.
Trong lĩnh vực đầu tư, Trung Quốc đầu tư vào Thái Lan ngày càng nhiều. Qua các hình thức đầu tư, giá trị đầu tư của hai phía, có thể thấy rằng đầu tư của Trung Quốc tại Thái Lan đã gia tăng kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1975, giá trị càng được tăng lên từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001. Mục tiêu đầu tư của Trung Quốc vào Thái Lan nhằm tìm kiếm thị trường cũng như nguồn nhân lực, các nguyên liệu thô để phục vụ cho sản xuất. Thái Lan có những điều kiện thuận lợi về vị trí địa chiến lược, không có tranh chấp về biên giới lãnh thổ với Trung Quốc, Chính phủ Thái Lan có các chính sách ưu tiên Trung Quốc trong thu hút đầu tư… nên việc gia tăng đầu tư của Trung Quốc tại nước này là điều dễ hiểu. Đó cũng là một nguồn lực rất tốt cho Thái Lan để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong nước.
Đáng chú ý, Nội các Thái Lan (11/7/2017) đã thông qua việc xây dựng giai đoạn một của dự án đường sắt cao tốc kết nối vùng công nghiệp ven biển miền đông Thái Lan với phía Nam Trung Quốc thông qua Lào. Theo Reuters, giai đoạn một của dự án đường sắt có tổng vốn đầu tư lên tới 5,5 tỉ USD này, bao gồm 6 nhà ga trên tuyến đường sắt cao tốc kéo dài 250km nối thủ đô Bangkok với tỉnh Nakorn Ratchasima, Đông Bắc Thái Lan. Các giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng tuyến đường đến tỉnh Nong Khai, sát với biên giới Lào để kết nối với tuyến đường sắt Viêng-Chăn (Lào) – Côn Minh (Trung Quốc) đang được xây dựng. Dự án này là một phần của kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông khu vực, đặc biệt là Sáng kiến “Vành đai, con đường” nhằm kết nối châu Âu, châu Á và Đông Nam Á.
Một số vấn đề trong quan hệ Thái Lan – Trung Quốc
Trong những năm qua, tuy quan hệ Thái Lan – Trung Quốc phát triển sâu rộng, thu hút được nhiều chủ thể chính trị, xã hội ở cả hai nước tham gia vào, quan hệ song phương cũng đạt nhiều kết quả thực chất và thiết thực, mang lại nhiều thành quả cụ thể. Nhưng trong quan hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc cũng còn tồn tại một số vấn đề: (1) Thâm hụt thương mại giữa Thái Lan và Trung Quốc đã diễn ra ngay khi hai nước chuyển trọng tâm hợp tác từ chính trị-an ninh sang đối tác kinh tế. (2) Xuất hiện mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ Thái Lan. Trong trật tự thế giới mới đang hình thành, Thái Lan nhìn chung vẫn coi trọng vai trò của Trung Quốc nhưng mức độ quan hệ lại chia thành hai xu thế. Một bộ phận trong giới lãnh đạo Thái Lan coi Trung Quốc là “đồng minh” trong tương lai. Tuy nhiên, một số khác trong giới lãnh đạo Thái Lan vẫn nghi ngại về tham vọng của Trung Quốc đối với khu vực nói chung và Thái Lan nói riêng, do đó Thái Lan cần phải cảnh giác, giữ khoảng cách nhất định trong quan hệ với Trung Quốc. (3) Nhân tố Mỹ tác động nhất định đến quan hệ Trung – Thái. Trong số 5 đồng minh hiệp ước tại châu Á-Thái Bình Dương, Thái Lan rõ ràng đang bị gạt ra ngoài chiến lược của Mỹ đối với khu vực. Trước đây, cả Mỹ và Thái Lan đều nhận thấy Thái Lan là một “”quân cờ tiềm năng” trong Chiến tranh Lạnh. Thế nhưng, trong hơn 40 năm qua, quan hệ đồng minh này đã phải vật lộn để tìm ra một hướng đi rõ ràng. Các diễn biến chính trị tại Thái Lan và phản ứng của Mỹ đối với các cuộc khủng hoảng ở Thái Lan làm dấy lên nghi ngờ liệu quan hệ đồng minh này có được đặt trên một nền tảng vững chắc hay không. Sự tồn tại lâu dài của mối quan hệ đối tác Mỹ-Thái Lan đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong viễn cảnh chính sách đối ngoại của cả hai nước và mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đối với Thái Lan, Mỹ vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng và là đối tác an ninh mà họ lựa chọn. Đối với Mỹ, hợp tác quân sự – nhất là việc Thái Lan định kỳ cho phép các phương tiện quân sự của Mỹ vào nước này – là điều không gì có thể thay thế được ở Đông Nam Á, góp phần quan trọng vào chiến lược tổng thể của Mỹ ở khu vực này. Trong tương lai ngắn hạn, Mỹ và Thái Lan khó có thể tương đồng về mục đích bởi hai nước không có kẻ thù chung – hay thậm chí là một đối thủ chiến lược chung. Trong khi Mỹ ngày càng coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược và phát hiện ra rằng nhiều nước Đông Nam Á đang mong chờ sự hiện diện của Mỹ để làm đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, thì Thái Lan lại đứng ngoài cuộc bởi nước này cảm thấy thoải mái với sự phát triển và ý đồ của Trung Quốc, cho dù Thái Lan là 1 trong 2 đồng minh hiệp ước của Mỹ ở Đông Nam Á. Tuy
nhiên, lợi ích của Mỹ tại châu Á không bắt đầu và cũng không kết thúc bằng sự cạnh tranh với Trung Quốc và quan hệ Mỹ – Thái Lan mang đến những cơ hội quan trọng cho Mỹ trong việc theo đuổi những lợi ích tại Đông Nam Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.