Tin khắp nơi – 17/06/2018
Trung Quốc tăng thuế lên đậu nành,
xe hơi điện, rượu whisky của Mỹ
Trung Quốc phản pháo hôm thứ Bảy trong một cuộc tranh chấp thương mại ngày càng nghiêm trọng với Tổng thống Donald Trump bằng cách tăng thuế nhập khẩu lên một danh sách các mặt hàng của Mỹ trị giá 34 tỉ đôla bao gồm đậu nành, xe hơi điện và rượu whisky.
Chính phủ nói họ đang đáp trả với “quy mô ngang bằng” việc ông Trump tăng thuế quan lên hàng hóa của Trung Quốc trong một cuộc xung đột liên quan tới thặng dư thương mại và chính sách công nghệ của Bắc Kinh mà các công ty lo ngại có thể nhanh chóng leo thang và kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc “không muốn chiến tranh thương mại” nhưng phải “đáp trả mạnh mẽ,” một thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc nói. Thông cáo cho biết Bắc Kinh cũng sẽ hủy bỏ thỏa thuận thu hẹp thặng dư thương mại nhiều tỉ đôla của mình với Mỹ bằng việc mua thêm nông sản, khí thiên nhiên và các sản phẩm khác của Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc có mối quan hệ thương mại lớn nhất thế giới nhưng quan hệ chính thức ngày càng căng thẳng do những khiếu nại về chiến lược phát triển công nghiệp của Bắc Kinh vi phạm các cam kết tự do thương mại và gây tổn hại cho các công ty của Mỹ. Châu Âu, Nhật Bản và các đối tác thương mại khác đã nêu lên những than phiền tương tự, nhưng ông Trump đã đối đầu với Bắc Kinh thẳng thừng một cách bất thường và đe dọa gây gián đoạn một lượng lớn hàng xuất khẩu.
Bắc Kinh sẽ áp thêm mức thuế quan 25 phần trăm bắt đầu từ ngày 6 tháng 7 lên 545 sản phẩm từ Mỹ bao gồm đậu nành, xe điện, nước cam, rượu whisky, tôm hùm, cá hồi và xì gà, theo Bộ Tài chính Trung Quốc.
Hầu hết các mặt hàng bị tăng thuế là thực phẩm và các nông sản khác, đánh mạnh những người ủng hộ ông Trump ở vùng nông thôn.
Bắc Kinh dường như đang cố gắng giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế của chính mình bằng cách chọn các sản phẩm của Mỹ mà có thể thay thế bằng hàng nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác như Brazil hoặc Úc.
Các nhà quản lý Trung Quốc cũng đang cân nhắc tăng thuế quan đối với 114 sản phẩm bao gồm thiết bị y tế và các sản phẩm năng lượng, Bộ Tài chính cho biết. Họ nói một quyết định sẽ được công bố sau đó.
Chính quyền Trump hôm thứ Sáu loan báo tăng thuế quan lên 34 tỉ đôla hàng hóa Trung Quốc, cũng có hiệu lực từ ngày 6 tháng 7, và định cân nhắc mở rộng ra thêm 16 tỉ đôla các sản phẩm khác.
Ông Trump đang thúc ép Bắc Kinh thu hẹp thặng dư thương mại của mình với Mỹ và rút lại kế hoạch do nhà nước dẫn đầu nhằm vun đắp cho các công ty cạnh tranh toàn cầu của Trung Quốc phát triển trong lĩnh vực công nghệ bao gồm xe hơi điện, năng lượng tái tạo được, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.
Truyền thông TQ chế nhạo thuế Mỹ:
“kẻ khờ xây tường”
Truyền thông Trung Quốc chế nhạo Tổng thống Trump về kế hoạch đánh 25% thuế lên hàng hóa Trung Quốc với câu “người khôn xây cầu, kẻ khờ xây tường.”
Hôm thứ Sáu 15/6, ông Trump tuyên bố sẽ đánh thuế hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc có giá trị tới 50 tỷ USD. Ông cáo buộc Bắc Kinh đã đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.
Trung Quốc trả đũa ngay và nói sẽ đánh thêm 25% thuế nữa lên 659 mặt hàng của Mỹ, có giá trị 50 tỷ USD.
Thị trường chứng khoán sụt giảm sau khi có tin này vì lo ngại sẽ nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại.
Trước đó, Mỹ đã cảnh báo rằng Washington sẽ tiếp tục đánh thuế nếu Trung Quốc trả đũa.
Mỹ-Trung ‘không gây chiến tranh thương mại’
TQ vui mừng trước việc Trump đổi ý về ZTE
Ông Trump nói các mức thuế quan này là “chủ yếu để ngăn việc chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ Mỹ sang Trung Quốc một cách không công bằng, điều sẽ bảo vệ công ăn việc làm Mỹ.”
Một loạt các mặt hàng Trung Quốc sẽ bị đánh thuế mới, từ lốp máy bay đến tuốc bin cho đến máy rửa bát công nghiệp.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng thanh tấn công biện pháp thuế mới của Mỹ.
“Đi theo con đường mở rộng và mở cửa là phản ứng tốt nhất của Trung Quốc đối với tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, và cũng là trách nhiệm mà các nước lớn cần có với thế giới,” một bài xã luận của Tân Hoa Xã viết.
“Người khôn xây cầu, kẻ khờ xây tường,” bài viết bình luận.
Dân mạng nhanh chóng có phản ứng vui về câu này, và nhiều người nhắc tới Vạn Lý Trường Thành.
Người dùng Twitter có nick Lotus viết: “Nước có bức tường dài nhất thế giới đưa tin.”
Trên những trang báo chính thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tờ Nhật báo Nhân dân lên án cái mà họ tả là “nỗi ám ảnh được đóng vai trò nước gây gián đoạn kinh tế toàn cầu” của chính quyền Mỹ.
Trong khi đó, tờ Hoàn cầu Thời báo viết ông Trump đang phá vỡ trật tự thế giới để làm vừa lòng cử tri, những người tưởng là ông đang đấu tranh cho họ.
Tuy nhiên, tờ báo bằng tiếng Anh China Daily nói họ hy vọng điều tồi tệ nhất vẫn có thể tránh được.
“Với chuyện chính quyền của ông Donald Trump thường xuyên nay nói thế này mai thế khác, vẫn còn quá sớm để kết luật rằng một cuộc chiến thương mại sẽ bắt đầu,” bài báo viết.
Trung Quốc đã tuyên bố từ ngày 6/7 sẽ đánh thuế lên các mặt hàng nông sản, xe hơi và hải sản của Mỹ, có giá trị 34 tỷ USD hàng năm.
Mức thuế cho các mặt hàng khác của Mỹ sẽ được thông báo sau, Tân Hoa Xã đưa tin.
Cũng từ ngày 6/7, mức thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới hơn 800 mặt hàng Trung Quốc, có giá trị 34 tỷ USD trong thương mại hàng năm. Nhà Trắng nói sẽ bàn thêm về thuế đánh vào các mặt hàng khác có giá trị 16 tỷ USD.
Mỹ muốn Trung Quốc ngưng tập quán được cho là khuyến khích chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ – các ý tưởng thiết kế và sản phẩm – cho các công ty Trung Quốc, chẳng hạn việc Trung Quốc yêu cầu các công ty nước ngoài phải cùng sở hữu doanh nghiệp với các công ty trong nước nếu họ muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế và doanh nghiệp ở Mỹ nói thuế quan mới nhiều khả năng sẽ làm ảnh hưởng một số ngành mà chính quyền Mỹ đang cố gắng bảo vệ. Đây là những ngành phụ thuộc vào Trung Quốc để có phụ tùng hay được lắp ráp.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44506105
Các cuộc tấn công mạng
từ Trung Cộng nhằm vào Đài Loan ngày càng tinh vi
Một nguồn tin thân cận chính phủ Đài Loan cho hay, các cuộc tấn công an ninh mạng bắt nguồn từ Trung cộng nhằm vào chính phủ Đài Loan ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, dù mật độ tấn công đã giảm nhưng tỉ lệ thành công lại gia tăng.
Được biết mỗi năm có hàng trăm vụ tấn công mạng nhằm vào các cơ quan chính phủ Đài Loan được thực hiện thành công. Tuy nhiên phía Trung Cộng vẫn một mực chối bỏ các cáo buộc tấn công mạng, đồng thời tuyên bố chính quyền Trung cộng cũng là nạn nhân của các cuộc tấn công này.
Cáo buộc được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng áp lực ngoại giao và kinh tế lên hòn đảo tự trị Đài Loan. Nguồn tin cho biết tin tặc đã áp dụng mánh khóe mới để che giấu hành vi sai phạm. Theo đó, tin tặc sẽ dùng trang mạng bình thường như Google hoặc blogs để ẩn danh tính và làm cho các điều tra viên không mảy may nghi ngờ. Được biết chính phủ Đài Loan phải đối phó với hơn 10 triệu cuộc tấn công và thăm dò lỗ hổng an ninh mỗi tháng. Đa số các cuộc tấn công bao gồm thay đổi thông tin và địa chỉ trang mạng nhằm vào hệ thống có độ bảo mật thấp. Có nhiều cuộc tấn công vào các cơ quan và trang mạng chính phủ bằng cách xâm nhập máy chủ và đánh cắp mật khẩu.
Hiện nay, chính quyền Đài Loan càng gặp khó khăn hơn trong việc truy tìm thủ phạm, vì các tin tặc lấy các quốc gia khác làm tấm bình phong che giấu danh tính. Để đối phó với tình hình hiện tại, Đài Loan sẽ công bố chiến lược an ninh quốc gia và bảo mật thông tin vào cuối năm nay. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/cac-cuoc-tan-cong-mang-tu-trung-cong-nham-vao-dai-loan-ngay-cang-tinh-vi/
Campuchia:
Hoàng thân Ranariddh bị thương, vợ tử nạn
Hoàng thân Norodom Rarariddh, cựu thủ tướng Campuchia, bị thương trong vụ tai nạn xe hơi ở miền tây nam nước này, vợ ông tử nạn.
Một chiếc taxi đâm trực diện vào chiếc xe chở Hoàng thân Ranariddh, 74 tuổi, và vợ ông Ouk Phalla, 39 tuổi, khi đang đi trên đường, giới chức nói.
Hai người được đưa tới bệnh viện địa phương ở tỉnh Preah Sihanouk, nhưng bà Phalla đã tử vong sau đó vài giờ.
Đối lập Campuchia đến nhà tù gần VN
Hun Sen: “Tôi sẽ cầm quyền thêm 10 năm”
Hoàng thân khi đó đang trên đường tới gặp các ủng hộ viên chính trị.
Hoàng thân Ranariddh, anh cùng cha khác mẹ với Quốc vương Norodom Sihamoni, dẫn dắt một đảng phái chính trị ra cạnh tranh trong kỳ tổng tuyển cử nhiều tranh cãi vào tháng tới.
Hồi năm ngoái, đảng đối lập chính ở nước này, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), đã bị giải thể, và lãnh đạo đảng bị buộc tội phản quốc.
Thủ tướng Hun Sen đã cầm quyền tại Campuchia 33 năm. Từ lâu nay, ông bị cáo buộc đã dùng tòa án và lực lượng an ninh để hăm dọa phe đối lập và đè bẹp bất đồng chính kiến.
Hoàng thân Ranariddh từng giữ chức đồng thủ tướng Campuchia với ông Hun Sen trong thời gian từ 1993 đến 1997, và bị hất cẳng trong một cuộc đảo chính do thủ tướng hiện thời dẫn đầu.
Ông quay trở lại hoạt động chính trị vào năm 2015, sau khi hòa giải với ông Hun Sen.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44489065
Tổng thống Trump tuyên bố lại,
ủng hộ dự luật di trú của Hạ Viện
Theo ABC, Tòa Bạch Ốc cho biết tổng thống Trump ủng hộ dự luật di trú của các dân biểu Hạ Viện thuộc đảng Cộng Hòa, mặc dù trước đó ông Trump từng tuyên bố bác bỏ dự luật này trong 1 cuộc phỏng vấn với Fox News.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Fox News, ông Trump cho biết ông sẽ không ký vào dự luật mang tính ôn hòa. Ông cần một bộ luật cứng rắn giúp bảo vệ an ninh biên giới. Quan điểm của tổng thống Hoa kỳ làm dấy lên nghi ngờ rằng ông sẽ không chấp nhận dự luật của phe bảo thủ đảng Cộng hòa, trong đó có một điều khoản ngăn chặn chính sách cô lập gia đình vượt biên trái phép tại biên giới Hoa Kỳ. Điều này có thể sẽ làm giảm số phiếu bầu thông qua dự luật tại nghị trường vào tuần tới.
Tuy nhiên, ngay sau đó, 1 viên chức Tòa bạch ốc lên tiếng đính chính rằng ông Trump đã “hiểu lầm câu hỏi của Fox News”, đồng thời khẳng định quan điểm của tổng thống về các dự luật của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.
Hôm Thứ Tư, Phát ngôn viên Hạ viện – Paul Ryan cho biết đảng Cộng hòa đang thảo luận với chính quyền ông Trump về các đề nghị. Cố vấn tòa bạch ốc Stephen Miller cũng bày tỏ sự ủng hộ cho dự luật trong cuộc họp với đảng Cộng hòa.
Được biết các điều khoản được soạn thảo bởi phe bảo thủ và ôn hòa của Đảng Cộng Hòa, có sự tham vấn của Tòa Bạch Ốc. Theo đó, dự luật sẽ tài trợ 25 tỉ Mỹ Kim cho việc xây dựng bức tường biên giới, điều chỉnh chính sách cấp visa, và tạo cơ hội cho các trẻ em được cha mẹ đưa đến Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp (Dreamers) trở thành công dân Hoa Kỳ. Theo đánh giá, dự luật phản ảnh mong muốn của Tổng Thống Trump về 4 điểm trụ cột của hệ thống di trú vừa được công bố vào đầu năm nay. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-tuyen-bo-lai-ung-ho-du-luat-di-tru-cua-ha-vien/
Bắc Hàn bắt đầu trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ
trong cuộc chiến tranh Triều Tiên
Theo thông tin mới nhận được, Bắc Hàn đang bắt đầu trao trả hài cốt những binh sĩ Hoa Kỳ bị mất tích trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Trong một buổi phỏng vấn với Fox News, tổng thống Trump tiết lộ rằng ông đã trao đổi số điện thoại với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un và sẽ trực tiếp gọi điện vào ngày mai 17/06. Ông cho biết Bắc Hàn đã thực hiện đúng lời hứa của mình trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua ở Singapore. Hiện cả hai bên đều đang nỗ lực thực tế hóa các thỏa thuận đã đạt được đồng thời đẩy nhanh quá trình giải trừ vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn.
Tổng thống Trump cho biết vấn đề vũ khí nguyên tử ở Bắc Hàn đã được “giải quyết phần lớn”. Phía Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu thảo luận với đồng minh an ninh chủ chốt của mình là Nam Hàn về việc tạm dừng các buổi tập trận quân sự.
Theo một viên chức của Seoul thì những quyết định liên quan đến vấn đề này sẽ sớm được công bố. Tổng thống Nam Hàn Moon Jae In cũng đã tỏ rõ quan điểm sẵn sàng tạm dừng tập trận để “linh hoạt hóa” tư thế quân sự của Nam Hàn đối với Bình Nhưỡng, đồng thời xây dựng niềm tin cho quá trình giải trừ vũ khí nguyên tử ở Bắc Hàn. Hiện các bên đã tiến hành tổ chức hội đàm về vấn đề này.
Được biết, các cuộc tập trận quân sự chung giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn luôn là cái gai trong mắt Bắc Hàn, xem đây là hành động tập dợt để xâm lược. Một số chuyên gia cho rằng ông Trump có thể đang sử dụng các cuộc tập trận như một con bài mặc cả nhằm gây áp lực buộc Bắc Hàn phải giải trừ vũ khí nguyên tử. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/bac-han-bat-dau-trao-tra-hai-cot-binh-si-my-trong-cuoc-chien-tranh-trieu-tien/
Mỹ và Hàn Quốc sắp thông báo ngưng tập trận
Hàn Quốc và Hoa Kỳ dự kiến sẽ thông báo ngưng các cuộc tập trận quy mô lớn trong tuần này, hãng tin Yonhap đưa tin hôm 17/6.
Hãng Reuters dẫn lại tin nói rằng một điều kiện được đặt ra là hai nước sẽ tái khởi động các cuộc thao dượt quân sự nếu Bắc Hàn không giữ cam kết phi hạt nhân hóa.
Dẫn lời một nguồn tin giấu tên trong chính phủ, hãng tin của Hàn Quốc nói rằng việc ngưng này nhiều khả năng sẽ chỉ ảnh hưởng tới các cuộc tập trận quy mô lớn, chứ không phải các cuộc huấn luyện quân sự thường lệ.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuần trước đã gây bất ngờ cho các quan chức ở Seoul và Washington khi cam kết sẽ chấm dứt các cuộc tập trận.
Ngay sau đó, theo Reuters, các lực lượng Mỹ ở Triều Tiên nói rằng họ chưa nhận được hướng dẫn gì về việc ngưng tập trận, trong khi các quan chức Hàn Quốc nói rằng họ đang tìm cách làm rõ tuyên bố của ông Trump.
Tuy nhiên, trong một chỉ dấu cho thấy Seoul có thể để ngỏ việc ngưng tập trận, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuần trước nói rằng chính phủ của ông sẽ cần phải linh hoạt khi gây các áp lực về mặt quân sự lên Bắc Hàn nếu nước này thành thật về chuyện phi hạt nhân hóa.
Hãng tin Yonhap hôm 17/6 cũng đưa tin rằng trong cuộc thảo luận quân sự giữa hai miền tuần trước, các
quan chức Hàn Quốc đã yêu cầu các đối tác ở miền bắc di chuyển lực lượng pháo binh cách xa vùng ranh giới phân chia hai miền từ 30 tới 40 km.
Mỹ: Gần 2.000 vụ chia cắt gia đình
ở biên giới Mexico trong chưa đầy 2 tháng
Chính phủ Mỹ hôm thứ Sáu cho biết 1.995 trẻ em đã bị tách khỏi 1.940 người lớn tại biên giới Mỹ-Mexico từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 31 tháng 5, trong khi chính quyền Trump thi hành các chính sách chấp pháp biên giới nghiêm khắc hơn.
Con số này cho thấy sự tăng vọt đáng kể từ con số gần 1.800 vụ chia cắt gia đình mà hãng tin Reuters đã loan tin diễn ra từ tháng 10 năm 2016 đến tháng 2 năm nay. Con số chính thức những vụ chia cắt gia đình giờ hiện ở mức gần 4.000 trẻ em, không bao gồm tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2018.
Vào tháng 5, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions loan báo chính sách ‘không khoan nhượng,’ trong đó tất cả những người bắt giữ trong lúc nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp sẽ bị truy tố hình sự. Điều này thường dẫn đến việc trẻ em bị tách khỏi cha mẹ.
Các gia đình đều bị chia cắt để cha mẹ có thể bị truy tố hình sự, một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa, người từ chối nêu danh tính, nói trong một cuộc gọi điện thoại trao đổi với các phóng viên.
Bộ An ninh Nội địa không phản hồi ngay tức thì về yêu cầu cung cấp thống kê về độ tuổi của những trẻ em bị tách khỏi cha mẹ của chúng và bị câu lưu, nhưng quan chức này cho biết họ không tách em bé khỏi người lớn.
Một quan chức tuần tra biên giới trong cuộc gọi cho biết trẻ em đôi khi bị tách khỏi người lớn mà chúng đi cùng nếu các quan chức nghi ngờ mối quan hệ là giả mạo.
Các quan chức chính phủ trong cuộc gọi không cung cấp chi tiết về nơi mà những trẻ em này đang bị tạm giữ. Một khi trẻ em bị tách ra, chúng được coi là trẻ vị thành niên không có người đi cùng thuộc quyền chăm sóc của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Bộ này đưa chúng vào các cơ sở của chính phủ, giao cho người khác tạm thời nuôi dưỡng hoặc thả chúng về với người lớn bảo trợ chúng ở Mỹ.
Những hành động của chính phủ chia cắt các gia đình đã bị các chuyên gia y tế, Liên Hiệp Quốc và nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo ở Mỹ chỉ trích.
Tây Ban Nha giải cứu hơn 900 di dân trên thuyền,
tìm thấy 4 thi thể
Lực lượng tuần duyên của Tây Ban Nha đã giải cứu 933 di dân và phát hiện bốn thi thể ở Địa Trung Hải hôm thứ Sáu và thứ Bảy, trong khi nước này chuẩn bị đón một tàu cứu hộ từ thiện đã bị từ chối cho cập cảng ở Ý và Malta.
Số người chạy lánh tình trạng nghèo túng và xung đột bằng thuyền đến Tây Ban Nha đã tăng gấp đôi và có phần chắc sẽ tăng trở lại trong năm 2018, theo số liệu của cơ quan biên giới EU. Điều này có thể đẩy vấn đề di dân lên cao trên nghị trình chính trị quốc gia.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã đưa ra những quyết định thân thiện với di dân trong hai tuần đầu tiên ông tại chức, bao gồm đề nghị tiếp nhận tàu cứu hộ Aquarius với 629 người trên tàu và cam kết chăm sóc y tế miễn phí cho di dân không có giấy tờ.
Lực lượng tuần duyên cho biết trên Twitter rằng họ đã giải cứu 507 người từ 59 chiếc xuồng nhỏ ở eo biển Gibraltar, nơi họ cũng tìm thấy bốn thi thể.
Tất cả các cuộc giải cứu khác diễn ra ở Biển Alboran, giữa đông bắc Morocco và đông nam Tây Ban Nha.
Di dân : 630 thuyền nhân Aquarius đến Tây Ban Nha
Sau 9 ngày trôi nổi trên biển Địa Trung Hải, 630 thuyền nhân được tàu Aquarius cứu hộ lúc sắp chìm, đã cặp bến cảng Valencia, Tây Ban Nha vào sáng Chủ nhật 17/06/2018. Tình cảnh nhóm thuyền nhân, trong số hằng trăm ngàn người đồng cảnh ngộ, đã gây tranh cãi sóng gió trong Liên Hiệp Châu Âu trong mấy ngày qua. Cuối cùng họ được tiếp đón như thế nào ?
Từ Valancia, thông tín viên François Museau tường thuật :
Khi nhóm 274 thuyền nhân đầu tiên, được tàu Datillo của hải quân Ý cặp bến Valencia, nhân viên y tế lập tức chạy đến để phân loại những trường hợp phải được khẩn cấp chăm sóc. Phụ nữ mang thai và người bệnh được ưu tiên.
Sau Datillo, lần lượt Aquarius của hiệp hội Y Sĩ Không Biên Giới (MSF) và Orion, của hải quân Ý sẽ cặp bến trong ngày. Cả ba đợt thuyền nhân đều được tiếp đón như nhau gồm bác sĩ, thông dịch viên tiếng Ả Rập, tiếng Anh và tiếng Pháp, những tình nguyện viên của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế.
Khoảng 50 công chức sẽ tiếp xúc với từng thuyền nhân để xem xét giấy tờ tùy thân của họ, và cấp giấy tạm trú có hiệu lực 30 ngày.
Tổng cộng, để tiếp đón 630 thuyền nhân, có tất cả 2.300 người chờ trên bến, trong số này có gần 500 phóng viên. Sở Y Tế địa phương khuyến cáo các nhà báo đừng làm ồn ào, cũng như không đến gần di dân.
Những người này có xuất xứ khác nhau – châu Phi da đen, Pakistan, Afghanistan và Syria – kiệt lực sau nhiều ngày trôi nổi và biển động. Hiếm khi những di dân được vớt trên biển lại được tiếp đón một cách ân cần như nhóm thuyền nhân này, cho dù tương lai của họ ở châu Âu không có gì chắc chắn.
Khủng hoảng nhập cư : Thủ tướng Đức muốn tổ chức một tiểu thượng đỉnh
Tổng thống Pháp có kế hoạch gặp thủ tướng Đức tại Berlin vào ngày thứ Ba tới, 19/06. Cuộc cải cách khu vực đồng euro và vấn đề đoàn kết châu Âu để giải quyết khủng hoảng di cư là hai chủ đề chính.
Theo AFP, về chủ đề thứ nhất, bộ trưởng Tài Chính Pháp Bruno Lemaire, hôm qua, cho biết Paris và Berlin đang gần đạt được một đồng thuận. « Lộ trình » cải cách khu vực đồng euro, do Pháp và Đức phối hợp chuẩn bị sẽ được đưa ra thảo luận tại thượng đỉnh của Liên Hiệp Châu Âu ngày 28 và 29/06.
Tuy nhiên, chủ đề nhập cư nóng bỏng có xu hướng che khuất dự án cải cách quan trọng này. Hôm nay, bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini ra lệnh cấm các cảng biển nước Ý cho phép hai chiếc tàu của một tổ chức phi chính phủ đưa thuyền nhân di tản cập bến.
Châu Âu đang trong tình trạng chia sẻ sâu sắc trong chính sách với người nhập cư tị nạn. Theo báo Đức Bild, trước thượng đỉnh châu Âu ngày 28 và 29/06, thủ tướng Đức có ý định tổ chức một cuộc họp với một số quốc gia trực tiếp liên quan đến khủng hoảng nhập cư, trước hết là Ý, Hy Lạp và Áo, để thảo luận về vấn đề này.
Thủ tướng Đức Merkel yêu cầu phe bảo thủ trong đảng cho bà hai tuần để Berlin đi đến một thỏa thuận với hai quốc gia tuyến đầu là Ý và Hy Lạp, giống như Liên Âu từng đạt được một thỏa thuận di dân với Thổ Nhĩ Kỳ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180617-di-dan-630-thuyen-nhan-aquarius-den-tay-ban-nha
World Cup 2018: Công nghệ làm thay đổi bóng đá
Ngày thi đấu thứ ba của giải đấu lớn nhất hành tinh World Cup 2018 là lúc lịch sử thay đổi khi công nghệ trợ lý trọng tài điện tử (VAR) chính thức được sử dụng lần đầu tiên.
Phút 54 của trận đấu đầu tiên của Bảng C, World Cup 2018, giữa tuyển Pháp và Úc, tiền đạo Antoine Griezmann thoát xuống sau đường chuyền vượt tuyến của Paul Pogba, cầu thủ số 19 Joshua Risdon đã có một pha truy cản từ phía sau gây tranh cãi nhằm ngăn cản tiền đạo của tuyển Pháp ghi bàn.
Nhân World Cup xem lại 8 đội từng lập kỳ tích
Tuyển Anh có còn ‘hữu danh vô thực’
World Cup 2018: Tây Ban Nha sa thải huấn luyện viên
Trọng tài chính của trận đấu, ông Andres Cunha lúc đó đứng khá xa điểm phạm lỗi và không có được một góc nhìn tốt đã ra hiệu không có lỗi từ phía đội bóng đến từ châu Đại dương và cho trận đấu tiếp tục.
Chưa đầy một phút sau đó, nhận được thông tin qua tai nghe từ các trợ lý, vị trọng tài người Uruguay đã ra đấu cần xem lại video ghi hình tình huống gây tranh cãi thông qua hệ thống VAR.
Sau khi được xem xét hình ảnh từ nhiều góc quay khác nhau từ các camera đặt quanh sân, trọng tài chính của trận đấu đã chỉ tay vào chấm phạt đền và Joshua Risdon của Úc phải nhận một thẻ vàng.
Như chúng ta đã biết, Griezmann đã không bỏ lỡ cơ hội của mình trên chấm 11m để mở tỉ số trận đấu, trong sự thắc mắc và tranh cãi của các cầu thủ Úc đối với quyết định của trọng tài.
Bàn thắng thứ hai của tuyển Pháp cũng có phần góp công không nhỏ của công nghệ, đó là công nghệ vạch gôn thông minh (Goal line technology) – cú lốp bóng kỹ thuật của Paul Pogba đã đưa bóng chạm mép dưới của xà ngang rồi sau đó đập xuống đất.
Tình huống xảy ra rất nhanh, và nhờ có các thiết bị hiện đai, trọng tài đã xác định được bóng đã qua vạch gôn hoàn toàn và đó chính là bàn thắng quyết định, mang về trận thắng mở màn quý giá cho tuyển Pháp.
Một ngày thi đấu đậm chất “Công nghệ”
Cùng trong buổi chiều hôm đó, trong trận đấu mở màn Bảng C giữa Peru của Đan Mạch cũng diễn ra tỉnh cảnh tương tự đúng vào phút cuối cùng của hiệp thi đấu thứ nhất.
Giống với người đồng nghiệp Andres Cunha, vị trọng tài chính của trận đầu, ông Bakary Gassama đã từ chối quả phạt đền của Peru sau khi tình huống diễn ra – tuy nhiên vị trọng tài người Gambia đã có pha “cắt còi” sau khi cũng nhận được thông tin từ các trợ lý trọng tài và tham khảo VAR.
Không được may mắn như các cầu thủ Pháp, Cueva của Peru sẽ phải rất hối hận vì sau tình huống đá hỏng quả penalty đó, đội bóng của anh đã phải nhận thất bại tối thiểu 1-0 sau bàn thắng của Poulsen ghi được phút 59.
Về các trận đấu khác cùng diễn ra trong ngày, Argentina hòa 1-1 thất vọng trước đội bóng lần đầu tham dự World Cup là Iceland sau khi Messi đá hỏng một quả phạt đền; Modric cùng đồng đội dành chiến thắng nhẹ nhàng 2-0 trước Nigeria để vươn lên dẫn đầu bảng D.
Các chuyên giá bóng đá và người hâm mộ, họ nói gì?
HLTCO, một tài khoản của cổ động viên đội bóng Crystal Palace tại Anh:
“VAR được áp dụng để xóa bỏ đi những sai lầm trong bóng đá, và đã 3 ngày World Cup diễn ra mà mọi người vẫn điên cuồng tranh luận ngay cả khi nó đã được sử dụng để quyết định một quả penalty.
Quyết định trong trận đấu này có thể không rõ ràng, nhưng đó là một nét đẹp của bóng đá”.
David Hartrick, một fan bóng đá tới từ Huddersfield:
“Đối với tôi, quyêt định thổi penalty cho tuyển Pháp là đúng, tuy nhiên, đó là một tình huống ăn vạ, một cú ngã giả vờ và điều đó đã dẫn đến quyết định phải tham khảo VAR, quyết định penalty là đúng, nhưng không thể đưa ra án phạt cho Griezmann cùng lúc được.
Bóng đá hiện đại thật khó cho trọng tài đúng không?”
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-44513902
World Cup 2018 :
Đến lượt « Mannchaft » và « Seleçao » nhập trận
Chủ nhật 17/06/2018, ngày thứ ba của World Cup 2018 cũng là ngày ra quân của hai đội tuyển đứng đầu bóng đá thế giới. Trong bảng E, đội tuyển Đức (hạng nhất trong bảng xếp hạng của FIFA) đụng độ với Mêhicô lúc 18 giờ, giờ Matxcơva. Đến 21 giờ, Brazil (hạng nhì FIFA) trong bảng F, gặp Thụy Sĩ.
Đối với giới hâm mộ bóng đá, Chủ nhật hôm nay mới là ngày nóng bỏng nhất của các trận vòng loại tại Cúp Thế Giới 2018. AFP chơi chữ, gọi Chủ nhật 17/06 là ngày của « Chúa ». Thật vậy, đội banh Đức, đương kim vô địch thế giới, bốn sao, ra quân đấu trận đầu tiên với Mehicô, hạng 15 trên sân Luzhniki, Matxcơva. Trong khi đó, đội tuyển 5 sao của Brazil đụng với Thụy Sĩ trên sân Rostov cách thủ đô nước Nga gần 1.000 km về phía nam.
Trong quá khứ, đội Mannchaft luôn thành công ở vòng loại. Nhưng trong suốt giai đoạn chuẩn bị « chân cẳng » với 5 trận giao hữu, Đức chỉ thắng 1 và hòa đến 5.
Đối với Brazil, lần này có vẽ không căng thẳng như mùa 2014 nhưng liệu tiền đạo Neymar đã hội đủ thể lực « 100% » sau nhiều tuần lễ dưỡng thương hay chưa ? Đó là ẩn số đang làm giới mộ điệu của Seleçao lo ngại.
Pháp thắng Úc chật vật
Ngày hôm qua, đội tuyển Pháp ra quân trận đầu đụng với Úc, thắng đối thủ châu Đại dương với tỉ số khít khao 2-1. Lần đầu tiên trọng tài xem lại đoạn băng video trước khi phạt Úc một quả penalty. Trận thật sự gây bất ngờ ở ngày thứ nhì World Cup là đội Achentina đã bị đối thủ « tí hon » Island cầm chân với tỉ số 1 đều.
Hàn Quốc-Thụy Điển
Ngày mai, 18/06, sẽ đến lượt một danh thủ châu Á là Hàn Quốc xuất trận và đụng với Thụy Điển của thời hậu Zlatan Ibrahimovic.
Taxi tông vào đám đông ở Moscow, 8 người bị thương
Một chiếc xe taxi lao vào đám đông gần Quảng trường Đỏ ở Moscow hôm thứ Bảy, làm bị thương tám người bao gồm hai người Mexico có mặt ở đây để cổ vũ đội bóng nước họ tại World Cup, sự kiện thể thao quốc tế mà Nga đang tổ chức, các quan chức Nga và những người mục kích cho biết.
Vụ việc xảy ra trong khi cư dân và người hâm mộ bóng đá đổ về trung tâm Moscow vào một buổi tối mùa hè dịu mát, cách Điện Kremlin một đoạn ngắn.
Cơ quan quản lý giao thông của Moscow cho biết tài xế taxi có bằng lái xe được cấp ở Kyrgyzstan, một nước cộng hòa từng thuộc Liên bang Soviet với phần lớn dân số theo Hồi giáo. Họ dẫn lời tài xế, hiện đang bị cảnh sát câu lưu, nói rằng ông ta không cố ý tông vào đám đông.
Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin nói trên Twitter: “Có một sự cố tiêu cực với một chiếc xe taxi. Tài xế không làm chủ được chiếc xe.”
Cảnh sát của thành phố cho biết họ đã mở một cuộc điều tra hình sự về vụ việc bị nghi là vi phạm luật giao thông.
Tám người bị thương và đã được đưa đến bệnh viện, sở y tế của thành phố Moscow cho biết trong một thông cáo. Họ nói bảy người đang trong tình trạng ổn định, trong khi một người phụ nữ bị thương nặng.
Đại sứ quán Mexico ở Moscow cho biết hai người phụ nữ Mexico bị thương nhẹ. Cũng trong số những người bị thương có một người Ukraine và hai công dân Nga, hãng tin TASS của Nga dẫn một nguồn tin trong cơ quan dịch vụ khẩn cấp cho biết.
Video quay lại vụ việc đăng trên mạng xã hội cho thấy chiếc xe taxi màu vàng hiệu Hyundai chệch hẳn ra khỏi dòng giao thông đang đứng yên, tăng tốc và phóng lên vỉa hè chật hẹp đầy người đi bộ.
Chiếc xe lái xe khoảng 10 mét dọc theo vỉa hè và tông vào hàng loạt người đi bộ, một số người bị hất tung lên nắp ca-pô của chiếc xe.
Xe taxi dừng lại sau khi tông trúng một biển báo giao thông. Khi những người ngoài cuộc tìm cách mở cửa phía bên tài xế, tài xế này, mặc quần đen và áo thun đen, phóng ra ngoài và bỏ chạy.
Nhiều người ngoài cuộc đuổi theo anh ta và cố tìm cách vật anh ta xuống đất khi video kết thúc.
Cơ quan quản lý giao thông của Moscow cho biết người lái xe không say xỉn và hãng tin Interfax trích dẫn một nguồn tin nói rằng không có chất cồn trong máu của anh ta.
Cũng nguồn tin này nói với Interfax rằng người lái xe khai anh ta ngủ thiếp đi trên vô-lăng và vô tình nhấn ga.
Chính quyền Nga đã tuyên bố sẽ tổ chức một giải World Cup an toàn trên khắp 11 thành phố của nước này cho đến ngày 15 tháng 7.
Ở trung tâm Moscow, chính quyền đã lắp các khối bê tông nặng ở khắp các lối vào khu vực dành cho người đi bộ sau một loạt các vụ việc ở các thành phố Châu Âu, trong đó xe hơi được sử dụng để tông chết người.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Sáu đã cập nhật cảnh báo du hành của mình đối với Nga, nói rằng các nhóm khủng bố đang âm mưu thực hiện các vụ tấn công.
“Những kẻ khủng bố có thể tấn công trong khi đưa ra ít hoặc không đưa ra cảnh báo nào, nhắm mục tiêu vào các địa điểm du lịch, các đầu mối giao thông, chợ/trung tâm mua sắm, và các cơ sở chính quyền địa phương,” cảnh báo du hành nói.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-moscow-taxi-lao-vao-dam-dong/4441993.html
Áo yêu cầu Đức giải thích về nghi án gián điệp
Reuters hôm nay 17/06/2018 loan tin chính phủ Áo đã yêu cầu Berlin giải thích, sau các tiết lộ của báo chí Áo về nghi án tình báo Đức theo dõi nhiều chính trị gia và doanh nghiệp của nước Áo, cũng như một số định chế quốc tế có trụ sở tại Áo.
Theo nhật báo cánh trung tả Áo Der Standard và tuần báo Profil, trong khoảng thời gian từ 1999 đến 2006, cơ quan tình báo Đức đã theo dõi khoảng 2.000 « mục tiêu », đặc biệt là giới chính trị, các tổ chức quốc tế, ngân hàng, công ty sản xuất vũ khí.
Theo hai cơ quan truyền thông Áo, thông tin mà họ có được là dựa trên các dữ liệu của cơ quan tình báo Đức BND, được một người Đức cung cấp. Trong số các đối tượng chính của gián điệp Đức, có Cơ Quan Nguyên Tử Quốc Tế AIEA, các sứ quán Mỹ và Iran, Tổ Chức các Quốc Gia Xuất Khẩu Dầu Lửa (OPEP)…
Phát biểu trước báo giới tại Vienna, thủ tướng Đức Sebastian Kurz tuyên bố « kiểu hành xử như vậy là không thể chấp nhận trong quan hệ giữa các quốc gia bạn hữu ». Các tiết lộ về việc tình báo Đức giúp Hoa Kỳ theo dõi các công chức và doanh nghiệp châu Âu đã xuất hiện từ năm 2014. Chính phủ Áo đã đâm đơn kiện một năm sau đó. Tuy nhiên, các tiết lộ mới cho thấy quy mô của các hoạt động gián điệp Đức là lớn hơn nhiều.
Theo thủ tướng Áo, Vienna đã có các tiếp xúc với chính phủ Đức về vấn đề này, và Berlin dường như đã hứa hẹn hợp tác. Tuy nhiên, vẫn theo người đứng đầu chính phủ Áo, không có dấu hiệu mới nào cho thấy là các hoạt động gián điệp Đức tiếp diễn sau năm 2006.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180617-ao-yeu-cau-duc-giai-thich-ve-nghi-an-gian-diep
Nicaragua : 8 người chết,
Đối thoại Quốc gia bị đe dọa
Hôm qua 16/06/2018, tình hình Nicaragua tiếp tục căng thẳng, thêm nhiều người chết trong các vụ bạo động, bất chấp việc chính quyền Ortega chấp nhận đối thoại với đối lập hôm thứ Sáu, 15/06.
Theo AFP, sáu trong số tám người thiệt mạng tại Managua là các thành viên của cùng một gia đình, bị những kẻ bịt mặt ném chai xăng vào nhà. Hai nạn nhân khác tử vong khi tìm cách dỡ bỏ một hàng rào chặn đường.
Trên Twitter, tổng thư ký Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ (OEA) Luis Almagro khẳng định không thể làm lơ trước một « tội ác chống nhân loại ». Chính phủ và đối lập Nicaragua đổ lỗi cho nhau về tình trạng căng thẳng, tuy nhiên hai bên dự kiến sẽ tiếp tục nối lại đối thoại vào ngày thứ Hai tới. Đàm phán tạm ngưng kể từ tối hôm qua.
Hôm thứ Sáu, tổng thống Nicaragua Daniel Ortega thông báo sẵn sàng làm việc vì mục tiêu dân chủ hóa đất nước, tuy nhiên không cho biết quan điểm của ông về các đòi hỏi của đối lập là phải rút ngắn nhiệm kỳ.
Về triển vọng của khủng hoảng, theo nhà phân tích độc lập Oscar Rene Vargas, tổng thống Ortega không thực sự chân thành, mà chỉ tìm cách « câu giờ » và thay đổi tương quan lực lượng, thông qua các đàn áp. Trong khi đó nhà văn Sergio Ramirez cho biết ông bi quan về tình hình hiện nay.
Theo nhà văn Sergio Ramirez, người đoạt giải thưởng cao quý Cervantes và cũng từng là phó tổng thống Nicaragua (1985-1990), ít có dấu hiệu cho thấy thiện chí của chính phủ trong các đàm phán, nhằm tìm giải pháp thoát khủng hoảng.
Ít nhất 178 người thiệt mạng, kể từ khi bùng lên phong trào phản kháng yêu cầu tổng thống Ortega từ chức, khởi sự từ hai tháng nay. Đường sá trên khoảng hai phần ba lãnh thổ quốc gia những người biểu tình ngăn chặn, để cản đường lực lượng chống bạo động, và các nhóm bán quân sự. Khủng hoảng chính trị tại Nicaragua cũng khiến quốc gia thuộc loại nghèo nhất Trung Mỹ càng thêm khó khăn về kinh tế. Nếu khủng hoảng kéo dài, sẽ có thêm 150.000 người thất nghiệp, từ nay đến cuối năm.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180617-nicaragua-8-nguoi-chet-doi-thoai-quoc-gia-bi-de-doa
Hy Lạp và Macedonia
ký hiệp định giải quyết xung khắc lịch sử
Con đường Macedonia xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và NATO rộng mở. Hiệp định nhìn nhận tên mới « Cộng Hòa Bắc Macedonia » đã được Hy Lạp và nước láng giềng thành viên của Nam Tư cũ ký kết bên bờ hồ Prepes, biên giới Hy Lạp, ngày Chủ nhật 17/06/2018 với sự chứng kiến của thủ tướng hai nước và đại diện ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu.
Ngoại trưởng Hy Lạp Nicos Kotzias và ngoại trưởng Macedonia Nikola Dimitrov đã ký hiệp định mà hai nước đạt được trong tuần qua sau nhiều tháng đàm phán gay go, kết thúc một cuộc xung khắc liên quan đến danh xưng chung của láng giềng thành viên Nam Tư cũ, và một tỉnh của Hy Lạp.
Theo thỏa thuận, để đề phòng mọi « hiểu lầm » tham vọng lãnh thổ , Macedonia sẽ có tên chính thức là Cộng Hòa Bắc Macedonia.
Nghi lễ ký kết vào sáng Chủ nhật diễn ra bên bờ hồ Prepes, phía Hy Lạp, một ngày sau khi thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thoát khỏi một kiến nghị bất tín nhiệm do phe hữu trong Quốc Hội đề xuất. Đối lập và một phần công luận lên án thủ tướng Alexis Tsipras nhân nhượng quá nhiều cho Skopje.
Xung khắc giữa Hy Lạp và Macedonia khởi đầu từ năm 1991. Sau khi liên bang Nam Tư tan rã, Macedonia tuyên bố độc lập với tên gọi « Cộng Hòa Macedonia », và Skopje là thủ đô. Người Hy Lạp nghi ngờ Skopje có ý đồ chính trị muốn đòi chủ quyền trên một tỉnh cùng tên của Hy Lạp.
Theo Reuters, giải quyết được xung khắc này, Hy Lạp ngưng dùng quyền phủ quyết chận đường Macedonia xin gia nhập NATO và Liên Hiệp Châu Âu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180617-hy-lap-va-macedonia-ky-hiep-dinh-giai-quyet-xung-khac-lich-su
Seoul đề nghị
Bình Nhưỡng triệt thoái đại pháo ở biên giới
Trong khuôn khổ thi hành « Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm » và làm giảm căng thẳng quân sự, Hàn Quốc đề nghị với Bắc Triều Tiên di dời các giàn hỏa tiễn và đại pháo cách xa đường chiến tuyến ít nhất từ 30 đến 40 km.
Cùng với việc Washington và Seoul, trong tuần tới, sẽ chính thức loan báo ngưng các cuộc tập trận chung, trong bối cảnh đàm phán phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng, hãng Yonhap hôm nay, Chủ nhật 17/06/2018, cũng cho biết Hàn Quốc đã đề xuất với Bắc Triều Tiên một biện pháp « giải trừ những mối đe dọa cụ thể ».
Nguyên tắc « thanh toán nguy cơ chiến tranh » đã được ghi trong bản Tuyên bố chung trong cuộc họp « thượng đỉnh Bàn Môn Điếm » ngày 27 tháng 04 vừa qua. Một nguồn tin Hàn Quốc xin ẩn danh tiết lộ : Seoul đã đề nghị với Bình Nhưỡng dời lui các giàn hỏa tiễn, đại bác đe dọa thủ đô Hàn Quốc và các căn cứ quân sự Mỹ-Hàn ở các tỉnh lân cận với Seoul, từ 30 đến 40 cây số.
Theo Sách Trắng của bộ Quốc Phòng Hàn Quốc công bố năm 2016, Bắc Triều Tiên có trong tay 14.100 đại bác và 5.500 giàn phóng rốc-kết đủ loại, đa số được bố trí gần ranh giới hai nước và có tầm bắn trên 100 km.
Đại bác 170 ly và hỏa tiễn 240 ly có khả năng bay đến Seoul và vùng lân cận. Trong khi đó, hỏa tiễn 300 ly có thể tấn công vào các vị trí xa hơn, như căn cứ Mỹ ở Pyeongtaek trong tỉnh Gyeonggy hoặc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Hàn Quốc ở Nam Chungcheong.
Trong khi đó, Bắc Triều Tiên tập trung cổ vũ cho tinh thần bình đẳng trong quan hệ quốc tế, không có chuyện nước lớn ỷ mạnh áp đặt, hiếp đáp nước nhỏ. Không gọi đích danh Hoa Kỳ, bài xã luận của tờ báo đảng Lao Động Rodong Sinmum nhấn mạnh đến « tinh thần tôn trọng lẫn nhau và chủ quyền trong bang giao quốc tế ».
Mỹ-Hàn sẽ chính thức ngừng tập trận song phương
Theo Yonhap ngày hôm nay, Chủ nhật 17/06/2018, vào tuần tới Washington và Seoul sẽ thông báo ngừng các cuộc tập trận song phương lớn thường niên.
Nguồn tin của chính phủ Hàn Quốc cũng khẳng định các tập trận sẽ được nối lại, một khi chế độ Bình Nhưỡng không thực hiện các cam kết chấm dứt chương trình hạt nhân quân sự.
Hồi tuần trước, tổng thống Mỹ Donald Trump gây bất ngờ khi tuyên bố sẽ ngừng tập trận song phương với Hàn Quốc. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un lần đầu tiên hội kiến.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180617-seoul-de-nghi-binh-nhuong-triet-thoai-dai-phao-o-bien-gioi