Tin khắp nơi – 17/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 17/09/2017

Tổng thống Mỹ, Hàn Quốc bàn về Bắc Hàn

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17/9 đồng ý gây thêm áp lực mạnh hơn nữa lên Bắc Hàn thông qua các biện pháp trừng phạt vì các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Reuters dẫn lời Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết rằng hai nguyên thủ đã đi tới sự đồng thuận trên sau cuộc điện đàm trước đó.

Phát ngôn viên Park Soo-hyun nói trong một buổi họp báo được phát trên truyền hình: “Hai lãnh đạo đồng ý tăng cường hợp tác và áp đặt các biện pháp trừng phạt thực tiễn mạnh hơn nữa đối với Bắc Hàn để nước này nhận ra rằng các hành động khiêu khích chỉ dẫn tới việc bị cô lập thêm về ngoại giao và áp lực kinh tế”.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết rằng cả ông Moon và Tổng thống Trump đã mạnh mẽ lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Bắc Hàn.

Hai nhà lãnh đạo này cũng đồng ý rằng cả Seoul và Washington sẽ làm việc với cộng đồng quốc tế để thực thi nghị quyết 2375 mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Cuộc điện đàm trên diễn ra vài ngày sau khi Bắc Hàn phóng tên lửa qua Hokkaido ở phía bắc Nhật Bản và rơi xuống một điểm ở Thái Bình Dương cách đó khoảng 2.000 km về phía đông.

Trước đó, hãng thông tấn Triều Tiên đe dọa sẽ dùng vũ khí hạt nhân “nhấn chìm” Nhật Bản và biến Hoa Kỳ thành “tro tàn” vì đã ủng hộ nghị quyết và các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, theo Reuters.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-my-va-han-quoc-ban-ve-bac-han/4032351.html

 

London: Bắt thêm nghi can vụ đánh bom tàu điện ngầm

Nghi can thứ hai đã bị bắt giữ liên quan vụ tấn công trên tàu điện ngầm hôm thứ Sáu, 15/9, theo cảnh sát nước Anh.

Người đàn ông 21 tuổi này đã bị bắt ở Hounslow, mạn tây London, vào đêm thứ Bảy vì nghi ngờ về hành vi phạm tội khủng bố và bị tạm giữ ở nam London.

Trước đó, một nghi can nam giới khác, 18 tuổi, đã bị bắt và đang bị giam giữ liên quan vụ nổ ở Parsons Green làm bị thương 30 người.

Phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ là hoàn toàn suy đoánBộ trưởng Nội vụ Amber Rudd

Đe dọa khủng bố tại Anh nâng lên mức cao nhất

London lại bị tấn công, bảy người thiệt mạng

Người này bị bắt tại Cảng Dover vào sáng sớm ngày thứ Bảy.

Cảnh báo khủng bố ở Anh vẫn đang giữ ở mức ‘nguy cấp’, có nghĩa là một cuộc tấn công ‘sắp xảy ra’.

Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd nói với BBC rằng phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng kẻ khủng bố đứng sau vụ tấn công từng ở trong tầm ngắm của cơ quan cảnh sát Anh – Scotland Yard – chỉ là “hoàn toàn suy đoán”.

Tiếp tục khám xét

Tấn công ở London: Những thông tin mới nhất

Cảnh sát Anh đang tiếp tục khám xét một ngôi nhà ở Sunbury-on-Thames, tại Surrey.

“Họ làm một công việc mà không phải nhiều người khác đã [dám] làmAlison Griffiths

Nghi phạm 18 tuổi được cho là đã bị bắt ở đó.

Ngôi nhà thuộc về một cặp vợ chồng già nổi tiếng từng nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em, kể cả người tị nạn.

Ronald Jones, 88 tuổi, và Penelope Jones, đã được khen thưởng vì chăm sóc trẻ em khi họ được Hoàng gia Anh phong tước hiệu thành viên (MBE) vào năm 2010.

Cặp vợ chồng được cho là đang ở cùng với các bạn bè sau vụ bố ráp của cảnh sát, trong lúc các ngôi nhà khác ở xung quanh đã được sơ tán.

Một người bạn của hai người, Alison Griffiths, nói cặp vợ chồng này gần đây đã cho một thanh niên 18 tuổi và thanh niên khác 22 tuổi cư ngụ cùng với họ.

Bà Alison Griffiths mô tả ông bà Jones là “những trụ cột lớn của cộng đồng.”

“Họ làm một công việc mà không phải nhiều người khác đã [dám] làm,” bà nói thêm.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41298598

 

Vụ Rohingya: ‘Cơ hội cuối’ cho Suu Kyi

Hơn 400.000 người Rohingya đã chạy khỏi Myanmar tới nước láng giềng Bangladesh

Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc nói rằng nhà lãnh đạo Myanmar (Miến Điện) Aung San Suu Kyi có “cơ hội cuối cùng” để ngăn chiến dịch tấn công của quân đội khiến hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya trốn ra nước ngoài.

Ông Antonio Guterres nói với BBC rằng trừ phi bà Suu Kyi hành động ngay bây giờ, “bi kịch sẽ rất khủng khiếp”.

Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng chiến dịch tấn công có thể trở thành thanh lọc sắc tộc.

Quốc tế chỉ trích Suu Kyi: Giới hoạt động VN học gì?

Bangladesh ‘lập trại lớn’ cho người Rohingya

Chính phủ Myanmar nói rằng họ chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công chết người hồi tháng trước và bác tin chiến dịch này nhắm đến thường dân.

Quân đội tiến hành chiến dịch sau khi các cuộc tấn công nhắm vào cảnh sát ở bang Rakhine.

Trong cuộc phỏng vấn với chương trình HARDtalk của BBC trước phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Guterres nói rằng bà Aung San Suu Kyi có cơ hội cuối để chấm dứt bạo lực khi bà có bài diễn văn hôm 19/9.

“Nếu bây giờ bà ấy không đảo ngược tình thế, tôi nghĩ rằng bi kịch sẽ rất khủng khiếp, và thật không may là tôi không thấy tình trạng này còn có thể đảo ngược được trong tương lai”.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhắc lại rằng người Rohingya nên được phép trở về nhà.

Ông cũng nói rằng rõ ràng quân đội Miến Điện “đang ở thế kiểm soát tình hình” tại nước này.

Bà Aung San Suu Kyi – người đoạt giải Nobel Hòa bình, từng nhiều năm bị quản thúc tại gia, đang phải đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng tăng về vấn đề Rohingya.

Bà sẽ không dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, và tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng đang bị bóp méo bởi “những thông tin sai lệch”.

Bà nói những căng thẳng đang gia tăng bởi những tin giả có lợi cho những kẻ khủng bố.

Ông Guterres đưa ra cảnh báo sau khi Bangladesh cho biết nước này đang hạn chế làn sóng hơn 400.000 người Rohingya trốn khỏi Myanmar.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41251839

 

Mỹ bác tin đổi chiều về Thỏa thuận khí hậu Paris

Thỏa thuận Paris cam kết giữ nhiệt độ toàn cầu tăng “không quá 2 độ C” so với mức tiền công nghiệp

Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng nước này sẽ rời khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, dù có ghi nhận cho thấy lập trường của họ có thể dịu đi.

Giới chức gặp đại diện Nhà Trắng hôm 16/9 sau đó cho biết Hoa Kỳ sẽ ở lại trong hiệp định ký năm 2015 hoặc thay đổi cách tiếp cận.

Nhà Trắng cho biết “không có gì thay đổi về quyết định của Hoa Kỳ” trừ khi chúng tôi có thể đưa vào những điều khoản có lợi hơn cho nước Mỹ”.

Hồi tháng Sáu, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông muốn có một thỏa thuận “công bằng” mới cho Hoa Kỳ.

Trump ‘tin có biến đổi khí hậu’

Merkel ‘đối đầu’ Trump vì vấn đề khí hậu

Ông nói điều quan trọng là thỏa thuận mới sẽ không gây bất lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ, nhưng các bên phản đối nói rằng với việc rút khỏi thỏa thuận này, Mỹ đã từ bỏ vị trí dẫn đầu trước thách thức toàn cầu.

Thỏa thuận Paris đưa ra cam kết chính phủ Mỹ và 187 nước khác đồng ý giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C so với mức nhiệt độ của thời tiền công nghiệp, và sẽ tốt hơn nếu mức tăng chỉ 1,5 độ C.

Chỉ Syria và Nicaragua không ký thỏa thuận này.

Trump nói gì hồi tháng Sáu?

Phát biểu tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, tổng thống mô tả Thỏa thuận Paris nhằm mục đích gây bất lợi và làm khánh kiệt nước Mỹ.

Ông tuyên bố thỏa thuận này làm tiêu tốn 6,5 triệu việc làm ở Mỹ và gây thiệt hại 3 tỷ đôla GDP trong bối cảnh các nền kinh tế cạnh tranh như Trung Quốc và Ấn Độ được ưu đãi hơn.

“Để hoàn thành trọng trách bảo vệ nước Mỹ và công dân Mỹ, Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris… nhưng bắt đầu các cuộc đàm phán để tái gia nhập một khi thỏa thuận này có điều khoản mới công bằng cho Hoa Kỳ”, ông nói.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm Pháp hồi tháng Bảy, ông Trump ám chỉ rằng Hoa Kỳ có thể thay đổi quan điểm về thỏa thuận này.

“Một điều gì đó có thể xảy ra với Thỏa thuận Paris… Chúng ta sẽ thấy những gì xảy ra.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41251838

 

Ông Trump đăng lại video ‘đánh ngã’ bà Clinton

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 17/9 đăng lại một đoạn video “chế” ông đánh quả bóng golf trúng cựu đối thủ Hillary Clinton, khiến bà ngã sấp khi đang lên máy bay.

Cựu ứng viên tổng thống của đảng dân chủ đã xuất hiện nhiều trở lại trên Twitter của Tổng thống thuộc phe Cộng hòa, trong khi bà quảng bá cho cuốn sách mới của mình có tựa đề “What happened” (tạm dịch: Chuyện gì đã xảy ra) về chiến dịch tranh cử năm 2016, theo Reuters.

Đoạn video, cũng được nhiều người sử dụng tweet lại, cho thấy ông Trump đang vung gậy ở trên một sân golf, và sau đó là cảnh cắt ghép quả bóng trúng vào lưng cựu ngoại trưởng Mỹ khi bà đang lên máy bay.

Hãng Reuters đưa tin rằng đoạn video gốc về bà Clinton có từ năm 2011 và không cho thấy quả bóng golf.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-dang-lai-video-danh-nga-ba-clinton/4032452.html

 

Du khách Mỹ bị tạt axít ở Pháp

Một người phụ nữ hôm 17/9 đã tạt axít vào bốn nữ du khách Hoa Kỳ tại một ga tàu ở thành phố Marseille.
Tuy nhiên, theo Reuters, cảnh sát nói rằng họ không nghĩ rằng vụ việc có liên quan tới khủng bố.

Cảnh sát địa phương cho biết rằng hai thiếu nữ, ở tuổi chớm 20, đang được chữa bị các vết bỏng ở mặt trong bệnh viện.

Các du khách đang trên đường từ thành phố nằm ở miền nam nước Pháp tới thủ đô Paris thì bị tấn công.
Nghi can khoảng 40 tuổi thực hiện vụ tạt axít đã bị bắt ngay tại hiện trường.

Các nhân viên điều tra giờ đã loại trừ vụ tấn công có động cơ khủng bố, và rằng họ tin là người phụ nữ thực hiện vụ này bất ổn về tinh thần.

https://www.voatiengviet.com/a/du-khach-my-bi-tat-axit-o-phap/4032486.html

 

Tòa án Ai Cập kết án cựu tổng thống 25 năm tù

vụ làm gián điệp cho Qatar

Một tòa án của Ai Cập hôm thứ Bảy đã kết án tổng thống bị lật đổ Mohammed Mursi thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo 25 năm tù giam trong một phán quyết cuối cùng về một vụ án cáo buộc ông làm gián điệp cho Qatar.

Ông Mursi, được bầu cử dân chủ sau cuộc cách mạng năm 2011 ở Ai Cập, bị truất quyền vào giữa năm 2013 bởi tướng Abdel Fattah al-Sisi, giờ là tổng thống, theo sau những cuộc biểu tình phản đối rầm rộ nền cai trị của ông. Ông bị bắt giữ ngay lập tức.

Tòa Phá án của Ai Cập đã giảm bản án của ông Mursi trong vụ án Qatar từ 40 năm xuống còn 25 năm tù trong phán quyết cuối cùng.

Ông Mursi hiện đang thi hành bản án 20 năm tù sau khi bị kết tội sát hại người biểu tình trong các cuộc biểu tình vào năm 2012.

Kể từ khi bị lật đổ ông Mursi, ông Sisi đã trấn áp quan điểm bất đồng chính kiến. Các vụ xét xử tập thể đã được tổ chức đối với hàng ngàn người ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo, và hàng trăm người đã nhận án tử hình hoặc án tù lâu năm.

Năm 2014, Ai Cập buộc ông Mursi và chín người khác tội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia bằng việc tiết lộ bí mật nhà nước và các tài liệu nhạy cảm cho Qatar. Quan hệ của Ai Cập với Doha vốn đã không suôn sẻ vì Qatar ủng hộ ông Mursi.

Ai Cập là một trong bốn nước Ả-rập trong khối do Ả-rập Saudi dẫn đầu đã cắt đứt quan hệ với Qatar vào ngày 5 tháng 6, cáo buộc nước này hậu thuẫn các nhóm chủ chiến và hợp tác đối thủ không đội trời chung của họ là Iran, những cáo buộc mà Qatar phủ nhận.

https://www.voatiengviet.com/a/toa-an-ai-cap-ket-an-cuu-tong-thong-25-nam-tu-vu-lam-gian-diep-cho-qatar/4031927.html

 

Merkel tuyên bố hạn chế thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ

vì các vụ bắt giữ

Đức sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hạn chế các mối quan hệ kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ để gây áp lực lên đối tác NATO này của Đức buộc họ thả các công dân Đức bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ vì lý do chính trị, Thủ tướng Angela Merkel nói trong một phát biểu được đăng trên báo hôm thứ Bảy.

Quan hệ giữa hai nước đã bị căng thẳng vì chiến dịch đàn áp của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhắm vào các đối thủ sau cuộc đảo chính bất thành vào năm ngoái. Đức và các đối tác của Đức trong Liên minh Châu Âu nói rằng cuộc đàn áp này làm suy yếu nền dân chủ.

Thổ Nhĩ Kỳ và Đức cũng có mâu thuẫn về việc Berlin từ chối dẫn độ những người xin bảo hộ tị nạn mà ông Erdogan cáo buộc có dính líu trong cuộc đảo chính bất thành chống lại ông.

“Chúng tôi sẽ phải cắt giảm hơn nữa hợp tác kinh tế chung của chúng tôi với Thổ Nhĩ Kỳ và săm soi các dự án,” bà Merkel nói với báo Passauer Neuen Presse trong một cuộc phỏng vấn khi được hỏi bà muốn đạt được việc phóng thích công dân Đức đang bị cầm giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ ra sao.

Những căng thẳng âm ỉ đã len vào chiến dịch vận động tranh cử liên bang ở Đức, đặc biệt là sau khi ông Erdogan kêu gọi người Đức gốc Thổ tẩy chay các đảng chính trong cuộc bầu cử vào ngày 24 tháng 9 này.

Là nơi sinh cư của khoảng 3 triệu người gốc Thổ, Đức lâu nay vẫn có quan hệ hữu hảo với Thổ Nhĩ Kỳ, nước cũng là một đối tác thương mại và điểm đến du lịch lớn cho du khách Đức.

Các quan chức Đức tức giận vì Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ khoảng một chục công dân Đức, trong đó có nhà báo người Đức gốc Thổ Deniz Yucel, người đã bị giam giữ hơn 200 ngày.

Bà Merkel, người lãnh đạo đảng bảo thủ được dự báo sẽ chiến thắng cuộc bầu cử và và đem về nhiệm kì thủ tướng thứ tư cho bà, hôm thứ Ba nói rằng Đức sẽ hạn chế việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Ngoại giao Sigmar Gabriel của đảng Dân chủ Xã hội chủ trương trung tả, người đang theo sau phe bảo thủ trong các cuộc thăm dò ý kiến, trước đó đã nói rằng tất cả các mặt hàng vũ khí chính xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tạm ngưng.

Bà Merkel nói trong một cuộc tranh luận trên truyền hình trước đó trong tháng này rằng Thổ Nhĩ Kỳ không nên trở thành một thành viên của Liên minh Châu Âu – là đối tác thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ mà Thổ Nhĩ Kỳ có liên minh thuế quan.

Bà nói bà sẽ nói chuyện với các đối tác EU của Đức để đạt được một thỏa hiệp chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập khối này của Thổ Nhĩ Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/merkel-tuyen-bo-han-che-thuong-mai-voi-tho-nhi-ky-vi-cac-vu-bat-giu/4031912.html

 

Tập trận Zapad : Belarus thông báo khách mời NATO đã tới

Cuộc tập trận song phương Nga-Belarus, diễn ra từ ngày 16 đến ngày 20/09/2017, bị khối NATO nghi ngờ là không minh bạch. Hôm qua 16/09, Belarus ra thông báo trấn an là đại diện nhiều nước thành viên NATO, trong đó có Ba Lan và ba nước vùng Baltic, đã tới quan sát tập trận.

Bộ Quốc Phòng Belarus ra thông báo khẳng định đã mời đại diện bảy nước trong khu vực bao gồm Latvia, Litva, Estonia, Ba Lan, Thụy Điển, Na Uy và Ukraina, và hôm qua, đại diện bảy nước nói trên, gồm hai quan sát viên mỗi nước, đã tới thủ đô Minsk.

Theo bộ Quốc Phòng Belarus, lời mời này đáp ứng « mong muốn phát triển các quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia láng giềng, cũng như các nguyên tắc có đi có lại, cởi mở và minh bạch », theo các thỏa thuận quốc tế mà Belarus tham gia.

Theo chính quyền Minsk, cuộc tập trận « hoàn toàn mang tính phòng vệ » và « không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào ». Matxcơva khẳng định khoảng 12.700 binh sĩ Nga và Belarus được triển khai trong khuôn khổ cuộc tập trận mang tên « Zapad 2017 » (Zapad có nghĩa là Hướng Tây).

Tuy nhiên, có nhiều lo ngại tại các nước láng giềng châu Âu. Litva và Estonia cho rằng đợt tập trận có thể huy động đến 100.000 quân. Ukraina và Ba Lan, lo ngại, ẩn dưới hoạt động này là một mưu toan xâm lược. Tổng tham mưu trưởng NATO Jens Stoltenberg cho rằng số lượng hai quan sát viên mỗi nước không bảo đảm tính minh bạch theo quy định của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE.

Nhìn từ Litva, thông tín viên Marielle Vitureau tại Kudirkos Naumiestis, biên giới với Nga, cho biết dân cư trong vùng đánh giá lo ngại bị Nga xâm chiếm của chính quyền Vilnius là quá đáng :

« Hàng ngày, qua cửa sổ, Jonas Valaitis đều trông thấy nước Nga. Kudirkos Naumiestis từng là thị trấn nằm sát lằn ranh, dòng sông Sesupe là biên giới với Kalinigrad. Ở phía bên kia con sông, là ruộng, đất bỏ trống thuộc khu vực quân sự của Nga. Trại lính thì còn nằm ở mãi rất xa.

Jonas Valaitis là một nông dân cung cấp khoai tây cho cả vùng. Ông không ngại sống ở khu vực giáp giới này. Ông nói : từ khi đường biên giới đóng cửa, cách nay đã 25 năm, ông chưa từng thấy bóng dáng một người lính biên phòng nào lảng vảng bên phía lãnh thổ Nga. Đối với dân cư trong vùng, an ninh được Liên Minh Bắc Đại Tây Dương bảo đảm hơn bao giờ hết.

An ninh được bảo đảm cả ngày lẫn đêm. Trong mắt dân cư sống tại sát vùng biên giới này duy trì một mối bang giao tốt là điều rất quan trọng. Họ cho rằng, lo ngại của Vilnius là quá đáng. Tuy vậy, từ khi xung đột tại Ukraina bùng lên, người dân ở đây lo ngại trước thái độ khó đoán trước của Nga.

Một làn sóng yêu nước đang trỗi dậy tại Litva, quốc gia từng thuộc Liên bang Xô Viết. Năm nay chẳng hạn, ngân sách quốc phòng của Litva đạt 2% so với GDP. Cho dù lãnh đạo Litva tỏ thái độ hòa hoãn, nhưng hiện đại hóa và nâng cao khả năng phòng thủ của Không Quân là một ưu tiên của chính quyền Vilnius ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170917-tap-tran-zapad-belarus-thong-bao-khach-moi-nato-da-toi

 

Nga oanh kích một đơn vị đồng minh của Mỹ tại Syria

Tú Anh

Lực lượng Kurdistan tại Syria cho biết trong khi tấn công truy đuổi Daech đã bị không quân Nga oanh kích hôm 16/09/2017. Liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo do Mỹ lãnh đạo xác nhận tin này cho dù Matxcơva phủ nhận lời tố cáo.

Theo AFP, đây là lần đầu tiên lực lượng Kurdistan- Syria chống Daech, do liên minh quốc tế ủng hộ, tố cáo bị không quân của Nga, đồng minh của chính quyền Damas, tấn công. Vụ việc xảy ra tại miền đông Syria nơi mà quân đội Syria được Nga yểm trợ và Lực lượng Dân Chủ Kurdistan-Syria do Mỹ hậu thuẫn từ hai hướng khác nhau tấn công vào Deir Ezzor.

Theo thông báo của lực lượng Kurdistan- Syria, một đơn vị của họ khi tiến đến khu kỹ nghệ ở ngoại ô thành phố thì bị không quân Nga và Syria nhắm bắn làm 6 chiến binh bị thương.

Một phát ngôn viên của không quân Nga ở căn cứ Hmeimim, ở miền tây Syria tỏ ra ngạc nhiên và phủ nhận lời cáo buộc này.

Tuy nhiên, trong thông cáo ngày 16/09/2017, liên minh chống Daech do Mỹ điều hợp xác nhận « Nga đã tấn công vào một đơn vị bạn của liên minh và gây thương tích cho nhiều người (…) đầu đạn của Nga » còn để lại trên trận địa nơi mà « Nga biết rõ chiến binh của Lực lượng Dân Chủ Kurdistan-Syria và các cố vấn đang họat động ». Theo thông báo này, không một cố vấn nào, hàm ý cố vấn Mỹ, bị thương.

Trong lãnh vực ngoại giao, ngày 15/09/2017, tại vòng đàm phán Astana, Kazakhstan, ba nước bảo trợ là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận đưa một lực lượng hỗn hợp đến Ileb, thành phố Syria ven biên với Thổ Nhĩ Kỳ, ở Lattaquié, Hama và Alep để bảo đảm an ninh ở vùng « xuống thang bạo lực ».

Tuy nhiên, trái với phản ứng hài lòng của trưởng đoàn Syria, bộ Ngoại Giao Syria ở Damas ra thông cáo không chấp nhận sự hiện diện của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Syria, cho dù dưới hình thức cảnh sát theo dõi thỏa hiệp ngưng bắn giữa chính quyền Syria và phe nổi dậy.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170917-nga-oanh-kich-mot-don-vi-dong-minh-cua-my-tai-syria

 

Đặc sứ Mỹ cảnh báo nguy cơ chia cắt Ukraina

Tú Anh

Triển khai một lực lượng duy trì hòa bình tại Ukraina, theo mô hình của Matxcơva là một bước « tích cực » nhưng sẽ gây chia cắt trên lãnh thổ Ukraina nếu không được sửa đổi. Trên đây là tuyên bố của đặc sứ Mỹ về tình hình Ukraina ngày16/09/2017 tại Kiev.

Theo AFP, bên lề hội thảo địa chính trị Yalta European Strategy (YES), đặc sứ Mỹ Kurt Volker khen ngợi nước Nga có thái độ « tích cực » khi đề nghị thảo luận và trình Hội Đồng Bảo An kế hoạch gửi một lực lượng quốc tế bảo vệ an ninh cho thanh tra kiểm sóat việc thực thi hiệp định ngưng bắn ở Ukraina. Tuy nhiên, Kurt Volker cho rằng điều kiện do Nga đề nghị chỉ « gây thêm phân hóa tại Ukraina và tạo ra nhiều chướng ngại hơn là giải quyết vấn đề ».

Tuần qua, tổng thống Nga Vladimir Putin đột ngột thay đổi lập trường, từ chống đối sang ủng hộ yêu cầu của Kiev muốn bố trí một lực lượng mũ xanh bảo vệ hoà bình ở miền đông Ukraina, nơi có xung đột giữa phe ly khai thân Nga và quân đội Ukraina.

Tuy nhiên, trái với chủ trương của Kiev, đề xuất của Matxcơva là tập trung lực lượng mũ xanh ở vùng chiến tuyến và với nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ thanh tra của Tổ Chức An Ninh Và Hợp Tác Châu Âu OSCE.

Theo nhận định của đặc sứ Mỹ Kurt Volker, nhiệm vụ của lực lượng duy trì hòa bình cần phải bao trùm toàn vùng lãnh thổ nằm trong tay phe ly khai thân Nga để bảo vệ an ninh vừa cho thường dân vừa cho thanh tra quốc tế.

Cũng như Kiev, đặc sứ Mỹ thẩm định là cần phải bố trí lực lượng mũ xanh ở biên giới Ukraina và Nga để ngăn chận vũ khí và chiến binh từ lãnh thổ Nga xâm nhập vào Ukraina tiếp tay cho phe ly khai.

Song song với việc mất bán đảo Crimée, Kiev bất lực nhìn phần lớn lãnh thổ phía đông rơi vào tay phe thân Nga và được Matxcơva hậu thuẫn.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170917-dac-su-my-canh-bao-nguy-co-chia-cat-ukraina

 

Quân đội Philippines chiếm bộ chỉ huy thánh chiến ở Marawi

Trọng Thành

Chiến sự tại thành phố Marawi, miền nam Philippines, giữa quân đội và lực lượng thánh chiến Hồi Giáo đã gần bốn tháng. Ngày 17/09/2017, quân đội Philippines tuyên bố đã chiếm được bộ chỉ huy của quân thánh chiến.

Theo AFP, quân đội cho biết đã chiếm được trung tâm chỉ huy của lực lượng thánh chiến sau một trận đánh ác liệt hôm qua. Thông báo của tướng Eduarno Ano nhấn mạnh là với chiến thắng này, « quân khủng bố » đã bị mất cơ sở chỉ huy chính, làm suy yếu nghiêm trọng lực lượng thánh chiến Hồi Giáo.

Quân đội Philippines tiếp tục truy quét quân thánh chiến trong từng khu phố. Hiện tại, theo các nhà quan sát, ước tính còn hàng trăm chiến binh Hồi Giáo, trong đó có nhiều người nước ngoài, tại Marawi.

Xung đột tại Marawi bùng phát hồi cuối tháng 5/2017, sau khi lực lượng an ninh Philippines bắt hụt Hapilon, một chỉ huy thánh chiến. Lực lượng này bất ngờ xâm chiếm thành phố sớm hơn dự kiến, và tuyên bố xây dựng ở đây một vương quốc Hồi Giáo, giống như tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã làm ở Irak và Syria.

Theo chính quyền Manila, gần nửa triệu dân Marawi phải sơ tán khỏi thành phố, trong khi đó các đụng độ khiến ít nhất 800 người thiệt mạng, bao gồm quân thánh chiến, thường dân và binh sĩ Philippines.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170917-quan-doi-philippines-chiem-so-chi-huy-thanh-chien-o-marawi

 

Thỏa thuận khí hậu Paris : Mỹ duy trì áp lực

Trọng Thành

Nhà Trắng dập tắt hy vọng vừa để ngỏ tại hội nghị khí hậu Montréal khai mạc ngày 16/09/2017. Washington thông báo tái khẳng định lập trường của tổng thống Trump, rút khỏi thỏa thuận Paris nếu như các đòi hỏi của Hoa Kỳ không được chấp nhận.

Trước đó, nhiều nhà đàm phán quốc tế nuôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ thay đổi thái độ trong hồ sơ khí hậu, với việc cử một đại diện đến Montréal, Canada. Hội nghị này quy tụ bộ trưởng Môi Trường của khoảng 30 quốc gia với mục tiêu đẩy nhanh việc thực thi thỏa thuận Paris COP 21. Nhưng ngay tối qua, thông cáo của Nhà Trắng là “một gáo nước lạnh”. Thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình từ Washington :

« Ủy viên châu Âu phụ trách hồ sơ này, Miguel Arias Canete, dẫn lời của thành viên phái đoàn Mỹ, theo đó Hoa Kỳ có thể sẽ xem xét khả năng ở lại trong thỏa thuận khí hậu Paris, mà không cần thương lượng lại. Điều này ngay lập tức được giải thích như là lập trường của Washington có thể sẽ mềm dẻo hơn. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã bác bỏ khả năng này. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders : ‘‘Không có bất cứ một thay đổi nào trong lập trường của chúng tôi. Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rõ ràng là Hoa Kỳ sẽ rút, trong trường hợp không đưa được vào thỏa thuận Paris những sửa đổi có lợi cho đất nước chúng tôi’’.

Quả thực là không có dấu hiệu nào cho thấy Donald Trump đứng về phía những người bảo vệ môi trường. Ông đã loại bỏ gần như tất cả các biện pháp vì môi trường của người tiền nhiệm Obama. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ cũng có thể thay đổi quan điểm, như trong trường hợp Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ (NAFTA) hay quy chế đón tiếp trẻ em nhập cư (DACA).

Tổng thống Trump đã để ngỏ cánh cửa cho các thương lượng về khí hậu, đặc biệt với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron khi đến Paris dự lễ Quốc Khánh 14 Tháng 7. Trong bối cảnh Donald Trump chuẩn bị phát biểu lần đầu tiên trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào thứ Ba tuần tới, cũng có thể là tổng thống Mỹ sẽ tỏ thái độ hòa hoãn hơn, để được cộng đồng quốc tế hưởng ứng hơn ».

Thỏa thuận Paris không thể đảo ngược

Lập trường xoay như chong chóng của Mỹ dường như không cản trở cộng đồng quốc tế khẩn trương thực thi thỏa thuận khí hậu Paris, thông qua tại hồi tháng 11/2015, nhằm giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C so với thời tiền công nghiệp.

Các trận bão Harvey và Irma gây thiệt hại nặng nề cho miền nam Hoa Kỳ cho thấy không quốc gia nào, dù hùng mạnh như nước Mỹ, có thể tránh được các thảm họa do biến đổi khí hậu gây nên.

Theo AFP, trong buổi họp báo kết thúc hội nghị Montréal, bộ trưởng môi trường Canada Catherine McKenna nhấn mạnh là các quốc gia tham dự khẳng định « Thỏa thuận Paris là không thể đảo ngược, và không thể thương lượng lại ».

Ủy viên Châu Âu phụ trách khí hậu Arias Canete cho biết, trước thượng đỉnh COP 24 tại Ba Lan năm tới 2018, cộng đồng quốc tế cần phải thảo ra được các quy định nhằm « theo dõi, kiểm tra và so sánh » mức phát thải của mỗi nước, một bước quan trọng trong việc thực thi thỏa thuận khí hậu. Theo đại diện của Liên Hiệp Châu Âu, các cuộc gặp bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tuần tới sẽ cho phép làm rõ « lập trường thực sự » của Hoa Kỳ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170917-my-duy-tri-ke-hoach-rut-khoi-thoa-thuan-khi-hau-paris

 

Rohingya : Quân đội Miến Điện kêu gọi

« đoàn kết » chống áp lực quốc tế

Ngày 17/09/2017, tư lệnh quân đội Miến Điện tướng Min Aung Hlaing, kêu gọi « toàn quốc đoàn kết » chống lại áp lực buộc công nhận sắc tộc Rohingya là người Miến Điện. Lời tuyên bố này được đưa ra hai trước thông điệp toàn quốc của bà Aung San Suu Kyi.

Trước sức ép của quốc tế và sau cuộc họp báo của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guteres tố cáo quân đội Miến Điện « thanh lọc » người Rohingya, tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing huy động công luận trong nước.

Trên trang Facebook, tướng Min Aung Hlaing cho rằng Miến Điện đang bị sức ép phải công nhận cộng đồng Hồi giáo Rohingya là người Miến Điện trong khi sắc tộc này, là người Bangladesh. Ông kêu gọi « toàn quốc đoàn kết kết để làm sáng tỏ sự thật » mà ông gọi là « chính nghĩa quốc gia ».

Sau một thời gian im lặng và bị chỉ trích, lãnh đạo chính quyền dân sự Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi sẽ lên tiếng qua thông điệp toàn quốc vào ngày 19/09/2017.

Theo AFP, trong hồ sơ Rohingya, công luận Miến Điện đứng về phía chính phủ và quân đội.

Chiến dịch quân sự được biện minh là « hành quân gỡ mìn » đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Hơn 400.000 dân Hồi giáo chạy sang Bangladesh lánh nạn.

Cơ quan Bảo Vệ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF dự báo từ nay đến cuối năm, con số trẻ em tị nạn sẽ lên đến 600.000.

Bất chấp khủng hoảng nhân đạo, cộng đồng Phật giáo tại bang Arakan cương quyết không chấp nhận để các tổ chức nhân đạo đến cứu viện cho hàng trăm ngàn người Rohingya đang bị quân đội truy bức. Phóng sự của thông tín viên đài RFI, Rémy Favre từ Rangun :

Hơn 400 ngàn người tị tạn Rohingya. Một nửa trong số này là trẻ em. Tin Htoo Aung, chủ tịch một tổ chức phi chính phủ tại bang Arakan không chút động lòng. Ông nói “không biết trong số này có ai là quân khủng bố hay không. Chỉ có chính những kẻ khủng bố mới biết được điều đó. Đây là một cuộc khủng hoảng giữa một bên là quân đội và bên kia là quân khủng bố. Trong hoàn cảnh đó những ai không liên quan đến các hoạt động khủng bố thì không việc gì phải bỏ làng ra đi. Họ có thể ở lại”.

Đối với ông Tin Htoo Aung, người Rohingya tị nạn bất hợp pháp, sống tại Miến Điện và vì thế họ phải sống tập trung trong trại. Tại bang Arakan, các tổ chức phi chính phủ bị giới hạn đi lại.

Theo phóng viên Tayzar Aung, một phật tử, ngăn cản các tổ chức nhân đạo hoạt động là điều bình thường, anh nói : ” Tin tức cho thấy rằng nhiều tổ chức phi chính phủ và Liên Hiệp Quốc đều giúp đỡ những tên khủng bố. Chúng tôi phát hiện những gói lương thực của Liên Hiệp Quốc phát cho quân khủng bố. Ở đây mọi việc đều phức tạp. Trong hoàn cảnh đó, tốt hơn hết, nên ngăn chận các hoạt động cứu trợ nhân đạo”.

Miến Điện cấm các phóng viên đến bang Arakan. Chỉ một vài người được phép hành nghề nhà báo, nhưng luôn có nhân viên của chính quyền đi kèm”.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170917-rohingya-quan-doi-mien-dien-keu-goi-%C2%AB-doan-ket-%C2%BB-chong-ap-luc-quoc-te